Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn Phần 1: Nghiệp thức che đậy Thích Đạt Ma Phổ Giác Để minh họa cho hạng người phó mặc cuộc đời cho số phận, buông xuôi cuộc sống theo dòng đời. Ta hãy cùng nhau quán xét và chiêm nghiệm câu chuyện sau đây:

Có một Phật tử đến hỏi đạo vị Thiền sư:

"Bạch thầy, con chó có Phật tánh không?”

Thiền sư đáp: Không.

Vị cư sĩ này là người có học Phật pháp nên biết rất rõ ràng, từ chư Phật cho đến tất cả chúng sinh đều có thể tánh bình đẳng như nhau, ai cũng có tánh sáng suốt. Tại sao vị Thiền sư này trả lời là không có. Như vậy là trái với lời Phật dạy hay sao?

Vị Thiền sư nói tiếp,

Vì bị nghiệp thức che đậy.

Hôm sau một người khác hỏi,

Kính bạch Hòa Thượng, con chó có Phật tánh không?

Thiền sư trả lời:

Có.

Nghe vậy, vị cư sĩ này tá hỏa tam tinh.

Nếu có, tại sao nó chui vô đãy da lông lá lù xù?

Vì biết mà cố phạm.

Cũng cùng một câu hỏi mà Thiền sư trả lời lúc thì có, lúc thì không. Thế thì câu nào đúng, câu nào sai? Tại sao vị Thiền sư lại trả lời cho hai người với hai ý trái ngược nhau như vậy? Nếu là người có học Phật, quý vị sẽ thấu rõ chỗ này!

Đó là cách trả lời tùy bệnh cho thuốc. Chúng sinh có nhiều bệnh thì Phật pháp có nhiều thuốc. Người trước hỏi con chó có Phật tánh không, ngài trả lời không. Vị ấy lại hỏi tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tại sao con chó lại không? Ngài trả lời, “vì bị nghiệp thức che đậy”.

Chúng ta đã từng học qua kinh Phật, đều biết rằng ai cũng có Phật tánh. Tại sao đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mà ở đây Thiền sư lại nói không. Vậy có trái với lời Phật dạy không? Để tìm hiểu cặn kẽ chỗ này, chúng tôi xin giải thích cho quý Phật tử được rõ.

Như đêm Rằm, trăng sáng bị mây mù che khuất. Có người hỏi, đêm nay có trăng không? Dĩ nhiên là có, nhưng vì do mây mù che khuất, không thấy được trăng, nên nói không, chứ không phải là không có mặt trăng.

Phật tánh ví như mặt trăng, nghiệp thức ví như mây mù che khuất. Chúng ta bị nghiệp thức lăng xăng che mờ nên Phật tánh không hiển lộ ra được.

Vậy nghiệp thức là gì mà che mờ được tánh sáng suốt của mỗi chúng sanh? Thức là cái suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt tốt xấu, phải quấy, được mất, hơn thua… hết nghĩ cái này đến nghĩ cái khác. Bởi vậy, có khi ta hiền như nai, có lúc lại dữ như cọp, nó chuyển qua, đổi lại lúc thế này, khi thế khác, không bao giờ dừng nghỉ.

Còn nghiệp là gì? Là năng lực, là hành động từ thân, khẩu, ý được lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành thói quen, rồi thói quen đó có năng lực sai sử lại chúng ta.

Thí dụ nghiệp uống rượu, lúc đầu khi mới uống ta còn làm chủ được bản thân, muốn uống thì uống, không uống thì thôi, không sao cả. Nếu ta uống rượu lâu ngày, trở thành thói quen, không có chén rượu, ta cảm thấy chân tay bủn rủn không làm gì được, run rẩy, mệt mỏi, rã rượi tâm thần. Người can đảm có ý chí dũng mãnh, biết được tai hại của rượu, nên cố gắng từ bỏ một cách dễ dàng. Còn người bạc nhược, yếu đuối thì đành chấp nhận cho nó khống chế, cam chịu sống trong si mê, nghiện ngập, suốt đời bần cùng, khốn khổ. Chính cái thói quen huân tập lâu ngày, trong nhà Phật gọi là “nghiệp thức.”

Thói quen thì đa dạng, đa năng, như ta quen suy nghĩ hơn thua thì bất cứ làm việc gì ta cũng so đo, tính toán, tính hơn, tính thua… Do đó, việc làm của chúng ta bị giới hạn, thậm chí khi vào hội chúng trong chùa nghe giảng pháp, chỉ cái chỗ ngồi mà có người cứ loay hoay xem chỗ này hơn, chỗ kia kém v.v…

Bởi do cái tánh so bì, thiệt hơn đã trở thành thói quen của mình rồi. Đã là thói quen thì khó có thể bỏ được. Do đó, Phật tử chúng ta phải ý thức được điều này, đừng để nó trở thành cái quả xấu rồi than trời, trách đất, đổ thừa tại thế này, tại thế kia.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết, mọi người đều có Phật tánh, nhưng vì ta cứ mãi mê chạy theo trần cảnh, nên không tin, không thấy. Vì sao? Vì bị nghiệp thức che đậy, bởi do ta hết suy nghĩ cái này, lại tính toán cái kia, từ sáng đến chiều không lúc nào dừng nghỉ, thậm chí đến lúc lên giường ngủ mà vẫn còn tính toán.

Đó là thói quen của đại đa số con người. Tạp niệm lúc nào cũng dấy khởi liên tục không dừng, giống như những đêm mưa, mây đen liên tục kéo đến che khuất mặt trăng. Cho nên, mặt trăng lúc nào cũng có, mà ta không nhìn thấy nó được. Muốn thấy mặt trăng thì mây phải tan, muốn thấy Phật tánh thì phải dừng nghiệp thức. Các Tổ thường nói, “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm là ví như mây đen. Khi niệm dấy lên, ta nhìn lại xem nó ở đâu? Ta không muốn có nữa thì chúng tự tan. Rõ ràng là chúng không thật. Tuy nó không thật, nhưng nếu ta không biết dừng thì nó lớn mạnh thêm, và có thể tạo nghiệp tày trời trong khoảnh khắc.

Thí dụ, khi nhìn thấy một cô gái đẹp, trong tâm liền khởi lên ý nghĩ muốn sỡ hữu cô gái ấy. Nếu ngay lúc ấy, ta biết suy xét phải quấy mà dừng ngay ý nghĩ thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, tốt đẹp, nhưng nếu đam mê chạy theo, tìm cách chiếm đoạt, từ đó sanh ra chuyện bám víu, suy nghĩ bậy bạ có thể dẫn đến chuyện xấu xa, đê tiện. Vì sao? Bởi vì giác quá chậm hoặc không chịu giác. Nếu khi niệm mới vừa chớm nở, ta liền nhìn lại xem hình tướng nó ra sao thì đâu có chuyện gì xảy ra. Các Tổ nói “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” là như vậy.


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.