LUẬT TỨ PHẦN - Bản dịch Việt ngữ số 1 Dịch giả: Thích Đỗng Minh (Được xếp vào Đại Chánh Tạng, tập T22 - Kinh số 1428 - Tổng cộng kinh này có 60 quyển.) Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Tán Duyên Khởi Cúi đầu lễ chư Phật, Tôn Pháp, Tăng tỳ-kheo. Nay diễn pháp Tì-ni Để Chánh pháp trường tồn. Ưu-ba-li đứng đầu,[2] Và các Thân chứng[3] khác, Nay nói yếu nghĩa giới Các hiền đều cùng nghe. Nay muốn nói thâm giới Cho người ưa trì giới, Cho người hay phúng tụng; Lợi ích các trưởng lão. Nay nói mười cú nghĩa Giới pháp của chư Phật:[4] Khiến Tăng hỷ, an lạc,[5] Và để nhiếp thủ Tăng,[6] Người không tín sẽ tín, Người đã tín tăng trưởng, Dứt trừ kẻ phá giới, Đưa tà đạo vào chánh,[7] Người tàm quý an ổn, Phật pháp được lâu dài.[8] Vì vậy, Đấng Tối Thắng Diễn nói Kinh Cấm giới.[9] Các núi, Tu-di hơn; Các sông, biển là nhất; Các Kinh trăm ngàn ức, Giới kinh là bậc nhất. Muốn cầu điều tối thượng Đời này và đời sau, Phải trì giới cấm này Trọn đời đừng hủy phạm. Trừ kết, không chướng ngại, Trói buộc do đây mở. Dùng giới tự quán sát, Như gương soi diện mạo. Muốn tạo các pháp lành, Đầy đủ ba món nghiệp. Nên xét kỹ ý mình Như kinh La-vân nói.[10] Sở dĩ lập ngôi Vua, Bởi do đời tranh tụng. Nhân dân suy cử lên, Pháp thường đời thượng cổ.[11] Người phạm tội biết pháp, Thuận theo pháp thành tựu. Giới luật cũng như vậy; Như Vua chánh pháp trị; Như thầy thuốc xét bệnh, Chữa trị tuỳ theo chứng. Trị được thì cho thuốc; Không thể trị thì buông. Như sách thuốc đã nói: Bốn chứng không thể trị, Mười ba có thể cứu. Ngoài ra chẳng cần cứu. Ví như có thây chết, Biển cả không dung chứa, Bị gió mạnh trôi dạt Đưa nó lên trên bờ. Các người làm ác hạnh Cũng như thây chết kia Đại chúng không dung chứa; Do vậy nên trì giới. Như giữ cửa kiên cố, Khỏi lo mất của cải. Nếu tường bị khoét, đổ; Có của sẽ phải lo. Giới Phật không khuyết, thủng; Người phụng trì không lo. Cấm giới không kiên cố Người hủy phạm lo âu. Chiếc bát sành lủng chảy, Thợ gốm lòng sầu lo. Nếu dụng cụ hoàn bị, Quyến thuộc đều hoan hỉ. Trì giới có khuyết, thủng; Người làm ác thường lo. Kẻ không hủy cấm giới Tâm thường được hoan hỉ. Như đốm lửa tuy bé; Đừng khinh nó là nhỏ. Nếu gặp cỏ, cây khô Nó đốt cháy không sót. Ác ta làm tuy nhỏ, Cẩn thận chó xem thường. Như rách y-la diệp[12], Thường sinh làm thân rồng. Như sư tử rống gầm, Người say không biết sợ. Thú nhỏ tiếng tuy bé, Người tỉnh nghe vẫn sợ. Người ba cấu[13] cũng vậy, Tất cả ác không sợ. Người trí việc ác nhỏ, Thường ôm lòng lo sợ. Như khi bào chế thuốc, Loại bỏ thứ không tốt; Người bệnh uống được lành, Thân khỏe được an lạc. Người tu giới cũng vậy; Hay tránh các ác hành, Trừ các hoạn kết sử, An ổn vào Niết-bàn. Nếu muốn đi đường xa, Phải tự bảo vệ chân. Nếu chân bị thương tổn Không thể đi xa được. Cầu cõi trời, Niết-bàn; Phương tiện thủ hộ giới. Không hủy hoại như vậy, Ắt vượt khỏi đường hiểm. Như người muốn qua sông, Dùng tay và phao nổi; Nước sâu không sợ chìm, Có thể đến bờ kia. Đệ tử Phật cũng vậy, Tu hành gốc cấm giới, Không bị cuốn dòng tà, Đắm chìm biển sanh tử. Ví như cung Đế Thích[14] Các báu khắc chạm thành, Thềm bậc bằng thất bảo, Chỗ đi[15] của người, trời. Điện chánh pháp[16] cũng vậy; Bảy giác ý[17] trang nghiêm, Cấm giới làm thềm bậc; Chỗ đi của thánh hiền. Như khéo học hết thảy Các kỹ nghệ thế gian, Sẽ được Vua sủng ái; Do vậy được sung sướng. Người khéo hay tu học Cấm giới do Phật nói, Trọn không đọa ác thú, Thường được nơi an ổn. Như binh mình đủ mạnh Mới phá được binh người. Chúng hiền thánh kiên cố Sau đó phá quân ma. Chúng Thánh nếu hòa hợp, Được Thế tôn khen ngợi. Do chúng hòa hợp vậy Phật pháp được lậu dài. Như sữa mẹ từ ái Nuôi dưỡng, giữ gìn con; Tất cả nạn nước, lửa, Bảo vệ không xâm hại. Cấm giới như từ mẫu Giữ gìn người hành giả Trọn không đọa súc sanh, Ngạ quỷ hay địa ngục. Như có tướng dũng mãnh Khéo tập pháp chiến đấu, Hàng phục kẻ địch kia, Tử chiến không tiếc thân. Con Phật cũng như vậy, Khéo học các cấm giới; Khi năm ấm tan hoại, Trọn không sợ mạng hết. Sinh ra từ giới Phật, Mới là con chân thật. Cũng như Ương-quật-ma,[18] Được Như lai ký biệt. Nếu có người xả giới, Đối Phật pháp là chết. Trì giới như hộ mạng, Giữ gìn không để mất. Ví như được ấn Vua, Đến đâu không trở ngại. Khuyết thì bị cật vấn; Mất hết thì bị trói. Người toàn đủ giới-ấn Đến đâu không trở ngại. Hủy ít thì bất định; Hủy nhiều vào ba ác. Vì tất cả mọi người Hàng phục các ma quỷ, Nên Tiên nhân ngũ thông[19] Sáng tác các chú thuật. Vì người tàm quý kia Nhiếp người không tàm quý, Nên Như lai chế giới, Nửa tháng thuyết một lần. Đã thuyết ích lợi giới, Cúi đầu lễ chư Phật. (Đoạn kệ tụng này không phải được sáng tác khi Ca-diệp cùng Thánh chúng nghìn vị kết tập Luật. Đây căn cứ theo sở truyền riêng của mỗi bộ trong năm bộ phân trương về sau. Tức được thuyết bởi vị đứng đầu của mỗi chúng. Nay vì muốn phân biệt giải thích Luật tướng, cho nên trước tiên đọc kệ tán thán, sau đó giải thuyết.)[20] [1] (T22n1428, tr.567b26) [2] Tứ phần 54, tr.968a4 «Tập pháp tì-ni ngũ bách nhân»: trong đại hội kết tập tại Vương-xá, Ưu-ba-li được chấp thuận làm thuyết trình viên về Luật tạng. [3] Thân chứng (Skt. kāya-sākṣin, Pali: kāya-sakkhin), Câu-xá 24, tr.126a17: vị Bất-hoàn (A-na-hàm) khi chứng đắc diệt định, chuyển danh là thân chứng 得滅定不還轉名為身證. [4] Thập cú nghĩa 十句義, xem cht. 31, ch.i sau [5] Hán: hỉ vĩnh an 喜永安; cú nghĩa 2&3: khiến Tăng hoan hỷ và an lạc. [6] Cú nghĩa 1. [7] Cú nghĩa 6: điều phục những ai chưa được điều phục. [8] Trong đây không đề cập hai cú nghĩa 8 & 9: đoạn trừ hữu lậu hiện tại, đoạn trừ hữu lậu vị lai. [9] Cấm giới kinh 禁戒經, hay Giới kinh, chỉ Ba-la-đề-mộc-xoa 波羅提木叉 (Skt. Prātimokṣa-sutra, Pali: Pāṭimokkha-sutta) [10] Trung A-hàm 3, «14. kinh La-vân,» (T1, tr.436a-437b). Pali, M. 61. Ambalaṭṭhikā-Rāhulovāda-sutta (M.i.414-424): Phật hỏi Rāhula, cái gương để làm gì? [11] Trường A-hàm 6, «kinh Tiểu duyên,» (T1, tr.36tt). Pali: D. 24. Agañña-suttanta (D.iii.tr. 93): Vào thời thái cổ, do tranh chấp ruộng đất, nhân dân bầu lên một người để giải quyết, gọi là vị trọng tài được bầu lên bởi đại hội (Mahāsammato-rājā; Hán dịch: Đại bình đẳng vương 大平王). [12] Y-la diệp 伊羅葉; Skt. erapatra, hoặc elāpattra, H: hương diệp 香葉, hoắc hương diệp 藿香葉, một loại tiểu đậu khấu (Cardamon). Ở đây chỉ tên một con voi chúa, hay rồng, Pali: erakapatta. Tiền thân là Tỳ-kheo thời Phật Ca-diệp (Pali: Kassapa), bị té thuyền, vớ nhằm lá eraka. Ông chết đuối với tâm ưu uất nên tái sinh làm thân rồng. (Pháp cú truyện giải, Dh.A.iii.230-6). Theo tài liệu Hán, Phúc cái chánh hạnh sở tập kinh 11 (T32n1671): tiền thân là tỳ-kheo phạm 2 tội, ngắt lá y-la và khất thực sau giờ ngọ, do đó sinh làm thân rồng với 7 đầu trên đó mọc cây y-la. [13] Tam cấu nhân 三垢人, ba hạng người dơ bẩn: như cái chậu rửa chân còn lưu một ít nước dơ; cái chậu đã đổ hết nước dơ, và cái chậu dơ bị lật úp. Xem, Trung A-hàm 3, «La-vân kinh,» (T1, tr.436a). Pali, M. i. 141-424. Tam cấu, cũng thường chỉ tham, sân, si. [14] Đế Thích đường 帝釋堂. Đây chỉ Chánh pháp điện 正法殿, cũng gọi là Thiện pháp đường hay Thiện pháp giảng đường 善法講堂, Hội trường của chư thiên Tam-thập tam (Đao-lị thiên). Pali: Sudhammāsabhā. Đế Thích còn có cung điện riêng khác nữa, gọi là Tối thắng giảng đường (Pali: Vejayanta-pāsāda) [15] Sở hành 所行, cũng thường nói là sở hành cảnh giới 所行境界, hay hành xứ 行處; Skt. (= pali) gocara, môi trường hay phạm vi nhận thức và hành động. [16] Chánh pháp đường 正法堂, xem cht. 14 trên. [17] Giác ý 覺意, hay giác chi 覺支, bồ-đề phần 菩提分; Pali: bojjhaṅga (Skt.bodhyaṅga). [18] Ương-quật-ma-(la) 鴦崛魔(=摩)羅, Pali: Aṅgulimāla (Skt. Aṅgulimālya) dịch: Chỉ Man 指鬘, tên tướng cướp lừng danh thời Phật. Sau được Phật hóa độ thành tỳ-kheo và đắc quả A-la-hán. Xem Tạp A-hàm 36.16 (T2, tr.280c); Hiền ngu kinh 11 (T4, tr. 423b); Ương-quật-ma kinh (T2, tr.508b); Ương-quật-ma-la kinh (T2, tr.512b); Avadāśataka (Skt.) No.27; DhpA (Pali).i. tr.146; iii.185; Therag.vv.864-891. [19] Hán: thần tiên ngũ thông nhân 神仙五通人. [20] Đoạn phụ chú của vị truyền luật. Không thuộc chính văn của Luật. PHẦN THỨ NHẤT GIỚI TỲ KHEO - Chương 1. Ba-la-di I. BẤT TỊNH HẠNH A. DUYÊN KHỞI 1. SỰ KIỆN TỲ-LAN-NHÃ Một thời, đức Phật cùng chúng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị, du hóa đến thành Tô-la-bà,[2] tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã ,[3] và đêm ấy ngủ dưới bóng cây na-lâu-la-tân-châu-man-đà-la.[4] Bấy giờ bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nghe Sa-môn Cù-đàm, họ Thích, bỏ dòng họ Thích đi xuất gia tầm đạo, đã từ nước Tô-la-bà dẫn chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị, tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã này, và nghỉ đêm dưới bóng cây na-lân-la-tân-châu-man-đà-la. Sa-môn Cù-đàm này có danh xưng lớn như vầy: “Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Ngài ở giữa các chúng Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn công bố chánh pháp do tự thân chứng nghiệm bằng thắng trí. Pháp ấy thiện xảo ở khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh, tự nhiên được tu tập đầy đủ. Lành thay! Chúng ta được chiêm ngưỡng con người Vô trước[5] như vậy. Nay ta nên đến thăm hỏi Sa-môn Cù-đàm.» Bấy giờ, bà-la-môn Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế tôn. Khi đến nơi, hỏi chào thăm viếng nhau rồi, ngồi qua một bên. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Bà-la-môn sau khi nghe đức Phật nói pháp, lòng sanh hoan hỷ, liền thưa: «Cúi xin đức Thế tôn thương xót chấp thuận thỉnh cầu của con, cùng với chúng tỳ-kheo an cư ba tháng mùa mưa.» Đức Thế tôn và Tăng tỳ-kheo im lặng nhận lời. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã biết đức Thế tôn đã im lặng nhận lời thỉnh của mình, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật rồi cáo lui. Thế tôn cùng chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị nhận lời an cư ba tháng mùa mưa. Bấy giờ có người lái ngựa từ nước Ba-ly[6] lùa năm trăm thớt ngựa đến Tỳ-lan-nhã và ở đây đóng trại chín mươi ngày mùa hạ. Thời điểm này gặp lúc mất mùa, lúa gạo quý giá, nhân dân đói khát, xương trắng ngổn ngang, khất thực khó được. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã tuy thỉnh Như Lai và Tăng tỳ-kheo an cư ba tháng, nhưng hoàn toàn không cúng dường, cung cấp những nhu cầu cần thiết. Tại sao vậy? [569a1] Vì bị ám bởi Ma Ba-tuần. Bấy giờ, các tỳ-kheo ở Tỳ-lan-nhã khất thực không được, nên phải đến khất thực nơi người lái ngựa kia. Lúc ấy, người lái ngựa tự nghĩ: «Hiện nay mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được, xương trắng ngổn ngang. Các tỳ-kheo kia khất thực không được nên đến đây. Nay ta có nên dùng lúa mạch của ngựa mỗi ngày bố thí cho tỳ-kheo năm thăng, Thế tôn một đấu hay chăng?» Nghĩ như vậy rồi, mỗi ngày ông bố thí cho các tỳ-kheo năm thăng lúa mạch của ngựa, Thế tôn một đấu. Đức Thế tôn nhận được phần lúa ngựa rồi, trao cho A-nan. A-nan khiến người xay làm cơm khô để dâng Phật. Đức Phật dùng cơm khô, còn các tỳ-kheo nấu chín rồi mới ăn. Do đó, giữa đức Phật cùng các tỳ-kheo thức ăn có khác. Lúc bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-liên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, thưa: «Kính bạch Đại đức, hiện nay lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được; thực phẩm của các tỳ-kheo rất là thô xấu, nên tất cả đều bị gầy ốm. Nếu đức Thế tôn cho phép, các tỳ-kheo có thần túc đến nước Uất-đơn-việt[7] lấy thức ăn bằng gạo của loại lúa chín muộn tự nhiên,[8] thì chúng con sẽ đi.» Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên: «Các vị tỳ-kheo có thần túc thì có thể đến đó để lấy thức ăn bằng gạo lúa tự nhiên, còn các vị tỳ-kheo không có thần túc thì thế nào?» Tôn giả Mục-liên thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, các vị có thần túc thì họ tùy ý đến, còn các vị không có thần túc thì con sẽ dùng sức thần túc của con để giúp các vị đến đó.»[9] Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên: «Thôi đi, thôi đi, đừng nói vậy! Tại sao? Các ông là những con người[10] đã chứng đắc thần túc thì có thể làm như vậy. Còn các vị tỳ-kheo ở đời vị lai sẽ làm sao?» 2. XÁ-LỢI-PHẤT THƯA HỎI Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nơi nhàn tĩnh, nghĩ như vầy: «Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?» Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, đến chỗ Thế tôn, đầu mặt đảnh lễ, ngồi qua một bên. Một lát sau, rời chỗ ngồi, đứng dậy thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, vừa rồi ở chỗ nhàn tĩnh, con nghĩ: ‹Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?› Cúi xin đức Thế tôn khai thị cho con.» Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: «Đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thức-khí, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp, các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài. Pháp của Phật Tùy-diệp, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, thì không tồn tại lâu dài.» Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật: «Do nhơn duyên gì mà [569b1] Phật Tỳ-bà-thi,[11] đức Phật Thức,[12] đức Phật Câu-lưu-tôn,[13] đức Phật Ca-diệp,[14] các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài; Pháp của Phật Tùy-diệp,[15] Phật Câu-na-hàm Mâu-ni,[16] thì không tồn tại lâu dài?»[17] Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: «Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp không công bố pháp rộng rãi như: Khế kinh, Kỳ-dạ kinh, Thọ ký, Phương đẳng kinh, Vị tằng hữu kinh, Thí dụ kinh, Ưu-bà-đề-xá kinh.[18] Không vì người rộng nói Khế kinh, cho đến Ưu-bà-đề-xá kinh, không kết giới cũng không thuyết giới, cho nên các đệ tử mỏi mệt nhàm chán,[19] vì vậy cho nên pháp không tồn tại dài lâu. Khi đức Thế tôn kia biết tâm các đệ tự mỏi mệt nhàm chán thì chỉ dạy như vầy:[20] ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.› «Này Xá-lợi-phất, xa xưa về trước, đức Phật Tùy-diệp cùng với một ngàn tỳ-kheo sống trong rừng Kinh sợ .[21] Này Xá-lợi-phất, nếu có người nào chưa lìa dục mà vào trong rừng kia, thì lông trong người đều bị dựng ngược lên, cho nên gọi là rừng Khủng úy.[22] «Lại nữa, này Xá-lợi-phất, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp Như lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, quán trong tâm một ngàn vị tỳ-kheo mỏi mệt nhàm chán, thì vì họ nói pháp: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.› «Này Xá-lợi-phất, nên biết, lúc bấy giờ đức Phật kia và các vị Thinh văn còn ở đời thì Phật pháp được truyền rộng rãi. Nhưng sau khi đức Phật kia và các Thinh văn[23] diệt độ, mọi người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia. Đó là lý do khiến cho Phật pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao vậy? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp. «Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn, gió thổi thì bay. Tại sao vậy? Vì không dùng sợi chỉ xâu nó lại, cho nên như vậy. «Này Xá-lợi-phất, đức Phật kia và các chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nhưng sau khi đức Phật kia và chúng Thinh văn diệt độ, người trong thế gian, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia khiến cho chánh pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: «Đức Phật Tỳ-Bà-thi, đức Phật Thức, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp vì các đệ tử rộng nói kinh pháp, từ Khế kinh cho đến Ưu-bà-xá kinh, cũng kết giới, cũng thuyết giới. Khi tâm chúng đệ tử [569c1] mỏi mệt nhàm chán, đức Phật biết tâm của họ mỏi mệt nhàm chán, chỉ dạy như vầy: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.› «Như vậy, này Xá-lợi-phất, các đức Phật kia và chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nếu các đức Phật kia và chúng Thinh văn sau khi diệt độ; người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia, không khiến cho Phật pháp mau diệt. Tại sao vậy? Vì được thâu nhiếp bằng kinh pháp. «Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn được xâu lại bằng sợi chỉ; tuy bị gió thổi nhưng không bị phân tán. Tại sao vậy? Nhờ sợi chỉ khéo xâu giữ lại. «Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, đức Phật kia cùng chúng Thinh văn ở đời rộng nói Phật pháp, như trên. «Này Xá-lợi-phất, do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Tỳ-bà-thi, cho đến đức Phật Ca-diệp được tồn tại lâu dài, và cũng do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diếp không tồn tại lâu dài.» Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc y trống vai bên hữu, đầu gối hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Kính bạch đức Thế tôn, nay chính là lúc. Cúi xin đức Đại Thánh vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết giới, khiến cho phạm hạnh được tu tập, pháp được tồn tại lâu dài.» Đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: «Hãy thôi![24] Như Lai tự biết thời. Này Xá-lợi-phất, vì sao Như Lai chưa vì các tỳ-kheo kết giới? Vì trong chúng tỳ-kheo chưa có ai phạm pháp hữu lậu. Nếu có người nào phạm pháp hữu lậu, nhiên hậu Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kết giới để đoạn pháp hữu lậu kia. Này Xá-lợi-phất, khi tỳ-kheo chưa được lợi dưỡng thì chắc chắn chưa sanh pháp hữu lậu. Nếu tỳ-kheo được lợi dưỡng thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu pháp hữu lậu đã sanh, Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kiết giới, vì muốn khiến cho họ đoạn pháp hữu lậu vậy. «Này Xá-lợi-phất, tỳ-kheo chưa sanh pháp hữu lậu chỉ vì chưa có danh tiếng, chưa ai biết đến nhiều, chưa có tiếng đồn nhiều, chưa có tài nghiệp nhiều. Nếu tỳ-kheo được danh tiếng, cho đến nhiều tài nghiệp thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu có pháp hữu lậu sanh, nhiên hậu Thế tôn sẽ vì đệ tử kiết giới để đoạn pháp hữu lậu. Này Xá-lợi-phất, hãy thôi! Như lai tự biết thời.» 3. NHÂN DUYÊN TU-ĐỀ-NA: KẾT GIỚI LẦN THỨ NHẤT Bấy giờ Thế tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, có Tu-đề-na Tử ở thôn Ca-lan-đà .[25] Trong thôn này, ông là người có nhiều tiền của, lắm đồ châu báu, với lòng tin kiên cố, xuất gia hành đạo. [570a1] Vào lúc bấy giờ, lúa thóc khan hiếm, các tỳ-kheo khất thực khó được. Tu-đề-na Tử tự nghĩ như vầy: «Hiện nay mất mùa, các tỳ-kheo khất thực khó được. Ta nên hướng dẫn các tỳ-kheo đến thôn Ca-lan-đà để khất thực. Các tỳ-kheo sẽ nhân bởi ta mà được lợi dưỡng lớn để có thể tu phạm hạnh. Cũng khiến cho dòng họ ta tích cực hành bố thí, làm các phước đức.» Nghĩ như vậy rồi, Tu-đề-na Tử liền dẫn các tỳ-kheo về thôn Ca-lan-đà. Mẹ của ông Tu-đề-na nghe con mình dẫn các tỳ-kheo về lại bổn thôn, liền đến đón. Khi đến chỗ con, bà nói với con trai của mình: «Con nên bỏ đạo, trở về làm người bạch y. Tại sao vậy? Vì cha con đã qua đời, mẹ sống đơn độc, sợ gia tài sẽ rơi vào cửa nhà quan. Của cải của cha con vốn đã nhiều, huống là tài sản của tổ phụ để lại vô lượng. Thật là đáng tiếc! Do vậy, nay con hãy bỏ đạo để trở về đời.» Tu-đề-na trả lời mẹ: «Con không thể bỏ đạo, để làm những việc phi pháp này. Hiện tại con rất thích phạm hạnh, tu đạo vô thượng.» Ba lần người mẹ bảo như vậy, cũng ba lần người con thưa: «Không thể bỏ đạo để trở về thế tục được!» Bà mẹ liền bỏ ra về. Bà ta đến chỗ người con dâu, nói: «Khi nào nguyệt kỳ của con đến, tin cho mẹ biết.» Người dâu tự biết nguyệt kỳ sắp đến, nên đến thưa với mẹ chồng: «Thưa đại gia, nguyệt kỳ của con sắp đến.» Bà mẹ chồng bảo: «Con nên dùng y phục và nữ trang của ngày cưới trang điểm thân con rồi đến đây.» Người con dâu theo lời mẹ chồng dạy, liền tự trang điểm thân mình; rồi cùng mẹ đến chỗ người chồng. Đến nơi, bà mẹ chồng nói với con bà: «Nay đã đến lúc, con phải bỏ đạo về đời. Tại sao vậy? Vì nếu con không bỏ đạo, tài vật của nhà ta sẽ bị thu vào cửa nhà quan.» Người con thưa với mẹ: «Con không thể bỏ đạo!» Sau khi ba lần nói như vậy, bà nói với con trai: «Hôm nay hoa thủy của vợ con đã xuất. Con nên lưu lại đứa con để dòng dõi của con không bị đứt.» Người con thưa: «Việc này rất dễ. Con có thể làm được.» Lúc bấy giờ, trước khi Phật chế giới, Ca-lan-đà Tử không thấy được dục là ô uế, liền nắm tay người vợ cũ dẫn vào trong vườn, nơi chỗ khuất vắng, ba lần làm việc bất tịnh. Ngay khi ấy, trong vườn có con quỷ vừa mệnh chung liền gá vào thai. Nương nơi thai đủ chín tháng, sanh ra một hài nhi nam, dung mạo đoan chánh, có một không hai trên đời, được đặt tên là Chủng Tử,[26] các căn đầy đủ. Theo thời gian, Chủng Tử khôn lớn, cạo tóc, mặc cà sa, với lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, tinh cần không biếng nhác, đắc quả A-la-hán, thần thông biến hóa, oai đức vô lượng, cho nên có hiệu là Tôn giả Chủng Tử.[27] Tu-đề-na tập oai nghi của Sa-môn, không việc gì không biết, gặp việc gì cũng làm được; [570b1] và cũng có thể dạy bảo người khác. Từ khi Tu-đề-na làm việc bất tịnh rồi, về sau thường ôm lòng sầu ưu. Các đồng học thấy vậy hỏi: «Thầy có điều gì sầu ưu phải chăng? Thầy tu phạm hạnh lâu, oai nghi lễ tiết không việc gì không biết, tại sao sầu ưu? Hay là không thích sống đời sống phạm hạnh nữa?» Tu-đề-na nói: «Tôi rất thích đời sống phạm hạnh. Nhưng gần đây, nơi chỗ khuất vắng, tôi đã phạm ác hạnh; cùng vợ cũ[28] làm việc bất tịnh, nên ưu sầu.» Các tỳ-kheo nói với Tu-đề-na: «Tại sao thầy lại làm việc xấu như vậy? Trong pháp thanh tịnh của đức Như Lai, ở trong dục mà không dục, ở trong cấu bẩn mà không cấu bẩn, hay đoạn trừ khát ái, phá bỏ hang ổ, trừ các trói buộc, ái diệt tận chứng Niết-bàn. Tại sao nay Thầy lại ở trong pháp thanh tịnh này cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh?» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy đức Thế tôn do nhơn duyên này mà tập hợp các tỳ-kheo. Đức Thế tôn có khi biết mà vẫn hỏi, có khi biết mà không hỏi; đôi khi đúng lúc thì hỏi, đôi khi đúng lúc mà không hỏi; hợp nghĩa[29]. Bấy giờ đức Thế tôn biết đúng thời, hợp nghĩa, cho nên hỏi Tu-đề-na: «Thật sự ông có cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh hay không?» «Đúng như vậy, bạch Thế tôn. Con đã phạm bất tịnh hạnh.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm. «Tu-đề-na, tại sao ở trong pháp thanh tịnh này, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh?» Đức phật bảo các tỳ-kheo: «Thà để nam căn vào trong miệng con rắn độc, không nên để vào nữ căn. Tại sao vậy? Vì duyên này không đọa nơi đường ác, còn nếu phạm vào người nữ thì thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện nói pháp đoạn dục, đoạn dục tưởng, diệt dục niệm, trừ tan sức nóng của dục, vượt ra khỏi sự kết buộc của ái. Ta đã dùng vô số phương tiện nói, dục như lửa, dục như bó đuốc cỏ khô trong tay, cũng như trái cây, lại như vật tạm mượn, cũng như xương khô, như cục thịt, như cảnh mộng, như mũi dao nhọn được dẫm lên, như đồ gốm mới làm đựng nước để dưới nắng sáng giữa ngày, như đầu con rắn độc, như con dao xoay vòng, như trên cọc nhọn, như ngọn lao bén đâm.[30] Dục rất là nhớp nhúa, rất là xấu ác, là điều mà Phật quở trách. «Tu-đề-na, ngươi ở trong giáo pháp thanh tịnh của Ta, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh.» [570c01] Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Tu-đề-na là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, nhắm đến mười cú nghĩa :[31] 1. Nhiếp thủ đối với Tăng. 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ. 3. Khiến cho Tăng an lạc. 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín. 5. Người đã có tín khiến tăng tưởng. 6. Để điều phục người chưa được điều phục. 7. Người có tàm quý được an lạc. 8. Đoạn hữu lậu hiện tại. 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai. 10. Chánh pháp được tồn tại lâu dài .[32] «Muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy: Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.» Đức Thế tôn đã kết giới như vậy cho các tỳ-kheo. 4. NHÂN DUYÊN BẠT-XÀ TỬ: KẾT GIỚI LẦN THỨ HAI Bấy giờ, tỳ-kheo Bạt-xà Tử[33] sầu ưu không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng với vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Sau đó suy nghĩ, «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song ta vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Như vậy ta có phạm ba-la-di không? Ta sẽ làm như thế nào đây?» Bèn nói với các đồng học: «Thưa Trưởng lão, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song tôi vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Như vậy tôi có phạm ba-la-di không? Tôi sẽ làm như thế nào đây? Lành thay, Trưởng lão vì tôi đem việc này bạch lên đức Phật. Tùy theo đức Phật dạy như thế nào, tôi sẽ phụng hành như thế ấy.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc bấy giờ đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Bạt-xà Tử: «Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm. «Thế nào, người ngu si, không thích tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh? Vừa mới để vào là ba-la-di. Ông là người ngu si, phạm ba-la-di, không được sống chung. Cho nên, này các tỳ-kheo, nếu có ai không thích tịnh hạnh, cho phép xả giới về nhà. Sau đó, muốn xuất gia lại, ở trong Phật pháp tu tịnh hạnh, nên độ cho xuất gia, thọ đại giới. Từ nay về sau [571a01] nên thuyết giới như vầy: «Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không xả giới, giới sút kém không tự phát lồ,[34] phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.» Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. 5. NHÂN DUYÊN VƯỢN CÁI: KẾT GIỚI LẦN THỨ BA Tỳ-kheo khất thực[35] sống ở trong rừng. Trong khu rừng này, trước đó có một con vượn cái[36] đã ở. Tỳ-kheo khất thực này mỗi khi vào thôn khất thực, rồi trở về lại rừng, ăn xong, mang thức ăn còn dư cho con vượn cái này ăn. Cứ như vậy, dần dần thuần phục được nó. Nó đi theo sau tỳ-kheo, thậm chí dùng tay bắt, nó vẫn không chạy. Tỳ-kheo này liền bắt con vượn cái này, cùng làm bất tịnh hạnh. Bấy giờ, có một số đông tỳ-kheo đi xem xét các trú xứ,[37] tuần tự đến khu rừng này. Lúc ấy, con vượn cái ở trước mặt các tỳ-kheo, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm. Các tỳ-kheo suy nghĩ: «Con vượn cái này ở trước mặt chúng ta, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm, đâu không cùng với tỳ-kheo khác làm bất tịnh hạnh hay chăng?» Các tỳ-kheo cùng bảo nhau ẩn mình nơi chỗ vắng để rình xem. Tỳ-kheo khất thực kia trở lại khu rừng, ăn xong, dùng thức ăn dư cho con vượn. Con vượn ăn rồi, cùng làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo thấy vậy, liền đến nói với tỳ-kheo khất thực ấy rằng: «Đức Như Lai há không chế cấm tỳ-kheo không được làm bất tịnh hạnh hay chăng?» Vị tỳ-kheo kia bảo: «Đức Như Lai cấm chế nam phạm với phụ nữ chứ không chế cấm với súc sanh.» Các tỳ-kheo nghe nói lời như vậy rồi, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo khất thực kia: «Tỳ-kheo, sao lại cùng với vượn cái làm bất tịnh hạnh? Vừa để vào liền phạm ba-la-di. Nay muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không hoàn giới, giới sút kém, không tự phát lồ, cho đến cùng với loài súc sanh, phạm bất tịnh hạnh; Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo nào: gồm có tỳ-kheo danh tự, tỳ-kheo tương tợ, tỳ-kheo tự xưng, tỳ-kheo thiện lai, tỳ-kheo khất cầu,[38] tỳ-kheo mặc y cát tiệt,[39] tỳ-kheo phá kiết sử, tỳ-kheo thọ đại giới do bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách.[40] Trong số các tỳ-kheo này, tỳ-kheo ở đây đề cập đến là tỳ-kheo thọ đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách. Trụ trong pháp tỳ-kheo đó gọi là tỳ-kheo. Cùng với tỳ-kheo:[41] ở đây chỉ các tỳ-kheo khác thọ đại giới bạch tứ yết-ma [571b01] như pháp thành tựu hợp cách, trụ trong pháp tỳ-kheo. Đó là nghĩa ‹cùng với tỳ-kheo.› Thế nào gọi là đồng giới?[42] Đối với giới mà Ta (Phật) đã kết cho các đệ tử, thà chết chứ không phạm. Trong đây, cùng với các tỳ-kheo khác duy nhất giới, đồng nhất giới, bình đẳng giới; đó gọi là đồng giới. Thế nào gọi là không xả giới? Xả giới khi đang điên cuồng; xả giới trước người điên cuồng; xả giới khi đau đớn; xả giới trước người đau đớn; xả giới khi điếc; xả giới khi câm; xả giới khi câm điếc; xả giới trước người câm; xả giới trước người điếc; xả giới trước người câm điếc. Người trung quốc xả giới trước người biên địa; người biên địa xả giới trước người trung quốc. Chỗ không tĩnh, tưởng là tĩnh mà xả giới. Tĩnh tưởng là không tĩnh mà xả giới. Giỡn cười xả giới. Trước trời, rồng, dạ xoa, ngạ quỷ, người ngủ, người chết, người không biết gì, không tự nói hoặc nói mà người nghe không hiểu..., các trường hợp như vậy không gọi là xả giới. Thế nào gọi là xả giới? Nếu tỳ-kheo không thích tu phạm hạnh, muốn được trở về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, thường ôm lòng hổ thẹn ,[43] tham thú vui tại gia, tham muốn pháp ưu-bà-tắc, hoặc chỉ niệm tưởng pháp sa-di,[44] hoặc ưa pháp ngoại đạo, ưa pháp đệ tử ngoại đạo,[45] ưa pháp phi sa-môn, phi Thích tử, bèn nói lên lời nói như vầy: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả tỳ-kheo Tăng, xả Hòa-thượng, xả đồng Hòa-thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các phạm hạnh,[46] xả giới, xả luật, xả học sự, nhận pháp ở nhà. Tôi làm tịnh nhơn. Tôi làm ưu-bà-tắc. Tôi làm sa-di. Tôi làm ngoại đạo. Tôi làm đệ tử ngoại đạo. Tôi làm phi Sa-môn, phi Thích chủng tử.» Hoặc lại nói như vầy: «Thôi, không cần Phật. Phật đối với tôi đâu có ích gì. Tôi lìa bỏ chỗ Phật.» Cho đến đối với học sự cũng nói như vậy. Hoặc lại nói những lời nói khác hủy báng Phật, Pháp và Tăng cho đến học sự; khen ngợi gia nghiệp, cho đến phi Sa-môn, phi Thích tử. Bằng lời nói như vậy một cách rõ ràng để nói thì gọi là xả giới. Giới sút kém :[47] hoặc có giới sút kém mà không xả giới, hoặc có giới sút kém mà xả giới. Tại sao gọi là giới sút kém mà không xả giới? Nếu tỳ-kheo sầu ưu, không thích phạm hạnh, muốn được về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, ôm lòng xấu hổ, ý muốn ở nhà, cho đến ưa muốn làm pháp phi Sa-môn, phi Thích tử, bèn nói như vầy: «Tôi nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xóm làng, thành ấp, [571c01] ruộng vườn, ao hồ. Tôi muốn xả Phật, Pháp, Tăng, cho đến học sự.» Liền muốn thọ trì gia nghiệp, cho đến, phi Sa-môn, phi Thích tử. Như vậy gọi là giới sút kém mà không xả giới. Thế nào gọi là giới sút kém mà xả giới? Nếu khởi tư duy như vầy: ‹Tôi muốn xả giới.› Rồi xả giới. Như vậy gọi là giới sút kém mà xả giới. Bất tịnh hạnh:[48] là pháp dâm dục. Cho đến cùng với súc sanh là chỉ đối tượng có thể hành dâm. Thế nào là ba-la-di ?[49] Ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, người phạm pháp này không còn thành tỳ-kheo nữa, cho nên gọi là ba-la-di. Thế nào gọi là không được sống chung?[50] Có hai trường hợp gọi là được sống chung: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới. Không được cùng chung làm hai việc này cho nên gọi không được sống chung. D. PHẠM TƯỚNG Có ba trường hợp hành bất tịnh hạnh thành ba-la-di: loài người, phi nhơn, súc sanh. Lại có năm loại hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di: thuộc loài người là phụ nữ, đồng nữ, có hai hình,[51] huỳnh môn,[52] người nam. Nơi năm đối tượng này hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di. Đối với ba loại giống cái hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Những gì là ba? Người nữ, phi nhân[53] nữ, súc sanh cái. Đối với ba đối tượng này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Ba loại đồng nữ, ba loại nhị hình, ba loại bất năng nam, ba loại người nam; đối với những loại này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Cũng như vậy, phạm ba nơi của người phụ nữ, thành ba-la-di. Ba nơi là, đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng. Cũng vậy, ba nơi của loài phi nhân cái, súc sanh giống cái, đồng nữ loài người, đồng nữ loài phi nhơn, súc sanh mới lớn, người nhị hình, phi nhân nhị hình, súc sanh nhị hình. Hành bất tịnh hạnh ở hai nơi của người huỳnh môn, thành ba-la-di. Hai nơi là đường đại tiện và miệng. Phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn cũng vậy. Ở hai nơi loại bất năng nam, súc sanh đực cũng như vậy. Tỳ-kheo với tâm dâm, hướng đến nơi đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ; vừa vào thì phạm; không vào không phạm. Hai bên có vật cách; hoặc bên có vật cách, bên kia không; hoặc bên kia không có vật cách, bên này có; hoặc cả hai bên đều không có vật cách; thảy đều thành ba-la-di. Nếu tỳ-kheo với ý dâm, hướng đến ba nơi của hạng phi nhân nữ, súc sanh cái, đồng nữ người, đồng nữ phi nhân, súc sanh nhị hình cũng như vậy. Hay hướng đến hai nơi của người huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn; người nam, phi nhân nam; súc sanh đực lại cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo với ý dâm hướng đến đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ đang ngủ hoặc chết mà chưa hư hoại hay phần nhiều hư hoại, vừa để vào liền phạm, không vào thì không phạm. Có vật ngăn cách hay không vật ngăn cách cũng vậy... cho đến, người nam cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ, cưỡng đem nam căn đặt vào trong ba nơi. Khi mới để vào có cảm giác thích thú, khi vào rồi, khi ra cũng như vậy, phạm ba-la-di. Khi mới vào, và khi vào rồi có cảm giác thích thú, nhưng khi ra thì không, vẫn phạm ba-la-di. Khi mới vào, khi vào rồi không cảm thấy thích thú, nhưng khi ra có cảm thọ lạc, cũng phạm ba-la-di. Khi vào thọ lạc, khi vào rồi và khi ra không thọ lạc cũng mắc tội ba-la-di. Khi mới vào không thọ lạc, khi vào rồi và khi ra có thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi mới vào và khi vào rồi không thọ lạc, khi ra thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Có vật ngăn cách, không vật ngăn cách cũng như vậy... từ giống cái chẳng phải người cho đến người nam cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ đang ngủ, hoặc là thây chết chưa hoại, hay phần lớn chưa hoại... mà có cảm giác thọ lạc cũng như vậy. Có vật cách hay không vật cách cũng như vậy. Từ giống cái phi nhân cho đến người nam cũng như vậy. Nếu oan gia cưỡng nắm nam căn của tỳ-kheo đặt vào trong đường đại tiện để làm việc bất tịnh, khi đặt vào có cảm giác thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi vào rồi thọ lạc, khi ra thọ lạc cũng như trên đã nói, cho đến có vật cách hay không vật cách cũng như vậy. Từ đạo vào đạo; từ đạo vào phi đạo;[54] từ phi đạo vào đạo. Hoặc vào có chừng mức, hoặc vào hết; hoặc nói hoặc không nói. Nếu, với tâm dâm, cho đến chỉ vào như sợi lông, đều phạm ba-la-di. Phương tiện mà không vào, phạm thâu-lan-giá.[55] Nếu tỳ-kheo phương tiện muốn tìm cầu làm bất tịnh hạnh, thành thì phạm ba-la-di, không thành thì phạm thâu-lan-giá. Nếu tỳ-kheo dạy tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh; tỳ-kheo kia làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) phạm thâu-lan-giá; (tỳ-kheo kia) không làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) mắc đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni dạy tỳ-kheo, làm phạm thâu-lan-giá, không làm thì mắc đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, các chúng khác dạy nhau làm hạnh bất tịnh, làm hay không làm đều mắc đột-kiết-la. Nếu tử thi phân nửa bị hư hoại mà làm bất tịnh hạnh, khi để vào liền phạm thâu-lan-giá. Nếu phần lớn bị hư hoại, hay bị hoại hết thì phạm thâu-lan-giá. Nơi kẽ hở của xương làm hạnh bất tịnh, phạm thâu-lan-giá. Đào đất làm thành lỗ, hoặc nơi miệng bình, phạm thâu-lan-giá. Tưởng là đạo hay nghi như vậy, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Nếu nơi đạo mà khởi ý tưởng là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nghi là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nơi đạo mà tưởng phi đạo, phạm ba-la-di. Phi đạo mà tưởng là đạo, phạm thâu-lan-giá. Phi đạo mà nghi, phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni mắc đột-kiết-la diệt tẫn. Đó là phạm.[56] Sự không phạm: khi ngủ không hay biết, không thọ lạc, hoàn toàn không có ý dâm thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. bức bách thì không phạm.[57] II. BẤT DỮ THỦ A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn du hóa nơi thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật.[58] Bấy giờ trong thành La-duyệt có tỳ-kheo tự là Đàn-ni-ca,[59] con người thợ đồ gốm, lưu trú trong một thảo am nơi chỗ khuất vắng.[60] Sau khi vị tỳ-kheo kia vào trong thôn khất thực, có người lấy củi, phá thảo am của tỳ-kheo đem về làm củi. Tỳ-kheo kia khất thực xong trở về thấy thảo am không còn, bèn khởi ý nghĩ: «Ta đã sống một mình nơi khuất vắng; tự mình lấy cỏ cây làm am để ở. Khi vào thôn khất thực, người lấy củi phá am thất của ta đem đi. Bản thân ta có tay nghề; ta có thể trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch[61].» Tỳ-kheo kia nghĩ xong, liền trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch; rồi lấy củi và phân bò mà nung, căn nhà có màu sắc đỏ tươi như lửa. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống. Từ xa trông thấy cái nhà màu đỏ như lửa rồi, Ngài biết mà cố hỏi các tỳ-kheo: «Cái gì màu đỏ vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Kính bạch đức Thế tôn, có một tỳ-kheo tên là Đàn-ni-ca, con người thợ đồ gốm. Tỳ-kheo ấy một mình ở nơi khuất vắng, làm một cái thất bằng cỏ để ở. Khi đi khất thực, bị những người lấy củi phá cái thất mang đi. Vị tỳ-kheo ấy khi về, thấy thất của mình bị phá liền nghĩ: ‹Ta có tay nghề, ta có thể làm một cái thất toàn bằng gạch.› Nghĩ như vậy rồi liền làm. Cái nhà sắc đỏ đó là của tỳ-kheo Đàn-ni-ca.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện để quở trách vị tỳ-kheo kia: «Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, tỳ-kheo Đàn-ni-ca, con người thợ gốm, tự mình làm thất, tập trung với nhiều số lượng củi, phân bò v.v... rồi nung. Ta thường dùng vô số phương tiện nói đến lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Tại sao người ngu si này tự mình trộn bùn đất làm thất, dồn chứa gai củi và phân bò để nung? Từ nay về sau, các ông không được làm thất toàn bằng gạch có màu đỏ như lửa như thế.[62] Nếu làm, phạm đột-kiết-la.» Lúc bấy giờ đức Thế tôn ra lệnh cho các tỳ-kheo: «Các ông tập hợp lại, cùng nhau nhanh chóng đến chỗ thất của Đàn-ni-ca mà phá bỏ đi.»[63] Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến đập phá cái thất đó. Đàn-ni-ca thấy các tỳ-kheo đập phá cái thất của mình bèn hỏi: «Tôi có lỗi gì mà đập phá thất của tôi ?» Các tỳ-kheo trả lời: «Thầy không có lỗi. Chúng tôi cũng không ghét Thầy. Song chúng tôi vừa nhận lời dạy của đức Thế tôn, nên đến đây phá thất của Thầy.» Tỳ-kheo Đàn-ni-ca nói: «Nếu đức Thế tôn đã dạy, các Thầy cứ tùy nghi.» Lúc bấy giờ Bình-sa, Vua nước Ma-kiệt[64] có người giữ cây gỗ nhà nước,[65] cùng với tỳ-kheo Đàn-ni-ca là bạn thân từ thời còn nhỏ, nên tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ người giữ cây gỗ ấy nói rằng: «Ông bạn có biết chăng, Vua Bình Sa cho tôi cây gỗ. Nay tôi cần gỗ, ông bạn có thể cho tôi nhận được không ?» Người giữ gỗ nói: «Nếu nhà Vua đã cho, thì loại tốt hay loại xấu, cần nhiều hay ít, cứ tùy ý lấy.» Loại cây gỗ thiết yếu của nhà Vua[66] để dành, bị tỳ-kheo Đàn-ni-ca chặt mang đi. Khi ấy có một vị Đại thần tổng giám sát các sự việc của thành,[67] đến chỗ chứa gỗ, thấy những cây gỗ thiết yếu, mà nhà Vua lưu trữ, bị chặt lung tung, liền hỏi người giữ gỗ rằng: «Những cây gỗ thiết yếu này nhà Vua lưu trữ ở đây, ai chặt mang đi ?» Người giữ gỗ nói: «Tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến nơi tôi và nói, ‹Nhà Vua cho tôi gỗ. Nay tôi cần, có thể lấy được không?› Tôi trả lời: ‹Nhà Vua cho thì Thầy cứ lấy.› Tỳ-kheo liền vào vựa chứa cây lưu trữ chặt mang đi.» Khi Đại thần nghe nói như vậy rồi, liền phiền trách nhà Vua rằng: ‹Tại sao đem loại gỗ thiết yếu này cho tỳ-kheo? Trong khi còn có những thứ gỗ khác có thể cho được không cho, mà khiến tỳ-kheo này chặt đứt gỗ thiết yếu mang đi!› Rồi vị Đại thần đến chỗ nhà Vua tâu: «Tâu Đại vương, số cây gỗ thiết yếu được lưu trữ, tại sao nay lại cho tỳ-kheo chặt mang đi? Còn có nhiều thứ gỗ khác có thể cho được, sao lại phá hoại loại gỗ quí đó?» Nhà Vua bảo rằng: «Ta hoàn toàn không nhớ đã đem gỗ cho ai. Nếu Đại thần có nhớ thì nhắc lại cho ta.» Khi ấy vị Đại thần liền cho đi bắt người giữ cây gỗ đến chỗ nhà Vua. Người giữ cây gỗ từ xa thấy tỳ-kheo Đàn-ni-ca, liền kêu nói: «Đại đức, vì Thầy lấy gỗ mà tôi bị bắt. Đại đức hãy vì tôi, đi đến đó để giải quyết. Xin thương xót tôi.» Tỳ-kheo trả lời: «Ông cứ đến đó. Tôi cũng đi ngay đây.» Sau đó tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ nhà Vua, đứng im lặng trước mặt Vua. Nhà Vua liền hỏi: «Đại đức, có thật là tôi cho Thầy gỗ hay không?» Tỳ-kheo đáp: «Sự thật nhà Vua có cho tôi gỗ.» Nhà Vua nói: «Tôi không nhớ là có cho người gỗ. Thầy hãy nhắc lại để tôi nhớ.» Tỳ-kheo báo rằng: «Đại vương còn nhớ chăng? Khi mới đăng vị, từ miệng nhà Vua nói ra rằng, ‹Trong thời tôi còn trị nước, [573a1] trong phạm vi quốc giới, có các Sa-môn, Bà-la-môn nào biết tàm quý, ưa học giới, cho thì lấy, không cho không lấy; cho thì dùng, không cho không dùng. Kể từ hôm nay, các Sa-môn, Bà-la-môn được phép tùy ý dùng cỏ cây và nước. Không được không cho mà dùng. Từ nay về sau cho phép Sa-môn, Bà-la-môn tùy ý dùng cỏ cây và nước.›» Nhà Vua nói: «Này Đại đức, khi tôi mới đăng vị, thật sự có nói như vậy. Đại đức, tôi nói đối với vật vô chủ chứ không nói đối với vật có chủ. Tội của Đại đức đáng chết.» Nhà Vua lại tự nghĩ: «Ta là Vua Quán đỉnh, dòng Sát-lợi,[68] đâu có thể chỉ vì một ít gỗ mà đoạn mạng người xuất gia. Điều ấy không nên.» Bấy giờ, nhà Vua dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo rồi ra lệnh các thần thuộc, phóng thích tỳ-kheo. Các thần thuộc y lệnh Vua, phóng thích tỳ-kheo. Sau đó các thần thuộc này lớn tiếng bình luận, bất bình, rằng, ‹Nhà Vua nghĩ sao? Tội đáng chết như vậy mà chỉ khiển trách rồi thả.› Lúc ấy, trong thành La-duyệt có các cư sĩ không tin ưa Phật pháp, họ đều chỉ trích rằng, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không biết sợ là gì, nên lấy vật không cho. Bên ngoài tự nói ta biết chánh pháp. Như vậy làm gì có chánh pháp! Gỗ của nhà Vua còn lấy, huống là của người khác? Chúng ta từ nay về sau đừng gần gũi với sa-môn Thích tử, lễ bái hỏi chào, cúng dường cung kính. Đừng cho vào thôn ta, cũng đừng cho nghỉ ngơi.» Bấy giờ có các tỳ-kheo nghe chuyện ấy. Trong số đó có những kẻ thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, biết tàm quý, ưa học giới, hiềm trách Đàn-ni-ca: «Sao lại ăn trộm cây gỗ của Vua Bình-sa.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo; tuy biết vẫn cố hỏi tỳ-kheo Đàn-ni-ca: «Có thật ngươi lấy gỗ mà nhà Vua không cho?» Đàn-ni-ca thưa: «Bạch Thế tôn, thực sự đúng như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca: «Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp tùy thuận, làm đều không nên làm. Này, Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho? Ta dùng vô số phương tiện khen ngợi sự lấy những gì đã được cho. Nay ngươi sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?» Khi ấy có một tỳ-kheo tên là Ca-lâu , vốn là Đại thần của nhà Vua,[69] rành về thế pháp, ngồi trong chúng, cách đức Thế tôn không xa. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo Ca-lâu: «Theo pháp luật của nhà Vua, không cho mà lấy, vật trị giá bao nhiêu phải tội chết?»[70] Tỳ-kheo Ca-lâu bạch Phật: «Nếu lấy năm tiền[71] hay vật trị giá năm tiền sẽ bị tội chết.» «Tỳ-kheo Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca, rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo Đàn-ni-ca là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa,... cho đến để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị Vua hay Đại thần của Vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng ‹Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[72] C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: Nghĩa như trên. Thôn : có bốn loại, 1. Chung quanh đều có tường xây thấp. 2. Chung quanh có hàng rào. 3. Có rào và tường nhưng không giáp vòng. 4. Chung quanh đều có nhà.[73] Chỗ trống vắng:[74] khoảng đất trống không và vắng vẻ ở ngoài thôn. Vật không được cho: vật mà người khác không vất bỏ.[75] Trộm cắp: lấy với tâm trộm cắp.[76] Tùy theo vật không được cho mà lấy: là năm tiền hay trị giá năm tiền.[77] Vua: là người tự tại, không lệ thuộc ai. Đại thần: Chỉ chung cho các vị Đại thần trợ giúp nhà Vua. Ba-la-di không được sống chung: như trên đã nói. D. PHẠM TƯỚNG Có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: tự tay lấy, giám sát sự lấy, khiến người lấy. Lại có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: lấy vật với ý tưởng không phải của mình, lấy vật với ý chẳng phải tạm dùng, lấy vật không được đồng ý. Lại có ba loại[78] lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có ba loại lấy: lấy vật có chủ, tưởng là có chủ, di chuyển khỏi nguyên vị trí. Lại có ba loại lấy: lấy vật có người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có bốn loại lấy vật không cho thành ba-la-di:[79] tự tay mình lấy, giám sát sự lấy, sai người lấy, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có bốn loại lấy thành ba-la-di: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không phải lấy tạm, không được đồng ý mà lấy, và dời khỏi nguyên vị trí. Lại có bốn loại lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, trọng vật,[80] dời khỏi nguyên vị trí. Lại có bốn loại lấy: có chủ, tưởng là có chủ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có bốn loại lấy: người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có năm loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người khác lấy, khiến người khác lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có năm loại: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không có ý tạm lấy, chẳng phải đồng ý mà lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có năm loại lấy: lấy vật của người, tưởng là vật của người, trọng vật, với tâm trộm, và dời khỏi nguyên vị trí. Lại có năm loại: có chủ, tưởng có chủ, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có năm loại lấy: vật có người khác giám hộ, trọng vật, với tâm trộm cắp, dời khỏi nguyên vị trí. Lại có sáu loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người lấy, sai người lấy, trọng vật, với tâm trộm cắp, và dời khỏi chỗ cũ. Chẳng phải vật của mình, tưởng là chẳng phải vật của mình, có sáu loại như vậy. Đó gọi là sáu loại lấy trộm phạm tội ba-la-di. Vị trí :[81] vị trí trong lòng đất, vị trí trên đất, vị trí trên cộ, vị trí trong gánh, vị trí trong hư không, vị trí trên cây, vị trí thôn, vị trí a-lan-nhã, vị trí ruộng, vị trí xứ sở, vị trí ghe thuyền, vị trí nước. Hoặc lén qua ải mà không đóng thuế. Hoặc lấy vật của người khác ký thác. Hoặc lấy nước; lấy tăm, trái cây, thảo mộc, chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sản nghiệp chung. Hoặc cùng hẹn,[82] hoặc rình chờ,[83] hoặc canh giữ,[84] hoặc chặn lối đường hiểm. Như vậy gọi là vị trí.[85] Vị trí trong lòng đất :[86] các kho tàng chôn dưới đất chưa ai phát hiện, như bảy báu gồm vàng, bạc, lưu ly, chơn châu, bích ngọc, xa cừ, mã não; các thứ vàng ròng,[87] vật báu làm bằng vàng, áo, chăn; hoặc lại có những nhu yếu phẩm khác có chủ và được chôn trong lòng đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Vị trí trên đất :[88] các thứ không chôn dưới đất như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ và ở trên mặt đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Vị trí trên cộ :[89] cộ có bốn loại, cộ voi, cộ ngựa, cộ xe, cộ đi bộ. Hoặc lại có các phương tiện chuyên chở khác đều gọi là cộ. Các thứ trên cộ như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, [574a1] nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc dẫn xe cộ từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm, như vậy lấy cộ rời khỏi nguyên vị trí. Vừa rời khỏi nguyên vị trí, phạm ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy, phạm tội thâu-lan-giá. Vị trí gánh : vật đội trên đầu, vật vác trên vai, vật cõng sau lưng, hay ôm trước ngực; hoặc lại có các vật khuân vác khác. Trên những gánh này có các vật như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc mang gánh từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm. Như vậy với tâm trộm mà mang khỏi chỗ cũ; vừa rời khỏi vị trí của vật, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy mắc tội thâu-lan-giá. Vị trí trống không :[90] những vật mà gió thổi bay như lông, kiếp-bối, câu-giá-la, sai-la-ba-ni, sô ma, gai, bông, bát-đam-lam-bà, đầu-đầu-la, chim nhạn, chim hạc, chim khổng tước, chim anh võ, chim bồ câu. Lại có vật hữu dụng khác, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nỗi, phạm thâu-lan-giá. Vị trí bên trên : [91] vật được nhấc lên để trên cây, trên tường, trên rào, trên vực, trên cọc bằng ngà voi,[92] trên giá móc áo, trên võng, trên giường cây, trên nệm lớn nhỏ, trên gối, trên chiếu trải trên đất. Trên những thứ này mà có vàng, bạc, v.v... cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Vị trí thôn : Có bốn loại thôn xóm như trên đã nói.[93] Trong thôn xóm này, có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Dùng máy móc công kích, phá hoại thôn xóm; hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện bác mê hoặc lừa dối mà lấy; vừa lấy được, thành ba-la-di; phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Vị trí a-lan-nhã : vùng đất trống ở ngoài thôn mà có chủ. Nơi chỗ đất trống nầy mà có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc bằng phương tiện phá hoại vùng đất trống của người khác, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Vị trí ruộng : ruộng trồng lúa dé, ruộng trồng lúa mạch, ruộng trồng mía. Hoặc lại có các loại ruộng khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại ruộng của người hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Xứ sở :[94] hoặc là khu vực của nhà, hoặc khu vực chợ quán, hoặc là vườn cây, hoặc là vườn rau, hoặc ao hồ, hoặc sân trước, hoặc sau nhà, hoặc là những nơi khác mà ở đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại xứ sở của người, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Vị trí ghe thuyền : thuyền nhỏ, thuyền lớn, thuyền bầu,[95] thuyền độc mộc,[96] thuyền bành, thuyền buồm, thuyền hình con rùa, thuyền hình con ba ba, thuyền bằng da, thuyền bằng phao nổi, thuyền bằng trái cây,[97] thuyền treo,[98] thuyền cánh bè; hoặc những loại thuyền khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Hoặc từ bờ này đến bờ kia, từ bờ kia đến bờ này; hoặc ngược dòng, hoặc xuôi dòng; hoặc cho chìm dưới đáy nước, hoặc dời lên trên bờ; hoặc cởi (thuyền) rồi dời đi chỗ khác, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không được, mắc tội Thâu-lan-giá. Vị trí nước : kho tàng chứa vàng bạc bảy báu và các thứ áo chăn chìm dưới đáy nước, hoặc con rái cá, hoặc cá, hoặc ba ba, hoặc cá sấu,[99] hoặc hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi,[100] và các vật khác ở trong nước, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Nếu dùng phương tiện phá hoại chỗ nước của người... cho đến, mắc tội thâu-lan-giá, như trên đã nói. Không đóng thuế :[101] theo pháp luật, tỳ-kheo không phải đóng thuế. Nếu vật của bạch y cần phải đóng thuế mà tỳ-kheo với tâm ăn trộm mang hộ cho người khác qua khỏi chỗ đóng thuế, hoặc ném ra ngoài cửa ải, vật trị giá năm tiền hay trên năm tiền, hoặc chôn dấu, di chuyển, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối, hoặc dùng chú thuật để đưa qua... cho đến, phương tiện, thì phạm thâu-lan-giá, như trên. Lấy vật ký thác của người: vật của người gởi mang đi mà đem tâm trộm cắp, trị giá năm tiền hay trên năm tiền; từ trên đầu dời xuống vai, từ trên vai dời lên đầu;[102] từ bên vai hữu dời qua bên vai tả, từ bên vai tả dời qua bên vai hữu; từ nơi tay tả dời qua tay hữu, từ tay hữu dời qua tay tả; hoặc ôm trong lòng, hoặc để nơi đất mà dời khỏi nguyên vị trí. Vừa dời khỏi vị trí cũ, thành ba-la-di. Phương tiện... thâu-lan-giá. Nước: các loại nước thơm, hoặc nước thuốc, được đựng trong các đồ đựng nước như lu, vại lớn nhỏ, hoặc các loại dụng cụ chứa nước khác, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá. Tăm:[103] hoặc một hoặc hai, hoặc nhiều cây, hoặc một nắm, một bó, một ôm, một gánh; hoặc có ướp hương, hoặc có thoa thuốc, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Vườn: tất cả cỏ cây rừng rú hoa quả có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Chúng sanh không chân: như rắn, cá, và tất cả các loài chúng sanh không có chân khác có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Chúng sanh hai chân: loài người, loài phi nhơn, chim và các loại chúng sanh hai chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Chúng sanh bốn chân : [575a1] như voi, ngựa, bò, lạc đà, lừa, nai, dê và các loại chúng sanh bốn chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Chúng sanh nhiều chân : như ong, uất-châu-long-già,[104] hoặc rết,[105] hay chúng sanh nhiều chân khác, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Sản nghiệp chung:[106] tài vật kiếm được do sự nghiệp chung cần phải chia chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Cùng hẹn:[107] cùng với người khác giao ước, lúc nào đó đi, lúc nào đó đến; hoặc đục vách lấy của, hoặc giữa đường cướp lấy, hoặc đốt cháy; từ đó được tài vật chung. Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Dò xét: «Tôi sẽ đến quan sát thôn kia; hoặc thành ấp, chỗ thuyền đò, hang núi, hoặc chỗ dân cư, chỗ chợ quán, nơi làm việc.» Những tài vật thu được từ những nơi đó thành của chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Canh giữ: «Tôi sẽ canh giữ tài vật kiếm được từ bên ngoài. Những vật kiếm được chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá. Canh đường: «Tôi sẽ canh gác nơi đường. Nếu có quân của nhà Vua đến, quân của giặc đến, quân của trưởng giả đến sẽ báo cho nhau biết. Tài vật kiếm được sẽ chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà được năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền được dưới năm tiền, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà không được, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu năm tiền mà được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà không được, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền mà không được, đột-kiết-la. Sai người phương tiện tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền, được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được dưới năm tiền cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà hơn năm tiền, người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được năm tiền; người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà không được, cả hai đều phạm đột-kiết-la. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; nhưng người được dạy lấy vật khác; người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, hoặc hơn năm tiền; nhưng người nhận lời dạy lại lấy vật ở chỗ khác, người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; người nhận lời dạy là người bị sai chứ không có tâm trộm cắp, lấy được năm tiền hoặc hơn năm tiền, người dạy phạm ba-la-di, kẻ bị sai không phạm. Nếu sai người lấy vật,[108] người nhận lời dạy hiểu là dạy lấy trộm; nếu lấy được trị giá năm tiền hoặc hơn năm tiền, người nhận lời dạy phạm ba-la-di, người dạy không phạm. Có chủ, biết rõ là có chủ, không cho mà lấy, trị giá năm tiền hay hơn năm tiền, phạm ba-la-di. Nghi là có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Không chủ, tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Không chủ tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Nghi là vật không chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Lấy vật có chủ, tưởng vật có chủ, dưới năm tiền, phạm đột-kiết-la. Không chủ tưởng là có chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la. Nghi là vật không chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di-ni: đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó là phạm. Sự không phạm: lấy với ý tưởng được cho, tưởng là của mình, với ý tưởng là đồ vất bỏ, với ý tưởng tạm lấy, với ý tưởng là thân hữu... tất cả những trường hợp trên không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. Đó là không phạm.[109]
Chú thích : [1] (T22n1428, tr.568c6 四波羅夷法之一) [2] Tô-la-bà quốc 蘇羅婆國; Ngũ phần: Tu-lại-bà quốc 須賴婆國; cả hai phiên âm từ Skt. Śūrasena (Pali: Sūrasena), 1 trong 16 đại quốc thời Phật; xem Trường A-hàm 5, «Kinh Xà-ni-sa;» D.18. Javasabha. Tăng kỳ: Xá-vệ quốc 舍衛國, (Skt. Śrāvasti, Pali: Sāvatthī). Thập tụng: Phật tại Tì-da-li 毘耶離, Skt. Vaiśāli (Pali: Vesālī). [3] Tì-lan-nhã 毘籣若. Pali: Verañjā, thị trấn gần Sāvatthī, trên đường đi Vesālī. [4] Na-lân-la-tân-châu-mạn-đà-la 那隣羅濱洲曼陀羅; Pali: Naḷerupucimanda, cây pucimanda (Nimba) có miếu thờ dạ-xoa Naḷeru. Ngũ phần: trú lâm thọ hạ 住林樹下. [5] Vô trước nhân 無著人 , một dịch nghĩa khác của từ A-la-hán. [6] Ba-li quốc 波離國; Ngũ phần: Ba-lị quốc 波利國. Pali (Vin.iii. 6): Uttarāpathakā assavāṇijā, những người buôn ngựa từ Uttarāpatha, địa danh chỉ chung vùng Bắc Ấn. [7] Uất-đan-việt 鬱單越; Skt.(=Pali): Uttarāpatha. [8] Tự nhiên canh mễ 自然粳米, một thứ lúa tự nhiên mọc, không do người trồng; xem Trường A-hàm 6, kinh Tiểu duyên, Đại 1 tr. 38a1. Cf., D.iii.88 (Aggañña-suttanta): akaṭṭha-pāko sāli pātur ahosi akaṇo athuso, xuất hiện loại lúa chín tự nhiên không do gieo trồng, không vỏ, không cám. [9] Pali (Vin.iii. 7), Mahāmoggallāna bạch Phật: «Phần dưới kia của đại địa này rất sung túc. Con sẽ chuyển ngược đại địa để các tỳ-kheo có thể có thức ăn.» [10] Nguyên Hán: trượng phu 丈夫. [11] Tỳ-bà-thi Phật 毘婆尸佛; Ngũ phần: Duy-vệ Phật 維衛佛. Pali: Vipassī [12] Thức Phật 式佛; Ngũ phần: Thi-khí Phật 尸葉佛. Pali: Sikhī. [13] Câu-lưu-tôn Phật 拘留孫佛; Ngũ phần: Câu-lâu-tôn Phật 拘樓孫佛. Pali: Kakusandha. [14] Ca-diệp Phật 迦葉佛. Pali: Kassapa. [15] Tuỳ-diệp Phật 隨葉佛. Pali: Vissabhu. [16] Câu-na-hàm Mâu-ni Phật 拘那含牟尼佛 Konāgamana. [17] Pali, Pārājikā I, tr.7: các Thế tôn Vipassī, Sikkhī và Vessabhu, phạm hạnh không tồn tại lâu dài. Các Thế tôn Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa có phạm hạnh tồn tại lâu dài. Ngũ phần (T22n1421, tr.1b26) cũng nói như Pali. [18] 12 bộ phận Thánh điển : Khế kinh 契經, Kỳ-dạ kinh 祇夜經, Thọ ký 授記經, Cú kinh 句經, Nhân duyên kinh因緣經, Bản sanh kinh本生經, Thiện đạo kinh善道經, Phương đẳng kinh 方等經, Vị tằng hữu kinh 未曾有經, Thí dụ kinh 譬喻經, Ưu-bà-đề-xá kinh 優波提舍經. Liệt kê theo Pali, chỉ có 9: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthā udānaṃ itivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ. [19] Có điểm ngữ pháp đáng lưu ý trong bản Hán dịch. Trong bản Pali (Vin. iii. 8): (...) kilāsuno ahesuṃ sāvakānaṃ vitthārena dhammaṃ desetuṃ, «(Các đức Thế tôn này) không tích cực (=mệt mỏi) thuyết pháp cho các đệ tử.» Tính từ kilāsuno (mệt mỏi = không tích cực, chủ cách, số nhiều, Hán: bì yếm 疲厭) phẩm định các danh từ Thế tôn (bhagavā ) chứ không phẩm định cho danh từ sāvakānaṃ (chỉ định cách, số nhiều, Hán: chư đệ tử 諸弟子) như trong Hán dịch. [20] Ngũ phần (T22n1421, tr.1c10): «Thuyết pháp cho đệ tử bằng tâm niệm chứ không nói ra miệng rằng...» [21] Khủng úy lâm 恐畏林. Ngũ phần: khủng bố lâm 恐怖林. Pali.: aññtarasmiṃ bhiṃsanake vanasaṇḍe, trong một khu rừng có nhiều sự kinh sợ kia. Hình như không chỉ khu rừng có tên là Kinh sợ (Khủng bố hay Khủng uý). Trong thời Thích tôn, cũng có một khu rừng mang tên như vậy, Pali: Bhesakalāvana (Khủng bố lâm) thuộc nước Bhagga (Bà-kỳ); Cf. A.ii. 61, iii. 295; S.iii. 1, iv. 116. [22] Pali kết luận: «Do nguyên nhân này, phạm hạnh (brahmacariya) của các Thế tôn Vipassī, Sikkhī, Vessabhu không tồn tại lâu dài (na ciraṭṭhitikaṃ ahosi).» [23] Pali: buddhānubhānaṃ sāvakānaṃ, các đệ tử đã giác ngộ theo Phật. [24] Hán: thả chỉ 且止. Pali: āgamehi tvaṃ Sāriputta, «Hãy chờ đợi, này Xá-lợi-phất.» [25] Con trai của Tu-đề-na ở thôn Ca-lan-đà 迦蘭陀村須提那子. Ngũ phần: con trai của trưởng giả Na-lan-đà tên là Tu-đề-na. Tăng kỳ: thành Tỳ-da-ly có con trai trưởng giả tên là Da-xá 耶舍. Thập tụng: Con trai trưởng giả tên là Tu-đề-na Gia-lan-đà 加蘭陀 Căn bản: Con trai của Yết-lan-đạc-ca tên là Tô-trần-na 羯蘭鐸迦子蘇陳那. Pali (Vin.iii. 11): Sudinno nāma Kalanda(ka)putto seṭṭhiputto, Sudinna, con trai của phú hộ Kalandaka. [26] Tứ phần, Căn bản: Chủng Tử 種子. Tăng kỳ, Thập tụng: Tục Chủng 續種. Pali: Bījaka. [27] Pali, Vin.iii.19, về sau, Bījaka và mẹ đều xuất gia, và cả hai đều đắc quả A-la-hán. [28] Nguyên Hán: cố nhị 故二. Pali: purāṇadutiyakā. [29] Nghĩa 義; đây hiểu là phù hợp với mục đích giải thoát. [30] Các thí dụ về tai hại của dục, xem Trung A-hàm 54 (T1, tr.763c17); Cf. Pali, M.22. Alagaddūpama. [31] Tập thập cú nghĩa 集十句義. Ngũ phần, Thập tụng: dĩ thập lợi cố 以十利故; Tăng-kỳ: thập sự lợi ích 十事利益. Pali: dasa atthavase paṭicca, căn cứ trên 10 ý nghĩa (mục đích). [32] Ngũ phần (T22n1421, tr.3c1): 1. Tăng hoà hiệp; 2. Tăng đoàn kết; 3. Chế ngự người xấu; 4. Để cho người biết hổ thẹn được yên vui; 5. Đoạn hữu lậu đời này; 6. Diệt hữu lậu đời sau; 7. Khiến người chưa tin có tín tâm; 8. Khiến người có tín tâm được tăng trưởng; 9. Để Chánh pháp lâu dài; 10. Phân biệt tì-ni phạm hạnh tồn tại lâu dài. Tăng kỳ (T22n1425, tr.228c24): 1. Nhiếp Tăng; 2. Cực nhiếp Tăng; 3. Để Tăng an lạc; 4. Chiết phục người không biết hỗ thẹn; 5. Để người có tàm quý sống yên vui; 6. Người chưa tin được tin; 7. Người đã tin thì tin thêm; 8. Trong đời này được lậu tận; 9. Các lậu đời vị lai không sinh; 10. Để chánh pháp cửu trụ. Căn bản (T23n1442, tr.629b22), như Pali. Pali, Vin.iii. tr.32: saṅghasuṭṭhutāya (vì sự ưu mỹ của Tăng); saṅghaphāsutāya (vì sự an lạc của Tăng); dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya (để chế phục hạng người không biết hỗ thẹn) ; pesalānaṃ bhikhūnaṃ phāsuvihārāya (để các tỳ-kheo nhu hòa sống an lạc); diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya (để ngăn chặn hữu lậu đời này); sampāratikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya (để đối trị hữu lậu đời sau); appasannānaṃ pasādāya (vì tịnh tín của người chưa có tín); pasannānaṃ bhiyyobhāvāya (vì sự tăng trưởng của người có tín); saddhammaṭṭhitiyā (vì sự trường tồn của chánh pháp); vinayānuggahāya (để nhiếp hộ tì-ni). [33] Bạt-xà Tử 跋闍子 . Tăng kỳ (T22n1425, tr.231b24), Phật trụ Tì-xá-li, có hai người Li-xa 離車子. Thập tụng (T23n1435, tr.1c22), Phật tại Xá-vệ, tỳ-kheo tên Bạt-kì Tử 跋耆子. Ngũ phần (T22n1421, tr.4a1), một số đông các tỳ-kheo; nhưng sự kiện được đề cập sau nhân duyên vượn cái. Pali, Vin.iii.23, sambahulā vesālikā vajjiputtakā bhikkhū, một số đông các tỳ-kheo người Vajji ở Vesālī. Nhưng sự kiện đề cập sau nhân duyên vượn cái như Ngũ phần. [34] Nguyên Hán: Giới luy bất tự hối 戒羸不自悔 . Thập tụng: giới luy bất xuất 戒羸不出. Pali: dubbalyaṃ anāvikatvā, không tuyên bố sự bất lực của mình (không kham nổi đời sống tỳ-kheo). [35] Khất thực tỳ-kheo 乞食比丘; Tỳ-kheo sống chỉ bằng khất thực; một trong 12 hạnh đầu đà. Ngũ phần (T22n1421, tr.3c6): a-lan-nhã tỳ-kheo 阿練若比丘; Thập tụng (T23n1435, tr.2a1), một tỳ-kheo sống một mình trong rừng, ở Câu-tát-la. Pali (Vin. iii. 22), một tỳ kheo sống trong rừng Đại lâm (Mahāvana), Vesāli. [36] Hán: thư di hầu 雌獼猴; Pali: makkaṭī. [37] Hán: án hành trú xứ 案行住處; Ngũ phần: án hành ngoạ cụ 案行臥具. Pali, nt., senāsanacarikaṃ āhiṇḍantā, du hành để tìm chỗ ngủ nghỉ. [38] Khất cầu tỳ-kheo 乞求比丘; Ngũ phần: khất tỳ-kheo 乞比丘; Thập tụng (T23n1435, tr.2b30): khất tỳ-kheo, vì xin ăn nơi người khác. Như bà-la-môn khi đi xin ăn cũng tự nói ‹Ta là tỳ-kheo.› Pali: bhikkhakoti bhikkhu, tỳ-kheo, là người hành khất. [39] Cát tiệt y 割截衣; Ngũ phần: hoại sắc cát tiệt y 壞色割截衣. Pali: bhinnapaṭadharoti bhikkhu, tỳ-kheo, là người mặc y từ những miếng vải rách. [40] Pali: samaggena saṅghena ñatticatutthena kammena akuppena ṭhānārahena upasampanno ti bhikkhu, tỳ-kheo, là người thọ cụ túc (=đã thành tựu) với sự hợp cách không di động do bạch tứ yết-ma bởi Tăng hoà hiệp. [41] Hán: cộng tỳ-kheo 共比丘. Pali: bhikkhūnaṃ, sở hữu cách số nhiều của bhikkhu: (học xứ) của các tỳ-kheo. Bản Hán hiểu là chỉ định cách: ‹đối với (=dành cho) các Tỳ-kheo›. [42] Đồng giới 同戒; Ngũ phần: đồng học giới pháp 同學戒法; Thập tụng: đồng nhập tỳ-kheo học pháp 同入比丘學法 ; Căn bản: đồng đẳng học xứ. Pali: sikkhā-sājīva-samāpanno, đã chấp nhận đời sống và học xứ (của các tỳ-kheo); giải thích (Vin. iii. 23): sikkhā (học) chỉ cho ba học: tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ (adhisīla, adhicitta, adhipaññā); sājīvaṃ (đời sống): chỉ các học xứ mà Phật đã qui định (bhagavatā paññattaṃ sikkhāpadaṃ). [43] Nghĩa là, cảm thấy xấu hổ khi nghĩ mình là tỳ-kheo. Cf. Pali, Vin.iii.24: bhikkhubhāvaṃ aṭṭīyamāno harāyamāno, khó chịu và xấu hổ vì mình là tỳ-kheo. [44] Cf. Pali, nt., sāmaṇerabhāvaṃ patthayamāno, ước muốn làm sa-di (hơn là làm tỳ-kheo). [45] Cf. Pali, nt., titthayasāvakabhāvaṃ patthayamāno, ước muốn làm đệ tử của ngoại đạo [46] Chư phạm hạnh 諸梵行 ; cũng nói là đồng phạm hạnh (Pali: sabrahmacārin) đây chỉ các tỳ-kheo đồng học, hay bạn đồng tu. [47] Hán: giới luy 戒羸 . Pali, nt., dubbalyaṃ, sự yếu đuối (của mình). [48] Bất tịnh hạnh (hành) 不淨行 , cũng nói là phi phạm hạnh. Phạm hạnh (Skt.=Pali: brahmacariya) nguyên nghĩa, sống cuộc đời (đoạn dục để) phụng sự Phạm thiên. Trong Phật giáo, chỉ sự đoạn trừ dâm dục. Luận trí độ 20: «Chư thiên đoạn trừ dâm dục đều được gọi là Phạm.» Hán dịch «tịnh hạnh» theo nghĩa ly dục thanh tịnh. [49] Ngũ phần (T22n1421, tr.4c21): «Ba-la-di, gọi là đọa pháp, là ác pháp, là đoạn đầu pháp.» Tăng kỳ (T22n1425, tr.237b24): «Ba-la-di, là đối với pháp trí mà thối thất, đọa lạc, không có đạo quả phần.» Thập tụng (T23n1435, tr.4b13): «Ba-la-di, là đọa lạc, không bằng 墮不如; là tội cực ác, sâu nặng.» Căn bản (T23n1442, tr.630c6): «Ba-la-thị-ca 波羅市迦, là tội cực trọng, rất đáng ghê tởm, rất đáng bị ruồng bỏ... mất thể tính Bí-sô, trái ngược với thể tính Niết-bàn; là sự đọa lạc, sụp đổ, bị kẻ khác đánh bại không còn cứu được nữa.» Pali, Vin.iii.28: pārājiko hotī ti seyyathāpi nāma puriso sīrascchinno abhobbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ, «Pārājika, người phạm ba-la-di, như một người mà cái đầu đã bị chặt không thể sống với thân được ráp nối lại.» [50] Bất cộng trú 不共住. Pali, nt., asaṃvāso ti saṃvāso nāma ekakammaṃ ekuddeso samasikkhatā, «Bất cộng trú: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới, đồng đẳng học xứ, đó là cộng trú.» [51] Nhị hình 二形 . Ngũ phần, Thập tụng: nhị căn 二根. Pali: ubhatovyañjana, lưỡng tính, ái nam ái nữ. [52] Huỳnh môn 黃門 , bất năng nam 不能男. Căn bản: bán-trạch-ca 半擇迦. Pali: paṇḍaka, người bị hoạn/ thiến. [53] Phi nhân 非人 , chỉ các loại trời, thần, và tương tự. Pali: amanussa. [54] Đạo 道, chỉ các đường đại và tiểu tiện; phi đạo 非道, chỉ các đường khác. Pali: magga: passāva-magga, vacca-magga. [55] Thâu-lan-giá 偷蘭遮 . Ngũ phần: thâu-la-giá 偷羅遮. Pali: thulla/thūlaccaya; Skt. sthūlātyaya, dịch: thô tội, đại tội, trọng tội; Thiện kiến 9: «Thâu-lan (Pali: thulla, thūla; Skt. sthūla), nghĩa là lớn. Giá 遮, chỉ sự chướng ngại đạo, về sau đọa ác đạo.» [56] Thập tụng (T23n1435, tr.2c29), nhân duyên Nan-đề: Phật tại Xá-vệ. Bấy giờ Nan-đề tu thiền trong rừng, bị Ma thiên thần dụ, dẫn đến chỗ hành dâm với con ngựa cái đã chết. Ngay sau đó tức thì tỉnh ngộ, chạy thẳng về tinh-xá, khẩn thiết xin Tăng đừng diệt tẫn. Phật khiến các tỳ-kheo tác pháp bạch tứ yết-ma cho Nan-đề sám tội ba-la-di, gọi là «Yết-ma dữ học pháp 與學法 .» Nhân đó, Phật quy định các điều kiện và các phận sự cho tỳ-kheo được dữ học pháp. Cf. Tứ phần 35 (T22n1428, tr.809a8), về yết-ma dữ học pháp cho Nan-đề. [57] Tăng kỳ (T22n1425, tr.238a23) phần kết, «Thế tôn trú tại thành Tỳ-da-ly, sau thành đạo năm thứ 5, nửa tháng thứ năm, ngày 12, sau bữa ăn trưa, bóng ngả về phía đông cỡ nửa người đang ngồi, nhân trường hợp Trưởng lão Da-xá Ca-lan-đà Tử, chế giới này.» [58] La-duyệt thành Kỳ-xà-quật sơn 羅閱城耆闍崛山. Ngũ phần (T22n1421, tr.5b1), Phật tại Vương-xá thành王舍城. Căn bản (T23n1442, tr.635c24): Phật tại Vương-xá, bên bờ ao Yết-lan-đạc, trong vườn Trúc lâm 王舍城羯闌鐸迦池竹林園中. Pali, Vni.iii.41: rājagahe viharati gijjhakūṭe pabbate. [59] Đàn-ni-ca đào sư tử 檀尼迦陶師子 . Ngũ phần, Thập tụng: Đạt-ni-ca 達尼迦. Tăng kỳ: ngoã sư tử trưởng lão Đạt-nị-già 瓦師子長老達膩伽. Căn bản: Đản-ni-ca bí-sô đào sư tử 但尼迦苾芻陶師子. Pali: dhaniyo kumbhakāraputto. [60] Nhàn tĩnh xứ 閑靜處 , cũng nói là a-lan-nhã (Pali: arañña), thường chỉ khu rừng vắng, không thú dữ. Ngũ phần: Ất-la sơn 乙羅山. Căn bản: tại a-lan-nhã 阿蘭若. Pali: Isigilipassa, hang Tiên nhân. [61] Hán: toàn thành ngõa ốc 全成瓦屋. Pali: sabbamattikāmayaṃ kūṭikaṃ, căn nhà làm toàn bằng đất sét. [62] Ngũ phần (T22n1421, tr.5b21): Tỳ-kheo làm nhà toàn bằng gạch nung, phạm thâu-lan-giá. [63] Pali còn thêm: mā pacchimā janatā pāṇesu pātavyataṃ āpajjati, chớ để người sau gây hại cho các sinh vật. [64] Ma-kiệt quốc Bình-sa vương 摩竭國瓶沙王. Thập tụng: Ma-kiệt quốc chủ Vi-đề-hi Tử A-xà-thế vương 摩竭國主韋提希子阿闍世王. Căn bản: Ma-yết-đà quốc Thắng Thân chi tử Vị Sinh Oán Vương 摩揭陀國勝身之子未生怨王. Pali, Vin.iii.43, chuyện xảy ra dưới triều vua Seniya Bimbisāra vua nước Magadha. [65] Thủ tài nhân 守材人. Ngũ phần: điển tài lệnh 典材令. Tăng kỳ: mộc tượng đại thần Da-thâu-đà 木匠大臣耶輸陀. Thập tụng: tài mộc sư 材木師. Căn bản: chưởng mộc đại thần 掌木大臣. Pali: dārugaha gaṇaka. [66] Cf. Vin.iii. 43: devagahadārūni nagarapaṭisaṅkhārikāni, gỗ được giữ cho Vua để tu sửa thành. [67] Ngũ phần: Vũ xá đại thần 雨舍大臣. Pali: Vassakāra, đại thần của nước Magadha. [68] Sát-lợi vương Thủy kiêu đầu chủng 剎利王水澆頭種. [69] Ca-lâu 迦樓. V.iii. 45: purāṇavohāriko mahāmatto, (tỳ-kheo) nguyên là đại thần tư pháp. [70] Vin. nt., ... coraṃ gahetvā hanati vā bandhati vā pabbājeti vā, «... sau khi bắt tên trộm hoặc sát hại, hoặc cột trói, hoặc trục xuất.» [71] Vin.nt., pādena... tena kho pana samayena rājagahe pañcamāsako pādo hoti, «bằng 1 pāda... thời bấy giờ, ở Rājagaha, 1 pāda = 5 māsaka.» [72] Ngũ phần, giới này được kết hai lần. Tăng kỳ, giới được kết ba lần; thời gian kết giới: Thành đạo năm thứ 6, mùa đông, nửa tháng phần hai, ngày 10 (tức ngày 20 tháng âm lịch), sau bữa trưa, lúc bóng sáng ngả về đông dài bằng 2 người rưỡi. Thập tụng, Căn bản, cũng như Tứ phần, giới kết một lần. Pali, giới kết hai lần. [73] Pali còn thêm yếu tố: chỗ mà một thương đội đóng trại hơn 4 tháng cũng được gọi là làng (gāma). [74] Nhàn tĩnh xứ. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: không địa 空地. Căn bản: không nhàn xứ 空閑處. Pali, Vin.ii.48: araññaṃ, khu rừng, và giải thích, trừ làng và các khu phụ cận làng, còn lại đều là arañña (ṭhapetvā gāmañ ca gāmūpacārañ ca avasesaṃ araññaṃ nāma). [75] Bất dữ thủ 不與取 . Pali: adinnaṃ nāmaṃ yaṃ adinnaṃ anissaṭṭhaṃ apariccattaṃ rakkhittaṃ gopitaṃ mamāyitaṃ parapariggahitaṃ (Vin.iii.46), vật không được cho, là những gì không được cho, không được tặng, không bị vất bỏ, được bảo vệ, được canh chừng. [76] Đạo tâm thủ 盜心取 ; Ngũ phần (T22n1421, tr.6a22): vật sở thuộc của người khác, được người khác bảo vệ, không được cho mà lấy, gọi là đạo tâm 盜心. Pali: theyyasaṅkhātan ti theyyacitto avaharaṇacitto, với tâm lén trộm, với tâm cướp giựt, gọi là (lấy) bằng cách lén trộm. [77] Ngũ tiền 五錢 ; Tăng kỳ (T22n1425, tr.244b1): Vương pháp không nhất định. Hoặc trộm nhỏ mà chết. Hoăc trộm lớn mà không chết. Theo phép vua Bình-sa, 19 tiền là 1 kế-lị-sa-bàn (Pali: kahāpaṇa); 1 kế-lị-sa-bàn phân làm tư; trộm vật giá trị ¼ thì bị tội chết. Căn bản: ngũ ma-sái 五摩灑. Pali, Vin.iii. tr.48: pañcamāsakaṃ. Theo nghĩa đen, 1 māsaka (Skt. māṣaka) là vật có giá trị trao đổi bằng 1 hạt đậu (đỗ). [78] Hán: tam chủng 三種, khác với trên chỉ 3 trường hợp; từ đây trở xuống, chủng (loại), chỉ các yếu tố hội đủ để cấu thành tội phạm. [79] Nên hiểu là 4 yếu tố hội đủ để cấu thành tội phạm. [80] Thập tụng: trọng vật 重物 , chỉ vật giá trị 5 tiền hoặc quá 5 tiền. [81] Hán: xứ 處, xác định nguyên vị trí của vật trộm để xác định yếu tố cấu thành tội phạm. [82] Pali: saṅketakammaṃ, hẹn nhau ăn trộm. [83] Pali: ocarako, trinh sát. [84] Pali: oṇirakkho, người canh giữ tài vật (do người khác ký thác), lấy trộm vật mình canh giữ. [85] Tăng kỳ 3 (T22n1425, tr.245a28), 16 vật: đất, vật trong đất, nước, vật trong nước, thuyền, vật trong thuyền, cộ, vật trong cộ, loài bốn chân, vật trên (thân) loài bốn chân, hai chân, vật trên (thân) loài hai chân, không chân, vật trên (thân) loài không chân, hư không (?), vật trong hư không. [86] Địa xứ 地處. Pali: bhūmaṭṭhaṃ. [87] Nguyên Hán: sanh tượng 生像, Pali, theo nghĩa đen: jātarūpa. [88] Địa thượng xứ 地上處. Pali: thalaṭṭhaṃ, vật trên đất liền. [89] Hán: thừa 乘, cũng đọc là thặng. Ngũ phần: thừa thừa vật 乘乘物, xe cộ và vật trong xe cộ. Pali: yānaṃ yānaṭṭhaṃ xe cộ và vật trong/trên xe cộ. [90] Không xứ 空處; Ngũ phần: hư không vật 虛空物, chỉ vật được đặt vào hư không do bởi thần lực, hoặc vật ngậm bởi chim có chủ, hoặc vật có chủ mà gió thổi đến. Tăng kỳ: hư không hư không trung vật 虛空虛空中物, chỉ các loại cây lá, hoa quả. Pali: ākāsaṭṭhaṃ, vật trong hư không, chỉ những vật phi hành trong hư không (ākāsagataṃ): chim chóc, giải lụa, vải vóc, cho đến vàng (từ trên người) bị rơi xuống đất. [91] Thượng xứ 上處; trong liệt kê nói là thọ thượng 樹上. Pali: vehāsaṭṭhaṃ, nghĩa gần như trong hư không, nhưng được giải thích là vật trên giường, trên ghế, trên tượng, trên cọc, v.v... [92] Nguyên Hán: long nha 龍牙. Xem cht.39, Ni-tát-kỳ 15. [93] Pali: gāmaṭṭhaṃ, trong thôn xóm, vật được cất tại bốn chỗ: trong đất (bhūmaṭṭhaṃ), trên đất liền (thalaṭṭhaṃ), trong hư không (ākāsaṭṭhaṃ), trong khoảng trống (vehāsaṭṭhaṃ). [94] Xứ sở 處所, chỉ phạm vi cư trú của người. Pali: vihāraṭṭhaṃ, vật trong khu vực cư trú, có bốn chỗ, như trong thôn xóm, xem cht. 93 trên. [95] Bản Cao-ly: đài thuyền 臺船; Tống-Nguyên-Minh: hồ thuyền 壺船 Pali: nāvā nāma yāya tarati, thuyền, chỉ phương tiện qua sông. [96] Nhất mộc thuyền 一木船, loại ghe thuyền được làm từ một khúc cây/gỗ. [97] Quả thuyền 果船. [98] Huyền thuyền 懸船. [99] Nguyên Hán âm: thất-thâu ma-la 失收摩羅; Pali: suṃsumāra (Skt. śiśumāra), cá sấu. [100] Các loại hoa trong nước : ưu-bát-la 優钵羅 (Pali: uppala, Skt. utpala, sen/súng xanh, thanh thụy liên hoa); bát-đầu-ma 钵頭摩 (Pali: paduma, Skt. padma, sen/súng đỏ); câu-vật-đầu 拘勿頭 (Pali=Skt. kumuda, sen trằng, hay hồng), phân-đà-lị/lợi 分陀利 (Pali=Skt. puṇḍarīka, sen trắng). [101] Pali: suṅkaghāṭa, trạm thuế (tại các cửa khẩu biên giới). [102] Các thủ đoạn đánh tráo vật ký thác để sang đoạt. [103] Hán: dương chi 楊支 . Pali: dantapoṇaṃ, đồ chà răng, thường được làm bằng gỗ thông. [104] Hán: uất-châu-long-già 鬱周隆伽; Pali: uccāliṅga, loại mao trùng (sâu róm). [105] Hán: bách túc 百足; Pali: satapadī. [106] Đồng tài nghiệp 同財業. [107] Cộng yếu 共要; Pali: saṃketakamma. [108] Giáo thủ vật 教取物, dạy đi lấy vật không nhất thiết bảo đi ăn trộm. [109] Bản Hán, hết quyển 1. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích III. ĐOẠN NHÂN MẠNG[110] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn du hóa Tỳ-xá-ly,[111] ở trong giảng đường, bên sông Di hầu.[112] Bằng vô số phương tiện, Phật giảng cho các tỳ-kheo thực hành (quán) bất tịnh,[113] khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh. Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: «Nay đức Thế tôn vì chúng ta nói thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh.» Bấy giờ, các tỳ-kheo liền dùng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh. Sau khi từ thiền định tỉnh giác, các vi ấy sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc. Cũng như con trai hay con gái yêu thích bản thân,[114] đem rắn chết, chó chết, người chết cột nơi cổ mình, để rồi ghê tởm mùi hôi thối ấy. Các tỳ-kheo cũng như vậy, bằng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh, ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, bèn tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết. Các tỳ-kheo ở trong một khu vườn, bên sông Bà-cầu,[115] khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn đã từng dùng vô số phương tiện nói về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh. Tỳ-kheo kia dùng vô số phương tiện tập tu quán bất tịnh, sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết.» Bấy giờ, có tỳ-kheo tên là Vật-lực-già Nan-đề,[116] dòng sa-môn xuất gia,[117] tay cầm dao bén vào trong vườn Bà-cầu.[118] Có một tỳ-kheo đang ghê tởm thân mạng ô uế bất tịnh,[119] từ xa thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề đến, bèn nói rằng: «Đại đức, hãy đoạn mạng tôi. Tôi đem y bát cho ông.» Vật-lực-già liền chịu thuê bằng y bát, tức thì đoạn mạng vị tỳ-kheo ấy. Y đi đến bờ sông kia để rửa dao. Lòng sanh hối hận, tự nói: «Hôm nay thật bất lợi cho ta; [576a1] thật chẳng lành cho ta. Tỳ-kheo kia không tội lỗi gì, ta lại nhận lời đoạn mạng căn của ông ấy.» Vào lúc đó, có một Thiên ma[120] biết tâm niệm của tỳ-kheo này, liền dùng thần túc đến trước Vật-lực-già Nan-đề. Đứng trên mặt nước mà không chìm; khen ngợi, khuyến khích rằng: «Lành thay, lành thay thiện nam tử! Hôm nay ông được công đức lớn; đã độ người chưa được độ.» Tỳ-kheo Nan-đề nghe Thiên ma khen rồi, sự hối hận kia tan biến, liền khởi ý nghĩ: «Nay ta đặng công đức lớn; độ người chưa được độ.» Nghĩ như vậy rồi, lại cầm dao vào trong vườn[121] mà hỏi: «Ai chưa độ, nay tôi sẽ độ cho.» Khi ấy, có tỳ-kheo chưa ly dục, thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề, thì quá kinh hoảng, lông trong người dựng ngược lên. Vật-lực-già Nan-đề thấy vậy, nói các tỳ-kheo rằng: «Các ngài chớ sợ. Các căn chưa thuần thục, thì chưa thể hóa kiếp được. Đợi đến lúc thành thục, tôi sẽ hoá kiếp cho.» Trong số các tỳ-kheo ái dục đã diệt tận, thấy Vật-lực-già Nan-đề, lòng không sợ sệt, lông trong người không dựng ngược lên. Khi ấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề hoặc một ngày giết một tỳ-kheo, hoặc giết hai, ba, bốn, năm cho đến sáu mươi người. Xác chết trong vườn kia vất bỏ bừa bãi, hôi thối, bất tịnh, giống như một bãi tha ma. Lúc bấy giờ, có các cư sĩ lễ bái các chùa. Lần hồi đến vườn kia, thấy vậy, ai nấy đều kinh sợ, lấy làm kỳ quái, cùng nhau chê bai: «Trong vườn này có sự đại biến. Sa-môn Thích tử không có lòng từ mẫn; giết hại nhau. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy đâu có gì là chánh pháp? Họ giết hại lẫn nhau. Các tỳ-kheo còn tự giết nhau huống là đối với người khác. Từ nay chúng ta chớ nên kính phụng, thừa sự, cúng dường Sa-môn Thích tử nữa.» Họ rao truyền trong thôn ấp, đừng cho cư trú và vãng lai. Khi ấy các cư sĩ thấy trong vườn này uế ác như vậy nên không tới lui nữa. Bấy giờ, tỳ-kheo trú tại Tỳ-xá-ly, có nhân duyên nhỏ, tập hợp lại một chỗ.[122] Lúc ấy, đức Thế tôn quan sát số lượng các chúng tỳ-kheo giảm thiểu, và các đại tỳ-kheo có tiếng tăm đều không có mặt. Đức Thế tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi A-nan: «Chúng tăng tại sao giảm thiểu? Các Đại đức nổi tiếng ở đâu mà không thấy mặt hôm nay?» Tôn giả A-nan đem nhơn duyên đã xảy ra trình bày đầy đủ với Phật: «Thế tôn trước đây dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo thuyết giảng một cách rộng rãi về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen sự thực hành (quán) bất tịnh, khen tư duy sự thực hành (quán) bất tịnh. Các tỳ-kheo nghe rồi tu tập, nhàm tởm thân mạng, tìm người đoạn mạng. Do vậy mà số lượng bị giảm thiểu. Cúi xin đức Thế tôn vì các tỳ-kheo mà phương tiện thuyết pháp khác, khiến cho tâm mọi người khai mở, vĩnh viễn không nghi hoặc.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Nay hãy tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường.» Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường; rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, nay chúng Tăng đã họp, nguyện đức Thánh biết thời.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo: «Có A-na-ba-na tam-muội ,[123] tịch nhiên khoái lạc. Các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ, vĩnh viễn không phát sanh trở lại. Ví như tiết trời mùa thu, sau cơn mưa thì không còn bụi nhơ. Lại như một trận mưa lớn có khả năng chận đứng luồng gió mạnh. A-na ban-na tam-muội cũng lại như vậy, tịch tịnh khoái lạc. Với các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Các tỳ-kheo liền khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn hôm nay dùng vô số phương tiện vì chúng ta nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Chúng ta hãy tinh cần tu tập.» Rồi các tỳ-kheo liền bằng đủ phương tiện khác nhau tư duy, nhập a-na ban-na tam- muội. Sau khi từ a-na ban-na tam-muội tỉnh giác, họ tự biết mình chứng đắc pháp tăng thượng thù thắng, an trụ nơi quả chứng. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bằng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Làm sao các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu này lại ngu si mà dứt mạng lẫn nhau?» Đức Thế tôn sau khi dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa… cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người,[124] cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‹Này nam tử, ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!› Với tâm tư duy như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[125] C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người :[126] từ khi thức đầu tiên[127] cho đến khi thức sau cùng mà dứt mạng sống của nó. Giết :[128] tự mình giết, chỉ sai người giết, sai sứ giết, sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển giết, hoặc nhờ ngườì đàn ông giết, hoặc sai người tìm người đàn ông giết, tìm cầu người cầm dao giết, sai người tìm cầu cầm dao giết, ra dấu bằng thân, miệng nói, thân miệng đều hiện tướng, hoặc gởi thư, sai khiến người đưa thư, giết bằng hầm hố, bằng ỷ phát,[129] cho uống thuốc, đặt dụng cụ giết. - Tự mình giết: dùng tay hoặc gạch đá, dao, trượng, và các vật khác để tự mình giết. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá. - Chỉ sai người giết:[130] khi giết, tự mình giám sát việc giết,[131] sai người trước[132] ném vào trong nước, lửa; hoặc từ trên núi xô xuống hố sâu, hoặc khiến voi chà chết; hoặc khiến ác thú ăn, hoặc khiến rắn cắn, và các lệnh giết khác. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá. - Sai sứ giết: tỳ-kheo sai khiến sứ giả đoạn mạng người nào đó. (Người ấy) vâng lời mà đi,[133] nếu đoạn được mạng, thành ba-la-di. Phương tiện mà không đoạn được mạng, thâu-lan-giá. - Sai người đi và về mà giết:[134] Tỳ-kheo sai sứ đi đoạn mạng người nào đó. Vâng theo lời nói mà đi, muốn giết mà chưa được trở về, sau đó lại vâng theo lời dạy trước mà đi giết lần nữa. Nếu giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá. - Trùng sứ mà giết:[135] tỳ-kheo sai sứ giả, «Ngươi hãy đi đoạn mạng người đó.» Lại nối tiếp sai sứ như vậy, cho đến bốn, năm lần. Người được sai liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá. - Sứ giả luân chuyển mà giết:[136] tỳ-kheo sai sứ, «Ngươi hãy đoạn mạng người đó.» Người bị sai lại sai người khác, cho đến một trăm hay một ngàn lần sai như vậy để đoạn mạng người kia. Đoạn được thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá. - Tìm cầu nam tử giết: như nói, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người được sai liền đi đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người tìm cầu) thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá. - Sai người tìm cầu nam tử giết: như sai người, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người bị sai liền đến đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người sai) phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết, phạm thâu-lan-giá. - Tìm cầu người cầm dao giết: tự mình tìm cầu, nói «Ai là người dũng kiện có khả năng cầm dao đoạn mạng người nào đó?» Người kia liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di, không giết được, phạm thâu-lan-giá. - Sai [577a1] người tìm cầu kẻ cầm dao giết: cũng như vậy. - Ra dấu bằng thân:[137] thân làm dấu hiệu giết. Như làm cho rớt vào trong nước, trong lửa, từ trên cao rớt xuống đáy hang sâu; hoặc khiến voi chà chết, khiến ác thú ăn, độc xà cắn. Người kia do nơi dấu hiệu bằng thân nầy mà tự mình giết, phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá. - Miệng nói:[138] hoặc nói thế này, «Ngươi đã làm điều ác, không có tâm nhân từ, lòng ôm sự độc hại, không làm các điều thiện; ngươi không làm việc cứu hộ. Ngươi sống sẽ chịu nhiều tội báo, không bằng chết.» Hoặc là nói như vầy: «Ngươi không làm các điều bạo ác, có nhân từ, không ôm lòng độc hại, ngươi đã làm các điều thiện như vậy, ngươi đã làm công đức, ngươi đã làm việc cứu hộ. Ngươi sống để chịu các khổ. Nếu ngươi chết sẽ sanh Thiên.» Nhơn lời nói nầy, người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không sát được, phạm thâu-lan-giá. - Ra dấu bằng thân và miệng: cũng như vậy. - Sai sứ:[139] sai sứ đến người kia nói, «Ngươi đã làm điều ác,... điều thiện», nói đầy đủ như trên. Nhơn nơi miệng của người sứ khen sự chết này, mà người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết được, phạm thâu-lan-giá. - Gởi thư:[140] viết thư[141] nói, «ngươi đã làm điều ác,... điều thiện», nói đầy đủ như trên. - Sai bảo khiến sứ viết thư: cũng như vậy. - Hầm hố:[142] xét biết người kia sẽ đi qua lại trên tuyến đường đó; giữa đường đào một cái hầm sâu, trong hầm để lửa hoặc dao, hoặc rắn độc, hoặc chông nhọn, hoặc dùng thuốc độc bôi lên vật nhọn bén. Người kia rơi vào trong đó, nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá. - Ỷ phát:[143] biết người kia sẽ đứng tựa[144] nơi chỗ nào đó, hoặc nơi cây, nơi tường, nơi rào; bên ngoài đó để lửa, dao, chông, rắn độc, thoa chất độc nơi vật nhọn bén, bẫy gài, khiến người kia rơi vào đó; nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá. - Cho uống thuốc: biết người kia bệnh, cho loại thuốc không đúng[145], hoặc tạp độc, hoặc quá hạn, cùng các loại thuốc khiến cho chết, thành ba-la-di. Cho thuốc mà chẳng chết, thành thâu-lan-giá. - Đặt dụng cụ giết:[146] trước đã biết người kia vốn đã nhàm chán cái thân hèn hạ này nên đem dao, đồ độc, hoặc dây và các thứ dụng cụ làm cho chết để đó. Người kia dùng một trong những vật này để tự sát; nếu chết, (người đặt) ba-la-di. Phương tiện mà không chết, (người đặt) thành thâu-lan-giá. Nếu làm các việc như vậy, cho đến các phương tiện khác để giết, người kia do đó mà chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá. Nếu con của trời, con của rồng, con của a-tu-la, con của kiền-thát-bà, con của dạ-xoa, ngạ quỷ; hoặc trong loài súc sanh mà con nào có trí hiểu biết được tiếng người, hoặc lại có khả năng biến hình, phương tiện tìm cầu giết chết. Người giết, thâu-lan-giá. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la. Súc sanh không thể biến hình, giết nó thành ba-dạ-đề. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la. Thật người, tưởng là người mà giết, ba-la-di. Nghi là người, thâu-lan-giá. Người, tưởng chẳng phải người, thâu-lan-giá. Chẳng phải người tưởng là người, thâu-lan-giá. Nghi chẳng phải người, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, diệt tẫn, Đó là trường hợp phạm.[147] Sự không phạm: là ném dao, trượng, gạch, đá nhầm trúng người kia chết. Xây cất phòng xá, làm rơi đá, gỗ, cây, đòn tay... chết người. Người bệnh nặng mà dìu, đỡ nằm, ngồi, đi, đứng, tắm rửa, khi uống thuốc, từ chỗ lạnh đến chỗ nóng, từ chỗ nóng đến chỗ lạnh, vào phòng, ra phòng, đến nhà xí, trở về... tất cả không có tâm sát hại mà (người bịnh) chết thì (người đỡ) không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. ĐẠI VỌNG NGỮ A. DUYÊN KHỞI 1. KẾT GỚI LẦN THỨ NHẤT Một thời, đức Thế tôn du hóa tại Tỳ-xá-ly,[148] ở trong giảng đường Cao-các bên sông Di hầu. Bấy giờ gặp lúc lúa gạo quý hiếm,[149] nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan: «Hãy tập họp tất cả tỳ-kheo trú ở Tỳ-xá-ly vào giảng đường.» Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo tại giảng đường. Chúng tăng tập hợp xong, Tôn giả đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, thưa: «Tất cả các tỳ-kheo có mặt tại Tỳ-xá-ly đã tập hợp tại giảng đường. Cúi xin đức Thánh biết thời.» Khi ấy, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo: «Các ngươi nên biết, hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi ai có thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, cùng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly này, thì đến đó nương nhờ, cùng tùy theo sự thích hợp mà an cư. Ta cũng sẽ an cư nơi nầy. Tại sao vậy? Vì thức ăn khó khăn, nên khiến cho chúng tăng mệt nhọc.» Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy rồi, mỗi người đều theo thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, đồng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly mà an cư. Đức Thế tôn cũng an cư trong thành Tỳ-xá-ly. Khi ấy, có số đông tỳ-kheo an cư ở trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu, khởi ý niệm: «Như hiện nay trong nước này lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Chúng ta nên dùng phương tiện thế nào để khỏi khổ sở vì ẩm thực?» Họ nghĩ ra phương tiện như sau: «Nay ta nên đến các nhà cư sĩ nói: ‹Tôi đạt được pháp thượng nhơn. Tôi là A-la-hán, đạt được thiền, đạt được thần thông, biết được tâm người khác.› Rồi lại khen tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác. Trong đó có những cư sĩ tin ưa, có thức ăn uống gì không dám tự ăn riêng, không cho vợ con, mà lại mang đến cúng dường chúng ta. Các cư sĩ kia cũng sẽ khen ngợi chúng ta: ‹Các vị tỳ-kheo này thật sự là ruộng phước, đáng tôn kính.› Như vậy chúng ta có thể nhận được thức ăn uống ngon bổ, có thể sống an lạc, không bị vấn đề khất thực gây khó khổ.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cừu suy nghĩ như vậy rồi liền đến nhà các cư sĩ, tự nói: «Tôi chứng đắc pháp thượng nhân. Tôi là A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.» Lại khen vị tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác. Khi ấy các cư sĩ tin ưa, tin nhận lời nói kia, liền đem thức ăn uống có được và phần của vợ con không dám cho ăn hết, mang đến cúng dường cho các tỳ-kheo và nói: «Đây là bậc đáng tôn kính của thế gian.» Các tỳ-kheo này nhờ thọ sự cúng dường của các vị cư sĩ nên nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. Các tỳ-kheo khác an cư tại Tỳ-xá-ly nhan sắc tiều tụy, hình thể khô héo, y phục rách rưới. An cư xong, thu xếp y bát đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo: «Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?» Các tỳ-kheo thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hiệp, an lạc; nhưng gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Vì vậy mà khổ.» Trong khi đó, các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam, bên sông Bà-cừu thì nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. An cư xong thu xếp y bát, đến chỗ đức Thế tôn. Đến nơi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo: «Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hợp an lạc; không gặp phải khó khăn về ẩm thực.» Đức Phật hỏi: «Hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi dùng phương tiện nào mà không gặp phải khó khăn vì vấn đề ẩm thực?» Các tỳ-kheo liền đem nhơn duyên trước trình bày đầy đủ với đức Thế tôn và thưa: «Nhờ vậy chúng con không gặp phải khó khăn về ẩm thực.» Đức Thế tôn hỏi các tỳ-kheo: «Sự thật các ngươi có chứng đắc như vậy không?» Các tỳ-kheo thưa: «Hoặc có người chứng thật. Hoặc có người không chứng thật.» [578a1] Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ngươi, những kẻ ngu si, thật có mà còn không nên nói với người, huống là không thật mà lại đến nói với người!» Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Trong đời có hai hạng giặc:[150] một là thật chẳng phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai là vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong chúng cố ý nói lời vọng ngữ, tự xưng rằng đạt được pháp thượng nhân. Trong hai hạng giặc này, kẻ vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong đại chúng cố ý nói lời vọng ngữ: tự xưng mình đạt được pháp thượng nhơn, là kẻ giặc lớn nhất không gì bằng. Tại sao vậy? Vì chúng ăn trộm thức ăn uống của người.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.›› Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy: «Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.» 2. KẾT GIỚ LẦN THỨ HAI Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, lúc ấy có một tỳ-kheo tăng thượng mạn nói với người rằng: «Tôi đắc đạo.» Thời gian sau, vị ấy tinh tấn không giải đãi, cần cầu phương tiện, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Vị ấy nghĩ như vầy: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Với tâm kiêu mạn, tôi đã tự nói tôi đắc đạo. Thời gian sau với tâm siêng năng, phương tiện tinh tấn, không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di? Nay phải làm thế nào?» Vị ấy tìm các tỳ-kheo đồng ý:[151] «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo này là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Tôi với tâm tăng thượng mạn tự xưng là tôi đắc đạo. Thời gian sau do sự siêng năng, phương tiện tinh tấn không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di sao? Lành thay, Đại đức vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ vâng làm.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy, đức Thế tôn do nhơn này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận thuyết pháp, dùng vô số phương tiện tán thán đầu-đà, tán thán[152] thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: «Người tăng thượng mạn không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ,› trừ tăng thượng mạn, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không biết không thấy: thật sự không thấy biết. Tự xưng: tự mình xưng nói có tín, giới, thí, văn, trí tuệ, biện tài. Pháp của người: ấm của con người, giới của con người, nhập của con người.[153] Pháp thượng nhơn : các pháp có khả năng thành tựu xuất ly.[154] Tự nói:[155] tự nói niệm tại thân, tự nói chánh ức niệm, tự nói trì giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, tự nói đắc định, tự nói đắc chánh thọ, tự nói có đạo, tự nói tu tập, tự nói có huệ, tự nói kiến, tự nói đắc, tự nói quả. - Tự nói niệm tại thân:[156] có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được[157] tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói đặng thân niệm xứ. - Tự nói chánh ức niệm: có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói chánh ức niệm. - Tự nói đắc giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, cũng được nói như trên. - Tự nói đắc định: nói chứng đắc tam-muội có giác có quán;[158] tam-muội không giác có quán;[159] tam-muội không giác, không quán;[160] tam muội không - vô tướng - vô tác;[161] chuyên cần, thân cận tư duy định này. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói đắc chánh thọ:[162] chánh thọ có tưởng, chánh thọ không tưởng, chánh thọ tùy pháp, chánh thọ tâm tưởng, chánh thọ trừ sắc tưởng, chánh thọ không trừ sắc tưởng, chánh thọ trừ nhập,[163] chánh thọ nhất thiết nhập,[164] làm quen, học tập, gần gũi, tư duy chánh thọ này. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói có đạo: từ đạo có một chi đạo cho đến đạo có mười một chi; chuyên cần, thân cận tư duy đạo này. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói tu: tu giới, tu định, tu trí, tu giải thoát huệ, tu kiến giải thoát huệ, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói có trí: pháp trí,[165] tỉ trí,[166] đẳng trí,[167] tha tâm trí làm quen, học tập, gần gũi, tư duy trí này. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói kiến:[168] thấy khổ, thấy tập, thấy tận và thấy đạo. Hoặc lại nói như vầy: thiên nhãn thanh tịnh quán các chúng sanh, hoặc sanh, hoặc tử, hoặc có sắc đẹp, hoặc có sắc xấu, hoặc thiện thú, ác thú; hoặc biết có tốt xấu, quý tiện, tùy theo nghiệp báo của chúng sanh. Biết điều đó đúng như thật, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói đắc: đắc Tu-đà-hoàn, đắc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, làm quen, học tập, gần gũi. Ngoài ra như trên đã nói. - Tự nói quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, làm quen, học tập, gần gũi... ngoài ra như trên đã nói. Với những sự hư vọng, không thiệt như vậy; không biết, không thấy mà nói với người: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn.» Tự miệng mình nói với người mà người ấy hiểu, phạm ba-la-di. Nói mà người ấy không hiểu, phạm thâu-lan-giá. Hoặc dùng tay làm dấu, hoặc sai sứ, hoặc viết thư, hoặc ra dấu hiệu cho biết, mà người ấy biết, phạm ba-la-di, không biết phạm thâu-lan-giá. Tự mình ở chỗ vắng người, khởi ý tưởng là không vắng người, miệng nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Chỗ không vắng khởi ý tưởng là vắng, miệng mình nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Nói với chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hình, có trí, là mình đắc pháp thượng nhơn, mà những hàng ấy hiểu, phạm thâu-lan-giá; chúng không hiểu, phạm đột-kiết-la. Làm dấu bằng tay, sai sứ, viết thư, ra dấu mà người kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Nói với súc sanh không thể biến hình, là mình đắc pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la. Nếu thật sự người đắc đạo mà nói với vị đại tỳ-kheo không đồng ý,[169] mình đạt được pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la. Nếu giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà lại nói rằng: «tôi đạt được», [579a1] phạm ba-la-di. Người, khởi ý tưởng là người, phạm ba-la-di. Nghi là người, phạm thâu-lan-giá. Người mà tưởng chẳng phải người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà nghi cũng phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni ba-la-di; thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người tăng thượng mạn tự nói là nghiệp báo nhơn duyên chứ chẳng phải tu đạt được, hoặc hướng đến vị đại tỳ-kheo đồng ý[170] mà nói pháp thượng nhơn. Hoặc giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà không tự xưng là «tôi đạt được.» Hoặc vui đùa mà nói; hoặc nói lướt nhanh; nói chỗ vắng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nói nhầm việc kia thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG II TĂNG TÀN I. CỐ Ý TIẾT TINH A. DUYÊN KHỞI 1. KẾT GIỚI LẦN THỨ NHẤT Một thời, đức Thế tôn du hóa nơi thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di[1] vì bị ám ảnh dục bừng bừng,[2] nên nhan sắc tiều tụy, thân thể yếu mòn. Trong thời gian khác, Ca-lưu-đà-di sống một mình trong một phòng, trang bị võng tốt, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, chăn gối, dưới đất lại trải phu cụ tốt, ngoài cửa để đồ đựng nước nóng rửa chân; ăn uống đầy đủ sung túc; do vậy ám ảnh dục càng bừng bừng. Mỗi khi dục tâm khởi lên, ông bèn vọc cho xuất bất tịnh. Nhờ vậy, các căn tươi vui, nhan sắc sáng sủa. Các tỳ-kheo thân hữu thấy vậy hỏi: «Trước đây nhan sắc của thầy tiều tụy, thân hình gầy ốm, mà nay thì nhan sắc tươi vui sáng sủa. Ấy là do đi đứng thoải mái chăng? Không khốn khổ vì ăn uống phải không? Vì sao được như vậy?» Ca-lưu-đà-di trả lời: «Tôi đi đứng thoải mái, không khổ vì chuyện ăn uống.» Các tỳ-kheo lại hỏi: «Nhờ phương tiện gì mà đi đứng thoải mái, không khổ vì chuyện ăn uống?» Ca-lưu-đà-di đáp: «Này Đại đức, trước đây tôi vì bị ám ảnh dục bừng bừng, nên nhan sắc tiều tụy, thân thể yếu mòn. Sau đó, tôi sống một mình trong một phòng, trang bị võng tốt, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, chăn gối, dưới đất lại trải phu cụ tốt, ngoài cửa để đồ đựng nước nóng rửa chân; ăn uống đầy đủ sung túc. Mỗi khi dục tâm khởi lên, tôi bèn vọc cho nó xuất bất tịnh. Nhờ vậy mà tôi đi đứng thoải mái, các căn tươi vui, nhan sắc sáng sủa.» Các tỳ-kheo nói: «Việc Thầy làm thì rất khổ, tại sao nói an lạc? Việc làm không an mà lại nói an sao? Trong chánh pháp này nói về dục cốt để trừ dục, nói về mạn cốt để trừ mạn; diệt trừ khát ái, đoạn các kết sử, do diệt tận ái mà Niết-bàn. Tại sao Thầy bị dục ám ảnh bừng bừng; mỗi khi dục tâm khởi lên, bèn vọc cho xuất bất tịnh?» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đi đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có phải ngươi do ám ảnh dục bừng bừng; rồi mỗi khi dục tâm khởi lên, bèn vọc cho xuất bất tịnh chăng?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, thật vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Việc ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Tại sao nay ngươi đã xuất gia trong pháp thanh tịnh của Ta mà làm cái hạnh ô uế, vọc âm cho xuất tinh? Ngươi, kẻ ngu si này, nay đưa cánh tay ra để nhận thức ăn của tín thí, rồi lại bằng cánh tay đó mà vọc âm cho xuất tinh!» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài. Người muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: «Tỳ-kheo nào, cố ý vọc âm cho xuất tinh, tăng-già bà-thi-sa.» 2. KẾT GIỚI LẦN THỨ HAI Sau khi Thế tôn kết giới như vậy cho các tỳ-kheo, bấy giờ có một tỳ-kheo khi ngủ ý loạn, bị mộng tinh có ức niệm, khi tỉnh dậy, suy nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Vọc âm xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.› Ta khi ngủ loạn ý, bị mộng tinh có ức niệm, há không phạm tăng-già-bà-thi-sa ư? Nay ta nên như thế nào?» Vị ấy liền đến tỳ-kheo đồng ý kể lại đầy đủ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Vọc âm xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.› Tôi khi ngủ loạn ý, bị mộng tinh mà còn nhớ, há không phạm tăng-già-bà- thi-sa ư? Nay tôi nên như thế nào? Đại đức vì tôi đem nhơn duyên này bạch với đức Phật. Nếu đức Phật dạy bảo thế nào, tôi sẽ phụng hành thế ấy.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này liền tập hợp các tỳ-kheo bảo rằng: «Khi ngủ mà ý loạn có năm điều tai hại : 1. Ác mộng. 2. Chư thiên không hộ vệ. 3. Tâm không nhập pháp.[3] 4. Không tư duy minh tướng.[4] 5. Trong mộng xuất tinh. Đó là năm điều tai hại. Khi ngủ với ý lành có năm công đức: 1. Không thấy ác mộng. 2. Chư thiên vệ hộ. 3. Tâm vào nơi pháp. 4. Cột ý nơi minh tướng. 5. Không bị xuất tinh trong mộng. Đó là năm điều công đức. Trong mộng xuất tinh không phạm.» Từ nay về sau giới này sẽ được thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Nếu Tỳ-kheo nào, cố ý vọc âm cho xuất tinh, trừ chiêm bao, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vọc:[5] thật cố tâm làm cho xuất tinh. Tinh có bảy loại:[6] xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, màu sữa,[7] màu sữa tương.[8] Tinh màu xanh là tinh của Chuyển luân thánh vương. Tinh màu vàng là tinh của Thái tử Chuyển luân thánh vương. Tinh màu đỏ là tinh phạm nhiều đến nữ sắc. Tinh màu trắng là tinh của người vác nặng. Tinh màu đen là tinh của đệ nhất Đại thần Chuyển luân thánh vương. Tinh màu sữa là gì? Là tinh của Tu-đà-hoàn. Tinh màu sữa tương là gì? Là tinh của Tư-đà-hàm. Lúc bấy giờ, có một bà-la-môn ở chỗ nhàn tịnh trì tụng chú thuật. Kinh của ông nói, «Nếu ai cố ý làm xuất tinh thì mạng chung sẽ sanh thiên.» Người kia muốn cầu thiên đạo, thường vọc âm xuất tinh. Khi người bà-la-môn xuất gia hành đạo, nghe theo lời nói này, vì muốn sanh thiên, nên vọc âm xuất tinh. Vị kia nghi, nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Phật nói, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc, vì làm thuốc, vì tự thí nghiệm sự xuất tinh, vì cầu phước, vì tế trời, vì sanh thiên, vì để cho, vì nối giòng, vì tự phóng túng (lung tánh), vì tự thử sức, vì nhan sắc đẹp, vì những việc như vậy mà lộng xuất tinh,[9] tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu bằng ức niệm mà vọc cho xuất tinh, tăng-già-bà-thi-sa.[10] Nếu bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất tinh màu xanh; tinh xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất tinh màu xanh nhưng tinh xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, tương sữa, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu muốn xuất tinh màu vàng lại ra tinh màu đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, màu xanh, tăng-già-bà-thi-sa. Màu đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương cũng như vậy. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc cho xuất bất tịnh,[11] tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh lại thất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa và sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Vì mục đích khoái lạc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương và xanh cũng lại như vậy. Vì muốn làm thuốc, vì tự mình thử, vì cầu phước, vì tế tự, vì sanh thiên, [580a1] vì để cho, vì để lấy giống, vì phóng túng, vì tự thử sức, vì nhan sắc tươi vui, cũng như vậy. Hoặc đối với nội sắc, ngoại sắc, nội ngoại sắc, nước, gió, không. - Nội sắc: là sắc có thọ.[12] - Ngoại sắc: là sắc không thọ.[13] - Nội ngoại sắc: là sắc có thọ và không thọ. - Nước: thuận giòng nước hay ngược dòng nước, dùng nước rưới lên. - Gió: là thuận chiều gió, nghịch chiều gió, hoặc dùng miệng thổi. - Không: từ nơi hư không mà dao động thân.[14] Nếu ở nơi nội sắc mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho thất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, lại xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, nếu xuất, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc nên ở nơi nội sắc, bằng ức niệm mà vọc, muốn cho xuất bất tịnh màu xanh, lại xuất màu vàng, đỏ, trắng, đen, sữa, sữa tương, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu vì khoái lạc cho đến vì nhan sắc hòa duyệt cũng như vậy. Đối với ngoại sắc cũng như vậy. Đối với nội sắc cũng như vậy. Đối với nước, gió, hư không cũng như vậy. Bằng ức niệm mà vọc cho xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa. Không xuất, thâu-lan-giá. Nếu tỳ-kheo phương tiện vọc mà xuất bất tịnh, tăng-già-bà-thi-sa; không xuất, thâu-lan-giá. Nếu tỳ-kheo dạy tỳ-kheo phương tiện vọc cho xuất bất tịnh; nếu xuất, thâu-lan-giá; không xuất đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni dạy tỳ-kheo phương tiện vọc xuất bất tịnh; nếu xuất, thâu-lan-giá; không xuất, đột-kiết-la. Chỉ dạy cho người khác, ngoại trừ cho tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni, vọc mà xuất hay không xuất đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trong mộng bị xuất. Tỉnh dậy, sợ bẩn thân, bẩn y, giường, chăn, dùng vật xấu tệ, lá cây hay vật gì đựng đem vất đi, hoặc dùng tay quẹt bỏ. Hoặc do dục tưởng mà xuất bất tịnh; hoặc thấy sắc đẹp, không xúc chạm mà xuất bất tịnh; hoặc khi đi, tự chạm hai bắp vế; hoặc chạm y, hoặc chạm niết-bàn-tăng[15] mà xuất bất tịnh; hoặc khi đại tiểu tiện xuất bất tịnh; hoặc tắm rửa bằng nước nóng, nước lạnh xuất bất tịnh; hoặc trong nhà tắm dùng da cây mịn, bột, thuốc, bùn, đất xoa chà, xuất bất tịnh; hoặc dùng tay kỳ, xoa nơi thân xuất bất tịnh; hoặc khi kêu la khóc lớn, hoặc khi dụng lực làm việc. Tất cả trường hợp không có ý tạo nên mà xuất bất tịnh, đều không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[16]
Chú thích: [110] Tứ phần, quyển 2 (T22n1428, tr.575c6); Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7a27); Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9); Tát-bà-đa 3 (T23n1440, tr.518a21); Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21). [111] Tỳ-xá-ly 毘舍離; Sk. Vaiśālī (Pl.) Vesāli. [112] Di hầu giang biên 獼猴江邊; Thập tụng 2, Bạt-kỳ quốc Bạt-cầu-ma hà thượng 跋耆國跋求摩河上 tức Pali, sông Vaggumudā, thuộc nước Vajji, gần chỗ Phật nhập Niết-bàn. Pali, Vn.iii.70, Vesāliyam viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesālī, trong rừng Đại lâm, trong một ngôi nhà sàn. [113] Thuyết bất tịnh hành 說不淨行. Ngũ phần 2, nt., tu bất tịnh quán 修不淨觀; Pali, Vn.iii.nt., asubhabhāvana. [114] Nguyên Hán: tự hỉ nam tử...自喜男子; Thập tụng 2, nt., niên thiếu tự hỷ nghiêm sức 年少自喜嚴飾; Vn.iii.dd., maṇḍanajātiko, thích trang điểm. [115] Bà-cầu hà 婆裘河; tức Pali, sông Vaggumudā. [116] Vật-lực-già Nan-đề 物刀伽難提 (Sk. Mṛga-nandī?); Ngũ phần (T22n1421, tr.7b5), Di-lân chiên-đà-la 彌鄰旃陀羅, một người chiên-đà-la tên là Di-lân; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c4), Lộc Trượng phạm chí 鹿杖梵志, một người phạm chí tên Lộc Trượng (Skt. Mṛgadaṇḍa, tức Pali Migadaṇḍa, thay vì Migalaṇḍa). Pali, Vn.iii.68, Migalaṇḍika samaṇakuttaka, một người giả trang Sa-môn tên là Migalaṇḍa. [117] Phụ chú trong bản Hán: «Nói Sa-môn chủng, chỉ dòng họ.» Tức Pali samaṇa-kūla: dòng họ Sa-môn, thay vì samaṇakuttaka, giả trang Sa-môn. [118] Bà-cừu viên 婆裘園; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21), Bạt-cầu-ma hà 跋求摩河; Pali, Vn.iii.68: Vaggumudā nadī, sông Vaggumudā [119] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9): một tỳ-kheo bệnh lâu ngày, đau đớn không chịu nổi, bèn nhờ tỳ-kheo nuôi bệnh giết giùm. [120] Thập tụng (T23n1435, tr.7c7): Ma thiên thần 魔天神; Ngũ phần (T2n1421, tr.7b9): Tự tại thiên ma 自在天魔. Pali, Vn.iii.68: mārakāyikā devatā, một thiên thần thuộc hạ của Māra. [121] Thập tụng: đến trú xứ kia. Pali, Vn.iii.68: vihārena vihāraṃ pariveṇena pariveṇaṃ, từ tinh xá đến tinh xá, từ phòng đến phòng. [122] Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c15): ngày 15 trong tháng, lúc thuyết giới. [123] A-na-ba-na tam-muội 阿那般那三昧; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.8a13): a-na ban-na niệm 阿那般那念; Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7c6): an-ban niệm 安般念; Pali, Vn. iii. 70: ānāpānassati-samādhi, sự tập trung trên hơi thở ra vào. [124] Hán: đoạn nhân mạng 斷人命; Pali: manussaviggahaṃ jīvitā voropeyya, tước đoạt sinh mạng của con người. [125] Ngũ phần 2, giới này được kết bởi ba lần: Lần thứ nhất, tỳ-kheo giết người, nhân duyên cũng gần như Tứ phần với một vài chi tiết khác biệt. Lần thứ hai, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát, nhân vì có giới cấm giết người nên các tỳ-kheo đưa dao cho người bịnh tự sát; Phật kết thêm lần nữa. Thứ ba, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát nhưng các tỳ-kheo không dám giúp phương tiện, bèn đi tìm thợ săn, khuyến khích giết giùm; Phật kết thêm lần nữa. Pali, Phật kết hai lần; lần thứ nhất, giết và giúp phương tiện tự sát; thứ hai, khuyến khích người tự sát. Tăng-kỳ và Thập tụng, kết một lần như Tứ phần. Đại tỳ-kheo giới bản (T1426, tr. 549c15): giới được kết sau khi thành Phật năm thứ sáu, ngày 9, nửa tháng phần thứ ba, mùa đông. [126] Hán: nhân 人. Pali: manussaviggaha, thân thể con người. Ngũ phần giới bản: nhược nhân, nhược tợ nhân 若人若似人. Thập tụng: nhược nhân nhược loại nhân 若人若類人 (người và loại tợ của người). [127] Hán: sơ thức 初識. Pali: paṭhaṃ paṭisandhicittaṃ, kết sanh tâm đầu tiên. [128] Hán: sát 殺. Văn kết giới nói: đoạn nhân mạng 斷人命, không nói từ sát. [129] Ỷ phát 倚發; bản Thánh: ỷ bát 倚撥. [130] Giáo sát 教殺. Pali: adhiṭṭhāyā, bằng sự giám thị (giám sát giết), tức giết bằng sự ra lịnh, hay chỉ đạo. [131] Bản Cao-li: ... khán giáo 看教...; bản Tống-Nguyên-Minh: ... khán sát 看殺... [132] Hán: tiền nhân 前人; đây chỉ thuộc hạ. [133] Hán: tùy ngữ trụ 隨語住; có lẽ chính xác là tùy ngữ vãng 隨語往, đi theo lời (chỉ đạo). [134] Hán: vãng lai sứ 往來使; Pali: gatapaccāgatena dūtena, bởi sứ giả đi và quay trở lại. [135] Hán: trùng sứ 重使. Pali: dūtaparamparāya, sứ giả này tiếp theo sứ giả khác, một chuỗi sứ giả. [136] Hán: triển chuyển sứ 展轉使. Pali: visakkiyena dūtena, bởi sứ giả lần lượt giết nhau (để phi tang thủ phạm). [137] Thân hiện tướng 身現相. Đây chỉ sự ra dấu để khuyến khích người tự sát. Pali, Vin.i.76: kāyena saṃvaṇṇeti. [138] Khẩu thuyết 口說; khuyên người tự sát bằng lời nói. Pali: vācāya saṃvaṇṇeti. [139] Khiển sứ 遣使; tức là sai người đi khuyến khích người kia tự sát. Pali: dūtena saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng sứ giả. [140] Khiển thư 遣書. Pali: lekhāya saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng cách viết (thư). [141] Hán: chấp thư 執書, nghĩa đen «cầm thư.» Pali: lekhaṃ chindati, «khắc văn tự;» VA. 452 giải thích: paṇṇe vā potthake vā akkharāni likkhati, «viết các chữ cái lên lá hay sách.» Văn luật, Vin.i.76, còn nói: akkharakkharāya āpatti dukkaṭassa, mỗi âm tiết là một tội đột-kiết-la. [142] Khanh hãm 坑陷; Ngũ phần 2 (T22, tr.9a1): ưu-bà-đầu 優婆頭 Tăng kỳ 4 (T22, tr. 256a6): ô-mãn-thổ 烏滿吐; Pali: opāta. [143] Ỷ phát 倚發; bản Tống-Nguyên-Minh: ỷ bát 倚撥. Thập tụng 2: cơ bát 機撥 (phát động bằng máy móc hay bẫy cài); Ngũ phần 2: a-ba-xa 阿波奢. Pali: apassena: vật để tựa, bẫy ngụy trang. [144] Hán: ỷ phát, xem cht. 143 trên. [145] Phi dược 非藥. [146] An sát cụ 安殺具. Ngũ phần: ưu-ba-hại 優波害; Tăng-kỳ: a-ba-khâm-mãn 阿波欽滿; Pali: upanikkhipana (skt, upanikṣepana) [147] Tăng-kỳ, (T22n1425, tr.257c4): hội đủ 5 yếu tố, phạm ba-la-di: 1. người; 2. có ấn tượng đó là người; 3. phương tiện để giết; 4. cố ý giết chết; 5. người ấy chết. [148] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.257c16): Phật tại Xá-vệ thành. Thập tụng 2 (T23n1435, tr.11a6): Phật an cư mùa hạ tại Duy-da-li. Pali, Vin. iii.87: Vesāliyaṃ viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesāli, trong rừng Mahāvana, trong một ngôi nhà sàn (Trùng các giảng đường). [149] Pali, nt: nạn đói kém tại Vajjī. [150] Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.9b17): năm đại tặc 五大賊; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.12a12): ba đại tặc 三大賊. [151] Đồng ý tỳ-kheo 同意比丘, xem cht. 169, ch.i (Tăng-già-bà-thi-sa 8). Ngũ phần 2, Pali: hỏi ý kiến A-nan. [152] Để bản: đoan nghiêm 端嚴. Bản Thánh: đoan nghiêm vi diệu pháp 端嚴微妙法. [153] Nhân pháp 人法 đồng nghĩa với nhân ấm 人陰: pháp ở đây được hiểu là uẩn, xứ và giới. Tăng kỳ (T22n1425, tr.260c24): nhân pháp, chỉ ngũ dục, 5 hạ phần kết... cho đến, 10 thiện và bất thiện nghiệp đạo. [154] Ngũ phần (T22n1421, tr.9c24): quá nhân pháp 過人法, chỉ hết thảy pháp xuất yếu , tức các thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ, các Thánh đạo và Thánh quả. Tăng kỳ (T22n1425, tr.261a7): quá nhân pháp, chỉ 10 trí,... vô sanh trí,... cho đến 10 vô học pháp, 10 lậu tận lực. Pali, Vin.i.91: uttaramanusadhammo nāma jhānaṃ vimokkho samādhi samāpatti ñāṇadassanaṃ..., «Pháp của bậc thượng nhân, chỉ cho thiền, giải thoát, chánh định, chánh thọ, tri kiến...» [155] Hán: tự ngôn 自言, tức nói những điều liên hệ đến mình, nói gợi ý về mình. Pali: attupanāyikam [156] Niệm tại thân 念在身; đây chỉ thân niệm xứ. Tham chiếu, Trường A-hàm 9 (T1, tr.50c9), Trung A-hàm 24 (T1, tr.582b20), Pháp uẩn túc luận 5 (T26, tr.475c27); Pali, D.ii. tr. 94, 290 (No 22. Mahāsatipaṭṭhāna, i. tr.56 (Satipaṭṭhāna): idha bhikkhave bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, «Tỳ-kheo sống quán thân nơi thân, bằng nhiệt tâm, bằng chánh trí, chánh niệm, có thể chế ngự tham ưu ở đời.» [157] Đắc 得, bản Thánh: phục 復. [158] Hữu giác hữu quán tam-muội 有覺有觀三昧 hay hữu tầm hữu tứ tam-ma-địa (đẳng trì; pali: savitakka-savicāra-samādhi), chánh định với sự có mặt của tầm và tứ; chỉ trạng thái sơ thiền. Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c5). [159] Vô giác hữu quán tam-muội 無覺有觀三昧 , hay vô tầm duy từ tam-ma-địa, trạng thái trung gian tĩnh lự, giữa sơ và nhị thiền. Cf. Câu-xá 28, (T, tr.149c5). [160] Chỉ các trang thái định từ nhị thiền trở lên. [161] Không, vô tướng, vô tác tam-muội 空無相無作三昧, hay không, vô tướng, vô nguyện tam-ma-địa, chỉ ba giải thoát môn . Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c22). [162] Chánh thọ , cũng dịch là đẳng chí (Pali. samāpatti: tam-ma-bát-để). [163] Trừ nhập chánh thọ 除入正受, chỉ 8 thắng xứ (Pali: aṭṭha abhibhāyatanāni); Cf. Câu-xá 29, (T29, tr.151c12); Cf. Pali, D.iii. tr.260, Saṅgīti-suttanta. [164] Nhất thiết nhập 一切入 , chỉ 10 biến xứ định (Pali: dasa kasiṇāyatanāni). Cf. Câu-xá 29 (T29, tr.151c24); D.iii. 268 (Saṅgītisuttanta). [165] Pháp trí 法智 (skt. dharma-jñāna), trí tuệ nhận thức bốn Thánh đế thuộc Dục giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6). [166] Tỉ trí 比智 hay loại trí (Skt. anvaya-jñāna), trí nhận thức bốn Thánh đế thuộc thượng giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6). [167] Đẳng trí 等智 , có lẽ chỉ hiện quán biên thế tục trí (Skt. abhisamayāntyākhya-laukika-jñāna), tức trí thuộc phàm phu địa tu quán 16 hành tướng của bốn Thánh đế. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 183b15). [168] Kiến 見, chỉ tri kiến trong giai đoạn kiến đạo (darśnamārga). [169] Chỉ tỳ-kheo không thân thiết. [170] Các luật khác không nói đến trường hợp không phạm này. [1] Ca-lưu-đà di; Ngũ phần 2: trưởng lão Ưu-đà-di 長老優陀夷; Tăng-kỳ 5: Tỳ-kheo Thi-lị-da-bà 時有比丘名尸利耶婆. Pali: Udāyin hành thủ dâm, rồi bảo Seyyasaka làm theo. Sớ giải nói Udāyin này là Lāḷudāyi, Hoà thượng của Seyyasaka. [2] Hán: dục ý xí thạnh 欲意熾盛. [3] Ngũ phần 2. tr.10b22: không có tâm giác pháp 無覺法心. [4] Minh tướng 明相; Ngũ phần: minh tưởng 明想 [5] Hán: lộng 弄. Tứ phần: cố lộng âm xuất tinh 故弄陰出精. Ngũ phần: cố xuất bất tịnh 故出不淨; Tăng kỳ, Thập tụng: cố xuất tinh 故出精. Pali: sañcetanikā sukkavisaṭṭhi, cố ý làm xuất tinh. [6] Ngũ phần: 10 loại. Thập tụng: 5 loại. Pali, 10 loại: nīlaṃ pītakaṃ lohitaaṃ oḍātaṃ takkavaṇṇaṃ dakavaṇṇaṃ telavaṇṇaṃ khīravaṇṇaṃ dadhivaṇṇaṃ sappivaṇṇaṃ; không giải thích chi tiết. [7] Lạc sắc 酪色, tức Pali dadhivaṇṇamṃ. [8] Lạc tương sắc 酪漿色, tức Pali sappivaṇṇaṃṃ. [9] Ngũ phần: 10 mục đích cố ý xuất tinh, đại để như Tứ phần. Căn bản Tì-nại-da, có 5 mục đích. [10] Tăng kỳ 5: Mắt thấy, v.v…, sanh ý tưởng dâm dục; sau đó, bằng sự hồi tưởng (ức niệm), dục tâm phát sanh. Thập tụng 3: ba yếu tố thành phạm: phát tâm, thân động, xuất tinh. [11] Hán: thất bất tịnh 失不淨, «làm thất thoát cái bất tịnh,» tức xuất bất tịnh hay xuất tinh. Các bản: thất 失; bản Thánh: xuất 出. [12] Thọ sắc 受色. Ngũ phần: nội sắc chỉ cho tự thân 己身. Thập tụng: nội thọ sắc 內受色 sắc có chấp thọ thuộc nội thân (xem Câu-xá 1, tr.2c), chỉ sự thủ dâm bằng cách dùng tay, chân, miệng, v.v… Cf. Tăng kỳ: thân, thân phần, thân hiệp 身身分身合 thân: tất cả dao động của thân làm xuất tinh; thân phần; dùng tay hay chân, hay một bộ phận của thân mình làm xuất tinh; thân hiệp: dùng các phương tiện ngoài như đất, nước, chăn, gối... Pali, Vin.iii.112: ajjhatarūpe moceti, xuất trong nội sắc; thích từ: ajjhatarūpeti ajjhattaṃ upādinne rūpe, nội sắc, sắc được chấp thủ nội thân. [13] Thập tụng: ngoại bất thọ sắc 外不受色. Ngũ phần, ngoại sắc: thân người khác 他身. [14] Pali, id., ākāse kaṭiṃ kampento moceti, xuất trong khi làm dao động phần mông trong không gian. [15] Niết-bàn-tăng 涅槃僧 ; Skt.=Pali: nivāsana, quần, hạ y 下衣, nội y 內衣. [16] Hán, hết quyển 2. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích II. XÚC CHẠM NỮ NHÂN A. DUYÊN KHỞI Phật trú tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di nghe Phật chế giới cấm không được vọc âm cho xuất tinh, bèn cầm cây gài cửa, đứng ngoài cửa, chờ các phụ nữ, vợ các nhà cư sĩ, và các thiếu nữ đến,[17] nói rằng: «Này cô, cô có thể vào phòng mà xem.» Khi họ vào trong phòng, Ca-lưu-đà-di nắm tay, rờ rẫm, hôn hít. Người nào ưa thích thì vui cười với việc làm đó. Người không ưa thích thì liền nổi giận mắng chửi, bỏ ra khỏi phòng, nói với các tỳ-kheo: «Đại đức nên biết, điều không lành, phi pháp, không thích hợp, không phải thời! Tôi thường nghĩ rằng đây là nơi an ổn, không có các hoạn nạn, không có tai biến, không có sợ hãi. Nay chính nơi đây tôi lại gặp phải tai biến, sợ hãi. Xưa nay nói nước có khả năng làm tắt lửa; nay trong nước lại sanh ra lửa. Ca-lưu-đà-di đưa chúng tôi vào trong phòng rồi nắm tay, kéo, rờ mó, hôn hít chúng tôi. Phu chủ của chúng tôi, khi ở trong phòng kéo níu như vậy, chúng tôi còn không chấp nhận được, huống nay là sa-môn Thích tử mà lại làm như vậy!» Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống với hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Ca-lưu-đà-di, rằng: «Đức Thế tôn chế giới không được vọc âm xuất tinh. Nay tại sao thầy cầm cây gài cửa, đứng trước cửa chờ các phụ nữ, hoặc vợ của nhà cư sĩ, vào phòng xem rồi rờ mó, hôn hít ?» Quở trách như vậy rồi, vị ấy đi đến chỗ đức Thế tôn, lạy dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên ấy bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi: «Ca-lưu-đà-di! Ngươi thật sự có làm như vậy không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, sự thật đúng như vậy.» Khi ấy, đức Thế tôn quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, với ý dâm dục, cùng người nữ, thân xúc chạm nhau, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm mỗi một thân phần, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ý dâm dục: tức là tâm bị nhiễm ô bởi ái.[18] Người nữ: như trên đã nói.[19] Thân: tức là từ tóc cho đến chân. Thân xúc chạm nhau :[20] hoặc xoa nắm, hoặc xoa bóp khắp,[21] hoặc kéo, hoặc đẩy, hoặc xoa ngược, hoặc xoa xuôi, hoặc nâng lên, hoặc để xuống, hoặc nắm, hoặc bóp, hoặc ấn mạnh.[22] Xoa nắm: xoa chà phía trước hay phía sau trong thân.[23] Kéo: kéo ra phía trước.[24] Đẩy: đẩy nhau. Xoa ngược: từ dưới xoa lên. Xoa xuôi: từ trên xoa xuống. Nâng lên: ẳm mà nâng lên. Để xuống: đang đứng mà ẳm để ngồi xuống. Nắm: nắn phía trước, nắn phía sau, nắn vú, nắn đùi. Sờ: bóp phía trước, bóp phía sau, bóp vú, hoặc bóp đùi.[25] Thảy đều tăng-già-bà-thi-sa. D. PHẠM TƯỚNG Hoặc nữ tưởng là nữ; nữ nhơn rờ mó thân tỳ-kheo, hai thân xúc chạm nhau, (tỳ-kheo) với ý dục nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc trong khi xúc chạm, tăng-già-bà-thi-sa. Người nữ khởi nữ tưởng. Người nữ ấy dùng tay rờ mó, tỳ-kheo động thân, dục ý nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, tăng-già-bà-thi-sa. Cũng vậy, cho đến nắn, bóp. Nếu nghi là nữ, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ; thân xúc chạm áo, đồ anh lạc của người nữ kia, với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ; thân xúc chạm áo, đồ anh lạc của người nữ kia, với dục tâm nhiễm trước, không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ. Người nữ ấy dùng y, đồ anh lạc nơi thân xúc chạm trên thân tỳ-kheo; (tỳ-kheo) với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ. Người nữ dùng y, đồ anh lạc, xúc chạm thân tỳ-kheo, (tỳ-kheo) với dục tâm nhiễm trước, không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ, dùng thân xúc chạm y, anh lạc của người nữ, (tỳ-kheo) với dục tâm nhiễm trước, động thân, nhưng không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ, (tỳ-kheo) dùng thân xúc chạm y, đồ anh lạc của người nữ, với dục tâm nhiễm trước, không động thân nhưng có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Nếu là người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ; người nữ này dùng y, đồ anh lạc nơi thân xúc chạm thân tỳ-kheo, (tỳ-kheo) với dục tâm nhiễm trước, động thân, nhưng không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, thâu-lan-giá. Người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ; người nữ này dùng y, đồ anh lạc nơi thân xúc chạm, (tỳ-kheo) có dục tâm nhiễn trước, dù không động thân, thâu-lan-giá. Người nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là người nữ, thân xúc chạm nhau, với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc xúc chạm, dù không động thân, thâu-lan-giá. Cũng vậy, nắm, xoa cho đến nắn, bóp, thảy đều thâu-lan-giá. Nếu là nữ mà nghi, phạm đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân,[26] với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, phạm đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, dù không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, phạm đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, dù không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, phạm đột-kiết- la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm, y đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, dù không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, động thân phạm đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, dù không động thân, đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, không có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, không động thân, đột-kiết-la. Nữ, (tỳ-kheo) có ý tưởng đó là nữ, dùng y nơi thân xúc chạm y, đồ anh lạc nơi thân, với dục tâm nhiễm trước, có cảm giác khoái lạc khi xúc chạm, động thân, đột-kiết-la. Cho đến nắn, bóp, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Là người nữ mà nghi, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo cùng người nữ hai thân xúc chạm nhau, mỗi một lần xúc chạm là phạm một tăng-già-bà-thi-sa. Tùy theo sự xúc chạm nhiều ít, với rồng cái, ngạ quỷ cái, súc sanh cái, có thể biến hình, hai thân xúc chạm nhau phạm đột-kiết-la. Nếu cùng người nam hai thân xúc chạm nhau, đột-kiết-la. Nếu cùng với người lại cái,[27] thân xúc chạm nhau, thâu-lan-giá. Nếu người nữ khi làm lễ nắm chân, tỳ-kheo có cảm thấy thích thú do sự xúc chạm, nhưng không động thân, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo có dục tâm, xúc chạm y, bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, cọng cỏ rỗng,[28] cho đến tự mình xúc chạm thân, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nữ nhơn tưởng là nữ nhơn, tăng-già-bà-thi-sa. Nữ nhơn, sanh nghi, thâu-lan-giá. Nữ nhơn, tưởng chẳng phải nữ nhơn, thâu-lan-giá. Chẳng phải nữ nhơn tưởng là nữ nhơn, thâu-lan-giá. Chẳng phải là nữ nhơn, sanh nghi, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm. Sự không phạm: xúc chạm nhau khi nhận đồ vật gì; xúc chạm nhau, chỉ vì đùa giỡn; xúc chạm nhau, khi cởi mở (trói) thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. III. NÓI LỜI THÔ TỤC[29] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Xá-vệ.[30] Bấy giờ Ca-lưu-đà-di nghe đức Thế tôn chế giới: ‹Không được vọc âm cho xuất tinh›; ‹không được thân xúc chạm người nữ,› bèn cầm cây gài cửa ra đứng ngoài cửa, chờ các phụ nữ, vợ các nhà cư sĩ, và các thiếu nữ đến, nói rằng: «Mời các cô vào phòng tôi xem.» Khi dẫn họ vào trong phòng rồi, Ca-lưu-đà-di, do dục tâm, nói với họ những lời thô tục bỉ ối. Những người nữ bằng lòng thì vui vẻ trước những lời nói đó, còn những người không bằng lòng thì nổi sân mắng chửi, bỏ ra khỏi phòng, nói với các tỳ-kheo: «Đại đức nên biết, nay tôi thấy phải điều sai quấy, điều không lành, phi pháp, không thích hợp, không phải thời! Tôi thường nghĩ rằng đây là nơi an ổn, không có các hoạn nạn, không có tai biến, không có sợ hãi. Nay lại chính nơi đây tôi lại gặp phải tai biến, sợ hãi. Xưa nay nói nước có khả năng làm tắt lửa; nay trong nước lại sanh ra lửa. Tại sao tôi nói như vậy? Ca-lưu-đà-di mời chúng tôi vào phòng, với ý dâm dục, nói lời thô bỉ xấu ác đối với chúng tôi. Khi ở tại nhà, phu chủ tôi nói lời thô bỉ xấu ác như vậy, tôi còn không thể chấp nhận, huống chi nay là người xuất gia, mà lại nói những lời tồi tệ như thế.» Các tỳ-kheo nghe; trong số đó có vị thiểu dục, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Ca-lưu-đà-di... (nói đầy đủ như trước); rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo. Ngồi trong đại chúng, đức Thế tôn biết mà cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật ngươi đã làm sự việc như vậy chăng?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, đúng như vậy.» Đức Thế tôn quở trách: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp trường tồn.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, với ý dâm dục, nói lời dâm dục thô ác với người nữ; tùy theo lời nói dâm dục thô ác,[31] tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ý dâm dục,[32] như trên. Người nữ: cũng như trên. Thô ác: là chẳng phải phạm hạnh. Lời nói dâm dục: là nói đến hai đường tốt xấu.[33] D. PHẠM TƯỚNG Hoặc tự mình yêu cầu, hoặc sai người yêu cầu, hoặc hỏi, hoặc trả lời, hoặc giải bày, hoặc nói năng, hoặc dạy, hoặc mắng.[34] Tự mình yêu cầu: như nói, cùng tôi nơi hai đường làm việc như vậy, như vậy, hoặc dùng bao nhiêu lời nói khác khác. Sai người yêu cầu: như nói, ‹Cầu mong Trời, Phạm, thủy thần, Ma-hê-thủ-la thiên... hộ trợ tôi cùng cô làm việc như vậy, như vậy.› Hoặc nói những lời tương tự khác. Hỏi: như hỏi, ‹Đường đại tiểu tiện của cô ra sao? Cô với chồng cùng làm việc thế nào? Cô cùng người ngoài tư thông thế nào?› Hoặc nói những lời tương tự khác. Đáp: ‹Đường đại tiểu của cô như vậy. Cô cùng chồng, người ngoài tư thông như vậy.› Hoặc nói những lời tương tự khác. Giải bày: nói năng cũng như vậy. Chỉ dạy: như nói, ‹Tôi chỉ cho cô chăm sóc hai đường như vậy, cô có thể khiến cho chồng, người ngoài kính ái.› Hoặc nói những lời tương tự khác. Mắng: như nói, ‹Cô hư hoại, mục nát, teo tóp, đọa lạc. Cô cùng với con lừa làm chuyện như vậy.› Hoặc bằng những lời khác chửi mắng người. Nếu tỳ-kheo cùng với người nữ một phen nói lời thô ác thì phạm một tăng-già-bà-thi-sa. Tùy theo lời nói thô ác nhiều hay ít, nói rõ ràng, thì mỗi mỗi đều phạm một tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay,[35] thư, sai sứ giả, làm hiệu, khiến cho người nữ kia hiểu, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu, phạm thâu-lan-giá. Trừ đường đại tiểu tiện ra, nói đẹp hay nói xấu về những chỗ khác, phạm thâu-lan-giá. Đối với Thiên nữ, A-tu-la nữ, Dạ-xoa nữ, Long nữ, súc sanh cái có thể biến hình huỳnh môn, có hai hình, mà nói lời thô ác khiến cho đối tượng hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ giả, làm hiệu, khiến cho các hạng nữ kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Hướng đến súc sanh không thể biến hình nói lời thô ác phạm đột-kiết-la. Nếu hướng về đàn ông nói lời thô ác, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo với ý dục nói lời thô ác, tưởng là nói lời thô ác, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói lời thô ác, sanh nghi phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải lời thô ác, tưởng là lời thô ác, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải lời thô ác, mà nghi, phạm thâu-lan-giá. Nữ loài người, có ý tưởng đó là nữ loài người, tăng-già-bà-thi-sa. Nữ loài người, nghi thâu-lan-giá. [582a1] Nữ loài người, tưởng nữ loài phi nhơn, thâu-lan-giá. Nữ loài phi nhơn, tưởng là nữ loài người, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu vì người nữ mà giảng pháp bất tịnh quán,[36] như nói, «Này cô, nên biết, thân này có chín mụt ghẻ, chín lổ, chín nơi rỉ chảy, chín dòng nước chảy. Chín lỗ là: hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng, đại, tiểu tiện đạo.» Khi nói điều bất tịnh này, người nữ kia cho là lời thô ác. Hoặc khi nói Tỳ-ni, theo thứ tự nói đến việc này, người kia gọi là nói lời thô ác. Hoặc cầu học kinh, hoặc hai người đồng thọ; hoặc người kia hỏi, hoặc đồng tụng, hoặc vui giỡn nói chơi, hoặc nói một mình, hoặc nói gấp gáp, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này, nhầm nói việc kia. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. YÊU SÁCH CÚNG DƯỜNG A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di nghe đức Thế tôn chế giới: «không được vọc âm xuất tinh», «không được xúc chạm người nữ», «không được nói với người nữ những lời thô ác», bèn cầm cây gài cửa đứng ngoài cửa, chờ các phụ nữ, vợ các nhà cư sĩ, và các thiếu nữ đến, nói rằng: «Các cô có thể vào phòng tôi xem.» Khi dẫn họ vào phòng rồi, Ca-lưu-đà-di tự tán thân mình, nói: «Các cô biết không, trong số người có học, tôi là người hạng nhất. Tôi là người phạm hạnh, trì giới, tu thiện pháp. Các cô có thể đem sự dâm dục cúng dường tôi.» Khi ấy, những người nữ bằng lòng thì vui vẻ trước những lời nói đó, còn những người không bằng lòng thì nổi sân mắng chửi, bỏ ra khỏi phòng, nói với các tỳ-kheo: «Đại đức nên biết, nay tôi thấy phải điều sai quấy, điều không lành, phi pháp, không thích hợp, không phải thời! Tôi thường nghĩ rằng đây là nơi an ổn, không có các hoạn nạn, không có tai biến, không có sợ hãi. Nay lại chính nơi đây tôi lại gặp phải tai biến, sợ hãi. Xưa nay nói nước có khả năng làm tắt lửa; nay trong nước lại sanh ra lửa. Khi ở tại nhà, chồng tôi nói lời như vậy, tôi còn không thể chấp nhận, huống chi nay là người xuất gia, mà lại nói những lời như thế.» Các tỳ-kheo nghe; trong số đó có vị thiểu dục, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Ca-lưu-đà-di, «Thầy há không nghe Thế tôn chế giới, ‹không được vọc âm xuất tinh›, ‹không được xúc chạm người nữ›, ‹không được nói với người nữ những lời thô ác› (nói đầy đủ như trước)...» Họ bèn đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo. Ngồi trong đại chúng, đức Thế tôn biết mà cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật ngươi đã làm sự việc như vậy chăng?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, sự việc đúng như vậy.» Đức Thế tôn quở trách: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.›› Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, với ý dâm dục, đối trước người nữ tự khen thân mình, nói: ‹Này cô, tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp lành; cô nên đem sự dâm dục cúng dường tôi. Đó là sự cúng dường bậc nhất›; tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ý dâm dục: như trên đã nói. Người nữ: như trên đã nói. Khen thân mình: khen thân đoan chánh, nhan sắc đẹp; «Tôi là Sát-đế-lợi, trưởng giả, cư sĩ, bà-la-môn.» Phạm hạnh: siêng tu lìa uế trược. Trì giới: không khuyết, không thủng, không nhiễm ô. Pháp lành: ưa ở nơi nhàn tịnh, đến giờ khất thực, mặc y phấn tảo; tác pháp dư thực,[37] cũng không ăn; ăn một lần ngồi ,[38] ăn một nắm; ngồi nơi bãi tha ma, nơi đất trống, dưới gốc cây, luôn luôn ngồi, chỉ ngồi; trì ba y; bối nặc,[39] đa văn, hay thuyết pháp; trì tỳ-ni, tọa thiền. D. PHẠM TƯỚNG Sau khi tự khen ngợi mình như vậy rồi, nói rằng, «Hãy đến đây cúng dường tôi», trong đó không nói đến việc dâm dục, phạm thâu-lan-giá; có nói việc dâm dục phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu trước người nữ, một lần tự khen thân mình là một tội tăng-già-bà-thi-sa. Tùy theo sự tự khen thân mình nhiều hay ít, và nói một cách rõ ràng, mỗi mỗi đều phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư tín, sai sứ, làm hiệu khiến cho người kia hiểu, tăng-già-bà-thi-sa. Họ không hiểu, thâu-lan-giá. Trừ hai đường, đòi hỏi cung phụng nơi khác, thâu-lan-giá. Đối với thiên nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa cái, ngạ quỷ cái, súc sanh cái có thể biến hình, mà tự khen thân mình, nếu các hạng nữ kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; chúng không hiểu, đột-kiết-la. Nếu dùng dấu tay thư tín, sứ giả, ra dấu hiệu để tự khen thân mình mà người kia hiểu, phạm thâu-lan-giá. Khen nói mà họ không hiểu, phạm đột-kiết-la. Đối với súc sanh không thể biến hình mà tự khen thân mình, phạm đột-kiết-la. Nữ loài người, tưởng là nữ loài người, tăng-già-bà-thi-sa. Nữ loài người, nghi, phạm thâu-lan-giá. Nữ loài người, có ý tưởng là nữ loài phi nhơn, phạm thâu-lan-giá. Nữ loài phi nhơn, nghi, phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni phạm thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm. Sự không phạm: nếu tỳ-kheo nói với người nữ: «Đây là chỗ diệu tôn tối thắng. Tỳ-kheo này tinh tấn trì giới, tu thiện pháp, các cô nên dùng thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, ý nghiệp từ cúng dường bằng sự từ hoà của thân nghiệp, bằng sự từ hoà của khẩu nghiệp, bằng sự từ hoà của ý nghiệp.» Ý của các người nữ kia cho rằng tỳ-kheo vì ta nên tự khen thân mình; hoặc khi nói tỳ-ni, ngôn thuyết có vẻ tương tự, mà người kia nói là tự khen ngợi thân mình; hoặc từ việc thọ kinh, tụng kinh; hoặc hai người cùng thọ tụng kinh; hoặc hỏi đáp; hoặc đồng tụng; hoặc nói giỡn; hoặc nói liến thoắng, nói trong mộng; hoặc muốn nói việc nầy nhầm việc khác, đều không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống khổ bức bách. V. MAI MỐI A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt-kỳ.[40] Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một tỳ-kheo tên là Ca-la,[41] trước đây là Đại thần của Vua, biết rành về pháp thế tục. Vị ấy chuyên làm việc mai mối như vầy: đến người nam nói chuyện người nữ; đến người nữ nói chuyện người nam. Thời bấy giờ, các cư sĩ trong thành La-duyệt muốn có việc giá thú, tất cả đều đến nhờ Ca-la. Ca-la trả lời: «Để tôi đến nhà đó quan sát trước đã.» Quan sát xong, Ca-la đến các nhà cư sĩ nói: «Nhà ngươi muốn cùng với gia đình đó làm sui gia thì cứ thực hiện theo ý muốn.» Khi ấy, các cư sĩ theo lời hướng dẫn mà làm việc hôn thú. Các nam nữ làm việc cưới hỏi rồi, được vừa ý thì vui vẻ cúng dường khen ngợi, nói rằng: «Nên làm cho Ca-la thường được hoan lạc như chúng ta ngày nay. Vì sao? Vì nhờ Ca-la mà ta được hoan lạc như thế này. Mong Ca-la và các tỳ-kheo khác cũng được cúng dường.» Nếu, đôi nam nữ kia, sau khi cưới hỏi xong không được sự thích ý, họ bèn nói: «Hãy làm cho Ca-la luôn luôn chịu khổ não như chúng ta ngày nay. Tại sao? Vì chính Ca-la khiến cho tôi làm việc cưới hỏi nên nay tôi mới chịu khổ não thế này. Mong cho Ca-la và các tỳ-kheo cũng chịu sự khổ não; không được ai cúng dường.» Khi ấy, các cư sĩ không tin Phật, Pháp, Tăng trong thành La-duyệt, đồn đãi nhau: «Các người [583a1] nếu muốn được làm sui gia với nhà giàu to, nhiều của cải lắm vật báu, thì nên đến nhờ sa-môn Thích tử điều đó; tuỳ thời cúng dường thân cận cung kính thì có thể được như ý. Tại sao vậy? Sa-môn Thích tử này giỏi việc mai mối; biết người nam nầy có thể lấy người nữ kia; người nữ kia có thể cùng người nam nầy.» Rồi các Tỳ-kheo nghe lời đồn đãi ấy; trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống với hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý quở trách Ca-la tỳ-kheo: «Sao lại đi làm mai mối người nam cho người nữ; người nữ cho người nam?» Sau khi quở trách rồi, họ đến chỗ đức Thế tôn; đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà cố hỏi Ca-la: «Có thật ngươi đã làm sự việc như vậy chăng?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, sự việc đúng như vậy.» Đức Thế tôn quở trách: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, tới lui bên này, bên kia làm mai mối; đem ý người nam nói với người nữ; đem ý người nữ nói với người nam; hoặc để thành vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát, tăng-già-bà-thi-sa.[42] C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tới lui:[43] khiến cho hai bên được hoà hợp. Người nữ có hai mươi hạng:[44] mẹ giám hộ, cha giám hộ, mẹ cha giám hộ, anh giám hộ, chị giám hộ, anh chị giám hộ, tự mình giám hộ, pháp giám hộ, họ hàng giám hộ, tông thân giám hộ, tự nguyện làm tỳ nữ,[45] làm tỳ nữ để kiếm áo, tỳ nữ để nhận tiền của, tỳ nữ do hợp tác, tỳ nữ vì bị nước cuốn, làm tỳ nữ vì không nộp thuế, tỳ nữ bị thải,[46] tỳ nữ cho khách, tỳ nữ do người khác giám hộ, tỳ nữ được từ biên phương. - Mẹ giám hộ: được giám hộ bởi mẹ. - Cha giám hộ: được giám hộ bởi cha. - Cha mẹ giám hộ, anh giám hộ, chị giám hộ, anh chị giám hộ cũng như vậy. - Tự mình giám hộ: thân được tự tại. - Pháp giám hộ: tu hành phạm hạnh.[47] - Họ hàng giám hộ: không được quan hệ với dòng họ thấp hơn. - Tông thân giám hộ: được canh chừng bởi tông thân. - Tự nguyện làm tỳ nữ:[48] vui lòng làm tỳ nữ cho người khác. - Làm nô tỳ để kiếm áo: được trả giá bằng y phục.[49] - Nô tỳ để nhận tiền của: được trả giá thậm chí chỉ một đồng. - Nô tỳ do hợp tác:[50] cùng sinh hoạt nghề nghiệp chung nhưng chưa làm lễ để thành vợ chồng. - Nô tỳ vì bị nước cuốn: được vớt lên khi bị nước cuốn.[51] - Nô tỳ vì không nộp thuế: không lấy tiền thuế. - Nô tỳ bị thải: được mua lại, hay sinh từ trong nhà chủ.[52] - Nô tỳ khách: được tiền thuê để làm tôi tớ trong nhà. - Nô tỳ do người khác giám hộ: nhận tràng hoa của người để làm vật giao ước. - Nô tỳ được từ biên phương: do sự cướp đoạt mà được.[53] Đó là hai mươi hạng. Nam tử cũng có hai mươi loại như vậy. D. PHẠM TƯỚNG Người nam do mẹ giám hộ, và nữ do mẹ giám hộ, nhờ tỳ-kheo làm sứ giả nói với người kia, «Nàng hãy làm vợ tôi», hoặc nói, «Nàng hãy tư thông với tôi, chốc lát hay trong một niệm.» Nếu tỳ-kheo tự nhận lời bên này, đến nói bên kia; rồi nhận ý kiến bên kia, trở lại trả lời bên này, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự đến bên kia nói, sai sứ mang tin trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, sai sứ đến nói, tự mang tin trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, cùng sai sứ đến nói, sai sứ mang tin trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự làm thư mang đến bên kia, tự mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự làm thư mang đến bên kia, sai sứ mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, sai sứ mang thư đến bên kia, tự mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, sai sứ mang thư đến bên kia, sai sứ mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Bằng dấu tay, bằng ra hiệu, cũng với bốn trường hợp như vậy. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, mang đến bên kia, tự mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, mang đến bên kia; rồi sai sứ mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, sai sứ mang đến bên kia; rồi tự mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, sai sứ mang thư đến bên kia; rồi sai sứ mang thư trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, tự mang dấu tay, đến bên kia; rồi tự mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, tự mang dấu tay đến bên kia; rồi sai sứ mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, sai sứ mang dấu tay đến bên kia; rồi tự mang dấu tay trở lại tả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận thư, sai sứ mang dấu tay đến bên kia; rồi sai sứ mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Bốn trường hợp ra hiệu cũng như vậy. Bốn trường hợp nhận lời cũng như vậy. Mười sáu trường hợp của dấu tay cũng như vậy. Mười sáu trường hợp của ra hiệu cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự mang thư đến bên kia, tự mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự mang thư đến bên kia, sai sứ mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, sai sứ mang thư đến bên kia, sai sứ mang dấu tay trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự mang thư đến bên kia, tự mang dấu hiệu trở lại trả lời, cũng có bốn trường hợp như vậy. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, tự mang dấu tay đến bên kia; rồi tự mang trở lại trả lời, cũng có bốn trường hợp như vậy. Nếu tỳ-kheo tự nhận lời, đến bên kia, trở lại trả lời, tăng-già-bà-thi-sa; tự nhận lời, đến bên kia, không trở lại trả lời, phạm thâu-lan-giá. Nếu cùng nói mà không nhận, bèn đến bên kia nói, trở lại trả lời, thâu-lan-giá. Nếu nhận lời, không đến bên kia nói, không trở lại trả lời, đột-kiết-la. Nếu nghe nói, không đến bên kia nói, không trở lại trả lời, đột-kiết-la. Nếu không nhận lời, đến nói, không trả lại trả lời, đột-kiết-la. Nếu nói đã lấy người khác, hoặc nói đã đi chỗ khác, hoặc nói đã chết, hoặc nói bị giặc bắt đi, hoặc nói không có, tất cả thâu-lan-giá. Nếu có bệnh hủi, bệnh ung thư, bệnh bạch lại, càn tiếu, điên cuồng, bệnh trĩ, nơi đường (đại tiểu tiện) có nhọt mủ chảy mãi, trở lại trả lời như vậy, lời nói này tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo một lần làm môi giới cho người nữ, phạm một tăng-già-bà-thi-sa. Tùy theo làm mai mối nhiều hay ít, nói rõ ràng, mỗi mỗi phạm tăng-già-bà-thi-sa; nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Nếu bằng thư, bằng dấu tay, hoặc ra hiệu, tới lui nói, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu ra hiệu mà người kia hiểu, tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu, thâu-lan-giá. Trừ hai đường, nói đến chi tiết nào trong thân phần để mai mối, phạm thâu-lan-giá. Đối với thiên nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngã quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hình, huỳnh môn, hai căn, mà làm mai mối, nói rõ ràng, thâu-lan-giá; không rõ ràng, đột-kiết-la. Bằng thư, bằng dấu tay, bằng ra hiệu khiến cho người kia hiểu, thâu-lan-giá; không hiểu, đột-kiết-la. [584a1] Đối với súc sanh không thể biến hình, làm mai mối, đột-kiết-la. Làm mai mối nam, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo tới lui làm mai mối với ý tưởng làm mai mối, tăng-già-bà-thi-sa. Làm mai mối, nhưng nghi, thâu-lan-giá. Làm mai mối với ý tưởng không phải mai mối, thâu-lan-giá. Không làm mai mối mà nghi làm mai, thâu-lan-giá. Người nữ mà nghi, thâu-lan-giá. Nữ loài người mà tưởng nữ loài phi nhơn, thâu-lan-giá. Nữ loài phi nhơn, mà tưởng là nữ loài người, thâu-lan-giá. Nữ loài phi nhơn, nghi, thâu-lan-giá. Nếu tỳ-kheo mang thư của người đi nhưng không xem, đột-kiết-la. Nếu vì bạch y làm sứ giả các việc khác, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đây là các trường hợp phạm. Sự không phạm: nếu nam nữ trước đã thông nhau mà sau ly biệt làm cho hòa hợp lại. Hoặc vì cha mẹ bệnh hoạn, hay bị giam hãm trong ngục, xem thư rồi mang đi. Hoặc vì ưu-bà-tắc tín tâm tinh tấn mà bị bệnh, hoặc bị giam hãm trong ngục, xem thư rồi mang đi. Hoặc vì Phật, Pháp, Tăng, tháp, hoặc vì tỳ-kheo bệnh, xem thư rồi mang đi. Những trường hợp như trên không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. VI. LẬP THẤT NHỎ[54] A. DUYÊN KHỞI Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt-kỳ.[55] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng. Các tỳ-kheo người nước Khoáng dã,[56] nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng, họ liền làm phòng xá lớn. Vì họ làm phòng xá lớn nên đòi hỏi nhiều công sức. Các tỳ-kheo ấy đi cầu xin khắp nơi, nói: «Cho tôi công thợ khéo; cung cấp cho tôi xe cộ và người đánh xe; cung cấp cho tôi cây, gỗ, tre, tranh, giây cột, v.v... » Vì các tỳ-kheo khất cầu quá phiền hà, nên các cư sĩ mỗi khi từ xa, thấy tỳ-kheo đều quay xe tránh xa; hoặc lánh vào trong các đường hẻm, hoặc vào trong chợ búa, hoặc tự vào trong nhà, hay cúi đầu đi thẳng, không cho tỳ-kheo thấy mặt. Tại sao vậy? Vì sợ tỳ-kheo có sự khất cầu đòi hỏi. Lại có một tỳ-kheo Khoáng dã muốn xây cất phòng xá; bèn tự mình chặt lấy cây để làm. Vị thần nương ở nơi cây đó có nhiều con cháu, khởi ý nghĩ: «Con cháu của ta đông, cây này là nơi che chở, nương tựa của ta, mà tỳ-kheo này chặt phá. Ta phải đánh tỳ-kheo này.» Rồi thần cây nghĩ trở lại: «Nay ta nếu trước không xét kỹ mà đánh tỳ-kheo, sợ e trái đạo lý. Ta nên đến chỗ đức Thế tôn, đem vấn đề này thưa rõ với Ngài. Nếu đức Thế tôn giáo sắc thế nào, ta sẽ phụng hành thế ấy.» Nghĩ rồi, liền đến chỗ đức Thế tôn, lạy dưới chân Phật, đứng qua một bên và đem vấn đề thưa rõ đức Thế tôn. Đức Thế tôn khen ngợi: «Lành thay, ngươi đã không đánh vị tỳ-kheo trì giới. Nếu đánh thì mắc tội vô lượng. Nay ngươi nên đến dòng sông Hằng, nơi đó có một cây đại thọ tên là Ta-la. Vị thần nương ở cây đó vừa mạng chung. Ngươi có thể cư ngụ ở nơi đó.» Vị thần kia nghe xong, đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn, nhiễu ba vòng, rồi biến mất. Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp[57] từ nước Ma-kiệt, hướng dẫn chúng đại tỳ-kheo năm trăm người, cùng đến nơi thành Khoáng dã, nghỉ lại một đêm, sáng ngày đắp y, bưng bát vào thành khất thực, bước đi đoan nghiêm, mắt nhìn đứng đắn, cử chỉ dáng điệu cùng chúng có khác. Khi ấy, trong thành, các cư sĩ xa thấy tỳ-kheo bèn lánh vào đường hẻm, hay vào trong chợ búa, hoặc tự vào lại trong nhà, hoặc cúi đầu đi thẳng không cho tỳ-kheo thấy mặt. Tôn giả Ca-diếp thấy sự việc như vậy, bèn hỏi một người: «Các cư sĩ nơi đây tại sao thấy tỳ-kheo tránh mặt, không cho tỳ-kheo thấy?» Người ấy nói với Tôn giả Ca-diếp rằng: «Đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng. Các tỳ-kheo khất cầu phương tiện nhiều nên gây phiền hà. Do vậy, mọi người đều tránh mặt.» Tôn giả Ca-diếp nghe như vậy rồi bùi ngùi không vui. Lúc ấy, đức Thế tôn từ thành La-duyệt dẫn 1.250 vị Tỳ-kheo đến nơi thành Khoáng dã. Đến nơi, quý vị đều trải toà an toạ. Tôn giả Ca-diếp đến chỗ đức Thế tôn, lạy dưới chân Phật, đứng qua một bên, bày trống vai hữu, chấp tay, quỳ gối bạch Phật: «Vừa vào thành khất thực, con thấy các cư sĩ, từ xa trông thấy các tỳ-kheo, họ đều tránh mặt... (nói đầy đủ như trên).» Tôn giả thưa xong, lạy dưới chân Phật, nhiễu ba vòng, rồi ra khỏi thành Khoáng dã. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo nơi thành Khoáng dã sanh tâm thù hận. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Ta nhớ ngày trước, trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ này, có một vị thần đến nơi ta, cúi đầu lạy dưới chân, rồi đứng qua một bên, thưa với ta: ‹Đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo nơi Khoáng dã làm phòng xá riêng. Các ngươi khất cầu nhiều... (nói đầy đủ như trước).› Nay ta hỏi: Có thật các người làm phòng xá riêng, khất cầu nhiều như vậy chăng?» Các tỳ-kheo trả lời: «Sự thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo: «Tại sao các ngươi lấy cớ ta cho phép làm phòng xá riêng mà lại làm phòng xá lớn, để rồi đòi hỏi nhiều sự khất cầu phi pháp đối với vật khó kiếm?» Đức Thế tôn quở trách các tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Xưa kia bên dòng sông Hằng nầy có một Phạm chí bện tóc ,[58] thường ở bên dòng sông, nhan sắc tiều tụy, hình thể gầy còm. Bấy giờ ta đến đó, chào hỏi xong, hỏi: ‹Tại sao hình thể của ông gầy còm, nhan sắc tiều tụy như thế?› Người kia trả lời Ta rằng: ‹Trong nước sông này có một Long vương tên là Ma-ni-kiền-đại.[59] Mỗi lần ra khỏi cung, nó đến chỗ tôi. Thân nó quấn quanh mình tôi. Đầu nó che trên tôi. Khi ấy, tôi nghĩ: Tánh của loài rồng rất bạo, sợ nó hại mạng tôi. Vì sự lo sợ này mà thân thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy thế nầy.› «Khi ấy Ta hỏi vị Phạm chí kia rằng: ‹Ngươi có muốn khiến con rồng đó thường ở trong nước, không đến chỗ người hay không?› «Phạm chí kia nói: ‹Thật sự tôi muốn con rồng đó đừng đến chỗ tôi.› «Ta liền hỏi Phạm chí: ‹Con rồng kia có chuỗi anh lạc[60] hay không?› «Phạm chí đáp: ‹Dưới cổ nó có chuỗi ngọc châu anh lạc rất tốt.› «Đức Phật nói với Phạm chí rằng: ‹Nếu con rồng kia, khi ra khỏi nước, đến chỗ ngươi, ngươi nên đứng dậy tiếp đón và nói: Long vương, hãy chờ! Hãy mang chuỗi anh lạc dưới cổ cho tôi. Nói xong rồi thì đọc kệ: Nay ta cần chuỗi ngọc, Anh lạc dưới cổ ngươi. Hãy tỏ lòng tin ưa, Cho ta viên ngọc đó.› «Phạm chí ghi nhớ lời của Ta. Sau đó, khi Long vương từ trong nước ra, đến chỗ Phạm chí. Từ xa, Phạm chí trông thấy, liền đứng dậy nghinh đón và nói: ‹Hãy chờ chút, nầy Long vương! Xin vui lòng đưa cho tôi chuỗi ngọc dưới cổ.› «Phạm chí nói xong thuyết kệ: Nay ta cần chuỗi ngọc, Anh lạc dưới cổ ngươi. Hãy tỏ lòng tin ưa, Cho ta viên ngọc đó. «Long vương bèn trả lời Phạm chí bằng bài kệ: Của báu tôi có được, Do từ viên ngọc này; Ông lại muốn cầu xin, Thôi không gặp nhau nữa. Đoan chánh, đẹp, tinh sạch, Xin ngọc khiến tôi sợ; Thôi không gặp nhau nữa, Cho ông ngọc làm gì? «Long vương tức thời trở lại cung, không xuất hiện đến nữa.» [585a1] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền nói kệ: Xin nhiều người không ưa, Xin quá thành thù ghét; Phạm chí xin ngọc rồng, Rồng không trở lại nữa! «Tỳ-kheo, các ngươi nên biết, cho đến súc sanh còn không ưa người xin, huống là đối với loài người, xin nhiều không nhàm chán mà không làm cho chán ghét? Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, riêng làm phòng xá lớn, có quá nhiều yêu sách... (nói đầy đủ như trước).» Đức Thế tôn lại bảo các tỳ-kheo: «Xưa kia, một thuở nọ, ta ở nơi vườn Cấp-cô-độc, trong rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Khi ấy, có một tỳ-kheo[61] đến chỗ ta, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi qua một bên, ta hỏi thăm uỷ lạo rằng, ‹Các người sống có được an ổn không? Không khổ vì sự khất thực chăng?› «Tỳ-kheo ấy trả lời: ‹Chúng con sống được an ổn, không phải gặp sự khó khăn vì khất thực. Nhưng con ở trong rừng, có một điều lo ngại chính là, vào nửa đêm bọn chim kêu la bi thảm, làm rối loạn định tâm của con. Con khốn đốn vì việc này.› «Đức Phật hỏi các tỳ-kheo: ‹Các ông có muốn bầy chim này không đến nơi rừng nầy nghỉ đêm nữa hay không?› «Tỳ-kheo thưa với đức Phật: ‹Thật sự chúng con không muốn bầy chim ấy trở lại nghỉ đêm nơi rừng nầy nữa.› «Đức Phật bảo các tỳ-kheo: ‹Các ông rình, khi nào bầy chim trở lại nghỉ đêm, nói với chúng nó rằng, Cho ta xin hai cái cánh, ta có việc cần dùng nó.› «Lúc ấy,[62] các tỳ-kheo kia sau khi ghi nhớ lời dạy của Ta, bèn rình khi bầy chim kia trở lại nghỉ đêm nơi rừng; vào lúc nửa đêm, đến chỗ bầy chim kia, nói, ‹Nay ta cần dùng hai cái cánh của ngươi, ngươi đem cho ta đi!› «Khi ấy, bầy chim, nghĩ thầm, ‹Tỳ-kheo này xin ta như vậy.› Nghĩ xong, liền bay ra khỏi rừng, từ đó không trở lại nữa.» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ông nên biết, cho đến loài cầm thú còn không thích bị người xin, huống là đối với người cầu xin đòi hỏi nhiều, mà không sinh chán ghét sao? «Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, làm phòng xá lớn riêng, có qua nhiều yêu sách... (nói đầy đủ như trước).» Rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Xưa kia có con trai nhà tộc tánh, tên là Lại-tra-bà-la,[63] xuất gia hành đạo cho đến đối với nhà của cha mẹ mà cũng hoàn toàn không đến xin. Khi ấy, ông cha nói với Lại-tra-bà-la: «Con biết chăng, ta tự nghiệm xét, ít có người không đến nhà cha xin. Con là con của cha, tại sao không đến nhà cha để xin? «Khi ấy, Lại-tra-bà-la nói kệ cho cha nghe: Cầu nhiều, người không ưa. Cầu không được, sinh oán. Cho nên con không xin, Sợ sanh thêm bớt vậy. «Tỳ-kheo nên biết, Lại-tra-bà-la, đối với nhà của cha mình còn không đến xin, huống là các tỳ-kheo, đối với nhà cư sĩ, lại đến khất cầu đòi hỏi nhiều, khiến cho họ không ưa.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo khất cầu phi thời, khất cầu không biết chán, khất cầu bất chánh. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi sự khất cầu đúng thời, khất cầu một cách vừa phải, khất cầu chơn chánh; rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới nầy ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay phật. Phải mời các tỳ-kheo đến chỉ định nơi chốn. Các tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các tỳ-kheo đến để chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng định, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tự khất cầu: vị kia khất cầu yêu sách chỗ này chỗ kia. Thất [64]: tức là phòng. Không có chủ:[65] không có một người, hai người, hay nhiều người đứng ra cất. Tự làm cho mình:[66] tự mình tìm cầu, tự mình làm lấy. Đúng lượng: dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật.[67] Chỗ nguy hiểm:[68] là chỗ có hổ lang, sư tử, các thú dữ, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo không bị các loài trùng kiến hay các loài thú gây não hại, thì nên dọn khu đất cho bằng phẳng; hoặc có gốc cây, đá, gai gốc, thì hãy sai người đào bỏ. Hoặc có hang, hầm, mương, rãnh, ao, ngòi, thì hãy cho người lấp đi. Hoặc sợ nước ngập, hãy làm đê để chắn. Hoặc chỗ đất có người nói là của họ, thì nên cùng xử đoán, chớ để người khác tranh cãi. Đó gọi là chỗ nguy hiểm. Chỗ bị bít lối:[69] nghĩa là nơi không đủ cho chiếc xe chở cỏ[70] quay đầu để tới lui, như vậy gọi là chỗ bị bít lối. Tỳ-kheo này xem coi, nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối rồi, đến trong Tăng cởi bỏ giày dép, trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch:[71] Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình. Nay tôi đến trong Tăng cầu xin biết cho đó là chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Bạch như vậy ba lần. Lúc bấy giờ, chúng Tăng nên quan sát tỳ-kheo nầy có thể tin cậy được không? Nếu có thể tin cậy thì nên cho phép cất. Nếu không thể tin cậy thì tất cả chúng tăng nên đến nơi đó để xem xét. Nếu chúng Tăng không thể đi thì nên sai vị Tăng nào[72] có thể tin cậy đến đó để quan sát. Nếu nơi đó có nguy hiểm, bị bít lối thì không nên cho. Nếu không có nguy hiểm mà bị bít lối thì cũng không nên cho. Nơi có nguy hiểm mà không bị bít lối cũng không cho. Chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối mới cho. Nơi chốn đã ổn định như vậy rồi, trong chúng sai một người có khả năng tác yết-ma. Vị ấy có thể là thượng tọa, thứ tọa, hoặc tụng luật hay không tụng luật, nên tác bạch: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., tự khất cầu để cất thất, tự cất không có thí chủ. Nay đến trước chúng Tăng xin chỉ định nơi chốn là nơi không nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chỉ định nơi chốn không nguy hiểm, không bị bít lối cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch. Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., tự khất cầu để cất thất, tự cất cho mình, không có thí chủ. Nay, tỳ-kheo này đến trước Tăng xin chỉ định nơi chốn[73] là nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Nay, Tăng chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng nay chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối, thì im lặng. Ai không chấp nhận, xin nói. Tăng đã chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối, vì im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy. D. PHẠM TƯỚNG Vị tỳ-kheo cất phòng nên biết, từ khi khởi công đặt đá, đắp đất, hay vắt bùn, cho đến khi trét bùn sau cùng, hoàn thành toàn bộ, mà không được Tăng chỉ định nơi chốn, làm quá lượng, nơi nguy hiểm, bị bít lối: phạm hai tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, nơi có nguy hiểm, nhưng không bị bít lối: hai tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, tuy nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, tuy không cất quá lượng, nhưng cất nơi nguy hiểm, bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi nguy hiểm, không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, [586a1] nơi có nguy hiểm, bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, tuy cất nơi có nguy hiểm nhưng không bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng; nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi có nguy hiểm nhưng không bị bít lối: một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, nơi không nguy hiểm, không bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa. Nếu Tăng tỳ-kheo không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, nơi có nguy hiểm, bị bít lối, tự cất thất, hoàn thành, phạm tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; cất mà không thành, phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Nếu sai bảo người khác cất, thành thì phạm hai tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la;[74] không thành thì phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Nếu vì người khác cất thất, mà thành thì phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la; không thành, phạm bốn đột-kiết-la. Nếu khi cất thất mà dùng dây đo đất đúng lượng, nhưng người cất quá lượng, thì người cất phạm. Nếu tỳ-kheo sai người đặt dây mực để cất, người nhận lời sai bảo nói: «Cất như pháp», mà cất quá lượng thì người nhận lời ấy phạm. Nếu người ấy lại sai bảo người khác coi theo dây mực và được làm như pháp, không báo trở lại mà cất thì phạm. Nếu sai người đặt dây mực mà cất tức là cất như pháp; người dạy không hỏi có nên như pháp cất không? Người dạy phạm. Nếu Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tăng không chỉ định nơi chốn, nghi, thâu-lan-giá. Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng Tăng chỉ định nơi chốn, thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, có ý tưởng Tăng không chỉ định nơi chốn, thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, có nghi, thâu-lan-giá. Cất quá lượng cũng như vậy. Nếu có nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm, đột-kiết-la. Có nguy hiểm, nghi, đột-kiết-la. Có nguy hiểm, tưởng không nguy hiểm, đột-kiết-la. Không nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm, đột-kiết-la. Không nguy hiểm, nghi, đột-kiết-la. Nơi bị bít lối cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni thì đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: cất đúng lượng, cất giảm lượng, Tăng chỉ định nơi chốn, nơi không nguy hiểm, nơi không bị bít lối, đo như pháp. Hoặc vì Tăng mà cất, vì Phật mà cất, cất làm giảng đường, am bằng cỏ, am bằng lá, hoặc cất thất nhỏ đủ ở dung thân, hoặc cất cho nhiều người ở, đó gọi là không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. VII. CẤT CHÙA LỚN[75] A. DUYÊN KHỞI Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở trong vườn Cừ-sư-la,[76] tại nước Câu-thiểm-di.[77] Khi ấy, Vua Ưu-điền[78] nói cùng Tôn giả Xiển-đà,[79] là bạn tri thức thân hữu, rằng: «Tôi muốn làm cho ngài một cái nhà. Ngài muốn cái nhà đó đẹp như thế nào cũng được. Địa điểm nào tốt có thể xây cất phòng xá, cũng tùy ý ngài chọn.» Tôn giả trả lời: «Tốt đẹp thay!» Lúc bấy giờ, gần thành Câu-thiểm-di có cây thần là Ni-câu-luật.[80] Nhiều người qua lại, cũng như voi ngựa xe cộ thường nghỉ mát dưới gốc cây đó. Tôn giả Xiển-đà đến chặt cây kia để cất nhà lớn. Các cư sĩ thấy vậy, đều chê trách: «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, đoạn mạng chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng ta biết Chánh pháp. Như vậy làm gì có Chánh pháp. Cây đại thọ tốt đẹp như vậy, nhiều người tới lui, voi, ngựa, xe cộ thường nghỉ mát dưới gốc cây đó, mà lại đến chặt để làm nhà lớn.» Lúc ấy, trong số các tỳ-kheo nghe được, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng: «Cây đại thọ tốt như vậy, nhiều người tới lui, voi ngựa xe cộ thường đến nghỉ mát dưới gốc cây, sao lại đến chặt để làm nhà lớn?» Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy trình lên đức Phật, một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp các tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố ý hỏi Xiển-đà: «Có thật ngươi đã làm sự việc như vậy chăng?» Xiển-đà thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, sự việc đúng như vậy.» Đức Thế tôn quở trách: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các Tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, cần phải mời các tỳ-kheo khác đến chỉ định nơi chốn. Các tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các tỳ-kheo đến để chỉ định nơi chốn, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Lớn: dùng nhiều tiền của và vật liệu.[81] Có chủ: hoặc một, hai hoặc số đông người. Làm cho mình: vì thân mình mà làm. Chỗ nguy hiểm: là chỗ có hổ lang, sư tử, các thú dữ, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo không bị các loài trùng kiến hay các loài thú gây não hại, thì nên dọn khu đất cho bẳng phẳng; hoặc có gốc cây, đá, gai gốc, thì hãy sai người đào bỏ. Hoặc có hang, hầm, mương, rãnh, ao, ngòi, thì hãy cho người lấp đi. Hoặc sợ nước ngập, hãy làm đê để chắn. Hoặc chỗ đất có người nói là của họ, thì nên cùng xử đoán, chớ để người khác tranh cãi. Đó gọi là chỗ không bị nguy hiểm. Chỗ bị bít lối: nghĩa là nơi không đủ cho chiếc xe chở cỏ[82] quay đầu để tới lui, như vậy gọi là chỗ bị bít lối. Tỳ-kheo này xem coi, nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối rồi, đến trong Tăng cởi bỏ giày dép, trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch: Đại đức tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến trước Tăng, xin chỉ định cho chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Lúc bấy giờ, chúng tăng nên quan sát tỳ-kheo nầy có thể tin cậy được không? Có trí tuệ không? Nếu có thể tin cậy, có trí tuệ, thì nên tác yết-ma cho phép cất. Nếu không thể tin cậy, không có trí tuệ, thì nên cử một số tỳ-kheo, hoặc sai tỳ-kheo có trí tuệ, đáng tin cậy, đến nơi đó để xem xét. Nếu nơi đó có nguy hiểm, bị bít lối thì không nên cho. Nếu không có nguy hiểm mà bị bít lối thì cũng không nên cho. Nơi có nguy hiểm mà không bị bít lối cũng không cho. Chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối mới cho. Nơi chốn đã ổn định như vậy rồi, trong chúng sai một người có khả năng như đã nói tác yết-ma. Nên tác bạch: Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến trước Tăng xin chỉ định nơi không nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận chỉ định cho tỳ-kheo tên là..., chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Đây là lời tác bạch: Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, nay đến Tăng xin chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối. Chư đại đức nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối thì im lặng; ai không đồng ý xin nói. Tăng đã thuận cho [587a1] tỳ-kheo tên là..., yết-ma chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối rồi, nên im lặng. Việc ấy ghi nhận như vậy. D. PHẠM TƯỚNG Vị tỳ-kheo cất phòng nên biết, từ khi khởi công đặt đá, đắp đất, hay vắt bùn, cho đến khi trét bùn sau cùng, hoàn thành toàn bộ, mà không được Tăng chỉ định nơi chốn, nơi nguy hiểm, bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, chỗ có nguy hiểm nhưng không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng không chỉ nơi chốn mà cất nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn mà cất nơi có nguy hiểm, bị bít lối, phạm hai đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn mà cất nơi có nguy hiểm, nhưng không bị bít lối, phạm một đột-kiết-la. Tăng đã chỉ định nơi chốn, mà cất nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, nhưng cất nơi không nguy hiểm, không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo, Tăng không chỉ định nơi chốn, nơi có nguy hiểm, bị bít lối, cất phòng lớn, có thí chủ cất cho mình, cất xong, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; cất không thành, phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Nếu sai bảo người cất thì phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; không thành phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Vì người khác khởi công xây cất nhà mà hoàn thành thì phạm một thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la; cất mà không thành phạm ba đột-kiết-la. Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tăng không chỉ định nơi chốn, sanh nghi, phạm thâu-lan-giá. Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng là chỉ định nơi chốn, phạm thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, sanh nghi, phạm thâu-lan-giá. Có nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm; bị bít lối, tưởng có bị bít lối, đều cũng dùng năm câu như vậy. Tỳ-kheo-ni, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tăng chỉ định nơi chốn, cất nơi không nguy hiểm, không bị bít lối, vì Tăng, vì Phật đồ, giảng đường, am bằng tranh, am bằng lá, cái thất nhỏ đủ dung thân, vì nhiều người xây cất thất thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. VIII. VÔ CĂN BÁNG A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, có Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử [83] đắc A-la-hán, đang thiền tọa tư duy tại chỗ thanh vắng, tâm tự nghĩ rằng: «Thân này không bền chắc. Nay ta nên dùng phương tiện nào để tìm cầu sự bền chắc?» Tôn giả lại nghĩ: «Nay ta nên tận lực cúng dường bằng cách phân phối ngọa cụ trong Tăng và theo thứ lớp mời Tăng đi phó trai chăng?» Khi ấy, vào buổi xế chiều, Đạp-bà-ma-la Tử rời khỏi chỗ thiền tịnh, sửa lại y phục, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế tôn: «Vừa rồi, khi đang thiền tọa tư duy tại chỗ thanh vắng, con tự nghĩ rằng: ‹Thân này không bền chắc. Nay ta nên dùng phương tiện nào để tìm cầu sự bền chắc? Ta có nên tận lực cúng dường bằng cách phân phối ngọa cụ trong Tăng và theo thứ lớp mời Tăng đi phó trai chăng?›» Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Nên sai Đạp-bà-ma-la Tử làm người phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi thọ thực.» Bạch nhị yết-ma, trong chúng nên sai người có khả năng như đã nói, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai. Đây là lời tác bạch. «Đại đức tăng xin lắng nghe, nay Tăng sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngoạ cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi thọ thực. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai, thì im lặng; ai không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai rồi, nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.» Lúc ấy, Đạp-bà-ma-la Tử liền vì Tăng phân phối ngọa cụ. Những vị cùng ý hướng thì thành cộng đồng[84]: A-luyện-nhã cộng đồng với A-luyện-nhã, khất thực[85] cộng đồng với khất thực, nạp y cộng đồng với nạp y,[86] không làm pháp dư thực cộng đồng với không làm pháp dư thực,[87] nhất tọa thực cộng đồng với nhất tọa thực, ăn một vắt cộng đồng với ăn một vắt, ngồi nơi gò mả cộng đồng với ngồi nơi gò mả, ngồi nơi chỗ trống cộng đồng với ngồi nơi chỗ trống, ngồi dưới bóng cây cộng đồng với ngồi dưới bóng cây, thường ngồi cộng đồng với thường ngồi, tùy tọa cộng đồng với tùy tọa, ba y cộng đồng với ba y, bối-nặc[88] cộng đồng với bối-nặc, đa văn cộng đồng với đa văn, pháp sư cộng đồng với pháp sư, trì luật cộng đồng với trì luật, tọa thiền cộng đồng với tọa thiền. Bấy giờ, nơi La-duyệt-kỳ có tỳ-kheo khách đến, Đạp-bà-ma-la Tử liền theo thứ tự thích hợp phân phối ngọa cụ. Khi ấy có một trưởng lão tỳ-kheo, xẩm chiều, lên núi Kỳ-xà-quật. Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử từ nơi tay phát ra ánh sáng để phân phối ngọa cụ. Tôn giả nói: «Đây là phòng. Đây là giường dây. Đây là giường cây. Đây là nệm lớn, nệm nhỏ. Đây là gối nằm. Đây là đồ trải đất. Đây là ống nhổ. Đây là đồ đựng nước tiểu. Đây là nơi đại tiện. Đây là tịnh địa. Đây là bất tịnh địa.» Đức Thế tôn khen ngợi rằng: «Trong hàng đệ tử của ta, người phân phối ngọa cụ cho Tăng, Đạp-bà-ma-la Tử là đệ nhất.» Khi ấy, có tỳ-kheo Từ Địa [89] đến thành La-duyệt. Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho tỳ-kheo khách, tùy theo thứ bậc thích hợp, kể từ hàng Thượng tọa. Tỳ-kheo Từ Địa kia là bậc hạ tọa ở trong chúng, nên nhận được phòng xấu, ngọa cụ xấu. Từ Địa bèn nổi sân nhuế, nói: ‹Đạp-bà-ma-la Tử thiên vị, ưa thích người nào thì phân phối phòng tốt, ngọa cụ tốt. Người nào không ưa thích thì trao phòng xấu, ngọa cụ xấu. Tại sao chúng tăng lại sai người có sự thiên vị như vậy mà phân phối ngọa cụ của Tăng?› Sáng hôm sau, Đạp-bà-ma-la Tử, mời chư Tăng theo thứ tự đi phó trai. Khi ấy, trong thành La-duyệt, có một đàn-việt thường mỗi năm lại thết một bữa cơm ngon để cúng dường Tăng. Từ Địa tỳ-kheo hôm ấy đến phiên được mời đến đó. Nhà đàn-việt kia nghe Từ Địa tỳ-kheo sẽ đến thọ thực theo thứ tự. Họ bèn trải phu cụ tệ xấu ngoài ngõ để đón, tọa cụ và thức ăn cũng tồi tệ dùng để thiết đãi. Tỳ-kheo Từ Địa nhận được thức ăn xấu như vậy lại càng sân nhuế, nói: «Đạp-bà-ma-la Tử thiên vị, ưa thích người nào thì phân phối phòng tốt, ngọa cụ tốt. Người nào không ưa thích thì trao phòng xấu, ngọa cụ xấu. Ông không ưa chúng tôi nên trao cho tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Sáng hôm nay vì không thích chúng tôi nên lại mời chúng tôi đến thọ thức ăn tồi. Tại sao chúng tăng lại sai tỳ-kheo có thiên vị như vậy là người vì Tăng phân phối ngọa cụ và mời Tăng đi phó trai?» Bấy giờ, trong thành La-duyệt, có một tỳ-kheo-ni tên là Từ,[90] em gái của tỳ-kheo Từ Địa, nghe tỳ-kheo Từ Địa đến thành La-duyệt, liền đến chỗ tỳ-kheo thăm hỏi: «Đi đường xa có mệt nhọc không? Có vất vả lắm không?» Với những lời thăm hỏi tốt đẹp như vậy, mà tỳ-kheo Từ Địa làm thinh không trả lời. Cô Tỳ-kheo-ni hỏi: «Thưa đại đức! Em có lỗi gì mà Đại đức không đáp?» Tỳ-kheo Từ Địa nói: «Cần gì nói chuyện với cô? Tôi đang bị Đạp-bà-ma-la Tử quấy nhiễu, mà cô không thể trợ giúp tôi.» Cô tỳ-kheo-ni hỏi: «Muốn em làm những phương tiện gì để khiến Đạp-bà-ma-la Tử không quấy nhiễu Đại đức?» Tỳ-kheo Từ Địa nói: «Cô chờ khi nào Phật và Tăng tỳ-kheo họp, đến giữa chúng nói như vầy: ‹Thưa Chư Đại đức! Thật là điều không thiện, không thích hợp, không tốt đẹp, không tùy thuận, điều không nên, không hợp thời! Tôi vốn nương vào nơi không có sự sợ sệt, sự ưu não, tại sao ngày nay lại sanh sợ sệt ưu não? Tại sao trong nước lại sanh ra lửa? Đạp-bà-ma-la Tử nầy [588a1] đã phạm đến tôi.› Chúng Tăng liền hòa hợp làm pháp diệt tẩn. Như vậy, y không còn đến gây quấy nhiễu anh nữa.» Cô tỳ-kheo-ni nói: «Điều này có khó gì? Em có thể làm được.» Rồi thì, tỳ-kheo-ni Từ đến giữa Tăng,… được nói như trên.[91]
Chú thích: [16] Hán, hết quyển 2. [17] Tăng kỳ 5: Phật tại Vương-xá, Ca-lan-đà Trúc viên. Sa-di-ni Chi-lê 支梨, đệ tử của tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la 優钵羅, được sai mang y đến cho Ưu-đà-di; bị Ưu-đà-di dẫn vào phòng riêng rồi ôm. Tiếp theo, một chuỗi sự kiện với nhiều người khác nhau. [18] Dâm dục ý 淫欲意; Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.11a28): dục thạnh biến tâm 欲盛變心. Tăng kỳ 5 (T22n1425, tr.265c23): dâm dục biến tâm 淫欲變心; thích từ: tâm quá khứ diệt tận, biến dịch, nói là biến. Nhưng biến dịch ở đây chỉ cho sự biến dịch đối với căn, lực, giác chi, đạo chủng. Pali, Vin.iii.120: otiṇṇo vipariṇatena cittena, bị ức chế bởi tâm biến đổi; thích từ: otiṇṇo, chỉ tâm tham ái bị buộc chặt bởi sự khát vọng dục tình. [19] Ngũ phần, nt.: người nữ , kể cả trẻ mới sinh. Pali, ibid, người nữ, kể cả trẻ mới sinh, chỉ loài người chứ không phải dạ-xoa, quỷ, súc sinh. [20] Hán: thân tương xúc 身相觸; Ngũ phần: thân tương ma xúc 身相摩觸. Pali, Vin.iii.119: kāyasaṃsaggaṃ samāpajjeyya, tiến đến chỗ giao hội của thân thể. Sớ giải: hatthaggahaṇādi kāyasampayogaṃ, sự kết hợp thân thể bằng sự nắm tay v.v… [21] Hán: trùng ma 重摩, không có giải thích. Căn bản: cực xúc 極觸. Pali: parāmasanā. xoa bóp cùng khắp; Sớ giải: parāmasanā nāma itocito ca saṃpaṇā, xoa bóp cùng khắp, nghĩa là sờ mó chỗ này, chỗ kia. [22] Căn bản Tì-nại-da 11, tr.683c, 9 động tác phạm tăng-già-bà-thi-sa: xúc 觸, cực xúc 極觸, bằng 慿, tróc 捉, khiên 牽, duệ 曳, thướng 上, há 下, biến bão 遍抱. So sánh Pali, Vin.iii.121, các động tác xúc chạm: āmasanā parāmasanā omasanā ummasanā olaṅghaṇā ullaṅghaṇā kaḍḍhanā patikaḍḍhanā abhiniggahaṇā abhinippīḷaṇā gahaṇaṃ chupaṇaṃ, vuốt ve, vuốt khắp, vuốt xuống, vuốt lên, khom xuống, ngữa lên, ôm chặt, áp sát, cầm nắm, sờ mó. [23] Ma 摩. Ngũ phần: ma xúc 摩觸. Thập tụng: ma tróc 摩捉. Căn bản: xúc 觸. Pali: āmasanā, do động từ masati (Skt. mṛś): sờ mó, vuốt ve. [24] Khiên 牽. Căn bản: khiên, từ xa kéo lại gần (mình). [25] Hán: nại 捺. Pali: chupanaṃ nāma phuṭṭhamattaṃ, sờ mó, chỉ xúc chạm thôi. [26] Hán: thân y xúc thân y anh lạc cụ 身衣觸身衣瓔珞具 Tham chiếu Pali, Vin.iii.122: ...itthiyā kāyapaṭibaddhena kāyapaṭibaddhaṃ āmasati, bằng trang phục nơi thân (của tỳ-kheo) mà xúc chạm trang phục nơi thân của người nữ... [27] Nhị hình 二形; Ngũ phần, Tăng-kỳ, Thập tụng: hoàng môn 黃門; Pali: paṇḍaka. [28] Thảo cốc 草 [卄/告]; Tống-Nguyên-Minh: thảo nghiết 草秸. Đây chỉ cây cỏ rỗng ruột có thể gợi dục. Các luật khác không nói các trường hợp đột-kiết-la này. [29] Tứ phần, quyển 3 (T22, tr.581btt); Căn bản, quyển 11 (T23n1442, tr.684a15); Tát-bà-đa, quyển 3 (T23, tr.520b9); Thập tụng, quyển 3 (T23, tr.15c18); Ngũ phần, quyển 2 (T22n1421, tr.11b23); Tăng-kỳ, quyển 5 (T22n1425, tr.267c19); Pali, Saṅghādisesa 3, mātugāmaṃ dutthullāhi vācāhi obhāseyya,Vin. iii. 127. [30] Tăng kỳ: Phật tại Vương-xá. [31] Tăng kỳ: «nói lời xấu xa, tuỳ thuận pháp dâm dục, như nam nữ thiếu niên.» Căn bản: «nói lời thô bỉ xấu xa, không đứng đắn, liên hệ pháp dâm dục, như vợ chồng.» Pali, Vin.iii.128: duṭṭhullāhi vācāhi obhāseyya, yathā taṃ yuvā yuvatiṃ mehunūpasaṃhitāhi, nói những lời thô tục giống như thiếu niên nam nữ. [32] Căn bản, nhiễm triền tâm 染纏心. [33] Pali, Vin.iii.128: duṭṭhullā nāma vācā vaccamaggapassāmaggamethunadhammap-paṭisaṃyuttā vācā, những lời thô bỉ, là những lời liên hệ đến pháp dâm dục, liên hệ các đường đại, tiểu tiện. [34] Thập tụng (T23n1435, tr.16a16), chín trường hợp phạm: tán (khen ngợi), hủy (chê bai), khất (xin), nguyện (yêu cầu), vấn (hỏi), phản vấn (hỏi ngược), biện (biện giải), giáo (chỉ dẫn), mạ (mắng chửi) 讚毀乞願問反問辦教罵. Căn bản (T23n1442, tr.684b4), chín trường hợp 九事: nói đẹp, nói xấu, trực tiếp yêu cầu, phương tiện yêu cầu, hỏi thẳng, hỏi quanh co, dẫn sự, tán thán, sân chửi 謂善說惡說直乞方便乞直問曲問引事讚歎瞋罵. Pali, liên hệ đến hai đường, có 9 sự, như hai Luật bộ trên, dve magge ādissa vaṇṇampi bhaṇati, avaṇṇampi bhaṇati,yācatipi, āyācatipi, pucchatipi, paṭipucchatipi, ācikkhatipi, anusāsatipi, akkosatipi. [35] Hán: chỉ ấn 指印, tức Pali: aṅgulimuddikā, nhẫn dùng làm tín vật. [36] Nguyên Hán: bất tịnh ố lộ quán 不淨惡露觀, xem Trường A-hàm 9, kinh Thập thượng (T1, tr.52a7, 8); Pali: asubha-bhāvanā. [37] Dư thực pháp 餘食法, Tứ phần 14 (T22, tr.660a) ba-dật-đề 35: Tỳ-kheo ăn xong, được mời ăn thêm; không tác dư thực pháp mà ăn thêm, ba-dật-đề. [38] Nhất tọa thực 一坐食, mỗi ngày chỉ ăn một buổi trong một lần ngồi. Tứ phần 14, tr.660a: ba-dật-đề 35. [39] Bối nặc 唄匿; Pali. bhāṇaka, (người) đọc tụng, ca vịnh. [40] Ngũ phần, Tăng-kỳ, Thập tụng: Phật tại Xá-vệ. Căn bản: Thất-la-phiệt. [41] Ca-la 迦羅 ; Ngũ phần: trưởng giả Ca-lưu 長者名迦留; Thập tụng: Ca-la, con của trưởng giả Lộc Tử 鹿子長者兒名曰迦羅; Căn bản: Trưởng giả Hắc Lộc Tử 黑鹿子. Pali: āyasmā udāyī sāvatthiyaṃ kulūpako hoti, trưởng lão Udāyī thường xuyên lai vãng một gia đình trong Sāvatthi. [42] Ngũ phần, giới được kết hai lần: lần đầu, Ca-lưu mai mối làm vợ chồng. Lần thứ hai, nhóm sáu tỳ-kheo môi giới tư thông. Pali, học xứ này được kết hai lần. Lần đầu, do Udāyī mai nối làm vợ chồng. Lần thứ hai, do Udāyī mai mối cho tư thông. [43] Vãng lai, trong văn luật: vãng lai bỉ thử 往來彼此. Ngũ phần: hành môi pháp 行嫫法; Thập tụng: hành môi giá pháp 行嫫嫁法; Tăng kỳ: hành hoà hợp nam nữ 行和合男女. Pali: sañcarittaṃ samāpajjeyya, hành động làm môi giới. [44] Ngũ phần: nữ có mười hạng; nam có mười hạng. Thập tụng, mười bốn hạng nữ có giám hộ. Căn bản: bảy hạng phụ nữ, mười trường hợp tư thông. Thập tụng: mười bốn hạng nữ có giám hộ. Pali (Vin. iii. 139), 10 hạng nữ (không hay chưa chồng) và 10 loại vợ. [45] Hán: tỳ 婢. Pali: dāsī, giải thích: dāsī ceva hoti bhariyā ca, vừa là nô tỳ vừa là vợ. [46] Phóng khứ tỳ 放去婢. [47] Ngũ phần: pháp hộ 法護 , xuất gia theo chánh pháp, tu hành phạm hạnh. Nên hiểu là người nữ được bảo vệ bởi luật pháp. Căn bản: hữu pháp hộ 有法護, người nữ goá chồng, thủ tiết, không ai dám xâm phạm. Pali: dhammarakkhitā nāma sahadhammikā rakkhanti gopenti issariyaṃ kārenti vasaṃ vattenti (Vin. iii. 139), được giám hộ bởi pháp, tức là, những bạn đồng pháp (=đồng đạo) bảo vệ, canh chừng, làm chủ, kiểm soát. [48] Tự lạc 自樂 ; Ngũ phần: tự nhiệm 自任, người nữ sống theo sở thích. Tăng kỳ: tuỳ ý trú 隨意住, người nữ giao ước sống với người nam theo ý muốn, khi nào không còn muốn sẽ tùy ý bỏ đi. Căn bản: tự lạc phụ 自樂婦, hạng làm vợ do thân hành đi đến chỗ người nam mình thích, nói, «Tôi vui lòng làm vợ của ông.» Pali: chandavāsinī nāma piyo piyaṃ vāseti, hạng làm vợ được cầm giữ cho mục đích ham muốn, tức là người yêu cầm giữ người yêu. [49] Pali: paṭavāsinī nāma paṭaṃ datvā vāseti, hạng làm vợ được cầm giữ sau khi được cho áo. [50] Đồng nghiệp 同業; Thập tụng: hiệp sinh 合生, đề nghị người nam hiệp chung tài sản để sống chung; Căn bản: cộng hoạt 共活. Pali: kammakārī, vợ như là người chấp tác. [51] Thập tụng: thủy đắc 水得, người nam rót nước lên tay người nữ để xác nhận là vợ. Pali: odapattakinī nāma udakapattaṃ āmasitvā vāseti, người nữ bưng bát nước, sau khi người nam trao cho bình nước, rồi nhận làm vợ. [52] Phóng khứ tỳ 放去婢; Tăng kỳ 6 (T22, tr.273b7): phóng 放, có hai. Hoặc bán: theo pháp của nước Phả-lê, nếu không thích vợ nữa có thể đem bán. Hoặc ly hôn: theo phép một số nước, nếu vợ chồng không yêu nhau nữa, đến quan nộp 3 tiền rưỡi và hai trương lụa thì có thể ly dị. [53] Biên phương đắc 邊方得; Căn bản: vương kỳ phụ 王旗婦. Pali: dhajāhaṭā, vợ cướp được do chinh phạt. [54] Pali, Vin. iii. 144, kuṭikāsikkhapadaṃ. [55] Tăng kỳ: Phật tại tinh xá Khoáng dã 曠野精舍; Thập tụng: Phật tại A-la-tì quốc 阿羅毘國 [56] Khoáng dã quốc 曠野國; Ngù phần 3: A-trà-bệ ấp 阿荼髀邑; Thập tụng 3: A-tì-la tỳ-kheo 阿羅毘比丘. Pali: āḷavakā bhikkhū, các Tỳ-kheo người Āḷavī, một thị trấn nằm giữa Sāvatthī (Xá-vệ) và Rājagaha (Vương-xá). [57] Tăng kỳ, nt: Tôn giả Xá-lợi-phất. [58] Để bản: lãi kế 蠡髻; Tống-Nguyên-Minh: loa kế 螺髻. Pali: dve bhātaro isayo, hai anh em Tiên nhân. [59] Ma-ni-kiền-đại 摩尼犍大. Pali: maṇikaṇṭho nāgarājā, Long vương Maṇikaṇṭha. [60] Anh lạc 瓔珞; Ngũ phần 2, hạt ngọc ma-ni 摩尼珠. Pali: ngọc maṇi. [61] Tăng kỳ 6: Tỳ-kheo tên Bạt-cừ 跋懅. [62] Để bản in thừa mấy chữ: Tỳ-kheo báo ngôn 比丘報言. [63] Lại-tra-bà-la 賴吒婆羅, tức Lại-tra-hoà-la trong Trung A-hàm 31, con nhà phú hộ ở Xá-vệ, điển hình cho tín tâm bất động của thanh niên con nhà giàu có, quyết tâm xuất gia (T1, tr.623a). Cf. Pali, Raṭṭhapāla-sutta, M.ii.54ff. [64] Nguyên Hán: ốc 屋, nhà. Ngũ phần2 (T22, tr.14a20): phòng 房, mà bên trong có thể đi, đứng, nằm, ngồi. Thập tụng: xá, 舍, nhà ấm, nhà mát, điện đường, lầu gác, v.v... Pali (Vin. iii. 149): kuṭi, túp lều, hay chòi tranh. [65] Ngũ phần 2: không có chủ, nghĩa là không có đàn-việt (thí chủ). [66] Tự vị kỹ 自為己. Ngũ phần 2: vị thân 為身, làm cho mình, không phải cho người khác, hay làm cho Tăng. [67] Tăng kỳ 6 (T22n1425, tr.277c25): trường 長 (dài), tức chiều dọc; quảng 廣 (rộng), tức chiều ngang. Tu-già-đà chích thủ 修伽跎搩手, gang tay Phật (Thiện Thệ), bằng 2 thước 4 tấc. Căn bản: gang tay Phật gấp ba người thường. 12 gang tay người thường có 18 khuỷu. Pali: vidaṭṭhati = Skt. vitasti = 12 lóng tay, khoảng 9 inch. [68] Nạn xứ 難處; Ngũ phần: chỗ ngã tư đường nhiều người tụ tập; chỗ dâm nữ, chợ búa… Pali: sārambha, chỗ có nguy hiểm. [69] Phương xứ 妨處; Thập tụng 3 (T23n1435, tr.20c18): đất chung quanh túp lều ấy trong phạm vi một tầm mà là đất có tháp, đất của quan, của cư sỹ, ngoại đạo, trú xứ ni; có đá lớn, sông suối, hầm hố v.v… gọi là phương xứ. Tăng kỳ 6 (T22, tr.278b9): phi phương xứ, thất có bên phía, mỗi bên đủ chỗ cho cái thang 12 nấc 十二桄 梯 mà khoảng cách giữa 2 nấc là 1 khuỷu. Ngũ phần 2 (T22, tr.14a29): hữu hành xứ 有行處, chỗ có lối đi. Căn bản12: hữu tranh cạnh 有諍競, đất có tranh chấp, gần đó có quan sở, có nhà trưởng giả, nhà ngoại đạo, chùa ni… Pali: aparikkammana, chỗ không có lối đi. [70] Thảo xa 草車; Pali: yuttena sakaṭena, xe tải có bò kéo. [71] Tăng kỳ 2: trước làm cầu thỉnh yết-ma, tức đề nghị Tăng họp để giải quyết đề nghị của tỳ-kheo hữu sự. Sau đó mới xin khất cầu yết-ma, nêu đề nghị Tăng giám sát việc cất thất hợp pháp. [72] Tăng kỳ 2: yết-ma Tăng sai, cử tỳ-kheo đại diện, tối đa 3 người. Tứ phần và Ngũ phần, không có văn yết-ma Tăng sai. [73] Hán: dữ xử phân 與處分; Pali: kuṭivatthudesana, chỉ định chỗ có thể cất thất. [74] Pali, Vin.iii.153: Tỳ-kheo sai bảo người cất thất, chỗ không được Tăng chỉ định, chỗ có nguy hiểm, không có lối đi, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. [75] Căn bản 12 (T23n1442, tr.689a24): tạo đại tự 造大寺. Tăng kỳ: đại phòng xá 大房舍. Pali, Vin. iii. 155: vihārakāra, làm tinh xá. [76] Cù-sư-la 瞿師羅. Pali: Ghositārāma. [77] Câu-thiểm-di 拘睒彌; Ngũ phần3: Câu-xá-di 拘舍彌. Căn bản 12: Kiều-thiểm-tì 憍閃毘. [78] Ưu-điền 優填. Tăng kỳ 6: có thí chủ tên A-bạt-tra 阿跋吒. Pali không đề cập tên vua. Theo các tài liệu Pali, thời Phật, vua nước Kosambī là Parantapa; người kế vị là Udena. [79] Xiển-đà 闡陀. Thập tụng: Xiển-na 闡那. Pali: Channa. [80] Ni-câu-luật thần thọ 尼拘律神樹. Pali: cetiya-rukkham, cây có miếu thần. [81] Pali, Vin. iii. 156: mahallako nāma vihāro sassāmiko vuccati, tinh xá có thí chủ làm cho được xem là lớn. [82] Thảo xa 草車; Pali: yuttena sakaṭena, xe tải có bò kéo. [83] Đạp-bà-ma-la Tử 沓婆摩羅子; Ngũ phần 3, Đà-bà Lực Sỹ Tử 陀婆力士子; Tăng-kỳ, Đà-phiêu Ma-la Tử 陀驃摩羅子; Thập tụng 4, Đà-phiêu Lực Sỹ Tử 陀驃力士子; Căn bản 13, Thật Lực Tử 實力子. Pali: Dabba Mallaputta. [84] Đồng ý (tỳ-kheo) 同意者. Pali (Vin. iii. 159): sabhāgānān bhikkhūnaṃ, những tỳ kheo chung trong một nhóm. [85] Tỳ-kheo chỉ hành khất thực, không nhận thí chủ mời: một hạnh đầu đà. [86] Chỉ tỳ-kheo trì y pháp tảo: một hạnh đầu đà. [87] Nghĩa là, tỳ-kheo ăn xong rồi, không ăn thêm nữa, dù ăn chưa đủ no. [88] Bối nặc 唄匿; xem ch.ii, cht.39 [89] Từ Địa 慈地, theo văn, hình như một người. Nhưng khi dùng các đại từ, văn Hán dịch nói ngã đẳng 我等 hay nhữ đẳng 汝等. Như vậy, Từ Địa không chỉ một tỳ-kheo, mà chỉ một nhóm tỳ-kheo. Ngũ phần 3: Từ Địa huynh đệ 慈地兄弟, nghĩa là hai người. Tăng kỳ 7: nhóm sáu tỳ-kheo. Thâp tụng 4: Di-đa-la-phù-ma 彌多羅浮摩, một người. Căn bản 13: hai tỳ-kheo Thiện Hữu và Đại Địa 善友大地. Pali: Mettiyabhummajakā bhikkhū, các tỳ-kheo đồng bọn của Mettiya và Bhummaka, trong nhóm sáu tỳ-kheo. [90] Từ 慈. Pali: Mettiyā. [91] Hết quyển 3. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Lúc ấy, Đạp-bà-ma-la Tử ngồi cách Đức Phật không xa. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi «Ông có nghe những gì tỳ-kheo-ni này nói hay chăng?» Tôn giả thưa: «Bạch Thế tôn con có nghe. Thế tôn biết điều đó.» Đức Thế tôn bảo: «Nay không nên trả lời như vậy. Thật thì nói là thật. Không thật thì nói không thật.» Đạp-bà-ma-la Tử nghe đức Thế tôn dạy như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên hữu, quỳ gối phải xuống đất, chấp tay bạch phật: «Con từ khi sanh đến nay chưa từng nhớ trong mộng hành bất tịnh, huống là đối với lúc tỉnh mà hành bất tịnh.» Đức Thế tôn bảo: «Lành thay, lành thay, Đạp-bà-ma-la Tử, ông nên nói như vậy.» Khi ấy, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Các ông nên kiểm vấn tỳ-kheo Từ Địa này. Chớ để có sự vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ cho Tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử là người thanh tịnh này. Nếu vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ thì mắc trọng tội.» Các tỳ-kheo thưa rằng: «Thật vậy, bạch Thế tôn.» Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, tìm đến chỗ tỳ-kheo Từ Địa để kiểm vấn gốc ngọn: «Việc này thế nào? Có thật vậy không? Chớ vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ. Tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử này là người thanh tịnh. Nếu vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ thì mắc trọng tội.» Khi tỳ-kheo Từ Địa bị các tỳ-kheo cật vấn, báo cáo rằng: «Tôi biết Đạp-bà-ma-la Tử là người phạm hạnh thanh tịnh, không có việc làm như vậy. Nhưng tôi đến thành La-duyệt, ông ấy vì Tăng phân phòng xá, ngọa cụ; đã trao cho chúng tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Tôi liền sanh tâm bất nhẫn, nói: Đạp-bà-ma-la Tử có thiên vị. Thích ai thì phân cho phòng tốt, ngọa cụ tốt. Không thích ai thì phân cho phòng xấu, ngọa cụ xấu. Do không thích tôi nên chia cho tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Rồi theo thứ tự mời thọ thực thì lại mời tôi đến chỗ có thức ăn dở. Do vậy, tôi càng thêm oán hận bội phần, nói rằng: Tại sao Tăng lại giao cho người có thiên vị như vậy phân chia phòng, ngọa cụ và phân chia thứ tự mời đi thọ thực? Nhưng Đạp-bà-ma-la Tử này lại người phạm hạnh thanh tịnh, không có việc làm như vậy.» Trong các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, hành hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách tỳ-kheo Từ Địa: «Tại sao ông vu khống Đạp-bà-ma-la Tử là người phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ?» Rồi các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp các tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ Địa: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao vu khống người phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ?» Đức Thế tôn nói với các tỳ-kheo: «Có hai hạng người nhất định vào địa ngục. Hoặc chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh; hoặc vu khống người chơn phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ. Hai hạng người nầy một mạch vào thẳng địa ngục.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ Địa rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo Từ Địa này là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, đối với tỳ-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, tỳ-kheo này nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo nói như vậy, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Sân nhuế: có mười ác pháp làm nhơn duyên cho nên sân. Trong mười pháp, mỗi một pháp đều làm phát sinh sân. Căn cứ : có ba căn. Căn cứ do thấy, căn cứ do nghe, căn cứ do nghi. - Căn cứ do thấy: thật thấy phạm phạm hạnh; thấy trộm năm tiền hay hơn năm tiền; thấy đoạn mạng người. Nếu người khác thấy mà mình nghe từ họ thì gọi là căn cứ do thấy. - Căn cứ do nghe: nếu nghe nói phạm phạm hạnh; nghe nói trộm năm tiền hay hơn năm tiền; nghe nói đoạn mạng người; nghe nói tự khen ngợi đắc pháp thượng nhơn. Nếu người kia nói mà nghe từ người khác thì gọi là căn cứ do nghe. - Căn cứ do nghi: có hai loại sanh ra nghi, từ thấy sanh ra nghi, từ nghe sanh ra nghi. Từ thấy sanh nghi, như thấy cùng người nữ vào trong rừng, hay từ rừng đi ra, không có y, lõa hình, nam căn không trong sạch, thân bị nhớp; tay cầm dao có dính máu, cùng ác tri thức làm bạn. Đó gọi là từ thấy sanh ra nghi. Từ nghe sanh nghi, hoặc trong chỗ tối nghe tiếng giường kêu, hoặc nghe tiếng nệm cỏ chuyển động, hoặc nghe tiếng thân động, hoặc nghe tiếng thì thầm nói khẽ, hoặc nghe tiếng giao hội, hoặc nghe nói «Tôi phạm phạm hạnh»; nghe tiếng nói trộm năm tiền hay hơn năm tiền nghe tiếng nói «Tôi giết người»; hoặc nghe nói «Tôi được pháp thượng nhơn.» Đó gọi là từ nghe sanh nghi. Trừ ba căn nầy ra, nếu dùng pháp khác để vu khống, thì gọi là không căn cứ. D. PHẠM TƯỚNG Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy phạm ba-la-di, không nghe phạm ba-la-di, không nghi phạm ba-la-di lại nói: «Tôi thấy, nghe, nghi, người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp vô căn để hủy báng, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy phạm ba-la-di, không nghe phạm ba-la-di, không nghi phạm ba-la-di, lại sanh ý tưởng thấy, nghe, nghi, sau đó quên mất ý tưởng nầy, nói: «Tôi thấy, nghe, nghi, người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp vô căn để vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di. Đối với người kia có nghi, sau đó lại nói, «Tôi trong đây không nghi.» Nhưng lại nói, «Tôi thấy, nghe, nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di, mà đối với người kia sanh nghi, sau đó lại quên mất nghi, bèn nói: «Tôi thấy, nghe, nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di, mà trong đây không nghi. Nhưng lại nói, «Tôi trong đây có nghi là tội phạm ba-la-di được thấy, được nghe, được nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di. Trong đây không nghi, sau đó quên là đã không nghi, nhưng lại nói: «Tôi thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà [589a1] vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di, mà nói, «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Mà trong đó tưởng là thấy, sau đó quên ý tưởng nầy, lại nói, «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây có nghi, lại nói: Trong đây không có nghi. «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây có nghi, sau quên, lại nói: «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây không nghi, lại nói: Tôi có nghi. «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di Trong đây không nghi, sau đó quên điều không nghi, lại nói: «Tôi nghe, nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.[92] Nghe nghi cũng như vậy. (Trong đây có các câu, nhưng văn dài dòng không chép ra.)[93] Nếu tỳ-kheo bằng bốn sự[94] không căn cứ để vu khống tỳ-kheo, nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Trừ bốn ba-la-di, dùng các pháp phi tỳ-kheo khác để vu khống, nói: «Ông phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, với tâm giặc thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật xuất huyết, phi nhân, súc sanh, hai căn.»[95] Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Ngoại trừ chẳng phải pháp tỳ-kheo nầy, lại dùng pháp không căn cứ khác để vu khống tỳ-kheo, theo trước mà phạm. Nếu dùng tám pháp ba-la-di không căn cứ để vu khống tỳ-kheo-ni, nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Trừ tám pháp ba-la-di này, mà dùng các phi pháp tỳ-kheo-ni không căn cứ khác, để hủy báng, rõ ràng, tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Trừ pháp phi tỳ-kheo-ni, lại dùng pháp không căn cứ khác vu khống tỳ-kheo-ni, theo trước mà phạm. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra nếu dùng tội không căn cứ vu khống người khác phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: dùng căn cứ thấy, nghe, nghi mà nói sự thật, nói giỡn chơi, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. IX. GIẢ CĂN BÁNG A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ.[96] Bấy giờ, tỳ-kheo Từ Địa từ trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống, thấy con dê đực lớn cùng với con dê cái đang hành dâm. Thấy vậy, bèn nói với nhau bảo rằng: «Con dê đực này là Đạp-bà-ma-la Tử. Con dê cái là tỳ-kheo-ni Từ . Nay, ta sẽ nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Trước kia, tôi đã vu khống Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp được nghe không căn cứ. Nay chúng tôi tự mắt thấy Đạp-bà Ma-la Tử hành dâm với tỳ-kheo-ni Từ.›» Sau đó liền đến chỗ các tỳ-kheo nói: «Trước kia, tôi đã vu khống Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp được nghe không căn cứ. Nay chúng tôi tự mắt thấy Đạp-bà-ma-la Tử hành dâm với tỳ-kheo-ni Từ.» Các Tỳ-kheo hỏi: «Việc này như thế nào? Các ông chớ nên dùng pháp không căn cứ vu khống Đạp-bà-ma-la Tử là người tu phạm hạnh. Vu khống người tu phạm hạnh bằng pháp không căn cứ mắc tội rất nặng.» Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Từ Địa sau khi bị các tỳ-kheo cật vấn, liền nói: «Đạp-bà-ma-la Tử không có việc ấy. Đó là người thanh tịnh. Vừa rồi chúng tôi từ trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống, thấy con dê đực cùng với con dê cái hành dâm, nên chúng tôi liền tự bảo nhau rằng: ‹Con dê đực này là Đạp-bà-ma-la Tử. Con dê cái là tỳ-kheo-ni Từ. Hôm nay chính mắt chúng ta thấy việc ấy. Chúng ta sẽ đến chỗ các tỳ-kheo để tố cáo: Trước đây, tôi bằng pháp được nghe không căn cứ mà vu khống Đạp-bà Ma-la Tử. Nay chính mắt tôi tự thấy Đạp-bà cùng tỳ-kheo-ni hành dâm.› Song, Đạp-bà-ma-la Tử là người thanh tịnh. Thật không có việc ấy.» Trong các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Từ Địa: «Tại sao các ông lại vu khống Đạp-bà-ma-la Tử, là người thanh tịnh, bằng ba-la-di không căn cứ của sự việc thuộc phần sự khác?» Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ Địa: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Đạp-bà-ma-la Tử tu phạm hạnh. Tại sao các ông lại vu khống Đạp-bà-ma-la Tử bằng ba-la-di không căn cứ của việc thuộc phần sự khác?» Đức Thế tôn quở trách tỳ-kheo Từ Địa, rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo Từ Địa này là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, dựa vào tiểu tiết trong phần sự khác, đối với tỳ-kheo không phải là ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, Tỳ-kheo này tự nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo nào nói như vậy, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Sân nhuế: như trước đã nói. Phần sự khác:[97] tỳ-kheo phạm ba-la-di, nói là thấy phạm ba-la-di, vu khống bằng pháp không căn cứ thuộc phần sự khác, tăng-già-bà-thi-sa. D. PHẠM TƯỚNG Nếu tỳ-kheo không phạm ba-la-di mà gọi là phạm, tăng-già-bà-thi-sa. Bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo không phạm ba-la-di, nhưng thấy vị ấy phạm ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo phạm tăng-già-bà-thi-sa, nhưng vị ấy nói phạm ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo phạm tăng-già-bà-thi-sa, nhưng vị ấy nói phạm ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác, tăng-già-bà-thi-sa. Người không thanh tịnh giống người không thanh tịnh,[98] hay cùng tên, cùng họ, đồng tướng; lấy sự của việc người này vu khống cho người kia, bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người không thanh tịnh giống người thanh tịnh, đồng tên, đồng họ, đồng tướng; lấy sự việc của người này vu khống cho người kia, bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người thanh tịnh giống người không thanh tịnh, đồng tên, đồng họ, đồng tướng; lấy sự việc của người này vu khống cho người kia, bằng [590a1] pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu người thanh tịnh giống người thanh tịnh, đồng tên, đồng họ, đồng tướng; lấy sự việc của người này vu khống cho người kia, bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Hoặc thấy người ấy lúc còn tại gia mà phạm dâm, trộm năm tiền hoặc hơn năm tiền, hoặc giết người, bèn nói với người rằng: «Tôi thấy tỳ-kheo phạm dâm, trộm năm tiền, hơn năm tiền, nghe giết người.» Bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Hoặc nghe nói người ấy lúc còn tại gia mà phạm dâm, nghe nói trộm năm tiền hoặc hơn năm tiền, nghe nói giết người, nghe nói tự xưng được pháp Thượng nhơn, bèn nói: «Tôi nghe nói người kia phạm dâm, nghe nói trộm năm tiền hoặc hơn năm tiền, nghe nói giết người, nghe nói tự xưng được pháp Thượng nhơn.» Bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo tự nói nghe có tiếng vang rằng: «Tôi phạm dâm, nghe nói trộm năm tiền hoặc hơn năm tiền, nghe nói giết người, nghe nói tự xưng được pháp Thượng nhơn.› Bằng pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tỳ-kheo bằng bốn sự pháp [99] không căn cứ thuộc phần sự khác[100] để vu khống tỳ-kheo, nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, hoặc viết thư, hoặc sai sứ, làm dấu hiệu cho biết dấu được nhận biết rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Trừ bốn ba-la-di, bằng pháp phi tỳ-kheo khác, không căn cứ, thuộc phần sự khác, mà hủy báng, nói: ‹Ông phạm biên tội, cho đến, hai hình, chi tiết như trên;› nói mà hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư từ, sai người, làm hiệu cho biết, nếu hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được phạm thâu-lan-giá. Trừ những sự trên, nếu dùng các pháp khác không căn cứ thuộc phần sự khác để vu khống tỳ-kheo, tùy theo trước mà phạm. Nếu tỳ-kheo dùng tám pháp ba-la-di không căn cứ thuộc phần sự khác để vu khống tỳ-kheo-ni, nói mà hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư từ, sai người, ra dấu cho biết, nếu hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được, phạm thâu-lan-giá. Ngoài tám ba-la-di, dùng các pháp phi tỳ-kheo-ni khác thuộc phần sự khác để vu khống, nói mà hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư từ, sai sứ, ra dấu cho biết, nếu hiểu được, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không hiểu được, phạm thâu-lan-giá. Trừ pháp phi tỳ-kheo-ni, nếu dùng các pháp khác không căn cứ thuộc phần sự khác để vu khống tỳ-kheo-ni, tùy trường hợp phạm. Trừ vu khống tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni, dùng pháp không căn cứ thuộc phần sự khác để vu khống người khác, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, da-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: căn cứ do thấy, do nghe, do nghi căn mà nói đúng sự thật, nói giỡn cợt, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. X. PHÁ TĂNG A. DUYÊN KHỞI 1. CÁC VƯƠNG TỬ HỌ THÍCH Một thời, đức Phật ở A-nô-di-giới, nước Di-ni-sưu.[101] Bấy giờ, các hào tộc Thích tử với đức tin kiên cố, theo đức Thế tôn cầu xuất gia. Bấy giờ, có hai anh em họ Thích. Một người tên là A-na-luật.[102] Người kế tên là Ma-ha-nam .[103] A-na-luật được mẹ yêu mến, không muốn rời xa mắt. Bà cho xây cất cung điện ba mùa xuân, hạ, đông, và cung cấp các thể nữ để cho mặc tình hưởng thụ ngũ dục. Khi ấy, Ma-ha-nam nói với A-na-luật: «Hiện nay con cháu hào tộc của giòng họ Thích do tín tâm kiên cố thảy đều theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Riêng nhà ta không có một người nào xuất gia. Anh hãy trông coi gia nghiệp, từ việc công đến việc tư, em xin giao hết. Em muốn xuất gia. Nếu anh không thể được thì em sẽ duy trì gia nghiệp để anh đi xuất gia.» A-na-luật nói: «Hiện tại, anh không thể xuất gia. Em có thể đi đi.» Ma-ha-nam nói như vậy ba lần. A-na-luật cũng trả lời như vầy: «Anh không thể xuất gia.» Ma-ha-nam nói với A-na-luật: «Nếu anh không thể xuất gia thì em cáo bạch để cho anh duy trì gia nghiệp. Anh trông coi người làm, sửa sang nhà cửa, phụng sự tôn trưởng và các người thân tộc; ra vào nơi vương sở, với oai nghi lễ tiết phải như vậy; cày ruộng, gieo trồng sao cho đúng thời vụ.» A-na-luật bảo: «Những điều em vừa nói, hết sức là phiền toái. Anh không thể kham được. Tại sao em không nói, anh hãy mặc tình hưởng thụ ngũ dục, còn việc nhà cửa em sẽ lo liệu? Anh muốn vì lòng tin theo Thế tôn cầu xuất gia.» Ma-ha-nam nói: «Anh cần đến từ giã mẹ.» A-na-luật liền đến chỗ mẹ, thưa: «Mẹ nghe con nói. Hiện nay các con cái dòng họ Thích tử đều có người xuất gia. Riêng nhà mình không có người nào đi xuất gia. Nay con muốn đến chỗ đức Thế tôn cầu xin xuất gia. Nếu mẹ cho phép, con sẽ xuất gia tu hạnh thanh tịnh.» Bà mẹ nói: «Mẹ chỉ có hai đứa con. Tình yêu thương rất sâu đậm. Một chút cũng không muốn xa rời con mắt. Nay làm sao để cho con xuất gia được? Cho đến chết, còn không muốn rời, huống là còn sống mà lại cách biệt!» A-na-luật ba lần như vậy thưa mẹ xin xuất gia. Bà mẹ cũng như vậy ba lần từ chối: «Mẹ không để con đi!» A-na-luật ba lần cầu xin mẹ đi xuất gia. Bà liền suy nghĩ: «Nên làm cách nào để khiến con đừng đi xuất gia?» Rồi bà lại nghĩ: «Thích tử Bạt-đề[104] được mẹ rất yêu mến, tất không cho xuất gia. Ta nên nói với A-na-luật: ‹Nếu mẹ của Bạt-đề cho Bạt-đề xuất gia thì mẹ cũng sẽ cho con xuất gia.›» Nghĩ như vậy rồi, bà nói với A-na-luật. A-na-luật nghe mẹ nói như vậy, liền đến chỗ Bạt-đề, nói: «Anh nay biết không? Các Thích tử đều xuất gia. Song chúng ta chưa có người xuất gia. Hai người chúng ta có thể cùng nhau đi xuất gia.» Bạt-đề bảo: «Tôi không kham xuất gia. Anh muốn xuất gia thì tùy ý.» A-na-luật ba lần khuyên. Bạt-đề cũng ba lần trả lời: «Tôi không xuất gia.» A-na-luật bảo: «Hôm nay, việc xuất gia của tôi một phần tùy thuộc nơi anh.» Bạt-đề đáp lại: «Tại sao việc xuất gia của anh một phần tùy thuộc tôi?» A-na-luật đáp: «Tôi xin phép mẹ xuất gia. Mẹ tôi nói với tôi: ‹Nếu con có thể khiến Bạt-đề xuất gia thì mẹ sẽ cho con đi xuất gia.› Lý do là vậy.» Bạt-đề bảo: «Được rồi. Anh chờ một chút, để tôi đi thưa với mẹ tôi.» Bạt-đề tử liền đến chỗ mẹ, quỳ mọp thưa: «Nay mẹ có biết không? Các con nhà họ Thích đều xuất gia. Duy chỉ có một nhà mình là không. Nay tin tưởng muốn theo Thế tôn cầu xuất gia. Mẹ cho con đi!» Bà mẹ bảo: «Mẹ không cho con xuất gia. Vì sao? Mẹ chỉ có một mình con. Mẹ rất thương yêu, không muốn xa con dù chỉ trong chốt lát. Cho đến khi chết mẹ cũng không muốn rời, huống là hiện sống mà phải cách biệt.» [591a1] Bạt Đề thưa xin xuất gia như vậy ba lần. Bà mẹ cũng ba lần trả lời không thuận cho. Bà mẹ thấy con lòng rất chí thiết, nên tự nghĩ: «Ta sẽ làm cách nào để khiến con ta đừng xuất gia?» Rồi bà suy nghĩ: «Mẹ của A-na-luật rất yêu mến con của bà. Tất không cho con xuất gia. Nếu mẹ của A-na-luật cho con xuất gia thì ta cũng cho con ta đi xuất gia.» Nghĩ như vậy rồi liền nói với Bạt-đề: «Nếu mẹ của A-na-luật cho con của bà đi xuất gia thì mẹ cũng sẽ cho con đi xuất gia.» Khi ấy, Bạt-đề Thích tử đến chỗ A-na-luật nói: «Mẹ tôi đã cho tôi đi xuất gia. Chúng ta nay có thể hoãn thời gian bảy năm để ở tại nhà, hưởng thụ ngũ dục đến mức tối đa, sau đó sẽ xuất gia.» A-na-luật bảo: «Bảy năm lâu quá, mạng người vô thường.» Bạt-đề lại nói: «Không thể bảy năm thì có thể sáu năm, hoặc năm, bốn, hai, một năm ở tại nhà để thụ hưởng ngũ dục.» A-na-luật lại nói: «Một năm lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.» Bạt-đề nói: «Không thể một năm thì có thể bảy tháng, để thụ hưởng ngũ dục.» A-na-luật nói: «Bảy tháng lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.» Bạt-đề nói: «Không chịu nói bảy tháng thì sáu, năm, bốn, ba, hai, một tháng để chúng ta cùng nhau thụ hưởng ngũ dục.» A-na-luật nói: «Một tháng lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.» Bạt-đề tử nói: «Nếu không thể một tháng thì có thể trong bảy ngày, để cùng nhau hưởng thụ dục lạc.» A-na-luật nói: «Bảy ngày thì không xa. Nếu hết bảy ngày mà anh có thể xuất gia thì tốt, bằng không thì tôi sẽ xuất gia.» Rồi trong bảy ngày đó các Thích tử cùng nhau thụ hưởng ngũ dục với mức tối đa theo ý mình. Khi hết bảy ngày, Thích tử A-na-luật, Thích tử Bạt-đề, Thích tử Nan-đề, Thích tử Kim-tỳ-la, Thích tử Nan-đà, Thích tử Bạt-nan-đà, Thích tử A-nan-đà, Thích tử Đề-bà-đạt, ông thợ cạo Ưu-ba-ly là người thứ chín, đều tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thoa nơi thân, chải tóc, mang châu anh lạc, cỡi voi ngựa lớn ra thành Ca-tỳ-la-vệ. Nhân dân trong nước thấy các Thích tử, cùng nhau bàn nói: «Các Thích tử này trước đây thường tắm rửa thân thể, mang đồ anh lạc, cỡi voi ngựa lớn vào trong vườn dạo chơi, hôm nay chắc cũng vậy.» Khi các Thích tử cỡi voi lớn đến bên trong ranh giới, xuống voi, cỡi y phục, chuỗi anh lạc, và luôn cả voi, ngựa trao cho Ưu-ba-ly nói rằng: «Nhà ngươi thường nương nhờ chúng tôi để sống. Nay, chúng tôi xuất gia. Cho nhà ngươi y phục quý báu và voi lớn này để nhà ngươi làm phương tiện nuôi sống.» Khi các Thích tử tiến về phía trước, đến A-nậu-di,[105] nước Di-ni; ở phía sau, Ưu-ba-ly trong lòng suy nghĩ: «Ta vốn nhờ Thích tử nầy mà có được sự sống. Nay với lòng tin họ bỏ ta, theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Nay ta hãy theo họ xuất gia. Nếu họ có sở đắc thì ta cũng sẽ đắc.» Ưu-ba-ly liền dùng tấm lụa trắng gói y phục quý báu và anh lạc lại, đem treo trên cây cao, với ý nghĩ: «Ai đến lấy thì cho.» Ưu-ba-ly tiến đến chỗ các Thích tử và thưa họ rằng: «Sau khi quý vị đi, tôi liền khởi ý nghĩ: ‹Ta vốn nhờ Thích tử nầy mà có được sự sống. Nay với lòng tin họ bỏ ta, theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Nay ta hãy theo họ xuất gia. Nếu họ có sở đắc thì ta cũng sẽ đắc.›» Khi ấy, các Thích tử cùng Ưu-ba-ly dẫn nhau đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, lui đứng qua một bên, bạch với đức Phật: «Bạch Thế tôn! Chúng con đã được cha mẹ cho phép xuất gia. Cúi xin Đại đức cho chúng con được xuất gia. Cúi mong Thế tôn, độ cho Ưu-ba-ly trước nhất. Vì sao? Vì chúng con có nhiều kiêu mạn và muốn trừ kiêu mạn ấy.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, trước hết độ cho Ưu-ba-ly, kế đến độ Thích tử A-na-luật, kế đến Thích tử Bạt-đề, kế đến Thích tử Nan-đề, kế đến Thích tử Kim-tỳ-la, kế đến Thích tử Nan-đà. Ưu-ba-ly thọ đại giới là bậc Thượng tọa trên hết. Khi ấy, có vị đại Thượng tọa tên là Tỳ-la-trà,[106] độ riêng Thích tử A-nan-đà. Ngoài ra các thượng tọa khác độ Thích tử Bạt-nan-đà, và Thích tử Đề-bà-đạt Khi đức Thế tôn độ các Thích tử rồi, Ngài bảo họ đến nước Chiêm-bà. Sau khi các Thích tử nhận sự giáo thọ của đức Thế tôn và các Thượng tọa rồi, đến nước kia, mỗi người đều tự tư duy, chứng tăng thượng địa. Đề-bà-đạt-đa đặng thần tức. Khi ấy, Bạt-đề Thích tử ở một mình nơi a-lan-nhã, dưới bóng cây, trong bãi tha ma, tu tập tư duy. Đến cuối đêm, lớn tiếng nói rằng: «Sung sướng thay! Sung sướng thay!» Các tỳ-kheo ở gần ở bên nghe và nghĩ: «Tỳ-kheo Bạt-đề này, vốn khi ở đời, thường hưởng thụ ngũ dục. Nay xả bỏ vinh hoa kia mà xuất gia hành đạo, sống một mình nơi a-lan-nhã, dưới bóng cây, trong bãi tha ma, đến cuối đêm, tự mình nói rằng: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› Thích tử Bạt-đề nầy há không phải nhớ lại lúc còn ở nhà hưởng thụ ngũ dục nên tự nói: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!›?» Sáng hôm sau, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày rõ ràng với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo một tỳ-kheo: «Ông đến gọi gấp Tỳ-kheo Bạt-đề đến đây!» Tỳ-kheo vâng lời đức Phật, đến nói với tỳ-kheo Bạt-đề rằng: «Đức Thế tôn kêu người đến gấp.» Tỳ-kheo Bạt-đề liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn biết mà vẫn có hỏi Bạt-đề: «Có thật ông một mình ở nơi a-lan-nhã, trong bãi tha ma, dưới bóng cây, rồi đến giữa đêm tự kêu lên: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› ?» Bạt-đề thưa: «Bạch Thế tôn, có thật như vậy.» Phật hỏi Bạt-đề: «Ông quan sát ý nghĩa gì mà tự kêu lên: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!›?» Bạt-đề thưa: «Trước đây, khi con ở nhà, bên trong lẫn bên ngoài thường được tự hộ vệ bằng đao gậy. Với sự vệ hộ như vậy mà còn có sự sợ hãi. Sợ kẻ giặc bên ngoài đến xâm đoạt mạng sống của con. Nhưng, nay con ở một mình nơi a-lan-nhã, dưới gốc cây, trong bãi tha ma, cho đến giữa đêm mà không thấy có sự sợ hãi nào, lông trong người không hề dựng đứng. Bạch Thế tôn, con nghĩ đến cái lạc của sự xuất ly, cho nên tự nói: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› như thế.» Thế tôn liền khen: «Lành thay, lành thay, thiện gia nam tử! Điều đó thích hợp để ông chí tín xuất gia, vui hạnh thanh tịnh.» 2. NHÂN DUYÊN A-XÀ-THẾ Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Lúc ấy, Vua Bình-sa[107] không có con. Vua liền tập hợp các bà-la-môn có khả năng về tướng số, khiến họ xem tướng các phu nhơn. Nhà Vua nói: «Người xem tướng các phu nhơn nầy, ai sẽ sanh được con.» Bà-la-môn xem tướng xong, tâu: «Phu nhơn trẻ, khỏe mạnh này sẽ sanh con. Nhưng sẽ là kẻ thù của Vua.» Vua nghe nói như vậy rồi, đêm đó cùng giao hợp với phu nhơn này. Bà ấy liền có thai. Sau đó, sanh một nam tử, tướng mạo đoan chánh. Vì khi chưa được sanh, bà-la-môn đã đoán định, nó sẽ là kẻ thù của Vua. Vì duyên cớ ấy cho nên đặt tên là Vị Sanh Oán .[108] Vương tử này theo thời gian trưởng thành. Đề-bà-đạt-đa dùng sức thần thông khiến Vương tử hâm mộ. Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ rằng: «Ta cần nuôi đồ chúng.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở tại nước Câu-thiểm-tỳ.[109] Trong nước đó có một người tên là Ca-hưu-câu-la Tử.[110] Mạng chung, không bao lâu, ông này đã sanh hóa vào trong cõi trời Hoá tự tại[111]. Lúc ấy, Ca-hưu Thiên tử , vào giữa đêm, đến chỗ Đại Mục-kiền-liên, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, bạch với Mục-liên rằng: «Tâm của Đề-bà-đạt-đa muốn làm ác, nên sanh ý niệm: ‹Ta [592a1] muốn nuôi đồ chúng.›» Ca-hưu Thiên tử nói như vậy rồi, đảnh lễ, nhiễu quanh, xong biến mất. Khi đêm đã qua, Mục-liên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn hỏi Mục-liên: «Ý ông nghĩ thế nào, như lời Ca-hưu Thiên tử nói, đúng thật chứ không nhầm lẫn chăng?» Mục-liên thưa: «Bạch Thế tôn, đúng như vậy.» Đức Thế tôn bảo Mục-liên: «Chớ nói như vậy. Ta không thấy có lời nói nào của Chư thiên, người đời các Ma, Phạm vương, Sa-môn, Bà-la-môn mà là như thật, không sai trái. Chỉ trừ có lời nói của Như Lai là không hư dối.»[112] Đức Phật bảo Mục-liên: «Ở đời có năm việc tối tôn (sẽ nói ở sau[113]).» Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đến chỗ A-xà-thế, dùng sức thần thông bay lên hư không; hoặc hiện thân nói pháp, hoặc ẩn thân nói pháp, hoặc hiện nửa thân nói pháp, hoặc thân tuôn ra khói, hoặc thân tuôn ra lửa; hoặc biến thân làm hài nhi, thân mang anh lạc,[114] ngồi lên đùi thái tử, rồi xoay nghiêng qua, mút ngón tay thái tử. Thái tử A-xà-thế thấy sự biến hóa này đâm ra hoãng sợ, lông trong người đều dựng ngược lên. Đề-bà-đạt-đa biết Thái tử hoảng sợ liền nói: «Chớ sợ, chớ sợ!» Thái tử hỏi: «Ông là ai?» «Tôi là Đề-bà-đạt-đa.» Thái tử nói: «Ông thật là Đề-bà-đạt-đa thì trở lại nguyên hình.» Đề-bà-đạt-đa trở lại nguyên hình. Thái tử thấy rồi, liền tăng thêm lòng hâm mộ. Đã hâm mộ rồi, Thái tử lại tăng thêm sự cúng dường. Bấy giờ, hằng ngày, A-xà-thế dùng năm trăm chiếc xe sáng chiều đến thăm hỏi và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống. Khi các Tỳ-kheo nghe A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi Đề-bà-đạt-đa sáng chiều và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, họ liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo: «Các ông, nên tự nhiếp tâm chớ sanh lòng tham đắm[115] những thứ lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đa. Vì sao? Chính vì A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, nên làm cho Đề-bà-đạt-đa tăng thêm ác tâm. Ví như nam tử, đánh vào lỗ mũi con chó dữ, khiến cho chó kia càng thêm hung ác. Các Tỳ-kheo nên biết, ở đây cũng như vậy. Chính hằng ngày A-xà-thế dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, nên khiến cho ác tâm của Đề-bà-đạt-đa tăng thêm vậy.» Lúc ấy, Vua Bình-sa nước Ma Kiệt nghe biết A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống cho Đề-bà-đạt-đa. Vua Bình-sa, hằng ngày cũng dùng bảy trăm chiếc xe đến thăm hỏi đức Thế tôn, và cung cấp bảy trăm chõ đồ ăn thức uống. Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa nghe Vua Bình-sa dùng bảy trăm chiếc xe sáng chiều đến thăm hỏi đức Thế tôn, và cung cấp bảy trăm chõ đồ ăn thức uống. Do vì lợi dưỡng nên sanh tâm tật đố, Đề-bà-đạt-đa liền mất thần thông, bèn khởi ý nghĩ như vầy: «Nay ta nên chờ khi nào Phật cùng đại chúng hội hợp sẽ đến trước đức Phật, tha thiết thưa rằng: ‹Thế tôn tuổi đã già nua, thọ mạng hơn người, học đạo cũng lâu, nên yên sống nơi nhàn tịnh, mặc nhiên tự thủ. Đức Thế tôn là chủ của các pháp, nên phú chúc Tăng cho con, con sẽ chăm sóc.›» Nghĩ như vậy rồi, Đề-bà-đạt-đa chờ đại chúng tập hợp, liền đem ý nghĩ đó trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo: «Đối với Xá-lợi-phất, Mục-liên, ta còn không đem Tăng phú chúc cho, huống chi là đối với ông, người ngu si, mũi dãi đầy mình,[116] đâu có thể đem Tăng phú chúc cho ông được!» Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa sanh ý niệm này: «Nay đức Thế tôn giữa đại chúng lại nói ta là người ngu si, mũi dãi đầy mình.» Do vậy, Đề-bà-đạt-đa liền sanh tâm bất nhẫn. Đây là lần đầu trong đời này, Đề-bà-đạt-đa sanh tâm bất nhẫn đối với Thế tôn. Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa đến chỗ A-xà-thế, nói: «Đức Vua dùng chánh pháp trị dân cho nên được trường thọ. Sau khi Phụ vương băng hà thì ngài mới được lên ngôi. Lúc ấy, tuổi ngài đã già nua, sẽ không hưởng thụ ngũ dục được lâu. Nay ông hãy giết cha. Tôi sẽ giết Phật. Lúc bấy giờ, quốc giới Ma-kiệt có Vua mới, Phật mới trị nước giáo hóa, đâu há không vui sao?» Vương tử bảo rằng: «Có thể vậy.» Vương tử liền hỏi Đề-bà-đạt-đa: «Ngài cần những gì ?» Đề-bà nói: «Tôi cần một số người.» Vương tử liền cung cấp người. Đề-bà-đạt-đa sai hai người đến hại Phật, dạy rằng: «Ngươi đến giết Phật rồi, đi về bằng con đường khác.» Sau khi sai hai người ấy đi rồi, Đề-bà-đạt-đa lại sai bốn người nữa đi với lời dặn: «Các ngươi đón đầu hai người kia. Gặp chúng thì giết. Rồi theo con đường khác mà về.» Tiếp đó, lại sai tám người, cũng dặn: «Các ngươi đón đầu bốn người kia. Gặp chúng giữa đường thì giết. Rồi theo con đường khác mà về.» Cứ như vậy Đề-bà-đạt-đa lần lượt sai gấp đôi người lên, cho đến sáu mươi bốn người. Như vậy, đầu mối bị cắt đứt, không thể phân biệt, không biết ai hại Thế tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ngồi trong hang Trư khảm;[117] từ trong hang nầy đi ra, kinh hành dưới sườn núi. Đức Phật tự nghĩ rằng: «Nhân duyên Ta làm xưa kia, ngày hôm nay là kỳ hẹn.» Khi ấy, hai người nhận lệnh của Đề-bà-đạt-đa liền mặc áo giáp, cầm đao trượng đi đến đức Thế tôn. Cả hai người đều tâm niệm: «Ta sẽ hại Phật.» Vừa sanh ý niệm này, tức thời không thể bước tới được. Họ liền nghĩ: «Thế tôn có đại thần đức, oai lực vô lượng. Chính đệ tử của Ngài cũng có thần lực. Chúng ta đâu có thể hại được đức Thế tôn.» Vừa sanh ý nghĩ này thì liền bước đến được. Từ xa, họ thấy tướng mạo đức Thế tôn đoan chánh, các căn tịch tịnh, được sự điều phục tối thượng, tịch diệt đệ nhất, các căn kiên cố, như con long tượng đã được huấn luyện, ý không thác loạn, như nước lóng trong, trong ngoài đều thấu suốt. Họ thấy như vậy, liền phát tâm hoan hỷ, buông bỏ đao trượng, vất vào một chỗ, tiến đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn tuần tự vì hai người nói pháp vi diệu, khiến họ phát tâm hoan hỷ, khuyên họ tu thiện, nói bố thí, nói trì giới, nói tạo phước sanh thiên; quở trách dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất ly. Hai người ngay nơi chỗ ngồi, hết các trần cấu, đặng pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, liền bạch Phật rằng: «Từ nay về sau, chúng con xin thọ ba tự quy: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm người ưu-bà-tắc . Từ nay cho đến trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Khi ấy, đức Thế tôn bảo hai người rằng: «Các ngươi muốn trở về, nên đi con đường kia, không nên đi con đường này.» Hai người liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi cáo lui. Khi về đến chỗ Đề-bà-đạt-đa, họ báo cáo: «Đức Thế tôn có đại thần lực, oai lực vô lượng. Đệ tử của ngài cũng có thần lực. Chúng tôi đâu có thể hại Thế tôn được.» Đề-bà-đạt-đa đáp lại: «Các ngươi hãy cút đi, diệt đi! Cần gì các ngươi? Tại sao hai người mà không thể giết một người?» Đề-bà-đạt-đa đang trong cơn thịnh nộ ấy, đích thân đến núi Kỳ-xà-quật, tự tay mình cầm một tảng đá lớn, từ xa ném đức Thế tôn. Khi ấy, có một vị trời liền đón viên đá đặt lên trên đỉnh núi. Từ bên mép tảng đá đó, có một mảnh nhỏ văng ra, nhằm vào ngón chân Phật, làm chợt da chảy máu. Khi ấy, đức Thế tôn như con đại long quay nhìn bên hữu và nói: «Chuyện chưa từng có! Người họ Cù-đàm lại làm việc này.» Khi ấy, đức Thế tôn trở vào trong hang, tự lấy tăng-già-lê xếp thành bốn lớp làm gối, nằm nghiêng bên hữu như con sư tử, hai gót chân chồng lên nhau, nhất tâm nhẫn thọ sự đau nhức cực kỳ. Lúc bấy giờ, [593a1] một số đông tỳ-kheo nghe việc Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật; mỗi người cầm gậy, đá, bảo vệ quanh hang, lớn tiếng kêu réo. Phật từ trong hang nói ra, bảo các tỳ-kheo, ‹Các ông làm gì mà cầm gậy, đá đi quanh hang la lối như bọn người đánh cá la lối khi bắt được cá vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật rằng: «Vừa rồi, chúng con nghe Đề-bà-đạt-đa muốn đến hại Phật. Bởi vậy, chúng con cầm gậy, đá đến nơi hang. Sợ oan gia đến hại Thế tôn.» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ông hãy trở về chỗ nghỉ, chuyên tâm tu tập. Pháp thường của chư Phật không cần được che chở. Vì sao? Vì đã thắng các oán địch. Tỳ-kheo các ông nên biết, Chuyển luân thánh vương mà bị hại bởi kẻ thù từ bên ngoài, là điều không thể có. Như Lai cũng lại như vậy. Không có trường hợp các điều ác đến hại Như Lai.» Rồi Phật bảo các tỳ-kheo: «Trong đời có năm hạng Tôn sư :[118] Những gì là năm? «Hoặc có Tôn sư giới không thanh tịnh, tự xưng rằng: ‹Ta giới thanh tịnh.› Nhưng các đệ tử thân cận biết như thật điều đó nên nói: ‹Thầy của ta giới không thanh tịnh mà tự xưng là giới của ông thanh tịnh. Nếu ta đến nói với hàng bạch y, thầy của ta sẽ không vui. Thầy không vui thì không nên nói. Cứ để cho Thầy nhận sự cúng dường của thí chủ, sau đó sẽ tự biết.› Như vậy, nầy các tỳ-kheo, pháp của vị tôn sư trong đời kia là đệ tử vì giới mà bảo vệ. Thầy mong cầu đệ tử bảo vệ. «Thứ hai, này các tỳ-kheo, hoặc có tôn sư hoạt mạng không thanh tịnh[119] mà tự xưng, ‹Ta hoạt mạng thanh tịnh.›... nói như trên. «Thứ ba, này các tỳ-kheo, hoặc có người kiến huệ không thanh tịnh[120] mà tự xưng, ‹Ta kiến huệ thanh tịnh.›... nói như trên. «Thứ tư, hoặc có người ngôn thuyết không thanh tịnh,[121] mà tự xưng, ‹Ta ngôn thuyết thanh tịnh.›... nói như trên. «Thứ năm, hoặc có người ở ngoài pháp luật,[122] mà tự xưng, ‹Ta thanh tịnh ở trong pháp luật.›... nói như trên. «Như vậy, nầy các tỳ-kheo, trong đời có năm loại được coi là pháp của tôn sư. «Này các tỳ-kheo! Nay, Ta trì giới thanh tịnh cũng tự nói là: ‹Ta trì giới thanh tịnh.› Không khiến đệ tử bảo vệ Ta. Ta cũng không cầu đệ tử bảo vệ. «Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta hoạt mạng thanh tịnh, và cũng tự nói là, ‹Ta mạng thanh tịnh.›... nói như trên. «Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta kiến huệ của ta thanh tịnh, và xưng là, ‹Ta kiến huệ thanh tịnh.›... nói như trên. «Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta ngôn thuyết thanh tịnh, cũng tự nói là: ‹Ta ngôn thuyết thanh tịnh.›... nói như trên. «Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta ở trong pháp luật, cũng tự xưng là ‹Ta ở trong pháp luật.›... nói như trên.» Khi ấy, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Các ông hãy sai Xá-lợi-phất cáo tri cho đại chúng bạch y biết rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Nên bạch nhị yết-ma. Sai người biết làm yết-ma. Như sự việc trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng lắng nghe. Tăng nay sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm› thì im lặng. Ai không đồng ý, hãy nói.» «Tăng đã chấp thuận, Tăng sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm› Vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.» Xá-lợi-phất nghe lời nói nầy rồi, tâm sanh nghi, liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, thưa: «Bạch Thế tôn, làm sao con có thể đến chúng bạch y nói việc xấu của ông ấy? Vì sao? Trước đây, con trước các bạch y đã khen ngợi điều hay của Đề-bà-đạt-đa rằng, ‹Xuất gia từ dòng họ lớn, thông minh, có đại thần lực, nhan mạo đoan chánh.›» Phật bảo Xá-lợi-phất: «Trước đây ông khen ngợi Đề-bà-đạt-đa rằng, ‹Xuất gia từ dòng họ lớn, thông minh, có đại thần lực, nhan mạo đoan chánh.› Sự thật có phải vậy không?» Xá-lợi-phất thưa: «Bạch Đại đức, sự thật là như vậy.» «Cho nên, này Xá-lợi-phất, nay ông nên đến trong đại chúng bạch y, nói: ‹Trước đây Đề-bà-đạt-đa là như vậy, ngày nay là như vậy. Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.›» Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời đức Phật dạy rồi, đến trong đại chúng bạch y, nói, «Trước đây Đề-bà-đạt-đa là như vậy, ngày nay là như vậy. Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.» Khi ấy trong đại chúng có một số người chấp nhận Đề-bà-đạt-đa thì nói, «Sa-môn Thích tử vì sự cúng dường nên sanh tâm đố kỵ. Họ không vui khi Đề-bà-đạt-đa được sự cúng dường, cho nên nói giữa đại chúng rằng: ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng mà là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.›» Trong đó những người hâm mộ Phật thì nói: «Hoặc có thể Đề-bà-đạt-đa đã làm, hoặc mới đương làm.» Lúc bấy giờ, A-xà-thế bí mật dấu con dao bên trong chiếc áo, vội vàng lén vào trong cung để giết cha. Người giữ cửa phát giác, lục thấy trong người của A-xà-thế dấu một con dao, hỏi: «Thái tử dấu con dao nầy đề làm gì?» A-xà-thế trả lời: «Ta muốn vào cung để hại Vua.» Người giữ cửa hỏi: «Ai dạy ông, sanh tâm như vậy?» Vương tử nói: «Đề-bà-đạt-đa dạy ta.» Khi ấy, người giữ cửa liền đẫn đến chỗ các Đại thần, và báo cáo: «A-xà-thế muốn hại Vua.» Các Đại thần hỏi: «Ai dạy ông điều đó? Vương tử trả lời: «Đề-bà-đạt-đa dạy tôi.» Trong số các Đại thần có vị nói: «Sa-môn họ Thích đều làm việc nầy. Phải giết hết.» Có Đại thần lại nói: «Không phải tất cả Sa-môn họ Thích đều làm việc ác. Đây chỉ là việc làm của Vương tử và Đề-bà-đạt-đa. Phải giết những người này.» Có Đại thần lại nói: «Không phải tất cả Sa-môn họ Thích đều làm việc ác. Đây chỉ là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế. Tuy là tội đáng chết, nhưng không nên giết. Vì sao vậy? Vua là vị vương trọng pháp, khi nghe ắt không vui.» Khi ấy, người giữ cửa liền dẫn đến chỗ Vua Bình-sa, tâu: «A-xà-thế nầy muốn hại Vua.» Vua hỏi: «Ai bảo ngươi làm điều đó?» Vương tử thưa: «Đề-bà-đạt.» Trong số các Đại thần có vị nói: «Sa-môn họ Thích tất cả đều làm việc nầy. Phải giết hết.» Nhà Vua nghe câu nói nầy lòng không vui. Trong các Đại thần có người nói: «Sa-môn Thích tử không phải làm ác hết, không nên giết hết. Đây chỉ là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, thì nên giết họ mà thôi.» Nhà Vua nghe lời nói nầy, lòng cũng không vui. Trong số Đại thần, có vị nói: «Sa-môn Thích tử không làm ác hết, không nên giết hết. Đây là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế. Hai người tuy đáng chết nhưng không nên giết. Tại sao vậy? Nhà Vua là vị pháp vương, khi nghe ắt người không vui.» Vua Bình Sa hài lòng với ý kiến nầy, bảo các thần rằng: «Tất cả Sa-môn Thích tử nầy không hẳn đều là ác, bởi vậy không nên giết hết. Đây là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, song cũng không nên giết. Tại sao vậy? Trước đây đức Phật đã khiến Xá-lợi-phất báo khắp giữa đám đông rằng: ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải việc của Phật, Pháp, Tăng mà là Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Cho nên, không nên giết.» Sau khi phụ vương quở trách Thái tử A-xà-thế rồi, bảo các Đại thần: Có thể tha thứ cho Thái tử A-xà-thế.» Sau đó liền thả cho đi. Khi ấy, các Đại thần cùng nhau lớn tiếng nói: «A-xà-thế làm việc tày trời, đáng chết, tại sao chỉ quở trách sơ [594a1] rồi thả?» Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại bảo A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan tràn, lợi dưỡng bị đoạn tuyệt. Đề-bà-đạt-đa cùng đồng bọn gồm năm người đến từng nhà khất thực. Người thứ nhất tên là Tam-văn-đạt-đa; người thứ hai tên là Kiền-trà-đạt-ba; người thứ ba tên là Cấu-bà-ly; người thứ tư tên Ca-lưu-la-đê-xá[123] và bản thân của Đề-bà-đạt-đa là người thứ năm. Khi ấy, các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, lại bảo A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan tràn, lợi dưỡng đoạn tuyệt, cùng đồng bọn năm người đến từng nhà khất thực, liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn, một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhân duyên này liền tập hợp đại chúng. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa: «Có thật ông dẫn bốn người đến từng nhà khất thực hay không?» Đề-bà-đạt-đa thưa: «Đúng như vậy, bạch Thế tôn.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao ông riêng rẽ dẫn bốn người đến từng nhà khất thực. Ta đã dùng vô số phương tiện nói, ‹Các ngươi hãy thương tưởng nhà bạch y.› Nay sao ông riêng rẽ dẫn bốn người đến từng nhà khất thực?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa rồi, liền bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau không được ăn riêng chúng, được phép cho đến ba người cùng ăn.[124] Có hai điều lợi nên phải như vậy. Một là vì nhiếp phục người khó điều phục. Hai là vì từ mẫn đối với nhà bạch y. Tại sao vậy? Vì sợ hạng người khó điều phục kia tự cấu kết tạo chúng riêng để gây phiền não chúng Tăng.» Đề-bà-đạt-đa liền sanh ý niệm này: «Điều chưa từng có! Sa-môn Cù-đàm lại đi cắt miếng ăn của kẻ khác. Ta hãy phá Tăng luân[125] của ông ta. Sau khi ta qua đời có thể để lại tiếng là, ‹Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực, trí tuệ vô ngại, mà bị Đề-bà-đạt-đa phá Tăng luân của ông ta.›» 3. PHÁ TĂNG LUÂN Rồi thì, Đề-bà-đạt-đa liền đến các tỳ-kheo đồng bạn nói rằng: «Nay chúng ta có thể cùng nhau phá Tăng luân của Cù-đàm. Sau khi chúng ta chết có thể để lại tiếng là, ‹Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực, trí tuệ vô ngại, mà bị Đề-bà-đạt-đa phá Tăng luân của ông ta.›» Khi ấy, một đồng bạn của Đề-bà-đạt-đa là Tam-văn-đạt-đa, trí tuệ tài cao, phát biểu: «Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực. Cho đến đồ chúng đệ tử cũng lại như vậy. Làm sao chúng ta có thể phá được Tăng luân của người?» Đề-bà-đạt-đa nói: «Như Lai thường khen nói hạnh đầu-đà , thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly. Nay, ta có năm pháp cũng là thắng pháp của đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly: trọn đời khất thực, trọn đời mặc y phấn tảo, trọn đời ngồi nơi đất trống, trọn đời không ăn muối,[126] trọn đời không ăn cá thịt.[127] Nay, ta trì năm pháp này giáo hóa các tỳ-kheo đủ khiến cho họ tin ưa. Ta sẽ nói với các tỳ-kheo: ‹Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi người tu hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, ưa xuất ly. Nay, chúng ta có năm pháp cũng là thắng pháp đầu đà: trọn đời khất thực,… cho đến không ăn thịt cá. Hãy cùng nhau thực hành điều đó.› Tỳ-kheo tuổi nhỏ chắc sẽ thọ giáo. Tỳ-kheo thượng tọa sẽ ngại không tín thọ. Do phương tiện nầy có thể phá được Tăng luân kia.» Bấy giờ, Tam-văn-đạt-đa nói với Đề-bà-đạt-đa rằng: «Nếu làm như vậy, đủ để phá Tăng luân kia.» Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa liền dùng năm pháp trên, dạy các tỳ-kheo: «Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi người tu hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly. Nay, chúng ta có năm thắng pháp, cũng là hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly: chúng ta trọn đời khất thực, trọn đời mặc y phấn tảo, trọn đời ngồi nơi đất trống, trọn đời không ăn muối, cá và thịt.» Lúc bấy giờ, số đông tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa dùng năm pháp như vậy dạy các tỳ-kheo, khiến họ tin ưa... chi tiết như trên. Các tỳ-kheo nghe rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Hiện nay, Đề-bà-đạt-đa muốn đoạn bốn Thánh chủng.[128] Những gì là bốn? Ta thường dùng vô số phương tiện nói, y phục cốt nhắm đến tri túc. Ta cũng khen nói, y phục cốt nhắm đến tri túc. Ta cũng dùng vô số phương tiện nói, thức ăn, giường nằm và ngọa cụ, thuốc thang để chữa bệnh cần nhắm đến tri túc. Các tỳ-kheo nên biết, nay Đề-bà-đạt muốn đoạn bốn thánh chủng.» Rồi đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Đề-bà-đạt-đa: «Có thật ông dùng năm pháp dạy các tỳ-kheo hay chăng?» … chi tiết như trên. Trả lời: «Đúng vậy, bạch Thế tôn.»[129]
