Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn Phần 1: Hết mê lầm mới thấy được Phật Diệu Âm Trí Thành Tựa đề của phẩm Hết Lầm Thấy Phật của kinh Vô Lượng Thọ đã nói rõ nguyên nhân tại sao chúng ta niệm Phật đã nhiều năm mà vẫn chưa thấy Phật. Nguyên nhân đó chính là: Không có trí tuệ, rơi vào mê lầm. Khi nào hết lầm thì liền thấy Phật.

Bồ tát Đại Thế Chí dạy người niệm Phật cầu Phật A-Di-Đà rằng: “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, chắc chắn thấy Phật.” Chư cổ đức cũng thường nói “năng cảm, năng ứng,” hoặc là “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng.” Có nghĩa là hễ chúng ta có cảm đến Phật thì Phật liền có ứng. Thế nhưng, tại sao ngày nay chúng ta cầu Phật mãi mà chẳng thấy cảm ứng? Vậy, chúng ta phải làm sao để cảm ứng với Phật?” Các kinh đều dạy, nếu chúng ta dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh và tâm cung kính để cầu Phật, Bồ tát thì các Ngài liền hiện tiền. Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa đặc biệt nói rõ, Bồ tát Quán Âm phát đại thệ nguyện “tầm thanh cứu khổ” nên ngàn nơi cầu đến Ngài, Ngài liền ứng hiện ở ngàn nơi; thế nên Ngài mới có danh hiệu là “Quán Thế Âm,” tức là quán sát âm thanh cầu cứu khổ của người thế gian mà vì họ đó hiện thân thuyết pháp, cứu khổ, ban vui. Vì sao có rất nhiều người trong thế gian này thường hay cầu đến Ngài Quán Thế Âm? Vì chúng ta sống trong thế gian này đều gặp quá nhiều tai nạn và phải cảm thọ quá khổ đau. Hễ ai gặp lúc khổ nạn, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh và tâm cung kính cầu đến Bồ tát Quán Thế Âm đều nhận được sự cảm ứng với Ngài một cách đặc biệt và rõ rệt. Bản thân tôi là một nhân chứng sống bằng xương bằng thịt, tôi đã hai lần gặp nạn nhất tử nhất sanh, lúc không còn tia hy vọng sống sót nữa, tôi bèn dốc hết sức mình cầu cứu với Bồ tát Quán Thế Âm, liền thoát khỏi khổ nạn trong khoảng khảy ngón tay.

Chúng ta đọc các truyện ký thời xưa, nghe nói người này thấy Phật, người kia thấy Phật mà bản thân chúng ta vẫn chưa hề thấy Phật, ắt không khỏi sanh lòng nghi hoặc đối với những câu chuyện này. Ngày nay, chúng ta cũng cầu gặp Phật, Bồ tát mà dường như không có cảm ứng. Thật ra, không phải là do Phật không ứng, mà là do chúng ta chẳng thấy. Vì sao chẳng thể thấy? Vì cái tâm cầu của chúng ta có quá nhiều nghi hoặc, tạp niệm, không phải là tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm cung kính đúng mức thì làm sao thấy được. Chúng ta phải biết, chướng ngại là ở nơi chúng ta, chớ chẳng phải là ở nơi Phật, Bồ tát.

Tâm của Phật vô cùng thanh tịnh và vi tế, nên nếu ta dụng cái tâm không thanh tịnh, tạp niệm, nghi hoặc, không chân thành cung kính của mình mà cầu đến các Ngài thì nhất định không thể nào thấy được sự hiện diện của các Ngài, chứ chẳng phải là các Ngài không có ứng. Ta vừa cảm, Phật, Bồ tát liền ứng, cảm ứng cực kỳ nhanh chóng, giống như khi ta rọi một vật nào đó vào gương, vật đó liền hiện hình trong gương chẳng hề sai khác. Vấn đề là ta có đủ tâm thanh tịnh để thấy được hay không mà thôi. Do đó, nếu ta cầu Phật, Bồ tát mãi mà vẫn không thấy thì phải biết nguyên nhân là do chính cái tâm của mình quá sức bẩn đục, bất tịnh, chớ chẳng phải Phật, Bồ tát chẳng nghe thấy lời cầu khẩn của mình. Nếu ta có ý nghĩ là Phật, Bồ tát chẳng thể nhận biết sự cầu khẩn của mình thì chính ta vẫn còn mê lầm lắm, vẫn chưa hiểu rõ Phật trí. Do đó, nếu ta muốn có sự cảm ứng với Phật A-Di-Đà thì nhất định ta phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính, hằng ngày nghĩ nhớ đến Phật A-Di-Đà, hằng ngày niệm Phật A-Di-Đà thì Phật A-Di-Đà liền hiện thân cho ta thấy ngay. Đây là sự thật không phải giả, chỉ có những người thật sự biết dùng tâm chân thành, tâm cung kính, một dạ niệm Phật mới chứng thực được điều này.

Có những người niệm Phật chân chánh ở trong một đời không phải chỉ thấy Phật một lần, mà nhiều lần; ví như Đại sư Huệ Viễn đã bốn lần tận mắt thấy thánh tướng của Phật A Di Đà. Những người niệm Phật này có công phu đắc lực, họ đã từng thấy Phật A-Di-Đà đến thọ ký, khích lệ, cỗ vũ họ. Phật còn báo cho họ biết bao lâu nữa thọ mạng sẽ chấm dứt và khi nào Phật sẽ đích thân đến tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Những người này hiện tiền được thấy Phật đến thọ ký thì quyết định là họ sẽ vãng sanh, bởi vì Phật chẳng bao giờ vọng ngữ, hứa suông. Lại có những người thấy Phật ở trong định, thấy Phật ở trong mộng, hoặc thấy Phật trong mộng mà không phải mộng (tức là lúc mơ màng, nửa ngủ nửa thức).


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.