Tâm lý tuổi già: Chân đi nằng nặng hoang mang Phần 1: Tâm lý tuổi già: Chân đi nằng nặng hoang mang Đỗ Hồng Ngọc ta nghe tịch lặng
rơi nhanh
dưới khe im lìm...
(TCS)

Có ít nhất bốn loại stress thường gặp ở tuổi chớm già, ấy là stress về sinh lý, do những dấu hiệu hiển nhiên của tuổi tác mà dù ta tìm mọi cách để chối bỏ nó vẫn cứ lù lù xuất hiện, như tóc cứ bạc, răng cứ lung lay, lưng cứ nhức mỏi...; stress về văn hoá, do cách xã hội đánh giá vai trò của người già, bởi vì người già không phải ai cũng "đạt nhân" như Nguyễn Công Trứ: "Gót tiên đeo đủng đỉnh một đôi dì, bụt cũng nực cười ông ngất ngưỡng" ; stress về kinh tế cũng không phải là không đáng kể, đặc biệt ở vào tuổi chớm già mà một số người công ăn việc làm không ổn định hoặc bị thất nghiệp và cuối cùng là những stress về tâm lý, cảm thấy mình bị hẫng, bị mất đi tuổi trẻ, chỉ còn trống vắng, chỉ còn nhàm chán.

Những stress này có thể rất khác nhau ở đàn ông và đàn bà. Ở phụ nữ, đó là những năm vào lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, khi phải điều chỉnh mọi thứ trong cuộc sống quen thuộc của mình, khi phải thích nghi với những đổi thay đôi khi rất đột ngột, đặc biệt với cảm xúc "tổ trống" khi đàn chim con đã đủ lông đủ cánh bay xa như đã nói. Ở đàn ông, đó là những năm vào lứa tuổi từ năm mươi đến sáu mươi ,cảm xúc rõ nhất là lúc sắp về hưu, chấp nhận từ bỏ, rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ.

Tuổi chớm già còn là tuổi có nguy cơ cao, đặc biệt ở nam giới. Nguy cơ cao vì ở một số người đây là thời điểm mà họ đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp nhưng họ còn muốn thành công hơn, họ dễ có những mưu toan "gồm thâu lục quốc", "nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị"... gì gì đó, đại khái như vậy nên họ lao tâm khổ trí để rồi có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Có người do cảm thấy thời gian không còn nhiều trước mắt, ráng làm cho được nhiều việc, càng nhiều càng tốt và do vậy họ không còn đủ tỉnh táo, bị lôi cuốn vào mọi sự, lo lắng thái quá, làm việc cật lực, mất sức, không kịp phục hồi và thường là lơ đễnh việc chăm sóc sức khỏe bản thân, nghỉ ngơi, giải trí. Khi bệnh, họ ngã đùng xuống và lúc vào bệnh viện họ có thể tự hứa bao điều, rằng sau này sẽ chăm sóc bản thân tốt hơn, sẽ nghỉ ngơi nhiều hơn, sẽ bỏ rượu, bỏ thuốc lá, bỏ những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng... thế nhưng khi ra viện thì đâu lại vào đó, họ lại lao vào những công việc, những lo toan, những tranh chấp, những cuộc vui. Nguy cơ khác đến từ việc hai "nửa của tôi" từ lâu sống chung với nhau êm ấm dưới mái gia đình bỗng phát hiện ra những thói hư tật xấu của nhau, khó chịu, cắn đắn, bắt bẻ nhau và dần dần biến thành hai đối thủ, không ai nhịn ai. Người đàn ông thì đang ở cái tuổi nổi loạn, liều lĩnh, người phụ nữ thì đang ở cái tuổi bất mãn, chán chường, họ dễ "hầm hè" xông vào nhau. Gia đình bỗng chốc biến thành... địa ngục. Họ không hiểu cả hai đều đang ở hoàn cảnh khó khăn, cần được cảm thông, cần được giúp đỡ. Thế là ông xuống biển bà lên núi như truyền thuyết. Thế là ly dị, ly thân. Bệnh tâm thần cũng thường xảy ra ở thời điểm này. Tật nghiện rượu, nghiện thuốc và nạn tự tử lên đến đỉnh điểm cao nhất, đặc biệt ở đàn ông. Họ bế tắc, bất lực, không tìm ra được cách giải quyết tích cực và cũng để tìm quên. Ở đàn ông còn thấy có hiện tượng "vùng lên", vớt vát, tìm kiếm những cuộc tình dễ dãi "bồ nhí", "bia ôm"... để chứng minh chút "nam tính" còn sót lại của mình, đặc biệt sau những buổi nhậu nhẹt bù khú cùng bè bạn. Ở phụ nữ không phải là không có một giai đoạn như vậy, người ta vẫn thường gọi đó là tuổi "hồi xuân". Đột nhiên họ có thể ăn mặc diêm dúa, son phấn, vào ra mỹ viện, ráng làm đẹp bằng mọi cách như cố tìm lại một chút hình bóng xưa.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.