Chú thích: [92] Căn bản 13 (T23n1442, tr.697c17), mười yếu tố phạm: 1-3. Không thấy, không nghe, không nghi, mà nói dối thật có thấy, nghe, nghi. 4-5, Nghe, nghi, rồi quên, nhưng nói là không quên. 6-7. Nghe mà tin, nghe mà không tin, nhưng nói tôi thấy. 8-9. Nghe mà nghi, nghe mà không nghi, nhưng nói tôi thấy. 10. Chỉ tự nghi mà nói tôi thấy. Thập tụng 4 (T23n1435, tr.23b03) mười một yếu tố đối với tỳ-kheo không thanh tịnh: 1-3. Không thấy, không nghe, không nghi. 4-6. Thấy, nghe, nghi rồi quên. 7-8. Nghe rồi tin hoặc không tin. 9. Nghe mà nói là nghi. 10. Nghi mà nói là thấy. 11. Nghi mà nói là nghe. [93] Lời chua trong bản Hán. [94] Bốn ba-la-di. [95] Mười ba già nạn, có một trong các yêu tố này, không đắc giới tỳ-kheo. [96] Vin.iii. 166: Rājagahe viharati Veḷuvane Kalandanivāpe. [97] Pali: aññabhāgiyassa adhikaraṇassa, đối với tránh sự thuộc phần sự khác; vấn đề thuộc về thiên tội khác, hay tránh sự cơ sở khác. [98] Đoạn này và các đoạn kế tiếp, giải thích ý nghĩa thủ phiến 取片 Phiến, được hiểu là chứng cớ giả để vu khống, Pali: lesa. Cf. Vin.iii. 168: leso nāma dasa lesā, có 10 chứng cớ giả: đồng sinh (huyết thống), đồng danh, đồng tính, đồng tướng, đồng tội, đồng bát, đồng y, đồng Hoà thượng, đồng A-xà-lê, đồng tọa ngọa cụ . [99] Tứ sự pháp 四事法; tức bốn tránh sự: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh; cf. Tứ phần quyển 21. Pali, Vin, iii. 164: cattāri adhikaraṇāni: vivādādhikaraṇaṃ anuvādādhikaraṇaṃ āpattādhikaraṇaṃ kiccādhikaraṇaṃ. [100] Cf. Vin.iii.166: kathaṃ adhikaraṇaṃ adhikaraṇassa aññabhāgiyaṃ, thế nào là tránh sự thuộc phần sự (hay bộ phận) khác của tránh sự? Đó là, ngôn tránh là phần sự khác đối với mích tránh, tội tránh và sự tránh… [101] Di-ni-sưu quốc A-nô-di giới 彌尼搜國阿奴夷界. Ngũ phần, Di-na ấp A-nậu lâm 彌那邑阿凫林. Pali, Anupiyā, thị trấn thuộc xứ Malla, gần Kapilavatthu. [102] A-na-luật 阿那律. Pali, Anurudddha, anh em với Mahānāma, con Vua Amitodana (Hộc Phạn Vương). Vin. ii 183 (Cūḷavagga 7. Saṅghabheda). [103] Ma-ha-nam 摩訶男. Pali, Mahānama. Xem cht. 102 trên. [104] Bạt-đề 跋提. Pali, Bhaddiya, Vin.ii. 181. [105] A-nậu-di; ở trên âm là A-nô-di. [106] Tỳ-la-trà 毘羅荼 . Pali, Vin.i. 202: Belaṭṭhasīsa. Vị này nguyên là một người bà-la-môn ở Sāvatthi, xuất gia với Uruvela-Kassapa trước khi Phật thành đạo. Khi Uruvela-Kassapa theo Phật, ông cũng theo. [107] Bình-sa 瓶沙王 . Pali: Bimbisāra/ Seniya Bimbisāra, Vua nước Ma-kiệt-đà. [108] Vị Sanh Oán 未生怨. Pali: Ajātasattu/ Ajātasattu Vedehiputta, A-xà-thế Vi-đề-hy Tử. [109] Câu-thiểm-tỳ 拘睒毘國. Pali: Kosambī. [110] Ca-hưu-câu-la Tử 迦休拘羅子 . Vin.ii. 185, Kakudha/ Kakudha Koliya; nguyên là thị giả của ngài Đại Mục-kiền-liên . Cf. A.iii. 122ff. [111] Hoá tự tại 化自在天 ; Vin.ii. 185: adhunā kālaṅkato aññataraṃ manomayaṃ kāyaṃ upapanno, tái sinh với thân khác do ý sinh. [112] Cf. Vin. ibid., Phật cảnh giác Mục-liên: «Hãy giữ kín lời nói!» [113] Lời chua trong bản Hán. [114] Pali: quấn quanh mình một chuỗi rắn. [115] Pali, «Chớ ganh tị!», Vin.ii. 188. [116] Hán: thế thóa chi thân 涕唾之身. Pali, Vin.ii. 189: chavassa kheḷāsakassa, cái xác chết dính đàm dãi. [117] Trư khảm 豬坎. Pali: Sūkarakhatalena, hang đá trên sườn Linh thứu (Gijjhakūṭa). [118] Ngũ chủng tôn 五種尊. Pali: pañca satthāro. [119] Pali: aparisuddhājīvo, phương tiện sinh sống không thanh tịnh. [120] Pali: aparisuddhaññāṇadassano, tri kiến không thanh tịnh. [121] Pali: aparisuddhaveyyākaraṇa, sự giải thuyết (thọ ký) không thanh tịnh. [122] Pali: aparisuddhadhammadesana, sự thuyết pháp không thanh tịnh. [123] Đồng bọn của Đề-bà-đạt-đa: Tam-văn-đạt-đa 三聞達多, Kiền-trà-đạt-bà 騫荼達婆, Câu-bà-ly 拘婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Pali, Vin.ii. 196: Kokālika, Kaṭamoraka-tissa, Khaṇḍadeviyāputta, Samuddadatta. [124] Xem Ba-đật-đề, điều 33, cấm biệt chúng thực. [125] Phá Tăng luân; Pali: saṅghabhedam, cakkabhedam: phá tăng và phá luân. [126] Nguyên Hán: tô diêm 酥鹽. [127] Ngũ phần 25 (T22n1421, tr.164a): 1. không ăn muối. 2, không ăn sữa đặc. 3. không ăn cá thịt. 4. Chỉ xin ăn, không nhận mời. 5. Xuân, Hạ, 8 tháng ngồi giữa chỗ trống; Đông 4 tháng sống trong am cỏ. Thập tụng 36 (T23n1435, tr.295a): 1. Mặc nạp y. 2. Chỉ khất thực. 3. Chỉ một lần ăn. 4. Ngồi giữa trời trống. 5. Không ăn thịt. Pali, Vin. ii. 197 , Vin. iii. 171: 1. Sống trong rừng. 2. Chỉ khất thực. 3. Mặc phấn tảo. 4. Sống dưới bóng cây. 5. Không ăn cá. [128] Tứ Thánh chủng 四聖種. Pali, cattāro ariyavaṃsā; cf. D.iii. 224. [129] Bản Hán, hết quyển 4. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa: «Tại sao ông dùng năm pháp dạy các tỳ-kheo... (như trên). Này Đề-bà-đạt-đa, ông chớ nên đoạn bốn thánh chủng, (4 thánh chủng như trên đã nói). Này Đề-bà-đạt-đa, nay ông chớ nên phương tiện phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt phương tiện phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Ông nên cùng Tăng hòa hiệp, không tranh chấp, cùng một thầy học như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có ích, sống an lạc. Bởi vậy cho nên, này Đề-bà-đạt-đa, ông nên biết, phá hòa hiệp Tăng là điều ác, gian nan, mắc đại trọng tội. Phá hòa hiệp Tăng đọa trong Nê-lê một kiếp, thọ tội không thể cứu vớt.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khiến cho tâm phá Tăng của Đề-bà-đạt-đa tạm chấm dứt. Ngài dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Tăng trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián, can gián để bỏ sự việc này bằng cách bạch tứ yết-ma.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, như trên đây mà tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa này muốn phương tiện phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng châp thuận cho pháp ha gián để bỏ việc này, nói rằng, ‹Đề-bà-đạt-đa, ông chớ phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đề-bà-đạt-đa, ông nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng nhất như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới sống an lạc.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa này muốn thọ pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Nay Tăng trao cho pháp ha can gián để bỏ sự việc này. ‹Đề-bà-đạt-đa, ông chớ phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đề-bà-đạt-đa, ông nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng nhất như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới sống an lạc.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. » (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ [595a1] việc nầy rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.» Nên làm pháp ha gián như vậy, Tăng vì Đề-bà-đạt-đa làm pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy rồi, các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo: «Nếu có tỳ-kheo nào khác phương tiện muốn phá hòa hợp Tăng, cũng dùng pháp bạch tứ yết-ma ha gián này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, muốn phá hoại hòa hợp Tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ.[130] Các Tỳ-kheo nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại đức chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt phá hoại hoài hợp Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức, nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.› Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy, cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Hòa hiệp: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới.[131] Tăng: có bốn tỳ-kheo, có năm tỳ-kheo, hoặc mười tỳ-kheo, cho đến vô số. Phá: phá có mười tám việc: pháp, phi pháp, luật, phi luật, phạm, không phạm, hoặc nhẹ, hoặc nặng, có dư tàn, không dư tàn, thô ác, chẳng phải thô ác, thường sở hành, phi thường sở hành, chế, phi chế, thuyết, phi thuyết. Đó là mười tám việc. Trụ pháp phá Tăng:[132] tức là trụ nơi mười tám việc này. D. PHẠM TƯỚNG Nếu tỳ-kheo tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng,[133] chấp chặt pháp phá Tăng[134] kiên trì không bỏ tỳ-kheo kia nên can gián[135] tỳ-kheo này rằng, ‹Đại đức chớ tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng tác pháp ha gián mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt; bằng không nghe lời thì lại nên khiến tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc Đại thần của Vua, các Sa-môn khác đạo, bà-la-môn đến nói. Nếu tỳ-kheo ở nơi khác mà nghe biết vị này tin dùng lời nói của họ thì nên đến nhờ nói. Nếu vị này nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác bạch.[136] Tác bạch rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác bạch xong, còn các pháp yết-ma nữa. Nay ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt; bằng không nghe lời nên tác sơ yết-ma, rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác sơ yết-ma rồi, còn hai yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng vì ngài tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác yết-ma lần thứ hai, rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác yết-ma lần thứ hai rồi, còn một yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng vì ngài tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy bỏ thì tốt, bằng không bỏ thì tác pháp yết-ma lần thứ ba. Trao xong, vị ấy phạm tăng-già-bà-thi-sa. Yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bắt đầu tác bạch chưa xong mà bỏ, phạm một đột-kiết-la. Nếu tất cả chưa tác bạch, khi tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng, chấp chặt phá hòa hợp Tăng kiên trì không bỏ, tất cả phạm đột-kiết-la. Nếu khi Tăng đang tác yết-ma ha gián cho người phá Tăng mà có tỳ-kheo khuyến khích «Đừng bỏ.» Tỳ-kheo ấy phạm thâu-lan-giá. Nếu không phải là ha gián, tỳ-kheo ấy phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni xúi: «Đừng bỏ.» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Chưa tác pháp ha gián, cô ni xúi: «Đừng bỏ.» Cô ni ấy phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác xúi «Đừng bỏ.» Những người ấy phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó là phạm. Sự không phạm: bắt đầu can gián liền bỏ. Nếu phi pháp biệt chúng tác pháp ha gián; phi pháp hòa hợp chúng tác pháp ha gián; pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp, phi pháp, phi luật, phi giáo giới của Phật. Nếu tất cả chưa tác pháp ha gián. Hoặc vì phá ác hữu, ác tri thức; hoặc vì phá phương tiện muốn phá Tăng, can ngăn khiến không phá; hoặc phá phương tiện trợ việc phá Tăng; hai, ba người yết-ma; hoặc muốn tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni; hoặc vì Tăng, vì tháp, vì hai Hòa thượng, đồng Hòa thượng, vì A-xà-lê, đồng A-xà-lê, vì tri thức, làm tổn giảm, làm không có trú xứ. Vì những mục đích này mà phá, thì không phạm, Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XI. TÙY THUẬN PHÁ TĂNG A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa cố chấp chặt năm pháp này, và lại đến dạy các tỳ-kheo rằng: «Thế tôn dùng vô số phương tiện thường khen nói người tu hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly; thế thì trọn đời khất thực, mặc y phấn tảo, ngồi nơi đất trống, không ăn muối, không ăn thịt và cá.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nói với Đề-bà-đạt-đa rằng: «Ông chớ nên phá hoại hòa hợp Tăng, chớ nên chấp chặt pháp phá Tăng kiên trì không bỏ. Tại sao vậy? Cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích an lạc.» Bấy giờ, bè đảng của Đề-bà-đạt-đa, tiến hành trợ giúp phá hoại hòa hợp Tăng, các tỳ-kheo ấy nói với các tỳ-kheo rằng: «Các thầy chớ nên quở trách Đề-bà-đạt-đa. Những điều Đề-bà-đạt-đa là tỳ-kheo nói pháp ngữ, là tỳ-kheo luật ngữ. Những điều Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp nhận.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, hành đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa: «Sao các Thầy lại nói Đề-bà-đạt-đa là tỳ-kheo nói đúng pháp, tỳ-kheo nói đúng luật; những gì Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp nhận?» Các tỳ-kheo hiềm trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Vì sao các ông nói với các tỳ-kheo là: ‹Đừng quở trách những điều Đề-bà-đạt-đa nói. Đề-bà-đạt-đa là tỳ-kheo nói đúng pháp, tỳ-kheo nói đúng luật; những gì Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp nhận.›?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Tăng trao cho các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ việc này, bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa này, thuận theo Đề-bà-đạt-đa, mà nói như vầy, ‹Tỳ-kheo các ngài chớ quở trách Đề-bà-đạt-đa. Tại sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đa là tỳ-kheo pháp ngữ, là tỳ-kheo luật ngữ. Những điều Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp nhận.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho các tỳ-kheo [596a1] bè đảng của Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ việc này. Rằng, ‹Các ngài chớ nên nói ‹Đề-bà-đạt-đa tỳ-kheo pháp ngữ, là tỳ-kheo luật ngữ. Những điều Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp thuận.› Song Đề-bà-đạt-đa chẳng phải là tỳ-kheo pháp ngữ, tỳ-kheo luật ngữ. Các ngài chớ nên phá hoại hòa hợp Tăng, mà nên trợ giúp hòa hợp Tăng. Đại đức cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích an lạc.› Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Các tỳ-kheo bè đảng với Đề-bà-đạt-đa này, thuận theo Đề-bà-đạt-đa, mà nói như vầy, ‹Tỳ-kheo các ngài chớ quở trách Đề-bà-đạt-đa. Tại sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đa là tỳ-kheo pháp ngữ, là tỳ-kheo luật ngữ. Những điều Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp nhận.› Nay Tăng vì các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa tác pháp ha gián để bỏ việc kia, rằng: ‹Đại đức chớ nên nói ‘Đề-bà-đạt-đa tỳ-kheo pháp ngữ, là tỳ-kheo luật ngữ. Những điều Đề-bà-đạt-đa nói chúng tôi chấp thuận.’ Song Đề-bà-đạt-đa chẳng phải là tỳ-kheo pháp ngữ, tỳ-kheo luật ngữ. Các ngài chớ nên phá hoại hòa hợp Tăng, mà nên trợ giúp hòa hợp Tăng. Đại đức cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích an lạc.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng ha gián các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa, khiến cho bỏ việc kia, thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận tác pháp ha gián các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa để bỏ việc kia rồi. Tăng chấp nhận cho nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.» Nên tác pháp quở trách can ngăn các tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa bằng bạch tứ yết-ma như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, nếu có bè đảng cùng trợ giúp việc phá hoại hòa hợp Tăng như vậy, cũng nên tác pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy. Từ nay trở đi, Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số. Các tỳ-kheo bè đảng ấy nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Đại đức, chớ can gián tỳ-kheo ấy. Tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như pháp. tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như luật. Những điều tỳ-kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận.› Chúng tỳ-kheo ấy nói: ‹Đại đức chớ nói như vầy: ‹Tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như pháp. Tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như luật. Những điều tỳ-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo ấy nói là chúng tôi chấp nhận.› Nhưng tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói phi pháp, là tỳ-kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hợp tăng. Các ngài nên hoan hỷ hòa hợp tăng. Đại đức cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích an lạc.› Các tỳ-kheo bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tỳ-kheo kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH NGHĨA Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thuận theo :[137] có hai thứ: thuận vì pháp và thuận theo vì y thực. - Thuận theo vì Pháp: dùng pháp mà giáo thọ tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, phúng tụng thọ trì. - Thuận theo vì y thực: cung cấp y phục, ẩm thực, giường, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh. Bè đảng: từ bốn người, hoặc hơn bốn người. Lời nói tán trợ bè đảng:[138] từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến số đông. D. PHẠM TƯỚNG Nếu bè đảng của tỳ-kheo nói phi pháp, nói các tỳ-kheo rằng: «Đại đức, chớ can gián tỳ-kheo ấy. Tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như pháp, tỳ-kheo nói như luật. Những điều tỳ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận…» (…)[139] Ngài chớ nói như vầy: «Tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói như pháp, tỳ-kheo nói như luật. Những điều tỳ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận.» Nhưng tỳ-kheo ấy là tỳ-kheo nói phi pháp, là tỳ-kheo nói phi luật. Các ngài chớ nên phá hoại hòa hợp Tăng, mà nên trợ giúp cho Tăng hòa hiệp. Đại đức cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ, không tranh chấp, như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích an lạc. Các ngài nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nói mà nghe lời thì tốt. Bằng không nghe lời thì nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói với người kia: «Tôi đã bạch xong, còn mấy lần yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không nghe lời thì nên yết-ma lần đầu. Yết-ma lần đầu xong, nên nói với người kia rằng: «Tôi đã bạch và làm yết-ma lần đầu rồi, còn hai yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không nghe lời, thì nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai xong, nên nói với người kia: «Tôi đã bạch và làm hai pháp yết-ma rồi. Còn một yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc kia, đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không nghe lời, thì yết-ma lần thứ ba. Khi yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Bạch xong hai yết-ma mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Bạch xong một yết-ma mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong mà bỏ phạm một thâu-lan-giá. Tác bạch chưa xong mà bỏ phạm đột-kiết-la. Nếu khi chưa bạch, tất cả đều tùy thuộc vào việc phá Tăng của bè đảng, đều phạm đột-kiết-la. Nếu khi tỳ-kheo can gián các tỳ-kheo bè đảng, lại có tỳ-kheo khác nói đừng bỏ. Tỳ-kheo (xúi dục) này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa quở trách can gián, thì phạm đột-kiết-la. Nếu khi tỳ-kheo can gián các tỳ-kheo bè đảng, tỳ-kheo-ni nói: «kiên trì đừng bỏ», cô ni này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa tác pháp can gián cô ni nói: «đừng bỏ» thì phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni người khác nói: «đừng bỏ» đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni tăng già bà thi sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Yết-ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật, phi Phật dạy. Hoặc tất cả chưa tác pháp can gián thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XII. Ô THA GIA[140] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, ở Kỳ-liên[141] có hai tỳ-kheo. Một tên là A-thấp-bà ,[142] người thứ hai tên là Phú-na-bà-sa.[143] Cả hai ở tại Kỳ-liên có hành vi xấu, làm hoen ố nhà người. Hành vi xấu mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Họ làm những điều phi pháp như: tự mình trồng cây hoa, sai người trồng cây hoa; tự mình tưới nước, sai người tưới nước; tự mình hái hoa, sai người hái hoa; tự mình làm tràng hoa, sai người làm tràng hoa; tự mình xâu chỉ cột, sai người xâu chỉ cột; tự mình cầm hoa, sai người cầm hoa; tự mình đem tràng hoa cho người, sai người đem tràng hoa cho người. Hoặc ở trong thôn xóm kia có người phụ nữ, đồng nữ, họ cùng ngồi một giường, một ghế, cùng ăn uống một mâm, nói năng cười cợt; hoặc tự ca múa xướng hát, hoặc người khác làm, mình hòa theo; hoặc diễn kịch, hoặc đánh trống, thổi ống tiêu, ống sáo; làm tiếng chim sẻ, làm tiếng các loài chim khác kêu; hoặc chạy, hoặc giả kiểng chân mà đi, hoặc huýt gió, [597a1] tự làm lộng thân,[144] hoặc giúp vui cho kẻ khác... Khi ấy, có số đông tỳ-kheo từ nước Ca-thi[145] tuần tự du hành đến Kỳ-liên, nghỉ đêm tại đó. Sáng ngày, đắp y, bưng bát vào thôn khất thực. Pháp phục tề chỉnh. Bước đi thong thả. Mắt nhìn trước bước đi, không xoay ngó hai bên. Theo thứ tự khất thực. Khi ấy, các cư sĩ thấy vậy, cùng nhau bàn nói: «Đây là người gì cúi đầu mà đi, không ngó hai bên, cũng không nói cười, không bặt thiệp, không khéo léo trong lời chào hỏi. Chúng ta không nên cho thức ăn cho họ. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa của chúng ta, hai vị ấy không cúi đầu đi. Họ ngó hai bên. Họ bặt thiệp với mọi người, khéo léo trong lời chào hỏi. Chúng ta nên cúng dường thức ăn cho họ.» Lúc ấy, số đông tỳ-kheo kia khất thực tại Kỳ-liên, khó khăn lắm mới nhận được thức ăn. Do vậy, họ tự nghĩ: «Có tỳ-kheo xấu hiện đang trú tại trú xứ này, làm ác hạnh như vậy… cho đến, giúp vui cho kẻ khác.» Các tỳ-kheo liền từ Kỳ-liên đến thành Vương-xá, và đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn như thường lệ hỏi thăm và an ủi các tỳ-kheo khách: «Các ông đi đứng có được an lạc chăng? Chúng Tăng có hòa hợp không? Có gặp khó khăn vì ăn uống không?» Các tỳ-kheo bạch đức Thế tôn: «Bạch Đại đức, chúng con đi đứng được an lạc. Chúng Tăng hòa hợp. Chúng du hành từ nước Ca-thi đến Kỳ-liên…» Rồi đem nhân duyên trên trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện từ xa quở trách hai tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa rằng: «Việc làm của các người ấy là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa ở nơi Kỳ-liên mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu? Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe, (…) cho đến giúp vui cho kẻ khác.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo hai ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Này, hai ông nên đến Kỳ-liên trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất.[146] Tại sao vậy? Vì họ là đệ tử của hai ông.» Bạch tứ yết-ma như sau: Tăng nhóm họp xong, tiến hành cử tội [147] hai ông ấy. Cử tội xong tác pháp ức niệm.[148] Tác ức niệm xong nên trao tội [149] cho họ. Rồi sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc đã xảy ra tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở nơi Kỳ-liên làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận; nay Tăng vì A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa tác pháp yết-ma tẫn xuất, rằng: ‹Các ông đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đã có những hành vi xấu như vậy thì nên đi khỏi đây, không nên ở nơi nầy.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa này, ở nơi Kỳ-liên đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất, rằng: ‹Các ông đã làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Việc có hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đã có những hành vi xấu như vậy thì nên đi khỏi đây, không nên ở nơi nầy.› Vị trưởng lão nào đồng ý Tăng vì hai người này tác yết-ma tẫn xuất thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp yết-ma tẫn xuất rồi. Tăng đã chấp thuận vì im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên vâng lời Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng rồi đi. Ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên khoác y, bưng bát, cùng với số đông năm trăm vị đại tỳ-kheo, từ nước Ca-thi du hành đến Kỳ-liên. Khi ấy, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa nghe Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm vị đại tỳ-kheo, từ Ca-thi du hành đến Kỳ-liên, bèn nghĩ: «Chắc chắn vì chúng ta làm yết-ma tẫn xuất.» Hai người kia liền đến chỗ các cư sĩ, nói rằng: «Nay có hai tỳ-kheo đến. Một, tên là Xá-lợi-phất, và hai, tên là Mục-liên. Một vị giỏi về huyễn thuật, bay đi trên hư không. Tỳ-kheo thứ hai, thì hành ác hạnh, tự mình có khả năng thuyết pháp. Quý vị nên khéo tự quán sát, đừng để bị mê hoặc.» Khi ấy, Xá-lợi-phất và Mục-liên từ nước Ca-thi tuần tự du hành đến Kỳ-liên, nghỉ đêm nơi đó. Sáng ngày, khoác y, bưng bát, vào thôn khất thực. Đại Mục-liên hiện thần túc, phóng thân lên không trung; Xá-lợi-phất đích thân nói pháp. Bấy giờ, các cư sĩ thấy vậy rồi, cùng nhau bàn tán: «Hai tỳ-kheo này, một vị rành nghề huyễn thuật, bay đi trong không trung. Tỳ-kheo thứ hai hành ác hạnh, nhưng tự nói pháp được.» Lúc này, Xá-lợi-phất và Mục-liên liền vì các cư sĩ tại Kỳ-liên mà nói pháp, khiến họ được tin ưa. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên ăn xong, rửa bát, trở về lại trú xứ, vì nhơn duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo. Tăng nhóm họp, rồi họ vì A-thấp-bà, Phú-na-bà-sa mà cử tội. Cử tội xong tác ức niệm. Tác ức niệm xong trao tội. Tôn giả Xá-lợi-phất ở giữa chúng liền tác yết-ma như trên. Khi ấy, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa bị Tăng tác yết-ma rồi, liền nói: «Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng chỉ riêng đuổi tôi.» Khi ấy, Xá-lợi-phất và Mục-liên ở tại Kỳ-liên vì A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa tác yết-ma rồi, trở về vườn Cấp-cô-độc rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: «Chúng con đã đến Kỳ-liên trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa yết-ma tẫn xuất rồi. Khi chúng Tăng tác yết-ma tẫn xuất, A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa lại nói: ‹Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.›» Lúc ấy, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện từ xa quở trách A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao khi chúng Tăng trao cho pháp yết-ma tẫn xuất lại nói: ‹Chúng Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa rồi bảo các Tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián, bằng bạch tứ yết-ma.» Trong chúng nên sai một người có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc đã xảy ra, tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở tại Kỳ liên, khi Tăng trao cho pháp yết-ma, lại nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián để bỏ việc ấy, rằng: ‹Các ông chớ nói Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà [598a1]có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Các ông làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu, ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các ông đã làm hoen ố nhà người, đã có hành vi xấu.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa này ở tại Kỳ-liên khi Tăng trao cho pháp yết-ma bèn nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh vì có Tỳ-kheo đồng tội mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Nay Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Các ông chớ nói Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Các ông làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các ông đã làm hoen ố nhà người, đã có hành vi xấu.› Các trưởng lão nào chấp nhận Tăng trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián, cho bỏ việc này, thì im lặng. Ai không đồng ý thì xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận, trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp ha gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Trao cho A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy rồi, các tỳ-kheo mới đến bạch đức Thế tôn. Đức Phật bảo: «Có tỳ-kheo nào, Tăng tẫn xuất rồi, hoặc đang tẫn xuất, hoặc chưa tẫn mà nói: ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh,› cũng cần trao cho họ pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy. «Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới sẽ nói như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, sống nương tựa xóm làng, hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo ấy rằng: ‹Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa.› Tỳ-kheo ấy nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Chư Đại đức, các tỳ-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.› Các tỳ-kheo nên trả lời tỳ-kheo đó rằng: ‹Đại đức chớ nói ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các tỳ-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe.› Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng già bà thi sa. C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thôn: có bốn loại, như trước đã nói. Xóm làng thành ấp: thuộc về của nhà Vua. Nhà: có nam có nữ.[150] Làm hoen ố nhà người:[151] có bốn sự. Nương tựa[152] nhà làm hoen ố nhà, nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà, nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà, nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà. - Thế nào là nương tựa nhà làm hoen ố nhà? Từ một nhà (này) nhận được vật, đem cho một nhà (khác). Nhà mình nhận được vật nghe nói thì không vui. Còn nhà mình đem vật cho, lại nghĩ chuyện trả ơn, bèn nói: «Nếu có cho ta, thì ta sẽ đáp lại. Nếu không cho ta, ta lấy cớ gì cho lại?» Đó gọi là nương tựa nhà làm hoen ố nhà người. - Thế nào gọi là nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà? Tỳ-kheo được lợi dưỡng như pháp, cho đến thức ăn còn thừa nơi bát, đem cho một cư sĩ (này) mà không cho một cư sĩ (kia). Người cư sĩ nhận được liền sanh ý niệm trả ơn, nói: «Có cho ta, ta sẽ trả ơn. Nếu không cho ta, làm sao ta cho lại?» Đó gọi là nương lợi dưỡng làm hoen ố nhà người. - Thế nào gọi là nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà người? Tỳ-kheo nương tựa nhà Vua, hoặc Đại thần, rồi vì (giúp) một cư sĩ (này), không vì một cư sĩ (kia). Người cư sĩ được (giúp) liền nghĩ việc trả ơn, nói: «Có vì ta, ta sẽ cúng dường. Nếu không vì ta, ta không cúng dường.» Đó gọi là nương tựa thân hữu làm hoen ố nhà người. - Thế nào gọi là nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà người? Tỳ-kheo lấy bông trái của Tăng cho một cư sĩ (này), không cho một cư sĩ (kia). Cư sĩ được cho liền nghĩ việc trả ơn, nói: «Nếu có cho ta, ta sẽ cúng dường. Nếu không cho ta, ta không cúng dường.» Đó gọi là nương tựa Tăng-già-lam làm hoen ố nhà người. Vì bốn sự này mà làm cho nhà người bị hoen ố,[153] cho nên gọi là làm hoen ố nhà người. Có hành vi xấu[154]: tự mình trồng cây hoa, hay sai người trồng cây hoa, cho đến, giúp vui cho người, như trên đã nói. D. PHẠM TƯỚNG Tỳ-kheo nương tựa nơi tụ lạc, làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy, ai cũng nghe; có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này rằng: «Đại đức làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Có hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nên bỏ việc này, đừng để Tăng già quở trách, lại phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời, nên tác bạch. Tác bạch rồi, nên tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác bạch rồi. Còn có ba yết-ma nữa, nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.» Nếu vị ấy bỏ thì tốt, bằng không bỏ nên tác yết-ma lần đầu. Tác yết-ma lần đầu rồi, nên lại tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn có hai yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách lại phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, nên lại phải tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn có một yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách lại phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe theo thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ ba. Tác yết-ma lần thứ ba rồi, tăng-già-bà-thi-sa. Nếu tác pháp yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Nếu tác pháp yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai thâu-lan-giá. Nếu bạch xong mà bỏ thì phạm một thâu-lan-giá. Nếu bạch chưa xong mà bỏ thì phạm đột-kiết-la. Nếu trước khi chưa bạch, nói Tăng có thiên vị, có thù hận, có sợ hãi, có bất minh, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Khi Tăng tác pháp quở trách can gián lại có Tỳ-kheo khác bảo: «đừng bỏ.» Tỳ-kheo này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa tác pháp quở trách can gián thì phạm đột-kiết-la. Nếu khi Tăng tác pháp can ngăn quở trách có tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ.» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Nếu trước khi chưa tác pháp quở trách can gián thì cô ni phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác bảo: «đừng bỏ»; quở trách, không quở trách đều phạm đột-kiết-la. Nếu không xem thư mà mang đi, phạm đột-kiết-la. Nếu vì bạch y làm người đưa tin sứ giả, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, tăng già bà thi sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Hoặc yết-ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp tượng tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hiệp chúng, phi pháp, phi luật, phi Phật giáo. Nếu tất cả trước khi chưa tác pháp quở trách can ngăn thì không phạm. Nếu cho cha [599a1] mẹ, cho người bệnh, cho tiểu nhi, cho phụ nữ có thai, cho người bị nhốt trong ngục, cho người làm thuê trong nhà chùa thì không phạm. Trồng cây hoa, sai người trồng cây hoa, để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình tạo tràng hoa, sai người tạo tràng hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình dùng chỉ xâu hoa, sai người dùng chỉ xâu hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình cầm hoa, sai người cầm hoa cúng dường Phật, Pháp, Tăng; tự mình dùng chỉ xâu tràng hoa, sai người dùng chỉ xâu tràng hoa để cúng dường Phật, Pháp, Tăng, đều không phạm. Nếu bị người đưa tay muốn đánh,[155] hoặc bị giặc, hoặc bị voi, báo, sư tử, hổ lang, hoặc nơi có hoạn nạn, hoặc chạy tránh vì người gánh gai nhọn thì không phạm. Nếu lội qua sông, rãnh, mương, hầm phải nhón gót nhảy thì không phạm. Nếu đồng bạn đi sau, quay lại ngó không thấy, huýt gió kêu thì không phạm. Nếu vì cha mẹ bịnh, hoặc vì người bị nhốt trong ngục, hoặc vì người ưu-bà-tắc có lòng tin sâu đậm bệnh hay bị giam cầm, xem thư rồi đem đi, hoặc vì tháp, vì Tăng, vì tỳ-kheo bệnh mang thư tới lui, tất cả đều không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIII. ÁC TÁNH BẤT THỌ NHÂN NGỮ[156] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-thiểm-di.[157] Bấy giờ, Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà [158] vì tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác, lại nói các tỳ-kheo rằng: «Các ngài chớ nên nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức, thôi đi, đừng nên nói gì nữa! Các Đại đức sao lại dạy tôi? Tôi đáng dạy Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác. Ví như nước lớn từ đầu cuốn trôi các cây cỏ dồn lại một chỗ. Các Đại đức cũng lại như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập họp lại một chỗ. Cũng như gió lớn thổi các cây cỏ gom lại một chỗ. Các Đại đức cũng như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập hợp lại một chỗ. Bởi vậy, các Đại đức không đáng dạy tôi. Tôi đáng dạy các Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.» Khi ấy, trong các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Sao lại ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác? Lại nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Các ngài chớ nên nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng nên nói gì nữa! Các Đại đức sao lại dạy tôi? Tôi đáng dạy Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác. Ví như nước lớn từ đầu cuốn trôi các cây cỏ dồn lại một chỗ. Các Đại đức cũng lại như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập họp lại một chỗ. Cũng như gió lớn thổi các cây cỏ gom lại một chỗ. Các Đại đức cũng như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập hợp lại một chỗ. Bởi vậy, các Đại đức không đáng dạy tôi. Tôi đáng dạy các Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.›» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này Xiển-đà, sao lại ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác,… như trên cho đến, Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.›» Đức Thế tôn quở trách Xiển-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: Cho phép Tăng trao cho Xiển-đà tỳ-kheo pháp bạch tứ yết-ma ha gián. Pháp quở trách can gián như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo Xiển-đà này vì tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác. Các tỳ-kheo đã khuyên can như pháp những điều học giới, nhưng tự mình trở thành người không thể nói chuyện, bảo các tỳ-kheo rằng: ‹Các đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại đức thôi đi, khỏi cần phải dạy tôi.› Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Này Xiển-đà, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Xiển Đà, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo Xiển-đà này do tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác. Các tỳ-kheo đã khuyên can như pháp những điều trong giới học, nhưng tự mình trở thành người không thể nói chuyện, bảo các tỳ-kheo rằng: ‹Các đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại đức thôi đi, khỏi cần phải dạy tôi.› Nay Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Này Xiển-đà, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Xiển-đà, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp ha gián cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói. Đây là yết-ma lần đầu. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp ha gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Nên can gián như vậy rồi Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp bạch tứ yết-ma can gián khiến cho bỏ việc này rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có các Tỳ-kheo khác do tánh ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác, thì Tăng cũng trao cho pháp bạch tứ yết-ma can gián như vậy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: B. GIỚI VĂN Tỳ-kheo nào, có tánh ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác. Khi được các tỳ-kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: ‹Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng can gián tôi.› Các tỳ-kheo can gián tỳ-kheo ấy rằng: ‹Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại đức hãy tự thân nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Tỳ-kheo này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa. C. THÍCH TỪ Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tánh ngoan cố không nhận lời của người:[159] không nhẫn chịu, không thọ nhận lời người khác dạy bảo. Lấy giới luật như pháp dạy bảo: có bảy tụ vi phạm: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết. Như pháp: đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy. Nếu tỳ-kheo với tánh ngoan cố, không chấp nhận lời của người, các tỳ-kheo lấy giới luật như pháp để giáo thọ. Tự thân không thể cùng nói: «Đại đức [600a1] chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu, tôi cũng không nói với đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Đại đức thôi đi, chớ can gián tôi.»[160] D. PHẠM TƯỚNG Tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này rằng: «Đại đức, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Đại đức, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, nên lại phải tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn có một yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách lại phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe theo thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ ba. Tác yết-ma lần thứ ba rồi, tăng-già-bà-thi-sa. Bạch và yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Bạch và yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai thâu-lan-giá. Nếu bạch xong mà bỏ thì phạm một thâu-lan-giá. Nếu bạch chưa xong mà bỏ thì phạm đột-kiết-la. Nếu trước khi chưa bạch, ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác, thảy đều đột-kiết-la. Khi Tăng tác pháp quở trách can gián lại có tỳ-kheo khác bảo: «đừng bỏ!» Tỳ-kheo này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa tác pháp quở trách can gián thì phạm đột-kiết-la. Nếu khi Tăng tác pháp can ngăn quở trách có tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ!» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Nếu trước khi chưa tác pháp quở trách can gián thì cô ni phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác bảo: «đừng bỏ!» Quở trách, không quở trách đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Yết-ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật. Phi lời Phật dạy. Tất cả trước khi chưa can gián thì không phạm. Nếu bị người vô trí quở trách can gián, mà nói với người ấy rằng: «Việc làm của Hòa thượng, A-xà-lê của ông cũng như vậy. Ông hãy nên học hỏi, tụng kinh thêm.» Hoặc việc kia là như vậy. Hoặc nói giỡn chơi, hoặc nói gấp gáp, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hay muốn nói việc này nhầm nói việc kia thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG III BẤT ĐỊNH [1] I. GIỚI THỨ 1 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[2] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người cùng ngồi nơi chỗ kín. Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu[3] có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi trên gường nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín.» Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tôn rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui. Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ khuất vắng chăng?» Ca-lưu-đà-di trả lời: «Thật vậy, bạch Thế tôn.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ khuất vắng?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo: «Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới này nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ khuất chỗ kín, chỗ có ngăn che, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong ba pháp, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người nữ: người nữ có trí, chưa mạng chung. Ngồi riêng: một tỳ-kheo, một người nữ. Chỗ khuất kín: có hai loại. Một là khuất vắng đối với thấy; hai là khuất vắng đối với nghe. Khuất vắng đối với thấy là hoặc do bụi trần, do sương mù, trong bóng tối, không thấy nhau. Khuất vắng đối với nghe là nơi mà tiếng nói thường không nghe được. Nơi có ngăn che: hoặc do cây, do vách tường, do rào, hoặc do vải và các vật khác có thể ngăn che. Nơi có thể hành dâm: nơi có thể dung chứa hành động về dâm dục. Nói lời phi pháp: tức là nói về pháp dâm dục. Ưu-bà-tư trụ tín :[4] tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật không hư vọng. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị.[5] Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, [601a1] không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị. Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị. Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[6] II. GIỚI THỨ 2 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[7] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người ngồi nơi chỗ trống, cùng nói chuyện. Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi chỗ trống trải nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín». Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tôn rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui. Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ trống chăng?» Ca-lưu-đà-di trả lời: «Thật vậy, bạch Thế tôn.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ trống?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo: «Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới này nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chỗ trống: không có tường vách kín đáo, không có cây cối, rào dậu khuất kín và không có các vật ngăn che. Chỗ không thể hành dâm: chỗ không dung chứa hành động dâm dục được. Lời nói thô tục: tức là nói việc dâm dục, khen ngợi hai đường tốt xấu. Ưu-bà-tư trụ tín: tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật không hư vọng. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị. Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị. Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị. Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[8] *
Chú thích: [130] Hán: phương tiện thọ hoại hoà hiệp Tăng pháp kiên trì bất xả 方便受壞和合僧法堅持不捨. Pali (Vin. iii.172): adhikaraṇaṃ samādāya paggayha tiṭṭheyya, sau khi gây ra một nguyên nhân tranh chấp, rồi chấp chặt không bỏ. [131] Pali: samānasaṃvāsako samānasīmayaṃ, đồng nhất trú xứ trong cùng một cương giới. [132] Trụ phá Tăng pháp 住破僧法; nhóm từ được giải thích không có trong Giới văn. Trong Giới văn, nhóm từ này Hán dịch là kiên trì (bất xả) 堅持不捨; Pali: tiṭṭheyya (na paṭinissajeyya): trụ vững, ngoan cố không chịu bỏ. [133] Hán: phương tiện dục phá hoà hiệp Tăng 方便欲破和合僧; Pali: samaggassa saṅghassa bhedāya parakkameyya, hoạt động nhắm đến sự tan vỡ của hoà hiệp Tăng. [134] Hán: thọ phá Tăng pháp 受破僧法; Pali: bhedanasaṃvattanikaṃ adhikaraṇaṃ samādāya, tiếp nhận, hay duy trì, tránh sự (điểm tranh chấp) có xu hướng phá vỡ Tăng. [135] Pali: vattabbo, cần được nói; tức thuyết phục cá nhân. Tỳ-kheo không nghe thuyết phục này, phạm đột-kiết-la (dukkaṭa) [136] Sau ba lần thuyết phục, vẫn cố chấp, Tăng tiến hành yết-ma ha gián; Pali: samanubhāsitabbo. [137] Hán: thuận tùng 順從; từ được thích nghĩa, nhưng trong Giới văn không có. Pali: anuvattaka, (người) đi theo, thuận tùng; được giải thích: người kia có quan điểm gì, xu hướng gì, sở thích gì, thì người này cũng đồng quan điểm, xu hướng, sở thích như vậy. [138] Hán: trợ bạn đảng ngữ 助伴黨語; từ được giải thích mà không có trong Giới văn. Pali: vaggavādaka. [139] Bản Hán dịch nhảy một đoạn, nên văn thiếu mạch lạc. [140] Ngũ phần, Tăng-già-bà-thi-sa 13; Pali, Saṅghādisesa 13. [141] Kỳ-liên 羈連. Pali: Kiṭāgiri. [142] A-thấp-bà 阿濕婆. Pali: Assaji. Đây là tỳ-kheo trong nhóm Lục quần (chabbagiyā); không phải Assaji Thera trong năm tỳ kheo đầu tiên (pañcavaggiya). [143] Phú-na-bà-sa 富那婆娑. Pali: Punabbasu. [144] Hán: tự tác lộng thân 自作弄身; nghĩa đen: đem thân mình ra làm trò đùa. Nhưng cụ thể không hiểu là làm trò gì. [145] Ca-thi quốc 迦尸國. Pali: Kāsī, 1 trong 16 nước lớn thời Phật. Thủ phủ là Bārāṇasī. [146] Tẫn yết-ma 擯羯磨. Pali: pabbājaniyakamma; đuổi Tỳ-kheo ra khỏi địa phương nơi mà họ đang mang tiếng xấu. [147] Hán: tác cử 作舉; tiến hành luận tội và buộc tội. Pali: codetabba. [148] Tác ức niệm 作憶念, khiến cho nhớ lại tội; khiến nhận tội. Pali: sāretabba. [149] Dữ tội 與罪, xác định tội. Pali: āpattiṃ ropetabba. [150] Gia 家; được hiểu là gia đình, hay gia tộc. Pali: kula; được giải thích có bốn: khattiya-kulaṃ, brāhma-kulaṃvessakulaṃ. sudda-kulaṃ, tức gồm bốn giai cấp. [151] Ô tha gia 污他家. Pali: kuladusāko, giải thích: gây tai tiếng cho một gia đình bằng những biếu xén như là hình thức hối lộ. [152] Nương tựa nơi đó mà sống. Pali: upanissāya viharati, giải thích: nhờ nơi đó mà có được bốn nhu yếu là ẩm thực, y phục, ngọa cụ và y dược. [153] Tức làm cho mang tiếng xấu. [154] Hành ác hạnh 行惡行. Pali: pāpasamācāro, giải thích: trồng hoa hay sai người trồng hoa; tưới cây hay sai người tưới cây… [155] Giải thích những hành vi, cử chỉ tượng tự với đùa giỡn. Những điều nầy, một số liên hệ các ba-dật-đề, một số liên hệ các pháp chúng học. [156] Pali, Saṅghādisesa 12. [157] Pali: Kosambiyaṃ Ghositārāme. [158] Xiển-đà 闡陀, thường gọi là Xa-nặc, quân hầu ngựa của Thái tử. Pali: Channa [159] Hán: ác tánh bất thọ nhân ngữ 惡性不受人语. Pali: dubbacajātiko, bản tính khó nói; khó nói chuyện với. [160] Bản Hán có thể nhảy một câu: «Tỳ-kheo nói như vậy, là tự thân trở thành người không thể nói chuyện với.» [1] Ngũ phần 4 (T22n1421, tr.22c14). Tăng kỳ 7 (T22n1425, tr.289c18). Thập tụng 4 (T23n1435, tr.28b8). Căn bản 16 (T23n1442, tr.710a24). Pali, Aniyakaṇḍaṃ, Vin. iii. 186tt. [2] Trai ưu-bà-tư 齋優婆私. Tăng kỳ 7: Con gái của một người bà-la-môn quen biết. Thập tụng: người quen cũ là ưu-bà-di Quật-đa. Căn bản 16: ưu-bà-di Cấp-đa 笈多. Pali: con gái của một nhà thí chủ; không nói tên cô gái. [3] Tỳ Xá-khư Mẫu 毘舍佉母. Pali: Visakhā Migaramātā. Bà có nhiều con và cháu, tất cả đều giàu có. Vì vậy, trong mọi lễ hay tiệc, bà đều được mời. Bà đến nhà này cũng do được mời. [4] Tín nhạo ưu-bà-tư 信樂優婆私. Trong giới văn, nói là trụ tín ưu-bà-tư 住信優婆私. Tăng kỳ7 (T22n1425, tr.290c13): khả tín ưu-bà-di 可信優婆夷; có 16 điều để gọi là ưu-bà-di đáng tin: 3 quy y, 4 bất hoại tịnh, tăng chưa được lợi, giúp cho được lợi; đã được lợi, giúp cho tăng trưởng; tăng mang tiếng xấu, tìm cách dập tắt; không tùy ái, không tùy sân, không tùy bố, không tùy si; ly dục hướng thành tựu giới. Pali: saddheyyavacasā upāsikā, ưu-bà-di mà lời nói đáng tin; giải thích: đây chỉ người nữ đã đắc quả, đắc hiện quán, đã học hiểu giáo pháp. [5] Tăng kỳ 7: tác yết-ma mịch tội tướng mà xử trị. [6] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định. [7] Trai-ưu-bà-tư 齋優婆私. Xem cht.2 trên. [8] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định. * Bản Hán, hết quyển 5. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG IV NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ [1] I. SÚC TRƯỜNG Y[2] A. DUYÊN KHỞI 1. Y DƯ Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.[3] Bấy giờ, đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo thọ trì ba y không được dư. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo chứa y dư. Hoặc có y mặc buổi sáng. Hoặc có y mặc buổi trưa. Hoặc có y mặc buổi xế. Nhóm sáu thường kinh doanh trang nghiêm y phục, cất chứa như vậy. Các tỳ-kheo thấy, bảo nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Đức Phật cho phép thọ trì ba y, không được dư. Đây là y của ai?» «Y dư của chúng tôi đấy.» Nhóm sáu trả lời. Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Đức Như Lai cho phép thọ trì ba y, tại sao các thầy cất chứa y dư, hoặc có y mặc buổi sáng, hoặc có y mặc giữa ngày, hoặc có y mặc buổi xế?» Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhân duyên này tập họp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao, nhóm sáu Tỳ-kheo, Như Lai cho phép thọ trì ba y, các ông lại chứa cất y dư?» Đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: «Nhóm sáu Tỳ-kheo là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, Chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: «Tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» 2. QUÁ MƯỜI NGÀY Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, Tôn giả A-nan nhận được một tấm y phấn tảo quý giá[4] từ nơi một người kia, muốn dâng cúng cho đại Ca-diếp.[5] Vì ngài Ca-diếp thường sống hạnh đầu đà, mặc loại y này. Nhưng lúc ấy, ngài không có ở đó. Tôn giả A-nan có ý nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹Tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay, ta nhận được y phấn tảo quý giá, muốn [602a1] dâng cúng cho đại Ca-diếp. Vì đại Ca-diếp thường sống hạnh đầu đà, mặc loại y này. Mà ngài không có ở đây. Không biết làm sao đây?» A-nan liền đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, bạch đức Thế tôn: «Bạch Thế tôn, Ngài vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹tỳ-kheo nào chứa y dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay con nhận được một y phấn tảo quý giá, muốn dâng cúng lên đại Ca-diếp. Vì đại Ca-diếp thường tu hạnh đầy đà, mặc y phấn tảo.» Phật hỏi A-nan: «Khi nào Ca-diếp về?» A-nan bạch Phật: «Sau mười ngày sẽ về.» Đức Thế tôn vì nhân duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo, tùy thuận thuyết pháp cho các tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện nói về thiểu dục tri túc, hạnh đầu đà, ưa pháp xuất ly, rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép chứa y dư, không quá muời ngày.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, y đã xong, ca-thi-na đã xả, cất chứa y dư, trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa. Nếu quá mười ngày, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y đã xong: chỉ là ba y.[6] Y ca-thi-na đã xả.[7] Y:[8] có mười loại : y kiều-xa-da, y kiếp-bối (vải), y khâm-bà la, y sô-ma (bố), y sấm-ma, y phiến-na, y ma (vải gai), y bí-di-la, y cưu-di-la, y sấm-la-bán-ni.[9] Y dư:[10] cho đến miếng vải chiều dài bằng tám ngón tay, chiều rộng bằng bốn ngón tay của Như Lai trở lên đều gọi là y dư. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, được chứa. Ngày thứ hai được y, cho đến ngày thứ mười được y, được chứa. Qua đến ngày thứ mười một, khi bình minh[11] xuất hiện, tất cả y đó trở thành ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba không được. Ngày thứ tư được (như vậy lần lần lên đến ngày thứ mười không được, xây dựng câu văn cũng như trên).[12] Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai, ngày thứ ba không được. Ngày thứ tư được, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong tám ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba và ngày thứ tư không được. Ngày thứ năm được, (như vậy lần lần xuống, cho đến ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).[13] Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không được y. Ngày thứ năm được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong bảy ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không được y. Ngày thứ sáu được y, (như vậy chuyển, xuống cho đến ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười, không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không được y. Ngày thứ sáu được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong sáu ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không được. Ngày thứ bảy được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như vậy).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không được y. Ngày thứ bảy được y, cho đến ngày thứ mười được y. Nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong năm ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không được y. Ngày thứ tám được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không được y. Ngày thứ tám được y, cho đến ngày thứ mười được y, nếu qua ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong bốn ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không được y. Ngày thứ chín được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không được y. Ngày thứ chín, ngày thứ mười được y; số y được trong ba ngày đó, nếu đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không được y. Ngày thứ mười được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không được y. Ngày thứ mười được y. Nếu qua ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y được trong hai ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không được y. Nếu qua ngày mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong một ngày đó, đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y không tịnh thí.[14] Ngày thứ hai được y tịnh thí. Ngày thứ ba được y, cho đến ngày thứ mười được y không tịnh thí. Qua đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số y nhận được trong chín ngày đó đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu tỳ-kheo nào, ngày thứ nhất được y. Ngày thứ hai được y không tịnh thí. Ngày thứ ba được y tịnh thí. Ngày thứ tư được y không tịnh thí (như vậy lần xuống cho đến ngày thứ mười được y tịnh thí, không tịnh thí, xây dựng câu văn cũng như trên).* Nếu y bị mất (xây dựng câu văn cũng như trên). Nếu làm phi y (đặt câu văn cũng như trên).* Nếu với ý nghĩ là người quen biết lấy (đặt câu văn cũng như trên).* Nếu quên đi (xây dựng câu văn cũng như trên).* Tất cả đều phạm ni-tát-kỳ. Nếu y phạm xả đọa mà không xả, đem đổi lấy y khác, phạm một ni-tát-kỳ ba-dật-đề và một đột-kiết-la. Y xả đọa nầy nên xả cho Tăng, hoặc một nhóm người, hoặc một người. Không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, mặc y trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến kính lễ Thượng tọa, quỳ gối, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tôi, tỳ-kheo tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, quá mười ngày, phạm xả đọa. Nay, tôi xả cho Tăng sử dụng.» Xả y rồi phải sám hối. Người thọ sám phải tác bạch, sau đó mới thọ sám. Lời tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo này tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy xong, sau đó mới thọ sự sám hối. Vị thọ sám nên nói với phạm nhơn rằng: «Hãy tự trách tâm ông!» Phạm nhơn trả lời: «Xin vâng.» Nếu Tăng đông, khó tập hợp, mà tỳ-kheo này có duyên sự muốn đi xa thì nên hỏi tỳ-kheo ấy rằng: «Y này, ông muốn cho ai?» Tùy theo lời nói của vị ấy mà cho, và Tăng phải hoàn y nầy lại liền cho tỳ-kheo ấy bằng pháp bạch nhị yết-ma. Nghi thức trao như sau: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y nầy trao cho tỳ-kheo tên là... kia. Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là... cố ý chứa y dư như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng, Tăng đem y này cho tỳ-kheo tên là... kia. Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng đem y này trao cho [603a1] tỳ-kheo tên là... kia và Tỳ-kheo tên là... kia sẽ hoàn cho tỳ-kheo này, thì im lặng; vị nào không đồng ý, xin nói. «Tăng đã chấp thuận cho Tỳ-kheo tên là... kia y nầy rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo này ở giữa Tăng xả y rồi, mà không được trả lại; Tăng mắc đột-kiết-la.[15] Khi trả lại, có người nói «đừng trả», người ấy mắc đột-kiết-la. Nếu tác pháp tịnh thí,[16] hoặc gởi cho người khác, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la,[17] hoặc cố ý làm cho hư hoại, hoặc đốt cháy, hoặc làm phi y,[18] hoặc thường xuyên mặc cho hư, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: không quá mười ngày. Hoặc chuyển tịnh thí.[19] Hoặc gởi cho người. Hoặc tưởng bị giặc cướp; hoặc tưởng bị mất; hoặc tưởng bị cháy; hoặc tưởng bị trôi. [Trong các trường hợp này] không tịnh thí, không gởi cho người, không phạm. Nếu y bị đoạt, y bị mất, y bị cháy, y bị trôi, lấy mặc,[20] hoặc người khác đưa cho mặc,[21] hoặc người khác đưa cho làm,[22] thì người kia không phạm. Người nhận gởi gắm y kia hoặc mạng chung, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị ác thú hại, hoặc nước trôi chìm. Các trường hợp như vầy mà không tác tịnh thí, không gởi cho cho người, cũng không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. II. NGỦ LÌA Y[23] A. DUYÊN KHỞI 1. LÌA Y Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đem y gởi nơi tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhân gian. Tỳ-kheo được gởi y, thường thường đem y phơi nắng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Đức Phật cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được dư. Đây là y của ai?» Tỳ-kheo phơi y trải lời: «Đây là y của nhóm sáu tỳ-kheo. Họ là bạn thân của tôi, đem gởi cho tôi, để du hành trong nhân gian. Sợ bị sâu bọ phá nên tôi đem phơi.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy đem y gởi cho tỳ-kheo thân hữu; lìa y mà du hành trong nhân gian?» Hiềm trách rồi, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại đem y gởi cho tỳ-kheo thân hữu; lìa y mà du hành trong nhân gian?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa... cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: «Tỳ-kheo nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm nơi khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» 2. CƯƠNG GIỚI CỦA Y Khi đức Thế tôn vì các Tỳ-kheo kiết giới như vậy, bấy giờ có một tỳ-kheo bị bệnh càn tiêu,[24] có y phấn tảo tăng-già-lê nặng quá. Tỳ-kheo này vì có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang nó theo được, tự nghĩ rằng: «Đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới, không được lìa y ngủ đêm. Lìa y ngủ đêm, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nay ta bị bệnh càn tiêu, mà ta có y phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay ta nên như thế nào đây?» Vị ấy nói với các tỳ-kheo đồng bạn rằng: «Đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới, không được lìa y ngủ đêm. Lìa y ngủ đêm, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nay tôi bị bệnh càn tiêu, mà tôi có y phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhơn duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay tôi nên như thế nào? Các Đại đức vì tôi đến bạch đức Thế tôn, Thế tôn dạy thế nào, tôi sẽ phụng hành như vậy.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn liền tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: Từ nay về sau, cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo bệnh này pháp bạch nhị yết-ma, kiết không mất y. Nghi thức trao như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giầy dép, đến lễ Thượng tọa, quì gối, chấp tay, bạch xin như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, phấn tảo tăng-già-lê này nặng, có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, không thể mang theo được. Nay tôi đến xin Tăng pháp không mất y.» Nên cầu xin như vậy ba lần. Trong Tăng nên sai một vị có thể tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, có phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, nên không thể mang theo được, đến xin Tăng pháp không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này pháp không mất y. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., mắc bệnh càn tiêu, có phấn tảo tăng-già-lê quá nặng, lại có nhân duyên muốn du hành trong nhơn gian, mà không thể mang theo được, nay đến xin Tăng pháp không mất y. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y thì im lặng; vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên là... pháp không mất y rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.» Từ nay về sau sẽ nói giới như sau: Tỳ-kheo nào y đã xong, y ca-thi-na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác, trừ tăng yết-ma, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y đã xong: đủ ba y. Y ca-thi-na đã xả. (như trên) Ba y: tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội. Y: có mười loại, như trên đã nói. Tăng: cùng một thuyết giới, cùng một yết-ma. Không mất y: trong Tăng-già-lam có một giới. Mất y: trong Tăng-già-lam có nhiều giới.[25] Không mất y: cây có một giới. Mất y: cây có nhiều giới. Không mất y: sân[26] có một giới. Mất y: sân có nhiều giới. Không mất y: xe có một giới. Mất y: xe có nhiều giới. Không mất y: thuyền có một giới. Mất y: thuyền có nhiều giới. Không mất y: thôn có một giới. Mất y: thôn có nhiều giới. Không mất y: nhà có một giới. Mất y: nhà có nhiều giới. Không mất y: giảng đường có một giới. Mất y: giảng đường có nhiều giới. Không mất y: kho chứa có một giới. Mất y: kho chứa có nhiều giới. Không mất y: lẫm có một giới. Mất y: lẫm có nhiều giới. Tăng-già-lam: có bốn loại như trên.[27] Cây: cao bằng người, có bóng che đủ để ngồi kiết già. Sân: nơi đập và phơi ngũ cốc Xe: chỗ đủ cho xe quay đầu lại. Thuyền: chỗ đủ cho chiếc thuyền xoay lại. Thôn: [604a1] có bốn loại như trên.[28] Giảng đường: có nhiều khoảng trống. Kho: nơi chứa các vật mua bán, ngựa xe v.v... Lẫm: chỗ chứa ngũ cốc. Giới Tăng-già-lam: giới Tăng-già-lam này, chẳng phải giới Tăng-già-lam kia. Giới Tăng-già-lam này, chẳng phải giới của cây kia. Cho đến giới của kho chứa này chẳng phải giới của kho chứa kia, cũng như vậy. Giới cây này chẳng phải giới cây kia. Cho đến giới kho chứa, giới của Tăng-già-lam cũng như vậy. Giới của sân này chẳng phải giới của sân kia. Cho đến giới Tăng-già-lam, giới cây, cũng như vậy. Ngoài ra xây dựng câu văn cũng như trên. Giới Tăng-già-lam: ở đường biên của Tăng-già-lam, với sức người trung bình, dùng đá hoặc gạch quăng đến chỗ nào thì nơi đó gọi là giới.[29] Cho đến giới của kho chứa cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo để y ở trong Tăng-già-lam, lại ngủ ở dưới gốc cây, khi bình minh chưa xuất hiện, hoặc xả y, hoặc tay cầm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới. Nếu không xả y, hoặc tay cầm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới; khi bình minh xuất hiện, tùy theo chỗ lìa y ngủ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la. Tỳ-kheo để y trong Tăng-già-lam, đến chỗ sân phơi. Bình minh chưa xuất hiện, hoặc xả y, hoặc tay phải nắm y, hoặc đến chỗ đá quăng tới. Nếu không xả y, không đến chỗ đá quăng tới, mà bình minh xuất hiện, tùy theo chỗ lìa y ngủ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Cho đến ngủ nơi kho chứa, mỗi mỗi câu cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo để y dưới gốc cây, đến ngủ chỗ sân phơi lúa cho đến ngủ nơi kho chứa, Tăng-già-lam thì cũng như vậy. Không mất y: Nếu nơi a-lan-nhã không có giới, trong khoảng tám cây.[30] Một cây là bảy cung. Cung pháp nước Giá-ma-lê[31] trung bình dài bốn khủy tay. Nếu tỳ-kheo nơi a-lan-nhã có thôn, để y trong khoảng tám cây, ngủ chỗ khác, bình minh chưa xuất hiện. Không xả y, tay không nắm y, hoặc không đến chỗ đá quăng tới, khi bình minh xuất hiện, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la. Y xả đọa này nên xả cho Tăng, hoặc một nhóm người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả biệt chúng, không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa quỳ gối, chấp tay, thưa như vậy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là..., đã lìa y ngủ, phạm xả đọa. Nay, tôi xả cho Tăng.» Phạm nhơn xả rồi phải sám hối. Vị thọ sám hối phải tác bạch, sau đó mới thọ sám. Tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sám hối cho vị tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi, sau mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân rằng: «Hãy tự trách tâm ông!» Phạm nhân trả lời: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này, liền bạch nhị yết-ma. Thể thức trao lại y như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên, tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., lìa y ngủ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay, Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo tên... Các trưởng lão chấp thuận, Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo... kia thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận trao y cho tỳ-kheo... kia rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Nếu ở trong Tăng xả y rồi, mà không hoàn lại, Tăng phạm đột-kiết-la. Khi hoàn lại, có người nói: đừng hoàn, người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la,[32] hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc luôn cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Đã được Tăng tác yết-ma. Khi bình minh chưa xuất hiện, tay nắm y, hoặc cả y, hoặc đến chỗ đá quăng tới, hoặc tưởng bị cưỡng đoạt, hoặc tưởng bị mất, hoặc tưởng bị cháy, hoặc tưởng bị nước trôi, hoặc tưởng bị hư hoại. Nếu đường thủy bị đứt đoạn, đường bộ bị hiểm nạn, hoặc bị giặc cướp, hoặc nạn ác thú, hoặc nước lên lớn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không xả y, tay không nắm tới y, không đến chỗ đá quăng tới thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. III. CHỜ Y MỘT THÁNG[33] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo, y tăng-già-lê bị cũ rách hư hoại, tự nghĩ rằng: «Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Y đã xong, y ca-thi-na đã xả, cho phép chứa y dư trong mười ngày. Chứa quá hạn định ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Song, tăng-già-lê này của ta bị cũ hư mục, trong vòng mười ngày không thể may xong. Bây giờ, ta nên như thế nào?» Vị ấy liền nói với tỳ-kheo đồng ý rằng: «Lành thay! Đại đức vì tôi bạch lên đức Thế tôn. Ngài dạy thế nào tôi sẽ phụng hành thế ấy.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên nầy bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo và bảo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được chứa y dư, vì chờ cho đủ.» Nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép chứa y dư vì chờ cho đủ. Họ có y phấn tảo và các loại y khác, cùng loại mà chưa đủ, liền lấy trong đó y phấn tảo giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem đến gởi các tỳ-kheo thân hữu rồi du hành trong nhân gian. Vì họ đi lâu quá không trở lại, tỳ-kheo nhận gởi sợ y ẩm ướt đem phơi. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Thế tôn đã chế giới, cho phép chứa ba y, không được quá. Y nầy của ai?» Tỳ-kheo nhận gởi trả lời: «Y nầy là của nhóm sáu tỳ-kheo. Nhóm sáu tỳ-kheo nói: ‹Đức Thế tôn chế giới, cho phép được chứa y dư cho đến khi nào có đủ.› Họ có y phấn tảo và các loại y khác, cùng loại mà chưa đủ, nên lấy trong đó y phấn tảo, giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem gởi cho tôi để du hành trong nhơn gian. Sợ hư mục nên tôi đem hong phơi.» Lúc ấy, trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao nói đức Thế tôn cho phép chứa y dư vì chờ cho đủ, mà vì cùng loại y chưa đủ, lấy trong đó y phấn tảo giặt và nhuộm, bốn đầu góc điểm tác tịnh, đem gởi cho tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhơn gian?» Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này, nhóm sáu tỳ-kheo! Tại sao Thế tôn cho phép tỳ-kheo chứa y dư vì chờ cho đủ, mà vì cùng loại y [605a1] chưa đủ lại lấy trong đó y phấn tảo giặt nhuộm, bốn đầu điểm tác tịnh, đem gởi cho tỳ-kheo thân hữu để du hành trong nhơn gian?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào y đã đủ, y ca-thi-na đã xả, nếu tỳ-kheo được y vải phi thời, cần thì nhận; nhận rồi mau chóng may thành y; đủ thì tốt, không đủ thì được phép chứa một tháng vì chờ cho đủ; nếu chứa quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y đã xong: đủ ba y và y ca-thi-na đã xả. Thời: không thọ y ca-thi-na thì sau lễ tự tứ một tháng; có thọ y ca-thi-na thì sau lễ tự tứ năm tháng. Phi thời: nếu quá thời hạn của y nầy. Y: có mười loại như trên đã nói. Nếu trong mười ngày, cùng loại y,[34] đủ thì nên cắt rọc ra, lược may thành y. Hoặc tác pháp tịnh thí hoặc khiến cho người. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không gởi cho người, ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, tùy theo số y (vải) nhiều hay ít, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu y cùng loại không đủ, đến ngày thứ mười một, y cùng loại mới đủ, trong ngày liền phải cắt rọc, lược may thành y. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người, đến ngày thứ mười hai, khi bình minh xuất hiện, tùy theo số y nhiều hay ít, đều phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Như vậy, cho đến ngày thứ hai mươi chín cũng thế. Nếu cùng loại y không đủ, ngày ba mươi đủ hay không đủ, cùng loại hay không cùng loại, trong ngày đó cũng phải cắt rọc, lược may thành y, hoặc tịnh thí, hoặc sai cho người. Nếu không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người, đến ngày thứ ba mươi mốt, khi bình minh xuất hiện, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giầy dép đến lễ Thượng tọa, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., có y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa. Nay tôi xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Người nhận sám hối phải tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sự sám hối. Khi nhận sự sám hối nên nói với phạm nhơn rằng: «Hãy tự trách tâm ông!» Phạm nhơn đáp: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này ngay, bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có cái y như vậy, chứa quá số ngày như vậy, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., có cái y như vậy, chứa quá ngày như vậy, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y nầy hoàn lại cho tỳ-kheo có tên… Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã thuận trao y cho tỳ-kheo có tên... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Nếu trong Tăng, xả y rồi, không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Khi hoàn lại, nếu có người bảo «đừng trả», thì người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại, chuyển tịnh thí, hoặc khiến cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc luôn luôn mặc cho hư, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề; Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Chứa trong vòng mười ngày. Y cùng loại đủ, cắt rọc, lược may thành y. Cùng loại y không đủ, đến ngày thứ mười một cùng loại y đủ, đã được cắt rọc, lược may thành y. Hoặc tịnh thí, sai cho người. Cho đến ngày hai mười chín cũng như vậy. Ngày thứ ba mươi đủ hay không đủ, cùng loại hay không đồng loại, nội nhật phải cắt rọc, lược may thành y, hoặc tịnh thí, sai cho người, thì không phạm. Tưởng bị đoạt, tưởng bị mất, tưởng bị cháy, tưởng bị nước trôi mà không cắt rọc, lược may thành y, không tịnh thí, không sai cho người thì không phạm. Nếu y bị đoạt, y bị mất, y bị cháy, y bị nước trôi, lấy mặc, hoặc người cho mặc, hoặc làm mền thì không phạm. Nếu tỳ-kheo nhận gởi y, mạng chung, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, bị giặc, hoặc bị ác thú hại, hoặc bị nước trôi không cắt rọc, không lược, không may thành y, không sai cho người thì không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. NHẬN Y PHI THÂN LÝ NI[35] A. DUYÊN KHỞI 1. LIÊN HOA SẮC Một thời, đức Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, có người thiếu nữ tên là Liên Hoa Sắc,[36] cha mẹ nàng gả nàng cho người Uất-thiền.[37] Sau đó, nàng mang thai, muốn trở về nhà cha mẹ. Nàng sanh được một đứa con gái, dung mạo đoan chánh. Liên Hoa Sắc cùng người con gái ở chung một nhà. Trong thời gian này, chồng của Liên Hoa Sắc tư thông cùng với mẹ của Liên Hoa Sắc, bị đứa tớ gái của Liên Hoa Sắc bắt gặp, và thưa lại với Liên Hoa Sắc việc ấy. Liên Hoa Sắc nghe sự việc như vậy, thầm nghĩ và than rằng: «Sao con gái lại cùng với mẹ lấy chung một chồng. Thân người con gái để làm gì?» Liên Hoa Sắc đành bỏ hài nhi đang bồng trong tay, cải trang ra đi, đến nơi thành Ba-la-nại, đứng ngoài cửa thành. Thân hình đầy bụi bậm, và gót chân bị rách. Lúc đó, trong thành có ông trưởng giả, vợ ông vừa mạng chung, cỡi xe ra khỏi thành Ba-la-nại, để đến công viên ngắm cảnh. Ông trưởng giả gặp Liên Hoa Sắc đang đứng bên ngoài cửa thành, dung mạo đoan chánh mà thân hình lại đầy bụi bặm, gót chân rách nát, nên để ý Liên Hoa Sắc. Ông liền đến trước người nữ, hỏi: «Cô thuộc về ai?» Liên Hoa Sắc trả lời: «Tôi không thuộc về ai cả.» Ông trưởng giả lại hỏi: «Nếu chưa thuộc về ai thì có thể vì tôi làm vợ được không?» Liên Hoa Sắc trả lời: «Cũng được.» Ông trưởng giả liền bảo lên xe, chở về nhà làm vợ. Sau một thời gian, ông trưởng giả, chồng của Liên Hoa Sắc, tập trung nhiều của quý từ Ba-la-nại đến nước Uất-thiền để buôn bán. Nơi đây, lúc bấy giờ gặp ngày đại hội, đồng nữ trong nước đến vui chơi. Người con gái của Liên Hoa Sắc, trang sức đẹp đẽ, cũng ở trong số đông những người nữ đó. Thấy người con gái nầy đoan chánh, nên ông trưởng giả để ý, liền hỏi người bên cạnh: «Cô gái này là ai?» Đáp rằng: «Cô gái này tên như vậy» Lại hỏi: «Nhà cô ở đâu?» Đáp rằng: «Nhà cô ở tại chỗ ấy.» Lại hỏi: «Đường gì?» Đáp rằng: «Đường tên như vậy. Trưởng giả lại hỏi: «Cửa ngõ của nhà xoay về hướng nào?» Đáp: «Cửa ngõ của nhà xoay về hướng ấy.» Ông trưởng giả liền đến nhà đó, hỏi người cha rằng: «Cô gái này là con của ông phải không?» Đáp rằng: «Con gái của tôi đó.» Lại hỏi: «Ông có thể gả cho tôi không?» Đáp rằng: «Vâng, có thể được.» Ông trưởng giả hỏi: «Ông cần đòi bao nhiêu của?» [606a1] Người cha của cô gái trả lời: «Trao cho tôi trăm ngàn lượng vàng.» Ông trưởng giả bèn trao đủ số. Cha của cô gái trang điểm cho con mình. Từ nước Uất-thiền họ trở về Ba-la-nại. Liên Hoa Sắc nhìn thấy liền có cảm tưởng như đang nhìn đứa con gái mình. Cô gái này thấy Liên Hoa Sắc cũng với ý nghĩ là mẹ mình. Hai người gần gũi nhau thời gian lâu, Liên Hoa Sắc chải đầu cho người nữ kia và hỏi rằng: «Cô em là người nước nào? Con gái nhà ai?» Người nữ kia trả lời: «Em là người nước Uất-thiền.» Liên Hoa Sắc lại hỏi: «Nhà ở chỗ nào? Đường nào? Cửa ngõ xoay về hướng nào? Cha mẹ là ai?» Người nữ kia trả lời: «Nhà của em ở chỗ nọ, chỗ kia, vân vân. Cha em tên như vậy như vậy.» Liên Hoa Sắc lại hỏi: «Mẹ của em họ gì?» Nữ đáp rằng: «Em không biết mẹ. Chỉ nghe người ta nói mẹ tên là Liên Hoa Sắc. Bỏ nhà đi lúc em còn nhỏ.» Lúc ấy, Liên Hoa Sắc lòng tự nghĩ rằng: «Đây chính là con của ta.» Nàng tự oán trách mình, «Ôi! Thân người nữ để làm gì? Tại sao ngày nay, mẹ và con lại cùng lấy một chồng?» Liên Hoa Sắc liền bỏ nhà ra đi. Khi Liên Hoa Sắc đến vườn Trúc khu Ca-lan-đà nơi thành La-duyệt, lúc bấy giờ, đức Thế tôn đang nói pháp cho vô số đại chúng vây quanh. Từ xa thấy đức Thế tôn tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, đạt được chế ngự tối thượng như con voi chúa đã thuần, như nước lóng trong, không có bụi dơ, Liên Hoa Sắc phát tâm hoan hỷ, liền đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn tuần tự nói pháp vi diệu, nói về bố thí, về trì giới, về sanh thiên và chê trách dục là bất tịnh; tán thán sự xuất ly. Đức Thế tôn nói về bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Tận, Đạo, phân biệt đầy đủ. Bấy giờ, từ chỗ ngồi, Liên Hoa Sắc đạt được pháp nhãn tịnh. Ví như tấm lụa trắng mới và sạch, không có bụi bẩn, dễ nhuộm màu sắc. Liên Hoa Sắc đặng pháp thanh tịnh cũng lại như vậy; thấy pháp, đắc pháp, đắc thành quả chứng, bèn bước lên phía trước, bạch Phật rằng: «Nguyện đức Thế tôn cho con xuất gia, ở trong pháp của Phật, tu hạnh thanh tịnh.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Ông dẫn Liên Hoa Sắc này đến chỗ Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cho phép cô xuất gia.» Tôn giả A-nan liền vâng lời đức Phật dạy, dẫn Liên Hoa Sắc đến chỗ Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói rằng: «Đức Thế tôn có dạy, Bà hãy độ người phụ nữ này xuất gia.» Liên Hoa Sắc liền được cho phép xuất gia. Một thời gian sau đó, Liên Hoa Sắc nhờ nổ lực tư duy ngày càng tinh tấn, nên chứng đặng A-la-hán, đạt được đại thần lực.[38] Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni trụ nơi chỗ không nhàn,[39] nhưng Liên Hoa Sắc tỳ-kheo-ni ngồi riêng trong một khu rừng khác[40] tư duy. Nơi trú xứ của Liên Hoa Sắc, lại có tên đầu lĩnh của bọn cướp thường ở tại đó. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc chấp trì oai nghi lễ tiết, khoan thai, nên tên đầu lĩnh giặc thấy vậy liền sanh thiện tâm. Thời gian sau đó, tướng giặc bắt được nhiều thịt heo. Ăn xong còn dư, gói lại đem treo trên nhánh cây và nói: «Trong rừng này, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, có đại thần lực thì lấy đem đi.» Tuy nói như vậy, nhưng tâm thì vì tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc nhờ thiên nhĩ nghe, thiên nhãn thanh tịnh thấy, nên dùng tấm lụa trắng gói thịt heo treo lên nhánh cây. Sáng ngày nói với thức-xoa-ma-na, sa-di-ni rằng: «Các con đến nơi chỗ đó. Trên nhánh cây, có cái gói bằng lụa trắng, trong đó có thịt heo. Lấy mang về.» Cô ấy liền đến lấy về, đưa cho tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc. Tỳ-kheo Liên Hoa Sắc bảo nấu, rồi đến giờ ăn, tự tay mình đem lên trên núi Kỳ-xà-quật, dâng lên cúng dường các tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ, có một tỳ-kheo mặc chiếc tăng-già-lê cũ rách vá chằm. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc thấy vậy, phát tâm từ mẫn, liền hỏi vị tỳ-kheo rằng: «Thưa Đại đức! Sao Ngài mặc chiếc tăng-già-lê cũ rách đến thế?» Vị tỳ-kheo ấy trả lời: «Đại tỷ! Đây là pháp phải diệt tận, nên tệ hại như vậy.» Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đang khoác chiếc tăng-già-lê quí giá, nên thưa với vị tỳ-kheo ấy rằng: «Thưa Đại đức! Con xin cúng chiếc y nầy cho Đại đức. Đại đức cho con xin chiếc y hiện Đại đức đang mặc có được không?» Vị Tỳ-kheo ấy trả lời: «Được.» Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền cởi y tăng-già-lê trao cho tỳ-kheo và lấy chiếc y cũ rách của tỳ-kheo mặc vào. Sau đó, Liên Hoa Sắc mặc chiếc y cũ rách này đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên. Đức Thế tôn biết mà cố hỏi Liên Hoa Sắc: «Tại sao cô mặc chiếc y cũ rách đến thế?» Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo: «Nầy Liên Hoa Sắc! Cô không nên làm như vậy. Như lai cho phép cô chứa giữ năm y nguyên vẹn bền chắc.[41] Ngoài ra còn dư, mới tùy ý tịnh thí hoặc cho người. Tại sao vậy? Vì người nữ mặc y phục thượng hạng còn chưa tốt, huống chi là mặc y xấu.» Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà cố hỏi tỳ-kheo kia rằng: «Thật sự ông có nhận y từ tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc chăng?» Vị tỳ-kheo kia thưa: «Bạch đức Thế tôn đúng như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại nhận y từ tỳ-kheo-ni?» Quở trách rồi, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Người này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo biết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vậy: Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni,[42] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. 2. NHỮNG NGOẠI LỆ Khi đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, các tỳ-kheo đều sợ nên cẩn thận không dám nhận lấy y từ nơi tỳ-kheo-ni thân quyến. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni thân quyến. Tại sao vậy? Nếu không phải thân quyến thì không thể trù lượng được là nên lấy hay không nên lấy; hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc cũ, hoặc mới. Nếu là thân quyến thì trù lượng được, biết họ có khả năng hay không, nên nhận không nên nhận, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc cũ, hoặc mới.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: «Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như trên rồi, thì bấy giờ, trong Kỳ- hoàn, hai bộ Tăng[43] nhận được y cúng dường, cùng chia. Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận nhầm y của tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni nhận nhầm y của tỳ-kheo. Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni mới đem y đến trong Tăng-già-lam, thưa với tỳ-kheo rằng: «Tôi đem y nầy đến trao cho Đại đức, Đại đức trao y của Đại đức cho tôi.» Các tỳ-kheo bảo: «Đức Phật không cho phép chúng tôi thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau, cho phép trao đổi y. Muốn nói giới phải nói như vầy: Tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ đổi chác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chẳng phải thân quyến:[44] chẳng phải cha mẹ thân quyến cho đến bảy đời không thân. Thân quyến:[45] cha mẹ thân quyến cho đến bảy đời thân quyến. Y: có mười loại như đã nói ở trên. Đổi chác:[46] dùng y đổi y, dùng y đổi phi y, hoặc dùng phi y đổi y, hoặc dùng kim đổi lấy ống đồng, hoặc dao, hoặc chỉ... cho đến một viên thuốc để đổi y. Nếu tỳ-kheo nào, thọ nhận y từ nơi tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ đổi chác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Vật ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, [607a1] trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối, chấp tay, tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết người thọ sám nên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là...., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo nầy tên là... Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân rằng: «Hãy tự trách tâm ông!» Phạm nhơn đáp: «Xin vâng.» Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo nầy liền, bằng bạch nhị yết-ma để trao. Tăng nên sai một Tỳ-kheo có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận trả lại y cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Tăng nay đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy tên là... Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này trải lại cho tỳ-kheo có tên này thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận trao cho y cho tỳ-kheo kia tên là... rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Trước Tăng, đã xả y rồi, mà Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Khi trả y, nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc đem làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc luôn cho cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm. Sự không phạm: Thọ nhận y từ tỳ-kheo-ni thân quyến, hoặc đổi chác. Vì Tăng vì Phật đồ mà lấy thì không phạm. Người không phạm: đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. V. NHỜ PHI THÂN LÝ NI GIẶT Y CŨ[47] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di có nhan sắc đoan chánh. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà cũng lại đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý Thâu-lan-nan-đà. Thâu-lan-nan-đà cũng để ý Ca-lưu-đà-di. Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến chỗ Thâu-lan-nan-đà, ngồi ngay trước mặt, để lộ hình. Tỳ-kheo-ni cũng lại ngồi để lộ hình. Hai bên nhìn nhau với dục tâm. Một lúc sau, Ca-lưu-đà-di xuất đồ bất tịnh, làm bẩn an-đà-hội. Thâu-lan-nan-đà thấy vậy nói rằng: «Đại đức đưa cái y đây, tôi giặt cho.» Ca-lưu-đà-di liền thay đưa cho. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nhận được y, đến chỗ vắng dùng ngón tay lấy đồ bất tịnh cho vào miệng, rồi lại lấy một ít cho vào trong đường tiểu tiện, sau đó có thai. Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi rằng: «Cô không biết hổ thẹn, đã làm hạnh bất tịnh.» Thâu-lan-nan-đà nói: «Đại tỷ! Tôi không phải không có hổ thẹn. Tôi không phạm tịnh hạnh.» Các tỳ-kheo-ni nói: «Nếu cô không phạm tịnh hạnh thì tại sao có thai? Các tỳ-kheo-ni không phạm tịnh hạnh sao họ lại không có thai?» Bấy giờ, Thâu-lan-nan-đà mới đem sự việc đã xảy ra trình bày rõ ràng với các tỳ-kheo-ni. Trong số các tỳ-kheo-ni nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, vì nhơn duyên này hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao Tôn giả lại nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy?» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Lúc bấy giờ, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật ông đã nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy chăng?» Ca-lưu-đà-di thừa nhận là có. Đức Phật dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại nhờ tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà làm việc như vậy?» Quở trách xong, Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vậy: «Tỳ-kheo nào, khiến tỳ-kheo-ni giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo chế giới như vậy rồi, sau đó các tỳ-kheo đều sợ, cẩn thận không dám khiến tỳ-kheo-ni thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập. Đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo khiến tỳ-kheo-ni thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập... » Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chẳng phải thân quyến: như trên đã giải. Thân quyến: cũng như vậy. Y cũ: là chỉ cần một lần mặc qua. Y: nói mười loại như trên. Nếu tỳ-kheo khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, (tỳ-kheo) phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng cô ni chỉ giặt nhuộm mà không đập, (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la. Bảo giặt, nhuộm, đập mà cô ni giặt, không nhuộm mà đập, phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la. Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng cô ni không giặt mà nhuộm đập, (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một đột-kiết-la. Bảo giặt, nhuộm, đập, nhưng ni không giặt, không nhuộm, không đập, (tỳ-kheo) phạm ba đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo khiến thức-xoa-ma-na, sa-di-ni chẳng phải thân quyến giặt nhuộm, đập y cũ, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la. Nếu bảo tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y mới, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu sát đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, Tỳ-kheo tên là..., đã khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết vị thọ sám phải bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã khiến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên là... Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi sau đó mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với phạm nhân: «Hãy tự trách tâm ông!» Phạm nhân đáp: «Xin vâng.» Tăng nên trả y lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng sai một vị có thể tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận, đem y nầy trả lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng; Tăng chấp thuận đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, đập y cũ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này hoàn lại cho [608a1] tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã đồng ý trao y cho tỳ-kheo tên là... rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Trong Tăng vị tỳ-kheo này đã xả y rồi, nếu Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Khi trả lại, có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại, mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc đốt, hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc mặc luôn cho rách, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó là phạm. Sự không phạm: Trao y cũ cho ni thân quyến giặt, nhuộm, đập; hoặc vì người bệnh mà giặt, nhuộm, đập; hoặc vì Tăng, Phật đồ giặt nhuộm đập; hoặc mượn y người khác giặt, nhuộm, đập thì không phạm. Người không phạm: đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[48]
Chú thích: [1] Cf, Tăng kỳ 8, tr.292b10: «Ni-tát-kỳ ba-dạ-đề, y dư cần phải xả trước Tăng; sau đó sám tội ba-dật-đề. Xả mà không sám hối, phạm tội việt tì-ni. Ba-dạ-đề, nghĩa là có thể đọa ác đạo.» Thập tụng 5, tr.30b12: «Ni-tát-kỳ ba-dạ-đề, y ấy cần phải xả. Tội ba-dạ-đề cần phải sám hối.» Căn bản 16: «Ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca, vật ấy cần phải xả; tội ấy cần phải sám.» Pali (Vin.iii. 193): nissaggiya pācittiya. [2] Pali: Atirekacīvara, Vin. iii. 195. [3] Pali: Vesāliyaṃ viharati Gotamake cetiye, tại Vesāli (Tỳ-da-ly), trong tháp Gotamaka. [4] Quý giá phấn tảo y 貴價糞掃衣. Ngũ phần 4: 2 tấm vải kiếp-bối. [5] Pali: muốn cúng lại cho Xá-lợi-phất. [6] Y dĩ cánh 衣已竟. Pali: niṭṭhittacīvarasmiṃ, y đã hoàn tất; tức y đã may xong; bao gồm trường hợp y bị mất, y bị cướp, y bị cháy. Ngũ phần 4: giặt, nhuộm, và may xong. [7] Thiếu giải thích trong bản Hán. Ngũ phần 4 (T22n1421, tr.23b28): ca-thi-na đã được xả do bạch nhị yết-ma. Pali (Vin.iii. 196): ubbhatasmiṃ kaṭhine, được giải thích: ca-thi-na đã được xả do tám nguyên nhân; hoặc do Tăng tác pháp xả. [8] Hầu hết, Hán dịch y 衣 (Pali: cīvara), cần được hiểu là vải để may y, chứ không phải là áo mặc theo nghĩa đen của từ Hán. [9] Mười loại y: y thi (vải dệt thô), y kiếp-bối (vải), y khâm-bà la, y sô-ma (bố), y sấm-ma, y phiến-na, y ma (vải gai), y bí-di-la, y cưu-di-la, y sấm-la-bán-ni 絁衣劫貝衣欽婆羅衣芻摩 衣讖摩衣扇那衣麻衣翅夷羅衣鳩夷羅衣讖羅半尼衣. Pali: cīvaraṃ, y ở đây chỉ sáu loại y (= vải) được chấp nhận: khomaṃ (vải lanh), kappāsikaṃ (vải bông), koseyyaṃ (lụa), kambalaṃ (lông thú), sāṇaṃ (vải gai thô), bhaṅgaṃ (vải bố). [10] Trường y 長衣 . Căn bản 16 (T23n1442, tr.711c25): «Ngoài những y đang thọ trì, còn lại gọi là y dư.» Pali: atirekacīvaraṃ, giải thích: y không được phân phối (anadiṭṭhita) và chưa được tác tịnh (avikappita). [11] Minh tướng 明相 , tướng sáng, dấu hiệu sáng. Pali: arnuggamane, khi mặt trời mọc. [12] Trong ngoặc: nguyên tiểu chú trong bản Hán. [13] Tiểu chú trong bản Hán. [14] Tịnh thí 淨施 , hay tác tịnh. Tăng kỳ 8 (T22n1425. tr.292b14): «Được phép chứa y dư trong vòng 10 ngày không tác tịnh. Quá 10 ngày, ni-tát-kỳ ba-dạ-đề.» Căn bản 16 (T23n1442, tr.711c26): «y dư trên 10 ngày, nếu tác phân biệt pháp (tác tịnh), được phép chứa.» Tứ phần, ba-dật-đề 59: có hai cách tịnh thí, chân thật và triển chuyển. Chân thật tịnh thí là biếu luôn. Triển chuyển tịnh thí chỉ cho trên danh nghĩa, người cho vẫn dùng với ý niệm «mượn tạm.» Pali, Pācittiya 59 (Vin.iv.122): vikappana, tác tịnh hay tịnh thí, có hai cách: sammukhavikappana, hiện tiền tác tịnh và parammukhavikappana, khiếm diện tác tịnh. [15] Pali, Vin.iii.197 (Pācittiya 1): Sau khi xả y dư, cần sám ba-dật-đề. Y phải được trả lại, nói: imaṃ cīvaraṃ āyasmato dammī’ti, «Y này tôi trả lại cho Trưởng lão.» [16] Sau khi đã xả như pháp. [17] Ba-lợi-ca-la 波利迦羅. Skt (=Pali). parikara, giây đai, giây nịt, để buộc y phục. [18] Phi y 非衣; không dùng làm y. [19] Tức triển chuyển tịnh thí. Xem cht. 14 trên. [20] Hán: thủ trước 取著; chưa rõ nghĩa. Cf, Tứ phần 17, tr.676b13 (ba-dật-đề 59): «Vật đã chân thật tịnh thí, cần phải hỏi chủ sau đó mới dùng (Hán: thủ trước). Nếu là triển chuyển tịnh thí, không cần hỏi, tùy ý dùng (tùy ý thủ trước).» Cf, Tăng kỳ 8 (T.1425, tr.293a10): người khác nhận dùm y được cúng, nhưng chưa đưa; quá hạn, vẫn không phạm. [21] Cf, Tăng kỳ 8, nt., hoặc thầy, hoặc đệ tử nghe có người cho y, nhưng y chưa đưa đến. Quá hạn vẫn không phạm. [22] Cf. Tăng kỳ 8, nt., nhờ người may y. May đã xong, nhưng chưa giao. Quá hạn, vẫn không phạm. [23] Pali: Ticīvaravippavaseyya, Vin.iii. 198. [24] Càn tiêu bệnh 乾痟病 , chứng gầy còm, hay nhức đầu kinh niên? Từ điển Khang hy: tiểu 痟, chứng bịnh nhức đầu. Ngũ phần 4, một tỳ-kheo trì y phấn tảo, muốn đi xa, nhưng y quá nặng. Tăng kỳ 8: Xá-lợi-phất muốn về thăm quê; gặp phải lúc mưa dầm, tăng-già-lê nặng vì ướt sủng, nên không đi được. Căn bản 17: Ngày Tăng bố-tát, Đại Ca-diếp không đến được vì ở cách sông, gặp khi trời mưa, qua sông nước lớn, y bị ướt. Pali, Pācittiya 2: aññataro bhikkhu Kosambiyaṃ gilāno hoti, một tỳ-kheo ở Kosambi bị bịnh. [25] Một giới… nhiều giới; Thập tụng 5: một giới, biệt giới; Căn bản 17: một thế phần, nhiều thế phần. Nghĩa là, mỗi nơi có một hay nhiều phạm vi phụ cận. Pali: ekūpacāra, nānūpacra. Xem thêm cht. 29 dưới. [26] Hán: tràng 場. [27] Như trên? Các đoạn trên, chưa chỗ nào đề cập. [28] Chương i, Ba-la-di ii, phần thích nghĩa. [29] Tăng viện với một hay nhiều khu phụ cận. Pali, Vin.iii. 200: vihāro ekūpacāro nanūpacāro: tinh xá có một vùng phụ cận, hay nhiều vùng phụ cận. Căn bản 17, gọi là có một thế phần hay có nhiều thế phần. Một nhà có thể chỉ có một thế phần, nếu chỉ có một gia trưởng. Một nhà nhưng có nhiều thế phần, nếu có nhiều gia trưởng. Anh em chia nhau ở từng khu vực riêng. [30] Pali, Mahāvagga, Vin.i.111: 7 abhantara (a-bàn-đà). Khoảng cách giữa 2 cây là 1 abhantara. [31] Căn bản 17, tr.714c21: theo phép trồng xoài của Sanh Văn bà-la-môn (Pali. Jaṇussoṇī). [32] Xem cht.17, Ni-tát-kỳ 1 trên. [33] Pali: Nissaggiya 3, akālacīvaram uppajjeyya. Vin.iii. 202. [34] Y, ở đây đồng nghĩa như chữ vải. Xem cht. 7, ba-dật-đề 1 trên. [35] Căn bản: Ni-tát-kỳ 5. Pali, Nissaggtiya 5, Cīvarapaṭigganhaṇa, Vin. iii. 207ff. [36] Liên Hoa Sắc 蓮華色. Tăng kỳ 8, Ưu-bát-la tỳ-kheo-ni. Pali, Uppavaṇṇā. [37] Uất-thiền quốc 鬱禪國. Ngũ phần 5, Ưu-thiện-na ấp. Chuyện kể trong đây, Tứ phần và Ngũ phần gần giống nhau. Nhưng không được kể trong Pali. [38] Trong các tài liệu Pali, Uppavaṇṇā Therī nổi tiếng về bốn biện tài vô ngại (paṭisambhidā) và biến hoá thần thông (iddhivikubbana). [39] Không nhàn xứ 空閑處. Rừng hay a-lan-nhã. Lúc này Phật chưa qui định tỳ-kheo-ni không được sống trong rừng (ni bất trụ lan-nhã). [40] Ngũ phần 4, tr.25b29: trong rừng An-đà viên. Tại đây, một người bà-la-môn lẽn vào thất của Liên Hoa Sắc, cưỡng hiếp lúc bà đang ngủ. Giật mình thức dậy, bà vận thần thông bay đi. Người bà-la-môn rơi từ trên giường xuống địa ngục. Pali: rừng Andhavana. [41] Tỳ-kheo-ni không được bận y rách, và phải đủ 5 y: ngoài 3 y như tỳ kheo, còn có thêm tăng-kỳ-chi (Pali: samkacchika, yếm che ngực) và áo tắm. [42] Pali: bhikkhuniyā hatthato cīvaraṃ paṭigganheyya, nhận y từ chính tay tỳ-kheo-ni. [43] Hai bộ Tăng: Tăng tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni tăng. [44] Thân lý 親里. Pali: aññātikāya. [45] Căn bản 18: thân tộc; giải thích: cha mẹ của hai người đều có quan hệ thân tộc từ bảy đời. [46] Hán: mậu dịch 貿易. Pali: pārivattaka, trao đổi, giao dịch, không hàm ý buôn bán đổi chác. Được phép trao đổi với nhau trong năm chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni, thức-xoa-ma-na. Cf. Vin.iii. 209. [47] Căn bản, Ni-tát-kỳ 4. Pali: Nissaggiya 4, puṇacīvaradhovāpa. Vin. iii. 205ff. [48] * Bản Hán, hết quyển 6. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích VI. XIN Y NƠI NHÀ PHI THÂN LÝ[49] A. DUYÊN KHỞI 1. XIN Y TỪ PHI THÂN LÝ Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một gia chủ,[50] vào buổi sáng, thắng cỗ xe, cùng đoàn tùy tùng đến công viên, rồi quay xe trở lại tinh xá Kỳ-hoàn; để xe bên ngoài cửa ngõ Kỳ-hoàn, đi bộ vào gặp Bạt-nan-đà Thích tử; lễ kính, hỏi chào. Rồi ngồi phía trước mặt mà nghe pháp. Bạt-nan-đà Thích Tử là người biện tài, trí tuệ, nói pháp khéo léo. Ông nói pháp cho gia chủ này nghe dưới nhiều hình thức khác nhau, khai hóa, khuyến khích, khiến gia chủ sanh lòng hoan hỷ. Gia chủ nghe pháp rồi, liền nói với Bạt-nan-đà rằng: «Tôn giả cần gì, xin cho biết.» Bạt-nan-đà trả lời: «Không cần gì cả. Sự thỉnh cầu này cũng là sự cúng dường rồi.» Gia chủ lại nói: «Xin Ngài cứ nói. Nếu cần dùng thứ gì, không nên ái ngại.» Bạt-nan-đà nói: «Thôi! Thôi! Không phiền hỏi nữa. Giả sử tôi có điều cần thì gia chủ cũng không thể cho được đâu.» Gia chủ lại nói: «Xin Ngài cứ nói. Tôi sẽ theo sự cần dùng mà cung cấp cho.» Lúc ấy, gia chủ này mặc chiếc áo lụa trắng, rộng dài, quý giá. Bạt-nan-đà nói: «Chiếc y ông đang mặc, có thể cho tôi. Tôi cần chiếc y đó.» Gia chủ trả lời: «Sáng mai đến nhà, tôi sẽ trao cho Ngài.» Bạt-nan-đà nói: «Tôi đã nói với ông trước rồi, ‹Giả sử tôi có điều cần thì Gia chủ cũng không thể cho được đâu.› Điều đó bây giờ đúng như tôi đã nói.» Gia chủ thưa: «Tôi cho Ngài chứ chẳng phải là không cho. Nhưng ngày mai hãy đến, tôi sẽ cho y này. Hoặc cho cái khác còn tốt hơn nữa. Bây giờ, nếu cởi chiếc y này dâng cho Ngài thì cũng được, nhưng tôi không thể không có y mà vào thành Xá-vệ.» Bạt-nan-đà nói: «Thôi! Thôi! Tôi không cần nữa.» Khi ấy, gia chủ nổi giận, không vui, liền cởi y xếp lại trao cho Bạt-nan-đà và nói rằng: «Tôi đã thưa với Đại đức là ngày mai hãy đến, tôi sẽ cho y này, hoặc cho cái khác còn tốt hơn nữa. Nhưng Đại đức không tin, khiến cho bây giờ tôi chỉ quấn một chiếc y[51] mà vào thành Xá-vệ.» Rồi, gia chủ ra khỏi tinh xá Kỳ-hoàn, lên xe, chỉ quấn một chiếc y mà vào thành. Người giữ cửa thấy vậy liền hỏi ông gia chủ: «Ông từ đâu về? Bị ai cướp y?» Ông gia chủ bảo: «Vừa bị giặc cướp trong Kỳ-hoàn.» Lập tức người giữ cửa liền vớ ngay dao gậy, định đi đến Kỳ-hoàn. Gia chủ nói: «Thôi! Thôi! Khỏi phải đi.» Người giữ cửa hỏi: «Tại sao vậy?» Bấy giờ, gia chủ thuật rõ nhơn duyên. Các cư sĩ nghe qua đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử mong cầu nhiều, không biết đủ, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có chánh pháp gì? Sao lại đòi cho kỳ được chiếc áo mà gia chủ đang mặc trên thân? Đàn-việt cúng dường tuy không nhàm chán nhưng người thọ nhận phải biết đủ chứ.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Sao Thầy lại đòi cho kỳ được chiếc áo quý giá mà ông gia chủ đang mặc trên người?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn mới tập hợp các tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Bạt-nan-đà: «Có thật ông đòi cho được chiếc áo mà ông gia chủ đang mặc trên người hay không?» Bạt-nan-đà thưa: «Bạch Thế tôn, có như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rằng: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại đòi xin cho kỳ được chiếc y mà ông gia chủ đang mặc trên mình?» Đức Phật quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Bạt-nan-đà là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vậy: «Tỳ-kheo nào, xin y nơi cư sĩ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, các tỳ-kheo đều sợ, cẩn thận không dám xin y nơi cư sĩ thân quyến. Đức Phật dạy: «Các tỳ-kheo xin y nơi cư sĩ thân quyến, không phạm.» Từ nay về sau muốn nói giới, nên nói như vầy: «Tỳ-kheo nào, xin y nơi cư sĩ chẳng phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» 2. TỲ KHEO Y BỊ CƯỚP Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la hạ an cư xong, ngày mười lăm tự tứ rồi, ngày mười sáu mang y cầm bát đến chỗ đức Thế tôn. Vì ban ngày nắng nóng, các tỳ-kheo không thể đi được, mới đi ban đêm. Họ bị lạc vào đường dữ và gặp ổ cướp. Chúng vừa cướp đoạt được của người một số của cải lớn đem về đó. Bọn cướp gặp tỳ-kheo nơi đường dữ, bèn hỏi: «Các ông đến đây tìm chúng tôi phải không?» Các tỳ-kheo trả lời: «Không phải chúng tôi đi tìm các ông. Chúng tôi vừa hạ an cư ở nước Câu-tát-la xong, ngày mười lăm tự tứ rồi, nên ngày mười sáu mang y cầm bát muốn đến gặp đức Thế tôn. Từ đó đến đây. Ban ngày bị nắng nóng, chúng tôi đi không được; đi ban đêm mới bị lạc đường nên đến đây, chứ không phải đi tìm các ông.» Bọn giặc hỏi: «Nếu các ông không đi tìm chúng tôi thì tại sao đi con đường này? Há không muốn hại chúng tôi sao?» Chúng nói xong liền đánh các tỳ-kheo gần chết và cướp lấy y bát. Các tỳ-kheo phải trần truồng mà đi; đến đứng ngoài cổng Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo thấy vậy nói rằng: «Quý vị là Ni-kiền-tử lõa hình, không được vào trong Kỳ-hoàn.» Các tỳ-kheo kia nói rằng: «Chúng tôi chẳng phải Ni-kiền-tử. Mà là Sa-môn Thích tử.» Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly đang kinh hành cách đó không xa, các tỳ-kheo đến hỏi Tôn giả rằng: «Hiện có một đám người trần truồng đang đứng ngoài cửa ngõ. Chúng tôi nói, ‹Các Tôn giả là Ni-kiền-tử, chớ vào tịnh xá Kỳ-hoàn.› Những người ấy nói, ‹Chúng tôi không phải Ni-kiền-tử mà là sa-môn Thích tử.›» Rồi các tỳ-kheo nói với Tôn giả [609a1] Ưu-ba-ly rằng: «Tôn giả nên ra xem, coi thử họ là ai?» Tôn giả liền ra ngoài cổng, hỏi: «Quý vị là ai?» Đáp rằng: «Chúng tôi là Sa-môn Thích tử.» Lại hỏi: «Quý vị bao nhiêu tuổi?» Đáp rằng: «Chúng tôi chừng ấy tuổi.» Lại hỏi: «Quý vị thọ giới khi nào?» Đáp rằng: «Chúng tôi thọ giới năm ấy.» Lại hỏi: «Hòa thượng của quý vị là ai?» Đáp rằng: «Hòa thượng của chúng tôi hiệu là như vậy.» «Tại sao quý vị lại trần truồng?» Các tỳ-kheo liền trình bày đầy đủ nhơn duyên đã xảy ra. Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly trở lại chỗ các tỳ-kheo nói: «Những vị đó chẳng phải là Ni-kiền-tử mà là sa-môn Thích tử.» Rồi Tôn giả Ưu-ba-ly bảo các tỳ-kheo đó rằng: «Các Thầy nên tạm mượn y để mặc. Chớ nên trần truồng đến gặp đức Thế tôn.» Các tỳ-kheo liền mượn y mà khoác vào, rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn an ủi và hỏi các tỳ-kheo: «Các ngươi thân được an ổn không? Đi đứng có được hòa hợp an lạc không? Không vì sự ăn uống mà khổ chăng?» Các tỳ-kheo thưa: «Bạch Đại đức, chúng con thân được an ổn. Đi đứng có được hòa hợp an lạc. Không vì sự ăn uống mà khổ. Chúng con ở nước Câu-tát-la an cư xong, tự tứ rồi, mang y cầm bát, muốn đến thăm hỏi đức Thế tôn. Ban ngày vì nắng nóng không đi được, đi ban đêm nên bị lạc đường, gặp bọn ăn cướp...» Trình rõ nhơn duyên đầy đủ như trên với đức Thế tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rằng: «Các ông làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ông là người ngu si, tại sao trần truồng mà đi? Nếu trần truồng mà đi, phạm đột-kiết-la. Nếu gặp trường hợp như vậy nên dùng cỏ mềm hay lá cây che mình, đến chùa gần nhất. Trước hết, có y dư thì nên lấy để mặc. Nếu không có thì hỏi các tỳ-kheo quen biết, có y dư nên mượn để mặc. Nếu bạn quen biết không có y, nên hỏi trong Tăng có y nào có thể chia. Nếu có thì chia, còn không có thì nên hỏi có ngọa cụ hay không? Nếu có ngọa cụ thì đưa, nếu không có đưa cho thì tự mình mở kho xem có mền, đồ trải đất, điệp, chăn... trích lấy, cắt thành y dùng để tự che thân, rồi ra ngoài mà đi xin y.» Khi ấy các tỳ-kheo cẩn thận, sợ không dám đem vật từ chỗ này đến chỗ khác. Đức Phật dạy: «Cho phép.» Bấy giờ, tỳ-kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị trôi, vì cẩn thận sợ không dám mặc y của Tăng. Đức Phật dạy: «Được phép mặc.» Các tỳ-kheo nhận được y rồi, không trả lại chỗ cũ cho Tăng. Phật dạy: «Không nên như vậy. Nếu nhận được y rồi nên giặt nhuộm, chằm vá, an trí lại chỗ cũ. Nếu không an trí lại chỗ cũ thì như pháp mà trị.» Bấy giờ, có tỳ-kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị trôi, cẩn thận sợ không dám đến nơi cư sĩ, vợ cư sĩ không thân quyến xin y. Đức Phật dạy: «Nếu y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi thì được phép đến nơi cư sĩ hay vợ cư sĩ không thân quyến xin y.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt.[52] Trường hợp đặc biệt là nếu tỳ-kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi.[53] Đây là trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thân quyến, chẳng phải thân quyến: như trên đã giải. Cư sĩ, vợ cư sĩ: cũng đã nói ở trên. Y: có mười loại như trên đã trình bày. Nếu tỳ-kheo nào xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho tăng, nên đến trong Tăng trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết người nhận sám hối phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi sau đó mới nhận sám hối. Vị nhận sám hối nên nói với tỳ-kheo kia rằng: «Thầy nên tự trách tâm mình!» Trả lời: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho người này liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, đựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải thân quyến, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trao y cho tỳ-kheo có tên... rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Phạm nhơn xả y trong Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Khi hoàn y lại, có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không hoàn lại, mà chuyển làm tịnh khí, hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc đốt, hoặc mặc luôn cho rách, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: y bị đoạt, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, được phép xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến, hoặc xin nơi người đồng xuất gia, hoặc xin vì người khác, hay người khác xin vì mình. Hoặc không mong cầu mà được thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VII. NHẬN Y QUÁ PHẦN[54] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo đến tinh xá Kỳ-hoàn sau khi gặp bọn cướp cướp mất y. Bấy giờ, có ưu-bà-tắc nghe có số đông tỳ-kheo đến tinh xá Kỳ-hoàn sau khi gặp bọn cướp cướp mất y, liền đem nhiều y tốt đến chỗ các tỳ-kheo, hỏi: «Vừa rồi nghe có các tỳ-kheo bị mất y đến đây, là những vị nào?» Các tỳ-kheo trả lời: «Chính chúng tôi. Vậy hỏi có việc gì?» Vị ưu-bà-tắc thưa: «Chúng con nghe các tỳ-kheo gặp giặc cướp, cướp mất y, đã đến nơi Kỳ-hoàn nầy, nên đem những y này đến dâng cúng các Đại đức bị mất y. Xin các Ngài tùy ý nhận.» Các tỳ-kheo nói: «Thôi! Thôi! Thỉnh cầu như thế đã là cúng dường rồi. Chúng tôi đã đủ ba y, khỏi phải nhận nữa.» Nhóm sáu tỳ-kheo nghe thế, nói với các tỳ-kheo rằng: «Này các Đại đức, các Ngài đủ ba y rồi, sao không nhận để cho chúng tôi, hay là cho người khác.» Các cư sĩ đã vì các tỳ-kheo bị mất y nên đem y đến cúng. Các tỳ-kheo đủ ba y rồi lại nhận y của cư sĩ rồi cho nhóm sáu tỳ-kheo và người khác. Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiền trách các tỳ-kheo: «Cư sĩ nơi Xá-vệ đã vì các tỳ-kheo bị mất y nên đem y đến cúng. Các vị đủ ba y rồi, tại sao lại lấy y của họ đem cho nhóm sáu tỳ-kheo và các người khác?» Hiềm trách xong, tỳ-kheo thiểu dục đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem [610a1] nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo lại. Ngài biết mà vẫn cố hỏi: «Này các tỳ-kheo, có thật các ngươi đã đủ ba y mà nhận y của người, đem cho nhóm sáu tỳ-kheo và các người khác không?» Các tỳ-kheo thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo: «Các ông làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Cư sĩ Xá-vệ đã vì các tỳ-kheo bị mất y nên đem y đến cúng, tại sao các ngươi đủ ba y rồi lại nhận y của họ để cho nhóm sáu tỳ-kheo và các người khác?» Quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo này là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, nếu có cư sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến, đem cho nhiều y yêu cầu tùy ý nhận. Tỳ-kheo ấy nên biết đủ mà nhận. Nếu nhận quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chẳng phải thân quyến: cư sĩ, vợ cư sĩ. Y: có mười loại cũng như trước đã nói. Nếu mất một y, không nên nhận. Nếu mất hai y còn lại một y hai lớp, ba lớp, bốn lớp, thì nên tháo ra làm tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng hay an-đà-hội. Nếu ba y đều bị mất thì tỳ-kheo ấy nên tri túc mà nhận y. Tri túc có hai nghĩa: tri túc của người tại gia và tri túc của người xuất gia. - Tri túc của người tại gia: tùy theo khả năng của người bạch y cho y mà nhận. - Tri túc của người xuất gia: tức ba y vậy. Nếu cư sĩ yêu cầu tùy ý,[55] cúng nhiều y cho tỳ-kheo, hoặc y mịn, hoặc y mỏng, hoặc y không bền chắc thì nên xếp lại hai lớp, ba lớp, bốn lớp để may. Trên vai nên xếp một miếng để ngăn mồ hôi và làm khâu hoàn. Nếu còn dư, hãy nói với cư sĩ, «Vải này còn dư, nên cắt làm gì?» Nếu người đàn-việt bảo, «Không phải tôi vì vấn đề mất y dâng cúng, mà do tự nguyện, xin được dâng cúng cho Đại đức.» Vị kia muốn nhận thì cứ nhận. Nếu tỳ-kheo nhận y quá mức tri túc, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc số đông, hoặc một người; không được xả biệt chúng. Nếu xả, không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã nhận y quá mức tri túc, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám hối trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã nhận quá mức tri túc của y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi sau đó mới thọ sám hối. Vị thọ sám nên nói với Tỳ-kheo phạm tội là: «Thầy nên tự trách lòng mình!» Tỳ-kheo phạm tội trả lời: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã nhận quá mức tri túc của y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã nhận quá mức tri túc của y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Bây giờ, Tăng đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo ấy. Các trưởng lão nào đồng ý đem y này hoàn lại cho tỳ-kheo ấy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận trao lại y cho tỳ-kheo có tên là... rồi.» «Tăng đã chấp thuận trao lại y cho tỳ-kheo có tên là... rồi. Vì im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo ấy đã xả y trong Tăng rồi mà Tăng không trả lại, Tăng phạm đột-kiết-la. Khi hoàn lại, có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không hoàn lại mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố ý làm cho hư, hoặc đốt, hoặc mặc mãi cho rách, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu tri túc nhận, hoặc dưới mức tri túc, hoặc cư sĩ cúng nhiều y, hoặc mịn mỏng, không bền chắc xếp hai, ba, bốn lớp may thành y, đặt một miếng ngăn mồ hôi, may khâu hoàn. Nếu y (vải) còn dư, nói với cư sĩ: «Vải còn dư, làm gì?» Nếu cư sĩ nói: «Không phải tôi vì mất y mà cúng, do tôi tự nguyện muốn dâng cúng cho Đại đức.» Họ nói như vậy, tỳ-kheo cần thì nhận, không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VIII. KHUYÊN CƯ SĨ TĂNG GIÁ Y[56] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá- vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo khất thực, đến giờ, đắp y, bưng bát vào thành Xá-vệ, đến nhà cư sĩ xin thức ăn, nghe vợ chồng cư sĩ cùng bàn tính, «Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen biết xưa kia của ta. Nên đem số tiền để mua y với giá như vậy, mua y như vậy đem đến dâng cúng cho tỳ-kheo kia.» Tỳ-kheo khất thực rồi trở về Tăng-già-lam, gặp Bạt-nan-đà Thích tử, bảo rằng: «Chưa có người nào trong giòng họ Cù-đàm có đại phước đức như ngài.» Bạt-nan-đà Thích tử liền hỏi: «Tôi có việc gì mà nói tôi là người phước đức?» Vị tỳ-kheo khất thực trả lời: «Tôi vào trong thành khất thực, nghe vợ chồng cư sĩ cùng bàn tính như vầy, ‹Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen biết xưa kia của ta. Nên đem số tiền để mua y với giá như vậy, mua y như vậy đem đến dâng cúng.›» Bạt-nan-đà liền hỏi: «Có đúng như vậy hay chăng?» Vị tỳ-kheo ấy trả lời: «Đúng như vậy.» Bạt-nan-đà lại hỏi: «Nhà cư sĩ kia ở chỗ nào, cửa hướng nào?» Tỳ-kheo khất thực trả lời: «Nhà cư sĩ ấy ở chỗ đó, cửa ngõ xoay về hướng đó.» Bạt-nan-đà liền nói với tỳ-kheo khất sĩ rằng: «Vâng, người đó là bạn thân quen của tôi xưa kia, là đàn-việt thường cúng dường tôi, đúng như lời của thầy nói.» Sáng sớm hôm sau, Bạt-nan-đà đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ, đến nhà cư sĩ nói rằng: «Có phải Cư sĩ muốn cho tôi y không?» Cư sĩ nói: «Tôi có bàn tính riêng như vậy.» Bạt-nan-đà nói với cư sĩ: «Nếu muốn cho tôi y thì nên may dài, rộng, loại bền chắc, tốt đẹp mới đúng loại y tôi thọ trì. Nếu không đúng, tôi không nhận, thì may làm gì.» Lúc ấy, cư sĩ kia liền cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, nhiều mong cầu không biết chán, bên ngoài tự xưng rằng ‹Tôi biết chánh pháp›; nhưng lại cưỡng bức người, đòi hỏi y tốt. Như vậy làm gì có chánh pháp? Người cho tuy không biết nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ. Người ta bàn tính riêng tư mà lại rình nghe là sao!» Lúc ấy, có tỳ-kheo khất thực nghe, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao lại cưỡng bức người đòi cho được y tốt như vậy?» Tỳ-kheo khất thực liền ra khỏi thành, về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này đến nói với các tỳ-kheo. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao Thầy cưỡng bức người, đòi cho được y tốt như vậy?» Hiềm trách xong, vị ấy đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao đến người cưỡng bức đòi cho được y tốt như vậy?» Quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này lần đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa... cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: «Tỳ-kheo nào, có cư sĩ, hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho tỳ-kheo, nghĩ rằng: ‹Mua y như thế cho tỳ-kheo có tên như thế.› Tỳ-kheo ấy liền đến nhà cư sĩ nói như vầy: ‹Lành thay cư sĩ, nên vì tôi mua y như vậy, như vậy.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.» Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ có cư sĩ muốn dâng cúng y theo ý muốn của tỳ-kheo, nên hỏi: «Đại đức cần loại y nào?» Tỳ-kheo ấy nghi ngại, không dám trả lời. Đức Phật dạy: «Nếu cư sĩ yêu cầu tỳ-kheo tùy ý, thì nên trả lời.» Lại có cư sĩ muốn cúng cho tỳ-kheo y quý giá, mà tỳ-kheo kia là vị thiểu dục tri túc, không cần loại y đại quý giá này, mà muốn cần loại y không quý giá. Tỳ-kheo kia ý nghi ngại không muốn nói lên ý của mình. Đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo thiểu dục tri túc yêu cầu loại y không quý giá.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, có cư sĩ, hay vợ cư sĩ[57] để dành tiền sắm y cho tỳ-kheo, nghĩ rằng: ‹Mua y như thế cho tỳ-kheo có tên như thế.› Tỳ-kheo ấy trước không được yêu cầu tùy ý mà đến nhà cư sĩ nói như vầy: ‹Lành thay cư sĩ, nên vì tôi mua y như vậy, như vậy.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Cư sĩ, vợ cư sĩ: cũng như trước đã giải. Tiền sắm y:[58] giá tiền để sắm y, hoặc vàng bạc, trân châu, lưu ly, vỏ sò, ngọc thạch, anh lạc, vàng y. Y: có mười loại như trước đã nói. Cầu xin:[59] có hai cách. Một là cầu xin tiền để mua y, hai là cầu xin y. - Cầu xin số tiền để may y: đàn-việt cúng để may y với giá lớn chừng ấy mà cầu xin thêm, dù chỉ 1 phần 16 tiền. - Cầu xin y: nói với người cư sĩ, may pháp y dài, rộng như vậy, cho đến dù xin thêm một sợi chỉ. Tỳ-kheo nầy trước không được yêu cầu tùy ý mà đến cầu y quý giá dài rộng, nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Cầu mà không nhận được, phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., trước không được yêu cầu tùy ý cúng dường y mà đến cầu y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi nên sám hối. Vị nhận sám hối trước hết phải bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., trước không được yêu cầu tùy ý cúng dường y, mà đến cầu y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi sau đó mới nhận sự sám hối. Vị nhận sự sám hối nên bảo tỳ-kheo phạm tội rằng: «Hãy tự trách tâm của mình!» Tỳ-kheo phạm tội nói: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., trước không được yêu cầu tùy ý khi cúng dường y mà đến cầu y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hoàn y này lại cho tỳ-kheo có tên... đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo có tên... này trước không được yêu cầu tùy ý khi cúng dường y, mà đến cầu y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng đem y này trả lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trao lại y cho tỳ-kheo tên là... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo nầy đối với trong Tăng đã xả y rồi mà Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Khi đang trả có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại, mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc có làm cho hư hoại, hoặc đốt hay mặc mãi cho rách, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước đó có yêu cầu tùy ý nên đến cầu xin, tri túc, mong cầu tối thiểu; đến cầu mong nơi thân quyến; đến cầu xin nơi người xuất gia, hoặc vì người mong cầu hay người vì mình mong cầu; hoặc không cầu mà được thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IX. KHUYÊN HAI NHÀ TĂNG GIÁ Y[60] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực, đến giờ, đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực; theo thứ tự đến nhà một cư sĩ, nghe hai vợ chồng cư sĩ cùng bàn: «Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen biết xưa kia của ta. Nên mua y như vậy dâng cúng.» Lại nghe một nhà cư sĩ khác, hai vợ chồng cũng cùng bàn: «Bạt-nan-đà là bạn quen biết trước kia của ta. Nên mua y như vậy để dâng cúng.» Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực kia, khi khất thực xong, ra khỏi thành Xá-vệ, trở về đến trong Tăng-già-lam, thấy Bạt-nan-đà Thích tử liền nói rằng: «Tôn giả là người đại phước đức.» Bạt-nan-đà hỏi: «Vì việc gì mà thầy gọi tôi là người đại phước đức?» Tỳ-kheo khất thực trả lời: «Vừa rồi tôi vào thành Xá-vệ khất thực, theo thứ tự đến một nhà cư sĩ, nghe hai vợ chồng cùng bàn, ‹Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen biết xưa kia của ta. Nên mua y như vậy dâng cúng.› Lại nghe một nhà cư sỹ khác, hai vợ chồng cũng cùng bàn, ‹Bạt-nan-đà là bạn quen biết trước kia của ta. Nên mua y như vậy để dâng cúng.›» Bạt-nan-đà liền hỏi: «Có chắc như vậy không?» Vị tỳ-kheo khất thực nói: «Chắc.» Bạt-nan-đà lại hỏi: «Nhà của cư sĩ ấy ở chỗ nào? Cửa hướng nào?» Vị tỳ-kheo khất sĩ trả lời: «Nhà ở chỗ đó, cửa hướng đó.» Bạt-nan-đà nghe xong liền nói với vị tỳ-kheo kia rằng: «Đúng vậy, đó là nhà đàn-việt của tôi, thường cúng dường cung cấp cho tôi.» Sáng ngày sau, Bạt-nan-đà đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ, đến nhà của hai cư sĩ nói rằng: «Quý vị có ý định muốn cho tôi y phải không?» Các cư sĩ trả lời: «Trong chỗ riêng tư tôi có bàn tính như vậy.» Thích tử Bạt-nan-đà nói: «Nếu muốn cho tôi y thì có thể chung lại may một y, rộng dài, bền chắc theo kiểu tôi thọ trì cho tôi. Nếu không đúng kiểu tôi thọ trì thì chẳng phải là thứ tôi cần.» Cư sĩ nghe như vậy liền cùng nhau cơ hiềm: «Bạt-nan-đà Thích tử không biết đủ, không có tàm quý, bên ngoài tự xưng rằng ‹Tôi biết chánh pháp›; nhưng lại tham cầu không biết đủ. Như vậy làm gì có chánh pháp? Người cho tuy không biết nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ. Người ta bàn tính riêng tư mà lại rình nghe là sao!» Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực nghe như vậy, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao đến người cưỡng bức đòi y?» Lúc ấy, tỳ-kheo khất thực nọ ra khỏi thành, đến Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói với các tỳ-kheo. Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao đến người cưỡng bức đòi y?» Quở trách rồi, vị ấy đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. [612a1] Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc chẳng nên làm. Sao lại đến người cưỡng bức đòi hỏi y?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Bạt-nan-đà này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này lần đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, có hai cư sĩ hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho tỳ-kheo, đều nói rằng: ‹Ta để dành tiền may y như vậy dâng cúng cho tỳ-kheo có tên như vậy.› Tỳ-kheo ấy đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: ‹Lành thay, để dành tiền như vậy, như vậy để sắm y cho tôi. Hãy chung lại làm một cái y.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, có cư sĩ dâng cúng y theo ý muốn của tỳ-kheo, hỏi rằng: «Ngài cần thứ y nào?» Tỳ-kheo nghi ngại không dám trả lời. Phật dạy: «Nếu cư sĩ yêu cầu tỳ-kheo tùy ý, thì tỳ-kheo nên trả lời.» Bấy giờ, các cư sĩ vì tỳ-kheo may y quý giá để cúng, mà tỳ-kheo đó là vị thiểu dục tri túc, không muốn mặc y quý giá, cần chiếc y không quý giá, mà tỳ-kheo nghi ngại không dám nói lên ý muốn của mình, đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo thiểu dục tri túc được nói lên ý muốn của mình về y không quý giá bằng.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, có hai cư sĩ hay vợ cư sĩ[61] để dành tiền sắm y cho tỳ-kheo, đều nói rằng: ‹Ta để dành tiền may y như vậy dâng cúng cho tỳ-kheo có tên như vậy.› Tỳ-kheo ấy trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của cư sĩ, mà đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: ‹Lành thay, để dành tiền như vậy, như vậy để sắm y cho tôi. Hãy chung lại làm một cái y.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Cư sĩ, vợ cư sĩ, y giá, y, tìm cầu đều như trước đã giải. Nếu tỳ-kheo trước đó không nhận được sự yêu cầu tùy ý mà đến tìm cầu y quý giá, rộng lớn, nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu đến đòi mà không được, phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., trước đó không nhận được sự yêu cầu tùy ý mà đến tìm cầu, được y quý giá phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết, vị nhận sám hối nên tác bạch: «Đại đức Tăng nên lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., trước đó không nhận được sự yêu cầu tùy ý mà đến tìm cầu, được y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi sau đó mới thọ sám hối. Vị thọ sám nên bảo tỳ-kheo kia: «Hãy tự trách tâm mình!» Vị tỳ-kheo phạm tôi thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo kia liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., trước đó không nhận sự yêu cầu tùy ý mà đến đòi hỏi được y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả y lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., trước đó không nhận sự yêu cầu tùy ý, đến đòi hỏi được y quý giá, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này trả lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng đem y này trả loại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trao y cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc nầy được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo này xả y giữa Tăng rồi, Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hay tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư hoại, tất cả như vậy đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, Ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: vị ấy trước đó có nhận sự yêu cầu tùy ý mà đến đòi hỏi. Hoặc đối với y quý giá mà đòi xin y không quý giá. Hoặc đến thân lý cầu xin, đến người xuất gia cầu xin, hoặc vì người khác cầu xin y, hay người khác vì mình cầu xin y, hoặc không cầu xin mà tự được thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. X. YÊU SÁCH GIÁ Y QUÁ HẠN[62] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá- vệ. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một vị Đại thần là thân hữu của Bạt-nan-đà Thích tử, thường tới lui với nhau, đã sai sứ đem số tiền may y đến chỗ Bạt-nan-đà Thích tử dặn rằng: «Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen biết xưa kia của ta, ta thường kính trọng. Hãy đem số tiền sắm y này mua y như vậy dâng cúng.» Người sứ giả đem số tiền sắm y đến trong Tăng-già-lam chỗ ở của Bạt-nan-đà, thưa như vầy: «Lành thay! Ngài là người đại phước.» Bạt-nan-đà hỏi: «Có việc gì người nói tôi là đại phước đức?» Sứ giả thưa: «Trong thành La-duyệt có vị Đại thần sai tôi đem số tiền sắm y này đến mua y như vậy dâng cúng cho ngài.» Bạt-nan-đà hỏi: «Có thật vậy không?» Sứ giả thưa: «Có thật.» Bạt-nan-đà liền hỏi: «Nhà vị Đại thần ở chỗ nào? Cửa ngõ về hướng nào?» Sứ giả thưa: «Nhà vị Đại thần ở chỗ đó, cửa ngõ về hướng đó.» Bạt-nan-đà nghe xong, nói: «Đúng như lời của ông nói, Đại thần ấy là bạn quen biết xưa kia của tôi, là đàn-việt thường cúng dường thừa sự tôi.» Bấy giờ, trong thành Xá-vệ lại có một trưởng giả quen thân cùng Bạt-nan-đà, thường lui tới. Bạt-nan-đà dẫn người sứ giả ấy vào trong thành Xá-vệ, đến nhà ông trưởng giả kia nói: «Trong thành La-duyệt có một vị Đại thần sai người sứ này đem y giá này đến cho tôi để may y. Xin ông vui lòng giữ giùm.» Ông trưởng giả liền nhận giữ giùm. Một thời gian sau đó, vị Đại thần hỏi người sứ giả rằng: «Trước đây ta đã bảo ngươi đem số tiền sắm y cúng cho Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà đã vì ta mặc chiếc y ấy chưa?» Người sứ giả thưa: «Không thấy Bạt-nan-đà mặc.» Vị Đại thần liền bảo sứ giả đến nói với Bạt-nan-đà rằng: «Trước đây tôi có sai sứ đem số tiền sắm y đến cúng cho Ngài. Rốt cuộc Ngài không mặc y của tôi; Ngài dùng nó làm gì? Nay xin được nhận lại.» Khi Bạt-nan-đà nghe nói như vậy liền vội vàng đến nhà ông trưởng giả, nói: «Trước đây tôi có gửi số tiền sắm y. Nay tôi cần y, nên đi may y cho tôi.» Thời gian ấy, trong thành Xá-vệ, các vị trưởng giả lại bận họp, mà trước đó đã có quy chế, ai không họp phải bị phạt năm trăm tiền.[63] Ông trưởng giả thưa rằng: «Theo nội quy của đại hội thì ai không đến họp phải bị phạt năm trăm tiền. Bây giờ, tôi xin phép đến họp. Đại đức chờ một chút, tôi họp xong sẽ trở về. Đại đức đừng để cho tôi bị phạt năm trăm tiền.» Bạt-nan-đà nói: «Không được. Trước hết, ông nên đem số tiền sắm y đi may y cho tôi.» Bấy giờ, ông trưởng giả đành phải đem số tiền sắm y vì Bạt-nan-đà mà may thành y. Bấy giờ, phiên họp đã mãn, ông trưởng giả bị phạt năm trăm tiền vì không dự họp. Ông trưởng giả cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử đã làm cho hội nghị phạt tôi năm trăm tiền.» Bấy giờ, các cư sĩ trong thành Xá-vệ không tin Phật pháp cùng nhau cơ hiềm:[613a1] ‹Sa-môn Thích tử không biết tri túc, không có tàm quý, bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy thì làm gì có chánh pháp? Họ làm cho ông trưởng giả không đến họp bị phạt năm trăm tiền. Từ nay về sau, chúng ta không nên gần gũi lễ bái, chào hỏi thừa sự cúng dường.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Bạt-nan-đà: ‹Sao Thầy khiến cho đại hội phạt ông trưởng giả năm trăm tiền?› Rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này Bạt-nan-đà, sao lại làm cho ông trưởng giả bị đại hội phạt năm trăm tiền?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài. Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, hoặc Vua, hoặc Đại thần, hoặc bà-la-môn, hoặc cư sĩ, hay vợ cư sĩ, sai sứ mang tiền sắm y đến tỳ-kheo bảo rằng: ‹hãy mang số tiền sắm y như vậy cho tỳ-kheo có tên như vậy.› Người sứ giả kia đến chỗ tỳ-kheo, nói với tỳ-kheo rằng: ‹Đại đức, nay tiền sắm y này được gởi đến ngài, ngài hãy nhận.› Tỳ-kheo ấy nên nói với người kia rằng: ‹Tôi không được phép nhận tiền may y này, khi nào cần y hợp thời và thanh tịnh tôi sẽ nhận.› Vị sứ kia nên hỏi tỳ-kheo rằng: ‹Đại đức có người chấp sự không?› Tỳ-kheo cần y nên nói: ‹có›, và chỉ người dân trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc, nói rằng: ‹Đó là người chấp sự của tỳ-kheo, thường chấp sự cho các tỳ-kheo.› Bấy giờ sứ giả đến chỗ người chấp sự, trao số tiền sắm y rồi, trở lại chỗ tỳ-kheo, nói như vầy: ‹Đại đức, tôi đã trao số tiền sắm y cho người chấp sự mà Đại đức chỉ đó, khi nào Đại đức cần, đến đó sẽ được y.› Tỳ-kheo khi cần y nên đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, ba lần để cho họ nhớ lại, hoặc bằng cách nói rằng: ‹Tôi cần y.› Hoặc hai lần, hoặc ba lần khiến cho họ nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt. Bằng không được y thì bốn lần. Năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước họ. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người đó mà nhận được y thì tốt; bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn đó, nếu được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu không được y thì tự chính mình, hoặc sai sứ đến chỗ người xuất tiền sắm y nói rằng: ‹Trước đây, ngài sai sứ mang tiền sắm y cho tỳ-kheo có tên như vậy; tỳ-kheo ấy cuối cùng không nhận được y; ngài nên lấy lại, đừng để mất.› Như vậy là hợp thức.[64] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vua: người được tự tại, không thuộc quyền của ai. Đại thần: người tả hữu của Vua. Bà-la-môn: có huyết thống Bà-la-môn.[65] Cư sĩ: chỉ những người tại gia, trừ Vua, Đại thần của Vua, bà-la-môn. Vợ cư sĩ: cũng là người phụ nữ tại gia. Tiền sắm y: như đã nói trên. Y có mười loại như trên đã nói. Nhớ lại: khiến cho người chấp sự, hoặc tại nhà, hoặc nơi chợ, hay chỗ làm việc, đến đó hai, ba lần, nói rằng: «Nay tôi cần y. Xin may y cho tôi.» Đó gọi là làm nhớ lại. Nếu hai, ba lần làm cho họ nhớ, được y thì tốt; không được y thì bốn, năm, sáu lần đến đó, đứng im lặng trước họ. Đứng trước mặt: đối với người chấp sự, hoặc tại nhà, hoặc tại chợ, hay nơi làm việc, đến đứng im lặng trước họ. Nếu người chấp sự hỏi: «Vì nhơn duyên gì, Ngài đứng đây vậy?» Tỳ-kheo nên trả lời: «Điều đó ông tự biết.» Nếu người kia nói, «Tôi không biết.» Nếu có người nào khác biết việc này, tỳ-kheo nói rằng: «Người đó biết việc này.» Nếu tỳ-kheo lên tiếng một lần thì trừ hai lần im lặng. Lên tiếng hai lần thì trừ bốn lần im lặng. Lên tiếng ba lần thì trừ sáu lần im lặng. Nếu tỳ-kheo quá hai, ba lần lên tiếng, quá sáu lần im lặng để đòi; đòi được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., quá ba lần nói để đòi y, quá sáu lần đứng im lặng để được y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết, người nhận sám phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã quá ba lần nói đòi y, quá sáu lần đứng im lặng để được y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi mới nhận sám hối. Vị nhận sám nên nói với tỳ-kheo kia: «Hãy tự trách tâm mình!» Tỳ-kheo phạm tội trả lời: «Xin vâng.» Tăng phải trả y này lại cho tỳ-kheo đó bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã quá ba lần nói đòi y, quá sáu lần đứng nín thinh để được y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận trả lại y cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã quá ba lần đòi y, quá sáu lần đứng nín thinh để được y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem y này trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng đem y này trả lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả y này lại cho tỳ-kheo có tên... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng, việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo phạm tội đã xả y giữa Tăng như vậy rồi mà Tăng không hoàn lại thì mắc đột-kiết-la. Người nào bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc sai cho người, hoặc mặc nhiều lần cho rách, đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa si, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ba lần nói đòi mà được y, sáu lần đứng im lặng được y. Nếu không được y, tự mình đến, hoặc sai người đến chỗ người cúng tiền sắm y, nói, «Trước đây người sai sứ đem tiền sắm y đến cho tỳ-kheo có tên là... cuối cùng tỳ-kheo ấy không nhận được y, người có thể đến lấy lại, đừng để mất.» Nếu người kia nói: «Tôi đã cúng, không lấy lại.» Tỳ-kheo này nên cần có thời gian, dùng lời nhỏ nhẹ phương tiện đòi được y thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XI. NGOẠ CỤ BẰNG TƠ TẰM[66] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong địa phận nước Khoáng dã .[67] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm ngọa cụ [68] mới bằng tơ tằm tạp.[69] Họ đòi xin loại tơ chưa thành, hay đã thành; hoặc đã nhuộm hay chưa nhuộm; hoặc thứ mới hay thứ cũ. Họ đến nhà nuôi tằm nói rằng: «Chúng tôi cần tơ.[70]» Nhà nuôi tằm trả lời: «Đợi thời gian tằm chín hãy đến.» Nhóm sáu tỳ-kheo đứng bên vừa đợi vừa xem. Họ đứng xem khi kén bị phơi, và con nhộng của tằm đang gây thành tiếng. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, hại mạng chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng ta tu theo chánh pháp. Như vậy thì làm gì có chánh pháp. Đòi hỏi cho được kén tằm để làm ngọa cụ mới!» Họ quở trách việc làm trên, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại phải đòi xin kén để làm ngọa cụ mới?» Quở trách như trên rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập họp các tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông lại đòi xin kén tằm để may ngọa cụ mới?» Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng loại tơ tằm tạp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B.GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tạp:[71] là loại lông mềm, hoặc kiếp-bối, câu-giá-la, cỏ nhũ điệp, hoặc sô-ma, hoặc gai.[72] Tỳ-kheo tự mình dùng loại tơ tằm tạp làm ngọa cụ mới mà thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề, không thành phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người khác làm mà thành, cũng phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; làm không thành, phạm đột-kiết-la. Mình vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Vật này nên xả. Khi xả nên dùng búa hoặc rìu bằm nhỏ trộn với bùn trét lên vách hay thoa nơi đất. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: được vật đã thành, hoặc dùng búa chặt bằm nhỏ hòa với bùn, hoặc trét lên vách hay nơi đất thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XII. NGOẠ CỤ TOÀN ĐEN[73] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở lầu các, bên cạnh sông Di hầu, Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, các Lê-xa Tử ở Tỳ-xá-ly[74] phần lớn làm hạnh tà dâm. Họ dùng lông dê toàn màu đen[75] làm áo[76] choàng kín thân thể, đi ban đêm khiến cho người khỏi thấy. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo thấy vậy liền bắt chước lấy lông dê toàn đen làm ngọa cụ bằng giạ.[77] Các Lê-xa thấy vậy, thảy đều nói rằng: «Này Đại đức, chúng tôi trong ái dục, vì dâm dục nên dùng áo giạ bằng lông dê màu đen, chứ các ngài dùng loại giạ lông dê màu đen làm gì?» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý; hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: ‹Sao các Thầy bắt chước Lê-xa dùng loại dạ lông dê màu đen?› Quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông lại bắt chước Lê-xa dùng loại dạ lông dê màu đen?» Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này lần đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Lông toàn đen: hoặc màu đen tự nhiên,[78] hoặc màu đen do nhuộm. Tỳ-kheo tự mình làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen mà thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; làm không thành, phạm đột-kiết-la. Khiến người làm; thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến lễ Thượng tọa, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., đã làm ngọa cụ bằng lông dê toàn đen, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị thọ sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã làm ngọa cụ bằng lông dê toàn đen, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi, sau đó mới thọ sám. Khi thọ sám nên nói với tỳ-kheo phạm tội rằng: «Hãy tự trách tâm mình!» Phạm nhân thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn ngọa cụ lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã làm ngọa cụ bằng lông dê toàn màu đen, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, hoàn lại ngoạ cụ cho Tỳ-kheo có tên... này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... đã làm ngọa cụ bằng lông dê toàn màu đen, phạm Xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem ngọa cụ này hoàn lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng đem toạ cụ này hoàn trả cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận hoàn ngọa cụ lại cho tỳ-kheo này rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo phạm tội đã xả ngọa cụ trong Tăng, nếu Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Khi trả lại có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu lấy làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc đem trải mãi cho hư rách đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu được vật đã làm thành, hoặc cắt rọc cho hư hoại, hoặc mỏng xếp làm hai lớp, hoặc dùng làm mền, hoặc làm gối, hoặc làm tọa cụ vuông nhỏ, hoặc làm dạ để nằm, hoặc làm đồ lót bên trong cái bình bát, hoặc làm cái bao đựng dao, hoặc làm bít tất, hoặc làm khăn trùm ấm, hoặc làm khăn gối giày dép... đều không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
Chú thích: [49] Pali, Nissaggiya 6 aññātakaviññatti, Vin. iii. 210. [50] Pali: seṭṭhiputta, con trai của một nhà phú hộ. [51] Tức chỉ còn quấn một chiếc xà-rông mà thôi, để mình trần. [52] Nguyên Hán: trừ dư thời 除餘時. Pali: aññatra samayā. [53] Pali, giới văn: acchinnacīvaro vā, naṭṭacīvaro vā, y bị cướp và y bị hủy hoại. Phần giải thích nói, bị hủy hoại hoặc do lửa cháy, do nước cuốn, chuột mối gặm, hay sờn rách vì bận nhiều. [54] Pali, Nissaggiya 7, tatuttari, Vin.iii. 213. [55] Tự tứ thỉnh 自恣請. Pali: abhihaṭṭhuṃ pavāreyya. [56] Pali, Nissaggiya 8, upakkhaṭa, Vin.iii. 213 [57] Pali, thêm yếu tố: aññatakassa gahapatissa vā gahapatāniyā, cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến. [58] Y giá 衣價. Pali: cīvaracetāpannaṃ, vật ngang giá cho y; giải thích: vàng, bạc, ngọc ngà, trân châu; hoặc mảnh vải, hoặc chỉ, hoặc gòn. [59] Cầu 求. Từ được giải thích, không có trong giới văn. Pali: vikappaṃ āpajjeyya, đề nghị. [60] Pali, Nissaggiya 9, dutiya-upakkhaṭa, Vin.iii. 217. [61] Pali, thêm yếu tố: không phải thân quyến. [62] Pali, Nissggiya 10, rājasikkhāpadaṃ, Vin.iii. 219. [63] Pali: paññāsaṃ baddho, phạt 50. Được giải thích là phạt 50 kahāpaṇa (tiền vàng). [64] Pali: ayaṃ tattha samīcī, đây là điều hợp cách. Và giải thích: ayaṃ tattha anudhammatā, ở đây điều này tùy thuận pháp tánh. Bản Hán đọc: ayaṃ tattha samayaṃ. [65] Pali: brāhmaṇo nāma jātiyā brāhmaṇo. [66] Pali, Nissaggiya 11, kosiya, Vin.iii. 223. [67] Khoáng Dã quốc 曠野國. Pali: Āḷavī. [68] Ngoạ cụ 臥具 Pali: santhata, đồ trải lót: chiếu, thảm, hay miếng vải. Các bộ khác: phu cụ 敷具. [69] Tạp dã tàm miên 雜野蠶綿 . Pali: kosiyamissakaṃ santhata, ngọa cụ chen tạp với lụa. [70] Nguyên Hán: miên 綿; bông gòn. Pali: các tỳ-kheo này đến nhà nuôi tằm (kosiyakāraka) đề nghị: luộc tằm (bāhu … pacatha) cho họ xin để lấy tơ làm chăn trải. [71] Ngũ phần 5, ni-tát-kỳ 21: tỳ-kheo làm ngọa cụ bằng kiêu-xa-da 憍賒耶; và giải thích: kiêu-xa-da là tơ (nguyên Hán, miên 綿: bông gòn) được làm từ con tằm. Tăng kỳ 9, ni-tát-kỳ 13: Tỳ-kheo lấy kiêu-xá-da 憍舍耶 tạp với lông dê thuần đen làm phu cụ. Thập tụng 24: kiêu-thi-da 憍施耶. Căn bản 20: dùng tơ tằm sống (dã tàm ty 野蠶絲) làm phu cụ. [72] Kiếp-bối 劫貝 (Pali: kappāsa, bông gòn), câu-giá-la 拘遮羅 (Pali: koseyya, tơ lụa, vải quyến), cỏ nhũ diệp, hoặc sô-ma 芻摩 (Pali: khoma, ma bố, vải gai), hoặc gai. [73] Ngũ phần 5, Ni-tát-kỳ 22. Tăng kỳ 9, Ni-tát-kỳ 11. Pali, Nissaggiya 12, suddhakāḷaka, Vin.iii. 223 [74] Tỳ-xá-ly Lê-xa Tử 毘舍離梨車子. Pali không có chi tiết này. [75] Hán: thuần hắc nhu dương mao 純黑羺羊毛. Khang hy: nhu dương, tức hồ dương (một loại dê của người Hồ). Pali: suddhakāḷakānaṃ eḷakalomānaṃ, lông de thuần đen; eḷaka, một loại sơn dương. [76] Hán: chiên 氈; vật dụng bện bằng da thú hay giạ. Đây chỉ áo choàng bằng giạ. [77] Chiên ngọa cụ 氈臥具. Xem cht. 14, ni-tát-kỳ 10. [78] Hán: sanh hắc 生黑. Pali: jātiyā kālakaṃ. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XIII. NGỌA CỤ QUÁ PHẦN[79] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn trắng.[80] Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng ta tu theo chánh pháp. Nhưng như vậy làm gì có chánh pháp! Sao lại làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn trắng, in tuồng nhà Vua, hay Đại thần của Vua?» Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục biết đủ, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các Thầy làm ngọa cụ bằng lông dê toàn trắng?» Quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, rồi quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các ngươi làm ngọa cụ bằng lông dê toàn trắng?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới nầy đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới thì nên dùng hai phần lông dê toàn màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám. Nếu tỳ-kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám mà làm ngọa cụ mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trắng: trắng tự nhiên, hoặc nhuộm thành trắng. Lông sắc xám:[81] lông nơi đầu, nơi tai, nơi chân, hoặc các nơi khác có màu xám. Tỳ-kheo muốn làm ngọa cụ bốn mươi bát-la ,[82] lông dê, thì phải hai mươi bát-la màu toàn đen, mười bát-la màu trắng, và mười bát-la màu xám. Muốn làm ngọa cụ ba mươi bát-la, thì phải mười lăm bát-la màu toàn đen, còn mười lăm bát-la thì phân nửa toàn màu trắng, phân nửa toàn màu xám. Muốn làm ngọa cụ hai mươi bát-la, thì phải mười bát-la màu toàn đen, năm bát-la màu trắng, năm bát-la màu xám. Nếu tỳ-kheo không làm ngọa cụ mới bằng hai phần màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám mà thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Không thành, phạm đột-kiết-la. Sai người làm mà thành thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hay một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến trong Tăng, cởi bỏ giày dép, trống vai bên hữu, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối hữu chấm đất, chắp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., làm ngọa cụ mới không dùng hai phần lông dê màu đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết vị nhận sám phải tác bách: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã làm ngọa cụ mới không dùng hai phần lông dê màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám phải nói với phạm nhân rằng: «Hãy tự trách tâm mình!» Tỳ-kheo phạm tội thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn ngọa cụ lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã làm ngọa cụ mới, không dùng hai phần lông dê màu đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả ngọa cụ lại cho Tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã làm ngọa cụ không dùng hai phần lông dê màu đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Bây giờ, Tăng đem ngọa cụ này trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem ngọa cụ này trả lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận, hoàn ngọa cụ lại cho tỳ-kheo có tên... nầy rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo phạm tội xả ngọa cụ cho Tăng rồi, Tăng không hoàn lại phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả» thì người ấy phạm đột-kiết-la; hoặc chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc dùng để trải mãi cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu làm ngọa cụ mới hai phần lông dê màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám. Hoặc màu trắng không đủ, dùng màu xám bù vào, hoặc làm toàn màu xám. Hoặc được vật đã làm thành. Hoặc cắt rọc cho hư hoại. Hoặc làm cho hoại sắc. Hoặc làm gối, làm áo lót, làm đệm. Hoặc làm áo lót để nằm. Hoặc làm tọa cụ nhỏ vuông. Hoặc làm khăn bao bình bát. Hoặc làm đãy đựng dao. Hoặc làm bít tất. Hoặc làm khăn trùm cho ấm. Hoặc làm khăn gói giày dép, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIV. NGỌA CỤ DƯỚI SÁU NĂM[83] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chê ngọa cụ hoặc dày, hoặc mỏng; hoặc nặng, hoặc nhẹ. Họ không xả ngọa cụ cũ, lại làm ngọa cụ mới. Họ thường tìm kiếm ngọa cụ về dồn chứa rất nhiều. Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, chê trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao quý vị chê ngọa cụ cũ hoặc nhẹ, hoặc nặng, hoặc mỏng, hoặc dày; rồi không xả các cái cũ lại làm cái mới, nhiều như vậy?» quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng mọi phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao nhóm sáu tỳ-kheo này chê ngọa cụ hoặc là nhẹ, hoặc nặng, hoặc mỏng, hoặc dầy; rồi làm ngọa cụ mới, dồn chứa quá nhiều như vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ này về sau, Ta vì các tỳ-kheo chế giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới, phải thọ trì cho đến sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm, không xả, mà lại làm cái mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy, bấy giờ, có tỳ-kheo mắc bệnh càn tiêu,[84] mà cái ngọa cụ phấn tảo quá nặng. Vị ấy có chút nhơn duyên muốn du hành trong nhân gian, thầm nghĩ: «Đức Thế tôn đã chế giới: ‹Tỳ-kheo nào làm ngọa cụ mới phải thọ trì cho đến sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm, không xả ngọa cụ cũ mà lại làm ngọa cụ mới, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay, có chút nhơn duyên muốn du hành trong nhân gian, mà ta mắc bệnh càn tiêu, ngọa cụ này quá nặng, ta phải tính thế nào đây?» Tỳ-kheo ấy nói với các tỳ-kheo rằng: «Đại đức! Nay, tôi có chút nhơn duyên phải du hành trong nhơn gian, mà tôi mắc phải bệnh càn tiêu. Ngọa cụ phấn tảo quá nặng, không thể mang theo được. Đại đức vì tôi bạch lên đức Thế tôn. Nếu Thế tôn dạy thế nào, tôi sẽ phụng hành thế ấy.» Các tỳ-kheo nghe nói như vậy rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn tập hợp các tỳ-kheo, bảo rằng: «Từ nay về sau, cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia pháp bạch nhị yết-ma.» Tỳ-kheo kia phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., có chút nhơn duyên, muốn du hành trong nhơn gian mà mắc bệnh càn tiêu. Ngọa cụ phấn tảo quá nặng, không thể mang theo được. Nay tôi đến xin Tăng yết-ma làm ngọa cụ mới.» Xin như vậy ba lần. Trong chúng nên sai một vị có khả năng làm yết ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., muốn du hành trong nhân gian mà mắc bệnh càn tiêu. Có ngọa cụ phấn tảo nặng. Nay đến xin Tăng yết-ma làm ngọa cụ mới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng trao cho tỳ-kheo này pháp yết-ma làm ngọa cụ mới. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., muốn du hành trong nhơn gian, mà mắc bệnh càn tiêu. Vì có ngọa cụ phấn tảo quá nặng nên nay đến xin Tăng yết-ma may ngọa cụ mới. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo có tên... yết-ma may ngọa cụ mới. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng trao cho Tỳ-kheo có tên... pháp yết-ma may ngọa cụ mới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận, trao cho Tỳ-kheo có tên... pháp yết-ma may ngọa cụ mới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Đức Phật dạy, từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ngọa cụ mới, phải thọ trì cho đến sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm, không xả, mà lại làm cái mới, trừ Tăng yết-ma, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo chưa đủ sáu năm, không bỏ cái cũ mà lại làm cái ngọa cụ mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Làm mà không thành, phạm đột-kiết-la. Sai người khác làm thành thì phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Vì người mà làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., chưa đủ sáu năm, không xả cái ngọa cụ cũ mà lại làm cái ngọa cụ mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám hối trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., chưa đủ sáu năm, không xả ngọa cụ cũ, mà lại làm các ngọa cụ mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sám hối. Khi nhận sám, vị ấy nên nói với tỳ-kheo phạm tội: «Hãy tự trách tâm!» Vị phạm tội thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn ngọa cụ lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., chưa đủ sáu năm, không xả cái ngọa cụ cũ mà lại làm cái mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại ngọa cụ cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., chưa đủ sáu năm, không xả ngọa cụ cũ, mà lại làm cái mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay, Tăng đem ngọa cụ này, trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng đem ngọa cụ nầy, trả lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận, trả ngọa cụ cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo phạm tội như vậy, đối giữa Tăng xả ngọa cụ rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu lấy chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc trải mãi cho hư hoại, hoặc làm phi ngọa cụ, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Tăng cho phép. Đủ sáu năm, hoặc chưa đủ sáu năm mà xả cái cũ, làm cái mới, hoặc là không có nên làm, hoặc người khác làm cho, hoặc được vật đã thành thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XV. TỌA CỤ KHÔNG HOẠI SẮC[85] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn sai người lấy thức ăn về.[86] Theo thường pháp của chưa Phật, sau khi các tỳ-kheo đi thọ thực, thì đức Phật đi khắp các phòng. Ngài thấy tọa cụ cũ vất bỏ bừa bãi khắp nơi, hoặc nơi ôn thất, hoặc trong nhà giáo thọ, hoặc chỗ đi kinh hành, hoặc trên đá rửa chân, hoặc trên đống đất ở trước cửa, hoặc trên cây nọc, hoặc trên móc áo,[87] hoặc nơi giá y, hoặc trên giường giây, giường cây, hoặc trên ghế đẩu, hoặc ở trên đất, không có người thu dọn. Đức Thế tôn thấy vậy, nghĩ rằng: «Các tỳ-kheo chê tọa cụ, hoặc nặng, hoặc nhẹ, hoặc mỏng, hoặc dày. Không bỏ cái cũ mà lại làm cái mới, tích tụ tọa cụ nhiều quá, vất bỏ bừa bãi khắp nơi, không người thu dọn. Nay Ta nên làm thế nào để các tỳ-kheo dùng lại tọa cụ cũ.» Ngài lại nghĩ: «Ta nên cho phép các tỳ-kheo khi làm tọa cụ mới, phải lấy một miếng tọa cụ cũ vuông vức bằng một gang tay, may lên cái mới, cho hoại sắc.» Đức Thế tôn dùng cơm xong, vì nhơn duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Vừa rồi, sau khi chúng Tăng đi thọ thỉnh, Ta đi khắp các phòng, thấy các tọa cụ cũ vất bỏ bừa bãi khắp nơi, không có người thu dọn. Ta thấy vậy, nghĩ rằng, các tỳ-kheo hoặc bảo tọa cụ tôi nặng, hoặc bảo nhẹ; hoặc bảo mỏng, hoặc bảo dày; không xả tọa cụ cũ, mà lại làm tọa cụ mới. Những cái cũ vất bỏ bừa bãi khắp nơi, không người thu dọn. Thấy vậy, Ta nghĩ: Làm thế nào để các tỳ-kheo dùng lại tọa cụ cũ? Ta lại nghĩ, nay, Ta cho phép các tỳ-kheo khi làm tọa cụ mới, nên lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới để cho hoại sắc. Do đó, cho phép các tỳ-kheo khi làm tọa cụ mới, nên lấy cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới, để cho hoại sắc.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo khi may tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay may lên trên cái mới, cho hoại sắc. Nhưng khi họ may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới cho hoại sắc. Trong số các Tỳ-kheo nghe thấy đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo khi may tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới để cho hoại sắc, mà quý vị làm cái mới, không lấy một miếng của cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới?» Hiềm trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao ta vì các tỳ-kheo chế giới: ‹Tỳ-kheo làm tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới cho hoại sắc.› Mà các ông may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ, vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa... cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, may tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới, cho hoại sắc. Nếu may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới, cho hoại sắc, ni-tát-kỳ ba-dật -đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo nào muốn may tọa cụ mới, bấy giờ, nếu tọa cụ cũ chưa hư, chưa bị rách lỗ, thì nên sửa sang giặt nhuộm, kéo cho thẳng, cắt rọc một miếng vuông vức bằng một gang tay, đặt vào chính giữa, hay ngoài biên, may lên trên cái mới để cho hoại sắc. Nếu tỳ-kheo không lấy một miếng cũ may lên trên cái mới cho hoại sắc, mà chỉ may cái mới; nếu may thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; may không thành, phạm đột-kiết-la. Khiến người khác làm mà thành, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Vì người làm, thành không thành đều phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ may lên trên cái mới cho hoại sắc, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ may lên trên cho hoại sắc, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi thọ sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám hối. Khi nhận sám nên nói với tỳ-kheo phạm tôi rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Phạm nhân thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả tọa cụ lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng bạch nhị yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là..., đã may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ may lên trên cho hoại sắc, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả tọa cụ lại cho tỳ-kheo nầy. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ may lên trên cho hoại sắc, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem tọa cụ nầy trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem tọa cụ này trả lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận, trả tọa cụ lại cho tỳ-kheo có tên... này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nếu tỳ-kheo phạm tội xả tọa cụ cho Tăng rồi, Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu lấy chuyển làm tịnh thí hoặc tự mình thọ, hoặc sai cho người, hoặc ngồi mãi cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Cắt lấy một miếng của cái cũ may lên trên cái mới cho hoại sắc. Hoặc người ấy không có, được may cái mới. Hoặc người khác vì mình may. Hoặc được cái đã làm thành rồi. Hoặc may cái hoàn toàn cũ thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVI. QUẢY LÔNG DÊ[88] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá- vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử,[89] trên đường đi nhận được nhiều lông dê, cột trên đầu cây trượng quảy đi. Các cư sĩ thấy vậy cơ hiềm: ‹Sao sa-môn Thích tử lại đi mua bán lông dê?› Và hỏi rằng: ‹Đại đức, lông dê này có bán không?› Các tỳ-kheo nghe những lời này, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà rằng: ‹Sao lấy lông dê cột vào đầu trượng, quảy đi dọc đường?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại quảy lông dê đi trên đường để cho cư sĩ chê trách?» Đức Thế tôn dùng mọi phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới nầy ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi đi đường được lông dê, nếu không có người mang, tự mình được mang đi cho đến ba do tuần. Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do tuần, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo trên đường đi, hoặc tại trú xứ, nhận được lông dê, nếu cần thì lấy. Nếu không có người mang, tự mình được phép mang đi, cho đến ba do tuần. Nếu có người mang thì nên nói với người ấy rằng: ‹Nay tôi có vật này, nhờ mang giúp tôi đến chỗ đó.› Trong khoảng nầy, tỳ-kheo không được tiếp tay mang. Nếu tiếp tay mang phạm đột-kiết-la. Nếu bảo tỳ-kheo-ni mang, quá ba do tuần, phạm đột-kiết-la; nếu bảo thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, mang quá ba do tuần, phạm đột-kiết-la. Trừ lông dê, mang các vật khác như: câu-giá-la, cỏ nhũ diệp, sô ma, ma, xí-la-bà-ny,[90] mà mang quá ba do tuần phạm đột-kiết-la. Nếu quảy các vật khác nơi đầu trượng mà đi cũng phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã quảy lông dê đi quá ba do tuần, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã quảy lông dê đi quá ba do tuần, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám phải nói với tỳ-kheo phạm tội rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Đương sự thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả lông dê lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã quảy (gánh) lông dê đi quá ba do tuần, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng chấp thuận, trả lông dê lại cho tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã quảy lông dê đi quá ba do tuần, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem lông dê này, trả lại cho tỳ-kheo nầy. Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng đem lông dê nầy trả lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả lông dê lại cho tỳ-kheo có tên... nầy rồi. Tăng chấp thuận, nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nếu tỳ-kheo đã xả giữa Tăng rồi mà không trả lại, Tăng phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Hoặc chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc dùng mãi cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu mang đi cho đến ba do tuần, hoặc dưới ba do tuần. Hoặc có người mang giúp, bảo họ mang đến chỗ đó, mà khoảng ấy mình không mang giúp. Sai tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni gánh đi ba do tuần. Hoặc lông mịn, giây bằng lông để trang sức, lông đầu, lông trên cổ, lông chân. Hoặc làm mão làm khăn trùm cho ấm. Hoặc gói giày dép. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVII. NHỜ CHẢI LÔNG DÊ[91] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở giữa Thích-sí-sấu[92] trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm tọa cụ mới bằng lông dê, sai tỳ-kheo-ni giặt, nhuộm, chải. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề vì nhuộm, nên tay bị dính thuốc nhuộm. Bà đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi: «Cù-đàm-di, sao tay của Dì có màu sắc giống như thợ nhuộm vậy?» Cù-đàm-di bạch Phật: «Nhóm sáu tỳ-kheo muốn làm tọa cụ mới, nên đem lông dê đến, bảo chúng con giặt nhuộm chải, cho nên tay bị nhớp.» Bà đảnh lễ dưới chân Phật, rồi trở về chỗ ở. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi nhóm sáu tỳ-kheo: «Có thật các ông làm tọa cụ mới, sai tỳ-kheo-ni giặt, nhuộm, chải hay không?» Nhóm sáu tỳ-kheo thưa: «Bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại bảo tỳ-kheo-ni giặt nhuộm chải lông dê?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới nầy ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni giặt, nhuộm, chải lông dê, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, các tỳ-kheo đều có sự nghi ngại, không dám sai tỳ-kheo-ni thân quyến giặt nhuộm chải lông dê. Đức Phật dạy: «Cho phép thân lý được giặt, nhuộm, chải. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo kiết giới:..» Tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni không phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo, chẳng phải thân lý, thân lý: cũng như trên đã giải. Nếu tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, phạm ba ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu sai giặt, nhuộm, chải mà người kia chỉ giặt, nhuộm chứ không chải thì phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề và một đột-kiết-la. Sai giặt, nhuộm, chải; người kia giặt, không nhuộm mà chải; (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề và một đột-kiết-la. Sai người giặt, nhuộm, chải; người kia không giặt mà nhuộm, chải, (tỳ-kheo) phạm hai ni-tát-kỳ ba-dật-đề và một đột-kiết-la. Sai giặt, nhuộm, chải; người kia không giặt, nhuộm, chải, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la. Sai sa-di-ni, thức-xoa-ma-na chẳng phải thân quyến giặt nhuộm đập, phạm đột-kiết-la. Vật này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối, vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với tỳ-kheo phạm tội rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Phạm nhân thưa: «Xin vâng.» Tăng phải trả lông dê lại cho tỳ-kheo nầy bằng bạch nhị yết-ma, như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt nhuộm chải lông dê, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hoàn lông dê lại cho tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nầy tên là..., đã sai tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt nhuộm chải lông dê, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng đem lông dê này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy. Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng đem lông dê này hoàn lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trao lông dê lại cho tỳ-kheo có tên... này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Giữa Tăng, tỳ-kheo ấy xả lông dê rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc dùng mãi, hoặc cố ý làm cho hư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đều đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Sai tỳ-kheo-ni thân quyến giặt nhuộm chải. Hoặc vì người bệnh giặt nhuộm chải. Hoặc vì chúng Tăng, vì Phật, vì tháp, giặt nhuộm chải. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVIII. CẦM GIỮ VÀNG BẠC [93] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, trong thành này có một vị Đại thần vốn là bạn quen thân trước kia của Bạt-nan-đà.[94] Một hôm nọ, vị Đại thần nhận được nhiều thịt heo, liền bảo người vợ: «Bạt-nan-đà Thích tử là thân hữu của tôi. Nên để phần thịt cho người.» Người vợ theo lệnh của chồng, liền để phần thịt cho Bạt-nan-đà. Hôm ấy là ngày tiết hội của mọi người ở thành Vương-xá nên có tổ chức các thứ kỹ nhạc, suốt đêm không ngủ. Bấy giờ, mấy đứa con của vị Đại thần cũng ở trong số người đó. Vì suốt đêm không ngủ, chúng đói và mệt, nên hỏi mẹ: «Thịt heo còn không?» Mẹ của chúng bảo rằng: «Hết rồi. Chỉ còn phần của Bạt-nan-đà họ Thích thôi.» Các con liền đưa tiền cho mẹ và nói: «Mẹ cầm tiền này, sáng ngày ra chợ mua lại phần thịt cho [619a1] Bạt-nan-đà. Còn phần thịt đó cho chúng con.» Mẹ của chúng lấy tiền và trao phần thịt cho chúng. Sáng sớm, Bạt-nan-đà đắp y, bưng bát, đến nhà vị Đại thần, ngồi nơi chỗ dọn sẵn. Bấy giờ, vợ của vị Đại thần thưa rằng: «Hôm qua, gia đình có nhận được nhiều thịt heo. Ông trưởng giả bảo tôi, ‹Bạt-nan-đà Thích tử là bạn cũ của tôi. Nên để dành phần thịt cho người.› Theo lệnh của chồng, tôi có để phần thịt cho Đại đức. Nhưng khi hôm, gặp ngày tiết hội, mấy đứa con tôi thức khuya đói bụng, nên đến đòi phần thịt đó. Chúng đưa tôi năm tiền và bảo: ‹Sáng ngày, ra chợ mua phần thịt lại cho Bạt-nan-đà. Còn phần thịt đó cho chúng con.› Tôi đã trao thịt cho chúng nó. Số tiền này, bây giờ, tôi sẽ ra chợ mua lại phần thịt như vậy. Đại đức có thể chờ một chút.» Bạt-nan-đà liền hỏi: «Chúng vì tôi đưa tiền phải không?» «Vâng, chúng nó có đưa.» «Như vì tôi, thì đưa số tiền đó cho tôi. Khỏi cần mua thịt.» Bấy giờ, vợ của vị Đại thần liền đặt tiền xuống đất cho Nạt-nan-đà. Bạt-nan-đà nhận được tiền này rồi, đem gởi nơi hiệu buôn quen và đi. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử mua bán tiền tài. Đem tiền gởi nơi hiệu buôn rồi đi.» Trong số các tỳ-kheo nghe nói đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Sao Thầy tự tay nhận tiền, đem gởi nơi hiệu buôn, rồi đi?» Cũng lúc ấy, Vua cùng các Đại thần hội hợp nhau, bàn luận rằng: «Sa-môn Thích tử được nắm cầm vàng bạc hoặc tiền. Sa-môn Thích tử không cần phải xả bỏ vàng bạc hoặc tiền, trân châu, bảo châu, anh lạc và sanh tượng.[95]» Lúc bấy giờ, trong phòng họp có vị Đại thần, tên là Châu Kế ,[96] nói với các Đại thần rằng: «Không nên nói những lời này: ‹Sa-môn Thích tử được phép nắm cầm vàng bạc hoặc tiền, không xả bỏ trân bảo châu anh.› Tại sao vậy? Chính vì tôi đã được nghe từ đức Như Lai dạy: ‹Sa-môn Thích tử không được phép nắm cầm vàng bạc hoặc tiền.› Sa-môn Thích tử xa lìa trân bảo, châu anh.» Bấy giờ, vị Đại thần Châu Kế có oai thế, có khả năng trình bày khéo léo, khiến mọi người hoan hỷ tin hiểu. Sau đó, Châu Kế liền chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ, rồi thưa: «Những điều con nói như vậy, đối với giáo pháp có sai trái hay không?» Đức Phật bảo Đại thần: «Đúng như điều ông nói, ở trong chánh pháp có nhiều lợi ích. Không có gì sai trái. Tại sao vậy? Sa-môn Thích tử không được phép nắm cầm vàng bạc hoặc tiền. Sa-môn Thích tử xa lìa trân bảo, châu anh, không dùng nó để trang sức làm đẹp. Nay ông nên biết, nếu nắm cầm vàng bạc hoặc tiền, không xa lìa châu anh, trân bảo, thì cũng sẽ thọ dụng ngũ dục. Nếu thọ dụng ngũ dục thì chẳng phải là pháp của sa-môn Thích tử. «Này Đại thần! Ông nên biết, nếu thấy sa-môn Thích tử nào gọi Ta là Thầy mà cầm vàng bạc hoặc tiền, trân bảo thì quyết định biết rằng đó chẳng phải là pháp của Sa-môn Thích tử. Ta có nói như vầy: ‹Nếu tỳ-kheo nào, vì làm thất, cần cây gỗ tranh tre v.v... thì được phép nhận. Nhưng không nên vì tự thân mà nhận.›[97] «Đại thần nên biết, mặt trời, mặt trăng có bốn tai hoạn khiến cho không sáng, không trong sạch, không có khả năng chiếu soi, cũng không có oai thần. Bốn cái tai hoạn đó là gì? Là a-tu-la,[98] khói, mây, bụi mù. Đó là những đại hoạn của mặt trời, mặt trăng. Nếu gặp những hoạn này thì mặt trời, mặt trăng không sáng, không trong sạch, không có khả năng chiếu soi, cũng không có oai thần. Lại cũng như vậy, Sa-môn, Bà-la-môn cũng có bốn cái tai hoạn khiến cho không sáng, không sạch, không có khả năng soi chiếu, cũng không có oai thần. Bốn tai hoạn đó là gì? Nếu Sa-môn, Bà-la-môn không bỏ uống rượu, không bỏ dâm dục, không bỏ dùng tay nắm vàng bạc, không bỏ sự sống tà mạng. Đó gọi là bốn đại hoạn của Sa-môn, Bà-la-môn. Nó có khả năng khiến cho Sa-môn, Bà-la-môn không sáng, không sạch, không có khả năng soi chiếu, cũng không có oai thần.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống với hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà, rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này trình lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại tự tay nắm cầm tiền, đem gởi hiệu buôn, rồi đi?» Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng, bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc nhận từ dưới đất,[99] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tiền: trên có văn tượng. Tỳ-kheo tự tay cầm vàng bạc hoặc tiền, bảo người cầm, hoặc nhận từ nơi đất, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Vật này nên xả. Trong đây, xả như vầy: Nếu ở đó có người giữ vườn tin cậy, hoặc ưu-bà-tắc, thì nên nói với họ rằng: «Vật nầy không thích hợp với tôi, ông biết cho.» Nếu người ấy lấy cất, rồi trao lại cho tỳ-kheo thì tỳ-kheo nên vì phẩm vật của thí chủ mà nhận. Nhận rồi bảo tịnh nhơn cất. Nếu được tịnh y, bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn nên đem trao đổi để thọ trì. Nếu ưu-bà-tắc kia nhận rồi trao cho tỳ-kheo tịnh y, bát, hoặc ni-sư-đàn, hay ống đựng kim thì nên nhận để thọ trì. Nếu người kia lấy rồi mà không trả lại thì nên khiến các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho ông. Ông nên trao vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu người kia lấy rồi không trả lại, mà các tỳ-kheo khác không nói thì mình nên tự đến nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho ông. Nay ông nên trao cho Tăng, cho tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho các cựu tri thức, hoặc hoàn lại nơi người chủ kia.» Nếu không nói với người kia: «Hãy biết cái này. Hãy nhìn cái này»;[100] phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu có nói «Hãy biết cái này. Hãy nhìn cái này.» Hoặc có người giữ vườn, hay ưu-bà-tắc có tín tâm, nói với họ: «Vật nầy không thích hợp; tôi không nên nhận. Ông nên biết cho.» Người kia nhận rồi, hoàn lại cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nên vì thí chủ nhận, rồi trao cho tịnh nhơn cất. Sau, nếu cần được y, bát tịnh, ống đựng kim, ni-sư-đàn, thì đem trao đổi để thọ trì. Nếu người kia lấy rồi, trao cho y bát tịnh, hoặc tọa cụ, hoặc ống đựng kim, thì nên nhận để thọ trì. Nếu người kia không chịu trao cho y thì nên nhờ các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho ông. Ông nên trao vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu người kia lấy rồi không trả lại, mà các tỳ-kheo khác không nói thì mình nên tự đến nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho ông. Nay ông nên trao cho Tăng, cho tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho các cựu tri thức, hoặc hoàn lại nơi người chủ kia.» Không nên để mất phẩm vật của tín thí. Tất cả như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIX. KINH DOANH TÀI BẢO[101] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà đến hiệu buôn, dùng tiền đổi tiền, rồi mang đi. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử dùng tiền đổi tiền, rành nghề mua bán.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, [620a1] biết tàm quý hiềm trách Bạt-nan-đà rằng: «Sao lại đem tiền đổi tiền, rồi mang đi?» Chư tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà rằng: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại dùng tiền để đổi tiền?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, kinh doanh tiền tài bảo vật, dưới mọi hình thức, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Kinh doanh dưới mọi hình thức:[102] Dùng vàng thành[103] đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành đổi vàng đã thành; vàng chưa thành đổi bạc thành; bạc chưa thành, đổi bạc đã thành; chưa thành; bạc nửa nửa chưa thành đổi lấy tiền. Dùng vàng chưa thành đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành, đổi vàng đã thành chưa thành; đổi bạc thành, đổi bạc chưa thành; đổi bạc đã thành và chưa thành, đổi tiền. Dùng vàng đã thành chưa thành đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành, đổi vàng đã thành chưa thành; đổi bạc thành, đổi bạc chưa thành; đổi bạc đã thành và chưa thành, đổi tiền. Dùng bạc đã thành, đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc đã thành chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng tiền đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Tiền [104]: có tám loại: tiền vàng, tiền bạc, tiền thiếc, tiền đồng, tiền bạch lạp, tiền chì thiếc, tiền cây, tiền hồ giao. Nếu tỳ-kheo nào, kinh doanh các loại bảo vật dưới mọi hình thức, dùng vàng thành đổi vàng thành, cho đến đổi tiền, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Vật nầy phải xả. Phương thức xả: Nếu người giữ vườn, hoặc ưu-bà-tắc có lòng tin, nên nói với họ rằng: «Vật nầy không thích hợp với tôi. Ông biết cho!» Nếu người kia nhận rồi hoàn lại cho tỳ-kheo thì tỳ-kheo nên vì thí chủ mà thọ, rồi bảo tịnh nhơn cất. Sau đó, nếu cần tịnh y, bát, tọa cụ, ống đựng kim thì đem đổi để thọ trì. Nếu người kia nhận rồi, trao cho tỳ-kheo y bát tịnh, tọa cụ, ống đựng kim, thì nên thọ trì. Nếu người kia nhận rồi mà không trả lại cho tỳ-kheo thì nên nhờ các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Người nên hoàn vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu tỳ-kheo khác nói mà họ vẫn không trả thì mình tự đến nói: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Nay người nên trao cho Tăng, cho tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho cựu tri thức thân, hoặc hoàn lại cho người chủ cũ.» Tại sao vậy? Vì không muốn mất phẩm vật của thí chủ. Nếu tỳ-kheo không nói với người kia rằng: «Hãy xem cái này! Hãy nhận biết cái này!» phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu nói với người: «Hãy biết cái này! Hãy nhìn cái này!» Hoặc có nói với người giữ vườn, hay nói ưu-bà-tắc tín tâm rằng: «Vật nầy không thích hợp với tôi. Ông biết cho!» Nếu người kia nhận rồi hoàn lại cho tỳ-kheo thì tỳ-kheo nên vì thí chủ mà thọ, rồi bảo tịnh nhơn cất. Sau đó, nếu cần tịnh y, bát, tọa cụ, ống đựng kim thì đem đổi để thọ trì. Nếu người kia nhận rồi, trao cho tỳ-kheo y bát tịnh, tọa cụ, ống đựng kim, thì nên thọ trì. Nếu người kia nhận rồi mà không trả lại cho tỳ-kheo thì nên nhờ các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Người nên hoàn vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu tỳ-kheo khác nói mà họ vẫn không trả thì mình tự đến nói: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Nay người nên trao cho Tăng, cho Tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho cựu tri thức thân, hoặc hoàn lại cho người chủ cũ.» Tại sao vậy? Vì không muốn mất phẩm vật của thí chủ. Nếu dùng tiền đổi dụng cụ anh lạc vì Phật, Pháp, Tăng; hoặc dùng đồ anh lạc đổi tiền vì Phật, Pháp, Tăng, thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XX. BUÔN BÁN[105] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử, tại nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một thôn không có trú xứ.[106] Khi đến trong thôn, đem gừng sống đổi thức ăn. Ăn xong rồi đi. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang tại Câu-tát-la du hành trong nhơn gian, rồi đến trong thôn không trú xứ đó. Đến giờ, đắp y, bưng bát, vào thôn khất thực, tuần tự tới nơi nhà bán cơm, đứng im lặng. Người bán cơm thấy vậy bảo rằng: «Đại đức, muốn cần cái gì?» Tôn giả trả lời: «Cư sĩ, tôi cần thức ăn.» Người kia nói: «Đưa vật có giá ra đây.» Tôn giả ngạc nhiên nói: «Đừng nói như vậy. Điều đó chúng tôi không nên làm.». Người bán cơm nói: «Vừa rồi Bạt-nan-đà dùng gừng sống đổi thức ăn. Ăn rồi đi. Sao Đại đức nói không làm việc ấy?» Tôn giả Xá-lợi-phất nghe nói như vậy lấy làm xấu hổ, không nói gì. Khất thực xong, về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói với các tỳ-kheo. Trong lúc ấy, trong thành Xá-vệ có một ngoại đạo, được một chiếc y quý giá, lòng tự nghĩ: «Ta cần gì cái y quý giá này? Nay ta nên đổi y khác.» Lại nghĩ tiếp, «Nơi nào ta có thể đối y? Chỉ có sa-môn Thích tử ưa mặc y đẹp. Chắc họ có thể đổi.» Nghĩ xong liền đem chiếc y đến trong Tăng-già-lam, nói với các tỳ-kheo rằng: «Tôi muốn đổi y này. Vị nào muốn đổi thì đổi.» Bạt-nan-đà nghe vậy liền nói: «Sáng mai đem đến đây! Tôi sẽ trao đổi y với ông.» Bạt-nan-đà là người rất khéo tay về may sửa y. Ngay đêm ấy, đem y cũ giặt, nhuộm, ủi, làm cho y sáng sủa như mới. Sáng ngày, ngoại đạo đem y đến trong Tăng-già-lam, nói với các tỳ-kheo: «Vị nào muốn đổi y thì đổi.» Bấy giờ, Bạt-nan-đà liền đem y của mình ra giới thiệu nói với ngoại đạo: «Tôi dùng y này đổi cho ông, ông đưa y của ông cho tôi được không?» Ngoại đạo trả lời: «Được.» Hai bên trao đổi. Ngoại đạo nhận được y đem về trong vườn nơi cư trú của mình, đưa cho các ngoại đạo xem và nói: «Các bạn nên biết, tôi đem chiếc y đang mặc đổi lấy y nầy đây.» Trong số ngoại đạo, có người có trí tuệ nói rằng: «Bạn bị người ta lừa rồi. Tại sao vậy? Y của bạn đang mặc tốt, rộng, dài, bền chắc. Còn y này là y cũ; vì khéo ủi, sửa soạn, nên trông qua thấy sáng sủa, in như y mới thế thôi.» Ngoại đạo ấy nghe xong, liền đem chiếc y vừa đổi, vào trong Tăng-già-lam, nói với Bạt-nan-đà rằng: «Tôi trả lại y ông. Ông trả lại y tôi.» Bạt-nan-đà nói: «Đã đổi rồi thì thôi, không được hoàn trả lại.» Ngoại đạo nói: «Y của tôi mới và tốt, rộng, dài, bền chắc; còn y của ông cũ và xấu được ủi sửa soạn như y mới mà thôi.» Bạt-nan-đà nói: «Đã đổi rồi dứt khoát tôi không hoàn lại.» Ngoại đạo kia cơ hiềm: «Y của tôi mà tôi đòi lại không được hay sao? Y của tôi mới, tốt, rộng, dài, bền chắc. Y của ông cũ, xấu. Tại sao cùng là người xuất gia với nhau, đổi y cho nhau mà hoàn lại không được?» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quí, [621a1] hiềm trách Bạt-nan-đà rằng: «Sao lại dùng gừng sống để đổi thức ăn để ăn? Sao lại cùng với ngoại đạo đổi y mà không cho hoàn lại?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại lấy gừng đổi thức ăn để ăn; lại cùng ngoại đạo đổi y mà không cho hoàn lại?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ này về sau, cho phép năm chúng xuất gia trao đổi qua lại. Khi đổi thẩm định, không nên quá cao thấp với nhau như phép ngoài chợ búa. Không được cùng người khác đổi chác, mà nên khiến tịnh nhơn làm việc ấy. Nếu họ cần đổi lại, nên hoàn lại cho họ. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa... cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức: dùng thời dược đổi thời dược, dùng [thuốc] có thời hạn đổi [thuốc] phi thời hạn, dùng [thuốc] có thời hạn đổi [thuốc] bảy ngày, dùng [thuốc] có thời hạn đổi [thuốc] suốt đời, dùng [thuốc] có thời hạn đổi ba-lợi-ca-la. Dùng [thuốc] phi thời hạn đổi [thuốc] phi thời hạn, dùng [thuốc] phi thời hạn đổi thất nhật dược, dùng [thuốc] phi thời hạn đổi [thuốc] suốt đời, dùng [thuốc] phi thời hạn đổi ba-lợi-ca-la, dùng [thuốc] phi thời hạn đổi [thuốc] có thời hạn. Dùng [thuốc] bảy ngày đổi [thuốc] bảy ngày, dùng [thuốc] bảy ngày... cho đến [thuốc] phi thời hạn cũng như vậy. Dùng [thuốc] suốt đời đổi [thuốc] suốt đời, cho đến đổi [thuốc] bảy ngày cũng như vậy. Dùng ba-lợi-ca-la đổi ba-lợi-ca-la cho đến đổi tận hình thọ cũng như vậy. Bán: trị giá một tiền, nhiều lần (trả giá) lên hay xuống. Bán lên giá: trị giá một tiền, nói giá ba tiền. Bán cao giá: trị giá một tiền, nói giá năm tiền. Mua cũng như vậy. Nếu tỳ-kheo kinh doanh mậu dịch, dưới mọi hình thức mà nhận được lời, ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không nhận được lời, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, đột-kiết-la. Khi xả, đương sự phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã kinh doanh mọi thứ, được tài vật, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Trước hết, vị nhận sám hối phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã kinh doanh mọi thứ, được tài vật, phạm xả đọa; nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... nầy. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám hối. Khi nhận sám phải bảo phạm nhân: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo phạm tội thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn lại vật đó cho tỳ-kheo nầy bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã kinh doanh mọi thứ, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại vật cho tỳ-kheo có tên này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng! Tỳ-kheo này tên là..., đã kinh doanh mọi thứ, được tài vật, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay, Tăng đem vật nầy trả lại cho tỳ-kheo nầy. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đem vật nầy trả lại cho tỳ-kheo nầy thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả vật lại cho tỳ-kheo nầy rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Đương sự đã xả giữa Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, đột-kiết-la. Khi trả có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc dùng mãi, hoặc dùng vào việc khác, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Cùng năm chúng xuất gia trao đổi, tự mình xét định không quá chênh lệch như bọn nhà buôn. Không cùng người khác đổi chác, hoặc sai tịnh nhơn đổi chác, hoặc họ hối, cho họ đổi lại. Hoặc dùng sữa đổi dầu, dùng dầu đổi sữa. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [107]
Chú thích: [79] Ngọa cụ 臥具. Căn bản 21 (T23n1442, tr.736b4): phu cụ 敷具 Ngũ phần 5, ni-tát-kỳ 23 (T.1421, tr.35a24); Tăng kỳ 9, Ni-tát-kỳ 12. Pali, Nissaggiya 13, dve bhāgā suddha-kāḷakānaṃ, Vin. iii. 226ff. [80] Thuần bạch dương mao 純白羊毛. Ngũ phần, nt.,Thập tụng, Căn bản, nt.: thuần hắc nhu dương mao 純黑羺羊毛. Pali: suddhakāḷakānaṃ eḷakalomāṇaṃ, lông dê toàn đen. [81] Hán: mang sắc 尨色. Thích từ không có trong giới văn. Ngũ phần 5 (T22n1421, tr.35b04), Thập tụng 4 (T23n1435, tr.48b11): đệ tứ phần hạ 第四分下; được giải thích: hạ, chỉ lông đầu, lông bụng, lông gót chân. 第四分下. Căn bản 21 (T23n1442, tr.736b09): đệ tứ phần thô 第四分麁, giải thích: thô, chỉ lông đầu, lông bụng và lông chân. Pali: catutthaṃ gocariyānam, phần thứ tư màu nâu đỏ (hạt sắc). [82] Bát-la 缽羅. Ngũ phần nt., Thập tụng nt.: ba-la 波羅. (Pali: pala, đơn vị trọng lượng) Căn bản 21 (T23n1442, tr.736b16): thí dụ, ngọa cụ nặng 10 cân, thì 5 cân toàn đen, 2,5 cân trắng và 2,5 cân thô. Cf. Pali (Vin.iii.227): 2 tūla (cân) đen, 1 tūla trắng, 1 tūla nâu đỏ. [83] Ngũ phần, Ni-tát-kỳ 24, (T.1421, tr.35b). Pali: Nissaggiya 14, santhanachabbassāni, Vin.iii. 227. [84] Xem Ni-tát-kỳ 2, cht. 24. [85] Tọa cụ 坐具. khăn trải để ngồi. Pali: nisīdana (ni-sư-đàn). Căn bản 21: phu cụ 敷具. Ngũ phần 5, ni-tát-kỳ 25 (T22n1421, tr.35c13). Pali: Nissaggiya 15, nisīdanadubbaṇṇa-karaṇa, Vin.iii. 230. [86] Thỉnh thực 請食. Thập tụng 7 (T23n1435, tr.49b16): nghinh thực phần 迎食分. Cư sĩ thỉnh Phật và các tỳ-kheo đến nhà thọ thực. Phật để các tỳ-kheo đi, Ngài ở lại tinh xá. Một tỳ-kheo mang thức ăn về cho Phật. Căn bản 21 (T23n1442, tr.737b23): thủ thực 取食 Pali, Vin.iii. 230: Phật độc cư ba tháng, không gặp bất cứ ai, trừ tỳ-kheo tống thực. [87] Long nha quyết 龍牙橛 . Xem, Thập tụng (T.1435, tr.60c22): tượng nha dặc 象牙杙. [88] Ngũ phần, ni-tát-kỳ 26. Pali: Nissaggiya 16: eḷakalomaharaṇa. [89] Bạt-nan-đà Thích tử 跋難陀釋子. Căn bản 21: Ô-ba-nan-đà, tức Pali: Upananda, dòng họ Thích-ca, thuộc nhóm sáu tỳ-kheo (Chabbaggiya). Pali. Vin. iii. 233: một tỳ-kheo đi từ Kosala đến Sāvatthi. [90] Câu-giá-la 拘遮羅, cỏ nhũ diệp 乳葉草, sô ma 芻摩, ma 麻, xí-la-bà-ny 廁羅婆尼. Các loại y. [91] Ngũ phần 5, Ni-tát-kỳ 27 (T22n1421, tr.36a26). Pali: Nissaggiya 17, elākaloma-dhovāpana, Vin. iii. 234ff. [92] Thích-sí-sấu 釋翅瘦 . Pali: Sakkesu viharati Kapilavatthusmiṃ Nỉgodhārāme, giữa những người họ Thích, trong tinh xá cây Đa, Ca-tỳ-la-vệ. [93] Pali, Nissaggiya 18, jātarūparajata, Vin. 111. 236. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 30 (T22n1421, tr.37a27). [94] Xem ni-tát-kỳ 16 trên. [95] Sanh tượng; chỉ vàng nguyên, chưa chế biến. Pali: jātarūpa. [96] Căn bản 21 (T23n1442, tr.740a20): Bảo Kế 寶髻. Tăng kỳ 10 (T22n1425, tr.310c7): Chu-la tụ lạc chủ 周羅聚落主. Cf. Pali, Maṇicūḷa-sutta, S.iv. 325, Vin.ii.296. [97] Chỉ thọ nhận tiền bạc. Pali, S.iv. 325: na... kenaci pariyāyena jātarūparajataṃ sāditabbaṃ, tuyệt đối không thọ nhận vàng bạc. [98] Tức nhật thực hay nguyệt thực. [99] Ngũ phần: hoặc phát tâm nhận. Pali: upanikkhittaṃ vā sādeyya, nhận để gởi (ký thác). Các bộ có điểm bất đồng rất tế nhị khi giải thích điều luật này. [100] Hán: tri thị khán thị 知是看是; tương tự Pali: āvuso, imaṃ jānāhi, «Này ông, hãy nhận biết cái này.» Khi xả vật phạm, nếu có tịnh nhân hay cư sĩ đi đến, tỳ-kheo nói như vầy, tức là nhắc người ấy cất số tiền để ở đó mà tỳ-kheo không được phép cầm nắm. Cũng không được sai khiến người ấy nhận và cất giữ hộ. [101] Pali: Nissaggiya 19: rūpiyasaṃvohāra. Ngũ phần 5, ni-tát-kỳ 29 (T22n1421, tr.36c21). Tăng kỳ, ni-tát-kỳ 20 (T22n1425, tr.312c03). Căn bản 22 (T23n1442, tr.741c21): «Xuất nạp cầu lợi.» [102] Hán: chủng chủng 種種. Thập tụng (T23n1435, tr.51c13): chủng chủng dụng bảo 種種用寶. Pali (Vin.iii.239): nānappakārakaṃ, giải thích: katampi akatampa katākatampi, đã được chế biến thành các thứ trang sức, hoặc chưa được chế biến, hoặc nửa chế biến nửa chưa chế biến. [103] Vàng thành và vàng chưa thành, Hán: thành kim, vị thành kim 成金,未成金; Thập tụng: tác bất tác. Pali, nt.: katam, akatam: đã được chế biến thành nữ trang và chưa được chế biến. [104] Pali: rūpiya, chỉ chung vàng và bạc; giải thích: satthuvaṇṇo (vàng ròng) kahāpaṇo (tiền vàng) lohamasaki (tiền đồng) dārumasako (tiền gỗ) jatumasako (tiền hồ giao). [105] Pali (Vin.iii.242): Nissaggiya 20, kayavikkaya.. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 28. Tăng kỳ, ni-tát-kỳ 19. [106] Hán: (nhất) Vô trú xứ thôn 一無住處村; chỉ thôn không có chùa của Tăng. Không rõ là từ chung hay tên thôn. Các bản không có chi tiết này. [107] Bản Hán, hết quyển 8. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XXI. CHỨA BÁT DƯ[108] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá- vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa bát. Cái nào tốt thì họ trì, cái nào không tốt thì để đó. Thường tìm tòi bát tốt như vậy cất chứa thành nhiều. Bấy giờ, có các cư sĩ đến tham quan các phòng. Thấy nhóm sáu tỳ-kheo[109] chứa cất nhiều bát. Thấy vậy đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử mong cầu không nhàm chán, không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng rằng, Ta biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Cất chứa nhiều bát như nơi cửa hàng của thợ đồ gốm.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao chứa bát, cái tốt thì thọ trì, cái xấu để đó, thường tìm cầu bát mới chứa cất thành nhiều?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà rằng: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại chứa bát, cái tốt thì thọ trì, cái xấu để đó, thường tìm cầu bát mới chứa cất thành nhiều?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Bạt-nan-đà là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nó như vầy: Tỳ-kheo nào, chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, Tôn giả A-nan nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma ,[110] ý muốn dâng cúng cho Đại Ca-diếp vì Đại Ca-diếp thường dùng loại bát của nước này. Khi ấy, Đại Ca-diếp không ở đó. Tôn giả nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹Tỳ-kheo nào chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay ta nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma, [622a1] muốn dâng cúng cho ngài Đại Ca- diếp, song ngài không có ở đây. Không biết làm thế nào.» Tôn giả A-nan đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế tôn: «Bạch Thế tôn, Thế tôn đã vì tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Mà nay con vừa nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma, muốn dâng cúng cho Đại Ca-diếp, song Đại Ca-diếp không có ở đây, con không biết làm thế nào.» Đức Thế tôn hỏi Tôn giả A-nan: «Đại Ca-diếp bao lâu sẽ về?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Sau mười ngày, Đại Ca-diếp sẽ về.» Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện tùy thuận nói pháp, khen ngợi hạnh đầu đà nghiêm chỉnh, thiểu dục tri túc và những vị ưa xuất ly, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo chứa bát dư cho đến mười ngày.» Nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, chứa bát dư, không tịnh thí,[111] được phép chứa trong hạn mười ngày. Quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bát: Có sáu loại : bát thiếc, bát nước Tô-ma, bát nước Ô-già-la,[112] bát nước Ưu-già-xa,[113] bát đen, bát đỏ.[114] Đại thể có hai loại: bát bằng thiếc và bát bằng đất.[115] Bát lớn chứa ba đấu, bát nhỏ chứa một đấu rưỡi.[116] Đây là dung lượng của bát, nên thọ trì như vậy, nên tịnh thí. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, chứa đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong mười ngày đều thành ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai không nhận được, ngày thứ ba nhận được, ngày thứ tư nhận được, như vậy cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong chín ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được, ngày thứ ba không nhận được (như vậy chuyển lần xuống đến ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên[117]). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai, ngày thứ ba không nhận được, ngày thứ tư nhận được, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong tám ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát; ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được; ngày thứ năm nhận được (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như vậy*). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được bát; ngày thứ năm nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong bảy ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được bát; ngày thứ sáu nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong sáu ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ bảy, ngày thứ tám ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được bát, ngày thứ bảy nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong năm ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được bát; ngày thứ tám nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được bát; ngày thứ tám nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong bốn ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không nhận được bát, ngày thứ chín, ngày thứ mười nhận được bát, số bát nhận được trong ba ngày đến ngày mười một khi bình minh xuất hiện đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên). Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không nhận được bát; ngày thứ mười nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong hai ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên). Nếu Tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong một ngày, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát không tịnh thí; ngày thứ hai được bát tịnh thí, ngày thứ ba được bát, cho đến ngày thứ mười được bát không tịnh thí, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong chín ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát không tịnh thí. Ngày thứ ba được bát tịnh thí. Ngày thứ tư được bát không tịnh thí (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ mười được bát không tịnh thí,và tịnh thí, đặt câu văn cũng như trên*). Sai cho người (đặt câu văn cũng như vậy). Hoặc mất (câu văn cũng như trên*). Hoặc cố làm cho hư hoại (câu văn cũng như vậy*). Hoặc làm phi bát (câu văn cũng như vậy*). Hoặc khởi ý thân hữu lấy (câu văn cũng như trên*). Hoặc quên đi (câu văn cũng như trên*). Tất cả đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu bát phạm ni-tát-kỳ mà không xả, lại đổi bát khác thì phạm một ni-tát-kỳ và một đột-kiết-la. Bát phạm ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng lên thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã chứa bát dư, quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả bát rồi phải sám hối, vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi mới nhận sự sám hối của vị kia. Nên nói với tỳ-kheo kia rằng: «Hãy tự trách tâm mình!» Vị ấy thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn bát lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả bát lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả bát lại cho tỳ-kheo này, các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả bát lại cho tỳ-kheo có tên... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả lại bát cho tỳ-kheo có tên... này rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Nếu đã xả bát trong Tăng rồi, Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển tịnh thí hoặc sai cho người, hoặc cố làm cho hư, hoặc làm phi bát, hoặc [623a1] dùng thường xuyên,[118] tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trong mười ngày. Hoặc tịnh thí. Hoặc sai cho người. Hoặc tưởng bị cướp đoạt, bị mất, bị phá hư, bị nước cuốn trôi thì không phạm. Nếu bát bị đoạt, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi nên lấy dùng, hoặc người khác cho dùng. Hoặc tỳ-kheo nhận gởi bát qua đời, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị giặc cướp, hoặc gặp ác thú hại, hoặc bị nước cuốn trôi, không sai cho người. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXII. ĐỔI BÁT MỚI[119] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử bát bị vỡ, nên vào thành Xá-vệ nói với một cư sĩ rằng: «Ông biết cho. Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.» Bấy giờ, có cư sĩ nọ liền vào trong chợ mua cái bát cúng cho. Bạt-nan-đà lại đến nhà cư sĩ khác cũng nói rằng: «Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.» Các cư sĩ kia cũng liền đến chợ mua bát cúng dường. Bạt-nan-đà bị vỡ một cái bát mà cầu tìm nhiều bát để chứa cất. Sau đó, một thời gian các cư sĩ có cơ hội gặp nhau. Có một cư sĩ nói với các cư sĩ khác rằng: «Tôi được phước vô lượng.» Các cư sĩ hỏi: «Nhờ việc gì mà bạn được phước vô lượng?» Đáp rằng: «Tôn giả Bạt-nan-đà bị vỡ cái bát. Tôi mua cái bát cúng cho, nên được phước vô lượng.» Các cư sĩ mỗi người đều tự nói: «Chúng tôi cũng được phước vô lượng.» Các cư sĩ khác hỏi rằng: «Do nhơn duyên gì quý vị đều được phước vô lượng?» Các cư sĩ trả lời rằng: «Bạt-nan-đà bị bể cái bát, chúng tôi cũng đến chợ mua bát cúng cho Bạt-nan-đà.» Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, mong cầu không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng rằng, ‹Ta biết chánh pháp.› Như vậy thì có chánh pháp gì? Bị vỡ một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất. Đàn-việt tuy cúng dường không nhàm chán mà người thọ nhận phải biết đủ chứ!» Trong số các Tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Sao thầy bị vỡ một cái bát lại tìm cầu nhiều bát để chứa cất?» Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại bể một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: «Bạt-nan-đà này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ [120] trao cho, khiến thọ trì cho đến khi vỡ; đó là điều hợp thức.[121] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Năm chỗ trám: khoảng cách giữa hai chỗ trám bằng hai ngón tay. Tỳ-kheo nào bát bị bể dưới năm chỗ trám mà không chảy rỉ, lại tìm cầu bát mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu trám đủ năm chỗ mà không rỉ chảy lại tìm cầu bát mới, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng trong trú xứ đó. Nên đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., bát đã bị bể, dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng: «Hãy tự trách tâm mình!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Bát của vị tỳ-kheo này nếu là loại bát quý giá tốt thì nên cất lại, và lấy cái bát kém nhất trao cho vị ấy, bằng bạch nhị yết-ma, nên trao như vầy: Trong Tăng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:[122] «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao bát cho tỳ-kheo có tên này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, đã xả cho Tăng. Nay Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên... này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên là... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý, xin hãy nói.» «Tăng đã đồng ý trao bát lại cho tỳ-kheo có tên... này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Bát của tỳ-kheo kia nên đem tác bạch rồi hỏi Tăng, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem bát này theo thứ tự hỏi Thượng tọa. Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi nên đem bát trao cho Thượng tọa. Nếu Thượng tọa muốn nhận bát (mới) này thì trao cho, rồi lấy bát (cũ) của Thượng tọa trao cho vị kế. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận. Không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận. Cũng không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát tối hạ; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la.[123] Nếu vị Thượng tọa thứ hai lấy chiếc bát này thì nên lấy chiếc bát của vị Thượng tọa thứ hai trao cho vị Thượng tọa thứ ba. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận, không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận, và không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát xấu nhất; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la. Như vậy lần lượt cho đến vị hạ tọa. Hoặc đem bát của tỳ-kheo này trả lại cho tỳ-kheo này; hoặc đem bát vị tối hạ trao cho. Khi trao, nên bạch nhị yết-ma để trao. Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên... thọ trì cho đến khi vỡ. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem cái bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên... thọ trì cho đến khi vỡ. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao bát cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã đồng ý trao bát cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo kia nên giữ gìn bát này không được để chỗ đá gạch có thể rơi, không được để dưới cây gậy dựng đứng và dưới con dao dựng đứng, không được để dưới vật treo, không được để giữa đường đi, không được để trên hòn đá, không được để dưới gốc cây có trái, không được để chỗ đất không bằng phẳng. Tỳ-kheo không được dùng một tay mà nắm hai cái bát, trừ có kê ngón tay ở giữa. Không được dùng một tay cầm hai cái bát mà mở cửa, trừ phi có chú ý. Không được để trong ngưỡng cửa, dưới cánh cửa. Không được để dưới giường dây, giường cây, trừ để tạm. Không [624a1] được để trung gian giữa giường dây và giường cây. Không được để đầu góc của giường cây và giường dây, trừ để tạm. Không được đứng mà quậy bát cho đến đủ để khiến bát bị vỡ. Tỳ-kheo kia không được cố tâm làm cho bát hư hoại, không được cố ý khiến cho mất hoặc cố làm cho hư hỏng. Không nên dùng làm phi bát.[124] Xả bát ở trong Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Nếu ai bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc cố làm mất, làm hỏng, dùng làm phi bát hay dùng thường xuyên,[125] tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Năm chỗ trám bị rỉ chảy. Hoặc dưới năm chỗ trám mà rỉ chảy, tìm cầu bát mới. Hoặc đến xin nơi thân lý, nơi người xuất gia, vì người khác xin, người khác vì mình xin. Hoặc không xin mà được. Hoặc họ cúng cho Tăng, theo thứ tự được. Hoặc mình có phương tiện mua để chứa. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIII. XIN CHỈ SỢI[126] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử muốn may tăng-già-lê, nên vào thành, đến nhà một cư sĩ, nói rằng: «Ông biết không? Tôi muốn may tăng-già-lê, nên cần chỉ sợi.» Cư sĩ liền cúng chỉ sợi. Bạt-nan-đà lại đến các nhà cư sĩ khác, cũng nói rằng: «Tôi muốn may tăng-già-lê, nên cần chỉ sợi.» Bạt-nan-đà xin khắp mọi nơi như vậy, thu hoạch được một số lượng chỉ sợi rất nhiều nên nghĩ rằng: «Lúc khác, ở nơi khác, ta lại xin chỉ sợi nữa, để đủ may tăng-già-lê. Y phục của tỳ-kheo khó có được, ta nên sắm luôn ba y. Nay ta nên đem số chỉ sợi này bảo thợ dệt, dệt ba y.» Nghĩ xong liền đem chỉ đến chỗ thợ dệt, tự tay xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt. Các cư sĩ thấy vậy cơ hiềm rằng: «Các ông xem kìa, Bạt-nan-đà Thích tử tự xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt dệt ba y.» Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Sao lại tìm cầu nhiều chỉ sợi, rồi khiến thợ dệt dệt ba y; tự tay xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt dệt ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại tìm cầu nhiều chỉ sợi, tự tay xe sợi, tự đứng coi thợ dệt, dệt ba y?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tự mình xin chỉ sợi, khiến thợ dệt không phải thân quyến[127] dệt làm ba y , ni-tát-kỳ ba-dật- đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tự mình xin: chính mình xin khắp nơi. Chỉ sợi: có mười loại,[128] như trên tức là chỉ dệt mười loại y như trên. Thợ dệt không phải thân quyến, người cho chỉ chẳng phải thân quyến: không phải thân quyến[129] thì phạm. Thợ dệt chẳng phải thân quyến; người cho chỉ hoặc thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Thợ dệt chẳng phải thân quyến; người cho chỉ là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc không phải thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến; người cho chỉ hoặc là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Thợ dệt là thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Thợ dệt là thân quyến; người cho chỉ hoặc thân quyến hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Nếu tỳ-kheo tự mình xin chỉ khiến thợ dệt y, phạm xả đọa. Nếu xem thợ dệt dệt, hoặc tự mình dệt, hoặc tự mình quay chỉ, đều phạm đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả, đương sự nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng toạ, kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã tự mình cầu xin nhiều chỉ sợi, khiến thợ dệt dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tự mình cầu xin nhiều chỉ sợi khiến thợ dệt dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi mới thọ sám, nên nói với tỳ-kheo rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo phạm tội thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một vị khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tìm cầu nhiều chỉ sợi khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt y, phạm xả đoạ. Nay xả cho Tăng, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hoàn y lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tìm cầu nhiều chỉ sợi, khiến thợ dệt chẳng phải thân quyến dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên…. này. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý nên nói.» «Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Đương sự đã xả y giữa Tăng rồi, Tăng không trả y lại phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự mình làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc làm cho hư hoại, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Thợ dệt là thân quyến, người cho chỉ là thân quyến. Hoặc tự mình dệt cái đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, đựng kim, hoặc làm dây lưng ngồi thiền. Hoặc làm dây lưng thường, hoặc làm mão, làm bít tất, làm khăn trùm cho ấm, hoặc khăn gói. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIV. CHỈ DẪN THỢ DỆT[130] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một cư sĩ là bạn quen tri thức của Bạt-nan-đà Thích tử, đem chỉ tốt, bảo thợ dệt, dệt chiếc y như vậy, như vậy để cúng cho Bạt-nan-đà Thích tử. Cư sĩ đưa chỉ cho thợ dệt rồi, có việc cần đi qua thôn khác. Người thợ dệt kia đến trong Tăng-già-lam nói với Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Đại đức, chưa từng có người nào được phước như ngài.» Bạt-nan-đà hỏi: «Chuyện gì mà biết tôi là người có phước đức?» Ông thợ dệt nói: «Người cư sĩ có tên mỗ đem số chỉ này đến tôi, nói: ‹Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen của tôi, ông vì tôi dệt làm [625a1] y như vậy, như vậy để cúng cho ngài›. Do đó tôi biết Đại đức là người có phước đức.» Bạt-nan-đà lại hỏi: «Có thật như vậy không?» Ông thợ dệt dệt trả lời: «Thật như vậy.» Bạt-nan-đà nói: «Nếu muốn dệt y cho tôi thì phải dệt cho rộng, dài, đẹp, bền chắc, tỉ mỉ, mới đúng là y tôi thọ trì. Nếu không phải là thứ y mà tôi cần thọ trì thì tôi không cần.» Ông thợ dệt nói: «Loại y như Đại đức nói thì số chỉ này không đủ để dệt thành y.» Bạt-nan-đà nói rằng: «Ông cứ dệt, tôi sẽ tìm thêm chỉ đem đến cho đủ.» Sáng hôm ấy, Bạt-nan-đà đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn, rồi nói với vợ cư sĩ rằng: «Trước đây ông cư sĩ có đem chỉ đến thợ dệt bảo dệt y cho tôi, nay số chỉ ấy không đủ để dệt.» Vợ cư sĩ nghe nói liền đem cái rương đựng chỉ ra và nói với Bạt-nan-đà rằng: «Cần nhiều hay ít tùy ý ngài cứ lấy.» Bấy giờ, Bạt-nan-đà lựa lấy những thứ chỉ tốt theo ý muốn của mình, rồi đem đến thợ dệt nói rằng: «Tôi đã cung cấp đủ số chỉ như đã hứa. Ông cứ dệt thành y cho tôi.» Thợ dệt bảo rằng: «Nếu dệt theo kiểu y mà Đại đức nói, thì phải trả thêm tiền công cho tôi.» Bạt-nan-đà nói: «Ông cứ dệt như vậy. Tôi sẽ trả thêm tiền công.» Bấy giờ, thợ dệt dệt y xong, đem đến cho vợ cư sĩ. Cũng lúc ấy, ông cư sĩ vừa từ nơi khác về, hỏi vợ rằng: «Trước đây tôi đưa chỉ cho thợ dệt, bảo dệt y cho Bạt-nan-đà Thích tử. Nay y ấy đã dệt xong chưa?» Người vợ bảo rằng: «Y ấy đã dệt xong rồi. Nó đây này.» Người chồng bảo đem y đến xem. Người vợ mở rương ra cho chồng xem. Ông chồng nói với vợ rằng: «Y này không phải là kiểu y mà trước đây tôi bảo thợ dệt dệt.» Bà vợ bảo: «Chính y này đây.» Ông chồng nói rằng: «Chỉ mà bữa trước tôi đưa bảo thợ dệt dệt y, thì đây không phải là y đó.» Bấy giờ, bà vợ mới trình bày đầy đủ nhơn duyên cho chồng. Hai vợ chồng mở y ra xem. Khi ấy, Bạt-nan-đà lại đến nhà cư sĩ, hỏi rằng: «Trước đây hai ông bà bảo thợ dệt dệt y cho tôi, có phải cái này không?» «Vâng chính cái này đây.» «Như vậy có thể cho tôi nhận.» Cư sĩ liền cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử thọ nhận không biết nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự nói ‹Tôi biết chánh pháp.› Nhưng như vậy thì làm gì có chánh pháp? Đến nơi người xin y, tuy kẻ cho không nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ! Cho đến chỗ vắng cũng không được nói năng.» Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực nghe như vậy rồi, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Sao lại tham lam đi xin y nơi người?» Hiềm trách rồi về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Sao lại tham lam đi xin y nơi người?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại tham lam đi xin y nơi người?» Dùng vô số phương tiện, đức Thế tôn quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này lần đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, có cư sĩ[131] hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì tỳ-kheo dệt làm y. Tỳ-kheo kia bèn đến nhà thợ dệt nói rằng: ‹Ông biết chăng? Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho khéo, khiến cho rộng, dài, bền chắc, tỉ mỉ. Tôi sẽ trả công cho ít nhiều.› Tỳ-kheo kia trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn; nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn, vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, có các cư sĩ cúng y cho tỳ-kheo với yêu cầu tùy ý, thưa: «Đại đức cần loại y nào?» Các tỳ-kheo nghi, không dám trả lời. Đức Phật dạy: «Nếu trước đó họ yêu cầu tùy ý mà cúng y, thì nên tùy ý trả lời.» Hoặc có cư sĩ muốn dâng y quý giá cho tỳ-kheo mà tỳ-kheo ấy là vị thiểu dục tri túc, muốn được y không quý giá, mà nghi không dám nói, đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép vị thiểu dục tri túc đòi hỏi y không quý giá theo ý muốn của mình.» Từ nay về sau sẽ nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì tỳ-kheo dệt làm y. Tỳ-kheo kia trước không được yêu cầu tùy ý, mà lại đến chỗ thợ dệt nói rằng: ‹Ông biết chăng? Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho khéo, khiến cho rộng, dài, bền chắc, tỉ mỉ. Tôi sẽ trả công cho ít nhiều.› Tỳ-kheo kia trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn; nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Cư sĩ, vợ cư sĩ: cũng như trên. Tỳ-kheo trước không được yêu cầu tùy ý,[132] bèn đến tìm cầu y; nếu được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không được y, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, đột-kiết-la. Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là…, trước đó không được yêu cầu tùy ý, bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết nên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước đó không được nhận yêu cầu tùy ý bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Vị tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước không được yêu cầu tùy ý, lại đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước không được yêu cầu tùy ý, bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả lại y cho tỳ-kheo có tên này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo kia, trong Tăng đã xả y rồi mà Tăng không hoàn lại, đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước đã được yêu cầu tùy ý đến tìm cầu biết đủ, tìm cầu giảm thiểu. Hoặc đến nơi thân lý xin, hoặc không xin mà được thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXV. ĐOẠT LẠI Y[133] A. DUYÊN KHỞI [626a2] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, người đệ tử của Tôn giả Nan-đà có khả năng khuyến hóa khéo léo, được Bạt-nan-đà bảo rằng: «Nay ông cùng tôi du hành trong nhân gian. Tôi sẽ biếu y cho ông.» Đệ tử của Tôn giả Nan-đà chấp thuận. Bạt-nan-đà liền trao y cho. Sau đó, các tỳ-kheo khác nói với đệ tử của Tôn giả Nan-đà rằng: «Vì cớ gì mà ông cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian? Bạt-nan-đà là người si, không biết tụng giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.» Tỳ-kheo kia liền đáp rằng: «Nếu thật vậy thì tôi sẽ không đi theo nữa.» Sau đó, Bạt-nan-đà bảo rằng: «Ông cùng tôi du hành trong nhơn gian.» Đệ tử của A-nan-đà liền đáp: «Thầy tự đi. Tôi không thể đi theo thầy được.» Bạt-nan-đà nói rằng: «Sở dĩ trước đây tôi cho ông y là muốn ông cùng tôi du hành nhơn gian. Nay ông không đi thì trả y lại cho tôi.» Tỳ-kheo nói rằng: «Đã cho rồi, không trả lại.» Bấy giờ, Bạt-nan-đà nổi giận, liền cưỡng đoạt lấy y lại. Tỳ-kheo kia lớn tiếng bảo: «Đừng làm vậy, đừng làm vậy!» Các tỳ-kheo ở phòng gần nghe tiếng kêu la, đều tập trung lại, hỏi tỳ-kheo này rằng: «Sao thầy la lớn tiếng?» Khi ấy, tỳ-kheo mới đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với các tỳ-kheo. Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà rằng: «Tại sao đã cho y tỳ-kheo rồi, vì giận hờn mà đoạt lại?» Hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lại một cách đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn tập họp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại vì giận hờn mà đoạt y đã cho người lại?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Thế tôn nói với các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa cho đến chánh pháp lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã cho y cho tỳ-kheo khác; sau vì giận hờn tự mình đoạt hay sai người đoạt lại nói rằng: ‹Hãy trả y lại tôi, tôi không cho ngài.› Nếu tỳ-kheo kia trả y, tỳ-kheo này nhận lấy, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y: có mười loại, như trên đã nói. Nếu tỳ-kheo nào đã cho y cho tỳ-kheo, sau đó vì giận hờn hoặc tự mình đoạt lại, hay sai người đoạt lại, lấy đem cất, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu đoạt lại mà không dấu cất, phạm đột-kiết-la. Nếu y được máng trên cây, để trên tường, trên rào, trên nọc, trên móc áo[134], trên giá y, hoặc trên giường cây, giường dây, hoặc trên nệm nhỏ nệm lớn, trên ghế nhỏ; hoặc trải trên đất; lấy khỏi chỗ của nó, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Lấy mà không lìa khỏi chỗ, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau ăn năn, vì giận hờn đoạt lại, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên bảo với người kia rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả y lại cho tỳ-kheo này liền bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng nên lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đoạ, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên… Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo , sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đoạ, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này, trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý nên nói.» «Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Nếu trong Tăng, đã xả y rồi mà Tăng không trả lại, đột-kiết-la. Nếu có ai bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc tự làm ba y, hoặc sai cho người, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm hư hoại, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Không vì giận hờn mà nói: «Tôi hối tiếc, không muốn cho y cho thầy, trả y lại cho tôi.» Nếu người kia cũng biết tâm người này có sự hối tiếc, liền trả y lại. Hoặc người khác nói: «Tỳ-kheo này hối tiếc, nên trả y lại cho người ta.» Hoặc mượn y của người khác mặc; người khác mặc mà không hợp đạo lý đoạt lấy lại thì không phạm. Nếu sợ mất y hoặc sợ hư hoại, hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng phải diệt tẫn, hoặc vì việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn; vì các trường hợp trên đoạt lấy lại mà không cất chứa. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [135]
Chú thích: [108] Pali, Nissaggiya 21, atirekapatta, Vin. iii. 240. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 20. [109] Đoạn sau, nói là Bạt-nan-đà. [110] Tô-ma quốc 蘇摩國. Một trong 16 đại quốc thời Phật, theo liệt kê của Trung A-hàm 55 (T1n26, tr.772b17). Liệt kê này không đồng nhất với Trường A-hàm 5 (Kinh Xà-ni-sa), và các bản Pali (A.vii.43 v.v.). Phiên Phạn ngữ 8 (T54n2130, tr.1035a18): Tô-ma, dịch là Nguyệt 月. Bát sản xuất tại nước Tô-ma được xem là 1 trong 6 loại bát hợp pháp. [111] Căn bản 22: không phân biệt. Xem cht. 14, Ni-tát-kỳ 1. Pali không có chi tiết này. [112] Ô-già-la quốc 烏伽羅國; địa danh sản xuất bát. Pali không đề cập. Có thể Pali là Ugga-nigama, một thị trấn trong Vương quốc Kosala. [113] Ưu-già-xa quốc 憂伽賒國; địa danh chưa rõ. [114] Pali: bát có hai loại, ba cỡ, như bản Hán, nhưng không nói xuất xứ của bát. Các bộ khác cũng không nói xuất xứ như Tứ phần. [115] Thiết bát, nê bát 鐵缽泥缽. Pali: ayopatta, mattikapatta. [116] Pali, Vin.iii. 243, bát có ba cỡ . Lớn, lượng một āḷhaka cơm; trung, một nāḷika cơm; nhỏ, một pattha. Thập tụng 7 (T.1435, tr. 53b): cỡ lớn, ba bát-tha cơm; cỡ nhỏ, một bát-tha. [117] Tiểu chú trong bản Hán. [118] Cho chóng hư. Xem Ni-tát-kỳ 1. [119] Pali, Nissaggiya 22, ūnapañcabandhana. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 19. [120] Pali: yo ca tassā bhikkhuparisāya pattapariyanto, tối hạ bát của chúng tỳ-kheo đó. Ngũ phần 5 (T. 1421, tr.34a), Thập tụng 8 (T. 1435, tr.54b), Căn bản 22 (T. 1442, tr.745c): chúng trung tối hạ bát. [121] Nguyên Hán: thử thị thời 此是時. Ngũ phần, Thập tụng: thị pháp ưng nhĩ. Căn bản: thử thị kỳ pháp. Pali: ayaṃ tattha sāmīcī, đó là tiến trình hợp thức; giải thích: ayaṃ tattha anudhammatā, điều đó là sự tuỳ thuận pháp tánh trong đây. [122] Thập tụng, nt., gọi là yết-ma Tăng sai «hành mãn thủy bát nhân,» người thực hiện nghi thức bát đầy nước. Tức Tăng sai tỳ-kheo đổi bát. Đưa bát phạm xả, vì là tốt nhất, cho Thượng tọa lớn nhất. Nếu Thượng tọa nhận bát mới này, lấy bát cũ của Thượng tọa trao cho vị Thượng tọa kế. Lần lượt xuống đến tối hạ tọa. Cho đến khi, trong chúng không ai muốn đổi nữa, thì lấy bát được đổi cuối cùng trao cho tỳ-kheo phạm xả. Pali gọi đây là yết-ma Tăng sai người nhận bát để đổi (bhikkhu pattagāhāpako). [123] Văn hơi tối. Tham khảo Pali: na ca tassa anuddayatāya na gahetabbo. yo na gaṇheyya, āpatti dukkaṭassa, «(vị kế tiếp) không nên vì sự thương tưởng vị ấy (?) mà không nhận. Ai không nhận, phạm đột-kiết-la.» Câu văn Pali cũng không rõ, vì đại từ tassa có thể chỉ tỳ-kheo phạm xả, cũng có thể chỉ cho vị Thượng tọa vừa đổi bát. Bản dịch Anh hiểu nghĩa thứ hai. Nhưng hiểu nghĩa thứ nhất, thì tỳ-kheo này không nhận bát, để cuối cùng tỳ-kheo phạm xả vẫn nhận được bát tốt như ý muốn. Vì vậy, tỳ-kheo nào không nhận vì lý do này phạm đột-kiết-la. [124] Phi bát dụng 非缽用; sử dụng không đúng chức năng của bát. [125] Cho chóng vỡ. [126] Pali, Nissaggiya 26: Suttaviññatti. Ngũ phần, Ni-tát-kỳ 11. Tăng kỳ, Ni-tát-kỳ 26. Thập tụng, Căn bản, Ni-tát-kỳ 23. [127] Pali: tantavāyehi, bởi những người thợ dệt, không phân biệt thân lý hay không thân lý. [128] Pali: sáu loại chỉ để dệt sáu loại y cho phép. Ngũ phần cũng không phân biệt. [129] Các bản Tống-Nguyên-Minh không có câu lặp này. [130] Pali: Nissaggiya 27, Mahāpeskāra. Ngũ phần, Ni-tát-kỳ 12. Tàng kỳ, Ni-tát-kỳ 27. [131] Pali: aññātako gahapati, cư sĩ không phải bà con. Thập tụng, Căn bản: phi thân lý cư sĩ, cư sĩ phụ. [132] Tự tứ thỉnh 自恣請. Pali: pubbe pavārito, được yêu cầu nói sở thích. [133] Tăng kỳ, Ni-tát-kỳ 24. Pali, Nissaggiya 25, cīvara-acchindana. [134] Long nha dặc; xem cht. trên [135] Bản Hán, hết quyển 9. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XXVI. THUỐC BẢY NGÀY[136] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo gặp gió mùa thu phát sanh bệnh, nên thân hình gầy còm, lại sanh ghẻ lở. Đức Thế tôn ở nơi nhàn tịnh, nghĩ rằng[137] «Hiện nay là mùa thu, các tỳ-kheo gặp phải gió độc sanh bệnh, thân hình gầy còm, lại sanh ghẻ dữ. Ta cần thích nghi khiến các tỳ-kheo được uống các loại thuốc, vừa là thức ăn mà vừa là thuốc uống, như ăn cơm hay cơm khô, không nên để cho bày cái vẻ thô xấu ra.»[138] Ngài lại nghĩ: «Hiện tại có năm thứ thuốc mà người đời biết như váng sữa, dầu, bơ, mật, đường mía.[139] Các tỳ-kheo được phép dùng năm thứ thuốc này, vừa là thức ăn mà vừa là thuốc uống như cơm, cơm khô, không nên để cho bày cái vẻ thô xấu ra.» Bấy giờ, đức Thế tôn từ nơi tịnh thất đi ra, vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Ta vừa ở nơi tịnh thất, khởi lên ý nghĩ: ‹Hiện nay là mùa thu, các tỳ-kheo gặp phải gió độc sanh bệnh, thân hình gầy còm, lại sanh ghẻ dữ. Ta cần thích nghi khiến các tỳ-kheo được uống các loại thuốc, vừa là thức ăn mà vừa là thuốc uống, như ăn: cơm, cơm khô, không nên để cho thô hiện.› Ta lại nghĩ: ‹Hiện tại có năm thứ thuốc mà người đời biết như váng sữa, dầu, [627a1] bơ tươi, mật, mật mía. Các tỳ-kheo được phép dùng năm thứ thuốc này, vừa là thức ăn mà vừa là thuốc uống như cơm, cơm khô, không nên để cho bày cái vẻ thô xấu ra.» Bởi vậy, cho nên cho phép các tỳ-kheo uống năm thứ thuốc khi có nhân duyên bệnh.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được các thức ăn ngon béo, hay nhận được thịt, canh thịt, nhưng không thể ăn kịp thời[140] huống chi năm thứ thuốc này làm sao kịp thời để uống? Do vậy, thuốc tuy chứa nhiều mà bệnh vẫn không thuyên giảm, hình thể vẫn gầy còm, lại sanh các loại ghẻ lở. Bấy giờ, đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan: «Các tỳ-kheo này sao hình thể gầy còm, lại sanh các loại ghẻ lở?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo bệnh này tuy đã nhận được thức ăn ngon béo, được thịt, canh thịt, nhưng không thể ăn kịp thời; huống chi năm thứ thuốc này làm sao kịp thời để uống. Do đó, thuốc tuy chứa nhiều mà bệnh vẫn không lành, cho nên hình thể vẫn gầy còm, vẫn sanh ghẻ lở.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo vì bệnh duyên, dù thời hay phi thời, cũng được uống năm thứ thuốc này.» Khi ấy, các tỳ-kheo bệnh nhận được đồ ăn thức uống ngon bổ, nhận được thịt, canh thịt, nhưng không thể ăn kịp thời, nên đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn no rồi nên không ăn nữa, đem thức ăn ấy bỏ ra ngoài. Các loài chim tranh nhau ăn nên kêu la inh ỏi. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi Tôn giả A-nan: «Tại sao các loài chim kêu la như thế ?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo bệnh nhận được đồ ăn thức uống ngon bổ, nhận được thịt, canh thịt, nhưng không thể ăn kịp thời, nên đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn no rồi nên không ăn nữa, đem thức ăn ấy bỏ ra ngoài. Các loài chim tranh nhau ăn nên kêu la inh ỏi như thế.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Từ nay về sau cho phép thức ăn dư của bệnh nhơn, người nuôi bệnh dù đã ăn đủ no hay ăn chưa đủ no, được phép ăn theo ý mình.»[141] Khi ấy, các tỳ-kheo buổi sáng thọ tiểu thực rồi vào thôn khất thực. Ăn đủ no rồi, trở lại trong Tăng-già-lam, đem thức ăn đã nhận khi sáng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo vì đã ăn no rồi nên không ăn nữa, đem bỏ ra ngoài. Các loài chim tranh nhau ăn kêu la. Bấy giờ, đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi Tôn giả A-nan: «Tại sao các loài chim kêu la như thế ?» Tôn giả A-nan đem nhân duyên trên thưa đầy đủ lên đức Phật, vì vậy cho nên các loài chim kêu la. Đức Phật dạy Tôn giả A-nan: «Từ nay về sau, nếu đã nhận thức ăn tiểu thực rồi, hoặc ăn no rồi, cho phép làm pháp dư thực để ăn.» Làm pháp dư thực như sau: «Bạch Đại đức, tôi đã ăn no rồi. Ngài xem cho, biết cho.» Đó là cách tác pháp dư thực. Vị kia nên nói rằng: «Hãy ngăn lòng tham của ngươi!» Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn. (Có những nhơn duyên khác như trong ba-dật đề, nói về pháp dư thực giống nhau nên không chép ra).[142] Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh phong.[143] Thầy thuốc bảo dùng năm loại mỡ: mỡ gấu, mỡ cá, mỡ lừa, mỡ heo, mỡ cá ma-kiệt.[144] Cho phép dùng năm loại mỡ này, thọ nhận đúng lúc, nấu đúng lúc, và lọc đúng lúc, uống như phép dùng dầu. Nếu nhận không đúng lúc, nấu không đúng lúc, lọc không đúng lúc mà sử dụng thì trị như pháp.[145] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, từ nước Xá-vệ, du hành trong nhơn gian cùng đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo. Bấy giờ là lúc lúa gạo khan hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó khăn, lại có năm trăm người hành khất đi theo sau đức Thế tôn. Khi đức Thế tôn an tọa dưới một bóng cây, thì có tượng sư Tư-ha Tỳ-la-trà[146] chở năm trăm chiếc xe đường mía từ con đường kia đi lại.[147] Bấy giờ, tượng sư thấy trên đường có dấu chân với bánh xe nghìn nan hoa của đức Như Lai, hiện rõ ra tướng ánh sáng trong sạch đẹp đẽ, đầy đủ. Thấy vậy, tượng sư theo dấu chân tìm đến. Từ xa trông thấy đức Thế tôn an toạ dưới bóng cây, dung nhan đoan chánh, các căn tịch định, đã hoàn toàn được chế ngự, như voi chúa đã thuần thục; cũng như suối nước trong veo sạch sẽ, trong ngoài đều thanh tịnh. Thấy vậy, tượng sư phát lòng hoan hỷ, đến chỗ đức Như Lai, trước mặt ngài, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện vì tượng sư nói pháp vi diệu khiến cho tượng sư sanh tâm hoan hỷ, rồi cúng dường các tỳ-kheo mỗi vị một bát đường mía. Các tỳ-kheo không dám thọ nhận: «Đức Như lai chưa cho phép các tỳ-kheo thọ nhận đường mía đen[148].» Và các Tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo thọ nhận đường mía đen.» Đức Phật nói với tượng sư: «Chỉ cần một chum đường cũng đủ cho các tỳ-kheo.»[149] Tượng sư phụng hành lời dạy của Như Lai, đem một chum đường phân phát cho các tỳ-kheo rồi, số đường vẫn còn dư. Đức Phật bảo tượng sư: «Ông cứ tùy ý tiếp tục phân phối đầy đủ cho đến ba lần.» Bấy giờ, tượng sư vâng lời Phật dạy, phân phối đầy đủ ba lần, nhưng vẫn dư. Đức Phật bảo tượng sư: «Ông có thể đem số đường còn thừa cho những người hành khất.» Tượng sư liền đem cho họ mà vẫn còn. Đức Phật bảo nên cho họ đến ba lần. Tượng sư cho họ ba lần mà vẫn cứ còn thừa. Đức Phật bảo tượng sư: «Nay ông đem số đường mía thừa này đổ nơi tịnh địa, trong nước không có trùng. Tại sao vậy? Vì ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và người đời nào ăn loại đường dư này mà có thể tiêu hoá được, chỉ trừ một người là Như Lai.» Tượng sư liền đem đường mía dư để nơi tịnh địa, trong nước không có trùng. Khi đổ vào trong nước, nước chấn động thành âm thanh, phát sanh khói như đốt lửa, giống như nung một cục sắt đỏ rồi bỏ vào trong nước. Đường mía dư đổ vào nước, có âm thanh chấn động và phát sanh ra khói, cũng giống như vậy. Tượng sư mục kích sự biến động lạ thường như vậy, lông trong người đều dựng ngược lên, ôm lòng sợ sệt, liền đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên vừa rồi bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn thấy tượng sư sợ sệt, liền vì ông mà nói pháp vi diệu, nói về phước của bố thí, trì giới, và sanh thiên, chỉ trích dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất ly. Tượng sư liền từ chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đạt được pháp nhãn tịnh, kiến pháp, đắc pháp, chứng được quả, rồi bạch Phật rằng: «Từ nay về sau con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế tôn cho con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Bấy giờ, tượng sư nghe nói pháp, mọi trói buộc được khai giải, sanh lòng hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng rồi cáo lui. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo vào trong thôn khất thực, thấy người ta làm đường mía có trộn tạp vật vào, nên nghi, không dám ăn khi phi thời. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Cho phép dùng phi thời. Vì cách làm đường nó như vậy.» Các tỳ-kheo nhận được loại đường mía chưa thành, nghi. Phật dạy: «Cho phép dùng.» Nhận được loại đường mía lỏng, đường mía đặc, Phật đều cho phép dùng. Loại đường trắng, Phật cũng cho dùng. Đường mía pha nước, Phật cũng cho dùng. Nước mía chưa đun chín cho uống. Đun chín rồi, không cho uống, nếu uống trị như pháp. Được mía cây, Phật cho dùng đúng thời. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn du hành trong nhơn gian từ biên giới nước Ma-kiệt-đà, đến thành La-duyệt. Khi ấy Tất-lăng-già-bà-ta [150] có nhiều người quen ở trong thành này, và có nhiều đồ chúng. Khi nhận được nhiều phẩm vật cúng dường như váng sữa, dầu, bơ tươi, mật, đường mía, đều cho các đệ tử. Các đệ tử được thầy cho, chứa đầy cả lu lớn, bình, bát lớn, bát nhỏ, trong đãy đựng bát, đãy lọc nước v.v… đem treo lên trụ cây, trên móc áo, nơi cửa sổ, treo khắp các nơi, rỉ chảy lung tung, khiến phòng xá bị hôi thối. Bấy giờ, các trưởng giả đến thăm, vào phòng thấy dồn chứa, tích trữ các loại thuốc nhiều một cách bừa bãi như vậy, đều hiềm trách rằng: «Sa-môn Thích tử không biết dừng nghỉ, cầu nhiều [628a1] không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là ta biết Chánh pháp. Nhưng như vậy thì làm gì có Chánh pháp! Dồn chứa nhiều loại thuốc, như kho tàng của Vua Bình-sa không khác.» Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách đệ tử của Tất-lăng-già-bà-ta: «Sao lại dồn chứa, tích trữ các loại thuốc nhiều một cách bừa bãi như vậy?» Hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách đệ tử của Tất-lăng-già-bà-ta rằng: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại dồn chứa nhiều loại thuốc đến rỉ chảy lung tung như kho đồ chứa của Vua Bình-sa không khác?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào có bệnh, các loại thuốc dư tàn[151] như tô, dầu, sanh tô, mật, đường mía,[152] được dùng trong vòng bảy ngày. Nếu quá bảy ngày mà còn dùng, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bệnh: được thầy thuốc bảo phải uống thứ thuốc nào đó. Thuốc: tô, dầu, sanh tô, mật, đường mía. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất được thuốc, chứa cất; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư cho đến ngày thứ bảy được thuốc, chứa cất. Ngày thứ tám, khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong bảy ngày, ni-tát-kỳ ba-dật- đề. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai không nhận được thuốc. Ngày thứ ba nhận được thuốc, ngày thứ tư nhận được thuốc, như vậy cho đến ngày thứ bảy nhận được thuốc. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong sáu ngày đều ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, ngày thứ hai nhận được thuốc. Ngày thứ ba không nhận được thuốc (như vậy chuyển lần xuống cho đến bảy ngày không nhận được thuốc, đặt câu văn cũng như vậy).[153] Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai, ngày thứ ba không nhận được thuốc. Ngày thứ tư nhận được thuốc, cho đến ngày thứ bảy nhận được thuốc. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong năm ngày đều Ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được thuốc, ngày thứ năm nhận được thuốc (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thư sáu, ngày thứ bảy không nhận được thuốc, đặt câu văn cũng như vậy). Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được thuốc. Ngày thứ năm nhận được thuốc, cho đến ngày thứ bảy nhận được thuốc. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong bốn ngày đều Ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, ngày thứ hai nhận được thuốc. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được thuốc (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ bảy không nhận được thuốc, đặt câu văn cũng như vậy). Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được thuốc. Ngày thứ sáu, ngày thứ bảy nhận được thuốc. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong ba ngày đều ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, ngày thứ hai nhận được thuốc. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được thuốc. Ngày thứ bảy nhận được (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được thuốc, đặt câu văn cũng như vậy). Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được thuốc. Ngày thứ bảy nhận được thuốc. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong hai ngày đều ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, ngày thứ hai nhận được thuốc. Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được thuốc (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được thuốc, đặt câu văn cũng như vậy). Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc. Ngày thứ hai, ngày thứ ba không nhận được, cho đến ngày thứ bảy không nhận được. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong một ngày, ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc, không tịnh thí. Ngày thứ hai được thuốc tịnh thí. Ngày thứ ba được thuốc, cho đến ngày thứ bảy được thuốc không tịnh thí. Ngày thứ tám khi bình minh xuất hiện, số thuốc nhận được trong sáu ngày đều ni-tát-kỳ. Tỳ-kheo nào ngày thứ nhất nhận được thuốc không tịnh thí. Ngày thứ hai được thuốc, ngày thứ ba được thuốc tịnh thí, ngày thứ tư được thuốc không tịnh thí (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ bảy được thuốc tịnh thí, không tịnh thí, đặt câu văn cũng như trên). Sai cho người (đặt câu văn cũng như trên). Hoặc mất, hoặc cố làm hư hoại, hoặc làm phi dược, hoặc tác ý để thân hậu lấy, hoặc quên đi (xây dựng câu văn cũng như trên) đều ni-tát-kỳ. Nếu thuốc phạm xả đọa mà không xả lại để lấy thuốc khác thì phạm một ni-tát-kỳ, một đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người. Không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là…, đã cố ý chứa thuốc dư quá bảy ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước phải tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cố ý chứa thuốc dư quá bảy ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.» Bạch rồi sau đó mới thọ sám, nên bảo người kia rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo phạm tội thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả thuốc lại cho tỳ-kheo kia. Vật sở hữu quá bảy ngày của tỳ-kheo kia như bơ, dầu thì nên thoa vào cửa, nơi bị kêu; mật, thạch mật thì cho người giữ vườn. Hoặc đến ngày thứ bảy xả cho tỳ-kheo, tỳ-kheo kia nên lấy ăn. Nếu dưới bảy ngày thì nên trả lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cố ý chứa thuốc dư, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, hoàn thuốc lại cho Tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cố ý chứa thuốc dư, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Tăng nay hoàn lại thuốc cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng hoàn thuốc lại cho tỳ-kheo có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả lại thuốc cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo này lấy thuốc lại rồi nên dùng thoa gót chân, hoặc dùng để đốt đèn. Đã xả cho Tăng rồi, Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có vị nào bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí hoặc sai cho người khác, hoặc cố làm hư hoại, hoặc đốt, hoặc làm phi dược, hoặc uống thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu thuốc quá bảy ngày kia là bơ, là dầu, dùng thoa cửa, chỗ có tiếng kêu. Nếu là mật, thạch mật cho người giữ vườn dùng, hoặc đến ngày thứ bảy xả cho tỳ-kheo dùng. Nếu chưa đủ bảy ngày, hoàn lại cho tỳ-kheo kia dùng thoa gót chân, hoặc đốt đèn thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVII. Y TẮM MƯA[154] A. DUYÊN KHỞI Một thời, Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu [155] thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo ngày mai thọ thực. Liền trong đêm đó, bà sửa soạn đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Sáng sớm, sai tỳ nữ đến trong Tăng-già-lam thỉnh Phật và Tăng đã đến giờ phó trai.[156] Hôm ấy nhằm ngày trời mưa như trút nước.[157] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Ngày hôm nay, các ông ra hết ngoài mà tắm mưa. Trận mưa ngày hôm nay là cuối mùa. Như bây giờ Diêm phù đề đang mưa, nên biết trong cả bốn thiên hạ cũng vậy.» [629a1] Các tỳ-kheo nghe đức Phật dạy rồi, đều lõa hình mà ra khỏi phòng để tắm. Khi ấy, tỳ nữ đến ngoài cửa Tăng-già-lam, nhìn vào thấy các tỳ-kheo đều đang lõa hình tắm, bèn nghĩ: «Nơi đây không có sa-môn, mà tất cả đều là loã hình ngoại đạo.» Tỳ nữ chạy về báo cáo với Tỳ-xá-khư Mẫu: «Đại gia nên biết, ở trong Tăng-già-lam, tất cả đều là ngoại đạo lõa hình chứ không có sa-môn.» Tỳ-xá-khư Mẫu là người nữ thông minh trí tuệ, liền nghĩ: «Vừa rồi trời mưa. Có lẽ các tỳ-kheo thoát y, loã hình tắm dưới mưa. Tỳ nữ không biết nên báo cáo như vậy.» Tỳ-xá-khư Mẫu sai tỳ nữ trở lại nơi Tăng-già-lam, bạch các tỳ-kheo là: «Đã đến giờ rồi.» Tỳ nữ liền trở lại bên ngoài Tăng-già-lam, nhìn vào không thấy vị nào cả. Vì lúc ấy, các tỳ-kheo tắm đã xong, mặc y, vào phòng tĩnh tọa tư duy. Tỳ nữ đứng bên ngoài cửa, thấy Tăng-già-lam vắng vẻ, không người. Lại nghĩ: «Hiện tại Tăng-già-lam trống vắng không có tỳ-kheo.» Liền trở về thưa với Tỳ-xà-khư Mẫu rằng: «Đại gia nên biết, trong Tăng-già-lam trống vắng, không có vị tỳ-kheo nào cả.» Tỳ-xá-khư Mẫu là người trí tuệ thông minh, liền nghĩ rằng: «Chư tỳ-kheo tắm xong, chắc các ngài vào tịnh tọa tư duy. Tỳ nữ không biết nên nói là trong Tăng-già-lam trống vắng, không có vị tỳ-kheo nào.» Do vậy, Tỳ-xá-khư Mẫu lại bảo tỳ nữ chạy vội lại trong Tăng-già-lam, cao tiếng thưa: «Đã đến giờ rồi.» Bấy giờ, đức Thế tôn từ trong tịnh thất bước ra, nói với tỳ nữ rằng: «Ngươi về trước. Ta sẽ đến ngay bây giờ.» Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo, giờ đã đến rồi, nên đắp y, bưng bát. Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, thảy đều đắp y, bưng bát. Đức Thế tôn cùng đại Tăng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Kỳ-hoàn tịnh xá hốt nhiên biến mất, và xuất hiện nơi nhà của Tỳ-xá-khư Mẫu, an tọa nơi chỗ ngồi, y phục không ướt, tất cả đều như vậy. Sau đó, tỳ nữ mới về đến nhà, thấy đức Thế tôn và Tăng tỳ-kheo đã đến nhà trước, chỗ ngồi đã ổn định, y phục không ướt. Thấy vậy liền khởi ý niệm: «Đức Thế tôn thật là kỳ diệu đặc biệt, có đại thần lực; đi sau mà lại đến trước mình.» Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu dùng các đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo. Ăn xong, cất dọn bát, Tỳ-xá-khư Mẫu đặt ghế thấp ngồi phía trước, bạch Phật rằng: «Cúi xin đức Thế tôn cho phép con được thỉnh nguyện.» Đức Phật nói với Tỳ-xá-khư Mẫu: «Như lai không cho mọi người quá điều thỉnh nguyện.»[158] Tỳ-xà-khư Mẫu lại bạch Phật rằng: «Bạch Đại đức, nếu nguyện thanh tịnh và khả thi, xin ban cho con.» Đức Phật dạy: «Tùy ý.» Tỳ-xà-khư Mẫu bạch đức Thế tôn rằng: «Hoặc có các tỳ-kheo khách nào từ phương xa đến chưa biết nơi chốn. Nguyện Thế tôn cho phép con được cúng dường thức ăn cho tỳ-kheo khách; trọn đời cung cấp.[159]» Lại bạch Thế tôn: «Tỳ-kheo muốn đi xa, có thể vì sự ăn mà không theo kịp đồng bạn.[160] Nguyện Thế tôn cho phép con cúng thức ăn cho tỳ-kheo đi xa; trọn đời cúng dường.» «Các Tỳ-kheo bệnh, nếu không được thức ăn hợp với chứng bệnh thì có thể mạng chung. Nếu được thức ăn hợp với bệnh thì sẽ được lành bệnh. Nguyện Thế tôn cho phép con trọn đời được cúng dường thức ăn cho các vị tỳ-kheo bệnh.» Lại bạch Thế tôn: «Các tỳ-kheo bệnh, nếu không có thuốc hợp với bệnh thì có thể mạng chung. Nếu được thuốc hợp với bệnh thì bệnh sẽ được lành. Nguyện Thế tôn cho phép con trọn đời được cúng dường thuốc trị bệnh cho các tỳ-kheo bệnh. «Các tỳ-kheo nuôi bệnh, lại tự mình đi khất thực nên không chu toàn việc chăm sóc người bệnh. Nguyện Thế tôn cho phép con trọn đời được cúng dường thức ăn cho người nuôi bệnh. «Đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo nước A-na-tần-đầu [161] được ăn cháo.[162] Nếu đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo đó ăn cháo thì con xin nguyện trọn đời được cúng dường cháo. «Sáng nay, con sai tỳ nữ đến trong Tăng-già-lam để bạch đến giờ thọ thực. Các tỳ-kheo đều lõa hình tắm trong mưa. Cúi xin đức Thế tôn cho phép con trọn đời được cung cấp áo tắm mưa[163] cho các tỳ-kheo.» Lại bạch Thế tôn: «Con có chút nhơn duyên, đến bên bờ sông A-di-la-bạt-đề,[164] thấy các tỳ-kheo-ni lõa hình mà tắm. Khi ấy có các tặc nữ, dâm nữ, đến chỗ các tỳ-kheo-ni nói rằng: «Các cô tuổi nhỏ, dung mạo đoan chánh, dưới nách chưa có lông. Bây giờ đến tuổi trẻ khoẻ, sao không tập chuyện ái dục. Hãy để tuổi già sẽ tu tập phạm hạnh. Như vậy, cả hai đều được cả?» Trong số các tỳ-kheo-ni trẻ tuổi này có vị liền sanh tâm không vui. Cúi xin đức Thế tôn cho phép con trọn đời được cung cấp áo tắm cho tỳ-kheo-ni.» Lúc bấy giờ, đức Phật nói với Tỳ-xá-khư Mẫu: «Bà vì mục đích gì mà thỉnh nguyện tám điều như vậy» Tỳ-xá-khư Mẫu bạch Phật rằng: «Nếu có tỳ-kheo từ phương xa đến, bạch Thế tôn rằng: ‹Có tỳ-kheo tên như vậy đã qua đời. Vị ấy sanh về chỗ nào?› Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền ký thuyết cho rằng, trong bốn đạo quả ắt sẽ chứng hoặc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, hoặc quả A-la-hán. Và con sẽ thưa hỏi: ‹Vị tỳ-kheo qua đời kia đã từng đến nước Xá-vệ này chưa?› Nếu con được nghe biết là vị ấy đã từng đến. Con lại khởi lên ý nghĩ, ‹Vị khách tỳ-kheo ấy đã từng nhận đồ ăn do con cúng dường các tỳ-kheo khách mới đến.› «Hoặc các tỳ-kheo sắp đi xa nhận thức ăn. Hoặc các tỳ-kheo bệnh nhận thức ăn. Hoặc các tỳ-kheo bệnh nhận thuốc. Hoặc người nuôi bệnh nhận thức ăn. Hoặc người nhận cháo. Hoặc nhận y tắm mưa. Khi con nghe những lời (ký thuyết) như vậy liền phát tâm hoan hỷ. Khi đã phát tâm hoan hỷ rồi, con liền xả bỏ các thân ác. Khi thân ác đã trừ bỏ liền được thân lạc. Do đã được thân lạc, tâm của con được chánh định. Khi tâm được chánh định liền có khả năng chuyên tâm tu tập căn, lực, và giác ý.» Đức Thế tôn khen: «Lành thay, lành thay! Tỳ-xá-khư Mẫu, những điều này là thật. Tại sao vậy? Bà là đàn-việt thông minh trí tuệ, thâm tín.» Bấy giờ, đức Thế tôn vì bà Tỳ-xá-khư Mẫu nói bài tụng: Hoan hỷ cúng ẩm thực; Đệ tử Phật trì giới. Bố thí cho mọi người, Hàng phục tâm keo kiết. Nhân vui thọ báo vui, Hằng được vui an ổn. Được xứ sở thiên thượng; Đạt Thánh đạo vô lậu. Tâm vui với phước đức, Khoái lạc không thể ví. Được sanh nơi thiên thượng Sống lâu thường an lạc! Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhiều phương tiện nói pháp cho Tỳ-xá-khư Mẫu, khuyến khích khiến cho bà được hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi trở về trong Tăng-già-lam. Vì nhơn duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo, nói pháp tùy thuận, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà trang nghiêm tốt đẹp, khen ngợi vui xuất ly, và bảo các tỳ-kheo khác rằng: «Từ nay về sau, Ta cho phép thức ăn cho các tỳ-kheo khách đến, thức ăn cho tỳ-kheo sắp đi xa,[165] thức ăn cho tỳ-kheo bệnh, thuốc cho tỳ-kheo bệnh, thức ăn cho người nuôi bệnh,[166] cho phép ăn cháo, cho phép nhận y tắm mưa cho tỳ-kheo và y tắm cho tỳ-kheo-ni.» Tỳ-xá-khư Mẫu nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo được thọ dụng như vậy rồi, bà liền cung cấp trọn đời từ thức ăn cho tỳ-kheo khách, cho đến, y tắm cho tỳ-kheo-ni. Xá-khư mẫu sau khi nghe đức Phật cho phép rồi liền may sắm nhiều y tắm mưa, sai người mang đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Các [630a1]tỳ-kheo bèn phân chia. Đức Phật dạy: «Không nên phân chia. Tùy thứ tự, từ trên Thượng tọa trở xuống mà trao. Nếu trao chưa đủ thì nhớ theo thứ tự để sau trao tiếp. Kỳ sau nhận được y thì theo thứ tự đó trao tiếp cho đủ.» Có thí chủ đem y quý giá đến, cũng theo thứ tự mà trao. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Phải theo thứ tự từ trên Thượng tọa trở xuống mà hỏi. Nếu vị thượng tọa ấy không cần thì mới theo thứ tự mà trao. Nếu không đủ thì lấy phần y trong Tăng có thể phân chia được, đem phân chia cho đủ.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo, khi nghe Phật cho phép tỳ-kheo chứa y tắm mưa, nên suốt cả năm, xuân, hạ cũng như đông, thường cầu y tắm mưa. Họ không xả y tắm mưa mà đem dùng vào việc khác. Hiện có y tắm mưa, nhưng họ vẫn lõa hình mà tắm. Các tỳ-kheo nghe thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tuy đức Như Lai đã cho phép tỳ-kheo chứa y tắm mưa, nhưng sao trong suốt năm, xuân, hạ cũng như đông, các thầy lại luôn luôn tìm cầu y tắm mưa? Không xả y tắm mưa, lại đem dùng vào việc khác; hiện có y tắm mưa tại sao vẫn loã hình mà tắm?» Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại suốt năm tìm cầu y tắm mưa?» Dùng vô số phương tiện quở trách lục quần rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, mùa xuân còn một tháng có thể tìm cầu y tắm mưa; còn lại nửa tháng, có thể dùng. Nếu tỳ-kheo quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, dùng quá trước nửa tháng, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y tắm mưa: [167] Y dùng tắm trong khi mưa. Y: có mười loại như đã nói trên. Từ mười sáu tháng ba,[168] tỳ-kheo nên tìm cầu y tắm mưa. Từ mồng một tháng tư nên dùng. Nếu tỳ-kheo trước ngày mười sáu tháng ba tìm cầu y tắm mưa, trước mồng một tháng tư sử dụng, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, đột-kiết-la. Khi muốn xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng về Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, dùng quá trước nửa tháng, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, dùng quá trước nửa tháng, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo kia. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả y tắm mưa lại cho tỳ-kheo kia bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Tăng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo dự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, sử dụng quá trước nửa tháng, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại y tắm mưa cho tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.» Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, sử dụng quá trước nửa tháng, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả lại y tắm mưa cho tỳ-kheo có tên… này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả lại y tắm mưa cho tỳ-kheo có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã đồng ý trả lại y tắm mưa cho tỳ-kheo này rồi. Tăng chấp nhận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. » Đã xả y tắm mưa cho Tăng rồi, Tăng không trả lại, (Tăng) phạm đột-kiết-la. Khi trả, có người nào bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc đốt, hoặc dùng thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Ngày mười sáu tháng ba tìm cầu, mồng một tháng tư sử dụng. Hoặc xả y tắm mưa rồi mới dùng làm các vật dụng khác. Hoặc mặc y tắm mà tắm. Hoặc không có y tắm mưa. Hoặc làm y tắm. Hoặc giặt nhuộm. Hoặc đưa đến chỗ nhuộm.Tấ cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVIII. Y CẤP THÍ[169] A. DUYÊN KHỞI Lúc bấy giờ, đức Phật hạ an cư ở tại Tỳ-lan-nhã.[170] Đức Phật bảo A-nan: «Ông đến nói với bà-la-môn Tỳ-lan-nhã rằng: ‹Như Lai đã nhận lời thỉnh của ông, an cư mùa hạ đã xong rồi, nay muốn du hành trong nhơn gian.›» Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy đến chỗ bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nói với bà-la-môn rằng: «Như Lai nói với ông, ‹Như Lai nhận lời thỉnh của ông, an cư mùa hạ đã xong, nay muốn du hành trong nhơn gian.›» Bấy giờ, bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nghe Thế tôn nói như vậy, liền nhớ lại: «Không có lợi, không có thiện lợi gì cho ta! Ta không được gì, không điều lành nào được cả! Tại sao vậy? Vì ta đã thỉnh sa-môn Cù-đàm và chư Tăng an cư trong chín mươi ngày vừa xong mà ta đã không cúng dường.» Bấy giờ, bà-la-môn Tỳ-lan-nhã cùng A-nan đến chỗ đức Thế tôn, kính lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên. Đức Thế tôn tuần tự vì bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nói pháp vi diệu. Bà-la-môn phát tâm hoan hỷ, liền bạch đức Phật rằng: «Cúi xin đức Thế tôn và Tăng tỳ-kheo ở lại Tỳ-lan-nhã thêm chín mươi ngày nữa theo lời thỉnh mời của con.» Đức Phật nói với bà-la-môn: «Như Lai đã nhận lời thỉnh của ông, an cư mùa hạ chín mươi ngày xong rồi. Nay muốn du hành trong nhơn gian.» Bà-la-môn lại bạch: «Nguyện đức Thế tôn và Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào sáng mai.» Đức Thế tôn im lặng nhận lời. Bà-la-môn biết đức Thế tôn đã nhân lời bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng, cáo lui trở về nhà. Trong đêm ấy sắm sửa đầy đủ mọi thức ăn ngon bổ. Sáng hôm sau, đến bạch Phật ‹đã đến giờ.› Đức Thế tôn cùng Tăng gồm năm trăm vị tỳ-kheo đắp y, bưng, bát đến nhà kia, an tọa nơi chỗ ngồi. Bà-la-môn bưng thức ăn ngon bổ đến dâng cúng Phật và Tăng tỳ-kheo, khiến cho tất cả đều đầy đủ. Thọ thực xong, mỗi vị đều tự thâu bát. Bà-la-môn dùng ba y dâng cúng đức Phật, và dâng cúng cho mỗi Tăng tỳ-kheo hai y gọi là y an cư mùa hạ. Khi ấy, các tỳ-kheo không dám nhận và nói với thí chủ rằng: «Đức Thế tôn chưa cho phép nhận y mùa hạ.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Phật bảo các tỳ-kheo: «Cho phép nhận y mùa hạ.» Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Thế tôn cho phép nhận y mùa hạ, bèn suốt cả năm, ba mùa xuân, hạ và đông thường cầu xin y. An cư chưa xong cũng cầu xin y, cũng nhận y. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử an cư trong một trú xứ xong rồi, nghe tin nơi trú xứ khác tỳ-kheo hạ an cư xong nhận được nhiều y lợi dưỡng, liền đến nơi trú xứ ấy, hỏi các người rằng: «Y nhận được trong mùa an cư đã chia chưa?» Đáp: «Chưa chia.» Nói: «Chưa chia thì chia phần cho tôi với!» Bạt-nan-đà lại đến các trú xứ khác. Như vậy chẳng phải một chỗ, cũng đều hỏi rằng: «Y nhận được trong mùa an cư, ngài đã chia chưa?» Đáp: «Chưa chia.» Nói: «Chưa chia thì chia phần cho tôi với!» Bấy giờ, Bạt-nan-đà [631a1] nhận phần y nhiều chỗ, được rất nhiều phần y, đem vào trong tịnh xá Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo thấy hỏi Bạt-nan-đà rằng: «Đức Thế tôn cho phép chứa ba y, ngoài ba y không được chứa y dư. Vậy y này là y của ai?» Bạt-nan-đà trả lời: «Nhiều trú xứ nhận được y mùa an cư và tôi đã nhận được phần từ các nơi đó mang lại.» Các tỳ-kheo nghe vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Này Bạt-nan-đà Thích tử, tại sao đức Như Lai chỉ cho phép nhận y an cư mùa hạ mà lại suốt năm, ba mùa xuân hạ và đông lúc nào cũng xin y? An cư chưa xong cũng xin y, cũng nhận y?» Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử an cư chỗ này, lại nhận y chỗ khác. Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng nhiều cách quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Này Bạt-nan-đà Thích tử, Ta chỉ cho phép tỳ-kheo nhận y mùa an cư, tại sao ông suốt năm xuân, hạ và đông lúc nào cũng cầu xin y? An cư chưa xong cũng xin y, cũng nhận y? Ông có an cư chỗ này lại thọ y chỗ khác không?» Đức Thế tôn dùng mọi cách quở trách Bạt-nan-đà Thích tử trong nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo: «Không được suốt mọi mùa xuân, hạ và đông lúc nào cũng tìm cầu y, cũng không được an cư chưa xong cầu xin y hay nhận y, không được an cư chỗ này, nhận phần y an cư chỗ khác.» Bấy giờ, đức Thế tôn ở nước Xá-vệ. Khi ấy, trong quốc nội có kẻ phản nghịch, Vua Ba-tư-nặc sai hai vị Đại thần tên là Lê-sư-đạt-đa và Phú-na-la [171] đi chinh phạt. Hai vị Đại thần khởi ý niệm: «Nay chúng ta đi chinh phạt, chưa biết có được trở về hay không. Theo thường lệ, khi chúng Tăng an cư xong, chúng ta cúng dường thức ăn và dâng cúng y. Nhưng nay an cư chưa xong, không biết có nên sửa soạn thức ăn và các y vật như pháp an cư mà dâng cúng chư Tăng hay không?» Các trưởng giả này đích thân đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo như vầy: «Sáng mai, chúng tôi muốn dọn thức ăn và y an cư[172] để dâng cúng. Xin các ngài chiếu cố.» Các tỳ-kheo trả lời với các trưởng giả rằng: «Chỉ nên cúng thức ăn, khỏi phải dâng y. Tại sao vậy? Vì hạ an cư chưa xong nên không được phép nhận y, không được xin y.» Các trưởng giả bạch rằng: «Nay chúng tôi vì Vua Ba-tư-nặc sai đi chinh phạt. Chúng tôi tự nghĩ chưa biết có được trở về hay không. Chúng tôi muốn như pháp trước đây, khi hạ an cư xong được dâng cúng thức ăn và y cho chúng Tăng, nên nay chúng tôi thiết lập thức ăn và y để dâng cúng.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem vấn đề này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy rằng: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nhận y cấp thí .[173] «Các tỳ-kheo, nếu biết là y cấp thí thì nên nhận. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, mười ngày nữa mới mãn ba tháng hạ an cư, các tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí, có thể thọ nhận, thọ xong có thể chứa cất cho đến thời của y; nếu chứa quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y cấp thí: thọ thì được, không thọ thì mất.[174] Y: có mười loại như trên. Thời của y: [175] Tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng. Còn mười ngày nữa tự tứ, nếu tỳ-kheo nhận được y cấp thí, biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa mười ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng. Nếu còn chín ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí. Tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa chín ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm một ngày. Nếu còn tám ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa tám ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm hai ngày. Nếu còn bảy ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa bảy ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm ba ngày. Nếu còn sáu ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa sáu ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm bốn ngày. Nếu còn năm ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa năm ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm năm ngày. Nếu còn bốn ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa bốn ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm sáu ngày. Nếu còn ba ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa ba ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm bảy ngày. Nếu còn hai ngày nữa tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa hai ngày. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm tám ngày. Nếu sáng ngày tự tứ, tỳ-kheo nhận được y cấp thí, tỳ-kheo biết là y cấp thí thì có thể nhận. Nhận rồi có thể chứa trong ngày đó. Cho đến sau khi tự tứ xong, không thọ y ca-thi-na thì một tháng; có thọ y ca-thi-na thì năm tháng, lại tăng thêm chín ngày. Nếu tỳ-kheo được y cấp thí quá hạn về trước, quá hạn về sau, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Y này nên xả cho Tăng hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la. Nếu muốn xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng lên Thượng tọa kính lễ, quỳ gối chắp tay thưa: «Đại đứcTăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã nhận được y cấp thí, hoặc quá hạn về trước, hoặc quá hạn về sau, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Người nhận sám trước hết phải tác bạch rồi sau mới nhận sám, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo này tên là…, đã nhận được y cấp thí, hoặc quá hạn về trước, hoặc quá hạn về sau, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên là… Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nói với người kia rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo kia bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã nhận được y cấp thí, quá hạn về trước, quá hạn về sau, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trả lại y cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã nhận được y cấp thí, quá hạn về trước, quá hạn về sau, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả lại y cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận hoàn y lại cho tỳ-kheo có tên... này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã đồng ý trả lại y cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy. » Đã xả y giữa Tăng rồi, Tăng không hoàn lại phạm đột-kiết-la. Vị nào bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc thọ làm ba y và các y khác, hoặc sai cho người, hoặc mặc mãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nhận được y cấp thí không quá hạn về trước, không quá hạn về sau thì không phạm. Hoặc bị giặc cướp y, hoặc y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, quá hạn về trước không phạm. Hoặc khởi tưởng bị cướp đoạt, tưởng bị mất, tưởng bị cháy, tưởng bị nước cuốn trôi; hoặc dọc đường bị hiểm nạn không thông, nhiều đạo tặc, nạn ác thú; hoặc nước sông lớn, nhà Vua bắt trói, nhốt, mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc vị tỳ-kheo nhận gởi qua đời, hoặc đi xa, hoặc xả giới, hoặc giặc cướp, hoặc bị ác thú hại, hoặc bị nước trôi, quá hạn về sau không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIX. A-LAN-NHÃ GẶP NẠN LÌA Y[176] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo trú tại a-lan-nhã hạ an cư xong, một tháng Ca-đề sau đã đầy.[177] Bấy giờ, có nhiều bọn cướp[178] cướp đoạt y bát, tọa cụ, ống đựng kim, vật dụng của tỳ-kheo và đánh đập các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo hoảng sợ nên kéo nhau đến Kỳ-hoàn tịnh xá cùng ở. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan: «Các tỳ-kheo này tại sao kéo nhau đến cư trú ở Kỳ-hoàn tịnh xá?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo này trú tại A-lan-nhã hạ an cư xong, một tháng Ca-đề sau đã đầy, đã bị bọn cướp cướp đoạt y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ vật dụng, chúng lại đánh đập các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo hoảng sợ nên cùng nhau đến ở nơi Kỳ-hoàn tịnh xá.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Từ nay về sau, Ta cho phép các tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ nhiều sợ sệt; an trú chỗ a-lan-nhã như vậy, tỳ-kheo muốn gởi y thì được phép gởi một trong ba y nơi nhà người.» Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật cho phép tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt; an trú chỗ như vậy, muốn gởi y thì được phép gởi một trong ba y nơi nhà người. Họ liền đem y gởi nơi nhà người, dặn dò tỳ-kheo thân hữu rồi ra đi. Sau đó, tỳ-kheo thân hữu đem y ra phơi vào lúc giữa trưa. Các tỳ-kheo thấy vậy, hỏi nhau: «Đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được dư. Đây là y của ai?» Tỳ-kheo kia trả lời: «Nhóm sáu tỳ-kheo là thân hữu tri thức của tôi. Họ gởi y nơi đây, rồi đi du hành trong nhơn gian cho nên chúng tôi đem phơi nắng.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Thế tôn cho phép các tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt, thì một trong ba y có thể gởi nơi nhà người. Hiện tại sao các thầy đem gởi nhiều y nơi thân hữu tri thức để du hành trong nhơn gian, mà ngủ lìa y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ, Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao sáu tỳ-kheo này, Ta cho các tỳ-kheo ở tại trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt, thì tỳ-kheo ở những chỗ như vậy, được phép một trong ba y có thể gởi nơi nhà người; nay các ông đem nhiều y gởi nơi thân hữu du hành trong nhơn gian, mà ngủ lìa y?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ba tháng hạ đã xong, một tháng ca-đề sau cũng đã đầy, ở tại a-lan-nhã chỗ có sự nghi ngờ, có sợ hãi. Tỳ-kheo sống tại trú xứ như vậy, trong ba y, nếu muốn có thể gởi lại một y trong nhà người. Các tỳ-kheo có nhơn duyên được lìa y ngủ, cho đến sáu đêm; nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. A-lan-nhã : là nơi cách thôn xóm năm trăm cung. Cung của nước Giá-ma-la, dài bốn khuỷu tay, dùng loại khuỷu tay trung bình để đo. Chỗ có nghi ngờ: là nghi có giặc cướp. Sợ hãi: trong đó có giặc cướp khiến cho kinh sợ. Trong nhà: trong thôn xóm. Ba y: tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội. Y: có mười loại nói như trên. Nếu tỳ-kheo có nhơn duyên lìa y ngủ, sáu đêm rồi, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện phải xả ba y, hoặc tay rờ đụng y, hoặc đến chỗ đá quăng tới y. Nếu tỳ-kheo sáu đêm, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện mà không xả ba y, tay không rờ đụng y, không đến chỗ đá quăng tới y, bình minh của đêm thứ bảy xuất hiện, phạm tội ngủ lìa y, tất cả đều ni-tát-kỳ. Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Xả cho Tăng phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, lễ dưới chân thượng tọa, quỳ gối chắp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới thọ sám. Khi thọ sám phải nói với người này rằng: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo kia bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một người có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo kia. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nếu tỳ-kheo xả y rồi mà Tăng không trả lại cho [634a1] tỳ-kheo ấy, (Tăng) phạm đột-kiết-la. Nếu có vị nào bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la. Nếu tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc thọ làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc lấy mặc mãi, tất cả đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Đã trải qua sáu đêm, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện, đến chỗ để y, hoặc xả y, hoặc tay rờ đến y, hoặc đến chỗ đá quăng tới y thì không phạm. Hoặc tưởng y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị trôi thì không xả y. Không rờ đến y, không đến chỗ đá quăng tới y vẫn không phạm. Hoặc thuyền đò không thông, đường xá bị hiểm nạn, nhiều giặc cướp, có ác thú, nước sông lớn, bị cường lực bắt, hoặc bị nhốt, bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không xả y, không rờ đến y, không đến chỗ đá quăng tới y, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXX. XOAY TĂNG VẬT VỀ MÌNH[179] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử trước kia có một cư sĩ thường có tâm giúp đỡ, có ý muốn cúng dường đức Phật và Tăng tỳ-kheo một bữa cơm và dâng y tốt. Bạt-nan-đà Thích tử nghe người cư sĩ kia muốn cúng dường cơm và y tốt cho Phật cùng Tăng liền đến nhà cư sĩ kia, hỏi: «Cư sĩ muốn cúng cơm và dâng y tốt cho Phật cùng Tăng phải không?» Cư sĩ trả lời: «Đúng như vậy.» Bạt-nan-đà liền nói với cư sĩ rằng: «Chúng Tăng có thiện lợi lớn, có oai lực lớn, có phước đức lớn, người cúng dường cho chúng Tăng rất nhiều. Nay cư sĩ nên cúng dường cơm cho chúng Tăng mà thôi, còn y phục thì cho mình tôi.» Cư sĩ nói: «Cũng được.» Bấy giờ, cư sĩ trưởng giả không chuẩn bị y cụ cho Tăng nữa, chỉ lo sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ để cúng dường mà thôi. Sáng ngày, cư sĩ thỉnh Phật và Tăng đã đến giờ. Chư Tăng tỳ-kheo khoác y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Khi ấy, cư sĩ thấy trưởng lão tỳ-kheo đầy đủ oai nghi, liền lớn tiếng nói: «Sao tôi chuẩn bị đầy đủ để cúng y chúng Tăng như vậy mà bị cản trở ?» Các tỳ-kheo hỏi cư sĩ: «Tại sao lại nói như vậy» Bấy giờ, cư sĩ đem sự thật mà trả lời. Trong chúng lúc này có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Sao thầy cắt lợi dưỡng của chúng Tăng mà đem về cho mình?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này, tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ngươi cắt lợi dưỡng của chúng Tăng mà đem về cho mình?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cắt vật thuộc tăng mà tự xoay về cho mình, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, các tỳ-kheo không biết là vật của Tăng hay là vật chẳng phải của Tăng; là vật đã hứa cho Tăng hay là vật không hứa cho Tăng. Sau họ mới biết đó là vật của Tăng, là vật đã hứa cho Tăng nên làm pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề sám hối, hoặc lấy làm hổ thẹn, đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết đó là vật thuộc tăng mà tự xoay về cho mình, ni-tát- kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vật của Tăng: thí chủ vì Tăng đã cúng cho Tăng. Vật thuộc Tăng: đã hứa cho Tăng. Vì Tăng: họ vì Tăng chuẩn bị hay sắm cho Tăng mà chưa hứa cho Tăng. Đã cho Tăng: đã hứa cho Tăng và đã xả cho Tăng. Vật : y, bát, tọa cụ, ống đựng kim cho đến đồ dùng để uống nước. Nếu tỳ-kheo biết là vật thuộc Tăng mà tự xoay về cho mình, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu vật hứa cho Tăng mà chuyển cho tháp, phạm đột-kiết-la. Vật hứa cho tháp mà chuyển cho Tăng cũng phạm đột-kiết-la. Vật hứa cho tứ phương Tăng mà chuyển cho hiện tiền Tăng, phạm đột-kiết-la. Vật hứa cho hiện tiền Tăng mà chuyển cho tứ phương Tăng cũng phạm đột-kiết-la. Vật hứa cho Tăng tỳ-kheo mà chuyển cho tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni Tăng cũng phạm đột-kiết-la. Vật hứa cho tỳ-kheo-ni Tăng mà chuyển cho Tăng tỳ-kheo, đột-kiết-la. Vật hứa cho chỗ này đem cho chỗ khác, đột-kiết-la. Hoặc đã hứa, khởi tưởng hứa, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu đã hứa mà tâm nghi, đột-kiết-la. Nếu chưa hứa, khởi tưởng hứa, đột-kiết-la. Nếu chưa hứa, nghi, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Muốn xả đương sự phải đến trong Tăng trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, lễ Thượng tọa, quỳ gối chắp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, biết vật này đã hứa cho Tăng mà xoay về cho mình, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch, sau đó mới thọ sám. Nên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã biết vật hứa cho Tăng mà xoay về cho mình, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia: «Hãy tự trách tâm ngươi!» Tỳ-kheo kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên hoàn lại vật bị xả cho tỳ-kheo kia bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã biết vật hứa cho Tăng mà xoay về cho mình, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại vật bị xả cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã biết là vật hứa cho Tăng mà xoay về cho mình, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả vật bị xả lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trả vật bị xả lại cho tỳ-kheo kia thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận trả vật bị xả lại cho tỳ-kheo này rồi. Tăng bằng lòng nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Xả cho Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Nếu tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc thọ làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc dùng mãi, tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu không biết hoặc đã hứa mà tưởng rằng chưa hứa, hoặc họ hứa cho ít, khuyến khích họ cho nhiều, hoặc hứa cho ít người, khuyên cho nhiều người, muốn hứa cho thứ xấu, khuyên cho thứ tốt, hoặc nói đùa giỡn, hoặc nói nhầm, nói một mình, hoặc nói trong giấc mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc kia thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [180]
Chú thích: [136] Pali, Nissaggiya 23, bhesajja. Cf. Mahāvagga vi Bhessajja-kkhando, Vin.i.198. Ngũ phần 5 (T. 1421, tr.30c), Ni-tát-kỳ 15. Tăng kỳ 10 (T. 1425, tr.316b), Ni-tát-kỳ 23. Căn bản (T. 1442, tr.759b), Ni-tát kỳ 30. [137] Xem Thập tụng 26, «Y dược pháp» (T. 1435, tr.184b). Pali, Mahāvagga iv «Bhesajja-khandha,» Vin.i. 199. [138] Bất linh thô hiện 不令麤現. Pali, Vin.i.198: na ca oḷāriko āhāro paññāyeyya, không thể quan niệm là thức ăn thô (=thực phẩm chính). Có lẽ bản Hán để rơi mất từ āhāra (thực phẩm) nên câu văn bất xác. [139] Tô du sanh tô mật thạch mật 酥油生酥蜜石蜜. Pali, nt. sappi navanītaṃ telaṃ madhu phāṇitaṃ, váng sữa, bơ tươi, dầu ăn, mật, đường mía (hay mật mía). [140] Thập tụng, ibid., Phật chưa cho phép ăn các thứ này sau ngọ. [141] Xem Tứ phần, ba-dật-đề 35, về phép tàn thực. [142] Tiểu chú trong bản Hán. [143] Xem cht.14, Phần III Ch.vii. Thuốc và các chú thích rải rác trong chương đó. [144] Ma-kiệt ngư 摩竭魚 ; một loại cá voi (Pali: makara). Cf. Mahāvagga iv, Vin.i.200: sáu loại mỡ: gấu, cá, cá sấu, heo, lừa. [145] Pali, op.cit., vikāle… dukkaṭā, phi thời, phạm đột-kiết-la; tức không được quá ngọ. [146] Tư-ha Tỳ-la-trà tượng sư 私訶毘羅嗏象師; phiên âm từ Skt. Siṃha-Vairāṭa. Đồng nhất với Pali, Belaṭṭha Kaccāna, người buôn đường, chuyển kể, Mahāvagga iv, Vin. i. 224f. Cf. Thập tụng 26 (T. 1435, tr.189a): chuyện tượng sư Tỳ-la-tra. [147] Đi từ Rājagaha đến Andhakavida, ngược chiều với Phật. [148] Hắc thạch mật 黑石蜜. Pali: guḷa, đường (cát) đen; đường mía chưa tinh luyện. [149] Số tỳ-kheo được kể là 1250 vị. [150] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Pali: Pilindavaccha. Chuyện kể Tất-lăng-già-bà-ta trong Ngũ phần 5 (T22n1421, tr.30c25) và Pali (Vin.iii. 248) giống nhau. [151] Hán: tàn dược 殘藥. Pali: paṭisāyanīyāni bhesajjāni, các loại thuốc được uống như ăn. Căn bản: chư dược tùy ý phục thực 諸藥隨意服食, ‹các loại thuốc được tuỳ ý uống hay ăn.› Ngũ phần, Thập tụng: hàm tiêu dược 含消藥, thuốc như thức ăn loại mềm (không cần nhai). [152] Tô, du, sanh tô, mật, thạch mật 酥油生酥蜜石蜜. Pali: sappi, navanītaṃ, telaṃ, madhu, phāṇitaṃ, váng sữa bơ lỏng (trong), bơ sống (tươi), dầu, mật, đường mía. Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, kể bốn: tô (gồm cả thục tô và sanh tô), du, đường, mật. Đường được giải thích là đường cát (sa đường). [153] Tiểu chú trong bản Hán. Dưới đây cũng vậy. [154] Pali, Nissaggiya 24, vassikáāṭika. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 17. Tăng kỳ, ni-tát-kỳ 26. Căn bản, Ni-tát-kỳ 28. [155] Tỳ-xá-khư Mẫu 毘舍佉母, xem cht.2, ch.iii, Bất-định 1. [156] Chuyện kể, xem Mahāvagga viii,Vin. i. 291ff. Cf. Thập tụng 27, «Y pháp» (T23n1435, tr.195b11). [157] Hán: như tượng niệu há 如象尿下, «như voi đái.» [158] Hán: Như lai bất dữ nhân quá nguyện 如來不與人過願. Cf. Pali (Vin.iii. 192): atikkantavārā kho … thāgatā, «Các đức Như lai siêu quá các ước nguyện.» Nghĩa là chỉ hứa khả những thỉnh nguyện không phi pháp. Câu Phật thường xuyên trả lời khi có người thỉnh nguyện. Xem Thập tụng 27, (T23n1435, tr.195c17) «Các Như Lai… đã vượt qua các ước nguyện (Hán: dĩ quá chư nguyện 已過諸願).» [159] Thập tụng, ibid.: «sau khi đã quen nơi chốn, tỳ-kheo ăn đâu, tùy ý.» Pali, Vin.i. 192: icchāmi saṅghassa yāvajīvaṃ āgantikabhattaṃ dātuṃ, «Con muốn trọn đời dâng cúng thực phẩm tỳ-kheo khách cho Tăng.» [160] Thập tụng, ibid., «vì vậy (vì đi một mình) có thể đi lạc vào đường hiểm.» [161] A-na-tần-đầu 阿那頻頭國. Pali: Andhakavindaka. Cf. Vin.i. 220 (Bhesajja-kkhandha). [162] Hán: chúc 粥. Pali: yāgu: cháo gạo hay cháo sữa. [163] Vũ dục y 雨浴衣; xem giải thích đoạn sau. [164] A-di-la-bạt-đề 阿夷羅跋提. Pali: Aciravatī. [165] Nghĩa là, được phép để dành làm lương thực đi đường, để dọc đường, những chỗ lạ, khỏi phải đi khất thực. [166] Đây là những trường hợp tỳ-kheo được phép để dành thức ăn. [167] Vũ dục y 雨浴衣. Pali: vassikasāṭikā, khăn quấn để tắm khi trời mưa. Khác với udakasāṭikā, dục y 浴衣, khăn tắm để tỳ-kheo-ni quấn người khi tắm sông. [168] Tính theo lịch Trung quốc. Đây chỉ 1 tháng trước an cư mùa hạ. Căn bản 24 (T23n1442, tr.757a13): «Xuân tàn còn một tháng, chỉ một tháng trước an cư, tức từ 16 tháng Tư đến 15 tháng Năm.» [169] Pali, Nissaggiya 28 accekacīvara. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 18. Căn bản, ni-tát-kỳ 26. [170] Xem cht.2, Chương 1, ba-la-di 1. [171] Lỵ (Lợi)-sư-đạt-đa và Phú-la-na 利師達多富羅那. Pali: Isidatta và Purāṇa, hai quan nội giám của Vua Pasenadi. Vin. iii. 260: Có một vị Đại thần nọ (không nói tên). [172] An cư y 安居衣. Pali: vassāvāsika. Căn bản: hạ nội phần y. Thập tụng: hạ an cư y. [173] Y cấp thí 急施衣; y được cúng trong lúc khẩn cấp. Pali: acceka-cīvara. [174] Vin. 111. 261: y được bố thí do quan tướng sắp ra trận, người sắp đi xa, người đang mang thai, người trước không tín tâm nay vừa phát tín tâm. [175] Pali: cīvarakālasamaya. [176] Pali, Nissaggiya 29 sāsaṅsika. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 16. Căn bản, ni-tát-kỳ 27. [177] Hậu ca-đề nhất nguyệt mãn 後迦提一月滿; Pali: cātumāsinīkattikapuṅṅmā, ngày trăng tròn của tháng ca-đề sau, tức ngày trăng tròn đúng sau ngày tự tứ một tháng. Tức tháng thứ tư, tháng cuối cùng của mùa mưa (lịch Ấn độ cổ). [178] Pali gọi là kattikacorakā, bọn cướp ca-đề, vì chúng hoạt động vào tháng ca-đề, thường nhất là đêm có trăng. Chủ yếu cướp y các tỳ-kheo nhận được sau an cư. [179] Pali, Nissaggiya 30 pariṇata. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 14. Căn bản, ni-tát-kỳ 29. [180] Bản Hán, hết quyển 10. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG V BA-DẬT-ĐỀ I. CỐ Ý VỌNG NGỮ[1] A. DUYÊN KHỞI Một thời, Phật ở Thích-súy-sấu,[2] trong vườn Ni-câu-loại, nước Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ trong dòng họ Thích có người con trai nhà họ Thích tên là Tượng Lực[3] có tài đàm luận, thường cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn. Trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì Tượng Lực cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng ông vẫn nói dối. Các Phạm chí thường biếm nhẽ rằng: «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, thường nói lời vọng ngữ, mà tự xưng là ta phụng hành chánh pháp. Nhưng nay như vậy có gì là chánh pháp? Luận bàn không hơn, liền lật ngược lời nói trước. Khi ở trong chúng Tăng, được hỏi đến thì cũng lật ngược lời nói trước. Ở trong chúng, biết nhưng vẫn nói dối.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý quở trách Thích tử Tượng Lực: «Sao thầy cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?» Khi ấy các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. ĐứcThế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Tượng Lực: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo Tượng Lực, sao cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước? Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, biết mà nói dối, ba-dật-đề.[4] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Biết mà nói dối: không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không xúc giác nói xúc giác, không hay biết nói hay biết,[5] thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, xúc giác nói không xúc giác, hay biết nói không hay biết. Thấy: thấy bởi thức con mắt. Nghe: nghe bởi thức của tai. Xúc: xúc giác bởi ba thức: mũi, lưỡi và thân. Hay biết: hay biết bởi ý thức. Không thấy: trừ nhãn thức ra, còn lại năm thức kia. Không nghe: trừ nhĩ thức ra, còn lại năm thức kia. Không xúc giác: trừ ba thức ra, còn lại mắt, tai và ý. Không hay biết: trừ ý thức ra, còn lại năm thức kia. Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết mà nói như vầy: «Tôi thấy, nghe, xúc giác, hay biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết, mà trong đó có tưởng thấy, tưởng nghe, tưởng xúc, tưởng biết, mà lại nói, «Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý sanh nghi nhưng lại nói như vầy, «Tôi không có nghi,» rồi nói «Tôi thấy, tôi nghe, tôi xúc, tôi biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý có nghi nhưng lại nói «Trong đây tôi không nghi,» rồi nói «Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý lại không nghi, rồi nói, «Tôi có nghi ngờ rằng tôi thấy, tôi xúc, tôi biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Trong ý không nghi ngờ rằng «Tôi không thấy, tôi không nghe, tôi không xúc, tôi không biết,» nhưng lại nói «Tôi có nghi ngờ rằng tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề. Điều này nên nói rộng: Trước đó khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề. Trước đó khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, không tự nhớ là đã nói dối: Cố ý nói dối, phạm ba-dật-đề. Trước đó không khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề. Trước đó không khởi ý nghĩ nói dối. Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, không nhớ là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề. Cái được thấy có khác, cái được nhìn nhận có khác, cái được ham muốn có khác, cái được xúc có khác, cái được tưởng có khác, cái được tâm tưởng có khác,[6] những việc như vậy đều là nói dối. Giữa đại chúng, biết mà vẫn nói dối, ba-dật-đề. Nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Khi thuyết giới cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không nói, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: không thấy nói không thấy; không nghe nói không nghe; không xúc nói không xúc, không hay biết nói không hay biết; thấy nói thấy; nghe nói nghe; xúc nói xúc, hay biết nói hay biết; ý tưởng có thấy, nói có thấy, thì không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. II. MẮNG NHIẾC A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khi giải quyết việc tranh cãi, mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài.[7] Tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước quên sau nên không nói được. Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao nhóm sáu tỳ-kheo giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được?» Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến họ hổ thẹn quên trước quên sau không nói được?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Thuở xa xưa, tại nước Đắc-sát-thi-la,[8] có người bà-la-môn nuôi một con bò,[9] ngày đêm cho ăn, vuốt ve, chải chuốt. Lúc ấy, cũng tại nước Đắc-sát-thi-la, có ông trưởng giả[10] đi khắp hang cùng ngõ hẻm lớn tiếng rao rằng: «Ai có con bò nào đủ sức mạnh, cùng con bò của tôi đấu sức kéo 100 xe, tôi sẽ cá 1.000 lượng vàng.[11] «Con bò của người bà-la-môn nghe rao như vậy, tự nghĩ: ‹Người bà-la-môn này ngày đêm hết lòng nuôi nấng ta, vuốt ve, chải chuốt ta. Nay ta nên đem hết sức mình ra kéo để lấy 1.000 lượng vàng kia, [635a1] ngõ hầu trả ơn người này.› «Con bò nghĩ xong liền nói với người bà-la-môn rằng: «Ông chủ có biết chăng? Trong nước Đắc-sát-thi-la có ông trưởng giả rao rằng, ai có bò cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, ông chịu mất 1.000 lượng vàng. Ông chủ có thể đến nhà ông trưởng giả kia nói, ‹Tôi có con bò có thể cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, với số vàng cá là 1.000 lượng.› «Người bà-la-môn nghe xong liền đến nhà ông trưởng giả nói, ‹Tôi có con bò với sức mạnh có thể cùng với con bò của ông đấu sức kéo 100 xe, số vàng cá là 1.000 lượng.› Ông trưởng giả trả lời, ‹Nay chính là lúc.› Người bà-la-môn liền dắt con bò của mình đem đến để cùng đấu sức với con bò của ông trưởng giả, kéo 100 xe để lấy 1.000 lượng vàng. Khi ấy có nhiều người đứng xem. Trước đám đông, người bà-la-môn dùng lời mạ nhục, gọi con bò bằng cách kêu: «Một Sừng,[12] kéo đi! «Con bò của người bà-la-môn nghe lời mạ nhục liền xấu hổ nên không ra sức kéo để cạnh tranh cùng đối thủ của mình. Do đó, con bò của ông trưởng giả thắng cuộc, con bò của người bà-la-môn bại trận. Người bà-la-môn phải mất 1.000 lượng vàng. «Bấy giờ, người bà-la-môn nói với con bò của ông ta rằng: «Ngày đêm ta nuôi nấng, vuốt ve, chải chuốt, với hy vọng ngươi sẽ vì ta đem hết sức lực để thắng con bò của ông trưởng giả. Nhưng tại sao sự việc hôm nay ngược lại, khiến ta phải mất 1.000 lượng vàng? «Con bò liền nói với bà-la-môn rằng: «Trước đám đông ông nhục mạ tôi, ông bảo tôi là ‹Một Sừng, kéo đi!› Tôi rất lấy làm xấu hổ đối với mọi người. Do đó, tôi không thể dùng hết sức để cùng cạnh tranh với con bò kia được. Nếu ông có thể thay đổi cách gọi, đừng đem tên gọi hình tướng, mà nhục mạ tôi, thì ông cứ đến nói với ông trưởng giả rằng, ‹Bò của tôi có thể cùng bò của ông đấu sức, kéo 100 xe với giá đấu gấp đôi là 2.000 lượng vàng.›» «Người bà-la-môn nghe xong liền nói với con bò của ông rằng: «Chớ để ta mất thêm 2.000 lượng vàng nữa.» «Con bò trả lời với người ba-la-môn rằng: «Trước đám đông ông đừng nhục mạ tôi, gọi tôi là ‹Một Sừng, kéo đi!› Mà trước đám đông ông nên khen ngợi tôi, bảo tôi kéo cho giỏi; ông gọi sừng tôi rất xinh đẹp.» Bấy giờ, người bà-la-môn đến nhà ông trưởng giả nói rằng: «Nay bò của ông có thể cùng bò của tôi đấu sức kéo 100 xe với số vàng đánh cá là 2.000 lượng, dưới sự chứng kiến của nhiều người.» «Ông trưởng giả nói: «Thật đúng lúc.» «Khi ấy, người bà-la-môn trước đám đông khen ngợi con bò của ông rằng, ‹Kéo rất giỏi! Cặp sừng rất đẹp!› «Con bò nghe lời khen như vậy liền đem hết sức mình để đấu với con bò kia, nên con bò của người bà-la-môn thắng cuộc, con bò của ông trưởng giả thua trận. Người bà-la-môn thu được 2.000 lượng vàng.» Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng: «Phàm người ta khi muốn nói phải nói lời khéo léo, không nên nói lời xấu ác. Nói lời khéo léo là thiện. Nói lời xấu ác là tự gây phiền não cho mình. Bởi vậy cho nên, các tỳ-kheo, súc sanh bị người mạ nhục, còn tự xấu hổ không thể dùng hết sức mình để kéo xe, huống là đối với người mà bị kẻ khác hủy nhục làm sao không hổ thẹn! Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người si, khi giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục các tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho họ hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nhục mạ bằng giống loài, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhục mạ người bằng giống loài:[13] như nói, «Ngươi sanh trong gia đình dòng họ thấp hèn, hành nghề cũng thấp hèn, kỹ thuật công xảo cũng thấp hèn.» Hoặc nói, «Ngươi là người phạm tội; ngươi là người nhiều kiết sử; ngươi là người mù, ngươi là người trọc mù...» - Thấp hèn : là dòng dõi chiên-đà-la, dòng dõi hốt rác, dòng dõi thợ đan,[14] dòng dõi thợ đóng xe.[15] - Họ thấp hèn : chỉ những họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, A-đề-lị-dạ, Bà-la-đọa.[16] Hoặc chẳng phải họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ thuật thấp hèn, tức thành họ thấp hèn. - Nghề nghiệp thấp hèn: tức là mua bán heo, dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, thợ săn, chài lưới, làm giặc, bắt giặc, thủ thành, coi ngục. - Kỹ nghệ thấp hèn : như làm nghề thợ rèn, thợ mộc, thợ gốm, thợ da, thợ hớt tóc, thợ đan nia.[17] - Phạm tội: phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết. - Kết: từ sân nhuế cho đến 500 kết sử. - Mù lòa:[18] mù lòa, gù, què quặt, câm điếc và các tật bệnh khác. Hoặc tỳ-kheo mắng nhiếc các tỳ-kheo khác rằng, «Thầy sanh nơi nhà ti tiện; hành nghiệp thấp hèn, kỹ thuật thấp hèn. Thầy phạm tội, thầy bị kết sử, thầy là kẻ trọc đầu mù lòa...» Mạ nhục như vậy. Hoặc mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn lời dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục. - Mạ nhục ngay trước mặt: như nói, «Ngươi sanh trong nhà Chiên-đà-la, sanh trong nhà hốt rác, sanh trong dòng thợ đan, dòng thợ đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa.» Hoặc là vốn không phải dòng họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ nghệ thấp hèn tức thành họ thấp hèn, như nói, «Ngươi là người mua bán, người giết bò, heo, dê. Ngươi là người làm nghề ăn trộm, bắt kẻ trộm. Ngươi là người giữ thành, giữ ngục, là người thợ rèn, làm đồ mộc, làm lò gốm, làm thợ giày, thợ hớt tóc. Ngươi là người phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết. Ngươi là người từ kết sử sân nhuế, cho đến là người 500 kiết sử. Ngươi là người trọc đầu mù lòa, què quặt, điếc câm và là người có các bệnh hoạn khác…» - Mượn dụ để mạ nhục: như nói, «Ngươi tợ như Chiên-đà-la, tợ như dòng hốt phân, tợ như dòng thợ đan, tợ như dòng đóng xe. Ngươi tợ như dòng họ Câu-tấu, tợ như dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa. Ngươi tợ như người mua bán heo, dê; tợ như người giết bò; tợ như người thả chim ưng, chim diêu; tợ như người lưới cá, thợ săn; tợ như kẻ trộm, như người bắt kẻ trộm, tợ như người giữ thành, giữ ngục; tợ như người làm đồ gốm, tợ như người làm giày dép, tợ như người thợ hớt tóc; tợ như người phạm ba-la-di, tợ như người phạm tăng-già-bà-thi-sa, tợ như người phạm ba-dật-đề, tợ như người phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, tợ như người phạm thâu-lan-giá, tợ như người phạm đột-kiết-la, tợ như người phạm ác thuyết, tợ như người kiết sử, tợ như người mù lòa, tợ như người không có tóc, tợ như người què chân, tợ như người câm điếc...» - Tự so sánh để mạ nhục: như nói, «Tôi không phải dòng Chiên-đà-la, tôi không phải dòng hốt phân, tôi không phải dòng thợ đan, tôi không phải dòng đóng xe. Tôi không phải dòng họ Câu-tấu, dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa; cũng không phải người mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, lưới cá, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ mộc, thợ đan, đóng xe, thợ lò gốm, thợ giày, thợ cạo... Tôi không phải là người phạm ba-la-di, phạm tăng-già-bà-thi-sa, phạm ba-dật-đề, phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, phạm thâu-lan-giá, phạm đột-kiết-la, phạm ác thuyết. Tôi chẳng phải bị kiết sử, tôi chẳng phải là người trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm…» Nếu tỳ-kheo đem giống loài mà mạ nhục, nói như trên, phạm ba-dật-đề. Nếu đem giống loài để mạ nhục, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Hoặc là nói thiện pháp để mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục. - Dùng thiện pháp để mạ nhục: như nói, «Ngươi là người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.» - Dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt: như nói, «Ngươi là [636a1] người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.» - Mượn dụ để mạ nhục: như nói, «Ngươi tợ như người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.» - Tự so sánh để mạ nhục: như nói, «Tôi chẳng phải là người ở a-lan-nhã,… cho đến người ngồi thiền.» Nếu tỳ-kheo dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt, mượn dụ để mạ nhục, tự so sánh để mạ nhục; nói mà rõ ràng phạm đột-kiết-la, không rõ ràng cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: cùng có lợi cho nên nói, vì pháp cho nên nói, vì luật cho nên nói, vì giáo thọ cho nên nói, vì thân hậu cho nên nói, hoặc vì vui chơi mà nói, hoặc vì nói lỡ lời, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhằm nói việc khác; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. III. NÓI LY GIÁN A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo truyền rao lời nói bên này bên kia; truyền lời nói kín đáo của người này đến nói người kia; truyền lời nói kín đáo của người kia đến nói người này. Họ cứ làm như vậy mãi, đưa đến tình trạng trong chúng chưa có đấu tranh liền sanh ra sự đấu tranh nầy, và đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được. Các tỳ-kheo đều nghĩ: «Do nhơn duyên gì trong chúng Tăng vốn không có sự đấu tranh mà nay lại có sự đấu tranh này, và đã có sự đấu tranh rồi thì sao không chấm dứt được?» Các tỳ-kheo tìm biết là do nhóm sáu tỳ-kheo này truyền rao lời nói bên này bên kia, nên đưa đến tình trạng trong chúng Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có, nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được. Khi ấy trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không chấm dứt được? » Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các ông truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong chúng Tăng trước không có đấu tranh, nay lại sanh ra đấu tranh, và khi đã có đấu tranh thì không chấm dứt được?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các ông nên lắng nghe! Xưa kia, có hai con ác thú làm bạn với nhau, một con sư tử tên là Thiện Nha ,[19] con thứ hai là hổ tên Thiện Bác ,[20] ngày đêm cùng rình bắt các con nai. «Khi ấy, có một con dã can thường đi sau hai con thú này, ăn thịt dư còn lại của chúng để sống. Bấy giờ, con dã can kia lén lút suy nghĩ: ‹Nay ta không thể cứ đi theo sau mãi thế này. Bằng phương tiện thế nào ta phải làm để hai con ác thú này cùng loạn đấu với nhau khiến cho chúng không còn đi với nhau nữa.› Nghĩ xong, dã can liền đến chỗ con sư tử Thiện Nha nói như vầy: «Này Thiện Nha! Tôi nghe con cọp Thiện Bác nói rằng, ‹Chỗ sanh của ta hơn hết; dòng họ của ta hơn hết; hình sắc của ta hơn nó, thế lực của ta hơn nó. Tại sao vậy? Vì hàng ngày ta được thức ăn bổ, ngon. Sư tử Thiện Nha đi theo sau ta ăn thức ăn còn dư lại của ta để sống.› Dã can liền nói kệ: Hình sắc và nơi sanh, Sức mạnh cũng lại hơn; Thiện Nha không sánh kịp. Thiện Bác nói như vậy. Thiện Nha nghe xong hỏi dã can rằng: «Do đâu mà ngươi biết được? » Dã can trả lời: «Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này. Lúc bấy giờ, con dã can lén lút nói với Thiện Nha xong, liền đến cọp Thiện Bác nói rằng: «Ông biết chăng! Sư tử Thiện Nha đã nói như vầy, ‹Hiện tại chủng tánh và chỗ sanh của ta, tất cả đều hơn nó, thế lực cũng hơn. Tại sao vậy? Vì thường ta ăn thức ăn ngon; cọp Thiện Bác chỉ ăn thức ăn dư còn lại của ta để sống.» Dã can liền nói kệ: Hình sắc và nơi sanh, Sức mạnh cũng lại hơn; Thiện Bác không sánh kịp. Thiện Nha nói như vậy. Thiện Bác nghe xong hỏi: «Tại sao ngươi biết được việc ấy?» Dã can trả lời: «Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này.» Sau đó, hai con thú cùng tập họp lại một chỗ, cùng nhìn nhau với cặp mắt sân hận. Sư tử Thiện Nha liền nghĩ, ‹Ta không thể không hỏi trước khi hạ thủ cọp.› Bấy giờ, Sư tử Thiện Nha hướng đến cọp Thiện Bác nói kệ rằng: Hình sắc và nơi sanh Sức mạnh cũng lại hơn Thiện Nha không bằng ta Thiện Bác có nói không? Thiện Bác tự nghĩ rằng, ‹Chắc là do dã can gây sự loạn đấu giữa chúng ta.› Cọp Thiện Bác nói kệ để trả lời cho Sư tử Thiện Nha rằng: Thiện Bác không nói vậy: Hình sắc và nơi sanh, Sức mạnh cũng lại hơn; Thiện Nha không thể sánh. Nếu nhận lời vô ích, Tin theo lời bỉ thử, Tự phá hoại tình thâm, Bèn thành kẻ oan gia. Bằng lẽ thật để biết; Phải diệt trừ sân não. Đây là lời thành thật, Khiến ta được lợi ích. Nay nên khéo hàng phục, Trừ diệt ác tri thức. Cần giết dã can này, Chính nó gây loạn đấu. Sư tử Thiện Nha liền giết dã can.[21] Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Hai con thú này bị con dã can phá, nên khi họp nhau một chỗ, gặp nhau mà không vui, huống là đối với người, bị người khác phá rối, làm sao không bực lòng? Nhóm sáu tỳ-kheo, sao gây loạn đấu bên này bên kia, việc tranh cãi này trước đây không sanh ra nay lại sanh ra, và khi đã có việc tranh cãi rồi thì không thể chấm dứt?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy»: Tỳ-kheo nào, nói hai lưỡi,[22] ba-dật đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Hai lưỡi:[23] gây chuyện cho tỳ-kheo loạn đấu với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ,ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn. Tỳ-kheo-ni lại loạn đấu với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo. Thức-xoa-ma-na lại loạn đấu với thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni. Sa-di loạn đấu với sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni. Ưu-bà-tắc lại loạn đấu với ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, [637a1] dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc. Ưu-bà-di lại loạn đấu với ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc. Quốc vương lại loạn đấu với Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Đại thần lại loạn đấu với Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương. Tất cả ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn lại loạn đấu với tất cả ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần. - Loạn đấu: như người nào đó nói,[24] «Ông là dòng dõi Chiên-đà-la, dòng dõi hốt phân, dòng dõi thợ đan, dòng dõi đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa, mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, lưới chim, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ giày, thợ cao; ông phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.» - Nói kết sử: từ sân nhuế cho đến 500 kết, trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm. Tỳ-kheo nào phá hoại đều là tỳ-kheo loạn đấu. Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: vì phá ác tri thức, phá ác bạn đảng, phá phương tiện phá hoại Tăng, phá việc trợ giúp để phá hoại Tăng, phá hai người ba người tác yết-ma, phá tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi luật; hoặc vì người phá Tăng, phá tháp, phá miếu, phá Hòa thượng, đồng Hòa thượng, phá A-xà-lê, đồng A-xà-lê, phá tri thức, phá thân hữu, phá những người nói nhiều mà vô nghĩa, vô lợi, muốn dùng phương tiện làm việc vô nghĩa; phá những người như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. NGỦ CHUNG BUỒNG NGƯỜI NỮ[25] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật từ nước Xá-vệ đến nước Câu-tát-la, giữa đường, đến nơi thôn không có trú xứ của tỳ-kheo, hỏi thăm, «Có ai cho tôi chỗ trọ?» Được nghe nơi kia có nhà của dâm nữ thường cho khách tạm trú ban đêm tại nhà. Bấy giờ, ngài A-na-luật đến nhà dâm nữ, hỏi: «Thưa đại tỷ, tôi muốn xin trọ lại một đêm, có được không?» Dâm nữ nói: «Được! Nhà rộng, Tôn giả cứ tùy ý nghỉ.» Tôn giả A-na-luật bước vào nhà, trải tọa cụ bằng cỏ, xếp tréo chân ngồi, nhất tâm tư duy, buộc niệm trước mặt. Hôm ấy, cũng có các trưởng giả ở nước Câu-tát-la có việc cần cũng đến nơi thôn đó tìm nơi nghỉ lại đêm. Cũng lại được nghe nhà dâm nữ kia thường tiếp khách tạm trú. Các trưởng giả đến nhà đó, hỏi: «Chúng tôi cần nghỉ lại một đêm, cô có thể cho chúng tôi tá túc được không?» Dâm nữ trả lời: «Trước đây tôi đã hứa cho một sa-môn ở lại. Các ông hỏi vị sa-môn ấy, có thể được cùng nghỉ thì các ông cứ nghỉ.» Các trưởng giả đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng: «Chúng tôi đã xin người chủ nhà được ở lại một đêm và đã được sự chấp thuận. Vậy chúng ta cùng nghỉ, không có gì trở ngại?» Tôn giả A-na-luật trả lời: «Tôi đã trải nệm cỏ rồi. Nhà còn rộng, các ông cứ tùy ý nghỉ, chớ nghi ngại.» Lúc ấy, các trưởng giả liền vào nhà. Vì bạn bè các trưởng giả nhiều nên ngồi quá chật. Bấy giờ, dâm nữ thấy vậy sanh lòng thương mến, trong lòng nghĩ rằng, «Vị A-na-luật này là con nhà hào quý, từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật.» Nghĩ vậy, bèn đi đến chỗ A-na-luật, nói rằng, «Tôn giả từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật. Tôn giả có thể vào trong buồng[26] tôi nghỉ được không?» Tôn giả trả lời đồng ý. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật vào trong buồng, nơi chỗ ngồi đó, xếp tréo chân ngồi, buộc niệm trước mặt. Lúc ấy trong nhà dâm nữ, đèn thắp suốt đêm không tắt. Đầu đêm, dâm nữ đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng: «Gần đây có các trưởng giả bà-la-môn có nhiều của cải quý báu, đến nói với tôi, ‹Cô có thể làm vợ tôi?› Tôi liền nói với các trưởng giả ấy rằng, ‹Các ông xấu xí lắm. Tôi không thể làm vợ các ông. Nếu là người xinh đẹp, tôi sẽ làm vợ họ.› Tôi xem Tôn giả tướng mạo xinh đẹp. Tôn giả có thể làm chồng tôi được không?» Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật tuy nghe những lời nói ấy nhưng vẫn lặng thinh không trả lời và cũng không nhìn ngó. Tại sao vậy? Vì Tôn giả đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần[27]. Đến cuối đêm, lúc bình minh sắp xuất hiện, cô ta lại nói với A-na-luật rằng: «Các trưởng giả dòng bà-la-môn có nhiều của cải quý báu nói với tôi: ‹Cô vì tôi làm vợ.› Tôi dứt khoát không hứa khả. Nhưng Tôn giả với nhan mạo đoan chánh, có thể vì tôi làm chồng được không?» Tôn giả A-na-luật cũng lại im lặng, không trả lời và cũng không nhìn ngó cô ta. Tại sao vậy? Vì chính Tôn giả là người đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần. Lúc bấy giờ, dâm nữ liền thoát y đến trước mặt và nắm Tôn giả. Tôn giả liền dùng sức thần túc vụt mình lên hư không. Dâm nữ thấy vậy hết sức xấu hổ, vì sự lõa hình của mình, bèn ngồi xổm xuống; rồi vội vàng lấy áo khoác lại. Xong xuôi, chắp tay ngửa mặt lên không trung, hướng về Tôn giả A-na-luật nói: «Xin sám hối! Xin sám hối!» Nói như vậy ba lần. Rồi, thỉnh nguyện Tôn giả trở lại chỗ ngồi. Tôn giả hạ mình, ngồi trở lại chỗ ngồi như cũ. Người dâm nữ này đảnh lễ dưới chân Tôn giả xong, lui ngồi qua một bên. Tôn giả vì cô mà nói các pháp vi diệu, như ý nghĩa về bố thí, về trì giới, về ý nghĩa sanh thiên. Tôn giả chê trách dục là bất tịnh, là thấp hèn, là hữu lậu, là kết phược.[28] Tôn giả khen ngợi sự an lạc của xuất ly,[29] ích lợi của giải thoát. Lúc ấy, dâm nữ liền từ chỗ ngồi dứt hết trần cấu, được sự trong sạch của con mắt pháp. Khi dâm nữ thấy pháp, đắc pháp rồi, thỉnh nguyện, «Nguyện xin Tôn giả chấp thuận con được làm người ưu-bà-di, quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay trở đi, suốt đời không sát sanh cho đến không uống rượu. Ngày hôm nay, xin Tôn giả nhận lời thỉnh cầu thọ thực của con.» Tôn giả mặc nhiên chấp thuận. Người dâm nữ kia biết Tôn giả đã mặc nhiên chấp nhận lời thỉnh cầu rồi, liền sửa soạn đồ ăn thức uống ngon bổ để cúng dường. Tôn giả thọ thực xong, cô lấy một chiếc ghế nhỏ đến ngồi trước Tôn giả A-na-luật. Tôn giả vì cô mà nói các pháp, dùng nhiều hình thức khuyến dụ, khiến cho lòng cô sanh hoan hỷ. Thuyết pháp xong, Tôn giả rời chồ ngồi ra về. Về đến Tăng già-lam, đem nhân duyên này nói với các tỳ-kheo một cách đầy đủ. Khi ấy, trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, cơ hiềm A-na-luật rằng: «A-na-luật, sao thầy cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?»[30] Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi A-na-luật: «Thật sự ông có một mình cùng với người nữ ngủ chung buồng hay không?» A-na-luật thưa: «Thật vậy, bạch đức Thế tôn!» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện [638a1] quở trách A-na-luật rằng: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. A-na-luật sao lại cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng với phụ nữ ngủ một nhà, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Phụ nữ: người nữ có hiểu biết,[31] mạng căn chưa đoạn. Nhà:[32] xung quanh có tường vách ngăn che, bên trên có lợp; hoặc trước trống, không có bức vách; hoặc có vách nhưng bên trên không che lợp; hoặc tuy có che nhưng không giáp hết; hoặc tuy có che khắp nhưng có chỗ trống. Đó gọi là nhà. Hoặc tỳ-kheo đã ngủ trước, phụ nữ đến sau; hoặc phụ nữ đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc hai người cùng đến. Nếu nghiêng mình mà nằm, hông dính chiếu, phạm ba-dật-đề. Mỗi lần trở mình là một ba-dật-đề. Nếu cùng thiên nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỷ nữ, chung nhà mà ngủ, đột-kiết-la. Trong loài súc sanh cái, có khả năng biến hóa hay không có khả năng biến hóa, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Nếu cùng với người huỳnh môn, hai căn, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Ban ngày, phụ nữ đứng, tỳ-kheo nằm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, Ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu tỳ-kheo không biết trong nhà kia có phụ nữ mà ngủ, hoặc tỳ-kheo đến trước, phụ nữ đến sau, tỳ-kheo không biết; hoặc nhà có lợp mà chung quanh không có ngăn, hoặc lợp hết mà ngăn phân nữa, hoặc lợp hết mà ngăn một ít, hoặc ngăn hết mà không lợp, hoặc ngăn hết mà lợp một ít, hoặc nửa lợp, nửa ngăn, hoặc một ít lợp một ít ngăn, hoặc không lợp không ngăn, nơi đất trống thì không phạm. Ở trong nhà này, hoặc đi, hoặc ngồi cũng không phạm, hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất, hoặc bị bệnh mà nằm thì không phạm; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị người trói, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn cũng không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. V. NGỦ CHUNG BUỒNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ TÚC[33] A. DUYÊN KHỞI 1. SỰ KIỆN SÁU TỲ KHEO Một thời, đức Thế tôn ở tại thành Khoáng dã.[34] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với các trưởng giả ngủ nơi nhà giảng.[35] Lúc ấy, trong nhóm sáu, có một vị khi ngủ với tâm tán loạn không hề hay biết, lăn mình qua, hình thể loã lồ. Lúc ấy có tỳ-kheo lấy y tủ lại. Sau đó lại lăn mình nữa, lộ hình như trước. Một tỳ-kheo khác cũng lấy y tủ lại. Vị ấy giây lát lại lăn mãi, dựng hình lên. Các trưởng giả thấy liền sanh cơ hiềm, cười lớn, chế giễu. Bấy giờ, vị tỳ-kheo ngủ thức dậy, ôm lòng hổ thẹn, sắc mặt bạc nhợt. Các tỳ-kheo cũng hổ thẹn. Trong số ấy có vị thiểu dục tri túc, biết tàm quý, sống đầu đà, ưa học giới, hiềm trách tỳ-kheo này rằng, «Sáu tỳ-kheo này sao lại cùng với các trưởng giả ngủ chung?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng với các trưởng giả ngủ chung?» Lúc bấy, giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy»: Tỳ-kheo nào, cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề. 2. SỰ KIỆN LA-HẦU-LA Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Một thời, đức Phật ở nước Câu-thiệm-tỳ.[36] Các tỳ-kheo nói như vầy, «Đức Phật không cho phép chúng ta cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới. Vậy bảo La-vân[37] đi chỗ khác.» Lúc ấy, La-vân không có nhà để ngủ, phải đến ngủ nơi nhà vệ sinh. Khi ấy đức Phật biết, liền đến nơi nhà vệ sinh, tằng hắng. La-vân cũng tằng hắng lại. Đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi: «Ai ở trong này?» La-vân trả lời: «Con là La-vân.» Lại hỏi: «Con làm gì ở đây?» Đáp rằng: «Các tỳ-kheo nói, không được cùng với người chưa thọ cụ túc giới ngủ chung, nên đuổi con ra.» Đức Thế tôn liền nói: «Các tỳ-kheo này sao lại ngu si, không có từ tâm, đuổi trẻ nít ra khỏi phòng? Đó là con của Phật, mà không thấu rõ được ý Ta hay sao? » Đức Phật liền đưa ngón tay bảo La-vân nắm và dẫn vào phòng, cho ngủ đêm đó. Sáng sớm, tập hợp các tỳ-kheo, Ngài bảo rằng: «Các ông không có từ tâm, nên mới đuổi con nít đi. Đây là con của Phật,[38] mà không thấu rõ được ý Ta hay sao?[39] Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới cùng ngủ hai đêm. Nếu đến đêm thứ ba khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên thức dậy tránh đi. Nếu đến đêm thứ tư, hoặc tự mình đi, hay bảo người chưa thọ đại giới đi.[40]» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ngủ chung với người chưa thọ đại giới, quá hai đêm, đến đêm thứ ba,[41] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người chưa thọ (đại) giới: trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ngoài ra đều là người chưa thọ đại giới. Ngủ chung buồng: Như trước đã nói.[42] Nếu tỳ-kheo đến trước, người chưa thọ đại giới đến sau; người chưa thọ giới đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai đều đến một lượt, nếu hông chấm đất là phạm, nghiêng mình một chút phạm. Nếu nam cõi trời, nam a-tu-la, nam càn-thát-bà, nam dạ-xoa, nam ngạ quỷ và trong loài súc sanh có thể biến hóa hay không thể biến hóa, cùng ngủ quá hai đêm, ba đêm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu tỳ-kheo trước không biết ở tại ấy, mà người chưa thọ giới đến sau; hoặc người chưa thọ giới đến trước, mà tỳ-kheo đến sau; hoặc nhà có lợp mà bốn phía không ngăn che; hoặc lợp hết mà ngăn che một nữa, hoặc ngăn che hết mà lợp một phần; hoặc ngăn phân nửa lợp phân nửa; hoặc ngăn một phần, lợp một phần; hoặc chỗ đất trống không; hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành; tất cả đều không phạm. Hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất; hoặc bệnh nằm, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VI. ĐỌC KINH CHUNG[43] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng các trưởng giả tập hợp tại giảng đường tụng kinh Phật, cao tiếng lớn giọng như âm thanh bà-la-môn đọc sách không khác, làm loạn tâm các vị tọa thiền. Trong số các tỳ-kheo đã nghe có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao lại cùng các trưởng giả tập hợp nơi giảng đường tụng kinh như âm thanh bà-la-môn đọc sách?» Lúc ấy, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các ông lại cùng với trưởng giả tập hợp nơi [639a1] giảng đường tụng kinh, âm thanh như bà-la-môn không khác?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tụng đọc chung với người chưa thọ giới, ba-dật-đề.[44] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người chưa thọ đại giới: như giới trước (tức ngoài tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ra). Cú nghĩa, phi cú nghĩa, cú vị, phi cú vị; tự nghĩa, phi tự nghĩa.[45] - Cú nghĩa: là cùng người đọc tụng, không trước, không sau, như tụng: Chớ làm các việc ác, Hãy làm các điều lành; Tự lắng sạch tâm ý, Chư Phật dạy như vậy. - Phi cú nghĩa: như một người nói ‘Chớ làm các việc ác’ chưa xong, người thứ hai nói lại câu ‘Chớ làm các việc ác.’ - Cú vị: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng, «Mắt vô thường. Tai vô thường. Cho đến, ý vô thường.» - Phi cú vị: như một người chưa nói xong «Mắt vô thường...», người thứ hai lập lại lời nói trước, «Mắt vô thường...» - Tự nghĩa: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng, ‹A-la-ba-giá-na.› - Phi tự nghĩa: như một người chưa nói xong âm «A…», người thứ hai lập lại âm «A…» trước đó. - Cú pháp: lời Phật nói, Thinh văn nói, Tiên nhơn nói, Chư thiên nói. Nếu tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới đồng tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, hoặc truyền trao bằng miệng, hoặc truyền trao bằng chữ viết, tất cả nếu rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Cùng thiên tử, a-tu-la tử, dạ-xoa tử, long tử, càn-thát-bà tử, súc sanh có thể biến hóa, tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, dù nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la. Nếu vị thầy không dạy rằng: «Để tôi nói xong ông sẽ nói,» thì thầy phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: «Tôi nói xong rồi, ông mới nói.» Một người tụng rồi, một người chép. Hoặc hai người đồng nghiệp đồng tụng; hoặc nói giỡn chơi, hoặc nói vội vàng, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VII. NÓI THÔ TỘI[46] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, tại thành La-duyệt có tỳ-kheo đang hành ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa, nên ngồi dưới hết. Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi các bạch y rằng: «Các người có biết tại sao người đó lại ngồi dưới chót không?» Các bạch y thưa: «Chúng con không biết.» Nhóm sáu tỳ-kheo nói: «Người ấy phạm tội như vậy. Do phạm tội như vậy nên chúng Tăng phạt khiến ngồi dưới hết.» Vị tỳ-kheo có lỗi nghe, lấy làm hổ thẹn, và các tỳ-kheo khác khi nghe những lời này cũng hổ thẹn. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các ông lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy[47]: Tỳ-kheo nào, có tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ có tỳ-kheo hoặc không biết thô ác, hay không thô ác, sau mới biết là thô ác; hoặc có người đã tác pháp sám hối ba-dật-đề, hoặc có người lo sợ. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất được Tăng sai đến giữa triều thần của Vua và trong nhân dân kể rõ tội lỗi của Điều-đạt,[48] rằng những gì Điều-đạt làm, đừng nói đó là Phật, Pháp, Tăng, nên biết đó là việc làm của Điều-đạt. Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong liền sanh lòng cẩn thận và lo sợ.[49] Các tỳ-kheo biết như vậy, nên đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy: «Chúng Tăng sai thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, trừ tăng yết-ma, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chưa thọ đại giới: (ngoài tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra) như giới trước. Tội thô ác: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa. Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới. Nếu tỳ-kheo biết vị khác có tội thô ác, đến nói với người chưa thọ đại giới, trừ Tăng yết-ma, ba-dật-đề. Nói rõ ràng, ba-dật-đề; không rõ ràng, đột-kiết-la. Ngoài tội thô ác ra, đem các tội khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la. Tự mình phạm tội thô ác đem nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, đem tội thô ác của người khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la. Tội thô ác tưởng là tội thô ác, ba-dật-đề. Tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà tưởng là tội thô ác, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu không biết, hoặc Tăng sai. Thô ác mà tưởng chẳng phải thô ác, hoặc bạch y trước đó đã biết tội thô ác này rồi, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VIII. NÓI PHÁP THƯỢNG NHÂN[50] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở tịnh xá Lầu các, bên bờ ao Di hầu, tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn. Vì nhơn duyên này Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà cố hỏi tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu: «Có thật như vậy không?» Thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Phật quở: «Các ông là người si. Nếu là thật đi nữa còn không đem nói với người, huống chi là không thật.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo nơi vườn Bà Cầu, rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn, nói rằng, ‹Tôi thấy điều này, tôi biết điều này.› Nếu đây là sự thật, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chưa thọ đại giới: như giới trước. Pháp về con người:[51] giới của con người, ấm của con người, nhập của con người.[52] Pháp thượng nhơn :[53] chỉ cho các pháp xuất yếu. Tự mình nói: nói mình đắc thân niệm, thiện tư duy, có giới, có dục, có không phóng dật, có tinh tấn, có định, có chánh định, có đạo, có tu hành, có trí tuệ, có kiến, có đắc, có quả. Nếu vị ấy thật sự có điều này, mà đến người chưa thọ đại giới nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng đột-kiết-la. Nếu dùng dấu tay, chữ viết, hoặc [640a1] ra hiệu khiến cho người biết rõ ràng, ba-dật-đề, không rõ ràng, đột-kiết-la. Nếu hướng đến các trời, a-tu-la, dạ-xoa, càn-thát-bà, rồng, ngạ quỉ, súc sanh có thể biến hóa mà nói pháp thượng nhơn, dù rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la. Nếu thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, lại hướng đến người đã thọ đại giới, nhưng họ chẳng đồng ý mà nói thì phạm đột-kiết-la; hoặc tự xưng là «Tôi đã đạt được căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, nhập tam muội;» hướng đến người mà nói thì phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu là Tăng thượng mạn; hoặc tự nói là do nghiệp báo chứ không nói là do mình tu mà được; hoặc thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, đến tỳ-kheo đồng ý mà nói; hoặc nói căn, lực, giác, đạo, giải thoát, nhập tam muội, mà không nói với người là «Tôi chứng đắc;» hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IX. THUYẾT PHÁP QUÁ NĂM LỜI[54] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di, vào lúc thích hợp, khoác y, bưng bát, đến nhà một trưởng giả. Trước mặt bà mẹ chồng, ông ghé bên tai nói pháp cho con dâu. Bà mẹ chồng thấy vậy liền hỏi cô dâu: «Vừa rồi tỳ-kheo nói gì vậy?» Cô dâu trả lời: «Tỳ-kheo nói pháp cho con nghe.» Bà mẹ chồng nói với cô dâu rằng: «Nếu nói pháp thì phải nói lớn cho chúng ta cùng nghe. Sao lại ghé bên tai nói cho một mình cô nghe thôi?» Cô dâu nói: «Vừa rồi tỳ-kheo nói như chuyện anh em không có gì khác. Đâu có điều gì là lỗi!» Lúc ấy, tỳ-kheo khất thực nghe được, liền quở trách Ca-lưu-đà-di, «Sao Tôn giả lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?» Khi ấy, tỳ-kheo khất thực xong trở về trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói đầy đủ cho các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm Ca-lưu-đà-di: «Sao lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà ngài cố ý hỏi Ca-lưu-đà-di: «Thật sự ông có ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?» Thưa rằng: «Có thật như vậy.» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Ca-lưu-đà-di này là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có người nữ thỉnh cầu các vị tỳ-kheo rằng: «Cúi xin chư tôn vì chúng con nói pháp.» Lúc ấy các tỳ-kheo đều có tâm dè dặt về việc Thế tôn chế giới, tỳ-kheo không được nói pháp cho người nữ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo: «Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo nói pháp cho người nữ năm, sáu lời.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ nghe quá năm, sáu lời, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Tỳ-kheo lại có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết nên thôi, không nói pháp cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, nếu có mặt người nam có trí, cho phép nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề. Khi ấy có các người nữ thỉnh các tỳ-kheo rằng: «Bạch đại đức, xin ngài trao năm giới cho con.» Các tỳ-kheo có tâm dè dặt vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không trao năm giới cho người nữ. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trao năm giới cho người nữ.» Bấy giờ, có người nữ thỉnh các tỳ-kheo: «Đại đức vì con nói pháp năm giới.» Bấy giờ, không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp năm giới cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp năm giới cho người nữ.» Khi ấy, các người nữ muốn thọ pháp bát quan trai, các tỳ-kheo có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không dám cho thọ thực pháp. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo không có mặt người nam có hiểu biết, được trao pháp bát quan trai cho người nữ.» Khi ấy, các người nữ thỉnh các tỳ-kheo: «Đại đức vì con nói pháp bát quan trai.» Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát quan trai. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát quan trai cho người nữ.» Lúc ấy các người nữ bạch các tỳ-kheo: «Đại đức, chúng con nghe pháp bát thánh đạo.» Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát thánh đạo. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát thánh đạo cho người nữ.» Khi ấy có các người nữ bạch với các tỳ-kheo: «Đại đức, xin ngài vì con nói mười pháp bất thiện.» Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp mười bất thiện cho người nữ.» Khi ấy có các người nữ bạch các tỳ-kheo: «Đại đức, vì chúng con nói mười pháp thiện.» Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói mười pháp thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói mười pháp thiện cho người nữ.» Khi ấy có những người nữ đến vấn nghĩa các tỳ-kheo. Tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, các tỳ-kheo được trả lời sự vấn nghĩa của người nữ. Nếu họ không hiểu nên vì họ nói rộng ra.» Từ nay về sau, muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người nữ: nghĩa cũng như trên Năm lời: sắc vô ngã; thọ, tưởng, hành, thức vô ngã. Sáu lời: mắt vô thường; tai, mũi, lưỡi, thân, ý vô thường. Người nam có hiểu biết: hiểu rõ việc thô ác hay không thô ác. Tỳ-kheo nói pháp cho người nữ quá năm sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Đối với thiếu nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, càn-thất-bà nữ, ngạ quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, vì chúng nói pháp quá năm sáu lời, rõ ràng hay không đều phạm đột-kiết-la. Trong loài súc [641a1] sanh, loài không thể biến hóa, vì chúng nó nói quá năm sáu lời đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chỉ nói năm sáu lời, nếu nói quá mà có mặt người nam có hiểu biết. Không có mặt người nam có hiểu biết mà trao năm giới cho ưu-bà-di, nói pháp năm giới, trao pháp bát quan trai, nói pháp bát quan trai, nói bát chánh đạo, nói pháp thập bất thiện, và người nữ vấn nghĩa, không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trả lời. Nếu họ không hiểu được, vì họ nói rộng ra. Hoặc nói đùa giỡn, nói vội vàng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. X. ĐÀO PHÁ ĐẤT[55] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo vì đức Phật sửa chữa giảng đường, đào đất xung quanh giảng đường.[56] Các cư sĩ thấy chê bai: «Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ, đoạn mạng sống của kẻ khác; bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? Tự mình đào đất, đoạn mạng sống của các loài khác!» Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao vì đức Phật sửa chữa giảng đường mà lại tự tay đào đất để các trưởng giả cơ hiềm?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại tự mình đào đất, khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng: «Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sửa chữa giảng đường, chỉ sai người đào đất, bảo rằng: «Đào chỗ này, bỏ chỗ này.» Các trưởng giả thấy rồi cơ hiềm: «Sao sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, bảo người đào đất đoạn mạng sống của loài khác, không có từ tâm. Bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? » Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao sửa chữa giảng đường của Phật, lại chỉ sai người đào đất, bảo rằng: ‹Đào chỗ này, bỏ chỗ này;› khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?» Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, vị thiểu dục đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao sửa chữa giảng đường lại chỉ sai người đào đất, bảo rằng: ‹Đào chỗ này, bỏ chỗ này;› khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới»: Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, hoặc sai người đào,[57] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Đất: đất đã đào hay đất chưa đào.[58] Nếu đất đào rồi trải qua bốn tháng mưa thấm trở lại như cũ, hoặc lấy bừa bừa, hoặc dùng xuổng đào, hoặc dùng vồ đập, hoặc dùng liềm, dao cắt; cho đến dùng móng tay bấm làm cho đất bị tổn thương, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Lấy nọc đóng vào đất, ba-dật-đề. Đốt lửa trên đất, ba-dật-đề. Đất hay có ý tưởng là đất, ba-dật-đề. Nếu không dạy rằng: «Xem cái này, biết cái này!»[59] phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu có nói, «xem cái này, biết cái này!» Hoặc kéo cây, kéo tre, hoặc rào ngã đỡ lên; hoặc lật đá để lấy phân; hoặc bờ đất bị sập; hoặc lấy đất ổ chuột; hoặc dọn đất nơi chỗ đi kinh hành; hoặc dọn đất trong nhà; hoặc dọn chỗ tới lui kinh hành; hoặc quét đất; hoặc cây tích trượng chống xuống đất; hoặc không cố ý đào. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [60]
Chú thích: 1] Cf. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37b14); Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.324c07); Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63b16); Căn bản 25 (T23n1442, tr.760b16). Pali, Pācittiya 1. Mūsavāda, Vin.iv. 2. [2] Thích-súy-sấu 釋翅瘦 (Pl. Sakkesu), giữa những người họ Thích; không phải địa danh. Các Bộ khác đều nói Phật tại Xá-vệ; Pali cũng vậy. [3] Tượng Lực 象力. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37b15), tỳ-kheo pháp sư Sa-lan 法師比丘名沙蘭. Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.324c08): Trưởng lão Thi-lị-da-bà 長老尸利耶婆; Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63b22): tỳ-kheo họ Thích Ha-đa 訶哆釋子比丘; Căn bản 25 (T23n1442, tr.760b17): duyên khởi từ Tôn giả La-hầu-la 具壽羅怙羅 (Cụ thọ La-hỗ-la), nhưng chưa chế giới; cho đến duyên khởi bởi tỳ-kheo Pháp Thủ 法手苾芻 mới chế giới. Pali: Hatthako Sakyaputto. [4] Ba-dật-đề. Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63c19): «Ba-dạ-đề 波夜提, tội danh; có nghĩa là thiêu đốt, ngăn bít. Nếu không sám hối, có thể chướng ngại đạo.» Pali: pācittiya. [5] Thấy, nghe, xúc, giác, hay biết, Hán: kiến, văn, xúc, tri 見聞觸知. Bốn chức năng nhận thức, cũng thường nói là kiến, văn, giác, tri. Tăng-kỳ: kiến văn tri thức 見聞知識. Pali: diṭṭhaṃ, sutaṃ, mutaṃ, viññaṃ. [6] Cf. Pali, Vin.iv. 2, nói dối với bảy hình thức về một trong bốn chức năng nhận thức: trước khi nói dối, trong khi nói dối, sau khi nói dối đều biết rõ mình sẽ, đang và đã nói dối; (cố ý) diễn tả sai lạc quan điểm, sự tán thành, sở thích và ý hướng; (…) vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ. [7] Chủng loại mạ 種類罵. Xem giải thích nơi phần giới tướng. [8] Đắc-sát-thi-la 得剎尸羅國. Pali: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, nổi tiếng về giáo dục. Được đề cập rất nhiều trong các chuyện tiền thân. [9] Pali, con bò tên là Nandivisāla. [10] Pali, seṭṭhi, nhà phú hộ, hay đại thương gia. [11] Pali, sahassena abbhutaṃ karoti, đánh cuộc một nghìn. Không nói «một nghìn» cái gì. Bản dịch Anh phỏng định: kahāpaṇa (tiền vàng). Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37c21), 50 tiền vàng. Căn bản 15 (T23n1442, tr.765a22), 500 tiền vàng. [12] Hán: nhất giác 一角, tên gọi diễu cợt con bò. Pali: kūṭa, không sừng; bò cụt sừng. [13] Hán: chủng loại huỷ tỷ ngữ 種類毀呰語. Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.325b28): chủng loại hình tướng ngữ 種類形相語; có 7 cách: chủng tánh, nghề nghiệp, tướng mạo, bệnh tật, tội, bệnh, kết sử (ô nhiễm). Pali (Vin.iv. 4): omasavāda. Có 10 cách mắng nhiếc: bằng gia đình (jātiyā), tên tuổi (nāmena), tộc họ (gottena), nghề nghiệp (kammena), công xảo (sippena), chứng (bệnh) tật (bādhena), dấu hiệu (liṅgena), phiền não (thói xấu) (kilesena), tội lỗi (āpattiyā), và sự hèn hạ (hīnena). [14] Trúc sư chủng 竹師種: thợ làm đồ tre. Pali: veṇajāti. [15] Xa sư chủng 車師種. Pali: rathakārajāti. [16] Câu-tấu 拘湊, Câu-thi 拘尸, Bà-tô-trú 婆蘇晝, Ca-diếp 迦葉, A-đề-lị-dạ 阿提梨夜, Bà-la-đọa 婆羅墮. Pali, giòng họ có thấp và cao. Giòng họ thấp: Kosiya, Bhāradvāja; giòng họ cao: Gotama, Moggallāna, Kaccāyana, Vāsiṭṭha. [17] Hán: bá ki 簸箕. Pali: naḷakāra, nghề đan/dệt cói. [18] Manh hạt 盲瞎, chỉ chung các khuyết tật và các chứng bịnh. [19] Thiện Nha 善牙. Thập tụng 9 (T23n1435, tr.66a27): Hảo Mao 好毛. [20] Thiện Bác 善博. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.38b05): Thiện Trảo 善抓. Thập tụng 9 (T23n1435, tr.66a27): Hảo Nha 好牙. [21] Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.326b19): truyện kể trong «Tam thú bản sanh kinh»; không nêu chi tiết. [22] Ngũ phần, nt.: «Nói hai lưỡi khiến tỳ-kheo loạn đấu.» Pali: bhikkhupesuñña, lời nói ly gián tỳ-kheo. [23] Pali, có hai hình thái ly gián ngữ (dvīhākārehi pesuññaṃ hoti): nói với mục đích gây cảm tình, nói với mục đích gây chia rẻ. [24] Tức là, thuật lại lời của người này cho người kia. Pali, có 10 loại nói ly gián, như 10 loại nói ác khẩu mạ lỵ: từ chuyện bêu xấu dòng họ, cho đến mắng chưởi. [25] Ngũ phần 8 (T22n1421, tr.59b09), ba-dật-đề 56; Tăng-kỳ 19 (T22n1425, tr.381c28), ba-dật-đề 69; Thập tụng (T23n1435, tr.112c22), ba-dật-đề 65; Căn bản 40 (T23n1442, tr.849b25), Ba-dật-đề 65. Pali, Vin.iv. 17, Pācittiya 6. [26] Nguyên Hán: xá nội 舍內; chính xác, nên hiểu là buồng trong. Pali: mañcakaṃ abbhantaraṃ, giường ở buồng trong. Xem cht. 32 dưới. [27] Hán: nhị câu giải thoát 二俱解脫. Tức với tâm giải thoát và huệ giải thoát. A-la-hán chứng đắc diệt tận định, gọi là có câu (phần) giải thoát. Xem Câu-xá (T22n1558, tr.131b26). Pali: ubhatobhāga-vimutta, cf. D.ii. 71; M.i. 477; S.i. 191. [28] Hán: dục bất tịnh độ hữu lậu phược 欲不淨度有漏縛. Cf. Pali, Mahāvagga, Vin. i. 16: bhagavā… anupubbiṃ kathaṃ kathesi seyyathidaṃ dānakathaṃ sīlakathaṃ sagga-kathaṃ, kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānisaṃsaṃ, «… rồi Thế tôn tuần tự thuyết pháp, nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên, về sự nguy hiểm, sự thấp hèn, sự ô nhiễm của các dục, và sự ích lợi do thoát ly dục. [29] Cf. A.i.80, dvemāni … sukhāni… kāmasukhanca nekkhammasukhañca, có hai sự khoái lạc: khoái lạc do dục vọng, và khoái lạc do thoát ly. [30] Nguyên Hán: đồng thất 同室, chung nhà. Chính xác, chung buồng. Pali: sahaseyya. Xem cht. 32 dưới. [31] Hán: hữu tri 有知. Cf. định nghĩa của Pali, Vin. iv. 20: (…) manussitthī na yakkhī na oetī na tiracchānagatā…, nữ thuộc loài người, không phải yakkha, không phải quỷ, không phải súc sanh. [32] Hán: thất 室. Pali: seyya, buồng ngủ; định nghĩa: hoặc được che lợp kín; hoặc được bao che kín; hoặc che lợp một phần; hoặc bao quanh một phần. Các bản Hán đều dịch là thất. [33] Ngũ phần 6, (T22n1421, tr.40a07), ba-dật-đề 7; Tăng kỳ 17, (T22n1425, tr.365b03), ba-dật-đề 42; Thập tụng 15, (T23n1435, tr.105b09), ba-dật-đề 54; Căn bản 39, (T23n1442, tr.838c07), ba-dật-đề 54. Pali: Pāc. 5. Sahaseyya, Vin. iv.15. [34] Khoáng Dã 曠野城. Ngũ phần nt., A-trà-tì ấp 阿荼脾邑. Tăng kỳ nt., Khoáng Dã tinh xá 曠野精舍. Thập tụng nt., A-la-tì quốc 阿羅毘國. Căn bản nt., Phật tại Thất-la-phiệt 室羅伐城 (Xá-vệ). Pali, nt., āḷaviyaṃ viharati aggāḷave cetiye, trú tại Āḷavi, trong ngôi miếu lớn của Āḷavi. [35] Pali, navakā bhikkhū … upāsakehi saddhiṃ…, các tân tỳ-kheo… cùng với các cư sĩ. [36] Câu-thiệm-tỳ 拘睒毘國. Ngũ phần nt., tại nước Câu-xá-di, vườn Cù-sư-la 拘舍彌國瞿羅 園. Tăng kỳ nt., nhân duyên tại Ca-duy-la-vệ. Thập tụng nt., Phật tại Xá-vệ. Căn bản nt., Phật tại Kiều-thiểm-tì, trong vườn Diệu âm 憍閃毘妙音園. Pali: Kosambī. [37] La-vân: La-hầu-la (Rāhula). [38] Y nói, Sa-di đã xuất gia, không còn nhận cha mẹ ngoài đời, mà là con của Phật. Không chỉ riêng La-hầu-la là con Phật. Xem cht. dưới. [39] Ngũ phần nt. (T22n1421, tr.40b17): «Sao bầy cáo lại đuổi sư tử?» Thập tụng nt. (T23n1435, tr.105c11): «Sa-di này không cha mẹ. Nếu các ngươi không thương tưởng che chở, làm sao sống nổi?» Căn bản nt. (T23n1442, tr.839c02): «Các cầu tịch (tức sa-di) không có cha mẹ. Duy chỉ các ngươi, những người đồng phạm hạnh, phải thương yêu che chở .» [40] Tăng kỳ nt. (T22n1425, tr.365c11): «được phép ngủ chung buồng ba đêm; bốn đêm thì nên biệt trú.» [41] Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, «quá hai đêm, ba-dật-đề.» Tăng kỳ: «quá ba đêm, ba-dật-đề.» Pali: uttaridirattatirattaṃ, «quá hai hoặc ba đêm»; được hiểu là «từ hai đến ba đêm». Giải thích ý nghĩa để chấp hành, Pali, Vin.iv. 17, nói: «Nếu đã trải qua hai đêm, thì đến đêm thứ ba nên ra đi trước khi có dấu hiệu bình minh.» [42] Đồng thất túc 同室宿. Xem cht.30. ba-dật-đề 4 trên. Pali: sahaseyyaṃ kappeyya. [43] Các bộ, ba-dật-đề 6. Pali, Pāc. 4 Padasodhammasikhā. [44] Thập tụng 6, ‹Đem cú pháp dạy người chưa thọ cụ túc…› [45] Ngũ phần 6, cú pháp: cú, vị và tự, tức mệnh đề, cụm từ, và âm tiết (vì tiếng Phạn đa âm tiết). Thập tụng 6, cú pháp: túc cú (mệnh đề trọn), bất túc cú (mệnh đề không trọn); túc tự (từ ngữ trọn, đa âm tiết), bất túc tự (từ ngữ không trọn), túc vị (âm tiết trọn), bất túc vị (âm tiết không trọn). [46] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 9; Tăng kỳ 14, ba-dật-đề 8; Thập tụng 10, ba-dật-đề 8. Căn bản 27, ba-dật-đề 7. Pali, Pāc. 9 Duṭṭhullārocana. [47] Ngũ phần và Tứ phần, giới được kết ba lần. Thập tụng, kết một lần. Căn bản, kết hai lần. Pali, một lần. [48] Xem Ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa x. [49] Hán: uý thận 畏慎. [50] Tăng kỳ 13, Thập tụng 10, ba-dật-đề 7; Ngũ phần 6, Căn bản 27, ba-dật-đề 8. Pali, Pāc.8 Bhūta-rocanasikhā. Tham chiếu Ch.i ba-la-di iv. [51] Hán: nhân pháp, trong quá nhân pháp 過人法 (thượng nhân pháp) Pl. uttarimanussa-dhamma). Xem giải thích, Ch.i ba-la-di 4 [52] Giới 人界, ấm 人陰, nhập 人入, hay giới (Pl. dhātu), uẩn (khandha), xứ (āyatana): các tổ hợp cấu thành nhân cách. [53] Nguyên Hán: quá nhân pháp 過人法. [54] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 4; Tăng kỳ 13, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 5; Pali, Pāc. 7 Dhammadesanasikhā. [55] Pali, Pāc. 10 Pathavīkhaṇana. Ngũ phần 8, ba-dật-đề 59; Tăng kỳ 19, ba-dật-đề 73; Thập tụng 16, Căn bản 41, ba-dật-đề 73. [56] Ngũ phần, nt.: Phật từ Câu-tát-la đến ấp A-trà-tỳ. Các tỳ-kheo sửa chữa nhà cửa để đón Phật. Tăng kỳ, nt.: doanh sự tỳ-kheo. [57] Ngũ phần 8 (T22n1425, tr.60c22): «sai người đào, hoặc bảo, đào chỗ này.» Tăng kỳ 19 (T22n1425, tr.384c): «Sai người đào, hoặc chỉ điểm chỗ đào.» Thập tụng: «Chỉ dạy người khác đào, bảo, ‹Ngươi hãy đào chỗ này.›» [58] Tăng kỳ nt., hai loại đất: sanh 生, chỉ đất tự nhiên; tác 作: đất nền để canh tác. Thập tụng nt., hai loại đất: sinh địa 生地, đất sinh sản vào tháng 8 ở những nước có mưa nhiều; ở nước mưa ít, tháng 4 đất sinh sản. Bất sinh địa 不生地, ngoài sinh địa ra. Pali, Vin. iv. 33: jātā ca pathavī ajātā ca pathavī. [59] Ngũ phần nt.: «Hãy biết cái này, hãy xem cái này. Tôi cần cái này. Cho tôi cái này.» Cf. Pali: imaṃ jāna, imaṃ dehi, imaṃ āhara, iminā attha, imaṃ kappaṃ karohi, «Hãy nhận rõ cái này; hãy cho đi cái này; hãy mang đi cái này; tôi cần cái này; hãy làm cho cái này hợp thức.» [60] Bản Hán, hết quyển 11. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XI. PHÁ HỌAI THỰC VẬT[61] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã. Thế tôn vì nhơn duyên trên tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Có một tỳ-kheo ở nơi Khoáng dã, khi sửa chữa phòng ốc, cố ý tự tay mình chặt cây phải không?» Thưa: «Bạch đức Thế tôn, thật vậy, có chặt.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao sửa chữa phòng ốc lại tự tay chặt cây? » Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, phá hoại mầm giống thực vật,[62] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thực vật (quỷ): không phải loài người. Mầm giống (thôn): chỉ chung cho tất cả cỏ cây. Chặt đốn cho nó ngã xuống nên gọi là phá hoại. Mầm giống (thôn) có năm loại: củ, nhánh, lóng, phú la, hạt.[63] - Củ: như loại ha-lê-đà, củ gừng, ưu-thi-la, mậu-tha-trí-tra, lư-kiện-đà-lâu và các loại củ khác có thể sanh ra mầm cây.[64] - Nhánh: như loại liễu, xá-ma-la, bà-hê-tha[65] và các loại nhánh khác có thể sanh ra cây con. - Lóng: như loại hoa tô-man-na, tô-la-bà, bồ-hê-na, la-lặc-liệu[66] và các loài từ lóng khác có khả năng sanh ra cây. - Phú la:[67] như loại cây mía, tre, lau, củ ngó[68] và các loại phú-la khác có thể sanh ra cây. - Hạt: như các loại hột sinh ra cây. Các loài đang có sự sống hay tưởng đang có sự sống, tự mình cắt đứt sự sống, hoặc sai người khác chặt đứt sự sống, hoặc tự tay sao, hoặc sai người sao, hoặc tự tay nấu, hoặc sai người nấu, ba-dật-đề. Nếu nghi đang có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống; tự mình sao, sai người sao, tự tay nấu, sai người nấu, đột-kiết-la. Đang có sự sống tưởng là chẳng có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, đột-kiết-la. Chẳng có sự sống tưởng là có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, cũng phạm đột-kiết-la. Chẳng có sự sống mà nghi, tự tay chặt đứt, [642a1] sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, cũng phạm đột-kiết-la. Cỏ cây bảy thứ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, xanh nhạt, tía. Cây cỏ đang tươi sống khởi ý nghĩ cây cỏ tươi sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt, cho đến nấu, ba-dật-đề. Nghi là cây cỏ đang tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, ba-dật-đề. Cây cỏ đang tươi sống tưởng chẳng phải cây cỏ tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la. Chẳng phải cây cỏ đang tươi sống tưởng là cây cỏ tươi sống, tự mình chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la. Nghi là chẳng phải cây cỏ đang tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la. Đóng nọc trên cây ba-dật-đề. Dùng lửa đốt trên cây cỏ đang tươi sống, ba-dật-đề. Chặt cây cỏ đa phần đang tươi sống, ba-dật-đề. Chặt cây cỏ phân nửa khô, phân nửa đang tươi sống, đột-kiết-la. Nếu không nói: ‹Xem cái này, biết cái này!› đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có nói, ‹xem đây, biết đây!› nếu chặt cây cỏ khô héo vì dọn rào dậu, dẹp đá gạch nên kéo cành tre, cày trên cỏ cây tươi sống; hoặc vì lấy phân, hoặc cỏ bò lấp đường dùng gậy vẹt cho trống để đi; hoặc dùng gạch đá làm trụ mà thương tổn đến cây cỏ; hoặc dọn đất đi kinh hành; hoặc quét chỗ thường đi tới đi lui; hoặc nhầm cỏ cây sống mà chặt, hoặc dùng cây gậy chống xuống đất mà cây cỏ bị đứt tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XII. NÓI QUANH [69] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà [70] phạm tội. Các tỳ-kheo hỏi: «Thầy có tự biết là mình phạm tội không?» Xiển-đà đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo: «Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội. Sao nói tôi có tội?» Các tỳ-kheo nghe. Lúc ấy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm tỳ-kheo Xiển-đà: «Tại sao thầy tự biết phạm tội, mà khi các tỳ-kheo hỏi, lại đem các việc khác để trả lời với các tỳ-kheo, rằng: ‹Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội. Sao nói tôi có tội?›» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà tỳ-kheo, tại sao ông phạm tội, khi các tỳ-kheo hỏi: ‹Thầy tự biết có tội không?› ông lại đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo rằng: ‹Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội, sao nói tôi có tội?›» Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau cho phép Tăng tác bạch rồi nên gọi đương sự làm pháp dư ngữ .[71] Nên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Các tỳ-kheo hỏi, ‹thầy có tự biết là mình phạm tội không?› Xiển-đà đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo, ‹thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội, sao nói tôi có tội?› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sẽ gọi Xiển-đà tỳ-kheo đến làm pháp dư ngữ. Đây là lời tác bạch.»[72] «Tác bạch như vậy gọi là pháp dư ngữ.» «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói dư ngữ, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà bị chúng Tăng cấm chế không được nói dư ngữ, sau đó lại gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói. Các tỳ-kheo nghe vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm Xiển-đà tỳ-kheo: «Tại sao sau khi chúng Tăng tác pháp dư ngữ rồi lại cố ý gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển Đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà tỳ-kheo, tại sao sau khi chúng Tăng chế cấm tác pháp dư ngữ, rồi lại cố ý gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, bạch rồi, gọi tỳ-kheo Xiển-đà đến tác pháp xúc não [73] như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà, Tăng gọi đến tác pháp dư ngữ rồi lại xúc não chúng Tăng bằng cách kêu đến không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói không nói, không nên nói lại nói. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chế cấm tỳ-kheo Xiển-đà gọi là tác pháp xúc não. Đây là lời tác bạch. «Bạch như vậy rồi, gọi là tác pháp xúc não.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, nói dư ngữ và gây phiền nhiễu người khác, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Dư ngữ :[74] Tăng chưa tác bạch mà nói lãng, như nói, «Thầy nói với ai? Nói chuyện gì? Bàn luận chuyện gì? Nói với tôi hay nói với ai? Tôi không thấy tội này.» Nói như vậy đều phạm đột-kiết-la. Nếu tác bạch rồi mà nói như vậy, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Gây phiền nhiễu :[75] Nếu trước khi tác bạch, gọi đến thì không đến, không gọi mà đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói; tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu bạch rồi mà nói như vậy, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Nếu Thượng tọa kêu đến mà không đến, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nghe lại lời nói trước không hiểu vì có sự mập mờ, cho nên hỏi lại: «Thầy nói với ai?.. cho đến, Tôi không thấy tội này.» Nếu vì sự tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, [643a1] muốn làm yết-ma không lợi ích, không đem lại sự hòa hợp, khi ấy gọi đến mà không đến, thì không phạm. Nếu vì sự tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, muốn làm yết-ma không lợi ích, khi ấy muốn biết lời dạy, tuy bảo đừng đến, mình lại đến, mà không phạm. Hoặc nhất tọa thực, hoặc không tác pháp dư thực mà ăn, hoặc bệnh, tuy được bảo đứng lên mà không đứng lên, vẫn không phạm. Hoặc nhà bị sập đổ, hoặc bị cháy, hoặc rắn độc vào nhà, hoặc gặp giặc, hoặc hổ lang, sư tử, hoặc bị cường lực bắt dẫn đi, hoặc bị người khác trói, hoặc mạng nạn, hoặc phạm hạnh nạn; tuy bảo đừng đứng lên mà đứng lên, thì không phạm. Hoặc được người hỏi với ác tâm, hoặc hỏi pháp thượng nhơn, bảo, «Thầy hãy nói điều nay»; khi ấy không nói mà không phạm. Hoặc khi tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, muốn làm yết-ma không lợi ích; khi ấy bảo đừng nói mà nói, không phạm. Hoặc nói nhỏ, hoặc nói vội vàng, hoặc nói trong mộng, hoặc nói một mình, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc kia thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIII. NÓI XẤU TĂNG SAI[76] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử[77] được Tăng sai phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và thỉnh Tăng đi thọ thực. Khi ấy, các tỳ-kheo Từ và Địa,[78] đứng nơi khoảng cách Tôn giả trong tầm mắt thấy mà tai không nghe, cùng nhau bàn nói: «Đạp-bà-ma-la Tử có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Các tỳ-kheo nói: «Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực. Các thầy chớ nên nói tôn giả là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Tỳ-kheo Từ và Địa trả lời: «Chúng tôi không nói trước mặt mà cơ hiềm nơi chỗ khất kín.»[79] Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Từ, Địa: «Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực. Sao các thầy lại nói Tôn giả là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Từ, Địa: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thế nào, tỳ-kheo Từ, Địa! Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực; sao các ngươi lại nói ông ấy là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ, Địa rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo Từ, Địa này là người ngu si, trồng nhiều giống hữu lậu, lần đầu tiên phạm giới này.[80] Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp cửu trú.» Muôn nói giới, nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào biếm nhẽ, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo Từ, Địa sau đó lại tạo phương tiện khác. Ở chỗ Đạp-bà-ma-la Tử mà nghe nhưng không thấy, họ nói với nhau: «Đạp-bà-ma-la Tử này là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Các tỳ-kheo nói với Từ, Địa rằng: «Phật há đã không chế giới rằng, biếm nhẽ[81] là phạm Ba-dật-đề hay sao?» Tỳ-kheo Từ, Địa trả lời: «Chúng tôi không biếm nhẽ, mà là mạ lị. »[82] Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, chỉ trích tỳ-kheo Từ, Địa rằng: «Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực, sao các thầy lại mạ lị tôn giả? » Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Từ, Địa: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực, sao các ông lại mạ lị.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ, Địa rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào, biếm nhẽ và mắng chửi, ba-dật-đề.[83] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Hoặc biếm nhẽ trước mặt, hoặc mạ lị sau lưng. - Biếm nhẽ trước mặt: là đứng nơi địa điểm có thể thấy mà không nghe, mà nói «có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» - Mạ lị sau lưng: là đứng nơi chỗ tai có thể nghe, mắt không thấy, mà nói «có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Tỳ-kheo chê bai và mắng chửi tỳ-kheo, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng đột-kiết-la. Nếu Thượng tọa bảo người chê bai và mắng chửi, nếu nhận lời chê bai và mắng chửi, thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người kia thật có việc như vậy, tức là có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh. Sợ sau đó có sự hối hận nên nói để khiến như pháp mà phát lồ; khi ấy nói, «có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh,» thì không phạm. Hoặc nói vui chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIV. TRẢI TOẠ CỤ TĂNG KHÔNG CẤT[84] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả muốn thỉnh chúng Tăng dùng cơm. Trong thời gian chờ đợi cho đến giờ ăn, lúc ấy có nhóm mười bảy tỳ-kheo mang tọa cụ của Tăng đem trải nơi đất trống, rồi kinh hành, chờ đến giờ ăn. Khi đến giờ, không thu dọn tọa cụ của Tăng, liền đến chỗ mời ăn, nên tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch. Các tỳ-kheo thọ thực xong trở về trong Tăng-già-lam, thấy tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, ô uế không sạch, liền hỏi rằng: «Ai đã trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, khiến gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?» Chư Tăng nói: «Nhóm mười bảy tỳ-kheo trải đó.» Trong số các tỳ-kheo nghe đó, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm mười bảy tỳ-kheo: «Sao các ông trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, để gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch thế này?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông mang tọa cụ của Tăng trải mà bỏ đi không thu dọn, gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, mang giường giây, giường cây, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi[85] của Tăng, bày nơi đất trống hoặc bảo người bày, khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không sai người dọn cất, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vật của chúng Tăng, dành cho Tăng, thuộc về Tăng. - Vật của Tăng: vật đã xả [644a1] cho Tăng. - Vật dành cho Tăng: vật vì Tăng mà làm nhưng chưa xả cho Tăng. - Vật thuộc về Tăng: vật đã nhập vào Tăng, đã xả cho Tăng. Giường dây :[86] có năm loại, giường nằm chân xoay, giường nằm chân thẳng, giường nằm chân cong, giường nằm ráp mộng, giường nằm không có chân. Giường cây:[87] cũng như vậy. Ngọa cụ: hoặc dùng để ngồi, hoặc dùng để nằm. Đệm: dùng để ngồi. Nếu tỳ-kheo đem giường nằm, ghế ngồi, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng bày nơi đất trống, hoặc bảo người bày; khi đi, nếu ở đó có cựu trú tỳ-kheo hoặc Ma-ma-đế,[88] hoặc người quản sự,[89] nên nói, «Nay tôi giao cho ông. Ông coi sóc giữ gìn cho.» Nếu không có người nào thì phải dọn cất nơi chỗ vắng rồi đi. Nếu không có chỗ vắng, mà tự biết chỗ đó không bị phá hoại, được an ổn, thì lấy cái thô (xấu) phủ lên trên cái tốt rồi đi. Nếu đi rồi về lại liền thì đi. Nếu mưa gấp về gấp, tọa cụ không bị hư hoại thì nên đi. Nếu mưa vừa, vừa về lại kịp thì nên đi. Nếu mưa lâm râm đi một chút về kịp thì nên đi. Vị Tỳ-kheo kia nên tuần tự làm theo phương tiện như vậy rồi đi. Không theo phương tiện như vậy mà đi; khi bắt đầu ra khỏi cửa, ba-dật-đề. Nếu một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, ý muốn đi mà không đi lại hối hận, tất cả đều đột-kiết-la. Nếu hai người cùng ngồi trên giường nằm, ghế ngồi, vị hạ tọa phải thu dọn rồi đi. Hạ tọa nếu có ý nghĩ là để Thượng tọa dọn cất, nhưng cuối cùng Thượng tọa không dọn cất thì hạ tọa phạm ba-dật-đề và còn trái với oai nghi nên phạm thêm đột-kiết-la. Thượng tọa có ý nghĩ là để hạ tọa dọn cất, hạ tọa không dọn cất thì Thượng tọa phạm ba-dật-đề. Nếu hai người đồng đi một lượt, không ai trước ai sau mà không dọn cất thì cả hai đều phạm ba-dật-đề. Ngoài ra cho đến giường giây, giường nằm, ghế ngồi, ghế dựa để tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, hoặc lấy dây buộc bằng lông hay dây gai bỏ nơi đất không thu dọn mà bỏ đi, tất cả phạm đột-kiết-la. Nếu trải ngọa cụ của Tăng nơi đất, không thu dọn mà vào phòng ngồi tư duy cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu lấy giường giây, giường cây, ghế ngồi hoặc ghế dựa, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng, tự mình bày nơi đất, hoặc sai người bày, khi đi có nói với vị cựu trú, hoặc Ma-ma-đế, người quản sự, giữ gìn vật này thu dọn giúp. Nếu không có ai thì thu xếp nơi chỗ vắng rồi đi. Nếu không có chỗ vắng an toàn mà tự mình biết chỗ nào đó không bị quên mất, không sợ hư nát thì dùng vật thô phủ lên trên vật tế mà đi. Nếu đi rồi trở về liền, hoặc gặp mưa to gió lớn, đi gấp về gấp được, hoặc mưa vừa vừa, vừa đi vừa trở về, hoặc mưa lâm râm đi thong thả trở về kịp, theo thứ tự phương tiện rồi đi thì không phạm. Hoặc bị thế lực trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không làm theo thứ tự như vậy, thì không phạm. Hoặc hai người cùng ngồi trên một giường giây, vị hạ tọa thu dọn. Ngoài ra cho đến các loại giường không khác như giường cây, giường dây, ghế ngồi, ghế dựa, ghế ngồi tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, dây buộc lông mịn, bỏ nơi đất thu dọn mà đi. Hoặc nơi đất trống trải tọa cụ của Tăng, thu dọn rồi vào phòng tư duy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XV. TRẢI NGỌA CỤ TRONG PHÒNG TĂNG[90] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có vị tỳ-kheo khách nói với các vị tỳ-kheo cựu trú rằng: «Tôi trải ngọa cụ trong phòng của Tăng kế bên để nghỉ.» Sau đó, không nói với vị tỳ-kheo cựu trú mà đi. Ngọa cụ của Tăng bị hư mục, trùng kiến cắn biến sắc. Trong những lúc tiểu thực, đại thực, nói pháp ban đêm, nói giới, vị cựu trú tỳ-kheo không thấy vị khách tỳ-kheo có mặt, nên vị tỳ-kheo cựu trú nghĩ: «Sao không thấy vị tỳ-kheo khách? Phải chăng vị ấy qua đời, hoặc đi xa, hoặc trả lại giới để làm bạch y, hoặc bị cướp bắt, hoặc bị ác thú ăn, hoặc bị nước trôi?» Vị cựu trú liền đến phòng đó, thấy ngọa cụ của chúng Tăng bị hư mục, trùng kiến cắn biến sắc. Thấy như vậy rồi, vị cựu trú hiềm trách vị tỳ-kheo khách kia rằng: «Sao tỳ-kheo khách nói với tôi là dùng ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với tôi, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?» Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm tỳ-kheo khách kia rằng: «Sao khách tỳ-kheo nói với cựu trú tỳ-kheo là lấy ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với tôi, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo khách: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông ta bày ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với cựu trú tỳ-kheo, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo khách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ở trong phòng của Tăng, trải ngọa cụ của Tăng, hoặc tự mình trải, hoặc bảo người trải, hoặc ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự dọn cất, không bảo người dọn cất, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vật của chúng Tăng: Như trước đã nói. Ngọa cụ, giường nằm, ghế ngồi, đệm nằm, tọa cụ, gối, đồ trải dưới đất, cho đến đồ nằm bằng lông, mà tỳ-kheo kia nếu muốn trải ngọa cụ của chúng Tăng trong phòng của Tăng, hoặc tự mình trải, bảo người trải, hoặc ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự dọn cất, không sai người dọn cất. Trong đó, nếu có cựu trú tỳ-kheo, có người kinh doanh, hoặc Ma-ma-đế, nên nói, «dọn cất giùm tôi.» Trong trường hợp không có người để giao phó mà không sợ mất, nên di chuyển giường ra cách vách, kê chân giường lên cao, đem gối, nệm, ngọa cụ để bên trong, rồi lấy ngọa cụ khác phủ lên trên mà đi. Nếu sợ bị hư hoại thì nên lấy ngọa cụ, nệm kết lông, gối, máng, lên trên giá móc áo, dựng đứng giường lên mà đi. Tỳ-kheo kia nên làm như vậy rồi mới đi. Nếu không làm như vậy mà đi, ra ngoài giới, phạm ba-dật-đề. Một chân ngoài giới, một chân trong giới, rồi ăn năn không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tính đi mà không đi, đột-kiết-la. Nếu đi rồi về liền, hoặc hai đêm ở ngoài giới, đến đêm thứ ba, bình minh chưa xuất hiện, hoặc tự mình về trong phòng, hoặc sai người đến, hoặc nói với Ma-ma-đế, hoặc vị tri sự rằng, «thầy coi chừng vật này.» Nếu tỳ-kheo đi ra, ngủ ngoài giới hai đêm, đến đêm thứ ba khi bình minh chưa xuất hiện, không tự mình về trong phòng, không sai người nói: «Thầy coi chừng vật này,» phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu tự tay trải ngọa cụ của chúng Tăng, hoặc sai người trải để ngồi hoặc nằm. Khi đi nơi đó có cựu trú tỳ-kheo hoặc Ma-ma-đế, hoặc vị tri sự, [645a1] nói rằng: «Thầy coi chừng vật này; ở trong đây mà làm Ma-ma-đế.» Nếu không có người để giao phó mà đoán biết không bị hư hại thì dời giường cách vách, đem ngọa cụ gối, nệm để lên trên giường, phủ hai lớp rồi đi. Nếu sợ bị hư hoại thì nên đem ngọa cụ máng trên giá y, dựng đứng giường lên rồi đi, làm như vậy rồi đi thì không phạm. Nếu phòng xá bị sập đổ, lửa cháy, rắn độc ở bên trong, trộm cướp, hổ lang, sư tử, kẻ có cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc không lâu sẽ trở ngại, hoặc ngủ ngoài giới hai đêm, đến đêm thứ ba, bình minh chưa xuất hiện, tự mình về hoặc sai người nói với cựu trú tỳ-kheo, «Thầy coi chừng vật này mà làm Ma-ma-đế.» Hoặc bị thủy đạo trở ngại, hoặc trên tuyến đường có giặc cướp, hổ lang, sư tử, hoặc nước lụt, bị kẻ thế lực cầm giữ, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, mà hai đêm ở ngoài giới, đến đêm thứ ba, bình minh đã xuất hiện tự mình không đến được, không thể sai người đến nói: «Thầy coi chừng vật này mà làm Ma-ma-đế giùm tôi.› Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVI. CHEN LẤN CHỖ NGỦ[91] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo[92] và nhóm mười bảy tỳ-kheo ở tại nước Câu-tát-la, trên tuyến đường đi đến nơi tụ lạc khác, nơi đó không có trú xứ của tỳ-kheo. Lúc này, nhóm mười bảy tỳ-kheo nói với nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Các thầy hãy đi trước tìm chỗ nghỉ ngơi.» Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng: «Các ông tự đi tìm. Chúng tôi dính gì đến việc các ông?» Nhóm sáu tỳ-kheo là bậc Thượng tọa của nhóm mười bảy tỳ-kheo, nên nhóm mười bảy mới thưa với nhóm sáu tỳ-kheo như vầy: «Các thầy là Thượng tọa đối với chúng con. Thượng tọa nên tìm nơi nghỉ trước. Chúng con sẽ tìm sau.» Nhóm sáu tỳ-kheo bảo: «Các ông hãy đi. Chúng tôi không cần tìm chỗ nghỉ.» Lúc ấy, nhóm mười bảy tỳ-kheo liền đi tìm nơi để nghỉ. Tìm xong, tự trải ngọa cụ nghỉ ngơi. Nhóm sáu tỳ-kheo biết nhóm mười bảy tỳ-kheo đã tìm ra được chỗ nghỉ và đã trải ngọa cụ rồi, đến bảo rằng: «Các ông đứng lên. Phải theo thứ tự lớn nhỏ mà nghỉ ngơi.» Nhóm mười bảy nói: «Chúng con không thể đứng lên để nhường cho các thầy được.» Nhóm sáu hỏi rằng: «Các ông nay bao nhiêu tuổi?» Nhóm mười bảy thưa: «Các trưởng lão thật sự là bậc Thượng tọa của chúng con. Trước đây, chúng con đã thưa với các trưởng lão là đi tìm nơi nghỉ ngơi trước. Sau đó, chúng con sẽ tìm chỗ nghỉ ngơi. Nay chúng con tìm rồi, không thể nào dời đi được.» Khi ấy nhóm sáu tỳ-kheo cưỡng bức, trải tọa cụ vào giữa để ngủ. Nhóm mười bảy tỳ-kheo lớn tiếng la rằng: «Chư tôn đừng làm vậy! Chư tôn đừng làm vậy! » Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe được. Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao nhóm mười bảy tỳ-kheo tìm chỗ nghỉ trước, các thầy đến sau lại cưỡng bức trải ngọa cụ vào giữa để ngủ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao nhóm mười bảy tỳ-kheo tìm chỗ nghỉ trước, các thầy đến sau lại cưỡng bức trải ngọa cụ vào giữa để ngủ?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nơi chỗ nghỉ của tỳ-kheo đã đến trước, mình đến sau cố chen vào khoảng giữa trải ngọa cụ để nghỉ, với ý nghĩ rằng: ‹người kia nếu hiềm chật thì tự tránh đi nơi khác;› hành động với nhơn duyên như vậy chứ không gì khác, chẳng phải oai nghi, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo không biết trước đó chỗ này đã có vị nào tìm nghỉ hay chưa tìm nghỉ, sau đó mới biết là có người tìm trước, nên tác pháp sám hối ba-dật-đề, hoặc có ý dè dặt. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, đã biết đó là chỗ nghỉ trước của tỳ-kheo, mình đến sau cố chen vào khoảng giữa trải ngọa cụ để nghỉ, với ý nghĩ rằng: ‹người kia nếu hiềm chật thì tự tránh đi nơi khác;› hành động với nhơn duyên như vậy chứ không gì khác, chẳng phải oai nghi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Khoảng giữa: tức một bên đầu, một bên chân hay một bên của hai bên hông. Ngọa cụ: trải cỏ, trải lá lên mặt đất, trải giạ để nằm. Tỳ-kheo nào đã biết tỳ-kheo khác chọn chỗ nghỉ rồi, mình đến sau cố chen vào giữa trải ngọa cụ để nghỉ; tùy theo mỗi lần trở mình, hông dính giường, phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc nói với người nằm trước, hoặc cửa mở, hoặc nơi rộng rãi không trở ngại, hoặc có người thân cũ. Người thân cũ nói rằng: «Cứ trải bên trong ngủ đi. Tôi sẽ nói với người chủ cho.» Hoặc bị té xuống đất, hoặc bị bệnh xoay chuyển ngã lên trên. Hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVII. ĐUỔI TỲ KHEO RA NGOÀI[93] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo và nhóm mười bảy tỳ-kheo từ thị trấn Khoáng dã nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một trú xứ nhỏ.[94] Lúc ấy, nhóm mười bảy tỳ-kheo nói với nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Quý trưởng lão tìm nơi trải ngọa cụ trước đi.» Nhóm sáu bảo: «Các ông cứ tự đi! Chúng tôi dính gì đến việc các ông?» Nhóm sáu tỳ-kheo là bậc Thượng tọa đối với nhóm mười bảy tỳ-kheo, do vậy nhóm mười bảy thưa: «Quý trưởng lão là bậc Thượng tọa của chúng con. Quý ngài nên đi trải ngọa cụ trước, chúng con sẽ trải sau.» Nhóm sáu nói rằng: «Các ông cứ đi. Chúng tôi không trải.» Nhóm mười bảy tỳ-kheo thích sạch sẽ, vào chùa quét phòng xá cho sạch, trải ngọa cụ tốt, ngủ nghỉ ở đó. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo biết nhóm mười bảy tỳ-kheo đã vào chùa quét dọn phòng xá sạch sẽ, trải ngọa cụ tốt rồi, liền vào phòng nói rằng: «Trưởng lão, hãy đứng dậy. Theo thứ tự mà ngồi.» Nhóm mười bảy tỳ-kheo thưa rằng: «Chúng con không dậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo liền hỏi: «Các ông nay bao nhiêu tuổi?» Nhóm mười bảy tỳ-kheo thưa: «Quý trưởng lão thật sự là bậc Thượng tọa đối với chúng con. Nhưng trước đây chúng con đã thưa, chư Thượng tọa hãy trải ngọa cụ trước. Chúng con theo thứ lớp sẽ trải sau. Nay chúng con đã ngồi rồi; không thể dậy được. Lúc này trời đã tối rồi, tất cả nên cùng ngủ đi.» Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo với ý giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng. Nhóm mười bảy tỳ-kheo cao giọng kêu la: «Chư hiền, đừng làm vậy! Chư hiền, đừng làm vậy!» Lúc ấy, có tỳ-kheo phòng gần nghe, liền hỏi: «Các thầy cớ gì kêu to tiếng như vậy?» Nhóm mười bảy tỳ-kheo trình bày đầy đủ sự việc. Trong số người nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các ngài giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng của Tăng?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ [646a1] dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, tại sao các ông giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng của Tăng?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, giận tỳ-kheo khác, không vui, tự mình kéo ra hay bảo người khác kéo tỳ-kheo ấy ra khỏi tăng phòng,[95] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tăng phòng: cũng như trước. Tỳ-kheo nào giận tỳ-kheo khác, không vui, tự mình kéo hoặc bảo người kéo tỳ-kheo ấy ra khỏi phòng Tăng, tùy theo sự lôi kéo nhiều hay ít, tùy thuộc vào việc ra khỏi phòng, ba-dật-đề. Hoặc kéo nhiều người ra khỏi nhiều cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo nhiều người ra một cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo một người ra nhiều cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo một người ra khỏi một cửa, phạm một ba-dật-đề. Nếu cầm đồ của người khác ra ngoài, phạm đột-kiết-la. Hoặc cầm đồ của người khác quăng ra ngoài cửa, phạm đột-kiết-la. Hoặc đóng cửa để người ở ngoài, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: Không có tâm giận hờn, đi ra theo thứ tự; hoặc cùng ngủ hai đêm, đến đêm thứ ba bảo người chưa thọ giới đi ra; hoặc vì người phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc vì người bị cử tội, hoặc vì người bị tẩn, hoặc đang bị tẩn, vì những nhơn duyên như vậy, hay có mạng nạn, phạm hạnh nạn, đuổi hạng người như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVIII. GHẾ NGỒI KHÔNG VỮNG[96] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo ở trên lầu gác,[97] ngồi trên giường chân ráp,[98] không được an toàn lắm, phía dưới gác có tỳ-kheo đang ngủ. Vì sàn gác mỏng nên chân giường bị sút, rớt xuống trúng tỳ-kheo bên dưới bị thương đến chảy máu. Tỳ-kheo bên dưới ngửa mặt lên giận dữ mắng: «Tỳ-kheo gì mà ở tầng gác trên, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến cho giường sút chân, đả thương thân tôi đến nỗi chảy máu?» Các tỳ-kheo nghe được. Trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, «Sao tỳ-kheo ở trên tầng gác, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến chân giường sút ra, rớt trúng thân hình của tỳ-kheo kia làm bị thương đến chảy máu?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia rằng: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo ở trên tầng gác, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến chân giường sút ra, rớt trúng thân hình của tỳ-kheo kia làm bị thương đến chảy máu?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, hoặc trong phòng, hoặc trên tầng gác, nằm hay ngồi [99] trên giường, ghế bằng chân ráp, ba-dật đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà:[100] chỉ cho phòng Tăng hay phòng riêng. Tầng gác:[101] người đứng dưới không đụng đầu. Giường chân ráp: loại giường chân giáp vào lỗ mộng. Tỳ-kheo ở trên tầng gác, hoặc ngồi hay nằm trên giường chân ráp, tùy thuộc vào hông dính nơi giường, hay tùy theo sự trở mình, phạm ba-dật-đề. Trừ giường chân ráp ra, hoặc giường độc tọa,[102] hoặc giường một tấm ván, hoặc giường tắm,[103] tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu ngồi giường chân xoay, giường chân thẳng, giường chân cong, giường không chân, hoặc giường chân lớn, hoặc giường chân ráp mà có cột cẩn thận, hoặc trên tầng gác có ván lót, hoặc cây chạm hoa để che, hoặc phủ dày, hoặc lật ngửa giường mà ngồi hay tháo chân giường mà ngồi, tất cả không phạm, Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa kiết giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XIX. DÙNG NƯỚC CÓ TRÙNG[104] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở tại nước Câu-thiểm-di.[105] Bấy giờ có tỳ-kheo Xiển-đà [106] xây cất nhà lớn,[107] tự mình lấy nước có trùng hòa vào bùn, và bảo người hòa. Các trưởng giả thấy thế hiềm trách rằng, «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không có từ tâm, hại mạng chúng sanh. Bên ngoài tự nói, ta tu chánh pháp, nếu nhìn vào việc hiện tại thì đó có chi gọi là chánh pháp? Dùng nước có trùng hòa vào bùn, và bảo người hòa, hại mạng chúng sanh.» Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng: «Sao xây cất phòng ốc, lấy nước có trùng hòa vào bùn, hay bảo người hòa, hại mạng chúng sanh?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Xiển-đà rằng: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà! Sao xây cất phòng ốc, lấy nước có trùng hòa vào bùn, hay bảo người hòa, hại mạng chúng sanh?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tự mình dùng nước có trùng hòa vào bùn, hoặc sai người hòa, ba-dật đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo trước đó chưa biết nước có trùng hay nước không có trùng, sau đó mới biết là nước có trùng, nên có vị làm pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị vì dè dặt. Phật dạy: «Không biết, không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng, mà tự mình rưới lên bùn[108] hoặc cỏ, hoặc bảo người rưới, ba-dật đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nếu biết nước có trùng, mà dùng cỏ hay đất ném vào trong đó, ba-dật-đề. Ngoài nước ra, nếu nước tương, nước tương trong,[109] trong dấm, trong nước ngâm gạo mà có trùng, tự mình hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, ba-dật-đề. Nếu tự mình hoặc bảo người dùng đất hoặc cỏ bỏ vào nước tương, nước tương trong, dấm, nước ngâm gạo mà có trùng, ba-dật-đề. Nếu nước có trùng, tưởng là nước có trùng, ba-dật-đề. Nước có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Nước không có trùng, tưởng là nước có trùng, đột-kiết-la. Nước không có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Không biết là có trùng; nghĩ rằng không có trùng; hoặc là trùng lớn, dùng tay khua động khiến cho nó tránh đi; hoặc là nước đã lọc tưới đất, hoặc sai người tưới; tất cả đều [647a1] không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XX. CẤT NHÀ LỚN[110] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Tôn giả Xiển-đà tỳ-kheo xây cất phòng xá lớn,[111] cỏ lợp còn dư, lợp thêm, lợp đến lớp thứ ba rồi mà vẫn còn dư. Khi ấy Xiển-đà có ý nghĩ rằng: «Ta không thể thường xuyên đến nơi đàn-việt cầu xin cỏ.» Bèn tiếp tục lợp mãi, cho đến lúc (không chịu được nổi), nhà bị sập. Các cư sĩ thấy thế chê trách: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý nên cầu xin không chán. Bên ngoài tự xưng rằng, ta biết chánh pháp. Như nay xem ra thì có gì là chánh pháp? Làm phòng xá lớn, lợp mãi không thôi, đến nỗi nhà bị sập. Dù đàn-việt muốn cho, nhưng người nhận phải biết đủ chứ!» Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Xiển-đà: «Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển Đà! Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Xiển-đà tỳ-kheo, kẻ ngu si này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ và các thứ trang trí,[112] chỉ dẫn lợp[113] tranh ngang bằng hai, ba lớp;[114] nếu lợp quá, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Phòng xá lớn:[115] là nhà dùng nhiều vật liệu. Các thứ trang trí khác: tức là chạm trổ, vẽ vời. Lợp: có hai loại, lợp bề dọc, lợp bề ngang. Tỳ-kheo kia chỉ dẫn lợp hai lớp rồi, khi lớp thứ ba chưa xong, nên đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe. Nếu lợp hai lớp rồi, lớp thứ ba chưa xong mà tỳ-kheo không đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe, khi lớp thứ ba lợp xong, phạm ba-dật-đề. Nếu bỏ chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, bỏ chỗ mắt thấy đến chỗ tai nghe, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chỉ bảo lợp lớp thứ hai xong, lớp thứ ba lợp chưa xong bèn đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe. Nếu đường bộ, đường thủy bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; chỉ bảo lợp xong lớp thứ hai đến lớp thứ ba chưa xong, khi ấy không đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXI. GIÁO GIỚI NI KHÔNG ĐƯỢC TĂNG SAI[116] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ cùng với sự tụ hội của chúng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị. Các ngài hạ an cư ở đó. Họ đều là những vị nổi tiếng như Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả Kiếp-tân-na, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, Tôn giả Ma-ha Châu-na, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Ly-việt, Tôn giả A-nan, Tôn giả Nan-đà, Tôn giả Na-đề cùng với năm trăm vị như vậy. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo, tỳ-kheo-ni Sai-ma, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc, tỳ-kheo-ni Đề-xá Cù-đàm-di, tỳ-kheo-ni Ba-lê-giá-la-di, tỳ-kheo-ni Tố-di, tỳ-kheo-ni Sổ-na, tỳ-kheo-ni Tô-la, tỳ-kheo-ni Giá-la-di, tỳ-kheo-ni Bà-giá-la, tỳ-kheo-ni Thi-la-bà-giá-na, tỳ-kheo-ni A-la-bà, tỳ-kheo-ni Ma-la-tỳ, tỳ-kheo-ni Châu-nể, tỳ-kheo-ni Bà-nể. Cùng năm trăm tỳ-kheo-ni như vậy; Đại Ái Đạo là vị đứng đầu. Tất cả đều an cư trong vườn Vua,[117] nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, Đại Ái Đạo đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi, Đại Ái Đạo bạch đức Thế tôn rằng: «Cúi xin đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo thuyết pháp giáo giới cho chúng tỳ-kheo-ni.» Đức Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di rằng: «Từ nay cho phép các tỳ-kheo thuyết pháp giáo giới cho tỳ-kheo-ni.» Đại Ái Đạo đảnh lễ dưới chân Phật rồi cáo lui. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo A-nan rằng: «Từ nay trở đi, Ta cho phép theo thứ lớp mà sai Thượng tọa đại tỳ-kheo giáo giới cho tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ.» Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe đức Phật dạy rồi, liền đến chỗ tỳ-kheo Ban-đà [118] thưa rằng: «Trưởng lão, ngài đi giáo giới và thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni.» Ban-đà bảo A-nan rằng: «Tôi chỉ tụng được một bài kệ. Làm sao giáo giới tỳ-kheo-ni? Làm sao thuyết pháp?» Tôn giả A-nan lại nói với Ban-đà: «Trưởng lão, ngài đi giáo giới và thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni.» Ban-đà lại bảo A-nan rằng: «Tôi chỉ tụng được một bài kệ. Làm sao giáo giới tỳ-kheo-ni? Làm sao thuyết pháp?» Lần thứ ba, Tôn giả A-nan lại thưa với Ban-đà rằng: «Đức Thế tôn có dạy, sai tỳ-kheo bậc Thượng tọa giáo giới tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ. Vậy trưởng lão nên giáo giới tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ.» Lúc ấy, Tôn giả Ban-đà im lặng vâng lời Phật. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni khi nghe tin Tôn giả Ban-đà tỳ-kheo theo thứ tự ngày mai sẽ đến giáo thọ; họ nói với nhau, «Ban-đà ngu ám này, chỉ tụng được một bài kệ. Tụng xong chắc chắn sẽ nín thinh. Còn gì để nói nữa?» Sáng sớm hôm đó, Tôn giả Ban-đà khoác y, bưng bát, vào thành Xá-vệ khất thực; rồi trở về trong Tăng-già-lam, sửa lại y phục, dẫn theo một tỳ-kheo, đến chỗ tỳ-kheo-ni an cư trong vườn Vua. Các tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Ban-đà đến, tất cả đều ra trước đón rước, có vị phủi bụi y phục, có vị bưng bát, trải tọa cụ, có vị chuẩn bị nước sạch và đồ rửa chân. Tôn giả Ban-đà liền đến chỗ ngồi an tọa. Các tỳ-kheo-ni đều sắp hàng đảnh lễ dưới chân ngài, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ Đại Ái Đạo bạch với Tôn giả Ban-đà rằng: «Bây giờ chính là lúc thích hợp. Xin ngài giáo giới và thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni.» Tôn giả Ban-đà liền nói bài kệ: Người chứng tịch tịnh thì hoan hỷ; Thấy pháp, được an vui. Thế gian không sân, tối hoan lạc, Không tổn hại chúng sanh. Thế gian vô dục, tối an lạc, Ra khỏi các ái dục. Nếu điều phục ngã mạn Ấy là lạc đệ nhất! Tôn giả Ban-đà nói bài kệ này xong liền vào đệ tứ thiền. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng nhau trêu cợt rằng: «Trước đây tôi đã nói lời này: ‹Ban-đà tỳ-kheo là người si, chỉ tụng được một bài kệ. Nếu đến nói cho chúng ta, thì khi nói xong bài kệ ấy rồi, có gì để nói nữa?› Quả như lời nói, hiện tại ngài ấy đang im lặng.» Khi ấy, các tỳ-kheo-ni La-hán nghe Ban-đà nói xong, tất cả rất vui mừng, vì biết Ban-đà [648a1] có đại thần lực. Rồi Đại Ái Đạo lại thỉnh Tôn giả Ban-đà giáo giới, thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni. Ban-đà tỳ-kheo lại cũng đọc lại bài kệ đã đọc rồi vào đệ tứ thiền trở lại, ngồi im lặng. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni lại cùng nhau bàn tán: «Tôn giả Ban-đà là người ám độn, chỉ tụng được một bài kệ. Nếu đến nói cho chúng ta, thì khi nói xong bài kệ ấy rồi, có gì để nói nữa? Quả như lời nói, hiện tại ngài ấy đang im lặng.» Ở đây chỉ có các tỳ-kheo-ni La-hán mới biết Ban-đà là vị A-la-hán có đại thần lực. Bấy giờ, Tôn giả Ban-đà khởi ý nghĩ: «Nay ta nên quan sát tâm niệm của mỗi người khi nghe ta nói có hoan hỷ hay không?» Sau khi quan sát, Tôn giả thấy tâm niệm của các tỳ-kheo-ni hoặc có người hoan hỷ, hoặc không có người hoan hỷ. Tôn giả liền nghĩ lại: «Nay ta nên làm cho họ tỏ dấu hiệu hối hận.» Tôn giả liền thăng lên hư không, hoặc hiện thân nói pháp, hoặc ẩn hình nói pháp, hoặc hiện nửa thân nói pháp, hoặc không hiện nửa thân nói pháp, hoặc từ thân tuôn ra khói lửa, hoặc không hiện như vậy. Tôn giả Ban-đà ở trong hư không vì các tỳ-kheo-ni hiện các thần biến để nói pháp rồi, liền từ hư không mà đi. Lúc Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sai người tin cậy đến nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng: «Theo thứ tự, chúng tôi sẽ giáo giới thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni.» Nhóm sáu tỳ-kheo-ni liền bạch với Tăng tỳ-kheo-ni: «Theo thứ tự nhóm sáu tỳ-kheo sẽ đến giáo giới, thuyết pháp.» Đêm đã qua, sáng sớm hôm đó, nhóm sáu tỳ-kheo khoác y, bưng bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong về lại trong Tăng-già-lam, sửa soạn y phục, nhiếp trì oai nghi, đến chỗ các tỳ-kheo-ni an cư trong vườn nhà Vua, an tọa nơi tòa. Khi ấy các tỳ-kheo-ni kính lễ dưới chân rồi, tất cả đều về chỗ mà ngồi. Khi nhóm sáu tỳ-kheo giáo giới tỳ-kheo-ni, lại đem bao nhiêu việc khác mà nói, không luận bàn đến giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; không luận bàn đến thiểu dục tri túc, sự xuất yếu, sự tấn tu, xả ly, hướng đến pháp thiện, không ở chốn náo nhiệt, luận mười hai nhân duyên; mà chỉ luận bàn câu chuyện về Vua chúa, về nhân dân, về quân mã, luận về đấu tranh, chuyện về Đại thần, chuyện cỡi ngựa, chuyện phụ nữ, chuyện tràng hoa, chuyện tiệc rượu, chuyện dâm nữ, chuyện giường nằm, chuyện y phục, chuyện ăn uống ngon bổ, chuyện tắm gội vui chơi, chuyện chòm xóm, chuyện linh tinh, chuyện tư duy thế sự, chuyện vào biển cả.[119] Trong khi luận bàn những vấn đề như vậy, hoặc giỡn cười, hoặc múa hát, hoặc đánh trống, khảy đàn, thổi tù và, hoặc làm tiếng kêu chim khổng tước, chim hạc, hoặc cùng chạy, hoặc đi một chân, đi cà nhót, hoặc đánh trận giả. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nghe thấy những việc như vậy rất là hoan hỷ, nói rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo giáo thọ như vậy là hết sức thích hợp.» Các vị tỳ-kheo-ni La-hán vì lòng cung kính nên im lặng không nói. Rồi thì, Đại Ái Đạo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên. Trong giây lát, bạch đức Thế tôn: «Theo thứ tự, nhóm sáu tỳ-kheo đến giáo thọ tỳ-kheo-ni lại đem bao nhiêu việc khác ra mà nói, không nói giới, không luận về định… cho đến không nói tránh chỗ ồn ào, và không luận bàn về mười hai nhân duyên, mà chỉ luận bàn câu chuyện về Vua chúa, cho đến chuyện tư duy thế sự, chuyện vào biển cả. Rồi lại cười giỡn ca múa… cho đến việc đi một chân, đi cà nhót, cùng đánh trận giả.» Lúc bấy giờ, Đại Ái Đạo bạch đức Thế tôn rõ ràng mọi việc rồi, đảnh lễ dưới chân Phật và cáo lui. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà ngài vẫn hỏi nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Có thật sự các ông giáo giới tỳ-kheo-ni như vậy chăng?» Nhóm sáu tỳ-kheo thưa: «Bạch đức Thế tôn, thật có như vậy.» Đức Thế tôn quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại giáo thọ tỳ-kheo-ni như vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau ở trong chúng Tăng nên sai người giáo thọ tỳ-kheo-ni bằng cách bạch nhị yết-ma. Nên sai vị có khả năng yết-ma, dựa vào sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni. Đây là lời tác bạch.» «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo này tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Khi ấy nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng: «Tăng không sai chúng ta giáo thọ tỳ-kheo-ni.» Rồi họ ra ngoài giới, cùng tác pháp sai lẫn nhau đi giáo thọ tỳ-kheo-ni. Sau đó, họ sai người đến nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Hãy vì chúng tôi thưa với ni Tăng rằng, Nhóm sáu tỳ-kheo được Tăng sai sẽ đến giáo giới tỳ-kheo-ni.» Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Tăng không sai các thầy giáo thọ tỳ-kheo-ni. Sao ra ngoài giới cùng nhau sai giáo giới tỳ-kheo-ni, rồi sai người nói với tỳ-kheo-ni rằng, Tăng đã sai chúng tôi giáo giới tỳ-kheo-ni?» Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì nhóm sáu tỳ-kheo mà bạch với Tăng tỳ-kheo-ni rằng: «Chúng Tăng đã sai nhóm sáu tỳ-kheo giáo giới tỳ-kheo-ni.» Khi ấy, Đại Ái Đạo nghe nói như vậy, liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật; đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn, rồi đảnh lễ và cáo lui. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, Ngài biết mà vẫn hỏi nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Các ông thật sự có ra ngoài giới cùng sai lẫn nhau giáo thọ Tăng tỳ-kheo-ni không?» Nhóm sáu thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thật là những người si. Tăng không sai giáo thọ tỳ-kheo-ni mà sao lại ra ngoài giới cùng sai lẫn nhau giáo thọ tỳ-kheo-ni, rồi lại sai người nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng, ‹Vì chúng tôi thưa với ni Tăng, Tăng sai chúng tôi giáo thọ tỳ-kheo-ni, nay chúng tôi sẽ đến giáo thọ Tỳ-kheo-ni?›» Đức Thế tôn quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, nếu có tỳ-kheo thành tựu mười pháp ,[120] nhiên hậu mới được giáo thọ tỳ-kheo-ni. Mười pháp là: Giới luật đầy đủ; đa văn, tụng thuộc luật của hai bộ; quyết đoán không nghi; khéo thuyết pháp; tộc tánh xuất gia; nhan mạo đoan chánh, chúng tỳ-kheo-ni thấy liền sanh tâm hoan hỷ; đủ khả năng vì chúng tỳ-kheo-ni nói pháp khuyên bảo khiến họ hoan hỷ; không vì Phật xuất gia mặc pháp phục mà phạm trọng pháp; đủ hai mươi tuổi, hoặc hơn hai mươi tuổi. Đủ những điều kiện như vậy mới cho giáo giới tỳ-kheo-ni. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, không được Tăng sai mà giáo giới tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cùng một thuyết [649a1] giới, cùng một yết-ma. Sai: trong Tăng được sai bằng bạch nhị yết-ma. Giáo thọ: dạy tám điều không thể vượt qua .[121] Tám điều ấy là: 1/ Tỳ-kheo-ni dù một trăm tuổi hạ, khi thấy tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy đón chào, lễ bái, mời ngồi. Pháp này nên tôn trọng cung kính tán thán; trọn đời không được trái phạm. 2/ Tỳ-kheo-ni không được mắng tỳ-kheo, không được phỉ báng nói phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 3/ Tỳ-kheo-ni không được cử tội tỳ-kheo nói, «Việc thầy đã làm như vậy, việc thầy đã làm không phải vậy.» Không được tác pháp tự ngôn, không được ngăn người khác tác pháp mích tội.[122] Không được ngăn tỳ-kheo thuyết giới, tự tứ. Tỳ-kheo-ni không được nói lỗi lầm của tỳ-kheo. Tỳ-kheo được nói lỗi lầm của tỳ-kheo-ni. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 4/ Thức-xoa-ma-na đã học những điều cần học rồi, phải đến chúng Tăng cầu thọ đại giới. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 5/ Nếu tỳ-kheo-ni phạm trọng pháp, phải nửa tháng đến trong hai bộ Tăng hành pháp ma-na-đỏa. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 6/ Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến trong chúng Tăng cầu thỉnh vị giáo thọ. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 7/ Tỳ-kheo-ni không nên an cư nơi không có tỳ-kheo. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. 8/ Tỳ-kheo-ni hạ an cư xong phải đến trong chúng Tăng cầu ba việc tự tứ là thấy, nghe và nghi. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm. Khi thuyết giới, Thượng tọa nên hỏi: «Chúng tỳ-kheo-ni có sai vị nào đến thỉnh giáo thọ không?» Nếu có, liền đứng dậy bạch với Tăng rằng: «Tỳ-kheo-ni Tăng hòa hợp, xin lễ dưới chân Tăng tỳ-kheo, cầu thỉnh người giáo giới.» Khi thuyết giới, Thượng tọa nên hỏi rằng: «Có vị nào đi giáo giới tỳ-kheo-ni?» Nếu có người thì nên sai. Nếu người giáo giới tỳ-kheo-ni nhiều, thì nên hỏi vị sứ giả của Tăng tỳ-kheo-ni rằng: «Trong chúng Tăng có nhiều vị giáo giới tỳ-kheo-ni, vậy cô thỉnh vị nào?» Hoặc ni kia thưa: «Con xin thỉnh thầy gì đó.» Hoặc vị sứ giả của ni nói: «Con xin tùy theo xử phân của Tăng.» Như vậy thì Tăng nên theo thứ tự, sai các vị đã thường giáo thọ tỳ-kheo-ni đi giáo thọ. Vị được sai đúng giờ hẹn mà đến. Tỳ-kheo-ni cũng phải đúng giờ hẹn mà nghinh đón. Nếu tỳ-kheo đúng giờ hẹn mà không đến thì phạm đột-kiết-la. Đến giờ hẹn mà tỳ-kheo-ni không đón cũng phạm đột-kiết-la. Khi nghe vị giáo thọ đến, tỳ-kheo-ni phải ra nửa do tuần để đón, cung cấp những thứ cần dùng, có đủ đồ để rửa; nấu cháo, các thức ăn uống. Nếu ni không sửa soạn đầy đủ như vậy thì phạm đột-kiết-la. Nếu không được Tăng sai, hoặc chẳng phải ngày giáo thọ mà đến, vì ni nói Tám pháp không thể vượt qua, phạm đột-kiết-la. Nếu không được Tăng sai mà đến nói pháp, thì phạm ba-dật-đề. Nếu Tăng tỳ-kheo bệnh, (tỳ-kheo-ni) nên sai người đến hỏi thăm. Nếu tỳ-kheo không hòa hợp, chúng không đủ tức số, (tỳ-kheo-ni) cũng nên sai người đến lễ bái thăm hỏi. Nếu không làm như vậy, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni Tăng bệnh, (tỳ-kheo) cũng nên sai người đến làm lễ thăm hỏi. Nếu chúng tỳ-kheo-ni không hòa hợp, không đủ túc số, (tỳ-kheo) cũng nên sai người đến làm lễ thăm hỏi. Không làm như vậy phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chúng Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni; khi thuyết giới Thượng tọa hỏi: «Có ai sai tỳ-kheo-ni đến (thỉnh giáo giới) không?» Nếu có, vị ấy đứng dậy bạch Tăng rằng: «Tăng tỳ-kheo-ni hòa hợp, lễ dưới chân Tăng tỳ-kheo, cầu xin người giáo thọ tỳ-kheo-ni.» Thượng tọa nên hỏi Tăng: «Vị nào có thể giáo hối tỳ-kheo-ni?» Nếu có thì nên sai vị ấy đến giáo thọ. Nếu có nhiều người có thể đến giáo thọ, thì Thượng tọa nên hỏi ni: «Muốn thỉnh vị giáo thọ nào?» Nếu tỳ-kheo-ni thưa: «Chúng con xin được thỉnh vị Tăng có tên như vậy.» Tăng nên theo sự yêu cầu mà sai. Hoặc tỳ-kheo-ni thưa, «Chúng con nhất trí theo sự phân định của Tăng.» Lúc bấy giờ, Tăng nên theo thứ tự sai trong số những vị thường đã giáo thọ ni. Chúng Tăng nên ấn định thì giờ để đến. Tỳ-kheo-ni theo giờ ấn định mà nghinh đón. Khi vị giáo thọ tỳ-kheo-ni đến, ni chúng phải ra nửa do tuần để nghinh đón; an trí chỗ ngồi, sửa soạn đồ để rửa, nấu cháo, đồ ăn thức uống. Hoặc được Tăng sai, đến ngày hội họp vì nói tám pháp, không trái phạm. Nên theo thứ tự đến nói pháp. Hoặc chúng Tăng bệnh, tỳ-kheo-ni sai người tin cậy đến lễ bái chúng Tăng. Chúng Tăng không đủ túc số, phân bộ không hòa hợp, nên sai người đến lễ bái. Hoặc tỳ-kheo-ni bệnh, hoặc chúng không đủ túc số, không hòa hợp, (tỳ-kheo) cũng sai người tin cậy đến lễ bài hỏi chào chúng Tăng. Hoặc đường thủy bị trở ngại, đường bộ bị hiểm nạn, giặc cướp, hổ lang, sư tử, nước lớn, bị thế lực bắt, bị trói nhốt, mạng nạn, phạm hạnh nạn, không thể cho người tin cậy đến lễ bái hỏi chào, những trường hợp trên đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[123]
Chú thích: [61] Pali, Pāc. 11. bhūtagāma. [62] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼神村; do dịch nghĩa đen. Pali, bhūtagāma, chủng loại (hạt giống) có mầm sống; Vin.A., (iv.761) giải thích: jāyanti vaḍḍhanti jātā vaḍḍhitā cāti attho, chúng sinh sản, tăng trưởng, và những cái đã sinh sản, đã tăng trưởng. Ngũ phần 6, sát sinh thảo mộc 殺生草木. Tăng kỳ 14: hoại chủng tử phá quỷ thôn 壞種子破鬼村. Thập tụng: chước bạt quỷ thôn chủng tử 斫拔鬼村種子. Căn bản 27: hoại chủng tử hữu tình thôn 壞種子有情村. Pali: bhūtagāmapātavyatāya. [63] Hán, năm loại giống: căn chủng, chi chủng, tiết chủng, phú la chủng, chủng tử chủng. 根種枝種節生種覆羅種子種. Ngũ phần nt, bốn loại: từ rễ, từ cọng, lóng, quả 根種子莖種子節種子實種子. Tăng kỳ nt, năm loại: từ rễ, từ cọng, ruột, lóng, quả 根種莖種心種節種子種. Thập tụng 12, năm loại: từ rễ, từ cọng, lóng, tự rụng, từ quả 根種子莖種子節種子自落種子實種子. Pali: bhūtagāmo nāma pañca bījajātāni, mūlabījaṃ khandhabījaṃ phaḷubījaṃ aggabījaṃ bījabījaṃ. [64] Ha-lê-đà 呵梨陀 (Pali: haliddi: củ nghệ), ưu-thi-la 憂尸羅 (Pali: usīra: hương căn), ha-tha-trí-tra 貿(呵?)他致吒 (Skt. ativiṣā, Pali: ativisā, mạch đông?), lư-kiện-đà-lâu 盧揵陀樓 (?). [65] liễu 柳, xá-ma-la 舍摩羅, bà-la-hê-tha 婆羅醯他(?). Thập tụng nt, giống từ cọng: thạch lựu 石榴, bồ-đào 葡萄 (nho), dương liễu 楊柳, sa-lặc 沙勒. Pali: assattho nỉgrodho pilako udumbaro kacchako kapithano. [66] Tô-man-na 蘇蔓那 (Skt. sumanas; Pali: sumanā, tố hương, nhục quan hoa, tương tợ hoa mồng gà), tô-la-bà 蘇羅婆 (Phiên phạn ngữ, T54n2130, tr.1049a16: dịch là hảo đắc 好得, Skt. sulabha?), bồ-hê-na 蒱醯那 (?), la-lặc-liệu 羅勒蓼 (?). [67] Phú la 覆羅. Pali: phaḷubījaṃ: ucchu, veḷu, nāḷo, mía, tre và lau. [68] Cam giá 甘蔗 (mía), trúc vĩ 竹葦 (tre và lau) ngẫu căn 藕根 (ngó sen). [69] Thập tụng 12, Căn bản 28: ba-dật-đề 13. Các bộ khác: ba-dật-đề 12. Pali, Pāc. 12 aññavādaka. [70] Xiển-đà tỳ-kheo 闡陀比丘. Xem ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa xiii. Ngũ phần: Nhóm sáu tỳ-kheo phạm tội. [71] (T22n1428, tr.642b10): Đương danh tác dư ngữ 當名作餘語. Thập tụng 12 (T23n1435, tr.76b14), ức thức pháp 憶識法. Căn bản 28 (T23n1442, tr.778b7), tác yết-ma ha trách 羯磨呵責. Pali (Vin.iv. 35): aññavādakaṃ ropetu, khiển trách sự nói lãng. [72] Thập tụng, Căn bản, Pali, đều nói yết-ma bạch nhị. [73] Xúc não 觸惱. Pali, nt.: vihesakaṃ ropetu, khiển trách sự gây não loạn. [74] Dư ngữ 餘語. Trong giới văn, dị ngữ 異語. Pali: aññavādaka, sự nói lãng, nói quanh để chối tội. [75] Hán: xúc não 觸惱. Pali: vihesako, sự gây rối. [76] Pali. Pāc. 13 ujjhāpanaka. Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 12. [77] Xem Ch.ii, tăng-già-bà-thi-sa viii & ix. [78] Xem cht. 83, Ch.ii, tăng-già-bà-thi-sa viii. Tăng kỳ 14: Ưu-ba-nan-đà. Căn bản 28: Hai tỳ-kheo Hữu và Địa cùng bàn chuyện với Ô-ba-nan-đà. [79] Căn bản, nt. đối diện nói xấu. [80] Căn bản nt., Phật khiến Tăng tác yết-ma ha trách cho Từ, Địa, sau đó mới chế giới. [81] Hán: cơ hiềm 譏嫌. Ở đây, nói xấu sau lưng. Ngũ phần, vu thuyết 誣說; nói xấu. Tăng kỳ, hiềm trách 嫌責. Thập tụng, sân cơ 瞋譏, giận hờn mà chỉ trích. Căn bản, hiềm hủy 嫌毀. Pali: ujjhāpanaka, sự bêu xấu hay nói xấu; giải thích (Vin.iv. 38): «Muốn làm cho người đó xấu hỗ, mất danh dự; gây khó khăn cho người đó.» [82] Căn bản nt., đối diện nhưng không gọi thẳng tên mà giả thác sự kiện khác. [83] Thập tụng: sân cơ sai hội nhân 瞋譏差會人, giận hờn mà nói xấu người được Tăng sai, hay chức sự Tăng. Nếu không phải là chức sự Tăng sai, phạm đột-kiết-la. [84] Các bộ khác, như Tứ phần. [85] Thằng sàng, mộc sàng, ngọa cụ, tọa nhục 繩床木床臥具坐褥. Tăng kỳ: ngọa sàng tọa sàng, nhục, chẩm 臥床坐床褥枕: giường nằm, giường ngồi, đệm, gối. [86] Thằng sàng 繩床. Chỉ các loại giường nằm. Tăng kỳ: ngọa sàng 臥床. Thập tụng: tế thằng sàng 細繩床. Pali: mañca, giải rằng có bốn loại: masāraka, trường kỷ; bundikābaddha, giường trải vạt; kuḷīrapādaka, giường chân cong (chân quỳ); āhaccapādaka, giường chân ráp (tháo gỡ được). [87] Mộc sàng 木床. Tăng kỳ: tọa sàng 坐床. Thập tụng: thô thằng sàng 麤繩床. Pali: pīṭhaṃ. [88] Ma-ma-đế 摩摩帝; Tăng sử lược (T54n2126, tr.244c18): «Chùa lập ba giềng mối… Tiếng Phạn nói, Ma-ma-đế 摩摩帝, Tất-thế-na 悉替那, Kiết-ma-đà-na 羯磨那陀; Hoa nói là Tự chủ 寺主, Thượng tọa 上座, Duyệt chúng 悅眾…» Theo đó, Ma-ma-đế có thể phiên âm không chỉnh của [vihāra-]svāmin: chủ Tinh-xá, hay tự chủ. [89] Kinh doanh nhân 經營人, hay doanh sự tỳ-kheo, tức vị tri sự của Tăng, Skt. karma-dāna. [90] Các bộ như nhau. [91] Tứ phần & Pali, giống nhau: ba-dật-đề 17. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 17. [92] Thập tụng, nguyên nhân do Ca-lưu-đà-di. [93] Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 16. Pali, như Tứ phần. [94] Pali, Vin.iv. 43: các tỳ-kheo này dọn tinh xá lớn gần Kỳ hoàn để an cư. [95] Tăng kỳ thêm chi tiết: «…cho đến, bảo tỳ-kheo: Ông hãy đi ra!» Thập tụng cũng thêm: «…Đi ra, si nhân! Không nên ở đây.» Căn bản thêm: «Trừ duyên cớ khác…» Pali: saṅghikā vihārā, (kéo) ra khỏi tinh xá của Tăng. [96] Các bộ như nhau. [97] Trùng các 重閣. Pali: upari-vehāsa-kuṭī, nghĩa không rõ, có lẽ chỉ tầng trên của gác cao, hay gác lững; Ngũ phần: trùng các ốc 重閣屋; nhà có gác cao. Thập tụng 11 (T23n1435, tr.79a22): «Một người được chỗ trên gác; một người được chỗ dưới gác.» Cf. Nam Truyền, Luật tạng 2: «Một tỳ-kheo ở trên lầu, một tỳ-kheo ở dưới lầu.» [98] Thoát cước sàng 脫腳床. Pali: āhaccapādakaṃ mañcaṃ, giường có chân tháo gỡ được. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.44b18): tiêm cước sàng 尖腳床, giường chân nhọn. [99] Ngũ phần thêm: dụng lực toạ ngoạ 用力坐臥, dùng sức ngồi hay nằm. Căn bản: phóng thân tọa ngọa 放身坐臥, buông người ngồi hay nằm. [100] Hán: xá 舍; trong giới văn nói là phòng 房. [101] Trùng các 重閣. Pali: vehāsakuṭī, giải thích: majhimassa purisassa áīsaghaṭṭā, (gác cao) mà một người cao trung bình không đụng đầu. Căn bản: trùng phòng 重房, giải thích: «tầng gác cao nguy hiểm, hủ mục.» [102] Độc tọa sàng 獨坐床. Có lẻ chỉ một loại ghế ngồi cho một người. [103] Dục sàng 浴床. Ghế nhỏ, để ngồi mà tắm. [104] Ngũ phần, ba-dật-đề 20. Pali, Pāc. 20 Sappāṇaka. Các bộ khác, như Tứ phần. [105] Pali: Phật tại Āḷavī (Khoáng dã). [106] Xem Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa xiii. Tăng kỳ, doanh sự tỳ-kheo 營事比丘. [107] Đại ốc 大屋. Ngũ phần: đại phòng xá 大房舍. [108] Ngũ phần thêm: «hoặc uống, hoặc dùng vào các việc khác…» Căn bản thêm, «…hoặc hòa với phân bò…» [109] Lạc tương và thanh lạc tương 酪漿清酪漿. [110] Pali, Pāc. 19: mahallaka-vihāra. Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 19. Cf. Ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa vii. [111] Ngũ phần: có thí chủ cất cho. Tăng kỳ, Xiển-đà đi khuyến hoá để cất phòng. [112] Ngũ phần: «…từ đất bằng, đắp lên đến chỗ chừa cửa sổ, khiến cho hết sức bền chắc…» [113] Hán: chỉ thọ phú 指授覆, chỉ dẫn người khác lợp. Pali: adhiṭṭhātabbaṃ, được lợp theo quy định. [114] Tăng kỳ thêm «…nên làm (trụ) nơi chỗ đất ít cỏ…» Pali: appaharite ṭhitena, «dựng trên chỗ ít cỏ tươi.» Căn bản: «…ở hai bên khung cửa nên đặt ngạch ngang, và các cửa sổ, đồng thời đặt lỗ thoát nước; khi dựng tường, nếu là bùn sình, đắp hai, ba lớp, ngang đến chỗ ngạch ngang thì thôi…» [115] Đại xá 大舍. Trong giới văn: đại phòng xá. Tăng kỳ, Thập tụng: đại phòng 大房. Căn bản: đại trú xứ 大住處. Pali: mahallakaṃ…vihāraṃ, tinh xá cỡ lớn. [116] Các bộ giống nhau. [117] Vương Viên 王園. Pali: Rājakārāma, khu vườn gần Jetavana do vua Pasenadi lập, phía đông nam Xá-vệ. Pali không nói chi tiết này. [118] Pali: Cūḷa-Panthaka (Châu-lợi Bàn-đà-già). [119] Các đề tài được gọi là tạp luận hay súc sinh luận, Pali: tiracchāna-kathā, cf. D.i. 7, 178, 179, liệt kê 28 loại. Cf. Hán, T1, tr.896b. [120] Pali: 8 đức tính. [121] Bát bất khả vi pháp 八不可違法; tức 8 kỉnh pháp. [122] Tự ngôn và mích tội: 2 trong 2 diệt tránh. [123] Bản Hán, hết quyển 12 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XXII. GIÁO THỌ NI SAU MẶT TRỜI LẶN A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà được chúng Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. Giáo thọ tỳ-kheo-ni xong, Tôn giả ngồi im lặng. Bấy giờ Đại Ái Đạo thưa: «Tôn giả Nan-đà, chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói thêm nữa.» Tôn giả Nan-đà nói pháp cho họ xong, cũng ngồi im lặng. Đại Ái Đạo lại thưa thỉnh lần nữa: «Chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói.» Tôn giả Nan-đà thuyết pháp cho họ với âm thanh tốt nên thính giả thích nghe. Vì vậy mãi đến mặt trời lặn mới thôi. Khi tỳ-kheo-ni ra khỏi tịnh xá Kỳ-hoàn để về thành Xá-vệ thì cửa thành đã đóng, không vào được, phải dựa vào hào ở ngoài cửa thành mà nghỉ đêm. Sáng sớm, cửa thành vừa mở thì các cô ni vào trước. Các trưởng giả thấy thế, đều nói, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không có hạnh thanh tịnh. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Các ông xem những tỳ-kheo-ni này, suốt đêm cùng ngủ với tỳ-kheo, sáng ngày họ mới cho ra về.» Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Nan-đà rằng, «Sao thầy thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni mãi cho đến măt trời lặn, khiến cho các trưởng giả chê trách?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn [650a1] hỏi Tôn giả Nan-đà: «Thật sự ông có giáo giới cho tỳ-kheo-ni đến mặt trời lặn hay không?» Tôn giả thưa: «Bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tôn giả Nan-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Nan-đà, sao ông thuyết pháp giáo giới cho tỳ-kheo-ni mãi đến mặt trời lặn?» Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Nan-đà kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn,[124] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tăng: như giới trước. Giáo thọ: Trong chúng tăng, được sai bằng pháp bạch nhị yết-ma. Vị tỳ-kheo được Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni nên trở về trước khi mặt trời lặn. Nếu tỳ-kheo nào giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn, ba-dật-đề. Trừ giáo thọ ra, nếu dạy kinh, tụng kinh hoặc tham vấn bao nhiêu việc khác cho đến mặt trời, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo-ni ra, nếu vì các phụ nữ khác tụng kinh, dạy kinh, tham vấn việc khác đến mặt trời lặn, đột-kiết-la. Sáng lặn tưởng là sáng lặn, ba-dật-đề. Nghi là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Mặt trời lặn tưởng là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la. Mặt trời chưa lặn tưởng là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Nghi là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: giáo thọ tỳ-kheo-ni, mặt trời chưa lặn liền dừng. Trừ phụ nữ ra, nếu vì người khác dạy tụng kinh, thọ kinh, hoặc tham vấn việc khác, không phạm. Nếu nói pháp trên thuyền đò, tỳ-kheo-ni nghe cùng với khách lái buôn đồng hành ban đêm; hoặc đến trong chùa tỳ-kheo-ni nói pháp; hoặc đến ngày thuyết giới, ni đến trong Tăng thỉnh vị giáo thọ, gặp khi nói pháp ni liền nghe; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIII. GIÁO THỌ NI VÌ LỢI DƯỠNG[125] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni nghe vị giáo thọ sư đến, nghinh đón cách nửa do tuần, sắp đặt phòng xá, chuẩn bị cơm, cháo, đồ ăn, thức uống, giường, tọa cụ, nơi tắm rửa. Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, «Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.» Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, «Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật, mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.» Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao lại nói như vậy, rằng, ‹Các Tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.› Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông lại nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.› Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.›?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói với các tỳ-kheo như vầy: ‹tỳ-kheo vì sự ăn uống[126] mà giáo thọ tỳ-kheo-ni,› ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia nói như vầy: «Các tỳ-kheo vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni. Vì sự ăn uống nên dạy tụng kinh, tham vấn.» Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: việc kia sự thật là như vậy, vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni, vì sự cúng dường ăn uống nên dạy tụng kinh, thọ kinh, tham vấn. Hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc khác; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIV. CHO Y CHO TỲ-KHEO-NI[127] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo khất thực, oai nghi đầy đủ. Lúc ấy, có một tỳ-kheo-ni gặp ông, liền sanh thiện tâm, nhiều lần thỉnh vị tỳ-kheo kia, nhưng vị tỳ-kheo kia không nhận lời. Một thời gian sau, chúng Tăng Kỳ-hoàn chia y vật. Tỳ-kheo kia đem phần y của mình ra khỏi cửa ngõ Kỳ-hoàn thì lại gặp tỳ-kheo-ni này vừa mới đến. Tỳ-kheo kia nghĩ rằng: «Tỳ-kheo-ni này nhiều lần mời ta mà ta không nhận lời. Nay ta nên đem phần y này trả lễ sự mời thỉnh kia. Nhưng chắc cô không nhận. Việc này cũng đủ đáp trả nhau.» Nghĩ xong, tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo-ni rằng: «Đại muội, đây là phần y của tôi. Đại muội cần thì có thể lấy dùng.» Tỳ-kheo-ni liền nhận. Tỳ-kheo kia hiềm trách tỳ-kheo-ni này rằng, «Ta đã nhiều lần nói với người khác rằng, ‹Tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi. Đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận. Do đó tôi nghĩ rằng, tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi. Đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận; nay tôi đem phần y này biếu cho tỳ-kheo-ni này với ý nghĩ rằng, cô cũng không nhận, đủ để đáp trả nhau. Nhưng cô lại nhận.›» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia rằng: «Sao tỳ-kheo đem y cho tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo cho y đến tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong số tỳ-kheo có vị dè dặt, không dám cho y đến tỳ-kheo-ni thân lý, bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau [651a1] được phép cho y tỳ-kheo-ni thân lý, nếu cho y tỳ-kheo-ni không thân lý, ba-dật-đề.» Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ trong Kỳ-hoàn, hai bộ Tăng cùng phân chia y vật, phần y của tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni nhận được; phần y của tỳ-kheo-ni thì tỳ-kheo nhận được. Lúc tỳ-kheo-ni nhận lộn phần y đó bèn mang đến trong Tăng-già-lam bạch các tỳ-kheo: «Đại đức, đem y này trao đổi được không?» Tỳ-kheo trả lời: «Này các cô, chúng tôi không được phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu là trao đổi, cho phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.» Từ nay về sau nên nói giới này như vầy: Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thân quyến, chẳng phải thân quyến: như đã giải trước.[128] Y: có mười loại như trước đã nói.[129] Trao đổi: đem y đổi y, đem y đổi phi y, đem phi y đổi y, đem kim đổi dao hoặc chỉ may, cho đến một ngọn cỏ thuốc. Nếu tỳ-kheo cho y cho tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: cho y cho thân quyến, cùng nhau trao đổi, hoặc cho tháp, cho Phật, cho Tăng; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXV. MAY Y CHO TỲ-KHEO-NI[130] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni[131] muốn may tăng-già-lê; vì cần may y nên đến trong Tăng-già-lam, thưa với Tôn giả Ca-lưu-đà-di:[132] «Thưa Đại đức, con đem vải may y[133] này đến, muốn may tăng-già-lê. Xin Tôn giả may cho con.» Ca-lưu-đà-di nói: «Tôi không thể may được.» Cô ni hỏi: «Tại sao Đại đức không may cho con?» Ca-lưu-đà-di nói: «Các cô ưa đến hối thúc nên tôi không may.» Tỳ-kheo-ni thưa: «Con không đến hối. Khi nào Đại đức may xong cũng được.» Ca-lưu-đà-di trả lời: «Được.» Tỳ-kheo-ni trao vải y cho Ca-lưu-đà-di rồi về. Ca-lưu-đà-di có tay nghề cao về pháp may y, liền cắt may. Ca-lưu-đà-di vẽ hình nam nữ giao hợp may vào y. Khi cô ni đến trong Tăng-già-lam, hỏi Ca-lưu-đà-di rằng: «Thưa Đại đức, pháp y của con may xong chưa?» Ca-lưu nói: «Xong rồi.» Tỳ-kheo-ni thưa: «Nếu xong, cho con nhận.» Ca-lưu-đà-di xếp y lại cho cô ni, và dặn rằng: «Này cô, y này không được tự tiện mở ra xem; cũng không được đưa cho người xem. Khi được báo giờ[134] mới đem ra mặc, và khi đi phải đi sau tỳ-kheo-ni Tăng. Tỳ-kheo-ni y theo lời dặn, không mở ra xem, cũng không nói cho ai biết. Một thời gian sau, khi đi nghe giáo giới, cô ni liền mặc y này và đi sau Tăng tỳ-kheo-ni. Các cư sĩ thấy tất cả đều cơ hiềm, cười chê, hoặc vỗ tay chỉ trỏ, hoặc gõ cây, hoặc huýt gió, hoặc lớn tiếng cười to, nói: «Mọi người hãy xem y mà tỳ-kheo-ni này khoác! Mọi người hãy xem y mà Tỳ-kheo-ni này khoác!» Khi ấy, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề[135] thấy vậy rồi, liền bảo tỳ-kheo-ni này rằng: «Hãy cởi chiếc y ấy và xếp lại gấp!» Cô ni liền cởi và xếp, vắt trên vai mà đi, sau khi thọ thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề bảo tỳ-kheo-ni này rằng: «Lấy chiếc y mà cô vừa mặc khi nãy đem cho tôi xem!» Cô ni kia liền đem chiếc y ấy ra trình. Bà hỏi: «Ai may y này cho cô?» «Thưa, ngài Ca-lưu-đà-di may.» «Sao cô không mở ra xem hay đưa cho đồng bạn coi thử may có tốt, có bền chắc hay không?» Lúc ấy tỳ-kheo-ni mới đem lời dặn của Ca-lưu-đà-di thưa lại đầy đủ. Khi ấy, trong chúng tỳ-kheo-ni có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?» Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni bạch lại các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo liền đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Phật vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di rằng: «Thật sự ông có may y cho tỳ-kheo-ni như vậy không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?» Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, may y cho tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo dè dặt không dám may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, may y[136] cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chẳng phải thân quyến, thân quyến: như trên đã nói. Y: Có mười loại như đã giải ở trước. Nếu tỳ-kheo kia may y cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, tùy theo dao cắt rọc nhiều hay ít, phạm ba-dật-đề. Cứ một lần may, mỗi mũi kim là một phạm ba-dật-đề. Hoặc mặc thử để xem, hoặc kéo ra ủi cho thẳng, hoặc dùng tay vuốt, hoặc kéo góc cho ngay, hoặc kết, hoặc viền, hoặc cột chỉ, hoặc nối chỉ; tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến; may cho Tăng, may cho tháp; hoặc mượn mặc rồi giặt, nhuộm trả lại cho chủ, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVI. NGỒI VỚI TỲ-KHEO-NI Ở CHỖ KHUẤT[137] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Ca-lưu-đà-di tướng mạo đoan chánh và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cũng có dung nhan xinh đẹp khác người. Cả Ca-lưu-đà-di và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đều có dục ý với nhau. Một buổi sáng nọ, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến chỗ Thâu-la-nan-đà. Cả hai người cùng ngồi một chỗ ở ngoài cửa. Các cư sĩ thấy thế, cùng nhau cơ hiềm, nói với nhau rằng: «Mọi người xem. Hai người này cùng ngồi với nhau giống như đôi vợ chồng; cũng như cặp uyên ương.» Lúc bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: «Thật sự ông có cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa hay không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: [652a1] «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?» Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, một mình cùng với một tỳ-kheo-ni ngồi chỗ khuất kín, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Một chỗ:[138] chỗ chỉ có một tỳ-kheo và một tỳ-kheo-ni. Chỗ khuất kín[139]: chướng ngại khuất kín đối với sự thấy, khuất kín đối với sự nghe. Khuất kín đối với sự thấy là bị bụi, bị sương, hoặc khói, mây hay bóng tối làm không thấy. Khuất kín đối với sự nghe là chỗ cho đến cả tiếng nói với giọng bình thường vẫn không nghe được. Ngăn che:[140] hoặc do cây, do tường, do bờ rào, màn vải hay do các vật khác làm chướng ngại không thấy được. Nếu tỳ-kheo một mình ở chỗ khuất kín, cùng ngồi với một tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Hoặc mù mà không điếc, điếc mà không mù, phạm đột-kiết-la. Cùng đứng, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu khi ấy tỳ-kheo có bạn, hoặc có người trí, phải có cả hai điều này: không mù, không điếc, hay không điếc không mù; hoặc trên lộ trình đi qua mà bị xỉu té, hoặc bị bệnh ngã xuống, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVII. HẸN ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI TỲ-KHEO-NI[141] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni ở tại Câu-tát-la du hành trong nhơn gian.[142] Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng, ‹Ta tu theo Chánh pháp.› Như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng với tỳ-kheo-ni du hành trong nhơn gian, nếu khi ham muốn nổi lên, thì xuống ngay bên đường chứ gì?» Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại cùng du hành trong nhơn gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách khách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng du hành trong nhơn gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dầt-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo không cùng hẹn trước với tỳ-kheo-ni, mà tình cờ gặp giữa đường, vì e sợ, không dám cùng đi. Đức Phật dạy: «Không hẹn trước thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo ở nước Xá-vệ muốn đến Tỳ-xá-ly. Trong lúc đó cũng có số đông tỳ-kheo-ni ở nước Xá-vệ cũng muốn đến Tỳ-xá-ly, nên các tỳ-kheo-ni thưa hỏi các tỳ-kheo rằng: «Đại đức muốn đi đâu?» Các tỳ-kheo nói: «Chúng tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.» Tỳ-kheo-ni thưa: «Chúng con cũng muốn đến đó.» Các tỳ-kheo bảo: «Này các cô, nếu các cô muốn đến đó thì, một là các cô đi trước, chúng tôi đi sau; hai là các cô đi sau, chúng tôi đi trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế tôn đã chế giới, chúng tôi không được cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni.» Các tỳ-kheo-ni liền thưa: «Như vậy chư Đại đức là bậc tôn kính đối với chúng con. Xin các Ngài đi trước, chúng con sẽ đi sau.» Các tỳ-kheo-ni đi sau, bị giặc cướp đoạt hết y bát. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dạy: «Từ nay về sau, hoặc cùng đi với khách buôn, hoặc nếu nơi nghi ngờ có sợ hãi, cùng đi không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung đường với tỳ-kheo-ni từ một thôn đến một thôn, trừ trường hợp khác, ba-dật-đề. Trường hợp khác là, cùng đi với khách buôn; hoặc khi có nghi ngờ, có sợ hãi. Đó gọi là trường hợp khác. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Hẹn: cùng bảo nhau đi đến thôn đó, thành đó, quốc độ có. Chỗ có nghi ngờ:[143] nghi có giặc cướp. Sợ hãi: là chỗ có giặc cướp. Đường: là khoảng cách giữa hai thôn có ranh giới cho lối đi.[144] Nếu tỳ-kheo hẹn và cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni cho đến ranh giới giữa hai thôn, tùy theo số chúng nhiều và phân giới nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Chẳng phải thôn mà đi chỗ đồng không, cho đến mười dặm, phạm ba-dật-đề.[145] Chưa đến một thôn hay ít hơn mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi trong phạm vi một phân giới chung cho nhiều thôn, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi, cùng hẹn chuẩn bị hành lý, tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: không cùng hẹn; có nhiều bạn cùng đi; chỗ có sợ hãi, có nghi ngờ; hoặc đến nơi đó được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVIII. ĐI CHUNG THUYỀN VỚI TỲ-KHEO-NI[146] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo-ni[147] đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, cùng nhau họ bàn tán: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng, ta tu chánh pháp, như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước, nếu khi ham muốn nổi lên thì dừng thuyền bên cạnh bờ sông mà tuỳ ý chứ gì?» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?» Đức Thế tôn quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề. Thế tôn [653a1] vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo vì không hẹn mà gặp, nên e sợ. Đức Phật dạy: «Không hẹn thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có số đông tỳ-kheo muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông hằng. Vào thời điểm ấy, có số đông tỳ-kheo-ni cũng muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông hằng, nên các tỳ-kheo-ni đến thưa: «Chư Đại đức muốn đi đâu?» Tỳ-kheo nói: «Chúng tôi muốn qua sông Hằng.» Tỳ-kheo-ni thưa hỏi: «Chúng con có thể cùng qua được không?» Các tỳ-kheo nói: «Các cô qua trước, chúng tôi qua sau. Nếu không thì các cô qua sau, chúng tôi qua trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế tôn chế giới, không được đi chung một thuyền với tỳ-kheo-ni qua sông. Cho nên không được.» Tỳ-kheo-ni thưa: «Chư Đại đức là bậc tôn kính của chúng con. Thỉnh các ngài qua trước, chúng con sẽ qua sau.» Lúc ấy, vào mùa hạ, mưa lớn, nước lớn, thuyền đến bờ bên kia, trong khi chưa trở lại thì trời đã sẫm tối. Các tỳ-kheo-ni phải ngủ lại bờ bên này, đêm ấy gặp phải giặc cướp. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật, Phật dạy: «Cùng qua ngang thì không phạm.» Từ nay về sau ta sẽ kiết giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước,[148] trừ sang ngang, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Cùng hẹn: cũng như trên. Thuyền: như trước đã giải trên.[149] Nếu tỳ-kheo nào hẹn và đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, đi ngược dòng hay xuôi dòng nước, trừ qua ngang, nếu vào trong thuyền, ba-dật-đề. Một chân trong thuyền, một chân ngoài đất, hoặc phương tiện muốn vào mà không vào, hoặc cùng hẹn chuẩn bị hành trang, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: không hẹn, hoặc ngang qua đến bờ bên kia (đò ngang); hoặc vào trong thuyền, thuyền sư lạc hướng phải đi ngược dòng hay đi xuôi dòng nước; hoặc đến bờ bên kia được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIX. THỨC ĂN DO TỲ-KHEO-NI KHUYẾN HOÁ[150] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một cư sĩ thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên thọ thực. Đêm ấy, cư sĩ chuẩn bị đầy đủ các thức ăn ngon, sáng ngày trải tọa cụ tốt, sửa soạn chỗ ngồi, cho đến lúc đi báo giờ.[151] Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà trước đó có thân quen với nhà cư sĩ. Sáng hôm đó, Thâu-la-nan-đà khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ kia; thấy cư sĩ đã trải nhiều tọa cụ tốt nơi đất trống rồi, liền hỏi cư sĩ rằng: «Trải nhiều tọa cụ như thế này là muốn thỉnh các tỳ-kheo phải không?» Cư sĩ trả lời: «Đúng như vậy.» Cô hỏi: «Thỉnh những tỳ-kheo nào?» «Thưa, tôi thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên.» Tỳ-kheo-ni nói rằng: «Những vị được thỉnh đó đều là những người hèn mọn. Trước kia, nếu hỏi tôi thì tôi sẽ vì cư sĩ thỉnh những vị rồng trong loài rồng.» Cư sĩ hỏi rằng: «Rồng trong loài rồng là những vị nào?» Tỳ-kheo-ni trả lời rằng: «Như Tôn giả Đề-bà-đạt, Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…»[152] Trong khi cô đang nói thì ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên vừa đến nơi. Tỳ-kheo-ni vừa thấy liền trở lời, nói với cư sĩ rằng: «Rồng trong loài rồng đã đến.» Cư sĩ liền hỏi tỳ-kheo-ni rằng: «Vừa rồi cô nói là hạng người hèn mọn, sao bây giờ cô lại nói là rồng trong loài rồng? Từ nay về sau cô đừng đến nhà tôi nữa.» Lúc bấy giờ cư sĩ thỉnh hai ngài ngồi. Hai ngài đến chỗ ngồi an tọa. Cư sĩ đem những đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng cúng dường. Hai ngài thọ thực xong, thu dọn chén bát rồi, thí chủ đảnh lễ dưới chân, lấy cái ghế nhỏ ngồi qua một bên, bạch rằng: «Con muốn được nghe pháp.» Hai ngài vì gia chủ nói các pháp vi diệu, khuyến khích khiến cho họ hoan hỷ. Vì thí chủ nói pháp rồi, hai ngài từ tòa cáo lui, về lại trong Tăng-già-lam. Đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Hôm nay hai Thầy thọ thực có được đầy đủ không?» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên bạch Phật rằng: «Thức ăn tuy đầy đủ nhưng khi chúng con ở nhà cư sĩ thì vừa là hạng người hèn mọn, vừa là rồng trong loài rồng.» Đức Phật hỏi rằng: «Vì sao có việc như vậy?» Hai Tôn giả đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật rằng: «Đó là Đề-bà-đạt khiến tỳ-kheo-ni bè đảng khuyến hóa sự cúng dường để được nhận ẩm thực.» ĐứcThế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt: «Thật sự các ông có sai tỳ-kheo-ni đến nhà đàn-việt khen ngợi các ông để khuyến hóa thức ăn hay không?» Các tỳ-kheo bè đảng thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo bè đảng Đề-bà-đạt rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa đàn-việt để nhận thức ăn của họ?» Quở trách tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa, nhận được thức ăn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo không biết có khuyến hóa hay không khuyến hóa, sau đó mới biết nên hoặc có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi ngờ. Đức Phật dạy: «Trước đó không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, đã biết tỳ-kheo-ni giáo hóa,[153] nhận được thức ăn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có đại trưởng giả là thân hữu tri thức của Lê-sư-đạt,[154] nói rằng: «Nếu Đại đức Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt thì chúng ta sẽ vì việc mới đến của Lê-sư-đạt mà cúng dường chúng Tăng.» Tỳ-kheo-ni, người trong nhà của trưởng giả nghe lời nói ấy, im lặng để bụng. Sau đó, khi Tôn giả Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt. Tỳ-kheo-ni nghe Tôn giả Lê-sư-đạt đến, liền đến nói với trưởng giả rằng: «Trưởng giả muốn biết không? Lê-sư-đạt đã đến thành La-duyệt.» Ông trưởng giả liền sai người tin cậy đến trong Tăng-già-lam thỉnh Tôn giả và chúng Tăng nhận bữa cơm cúng dường sáng ngày mai. Trong đêm đó trưởng giả sửa soạn đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, sáng sớm, khi đến giờ, mời các ngài thọ thực. Lúc ấy, các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Ông trưởng giả đến chỗ Lê-sư-đạt nói rằng: «Chính vì Tôn giả nên tôi cúng dường chúng Tăng bữa trai hôm nay.» Lê-sư-đạt hỏi ông trưởng giả: «Tại sao biết tôi đến đây?» Ông trưởng giả trả lời: «Tỳ-kheo-ni được gia đình tôi cúng dường báo cho biết.» Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả rằng: «Nếu [654a1] thật như vậy thì tôi không thể ăn thức ăn này.» Ông trưởng giả thưa: «Không phải do cô tỳ-kheo-ni này nói nên tôi thiết lập bữa ăn hôm nay, mà chính trước đây tôi có thệ nguyện, nếu Tôn giả đến thì tôi thiết trai cúng dường cho chúng Tăng.» Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả: «Tuy ông có nguyện như vậy nhưng tôi cũng không thể nhận ăn bữa ăn hôm nay được.» Lê-sư-đạt liền thôi không ăn. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật một cách đầy đủ, đức Phật bảo: «Nếu trước đó đàn-việt đã có ý thì không phạm. Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni khen ngợi giáo hóa, trừ đàn-việt có chủ ý trước,[155] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Giáo hóa:[156] như nói, «Vị này sống a-luyện-nhã, sống với hạnh khất thực, mặc y phấn tảo, tác pháp dư thực[157] rồi không ăn, nhất tọa thực,[158] nhất đoàn thực,[159] ở nơi gò mã, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới gốc cây, thường ngồi không nằm,[160] trì ba y, tán thán kệ, đa văn pháp sư, trì luật, tọa thiền… Thức ăn: đồ ăn nhận được khoảng từ sáng đến trưa. Tỳ-kheo kia ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni giáo hóa, mỗi miếng nuốt là phạm một ba-dật-đề. Trừ thức ăn bằng cơm ra, các thứ khác được biết do khuyến hoá mà được, như áo lót, đèn dầu, dầu thoa chân, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Biết là giáo hóa, tưởng giáo hóa, ba-dật-đề. Giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la. Không giáo hóa tưởng giáo hóa, đột-kiết-la. Không giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc không biết, hoặc đàn-việt có ý trước; hoặc giáo hóa mà tưởng là không giáo hóa; hoặc tỳ-kheo-ni tự làm, đàn-việt khiến tỳ-kheo-ni phụ trách, không cố ý giáo hóa mà khất thực được; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXX. ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NGƯỜI NỮ[161] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có người Tỳ-xá-ly gả con gái cho người nước Xá-vệ. Sau đó, nàng dâu cùng mẹ chồng cãi lộn, nên cô trở về bổn quốc. Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật cũng từ nước Xá-vệ muốn đến nước Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, người phụ nữ kia hỏi tôn giả A-na-luật rằng: «Tôn giả muốn đến đâu?» Tôn giả trả lời: «Tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.» Người phụ nữ liền thưa: «Cho con đi theo được không?» Tôn giả chấp thuận. Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật cùng người phụ nữ này đi chung một đường. Lúc người phụ nữ ra đi thì trước đó phu chủ của cô đã không có ở nhà. Ngày hôm sau trở về nhà, không thấy vợ mình đâu, liền hỏi bà mẹ rằng: «Vợ của con làm gì? ở đâu?» Bà mẹ ông trả lời ? «Nó cãi lộn với ta, bỏ nhà trốn đi rồi. Không biết hiện ở đâu!» Bấy giờ người phu chủ vội vã đuổi theo. Trên đường đi bắt gặp được vợ. Ông chồng đến hỏi Tôn giả A-na-luật rằng: «Tại sao ông dẫn vợ của tôi chạy trốn?» Lúc ấy A-na-luật liền nói: «Thôi! Thôi! Đừng nói vậy. Chúng tôi không có vậy đâu!» Ông trưởng giả nói rằng: «Tại sao nói không như vậy? Hiện tại ông cùng đi chung với vợ tôi!» Vợ ông nói với chồng rằng: «Em cùng Tôn giả này đi, cũng như anh em cùng đi. Không có gì là tội lỗi.» Người chồng nói rằng: «Hôm nay người này dẫn mày chạy trốn cho nên mới nói như vậy.» Người đàn ông ấy vừa nói xong liền đánh Tôn giả A-na-luật gần chết. Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật liền bước xuống đường, vào nơi chỗ vắng vẻ, kiết già phu tọa, thẳng mình chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập hỏa quang tam-muội. Lúc ấy trưởng giả thấy vậy liền khởi thiện tâm, ông nghĩ rằng: «Nếu Tôn giả A-na-luật này từ nơi tam-muội xuất, thì tôi sẽ lễ bái sám hối.» Khi ấy Tôn giả A-na-luật từ tam-muội xuất, ông trưởng giả bèn thưa để sám hối: «Cúi xin Đại đức nhận sự sám hối của con.» Tôn giả A-na-luật chấp nhận sự sám hối của ông. Lúc ấy trưởng giả kính lễ dưới chân Tôn giả xong, ngồi qua một bên. Tôn giả vì trưởng giả nói các pháp vi diệu khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Nói pháp xong, Tôn giã từ chỗ ngồi đứng dậy đi. Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật thọ thực xong, đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể đầy đủ lại cho các tỳ-kheo. Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách A-na-luật: «Sao ngài A-na-luật lại một mình đi chung một đường cùng với người phụ nữ?» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi A-na-luật: «Thật sự ông có đi chung một đường với người phụ nữ hay không?» Tôn giả thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy. » Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rằng: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông đi chung một đường cùng với người nữ? » Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo: «A-na-luật này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới ban đầu. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có các tỳ-kheo không hẹn nhưng giữa đường tình cờ gặp, vì e sợ, không dám đi chung. Đức Phật dạy: «Không hẹn thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn,[162] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người nữ: như trên đã nói. Cùng hẹn: cũng như đã nói trên.[163] Đường: như trước đã giải.[164] Nếu tỳ-kheo hẹn và đi chung đường với người phụ nữ, nhẫn đến khoảng giữa hai thôn, tùy theo giới vức hoặc nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Nếu trong khoảng đồng trống không có thôn mà đi khoảng mười dặm, phạm ba-dật-đề. Nếu đi chưa tới một thôn, hay chưa tới mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi chung trong phần giới của thôn, phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn chuẩn bị mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột kiết la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc trước đó không cùng hẹn; hoặc việc cần đến đó được an ổn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXI. LỮ QUÁN MỘT BỮA ĂN[165] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ nước Câu-tát-la có thôn không có trú xứ,[166] nên có cư sĩ xây cất trú xứ[167] cho tỳ-kheo, thường cung cấp đồ ăn, thức uống. Nếu trụ nơi trú xứ này sẽ được nhận sự cúng dường một bữa ăn. Lúc bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo muốn đến thôn không có trú xứ nước Câu-tát-la. Khi đến trú xứ kia trải qua một đêm. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng. Lại qua đêm thứ hai cũng nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, nên nhóm sáu tỳ-kheo khởi ý nghĩ rằng: «Sỡ dĩ chúng ta du hành là vì thức ăn. Nay thì đã được.» Rồi họ thường xuyên ăn ở trú xứ này. Bấy giờ, các cư sĩ đều cùng cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử này không biết chán, không biết đủ, không biết tàm quý. Bên ngoài [655a1] tự xưng ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Họ thường xuyên đến nhận thức ăn ở nơi trú xứ này. Làm như chúng ta phải thường xuyên cung cấp thức ăn cho sa-môn Thích tử này. Bản nguyện của chúng ta là cung cấp cho những vị tạm trú một đêm mà thôi.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các Thầy cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nước Câu-tát-la du hành cũng đến nơi thôn không có trú xứ ấy, trụ lại một đêm, sáng ngày nhận được thức ăn ngon. Hôm ấy, Tôn giả lâm bệnh nhưng nghĩ, đức Thế tôn đã chế giới, tỳ-kheo nơi ngủ trọ một đêm chỉ nhận một bữa ăn, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Vì vậy, dù bị bệnh, Tôn giả vẫn dời đi chỗ khác. Do vậy bệnh tình càng nguy kịch. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh nhận quá một bữa ăn.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, tỳ-kheo không bệnh chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trú xứ: nơi đó được ở một đêm. Bữa ăn: nhẫn đến bữa ăn đúng thời. Bệnh: rời khỏi thôn đó thì bệnh bị tăng. Nếu tỳ-kheo không bệnh, đối với nơi nghỉ tạm một đêm đó, mà nhận quá bữa ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Ngoài thức ăn ra, nhận các thứ áo lót, dầu thắp đèn, dầu thoa chân, tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nghỉ một đêm nhận một bữa ăn; bệnh thì được nhận hơn một bữa ăn. Nếu cư sĩ mời: «Mời Đại đức ở lại. Con sẽ cúng thức ăn. Chúng con vì sa-môn Thích tử cho nên thiết lập nơi nghỉ đêm này và cung cấp đồ ăn thức uống. Nếu không có sa-môn Thích tử thì cũng sẽ cúng cho người khác vậy.» Hoặc đàn-việt theo thứ tự mời thọ thực, hoặc các cậu, các cô, các chị, các bà theo thứ tự mời thọ thực thì không phạm. Hoặc hôm nay thọ của người này, ngày mai thọ của người khác. Hoặc bị nước lụt, đạo lộ gặp nguy hiểm; hoặc có giặc cướp, hổ lang sư tử, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhận quá bữa ăn không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXII. TRIỂN CHUYỂN THỰC[168] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Trúc khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ. Từ thành La-duyệt đức Thế tôn cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị du hành trong nhơn gian. Vào lúc đó, trong nước mùa màng không thu hoạch được, giá lúa gạo tăng cao, khất thực khó được, Người người có sắc diện đói. Bấy giờ, có năm trăm hành khất đi theo sau đức Thế tôn. Lúc ấy, có người bà-la-môn tên là Sa-nậu [169] vận chuyển năm trăm cỗ xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo sau đức Thế tôn, hết mùa đông đến mùa hạ, chờ ngày nào không có ai cúng thì thiết trai cúng dường Phật và Tăng. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, từ nước Ma-kiệt-đà, tuần tự giáo hóa đến quốc giới của A-na-tần-đầu.[170] Nhân dân trong nước kia tranh nhau cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng tỳ-kheo, không có ngày nào thiếu vắng. Người bà-la-môn chờ mãi không có ngày trống nào để thiết trai cúng dường, liền đến chỗ Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả rằng: «Tôi là Sa-nậu có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.» Tôn giả A-nan bảo: «Chờ một chút. Tôi vào bạch đức Thế tôn ngay bây giờ.» Bấy giờ Tôn giả đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế tôn: «Kính bạch đức Thế tôn, có bà-la-môn Sa-nậu vừa đến chỗ con thưa như vầy, ‹Tôi có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.› Con có nói với người bà-la-môn Sa-nậu rằng, ‹Chờ tôi một chút. Tôi vào bạch đức Phật.› Cho nên con đến thưa, xin tôn ý đức Thế tôn.» Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Ông có thể đến nói với người bà-la-môn, sáng mai đem đồ ăn ẩm thực đó nấu thành cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.» Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ người bà-la-môn nói rằng: «Ông có thể dùng những thức ăn ấy nấu cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.» Bấy giờ người bà-la-môn quan sát thấy trong những thứ đã được cúng dường không hề có bánh, nên trong đêm ấy sửa soạn các loại mỹ vị như: dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát[171] để nấu các loại cháo và làm các thứ bánh.[172] Đêm đã qua, Sa-nậu đem cháo cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo. Song các tỳ-kheo không dám thọ nhận, và nói với bà-la-môn rằng: «Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bơ dầu cho đến ba món thuốc[173] mà nấu thành cháo.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nhận dầu bơ cho đến ba món thuốc nấu thành cháo để ăn. Ăn cháo có năm điều lành: Trừ đói, trừ khát, làm tiêu thức ăn qua đêm, điều hòa tiểu tiện và trừ bệnh phong. Ăn cháo có năm việc hay như vậy.» Bấy giờ, người bà-la-môn đem bánh[174] dâng. Các tỳ-kheo không dám nhận và bảo người bà-la-môn rằng: «Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bánh.» Các tỳ-kheo liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay cho phép các tỳ-kheo nhận bánh để ăn.» Bấy giờ, [656a1] các cư sĩ ở nước A-na-tân-đầu nghe đức Thế tôn cho phép nhận bánh và cháo để ăn, đều hết sức vui mừng, họ nói với nhau: «Chúng ta có cơ hội được làm phước cúng dường.» Họ cúng dường xong lại có một vị Đại thần mà tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và chư Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn nói như vầy: «Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong lúc gạo khan hiếm mà đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được phẩm vật cúng dường nhiều đến mức như thế này. Nay ta nên sắm sửa các loại đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt.» Bấy giờ, vị Đại thần liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa: «Bạch đại đức Tăng! Cúi xin quý ngài ngày mai nhận lãnh bữa cúng dường của tôi.» Đêm ấy Đại thần cho sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng và sáng ngày đi báo đã đến giờ. Hôm đó, đức Thế tôn ở lại Tăng-già-lam; sai người nhận phần ăn.[175] Bấy giờ, có các cư sĩ nơi nước A-na-tân-đầu trước đó đã nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo, nên trong đêm đó cũng sửa soạn các thứ cháo như trên đầy đủ, sáng sớm đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo trước đó cũng đã nhận sự mời ăn của người khác, và lại ăn loại cháo đặc này, sau mới đến nhà vị Đại thần. Khi ấy vị Đại thần tín tâm mỏng ấy dâng các loại đồ ăn thức uống lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nói: «Thôi, thôi, sớt một ít thôi!» Vị Đại thần thưa các tỳ-kheo: «Tôi vì các tỳ-kheo nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ dâng cúng, mỗi vị một tô thịt. Các Đại đức chớ nên nghĩ rằng lòng tin mỏng mà không dùng cho no. Quý ngài cứ ăn. Tôi cũng có tín tâm vậy.» Các tỳ-kheo bảo: «Không phải vì vậy mà chúng tôi dùng ít đâu. Vì nhân dân trong thành nghe tin đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo và bánh, nên đêm vừa rồi họ đã sắm sửa đầy đủ các thứ dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát để nấu cháo. Sáng ngày đã đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Chúng tôi đã ăn cháo trước rồi nên bây giờ không thể ăn nhiều được. Đại thần chớ nên ngại như vậy.» Bấy giờ, vị Đại thần tín tâm nông cạn liền cơ hiềm rằng: «Tôi cố tâm vì chúng Tăng làm các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt với ý nghĩ, mong muốn chúng Tăng dùng hết. Sao chư Tăng lại ăn cháo đặc trước khi đến thọ thực chúng tôi?» Bấy giờ, vị Đại thần sân hận, liền cất đi các thứ bánh thịt, những thứ mỹ vị; chỉ bố thí cơm canh mà thôi. Rồi vị Đại thần liền đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng: «Vừa rồi con thiết trai cúng dường; được phước nhiều hay tội nhiều?» Đức Phật bảo vị Đại thần: «Sự cúng dường mà ông sửa soạn mang lại phước rất nhiều. Chính đó là nhân lành để sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm của ông đi nữa, nhưng phước đức ấy cũng vô lượng.» Rồi đức Thế tôn tuần tự nói các pháp bố thí, trì giới, sanh thiên. Ngài quở trách dục là tai hại, là ô uế;[176] khen ngợi ích lợi thiết thực của sự xuất ly, và giải thoát. Đức Phật vì Đại thần nói các pháp này rồi, ngay nơi chỗ ngồi, vị Đại thần đoạn trừ các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp mà được tăng thượng quả .[177] Ông bạch Phật rằng: «Từ nay về sau con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-tắc; trọn đời không sát sinh, cho đến không uống rượu. » Sau bữa ăn, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo: «Sáng sớm hôm nay các ông ăn cháo đặc của người khác rồi, sau đó mới thọ thực do vị Đại thần dâng cúng phải không?» Đáp: «Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.» Bấy giờ, đức Thế tôn mới dùng vô số phương tiện, quở trách các tỳ-kheo rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại ăn cháo đặc trước rồi mới nhận sự cúng dường? Không được, đã nhận lời thỉnh trước mà còn ăn cháo đặc.[178] Cháo đặc là cháo lấy cọng cỏ kẻ ngang qua mà nó không hiệp lại. Cháo như vậy không được ăn, nếu ăn thì trị như pháp.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ nước A-na-tần-đầu du hành trong nhân gian cùng với chúng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ trong nước gặp lúc lúa thóc khan hiếm, khất thực khó được. Người người có sắc diện đói. Nhưng lại có năm trăm hành khất thường đi sau đức Thế tôn. Bấy giờ, đức Thế tôn tuần tự du hành trong nước Ma-kiệt-đà, trở về thành La-duyệt. Trên đường đi đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều sự cúng dường. Trong thành La-duyệt có một vị nhạc sư tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được nhiều sự cúng dường liền nghĩ rằng: «Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong khi lúa gạo khan hiếm thế này mà Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được quá nhiều phẩm vật cúng dường. Hôm nay ta hãy dùng vật sở hữu trong một năm, sắm sửa các đồ ăn thức uống béo bổ để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo, riêng mỗi vị một tô thịt.» Nghĩ xong liền đến trong Tăng-già-lam bạch với các tỳ-kheo rằng: «Sáng mai tôi xin được cúng dường một bữa ăn.» Rồi trong đêm đó, ông sắm sửa mọi thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày nhạc sư đến báo các ngài đã đúng giờ ăn. Bấy giờ, trong thành La-duyệt nhằm ngày tiết hội, các cư sĩ tranh nhau đem cơm, bánh bột,[179] cơm khô, cá và thịt đến trong Tăng-già-lam để dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận được thức ăn và ăn, xong sau đó mới đến thọ thỉnh nơi nhà nhạc sư. Bấy giờ nhạc sư đích thân tiếp các đồ ăn thức uống để cúng dường. Các tỳ-kheo nói: «Thôi, thôi, cư sĩ đừng sớt nhiều thức ăn quá! » Vị nhạc sư nói: «Tôi tích lũy vật sở hữu một năm, cố tâm vì Tăng tỳ-kheo sắm sửa những thức ăn ngon bổ để dâng cúng mỗi vị một tô thịt. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tín tâm của tôi mỏng, sợ sanh lòng bất tín mà không ăn nhiều. Xin các ngài cứ thật tình thọ dụng. Tôi có lòng tin ưa thật sự.» Các tỳ-kheo trả lời vị nhạc sự rằng: «Chúng tôi không phải nghĩ như vậy nên không ăn nhiều. Mà vì vừa rồi chúng tôi đã nhận thức ăn của các người trong thành Vương-xá, cho nên bây giờ chỉ ăn ít thôi. Ngoài ra không có ý gì. Ông chớ nghi ngại như vậy.» Khi vị nhạc sự tín tâm mỏng nghe những lời như vậy, liền sanh cơ hiềm: ‹Sao, tôi dùng tất cả những vật sở hữu trong một năm, một lòng vì chúng Tăng sắm sửa các thức ăn ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt, mà các tỳ-kheo lại đi nhận cơm, bánh bột, cơm khô, thịt và cá của người khác trước khi đến thọ thức ăn của tôi?› Vì vậy vị nhạc sư hờn giận, liền dọn cất hết các thức ăn béo bổ, chỉ để lại cơm canh mà thôi.» Sau đó, vị nhạc sư đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi xong, liền thưa hỏi đức Phật: «Vừa rồi con thiết trai cúng dường, phước nhiều hay tội nhiều?» Đức Phật bảo: «Sự dâng cúng của ông vừa rồi là nhân lành sẽ được sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm đi nữa, thì phước đức cũng đã là vô lượng, huống là ông dâng cúng như vậy, phước này không thể lường được.» Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhạc sư nói diệu pháp: Bố thí, trì giới, sanh thiên. Đức Phật chỉ trích dục là tai hại, là ô uế. Nhạc sư nghe Phật nói pháp rồi liền từ chỗ ngồi các trần cấu đều hết sạch, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp đặng quả tăng thượng, liền bạch đức Phật: «Từ nay về sau con nguyện được làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sinh cho đến không uống rượu.» Bấy giờ, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Đức Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo: «Có thật các ông nhận và ăn năm loại thức ăn[180] của người khác rồi sau mới thọ sự thỉnh mời của người đã thỉnh trước hay không?» Các tỳ-kheo thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại thọ năm loại thức ăn của người khác rồi sau mới đến thọ thỉnh của người đã thỉnh trước?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Không nên nhận năm loại ăn của người khác mà ăn, rồi sau mới đến nhận lời mời của người thỉnh trước. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, nơi mời thọ thực không có thức ăn cho người bệnh, không có thuốc cho căn bệnh. Hoặc có thức ăn thích hợp đối với bệnh, có thứ thuốc đúng căn bệnh, nhưng các tỳ-kheo e sợ không dám dùng, sợ phạm tội ăn nhiều lần. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực. Lại cũng có một cư sĩ khác cũng thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thiết trai cúng dường, và dâng y. Cư sĩ ấy đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: «Tôi muốn thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo cúng dường thức ăn.» Tỳ-kheo trả lời: «Chúng tôi đã nhận lời mời của cư sĩ khác rồi!» Cư sĩ thưa: «Bạch Đại đức, tôi muốn dâng cúng thức ăn và y. Cúi xin chúng Tăng nhận sự mời thỉnh của tôi.» Bấy giờ, các tỳ-kheo e sợ, liền đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, trường hợp có người dâng cúng y thì được phép lần lượt ăn.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh, khi thí y. Đó gọi là trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ăn nhiều lần:[181] được mời ăn. Mời có hai cách: thỉnh theo thứ tự của Tăng, và thỉnh riêng. Thức ăn: cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[182] Bệnh: không thể ngày ăn một bữa mà đủ no được. Thí y: Tự tứ rồi, không thọ y Ca-thi-na là một tháng, có thọ y Ca-thi-na thì năm tháng. Nếu có nhiều chỗ mời thọ thực và dâng y, như hôm nay nhận được nhiều chỗ thỉnh, thì mình nên nhận một chỗ, còn các chỗ kia mình nhường lại cho các vị khác. Nói như thế này để nhường: «Thưa trưởng lão, lẽ ra tôi phải đến đó nhưng xin cúng dường cho ngài.» Nếu tỳ-kheo không xả chỗ mời trước mà nhận chỗ mời sau thì mỗi một miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Không xả chỗ mời sau mà nhận chỗ thỉnh trước thì mỗi một miếng ăn phạm một đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni cũng đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi bệnh, khi thí y. Nếu trong một ngày mà có nhiều chỗ thỉnh, mình chỉ nhận một chỗ, còn các nơi khác nhường lại cho các vị khác; hoặc thỉnh chẳng phải dùng thức ăn, hoặc ăn không đủ, hoặc không thỉnh ăn, hoặc ăn xong lại nhận được thức ăn, hoặc một chỗ gồm cả bữa ăn trước và bữa ăn sau thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [183]
Chú thích: [124] Tăng kỳ 15: «… từ sau mặt trời lặn cho đến trước khi bình minh xuất hiện…» [125] Ngũ phần, Tăng kỳ: ba-dật-đề 24; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 23. Pali, Pāc. 24 Āmisa. [126] Ngũ phần: «vì lợi dưỡng.» Thập tụng: «vì tài lợi.» Pali: āmisahetu, «vì lợi lộc vật chất.» [127] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 26; Tăng kỳ: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 24. Pali, Pāc. 25. cīvaradāna. [128] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ iv, cht. 41. [129] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ i. [130] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 27. Tăng kỳ: ba-dật-đề 29. Căn bản: ba-dật-đề 25. Pali, Pāc. 6 cīvarasibbana. [131] Tăng kỳ: tỳ-kheo-ni Thiện Sinh 善生比丘尼, vợ cũ của Ưu-đà-di. Thập tụng: Quật-đa tỳ-kheo-ni 掘多比丘尼, quen biết cũ với Ca-lưu-đà-di. Căn bản: Cấp-đa bí-xô-ni 笈多苾芻尼. [132] Ngũ phần: Ưu-đà-di 優陀夷. Pali: Udāyin, khéo may y. [133] Y tài, bản Cao-li: 衣財; Tông-Nguyên-Minh: 衣裁. [134] Hán: bạch thời đáo 白時到. Được báo đã đến giờ đi thọ thực. Pali: yadā bhikkhuni-saṅgho ovādaṃ āgacchati, khi nào chúng tỳ-kheo-ni đi nghe giáo giới. Có lẽ, ovāda (giáo giới), bản Hán hiểu là sự công bố (giờ thọ thực )? [135] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提; trên kia nói là Đại Ái Đạo 大愛道. [136] Pali: sibbeyya vā sibbāpeya vā, may và khiến (người khác) may. [137] Ngũ phần, Tăng kỳ: ba-dật-đề 25; Thập tụng: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 29. Pali, Pāc. 30. rahonisajja. [138] Nhất xứ 一處; không có trong giới văn. Pali: eko ekāya, một người với một người. [139] Bình chướng xứ 屏障處, trong giới văn: bình xứ 屏處. [140] Chướng 障; từ được giải không có trong giới văn. [141] Ngũ phần, ba-dật-đề 28; Tăng kỳ, ba-dật-đề 26; Thâp tụng, ba-dật-đề 24; Căn bản, ba-dật-đề 26. Pali, Pāc. 27 saṃvidhāna. [142] Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.48b24) các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ở Ma-kiệt-đà. [143] Hán: hữu nghi xứ 有疑處. Cụm từ không có trong giới văn. Giới văn nói: nhược nghi 若疑. Pali: sāsaṅkasammato. [144] Tăng kỳ 15 (T22n1425, tr.348c7): đường, tính từ 1 câu-lô-xá đến 3 do-diên (do tuần). [145] Tăng kỳ nt, Thập tụng 11: đoạn đường không có thôn xóm, đi hết 1 câu-lô-xá là 1 ba-dật-đề. [146] Thập tụng 12, ba-dật-đề 25; Căn bản 23, ba-dật-đề 27. [147] Thập tụng 12: các tỳ-kheo-ni đồng bọn của Đề-bà-đạt-đa. [148] Căn bản: hoặc duyên ba 沿波, hoặc tố lưu 泝流. Giải thích: duyên ba, đi xuôi dòng; tố lưu, đi ngược dòng. [149] Các đoạn trên, không thấy định nghĩa liên hệ. [150] Các bộ, ba-dật-đề 30. [151] Bạch thời đáo 白時到. Pali: kālaṃ āroceti. [152] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn. [153] Giáo hoá 教化, trên kia nói là khuyến hoá 勸化. [154] Lê-sư-đạt 梨師達. [155] Tăng kỳ: trừ cựu đàn-việt 除舊檀越. [156] Trong giới văn, tán thán giáo hoá 讚歎教化; các bộ: tán thán 讚歎 Pali: bhikkhunī-paripācita, gây ảnh hưởng bởi tỳ-kheo-ni. [157] Dư thực pháp 餘食法; xem ba-dật-đề 36. [158] Nhất tọa thực, ăn chỉ một lần ngồi, tức ăn một bữa. Cf. Trung A-hàm 50 (T1, tr.744b11); cf. ba-dật-đề 37. Pali, ekāsana-bhojana, M.i.124. [159] Nhất đoàn thực 一摶食, mỗi lần ăn một vắt cơm. [160] Thường tọa tùy tọa 常坐隨坐. [161] Ngũ phần, ba-dật-đề 67, Tăng kỳ, ba-dật-đề 68; Thập tụng, ba-dật-đề 70; Căn bản, ba-dật-đề 70; Pali. Pāc. 67. [162] Hán: nãi chí thôn gian 乃至村間. Pali: antamaso gāmantarampi. [163] Xem ba-dật-đề 27. [164] ibid. [165] Ngũ phần, ba-dật-đề 33; Tăng kỳ, ba-dật-đề 31; Thập tụng, ba-dật-đề 32; Căn bản, ba-dật-đề 32. Pali Pāc. 31 āvasathapiṇḍa. [166] Tức không có tinh xá của Tăng. [167] Thập tụng 12: phước đức xá 福德舍 (nhà từ thiện), với phụ chú (T23n1435, tr.89c25): «Chính xác, gọi là nhất túc xứ 一宿處 (chỗ ngủ trọ một đêm).». Pali: āvasaṭhapiṇḍa, lữ xá có bố thí thức ăn. [168] Ăn nhiều lần. Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 31; Tăng kỳ, ba-dật-đề 32; Pali, Pāc. 31 paramparabhojana, ăn từ chỗ này đến chỗ khác. [169] Sa-nậu 沙菟. Ngũ phần 7: nhân duyên từ một người làm mướn nghèo khó. Thập tụng 12: một tiểu nhi mồ côi làm thuê. Pali (Vin.iv. 75): aññatarassa daliddassa kammakārassa. [170] A-na-tần-đầu 阿那頻頭. Cf. Mahāvagga 6, Vin.i. 220: Andhakavindha, một thị trấn trong Vương quốc Magadha. [171] Tất bạt 蓽苃, loại cỏ có bông trắng trổ vào mùa xuân, dùng làm thuốc. Không rõ Pali. [172] Pali, nt., yāguñca madhugoḷakañca, cháo (sữa cháo) và kẹo mật (mật viên). [173] Tức gừng, tiêu và cỏ tất bát. [174] Không rõ loại bánh gì. Pali, nt. madhugoḷaka, mật hoàn. [175] Thỉnh thực 請食. [176] Hán: thượng hữu lậu 上有漏. Cf. Pali: kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ, sự tai hại, tháp hèn và ô nhiễm của các dục. [177] Tăng thượng quả 增上果; chỉ quả Thánh. Đây chỉ quả Tu-đà-hoàn. Chính xác, nên hiểu: ở trong Chánh pháp mà đạt được sự vô uý. [178] Trù chúc 稠粥; trên nói là nùng chúc 濃粥. [179] Hán: xiếu 麨, mạch yến mài nát vụn (Khang hy). Hoặc đọc là khứu 糗, lương khô (Thiều Chữu). [180] Năm loại thức ăn: xem định nghĩa đoạn sau; xem cht.182; cf. xem ba-dật-đề 35. [181] Triển chuyển thực 展轉食: ăn luân phiên. Ngũ phần, Thập tụng: sác sác thực 數數食. Tăng kỳ: xứ xứ thực 處處食; ăn nhiều chỗ. Pali: paraṃparabhojana. [182] Năm loại thức ăn, Hán: phạn, khứu, can phạn, ngư, cập nhục 飯糗乾飯魚及肉. Pali: odana (cơm chín), kummāsa (bánh bột, hay cháo chua), sattu (bánh khô), maccha (cá), maṃsa (thịt). Cf. Căn bản (T23n1442, tr.821b24), 5 loại thực phẩm bồ-thiện-ni thực 蒲繕尼食: cơm, đậu mạch, lương khô, thịt, bánh 飯麥豆飯糗肉餅. [183] Hết quyển 13. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XXXIII. BIỆT CHÚNG THỰC[184] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị cắt đứt.[185] Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà. Năm tỳ-kheo này tên là: Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…[186] Các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị đoạn tuyệt, đã cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà một.[187] Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa: «Có thật ông cùng với năm tỳ-kheo đến từng nhà khất thực hay không?» Đề-bà đáp lời: «Có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đề-bà-đạt-đa, sao ông cùng với năm tỳ-kheo đi đến từng nhà khất thực?» Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo: «Đề-bà-đạt-đa ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng,[188] ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh có nơi thỉnh thọ thực không có những thức ăn và món thuốc theo chứng bệnh, và có nơi có các thức ăn tốt cùng các loại thuốc theo chứng bệnh, nhưng họ e sợ không dám thọ nhận vì sợ phạm điều ăn theo chúng riêng. Đức Thế tôn biết nên bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được ăn chúng riêng.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt, là khi bệnh. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo đã tự tứ; trong tháng Ca-đề,[189] là thời gian may y. Các ưu-bà-tắc khởi ý nghĩ, ‹Các tỳ-kheo này tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Ta nên làm thức ăn cúng dường chúng Tăng. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo này may y vất vả nên không thể ăn được.› Các vị ưu-bà-tắc ấy đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo: «Sáng mai, chúng con cúng dường cơm. Xin chư tôn nhận lời cho.» Các tỳ-kheo trả lời: «Chỉ mời được ba vị[190] ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.» Các ưu-bà-tắc thưa với các tỳ-kheo rằng: «Bọn chúng tôi đều có ý nghĩ rằng, chư tôn tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Sợ các tỳ-kheo vất vả không thể ăn được cho nên mời chư tôn thọ thực. Các tỳ-kheo lại nói, chỉ mời được ba vị, vì không được phép ăn chúng riêng.» Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo: «Từ nay về sau, cho phép khi may y được ăn chúng riêng.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y. Đó là các trường hợp khác. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các cư sĩ muốn cúng thức ăn và y, lại đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo: «Sáng mai tôi muốn cúng đồ ăn. Xin chúng Tăng nhận lời.» Các tỳ-kheo trả lời: «Chỉ mời được ba vị ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.» Cư sĩ thưa: «Đại đức, tôi muốn cúng thức ăn và y. Xin quý ngài nhận [658a1] lời mời cho.» Nhưng vị tỳ-kheo kia nói, «Chỉ mời được ba vị ăn vì không được phép ăn thành chúng riêng.» Bấy giờ các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi thọ sự dâng y được ăn riêng chúng.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y. Đó là các trường hợp khác. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và các cư sĩ đi cùng đường đến nước Câu-tát-la. Giờ khất thực đến, các tỳ-kheo nói với cư sĩ: «Chúng tôi muốn vào xóm khất thực. Xin chờ một chút, chúng tôi sẽ trở lại, rồi cùng nhau đi.» Các cư sĩ trả lời: «Hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sễ cung cấp đồ ăn thức uống.» Các tỳ-kheo nói: «Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Các cư sĩ thưa: «Đại đức, đường này nguy hiểm có sự nghi ngờ khủng bố. Hãy đến đây! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho. Chớ nên đi sau vì quý thầy ít người quá.» Các Tỳ-kheo nói: «Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Rồi các tỳ-kheo liền vào trong thôn khất thực. Các cư sĩ đi trước; tỳ-kheo đi sau, theo không kịp, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau trên đường có nguy hiểm, cho phép tỳ-kheo được ăn chúng riêng.» Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường. Đó là các trường hợp khác. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo cùng các cư sĩ đi trên thuyền xuôi theo dòng nước. Giờ khất thực đến, nói với các cư sĩ rằng: «Cho thuyền dừng lại thời gian ngắn. Chúng tôi cần vào trong thôn khất thực, và sẽ trở lại cùng đi.» Các cư sĩ nói: «Chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.» Tỳ-kheo nói rằng: «Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Các cư sĩ nói rằng: «Nơi khoảng bờ sông này có nhiều giặc cướp, nơi có nghi ngờ khủng bố. Các thầy ít người, không nên đi sau, sẽ bị giặc cướp đoạt. Các thầy chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.» Các tỳ-kheo nói rằng: «Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Rồi các tỳ-kheo vẫn lên bờ để khất thực. Bạn đồng thuyền đi trước; các tỳ-kheo đi sau, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi đi thuyền được ăn chúng riêng.» Từ đây trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền. Đó là các trường hợp khác. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành đến một thôn nhỏ. Các cư sĩ nghĩ rằng, «Chúng Tăng thì lại nhiều mà thôn xóm thì lại nhỏ. Chúng ta hãy làm thức ăn cho chúng Tăng dùng, đừng để cho chúng Tăng vất vả, khổ cực.»[191] Họ liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: «Bạch chư Đại đức, ngày mai xin nhận thức ăn của chúng tôi.» Các tỳ-kheo nói rằng: «Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Các cư sĩ nói: «Chúng tôi nghĩ rằng chúng Tăng thì nhiều mà thôn xóm lại nhỏ. Chỉ sợ không đủ thức ăn khiến chúng Tăng phải vất vả thôi.» Tỳ-kheo lại nói rằng: «Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Bấy giời các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo rằng: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, khi đại chúng tập hợp đông, được ăn chúng riêng.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp. Đó là các trường hợp khác. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có người con của chị Vua Bình-sa[192] tên là Ca-la[193] dâng thức ăn cho các sa-môn, trước khi xuất gia trong phái dị học ngoại đạo, đến chỗ Vua Bình-sa thưa: «Tôi đã vì các sa-môn thiết trai cúng dường rồi. Nay muốn xuất gia.» Vua Bình-sa hỏi rằng: «Muốn xuất gia nơi nào?» Đáp rằng: «Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.» Nhà Vua lại hỏi: «Có làm thức ăn cúng dường sa-môn của ta không?» Ca-la bảo: «Tâu Đại vương, đó là hạng sa-môn nào?» Nhà Vua bảo: «Đó chính là sa-môn họ Thích.» Ca-la nói: «Tôi chưa làm thức ăn cúng dường các vị đó.» Nhà Vua nói rằng: «Ngươi nay nên dọn đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử.» Ca-la liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: «Nay tôi muốn làm đồ ăn cúng dường Tăng tỳ-kheo. Xin quý ngài nhận lời mời của tôi.» Các tỳ-kheo nói rằng: «Chỉ được cúng cho ba vị. Chúng tôi không được ăn chúng riêng.» Bấy giờ, Ca-la nói với các tỳ-kheo: «Tôi làm đồ cúng dường các sa-môn trước khi xuất gia trong phái ngoại đạo. Rồi tôi đến chỗ Vua Bình-sa thưa, ‹Tôi đã làm đồ cúng dường các sa-môn. Nay tôi muốn xuất gia.› Vua hỏi tôi, ‹Muốn xuất gia nơi nào?› Tôi trả lời, ‹Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.› Nhà Vua lại hỏi tôi, ‹Đã làm đồ ăn cúng dường sa-môn của ta chưa?› Bấy giờ tôi hỏi, ‹Đó là hạng sa-môn nào?› Vua nói với tôi, ‹Đó chính là sa-môn Thích tử.› Vua bảo tôi, ‹Ngươi hãy đến đó làm đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử, sau đó mới xuất gia.› Vì lý do ấy cho nên tôi dến trong Tăng-già-lam mời các Đại đức. Cúi mong các vị nhận thỉnh lời mời của tôi.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe kể như vậy liền đến bạch đức Thế tôn. Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi có sa-môn thí thực[194] thì được phép ăn chúng riêng.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi sa-môn thí thực. Đó là các trường hợp khác. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ăn chúng riêng: hoặc bốn người hay hơn bốn người. Thức ăn: chỉ cho cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[195]. Bệnh: cho đến cái gót chân bị trẹo. Thời may y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng, cho đến trên y chỉ may một đường như răng con ngựa. Thời thí y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng; và các trường hợp thí thực và y khác. Khi đi đường: cho đến chỉ đi trong nửa do tuần gồm cả đi tới và đi lui. Khi đi thuyền: cho đến nương trên thuyền xuôi hay ngược dòng nước trong vòng nửa do tuần. Khi đại chúng tập hợp:[196] thức ăn đủ cho bốn người mà dư một người là có sự khốn đốn. Năm người, mười người, cho đến trăm người mà dư một người là khốn đốn. Sa-môn thí thực:[197] đây chỉ cho những người xuất gia theo ngoại đạo bên ngoài sa-môn Thích tử. Nếu tỳ-kheo không có lý do ăn chúng riêng, tỳ-kheo ấy nên đứng dậy thưa: «Tôi không có nhân duyên gì trong bữa ăn chúng riêng này. Tôi muốn ra khỏi chúng.» Đức phật nói: «Cho phép ra.» Nếu những người nào không có lý do cũng được phép cho ra khỏi chúng. Nếu hai người, ba người, thì tùy ý thọ thực. Nếu bốn người hay hơn bốn người thì nên chia ra làm hai bộ, thay nhau vào ăn. Nếu tỳ-kheo có nhân duyên để ăn theo chúng riêng mà muốn vào, thì hãy đứng dậy thưa: «Tôi có nhân duyên ăn riêng chúng. Tôi muốn vào.» Đức Phật dạy: «Nên chấp thuận. Tùy theo thứ tự Thượng tọa mà ngồi vào.» Nếu tỳ-kheo nào ăn riêng chúng, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Nếu có lý do mà không nói, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa-môn thí, hoặc ba người, bốn người đổi nhau ăn, hoặc đi có nhân duyên; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXIV. NHẬN QUÁ BA BÁT[198] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một người nữ tên Già-nhã-na,[199] trước đó ở nơi đại thôn, sau lấy chồng người nước Uất-thiền. Qua vài tháng thì có mang, nên trở về nhà cha mẹ ở. Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà đó khất thực; cô đích thân dâng thức ăn, trái cây cho các tỳ-kheo. Sau đó một thời gian, người chồng sai người đến kêu về. Cô nói với sứ giả rằng: «Hãy ở lại đây chờ một chút! Để tôi sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống và trang điểm y phục rồi sau đó cùng đi.» Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà này khất thực, người nữ thấy, nên đem đồ ăn thức uống vừa sửa soạn, cúng hết cho các tỳ-kheo và thưa: «Đại đức có thể nhận thức ăn này.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận hết thức ăn, không để lại chút nào. Sau đó, cô phải sửa soạn và trang điểm trở lại xong mới ra đi.[200] Trong khi cô chưa kịp trở lại đó, thì chồng cô đã lấy vợ khác và sai sứ giả nói với cô rằng, «Nay tôi đã lấy vợ khác rồi, về hay không về tùy ý.» Cha của Già-nhã-na nghe như vậy, đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo thấy liền nói: «Già-nhã-na, con gái của ông có tín tâm bền chặt và ưa bố thí.» Cha của cô nói: «Như tôn giả nói, con của tôi thật có tín tâm bền chặt. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay nó gặp phải điều mà phụ nữ không vui.» Các tỳ-kheo hỏi: «Gặp chuyện gì?» Cha của Già-nhã-na nói: «Chồng của nó đã lấy vợ khác rồi.» Khi ấy, ngoài cửa thành Ba-la-nại có nhiều đoàn khách thương đang nghỉ đêm cùng với xe cộ. Hôm đó có một tỳ-kheo khất thực, đến giờ mặc y bưng bát vào trong doanh trại của đoàn thương khách này khất thực. Tỳ-kheo kia theo thứ tự đi xin, và đến đứng im lặng trước mặt thương chủ có lòng tin sâu đậm. Thương chủ thấy vậy, hỏi: «Ngài đứng nơi đây có việc gì?» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi khất thực.» Thương chủ liền nói: «Ngài đưa bình bát đây.» Tỳ-kheo trao bình bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bình bát. Tỳ-kheo khất thực mang thức ăn ra khỏi trại. Cách đó không xa, lại có một tỳ-kheo khất thực cũng muốn vào trong doanh trại khất thực, nên hỏi vị tỳ-kheo vừa nhận được thức ăn: «Xin thức ăn được không?» Đáp rằng: «Được.» Lại hỏi: «Nhận được từ người nào?» Đáp rằng: «Nhận được từ thương chủ nọ.» Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực liền đến đứng yên lặng trước thương chủ nọ. Thương khách hỏi: «Ngài đứng đây làm gì?» Tỳ-kheo đáp rằng? «Tôi khất thực.» Thương khách nói: «Đưa bình bát của ngài đây.» Tỳ-kheo liền trao bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bát rồi trao lại cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận được thức ăn vừa mang ra khỏi trại. Đi khỏi trại không xa, lại gặp một tỳ-kheo cũng muốn vào nơi doanh trại khất thực, nên hỏi: «Xin thức ăn được không?» Đáp rằng: «Được.» Lại hỏi: «Nhận được từ người nào?» Đáp rằng: «Nhận được từ thương chủ nọ.» Các tỳ-kheo khất thực thông tin cho nhau như vậy, đã khiến cho thương chủ hết cả lương thực đi đường. Bấy giờ, thương chủ phải vào trong thành Ba-la-nại sắm lại lương thực. Trong khi đó các đồng bạn đã đi. Thương chủ phải đi sau, nên không theo kịp, dọc đường bị giặc cướp. Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rằng: «Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của thương khách?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo đó: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo ấy rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô,[201] nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo bệnh, e sợ không dám nhận thức ăn quá mức, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn quá mức đã ấn định.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu tỳ-kheo không bệnh nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: nhà có nam, có nữ. Bệnh: không thể ăn một bữa mà no đủ. Nếu tỳ-kheo đến nhà bạch y, được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nên hỏi người chủ rằng, «Có phải là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn?» Nếu họ nói là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn, thì nên ăn xong rồi ra về. Về lại trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu muốn ăn, hãy ăn xong rồi ra về. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai, ba bát.[202] Còn tôi hiện giờ không mang thức ăn về.» Nếu muốn mang về một bát ăn, khi về đến trong Tăng-già-lam phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Nên nói với tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai bát.[203] Còn tôi hiện giờ mang về một bát.» Nếu mang hai bát thức ăn về trong Tăng-già-lam, phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Rồi lại nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang một bát.[204] Còn tôi hiện giờ mang về hai bát.» Nếu mang hết ba bát về phân chia cho các tỳ-kheo khác dùng thì nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì cẩn thận chớ mang về.[205] Vì tôi hiện giờ mang về đủ ba bát rồi.» Nếu tỳ-kheo không có bệnh, nhận thức ăn quá hai ba bát nơi nhà đó mang về, ra khỏi cửa phạm ba-dật-đề. [660a1] Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà đứng lại, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu mang về trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng mà ăn một mình, phạm đột-kiết-la. Nếu không nói với các tỳ-kheo khác, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: nhận hai, ba bát; vì bệnh mà nhận quá; có hỏi để biết là thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng hay lương thực đi đường của khách buôn; mang về trong Tăng-già-lam chia cho các tỳ-kheo khác dùng; bạch với các tỳ-kheo khác biết nơi chốn như vậy. Hoặc tự họ đưa đến trong Tăng-già-lam thì được phép nhận. Hoặc họ đưa đến trong chùa của tỳ-kheo-ni, nhận thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXV. DƯ THỰC PHÁP[206] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một lần,[207] khen ngợi pháp ăn một lần. Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy về pháp ăn một lần, khen ngợi pháp ăn một lần, nên các tỳ-kheo ăn thức ăn khư-xà-ni,[208] hoặc ăn năm loại chánh thực,[209] hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn uống một lần không dám ăn lại, khiến cho hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: «Các tỳ-kheo này tại sao hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một bữa, khen ngợi pháp ăn một bữa. Các tỳ-kheo nghe rồi, tại một chỗ ngồi ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi ăn cho thật no.» Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào thật no. Khi ấy các tỳ-kheo hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan: «Các tỳ-kheo này tại sao hình thể khô héo, nhan sắc tiều tụy?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào đầy đủ; hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.» Đức Thế tôn bảo tôn giả A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo ăn năm loại thức ăn hoặc cơm, hoặc bánh in, hoặc cơm khô, cá và thịt, khiến cho thật no. Đối với trong năm món ăn này, sẽ tùy thuộc vào thứ nào đã nhận được theo đó ăn cho thật no.» Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh, tuy đã nhận được thức ăn ngon như, cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt, mà không đủ sức khỏe để ngồi ăn luôn một lần cho nên hình thể bị gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan: «Tại sao các tỳ-kheo bệnh hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?» Tôn giả A-nan bạch Phật rằng: «Tỳ-kheo bệnh này tuy nhận được năm món ăn ngon, nhưng không đủ sức khỏe ngồi ăn một lần cho đủ no nên hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.» Đức Phật bảo A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.[210] Người bệnh không cần có phép túc thực .[211]» Lúc ấy các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn ngon bổ không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn bèn đem bỏ. Các loài chim tranh nhau đến, giành ăn kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan rằng: «Tại sao các loài chim kêu la inh ỏi thế?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo bệnh này nhận được thức ăn ngon bổ ăn không hết, còn dư đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Cho nên các loài chim giành nhau ăn kêu la inh ỏi như thế.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Từ nay về sau cho phép người nuôi bệnh được ăn thức ăn dư của người bệnh, khỏi phải làm pháp dư thực .» Lúc bấy giờ các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi, không dám ăn nữa, đem bỏ các loài chim tranh nhau ăn kêu la. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan: «Tại sao các loài chim kêu la như thế?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn nữa, đem bỏ cho nên các loài chim tranh nhau ăn kêu la như vậy.» Đức Phật bảo A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo lấy thức ăn nhận được làm pháp dư thực rồi ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.» Về sau, có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: «Tại sao các loài chim kêu la như thế?» Tôn giả A-nan bạch: Có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la như vậy.» Đức Phật bảo A-nan: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, thức ăn từ nơi khác đem về nên làm pháp dư thực để ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Vị tỳ-kheo kia nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.» Khi ấy trong nước Xá-vệ có một tỳ-kheo tham ăn, không biết ăn đủ là thế nào, ăn không đủ là thế nào; không biết pháp dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, ‹Sao lại tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ, không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng: «Thật sự ông có tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ; không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?» Tỳ-kheo kia thưa rằng: «Bạch đức Thế tôn, thật vậy.» «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại tham ăn như vậy?» Đức Thế tôn quở trách xong, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo [661a1] kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh,[212] không làm pháp dư thực[213] mà ăn nữa, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn : gồm năm thứ: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt. Đối với trong năm thức ăn này, bất cứ ăn một thứ nào, hoặc cơm, hoặc bánh bột, hoặc cơm khô, hoặc cá và thịt khiến cho no đủ. Có năm loại ăn đủ:[214] biết là cơm, biết được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Ăn đủ rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực mà nhận được và ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, quỳ gối chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Tỳ-kheo đang đi, có bao nhiêu chỗ được xem là túc thực?» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Có năm chỗ được xem túc thực. Thế nào là năm? Ưu-ba-ly, Tỳ-kheo biết mình đang đi, biết thức ăn là cơm, biết đã được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Biết túc thực rồi, đã xả oai nghi ,[215] không tác pháp tàn thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó,[216] Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết mình đang đi, biết bánh bột, biết cơm khô, cá và thịt, biết sự mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm khô, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cơm khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cá, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thịt, cơm, bánh bột, cơm khô, biết người đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là thịt, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. «Ưu-ba-ly, như vậy gọi là năm chỗ túc thực của tỳ-kheo trong khi đang đi. Đứng, ngồi, nằm cũng như vậy.» Thức ăn khư-xà-ni,[217] gồm có thức ăn khư-xà-ni củ, thức ăn nhánh, lá, hoa, trái khư-xà-ni, thức ăn dầu, mè, đường mía, (thức ăn) nghiền nát.[218] Tỳ-kheo nào túc thực rồi, không tác pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu túc thực rồi vì người khác làm pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu biết người khác túc thực rồi, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, đột-kiết-la. Nếu cầm thức ăn để dưới đất, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo khiến tịnh nhơn cầm thức ăn, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo tác pháp dư thực trước tịnh nhơn, phạm đột-kiết-la. Lấy thức ăn không ngon phủ lên trên thức ăn ngon, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo nhận pháp dư thực của người khác đem hết đi, không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la. Nếu túc thực tưởng là túc thực, ba-dật-đề. Nếu túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo không túc thực tưởng là túc thực, phạm đột-kiết-la. Không túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: thức ăn mà tưởng chẳng phải thức ăn, không nhận tác pháp dư thực; chẳng phải thức ăn, không tác pháp dư thực; tự tay giữ lấy, làm pháp dư thực; không để dưới đất tác pháp dư thực; cho đến tay rờ đụng đồ đựng thức ăn; hoặc vì người, người vì mình, tác pháp dư thực; hoặc bị bệnh không tác pháp dư thực; thức ăn dư của người bệnh, không tác pháp dư thực; hoặc đã tác pháp dư thực. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXVI. MỜI NGƯỜI TÚC THỰC[219] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong nước Xá-vệ có hai anh em đều làm tỳ-kheo. Một người ham thích ăn uống, không biết túc thực hay không túc thực; dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn. Có vị tỳ-kheo khác nói rằng: «Chưa từng có một người nào như thầy, ham thích ăn uống, không biết túc thực, không túc thực; dư thực, không dư thực; nhận được thức ăn là ăn liền.» Tỳ-kheo kia nghe câu nói như vậy, ôm lòng thù hận. Sau đó, một thời gian, thấy vị tỳ-kheo này ăn rồi không làm pháp dư thực liền ân cần mời ăn. Tỳ-kheo này ăn. Tỳ-kheo tham ăn kia nói rằng: «Chưa từng thấy có thầy nào ham thích thức ăn như thầy, không biết túc thực hay không túc thực; không biết dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn, không biết nhàm chán, không biết đủ.» Tỳ-kheo này nói: «Tuy tôi đã ăn nhưng chưa đủ.» Tỳ-kheo kia nói: «Thầy trước đó đã ăn no đủ rồi.» Tỳ-kheo này nói: «Thầy đã biết tôi ăn đủ rồi phải không?» Đáp rằng: «Vâng, tôi biết.» Tỳ-kheo này hỏi rằng: «Thầy biết tôi như vậy mà cố mời tôi ăn phải không?» Đáp rằng: «Vâng, tôi biết.» Khi ấy tỳ-kheo này hiềm trách tỳ-kheo kia rằng: «Tại sao biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người khác phạm giới?» Bấy giờ các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia: «Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn khiến cho họ phạm tội?» Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Phật vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng: «Có thật ông biết người kia đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người kia phạm giới hay không?» Vị tỳ-kheo kia thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi lại ân cần mời ăn, muốn cho họ phạm giới?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy các tỳ-kheo chưa biết đã ăn hay chưa ăn, không biết đã ăn đủ hay chưa ăn đủ, sau đó mới biết là đã ăn đủ, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ. Đức Phật bảo: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, hoặc thọ thỉnh,[220] mà ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn: có năm thứ như trước đã giải. Mời: cũng có năm cách như đã nói trên.[221] Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, không làm pháp dư thực, mà ân cần mời ăn, nói rằng, «Trưởng lão, hãy dùng món ăn này.» Vị kia nhận ăn, mỗi miếng, cả hai đều phạm ba-dật-đề. Nếu mời ăn, tỳ-kheo được mời không ăn, đem bỏ, thì người mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời ăn, người kia nhận mà không ăn, đem cất thì kẻ mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời, người kia nhận rồi chuyển cho người khác, thì người mời phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không tác pháp dư thực, đem cho người. Người ấy tác pháp dư thực rồi ăn. Người cho phạm đột-kiết-la. Nếu đem thức ăn người bệnh cho, muốn người khác phạm. Người cho phạm đột-kiết-la. Đem thức ăn dư của người bệnh cho người khác, muốn người khác phạm thì người cho phạm đột-kiết-la. Nếu tác pháp dư thực rồi, đem cho người khác muốn cho người khác phạm, thì người cho phạm đột-kiết-la. Ăn đủ tưởng là ăn đủ, ba-dật-đề. Đủ mà nghi, đột-kiết-la. Không ăn đủ tưởng là ăn đủ, đột-kiết-la. Không ăn đủ mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: nếu trước không biết; hoặc ăn đủ tưởng là không ăn đủ; hoặc cho để bỏ mà ăn; hoặc cho để cất mà ăn; hoặc bảo đem cho người mà lấy ăn; hoặc chưa làm pháp dư thực mà cho; bảo làm pháp dư thực mà ăn; người kia không làm pháp dư thực mà ăn; hoặc đem thức ăn dư của người bệnh mà cho, không khiến cho người khác phạm; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXVII. PHI THỜI THỰC[222] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Bấy giờ nhân dân trong thành La-duyệt làm lễ tiết hội, tổ chức kỹ nhạc. Khi ấy, hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà đến xem kỹ nhạc. Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà vì tướng mạo đoan chánh nên mọi người đều muốn ngắm nhìn. Khi ấy có một người trong đám đông nói: «Quý vị chỉ ngắm suông Sa-môn Thích tử. Sao không cung cấp thức ăn? Phải cúng dường, sau đó mới ngắm!» Lúc ấy, mọi người đều cho thức ăn. Hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà ăn xong, tiếp tục coi ca nhạc mãi cho đến chiều tối mới về đến núi Kỳ-xà-quật. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Các thầy sao lại đi vào lúc tối mịt thế?» Nan-đà, Bạt-nan-đà đem nhân duyên ấy thuật lại các tỳ-kheo. Cũng trong khi sẩm tối ấy, Ca-lưu-đà-di[223] khoác y, bưng bát vào thành La-duyệt khất thực. Trong lúc trời đang nhá nhem tối, Ca-lưu-đà-di lại đến khất thực nhằm nhà người đàn bà đang mang thai. Người đàn bà ấy mang thức ăn ra cửa ngõ, gặp lúc trời chớp, chợt thấy sắc diện của Ca-lưu-đà-di,[224] hoảng sợ hét to: ‹Quỷ! quỷ!› Do đó trụy thai. Ca-lưu-đà-di nói rằng: «Đại muội, tôi chẳng phải là quỷ mà là Sa-môn Thích tử.» Người đàn bà nổi giận nói: «Sa-môn Thích tử, hãy lòi ruột ra đi, chứ đừng đi khất thực ban đêm!» Ca-lưu-đà-di nghe câu nói ấy, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách việc làm Nan-đà, Bạt-nan-đà thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di: «Này Nan-đà, Bạt-nan-đà và Ca-lưu-đà-di, sao các thầy lại đi khất thực vào lúc phi thời cùng xem ca nhạc?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, Bạt Nan-đà, Ca-lưu-đà-di, sao các ông lại khất thực lúc phi thời, cùng xem ca nhạc?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, không được xem kỹ nhạc. Xem kỹ nhạc phạm đột-kiết-la. «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nhận thức ăn[225] phi thời và ăn, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thời : từ khi sáng xuất hiện cho đến giữa ngày. Đây là thời giờ đúng pháp để ăn. Bốn châu thiên hạ cũng ăn như vậy. Phi thời: từ giữa ngày cho đến khi bình minh chưa xuất hiện. Thức ăn : có hai loại: khư-xà-ni và bồ-xà-ni,[226] mỗi thứ có năm loại như trên. Nếu tỳ-kheo nào nhận được thức ăn phi thời và ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu phi thời, quá phi thời, ba-dật-đề. Bảy ngày,[227] mà để quá bảy ngày, ba-dật-đề. Thuốc trọn đời,[228] không nhơn duyên mà dùng, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là phi thời, ba-dật-đề. Phi thời mà nghi, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là thời đột-kiết-la. Thời tưởng là phi thời đột-kiết-la. Thời mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực thấy người ta làm đường đen,[229] trong đó có chất kế-ni,[230] vì e sợ nên cẩn thận không dám dùng phi thời. Đức Phật dạy, «Cho phép dùng, không phạm. Phương pháp chế biến phải như vậy.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh uống thuốc xổ. Tỳ-kheo nấu cháo. Thời gian chờ cháo chín quá giờ. Nên nấu lúa mạch, đừng cho nó bể vỏ, lọc lấy nước mà dùng thì không phạm. Thức ăn trong cổ ói ra, mà nuốt vào không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXVIII. THỨC ĂN CÁCH ĐÊM[231] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Ca-la[232] cũng đang tọa thiền tư duy ở trong đó. Hằng ngày, đến giờ Tôn giả khoác y, bưng bát, vào thành La-duyệt, khất thực. Bấy giờ, trong thành La-duyệt khất thực dễ dàng, nên Ca-la khởi ý nghĩ: «Phiền gì hằng ngày ta phải vào thành khất thực cho vất vả. Ta hãy ăn những thức ăn được trước; [663a1] thức ăn đang được thì mang về.» Sau đó, làm theo như điều suy nghĩ.[233] Tôn giả liền thực hiện theo ý nghĩ ấy. Bấy giờ các tỳ-kheo không thấy Ca-la vào giờ tiểu thực, và đại thực, nên các cùng nhau bàn tán, «Chúng ta không thấy Ca-la vào tiểu thực, và đại thực. Phải chăng thầy ấy đã qua đời, hay đi xa, hoặc thôi tu, hay bị giặc giết, bị ác thú hại, cũng có thể bị nước cuốn trôi lắm!» Sau đó một thời gian lại thấy Ca-la xuất hiện. Các tỳ-kheo hỏi: «Mấy hôm nay thầy đi đâu mà vào giờ tiểu thực, và đại thực không thấy thầy? Chúng tôi tưởng thầy đã qua đời hay đi xa, hoặc bị ác thú hại, hay là thôi tu, hoặc bị ác thú hại.» Bấy giờ, Ca-la đem sự việc trên kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-la: «Sao lại chứa cất thức ăn cách đêm mà ăn?» Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà ngài vẫn hỏi Ca-la: «Thật sự ông có cất thức ăn cách đêm để ăn hay chăng?» Ca-la thưa: «Thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-la: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-la, sao ông lại cất đồ ăn cách đêm mà ăn? Ý nghĩ của ông tuy là thiểu dục tri túc, nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo.» Đức Thế tôn quở trách Ca-la rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn cách đêm,[234] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn cách đêm :[235] nhận được hôm nay để đến ngày mai. Tất cả sa-môn Thích tử, đã thọ đại giới, mà ăn thức ăn như vậy, đều không thanh tịnh. Thức ăn có hai loại: Thức ăn chánh và thức ăn phi chánh.[236] Thức ăn phi chánh là thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn được nghiền vụn.[237] Thức ăn chính là thịt, cá, cơm khô, lương khô và cơm. Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Thức ăn phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có lý do bệnh mà dùng, đột-kiết-la. Cách đêm khởi ý tưởng cách đêm, ba-dật-đề. Cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà tưởng là cách đêm, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Không phạm: thức ăn nhận được dư cách đêm, còn dư đem cho cha mẹ. Hay cho người làm tháp, người làm phòng xá, tính giá công bằng thức ăn; sau đó, tỳ-kheo khất thực nơi người làm ấy mà được lại thức ăn. Nơi bát có lỗ nứt, thức ăn nhét vào, khi rửa cạy sợ bể thì nên cẩn thận như pháp mà rửa, nếu nó không ra thì không phạm. Nếu ban đêm nhận sữa, dầu, bơ, mỡ dùng để nhểu vào lỗ mũi; nếu khi nhểu vào sữa dầu chảy ra lại nên bỏ. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [238]
Chú thích: [184] Ngũ phần 7, ba-dật-đề 32; Tăng kỳ, ba-dật-đề 40, lời chú (T22n1425, tr.362b24) nói: bản Phạn lưu trong tinh xá Kỳ-hoàn bị mọt ăn mất điều 40 biệt chúng thực; Thập tụng, ba dật-đề 36; Căn bản, ba-dật-đề 36. Pali, Pāc. 32 Gaṇabhojana. [185] Xem Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 10. [186] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. tăng-già-bà-thi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn. [187] Bốn tỳ-kheo trở lên, khi chưa đủ yếu tố để thành Tăng (Pl. Saṅgha), thì gọi là biệt chúng (gana). [188] Biệt chúng thực 別眾食. Xem giải thích đoạn sau. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.50c24): biệt thỉnh chúng thực 別請眾食. [189] Ca-đề nguyệt 迦提月; Xem cht.177, Ch.iv, ni-tát-kỳ 29. [190] Xem cht.187 trên. [191] Tăng chia làm nhiều chúng riêng. Mỗi chúng thọ thực tại mỗi nơi khác nhau. [192] Bình-sa vương 瓶沙王. Xem cht. 113, Ch.i ba-la-di 2; cht. 98, Ch.ii tăng-già-bà-thi-sa 10. [193] Ca-la 迦羅. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.50c27): em trai của Vua tên là Ca-lưu 迦留. Thập tụng 13 (T23n1435, tr.94c25), Căn bản 36 (T23n1442, tr.824a01): cậu của Vua. Pali, Vin.iv.747, một người thân tộc của Vua Seniya Bimbisāra xuất gia theo nhóm lõa hình tà mạng (Ājīvaka); không nói tên. [194] Tức chúng tỳ-kheo được tu sĩ đạo khác mời ăn. [195] Năm loại thức ăn, xem cht.182, ba-dật-đề 32 trên. [196] Pali: mahāsamayo, bản Anh hiểu là sự khan hiếm cực kỳ, do Pali samaya có nghĩa: thời tiết, cơ hội. Trong Skt., samaya còn có nghĩa «tập hội.» [197] Pali: samaṇabhattasamayo, được giải thích: «bữa ăn của sa-môn, nghĩa là bữa ăn được làm bởi sa-môn.» (Vi. iv. 475). [198] Tăng kỳ, ba-dật-đề 38; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 33. Pali, Pāc. 34. [199] Già-nhã-na 伽若那. Tăng kỳ: Hạt Nhãn 瞎眼. Thập tụng: Lai Nhãn 睞眼; vì mắt lé. Pali: Kāṇamātā. [200] Pali: ba lần cô chuẩn bị lương thực đi đường đều lần lượt bố thí hết cho ba tỳ-kheo, nên trễ chuyện về nhà chồng. Các bộ khác cũng vậy. [201] Hán: bính, khứu 餅糗. Pali: pūvehi vā manthehi, giải thích, pūva, bánh để làm quà; mantha, lương khô để đi đường. [202] Tỳ-kheo này không mang về bát nào, nhắc tỳ-kheo khác biết có thể mang về hai hoặc ba bát. [203] Tỳ-kheo này đã mang về một bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về tối đa hai bát. [204] Tỳ-kheo này đã mang về hai bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về một bát nữa thôi. [205] Xem các cht. trên. [206] Ngũ phần, ba-dật-đề 35; Tăng kỳ, ba-dật-đề 33; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 34. Pali, Pāc. 35. [207] Nhất thực pháp 一食法 hay nhất tọa thực, ngày ăn một bữa. Pali: ekāsana/ ekabhatta. Bản Hán đọc là eka-asana: một lần ăn, nhất thực. Các bản khác đọc eka-āsana, một chỗ ngồi, nhất tọa (thực). Cf. M.i. 437. [208] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pali: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn). Xem giải thích đoạn giới tướng, và cht.182. [209] Chánh thực 正食. Pali: bhojanīya, thức ăn loại mềm. Xem cht.182, ba-dật-đề 32. [210] Sác sác thực 數數食. [211] Túc thực pháp 足食法. Xem cht.184 đoạn sau. [212] Tăng kỳ: «… ăn đã đủ, đã rời chỗ ngồi…» Pali: bhuttāvī pavārito, ăn đã xong, và đã no. Bản Hán hiểu pavārito là «được yêu cầu.» [213] Dư thực pháp 餘食法. Ngũ phần, và các bộ khác: tàn thực pháp 殘食法. [214] Cf. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.52c13), mỗi loại thưc ăn có 5 sự được nói là túc thực: có thức ăn, đã trao cho, đã nhận và đã nhai và nuốt, ăn đã xong, đã rời khỏi chỗ ngồi, gọi là túc thực (ăn đã đủ). Pali, Vin. iv. 82, 5 yếu tố để thành túc thực: 1. được biết là đang ăn (asanaṃ paññāyati), 2. được biết là có thức ăn (bhojanaṃ paññāyati), 3. đứng gần trong tầm tay (hatthapāse ṭhito), 4. mang đến cho (abhiharati), 5. được biết là đã từ chối, vì đã ăn no (paṭikkhepo paññāyati). [215] Nghĩa là, không còn «đang đi» nữa. [216] Nội dung các đoạn lặp chỉ khác nhau về thức ăn. [217] Pali: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn), được giải thích (Vin. iv. 83): trừ 5 loại thức ăn chính (bhojanīya, loại mềm), trừ thực phẩm loại để qua đêm, 7 ngày, và suốt đời, còn lại đều là thức ăn loại cứng. Thập tụng (T23n1435, tr.91b11), 5 loại khư-đà-ni 佉陀尼: rễ, cọng, lá, mài, quả 根莖葉磨果. Căn bản (T23n1442, tr.821b22): rễ, cọng, lá, hoa, quả 根莖葉花果. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.52c12): phạn (cơm), can phạn (cơm khô), bính xiếu (bánh bột), ngư (cá), nhục (thịt) 飯乾飯餅糗魚肉 [218] Ma tế mạt 磨細末. Đoạn sau, nói là tế mạt thực 細末食. [219] Ngũ phần, ba-dật-đề 36; Tăng kỳ, ba-dật-đề 34; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 35. Pali, Pāc, 36. [220] Xem cht.212, ba-dật-đề 35. [221] Thỉnh 請. Các bản khác: thuyết thỉnh. Giải thích từ «thọ thỉnh» trong giới văn, nhưng đoạn trên không có giải thích. Chính xác, đây giải ý nghĩa «túc thực» (Pali: pavārita) mà bản Hán hiểu là «thọ thỉnh (được yêu cầu).» Xem cht.212, ba-dật-đề 35 trên. [222] Ngũ phần, ba-dật-đề 38; Tăng kỳ, ba-dật-đề 36; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 37. Pali, Pāc. 37. [223] Ca-lưu-đà-di 迦留陀夷. Cf. M.i. 437 (Bhaddālisutta): chuyện tôn giả Bhaddāli. Xem Trung A-hàm 51, kinh 194 Bạt-đà-hòa-lợi, T1, tr.746. [224] Pali, Kāḷudāyi (Skt. Kālodāyin): Kāḷa + Udāyī, nghĩa là, Udāyi đen, vì nước da ông ngăm đen. [225] Pali: thức ăn loại cứng (khādānīya) và loại mềm (bhojanīya). [226] Xem các đoạn trên, và cht. liên hệ. [227] Loại thức ăn (xem là thuốc) được phép để dùng trong thời hạn bảy ngày. [228] Thuốc (thức ăn) cất dùng không kể thời hạn. [229] Hắc thạch mật 黑石蜜, loại đường cát chưa tinh luyện. [230] Pali: kiṇṇa, chất gây men. [231] Ngũ phần, ba-dật-đề 39; Tăng kỳ, ba-dật-đề 37; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 38. [232] Ca-la 迦羅. Thập tụng 13, tỳ-kheo Thượng Thắng 上勝. Căn bản 36, Cụ thọ Ca-la 具壽哥羅. Pali: Belaṭṭhasīsa, Hoà thượng của A-nan (ānandassa upajjhāyo). [233] Văn Hán đoạn này hơi tối. Cf. Căn bản 36 (T23n1442, tr.824c24): Nếu khất thực được thức ăn ướt, lấy bát mà nhận rồi ăn ngay. Nếu là thức ăn khô, lấy khăn gói lại mang về cất. Hôm nào trời mưa không đi khất thực được, lấy ra ăn. Cf. Pali, Vin. iv. 86: Belaṭṭha để dành cơm, phơi khô. Khi cần ăn, mang ra rưới nước vào rồi ăn. [234] Tàn túc thực 殘宿食. Căn bản 36: tăng xúc thực 曾觸食. Pali: sannidhikāraṃ khādānīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā khādeyya vā bhuñjeyya vā, ăn các thức ăn được tích trữ. [235] Hán: túc thực 宿食, trong giới văn: tàn túc thực 殘宿食. Pali: sannidhikarānaṃ khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā, tích trữ các loại thức ăn cứng và mềm. [236] Chánh thực và phi chánh thực 正食非正食; tức bồ-xà-ni (loại mềm) và khư-đà-ni (loại cứng). Xem giải thích các đoạn trên. [237] Xem cht.218 trên. [238] Hết quyển 14. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích XXXIX. BỎ VÀO MIỆNG VẬT KHÔNG ĐƯỢC CHO[239] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một tỳ-kheo[240] nghĩ rằng, «Ta nên thường đi khất thực với chiếc y phấn tảo.»[241] Và vị ấy liền thực hành theo ý nghĩ. Bấy giờ, có các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, anh em, chị em, hay chồng vợ, con trai con gái của họ qua đời, làm đồ ăn thức uống thiết lễ cúng tế ở ngả tư đường, hoặc nơi cửa ngõ, hoặc bên bờ sông, dưới gốc cây, hoặc bên hòn đá, hoặc trong miếu thờ. Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực kia tự lấy phẩm vật họ cúng đó ăn. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn; phạm điều lấy vật không cho. Bên ngoài tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có chánh pháp gì? Chúng ta vì cha mẹ, anh em, chị em… qua đời, sắm đồ ăn thức uống tế tự cúng dường, mà họ lại lấy ăn. Hình như chúng ta vì họ làm đồ ăn thức uống, đặt nơi đó, để cúng dường cho họ vậy! Sự thật, chúng ta vì cha mẹ, cho đến anh chị em của chúng ta qua đời cho nên mới thiết lập thức ăn này để tế tự, mà họ lại tự ý lấy ăn.» Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo khất thực rằng: «Tỳ-kheo khất thực, sao các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, cho đến anh chị em của họ qua đời; họ sửa soạn thức ăn để tế tự cúng dường, mà thầy lại tự tiện lấy ăn?» Bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo khất thực, sao ông tự tiện lấy thức ăn cúng tế của các cư sĩ trong thành Xá-vệ mà ăn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo khất thực kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo khất thực ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận,[242] ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đối trong vấn đề ấy có nghi, không dám tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống. Đức Phật bảo: «Tỳ-kheo tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống, không phạm.» Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận,[243] trừ nước và tăm xỉa răng,[244] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không được cho:[245] tức là chưa được trao nhận. Nhận: có năm cách nhận. Tay trao tay mà nhận; hoặc tay trao dùng vật mà nhận; dùng vật trao tay mà nhận; dùng vật trao dùng vật nhận, từ xa dùng vật trao cho người nhận lấy, giữa người trao và người nhận đều biết có khoảng cách không xúc ngại; vật cho được rơi vào trong tay. Đó gọi là năm cách nhận. Lại có năm cách nhận thức ăn : cho qua thân và nhận qua thân, cho qua y (áo, vải) và nhận qua y; cánh tay này co lại để trao, cánh tay kia co lại để nhận; dùng vật đựng để cho, dùng vật đựng để nhận; hoặc có nhân duyên để dưới đất cho. Đó gọi là năm cách nhận thức ăn.[246] Thức ăn khư-xà-ni: Thức ăn từ rễ, cho đến thức ăn được nghiền nhỏ mịn. Thức ăn:[247] gồm có cơm, bánh bột, cơm khô, thịt và cá. Thức ăn xà-da-ni: gồm có tô, du, sanh tô, mật, thạch mật.[248] Tỳ-kheo nào, thức ăn không được trao mà tự tay lấy bỏ vào miệng, trừ nước và tăm xỉa răng, [664a1] mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có nhơn duyên, không được trao cho nhận mà dùng, đột-kiết-la. Không được trao cho nhận, tưởng không được trao cho nhận, ba-dật-đề. Không được trao cho nhận mà nghi, đột-kiết-la. Nhận mà khởi ý tưởng không nhận, đột-kiết-la. Nhận mà có nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Lấy nước và tăm xỉa răng; hoặc sữa, dầu, mỡ không được trao nhận mà nhểu vào mũi; chảy vào miệng rồi nhổ ra hết, còn dư,[249] không phạm. Hoặc tỳ-kheo khất thực, chim ngậm thức ăn bay rơi vào bát, hay gió thổi rớt vào bát, muốn trừ bỏ thức ăn ấy, cho đến chỉ bằng một móng tay cũng có thể trừ bỏ, còn dư, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XL. YÊU SÁCH MỸ THỰC[250] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có một thương chủ là đàn-việt. Đến giờ khất thực, Bạt-nan-đà Thích tử khoác y, bưng bát, đến nơi nhà thương chủ đó, nói như vầy: «Nay tôi muốn có được thức ăn mỹ diệu.[251]» Thương chủ hỏi: «Nay, Đại đức có bệnh gì mà phải nghĩ đến thức ăn ấy?» Đáp rằng: «Tôi không có bệnh hoạn gì cả. Mà muốn được thức ăn như vậy thôi.» Thương chủ thưa: «Chúng con là nhà buôn, buôn bán để sinh sống, còn không thể có được thức ăn như vậy, huống là người xuất gia.» Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nghe những lời này, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu[252] như thế?» Khi tỳ-kheo khất thực thọ thực rồi, trở về trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói lại cho các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Tại sao Thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà, sao chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Bạt-nan-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Nếu có các thức ăn mỹ diệu như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào, với thức ăn ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nghe vậy, vì e sợ không dám xin, không dám vì tỳ-kheo bệnh xin, nhận được không dám ăn. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được xin; người kia vì tỳ-kheo bệnh được xin. Xin được rồi, cho phép ăn.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Nếu có[253] các thức ăn mỹ diệu[254] như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào không bịnh, với thức ăn[255] ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn mỹ diệu: sữa, bơ, cá và thịt. Bệnh: cho đến không đủ sức ngồi để ăn xong một bữa.[256] Tỳ-kheo nào không bệnh, vì tự thân, xin thức ăn mỹ diệu này mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Người bệnh tự xin; vì người bệnh xin; khất thực được mà ăn; hoặc mình vì người, người vì mình xin; hoặc không xin mà được, thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLI. CHO NGOẠI ĐẠO ĂN[257] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Phật dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử từ nước Câu-tát-la du hành đến nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, có các đàn-việt cúng dường Phật và chúng Tăng rất nhiều bánh. Bấy giờ, đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan: «Ông đem bánh này chia cho chúng Tăng.» Tôn giả vâng lời Phật dạy đem chia. Chia xong còn dư. Đức Phật bảo tôn giả đem cho người đi xin. Tôn giả vâng lời dạy của Phật đem cho mỗi người một cái. Trong số người hành khất kia có một người nữ ngoại đạo lõa thể,[258] nhan mạo xinh đẹp. Khi tôn giả A-nan phân phối bánh, bánh dính vào nhau tưởng là một, phát cho cô ta. Cô ta hỏi người đứng gần rằng: «Bà được mấy cái?» Người kia trả lời: «Tôi được một cái.» Trả lời xong bà ấy lại hỏi cô ta: «Cô được mấy cái?» Cô ta nói: «Tôi được hai cái.» Người đàn bà kia liền nói với cô: «Tỳ-kheo đó cùng cô tư thông, cho nên cô mới được hai cái.» Bấy giờ tôn giả A-nan nghe những lời nầy, liền ôm lòng ưu sầu. Các tỳ-kheo nghe cũng không vui. Trong số những người tụ hội kia, có một Phạm chí,[259] nhận thức ăn này xong, lại trên đường đến Câu-tát-la. Trên đường đi gặp một người bà-la-môn chí tín, làm nghề xem tướng, hỏi: «Ông từ đâu đến?» Phạm chí trả lời: «Tôi từ Xá-vệ đến.» Bà-la-môn hỏi: «Sao, trong nước Xá-vệ khất cầu thức ăn dễ dàng lắm không? Có thể còn thừa mang theo không?» Phạm chí nói: «Có thể xin được.» Bà-la-môn hỏi: «Xin nơi ai mà dễ được vậy?» Phạm chí trả lời: «Xin từ cư sĩ trọc đầu.» Người bà-la-môn lại hỏi: «Cư sĩ trọc đầu là ai?» Phạm chí nói: «Chính là sa-môn Cù-đàm.» Người bà-la-môn bất bình nói: «Ông là người gì mà ăn của người ta lại nói lời ác như vậy?» Người bà-la-môn kia đến trong Tăng-già-lam, đem sự việc đã nghe kể lại cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo này đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên trên tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng: «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các ngoại đạo đều có lời oán trách: «Một người, hai người ngoại đạo có lỗi, chớ chúng tôi đâu có tội gì mà không cho thức ăn?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, các tỳ-kheo nào muốn cho thức ăn, nên để dưới đất mà cho, hoặc sai người cho.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy. Tỳ-kheo nào, tự tay cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ,[260] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ngoại đạo: chỉ cho người lõa hình dị học.[261] Ba-tư-ba-la-xà:[262] là người xuất gia trong chúng ngoại đạo ấy. Thức ăn khư-xà-ni: thức ăn bằng rễ củ, cho đến thức ăn bằng quả, thức ăn bằng dầu cho đến thức ăn được nghiền nát. Thức ăn:[263] cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt. Nếu tỳ-kheo tự tay cho thức ăn đến lõa hình, nam nữ ngoại đạo, ba-dật-đề. Nếu cho mà họ nhận phạm ba-dật-đề; họ không nhận phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn cho mà không cho, hối hận, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu để dưới đất mà cho; hoặc sai người cho; hoặc biếu cho cha mẹ; [665a1] cho thợ làm tháp, người thợ làm phòng, tính theo giá trị mà trả công; hoặc bị thế lực cưỡng bức thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLII. TRƯỚC SAU BỮA ĂN ĐI ĐẾN NHÀ KHÁC KHÔNG BÁO[264] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả hào tộc là bạn thân hữu trước kia của Bạt-nan-đà Thích tử, nghĩ rằng: «Nếu Bạt-nan-đà Thích tử đến thành này, ta sẽ vì Bạt-nan-đà thiết trai cúng dường chúng Tăng.» Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử vào đến thành. Trưởng giả biết, liền sai người đến trong Tăng-già-lam mời các tỳ-kheo sáng ngày mai thọ thực. Trong đêm ấy, trưởng giả sửa soạn đầy đủ các đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đến báo đã đến giờ. Các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Các tỳ-kheo bảo ông trưởng giả rằng: «Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống đã sửa soạn xong, hãy dọn ra.» Ông trưởng giả thưa: «Xin chư tôn chờ một lát. Đợi Thích tử Bạt-nan-đà đến.» Các tỳ-kheo bảo: «Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống nếu đã sửa soạn xong, thì cứ dọn ra. Sao lại phải đợi? Mặt trời gần xế rồi. E rằng các tỳ-kheo thọ thực không kịp no.» Khi ấy, ông trưởng giả thưa với các tỳ-kheo: «Trước đây, tôi có lời nguyện, nếu Thích tử Bạt-nan-đà đến thành nầy, tôi sẽ vì Bạt-nan-đà Thích tử thiết cơm cúng dường chúng tăng. Vậy xin chư tôn chờ một chút, đợi Bạt-nan-đà.» Hôm ấy, Bạt-nan-đà vào giờ tiểu thực lại đến nhà khác, mãi gần giữa ngày mới lại. Khi ấy, các tỳ-kheo thấy gần quá giữa ngày, tuy được ăn uống nhưng không được no lắm. Trong số các tỳ-kheo có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Bạt-nan-đà thích tử, sao giờ tiểu thực thầy lại đến nhà khác, gần giữa trưa mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?» Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà thích tử, tại sao giờ tiểu thực, ông lại đến các nhà khác, gần quá giữa ngày mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, vào giờ tiểu thực[265] lại đến nhà khác, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy, trong thành La-duyệt có một Đại thần là bạn thân quen trước kia của Thích tử Bạt-nan-đà. Một hôm vị Đại thần kia có được một số quả ngọt,[266] liền sai một người và dặn rằng: «Bạt-nan-đà Thích tử là bạn thân quen trước kia của ta. Ngươi mang quả nầy đến trong Tăng-già-lam cho ông ấy thấy rồi nói rõ rằng, ‹Tôi với ông là bạn cũ. Nhờ ông mang số quả nầy phân chia trong chúng Tăng.›» Người sứ kia vâng lời, mang cam đến trong Tăng-già-lam, thưa với các tỳ-kheo: «Thưa chư Đại đức, đây là trái cây mới, cho Tăng.» Các tỳ-kheo bảo: «Nếu cúng cho chúng Tăng thì nên chia liền đi.» Người kia thưa: «Vị Đại thần trong thành La-duyệt sai tôi rằng, ‹Ngươi mang số quả nầy đến trong Tăng-già-lam nhờ Thích tử Bạt-nan-đà chia cho Tăng.› Bây giờ, cần phải chờ Thích tử Bạt-nan-đà đến rồi sẽ chia cho Tăng.» Bấy giờ, Bạt-nan-đà sau bữa ăn đã đến nhà khác rồi. Khi trở về thì đã quá giờ, khiến chúng Tăng không dùng được số quả tươi ấy. Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Tại sao sau bữa ăn, lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới như vậy?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thích tử Bạt-nan-đà, tại sao sau khi ăn xong, ông lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới?» Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có nhiều chỗ thỉnh Tăng, nhưng các tỳ-kheo e sợ, không dám nhận lời thỉnh vào thành. Bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo báo cho nhau để vào thành.» Tỳ-kheo không biết nên báo cho ai. Phật dạy: «Nên báo cho tỳ-kheo. Nếu ở một mình trong phòng thì báo cho vị tỳ-kheo phòng gần.» Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, trước đó bảo nhà đàn-việt nấu canh, nấu cháo, nấu cơm; vị ấy e sợ, không dám vào thành, ngại phạm sau bữa ăn mà đến nhà khác. Bạch Phật, Phật dạy: «Cho phép Tỳ-kheo bệnh, không báo, được vào thành.» Từ nay, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian may y đã đến. Các tỳ-kheo cần những thứ như nồi lớn, nồi nhỏ, bình, thìa, bát, búa, chén, chậu, bát nhỏ, ấm, giây phơi, đồ treo y, y-ni-diên-đà, vải lông. Các tỳ-kheo vì e sợ, nên không dám vào thành, ngại phạm không báo mà vào thôn. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi may y, không báo được vào thôn.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian thí y đã đến. Hoặc có chỗ đã được thí y, có chỗ đang tìm cầu. Các tỳ-kheo kia e sợ không dám vào thành, lo ngại phạm không báo mà vào thành. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, thời gian thí y cho phép các tỳ-kheo không báo vẫn được phép vào thành.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác [666a1] mà không báo cho tỳ-kheo khác,[267] trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y. Đó là những trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trước bữa ăn: từ bình minh xuất hiện, đến khi ăn. Sau bữa ăn: từ khi ăn cho đến giữa ngày.[268] Nhà: nơi có nam nữ cư trú. Các Tỳ-kheo khác: những người sống chung đồng trong một cương giới. Bệnh: như trên đã nói. Thời gian may y: sau tự tứ, không thọ y Ca-thi-na thì một tháng, có thọ y Ca-thi-na thì năm tháng. Ngoài ra những khi khuyến hóa cúng thức ăn kể cả thí y, cũng thuộc về thời gian thí y. Nếu tỳ-kheo nào báo đến thôn mà giữa đường trở lại, thời lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đi nữa, thì phải báo trở lại. Nếu tỳ-kheo nào báo đến trong thôn mà không đến chỗ đã báo đó, lại đến nhà khác, thì lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đến đó thì phải báo trở lại mới được đi. Nếu báo đến nhà bạch y mà lại đến nơi nhà kho và tụ lạc hay phòng biên;[269] hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo-ni hay đến nhà bạch y rồi về liền cũng mất đi lời báo trước; phải báo trở lại mới được đi. Nếu tỳ-kheo đã nhận lời mời rồi trước bữa ăn hay sau bữa ăn đến nhà khác, mà không báo cho tỳ-kheo để vào thôn, trừ trường hợp đặc biệt, Ba-dật-đề. Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện trang nghiêm, muốn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, đã báo cho tỳ-kheo khác; hoặc không có tỳ-kheo, không báo;[270] đến nơi nhà kho, tụ lạc, phòng biên; hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo, đến dặn nhà bạch y được dặn báo; hoặc nơi nhiều nhà, trải tọa cụ, thỉnh tỳ-kheo; hoặc bị thế lực ép buộc; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLIII. NGỒI TRONG NHÀ ĐANG CÓ ĂN[271] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn ở đời quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc đẹp xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Khi ấy Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di. Hôm ấy đến giờ khất thực Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà Trai ưu-bà-tư, an tọa nơi chỗ ngồi. Trong lúc ấy, Trai ưu-bà-tư tắm rửa trang điểm thân hình, phu chủ hết lòng yêu kính, nên không bao giờ rời nhau. Phu chủ hỏi Ca-lưu-đà-di: «Ông cần gì?» Ca-lưu-đà-di trả lời: «Tôi cần thức ăn.» Người chồng liền bảo vợ đem thức ăn cho. Như lời nói của chồng, bà vợ đem thức ăn trao cho Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di ăn xong, vẫn ngồi một chỗ không đi. Người chồng hỏi Ca-lưu-đà-di rằng: «Vừa rồi ông nói cần thức ăn. Đã ăn rồi, sao không đi?» Khi ấy,Trai ưu-bà-tư ra dấu hiệu khiến Ca-lưu-đà-di đừng đi. Phu chủ của bà nổi giận nói với Ca-lưu-đà-di rằng: «Tỳ-kheo làm trở ngại việc của ta.[272] Nói cần ăn, cho ăn rồi, sao không đi. Lại muốn làm gì đây? Tôi giao nhà cho ông mà đi. Ở lại đó, muốn làm gì thì làm!» Người chồng giận, nói như vậy, rồi bỏ nhà ra đi. Vào lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực vừa đến nhà đó, nghe như vậy, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: «Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn[273]?» Tỳ-kheo khất thực ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ với các tỳ-kheo. Trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: «Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: «Thật sự ông có ngồi yên tại nhà đang có thức ăn?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông lại ngồi yên nơi nhà cho ăn có của quý?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, tại nhà có thức ăn[274] có vật báu,[275] mà cố nán ngồi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn: nam dùng nữ làm thức ăn, nữ dùng nam làm thức ăn, cho nên gọi là thức ăn. Nhà: như trên đã nói. Vật báu: Xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, kim ngân. Nếu tỳ-kheo tại nhà có thức ăn, có vật báu, duỗi cánh tay mà đụng cánh cửa thì được ngồi. Nếu tỳ-kheo nơi nhà có thức ăn có vật báu mà cố nán ngồi, ba-dật-đề. Mù mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không mù, cũng đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma ni, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu vào trong nhà ăn có vật báu, ngồi duỗi cánh tay ra đụng cửa; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen; hoặc có người khách ở chỗ đó mà không mù không điếc, không điếc không mù; hoặc đi ngang qua mà không đứng lại; hoặc bất ngờ bệnh phát té xuống đất; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLIV. NGỒI VỚI NGƯỜI NỮ Ở CHỖ KHUẤT[276] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn là người thế tục, có quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Ca-lưu-đà-di. Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, tự nghĩ rằng, «Đức Thế tôn cấm trong nhà có ăn có vật báu không được ngồi và được ngồi chỗ nào duỗi cánh tay ra đụng cửa.» Nên ông ngồi phía sau cánh cửa. Khi Ca-lưu-đà-di cùng với Trai ưu-bà-tư đang nói chuyện, thì có tỳ-kheo khất thực đến, nghe có tiếng Ca-lưu-đà-di đang nói, mà không thấy Ca-lưu-đà-di ở chỗ nào, bèn hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Tại sao, trong nhà có ăn [667a1] có của báu mà lại ngồi chỗ khuất khiến cho chúng tôi không biết đang làm gì?» Khất thực tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: «Tại sao, trong nhà đang ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật, trong nhà đang ăn có vật báu, mà ông ngồi chỗ khuất hay không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, có đúng như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, trong phòng ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?» Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, trong nhà ăn có vật báu[277] mà ngồi nơi khuất, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thức ăn: nữ là thức ăn của nam, nam là thức ăn của nữ. Vật báu: Xà cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, kim ngân. Chỗ khuất: hoặc cây, tường, vách, rào dậu, hoặc y, các vật khác che ngăn. Tỳ-kheo vào trong phòng ăn có vật báu, ngồi nơi chỗ khuất, duỗi tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy. Tỳ-kheo nào trong phòng ăn có vật báu, mà ngồi nơi chỗ khuất, ba-dật-đề. Đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đứng mà không ngồi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu nơi nhà có ăn có vật báu mà ngồi chỗ duỗi cánh tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen biết gần bên; hoặc cùng một chỗ với người khách mà không đui không điếc; hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại; hoặc bất ngờ bị bệnh té xỉu hay bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLV. NGỒI MỘT MÌNH VỚI NGƯỜI NỮ TẠI CHỖ TRỐNG[278] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi chưa xuất gia, có thân quen với người vợ của ông bạn bạch y. Người đàn bà ấy tên là Trai,[279] có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Ca-lưu-đà-di.[280] Đã đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, ngồi chỗ trống cùng nhau nói chuyện. Một tỳ-kheo khất thực đến, thấy Ca-lưu-đà-di cùng Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ nói chuyện, liền hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?» Tỳ-kheo khất thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: «Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di: «Thật sự ông có cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ trống nói chuyện hay không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, đúng như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-lưu-đà-di, sao ông lại cùng với Trai ưu-bà-tư chỗ trống nói chuyện?» Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người nữ: người có trí, mạng căn không đoạn. Một mình: một người nữ, một Tỳ-kheo. Chỗ khuất :[281] khuất đối với thấy, khuất đối với nghe. - Khuất đối với thấy: do bụi, sương, bóng tối, mà không thấy mặt. - Khuất đối với nghe: không nghe được tiếng nói bình thường. Tỳ-kheo nào một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống, ba-dật-đề. Nếu đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Có hai tỳ-kheo làm bạn, hoặc có người quen biết gần bên, hoặc có người khách nơi đó mà không đui không điếc, không điếc không đui, hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại, hoặc bất ngờ bị bệnh té xuống hay bị thế lực bắt buộc, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLVI. ĐUỔI ĐI KHÔNG CHO THỨC ĂN[282] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử cùng với các tỳ-kheo khác[283] cãi nhau, bắt phải sám hối. Bạt-nan-đà ôm hận trong lòng. Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử nói với vị tỳ-kheo rằng: «Thầy đi theo tôi vào trong thôn. Tôi sẽ cho thầy thức ăn.» Tỳ-kheo kia đồng ý. Giờ khất thực đến, Bạt-nan-đà khoác y, bưng bát, cùng với tỳ-kheo kia vào thành Xá-vệ. Dẫn đến vùng không có thức ăn. Bạt-nan-đà đi vòng quanh khắp nơi. Mãi đến khi gần quá giữa ngày, Bạt-nan-đà toan tính: «Nếu tỳ-kheo nầy ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Kỳ-hoàn thì đã quá ngọ.» Bạt-nan-đà bèn nói với tỳ-kheo kia rằng: «Chưa từng có người nào đại ác như thầy!» Tỳ-kheo kia hỏi rằng: «Tôi đã tạo ra những tội gì?» Bạt-nan-đà trả lời: «Hôm nay, thầy đã làm cho tôi không nhận được thức ăn. Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.» Bạt-nan-đà nói với tỳ-kheo này như vậy rồi, vào chỗ có thức ăn trong thành Xá-vệ nhận ăn. Trong khi tỳ-kheo kia ra khỏi thành Xá-vệ về đến Kỳ-hoàn thì đã quá giữa ngày, nên không thể ăn được, phải nhịn đói. Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Sao Thầy bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho thức ăn cho tỳ-kheo kia lại nói rằng, ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳ-hoàn. Đã quá giữa ngày, [668a1] cuối cùng phải nhịn đói?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho thức ăn cho tỳ-kheo kia lại nói rằng, ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳ-hoàn. Đã quá giữa ngày, cuối cùng phải nhịn đói?» Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói với tỳ-kheo khác như vầy, ‹Đại đức, hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức ăn.› Tỳ-kheo ấy cuối cùng không cho tỳ-kheo kia thức ăn, nói rằng: ‹Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.› Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thôn:[284] có bốn loại như đã nói ở trên. Thực: thời thực, (ăn đúng lúc) Tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng, «Vào tụ lạc, tôi sẽ cho thầy thức ăn.» Cuối cùng tỳ-kheo kia không cho thức ăn cho tỳ-kheo nầy, lại nói, «Trưởng lão hãy đi đến chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.» Tỳ-kheo kia phương tiện đuổi đi đến chỗ không thấy nghe, phạm ba-dật-đề; đến chỗ không thấy mà nghe, phạm đột-kiết-la; đến chỗ không nghe mà thấy, phạm đột-kiết-la. Phương tiện đuổi đi, tự bỏ chỗ thấy nghe, phạm ba-dật-đề; bỏ chỗ thấy đến chỗ nghe; bỏ chỗ nghe đến chỗ thấy, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trao cho thức ăn rồi bảo đi; hoặc bệnh, hoặc không có oai nghi, người thấy không vui nên nói, ‹Thầy đi! Tôi sẽ đưa thức ăn đến trong Tăng-già-lam.› Hoặc vị kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc trong chúng cử tội, hay bị tẩn, hoặc đáng bị tẫn, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, phương tiện bảo đi, không vì thù hận mà khiến đi, thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLVII. THUỐC BỐN THÁNG [285] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, tại Thích-suý-sấu.[286] Bấy giờ, Ma-ha-nam giòng họ Thích phát nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Thí chủ cung kính các Thượng tọa, nên cúng dường thứ tốt, dù họ cần hay không cần cũng cúng. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng, «Ma-ha-nam Thích tử này, nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng, cung kính bậc Thượng tọa, cúng dường thứ tốt. Đối với chúng ta, không có lòng cung kính, nên dùng thứ xấu để cho chúng ta. Khi yêu cầu còn không cho; huống chi lúc không yêu cầu.» Rồi bảo nhau: «Chúng ta hãy đến nhà đó yêu cầu thứ khó kiếm, và loại thuốc không thể có.»[287] Bàn xong họ liền đến nhà của Ma-ha-nam nói rằng: «Chúng tôi cần thứ thuốc như vậy, như vậy.» Ma-ha-nam nói: «Nếu trong nhà tôi có thì sẽ cúng dường. Nếu không, tôi sẽ ra chợ mua để cung cấp.» Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng: «Trong nhà ông, không thể có thứ thuốc như vậy, như vậy hay sao?» Ma-ha-nam nói: «Trong nhà có thì cúng liền. Nếu không, sẽ ra chợ mua để cúng.» Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói: «Ông nguyện cúng dường thuốc cho chúng Tăng. Mà ông cung kính bậc Thượng tọa, nên ông cúng thứ tốt. Dù họ cần hay không cần ông cũng cúng. Còn đối với Hạ tọa, ông không ân cần cung kính, nên cho thứ xấu. Có yêu cầu còn không được; huống chi không yêu cầu? Trong nhà ông không có thuốc, tại sao ông lại nguyện cúng thuốc cho chúng Tăng? Ông là người có thiên vị, lại vọng ngữ nữa.» Ma-ha-nam nói: «Trước đây, tôi có nguyện cung cấp cho chúng Tăng thuốc mà trong nhà có. Nếu trong nhà không có, sẽ ra chợ mua cho. Tại các thầy lại nói tôi là người thiên vị và lại vọng ngữ, không có lòng chí thành? Trưởng lão hãy đi đi! Từ nay trở đi tôi không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa.» Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Ma-ha-nam Thích tử ưa cung kính, thích bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, tại sao các thầy lại mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao Ma-ha-nam Thích tử có tín tâm, ưa bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, mà các ông mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông ta không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được thỉnh cầu cúng dường thuốc bốn tháng[288] thì có thể nhận, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh có tâm e sợ không dám nhận thuốc quá, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thuốc quá bốn tháng.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thường thỉnh cung cấp thuốc cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo có tâm e sợ không dám nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc ấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Ma-ha-nam Thích tử lại nghĩ, «Nay, ta không thể vì một hay hai người mà chấm dứt sự cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Nay, ta nên thỉnh chúng Tăng cung cấp thuốc trở lại.» Nghĩ như vậy rồi, Ma-ha-nam liền trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: «Nguyện xin chư Đại đức Tăng nhận lại sự cung cấp thuốc của tôi.» Các tỳ-kheo vì cẩn thận nên sợ, không dám nhận sự cung cấp thuốc trở lại. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận thuốc được thỉnh cầu cung cấp trở lại.» Các tỳ-kheo tính cọng lại những ngày trước. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên tính lại những ngày trước. Nên tính kể từ ngày cung cấp trở lại.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo nhận thuốc chia phần. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận, bạch Phật, đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc chia phần.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo cung cấp thuốc trọn đời. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận thuốc trọn đời, bạch Phật, đức Phật dạy: «Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc trọn đời.» Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần, thỉnh trọn đời.[289] B. GIỚI TƯƠNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bốn tháng: là bốn tháng mùa hạ. Nhơn duyên:[290] nguyện cung cấp thuốc. Bệnh: thầy thuốc bảo uống thứ thuốc đó. Thường thỉnh: Thí chủ thưa, «Tôi nguyện thường xuyên cúng thuốc.» Thỉnh trở lại: chấm dứt rồi, thỉnh trở lại. Thỉnh chia phần: thí chủ đem thuốc đến Tăng-già-lam cúng rồi phân chia. Thỉnh trọn đời: Thí chủ thưa, «Tôi sẽ cúng thuốc trọn đời.» Thỉnh: có bốn cách. Có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc; có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn; có giới hạn thuốc, không có giới hạn ngày; ngày không giới hạn thuốc cũng không giới hạn. Thế nào gọi là có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc? Thí chủ có quy định thời gian mà không ấn định số thuốc. Như nói, «Tôi nguyện cúng thuốc với chừng đó ngày.» Đó gọi là thỉnh có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc. Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, không giới hạn ngày? Thí chủ xin cúng một số thuốc, nhưng không giới hạn thời gian. Nói như vầy, «Tôi cúng loại thuốc như vậy.» Đó gọi là thỉnh thuốc có giới hạn mà thời gian không giới hạn. Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn? Thí chủ nguyện cúng một số thuốc trong thời gian đã được ấn định. Nói như vầy, «Tôi hứa cúng thuốc như vậy trong khoảng thời gian như vậy.» Đó là thuốc và thời gian được ấn định. Thế nào gọi là không giới hạn thuốc, không giới hạn ngày. Thí chủ xin cúng thuốc, chứ không nói số thuốc bao nhiêu và thời gian bao lâu. Nói như vầy, «Tôi xin cúng thuốc cho thầy.» Đó gọi là thỉnh thuốc và thời gian không hạn định. Trong bốn cách thỉnh trên, thời gian có hạn định, thuốc không hạn định, và thời gian có hạn định, thuốc có hạn định, tức là thọ thỉnh bốn tháng mùa hạ. Trong bốn cách thỉnh trên, thuốc có hạn định, thời gian không hạn định. Thời gian không hạn định, thuốc cũng không hạn định, tùy theo thời gian dâng cúng mà nhận. Tỳ-kheo kia không có bệnh, nên nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng mùa hạ. Nếu nhận quá, trừ thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời, mỗi lần nuốt là phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng; có bệnh nên nhận quá; thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLVIII. XEM QUÂN TRẬN [291] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vùng trong nước Vua Ba-tư-nặc, [292] người dân phản loạn, nhà Vua phải đích thân thống lãnh lục quân để chinh phạt. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đến đó xem coi quân trận. Vua Ba-tư-nặc hỏi rằng: «Chư tôn có mặt giữa ba quân nầy muốn làm việc gì?» Lục quần trả lời: «Chúng tôi không có việc gì cả. Chỉ đến xem coi mà thôi.» Vua Ba-tư-nặc nghe nói như vậy lòng không vui. Nhà Vua lại hỏi: «Muốn đi đâu?» Lục quần nói: «Chúng tôi sẽ đến nước Xá-vệ yết kiến đức Thế tôn.» Nhà Vua nói: «Nếu quý Đại đức đến nước Xá-vệ, xin nhân danh tôi lễ bái, thăm hỏi đức Thế tôn, rằng nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc nhằn lắm không? Tôi xin gởi gói đường phèn này dâng cúng đức Thế tôn, và quý Đại đức đem nhơn duyên nầy bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.» Lúc Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo liền đến Tịnh xá Kỳ-hoàn ở nước Xá-vệ, kính lễ dưới chân đức Thế tôn, rồi ngồi qua một bên, nhân danh Vua Ba-tư-nặc lễ bái vấn tấn đức Thế tôn rằng: «nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc mệt lắm không? Dâng gói đường phèn lên đức Thế tôn, và đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.» Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ông thật là người ngu si, sao lại xem coi thế lực quân trận của nhà Vua?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bây giờ, có một vùng trong nước Vua Ba-tư-nặc, nhân dân phản loạn, nhà Vua sai hai vị Đại thần, là anh em với nhau, người anh tên là Lị-sư-đạt-đa, người em tên là Phú-la-na,[293] cầm quân đi chinh phạt. Hai vị Đại thần này khát ngưỡng, muốn diện kiến tỳ-kheo nên sai sứ đến thỉnh các Đại đức tỳ-kheo đến để hai vị gặp. Các tỳ-kheo vì có tâm cẩn thận sợ nên bảo, đức Thế tôn đã chế giới: «Nếu Tỳ-kheo nào đi xem quân trận, ba-dật-đề.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Phật bảo: «Nếu cần có sự cáo bạch hay được mời gọi, thì cho phép đến.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận,[294] ba-dật-đề. Trừ nhơn duyên hợp thời. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trận: hoặc chiến, hoặc đấu. Quân: hoặc một quân, hai quân, ba quân, bốn quân. - Một quân: một quân voi, một quân ngựa, một quân xe, một quân bộ. Hoặc toàn là quân ngựa, quân voi, quân bộ, quân xe. - Hai quân: hai voi, hai ngựa, hai xe, hai bộ, hoặc gồm có voi và ngựa, hoặc voi và xe, hoặc voi và bộ, hoặc ngựa và xe, hoặc ngựa và bộ, hoặc xe và bộ. - Ba quân: ba voi, ba ngựa, ba xe, ba bộ, hoặc voi, ngựa và xe, hoặc voi, ngựa và bộ, hoặc ngựa, xe và bộ. - Bốn quân: bốn voi, bốn ngựa, bốn xe, bốn bộ, hoặc voi, ngựa, xe và bộ. Tỳ-kheo kia đến xem quân trận, từ đường nầy đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường; từ thấp đến cao, từ cao đến thấp, đến mà thấy thì phạm ba-dật-đề. Đến mà không thấy, phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện chuẩn bị, muốn xem mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi nơi đường trước, quân trận mới đến sau, tỳ-kheo nên tránh qua bên lề đường, không tránh phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tỳ-kheo có việc cần đến; hoặc được mời đi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc đi phía trước quân trận đến sau, có tránh qua bên lề đường; hoặc đường nước, đường bộ bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực [670a1] trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không tránh bên lề đường thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XLIX. NGỦ LẠI TRONG QUÂN[295] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo có nhân duyên đến trong quân trại và ngủ lại. Các cư sĩ thấy, bèn nói với nhau rằng: «Chúng ta vì ân ái nên ngủ đêm nơi đây. Còn các sa-môn nầy, ở lại đây có việc gì?» Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Đức Thế tôn chế giới, khi có duyên sự mới đến trong quân trại. Sao các thầy lại ngủ đêm trong quân trại?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, có nhơn duyên mới được vào trong quân trại. Các ông không có việc gì sao lại ngủ lại trong quân trại?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại, ngủ lại hai, ba đêm; nếu quá, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo nào có nhơn duyên muốn đến trong quân trại, được phép ngủ lại hai đêm; cho đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, nên đi đến chỗ không thấy không nghe. Tỳ-kheo kia ở trong quân trận đủ hai đêm rồi; đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, không lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy, lúc bình minh xuất hiện, phạm ba-dật-đề. Nếu lìa khỏi chỗ mắt thấy mà đến chỗ tai nghe, phạm đột-kiết-la. Lìa chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hai đêm rồi, đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy; hoặc đường thủy, đường bộ bị đứt đoạn; hoặc nạn ác thú, hoặc đạo tặc, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt ở lại, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều được ngủ hai đêm trong quân đội; đến đêm thứ ba, khi bình minh xuất hiện, không lìa khỏi chỗ thấy nghe, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [296]
Chú thích: [239] Ngũ phần 7, ba-dật-đề 39; Tăng kỳ 16, ba-dật-đề 35; Thập tụng 13, Căn bản 36, ba-dật-đề 38. Pali, Pāc.40 dantapona. [240] Ngũ Phần 7 (T22n1421, tr.53a20): Đại Ca-diếp lượm và ăn đồ ăn người ta bỏ đống rác; bị chê là ăn đồ dơ. Tăng kỳ 16 (T22n1425, tr.357a05): A-na-luật sống hoàn toàn bằng phấn tảo: lượm giẻ rách làm y, nhặt cơm đống rác mà ăn; bị chỉ trích tranh ăn với chim chóc. Thập tụng 13 (T23n1435, tr.95c25): tỳ-kheo Ma-ha Ca-la; Căn bản 36 (T23n1442, tr.825a27), cụ thọ Ca-la; nhân duyên tương tợ như các bộ, chỉ khác nhân vật. Pali, Vin. iv. 89: aññataro bhikkhu sabbapaṃsukūliko susāne viharati, một tỳ-kheo nọ, là vị trì phấn tảo toàn diện, sống trong khu mộ. [241] Pali: adinnaṃ... āhāraṃ, thức ăn không được người khác trao cho. [242] Pali: adinnaṃ... āhāraṃ, thức ăn không được người khác trao cho. [243] Bất thọ 不受. Trong giải thích, nói là bất dữ 不與; xem cht.245 dưới. Thập tụng: bất thọ 不受, không nhận từ người khác. Tăng kỳ: bất dữ thủ 不與取. Pali: adinna, (vật) không được cho; giải thích: appaṭiggahitakaṃ, (vật) chưa được nhận lấy, hay chưa được tiếp nhận. [244] Ngũ phần thêm: «trừ thức nếm (thường thực 嘗食.).» Căn bản: «bỏ vào miệng rồi nhai, nuốt.» Pali: aññatra udakadantapoṇā, bản Anh hiểu là «nước súc miệng.» [245] Bất dữ 不與. Trong giới văn nói bất thọ 不受. Pali: adinnaṃ. Xem cht.243 trên. [246] Cf. Ngũ phần7 (T22n1421, tr.53c20) có bốn cách nhận. Trao và bằng thân với thân; trao và nhận qua một vật; trao và nhận qua tay với tay; bảo cầm lấy mà nhận. [247] Chỉ chánh thực hay bồ-xà-ni, xem cht.209 trên. [248] Tô, du, sanh tô, mật, thạch mật [249] Vì không thể nhổ sạch hoàn toàn. [250] Ngũ phần 8, ba-dật-đề 41; Tăng kỳ 16, 39. Thập tụng 13, Căn bản 36: 40. Pali, Pāc. 39. [251] Tạp thực 雜食. Giới văn nói là mỹ thực 美食. Xem giải thích sau. [252] Trong bản: mỹ thực. Trên, nói là tạp thực. Pali: paṇītabhojāni, thức ăn mỹ vị. [253] Trong bản: đắc 得. Thập tụng: «…có 有 trong nhà bạch y.» Ngũ phần: «… có 有 trong các gia đình.» [254] Căn bản. «loại ẩm thực mà Thế tôn nói là mỹ diệu.» Pali: pāṇitabhojanāni, liệt kê: sappi, sữa chua hay đề hồ, navanīta. bơ trong hay sanh tô, tela, dầu mè, madhu, mật ong, phāṇita, đường mía hay đường cát, maccha, cá, maṃsa, thịt, khīra, sữa, dadhi, sữa đặc. [255] Trong bản: ẩm thực; các đoạn trên không có chữ ẩm 飲 . [256] Nhất tọa gian 一坐間; chính xác, hiểu là không thể ăn ngày một bữa mà no đủ. Định nghĩa của Pali: người bịnh (gilāno), là người cần thức ăn mỹ diệu mới thấy khoẻ khoắn. [257] Ngũ phần, ba-dật-đề 40; Tăng kỳ: 52; Thập tụng, Căn bản, 44. Pali. Pāc.41. [258] Hán: lõa hình ngoại đạo (xuất) gia nữ 裸形外道家女. Bản Hán có sự chép nhầm. Chính xác, ngoại đạo xuất gia nữ (Pali: paribbājikā). Trong giới văn Pali, loã hình acelakassa (Skt. acelakāya) thuộc nam tánh. Không có nữ lõa hình ngoại đạo. [259] Trong Luật Pali, chuyện kể nam loã hình ngoại đạo (acelaka). [260] Trong bản Hán chép thiếu hai chữ lõa hình 形外 đã được nêu trong văn kết giới lần đầu. Pali: acelakassa vā paribbājakassa vā paribbājikāya vā, cho các loã hình (nam), hay xuất gia (ngoại đạo) nam hay xuất gia (ngoại đạo) nữ. Tăng kỳ: vô y ngoại đạo và xuất gia nam, nữ. Căn bản: vô y ngoại đạo, và các nam, nữ ngoại đạo khác. [261] Chính xác, giải thích từ lõa hình trong giới văn. Có lẽ do người chép nhầm nên đảo ngược thành giải thích từ ngoại đạo. [262] Ba-tư-ba-la-xà 波私波羅闍. phiên âm không chuẩn của từ Skt. parivrāja (nam), parivrājikā (nữ); hoặc Pali, paribbāja (paribbājikā): người xuất gia, chỉ các du sỹ (nam, nữ) ngoại đạo. Giải thích từ ngoại đạo 外道 trong giới văn [263] Đây chỉ chánh thực hay bồ-xà-ni. [264] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 82; Tăng kỳ 20, Thập tụng 17, Căn bản 43: 81. Pali, Pāc. 46. [265] Các đoạn sau nói thực tiền, trước bữa ăn. [266] Cam quả 甘果. Ngũ phần: thục thực 熟食, thức ăn chín (trái cây). Pali: khādānīya, thức ăn loại cứng. [267] Ngũ phần: không báo cho tỳ-kheo ở gần. Nếu không có tỳ-kheo gần đó để báo, không phạm. [268] Thực hậu 食後. Tăng kỳ: ăn xong rồi, vẫn còn sớm, gọi là thực hậu. Thập tụng: trung tiền trung hậu 中前中後, trước và sau giữa trưa. [269] Biên phòng 邊房. Thập tụng: Tăng phường 僧坊. [270] Cf. Ngũ phần. [271] Ngũ phần: không có. Tăng kỳ, ba-dật-đề 54; Thập tụng, Căn bản: 42. Pali, Pāc. 43. [272] Duyên khởi theo Thập tụng và Căn bản: người chồng đang có dục tâm với vợ nhưng bị tỳ-kheo ngồi lì gây trở ngại. Chi tiết này giải thích từ hữu thực gia: gia đình đang hưởng thọ dục lạc. [273] Thực gia 食家; xem giải thích sau. [274] Thực gia 食家. Thập tụng: hữu thực gia 有食家; giải thích: người nữ là thức ăn của người nam. Căn bản: tri hữu thực gia 知有食家, biết trong nhà nam nữ đang có dục tâm với nhau. Pali: sabhojana, giải thích: nhà có nam và nữ; nam nữ đang có dục tâm với nhau (ubho avītarāgā). [275] Vật báu: các bộ khác không có yếu tố này. Có thể bản Hán hiểu sabhojana (có thức ăn) đồng nghĩa với sabhoga (có tư cụ hay tài bảo). [276] Ngũ phần: ba-dật-đề 42; Tăng kỳ: 70; Thập tụng, Căn bản: 42. [277] Xem cht.275. Tăng kỳ không có chi tiết này. [278] Ngũ phần: ba-dật-đề 44; Tăng kỳ, không có. Căn bản, không có. Thập tụng: 29. Pali, Pāc.45. [279] Thập tụng: tỳ-kheo-ni Quật-đa 掘多比丘尼, quen thân cũ. [280] Cf. điều 33 & 34 trên, và các cht. liên hệ. [281] Bình xứ 屏處. Nhưng, giới văn: lộ địa 露地. Pali: eko ekāya raho, hai người ở chỗ khuất vắng. [282] Ngũ phần: ba-dật-đề 76; Tăng kỳ: 44; Thập tụng, Căn bản: 51. Pali Pāc. 42. [283] Ngũ phần: tỳ-kheo Đạt-ma 達摩比丘. [284] Thôn 村. Giới văn: tụ lạc 聚落. [285] Ngũ phần: ba-dật-đề 62; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: 74. Pali, Pāc. 47. [286] Thích-suý-sấu 釋翅搜. Pali: Sakkesu, giữa những người họ Thích. [287] Pali: họ tìm cách làm mất tiếng Mahānāma. [288] Tứ nguyệt (thỉnh) nhân duyên thỉnh dữ dược 四月(請)因緣請與藥. trong này dư chữ thỉnh đầu.Từ nhân duyên 因緣 tức Pali paccaya, duyên; đây chỉ một trong bốn duyên hay bốn nhu yếu của tỳ-kheo là thuốc. Ngũ phần: tứ nguyệt tự tứ thỉnh 四月自恣請. Tăng kỳ: tứ nguyệt biệt tự tứ thỉnh 四月別自恣請. Thập tụng: tứ nguyệt tự tứ thỉnh 四月自恣請. Pali: cātumāsapaccaya-pavāraṇā, được yêu cầu tuỳ ý đối với các nhu yếu trong bốn tháng. [289] Căn bản, bốn ngoại trừ: biệt thỉnh, cánh thỉnh, ân cần thỉnh, thường thỉnh. Thập tụng, trừ ba: thường thỉnh, sác sác thỉnh, biệt thỉnh. Ngũ phần, trừ ba: cánh thỉnh, tự tống thỉnh, trường thỉnh. Tăng kỳ, trừ hai: cánh thỉnh và trường thỉnh. Pali, trừ hai: yêu cầu thêm nữa (punapavāraṇa) và yêu cầu thường xuyên (niccapavāraṇa). [290] Từ được dùng trong văn kết giới lần đầu. Các lần sau, bản Hán lược bỏ. Pali: paccaya, duyên; đây chỉ thuốc là một trong bốn duyên của tỳ-kheo. [291] Ngũ phần: ba-dật-đề 45; Tăng kỳ: 55; Thập tụng, Căn bản: 45. Pali, Pāc. 48. [292] Ba-tư-nặc 波斯匿王. Pali: Pasenadi, vua nước Kosala. [293] Lị-sư-đạt-đa và Phú-la-na 利師達多富羅那. [294] Ngũ phần: quán quân phát hành 觀軍發行, xem quân đội xuất trận. [295] Ngũ phần: ba-dật-đề 46; Tăng kỳ: 56; Thập tụng, Căn bản: 46. Pali, Pāc. 49. [296] Bản Hán, hết quyển 15. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích L. XEM QUÂN ĐỘI CHIẾN ĐẤU[297] A. DUYÊN KHỞI [671a7] Khi đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo, có nhơn duyên được ở trong quân đội hai đến ba đêm. Họ lại ở trong quân đội để xem quân trận chiến đấu, xem voi, ngựa của các bên. Trong nhóm sáu này có người do xem coi quân trận chiến đấu mà bị tên bắn trúng. Các tỳ-kheo đồng bạn liền dùng y băng bó khiêng về. Các cư sĩ thấy thế, hỏi tỳ-kheo: «Vị nầy bệnh hoạn gì?» Các tỳ-kheo trả lời: «Không bệnh hoạn gì cả. Vừa rồi đi xem quân trận chiến đấu nên bị trúng tên.» Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Chúng tôi vì ân ái cho nên mới diễn tập quân trận này. Các thầy là người xuất gia, đến trong quân đội có việc gì?» Các tỳ-kheo nghe qua, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Đức Thế tôn chế giới cho phép các tỳ-kheo có nhơn duyên đến trong quân trại, ngủ lại hai đến ba đêm. Các thầy đã ngủ trong quân trại hai, ba đêm rồi. Sao các Thầy lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, tại sao Thế tôn chỉ cho phép các tỳ-kheo, có nhơn duyên mới được đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm. Mà các ông ngủ lại trong quân đội hai, ba đêm rồi, lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?» Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm, hoặc khi xem quân đội chiến đấu, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa,[298] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Đấu: Chiến đấu giả, hay chiến đấu thật. Quân: từ một binh chủng cho đến bốn binh chủng. Hoặc có quân của Vua, quân của giặc, quân của cư sĩ. Thế lực: sức của voi hạng nhất, sức của ngựa hạng nhất, sức của xe hạng nhất, sức của bộ binh hạng nhất. Trận:[299] có trận đồ hình vuông, có trận đồ hình tròn, có trận đồ hình bán nguyệt, có trận đồ hình ngói lợp,[300] có trận đồ hình giảm tướng,[301] trận của tượng vương, mã vương, nhơn vương. Tỳ-kheo nào đến xem quân đội chiến đấu, thế lực của voi ngựa. Từ đường này đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, đến xem mà thấy, phạm ba-dật-đề. Xem mà không thấy, phạm đột-kiết-la. Phương tiện chuẩn bị, muốn đến mà không đến, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi trước trên đường, quân đội đến sau thì nên tránh, không tránh thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có nhơn duyên, hoặc có người mời, người thỉnh; hoặc bị thế lực bắt dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc đi trước, quân đội đến sau, tránh bên lề đường; hoặc đường bộ, đường thuỷ bị đứt đoạn, đạo tặc, ác thú, nước lụt; hoặc bị cưỡng bức bắt trói, mạng nạn, tịnh hạnh nạn; tất cả không tránh bên lề đường thảy không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LI. UỐNG RƯỢU[302] A. DUYÊN KHỞI Khi đức, đức Phật ở nước Chi-đà,[303] cùng với chúng đại tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ, tôn giả Sa-già-đà [304] vì đức Phật làm người cúng dường[305] của Phật. Bấy giờ, Sa-già-đà ghé đến chỗ ở của Phạm chí bện tóc, nói với Phạm chí rằng: «Tôi muốn tạm nghỉ ở đây một đêm, tại phòng bậc nhất,[306] nơi trú xứ của ông. Ông có thuận ý hay chăng?» Phạm chí trả lời: «Không có gì trở ngại đối với tôi. Song trong phòng ấy có con độc long. Sợ nó làm tổn hại ông thôi.» Tỳ-kheo nói: «Miễn là ông cho phép nghỉ. Có thể nó không hại tôi.» Phạm chí bện tóc nói: «Phòng ấy rộng rãi lắm. Tùy ý ông cứ ở.» Bấy giờ, trưởng lão Sa-già-đà vào phòng đó, tự trải cỏ làm nệm, ngồi kiết già, cột niệm trước mặt. Con độc long kia thấy Sa-già-đà ngồi kiết già, liền phóng khói lửa ra. Sa-già-đà cũng phóng khói lửa. Độc long giận, tuôn lửa ra nơi thân. Sa-già-đà cũng tuôn lửa ra nơi thân. Bấy giờ, phòng kia giống như một trận cháy lớn vậy. Sa-già-đà tự nghĩ: «Nay ta có nên dập tắt lửa nơi con rồng nầy, mà không làm tổn thương đến thân nó chăng?» Nghĩ xong, Sa-già-đà liền dập tắt lửa nơi con rồng mà không thương tổn nó. Bấy giờ, hỏa quang của độc long không có màu sắc. Còn hỏa quang của Sa-già-đà thì chuyển đổi đủ thứ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, lục bích, pha lê. Trong đêm ấy, Sa-già-đà hàng phục con độc long này, đựng vào trong bình bát. Sáng sớm tinh sương, đem đến cho Phạm chí bện tóc, nói rằng: «Con độc long đã bị tôi hàng phục và hiện đang đựng ở trong bình bát. Đem cho ông xem đây.» Trong lúc đó, ông chủ Câu-thiểm-di[307] cũng đang ngủ tại nhà Phạm chí bện tóc, nghĩ rằng, «Thật là điều chưa từng có! Đệ tử của đức Thế tôn mà còn có đại thần lực như vậy, huống là Như Lai.» Ông liền thưa với Sa-già-đà rằng: «Khi nào đức Thế tôn đến nơi Câu-thiểm-di, xin ngài cho tôi biết. Tôi muốn kính lễ đức Như Lai.» Sa-già-đà nói: «Tốt lắm!» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ nước Chi-đà, du hành trong nhơn gian, đến nước Câu-thiểm-di . Vị quốc chủ của nước nghe đức Thế tôn hướng dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đến nơi đó, liền cỡi xe đến nghinh đón đức Thế tôn. Từ xa, thấy đức Thế tôn, nhan sắc đoan chánh, các căn tịnh định, tâm của Ngài vắng lặng, đạt mức tối thượng điều phục cao nhất, như con voi chúa đã được điều phục, giống như vực sâu trong vắt. Thấy vậy, tâm sanh chí tín. Với tâm cung kính, vị Quốc chủ liền xuống xe, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khuyến hóa, khiến quốc chủ được hoan hỷ. Khi ấy, quốc chủ Câu-thiểm-di nghe đức Phật nói pháp khuyến hóa, tâm đại hoan hỷ rồi, xoay lại nhìn chúng Tăng, không thấy tôn giả Sa-già-đà, liền hỏi các tỳ-kheo rằng: «Sa-già-đà hiện đang ở đâu?» Các tỳ-kheo trả lời: «Sa-già-đà đi sau. Sẽ đến bây giờ.» Khi ấy, Sa-già-đà cùng với nhóm sáu tỳ-kheo đến sau. Quốc chủ Câu-thiểm-di thấy Sa-già-đà đến, liền ra nghinh tiếp, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên. Sa già-đà lại dùng tất cả phương tiện nói pháp khuyến hóa, khiến tâm quốc chủ hoan hỷ. Quốc chủ Câu-thiểm-di nghe Sa-già-đà dùng mọi phương tiện nói pháp khuyến hoá, được hoan hỷ rồi, bạch với tôn giả rằng: «Ngài cần gì xin cho tôi được biết.» Tôn giả Sa-già-đà trả lời: «Thôi, được rồi! Như thế tức là [672a1] cúng dường tôi rồi đó.» Quốc chủ lại thưa: «Nguyện xin được biết, ngài cần thứ gì.» Nhóm sáu tỳ-kheo nói với quốc chủ rằng: «Ông biết chăng? Y, bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, đối với tỳ-kheo là vật dễ có được. Còn có vật đối với tỳ-kheo rất khó được, ông nên cho.» Quốc chủ liền thưa: «Đối với tỳ-kheo, vật gì là vật khó có được?» Nhóm sáu tỳ-kheo trả lời: «Vật cần muốn có là rượu đen [308].» Quốc chủ nói: «Cần thứ đó thì sáng mai đến nhận, nhiều hay ít tùy ý.» Bấy giờ, quốc chủ kính lễ Sa-già-đà, đi nhiễu quanh rồi cáo lui. Sáng sớm hôm sau, Sa-già-đà mặc y, bưng bát đến nhà của quốc chủ Câu-thiểm-di, an tọa nơi chỗ ngồi. Khi ấy quốc chủ đem các thức ăn ngon bổ, trong đó có cả rượu đen để dâng cúng, khiến cho được no đủ. Sa-già-đà ăn uống no đủ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Giữa đường, bị rượu làm cho say nên té xuống đất và ói thức ăn ra. Các loài chim tranh ăn kêu la. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan: «Tại sao các loài chim kêu la như thế?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Đại đức Sa-già-đà nhận sự mời thỉnh của quốc chủ Câu-thiểm-di, ăn uống các thứ, trong đó có rượu đen, bị say nằm bên đường và ói mửa ra, cho nên các loài chim tranh ăn kêu la.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Tỳ-kheo Sa-già-đà người si nầy, ngay lúc này không thể hàng phục được con rồng nhỏ, huống là hàng phục con rồng lớn!» Đức Phật bảo A-nan: «Người uống rượu có mười điều tai hại: 1. Nhan sắc xấu xí. 2. Kém sức khỏe. 3. Mắt nhìn không tỏ. 4. Hiện tướng hung dữ. 5. Phá hỏng tài sản, gia nghiệp. 6. Tăng thêm bệnh hoạn. 7. Thêm đấu tranh kiện tụng. 8. Không ai khen, tiếng xấu truyền khắp. 9. Trí tuệ giảm thiểu. 10.Thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác. «A-nan, đó gọi là mười điều tai hại của việc uống rượu.» Đức Phật bảo A-nan: «Từ nay về sau, người nào đã tôn giáo pháp của Ta làm thầy thì cho dù chỉ dùng đầu ngọn cỏ thấm rượu rồi để vào miệng cũng không được.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Sa-già-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Sa-già-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, uống rượu, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Rượu : rượu nấu bằng cây,[309] rượu nấu bằng lúa, rượu nấu bằng gạo, chỉ chung cho tất cả các loại rượu bằng gạo, bằng đại mạch, hoặc các phương pháp biến chế rượu khác. - Rượu nấu bằng cây: như rượu nước quả lê, rượu quả diêm phù, rượu mía, rượu quả xá-lâu già,[310] rượu nước quả uy nhuy[311], rượu nho. - Rượu nước quả lê: dùng mật hay đường mía trộn vào để làm. Cho đến rượu nho cũng pha chế như vậy. Rượu: có sắc rượu, hương rượu, vị rượu, đều không nên uống. Hoặc có loại rượu chẳng có sắc rượu mà có hương vị rượu, thì không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu, thì không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, chẳng có vị rượu, cũng không nên uống. Chẳng phải rượu mà có sắc rượu, hương vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu mà có hương rượu, vị rượu, thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có hương rượu chẳng có vị rượu, thì được uống. Tỳ-kheo nào uống rượu, nấu rượu, hòa rượu, hoặc ăn, hoặc uống, ba-dật-đề. Nếu uống rượu có vị ngọt,[312] đột-kiết-la. Nếu uống rượu có vị chua, phạm đột-kiết-la. Ăn mem rượu, hèm rượu, đột-kiết-la.[313] Rượu, khởi ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Rượu mà nghi, ba-dật-đề. Rượu mà không có ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Không phải rượu mà có ý tưởng là rượu, đột-kiết-la. Không phải rượu mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu có bệnh như vậy, như vậy; trị các thứ thuốc khác không lành, dùng rượu để làm thuốc; hoặc dùng rượu thoa nơi mụt ghẻ; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LII. ĐÙA GIỠN TRONG NƯỚC[314] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đang đùa giỡn trong sông A-kỳ-la-bà-đề;[315] từ bờ bên này, đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng hoặc nghịch dòng, hoặc lặn nơi này, trồi lên nơi kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau. Vừa lúc đó, Vua Ba-tư-nặc cùng với Mạt-lợi phu nhân[316] ở trên lầu cao, từ xa trông thấy nhóm mười bảy tỳ-kheo đùa giỡn trong ao kia; từ bờ bên này đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này, trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau. Thấy vậy, nhà Vua nói với Mạt-lợi phu nhân rằng: «Khanh xem, những người mà khanh thờ kính kia kìa.» Lúc ấy Mạt-lợi phu nhơn liền trả lời với nhà Vua rằng: «Các tỳ-kheo đó tuổi còn nhỏ, mới xuất gia, ở trong Phật Pháp chưa bao lâu. Hoặc là lớn tuổi nhưng thiếu sự hiểu biết.» Rồi Mạt-lợi phu nhơn vội vàng xuống lầu bảo bà-la-môn Na-lăng-ca[317] rằng: Người nhân danh ta, đến trong Kỳ-hoàn thăm hỏi đức Thế tôn, đi đứng được khoẻ mạnh không? Giáo hóa có nhọc nhằn không? Đem gói thạch mật nầy dâng cúng đức Thế tôn, và đem nhơn duyên nầy trình lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Người bà-la-môn kia liền nhận lời của phu nhơn, đến chỗ đức Thế tôn; thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, bạch đức Thế tôn rằng: «Mạt-lợi phu nhơn sai con đến thăm hỏi đức Thế tôn, ‹Đi đứng có vững vàng không? Nếp sống được khinh an không? giáo hóa có nhọc nhằn không? Phu nhơn gởi gói đường phèn nầy dâng cúng Thế tôn.›» Và trình sự việc lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm mười bảy tỳ-kheo, tại sao các ông đùa giỡn trong nước, nơi sông A-kỳ-bà-đề. Từ bờ bên nầy đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tát nước qua lại với nhau?» Đức Thế tôn quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Giỡn trong nước: buông lung theo ý muốn, từ bờ nầy bơi qua bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc ngược dòng, hoặc lặn chỗ này, nổi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau, cho đến dùng bình bát đựng nước, đùa giỡn bằng mọi cách đều phạm ba-dật-đề. Ngoài nước ra, nước trái cây, nước sữa trong, hoặc rượu đắng, nước vo gạo, đựng trong đồ để đùa giỡn thì cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trên đường đi phải lội qua sông, từ bờ bên nầy đến bờ bên kia; hoặc kéo cây gỗ trong nước; hoặc kéo tre, kéo nứa, lên xuống dòng nước; hoặc lấy đá, lấy cát; hoặc mất vật gì lặn xuống đáy nước để tìm, lặn xuống nỗi lên; hoặc muốn học bơi, nên phải dùng tay quạt nước, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LIII. THỌC CÙ NÔN[318] A. DUYÊN KHỞI [673a1] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo cù nôn một vị trong nhóm mười bảy tỳ-kheo, đến nỗi khiến cho họ mạng chung.[319] Các tỳ-kheo nghe việc này trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, «Tại sao cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến bỏ mạng?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo! Tại sao các ông cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến phải chết?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, dùng ngón tay cù nôn nhau, ba-dật-đề B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ngón tay: Tay có mười ngón, chân có mười ngón. Nếu tỳ-kheo nào dùng ngón tay, ngón chân thọc lét nhau, ba-dật-đề.[320] Ngoài ngón tay ngón chân ra dùng cây gậy, chốt cửa, phất trần và tất cả các vật khác để thọc lét nhau, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, ca-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu không cố ý cù nôn; hoặc đang ngủ, cần xúc chạm để kêu dậy; hoặc ra vào tới lui, hay quét đất đụng nhằm; hoặc lấy cây gậy vướng phải; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LIV. BẤT KÍNH[321] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, có Xiển-đà[322] suýt phạm giới. Các tỳ-kheo can gián rằng, «Thầy chớ có nghĩ như vậy. Đó là điều không nên.» Xiển-đà không nghe lời các tỳ-kheo can gián, liền phạm giới. Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng, «Nầy Xiển-đà! Tại sao, khi thầy sắp phạm giới, các tỳ-kheo can gián mà không nghe, để cho phạm?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Xiển-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Xiển-đà! Tại sao các tỳ-kheo can gián mà ông không nghe theo, để cho phạm giới?» Dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián,[323] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không nhận lời can gián: người khác can, bảo đừng làm như vậy mà cứ làm, vì vậy cho nên phạm căn bản bất tùng ngữ (không nghe lời), đột-kiết-la. Nếu tự biết mình làm như vậy là sai, song cố làm, phạm căn bản bất tùng ngữ, ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người vô trí đến can, nên nói: «Ông cần hỏi thầy Hòa thượng của ông để học vấn, tụng kinh, mà biết pháp can gián, sau đó mới có thể can gián. Khi ấy, tôi mới nghe theo.» Hoặc nói giỡn chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy lại nhằm nói việc khác; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LV. DỌA NHÁT TỲ-KHEO [324] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Ba-la-lê-tỳ.[325] Bấy giờ tôn giả Na-ca-ba-la[326] tỳ-kheo làm thị giả đức Thế tôn, cung cấp các thứ cần dùng. Phật bảo Na-ca-ba-la: «Ông lấy cái áo mưa đem đây. Ta muốn đến chỗ kinh hành để đi kinh hành.» Tôn giả vâng lời, lấy áo mưa đem đến cho đức Thế tôn. Đức Thế tôn mang áo mưa, đến chỗ kinh hành để đi kinh hành. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn biến hóa làm nhà kinh hành bằng vàng,[327] rồi chắp tay đứng trước đức Thế tôn thưa rằng: «Đức Thế tôn của con đi kinh hành! Đức Thiện Thệ của con đi kinh hành!» Pháp thường của chư Phật, khi kinh hành, người cúng dường đứng đầu con đường kinh hành. Khi ấy, tỳ-kheo Na-ca-ba-la đứng nơi đầu đường đi kinh hành, biết phần đầu của đêm đã qua, bạch Đức Thế tôn rằng: «Đầu hôm đã qua, thỉnh Thế tôn vào phòng.» Thế tôn im lặng. Giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy. Khi trời đã sáng tỏ, lại bạch đức Thế tôn: «Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy, trời đã sáng tỏ. Cung thỉnh đức Thế tôn trở lại phòng.» Bấy giờ, đức Thế tôn vẫn im lặng. Khi ấy, Na-ca-ba-la nghĩ rằng: «Nay ta có nên dọa Phật, để khiến cho đức Phật vào phòng nghỉ hay không?» Tức thì, Na-ca-ba-la liền lật ngược chiếc y trùm lên trên đầu, đến chỗ đức Phật giả làm tiếng phi nhơn khủng bố, «Sa-môn! Ta là quỷ đây.» Đức Thế tôn bảo rằng: «Ta biết, đây là tâm của người ngu, cũng là người ác.» Bấy giờ, Thích Đề-hoàn bạch Phật: «Trong chúng cũng có hạng người như vậy hay sao?» Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhơn rằng: «Người này ở trong đời nầy sẽ được pháp thanh tịnh.»[328] Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn nói kệ khen Phật: Thánh độc hành không phóng dật, Ai khen chê không dao động; Sư tử rống nghe không sợ, Như gió qua cỏ không ngại. Dẫn đạo tất cả các chúng, Quyết định tất cả trời người. Bấy giờ, đức Thế tôn cũng dùng kệ trả lời: Thiên đế nghĩ ta sợ, Nên nói lời này chăng! Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn kính lễ dưới chân Phật, rồi ẩn hình lui đi. Đêm ấy trôi qua, bình minh vừa ló dạng, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, đem nhơn duyên nầy kể lại cho các tỳ-kheo nghe và nói: «Na-ca-ba-la nầy là người si, lại muốn dọa cho Ta sợ!» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Na-ca-ba-la rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, dọa tỳ-kheo khác, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Dọa :[329] tức là dùng sắc, tiếng, hương, vị, xúc và pháp để dọa người sợ. - Thế nào gọi là dùng sắc khủng bố? Hoặc làm thành hình con voi, hình con ngựa, hoặc làm thành hình con quỷ, hình cầm thú. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người, khiến cho người thấy, dù sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người mà người ấy không thấy, phạm đột-kiết-la. - Thế nào gọi là dùng tiếng để khủng bố người? Hoặc dùng tiếng tù và, tiếng trống, tiếng ba-la,[330] tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng lạc đà kêu rống. Dùng những âm thinh như vậy để khủng bố, [674a1] khiến cho người kia nghe, dù họ sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng âm thanh như vậy để khủng bố mà người kia không nghe, phạm đột-kiết-la. - Thế nào gọi là dùng hương để khủng bố người? Hoặc dùng hương của rễ cây, hương của cây tát-la,[331] hương của nhựa cây, hương của vỏ cây, hương của bì phu, hương lá, hương bông, hương quả, hoặc là mùi thơm hoặc là mùi thối. Nếu dùng các loại hương nầy để khủng bố người, người kia ngửi mùi hoặc sợ hoặc không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng các loại hương như vậy để khủng bố người, người ấy không ngửi, phạm đột-kiết-la. - Thế nào gọi là dùng vị khủng bố người? Nghĩa là dùng vị trao cho người, như vị chua, vị ngọt, vị đắng, vị chát, vị mặn, vị ca-sa. Dùng những vị như vậy để khủng bố người, khiến cho họ nếm vị ấy, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Nếu đem những vị ấy để khủng bố người mà họ không thưởng thức, phạm đột-kiết-la. - Thế nào gọi là dùng sự xúc chạm để khủng bố người? Như dùng sức nóng, sức lạnh, sức nhẹ, sức nặng, hoặc mịn, hoặc thô, hoặc trơn, hoặc rít, hoặc mềm, hoặc cứng. Dùng các vật như vậy để chạm xúc, khủng bố người, khiến cho người kia xúc chạm, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Dùng những vật xúc chạm như vậy để khủng bố, mà người không xúc chạm, phạm đột-kiết-la. - Thế nào gọi là dùng pháp để khủng bố người? Nói với người trước, «Tôi thấy tướng thầy như vậy; hoặc thấy mộng như vậy, thầy sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu. Hòa thượng và A-xà-lê của thầy cũng sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu, hoặc cha mẹ thầy lâm bệnh nặng, hoặc qua đời.» Dùng những pháp như vậy khủng bố người, khiến họ biết, dù sợ hay không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng những pháp như vậy để khủng bố người, mà người ấy không biết, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để khủng bố người, nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc ngồi chỗ tối, không đèn không lửa; hoặc nơi nhà đại tiểu tiện. Nhìn từ xa bảo là voi là giặc, hoặc ác thú đâm ra sợ sệt, cho đến trong nhà tối chỗ không đèn, không lửa, nơi đại tiểu tiện nghe tiếng người đi; hoặc tiếng động chạm của cây cỏ, hoặc tiếng tằng hắng tạo ra sợ sệt; hoặc dùng sắc chỉ cho người, không tạo ra sự sợ sệt; hoặc dùng thinh, hương, vị, xúc trao cho người, không có ý tạo cho họ sợ; hoặc thật có việc như vậy, hoặc thấy tướng như vậy, hoặc thấy trong mộng; hoặc (thầy) sẽ chết, mất y bát thôi tu; hoặc cha mẹ bệnh nặng sẽ chết, liền nói như vầy, «Tôi thấy thầy có các biến tướng như vậy;» hoặc nói đùa, hoặc nói gấp vội, hoặc nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy lại nói việc khác; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LVI. NỬA THÁNG TẮM [332] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ, nơi đó có một cái ao.[333] Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt[334] cho phép các tỳ-kheo được vào tắm giặt trong ao. Một hôm, vào lúc cuối đêm khi bình minh chưa xuất hiện, nhóm sáu tỳ-kheo vào tắm giặt trong ao. Cũng vào lúc đó, khi bình minh chưa xuất hiện, Vua Bình-sa cùng với các thể nữ muốn đến nơi ao để tắm rửa. Khi nhìn, nhà Vua nghe tiếng nhóm sáu tỳ-kheo đang tắm rửa nơi ao, liền hỏi quân hầu cận hai bên rằng: «Ai đang tắm trong ao?» Tâu: «Đó là các tỳ-kheo.» Nhà Vua ra lệnh: «Không nên khua động lớn tiếng. Đừng để cho các tỳ-kheo không kịp tắm phải ra về.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng các loại thuốc bột mịn, thoa tắm với nhau, cho đến khi mặt trời mọc mà chưa tắm xong. Rốt cuộc nhà Vua không tắm được phải hồi cung. Các Đại thần đều giận và cơ hiềm. Họ nói với nhau rằng: «Những sa-môn họ Thích này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Cuối đêm dẫn nhau vào ao nước, dùng các loại thuốc bột mịn tắm rửa nhau, mãi cho đến khi ánh sáng xuất hiện. Cuối cùng khiến nhà Vua không tắm rửa được phải hồi cung.» Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao vào trong ao nước lúc cuối đêm, lại dùng các thứ thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến khi ánh sáng xuất hiện, khiến nhà Vua không tắm được?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vào trong ao tắm lúc cuối đêm, lại dùng thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến trời sáng, khiến cho nhà Vua không tắm được phải về?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo rằng: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo lúc trời nóng bức, thân thể bị mọc nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, e sợ không dám tắm, ngại vi phạm giới quá nửa tháng tắm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép các tỳ-kheo lúc trời nóng bức được tắm rửa thường xuyên. Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong số các tỳ-kheo bệnh, thân thể bị mụn nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, hoặc khi đại tiểu tiện, đổ đồ bất tịnh, e sợ không dám tắm, lo ngại phạm quá nửa tháng tắm rửa. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo bệnh được tắm rửa theo nhu cầu.» Từ nay, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo khi làm việc, thân thể bị mồ hôi tiết ra hôi hám, các tỳ-kheo có tâm e sợ, không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép các tỳ-kheo lúc làm việc được tắm rửa theo yêu cầu. Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo đi trong cơn mưa gió, thân hình bị mọc nhọt, mồ hôi ra nhớp nhúa, đất bụi không sạch, vì cẩn thận sợ không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép tỳ-kheo khi mưa gió được tắm rửa theo yêu cầu. Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng, sanh ghẻ, mồ hôi đổ nhớp đầy bụi ô uế, không sạch, sợ và cẩn thận không dám tắm, bạch Phật. Phật dạy, «Cho phép các tỳ-kheo [675a1] khi đi đường được tắm rửa theo yêu cầu.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió, lúc đi đường, đó là những trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thời gian nóng: bốn mươi lăm ngày cuối mùa xuân và tháng đầu mùa hạ là thời gian nóng bức. Bệnh: cho đến thân thể bị xú uế, như vậy gọi là bệnh. Làm việc: cho đến như việc quét đất phía trước phòng. Khi mưa gió: cho đến một trận gió lốc, một giọt mưa rớt trên thân. Lúc đi đường: cho đến chỉ đi trong vòng nửa do tuần, kể cả đi tới và đi lui. Nếu tỳ-kheo nửa tháng tắm một lần, trừ trường hợp đặc biệt; nếu quá, kể cả chỉ dội nước ướt khắp thân, ba-dật-đề; hoặc nước dội chỉ ướt nửa thân cũng phạm ba-dật-đề, hoặc chuẩn bị phương tiện muốn tắm mà không tắm; tất cả đề phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nửa tháng tắm một lần; lúc nóng, lúc bệnh, lúc làm việc, lúc gió, lúc mưa, lúc đi đường, nên tắm rửa thường xuyên; hoặc bị thế lực bắt, cưỡng bức bảo tắm thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LVII. ĐỐT LỬA [335] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở tại thành Khoáng dã.[336] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo bảo nhau, «Trước mặt Thượng tọa, chúng ta nói năng không được tự do.» Họ liền cùng nhau ra ngoài phòng, nơi đất trống, tập trung cây cỏ dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm. Bấy giờ, trong gốc cây có một con rắn độc, bị hơi lửa xông nóng, từ trong bộng cây chạy ra. Các tỳ-kheo thấy đều hoảng sợ, la hét, «Rắn độc! Rắn độc!» Rồi lấy củi đang cháy quăng lung tung. Lửa văng, cháy giảng đường của Phật. Các tỳ-kheo nghe thấy việc này, trong đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, «Sao các Thầy cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các Thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ, nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy quăng tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của đức Phật?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ, nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy quăng tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của Phật?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cẩn thận sợ không dám tự nhóm lửa, không nhờ người nhóm. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo bệnh được tự nhóm lửa nơi đất trống hay nhờ người nhóm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo muốn nấu cháo cho tỳ-kheo bệnh, hoặc nấu canh, nấu cơm, hoặc nơi nhà ấm,[337] nơi nhà trù, nơi nhà tắm, hoặc xông bát, nhuộm y, hoặc thắp đèn, thắp hương; các tỳ-kheo đều cẩn thận sợ không dám làm. Đức Phật dạy: «Những việc trên cho phép được nhóm lửa.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề. Trừ có nhân duyên. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bệnh: cần lửa để sưởi ấm. Nếu tỳ-kheo không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc đốt cỏ cây nhánh lá, gai, cây gai, sô ma hoặc phân bò, trấu… đốt bất cứ thứ gì cũng đều phạm ba-dật-đề. Nếu lấy lửa để trên cỏ cây nhánh lá, gai, cây gai, phân bò, trấu… nếu cháy đều phạm ba-dật-đề. Nếu lấy cây bị đốt phân nửa quăng vào trong lửa, đột-kiết-la; đốt than đột-kiết-la. Nếu không nói với người đối diện, «Người xem cho, biết cho!» đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói với người đối diện, «Xem cho!» Hoặc người bệnh tự nhóm lửa, hay nhờ người nhóm lửa, có nhơn duyên chăm sóc người bệnh, vì người bệnh nấu cháo, nấu canh, nấu cơm, hoặc ở nơi nhà trù, nơi nhà ấm, nơi nhà tắm; hay xông bát, hoặc nấu thuốc nhuộm y, đốt đèn, đốt hương, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LVIII. GIẤU VẬT DỤNG CỦA TỲ-KHEO[338] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Liền trong đêm đó sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sang rạng ngày hôm sau đến báo tin giờ thọ thực. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim đến để một bên rồi thong thả kinh hành, chờ giờ ăn đến. Nhóm sáu tỳ-kheo rình lúc nhóm mười bảy đi kinh hành quay lựng lại chỗ để đồ, liền lấy y bát, tọa cụ, ống kim của họ giấu. Khi nhóm mười bảy tỳ-kheo nghe báo tin giờ thọ thực đã đến, thì phát hiện, nên hỏi: «Y bát, tọa cụ, ống kim của chúng tôi để tại đây, ai đem đi đâu?» Các tỳ-kheo khác hỏi: «Các ông ở đâu đến?» Nhóm mười bảy trả lời: «Chúng tôi ở đây. Mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim để một bên, rồi đi kinh hành, chờ đến giờ ăn.» Trong khi đó, nhóm sáu tỳ-kheo đang đùa giỡn ở trước. Các tỳ-kheo khác quan sát, thấy nhóm sáu đang đùa giỡn, khẳng định những người này lấy y bát đi giấu. Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao các thầy lấy y, bát, tọa cụ, ống kim của nhóm mười bảy giấu đi?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông rình lúc nhóm mười bảy tỳ-kheo đi kinh hành quay lưng lại, lấy y bát tọa cụ ống kim của họ giấu đi?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết [676a1] giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, cho đến giỡn chơi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo giấu y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo khác, hoặc sai người giấu, kể cả giỡn chơi, Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu thật biết rõ vật của người kia, thể tất cho nhau mà lấy cất; hoặc để nơi đất trống, bị mưa gió làm tổn hoại nên lấy cất; hoặc người chủ của vật tánh bừa bãi, bỏ y bát tọa cụ ống kim một cách lung tung, nhằm mục đích cảnh giới họ nên lấy cất; hoặc mượn y của người kia mặc mà người kia không thu xếp, sợ mất nên lấy cất; hoặc vì y bát các vật nầy mà đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên lấy cất; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LIX. TỰ TIỆN DÙNG Y KHÔNG HỎI CHỦ[339] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chơn thật thí[340] y cho tỳ-kheo thân hậu; sau đó, không nói với chủ mà lấy mặc. Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống phạm hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Tại sao trước đây, các thầy đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu, sau không nói với chủ mà lấy mặc?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông, trước đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu rồi, sau không nói với chủ mà lấy mặc?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đã cho y đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, về sau không nói với chủ mà lấy mặc,[341] ba-dật- đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y: có mười loại như trước đã nói. Cho y: tức là tịnh thí y. Tịnh thí y có hai cách: Chơn thật tịnh thí và triển chuyển tịnh thí. - Chơn thật tịnh thí: người cho nói, «Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão, để làm chơn thật tịnh thí.»[342] - Triển chuyển tịnh thí: người cho nói, «Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão.» Vị được cho nên nói như vầy, «Trưởng lão nghe cho. Trưởng lão có y dư như vậy, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, tôi xin nhận.» Nhận rồi nên hỏi, «Trưởng lão muốn cho ai?» Người cho nên nói, «Cho vị có tên như vậy.» Vị kia nên nói, «Trưởng lão có cái y dư nầy, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, nên tôi nhận. Nhận rồi tôi chuyển cho Tỳ-kheo có tên như vậy. Như vậy y nầy là sở hữu của tỳ-kheo có tên như vậy. Trưởng lão vì Tỳ-kheo có tên như vậy cất giữ hộ trì, tùy ý xử dụng.»[343] Chơn thật tịnh thí thì phải hỏi chủ, sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không nói, tùy ý lấy dùng. Nếu tỳ-kheo y đã chơn thật tịnh thí, không nói với chủ mà lấy dùng, phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nói với chủ rồi mới lấy dùng, nếu chơn thật tịnh thí. Nói hay không nói trước khi lấy dùng, nếu là triển chuyển tịnh thí. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LX. HOẠI SẮC Y MỚI[344] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mặc y màu trắng mà đi. Các cư sĩ đều cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử nầy không biết tàm quý. Thu nhận thọ dụng không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng, tôi tu chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Tại sao mặc đồ mới màu trắng mà đi, giống như nhà Vua, hay Đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao các thầy mặc y mới màu trắng mà đi?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông mặc áo màu trắng mà đi?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nhận được y mới, tùy ý sử dụng một trong ba màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc; nếu không làm cho hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc lam[345] mà mặc nguyên y mới, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Mới: là y mới, hoặc mới nhận được từ người, đều gọi là y mới. Y: có mười loại như đã nói trước. Hoại sắc : nhuộm thành màu xanh, đen, mộc lan. Tỳ-kheo kia nhận được y (vải) mới không nhuộm làm thành ba hoại sắc xanh, đen, mộc lan. Tỳ-kheo được y mới, không nhuộm ba màu xanh, đen, mộc lan, mà mặc y mới với màu khác, ba-dật-đề. Nếu có y kép không tác tịnh mà cất chứa, phạm đột-kiết-la. Y đơn không tác tịnh phạm đột-kiết-la. Nếu chẳng phải y, đãy đựng y bát, đãy đựng guốc dép, đãy đựng kim chỉ, giây ngồi thiền, giây lưng, mão, bít tất, nhiếp, khăn lau, khăn gói giày dép, không tác tịnh mà chứa cất đều phạm đột-kiết-la. Nếu đem y chứa nhuộm mà gởi nhà bạch y, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu nhận được y màu trắng, dùng ba màu xanh, đen và mộc lan để nhuộm. Y kép, y đơn tác tịnh rồi mới chứa. Nếu chẳng phải đãy đựng y bát, cho đến khăn gói giày dép, đều tác tịnh rồi mới chứa cất; hoặc y nhuộm rồi mới đem gởi nhà bạch y; hoặc y đã phai màu nhuộm lại, đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXI. ĐOẠN SINH MẠNG[346] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-Vệ. Bấy giờ, tôn giả [677a1] Ca-lưu-đà-di không thích thấy quạ, nên làm cung bằng tre để bắn quạ, bắn mãi không thôi, đã sát hại rất nhiều quạ, chất thành đống trong Tăng-già-lam. Bấy giờ, các cư sĩ đến trong Tăng-già-lam lễ bái, thấy đống quạ chết lớn này, mọi người đều cùng nhau cơ hiềm bàn với nhau rằng, «Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ, không có lòng thương, giết mạng chúng sanh. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Như vậy, có gì là chánh pháp? Bắn giết loài quạ cho đến chất đống.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng, «Sao thầy bắn giết loài quạ, nhiều đến nỗi dồn thành đống to?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo. Biết mà Ngài cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Có thật sự ông không ưa thấy loài quạ, nên làm cung bằng tre để bắn chúng, nhiều đến nỗi dồn thành đống to hay không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Sự thật như vậy!» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-lưu-đà-di, sao lại bắn giết các loài quạ, chất thành đống như vậy?» Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đoạn mạng sống loài vật, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo khi đứng, khi ngồi, đi tớí đi lui, phần nhiều giết chết nhiều loại tiểu trùng, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, có vị e sợ. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Thế tôn dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cố ý đoạn mạng sống loài vật, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Loài vật: chỉ cho loài không thể biến hóa mà đoạn mạng sống của nó; hoặc tự mình đoạn,[347] hay sai người đoạn, hoặc sai sứ giết, hoặc sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển giết, hoặc tự mình tìm để sai, hoặc sai người tìm để sai, hoặc tự tìm người cầm dao, sai người tìm cầm dao, hoặc dùng thân ra dấu hiệu, hoặc dùng miệng nói, hoặc dùng thân và miệng, hoặc khiến người dạy, hoặc khiến người viết thư, hoặc sai khiến người viết thư, hoặc đào hầm để sập chết, hoặc đặt dao nơi chỗ thường tới lui, hoặc thuốc độc, hoặc an trí dụng cụ giết ở trước, làm tất cả phương tiện như vậy, hoặc các cách khác, với dụng tâm giết súc sanh, do đó mà nó chết, ba-dật-đề. Phương tiện muốn giết mà không giết, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: không có ý giết; hoặc dùng ngói, đá, dao, gậy, quăng ném chỗ khác mà trúng nhầm đoạn mạng của chúng; hoặc tỳ-kheo có bổn phận xây cất nhà phòng lỡ tay rớt gạch đá trúng nó phải chết, hoặc ngói gỗ, cây gậy, hoặc trụ cột, rui mè, kèo… cầm những thứ như vậy, sút tay rớt xuống, nó bị chết. Hoặc dìu người bệnh đứng dậy mà họ bị chết, hoặc nằm trở lại mà họ chết, hoặc khi tắm rửa bị chết, hoặc khi uống thuốc mà chết, khi đỡ vào phòng chết, khi ra phòng chết, hoặc khi giữa ngày ngồi mà chết, hoặc nơi chỗ râm mà chết, đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXII. UỐNG NƯỚC CÓ TRÙNG[348] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy nước có tạp trùng dùng uống. Các cư sĩ thấy, đều cơ hiềm, «Những sa-môn Thích tử nầy không có từ tâm, sát hại mạng loài trùng. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Dùng nước có tạp trùng.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Tại sao các thầy không có từ tâm, uống nước có trùng, hại mạng sống?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao uống và dùng nước có tạp trùng, hại mạng sống?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, uống nước hoặc dùng nước có tạp trùng, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo không biết nước có trùng hay không có, sau mới biết là có, nên tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ nên bạch Phật. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết nước có tạp trùng mà uống nước hoặc dùng, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia biết nước có tạp trùng mà uống hoặc dùng, phạm ba-dật-đề. Ngoài nước ra, tạp trùng trong nước gạo, trong chất đắng, chất rượu, trong sữa trong, trong nước lúa mạch mà uống hoặc dùng, đều phạm ba-dật-đề. Nước có trùng, tưởng là có trùng mà dùng, ba-dật-đề. Nước có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Nước không trùng, tưởng là nước có trùng, đột-kiết-la. Nước không trùng mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước không biết có trùng; tưởng là không trùng, hoặc có loài trùng lớn, khua động nước nó tránh đi; hoặc nước lọc rồi mới uống thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [349]
Chú thích: [297] Ngũ phần: ba-dật-đề 47; Tăng kỳ: 57; Thập tụng, Căn bản: 47; Pali, Pāc. 50. [298] Thập tụng: xem dụng binh khí, tù và, cờ xí, hai bên giao chiến. Căn bản: xem chỉnh trang quân đội, cờ xí, bố trận. [299] Thập tụng 14 (T23n1435, tr.102a04), bốn thế trận: trận hình cánh cung, trận hình bán nguyệt, trận hình sáng, trận hình mũi nhọn. Căn bản 37 (T23n1442, tr.832c13), bốn thế trận: thế mũi nhọn, thế gọng xe, thế bán nguyệt, thế cánh đại bàng. [300] Hán: trương chân 張甄. [301] Hán: giảm tương (tướng?) trận 減相陣, không rõ nghĩa. [302] Ngũ phần: ba-dật-đề 57; Tăng kỳ: 76; Thập tụng, Căn bản: 79. Pali, Pāc. 51. [303] Chi-đà 支陀國. Pali, Vin.iv. 108: cetiyesu...bhaddavatikā. Ngũ phần 8 (T22n1421, tr.59c26): tại Câu-xá-di 拘舍彌. Thập tụng 17 (T23n1435, tr.120b29): Phật tại nước Chi-đề, ấp Bạt-đà-la-bà-đề 支提國跋陀羅婆提邑 [304] Sa-già-đà 者娑伽陀. Ngũ phần: Sa-kiệt-đà 沙竭陀. Căn bản: Thiện Lai 善來. Pali: Sāgata. [305] Tức thị giả của Phật. [306] Đệ nhất phòng 第一房. Pali: agyāgāra, căn nhà thờ lửa; bản Hán đọc là aggāra. [307] Câu-thiểm-di chủ 拘睒彌主. Có lẽ là quốc chủ, như kể ở đoạn sau. [308] Hắc tửu 黑酒. Tăng kỳ: thạch mật tửu 石蜜酒, rượu mía. Pali: kāpotikā, loại rượu quý, có lẽ màu trắng hay xám tro như màu lông chim bồ-câu nên gọi như thế. [309] Mộc tửu 木酒; rượu chế biến từ trái cây. [310] Xá-lâu già 舍樓伽. Pali: sālūka, rễ hay củ sen. [311] Nhuy trấp 蕤汁. Uy-nhuy, một loại dược thảo, hoa màu xanh (Khang hy). [312] Chính xác, nước ngọt có vị rượu. Thập tụng, tỳ-kheo uống rượu ngọt (điềm tửu 甜酒) và rượu chua (thố tửu 酢酒) đều phạm ba-dật-đề [313] Căn bản: uống những thứ khi uống vào cho say, ba-dật-đề; nhưng thứ không làm cho say, đột-kiết-la. [314] Ngũ phần 8: ba-dật-đề 55; Tăng kỳ 19: 66; Thập tụng 16, Căn bản 40: 64. Pali, Pāc. 53. [315] A-kỳ-la-bà-đề 阿耆羅婆提. Ngũ phần: A-di-la hà 阿夷羅河. Thập tụng: A-chỉ-la hà 阿脂羅. Căn bản: A-thị-la-bạt-để 阿市羅跋底河. Pali: Aciravatī. [316] Mạt-lợi phu nhân 末利夫人 (Mallikā-devī) chánh cung của Vua Ba-tư-nặc (Pl. Pasenadi). Căn bản: Thắng Man phu nhân 勝鬘夫人. [317] Na-lăng-ca 那陵迦. Ngũ phần: Na-lân-già 那鄰伽. Có lẽ Pali: Nāḷijaṅgha, người bà-la-môn mà Phu nhân thường sai đến Phật thỉnh ý kiến; cf. M. ii. 108› Các bộ khác không đề cập. Luật Pali: Vua Pasenadi nhờ các tỳ-kheo này mang về cho Phật một thỏi đường. Phật biết ý Vua, khiển trách các tỳ-kheo nghịch phá. [318] Ngũ phần: ba-dật-đề 54; Tăng kỳ: 67; Thập tụng, Căn bản: 63. Pali, Pāc. 52. [319] Phần lớn các bộ giống nhau. Thập tụng thêm: các tỳ-kheo nghi phạm ba-la-di, bạch Phật. Phật nói, không có ý sát, không phạm. Tăng kỳ 19: các tỳ-kheo trẻ lấy ngón tay thọc nhau đùa giỡn, không có án mạng. [320] Tăng kỳ: thụi bằng nắm đấm, thâu-lan-giá. [321] Ngũ phần: ba-dật-đề 58; Tăng kỳ: 77; Thập tụng, Căn bản: 78. Pali, Pāc. 54. [322] Xem Ch.ii. tăng-già-bà-thi-sa 12, và cht. liên hệ. [323] Ngũ phần: khinh sư 輕師; bất kính đối với Hoà thượng, A-xà-lê. Tăng kỳ: khinh tha 輕他; coi thường các tỳ-kheo, khi Tăng gọi thì không đến. Thập tụng, Căn bản: bất cung kính 不恭敬; coi thường đại chúng tỳ-kheo. Pali: anādariye, bất kính. [324] Ngũ phần: ba-dật-đề 73; Tăng kỳ: 65; Thập tụng, Căn bản: 66. Pali. Pāc. 55. [325] Ba-la-lê-tỳ 波羅梨毘. Thập tụng: Phật tại Duy-da-li 維耶離, trong núi Ma-câu-la 摩俱羅. [326] Na-ca-ba-la 那迦波羅. Thập tụng: tỳ-kheo thị giả bấy giờ là Tượng Thủ 象守 (Nāgapāla?). Cf. Tạp A-hàm 49 (Kinh 1320). Cf. Pali, Udāna 1.7. Pāṭalī. [327] Kim kinh hành đường 金經行堂. Thập tụng: hoá thành hang lưu ly 琉璃窟. [328] Thập tụng: sau này sẽ lậu tận, đắc quả A-la-hán. [329] Khủng bố 恐怖. Pali: bhiṃsāpeyya. [330] Ba-la thinh 波羅聲; chưa rõ tiếng gì. [331] Tát-la thọ 薩羅樹; có lẽ Pali: sāla. [332] Ngũ phần: ba-dật-đề 70; Tăng kỳ: 50; Thập tụng, Căn bản: 60. Pali, Pāc. 57. [333] Pali: hồ nước Tapodā. [334] Xem Ch.i. ba-la-di 2 & cht. 64. [335] Tăng kỳ: 41; Thập tụng, Căn bản: 52; Pali, Pāc. 56. [336] Xem Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 6 & cht. 53. [337] Ôn thất 溫室; nhà tắm có nước nóng. Pali: jantāghara. [338] Ngũ phần: ba-dật-đề 78; Tăng kỳ: 64; Thập tụng, Căn bản: 67. Pali, Pāc. 60. [339] Ngũ phần: ba-dật-đề 81; Tăng kỳ: 63; Thập tụng, Căn bản: 68. Pali, Pāc. 59. [340] Xem cht. 14, Ch.iv, Ni-tát-kỳ 1. [341] Tăng kỳ: «không xả mà thọ dụng.» Thập tụng: người khác không trả mà cưỡng đoạt lấy.» Căn bản: «nhận y người khác gởi, tự tiện dùng mà không hỏi chủ.» [342] Pali: sammukhāvikappanā, tác tịnh hiện tiền (trực tiếp); cf. Vin. iv. 122. [343] Pali: paraṃmukhāvikappanā, tác tịnh vắng mặt người nhận. cf. Vin.iv. 122. [344] Ngũ phần: ba-dật-đề 77; Tăng kỳ: 48; Thập tụng, 59. Căn bản: 58. Pali, Pāc. 58. [345] Ngũ phần 9 (T22n1421, tr.68a25) xanh, đen, mộc lan. Thập tụng 15 (T23n1435, tr.109b11) màu xanh, màu bùn, nâu đỏ 青 (thanh) 泥 (nê) 茜 (thiến). Căn bản39 (T23n1442, tr.845a14) màu xanh, màu bùn, màu đỏ 青泥赤. Pali: nīla (xanh lá cây), kaddama (bùn), kāḷasāmaka (màu đen, hay gần đen) [346] Ngũ phần: ba-dật-đề 51; Tăng kỳ: 61; Thập tụng, Căn bản: 61. Pali, Pāc. 61. [347] Xem Ch.i ba-la-di 3, phần thích nghĩa. [348] Xem ba-dật-đề 19. [349] Bản Hán, hết quyển 16. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích LXIII. CỐ GIEO NGHI HỐI [350] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đến hỏi nhóm sáu tỳ-kheo: «Kính thưa trưởng lão! Thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán?» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo bảo rằng: «Như những điều các ông đã hỏi, thời các ông đã phạm pháp ba-la-di, chẳng phải là tỳ-kheo.»[351] Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo liền đến chỗ [678a1] vị tỳ-kheo Thượng tọa, hỏi rằng: «Nếu có các tỳ-kheo hỏi như vầy, ‹Thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiến? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán?› Thì bị phạm tội gì?» Vị Thượng tọa bảo: «Hỏi như vậy không phạm tội gì cả.» Nhóm mười bảy tỳ-kheo nói: «Chúng con có đến nhóm sáu tỳ-kheo hỏi, ‹Thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiến? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán?› Các thầy nhóm sáu tỳ-kheo lại nói, ‹Các ông tự xưng được pháp thượng nhơn,[352] phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo!›» Vị Thượng tọa tỳ-kheo kia quán sát, biết nhóm sáu tỳ-kheo muốn gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Tại sao các thầy gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, gieo nghi ngờ hoang mang cho người khác, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có số đông tỳ-kheo tập họp lại một chỗ, cùng bàn luận về pháp luật, nhưng có một tỳ-kheo bỏ đi. Sau khi ra đi, vị ấy khởi tâm nghi nói rằng, «Các tỳ-kheo kia có cho là ta đã gieo nghi ngờ cho họ hay không?» Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Không cố tâm làm thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, cố ý gieo nghi ngờ hoang mang cho người khác, khiến cho không an tâm, dù chỉ trong chốc lát,[353] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nghi ngờ :[354] làm cho nghi ngờ về sự sanh, tuổi tác, thọ giới, yết-ma, phạm tội, các pháp.[355] - Làm cho nghi ngờ về sự sanh: Như hỏi, «Thầy sanh bao lâu rồi?» Người ấy trả lời, «Tôi sanh vào lúc ấy.» Lại nói, «Thầy không sanh vào lúc đó đâu. So với thời gian sanh của người khác, thầy chẳng phải sanh lúc đó.» Đó gọi là gieo nghi ngờ về sự sanh. - Thế nào gọi là gieo nghi ngờ khi hỏi đến tuổi tác? Như hỏi, «Thầy bao nhiêu tuổi?» Vị ấy trả lời: «Tôi được chừng ấy tuổi.» Lại nói, «Thầy chẳng phải tuổi đó đâu. So với người khác thọ giới, thầy chưa tới tuổi đó.» Đó gọi là hỏi về tuổi tác để gieo nghi ngờ cho người. - Thế nào gọi là hỏi để gieo nghi ngờ về việc thọ giới? Như hỏi, «Khi thầy thọ giới, chưa đủ hai mươi tuổi. Lại nữa, trong cương giới biệt chúng.» Đó gọi là gieo nghi ngờ khi thọ giới. - Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về yết-ma? Như hỏi, «Khi thầy thọ giới, tác bạch bất thành, yết-ma bất thành, phi pháp biệt chúng?» Đó gọi là hỏi để gieo nghi ngờ khi tác pháp yết-ma. - Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về tội phạm? Như nói, «Thầy phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.» Đó gọi là gieo nghi ngờ về tội phạm. - Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về các pháp? Như nói, «Thầy hỏi pháp như vậy, tức phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Đó gọi là gieo nghi ngờ đối với pháp. Nếu tỳ-kheo nào cố ý làm cho tỳ-kheo khác nghi; hoặc bằng sự sanh, hoặc về tuổi tác, cho đến gieo nghi ngờ đối với pháp, nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Sự thật là như vậy, không cố ý tạo nên. Người kia không phải sanh lúc đó; sợ sau này họ nghi hối, vô cớ mà để cho họ thọ sự cúng dường của người, nhận sự kính lễ của đại Tỳ-kheo, nên nói «Thầy chẳng phải sanh vào lúc ấy. So với thời gian sanh của những người khác, nên biết thầy chẳng phải sanh vào thời gian đó.» Sự thật là như vậy, người kia không phải với số tuổi đó; sợ sau này họ có sự nghi hối, vô cớ mà họ thọ sự lợi dưỡng của người, nhận sự kính lễ của đại tỳ-kheo, cho nên nói «Thầy không phải với số tuổi tác đó. Như tuổi của các tỳ-kheo khác, thì thầy chưa phải là số tuổi đó.» Sự thật là như vậy, nếu tuổi không đủ hai mươi, trong cương giới biệt chúng; sợ sau họ có sự nghi hối, vô cớ mà họ nhận lợi dưỡng của người, thọ sự kính lễ của đại tỳ-kheo, khiến cho họ biết để trở về trường hợp cũ, sẽ thọ giới lại, nên nói: «Thầy chưa đủ hai mươi tuổi, trong cương giới biệt chúng.» Sự thật là như vậy, bạch không thành, yết-ma không thành, phi pháp biệt chúng; sợ sau này họ có sự nghi hối, vô cớ mà thọ lợi dưỡng của người, nhận kính lễ của đại tỳ-kheo, nên nói để cho họ biết, trở về lại vị trí cũ, rồi thọ giới lại, nên nói: «Thầy bạch không thành, yết-ma không thành tựu, phi pháp biệt chúng.» Sự thật là như vậy, phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết; sợ sau họ có sự nghi hối, vô cớ họ thọ lợi dưỡng của người, nhận sự kính lễ của tỳ-kheo trì giới, muốn khiến cho họ biết để như pháp sám hối, nên mới nói «Thầy phạm ba-la-di cho đến ác thuyết.» Lại nữa, nếu người kia tánh cạn cợt, không biết cách nói năng, cho nên mới nói «Thầy nói như vậy tức là tự xưng pháp thượng nhơn, phạm ba-la-di, chẳng phải hạnh của tỳ-kheo.» Hoặc nói đùa giỡn, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc nầy nhằm nói việc khác. Tất cả trên, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXIV. CHE GIẤU THÔ TỘI [356] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử quen thân cùng một tỳ-kheo. Song Bạt-nan-đà Thích tử thường hay phạm tội, nên đến nói với tỳ-kheo kia, «Trưởng lão! Tôi thật có phạm tội như vậy, như vậy. Ngài chớ nên nói với người.» Tỳ-kheo kia thuận ý. Sau đó một thời gian, Bạt-nan-đà Thích tử cùng với tỳ-kheo kia mâu thuẫn nhau. Bấy giờ, tỳ-kheo kia đến nói với các tỳ-kheo khác: «Bạt-nan-đà Thích tử phạm tội như vậy, như vậy.» Các tỳ-kheo hỏi tỳ-kheo kia: «Sao thầy biết?» Tỳ-kheo kia nói: «Chính Bạt-nan-đà Thích tử đã nói với tôi.» Các tỳ-kheo nói: «Sao thầy không cho các tỳ-kheo khác biết?» Vị tỳ-kheo kia nói: «Trước đây tôi thuận tình với Bạt-nan-đà nên không nói. Nay tôi không thuận tình nên nói.» Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, chê trách Tỳ-kheo kia: «Tại sao thầy che dấu tội của Bạt-nan-đà Thích tử?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại che dấu tội của Bạt-nan-đà Thích tử?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói [679a1] giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, che giấu thô tội của tỳ-kheo khác, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo kia không biết có phạm tội thô hay không phạm tội thô, sau mới biết là có phạm tội thô, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề. Có vị nghi hỏi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, đã biết tỳ-kheo khác phạm thô tội mà che giấu,[357] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tội thô: là bốn tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác phạm tội thô; biết lúc tiểu thực, ăn xong mới nói, phạm đột-kiết-la. Sau bữa trưa biết, đến phần đầu của nửa đêm mới nói, phạm đột-kiết-la. Phần đầu của đêm biết, giữa đêm nói, phạm đột-kiết-la. Giữa đêm biết, đến sau đêm muốn nói mà chưa nói, khi bình minh xuất hiện, phạm ba-dật-đề. Trừ tội thô, che dấu các tội khác, phạm đột-kiết-la. Tự mình che giấu tội thô, phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, che giấu tội thô của người khác, phạm đột-kiết-la. Tội thô, tưởng tội thô, ba-dật-đề. Tội thô mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô, tưởng tội thô, đột-kiết-la; chẳng phải tội thô mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết là tội thô, tưởng là không tội thô, hoặc cho người khác biết, hoặc không có người để nói; tâm niệm rằng ‹tôi sẽ nói,› trong thời gian chưa nói, bình minh xuất hiện, hoặc nói sẽ đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên không nói; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXV. TRUYỀN CỤ TÚC, NGƯỜI CHƯA ĐỦ HAI MƯƠI TUỔI[358] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt. Lúc bấy giờ, trong thành La duyệt có 17 đồng tử,[359] trước là bạn thân với nhau. Lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Nhà giàu nhất là 80 trăm ngàn;[360] nghèo nhất 80 ngàn. Trong số đó, có một đồng tử tên là Ưu-ba-li.[361] Cha mẹ nó chỉ sanh có một mình nó, vì vậy rất thương yêu, không khi nào muốn nó vắng mặt. Cha mẹ nó nghĩ, «Chúng ta nên cho đứa con này học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực?» Rồi lại nghĩ, «Nên cho học viết chữ[362] trước. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.» Cha mẹ nó lại nghĩ, «Cho con học viết chữ, cũng làm cho thân sức mệt nhọc.[363] Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực?» Lại suy nghĩ, «Nay, nên cho con học kỹ thuật toán số. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.» Rồi cha mẹ nó lại nghĩ, «Nay, cho học toán số, cũng làm cho thân sức mệt nhọc.[364] Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực? Nên cho con học kỹ thuật họa tượng. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.» Sau đó, lại nghĩ, «Nay ta cho học họa, sợ mệt nhọc cho con mắt của nó. Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không mệt nhọc cho con mắt?» Lại nghĩ, «Sa-môn Thích tử khéo tự nuôi thân, an lạc, không có các khổ não. Ta nên cho con ta xuất gia tu đạo trong pháp của sa-môn Thích tử. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, thân không khổ nhọc.» Sau đó một thời gian, nhóm mười bảy cậu bé[365] nói với đồng tử Ưu-ba-li rằng: «Bạn có thể theo tụi mình đi xuất gia làm đạo?» Đồng tử Ưu-ba-li trả lời: «Mình xuất gia làm gì? Bạn cứ xuất gia đi.» Bạn thứ hai, bạn thứ ba, trong bọn 17 đồng tử,[366] bảo đồng tử Ưu-ba-li: «Hãy cùng nhau xuất gia làm đạo. Vì sao? Như bây giờ chúng ta cùng vui đùa với nhau. Khi ấy, chúng ta cũng sẽ vui chơi nô đùa với nhau như bây giờ.» Khi ấy, đồng tử Ưu-ba-li nói với các đồng tử kia rằng: «Các bạn đợi mình một chút. Mình phải thưa với cha mẹ mình đã.» Đồng tử Ưu-ba-li liền đến chỗ cha mẹ thưa: «Nay con muốn xuất gia làm đạo. Xin ba má cho phép con.» Cha mẹ Ưu-ba-li liền trả lời: «Ba má chỉ sanh một mình con. Lòng rất thương yêu. Cho đến, dù chết còn không muốn rời, đâu thể sống mà xa cách.»[367] Đồng tử Ưu-ba-li xin cha mẹ ba lần như vậy: «Xin ba má cho phép con được xuất gia.» Cha mẹ của Ưu-ba-li cũng trả lời như vậy ba lần, rằng: «Ba má chỉ sanh một mình con. Lòng rất thương yêu. Cho đến, dù chết còn không muốn rời, đâu thể sồng mà xa cách.» Lúc bấy giờ, cha mẹ nghe Ưu-ba-li ba lần ân cần cầu xin xuất gia, hai ông bà liền nghĩ, «Trước đây chúng ta cũng đã có ý nầy, ‹nên cho con của ta học kỹ thuật nào để sau khi chúng ta qua đời, khiến nó được sự sống đảm bảo, khỏi bị thiếu hụt, không khổ cực thân xác?› Chúng ta định cho nó học viết chữ cho đến học họa để sau khi chúng ta mất đi nó có cuộc sống bảo đảm, không thiếu hụt, thân nó không vất vả. Nhưng lại lo ngại cho con mắt và thân thể phải khổ nhọc. Chúng ta đã nghĩ, chỉ có sa-môn Thích tử mới khéo tự nuôi thân, không có các khổ não. Nếu cho con của chúng ta xuất gia trong đó, quyết định nó sẽ được cuộc sống bảo đảm không có các khổ não.» Bấy giờ, cha mẹ bảo con mình rằng: «Nay đã đúng lúc, cha mẹ cho phép con đi xuất gia.» Bấy giờ, đồng tử Ưu-ba-li trở lại chỗ 17 đồng tử* nói: «Cha mẹ mình đã cho mình đi xuất gia, nếu các bạn muốn, thì nay đã đúng lúc.» Các đồng tử liền đến trong Tăng-già-lam, thưa với các tỳ-kheo: «Bạch chư Đại đức! Chúng con muốn xuất gia học đạo. Xin chư tôn độ cho chúng con được làm đạo.» Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia, thọ đại giới. Bấy giờ, các đồng tử vì trước kia đã quen sống sung sướng, không kham ngày ăn một bữa. Nửa đêm đói bụng, lớn tiếng kêu khóc: «Cho cơm tôi với! Cho cơm tôi với.» Các tỳ-kheo bảo: «Trẻ con, hãy đợi trời sáng, nếu chúng Tăng có thức ăn sẽ cùng ăn. Nếu không có, sẽ cùng đi xin. Tại sao vậy? Nơi đây, từ trước đến nay hoàn toàn không có chỗ nấu ăn.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ngồi tư duy nơi chỗ vắng trong đêm, nghe tiếng trẻ nít khóc. Biết mà Ngài vẫn cứ hỏi tôn giả A-nan: «Trẻ con ở đâu mà nửa đêm có tiếng khóc ?» Bấy giờ, tôn giả A-nan đem nhơn duyên trên bạch đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo tôn giả A-nan: «Không nên trao đại giới cho người chưa đủ hai mươi tuổi. Tại sao vậy? Người chưa đủ hai mươi tuổi, không kham nổi sự nóng, lạnh, đói khát, gió mưa, mòng muỗi, độc trùng và các lời hung dữ. Nếu thân có các khổ đau thì không thể chịu được. Lại nữa, không kham trì giới; không kham ăn một bữa. A-nan, nên biết, tuổi đủ hai mươi mới kham nổi những việc như trên.» Bấy giờ, đêm đã qua, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, do nhơn duyên này, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, người đủ hai mươi tuổi mới cho thọ đại giới; nếu người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ đại giới, thì người này không đắc giới, tỳ-kheo kia bị quở trách là người si, phạm ba-dật-đề. Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo kia không biết người kia đủ hai mươi tuổi hay [680a1] không đủ hai mươi. Sau mới biết là không đủ hai mươi, nên hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có sự nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo nào, người đủ hai mươi tuổi mới cho thọ đại giới; nếu biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ đại giới, thì người này không đắc giới, tỳ-kheo kia bị quở trách là người si,[368] phạm ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Người thọ giới kia, chưa đủ hai mươi tuổi. Hòa thượng biết không đủ hai mươi tuổi. Chúng Tăng và người thọ giới cũng biết không đủ hai mươi. Khi hỏi trước chúng, «Ngươi tuổi đủ hai mươi?» Người chưa thọ giới trả lời: hoặc đủ hai mươi, hoặc không đủ hai mươi, hoặc nghi, hoặc không biết rõ số năm, hoặc nín thinh. Hoặc chúng Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng, «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Khi hỏi giữa chúng: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng cũng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Khi hỏi giữa chúng: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới biết tuổi chưa đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng cũng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Khi hỏi giữa chúng: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thưọng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng cũng không phạm. Người chưa thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới biết không đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới cũng nghi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới biết tuổi chưa đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng và chúng Tăng không phạm. Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la. Người thọ giới kia, tuổi không đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới cũng không biết. Trong chúng khi hỏi: «Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?» Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng và chúng Tăng không phạm. Tỳ-kheo kia biết người chưa đủ hai mươi tuổi, mà trao đại giới. Ba lần yết-ma xong, Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Bạch rồi, hai yết-ma xong, Hòa thượng phạm ba đột-kiết-la. Bạch rồi, một yết-ma xong, Hòa thượng phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong, Hòa thượng phạm một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, Hòa thượng phạm đột-kiết-la. Nếu chưa bạch, tác phương tiện, hoặc cạo tóc, hoặc muốn tập chúng Hòa thượng và tất cả đều đột-kiết-la. Hoặc chúng tăng tập họp, Hòa thượng đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước không biết; tin người thọ giới nói; hoặc người gần xác chứng; hoặc tin lời cha mẹ; hoặc thọ giới rồi nghi. Đức Phật dạy: «Cho phép tính năm tháng trong thai, tính tháng nhuần, hoặc tính tất cả 14 ngày thuyết giới để làm niên[369] số thì không phạm.» Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXVI. KHƠI LẠI TRÁNH SỰ[370] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vưòn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo khơi dậy lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: «Thầy không khéo [681a1] quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết, không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.› Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ rằng: «Tại sao trong Tăng chưa có sự tranh cãi, lại gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có thì không trừ diệt được?» Các tỳ-kheo quán sát biết do nhóm sáu tỳ-kheo khơi dậy lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi, nói rằng: «Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.» Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Sao các thầy khơi dậy lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: ‹Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ngươi khơi dậy lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: ‹Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, đấu tranh đã được dập tắt như pháp rồi, sau đó lại khơi dậy, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo không biết việc đấu tranh đã được dập tắt như pháp hay không như pháp, sau đó mới biết là đã được dập tắt như pháp rồi, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết tránh sự đã được dập tắt như pháp rồi,[371] sau đó lại khơi dậy,[372] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Như pháp: Tức là như pháp, như luật, như lời Phật dạy. Tránh: có bốn thứ: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.[373] Tỳ-kheo kia biết tránh sự đã như pháp diệt rồi, sau đó khởi dậy, nói như vầy: «Không khéo quán sát, nên không thành quán sát. Không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết. Không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt.» Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Trừ việc đấu tranh này, nếu gợi lại về sau các việc đấu tranh mắng nhiếc khác, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tự khơi lại việc đấu tranh của mình, phạm đột-kiết-la. Ngoài tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra, nếu cùng với các người khác đấu tranh mắng nhiếc nhau, sau đó khơi lại, đột-kiết-la. Quán sát, khởi tưởng quán sát, ba-dật-đề. Quán sát mà nghi, đột-kiết-la. Không thành quán sát, tưởng có quán sát, đột-kiết-la. Không thành quán sát mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu trước không biết; hoặc quán sát, tưởng không quán sát. Hoặc sự thật là không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt; bèn nói: «Không khéo quán sát, cho đến không thành chấm dứt.» Hoặc nói vui đùa, hoặc nói vội gấp, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc kia. Tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXVII. ĐI CHUNG VỚI CƯỚP [374] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo từ nước Xá-vệ muốn đến Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, có đoàn con buôn cùng đi.[375] Đoàn con buôn này muốn tìm cách lén qua ải trốn thuế Vua. Đoàn buôn hỏi các tỳ-kheo rằng: «Chư Đại đức muốn đi đâu?» Các tỳ-kheo trả lời: «Chúng tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.» Bọn khách buôn nói: «Chúng tôi có thể cùng đi chung với các ngài được không?» Các tỳ-kheo nói: «Được.» Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo cùng bọn khách buôn đi chung đường lén qua ải. Nhưng người giữ ải bắt được, bèn áp giải đến Vua Ba-tư-nặc, và tâu: «Những người nầy muốn lén qua ải để đóng thuế.» Nhà Vua hỏi rằng: «Bọn khách buôn nầy muốn lén qua ải mà trốn thuế. Còn các sa-môn này lại có việc gì?» Nhân viên quan thuế thưa: «Họ cùng đi chung với bọn người này.» Nhà Vua hỏi các tỳ-kheo: «Thật sự các Đại đức có cùng bọn khách buôn này đi chung hay không?» Các tỳ-kheo trả lời: «Thật sự có như vậy.» Nhà Vua lại hỏi: «Các ngài có biết bọn con buôn này trốn thuế không?» Các tỳ-kheo nói: «Có biết.» Nhà Vua phán: «Nếu thật sự có biết, theo pháp luật thì đáng tội chết.» Bấy giờ, nhà Vua lại tự nghĩ: «Ta là Vua Quán đảnh, đâu nên sát hại sa-môn Thích tử!» Nhà Vua dùng vô số phương tiện khiển trách các tỳ-kheo rồi, trước mọi người, ra lệnh thả các tỳ-kheo. Vâng lệnh Vua, họ liền phóng thích các tỳ-kheo. Bấy giờ, trong đám thần thuộc của Vua đều lớn tiếng nói rằng: «Sa-môn Thích tử phạm trọng pháp của nhà Vua, tội đáng chết, song nhà Vua chỉ la rầy sơ sơ rồi thả!» Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, chê trách nhóm sáu tỳ-kheo[376]: «Tại sao các Thầy cùng đi chung với bọn khách buôn?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo: «Tại sao các ông cùng đi với bọn con buôn?» Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, Ngài bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, kết bạn với bọn giặc cướp cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo không biết họ là đồng bọn giặc cướp hay không, sau đó mới biết họ là đồng bọn cướp, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp mà cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo không giao hẹn mà cùng đi nên nghi. Phật dạy: «Không giao hẹn thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp mà giao hẹn cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn,[377] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bọn giặc: hoặc đi làm giặc rồi trở về, hay mới bắt đầu đi. Giao hẹn: cùng hứa nhau đến nơi thành nào đó, hoặc thôn nào đó. Đường: Các con đường đi trong khoảng giữa hai thôn. Nếu tỳ-kheo biết là bọn giặc, cùng giao hẹn đồng đi chung trên một đường, khoảng giữa khoảng cách của thôn, trong các nẻo đường đó, mỗi đường phạm một ba-dật-đề. Nơi không có thôn, chỗ khoảng đồng không, không có ranh giới của thôn, đi đến mười lý[378] thì phạm ba-dật-đề. Nếu giao hẹn cùng đi chung nửa đường khoảng giữa hai thôn, phạm đột-kiết-la; dưới mười lý, phạm đột-kiết-la. Đi trong phạm vi của một thôn, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, cùng giao hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu trước không biết; không cùng giao hẹn đồng đi; vì sự an ổn mà đến đó. Hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXVIII. KIÊN TRÌ ÁC KIẾN[379] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo tự là A-lê-tra,[380] sanh ác kiến như vầy: «Tôi hiểu pháp mà đức Thế tôn nói pháp, trong đó có chỗ nói phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.»[381] Khi ấy, các tỳ-kheo nghe tỳ-kheo A-lê-tra khởi sanh ác kiến rằng, «Tôi hiểu pháp do đức Thế tôn nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Các tỳ-kheo nghe đó, muốn trừ bỏ ác kiến ấy của tỳ-kheo A-lê-tra, nên liền đến chỗ A-lê-tra, cung kính chào hỏi xong, ngồi qua một bên. Các tỳ-kheo nói với tỳ-kheo A-lê-tra rằng: «Có thật thầy hiểu pháp do đức Thế tôn nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo không?» A-lê-tra trả lời: «Thật sự tôi hiểu pháp do đức Thế tôn nói phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn trừ bỏ ác kiến ấy của A-lê-tra, nên ân cần nói: «Nầy A-lê-tra, chớ nói lời như vậy. Chớ xuyên tạc đức Thế tôn. Xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. A-lê-tra, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, dạy bảo đoạn ái dục, biết dục tưởng, dạy trừ ái dục, đoạn ái dục tưởng; trừ sự thiêu đốt do ái dục, vượt qua sự ràng buộc bởi ái. Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện nói: ‹Dục như hầm lửa lớn, dục như cây đuốc, cũng như trái chín, dục như vật vay mượn, dục như xương khô, dục như miếng thịt, như cảnh thấy trong mộng, dục như dao bén, dục như đồ gốm mới nặn đựng nước để giữa nắng, dục như đầu rắn độc, dục như nắm lưỡi gươm bén, dục như cây kích nhọn.› Đức Thế tôn nói về dục như vậy. «A-lê-tra, pháp mà Đức Thế tôn khéo nói là như vầy: đoạn trừ dục, không còn dục, trừ cáu bẩn, không cáu bẩn, điều phục khát ái, diệt trừ hang ổ,[382] thoát ly tất cả các sự trói buộc, ái tận Niết-bàn. Pháp mà Đức Phật nói là như vậy. Sao thầy lại nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?» Các tỳ-kheo ân cần khuyên nói với A-lê-tra như vậy. Tỳ-kheo A-lê-tra vẫn kiên trì ác kiến, lại nói một cách quả quyết khẳng định rằng: «Đây là điều chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng.» Bấy giờ, các tỳ-kheo không thể trừ bỏ ác kiến đó của tỳ-kheo A-lê-tra, nên đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên nầy bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo một tỳ-kheo: «Ngươi thừa lệnh của Ta, đi gọi tỳ-kheo A-lê-tra đến đây.» Tỳ-kheo kia vâng lời dạy, liền đến chỗ tỳ-kheo A-lê-tra nói rằng: «Đức Thế tôn sai gọi thầy.» Bấy giờ, tỳ-kheo A-lê-tra nghe Phật gọi liền đi đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên. Phật hỏi Tỳ-kheo A-lê-tra: «Thật sự ông có nói, ‹Tôi biết pháp do Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo› hay không?» A-lê-tra trả lời: «Kính bạch Đại đức! Sự thật con có nói như vậy.» Đức Phật bảo A-lê-tra: «Sao ông lại hiểu pháp Ta nói là như vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện nói đoạn dục ái... » như trên đã nói. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-lê-tra rồi, bảo các tỳ-kheo: «Cho phép chúng Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp can gián cho bỏ việc nầy, bằng bạch tứ yết-ma ha gián .[383] Nên ha gián như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng làm yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lê-tra này, nói như vầy: ‹Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo›. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đối với tỳ-kheo A-lê-tra mà tác pháp ha gián, cho bỏ việc này. Rằng, ‹Nầy A-lê-tra, ngươi chớ nên nói như vậy. Chớ nên xuyên tạc đức Thế tôn. Xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện nói dâm dục là pháp chướng đạo. Nếu phạm dâm dục là pháp chướng đạo.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lê-tra nầy nói như vầy: ‹Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo›. Nay Tăng tác pháp can gián, để bỏ việc này. Rằng, ‹Nầy A-lê-tra, Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện nói dâm dục là pháp chướng đạo, nếu phạm dâm dục tức là pháp chướng đạo.› Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp can gián cho bỏ việc này, thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp can gián rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc nầy ghi nhận như vậy.» Nên tác pháp khiển trách tỳ-kheo A-lê-tra như vậy để bỏ việc ấy, bằng bạch tứ yết-ma. Các tỳ-kheo bạch Phật.[384] Đức Phật dạy: «Nếu có tỳ-kheo khác mà cũng nói như vậy, ‹Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo;› thì chúng Tăng cũng can gián bằng pháp bạch tứ yết-ma như vậy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, nói như vầy: ‹Tôi biết, theo pháp do đức phật nói, sự hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.› Các tỳ-kheo kia nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại đức, chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc đức Thế tôn; xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng sự hành dâm dục là pháp chướng đao.› Khi các tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này mà tỳ-kheo này không bỏ, thì các tỳ-kheo kia nên can gián ba lần cho bỏ sự này. Nếu can gián ba lần, bỏ thì tốt, không bỏ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia nói như vầy: «Tôi biết pháp do Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo». Tỳ-kheo kia can gián Tỳ-kheo nầy rằng: «Thầy chớ nên nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt! Đức Thế tôn không nói như vậy. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng, sự hành dâm dục là pháp chướng đạo. Nay, thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm tội.» Nếu vị ấy nghe theo lời can gián thì tốt; bằng không, nên tác bạch. Bạch rồi nên nói: «Tôi đã tác bạch xong. Còn có các yết-ma nữa. Thầy nên bỏ việc nầy, đừng để Tăng quở trách mà phạm tội.» Vị ấy nghe theo lời can thì tốt. Bằng không, nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi nên nói: «Tôi đã tác pháp sơ yết-ma rồi. Còn hai pháp yết-ma nữa. Thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt. Bằng không thì nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi nên nói: «Đã tác yết-ma lần thứ hai rồi. Còn lại một pháp yết-ma nữa. [683a1] Thầy nên bỏ việc này, đừng để chúng Tăng quở trách mà phạm tội.» Nếu nghe lời can càng tốt. Bằng không, xướng yết-ma lần thứ ba xong, vị ấy phạm ba-dật-đề.[385] Tác bạch rồi, yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba đột-kiết-la. Tác bạch rồi, yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai đột-kiết-la. Tác bạch rồi mà bỏ, phạm một đột-kiết-la. Nếu tác bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Nếu chưa tác bạch mà nói: tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Khi tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này, có tỳ-kheo khác ngăn, hoặc tỳ-kheo-ni ngăn, hay là kẻ khác ngăn rằng: «Thầy đừng bỏ việc ấy.» Chúng Tăng can gián, dùng cách không can gián để ngăn, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Khi mới bắt đều nói liền bỏ; hoặc là can gián phi pháp biệt chúng, hay can gián phi pháp hòa hợp, pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp, phi pháp, phi tỳ-ni, phi Phật sở thuyết; hoặc không can gián; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXIX. HỖ TRỢ TỲ-KHEO BỊ XẢ TRÍ[386] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến, chúng Tăng can gián mà cố không bỏ. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo A-lê-tra: «Tại sao thầy phát sanh ác kiến, chúng Tăng can gián, mà thầy không bỏ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo A-lê-tra: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. A-lê-tra! Tại sao ông phát sanh ác kiến, chúng Tăng can gián mà ông cố không bỏ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo A-lê-tra rồi, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, chúng Tăng đối với tỳ-kheo A-lê-tra tác cử vì không bỏ ác kiến,[387] bằng bạch tứ yết-ma. Chúng Tăng nên vì tỳ-kheo A-lê-tra tác cử. Tác cử tội rồi tác ức niệm. Tác ức niệm như vậy rồi dữ tội.[388] Trong chúng nên cử một vị có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe. A-lê-tra này phát sanh ác kiến. Chúng Tăng ha gián mà cố ý không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng đối với A-lê-tra tác pháp Yết-ma không bỏ ác kiến. Đây là lời tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo A-lê-tra này sanh ác kiến. Chúng Tăng can gián mà cố tâm không bỏ. Nay Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến cho tỳ-kheo A-lê-tra rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Khi Tăng tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến cho tỳ-kheo A-lê-tra, nhóm sáu tỳ-kheo lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng chung yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tỳ-kheo A-lê-tra bị Tăng cho pháp cử yết-ma vì không bỏ ác kiến. Tại sao các thầy lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng ngủ, cùng nói chuyện?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, tỳ-kheo A-lê-tra bị Tăng cho pháp cử yết-ma vì không bỏ ác kiến, tại sao các ông cung cấp các thứ cần dùng, cùng ngủ, cùng nói chuyện?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, cùng với người chưa được tác pháp (giải),[389] có ác kiến như vậy mà chưa bỏ,[390] lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi. Khi ấy các tỳ-kheo không biết có nói như vậy hay không nói như vậy, sau mới biết là có nói như vậy, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết người nói lời như vậy, chưa được tác pháp (giải), có tà kiến như vậy mà chưa bỏ, lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nói lời như vậy: là như nói: «Tôi nghe đức Thế tôn nói pháp, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo» Chưa tác pháp giải: nếu bị cử, mà chưa được giải. Thấy như vậy: như hiểu biết rằng pháp do Đức Thế tôn nói chẳng phải pháp chướng đạo. Không bỏ ác kiến: chúng Tăng can gián mà không bỏ ác kiến. Cung cấp những thứ cần dùng: có hai thứ là pháp và tài. - Pháp: dạy tu tập tăng thượng giới, tăng thượng ý, tăng thượng trí, học vấn, tụng kinh. - Tài: cung cấp y phục, ẩm thực, giường, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh. Đồng yết-ma: tức đồng thuyết giới. Cùng ngủ: nhà có bốn vách, lợp tất cả và ngăn che tất cả; hoặc lợp tất cả hoặc lợp tất cả mà không ngăn tất cả; hoặc tất cả có ngăn mà không lợp tất cả; hoặc không lợp hết, không ngăn hết. Nếu tỳ-kheo vào trong nhà trước, sau đó có người nói như vậy mới đến; hay là người nói như vậy vào trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc hai người đều vào ngủ, tùy theo hông dính chiếu tất cả đều phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm Sự không phạm: Tỳ-kheo không biết nên vào ngủ; tỳ-kheo ở trong nhà trước, người nói như vậy đến sau, vào nhà tỳ-kheo không biết; hoặc là nhà có lợp tất cả mà không ngăn bốn bên; hoặc lợp tất cả mà ngăn phân nửa; hoặc lợp tất cả mà ngăn một ít thôi; hoặc ngăn tất cả mà không lợp; hoặc ngăn tất cả mà lợp một phần hai, hoặc ngăn tất cả mà lợp một ít thôi; hoặc lợp một phần hai, ngăn một phần hai, hoặc lợp một ít; hoặc không lợp không ngăn, hoặc đất trống, tất cả những trường hợp như vậy mà không biết; thảy đều không phạm. Hoặc bị bệnh té xuống đất; hoặc bị bệnh chuyển mình; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc bị mạng nạn; phạm hạnh nạn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXX. BAO CHE SA-DI BỊ ĐUỔI [391] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có hai ông sa-di, một ông tên là Yết-na,[392] ông thứ hai tên là Ma-hầu-ca. Hai người này không biết hổ thẹn, cùng nhau làm việc bất tịnh. Chúng tự [684a1] nói với nhau: «Chúng tôi nghe pháp từ Phật nói, rằng hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách hai sa-di rằng: «Sao hai ngươi lại nói với nhau rằng, ‹Pháp tôi nghe từ đức Phật, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách hai sa-di: «Việc các ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ngươi nói với nhau rằng, pháp mà các ngươi nghe từ đức Thế tôn, trong đó hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách hai sa-di rồi, bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau, cho hai sa-di nầy pháp ha gián[393] cho bỏ việc nầy, bằng bạch tứ yết-ma, tác pháp ha gián như sau: Bảo hai sa-di đứng trước chúng Tăng, nơi mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Hai sa-di kia cùng nhau nói rằng: ‹Tôi nghe pháp từ đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, quở trách hai sa-di kia cho bỏ việc này. Rằng, ‹Nầy, sa-di! Chớ nói như vậy. Chớ xuyên tạc Thế tôn. Xuyên tạc Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Nầy sa-di, đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Hai sa-di kia cùng nói với nhau rằng, ‹pháp tôi nghe từ đức Thế tôn, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.› Nay, Tăng tác pháp can gián quở trách hai sa-di kia cho họ bỏ việc này, rằng, ‹Nầy, sa-di! Chớ nói như vậy. Chớ xuyên tạc Thế tôn. Xuyên tạc Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Nầy sa-di, đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo.› Các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng quở trách hai sa-di kia khiến cho họ bỏ việc nầy thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai và thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận quở trách hai sa-di nầy rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Hai sa-di kia, đã bị chúng Tăng quở trách, nhưng cố tâm không bỏ việc nầy. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách hai Sa-di: «Tại sao các ngươi đã được Tăng quở trách mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách hai sa-di: «Việc các ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này hai sa-di! Tại sao đã bị chúng Tăng quở trách mà các ngươi không chịu bỏ ác kiến?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách hai sa-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Chúng Tăng nên cho hai sa-di pháp diệt tẫn[394] vì không bỏ ác kiến, bằng bạch tứ yết-ma, diễn tiến như sau: «Đem hai sa-di đến trước chúng, bảo họ đứng chỗ thấy mà không nghe. Trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Hai sa-di nầy, đã bị chúng Tăng quở trách mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp diệt tẫn hai sa-di này vì không bỏ ác kiến. Từ nay về sau hai sa-di này không nên nói: ‹Đức Phật là Thế tôn của tôi.› Không được đi theo các tỳ-kheo. Như các sa-di khác, được phép cùng các tỳ-kheo ngủ hai, ba đêm, các ông không được điều đó. Các ông phải đi cho khuất, không nên ở nơi đây. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Hai sa-di nầy đã bị chúng Tăng quở trách, mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến, nay chúng Tăng trao pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này, vì không bỏ ác kiến. Từ nay về sau, hai sa-di nầy không được nói: ‹Đức Phật là Thế tôn của tôi.› Không được đi theo các tỳ-kheo. Như các sa-di khác được phép cùng các tỳ-kheo ngủ hai, ba đêm, nay hai ông không được điều đó. Các ông phải đi khỏi chỗ này, không được ở nơi đây. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng tác pháp diệt tẫn đối với hai sa-di này vì không bỏ ác kiến, thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói: Đây là yết-ma lần thứ nhất» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã đồng ý tác pháp diệt tẫn đối với hai sa-di vì không chịu bỏ ác kiến rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn cho hai sa-di này vì không chịu bỏ ác kiến, nhưng họ vẫn dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ đêm. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này vì không xả bỏ ác kiến, mà vẫn dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ với chúng?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này vì không bỏ ác kiến, mà lại dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Sa-di nào, nói như vầy: ‹Tôi nghe pháp từ đức Thế tôn, nói rằng hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo›. Các tỳ-kheo nên can gián sa-di này như vầy: Ông chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt! đức Thế tôn không nói như vậy, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng hành dâm dục là pháp chướng đao.› Khi tỳ-kheo kia can gián như vậy, sa-di này vẫn kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo kia nên can gián đến ba lần, khiến cho bỏ việc ấy. Can gián ba lần, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo kia nên nói với sa-di ấy rằng: ‹Từ nay về sau, ông không được nói: ‘Đức Phật là Thế tôn của tôi.’ không được đi theo các tỳ-kheo khác. Các sa-di khác được cùng tỳ-kheo ngủ hai ba đêm; nhưng ông không được việc ấy nữa. Ông phải ra khỏi nơi này, không nên ở đây nữa.’› Nếu tỳ-kheo biết sa-di đã bị tẫn ở trong chúng như vậy, mà vẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Hai sa-di kia bị tẫn xuất khỏi thành, liền ra ngoài thôn xóm để xin ở, nhưng ngoài thành cũng bị tẫn xuất nên lại vào trong thành xin ở. Các tỳ-kheo không biết người ấy bị tẫn xuất hay không bị tẫn xuất, sau đó mới biết là họ bị tẫn xuất, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có sự nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, biết sa-di nói như vầy: ‹Tôi nghe pháp từ đức Phật, nói rằng: ‘hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’. Các tỳ-kheo nên can gián sa-di này như vầy: ‘Ông đừng xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy. Này sa-di, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng hành dâm dục là pháp chướng đạo.’ Khi các tỳ-kheo kia can gián sa-di này mà vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo nên can gián cho đến ba lần, khiến cho sa-di bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, các tỳ-kheo nên nói với sa-di ấy rằng: ‘Từ nay về sau, ông không được nó rằng: ‘Đức Phật là Thế tôn của tôi.’ Không được đi theo các tỳ-kheo khác. Các sa-di khác được phép cùng ngủ hai, ba đêm với tỳ-kheo, nhưng nay ông không được phép đó. Ông phải ra khỏi nơi này, không nên ở đây nữa.’› Nếu tỳ-kheo biết sa-di đã bị tẫn ở trong chúng như vậy, mà vẫn dụ đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Diệt tẫn: Tăng tác pháp bạch tứ yết-ma để đuổi. Nuôi dưỡng: hoặc tự mình nuôi, hoặc cho người nuôi. Dụ: hoặc tự mình dụ hoặc sai người dụ. Cùng ngủ chung: như đã nói ở trước. Nếu tỳ-kheo vào ngủ trước, người bị diệt tẫn đến sau; hoặc người bị diệt tẫn vào trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai người cùng đến, tùy theo hông dính xuống chiếu, chuyển mình, ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết; hoặc tỳ-kheo đến trước, người bị diệt tẫn đến sau, tỳ-kheo không biết. Hoặc phòng ở bốn bên, không ngăn, trên có lợp… (nt) nơi đất trống thì không phạm. Hoặc cơn đảo lộn phát sanh té xuống đất, hoặc bệnh động chuyển, hoặc bị thế lực bắt, trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [395]
Chú thích: [350] Ngũ phần: ba-dật-đề 52; Tăng kỳ: 62; Thạp tụng, Căn bản: 62. Pali, Pāc. 77. [351] Các bộ đều nói, gieo nghi ngờ 17 tỳ-kheo này không đắc giới cụ túc vì thọ không như pháp. [352] Đoạn trên, không nêu tội danh này. [353] Thập tụng 16 (T23n1435, tr.111b17) «Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác.» [354] Nghi não 疑惱. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: nghi hối 疑悔. Căn bản: não 惱. Pali: sañcicca kukkuccaṃ upadaheyya, cố ý khơi dậy sự hoang mang (hối tiếc). [355] Tăng kỳ: trưng dẫn gây nghi ngờ về sự đắc giới: sanh hay tuổi tác; yết-ma, hình tướng, bệnh, tội, mạ lỵ, kết sử. [356] Ngũ phần: ba-dật-đề 74; Tăng kỳ: 60; Thập tụng, Căn bản: 50; Pali, Pāc. 64. [357] Ngũ phần: «che giấu qua một đêm.» Thập tụng: «che giấu nhẫn đến một đêm.» [358] Ngũ phần: ba-dật-đề 61; Tăng kỳ: 71; Thập tụng, Căn bản: 72. Pali, Pāc.65. [359] Tăng kỳ 19 (T22n1425, tr.383a14): nhân duyên bởi «thập lục quần tỳ kheo,» và cha con Ma-ha-la. [360] Tức 8.000.000 (tiền vàng). [361] Cf. Vin.i. 77 Upāli(dāraka). [362] Hán: học thư 學書. Pali nt.: lekhaṃ sikkheyya. [363] Pali nt.: lekhaṃ sikkhissati aṅguliyo dukkhā bhavissanti, «nếu nó học viết, sẽ khổ cho các ngón tay.» [364] Pali, nt.: gaṇaṃ sikkhissati urassa dukkho bhavissati, «học toán số, sẽ khổ cho cái ngực.» [365] Nguyên Hán: thập thất quần đồng tử 十七群童子, tính dư một cậu. Pali: Upāli đến rủ bọn nhỏ kia. [366] Xem cht. trên. [367] Đoạn đối thoại này mâu thuẫn với tường thuật trên. Có sự nhầm lẫn nào đó trong bản Hán. [368] Si cố 癡故. Tăng kỳ 19, không nói. Ngũ phần 8, thay bằng «pháp ấy phải như vậy 是法應爾.» Thập tụng 16: «sự việc ấy phải như vậy 是事應爾.» Pali: te ca bhikkhū gārayhā, idaṃ tasmiṃ pācittiyan’ti, «các tỳ-kheo ấy đang bị khiển trách; cái này trong đây ba-dật-đề.» Bản Skt. ayaṃ tatra samaya, «trong đây sự việc này là hợp thức.» [369] Tính tất cả các tháng âm lịch thiếu. [370] Ngũ phần 6: ba-dật-đề 5; Tăng kỳ 12: 4; Thập tụng, Căn bản 26: 4. Pali, Pc. 63. [371] Giới văn trong bản: «đã được sám hối như pháp.» Ngũ phần: «Sự việc đã được Tăng xử đoán như pháp.» [372] Tăng kỳ thêm: «… nói rằng, yết-ma này bất thành. Hãy tác pháp lại với nhân duyên như vậy, không khác…» [373] Xem Ch. viii. Diệt tránh. [374] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 66; Tăng kỳ 19: 72; Thập tụng 16, Căn bản 41: 71. Pali, Pāc. 66. [375] Ngũ phần (T22n1421, tr.63b22): biên giới hai nước không an ninh, tỳ-kheo tháp tùng bọn cướp để được bảo vệ. Tăng kỳ (T22n1425, tr.384a01): tỳ-kheo tháp tùng bọn cướp để không lạc đường. [376] Đoạn trên nói «số đông các tỳ-kheo.» [377] Nhất thôn gian 一村間. Ngũ phần: «từ tụ lạc này đến tụ lạc kia…» [378] Thập tụng (T23n1435, tr.116b04): một câu-lô-xá. [379] Ngũ phần: ba-dật-đề 48; Tăng kỳ: 45; Thập tụng, Căn bản: 55. Pali, Pāc. 68. [380] A-lê-tra 阿梨吒. Căn bản 39: Vô Tướng 無相. Pali: Ariṭṭha, Vin. iv. 133; M.i. 130; S.v. 314. [381] Cf. Trung A-hàm 54, kinh 200 «A-lê-tra», (T1, tr.763b). M. i. 130-2. Ngũ phần: «Pháp chướng đạo mà Phật nói, thật sự không chướng ngại đạo.» [382] Hán: sào quật (= khốt) 巢窟; Pali: ālaya (= a-lại-da) xem đoạn sau, quyển 32 (T22n1428, tr.787a03), «Thọ giới kiền độ.» [383] Ha gián yết ma 呵諫. Xem thêm điều 69 dưới: can gián không bỏ, Tăng tác cử yết-ma. Thập tụng 15 (T23n1435, tr.106a20): tăng tác yết-ma ước sắc 約敕. Nếu vẫn không bỏ, tác tẩn yết-ma pháp 擯羯磨法. Căn bản 39 (T23n1442, tr.840b25, T23n1442, tr.840c26): yết-ma can gián (biệt gián sự 事別諫) mà không bỏ, tăng tác yết-ma xả trí 捨置羯磨. Tăng kỳ 18 (T22n1425, tr.367b13): tác cử yết-ma 作舉羯磨. Vin.ii. 25: ukkhepaniya-kamma, yết-ma xả trí. [384] Trong bản có thể nhảy sót. [385] Xem cht. 385 trên. [386] Ngũ phần: ba-dật-đề 49; Tăng kỳ: 46; Thập tụng, Căn bản: 56. Pali, Pāc. 69. [387] Yết-ma «ác kiến bất xả 惡見不捨.» Xem cht. 385 điều 68 trên. Pali, Vin.ii. 28: pāpikāya diṭṭhiyā appaṭinissagge ukkhepanīyakammaṃ. [388] Diễn tiến tác pháp: tác cử 作舉, nêu tội danh; tác ức niệm 作憶念, khiến cho tự thú nhận; dữ tội 與罪, phán quyết có tội. Pali: codetvā...sāretvā āpattiṃ āropetabbo. [389] Ngũ phần: «không như pháp hối.» Tăng kỳ: «đã bị tăng tác cử yết-ma mà chưa như pháp giải.» [390] Căn bản: «Chư tuỳ thuận pháp không bỏ ác kiến.» [391] Ngũ phần: ba-dật-đê 50; Tăng kỳ: 57; Thập tụng, Căn bản: 57. Pali, Pāc. 70. [392] Yết-na 羯那; và Ma-hầu-ca 摩睺迦. Căn bản: hai sa-di tên Lợi Thích 利刺 và Trường Đại 長大. Tăng kỳ: đệ tử của A-lê-tra là sa-di Pháp Dữ 法與. Thập tụng, có (một) sa-di tên Ma-ca 摩伽. Pali: sa-di Kaṇḍaka. [393] Ngũ phần, và các bộ: Tăng khuyên dạy ba lần cho bỏ; không có văn yết-ma ha gián. [394] Ác kiến bất xả diệt tẫn yết ma 惡見不捨滅擯羯磨. Pali, Vin.iv. 138: Tăng đuổi Sa-di Kaṇḍaka, saṅgho kaṇṭakaṃ samaṇuddesaṃ nāsetu, không có văn yết ma. [395] Bản Hán, hết quyển 17. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích LXXI. KHÔNG CHỊU HỌC GIỚI[396] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la tại nước Câu-thiểm-tỳ. Lúc ấy, tỳ-kheo Xiển-đà[397] được các tỳ-kheo khác như pháp can gián, mà lại nói: «Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, thầy lại nói rằng, ‹Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo Xiển-đà, tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, ông lại nói, ‹Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.›?» Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào,[398] khi được các tỳ-kheo khác như pháp can gián lại nói như vầy: ‹Tôi nay không học giới này, tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã›, ba-dật-đề. Nếu vì muốn biết hay vì muốn học thì mới nên nạn vấn. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Như pháp: là như pháp, như luật, như lời Phật dạy. Tỳ-kheo kia như pháp can gián tỳ-kheo này, tỳ-kheo này nói: «Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác.» Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tỳ-kheo can gián kia ngu si, không hiểu rõ; tỳ-kheo này nên nói: «Thầy trở về hỏi Hòa thượng, A-xà-lê của thầy đã. Thầy phải học hỏi thêm, tụng kinh thêm.» Hoặc là sự thật đúng như vậy. Hoặc nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXII. KHINH CHÊ HỌC GIỚI [399] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni.[400] Nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng: «Các tỳ-kheo này tập họp một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni. Các tỳ-kheo kia tụng luật thông suốt, tất sẽ thường xuyên cử tội ta. Nay, ta nên đến nơi chỗ các tỳ-kheo kia nói rằng, ‹Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt[401] này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.›» Rồi Lục quần bèn đến nói với tỳ-kheo kia rằng: «Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.» Các tỳ-kheo quan sát liền biết, nhóm sáu tỳ-kheo này muốn diệt pháp nên nói như vậy. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao, các thầy muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao, các ngươi muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười [686a1] cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới,[402] nói như vầy: ‹Đại đức, thuyết những giới vụn vặt như vậy để làm gì? Khi nói các giới ấy, khiến cho người sanh ra hoài nghi, phiền muộn xấu hổ;› vì khinh chê giới, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia, khi tự mình nói giới hay người khác nói giới, hoặc khi tụng giới mà nói như vầy: «Trưởng lão, tụng những giới vụn vặt này để làm gì? Nếu muốn tụng nên tụng bốn việc; nếu quyết tụng nữa thì chỉ nên tụng bốn việc và mười ba việc. Tại sao vậy? Vì khi tụng các giới này thì khiến cho người sanh lòng hoài nghi, phiền não xấu hổ.» Nói như vậy mà rõ ràng, thì phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Chê bai tỳ-ni ba-dật-đề. Chê bai A-tỳ-đàm, đột-kiết-la, chê bai các thứ khế kinh khác, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu nói trước tụng A-tỳ-đàm, sau đó mới tụng luật, trước tụng các khế kinh, sau mới tụng luật. Hoặc có bệnh, đợi cho lành, sau đó mới tụng luật. Đối trong Phật pháp phải cần cầu phương tiện, đắc bốn quả A-la-hán, sau đó sẽ tụng luật. Nói lời nói cố tâm không cho chánh pháp bị tiêu diệt, hoặc nói vui giỡn, hoặc nói gấp vội, nói trong mộng, nói một mình, muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. LXXIII. VÔ TRI HỌC GIỚI [403] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xá-vệ. Có một tỳ-kheo trong nhóm lục quần, khi đang nghe giới, phạm tội và tự biết mình phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu lên, bèn đến trước vị thanh tịnh tỳ-kheo nói: «Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.» Các tỳ-kheo xét biết, đây là khi đang thuyết giới nhóm sáu tỳ-kheo phạm tội, tự mình biết rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: «Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao, các thầy, khi đang thuyết giới, phạm tội, tự mình biểt rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: ‹Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao khi nói giới, tự biết có phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: ‹Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.›?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới, nói như vầy: ‹Nay tôi mới biết, pháp này ghi trong giới kinh mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ trong giới kinh.› Các tỳ-kheo khác biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà nhiều lần có ngồi trong chỗ thuyết giới. Tỳ-kheo kia, không phải do vì không rõ.[404] Nếu có phạm tội thì nên xử trị như pháp, lại chồng thêm tội vô tri,[405]bảo rằng: ‹Trưởng lão, thật không ích lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không dụng tâm suy nghĩ, không một lòng nhiếp niệm để nghe pháp. Vị kia, là kẻ vô tri,[406] ba-dật-đề.[407] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia: Khi chính mình thuyết giới, hay người khác thuyết giới, hoặc khi tụng giới, nói như vầy: «Này, trưởng lão! Nay tôi mới biết pháp này có ghi trong giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần xuất từ trong giới kinh.› Các tỳ-kheo biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà là nhiều lần dự Bố-tát. Tỳ-kheo kia không phải do vì không biết rõ, mà tuỳ theo chỗ phạm tội mà xử trị như pháp, lại tăng thêm tội vô tri, rằng,[408] «Trưởng lão! Thật không lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không khéo dụng ý tư duy, không một lòng nghe pháp.» Vì vô tri cho nên bị tác pháp chồng thêm, ba-dật-đề. Nếu không tác pháp, tỳ-kheo đó phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Vị ấy chưa từng nghe nói giới, nay mới nghe; hoặc chưa từng nghe nói rộng, nay mới nghe; hoặc nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng; muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. bức bách LXXIV. PHỦ NHẬN YẾT-MA [409] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Lúc ấy, tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ. Một hôm, có người dâng cho chúng Tăng một chiếc y quý giá. Chúng Tăng cùng bảo nhau rằng, «Tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ. Chúng ta nên đem y này trao cho tôn giả.» Rồi chúng Tăng, sau khi tác bạch nhị Yết-ma, đem y trao cho Tôn giả. Trong lúc bạch yết-ma, nhóm sáu tỳ-kheo cũng có mặt trong chúng. Khi trao y cho tôn giả rồi, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói: «Các tỳ-kheo này, theo chỗ quen thân của mình, mà lấy y của chúng đem cho.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Sao, các thầy cùng có mặt trong chúng khi tác yết-ma trao y cho vị kia; sau lại nói, ‹Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng tăng đem cho.›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cùng tập hợp một chỗ tác bạch yết-ma đem y trao cho vị kia. Sau khi y đã được trao, các ông lại nói, ‹Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng tăng đem cho.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm [687a1] mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, sau khi cùng chung yết-ma rồi, lại nói như vầy: ‹Các tỳ-kheo theo chỗ thân hậu mà lấy vật của chúng Tăng đem cho,› ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thân hậu: đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê; cùng ăn, ở, chuyện trò, gần gũi với nhau. Vật của Tăng: như trên đã nói. Vật: Y, bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, cho đến đồ uống nước. Tỳ-kheo kia, trước cùng chúng Tăng yết-ma rồi, sau hối hận, nói: «Các tỳ-kheo, theo chỗ thân hậu, lấy y vật của Tăng cho người thân hậu của mình.» Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: sự việc thật như vầy: lấy vật của Tăng đem cho người quen biết của mình, thì nói mà không phạm. Hoặc là nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXV. KHÔNG DỮ DỤC [410] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ cùng nhau luận bàn pháp Tì-ni. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói với nhau rằng: «Hãy xem các tỳ-kheo này cùng nhau tập hợp lại một chỗ, hình như muốn vì chúng ta tác yết-ma.» Tức thì, nhóm sáu người liền đứng dậy bỏ ra đi. Các tỳ-kheo nói rằng: «Các Thầy ở lại, chớ nên đi. Chúng Tăng hữu sự, mà lại cố ý bỏ đi, không chịu ở lại.» Trong số các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Chúng Tăng đang tập hợp, muốn luận pháp sự. Sao các thầy lại đứng dậy bỏ đi?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, chúng Tăng tập hợp muốn luận pháp sự, các ông lại đứng dậy bỏ đi?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần xong, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, đứng dậy bỏ đi, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo, hoặc có vị bận việc của Tăng, hoặc bận việc của tháp, hoặc bận việc chăm sóc tỳ-kheo bệnh, nghi. Đức Phật dạy: «Từ nay cho phép dữ dục.» Từ nay nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, khi tăng đoán sự chưa xong, không dữ dục mà bỏ đi,[411] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tăng: cùng một thuyết giới, cùng một yết-ma. Sự: có mười tám sự phá Tăng: Pháp, phi pháp… cho đến thuyết, phi thuyết.[412] Nếu tỳ-kheo đoán sự chưa xong mà bỏ đứng dậy đi ra, chân bước ra khỏi cửa, ba-dật-đề; một chân ngoài cửa, một chân trong cửa, phương tiện muốn đi mà không đi; hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có bận việc Tăng, việc tháp, việc chùa chăm sóc người bệnh, dữ dục thì không phạm. Hoặc bị câm không nói dữ dục[413] được. Hoặc yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni. Hoặc đang phương tiện tác yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi, liên hệ sự việc Tăng, sự việc chùa Tháp; nhắm đến Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu; [414] các trường hợp như vậy, không dữ dục mà bỏ đi, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXVI. DỮ DỤC RỒI HỐI[415] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, trong nhóm sáu tỳ-kheo có sự vi phạm, sợ chúng Tăng cử tội, nên sáu người cứ đi chung với nhau. Trong giờ đại thực, tiểu thực, khi chúng Tăng tập hợp thuyết pháp, hoặc lúc nói giới, sáu người không xa rời nhau, khiến cho các tỳ-kheo không do đâu để tác pháp yết-ma được. Sau đó một thời gian, vào lúc nhóm sáu tỳ-kheo may y. Các tỳ-kheo cùng bảo nhau, «Nhóm sáu tỳ-kheo hiện đang ở đây may y. Nếu cần tác pháp yết-ma thì nay chính là lúc.» Các tỳ-kheo liền sai một vị đến kêu: «Chúng Tăng hữu sự. Mời các thầy đến.» Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi: «Tăng có việc gì? Chúng tôi không thể ngưng việc may y để đến được.» Tăng trả lời: «Nếu các thầy không thể đến được, thì cử một hai vị mang dục đến.» Nhóm sáu tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo nhận dục mang đến. Chúng Tăng tác pháp yết-ma cho một tỳ-kheo này. Tác pháp yết-ma xong, tỳ-kheo ấy liền trở về chỗ nhóm sáu tỳ-kheo. Lục quần hỏi: «Chúng Tăng làm việc gì?» Tỳ-kheo này đáp: «Bất lợi cho bản thân tôi.» Lục quần hỏi: «Chuyện gì mà bất lợi cho bản thân thầy?» Vị ấy nói: «Chúng Tăng tác yết-ma nhắm đến tôi.» Nhóm sáu tỳ-kheo, trước đó dữ dục rồi, sau lại hối hận, nói: «Chúng Tăng tác yết-ma như vậy, chẳng phải là yết-ma. Yết-ma không thành. Chúng tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy dữ dục rồi, sau lại ăn năn nói: Chúng tôi dữ dục việc kia, chứ không dữ dục việc này?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông trước đã dữ dục sau lại ăn năn nói: Tôi dữ dục việc này chứ không dữ dục việc kia?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, dữ dục rồi, sau lại hối hận, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo dữ dục rồi sau ăn năn nói: «Các thầy tác yết-ma, phi yết-ma, yết-ma không thành. Tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này;» nói rõ ràng, ba-dật-đề; nói không rõ, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Sự thật là như vậy, phi yết-ma, yết-ma không thành cho nên nói như thế. Phi yết-ma không thành thì không phạm. Hoặc nói giỡn chơi, nói gấp vội nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này, nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXVII. NGHE LÉN ĐẤU TRANH[416] A. DUYÊN KHỞI [688a1] Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo rồi đem đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì khởi lên việc tranh cãi, đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy: «Vì nguyên nhân nào khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được?» Các tỳ-kheo quán sát, liền biết điều đó là do nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với người kia, cho nên như vậy. Các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các Thầy nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với ngươì kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi, thì không trừ diệt được?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem việc ấy đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có sự tranh cãi, khởi lên sự tranh cãi; đã có sự tranh cãi thì không trừ diệt được?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người ban đầu phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo chế giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, sau khi các tỳ-kheo cùng tranh cãi nhau, nghe[417] lời người này đem qua nói với người kia, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Đấu tranh: có bốn loại. Đó là ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh. Nghe: lén nghe người kia nói. Nếu tỳ-kheo nào đến nghe những lời tranh cãi của tỳ-kheo khác, từ đường này đến đường kia; từ đạo đến phi đạo; từ phi đạo đến đạo; từ cao đến thấp, từ thấp đến cao, đến mà có nghe, phạm ba-dật-đề, không nghe phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người nói chuyện ở chỗ tối; nên búng ngón tay hay tằng hắng để cảnh giác họ, không làm vậy thì phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người ở chỗ kín nói, cũng phải khảy móng tay hay tằng hắng, không làm như vậy thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu hai người nói chuyện với nhau ở chỗ tối tằng hắng hay búng ngón tay, hoặc hai người ở chỗ kín nói chuyện, búng ngón tay, tằng hắng. Trên đường đi, hai người đi trước cùng nói chuyện, mình từ sau đi đến, tằng hắng, búng ngón tay. Hoặc muốn tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni, các yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi liên hệ chúng Tăng, liên hệ tháp, liên hệ Hòa thượng, đồng Hòa thượng hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức. Đối với các yết-ma như vậy, muốn được biết nên đến nghe thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXVIII. SÂN ĐÁNH TỲ-KHEO [418] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong nhóm sáu tỳ-kheo có một vị vì sân nhuế đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo. Người bị đánh lớn giọng kêu rằng: «Thôi, thôi, đừng đánh tôi!» Lúc ấy tỳ-kheo ở phòng gần nghe hỏi rằng: «Chuyện gì mà la to thế?» Tỳ-kheo bị đánh nói: «Vừa rồi tôi bị tỳ-kheo kia đánh.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách người nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại sân nhuế đánh đập (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo. «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vì nóng giận, không hoan hỉ, đánh tỳ-kheo, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Đánh: hoặc dùng tay, đá hay gậy. Tỳ-kheo dùng tay, đá hay gậy đánh tỳ-kheo, tất cả đều phạm ba-dật-đề.[419] Ngoài cây, tay, đá ra, dùng các thứ khác như chìa khóa cửa, móc câu, cán phủ phất, cán thủ lư, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc có bệnh cần đấm bóp; hoặc ăn bị nghẹn cần vuốt cho xuống; hoặc nói không nghe cần đụng vào người, khiến cho họ nghe; hoặc lúc ngủ mà đụng phải; hoặc khi đi kinh hành tới lui mà đụng nhau; hoặc khi quét đất, đầu cán chổi dài đụng nhầm phải; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXIX. NHÁ ĐÁNH TỲ-KHEO[420] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo dùng tay tát nhóm mười bảy tỳ-kheo. Vị bị tát,[421] lớn tiếng la rằng: «Thôi, thôi đừng làm vậy!» Tỳ-kheo ở phòng gần nghe, liền hỏi: «Vì sao kêu la lớn tiếng như thế?» Nhóm mười bảy nói: «Tỳ-kheo này khoa tay đánh tôi, nên tôi phải la lớn.» Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách vị nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Tại sao thầy khoa tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông dùng tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vì giận hờn không vui, dùng tay (nhá) đánh[422] tỳ-kheo, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tay: chỉ cho hai bàn tay. Tỳ-kheo kia vì giận hờn lấy tay đánh tỳ-kheo khác ba-dật-đề. Trừ tay ra, nếu dùng then cửa, phất trần, thủ hương, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Người khác muốn đánh, đưa tay chận lại. Hoặc voi đến, giặc cướp đến, ác thú đến, kẻ cầm gai nhọn [689a1] đến, lấy tay ngăn chận lại thì không phạm. Hoặc muốn qua sông; hoặc muốn vượt qua chỗ bùn lầy, nước đọng, gần nhau đưa tay ngoắt tỳ-kheo khác đến, chạm trúng họ thì không phạm. Hoặc người kia không nghe, mình dùng tay ra hiệu khiến cho họ nghe; hoặc khi ngủ; hoặc khi tới lui qua lại, hay quét đất; hoặc quơ cây gậy đụng nhầm, chớ không cố ý làm, tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXX. VU KHỐNG TĂNG TÀN. [423] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xa Vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ.[424] Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Tại sao các thầy vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vì giận hờn lại dùng tăng-già-bà-thi-sa vô căn cứ để hủy báng nhóm 17 Tỳ-kheo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống (tỳ-kheo khác) bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Căn cứ : có ba: chứng cứ do thấy, do nghe, do nghi. - Chứng cứ do thấy: thật thấy vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc thấy cùng phụ nữ thân xúc chạm nhau, hoặc thấy cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc thấy đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc thấy khi đang cùng nhau làm môi giá. Hoặc là người khác thấy, rồi nghe từ người đó. Đó gọi là chứng cứ do thấy. - Chứng cứ do nghe: nghe vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc cùng phụ nữ thân gần gũi nhau, hoặc nghe cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc nghe đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc nghe cùng nhau môi giá. Hoặc là người khác nghe, từ người đó mà nghe. Đó gọi là chứng cứ do nghe. - Chứng cứ do nghe nghi: có hai nhân duyên sanh nghi: Do thấy sanh nghi, và do nghe sanh nghi. * Thế nào là thấy sanh nghi? Thấy người kia cùng người phụ nữ, khi từ trong rừng đi ra, hay khi vào trong rừng, hoặc trần truồng không có y, đồ bất tịnh tiết ra nhớp thân; hoặc thấy cùng ác tri thức hành sự, hoặc cùng vui đùa. Đó gọi là do thấy sanh nghi. * Thế nào là nghe sanh nghi? Hoặc nghe nơi chỗ đó, nghe tiếng động nơi giường, nghe tiếng nệm cỏ, nghe tiếng thở mạnh, nghe tiếng nói, nghe tiếng giao hội; hoặc nghe người kia tự nói: «Tôi phạm xuất tinh. Tôi cùng người nữ thân chạm nhau. Tôi cùng người nữ nói lời thô ác. Tôi đối trước người nữ tự khen thân mình. Tôi làm mai môi nam nữ.» Trong khi nghe những việc như vậy mà sanh nghi. Ngoài ba căn ra, dùng các việc khác vu khống. Đó gọi là không căn cứ. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có thấy, có nghe, có nghi, nói đúng sự thật, muốn khiến cho người kia ăn năn mà không vu khống; hoặc nói vui, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXI. THÂM NHẬP VƯƠNG CUNG. [425] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, trong thành Xá-vệ có một bà-la-môn thuộc dòng họ lớn, tên là Da-nhã-đạt,[426] có nhiều của cải quý báu, sanh nghiệp không lường, ruộng đất, gạo lúa không thể kể xiết, vàng bạc, xa cừ, mã não chơn châu, hổ phách thủy tinh, lưu ly, voi ngựa, tôi tớ, kho tàng đầy đủ dư dật; oai tướng đầy đủ. Da-nhã-đạt có một tớ gái tên là Hoàng Đầu ,[427] thường trông coi vườn Mạt-lợi.[428] Đứa tớ gái kia thường ưu sầu nói: «Đến khi nào ta mới thoát khỏi kiếp sống tôi tớ?» Một sớm mai nọ, đứa tớ gái kia nhận phần cơm khô của mình, mang vào trong vườn. Vào lúc đó, giờ khất thực đã đến, đức Thế tôn mặc y bưng bát vào thành khất thực. Người tớ gái Hoàng Đầu từ xa trông thấy đức Như Lai, tâm tự nghĩ rằng: «Nay ta nên đem phần cơm khô này dâng cúng cho Sa-môn kia, may ra, ta có thể thoát khỏi kiếp tôi đòi.» Nghĩ xong, Hoàng Đầu liền đem phần cơm dâng cúng đức Như Lai. Đức Thế tôn dũ lòng thương nhận sự cúng dường rồi trở về tịnh xá. Người tớ gái Hoàng Đầu tiếp tục trên đường đến vườn Mạt-lợi. Lúc bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc, điểm bốn binh chủng du ngoạn săn bắn. Đoàn tùy tùng phân tán ra đuổi theo bầy hươu. Lúc này thời tiết đang nóng bức, nhà Vua mệt mỏi. Từ xa Vua trông thấy vườn Mạt-lợi gần đó, liền cho lệnh quay xe đến. Để xe bên ngoài, nhà Vua đi bộ vào trong vườn. Bấy giờ, Hoàng Đầu từ xa thấy Vua Ba-tư-nặc đến, liền khởi sanh ý nghĩ: «Người đang tiến đến với dáng bộ cử chỉ, chẳng phải là người thường.» Liền tiến đến trước mặt để nghinh đón, với lời kính cẩn chào hỏi: «Chào Đại nhơn mới đến! Mời ngài đến ngồi trên chỗ ngồi này.» Hoàng Đầu liền cởi áo trải ra, mời nhà Vua ngồi. Hoàng Đầu thưa hỏi: «Ngài cần nước rửa chân hay không?» Nhà Vua nói: «Cần.» Hoàng Đầu liền lấy lá sen múc nước đem đến cho nhà Vua. Nhà Vua tự dùng nước rửa. Hoàng Đầu chà, kỳ chân cho nhà Vua và thưa: «Ngài có cần nước để rửa mặt không?» Nhà Vua nói: «Cần.» Hoàng Đầu lại lấy lá sen múc đầy nước đem đến để nhà Vua rửa mặt. Hoàng Đầu thưa tiếp: «Ngài cần nước để uống hay không?» Nha Vua nói: «Muốn uống.» Hoàng Đầu liền đến nơi ao; rửa tay sạch sẽ, rồi lấy lá sen tốt, múc đầy nước đem đến cho nhà Vua uống. Hoàng Đầu lại thưa Vua rằng: «Không biết, Ngài có cần nghỉ một chút hay không?» Nhà Vua nói: «Cần yên nghỉ một chút.» Hoàng Đầu lại liền cởi một chiếc áo trải ra, mời Vua nằm nghỉ. Khi nhà Vua nằm xong, Hoàng Đầu đến một bên quỳ thẳng gối xoa bóp cơ thể để giải tỏa mỏi mệt cho nhà Vua. Thân của Hoàng Đầu mềm mại dịu dàng như thân của thiên nữ. Khi nhà Vua được xoa bóp êm dịu, khởi ý nghĩ: «Chưa từng có một người nữ nào thông minh như thế này. Ta không bảo mà làm tất cả việc theo ý muốn của ta.» Nhà Vua liền hỏi: «Người là con gái nhà ai?» Hoàng Đầu trả lời: «Tôi là người ở của gia đình Da-nhã-đạt. Chủ tôi sai tôi giữ vườn Mạt-lợi này.» Trong khi nhà Vua hỏi Hoàng Đầu như vậy thì Đại thần của Vua Ba-tư-nặc tìm theo dấu vết của xe, đến nơi vườn Mạt-lợi, quỳ lạy dưới chân Vua xong, đứng qua một bên. Nhà Vua ra lệnh cho một người: «Người hãy đến kêu Bà-la-môn Da-nhã-đạt đến chỗ Vua.» Người nhận lệnh nhà Vua liền đến kêu bà-la-môn. Bà-la-môn đến quỳ lạy dưới chân nhà Vua xong, đứng qua một bên. Nhà Vua hỏi: «Người nữ này là tôi tớ của ngươi phải không?» Bà-la-môn trả lời: «Đúng như vậy.» Nhà Vua nói: «Nay ta muốn lấy người này làm vợ, ý ngươi thế nào?» Người bà-la-môn tâu: «Người này là tôi đòi, làm sao làm vợ của nhà Vua được?» Nhà Vua khẳng định: «Điều đó không can gì. Ngươi chỉ cho biết là phải trả giá bao nhiêu mà thôi.» Người bà-la-môn tâu: «Dù là giá đáng trăm ngàn lượng vàng; tôi đâu dám nhận. Tôi xin dâng hiến lên Đại vương.» Nhà Vua nói: «Không thể được. Nay ta lấy làm vợ, tại sao lại không tính giá?» [690a1] Nhà Vua liền ra lệnh xuất trăm ngàn lượng vàng giao cho người bà-la-môn. Giao xong, nhà Vua liền sai người về cung, lấy các thứ anh lạc, áo xiêm đồ phục sức. Sau khi tắm gội, trang điểm thân mình, rồi ngồi chung xe với Vua trở về cung, cùng với các Đại thần hộ vệ tháp tùng. Bấy giờ, Hoàng Đầu mới nghĩ: «Người này không phải là ai khác mà chính là Vua Ba-tư-nặc.» Hoàng Đầu được đưa vào ở trong cung, tập học các thứ kỹ thuật thơ toán, in, họa các thứ hình tượng, ca vũ hý nhạc, không bộ môn nào không biết. Vì từ trong vườn Mạt-lợi đem về, nên bà được đặt tên Mạt-lợi phu nhân. Cho đến khi tuổi lớn, Vua càng ái kính. Sau đó một thời gian, trong số năm trăm người nữ, Mạt-lợi được nhà Vua lập làm Đệ nhất Phu nhân. Khi ở trên điện cao, Mạt-lợi Phu nhân tự nghĩ rằng: «Do nhơn duyên nghiệp báo gì mà ta được thoát khỏi kiếp tôi đòi, nay được sống khoái lạc thế này?» Rồi nghĩ tiếp: «Phải chăng, do trước đây ta đã dùng phần ăn của ta là cơm khô trộn với mật, dâng cúng sa-môn; vì nhơn duyên ấy mà nay ta được thoát khỏi thân tôi đòi, thọ sự khoái lạc thế này?» Mạt-lợi phu nhân liền hỏi người hầu cận: «Trong thành Xá-vệ có sa-môn hình mạo như vậy chăng?» Người hầu cận thưa: «Có. Đó chính là đức Như Lai Vô sở trước, Chí chơn Đẳng chánh giác.» Phu nhân nghe rồi, lấy làm hoan hỷ, liền muốn đến chỗ đức Phật, nên đến thưa với Vua Ba-tư-nặc: «Tâu đại vương! Tôi muốn đến yết kiến và lễ bái thăm hỏi đức Phật.» Nhà Vua nói: «Nên biết là đúng thời.» Mạt-lợi phu nhân liền sửa soạn xe ngựa đến năm trăm chiếc, cùng năm trăm thể nữ thị tùng, ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến tịnh xá Kỳ-hoàn. Đến nơi, Mạt-lợi xuống xe, đi bộ vào. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịnh định, thành tựu vô thượng điều phục, như voi chúa đã được điều phục, như hố thẳm trong lặng, thanh tịnh không nhớp. Phu nhân thấy vậy liền sanh hoan hỷ, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: «Do nhân duyên nào, thọ thân người nữ, nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải thiếu thốn, không có oai lực? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, không có oai lực lớn? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, có oai lực lớn? Do nhơn duyên nào, nhan sắc xinh đẹp, người thấy hoan hỷ, của cải không thiếu, có oai lực lớn?» Bấy giờ, đức Thế tôn mới giảng cho Mạt-lợi phu nhân nghe: «Hoặc có người nữ, lòng nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây não hại cho người. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Cũng không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả bần cùng, mỗi khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc. Tất cả đều không bố thí. Thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, này Mạt-lợi nữ nhơn, do nhiều sân nhuế nên tướng mạo xấu xí, người thấy không ưa. Do không bố thí nên của cải thiếu thốn. Do thấy người được lợi dưỡng sanh tâm tật đố, nên không có oai lực. «Này Mạt-lợi Phu nhơn! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây phiền não. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Nhưng hay bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả, bần cùng, mỗi khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ đều cung cấp cho họ. Nhưng thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, người nữ đó, do nhiều sân nhuế mà tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu; và do tâm tật đố nên không có oai lực. «Này Mạt-lợi Phu nhơn! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít hiện sân nhuế nhiều, nói nhiều cũng hiện sân nhuế nhiều, mà hay bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô đơn, bần cùng, khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực, hoa hương anh lạc, cho đến phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc, đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng, tâm không sanh tật đố. Cho nên, người nữ này, do sân nhuế nên tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu, và do thấy người được tài lợi không sanh tật đố nên có oai lực lớn. «Này Mạt-lợi! Người nữ mà không có sân nhuế, không gây não hại chi người; nói ít, nói nhiều cũng không hiện sân nhuế; hay bố thí Sa-môn, Bà-la-môn, người cô quả, già nua, bần cùng, khi họ đến xin voi ngựa xe cộ, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng không sanh tật đố. Này, Mạt-lợi nữa nhơn! Vì không sân nhuế nên nhan sắc đoan chánh, vì bố thí nên của cải không thiếu và vì không tật đố nên có oai lực lớn. «Này Mạt-lợi! Do những nhơn duyên này cho nên người nữ tướng mạo xấu xí, của cải thiếu thốn, không có oai lực. Do những nhơn duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, mà lại không có oai lực. Do những nhơn duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, có oai lực lớn. Do nhơn duyên này, người nữ tướng mạo đoan chánh, của cải không thiếu, có oai lực lớn.» Lúc bấy giờ, Mạt-lợi phu nhơn, lại bạch đức Phật: «Kính bạch Đại đức! Đời trước con nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít mà hiện nhiều sân nhuế, nói nhiều cũng hiện nhiều sân nhuế. Tại sao vậy? Vì đời này, con thọ thân hình xấu xí, người không ưa thích. Nhờ vậy cho nên biết được. «Bạch Đại đức! Đời trước con hay làm việc bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô đơn bần cùng. Khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc, đều cung cấp cho họ, cho nên ngày nay của cải không thiếu. «Bạch Đại Đức! Đời trước con thấy người khác được lợi dưỡng, không sanh tâm tật đố, cho nên ngày nay có oai lực lớn. Trong cung của Vua Ba-tư-nặc có năm trăm người nữ, đều là dòng họ Sát-lợi, mà con là người được tôn quý tự tại trong đó. «Kính bạch Đại đức! Từ nay về sau, con không sân nhuế, không gây não hại cho người, không dựa vào nói ít nói nhiều mà hiện sân nhuế; thường bố thí Sa-môn, Bà-la-môn, người già cô quả bần cùng; khi họ đến cầu xin y phục, voi ngựa, xe cộ, cho đến đèn đuốc, con đều cung cấp cho họ. Nếu thấy người được lợi dưỡng thì tâm con không sanh tật đố. «Kính bạch đức Thế tôn! Từ nay về sau, trọn đời con nguyện quy y Phật Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư. Từ nay về sau, con nguyện thọ trì không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì Mạt-lợi phu nhân dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Những pháp ấy là bố thí, trì giới, và sanh thiên. Nói dục là tội lỗi, dục là bất tịnh, là hữu lậu ô nhiễm, là trói buộc. Khen ngợi sự ích lợi của xuất ly, giải thoát. Mạt-lợi liền từ nơi chỗ ngồi mà sạch hết các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt, thấy pháp, đắc pháp, được chứng quả. Rồi Phu nhơn lại bạch đức Phật: «Nay con, lần thứ hai, lần thứ ba, quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tư, từ nay về sau trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Mạt-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh kính lễ dưới chân đức Phật, nhiễu Phật ba vòng rồi cáo lui. Khi về đến cung, Mạt-lợi khuyến dụ Vua Ba-tư-nặc, khiến nhà Vua tin ưa Phật pháp. Sau khi Vua đã có tín tâm, Vua cho phép các tỳ-kheo ra vào trong cung, các, không trở ngại. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di, đến giờ, mặc y, bưng bát vào hoàng cung của Vua Ba-tư-nặc. Trong lúc ấy, nhà Vua và phu nhơn còn đang ngủ ngày. Phu nhơn từ xa thấy Ca-lưu-đà-di đến, liền đứng dậy mặc áo vào. Rồi lấy chiếc áo rất quý lau chỗ ngồi để mời Ca-lưu ngồi. Phu nhơn để tuột y, [691a1] rớt xuống đất, lộ hình, nên xấu hổ, ngồi xuống. Ca-lưu-đà-di thấy, xoay mình ra khỏi hoàng cung. Nhà Vua liền hỏi phu nhân: «Vừa rồi, tỳ-kheo thấy hình của khanh?» Phu nhân thưa với nhà Vua: «Tuy thấy, nhưng như anh chị em chứ không chi khác. Việc ấy không bận tâm.» Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di trở về lại trong Tăng-già-lam; rồi đem nói với tỳ-kheo: «Đệ nhất bảo của Vua Ba-tư-nặc, nay tôi được thấy rõ.» Tỳ-kheo hỏi: «Thầy được thấy bảo vật gì?» Ca-lưu-đà-di nói: «Tôi thấy Mạt-lợi phu nhân lộ hình. Tôi thấy tất cả!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao lại vào trong cung, đến chỗ ở của thể nữ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài cố hỏi Ca-lưu-đà-di: «Sự thật ông có vào trong vương cung, đến chỗ ở của thể nữ không?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Kính bạch đức Thế tôn, sự thật có như vậy.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện, quở trách Ca-lưu-đà-di: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông vào trong cung nội, chỗ ở của thể nữ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi nhà Vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi[429] chưa ra khỏi, bảo vật chưa được thu cất mà vào; nếu quá khỏi ngạch cửa cung, phạm ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi:[430] lấy nước trong bốn đại hải, lấy cái sừng bên hữu con bò trắng, thu thập tất cả hạt giống, đựng đầy bên trong, để trên chiếc xe của nhà Vua, khiến các Tiểu vương khiêng. Nhà Vua cùng Đệ nhất Phu nhân ngồi trên xe. Đại Bà-la-môn dùng nước rưới trên đảnh của Vua. Nếu là dòng Sát-lợi, khi làm phép rưới nước trên đầu tức là lập vương vị. Do vậy, gọi là Vua quán đảnh dòng Sát-lợi. Nếu là dòng bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà-la được làm phép lấy nước rưới lên đầu để lập vương vị, nhà Vua ấy cũng gọi là Vua quán đảnh dòng Sát-lợi. Chưa ra khỏi: tức là nhà Vua chưa ra khỏi, thể nữ chưa trở về chỗ cũ. Chưa giấu bảo vật: vàng bạc chơn châu, xa cừ mã não, thủy tinh lưu ly, bối ngọc.[431] Tất cả các vật báu anh lạc chưa đem cất. Tỳ-kheo nào, khi dòng Vua Sát-lợi quán đảnh, chưa ra khỏi, chưa cất của quý, mà vào ngạch cửa của vương cung, ba-dật-đề. Một chân ngoài, một chân trong, ý muốn đi, hoặc cùng hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Trừ dòng Vua Sát-lợi, nếu vào các nhà Túc tán tiểu vương,[432] trưởng giả hào quý, bước qua ngạch cửa đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nhà Vua đã ra khỏi, thể nữ về chỗ cũ; bảo vật, anh lạc đã cất; hoặc có việc cần đến tâu với nhà Vua; hoặc bị gọi đến, hoặc bị thế lực bắt đi; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXII. CẦM NẮM BẢO VẬT[433] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có cư sĩ đệ tử của ngoại đạo, ở nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé nghỉ một bên đường, bỏ quên một cái đãy, trong đó đựng một ngàn lượng vàng. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo cũng đi trên đường này, sau đó cũng dừng nghỉ bên đường, nơi chỗ người cư sĩ nghỉ. Các tỳ-kheo thấy chiếc đãy đựng vàng để nơi đất, cùng bảo nhau rằng: «Ta nên mang đi. Nếu có người chủ nào biết, sẽ trả lại cho họ.» Nói xong, liền mang đi theo. Người cư sĩ quên gói vàng kia đi chừng vài dặm, nhớ lại, liền gấp gáp đi trở lui. Các tỳ-kheo từ xa thấy, nói với nhau: «Người vội vàng đi ngược chiều đó chắc là người chủ vàng.» Khi đến, các tỳ-kheo hỏi: «Ông muốn đi đâu?» Người cư sĩ nói: «Các ông cứ đi. Chuyện gì phải hỏi việc của tôi?» Các tỳ-kheo nói: «Chúng tôi muốn ông khỏi phải phiền đến chỗ đó.» Người cư sĩ ngạc nhiên nói: «Tôi vừa nghỉ nơi chỗ đó, bỏ quên túi vàng, nên bây giờ trở lại để lấy.» Các tỳ-kheo liền lấy túi vàng đưa ra và hỏi: «Vật này không phải của ông à?» Người cư sĩ nói: «Chính là đãy của tôi đây. Mà sao vật đựng bên trong thiếu?» Các tỳ-kheo nói: «Thật sự chúng tôi chỉ lượm được cái gói như vậy mà thôi» Người cư sĩ liền đến nhà quan khiếu nại. Khi ấy, Vua Ba-tư-nặc đích thân ngồi ghế đoán sự. Nhà Vua cho mời các tỳ-kheo đến hỏi: «Này Đại đức! Việc này thế nào? Theo lời người kia nói như vậy có đúng hay không?» Các tỳ-kheo thưa với nhà Vua: «Chúng tôi chỉ lượm được cái túi như vậy thôi chứ không thấy gì khác.» Người cư sĩ nói: «Số vàng của tôi chừng ấy lượng.» Nhà Vua liền sai người mang đủ số vàng như người cư sĩ nói và bảo người ấy bỏ vào cái đãy đó, nhưng cái đãy lại chứa không hết. Nhà Vua liền nói với người cư sĩ: «Như vậy, đây không phải là vật của ngươi, ngươi đi tìm nơi khác.» Nhà Vua liền trị tội vu khống và tịch biên tài sản, tất cả số vàng đều nhập vào kho nhà quan. Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo: «Sao tự tay cầm lấy vàng bạc để khiến cho cư sĩ phải bị nhà quan trị tội, lại bị tịch biên tài sản, tất cả sự nghiệp đều vào kho nhà quan?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo ấy rằng: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông tự tay cầm vàng bạc, khiến cho nhà Vua trị phạt cư sĩ, tịch biên tài sản?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, hoặc vật báu, hoặc cầm đồ trang sức quý báu tự tay cầm nắm, hay sai người cầm nắm, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ trong thành Xá-vệ, theo pháp thường của thế tục, ngày lễ hội của phụ nữ, Tỳ-xá-khư Mẫu [434] tự trang điểm anh lạc, đi ngang qua tịnh xá Kỳ-hoàn. Lòng kính tin của bà phát khởi, bà nghĩ: «Ta cần gì đến nơi lễ hội của người nữ. Nay ta nên đến chỗ đức Thế tôn để lễ bái thăm hỏi Ngài.» Tỳ-xá-khư Mẫu liền quay trở lại, vào tịnh xá Kỳ-hoàn. Bà lại tự nghĩ: «Ta không nên mang những đồ trang sức bằng anh lạc này đến gặp đức Thế tôn. Nay ta nên cởi ra, sau đó mới đến lễ bái Ngài.» Bấy giờ, bà đem đến nơi gốc cây cởi y báu và chuổi anh lạc, gom lại thành một đống lớn. Rồi bà đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, và đứng qua một bên. Bấy giờ, đức Thế tôn phương tiện nói pháp, khai hóa hoan hỷ. Tỳ-xá-khư Mẫu nghe đức Như Lai nói pháp rồi sanh lòng hoan hỷ kính lễ dưới chân Phật, rồi nhiễu quanh [692a1] và cáo lui. Bấy giờ, tâm bà còn để nơi pháp, đi thẳng ra khỏi cửa Kỳ-hoàn, quên đến lấy những đồ trang sức y báu và chuỗi anh lạc. Về đến nhà, bà mới nhớ, bèn nghĩ: «Nếu ta sai người đến lấy, sợ không có thì có thể làm nhục các tỳ-kheo.» Do vậy bà không sai sứ đến lấy. Có một tỳ-kheo thấy Tỳ-xá-khư Mẫu khi vào Kỳ-hoàn thì đến nơi gốc cây, nhưng khi bà ra về thì không đến nơi chỗ đó. Vị tỳ-kheo kia liền đến chỗ gốc cây, thấy những đồ trang sức, chuỗi anh lạc, y báu tập trung một chỗ, tâm sanh nghi, không dám lấy, bèn nghĩ: «Đức Thế tôn chế giới: tỳ-kheo nào tự cầm nắm vật báu, hoặc đồ trang sức quý báu, hay bảo người khác cầm nắm, Ba-dật-đề.» Tỳ-kheo kia đến bạch Phật, đức Phật bảo: «Từ này về sau, cho phép trong Tăng-già-lam , thấy có vật bỏ quên, để khỏi mất, phải lấy cất.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, tự cầm nắm kim bảo, hoặc đồ trang sức quý báu,[435] hay bảo người cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé vào một thôn không có trú xứ, hỏi thăm rằng: «Nơi đây chỗ nào có phòng xá trống, có thể tạm nghỉ lại đêm?» Những người ở đó nói: «Nơi đây có nhà người thợ kim hoàn,[436] có phòng xá trống. Có thể đến đó nghỉ được.» Các tỳ-kheo đến nơi nhà thợ kim hoàn, nói rằng: «Chúng tôi muốn xin nghỉ nhờ một đêm, có được không?» Thợ kim hoàn trả lời: «Được.» Các tỳ-kheo vào nhà trải nệm cỏ an tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Hôm ấy, người thợ kim hoàn có những thứ vàng đã chế biến, có vàng chưa chế biến, có thứ đồ vàng mới chế biến một phần; có đồ bằng bạc đã chế biến, có thứ bạc chưa chế biến, có đồ bạc chế biến chưa thành, để trong nhà đó. Tối đó, các tỳ-kheo vì bảo vệ những thứ đó nên suốt đêm không ngủ, vì sợ kẻ trộm đến lấy. Sáng ngày, thợ kim hoàn đi vào nhà, hỏi thăm các tỳ-kheo: «Thưa quý Ngài, đêm qua, ngủ có được ngon giấc không?» Các tỳ-kheo trả lời: «Ngủ không được.» Ông thợ vàng liền hỏi: «Sao ngủ không được?» Các tỳ-kheo trả lời: «Ông để một số vật quý ở trong nhà. Chúng tôi suốt đêm lo giữ hộ nên không ngủ được.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch, đức Thế tôn bảo rằng: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, khi tạm nghỉ đêm nơi nhà người khác, trong nhà đó, nếu có vật quý, để khỏi mất, nên lấy cất.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, tự mình cầm lấy bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam, hay chỗ ký túc. Nếu trong tăng-già-lam, hoặc chỗ ký túc, mà tự mình cầm nắm bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vầy: ‹Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lại.› Chỉ với nhân duyên như vậy chứ không gì khác. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vật váu: vàng, bạc, chơn châu hỗ phách, xa cừ, mã não, lưu ly, bối ngọc sanh tượng. Trang sức, bằng bảo vật: Đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp; dùng các vật quí báu làm đồ trang sức. Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam, hoặc trong nhà, đối với những vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm hay bảo người khác cầm, nên phải biết tướng trạng của cái đãy, nên biết tướng trạng của mặt trong, nên biết tướng của cách cột, nên mở đãy ra xem, để biết bao nhiêu cái dính liền với nhau, bao nhiêu cái rời ra, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái cũ, bao nhiêu cái mới. Nếu có người tìm hỏi thì nên hỏi họ: Vật của ngươi giống như cái gì? Nếu họ nói đúng thì trả lời cho họ. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: «Tôi không thấy cái vật như vậy.» Nếu có hai người đều đến tìm hỏi thì nên hỏi: «Vật của ông hình trạng của nó như thế nào?» Nếu họ nói đúng thì nên trả lại. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: «Tôi không thấy vật như vậy.» Nếu cả hai người đều nói đúng thì đem vật ấy ra trước mặt họ và nói: «Đây là vật của các người. Lấy đi.» Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam hoặc trong nhà, đối với vật báu, hay đồ trang sức bằng vật báu tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm, hoặc không biết hình tướng của cái đãy, hình tướng của cái gói, hình tướng cách cột, thì phạm đột-kiết-la. Nếu không mở ra xem để biết bao nhiêu cái dính liền nhau, bao nhiêu cái không dính chùm với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ, thì tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu đến trong Tăng-già-lam, hoặc chỗ nghỉ đêm, đối với vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm; biết tướng của cái đãy, tướng của mặt trong, tướng của cách cột, mở gói ra xem, biết bao nhiêu cái dính liền với nhau bao nhiêu cái chưa dính liền với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ. Nếu hai người đều đến hỏi, thì nên hỏi: «Vật của người tình trạng thế nào?» Họ nói đúng trả lại. Nếu họ nói không đúng, nói với họ: «Tôi không thấy vật như vậy.» Nếu hai người đều nói đúng, đem vật ấy ra trước họ, nói: «Vật của các người đó. Lấy đi.» Nếu đó là các phẩm vật trang nghiêm cúng dường tháp, chùa, để giữ lâu bền, nên thu cất. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [437]
Chú thích: [396] Ngũ phần: ba-dật-đề 63; Tăng kỳ, Thâp tụng, Căn bản: 75; Pali, Pāc. 71. [397] Xem Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 12. Ngũ phần, nguyên nhân, Nhóm sáu tỳ-kheo. [398] Ngũ phần: «Tỳ-kheo thường xuyên phạm tội…» Thập tụng: «Tỳ-kheo, khi thuyết giới, nói rằng…» [399] Các bộ: ba-dật-đề 10. Pali, Pāc. 72. [400] Thập tụng, Căn bản: Tỳ-kheo tụng giới bố tát mỗi nửa tháng. Lục quần chống việc các tiểu giới. [401] Tạp toái giới 雜碎戒. Pali: khuddānukhuddaka sikkhāpada. Cf. Cullavagga, Vin. ii. 287: tại kết tập, Tăng thảo luận các giới nhỏ mà Phật cho phép bỏ. Hoặc cho rằng, trừ bốn ba-la-di, còn lại là giới nhỏ. Hoặc duy chỉ 92 ba-dật-đề là giới nhỏ. Xem Tứ phần 54, đoạn sau, về kết tập lần thứ nhất, (T22, tr.967b). [402] Tăng kỳ: «khi tụng ba-la-đề-mộc-xoa mỗi nửa tháng mà nói như vầy…» Ngũ phần: không có chi tiết «thuyết giới.» Pali: uddissamāne, trong khi đang thuyết giới; sớ giải, VA. 876: ācariyena antevāsikassa uddissamāne, «trong khi thầy đang thuyết cho đệ tử.» [403] Ngũ phần: Ba-dật-đề 64; Tăng kỳ: 92; Thập tụng, Căn bản: 93. [404] Vô như vô giải 無如無解. Ngũ phần: bất dĩ bất tri cố đắc thoát 不以不知故得脫: «tỳ-kheo ấy không phải do vì không biết mà thoát khỏi tội.» Các bộ cũng đồng. Pali: na ca tassa bhikkhuno aññakena mutti atthi, nghĩa như các bản Hán. [405] Tăng kỳ: «cần khiển trách rằng…» Nghĩa là, cần tác yết-ma ha trách. [406] Pali: idaṃ tasmiṃ mohanake pācittiyaṃ, «đây là ba-dật-đề, vì có sự vô tri ấy.» Nghĩa là, do có yết-ma vô tri. Xem cht. trên. Skt. āyuṣman tatra kaukṛtyāt pāyantikā, «Trưởng lão, trong đây, vì có sự hối quá, phạm ba-dật-đề.» Tức sau khi có yết-ma hối quá. [407] Tăng kỳ: «Tỳ-kheo…, sau khi bị khiển trách, ba-dật-đề.» [408] Trùng tăng vô tri tội 重增無知罪; các tỳ-kheo tác pháp yết-ma vô tri để khiển trách lỗi không chú tâm nghe thuyết giới. Bản Skt. uttaraṃ ca kaukṛtyam āropayitavyaṃ, «thêm nữa, cần phải bắt hối quá.» Pali: uttariñc’ assa moho āropetabbo, «thêm nữa, cần phải áp đặt sự vô tri cho tỳ-kheo ấy.» Luật Pali, yết-ma bạch nhị, khiển trách sự vô tri. Nếu không có yết-ma vô tri, người ấy chỉ phạm đột-kiết-la. [409] Ngũ phần: ba-dật-đề 80; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: 9. Pali, Pāc.81. [410] Ngũ phần: ba-dật-đề 53; Tăng kỳ: 79; Thập tụng, Căn bản: 77. Pali, Pāc. 80. [411] Tăng kỳ: «không bạch tỳ-kheo.» Căn bản: «mặc nhiên đứng dậy (bỏ đi), không chúc thọ 不囑授.» [412] Xem ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa x. [413] Các loại yết-ma được thực hiện không vì ích lợi của đối tượng; xem Tứ phần, phần ba, ch.xi, (T22, tr.906a17) [414] Tham chiếu Luật Pali, Vin. iv. 153: không dữ dục, bỏ đi mà không phạm nếu nghĩ rằng, sẽ có sự tranh chấp giữa Tăng, sẽ có sự phá tăng; hay yết-ma phi pháp, biệt chúng; hay yết-ma chống lại đối tượng không như pháp; hoặc có việc cần làm cho người bệnh; hoặc đi giải; hoặc không muốn phải ngăn yết-ma. [415] Ngũ phần: ba-dật-đề 79; Tăng kỳ: 43; Thập tụng, Căn bản: 53. Pali, Pāc. 79. [416] Ngũ phần: ba-dật-đề 60; Tăng kỳ: 78; Thập tụng, Căn bản: 76. Pali, Pāc. 78. [417] Ngũ phần: «Nghe lén trong chỗ khuất 屏處默聽.» [418] Ngũ phần: ba-dật-đề 71; Tăng kỳ: 58; Thập tụng, Căn bản: 48. [419] Ngũ phần: nếu không vì sân mà đánh, không phạm ba-dật-đề. [420] Ngũ phần: ba-dật-đề 72; Tăng kỳ: 59; Thập tụng, Căn bản: 49. Pali, Pāc. 75. [421] Hán: bác 搏, đánh hay tát. Ngũ phần: nghỉ như đả tướng 擬如打相, làm bộ như đánh. Tăng-kỳ: trắc chưởng đao nghỉ 側掌刀擬, nghiêng bàn tay làm bộ dao chém. Pali: talasattikaṃ uggireyya, «đưa lòng tay lên,» nghĩa là, doạ đánh. [422] Dĩ thủ bác 以手搏; xem cht. trên. [423] Ngũ phần: ba-dật-đề 75; Tăng kỳ: 90; Thập tụng, Căn bản: 69. Pali, Pāc. 76. [424] Xem Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8& 9. [425] Ngũ phần: ba-dật-đề 65; Tăng kỳ: 82; Thập tụng, Căn bản: 82. Pali, Pāc. 83. [426] Da-nhã-đạt 耶若達 (Pali: Yaññadatta, nhưng không có chuyện kể liên hệ trong các tư liệu Pali). Nhân duyên của Mạt-lỵ phu nhân, không được kể trong các bộ. Tăng kỳ giới thiệu đọc trong Trung A-hàm. [427] Hoàng Đầu 黃頭. Tài liệu Pali nói bà là con gái của một người làm tràng hoa ở Kosala. [428] Mat-lị viên 末利園. Pali: Mallikārāma, khu vườn trong thành Xá-vệ, vì của Mạt-lị Phu nhân nên được gọi tên như vậy. Truyện kể ở đây, tên của Phu nhân được gọi như vậy vì nguyên là cô gái giữ vườn hoa mallikā. [429] Ngũ phần: không có chi tiết vua Quán đỉnh. Tăng kỳ: vua nhưng không phải dòng Sát-lợi; hoặc Sát-lợi nhưng không phải quán đảnh; đều không phạm. [430] Hán: Sát-lợi thuỷ nghiêu đầu chủng 剎利水澆頭種. Tăng kỳ: Sát-đế-lợi Quán đảnh vương 剎利灌頂王. [431] Ngũ phần: vật quý trọng, và nữ sắc, đều được gọi là bảo vật. Tăng kỳ: bảo vật, chỉ cho Vương Phu nhân. [432] Túc tán tiểu vương 粟散小王. Tiểu vương (nhiều như thóc được rải) cai trị một tiểu quốc, phụ thuộc Quán đảnh vương. [433] Ngũ phần: ba-dật-đề 69; Tăng kỳ: 49; Thập tụng, Căn bản: 58. Pali, Pāc. 84. [434] Tỳ-xá-khư Mẫu 毘舍佉母. Pali: Visākā Migāramātā. [435] Thập tụng: «hoặc bảo, hoặc tợ bảo.» Giải thích, bảo: tiền, vàng bạc…; tợ bảo: đồng, thiếc, bạch lạp, chì,… Pali: ratanaṃ vā ratanasammaṃ, bảo vật hay vật tương đồng bảo vật. [436] Nguyên Hán: xảo sư 巧師. [437] Bản Hán, hết quyển 18. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích LXXXIII. PHI THỜI VÀO XÓM[438] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích Tử vào thôn lúc phi thời, cùng các cư sĩ đánh cờ.[439] Tỳ-kheo thắng, các cư sĩ thua nên không bằng lòng, ghét nói: «Tỳ-kheo buổi sáng vào thôn vì khất thực. Còn phi thời vào thôn, có việc gì?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích Tử: «Sao lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích Tử: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà Thích Tử, sao ông lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử rồi bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vào thôn lúc phi thời, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo hoặc vì việc của Tăng, hoặc vì việc của tháp, của chùa, hoặc vì nuôi bệnh, không biết phải làm sao? Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo có duyên sự thì phải dặn lại rồi vào tụ [693a1] lạc.» Các tỳ-kheo không biết dặn lại ai. Đức Phật dạy: «Nên dặn lại tỳ-kheo. Nếu ở riêng một phòng thì dặn lại tỳ-kheo ở phòng gần.» Từ nay về sau nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào,[440] phi thời vào tụ lạc mà không báo cho tỳ-kheo khác,[441] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Thời: lúc bình minh xuất hiện cho đến giữa trưa. Phi thời: từ quá giữa trưa cho đến lúc bình minh hôm sau chưa xuất hiện. Thôn tụ lạc:[442] có bốn loại thôn như đã nói trên. Có tỳ-kheo: người đồng ở hay khách mới đến. Nếu tỳ-kheo vào xóm lúc phi thời, có tỳ-kheo mà không báo lại, bắt đầu bước chân vào cửa ngõ thôn, phạm ba-dật-đề. Một chân trong cửa thôn, một chân ngoài cửa thôn, phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tỳ-kheo lo việc của chúng Tăng, việc chùa tháp, việc nuôi bệnh, có báo lại tỳ-kheo khác; hoặc trên đường đi qua thôn; hoặc có việc cần nói; hoặc bị gọi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói buộc dẫn đi; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXIV. GIƯỜNG CAO QUÁ LƯỢNG[443] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bây giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di đoán biết đức Thế tôn sẽ đi qua con đường này,[444] liền trải dọn giường chõng cao đẹp ngay giữa đường. Ca-lưu-đà-di từ xa trông thấy đức Thế tôn đến, bạch Phật rằng: «Thế tôn xem giường chõng của con đây! Thiện Thệ xem giường chõng của con đây!» Đức Thế tôn dạy: «Nên biết, kẻ ngu si này trong lòng chứa đầy điều xấu ác.» Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo rằng: «Ca-lưu-đà-di ngu si này trải dọn giường cao rộng lớn chỉ vì mình.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm giường dây hay giường gỗ, chân giường chỉ cao bằng tám ngón tay của đức Như lai,[445] đã trừ phần từ lỗ mộng để ráp thanh giường trở lên. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Giường: có năm thứ giường như trên đã nói.[446] Nếu tỳ-kheo tự làm giường dây, giường cây, bề cao của chân giường cắt rồi bằng 8 ngón tay của đức Như Lai, nếu quá, ba-dật-đề. Làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Sai người làm, cắt xong quá tám ngón tay, ba-dật-đề, làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành không thành, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Làm với chiều cao bằng tám ngón tay hoặc thấp hơn tám ngón tay; người khác làm thành đem cho; cắt bỏ khúc dư rồi dùng; hoặc tháo chân bỏ thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXV. ĐỆM BÔNG[447] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đem nệm lớn, nệm nhỏ giường cây, giường dây, độn đâu-la-miên [448] vào trong. Các cư sĩ thấy đều cùng nhau cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, không có lòng thương, đoạn mạng sống của chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng tôi tu chánh pháp mà độn đâu-la-miên vào trong giường cây, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, giống như quốc vương, như Đại thần. Như vậy có gì là Chánh pháp?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm tách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, khiến cho cư sĩ cơ hiềm?» Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, dùng bông đâu-la, dồn làm đệm lớn, đệm nhỏ, giường dây, giường cây, đã dồn thành, ba-dật-đề.[449] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Đâu-la: bông cây bạch dương, bông cây dương liễu, bông bồ đài. Giường cây: có năm thứ như trên. Giường dây: cũng có năm thứ như đã giải ở trước. Nệm lớn: dùng để nằm. Nệm nhỏ: dùng để ngồi. Nếu tỳ-kheo dùng đâu-la-miên dồn vào trong giường cây, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, tự mình làm mà thành ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người làm mà thành thì phạm ba-dật-đề, không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đôt-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc cỏ cưu-la-da, cỏ văn nhã, cỏ ta-bà[450] hoặc dùng lông chim, kiếp bối, giẻ rách các thứ, hoặc dùng làm vật lót vai, làm gối để trên xe thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXVI. ỐNG ĐỰNG KIM[451] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt. Bấy giờ, có người thợ [452] tin ưa Phật pháp. Vì làm ống đựng kim cho tỳ-kheo bằng các loại xương, răng, sừng… khiến cho người thợ này bỏ phế công ăn việc làm của nhà, của cải bị khánh tận, không đủ cơm ăn áo mặc. Bấy giờ, người đời đều nói: «Người thợ này khi chưa cúng dường sa-môn Thích tử thì của cải dồi dào. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, nhà bị nghèo khốn, cơm không có để ăn. Sở dĩ cúng dường, hy vọng là được phước, mà lại gặp phải tai ương!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: «Sao các thầy khiến ông thợ làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ họ bỏ công việc làm, của cải bị khánh tận?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này các tỳ-kheo, sao các ông lại khiến người thợ công nghiệp làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ tài sản của họ khánh tận?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, dùng xương, răng,[453] sừng, làm ống đựng kim, đục khoét, và làm thành, phạm ba-dật-đề.[454] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo tự mình đục khoét xương, ngà, sừng để làm ống đựng kim mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành phạm đột-kiết-la. Nếu dạy người khác làm mà thành, [694a1] ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu làm bằng sắt, bằng đồng, bằng chì, bằng thiếc, bạch lạp, tre, cây, trúc hoặc cỏ xá-la… thì không phạm. Hoặc làm chóp bịt đầu tích trượng, hoặc làm chóp bịt cán lọng, hoặc làm chóp bịt cán vá, hoặc làm móc để móc, hoặc làm dao cạo bẩn, làm cái như ý, làm khoen nút, thìa, cán gáo, câu móc y, đồ để nhỏ thuốc con mắt, đồ nạo lưỡi, cây xỉa răng, đồ móc tai, thiền trấn,[455] ống xông lỗ mũi. Làm các vật dụng linh tinh trên đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXVII. NI-SƯ-ĐÀN QUÁ LƯỢNG[456] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Ngày hôm ấy, đức Thế tôn không đi thọ thỉnh, đàn-việt đem thức ăn đến dâng. Như thường pháp của chư Phật, ngày nào không đi thọ thỉnh Phật đi xem các phòng xá. Hôm ấy, đức Phật đến các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau ngọa cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính dơ bởi bất tịnh. Lúc ấy, trời sắp mưa lớn. Đức Thế tôn liền dùng thần lực khiến cho các ngọa cụ của chúng Tăng khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Khi các tỳ-kheo trở về, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, nói: «Vừa rồi, Ta có đi xem các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau, ngoạ cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính dơ bởi sự bất tịnh. Lúc ấy trời sắp mưa, Ta dùng thần lực khiến cho ngọa cụ khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Các ông nên biết, sự nhơ nhớp này là của người có dục, chẳng phải là người không có dục; là người sân nhuế, chẳng phải là kẻ không sân nhuế, là người si, chẳng phải là người không si. Những người ly dục, tiên nhân ngoại đạo ly dục còn không có việc này, huống chi là A-la-hán. Nếu tỳ-kheo chánh niệm không tán loạn thì ngủ cũng không có việc này, huống chi là A-la-hán. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, vì để ngăn che thân, ngăn che y, ngăn che ngọa cụ, cho sắm ni-sư-đàn.» Khi đức Thế tôn cho phép sắm ni-sư-đàn, nhóm sáu tỳ-kheo liền sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng, vừa dài. Các tỳ-kheo thấy hỏi: «Đức Thế tôn chế giới cho phép chứa ba y, không được dư, đây là y của ai?» Nhóm sáu tỳ-kheo nói: «Đó là ni-sư-đàn của chúng tôi.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng vừa dài?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông may ni-sư-đàn vừa rộng vừa lớn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo xong, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang tay, và rộng một gang tay rưỡi của Phật. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Khi ấy tôn giả Ca-lưu-đà-di thân hình thì lớn, ni-sư-đàn lại nhỏ; không đủ để ngồi. Tôn giả biết đức Thế tôn sẽ đi qua con đường đó, bèn đứng bên đường, lấy tay kéo ni-sư-đàn ra, muốn cho nó dài rộng thêm. Đức Thế tôn thấy Ca-lưu-đà-di lấy tay kéo ni-sư-đàn ra; biết mà Phật vẫn cố hỏi: «Vì sao kéo ni-sư-đàn như vậy.» Tôn giả thưa: «Con muốn khiến cho nó dài rộng thêm, cho nên kéo như vậy.» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn nhơn việc này, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, khen ngợi hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, an lạc của sự xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo may ni-sư-đàn dài rộng thêm, mỗi bên nửa gang tay.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm cho đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang, rộng một gang tay rưỡi Phật;[457] lại thêm một bên nửa gang tay nữa làm lề. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Ni-sư-đàn:[458] đồ trải xuống để ngồi. Nếu tỳ-kheo làm ni-sư-đàn, chiều dài quá mức định, chiều rộng không quá; hoặc chiều rộng quá, chiều dài không quá; hay là chiều rộng cũng như chiều dài đều quá, tự mình may mà thành, ba-dật-đề. Không thành, phạm đột-kiết-la. Bảo người khác may mà thành, ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Vì người khác may, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: may đúng lượng, hoặc giảm hơn; hoặc từ người khác nhận được vật đã làm thành, cắt bỏ đúng mức định; hoặc may xấp lại thành hai lớp thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXVIII. PHÚ SANG Y [459] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh ghẻ nhọt. Các loại ghẻ phát sinh, máu mủ chảy ra nhớp thân, nhớp y, nhớp ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chứa y che ghẻ .[460]» Các tỳ-kheo sắm y che ghẻ bằng loại vải thô, nên nhiều lông dính vào mụt ghẻ, lúc gỡ ra bị đau. Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo dùng thứ vải cao giá, mềm mịn, làm y che ghẻ; rồi khoác niết-bàn-tăng lên.[461] Nếu khi đến nhà bạch y, được mời ngồi, thì nói: «Tôi có nhọt.» Nếu người chủ nói: «Thầy cứ ngồi.» Thì vén niết-bàn-tăng lên, dùng y này phủ lên trên mụt ghẻ rồi ngồi. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép may y che ghẻ bèn may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Đức Thế tôn chế giới, chỉ cho chứa ba y, không được quá. Vậy y này của ai?» Nhóm sáu tỳ-kheo nói: «Y che ghẻ của chúng tôi đấy!» Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng thế?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài bốn gang, rộng hai gang tay Phật, sau khi đã cắt. Nếu quá, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y che ghẻ: y dùng phủ lên thân khi có các loại ghẻ. Nếu chiều dài [695a1] đúng lượng, chiều rộng không đúng lượng; hay chiều dài không đúng lượng, chiều rộng đúng lượng; hoặc cả chiều dài và chiều rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Bảo người may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người mà (may) thành không hay thành đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hoặc nhận được từ người khác mà cắt may đúng lượng; hay may xấp thành hai lớp; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. LXXXIX. ÁO TẮM MƯA [462] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu [463] nghe đức Như Lai cho phép các tỳ-kheo may áo tắm mưa,[464] liền may một số áo tắm mưa rất nhiều, sai người mang đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận xong liền đem phân chia. Đức Phật dạy: «Loại y này không nên phân chia như vậy. Từ nay về sau, nếu nhận được y tắm mưa, theo thứ bậc Thượng tọa mà trao. Nếu không đủ thì ghi nhớ. Khi nhận được lần kế tiếp, theo thứ tự đó mà trao cho đủ.» Sau đó, được y quý giá, theo thứ tự trao. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên đổi cho bậc Thượng tọa. Rồi lấy y mà Thượng tọa đã nhận trước kia, chuyển đến vị thứ tọa. Nếu không đủ hết, thì nên lấy y vật có thể phân của Tăng, đem trao cho đủ hết.» Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Như Lai chế giới cho phép các tỳ-kheo may y tắm mưa, liền tự mình may nhiều y tắm mưa, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: «Đức Như Lai chế giới, cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Vậy y này là y của ai?» Nhóm sáu tỳ-kheo nói: «Đó là y tắm mưa của chúng tôi.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại may nhiều tắm mưa vừa dài vừa rộng thế?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y tắm mưa vừa dài vừa rộng?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, may áo tắm mưa phải may đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang rộng hai gang rưỡi tay Phật, sau khi đã cắt. Nếu quá, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Áo tắm mưa: áo dùng để các tỳ-kheo mặc tắm khi trời mưa. Nếu tỳ-kheo may áo tắm mưa bề dài không đúng lượng, bề rộng đúng lượng, hoặc bề rộng không đúng lượng, bề dài đúng lượng; hay cả bề dài và bề rộng đều không đúng lượng, tự tay mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành, ba-dật-đề, không thành đột-kiết-la. Nếu vì người may, thành không thành đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hay là nhận được từ người khác, cắt may đúng như pháp; hoặc may xấp lại thành hai lớp; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XC. LƯỢNG Y NHƯ LAI[465] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Thích-súy-sấu.[466] Bấy giờ, chiều cao của Tôn giả Nan-đà thấp hơn đức Phật chỉ bốn ngón tay. Các tỳ-kheo từ xa thấy Nan-đà đến đều tưởng nhầm là đức Phật đến, nên liền đứng dậy để nghinh đón. Khi đến nơi mới biết là Nan-đà.[467] Các tỳ-kheo đều ôm lòng xấu hổ, Nan-đà cũng xấu hổ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, quy định tỳ-kheo Nan-đà mặc y màu đen [468].» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo may y bằng hay quá với mức lượng của đức Phật. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy may y bằng của y đức Phật hay quá mức lượng?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông may y bằng hay quá mức lượng y của Như Lai?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, may bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng đó, ba-dật-đề. Trong đây lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đó gọi là lượng y của Như Lai. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Y: có mười loại như đã nói ở trên. Nếu tỳ-kheo may y, bằng lượng y của đức Như Lai, trong đó dài không đúng lượng, rộng đúng lượng, hoặc rộng không đúng lượng, dài lại đúng lượng, hay là cả dài và rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành thì phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người khác may, thành hay không thành cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nhận từ người khác, vật đã may thành; cắt may như pháp. Hoặc không cắt bỏ mà xấp lại may thành hai lớp. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG VI ĐỀ-XÁ-NI[1] I. NHẬN THỨC ĂN PHI THÂN LÝ NI NƠI TỤC GIA[2] A. DUYÊN KHỞI [695c17] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ lúa gạo kham hiếm, nhân dân đói kém, người chết vô số, khất thực khó được. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc [3] đến giờ khất thực đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ngày đầu nhận được thức ăn, mang đến cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, ngày thứ ba nhận được thức ăn, Liên Hoa sắc cũng mang đến cho tỳ-kheo. Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc mặc y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một ông trưởng giả đi xe cùng đoàn tuỳ tùng đến yết kiến Vua Ba-tư-nặc. Đám tuỳ tùng xua đuổi người dẹp đường để đoàn xe ông truởng giả đi. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc tránh qua bên lề đường, bị sụp chân vào chỗ bùn, té úp mặt xuống đất. Ông trưởng giả thấy, động lòng thương liền dừng xe, bảo người hầu cận ông xuống đỡ Liên Hoa Sắc đứng dậy và dìu ra khỏi chỗ bùn. Ông trưởng giả hỏi: «Dì bị bệnh gì mà té ngã như thế?» Liên Hoa sắc trả lời: «Tôi không có bệnh hoạn gì cả, Chỉ vì đói nên như vậy.» Ông trưởng giả hỏi: «Vì sao mà đói, khất thực khó được hay chăng?» Liên hoa sắc trả lời: «Khất thực dễ được. Nhưng ngày thứ nhất tôi xin được, đem về cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, thứ ba, thức ăn tôi xin được cũng đem cho tỳ-kheo. Cho nên đói.» [696a1] Ông trưởng giả hiềm trách, nói: «Sa-môn Thích tử thọ nhận không biết đủ, không nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn của tỳ-kheo-ni không biết chút nhường nhịn. Người cho tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ!» Ông trưởng giả liền dẫn tỳ-kheo-ni này về nhà. Cho tắm rửa. Giặt y phục. Bảo người nấu cháo cho ăn. Cung cấp vật cần dùng; rồi nói: «Từ nay về sau, cô cứ đến nhà tôi mà ăn. Khỏi phải đi dâu. Nếu có nhận được thêm nơi nào khác, thì tuỳ ý cho người.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách những tỳ-kheo kia rằng: «Sao các thầy nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo kia: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc kia mà không biết vừa phải?» Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo kia rồi Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, vào thôn xóm, tự mình nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni để ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng:[4] ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo nghi, không dám nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni bà con. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con.» Các tỳ-kheo bệnh lại có sự nghi, không dám nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải bà con. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con.» Bấy giờ, các tỳ-kheo lại có sự nghi, nên khi tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con đem thức ăn để dưới đất, không dám nhận, hoặc khiến người trao cho cũng không dám nhận, đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, vào thôn xóm,[5] nếu không bệnh[6] mà tự tay nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải thân quyến mà ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác[7] phát lồ rằng: ‹Đại đức,[8] tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá.[9] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bà con và chẳng phải bà con: như trên đã giải. Bệnh: cũng như trên. Thức ăn: có hai loại như trên đã giải. Tỳ-kheo kia vào trong thôn xóm, đến tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con, nếu không có bệnh mà tự tay nhận thức ăn để ăn. Ăn như vậy, mỗi miếng phạm một ba-la-đề đề-xá-ni. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con; hoặc có bệnh; hay để dưới đất mà cho; hoặc khiến người trao; hoặc cho trong Tăng-già-lam; hoặc cho ngoài thôn xóm; hay là cho trong chùa ni. Trao như vậy, nhận để ăn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. II. THỌ THỰC DO NI CHỈ DẪN[10] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ, Khi ấy, có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo cùng ngồi ăn ở trong nhà bạch y.[11] Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đòi cơm canh cho nhóm sáu tỳ-kheo, nói rằng: «Đem canh nơi vị này! Đem cơm nơi vị kia.» Còn thì bỏ qua các vị khác ở trung gian mà chỉ đem thức ăn cho sáu tỳ-kheo này thôi. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại ăn thức ăn do nhóm sáu tỳ-kheo-ni yêu sách?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông ăn thức ăn do tỳ-kheo-ni yêu sách, trong khi các tỳ-kheo khác không được?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, khi ăn trong nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni, chỉ bảo rằng: ‹Đem canh cho vị này, dâng cơm cho vi kia.› Tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‹Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!› Nếu không có một tỳ-kheo nào nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!› Tỳ-kheo cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây gọi là pháp hối quá. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trong nhà: nơi có nam nữ ở. Thức ăn: như trên đã nói. Tỳ-kheo kia thọ thực nơi nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni chỉ bảo rằng: «Đem canh cho vị này! Đem cơm cho vị kia.» Tỳ-kheo kia nên nói: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.» Nếu không có một tỳ-kheo nào nói như vậy: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong;» mỗi miếng ăn phạm một ba-la-đề-đề-xá-ni. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu có nói: «Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.» Nếu tỳ-kheo-ni tự mình là đàn-việt hoặc đàn-việt thiết trai nhờ tỳ-kheo-ni chiếu liệu; hoặc không có tâm thiên lệch đối với các tỳ-kheo, như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. III. THỌ THỰC TỪ HỌC GIA[12] A. DUYÊN KHỞI 1. ĐỆ TỬ KIẾN ĐẾ Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành La-duyệt. Khi ấy, có gia đình cư sĩ, vợ chồng đều có lòng tin, làm người đệ tử đức Phật. Thường pháp của người đệ tử chư Phật đã kiến đế,[13] đối với các tỳ-kheo không có cái gì tiếc nuối, kể cả thịt trong thân mình. Mỗi khi các tỳ-kheo đến nhà thì luôn dùng thức ăn và các vật dụng cúng dường. Cúng dường như vậy cho đến nỗi nghèo khổ, cơm áo đều thiếu thốn. Những người hàng xóm đều nói như vầy: «Gia đình kia trước đây rất giàu có, của cải dư dật. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, của cải khô cạn, bần cùng đến thế. Như vậy việc cung kính cúng dường chỉ đem lại sự nghèo khổ!» Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: «Sao các thầy đến mãi nơi cư sĩ để nhận thức ăn và đồ cúng dường, không biết đủ, đến nỗi khiến cho của cải gia đình họ phải cạn kiệt như thế?» Các tỳ-kheo đến [697a1] chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại đến mãi nơi nhà cư sĩ để nhận thức ăn cúng dường, đến nỗi khiến gia đình họ nghèo túng như vậy?» 2. YẾT-MA HỌC GIA Dùng vô số phương tiện quở trách các Tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép Tăng tác pháp học gia cho gia đình kia, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Tác pháp như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị cạn kiệt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến gia đình kia nhận thức ăn mà ăn. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị khô kiệt. Nay Tăng trao cho pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến nhà đó để nhận thức ăn mà ăn. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói. «Tăng đã chấp thuận trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy. Tỳ-kheo nào, đã biết là nhà học gia, Tăng đã cho pháp yết-ma học gia rồi, mà đến nhà ấy nhận thức ăn để ăn, phải đối trước các tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‹Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong đó có tỳ-kheo trước có nhận sự thỉnh của gia đình, có sự nghi không dám đến. Đức Phật dạy: «Có thỉnh trước thì cho phép đến.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh không dám nhận thức ăn của học gia, đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn nơi học gia để ăn.» Khi ấy các tỳ-kheo thấy người cho thức ăn để thức ăn xuống đất mà cho, nghi không dám nhận. Hoặc khiến người mang cho; cũng không dám nhận. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, nếu trước đó đã tác yết-ma học gia, đối với học gia đó, không có sự thỉnh trước, không bệnh, tự tay nhận thức ăn và ăn. Tỳ-kheo ấy cần đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‹Tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức, xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Học gia :[14] là Tăng trao cho pháp bạch nhị yết-ma. Nhà cư sĩ: như trên đã nói. Bệnh: cũng đã nói ở trên. Tỳ-kheo nào, học gia như vậy, trước đó Tăng đã trao cho pháp yết-ma cho họ rồi mà tỳ-kheo không được thỉnh trước lại không bệnh. Đối với trong nhà học gia như vậy mà nhận thức ăn để ăn, thì mỗi miếng ăn phạm Ba-la-đề-xá-ni. Tỳ-kheo-ni, đôt-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu đã được thỉnh trước; hoặc có bệnh; hoặc để xuống đất mà cho; hoặc nhận từ nơi người khác; hoặc học gia sau khi dâng cúng tài sản vẫn còn nhiều. Thảy đều thì không phạm. 3. GIẢI YẾT-MA HỌC GIA Học gia kia, tài sản có lại dồi dào, đến trong Tăng xin giải yết-ma Học gia. Các Tỳ-kheo bạch Phật. đức Phật dạy: «Nếu tài sản của học gia có lại dồi dào, họ đến giữa Tăng, xin giải pháp yết-ma học gia thì Tăng nên tác pháp bạch nhị yết-ma, giải cho họ. Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải pháp yết-ma học gia. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng vì cư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận vì cư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Khi ấy các tỳ-kheo đều nghi không dám nhận thức ăn từ cư sĩ đã được giải yết-ma học gia, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn nơi nhà đó. Nhận như vậy không phạm.» Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. THỌ THỰC NGOÀI TRÚ XỨ A-LAN-NHÃ[15] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Ca-duy-la-vệ, Thích-suý-sấu. Các phụ nữ trong thành Xá-di[16] và các phụ nữ Câu-lê[17] cùng nhau mang thức ăn đến trong Tăng-già-lam, cúng dường. Bấy giờ bọn giặc[18] biết được, chận đường nhiễu hại.[19] Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy. «Từ nay về sau, các tỳ-kheo nên nói với các phụ nữ, ‹Đừng đi ra. Đường có bọn giặc cướp khủng bố.› Nếu họ đã ra ngoài thành thì nên nói: ‹Đừng đến Tăng-già-lam vì dọc đường có giặc khủng bố.› Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, sống tại a-lan-nhã, chỗ ở đáng nghi ngờ, có sợ hãi, không nhận thức ăn bên ngoài tăng-già-lam, mà chỉ bên trong tăng-già-lam nhận thức ăn để ăn,[20] cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các đàn-việt biết trước là có sự khủng bố mà cố mang thức ăn đến. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận để ăn. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.» Khi ấy, các tỳ-kheo bệnh cũng nghi không dám nhận thức ăn như vậy. Đức Phật bảo: «Từ nay cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn như vậy.» Bấy giờ, có thí chủ cúng dường bằng cách đem thức ăn để dưới đất, hoặc bảo người trao, các tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy: «Từ nay cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, sống nơi a-lan-nhã, xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi, có sợ hãi. Tỳ-kheo sống tại trú xứ a-lan-nhã như vậy, trước không nói cho đàn-việt biết,[21] không thọ nhận thức ăn bên ngoài Tăng-già-lam. Trái lại, không bệnh mà ở bên trong Tăng-già-lam, tự tay nhận thức ăn để ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đến đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‹Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.› Đây là pháp hối quá. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Chỗ a-lan-nhã: là nơi cách thôn năm trăm cung. Cung là cách đo của nước Giá-ma-la. Nghi có sự khủng bố: là nghi có giặc trộm cướp, khủng bố. Bệnh: như trên đã nói. Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã ở chỗ xa vắng như vậy, trước không nói với đàn-việt, không nhận thức ăn ngoài Tăng-già-lam mà nhận trong Tăng-già-lam, không bệnh, tự tay nhận lấy thức ăn để ăn; mỗi miếng ăn phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước có nói với đàn-việt; hoặc có bệnh; hoặc để dưới đất mà trao; hoặc bảo người trao; hoặc khi đến thọ giáo sắc, lúc thính pháp, tỳ-kheo tự có thức ăn riêng nay trao cho; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG VII THỨC-XOA-CA-LA-NI [1] ĐiỀu 1[2] [698a9] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mặc niết-bàn-tăng,[3] có lúc mặc thấp, có lúc mặc cao,[4] hoặc làm như vòi con voi, hoặc như lá cây đa-la, hoặc có lúc xếp nhỏ lại. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại bận niết-bàn-tăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại, giống như quốc vương, trưởng giả, Đại thần, cư sĩ; giống như những ngày tiết hội, người trong phường chèo mặc y để làm trò?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại bận niết-bàn-tăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Sao các ông lại bận niết-bàn-tăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải bận niết-bàn-tăng cho tề chỉnh,[5] thức-xoa-ca-la-ni.[6] Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trong đó, bận không tề chỉnh, có nghĩa là khi bận thấp, khi bận cao, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại. - Bận thấp: cột dây lưng dưới rốn, cao là trên đầu gối. - Vòi con voi: phía trước thòng xuống một góc. - Lá cây đa-la: phía trước thòng xuống hai góc. - Xếp nhỏ lại: xếp nhỏ quấn quanh eo lưng nhăn nhó. Tỳ-kheo bận niết-bàn-tăng cao hay thấp hoặc làm như cái vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại. Cố ý làm, phạm đột-kiết-la cần phải sám.[7] Do cố ý làm cho nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la.[8] Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có khi bệnh như vậy, trong rốn sanh ghẻ nhọt nên phải mặc thấp, nơi ống chân có ghẻ nên phải mặc cao, hoặc trong Tăng-già-lam, hoặc bên ngoài thôn xóm, hoặc lúc làm việc, hoặc khi đi đường thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 2[9] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo quấn y,[10] hoặc quấn cao, hoặc quấn thấp, hay làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại quấn y khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại, giống như Quốc vương, trưởng giả, Đại thần, cư sĩ?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy quấn ba y khi cao, khi thấp, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như là cây đa-la, hoặc có khi xếp nhỏ lại?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông quấn y khi cao, khi thấp, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hay có lúc xếp nhỏ lại?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải quấn ba y cho tề chỉnh,[11] thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trong đây, không tề chỉnh: có nghĩa là khi quấn cao, khi mặc thấp, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc có lúc xếp nhỏ lại. Quấn thấp: thòng xuống quá khủy tay, trống bên hông. Quấn cao: quấn cao quá ống chân. Làm như vòi con voi: thòng xuống một góc. Như là cây đa-la: bên trước thòng xuống hai góc, bên sau vén cao lên. Xếp nhỏ lại: là xếp nhỏ làm thành viền của y. Nếu tỳ-kheo cố ý quấn cao, quấn thấp, làm thành vòi con voi, làm thành là cây đa-la, hoặc có khi xếp nhỏ lại, cố ý làm thì nên sám đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy, hoặc nơi vai, nơi cánh tay có ghẻ phải mặc thấp, hay nơi ống chân có ghẻ nên phải mặc cao, hoặc ở trong Tăng-già-lam, hay bên ngoài thôn xóm, hoặc trên đường đi, hay lúc lao tác… thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 3[12] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo vắt ngược ba y mà đi vào nhà bạch y.[13] Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như thế có gì là chánh pháp? Tại sao vắt ngược y đi vào nhà bạch y, giống như quốc vương, Đại thần, trưởng giả, cư sĩ?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy vắt ngược y đi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông vắt ngược y đi vào nhà bạch y?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không vắt ngược y đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.[14] Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: chỉ cho thôn xóm. Vắt ngược y: hoặc vắt ngược y hai bên tả và hữu lên trên vai. Nếu tỳ-kheo cố ý vắt ngược y bên tả và bên hữu lên trên vai đi vào nhà bạch y, cố ý làm nên sám đột-kiết-la. Do vì cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy, hoặc bên hông có ghẻ, hoặc ở trong Tăng-già-lam, hoặc ngoài thôn xóm, hoặc trên đường đi, hay lúc làm việc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 4 Không vắt ngược y khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên)[15] ĐiỀu 5 Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy y quấn cổ vào nhà bạch y, các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn mới lấy y quấn cổ đi vào nhà bạch y, như quốc vương, Đại thần, trưởng giả, cư sĩ.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy quấn y nơi cổ vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Các ông làm ĐiỀU sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tuỳ thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các ông lấy y quấn nơi cổ vào nhà bạch y?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không quấn y nơi cổ khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Quấn vào cổ: nắm hai chéo y quấn trên vai tả. Cố ý lấy y quấn vào cổ đi vào nhà bạch y, phạm tội nên sám đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm tội phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc là bị bệnh như vậy, có ghẻ trên vai, hoặc ở trong Tăng-già-lam hay ngoài xóm làng, hoặc khi làm việc hay lúc đi đường thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 6 Không quấn y nơi cổ khi ngồi nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀu 7[16] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy y trùm lên đầu, vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì gọi là chánh pháp? Tại sao lấy y trùm đầu đi như kẻ trộm.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lấy y trùm lên đầu vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông lấy y trùm lên đầu vào nhà bạch y?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không trùm đầu khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.[17] Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: là thôn xóm. Trùm đầu: hoặc lấy lá cây, [699a1] hay dùng vật xé thành mảnh, hoặc dùng y trùm trên đầu đi vào nhà bạch y. Cố ý phạm nên sám đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy, hoặc bị lạnh trên đầu, hoặc có ghẻ trên đầu, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn phải trùm đầu để chạy thì không phạm, Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 8 Không trùm đầu khi vào nhà bạch y mà ngồi, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên)[18]
Chú thích: [438] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 83; Tăng kỳ 20, Thập tụng 17, Căn bản 42: 80. Pali, Vin.iv. 164, Pāc. 85. [439] Xu bồ 樗蒱. Ngũ phần, nt.: bàn chuyện thế sự với các bạch y. Pali: sabhāyaṃ nisīditvā anekavihitaṃ tiracchānakathaṃ kathenti, ngồi ở hội trường, bàn đủ các đề tài súc sinh luận. [440] Tăng kỳ: «tỳ-kheo a-lan-nhã.» Điều luật áp dụng cho tỳ-kheo sống trong rừng. [441] Ngũ phần: «trừ có nhân duyên.» Và giải thích: nhân duyên, tức khi có tai nạn. Tăng kỳ: «trừ dư thời.» Giải thích: dư thời, những lúc có việc khẩn cấp (như có người bị rắn độc cắn). Pali: aññatra tathārūpā accāyikā karaṇīyā, trừ có sự việc khẩn cấp nào đó. [442] Trong giới văn không có từ thôn 村. [443] Ngũ phần, và các bộ: ba-dật-đề 85. Pali, Pāc. 87. [444] Pali, Vin.iv. 168: bhagavā … senāsanacārakaṃ āhiṇḍanto, Thế tôn đi xem xét chỗ nằm của các tỳ-kheo. Ngũ phần 9 (T22n1421, tr.70b15): thông lệ, mỗi năm ngày Thế tôn đi tuần phòng các tỳ-kheo một lần. [445] Ngũ phần: của tu-già-đà 修伽陀. Tăng kỳ: của tu-già-đà, và giải thích: của Phật. Căn bản: của Phật; và giải thích: 8 ngón tay (chỉ 指) của Phật dài bằng 1 khuỷu (chẩu 肘) của người trung bình. Pali: sugataṅgula: ngón tay của Sugata (Thiện Thệ). Cước chú của bản dịch Anh: sugata đây có nghĩa là «tiêu chuẩn» được chấp nhận (không phải chỉ cho ngón tay của Phật). [446] Xem Ch.iv, ba-dật-đề 14 & cht. 86. [447] Ngũ phần: ba-dật-đề 84; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: 86. Pali, Pāc. 88. [448] Đâu-la-miên 兜羅綿. Xem giải thích đoạn sau. Pali: tūla, bông gòn. [449] Tăng kỳ 20 (T22n1425, tr.392a28): «... sau khi đã móc ra, ba dật-đề.» Pali: ... uddālanakaṃ pācittiyaṃ, (phạm) ba-dật-đề, phải xé bỏ (móc bông gòn ra bỏ). [450] Cưu-la-da, văn nhã, sa-bà 鳩羅耶草文若草娑婆草; [451] Ngũ phần: ba-dật-đề 86; Tăng kỳ: 83; Thập tụng, Căn bản: 84. Pali, Pāc. 86. [452] Công sư 工師. Ngũ phần: nha giác sư 牙角師; thợ chế biến răng thú và sừng. Thập tụng: trị giác sư 治角師; thợ chế biến sừng. Căn bản: công nhân 工人. Pali: dantakāra, thợ chế biến ngà voi. [453] Nha 牙. Thập tụng: nha xỉ 牙齒; giải thích: nha, chỉ ngà voi, răng nanh của ngựa, răng nanh heo; xỉ, chỉ răng voi, răng ngựa, răng heo. Pali: danta, giải thích: danto nāma hatthidanto vuccati, răng, là nói răng của voi (ngà voi). [454] Tăng kỳ 20: «... sau khi đập vỡ, ba-dật-đề.» Pali: bhedanakaṃ pācittiyaṃ, ba-dật-đề, cần đập vỡ (ống đựng bằng ngà). [455] Thiền trấn 禪鎮, không rõ cái gì. [456] Các bộ, ba-dật-đề 87; Thập tụng: 89. Pali, Pāc. 89. [457] Phật trách thủ 佛搩手. Ngũ phần: tu-già-đà trách thủ 修伽陀磔手 Căn bản: Phật trương thủ 佛張手; giải thích: 1 gang tay Phật bằng ba gang tay người trung bình. Pali: sugatavidatthiyā, gang tay (tiêu chuẩn) được chấp nhận (theo bản Anh); xem cht. 447 trên. [458] Pali: nisīdanaṃ nāma sadasaṃ vuccati, nói ni-sư-đàn, là cái có viền. Căn bản: ni-sư-đán-na 尼師但那 là đồ trải lót (phu cụ 敷具). [459] Tăng kỳ: ba-dật-đề 87; các bộ khác: 88. Pali, Pāc. 90. [460] Phú sang y 覆瘡衣. Pali: kaṇḍupaṭicchādi. [461] Niết-bàn-tăng 涅槃僧. Pali: nivāsana, nội y. [462] Ngũ phần, Căn bản: ba-dật-đề 89; Thập tụng, Tăng ky: 87. Pali, Pāc. 91. [463] Xem cht.434, ba-dật-đề 82. Xem Ch.iv, ni-tát-kỳ 27 & cht.155 [464] Vũ dục y 雨浴衣. Xem Ch.iv ni-tát-kỳ 27 & cht.163 [465] Tăng kỳ: ba-dật-đề 89; các bộ: 90. Pali, Pāc. 92. [466] Xem cht.92, ch.iv. ni-tát-kỳ 17. [467] Thập tụng: «Trưởng lão Nan-đà, em trai của Phât, con của bà dì; thân hình gần giống Phật, có 30 tướng, thấp hơn Phật 4 ngón tay; lại khoác y giống Phật, nên các tỳ-kheo nhầm.» Tăng kỳ: Tôn-đà-la Nan-đà 孫陀羅難陀, con của Di mẫu của Phật. Kể thêm nhân duyên A-la-quân-trà 阿羅軍荼 khoác y giống như Phật. [468] Hắc y 黑衣; bản Hán có thể nhầm. [1] Tức Ba-la-đề đề-xá-ni 波羅提舍尼. Trong giới văn, dịch là hối quá 悔過. Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.71c06): hối quá pháp 悔過法. Tăng kỳ 21 (T22n1425, tr.396b16): Đề-xá-ni 提舍尼. Thập tụng 19 (T23n1435, tr.131a05): Ba-la-đề-xá-ni pháp 波羅提舍尼法. Căn bản 49 (T23n1442, tr.897a18): Ba-la-để đề-xá-ni pháp 波羅底提舍尼法. Pali, Vin.iv. 175: cattāro pāṭidesanīyā. [2] Tăng kỳ: Đề-xá-ni 2 [3] Liên Hoa Sắc 蓮華色. Xem Ch. iv ni-tát-kỳ 4 & cht.36 [4] Nguyên Hán: hướng dư tỳ-kheo thuyết 向餘比丘說. Ngũ phần: ưng hướng chư tỳ-kheo hối quá 應向諸比丘悔過. Tăng kỳ: ưng dư tỳ-kheo biên hối quá 應餘比丘邊悔過. Thập tụng: ưng hướng dư tỳ-kheo thuyết thị tội 應向餘比丘說是罪. Căn bản: nghệ chư bí-xô sở các biệt cáo ngôn 詣諸苾芻所各別告言. Pali: paṭīdesetabbaṃ tena bhikkhunā. [5] Căn bản: ư thôn lộ trung 於村路中, «ở đường trong thôn xóm.» Ngũ phần: «tại các con đường…» Tăng kỳ: «trong nhà bạch y…» Pali: antaragharaṃ paviṭṭhāya, «sau khi đã đi vào nhà trong;» và giải: nhà (gharam) ở đây cũng chỉ luôn đường xe đi, đường hẻm, đường chữ thập…» [6] Pali, hatthato, từ tay (của tỳ-kheo-ni) thay vì để xuống đất mà nhận»; không nói đến yêu tố «trừ bịnh.» [7] Ngũ phần, Căn bản: «trước các tỳ-kheo khác.» [8] Tăng kỳ: Trưởng lão 長老. Ngũ phần: Chư Đại đức 諸大德. Pali: āvuso, từ hô khởi, số nhiều. Vì sám hối trước nhiều tỳ-kheo, chứ không phải một như ba-dật-đề. [9] Tức Ba-la-đề-đề-xá-ni pháp 波羅提提舍尼法, dịch là Hối quá pháp 悔過法 Pali: pāṭidesanīya dhamma (Skt. pratideśanīya dharma). Tăng kỳ (T22n1425, tr.396c25): «Ba-la-đề-đề-xá-ni, vì tội này hướng đến người (tỳ-kheo) mà phát lồ, không che dấu.» [10] Tăng kỳ: đề-xá-ni 3. [11] Ngũ phần, Thập tụng: có thí chủ thỉnh thực hai bộ tăng. [12] Tăng kỳ: đề-xá-ni 4. [13] Kiến đế 見諦 : đã thấy bốn Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn. Ngũ phần: Trưởng giả Cù-sư-la 瞿師羅 tin ưa Phật pháp, thấy pháp, đắc quả. Tăng kỳ: Đại thần Tỳ-xà bố thí thái quá, gia sản khánh tận. Tăng tác yết-ma học gia. Thập tụng: tượng sư Thủ-la, thấy Bốn đế, đắc Sơ đạo. Căn bản: trưởng giả Sư Tử, đắc Sơ quả. [14] Học gia 學家. Thập tụng: chỉ gia đình đã đắc Sơ quả. Pali: sekkhasammatāni kulāni, những gia đình đã được xác nhận là hữu học; giải thích: đó là gia đình tăng trưởng với tín, nhưng tổn giảm với tài sản. [15] Tăng kỳ: đề-xá-ni 1. [16] Xá-di thành trung chư phụ nữ 舍夷城中諸婦女. Xá-di, chỉ các Thích nữ (Xem Tứ phần đoạn sau, phần ba, Ch. xiv, T22, tr. 922c8). Ngũ phần, Thập tụng: chư Thích phụ nữ 諸釋婦女. Căn bản: Thích ca nữ 釋迦女. Pali: Sākiyāniyo. [17] Câu-lê chư nữ nhân 俱梨諸女人. Không rõ. Ngũ phần: chư nô 諸奴. Pali: sākiyadāsakā, những người nô lệ của họ Thích. [18] Pali: tena kho pana samayena sākiyadāsakā avaruddhā honti, vào lúc đó, các nô lệ của dòng họ Sakka nổi loạn. Ngũ phần: các nô lệ của dòng họ Thích đón đường các Thích nữ để cướp. [19] Pali: Các tỳ-kheo biết có giặc chặn đường, nhưng không báo cho các phụ nữ họ Thích biết để đừng đi. [20] Vì bọn cướp ẩn núp trong phạm vi Tăng-già-lam nên tỳ-kheo phải ra khỏi phạm vi ấy mà nhận thức ăn. [21] Pali: pubbe appaṭíaṃviditaṃ, không báo cho biết trước (rằng trong phạm vi Tăng già lam có giặc cướp). [1] Lời chua nhỏ trong bản Hán: «Tiếng của người Hồ (chỉ Ấn độ) chính xác phải nói là thức-xoa-ca-la-ni . Những chỗ nào đọc và viết, nên theo từ này. Vì không thể nhất nhất đều theo văn mà sửa, do đó mà cứ để nguyên như vậy. Đan bản gọi Trăm pháp Chúng học.» - Thức-xoa-ca-la-ni, phiên âm Phạn: śikṣā karaṇīyā, «ĐiỀU cần phải học.» Căn bản: Chúng đa học pháp 眾多學法. Các bộ khác: Chúng học pháp 眾學法. Pali: sekhiyā dhammā (sikkhā karaṇīyā). Bản Skt. saṃbahulāḥ śaikṣā dharmāḥ (śikṣā karaṇīyā). Cf. Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.73c27); Tăng kỳ 21 (T22n1425, tr.399b07); Thập tụng 19 (T23n1435, tr.133b14); Căn bản 50 (T23n1442, tr.901b17). Pali, Vin. iv. 185. [2] Tăng kỳ, ĐiỀU 1; Thập tụng, ĐiỀU 12. [3] Xem Ch.v, Ba-dật-đề 88 & cht.461. [4] Pali: puratopi pacchatopi olambentā, quấn nội y để phía trước, phía sau thòng xuống. [5] Pali, Sik. 1: parimaṇḍalaṃ nivāsessāmi, tôi sẽ quấn nội y tròn trịa. [6] Thức-xoa-ca-la-ni 式叉迦羅尼. Tứ phần tỳ-kheo giới bản (No 1429) và Tứ phần Tăng giới bản (No 1430) đều nói «ưng đương học 應當學.» Pali: sikhkā karaṇīyā. [7] Hán: ưng sám đột-kiết-la 應懺突吉羅. Tứ phần phân biệt hai loại đột-kiết-la: nếu cố ý, phạm đột-kiết-la cần phải sám hối. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la chỉ phải tự trách tâm. Xem thêm cht. 8 dưới. [8] Ngũ phần (T22n1421, tr.74a13): «Nếu không hiểu, không hỏi mà làm như vậy, phạm đột-kiết-la. Hiểu, nhưng không cẩn thận, làm như vậy phạm đột-kiết-la. Hiểu, nhưng khinh giới, khinh người mà làm như vậy, phạm ba-dật-đề.» Tăng kỳ: việt học pháp 越學法, không phân biệt hiểu hay không hiểu, cố ý hay không cố ý. Pali: anādariyaṃ paṭicca ...āpatti dukkaṭassa. anāpatti asañcicca, «...vì thiếu cung kính, phạm đột-kiết-la. Không cố ý, không phạm.» [9] Tăng kỳ, ĐiỀU 2. Thập tụng, ĐiỀU 16; Căn bản, ĐiỀU 8. Pali, Sikkhā 2. [10] Hán: trước y 著衣. Pali: pārupanti, quấn (thượng) y, phân biệt với nivāsenti, quấn nội y. [11] Pali, Sikkhā. 2: parimaṇḍalaṃ pārupissāmi, tôi sẽ quấn (thượng) y cho tròn trịa. Thập tụng (T23n1435, tr.134a23): châu tề bị y ưng đương học 周齊被衣應當學. [12] Ngũ phần, ĐiỀU 15; Tăng kỳ, ĐiỀU 8; Thập tụng, ĐiỀU 41; Căn bản, ĐiỀU 16. [13] Pali, Sikkhā. 9, ukkhittakāya antaraghare gacchati, vén y lên mà đi vào nhà thế tục. Sớ giải, VA 891: ekato vā ubhato vā ukkhittacīvaro hutvā ti attho, y được vén lên ở một bên, hay cả hai bên. Cf. Ngũ phần (T22n1421, tr.74a22): «...hoặc vắt ngược y lên vai phải... hoặc vắt ngược y lên vai trái... hoặc vắt ngược y lên cả hai vai...» Thập tụng (T23n1435, tr.136b04): «Lấy y trùm vai phải vắt cả lên vai trái.» [14] Cf. Thập tụng, ĐiỀU 37-38: tả hữu phản sao y 左右反抄衣, vắt ngược y hai bên; ĐiỀU 39-40: thiên sao y 偏抄衣, vắt ngược y một bên. [15] Pali, Sikkhā 10 [16] Ngũ phần, ĐiỀU 43; Tăng kỳ, ĐiỀU 7; Thập tụng, ĐiỀU 30; Căn bản, ĐiỀU15. Pali, Sikkhā 23. [17] Thập tụng ĐiỀU 29-30: phú đầu 覆頭; ĐiỀU 31-32: bộc đầu 襆頭. [18] Pali, Sikkhā 24, Bản Hán, hết quyển 19. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐiỀu 9 Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nhún nhảy[19] đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhún nhảy đi vào nhà như con chim sẻ?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy nhún nhảy nhảy vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Sao các ông lại nhún nhảy nhảy vào nhà bạch y?» Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này,[700a1] là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nhảy nhót[20] khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: cũng như trên. Nhảy nhót đi: hai chân nhảy. Tỳ-kheo cố ý nhảy nhót đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc bị người đánh; hoặc có giặc, hoặc có ác thú, hoặc bị chông gai, hoặc lội qua rảnh, qua hầm, qua chỗ bùn lầy phải nhảy đi; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 10 Không nhảy nhót vào nhà bạch y ngồi, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀu 11 Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày mai về nhà thọ thực. Đêm ấy cư sĩ chuẩn bị đầy đủ thức ăn ngon bổ. Sáng sớm đến báo giờ đã đến. Bấy giờ các tỳ-kheo đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Nhóm sáu tỳ-kheo ngồi chồm hỗm tại nhà bạch y. Tỳ-kheo ngồi gần dùng tay đụng vào người, nhóm sáu tỳ-kheo té ngữa lộ hình. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ngồi chồm hỗm trong nhà giống như bà-la-môn lõa hình.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy lại ngồi chồm hỗm trong nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông ngồi chồm hỗm trong nhà bạch y?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không ngồi chồm hỗm trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.[21] Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: cũng như trên. Ngồi chồm hỗm: ở trên đất hay ở trên giường mà mông không chạm đất. Tỳ-kheo cố ý ngồi chồm hỗm trong nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy; hoặc bên mông có ghẻ; hoặc có đưa vật gì, hoặc lễ bái, sám hối, hoặc thọ giáo giới; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 12[22] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chống nạnh tay đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vênh váo đắc chí giống như người đời mới cưới vợ!› Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: ‹Sao các thầy chống nạnh tay đi vào nhà bạch y?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông chống nạnh tay đi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không chống nạnh khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: như đã nói ở trên. Chống nạnh: lấy tay chống lên hông thành góc vuông. Nếu tỳ-kheo cố ý chống nạnh đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy; hay dưới hông có sanh ghẻ; hoặc ở trong Tăng-già-lam hay ngoài xóm làng; hoặc lúc làm việc, hay trên đường đi; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 13 Không chống nạnh khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tay chống lên hông, khuỷ tay thành góc vuông, khi ngồi trong nhà bạch y, trở ngại người ngồi kế, cũng như vậy. ĐiỀu 14[23] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đi lắc lư [24] khi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? đi lắc lư khi vào nhà bạch y, giống như Quốc vương, Đại thần!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy lắc lư thân mình đi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông đi lắc lư khi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không lắc lư thân mình khi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: cũng nghĩa như trên. Đi lắc lư: thân nghiêng bên tả, bên hữu khi rảo bước. Nếu tỳ-kheo cố làm cho thân lắc lư, nghiêng bên tả bên hữu, rảo bước vào nhà bạch y, phạm [701a1] đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì bị chứng bệnh như vậy; hoặc bị người đánh phải nghiêng mình để tránh; hoặc voi dữ đến; hoặc bị giặc, sư tử, ác thú tấn công, hoặc gặp người vác gai. Những trường hợp như vậy phải nghiêng mình để tránh. Hoặc lội qua hầm, qua mương, qua vũng bùn, cần nghiêng thân để lướt qua. Hoặc khi mặc y, xoay nghiêng mình để nhìn xem y có tề chỉnh không, có cao thấp không, có như cái vòi con voi không, có như lá cây đa-la không, có xếp nhỏ lại hay không. Vì vậy mà phải xoay mình để xem. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 15 Không lắc lư thân mình khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀu 16 [25] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo vung cánh tay[26] khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đi đánh đòng xa khi vào nhà bạch y giống như quốc vương, Đại thần, trưởng giả.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy đi đánh đòng xa khi vào nhà bạch y?» Quở trách rồi, tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông khoác tay khi đi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không vung cánh tay khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vung cánh tay: thòng cánh tay đưa ra trước bước đi. Nếu tỳ-kheo cố đánh đòng xa đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm thì chỉ phạm đột-Kiết-La mà thôi. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh nào đó; hoặc bị người đánh đưa tay chận lại; hoặc gặp voi dữ đến, hoặc sư tử, ác thú, trộm cướp, người vác gai chạy lại nên phải đưa tay chận lại. Hoặc lội qua sông, nhảy qua hầm nước, vũng bùn, hoặc bạn cùng đi không kịp, lấy tay ngoắt kêu. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 17 ...ngồi. (cũng như trên) ĐiỀu 18 [27] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Mặc y phục không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y, giống như bà-la-môn.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông mặc y không khéo che thân, đi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải che kín thân thể khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: tức xóm làng. Không khéo che kín thân: là trống trước trống sau. Nếu tỳ-kheo cố tâm không khéo che thân, đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu cố tâm làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc bị trói hay bị gió thổi bay y lìa thân thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 19 ...ngồi, (cũng như trên). ĐiỀu 20[28] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y, các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Như kẻ trộm rình người, liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Nhà bạch y: nơi xóm làng. Liếc ngó hai bên: nhìn quanh nhìn quất. Nếu tỳ-kheo cố ý liếc ngó hai bên, đi vào nhà bạch y phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy; hay vì ngước mặt xem thời tiết; hoặc mạng nạn, phạm hạnh [702a1] nạn phải ngó mọi hướng để tìm cách thoát thân; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀu 21 ...ngồi, (cũng như trên). ĐiỀu 22[29] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lớn tiếng kêu réo, khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ nghe thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Kêu la lớn tiếng giống như chúng bà-la-môn!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy kêu la lớn tiếng khi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông lớn tiếng cao giọng khi vào nhà bạch y?» Lúc bấy, giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải yên lặng[30] khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trong đây, không yên lặng, là lớn tiếng cao giọng. Hoặc dặn dò, hoặc lớn tiếng thí thực. Nếu tỳ-kheo cố ý cao tiếng lớn giọng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc điếc không nghe tiếng nói phải lớn tiếng kêu, hoặc cao tiếng dặn dò, hoặc cao tiếng thí thực, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cao giọng để tẩu thoát thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 23 ... ngồi, (cũng như trên). ĐiỀU 24[31] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cười giỡn khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vừa đi, vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y, giống như con khỉ đột!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các Thầy vừa đi vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn, Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông vừa đi vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được cười giỡn khi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Cười cợt: cười để lộ răng. Nếu tỳ-kheo cố ý cười cợt khi đi vào nhà bạch y thì phạm nên sám đột-kiết-la. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-Kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc môi bị đau không phủ được răng; hoặc nghĩ đến pháp, hoan hỷ mà cười; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 25 ... ngồi, (cũng như trên). ĐiỀU 26[32] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng mai thọ thực. Đêm ấy, cư sĩ chuẩn bị đủ các thức ăn ngon bổ, sáng ngày đến thỉnh chúng tăng thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo không chú ý khi nhận thức ăn, nên cơm canh bị rơi rớt. Cư sĩ thấy vậy, cùng nhau bàn nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại không chú ý khi nhận thức ăn, nhận nhiều với tâm tham, như thời đói kém!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy không để ý khi nhận thức ăn?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông không chú ý khi nhận thức ăn, để cơm canh bị rơi rớt?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải dụng ý khi nhận thức ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia không dụng ý nhận thức ăn, để thức ăn bị rơi rớt, nếu cố tâm không để ý khi nhận thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc bát nhỏ nên khi nhận ăn rơi rớt; hoặc rớt trên bàn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 27[33] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày thọ thực. Trong đêm chuẩn bị các thức ăn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chúng Tăng đi thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt cơm canh đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận [703a1] thức ăn đầy tràn cả bát, giống như những người đói ham nhiều.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở rách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Thọ nhận thức ăn vừa ngang bát, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không ngang bằng bình bát: có nghĩa là đầy tràn. Nếu tỳ-kheo cố ý nhận thức ăn không ngang bằng bình bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ban đầu chưa chế giới, si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách; hay có bệnh, hoặc bát nhỏ, hoặc thức ăn rơi trên bàn. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 28[34] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày thọ thực. Trong đêm sắm sửa đầy đủ các thức ăn, sáng sớm đến báo chư Tăng giờ thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay của cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận cơm quá nhiều, không còn chỗ để chứa canh, cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn quá nhiều không còn chỗ để nhận canh, giống như người đói khát tham ăn!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy nhận cơm quá nhiều, không còn chỗ để nhận canh?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo. «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông nhận cơm quá nhiều đến nỗi không còn chỗ để chứa canh?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Thọ nhận canh vừa ngang bát,[35] thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo cố ý nhận canh không ngang bằng với bình bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì có chứng bệnh như vậy, hoặc là cái bát nhỏ nên đổ thức ăn trên bàn, hoặc thọ ngang bằng với bát thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 29[36] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo chư tăng giờ thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn, cơm và canh đến chư Tăng. Khi cư sĩ sớt cơm xong, vào trong nhà bưng canh. Canh bưng đến thì có tỳ-kheo đã ăn hết cơm. Cư sĩ hỏi: «Cơm đâu rồi?» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi ăn hết rồi.» Cư sĩ sớt canh rồi, lại vào nhà bưng cơm. Cơm bưng ra thì canh đã ăn hết. Cư sĩ hỏi: «Canh đâu rồi?» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi ăn hết rồi.» Cư sĩ bèn cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Cơm đến, canh chưa đến; đã ăn hết cơm. Canh đến, cơm chưa hết đã ăn hết canh. Giống như người đói khát!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy nhận thức ăn, canh chưa đến cơm đã ăn hết; canh đến cơm chưa đến, canh đã ăn hết?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông nhận cơm, canh chưa đến cơm ăn đã hết; canh đến, cơm chưa đến, canh đã ăn hết?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Ăn cơm và canh đồng đều, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không bằng nhau có nghĩa là cơm đến, canh chưa đến, cơm đã hết. Canh đến, cơm chưa đến, canh đã hết. Tỳ-kheo cố ý ăn cơm canh không đều nhau, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni. đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc lúc cần cơm không cần canh, hay là cần canh không cần cơm. Hoặc gần quá giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn cần ăn mau. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 30[37] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày mai thọ thực. Trong đêm sửa soạn đầy đủ các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo chư Tăng giờ thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Tự tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn.[38] Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Không theo thứ tự nhận thức ăn để ăn; ăn giống như heo, chó; ăn giống như lừa, bò, chim, quạ.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, [704a1] ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: ‹Sao các thầy không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông không theo thứ tự để lấy thức ăn?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Theo thứ tự mà ăn,[39] thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không theo thứ tự có nghĩa là trong bát chỗ nào cũng moi để lấy thức ăn. Tỳ-kheo kia cố ý làm, không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni. đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc sợ nóng nên moi lấy chỗ nguội để ăn, hoặc sắp quá giữa trưa, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn nên cần ăn vội; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 31[40] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày mai cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đi thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn bằng cách moi trống giữa bình bát. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn giống như bò, lừa, lạc đà, heo, chó, chim quạ không khác!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các Thầy lại moi trống giữa bát để ăn?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông thọ thực lại moi một lỗ trống giữa bát để ăn?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên moi giữa bát[41] mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Moi giữa bát mà ăn: nghĩa là để chừa xung quanh mà khoét chính giữa bát xuống tới đáy. Tỳ-kheo kia cố ý moi giữa bát để ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc sợ nóng nên moi chính giữa cho nguội, hoặc quá giữa trưa, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn gấp nên khoét giữa để ăn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 32[42] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày mai cúng dường các thức ăn tốt. Trong đêm sửa soạn đủ rồi, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát tới nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn ngon đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo tự mình yêu sách thức ăn như kẻ đói khát. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các Thầy yêu sách thức ăn cho mình?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn, Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông yêu sách thức ăn cho mình?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được yêu sách thức ăn cho mình, thức-xoa-ca-la-ni. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bệnh, nghi không dám vì mình yêu cầu thức ăn, cũng không dám vì người khác yêu cầu thức ăn; người khác yêu cầu thức ăn đem cho cũng không dám ăn. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh được vì mình yêu cầu thức ăn, vì người khác yêu cầu, hoặc người khác vì mình yêu cầu, thì được ăn.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, không được vì mình yêu sách cơm canh, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo kia không bệnh, cố ý tự mình đòi hỏi cơm, canh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: vì bệnh nên tự đòi, hoặc vì người khác hay người khác vì mình mà đòi, hoặc không đòi hỏi mà tự được thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 33[43] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng cúng dường các thứ cơm canh vào ngày mai. Tối đó sửa soạn đủ mọi thứ, sáng ngày đến mời chư tăng đi thọ thực. Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát tới nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt cơm canh đến chư Tăng. Khi ấy cư sĩ đem canh đến sớt vào bát cho một tỳ-kheo trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, ghi nhớ theo thứ tự để lấy canh sớt tiếp. Sau đó tỳ-kheo này lấy cơm phủ lên trên canh. Khi trở lại, cư sĩ hỏi: «Canh đâu rồi?» Tỳ-kheo nín thinh. Cư sĩ liền cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. [705a1] Như vậy có gì là chánh pháp? Lấy cơm phủ lên trên canh, giống như người đói khát!» Các tỳ-kheo nghe rồi đều hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy thọ thực lại lấy cơm phủ lên canh, mong được nhận canh thêm?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông lấy cơm phủ lên canh để mong nhận thêm canh?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được dùng cơm che lấp canh, thức-xoa-ca-la-ni. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo được mời ăn, canh làm nhớp tay, nhớp bát, nhớp khăn tay. Nên có sự nghi, không dám dùng cơm phủ lên canh. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép khi được mời ăn thì không phạm.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được dùng cơm che lấp canh để mong được thêm,[44] thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Tỳ-kheo cố ý dùng cơm phủ lên canh, mong nhận được thêm canh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc được mời ăn; hoặc khi chỉ cần canh hay chỉ cần cơm; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 34[45] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo sáng mai cúng dường cơm canh và các thức ăn ngon. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt cơm canh và các thức ăn ngon đến chư Tăng. Trong nhóm sáu tỳ-kheo có một vị nhận được phần ăn ít, thấy vị ngồi gần nhận được nhiều, liền nói với cư sĩ: «Nay ông thỉnh Tăng đến thọ thực, tuỳ ý ông muốn sớt ai nhiều thì sớt, muốn sớt ai ít thì sớt phải không? Ông là một cư sĩ có thiên vị.» Cư sĩ trả lời: «Tôi sớt thức ăn với tâm niệm bình đẳng, tại sao nói tôi có thiên vị?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy liếc hai bên nhìn vào bát của người ngồi cạnh?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông liếc hai bên nhìn vào bát người ngồi cạnh để biết nhiều hay ít?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không liếc nhìn vào trong bát người ngồi bên cạnh sanh tâm tỵ hiềm,[46] thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Trong đây, liếc nhìn vào bát người ngồi cạnh là để biết ai nhiều ai ít. Tỳ-kheo cố ý liếc nhìn vào trong bát người ngồi cạnh để biết nhiều ít, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy, hoặc tỳ-kheo ngồi gần bị bệnh, hoặc mắt bị mờ, ngó để biết họ nhận được thức ăn hay chưa, tịnh hay bất tịnh, thọ hay chưa thọ, như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 35[47] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh Tăng tỳ-kheo sáng ngày mai cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm ấy sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đi thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Có vị tỳ-kheo trong nhóm sáu tỳ-kheo nhận cơm canh rồi, nhìn ngó chung quanh. Bất ngờ tỳ-kheo ngồi cạnh lấy phần canh của vị ấy dấu. Vị tỳ-kheo nhìn lại không thấy canh, hỏi: «Phần canh tôi vừa nhận đâu rồi?» Vị Tỳ-kheo ngồi gần nói: «Thầy đi đâu mới lại hay sao?» Vị kia trả lời: «Tôi ngồi đây, để canh trước mặt, mắt nhìn ngó hai bên thì phần canh đâu mất!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao thầy nhận canh rồi lại nhìn ngó hai bên?» Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Sao ông nhận cơm canh rồi, nhìn ngó hai bên?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Phải chú tâm vào bát mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Không chú tâm nơi bình bát, có nghĩa là nhìn ngó hai bên. Tỳ-kheo cố ý không chú tâm nơi bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc tỳ-kheo ngồi cạnh bị bệnh; hoặc mắt bị mờ; vì để nhận thức ăn mà xem ngó, tịnh bất tịnh, được chưa được, thọ chưa thọ; hay xem coi thời giờ; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn cần xem ngó hai bên để trốn thoát; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 36[48] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo sáng ngày mai cúng dường thức ăn ngon bổ. Trong đêm ấy, chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo vắt nắm cơm lớn, miệng không đủ chứa. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, thọ nhận không biết nhàm chán. Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, bò, chim, quạ.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại vắt nắm cơm lớn như thế?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông vắt năm cơm lớn như thế?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được ăn vắt cơm lớn, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Vắt lớn: tức là miệng không chứa hết. Tỳ-kheo cố ý vắt cơm lớn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy, hoặc thời giờ muốn quá giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn gấp; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 37[49] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo thọ thực vào sáng mai với những thức ăn ngon. Trong đêm, sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời các tỳ-kheo thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn để ăn. Trong khi thức ăn chưa vào miệng đã hả lớn miệng để đợi. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Tại sao thức ăn chưa đến mà đã hả lớn miệng để chờ? Ăn giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy hả lớn miệng để đợi ăn?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông hả lớn miệng chờ thức ăn?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không há miệng lớn đợi cơm mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Hả lớn miệng: vắt cơm chưa đến mà đã hả lớn miệng trước để đợi. Tỳ-kheo cố ý hả lớn miệng đợi vắt cơm, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh nào đó; hoặc thời giờ sắp quá giữa ngày; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn vội; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 38[50] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng tăng cúng dường cơm canh, các thức ăn tốt vào sáng ngày mai. Trong đêm lo chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn để cúng dường. Nhóm sáu tỳ-kheo vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện. Các cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán. Tại sao vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện? Ăn tuồng như heo, chó, lạc đà, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các Thầy vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện?» Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn, Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông ngậm thức ăn nói chuyện?» Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được ngậm cơm mà nói, thức-xoa-ca-la-ni. Ngậm thức ăn nói chuyện: thức ăn ở trong miệng thì lời nói không rõ, người nghe không hiểu. Nếu tỳ-kheo cố ý ngậm thức ăn nói chuyện, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy; hoặc bị nghẹn, kêu nước; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn mà lên tiếng khi đang ăn; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 39[51] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường cơm canh và các thức ăn tốt vào sáng ngày mai. Trong đêm, sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo cầm vắt cơm từ xa thảy vào miệng. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán. Giống như nhà ảo thuật!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách… (như trên) rồi đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… (như trên), cho đến: «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa,cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không vắt cơm thảy vào miệng, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo cố ý vắt cơm từ xa thảy vào miệng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy; hoặc bị cột trói, quăng thức ăn vào miệng không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 40[52] [707a1] Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo thọ thực với các thức ăn ngon bổ vào sáng ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ xong, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo thọ thức ăn không như pháp, tay cầm vắt cơm, cắn phân nữa để ăn.[53] Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán, không biết đủ. Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, bò, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dụ tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo (như trên) cho đến câu đầu tiên phạm giới này, rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên để cơm rơi vải khi ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Trong đây, rơi vải,[54] nghĩa là phân nữa vào miệng, phân nữa ở nơi tay. Tỳ-kheo cố ý lấy tay cầm vắt cơm, ăn phân nữa, để lại phân nữa, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy; hoặc ăn bánh tráng, hoặc ăn thịt, hay ăn dưa, ăn mía, ăn rau trái, như trái am-bà-la, trái diêm-bặc, trái nho, tim, lá, nhụy của thảo mộc; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [55]
Chú thích: [19] Khiêu hành 跳行. [20] Khiêu hành 跳行. Cf. Căn bản 50 (T23n1442, tr.902a11). [21] Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.74b01), ĐiỀU 40: tốn hành 蹲行, đi chồm hỗm (?). Cf. Cản bản 50 (T23n1442, tr.902a06). Thập tụng (T23n1435, tr.135b16), ĐiỀU 27. Pali: ukkuṭikāya. [22] Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.74a26), ĐiỀU 29. Tăng kỳ 21 (T22n1425, tr.401a14), ĐiỀU 10. Thập tụng 19 (T23n1435, tr.136a01), ĐiỀU 35. Căn bản 50 (T23n1442, tr.901c28), ĐiỀU18. Pali, Sikkhā 21. [23] Ngũ phần, ĐiỀU 19; Tăng kỳ, ĐiỀU11; Căn bản, ĐiỀU 25; Thập tụng, ĐiỀU 53. Pali, Sikkhā 15. [24] Dao thân hành 搖身行. Pali: kāyappacālaka, dao động thân. [25] Pali, Sikkhā 17; Ngũ phần, ĐiỀU 33; Tăng kỳ, ĐiỀU 13; Thập tụng, ĐiỀU 47; Căn bản, ĐiỀU 26. [26] Trạo tý hành 掉臂行; vừa đi vừa vung tay, đánh đòng xa. Pali: bāhuppacalakaṃ. [27] Pali: Sikkhā 3; Ngũ phần, ĐiỀU 11; Tăng kỳ, ĐiỀU 3; Thập tụng, ĐiỀU 17; Căn bản, ĐiỀU 12. [28] Pali, Sikkhā 7; Ngũ phần ĐiỀU 37; Tăng kỳ, ĐiỀU 4; Thập tụng, ĐiỀU 21. [29] Ngũ phần, ĐiỀU 47; Tăng kỳ, ĐiỀU 5; Căn bản, ĐiỀU 13; Thập tụng, ĐiỀU 27; Pali, Sikkhā 13. [30] Hán: tĩnh mặc 靜默. [31] Pali. Sikkhā 11. [32] Pali, Sikkhā 27; Ngũ phần, ĐiỀU 51; Tăng kỳ, ĐiỀU 24; Thập tụng, ĐiỀU 62; Căn bản, ĐiỀU 43. [33] Pali, Sikkhā 30; Ngũ phần, ĐiỀU 52; Căn bản, ĐiỀU 40; Thập tụng, diều 64. [34] Pali, Sikkhā 29. Thập tụng, ĐiỀU 60. [35] Pali, samasūpakaṃ piṇḍapātaṃ, nhận phần canh vừa phải. [36] Pali, Sikkhā 34; Ngũ phần, ĐiỀU 53; Tăng kỳ, ĐiỀU 25; Thập tụng, ĐiỀU 61. [37] Pali, Sikkhā 33. Thập tụng, ĐiỀU 83. [38] Pali: tahaṃ tahaṃ omasitvā piṇḍapātaṃ bhuñjanti, thọc chỗ này chỗ kia mà ăn. [39] Pali, sapadānaṃ piṇḍapātaṃ bhuñjissāmi. Giải thích: sapadānanti tattha tattha odhiṃ akatvā anupṭipāṭiya, theo thứ lớp, không phân biệt lựa chọn chỗ này, chỗ kia. [40] Pali, Sikkhā 35. [41] Pali: thūpakato omaditvā, moi trên chóp (bát). Sớ giải: thūpakatoti matthakato vemajjhato ti attho, moi chóp bát, tức moi giữa bát. [42] Pali, Sikkhā 37; Ngũ phần, ĐiỀU 79; Tăng kỳ, ĐiỀU 44; Thập tụng, ĐiỀU 84. [43] Pali, Sikkhā 36; Ngũ phần, ĐiỀU 79; Tăng kỳ, ĐiỀU 44; Thập tụng, ĐiỀU 80. [44] Pali: sūpaṃ vā vyañjanaṃ vā ... bhiyyokamyataṃ upādāyāti, để nhận thêm canh hay gia vị. [45] Pali, Sikkhā 38; Ngũ phần, ĐiỀU 80; Tăng kỳ, ĐiỀU 42; Căn bản, ĐiỀU 65; Thập tụng, ĐiỀU 81. [46] ujjhānasaññī paresaṃ pattaṃ olokessāmi, liếc nhìn vào bát người khác với tâm tưởng bất mãn. [47] Pali, Sikkhā 32; Ngũ phần, ĐiỀU 58; Tăng kỳ, ĐiỀU 43; Căn bản, ĐiỀU 64; Thập tụng, ĐiỀU 82. [48] Pali, Sikkhā 39; Ngũ phần, ĐiỀU 64; Tăng kỳ, ĐiỀU 29; Căn bản, ĐiỀU 45; Thập tụng, ĐiỀU 64. [49] Pali, Sikkhā 41; Ngũ phần, ĐiỀU 66; Tăng kỳ, ĐiỀU30; Căn bản, ĐiỀU 47; Thập tụng, ĐiỀU 66. [50] Pali, Sikkhā 43; Ngũ phần, ĐiỀU 68; Tăng kỳ, ĐiỀU 33; Căn bản, ĐiỀU 48; Thập tụng, ĐiỀU 67. [51] Pali, Sikkhā 44. [52] Pali, Sikkhā 48; Ngũ phần, ĐiỀU 59; Tăng kỳ, ĐiỀU 40; Căn bản, ĐiỀU 55. Thập tụng, ĐiỀU 67. [53] Trong giới văn: làm rơi vải cơm. Xem cht. 54 dưới. [54] Hán: di lạc 遺落. Pali: sitthāvakārakaṃ, làm rơi vải hạt cơm. Giải thích: sitthaṃ avakiritvā avakiritvā, làm rơi hạt cơm chỗ này chỗ kia. Cf. Thập tụng (T23n1435, tr.138a18): bán giảo thực 半咬食, «cắn một nữa (vắt cơm) mà ăn». [55] Bản Hán, hết quyển 20. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐiỀU 41[56] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chư Tăng cúng dường cơm vào ngày mai. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ thực. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo phồng má mà ăn,[57] cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, ăn giống như con khỉ.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu Tăng tỳ-kheo như trên, cho đến: «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không phồng má mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.[58] Trong đây, ăn phồng má tức là đưa thức ăn vào khiến cho hai má phồng lên, giống như tướng trạng của con khỉ. Nếu cố ý làm cho đầy miệng bằng thức ăn, khiến cho hai má phồng lên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc gần qua giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ăn vội thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 42[59] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon bổ, vào sáng ngày mai. Trong đêm sửa soạn đủ tất cả, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai. Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo nhai cơm có tiếng, cư sĩ cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu [706a1] dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao nhai thức ăn có tiếng?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nhai thức ăn có tiếng,[60] thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý nhai thức ăn có tiếng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc có chứng bệnh thế nào đó; hay ăn cơm khô, cơm cháy, mía, dưa, xoài, trái diêm-bặc, bồ đào, hồ đào, ty đào lê, phong lê… thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 43[61] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh các tỳ-kheo đến thọ trai. Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo lua húp cơm canh có tiếng.[62] Cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến câu ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này tập hợp đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-[708a1]kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên húp thức ăn có tiếng mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*. Trong đây, húp thức ăn có nghĩa là trương miệng lớn từ xa húp thức ăn vào. Nếu tỳ-kheo cố ý húp thức ăn có tiếng phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc thời có mắc chứng bệnh thế nào đó; hay miệng bị đau, hoặc ăn canh, ăn lạc, lạc tương, tô-tỳ-la tương, hay rượu đắng; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 44[63] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai. Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến các ngài. Nhóm sáu tỳ-kheo le lưỡi ra liếm thức ăn. Cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên lấy lưỡi liếm thức ăn,[64] thức-xoa-ca-la-ni*. Lấy lưỡi liếm: tức là dùng lưỡi đưa ra để thu lấy thức ăn. Nếu tỳ-kheo cố ý le lưỡi liếm thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì mắc bệnh như vậy, hoặc bị trói, hoặc tay bị bùn, hay đất nhớp, mồ hôi tay nên lấy lưỡi liếm thức ăn; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 45[65] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai. Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài. Khi ấy có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rảy tay[66] khi ăn. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có hổ thẹn… cho đến ăn như nhà Vua, như Đại thần của Vua!» Bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... cho đến câu «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên rảy tay khi ăn, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo cố ý rảy tay phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh thế nào đó, hoặc trong thức ăn có cỏ, có trùng, hoặc trong tay có bất tịnh muốn rảy bỏ đi, hoặc lúc chưa ăn tay xúc chạm vật không sạch cần rảy; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 46 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các tỳ-kheo. Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lượm thức ăn rơi mà ăn. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý, … ăn như gà, như chim, quạ.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên tay nhặt thức ăn rơi mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*. Cơm rơi: Là cơm đã rớt dưới đất. Nếu tỳ-kheo cố ý lượm cơm rơi ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm, phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy, hoặc khi ăn có cỏ, có trùng, hoặc có vật gì bất tịnh, hoặc lúc chưa ăn có cái gì cần bỏ, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 47[67] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào sáng ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng phó trai. Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài. Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lấy tay không sạch bưng đồ đựng nước uống. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có xấu hổ… cho đến dùng tay không sạch cầm đồ đựng nước uống, giống như Vua, Đại thần của Vua.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tay dơ không nên cầm đồ đựng nước uống, [709a1] thức-xoa-ca-la-ni*. Trong đây, tay dơ có nghĩa là có cơm dính nơi tay. Nếu tỳ-kheo cố ý dùng tay dơ cầm đồ đựng thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc là mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc nhận thức ăn trên cỏ, trên lá thì rửa tay nhận; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 48[68] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo tại nhà cư sĩ ăn xong rửa bát, đổ nước rửa bát, có cả thức ăn dư, bừa bãi ra đất. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có xấu hổ… (cho đến) nhận nhiều thức ăn như kẻ đói khát, để rồi vất bỏ bừa bãi như Đại thần của Vua!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên đổ nước rửa bát[69] trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni. Nước rửa bát: ở đây có nghĩa là nước có lẩn cơm và những thức ăn còn thừa. Nếu tỳ-kheo cố ý đổ nước rửa bát trong nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố y làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc là rửa mâm, bàn, rồi hứng lấy nước ấy đem đổ ra ngoài; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 49[70] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vậy: Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo bệnh, mệt nhọc không thể tránh chỗ rau cải và cỏ tươi được. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo bệnh, không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo không bệnh cố ý đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đại tiểu tiện nơi chỗ không có rau cải và cỏ tươi mà nước chảy đến nơi đó, hay gió thổi, chim ngậm rớt nơi có rau cải hay cỏ tươi; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 50[71] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện trong nước giống như heo, chó, bò, lạc đà, lừa.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, thức-xoa-ca-la-ni. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có tỳ-kheo bệnh, nếu tránh chỗ có nước để đại tiểu tiện và khạc nhổ thì hơi khó nhọc. Đức Phật dạy: «Người bệnh không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. Nếu tỳ-kheo cố ý đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiệt-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc là đại tiểu tiện trên bờ sông rồi rơi vào dòng nước, hoặc bị gió thổi, chim ngậm bay đi rơi rớt vào trong nước; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 51[72] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đứng đại tiểu tiện. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện mà đứng, giống như bò, ngựa, heo, dê, lạc đà.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được đứng đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo bệnh, không thể ngồi để đại tiểu tiện vì mệt nhọc. Đức Phật dạy: «Người bệnh thì không phạm.» Từ nay trở về sau nên nói giới như vầy: Không được đứng đại tiểu tiện, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý đứng đại tiểu tiện, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, [710a1] phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc bị trói buộc, hoặc nơi chỗ đứng bị nhớp, bùn nhơ; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 52[73] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo nói pháp cho người vén ngược y không cung kính. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các Tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, thức-xoa-ca-la-ni*. Bấy giờ các tỳ-kheo nghi không dám nói pháp cho người bệnh mà họ vén ngược y. Đức Phật dạy: «Người bệnh thì không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý nói pháp cho người lật ngược y không cung kính, không bệnh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì nhà Vua hay Đại thần của nhà Vua mà nói thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 53 Không được nói pháp cho người quấn y nơi cổ, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 54[74] Không được nói pháp cho người trùm đầu,[75] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni *. (như trên) ĐiỀU 55[76] Không được nói pháp cho người quấn đầu,[77] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 56[78] Không được nói pháp cho người chống nạnh, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 57[79] Không được nói pháp cho người mang dép da,[80] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 58[81] Không được nói pháp cho người mang guốc gỗ,[82] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 59[83] Không được nói pháp cho người cởi xe cộ,[84] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 60 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo ngủ nghỉ trong tháp Phật. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao ngủ nghỉ trong tháp Phật?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không đươc ngủ nghỉ trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy, có tỳ-kheo nghi, vì để giữ tháp vẫn không dám ngủ trong tháp Phật. Đức Phật dạy: Vì bảo vệ tháp thì không phạm. Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì canh giữ, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý ngủ nghỉ trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la, Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì bảo vệ mà ngủ nghỉ, hoặc vì sức mạnh bắt, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ngủ nghỉ; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 61 Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo cất dấu tài vật trong tháp Phật. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vậy: Không được cất dấu tài vật của cải trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo nghi, vì để bền chắc vẫn không dám chứa cất của cải trong tháp Phật. Đức Phật dạy: «Vì bảo đảm thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được chôn dấu tài vật trong tháp Phật, trừ để cho bền chắc , thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý đem của chôn dấu trong tháp Phật, trừ vì muốn chắc chắn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hay vì bảo đảm chắc chắn nên đem của cải chôn cất trong tháp Phật, hoặc vì cường lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 62 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc dép vào trong tháp Phật. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dưc tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy mang guốc dép vào trong tháp Phật?» Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được mang dép da vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý mang dép da vào trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm [711a1] đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 63 Không được tay cầm giày dép da vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 64. Không được mang giày dép da đi quanh tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 65. Không được mang giày phú-la[85] vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 66. Không được xách giày phú la vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 67. Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi ăn dưới tháp, ăn xong lưu lại thức ăn thừa và cỏ rác, làm dơ đất, rồi bỏ đi. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được ngồi ăn dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo làm tháp rồi thí thực, làm phòng rồi thí thực, hoặc thí ao giếng, nhiều người tập hợp, chỗ ngồi chật hẹp không dám ngồi dưới tháp ăn vì chưa được đức Phật cho phép, đến bạch. Phật dạy: «Cho phép ngồi ăn, nhưng không được bỏ cỏ rác, và thức ăn dư làm dơ đất.» Bấy giờ có một tỳ-kheo nhất tọa thực, hoặc tỳ-kheo tác pháp dư thực không ăn, hay có tỳ-kheo bệnh không dám lưu lại thức ăn dư và cỏ làm dơ đất, đức Phật cho phép dồn lại một bên chân rồi đem ra ngoài bỏ. Phật dạy: Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được ngồi ăn dưới tháp lưu lại cỏ và thức ăn dư làm dơ đất, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi dưới tháp ăn, rồi bỏ lại đồ ăn dư làm dơ đất, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc gom lại một chỗ rồi đem ra ngoài bỏ thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 68 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khiêng tử thi đi qua dưới tháp làm cho thần bảo vệ tháp giận. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy khiêng tử thi đi qua dưới tháp Phật?» Quở trách rồi, tỳ-kheo thiểu dục đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được khiêng tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố tâm khiêng tử thi đi qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc khi cần phải đi qua con đường này, hoặc bị cường lực dẫn đi thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 69. Không được chôn tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 70 Không được thiêu tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 71 Không được đối diện tháp thiêu tử thi, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 72 Không được thiêu tử thi quanh bốn phía tháp, làm mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 73 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang áo và giường của người chết đi qua dưới tháp, làm cho vị thần nơi trú xứ đó giận. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách, rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được mang áo và giường của tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo mặc y phấn tảo, nghi không dám mang loại y như vậy đi ngang qua dưới tháp. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Cho phép giặt, nhuộm, xông mùi hương rồi mang qua.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được mang áo và giường của người chết đi ngang qua dưới tháp, trừ khi đã giặt, nhuộm và xông hương, thức-xoa-ca-la-ni. Nếu tỳ-kheo cố ý mang y phấn tảo của người chết, không giặt, không nhuộm, không xông hương, đi ngang qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc là có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đã giặt nhuộm xong thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 74 Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 75 Không được đại tiểu tiện trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 76 Không được đại tiểu tiện quanh bốn phía tháp Phật khiến mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 77 Không được đem tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) Có 3 trường hợp sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trên đường phải [712a1] đi ngang qua đó, hay bị cường lực bắt đi; không phạm. ĐiỀU 78 Không được nhăm nhành dương[86] dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 79 Không được nhăm nhành dương dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 80 Không được nhăm nhành dương xung quanh bốn phía tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 81 Không được khạc nhổ dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 82 Không được khạc nhổ trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. ĐiỀU 83 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp Phật. Các tỳ-kheo thấy, cơ hiềm: «Tại sao các thầy khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được khạc nhổ quanh bốn phía tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc do chim quạ ngậm đến bên tháp, hoặc là gió thổi đến thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 84 Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi duỗi chân về phía tháp. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách, liền đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo nghi, cách xa tháp không dám ngồi duỗi chân, đức Phật dạy: «Trung gian có khoảng cách thì cho phép.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, trừ có khoảng cách, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi duỗi chân về phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trung gian có khoảng cách, hay bị cường lực bắt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 85 Một thời, đức Phật ở nước Câu-tát-la, trên đường du hành đến thôn Đô tử bà-la-môn. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo an trí tháp Phật nơi phòng dưới, mình ở phòng trên. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được an trí tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý để tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó. Hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, thỉnh tháp Phật để nơi phòng dưới, mình ở nơi phòng trên thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 86[87] Không được nói pháp cho người ngồi mình đứng, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)[88] Có người nghi không dám vì người bệnh nói pháp. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau nên nói giới như vầy»: Không được nói pháp cho người ngồi mà mình đứng, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo nào người ngồi mình đứng, cố ý vì họ nói pháp phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc Vua, Đại thần của Vua bắt nói thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 87[89] Không được nói pháp cho người nằm mà mình ngồi, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 88 Không được nói pháp cho người ngồi chính giữa, còn mình ngồi một bên, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 89[90] Không được nói pháp cho người ngồi chỗ cao, còn mình ngồi chỗ thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 90[91] Không được nói pháp cho người đi trước, còn mình đi phía sau, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 91[92] Không được nói pháp cho người ở chỗ kinh hành cao, còn mình ở chỗ kinh hành thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 92[93] Không được nói pháp cho người ở giữa đường, còn mình ở bên đường, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên) ĐiỀU 93 Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, hoặc ngăn chận những nam nữ khác. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, mà đi ngoài lộ nắm tay nhau như nhà Vua, Đại thần của Vua, hào quý trưởng giả. Như vậy có gì là Chánh pháp?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không nên nắm tay nhau khi đi đường, thức-xoa-ca-la-ni. Tỳ-kheo cố ý làm, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di-ni, đột-kiết-la. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc có vị tỳ-kheo mắt bị mờ, cần dìu để đi thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 94[94] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo nhập hạ an cư ở trên một cây đại thọ. Từ trên cây đại thọ đại tiểu tiện xuống, khiến vị thọ thần nổi giận, muốn đoạn mạng căn vị tỳ-kheo kia. Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách rồi đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách vị tỳ-kheo này: «Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao lại từ trên cây đại tiểu tiện xuống?» Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, không được an cư trên cây. Không được đại tiểu tiện xung quanh cây. Nếu chỗ đã có sẵn thì đại tiểu tiện không phạm.» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được leo lên cây cao quá đầu người, thức-xoa-ca-la-ni. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành, trên đường đi gặp phải ác thú khủng bố, leo cao lên cây ngang người với ý nghĩ: «Đức Thế tôn chế giới không được leo cây cao quá đầu người.» Do đó không dám leo lên, nên họ bị ác thú hại. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, được phép leo lên cây cao quá đầu người.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo cố ý leo lên cây cao quá đầu người, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như thế nào đó, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, leo lên cây cao quá đầu người thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 95 Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy vác trên vai mà đi. Các Cư sĩ thấy, tưởng là người của nhà quan, đứng tránh bên đường, tìm chỗ vắng núp để xem. Thì ra, khi đến mới biết đó là Bạt-nan-đà. Các cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, tại sao bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào gậy, vác trên vai mà đi giống như người của nhà quan khiến chúng ta phải tránh bên lề đường?» Các tỳ-kheo nghe, quở trách rồi đến bạch lên đức Thế tôn, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà: «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao ông bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy, vác trên vai đi, khiến cho các cư sĩ phải tránh bên lề đường?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào đầu gậy quẩy trên vai mà đi, thức-xoa-ca-la-ni*. Nếu tỳ-kheo cố ý làm phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt ép hoặc bị trói, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 96[95] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo vì người cầm gậy, không cung kính mà nói pháp. Các tỳ-kheo biết, quở trách như trên rồi, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn cũng quở trách… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Không được nói pháp cho người cầm gậy, thức-xoa-ca-la-ni*. Có vị nghi, không dám vì người bệnh cầm gậy nói pháp, đức Phật dạy: Vì người bệnh thì không phạm. Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới: Không được nói pháp cho ngươì cầm gậy, không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. Tỳ-kheo nào cố ý vì người cầm gậy mà nói pháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hay vì nhà Vua, Đại thần của Vua nói thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐiỀU 97[96] Không được nói pháp cho người cầm kiếm, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 98[97] Không được nói pháp cho người cầm mâu,[98] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 99[99] Không được nói pháp cho người cầm dao, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) ĐiỀU 100[100] Không được nói pháp cho người cầm dù, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên) CHƯƠNG VIII BẢY DIỆT TRÁNH [1] Bảy pháp hối quá như vậy nửa tháng, nửa tháng tụng một lần, chép ra từ trong giới kinh. Nếu có việc tranh cãi khởi lên, liền phải trừ diệt. ĐiỀu 1. Nên sử dụng pháp hiện tiền tỳ-ni thì sử dụng pháp hiện tiền tỳ-ni. ĐIỀU 2. Nên sử dụng pháp ức niệm tỳ-ni thì sử dụng pháp ức niệm tì-ni. ĐIỀU 3. Nên sử dụng pháp bất si tỳ-ni thì sử dụng pháp bất si tỳ-ni. ĐIỀU 4. Nên sử dụng pháp tự ngôn trị thì sử dụng pháp tư ngôn trị. ĐIỀU 5. Nên sử dụng pháp mích tội tướng thì sử dụng pháp đa mích tội tướng. ĐIỀU 6. Nên sử dụng pháp đa nhơn mích tội thì sử dụng pháp đa nhơn mích tội. ĐIỀU 7. Nên sử dụng pháp như thảo phú địa thì sử dụng pháp như thảo phú địa.[2]
Chú thích: [56] Pali, Sikkhā 46; Ngũ phần, ĐiỀU 69; Tăng kỳ, ĐiỀU 27; Căn bản, ĐiỀU 56; Thập tụng, ĐiỀU 71. [57] Thập tụng (T23n1435, tr.138b13): «Bỏ cơm đầy miệng rồi mới nuốt.» [58] Trong bản Hán: thi-xoa-kế-lại-ni 尸叉罽賴尼. Các đoạn sau đều giống như vậy. [59] Pali, Sikkā 50 (cf. 51); Ngũ phần, ĐiỀU 62; Tăng kỳ, ĐiỀU 37; Căn bản, ĐiỀU 51; Thập tụng, ĐiỀU 70. [60] Pali, Sikkhā 50: capucapukārakaṃ, nhai có tiềng «cháp cháp.» [61] Pali, Sikkhā 51, cf. 50. [62] Hán: đại hấp phạn thực 大噏飯食. Pali, Sikkhā 51: surusurukārakaṃ khīraṃ pivanti, húp sữa thành tiếng «xu-ru-xu-ru.» [63] Pali, Sikkhā 52; Ngũ phần ĐiỀU 63; Tăng kỳ, ĐiỀU 35; Căn bản, ĐiỀU 61; Thập tụng, ĐiỀU 74. [64] Thập tụng: để thủ thực 舐手食, liếm tay mà ăn. Pali, Sikkhā 52: hatthanillehakaṃ, liếm tay. Cf. Sikkhā 49: jivhānicchārakaṃ, le lưỡi. Sikkhā 53: pattanillehakaṃ, liếm bát. [65] Pali, Sikkhā 47; Ngũ phần, ĐiỀU 72; Tăng kỳ, ĐiỀU 41; Căn bản, ĐiỀU 62; Thập tụng, ĐiỀU 76. [66] Chấn thủ 振手. Thập tụng (T23n1435, tr.138c02): thức ăn dính tay, rảy cho rơi. [67] Pali, Sikkhā 55; Ngũ phần, ĐiỀU 60; Tăng kỳ, ĐiỀU 46; Căn bản, ĐiỀU 66; Thập tụng, ĐiỀU 78. [68] Pali, Sikkhā 56; Ngũ phần, ĐiỀU 76; Tăng kỳ ĐiỀU 47; Căn bản, ĐiỀU 67; Thập tụng, ĐiỀU 84. [69] Pali: nước rửa bát có lẩn hạt cơm. Thập tụng (T23n1435, tr.139a20): phải gia chủ chỗ đổ. [70] Pali, Sikkhā 74; Ngũ phần, ĐiỀU 83; Tăng kỳ, ĐiỀU 64; Căn bản, ĐiỀU 96; Thập tụng, ĐiỀU 104. [71] Pali, Sikkhā 75; Ngũ phần, ĐiỀU 82; Tăng kỳ, ĐiỀU 65; Căn bản, ĐiỀU 97; Thập tụng, ĐiỀU 105. [72] Pali, Sikkhā 73; Ngũ phần, ĐiỀU 81; Tăng kỳ, ĐiỀU 66; Căn bản, ĐiỀU 95; Thập tụng, ĐiỀU 106. [73] Ngũ phần, ĐiỀU 93; Căn bản, ĐiỀU 97; Thập tụng, ĐiỀU 95, 96, 97. [74] Thập tụng, ĐiỀU 91. Tăng kỳ, ĐiỀU 53; Căn bản, ĐiỀU 78. Pali, Sikkhā 67. [75] Hán: phú đầu 覆頭. Pali: oguṇṭhitasīso nāma sasīsaṃ pāruto vuccati, trùm đầu, nghĩa là lấy vạt áo trùm kín đầu. [76] Pali, Sikkhā 66; Tăng kỳ, ĐiỀU 54; Căn bản, ĐiỀU 92; Thập tụng, ĐiỀU 92. [77] Hán: lý đầu 裹頭. Pali: veṭhitasīso nāma kesantaṃ na dassapetvā veṭhito hoti, quấn đầu, nghĩa là quấn khăn không để cho thấy chân tóc. [78] Thập tụng, ĐiỀU 94; Căn bản, ĐiỀU 81. [79] Pali, Sikkhā 62; Ngũ phần, ĐiỀU 85; Tăng kỳ, ĐiỀU 51; Căn bản, ĐiỀU 88; Thập tụng, ĐiỀU 98. [80] Hán: cách tỷ 革屣. Pali: upāhana, giày hay dép (thường làm bằng da). [81] Pali, Sikkhā 61; Ngũ phần, ĐiỀU 84; Tăng kỳ, ĐiỀU 65; Căn bản, ĐiỀU 87; Thập tụng, ĐiỀU 99. [82] Hán: mộc kịch 木屐. Thập tụng: kịch 屐. Pali: pādukā. [83] Pali, Sikkhā 63; Ngũ phần, ĐiỀU 96; Tăng kỳ, ĐiỀU 62; Căn bản, ĐiỀU 84; Thập tụng, ĐiỀU 85. [84] Hán: kỵ thừa (thặng) 騎乘. Pali: yānaṃ nāma vayhaṃ ratho sakaṭaṃ sandamānikā sivikā pāṭaṅkī, xe cộ: cộ (cáng), xe ngựa kéo, xe chở hàng, chiến xa, kiệu, ghế khiêng. [85] Phú-la; Phiên phạm ngữ (T54n2130, tr.987b13): «Phú-la, dịch là mãn 滿 (dẫn Thập tụng 9, T23n1435, tr.65a15: dùng da thuộc khâu lại làm giày phú-la).» [86] Tức đánh (xỉa) răng, súc miệng. [87] Pali, Sikkhā 70; Ngũ phần, ĐiỀU 87; Tăng kỳ, ĐiỀU 48; Căn bản, ĐiỀU 73; Thập tụng, ĐiỀU 88. [88] Từ ĐiỀU 86-92, xem các ĐiỀU 52-59 trên. Có sự sắp xếp lẫn lộn trong bản Hán. [89] Pali, Sikkhā 64; Ngũ phần, ĐiỀU 89; Tăng kỳ, ĐiỀU 49; Căn bản, ĐiỀU 74; Thập tụng, ĐiỀU 90. [90] Pali, Sikkhā 69; Ngũ phần, ĐiỀU 88; Tăng kỳ, ĐiỀU 50; Căn bản, ĐiỀU 75; Thập tụng, ĐiỀU 89. [91] Pali, Sikkhā 71; Ngũ phần, ĐiỀU 90; Tăng kỳ, ĐiỀU 61; Căn bản, ĐiỀU 76; Thập tụng, ĐiỀU 86 [92] Thập tụng, ĐiỀU 89. [93] Pali, Sikkhā 92; Ngũ phần, ĐiỀU 91; Tăng kỳ, ĐiỀU 63; Căn bản, ĐiỀU 77; Thập tụng, ĐiỀU 87. [94] Ngũ phần, ĐiỀU 84; Căn bản, ĐiỀU 98; Thập tụng, ĐiỀU 107. [95] Pali, Sikkhā 58; Ngũ phần, ĐiỀU 97; Tăng kỳ, ĐiỀU 59; Thập tụng, ĐiỀU 100. [96] Thập tụng, ĐiỀU 102. [97] Pali, Sikkhā 60; Ngũ phần, ĐiỀU 99; Tăng kỳ, ĐiỀU 64; Căn bản, ĐiỀU 96; Thập tụng, ĐiỀU 103. [98] Pali: āvudhapāṇi, cầm vũ khí. Thập tụng: cầm thuẫn, cầm cung tên. [99] Pali, Sikkhā 59; Ngũ phần, ĐiỀU 98; Tăng kỳ, ĐiỀU 57; Thập tụng, ĐiỀU 102. [100] Pali, Sikkhā 57; Ngũ phần, ĐiỀU 95; Tăng kỳ, ĐiỀU 60; Căn bản, ĐiỀU 94; Thập tụng, ĐiỀU 101. [1] Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.77b06); Thập tụng 20 (T23n1435, tr.141b12); Căn bản 50 (T23n1442, tr.904b5). Pali: adhikaraṇasamathā, Vin. iv. 207. [2] Bản Hán, hết quyển 21. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích PHẦN HAI THUYẾT MINH GIÁO PHÁP TỲ-KHEO-NI CHƯƠNG I BA-LA-DI [1] A - THÔNG GIỚI I. BẤT TỊNH HẠNH[2] [714a7] Một thời, đức Phật ở tại giảng đường Lâu các, [3] bên sông Di hầu, Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này [4] tập hợp các Tăng tỳ-kheo, nói: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, tập hợp mười cú nghĩa: 1. Nhiếp thủ đối với Tăng; 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ; 3. Khiến cho Tăng an lạc; 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín; 5. Người đã có tín khiến tăng trưởng; 6. Để điều phục người chưa được điều phục; 7. Người có tàm quý được an lạc; 8. Đoạn hữu lậu hiện tại; 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai; 10. Chánh pháp được cửu trụ.[5] » Muốn nói giới nên nói như sau:[6] Tỳ-kheo-ni nào, hành pháp dâm dục, phạm bất tịnh hạnh, cho đến cùng với loài súc sanh, Tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. Tỳ-kheo-ni: có tỳ-kheo-ni danh tự, tỳ-kheo-ni tương tự, tỳ-kheo-ni tự xưng, tỳ-kheo-ni thiện lai,[7] tỳ-kheo-ni khất cầu, tỳ-kheo-ni mặc áo cắt rọc, tỳ-kheo-ni phá kiết sử, tỳ-kheo-ni thọ đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu đúng cách. Tỳ-kheo-ni nói ở đây là tỳ-kheo-ni thọ đại giới, bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu như pháp, sống trong pháp tỳ-kheo-ni. Đó gọi là nghĩa tỳ-kheo-ni. Hành pháp dâm dục, phạm bất tịnh hạnh, cho đến cùng với loài súc sanh: đó là chỉ chỗ có thể hành dâm. Ba-la-di: ví như người bị chặt đầu, không thể sống trở lại được. Tỳ-kheo-ni cũng như vậy, phạm ba-la-di rồi, không thành tỳ-kheo-ni được nữa, nên gọi là ba-la-di. Thế nào gọi là không được sống chung? Không được sống chung với hai việc: cùng một yết-ma, cùng một thuyết giới. Tỳ-kheo-ni kia không được cùng sinh hoạt trong hai việc này. Cho nên gọi là không được sống chung. Có ba đối tượng hành dâm thành ba-la-di. Loài người, phi nhơn và súc sanh. Cùng hành dâm với ba đối tượng nầy thì phạm ba-la-di. Lại nữa, hành dâm với ba đối tượng nam phạm ba-la-di: nam loài ngườì, nam phi nhơn, súc sanh đực. Hành dâm với ba đối tượng này thì phạm ba-la-di. Hành dâm với ba đối tượng có hai hình,[8] phạm ba-la-di: loài người có hai hình, loài phi nhơn có hai hình, súc sanh hai hình. Đối với ba đối tượng hai hình này cùng hành dâm, phạm ba-la-di. Hành dâm với ba đối tượng huỳnh môn,[9] phạm ba-la-di: nhơn huỳnh môn, phi nhơn huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn. Đối với ba đối tượng này hành dâm phạm ba-la-di. Tỳ-kheo-ni với tâm dâm dục, nắm nam căn của người để vào ba chỗ đại, tiểu tiện, và miệng, vào thì phạm, không vào thì không phạm. Có ngăn cách với có ngăn cách; có ngăn cách với không ngăn cách; không ngăn cách với có ngăn cách; không ngăn cách với không ngăn cách; thảy đều phạm ba-la-di. Đối với phi nhơn nam, súc sanh đực, nhị hình nam, huỳnh môn cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni với tâm dâm dục, nắm nam căn của nam tử đang ngủ, của người chết mà thân chưa hư hoại hay hư hoại một ít, mà để vào ba chỗ, vào thì phạm; không vào thì không phạm. Có ngăn cách với có ngăn cách; có ngăn cách với không ngăn cách; không ngăn cách với có ngăn cách; không ngăn cách với không ngăn cách; đều ba-la-di. Phi nhơn nam, súc sanh đực, nhị hình nhơn nam, huỳnh môn cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni nào bị giặc bắt đem đến chỗ người nam, giặc cầm nam căn để vào ba chỗ. Khi mới vào, (tỳ-kheo-ni) cảm thấy thọ lạc; vào rồi thấy thọ lạc; khi lấy ra thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi mới vào, (tỳ-kheo-ni) thấy thọ lạc; vào rồi thấy thọ lạc; khi lấy ra không thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi mới vào thấy thọ lạc, vào rồi không thấy thọ lạc, khi lấy ra thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi mới vào thấy thọ lạc, vào rồi không thấy thọ lạc, lấy ra không thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi mới vào không thấy thọ lạc, vào rồi không thấy thọ lạc, lấy ra thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi vào, không thấy thọ lạc; vào rồi thấy thọ lạc, lấy ra không thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Khi mới vào không thấy thọ lạc, vào rồi thấy thọ lạc, lấy ra thấy thọ lạc, phạm ba-la-di. Trường hợp thứ sáu này,[10] có ngăn cách cho đến, không ngăn cách với không ngăn cách, cũng như trên. Phi nhơn nam, súc sanh đực, nhị hình nam, huỳnh môn, có ngăn cách cho đến, không ngăn cách với không ngăn cách, cũng như trên. Tỳ-kheo-ni bị giặc bắt đem đến chỗ nam tử đang ngủ, người chết thân chưa hư hoại hay hư hoại một ít, dùng nam căn của họ để vào ba chỗ. Khi mới để vào, (tỳ-kheo-ni) cảm thấy thọ lạc; vào rồi, thọ lạc. Cho đến, mới để vào không thọ lạc, vào rồi không thọ lạc, lấy ra thọ lạc, cũng như trên. Có ngăn cách với không ngăn cách, cho đến không ngăn cách với không ngăn cách, cũng như trên. Cho đến huỳnh môn cũng như trên, có ngăn cách với có ngăn cách, cho đến không ngăn cách với không ngăn cách, cũng như trên. Tỳ-kheo-ni nào bị giặc bắt, hành dâm nơi ba chỗ. Khi mới để vào, (tỳ-kheo-ni) cảm thấy thọ lạc; vào rồi thọ lạc, lấy ra thọ lạc, cho đến khi mới để vào không thọ lạc, vào rồi không thọ lạc, lấy ra thọ lạc, cũng như trên. Có ngăn cách với có ngăn cách, cho đến không ngăn cách với không ngăn cách, cũng như trên. Tỳ-kheo-ni nào, phương tiện muốn hành bất tịnh, làm thì phạm ba-la-di, không làm phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo phương tiện dạy tỳ-kheo-ni phạm dâm, (tỳ-kheo-ni) làm theo, (tỳ-kheo dạy kia) phạm thâu-lan-giá. (Tỳ-kheo-ni) không làm, (tỳ-kheo) phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni[11] dạy tỳ-kheo-ni phạm dâm, (tỳ-kheo-ni) làm theo, (tỳ-kheo-ni dạy kia) phạm thâu-lan-giá. (Tỳ-kheo-ni) không làm, (tỳ-kheo-ni dạy kia) phạm đột-kiết-la. Dạy người khác, trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni; người ấy làm hay không làm, (tỳ-kheo-ni dạy) phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la diệt tẫn. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ngủ không hay biết, không thọ lạc, tất cả không có dục tâm; thảy đều không phạm. Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa kiết giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. II. BẤT DỮ THỦ Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[12] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị vua hay đại thần của vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng ‹Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì;› tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[13] III. ĐOẠN NHÂN MẠNG* Một thời, đức Phật ở tại Tỳ-xá-ly, vì nhơn duyên này[14] tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo rằng: Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người, cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‹Này bạn, sống cuộc sống xấu ác này làm gì, thà chết còn hơn!› Với tâm tư duy như vậy, bằng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. IV. ĐẠI VỌNG NGỮ Một thời, đức Phật ở trên nhà lầu các, bên sông Di hầu, Tỳ-xá-ly, dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo rằng: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy:[15] Tỳ-kheo-ni nào, thật không [715a1] sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo-ni ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.› Trừ tăng thượng mạn. Tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. B - BẤT CỘNG GIỚI V. MA XÚC[16] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có trưởng giả đại hào quý tên là Đại Thiện Lộc Lạc,[17] tướng mạo đoan chánh. Thâu-la-nan-đà [18] tỳ-kheo-ni nhan sắc cũng xinh đẹp. Ông trưởng giả Lộc Lạc để ý Thâu-la-nan-đà, Thâu-la-nan-đà cũng để ý trưởng giả Lộc Lạc. Sau đó một thời gian, ông trưởng giả vì Thâu-la-nan-đà nên thỉnh các tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà đến nhà dùng cơm. Đêm ấy chuẩn bị đầy đủ các thức ăn, sáng sớm, đi báo giờ. Thâu-la-nan-đà biết trưởng giả vì mình nên thỉnh Tăng, bèn ở lại chùa không đi. Đến giờ, các tỳ-kheo-ni khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả. Đến nơi, ngồi vào chỗ ngồi. Khi ấy, ông trưởng giả nhìn khắp ni chúng, không thấy Thâu-la-nan-đà, liền hỏi: «Thâu-la-nan-đà ở đâu không thấy đến?» Chư ni đáp: «Cô ấy ở lại chùa, không đến.» Ông trưởng giả vội vàng sớt thức ăn xong, liền đến chùa, nơi Thâu-la-nan-đà ở. Thâu-la-nan-đà từ xa thấy ông trưởng giả đến, liền nằm trên giường. Ông trưởng giả hỏi: «A-di[19] bệnh khổ thế nào?» Thâu-la-nan-đà trả lời: «Không có bệnh khổ chi cả, chỉ có những điều tôi muốn mà ông không muốn thôi.» Ông trưởng giả nói rằng: «Tôi muốn chứ chẳng phải không muốn.» Bấy giờ, ông trưởng giả liền ôm choàng phía trước, đặt nằm xuống, rờ, mò, hôn hít. Xong trưởng giả ngồi lại, hỏi: «A-di cần thứ gì?» Thâu-la-nan-đà nói: «Tôi muốn được táo chua.» Ông trưởng giả nói: «Muốn có thứ ấy, sáng mai tôi sẽ đem đến.» Bấy giờ, có cô sa-di-ni nhỏ giữ phòng, thấy sự việc như vậy. Chư ni thọ thực về, cô kể lại đầy đủ. Chúng tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Sao cô lại làm việc như vậy với ông trưởng giả?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên Phật. Đức Phật liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà, sao lại cùng với ông trưởng giả làm việc như vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Kẻ ngu si tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đàn này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nóii như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, với tâm nhiễm ô, cùng người nam có tâm nhiễm ô, thân xúc chạm nhau từ nách trở xuống, từ đầu gối trở lên;[20] hoặc nắm, hoặc vuốt ve, hoặc kéo, hoặc đẩy, hoặc vuốt lên, hoặc vuốt xuống, hoặc nâng lên, hoặc để xuống, hoặc nắn, hoặc bóp; tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. Vì thân xúc chạm nhau vậy.[21] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tâm ô nhiễm:[22] tâm nhiễm đắm nhau. Người nam có tâm nhiễm ô, cũng như vậy. Từ nách trở xuống: Phần thân bên dưới nách. Từ đầu gối trở lên: Phần thân bên trên đầu gối. Thân: là từ ngón chân cho đến tóc trên đầu. Thân xúc chạm nhau: hai thân nắm vuốt nhau, hoặc kéo, hoặc xô, hoặc vuốt ngược, hoặc vuốt xuôi, hoặc nâng lên, hoặc để xuống, hoặc hoặc bóp, hoặc nắn.[23] - Nắm vuốt:[24] dùng tay vuốt ve phía trước hay phía sau thân. - Kéo: là kéo ra phía trước. - Đẩy: là xô ra phía sau. - Vuốt ngược: Từ dưới rờ lên. - Vuốt xuôi: từ trên rờ xuống. - Nâng: là ẳm lên. - Để xuống: ẳm để xuống, ngồi hay đứng. - Nắm: nắm phía trước, phía sau, nơi bắp vế, nơi ngực. - Nắn bóp:[25] nắn phía trước, phía sau, nơi bắp vế, nơi ngực.[26] Nam tử, tưởng là nam tử; nam tử dùng tay sờ thân cô ni, hai thân xúc chạm nhau, với dục tâm nhiễm đắm, thọ lạc bởi xúc chạm, (tỳ-kheo-ni) phạm ba-la-di. Nam tử, tưởng là nam tử, nam tử dùng tay xoa thân cô ni, động thân với dục tâm nhiễm đắm, thọ lạc bởi xúc chạm, phạm ba-la-di. Cho đến nắn, bóp cũng như vậy. Là nam tử mà nghi, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam, khởi tưởng nam. Ni dùng thân xúc chạm y của người kia, đồ trang sức bằng anh lạc, với dục tâm nhiễm đắm, thọ lạc bởi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Hoặc nam, khởi tưởng nam. Ni dùng thân xúc chạm y phục, đồ trang sức anh lạc của người kia, với tâm dục nhiễm đắm, không thọ lạc; khi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam, khởi tưởng nam. Nam dùng trang cụ bằng anh lạc, y nơi thân, xúc chạm thân của cô ni. Ni với dục tâm nhiễm đắm, thọ lạc bởi sự xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam khởi tưởng nam. Nam dùng trang cụ bằng anh lạc, y phục nơi thân, xúc chạm thân cô ni. Ni có dục tâm nhiễm trước, nhưng không thọ lạc khi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Nam, khởi tưởng nam. Ni dùng thân xúc chạm trang cụ bằng anh lạc, y phục nơi thân nam, với dục tâm nhiễm trước, động thân, không thọ lạc khi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam, khởi tưởng nam. Ni dùng thân xúc chạm trang cụ bằng anh lạc, y phục nơi thân nam, với dục tâm nhiễm trước, không động thân, thọ lạc khi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam, khởi tưởng nam. Nam dùng trang cụ bằng anh lạc, y nơi thân, xúc chạm thân cô ni. Ni có dục tâm nhiễm trước, động thân, không thọ lạc khi xúc chạm, phạm thâu-lan-giá. Nam, khởi tưởng nam. Nam dùng trang cụ bằng anh lạc, y phục nơi thân, xúc chạm thân cô ni. Ni có dục tâm nhiễm trước, thọ lạc khi xúc chạm, không động thân, phạm thâu-lan-giá. Hoặc là nam, khởi tưởng nam, thân xúc chạm nhau. Ni có dục tâm nhiễm trước, không thọ lạc khi xúc chạm, động thân, phạm thâu-lan-giá. Nam, khởi tưởng nam, thân xúc chạm nhau. Ni có dục tâm nhiễm trước, thọ lạc khi xúc chạm, không động thân, phạm thâu-lan-giá. Cũng vậy, từ vuốt ve cho đến sờ nắn, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Nghi là nam, phạm đột-kiết-la. Nam khởi tưởng nam. Ni dùng y phục nơi thân xúc chạm y phục, trang sức bằng anh lạc nơi thân người nam. Ni với dục tâm nhiễm trước, khi xúc chạm thọ lạc, đột-kiết-la. Nam khởi tưởng nam. Ni dùng y nơi thân xúc chạm y phục, trang sức bằng anh lạc người nam, với dục tâm nhiễm trước, không thọ lạc khi xúc chạm, đột-kiết-la. Nam, khởi tưởng nam. Ni dùng y phục nơi thân xúc chạm y phục, trang cụ bằng anh lạc nơi thân người nam, với dục tâm nhiễm truớc, không thọ lạc khi xúc chạm, động thân, đột-kiết-la. Nam, khởi tưởng nam. Ni dùng y phục nơi thân xúc chạm y phục, trang cụ bằng anh lạc nơi thân người nam, với dục tâm nhiễm trước thọ lạc khi xúc chạm, không động thân, đột-kiết-la. Nam, khởi tưởng nam. Ni dùng y phục nơi thân xúc chạm y phục, trang cụ bằng anh lạc nơi thân người nam, với dục tâm nhiễm trước, không thọ lạc khi xúc chạm, không động thân, đột-kiết-la. Nam, khởi tưởng nam. Ni dùng y phục nơi thân xúc chạm y phục, trang cụ bằng anh lạc nơi thân người nam, với dục tâm nhiễm truớc, thọ lạc khi xúc chạm, động thân, đột-kiết-la. Cũng vậy, cho đến nắm, đẩy, tất cả đều đột-kiết-la. Đó là nam mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cùng với nam tử, hai thân xúc chạm nhau; mỗi xúc chạm là phạm một ba-la-di. Tùy theo sự xúc chạm nhiều hay ít, tất cả đều phạm ba-la-di. Nếu là nam của loài trời, nam của a-tu-la, cho đến giống đực của súc sanh có thể biến hình, hai thân xúc chạm nhau, đều phạm thâu-lan-giá. Với súc sanh không thể biến hình, hai thân xúc chạm nhau, đột-kiết-la. Nếu cùng với người nữ, hai thân xúc chạm nhau, đột-kiết-la. Nếu cùng với hạng hai hình, hai thân xúc chạm nhau thâu-lan-giá. Nếu nam nữ tác lễ, mà nắm bàn chân; nếu ni có cảm giác thọ lạc khi xúc, không động thân, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni với dục tâm mà xúc chạm y, bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, giày dép, cho đến tự xúc chạm thân của chính mình, tất cả đều đột-kiết-la. Nam loài người tưởng là nam loài người, ba-la-di. Nghi là nam loài người, thâu-lan-giá. Nam loài người, tưởng nam loài phi nhơn, thâu-lan-giá. Nam loài phi nhơn, khởi tưởng là nam loài người, thâu-lan-giá. Nam loài phi nhơn [716a1] mà sinh nghi, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo, tăng-già-bà-thi-sa.[27] Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi la phạm. Sự không phạm: Nếu khi đưa hay nhận vật gì, xúc chạm thân; hoặc khi giỡn chơi mà xúc chạm; hoặc khi để cứu giải mà có sự xúc chạm. Tất cả nếu không có tâm dục, đều không phạm. Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. VI. BÁT SỰ A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ, có ông trưởng giả tên là Sa-lâu Lộc Lạc,[28] tướng mạo đẹp đẽ. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cũng có nhan sắc xinh đẹp. Trưởng giả Lộc Lạc để tâm nơi Thâu-la-nan-đà, Thâu-la-nan-đà cũng để tâm nơi Lộc Lạc. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, với dục tâm, bằng lòng để cho trưởng giả nắm tay, nắm áo, cùng vào chỗ vắng, cùng đứng, cùng nói, cùng đi, hai thân dựa nhau, cùng hẹn hò. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao cô với dục tâm bằng lòng để cho trưởng giả nắm tay, nắm áo, cùng vào chỗ vắng, cùng đứng, cùng nói, cùng đi, hai thân dựa nhau, cùng hẹn hò?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, sao cô với dục tâm bằng lòng để cho trưởng giả nắm tay, nắm áo, cùng vào chỗ vắng, cùng đứng, cùng nói, cùng đi, hai thân dựa nhau, cùng hẹn hò?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Thâu-la nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gốm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, với tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, bằng lòng để cho nắm tay nắm áo, vào chỗ vắng, cùng đứng, cùng nói,[29] cùng đi, thân dựa kề nhau, hẹn nhau. Tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. Vì phạm tám sự vậy.[30] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tâm nhiễm ô: tâm có nhiễm trước. Người nam có tâm nhiễm ô, cũng có nhiễm trước. Nắm tay: nắm bàn tay cho đến cổ tay.[31] Nắm áo: nắm lấy áo trên thân. Vào chỗ vắng: xa chỗ không người thấy không nghe. Cùng đứng chỗ vắng: đứng chỗ không người thấy, không nghe. Cùng nói: cũng ở chỗ không người thấy không nghe. Cùng đi: cũng ở chỗ không người thấy nghe. Thân dựa nhau: thân này nương vào thân kia. Hẹn nhau: hẹn đến chỗ có thể hành dâm.[32] Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô bằng lòng cho nam tử có tâm nhiễm ô nắm tay, phạm thâu-lan-giá. Nắm áo, thâu-lan-giá. Vào chỗ vắng cùng đứng, chỗ vắng cùng nói, chỗ vắng cùng đi, lấy đó làm sự vui thích, để thân nương dựa nhau. Mỗi mỗi đều phạm thâu-lan-giá. Phạm trong bảy sự này, nếu không phát lồ sám hối, tội chưa trừ, mà phạm đến việc thứ tám thì phạm ba-la-di.[33] Với con của trời, con của rồng, con của a-tu-la, con của dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hình, phạm bảy sự, mỗi mỗi đều đột-kiết-la; phạm đến sự thứ tám thì thâu-lan-giá. Với súc sanh không thể biến hình, phạm đến việc thứ tám, đột-kiết-la. Cùng người nữ có tâm nhiễm ô, phạm việc thứ tám, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, tuỳ theo chỗ giới.[34] Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu khi có cái cần trao hay nhận, khi ấy tay chạm nhau; hoặc vui giỡn. Hoặc để giải cứu nên phải nắm áo. Hoặc có sự dâng cúng, hoặc lễ bái, hoặc sám hối, hoặc thọ pháp vào chỗ vắng cùng chung một chỗ. Hoặc có sự dâng cúng, hoặc lễ bái, hoặc sám hối, hoặc thọ pháp vào chỗ vắng cùng đứng. Hoặc có sự dâng cúng, hoặc lễ bái, hoặc sám hối, hoặc thọ pháp, vào chỗ vắng cùng nói. Hoặc có sự dâng cúng, hoặc lễ bái, hoặc sám hối, hoặc thọ pháp, vào chỗ vắng cùng đi.[35] Hoặc bị người đánh; hoặc có giặc đến; hoặc có voi đến, ác thú đến; hay gặp phải gai nhọn, nên xoay mình để tránh; hoặc đến cầu giáo thọ, hoặc nghe pháp, hoặc thọ thỉnh, hoặc đến trong chùa; hoặc cùng hẹn nơi không thể làm việc ác. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. VII. PHÚ TÀNG TRỌNG TỘI[36] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có em gái của tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà,[37] tên là Để-xá-nan-đà [38] cũng xuất gia, mà phạm pháp ba-la-di. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, biết mà nghĩ rằng: «Để-xá-nan-đà là em của ta, nay phạm pháp ba la di, chính ta muốn nói với người, nhưng sợ em ta mang tiếng xấu. Nếu em ta mang tiếng xấu thì đối với ta đâu tốt lành gì.» Bèn im lặng không nói. Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni Để-xá-nan-đà bỏ đạo. Các tỳ-kheo-ni biết, hỏi Thâu-la-nan-đà rằng: «Cô có biết em của cô thôi tu hay không?» Thâu-la-nan-đà nói: «Em của tôi làm như vậy là đúng chứ không phải không đúng.» Các tỳ-kheo-ni hỏi: «Làm như vậy là đúng, nghĩa là sao?» Thâu-la-nan-đà cho biết: «Trước đây tôi biết em tôi làm việc như vậy, như vậy.» Các tỳ-kheo-ni nói: «Nếu trước đây cô có biết, tại sao cô không nói với các tỳ-kheo-ni?» Thâu-la-nan-đà nói: «Để-xá là em của tôi, phạm pháp ba-la-di, chính tôi muốn nói với người khác. Nhưng sợ em tôi mang tiếng xấu. Nếu em tôi mang tiếng xấu thì xấu lây tới tôi. Do đó tôi không nói với ai.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Sao cô che dấu trọng tội của Để-xá?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà sao cô che dấu trọng tội của tỳ-kheo-ni Đề xá?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người khác phạm ba-la-di, không tự mình cử tội, không bạch với Tăng, không nói cho người biết. Thời gian khác, tỳ-kheo-ni kia, hoặc thôi tu, hoặc bị diệt tẫn, hoặc chúng Tăng ngăn,[39] hoặc theo ngoại đạo. Sau đó lại nói rằng: «Tôi trước đây đã biết cô ấy có tội như vậy, như vậy.» Tỳ-kheo-ni ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung. Vì che dấu trọng tội. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni chế giới như vậy. Có người phạm ba-la-di ở trong thành, ra ngoài thôn xóm để sống; có người phạm ba-la-di nơi thôn xóm vào trong thành để ở. Các tỳ-kheo-ni không biết họ có phạm ba-la-di hay không, sau mới biết là họ có phạm ba-la-di. Do đó nói mình đã phạm ba-la-di, hoặc nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết tỳ-kheo-ni phạm ba-la-di, không tự mình [717a1] phát lồ,[40] không nói cho mọi người, không bạch với đại chúng. Thời gian khác, tỳ-kheo-ni kia, hoặc qua đời,[41] hoặc bị chúng cử tội, hoặc thôi tu, hoặc theo ngoại đạo,[42] sau đó mới nói rằng: «Tôi trước đây đã biết cô ấy có tội như vậy, như vậy.» Tỳ-kheo-ni này là kẻ ba-la-di, không được sống chung. Vì che dấu trọng tội. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Biết: là nói tôi biết phạm tội như vậy, như vậy. Tăng: cùng một yết-ma, cùng một thuyết giới. Đại chúng: hoặc bốn người, hay hơn bốn người.[43] Thôi tu: ra khỏi pháp này. Diệt tẫn: Tăng trao cho pháp bạch tứ yết-ma đuổi đi. Ngăn:[44] Khi trong chúng quyết đoán tội trạng, ngăn chận không cho nhập chúng. Ngoại đạo: thọ giáo của ngoại đạo. Trọng tội: Tám ba-la-di. Trong tám pháp này phạm bất cứ pháp nào. Tỳ-kheo-ni kia biết tỳ-kheo-ni này phạm ba-la-di trước bữa ăn, sau bữa ăn mới nói, phạm thâu-lan-giá; sau bữa ăn biết, đầu đêm nói, phạm thâu-lan-giá; đầu đêm biết giữa đêm nói, phạm thâu-lan-giá; giữa đêm biết, sau đêm nói, phạm thâu-lan-giá; sau đêm biết không nói, đến tướng sáng xuất hiện phạm ba-la-di. Trừ tám pháp ba-la-di, che dấu các tội khác không nói, tùy theo tội phạm mà xử lý. Tự che dấu trọng tội phạm thâu-lan-giá. Che dấu tội người khác trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu không biết, hoặc nói với người, hoặc không có người để nói, ý muốn nói mà chưa nói, tướng sáng xuất hiện; hoặc nói sẽ bị mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không nói, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa kiết giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. VIII. TUỲ THUẬN BỊ XỬ[45] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ, Tôn giả Xiển-đà tỳ-kheo bị Tăng cử tội,[46] đúng pháp đúng luật đúng lời Phật dạy mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tên là Uý-thứ,[47] tới lui phục vụ tỳ-kheo Xiển-đà. Các tỳ-kheo-ni nói: «Tỳ-kheo Xiển-đà bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùy, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung, cô đừng nên thuận tùng.» Úy-thứ trả lời: «Thưa các đại tỷ, Xiển-đà là anh của tôi. Nay không cúng dường thì đợi đến khi nào.» Rồi vẫn như cũ, Uý-thứ không chịu chấm dứt tuỳ thuận. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Uý-thứ rằng: «Tỳ-kheo Xiển-đà bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung, tại sao nay cô vẫn cố ý thuận tùng như vậy?» Các tỳ-kheo-ni thưa với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Uý-thứ rằng: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo Xiển-đà đã bị Tăng cử tội, như pháp, như luật như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung, tại sao cô thuận tùng?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Uý-thứ pháp bạch tứ yết-ma quở trách, nên quở trách như vầy: Trong ni chúng, nên sai một vị có khả năng, hoặc thượng tọa, hoặc thứ tọa, hoặc người tụng luật hay không tụng luật được, mà có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Uý-thứ này đã biết tỳ-kheo Xiển-đà bị Tăng cử tội, như pháp như luật, như lời Phật dạy mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung; nhưng cô thuận tùng tỳ-kheo Xiển-đà. Các tỳ-kheo-ni nên nói rằng: ‹Tỳ-kheo Xiển-đà đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung; cô không được thuận tùng. Nhưng cô lại cố ý thuận tùng.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Uý-thứ pháp quở trách, để bỏ việc này. Nói rằng: ‹Đại tỷ, tỳ-kheo Xiển-đà đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung; cô chớ tùy thuận.› Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Uý-thứ đã biết tỳ-kheo Xiển-đà bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung, mà cô vẫn thuận tùng tỳ-kheo Xiển-đà. Các tỳ-kheo-ni nên nói rằng: ‹Tỳ-kheo Xiển-đà đã bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng; nhưng cô vẫn cố ý tùy thuận. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Uý-thứ pháp quở trách để bỏ việc này. Tỳ-kheo Xiển-đà bị tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho ở chung, cô chớ tùy thuận.› Các đại tỷ, ai chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Uý-thứ pháp quở trách cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là Yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Uý-thứ pháp quở trách để bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nên tác pháp quở trách tỳ-kheo-ni Uý-thứ như vậy. Tăng đã trao cho pháp bạch tứ yết-ma rồi, nên bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có Tỳ-kheo-ni nào thuận tùng tỳ-kheo bị Tăng cử tội như vậy thì Tăng cũng trao cho pháp bạch tứ yết-ma quở trách như vậy. Từ nay về sau, Ta vì Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đã biết tỳ-kheo bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, nhưng không thuận theo, không sám hối, Tăng chưa tác pháp ở chung; mà thuận theo, thì các tỳ-kheo-ni nên nói rằng: ‹Đại tỷ, tỳ-kheo này đã bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận theo, không sám hối, Tăng chưa cho tác pháp ở chung, cô không nên thuận theo.» Khi tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni kia như vậy mà cô ấy kiên trì không bỏ việc này. Tỳ-kheo-ni nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba cho bỏ việc này. Cho đến ba phen can gián bỏ thì tốt, không bỏ, tỳ-kheo-ni kia phạm ba-la-di, không được sống chung. Vì tùy thuận bị cử.[48] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: như trên. Cử tội: bị Tăng cử tội, bạch tứ yết-ma. Pháp: như pháp như luật như lời Phật dạy. Không thuận theo: không thuận theo pháp trị tội. Không sám hối: chưa chịu sám hối tội phạm cho thanh tịnh. Tăng chưa cho tác pháp ở chung:[49] Tăng chưa tác pháp yết-ma giải tội. Tùy thuận: có hai thứ; một là pháp, hai là y thực. - Pháp tùy thuận: dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, dạy học vấn, tụng kinh. - Y thực: cung cấp ăn uống, y phục, giường nằm, tọa cụ thuốc chữa bệnh. Tỳ-kheo-ni đã biết tỳ-kheo bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, nhưng không tùy thuận, không sám hối, Tăng chưa cho tác pháp ở chung mà thuận theo. Các tỳ-kheo-ni nên nói: «Tỳ-kheo này đã bị Tăng cử tội như pháp, như luật, như lời Phật dạy, nhưng không thuận theo, không sám hối, Tăng chưa cho tác pháp ở chung; cô đừng thuận theo. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải cử tội, liền thành trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác bạch; tác bạch rồi nên nói: «Cô nên biết, tôi đã bạch xong, còn tác pháp yết-ma. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải cử tội liền thành trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi nên nói: «Này cô, tôi đã tác bạch và tác sơ yết-ma rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải cử tội, liền thành trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai xong, cũng phải nói: «Cô nên biết, tôi đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải cử tội, liền thành trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt. Bằng không, tác pháp yết-ma lần thứ ba xong, phạm ba-la-di. Bạch nhị yết-ma xong, mà bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Bạch nhất yết-ma xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ phạm một thâu-lan-giá. Nếu tác bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, tùy thuận tỳ-kheo bị cử tất cả đều phạm đột-kiết-la.[50] Nếu khi Tăng tác pháp quở trách tỳ-kheo-ni mà có tỳ-kheo nói: «Cô đừng bỏ!» Nếu Tăng đã tác pháp quở trách, tỳ-kheo ấy phạm thâu-lan-giá. Nếu Tăng chưa tác pháp quở trách thì phạm đột-kiết-la. Nếu, tỳ-kheo-ni bảo: «Đừng bỏ!» Trường hợp Tăng đã tác pháp quở trách, tỳ-kheo-ni ấy phạm thâu-lan-giá. Tăng chưa tác pháp quở trách, cũng phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác bảo: «Đừng bỏ!» Tăng đã quở trách hay chưa quở trách đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, tùy cử thì phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi bắt đầu can gián liền bỏ; phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, khác với pháp, khác với tỳ-ni, khác với lời Phật dạy; tất cả trước khi chưa tác pháp quở trách. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. CHƯƠNG II TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA[1] I. MAI MỐI * Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[2] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, làm mai mối đem lời người nam nói với người nữ; đem lời người nữ nói với người nam; hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, nên xả, tăng-già-bà-thi-sa.[3] II. VÔ CĂN BẮNG * Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[4] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, [5]vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị kia. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ-kheo-ni này nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. III. GIẢ CĂN BÁNG * Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[6] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, dựa vào tiểu tiết trong phần sự khác, đối với tỳ-kheo-ni không phải là ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, tỳ-kheo-ni này tự nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. IV. TỐ TỤNG[7] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni sống ở nơi a-lan-nhã. Nơi đó, có một cư sĩ cất tinh xá, cúng dường cho Tăng tỳ-kheo-ni ở. Sau đó một thời gian, có việc xấu xảy ra cho tỳ-kheo-ni nơi trú xứ a-lan-nhã. Các tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá này đi. Khi cư sĩ qua đời, người con của cư sĩ đến cày đất nơi tịnh xá. Các tỳ-kheo-ni thấy, nói: «Đất này của chúng Tăng, đừng cày.» Con của cư sĩ trả lời: «Đúng vậy! Khi cha tôi còn sinh tiền, làm tịnh xá này cúng cho Tăng tỳ-kheo-ni. Tăng Tỳ-kheo-ni bỏ đi. Cha tôi qua đời. Nay tôi cày để trồng trọt, chứ để bỏ đất không hay sao?» Con của cư sĩ nói như vậy rồi cứ tiếp tục cày. Tỳ-kheo-ni đến quan đoán sự thưa kiện. Bấy giờ, các quan đoán sự liền kêu con của cư sĩ đến. Y theo pháp luật quyết đoán, tịch thâu tài sản của con cư sĩ nhập vào nhà quan. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tỳ-kheo-ni sao lại đến nhà quan thưa kiện con của cư sĩ, khiến cho nhà quan tịch thâu tài sản của họ?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đến cửa quan kiện thưa?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, thưa kiện người, hoặc cư sĩ, con cư sĩ, hoặc kẻ tôi tớ, người làm thuê, hoặc ngày, hoặc đêm, hay trong một niệm, trong khảy móng tay, hay trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. Thế tôn, vì tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có người vợ nhỏ của vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, làm một tinh xá cúng cho tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni kia nhận rồi ở một thời gian, sau đó bỏ đi du hành trong nhân gian. Vợ nhỏ của vua, nghe tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá, du hành trong nhơn gian, vội đem tịnh xá này chuyển cúng cho nữ Phạm chí. Tỳ-kheo-ni kia nghe nghĩ rằng: «Ta vừa đi vắng, vội đem tịnh xá của ta cúng cho người khác.» Tỳ-kheo-ni liền trở về lại tịnh xá, nói với nữ Phạm chí: «Cô dọn đi! Tại sao ở tịnh xá của tôi?» Nữ Phạm chí kia nói: «Tinh xá này vốn là của cô thật! Thí chủ đã xây cất cho cô, nhưng cô bỏ đi du hành trong nhơn gian, thí chủ đó đã đem cúng cho tôi rồi. Bây giờ tôi không thể bỏ đi.» Tỳ-kheo-ni kia giận, xô kéo, bảo nữ Phạm chí ra. [719a1]Bấy giờ, nữ Phạm chí đến quan đoán sự thưa. Các quan đoán sự kêu tỳ-kheo-ni đến. Tỳ-kheo-ni nghi, không dám đến, tự nghĩ: «Thế tôn chế giới, không được đến cửa quan kiện tụng.» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, nếu có quan kêu thì phải đến.» Tỳ-kheo-ni liền đến chỗ quan đoán sự. Các quan đoán sự hỏi: «A-di! Sự việc ấy thế nào? Cứ nói rõ ràng.» Tỳ-kheo-ni kia trả lời: «Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.» Các quan đoán sự vặn nói: «Như A-di nói, ‹Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.› Nay tịnh xá này nên giao cho nữ Phạm chí ở.» Các Tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này không khéo nói. Quan đoán sự cũng không khéo giải quyết. Tại sao vậy? Lần thí trước là như pháp, lần thí sau là phi pháp. Vua Ba-tư-nặc nghe Tỳ-kheo-ni nói như vậy, các quan đoán sự giải quyết như vậy, đức Thế tôn giảng như vậy. Nhà vua phạt, tịch thu tất cả tài sản nhập của quan đoán sự vào nhà công khố. Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đến quan thưa kiện cư sĩ, con cư sĩ, kẻ tôi tớ, người làm thuê,[8] hoặc ngày hoặc đêm, hay trong khoảnh khắc, trong cái búng ngón tay, hay trong chốc lát.[9] Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Kiện tụng nhau:[10] Đến cửa quan cùng nhau tranh cãi ngay, gian. Cư sĩ: là người không xuất gia. Con: là do cư sĩ sanh ra. Tôi tớ: hoặc thuê mướn hay do trong nhà sanh ra. Người làm thuê: trả tiền bảo họ làm. Nữ Phạm chí: Kẻ nữ xuất gia ngoài pháp này. Nếu tỳ-kheo-ni kiện thưa người khác, hoặc cư sĩ, hoặc con cư sĩ, hoặc tôi tớ, hoặc người làm thuê, hoặc ngày đêm, hoặc trong khoảnh khắc, hay trong cái búng ngón tay, hoặc trong chốc lát. Như nữ Phạm chí đến cửa quan trình bày sự việc này. Quan đoán sự hạ thủ phê án, ni phạm tăng-già-bà-thi-sa. Chỉ nói miệng mà không ghi thành danh tự, ni phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị kêu; hoặc có việc cần đến tâu; hoặc bị cường lực bắt đi, hoặc bị cột dẫn đến, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tuy miệng nói mà không báo cáo với quan thì không phạm. Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. V. ĐỘ NỮ TẶC[11] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trên lầu các bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, những người phụ nữ dòng Ly-xa ra ngoài dạo chơi. Trong đám đông đó có nữ tặc trà trộn cùng đi; đợi lúc vui đùa, trộm lấy của cải rồi tẩu thoát. Bấy giờ, các phụ nữ sai người đến báo cáo với Ly-xa, «ở đây có bọn tặc nữ lấy của cải của chúng tôi đào thóat, yêu cầu vì chúng tôi tầm nã.» Các Ly-xa sai người tầm nã, nếu bắt được thì giết liền. Bấy giờ, tặc nữ nghe tin sai người tìm được thì giết liền, nên liền bỏ Tỳ-xá-ly trốn thoát đến thành Vương-xá, vào trong Tăng-già-lam nơi ni chúng ở, thưa với các ni rằng: «Con có lòng tin, muốn xuất gia.» Chư ni nghe vậy, liền độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc. Bấy giờ, các Ly-xa nghe tặc nữ trốn thoát đến thành Vương-xá, liền đến báo cáo với Bình-Sa vương nước Ma-kiệt: «Có tặc nữ lấy của cải của phụ nữ tôi trốn thoát đến đây, yêu cầu vua vì tôi tầm nã cho.» Bấy giờ, Bình-sa vương liền ra lệnh cho tả hữu truy nã bao vây tìm kiếm. Các quan tả hữu tâu với nhà vua: «Có một tặc nữ đang ở trong Tăng-già-lam của ni, xuất gia học đạo.» Khi Bình-sa vương nghe, có một tặc nữ đến đây, và tỳ-kheo-ni đã độ cho xuất gia học đạo, liền sai người tin cho Ly-xa rằng: «Tôi nghe có một nữ tặc đang ở trong Tăng-già-lam của ni, nhưng đã xuất gia học đạo. Tôi không thể nói được.» Bấy giờ, các Ly-xa cùng nhau cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Họ đều là tặc nữ. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Tại sao tặc nữ, có tội đáng chết, mọi người đều biết, mà họ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Như vậy có gì là Chánh pháp?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô độ tặc nữ xuất gia hành đạo?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết là tặc nữ mà độ cho xuất gia thọ giới cụ túc?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo ni nào, nữ gian tặc phạm tội đáng chết, mọi người đều biết, mà độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc; tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có người làm giặc trong thành rồi ra ngoài thôn. Ngoài thôn làm giặc rồi vào trong thành. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni không biết họ là giặc hay không phải giặc, tội đáng chết hay không đáng chết, người biết hay không biết. Sau mới biết họ là giặc phạm tội đáng chết, có người biết, nên nói là phạm tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đã biết là gái gian tặc, tội đáng chết nhiều người biết,[12] mà không hỏi đại thần của vua, không hỏi dòng họ,[13] lại độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Giặc (cướp):[14] trộm năm tiền hoặc trên năm tiền. Đáng chết: tức bị xử vào tội chết. Nhiều người biết:[15] Vua biết, đại thần biết, nhân dân biết. Vua: không nương vào người để có ăn. Đại thần: Nhận địa vị quan trọng của nhà vua, giúp quản lý việc nước. Dòng họ:[16] Xá-di, Câu-ly-di-ninh, Bạt-kỳ, Mãn-la, Tô-ma. Tỳ-kheo-ni kia biết tặc nữ, tội đáng chết, nhiều người biết, không hỏi[17] đại thần của vua, họ hàng liền độ cho học đạo, ba phen yết-ma xong, Hòa-thượng ni phạm tăng-già-bà-thi-sa; hai phen yết-ma xong, phạm ba thâu-lan-giá; yết-ma lần đầu xong, phạm hai thâu-lan-giá; bạch xong, phạm một thâu-lan-giá; nếu bạch chưa xong, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, nếu có cạo tóc, hoặc cho xuất gia, cho thọ giới, tập hợp chúng Tăng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, đủ chúng cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, phạm đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, [720a1] sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu không biết; hoặc có tâu với vua, đại thần, họ hàng. Hoặc tội đáng chết, vua cho xuất gia. Hoặc có tội, cho xuất gia. Hoặc trong trường hợp giam cầm rồi phóng thích cho đi xuất gia. Hoặc cầu cứu khiến được thoát khỏi. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. VI. TỰ Ý GIẢI TỘI[18] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ[19] bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà cô ấy không thuận theo, có tội mà không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho cọng trú, mà tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà không bạch với ni Tăng, ni Tăng không sai khiến, vội tự ý ra ngoài giới tác pháp yết-ma giải tội cho Uỷ-thứ. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy, cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, mà cô không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cọng trú, ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới, giải tội cho cô ấy?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà, tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, cô ấy không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho phép cọng trú; ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới tác pháp yết-ma giải tội cho cô ấy?» Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: «Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết tỳ-kheo-ni kia bị Tăng cử tội,[20] như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận theo, chưa sám hối, Tăng chưa cho tác pháp yết ma ở chung; vì thương nhau,[21] không hỏi Tăng, Tăng không sai bảo, ra ngoài giới tác yết ma giải tội. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: nghĩa cũng như trên. Cử tội: Tăng bạch tứ yết-ma để cử. Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy. Không thuận tùng: không tuân hành theo pháp trị tội do Phật chế. Không sám hối: có tội mà không hướng đến người nói lên sự ăn năn. Chưa tác pháp cho phép cọng trú: bị Tăng cử tội, chưa được giải tội. Vì thương nhau nên không hỏi Tăng, Tăng không sai khiến, ra ngoài giới tác yết-ma giải tội, ba phen yết-ma xong, tăng-già-bà-thi-sa; bạch nhị yết-ma xong, ba thâu-lan-giá; bạch nhất yết-ma xong, hai thâu-lan-giá; bạch xong, một thâu-lan-giá; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có bạch với chúng Tăng, hoặc được Tăng sai khiến; hoặc phạm nhơn hạ ý sám bổn tội. Hoặc Tăng vì giận hờn nên không giải tội cho người kia, thì giải mà không phạm. Hoặc trước đó Tăng tác pháp yết-ma rồi, Tăng này di chuyển, hoặc chết, đi xa, thôi tu, hay bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị nước cuốn trôi; bấy giờ giải tội cho, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. VII. ĐỘC HÀNH[22] A. DUYÊN KHỞI 1. Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni một mình vén cao y lội qua sông, từ bờ bên này đến bờ bên kia. Tỳ-kheo-ni này lại có nhan sắc xinh đẹp. Bấy giờ, có một kẻ giặc để ý, chờ cô ni kia lội qua sông xong, liền ôm lấy và quấy rối. Các cư sĩ thấy, cùng nhau cơ hiềm rằng: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, hành pháp bất tịnh. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Một mình vén y cao, lội qua sông như dâm nữ không khác. Như vậy có gì là chánh pháp?» 2. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Sai-ma có nhiều đệ tử. Cách Tăng-già-lam không xa, có một thôn xóm quen biết. Vì việc cần, nên bỏ chúng, một mình vào thôn. Các cư sĩ thấy, bảo nhau: «Tỳ-kheo-ni Sai-ma này một mình đi vào thôn là muốn kiếm đàn ông.» 3. Tỳ-kheo-ni kia một mình nghỉ đêm lại nơi thôn, không trở về. Các cư sĩ lại nói: «Sở dĩ cô ni ngủ lại thôn một mình, chính là cần đàn ông.» 4. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà cùng số đông tỳ-kheo-ni trên con đường giữa Câu-tát-la và Khoáng dã. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà thường một mình đi sau chót. Các tỳ-kheo-ni thấy nói: «Này các cô! Tại sao các cô không cùng với chúng tôi đi, mà cứ đi sau. Nhóm sáu ni trả lời: «Các cô cứ đi theo đường của các cô. Chuyện gì các cô can dự đến việc của chúng tôi?» Ni chúng liền nói: «Các cô không nghe đức Phật kiết giới, nên cùng bạn đồng đi hay chăng?» Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà trả lời: «Các cô không biết tôi chăng?» Chư ni nói: «Không biết.» Thâu-la-nan-đà nói: «Sở dĩ, chúng tôi đi sau là muốn gặp đàn ông.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách những tỳ-kheo-ni kia rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại vén cao y một mình lội qua sông? Vào trong thôn một mình? Ngủ lại đêm một mình? Cùng với bạn đi mà lại một mình đi sau?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rằng: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo-ni lại một mình vén cao y lội qua sông? Một mình đi vào thôn xóm? Một mình ngủ lại đêm? Cùng với bạn đi sau một mình?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, lội qua nước một mình, vào xóm một mình, ngủ đêm một mình, đi sau một mình.[23] Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nước: nước sông, một mình không nên lội qua. 1. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm tỳ-kheo-ni cùng lội. Tỳ-kheo-ni nên từ từ vén y khi vào nước, đợi bạn. Tỳ-kheo-ni đi trước vội vàng vào trong nước, khiến cho bạn không đi kịp, tăng-già-bà-thi-sa. Khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà vén y lên, đợi bạn đi sau. Nếu vội vàng xuống nước, không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá. Đến bờ bên kia, từ từ xổ y xuống, đợi bạn đi sau; nếu vội vàng đi, không từ từ xổ y xuống; lên bờ không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá. 2. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm một tỳ-kheo-ni cùng đi vào xóm. Nếu tỳ-kheo-ni một mình đi vào xóm, tùy theo chỗ đến, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu đi qua vùng đồng trống một mình, quá một khoảng cách, đánh một tiếng trống không nghe, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Một mình, đi chưa đến nơi xóm, phạm thâu-lan-giá. Dưới tầm không nghe một tiếng trống, phạm thâu-lan-giá. Một mình đi vào trong xóm, cùng một cương giới, phạm đột-kiết-la. Tìm phương tiện muốn đi mà không đi; hoặc kết bạn muốn đi mà không đi; tất cả đều phạm đột-kiết-la. 3. Tỳ-kheo-ni kia cùng ngủ, nên nằm trong tầm tay duỗi ra đụng nhau. Tỳ-kheo-ni kia ngủ một mình, khi hông chạm đất phạm tăng-già-bà-thi-sa. Mỗi lần nghiêng mình qua lại, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ-kheo-ni cùng ở trong xóm khi nằm ngủ, phải nằm trong tầm duỗi cánh tay đụng nhau. Nếu duỗi cánh tay không đụng nhau, mỗi lần nghiêng mình là phạm một tăng-già-bà-thi-sa. 4. Tỳ-kheo-ni kia cùng đi trên một đường, không được cách xa (đồng bạn) nơi thấy nghe. Nếu tỳ-kheo-ni cùng đi trên một đường mà ở ngoài tầm nghe và thấy (của đồng bạn), phạm tăng-già-bà-thi-sa. Ngoài chỗ thấy mà không ngoài tầm nghe, phạm thâu-lan-giá. Cách chỗ nghe, không cách chỗ thấy, phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: 1. Hai tỳ-kheo-ni cùng lội qua nước, khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà từ từ vén y, đợi bạn đi sau; khi vào nước không đi nhanh, đợi bạn, khi lên bờ từ từ xổ y, đợi bạn; hoặc vượt qua bằng thần túc, bằng xe cộ, hay bằng thuyền, bằng cầu. Hoặc tỳ-kheo-ni đồng hành qua đời, hay thôi tu, đi sau, hoặc bị giặc dẫn đi, mạng nạn, phạm hạnh nạn, nạn ác thú. Hoặc bị cường lực bắt, bị trói dẫn đi. Hoặc bị nước cuốn trôi. Thảy đều không phạm. 2. Nếu, hai tỳ-kheo-ni vào xóm, mà khi đang ở trong xóm có một tỳ-kheo-ni đồng bạn qua đời, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm. 3. Nếu cùng hai tỳ-kheo-ni ngủ lại đêm, duỗi cánh tay ra phải đụng nhau; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc thọ kinh, tụng kinh; hoặc ưa ở chỗ vắng một mình khi đi kinh hành; hoặc vì tỳ-kheo-ni bị bệnh, nấu canh, cháo, cơm; hoặc qua đời, thôi tu, đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi cũng như trên, thì không phạm. 4. Hai tỳ-kheo-ni cùng đi không cách nhau chỗ thấy chỗ nghe thì không phạm; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc mạng chung, thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[24]
Chú thích: [1] Bản Hán, quyển 22 (T22n1428, tr.714a1). Ngũ phần 11 (T22n1421, tr.77b27): Phần II. Ni luật. Tăng kỳ 36 (T22n1425, tr.514a25). Thập tụng 42 (T23n1435, tr.302c15): Ni luật. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Bí–xô-ni tỳ nại da (vt. Căn-bản ni) 1 (T23n1443, tr.907a1). Pali: Bhikkhunīvibhaṅga, Vin. iv. 206. Các bộ đều có 8 điều. Trong đó, 4 điều thuộc thông giới. Những học xứ, tuy duyên khởi từ tỳ-kheo, chung cho cả hai bộ. Duyên khởi, giới tướng, giải thích từ ngữ, của những học xứ này đại thể giống nhau. Xem Phần I, các điều liên hệ. Các thông giới sẽ được đánh dấu hoa thị (*). [2] Thông giới. Các bộ trong Hán tạng đều có nguyên nhân kết, và giới văn của 4 thông giới. Thập tụng và Luật Pali không có giới văn của 4 thông giới này. [3] Lâu các giảng đường 樓閣講堂. Ngôi nhà sàn dùng làm nhà hội. Trên kia, có chỗ (tr. 577b13) dịch là Cao các giảng đường 高閣講堂. [4] Xem Phần I, Ch.i ba-la-di 1, do nguyên nhân Tu-đề-na, Phật kết giới cho tỳ-kheo. Nhân đó, kết giới luôn cho tỳ-kheo-ni. Có 4 ba-la-di là thông giới, chung cho cả hai bộ. Bốn điều riêng biệt cho tỳ-kheo-ni gọi là «bất cộng giới.» [5] Xem cht. 31, Phần I, Ch.i ba-la-di 1. [6] Ngũ phần, Ưu-ba-li hỏi Phật: «Thế Tôn đã kết giới cho tỳ-kheo… Được áp dụng cho một, hay cả hai bộ Tăng?» Phật đáp: «Cho cả hai bộ… tỳ-kheo-ni, cùng với các tỳ-kheo-ni đồng giới… phạm bất tịnh hạnh … » (xem Phần Một, Ch.i ba-la-di 1). [7] Thiện lai tỳ-kheo-ni 善來比丘尼. Pali (Vin. iv. 214): ehi bhikkhunī. Trong các nguyên nhân đắc giới, không có trường hợp tỳ-kheo-ni thiện lai. Xem Phần III, Chương i. Thọ giới. [8] Xem cht. 51, Phần I, Ch. i ba-la-di 1. [9] Xem cht. 52, ibid. [10] Đệ lục cú. Tổ hợp 3 giai đoạn hành dâm cùng với cảm thọ hay không cảm thọ lạc, thành 6 trường hợp phân biệt. [11] Các bản Tống Nguyên Minh không có từ ni. [12] Nguyên nhân bởi tỳ-kheo Đàn-ni-ca; xem Phần I, Ch.i ba-la-di 2 & cht. 59. [13] Thông giới cho cả hai bộ. Xem Phần I, Ch.i ba-la-di 2. [14] Thông giới cho cả hai bộ, xem Phần I, Ch.i ba-la-di 3. [15] Thông giới, xem Phần I, Ch.i ba-la-di 4. [16] Ngũ phần 11 (T22n1421, tr.78a3). Tăng kỳ 36 (T22n1425, tr.515a17). Thập tụng 42 (T23n1435, tr.302c16). Căn bản ni 5 (T23n1443, tr.929a29). [17] Đại Thiện Lộc Lạc 大善鹿樂 . Ngũ phần: Thi-lị-bạt 尸利跋, cháu ngoại của bà Tỳ-xá-khư. Thập tụng: Lộc Tử cư sỹ nhi 鹿子居士兒, con trai ông Lộc Tử. Pali: Sāḷho Migāranattā, cháu của bà Migāra. Tứ phần đọc là Sādhu Migāraratta. [18] Thâu-la-nan-đà 偷羅難陀 . Tăng kỳ: Lại-tra tỳ-kheo-ni 賴吒比丘尼 dạy kinh cho một thiếu niên họ Thích. Thập tụng: Châu-na-nan-đà 周那難陀. Pali: Thullanandā. Cf. Vin. iv. 212, bốn chị em xuất gia : Nandā, Nandavatī, Sundarīnandā, Thullanandā. Trong đó, chuyện xảy ra giữa Thullanandā và Sāḷha. [19] A-di 阿姨. Pali: ayye, từ xưng hô đói với người trên. [20] Ngũ phần, Thập tụng: từ chân tóc trở xuống, từ đầu gối trở lên. Tăng kỳ: từ bờ vai (giải thích: từ vú) trở xuống, từ đầu gối trở lên (giải thích: đến rốn). Căn bản: từ con mắt trở xuống, từ đầu gối trở lên. Pali: adhakkhakaṃ ubbhajāṇumaṇḍalaṃ, từ xương cổ (xương đòn gánh) trở xuống, đầu gối trở lên. [21] Pali: ubbhajānumaṇḍalikā ti, «vì xúc chạm từ đầu gối trở lên.» [22] Ngũ phần: dục thạnh biến tâm 欲盛變心. Xem cht. 18, Phần I, Ch. ii tăng-già-bà-thi-sa 2. Thập tụng: lậu tâm 漏心. [23] Hán: tróc ma 捉摩, khiên 牽, thôi 推, nghịch ma 逆摩, thuận ma 順摩, cử 舉, hạ 下, tróc 捉, nại 捺. [24] Tróc ma 捉摩 . [25] Nại 捺 , lấy ngón tay đè, ấn xuống. [26] Cf. Pali: adhakkhakaṃ ubhajānumaṇḍalaṃ āmasanaṃ vā parāmasanaṃ vā gahanaṃ chupanaṃ vā paṭipīḷanaṃ vā sādiyeyyāti, «… thuận tình cho vuốt ngược, vuốt xuôi, ôm ghì, sờ mó hay ép sát, từ xương cổ trở xuống và từ đầu gối trở lên…» Xem thêm, Phần I, Ch.ii tăng-già-bà-thi-sa & cht. 20-25. [27] Xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 2, «Ma xúc giới.» [28] Sa-lâu Lộc Lạc 沙樓鹿樂 . Cùng nhân vật như trên, Đại Thiện Lộc Lạc , nhưng âm nghĩa có khác. Pali: Sāḷha Migāranatta; Hán đọc là Sādhu Migāraratta. [29] Tăng kỳ: «cùng đứng nói chuỵên trong tầm tay với.» [30] Pali: aṭṭhavatthukā, «vì phạm tám sự .» Tăng kỳ, không có câu này. Thập tụng: «Biểu lộ tướng tham trước bằng tám việc này.» Căn bản ni: «Cùng nhau lãnh thọ tám việc như vậy.» [31] Ngũ phần: nắm tay, nắm từ cùi chõ về trước. [32] Tám sự, theo Ngũ phần (T22n1428, tr.716a28): nắm tay, nắm áo, cùng đi, cùng đứng, cùng nói, cùng ngồi một chỗ, thân thể cọ sát nhau. Thập tụng (T23n1435, tr.303c20): cho nắm tay; cho nắm áo; cùng đứng; cúng nói; cùng hẹn; vào chỗ khuất; chờ đàn ông đến; trao thân như nữ bạch y. Căn bản ni (T23n1443, tr.930c13): 1. trạo cử; 2. đùa giỡn; 3. cười cợt; 4. chỉ định chỗ; 5. hẹn giờ; 6. ước tín hiệu; 7. đi đến chỗ đàn ông; 8. cùng ở chỗ có thể hành sự. Pali: hatthaggahaṇaṃ, cho nắm tay, saṅghāṭi-kaṇṇaggahaṇaṃ, cho nắm vạt áo tăng-già-lê, santiṭṭheyya (…purissa hatthapāse), đứng (trong tầm tay với của đàn ông), sallapeyya (…purissa hatthapāse), nói chuyện (trong tầm tay với…), saṅketam vā gaccheyya, đi đến chỗ hẹn, purissa vā abbhāgamanaṃ, cho đàn ông đến gần, channaṃ vā anupavíeyya, đi theo vào chỗ khuất, kāyaṃ vā tadatthāya upasaṃhareyya, trao thân cho mục đích ấy. [33] Ngũ phần (T22n1421, tr.78b20): mỗi việc riêng biệt, phạm thâu-lan-giá. Phạm bảy việc, dù đã sám hối tùy mỗi việc; khi phạm đến việc thứ tám, đủ cả tám việc, ba-la-di. [34] Tuỳ trường hợp: hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề. [35] Giống nhau các câu trên; chỉ khác: cùng chung chỗ, cùng đứng, cùng nói, cùng đi. [36] Ngũ phần (T22n1421, tr.79a1), ba-la-di thứ tám. [37] Xem cht. 12 trên. [38] Để-xá-nan-đà 坻舍難陀 . Pali: Sundarīnandā; xem cht. 12 trên. Thập tụng: hai chị em, tỳ-kheo-ni Di-đa-la 彌多羅 phạm giới dâm; em gái là tỳ-kheo-ni Di-đế-lệ 彌帝隸, thanh tịnh, biết nhưng dấu tội cho chị. [39] Tăng giá 僧遮 ; giới văn lần sau không có. [40] Bất tự phát lồ 不自發露 , trên kia: bất tự cử 不自舉. Pali: nevattanā paṭicodeyya, chính mình đã không buộc tội. [41] Giới văn trên kia không có. Pali: sā ṭithā vā assa cutā vā, cô ấy vẫn tồn tại, hay đã chết; giải thích: ṭhitā (trụ, hay tồn tại), nghĩa là vẫn nguyên giới tính (salliṅge ṭhitā vuccati). Cf. Ngũ phần: nhược tại 若在. Thập tụng: nhược trụ 若住, giải thích: trụ trong pháp bạch y (hoàn tục). [42] Có sự bất nhất trong bản dịch Hán, hai đoạn văn trong hai lần kết giới không đồng nhất.- Ngũ phần, thêm các yếu tố: nhược tại 若在, vẫn còn đó; nhược viễn hành 若遠行, đi xa; và nhược hình biến 若形變, thay đổi giới tính (khi đó mất giới tỳ-kheo-ni). [43] Đại chúng , nhóm người, đông nhưng không thành Tăng. Pali: gana. [44] Từ ngữ được giải thích không có trong giới văn lần hai; có trong lần đầu. [45] Ngũ phần, ba la di thứ 7. [46] Cf. Phần I, Ch.ii Tăng-già-bà-thi-sa 13.- Ngũ phần: Xiển-đà bị Tăng tác yết-ma bất kiến tội (ngoan cố không chịu nhận tội, bị Tăng xả trí ). Tăng kỳ: bất kiến tội cử yết-ma 不見罪舉羯磨. Thập tụng: Ca-lưu-la Đề-xá 迦留羅提舍 bị Tăng tác yết-ma bất kiến tẫn 不見擯. Pali: Tỳ-kheo Ariṭṭha bị Tăng xả trí (samaggena saṅghena ukkhitta). Cf. Phần I, Ch.v Ba-dật-đề 68; Pali, Pāc. lxix. [47] Uý-thứ 尉次 . Ngũ phần: Xiển-đà có em gái là tỳ-kheo-ni Ưu-ta 優蹉. Tăng kỳ: Xiển-đà có mẹ 闡陀母 là tỳ-kheo-ni bênh vực chống lại Tăng. Thập tụng: Tỳ-kheo Ca-lưu-la Đề-xá 迦留羅提舍 bị Tăng tác yết-ma bất kiến tẫn 不見擯 (bị xả trí , vì không nhận tội); có 7 cô em gái đều là tỳ-kheo-ni tùy thuận chống lại Tăng. [48] Pali: ukkhittānuvattikā, đi theo người bị Tăng xả trí . [49] Ngũ phần: bất cộng trú, bất cộng sự, bất cộng ngữ 不共住不共事不共語. [50] Thập tụng: đối với tỳ-kheo bị Tăng xả trí , Tăng tỳ-kheo-ni tác yết-ma không cung kính: tỳ-kheo sẽ không lễ bái, không cúng dường, không nói chuyện với tỳ-kheo ấy. [1] Tứ phần, Ngũ phần, Thập tụng: 17 điều, trong đó, 7 thông giới. Tăng kỳ: 19 điều, 6 thông giới. Căn bản: 20 điều. Pali, 17 điều, trong đó 7 thông giới. Không có giới văn của các thông giới. [2] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Chương ii Tăng-già-bà-thi-sa 5. [3] Hán: phạm sơ pháp ưng xả tăng-già-bà-thi-sa 犯初法應捨 僧伽婆尸沙. Ngũ phần: sơ phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 初犯僧伽婆尸沙可悔過. Tăng kỳ: thị pháp sơ tội tăng-già-bà-thi-sa 是法初罪僧伽婆尸沙. Thập tụng: thị pháp sơ phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 是法初犯僧伽婆尸沙可悔過. Pali, Vin. i.224: ayaṃ bhikkhunī paṭhamāpattikaṃ dhammaṃ āpannā nissāranīyaṃ saṅghādisesam, «tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần thứ nhất, tăng-già-bà-thi-sa, cần phải xả ly.» Nghĩa là, ngay khi vi phạm lần đầu, tức thành tăng-già-bà-thi-sa với hình phạt là bị cách ly với Tăng mà không kinh qua sự khuyến cáo (asamanubhāsanāya). [4] Duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 8. [5] Nên thêm văn: «đối với tỳ-kheo-ni không phạm ba-la-di mà (vu khống).» Xem giới văn trong thông giới tỳ kheo. [6] Duyên khởi, xem Phần I, Ch.ii Tăng-già-bà-thi-sa 9. [7] Ngũ phần, tăng-gìa-bà-thi-sa 7. Pali, biệt giới 1. Tăng kỳ: 4. [8] Pali, thêm: antamaso samaṇapatibbājakenāpi, cho đến sa-môn du sỹ (xuất gia ngoại đạo). [9] «Hoặc ngày, hoặc đêm..» các bộ không có các chi tiết thời gian này. [10] Hán: tương ngôn 相言 . Ngũ phần: ngôn nhân 言人. Pali: ussaya-vādika, kiện cáo. [11] Ngũ phần, tăng-già-bà-thi-sa 5. Tăng kỳ: 8. Pali, biệt giới 2. [12] Pali: coriṃ vajjhaṃ viditaṃ. [13] Pali, Vin. 226, «Chưa được phép của Vua, của Tăng (saṅgha), của chúng (gana), của hội đoàn (seṇi), trừ phi hợp pháp (kappā).» [14] Pali: corī, nữ tặc. Phân biệt ăn trộm (adinnadāna: bất dữ thủ), lấy trộm vật dưới 5 māsaka), và trộm cướp (cora), trộm vật có giá trên 5 māsaka. [15] Pali: viditā: aññehi manussehi ñātā hoti, esā vajjhā’ ti, tội chết đã được công bố, mọi người đều biết «Người này đáng bị giết.» [16] Pali, chi tiết: (được hứa khả bởi) Tăng tức tỳ-kheo-ni Tăng (saṅgho nāma bhikkhunisaṅgho vuccati); bởi cộng đồng (gaṇo: chúng hay chúng hội); bởi hội đoàn (pūgo: đoàn thể), tập đoàn (seṇi); và chưa được miễn tội (aññatra kappā) [17] Không hỏi: không xin phép. Pali: apaloketabbo, chưa được sự hứa khả (của...); bản Hán hiểu là do động từ āpucchati: hỏi xin phép. [18] Ngũ phần, tăng-già-bà-thi-sa 6. Tăng kỳ: 8. Thập tụng: 10. Pali, biệt giới 4. [19] Xem Ch. i ba-la-di 8 & cht. 47. Thập tụng 43 (T23n1435, tr.310b19): tỳ-kheo-ni Xiển-đề 闡提, em gái của Xa-nặc, tính ngang ngược, bị các tỳ-kheo-ni tác yết-ma bất kiến tẫn (bị xả trí vì ngoan cố không nhận tội). Mẹ là tỳ-kheo-ni Ưu-bà-hòa 憂婆和, vốn là người đoán sự của Tăng, tự ý ra ngoài giới tác pháp giải tội. Pali, Vin.iv. 231: tỳ-kheo-ni Caṇḍaklī bị các tỳ-kheo xả trí vì không nhận tội (āpattiyā adassane ukkhipi). Tỳ-kheo-ni Thullanandā tự ý tập hợp tỳ-kheo-ni giải tội cho Caṇḍakalī. [20] Pali: saṅghena ukkhitaṃ, bị Tăng xả trí. [21] Vị ái cố 為愛故. Các bộ không có chi tiết này. [22] Pali, Tăng tàn biệt giới 3. [23] Bốn độc, bốn trường hợp tỳ-kheo-ni không được phép đơn độc: độc độ, độc vãng, độc túc, độc lưu. [24] Bản Hán, hết quyển 22. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích VIII. NHẬN CỦA NAM NHIỄM TÂM[25] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt lên, trở thành kham hiếm, khất thực khó được. Có tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát về không. Cùng lúc ấy, tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà đến giờ, đắp y bưng bát, vào thành khất thực, tuần tự đến nhà một người buôn, đứng im lặng. Tỳ-kheo-ni Đề-xá là người có nhan sắc xinh đẹp, nên người buôn thấy, liền để ý cô, và đến trước mặt hỏi: «A-di cần gì?» Đề-xá trả lời: «Tôi muốn khất thực.» Nhà buôn bảo: «Cô đưa bát đây.» Đề-xá trao bát. Nhà buôn lấy cơm canh đựng đầy bát, rồi trao lại cho tỳ-kheo-ni Đề-xá. Sau đó, thường xuyên Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến đó, im lặng đứng. Nhà buôn cũng lại hỏi: «A-di cần thứ gì?» «Tôi cần khất thực.» Nhà buôn cũng lại lấy bát đựng đầy cơm canh rồi trao lại cho Đề-xá. Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi: «Hiện nay ngũ cốc khan hiếm, khất thực khó được. Hầu hết chúng tôi mang bát vào thành khất thực, trở về bát không. Hằng ngày cô đi khất thực, khi trở về đều được đầy bát. Lý do nào cô được như vậy?» Đề-xá trả lời: «Các cô khất, cũng có thể được vậy.» Lại một ngày khác, Tỳ-kheo-ni Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến nhà người buôn đó. Người kia từ xa trông thấy Tỳ-kheo-ni đến, liền tự tính nhẩm: Từ trước đến nay ta đã cho cô ni này ăn, tính theo giá có thể đủ 500 tiền vàng, bằng với giá mua một người nữ. Vừa nghĩ như vậy xong, ông ta liền đến trước ôm cô tỳ-kheo-ni, muốn hành dâm. Tỳ-kheo-ni kia liền kêu la: «Đừng làm vậy, đừng làm vậy!» Người lân cận liền hỏi: «Vừa rồi, sao cô la lớn thế?» Đề-xá trả lời: «Người này bắt tôi.» Người kia hỏi: «Sao ông bắt tỳ-kheo-ni?» Đáp: «Tôi trước sau cho tỳ-kheo-ni này ăn, tính ra giá trị bằng 500 tiền vàng. Đủ để mua một cô gái. Nếu tỳ-kheo-ni này không ham thích tôi, sao lại nhận đồ ăn của tôi.» Người kia hỏi: «Có thật vậy không cô?» Cô trả lời: «Có thật vậy.» Người kia hỏi: «Cô biết ý người ta cho cô ăn không?» Đáp: «Biết.» Người kia nói: «Cô đã biết rồi. Sao còn kêu la?» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe biết. Trong đó có người thiểu dục, tri túc, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà: «Tại sao tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô nhận thức ăn của người cho có tâm nhiễm ô?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đem tâm nhiễm ô thọ nhận thức ăn của người có tâm nhiễm ô?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có tâm nhiễm ô,[26] đến người nam cũng có tâm nhiễm ô nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết người ấy có tâm nhiễm ô hay không, sau mới biết họ có tâm nhiễm ô, nên nói mình phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, với tâm nhiẽm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô[27] mà đến người ấy nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tâm nhiễm ô: tâm nhiễm trước dục. Người nam có tâm nhiễm ô: nam tử có tâm nhiễm đắm trước dục. Thứ có thể ăn: Thức ăn bằng gốc (củ), thức ăn bằng cọng, thức ăn bằng lá, thức ăn bằng bông, thức ăn bằng trái, thức ăn bằng dầu, thức ăn bằng hồ ma, thức ăn bằng hắc thạch mật, thức ăn bằng tế mạt.[28] Thức ăn: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt.[29] Các vật khác: vàng, bạc, trân, bảo, ma ni, chơn châu, tỳ lưu ly, kha bối, bích ngọc, san hô, hoặc tiền sanh tượng kim. Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, [722a1] đến người đó nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật dụng khác. Người (nam) kia đưa; (tỳ-kheo-ni) này nhận, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Người (nam) này đưa; (tỳ-kheo-ni) không nhận, thâu-lan-giá. Phương tiện muốn cho mà không cho, hoặc cùng hẹn, hoặc (tỳ-kheo-ni) ăn năn rồi trả lại; tất cả đều thâu-lan-giá. Con trai của chư Thiên, con trai của A-tu-la, con trai Càn-thát-bà, con trai Dạ-xoa, con trai ngạ quỉ, súc sanh đực có thể biến hình; (tỳ-kheo-ni) đến nơi chúng mà nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác; kẻ kia đưa, (tỳ-kheo-ni) này nhận, thâu-lan-giá. Với loài không thể biến hình, (tỳ-kheo-ni) phạm đột-kiết-la. Đến nơi người nữ có tâm nhiễm nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác, đột-kiết-la. Tâm nhiễm ô tưởng là tâm nhiễm ô, tăng-già-bà-thi-sa. Tâm nhiễm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, tưởng là tâm nhiểm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, nghi, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc mình không có tâm nhiễm ô, người kia cũng không có tâm nhiễm ô, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. IX. TÁN TRỢ NI KHẤT THỰC BẤT CHÍNH[30] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt, khất cầu khó được, các tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát không về. Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà vào thành khất thực cũng mang bát không về. Các tỳ-kheo-ni hỏi tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà rằng: «Thường khi cô khất thực mang về đầy bát, tại sao nay mang bát không về, khất thực khó được chăng?» Đề-xá trả lời: «Thật vậy.» Chư ni hỏi: «Tại sao vậy?» Đề-xá nói: «Này, các cô! Trước đây tôi thường đến nơi nhà người thương gia xin, nên dễ dàng được. Nay tôi không đến đó, nên xin khó được.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá nói với tỳ-kheo-ni Đề-xá rằng: «Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rằng: «Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá. «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rồi, bảo các tỳ-kheo: «Những tỳ-kheo-ni này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dạy tỳ-kheo-ni nói như vầy: ‹Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.› Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.[31] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni kia nói với tỳ-kheo-ni: «Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.» Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc nói vui chơi, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. X. PHÁ HOÀ HIỆP TĂNG * Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[32] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, muốn phá hoại hòa hợp tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp tăng, kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni kia nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại tỷ chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hiệp tăng, chớ chấp chặt phá hoại hòa hợp Tăng kiên trì không bỏ. Đại tỷ, nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.› Tỳ-kheo-ni ấy khi được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.[33] XI.TÙY THUẬN PHÁ TĂNG * Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[34] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số. Các tỳ-kheo-ni bè đảng ấy nói với các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Đại tỷ, chớ can gián tỳ-kheo-ni ấy. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi chấp nhận.› Chúng tỳ-kheo-ni nên nói với tỳ-kheo-ni bè đảng ấy rằng: ‹Đại tỷ chớ nói như vầy: ‹Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là chúng tôi chấp nhận.› Tại sao vậy? Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là phi pháp, là phi luật. Đại tỷ, chớ phá hoại hòa hợp Tăng. Các cô nên hoan hỷ hòa hợp Tăng. Đại tỷ cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích an lạc.› Các tỳ-kheo-ni bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tỳ-kheo-ni kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. XII. Ô THA GIA * Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[35] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nương tựa nơi làng xóm hoặc nơi thành ấp mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; [723a1] hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô làm hoen ô nhà người, có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại tỷ, cô làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lìa xóm làng này, không nên ở nơi đây nữa.› Tỳ-kheo-ni ấy nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi.› Các Tỳ-kheo-ni nên trả lời tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ nói: ‹Các tỳ-kheo-ni có thiên vi, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi. Tại sao vậy? Các tỳ-kheo-ni không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy, không có người bị đuổi, không có người không bị đuổi, mà vì đại tỷ, là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. XIII. ÁC TÁNH BẤT THỌ GIÁN NGỮ * Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[36] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có tánh ngoan cố không nghe lời người khuyên, đã được các tỳ-kheo-ni khuyên can như pháp về những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: ‹Các đại tỷ, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt, hoặc xấu, tôi cũng không nói với các đại tỷ điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại tỷ hãy thôi, chớ can gián tôi.› Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại tỷ, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại tỷ như pháp can gián các tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni cũng sẽ như pháp can gián đại tỷ. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích lần lượt can gián lẫn nhau, lần lượt chỉ bảo cho nhau, lần lượt phát lồ với nhau.› Khi tỳ-kheo-ni này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. XIV. TƯƠNG THÂN TƯƠNG TRỢ ÁC HÀNH[37] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có hai Tỳ-kheo-ni, một tên là Tô-ma, một tên là Bà-phả-di, cùng sống gần gũi với nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Các Tỳ-kheo-ni nói rằng: «Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.» Nhưng họ vẫn cố chấp, không chịu cải hối. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý cơ hiềm tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di: «Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng các vị vẫn cố chấp không chịu cải hối!» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên gần gũi nhau, cùng làm điều ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không gần gũi nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, cùng nhau che dấu tội lỗi nhau thì ở trong Phật pháp có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng cả hai vẫn cố chấp không chịu cải hối. Thế là sao?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma.» Nên can gián như vầy: Trong ni chúng, sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di nầy sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni khác đã can gián rằng: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di này cùng nhau gần gũi cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng nhau che dấu tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác đã nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can ngăn cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yất-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp nhận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.» Tăng tác pháp can gián bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo, đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như các tỳ-kheo-ni này thì Tăng tỳ-kheo-ni cũng sẽ trao cho pháp quở trách can gián bạch tứ yết-ma như vậy. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, gần gũi sống chung, [724a1] cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che giấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các cô chớ gần gũi sống chung, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội. Nếu các cô không gần gũi sống chung thì trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc.› Khi tỳ-kheo-ni này can gián, tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni kia phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Gần gũi: thường cùng nhau vui đùa, thường cùng nhau giỡn cợt, thường cùng nhau nói chuyện. Hạnh ác: tự mình trồng bông, trồng cây, dạy người trồng. Tự mình tưới nước, dạy người tưới. Tự mình hái hoa, dạy người hái hoa. Tự mình làm tràng hoa, dạy người làm. Tự mình dùng chỉ xâu, dạy người xâu. Tự mình mang đi, dạy người mang đi. Tự mình cầm tràng hoa đi, dạy người cầm đi. Tự mình lấy chỉ xâu cầm đi, dạy người lấy chỉ xâu cầm đi. Hoặc ở trong thôn cùng người, cùng nam tử đứng ngồi chung chạ, ăn uống chung một đồ đựng, nói cười, vui đùa, tự mình ca múa hát xướng, hoặc người khác làm mình xướng họa, hoặc nói lối, hoặc đánh trống, thổi ống tiêu, làm tiếng kêu của con chim tước, hay các loài chim, hoặc nhảy, hoặc đi khập khểnh, hoặc thổi địch, hoặc tự uốn éo thân hình, hoặc thọ nhận sự ngắm nghía giỡn chơi… Tiếng ác: tức lời nói xấu đồn khắp bốn phương, không chỗ nào không nghe. Tội: che dấu các tội khác, trừ tám pháp ba-la-di. Nếu tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni này: «Các đại tỷ! Các cô chớ nên cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác vang khắp, cùng nhau che tội cho nhau. Nếu, các cô không cùng nhau gần gũi cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, thì ở trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc. Các cô nên chấm dứt việc này, đừng để cho Tăng phải quở trách can gián mà phạm tội trọng.» Nếu họ nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Này cô, tôi đã tác bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo lời thì nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi, nên nói lại: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và sơ yết-ma rồi, còn hai yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián, mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo thì tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, lại nên nói: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và yết-ma hai lần rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.» Nếu họ nghe theo thời tốt, bằng không nghe theo, yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác bạch xong, hai yết-ma, rồi bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Bạch xong, một yết-ma rồi bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong rồi bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Chưa bạch xong, bỏ thì phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn đãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo tùy theo đó mà phạm. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới bắt đầu nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo mà quở trách, hoặc tất cả không quở trách can gián. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. XV. TÁN TRỢ ÁC HÀNH[38] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, hai tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di bị Tăng quở trách can gián rồi, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà bảo họ rằng: «Hai cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp quở trách can gián rồi, tại sao các cô bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tăng đã vì tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di tác pháp quở trách can gián, tại sao các cô lại bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: Cho phép Tăng tỳ-kheo-ni trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma. Nên can gián như vầy: Trong ni chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tac bạch: «Đại tỷ tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián quở trách mà họ lại bảo rằng: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách, cho bỏ việc này, nói: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’› Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu, tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc. Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di phép can gián mà họ lại bảo: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách cho bỏ việc này, bảo: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, [725a1] tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’ Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp có Tăng ích, sống an lạc.› «Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp quở trách can gián cho bỏ việc này thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» (yết-ma lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà khiến cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tăng đã vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp can gián quở trách bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy: «Nếu có tỳ-kheo-ni nào như vậy, Tăng cũng sẽ tác pháp quở trách cho bỏ việc ấy bằng bạch tứ yết-ma như vậy. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng tỳ-kheo-ni vì họ tác pháp quở trách, mà tỳ-kheo-ni khác dạy họ như vầy: ‹Các cô đừng sống riêng, nên sống chung với nhau. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni khác không sống riêng; cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni khác rằng: ‘Các cô đừng sống riêng. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni sống với nhau làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.’ Nay chỉ có hai tỳ-kheo-ni này, cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau, chớ không có cô nào nữa. Nếu các tỳ-kheo-ni này sống riêng thì ở trong Phật pháp mới tăng ích, sống an lạc.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ, thì các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, khiến cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cũng như trên. Khi Tỳ-kheo-ni nào bị Tăng tác pháp quở trách, các tỳ-kheo-ni khác bảo: «Các cô đừng ở riêng, nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Các cô đừng ở riêng nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.› Nay, chỉ có hai tỳ-kheo-ni này chớ không có cô nào nữa. Các cô cùng nhau gần gũi, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Nếu tỳ-kheo-ni này ở riêng thì có tăng ích, sống an lạc trong Phật pháp. Nay, các cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo thì tốt, bằng không nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Đại tỷ! Tôi đã tác bạch rồi. Còn có các yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này.» Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma lần đầu. Tác pháp yết-ma lần đầu nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, thì tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong, nên nói: «Này cô! Tôi đã tác bạch yết-ma lần thứ hai rồi, chỉ còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, tác bạch yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, dạy rằng: «Các cô đừng ở riêng. Tôi cũng thấy tỳ-kheo-ni khác cùng ở chung, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy, khi Tăng trao pháp can gián. Có tỳ-kheo bảo: «Đừng bỏ!» Lúc quở trách, phạm thâu-lan-giá; lúc chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «Đừng bỏ!» Khi quở trách, phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật, phi Phật dạy bảo mà quở trách; tất cả không thành quở trách. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVI. DỌA BỎ ĐẠO[39] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, chỉ vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói như vầy: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử mà còn có sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các Sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: Cho phép Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Nên quở trách như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không [726a1] vui, liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, bỏ việc này, nên nói: ‹Này cô! Chớ nên vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử, mà còn có sa-môn bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni này pháp quở trách, bỏ việc ấy. Nói rằng, ‹Đại tỷ, chớ nên vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, liền vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma như vậy rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo: «Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy. Tăng cũng sẽ trao cho pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma như vậy. «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‹tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, đừng chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các tỳ-kheo-ni khi can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ; các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo-ni chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui bèn vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng vì một việc nhỏ giận hờn không vui, vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.› Cô nên bỏ việc này đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch rồi, nên nói: «Tôi đã bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa, cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma thứ nhất. Tác pháp yết-ma lần thứ nhất rồi, nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, cũng nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác hai pháp yết-ma rồi, còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.» Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Tác yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, vì một việc nhỏ giận hờn, không vui, bèn vội nói: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh;» tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Hoặc phi pháp biệt chúng quở trách, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng quở trách. Phi luật phi Phật dạy bảo quở trách. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XVII. VU TĂNG THIÊN VỊ[40] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiệm-di. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tên Hắc,[41] ưa gây gổ. Sau khi không khéo ghi nhớ tránh sự,[42] bèn giận hờn nói: «Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Hắc: «Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Hắc: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép Tăng vì tỳ-kheo-ni Hắc tác pháp quở trách cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Hắc này, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. Nói rằng, ‹Đại tỷ! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ [727a1] Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Đây là lời tác bạch: «Đại tỷ Tăng nghe cho! Tỳ-kheo-ni Hắc này ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các đại tỷ nào chấp nhận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni pháp quở trách cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hia, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách cho bỏ việc này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách, bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo dùng nhơn duyên này bạch lên đức Phật, đức Phật dạy: «Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như thế này, Tăng tỳ-kheo ni cũng sẽ trao cho pháp bạch tứ yết-ma quở trách như vậy. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như sau: Tỳ-kheo-ni nào, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Khi các tỳ-kheo-ni can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni ấy phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Gây gổ:[43] có bốn loại: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, và sự tránh. Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới. Tỳ-kheo-ni ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ, gây gổ xong lại giận hờn nói: Tăng có ái có nhuế có bố có si. Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô chớ nên ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn, nói ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh.› Mà sự thật, Tăng không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Này cô, nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.» Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch xong, nên nói: «Tôi đã tác bạch xong, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.» Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác pháp yết-ma lần thứ nhất. Yết-ma lần thứ nhất xong, nên nói: «Tôi đã tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.» Nếu cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai xong, cũng phải nói: «Tôi đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.» Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó lại giận hờn, nói: ‹Tăng có ái có nhuế có bố có si,› tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni ưa đấu tranh, khi Tăng trao cho pháp yết-ma quở trách, tỳ-kheo bảo: ‹Đừng bỏ!› Nếu Tăng đã tác pháp quở trách, (tỳ-kheo ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ!» Tăng quở trách rồi, (tỳ-kheo-ni ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, dạy người khác bảo: «đừng bỏ!» Tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Khi mới nói liền bỏ. Hoặc quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hiệp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách thì không phạm. Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG III NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ[1] A - THÔNG GIỚI [2] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn đem những nhơn duyên này[3] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: ĐIỀU 1 Tỳ-kheo-ni nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, cất chứa y dư trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa. Nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.* [4] ĐIỀU 2 Tỳ-kheo-ni nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, lìa một trong năm y ngủ đêm chỗ khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ tăng yết-ma.* [5] ĐIỀU 3 Tỳ-kheo-ni nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, nếu được vải phi thời, cần thì nhận. Nhận xong nhanh chóng may thành y. Đủ thì tốt; không đủ thì được phép chứa một tháng. Vì chờ cho đủ vậy. Nếu chứa quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.* [6] ĐIỀU 4 Tỳ-kheo-ni nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.* [7] ĐIỀU 5 Tỳ-kheo-ni nào, y bị cướp, y bị mất, bị cháy, y bị nước cuốn trôi. Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con thân quyến đem cho nhiều y, yêu cầu tùy ý nhận, tỳ-kheo-ni ấy nên biết đủ để nhận y. Nếu nhận quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.* [8] ĐIỀU 6 Tỳ-kheo-ni nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ vì tỳ-kheo-ni để dành tiền sắm y, nghĩ rằng: ‹mua y như thế cho tỳ-kheo-ni có tên như thế.› Tỳ-kheo-ni ấy trước không được yêu cầu tùy ý mà đến nhà cư sĩ, nói như vầy: ‹Lành thay cư sĩ, nên vì tôi để dành số tiền thì sắm y như vậy, như vậy cho tôi.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[9] ĐIỀU 7 Tỳ-kheo-ni nào, nếu có hai nhà cư sĩ, hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho tỳ-kheo-ni, nói rằng, ‹Chúng ta để dành tiền sắm y như thế cho Tỳ-kheo-ni có tên như thế.› Tỳ-kheo-ni ấy, trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý mà đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: ‹Lành thay cư sĩ, đã để dành tiền sắm y như thế như thế cho tôi, hãy chung lại làm thành một y.› Vì muốn đẹp. Nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[10] ĐIỀU 8 [728a1] Tỳ-kheo-ni nào, hoặc vua, hoặc đại thần, hoặc bà-la-môn, hoặc cư sĩ hay vợ cư sĩ, sai sứ mang tiền sắm y đến tỳ-kheo-ni, bảo rằng: ‹Hãy mang số tiền sắm y như thế cho tỳ-kheo-ni có tên như thế.› người sứ ấy đến chỗ tỳ-kheo-ni nói rằng: ‹A-di, nay tiền sắm y này được gởi đến cô. Cô hãy nhận.› Tỳ-kheo-ni ấy nên nói với sứ giả rằng: ‹Tôi không được phép nhận tiền may y này. Khi nào cần y hợp thời và thanh tịnh, tôi sẽ nhận.› Người sứ này có thể hỏi tỳ-kheo-ni rằng: ‹A-di có người chấp sự không?›Tỳ-kheo-ni cần y nên nói: ‹Có›, và chỉ một tịnh nhân Tăng-già-lam, hay một ưu-bà-di, nói rằng: ‹Đó là người chấp sự của tỳ-kheo-ni, thường chấp sự cho tỳ-kheo-ni.› Bây giờ, sứ giả đi đến chỗ người chấp sự trao số tiền sắm y, rồi trở lại chỗ tỳ-kheo-ni, nói như vầy: ‹A-di, tôi đã trao tiền sắm y cho người chấp sự mà cô đã chỉ. A-di, khi nào cần hãy đến người ấy, sẽ được y.› Tỳ-kheo-ni khi cần y, sẽ đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, hoặc ba lần khiến cho nhớ lại, bằng cách nói rằng: ‹Tôi cần y.› Hoặc hai lần, hoặc ba lần như vậy, khiến cho nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt; bằng không, thì bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần đứng im lặng trước người ấy mà được y thì tốt. Bằng không được y, mà cố cầu quá thời hạn ấy, nếu được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu không được y, tự mình hoặc sai người đến chỗ, người xuất tiền sắm y, nói rằng: ‹Ngài trước kia đã sai sứ mang tiền sắm y cho tỳ-kheo-ni tên như vậy. Nhưng cuối cùng tỳ-kheo-ni ấy không nhận được y. Ngài nên đến lấy lại tiền, đừng để mất.› Như vậy là hợp thức.*[11] ĐIỀU 9 Tỳ-kheo-ni nào, tự mình nhận lấy vàng bạc hoặc tiền hay dạy người lấy, hoặc dùng miệng để nhận, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[12] ĐIỀU 10 Tỳ-kheo-ni nào, kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[13] ĐIỀU 11 Tỳ-kheo-ni nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[14] ĐIỀU 12 Tỳ-kheo-ni nào, tỳ-kheo nào, chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ trao cho tỳ-kheo-ni này, nói rằng, ‹Cô hãy thọ trì bát này cho đến khi vỡ.› Đó là điều hợp thức.*[15] ĐIỀU 13 Tỳ-kheo-ni nào, tự mình xin chỉ sợi, khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[16] ĐIỀU 14 Tỳ-kheo-ni nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì tỳ-kheo-ni dệt y. Tỳ-kheo-ni này, trước chưa được yêu cầu tùy ý liền đến chỗ thợ dệt nói rằng: ‹Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho tôi thật hết sức khéo, khiến cho rộng, dài, bền chắc, tề chỉnh đẹp, tôi sẽ trả công cho ít nhiều.› Tỳ-kheo-ni ấy trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn, nếu được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[17] ĐIỀU 15 Tỳ-kheo-ni nào, trước đã cho y cho tỳ-kheo-ni rồi, sau vì giận hờn, tự mình đoạt lại, hoặc bảo người đoạt lại, nói rằng: ‹Hãy trả y lại tôi. Tôi không cho cô.› Nếu tỳ-kheo-ni kia trả y lại, tỳ-kheo-ni này nhận lấy y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[18] ĐIỀU 16 Tỳ-kheo-ni nào, còn mười ngày nữa mới mãn ba tháng hạ, nếu nhận được y cấp thí, tỳ-kheo-ni biết đó là y cấp thí thì nên thọ. thọ rồi, chỉ chứa cho đến thời của y. Nếu chứa quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.* [19] ĐIỀU 18 Tỳ-kheo-ni nào, biết vật của Tăng mà xoay về cho mình, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.*[20],[21]
Chú thích: [25] Pali, biệt giới 5. [26] Tăng kỳ: lậu tâm 漏心. Pali: avassutā: sārattā apekkhavatī paṭibaddhacittā, tâm nhiễm dục, tức là tâm tham luyến, trông chờ, đắm nhiễm. [27] Tăng kỳ: «tỳ-kheo-ni không có lậu tâm; từ người nam có lậu tâm.» Pali: bhikkhunī avassutā avassutass purisapugalassa hatthato, tỳ-kheo-ni có tâm ô nhiễm, (nhận) từ tay đàn ông có tâm ô nhiễm. [28] Đây chỉ loại thức ăn cứng khư-đà-ni, xem Phần I, cht. 188 Ch.v Ba-dật-đề 35. Pali: khādanīyaṃ. [29] Đây chỉ loại thức ăn mềm, hay chánh thực , hay bồ-xà-ni; xem Phần I, cht. 180, Ch.v ba-dật-đề 35. Pali: bhojanīyaṃ. [30] Pali, biệt giới 8. [31] Các bộ giống nhau. Riêng Tăng kỳ (T22n1425, tr.521c5): tỳ-kheo-ni (nói như vậy), sau ba lần được can gián mà không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa. [32] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 10. [33] Hán: phạm tam pháp ưng xả tăng-già-bà-thi-sa 犯三法應捨 僧伽婆尸沙. Ngũ phần: tam gián phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 三諫犯僧伽婆尸沙可悔過. Pali, không có giới văn cho thông giới này. Tham khảo biệt giới 7 (Vin.iv. 236): yāvatatiyakaṃ dhammaṃ āpannā nissaraṇīyaṃ saṅghādisesaṃ, phạm pháp nầy, (được can gián) cho đến lần thứ ba, tăng-già-bà-thi-sa cần xả trí. [34] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 11. [35] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 12. [36] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 13. [37] Pali, biệt giới 9. [38] Pali, biệt giới 10. [39] Pali, biệt giới 7. [40] Pali, biệt giới 8. [41] Hắc 黑, Pali: Caṇḍakāḷī. [42] Bất thiện ức trì tránh sự. Nghĩa là, bị đuối lý, mỗi khi có sự gây gổ. Pali: adhikaraṇe paccākatā, bị cự tuyệt trong khi có tránh sự. Giải thích: paccākatā nāma parājitā vuccati, bị cự tuyệt, nghĩa là bị thua. [43] Hán: đấu tránh 鬥諍. Pali: adhikaraṇa, tránh sự, có 4. [1] Bản Hán: T22n1428, tr.727b29. Ngũ phần 12: T22n1421, tr.83a13. Tăng kỳ 37: T22n1425, tr.524b04. Thập tụng 43: T23n1435, tr.313b05. Pali, Vin.iv. 243. [2] Tứ phần: 30 điều, 18 thông giới. Duyên khởi, giới tướng, và các giải thích, xem các điều liên hệ trong Phần I, Ch. iv Ni-tát-kỳ ba-dật-đề.- Những điều thuộc thông giới có đánh dấu hoa thị (*). - Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: 30 điều. Căn bản: 33 điều. Pali, 30 điều, 18 thông giới. [3] Duyên khởi các thông giới, như tỳ-kheo. [4] Phần I, Ch. iv Ni-tát-kỳ 1. [5] nt. ni-tát-kỳ 2. [6] nt. ni-tát-kỳ 3. [7] nt. ni-tát-kỳ 6. [8] nt. ni-tát-kỳ 7. [9] nt. ni-tát-kỳ 8. [10] nt. ni-tát-kỳ 9. [11] nt. ni-tát-kỳ 10. [12] nt. ni tát-kỳ 18. [13] nt. ni-tát-kỳ 19. [14] nt. ni-tát-kỳ 20. [15] nt. ni-tát-kỳ 22. [16] nt. ni-tát-kỳ 23. [17] nt. Ni-tát-kỳ 24. [18] nt. Ni-tát-kỳ 25. [19] nt. Ni-tát-kỳ 28. [20] nt. Ni-tát-kỳ 30. [21] Bản Hán, hết quyển 23. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích B - BẤT CỘNG GIỚI ĐIỀU 19 [22] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có đàn-việt. Sáng sớm, cô đắp y mang bát đến nhà người đàn-việt, nói: «Tôi cần váng sữa[23].» Người đàn-việt nói: «Được!» Và liền mua váng sữa về cho. Lúc mua váng sữa đem về cô ni lại nói: «Tôi không cần váng sữa mà cần dầu.» Đàn-việt nói: «Cũng được!» Đàn-việt liền đến nhà bán váng sữa nói: «Tôi không cần váng sữa mà cần dầu.» Nhà buôn nói rằng: «Tôi phải bày ra phép mua váng sữa để nhận váng sữa của ông. Rồi bày ra phép mua dầu để lấy dầu cho ông.» Vì vậy, người đàn-việt cơ hiềm nói rằng: «Tỳ-kheo-ni không biết nhàm chán, không biết đủ, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Cần dầu lại đòi sữa, cần sữa lại đòi dầu. Như vậy có gì là chánh pháp? Nếu cần sữa cứ nói cần sữa, cần dầu cứ nói dầu. Nếu cần cái gì thì cứ nói cái đó chứ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Sao cô cần váng sữa lại đòi dầu, cần dầu lại đòi váng sữa?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Phật. Đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao cô cần sữa lại đòi dầu, cần dầu lại đòi sữa?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, là nơi trồng nhiều giống hữa lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cần vật này lại đòi vật kia,[24] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Cần vật này lại đòi vật kia: xin váng sữa rồi lại xin dầu; đòi dầu rồi lại đòi váng sữa. Hoặc cầu vật khác cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni muốn vật này lại đòi vật kia, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho ni Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ dưới chân Tăng rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại tỷ Tăng, xin nghe cho! Tôi tỳ-kheo-ni tên là…, cần vật này lại xin vật kia, phạm xả [729a1] đọa, nay xả cho Tăng.» Xả rồi nên sám hối. Người nhận sám phải tác bạch trước khi nhận. Văn bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo-ni này. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, khi nhận sự sám hối của đượng sự nên nói: «Cô nên tự trách tâm mình.» Đương sự trả lời: «Xin vâng.» Tỳ-kheo-ni Tăng nên hoàn lại vật xả của tỳ-kheo-ni này liền, bằng pháp bạch nhị yết-ma, theo diễn tiến như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem vật xả của tỳ-kheo-ni này hoàn lại cho tỳ-kheo-ni có tên… Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này có tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Tăng đem vật xả này trả lại cho tỳ-kheo-ni có tên… Các đại tỉ nào đồng ý Tăng trả lại vật xả cho tỳ-kheo-ni có tên… thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận trả lại vật xả cho Tỳ-kheo-ni tên là… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vật xả rồi không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu khi trả lại, có người bảo ‹đừng trả,› người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người,[25] hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc đem đốt, hoặc làm phi vật dụng, hoặc dùng thường xuyên,[26] tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu cần sữa nói sữa, cần dầu nói dầu; cần vật gì nói vật ấy; hoặc từ nơi bà con mà yêu cầu, từ nơi người xuất gia mà yêu cầu, hoặc mình vì người khác, người khác vì mình mà yêu cầu, hay không đòi mà được, thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 20 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni thuyết giới giữa đất trống, có một cư sĩ thấy hỏi: «Thưa A-di, tại sao thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới hay sao?» Chư ni trả lời: «Không.» Cư sĩ thưa: «Nếu có cung cấp phương tiện, có thể cất nhà thuyết giới được không?» Chư ni nói: «Được.» Cư sĩ liền cung cấp vật dụng để xây nhà thuyết giới. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni bèn khởi ý nghĩ: «Chúng ta gặp ngày thuyết giới có thể tìm chỗ ngồi để thuyết giới, chứ y phục khó có thể có được đầy đủ năm y. Nay ta nên đem vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau thì hơn.» Họ liền đem đổi lấy y chia cho nhau. Sau đó, các tỳ-kheo-ni vẫn thuyết giới nơi đất trống, cư sĩ thấy hỏi: «Tại sao các cô vẫn thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới sao?» Chư ni nói: «Không có.» Cư sĩ hỏi: «Trước đây, tôi đã cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới rồi. Các cô đem làm gì?» Các tỳ-kheo-ni nói: «Chúng tôi nghĩ, đến ngày thuyết giới chúng tôi tìm chỗ ngồi thuyết cũng được. Còn y phục, khó có đủ năm y, nên chúng tôi đem vật liệu đổi lấy y. Chúng tôi đã đem vật liệu đi đổi lấy y, rồi chia cho nhau.» Cư sĩ cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, thọ nhận không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đem vật liệu tôi cúng để cất nhà thuyết giới đổi lấy y chia cho nhau. Làm như tôi không biết y phục khó có đủ năm y. Đức Phật dạy, phước điền thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng kia mà!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao cư sĩ cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các tỳ-kheo-ni, sao cư sĩ cúng vật liệu để xây cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết vật được đàn-việt cúng Tăng để làm việc này, đem làm việc kia,[27] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Dùng vật thí cho Tăng mà làm việc khác: vật thí để làm nhà thuyết giới lại đem may y; vật thí may y lại đem làm nhà thuyết giới; vật cúng chỗ này đem dùng chỗ khác. Vật của Tăng, vật vì Tăng, vật thuộc Tăng: - Vật của tăng: vật đã hứa cho Tăng. - Vật vì Tăng: vật vì Tăng làm mà chưa hứa cho Tăng. - Vật thuộc Tăng: vật đã hứa cho Tăng, đã xả cho Tăng. Tỳ-kheo-ni biết đàn-việt cúng cho Tăng để làm việc này, đem dùng vào việc khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la. Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Thượng tọa, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! tôi, tỳ-kheo-ni tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này, dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho tăng.» Xả rồi phải sám hối. Người thọ sám phải tác bạch trước, sau đó mới thọ. Văn bạch như sau: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, vật cúng cho Tăng để làm việc này lại đem dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo-ni có tên… Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sự sám hối. Khi nhận sự sám hối nên nói với người kia: «Cô hãy tự trách tâm mình.» Người kia thưa: «Xin vâng.» Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo-ni này liền, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy: Trong tăng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại y cho tỳ-kheo-ni có tên… này. Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni có tên… này đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Y đã được xả giữa Tăng rồi, Tăng không trả y lại phạm đột-kiết-la. Khi trả y lại có người bảo ‹đừng trả!› người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu nhận để làm năm y, hoặc chuyển làm tịnh thí, hoặc dùng vào việc khác, hoặc sai cho người, hoặc cố ý làm cho hư hoại, hoặc đem đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc hỏi chủ rồi dùng; tùy theo sự phân phối mà dùng; hoặc khi cúng, người chủ nói: ‹Tùy ý cứ xử dụng;› thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi [730a1] chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 21[28] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn[29] muốn đến nước Xá-vệ. Vị tỳ-kheo-ni cựu trú nghe tin tỳ-kheo-ni An Ẩn sẽ đến, bèn đi từ nhà này đến nhà khác khất cầu và nhận được một số tài vật ẩm thực, rất nhiều. Đến kỳ hạn, tỳ-kheo-ni An Ẩn không đến. Các cựu trú tỳ-kheo-ni cùng nhau bàn tính: «Tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn cùng chúng ta đến nước Xá-vệ. Nhưng cô ấy lại không đến. Y phục của tỳ-kheo-ni rất khó kiếm. Nhưng cần phải đủ năm y. Chúng ta có thể lấy các tài vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau.» Rồi họ đổi lấy năm y và chia nhau. Sau đó, tỳ-kheo-ni An Ẩn đến nước Xá-vệ. Sáng ngày hôm sau, đến giờ, mặc y mang bát vào thành khất thực, các cư sĩ thấy, hỏi: «Này A-di, cô cần gì?» Cô đáp: «Tôi khất thực.» Lại hỏi: «Chúng Tăng không có thức ăn sao?» An Ẩn trả lời: «Không có.» Sau đó mấy ngày, cư sĩ đến chỗ các cựu trú tỳ-kheo-ni hỏi: «Trước đây chúng tôi đều có xuất tài vật cung cấp để làm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn. Các cô có làm thức ăn không?» Trả lời: «Không.» Lại hỏi: «Vì sao không làm?» Các cô đáp: «Trước đây tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn với chúng tôi sẽ đến nước Xá-vệ. Nhưng rồi cô An Ẩn không đến. Do đó chúng tôi nghĩ rằng: ‹Tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn cùng chúng ta đến nước Xá-vệ. Nhưng cô ấy lại không đến. Y phục của tỳ-kheo-ni rất khó kiếm. Nhưng cần phải đủ năm y. Chúng ta có thể lấy các tài vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau.› Rồi chúng tôi đổi y, chia nhau.» Các cư sĩ đều cơ hiềm, nói: «Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng mà trước đây chúng tôi vì tỳ-kheo-ni An Ẩn cúng tài vật để làm thức ăn, sau đó họ đem đổi lấy y chia cho nhau. Như vậy có gì là chánh pháp? Chúng tôi đâu không biết rằng y phục của tỳ-kheo-ni khó kiếm cho đủ năm y. Nhưng chúng tôi sở dĩ cung cấp, chính là để làm thức ăn tỳ-kheo-ni An Ẩn từ xa đến.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cư sĩ cung cấp tài vật để sắm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn mà các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni kia: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các tỳ-kheo-ni, sao cư sĩ cung cấp tài vật để làm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn mà các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni kia là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vật được bố thí cho việc khác do tự mình xin, xoay dùng việc khác cho Tăng,[30] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Vật được bố thí cho việc khác: vì thức ăn nên xin mà đem may y; vì y nên xin mà đem dùng làm thức ăn; hoặc vì các việc khác nên xin mà đem làm các việc khác nữa. Tự mình xin: chính mình đi khất cầu. Tăng vật:[31] như trước đã giải. Tỳ-kheo-ni tự mình nhân danh chúng Tăng đi khất cầu rồi đem dùng vào việc khác, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như giới trước, rồi sám hối cũng như giới trước. Tăng nên trả y xả này lại cho tỳ-kheo-ni kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như giới trước. Nếu không trả lại, đem làm năm y, cho đến làm phi y hay mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trước. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói với cư sĩ rồi mới dùng, hoặc khi cư sĩ cung cấp vật có nói: «Tuỳ ý xử dụng», như vậy không phạm. Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, lọan tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 22 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà[32] ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn có một cư sĩ kia là đàn-việt. Đến giờ, cô khoác y, bưng bát, đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi rồi ngồi lên. Bấy giờ, cư sĩ thưa thăm hỏi: «Cô có được an lạc không?» Tỳ-kheo-ni An Ẩn nói: «Không được an lạc.» Cư sĩ hỏi: «Vì sao không được an lạc?» An Ẩn nói: «Chỗ ồn ào nên không được an lạc.» Cư sĩ hỏi: «Cô không có phòng riêng hay sao?» An ẩn nói: «Không có.» Cư sĩ nói: «Tôi cúng phương tiện, cô có thể cất được không?» An Ẩn nói: «Được.» Cư sĩ liền cung cấp phương tiện cho. Tỳ-kheo-ni kia liền nghĩ: «Ta mà xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni, khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.» Rồi cô đi đổi lấy y. Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni An Ẩn khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ, ngồi nơi chỗ ngồi. Cư sĩ chào hỏi: «Thưa A-di, nếp sống được an lạc chăng?» Đáp: «Nếp sống không được an lạc.» Cư sĩ hỏi: «Tại sao không an lạc?» Cô ni nói: «Vì chỗ ở ồn ào nên không được an lạc.» Cư sĩ lại hỏi: «Sư cô không có phòng riêng hay sao?» Cô ni nói: «Không có.» Cư sĩ vặn hỏi: «Trước kia tôi đã đưa cô tiền để cô làm nhà, mà cô không làm hả?» Cô ni nói: «Tôi không làm.» Lại hỏi: «Vì sao không làm?» Trả lời: «Tôi tự nghĩ, ta mà đem đồ này đi xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.» Cư sĩ cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tôi cho tiền làm nhà, lại đem đi đổi lấy y. Tôi há không biết y phục tỳ-kheo-ni khó khăn lắm mới có đủ năm y. Nhưng chúng tôi nghe đức Thế tôn dạy, phước điền đứng vào hàng thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách An Ẩn rằng: «Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni An Ẩn là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vật dụng đàn-việt cúng cho để làm việc này, xoay làm việc khác,[33] ni tát kỳ ba dật đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Vật thí cho việc khác: cúng để xây phòng xá lại đem may y; cúng để may y lại đem xây phòng xá; cúng làm các việc này lại đem làm các việc kia; phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng như trước. [731a1] Cách xả, sám hối cũng như trước. Tăng phải trả lại y xả này bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như trước. Nếu không trả lại thọ làm năm y, cho đến làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hỏi đàn-việt, tùy theo ý của đàn-việt xử dụng, hoặc khi cúng đàn-việt nói: «Cứ xử dụng theo ý muốn»; hoặc người bà con nói: «Cứ dùng như ý muốn, tôi sẽ nói với thí chủ cho», thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 23 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà[34] ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni cần làm phòng xá nên đi khắp trong nhơn gian cầu xin thứ này vật kia. Kết quả thu được số tài vật rất nhiều. Sau đó các tỳ-kheo-ni lại tự nghĩ: «Nếu ta dùng vật liệu này xây cất phòng xá thì thêm nhiều chuyện. Trong khi đó y phục của tỳ-kheo-ni rất khó có đủ năm y. Nay ta có thể dùng tài vật này để đổi lấy y chia cho nhau.» Nghĩ như vậy xong, họ liền đổi lấy y cùng chia. Sau đó một thời gian các cư sĩ hỏi: «Trước đây chúng tôi cúng tài vật để xây phòng xá. Cuối cùng có xây cất hay không?» Các cô ni nói: «Không xây cất.» Các cư sĩ hỏi: «Tại sao không xây cất?» Các cô trả lời: «Chúng tôi tự nghĩ, cất phòng xá thì thêm chuyện. Trong khi đó y phục của tỳ-kheo-ni khó đủ được năm y. Nên chúng tôi đem tài vật đó đổi lấy y và chia cho nhau. Nghĩ xong, chúng tôi liền đổi lấy y chia cho nhau.» Khi ấy các cư sĩ nghe, đều cơ hiềm nói: «Các tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Đem tiền chúng tôi cúng để cất phòng xá, đổi lấy y chia cho nhau. Đâu phải chúng tôi không biết y phục của tỳ-kheo-ni khó đủ năm y! Nhưng chúng tôi nghe đức Thế tôn dạy, phước điền đệ nhất hơn hết là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao các cô đem tiền cho để làm nhà đi dổi lấy y chia nhau?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô đem tiền cho để làm nhà đi đổi lấy y chia nhau?» Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni kia là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vật đàn việt cúng để làm việc này do tự mình đã tìm cầu cho Tăng, xoay dùng qua việc khác,[35] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Vật cúng để làm việc này: cúng làm phòng Tăng đem may y, cúng may y đem làm phòng Tăng, cúng làm các việc này đem làm các việc kia. Tự mình tìm cầu: tự mình đích thân đến các nơi xin. Vật vì Tăng: tức là vật của Tăng, như trên đã nói. Tỳ-kheo-ni đem vật của thí chủ cúng cho Tăng, làm việc khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng. Phương thức xả, xả rồi phải sám hối, như trên đã nói. Tăng nên trả y xả kia lại bằng bạch nhị yết-ma cũng như trước đã nói. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến làm phi y, hay mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu hỏi người chủ, xử dụng theo ý nguyện của họ, hoặc khi cúng họ nói: «Cứ xử dụng theo ý muốn», hoặc người bà con nói: «Cứ xử dụng theo ý chư Tăng, tôi sẽ nói lại với chủ cho», như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 24[36] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni thọ trì bát có màu sắc tốt; còn cái cũ thì cất đi. Họ chứa nhiều bát mà không rửa, không vá. Số bát chứa để như vậy rất nhiều. Các cư sĩ đến thăm chùa, thấy vậy, cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy làm gì có chánh pháp? Chứa nhiều bát, cái nào màu sắc tốt thì dùng, cái nào cũ thì bỏ bừa bãi nơi đất; giống như cửa hàng bán đồ gốm.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô cất chứa nhiều bát, cái tốt dùng, cái cũ không rửa, không tu bổ, bỏ bừa bãi dưới đất?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô thọ trì bát có màu mới tốt, còn những cái cũ không rửa, không vá, bỏ bừa bãi dưới đất?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chứa bát dư,[37] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni kia ngày nào nhận được bát, ngay trong ngày hôm ấy nên thọ trì một bát, còn bao nhiêu cái khác nên tịnh thí, hoặc sai cho người khác. Nếu tỳ-kheo-ni chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng. Pháp xả, pháp sám hối, sau khi xả như trên. Tăng nên trả lại chiếc bát xả này bằng bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu không trả lại (…) cho đến câu: dùng như phi bát, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trong ngày nhận được bát liền thọ trì một bát, còn những cái kia tịnh thí; hoặc sai cho người;[38] hoặc tưởng bị cướp, tưởng bị mất, tưởng bị vỡ, tưởng bị nước cuốn mà không tịnh thí, không sai cho người thì không phạm. Nếu bát bị cướp, bát bị mất, bát bị vỡ, bát bị cuốn trôi, hoặc tự lấy dùng, hoặc người khác cho dùng thì không phạm. Hoặc người gởi bát qua đời, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị cướp bắt dẫn đi, hoặc gặp ác thú, hoặc bị nước cuốn trôi không tác tịnh thí, không sai cho người thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 25[39] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cất chứa nhiều đồ dùng với màu sắc tốt đẹp; những cái xấu vất bỏ bừa bãi dưới đất không sửa chữa, không rửa, không sắp xếp. Lúc ấy có số đông cư sĩ đến chùa thăm, nhìn thấy, cơ hiềm nói rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, thọ nhận không biết nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bãi dưới đất như cửa hàng bán đồ gốm.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục [732a1] tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, có tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bãi dưới đất?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bải dưới đất?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các Tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chứa nhiều đồ dùng[40] có màu sắc đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIƠI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni ngày nào nhận được đồ dùng, trong ngày nhận được nên thọ trì ngay, được tính vào mười sáu thứ cần dùng. Ngoài ra nên tịnh thí hoặc sai cho người. Mười sáu thứ là: chõ lớn, nắp chõ, bát lớn, thìa lớn, hủ nhỏ, nắp hủ, bát nhỏ, thìa, bình nước uống, nắp bình, bát lớn chứa nước uống, thìa nhỏ, bình đựng nước rửa, nắp bình, bát uống nước, ly uống nước. Tỳ-kheo-ni nào, chứa nhiều đồ dùng, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả giữa Tăng, như trước. Xả rồi phải sám hối. Pháp sám hối cũng như trước. Tăng phải trả lại vật xả này bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu Tăng không trả lại, cho đến, thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ngày nào nhận được đồ dùng thọ trì được tính vào mười sáu thứ cần dùng như trên, ngoài ra tịnh thí hay sai cho người; hoặc tưởng bị cướp, tưởng bị mất, tưởng bị phá vỡ, tưởng bị cuốn trôi mà không tác tịnh, không sai cho người; thảy đều không phạm. Nếu đồ bị cướp, bị mất, bị vỡ, bị nước cuốn trôi, hoặc cần lấy để dùng, hoặc ngườì khác cho xử dụng, hoặc tỳ-kheo-ni gởi đồ bị quá vãng, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc giặc bắt dẫn đi, hoặc bị nạn ác thú, nước trôi nên không tác tịnh, không sai cho người; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 26[41] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni đến ngày nguyệt kỳ, y và ngọa cụ bị làm bẩn.[42] Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn cho phép mặc y ngăn nguyệt kỳ.[43] Nếu bị tuột, cho phép làm dây đai. Nguyệt thủy vẫn từ hai bên tiết ra, làm bẩn y, Phật lại cho phép may bệnh y mặc chồng lên, bên ngoài mặc niết-bàn-tăng. Khi đến nhà bạch y, họ mời ngồi, nên nói: «Tôi có bệnh.» Nếu họ nói: ‹Cứ ngồi, không sao.» Tỳ-kheo-ni nên vén niết-bàn-tăng, rồi lấy y bệnh che thân mà ngồi. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na thường tự nói mình không có dục tưởng, và bảo tất cả các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Khi nào có nguyệt kỳ thì đến tôi lấy y này mà dùng.» Các cô đáp: «Được.» Các tỳ-kheo-ni thường trông vào y đó nên không may y khác. Sau đó tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na lại có nguyệt kỳ. Đồng thời tỳ-kheo-ni khác cũng có nguyệt kỳ. Các tỳ-kheo-ni khác sai người đến tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na nói: «Trước đây cô hứa cho tôi bệnh y, nay xin được nhận.» Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na nói: «Nay tôi cũng có nguyệt kỳ, không thể cho được.» Tỳ-kheo-ni hiềm trách: «Trước đây cô bảo tôi, khi có nguyệt kỳ đến cô lấy bệnh y. Tôi tin tưởng mượn được nên không sắm bệnh y. Nay tôi nhờ người đến hỏi, tại sao không đưa?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na: «Cô đã hứa cho tỳ-kheo-ni kia mượn bệnh y, nên không sắm. Nay sai người đến lấy, sao cô lại không đưa?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch chư Tăng tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na, Cô đã hứa cho tỳ-kheo-ni kia mượn bệnh y, nên không sắm. Nay sai người đến lấy, sao cô lại không đưa?» Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hứa cho tỳ-kheo-ni khác y bệnh,[44] sau không cho,[45] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: Nghĩa như trên. Y bệnh: khi nguyệt thủy xuất, mặc để ngăn thân trong, bên ngoài mặc niết-bàn-tăng. Y: Có mười loại như trên đã giải. Tỳ-kheo-ni hứa cho y bệnh mà không trao, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ngoài y bệnh, hứa cho các y khác mà không cho, mắc đột-kiết-la. Ngoài y, hứa cho các vật dụng khác mà không cho đều mắc đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni hứa cho y bệnh cho tỳ-kheo-ni rồi sau không cho, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối cũng như trên. Tăng nên trả vật xả này lại liền cũng như trước. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến câu thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo(?)[46] đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hứa cho y bệnh rồi cho. Nếu không có y bệnh; hoặc y bệnh đang được may, giặt, nhuộm, đập, cất nơi bảo đảm không tìm được; không phạm. Hoặc tỳ-kheo-ni kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc bị diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do nhơn duyên này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên hứa cho y bệnh mà không cho thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 27[47] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng y phi thời thọ làm thời y.[48] Các tỳ-kheo-ni thấy, nói: «Đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo-ni được chứa năm y, y này là y của ai?» Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nói: «Thời y của chúng tôi đó.» Chư ni hỏi: «Này các cô, hiện tại là thời, hay là phi thời đối với y?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô dùng phi thời y thọ làm thời y?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô dùng phi thời y thọ làm thời y?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người [733a1] đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng y phi thời, sử dụng làm y đúng thời,[49] ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Thời y: y đúng thời, an cư xong không thọ y ca-thi-na, trong vòng một tháng, có thọ y ca-thi-na trong vòng năm tháng. Y phi thời: ngoài thời gian nói trên, được y mà cất chứa. Y: có mười loại như trên. Nếu tỳ-kheo-ni dùng y phi thời này sử dụng làm y đúng thời, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối, như trên. Tăng nên trả lại y vật đã xả bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như trên. Nếu không trả lại, thọ làm năm y... cho đến câu: thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Y phi thời sử dụng làm y phi thời; y đúng thời sử dụng làm y đúng thời thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 28[50] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cùng với tỳ-kheo-ni khác đổi y. Sau vì giận hờn đoạt lấy lại, nói: «Trả y lại cho tôi. Tôi không đổi cho cô. Y của cô thuộc về cô. Y của tôi thuộc về tôi. Cô tự lấy y của cô. Tôi tự lấy y của tôi.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao cô cùng với tỳ-kheo-ni đổi y, sau vì giận hờn đoạt lấy lại và nói, ‹Trả y lại cho tôi. Tôi không đổi cho cô. Y của cô thuộc về cô. Y của tôi thuộc về tôi. Cô tự lấy y của cô. Tôi tự lấy y của tôi.›?» Khi ấy các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, sao cô cùng với tỳ-kheo-ni khác đổi y, sau vì giận hờn đoạt lấy lại?» Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cùng với tỳ-kheo-ni khác trao đổi y, sau giận hờn đoạt lấy lại, hoặc báo người đoạt lấy, nói: ‹Cô trả y tôi lại. Tôi không đổi cho cô. Y cô thuộc về cô. Y tôi trả lại tôi›; ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: Nghĩa như trên. Y: có mười loại, như trên. Trao đổi: Dùng y đổi y; dùng y đổi phi y; dùng phi y đổi y; hoặc dùng phi y đổi phi y. Hoặc dùng kim, dao, chỉ, tạp vật đổi lẫn nhau; cho đến dùng một viên thuốc để đổi. Tỳ-kheo-ni cùng với tỳ-kheo-ni khác trao đổi y, sau vì giận hờn đoạt lại, hoặc bảo người đoạt, lấy đem cất, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Đoạt mà không lấy đem cất, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni kia được y đem treo trên cây, trên tường, trên rào, trên trụ cột, trên ngà voi, trên giá móc y, trên giường dây, giường cây, trên nệm lớn, nệm nhỏ, hoặc trải trên đất, nếu lấy khỏi chỗ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Lấy không khỏi chỗ, đột-kiết-la. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trước. Xả rồi phải sám hối như trước. Tăng phải trả lại y kia bằng bạch nhị yết-ma cũng như trước. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến dùng mặc mãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la, cũng như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Dùng lời hòa nhã, khuyến dụ nói: «Này cô, tôi hối hận. Cô trả lại y của tôi.» Cô kia biết có sự hối hận, trả lại y. Hoặc có tỳ-kheo-ni khác nói: «Tỳ-kheo-ni này muốn đổi lại. Cô nên trả y lại cho cô ấy.» Hoặc cô kia mượn mặc một cách không đạo lý, cho nên phải đòi lại. Hoặc dự biết sẽ bị mất, hoặc sợ hư hoại, hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng bị diệt tẫn, hoặc sự việc này sẽ đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, đoạt lại mà không đem cất. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 29[51] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trên giảng đường Cao các[52], bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Lê-xa Tỳ-xá-ly có nhân duyên cần nhận tài vật từ một cư sĩ nọ. Khi ấy có tỳ-kheo-ni tên là Ca-la thường lui tới nhà cư sĩ này, xem như là một đàn-việt. Lê-xa nói với Ca-la rằng: «A-di, tôi muốn đến sư cô nhờ chút việc về tài vật.» Ca-la nói: «Có thể được.» Rồi cô giúp làm xong việc ấy. Lê-xa được tài vật vui vẻ, hỏi rằng: «Sư cô cần vật gì, bảo cho tôi biết.» Ca-la nói: «Thôi, như thế đã là cúng dường cho tôi rồi.» Lê-xa lại hỏi: «Sư cô cần gì, xin cứ nói.» Ca-la nói: «Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.» Cư sĩ lại nói: «Sư cô cứ nói cần cái gì, tôi sẽ cúng cho.» Tỳ-kheo-ni Ca-la liền chỉ một chiếc y trị giá một ngàn trương điệp và nói: «Tôi cần tấm y như vậy.» Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình cũng phải biết vừa đủ.» Cư sĩ liền đem y trao cho Ca-la, lại nói: «Vừa rồi nếu tôi tự thu xếp công việc thì đâu có phải mất chiếc y này!» Bấy giờ, lại có tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-la cũng đến nhà bà con, an tọa nơi chỗ ngồi. Các cư sĩ hỏi: «A-di cần thứ gì?» Cô ni nói: «Thôi, như thế cũng là cúng dường cho tôi rồi.» Người cư sĩ lại nói: «Cần thứ gì xin cứ nói.» Cô ni nói: «Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.» Cư sĩ nói: «Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Nhưng cứ nói muốn cần cái gì.» Khi ấy, cô ni chỉ tấm y (vải) trị giá một ngàn trương điệp và nói: «Tôi cần tấm y đây.» Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình củng phai biết vừa đủ.» Cư sĩ đưa tấm y (vải) rồi, nói: «Tỳ-kheo-ni dùng chiếc y quý giá này để làm gì?» Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe những việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Bạt-đà-ca-tỳ-la rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại đến nơi cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?› Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại đến cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Hai Tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la này [734a1] là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xin y nặng,[53] tối đa bằng giá bốn lớp trương điệp;[54] nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Y nặng (y dày): y chống lạnh. Y: có mười loại như trên. Khi tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, nhiều nhất là 16 điều. Nếu tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, trị giá quá 4 trương điệp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như trên. Xả y rồi phải sám hối, cũng như trên. Tăng phải trả y lại cho tỳ-kheo-ni kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu Tăng không trả lại, hoặc thọ làm năm y, cho đến thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Đòi hỏi y bằng bốn trương điệp, hoặc ít hơn; hoặc xin nơi người xuất gia; hoặc người kia vì mình xin, mình vì người kia xin; hoặc không xin mà được; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 30[55] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Lê-xa Tỳ-xá-ly có nhơn duyên cần lấy tài vật từ một cư sĩ nọ. Có một tỳ-kheo-ni tên là Ca-la thường tới lui nhà này, xem như một đàn-việt. Lê-xa nói với tỳ-kheo-ni Ca-la: «A-di, cô có thể vì tôi thu xếp chuyện tài vật này được không?» Cô ni trả lời: «Được.» Sau khi thu xếp tài vật xong, nhận được tài vật rồi, Lê-xa vui vẻ nói: «A-di, cô cần thứ gì?» Cô ni nói: «Thôi, như thế là cúng dường tôi rồi!» Lê-xa lại nói: «Cần gì, sư cô cứ nói.» Cô ni nói: «Thôi, giả sử tôi có cần đi nữa, ông cũng không thể cho.» Lê-xa lại nói: «Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Cô cứ nói.» Cô ni liền chỉ nơi chiếc y nhẹ (mỏng) trị giá năm trăm trương điệp nói: «Tôi cần tấm y (vải) như vậy.» Cư sĩ đều cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán,. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại đòi y mỏng với giá năm trăm trương điệp? Dù đàn-việt có cúng cũng phải biết đủ chứ!» Lê-xa đem chiếc y trao cho cô ni và nói như vầy: «Vừa rồi, nếu tôi tự thu xếp công việc thì đâu có mất chiếc y này!» Bấy giờ, lại có tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-la cũng đến nhà bà con, an tọa nơi chỗ ngồi. Các cư sĩ hỏi: «A-di cần thứ gì?» Cô ni nói: «Thôi, như thế cũng là cúng dường cho tôi rồi.» Người cư sĩ lại nói: «Cần thứ gì xin cứ nói.» Cô ni nói: «Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.» Cư sĩ nói: «Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Nhưng cứ nói muốn cần cái gì.» Cô ni liền chỉ nơi chiếc y mỏng, trị giá năm trăm trương điệp và nói: «Tôi cần chiếc y này.» Cư sĩ kia cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại đòi y mỏng với giá năm trăm trương điệp? Dù đàn-việt có cúng cũng phải biết đủ chứ!» Cư sĩ đem chiếc y trao và nói rằng: «Tỳ-kheo-ni này dùng chiếc y quý giá này để làm gì?» Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách hai tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la rằng: ‹Sao các cô lại đến cư sĩ đòi chiếc y mỏng trị giá năm trăm trương điệp?› Bấy giờ các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la rằng: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao hai cô lại đến cư sĩ đòi chiếc y mỏng trị giá năm trăm trương điệp?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Hai tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, muốn xin y nhẹ (mỏng),[56] giá tối đa là hai trương điệp rưỡi;[57] nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Y nhẹ (mỏng): y chống nóng. Y: có mười loại như trên. Nếu tỳ-kheo-ni xin y mỏng, nhiều nhất là mười điều. Nếu tỳ-kheo-ni xin y mỏng quá 2,5 trương điệp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối cũng như trên. Tăng phải trả y xả này lại cho vị kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trước. Nếu Tăng không trả lại, thọ làm năm y, ... cho đến làm phi y, hay dùng mặc mãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la, như vậy gọi là phạm. Sự không phạm: Xin y mỏng với mức 2,5 trương điệp, hoặc dưới 2,5 trương điệp; hoặc đến người xuất gia xin; hoặc mình vì người xin, người vì mình xin, hay không xin mà được; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG IV BA-DẬT-ĐỀ A - THÔNG GIỚI[1] Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Ni-câu-luật, Thích-súy-sấu, nước Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng những nhơn duyên này (như Tăng) tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo: «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: ĐIỀU 1 Tỳ-kheo-ni nào, cố ý nói dối, ba-dật-đề.*[2] ĐIỀU 2 Tỳ-kheo-ni nào, nói lời mạ nhục, ba-dật-đề.*[3] ĐIỀU 3 Tỳ-kheo-ni nào, nói lời hai lưỡi, (ly gián), ba-dật-đề.*[4] ĐIỀU 4 Tỳ-kheo-ni nào, ngủ đêm chung nhà với người nam, ba-dật-đề.*[5] ĐIỀU 5 Tỳ-kheo-ni nào, ngủ đêm chung nhà với người nữ chưa thọ đại giới, quá ba đêm, ba-dật-đề.*[6] ĐIỀU 6 Tỳ-kheo-ni nào, cùng tụng pháp với người chưa thọ giới, ba-dật-đề.*[7] ĐIỀU 7 Tỳ-kheo-ni nào, biết người khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề, trừ tăng yết-ma.*[8][9] ĐIỀU 8 Tỳ-kheo-ni nào, đối với người chưa thọ đại giới, mà tự nói rằng chứng ngộ pháp thượng nhơn rằng: ‹tôi biết điều ấy, tôi thấy điều ấy,› dù là sự thật, ba-dật-đề.*[10] ĐIỀU 9 Tỳ-kheo-ni nào, nói pháp cho người nam quá năm, sáu lời, ba-dật-đề. Trừ có mặt người nữ có trí.*[11] ĐIỀU 10 Tỳ-kheo-ni nào, tự tay đào đất hay bảo người đào, ba-dật-đề.*[12] ĐIỀU 11 Tỳ-kheo-ni nào, phá hoại mầm sống cây cỏ, ba-dật-đề.*[13] ĐIỀU 12 Tỳ-kheo-ni nào, cố ý nói quanh và gây phiền vị khác, ba-dật-đề.*[14] ĐIỀU 13 Tỳ-kheo-ni nào, chê bai và nói xấu ‹tri sự Tăng› ba-dật-đề.*[15] ĐIỀU 14 Tỳ-kheo-ni nào, mang giường nằm, ghế ngồi, hoặc ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng bày ra giữa đất trống, hoặc sai người bày. khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không bảo người dọn cất, ba-dật-đề.*[16] ĐIỀU 15 Tỳ-kheo-ni nào, ở trong Tăng phòng, tự mình hoặc bảo người, trải ngọa cụ của Tăng để ngồi, hoặc nằm. khi đi không tự mình dọn cất, ba-dật-đề.*[17] ĐIỀU 16 Tỳ-kheo-ni nào, đã biết đó là chỗ nghỉ của Tỳ-kheo-ni khác, mình đến sau cố chen vào giữa trải ngọa cụ để ngủ nghỉ, với ý nghĩ rằng: ‹người kia nếu hiềm chật thì sẽ tự tránh đi chỗ khác.› hành động vì nhơn duyên ấy chứ không gì khác, chẳng phải oai nghi, ba-dật-đề.*[18] ĐIỀU 17 Tỳ-kheo-ni nào, giận hờn, không ưa Tỳ-kheo-ni khác, tự mình lôi kéo họ ra khỏi Tăng phòng, hay bảo người khác lôi ra, ba-dật-đề.*[19] ĐIỀU 18 Tỳ-kheo-ni nào, ở trên tầng gác, nằm hay ngồi trên giường, ghế bằng chân ráp bị sút ra, ba-dật-đề.*[20][21] ĐIỀU 19 Tỳ-kheo-ni nào, biết nước có trùng, mà tự mình dùng hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, ba-dật-đề.*[22] ĐIỀU 20 Tỳ-kheo-ni nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ, và các đồ trang trí khác, chỉ bảo người lợp tranh, ngang bằng hai, ba lớp. nếu quá, ba-dật-đề.*[23] ĐIỀU 21 Tỳ-kheo-ni nào, tại trú xứ chỉ cúng một bữa ăn, Tỳ-kheo-ni không bệnh nên ăn một bữa, nếu thọ nhận quá, ba-dật-đề.*[24] ĐIỀU 22 Tỳ-kheo-ni nào, ăn riêng chúng, ba-dật-đề. Trừ các trường hợp khác là khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại hội, khi sa-môn thí thực. Đó là các trường hợp khác.*[25] ĐIỀU 23 Tỳ-kheo-ni nào, đến nhà đàn-việt, được ân cần cúng thức ăn, bánh, bột. Tỳ-kheo-ni cần thì nhận hai ba bát, mang về trong chùa, nên chia cho các Tỳ-kheo-ni khác cùng ăn. nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh, nhận quá ba bát đem về trong chùa, không chia cho các Tỳ-kheo-ni khác ăn, ba-dật-đề.*[26] ĐIỀU 24 Tỳ-kheo-ni nào, ăn phi thời, ba-dật-đề.*[27] ĐIỀU 25 Tỳ-kheo-ni nào, ăn thức ăn thừa cách đêm, ba-dật-đề.*[28] ĐIỀU 26 Tỳ-kheo-ni nào, không thọ nhận thức ăn và thuốc mà đưa vào miệng, ba-dật-đề. trừ nước và tăm.*[29] ĐIỀU 27 Tỳ-kheo-ni nào, trước đã nhận lời mời rồi, nhưng trước hay sau bữa ăn đi đến nhà người khác mà không dặn lại tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y. Đó là trường hợp đặc biệt.*[30] ĐIỀU 28 Tỳ-kheo-ni nào, trong nhà ăn, có vật quý mà cố ngồi nán, ba-dật-đề.*[31] ĐIỀU 29 Tỳ-kheo-ni nào, trong nhà ăn, có vật quý mà cố ngồi nán, ba-dật-đề.*[32] ĐIỀU 30 Tỳ-kheo-ni nào, một mình ngồi với người nam tại chỗ trống, ba-dật-đề.*[33] ĐIỀU 31 Tỳ-kheo-ni nào, nói với tỳ-kheo-ni khác như vầy: ‹Đại tỷ, hãy cùng tôi vào xóm làng, tôi sẽ cung cấp thức ăn cho cô.› Tỳ-kheo-ni kia cuối cùng, không nhờ ai cung cấp cho tỳ-kheo-ni này, lại nói như vầy: ‹Đại tỷ hãy đi chỗ khác, tôi không thích nói chuyện hay ngồi cùng chỗ với cô. Tôi thích ngồi một mình, nói chuyện một mình.› Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, ba-dật-đề.*[34] ĐIỀU 32 Tỳ-kheo-ni nào, được thỉnh cầu thọ nhận thuốc bốn tháng, tỳ-kheo-ni không bệnh nên thọ. Nếu quá hạn mà nhận, ba-dật-đề. trừ trường hợp thỉnh thường xuyên, thỉnh tiếp tục, thỉnh chia phần, thỉnh suốt đời.*[35] ĐIỀU 33 Tỳ-kheo-ni nào, đi xem quân trận, ba-dật-đề. Trừ có nhơn duyên hợp thời.*[36] ĐIỀU 34 Tỳ-kheo-ni nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại, ngủ lại hai, ba đêm. nếu quá, ba-dật-đề.*[37] ĐIỀU 35 Tỳ-kheo-ni nào, ngủ trong quân trại hai, ba đêm, hoặc khi xem quân đội diễn tập, hoặc xem thế lực quân đội, quân voi, quân ngựa, ba-dật-đề.*[38] ĐIỀU 36 Tỳ-kheo-ni nào, uống rượu, ba-dật-đề.*[39] ĐIỀU 37 Tỳ-kheo-ni nào, đùa giỡn trong nước, ba-dật-đề.*[40] ĐIỀU 38 Tỳ-kheo-ni nào, dùng ngón tay thọc lét tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề.*[41] ĐIỀU 39 Tỳ-kheo-ni nào, không nhận lời can gián, ba-dật-đề.*[42] ĐIỀU 40 Tỳ-kheo-ni nào, dọa nạt tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề.*[43] ĐIỀU 41 Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng tắm một lần, tỳ-kheo-ni không bệnh nên thọ trì. Nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng, khi bệnh, khi làm việc, khi gió lớn và mưa, khi đi xa về. Đó là trường hợp đặc biệt.*[44] ĐIỀU 42 Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà cố ý nhóm lửa nơi đất trống để sưởi ấm, hoặc bảo người nhóm, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt.*[45] ĐIỀU 43 Tỳ-kheo-ni nào, dấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo-ni khác; tự mình dấu, hoặc bảo người dấu, dù chỉ giỡn chơi, ba-dật-đề.* [46] [47]
Chú thích: [22] Pali, Niss. 4, Vin.iv 248; Cf. Niss. 5, Vin.iv 249. Ngũ phần: điều 18. Thập tụng: điều 25. [23] Hán: tô 酥. Pali, Thullanandā bịnh, cần thục tô tức bơ lỏng (sappina). [24] Ngũ phần: «… xin được vật này rồi, không dùng. Lại xin vật khác.» Thập tụng: «… đã xin được cái này rồi, lại xin thêm cái khác.» [25] Pali (Cf. Vin.iv 243): vissajjati, đem gởi tặng (cho người khác). [26] Vì muốn cho hư nhanh. [27] Cf. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 25: «…vì Tăng… xin từ một cư sỹ…» Thập tụng: «…vì Tăng, xin để làm viêc này, đem dùng vào việc khác…» [28] Cf. Pali, Niss.7. [29] An Ẩn 安隱; nơi khác, phiên âm Sai-ma. Xem trên, Tăng-già-bà-thi-sa 7. [30] Ngũ phần, ni-tát-kỳ 28: «… tự mình vì Tăng… xin từ nhiều cư sỹ…» [31] Thích từ không có trong giới văn. [32] Bà-già-bà 婆伽婆 , trong bản Hán, tức Thế Tôn. Pali: bhagavā. [33] Ngũ phần, ni-tát-kỳ 27: «… tự mình (vì cá nhân)… xin từ một cư sĩ…» [34] Xem cht. 10 điều 22. [35] Ngũ phân, ni-tát-kỳ 26: «… tự mình vì Tăng… xin từ nhiều cư sĩ…» [36] Cf. Pali, Niss. 1, Vin. iv 243. Ngũ phần: điều 30; Tăng kỳ: điều 14, cf. điều 21; Thập tụng: điều 19; Căn bản: điều 20. [37] Súc trưởng bát 畜長缽 . Ngũ phần: đa tích tụ bát, chất chứa nhiều bát. Tăng kỳ: điều 14: «… chứa bát dư…»; điều 21: «…bát dư được phép chứa 10 ngày…» Thập tụng: «chứa bát dư cho đến một đêm.» Căn bản: «được chứa bát dư qua một đêm.» Pali: pattasannicayaṃ, tích chứa bát. Giải thích, Vin. iv. 243: nissaggiyo hotīti saha aruṇuggamanā nissaggiyo hoti, (cất chứa qua một đêm), khi mặt trời mọc, phạm ni-tát-kỳ. [38] Pali, vissajjati, xem cht. 4, ni-tát-kỳ 19 trên. [39] Ngũ phần, điều 29. [40] Hán: súc đa khí 畜多器. Ngũ phần: tàng tích khí vật 藏積器物; giải thích (T22n1421, tr.85a25): «Khí vật, chỉ đồ đựng nhu yếu sinh hoạt (tư sinh khí vật 資生器物). Chỉ cho phép chứa bình đựng sữa, dầu, mật, hương dược, tương lạc. Mỗi thứ một cái.» [41] Pali, Pāc. 47. Căn bản: ba-dật-đề, điều 143 & 144. [42] Cf. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 22, T22n1421, tr.84a26. [43] Già nguyệt kỳ y 遮月期衣 . Ngũ phần: già nguyệt thuỷ y 遮月水衣. Pali: āvasathacīvara: y nghỉ nhà, giải thích (Vin.iv 303): để tỳ-kheo-ni dùng khi có kinh (utuniyo bhikkhuniyo paribhuñjantu). [44] Hán: bịnh y 病衣. [45] Ngũ phân: «… bảo tỳ-kheo-ni khác hãy dùng già nguyệt thủy y, mình không dùng; nhưng lâm thời lại dùng trước…» Pali, Pāc. 47: anissajjitvā paribhuñjeyya, không xả mà tiếp tục dùng; giải thích: «Đã sử dụng qua hai hoặc ba ngày; đến ngày thứ tư, đem giặt rồi dùng mà không xả cho các tỳ-kheo-ni khác...» [46] Y theo bản Hán. [47] Pali, Niss. 2, Vin. iv 245. Ngũ phần: điều 19. Thập tụng: điều 20, điều 21. [48] Ngũ phần, điều 19: Vì vậy, tỳ-kheo-ni khách không thể được y. Pali, Niss.2: Sau an cư, cư sĩ cúng cho các tỳ-kheo-ni y phi thời (akālacīvarā) cho các tỳ-kheo-ni có y rách. Tỳ-kheo-ni Thullanandā nói đó là thời y (kālacīvaran ti), bèn đem phân phối trong Tăng; do đó. các tỳ-kheo-ni có y rách không nhận được y mới.» [49] Thập tụng, điều 20: «… lấy thời y làm phi thời y rồi phân chia.» (thời y chỉ chia cho cựu trụ tỳ-kheo-ni tại trú xứ an cư; phi thời y, chia cả cựu và khách). Điều 21, ngược lại: «…lấy y phi thời y làm thời y rồi phân chia…» (để khỏi phải chia cho khách ni). Pali: akālacīvaraṃ kālavīvaran ti adiṭṭhahitvā bhājāpeyya, như Thập tụng. [50] Pali, Niss.3, Vin. iv. 246. Ngũ phần: điều 20. Tăng kỳ: điều 24. Thập tụng: điều 22. Căn bản: điều 17. [51] Pali, Nis. 11. [52] Cao các giảng đường 高閣講堂 . Những chỗ khác, hoặc nói là Trùng các giảng đường; hoặc nói là Lâu các giảng đường. [53] Trọng y 重衣 (y dày), trái với khinh y (y nhẹ) được nói ở điều sau. Pali, Pāc.11, Vin.iv. 255): garupāvuraṇa, giải thích: yaṃ kiñci sītakāle pāvuraṇaṃ, loại áo choàng ngoài vào mùa lạnh. [54] Trương điệp 張疊 . Ngũ phần (điều 23): «… y nặng với giá tiền lớn (tứ đại tiền 四大錢). Tăng kỳ (điều 19): «…mua y nặng quá 4 yết-lị-sa-bàn 羯利沙槃…» Thập tụng (điều 29): «…xin y nặng, nên xin y với giá 4 tiền, không được quá…» Pali, ibid., catukaṃsaparaṇaṃ, 4 tiền đồng. Kaṃsapaṇa, tiền đúc bằng đồng thau hay đồng la. 1 kaṃsapaṇa bằng 4 kahāpaṇa. Không có ý kiến thống nhất về giá trị các đơn vị tiền tệ này. [55] Pali, Niss. 12. [56] Khinh y 輕衣 , y (vải) nhẹ hay mỏng; trái với trọng y, xem trên. Pali, Pāc. 12, Vin. iv 256: lahupāraṇaṃ, áo choàng nhẹ mặc trong mùa nóng (uṇhakāle pāvuraṇaṃ). [57] Trương điệp, xem cht. 34 trên. Ngũ phần (điều 24): «… y nhẹ, giá 2 tiền lớn rưỡi…» Tăng kỳ (điều 20): «… y nhẹ, … quá 2 yết-lị-sa-bàn rưỡi…» Thập tụng: «… y nhẹ… 2 tiền rưỡi…» [1] Tứ phần: 178 điều, có 69 thông giới, là những điều học chung cho cả hai bộ. Duyên khởi, từ các tỳ-kheo. Xem Phần I ch. vi.- Những điều thuộc thông giới có đánh dấu hoa thị (*). – Ngũ phần: 210 Ba-dật-đề 波逸提. Tăng kỳ: 140 Ba-dạ-đề 波夜提. Thập tụng: 178 Ba-dạ-đề 波夜提. Căn bản: 180 Ba-dật-để-ca 波逸底迦. Pali, pācittiyā, 166 điều; trong đó, 70 điều thuộc thông giới. [2] Xem Phần I, Ch. v. Ba-dật-đề 1. [3] nt. ba-dật-đề 2. [4] nt. ba-dật-đề 3 [5] nt. ba-dật-đề 4 [6] nt. ba-dật-đề 5 [7] nt. ba-dật-đề 6 [8] nt. ba-dật-đề 7 [9] Bản Hán, hết quyển 22. [10] nt. ba-dật-đề 8 [11] nt. ba-dật-đề 9 [12] nt. ba-dật-đề 10 [13] nt. ba-dật-đề [14] nt. ba-dật-đề [15] nt. ba-dật-đề [16] nt. ba-dật-đề [17] nt. ba-dật-đề [18] nt. ba-dật-đề [19] nt. ba-dật-đề [20] nt. ba-dật-đề [21] Bản Hán, hết quyển 23. [22] nt. ba-dật-đề [23] nt. ba-dật-đề [24] nt. ba-dật-đề [25] nt. ba-dật-đề [26] nt. ba-dật-đề [27] nt. ba-dật-đề [28] nt. ba-dật-đề [29] nt. ba-dật-đề [30] nt. ba-dật-đề [31] nt. ba-dật-đề [32] nt. ba-dật-đề [33] nt. ba-dật-đề [34] nt. ba-dật-đề [35] nt. ba-dật-đề [36] nt. ba-dật-đề [37] nt. ba-dật-đề [38] nt. ba-dật-đề [39] nt. ba-dật-đề [40] nt. ba-dật-đề [41] nt. ba-dật-đề [42] nt. ba-dật-đề [43] nt. ba-dật-đề [44] nt. ba-dật-đề [45] nt. ba-dật-đề [46] nt. ba-dật-đề [47] Bản Hán, hết quyển 24. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐIỀU 44 Tỳ-kheo-ni nào, đã tịnh thí y cho tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, về sau không hỏi chủ mà lấy lại dùng, ba-dật-đề.* [48] ĐIỀU 45 Tỳ-kheo-ni nào, nhận được y mới nên dùng một trong ba màu xanh, đen, mực để làm cho hoại sắc. Nếu tỳ-kheo nhận được y mới không dùng ba màu hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mực để làm cho hoại sắc mà mặc nguyên y mới, ba-dật-đề.*[49] ĐIỀU 46 Tỳ-kheo-ni nào, cố ý giết chết mạng sống loài vật, ba-dật-đề.*[50] ĐIỀU 47 Tỳ-kheo-ni nào, biết nước có trùng mà vẫn uống, ba-dật-đề.*[51] ĐIỀU 48 Tỳ-kheo-ni nào, cố ý khuấy rầy tỳ-kheo-ni khác, dù chỉ trong chốc lát khiến cho họ không vui, ba-dật-đề.*[52] ĐIỀU 49 Tỳ-kheo-ni nào, biết tỳ-kheo-ni khác phạm thô tội mà che dấu, ba-dật-đề.*[53] ĐIỀU 50 Tỳ-kheo-ni nào, biết việc tranh cãi đã như pháp sám hối rồi, sau đó lại khơi dậy, ba-dật-đề.*[54] ĐIỀU 51 Tỳ-kheo-ni nào, biết là giặc cướp mà làm bạn cùng đi một đường, dù chỉ trong khoảng một xóm, ba-dật-đề.*[55] ĐIỀU 52 Tỳ-kheo-ni nào nói như vầy: ‹Tôi biết theo pháp Phật dạy, sự hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo.› Các tỳ-kheo-ni kia nên can gián tỳ-kheo-ni này rằng: ‹Đại tỷ, chớ nói như vậy, đừng xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt, đức Thế tôn không nói như vậy! Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo, phạm dâm là pháp chướng đạo.› Khi được các tỳ-kheo-ni kia can gián, mà Tỳ-kheo-ni này kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Nếu đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, không bỏ, ba-dật-đề.*[56] ĐIỀU 53 Tỳ-kheo-ni nào, biết người nói như vậy mà chưa được tác pháp (giải) tà kiến như thế không bỏ, lại cung cấp các nhu yếu, cùng một yết-ma, cùng một chỗ ở, ba-dật-đề.*[57] ĐIỀU 54 Tỳ-kheo-ni nào, biết sa-di-ni nói như vầy: ‹Tôi biết theo pháp Phật dạy, sự hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo.› Các tỳ-kheo-ni kia can gián sa-di-ni này rằng: ‹Ngươi chớ nói như vậy, đừng xuyên tạc đức Thế tôn, xuyên tạc đức Thế tôn là không tốt. Đức Thế tôn không nói như vậy.› Này sa-di-ni, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện nói rằng: ‹Dâm dục là pháp chướng đạo, phạm dâm dục là pháp chướng đạo.› Khi được các tỳ-kheo-ni kia can gián, sa-di-ni này kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, không bỏ thì các tỳ-kheo-ni kia nên nói với sa-di-ni này rằng: ‹Từ nay về sau cô không phải là đệ tử của Phật, không được đi theo các tỳ-kheo-ni khác. Như các sa-di-ni khác, được phép cùng với tỳ-kheo-ni ngủ hai đêm, nhưng nay ngươi không có sự kiện ấy, ngươi hãy đi ra khỏi chỗ này, không được sống ở đây nữa!› Nếu tỳ-kheo-ni biết sa-di-ni đã bị đuổi như vậy, mà đem về nuôi, cùng chung ngủ nghỉ, ba-dật-đề.*[58] ĐIỀU 55 Tỳ-kheo-ni nào, khi được can gián như pháp, lại nói rằng: ‹Nay tôi không học điều giới này, cho đến khi nào tôi nạn vấn người trì giới có trí tuệ, ba-dật-đề. Nếu vì sự hiểu biết thì nên nạn vấn.*[59] ĐIỀU 56 Tỳ-kheo-ni nào, khi tụng giới nói như vầy: ‹Đại tỷ, tụng những giới vụn vặt này có ích lợi gì? Khi tụng các giới này chỉ khiến cho người tu phiền muộn, xấu hổ, hoài nghi.› vì khinh chê giới, ba-dật-đề.*[60] ĐIỀU 57 Tỳ-kheo-ni nào, khi nghe tụng giới, nói như vầy: ‹Đại tỷ, nay tôi mới biết giới này rút từ giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.› Các tỳ-kheo-ni khác biết tỳ-kheo-ni này đã từng ngồi dự tụng giới, hoặc hai, hoặc ba lần, huống nữa là nhiều lần. Tỳ-kheo-ni này không phải do vì không biết, không hiểu, mà hỏi tội. Nếu có phạm tội, nên như pháp xử trị, rồi cộng thêm tội không biết pháp, bảo rằng: ‹Đại tỷ, thật không lợi ích gì cho cô, không có sở đắc tốt đẹp nào cho cô, vì trong khi tụng giới cô không dụng tâm, không nhất niệm, không lắng nghe pháp. Vị ấy là kẻ vô tri, ba-dật-đề.*[61] ĐIỀU 58 Tỳ-kheo-ni nào, sau khi đã cùng chung yết-ma rồi, sau đó lại nói như vầy: ‹Các tỳ-kheo-ni theo chỗ quen biết riêng, lấy vật của chúng Tăng cho,› ba-dật-đề.*[62] ĐIỀU 59 Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, không giữ dục mà đứng dậy đi ra, ba-dật-đề.*[63] ĐIỀU 60 Tỳ-kheo-ni nào, đã giữ dục rồi, sau đó tỏ sự bất bình, ba-dật-đề.*[64] ĐIỀU 61 Tỳ-kheo-ni nào, sau khi nghe những lời tranh cãi của các tỳ-kheo-ni, đem đến nói cho người kia, ba-dật-đề.*[65] ĐIỀU 62 Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn không hoan hỷ, đánh tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề.*[66] ĐIỀU 63 Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn không hoan hỷ, dùng tay tát tỳ-kheo khác, ba-dật-đề.*[67] ĐIỀU 64 Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn không hoan hỷ vu khống (tỳ-kheo-ni khác) bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, ba-dật-đề.*[68] ĐIỀU 65 Tỳ-kheo-ni nào, khi nhà vua dòng sát-đế-lợi thủy nghiêu đầu (quán đảnh) chưa ra khỏi cung, vật báu chưa thu cất mà vào cung vua, bước qua khỏi ngạch cửa, ba-dật-đề.*[69] ĐIỀU 66 Tỳ-kheo-ni nào, tự mình cầm lấy vật báu, hay đồ trang sức bằng vật báu, hoặc bảo người khác cằm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam, hay nơi ký túc (nghỉ đêm). Nếu ở trong tăng-già-lam hoặc nơi ký túc (nghỉ đêm) mà tự mình cầm nắm hay bảo người cầm vật báu, hay đồ trang sức bằng vật báu nên nghĩ như vầy: ‹Nếu người chủ nhận ra sẽ hoàn lại,› vì nhơn duyên như vậy chứ không chi khác.*[70] ĐIỀU 67 Tỳ-kheo-ni nào, vào xóm làng phi thời mà không báo cho tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề.*[71] ĐIỀU 68 Tỳ-kheo-ni nào, làm giường dây, giường gỗ, chân chỉ nên cao bằng tám ngón tay của Như lai, đã trừ lỗ mộng, để ráp trở lên. Nếu quá, ba-dật-đề, phải hớt bỏ.*[72] ĐIỀU 69 Tỳ-kheo-ni nào, dùng bông đâu-la miên độn làm giường dây, giường cây, ngọa cụ, tọa cụ, ba-dật-đề.*[73] ĐIỀU 70[74] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Ba-già-bà ở trên giảng đường Cao các, bên sông Di hầu, tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, tại một vùng đất nọ có khu vườn trồng tỏi. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đi ngang qua vườn tỏi không xa. Người chủ vườn hỏi: «A-di, cần tỏi không?» Cô nói: «Cần.» Người chủ vườn liền đem tỏi cho cô. Nhận được tỏi, về sau thường xuyên, cô ni cũng lại đi cách vườn tỏi không xa. Mỗi lần thấy người chủ vườn đều hỏi: «A-di lại cần tỏi nữa phải không?» Cô nói: «Cần. Có tỏi tôi ăn được cơm.» Chủ vườn đem tỏi cúng dường và ra lệnh cho người giữ vườn rằng, «Từ nay, hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi vị năm củ tỏi.» Sau đó người chủ vườn để người giữ vườn ở nhà, còn mình thì đem tỏi vào Tỳ-xá-ly bán. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà về đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô biết không, nơi vườn tỏi tại chỗ nọ có đàn-việt tên nọ hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi người năm củ tỏi. Các cô có thể đến đó nhận.» Bấy giờ, Thâu-la-nan-đà dẫn sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, đến nơi vườn tỏi, hỏi người giữ vườn: «Chủ vườn ở đâu?» Người giữ vườn trả lời: «Chủ vườn chở tỏi vào Tỳ-xá-ly để bán. Các cô hỏi có chuyện gì?» Thâu-la-nan-đà nói: «Chủ vườn hứa cung cấp cho tỳ-kheo-ni hằng ngày mỗi vị năm củ tỏi. Nay chúng tôi đến nhận.» Người giữ vườn nói: «Chờ chủ vườn về chứ tôi không dám tự quyền. Tôi chỉ coi ngó mà thôi.» Tỳ-kheo-ni nói: «Chủ vườn thì cúng mà tôi tớ không chịu đưa.» Thâu-la-nan-đà liền bảo sa-di-ni nhổ tỏi, kiểm số và phân phối: đây là phần của Thượng tọa, đây là phần của thứ tọa, đây là phần của Hòa thượng A-xà-lê, đây là phần của đồng Hòa thượng đồng A-xà-lê, đây là phần của bà con quen biết, đây là phần ăn ngày nay, đây là phần ăn ngày mai, đây là phần ngày mốt. Tức thời, vườn tỏi bị nhổ sạch. Chủ vườn khi về thấy vườn tỏi hết, hỏi người giữ vườn: «Tỏi đâu hết?» Người giữ vườn báo cáo: «Trước đây do chủ sùng đạo nên hằng ngày cung cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi người năm củ tỏi. Vừa rồi có sa-di-ni, thức-xoa-ma-na đến hỏi tôi: ‹Hôm nay chủ vườn có ở nhà không?› Tôi nói, ‹Chủ vườn vào Tỳ-xá-ly bán tỏi. Các cô hỏi có việc gì?› Các cô ni nói: ‹Chủ vườn hứa hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi vị năm củ tỏi, nay chúng tôi đến nhận.› Tôi nói: ‹Chờ chủ về. Tôi chỉ biết coi ngó thôi chứ không trọn quyền.› Tỳ-kheo-ni nói: ‹Chủ vườn cho, đầy tớ không chịu đưa.› Các cô nói như vậy rồi bảo sa-di-ni nhổ tỏi, đếm và phân phối: Đây là phần của Thượng tọa, đây là phần của thứ tọa, Đây là phần của Hòa thượng, đây là phần của A-xà-lê, đây là phần của đồng Hòa thượng, đây là phần của đồng A-xà-lê, đây là phần của bà con quen biết, đây là phần ăn ngày nay, đây là phần ăn ngày mai, đây là phần ăn ngày mốt. Tất cả đều có phần ăn, cho nên vườn tỏi bị nhổ hết.» Người chủ vườn liền cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo-ni này không có tàm quý. Thọ nhận không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Dầu đàn-việt có cho, còn phải biết đủ, huống là không có chủ ở nhà, mà nhổ hết tỏi của người ta!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao các cô nhổ hết tỏi của người ta ăn và mang đi hết không để lại một củ nào?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Không có chủ, sao lại nhổ hết tỏi của người ta?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi kể cho các tỳ-kheo nghe: «Xưa kia, có một bà-la-môn 120 tuổi, hình thể ốm gầy. Vợ của người bà-la-môn này xinh đẹp không ai sánh kịp, sanh nhiều con trai con gái. Người bà-la-môn này luyến ái vợ và các con, không bao giờ muốn xả ly. Do sự luyến ái cao độ này nên khi mạng chung sanh trong loài chim nhạn, lông trên mình đều toàn bằng vàng. Do nhơn duyên tu phước đời trước nên tự biết túc mạng của mình, bèn suy nghĩ: «Bằng mọi phương tiện ta phải giúp đỡ sự sống cho những đứa con của ta, để chúng nó khỏi nghèo khổ.» Hằng ngày con chim nhạn bay đến nhà cũ của mình, cho rơi xuống một chiếc lông bằng vàng rồi bay đi, những đứa con lượm được lông chim bằng vàng lại suy nghĩ: «Do nhân duyên nào mà con nhạn chúa này hằng ngày bay đến làm rơi xuống một cái lông bằng vàng cho ta rồi bay đi? Chúng ta hãy chờ khi nó đến, rình bắt, nhổ hết lông vàng của nó.» Rồi chúng bắt và lấy lông vàng. Nhổ lấy rồi, nó mọc lại bằng lông trắng. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Người Bà-la-môn thuở ấy, sau khi chết đầu thai thành con nhạn, đâu phải ai khác, mà là người chủ vườn. Người vợ xinh đẹp của ông ta sanh nhiều con tức là Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà. Con trai con gái của vợ chồng người bà-la-môn chính là thức-xoa-ma-na, sa-di-ni... ấy vậy. Do bởi tham ái nên khiến cho lông chim bằng vàng hết, lông trắng sanh. Nay lại do tham ái nên nhổ hết tỏi, phải bần cùng.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào ăn tỏi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, ăn tỏi sống, tỏi chín, tỏi vụn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó phải dùng bánh gói tỏi mà ăn để chữa; hoặc các thứ thuốc khác trị không hết phải dùng tỏi để trị; hay dùng tỏi để trị bệnh ghẻ nhọt; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 71[75] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cạo lông ba chỗ, đến nhà đàn-việt, an tọa nơi chỗ ngồi, trước người phụ nữ, không tự khéo che thân, hình thể bị lộ. Phụ nữ thấy, rồi nói: «Sư cô cùng chúng tôi tắm.» Cô ni từ chối. Phụ nữ cung cấp thức ăn rồi lại mời cô ni tắm. Cô ni vẫn chối từ không cùng tắm. Bấy giờ, các phụ nữ bèn cưỡng bức cổi y. Thấy cô ni cạo lông, liền nói: «Này sư cô, người đời vì vấn đề dâm dục mà cạo lông; chứ sư cô cạo lông để làm gì?» Thâu-la-nan-đà nói: «Từ khi tôi ở thế tục đã quen làm việc này chứ chẳng phải mới bây giờ.» Các phụ nữ cư sĩ cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo-ni này, không biết tàm quý, quen làm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại cạo lông ba chỗ như dâm nữ, tặc nữ?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Thâu-la-nan-đà: «Sao lại cạo lông ba chỗ?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà, tại sao lại cạo lông ba chỗ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cạo lông ba chỗ,[76] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Lông ba chỗ: chỗ đại, tiểu tiện và dưới nách. Tỳ-kheo-ni nào cạo lông ba chỗ, mỗi lần động dao là phạm ba-dật-đề. Nếu nhổ bằng nhíp hay đốt, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hay bị ghẻ cần cạo để thoa thuốc; hoặc bị cường lực bắt buộc; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 72[77] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, Thích-súy-sấu. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề [78] đến chỗ đức Thế tôn, đầu diện đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng qua một bên, bạch Phật: «Thế tôn, thân người nữ hôi hám, bất tịnh.» Thưa như vậy rồi, lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng và cáo lui. Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau ta cho phép các tỳ-kheo-ni dùng nước tác tịnh.»[79] Thâu-la-nan-đà nghe đức Phật cho phép tác tịnh rồi liền dùng nước để tác tịnh. Khi tác tịnh, dục tâm khởi, đưa ngón tay vào sâu bên trong thủy đạo, bị móng tay làm tổn thương, máu chảy ra, làm bẩn y và ngọa cụ. Các tỳ-kheo-ni thấy, hỏi rằng: «Cô bị bệnh khổ gì vậy?» Thâu-la-nan-đà nói rõ nhơn duyên. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tại sao khi cô dùng nước tác tịnh lại đưa ngón tay vào sâu theo đường thủy đạo, khiến cho móng tay làm thương tổn chảy máu, làm bẩn y và ngọa cụ?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao khi dùng nước tác tịnh, cô lại khởi dục tâm, đưa ngón tay vào sâu bên trong, khiến cho móng tay gây thương tổn, chảy máu ra làm bẩn y và ngọa cụ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng nước tác tịnh, nên sử dụng hai ngón tay, mỗi ngón một đốt, nếu quá, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tác tịnh: dùng nước rửa bên trong âm hộ. Tỳ-kheo-ni dùng nước rửa bên trong nên dùng hai ngón tay, mỗi ngón một đốt, nếu quá ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Chỉ sử dụng hai ngón tay, mỗi ngón một đốt hay dưới một đốt; hoặc có bệnh thế nào đó; hay bên trong có cỏ, có trùng cần kéo ra ngoài; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 73[80] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dục tâm hừng hẫy, nhan sắc tiều tụy, thân thể gầy còm. Khi họ vào trong vương cung của vua Ba-tư-nặc, các phụ nữ trong cung thấy vậy hỏi: «A-di có bệnh hoạn gì?» Lục quần ni nói: «Tôi không có bệnh hoạn, chỉ vì bệnh sắc.» Phụ nữ hỏi tiếp: «Bệnh sắc nào?» Cô ni nói: «Dục tâm của tôi hừng hẫy.» Các phụ nữ nói: «Chúng tôi ở trong cung, lúc nào cũng có đàn ông. Khi không có đàn ông, thì dùng hồ giao [81] làm nam căn, để vào trong nữ căn, vừa được thích ý, lại không phải là hành dâm. Các cô có thể làm như vậy, vừa được thích ý, không phạm hành dâm.» Khi ấy hai trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni làm nam căn như vậy, cùng làm việc dâm dục. Tỳ-kheo-ni khác thấy, tưởng là cùng đàn ông hành dâm. Khi đứng dậy mới biết chẳng phải đàm ông. Các tỳ-kheo-ni nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại dùng hồ giao làm nam căn để cùng nhau hành dâm?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao lại dùng hồ giao làm nam căn để cùng nhau hành dâm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng hồ giao làm nam căn, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Làm nam căn: dùng các vật để làm như hồ giao, cơm nhão, bột, sáp ong. Tỳ-kheo-ni nào dùng các vật này làm nam căn để vào nữ căn, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Nếu không cọ xát vào nữ căn, phạm đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải căn bệnh thế nào đó, phải dùng cục thuốc hình tròn hay viên thuốc đặt vào để chữa; hoặc y ngăn chận nguyệt thủy; hoặc bị cưỡng lực bắt ép làm; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 74[82] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì dục tâm hừng hẫy, nhan sắc tiều tụy, hình thể ốm gầy. Vào trong cung của vua Ba-tư-nặc, các phụ nữ trong cung thấy vậy hỏi: «A-di bệnh gì?» Chư ni nói: «Chỉ vì không thoả mãn.» Các phụ nữ hỏi: «Không thoả mãn cái gì?» Chư ni nói: «Dục tâm của chúng tôi hừng hực» Các phụ nữ nói: «Chúng tôi ở trong cung, thường có đàn ông. Lúc không có đàn ông thì dùng hồ giao tạp vật làm nam căn để vào nữ căn, vừa thõa mãn được lòng dâm, mà không gọi là hành dâm. Sao chư tôn không làm như vậy?» Các Tỳ-kheo-ni trả lời: «Này các chị, đức Thế tôn chế giới không được làm như vậy.» Các phụ nữ lại nói: «Này các cô, chúng tôi ở trong cung khi có đàn ông thì thôi; lúc không có đàn ông thì cùng nhau vỗ, vừa được khoái lạc mà không gọi là hành dâm. Các cô làm sao không làm như vậy?» Bấy giờ, hai trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng nhau vỗ. Các tỳ-kheo-ni khác thấy, tưởng là cùng đàn ông hành dâm. Lúc đứng dậy mới biết không phải đàn ông. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô cùng nhau vỗ.» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các cô cùng nhau vỗ.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Những tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cùng vỗ cho nhau, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Vỗ: lấy bàn tay hay gót chân đập vào, hoặc nữ căn với nữ căn vỗ nhau. Tỳ-kheo-ni cùng vỗ với nhau, người vỗ phạm đột-kiết-la, người thọ nhận vỗ phạm ba-dật-đề. Nếu hai nữ căn cùng nhau vỗ, cả hai đều phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc tới lui, đi đứng, hoặc quét đất vướng phải chứ không cố tâm, hay khi tắm rửa đụng phải thì không phạm, Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 75[83] A. DUYÊN KHỞI Một thời đức Ba-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một trưởng giả cùng vợ xuất gia làm đạo. Đến giờ, ông vào thôn khất thực, được thức ăn rồi, đem đến trong Tăng-già-lam của ni ngồi ăn. Người vợ cũ, hiện là tỳ-kheo-ni, đem nước đến, đứng phía trước lấy quạt quạt. Tỳ-kheo bảo rằng: «Đứng tránh ra một chút, chứ tôi mắc cở với người ta. Đừng đứng trước mặt tôi!» Tỳ-kheo-ni nói: «Đại đức, sao lại mắc cở với tôi?» Vị tỳ-kheo lại nói: «Sao không tránh mau ra? Tôi mắc cở với tỳ-kheo-ni.» Tỳ-kheo-ni nói: «Tôi đứng trước mặt, nói mắc cở. Vậy trước kia làm việc như vậy sao không mắc cở?» Bà vợ là tỳ-kheo-ni nói xong nổi giận, lấy cán quạt đánh, lấy nước rót trên đầu tỳ-kheo, rồi bỏ đi vào phòng. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách [739a1] tỳ-kheo-ni này: «Sao cô lại sân si đánh tỳ-kheo?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni này: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đánh tỳ-kheo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni này rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, khi tỳ-kheo ăn, cung cấp nước, dùng quạt quạt,[84] ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có các tỳ-kheo-ni nghi không dám chăm sóc tỳ-kheo bệnh, không có người cung cấp nước, cũng không dám hỏi. Đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo-ni nuôi các tỳ-kheo bệnh, không ai cung cấp nước được phép hỏi.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tỳ-kheo không bệnh, khi ăn cung cấp nước, đứng trước mặt dùng quạt quạt, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, tỳ-kheo không bệnh đang ăn, cung cấp nước, đứng trước mặt, dùng quạt quạt, phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chăm sóc tỳ-kheo bệnh, không ai cung cấp nước, hỏi, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 76[85] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi xin lúa sống,[86] mè, gạo, đậu lớn, đậu nhỏ, đại mạch, tiểu mạch sống. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Các tỳ-kheo-ni này khất cầu không nhàm chán, không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Sao lại xin các loại ngũ cốc sống như dâm nữ, tặc nữ?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô xin các loại ngũ cốc sống như vậy?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô lại xin các loại ngũ cốc sống?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xin[87] ngũ cốc sống, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào xin lúa sống cho đến đại, tiểu mạch, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đến xin nơi người bà con, hay người xuất gia; mình vì người, người vì mình xin; hoặc không xin mà được; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 77[88] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ, cách tịnh xá của tỳ-kheo-ni không xa có một vùng cỏ kết lũ [89] tươi tốt, các cư sĩ thường đến đó ngồi nằm, vui chơi, ca hát, múa nhảy, hoặc có lúc than vãn. Những âm thanh này làm loạn động các tỳ-kheo-ni tọa thiền nên các tỳ-kheo-ni bực mình. Sau khi cư sĩ đi, các cô dùng đồ bẩn như nước tiểu, phẩn, đem đổ lên trên cỏ. Sau đó, các cư sĩ trở lại nơi ấy để vui đùa thì bị làm bẩn cả người và y phục do bởi đồ bất tịnh, và vùng cỏ cũng bị chết khô dần. Do việc làm ấy, các cư sĩ đều cơ hiềm, nói: «Các tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vùng cỏ tươi tốt nơi chúng ta thường đến ca múa vui chơi, các cô dùng đồ bất tịnh, đại tiểu tiện đổ trên đó làm làm bẩn cả người và y phục chúng ta, và vũng cỏ cũng bị hư hoại.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Chỗ các cư sĩ đến vui chơi, sao các cô đem đồ bất tịnh đại tiểu tiện đổ lên trên cỏ làm cho thân và y của họ bị làm bẩn mà cỏ cũng bị khô héo, hư hoại?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni này: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đem vật bất tịnh như đại tiểu tiện đổ trên chỗ các cư sĩ thường đến vui đùa, làm cho họ bị làm bẩn cả thân và y phục?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni này rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đại tiểu tiện[90] trên cỏ tươi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên Tỳ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ xanh tươi, phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc đại tiểu tiện nơi chỗ không có cỏ rồi nước chảy đến chỗ có cỏ; hoặc gió thổi, hoặc chim ngậm bay rớt trên cỏ; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 78[91] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong núi Kỳ-xà-quật, La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, có một nhóm sáu tỳ-kheo-ni ban đêm đại tiểu tiện trong bô, sáng sớm đổ ra bên ngoài tường mà không xem trước. Cũng vào lúc đó có vị đại thần không tin ưa Tam bảo, sáng sớm cởi xe đi chầu vua Bình-sa, đi ngang qua bên ngoài tường của tinh xá tỳ-kheo-ni, thì bị đồ bất tịnh đổ trên đầu, làm bẩn cả y phục. Vị đại thần ấy nói: «Tôi sẽ đến quan đoán sự thưa kiện việc này!»[92] Bấy giờ, có vị bà-la-môn chí tín biết xem tướng, hỏi: «Đại thần muốn đi đâu?» Đại thần nói: «Tỳ-kheo-ni dùng đồ đại tiện bất tịnh đổ làm ô nhục người tôi. Tôi muốn đến quan đoán sự thưa kiện việc này.» Vị tri-tướng bà-la-môn, can nói: «Thôi, đừng nên đến kiện thưa làm gì. Lắm khi không được kiện mà lại mắc tội nữa.»[93] Vị Đại thần nghe theo lời can, không kiện, trở về. Vị bà-la-môn xem tướng kia liền đến tịnh xá tỳ-kheo-ni, hỏi: «Tỳ-kheo-ni nào ban đêm đại tiểu tiện trong bô, sáng ngày đổ bên ngoài tường mà không xem trước như thế?» Chư ni trả lời: «Chúng tôi không biết. Nhưng tại sao [740a1] ông lại hỏi như vậy?» Vị bà-la-môn nói rõ nhân duyên, và nói tiếp: «Tôi đã can không cho đại thần đó thưa kiện. Vậy, từ nay các cô không nên đổ như vậy nữa.» Chư ni tìm hiểu xem ai làm việc ấy. Liền biết một cô trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni đã đổ như vậy. Các tỳ-kheo-ni quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao cô lại đem đồ đựng đại tiểu tiện vào cuối đêm, sáng ra đổ bên ngoài tường mà không xem trước?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao lại đem đồ đựng đại tiểu tiện cuối đêm đem đổ bên ngoài tường mà không xem trước?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người ban đầu phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sau đêm đại tiểu tiện trong bô,[94] sáng ngày đem đổ bên ngoài tường mà không xem trước,[95] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni kia ban đêm đại tiểu tiện trong bô, sáng ngày phải xem ngoài tường thành trước, sau đó mới đổ. Sau khi thức dậy, phải búng ngón tay hay tằng hắng. Nếu tỳ-kheo-ni cuối đêm, đại tiểu tiện trong bô, sáng ngày không xem trước bên ngoài tường mà đổ, ba-dật-đề. Nếu ban đêm không khảy móng tay hay không tằng hắng mà đổ, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ban đêm đại tiểu tiện trong bô, sáng ngày xem ngoài thành rồi mới đổ; hoặc ban đêm thì búng ngón tay hay tằng hắng; hoặc trước có gạch đá, gốc cây, có gai, nơi đổ các đồ bất tịnh; hoặc có nước sâu, bờ sông, hay đống rác thì đổ, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 79[96] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, nhân dân trong nước có tiết hội, kỹ nhạc vui đùa. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến xem coi, các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni này không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà cùng nhau xem coi các trò vui đùa như dâm nữ, tặc nữ không khác. Như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô cùng nhau đến xem nghe các trò vui đùa?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô lại đi xem nghe các trò vui đùa?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đi xem nghe kỹ nhạc,[97] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Xem nghe: thưởng thức các trò vui đùa. Tỳ-kheo-ni từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính; từ chỗ cao đến chỗ thấp, từ chỗ thấp đến chỗ cao để xem nghe kỹ nhạc; nhìn thấy thì phạm ba-dật-đề; không thấy, phạm đột-kiết-la. Khởi ý muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi rồi nửa chừng trở lại, thảy đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có sự khải thỉnh; hoặc được kêu; hoặc trên lộ trình phải qua ở một bên; hoặc chỗ tạm nghĩ đêm, hay bị cường lực dẫn đi, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 80[98] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vào trong xóm, nơi chỗ vắng đứng cùng nam tử nói chuyện. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà vào trong xóm cùng đứng với nam tử nơi chỗ vắng nói chuyện, không khác dâm nữ, tặc nữ. Như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô vào trong xóm, nơi chỗ vắng cùng đứng với nam tử nói chuyện?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô vào trong xóm cùng nam tử đứng nơi chỗ vắng nói chuyện?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vào bên trong xóm[99] cùng người nam đứng chỗ vắng nói chuyện, ba-dật-đề.[100] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Xóm: nơi có nhà bạch y. Chỗ vắng: chỗ không thấy, không nghe. Chỗ không thấy: do khói, mây, bụi, sương, bóng tối. Chỗ không nghe: ngoài tầm nghe được tiếng nói với giọng bình thường. Tỳ-kheo-ni vào bên trong xóm, cùng nam tử đứng nơi chỗ vắng nói chuyện, ba-dật-đề. Nếu có đồng bạn mù mà không điếc, đột-kiết-la; điếc mà không mù, cũng đột-kiết-la. Đứng mà không nói, cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có hai tỳ-kheo-ni làm bạn; có người quen biết làm bạn, có nhiều người nữ cùng đứng, không mù, không điếc, hoặc đi chứ không đứng, hoặc bệnh bị xỉu, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 81[101] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng người nam vào chỗ khuất vắng. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: ‹Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh, bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao tỳ-kheo-ni lại cùng người nam vào chỗ khuất vắng, như dâm nữ, tặc nữ không khác!› Các Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, [741a1] sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: ‹Sao các cô cùng người nam vào chỗ khuất vắng?› Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao lại cùng người nam vào chỗ khuất vắng?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cùng người nam[102]đi vào chỗ khuất vắng, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Chỗ khuất vắng: chỗ có cây, có vách, có rào, có vải hay các thứ khác ngăn che. Tỳ-kheo-ni cùng người nam đi vào chỗ khuất vắng phạm ba-dật-đề. Nếu có đồng bạn mù mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không mù, cũng phạm đột-kiết-la. Đứng lại,[103] cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu có hai tỳ-kheo-ni làm bạn, hoặc có người quen biết làm bạn, hoặc có người nữ khác làm bạn, không mù, không điếc, hoặc đi chứ không đứng,[104] hoặc bị bệnh xỉu, hoặc bị cường lực bắt dẫn đi, hoặc bị trói, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 82[105] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, nơi đường hẻm bên trong xóm, chỗ vắng, cùng người nam đứng nói chuyện, hoặc bảo bạn đi cách xa, để một mình cùng người nam nói chuyện thì thầm. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, vi phạm phạm hạnh mà bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tỳ-kheo-ni sao lại đứng nói chuyện với người nam nơi đường hẻm chỗ vắng bên trong xóm; hoặc bảo bạn đi cách xa, để một mình cùng người nam nói chuyện thì thầm, như dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô nói chuyện thì thầm với người nam nơi đường hẻm, chỗ vắng, bên trong xóm?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách thóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại nói chuyện thì thầm với người nam nơi đường hẻm, chỗ vắng, bên trong xóm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vào đường hẻm bên trong xóm, bảo bạn đi tránh xa, tại chỗ khuất vắng cùng nam tử đứng, nói chuyện thì thầm, ba-dật-đề.[106] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Xóm: là chỗ nhà của bạch y. Đường hẻm chỗ khuất vắng: chỗ khuất vắng đối với thấy và chỗ khuất vắng đối với nghe. - Chỗ khuất vắng đối với thấy: do khói, mây, sương, bụi trần, bóng tối cho nên không thấy. - Chỗ khuất vắng đối với nghe: khoảng cách không nghe được tiếng nói với giọng bình thường. Nói chuyện thì thầm: kề miệng vào tai mà nói. Tỳ-kheo-ni vào nơi đường hẻm, bên trong xóm, bảo bạn đến chỗ không thấy, không nghe, nơi chỗ vắng cùng nam tử cùng đứng nói nhỏ với nhau, ba-dật-đề. Đến chỗ không thấy mà có nghe, phạm đột-kiết-la. Đến chỗ không nghe mà có thấy cũng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có hai tỳ-kheo-ni làm bạn; hoặc có người nữ quen biết làm bạn; hay có người khác làm bạn; hoặc có bạn không mù, không điếc; hoặc bị bệnh xỉu, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc có việc cần phải bảo bạn đi xa, hoặc bạn bị bệnh, hoặc vì bạn ấy thiếu oai nghi nên phải nói: «Cô đi nơi khác, tôi sẽ mang thức ăn đến cho cô,» hoặc bạn ấy phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hay đáng diệt tẫn; hoặc do việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 83[107] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni, đến giờ, mặc y bưng bát đến nhà một cư sĩ. Vợ cư sĩ dọn một cái giưòng đơn,[108] mời tỳ-kheo-ni ngồi; rồi vào nhà trong. Tỳ-kheo-ni ngồi chốc lát, không nói với chủ nhà, đứng dậy đi. Cô vừa ra khỏi cửa, có một ma-nạp [109] đến. Y vào nhà, nhìn xung quanh không có người, liền nghĩ: «Cái giưòng ngồi có ích cho ta.» Nghĩ xong, ma-nạp liền lấy giường mang đi.[110] Sau đó vợ cư sĩ trở ra, không thấy tỳ-kheo-ni, cũng không thấy giường đơn, liền bảo người tin cậy đến hỏi tỳ-kheo-ni: «Cái giường đơn để đâu?» Tỳ-kheo-ni trả lời: «Tôi không biết. Khi tôi vừa ra có một ma-nạp vào nhà bà. Có thể y lấy đi. Nên kiếm y mà tìm.» Sau khi truy tìm, lấy lại được cái giường ngồi. Các cư sĩ cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao ngồi nơi giường ngồi của chủ nhà; rồi bỏ đi mà không nói, như dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni này: «Tỳ-kheo-ni sao ngồi nơi giường ngồi của chủ, bỏ đi mà không nói?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni này: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao ngồi nơi tòa của người, khi đi không nói cho họ biết?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni này rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào,[111] vào ngồi[112] trong nhà bạch y, không nói với chủ nhà mà bỏ đi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni vào ngồi trong nhà bạch y, không nói với chủ bỏ đi, ra khỏi cửa ngõ phạm ba-dật-đề. Một chân trong cửa ngõ, một chân ngoài cửa ngõ, phương tiện muốn đi mà không đi, cùng hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. [742a1] Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói với chủ rồi mới đi; hoặc trên chỗ ngồi đó có người cùng ngồi; hoặc có dặn người ngồi gần rồi đi; hay người ngồi gần nói: «Cứ đi. Không can gì.» Hoặc ngồi trên đá, trên giường bằng gỗ, trên tường, trên cỏ trải ra, trên bục đất;[113] hoặc nhà muốn sập, hay bị cháy, hoặc có rắn độc, thú dữ, trộm cướp, hay bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn; không nói với chủ mà đi; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 84[114] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành La-duyệt. Bấy giờ trong thành La-duyệt có một Đại thần không tin ưa tam bảo. Vị đại thần có một cái giường ngồi cá nhân,[115] không ai dám ngồi. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà thường tới lui nhà này xem như một đàn-việt. Thâu-la-nan-đà đến giờ khất thực, mặc y mang bát đến đó, không hỏi ai mà lại ngồi trên giường ngồi cá nhân của vị đại thần. Vị đại thần thấy vậy, bèn nói: «Ai bảo tỳ-kheo-ni này ngồi trên giường cá nhân của tôi?» Cô ni nói: «Không ai bảo cả. Tôi tự đến ngồi.» Vị đại thần cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tỳ-kheo-ni sao không hỏi chủ mà tự tiện ngồi trên giường ngồi của người ta, như dâm nữ, tặc nữ không khác?» Vào lúc ấy Thâu-la-nan-đà có nguyệt thủy nên làm bẩn nệm giường, rồi lại bỏ đi. Vị đại thần thấy vậy, nổi giận nói: «Tỳ-kheo-ni này thật không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng không hỏi chủ, tự ý ngồi trên giường của người ta, giống như dâm nữ, tặc nữ. Như vậy có gì là chánh pháp?» Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tỳ-kheo-ni sao không hỏi chủ mà vội ngồi trên giường của người ta?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư Tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, sao cô không nói với chủ mà vội ngồi trên giường của người?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào,[116] vào trong nhà bạch y, không hỏi chủ nhà, liền ngồi [117]trên giường, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni vào trong nhà bạch y, không hỏi chủ nhà mà vội ngồi trên giường, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói với chủ rồi mới ngồi; hoặc có chỗ ngồi thường; hoặc là bà con, hoặc có người bà con nói: «Cô cứ ngồi, chớ ngại. Tôi sẽ nói với chủ cho.» Hoặc ngồi trên đá, trên giường cây, trên bục đất, trên nệm cỏ, [118]hoặc bị bệnh té xỉu xuống đất, hoặc bị cường lực bắt đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 85[119] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni trên đường đi đến nước Câu-tát-la, tới một thôn không có trú xứ,[120] không nói với người chủ,[121] tự tiện trải tọa cụ để ngủ. Các cư sĩ thấy, hỏi: «Ai sắp xếp cho các tỳ-kheo-ni nghỉ nơi đây?» Các cô nói: «Không ai sắp xếp cả. Chúng tôi tự sắp xếp chỗ nơi để nghỉ mà thôi.» Các cư sĩ cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao tỳ-kheo-ni không nói với chủ lại tự tiện vào nhà người ta nghỉ ngơi, có khác gì dâm nũ, tặc nữ?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Tại sao tỳ-kheo-ni không nói với chủ mà tự tiện vào nhà người nằm ngồi?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni này: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni không nói với chủ nhà, vào nhà người tự tiện nằm ngồi, nghỉ ngơi?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni này rồi bảo chư tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vào nhà bạch y,[122] không hỏi chủ, tự tiện trải[123] chỗ ngồi nghỉ ngơi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Trải chỗ ngồi: hoặc trải bằng cỏ hay bằng lá cây, cho đến bằng giạ. Tỳ-kheo-ni nào, vào nhà bạch y, không hỏi chủ, tự tiện trải ngọa cụ để ngủ, lưng chạm đất, mỗi lần trở mình là phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la, Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói với chủ rồi mới nghỉ; hoặc là nhà không người ở; hoặc là phước xá; hoặc là quen biết, hay là bà con nói: «Cô cứ nghỉ, tôi sẽ nói với chủ cho;» hoặc bị cường lực bắt, hay bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 86[124] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng người nam vào trong buồng tối.[125] Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao tỳ-kheo-ni lại cùng người nam vào trong buồng tối như dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: ‹Sao các cô cùng người nam vào trong nhà tối?› Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, tại sao các cô cùng người nam vào trong nhà tối?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách [743a1] nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cùng người nam vào trong nhà tối,[126] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tối: là không có đèn, lửa, không có cửa sổ nơi tường, không có ánh sáng. Tỳ-kheo-ni cùng nam tử vào trong nhà tối, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có đèn, lửa, tường có cửa sổ, ánh sáng; hoặc bị cường lực bắt dẫn vào, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[127]
Chú thích: [48] nt. ba-dật-đề [49] nt. ba-dật-đề [50] nt. ba-dật-đề [51] nt. ba-dật-đề [52] nt. ba-dật-đề [53] nt. ba-dật-đề [54] nt. ba-dật-đề [55] nt. ba-dật-đề [56] nt. ba-dật-đề [57] nt. ba-dật-đề [58] nt. ba-dật-đề [59] nt. ba-dật-đề [60] nt. ba-dật-đề [61] nt. ba-dật-đề [62] nt. ba-dật-đề [63] nt. ba-dật-đề [64] nt. ba-dật-đề [65] nt. ba-dật-đề [66] nt. ba-dật-đề [67] nt. ba-dật-đề [68] nt. ba-dật-đề [69] nt. ba-dật-đề [70] nt. ba-dật-đề [71] nt. ba-dật-đề [72] nt. ba-dật-đề [73] nt. ba-dật-đề [74] Pali, Pāc. 1. Ngũ phần: điều 69; Tăng kỳ: điều 80; Thập tụng: điều 72; Căn bản ni: điều 73. [75] Pali, Pāc. 2. Ngũ phần: điều 74, cf. điều 180; Thập tụng: điều 73; Căn bản ni: điều 74. [76] Pali: sambāde lomaṃ saṃhārapeyya, bản Anh (Horner) hiểu là «dưỡng lông chỗ kín (let the hair of the body grow); do động từ saṃharāpeti được hiểu là sưu tập (to cause to collect, PTS). Nhưng Luật sớ Pali (iv. 920) nói: kattariyā vā saṇḍasakena vā khurena vā yena kenaci ekapayogena vā nānāpayogena vā ekaṃ vā bahūni vā saṃharāpentiyā, «...hoặc bằng dao nhỏ, hoặc bằng nhíp nhổ, hoặc bằng dao cạo, bất cứ bằng một hay nhiều phương tiện khác nhau nào... một hay nhiều (sợi lông)» Theo đây, saṃharāpeti nên được hiểu là «cạo» như trong các bản Hán. Ngũ phần, điều 74: «cạo lông dưới nách và chỗ kín»; điều 180: «đốt lông chỗ kín.» [77] Pali, Pāc. 5. Ngũ phần: điều 72; Thập tụng: điều 74; Căn bản ni: điều 75. [78] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提 ; chỗ khác gọi là Đại Ái Đạo . [79] Tác tịnh 作淨 . Căn bản ni: tẩy tịnh 洗淨. Pali: udakasuddhikaṃ, rửa sạch bằng nước. [80] Pali, Pāc. 4. Ngũ phần: điều 71. Thập tụng: điều 85. Căn bản ni: điều 93. [81] Hồ giao 胡膠 ; nhựa, hay cao su. Căn bản ni: thọ giao 樹膠. [82] Pali, Pāc. 3. Ngũ phần: điều 71. Thập tụng: điều 75. Căn bản ni: điều 76. [83] Pali, Pāc. 6. Ngũ phần: điều 143. Tăng kỳ: điều 79. Thập tụng: điều 77. [84] Ngũ phần: «…cầm bình nước và quạt, đứng trước mặt…» Tăng kỳ: «… cung cấp nước và quạt…» [85] Pali, Pāc. 7. [86] Hán: sanh cốc 生穀. Pali: āmakadhaññaṃ, gạo sống (chưa nấu), được giải thích gồm luôn các thứ: sāli (gạo trắng), vīhi (thóc), yavo (đại mạch), godhūmo (tiểu mạch, hay lúa mì), kaṅgu (hạt kê), varako (các loại đậu), kudrusako (lúa mạch đen). [87] Pali: viññatvā…bhajjitvā…koṭṭetvā…pacitvā: (tự mình hay nhờ người) hỏi xin, rang, giã, nấu. [88] Pali, Pāc. 9. Ngũ phần: điều 137. Tăng kỳ: điều 139. Thập tụng: điều 174. Căn bản ni: điều 79. [89] Kết lũ thảo 結縷草 (?) . Các bản Tống Nguyên Minh: già lâu thảo 茄蔞草, cỏ lâu (?, Thiều Chữu). Pali: harita, rau cỏ, các thứ xanh tươi; được giải thích là trồng để làm thức ăn cho con người. [90] Căn bản ni: đại tiểu tiện và khạc nhổ. Pali: đổ nước tiểu, phân, rác rươuí, thức ăn thừa, trên cỏ xanh. [91] Pali, Pāc. 8. Ngũ phần: điều 135, 136. Tăng kỳ: Thập tụng: điều 78. Căn bản: điều 80. [92] Pali: ông châm lửa, đòi đốt chùa. [93] Cư sĩ này nói: «Điềm tốt đấy!» [94] Pali: đổ phân, nước tiểu, rác, cơm dư bên ngoài tường. Ngũ phần, điều 135: đổ phân, nước tiểu, ra ngoài tường dậu; điều 136: «liệng rác, thức ăn thừa» [95] Nghĩa là, đứng bên trong tường mà liệng ra ngoài, không xem trước. Pali: đổ hay sai người đổ (=ném hay liệng) qua tường hay phên dậu. [96] Pali, Pāc. 10. Căn bản ni: 172-174. [97] Pali: naccaṃ vā gītaṃ vā vāditaṃ vā dassanāya gaccheyya, đi xem múa, hát và tấu nhạc. [98] Pali, Pāc. 12. Căn bản ni, điều 81-82. [99] Pali, Pāc. 12 không có chi tiết «trong xóm.» Căn bản ni, điều 81: «đứng với đàn ông ở chỗ khuất kín», điều 82¨«đứng với tỳ kheo ở chỗ khuất kín.» [100] Căn bản, điều 83: «…đứng với đàn ông ở chỗ trống…»; điều 84: «…đứng với tỳ-kheo ở chỗ trống…» [101] Tham chiếu, Pali, Pāc. 12; Căn bản: điều 81 & 82. [102] Hán: lập trụ 立住. Phân biệt, điều 80: «cùng đứng», điều 81 «cùng đi vào.» [103] Phân biệt, điều 80: «cùng đứng», ba-đật-đề. [104] Hán: hành bất trụ 行不住, giống như trong điều 80. Có lẽ nên đảo lại: trụ bất hành. [105] Pali, Pāc. 14. Cf. Căn bản ni, điều 83: «cùng đàn ông đứng chỗ trống»; điều 84: «cùng tỳ-kheo đứng chỗ trống.»; điểu 86-87: «thì thầm với đàn ông»; điều 88-89: «thì thầm với tỳ-kheo.» [106] Cf. Căn bản ni, điều 86: «…nói thì thầm với đàn ông…»; điều 87: «… nghe đàn ông nói thì thầm…»; điều 88: «…nói thì thầm với tỳ-kheo…»; điều 89: «… nghe tỳ-kheo nói thì thầm…» [107] Pali, Pāc. 15.Căn bản ni: điều 96. [108] Độc tọa sàng 獨坐床 . Tức cái đòn (ghế nhỏ) để ngồi. Căn bảnn: ngọa cụ 臥具. Pali: āsana, vật để ngồi; được giải thích: để ngồi kết già. Có lẽ là tấm thảm hay một loại chiếu, đệm ngồi. [109] Ma-nạp 摩納. Thiếu niên, thanh niên hay một học sinh bà-la-môn. Pl., Skt. māṇava. [110] Pali (Vin.iv. 272): nữ tỳ ra lau nhà, thấy bèn xếp cất vào trong một cái chậu (bhājantarikāya). [111] Pali, thêm yếu tố: trước giờ ăn trưa (purebhattaṃ). [112] Pali, thêm yếu tố: «ngồi trên chỗ ngồi», giải thích: āsanaṃ nāma pallaṅkassa okāso hoti, chỗ ngồi là khoảng trống để ngồi kết già. [113] Chỉ những vật ngồi mà cá nhấn không tự tiện di chuyển. [114] Pali, Pāc. 16. Ngũ phần, điều 129. Căn bản ni: điều 96. [115] Độc tọa sàng 獨坐床 ; xem cht. trên. Pali, Pāc. āsana, xem cht. 136 trên. [116] Tham chiếu, Pali, Pāc. 16, thêm chi tiết: «sau bữa ăn trưa» (pacchābhattaṃ). [117] Pali, nt.: «ngồi hoặc nằm.» [118] Xem điều 15 trên. [119] Pali, Pāc. 17. Ngũ phần: điều 164. Thập tụng: điều 105. Căn bản: điều 97. [120] Không có chùa hay tinh xá. Bản Hán có thể nhảy sót. Nên thêm: «vào một nhà nọ.» Tham chiếu Pali: «đến xin nghỉ đêm tại nhà một người bà-la-môn.» [121] Pali, chi tiết: chủ nhân đi vắng. Người vợ bảo chờ ông về. [122] Pali, nt.: «đến nhà bạch y lúc phi thời (vikāle kulāni upasaṃkamitvā).» Giải thích: phi thời, chỉ thời gian từ sau khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc. [123] Pali: trải hay khiến người trải. [124] Pali, Pāc. 11. Ngũ phần, điều 128. [125] Ám thất 闇室 . Pali: rattandhakāre appadīpe, trong bóng tối ban đêm không đèn. [126] Pali, Pāc.11: «Một mình cùng người nam đứng hay nói chuyện trong đêm tối không đèn đuốc.» [127] Bản Hán, hết quyển 25. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐIỀU 87[128] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà là đệ tử của tỳ-kheo-ni Sám-ma. Thầy bảo cô lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim đem đến. Khi tỳ-kheo-ni Đề-xá nghe lời thầy dạy nhưng nghe không rõ, lại nói với các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Thầy bảo tôi trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe nói như vậy, liền hỏi tỳ-kheo-ni Sám-ma: «Thật sự cô có bảo đệ tử của cô trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim hay không?» Sám-ma nói: «Các cô, tôi làm sao có ý nghĩ đó, bảo đệ tử trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim? Tôi chỉ bảo, lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim đem đến đây, chứ tôi đâu có bảo trộm lấy!» Bấy giờ có các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Đề-xá-nan-đà: «Sao cô không nghe rõ lời bảo của thầy mà lại đến nói với các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Thầy bảo tôi trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim.›?» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao nghe không rõ lời thầy nói mà nói với các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Thầy bảo tôi trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim.›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Đề-xá-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nghe không rõ mà đem nói với người, ba-dật-đề.[129] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, nghe không rõ mà đem nói với các tỳ-kheo-ni rằng: «Thầy bảo tôi trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim,» nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: sự thật là như vậy, như nói: «Cô đến trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim đem đến đây.» Đệ tử đến các tỳ-kheo-ni nói: «Thầy tôi bảo tôi trộm lấy y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim đem đến.» Hoặc nói đùa giỡn, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 88[130] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì một việc nhỏ, cùng nhau giận dữ, thề thốt, sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp, nói: «Nếu tôi làm việc này thì tôi sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp. Nếu cô làm việc này cô cũng sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận dữ nguyền thề sẽ đọa ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp, nói: ‹Nếu tôi nói việc này thì tôi sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh vào trong Phật pháp. Nếu cô có làm việc nầy cũng sẽ đọa vào ba đường ác, không sanh trong Phật pháp!›?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô chỉ vì một việc nhỏ giận dữ nhau, thề sẽ đọa ba đường ác, không sanh trong Phật pháp, mà nói: ‹Nếu tôi có việc này thì tôi sẽ đọa trong ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp; nếu cô có việc này cô sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp!›?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chỉ vì một nhơn duyên nhỏ mà thề thốt sẽ đọa vào ba đường ác, không sanh trong Phật pháp, mà nói: ‹Nếu tôi có việc này thì tôi sẽ đọa vào ba đường ác, không sanh trong Phật pháp. Nếu cô có việc này cô cũng sẽ đọa vào ba đường ác, không sanh trong Phật pháp;›[131] ba-dật-đề.[132] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Đức Phật dạy, từ nay về sau cho phép xưng «Nam mô Phật», nói: «Nếu tôi có việc này thì ‹Nam mô Phật.› Nếu cô có việc này thì cũng ‹Nam mô Phật.›» Tỳ-kheo-ni chỉ vì một việc nhỏ mà thề thốt sẽ đọa ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp, mà nói: «Nếu tôi có việc này thì sẽ đọa trong ba đường ác, không sanh trong Phật pháp. Nếu cô có như vậy cũng sẽ đọa vào ba đường dữ, không sanh trong Phật pháp.» Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu nói: «Nam mô Phật,» hoặc nói đùa, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 89[133] A. DUYÊN KHỞI [744a1] Một thời, đức Thế tôn ở Câu-thiểm-di, trong vườn Cù-sư-la. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni Ca-la cãi cọ[134] với người khác, không khéo ghi nhớ tránh sự,[135] lấy tay đập vào ngực khóc la. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la: «Sao cô cãi lộn với người khác rồi lấy tay đấm vào ngực khóc la?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni Ca-la, sao cô cãi lộn với người khác rồi lấy tay đấm vào ngực khóc la?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Ca-la này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cùng đấu tranh, không khéo ghi nhớ tránh sự[136], đấm ngực la khóc,[137] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni cùng người khác đấu tranh: có bốn loại đấu tranh như trước đã nói. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng nhau đấu tranh, không khéo ghi nhớ các tránh sự, đấm ngực la khóc, mỗi lần đấm ngực là phạm một ba-dật-đề; rơi một giọt nước mắt, phạm một ba-dật-đề.[138] Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc khi ăn bị nghẹn nên phải tự đấm; hoặc vì đại tiểu tiện mà chảy nước mắt; hoặc nhơn bởi gió, lạnh, nóng mà chảy nước mắt; hoặc do khói xông mà chảy nước mắt; hoặc nhơn nghe pháp tâm sanh nhàm chán mong cầu xa lìa mà rơi nước mắt; hoặc nhỏ thuốc đau mắt nước mắt chảy; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 90[139] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở nước Bà-kỳ-đà.[140] Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo-ni, hai người đồng nằm một giường. Các tỳ-kheo-ni thấy, tưởng là nằm chung với đàn ông. Khi họ đứng dậy, mới biết chẳng phải là đàn ông. Bấy giờ có một đại tướng, dũng kiện, nhiều trí, đủ các thuật, giỏi chiến đấu. Vừa cưới vợ chưa bao lâu thì được lệnh đi chinh phạt, bèn nghĩ: «Nay ta phải viễn chinh. Nên gởi vợ lại cho ai? Nếu gởi cho cư sĩ thì nhà có nhiều các đàn ông, không thể được.» Trước đó, đại tướng có quen biết với tỳ-kheo-ni Bạt-đề Ca-tì-la,[141] nên nghĩ: «Nay ta có thể đem vợ giao phó cho tỳ-kheo-ni Ca-tì-la trước khi xuất chinh.» Liền đem đến đó gởi. Tỳ-kheo-ni Ca-tì-la nhận người vợ được gởi. Vì để trông nom, nên hai người cùng ngủ một giường. Thân thể tỳ-kheo-ni Ca-tì-la mềm mại, nên người đàn bà kia khi xúc chạm, sanh tâm nhiễm ái. Sau khi đại tướng chinh phạt xong trở về, đến đón vợ về nhà. Nhưng người vợ do luyến ái thân thể mềm mại của tỳ-kheo-ni nên trốn đại tướng, trở lại ở với cô ni. Bấy giờ, đại tướng nghĩ rằng: «Ta muốn làm tốt lại hóa ra xấu. Tại sao vợ ta nay không yêu ta nữa mà lại luyến ái tỳ-kheo-ni, trốn ta đến ở với cô ni?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Bạt-đề Ca-tì-la: «Sao các cô, hai người cùng nằm một giường?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Ca-tì-la: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô, hai người cùng nằm một giường?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần và tỳ-kheo-ni Ca-tì-la rồi bảo các tỳ-kheo: «Lục quần và tỳ-kheo-ni Ca-tì-la này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hai người nằm chung một giường, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có vị vì sự nghi, không dám cùng nằm một giường với tỳ-kheo-ni bệnh, cũng không dám thay nhau cùng ngồi, thay nhau cùng nằm. Đức Phật dạy: «Cho phép cùng người bệnh đồng nằm một giường; cho phép luân phiên ngồi, luân phiên nằm.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà hai người cùng nằm một giường, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Giường: có năm loại như trên đã nói. Tỳ-kheo-ni không bệnh, hai người đồng nằm một giường, tùy theo hông dính chiếu trải trên giường, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề; tùy theo mỗi lần trở mình phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: cùng nằm một giường với người bệnh; hoặc luân phiên ngồi, luân phiên nằm; hay bị bệnh xỉu; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 91[142] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở nước Bà-kỳ-đà. Bấy giờ, trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni, hai người nằm chung một nệm, chung một chăn. Các tỳ-kheo-ni thấy, tưởng nằm chung với đàn ông. Khi đứng dậy mới biết chẳng phải đàn ông. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô hai người nằm chung một nệm, chung một chăn?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô hai người nằm chung một nệm, chung một chăn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hai người nằm chung một nệm, chung một mền, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni kia chỉ có một đồ trải hoặc là bằng rơm cỏ, hoặc bằng lá cây, các tỳ-kheo-ni nghi không dám cùng nằm, đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo-ni dùng riêng đồ trải, ngọa cụ, chăn. Nếu khi lạnh mà chỉ có một cái chăn, cho phép cùng đắp, nhưng bên trong mỗi người phải mặc áo lót khi nằm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nằm cùng một nệm, cùng một chăn, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni hai người nằm cùng một nệm, cùng một chăn, tùy theo hông dính nơi giường, phạm ba-dật-đề; mỗi lần trở mình phạm một ba-dật-đề. Nếu cùng một nệm mà khác chăn, đột-kiết-la. Nếu cùng một chăn mà khác nệm, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, [745a1] sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chỉ có một đồ trải bằng cỏ, bằng lá, riêng mỗi người có đồ trải bằng giạ; hoặc khi trời lạnh nằm cùng một cái chăn, mỗi người đều mặc áo lót; hoặc bị bệnh xỉu; hoặc bị cường lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 92[143] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì muốn quấy nhiễu người nên, hoặc (mình) ở trước với (người) đến sau, hoặc (mình) đến sau với (người) ở trước;[144] trước mặt tụng kinh, hỏi nghĩa, giáo thọ.[145] Các Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô cố ý gây phiền phức, ở trước đến sau, đến sau ở trước; trước mặt tụng kinh, hỏi nghĩa, giáo thọ?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô cố ý gây phiền phức, ở trước đến sau, đến sau ở trước; trước mặt tụng kinh vấn nghĩa, giáo thọ?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cố ý gây phiền phức ở trước đến sau, đến sau ở trước; trước mặt tụng kinh hỏi nghĩa, giáo thọ,[146] ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni không biết ai ở trước hay chẳng phải ở trước, ai đến sau hay chẳng phải đến sau, sau đó mới biết nên trong số đó có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc là nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết ở trước đến sau, biết đến sau ở trước vì cố ý gây phiền phức, trước mặt tụng kinh, hỏi nghĩa, giáo thọ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni biết ở trước đến sau, đến sau ở trước, vì cố ý gây phiền phức, trước mặt tụng kinh, hỏi nghĩa, giáo thọ; nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu không biết; hoặc được cho phép; hoặc bà con, hoặc người bà con nói: «Sư cô cứ giáo thọ. Tôi sẽ vì sư cô nói cho.» Hoặc người ở trước đến thọ kinh với người đến sau, hay người đến sau đến thọ tụng với người ở trước. Hoặc cả hai người đều đến người khác thọ. Hoặc người kia hỏi người này đáp. Hoặc cùng nhau tụng; hoặc nói vui đùa, nói gấp gáp, nói trong mộng; hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 93[147] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cùng sống chung với tỳ-kheo-ni khác bị bệnh mà không chăm sóc. Các tỳ-kheo-ni hỏi rằng, «Tỳ-kheo-ni cùng sống chung với cô bị bệnh, sao không chịu chăm sóc?» Thâu-la-nan-đà vẫn cố tình không chăm sóc. Do không chăm sóc nên cô ni kia qua đời. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tại sao cô không chăm sóc tỳ-kheo-ni bị bệnh cùng sống chung với cô? Các Tỳ-kheo-ni có nhắc nhở khuyên bảo cô mà cô vẫn không nghe lời chăm sóc, để cho cô ấy chết.» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, tại sao tỳ-kheo-ni cùng sống chung với cô bị bệnh mà cô không chăm sóc? Các tỳ-kheo-ni nhắc nhở khuyên cô nên chăm sóc, cô vẫn không chăm sóc, để cho cô kia chết?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tỳ-kheo-ni cùng sống chung bị bệnh mà không chăm sóc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Cùng sống chung:[148] là hai tỳ-kheo-ni cùng sống và làm việc với nhau. Tỳ-kheo-ni không chăm sóc tỳ-kheo-ni cùng sống chung bị bệnh phạm ba-dật-đề. Trừ người cùng sống chung bị bệnh ra, các tỳ-kheo-ni khác hoặc Hòa thượng A-xà-lê, hoặc đồng A-xà-lê, hoặc đệ tử, bà con quen biết bị bệnh mà không chăm sóc, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người cùng sống chung bị bệnh có chăm sóc; hoặc tự thân mình có bệnh không thể chăm sóc được. Hoặc do việc ấy đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 94[149] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà vào an cư, ban đầu cho phép tỳ-kheo-ni khác trải giường trong phòng. Nhưng khi an cư giữa chừng, vì giận hờn, kéo giường đuổi họ ra ngoài. Tỳ-kheo-ni bị đuổi xấu hổ, sợ mất đêm[150] nên bỏ tu. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tại sao vào an cư, ban đầu cô cho phép tỳ-kheo-ni khác bày giường trong phòng; an cư giữa chừng, vì giận hờn, cô kéo giường đuổi người ta ra khiến cho họ xấu hổ, phải bỏ tu?»» Khi ấy các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, sao vào an cư ban đầu cô cho phép tỳ-kheo-ni khác bày giường trong phòng; an cư giữa chừng, vì giận hờn, cô kéo giường đuổi họ ra, khiến cho họ xấu hổ bỏ tu?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đầu an cư,[151] cho phép tỳ-kheo-ni khác bày giường trong phòng để an cư, sau vì giận hờn đuổi ra,[152] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Trong an cư: tức thọ an cư rồi. Giường: có năm loại như trên đã giải. Tỳ-kheo-ni, an cư ban đầu cho phép tỳ-kheo-ni khác để giường trong phòng, sau giận hờn đuổi ra, tùy theo phương tiện, tùy theo mỗi lần (người bị đuổi) bước ra khỏi cửa, (người đuổi) phạm một ba-dật-đề. Nếu phương tiện đuổi nhiều người ra nhiều [746a1] cửa thì phạm nhiều ba-dật-đề. Nếu phương tiện đuổi nhiều người ra một cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Nếu phương tiện đuổi một người ra nhiều cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Nếu phương tiện đuổi một người ra một cửa, phạm một ba-dật-đề. Nếu quăng các y vật khác ra, phạm đột-kiết-la. Nếu đóng cửa không cho người ta vào, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: không do sân nhuế mà tùy theo cấp bực Thượng tọa đuổi hạ tọa ra; người chưa thọ giới ngủ quá hai đêm; đến đêm thứ ba, đuổi ra; khiến người bệnh ra nơi đại tiểu tiện để tiện lợi; hoặc đối với kẻ phá giới, phá kiến, phá oai nghi, bị cử tội, bị diệt tẫn, đáng bị diệt tẫn; hoặc do việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn... vì tất cả các việc trên nên đuổi ra, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 95[153] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà, ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, trải qua ba mùa xuân, hạ và đông lúc nào cũng du hành trong nhơn gian. Gặp những lúc mưa to gió lớn, nước sông tràn ngập, cuốn trôi y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, và đạp chết cỏ sống. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, đoạn mạng sống của chúng sanh. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tỳ-kheo-ni sao lúc nào cũng đi du hành trong nhân gian, trải suốt ba mùa. Gặp lúc mưa lớn, nước sông tràn ngập, cuốn trôi vật dụng, lại đạp chết cỏ sống, đoạn mạng chúng sanh?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lúc nào cũng du hành trong nhân gian, trải suốt ba mùa xuân, hạ, đông? Gặp lúc mưa lớn, nước sông tràn ngập, cuốn trôi y vật, lại đạp chết cỏ sống; khiến các cư sĩ cơ hiềm.» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao lúc nào cũng du hành trong nhân gian, suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông. Gặp lúc mưa to, nước sông tràn ngập, cuốn trôi y vật, lại đạp chết cỏ sống, khiến cho các cư sĩ cơ hiềm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, suốt cả xuân-hạ-đông đều du hành trong nhân gian, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni vì việc Phật, việc Pháp, việc Tăng, việc tỳ-kheo-ni bệnh. Phật dạy: «Cho phép đi ra ngoài giới được thọ pháp bảy ngày.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, suốt cả xuân,-hạ-đông, đều du hành trong nhân gian,[154] phạm ba-dật-đề, trừ nhân duyên khác. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, trong suốt cả xuân hạ đông, đều du hành trong nhân gian, tùy theo mỗi lần vào bên trong cương giới của một thôn, mỗi mỗi phạm ba-dật-đề. Nếu nơi không có thôn, nơi không có cương giới, thì du hành trong khoảng mười lý,[155] phạm ba-dật-đề. Dưới một thôn hay dưới mười lý phạm đột-kiết-la. Trong khoảng một thôn, đi trong một cương giới, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: vì việc Phật, Pháp, Tăng, việc tỳ-kheo-ni bệnh, đi ra ngoài giới được thọ pháp bảy ngày. Hoặc bị cường lực bắt hay bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 96[156] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có các cư sĩ ở Xá-vệ thỉnh tỳ-kheo-ni Sám-ma cùng nhau lập điều kiện: «Chúng tôi cúng dường chúng Tăng cho đến an cư xong.» Nhưng an cư xong, tỳ-kheo-ni Sám-ma vẫn ở, không đi. Các cư sĩ cơ hiềm: «Trước đây chúng tôi có giao ước, thỉnh tỳ-kheo-ni Sám-ma đến an cư, cùng cúng dường chúng Tăng cho đến an cư xong. Nay an cư xong, tỳ-kheo-ni Sám-ma ở không chịu đi!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Sám-ma rằng: «Các cư sĩ cùng nhau lập điều kiện thỉnh Sám-ma đến, cùng cúng dường chúng tăng cho đến an cư xong. Nay an cư xong tại sao ở luôn không chịu đi?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Sám-ma: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Cư sĩ cúng dường an cư. Nay an cư xong, sao cố ở lại không đi, khiến cho các cư sĩ cơ hiềm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Sám-ma rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hạ an cư xong không đi,[157] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni an cư xong nên xuất hành, cho đến chỉ một đêm. Nếu Tỳ-kheo-ni nào, an cư rồi không xuất hành, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: an cư rồi đi; nếu cư sĩ kia mời ở lại, nói: «Tôi sẽ cúng dường lại;» hoặc các nhà thay nhau mời thọ thực; hoặc bà con nam nữ mời thọ thực ngày ấy hay ngày mai; hoặc vì bệnh, không có bạn chăm sóc; hoặc bị nạn nước, nạn thú dữ, nạn giặc cướp, nạn nước tràn ngập; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, gặp những nạn như vậy, hạ an cư xong không xuất hành, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 97[158] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhân dân nơi biên giới[159] của vua Ba-tư-nặc làm phản nghịch. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni du hành đến nơi có sự nghi ngờ khủng bố như thế. Bọn giặc thấy, nói: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này đều là người được vua Ba-tư-nặc cúng dường. Chúng ta hãy quấy nhiễu.» Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, đều phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao du hành nhân gian nơi biên giới, đến chỗ có sự khủng bố; giống như bọn dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, [747a1] trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô du hành trong nhơn gian, đến nơi có sự khủng bố?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô du hành trong nhơn gian đến nơi có sự khủng bố như vậy?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Các Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, du hành[160] nhân gian đến biên giới[161] nơi có sự nghi ngờ khủng bố, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Biên giới: cách xa thành thị. Có sự nghi: nghi có giặc cướp. Khủng bố: giặc cướp khủng bố. Tỳ-kheo-ni nào du hành đến nơi biên giới, chỗ có sự khủng bố, tùy theo sự đi vào thôn, mỗi cương giới phạm một ba-dật-đề. Nơi trống vắng không thôn, đi mười lý phạm một ba-dật-đề; đi dưới một thôn hay dưới mười lý phạm đột-kiết-la. Nếu trong thôn, một cương giới, phạm một đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi, cùng hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị kêu hay được mời, hoặc có việc cần đến, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc mình đến trước rồi sau mới có sự nghi khủng bố phát khởi; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 98[162] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhân dân bên trong quốc giới của vua Ba-tư-nặc nổi lên làm phản.[163] Bấy giờ, bên trong quốc giới tại nơi có phản loạn ấy có sự nghi ngờ khủng bố, nhưng nhóm sáu tỳ-kheo-ni vẫn du hành. Bọn giặc thấy, nói: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này đều do nhà vua Ba-tư-nặc cung cấp cúng dường. Chúng ta nên khuấy nhiễu.» Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm, nói: «Các tỳ-kheo-ni này không có hổ thẹn, thảy đều vi phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại du hành đến chỗ có sự sợ hãi, bên trong quốc giới, giống như bọn tặc nữ, dâm nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại du hành trong nhơn gian nơi có sự sợ hãi?» Chư ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô lại du hành nhơn gian bên trong quốc giới nơi có sự sợ hãi?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo nào, du hành[164] nơi có sự khủng bố bên trong quốc giới,[165] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Bên trong quốc giới: có bốn mặt thành bao quanh.[166] Có sự nghi: nghi có giặc cướp. Nơi khủng bố: chỗ có bọn giặc cướp. Tỳ-kheo-ni nào du hành nhơn gian nơi có sự nghi ngờ khủng bố bên trong quốc giới, tùy theo mỗi lần vào thôn, đi mỗi cương giới, phạm một ba-dật-đề. Đi nơi trống vắng không có thôn, mười lý phạm một ba-dật-đề. Dưới một thôn hay dưới mười lý phạm đột-kiết-la. Đi trong thôn, một cương giới, phạm một đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, cùng hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu có việc cần thưa; hoặc bị kêu, hay được mời; hoặc bị cường lực bắt, hay bị trói; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc đến đó trước, sự nghi ngờ có khủng bố xảy ra sau; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 99[167] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà, ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni gần gũi sống chung[168] với cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Các tỳ-kheo-ni can gián: «Này cô, không nên gần gũi cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra.[169] Nếu cô sống riêng thì có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.» Nhưng cô kia vẫn cố không ở riêng. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao cô gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, sống chung, làm hạnh không tùy thuận?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cô ở chung cùng với cư sĩ, con cư sĩ gần gũi, làm hạnh không tùy thuận?» Quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau ta cho phép Tăng vì tỳ-kheo-ni kia tác pháp quở trách cho bỏ việc này bằng pháp bạch tứ yết-ma. Khiển trách như vầy để bỏ việc này: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc tác bạch như vầy: «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni có tên..., đã ở chung gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Tỳ-kheo-ni khác can gián nói: ‹Cô chớ gần gũi cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.› Nhưng tỳ-kheo-ni kia vẫn như cũ không sống riêng ra. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni kia pháp quở trách, khiến bỏ việc này, nói: ‹Cô chớ gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.› Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là..., đã gần gũi sống chung với cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Các tỳ-kheo-ni khác can gián rằng, ‹Cô chớ gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.› Nhưng tỳ-kheo-ni kia vẫn cố ý không thay đổi. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni tên... pháp quở trách cho bỏ việc này, nói: ‹Cô chớ gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni tên là... pháp quở trách cho bỏ việc này thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói.»[748a1] (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận trao cho Tỳ-kheo-ni tên... pháp quở trách cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nên quở trách như vậy. Chúng Tăng vì tỳ-kheo-ni kia tác pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma như vậy để bỏ việc này rồi, các tỳ-kheo-ni đến bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Phật bảo các tỳ-kheo: «Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy, thì Tăng cũng sẽ tác pháp bạch tứ yết-ma như vậy để bỏ việc này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, gần gũi sống chung với cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận, tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni này rằng: ‹Cô chớ gần gũi cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp.› Khi tỳ-kheo-ni kia can gián, tỳ-kheo-ni này vẫn kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni kia nên ba lần can gián cho bỏ việc này. Cho đến lần thứ ba can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Gần gũi: thường xuyên nói chuyện, thường xuyên cười giỡn, thường xuyên vui đùa với nhau.[170] Con trai cư sĩ: con trai của người chưa xuất gia. Tỳ-kheo-ni kia gần gũi chung sống với cư sĩ, con trai cư sĩ kia, làm hạnh không tùy thuận, tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Cô chớ gần gũi cư sĩ, con trai cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận. Cô hãy sống riêng ra. Nếu cô sống riêng thì mới có sự tăng ích sống an lạc ở trong Phật pháp. Nay cô nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch xong, nên nói: «Này cô, tôi đã bạch xong còn các pháp yết-ma nữa.» Cô nên bỏ việc này đừng để Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội. Nếu nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác bạch yết-ma lần đầu. Tác yết-ma lần đầu xong nên nói: «Này cô, tôi đã tác bạch và tác yết-ma lần đầu xong, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt. Bằng không, tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi nên nói: «Tôi đã tác yết-ma lần thứ hai xong, còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.» Nếu nghe theo lời thì tốt. Bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm ba-dật-đề. Tác yết-ma lần thứ hai xong mới bỏ, phạm ba đột-kiết-la. Tác yết-ma lần thứ nhất mới bỏ, phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong thì phạm một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, trước khi chưa bạch, gần gũi cư sĩ, con cư sĩ, làm hạnh không tùy thuận, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ; phi pháp biệt chúng quở trách, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp, phi pháp, phi luật, phi Phật dạy bảo. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 100[171] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến cung vua xem coi nhà vẽ,[172] vườn, rừng, hồ tắm. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, vi phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đến cung vua xem coi nhà vẽ, vườn, rừng, hồ tắm, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại đi đến cung vua xem coi nhà vẽ, vườn, rừng, hồ tắm?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với tỳ-kheo. Tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô đến xem cung vua, nhà vẽ, vườn, rừng, hồ tắm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đến cung vua,[173] xem coi nhà vẽ,[174] vườn, rừng,[175] hồ tắm,[176] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào đến cung vua, xem coi nhà vẽ, vườn, rừng, hồ tắm. Từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến chẳng phải đường chính, từ chẳng phải đường chính đến đường chính; từ cao đến thấp, từ thấp đến cao, đi đến mà thấy, ba-dật-đề; không thấy, đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi; hẹn đi mà không đi; tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu vào trong cung vua để tâu việc gì; hoặc bị kêu hay được thỉnh; hoặc trên đường đi ngang qua đó; hoặc nơi nghỉ tạm lại đêm; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc vì việc Tăng, việc tháp đến xem cách vẽ để lấy kiểu; thảy đều không phạm. Hoặc đến trong Tăng-già-lam giáo thọ, nghe pháp; hoặc bị mời trên đường đi ngang qua đó; hoặc nơi nghỉ đêm, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc vì việc Tăng, việc tháp đến xem vườn rừng, hồ tắm để lấy kiểu; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 101[177] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni lộ hình tắm nơi sông, hồ, lạch nước. Có dâm nữ, tặc nữ, đến nói với các tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô tuổi còn nhỏ, dưới nách chưa mọc lông mà lại xuất gia học đạo, tu phạm hạnh sao? Lúc tuổi còn trẻ trung ta có thể thọ hưởng ái dục. Khi già nua sẽ tu phạm hạnh. Như vậy cả hai đều được lợi!» Trong đó có vị tuổi còn nhỏ nghe nói như vậy sanh lòng không vui. Bấy giờ, các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ở truồng mà tắm nơi sông, ao, hồ, lạch nước, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô tắm lộ hình nơi sông, suối, ao, hồ, lạch nước?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, [749a1] làm việc không nên làm. Này tỳ-kheo-ni, sao các cô lộ hình tắm nơi sông, suối, ao, hồ, lạch nước?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, lộ hình tắm trong nước sông, nước suối, nước ngòi,[178] nước ao,[179] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nên dùng bốn cách để che hình khi tắm: nơi khúc quanh bờ sông của dòng nước; nơi có bóng cây che; hoặc là nước che khuất; hoặc dùng y che thân. Với Ba cách trên không được lấy và trao vật dụng cho nhau[180]. Dùng y che thân, được phép làm tất cả sự việc như pháp. Tỳ-kheo-ni nào lõa hình tắm nơi sông, suối, ao, hồ, lạch nước mà nước thấm hết thân, ba-dật-đề; nước thấm không hết thân, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: chỗ khúc quanh của bờ sông, chỗ có bóng cây che, nơi ngăn che bởi nước; hoặc dùng y ngăn che thân, hoặc bị cường lực bắt; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 102[181] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo-ni sắm y tắm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo-ni sắm y tắm, liền sắm nhiều y tắm vừa rộng vừa lớn. Tỳ-kheo-ni thấy hỏi: «Đức Phật cho phép các tỳ-kheo-ni chứa năm y. Đây là y gì?» Lục quần ni nói: «Đây là y tắm của chúng tôi.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn cho phép chứa y tắm. Sao lại sắm nhiều y tắm vừa rộng vừa lớn?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại sắm y tắm vừa rộng vừa lớn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sắm y tắm phải sắm cho đúng lượng. Trong đây đúng lượng là, bề dài sáu[182] gang tay Phật, rộng hai gang rưỡi. Nếu quá,[183] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Y tắm: y dùng che thân khi tắm. Tỳ-kheo-ni nào sắm y tắm bề dài quá lượng, bề rộng đúng; bề dài đúng, bề rộng quá lượng; hay cả hai đều quá lượng, tự cắt rọc làm thành, ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu bảo người khác làm, cắt rọc thành thì ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành, thảy đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, Sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: làm đúng lượng hay dưới mức quy định; hoặc được vật đã thành, cắt bỏ cho đúng pháp; hoặc chồng lớp; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 103[184] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo-ni muốn cắt may Tăng-già-lê.[185] Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nói: «Cô em đem đến đây tôi may cho.» Cô ni liền đem vải y đến. Cô ni kia là người thông minh, nhiều người quen biết, khéo hay giáo hóa, nên tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có ý nghĩ muốn cho tỳ-kheo-ni kia cúng dường mình lâu dài, nên cắt xong để đó, không chịu may. Bấy giờ, tinh xá mà tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ở bị phát hỏa, vải y bị cháy, gió thổi bay tứ tản. Cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tỳ-kheo-ni cắt y của người ta rồi, sao không may cho xong, để bị lửa cháy, gió thổi bay lung tung?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao cô cắt y của người ta rồi không may để bị cháy, gió thổi bay tứ tung?» Các tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao tỳ-kheo-ni cắt y mà không may liền để bị cháy, gió thổi bay tứ tán?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, may tăng-già-lê quá năm ngày, ba-dật-đề. Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy rồi, có tỳ-kheo-ni tìm cầu tăng-già-lê, xuất y ca-thi-na, sáu việc nạn khởi, sanh nghi, đức Phật dạy: «Có những việc như vậy thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, may tăng-già-lê[186] quá năm ngày, ba-dật-đề. Trừ khi tìm cầu tăng-già-lê, xuất ca-thi-na y, sáu việc nạn phát sinh. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo,[187] đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tìm cầu tăng-già-lê; xuất y công đức; năm ngày may xong; sáu việc nạn khởi; hoặc khi may, khi liệu lý, hoặc không có dao, không có kim, không có chỉ, thiếu vải không đủ; hoặc người chủ của y phá giới, phá kiến, phá oai nghi; hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn; hoặc đáng diệt tẫn; hoặc do việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không may thành thì quá năm ngày không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 104[188] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trên giảng đường Cao các, bên bờ sông Di hầu, tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ chúng Tăng nhận được nhiều sự cúng dường. Có tỳ-kheo-ni để tăng-già-lê trong phòng không trông coi, không hong phơi, bị trùng mối gặm, làm hoại sắc. Về sau, sự cúng dường chúng Tăng bị gián đoạn, vị tỳ-kheo-ni ấy không xem lại tăng-già-lê trước khi mang vào thôn, khi lấy dùng mới thấy tăng-già-lê bị trùng mối làm hoại sắc. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni này: «Tại sao để tăng-già-lê [750a1] trong phòng không trông coi, không hong phơi, để trùng mối gặm làm hoại sắc?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni này: «Cô làm điều sai quấy chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao để tăng-già-lê trong phòng không trông coi, không hong phơi, để trùng mối làm hoại sắc?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, quá năm ngày không xem[189] tăng-già-lê, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào để tăng-già-lê trong phòng, mỗi năm ngày phải đến xem, không xem ba-dật-đề. Ngoài tăng-già-lê, các y khác mỗi năm ngày không xem coi, đột-kiết-la. Ngoài các loại y ra, các vật dụng khác, mỗi năm ngày không xem coi, khiến cho mất, trùng mối làm hoại sắc, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: để tăng-già-lê trong phòng mỗi năm ngày đến xem coi; hoặc cất nơi kiên cố; hoặc gởi cho người, người nhận cất nói: «Cô cứ yên tâm, tôi sẽ vì cô coi ngó cho»; hay vị kia vì sợ mất nên không nhất thiết mỗi năm ngày không xem coi; thảy không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[190]
Chú thích: [128] Pali, Pāc. 18. Ngũ phần, điều 133. Căn bản ni, ba-dật-đề 92. [129] Căn bản ni: «…không xét kỹ mà lại cật vấn…» Pali: duggahitena dūpadhāritena paraṃ ujjhāpeyya, do không hiểu rõ, do hiểu nhầm, khiến người khác bị hiềm trách. [130] Pali, Pāc. 19. Ngũ phần, điều 134. Căn bản ni: điều 91. [131] Ngũ phần: «Tỳ-kheo-ni, tự thế thốt, nhưng thật sự nguyền rủa người khác...» [132] Căn bản ni: «…đem phạm hạnh ra mà thề thốt…» Pali: nirayena brahmacariyena vā abhisapeyya, nguyền rủa bằng địa ngục hay phạm hạnh. [133] Pali, Pāc. 20, Vin. iv.77. Ngũ phần, điều 132. Căn bản ni, điều 90. [134] Đấu tránh 鬥諍 . Pali: bhaṇḍitvā, tranh luận. [135] Xem cht. 42, Ni luật, Tăng-già-bà-thi-sa 17. [136] Pali: không có các chi tiết này. [137] Căn bản ni: «…vì giận hờn mà tự đấm ngực…» Pali: vadhitā vadhitā rodheyya, tự đấm mình liên hồi, rồi khóc. [138] Pali: phải đủ cả hai yếu tố, tự đấm và khóc. Tự đấm mà không khóc, hay chỉ khóc mà không tự đấm, phạm đột-kiết-la. [139] Pali, Pāc. 31. Căn bản ni: điều 100. [140] Bà-kỳ-đà 婆祇陀. Pali, Phật tại Sāvatthi. [141] Bạt-đề Ca-tì-la 跋提迦毘羅. Pali: Bhaddā Kāpilāni. [142] Pali, Pāc. 32. [143] Pali, Pāc. 33. Thập tụng: điều 100 & 101. [144] Hán: tiên trụ hậu chí, hậu chí tiên trụ 先住後至後至先住 , được hiểu: «với người ở trước mà mình đến sau, hoặc người đến sau mà mình ở trước…». Thập tụng, điều 100: «Người ở trước quấy nhiễu người ở sau 先住惱後住者;» điều 101: «Người ở sau quấy nhiểu người ở trước 後住惱先住者.» Xem cht. 145 dưới. So sánh điều 173 sau. [145] Thập tụng: «… đầu hôm, khách tọa thiền…, cô ngủ. Giữa đêm, khách ngủ, cô tọa thiền, tụng kinh… khách mất ngủ…» Pali, Vin.iv. 290: Thullanandā quấy nhiễu Bhaddā Kāpilāni bằng cách, ban đêm, đi tới, đi lui, đứng lên, ngồi xuống…, đọc kinh, bảo người đọc kinh…(phá không cho cô này ngủ, vì ghen tức). [146] Pali, bhikkhuniyā sañcicca aphāsuṃ kareyya, cố ý gây bất an cho tỳ-kheo-ni khác. [147] Pali, Pāc. 34. Ngũ phần: điều 123; Thập tụng: điều 102. Căn bản ni: điều 99. [148] Đồng hoạt 同活 . Ngũ phần: đồng học 同學. Căn bản ni: thân đệ tử y chỉ đệ tử 親弟子依止弟子. Pali: sahajīvitaṃ, sống chung; giải thích: saddhivihārinī, cùng ở chung (một chỗ). [149] Pali, Pāc. 35. Cf. Ngũ phần: điều 136. [150] Thất túc 失宿 . Cũng nói là thất tuế 失歲, hay mất tuổi hạ; xem đoạn sau, T22n1428, tr.835a08. [151] Pali, Pāc. 35, không có chi tiết an cư. [152] Pali thêm chi tiết, «hoặc bảo đuổi ra.» [153] Pali, Pāc. 39. Ngũ phần: điều 92; tham chiếu, điều 89: «không an cư...», điều 90 «... không y chỉ chúng tỳ-kheo để an cư...» Tăng kỳ: điều 134; Thập tụng: điều 95. Căn bản ni: điều 101. [154] Pali, Pāc. 39, Vin.iv. 296: … antovassaṃ cārikaṃ careyya, du hành trong mùa mưa. [155] Pali (Vin.iv. 297): «bên trong thôn có nhà sát nhau, đi đến trong mỗi thôn phạm một ba-dật-đề. Trong khoảng trống không nhà, đi qua nửa do-tuần, phạm một ba-dật-đề.» [156] Pali, Pāc. 40; Ngũ phần: điều 94; Tăng kỳ: điều 135; Thập tụng: điều 96. Căn bản: điều 102. [157] Ngũ phần, điều 94: «…qua một đêm mà không đi…» Pali: «Nếu không ra đi du hành năm hay sáu do tuần...» [158] Pali, Pāc. 38. Ngũ phần: điều 96; Thập tụng: điều 98. Căn bản ni: điều 103. [159] Căn bản ni 17 (T23n1443, tr.1003c05): Vua Vị Sinh Oán (A-xà-thế) chuẩn bị chinh phạt thành Quảng nghiêm (thành Xá-vệ, nước Câu-tát-la). Thập tụng 98 (T23n1435, tr.323b03): A-xà-thế đang đánh nhau với một tiểu quốc ở biên cảnh. [160] Pali: asatthā cārikaṃ careyya, du hành mà không vũ khí; nghĩa là không ai bảo vệ. Ngũ phần: xuất quốc cảnh... vô sở y hỗ 出國境... 無所依怙. [161] Pali, Pāc. 38: … tiroraṭṭhe, bên ngoài lãnh thổ. Ngũ phần: quốc cảnh 國境. Thập tụng: quốc giới biên 國界邊. Cf. Căn bản ni, điều 103: vương quốc trung 王國中. [162] Pali, Pāc. 37. Ngũ phần: điều 95. Thập tụng: điều 97; Cf. điều 199. Tham chiếu Căn bản ni: điều 104. [163] Quốc vương Ba-tư-nặc nước Kiêu (Câu)-tát-la đánh nhau với một tiểu quốc. [164] Xem cht. 160 trên. [165] Pali: antoraṭṭhe, bên trong lãnh thổ. [166] Đây hiểu là thành bang, tức quốc gia theo chế độ Nhà Nước thành thị, mỗi thành thị là một quốc giới. Pali, Vin.iv. 295: yassa vijite viharati, tassa raṭṭhe, trong phạm vi mà người ấy đang sống, đó là trong quốc giới của nó. [167] Pali, Pāc. 36. [168] Thân cận cộng trú 親近共住 . Pali: saṃsaṭṭhā vihareya, sống chung chạ. [169] Biệt trú 別住 . Pali: viviccāyye, hãy xa lánh. [170] Pali: ananulomikena kāyikavācasikena saṃsaṭṭhā, giao tiếp với nhau (thân cận) với thân và ngữ không chân chính (bất tùy thuận) [171] Pali, Pāc. 41. [172] Họa đường 畫堂 . Pali: uyyāne cittāgare paṭibhānacittaṃ, tranh vẽ tuyệt tác (được chưng bày) trong nhà trang trí họa trong lạc viên (của Vua). [173] Pali: rājāgaraṃ, lầu các của vua. [174] Văn sức họa đường 文飾畫堂 . Pal: cittāgāraṃ, nhà được trang trí vẽ vời. [175] Viên lâm 園林 . Pali: ārāmaṃ vā uyyānam, công viên và lạc viên. [176] Dục trì 浴池 . Pali: pokkharaṇiṃ, hồ sen. [177] Pali, Pāc. 21. Ngũ phần: điều 81. Thập tụng: 159. [178] Trong bản: thâm thuỷ 深水, nước sâu. Tống Nguyên Minh: cừ thuỷ. [179] «…tắm trong…nước ao,» Pali không có chi tiết này. Thập tụng: «Tắm khỏa thân tại chỗ trống.» [180] Bất đắc tương thủ dữ khí vật 不得相取與器物. Bản Cung, không có chữ bất. [181] Pali, Pāc. 22. Thập tụng: điều 128. [182] Pali: dài 4 gang, rộng 2 gang. Thập tụng (T23n1435, tr.335a20): dài 5 gang, rộng 2 gang rưỡi. [183] Pali, thêm, «phải cắt bỏ (Pali: chedanakaṃ).» [184] Cf. Pali, Pāc. 23. Thập tụng: điều 130. Tham chiếu, Tăng kỳ, ni-tát-kỳ 17. [185] Pali: cô này may xấu, cần tháo ra để may lại. Thập tụng, điều 130: Thí-việt-sa 施越沙, đệ tử của Thâu-la-nan-đà , tháo y ra rồi may lại không được. [186] Pali: cīvaraṃ visibbetvā … neva sibbeyya, «sau khi tháo y ra… không khâu lại…» Không xác định phải là tăng-già-lê. [187] Bản Hán bị cắt ngang và nhảy sót. Theo như các điều mà sắp lại. [188] Pali, Pāc 24. Thập tụng: điều 131. [189] Ngũ nhật bất khán 五日不看; Thập tụng: ngũ dạ bất khán ngũ y 五夜不看五衣. Pali: «quá năm ngày không khoác tăng-già-lê.» [190] Bản Hán, hết quyển 26. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐIỀU 105[191] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có quen biết người đàn-việt từ lâu, muốn dọn cơm và dâng y cho Tăng. Thâu-la-nan-đà nghe liền đến hỏi: ‹Tôi nghe ông muốn dọn cơm và dâng y cho Tăng, có đúng không?› Người đàn-việt trả lời, ‹Đúng.› Thâu-la-nan-đà nói: ‹Chúng Tăng công đức lớn, oai thần lớn, nhiều đàn-việt dâng cúng. Ông còn nhiều chỗ để cúng. Nay chỉ nên cúng cơm; khỏi phải dâng y.› Người đàn-việt thuận theo lời nên không sắm y, trong đêm chỉ chuẩn bị thức ăn để cúng. Sáng sớm, người đàn-việt đến thỉnh ni Tăng thọ thực. Các tỳ-kheo-ni mặc y bưng bát đến nhà thí chủ, ngồi yên nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, người đàn-việt quan sát các tỳ-kheo-ni, oai nghi rõ nét, pháp phục tề chỉnh, tự ăn năn thốt lên lời: ‹Chúng Tăng tốt đẹp thế này, tại sao ngăn cản không để cho tôi được dâng y cúng dường?› Các tỳ-kheo-ni nghe nói như vậy, mới hỏi người đàn-việt: ‹Vì nhơn duyên nào mà thốt lên những lời nói như vậy?› Người đàn-việt trình bày đầy đủ nhơn duyên. Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: ‹Tại sao cô ngăn cản việc cúng y cho chúng Tăng?› Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô ngăn cản việc cúng y cho chúng Tăng?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cản trở việc cúng y cho chúng Tăng,[192] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Chúng: cũng như trên. Y: có mười loại như trước. Tỳ-kheo-ni gây trở ngại việc cúng y cho chúng Tăng ba-dật-đề. Ngoài chúng Tăng, gây trở ngại với người khác, đột-kiết-la. Ngoài y ra, gây trở ngại đối với các vật khác đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người ta cúng ít, khuyên cúng nhiều; muốn cúng ít người, khuyên cúng nhiều người; muốn cúng thứ thô, khuyên cúng thứ tế; hoặc nói vui chơi, nói chỗ vắng, nói gấp gáp, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 106[193] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni mặc y tăng-già-lê của người khác mà không nói với chủ, vào thôn khất thực. Người chủ không biết, nghĩ là y mình đã bị mất, sau đó tìm kiếm thì thấy tỳ-kheo-ni kia mặc đi, liền nói: «Cô phạm tội ăn trộm.» Cô ni kia nói: «Tôi không ăn trộm y của cô. Tôi lấy mặc với ý nghĩ là của người quen thân.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô không nói với chủ mà trộm lấy y của người ta mặc, khiến cho họ tưởng là y của họ đã bị mất?» Tỳ-kheo-ni liền đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni trộm y mặc mà không nói với chủ, khiến người tưởng là y đã mất mà đi tìm kiếm?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, lấy y của người khác mặc mà không hỏi chủ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào lấy y của người khác mặc, không nói với chủ, mà đi vào trong thôn khất thực, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có nói với chủ; hay là quen thân, hoặc người quen thân nói: «Cô cứ mặc đi, tôi sẽ vì cô nói với chủ cho,» thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 107[194] B. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Bạt-nan-đà Thích tử có sai hai sa-di, một người tên là Nhĩ người kia tên là Mật. Một người thôi tu, một người mặc áo ca-sa gia nhập chúng ngoại đạo. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni lấy áo của sa-môn đem cho người thôi tu, và cho người gia nhập [751a1] ngoại đạo kia. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô đem áo của sa-môn cho người thôi tu và cho người nhập ngoại đạo!» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô đem áo của sa-môn cho người thôi tu và cho người nhập ngoại đạo?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đem áo sa-môn[195] cho người ngoại đạo, bạch y, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo: nghĩa như trên. Bạch y: người tại gia. Ngoại đạo: người xuất gia ngoài giáo pháp của đức Phật. Áo sa-môn: áo hoại sắc.[196] Tỳ-kheo-ni nào dùng áo của sa-môn cho, người kia nhận, ba-dật-đề. Người này cho mà người kia không nhận, đột-kiết-la. Phương tiện muốn cho mà không cho, hứa hẹn sẽ cho mà không cho, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: cho cha mẹ; cho thợ làm tháp, cho thợ làm giảng đường, phòng ốc, tính tương đương giá trị thức ăn mà cho; hoặc bị cường lực đoạt; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 108[197] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, ni chúng nhận được y cúng dường như pháp muốn đem chia. Thâu-la-nan-đà có nhiều đệ tử, lúc đó đi vắng. Thâu-la-nan-đà có ý nghĩ muốn ngăn cản việc phân y như pháp, vì sợ đệ tử của mình không nhận được phần. Các tỳ-kheo-ni biết ý nghĩ đó, trong số các tỳ-kheo-ni biết, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Thâu-la-nan-đà: «Tại sao cô có ý nghĩ ngăn cản việc phân y như pháp của chúng Tăng, vì sợ đệ tử của cô không nhận được phần?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô lại có ý nghĩ ngăn việc phân y như pháp của chúng Tăng, chỉ vì sợ đệ tử của cô không nhận được phần?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có ý nghĩ, ‹chúng Tăng phân y như pháp,› bèn ngăn cản không cho phân, chỉ vì sợ đệ tử không nhận được phần,[198] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Chúng Tăng: cũng như trước đã giải. Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy. Y: có mười loại như trên. Tỳ-kheo-ni nào có ý nghĩ ngăn cản việc phân y như pháp của chúng Tăng, vì sợ đệ tử của mình không nhận được phần, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc chia lúc phi thời, phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật, phi Phật dạy. Nếu khi sắp chia mà sợ mất, sợ hư hỏng, ngăn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 109[199] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tăng chúng tỳ-kheo-ni như pháp xuất y ca-thi-na.[200] Nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ, «Mong chúng Tăng hôm nay không xuất y ca-thi-na, mà sau này sẽ xuất, để cho năm sự được buông xả kéo dài.»[201] Các tỳ-kheo-ni biết nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ, «Mong chúng Tăng hôm nay không xuất y ca-thi-na, mà sau này sẽ xuất, để cho năm sự được buông xả kéo dài.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô có ý nghĩ, mong chúng Tăng hôm nay không xuất y ca-thi-na, mà sau này sẽ xuất, để cho năm sự được buông xả kéo dài?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô có ý nghĩ, mong chúng Tăng hôm nay không xuất y ca-thi-na, mà sau này sẽ xuất, để cho năm sự được buông xả kéo dài?» Dùng vô số phương tiện quở trách xong, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có ý nghĩ, ‹Mong chúng Tăng không xuất y ca-thi-na hôm nay, sau sẽ xả, để năm việc phóng xả được kéo dài,›[202] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cũng như trên. Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy bảo. Tỳ-kheo-ni nào có ý nghĩ đình hoãn việc xả y ca-thi-na như pháp của chúng Tăng, vì muốn cho năm sự được buông xả kéo dài, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu xuất chẳng phải thời; phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy bảo. Hoặc khi xuất mà sợ mất, hư hỏng, nên ngăn khiến không xuất thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 110[203] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tăng tỳ-kheo-ni muốn xuất y ca-thi-na.[204] Nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ: «Nay Tăng tỳ-kheo-ni như pháp xuất y ca-thi-na, ta nên ngăn đừng xuất, để năm sự được buông xả kéo dài.» Các tỳ-kheo-ni biết ý của nhóm sáu tỳ-kheo-ni muốn ngăn Tăng tỳ-kheo-ni như pháp xả y công đức để năm sự được buông xả kéo dài. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô có ý nghĩ ngăn Tăng tỳ-kheo-ni như pháp xuất y ca-thi-na vì muốn năm sự được buông xả kéo dài?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni chúng muốn như pháp xuất y ca-thi-na, tại sao các cô ngăn không xuất, vì muốn năm sự được buông xả kéo dài?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, có ý ngăn Tăng tỳ-kheo-ni xuất y ca-thi-na, vì muốn năm sự được buông xả kéo dài, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cũng nghĩa như trên. Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy bảo. Tỳ-kheo-ni nào có ý nghĩ ngăn tỳ-kheo-ni Tăng như pháp xuất y ca-thi-na, vì muốn khiến cho năm điều được buông xả lâu; nói rõ ràng ba-dật-đề; nói không rõ ràng đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: xuất y ca-thi-na phi thời, phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy. Hoặc khi xuất y, sợ mất hay hư hỏng, cho nên ngăn thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 111[205] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tranh cãi, đến tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nói: «Yêu cầu cô vì tôi giải quyết sự tranh cãi này.» Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là người thông minh trí tuệ, là người có khả năng chấm dứt những việc cãi cọ xảy ra. Nhưng cuối cùng cô đã không tìm cách dập tắt tránh sự này. Tỳ-kheo-ni kia vì cuộc tranh cãi này mà không được hòa hợp, sầu ưu, nên thôi tu. Chúng tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-la-nan-đà rằng: «Tỳ-kheo-ni được yêu cầu giải quyết sự tranh cãi, sao cuối cùng không dùng phương tiện để dập tắt tránh sự này, khiến tỳ-kheo-ni kia do sự tranh cãi này không được hòa giải mà phải bỏ tu?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô không vì tỳ-kheo-ni kia hòa giải sự tranh cãi khiến cho cô ni kia phải thôi tu?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, được tỳ-kheo-ni khác yêu cầu, rằng: ‹cô vì tôi dập tắt tránh sự này› mà không tìm cách để dập tắt,[206] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tránh sự: có bốn loại như trước đã giải. Tỳ-kheo-ni kia nói với các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Cô vì tôi dập tắt tránh sự này» mà tỳ-kheo-ni ấy không tìm cách dập tắt tránh sự đó, ba-dật-đề. Trừ các tránh sự ra, nếu có các việc cãi cọ nhỏ khác, không tìm cách để dập tắt, đột-kiết-la. Nếu bản thân có tránh sự mà không tìm phương tiện giải quyết, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác có tránh sự mà không tạo phương tiện để giải quyết, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu chấm dứt; hoặc vì họ tạo phương tiện; hoặc bị bệnh, hoặc nói không được; hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc từ việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không tìm cách chấm dứt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 112[207] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có hai sa-di, một người tên là Nhĩ, một người tên Mật.[208]Một người bỏ đạo, một người mang áo ca-sa gia nhập trong chúng ngoại đạo. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo.[209] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô đem thức ăn cho bạch y gia nhập ngoại đạo?» Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô đem thức ăn cho bạch y gia nhập ngoại đạo?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo[210] thức ăn có thể ăn,[211] ba-dật-đề. Thế tôn vì tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy, thì có vị nghi không dám để dưới đất cho, không dám sai người cho, đức Phật dạy: «Cho phép sai người cho hoặc để dưới đất cho.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tự tay cầm thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo ăn,[212] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Bạch y: người chưa xuất gia. Ngoại đạo: người xuất gia ngoài Pháp của đức Phật. Thức ăn nhai:[213] như trước đã giải. Tỳ-kheo-ni nào, tự đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo; người này cho, người kia nhận; (người cho) ba-dật-đề; người kia không nhận, (người cho) đột-kiết-la. Phương tiện muốn cho mà không cho, hẹn sẽ cho rồi ăn năn không cho; tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc để dưới đất cho, hoặc sai người cho; hoặc cho cha mẹ, cho thợ làm tháp, hoặc bị cường lực đoạt; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 113[214] A. DUYÊN KHỞI Môt thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni đảm đương việc nhà, xay lúa, giã gạo, nấu cơm, rang thóc, nấu thức ăn, hoặc trải giường, chỗ ngồi, ngọa cụ; hoặc quét đất, múc nước, nhận sự sai khiến của người. Các cư sĩ thấy đều bĩu môi cười nhạo, nói: «Giống như vợ tôi đảm đương việc nhà, nào là xay lúa, giã gạo, nấu cơm... cho đến nhận sự sai khiến của người. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này đâu có khác gì?» Vì vậy, các cư sĩ sanh tâm khinh mạn, không cung kính. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, rằng: «Tại sao các cô đảm đương việc nhà, nào là xay lúa, giã gạo... cho đến nhận sự sai khiến của người, không khác với người đời như vậy?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng [753a1] nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô đảm đương việc nhà, nào là xay lúa, giã gạo... cho đến để người sai, như người đời không khác?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Các Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú có nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, làm người sai khiến cho bạch y[215], ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Làm người sai khiến cho bạch y: tức như trên, xay lúa, giã gạo... cho đến nhận sự sai khiến của người. Tỳ-kheo-ni kinh doanh gia nghiệp, nào xay lúa, giã gạo cho đến nhận làm sứ giả cho người, tất cả đều ba-dật-đề. Tỳ-kheo, tùy theo việc làm mà định tội. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu vì cha mẹ bệnh hoặc bị trói cột, mà trải giường, ngọa cụ, quét đất, múc nước, cung cấp những vật cần dùng, chịu sự sai khiến; hoặc vì người ưu-bà-di có tín tâm bị bệnh, hoăc bị trói buộc, mà trải giường, ngọa cụ, quét đất, múc nước, giúp đỡ họ; hoặc bị cường lực bắt buộc; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 114[216] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni tự tay quay sợi. Các cư sĩ thấy đều bĩu môi cười, «Y như vợ tôi quay sợi. Tỳ-kheo-ni cũng vậy, đâu có khác gì!» Các cư sĩ sanh tâm khinh mạn, không cung kính. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô tự quay sợi?» Tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô tự quay sợi, không khác người đời?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú có nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tự tay quay sợi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Sợi: có mười loại như trên.[217] Tỳ-kheo-ni nào tự tay quay sợi, một vòng là phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu tự mình tách sợi, và se sợi;[218] hoặc bị cường lực bắt buộc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 115[219] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đến giờ, mặc y, bưng bát, đến nhà cư sĩ, trải chỗ ngồi mà ngồi. Người vợ của sĩ lúc ấy cởi y phục anh lạc, vào vườn sau tắm gội. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà vội lấy y phục anh lạc của bà ta mặc vào rồi nằm trên giường của cư sĩ. Trước đó ông chồng đi vắng. Khi trở về, vào trong nhà chợt thấy Thâu-la-nan-đà nằm, tưởng là vợ của mình, liền đến nằm, choàng tay sờ và hôn. Khi rờ phải đầu trọc, hỏi rằng: «Cô là ai?» Thâu-la-đà trả lời: «Tôi là tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà.» Ông cư sĩ nói rằng: «Tại sao cô mặc y phục anh lạc của vợ tôi, nằm trên giường tôi, khiến tôi tưởng là vợ tôi? Cô đi ra mau, từ nay cô đừng đến nhà này nữa!»[220] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-la-nan-đà: «Tại sao cô lại mặc y phục anh lạc của vợ người ta, nằm trên giường của họ?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà, rằng: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô lại vào nhà cư sĩ, mặc y phục anh lạc của vợ người ta, nằm trên giường của họ, khiến cho chồng họ cơ hiềm quái lạ như thế?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú có nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên như vầy»: Tỳ-kheo-ni nào, vào trong nhà bạch y,[221] hoặc ngồi hoặc nằm, trên giường nhỏ, giường lớn,[222] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nhà bạch y: là thôn xóm. Giường nhỏ: giường để ngồi. Giường lớn: giường để nằm. Tỳ-kheo-ni nào vào trong nhà bạch y, hoặc ngồi hoặc nằm nơi giường nhỏ, giường lớn; hông dính nơi giường, một lần trở mình phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải bệnh thế nào đó; hoặc nơi giường ngồi một mình; hoặc vì chúng tỳ-kheo-ni đông người; hoặc bị bệnh té xỉu, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói buộc, hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 116[223] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo-ni, đến nước Câu-tát-la. Trên đường đi đến một thôn không có trú xứ. Các cô nói với người chủ nhà nọ, xin trải tọa cụ trong nhà nghỉ lại một đêm. Sáng ngày đi mà không từ biệt chủ nhà. Sau đó thôn bị phát hỏa, nhà bị cháy. Khi lửa cháy, người cư sĩ nghĩ rằng trong nhà có người nên không chạy đến để chữa cháy, vì vậy nhà bị cháy sạch. Cư sĩ hỏi: «Tỳ-kheo-ni đâu?» Có người cho biết, họ đi hết rồi. Các cư sĩ cơ hiềm, nói: «Các tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tại sao xin chủ nghỉ đêm lại trong nhà, sáng ngày không từ biệt chủ nhà mà bỏ đi? Chúng tôi tưởng là trong nhà có người nên không chửa cháy, khiến cho nhà bị cháy sạch!» Các Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục trí túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô nói với chủ nhà xin ở lại đêm; khi đi không từ biệt chủ, khiến cho lửa cháy hết nhà người ta?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Tại sao các cô xin chủ nghỉ đêm lại trong nhà người ta, khi đi không từ biệt chủ, khiến cho nhà người ta bị cháy hết?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, [754a1] cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đến nhà bạch y, xin chủ dọn chỗ nghỉ đêm, sáng ngày bỏ đi mà không từ biệt chủ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nhà bạch y: là thôn xóm. Nghỉ đêm: nơi ngủ lại đêm. Dọn chỗ: hoặc trải bằng cỏ, bằng lá, cho đến tự trải bằng ngọa cụ giạ. Tỳ-kheo-ni nào đến trong nhà bạch y, xin chủ cho dọn chỗ ngủ đêm, sáng ngày đi mà không từ biệt; ra khỏi cửa ngõ, ba-dật-đề. Một chân bên trong, một chân bên ngoài, phương tiện muốn đi mà không đi, hẹn đi mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: có từ biệt chủ trước khi đi; hoặc trước có người ở trong nhà rồi; hoặc nhà không chủ; hoặc là phước xá; hoặc là thân hậu; hay thân hậu nói: «Cô cứ đi, tôi sẽ nói với chủ cho.» Hoặc nhà bị sập đổ, hay bị lửa cháy, hoặc trong nhà có rắn độc, thú dữ, hoặc bọn giặc xâm nhập; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị cột trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 117[224] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo-ni tụng các loại tạp chú thuật,[225] như chú chi tiết, chú Sát-lợi, chú quỷ, chú kiết hung; hoặc học tập cách bói quay bánh xe hươu;[226] hoặc học tập để hiểu biết âm thanh. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô học tập tụng các loại chú như chi tiết, cho đến hiểu rõ các âm thanh?» Quở trách rồi, chư ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô tập tụng các loại chú thuật, cho đến hiểu biết âm thanh?» Quở trách xong, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tập tụng chú thuật của thế tục,[227] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Chú thuật của thế tục: như chú chi tiết, cho đến tìm hiểu, giải thích âm thanh... Tỳ-kheo-ni nào, tập tụng chú thuật của thế tục... cho đến âm thanh, hoặc khẩu thọ, hoặc chấp văn tụng; nói rõ ràng, ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc tụng chú để trị bệnh trùng trong ruột; hoặc tụng chú để trị ăn ban đêm không tiêu; hoặc học sách vở, hoặc tụng chú thế tục hàng phục ngoại đạo; hoặc tụng chú để trị độc; hoặc dùng để hộ thân; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 118[228] Tỳ-kheo-ni nào, dạy người tụng tập chú thuật, ba-dật-đề. ĐIỀU 119[229] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một tỳ-kheo-ni tên là Bà-la, độ người nữ có thai xuất gia, thọ giới cụ túc. Sau đó, người ấy sanh một đứa con trai, bồng vào thôn xóm khất thực. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Hãy xem người xuất gia này mới sinh con!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni Bà-la này: «Tại sao cô độ người nữ có thai?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Bà-la này: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao độ người có thai?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người nữ có thai thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết họ có thai hay không có thai, sau mới biết; nên trong số đó có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người nữ có thai mà độ cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo-ni nào biết người nữ có thai, độ cho thọ giới cụ túc; tác pháp yết-ma ba lần xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong, phạm ba đột-kiết-la. Tác pháp yết-ma lần thứ nhất xong, phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong, một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, cho cạo đầu, mặc áo, chuẩn bị thọ giới cụ túc, hoặc tập hợp đã đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu không biết; hoặc tin lời nói của người kia; hoặc tin lời người đáng tin; hoặc tin cha mẹ họ nói, trao giới cụ túc rồi, sau sanh con, không phạm. Sau khi sanh rồi nghi không dám bồng ẳm, Phật dạy: «Nếu đứa bé chưa có thể rời mẹ thì tỳ-kheo-ni tự mình phải nuôi dưỡng, cho phép làm tất cả việc làm của bà mẹ: cho bú sữa, sú cơm, nuôi nấng.» Sau đó có sự nghi không dám cùng ngủ với con trai này trong một nhà. Phật dạy: «Nếu con trai chưa thể rời mẹ được thì được phép cùng ngủ một chỗ, không phạm.» Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 120[230] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một tỳ-kheo-ni độ người phụ nữ đang còn cho con bú xuất gia, để con ở nhà. Sau đó, người nhà đem con đến giao. Cô ni bồng con vào xóm khất thực, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Hãy xem người xuất gia này sanh con rồi bồng con đi khất thực!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô lại độ người phụ nữ còn đang cho con bú xuất gia, khiến các cư sĩ cơ hiềm?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô độ người phụ nữ còn cho con bú xuất gia?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni [755a1] kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người phụ nữ còn cho con bú, thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni không biết người nữ ấy còn có con đang bú hay không; sau mới biết. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết phụ nữ còn cho con bú,[231] mà trao cho giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nếu Tỳ-kheo-ni nào, biết phụ nữ còn cho con bú mà độ xuất gia thọ giới cụ túc; tác pháp yết-ma ba lần xong, Hòa thượng ni, ba-dật-đề. Tác yết-ma hai lần xong, ba đột-kiết-la. Tác yết-ma lần thứ nhất xong, phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong, một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, cho cạo đầu, cho xuất gia, cho mặc y, cho thọ giới hoặc họp chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu không biết, hoặc tin lời nói của người kia, hoặc tin lời người đáng tin, hoặc tin lời cha mẹ họ, độ xuất gia trao giới cụ túc rồi, sau mới đem con đến thì không phạm. Bà mẹ nghi, không dám bồng con nuôi dưỡng, đức Phật dạy: «Nếu đứa bé chưa có thể tự sống, cho phép làm tất cả những việc của bà mẹ nuôi con cho đến khi dứt sữa.» Sau đó, bà mẹ cùng đứa nhỏ ngủ một chỗ, có sự nghi, Phật dạy: «Chưa hết bú thì không phạm.» Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 121[232] A. DUYÊN KHỞI 1. ĐỘ THIẾU NỮ Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có các tỳ-kheo-ni nghe Phật chế giới được phép độ người, vội độ đồng nữ nhỏ tuổi, không biết họ có tâm dục hay không có tâm dục. Sau đó họ cùng nam tử có tâm nhiễm ô cùng đứng cùng nói chuyện đùa giỡn. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép độ người, tại sao các cô lại độ đồng nữ nhỏ tuổi? Chúng cùng nam nữ có tâm nhiễm ô, cùng đứng cùng nói chuyện đùa giỡn?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô độ đồng nữ nhỏ tuổi, không biết họ có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô. Sau đó họ cùng với nam tử có tâm nhiễm ô cùng đứng cùng nói chuyện đùa giỡn?» Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo-ni rằng: 2. THẾ PHÁT «Các cô lắng nghe, nếu muốn cạo tóc cho người được độ ở trong chùa, thì phải nói cho tất cả ni Tăng biết. Hoặc tác bạch rồi, sau đó mới cạo tóc. Văn tác bạch như vầy: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Đồng nữ này tên là... đến cầu cạo tóc với tỳ-kheo-ni tên... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, cho đồng nữ tên... cạo tóc. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi mới cho cạo tóc. Nếu muốn cho xuất gia ở trong chùa phải nói cho tất cả ni Tăng biết. Nếu tác bạch rồi mới cho xuất gia, thì văn tác bạch như sau: «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là... đến cầu xuất gia với... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người nữ trên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi mới cho xuất gia. 3. TRUYỀN GIỚI SA-DI-NI Tác bạch cho xuất gia như vậy, cho cạo tóc, mặc áo ca-sa rồi, bảo họ quỳ gối, chắp tay, bạch như vầy: «Con tên là... quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con ở trong giáo pháp của đức Như lai, cầu xin xuất gia theo Hòa thượng ni tên là... Đức Như lai Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế tôn của con.» (Lần thứ hai, thứ ba cũng bạch như vậy). «Con tên là... đã quy y Phật rồi, đã quy y Pháp rồi, đã quy y Tăng rồi. Con ở trong giáo pháp của đức Như lai, cầu xin xuất gia theo Hòa thượng ni tên... Đức Như lai Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế tôn của con.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy). Tiếp theo cho thọ giới: «Suốt đời không sát sanh là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không ăn trộm là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không dâm dục là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không nói dối là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không uống rượu là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không đeo hương hoa anh lạc là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không ca múa, kỹ nhạc, không được xem, nghe là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không ngồi trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không ăn phi thời là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Suốt đời không cầm vàng bạc, tiền là giới của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» «Mười giới như vậy của sa-di-ni. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 4. THỌ HỌC GIỚI Từ nay về sau cho phép đồng nữ 18 tuổi, hai năm học giới, tuổi đủ 20 được trao cho giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma. Nên nói giới như vầy: Sa-di-ni phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân chúng tỳ-kheo-ni Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay nói lời tác bạch như vầy: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Con sa-di-ni tên là..., nay đến giữa Tăng xin hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni tên... làm Hòa thượng. Xin Tăng cho con hai năm học giới, từ mẫn cố.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy). Rồi sa-di-ni phải đến chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng tỳ-kheo-ni sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Sa-di-ni kia tên là..., nay đến giữa Tăng xin hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, cho sa-di-ni tên là... hai năm học giới, Tỳ-kheo-ni... làm hòa thượng. Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Sa-di-ni kia tên là..., đến trước Tăng xin hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni... làm Hòa thượng. Nay Tăng cho sa-di-ni tên là... hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni... làm hòa thượng. Các đại tỉ nào chấp thuận, Tăng cho sa-di-ni tên là... kia hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni... làm Hòa thượng thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là lời yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận cho sa-di-ni tên là... hai năm học giới. Tỳ-kheo-ni... làm Hòa thượng. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Thức-xoa-ma-na kia cần phải học tất cả giới, trừ điều «tự tay lấy thức ăn, trao thức ăn cho người.» Đương sự học giới hai năm rồi, tuổi đủ 20, nên trao cho giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ tuổi mười tám, cho hai năm học giới, hai mươi tuổi, mới cho thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni nào người nữ không đủ hai mươi tuổi mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn [756a1] vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni không biết người nữ đủ hai mươi tuổi hay không, sau mới biết là không đủ nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết không đủ hai mươi tuổi[233] mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.[234] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên Tỳ-kheo-ni biết người không đủ hai mươi tuổi mà trao cho thọ giới cụ túc, ba lần yết-ma xong, Hòa thượng ni, ba-dật-đề. Hai lần yết-ma xong, ba đột-kiết-la. Một lần yết-ma xong, hai đột-kiết-la. Bạch xong, phạm một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, một đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đương sự tuổi đủ mười tám, cho hai năm học giới, đủ hai mươi tuổi, trao cho thọ giới cụ túc; hoặc không biết hay đương sự tự nói đủ hai mươi tuổi; hoặc tin lời người đáng tin, hay tin cha mẹ họ nói. Nếu sau khi thọ giới rồi nghi, nên tính luôn tháng trong thai, tính tháng nhuận, tính mỗi 14 ngày thuyết giới cho đủ thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 122[235] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới cho phép độ người 18 tuổi cho hai năm học giới, đủ tuổi 20 trao cho giới cụ túc. Người kia không phải là 18 tuổi, không có hai năm học giới, cứ đủ tuổi 20 cho thọ giới cụ túc. Nhưng vì thiếu hai năm học giới nên sau khi thọ giới cụ túc rồi mà không biết nên học những giới nào. Các tỳ-kheo-ni nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép độ người 18 tuổi cho hai năm học giới, đủ 20 tuổi cho thọ cụ túc. Tại sao các cô với người nữ chẳng phải tuổi 18 không có hai năm học giới, cứ tuổi 20 bèn cho thọ giới cụ túc; nhưng vì thiếu hai năm học giới nên họ không biết nên học giới nào?› Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Đức Thế tôn chế giới cho phép độ người 18 tuổi cho hai năm học giới, đủ 20 tuổi cho thọ cụ túc. Tại sao các cô với người nữ chẳng phải tuổi 18 không có hai năm học giới, cứ tuổi 20 bèn cho thọ giới cụ túc; nhưng vì thiếu hai năm học giới nên họ không biết nên học giới nào?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ 18 tuổi mà không cho hai năm học giới, tuổi đủ hai mươi liền cho thọ giới cụ túc,[236] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên Tỳ-kheo-ni nào đối với đồng nữ 18 tuổi chưa cho hai năm học giới mà trao cho giới cụ túc,[237] xướng ba yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề. Hai yết-ma xong, ba đột-kiết-la. Một yết-ma xong, phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong, một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đồng nữ 18 tuổi có hai năm học giới, khi tuổi đủ 20, trao cho giới cụ túc, không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 123[238] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới cho phép độ đồng nữ 18 tuổi cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi cho thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni không cho sáu pháp lại cho thọ giới cụ túc. Người kia khi học giới, làm bất tịnh hạnh, trộm lấy năm tiền, đoạn mạng người, tự xưng đắc pháp thượng nhơn, ăn quá giờ ngọ, uống rượu. Các tỳ-kheo-ni nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép đồng nữ 18 tuổi cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi cho thọ giới cụ túc. Tại sao các cô không dạy sáu pháp cho họ mà cho giới cụ túc nên họ phạm vào phạm hạnh, trộm năm tiền, cho đến uống rượu?» Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni, các cô đối với đồng nữ 18 tuổi nên cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi cho thọ giới cụ túc. Tại sao không cho sáu pháp khiến cho họ phạm dâm... cho đến uống rượu?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: « Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ 18 tuổi, cho hai năm học giới nhưng không cho sáu pháp, liền cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.[239] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên Nếu thức-xoa-ma-na phạm dâm thì phải diệt tẫn. Nếu có tâm nhiễm ô cùng với nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm tức là khuyết giới, phải thọ lại. Nếu trộm năm tiền, trên năm tiền phải diệt tẫn. Nếu lấy dưới năm tiền tức là khuyết giới, phải thọ lại. Nếu đoạn mạng người phải diệt tẫn. Nếu đoạn mạng súc sanh tức là khuyết giới, phải thọ lại. Nếu tự nói được pháp thượng nhơn, phải diệt tẫn. Nếu cố nói vọng ngữ trong chúng tức là khuyết giới, phải thọ lại. Nếu ăn phi thời tức là khuyết giới, phải thọ lại. Nếu uống rượu là khuyết giới, phải thọ lại. Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ 18 tuổi cho hai năm học giới nhưng không cho sáu pháp, tuổi đủ 20 cho thọ giới cụ túc, xướng ba yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề. Xướng hai yết-ma xong, ba đột-kiết-la. Xướng một yết-ma xong, hai đột-kiết-la. Bạch xong, một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, một đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đồng nữ 18 tuổi, học giới hai năm, cho sáu pháp rồi cho thọ giới cụ túc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[240] ĐIỀU 124[241] A. DUYÊN KHỞI 1. TRUYỀN THỌ CỤ TÚC Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới: đồng nữ 18 tuổi cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, trao giới cụ túc. Các tỳ-kheo-ni độ người mù lòa, chân đi khập khiểng, điếc, câm, ngọng, và các bệnh khác, [757a1] khiến Tăng bị chê bại khi dễ. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép đồng nữ 18 tuổi, cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, trao cho giới cụ túc. Tại sao các cô lại độ người mù lòa, và có các bệnh khác, khiến Tăng bị chê bại khi dễ? » Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni đối với đồng nữ 18 tuổi, nên cho hai năm học giới, (cho sáu pháp), đủ 20 tuổi, trao giới cụ túc. Tại sao các cô lại độ người mù lòa và người có các bệnh khác?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta chế lập giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma cho tỳ-kheo-ni.» 2. GIÁO THỌ GIÀ NẠN Nên trao cho như vầy: để người thọ giới đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong giới sư nên tác bạch sai vị giáo thọ sư. Nên tác bạch như vầy: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người kia tên là..., theo Hòa thượng ni tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tỳ-kheo-ni tên là... làm Giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.» Vị giáo thọ sư đến chỗ người xin thọ giới nói: «Này cô, đây là an-đà-hội, đây là uất-đa-la-tăng, đây là tăng-già-lê, đây là tăng-kỳ-chi, đây là phú kiên y,[242] đây là bát. Y bát này là của cô phải không? Cô hãy lắng nghe. Đây là lúc cần nói thật với lòng chơn thành. Nay tôi hỏi cô, thật thì cô nói thật, không thật thì cô nói không thật:[243] «Tên chữ của cô là gì?» «Hòa thượng của cô hiệu gì?» «Cô đủ 20 tuổi chưa?» «Y bát có đủ không?» «Cha mẹ có cho phép cô tu không?» «Phu chủ có cho phép cô tu không?» «Cô có mắc nợ không?» «Cô có phải là tôi tớ không?» «Cô là người nữ phải không?» «Người nữ có những bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, khô da, điên cuồng, hai hình, hai đường hiệp lại, tiểu tiện thường rỉ chảy, đại tiểu tiện đàm dãi chảy mãi. Cô có các bệnh như trên không?» Nếu người xin thọ giới trả lời là «không» thì nên bảo rằng: «Như những việc tôi vừa hỏi cô, giữa chúng Tăng cũng sẽ hỏi như vậy. Cô đã trả lời với tôi như thế nào thì giữa chúng cô cũng trả lời như vậy.» Vị giáo thọ sư hỏi rồi, với oai nghi như thường lệ, trở lại trong chúng, đứng chỗ ngang tầm cánh tay đưa ra đụng,[244] thưa: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ tên là..., theo Hòa thượng ni tên là..., xin thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã giáo thọ rồi, cho phép kêu người ấy vào. Đây là lời tác bạch.» Vị giáo thọ bảo: «Cô hãy vào!» 3. BẢN BỘ YẾT-MA Vào rồi, vị giáo thọ nên cầm y bát cho, bảo kỉnh lễ sát chân ni Tăng; rồi bảo quỳ gối trước mặt giới sư, chắp tay. Vị giáo thọ dạy bạch như sau: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Con tên là..., theo Hòa thượng ni tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Con tên là... nay đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Giới sư tác bạch: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là..., theo Hòa thượng ni tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ này đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là..., làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.» Vị giới sư nói: «Cô hãy lắng nghe! Nay là lúc phải chơn thành. Tôi hỏi cô, thật thì cô nói thật. Không thật thì cô nói không thật: «Tên chữ của cô là gì?» «Hòa thượng của cô hiệu gì?» «Cô đủ 20 tuổi chưa?» «Y bát của cô có đủ không?» «Cha mẹ cô có cho phép cô tu không?» «Phu chủ cô có cho phép cô tu không?» «Cô có mắc nợ ai không?» «Cô có phải là tôi tớ không?» «Cô là người nữ phải không?» «Người nữ có những bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, khô da, điên cuồng, hai hình, hai đường hiệp lại, tiểu tiện thường rỉ chảy, đại tiểu tiện đàm dãi chảy mãi. Cô có các bệnh như trên không?» Người thọ giới đáp: «Không.» Giới sư tác bạch: «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là..., theo Hòa thượng ni tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ tên là... này đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ- kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Người nữ tên là... tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, 20 tuổi, y bát đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho người nữ tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng, Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ tên là... theo Hòa thượng ni tên là... cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ tên là... này theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Người nữ tên là... tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, 20 tuổi, y bát đầy đủ. Nay Tăng trao cho người nữ tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trao cho người nữ tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã chấp thuận Tăng trao cho người nữ tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»[245]
Chú thích: [191] Pali, Pāc. 26. [192] Pali: gaṇassa cīvaralābhaṃ, sự nhận y của chúng (gaṇa: một nhóm, không phải Tăng: saṅgha) [193] Pali, Pāc. 25. Tăng kỳ: điều 71. [194] Pali, Pāc. 28. Cf. Thập tụng: điều 132. Tăng kỳ: điều 72. Ngũ phần: điều 87. Căn bản: điều 142. [195] Ngũ phần: y tỳ-kheo-ni. [196] Pali. Vin. iv. 286: samaṇacīvaraṃ…kappakataṃ, y của sa-môn, y đã được tác tịnh . [197] Pali, Pāc. 27. Ngũ phần: điều 84. Thạp tụng: điều 137. Căn bản: điều 147. [198] «Chỉ vì sợ…» Pali không có chi tiết này. Thập tụng: «khi Tăng chia y, mà không tùy thuận…» [199] Pali, cf. Pāc. 29. Tham chiếu, Ngũ phần (tr.96a29), điều 184: ngăn cản thọ y ca-thi-na. Thập tụng 46 (T23n1435, tr.336b14), ba-dật-đề 135: Thâu-lan-nan-đà hy vọng y mà chưa nhận được nên không thuận theo Tăng xả y ca-thi-na.» Xem ni-tát-kỳ 3 (thông giới). [200] Xuất Ca-thi-na y, xả tự nhiên do hết thời hiệu, hay do tác pháp xả. Duyên khởi điều học này, Luật Pali (Vin.iv. 287) nói, do một cư sĩ, nhân lễ lạc thành tinh xá mà ông dựng để cúng Tăng, yêu cầu Tăng tác pháp xả y ca-thi-na để ông được cúng dường y phi thời cho cả hai bộ. Nếu ca-thi-na chưa xả, y chỉ được phân chia cho các vị đã an cư trong trú xứ thôi. [201] Năm điều lợi trong thời gian của y ca-thi-na; tức 5 điều luật (ba-dật-đề 1, 2, 32, 33, 42) được nới lỏng (phóng xả). Xem Phần iii Ch. v, ở sau. [202] Tham chiếu Pali, Pāc. 29: dubbalacīvarapaccāsāya cīvarakālasamayaṃ atikkāme-yya, pācittiyan ti, đặt hy vọng nơi y không chắc chắn, nếu quá thời của y, ba-dật-đề. Cf. Thập tụng: «Hy vọng được y yếu, mà thọ ca-thi-na, ba-dật-đề.» [203] Thập tụng: điều 136. Căn bản: điều 146. [204] Xem điều 109 trên. [205] Pali, Pāc. 45. Căn bản: điều 148. [206] Pali: sādhū’ti sā paṭisuṇitvā pacchā anantarayikinī neva vūpasameyya..., «Cô ni ấy đã nhận lời, nhưng sau đó mặc dù không có bị trở ngại gì mà không cố dập tắt...» [207] Pali, Pāc. 46; tham chiếu, Pāc. 28. Tăng kỳ: điều 81. [208] Xem điều 107 trên. [209] Duyên khởi, Pali, Vin.iv 302: Thullanandā tự tay đưa thức ăn cứng và mềm cho vũ công và ca kỹ, như Pāc 28, thay «y sa-môn» (samaṇcīvaraṃ) bằng «thức ăn cứng và mềm» (khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā). [210] Hán: bạch y nhập ngoại đạo giả 白衣入外道者. Pali: agārikassa vā paribbājakassa vā paribbajikāya vā, «cho người tại gia hay nam nữ xuất gia (ngoại đạo).» Tham chiếu Pāc. 28. [211] Hán: khả đạm thực giả 可噉食者. Trong giới văn kết lần sau, không có chi tiết này. Pali: cho thức ăn cứng và mềm (khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā). [212] Xem cht. 212 trên. [213] Thực đạm 食噉 ; trong giới văn chỉ nói thực 食. Đây chỉ một trong hai loại thức ăn, cứng và mềm. Xem cht. 212 trên. [214] Pali, Pāc. 44. Căn bản: điều 153. Cf. Ngũ phần: điều 148. Tăng kỳ: điều 84. Thập tụng: điều 142 [215] Pali: gihiveyyāvaccaṃ kareyya, chấp tác công việc gia đình, phục dịch người tại gia. Cf. Ngũ phần, điều 148: «…vì ẩm thực mà chấp tác việc nhà của bạch y.» [216] Pali, Pāc. 43. Căn bản: điều 156 (& 155). Ngũ phần: điều 163 (cf. điều 197). Thập tụng: điều 146. [217] Đoạn trên, chưa thấy ở đâu. Có thể chỉ 10 loại sợi để dệt mười loại vải (y). Xem Phần I, ch. iii, ni-tát-kỳ 1, cht. 9. Pali: có 6 loại chỉ sợi (suttaṃ): khomaṃ (gai), kappāsikaṃ (gòn), koseyyaṃ (lụa), kambalaṃ (lông thú), sāṇaṃ (gai thô), bhaṅgaṃ (gai lớn để may bố). [218] Sách tuyến hợp tuyến 索線合線 . [219] Pali, Pāc. 42. [220] Pali không có chi tiết như vậy. Chỉ nói, các tỳ-kheo-ni dùng ghế dài (āsandī) hay ván ngựa (đi-văng, Pali: pallaṅka) [221] Pali, không có chi tiết này. [222] Tiểu sàng, đại sàng 小床大床 . Pali: āsandiṃ vā pallaṅkaṃ vā paribhuñjeyya, thọ dụng trường kỷ hay ghế đơn (thảm để ngồi kết già). Xem giải thích đoạn dưới. Cf. D. i. 7: Sa-môn Gotama không ngồi nằm trên các loại giường như āsandī (ghế bành?), pallaṅka… [223] Pali, không rõ tương đương. [224] Pali, Pāc. 49. Ngũ phần: điều 190 (tụng và dạy người tụng). Thập tụng: điều 140. Căn bản: điều 150. [225] Tạp chú thuật 雜咒術 , các môn học (chú thuật) tạp nhạp vô ích. Xem, Trường A-hàm 13, kinh «A-ma-trú», T1, tr.84c1. Xem, Pali, D. 9, liệt kê các loại chú thuật (tiracchāna-vijjā: khoa học súc sinh): aṅga-vijjā (chi tiết chú 支節咒), khoa xem tướng tay chân; khattiya-vijjā (sát-lị chú 剎利咒), khoa xem tướng cho vua chúa… [226] chuyển lộc luân 轉鹿輪 . Pali: miga-cakka. [227] Pali: tiracchānavijjā (súc sanh minh), được giải thích là các học thuật của thế gian, không liên hệ Thánh đạo. Các môn học này được coi là bắt nguồn từ Vệ đà (thần bí), nên cũng thường hiểu là minh chú. Trong điều luật này, quy định tỳ-kheo-ni không được học các môn học thế tục, chứ không phải chỉ cấm học bùa chú. [228] Như điều luật trên. Ở đây cấm dạy. Pali, Pāc. 50. Thập tụng: điều 141. Căn bản: điều 151. [229] Pali, Pāc. 61. Ngũ phần: điều 115. Căn bản: điều 111. [230] Pali, Pāc. 62. Ngũ phần: điều 116. [231] Ngũ phần: tân sản phụ 新產婦, đàn bà mới sinh con. [232] Pali, Pāc. 71. Tăng kỳ: điều 96. Thập tụng: điều 116. Căn bản: 115. [233] Pali: ūnavīsativassaṃ kumāribhūtaṃ, «thiếu nữ dưới 20 tuổi.» [234] Bản Hán, giới văn lần thứ hai có chỗ nhảy sót. Đây vẫn giữ nguyên theo Hán. [235] Pali, Pāc. 72 (nhập 2 điều: 122 & 123 làm một). Tăng kỳ: điều 97. Cf. Ngũ phần: điều 106. Căn bản: điều 116. [236] Pali: paripuṇṇavīsativassaṃ kumāribhūtaṃ dve vassāni chasu dhammesu asikhitasikkhaṃ vuṭṭhāpeyya, «cho thọ cụ túc thiếu đã đủ 20 tuổi nhưng chưa có hai năm học sáu pháp.» Cf. Ngũ phần (106): «…đồng nữ chưa đủ 18 tuổi mà cho học giới…» [237] Văn Hán có thể nhảy sót. Phải nói đủ: «tuổi 18 mà không cho hai năm học giới, khi tuổi đủ 20 liền cho thọ cụ túc.» [238] Pali, Pāc. 72. Cf. Tăng kỳ: điều 98. Căn bản: điều 119. [239] Tăng kỳ (điều 98): «… học chưa học đầy đủ học giới…» [240] Bản Hán, hết quyển 27. [241] Pali, Pāc. 73. Ngũ phần: điều 107. Tăng kỳ: điều 99. [242] Tỳ-kheo-ni phải đủ 5 y. Ba y, như tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni có thêm tăng-kì-chi (tăng-khước-kỳ; và phú kiên y. Pali (Vin.ii. 272): saṅkacchika (Tăng-kỳ-chi hay phú kiên y, hay yếm che ngực), udakasāṭika (quyết-tu-la, thủy dục y, quần hay váy để tắm mưa). Trong bản Hán, tăng-khước-kỳ và phú kiên y khác nhau. Có thể nhầm. Thập tụng 46 (T23n1435, tr.331c05): phú kiên y 覆肩衣 và quyết-tu-la 厥修羅. Ngũ phần 29 (T22n1421, tr.187c20): phú kiên y 覆肩衣, thủy dục y 水浴衣. Tăng kỳ 30 (T22n1425, tr.472b22): phú kiên y, vũ y 雨衣. [243] Luật Pali, có 24 già nạn (Pali: catuvīsati antarayike dhamme pucchī, Vin.ii. 272): 11 trường hợp dị dạng, 5 bệnh truyền nhiễm; còn lại tương tự với tỳ-kheo. [244] Hán: thư thủ tương cập 舒手相及, chỉ khoảng cách giữa các tỳ-kheo khi tác yết-ma. [245] Hết quyển 27. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 4. CHÁNH PHÁP YẾT-MA Các tỳ-kheo-ni Tăng nên dẫn người thọ giới đến giữa Tăng tỳ-kheo,[246] trống vai bên hữu, kính lễ sát chân Tăng, rồi đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là... theo Hòa thượng ni tên là... cầu thọ giới cụ túc. Nay con tên là... đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Xin Chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). Giới sư nên hỏi: «Tên chữ của ngươi là gì?» «Hòa thượng của ngươi hiệu gì?»... Cho đến câu: «Đàm dãi thường chảy ra...» như trước. Rồi hỏi tiếp: «Ngươi đã học giới thanh tịnh chưa?» Nếu cô ấy nói: «Học giới đã thanh tịnh,» thì lại hỏi các tỳ-kheo-ni: «Người này đã học giới thanh tịnh chưa?» Nếu các cô ni nói: «Học giới thanh tịnh.» Giới sư nên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người nầy tên là... theo Hòa thượng ni tên là... cầu thọ giới cụ túc. Nay người nầy tên là... đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Người nầy tên là... đã học giới thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho người nữ tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... theo Hòa thượng ni tên là... cầu thọ giới cụ túc. Nay, người nầy tên là... theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Người này tên là... đã học giới thanh tịnh. Nay, Tăng trao cho người có tên... nầy giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao cho cô có tên... giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là... làm Hòa thượng thì im lặng.[758a1] Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy). «Chúng Tăng đã chấp thuận cho cô có tên là... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» 5. THUYẾT BA-LA-DI-PHÁP «Này Thiện nữ, hãy lắng nghe! Tám pháp ba-la-di sau đây do đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác nói ra. Người nào phạm, chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích: 1/ Không được hành bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Nếu tỳ-kheo-ni có ý thích hành bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 2/ Không được trộm cắp, cho đến một lá cây, cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo-ni ăn trộm của người năm tiền, hoặc hơn năm tiền, tự mình lấy hay dạy người lấy; tự mình bẻ hay dạy người bẻ; tự mình chặt hay dạy người chặt; tự mình phá hay dạy người phá; hoặc đốt; hoặc chôn; hoặc làm hoại sắc, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 3/ Không được cố ý đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo-ni, tự tay mình cố ý đoạn mạng người, hoặc cầm dao trao cho người, hoặc bảo nên chết, khuyến khích chết, hoặc cho người uống thuốc độc, hoặc làm cho đọa thai, hoặc nguyền rủa độc chú cho chết, hoặc mình tự làm hay dạy người làm, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 4/ Không được nói dối, cho đến nói giỡn. Nếu tỳ-kheo-ni không chơn thật, chẳng phải là mình có mà tự xưng là tôi được pháp thượng nhơn, tôi đắc thiền, đắc giải thoát, được tam-muội chánh thọ, đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán; nói, ‹có Trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi,› thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 5/ Không được thân chạm nhau, cho đến cùng với súc sanh, Nếu tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau, từ nách trở xuống, từ gối trở lên, hoặc nắm, hoặc sờ, hoặc kéo, hoặc đẩy, vuốt ngược, vuốt xuôi, nâng lên, để xuống, hoặc nắm, hoặc nắn bóp, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 6/ Không được phạm tám sự, cho đến cùng với súc sanh. Nếu tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô bằng lòng cho người nam có tâm nhiễm ô nắm tay, nắm y, vào chỗ vắng, chỗ vắng cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng đi, thân gần gũi nhau, cùng hẹn nhau; phạm tám sự này, người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Vì phạm tám sự. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 7/ Không được che dấu tội của người, cho đến tội đột-kiết-la, ác thuyết. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni khác phạm tội ba-la-di, mà không tự cử tội, không bạch với Tăng, không báo với nhiều người. Thời gian sau, tỳ-kheo-ni này thôi tu, hay bị diệt tẫn, hoặc bị ngăn không cho dự Tăng sự, hoặc theo ngoại đạo, khi ấy mới nói, ‹Trước đây tôi biết việc như vậy như vậy,› thì người nói chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Vì che dấu trọng tội. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 8/ Không được tùy thuận tỳ-kheo bị cử tội, cho đến người giữ vườn và sa-di. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo kia bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo ấy không phục tùng, không sám hối. Tăng chưa tác pháp cho tỳ-kheo ấy sống chung, mà tùy thuận với tỳ-kheo ấy; tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni nầy rằng: ‹Nầy cô, cô có biết chăng? Tăng đã cử tội tỳ-kheo này như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo ấy không phục tùng, không sám hối. Tăng chưa tác pháp cho tỳ-kheo ấy sống chung, cô đừng tùy thuận.› Khi tỳ-kheo-ni khác can gián mà tỳ-kheo-ni này kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần, cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ thì tỳ-kheo-ni này không phải là tỳ-kheo-ni, không phải người nữ dòng họ Thích. Vì tùy thuận theo người bị cử. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?» Nếu giữ được thì trả lời: «Được.» 6. TRUYỀN PHÁP TỨ Y «Này thiện nữ, hãy lắng nghe! Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, nói pháp tứ y[247]. Tỳ-kheo-ni nương nơi đó được xuất gia, thọ giới cụ túc, thành tỳ-kheo-ni. 1/ Nương theo y phấn tảo đặng xuất gia, thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?» Giữ được thì nói: «Được.» «Nếu được của lợi dư, đàn-việt thí y, loại y cắt rọc, thì được thọ.» 2/ Nương theo sự khất thực mà được xuất gia, thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?» Giữ được thì nói: «Được.» «Nếu được của lợi dư, hoặc Tăng sai đi thọ thực, đàn-việt đem thức ăn đến, thức ăn ngày mồng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm hay mồng một trong tháng, hoặc thường thực của chúng Tăng, hay đàn-việt mời thọ thực thì có thể thọ.» 3/ Nương nơi gốc cây mà ngồi, đặng xuất gia thọ cụ túc giới, thành pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?» Giữ được thì nói: «Được.» «Nếu được của lợi dư, phòng riêng, nhà nóc nhọn, phòng nhỏ, nhà bằng đá, hai phòng có một cửa thì nên thọ.» 4/ Nương nơi thuốc hủ lạn,[248] mà được xuất gia thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?» Giữ được thì nói: «Được.» «Nếu được của lợi dư như sữa, dầu, sữa sống, mật, đường phèn thì nên thọ.» 7. GIÁO GIỚI «Ngươi đã thọ giới cụ túc rồi; bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu đúng cách, Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, hai bộ Tăng như pháp đầy đủ. Ngươi nên khéo thọ giáo pháp, nên khuyến hóa làm việc phước, tu bổ tháp, cúng dường chúng Tăng. Hòa thượng, A-xà-lê, những gì các ngài dạy như pháp, ngươi không được chống trái. Ngươi nên học vấn tụng kinh, siêng cầu phương tiện, để ở trong pháp của Phật, chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có như vậy, công đức sơ phát tâm xuất gia của ngươi, không bị uổng phí, quả báo không đoạn tuyệt. Ngoài ra những gì chưa biết, ngươi nên hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.» Xong rồi, khiến người mới thọ giới đi trước, chư ni đi sau. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ 18 tuổi, cho học giới hai năm, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, chúng Tăng không chấp thuận[249] mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cũng như trên. Tỳ-kheo-ni nào đối với người nữ 20 tuổi, có hai năm học giới, đã cho sáu pháp, nhưng chúng Tăng không cho phép mà cho thọ giới cụ túc; yết-ma xong ba lần, Hòa thượng ni, ba-dật-đề; yết-ma hai lần xong, ba đột-kiết-la; yết-ma một lần xong, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đủ 20 tuổi, có hai năm học giới, (cho sáu pháp), chúng Tăng cho phép thọ giới cụ túc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 125[250] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, [759a1] các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo-ni trao giới cụ túc cho người. Chư ni độ phụ nữ nhỏ tuổi[251] cho thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi, không biết nam tử có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, cùng với nam tử có tâm nhiễm ô cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng nhau đùa giỡn. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo-ni độ người khác thọ giới cụ túc. Sao các cô lại độ người phụ nữ nhỏ tuổi đã từng có chồng,[252] thọ giới cụ túc? Thọ giới rồi, không biết nam tử có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, mà cùng với nam tử có tâm nhiễm ô, cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng nhau giỡn đùa.» Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô lại độ người phụ nữ nhỏ tuổi đã từng có chồng, thọ giới cụ túc? Thọ giới rồi, không biết nam tử có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, mà cùng với nam tử có tâm nhiễm ô, cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng nhau giỡn đùa.» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, muốn độ người, trao giới cụ túc, trước phải bạch chúng Tăng, rồi mới cạo đầu, cho đến trao cho mười giới như trên. «Từ nay về sau, cho phép độ người nữ 10 tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, khi đủ 12 tuổi, cho thọ giới cụ túc, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ phụ nữ 10 tuổi đã từng có chồng,[253] cho hai năm học giới, đủ 12 tuổi mới cho thọ giới cụ túc; nếu dưới 12 tuổi mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.[254] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni biết người dưới 12 tuổi mà cho thọ giới cụ túc, ba lần yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề; hai lần yết-ma xong, phạm ba đột-kiết-la; một lần yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch rồi, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: độ khi 10 tuổi, cho hai năm học giới, đến 12 tuổi cho thọ giới cụ túc, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 126[255] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới, được độ người nữ 10 tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, đến đủ 12 tuổi, cho thọ giới cụ túc. Chư ni độ người mù lòa, chân khập khểnh, điếc và có các bệnh khác, khiến chúng Tăng bị chê ba, biếm nhẻ.[256] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới, cho độ phụ nữ 10 tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, đủ 12 tuổi cho thọ giới cụ túc. Sao các cô lại độ người mù lòa, điếc và có các bệnh khác, khiến chúng Tăng bị biếm nhẻ?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Thế tôn chế giới, cho phép tỳ-kheo-ni độ phụ nữ 10 tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, đủ 12 tuổi cho thọ giới cụ túc. Sao các cô lại độ người mù lòa, điếc và có các bệnh khác, khiến chúng Tăng bị biếm nhẻ?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép thọ giới cụ túc, bằng bạch tứ yết-ma, nên trao cho như vầy: Dẫn người thọ giới đến chỗ mắt thấy, tai không nghe... cho đến câu: «Tôi đã giáo thọ xong.» Cho phép kêu vào cũng như trên.[257] Khi đã đến trong Tăng, Giới sư tác bạch hỏi nạn sự cho đến bạch tứ yết-ma như trên, và đến giữa đại Tăng cho thọ giới. Tất cả đều như trên, đồng với pháp của đồng nữ 18 tuổi. «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ phụ nữ tuổi nhỏ đã từng có chồng, cho hai năm học giới, đủ 12 tuổi không bạch với chúng Tăng[258] mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, độ người phụ nữ tuổi nhỏ đã từng có chồng, cho hai năm học giới, tuổi đủ 12 không bạch với chúng Tăng mà cho thọ giới cụ túc, ba yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề; hai yết-ma xong, ba đột-kiết-la; một yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: độ phụ nữ 12 tuổi đã từng có chồng, bạch chúng Tăng trước khi thọ giới cụ túc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 127[259] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni độ dâm nữ, cho thọ giới cụ túc. Những người nữ quen thân với họ thấy vậy cùng nhau bàn, nói: «Dâm nữ này trước kia cùng chúng tôi làm những việc như vậy như vậy.» Tỳ-kheo-ni vừa được độ và các tỳ-kheo-ni khác nghe, đều xấu hổ. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Sao các cô lại độ dâm nữ cho thọ giới cụ túc? » Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô lại độ dâm nữ, cho thọ giới cụ túc?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cho người như vậy[260] thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết là người như vậy hay chẳng phải là người như vậy, sau mới biết, nên các vị tác pháp ba-dật-đề, có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người như vậy mà cho thọ giới cụ túc,[261] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Người như vậy:[262] chỉ cho dâm nữ. Người ấy, hoặc có phu chủ, hoặc có anh em của phu chủ, cho đến người tư thông cũ. Tỳ-kheo-ni cho người như vậy thọ giới cụ túc thì [760a1] nên dẫn họ đi xa cách năm, sáu do-diên (do-tuần).[263] Nếu không đi được, cho lánh vào chỗ thâm kín. Tỳ-kheo-ni độ người như vậy xuất gia, thọ giới cụ túc rồi, không dẫn họ đi xa cách năm, sáu do tuần, hay lánh mình vào chỗ thâm kín, ba-dật-đề.[264] Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước không biết là người như vậy liền cho thọ giới cụ túc; hoặc dẫn người ấy đi xa cách năm, sáu do tuần; hoặc bảo người dẫn đến chỗ xa năm, sáu do diên, hay ở chỗ lánh mình thâm kín. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não,, bức bách. ĐIỀU 128[265] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni An Ẩn[266] độ nhiều đệ tử, mà không dạy bảo. Do không được dạy bảo nên họ không xét theo oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi,[267] hoặc thọ thực với bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, y như pháp tụ hội của bà-la-môn. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni thấy vậy, bảo rằng: «Nầy, cô em! Tại sao các cô không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh? Khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn!» Các tỳ-kheo-ni ấy thưa: «Chúng con là đệ tử của tỳ-kheo-ni An Ẩn. Thầy con nuôi đệ tử nhiều nhưng không giáo giới chúng con. Do không được giáo giới nên như vậy!» Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni An Ẩn: «Sao cô nuôi nhiều đệ tử mà không dạy bảo? Do không dạy bảo nên có nhiều việc làm không như pháp.» Quở trách rồi tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn rằng: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô nuôi nhiều đệ tử mà không dạy bảo để chúng không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh; khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ nhiều đệ tử, mà trong hai năm không dạy học giới, không chăm sóc bằng hai pháp,[268] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Hai pháp: một là pháp, hai là y và thực. - Chăm sóc bằng pháp:[269] dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, học vấn, tụng kinh. - Chăm sóc bằng y và thực: cho y thực, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men, tùy theo khả năng mà cung cấp các thứ cần dùng. Tỳ-kheo-ni nào, nuôi nhiều đệ tử cho thọ giới cụ túc, mà trong hai năm không dạy học giới, không nhiếp hóa bằng hai pháp, ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu đã độ mà có cho học giới trong hai năm, dùng hai việc nhiếp hóa, một là pháp, hai là y thực. Hoặc họ thọ giới cụ túc, rồi bỏ Hòa thượng đi, hoặc phá giới, phá kiến, phá oai nghi; hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 129[270] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni độ nhiều đệ tử. Khi được độ rồi, bỏ Hòa thượng đi, nên không nhận được mọi sự dạy dỗ, không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn. Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi: «Nầy, các cô em! Tại sao các cô không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ bát bất tịnh thực; khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Các tỳ-kheo-ni ấy thưa: «Chúng con thọ giới cụ túc rồi, bỏ Hòa thượng đi, không nhận được sự giáo dục nên như thế!» Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô em thọ giới rồi, bỏ Hòa thượng đi, để không nhận được sự giáo dục, không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh? Khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Các tỳ-kheo-ni quở trách rồi, đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên Đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni. «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao thọ giới cụ túc rồi, các cô lại lìa bỏ Hòa thượng đi, nên không được sự giáo dục, không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh? Khi tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không có hai năm theo Hòa thượng ni,[271] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni không có hai năm theo Hòa thượng ni, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: thọ giới cụ túc rồi, hai năm theo Hòa thượng ni; hoặc Hòa thượng cho phép đi thì được đi; hoặc Hòa thượng phá giới, phá kiến, phá oai nghi; hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, trong hai năm phải xa lìa; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 130[272] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn chế giới, cho phép độ người thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo-ni ngu si độ người mà không biết giáo dục. Do không được giáo dục nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực với bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì cao tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn. Các Tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các Tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn chế giới, cho phép độ người. Tại sao các cô là người ngu si cũng vội độ người mà không biết giáo dục. Do không được giáo dục nên họ không xét biết oai nghi, cho đến khi tiểu thực đại thực lớn tiếng [761a1] kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn.» Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên ĐứcThế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao đức Thế tôn chế giới, tuy cho phép độ người, nhưng các cô hạng ngu si, cũng vội độ người mà không biết giáo dục. Do không giáo dục, nên họ không xét biết oai nghi, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ bát bất tịnh thực. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn.» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: YẾT-MA SÚC CHÚNG Từ nay về sau, cho phép Tăng bạch nhị yết-ma để cho phép người muốn trao giới cụ túc cho kẻ khác. Người ấy đến giữa Tăng cầu xin, nên cầu như vầy: đến trong chúng tỳ-kheo-ni, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân các tỳ-kheo-ni, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, bạch: «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe. Tôi tỳ-kheo-ni tên là...,[273] cầu xin chúng Tăng cho phép độ người thọ giới cụ túc.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Tỳ-kheo-ni Tăng nên xem xét người ấy, nếu đủ khả năng giáo dục, cho học giới trong hai năm, chăm sóc bằng hai sự, một là pháp, hai là y thực, thì thuận cho. Nếu không đủ khả năng giáo dục, không thể cho học giới trong hai năm, chăm sóc bằng hai sự, thì nên nói: «Nầy cô, thôi đi! Đừng nên độ người.» Nếu cô ấy có trí tuệ, có khả năng giáo dục, cho học giới trong hai năm, chăm sóc bằng hai sự, thì ni chúng nên sai một vị có thể yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo-ni này tên là...[274], nay đến giữa chúng Tăng cầu xin pháp trao giới cụ túc cho người. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tỳ-kheo-ni tên là..., trao giới cụ túc cho người. Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo-ni này tên là..., nay đến giữa chúng Tăng cầu xin phép trao giới cụ túc cho người. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo-ni tên là..., pháp trao giới cụ túc cho người. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni tên là..., pháp trao giới cụ túc cho người thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận cho tỳ-kheo-ni tên là..., pháp trao giới cụ túc cho người rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào,[275] Tăng không cho phép mà trao giới cụ túc cho người, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Cho phép: chúng Tăng bạch nhị yết-ma, cho phép tỳ-kheo-ni kia. Nếu Tăng không cho phép mà trao giới cụ túc cho người, ba-dật-đề. Chúng Tăng không cho phép bèn cho người y chỉ, hoặc nuôi sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Chúng Tăng cho phép trao giới cụ túc cho người, nhận tỳ-kheo-ni y chỉ và nuôi sa-di-ni, thức-xoa-ma-na. Đó gọi là không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 131[276] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới, cho phép tỳ-kheo-ni đến giữa chúng Tăng xin phép trao giới cụ túc cho người. Tỳ-kheo-ni tân học thiếu niên cũng đến chúng Tăng xin phép trao giới cụ túc cho người, rồi không thể giáo dục. Do không được giáo dục cho nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn! Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô nghe đức Thế tôn chế giới cho phép độ người. Tại sao các cô không biết mình là tân học niên thiếu, mà cũng xin phép trao giới cụ túc cho người, rồi không thể giáo dục. Do không được giáo dục nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh... cho đến tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Các tỳ-kheo-ni quở trách rồi thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni nầy: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô là tân học niên thiếu mà xin phép trao giới cụ túc cho người, để rồi không thể giáo dục được. Do không được giáo dục nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni nầy rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, tuổi chưa đủ 12, trao giới cụ túc cho người, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Nếu tỳ-kheo-ni tuổi (hạ) dưới 12, trao giới cụ túc cho người, ba-dật-đề; hoặc dưới 12, cho người y chỉ, hay nuôi thức-xoa-ma-na, sa-di-ni; tất cả đều đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Sự không phạm: tuổi (hạ) đủ 12 trao giới cụ túc cho người; hoặc cho người y chỉ; hay nuôi thức-xoa-ma-na, sa-di-ni; thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 132[277] Một thời, Đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, đức Thế tôn chế giới cho phép ni 12 tuổi hạ được trao giới cụ túc cho người, đều tự xưng rằng, mình đã đủ 12 hạ. Mặc dầu là ngu si, vội trao giới cụ túc cho người, mà không biết giáo dục. Do không được giáo dục nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực kêu la lớn tiếng, như pháp tụ hội của bà-la-môn. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni nầy: «Sao các cô nghe đức Thế tôn chế giới, cho phép ni đủ 12 hạ được trao giới cụ túc cho người, các cô tự xưng là mình đủ 12 hạ, cầu xin trao giới cụ túc cho người? Trong khi đó các cô là người ngu si không biết giáo dục. Do không được giáo dục nên người được độ họ không biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp... cho đến như pháp tụ hội của bà-la-môn.» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni nầy: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô tự xưng là mình đủ 12 tuổi hạ, [762a1] cầu xin trao giới cụ túc cho người. Trong khi đó các cô là người ngu si không biết giáo dục. Do không được sự giáo dục nên người được độ không biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp... cho đến như pháp tụ hội của bà-la-môn?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni nầy rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đủ 12 hạ, chúng Tăng không cho phép, mà trao giới cụ túc cho người,[278] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào đủ 12 hạ chúng Tăng không cho phép mà trao giới cụ túc cho người, ba-dật-đề. Chúng Tăng không cho phép mà nhận người y chỉ và nuôi thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: tuổi đủ 12, chúng Tăng cho phép trao giới cụ túc cho người và cho người y chỉ, nuôi thức-xoa-ma-na, sa-di-ni thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 133[279] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni ngu si,[280] không thể giáo dục được đến chúng Tăng cầu xin trao giới cụ túc cho người. Các tỳ-kheo-ni can gián: «Này cô em, Thôi đi! Đừng đến chúng Tăng cầu xin trao giới cụ túc cho người.» Cô ni đến xin Tăng cho trao giới cụ túc cho người, không được Tăng chấp thuận, bèn nói: «Các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh. Thương ai thì cho, ai không thương thì không cho.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Sao, các cô là người ngu si, lại đến Tăng xin trao giới cụ túc cho người. Các cô lại nói: ‹Các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh, thương ai thì cho, ai không thương thì không cho.›» Chư ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các cô là người ngu si, sao lại đến Tăng xin trao giới cụ túc cho người? Các Tỳ-kheo-ni can gián rằng: ‹Này cô em, thôi đi! Đừng đến chúng Tăng cầu xin trao giới cụ túc cho người.› Các cô lại nói: ‹Các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh, thương ai thì cho, ai không thương thì không cho.›» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, Tăng không cho phép trao giới cụ túc cho người, mà nói rằng: ‹Chúng Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh, muốn cho ai thì cho, không muốn cho ai thì không cho,›[281] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: nghĩa cũng như trên. Không cho phép: chúng Tăng nói, «Cô em, thôi đi! Đừng xin trao giới cụ túc cho người.» Cô ni kia không được Tăng cho phép trao giới cụ túc cho người, mà nói: «Các Tỳ-kheo-ni có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh. Người thương thì cho, người không thương thì không cho;» nói rõ ràng thì ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, đột-kiết-la, Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: sự việc kia, sự thật là có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh, thương ai thì cho, không thương thì không cho; hoặc nói vui đùa, nói gấp gáp, nói chỗ vắng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc kia; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 134[282] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni khi nghe đức Thế tôn chế giới cho phép độ người thọ giới cụ túc, thì vội độ cho thọ giới cụ túc những người mà cha mẹ hay phu chủ chưa cho phép. Sau khi thọ giới cụ túc rồi, cha mẹ hay phu chủ họ đến dẫn về. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nói: «Sao các cô khi nghe đức Thế tôn chế giới, cho phép độ người, thì vội độ những người mà cha mẹ hay phu chủ không cho, khiến cho cha mẹ hay phu chủ họ đến dẫn về?» Các tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo bạch lên Đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao Thế tôn chế giới cho phép độ người, thì vội độ những người mà cha mẹ hay phu chủ không cho; để rồi, sau đó, cha mẹ hay phu chủ họ đến dẫn về?» Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, trao giới cụ túc cho người[283] mà cha mẹ hay phu chủ không đồng ý, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, nếu trao giới cụ túc cho người mà cha mẹ hay phu chủ họ không cho phép, ba phen yết-ma xong, Hòa thượng ba-dật-đề; hai phen yết-ma xong, ba đột-kiết-la; một phen yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, một đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, phương tiện Tăng bạch, cho cạo tóc, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: người đó được cha mẹ hay phu chủ cho phép, hoặc không có cha mẹ hay phu chủ thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 135[284] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni khi nghe đức Thế tôn chế giới được độ người. Các tỳ-kheo-ni bèn độ cho thọ giới cụ túc người nữ[285] đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, dễ mừng, dễ giận. Thọ giới cụ túc rồi, cô ấy vì nhớ nghĩ đến đàn ông nên sầu ưu, dễ nổi nóng giận, cùng gây sự với các tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn chế giới được độ người. Sao các cô lại độ cho thọ giới cụ túc người nữ đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, dễ mừng, dễ giận? Thọ giới cụ túc rồi, cô ấy vì nhớ nghĩ đến đàn ông nên sầu ưu, dễ nổi nóng giận, cùng gây sự với các tỳ-kheo-ni?» Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao [763a1] các cô lại độ cho thọ giới cụ túc người nữ đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, dễ mừng, dễ giận? Thọ giới cụ túc rồi, cô ấy vì nhớ nghĩ đến đàn ông nên sầu ưu, dễ nổi nóng giận, cùng gây sự với các tỳ-kheo-ni.» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ cho xuất gia thọ giới cụ túc người nữ đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, hay sân hận, ba-dật-đề. Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni không biết người ấy có hay không đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, hay sân hận, sau mới biết cô ấy đang luyến ái đàn ông, con trai, nên có vị tác pháp sám ba-dật-dề, có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người nữ đang luyến ái đàn ông, con trai, hay sầu ưu, hay sân hận, mà độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Người nữ đang luyến ái đàn ông con trai, tư thông nhau; cô ấy hay sầu ưu, hay sân nhuế; sau khi thọ giới cụ túc rồi, do nhớ tưởng đàn ông nên hay gây gỗ với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni biết người nữ đang luyên ái đàn ông con trai, tư thông nhau; cô ấy hay sầu ưu, hay sân nhuế; mà cho thọ giới cụ túc, yết-ma lần thứ ba xong, Hòa thượng ni phạm ba-dật-đề. Yết-ma lần thứ hai xong, phạm ba đột-kiết-la. Yết-ma lần đầu xong, hai đột-kiết-la. Bạch rồi, một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, mà cho cạo tóc, cho thọ giới, tập đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: trước không biết; hoặc tin lời của người đáng tin; hoặc tin lời của cha mẹ họ; hoặc thọ giới cụ túc rồi bệnh ấy mới sanh; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 136[286] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nói với thức-xoa-ma-na rằng: «Cô học việc này, cô bỏ việc này; tôi sẽ trao giới cụ túc cho cô.»[287] Thức-xoa-ma-na bằng lòng. Thức-xoa-ma-na này là người thông minh trí tuệ, có khả năng khuyến hóa, nên Thâu-la-nan-đà có ý nghĩ, muốn khiến cho thức-xoa-ma-na khuyến hóa lâu dài để cúng dường mình. Do vậy, không tạo phương tiện sắp xếp để trao giới cụ túc cho thức-xoa-ma-na. Thức-xoa-ma-na hiềm trách Thâu-la-nan-đà như vầy: «Cô bảo con bỏ việc này, học việc này; cô sẽ trao giới cụ túc. Tại sao đến nay, cô không tạo phương tiện để trao giới cụ túc cho con?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-la-nan-đà rằng: «Sao cô nói với thức-xoa-ma-na: ‹Bỏ việc này. Học việc này. Tôi sẽ trao giới cụ túc.› Mà lại không trao giới cụ túc cho cô ấy?» Tỳ-kheo-ni liền đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Sao cô nói với thức-xoa-ma-na: ‹Bỏ việc này, học việc này; tôi sẽ trao giới cụ túc.› Mà lại không trao giới cụ túc cho cô ấy?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nói với thức-xoa-ma-na rằng: ‹Cô em, bỏ việc này, học việc này, tôi sẽ trao giới cụ túc cho.› Nếu không tạo phương tiện để trao giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni kia nói thức-xoa-ma-na rằng: «Này cô em, cô bỏ việc này, học việc này, tôi sẽ trao giới cụ túc cho cô.» Sau, không tạo phượng tiện để trao giới cụ túc cho cô ấy, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu hứa trao giới cụ túc, rồi trao giới cụ túc; hoặc bị bệnh, hoặc không cùng sinh hoạt; hoặc không có 5 y; hoặc không đủ chúng mười vị; hoặc khuyết giới, hoặc phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc bị diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do việc ấy đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không tạo phương tiện để trao giới cụ túc; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 137[288] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có thức-xoa-ma-na mang chiếc y đến trong Tăng-già-lam, chỗ ở của các tỳ-kheo-ni, thưa: «Cho con giới cụ túc, con sẽ biếu chiếc y này.» Khi ấy tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nói: «Này cô em, cô đưa chiếc y cho tôi, tôi sẽ trao giới cụ túc cho.» Thức-xoa-ma-na liền đem chiếc y đưa cho Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà. Thâu-la-nan-đà nhận y rồi, không tạo phương tiện trao giới cụ túc cho thức-xoa-ma-na. Thức-xoa-ma-na cơ hiềm nói: «Cô nói với con, đưa chiếc y cho cô, cô sẽ trao giới cụ túc cho. Cô nhận y rồi, sao không trao giới cụ túc cho con?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-la-nan-đà: «Cô nói với thức-xoa-ma-na: ‹Này cô em, cô đưa chiếc y cho tôi, tôi sẽ trao giới cụ túc cho.› Cô đã nhận y rồi, sao không trao giới cụ túc cho?» Quở trách xong, chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà rằng: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Cô nói với thức-xoa-ma-na: ‹Này cô em, cô đưa chiếc y cho tôi, tôi sẽ trao giới cụ túc cho.› Cô đã nhận y rồi, sao không trao giới cụ túc cho?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, nói với thức-xoa-ma-na:[289] ‹Cô đưa y cho tôi, tôi sẽ trao giới cụ túc cho;› mà không tạo phương tiện trao giới cụ túc cho, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Y: có mười loại, cũng như trên. Tỳ-kheo-ni nào nói với thức-xoa-ma-na: «Cô đưa y cho tôi, tôi sẽ trao cho cô giới cụ túc.» Nhận y rồi, không tạo phương tiện trao giới cụ túc, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hứa cho thọ giới cụ túc rồi trao cho giới cụ túc; hoặc bị bệnh; hoặc không cùng sinh hoạt với nhau nữa; hoặc không có 5 y; hoặc không đủ chúng mười vị; hoặc bị khuyết giới, hoặc bị phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử, [764a1] hoặc bị diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do việc ấy đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không tạo phương tiện để trao giới cụ túc thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 138[290] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn nhiều đệ tử, trao cho giới cụ túc mà không thể giáo dục cho chu đáo. Do không được giáo dục cho nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn. Các Tỳ-kheo-ni nghe rồi hỏi: «Sao các cô không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh? Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp hội họp của bà-la-môn?» Các cô liền trả lời: «Chúng con là đệ tử của tỳ-kheo-ni An Ẩn. Thầy chúng con không dạy nên chúng tôi không biết!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni An Ẩn: «Cô độ nhiều đệ tử, không giáo dục được hết. Do không được giáo dục cho nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn.» Các tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn rằng: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Cô độ nhiều đệ tử, không giáo dục được hết. Do không được giáo dục cho nên họ không xét biết oai nghi, mặc y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, thọ bất tịnh thực khắp nơi, hoặc thọ thực bát bất tịnh. Khi tiểu thực đại thực thì lớn tiếng kêu la, như pháp tụ hội của bà-la-môn.» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chưa đầy 12 tháng, trao giới cụ túc cho người nữa,[291] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni đủ 12 tháng được trao giới cụ túc cho người nữa; đủ 12 tháng được cho người nữa y chỉ; đủ 12 tháng được trao giới thức-xoa-ma-na, cho hai năm học giới; đủ 12 tháng được độ sa-di-ni. Tỳ-kheo-ni nào chưa đầy12 tháng trao giới cụ túc cho người nữa, ba-dật-đề; chưa đầy 12 tháng cho người y chỉ, độ thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: đủ 12 tháng trao giới cụ túc cho người, đủ 12 tháng cho người y chỉ, trao giới thức-xoa-ma-na, hai năm học giới. Độ sa-di-ni thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 139[292] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni khi nghe đức Thế tôn chế giới cho phép trao cho người giới cụ túc. Họ bèn ở trong ni chúng trao giới cụ túc; rồi để cách đêm mới đến trong Tăng tỳ-kheo để cầu nhận giới cụ túc.[293] Trong khoảng thời gian đó, người tân thọ giới hoặc bị mù lòa, điếc hay chân đi khập khểnh và các chứng bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới được độ người. Sao các cô độ người mù lòa, ngu si, điếc, chân đi khập khểnh và các loại bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng?» Quở trách rồi, chư ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô độ người mù lòa, ngu si, điếc, chân đi khập khểnh và các loại bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, cho người thọ giới cụ túc, để cách đêm mới dẫn đến trong tỳ-kheo tăng xin nhận giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nên ngay trong ngày thọ giới cụ túc, liền dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni nào, cho thọ giới cụ túc, để cách đêm mới dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc, ba-dật-đề. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ngay trong ngày thọ giới cụ túc, liền dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc. Hoặc muốn dẫn đến để xin giới cụ túc, người vừa thọ giới bị bệnh, hay bị đường sá trở ngại, hoặc có nạn thú dữ, hay nạn giặc, nạn nước lớn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, không thể trong ngày đó dẫn đến trong chúng tỳ-kheo được, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [294]
Chú thích: [246] Xem ba-dật-đề 139. [247] Luật Pali, chỉ truyền ba y (tasso nissaye). Vì tỳ-kheo-ni trọn đời không được sống tại trú xứ a-lan-nhã. Nếu sống tại đó, phạm đột-kiết-la (Vin.ii. 278: na bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ. yā vaseyya āpatti dukkaṭassā ti.). Xem Tứ phần 49 (T22n1428, tr.928a17). [248] Hủ lạn dược 腐爛藥, được hiểu theo nghĩa đen là «thuốc mục nát» truyền thống Pali hiểu nó là «nước đái quỷ.» Xem Trung bộ kinh I, 315b – tức Pali gọi là pūti-mutta (định nghĩa của PTS Pali-English Dictionary: nước tiểu có mùi rất hôi; thường là nước tiểu của trâu bò được dùng làm thuốc cho tỳ-kheo.) Trong đó, mutta, nếu hiểu tương đương với mukta thì có nghĩa là «cái được trích ra.» Còn pūti, tiếng Phạn cũng vậy; có ba gốc động từ khác nhau. Hoặc từ pūy: bốc thổi, hoặc từ pū: tinh lọc; hoặc từ pā: uống. Nếu hiểu từ kép Pali pūti-mutta gồm có pūti do động từ căn pūy và mutta tức là mūtra, như vậy sẽ có nghĩa nước đái độc thối, hoặc nước đái quỷ hoặc hủ lạn dược như Hán dịch, có lẽ không chính xác, và điều này phản lại nguyên lý y học thường được thấy trong các kinh điển, theo đó, tùy bịnh cho thuốc. Có lẽ nên hiểu từ kép này do động từ căn pū và mukta, nó sẽ có nghĩa loại thuốc được rút ra từ tinh dầu hoặc tinh cốt của các loại thảo mộc. Điều này phù hợp với điểm được qui định trong luật: tỳ-kheo không được dùng các loại cây, rau cỏ đang sống và tươi làm thức ăn, trừ trường hợp đã tác tịnh. Về dịch ngữ khác tương đương hủ lạn dược do Nghĩa Tịnh là trần khí dược 陳棄藥 có thể gần sát ý nghĩa vừa nói. Dẫn Yết-ma-yếu chỉ, Ch. iii, cht. 91. [249] Pali (Vin. iv. 329): saṅghena asammataṃ, Tăng chưa hứa khả; giải thích: ...ñattidutiyena kammena vuṭṭhānasamutti na dinnā hoti, không được cho phép bằng bạch nhị yết-ma. Cf. Pāc. 64: Thức-xoa-ma-na đủ 2 năm học giới, thỉnh cầu Tăng truyền cụ túc. Tăng tác pháp bạch nhị chấp nhận thỉnh cầu. Sau đó tiến hành thủ tục truyền thọ cụ túc. [250] Pali, Pāc. 65 & 66. Ngũ phần: điều 104. Tăng kỳ: điều 100 & 101 & 102. Thập tụng: điều 108. Căn bản: 108. [251] Thiếu niên phụ nữ 少年婦女; bản Hán dịch sót ý. Nên hiểu: «Thiếu nữ nhỏ tuổi đã có chồng.» Xem đoạn dưới. [252] Hán: thiếu niên tằng giá phụ nữ 少年曾嫁婦女. Pali (Vin. iv. 321): ūnadvādasa-vassaṃ gihitaṃ, nữ chưa đầy 12 tuổi nhưng đã có chồng (tục tảo hôn).» [253] Thập tuế tằng giá 十歲曾嫁 . [254] Ngũ phần: «…thập nhị tuế dĩ giá nữ 十二歲已嫁女…» Tăng kỳ: «… thích tha phụ giảm thập nhị vũ 適他婦減十二雨…» Pali: xem cht. 253 trên. [255] Pali, Pāc. 67. Ngũ phần: điều 105. Tăng kỳ: điều 103. Thập tụng: điều 109. [256] Xem ba-dật-đề 124 trên. [257] Xem ba-dật-đề 124 trên. [258] Chưa được Tăng chấp thuận, xem cht. 250, ba-dật-đề 124 trên. [259] Cf. Pali, Pāc. 70. Thập tụng: điều 115. Ngũ phần: điều 112. Căn bản: điều 160 & 114. [260] Hán: như thị nhân 如是人. Ngũ phần: dâm nữ 婬女. Thập tụng: «Nuôi dâm nữ làm đệ tử mà không đưa xa khỏi bản xứ 5, 6 do-tuần.» [261] Cf. Thập tụng: «… độ dâm nữ mà không ra ngoài bản xứ năm, sáu do tuần…» [262] Như thị nhân 如是人 . [263] Giải thích này gần giống sự việc được nêu trong Pali, Pāc. 70: sahajīviniṃ vuṭṭhāpetvā neva vūpakāseyya na vūpakāsāpeyya antamaso chappañcayojanānipi, «… cho người cùng sinh hoạt thọ cụ túc mà không tự mình hay nhờ người đưa đi ẩn cho đến năm hay sáu do-tuần…» Trong đó, «người cùng sinh hoạt (sahajivinī: đồng hoạt, cộng hoạt)» được giải thích «người cùng sống chung (saddhivihāranī)» mà thường chỉ người cùng sống chung một trú xứ, tức chỉ cho đệ tử. Điều luật tương tợ, Ngũ phần, điều 122: «… độ đệ tử, không tự mình hay nhờ người đưa đi khỏi bản xứ năm hay sáu do-tuần…»; được giải thích (T22n1421, tr.92c12): sau khi cô này xuất gia , bọn đàn ông quen biết cũ tìm đến chọc ghẹo, nên phải đưa đi khỏi bản xứ. Cf. Ngũ phần, điều 112 & cht. 171 dưới. [264] Ngũ phần điều 112 (T22n1421, tr.92a05): «Độ người nữ đã nhàm chán thân nữ, không phạm.» [265] Pali, Pāc. 68. Cf. Ngũ phần: điều 121. Tăng kỳ: điều 104. Thập tụng: điều 114. Căn bản: điều 112 & 113. [266] An Ẩn, hoặc phiên âm Sai-ma; cùng chỉ một người. Pali: Thullanandā. [267] Pali: na jānanti kappiyaṃ vā akappiyaṃ vā, «không biết là hợp thức hay không hợp thức.» [268] Pali: dve vassāni neva anugaṇheyya na anuggaṇhāpeyya, trong hai năm, không chăm sóc, cũng không nhờ người chăm sóc. Ngũ phần: «… trong sáu năm, không chính mình chăm sóc 攝取, không nhờ người chăm sóc…» Tăng kỳ: «… cần phải giáo giới trong hai năm…» Thập tụng: «…nuôi đệ tử mà không cung cấp tài và pháp…» [269] Pháp nhiếp thủ 法攝取 . [270] Pali, Pāc. 69. Ngũ phần: điều 119.Tăng kỳ: điều 105. Thập tụng: điều 113. [271] Ngũ phần: «… mới thọ giới… không nương thờ Hoà thượng trong sáu năm…» Tăng kỳ: «… sau khi thọ cụ túc, phải đi theo hầu hạ Hoà thượng trong hai năm…» [272] Cf. Pali, Pāc. 75. Căn bản: điều 107. [273] Pali: «...tỳ-kheo-ni đã đủ 20 hạ.» [274] Pali: «...tỳ-kheo-ni đã đủ 20 hạ này, tên là...» [275] Pali: «... đã đủ 20 hạ...» [276] Pali, Pāc. 131. Ngũ phần: điều 102. Tăng kỳ: điều 92. Thập tụng: điều 106. Căn bản: điều 106. [277] Pali, Pāc. 75. Ngũ phần: điều 103. Cf. Tăng kỳ: điều 93 & 94. Thập tụng: điều 107. [278] Cf. Tăng kỳ, điều 93: «…đủ 12 hạ nhưng chưa đủ mười pháp…»; điều 94: «…đủ mười pháp nhưng chưa được yết-ma…» [279] Pali, Pāc. 76. Ngũ phần: điều 109. Tăng kỳ: điều 109. Thập tụng: điều 110. [280] Pali: tỳ-kheo-ni Caṇḍkālī. [281] Pali: sādhū’ ti paṭissutvā pacchā khīyanadhammaṃ āpajeyya, đã đồng thuận nhưng sau đó lại bất bình. [282] Pali, Pāc. 80. Ngũ phần: điều 126. Thập tụng: điều 124. Căn bản: điều 121. [283] Pali: mātāpitūhi ... sikkhamānaṃ vuṭṭhāpeyya, ... thọ cụ túc cho thức-xoa-ma-na mà cha mẹ... [284] Pali, Pāc.79. Căn bản: điều 118. [285] Pali, Vin. iv. 333: thọ cụ túc thức-xoa-ma-na (sikkhamāna) đang thân cận với những người đàn ông, thiếu niên; cô ấy là người hung dữ, là người đa ưu sầu (sokāvasa). [286] Pali, Pāc. 78. Ngũ phần: điều 111. Tăng kỳ: điều 110. Thập tụng: điều 125. [287] Pali, Vin. iv. 333: «Nếu cô đi theo tôi hai năm, tôi sẽ cho thọ cụ túc.» [288] Pali, Pāc. 77. Ngũ phần: điều 108. Thập tụng: điều 123. Căn bản: điều 122. [289] Ngũ phần: bạch y quy nữ 白衣歸女. [290] Pali, Pāc. 82 & 83. Ngũ phần: điều 117 (cf. điều 192). Tăng kỳ: điều 106. Thập tụng: điều 126. Căn bản: điều 124. [291] Pali: ekaṃ vassaṃ dve vuṭṭhāpeyya, trong một năm, truyền cụ túc cho hai người. [292] Ngũ phần: điều 118 (cf. điều 195). Tăng kỳ: điều 107. Thập tụng: điều 127. [293] Sau khi hành bản bộ yết-ma (xem ba-dật-đề 124 trên), để cách đêm, ngày hôm sau mới dẫn giới tử đến tỳ-kheo Tăng hành chánh pháp yết-ma. [294] Bản Hán, hết quyển 28. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐIỀU 140[295] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ.[296] Bấy giờ, ngày giáo thọ, các tỳ-kheo-ni không đến cầu giáo thọ. Các tỳ-kheo-ni nghe biết; trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Ngày giáo thọ, sao các cô không đi cầu giáo thọ?» Tỳ-kheo-ni đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ngày giáo thọ, sao các cô không đến trong Tăng cầu giáo thọ?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu [765a1] chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, ngày giáo thọ không đến cầu giáo thọ,[297] ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Khi ấy, các tỳ-kheo-ni có Phật sự, Pháp sự, Tăng sự, hoặc việc nuôi bệnh. Phật dạy: «Cho phép gởi lời lại.[298]» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh, mà không đến cầu giáo thọ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni không đến cầu giáo thọ, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: ngày giáo thọ đến cầu giáo thọ; hoặc bị bận việc Phật-Pháp-Tăng, và người nuôi bệnh nên gởi lời lại thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 141[299] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni khi nghe đức Thế tôn chế giới cho phép các tỳ-kheo-ni Tăng nửa tháng đến Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ, mà tỳ-kheo-ni kia không đến cầu giáo thọ. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới, cho phép các tỳ-kheo-ni Tăng nửa tháng đến Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ. Sao các cô không đến cầu giáo thọ?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô không đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mỗi nữa tháng không đến trong tăng cầu giáo thọ, ba-dật-đề.[300] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Đức Thế tôn có dạy như vầy: «Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ. Tất cả ni đều đến cầu.» Do đông người nên tạo sự ồn ào. Đức Phật dạy: «Không nên đến tất cả, mà nên bạch nhị yết-ma sai một tỳ-kheo-ni vì Tăng tỳ-kheo-ni nửa tháng đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ.» 1. YẾT MA SAI THỈNH GIÁO THỌ Nên sai như vầy: Trong chúng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch. «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo-ni tên là..., vì Tăng tỳ-kheo-ni, nửa tháng đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ. Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe. Nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên..., vì Tăng tỳ-kheo-ni, nửa tháng đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ. Đại tỷ nào chấp thuận, Tăng sai tỳ-kheo-ni tên..., vì Tăng tỳ-kheo-ni, nửa tháng đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Tăng đã chấp thuận, sai tỳ-kheo-ni tên..., vì Tăng tỳ-kheo-ni, nửa tháng đến trong Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. PHÉP THỈNH GIÁO THỌ Tỳ-kheo-ni đến trong Tăng một mình không có người bảo hộ. Vì sự bảo hộ, cho phép sai hai, ba tỳ-kheo-ni cùng đi. Các tỳ-kheo-ni kia nên đến trong đại Tăng, kính lễ sát chân Tăng, rồi cúi đầu chấp tay nép mình, bạch: «Tỳ-kheo-ni Tăng hòa hợp kính lễ dưới chân Tăng tỳ-kheo cầu giáo thọ.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni đợi Tăng nói giới xong, thời gian quá lâu, đứng chờ mệt mỏi, đức Phật dạy: «Không nên chờ như vậy. Cho phép thưa thỉnh lại[301] một đại tỳ-kheo rồi về.» Đức Thế tôn đã cho phép nhờ thưa thỉnh lại. Cô kia bèn nhờ tỳ-kheo khách thưa thỉnh lại. Đức Phật dạy: «Không nên nhờ thưa thỉnh lại như vậy.» Chư ni nhờ người đi xa thưa thỉnh lại. Phật dạy: «Không nên nhờ thưa thỉnh lại như vậy.» Chư ni nhờ người bệnh thưa thỉnh lại. Đức Phật dạy: «Không nên nhờ thưa thỉnh lại như vậy.» Chư ni nhờ người không có trí tuệ thưa thỉnh lại. Phật dạy: «Không nên nhờ thưa thỉnh lại như vậy.» Chư ni nhờ thưa thỉnh lại rồi, sáng ngày không đến hỏi, đức Phật dạy: «Phải đến hỏi xem có được chư Tăng chấp thuận giáo thọ hay không.» Tỳ-kheo nên quy định ngày giờ đến. Tỳ-kheo-ni phải theo sự quy định đó mà nghinh đón. Tỳ-kheo quy định ngày giờ đến giáo thọ mà không đến, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni không nghinh đón, theo thời giờ đã quy định, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni nghe vị giáo thọ đến phải ra nửa do tuần để nghinh đón. Vị giáo thọ vào đến chùa phải cung cấp các thứ cần dùng, phương tiện tắm rửa, nấu cơm, cháo, canh, trái cây để cúng dường. Nếu không cúng dường như vậy, đột-kiết-la. Trường hợp Tăng tỳ-kheo bị bệnh hết thì ni sai người tín cẩn đến kính lễ thăm hỏi. Nếu bị biệt chúng hay chúng không hòa hợp, hoặc không đủ chúng, (tỳ-kheo-ni) cũng nên sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu Tăng tỳ-kheo-ni bị bệnh hết, (tỳ-kheo-ni) cũng phải sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu biệt chúng hay ni chúng không hòa hợp, hoặc không đủ chúng, tỳ-kheo-ni[302] cũng nên sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu không đến kính lễ thăm hỏi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nửa tháng đến trong Tăng cầu giáo thọ. Ngày nay chúc thọ sáng ngày mai đến hỏi. Tỳ-kheo đến đúng hạn, tỳ-kheo-ni đến đúng kỳ. Tỳ-kheo-ni nghe vị giáo thọ đến, ra nửa do tuần nghinh đón. Vị giáo thọ đến chùa nên cung cấp nước và đồ để rửa tắm, thức ăn, canh, cháo, trái cây, cúng dường đầy đủ. Nếu đại Tăng có bệnh, (tỳ-kheo-ni) nên sai người tin cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu biệt chúng, chúng không hòa hợp, chúng không đủ, (tỳ-kheo-ni) cũng nên sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu Tăng tỳ-kheo-ni bệnh, hoặc biệt chúng, chúng không hòa hợp, hay chúng không đủ, (tỳ-kheo-ni) cũng phải sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu đường xá bị trở ngại, nạn giặc cướp, ác thú hay nước lụt tràn ngập, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, mạng nạn, phạm hạnh nạn. Gặp các nạn như vậy, (tỳ-kheo-ni) không sai người tín cẩn đến thăm hỏi thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 142[303] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới, cho phép tỳ-kheo-ni an cư mùa hạ xong, phải đến trong Tăng tỳ-kheo nói ba việc tự tứ: thấy, nghe, nghi. Song các tỳ-kheo-ni này không đến trong đại Tăng, nói ba việc tự tứ: thấy, nghe, nghi. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn chế giới, cho phép tỳ-kheo-ni hạ an cư xong, phải đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe, nghi. Sao các cô không đến nói việc tự tứ ?» Tỳ-kheo-ni liền đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni hạ an cư xong, phải đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe, nghi. Sao các cô không đến nói?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này.Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên [766a1] nói như vầy: Tăng tỳ-kheo-ni, hạ an cư xong phải đến trong Tăng tỳ-kheo[304] nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi. Nếu không như vậy, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Khi đức Thế tôn đã cho phép tỳ-kheo-ni hạ an cư xong, phải đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi; các tỳ-kheo-ni đến hết trong đại Tăng để nói tự tứ nên gây sự ồn ào. Đức Phật dạy: 1. YẾT-MA TĂNG SAI CẦU TỰ TỨ «Không nên đến hết như vậy. Từ nay về sau cho phép sai một tỳ-kheo-ni vì Tăng tỳ-kheo-ni hạ an cư xong, phải đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa vào sự việc trên tác bạch: «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên là..., vì Tăng tỳ-kheo-ni đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi. Đây là lời tác bạch. «Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên là..., vì Tăng tỳ-kheo-ni đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi. Đại tỷ nào chấp thuận Tăng sai tỳ-kheo-ni tên là..., vì Tăng tỳ-kheo-ni đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Chúng Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo-ni tên là..., vì Tăng tỳ-kheo-ni đến trong đại Tăng nói ba việc tự tứ rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhan như vậy.» 2. NÓI BA SỰ TỰ TỨ Tỳ-kheo-ni đi một mình không có người bảo hộ. Vì sự bảo hộ, đức Phật sạy, nên sai hai, ba tỳ-kheo-ni làm bạn cùng đi. Khi đến trong đại Tăng kính lễ dưới chân Tăng, cúi đầu, chấp tay, khép mình bạch: «Tăng tỳ-kheo-ni hạ an cư xong. Tăng tỳ-kheo hạ an cư xong. Tăng tỳ-kheo-ni muốn nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi. Xin Đại đức dũ lòng thương chỉ bảo con. Nếu con thấy có tội sẽ như pháp sám hối.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.) 3. ĐỊNH NGÀY TỰ TỨ Tỳ-kheo-ni tự tứ cùng một ngày với Tăng tỳ-kheo. Hai bộ Tăng đều cực nhọc. Đức Phật dạy: «Không nên tự tứ như vậy. Tăng tỳ-kheo tự tứ ngày 14 thì tỳ-kheo-ni Tăng tự tứ ngày 15. Nếu, đại Tăng bị bệnh, hoặc biệt chúng, hay chúng không hòa hợp, hoặc không đủ chúng, tỳ-kheo-ni nên sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Nếu chúng Tỳ-kheo-ni bị bệnh, hoặc biệt chúng, hay chúng không hòa hợp, hoặc không đủ chúng, tỳ-kheo-ni cũng phải sai người tín cẩn đến lễ bái thăm hỏi. Không làm như vậy, đột-kiết-la.» Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Tăng tỳ-kheo-ni hạ an cư xong, Tăng tỳ-kheo hạ an cư xong, tỳ-kheo-ni nói ba việc tự tứ: thấy, nghe và nghi. Tỳ-kheo tự tứ ngày 14, Tỳ-kheo-ni tự tứ ngày 15. Tăng tỳ-kheo bệnh, hoặc biệt chúng, chúng không hòa hợp, hay không đủ chúng, tỳ-kheo-ni nên sai người tín cẩn đến lễ bái, thăm hỏi. Chúng tỳ-kheo-ni bệnh, cho đến chúng không đủ, cũng phải sai người tín cẩn đến lễ bái, thăm hỏi Tăng tỳ-kheo. Nếu đường bộ đường nước bị trở ngại, nạn giặc cướp, ác thú hay nước lụt tràn ngập, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, mạng nạn, phạm hạnh nạn. Gặp các nạn như vậy không sai người tín cẩn đến thăm hỏi thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 143[305] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni hạ an cư nơi không có tỳ-kheo. Đến ngày giáo thọ, không có chỗ để cầu giáo thọ. Có sự nghi ngờ, không có người để hỏi. Các tỳ-kheo-ni nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại hạ an cư nơi không có tỳ-kheo, đến ngày giáo thọ không có chỗ để cầu giáo thọ, có sự nghi ngờ không có ai để hỏi?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô lại hạ an cư nơi không có tỳ-kheo, cho đến có sự nghi ngờ không có ai để hỏi?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hạ an cư nơi không có tỳ-kheo, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, hạ an cư nơi không có tỳ-kheo, phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hạ an cư chỗ có tỳ-kheo. Nếu ni y nơi Tăng tỳ-kheo an cư, trong thời gian đó tỳ-kheo qua đời, hoặc đi xa, hay thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị thú dữ hại, hoặc bị nước cuốn trôi, thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 144[306] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ một tỳ-kheo-ni được nhiều người biết đến qua đời. Các tỳ-kheo-ni lại xây tháp trong phạm vi chùa của tỳ-kheo. Các tỳ-kheo-ni thường đến chùa tụ hợp, nói cười, đọc tụng, than khóc; hoặc tự trang nghiêm thân hình, làm loạn động các tỳ-kheo tọa thiền. Trưởng lão Ca-tỳ-la[307] thường ưa tọa thiền. Sau khi các tỳ-kheo-ni ra về, Trưởng lão liền đến đập phá tháp, dọn bỏ hết bên ngoài Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo-ni nghe Ca-tỳ-la đập phá tháp, dẹp bỏ ra ngoài chùa, bèn cầm dao gậy đến đánh, gạch đá đến chọi Trưởng lão. Trưởng lão dùng thần túc bay lên hư không. Các tỳ-kheo-ni nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại cầm dao gậy đến đánh, gạch đá đến chọi Trưởng lão Ca-tỳ-la?»[308] Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô lại cầm dao gậy gạch đá muốn hành hung tỳ-kheo?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vào trong tăng-già-lam của tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni nghi, không dám vào nơi già lam không có Tăng tỳ-kheo, đức Phật dạy: «Già-lam không có Tăng cho phép vào.» Từ nay nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vào trong tăng-già-lam có tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Khi ấy, các tỳ-kheo-ni không biết già-lam có tỳ-kheo hay không có, sau mới biết là già-lam có tỳ-kheo nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết chùa[309] có tỳ-kheo mà vào, [767a1] ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni muốn cầu giáo thọ, không biết cầu ở đâu; có điều nghi ngờ muốn hỏi không biết hỏi ai. Không dám vào chùa Tăng. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép bạch rồi mới vào chùa.» Tỳ-kheo-ni muốn lễ tháp của Phật, tháp của Thinh văn, Phật dạy: «Muốn lễ tháp Phật, tháp của Thinh văn, thì được vào; ngoài ra, phải bạch rồi mới vào.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết tăng-già-lam có tỳ-kheo, không bạch mà vào, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào biết tăng-già-lam có tỳ-kheo, không bạch mà vào cửa ngõ, ba-dật-đề. Một chân trong cửa ngõ, một chân ngoài cửa ngõ, phương tiện muốn vào, hoặc hẹn vào mà không vào, tất cả đều, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nếu trước không biết; hoặc không có tỳ-kheo mà vào; hoặc lễ bái tháp Phật, tháp Thinh văn ngoài cửa, thưa bạch xin phép rồi mới vào. Nếu đến nhận giáo thọ, hoặc muốn hỏi pháp, hoặc được mời, hoặc trên đường đi ngang qua, hoặc tạm nghỉ lại đêm, hoặc bị cường lực bắt dẫn đi, hoặc bị trói nhốt dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 145[310] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, trưởng lão tỳ-kheo Ca-tỳ-la,[311] đêm đã qua, sáng sớm, mặc y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Các tỳ-kheo-ni thấy Ca-tỳ-la liền nhục mạ:[312] «Ông là quân tệ ác, dòng hạ tiện, chủng tộc công sư.[313] Ông đã phá hoại tháp của chúng tôi, đem vất bỏ bên ngoài tăng-già-lam.» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách rằng: ‹Tại sao các cô lại chửi rủa Trưởng lão Ca-tỳ-la?› Quở trách rồi chư ni đến bạch nói các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô mạ lị Ca-tỳ-la?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mạ lị[314] tỳ-kheo, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Mạ lị: như nói dòng hạ tiện, họ hạ tiện, nghề hạ tiện, nghiệp hạ tiện, hoặc nói phạm tội, hoặc nói ông có kiết sử như vậy như vậy; hoặc xúc phạm đến tên húy của người. Tỳ-kheo-ni nào, mạ lị tỳ-kheo bằng dòng giống,[315] cho đến xúc phạm đến tên húy, nói rõ rằng ba-dật-đề; nói không rõ ràng, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc nói vui chơi, hoặc nói gấp gáp, hoặc nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 146[316] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni Ca-la[317] ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ các tránh sự,[318] sau đó giận hờn, hiềm trách ni chúng. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Ca-la: «Sao cô ưa hay ưa gây gổ; chuyện xong rồi, qua đêm còn ôm lòng thù hận, hiềm trách ni chúng?» Chư ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Ngài dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Ca-la. «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cô ưa hay ưa gây gổ; chuyện xong rồi, qua đêm còn ôm lòng thù hận, hiềm trách ni chúng?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ các tránh sự, sau đó giận hờn, không hoan hỉ, mắng chửi chúng tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tránh: có bốn thứ như trên. Chúng: bốn người hay hơn bốn người. Tỳ-kheo-ni ưa gây gỗ, đã qua đêm, sau đó còn mắng chửi chúng tỳ-kheo-ni, nói rõ ràng, ba-dật-đề; nói không rõ ràng, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nói vui đùa, hoặc nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hay muốn nói việc này lại nhầm nói việc kia; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 147[319] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Ni-câu-luật tại Thích-súy-sưu,[320] nước Ca-tỳ-la. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Bạt-đà-la Ca-tỳ-la, thân hình bị sanh ung nhọt, nhờ đàn ông mổ nặn. Thân thể của tỳ-kheo-ni nầy mịn màng như thân của thiên nữ không khác. Khi tay người đàn ông xúc chạm vào thân thể mịn màng của cô ni, tâm sanh đắm nhiễm, bèn ôm; muốn phá hoại phạm hạnh của ni cô. Cô liền lớn tiếng kêu la: «Đừng làm vậy! Đừng làm vậy!» Các tỳ-kheo-ni ở gần nghe, đều đến hỏi: «Chuyện gì cô la thế?» Cô ni kể rõ đầu đuôi. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách: Bạt-đà-la Ca-tỳ-la: «Tỳ-kheo-ni sao lại nhờ đàn ông mổ nặn mụt nhọt?» Tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-đà-la Ca-tỳ-la: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại nhờ đàn ông mổ nặn mụt nhọt?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, thân thể có ung nhọt, và các loại ghẻ, không thưa với chúng hay người khác[321] mà vội nhờ đàn ông mổ nặn, hoặc băng bó, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tăng: cũng như trên. Tỳ-kheo-ni nào, thân thể sanh ung nhọt, các thứ ghẻ khác, không thưa bạch với chúng, mà nhờ nam tử mổ, một lần hạ dao xuống là một ba-dật-đề. Nếu băng bó, thì mỗi nuộc dây là một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: bạch với chúng Tăng rồi mới nhờ đàn ông mổ ung nhọt hay ghẻ; hoặc bị cường lực bắt. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 148[322] A. DUYÊN KHỞI [768a1] Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một cư sĩ thỉnh Tăng chúng tỳ-kheo-ni sáng ngày thọ thực. Trong đêm, ông sửa soạn các món ăn ngon bổ. Sáng hôm sau, đến mời ni chúng đến thọ thực. Hôm đó gặp ngày tiết hội trong thành Xá-vệ, các cư sĩ đều mang thức ăn cá, thịt, cơm, cơm khô, bánh bột, cúng cho tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni nhận thức ăn này và ăn. Sau đó mới đến nhà cư sĩ để ăn. Bấy giờ, cư sĩ tự tay chế biến thức ăn cơm canh cúng dường cho các tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni nói: «Thôi! Thôi! Cư sĩ đừng sớt nhiều.» Cư sĩ thưa: «Con sắm sửa đầy đủ các thức ăn ngon bổ, mỗi vị một tô thịt là chỉ vì chư ni. Chư ni đừng nghĩ, con không có tín tâm mà không dùng. Các vị cứ việc dùng, con thật có tín tâm.» Tỳ-kheo-ni nói: «Chúng tôi không nghĩ như vậy đâu! Vì hôm nay là ngày tiết hội, các cư sĩ đều mang thức ăn như cá, thịt, cơm, cơm khô, bánh bột, các thức ăn ngon bổ đến trong tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo-ni. Chúng tôi ăn xong rồi mới đến đây. Cho nên dùng ít mà thôi!» Cư sĩ nghe đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết nhàm chán, không tri túc. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Đã nhận lời mời của tôi trước, sao lại nhận các thức ăn của người khác ăn, rồi mới đến thọ thực nơi nhà tôi?» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Đã nhận lời mời của cư sĩ rồi; sau đó sao lại nhận thức ăn khác?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Ngài dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Đã nhận lời mời của cư sĩ rồi; sau đó sao lại nhận thức ăn khác?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, trước đã nhận lời mời, hoặc đã ăn no rồi, sau lại ăn cơm, cơm khô, bánh bột, cá và thịt,[323] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào đã nhận lời mời trước, hay ăn đủ no rồi, sau lại ăn cơm, cơm khô, bánh bột, cá và thịt của người khác; mỗi miếng ăn là một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: nhận lời mời ăn chẳng phải thức ăn chánh thực;[324] hoặc mời ăn không đủ no; hoặc không được mời trước; hay ngay khi ăn nhận được thức ăn thêm; hoặc tại nhà đó nhân cả bữa ăn truớc bữa ăn sau. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 149[325] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Đề-xá là đệ tử của tỳ-kheo-ni An Ẩn. Cô có một nhà đàn-việt quen thân từ lâu. An Ẩn bảo Đề-xá: «Cô có thể cùng tôi đến nhà đàn-việt đó được không?» Đề-xá trả lời: «Muốn đến thì cũng được.» Hai người cùng đi. Tỳ-kheo-ni An Ẩn y phục chỉnh tề, không mất oai nghi. Đàn-việt thấy, tâm sanh hoan hỷ, bèn cúng dường. An Ẩn thọ thực xong, về lại chùa, nói với Đề-xá: «Đàn-việt ấy thuần thành. Hoan hỷ ưa cúng dường.» Đề-xá sinh tâm ganh tị, bèn nói: «Đàn-việt ấy thuần thành, vì ưa cúng dường cô ấy mà!»[326] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá: «Sao cô sinh tâm ganh tị, mà nói: ‹Đàn-việt ấy thuần thành, vì ưa cúng dường cô ấy mà!›?» Tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cô sinh tâm ganh tị, mà nói: ‹Đàn-việt ấy thuần thành, vì ưa cúng dường cô ấy mà!›?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sanh tâm tật đố về gia đình,[327] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào đối với nhà người sanh tâm tật đố nói: «Đàn-việt ấy thuần thành, vì hoan hỷ ưa cúng dường cô ấy mà!» Nói rõ ràng, ba-dật-đề, nói không rõ ràng đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la đó gọi là phạm. Sự không phạm: sự thật là như vậy, người đàn-việt kia, chỉ có tâm tốt đối với cô ni kia nên cô ấy nói: «Đàn-việt ấy thuần thành, vì hoan hỷ ưa cúng dường cô ấy mà!» Hoặc nói vui chơi, nói vội gấp, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 150[328] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng bột hương thoa vào mình. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Dùng bột hương thoa vào mình, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô dùng các loại bột hương thoa vào mình?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô dùng các loại bột hương thoa vào mình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng bột hương[329] thoa vào mình, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, dùng hương bột thoa vào mình, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc vì có chứng bệnh thế nào đó, hoặc bị cường lực. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 151[330] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, [769a1] nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng cặn vừng (mè)[331] bôi thoa vào thân. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Lấy cặn vừng (mè) bôi thoa vào thân, như bọn tặc nữ, dâm nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô dùng cặn vừng (mè) bôi thoa vào thân?» Tỳ-kheo-ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao các cô dùng cặn vừng (mè) bôi thoa vào thân?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng cặn vừng (mè) thoa chà vào thân,[332] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, dùng cặn dầu mè thoa chà trong thân, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: vì có bệnh như thế nào đó; hoặc bị cường lực bắt. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. ĐIỀU 152[333] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni sai các tỳ-kheo-ni thoa bóp thân mình. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Sai các tỳ-kheo-ni thoa bóp thân mình, như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại sai các tỳ-kheo-ni xoa bóp thân mình?» Tỳ-kheo-ni liền bạch chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô lại sai các tỳ-kheo-ni xoa bóp thân mình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sai tỳ-kheo-ni thoa bóp thân mình,[334] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, sai tỳ-kheo-ni thoa bóp thân mình, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 153[335] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni sai thức-xoa-ma-na thoa chà thân. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Sai thức-xoa-ma-na thoa chà trong thân, như bọn dâm nữ, tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại sai thức-xoa-ma-na thoa bóp thân?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô lại sai thức-xoa-ma-na thoa bóp thân?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sai thức-xoa-ma-na thoa bóp thân thể, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, sai thức-xoa-ma-na thoa chà thân thể, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 154[336] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni sai sa-di-ni xoa chà thân thể. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Sai sa-di-ni xoa chà trong thân thể giống như bọn dâm nữ tặc nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, chê trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại sai sa-di-ni xoa chà thân thể?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô lại sai sa-di-ni xoa chà thân thể?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sai sa-di-ni xoa chà thân thể, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, sai sa-di-ni xoa chà thân thể, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh thế nào đó, hay bị cường lực bắt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 155[337] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni sai phụ nữ bạch y xoa chà thân thể. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Sai phụ nữ bạch y thoa chà trong thân thể, giống như bọn dâm nữ tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, [770a1] ưa học giới, biết tàm quý, chê trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại sai phụ nữ bạch y xoa chà nơi thân thể?» Tỳ-kheo-ni bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao các cô lại sai phụ nữ bạch y xoa chà nơi thân thể?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sai phụ nữ bạch y xoa chà thân thể, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, sai phụ nữ bạch y xoa chà thân thể, ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la, Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hay bị cường lực bắt thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 156[338] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có ý nghĩ, mặc váy lót[339] cho mình phồng lên.[340] Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Mặc váy lót cho mình phồng lên, giống như bọn dâm nữ tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Thâu-la-nan-đà rằng: «Tại sao cô lại có ý nghĩ mặc y độn bông, khiến cho mình phồng lên?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại có ý nghĩ mặc váy lót, khiến cho mình phồng lên?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mặc váy lót,[341] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Quần lót: dùng lông mịn, hoặc vải kiếp-bối, hoặc câu-giá-la, hoặc cỏ nhũ hiệp, hoặc sô-ma, hoặc bằng tơ tằm, tất cả đều ba-dật-đề Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh thế nào đó, bên trong mặc y bệnh, ngoài mặc niết-bàn-tăng, kế đó mặc ca-sa; hoặc bị cường lực. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 157[342] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni chứa những thứ của phụ nữ dùng, để trang điểm thân, như vòng, xuyến và những thứ sử dụng cho chỗ kín. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Chứa các đồ trang sức của phụ nữ như vòng, như xuyến và những đồ sử dụng cho chỗ kín, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại chứa những đồ trang sức của phụ nữ như vòng, như xuyến và những đồ sử dụng cho chỗ kín?» Các tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại chứa những đồ trang sức của phụ nữ như vòng, như xuyến và những đồ sử dụng cho chỗ kín?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chứa những đồ trang sức của phụ nữ, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni gặp phải mạng nạn, phạm hạnh nạn, nghi không dám mặc những đồ trang sức như vậy để chạy. Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu gặp mạng nạn, phạm hạnh nạn, cho phép mặc những đồ trang sức để tẩu thoát.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, chứa[343] những đồ trang sức của phụ nữ, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, chứa đồ trang sức của phụ nữ như vòng, xuyến, các thứ dùng để sử dụng cho những nơi kín, cho đến dùng vỏ cây làm tóc, tất cả đều ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh như thế nào đó, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, mặc để chạy, hoặc bị cường lực bắt. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 158[344] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni mang dép da,[345] cầm dù đi đường. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Mang dép da, cầm dù đi đường, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô mang dép da, cầm dù đi đường?» Tỳ-kheo-ni liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô mang dép da, cầm dù đi đường?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mang dép da, cầm dù đi ngoài đường, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni ở chỗ tiểu thực, đại thực, hoặc tập hợp vào ban đêm, hoặc khi thuyết giới. Trên đường đi, gặp lúc trời mưa thấm ướt, làm hư hoại sắc y mới nhuộm. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, cho phép làm dù bằng vỏ cây, bằng lá, bằng tre để che trong tăng-già-lam.» Bấy giờ có các tỳ-kheo-ni gặp lúc trời mưa đi chân không, bị bùn làm làm bẩn chân, làm bẩn y, làm bẩn tọa cụ. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, vì hộ thân, hộ y, hộ tọa cụ cho phép làm guốc để mang trong tăng-già-lam.» Các tỳ-kheo-ni tuy làm guốc để mang, nhưng vẫn cứ làm bẩn y, làm bẩn chân, làm bẩn tọa cụ. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép bên dưới mang bằng vỏ cây. Vỏ cây bị rớt thì dùng dây buộc lại. Nếu bị đứt, cho phép dùng cước, hoặc lông hoặc vỏ cây bó dính nơi chân.» Từ nay về sau nên kiết giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mang dép da, cầm dù đi, ba-dật-đề. Trừ những trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, mang giày dép, cầm dù đi, ba-dật-đề. Trừ những trường hợp đặc biệt. Tỳ-kheo-ni mang giày dép, tùy theo đi trong phạm vi một thôn, mỗi mỗi thôn đều ba-dật-đề. Nơi không có thôn, vùng a-lan-nhã, đi mười lý thì một ba-dật-đề. Đi dưới một thôn, đột-kiết-la. Dưới mười lý, đột-kiết-la. Đi trong phạm vi một giới, đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như thế nào đó; hoặc vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ; ở trong tăng-già-lam; làm dù bằng vỏ cây, bằng lá, bằng tre, dùng để che mà đi. Hoặc vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ nên làm guốc dép để đi trong tăng-già-lam thì không phạm. Hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, mang guốc dép, cầm dù đi. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[346]
Chú thích: [295] Pali, Pāc. 58. Ngũ phần: điều 110. Tăng kỳ: điều 132. Thập tụng: điều 152. [296] Vin. iv. 314: sakkesu viharati kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme, giữa những người họ Thích, trong rừng Ni-câu-loại, Ca-tì-la-vệ. [297] Pali: ovādāya vā saṃvāsāya na gaccheyya, không đi dự nghe giáo giới , và sinh hoạt chung (cọng trú). Giải thích: nghe giáo giới (ovādāya), nghe tám pháp tôn trọng (bát kỉnh pháp). Ngũ phần: «…không dự nghe giáo giới và yết-ma…» Tăng kỳ: «… nửa tháng, Tăng giáo giới, không cung kính, không đến dự…» [298] Chúc thọ 囑授 . Các bộ không có chi tiết này. Pali, trừ các trường hợp không phạm: có chướng nạn, không có đồng bạn cùng đi, bịnh, sự cố; nhưng không quy định trong giới văn. [299] Pali, Pāc. 59. Ngũ phần: điều 100. Thập tụng: 151. Căn bản: 126. [300] Cf. Pali, Pāc.59: «Mỗi nửa tháng, tỳ-kheo-ni phải cầu tỳ-kheo Tăng hai việc: hỏi ngày bố-tát, và thỉnh giáo giới …» [301] Chúc thọ 嘱授. [302] Văn trong bản Hán, thiếu chủ từ. Xem đoạn sau, điều 142 (T22n1428, tr.766a28). [303] Pali, Pāc. 57. Ngũ phần: điều 93. Thập tụng: điều 150. Căn bản: điều 129. [304] Pali: ubhatosaṅghe tīhi ṭhānehi …pāvareyya, «…tự tứ ba việc trước hai bộ Tăng…» Thập tụng «… giữa hai bộ Tăng, cầu ba sự tự tứ…» [305] Pali, Pāc. 56. Ngũ phần: điều 91. Thập tụng: điều 149. Căn bản: điều 128 &127. [306] Pali, Pāc. 51. Tăng kỳ: điều 116. Thập tụng: điều 153. [307] Xem duyên khởi của ba-dật-đề 145. [308] Câu chuyện này được kể là duyên khởi của ba-dật-đề 52, luật Pali, xem Tứ phần, ba-dật-đề 145 đoạn sau. Duyên khởi theo Pali về điều luật này: các tỳ-kheo đang khâu vá y nên chỉ khoác một y. Lúc ấy có tỳ-kheo-ni đến, không hỏi xin phép mà tự tiện đi vào. Căn cứ theo duyên khởi này, Tứ phần hiểu mục đích của học xứ này khác hẳn cách hiểu của Pali. Theo đó, tỳ-kheo-ni vào tăng-già-lam của tỳ-kheo đường đột không báo trước, khiến tỳ-kheo bối rối vì thiếu oai nghi trước tỳ-kheo-ni. [309] Nguyên Hán: tự 寺. Trong các giới văn trên: tăng-già-lam 僧伽藍. [310] Pali, Pāc. 52. Tăng kỳ: điều 91. [311] Ca-tỳ-la 迦毘羅. Pali, Pāc. 52: trưởng lão Kappitaka, vốn là Hoà thượng của tôn giả Ưu-ba-li (upālissa āyasmato upajjhāyo). Truyện kể gần giống Tứ phần trong duyên khởi của ba-dật-đề 144. [312] Truyện kể của Pali: Kappitaka phá tháp của tỳ-kheo-ni. Các ni đệ tử thương nghị muốn hại Kappitaka. Có tỳ-kheo-ni báo cho Upāli biết. Tôn giả nói lại cho Kappitaka biết để Hoà thượng trốn đi. Vì vậy, các ni cô không hại được Kappitaka, nên họ mắng nhiếc Upāli: «Gã thợ hớt tóc, từ chủng tộc ti tiện...» [313] Công sư chủng 工師種 , tức thủ-đà-la, thấp nhất trong bốn giai cấp. [314] Pali: akoseyya vā paribhāseyya vā, nhục mạ hay chửi bới hung dữ. Giải thích: nhục mạ bằng 10 cách. Chửi bới hung dữ, khiến cho người khác nghe mà sợ. [315] Xem Phần I, Ch. v ba-dật-đề 2. [316] Pali, Pāc. 53. Căn bản: điều 130 & 131. [317] Ca-la 迦羅. Pali: Caṇḍakālī. Đoạn trên, có chỗ dịch nghĩa là Hắc. [318] Xem, Ni luật, cht. 42, tăng-già-bà-thi-sa 17; cht. 136, ba-dật-đề 89. [319] Pali, Pāc. 60. Ngũ phần: điều 168. Tăng kỳ: điều 133. Thập tụng: điều 162. Căn bản: điều 159. [320] Thích-súy-sưu 釋翅搜. Tức Pali: sakkesu, giữa những người họ Thích. Nhưng ở đây, nhân duyên theo Pali, Phật tại Xá-vệ. [321] Pali: chưa xin phép Tăng hay chúng hứa khả. [322] Pali, Pāc. 54. [323] Pali: ăn thêm thức ăn loại cứng (khādanīya) hay loại mềm (bhojanīya). [324] Chánh thực 正食 ; xem Phần I, Ch.v ba-dật-đề 32 & cht. 153. [325] Pali, Pāc. 55. Tăng kỳ: điều 90. Thập tụng: điều 150. Căn bản: điều 133 (& 132). [326] Duyên khởi Pali: một tỳ-kheo-ni không muốn các tỳ-kheo-ni khác đến gia đình cư sĩ nhận cúng dường, bèn nói với các cô: «Nhà đó có chó dữ, có bò hung tợn. Các cô chớ đến.» [327] Pali: kulamaccharin, «bủn xỉn về gia đinh;» giải thích (vin. iv. 312): nói xấu một gia đình trước các tỳ-kheo-ni để các cô này không ai đến đó. Tăng kỳ: «Với tâm bủn xỉn, giữ gia đình người riêng cho mình.» Thập tụng: hộ tích tha gia 護惜他家. [328] Pali, Pāc. 88. Ngũ phần: điều 153. Thập tụng: điều 164. Căn bản: điều 166 & 167. [329] Pali: gandhavaṇṇeka nahāyeyya, «tắm bằng hưong liệu và phẩm màu.» [330] Pali, Pāc. 89. Thập tụng: điều 164; cf. điều 150 trên. Căn bản: điều 168. [331] Hồ ma chỉ 胡麻滓 . Pali: piññāka, nước cặn vừng, bột vừng, tức vừng được nghiền nát thành bột. [332] Pali: vāsitena piññākena nahāyeyya, tắm bằng nước ướp vừng. [333] Pali, Pāc. 90. Tăng kỳ: đều 127. Thập tụng: điều 165 (cf. điều 153 & 154 dưới). Căn bản: điều 161. [334] Khải ma 揩摩. Pali: ummaddāpeyya parimaddāpeyya, tự mình chà xát (chà dầu) và nhờ người khác chà xát. [335] Pali, Pāc. 91. Tăng kỳ: điều 129. Thập tụng: điều 165. Căn bản: 162. [336] Pali, Pāc. 92. Ngũ phần: điều 128. Thập tụng: điều 165. [337] Pali, Pāc. 93. Tăng kỳ: điều 126 (cf. điều 130). [338] Pali, Pāc. 86. Cf. Ngũ phần: điều 205 & 206. [339] Trữ khỏa y [袖-由+宁]髁衣 , quần chẽn bó đùi. Pali: saṅghāṇi váy hay quần đùi. [340] Duyên khởi Pali (Vin.iv. 339): một nữ tín chủ nhờ một ni cô mang một cái váy lót đến cho người khác. Cô ni vì không tiện bỏ váy vào bát, nên mặc vào người. Giữa đường, giây lưng đứt, váy bị tuột. Mọi người chê cười. [341] Cf. Ngũ phần, điều 205: «… mặc y theo cách kỹ nữ…», điều 206: «… mặc y theo cách phụ nữ bạch y…» [342] Pali, Pāc. 87. Ngũ phần: điều 158 (cf. điều 161 & 162). Thập tụng: điều 160. Căn bản: điều 170. [343] Pali, Pāc. 87: itthālaṅkāraṃ dhāreyya, mang (đeo) đồ trang sức phụ nữ. [344] Pali, Pāc. 84. Ngũ phần: điều 142. Thập tụng: điều 148. Tăng kỳ: điều 112. Căn bản: điều 157 & 158. [345] Cách tỉ 革屣 . Pali: upāhana, giày dép (chung các thứ). [346] Bản Hán, hết quyển 29. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích ĐIỀU 159[347] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, đánh xe đi trên đường. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Đánh xe đi ngoài đường như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô đánh xe đi trên đường?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô đánh xe đi trên đường?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, ngồi xe cộ đi đường, ba-dật-đề. Thế tôn vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo-ni già yếu, suy nhược, bị bệnh, khí lực ốm gầy, không thể đi từ trú xứ này đến trú xứ kia được. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép đi bằng xe kéo bộ,[348] tất cả xe người nữ[349].» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni có nạn sự, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nghi không dám ngồi xe chạy. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau gặp phải các nạn như vậy, cho phép ngồi xe mà chạy.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh, ngồi xe cộ mà đi, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Xe cộ:[350] có bốn loại: cộ bằng voi, cộ bằng ngựa, cộ bằng xe, cộ do người đi bộ. Tỳ-kheo-ni nào không bệnh, cỡi một trong các loại xe đi, tùy theo cương giới của thôn đã đi, mỗi thôn, một ba-dật-đề. Nếu a-lan-nhã không có thôn, đi mười lý, một ba-dật-đề; dưới một thôn hay dưới mười lý, đột-kiết-la. Nếu đi trong giới vức một gia đình, đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, hẹn mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc có bệnh thế nào đó, đi xe các loại cho người nữ;[351] hoặc mạng nạn cỡi xe để chạy, hoặc bị cường lực bắt dẫn. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 160[352] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni không mặc tăng-kỳ-chi[353] đi vào trong thôn nên để lộ ngực, nách, vú, eo lưng. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Không mặc tăng-kỳ-chi mà vào trong thôn, giống như tặc nữ, dâm nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô đi vào thôn mà không mặc tăng-kỳ-chi, để lộ ngực, nách, vú, eo lưng như vậy?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô đi vào thôn mà không mặc tăng-kỳ-chi, để lộ ngực, nách, vú, eo lưng như vậy?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, đi vào trong thôn mà không mặc-tăng-kỳ chi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Thôn: như trước đã giải. Tỳ-kheo-ni nào, không mặc tăng-kỳ-chi mà vào trong cửa ngõ thôn, ba-dật-đề. Một chân ngoài cửa một chân trong cửa, phương tiện mà không vào, hẹn vào mà không vào, tất cả đều đột-kiết-[772b1] la. Tỳ-kheo (?), đột-kiết-la.[354] Thức-xoa-ma-na, sa-di (?), sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc dưới nách có ghẻ; hoặc không có tăng-kỳ-chi; hoặc giặt nhuộm chưa khô; hoặc bị mất; hoặc cất chỗ quá kiên cố; hoặc bị cường lực bắt; hoặc mạng nạn, phạm hạnh. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 161 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, xẩm tối rồi còn đến nhà cư sĩ, tìm chỗ ngồi mà ngồi. Ngồi trong giây lát, không nói với chủ mà mở cửa ra đi. Trước đó có bọn trộm đã để tâm muốn trộm lấy của nhà cư sĩ này, gặp lúc cửa mở, không người, liền vào tóm thâu tài vật mang đi. Bấy giờ, cư sĩ hỏi rằng: «Khi xẩm tối, ai đã mở cửa ra đi?» Đáp rằng: «Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà.» Cư sĩ liền cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni nầy không biết tàm quý, phạm bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Cùng với kẻ trộm đồng mưu lấy trộm tài vật của tôi; giống như tặc nữ, dâm nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Sao lúc xẩm tối cô lại đến nhà cư sĩ?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lúc xẩm tối cô lại đến nhà cư sĩ?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xẩm tối đến nhà cư sĩ, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni muốn làm việc Phật, Pháp, Tăng, hoặc có vị cần nuôi bệnh, hoặc được đàn-việt mời, nghi không dám đến. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu có người mời thì cho phép đến.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xẩm tối đến nhà bạch y, mà không được gọi trước, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, xẩm tối đến nhà bạch y, trước không được gọi, bước vào cửa, ba-dật-đề. Một chân ngoài cửa, một chân trong cửa, phương tiện muốn đi mà không đi, hẹn đi mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni đến nhà bạch y, ở lại một thời gian ngắn, không nói với chủ mà bỏ đi ra cửa, ba-dật-đề. Phương tiện muốn đi mà không đi, hẹn mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh, hoặc được mời đi, hoặc bị cường lực bắt, hay bị trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, trước không được kêu mà đi; đến nhà kia, trong một giây lát, trước khi đi nói với chủ; hoặc nhà kia bị hỏa hoạn nên sập ngã; hoặc có rắn độc, có giặc cướp, có thú dữ, hay bị sức mạnh cưỡng bắt; hoặc bị trói dẫn ra, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không nói với chủ mà đi ra. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 162 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni, vào lúc xẩm tối, không nói với ai mà mở cửa tăng-già-lam bỏ đi. Kẻ trộm thấy, liền khởi ý nghĩ: «Ta sẽ cướp lấy tài vật của già-lam nầy.» Nghĩ xong chúng liền vào cửa đoạt cướp hết tài vật. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni cùng hỏi nhau rằng: «Lúc xẩm tối, ai mở cửa bỏ đi mà không nói?» Liền sau đó được biết, một trong những vị của nhóm sáu tỳ-kheo-ni mở cửa đi ra. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Lúc xẩm tối, sao cô mở cửa bỏ đi mà không nói với ai hết?» Tỳ-kheo-ni liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lúc xẩm tối mở cửa bỏ đi mà không nói với ai?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mở cửa tăng-già-lam mà đi ra lúc xẩm tối, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni có việc Phật, Pháp, Tăng, hoặc nuôi bệnh, nghi không dám mở cửa đi. Đức Phật dạy: «Từ nay cho phép chúc thọ.» Từ nay, nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mở cửa tăng-già-lam đi ra lúc xẩm tối, mà không dặn lại các tỳ-kheo-ni khác, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào mở cửa tăng-già-lam ra đi lúc xẩm tối, mà không dặn dò lại, ba-dật-đề. Một chân bên trong, một chân bên ngoài, phương tiện muốn đi mà không đi, hay hẹn mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh, dặn dò rồi đi; hoặc tăng-già-lam bị phá hoại, hoặc bị rắn độc, hoặc giặc cướp, ác thú, hoặc bị cường lực bắt, hay bị cột trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không dặn dò mà đi. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 163[355] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni mở cửa tăng-già-lam ra đi lúc mặt trời lặn, mà không dặn ai. Vào lúc ấy, có một tên tù vượt ngục, từ xa thấy tăng-già-lam mở cửa bèn chạy vào trốn. Các người giữ ngục truy tầm, đến hỏi các tỳ-kheo-ni: «Có thấy tên tù hình dáng như vậy chạy đến đây hay không?» Vì không thấy nên các Tỳ-kheo-ni trả lời: «Không thấy.» Người giữ ngục tìm kiếm khắp nơi trong tăng-già-lam, bắt được tên tù vượt ngục. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni nầy nói láo không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp nào? Thấy giặc cướp mà nói không thấy!» Các tỳ-kheo-ni hỏi nhau, xem ai đã mở cửa bỏ đi lúc mặt trời lặn. Sau đó, được biết là một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni lúc mặt trời lặn đã mở [773a1] cửa tăng-già-lam mà đi ra. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao cô mở cửa đi ra lúc mặt trời lặn mà không dặn ai?» Tỳ-kheo-ni liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni, sao cô mở cửa bỏ đi vào lúc mặt trời lặn mà không dặn ai?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mở cửa tăng-già-lam đi ra lúc mặt trời lặn, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh, nghi không dám đi. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép ‘dặn lại’ rồi đi.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, mở cửa tăng-già-lam đi ra lúc mặt trời lặn mà không dặn lại, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, mở cửa tăng-già-lam đi ra lúc mặt trời lặn mà không dặn lại, ba-dật-đề. Một chân ở trong, một chân ở ngoài, phương tiện muốn đi mà không đi, hẹn đi mà không đi, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Vì việc Phật, Pháp, Tăng, việc nuôi bệnh, chúc thọ rồi mới đi. Hoặc Tăng-già-lam bị hoại, hay bị phát hỏa, hoặc có giặc cướp, có thú dữ, có rắn độc ở trong, hoặc bị cường lực bắt, hay bị cột trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không dặn dò mà đi thì không phạm. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 164 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni không hạ an cư. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô không hạ an cư?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại không hạ an cư?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không hạ an cư, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay nuôi bệnh, an cư không kịp, nghi, Phật dạy: «Từ nay về sau, có những nhơn duyên như vậy thì hậu an cư.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không tiền an cư, không hậu an cư, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào không tiền an cư đột-kiết-la; không hậu an cư ba-dật-đề. Sự không phạm: tiền an cư; hoặc vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay nuôi bệnh thọ hậu an cư. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 165 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới, được độ người thọ giới cụ túc, bèn độ người đường đại tiện, tiểu tiện thường són; đàm dãi thường rỉ chảy, cho thọ giới cụ túc. Người được độ thân bị làm bẩn, y bị làm bẩn, ngọa cụ bị làm bẩn. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô độ người, đường đại tiện, tiểu tiện thường són; đàm dãi thường rỉ chảy, khiến bị làm bẩn thân, làm bẩn y, làm bẩn ngọa cụ, chăn?» Các tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại độ người, đường đại tiện, tiểu tiện thường són; đàm dãi thường rỉ chảy, khiến bị làm bẩn thân, làm bẩn y, làm bẩn ngọa cụ, chăn?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người có đường đại tiểu tiện, đàm dãi thường rỉ chảy, cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có các tỳ-kheo-ni không biết họ có đường đại tiện, tiểu tiện, đàm dãi, có rỉ chảy, hay không rỉ chảy. Sau mới biết, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người nữ đường đại tiểu tiện thường rỉ chảy, đàm dãi tiết ra mãi, mà trao cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.[356] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào biết người mà đường đại tiện tiểu tiện thường rỉ chảy, và đàm dãi tiết ra, mà độ cho thọ giới cụ túc; ba lần yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề; hai lần yết-ma xong, ba đột-kiết-la; một lần yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch rồi, đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, cạo đầu, cho thọ giới, tập chúng đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc tin lời người đáng tin, hay tin lời của cha mẹ, cho thọ giới cụ túc rồi, sau đó mới sanh bệnh. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 166[357] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni độ người hai hình, lúc đại tiểu tiện có tỳ-kheo-ni thấy, bạch với chư tỳ-kheo-ni. Chư tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô độ người hai hình?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại độ người hai hình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, [774a1] đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người hai hình thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có các tỳ-kheo-ni không biết họ có hai hình hay không hai hình. Sau mới biết họ có hai hình, nên tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người hai hình mà trao cho giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Hai hình:[358] hình nam và hình nữ. Tỳ-kheo-ni nào biết người hai hình mà cho họ thọ giới cụ túc, yết-ma xong ba lần, Hòa thượng ni ba-dật-đề; hai lần yết-ma xong, ba đột-kiết-la; một lần yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch xong một đột-kiết-la; bạch chưa xong đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, cạo đầu cho thọ giới, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc tin lời nói của người kia, hoặc tin lời người đáng tin, hay tin lời cha me họ, cho thọ giới cụ túc rồi, sau đó mới biến thành hai hình thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 167[359] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni độ người hai đường hiệp lại thọ giới cụ túc, lúc đại tiện tiểu tiện các tỳ-kheo-ni thấy. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô lại độ người hai đường hiệp lại cho thọ giới cụ túc?» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại độ người hai đường hiệp lại cho thọ giới cụ túc?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người hai đường hiệp lại, cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Khi ấy, các tỳ-kheo-ni không biết họ có hai đường hiệp lại hay không, sau mới biết, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người hai đường hiệp lại, cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Hai đường hiệp lại: đường đại tiểu tiện không tách riêng ra. Tỳ-kheo-ni nào biết người hai đường hiệp lại, mà độ cho thọ giới cụ túc, tác pháp yết-ma lần thứ ba xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề; yết-ma xong lần thứ hai, ba đột-kiết-la; yết-ma lần thứ nhất, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, cạo đầu, cho thọ giới, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc tin lời nói của họ, hoặc tin lời người đáng tin, hay tin lời của cha mẹ họ, cho thọ giới rồi sau hai đường mới hiệp. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 168[360] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới cho độ đệ tử, bèn độ người mắc nợ và các người có bệnh cho thọ giới cụ túc. Thọ rồi, chủ nợ đến bắt đem về, còn người bệnh thì cần người chăm sóc không thể cách xa được. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn chế giới cho phép độ người. Sao các cô lại độ người mắc nợ cho chủ nợ đến bắt về; còn người bệnh thì phải cần người chăm sóc, không thể lìa xa được?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại độ người mắc nợ cho chủ nợ đến bắt về; còn người bệnh thì phải cần người chăm sóc, không thể lìa xa được?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, độ người mắc nợ và có bệnh, trao cho giới cụ túc, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết họ có mắc nợ hay không, có bệnh hay không, sau mới biết là họ có mắc nợ và có bệnh, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết người có mắc nợ và có bệnh mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.[361] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Mắc nợ: cho đến chỉ mắc một tiền, là 1 phần trong 16 phần. Bệnh: cho đến thường bị bệnh đầu thống. Tỳ-kheo-ni nào biết người mắc nợ và người có bệnh mà độ cho thọ giới cụ túc, ba lần yết-ma xong, Hòa thượng ni ba-dật-đề; hai lần yết-ma xong, ba đột-kiết-la; một lần yết-ma xong, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, cho cạo tóc, cho thọ giới, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc tin lời nói của người ấy, hoặc tin lời người đáng tin, hay tin lời cha me họ, hoặc cho thọ giới cụ túc rồi, mới mắc nợ hay bệnh. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 169[362] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni học tập chú thuật để tự nuôi sống. Chú thuật gồm có chú chi tiết, chú sát-lợi, hoặc chú khởi thi quỷ, hoặc học biết tướng chết, biết bói chuyển cầm thú luận, biết âm thanh của các loài chim. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Tại sao các cô lại học tập các kỹ thuật như vậy, cho đến biết âm thanh của các loài chim?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, [775a1] chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại học tập các kỹ thuật như vậy, cho đến biết âm thanh của các loài chim?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, học kỹ thuật của thế tục để nuôi sống, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Kỹ thuật: cũng như trước đã nói. Tỳ-kheo-ni nào, học tập các kỹ thuật, cho đến biết âm thanh của các loài chim nói rõ ràng ba-dật-đề, nói không rõ đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu học chú để trị bệnh trùng ở trong bụng, hoặc trị ăn không tiêu, học thơ, học tụng; học lý luận của đời để hàng phục ngoại đạo; hoặc học chú độc vì hộ thân, không vì sự nuôi sống thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 170[363] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng kỹ thuật thế tục dạy cho các bạch y, nói: «Các ngươi chớ nên hướng về mặt trời, mặt trăng và miễu thờ thần kỳ mà đại tiểu tiện. Cũng đừng hướng về mặt trời, mặt trăng, nơi thờ thần, đổ rác rưới và những nước bẩn rửa đồ đạc. Đừng hướng đến mặt trời mặt trăng, nơi thờ cúng thần miếu mà duỗi chân. Hoặc muốn xây cất phòng nhà, cày cấy gieo trồng nên hướng về mặt trời mặt trăng, nơi thờ thần miếu.» Lại nói: «Ngày nay trúng sao đó là tốt nên cày cấy, nên cất nhà, nên thuê người làm, nên cạo đầu con nít, nên để tóc, nên cạo râu tóc, nên cất chứa của cải, nên đi xa.» Các tỳ-kheo-ni nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại đem kỹ thuật như vậy để dạy cho bạch y, nói: ‹Các ngươi biết chăng? Các người đừng nên hướng về mặt trời mặt trăng, nơi miếu thờ cúng thần mà đại tiểu tiện, cho đến, nên đi xa?›» Tỳ-kheo-ni liền bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô lại đem kỹ thuật dạy các nhà trưởng giả, nói: ‹Người biết chăng? đừng hướng đến mặt trời, mặt trăng mà đại tiểu tiện, cho đến, nên xuất hành đi xa.›» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dùng chú thuật của thế tục mà dạy bạch y, ba-dật-đề.[364] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Kỹ thuật: như đã giải trước. Nếu cần nói thì nên nói với người kia rằng: Đừng nên hướng đến tháp của Như Lai và tháp của Thinh văn mà đại tiểu tiện và vất đổ những thứ không sạch; cũng đừng nên hướng đến tháp của Như Lai và tháp của Thinh văn mà duỗi chân ngồi. Nếu muốn cất phòng xá và cày bừa gieo trồng nên hướng đến tháp của Như Lai và tháp của Thanh văn. Lại không được nói ngày nay trúng sao đó là tốt, nên cất nhà, nên gieo giống, nên thuê người làm, nên cạo tóc cho con nít, nên cạo tóc, nên để tóc. Mà nên nói rằng, nên vào trong chùa tháp, cúng dường Tăng tỳ-kheo thọ thực; mồng 8, 14, 15 là những ngày hiện biến hóa.[365] Tỳ-kheo-ni kia đem những kỹ thuật của thế tục để dạy cho bạch y như vậy, cho đến nên xuất hành đi xa, nói rõ ràng ba-dật-đề, nói không rõ ràng, đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu nói, đừng hướng đến tháp của Như Lai và Thinh văn, đại tiểu tiện, đổ các đồ rác bẩn; cũng đừng hướng đến tháp của Như Lai và Thanh văn duỗi chân ngồi. Nếu muốn cày cấy gieo trồng, xây cất phòng nhà nên hướng đến tháp của Như Lai, cho đến pháp thọ thực, hoặc nói vui đùa nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 171[366] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở nước Châu-na-hy-la. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni bị đuổi mà không đi. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô bị đuổi mà không đi?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô bị đuổi mà không đi?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, bị đuổi mà không đi, ba-dật-đề.[367] B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. NếuTỳ-kheo-ni nào bị đuổi mà không đi, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Bị đuổi đi liền; hoặc tùy thuận không chống trái, hạ ý sám hối, cầu giải yết-ma đuổi; hoặc bị bệnh; hoặc không có bạn để cùng đi; hoặc đường sá bị trở ngại; hoặc bị nạn giặc, hoặc thú dữ, hoặc nước lụt, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị nhốt trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên bị đuổi mà không đi. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 172[368] A. DUYÊN KHỞI Một thời. đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni An Ẩn, đại trí tuệ, hỏi nghĩa các tỳ-kheo. Các vị tỳ-kheo bị hỏi, không thể trả lời được nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni An Ẩn: «Sao cô ỷ có trí tuệ nhiều, hỏi nghĩa các tỳ-kheo, khiến quí vị không thể trả lời được, nên hổ thẹn?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cô ỷ có trí tuệ nhiều, hỏi nghĩa các tỳ-kheo, khiến quí vị không thể trả lời được, nên hổ thẹn?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên [776a1] phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, hỏi nghĩa kinh các tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni đến ngày giáo thọ không biết đến ai để cầu giáo thọ; nghi, không biết đến nơi nào để hỏi nghĩa? Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, muốn hỏi nghĩa phải xin phép trước, sau đó mới hỏi.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, muốn hỏi nghĩa với tỳ-kheo, không xin phép trước mà hỏi,[369] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào hỏi nghĩa với tỳ-kheo, không xin phép mà hỏi; nói rõ ràng, ba-dật-đề. Nói không rõ ràng đột-kiết-la. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước xin phép sau mới hỏi; hoặc đã thường hỏi; hoặc quen thân; hoặc người thân hậu nói: «Cô cứ hỏi đi, tôi sẽ xin phép giùm cô;» hoặc vị kia thọ giáo với vị này; hoặc hai người đều đến thọ giáo nơi người khác; hoặc người kia hỏi người này trả lời; hay hai người cùng tụng hoặc nói cho vui, nói vội, nói chỗ vắng, nói trong mộng, hay muốn nói việc nầy, nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 173[370] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, người ở trước kẻ đến sau, người đến sau kẻ ở trước.[371] Muốn gây phiền phức người kia, nên đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt người kia. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao, các cô người ở trước kẻ đến sau, trước mặt tỳ-kheo-ni muốn gây phiền phức bằng cách kinh hành, đứng, ngồi, nằm?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, các cô kẻ ở trước người đến sau, trước mặt tỳ-kheo-ni khác muốn gây phiền phức bằng cách đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền phức người kia, đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt người ấy, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni kia không biết (họ) ở trước hay không phải ở trước, (họ) đến sau hay không phải đến sau; sau mới biết, nên tác sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy: «Không biết thì không phạm.» Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền phức vị kia, bèn đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào biết kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền vị kia, nên kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt họ, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Trước không biết, hoặc có hỏi, hoặc cho phép kinh hành; hoặc là bậc Thượng tọa, hoặc xem nhau kinh hành, hoặc muốn kinh hành, hoặc là quen biết, hoặc người quen biết nói: «Cô cứ kinh hành. Tôi sẽ nói giùm cho cô;» hoặc bị bệnh té xuống, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói cột, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 174 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một vị tỳ-kheo-ni, nổi tiếng được nhiều người biết, qua đời. Các tỳ-kheo-ni xây tháp trong Tăng-già-lam của tỳ-kheo. Chư ni tập trung những hòn đá rửa chân ở mọi nơi của đại Tăng đập ra để xây tháp. Có khách tỳ-kheo đến, vì không biết là tháp của tỳ-kheo-ni, nên lễ bái. Các tỳ-kheo-ni nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại xây tháp trong Tăng-già-lam của đại Tăng, khiến cho khách tỳ-kheo đến không biết nên lễ bái?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại xây tháp trong Tăng-già-lam của đại Tăng, khiến cho khách tỳ-kheo không biết nên lễ bái?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xây tháp trong tăng-già-lam của tỳ-kheo, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni đối với trong tăng-già-lam cũ, không có tỳ-kheo, nên hư hại, muốn xây tháp, nhưng nghi. Phật dạy: «Không phạm.» Từ nay về sau, nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xây tháp trong tăng-già-lam có tỳ-kheo, ba-dật-đề. Các tỳ-kheo-ni lại không biết có tỳ-kheo hay không có tỳ-kheo nên hoặc sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật nói: «Không biết thì không phạm.» Từ nay, giới này nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, biết tăng-già-lam có tỳ-kheo, mà xây tháp, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni biết có tỳ-kheo trong Tăng-già-lam mà xây tháp, cứ theo mỗi việc lấy đá rửa chân, gạch ngói, những lọn cỏ nhiều hay ít; mỗi một thứ là một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu trước không biết, hoặc Tăng-già-lam cũ bị hư hại; hay xây tháp trước, tăng-già-lam lập sau thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 175[372] A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn chế giới, khiến tỳ-kheo-ni dù là 100 tuổi mà thấy tỳ-kheo mới thọ giới, cũng phải đứng dậy nghinh đón, lễ bái, cung kính, hỏi chào, trải tọa cụ mời ngồi. Song có các tỳ-kheo-ni kia không đứng dậy nghinh đón lễ bái, cung kính, hỏi chào. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo-ni: «Đức Thế tôn chế giới, khiến tỳ-kheo-ni dù là 100 tuổi, nhưng khi thấy tỳ-kheo mới thọ giới, cũng phải đứng dậy nghinh đón cung kính, lễ bái, hỏi chào, trải tọa cụ mời ngồi. Sao các cô không đứng dậy nghinh đón?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp [777b1] Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các cô thấy tỳ-kheo mới thọ giới không đứng dậy nghinh đón, lễ bái, cung kính, hỏi chào, trải tọa cụ mời ngồi, cho dù đã 100 tuổi?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, dù 100 tuổi, thấy tỳ-kheo mới thọ giới mà không đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, ba-dật-đề. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có vị nhất tọa thực, không ăn thức ăn làm pháp dư thực,[373] hoặc có bệnh, hay ăn chưa đủ no nên không đứng dậy chào, nghi. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép nói: ‹Sám hối Đại đức. Con có nhơn duyên như vậy, như vậy nên không đứng dậy nghinh đón Đại đức.›» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, thấy tỳ-kheo mới thọ giới phải đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào mời ngồi. Nếu không làm vậy, trừ có nhân duyên, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào thấy tỳ-kheo không đứng dậy, ba-dật-đề. Trừ nhơn duyên. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Nếu đứng dậy nghinh đón; hoặc nhất tọa thực, hoặc không ăn thức ăn làm pháp dư thực, hoặc bị bệnh, hay vì ăn chưa đủ no, nói: «Sám hối Đại đức, con có nhơn duyên như vậy, như vậy, nên không đứng dậy nghinh đón.» Hoặc bị bệnh té xuống đất, hoặc bị cường lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 176 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni mặc y uốn éo thân hình đi, vì làm đẹp. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, phạm vào phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình như bọn dâm nữ, tặc nữ vậy!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ vậy?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni, mà vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, vì muốn làm đẹp mà vừa đi vừa uốn éo thân hình, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, vì muốn làm duyên đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Vì mắc phải chứng bệnh nào đó, hoặc vì bị người đánh phải tránh né, hoặc bị voi dữ xông đến, hoặc gặp giặc, hoặc gặp thú dữ, hoặc bị gai gốc phải lấy tay đỡ; hoặc lội qua nước sông, hay mương rãnh, vũng bùn; hoặc muốn cho y được tề chỉnh, khỏi bị cao thấp so le như vòi con voi hay lá cây đa-la; hoặc xếp thành lằn nhỏ nhăn nhó nên phải xoay mình ngó bên tả bên hữu. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 177 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni tự mình trang sức chải tóc,[374] thoa hương thơm vào mình, các cư sĩ thấy, chê cười nói: «Chúng ta là phụ nữ tự trang sức thân hình, chải tóc, thoa hương thơm vào người. Các tỳ-kheo-ni nầy mà cũng lại làm như vậy!» Do đó, họ sanh tâm khinh mạn không cung kính. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô đã xuất gia, sao lại trang sức thân hình như vậy?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, các cô đã xuất gia, sao lại trang sức thân hình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, trang điểm, thoa hương thơm như phụ nữ, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, trang điểm thoa hương thơm vào mình như phụ nữ, cứ tính một chấm là một ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc có chứng bệnh thế nào đó; hoặc cha mẹ mắc bệnh, hay bị trói nhốt, mình phải tắm rửa chải tóc; hoặc người ưu-bà-di tín tâm bị bệnh, hay bị nhốt trói, vì họ tắm rửa; hoặc bị cường lực. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 178 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni Già-ca-chiên-đà-thâu-na là chị ruột của một nữ tu ngoại đạo. Tỳ-kheo-ni kia sai em mình là ngoại đạo xoa chà hương thơm vào mình. Các cư sĩ thấy chê cười, nói: «Tỳ-kheo-ni nầy không biết hổ thẹn, phạm vào phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sai em mình là ngoại đạo xoa chà hương thơm vào mình, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Già-ca-chiên-đà-thâu-na: «Sao cô lại bảo em gái cô là ngoại đạo xoa chà hương thơm vào mình?» Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Già-ca-chiên-đà-thâu-na: «Cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm.Tại sao tỳ-kheo-ni lại bảo em gái mình là ngoại đạo xoa chà hương thơm vào mình?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp [778a1] cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, sai nữ ngoại đạo xoa chà hương thơm vào mình, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, sai nữ ngoại đạo thoa chà hương thơm vào thân, ba-dật-đề. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Hoặc mắc bệnh thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt; thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. CHƯƠNG V BA-LA-ĐỀ ĐỀ-XÁ-NI[1] ĐIỀU 1 A. DUYÊN KHỞI Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni xin váng sữa[2] để ăn. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo nầy không biết hổ thẹn, cầu xin không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng Như vậy có gì là chánh pháp? Xin ván sữa để ăn, như bọn tặc nữ dâm nữ không khác!» Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại xin váng sữa để ăn ?» Quở trách rồi, tỳ-kheo-ni thiểu dục liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại xin váng sữa để ăn?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, xin váng sữa để ăn, phạm pháp đáng chê trách phải sám hối. Nên đến các tỳ-kheo-ni khác nói: ‹Thưa đại tỉ, tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay đến đại tỉ xin sám hối.[3]› Đây gọi là pháp hối quá. Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy rồi, có vị nghi, không dám vì người bệnh xin, chính mình bệnh cũng không dám xin, người khác vì mình xin cũng không dám dùng. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép, mình bệnh được xin, vì người bệnh được xin, người khác vì mình xin được dùng.» Từ nay nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà xin váng sữa để ăn, phạm pháp đáng chê trách phải sám hối. Nên đến các tỳ-kheo-ni khác nói: ‹Thưa đại tỉ, tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi đến đại tỉ sám hối.› Gọi là pháp hối quá. B. GIỚI TƯỚNG Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên. Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà xin váng sữa để ăn, một miếng nuốt là một ba-la-đề đề-xá-ni. Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: Vì mình có bệnh, vì người bệnh mà xin, hoặc người khác vì mình xin, hay mình vì người khác xin, hoặc không xin mà được. Thảy đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. ĐIỀU 2 - ĐIỀU 8 2. Xin dầu, 3. Xin mật, 4. Xin đường mía, 5. Xin sữa, 6. Xin sữa đặc, 7. Xin cá, 8. Xin thịt; cũng như xin váng sữa không khác.[4] Bốn giới trên của tỳ-kheo, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Bốn giới dưới, tỳ-kheo ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Chúng học giới, cùng đại Tăng không khác. Nên không chép ra.[5]
Chú thích: [347] Pali, Pāc. 85. Ngũ phần: điều 141. Thâp tụng: điều 145. Tăng kỳ: điều 111. [348] Hán: bộ vãn thặng (thừa) 步挽乘. [349] Hán: nhất thiết nữ thặng 一切女乘. Có lẽ loại xe chỉ dành cho phụ nữ. Các bộ không thấy đề cập loại xe này. Đoạn dược, nói là chủng chủng nữ thặng 種種女乘 (Để bản: an 安; Tống-Nguyên-Minh: nữ 女). [350] Thừa (hay thặng) 乘 , chỉ chung các phương tiện chuyên chở: xe, cộ, kiệu, cáng. Pali: yāna, định nghĩa: vayhā, kiệu đi núi, ratha, xe do con vật kéo, sakaṭa, xe tải, sandamānikā, chiến xa, sivikā, cáng, pāṭaṅkī, kiệu. [351] Xem cht. 350 trên. [352] Pali, Pāc. 96. Ngũ phần: điều 181. [353] Tăng-kỳ-chi 僧祇支 . Căn bản: tăng-khước-kỳ. Pali: saṅkicchā (yếm), định nghĩa (Vin. iv. 345): áo che ngực, phần từ xương cổ xuống, rốn trở lên. [354] Người dịch do quán tính thuộc lòng, nên nói như vậy. [355] Ngũ phần: điều 169. [356] Cf. Ngũ phần, điều 178: «… người nữ kinh nguyệt ra mãi…» [357] Ngũ phần: điều 176. [358] Nhị hình 二形 . Ngũ phần: nhị căn 二根. Người có hai sinh thực khí. [359] Ngũ phần: điều 177. [360] Ngũ phần: điều 125 & 127. [361] Ngũ phần, điều 125: «…người nữ bịnh thường xuyên…»; điều 127: «… người nữ mắc nợ…» [362] Tăng kỳ: điều 82. [363] Tăng kỳ: điều 83. [364] Tăng kỳ, ibid.: «… dạy nghề thuốc…» [365] Nơi khác, gọi là ngày «thần biến.» [366] Ngũ phần: điều 172. [367] Ngũ phần, ibid, «… bị yết-ma khu xuất…» [368] Pali, Pāc. 95. Ngũ phần: điều 186. Thập tụng: điều 158. Căn bản: điều 169. [369] Thập tụng: «… chưa được cho phép, mà hỏi Kinh, Luật, Tì-đàm…» [370] Xem điều 92 trên. [371] Tiên trụ hậu chí, hậu chí tiên trụ 先住後至後至先住 : mình ở trước, người đến sau; hoặc mình đến sau, người ở trước (tại một trú xứ). Xem điều 92 & cht. 144 & 145. [372] Ngũ phần: điều 179. [373] Một lần ngồi ăn, đứng dậy rồi, không ăn lại nữa. Dù có làm phép dư thực. Xem Phần I, Ch. v. ba-dật-đề 35. [374] Thập tụng, các điều 167-172: tự mình và nhờ người chà đầu; tự mình và nhờ người chải tóc; tự mình và nhờ người bện tóc. Ngũ phần, điều 203: làm eo nhỏ; điều 204: các hình thức trau chuốt thân hình; điều 207: ngắm nghía thân mình; điều 208: soi kiếng. [1] Bản Hán không ghi chương. Chỉ ghi chú nhỏ ở cuối thiên ba-dật đề: «Đã nói xong 178 pháp ba-dật-đề.» Bản Việt đặt thành chương riêng biệt để thống nhất hình thức với luật tỳ kheo. Thiên này có 8 điều, tất cả đều biệt giới. Ngũ phần 14 (T22n1421, tr.100a16), phần ii, thiên thứ 5, «Ni luật hối quá pháp,» 8 pháp ba-la-đề đề-xá-ni. Tăng kỳ 40 (T22n1425, tr.544a08): tám pháp đề-xá-ni. Thập tụng 47 (T23n1435, tr.345a23). Căn bản ni 20 (T23n1443, tr.1016a27): «Đệ tứ bộ ba-la-đề đề-xá-ni pháp.» Pali, Vin.iv. 346, Bhikkhunīvibhaṅga, «5. Pāṭidesanīyakaṃ.» [2] Hán: tô 酥. Pali: sappi, thục tô, tô nhũ, hay đề hồ. Giải thích: các loại tô làm từ sữa bò, sữa sơn dương, hay sữa trâu. [3] Pali: gārayhaṃ dhammaṃ āpajjiṃ asappāyaṃ pāṭidesanīyaṃ, phạm pháp đáng bị chê trách, không thích đáng, cần phải phát lồ. [4] Xin 8 thứ, Tứ phần, Ngũ phần, Tăng kỳ: tô, du, mật, thạch mật, nhũ, lạc, ngư, nhục 酥油蜜黑石蜜乳酪魚肉. Thập tụng: nhũ, lạc sanh tô, thục tô, du, ngư, nhục bô 乳酪生酥 熟酥油魚肉脯. Pali: sappi, dadhi, tela, madhu, phāṇita, maccha, maṃsa, khīra. [5] Hết quyển 30. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích PHẦN THỨ BA TĂNG SỰ CHƯƠNG I. THỌ GIỚI[1] I. THÍCH THỊ THẾ PHỔ [779a7] Tôi từng nghe chuyện được kể như vầy: Từ xa xưa về trước, có vị Vua đầu tiên xuất hiện trong đời, tên là Đại Nhơn, được đại chúng suy cử.[2] Nhà Vua có thái tử tên là Thiện Vương. Thiện Vương có thái tử tên là Lâu-di. Vua Lâu-di có con tên là Trai.[3] Trai vương có con tên là Đảnh Sanh.[4] Vua Đảnh Sanh có con tên là Giá-la. Vua Giá-la có con tên là Bạt-giá-la. Vua Bạt-giá-la có con tên là Vi. Vua Vi có con tên là Vi-lân-đà-la. Vua Vi-lân-đà-la có con tên là Bề-hê-lê-tứ. Vua Bề-hê-lê-tứ có con tên là Xá-ca-đà. Vua Xá-ca-đà có con tên là Lâu-chi. Vua Lâu-chi có con tên là Tu-lâu-chi. Vua Tu-lâu-chi có con tên là Ba-la-na. Vua Ba-la-na có con tên là Ma-ha-ba-la-na. Vua Ma-ha- ba-la-na có con tên là Quý-xá. Vua Quý-xá có con tên là Ma-ha-quý-xá. Vua Ma-ha-quý-xá có con tên là Thiện Hiện. Vua Thiện Hiện có con tên là Đại Thiện Hiện. Vua Đại Thiện Hiện có con tên là Vô Ưu.[5] Vua Vô Ưu có con tên là Quang Minh. Vua Quang Minh có con tên là Lê-na. Vua Lê-na có con tên là Di-la. Vua Di-la có con tên là Mạt-la. Vua Mạt-la có con tên là Tinh Tấn Lực. Vua Tinh Tấn Lực có con tên là Lao-xa. Vua Lao-xa có con tên là Thập Xa. Vua Thập Xa có con tên là Bách Xa. Vua Bách Xa có con tên là Kiên Cung. Vua Kiên Cung có con tên là Thập Cung. Vua Thập Cung có con tên là Bách Cung. Vua Bách Cung có con tên là Năng Sư Tử. Vua Năng Sư Tử có con tên là Chơn-xà. Từ Vua Chơn-xà theo thứ tự về sau có mười chủng tộc Chuyển luân thánh vương: 1. Già-nâu-chi. 2. Đa-lâu-tỳ-đế. 3. A-thấp-tỳ. 4. Càn-đà-la. 5. Già-lăng-ca. 6. Chiêm-tỳ. 7. Câu-la-bà. 8. Bát-xà-la. 9. Di-tất-lê. 10. Ý-sư-ma. Già-nâu-chi theo thứ tự tương thừa có năm Vua. Đa-lâu-tỳ-đế theo thứ tự có năm Vua. A-thấp-tỳ có bảy Vua. Càn-đà-la có tám Vua. Già-lăng-ca có chín Vua. Chiêm-tỳ có mười bốn Vua. Câu-la-bà có ba mươi mốt Vua. Bát-xà-la có ba mươi hai Vua. Di-tất-lê, theo thứ tự có 84.000 Vua. Vua Ý-sư-ma, theo thứ tự có 100 Vua. Từ Vua Ý-sư-ma về sau có nhà Vua tên là Đại Thiện Sanh. Vua Đại Thiện Sanh có con tên là Ý-sư-ma. Vua Ý-sư-ma có con tên là Ưu-la-đà. Ưu-la-đà có con tên là Cù-la. Cù-la có con tên là Ni-phù-la. Ni-phù-la có con tên là Sư Tử Giáp.[6] Sư Tử Giáp có con tên là Duyệt-đầu-đàn. Duyệt-đầu-đàn có con tên là Bồ-tát. Bồ-tát có con tên là La-hầu-la. II. TRUYỆN ĐỨC THÍCH TÔN 1. Xuất gia và thành đạo i. Vương tử họ Thích Bồ-tát là con nhà họ Thích, bên cạnh Tuyết sơn, quốc giới phía bắc; thuộc dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, các tướng đầy đủ. Khi vừa mới sanh, các thầy tướng bà-la-môn đều đến xem tướng. Họ luận đoán: «Đại vương, hài nhi đây có đầy đủ ba mươi hai tướng của đại nhơn. Người có tướng này sẽ hướng đến hai con đường, chắc chắn không sai. Một là, nếu không xuất gia, sẽ là Vua Sát-lợi Quán đảnh[7] Chuyển luân thánh vương, có khả năng chinh phục tất cả, làm chủ bốn thiên hạ, được gọi là Pháp vương,[8] vì chúng sanh mà làm vị Tự tại,[9] đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu là: 1. Luân bảo, 2. Tượng bảo, 3. Mã bảo, 4. Châu bảo, 5. Ngọc nữ bảo, 6. Chủ tàng thần bảo, 7. Điển binh bảo. Thái tử có đầy đủ một ngàn người con hùng mãnh, dũng kiện có khả năng đẩy lui tất cả quân địch trên lãnh thổ, không cần dùng đao trượng, tự xử dụng sức của mình, bằng chánh pháp cai trị giáo hóa, không hề có sự sợ hãi khi hành vương sự. Nhà Vua thi hành mọi việc một cách tự tại, không hề khiếp nhược. Hai là, nếu Thái tử xuất gia, sống không gia đình, thì sẽ thành bậc Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa các chúng hội của Ma, của Phạm, của sa-môn, bà-la-môn, chúng hội chư thiên và loài người, đã tự thân chứng ngộ, tự thân an lạc, rồi vì chúng sanh nói pháp; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện xảo, có đủ nghĩa và vị, với phạm hạnh được hiển hiện.» Bấy giờ, Vua nước Ma-kiệt là Bình-sa[10] lo ngại các nước ở biên giới; sai người thám sát khắp nơi. Nhà Vua nghe quân thám sát tâu rằng, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhơn. Các thầy xem tướng nói như trên. Bấy giờ, quân thám sát đến tâu với Vua rằng: «Đại vương nên biết, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, như trên đã nói. Nay nhà Vua nên tìm cách trừ khử người kia đi. Nếu không, sợ sau này sẽ gây hại cho Vua. Việc mất nước, mất đất, sẽ do từ đây phát sinh.» Vua nói: «Làm thế nào mà trừ khử được! Nếu vị kia không xuất gia, sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm Chuyển luân thánh vương, có đủ bảy báu, thống lãnh bốn thiên hạ, là bậc Tự tại, không hề khiếp nhược. Ta sẽ là thần thuộc phục mệnh. Nếu vị ấy xuất gia học Đạo, chắc thành bậc Vô thượng Chí chơn, Đẳng chánh giác, nói pháp cho mọi người; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, đều thiện xảo. Ta sẽ làm đệ tử của vị ấy.» Theo thời gian Bồ-tát khôn lớn, các căn đầy đủ. Từ chỗ nhàn tịnh, Ngài suy nghĩ: «Nay, Ta xét thấy thế gian này thật là khổ não. Có sanh, có già, có bệnh, có chết. Chết đây sanh kia. Do thân này mà biên tế của khổ không được chấm dứt. Làm thế nào để chấm dứt cái thân khổ này?» ii. Xuất gia tầm đạo Lúc bấy giờ, Bồ-tát vừa tuổi thanh xuân, đầu tóc đen mướt, tướng mạo thù đặc, đang thời thịnh tráng, mà tâm không ham muốn dục lạc. Cha mẹ sầu ưu khóc lóc, không muốn để Bồ-tát xuất gia học đạo. Rồi thì, Bồ-tát cưỡng ý cha mẹ, tự mình cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, từ bỏ gia đình để sống không gia đình. Bồ-tát du hành, dần dà đi từ biên giới nước Ma-kiệt đến thành La-duyệt.[11] Nghỉ đêm tại núi kia.[12] Sáng sớm tinh sương, Ngài khoác ca-sa, bưng bát, vào thành La-duyệt khất thực. Tướng mạo cực kỳ đẹp đẽ. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Khi ấy, Vua Ma-kiệt ở trên lầu cao, các đại thần vây quanh trước sau. Vua từ xa nhìn thấy Bồ-tát vào thành khất thực. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Thấy vậy, nhà Vua nói bài kệ khen ngợi cho các đại thần nghe: Các ngươi xem người kia, Cử chỉ Thánh tuyệt vời. Tướng hảo thật trang nghiêm; Chẳng phải hàng hạ tiện. Nhìn thẳng, không liếc ngó; Trực chỉ tiến bước lên. Vua liền sai người hỏi: Tỳ-kheo muốn đi đâu? [780a1]Người sứ được Vua sai Theo sau chân tỳ-kheo; Xem tỳ-kheo đến đâu, Nghỉ đêm ở chỗ nào? Xin xong khắp mọi nhà, Các căn định, trầm tĩnh. Bát cơm nhanh chóng đầy; Ý chí thường vui tươi. Sau khi khất thực xong, Thánh liền ra khỏi thành. Trên núi Ban-trà-bà,[13] Sẽ tạm nghỉ nơi đây. Biết chỗ tỳ-kheo nghỉ; Một người ở lại đó, Một người trở về tâu. Để nhà Vua biết rõ Tỳ-kheo hiện nghỉ đêm Tại núi Ban-trà-bà. Nằm ngồi như sư tử; Như cọp tại rừng sâu. Vua nghe sứ thần tâu, Lệnh trang hoàng cỗ voi. Cùng quân hầu tùy tùng, Đồng đến lễ Bồ-tát. Khi đến hỏi chào xong, Rồi ngồi qua một bên. Sau khi chào hỏi rồi, Vua lại nói như sau: «Xem Ngài đang tráng thịnh, Các hành rất thanh tịnh; Lẽ đáng ngự đại xa Quần thần hầu giá nghiêm. Tướng mạo rất đoan chánh, Tất sanh dòng Sát-lợi?» «Nay tôi trả lời ngài; Xin nói quê hương mình. Nay phía Bắc núi Tuyết, Có nước Đại vương trị. Nay ở Bắc tuyết sơn Họ cha gọi là Nhật[14] Sinh xứ là Thích-ca. Tài bảo, kỹ thuật đủ, Cha mẹ đều chơn chánh. Bỏ nhà, tầm học đạo; Không ưa chốn ngũ dục. Xem dục nhiều khổ não. Ly dục thường an ổn. Tìm cầu chỗ diệt dục, Là tâm ý của tôi.». Bấy giờ, nhà Vua nói với Thái tử rằng: «Nay ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ chia cho phân nửa nước.» Bồ-tát trả lời: «Tôi không thể nghe theo lời đó được.» Nhà Vua lại nói: «Ngài có thể làm Đại vương. Nay tôi cho ngài trọn nước và tất cả những sở hữu. Tôi dở luôn cả vương miện báu này tặng ngài. Ngài ở ngôi vương vị để trị vì. Tôi sẽ làm thần hạ.» Bồ-tát trả lời: «Tôi bỏ ngôi vị Chuyển luân vương để xuất gia học đạo, đâu có thể ham ngôi vị Vua nơi biên quốc mà sống ở thế tục. Này Vua nên biết, cũng như có người đã từng thấy nước trong đại hải, sau thấy nước trong vũng chân trâu, đâu có thể sanh tâm nhiễm trước. Việc này cũng như vậy. Tôi há lại bỏ ngôi Chuyển luân vương để nhận ngôi vị tiểu vương chư hầu.[15] Việc này không thành vậy!» Bấy giờ, nhà Vua thưa rằng: «Nếu người thành Vô thượng đạo, thì đến thành La-duyệt này trước, để tôi được thăm.» Bồ-tát trả lời: «Được.» Nhà Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Bồ-tát, nhiễu ba vòng, rồi cáo lui. Bấy giờ, có người tên là A-lam-ca-lam[16] là bậc thầy trong mọi người, dạy cho các đệ tử môn thiền định vô sở hữu xứ.[17] Bồ-tát đến chỗ của A-lam-ca-lam thưa hỏi: «Ngài dạy các đệ tử bằng những pháp gì, khiến cho họ chứng đắc?» A-lam-ca-lam trả lời: «Này Cù-đàm, tôi nói cho các đệ tử về định vô sở hữu, khiến cho họ chứng đắc.» Bấy giờ, Bồ-tát liền nghĩ: «Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có lòng tin, mà nay Ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có tinh tấn, mà Ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có trí tuệ, mà nay Ta cũng có trí tuệ. Nay, A-lam-ca-lam bằng pháp này mà chứng đắc, Ta há không tịnh tọa tư duy, bằng trí tuệ, mà chứng đắc. Nay, Ta cần siêng năng tinh tấn để chứng pháp này.» Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn, không bao lâu, chứng đắc pháp này. Khi Bồ-tát chứng đắc rồi, đến chỗ A-lam-ca-lam nói: «Ngài chỉ chứng pháp vô sở hữu định này và nói cho người phải không?» A-lam-ca-lam trả lời: «Tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.» Bồ-tát nói: «Tôi cũng đã chứng pháp vô sở hữu định này. Nhưng không nói cho người khác.» A-lam-ca-lam hỏi: «Cù-đàm, thật sự người đã chứng vô sở hữu định này nhưng không nói cho người chăng? Tôi cũng chứng vô sở hữu định này nhưng tôi mà nói cho người khác. Cù-đàm, những gì tôi biết thì người cũng biết. Những gì người biết thì tôi cũng biết. Người như tôi. Tôi như người. Này Cù-đàm, người có thể cùng tôi lo Tăng sự[18] chăng?» Bấy giờ, A-lam-ca-lam sanh lòng hoan hỉ, cung kính thừa sự Bồ-tát, coi ngang hàng với mình. Rồi thì, Bồ-tát lại nghĩ: «Loại thiền định vô sở hữu này không phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi chứng đắc Niết-bàn. Ta không thích pháp này.» Bồ-tát bèn bỏ A-lam-ca-lam ra đi để cầu pháp cao siêu hơn. Bấy giờ, có Uất-đầu-lam Tử[19] là bực thầy đứng đầu ở trong đại chúng. Vị này sau khi thầy mạng chung, dạy các đệ tử của thầy về loại thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.[20] Bồ-tát đến chỗ Uất-đầu-lam Tử thưa hỏi: «Thầy của Ngài dạy đệ tử bằng những pháp gì?» Uất-đầu-lam Tử trả lời: «Thầy của tôi dạy các đệ tử môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.» Bồ-tát nghĩ rằng: «Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có lòng tin mà ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có tinh tấn mà ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có trí tuệ mà ta cũng có trí tuệ. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử chứng pháp này mà vì người nói. Ta há không thể chứng pháp này. Nay Ta có thể nổ lực tinh tấn để chứng pháp này.» Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn, không bao lâu chứng được pháp này. Bấy giờ, Bồ-tát đến chỗ Uất-đầu-lam Tử hỏi: «Ngài chỉ có môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ này, hay còn có pháp nào nữa?» Uất-đầu-lam Tử trả lời: «Cù-đàm, tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.» Bồ-tát hỏi: «Nay, tôi cũng đã chứng định phi tưởng phi phi tưởng xứ này.» Uất-đầu-lam Tử nói: «Người thật sự có định phi tưởng phi phi tưởng nầy rồí chăng? Thầy của Uất-đầu-lam Tử tôi cũng đã chứng nghiệm định phi tưởng phi phi tưởng xứ này. Những gì Thầy của tôi biết thì nay người cũng biết. Những gì người biết thì Uất-đầu-lam Tử cũng biết. Người giống như Uất-đầu-lam Tử, Uất-đầu-lam Tử cũng giống như người. Nầy Cù-đàm, nay người hãy cùng tôi trông coi Tăng sự này.» Bấy giờ, Uất-đầu-lam Tử phát tâm hoan hỷ, thừa sự Bồ-tát, tôn lên bậc Thầy để thờ kính. Bấy giờ, Bồ-tát lại nghĩ: «Ta quán sát định phi tưởng phi phi tưởng xứ này chẳng phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi chứng đắc Niết-bàn. Ta không thích pháp này.» Bồ-tát bỏ Uất-đầu-lam Tử ra đi để tìm cầu pháp cao siêu hơn. Pháp thù thắng mà Bồ-tát tìm cầu, đó là pháp tịch tĩnh tối thượng.[21] iii. Sáu năm khổ hạnh Bồ-tát từ ranh giới Ma-kiệt du hóa về phương nam, đến núi Tượng đầu,[22][23] Nơi đó, có một vùng đất sạch sẽ, bằng phẳng, xinh đẹp, khả ái; cỏ xanh non mềm mại đều xoay về phía hữu; ao tắm trong mát mẻ, nước sạch sẽ; vườn rừng rậm rạp bao quanh; thôn xóm dân cư ở xung quanh đông đảo. Thấy vậy, Bồ-tát nghĩ: «Thiện nam tử nào muốn tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây là chỗ tốt. Nay ta tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây chính là chỗ ta muốn. Nay ta có thể ngồi nơi đây để đoạn kết sử.» Bấy giờ có năm người đi theo Bồ-tát tự nghĩ rằng: «Nếu Bồ-tát thành đạo thì sẽ nói pháp cho chúng ta.» trong thôn Đại tướng, ở Uất-tì-la. Bấy giờ, Uất-bề-la có bốn người con gái: một tên là Bà-la, hai tên là Uất-bà-la, ba tên là Tôn-đà-la, bốn tên là Kim-bà-già-la đều [781a1] để ý vào Bồ-tát, tự nghĩ: «Nếu Bồ-tát xuất gia học đạo chúng ta sẽ làm đệ tử. Nếu Bồ-tát không xuất gia học đạo, ở tại gia theo thế tục thì chúng ta sẽ là thê thiếp.» Ở đây, Bồ-tát khổ hạnh sáu năm, nhưng vẫn không chứng được pháp thù thắng của Thánh trí tăng thượng. Rồi Bồ-tát nhớ lại. Xưa kia, nơi bờ ruộng, chỗ phụ vương hạ điền, ngài ngồi dưới bóng cây Diêm-phù, với sự ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly,[24] ngài chứng nghiệm và an trú Sơ thiền. Bồ-tát lại nghĩ: «Có con đường nào để từ đó đạt được dứt sạch nguồn gốc khổ?» Lại nghĩ tiếp, «Con đường này sẽ dẫn đến chỗ dứt sạch nguồn gốc khổ.» Rồi Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn tu tập trí này; từ con đường này, sẽ dứt sạch được nguồn gốc khổ. Bồ-tát lại nghĩ: «Có hay chăng, nhân bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc?» Rồi lại nghĩ: «Không thể do bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc.» Ngài lại nghĩ, «Có phải chăng, do tập hành vô dục, xả pháp bất thiện, mà đạt được pháp an lạc? Nhưng Ta không do bởi sự tự hành khổ thân này mà đạt được pháp an lạc. Nay, Ta có nên ăn một ít cơm, bánh bột, để có được sức khoẻ trở lại chăng?» Sau đó Bồ-tát bắt đầu ăn một ít cơm khô[25] để có được sức khỏe. Khi Bồ-tát ăn một ít thức ăn đó, năm người đi theo đều thất vọng và từ bỏ Bồ-tát ra đi, nói với nhau rằng: «Sa-môn Cù-đàm cuồng mê mất đạo. Đâu còn có đạo chơn thật nữa.» iv. Thành Đẳng chánh giác Bấy giờ, Bồ-tát đã phục hồi sức lực rồi, liền đến nơi dòng nước sông Ni-liên-thiền[26] tắm rửa thân thể. Sau đó, lên bờ, đến dưới bóng cây Bồ-đề. Khi ấy, cách gốc cây không xa có một người cắt cỏ tên là Cát An,[27] Bồ-tát đến trước người này nói: «Tôi cần cỏ. Ông làm ơn cho tôi một ít.» Cát An thưa: «Được, tốt lắm!» Không chút luyến tiếc, Cát An trao cỏ cho Bồ-tát. Bồ-tát đem cỏ đến dưới bóng cây Cát tường,[28] trải cỏ ngồi thẳng người, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Bồ-tát trừ dục ái, trừ pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do sự viễn ly,[29] chứng và an trú Sơ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng đầu tiên. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý chuyên niệm, không phóng dật. Bấy giờ, Bồ-tát lại trừ bỏ giác, quán,[30] đạt được nội tín,[31] có hỷ lạc do định sanh,[32] với không giác quán, chứng và an trú Nhị thiền. Đó là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng thứ hai. Tại sao vậy? Vì buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật. Rồi Bồ-tát trừ bỏ hỷ,[33] an trú xả, chánh niệm chánh tri, thân cảm giác lạc, mà bậc Thánh nói là xả, niệm, an trụ lạc,[34] chứng và an trú Tam thiền. Đó là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ ba. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật. Rồi Bồ-tát xả khổ lạc, dứt ưu hỷ đã cảm thọ từ trước, không khổ không lạc, với xả, niệm thanh tịnh,[35] chứng và an trú Tứ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ tư này. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật. Bấy giờ, với tâm định tĩnh như vậy,[36] Bồ-tát trừ sạch các kết sử, thanh tịnh không còn tỳ vết, được sử dụng một cách nhuần nhuyễn,[37] an trụ kiên cố, chứng trí túc mạng, nhớ biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai chục đời, ba chục đời, bốn chục đời, năm chục đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời; kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô số kiếp bại, vô số kiếp thành bại, «Ta đã từng sanh nơi kia, có tên như vậy, họ như vậy, sanh như vậy, thức ăn như vậy, thọ mạng như vậy, giới hạn thọ mạng như vậy, sống ở đời dài vắn như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy; từ nơi này chết, tái sinh nơi kia; từ nơi kia chết, tái sanh nơi này, với tướng mạo như vậy.» Ngài nhớ biết vô số việc của mạng sống đời trước. Bấy giờ, Bồ-tát lúc đầu đêm đạt được minh ban đầu này, vô minh diệt và minh phát sanh, bóng tối hết ánh sáng xuất hiện. Đó gọi là sự chứng túc mạng thông. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật. Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát biết sự sống, sự chết của chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, Ngài xem thấy sự sống sự chết của chúng sanh,[38] với hình sắc đẹp, hình sắc xấu, đường lành, đường dữ; hoặc sang hoặc hèn, tùy thuộc vào hành động của chúng sanh, tất cả đều biết rõ. Bồ-tát tự quán sát biết chúng sanh này, do thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, tà kiến, hủy báng hiền thánh, tạo nghiệp báo tà kiến; thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Bồ-tát lại quán sát chúng sanh, do thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện; chánh kiến, không hủy báng hiền thánh, tạo nghiệp báo chánh kiến; thân hoại mạng chung sanh trong thiên thượng, nhơn gian. Bằng thiên nhãn thanh tịnh như vậy, Ngài quán sát thấy sự sống, chết của chúng sanh tùy theo nghiệp mà chúng đã làm. Đó gọi là, vào lúc nửa đêm, Bồ-tát đạt được minh thứ hai này, vô minh hết, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng xuất hiện. Tức là trí thiên nhãn nhìn thấy chúng sanh. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật. Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát đạt được lậu tận trí hiện tiền. Với tâm duyên trí lậu tận, Ngài biết như thật rằng, «Đây là khổ», «Đây là tập», «Đây là khổ diệt», «Đây là con đường đưa đến khổ diệt.» Do Bồ-tát biết như vậy, quán như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu. Đã giải thoát, biết rõ là đã giải thoát, biết rằng, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa. Đó là, vào lúc cuối đêm, Bồ-tát đạt được minh thứ ba này, vô minh diệt, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng phát sanh. Đó là trí lậu tận. Tại sao? Vì nhờ Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, phát khởi trí này, đạt được vô ngại giải thoát. Bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ này đoạn tận tất cả các lậu, trừ tất cả kết sử. Dưới bóng cây Bồ-đề, ngồi kết già bảy ngày, bất động, hưởng thọ an lạc của giải thoát. v. Hai người khách thương Qua bảy ngày, Thế Tôn xuất khỏi định tâm. Trong bảy ngày chưa ăn thứ gì. Bấy giờ, có hai anh em lái buôn, một người tên là Trảo, một người tên là Ưu-ba-ly,[39] điều khiển năm trăm chiếc xe chở tài bảo đi ngang qua cách cây Bồ-đề không xa. Bấy giờ có vị thần cây chí tín đối với đức Phật, là tri thức quen biết từ lâu đối với hai khách buôn này. Muốn khiến cho hai người khách buôn được Phật độ, ông đến chỗ hai người, nói: «Các ông biết chăng? Đức Thích-ca Văn[40] Phật, Như Lai, Đẳng chánh giác, trong bảy ngày đã thành tựu tất cả các pháp. Trong bảy ngày ấy cũng chưa ăn thứ gì. Các ông có thể đem mật ong, cơm khô phụng hiến Như lai, để các ông được lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.» Hai anh em người lái buôn nghe vị thần cây nói như vậy, hoan hỷ; liền đem mật ong và cơm khô[41] đến cây Bồ-đề để phụng hiến. Từ xa trông thấy đức Như Lai tướng mạo khác thường, các căn tịch định, với sự điều phục tối thượng, như con voi được điều phục thuần thục không còn hung hăng, như nước được lóng trong không có bụi nhơ. Thấy vậy, họ phát tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. Họ đến trước đức Như Lai, đảnh lễ rồi, đứng qua một bên, hai người lái buôn bạch đức Thế Tôn: «Chúng con xin phụng hiến mật ong và cơm khô. Ngài thương xót thâu nhận cho.» Đức Thế Tôn lại nghĩ như vầy: «Mật ong và cơm khô do hai người này dâng cúng; lấy thứ gì đựng đây?» Đức Thế Tôn lại nghĩ tiếp: «Quá khứ, [782a1] chư Phật Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, dùng vật gì để đựng thức ăn? Chư Phật Thế Tôn không dùng tay để nhận thức ăn.» Bấy giờ, Tứ Thiên vương đứng hai bên, biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến bốn phương, mỗi vị lấy một bình bát bằng đá đem đến dâng lên đức Thế Tôn và bạch rằng: «Cúi xin Ngài lấy bình bát này để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn.» Bấy giờ, đức Thế Tôn với lòng từ mẫn, liền nhận bốn chiếc bát của Tứ Thiên vương, rồi hiệp lại thành một cái để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn. Nhận thức ăn bằng lương khô trộn với mật của người lái buôn rồi, nhơn cơ hội này đức Phật khai hóa họ bằng lời chú nguyện rằng: Ai sở hành bố thí Chắc chắn được lợi ích Ai vì lạc bố thí, Sau tất được an lạc. «Này Thương khách, nay các người hãy quy y Phật, quy y Pháp.» Hai người lái buôn liền nhận lời dạy của đức Phật thưa: «Bạch đại đức! Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.» Đó là, trong những người Ưu-bà-tắc đầu tiên nhận lãnh hai quy y, chính là hai anh em người lái buôn này. Bấy giờ, hai người lái buôn bạch với đức Phật rằng: «Nay chúng con muốn về lại quê nhà. Nếu khi về đến nơi rồi, muốn làm phước thì làm thế nào? Muốn lễ kính cúng dường thì lễ kính cái gì?» Đức Thế Tôn biết ý muốn của họ, Ngài liền đem móng tay và tóc cho và nói rằng: «Các ngươi đem vật này về đó, làm phước, lễ bái, cung kính cúng dường.» Bấy giờ, hai người lái buôn tuy nhận tóc và móng tay, nhưng không thể chí tâm cúng dường vì nghĩ rằng: «Tóc và móng tay là những vật mà người đời coi rẻ, vất bỏ. Sao đức Thế Tôn lại bảo chúng ta cúng dường!» Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm của người lái buôn nghĩ như vậy, nên Ngài liền nói với hai người lái buôn: «Các ngươi chớ nên có tâm niệm coi thường tóc và móng tay của Như Lai như thế, cũng đừng nói, tại sao vật người đời vất bỏ mà Như Lai bảo chúng ta cúng dường. Các người nên biết, khắp cả thế giới bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, trời và người, đối với tóc cũng như móng tay của Như Lai đều cung kính cúng dường, khiến cho tất cả bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, đều được công đức không thể kể xiết.» Người lái buôn bạch Phật: «Sự cúng dường tóc và móng tay này có những chứng nghiệm gì?» Đức Phật dạy người lái buôn: vi. Nhân duyên quá khứ «Này khách thương, thuở quá khứ xa xưa, có một nhà Vua tên là Thắng Oán, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề. Lúc bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề, lúa gạo đầy đủ, nhơn dân hưng thạnh, cuộc sống rất là vui sướng. Cõi nước có tám mươi bốn ngàn thành quách, năm mươi lăm ức thôn xóm, sáu vạn quốc thổ nhỏ. Cung thành Vua Thắng Oán ở tên là Liên hoa, từ đông sang tây mười hai do-tuần, từ nam qua bắc bảy do-tuần. Đất đai phì nhiêu, lúa gạo đầy đủ, nhơn dân hưng thạnh, cõi nước an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, ao nước mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông. «Khách thương, các ngươi nên biết, bấy giờ Vua Thắng Oán có người bà-la-môn làm đại thần tên là Sư[42]-diêm-phù-bà-đề. Người này, lúc Vua còn bé nhỏ, cùng nhau vui đùa rất thân hậu. Sau khi làm đại thần, nhà Vua chia cho phân nửa nước. Vị đại thần nhận được phân nửa nước rồi, liền xây dựng thành quách cho quốc gia mình từ đông sang tây dài mười hai do tuần, từ nam đến bắc rộng bảy do tuần, lúa gạo dư dật, nhơn dân hưng thạnh, quốc độ an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, nước ao mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông. Đô thành tên là Đề-bà-bạt-đề, đẹp đẽ hơn đô thành Liên hoa. «Khách thương nên biết, Vua không có người kế thừa, nên đi đến các miếu thờ thần, các thần suối, thần sông, thần núi, thần hà thủy, thần ao hồ, mãn thiện thần, bảo thiện thần, mặt trời, mặt trăng, Đế Thích, Phạm thiên, hỏa thần, phong thần, thủy thần, Ma-hê-thủ-la thần, thần vườn, thần rừng, thần chợ, thần ngả tư, thần thành, quỉ tử mẫu, miểu thờ Trời, miểu thờ phước thần, đều cầu khẩu, cho được sanh con trai. Sau đó, đệ nhất phu nhân có thai. Người phụ nữ có ba thứ trí tuệ như thật không hư dối: một là biết mình có thai, hai là biết từ đâu có thai, ba là biết đàn ông có ái dục đối với mình. Bấy giờ phu nhân đến thưa với nhà Vua rằng: ‹Thưa đại vương, tôi vừa có thai.› Nhà Vua nói: ‹Tốt lắm, tốt lắm!› Vua liền ra lệnh cho các quan tả hữu cung cấp cung phụng nhiều thức ăn, y phục, ngọa cụ, tất cả những nhu cầu cho phu nhơn đều là những thứ tốt nhất. Mười tháng trôi qua, phu nhơn hạ sanh một hài nhi nam, xinh đẹp cực kỳ, hy hữu trong đời. Vừa mới sanh, không ai đỡ mà hài nhi tự mình đứng dậy, đi bảy bước và nói: ‹Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi khổ sanh-lão-bệnh-tử.› Tức thì được hiệu là Định Quang Bồ-tát. «Khách thương nên biết, bấy giờ quốc vương liền đòi các thầy tướng giỏi trong dòng bà-la-môn đến nói: ‹Các người nên biết, phu nhân của ta vừa sanh ra, sanh một nam hài nhi, tướng mạo xinh đẹp, hiếm có trên đời. Vừa mới sinh không ai đỡ mà tự mình đứng dậy đi bảy bước và nói: ‹Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi khổ sanh-lão-bệnh-tử.› Các người rành nghề tướng số, xem tướng hài nhi cho ta.› Các thầy tướng tâu nhà Vua rằng: ‹Xin Đại vương cho bồng hài nhi ra để chúng tôi xem.› Nhà Vua liền đích thân vào cung bồng hài nhi ra để cho các thầy tướng xem. Các thầy tướng xem xong, tâu với Vua: ‹Đại vương sanh hài nhi này, có đại thần lực, có đại phước công đức, sở nguyện đều đầy đủ. Nếu Vương tử này ở tại gia sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm vị Chuyển luân vương bảy báu đầy đủ, thống lãnh bốn thiên hạ, có ngàn người con, dũng kiện, hùng mãnh, có thể đánh bại các địch thủ, dùng pháp trị mà không cần đến đao trượng. Nếu xuất gia, thì sẽ thành Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, bậc Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa các chúng hội của chư thiên và loài người, giữa các chúng Ma thiên, Phạm thiên, bà-la-môn, Ngài tự thân tác chứng, tự thành tựu rồi nói pháp; pháp ấy thượng-trung-hạ đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.› «Khách thương nên biết, bấy giờ Vua khen thưởng cho bà-la-môn rồi, sai bốn bà vú nuôi, bồng ẵm, chăm sóc Bồ-tát Định Quang. Bà thứ nhất bồng ẵm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, bà thứ tư dẫn đi chơi. Bà vú bồng ẵm có phận sự bồng ẵm, xoa bóp, khiến cho tất cả bộ phận trong cơ thể đều được ngay thẳng. Bà vú tắm rửa có phận sự tắm rửa, giặt giũ áo quần. Bà vú cho bú có phận sự tùy thời cho bú. Bà vú dẫn đi chơi có bổn phận cùng các công tử tập cỡi voi, cỡi ngựa, cỡi xe, đi kiệu và các thứ tạp bảo, nhạc khí, các loại máy móc. Với tất cả các thứ đầy đủ như vậy để phục vụ cho Bồ-tát Định Quang vui chơi. Mỗi khi đi, có người cầm lọng báu hình con công đi theo. «Khách thương nên biết, Bồ-tát Định Quang khi vừa tám tuổi, mười tuổi, được dạy các thứ kỹ thuật, kinh sách, toán số, ấn, họa, ca vũ, trống, đàn, cách cỡi ngựa, cỡi voi, cỡi xe, bắn cung, giác đấu. Tất cả các kỹ thuật, không một thứ nào Bồ-tát không tinh luyện. «Khách thương nên biết, khi Định Quang tuổi được mười lăm, mười sáu, Vua liền cho xây cất ba cung điện mùa, cho đông, hạ và xuân; cấp hai vạn thế nữ để vui chơi. Tạo vườn ao dọc ngang mười hai do tuần. Tất cả loại cây hoa, cây ăn trái, cây tỏa hương, tất cả cây kì lạ toàn cõi Diêm-phù-đề đều đem về trồng nơi vườn đó. «Khách thương nên biết, vị trời Thủ-đà-hội[43] hằng ngày đến hầu hạ, hộ vệ. Vị trời ấy nghĩ: ‹Nay Bồ-tát ở tại gia đã lâu rồi, ta nên làm cho Bồ-tát sinh yếm [783a1] ly. Bồ tát sau khi đã yếm ly, sẽ sớm xuất gia, cạo bỏ râu tóc khoác áo ca-sa, tu đạo vô thượng.› Chờ khi Bồ-tát vào phía sau vườn, vị trời liền hóa thành bốn người, một người già, một người bệnh, một người chết và một người sa-môn xuất gia. Bồ-tát thấy bốn người như vậy rồi, lòng sanh ưu sầu, nhàm chán sự khổ của cuộc đời: ‹Xem đời như vậy rồi, có gì để tham luyến?› «Khách thương nên biết, Bồ-tát nhàm chán rồi, ngay ngày ấy xuất gia, nội nhật thành đạo vô thượng. «Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang, Chí nhơn, Chánh đẳng chánh giác, quan sát khắp tất cả chưa có người nào thích hợp, để vì họ chuyển Pháp luân vô thượng hóa độ. Bấy giờ, cách thành Đề-bà-bạt-đề không xa, Định Quang Như Lai hóa làm một thành lớn, cao rộng, tốt đẹp, treo tràng phan bảo cái, khắp nơi chạm trổ hình tượng các loài chim hay các loài thú; ao hồ; vườn cây trái; trong sạch nhiệm màu hơn hẳn thành Đề-bà-bạt-đề. Như Lai hóa làm dân, tướng mạo hình sắc cũng hơn nhơn dân của nước kia, khiến nhơn dân của nước mình cùng nhau tới lui giao tiếp thân hữu. «Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai quán sát nhơn dân trong thành Đề-bà-bạt-đề, thấy các căn đã thuần thục, liền khiến cái thành hóa bỗng nhiên phát hỏa. Nhân dân trong thành Đề-bà-bạt-đề thấy sự việc như vậy lòng ôm sầu ưu, sanh tâm yểm ly. Đức Như Lai Định Quang trong bảy ngày độ sáu mươi sáu na-do tha người, năm mươi lăm ức Thanh văn. «Khách thương nên biết, bấy giờ đức Như Lai Định Quang nổi tiếng vang lừng, giáp khắp mười phương, mọi người đều nghe biết. Tất cả đều xưng tụng rằng, ‹Định Quang Như Lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa tất cả thế giới, bao gồm Ma, hoặc Ma thiên, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn, trời và người, đã tự thân tác chứng, và an trú, rồi thuyết pháp cho người; pháp ấy, khoảng đầu, chặng giữa và đoạn sau thảy đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.› «Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai, bình thường, từ thân phát ra ánh sáng chiếu trăm do-tuần. Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, ánh sáng chiếu vô lượng, khi nhiếp thu ánh sáng lại thì ánh sáng còn bảy thước. «Khách thương nên biết, khi Vua Thắng Oán nghe trong cung của Vua Đề-diêm-bà-đề sanh một Thái tử, phước đức oai thần, các tướng đầy đủ, ngay trong ngày xuất gia liền thành bậc Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, tiếng đồn vang khắp, mọi người đều xưng tụng, ‹Đức Như Lai Định Quang là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác... cho đến phạm hạnh được hiển hiện.› Vua Thắng Oán liền sai sứ đến nơi Vua Đề-diêm-bà-đề nói: ‹Ta biết khanh sanh Thái tử phước đức oai thần, đầy đủ các tướng, ngay trong ngày xuất gia liền thành đạo quả... cho đến phạm hạnh hiển hiện, danh xưng vang lừng, đồn khắp mười phương. Nay ta muốn được xem Thái tử. Nếu khanh không cho Thái tử đến thì ta sẽ tự thân đến đó.› Bấy giờ, vua Đề-diêm-bà-đề nghe như vậy, ôm lòng sầu ưu, tập trung quần thần bàn thảo: ‹Các ngươi hãy suy nghĩ, chúng ta nên trả lời như thế nào? Và làm thế nào để vừa ý Vua kia?› Quần thần đề nghị: ‹Nên đến hỏi Như Lai Định Quang. Tùy theo lời Phật dạy thế nào thì chúng ta làm thế ấy.› «Bấy giờ Vua Đề-diêm-bà-đề cùng các quần thần đến chỗ Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo Vua: ‹Vua thôi chớ sầu ưu. Ta sẽ tự thân đến đó.› «Khách thương nên biết, bấy giờ, Vua Đề-diêm-bà-đề tại quốc nội suốt bảy ngày cúng dường y phục, ẩm thực, giường nằm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh cho đức Như Lai Định Quang và Tăng tỳ-kheo, không thiếu một thứ gì. «Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang sau bảy ngày cùng các tỳ-kheo du hành trong nhơn gian, đến bên ao của Long vương Dược Sơn. «Khách thương nên biết, cung của Long vương này, dọc ngang năm trăm do tuần. Định Quang Như Lai và Tăng tỳ-kheo trụ nơi núi kia. Bấy giờ, Định Quang Như Lai phóng đại quang minh khắp soi ba ngàn đại thiên cõi nước, sáng chói không phân biệt ngày đêm. Khi các loại hoa, như hoa ưu-bát, bát-đẩu-ma, cưu-vật-đẩu, phân-đà-lợi, đều búp lại; và khi các loài chim không hót, thì biết đó là đêm. Khi các loài hoa như hoa ưu-bát v.v... nở và các loài chim hót, biết đó là ngày. Như vậy trải qua mười hai năm, không phân biệt được ban ngày ban đêm. Bấy giờ, Vua Thắng Oán liền tập hợp các đại thần nói: ‹Ta nhớ xưa kia có ngày có đêm. Sao nay không có ngày, không có đêm. Khi các loài hoa ưu-bát nở, và các loài chim hót thì biết là ngày. Nếu hoa búp, chim không kêu, biết là đêm. Vì ta có làm điều gì lầm lỗi hay trong thế gian này có điều phi pháp, hoặc là các khanh có điều gì tội lỗi chăng? Các người cứ thành thật cho ta biết.› Chư thần tâu: ‹Vua cũng không có điều gì lầm lỗi. Nước cũng không có điều chi phi pháp. Chúng tôi cũng không có điều chi tội lỗi. Mà hiện nay Định Quang Như Lai ở trên núi Ha-lê-đà, bên cung Long vương, phóng đại hào quang, khắp soi ba ngàn đại thiên cõi nước. Do oai thần đó, khiến ngày đêm không phân biệt được. Muốn biết ngày đêm phải dựa vào hoa búp, chim không kêu là đêm; hoa nở, chim kêu là ngày. Vua không có lầm lỗi. Nước không có phi pháp. Chúng tôi cũng không có tội lỗi gì. Đây là oai thần của Định Quang Như Lai. Chúng ta không nên lo sợ.› Vua hỏi chư thần tả hữu: “- Cung Long vương, núi Ha-lê-đà, cách đây xa gần? Chư thần tâu: “- Cách đây không xa, độ chừng ba mươi lí thôi. «Vua truyền lệnh cho các quan tả hữu nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim, nói: “- Nay ta muốn đến đó để lễ bái Định Quang Như Lai. «Các quan tả hữu tuân lệnh, liền nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim, rồi đến tâu với nhà Vua: “- Xa giá đã chuẩn bị xong. Tâu đại vương biết cho. «Khách thương nên biết, Vua liền lên xe. Quần thần thị tùng, cùng đến cung Long vương trên núi Ha-lê-đà. Đoàn xe đi đến chỗ xe không đi được, Vua và đoàn tùy tùng xuống đi bộ đến cung Long vương. «Khách thương nên biết, bấy giờ, Vua từ xa trông thấy Định Quang Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định. Thấy vậy Vua phát tâm hoan hỷ, liền đến trước đức Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự vì nhà Vua nói pháp vi diệu khuyến hóa, khiến hoan hỷ. Nhà Vua nghe Phật nói diệu pháp khuyến hóa hoan hỷ rồi, bạch Phật: “- Nay đã đúng lúc, cung thỉnh đức Như Lai vào thành Liên Hoa. «Định Quang Như Lai im lặng nhận lời Vua cung thỉnh. Vua Thắng Oán biết đức Phật nhận lời mời bằng cách im lặng rồi, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và cáo lui. «Trở về lại quốc nội, ra lệnh cho nhân dân: “- Các ngươi, đào đất đắp đường thật kiên cố, từ thành Liên hoa đến Dược sơn, hãy đào đất ngập đầu gối, rồi lấy chày nện cho chặt cứng. Dùng nước thơm rưới trên đất. Hai bên đường, trồng các loại cây hoa. Lề đường làm lan can. Đốt đèn dầu tốt để lên trên. Làm lò hương bằng bốn món báu, là kim, ngân, lưu ly, pha lê. «Nhân dân nhận lệnh của Vua như trên. Rồi Vua liền tập hợp các đại thần bảo: “- Các khanh phải trang hoàng đại thành Liên hoa này. Dọn dẹp tất cả các rác rưới, đất cát, sỏi đá bẩn nhớp. Dùng bùn đất tốt mịn trét lên trên mặt đất. Treo tràng phan, bảo cái. Xông các loại hương đặc biệt. Dùng các loại nệm dệt bằng lông để trải. Dùng các loại hoa tốt rải trên mặt đất. «Quần thần vâng lệnh Vua mà trang trí. Vua Thắng Oán lại bảo các đại thần: «Nhân dân trong quốc độ, cấm không cho người bán hương hoa. Nếu có người nào bán thì không được mua. Ai mua bán [784a1] sẽ bị trừng phạt. Tại sao vậy? Vì Trẫm muốn cúng dường Định Quang Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác. «Bấy giờ, có vị đại thần bà-la-môn tên là Tự Thí, có nhiều tài bảo chơn châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thủy tinh, kim, ngân, lưu ly, trân kỳ dị bảo, không thể kể xiết. Bà-la-môn kia trong mười hai năm tế tự, cầu rằng, ‹Trong nhơn gian, nếu có người nào có nhiều trí tuệ đệ nhất, ta sẽ đem cho bình bát bằng vàng đựng đầy thóc lúa bằng bạc; hoặc bát bằng bạc đựng đầy thóc lúa bằng vàng; và cả cái âu rửa cũng bằng vàng; bảo cái, guốc dép tốt đẹp lạ thường; còn hai tấm thảm đẹp, các loại tạp bảo làm song giường, luôn cả một cô gái trang nghiêm xinh đẹp tên là Tô-la-bà-đề; tất cả để biếu tặng cho vị ấy.› «Lúc ấy, trong chúng hội tế tự, có một đại bà-la-môn đệ nhất thượng tọa, là đại thần của nhà Vua, có mười hai tướng xấu xí: chột, gù, gầy, bướu cổ, da vàng đầu vàng, mắt xanh, răng lưỡi cưa, răng đen, tay chân khèo, thân cong, lùn, lòi xương đầu gối. «Khách thương nên biết, bà-la-môn Tự Thí kia nghĩ rằng: ‹Nay, trên chỗ ngồi cao nhất này, người ngồi có mười hai cái xấu, là đại thần của Vua, làm thế nào dùng những vật quý báu và người nữ của ta trao cho người ấy được? Ta hãy kéo dài ngày tế tự để thật sự có người bà-la-môn thông minh trí tuệ, dung mạo đẹp đẽ, ta sẽ dâng cho.› «Khách thương nên biết, phía nam Tuyết sơn có một Tiên nhơn, tên là Trân Bảo, thiểu dục, ưa nhàn tịnh, không có lòng tham, tu tập thiền định, đặng năm thần thông, dạy năm trăm phạm chí khiến cho tụng tập. Tiên nhơn năm thần thông có một người đệ tử, tên là Di Khước, cha mẹ chơn chánh, bảy đời thanh tịnh, cũng lại dạy cho năm trăm đệ tử. «Khách thương nên biết, bấy giờ, đệ tử Di Khước đến chỗ Trân Bảo Tiên nhơn thưa: ‹Nay học vấn của con đã xong. Nên học thêm thứ gì?› Trân Bảo Tiên nhơn liền trước tác kinh thơ, mà tất cả bà-la-môn không có. Trước tác xong, bảo đệ tử rằng: ‹Người có thể học tập tụng đọc sách này. Sách này, các bà-la-môn không có. Học tập đọc tụng xong, đối với các bà-la-môn, ngươi có thể là đệ nhất tối thắng.› «Khách thương nên biết, bấy giờ người đệ tử kia liền học tập sách ấy một cách thông suốt. Học xong, đến chỗ Trân Bảo Tiên nhơn thưa: ‹Con học xong sách này rồi. Còn học thứ gì nữa?› Vị thầy nói: “- Nếu, ngươi học xong sách ấy rồi, thì phàm người đệ tử nên trả ơn thầy. Nay, con nên trả ơn! «Người đệ tử thưa: “- Con phải trả ơn thầy bằng cách nào? «Vị thầy nói: “- Cần có năm trăm đồng tiền vàng. «Di Khước nghe thầy nói rồi, liền dẫn năm trăm đệ tử đến phía nam Tuyết sơn, du hành trong nhân gian. Từ nước này đến nước kia; từ thôn kia đến thôn nọ; lần hồi, đến thành Liên hoa. Nghe mọi người nói: ‹Bà-la-môn Da-nhã-đạt,[44] trong mười hai năm tế tự thiên thần, khấn rằng, nếu có người thông minh đệ nhất, sẽ dùng bình bát bằng vàng đựng thóc lúa bằng bạc, bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bình rửa bằng vàng, bảo cái tốt, nệm rất tốt, các đồ dùng bằng bảy báu trang nghiêm và Tô-la-bà-đề người nữ đoan chánh đẹp đẽ để hiến dâng.› Bèn nghĩ, ‹Nay ta hãy vào trong chúng kia, hoặc giả có thể được năm trăm đồng tiền vàng.› «Khách thương nên biết, Di Khước liền vào trong tế đàn. Ngay khi vừa mới vào, có đại oai thần, sáng chói. Bấy giờ, bà-la-môn Da-nhã-đạt nghĩ rằng: ‹Người này vào tế đàn, mà có đại oai thần, chói sáng. Nay, ta nên dời vị Thượng tọa kia đi, để lấy chỗ cho Ma-nạp này ngồi. Nếu, Ma-nạp này ngồi nơi chỗ Thượng tọa rồi, các người sẽ cùng ta cao giọng xưng hô: Lành thay! rồi trổi nhạc, rải hoa, đốt hương, cung kính lễ bái.› Bấy giờ, mọi người đều vâng lời, nói: “- Nên như vậy. Chúng tôi sẽ theo lờ dạy mà làm. «Bấy giờ, khi Ma-nạp Di Khước vào trong chúng kia rồi, bèn đứng dưới mà hỏi bên trên: “- Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít? «Trả lời: “- Tôi tụng được những kinh như vậy; chừng ấy. «So sánh, những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, không thể so sánh được. Ma-nạp lại hỏi hai, ba người cho đến trăm ngàn người: ‹Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít?› Họ trả lời: ‹Chúng tôi tụng được những thứ kinh đó; chừng ấy.› So sánh, những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, không thể so sánh được. Kế đến hỏi vị thượng tọa đệ nhất: ‹Ngài biết được những thứ kinh gì? Tụng được những thứ kinh gì?› Vị ấy trả lời, ‹Tôi tụng đọc như vậy; chừng ấy.› Ma-nạp Di Khước lại cũng vượt hơn vị này. «Bấy giờ, Ma-nạp Di Khước nói: “- Những thứ kinh mà tôi tụng được nhiều hơn ngài! Ma-nạp nói tiếp, “- Ngài nên nhường tòa cho tôi ngồi! «Vị Thượng tọa nói: “- Nếu ngài không bảo tôi dời chỗ, thì những vật cúng dường và kim bảo tôi thu được ở đây sẽ chia cho ngài. «Ma-nạp Di Khước trả lời: “- Dù cho tôi bảy báu đầy cõi Diêm-phù-đề, tôi cũng không nhận. Chỉ có việc là ông dời đi chỗ khác. Tại sao vậy? Vì tôi có pháp này, phải ngồi vào chỗ ngồi này. «Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di Khước dời vị Thượng tọa ấy đi, rồi ngồi lên chỗ đó. Khi Ma-nạp Di Khước ngồi lên tòa, tức thì đất rung động sáu cách, liền có tiếng xưng hô lớn: Lành thay! và âm nhạc trổi, hương hoa cúng dường. «Khách thương nên biết, Da-nhã-đạt rất hoan hỷ, vui mừng vô lượng; dùng bát bằng vàng, đựng thóc lúa bằng bạc; bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bảo cái bằng vàng bảy báu trang nghiêm; âu rửa cũng bằng vàng bạc rất là đẹp đẽ; nệm bằng lông tốt kỳ lạ để trang trí và dẫn người nữ trang nghiêm xinh đẹp đến trước Ma-nạp Di Khước thưa: “- Cúi xin ngài thọ nhận các bảo vật này và, người nữ trang nghiêm xinh đẹp này. «Di Khước trả lời: “- Tôi không cần những thứ đó. «Da-nhã-đạt liền hỏi: “- Vậy, ngài cần thứ gì? «Trả lời: “- Tôi cần năm trăm đồng tiền vàng. «Da-nhã-đạt liền đem năm trăm đồng tiền vàng đến trao. «Khách thương nên biết, bấy giờ, Ma-nạp Di Khước nhận năm trăm đồng tiền vàng rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy cáo lui. Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề cũng đi theo. Ma-nạp Di khước quay lại nói: “- Tại sao cô đi theo tôi? «Người nữ trả lời: “- Cha mẹ em bảo em đi theo anh để làm vợ. «Ma-nạp Di Khước dứt khóat nói: “- Tôi tu phạm hạnh đâu cần đến cô. Ai có ái dục thì mới cần đến cô. Người nữ kia đành phải trở về, vào trong vườn của cha. Trong vườn có cái ao tắm trong sạch. Trong ao có bảy cành bông sen. Năm bông cùng với một cành, mùi thơm ngào ngạt màu sắc đặc biệt. Lại có hai bông cùng với một cành, hương sắc thù diệu. Thấy vậy người nữ nghĩ, ‹Ta thấy hoa sen này thật là vi diệu tuyệt hảo. Nay ta nên hái hoa này để tặng cho Ma-nạp Di Khước, khiến cho người được vui thích.› Nghĩ xong liền hái hoa, cắm vào trong bình nước, ra khỏi vườn, đi khắp nơi tìm Ma-nạp Di Khước. «Bấy giờ, Ma-nạp Di Khước trở lại đại quốc Bát-ma,[45] thấy nhân dân trong nước quét dọn đường sá, trừ bỏ tất cả các thứ dơ bẩn, tu bổ sửa chữa bằng phẳng, dùng hoa trải trên đất, rưới nước hương, treo tràng phang bảo cái, trải đệm dệt bằng lông... Thấy vậy, Di Khước liền hỏi người trong thành: “- Nay, trong thành tu bổ trang trí đẹp đẽ như thế này là để phục vụ cho ngày tiết hội hay là dùng vào ngày tinh tú tốt? «Người trong thành trả lời: “- Phật Định Quang sẽ đến thành này, cho nên mới trang trí đẹp đẽ như thế... «Ma-nạp Di Khước tâm niệm: ‹Nay ta nên dùng năm trăm đồng tiền vàng này để mua tràng hoa tốt đẹp, hương thơm, kỹ nhạc đặc biệt tràng phan bảo cái quý báu, trước là để cúng dường Định Quang Như Lai, sau sẽ vì thầy cầu tài.› Di Khước liền đi khắp nước Bát-ma [785a1] để mua mà không có. Tại sao vậy? Vì Vua Thắng Oán đã ra lịnh cấm việc mua bán. «Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề, từ xa thấy Ma-nạp Di Khước đến liền hỏi: “- Này người Niên thiếu,[46] vì sao bước đi vội vã như thế? Anh cần gì? Ma-nạp Di Khước trả lời: “- Tôi cần hoa tốt. Người nữ hỏi: “- Anh dùng hoa làm gì? Đáp rằng: “- Tôi muốn cắm rễ vô thượng để làm hạt giống Phật. «Người nữ hỏi: “- Hoa này đã khô héo rồi, màu sắc đã biến đổi, không thể trồng lại được, làm sao có thể dùng nó để cắm rễ vô thượng làm hạt giống Phật? «Ma-nạp nói với người nữ: “- Ruộng này rất tốt phì nhiêu. Dù cho hoa này đã khô héo, biến sắc, hạt giống bị hư nát, vẵn có thể sống lại. «Người nữ liền nói: “- Vậy ông có thể lấy hoa này để cắm rễ vô thượng để làm hạt giống Phật đi! «Ma-nạp hỏi: “- Cô bán với giá bao nhiêu, tôi sẽ lấy cho? «Người nữ liền nói: “- Tiếc gì tài vật của tôi? Cha tôi tên là Da-nhã-đạt, tài bảo rất nhiều. Ma-nạp muốn mua hoa này chỉ cần cùng tôi thề ước, là bất cứ sanh ở nơi đâu, luôn luôn làm chồng tôi. Ma-nạp đáp rằng: “- Tôi thật hành đạo Bồ-tát; tất cả không có gì thương tiếc cả. Nếu có người xin, kể cả xương thịt, tôi cũng không luyến tiếc. Chỉ trừ cha, mẹ. Nhưng chỉ sợ rằng cô làm trở ngại cho tôi. «Người nữ nói. “- Chỗ nào Ông sinh ra, nơi đó tất có đại oai thần, tôi cũng theo đó mà có oai thần. Muốn đem tôi để bố thí thì tùy ý ông cứ bố thí. «Bấy giờ, Ma-nạp dùng năm trăm đồng tiền vàng mua năm cành hoa, hai cành còn lại, người nữ trao cho Ma-nạp Di Khước và nói: “- Đây là hoa của tôi gởi cho ông, để dâng cúng Định Quang Như Lai. Tại sao vậy? Tôi nguyện cùng ông sanh bất cứ nơi nào, thường không xa nhau. «Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di Khước được bảy cành hoa sen này rồi, hết sức vui mừng, không thể kể xiết, liền đến cửa đông thành. Vào lúc đó, số người nhiều không tính hết, tất cả đều cầm hương hoa, tràng phan bảo cái, trổi nhạc đợi rước Định Quang Như Lai. Ma- nạp Di Khước muốn đến trước để rải hoa, mà không đến được, liền trở lại hỏi Vua Thắng Oán rằng: “- Vì lý do nào mà Ngài tu sửa thành nội khang trang thế này? Ngày tiết hội hay ngày tinh tú tốt? «Nhà Vua trả lời: “- Nay có Định Quang Như Lai đến nơi thành nầy nên mới trang hoàng đẹp đẽ như vậy. «Ma-nạp hỏi Vua: “- Làm sao biết được ba mươi hai tướng của Như Lai? «Nhà Vua nói: “- Các sách sấm ký của bà-la-môn cho biết. «Ma-nạp thưa: “- Nếu thật như vậy thì tôi có tụng sách này sẽ chứng biết được việc ấy. «Nhà Vua nói: “- Nếu ông có khả năng biết điều đó, thì ông đến trước để xem có ba mươi hai tướng không, sau đó, tôi sẽ đến diện kiến. «Khách thương nên biết, bấy giờ, Ma-nạp nghe Vua nói rồi, vui mừng không xiết kể, liền đến bên ngoài cửa thành phía đông. «Bấy giờ, dân chúng thấy Ma-nạp đến thì vui mừng, đều tự tránh đường cho Ma-nạp đi. Tại sao vậy? Vì vâng theo lệnh của Vua. «Khách thương nên biết, Ma-nạp từ xa thấy đức Như Lai, trong tâm hoan hỷ, liền dùng bảy cành hoa rải trên đức Phật Định Quang Như Lai. Do oai thần của Phật, từ trên hư không hoa kia biến thành bảo cái bằng hoa, rộng mười hai do tuần, cành bông ở phía trên, lá ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt, che khắp nước kia, không chỗ nào không được che, nhìn không biết chán. Đức Phật đi đến đâu bảo cái bằng hoa che đến đó. Nhân dân nam nữ trong thành đều cởi áo mới của mình, dùng để trải dưới đất. «Bấy giờ, Ma-nạp mặc hai chiếc áo bằng da nai, liền cởi một cái trải dưới đất. Nhân dân trong thành lấy chiếc áo ấy quăng đi. Ma-nạp tự nghĩ: ‹Định Quang Như Lai không thương tưởng.› Định Quang Như Lai biết ý nghĩ ông kia, liền hóa đất thành bùn, khiến cho không một người nào trải áo lên trên được. «Khách thương nên biết, Ma-nạp lại nghĩ: Người trong thành ngu si, không có sự phân biệt, chỗ nên trải lại không trải. Ma-nạp liền lấy chiếc áo da nai trải vào chỗ bùn. Song không che hết bùn. «Khách thương nên biết, tóc của Ma-nạp năm trăm năm thường búi lại, chưa từng mở ra. Ma-nạp liền thưa hỏi đức Như Lai, xem Thế Tôn có thể bước qua trên tóc của mình đi qua được không? Được đức Thế Tôn thuận ý. Ma-nạp liền xổ đầu tóc ra, trải lên trên chỗ bùn, tâm phát nguyện: Nếu Định Quang Như Lai không thọ ký riêng, thì ta ở chỗ bùn này dù hình khô mạng chung, quyết không đứng dậy. Định Quang Như Lai biết được lòng chí thành của Ma-nạp, đời trước có trồng căn lành, các đức đầy đủ, nên Ngài dùng chân bên tả bước qua trên tóc và nói: “- Ma-nạp, đứng dậy! Đời vị lai, vô số a-tăng-kỳ kiếp, ngươi sẽ thành Phật, hiệu là Thích-ca Văn Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư , Phật, Thế Tôn. «Nghe lời biệt ký rồi, Ma-nạp liền vụt bay lên không trung, cách mặt đất bảy cây đa-la mà tóc vẫn còn trải nơi đất cũ. «Khách thương nên biết, bấy giờ, Định Quang Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác, xoay qua bên hữu, như con đại tượng vương, bảo các tỳ-kheo: ‹Các ông chớ nên bước lên trên tóc của Ma-nạp. Tại sao vậy? Đây là tóc của Bồ-tát. Tất cả Thanh văn, Bích chi Phật đều không được bước lên trên.› «Bấy giờ, trăm ngàn vạn ức người, đều rải hoa đốt hương cúng dường tóc kia. Người lái buôn nên biết, bấy giờ, vị đại thần của Vua Thắng Oán, có mười hai tật xấu ấy, nghe Định Quang Như Lai thọ ký cho Ma-nạp liền đến nơi Vua Thắng Oán tâu: ‹Tôi có khả năng trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh.› Vua nói với bà-la-môn rằng: ‹Ý ông rất hay. Ông hãy biết thời.› Bà-la-môn này, trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh rồi phát nguyện: ‹Trong vòng hai vạn năm tôi cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh. Song, đối với Ma-nạp, người đã dời chỗ ngồi của tôi, đoạt sự cúng dường của tôi, hủy báng danh dự của tôi; duyên vào phước báo nhân duyên này, người này bất cứ sanh chỗ nào, tôi luôn luôn hủy nhục kẻ ấy, cho đến khi y thành đạo, cũng không xả ly.› «Khách thương nên biết, Bà-la-môn Da-nhã-đạt thuở ấy, đâu phải ai khác, mà nay là Chấp Trượng Thích chủng.[47] Người nữ Tô-ma-bà-đề, nay chính là Thích nữ Cù-di.[48] Đại thần của Vua Thắng Oán, có mười hai tật xấu, Bà-la-môn ấy, nay chính là thân của Đề-bà-đạt. Trân Bảo Tiên nhơn, đâu phải ai khác mà là Bồ-tát Di-lặc. Ma-nạp Di Khước chính là Ta vậy. «Khách thương nên biết, học đạo Bồ-tát, người có thể cúng dường móng tay và tóc, chắc chắn thành vô thượng đạo. Bằng con mắt của Phật mà nhìn trong thiên hạ không một ai không vào Vô dư Niết-bàn giới để Bát-niết-bàn. Huống chi là người không dục, không sân, không nhuế, không si. Bố thí cho vị ấy là bậc nhất trong các bố thí, là phước tối tôn. Bậc nhất trong các người thọ nhận, lại không báo ứng sao?» Bấy giờ, hai anh em người lái buôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Đức Thế Tôn ăn cơm khô trộn với mật của người lái buôn rồi, liền ngồi kết già bảy ngày bất động dưới bóng gốc cây Bồ-đề, an trú tam-muội giải thoát mà tự thọ dụng an lạc. vii. Hai quy y [786a1] Qua bảy ngày, Ngài từ tam-muội xuất. Do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân di động. Sở dĩ gọi là đất Diêm-phù-đề vì có cây là Diêm-phù.[49] Cách đó không xa có cây Ha-lê-lặc.[50] Vị Thọ thần của cây ấy có lòng tin sâu đậm đối với Phật, liền hái trái ha-lê-lặc đến dâng cúng dường đức Thế Tôn. Vị Thọ thần đảnh lễ rồi, đứng qua một bên bạch Phật: «Kính bạch đức Thế Tôn, do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân Ngài di động. Nay xin Ngài dùng trái cây này để làm vị thuốc trừ bệnh nội phong. Đức Thế Tôn từ mẫn nên thọ nhận liền và bảo: «Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.» Vị thần ấy liền quy y Phật, quy y Pháp. Các vị thần quy y Phật, Pháp trước nhất là thọ thần Ha-lê-lặc. Đức Thế Tôn ăn trái ha-lê-lặc rồi, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày, từ tam-muội dậy, đến giờ, khoác y, bưng bát, vào thôn Uất-bề-la khất thực. Ngài đi lần đến nhà bà-la-môn thôn Uất-bề-la, đứng lặng im trước sân. Bà-la-môn thấy đức Thế Tôn im lặng đứng trước sân, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra cúng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn thọ nhận thức ăn và nói: «Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.» Bà-la-môn liền thưa: «Nay con quy y Phật, quy y Pháp.» Đức Thế Tôn nhận thức ăn của bà-la-môn nầy, ăn xong, liền đến dưới gốc cây ly-bà-na,[51] ngồi kết già bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội đứng dậy, đến giờ, khoác y bưng bát vào thôn Uất-bề-la khất thực, theo thứ tự đến nhà bà-la-môn, im lặng đứng trước sân, vợ của người bà-la-môn kia là con gái của đại tướng tên Tô-xà-la,[52] thấy đức Như Lai im lặng đứng trước sân, liền phát tâm hoan hỷ đem thức ăn ra cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn đối với thí chủ nên nhận thức ăn, ăn rồi và bảo: «Nay, người nên quy y Phật, quy y Pháp.» Vợ bà-la-môn liền thưa: «Nay con quy y Phật, quy y Pháp.» Như vậy trong chúng Ưu-bà-di quy y Phật, quy y pháp, thì Tô-xà-la con gái của đại tướng, vợ của Uất-bề-la là Ưu-bà-di đầu tiên. Bấy giờ đức Thế Tôn ăn thức ăn ấy, liền trở lại cây ly-bà-na, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn khoác y bưng bát vào thôn Uất-bề-la khất thực, theo thứ tự đến trong sân nhà bà-la-môn Uất-bề-la, đứng im lặng. Bấy giờ con trai, con gái của bà-la-môn Uất-bề-la thấy đức Như Lai rồi, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra dâng cúng dường Như Lai. Đức Như Lai dũ lòng thương đối với họ, nhận thức ăn, ăn rồi bảo rằng: «Nay, các con nên quy y Phật, quy y Pháp.» Các nam nữ con của bà-la-môn thưa: «Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp.» viii. Long vương mục-chân-lân-đà Đức Thế Tôn ăn xong, liền đến cây Văn-lân,[53] bên bờ sông Văn-lân,[54] cung điện của Long vương Văn-lân. Khi đến nơi, ngồi kết già suốt bảy ngày tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Vào lúc ấy, trời mưa to gió rất lạnh, suốt bảy ngày Long vương tự ra khỏi cung đến chỗ Phật ngồi, dùng thân hình của mình quấn xung quanh đức Phật, đầu che trên đỉnh đức Phật, bạch Phật rằng: «Ngài không bị lạnh, không bị nóng, không bị gió, không bị nắng, không bị muỗi mòng gây bất an chăng?» Sau bảy ngày, cơn mưa to gió lớn chấm dứt, bầu trời quang đãng, Long vương tự tháo mình ra, không quấn xung quanh đức Phật nữa, và biến hóa làm một thiếu niên bà-la-môn, đến trước đức Như Lai, chấp tay, quỳ gối, kính lễ sát chân Như Lai. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội dứng dậy, liền dùng bài kệ này tán thán: Ly dục, có hỷ lạc, Quan sát pháp, cũng lạc; Trong đời, không sân, lạc, Không nhiễu hại chúng sanh. Đời vô dục, là lạc, Vượt khỏi cõi dục giới; Chế phục tánh ngã mạn, Đấy là đệ nhất lạc.[55] Lúc bấy giờ, Long vương Văn-lân đến trước đức Phật thưa: «Sở dĩ con dùng thân hình con quấn quanh đức Như Lai, đầu che trên đỉnh đức Như Lai, vì không muốn đức Như Lai bị quấy rầy bởi lạnh nóng gió mưa, muỗi mòng, cho nên con mới làm như vậy.» Đức Phật bảo Long vương: «Nay ngươi nên quy y Phật, quy y Pháp.» Long vương nói: «Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.» Như vậy trong hàng súc sanh, nhận hai quy y, Long vương là đầu tiên. ix. Phạm thiên khuyến thỉnh Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau thời gian an trú dưới gốc cây Văn-lân Long vương, liền đến dưới gốc cây A-du-ba-la ni-câu-luật,[56] trải tọa cụ, ngồi kết già và nghĩ rằng: «Nay Ta đã đặng pháp này, này rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ.[57] Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay, Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với ta có nhọc công vô ích chăng?» Bấy giờ, đức Thế Tôn nói hai bài kệ, mà trước đây chưa ai được nghe, cũng chưa từng nói: Đạo Ta chứng, khó hiểu; Nói cho kẻ trong hang. Người tham, nhuế, ngu si, Không thể vào pháp này. Lội ngược dòng sanh tử, Sâu kín, rất khó hiểu. Tham dục không thấy được, Vì ngu tối che lấp.[58]*
Chú thích: [1] Trong bản Hán, Chương V của phần II. [2] Trường A-hàm 6, kinh số 5 «Tiểu duyên» (T01n01 tr.38b21): «Bấy giờ đại chúng suy cử một người, để giải quyết những tranh chấp; gọi là Bình đẳng chủ 平等主.» Cf. Trung A-hàm 39, kinh 154 «Bà-la-bà-đường». Pāli, D. 27. Aggañña (D.iii.92): nhân dân suy cử một người phân xử, gọi là Mahāsammato. Họ gọi người này là rājā (vua). Đó là vị Vua tối sơ xuất hiện trong thế gian. [3] Các bản đều đọc là Tề 齊. Nhưng nguyên tên tiếng Phạn là Upoṣadha, nên phải đọc là Trai 齋. [4] Danh sách các vị Vua đầu, kể theo Mahāvastu (tr.289): Vua Mahāsammata (Đại Nhân 大人), Kalyāṇa (Thiện 善), Upoṣadha (Trai 齋), Māndhātṛ (Đảnh Sanh 頂生). Kể xuống xa nữa, Vua Ikśvāku (Ý-sư-ma 懿師摩). Ikśvāku (Pali: Okkāka) là ông tổ của giòng họ Thích. Xuống nữa, là Siṃhahanu (Sư Tử Giáp 師子頰). Ông này có bốn người con trai. Cả là Śuddhodana (Duyệt-đầu-đàn 悅頭檀) sinh Bồ-tát sau thành Phật. [5] Vương thống từ Vua Đảnh Sanh trở xuống, kể theo tư liệu Pāli (Mhv. ii ): Mandhātā, Caraka, Upacara, Cetīya, Mucala, Mahāmucala, Mucalinda, Sāgara, Sāgaradeva, Bharata, Aṅgīrasa, Ruci, Suruci, Patāpa, Mahāpatāpa, Panāda, Mahāpanāda, Sudassana, Neru. [6] Pali: Sīhahanu; Mhv. ii. 15, Dpv. ii. 44, con trai của Jayasena. [7] Nguyên Hán: Sát-lợi thuỷ nghiêu đảnh 剎利水澆頂, vua dòng Sát-lợi được truyền ngôi. Sau đó, nếu bảy báu xuất hiện và chinh phục được cả bốn châu thiên hạ, bấy giờ thành Chuyển luân vương. Xem Trường A-hàm 7, kinh 6 «Chuyển luân vương tu hành»; Trung A-hàm 15, kinh 70 «Chuyển luân vương»; Pāli, D. 26. Cakkavatti. 5 Pháp Vương 法王, vì «Sau khi chinh phục, Vua cai trị bằng Pháp, không bằng đao kiếm» (adaṇḍena asatthena dhammena abhivijiya ajjhāvasi; D. 26, iii. 59). [9] Tự Tại 自在. Pāli: Issara (Skt. Īśvara), ông chủ, hay vị Chúa tể. Thường dùng để gọi Thượng đế, tức Thiên Chúa. [10] Ma-kiệt vương Bình-sa 摩竭王洴沙; Pāli: rājā Māgadho Seniyo Bimbisāro. [11] La-duyệt thành 羅閱城, thủ phủ nước Ma-kiệt-đà. [12] Bản Cao ly: chỉ túc 止宿. Tống-Nguyên-Minh: sơn túc 山宿. [13] Ban-trà-bà 班荼婆. Pāli: Paṇḍava, ngọn đồi gần thành Rājagaha (Vương-xá hay La-duyệt). [14] Nhật 日. Pāli: Ādicca. Tên chỉ họ của bộ tộc Thích ca. Do đó, Phật cũng được gọi là đấng Nhật Tôn, hay Nhật Thân, bà con của Mặt Trời (Pāli: Ādiccabanhddhu). [15] Túc tán tiểu vương 粟散小王 (vua rải thóc), chỉ vua nhỏ, chư hầu. [16] A-lam-ca-lam 阿藍迦藍. Pāli: Āḷāra-Kālāma. [17] Nguyên trong bản: bất dụng xứ định 不用處定. Bậc thứ ba trong bốn Vô sắc định. Xem, Trung A-hàm 56, kinh 204 «La-ma» (T01n26 tr.776b08). (Pāli: ākiñcaññāyatanaṃ) Cf. Pāli, M. 64. Ariyapariyesana (i. 160). [18] Tăng, đây chỉ chúng đệ tử của A-lam-ca-lam. [19] Uất-đầu-lam Tử 鬱頭藍子. Xem Trung A-hàm 56, ibd. T01n26 tr.776c06. Pāli: Udako Rāmaputto, M. 26, ibid. [20] Trong bản: hữu tưởng vô tưởng định 有想無想定. Bậc thứ tư trong bốn Vô sắc định. Pali: Nevasaññānāsaññāyatanaṃ. [21] Hán: vô thượng hưu tức pháp 無上休息法. Xem, Trung A-hàm 56, đã dẫn: vô thượng an ổn Niết-bàn 無上安隱涅槃. Pāli: anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno. [22] Tượng đầu sơn 象頭山. Pāli: Gayāsīsa, núi đầu voi, ngọn đồi gần thị trấn Gayā. [23] Uất-tì-la Đại tướng thôn 鬱毘羅大將村. Trung A-hàm 56 (T01n26, tr.777a6): thôn Tư-na 斯那. Đoạn sau, phiên âm là Uất-bề-la 鬱鞞羅. Pāli: Uruvelā, Senā-nigama. [24] Nguyên Hán: hỉ lạc nhất tâm 喜樂一心. Hán dịch không chính xác. Cần sửa lại theo định cú về Sơ thiền. [25] Phạn khứu 飯糗. [26] Ni-liên-thiền 尼連禪. Pāli: Nerañjarā. [27] Cát An 吉安. Pāli: Sotthiya. [28] Cát tường thọ 吉祥樹. Có lẽ, Pāli, cây assattha, về sau được gọi là cây Bồ-đề. [29] Xem cht. 25 trên. Do đó, Sơ thiền cũng được gọi là «Ly sinh hỷ lạc địa» (trạng thái hỷ và lạc phát sinh do sự viễn ly). [30] Giác và quán, hay cũng gọi là tầm và tứ, là hai yếu tố quan trọng khi chứng Sơ thiền. Sang Nhị thiền, hai yếu tố này bị vượt qua, gọi là trạng thái «vô tầm vô tứ.» (không giác, không quán). [31] Nội tín 內信; Huyền Trang dịch là nội đẳng tịnh 內等淨: trạng thái trong suốt quân bình của nội tâm khi chứng Nhị thiền. [32] Do đó, Nhị thiền cũng được gọi là «định sanh hỷ lạc địa» (trạng thái hỷ và lạc phát sanh do định hay nhất tâm. [33] Hỷ, yếu tố chính trong Nhị thiền; khi nhập Tam thiền, nó bị vượt qua. Do đó, Tam thiền cũng được gọi là «Ly hỷ diệu lạc địa» (trạng thái lạc vi diệu do không còn hỷ). [34] Nguyên Hán: Thánh trí sở kiến hộ niệm lạc 聖智所見護念樂. Bản Hán hiểu Pāli upekkha (Skt. upekṣa: xả) là hộ. Pháp uẩn túc luận 6 (T26n1537 tr.482b05): Thánh thuyết ưng xả. Pali: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti uppekkhako satimā sukkhavihārī, «điều mà Thánh giả nói là xả, an trú lạc với chánh niệm.» [35] Nguyên Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Xem cht. 33 trên. Xem giải thích, Pháp uẩn 7 (T26n1537 tr.485a09): «Bấy giờ, xả và niệm thảy đều thanh tịnh.» Pāli: upekkhā sati pārisuddhaṃ. [36] Hán: định ý 定意. Pāli: samāhite citte. 32 Trong bản: sở hành nhu nhuyến 所行柔軟. Pāli: mudubhūte kammaniye. [38] Ngài hướng tâm đến «sanh tử trí» (Pāli: cūtapapāta-ñāṇā). [39] Trảo 瓜 (Nakha?); Ưu-ba-li 優波離 (Upāli?). Pāli: hai anh em thương khách: Tapussa và Bhallika. [40] Văn 文; phiên âm từ Muni. [41] Mật khứu 蜜糗. Pāli: manthañca madhupiṇḍikañca, cháo lúa mạch và mật ong. [42] Để bản: đề 提. Tống-Nguyên-Minh: sư 師. [43] Thủ-đà-hội 首陀會天. Pali: Suddhāvāsa. Tức trời Tịnh cư, cao nhất trong trời Vô sắc giới, Tứ thiền; chỗ các Thánh A-na-hàm nhập Niết-bàn. [44] Da-nhã-đạt 耶若達; phiên âm từ Skt. Yajñadatta, trên kia dịch là Tự Thí. [45] Bát-ma 缽摩; phiên âm từ Skt. Padma (Pali: Paduma), trên kia đã dịch là Liên hoa. [46] Niên thiếu, dịch nghĩa của từ Ma-nạp (Skt., Pl: mānava) trên. [47] Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pali: Daṇḍapāṇī. Tài liệu Pali (Mhv.ii. 18,19) nói ông là anh của Māyā và Pajāpatī. Truyền thuyết phương Bắc nói ông là bố vợ của Thái tử Siddhārtha. [48] Cù-di 瞿夷. Pali: Gotamī; thường để gọi Di mẫu của Phật. Nhưng đây chỉ Da-du-đà-la. [49] Trong bản: diêm-phù-đề 閻浮提. Có thể người chép, chép dư chữ đề. Phiêm âm từ jambu-dvipa, hòn đảo của những rừng cây jambu. Đề là phiên âm tắt của dvipa. [50] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pali: harīṭaka. [51] Ly-bà-na 離婆那; không rõ. [52] Tô-xà-la 蘇闍羅. Pali: Sujāta, con gái của Senānī (Tướng quân) ở thị trấn Senānigâm. [53] Văn lân thọ 文驎樹. Tên cây, Pali: Mucalinda (âm khác: Mục-chân-lân-đà), gần cây bàng Ajapāla-nigrodha ở Uruvelā. Chính cây này là cung điện của Long vương Mucalinda. [54] Trong bản: Văn-lân thuỷ 文驎水; có lẽ chỉ hồ Mucalinda (Pali), Nhưng hồ này ở trên núi Himavā. [55] Bài kệ tương đương Pali, xem Mahāvagga, Vin. i. 3. [56] A-du-ba-la ni-câu-luật 阿踰波羅尼拘律樹. Pali: Ajapāla-nỉgodha, một loại cây bàng. [57] Hán: sào quật 樔窟. Pali (Skt.) ālaya, chỉ vật được yêu thích, được cất giữ; chỉ tất cả sở y và đối tượng của ái dục; cũng chỉ vật mà sinh vật tựa vào làm chỗ che chở an toàn cho đời sông, như nhà cửa các thứ. Hán dịch ở đây theo nghĩa thứ hai. Từ Phạn này, trong Duy thức dịch âm là A-lại-da. Đoạn tương đương, dẫn trong Nhiếp Đại thừa luận thích (T31, tr.385c19), Huyền Trang dịch: «Thế gian chúng sanh ái a-lại-da, lạc a-lại-da, hân a-lại-da, hỷ a-lại-da.» Pali tương đương (M. i. 167): ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā. [58] Bài kệ tương đương Pali, xem Mahāvagga, Vin.i. 5; M.i. 168, D. ii. 38, S. i. 136. * Hết quyển 31. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Thế Tôn tư duy như vậy rồi, im lặng không nói pháp. Bấy giờ, Phạm thiên vương,[59] từ xa trên cõi Phạm thiên, biết được tâm niệm của đức Như Lai, tự nghĩ: «Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đặng pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp?» Bấy giờ, Phạm thiên, khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi kia hiện đến trước đức Như Lai, đảnh lễ rồi, đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Cúi xin đức Như Lai nói pháp! Cúi xin đức Thiện Thệ nói pháp! Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi dơ mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.» Đức Thế Tôn bảo Phạm thiên vương: «Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói. Vừa rồi Ta ở nơi nhàn tịnh có ý nghĩ: ‹Nay Ta đã đặng pháp này. Pháp [787a1] này rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ. Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay, Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với Ta có nhọc công vô ích chăng?›» Bấy giờ, Thế Tôn nói hai bài kệ mà trước đây chưa ai từng được thấy, từng được nghe, và cũng chưa từng nói: Đạo Ta chứng, khó hiểu, Nói cho kẻ trong hang. Người tham, nhuế, ngu si, Không thể vào pháp này. Lội ngược dòng sanh tử, Sâu kín, rất khó hiểu. Tham dục không thấy được, Vì ngu tối che lấp. «Này Phạm thiên! Vì vậy Ta im lặng, không nói pháp cho người đời.» Bấy giờ, Phạm thiên lại bạch Phật: «Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đặng pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp? Cúi xin đức Thế Tôn nên diễn nói chánh pháp để lưu bố trong đời. Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi dơ mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.» Phạm thiên nói rồi, lại nói kệ: Ma-kiệt, nơi cấu uế,[60] Phật từ đó sanh ra. Nguyện mở cửa cam lồ, Vì chúng sanh nói pháp. Đức Thế Tôn sau khi nhận lời khuyến thỉnh của Phạm thiên, bằng con mắt Phật, quan sát chúng sanh trong thế gian: Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có lợi căn, có độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau, có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp. Cũng như trong ao ưu-bát, ao bát-đầu, ao câu-mâu-đầu, ao phân-đà-lợi có hoa ưu-bát, hoa bát-đầu, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi; có cái mới ra khỏi bùn mà chưa lên khỏi nước; hoặc có cái đã ra khỏi bùn mà ngang mặt nước; hoặc có cái lên khỏi nước mà không bị bụi trần nơi nước thấm vào. Đức Như Lai cũng như vậy, bằng Phật nhãn quán chúng sanh trong thế gian: ‹Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có lợi căn, có độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau, có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.› Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Phạm thiên nói kệ: Phạm Thiên! Ta bảo ông: Nay mở cửa cam lồ, Cho người nghe tin nhận. Vì nhiễu loạn, không nói,[61] Phạm Thiên, pháp vi diệu, Pháp Mâu-ni chứng được. Bấy giờ, Phạm thiên biết đức Thế Tôn nhận lời khuyến thỉnh rồi, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, đi nhiễu bên hữu ba vòng, cáo lui, ẩn mình, không thấy nữa. Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹A-lan-ca-lan[62] trần cấu ít, lợi căn, thông minh có trí. Nay Ta có thể nói pháp cho ông ấy.› Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‹A-lan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.› Chư thiên cũng đến cho biết: ‹A-lan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.› Đức Phật nghĩ rằng: ‹Khổ thay, ông mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.› Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹Uất-đầu-lam Tử, người này có trần cấu mỏng, lợi căn, thông minh có trí. Nay ta nên nói pháp cho ông ấy nghe trước.› Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‹Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.› Chư thiên cũng đến thưa: ‹Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.› Đức Phật nói: ‹Khổ thay, ông mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.› Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹Năm tỳ-kheo đã từng phục vụ Ta khổ nhọc, không ngại sự lạnh nóng, hầu hạ, hộ vệ, cúng dường Ta. Nay Ta có nên nói pháp cho họ trước hay chăng?› Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Năm vị tỳ-kheo này hiện nay ở đâu?› Ngài liền dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát trong nhơn thiên, thấy năm vị tỳ-kheo ở tại nước Ba-la-nại, trong vườn Nai Tiên nhơn. Thấy vậy rồi, Ngài liền đến đó. Trên đường đi, Ngài gặp phạm chí Ưu-đà-da.[63] Từ xa thấy đức Thế Tôn, Phạm chí đến trước mặt thưa với đức Phật rằng: «Cù-đàm, các căn tịch tịnh nhan sắc vui đẹp. Vậy thầy của Ngài là ai? Ngài theo học với ai? Ngài học pháp gì?» Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời: Nhất thiết trí, trên hết, Mở mọi gút ái dục. Tự nhiên được ngộ giải, Nào có theo ai học. Ta cũng không có thầy, Bè bạn cũng lại không. Thế gian chỉ một Phật, Trầm lặng, thường an ổn. Ta không bị đời nhiễm, Ta vượt trên thế gian. Chư thiên và người đời, Không ai sánh bằng Ta. Ta đến Ba-la-nại, Chuyển vô thượng pháp luân. Thế gian đều tăm tối, Ta đánh trống cam lồ.[64] Phạm chí hỏi rằng: «Vừa rồi Cù-đàm nói: Ta là người không nhiễm trước, tối thắng.[65] Tôi muốn được nghe ý nghĩa nầy.» Đức Phật dùng kệ trả lời: Ta mở tất cả gút, Ta hết tất cả lậu; Ta thắng các pháp ác, Ưu-đà, Ta tối thắng.[66] Bấy giờ, Phạm chí im lặng. Đức Thế Tôn liền bỏ đi, nhắm đến Tiên nhơn Lộc uyển. 2. Sơ chuyển Pháp luân i. Trung đạo Năm vị tỳ-kheo, từ xa trong thấy đức Thế Tôn đến, dặn bảo nhau rằng: «Sa môn Cù-đàm này đã đi lạc đường, mê mờ, mất chí hướng. Nếu đến đây, chúng ta đừng nói năng gì với ông ta. Cũng đừng kính lễ. Chỉ nên cho một chỗ ngồi nhỏ, bảo ngồi mà thôi.» Thế Tôn từ từ đi đến chỗ năm vị tỳ-kheo. Bấy giờ, năm vị tỳ-kheo bỗng nhiên đứng dậy nghinh đón, lễ kính. Người thì trải chỗ ngồi. Người thì rước y bát. Người lấy nước rửa chân. Bấy giờ đức Thế Tôn nghĩ: ‹Những người ngu si này đã không cố giữ được ý chí của mình. Đã cùng nhau giao ước, rồi lại phá bỏ. Tại sao vậy? Vì không thể nào cưỡng lại oai lực của Phật. Nay Ta nên đến chỗ ngồi mà an tọa.› Năm tỳ-kheo thấy Như Lai đến ngồi nơi chỗ ngồi rồi, bèn gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn.›[67]. Bấy giờ đức Phật bảo năm vị tỳ-kheo: «Các ông chớ nên gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn.› Như Lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, oai thần tối thắng vô lượng. Nếu các người gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn› thì thọ khổ vô lượng và lâu dài.» Năm người nói: «Này Cù-đàm, ngài trước kia với cuộc sống khổ hạnh, chấp trì oai nghi, còn không thể đạt được thần thông, trí kiến của pháp thượng nhơn, để có thể tự mình chứng nghiệm lợi ích tối thượng. Huống chi là nay không đi đúng đường, đã lạc lối, mê mờ, mất chí hướng?» Đức Phật bảo năm người rằng: «Các người đã từng nghe, có khi nào, Ta nói hai lời mâu thuẫn nhau hay chăng?» Năm tỳ-kheo nói: «Xưa kia, chúng tôi không nghe người nói hai [788a1] lời.» Đức Phật nói: «Các ngươi, hãy đến đây! Nay ta đã đặng cam lồ. Ta sẽ chỉ dạy cho các ông. Các ông có khả năng tiếp nhận lời nói của Ta, không bao lâu, các ông sẽ có sở đắc; đạt được mục đích mà vì đó thiện nam tử với lòng tin kiên cố, từ bỏ gia đinh, sống không gia đình, hành đạo, tu vô thượng phạm hạnh, ở ngay trong đời hiện tại, tự thân tác chứng, tự mình an trú an lạc, biết rằng, ‹sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.› «Này Tỳ-kheo, kẻ xuất gia không được thân cận hai cực đoan,[68] ưa hưởng thụ ái dục hoặc tự khổ hạnh. Đó không phải là pháp của Hiền thánh. Hành hạ thân xác không thành tựu được gì. Tỳ-kheo từ bỏ hai cực đoan này, lại có con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuệ, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn.[69] «Thế nào gọi là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuê, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông,[70] đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn? Đó là con đường tám chánh[71] của các bậc Thánh gồm có: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.[72] Đó tức là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuê, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn. ii. Chuyển Pháp luân kinh «Bốn Thánh đế.[73] Thế nào gọi là Thánh đế? Là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ tận Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế. «Những gì gọi là Khổ Thánh đế? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù ghét tụ hội khổ, ái biệt ly khổ, muốn điều gì không được là khổ. Nói một cách gọn, là năm thạnh ấm là khổ.[74] Đó gọi là Khổ Thánh đế. Lại nữa, Khổ Thánh đế cần được biết thì Ta đã biết. Đây nên tu đạo tám chánh: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định. «Những gì là Khổ tập Thánh đế? Ái lạc vốn được phát sinh từ trước do duyên nơi ái,[75] và tương ưng với dục.[76] Đó là Khổ tập Thánh đế. Lại nữa, Khổ tập Thánh đế cần diệt thì Ta đã diệt và tác chứng, nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định. «Những gì là Khổ tận Thánh đế? Ái kia đã vĩnh viễn đoạn tận, vô dục, tịch diệt, xả, xuất ly, giải thoát, vĩnh viễn diệt tận, tĩnh chỉ,[77] không còn hang ổ.[78] Đó gọi là Khổ tận Thánh đế. Lại nữa, Khổ tận Thánh đế cần được chứng đắc, Ta đã tác chứng, nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định. «Những gì là Khổ xuất yếu Thánh đế ? Con đường của Hiền thánh có tám chánh này, chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định. Đó là Khổ xuất yếu thánh đế. Lại nữa, Khổ xuất yếu Thánh đế này cần được tu tập thì Ta đã tu tập. «Khổ thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ, đắc chứng.[79] Lại nữa, nên biết Khổ Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, Ta đã biết Khổ Thánh đế mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ Thánh đế. «Khổ tập Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Lại nữa, nên diệt Khổ tập Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa Ta đã diệt Khổ tập Thánh đế nầy mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ tập Thánh đế. «Khổ tận Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, nên tác chứng Khổ tận Thánh đế nầy, đối với pháp trước đay chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, ta đã tác chứng, Khổ tận Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. «Khổ xuất yếu Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, nên tu Khổ xuất yếu thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, Ta đã tu Khổ xuất yếu Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. «Đó là bốn Thánh đế. Nếu Ta không tu bốn Thánh đế nầy, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, mà không biết như thật, thì nay Ta không thành đạo Vô thượng chánh chơn. Song ta đối với bốn Thánh đế, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, như thật đã biết, nên nay Ta thành đạo Vô thượng chánh chơn, không còn gì nghi ngờ. «Như Lai nói bốn Thánh đế này mà trong chúng không có người giác ngộ thì Như Lai không chuyển pháp luân. Nếu Như Lai nói bốn Thánh đế nầy, mà trong chúng có người giác ngộ thì Như Lai vì họ chuyển pháp luân, là bánh xe mà sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người trong thế gian, đều không thể vận chuyển được. Cho nên, hãy nỗ lực tinh tấn tu bốn Thánh đế: Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế. Hãy nên học như vậy.» Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo A-nhã Kiều-trần-như dứt sạch các trần cấu, pháp nhãn được sanh.[80] Đức Thế Tôn biết sở đắc trong tâm A-nhã Kiều-trần-như, liền khen rằng: «A-nhã Kiều-trần-như, đã biết! A-nhã Kiều-trần-như, đã biết!»[81] Từ đó về sau gọi là A-nhã Kiều-trần-như. Bấy giờ, các vị Địa thần đã nghe những gì đức Như Lai đã nói, bèn cùng bảo với nhau: «Nay, đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, đang ở tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhơn ở tại Ba-la-nại, đang chuyển pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà sa-môn bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.» Tiếng của Địa thần xướng lên như vậy, được nghe lần lên Tứ Thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-thuật-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hoá thiên, lần lượt cùng nói với nhau rằng: «Nay, đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, đang ở tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhơn ở tại Ba-la-nại, đang chuyển pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà sa-môn bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.» Chỉ trong khoảnh niệm, âm thanh ấy đã lên đến trời Phạm thiên. Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, đã đạt quả chứng, bạch Phật rằng: «Nay, con ở trong giáo pháp của đức Như Lai tu phạm hạnh.» Phật nói: «Hãy đến đây, tỳ-kheo![82] Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như liền xuất gia, thọ giới cụ túc. Như vậy, trong hàng tỳ-kheo, người đầu tiên thọ giới cụ túc là A-nhã Kiều-trần-như. Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thưa với đức Thế Tôn rằng: «Nay con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực. Xin Thế Tôn cho phép.» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.» Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho các Tôn giả A-thấp-ti, tỳ-kheo Ma-ha-ma-nam, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên.[83] Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai: «Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.» Đức Phật nói: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo A-thấp-ti, Ma-ha-ma-nam bạch Phật: «Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.» Các Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho Bà-đề, Bà-phu, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, [789a1] được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai: «Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.» Đức Phật Nói: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc, rồi hai vị Bà-đề, Bà-phu bạch Phật: «Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.» Các Tôn giả Bà-đề, Bà-phu liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Khi đức Thế Tôn nói pháp cho ba người, thì hai người đi khất thực; hai người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn. Nếu đức Thế Tôn nói pháp cho hai người trong năm người, thì ba người khất thực; ba người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn. Bấy giờ, đức Thế Tôn khuyến hóa năm tỳ-kheo, tuần tự dạy dỗ, khiến cho tâm họ hoan hỷ. iii. Vô ngã tướng kinh Sau bữa ăn đức Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo: «Sắc là vô ngã. Nếu sắc là ngã, thì sắc không suy lão[84] để cho ngã thọ khổ. Nếu sắc là ngã thì phải được tự tại mà muốn rằng ‹sắc phải là như vậy›, hay ‹sắc không nên là như vậy›. Vì sắc vô ngã nên sắc tăng trưởng, khiến cho thọ các khổ, và cũng không thể tuỳ ý muốn mà được rằng, ‹sắc phải là như vậy›, hay ‹sắc không nên là như vậy›. «Thọ tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. «Thế nào, các tỳ-kheo, sắc là thường hay sắc là vô thường?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Kính bạch đức Thế Tôn! Sắc là vô thường.» Đức Phật dạy: «Nếu sắc là vô thường vậy sắc là khổ hay là lạc?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch đức Thế Tôn, sắc là khổ.» Đức Phật dạy: «Nếu sắc là vô thường, khổ thì nó là pháp biến dịch. Các ngươi nghĩ sao, có phải sắc là ta, là cái kia, là cái kia; ta là sắc, là cái kia, là cái kia chăng?»[85] Thưa rằng: «Chẳng phải như vậy.» «Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy. «Cho nên, các tỳ-kheo, tất cả sắc, sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả sắc hoặc ở trong hoặc ở ngoài, hoặc tế hoặc thô, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần. Tất cả sắc chẳng phải là ta, là cái kia, chẳng phải sở hữu của cái kia, chẳng phải sở hữu của ta. Hãy dùng trí tuệ mà chánh quán như thực như vậy. «Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy. «Này các tỳ-kheo, Thánh đệ tử quán như vậy rồi, nhàm tởm sắc. Khi đã nhàm chán thì không đắm trước. Không đắm trước thì được giải thoát. Khi đã giải thoát rồi, thì biết là đã giải thoát; biết rằng ‹Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.› «Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy.» Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo, tâm giải thoát khỏi tất cả hữu lậu, được vô ngại giải thoát, chánh trí phát sanh. Bấy giờ, trong thế gian có sáu vị A-la-hán. Năm vị đệ tử, và đức Như Lai, Chí chơn đẳng chánh giác là sáu. 3. Da-xá i. Thiện lai Tỳ-kheo Bấy giờ, đức Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Tại đây, có người con dòng họ tộc tánh, tên là Da-thâu-già.[86] Cha mẹ chỉ có một người con cho nên rất thương yêu quí mến, chăm sóc trông nom, không bao giờ không để ý đến. Cha mẹ cho xây cất ba cung điện mùa, để cho Da-thâu-già ở theo thời tiết ba mùa, xuân hạ và đông, khiến cho con mình vui chơi theo năm thứ dục lạc. Cậu con trai say đắm mình trong năm thứ dục lạc đến cực độ, quá mệt mỏi nên ngủ. Khi thức dậy, cậu thấy ở cung điện thứ nhất các nhạc cụ mà các kỹ nữ đã cầm bỏ dọc ngang, bừa bãi; bọn chúng gối đầu lên nhau, tóc rối bời, nằm loạn xạ; ngáy, nghiến răng, nói mớ. Thấy vậy, cậu hoảng sợ, lông trong người dựng ngược lên, sanh tâm nhàm tởm, không còn một chút ý muốn tụ hội, tự than: «Khổ thay! Có gì đáng ham muốn ở đây?» Cậu liền bỏ cung điện này, đến nơi cung điện giữa. Tại đây, cậu nhìn thấy điện đài, cùng các kỹ nữ, giống như chỗ kia không khác. Cậu lại hoảng sợ gấp bội, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội. Cậu tự than: «Khổ thay! Có gì đáng để ham muốn?» Cậu liền bỏ đi, đến cung điện thứ ba, lại cũng như trên, hoảng sợ gấp bội lần, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội, cũng như trên. Công tử liền ra khỏi cung điện, đến cổng thành Thi-khư.[87] Bấy giờ, vị thần giữ cửa thành Thi-khư, từ xa trông thấy cậu đến, bèn nghĩ: «Công tử này đến, chắc muốn yết kiến đức Như Lai, chứ không có đường nào khác. Ta nên mở cửa cho đi.» Nghĩ xong vị thần liền mở cửa thành. Cậu ra khỏi thành, đến bên bờ sông Bà-la. Khi đến trên bờ sông, cậu cởi bỏ guốc bằng vàng, lội qua sông Bà-la, đến vườn Nai chỗ Tiên nhơn ở. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi kinh hành nơi đất trống, từ xa thấy cậu đến, liền trải chỗ ngồi mà ngồi. Như thường pháp của chư Phật, có ánh sáng tròn đầy chiếu khắp. Da-thâu-già từ xa trông thấy đức Như Lai, tướng mạo đoan chánh, sanh tâm vui kính, tiến đến trước Thế Tôn bạch: «Nay con khốn khổ, không có nơi nương tựa. Cúi xin ngài cứu vớt giúp con.» Đức Phật bảo cậu đồng tử: «Hãy đến đây! Chỗ này là vô vi. Chỗ này là nơi không nguy khốn. Chỗ này là nơi an ổn; là nơi dục vọng đã được đoạn tận, vĩnh viễn tĩnh chỉ, vô vi; là chỗ ái không còn, diệt tận, là Niết-bàn.» Bấy giờ, cậu Da-thâu-già, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi nồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói pháp khuyên dạy, khiến phát tâm hoan hỷ. Ngài nói về pháp bố thí, pháp trì giới, và pháp sanh thiên. Ngài chỉ trích dục là bất tịnh. Ngài khen ngợi tịnh lạc của xuất ly. Cậu liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự thân đạt được quả chứng, rồi bạch Phật rằng: «Con muốn tu phạm hạnh trong pháp của đức Như Lai.» Đức Phật dạy: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Ngay lúc ấy, Da-thâu-già liền thọ giới cụ túc. Bấy giờ, cung nhơn và kỹ nữ trong cung điện thứ nhất thức dậy, tìm Da-thâu-già không thấy. Đến cung điện giữa để tìm, cũng không có. Chúng lại đến tìm nơi cung điện thứ ba, cũng không có. Bấy giờ, cung nhơn và kỹ nữ đến chỗ bà mẹ cậu báo cáo: «Thưa đại gia! Da-thâu-già hiện nay không biết đi đâu!» Bà mẹ được tin báo cáo liền tức tốc đến tin cho cha cậu: «Hiện không biết đứa con cưng của mình ở đâu?» Lúc ấy người cha đang tắm gội trong cung điện giữa. Nghe tin liền vội vàng chải tóc, cấp tốc ra lệnh cho người hai bên rằng: «Chận tất cả các nẻo đường nơi nước Ba-la-nại.» Tự thân ông đi ra cửa thành Thi-khư, đến sông Bà-la, bắt gặp đôi guốc bằng vàng của cậu con trai bỏ bên bờ sông. Người cha liền nghĩ: «Con ta chắc đã qua sông.» Ông liền tìm theo dấu qua sông, đến mãi trong vườn Nai của Tiên nhơn. ii. Ba quy y Bấy giờ, đức Như Lai từ xa trông thấy cha của Da-thâu-già đến, liền dùng thần lực khiến cho cha của Da-thâu-già thấy Phật mà không thấy con của mình. Ông ta đến chỗ Phật, thưa rằng: «Thưa Đại Sa-môn! Ngài có gặp đứa con của tôi tên là Da-thâu-già không?» Đức Phật nói rằng: «Bây giờ ông hãy ngồi xuống, không chừng sẽ thấy con của ông.» Cha của Da-thâu-già nghĩ rằng: «Đại Sa-môn nầy rất là kỳ lạ, nên mới có lời an ủi mời ta như vậy.» Bấy giờ, cha của Da-thâu-già đảnh lễ sát chân Phật rồi, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự nói pháp, khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Ngài chê trách dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất yếu là an lạc. Cha của Da-thâu-già liền từ chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự xét[88] đã đạt được quả chứng rồi, bạch Phật: «Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc. Từ nay về sau trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Như vậy cha của Da-thâu-già là vị ưu-ba-tắc đầu tiên thọ ba quy y. Khi đức Thế Tôn [790a1] vì cha Da-thâu-già nói pháp, bấy giờ, Da-thâu-già các lậu đã đoạn tận, ý mở, đặng trí vô ngại, giải thoát. Hiện nay trong thế gian có bảy vị A-la-hán, gồm sáu vị đệ tử và Phật là bảy. Đức Thế Tôn liền thâu nhiếp thần túc, khiến cho cha của Da-thâu-già thấy con mình, đang ngồi cách Phật không xa. Ông liền đến chỗ Da-thâu-già nói rằng: «Mẹ con đang chờ. Mất con, không biết con đi dâu, bà hết sức sầu ưu, muốn tự tử. Con nên về thăm mẹ. Chớ để mẹ con tự hại.» Bấy giờ, Da-thâu-già nhìn lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo cha của Da-thâu-già rằng: «Thiện gia nam tử học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Thế nào, trưởng giả, khi người đã bỏ dục, lại có thể thân cận dục trở lại được chăng?» Trả lời: «Thưa, không. Đúng vậy, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu, không bao giờ thân cận dục trở lại như trước khi còn ở thế tuc. Nay, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã khéo đạt được lợi lớn, học trí, học đạo được tâm giải thoát vô lậu, dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp. Sau khi quán như vậy, tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh của con; cùng với Da-thâu-già và tỳ-kheo thị giả.» Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Nhưng Da-thâu-già không nhận thọ biệt thỉnh vì chưa được đức Thế Tôn cho phép thọ biệt thỉnh. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép thọ biệt thỉnh.» Thỉnh có hai cách: thỉnh Tăng rồi Tăng sai đi và thỉnh riêng.[89] Bấy giờ, cha của Da-thâu-già biết đức Như Lai nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Phật, rồi cáo lui. Về đến nhà, nói với mẹ của Da-thâu-già và vợ của con mình rằng: «Các người nay có biết chăng? Da-thâu-già hiện ở tại chỗ Đại Sa-môn, tu phạm hạnh. Hôm nay ta thỉnh Đại Sa-môn và Da-thâu-già, cùng vị thị giả đến thọ thực. Các người hãy biết thời, sửa soạn tất cả mọi thứ cần dùng.» Mẹ và vợ của Da-thâu-già liền sắm sửa đủ các thứ cần dùng và thức ăn rồi, đến mời đức Phật quang lâm thọ thực. Bấy giờ đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, Da-thâu-già theo hầu, đồng đến nhà của cha Da-thâu-già, an tọa trên chỗ ngồi dọn sẵn. Mẹ và vợ của Da-thâu-già dâng thức ăn và các thứ cần dùng lên đức Thế Tôn. Ngài thọ thực xong, dọn bát rồi, hai người dọn chỗ ngồi nhỏ, ngồi trước đức Thế Tôn. Đức Phật vì họ tuần tự nói pháp vi diệu, khiến họ phát tâm hoan hỷ, liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, bèn bạch đức Phật rằng: «Kính bạch đức Thế Tôn, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-di. Từ nay về sau trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Như vậy, người thọ ba tự quy, làm người ưu-bà-di đầu tiên là mẹ và vợ của Da-thâu-già. Đức Thế Tôn vì mẹ và vợ của Da-thâu-già nói pháp rồi rời chỗ ngồi ra về. iii. Những người bạn Một thời, đức Thế Tôn du hóa nước Ba-la-nại. Nơi đây có bốn người bạn lúc nhỏ của Da-thâu-già. Một người tên là Vô Cấu. Người thứ hai tên là Thiện Tý. Người thứ ba tên là Mãn Nguyện. Người thứ tư tên là Già- phạm-bà-đề.[90] Nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh tại chỗ Đại Sa-môn, mỗi người tự nghĩ rằng: «Giới đức nầy chắc chắn không hư dối. Pháp tu phạm hạnh của Sa-môn cũng không hư dối. Tại sao vậy? Vì nó đã khiến cho con nhà tộc tánh này chấp nhận tu và học phạm hạnh theo nó. Con nhà tộc tánh kia đã đối với giới đức kia tu phạm hạnh, thì chúng ta nên đến chỗ Đại Sa-môn tu phạm hạnh.» Rồi bốn người bạn liền đến chỗ Da-thâu-già nói: «Sự tu phạm hạnh của bạn nơi Đại Sa-môn có phải là rất đặc biệt?» Da-thâu-già trả lời: «Sự tu phạm hạnh của nơi Đại Sa-môn thật là rất vi diệu.» Bốn người bạn nói với Da-thâu-già: «Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh nơi Đại Sa-môn.» Da-thâu-già liền dẫn đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch: «Đây là bốn người bạn của con, ở Ba-la-nại, nay muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai. Cúi xin Ngài dũ lòng thương cho phép các bạn của con xuất gia tu phạm hạnh.» Đức Thế Tôn thuận ý và tuần tự giảng cho họ pháp thù thắng. Pháp thù thắng là bố thí, trì giới, sanh thiên; chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền bạch Phật: «Chúng con muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Đức Phật nói: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Như những gì đã thấy, bốn người quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ, trong thế gian có mười vị A-la-hán; các đệ tử và đức Như Lai là mười một. Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy, có năm mươi người bạn thiếu thời của Da-thâu-già cư trú bên ngoài thành, nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn đều nghĩ rằng: «Tu phạm hạnh trong giới này không hư dối. Tại sao vậy? Bởi vì con nhà tộc tánh đã tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn nầy. Con nhà tộc tánh đã tu phạm hạnh, nay chúng ta nên đến chỗ Sa-môn để tu phạm hạnh được chăng?» Bấy giờ, năm mươi người đồng bạn đều đến chỗ Da-thâu-già hỏi: «Chỗ này tối thắng chăng? Tu phạm hạnh tuyệt diệu không?» Da-thâu-già trả lời: «Đây là chỗ tối thắng và tu phạm hạnh cũng tuyệt diệu.» Năm mươi người nầy đều nói với Da-thâu-già: «Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn.» Da-thâu-già dẫn họ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch: «Kính bạch đức Thế Tôn, năm mươi người đồng bạn của con đây, cư trú bên ngoài thành Ba-la-nại, nay nuốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Như Lai. Cúi xin đức Thế Tôn dũ lòng thương cho phép họ xuất gia tu phạm hạnh.» Đức Thế Tôn liền cho phép và tuần tự vì họ nói pháp thù thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền thưa rằng: «Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Như Lai.» Đức Phật dạy: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Như những gì đã thấy, quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ, trong thế gian có sáu mươi vị A-la-hán đệ tử và đức Như Lai là sáu mươi mốt. Bấy giờ Thế Tôn du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy có nhóm năm mươi người đồng bạn đến nước Ba-la-nại, thành hôn nhơn tại nước Ba-la-nại. Họ đi du ngoạn khắp nơi ngoài thành, lần hồi đến chỗ vườn Nai của Tiên nhơn. Năm mươi người từ xa trông thấy đức Thế Tôn tướng mạo đoan chánh, đặc biệt, liền phát tâm hoan hỷ, đến chỗ Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Pháp tối thắng được Ngài dạy là bố thí, trì giới, phước báo sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của [791a1] con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.» Đức Phật dạy: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Như những gì đã thấy, quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ, trong thế gian có một trăm mười vị A-la-hán; các đệ tử, và đức Phật là một trăm mười một. 4. Long vương Y-la-bát-la Bấy giờ, Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Khi ấy có Long vương Y-la-bát-la,[91] vào những ngày mồng tám, mười bốn và rằm,[92] tự ra khỏi cung điện của mình nơi sông Hằng, tay bưng bát bằng vàng đựng đầy thóc bằng bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng, dẫn các long nữ đi theo, nói bài kệ như sau: Vua gì vua lớn nhất? Cái nhiễm cùng nhiễm bằng; Làm sao được vô cấu? Thế nào là người ngu? Người nào bị nước cuốn? Được gì gọi là trí? Tại sao dòng không chảy? Mà gọi là giải thoát? Long vương nói tiếp: «Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy thóc bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng và dẫn các long nữ tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai, Đẳng chánh giác.» Bấy giờ, mọi người tụ tập thành đám đông rất lớn. Có người đến để xem bát vàng thóc bạc, bát bạc thóc vàng; có người đến để xem long nữ; có người muốn đến để cùng Long vương phân biệt nghĩa của bài kệ. Lúc đó, có một Phạm chí tên là Na-la-đà ở bên cạnh thành Ba-la-nại, ít cấu bẫn, lợi căn, nhiều trí thông minh. Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ Long vương, nói rằng: «Tôi muốn giải nghĩa bài kệ đó.» Long vương Y-la-bát-la hướng về Na-la-đà nói lại bài kệ: Vua gì vua lớn nhất? Cái nhiễm cùng nhiễm bằng; Làm sao được vô cấu? Thế nào là người ngu? Người nào bị nước cuốn? Được gì gọi là trí? Tại sao dòng không chảy? Mà gọi là giải thoát? Long vương nói: «Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và dẫn long nữ tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai, đẳng chánh giác.» Phạm chí Na-la-đà nói với Long vương Y-la-bát-la rằng: «Sau đây bảy ngày tôi sẽ giải bày nghĩa bài kệ này.» Phạm chí Na-la-đà đọc tụng thuộc lòng bài kệ này rồi trở lại thành Ba-la-nại. Lại nghĩ: «Ở đây sa-môn, bà-la-môn nào tài cao đức cả, để ta hỏi nghĩa của bài kệ này?» Phạm-chí lại nghĩ: «Bất-lan Ca-diếp[93] là người trưởng thượng trong mọi người, là bậc thầy của người, mọi người đều tôn ngưỡng, danh tiếng khắp nơi. Sở tri của ông như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên hỏi vị ấy nghĩa của bài kệ này được chăng?» Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà đến chỗ Ca-diếp hỏi nghĩa bài kệ. Bất-lan Ca-diếp nghe bài kệ xong, thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm chí liền bỏ đi và nghĩ: «Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-la-môn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.» Đi giữa đường Phạm chí lại nghĩ: «Mạt-khư-lê-cù-xa-li, A-di-đầu-sí-sá-khâm-bà-la, Mâu-đề-xỉ-bà-hưu-ca-chiên-diên, San-nhã-tỳ-la-tra-tử, Ni-kiền Tử, hiện là bậc thầy ở trong mọi người được mọi người đều tôn ngưỡng, xa gần ai cũng biết, sở tri như biển, nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ nầy.» Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà đến nơi Mạt-khư-lê-cù-xa-li, cho đến, Ni-kiền Tử. Đem bài kệ này nói cho họ nghe. Nghe xong, vị ấy thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm chí liền bỏ đi và nghĩ: «Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-la-môn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.» Phạm-chí nghĩ tiếp: «Đại Sa-môn Cù-đàm là bậc thầy trong đại chúng, được mọi người tôn ngưỡng, tiếng đồn khắp nơi. Sở tri rộng như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.» Nhưng rồi Phạm chí lại nghĩ: «Những vị sa-môn, bà-la-môn kia lớn tuổi, xuất gia đã lâu, còn không thể giải thích được bài kệ này, huống là Sa-môn Cù-đàm tuổi còn non trẻ, lại mới xuất gia, làm sao giải thích được?» Tuy nhiên, Phạm-chí nghĩ lại: «Tuy tuổi nhỏ ấu trĩ, nhưng không thể khinh. Cũng có người xuất gia tuổi nhỏ, học đạo đắc A-la-hán, thần túc tự tại. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.» Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ vườn nai nơi ở Tiên nhơn, đưa tay chào đức Như Lai. Hai bên thăm hỏi xong, ngồi qua một bên thưa đức Thế Tôn rằng: «Tôi có điều muốn hỏi. Sa-môn Cù-đàm cho phép tôi được hỏi hay không?» Đức Phật nói: «Nầy Phạm-chí! Ông muốn hỏi điều chi cứ tùy ý hỏi.» Bấy giờ Na-la-đà nghĩ: «Các sa-môn, bà-la-môn kia không có được nhan sắc như vậy. Không cởi mở cho ta. Không nói rằng, ‹Tùy ý cứ hỏi.› Vị Sa-môn Cù-đàm này rất là kỳ lạ, hy hữu.» Phạm chí liền đọc bài kệ: Vua gì vua lớn nhất? Cái nhiễm cùng nhiễm bằng; Làm sao được vô cấu? Thế nào là người ngu? Người nào bị nước cuốn? Được gì gọi là trí? Tại sao dòng không chảy? Mà gọi là giải thoát? Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời cho Phạm chí Na-la-đà: Thứ sáu[94] vua lớn nhất. Cái nhiễm cùng nhiễm bằng.[95] Không nhiễm thì vô cấu. Người nhiễm là người ngu. Người ngu bị nước cuốn. Người hay diệt là trí. Hay xả tất cả giòng. Trời cho đến thế gian. Không cùng giòng tương ưng. Không bị chết mê hoặc. Hay lấy niệm làm chủ. Các giòng đều giải thoát. Bấy giờ Na-la-đà nghe đức Như Lai nói bài kệ này rồi, đọc tụng thuộc lòng xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân đức Thế Tôn, nhiễu ba vòng, trở về thành Ba-la-nại. Sau bảy ngày, Y-la-bát-la Long vương ra khỏi long cung, dẫn các long nữ, đem bát vàng đựng đầy lúa bạc, bát bạc đựng đầy lúa vàng đến nói kệ: Vua gì vua lớn nhất? Cái nhiễm cùng nhiễm bằng; Làm sao được vô cấu? Thế nào là người ngu? Người nào bị nước cuốn? Được gì gọi là trí? Tại sao dòng không chảy? Mà gọi là giải thoát? Long vương nói: «Ai có thể diễn nói nghĩa của bài kệ này, tôi sẽ dùng bát bằng vàng đựng đầy [792a1] lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và đem các long nữ tặng thưởng vị ấy. Vì muốn cầu tìm Vô thượng, Chánh chơn, Đẳng chánh giác.» Bấy giờ, có nhiều người tập hợp, hoặc để xem bát vàng đựng lúa bạc, hay bát bạc đựng lúa vàng; hoặc có người đến để xem long nữ; hoặc có người đến để nghe Phạm chí Na-la-đà giải thích nghĩa của bài kệ. Phạm chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ Long cung của Long vương Y-la-bát, nói với Long vương: «Tôi sẽ vì người phân biệt luận giải từng câu một của bài kệ ấy.» Long vương liền hướng về Na-la-đà nói kệ: Vua gì vua lớn nhất? Cái nhiễm cùng nhiễm bằng; Làm sao được vô cấu? Thế nào là người ngu? Người nào bị nước cuốn? Được gì gọi là trí? Tại sao dòng không chảy? Mà gọi là giải thoát? Na-la-đà dùng bài kệ trả lời Long vương: Thứ sáu, vua lớn nhất. Cái nhiễm cùng nhiễm bằng. Không nhiễm thì vô cấu. Người nhiễm là người ngu. Người ngu bị nước cuốn. Người hay diệt là trí. Hay xả tất cả giòng. Trời cho đến thế gian. Không cùng giòng tương ưng. Không bị chết mê hoặc. Hay lấy niệm làm chủ. Các giòng đều giải thoát. Bấy giờ, Long vương Y-la-bát hỏi Phạm chí: «Tự ông có đủ trí để nói bài kệ này hay là ông được nghe từ sa-môn, bà-la-môn nào rồi nói lại?» Phạm chí trả lời Long vương: «Tôi không đủ trí để nói; mà là được nghe từ Sa-môn Cù-đàm Thích tử, xuất gia học đạo thành Vô thượng Chánh chơn, Chánh đẳng giác, rồi nói lại mà thôi.» Long vương liền nghĩ: «Thích-ca Văn Như Lai, Chí chơn, Chánh đẳng giác đã xuất hiện ở đời chăng? Đã xuất hiện ở đời chăng?» Long vương liền hỏi Phạm chí: «Hiện nay đức Như Lai ở chỗ nào?» Phạm chí nói: «Hiện nay Ngài đang ở gần tại vườn Nai của Tiên nhơn.» Long vương nói với Na-la-đà: «Hãy cùng tôi đến đó để kính lễ đức Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác?» Bấy giờ, Na-la-đà và Long vương dẫn theo tám vạn bốn ngàn đồ chúng, đến vườn Nai Tiên nhơn vây quanh trước sau chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Na-la-đà cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên. Trong tám vạn bốn ngàn đồ chúng, có người kính lễ sát chân đức Như Lai, rồi đứng qua một bên; có người đưa cao nắm tay lên, cùng chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên; có người hướng về đức Như Lai tự xưng danh tánh, rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay nhìn đức Như Lai, rồi ngồi xuống một bên; có người ngồi lặng lẽ không nói, ngồi xuống một bên. Tám vạn bốn ngàn đồ chúng ổn định chỗ ngồi rồi, đức Thế Tôn tuần tự vì họ nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ Na-la-đà và tám vạn bốn ngàn đồ chúng ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng, cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con làm người ưu-bà-tắc trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Bấy giờ Long vương Y-la-bát buồn khóc, không thể ngăn được nước mắt. Rồi lại vui mừng phấn khởi. Na-la-đà hỏi Long vương: «Tại sao buồn khóc? Vì tiếc bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng và long nữ các thứ mà khóc phải không?» Long vương nói: «Tôi không phải vì những vật ấy mà buồn khóc đâu. Na-la-đà nên biết, nay ông cần lấy bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng thì cứ lấy, chớ có ngại. Nếu ông cần người nữ Sát-lợi, người nữ bà-la-môn, người nữ cư sĩ, người nữ công nghệ trong thành Ba-la-nại, tôi cũng khiến họ trao tặng cho ông. Tại sao vậy? Này Na-la-đà, vì ông không thể cùng với long nữ chung hội được.» Na-la-đà trả lời Long vương: «Bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng, tôi không cần. Long nữ, tôi cũng không cần. Nay tôi chỉ muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.» Phạm chí Na-la-đà đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự biết[96] đặng quả chứng, liền bạch Phật: «Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Phật bảo: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Như trước đã thấy, sau khi quán sát lại nữa, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ trong thế gian, có một trăm mười một vị A-la-hán. Với Phật nữa, là một trăm mười hai vị. Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi Long vương rằng: «Vì sao ngươi buồn khóc không thể tự ngăn chận được?» Long vương bạch Phật: «Kính bạch đức Thế Tôn, con nghĩ xưa kia, khi đức Phật Ca-diếp ra đời, con tu phạm hạnh mà phạm giới, phá hoại lá cây y-la-bát[97] nên mắc phải quả báo thế này. Bạch đức Thế Tôn, do nghiệp báo này nên con sanh trong loài rồng trường thọ. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt tận, con mới chuyển được thân loài rồng này. Con bị mất cả hai điều lợi; không được tu phạm hạnh. Cho nên con buồn khóc, không thể ngăn chận được.» Bấy giờ đức Thế Tôn lại hỏi Long vương rằng: «Vì lý do gì ngươi lại vui mừng?» Long vương thưa: «Chính con được nghe đức Phật Ca-diếp nói, ‹Sau này sẽ có đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện trong đời, là Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác.› Những điều con thấy hôm nay là đúng như thật không hề sai khác. Con nghĩ, ‹Đây là điều chưa từng có. Sở kiến, tuệ của Như Lai, là như thật, không hai.› Vì điều đó, cho nên con vui mừng phấn khởi, không tự ngăn được.» Đức Phật bảo Long vương: «Nay, ngươi hãy quy y Phật, Pháp, Tăng.» Long vương thưa: «Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng.» Như vậy, trong hàng súc sanh, lần đầu tiên thọ ba tự quy y trước nhất là Long vương Y-la-bát. Đức Thế Tôn dùng bài kệ bảo các tỳ-kheo: Ta bứt mọi lưới bũa, Trên trời và trong đời; Ngươi cũng bứt tất cả Trên trời và trong đời.[98] Bấy giờ, ma Ba-tuần dùng bài kệ hướng về Thế Tôn nói: Ông bị các lưới trói, Trên trời và trong đời; Trói bởi mọi thứ lưới, Sa-môn, không thể thoát. Đức Thế Tôn cũng dùng bài kệ để trả lời Ba-tuần rằng: Ta đã thoát tất cả, Trên trời và trong đời. Thoát tất cả các lưới; Ta nay chiến thắng ngươi. Ba-tuần lại dùng bài kệ để trả lời Phật rằng: Trong ông có kết phược; Tâm hành ở trong đó. Vì vậy nó theo ông; Sa-môn, không thể thoát. Đức Thế Tôn lại cũng dùng kệ để trả lời rằng: Thế gian có năm dục. Ý thức là thứ sáu. [793a1] Ta ở trong không dục. Ta đã chiến thắng người. Bấy giờ, ma Ba-tuần tự nghĩ: «Như Lai đã thấu suốt ý nghĩ của ta; đã biết tất cả.» Do vậy, nó ôm lòng sầu ưu không vui, ẩn mình mà trở về bản xứ. Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các tỳ-kheo bài kệ này: Ta nay bứt mọi lưới, Trên trời và trong đời. Các ngươi cũng bứt cả, Trên trời và trong đời. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ông hãy du hành trong thế gian. Không nên hai người cùng đi. Nay Ta muốn đến thôn đại tướng ở Ưu-lưu-tần-loa để thuyết pháp.» Các tỳ-kheo đáp: «Kính vâng, bạch Thế Tôn.» III. TĂNG PHÁP THỌ GIỚI 1. Sơ chế Pháp i. Tam ngữ đắc giới Các tỳ-kheo vâng lời đức Thế Tôn dạy, du hóa trong nhân gian thuyết pháp. Lúc bấy giờ có người nghe pháp sanh lòng tin, muốn thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ cụ túc về chỗ đức Như Lai. Khi chưa đến nơi, giữa đường, họ mất lòng tin, nên không được thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các ông trực tiếp cho người xuất gia, thọ giới cụ túc. Nên dạy bảo người muốn thọ giới cụ túc như vầy: bảo cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, cởi bỏ dày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Dạy nói như vầy: «Con tên là ... quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Rồi, nói tiếp: «Con tên là ..., đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép nói ba câu[99] như vậy tức là thọ giới cụ túc.» ii. Bạt-đà-la-bạt-đề Một thời, đức Thế Tôn trú trong vườn Kiếp-ba[100] tại Uất-bề-la. Bấy giờ có Uất-bề-la Bạt-đà-la-bạt-đề,[101] gồm có năm mươi người đồng bạn, dẫn các phụ nữ đến nơi vườn này, cùng nhau vui chơi. Trong số đồng bạn đó, có một người không có vợ, thuê một dâm nữ dẫn đến vui chơi. Dâm nữ này trộm lấy của cải của người ấy, rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Đồng bọn biết bạn của mình bị mất của, liền rảo khắp vườn để tìm người dâm nữ. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định, họ bèn phát tâm hoan hỷ, đến trước đức Thế Tôn thưa hỏi: «Đại Sa-môn có thấy một người đàn bà đến đây hay không?» Đức Phật nói: «Các cậu là công tử nhà ai? Đi tìm người đàn bà nào?» Các cậu nói: «Đại Sa-môn nên biết, Uất-bề-la Bạt-đà-la-bạt-đề, và đồng bạn gồm năm mươi người, cùng các phụ nữ vui chơi trong vườn nầy. Một người trong số đồng bạn không có vợ, nên dùng tiền thuê một dâm nữ dẫn đến cùng vui chơi. Dâm nữ ấy trộm lấy của cải của anh ta rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Nay, chúng tôi vì là đồng bạn đến đây để tìm dâm nữ kia.» Đức Phật nói: «Sao các công tử, nên tự tìm chình mình,[102] hay nên tìm người phụ nữ?» Các cậu trả lời: «Nên tìm chính mình, hơn là tìm người phụ nữ.» Đức Phật bảo các cậu: «Các cậu công tử hãy ngồi lại đây. Ta sẽ nói pháp cho các công tử.» Bấy giờ, các công tử kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các cậu nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các công tử ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Phật bảo: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. iii. Uất-bề-la Ca-diệp Một thời đức Thế Tôn du hóa tại Uất-bề-la. Nơi Uất-bề-la[103] có Phạm chí tên là Uất-bề-la Ca-diếp,[104] đang cư trú tại đó. Ông là bậc thầy cao cả đối với năm trăm Phạm chí bện tóc.[105] Người trong nước Ương-già[106] và Ma-kiệt đều xưng là A-la-hán. Đức Thế Tôn đến chỗ Uất-bề-la Ca-diếp, nói: «Tôi muốn nghỉ lại một đêm trong nhà này,[107] được không?» Uất-bề-la Ca-diếp trả lời: «Được thôi. Không có gì trở ngại. Chỉ có điều, trong nhà đó có con độc long cực ác. Sợ nó làm hại ông chăng?» Đức Phật nói: «Không can chi. Miễn ông đồng ý. Độc long không hại tôi đâu.» Ca-diếp trả lời: «Nhà này rộng rãi. Tùy ý ông cứ nghỉ.» Bấy giờ, đức Thế Tôn vào trong thạch thất, tự trải tọa cụ, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý. Con độc long thấy đức Như Lai ngồi im lặng rồi, liền khạc ra khói mù. Đức Như Lai cũng phóng ra khói mù. Con rồng thấy đức Như Lai phóng ra khói mù, nó lại khạc ra lửa. Như Lai cũng phóng ra lửa. Bấy giờ, trong thạch thất bốc khói lửa. Ca-diếp từ xa thấy lửa và khói nơi thạch thất, bèn nghĩ: «Sa-môn Cù-đàm rất xinh đẹp. Đáng tiếc là bị độc long làm hại rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa.» Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: «Nay Ta hãy bắt con độc long này, không nên gây thương tổn thân nó, mà hàng phục nó.» Như Lai liền dùng thần lực hàng phục độc long, không làm thương tổn đến thân con độc long. Khói và lửa từ thân của độc long phóng ra, từ từ yếu dần. Trong thân Như Lai phóng ra vô số ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, lưu ly, pha lê. Đức Như Lai hàng phục con độc long rồi, đựng nó trong bình bát. Sáng sớm, đem đến chỗ Uất-bề-la Ca-diếp và nói: «Ông muốn biết không? Con độc long mà ông nói đó, tôi đã hàng phục. Hiện đựng trong bát này.» Ca-diếp nghĩ: «Sa-môn Cù-đàm có đại oai đức, thần túc tự tại, nên mới có thể hàng phục được con độc long này, mà không bị nó làm hại. Sa-môn Cù-đàm này, tuy đạt thần túc tự tại, nhưng sự chứng đắc A-la-hán của ông không bằng sự chứng đắc A-la-hán của ta.»[108] Ca-diếp nói: «Đại Sa-môn có thể nghỉ đêm nơi đây, tôi sẽ cung cấp thức ăn» Đức Phật bảo Ca-diếp: «Nếu ông tự thân báo giờ đã đến, tôi sẽ nhận lời mời của ông.» Ca-diếp bạch: «Đại Sa-môn tạm nghỉ đêm nơi đây. Tôi sẽ đến báo giờ.» Đức Như Lai sau khi thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về nghỉ đêm tại thạch thất. Đêm hôm ấy tĩnh mịch, đức Thế Tôn nhập hỏa quang tam-muội, làm cho thạch thất kia sáng rực lên. Trong đêm, Ca-diếp thức dậy, thấy thạch thất tỏa ánh sáng của lửa rực chiếu, liền nghĩ: «Ngài Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, nay nghỉ đêm nơi thạch thất này, bị lửa thiêu mất.» Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đến đứng vây xung quanh thạch thất. Sáng ngày, Ca-diếp bạch Phật: «Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.»[109] Lại hỏi: «Đại Sa-môn, đêm qua vì sao có ánh lửa sáng lớn vậy?» Đức Phật nói: «Đêm vừa rồi, tôi nhập hỏa quang tam-muội nên thạch thất tỏa ánh sáng chiếu rực.» Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn này có đại oai thần. Trong đêm tịch tĩnh, nhập hỏa quang tam-muội chiếu sáng thạch thất. Sa môn Cù-đàm tuy đã chứng đắc A-la-hán, nhưng không bằng sự chứng đắc A-la-hán của ta.» Sau khi đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, đến một khu rừng, nghỉ đêm nơi đó. Sáng ngày, ông Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.» Đức Phật nói: «Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.» Đức Thế Tôn bảo ông Ca-diếp về trước, rồi Ngài đến cây diêm-phù-đề. Gọi là Diêm-phù-đề vì nơi đó có cây diêm-phù-đề.[110] Đức Như Lai đến đó lấy trái diêm-phù,[111] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi: «Đại Sa-môn [794a1] bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?» Phật nói với Ca-diếp: «Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề lấy trái diêm-phù, về đây trước và ngồi ở đây. Trái diêm-phù này, sắc đẹp, thơm, ngon. Ông có thể dùng đi.» Ông Ca-diếp nói: «Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.» Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: «Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.» Phật bảo: «Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.» Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đến Diêm-phù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. Ngài hái lấy trái ha-lê-lặc, rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi: «Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?» Phật nói với Ca-diếp: «Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. Tôi đến lấy trái ha-lê-lặc, rồi mới đến đây. Trái ha-lê-lặc này sắc đẹp, thơm ngon, ông có thể dùng đi.» Ca-diếp nói: «Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.» Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: «Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.» Phật bảo: «Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.» Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt,[112] lấy lúa tám tự nhiên,[113] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi: «Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?» Phật nói với Ca-diếp: «Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt, lấy lúa tám cánh tự nhiên, rồi mới lại ngồi đây. Gạo này sắc đẹp thơm ngon, ông có thể lấy dùng.» Ca-diếp nói: «Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là gạo mà đại Sa-môn nên dùng.» Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: «Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.» Phật bảo: «Ca-diếp, ông về trước. Tôi sẽ đến sau.» Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên trời Đao-lợi lấy hoa mạn-đà-la, rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi: «Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?» Phật nói với Ca-diếp: «Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên trời Đao-lợi, lấy hoa mạn-đà-la,[114] rồi mới lại ngồi đây. Hoa nầy sắc đẹp, mùi thơm sực nức. Ông cần có thể lấy dùng.» Ca-diếp nói: «Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi.» Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về khu rừng cũ nghỉ đêm. Trong đêm ấy Tứ Thiên Vương mang phẩm vật cúng dường đến chỗ đức Thế Tôn để cúng dường và nghe pháp. Trong đêm tối, họ toả ánh sáng chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa lớn, chấp tay kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi đứng phía trước. Bấy giờ Ca-diếp thức dậy, thấy trong khu rừng có ánh sáng lớn, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa to. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.» Rồi ông hỏi: «Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng lớn này, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa rực cháy?» Đức Phật nói với ông Ca-diếp: «Đêm qua, Tứ Thiên Vương đem phẩm vật cúng dường đến chỗ tôi để cúng dường và nghe pháp. Họ toả ánh sáng chiếu soi bốn phương, chứ chẳng phải là lửa.» Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Tứ Thiên Vương đến nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong, trở về lại khu rừng cũ. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhơn[115] đem phẩm vật đến cúng dường và muốn nghe pháp; toả ánh sáng lớn trong đêm tối, chiếu bốn phương, như vòm lửa lớn rực cháy, vượt hơn ánh sáng trước, thanh tịnh không tỳ vết; chấp tay kính lễ đức Như Lai, rồi đứng phía trước để nghe pháp. Ca-diếp trong đêm thức dậy, thấy ánh sáng chiếu bốn phương, hơn cả ánh sáng hôm trước, trong sạch không tỳ vết. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.» Rồi ông hỏi: «Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng chiếu soi bốn phương như vòm lửa to rực cháy, hơn cả so với ánh sáng hôm trước, thanh tịnh không tỳ vết. Ánh sáng đó từ đâu mà có?»[116]
Chú thích: [59] Vin. i.5: Phạm thiên Sahampati, Sa-bà thế giới chủ. [60] Cf. Vin.i. 6: pāturahosi magadhesu pubbe, dhammo asuddho samalehi cintito, «Trước đây, giữa những người Magadha, xuất hiện pháp bất tịnh được tư duy với sự cấu uế.» Sớ giải nói, cấu uế ở đây chỉ nhóm Lục sư Ngoại đạo. [61] Bất vi nhiễu cố thuyết ...不為嬈故 說. Theo văn cú thông thường mà hiểu: «Không vì nhiễu loạn mà thuyết.» Nhưng đây văn dịch đảo trang, nên phải hiểu là: vi nhiễu cố bất thuyết...vi diệu pháp, vì nhiẽu loạn (=mệt nhọc), nên Ta không nói pháp vi diệu.» Tham chiếu Pali, Vin.i. 7 (Cf. D.ii. 39, M. i. 169): vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ dhammaṃ paṇītaṃ... vì có ấn tượng não hại, Ta đã không giảng thuyết pháp vi diệu. [62] A-lan-ca-lan 阿蘭迦蘭. Các đoạn trên, âm là A-lam-ca-lam. [63] Ưu-đà-da phạm-chí 優陀耶梵志. Pali: Upaka ājīvaka, tà mạng ngoại đạo Upaka. [64] Cam lộ cổ 甘露鼓. Pali: amatadundubhi, trống bất tử. [65] Bản Pali (Vin, i. 8), Upaka nói: arahosi anantajino’ti, «Ngài xứng đáng là vị Chiến Thắng vô cùng tận.» [66] Bản Pali: jitā me, «Ta, người đã chiến thắng.» [67] Nguyên Hán: xưng danh nhữ Như lai 稱名汝如來. Pali (Vin. i. 9): nāmena ca āvusovādena samudācaranti. Gọi (Phật) bằng tên và bằng từ «ông bạn (hiền giả).» [68] Nhị biên 二邊; chỉ hai cực đoan. [69] Niết-bàn hành 涅槃行; Pali (Vin. i. 10): nibbānāya saṃvattati, vận chuyển đến Niết-bàn. [70] Pali: abhiññāya, chứng thắng trí. [71] Bát chánh đạo, không nên hiểu là tám con đưòng chánh, mà nên hiểu là con đường gồm tám sự chân chánh. Pali: aṭṭhaṅgiko maggo, con đường có tám chi; hay ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Thánh đạo tám chi. [72] Bản Hán này không có «chánh tư duy» mà thay bằng «chánh hành.» [73] Văn Hán thiếu đoạn trung chuyển. [74] Ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pali: pañcupādānakkhandā dukkhā, năm thủ uẩn là khổ. [75] Duyên ái bản sở sanh 緣愛本所生. Taṇhā ponobhavikā, ái với khát vọng sự hữu tương lai. Nhưng bản Hán đọc (nhầm) là: taṇhā pubbabhavikā, ái liên hệ với hữu có từ trước. Tuy vậy, bản Việt tạm thời dịch sát y theo Hán. [76] Pali: nandīrāgasahagatā tatratatrabhinandinī, (ái) câu hành với hỉ tham, ước vọng (tái sinh) nơi này hay nơi kia. Pali, nói thêm: (…) seyyathidaṃ kāmataṇhā bhavataṇhā vibhavataṇhā, đó là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. [77] Vô dục, diệt, xả, xuất yếu, giải thoát, vĩnh tận, hưu tức: tất cả các từ này đồng nghĩa với ái diệt. So sánh Pali: asesavirāganirodho, cāgo, paṭinissago, mutti,…, hoàn toàn ly dục và diệt tận (đối với ái), xả bỏ và thoát ly và giải thoát (khỏi ái). [78] Hán: vô hữu sào quật 無有樔窟. Pali: anālayo, không còn sự chấp chứa. Xem cht. 46 trên. [79] Tham chiếu Pali: …pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ…, paññā…, vijjā…, āloko udapādi, (Thánh đế) đã làm phát sinh con mắt (để thấy) Pháp chưa từng được nghe từ trước; làm phát sinh trí, phát sinh huệ, phát sinh minh, phát sinh ánh sáng (để soi) trên các pháp vốn chưa từng được nghe từ trước. [80] Có nghĩa là chứng đắc Sơ quả Dự lưu. [81] Kiều-trần-như 憍陳如 (Pali: Koṇḍañña; Skt. Kauṇḍinya) là tên thật. A-nhã 阿若, là phiên âm từ añña (Pali) hay ajña (Skt.), do bởi Phật khen (Pali, Vin.i. 12): aññasi vata, bho koṇḍañño, aññasi vata, bho koṇḍañño, «Thật sự, ngươi đã biết, Koṇḍañña.» [82] Lai, tỳ-kheo來比丘 (Pali: ehi bhikkhu); Luật tạng nói đây là sự truyền cụ túc, đắc pháp tỳ-kheo đầu tiên. Các tỳ-kheo được Phật trực tiếp truyền cụ túc gọi là đắc pháp bằng «Thiện lai, tỳ-kheo.» (ehi-bhikkhu-upasampada). [83] Bố thí, trì giới, sanh thiên, là ba pháp tu chính của người tại gia, trước khi tu bốn Thánh đế. Thêm niệm Phật, Pháp, Tăng, thành pháp Sáu niệm của người tại gia. [84] Nguyên Hán: bất tăng ích 不增益; các đoạn dười: (bất) tăng trưởng 增長. Tham chiếu Pali: (…) nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya, «(Nếu…) Sắc này sẽ không đưa đến bịnh khổ.» Có lẽ bản Hán hiểu saṃvatteyya (Skt. saṃvarteya) là tăng thịnh, thay vì dẫn khởi hay dẫn đến. Đây cố dịch sát bản Hán. [85] Hán tối nghĩa: sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ 色是我是彼是彼色 是我是彼是彼. Tham chiếu Pali, ibid., etaṃ mama esohamasmi eso me attā, «cái này là của tôi; tôi là cái này; cái này là tự ngã của tôi.» [86] Da-thâu-già 耶輸伽; hay Da-xá. Pali: Yasa, con trai một thương gia rất giàu có. Vin. i. 15ff. [87] Thi-khư thành 尸佉城. Có lẽ Skt. śikhi-diś, góc thành đông nam. [88] Tự thẩm 自審; có sự nhầm lẫn trong bản Hán. Có lẽ: tự tri 自知 Xem cht. 95 đoạn dưới. [89] Tăng thứ thỉnh 僧次請, và biệt thỉnh 別請. [90] Bốn người bạn của Da-xá: Vô Cấu 無垢, Thiện Tý 善臂, Mãn Nguyện 滿願, Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提. Pali: Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati. [91] Y-la-bát-la Long vương 伊羅缽羅龍王. Skt.: Elāpatra (Pali: Erāpatha). Đại trí độ T2525n1509 tr.242c18.): Y-la-bát-đa-la Long vương 伊羅缽多羅. Truyện kể chi tiết, Căn bản Tạp sự 21 (T24n1451 tr.303a06): Hê-la-bát long 醯羅缽龍 [92] Đây kể tháng 15 ngày. Nếu kể tháng 30 ngày, thêm các ngày 23, 19 và 30. [93] Sáu tôn sư ngoại đạo: Bất-lan Ca-diếp 不蘭迦葉 (Pali: Pūraṇo Kassapo), Mạt-khư-lê-cù-xa-li 末佉梨劬奢離 (Pali: Makkhali-Gosāla), A-di-đầu-sí-sá-khâm-bà-la 阿夷頭翅舍欽婆羅 (Pali: Ajito Kesa-kambalo), Mâu-đề-xỉ Bà-hưu-ca-chiên-diên 牟提侈婆休迦栴延 (Pali: Pakudho Kaccāyano), San-nhã-tỳ-la-tra-tử 訕若毘羅吒子 (Pali: Sañjayo Belaṭṭhi-putto), Ni-kiền Tử 尼揵子 (Pali: Nigaṇṭho Nāta-putto). [94] Đệ lục 第六; chỉ ý thức. [95] Căn bản tạp sự, đã dẫn: «Nơi chỗ nhiễm ô mà sinh dính trước.» [96] Tự tri 自知. Người chứng quả Dự lưu, không thể tự biết; mà cần được Phật thọ ký. Bản Hán có thể nhầm. Hoặc quan điểm của Đàm-vô-đức như vậy chăng? [97] Y-la-bát 伊羅缽. Skt. elā-pattra, lá cây elā, một loại tiểu đậu khấu, hay hoắc hương. [98] Loạt các bài kệ, Pali, Vin.i. 21. [99] Hán: tam ngữ; chỉ ba quy y. Pali, Mahāvagga, Vin. i. 22: anujānāmi, bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadan ti, «Các tỳ-kheo, Ta cho phép xuất gia thọ cụ túc bằng quy y này.» Hán dịch ba quy không đủ ba câu đúng theo công thức. Khiến cho ý nghĩa «tam ngữ» mơ hồ. Trong văn Pali, mỗi quy y là một câu nói. [100] Kiếp-ba viên 劫波園. Mahāvagga, Vin.i. 23: aññataro vanasaṇḍo, một khu rừng dày nọ; và được giải thích (Jātaka i. 82) là rừng kappāsiya, rừng cây gòn. [101] Bạt-đà-la-bạt-đề 跋陀羅跋提. Pali: Bhaddavaggiyā; không phải tên riêng một người, mà chỉ một nhóm người. Nhóm này, Mahāvagga, Vin. i. 23, gồm 30 người đàn ông là những vương tôn công tử, 29 bà vợ và một kỹ nữ. [102] Vin.i. 23: … yaṃ vā attānaṃ gaveseyyātha, hay là nên tìm tự ngã? [103] Trong bản: Uất-bệ-la-bà giới 鬱鞞羅婆界. Pali: Uruvelā, địa danh đã gặp trên, chỗ Phật thành đạo. [104] Uất-bề-la Ca-diếp 鬱鞞羅迦葉. Pali: Uruvela-Kassapa. [105] Loa kế Phạm chí 螺髻梵志; Phạm chí búi tóc hình con sò. Pali: jaṭila, một phái tu khổ hạnh, bện tóc (không bao giờ cắt). [106] Ương-già 鴦伽; Pali: Aṅga. Một trong 16 đại quốc thời Phật, phía đông Ma-kiệt. Hai nước bấy giờ thân thiện, nên dân chúng coi như một. [107] Pali: agyāgāre, trong căn nhà thờ lửa. [108] Mahāvagga, ibid.: na tveva ca kho arahā yathā ahan ti, «Nhưng ông chưa phải là vị A-la-hán như ta.» [109] Pali nói: kālo, mahāsamaṇa, niṭṭhaṃ bhattaṃ, thưa Đại Sa-môn, đã đến giờ, cơm đã dọn xong. Đây là định cú mời thọ thực trong văn Pali. [110] Dịch sát Hán, nhưng ý nghĩa lẩn quẩn. Có thể hiểu: «Phật đến cõi Diêm-phù-đề. Gọi là Diêm-phu-đề, vì ở đó có nhiều cây diêm-phù. Rồi Ngài hái quả diêm-phù…» [111] Diêm-phù quả 閻浮果. Skt: jambu, quả đào đỏ. [112] Uất-đan-việt 鬱單越; Pali: Uttarakuru-dīpa (Skt. Uttara-dvipa), châu lục phía bắc Tu-di. Xem Trường A-hàm 18, kinh 30 «Thế ký» phẩm Uất-đan-viết, T01, tr. 117tt. [113] Tự nhiên canh mễ 自然粳米. Pali: akaṭṭhapākasāli, lúa tự chín, không cần gieo trồng. Thứ lúa của loài người thời nguyên thuỷ, và của chúng sinh Bắc Câu-lô châu. Tự nhiên mọc và chín sẵn ngoài đồng. Xem Trường A-hàm 6 (T01, tr. 38a1), Trung A-hàm 39 (T01, tr. 675a19). Pali, D.iii. 87. [114] Mạn-đà-la hoa 曼陀羅花. Skt. mandāra-puṣpa (pali: mandārava-puppha), thiên diệu hoa; hoa cây san-hô. [115] Thích Đề-hoàn Nhân 釋提桓因. Pali: Sakko devānam Indo (Skt. śakro devendraḥ), Sakka (Thích-ca), Vua của chư thiên. Cũng thường gọi là Thiên đế Thích. [116] Bản Hán, hết quyển 32. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Đức Phật nói với ông Ca-diếp: «Đêm vừa qua, Thích Đề-hoàn Nhơn mang phẩm vật đến cúng dường tôi và nghe pháp nên có ánh sáng đó.» Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Thích Đề-hoàn Nhơn mang phẩm vật đến cúng dường nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực rồi trở về rừng cũ. Bấy giờ, Phạm Thiên vương muốn dâng phẩm vật cúng dường lên đức Như Lai, tỏa ánh sáng soi khắp bốn phương trong đêm tối, như một vừng lửa lớn, hơn ánh sáng trước, trong sạch không tỳ vết. Ông chấp tay kính lễ đức Như Lai rồi đứng phía trước. Trong đêm ông Ca-diếp thức dậy thấy trong khu rừng có ánh sáng chiếu soi bốn phương như một vừng lửa lớn, trong sạch không tỳ vết, hơn ánh sáng trước. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.» Rồi ông hỏi: «Đêm vừa rồi có áng sáng lớn hơn so với ánh sáng trước, ánh sáng ấy do đâu mà có?» Đức Phật nói với ông Ca-diếp: «Đêm vừa rồi Phạm Thiên vương đến nghe pháp, cho nên có ánh sáng đó.» Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực nên mới khiến Phạm Thiên vương đến nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc [795a1] A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng kia. Bấy giờ, Ca-diếp tổ chức một cuộc tế lễ lớn. Dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ông nghĩ rằng: «Trong cuộc tế lễ này của ta, dân chúng tập hợp đông. Đại Sa-môn không đến chẳng là điều tốt sao? Tại sao vậy? Vì nay trong tế lễ này của ta, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Nếu Đại Sa-môn có mặt, với tướng mạo đoan chánh trên đời rất ít có của Sa-môn, dân chúng thấy ắt sẽ bỏ ta, thờ cúng Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.» Đức Thế Tôn biết Ca-diếp nghĩ như vậy nên Ngài đi lên Uất-đơn-việt[117] lấy gạo lúa tám tự nhiên,[118] và ngồi nghỉ ban ngày tại suối lớn A-nậu.[119] Ca-diếp lại nghĩ: «Hôm nay Đại Sa-môn sao không đến thọ thực. Ta có lễ cúng lớn, nhân dân trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?» Nghĩ xong, Ca-diếp liền bảo người để phần. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.» Rồi ông hỏi: «Đại Sa-môn, sao ngày hôm qua không đến? Ngày hôm qua tôi có lễ cúng lớn, nhiều người tập hợp. Tôi có nghĩ: ‹Hôm nay Đại Sa-môn không đến. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?› Và tôi có để phần.» Đức Phật nói với ông Ca-diếp: «Tôi cũng biết trước ý ông nghĩ. Ông nghĩ rằng, ‹Hôm nay đại Sa-môn không đến thì đại tế đàn của ta thành tựu. Tại sao vậy? Vì trong đại tế đàn của ta hôm nay, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Đại Sa-môn với tướng mạo đoan chánh, mọi người thấy, họ sẽ bỏ ta thờ kính Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.› Tôi biết trong tâm ông nghĩ như vậy nên tôi đến Uất-đơn-việt lấy gạo lúa tám tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn A-nậu.» Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn nầy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại thần lực, biết những điều trong tâm ta đã nghĩ nên đến Uất-đơn-việt lấy gạo lúa tám tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn A-nậu. Đại Sa-môn tuy có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng cũ. Bấy giờ, đức Thế Tôn nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá,[120] liền nghĩ: ‹Làm sao có nước để giặt chiếc y này?› Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhơn biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến trước Như Lai, dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ. Thích Đề-hoàn Nhơn thưa: «Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.» Đức Thế Tôn lại nghĩ: «Nên giặt y trên cái gì đây?» Thích Đề-hoàn Nhơn biết đức Như Lai nghĩ như vậy, liền đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa: «Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.» Đức Thế Tôn lại nghĩ: «Giặt rồi lại phơi ở đâu?» Thích Đề-hoàn Nhơn lại cũng biết đức Như Lai đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức để trước đức Phật và thưa: «Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.» Đức Thế Tôn giặt và phơi y rồi lại nghĩ: «Bây giờ Ta hãy xuống ao Chỉ đất[121] này tắm.» Ngài liền cởi y xuống tắm. Tắm xong đức Thế Tôn nghĩ: «Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?» Khi ấy, bên bờ ao có một cây ca-hưu[122] lớn, trước đó nó nghiêng mình ra phía ngoài. Nhưng khi đức Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, nó liền xoay trở lại, nghiêng mình vào phía trong. Đức Thế Tôn vịn vào nó để lên khỏi ao. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.» Rồi ông hỏi: «Đại Sa-môn, sao nay có cái ao đẹp thế này, mà trước đây không thấy có?» Đức Phật nói với Ca-diếp: «Gần đây tôi nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá, liền nghĩ: ‹Làm sao có nước để giặt chiếc y này?› Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhơn biết tôi nghĩ như vậy, liền dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ, rồi thưa: ‹Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.› «Ca-diếp nên biết, ao này gọi là ‹ao Chỉ đất›, cũng như miễu thần không khác.» Ca-diếp lại hỏi: «Do đâu mà có hòn đá vuông vức lớn như thế này, trước đây không có?» Đức Phật nói: «Tôi lại nghĩ: ‹Nên giặt y trên cái gì đây?› Thích Đề-hoàn Nhơn biết Tôi nghĩ như vậy, liền đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa: ‹Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.›» Ca-diếp lại hỏi: «Hòn đá thứ hai do đâu mà có, trước đây cũng không thấy?» Đức Phật nói: «Tôi giặt y rồi, nghĩ: ‹Giặt rồi lại phơi ở đâu?› Thích Đề-hoàn Nhơn lại cũng biết Tôi đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức đến thưa với Tôi rằng, ‹Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.›» Ca-diếp hỏi tiếp: «Đại thọ trên bờ ao này, trước kia nghiêng xa phía ngoài, tại sao nay lại nghiêng vào phía trong? » Phật nói với Ca-diếp: «Tôi giặt và phơi y rồi lại nghĩ: ‹Bây giờ Ta hãy xuống ao này tắm.› Tôi liền cởi y xuống tắm. Tắm xong, Tôi nghĩ: ‹Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?› Khi ấy, bên bờ ao có một cây ca-hưu lớn, trước đó nó nghiêng ra phía ngoài. Nhưng khi Tôi nghĩ như vậy rồi, nó liền xoay trở lại, nghiêng mình vào phía trong. Tôi vịn vào nó để lên khỏi ao. » Rồi Ngài nói với Ca-diếp: «Nên biết, giống như cây thần không khác.» Khi ấy, Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu! thật là kỳ diệu! Có đại thần lực nên Thích Đề-hoàn Nhơn mới cung cấp những thứ cần dùng và mới khiến các vật vô tình theo ý muốn của Sa-môn.» Ca-diếp nói, «Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã đắc A-la-hán. Tuy nhiên không như ta đắc A-la-hán.» Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong trở về lại khu rừng cũ. Bấy giờ ông Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời ăn cơm.» Đức Thế Tôn biết ý nghĩ đó, liền hóa năm trăm vị tỳ-kheo, khoác y bưng bát, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị tỳ-kheo khoác y bưng bát đi đến, lại nghĩ: «Than ôi, các tỳ-kheo từ đâu đến? Ta làm sao đủ thức ăn để mời.» Đức Thế Tôn liền thâu thần túc, khiến năm trăm vị tỳ-kheo này biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do thần lực của Đại Sa-môn biến hiện thế này.» Sau đó Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.» Đức Thế Tôn dùng thần lực hóa thành năm trăm vị Phạm chí bện tóc, tay xách bình tắm, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị Phạm chí búi tóc, tay xách bình tắm đi đến, liền nghĩ: «Than ôi, năm trăm Phạm chí đến, thức ăn ở đâu đủ để mời.» Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị Phạm chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.» Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.» Đức Thế Tôn lại hóa năm trăm vị Phạm chí thờ lửa, cách thạch thất không xa, đều cùng nhau kính lễ thần lửa. Ca-diếp thấy vậy, nghĩ: «Than ôi, họ ở đâu đến? Thức ăn làm sao có đủ để mời.» Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị Phạm chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.» Bấy giờ, các Phạm chí đệ tử ông Ca-diếp mỗi ngày ba lần xuống nước để tắm. Nhưng quá lạnh không thể chịu nổi, họ rét run. Bấy giờ đức Phật liền hóa năm trăm lò sưởi mà không có lửa khói và bảo các Phạm chí tự mình sưởi ấm. Các Phạm chí nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.» Các Phạm chí đều muốn bửa củi mà không thể bửa được. Các phạm chí nghĩ: «Đây là do đại lực của Đại Sa-môn làm nên.» Sau đó [796a1] bửa được. Họ lại nghĩ: «Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.» Họ muốn đưa búa lên, mà không thể đưa được; họ nghĩ: «Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.» Sau đó lại đưa búa lên được, họ cũng nghĩ, do Đại Sa-môn làm ra. Các Phạm chí muốn hạ búa xuống không thể hạ được, họ nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại hạ búa được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Các Phạm chí muốn nhen lửa không thể nhen được, nghĩ rằng: do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại nhen được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Họ muốn tắt lửa, không thể tắt được, nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại tắt được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Họ xách bình tắm muốn đổ nước ra mà không đổ được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm ra. Sau đó lại đổ được, họ cũng nghĩ do Đại Sa-môn làm ra. Các Phạm chí muốn thôi không trút nước vào bình tắm nữa, vẫn không thôi được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại thôi được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Lúc bấy giờ, bốn phía có đám mây đen kéo đến, trời mưa lớn như trút nước xuống, nước lụt lên đến ngang lưng, Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, bậc nhất trong loài người này, có lẽ bị nước cuốn mất.» Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đi trên một chiếc thuyền bằng một cây đại thọ, đến để cứu đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang kinh hành nơi vùng đất khô ráo bên ngoài, như mấy bữa trước. Ca-diếp thấy đức Phật đi kinh hành nơi vùng đất khô ráo như trước, như trong nhà, bèn nghĩ: «Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu, thật là kỳ diệu, nên mới khiến những vật vô tình vẫn xoay theo ý muốn của mình. Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã được A-la-hán. Tuy nhiên vẫn không như ta đắc A-la-hán.» Qua một ngày khác, ông Ca-diếp lại đến chỗ đức Thế Tôn mời ngài thọ thực. Phật bảo Ca-diếp về trước, Ngài sẽ đến sau. Sau khi bảo Ca-diếp về, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Ngài biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của Ca-diếp mà xuất hiện. Thấy vậy, Ca-diếp nói: «Đại Sa-môn này có đại thần đức, bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà nay lại có mặt nơi thuyền ta trước.» Đức Phật nói với Ca-diếp: «Tôi bảo ông về trước, sau đó trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, tôi biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của ông mà xuất hiện.» Ca-diếp nghĩ và nói: «Đại Sa-môn này có đại thần lực nên bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà rồi chỉ trong khoảnh khắc đã có mặt trên thuyền. Đại Sa-môn này có thần lực, đã đạt A-la-hán. Tuy nhiên không như đạo chân thật của ta.» Đức Thế Tôn biết trong tâm Ca-diếp nghĩ như vậy, liền nói: «Ông thường xưng rằng ‹Đại Sa-môn tuy đã đạt A-la-hán nhưng không như ta đặng A-la-hán. Nay Tôi quán sát, thấy ông chẳng phải là A-la-hán, cũng chẳng phải là hướng A-la-hán đạo.» Ca-diếp nghĩ và nói: «Đại Sa-môn này có đại oai thần nên biết điều ta nghĩ trong tâm. Đại Sa-môn này có thần túc lớn tự tại, chứng đắc A-la-hán. Nay ta hãy theo đại Sa-môn để tu phạm hạnh.» Ca-diếp liền đến trước đức Phật thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, nay con muốn theo đức Như Lai để tu phạm hạnh.» Đức Phật nói với ông Ca-diếp: «Ông có năm trăm người đệ tử theo ông học phạm hạnh. Ông nên nói cho họ biết. Nếu họ có ý vui theo thì tùy sở thích mà tu hành.» Ca-diếp liền đến chỗ đệ tử, nói: «Các ngươi biết chăng? Nay thầy muốn theo Sa-môn Cù-đàm để tu phạm hạnh. Nếu tâm các ngươi muốn thì tùy ý các ngươi.» Các người đệ tử thưa: «Từ lâu chúng con đã có lòng tin đối với đại Sa-môn, chỉ chờ đợi ý của thầy mà thôi.» Bấy giờ năm trăm người đệ tử liền đem dụng cụ thờ lửa của Bện tóc như tịnh y, bình tắm, ném xuống dòng nước sông Ni-liên-thiền,[123] rồi đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Bấy giờ đức Thế Tôn vì năm trăm người tuần tự nói pháp tối thắng khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Năm trăm người liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tinh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Phật bảo: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Bấy giờ, người em giữa của ông Ca-diếp tên là Na-đề Ca-diếp,[124] cư trú bên dưới dòng sông Ni-liên-thiền có ba trăm đệ tử. Người em ấy được trong chúng tôn trọng, là bậc thầy của họ. Ngay lúc ấy, trong chúng có một vị đệ tử đến dòng sông Ni-liên-thiền, bỗng thấy trong dòng nước có dụng cụ thờ lửa, tóc bện, bình tắm, tịnh y, trôi trên dòng nước. Thấy vậy, người đệ tử vội vã chạy đến chỗ Na-đề Ca-diếp báo: «Thưa thầy, hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có dụng cụ thờ lửa, tóc, tịnh y, bình tắm, trôi trên dòng nước. Không biết Đại sư ở trên đó có bị kẻ ác hãm hại hay chăng?» Na-đề Ca-diếp bảo một người đệ tử: «Ngươi đến gấp núi Tượng đầu[125] báo với Già-da Ca-diếp[126] rằng: ‹Hiện nay trên dòng sông Ni-liên-thiền có dụng cụ thờ lửa đủ tất cả thứ đang trôi bồng bềnh trên đó. Ông phải đến mau để cùng với anh của ông đến xem có thể đại huynh đã bị kẻ ác hãm hại rồi chăng?» Già-da Ca-diếp là người em nhỏ của Uất-bề-la Ca-diếp đang cư trú trong núi Tượng đầu, có hai trăm người đệ tử, ông là bậc thầy ở trong chúng. Người đệ tử vâng lời Na-đề Ca-diếp, liền đến chỗ Tiểu sư Già-da Ca-diếp thưa: «Tiểu sư có biết chăng, thầy của con nói hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có bình tắm, tịnh y, tóc, các dụng cụ thờ lửa đang trôi. Tiểu sư phải đến đó để thăm đại huynh phải chăng đã có kẻ ác hãm hại?» Tiểu sư nghe nói rồi liền dẫn hai trăm đệ tử đến chỗ ở Na-đề Ca-diếp. Khi đến nơi, Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp lại nói với một người đệ tử rằng: «Ngươi phải mau mau đến chỗ đại huynh để thăm, phải chăng đã có kẻ ác hãm hại Đại huynh?» Bấy giờ người đệ tử vâng lời hai vị thầy liền đến chỗ đại huynh. Khi đến nơi, thưa xong và hỏi: «Sao, Đại sư theo Đại Sa-môn này tu học phạm hạnh có tốt hơn chăng?» Ca-diếp trả lời: «Các ngươi nên biết, ta theo đức Thế Tôn xuất gia học đạo, thật là cực kỳ thắng diệu.» Người đệ tử kia trở về chỗ hai vị thầy báo: «Hai Tôn sư nên biết, Đại sư của con đã dẫn các đệ tử đến chỗ Đại Sa-môn xuất gia tu phạm hạnh rồi!» Bấy giờ hai vị thầy nghĩ rằng: «Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà để tu phạm hạnh, điều ấy chắc chắn là không hư dối! Tại sao vậy? Anh của ta thông minh, ít trần cấu, có nhiều trí tuệ mà dẫn các đệ tử đến thọ học nơi kia, chắc chắn có sự suy nghĩ kỹ. Chúng ta không thể không đến đó để thọ học.» Bấy giờ Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp đều dẫn các đệ tử đến chỗ đại huynh. Đến nơi, họ thưa hỏi người anh rằng: «Đại huynh, chỗ này tốt đẹp hơn chăng?» Ông Ca-diếp trả lời với hai người em rằng: «Nơi đây là chỗ rất tốt. Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà, theo Đại Sa-môn tu phạm hạnh, thật là cực kỳ thắng diệu.» Hai người em thưa với ông anh rằng: «Chúng em cũng muốn theo Đại Sa-môn tu học phạm hạnh.» Bấy giờ, Uất-bề-la Ca-diếp dẫn hai người em và đệ tử của họ gồm năm trăm người đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, Uất-bề-la Ca-diếp đến trước đức Phật thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, con có người em giữa tên là Na-đề Ca-diếp, cư trú bên sông Ni-[797a1]liên-thiền, thường giáo thọ ba trăm đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Người em thứ ba của con cư trú tại núi Tượng đầu, giáo thọ hai trăm người đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Nay hai em của con đều muốn đến cầu tu học phạm hạnh trong giáo pháp của Thế Tôn. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép họ xuất gia thọ giới cụ túc, tu phạm hạnh.» Đức Thế Tôn nhận lời, và tuần tự vì họ nói pháp tối thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Phật bảo: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Đức Thế Tôn độ một ngàn Phạm chí này thọ giới cụ túc rồi, dẫn đến trong núi Tượng đầu. Ở đây hiện có một ngàn Tăng tỳ-kheo, Ngài dùng ba việc để giáo hóa.[127] Một là giáo hóa thần túc, hai là giáo hóa ức niệm, ba là giáo hóa thuyết pháp. Giáo hóa bằng thần túc[128] là một hóa thành vô số, hoặc vô số trở lại thành một; trong ngoài thông suốt, vách đá đều xuyên qua được, như đi giữa hư không, không có gì trở ngại; ngồi kiết già giữa hư không, cũng như con chim bay qua lại khắp nơi; vào đất như xuống nước, chìm nổi tự tại; đi trên nước như đi trên đất mà không bị chìm; thân bốc khói lửa, như vừng lửa lớn; mặt trời, mặt trăng kia có thần đức lớn, không chỗ nào không chiếu soi, mà có thể dùng tay sờ đến; thân cao đến trời Phạm Thiên, tới lui không trở ngại. Đó gọi là đức Thế Tôn dùng thần túc để giáo hoá một ngàn vị tỳ-kheo. Giáo hóa bằng ức niệm[129] là nói rằng, «Ngươi nên[130] suy nghĩ điều này. Ngươi chớ suy nghĩ điều này. Ngươi nên niệm tưởng điều này. Người chớ niệm tưởng điều này. Hãy diệt cái này. Hãy thành tựu cái này.» Đó gọi là đức Như Lai dùng sự ức niệm để giáo hóa cho một ngàn vị Tỳ-kheo. Giáo hóa bằng sự thuyết pháp[131] là dạy rằng, «Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ. «Cho đến ý cũng vậy.»[132] Bấy giờ đức Thế Tôn dùng ba việc này để giáo thọ một ngàn Tỳ-kheo. Một ngàn tỳ-kheo nhờ sự giáo thọ bằng ba việc này rồi, liền đạt được tâm vô lậu giải thoát, phát sanh trí vô ngại giải thoát. iv. Vua Bình-sa Đức Thế Tôn sau khi giáo hóa một ngàn vị tỳ-kheo này rồi liền nghĩ: «Trước đây Ta có nhận lời mời của Vua Bình-sa[133] và có hứa, nếu khi thành Phật, đắc nhất thiết trí, thì trước hết ta sẽ đến thành La-duyệt. Nay Ta hãy đến đó để thăm Vua Bình-sa.» Nghĩ xong, đức Phật liền sửa y phục, dẫn một ngàn vị đại tỳ-kheo, đều là cựu học của các Phạm chí bện tóc. Tất cả, đã đắc định, nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát. Từ quốc giới nước Ma-kiệt, đức Phật du hóa tuần tự đến Trượng lâm.[134][135][136] Tốt đẹp thay, nếu được gặp vị A-la-hán như vậy. Nay ta hãy tự thân đến đó để kính thăm Đại Sa-môn Cù-đàm. Nơi đây, đức Thế Tôn nghỉ dưới cây bàng chúa Ni-câu-luật Thiện trụ. Vua Bình-sa nghe, Sa-môn Cù-đàm xuất thân từ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, dẫn một ngàn đệ tử du hóa đến nước Ma-kiệt. Họ là cựu học của các Phạm chí bện tóc, đã đắc định, nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát; từ quốc giới nước Ma-kiệt, du hành tuần tự đến Trượng lâm, nghỉ dưới cây bàng chúa Ni-câu-luật Thiện trụ. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm rất lớn, không ai không nghe biết. Tiếng đồn rằng, Ngài là Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa chư thiên và thế gian, giữa các chúng Ma hoặc Thiên ma và Phạm thiên chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, mà tự mình chứng biết, đắc thần thông trí chứng, tự mình an trú, rồi nói pháp cho người; pháp ấy, khởi đầu, khoảng giữa, và đoạn cuối đều thiện xảo; có nghĩa vị sâu xa, được trình bày đầy đủ, với các phạm hạnh được tu tập. Bấy giờ, Vua Bình-sa chuẩn bị một vạn hai ngàn cộ xe, dẫn theo tám vạn bốn ngàn người hộ giá trước sau, với oai thế của Vương quyền, ra khỏi thành La-duyệt để đến viếng thăm đức Thế Tôn. Vua Bình-sa đến trong Trượng lâm, đến chỗ xe có thể đến, tức thì xuống xe, đi bộ vào rừng. Từ xa trông thấy tướng mạo thù thắng tuyệt diệu của đức Thế Tôn, giống như sắc vàng tía, Vua sanh tâm hoan hỷ, đến trước đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt, hoặc kính lễ sát chân Ngài rồi ngồi, hoặc có người đưa tay lên chào hỏi rồi ngồi, hoặc có người tự xưng danh tánh rồi ngồi, hoặc có người vòng tay, chắp tay hướng về đức Như Lai rồi ngồi, hoặc có người im lặng mà ngồi xuống. Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt suy nghĩ, «Không biết Đại Sa-môn học phạm hạnh của Uất-bề-la Ca-diếp, hay là Uất-bề-la Ca-diếp và đệ tử học phạm hạnh của đại Sa-môn Cù-đàm?» Bấy giờ đức Thế Tôn biết ý nghĩ người trong nước như vậy, liền dùng bài kệ nói với Uất-bề-la Ca-diếp: Các ông thấy sự gì, Mà bỏ việc thờ lửa? Nay Ta hỏi Ca-diếp: Sao bỏ đồ thờ lửa? Ca-diếp lại dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn: Ẩm thực, các mỹ vị, Ái dục, nữ, tế tự.[137] Tôi thấy là cấu bẩn; Nên bỏ đồ thờ lửa. Đức Thế Tôn lại dùng bài kệ hỏi ông Ca-diếp: Ẩm thực, các mỹ vị, Trong đó không có lạc; Trên trời và thế gian, Hãy nói, chỗ nào lạc? Ca-diếp lại cũng dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn: Tôi thấy dấu tịch tĩnh, Ba cõi không trở ngại;[138] Không khác không thể khác,[139] Nên không ưa thờ lửa. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt lại nghĩ: «Đại Sa-môn nói hai bài kệ, Uất-bề-la Ca-diếp cũng nói hai bài kệ. Chúng ta cũng chưa phân biệt được là Đại Sa-môn thọ học nơi Ca-diếp hay là Ca-diếp và đệ tử thọ học nơi Đại Sa-môn?» Đức Thế Tôn biết họ nghĩ như vậy, nên bảo ông Ca-diếp: «Ông đứng dậy. Hãy quạt sau lưng Ta!» Ca-diếp vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bay lên trên hư không rồi hạ xuống, kính lễ sát chân đức Phật, lấy tay xoa bóp chân Như Lai, hôn chân Ngài rồi tự xưng tên họ và nói: «Đức Thế Tôn là Thầy của con. Con là đệ tử.» Nói xong, Ca-diếp lấy quạt, đứng phía sau đức Như Lai hầu quạt. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt nói với nhau: «Không phải Đại Sa-môn Cù-đàm đến học phạm hạnh nơi Ca-diếp; mà là Ca-diếp và chúng đệ tử đến học phạm hạnh nơi Đại Sa-môn Cù-đàm.» Đức Thế Tôn biết người trong nước Ma-kiệt không còn nghi ngờ nữa, tuần tự vì họ nói pháp, khiến cho họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt, Vua Bình-sa đứng đầu, gồm tám vạn bốn ngàn người, mười hai na-do-tha loài trời đều dứt sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, [798a1] thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Vua Bình-sa thấy pháp, đặng pháp, đến trước đức Phật bạch: «Kính bạch đức Thế Tôn, xưa kia khi còn là Thái tử, trong lòng con có sáu ước nguyện:[140] 1. Khi thân phụ mãn phần, con lên ngôi làm Vua. 2. Khi con đang trị nước, nguyện Phật ra đời. 3. Cho con được gặp đức Thế Tôn. 4. Được thấy đức Như Lai rồi, sanh tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. 5. Phát tâm hoan hỷ rồi được nghe chánh pháp. 6. Nghe pháp rồi tức thì được sự tín giải. «Nay phụ vương của con đã mạng chung. Con được lên ngôi Vua, đang trị vì mà gặp Phật ra đời, chính mình thấy được Phật. Thấy Phật rồi phát tâm hoan hỷ, ở chỗ đức Phật đã phát tâm hoan hỷ rồi liền được nghe pháp. Nghe pháp rồi liền được tín giải. Kính bạch đức Thế Tôn, nay chính là lúc, cúi xin cung thỉnh Ngài vào thành La-duyệt.» Khi ấy, đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua Bình-sa. Rồi đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, khoác y, dùng oai thần của mình dẫn một ngàn tỳ-kheo là cựu học Phạm chí bện tóc, đã đạt được định, đã nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát; cùng với một vạn hai ngàn chiếc xe, tám vạn bốn ngàn dân chúng trước sau hộ giá; thảy đều nương oai thần của Phật mà vào thành La-duyệt. Vào lúc ấy, gặp khi trời mưa, nhưng phía trước, phía sau và ngay chỗ đức Thế Tôn đi thì vòm trời trong sáng, bên trên có mây che. Đức Thế Tôn hiện sự biến hóa này để vào thành La-duyệt. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn hóa làm một người bà-la-môn tay cầm gậy bằng vàng, bình tắm bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân tại không trung, cách mặt đất bốn ngón tay, dẫn đường đi trước đức Như Lai, và dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt đều nghĩ, «Đây là oai thần của ai mà hóa làm người bà-la-môn cầm gậy vàng, bình tắm bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân ở không trung, cách đất bốn ngón tay, đi trước đức Như Lai để dẫn đường và dẹp đường, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng?» Nhân dân nước Ma-kiệt nói với Thích Đề-hoàn Nhơn bằng bài tụng: Ai hóa làm Phạm chí, Hiện ở trước chúng Tăng; Khen tụng công đức Phật, Ông đang thừa sự ai? Thích Đề-hoàn Nhơn dùng kệ trả lời cho nhân dân nước Ma-kiệt: Đấng Dõng mãnh, giải hết[141] Ái dục và ẩm thực; Hổ thẹn, niệm, biết đủ. Tôi đệ tử vị ấy. Trong đời không ai bằng, Không thấy ai như vậy; Chí chơn, Phật Như Lai, Tôi hầu hạ vị ấy. Diệt dục và sân nhuế, Vô minh đã dứt sạch; A-la-hán lậu tận, Tôi hầu hạ vị ấy. Như người vớt kẻ trôi, Cù-đàm là thuyền pháp; Chiến thắng, qua bờ kia, Tôi hầu hạ vị ấy. Đã vượt bốn dòng thác,[142] Hay nói pháp bất tử; Pháp tối thắng vô ngại, Tôi hầu hạ vị ấy. Bấy giờ vua Bình-sa nước Ma-kiệt lại nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn dẫn các đệ tử vào thành La-duyệt, Ngài vào vườn nào trước, ta sẽ đem khu vườn này dâng cúng để lập tịnh xá.» Bấy giờ, các khu vườn trong thành La-duyệt chỉ có Trúc viên khu Ca-lan-đà[143] là hơn hết. Đức Thế Tôn biết trong tâm của vua Ma-kiệt nghĩ như vậy. Ngài liền dẫn đại chúng đến Trúc viên. Vua liền xuống voi, tự tay xếp yên voi thành bốn lớp, trải trên mặt đất, mời Phật an toạ. Đức Thế Tôn liền đến ngồi. Vua Bình-sa bưng bình tắm bằng vàng đựng nước dâng đức Như Lai để Ngài rửa sạch[144] và bạch Phật rằng: «Các khu vườn trong thành La-duyệt này, Trúc viên này là hơn hết. Nay con xin dâng cúng đức Như Lai. Mong Ngài thọ nhận cho.» Đức Phật bảo nhà Vua: «Nay Vua nên đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Vì nếu Như Lai có riêng vườn và sản vật của vườn; phòng xá và vật dụng trong phòng xá; y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, thì chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, sa-môn, bà-la-môn không thể sử dụng được.» Vua thưa: «Nay con xin đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng.» Bấy giờ, đức Thế Tôn dũ lòng thương xót thọ nhận Trúc viên, rồi nói lời chú nguyện: Gieo trồng các cây vườn, Làm cầu, thuyền qua sông, Quả vườn, các ao tắm, Và chỗ ở cho người: Những người làm việc ấy, Ngày đêm phước thêm lớn. Trì giới, theo chánh pháp; Người kia được sanh thiên. Bấy giờ, Vua Bình-sa kính lễ sát chân Phật rồi lấy một chiếc ghế nhỏ[145] ngồi phía trước Ngài để nghe pháp. Đức Thế Tôn tuần tự vì nhà Vua nói pháp khuyến hóa khiến tâm được hoan hỷ. Phát tâm hoan hỷ rồi, nhà Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ đức Phật và cáo lui. v. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên Khi đức Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong thành này có một Phạm chí tên là San-nhã[146] với hai trăm năm mươi người đệ tử, mà Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà[147] là bậc thượng thủ. Bấy giờ Tôn giả A-thấp-ti[148] hầu đức Như Lai. Đến giờ, Tôn giả khoác y bưng bát vào thành khất thực, nhan sắc an lạc, các căn tịch định, y phục tề chỉnh, bước đi khoan thai, không nhìn ngó hai bên, oai nghi đĩnh đạc. Bấy giờ Ưu-bà-đề-xá vào vườn xem coi, thấy oai nghi của Tôn giả A-thấp-ti như vậy bèn sanh ý nghĩ: «Tỳ-kheo này oai nghi đầy đủ, nay ta có thể đến hỏi đạo lý.» Nhưng rồi lại nghĩ: «Tỳ-kheo này đang đi khất thực. Không phải giờ để ta hỏi đạo lý. Ta nên đợi vị này khất thực xong rồi sẽ hỏi.» Ưu-bà-đề-xá đi theo sau để chờ. Tỳ-kheo A-thấp-ti vào thành La-duyệt khất thực rồi, để bình bát xuống đất, xếp y tăng-già-lê. Ưu-bà-đề-xá nghĩ rằng: «Tỳ-kheo này khất thực đã xong. Nay chính là lúc ta có thể hỏi được.» Nghĩ như vậy xong, liền đến hỏi: «Ông là ai ? Ai là thầy của ông? Ông học pháp gì?» Tôn giả trả lời: «Thầy tôi là Đại Sa-môn. Ngài là Thế Tôn của tôi. Tôi theo học nơi Ngài.» Ưu-bà-đề-xá lại hỏi: «Thầy Đại Sa-môn của ông nói những pháp gì?» Tôn giả trả lời: «Tôi tuổi còn non trẻ,[149] mới xuất gia, chưa có thể trình bày được những nghĩa lý sâu xa. Nay tôi chỉ lược nói những nghĩa thiết yếu.» Ưu-ba-đề-xá nói: «Tôi chỉ thích nghe điều thiết yếu, khỏi phiền nói rộng.» Tôn giả A-thấp-ti nói: «Ông nên biết, đức Như Lai nói về nhơn duyên các pháp sanh, cũng nói nhơn duyên pháp diệt. Nếu pháp do nhơn nào mà sanh, đức Như Lai nói nhơn đó. Nếu pháp do nhơn nào diệt, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa nầy. Đây là những lời dạy của Thầy tôi.[150]» Ưu-ba-đề-xá nghe rồi liền hết các trần cấu, đạt được sự trong sạch của con mắt pháp. Ưu-ba-đề-xá nghĩ rằng: «Chỉ chừng ấy pháp cũng đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức trăm ngàn na-do-tha kiếp vốn chưa từng được thấy.» Ưu-ba-đề-xá với Câu-luật-đà trước đây có lời cam kết: «Nếu ai đặng pháp mầu trước sẽ nói cho nhau.» Bấy giờ Ưu-ba-đề-xá liền đến chỗ Câu-luật-đà. Câu-luật-đà thấy Ưu-ba-đề-xá đến bèn nói như vầy: «Nay nhan sắc của bạn an lạc, các căn tịch định, [799a1] như có sở đắc cái gì. Bạn thấy được pháp chăng?» Ưu-ba-đề-xá trả lời: «Đúng như lời của bạn nói.» Câu-luật-đà nói: «Bạn được những pháp gì?» Ưu-ba-đề-xá nói: «Đức Như Lai kia nói về nhơn duyên pháp sanh; cũng nói về nhơn duyên pháp diệt. Nếu pháp sanh do bởi nhân gì, đức Như Lai nói nhân. Nếu pháp diệt do bởi nhân gì, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa ấy.» Khi Câu-luật-đà nghe nói như vậy rồi liền dứt sạch các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Câu-luật-đà nghĩ: «Chỉ bằng chừng ấy pháp đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức ngàn na-do-tha kiếp chưa hề được thấy.› Câu-luật-đà hỏi: «Không biết hiện nay đức Thế Tôn ở chỗ nào?» Ưu-ba-đề-xá nói: «Như Lai hiện ở tại Ca-lan-đà trong Trúc viên.» Câu-luật-đà nói với Ưu-ba-đề-xá rằng: «Hôm nay chúng ta có thể cùng đến chỗ đức Như Lai kính lễ, hỏi chào và nói rằng, Ngài là thầy của chúng ta.» Ưu-ba-đề-xá nói: «Trước chúng ta có hai trăm năm mươi đệ tử theo ta tu phạm hạnh. Ta nên cho họ biết việc này rồi tùy ý họ muốn.» Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá cùng Câu-luật-đà đến chỗ các đệ tử nói: «Các ngươi nên biết, hai người chúng tôi muốn theo Đại Sa-môn học phạm hạnh. Tùy ý các ngươi muốn thế nào thì muốn.» Các đệ tử đều nói: «Bọn chúng con từ trước theo Thầy thọ học. Nay đại sư còn theo Đại Sa-môn cầu học, huống là chúng con đâu không theo học. Những gì Thầy đã chứng đắc, chúng con cũng sẽ chứng đắc.» Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử dẫn nhau đến Trúc viên. Vào lúc ấy, đức Thế Tôn đang vì vô số trăm ngàn chúng nói pháp. Từ xa thấy Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử đến, Ngài bảo các tỳ-kheo: «Hai người đang đến từ xa ấy, một người tên là Ưu-ba-đề-xá, người thứ hai tên là Câu-luật-đà. Trong hàng đệ tử của Ta, hai người này là bậc tối thượng thủ, trí tuệ vô lượng, vô thượng, sẽ đạt được hai giải thoát.»[151] Trước khi chưa đến Trúc viên, hai người cùng là bạn đã được Như lai thọ ký. Hai người cùng các đệ tử đến chỗ đức Như Lai đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự nói thắng pháp khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi, sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng: «Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.» Phật bảo: «Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc. Bấy giờ Thế Tôn đang dừng chân tại thành La-duyệt. Khi ấy Tôn giả Uất-bề-la Ca-diếp cùng các đệ tử xuất gia học đạo, lại có hai trăm năm mươi phạm chí từ San-nhã cũng xuất gia học đạo. Các con nhà hào quý tộc tánh trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Bấy giờ, các trưởng giả trong thành La-duyệt tự cảnh giác với nhau rằng: «Các người có con nên tự giữ gìn cẩn thận. Vợ thì có phu chủ cũng phải giữ gìn cẩn thận. Hiện nay, có Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm chí. Rồi họ đi theo, nay đã đến đây. Coi chừng họ sẽ dẫn người ở đây đi nữa.» Các tỳ-kheo khất thực nghe người ta nói: «Đại Sa-môn này dẫn các phạm chí tự nguyện đi theo đến đây. Nay lại dẫn người ở đây đi nữa.» Các tỳ-kheo nghe đều ôm lòng hổ thẹn, đến chỗ đức Thế Tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Khi các ông vào trong thành La-duyệt khất thực, nghe các trưởng giả nói rằng, ‹Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm chí, rồi dẫn họ theo. Nay họ sẽ độ những người ở đây dẫn đi nữa›, các ông nên dùng bài kệ này trả lời với họ: «Như Lai đại thế lực, Dẫn đi bằng Chánh pháp. Được dẫn bằng Chánh pháp, Các người lo sợ gì?» Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, vào thành La-duyệt khất thực, nghe các ông trưởng giả nói như vậy, liền dùng kệ này trả lời: Như Lai đại thế lực, Dẫn đi bằng Chánh pháp. Được dẫn bằng Chánh pháp, Các người lo sợ gì? Các ông trưởng giả nghĩ: «Như chúng ta nghe, đại Sa-môn dẫn người đi bằng Chánh pháp, đâu phải là bằng phi pháp.» 2. Hòa thượng pháp i. Hoà thượng truyền giới Bấy giờ Tôn giả Uất-bề-la Ca-diếp dẫn các đệ tử xuất gia học đạo. Đệ tử[152] của San-nhã phạm chí dẫn hai trăm năm mươi đệ tử xuất gia học đạo. Con các hào tộc trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Đại chúng tập trung và sống nơi thành La-duyệt. Bấy giờ những người chưa được giáo giới không xét biết oai nghi của mình, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh.[153] Lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp bà-la-môn nhóm họp. Bấy giờ có một tỳ-kheo bệnh, không có đệ tử, không ai chăm sóc, phải mạng chung. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau cho phép cầu thỉnh Hòa thượng.[154] Hòa thượng chăm sóc đệ tử[155] với tâm ý đó là con. Đệ tử chăm sóc Hòa thượng với tâm ý đó là cha.[156] Trên dưới kính trọng lẫn nhau, chăm sóc cho nhau. Có như vậy chánh pháp mới được lâu bền, mới được lợi ích rộng lớn.» Pháp thỉnh Hòa thượng như sau: Hãy dạy để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Con tên là..., nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng. Cúi xin Đại đức vì con làm Hòa thượng. Con nương theo Đại đức được thọ giới cụ túc.» Lần thứ hai, thứ ba cũng thưa như vậy. Hòa thượng nên trả lời, «Được.» Hoặc nói, «Như vậy.» Hoặc nói, «Sẽ dạy bảo ngươi.» Hoặc nói, «Thanh tịnh chớ buông lung.» Phật dạy: «Từ nay về sau nên bỏ pháp thọ giới cụ túc bằng tam ngữ. Từ nay về sau cho phép phải đủ mười vị mới trao cho giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Phép thọ cụ túc như sau: Người muốn thọ giới cụ túc phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Con tên là..., theo tỳ-kheo tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Con tên... nay đến giữa Tăng cầu thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Cúi xin Tăng vì lòng thương tưởng tế độ con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người này tên là..., theo tỳ-kheo tên là... cầu thọ giới cụ túc. Người có tên... này, nay đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người này tên ..., theo tỳ-kheo tên ... cầu thọ giới cụ túc. Nay người có tên... đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Vậy, trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý cho người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi nhi nhận như vậy.» ii. Tuổi hạ của Hoà thượng [800a1] Bấy giờ các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn chế giới cho phép trao giới cụ túc cho người. Tỳ-kheo mới thọ giới vội trao giới cụ túc cho người, mà không đủ khả năng giáo thọ. Vì không đủ khả năng giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn hiềm trách tỳ-kheo kia: «Đức Thế Tôn chế giới, cho phép trao giới cụ túc cho người. Nhưng các ông mới thọ giới tỳ-kheo, sao lại vội trao giới cụ túc cho người để rồi không thể giáo thọ cho họ được. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.› Bấy giờ Tôn giả Hòa-tiên[157] mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi: «Đây là tỳ-kheo nào?» Tôn giả thưa: «Đó là đệ tử của con.» Đức Phật hỏi: «Nay ông bao nhiêu tuổi?» Tôn giả thưa: «Bạch Thế Tôn, con hai tuổi.» Đức Phật lại hỏi: «Đệ tử của ông mấy tuổi?» Tôn giả thưa: «Một tuổi.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách: «Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người; làm sao giáo thọ cho người được?» Vào lúc đó có các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên, cũng đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn nói: «Vừa rồi có tỳ-kheo Hòa-tiên mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến Ta, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Ta biết mà vẫn cố hỏi: ‹Tỳ-kheo này là ai?› Hòa-tiên nói, ‹Đệ tử của con.› Ta hỏi, ‹Ông bao nhiêu tuổi?› Hòa-tiên thưa, ‹Con hai tuổi.› Ta hỏi, ‹Đệ tử của ông mấy tuổi?› Hòa-tiên thưa, ‹Một tuổi.› Ta liền dùng vô số phương tiện quở trách: ‹Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người, làm sao giáo thọ cho người được?› Như Lai cho phép trao giới cụ túc cho người, nhưng ngươi mới thọ giới tỳ-kheo lại vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.» Bấy giờ Phật dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người.» Bấy giờ các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người. Có tỳ-kheo mười tuổi mà ngu si, vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn. Các tỳ-kheo, nghe trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo này rằng: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được trao giới cụ túc cho người. Thầy dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si sao lại vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp cácTăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia: «Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Ông dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si, sao lại vội trao giới cụ túc cho người, không biết giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới trao giới cụ túc cho người.» Các tỳ-kheo khi nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người, bèn tự nói là: «Tôi đủ mười tuổi, có trí tuệ, được phép trao giới cụ túc cho người.» Rồi vội trao giới cụ túc cho người mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia, nói: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người. Tại sao thầy lại tự nói là có trí tuệ, vội trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợpTăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Tại sao các thầy tự nói mình có trí tuệ, để rồi trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ được? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.» iii. Phận sự của Hoà thượng Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau phải chế pháp tắc của Hòa thượng, bắt buộc phải làm theo pháp Hòa thượng. Hòa thượng đối với đệ tử phải có phận sự như vầy, nên thực hành pháp như vầy: «Nếu đệ tử bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, [801a1] tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng đối với đệ tử ấy không tác pháp yết-ma. Nếu trường hợp phải tác pháp, thì khiến cho đúng pháp. Nếu Tăng đối với đệ tử ấy tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên liệu lý như pháp, khiến đệ tử thuận tùng Tăng không trái nghịch, cần cầu, trừ bỏ tội lỗi, khiến cho Tăng sớm vì đệ tử giải pháp yết-ma. «Trường hợp đệ tử phạm tăng tàn, Hòa thượng nên liệu lý như pháp. Cần cho ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần cho bổn nhật trị thì cho bổn nhật trị. Cần cho ma-na-đỏa thì cho ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội. «Nếu đệ tử bị bệnh, Hòa thượng nên chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc cho đến khi lành hay mạng chung. Nếu đệ tử không thích sống nơi trú xứ này, nên tự mình đưa đi hay nhờ người đưa đi đến trú xứ khác. «Nếu đệ tử có điều nghi, nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giáo dục đúng như pháp để trừ nghi. Nếu đệ tử sanh ác kiến, nên giáo thọ khiến cho bỏ ác kiến, an trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai pháp để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ là dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, dạy học vấn, tụng kinh. Dùng y thực nhiếp hộ là cho y thực, giường, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh theo khả năng có thể. «Từ nay về sau chế pháp tắc cho Hòa thượng như vậy. Hòa thượng nên làm như vậy. Nếu Hòa thượng không làm thì như pháp trị.» iv. Phận sự của đệ tử Bấy giờ có Hòa thượng đối với đệ tử thì thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành đúng pháp của đệ tử. Họ không bạch với Hòa thượng[158] khi vào thôn, đến nhà bạch y; hoặc đi theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳ-kheo khác, hoặc cho, hoặc nhận, hoặc giúp đỡ các việc, hoặc nhận sự giúp đỡ của người khác, hoặc cạo đầu cho người, hoặc nhờ người khác cạo đầu. Không bạch với Hòa thượng vào phòng tắm; hoặc xoa kỳ thân cho người, hoặc nhờ người xoa kỳ thân mình. Hoặc không bạch với Hòa thượng mà ban ngày đến các phòng khác trong trú xứ, hoặc đến nơi gò mả, hoặc ra ngoài giới, hoặc đến phương khác. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo kia, nói: «Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử? Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến, (không bạch mà) đến phương khác?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo quở trách tỳ-kheo kia: «Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử? Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến, (không bạch mà) đến phương khác?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau nên chế pháp của đệ tử. Đệ tử phụng hành pháp gì, khiến cho đệ tử đối với Hòa thượng phải phụng hành pháp đệ tử. Pháp của đệ tử là: «Nếu Hòa thượng bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử phải nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng đừng vì Hòa thượng tác pháp yết-ma. Nếu phải tác pháp thì khiến cho nhẹ bớt. Nếu Tăng vì Hòa thượng tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử nên liệu lý như pháp, khiến Hòa thượng thuận tùng Tăng, không trái nghịch. Cần cầu, trừ tội, khiến Tăng mau giải yết-ma. «Trường hợp Hòa thượng phạm tăng tàn, đệ tử nên liệu lý như pháp. Cần hành ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần trao bổn nhật trị thì trao bổn nhật trị. Cần trao ma-na-đỏa thì trao ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội. «Nếu Hòa thượng bị bệnh, đệ tử phải chăm sóc hoặc nhờ người chăm sóc cho đến khi mạnh khoẻ hay mạng chung. Nếu ý của Hòa thượng không muốn ở trú xứ này thì nên tự dời hay nhờ người khác dời. «Nếu Hòa thượng có điều gì nghi ngờ thì nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giải quyết như pháp. Nếu Hòa thượng sanh ác kiến thì khuyên khiến cho bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai việc để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ: là khuyên khiến cho tăng giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, tụng kinh. Y thực nhiếp hộ: là phải cúng dường y thực, giường nệm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh, vật cần dùng theo khả năng của mình có thể.[159] «Từ nay về sau nên chế pháp cho đệ tử. Pháp của đệ tử là như vậy, nên phụng hành, nếu không phụng hành thì như pháp trị.» «Đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành pháp của đệ tử.[160] Đệ tử không thưa với Hòa thượng thì không được vào thôn, không được đến nhà người, không được theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳ-kheo khác; không được cho, không được nhận, không được giúp đỡ các việc, không được cạo đầu cho người khác, không được nhờ người khác cạo đầu, không được vào nhà tắm để tắm, không được xoa kỳ thân cho người, không được nhờ người xoa kỳ thân, không được ban ngày đến phòng (khác) của trú xứ, không được đến nơi gò mả, không được ra ngoài giới, không được đến phương khác. «Đệ tử nên mỗi sáng sớm vào phòng Hòa thượng thọ pháp, tụng kinh hỏi nghĩa; nên đem đổ đồ tiểu tiện, nên bạch giờ cơm; cung cấp tháo đậu hoặc phân bò, tro để rửa tay. «Nếu có thức ăn gì thì nên nhận phần của Hòa thượng. Nếu trong Tăng có lợi dưỡng, nên nhận cho Hòa thượng. Nên đem tháo đậu, tăm xỉa răng trao cho Hòa thượng để Hòa thượng rửa tay, súc miệng. Có thức ăn dâng cho Hòa thượng. Trong Tăng có lợi dưỡng nên bạch với Hòa thượng, ‹Có phẩm vật như vậy là phần của Hòa thượng.› «Đệ tử muốn xin phép Hòa thượng vào thôn, nói: ‹Con xin phép vào thôn, bạch Hòa thượng, được không?› Nếu Hòa thượng nói: ‹Không được vào›, thì hỏi: ‹Vậy lấy thức ăn ở đâu?› Nếu Hòa thượng nói: ‹Lấy thức ăn tại chỗ nào đó›, thì nên như lời dạy, đến đó để lấy. Nếu Hòa thượng trả lời: ‹Tôi vào thôn›, đệ tử nên rửa tay, nhẹ nhàng lấy y từ trên giá, đừng cho nhầm lộn; lấy an-đà-hội trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, ong không; kế đó lấy dây buộc, lấy tăng-kỳ-chi,[161] uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, bọ cạp, ong không, trao cho Hòa thượng. Nên xếp tăng-già-lê máng trên đầu hay trên vai. Kế đó lấy bình bát, dùng tháo đậu, tro, phân bò, rửa cho sạch, đựng vào trong đãy lưới, hoặc lấy khăn tay gói lại, hoặc để trong đãy đựng bát, rồi mang đi. Nên lấy áo lót cho Hòa thượng. Lại lấy những vật rửa chân, tấm dạ để nằm, chăn, trao cho Hòa thượng. «Khi Hòa thượng xuất hành, nên lấy đôi guốc đi đường của Hòa thượng ra ngoài phòng. Khi ra khỏi phòng xá nên coi lại cửa, lấy tay xô thử cánh cửa có chắc hay không. Nếu không chắc, phải đóng lại. Nếu chắc rồi thì bỏ sợi dây vào trong. Xem khắp bốn bên, cất chìa khóa chỗ kín. Nếu sợ người thấy hay sợ không chắc, bị người thấy, thì nên đem theo, hoặc dời chỗ khác kín và chắc. Mời Hòa thượng đi trước. Trên đường đi gặp người quen biết, nên khéo lời chào hỏi với thiện tâm ghi nhớ. Khi đi, nên tránh người đi đường. «Khi thầy muốn vào thôn, [802a1] nên tạm dừng lại bên đường, để bát xuống một bên, lấy y tăng-già-lê từ trên đầu hay trên vai xuống, trương ra xem coi có rắn, bọ cạp, loài ác trùng hay không, rồi mới trao cho Hòa thượng. Nếu bên ngoài thôn có khách xá hay quán bán hàng hay phường hội, thì nên đem đôi guốc đi đường gởi trong đó, rồi hỏi Hòa thượng: ‹Thưa thầy, con có đi theo hay không?› Nếu thầy nói đi thì đi. Nếu nói không cần đi, thầy bảo chờ chỗ nào đó, thì chờ. «Nếu Hòa thượng vào thôn mà trở ra không đúng giờ, thì nên nghĩ như sau, ‹Vào thôn khất thực, đây là phần dành Hòa thượng, đây là phần thuộc về mình.› «Khi thầy ra khỏi thôn, nên đến chỗ gởi đôi guốc đi đường lấy lại, rồi ghé bên đường, để bình bát xuống đất, xếp tăng-già-lê, máng lại trên đầu hay trên vai. Giữa đường gặp người quen biết nên với thiện ý hỏi chào. «Nếu Hòa thượng dùng cơm chỗ nào thì nên quét dọn cho sạch, trải tọa cụ, bình nước sạch đầy đủ, đồ tắm rửa, đồ đựng thức ăn. Nên trao cho Hòa thượng ghế ngồi tắm, hòn đá rửa chân, khăn lau chân. «Từ xa thấy Hòa thượng đến, liền đứng dậy nghinh đón, rước bình bát nơi tay, dặt trên đế để bát[162] hay trên dàn để bát,[163] hoặc treo nơi đầu võng; lấy tăng-già-lê trên đầu hay trên vai, trương ra xem có mồ hôi, đất bẩn hay không, hoặc bị bùn nhơ hay phân chim v.v... Nếu có các thứ bẩn ấy thì đem giặt cho sạch, vắt ráo nước, trương ra phơi trên giường cây hay giường dây. Lại nên trải chỗ ngồi cho Hòa thượng; mang guốc dép, đá rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước cho Hòa thượng. Đập đôi guốc rồi nên để bên tả, chỗ đất không ẩm thấp. Nếu chỗ đất bị ẩm thấp thì nên dời chỗ khác. Hòa thượng rửa chân rồi nên đổ nước, đem hòn đá rửa chân, khăn lau chân để lại chỗ cũ, rồi rửa tay mình cho sạch, trao nước sạch cho Hòa thượng rửa tay. «Mình có thức ăn gì nên đem dâng lên Hòa thượng và thưa: ‹Đây là phần ăn của con, mời Hòa thượng dùng.› Nếu Hòa thượng dùng thì phải đứng hầu, cung cấp các thứ cần dùng. Sau bữa ăn, có sữa, nước nấu cao, nước muối chua, nước đại mạch, rau hay củ, nên dâng cho thầy. Nếu nóng thì quậy cho nguội, cần nước thì dâng nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng thầy đồng ăn. Hòa thượng dùng rồi nên rước bình bát nơi tay đem rửa. Mình ăn rồi, còn thức ăn dư, nên cho người hoặc phi nhơn, hay đổ nơi chỗ đất sạch không có cỏ, hoặc chỗ nước sạch không có quăng. Lấy đồ đựng thức ăn rửa sạch để lại chỗ cũ. Lấy tọa cụ, đồ rửa chân, bình tịnh thủy, bình súc miệng để trở lại chỗ cũ; đem dẹp sạch sẽ chỗ ăn.» Có người dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ. Các tỳ-kheo thấy đều nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau không được dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ; mà nên dùng đồ để đựng thức ăn dư riêng, như đồ bể hay đồ cũ, sọt bằng tre, hoặc dùng chổi quét cho sạch. Bình bát dùng để ăn phải là thứ tốt và tinh-khiết mới thọ trì. «Khi vào phòng Hòa thượng, nên để ý xem có bụi đất hay không; nếu có phải lau quét. Giường dây, giường cây, tọa cụ, nệm lớn mện nhỏ, gối, chăn, mền, chân giường,[164] đồ trải dưới đất, nên ghi nhớ chỗ để của nó, rồi đem ra ngoài hong phơi. Khi lau quét, dọn dẹp trong phòng nên để ý, nếu có ống đựng kim chỉ, dao, hoặc vải y rách cũ, cho đến một vài viên thuốc cũng phải để chỗ dễ thấy, để người chủ thấy lấy. «Nên lau quét trên các cây móc y, trên cọc, hoặc trên móc long nha,[165]v.v… Nếu trong phòng bị hư mục, hay bị chuột làm ổ, thì phải tu bổ sửa sang lại; cần trét thì trét, cần nện thì nện, cần làm cho bằng thì làm cho bằng, cần dùng nước bùn rưới lên trên cho sạch sẽ thì nên dùng nước bùn rưới lên cho sạch, nên dùng đất trải lên trên cho khô ráo thì làm cho khô ráo. Trong phòng, thảm ngồi nếu không được trải ngay thẳng thì sửa lại cho ngay thẳng. Nếu đã ngay thẳng rồi thì phải để như cũ. Trước hết lau chân giường, xếp giường dây, chân giường dây đem để trong phòng. Trên giường, lấy mệm lớn mệm nhỏ, gối, chăn, y để trong phòng. Trải nệm lớn trước, trải nệm nhỏ sau, chăn gối để ngay bên trên.» Có người lấy y thường mặc và y không thường mặc để chung một chỗ, bấy giờ bị lẫn lộn. Phật dạy: «Từ nay về sau không nên đem y thường mặc để chung một chỗ với y không thường mặc. Mỗi thứ nên để riêng một chỗ.» Có người lấy đãy đựng bình bát, đãy đựng giày guốc, ống đựng kim, đồ đựng dầu để chung một chỗ. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Từ nay về sau, đãy dựng bình bát, ống đựng kim để một chỗ; đãy đựng guốc dép, đồ đựng dầu để một chỗ.» «Nên ở trong phòng mà đặt cây gài cửa cẩn thận, đừng cao quá, thấp quá. Ra ngoài phòng, cần xem lại ngưỡng cửa. Trước sân có đất bụi không sạch, phải quét cho sạch. Nên lấy bình nước sạch rửa cho sạch, rồi lấy đầy bình nước để lại chỗ cũ. «Lại nên trao cho Hòa thượng bình đầy nước, bình tắm rửa, đồ đựng cơm nước. «Đến giờ tắm, nên đến thưa với Hòa thượng xem ngài có muốn tắm không. Nếu ngài cần tắm nên vào trong nhà tắm trước, xem dưới đất có bẩn thì phải quét dọn cho sạch. Cần rưới nước thì rưới nước. Cần quét thì quét. Có nước không sạch, cần đổ thì đổ. Cần đem nước vào thì đem. Cần đem củi vào thì đem. Cần bửa củi thì bửa. Cần đem bếp vào thì đem vào. Nên vì Hòa thượng trao đầy đủ phương tiện nơi nhà tắm,[166] như bình và ghế nhỏ ngồi, dụng cụ cạo đất, đồ đựng nước, đồ đựng bùn đất, tháo đậu, các dụng cụ tắm rửa. Vị ấy nên thưa với Hoà thượng trước khi nhen lửa. Nhen lửa rồi phải thưa thầy biết để thầy vào tắm. Nếu Hòa thượng bệnh yếu hay quá già, mình nên dìu Hòa thượng vào, hay mời Hòa thượng ngồi trên giường cây, giường dây, hay dùng y khiêng Hòa thượng vào. Khi vào trong nhà tắm, nên rước y nơi tay Hòa thượng. Trong nhà tắm có móc áo, hoặc móc long nha, hay giá y thì đem y máng nơi đó. Nếu có dầu thì đem dầu thoa mình Hòa thượng. Đồ đựng dầu nên để dưới đất, lấy sợi dây cột lên cây trụ hay móc long nha. Nếu Hòa thượng già yếu bệnh hoạn, nên dìu Hoà thượng vào nhà tắm. Khi đến, nên lấy ghế ngồi tắm, bình tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, tháo đậu, các dụng cụ để tắm. Nếu có khói xông vào mặt Hòa thượng, phải lấy khăn ngăn khói. Nếu đầu và lưng Hòa thượng bị nóng thì lấy khăn che lại. «Vị ấy nên bạch với Hòa thượng, sau mới vào nhà tắm. Nếu Hòa thượng đã vào trước, sợ trong nhà tắm ồn không dám vào nên khởi ý nghĩ: ‹Nay ta không vì mình, mà vào vì Hòa thượng tắm rửa.› Có thể nghĩ như thế rồi vào. Vào rồi, nên xoa chà thân thể cho Hòa thượng. Nên đứng sau Hòa thượng. Nếu muốn xoa chà thân thể người khác hay nhờ người khác xoa chà thân thể thì nên bạch với Hòa thượng, sau đó mới xoa chà hay nhờ xoa chà. Vị ấy nên rửa cho Hòa thượng rồi mới rửa cho mình. Nếu Hòa thượng quá già bệnh hoạn, ốm yếu thì nên dìu Hòa thượng ra khỏi phòng tắm, lấy ghế mời Hòa thượng ngồi, lấy khăn lau thân thể, lấy khăn lau mặt, lấy khăn lau mắt trao cho Hòa thượng rồi nên để cục đá rửa chân, lấy nước rửa chân, lấy [803a1] khăn lau chân, trao xong nên lấy nước rửa chân, đập giũ hay lau guốc dép trao cho Hòa thượng. Kế đến lấy y trương ra xem, đập giũ trao cho Hòa thượng. Nếu có thuốc nhỏ con mắt hoặc bột thơm, trao cho Hòa thượng. Hoặc có nước cam, nước mật, rửa tay rồi trao cho Hòa thượng. Nếu Hòa thượng già yếu bị bệnh gầy ốm, thì nên lấy giường dây, giường cây mời Hòa thượng ngồi lên trên, hoặc dùng y khiêng Hòa thượng trở vào trong phòng. Khi vào trong phòng rồi, lấy tay sửa soạn chỗ nằm, xem xét trải ngọa cụ, mời Hòa thượng nằm. Trước hết trao áo lót cho Hòa thượng, sau đó lấy y hay chăn phủ lên mình Hòa thượng. Khi ra khỏi phòng, nhớ đóng cửa phòng, rồi đến nhà tắm xem xét lại bình nước, bình tẩy dục, dao cạo mồ hôi, ghế ngồi tắm, bình đựng nước, đồ đựng bùn đất, thuốc bột, tháo đậu, các vật dùng để tắm, phải để lại vị trí cũ của nó. Nếu trong nhà tắm có chứa nước không sạch, phải đổ đi. Nên tắt lửa thì tắt, nên vùi lửa thì vùi, nên đóng cửa thì đóng, nên đem khóa cửa đi thì đem đi. «Đệ tử mỗi ngày ba lần nên đến thăm hỏi Hòa thượng. Đệ tử nên vì Hòa thượng làm hai việc nhọc nhằn không được từ khước: một là sửa soạn phòng xá, hai là may vá và giặt y phục. Hòa thượng như pháp dạy vẽ điều gì, đệ tử phải phụng hành. Nếu Hòa thượng sai đi đâu, làm việc gì thì không được từ nan, viện cớ không đi. Nếu từ nan thì sẽ như pháp trị. Từ nay về sau quy định người đệ tử tu theo pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Nếu đệ tử không phụng hành pháp của đệ tử sẽ như pháp trị.»[167]
Chú thích: [117] Xem cht. 92 trên. [118] Xem cht. 93 trên. [119] A-nậu đại tuyền 阿耨大泉. Skt. Anavatapta; Pali: Anottata, một trong 7 hồ lớn trên Đại Tuyết sơn. Cf. Mahāvagga, Vin. i. 28: Phật lên Uttarakuru, khất thực và ăn bên hồ Anottata, rồi nghỉ ngay tại đó. [120] Quý giá phẩn tảo 貴價糞掃. Y phẩn tảo (Pali: paṃsukūla; Skt. pāṃśukūla) là vải lượm từ các đống rác và trong bãi tha ma. Cf. Vin.i. 28: bhagavato paṃsukūlaṃ uppapannaṃ hoti, «Thế Tôn nhận được một tấm y phẩn tảo.» Không có từ phẩm định «quý giá.» [121] Chỉ địa trì 指地池. [122] Ca-hưu thọ 迦休樹. Pali: atha kho kakudhe adhivatthā devatā, khi ấy vị thần ngụ trên cây kakudha, cây mồng gà (?). [123] Ni-liên-thiền 尼連禪. Pali: Nerañjarā (Skt. Nairañjanā). [124] Na-đề Ca-diếp 那提迦葉. Nadī-kassapa, «Ca-diếp Sông», vì sống bên bờ sông. Vin. i. 33. [125] Xem cht. 19 trên. [126] Già-da Ca-diếp 伽耶迦葉. Pali: Gayā-Kassapa, Vin.i. 34. Về Gayā, xem cht. 19 trên. [127] Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 «Kiên cố» (T01, tr.101c8), có ba thần túc: thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Xem Tập dị môn 6 (T26, tr.389b17), ba thị đạo: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Cf. Pali, Saṅgīti, D. iii. 222: tīṇi pāṭihāriyāni, iddhi-pāṭihāriyaṃ, ādesanā-pāṭihāriyaṃ, anusāsani-pāṭihāriyaṃ. [128] Thần túc giáo hoá 神足教化; hay thần biến thị đạo, dùng thần thông để dẫn người vào đạo. [129] Ức niệm giáo hoá 憶念教化; hay ký tâm thị đạo, hướng dẫn bằng cách đọc biết tâm ý của người. Truyện kể trên, Phật nhiều lần nói lên ý nghĩ của Ca-diếp, khiến ông cuối cùng quy phục. [130] Hán: nhữ đương… mạc…汝當…莫, «ngươi nên…chớ…» Có thể bản Hán hiểu sai về thị đạo này. Cf. Pali, Kevaddha-sutta, D. i/ 213: …bhikkhu para-sattānam…cittampi ādisati…evampi te mano itthampi te mano itipi te cittaṃ, «Tỳ-kheo nói lên tâm tư của các chúng sinh khác…«Như vậy là ý của ngươi, thế này là ý của ngươi, tâm ngươi nghĩ rằng…» [131] Thuyết pháp giáo hoá 說法教化; hay giáo giới thị đạo, hướng dẫn bằng sự khuyên răn dạy bảo. [132] Tĩnh lược: «Tai…, tiếng…, thức của tai…, cho đến ý…, pháp…» [133] Xem cht. 7 trên. [134] Trượng lâm 杖林. Pali: laṭṭhivane, trong rừng cây cọ. [135] Thiện trụ Ni-câu-luật thọ vương 善住尼拘律樹王. Pali: …suppatiṭṭhite cetiye, nghỉ trong miếu Suppatiṭṭhita (Thiện trụ). [136] Pali: kevala-paripunnaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, «Ngài thuyết minh phạm hạnh; phạm hạnh ấy tuyệt đối viên mãn, thanh tịnh.» [137] Cf. Pali, Vin.i. 35: rūpe ca sadde ca atho rase ca/ kāmitthiyo cābhivadanti yaññā, «Các tế tự ca ngợi sắc, thanh, vị, dục và nữ.» [138] Pali. ibid.: disvā padaṃ santam anūpadhīkaṃ, akiñcanaṃ kāmabhave assattaṃ, sau khi thấy con đường an tĩnh, không vướng mắc; con đường không vướng gì cả, không tồn tại trong cõi dục. [139] Bất dị, bất khả dị 不異不可異. Pali: anaññathābhāvim anaññaneyyaṃ, (con đường) không đổi khác, không lạc hướng. [140] Pali: năm ước nguyện. Không có nguyện thứ 4 của bản Hán. [141] Nhất thiết giải 一切解, theo nghĩa là «thấu hiểu tất cả.» Tham chiếu Pali: sabbadhi danto, được chế ngự trong mọi trường hợp; tức các căn hoàn toàn được nhiếp phục. Trong bản Hán, sabbadhi (mọi trường hợp) được đọc là sabbadhī: thấu hiểu tất cả. [142] Chỉ bốn bộc lưu: dục, hữu, kiến và vô minh. Xem Tập dị môn 8 (T26, tr. 399b29) [143] Ca-lan-đà Trúc viên 迦蘭陀竹園. Pali: Kalandakanivāpa-Veḷuvana, chỗ nuôi sóc trong khu rừng Trúc. Trúc lâm, hay rừng Trúc (Veḷuvana) là lạc viên (uyyāna) của Vua Bimbisāra. Kalandaka, hay Ca-lan-đà, là một khu trong rừng Trúc; không phải là vườn Trúc có tên là Ca-lan-đa như thường hiểu theo văn Hán. [144] Nghi lễ tiếp nhận khu Rừng. [145] Nguyên Hán: tiểu sàng 小床, cái giường nhỏ. [146] San-nhã phạm chí 刪若梵志. Pali (Vin. i.39): Sañco paribbājako; thường được đồng nhất với Sañjaya-Belaṭṭhiputta, một trong sáu tôn sư ngoại đạo đương thời Phật. [147] Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà 優波提舍拘律陀. Ưu-ba-đề-xá (Pali: Upatissa) là tên khác của Xá-lợi-phất (Sāriputta). Câu-luật-đà (Pali: Kolita) là tên khác của Mục-kiền-liên (Moggallāna). [148] A-thấp-ti 阿濕卑. Pali: Assaji, một trong năm tỳ-kheo đầu tiên. [149] Niên ấu trỉ 年幼稚. Hán nói theo sáo ngữ; hoặc nuốn nói tuổi đạo con non trẻ. Pali: …navo acirapabbajito, người mới (thọ tỳ-kheo), xuất gia chưa bao lâu. [150] Pali (Vin.i. 40): ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ tathāgato āha/ tesañca yo nirodho, evaṃvādi mahāsamaṇo, «Những pháp gì sinh khởi do nhân, Như lai nói nhân của các pháp đó, và cũng nói sự diệt tận của chúng. Đó là lời dạy của Đại Sa-môn.» [151] Hai giải thoát, chỉ huệ giải thoát và câu (phần) giải thoát. A-la-hán không chứng diệt tận định, gọi là huệ giải thoát, tức chỉ do huệ kiến mà giải thoát các phiền não. Chứng diệt tận định, được gọi là câu giải thoát, tức là do cả năng lực của huệ và định mà giải thoát phiền não, và giải thoát các chướng; quả A-la-hán cao nhất. Xem Câu xá 25 (T29, tr.131c11). Pali, Vin.i. 42: sāvakayugam... aggaṃ bhaddayugaṃ, một đôi thượng túc đệ tử; một đôi hiền triết. [152] Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nguyên là đệ tử của San-nhã. Xem đoạn kể trên. [153] Bất tịnh thực 不淨食 và bất tịnh bát 不淨缽, nhận thức ăn không như pháp, và dùng bình bát không đúng quy định. Tham chiếu Pali, Vin. i. 44: khi mọi người đang ăn, họ đưa bát ngay trên thức ăn, trên gia vị, trên thức uống để nhận phần dư. [154] Hoà-thượng 和尚. Pali (Vin. i. 45): upajjhāya (Skt. upādhyāya), hoặc âm là Ô-ba-đà-da 鄔波馱耶; dịch là thân giáo sư 親教師. [155] Đệ tử 弟子. Pali: saddhivihārika, chỉ đệ tử là người đang sống chung trong cùng một trú xứ. Phân biệt với đệ tử thị giả, luôn luôn đi theo hầu thầy, Pali gọi là antevāsika (Skt. antevāsa). Và đệ tử chỉ đến thọ giáo thôi, gọi là sāvaka (Skt. śrāvaka; dịch là Thanh văn). [156] Hán: nhi ý 兒意, và phụ ý 父意. Pali: puttacitta (tâm của người con), pitucitta (tâm của người cha). [157] Tống-Nguyên-Minh: Hoà-tiên 和先; bản Cao-li: Bà-tiên 婆先. Pali (Vin.i. 59): Upasena (Vaṅgataputta); được nói là em ngài Xá-lợi-phất. [158] Từ «không bạch Hoà thượng» này đọc thông xuống các đoạn dưới. Nghĩa là, đệ tử không hỏi xin phép Hoà thượng, mà tự ý làm. [159] Đoạn văn này, bản Hán theo quán tính nên sao nguyên pháp Hoà thượng vào pháp đệ tử. [160] Trong bản Hán, nguyên câu này dư. [161] Tăng-kỳ-chi 僧祇支, yếm của tỳ-kheo-ni. Xem Phần II, Ni luật, Ba-đạt-đề 160 & cht. 316. Trong đoạn văn này, tăng-kỳ chi hiểu là phú kiên y, tức y để trùm vai. Pali: saṃkacchika. [162] Bát chi 缽榰 (Tống-Nguyên-Minh 枝). [163] Bát sàng 缽床. [164] Sàng chi 床榰 (Tống-Nguyên-Minh: 支). [165] Long nha 龍牙, răng rồng hay ngà voi, hay các vật tương tự dùng làm đinh móc đóng trên vách tường để máng áo chăn các thứ; một loại gạc nai. Pali: nāgadantaka; cf. Vin.ii. 152 [166] Hán: ôn thất 溫室; nhà ấm; tức nhà tắm có nước nóng. Thường chỉ chung nhà tắm. Pali: jantāghara. [167] Hết quyển 33. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích v. A-xà-lê Bấy giờ các tỳ-kheo mới thọ giới, Hòa thượng mạng chung, không biết ai giáo thọ. Do không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp không khác. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau cho phép có pháp của A-xà-lê[168] và pháp của đệ tử.[169] A-xà-lê đối với đệ tử như con, đệ tử đối với A-xà-lê tưởng như cha, trên dưới dạy bảo nhau, trên dưới phụng sự nhau. Có như vậy ở trong Phật pháp mới thêm sự lợi ích, mới lưu truyền rộng rãi.» Pháp thức thỉnh A-xà-lê như sau: người thỉnh để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức một lòng thương tưởng, con tên là..., nay cầu Đại đức làm vị y chỉ, nguyện Đại đức vì con làm y chỉ, con y chỉ nơi Đại đức mà an trú.» Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Vị Đại đức nên nói: «Được, tôi cho ông y chỉ. Ông chớ buông lung.» Các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tác pháp y chỉ. Tỳ-kheo mới thọ giới cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa ăn chính ăn phụ lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ, mà các thầy là tỳ-kheo mới thọ giới tại sao nhận người y chỉ để không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh, trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la, như bà-la-môn nhóm họp.» Các tỳ-kheo quở trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều chẳng nên làm. Này tỳ-kheo, tại sao đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ mà các ông là tỳ-kheo mới thọ giới, lại nhận người khác y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ.» Khi các tỳ-kheo kia nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ, thì có tỳ-kheo mười tuổi kia ngu si, không trí tuệ, cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo kia: «Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Mà các thầy tuy mười tuổi, nhưng ngu si, lại cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.» Tỳ-kheo quở trách rồi, đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Các ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc chẳng nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Các ông tuy mười tuổi mà ngu si lại cho người y chỉ, để rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh... cho đến như pháp của bà-la-môn nhóm họp.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ.» Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Có tỳ-kheo kia tự xưng rằng, tôi mười tuổi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Song vị kia cho người y chỉ rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học [804a1] giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo kia: «Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà thầy tự nói, tôi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Cho rồi mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà ông tự nói có trí tuệ, để cho người y chỉ, cho y chỉ rồi, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau nên chế pháp A-xà-lê, khiến cho hành pháp A-xà-lê. A-xà-lê đối với đệ tử nên tác pháp như vầy, nên phụng hành pháp như vầy: (A-Xà-lê đối với đệ tử phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của Hòa thượng đối với đệ tử. Đệ tử đối với A-xà-lê phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Văn đồng nên không chép ra).[170] vi. Y chỉ và dứt y chỉ Bấy giờ các đệ tử không thừa sự cung kính Hòa thượng, cũng không thuận pháp của đệ tử. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau nên cho tác pháp khiển trách.[171]» Các tỳ-kheo không biết khiển trách như thế nào. Đức Phật dạy: Cho phép khiển trách bằng năm cách. Hòa thượng nói như sau: «Nay ta quở trách ngươi: ‹Ngươi đi đi!›, ‹Ngươi đừng vào phòng ta.›, ‹Ngươi đừng làm việc gì cho ta.›,‹Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.›, ‹Ta không nói chuyện với ngươi.›» Đó gọi là năm việc Hòa thượng quở trách đệ tử. A-xà-lê quở trách đệ tử cũng có năm cách, nói: «Nay ta quở trách ngươi: ‹Ngươi đi đi!›, ‹Ngươi đừng vào phòng ta.›, ‹Ngươi đừng làm việc gì cho ta.›,‹Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.›, ‹Ta không nói chuyện với ngươi.›» Đó gọi là năm việc A-xà-lê quở trách đệ tử. Đức Thế Tôn cho phép khiển trách. Các tỳ-kheo không biết nên khiển trách vì chuyện gì. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy: «Đệ tử có năm việc, Hòa thượng, A-xà-lê nên khiển trách đệ tử: không biết xấu, không biết hổ, không nghe lời dạy, làm điều phi oai nghi, không cung kính. Đệ tử có năm việc như vậy Hòa thượng, A-xà-lê cần phải quở trách. «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà dâm nữ. «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến nhà phụ nữ.[172] «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà đồng nữ lớn.[173] «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà huỳnh môn. «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến tinh xá của tỳ-kheo-ni. «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến tinh xá của thức-xoa-ma-na, sa-di-ni. «Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa xem bắt ba ba, rùa. «Đệ tử có năm việc như vậy thì Hòa thượng, A-xà-lê nên tác pháp quở trách.» Đức Thế Tôn cho phép khiển trách đệ tử. Các tỳ-kheo lại khiển trách suốt đời. Đức Phật dạy: «Không được khiển trách suốt đời.» Vị ấy khiển trách suốt mùa an cư. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia khiển trách người bệnh. Trong khi Hòa thượng, A-xà-lê không trông nôm người bệnh, tỳ-kheo khác cũng không trông nôm khiến cho người bệnh khốn đốn. Đức Phật dạy: «Không được khiển trách người bệnh.» Vị kia khiển trách người vắng mặt. Các tỳ-kheo nói: «Ngươi bị khiển trách.» Đương sự nói: «Con không bị khiển trách.» Đức Phật dạy: «Không nên quở trách người vắng mặt.» Vị kia không nói rõ tội lỗi mà quở trách, các đệ tử nói: «Con phạm tội gì mà bị quở trách?» Đức Phật dạy: «Không nên không nói rõ tội trạng mà khiển trách. Nên nói rõ tội trạng như vầy: ‹Ngươi phạm tội như vậy, như vậy.›» Người bị khiển trách rồi lại cung cấp vật dụng và chịu sai khiến. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Vị kia đã tác pháp quở trách rồi vẫn nhận sự cung cấp và sai khiến người ấy. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Ngưòi khiển trách rồi mà vẫn ở đó y chỉ. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia đã tác pháp khiển trách rồi mà vẫn cho người ấy y chỉ. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Người bị quở trách rồi không sám hối Hòa thượng, A-xà-lê, bèn đi. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Người bị quở trách rồi bèn ở bên các tỳ-kheo khác, không chấp sự cho Hòa thượng, A-xà-lê, mà cũng không chấp sự các tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Người bị quở trách rồi không có người hướng dẫn việc tùy thuận nên bỏ đi xa hoặc thôi tu, hoặc không tin ưa Phật pháp. Đức Phật dạy: «Những vị khác nên với ý nghĩ vì Hòa thượng, A-xà-lê của vị ấy khuyên họ sám hối để thầy trò hòa hợp.» Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo dụ dẫn đệ tử người khác đi. Các tỳ-kheo đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: «Không được dụ dẫn đệ tử người khác đi. Nếu dụ dẫn đi thì nên như pháp trị.» Vị Hòa thượng, A-xà-lê kia hoặc phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, đối với pháp sa-môn không lợi ích. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép dụ dẫn đi, với ý nghĩ khuyên bảo để cho vị ấy được thêm lớn sự lợi ích đối với pháp sa-môn.» Người bị quở trách rồi, không chịu đến Hòa thượng, A-xà-lê để sám hối. Đức Phật dạy: «Bị quở trách rồi, nên đến Hòa thượng, A-xà-lê sám hối.» Pháp thức sám hối: người sám trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Bạch đại đức. Nay con xin sám hối. Con không dám tái phạm.» Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không cho phép thì mỗi ngày ba lần, sáng, trưa, chiều xin được sám hối. Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không thì phải hạ ý tùy thuận,[174] cầu phương tiện để giải bày tội phạm kia. Người ấy hạ ý tùy thuận không trái nghịch, cầu giải bày tội lỗi thì vị thầy nên nhận sự sám hối. Nếu không nhận sự sám hối sẽ như pháp trị. Bấy giờ, có tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần y chỉ. Quan sát phòng xá, thấy chỗ a-lan-nhã có một cái hang, liền có ý nghĩ: «Nếu được sự y chỉ sẽ ở nơi đây.» Vị ấy đem việc này nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần phải y chỉ cho phép y chỉ chỗ khác, nếu nội trong ngày trở về lại được. Nếu không được, thì tỳ-kheo mới thọ giới mà ưa ở chỗ nhàn tịnh, được cho phép sống không y chỉ.» Bấy giờ tỳ-kheo cựu trú[175] mới thọ giới cần y chỉ, nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn chế giới không được sống không y chỉ.» [805a1] Vị kia bèn bỏ trú xứ đi,[176] trú xứ bị hư hoại.[177] Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, trường hợp tỳ-kheo cựu trú mà mới thọ giới cần y chỉ, cho phép sống không y chỉ. Vì thủ hộ trú xứ.» Có tỳ-kheo nghĩ quyết định ra ngoài giới rồi đi luôn. Nhưng khi ra ngoài giới, trong ngày ấy lại trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật, trường hợp như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: «Trường hợp đó mất y chỉ.» Hòa thượng, A-xà-lê có ý nghĩ quyết định ra ngoài giới và đi luôn, không trở lại. Nhưng trong ngày lại trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật trường hợp này có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: «Mất y chỉ.» Có tỳ-kheo bạch với Hòa thượng, A-xà-lê, tạm thời ra ngoài giới. Sau khi ra ngoài giới, trong ngày trở về lại. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: «Không mất y chỉ.» Có Hòa thượng, A-xà-lê, nghĩ rằng tạm thời ta ra ngoài giới, trong ngày, vị ấy trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: «Không mất y chỉ. » Có các tỳ-kheo dẫn người thọ giới ra ngoài giới, mời nhóm sáu tỳ-kheo đến trao giới cho họ. Nhóm sáu tỳ-kheo không đến nên không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem vấn đề này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu người tác pháp ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, a-phù-ha-na, tác yết-ma, hoặc lập chế, hoặc thọ giới, hoặc người được chúng sai, hoặc có việc cần giải bày, những việc như vậy, kêu đến mà không đến thì phải như pháp trị.» Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác yết-ma. Thượng tọa nói: «Tôi không tụng.» Tỳ-kheo lại thưa với trung tọa, hạ tọa tác bạch, các vị cũng lại nói: «Tôi không tụng.» Vì vậy bị trở ngại, không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng bạch yết-ma. Nếu không sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới, ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác bạch. Thượng tọa nói: ‹Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.› Tỳ-kheo lại thưa với trung tọa, hạ tọa tác bạch, quý vị cũng nói: ‹Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.› Nên không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo năm tuổi phải bạch yết-ma cho thuộc lòng. Nếu không thuộc sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới, ra ngoài giới, nghe có giặc đến; tất cả đều sợ sệt, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau, có tám việc nạn và các duyên khác cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người; chứ không được quá.» Nạn xứ là: một, nạn Vua; hai, nạn giặc cướp; ba, nạn nước; bốn, nạn lửa; năm, bệnh; sáu, nhơn sự; bảy, phi nhơn; tám, sâu thất-lê-sa trùng.[178] Các nhơn duyên khác là: chúng họp nhiều, tọa cụ ít, hoặc nhiều người bệnh; cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người. Hoặc chúng tập đông mà phòng xá ít; hoặc trời mưa dột, thì cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba vị. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Nếu có các việc quan trọng, có được phép một lần có thể tác pháp yết-ma cho hơn hai, ba vị hay không?» Đức Phật dạy: «Không được quá.» Có vị nhờ người nhận y chỉ. Phật dạy: «Không được làm như vậy. » Có vị nhờ người trao y chỉ, Phật dạy: «Không được làm như vậy. » Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, đệ tử nghĩ rằng: «Hòa thượng, A-xà-lê đi không lâu sẽ trở về, ta vẫn sống theo y chỉ cũ.» Do đó, hiện sống mà không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép, khi Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, ngay trong ngày đó phải xin y chỉ khác, nếu không nhận sẽ như pháp trị.» Các đệ tử đi xa ra ngoài giới, nghĩ rằng chúng ta đi không lâu sẽ trở về, nên vẫn sống với y chỉ nơi Hòa thượng, A-xà-lê như cũ; cho nên, trong thời gian đó, sống không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ. Nhưng không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước khi cầu y chỉ.» Tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ, các vị ấy nghĩ: «Đức Thế Tôn chế giới, tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ; không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước hết phải thọ y chỉ đã.» Vì mệt mỏi nên ngay khi thọ y chỉ, bị té xỉu, bị bất tỉnh, khiến ngả bệnh. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đức Thế Tôn. Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ, được phép rửa chân trước, uống nước trước, nghỉ khỏe một chút rồi mới cầu thọ y chỉ.» Có vị không lựa chọn người để nhận y chỉ, trúng ông thầy phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, đã tác pháp y chỉ, bị tác pháp tẫn, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, hoặc bị cử tội, không có điều lợi ích đối với hạnh của sa-môn. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, không được không lựa chọn vị thầy để nhận y chỉ.» Có thầy không lựa chọn người mà cho y chỉ, trúng người đệ tử phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, hoặc bị tẫn, đã tác y chỉ, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, bị tác pháp cử tội. Đức Phật dạy: «Không được không lựa chọn người mà cho y chỉ.» Bấy giờ có tỳ-kheo mới thọ giới, cần phải y chỉ, nhưng bị bệnh nên có ý nghĩ, «Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.» Vì vậy, vị ấy liền bỏ trú xứ đi, nên bệnh tình trầm trọng. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới cần phải y chỉ. Nếu bị bệnh, được phép sống không y chỉ.» Có tỳ-kheo mới thọ giới cần y chỉ. Nhưng vì nuôi bệnh, nên có ý nghĩ, «Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.» Vị kia liền bỏ người bệnh đi. Người bệnh phải mạng chung. Các tỳ-kheo đến bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mới thọ giới nếu nuôi bệnh được sống không y chỉ.» Hòa thượng, A-xà-lê của các tỳ-kheo bị chúng Tăng trao pháp tác yết-ma, trao pháp quở trách, trao pháp tẫn, tác y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: «Không mất y chỉ.» Các đệ tử kia bị chúng Tăng trao cho tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, cho đến tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử yết-ma. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy: «Không mất y chỉ.» Hòa thượng, A-xà-lê bị chúng Tăng tác yết-ma diệt tẫn. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy: «Mất y chỉ.» Các đệ tử kia bị chúng Tăng tác pháp yết-ma diệt tẫn. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy: «Mất y chỉ.» Thế Tôn du hóa đến thành La-duyệt. Bấy giờ, Uất-bề-la Ca-diếp dẫn các đồ chúng bỏ nhà học đạo. Đệ tử của San-nhã dẫn hai trăm năm mươi đệ tử bỏ nhà học đạo. Con của đại phú hào quý trong thành La-duyệt, cũng xuất gia học đạo. Đại chúng đông như vậy đang trụ tại thành La-duyệt. Các đại thần nói với nhau rằng: «Nay các ngoại đạo xuất gia học đạo, xuân-thu-đông-hạ thường du hành trong nhân gian. [806a1] Sa-môn Thích tử này tập trung ở nơi đây, không du hành nơi khác. Có lẽ vì nơi đây là tối thắng vậy.» Các tỳ-kheo nghe, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn bảo ông A-Nan: «Ông đến từng phòng, rao nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Nay đức Thế Tôn muốn đến phương nam du hóa trong nhơn gian. Vị nào muốn tùy tùng thì tùy ý.›» Tôn giả A-nan vâng lời dạy đức Phật, đến từng phòng nói với các tỳ-kheo: ‹Nay đức Thế Tôn muốn du hóa phương nam. Các tỳ-kheo nào muốn tháp tùng thì tùy ý.› Bấy giờ các vị tân tỳ-kheo với lòng tin sâu đậm, thưa Tôn giả A-nan rằng: «Nếu Hòa thượng, A-xà-lê của chúng con đi thì chúng con sẽ đi. Nếu quý ngài không đi thì chúng con cũng không đi. Tại sao vậy? Chúng con là tỳ-kheo mới thọ giới, đi thì cần phải cầu y chỉ khác, khi trở về phải thọ lại. Người ta sẽ bảo là chúng con bộp chộp không có quyết chí.» Bấy giờ, đức Thế Tôn dẫn một số ít tỳ-kheo du hành phương nam. Sau khi trở về thành Vương-xá, đức Thế Tôn quan sát số tỳ-kheo du hành ít, biết mà Ngài vẫn hỏi Tôn giả A-nan: «Vì lý do gì các tỳ-kheo đi ít như vậy?» Tôn giả A-nan trình bày đầy sự việc lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo năm tuổi có trí tuệ đối với tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ; tỳ-kheo năm tuổi nên thọ y chỉ với tỳ-kheo mười tuổi. Nếu ngu si không có trí tuệ thì phải y chỉ trọn đời.» «Có năm pháp bị mất y chỉ:[179] 1. Thầy khiển trách. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Vào trong giới trường. «Lại có năm pháp: 1. Chết. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Năm tuổi hay quá năm tuổi. «Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ , hoặc gặp Hòa thượng cũ. «Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, gặp Hòa thượng, A-xà-lê thôi tu. «Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử thôi tu. «Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc Hòa thượng, A-xà-lê mạng chung. «Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử mạng chung. «Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, trở lại ở ngay chỗ Hòa thượng. Đó gọi là năm pháp mất y chỉ.» viii. Phẩm chất Hoà thượng «Có năm pháp không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: giới không thành tựu, định không thành tựu, trí tuệ không thành tựu, giải thoát không thành tựu, giải thoát tri kiến không thành tựu. Năm pháp này không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Nếu thành tựu năm pháp này thì được trao giới cụ túc cho người (ngược lại với nghĩa trên). «Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: Tự thân giới không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ nơi giới. Tự thân định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ đối với định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại nữa, nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không tín, không tàm, không quí, biếng nhác, quên nhiều. Năm pháp trên thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại, với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại nữa, có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: phá tăng thượng giới, phá tăng thượng kiến, phá tăng thượng oai nghi, ít học, không trí tuệ. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại có năm pháp này nếu thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không chăm sóc bệnh cho đệ tử, không thể nhờ người chăm sóc cho đến khi lành hay qua đời; đệ tử không thích sống trú xứ này mà không thể phương tiện gởi đi chỗ khác; đệ tử có điều nghi không thể giải quyết được như pháp, như luật, như lời Phật dạy; không thể giáo thọ để bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến; hoặc dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết điều gì phạm, không biết điều gì không phạm, không biết điều gì khinh, không biết điều gì trọng, dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết giáo thọ đệ tử tăng thượng oai nghi,[180] tăng thượng tịnh hạnh,[181] tăng thượng Ba-la-đề-mộc-xoa, bạch và yết-ma.[182] Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người. «Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, không biết bạch, không biết yết-ma. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Năm pháp sau đây nếu thành tựu thì được trao giới cụ túc cho người: biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, biết bạch, biết yết-ma. Năm pháp này nếu thành tựu thì được phép trao giới cụ túc cho người. «Cũng như vậy không được cho y chỉ và được cho y chỉ, không được nuôi sa-di và được nuôi sa-di, đều như trên.» ix. Ngoại đạo xuất gia Khi đức Phật ở tại thành La-duyệt, thì bấy giờ trong thành có lõa thể ngoại đạo tên là Bố-tát,[183] có khả năng luận nghị, thường tự tuyên bố: «Tại đây có sa-môn Thích tử nào có thể cùng ta biện luận thì mời đến.» Tôn giả Xá-lợi-phất nói: «Tôi có thể cùng ông biện luận.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch đến đức Phật. Phật dạy: «Luận có bốn loại: Nghĩa rốt ráo, văn không rốt ráo. Văn rốt ráo, nghĩa không rốt ráo. Văn, nghĩa đều rốt ráo. Văn, nghĩa đều không rốt ráo. Biện có bốn:[184] pháp biện, nghĩa biện, liễu liễu biện và từ biện. Nếu luận sư có bốn biện tài này mà nói văn nghĩa đều bị cụt, điều này không xảy ra. Nay, Xá-lợi-phất thành tựu bốn món biện tài này, mà nói văn nghĩa đều bị cụt; điều này không thể có. Lõa hình kia liền vấn nghĩa Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất trả lời lại. Lõa hình liền dùng năm trăm bức nạn để nạn vấn Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất liền tương ứng với năm trăm bức nạn để trả lời, rồi dùng nghĩa sâu sắc để nạn vấn lại. Lõa hình bị nạn vấn không thể giải thích được, Lõa hình kia liền khởi ý nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Sa-môn Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta hãy theo xuất gia học đạo.» Ông đến trong Tăng-già-lam. Từ xa trông thấy Bạt-nan-đà Thích tử, liền nghĩ: «Sa-môn Thích tử, ít người biết đến mà còn có trí tuệ như vậy, huống là người được biết đến nhiều, đâu có thể không giỏi hơn.» Lõa hình đến chỗ Bạt-nan-đà thưa: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Bạt-nan-đà liền độ cho làm đệ tử, trao giới cụ túc. Sau đó, lõa hình hỏi Bạt-nan-đà về nghĩa lý, Bạt-nan-đà không thể trả lời được. Lõa hình lại sanh [807a1] ý nghĩ này: «Sa môn Thích tử ngu ám. Không hiểu biết gì. Ta hãy thôi tu.» Lõa hình liền khoác áo ca-sa mà qua chúng ngoại đạo. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép ngoại đạo có bốn tháng cộng trú[185] ở trong Tăng, bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Nên tác pháp cho như vầy: Trước hết cho họ cạo tóc, mặc áo ca-sa, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con vốn là ngoại đạo, tên ... , quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con cầu xuất gia hành đạo trong giáo pháp đức Thế Tôn. Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. «Con vốn là ngoại đạo, tên ... , đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi. Con xin theo đức Như Lai xuất gia học đạo. Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Nên dạy thọ giới: trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, cho đến trọn đời không chứa vàng bạc vật báu là giới của sa-di. Mười giới sa-di này trọn đời không được phạm. Ngoại đạo kia trước hết nên đến trong chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy ngoại đạo ấy thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Con vốn là ngoại đạo, tên ..., theo chúng Tăng xin bốn tháng cọng trú. Nguyện chúng Tăng dũ lòng thương cho con bốn tháng cộng trú » Lần thứ hai, lần thứ ba thưa như vậy. Rồi bảo ngoại đạo kia đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người vốn là ngoại đạo tên là... kia, nay đến xin chúng Tăng bốn tháng cọng trú. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho ngoại đạo tên... kia bốn tháng cọng trú. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người vốn là ngoại đạo tên là... kia theo chúng Tăng xin bốn tháng cọng trú. Nay Tăng cho ngoại đạo kia bốn tháng cọng trú. Trưởng lão nào chấp nhận cho người ấy bốn tháng cọng trú thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» «Chúng Tăng đã chấp thuận cho ngoại đạo kia bốn tháng cộng trú rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.» Ngoại đạo kia hành pháp cọng trú rồi, khiến tâm các tỳ-kheo vui vẻ, sau đó mới đến trong Tăng thọ giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma. Thế nào gọi là ngoại đạo không thể khiến cho tâm các tỳ-kheo hoan hỷ? Ngoại đạo kia tâm cố chấp trì theo pháp của ngoại đạo bạch y, không gần gũi tỳ-kheo mà gần gũi ngoại đạo, không tùy thuận tỳ-kheo mà tập tụng dị luận, hoặc khi nghe người nói việc không tốt của ngoại đạo, bèn giận dữ, hoặc nghe người chê bai thầy dạy, ngoại đạo cũng sanh lòng giận dữ; nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp, Tăng thì vui mừmg hớn hở. Hoặc có ngoại đạo khác đến khen ngợi việc tốt của ngoại đạo thì vui mừng hớn hở; hoặc có thầy của ngoại đạo đến nghe khen ngợi việc của ngoại đạo cũng vui mừng hớn hở; hay nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp,Tăng cũng vui mừng hớn hở. Đó gọi là ngoại đạo không thể khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ. Thế nào gọi là ngoại đạo khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ? Nghĩa là ngược lại với các điều trên. Đó gọi là ngoại đạo cộng trú tâm ý điều hòa khiến các tỳ-kheo hoan hỷ. Bấy giờ có một ngoại đạo, chúng Tăng cho bốn tháng cọng trú. Khi cọng trú thì có tâm chánh quyết định. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Nếu đã có tâm chánh quyết định chánh thì nên bạch tứ yết-ma cho thọ giới cụ túc.»[186] x. Các già nạn (1) 1. Bấy giờ, Lõa hình Bố-tát nghe những lời này liền nghĩ, «Sa-môn Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta nên trở lại xuất gia học đạo.» Bố-tát liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy: «Đây là kẻ phá hoại nội ngoại đạo, ở trong pháp của Ta không thể trưởng ích. Nếu chưa thọ giới cụ túc thì không nên cho thọ giới cụ túc. Đã thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» 2. Thế Tôn du hóa tại thành La-duyệt. Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt bảo người trong nước rằng: «Ai muốn xuất gia học đạo trong sa-môn Thích tử thì được phép ở trong pháp của Như Lai để tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ.» Bấy giờ có một người đầy tớ đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Con muốn xuất gia làm tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia làm đạo. Sau đó lần lượt đi khất thực trong nhân gian, bị người chủ cũ bắt. Vị này kêu la: «Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi! » Các cư sĩ ở gần hỏi: «Tại sao ngươi kêu la lớn tiếng như vậy?» Đáp: «Người này bắt tôi.» Các cư sĩ hỏi người kia: «Tại sao bắt người ta?» Người kia nói: «Người ấy là gia nô của tôi.» Cư sĩ nói: «Ông nên thả ra, chứ không được bắt. Người không thể nào bắt được đâu, có thể sẽ bị nhà quan phạt. Tại sao vậy? Người nên biết, Vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh bất cứ ai có khả năng ở trong hàng sa-môn Thích tử xuất gia học đạo, được phép ở trong giáo pháp của đức Như Lai khéo tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ. Vì vậy người đừng nên gây trở ngại.» Người chủ kia liền thả tỳ-kheo ấy ra. Nhưng giận dữ, la lớn: «Thật là tai họa! Đầy tớ của tôi mà tôi không được tự do bắt. Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn đầy tớ tụ họp.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật bảo: «Từ nay về sau không được độ đầy tớ. Nếu độ sẽ như pháp trị.» 3. Bấy giờ có một tên giặc cướp ở tù vượt ngục, chạy đến trong vườn Tăng, thưa với các tỳ-kheo rằng: «Con muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Quan giám ngục kiểm tra danh bộ tù nhơn, hỏi người coi tù: «Kẻ trộm ở tù tên này nay ở đâu?» Người coi tù trả lời: «Kẻ trộm ở tù, tên này vượt ngục; theo sa-môn Thích tử xin xuất gia rồi.» Quan giám ngục cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn giặc tập trung.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau không được độ kẻ giặc. Nếu độ sẽ như pháp trị.» 4. Bấy giờ có người mắc nợ, trốn tránh chủ nợ, đến trong vườn thưa với các tỳ-kheo: «Xin quý thầy độ con xuất gia làm đạo.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Vị ấy khất thực trong nhân gian, bị người chủ nợ bắt, liền lớn tiếng kêu: «Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!» Các cư sĩ ở gần nghe liền hỏi: «Tại sao thầy kêu la lớn tiếng vậy?» Vị này nói: «Người này bắt tôi.» Các cư sĩ hỏi người kia: «Tại sao ông bắt người này?» Người kia trả lời: «Người này mắc nợ tôi.» Các cư sĩ nói với người kia rằng: «Ông nên thả chứ không được bắt. Có thể ông bắt thì không đòi được nợ mà lại bị quan phạt. Tại sao vậy? Vì Vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh ‹Nếu ai có khả năng có thể xuất gia học đạo thì được phép theo ý muốn tu phạm hạnh, để dứt sạch nguồn gốc khổ.› Vì vậy ông đừng nên gây trở ngại.» Người chủ nợ nghe xong liền thả vị tỳ kheo và giận dữ nói: «Mắc nợ tôi mà tôi không được quyền đòi! Cứ theo việc này suy ra thì sa-môn Thích tử đều là bọn trốn nợ.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau không được độ người mắc nợ. Nếu độ sẽ như pháp trị.» 5. Một thời đức Phật du hóa tại Ca-lan-đà Trúc viên thành La-duyệt. Bấy giờ có mười bảy cậu bé là bạn quen thân với nhau.[187] [808a1] Lớn nhất là mười bảy tuổi, nhỏ nhất là mười hai tuổi. Giàu nhất là tám trăm ngàn, nghèo nhất là tám mươi ngàn. Trong đó có một cậu tên là Ưu-ba-ly,[188][189] Sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Hai ông bà lại nghĩ: «Nếu cho nó học viết chữ thì cũng vất vả thân xác.[190] Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?» Nghĩ như vậy xong, hai ông bà nói: «Nên cho nó học toán số, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Rồi lại nghĩ: «Học toán cũng vất vả thân xác. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn? Ta nên cho nó học nghề họa tượng, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Rồi lại nghĩ: «Nghề họa tượng sợ mệt nhọc con mắt của con ta. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn, không mệt nhọc con mắt?» Rồi lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử khéo tự nuôi thân, an lạc, không hề có các khổ não. Ta nên cho con ta xuất gia hành đạo trong pháp của sa-môn Thích tử, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Một thời gian sau, nhóm đồng tử mười bảy người nói với cậu Ưu-ba-ly rằng: cha mẹ chỉ có một đứa con nên rất thương yêu, chưa bao giờ xa cách, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cha mẹ nghĩ rằng: «Ta nên cho con ta học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?» Hai ông bà tự nghĩ và nói: «Ta nên cho nó học viết chữ. «Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo?» Ưu-ba-ly nói: «Tôi đâu xuất gia làm gì? Các bạn tự mình xuất gia đi.» Nhóm các cậu mười bảy người, lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy với Ưu-ba-ly rằng: «Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo. Tại sao vậy? Nay chúng ta cùng nhau vui đùa, khi đến đó chúng ta cũng đùa giỡn vui chơi với nhau.» Ưu-ba-ly nói với các cậu bé rằng: «Các bạn chờ tôi một chút. Tôi phải xin phép cha mẹ tôi đã.» Ưu-ba-ly liền đến chỗ cha mẹ thưa: «Thưa ba má, nay con muốn xuất gia làm đạo. Ba má cho phép con.» Cha mẹ Ưu-ba-ly nói: «Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!» Ưu-ba-ly thưa như vậy ba lần để xin cha mẹ được xuất gia. Hai ông bà cũng trả lời: «Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!» Lúc bấy giờ hai ông bà được Ưu-ba-ly ba lần ân cần thưa xin, bèn nhớ lại, «Trước đây chúng ta có ý này: Chúng ta nên cho con mình học nghề gì để sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Sau đó chúng ta định cho con mình học kinh thơ, cho đến họa tượng, để sau khi chúng ta qua đời, con của chúng ta có nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Nhưng rồi chúng ta vẫn lo sợ nhãn lực của con chúng ta bị lao nhọc. Cuối cùng chúng ta suy nghĩ: Duy chỉ có sa-môn Thích tử là khéo tự nuôi thân, không có các khổ não. Nếu như con của chúng ta xuất gia trong đó chắc chắn có thể sống thoải mái, không có các khổ não.» Bấy giờ hai ông bà nói với Ưu-ba-ly: «Nay thật đúng lúc ba má cho con xuất gia.» Bấy giờ Ưu-ba-ly đến chỗ nhóm các cậu mười bảy người nói: «Ba má tôi đã cho tôi xuất gia. Các bạn muốn xuất gia thì nay là đúng lúc.» Các cậu liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Bạch Đại đức, chúng con muốn xuất gia học đạo. Xin các Đại đức cho phép chúng con xuất gia làm đạo.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Các cậu còn nhỏ, mới đây đã quen sống vui đùa, ăn một bữa không chịu nổi, nên đến giữa đêm bị đói, lớn tiếng đòi ăn, kêu la: «Cho tôi ăn! Cho tôi ăn!» Các tỳ-kheo nói: «Các ngươi chờ một chút. Đợi sáng, chúng Tăng có thức ăn gì sẽ cho các ngươi ăn. Nếu không có sẽ cùng các ngươi khất thực. Tại sao vậy? Vì trong đây không có chỗ để nấu ăn.» Bấy giờ đức Thế Tôn trong đêm tư duy nơi yên tịnh nghe tiếng trẻ khóc la, biết mà vẫn cố hỏi Tôn giả A-nan: «Tại sao trong đêm có tiếng khóc la của trẻ nhỏ?» Tôn giả A-nan đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật, đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Không được trao giới cụ túc cho người chưa đủ tuổi hai mươi. Tại sao vậy? Tuổi chưa đủ hai mươi không thể nhẫn chịu được các thứ lạnh nóng, đói khát, gió mưa, muỗi mòng, độc trùng; không nhẫn nhịn được tiếng ác; hoặc trong thân có các khổ thống không thể chịu đựng được; lại không thể giữ được giới một ngày ăn một bữa. Nếu ai độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, thì sẽ như pháp trị.» Phật bảo: «A-nan nên biết, người đủ hai mươi tuổi mới kham nhẫn được các việc như trên.» 6. Lúc bấy giờ, trong cương giới nước Ma-kiệt xuất hiện năm loại bệnh: một là bệnh hủi, hai là bệnh ung thư, ba là bệnh hủi trắng, bốn là bệnh càn tiêu,[191] năm là bệnh điên cuồng.[192] Người trong nước kia bị các chứng bệnh này, bèn đến nơi Kỳ-bà Đồng tử[193] nói: «Yêu cầu ông chữa bệnh cho chúng tôi, tôi sẽ tặng ông tài vật như vậy... như vậy...» Kỳ-bà Đồng tử nói: «Tôi không thể trị bệnh cho các người được.» Các người bệnh lại nói: «Xin ông cứu giúp cho. Chúng tôi sẽ đem tất cả gia tài sự nghiệp và vợ con để cung cấp cho ông sai khiến.» Kỳ-bà Đồng tử trả lời: «Tôi không thể chữa bệnh cho các người được.» Các bệnh nhân nói với nhau rằng: «Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến chỗ chữa bệnh kia.» Bấy giờ các người bệnh đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Chúng con muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia. Kỳ-bà Đồng tử chữa bệnh cho Phật và Tăng tỳ-kheo, cung cấp thuốc tiêu xổ, hoặc cần canh thì cấp canh, thứ nào cần kiêng cử thì kiêng cử. Hoặc cung cấp loại canh bằng thịt chim đồng, tùy theo bệnh mà cung cấp thực đơn để cho căn bệnh được lành. Lành rồi họ không tu nữa. Kỳ-bà Đồng tử trên đường đi gặp họ, hỏi: «Hình như ông trước đây có xuất gia phải không?» Họ trả lời: «Tôi đã từng xuất gia.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi: «Tại sao ông thôi tu?» Họ trả lời: «Trước đây tôi mắc bệnh đến nhờ ông chữa, tôi nói: ‹Ông chữa, tôi sẽ đem tài vật như vậy, như vậy để trả ơn cho ông.› Ông nói: ‹Tôi không thể chữa.› Tôi yêu cầu lần thứ hai, tôi nói: ‹Tôi sẽ đem hết gia tài sự nghiệp và bản thân tôi như vợ con tôi cung cấp cho ông sai sử,› ông cũng vẫn không chịu chữa. Chúng tôi tự nói với nhau rằng: ‹Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến nơi phòng chữa bệnh kia để chữa. Nơi đó người này sẽ vì ta mà chữa.› Chúng tôi vì chữa bệnh nên đến trong Tăng-già-lam quyền biến thưa xin xuất gia để chữa bệnh chứ bản thân chúng tôi không có lòng tin đối với Phật pháp và chúng Tăng mà xuất gia.» Kỳ-bà Đồng tử nghe như vậy rồi, không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch với đức Thế Tôn: «Trước kia con vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ việc nhà Vua, mà các tỳ-kheo độ những người có năm chứng bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, càn tiêu và điên cuồng. Cúi xin [809a1] đức Thế Tôn dũ lòng thương ra lệnh các tỳ-kheo từ nay về sau đừng độ những người có năm chứng bệnh này xuất gia làm đạo nữa.» Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử biết đức Thế Tôn nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, đi quanh ba vòng rồi cáo lui. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo: «Các ông nên biết, Kỳ-bà Đồng tử trước kia vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ công việc của nhà Vua, mà các tỳ-kheo lại độ những người có năm chứng bệnh như vậy. Từ nay về sau không được độ những người có năm chứng bệnh như vậy mà trao giới cụ túc. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.» xi. Dữ học giới Một thời, đức Phật ở tại thành La-duyệt. Trong thành này có một tỳ-kheo tự là Nan-đề,[194] thường ưa tọa thiền, được định của thế tục, tâm giải thoát. Một lúc nọ, từ Tứ thiền xuất định, thì có ma nữ đến đứng trước mặt. Tỳ-kheo kia nắm lấy, muốn phạm giới. Ma nữ liền ra ngoài. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài. Ma nữ ra ngoài lan can nhà. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài lan can nhà. Ma nữ kia ra giữa sân. Tỳ-kheo cũng đến giữa sân. Ma lại ra ngoài chùa. Tỳ-kheo cũng ra ngoài chùa. Bên ngoài chùa có một con ngựa mới chết. Bấy giờ ma đến nơi con ngựa chết liền biết mất, thân trời không thấy nữa. Bấy giờ tỳ-kheo Nan-đề hành bất tịnh hạnh với con ngựa chết. Hành bất tịnh hạnh rồi, Nan-đề hoàn toàn không có tâm che dấu, liền nghĩ: «Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới: Nếu tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che dấu, sẽ không phạm ba-la-di chăng? Nay ta nên thế nào đây?» Nan-đề liền nói với tỳ-kheo quen thân rằng: «Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới, người nào làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm dâm, bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Tôi sẽ không phạm ba-la-di chăng? Lành thay, trưởng lão vì tôi đến bạch với đức Thế Tôn. Ngài dạy như thế nào tôi sẽ phụng hành như thế ấy.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng: «Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di bằng pháp bạch tứ yết-ma như vầy: bảo tỳ-kheo Nan-đề đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Nan-đề phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến xin Tăng cho giới ba-la-di. Cúi xin Tăng cho tôi giới ba-la-di. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai,lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che dấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đại đức nào chấp thuận Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Cho giới ba-la-di rồi, mỗi việc, mỗi việc phải tùy thuận phụng hành. Pháp tùy thuận phụng hành là: không được trao giới cụ túc cho người; không được cho người y chỉ; không được nuôi sa-di; nếu sai giáo thọ tỳ-kheo-ni thì không được nhận, dù đã sai cũng không được đến giáo thọ; không được thuyết giới cho Tăng; không được hỏi đáp Tỳ-ni trong Tăng; không được nhận làm người tri sự cho Tăng; không được nhận làm người xử đoán cho Tăng; không được nhận làm người sứ mạng cho Tăng; không được sáng sớm vào tụ lạc xẩm tối mới về. Phải gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi ngoại đạo bạch y; phải thuận tùng pháp của tỳ-kheo; không được nói việc của thế tục; không được tụng luật trong chúng, nếu không có người tụng thì được phép; không được tái phạm tội này hay các tội khác, hoặc tội tương tợ hay tùng sanh, hoặc nặng hơn; không được phi Tăng yết-ma và tác yết-ma; không được nhận sự trải chỗ ngồi, nước rửa chân, lau guốc dép, xoa chà nơi thân và lễ bái, nghinh đón, thăm hỏi của tỳ-kheo thanh tịnh; không được nhận sự cầm nắm y bát của tỳ-kheo thanh tịnh; không được cử tội tỳ-kheo thanh tịnh, tác ức niệm, tác tự ngôn trị; không được làm chứng cho người chơn chánh; không được ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới, tự tứ; không được cùng tỳ-kheo thanh tịnh tranh luận. Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, khi Tăng thuyết giới yết-ma, đến hay không đến, Tăng không phạm. Các tỳ-kheo nói như sau: Nếu tỳ-kheo được cho giới ba-la-di rồi, vị ấy lại phạm dâm bất tịnh hạnh thì có cho lại giới ba-la-di lần thứ hai không? Đức Phật dạy: «Không cho, mà phải diệt tẫn.» xi. Sa-di xuất gia 1. Bấy giờ đức Phật ở tại vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, giữa những người họ Thích.[195] Đến giờ, Ngài khoác y bưng bát vào thành Ca-duy-la-vệ khất thực. Khất thực xong, ra khỏi thành. Vào lúc đó mẹ của La-hầu-la[196] cùng La-hầu-la ở trên lầu cao, thấy đức Phật đi đến, nói với La-hầu-la rằng: «Người đang đi đến là cha của con.» La-hầu-la liền vội vàng xuống lầu, đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn đưa tay sờ lên đầu La-hầu-la. La-hầu-la tự nghĩ rằng: «Từ nhỏ đến nay mình chưa từng có được cảm giác sung sướng nào cực kỳ dịu dàng như thế này.» Đức Phật hỏi: «Con có thể xuất gia học đạo hay chăng?» La-hầu-la thưa: «Con có thể xuất gia.»[197] Đức Phật đưa một ngón tay cho La-hầu-la và dẫn về trong Tăng-già-lam, bảo Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: «Ông độ cậu bé La-hầu-la này như pháp sau đây: cho cạo tóc, dạy mặc ca-sa, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Con là La-hầu-la, quy y Phật, quy y Pháp, quy Tăng tỳ-kheo. Con ở trong pháp của Như Lai xuất gia học đạo. Đức Như Lai là bậc Chí chơn Đẳng chánh giác của con!»[198] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Con là La-hầu-la, đã quy y Phật, Pháp, Tăng. Con xuất gia học đạo trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác của con !» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Nên dạy thọ giới, nói: Trọn đời không được giết hại là giới của sa-di, cho đến không cầm vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di. Mười giới này của sa-di trọn đời không được phạm. Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời dạy của đức Như Lai, độ đồng tử La-hầu-la, rồi dẫn đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân xong, đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Thế Tôn: «Con đã độ La-hầu-la xong. Việc phân phòng xá, ngọa cụ cho sa-di như thế nào?» Đức Phật dạy: Từ nay về sau, từ đại tỳ-kheo trở xuống, theo thứ tự phân chia. Bấy giờ các sa-di nhỏ đại tiểu tiện, khạc nhổ, làm bẩn giường dây dệt,[199] tọa cụ, ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau không được cho sa-di ngồi, nằm trên giường dây dệt. Nếu có thể giữ gìn sạch sẽ, không làm bẩn, thì mới cho nằm ngồi.» [810a1] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: «Nếu khi chúng Tăng được phẩm vật cúng dường, thì phân cho sa-di như thế nào?» Phật bảo Tôn giả: «Nếu chúng Tăng hòa hợp thì nên chia đều. Nếu không hòa hợp thì nên cho phân nửa. Nếu không hòa hợp nữa thì cho một phần ba. Nếu không như vậy thì chúng Tăng không được chia. Nếu chia, sẽ như pháp trị.» Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật: «Bữa đại thực, tiểu thực, chia cho sa-di như thế nào?» Đức Phật dạy: «Tùy đại Tăng, chia theo thứ tự.» Bấy giờ Vua Thâu-đầu-đàn-na[200] nghe đức Phật độ La-hầu-la xuất gia, buồn khóc, đến trong Tăng-già-lam, chỗ đức Phật Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Thế Tôn xuất gia, tôi còn một chút hy vọng nơi Đồng tử Nan-đà, sẽ kế thừa gia nghiệp. Nhưng rồi Thế Tôn lại độ cho xuất gia. Nan-đà xuất gia rồi, tôi vẫn còn một chút hy vọng nơi La-hầu-la, sẽ kế thừa sự nghiệp, không bị tuyệt tự. Nay Thế Tôn lại độ La-hầu-la xuất gia. Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không cho, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Cúi xin đức Thế Tôn từ nay về sau bảo các tỳ-kheo không được độ xuất gia những người con mà cha mẹ không đồng ý.» Đức Thế Tôn im lặng chấp thuận thỉnh cầu Vua. Vua biết đức Thế Tôn nhận lời yêu cầu của mình bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng, cáo lui. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo: «Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không đồng ý, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Từ nay về sau, cha mẹ họ không cho phép thì không được độ xuất gia. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.» 2. Phật du hóa tại vườn Cù-sư-la, Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ có con của người thợ công xảo[201] đến trong Tăng-già-lam yêu cầu các tỳ-kheo cho xuất gia hành đạo. Các tỳ-kheo liền cho xuất gia hành đạo. Cha mẹ của nó đến trong Tăng-già-lam khóc than và hỏi các tỳ-kheo: «Có thấy đứa nhỏ hình dáng như vậy, như vậy đến đây không?» Tỳ-kheo không thấy nên trả lời không thấy. Cha mẹ nó liền đến các phòng tìm, thấy được con họ, nên cơ hiềm nói: «Sa môn Thích tử không biết thẹn, nói láo. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Có chánh pháp nào như vậy? Độ con nít của tôi xuất gia mà nói không có?» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Các ông khéo nghe, từ nay về sau, nếu muốn cạo tóc để độ người tại trong Tăng-già-lam thì phải bạch tất cả Tăng. Nếu tập hợp không được thì đến từng phòng để thưa cho biết, rồi sau mới cạo tóc. Nếu Tăng tập hợp được thì phải tác bạch rồi sau mới cho cạo tóc.» Văn tác bạch như vầy: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Người có tên là... nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu... cạo tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... nầy cạo tóc. Đây là lời tác bạch.» Nếu muốn độ cho xuất gia trong Tăng-già-lam nên bạch tất cả Tăng. Bạch rồi mới được phép xuất gia. Và tác bạch như vầy: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Người có tên là..., nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu..., cho xuất gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi sau mới cho xuất gia. Hướng dẫn người xuất gia mặc áo ca-sa, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bảo họ chắp tay thưa: «Con tên là... quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. «Con tên là...đã quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Trao giới cho họ như vầy: 1- Trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 2- Trọn đời không ăn trộm là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 3- Trọn đời không dâm dục là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 4- Trọn đời không nói dối là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 5- Trọn đời không uống rượu là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 6- Trọn đời không được đeo tràng hoa, thoa đồ thơm vào mình là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 7- Trọn đời không ca múa, xướng hát và cố ý xem nghe là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 8- Trọn đời không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 9- Trọn đời không ăn phi thời là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. 10- Trọn đời không cầm nắm sanh tượng vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được. Đây là mười giới của sa-di, trọn đời không được phạm. Nếu giữ được thì trả lời: Được. 3. Bấy giờ, có một sa-di nhỏ. Chúng Tăng không cho phép vào ở trong chùa gần xóm,[202] và chỗ a-lan-nhã, nên sa-di nọ bị con beo làm hại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Không được ngăn cả hai đường biên[203] đối với sa-di nhỏ.» Trường hợp chùa ở trên biên của thôn mà không phải a-lan-nhã, lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Trường hợp chỗ a-lan-nhã mà không có chùa ở biên thôn, vị kia lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia lại ngăn ông sa-di không cho phép đến chỗ nhiều người, nơi nhà tắm, nhà ăn, nhà kinh hành, ông sa-di không có chỗ để nghỉ đêm. Đức Phật dạy: «Không được ngăn vào chỗ nhiều người, cho đến chỗ nhà kinh hành.» Nếu trên tầng gác chỗ nhiều người ngủ, dưới tầng gác chỗ nhiều người đi, dưới tầng gác chỗ nhiều người ngủ, trên tầng gác chỗ nhiều người đi thì cho phép nói: «Đừng vào chỗ tôi ngủ.» Bấy giờ có sa-di không hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê, cũng không hầu hạ các vị khác, nên ngăn không cho sa-di nhận vật lợi dưỡng trong Tăng. Đức Phật dạy: «Không được ngăn; vì đây là vật của thí chủ.» Đức Phật dạy: «Từ nay về sau nên nói với ông sa-di rằng: Ngươi nên như pháp hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê và chúng Tăng. Nếu Tăng phân công theo thứ tự thì nên làm.» 4. Bấy giờ có tỳ-kheo trưởng lão dẫn một đứa trẻ nít xuất gia, vào thôn khất thực, đến chỗ chợ quán, nó thấy bánh và cơm, chìa tay ra và nói: «Cho tôi bánh. Cho tôi cơm.» Các trưởng giả thấy, đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, vi phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là Chánh pháp? Xuất gia mà còn có con, dẫn đi theo!› Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau không được độ trẻ nít dưới mười hai tuổi.»[204] Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan gặp phải trường hợp có một đứa trẻ nhỏ con của nhà đàn-việt, mà gia đình đều chết hết. Tôn giả dẫn nó đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật biết mà cố vẫn hỏi: «Đứa nhỏ này là con ai?» Tôn giả A-nan đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn hỏi: «Tại sao không độ cho nó xuất gia?» Tôn giả thưa: «Trước đây đức Thế Tôn có chế giới không được độ người dưới mười hai tuổi, cho con nên không độ.» Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan: «Đứa trẻ này có thể đuổi quạ, có thể trì giới, có thể ăn một bữa được [811a1] không? Nếu có thể thì cho phép độ nó xuất gia.» 5. Bấy giờ Bạt-nan-đà có nuôi hai sa-di, một tên là Kế-na, thứ hai tên là Ma-khư,[205] không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh với nhau. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Từ nay về sau không được nuôi hai sa-di.» Bấy giờ, có một đứa nhỏ đến trong Tăng-già-lam chơi. Một tỳ-kheo nói pháp cho nó như vầy: «Con nên biết, địa ngục là khổ, súc sanh là khổ, ngạ quỷ là khổ. Phật ra đời là điều khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát lâu năm mới nở một lần. Tại sao con không xuất gia làm đạo?» Thiếu nhi thưa: «Nếu Đại đức làm Hòa thượng thì con sẽ xuất gia.» Tỳ-kheo kia vì đã có nuôi một sa-di rồi nên nghĩ: «Thế Tôn chế giới không được nuôi hai sa-di.» Vị ấy nghi, nên không dám nuôi hai sa-di. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: «Nếu có khả năng dạy cho nó trì giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, phúng tụng thì cho phép nuôi.» Bấy giờ có vị tuổi chưa đủ hai mươi mà thọ giới cụ túc, sau đó sanh nghi. Các tỳ-kheo đến thưa hỏi đức Phật, đức Phật Nói: «Từ nay về sau, nếu thọ giới cụ túc rồi, có sự nghi ngờ như vậy, cho phép tính thêm tháng ở trong thai, hoặc tính tháng nhuần, hoặc tính mỗi lần thuyết giới mười bốn ngày cho đủ. Nếu đạt được A-la-hán tức là đã xuất gia thọ giới cụ túc vậy.» 3. Nhân và sự như pháp i. Kết và giải tiểu giới Bấy giờ có người muốn thọ giới, nên ra ngoài cương giới. Nhóm sáu tỳ-kheo đến ngăn việc thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy: «Các ông khéo nghe đây! Từ nay về sau, nếu người không đồng ý chưa ra ngoài cương giới; thì ở ngoài cương giới nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới bằng bạch nhị yết-ma rồi trao giới.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng tập hợp một chỗ kết tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp lại một chỗ kết tiểu giới. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng tập hợp lại một chỗ để kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận kết tiểu giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Nếu người nào không đồng ý, ở ngoài cương giới mà ngăn; không thành ngăn. Các vị kia không giải giới mà đi. Các tỳ-kheo nghe, bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, nên giải giới rồi mới đi.» Nên giải giới bằng bạch nhị yết-ma rồi đi. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Các trưởng lão chấp nào thuận chúng Tăng giải giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng chấp thuận giải giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» ii. Hoà thượng như pháp Trường hợp không có Hòa thượng mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không được.» Khi thọ giới, có hai Hòa thượng, được hay không? Đức Phật dạy: «Không được.» Với ba Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy: «Không được.» Thọ giới cụ túc với số đông Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy: «Không được thọ giới cụ túc.» Thọ giới với Hòa thượng chín tuổi, được gọi là thọ giới cụ túc; nhưng Chúng Tăng có tội. iii. Truyền tứ y 1. Phật du hóa tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, trong nước mất mùa, cơm gạo khan hiếm, khất thực khó được, nhân dân bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường. Có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn tự cạo tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia thọ giới. Sau đó, phẩm vật cúng dường cho chúng Tăng không được nhận nữa. Các tỳ-kheo nói với thiếu niên: «Ông vào trong thôn khất thực.» Thiếu niên hỏi: «Chúng Tăng không có thức ăn sao?» Các tỳ-kheo nói: «Không.» Thiếu niên nói: «Tôi sẽ phải làm sao đây!» Các tỳ-kheo nói: «Ông phải đi khất thực.» Thiếu niên nói: «Nếu phải khất thực thì ở đây khất thực, bên kia cũng khất thực, tôi sẽ trở về lại bên kia để khất thực. Thiếu niên kia liền thôi tu.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép trao tứ y[206] trước.» 2. Bấy giờ lại có một thiếu niên ngoại đạo đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, «Con muốn xuất gia.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia và trước hết trao pháp tứ y. Ngoại đạo kia nói: «Thưa Đại đức, tôi có thể thọ hai y là y khất thực và y thọ hạ tọa. Tôi có khả năng thọ trì hai y này. Còn nạp y và hủ lạn dược, tôi không thể thọ trì hai y này. Tại sao vậy? Ai mà có thể đụng chạm đến hai thứ này.» Do vậy, thiếu niên liền thôi tu không xuất gia. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy: «Ngoại đạo này không xuất gia, có điều mất mát. Nếu xuất gia, sẽ chứng được đạo.» Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, trước hết thọ giới rồi sau mới thọ tứ y.» iv. Các già nạn (2)[207] 7. Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một đại tướng dũng kiện đến trong Tăng-già-lam, nói với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia làm đạo.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Sau đó, trong nước của Vua Ba-tư-nặc, nhân dân nổi loạn,[208] cần phải dùng binh lực để chinh phạt. Xuất quân lần đầu bị quân của bọn phản loạn đánh bại. Lần thứ hai cũng bị đánh bại. Nhà Vua liền hỏi: «Kiện tướng của ta hiện nay ở đâu?» Các quan tả hữu tâu: «Ông ấy xuất gia làm đạo trong sa-môn Thích tử rồi!» Nhà Vua liền cơ hiềm: «Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn,[209] nhiều ham muốn, không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà độ vị đại tướng dũng kiện của Ta xuất gia làm đạo. Như vậy có gì là chánh pháp? Cứ theo trường hợp này mà suy sét thì Sa-môn Thích tử đều là các nhà quan.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đầy đủ lên đức Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau không được độ các quan, nếu độ sẽ như pháp trị.» 8. Tỳ-kheo cho người không có y bát xuất gia thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo nói với vị ấy rằng: «Thầy vào thành khất thực.» Vị ấy trả lời: «Tôi không có y bát.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau, kẻ không có y bát không được thọ giới cụ túc.» Có nhiều người mượn y bát của người khác thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi, người chủ đòi lại. Vị ấy bị loã hình, ngồi xổm, hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau không được mượn y bát để thọ giới cụ túc. Người cho mượn y nên bảo họ xin rồi cho. Nếu không cho, thì phải trả đúng giá. 9. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi đến bên sông Hắc ám, trong số đó có một tỳ-kheo nói: «Trong số này, đã từng có bạch y cùng với người mặc áo ca-sa hành dâm.» Mọi người hỏi: «Tại sao thầy biết?» Vị ấy nói: «Tôi là một người trong số đó.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy: «Nếu người phạm đến tỳ-kheo-ni thì ở trong pháp luật của ta không có trưởng ích, không được cho xuất gia thọ đại giới. Nếu đã xuất gia thọ đại giới rồi thì nên diệt tẫn.» 10. Phật ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ trong nước lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được, mọi người đều bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và Tăng tỳ-kheo lại nhận được nhiều món cúng dường. Bấy giờ có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, [812a1] bèn nghĩ: «Nên làm cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia?» Thiếu niên kia liền tự cạo tóc mặc áo ca-sa, tay bưng bình bát, vào trong chúng ăn. Các tỳ-kheo hỏi rằng: «Thầy bao nhiêu tuổi?» Vị kia không biết. Lại hỏi: «Thầy thọ giới lúc nào?» Vị kia trả lời không biết. Các tỳ-kheo hỏi tiếp: «Hòa thượng của thầy là ai?» «A-xà-lê thầy là ai?» Vị kia cũng nói: «Không biết.» Các tỳ-kheo lại hỏi: «Thầy là ai?» Vị kia nói: «Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Vì thấy Phật và Tăng nhận được nhiều vật cúng dường bèn nghĩ: ‹Bằng cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia.› Tôi bèn tự cạo râu tóc, mặc áo ca-sa vào trong chúng để tìm cầu thức ăn.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, người vào đạo với tặc tâm thì ở trong giáo pháp của ta không có lợi ích nào. Không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng,[210] cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, cùng yết-ma mà không thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới. Hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, mà không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới;[211] hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo mà không đến chỗ ba tỳ-kheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, hay ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới.[212] Trong đây,[213] người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Người như vậy, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.[214] Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, mà không đến chỗ ba tỳ-kheo hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Nếu người ấy chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo hoặc Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng, yết-ma mà không cùng thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.[215] Trong số người vào đạo với tâm giặc, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»[216]
Chú thích: [168] A-xà-lê 阿闍梨, giáo sư, quỹ phạm sư. Pali (Vin.i. 60): ācariya (Skt. ācārya). [169] Đệ tử, ở đây Pali: antevāsika; xem cht. 154 trên. [170] Tiểu chú trong nguyên bản. [171] Ha trách 呵責. Cảnh cáo hay đuổi cảnh cáo. Đây muốn nói là dứt y chỉ. Pali (Vin.i. 53): paṇāmita: đuổi (đệ tử). [172] Phụ nữ 婦女; đây chỉ đàn bà đã có chồng. [173] Đại đồng nữ 大童女; con gái lớn tuổi nhưng chưa chồng. [174] Thuận ý Thầy, để cho bị đuổi. [175] Cựu trú 舊住; thường trú tại một trú xứ. [176] Vì chỗ cũ không có thầy để y chỉ. [177] Không có người thường trú coi, nên chùa bị sập. [178] Thất-lê-sa trùng 失梨[沙/虫]虫. Pali (Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 113): sirīsapa, loài bò sát (rắn, rết các thứ). [179] Cf. Mahāvagga, Vin.i. 61, nissayapaṭippassadhika. [180] Tăng thượng oai nghi 增上威儀. Pali (Vin. i. 64): abisamācārikā, tăng thượng hành nghi, oai nghi tế hạnh, oai nghi lễ tiết. [181] Tăng thượng tịnh hạnh 增上淨行. Pali, ibid., ādibrahma- cāriyikā, căn bản phạm hạnh, những nguyên tắc căn bản cho đời sống tịnh tu. Bản Hán đọc adhi- (tăng thượng), thay vì ādi- (tối sơ, căn bản). [182] Đọc bạch và yết-ma riêng cho đủ năm pháp. [183] Bố-tát 布薩. Pali (Vin. i. 69): yo so aññatitthiyapubbo, một người nguyên trước kia là ngoại đạo. [184] Tứ biện 四辯法辯義辯了了辯辭辯. Xem Câu-xá 27 (T29, tr.142a22), có 4 vô ngại giải Skt. catasraḥ pratisaṃvidaḥ; Pali: catasso paṭisambhidā): pháp (Skt. dharma), nghĩa (Skt. artha), từ (Skt. nirukti), biện (Skt. pratibhāna). [185] Cộng trú 共住. Pali (Vin. i. 67): parivāsa; từ này cũng dùng trong tăng-già-bà-thi-sa; nhưng phiên âm là ba-lợi-bà-sa, hoặc dịch là biệt trú. [186] Pali (Vin.i. 71), có hai trường hợp vốn ngoại đạo nhưng không cần bốn tháng cọng trú: 1. Các nhà khổ hạnh bện tóc thờ lửa; 2. Những người gốc họ Thích-ca. [187] Thập thất quần đồng tử 十七群童子. Xem Phần I, Ch.v. Ba-dật-đề 65. [188] Ưu-ba-li 優波離. Pali (Vin.i. 77): Upāli. [189] Pali: lekhaṃ sikhassati. [190] Pali: học viết thì đau ngón tay. [191] Càn tiêu 乾痟; không rõ bịnh gì. Từ nguyên nói: tiêu, bịnh đầu thống. Có lẽ là bịnh lao. Xem cht. 191 dưới. [192] Lại 癩, ung 癰, bạch lại 白癩, càn tiêu 乾痟, điên cuồng 顛狂. Pali, Vin. i. 72, năm chứng bịnh: kuṭṭhaṃ (phung hủi), gaṇḍo (ung nhọt), kilāso (chàm vảy), soso (lao phổi), apamāro (động kinh). [193] Kỳ-bà Đồng tử 童子. Pali, Jīvaka-komārabhacca, vị y sỹ trị bịnh nhi đồng tên là Jīvaka. Bản Hán đọc là -kumāra: đồng tử hay vương tử, thay vì -komārabhacca: y sĩ nhi đồng, hay y sỹ của vương tử. [194] Ngũ phần 28 (T22n2421, tr.182c10): một tỳ-kheo tọa thiền, không nói tên. Tăng kỳ 26 (T22n1425, tr.441a28): tỳ-kheo Thiền Nan-đề, phân biệt với các Nan-đề cùng tên khác. Thập tụng 57 (T23n1435 tr.425a14): tỳ-kheo khất thực tên là Nan-đề. [195] Hán: Thích-súy-sấu 釋翅搜; phiên âm cách số 6 (ư cách), số nhiều, śakyeṣu (Skt.) hay sakkesu (Pali). [196] La-hầu-la mẫu 羅[目*侯]羅母. Pali: Rahulamātā. [197] Pali, Vin.i. 82 kể như sau: Rāhula đứng trước Phật nói: «Cái bóng của Sa-môn mát quá.» Rồi đi theo sau Phật, nói: «Bạch Sa-môn, cho con di sản.» (dāyajjaṃ me, samaṇa, dehi) Phật liền dẫn về tinh xá. [198] Đọc đúng, nên đọc: «Như Lai, Chí chân... là Thế Tôn của con.» Xem mục «Tam ngữ đắc giới» ở trên. [199] Chức thằng sàng 織繩床. [200] Thâu-đầu-đàn-na 輸頭檀那. Trên kia, âm là Duyệt-đầu-đàn. Xem đoạn I. Thích thị thế phổ & cht. 3. Pali, Vin. i. 82, Suddhodana. [201] Xảo sư 巧師. Pali (Vin.i. 76): kammārabhaṇḍu, người thợ rèn đầu trọc. [202] Vin. i. 83: các sa-di phạm luật, các tỳ-kheo không biết trị pháp như thế nào; Phật dạy: cho phép cấm chỉ (anujāmi, bhikkave, āvaraṇaṃ kātun ti). Các tỳ-kheo bèn cấm sa-di vào Tăng viên... [203] Lưỡng biên 兩邊; chỉ đường biên của thôn xóm, và bìa rừng. Rừng không có thú dữ gọi là a-lan-nhã. [204] Pali, Vin.i. 79, không được độ con nít dưới 15 tuổi (na ūnapannarasavasso dārako pabbājetabbo). [205] Kế-na 罽那 và Ma-khư 摩佉. Pali: Kaṇḍaka và Mahaka. [206] Tứ y 四依; xem giải thích đoạn sau. Pali, Vin. i. 58, cattāro nissayā. [207] Tiếp theo nhân duyên già nạn thứ 6 ở trên. [208] Vin. i. 73: quốc cảnh của Ma-kiệt-đà, dưới thời vua Bimbisāra có loạn. Nhưng phần lớn quân sĩ đã xuất gia, nên quân số thiếu. [209] Người biên tập thuật sự theo quán tính, nên gán cho Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nói điều chỉ trích Tăng như vậy. Tham chiếu, Pali, ibid., trước khi xuất quân, Vua (Bimbisāra) tập hợp tướng lãnh, thấy thiếu mấy viên dũng tướng, nên hỏi và được tâu trình. Vua liền tự thân đến hầu Phật. Thỉnh nguyện, không xuất gia cho quan viên chưa được Vua cho phép. Bởi vì, có những vua chúa không tin Phật, nhân sự việc này sẽ chỉ trích. Vua không chống đối việc các tướng tá xuất gia. [210] Đến chỗ có từ bốn tỳ-kheo trở lên, gọi là đến chỗ Tăng. [211] Đến chỗ có ba tỳ-kheo trở xuống, vì không túc số, nên chỉ có thể thuyết giới mà không thế làm các yết-ma. [212] Trở lên, nêu các trường hợp được gọi là tặc tâm xuất gia. [213] Từ đây trở xuống, phân biệt các trường hợp tặc tâm nhưng không bị diệt tẫn. [214] Chỉ dự nghe thuyết giới, chứ không dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên tuy tặc tâm, nhưng không bị diệt tẫn. Các trường hợp tiếp theo cũng vậy. [215] Trường hợp không dự nghe thuyết giới, nhưng đã dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên phải bị dệt tẫn. [216] Hết quyển 34. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 11. Bấy giờ, có kẻ huỳnh môn[217] đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, «Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc rồi, vị ấy nói với các tỳ-kheo: «Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.» Các tỳ-kheo nói: «Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?» Vị kia lại đến nơi người giữ vườn và sa-di nói: «Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.» Người giữ vườn và sa-di nói: «Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?» Kẻ huỳnh môn kia ra ngoài chùa cùng người chăn bò chăn dê làm việc dâm dục. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử đều là huỳnh môn, trong đó có đàn ông làm việc dâm dục với nhau.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy: «Huỳnh môn ở trong pháp của ta không có điều trưởng ích, không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.» Trong đây, huỳnh môn có huỳnh môn do bẩm sinh (sanh), huỳnh môn do thiến (kiền), huỳnh môn do ghen (đố), huỳnh môn do đổi (biến), và huỳnh môn nửa tháng (bán nguyệt).[218] Sanh: Khi sanh liền thành huỳnh môn. Kiện: Sau khi sanh, cắt bỏ hết để làm huỳnh môn. Đố: Thấy người khác hành dâm, mình khởi tâm dâm. Biến: Khi cùng với người khác hành dâm, năm căn mất, biến làm huỳnh môn. Nửa tháng: nửa tháng có khả năng của người nam, nửa tháng không có khả năng của người nam. 12. Phật du hóa nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thiện Hiện Long vương[219] thọ mạng rất lâu, sanh tâm nhàm tởm thân rồng (rắn), bèn nghĩ: «Đời nay sanh trong loài rồng trường thọ này, không biết khi nào thoát khỏi được thân này?» Long vương lại nghĩ: «Sa môn Thích tử này tu hạnh thanh tịnh. Nay ta hãy đến đó cầu xuất gia làm đạo, có thể lìa khỏi thân hình rồng nầy.» Long vương nghĩ xong, liền biến làm một thân hình thiếu niên ngoại đạo, đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo không quán sát bổn nguyên, vội cho xuất gia thọ giới cụ túc và cho ở cùng phòng với một tỳ-kheo. Khi tỳ-kheo kia có việc ra ngoài, Thiện Hiện Long vương buông mình xuống ngủ. Theo thường pháp của loài rồng, có hai trường hợp không lìa được nguyên hình; một là khi ngủ, hai là khi hành dâm. Bấy giờ, thân của Long vương trương ra đầy cả phòng, lòi ra cả ngoài cửa sổ nơi lỗ trống. Tỳ-kheo kia khi trở lại, lấy tay đẩy cánh cửa, chạm phải thân con rồng, hốt hoảng, biết bên trong phòng có gì khác, bèn lớn tiếng kêu: «Rắn! rắn!» Tỳ-kheo ở phòng gần nghe tiếng kêu lớn, liền hỏi: «Chuyện gì la lớn vậy?» Vị kia trình bày đầy đủ sự việc. Long vương cũng nghe tiếng tỳ-kheo kêu nên thức dậy, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý, buộc ý niệm trước mặt. Tỳ-kheo liền vào hỏi: «Ngươi là ai?» Người ngồi kết già trả lời: «Tôi là Thiện Hiện Long vương. Tôi sanh trưởng trong loài rồng, vì chán thân này, nên nghĩ: ‹không biết bao giờ ta mới thoát khỏi thân rồng này?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa môn Thích tử tu hạnh thanh tịnh, nay ta có thể đến đó xin xuất gia làm đạo, ngõ hầu thoát khỏi thân hình rồng nầy.›» Các tỳ-kheo [813a1] đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: «Loài súc sanh ở trong pháp của ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» 13.1. Bấy giờ, có một thiếu niên ngoại đạo cố ý giết mẹ. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: «Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?» Thiếu niên lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.» Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo thấy vậy, tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi: «Người là giới nào?» Thiếu niên trả lời: «Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết mẹ tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‹Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.› Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: «Kẻ giết mẹ ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» 13.2. Bấy giờ, có một ngoại đạo cố ý giết cha. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: «Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?» Thiếu niên lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.» Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi: «Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết cha tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‹Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.› Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: «Kẻ giết cha ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» 13.3. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, gặp chỗ có a-lan-nhã, cùng nhau bàn nói: «A-lan-nhã này tên như vậy. Nơi đây có A-la-hán bị giết.» Trong số đó có người nói: «Vị ấy thật là A-la-hán.» Có người hỏi: «Tại sao biết?» Đáp rằng: «Vì trong lúc bị giết, tâm không thay đổi.» Có người hỏi: «Tại sao thầy biết?» Vị ấy nói: «Tôi là một trong số người giết ấy.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Người giết A-la-hán ở trong pháp của ta không có lợi ích gì, nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.» 13.4. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, nếu có người phá hoại Tăng, thì nên thế nào?» Đức Phật dạy: «Hạng người như Đề-bà-đạt. Nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.» 13.5. Ưu-ba-ly lại hỏi: «Kẻ ác tâm làm thân Phật chảy máu thì nên thế nào? » Đức Phật dạy: «Hạng người như Đề-bà-đạt, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.» v. Các liên hệ già nạn 1. Bấy giờ có một tỳ-kheo biến đổi giống thành người nữ. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không được diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây của Hòa thượng, A-xà-lê chuyển sang cho ở bên chúng của tỳ-kheo-ni.» 2. Có một tỳ-kheo-ni biến thành hình nam tử. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không được diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây của Hòa thượng, A-xà-lê chuyển sang cho ở bên chúng của Tỳ-kheo.» 3. Có một tỳ-kheo biến thành nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Nên diệt tẫn. » Có một tỳ-kheo-ni biến làm nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nên tẫn xuất chăng?» Đức Phật dạy: «Nên tẫn xuất.» 4. Có tỳ-kheo bị giặc chặt đứt nam căn và luôn cả hai trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không nên diệt tẫn.» Có tỳ-kheo vì oan gia cắt nam căn và luôn cả hai cái trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không được diệt tẫn.» Có tỳ-kheo bị thú dữ cắn đứt nam căn và trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không được diệt tẫn.» Có tỳ-kheo vì nghiệp báo nhơn duyên nam căn tự rụng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Không được diệt tẫn.» Có tỳ-kheo tự cắt nam căn. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy: «Nên diệt tẫn.» 5. Có vị muốn thọ giới cụ túc, được dẫn ra ngoài giới. Các tỳ-kheo hỏi: «Ngươi là ai?» Người ấy không chịu xưng danh. Lại hỏi: «Hòa thượng của ngươi là ai?» Lại cũng không nói tên của Hòa thượng. Được hướng dẫn bảo cầu xin giới, cũng không chịu xin. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba hạng người không được thọ giới cụ túc: không tự xưng tên mình, không chịu xưng tên Hòa thượng, dạy xin giới không chịu xin. Ba hạng người như vậy không được thọ giới cụ túc.» 6. Có người khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi: «Ông là ai?» Vị ấy trả lời: «Tôi là sa-môn Thích tử.» Cư sĩ nói: «Sa môn Thích tử không phải như vậy.» Đức Phật dạy: «Không được khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc.» Lại có người khoác y của ngoại đạo thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi: «Ông là hạng người nào?» Vị ấy trả lời: «Tôi là sa-môn Thích tử.» Cư sĩ nói: «Sa-môn Thích tử không phải như vậy.» Đức Phật dạy: «Người khoác y phục ngoại đạo không được trao giới cụ túc.» Có người mang các đồ trang sức thân mình mà thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc rồi vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi: «Ông là hạng người nào?» Vị ấy trả lời: «Tôi là sa-môn Thích tử.» Cư sĩ nói: «Sa-môn Thích tử không phải như vậy.» Đức Phật dạy: «Người mang các đồ trang sức thân mình không được cho thọ giới cụ túc.» Có ba hạng người không được gọi là thọ giới cụ túc: mặc đồ thế tục, mặc đồ ngoại đạo, mang đồ trang sức thân mình. Ba hạng người này thọ giới cụ túc không thành. 7. Có vị trao giới cụ túc cho người ngủ. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người đang ngủ.» 8. Có vị trao giới cụ túc cho người say rượu. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi [814a1] không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người đang say rượu.» 9. Có vị trao giới cụ túc cho người cuồng. Khi hết cuồng, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người cuồng.» Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người ngủ, người say, người cuồng. Đó gọi là ba hạng người không được thọ (truyền) giới cụ túc. 10. Có vị trao giới cụ túc cho người lõa hình. Khi được y phục rồi, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người lõa hình.» Có vị trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế. Khi hết sân nhuế, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế.» Có vị trao giới cụ túc cho người bị ép thọ. Sau đó, người ấy bèn trốn chạy về nhà. Các tỳ-kheo nói: «Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.» Vị kia trả lời: «Tôi không thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: «Không được trao giới cụ túc cho người bị cưỡng ép.» Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người lõa hình, người đang sân nhuế, người bị cưỡng ép. Đó gọi là ba hạng người không được thọ giới cụ túc. Cũng như vậy, bị chặt tay, bị chặt chân, bị chặt cả tay chân; bị xẻo tai, bị xẻo mũi, bị xẻo tai mũi; bị cắt nam căn, bị thiến trứng, bị cắt nam căn và thiến trứng; bị chặt tay, bị chặt khủy tay, bị chặt ngón tay, thường bị ghẻ nhọt, hiện tướng chết, thân bị bướu, thân như thân người nữ, có danh tịch trốn thuế nhà quan, ung thư, thân cá giao, đầu nhọn, cánh tay bên tả hư hoại, cánh tay bên hữu hư hoại, răng cưa, thân trùng, đầu trùng, tóc trên đầu bị bệnh tê, ngón tay bị cong, sáu ngón, ngón tay không có đốt, chỉ có một trứng, không có trứng, bệnh đồi, bên trong cong bên ngoài cong, cả trong lẫn ngoài cong, bệnh thượng khí, bệnh bướu nhỏ, bệnh ói nước bọt, v.v... hoặc bị các khổ não, hoặc bệnh nam căn, hoặc mắt xanh, mắt vàng, mắt đỏ, mắt thối, hoặc có hồng nhãn, mắt có màng đỏ, mắt có màng xanh, mắt có màng vàng, mắt có màng trắng, mắt có thủy tinh, mắt quá sâu, hoặc mắt ba góc, mắt khỉ cái, mắt to bự, mắt lồi, hoặc một mắt, mắt liếc, mắt mờ, mắt nhọn, mắt tà, mắt sân nộ, mắt dòm ngó, hoặc mắt có ghẻ nhọt, hoặc bị lang lỗ, hoặc thân bị ghẻ tanh hôi, thân bị nhọt xâm dâm, hoặc câm, điếc hay điếc câm, hoặc ngón chân cuống lại, hoặc chân kiểng, chân cong, hoặc một tay, một chân, một tai, hoặc không tay, không chân, không tai, hoặc không tóc, không lông, không răng, hoặc tóc xanh, tóc vàng, tóc trắng, cao quá, thấp quá, gót chân phụ nữ, con trời, con a-tu-la, con kiền-thát-bà, hoặc đầu voi, đầu ngựa, đầu lạc đà, hoặc đầu bò, đầu lừa, đầu chó, đầu dê đen, đầu dê trắng, đầu nai, đầu rắn, đầu cá, đầu chim, hoặc hai đầu, ba đầu, nhiều đầu, tất cả xanh, tất cả vàng, tất cả đen, tất cả đỏ, tất cả trắng, tất cả giống như sắc con khỉ cái, hoặc bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm ấm, bệnh do cục trong bụng, hoặc yết hầu cong, hoặc thiếu mặt trăng, hoặc không có lưỡi, hoặc cắt lưỡi, hoặc không biết tốt xấu, hoặc trước thân lồi ra, hoặc phía sau lồi ra, hoặc cả trước lẫn sau đều lồi, hoặc bệnh trong, bệnh bên ngoài, hay trong ngoài đều bệnh, hoặc có bệnh nghiên, bệnh thường nằm không chuyển động, hoặc quá già, hoặc có bệnh càn tiêu, hoặc mất oai nghi đi đứng. Tất cả những trường hợp như trên, đưa đến sự xấu cho chúng Tăng. Những người như vậy không được độ thọ giới cụ túc. 11. Lúc bấy giờ, có người có thần túc, ở trên hư không thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.» Hòa thượng ở trên hư không cho người ở dưới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.» Dùng thần túc ở trên hư không, đủ túc số, thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Có người ẩn hình không xuất hiện mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Hòa thượng ẩn hình truyền[220] giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Túc số, tỳ-kheo ẩn hình truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Có người lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Hòa thượng lìa chỗ thấy nghe truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Đủ số người, mà lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc. » Có người ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Hòa thượng ở ngoài giới truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Đủ số người mà ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» Có vị không được trao giới sa-di mà trao giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Vị ấy đắc cụ túc giới, mà chúng Tăng mắc tội.» Đức Thế Tôn cũng dạy như vầy: «Tất cả những người làm xấu chúng Tăng, không được thọ giới cụ túc.» 4. Pháp thức truyền thọ cụ túc i. Giáo thọ giới tử Bấy giờ, có người muốn thọ giới. Vị kia dẫn đến chỗ ngoài giới, cởi y phục để khám. Người thọ giới hổ thẹn. Việc thọ giới bị đình lại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật, Phật dạy: «Không được lộ hình như vậy để khám rồi truyền thọ giới. Từ nay về sau, cho phép hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới trao giới cụ túc, bằng bạch tứ yết-ma. Nên hỏi như vầy: «Ngươi không phạm biên tội chăng? Ngươi không xúc phạm tỳ-kheo-ni chăng? Ngươi không phải là người vào đạo với tâm giặc chăng? Ngươi chẳng phải là người phá hoại nội và ngoại đạo chăng? Ngươi chẳng phải là huỳnh môn chăng? Ngươi chẳng phải là người giết cha, giết mẹ chăng? Ngươi chẳng phải là người giết A-la-hán chăng? Ngươi chẳng phải là người phá Tăng chăng? Ngươi chẳng phải là người với ác tâm làm cho thân Phật chảy máu chăng? Ngươi chẳng phải là phi nhơn chăng? Ngươi chẳng phải là súc sanh chăng? Ngươi chẳng phải là người có hai hình chăng?» Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép trước hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới cho thọ giới cụ túc. Nên tác pháp yết-ma như sau để thọ giới cụ túc. Bấy giờ bảo người muốn thọ giới đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Giới sư tác bạch yết-ma như sau: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Vị kia tên là..., theo tỳ-kheo hiệu..., cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo hiệu... làm giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.» Bấy giờ, thầy giáo thọ đến chỗ người kia, nói: «Đây là an-đà-hội, đây là uất-đà-la-tăng, đây là tăng-già-lê, đây là bát. Y bát này là của ngươi phải không?» Vị kia trả lời: «Vâng, là của con. » Thầy giáo thọ nói: «Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành. Tôi sẽ hỏi ông. Theo lời hỏi của tôi, ông cứ trả lời đúng như sự thật. Điều nào thật ông cứ nói thật. Điều nào không thật ông cứ nói không thật. Tên ông là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát của ông đầy đủ không? Cha mẹ ông có cho phép không? Ông không phải là người mắc nợ chăng? Ông không phải là đầy tớ chăng? Ông không phải là quan chức chăng? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông, có những chứng bệnh như hủi, ung thư,[815a1] hủi trắng, càn tiêu, điên cuồng. Hiện tại ông có các chứng bệnh đó không?» Nếu người thọ giới nói không, thì thầy giáo thọ nói: «Như tôi vừa hỏi ông, lát nữa giữa Tăng cũng sẽ được hỏi như vậy. Vừa rồi ông trả lời với tôi như thế nào thì giữa Tăng ông cũng trả lời như vậy.» Vị giáo thọ nói như vậy rồi, trở vào trong chúng, với oai nghi như thường lệ, đứng chỗ vừa tầm tay đối với chúng,[221] tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã hỏi xong, cho phép người ấy vào. Đây là lời tác bạch.» ii. Giới tử bạch Tăng Người thọ giới vào rồi, thầy giáo thọ cầm hộ y bát, bảo người ấy kính lễ dưới chân Tăng, rồi dạy, trước giới sư, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, hướng dẫn họ tác bạch để xin giới như sau: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Con tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Con tên là... nay đến trong chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Xin chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Bấy giờ vị giới sư nên tác pháp yết-ma như sau: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.» «Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành, lúc nói thật. Nay tôi sẽ hỏi ông. Ông nên theo sự thật mà trả lời. Ông tên là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Ba pháp y và bát có đủ không? Cha mẹ ông có cho phép ông không? Ông có mắc nợ ai không? Ông có phải là đầy tớ không? Ông có phải là người của nhà quan không? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông có những chứng bệnh hủi, ung thư, hủi trắng, càn khô, điên cuồng. Hiện tại ông có những chứng bệnh như vậy không? Nếu người ấy nói không, thì bạch tứ yết-ma như sau: iii. Bạch tứ yết-ma «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Người này tên là..., nay đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho người tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là..., theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... đến xin Tăng thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nay Tăng trao cho người tên là... nầy giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho người tên... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma thứ nhất.» Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận cho người tên là... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» v. Truyền pháp tứ khí và tứ y Bấy giờ, có tỳ-kheo thọ giới cụ túc rồi, Chúng Tăng đều về lại trú xứ. Vợ cũ của vị ấy ở cách chỗ thọ giới không xa, đến hỏi: «Vừa rồi ông làm gì?» Vị ấy trả lời: «Tôi thọ giới cụ túc.» Vợ cũ nói: «Bây giờ ông có thể làm chuyện như vậy, như vậy, gọi là lần cuối cùng không?» Người thọ giới cụ túc ấy liền làm việc bất tịnh như vậy như vậy rồi, sau đó mới về lại trú xứ. Các tỳ-kheo hỏi: «Thầy làm gì mà về sau?» Vị kia liền đem nhơn duyên trên trình bày đầy đủ lại với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nói: «Ngươi hãy diệt nhanh đi! Ngươi hãy biến mất nhanh đi! Ngươi đã làm việc như vậy, không được ở lại đây nữa.» Người kia nói: «Việc tôi làm đó là việc không nên làm sao?» Các tỳ-kheo nói: «Dĩ nhiên là điều không được làm.» Vị ấy nói: «Tại sao không nói trước với tôi, để tôi tránh không làm điều đó?» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: a. Tứ khí Từ nay về sau, tác pháp yết-ma rồi nên nói trước bốn pháp ba-la-di. «Thiện nam tử lắng nghe! Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác nói bốn pháp ba-la-di. Nếu tỳ-kheo nào phạm mỗi một trong bốn thì chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử. (1) «Tuyệt đối, ông không được phạm dâm, làm bất tịnh hạnh. Nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng loài súc sanh, thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Đức Thế Tôn nói thí dụ: Như người bị chặt đầu không thể sống trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, phạm pháp ba-la-di rồi, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Đây là điều mà trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được. (2) «Tuyệt đối, ông không được trộm cắp, cho đến một lá cây, cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo ăn trộm của người năm tiền trở lên, tự mình lấy, dạy người lấy, tự mình phá, dạy người phá, tự mình chặt, dạy người chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm cho hoại sắc. Vị ấy chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử. Thí như cây đa-la bị moi ruột, không thể sanh trưởng. Tỳ-kheo phạm ba-la-di cũng vậy, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được. (3) «Tuyệt đối, ông không được đoạn mạng sống của chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo cố ý tự tay mình đoạn mạng người, tìm dao trao cho người, dạy bảo cách chết, khen sự chết, khuyên cho chết, trao cho người phi dược, hoặc làm đọa thai, nguyền rủa cho chết, tự mình tạo phương tiện, dạy người tạo phương tiện, thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Thí như cây kim bị sứt đít không thể dùng được nữa. Tỳ-kheo cũng vậy, nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh nữa. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được. (4) «Tuyệt đối, ông không được nói dối, cho đến nói giỡn chơi. Nếu tỳ-kheo chẳng phải chơn thật, chẳng phải mình tự có mà tự nói: ‹Tôi được pháp thượng nhơn, được thiền, được giải thoát, được định, được bốn không định, được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến,› thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Thí như hòn đá lớn bị vỡ làm hai không thể hiệp lại được. Tỳ-kheo cũng vậy, phạm pháp ba-la-di, không thể trở thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được. b. Tứ y «Thiện nam tử lắng nghe! Đức Như Lai là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, nói pháp tứ y. Tỳ-kheo y nơi đây được xuất gia, thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. (1) «Tỳ-kheo y nơi y phấn tảo, nương nơi đây đặng xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được. «Nếu được của lợi do đàn-việt thí y, y cắt rọc hư hoại, thì được nhận. (2) «Tỳ-kheo y nơi khất thực. Tỳ-kheo nương vào đây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được. «Nếu được của lợi, hoặc Tăng sai đi thọ thực hay đàn-việt dâng thức ăn vào những ngày mồng tám, rằm, mồng một, hoặc thường thực của Tăng, đàn-việt mời, thì được nhận. (3) «Tỳ-kheo nương dưới bóng cây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được. «Nếu được của lợi hoặc phòng riêng, nhà nóc nhọn, phòng nhỏ, hang đá, hai phòng một cửa, thì được nhận. (4) [816a1]«Tỳ-kheo nương nơi thuốc hủ lạn này được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Đây là điều trọn đời không được phạm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được. «Nếu được của lợi như sữa, dầu, sanh tô, mật, thạch mật thì được thọ.» vi. Giáo giới và đắc giới «Ông nay đã thọ giới rồi. Bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu đúng quy cách. Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, chúng Tăng đúng số đầy đủ. Ông nên khéo thọ nhận giáo pháp, nên siêng năng giáo hóa, làm việc phước đức, tu bổ tháp, cúng dường Phật, Pháp, Chúng Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê. Những gì các Ngài dạy như pháp, không được chống trái. Nên hỏi về tụng kinh, siêng năng cần cầu phương tiện, để ở trong Phật pháp mà đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-đàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có như vậy mới khỏi uổng công ban đầu phát tâm xuất gia, quả báo của nó sẽ không cùng tận. Ngoài ra những gì chưa biết, nên thưa hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.» Từ nay về sau, nên bảo người thọ cụ túc nên đi trước rồi giải tán. 1. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chúng cử tội liền thôi tu. Sau đó đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia trở lại.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: «Nên hỏi người kia: ‹Ông có tự thấy tội hay không?› Nếu người ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội›, thì không được cho xuất gia. Nếu nói, ‹Tôi thấy tội›, thì cho xuất gia. Sau đó lại hỏi: ‹Ông có thấy tội hay không?› Nếu trả lời ‹Không thấy tội›, thì không được cho thọ giới cụ túc. Nếu nói ‹Thấy tội› thì nên cho thọ giới cụ túc. Cho thọ giới cụ túc rồi nên nói: ‹Ông có thuận sám hối không?› Nếu nói ‹Không thuận sám hối›, thì không được giải yết-ma. Nếu nói ‹Có thể thuận sám hối›, thì nên giải yết-ma. Giải yết-ma rồi bảo: ‹Ông hãy sám hối.› Nếu người ấy phải sám hối, thì tốt. Nếu không vậy, chúng Tăng hòa hợp thì lại trao cho pháp cử tội. Nếu chúng Tăng không hòa hợp thì cùng chung sống, không phạm. 2. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy. Trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa: «Bạch đức Thế Tôn! Người chưa đủ hai mươi tuổi mà thọ giới cụ túc, được gọi là người thọ giới cụ túc hay không?» Đức Phật dạy: «Được gọi là người thọ giới cụ túc.» Lại hỏi: «Người trao giới cụ túc như vậy có phải là người trao đúng hay không? Đức Phật dạy: «Là người trao đúng.» «Người yết-ma như vậy là người làm yết-ma đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là người làm yết-ma đúng.» Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc đúng. 3. Lại hỏi: «Tam ngữ thọ giới cụ túc, có phải là thọ giới cụ túc hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là thọ giới cụ túc.» «Người trao giới cụ túc là người trao đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là người trao đúng.» «Người làm yết-ma là người làm yết-ma đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là người làm yết-ma đúng.» Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc. 4. «Không hỏi mười ba nạn sự mà thọ giới cụ túc như vậy có gọi là thọ giới cụ túc chăng?» Đức Phật dạy: «Là thọ giới cụ túc.» «Người được thọ giới cụ túc như vậy là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là thọ giới cụ túc đúng.» Hỏi: «Người làm yết-ma như vậy được gọi là tác yết-ma đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là làm yết-ma đúng.» Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy không gọi là thọ giới cụ túc. 5. Bấy giờ Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Nếu Hòa thượng có một trong mười ba nạn sự, mà trao giới cụ túc cho đệ tử, như vậy có gọi là thọ cụ túc đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là thọ giới cụ túc đúng.» Lại hỏi: «Người được thọ giới cụ túc có gọi là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?» Phật dạy: «Là thọ đúng.» «Người làm yết-ma như vậy là làm yết-ma đúng hay chăng?» Đức Phật dạy: «Là làm yết-ma đúng.» Từ khi đã chế giới rồi, nếu trao giới cụ túc cho người như vậy, chúng Tăng có tội. 6. Bấy giờ, có người theo Hòa thượng không trì giới cầu thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi: «Ông có biết vị Hòa thượng ấy không trì giới hay không?» Vị ấy thưa: «Không biết.» Đức Phật dạy: «Như vậy được gọi là thọ giới cụ túc.» Lại có người theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó lại có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi: «Ông có biết Hòa thượng ấy không trì giới hay không?» Vị ấy trả lời: «biết.» Đức Phật bảo: «Ông có biết là không được theo người như vậy thọ giới cụ túc hay không?» Vị ấy trả lời: «không biết.» Đức Phật dạy: «Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.» Lại có vị theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi. Đức Phật hỏi: «Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?» Vị ấy trả lời: «biết.» Đức Phật bảo: «Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?» Vị ấy trả lời: «biết.» Đức Phật bảo: «Ông có biết, người như vậy theo thọ giới cụ túc thì không đắc giới cụ túc hay không?» Đáp rằng: «Không biết.» Đức Phật dạy: «Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.» Bấy giờ, lại có vị theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi. Phật hỏi: «Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?» Vị ấy trả lời: «biết.» Đức Phật dạy: «Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?» Vị ấy trả lời: «biết.» Phật hỏi: «Ông có biết, theo người như vậy thọ giới cụ túc thì không thành thọ giới cụ túc hay không?» Vị ấy trả lời: «biết.» Đức Phật dạy: «Không gọi là thọ giới cụ túc.» CHƯƠNG II. THUYẾT GIỚI[1] I. PHÁP THỨC THUYẾT GIỚI 1. Bố-tát [816c6] Phật ở tại thành La-duyệt. Bấy giờ trong thành, các Phạm chí ngoại đạo mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15.[2] Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Bấy giờ Vua Bình-sa ở trên lầu cao, từ xa nhìn thấy quần chúng đến tụ hội chỗ Phạm chí, bèn hỏi các quan tả hữu: «Hôm nay những người này họ muốn đi đâu mà đông thế?» Các quan tâu với Vua: «Đại Vương nên biết, trong thành này, các Phạm chí mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Vì vậy, mọi người đang đi đến chỗ các Phạm chí đang tập hội.» Vua Bình-sa nghe xong, liền xuống lầu, đi đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: «Hiện nay trong thành La-duyệt, các Phạm chí mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Lành thay! đức Thế Tôn dạy cho các tỳ-kheo mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày 8, 14 và 15, để mọi người các nơi tới lui, cùng giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Tôi và quần thần cũng sẽ đến tập hội.» Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vua Bình-sa biết đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo: «Hiện nay trong thành La-duyệt, các Phạm chí mỗi tháng [nữa] tập hợp ba ngày mồng 8, 14 và 15, mọi người ở khắp nơi tới lui đông đảo, giao hữu với nhau, cung cấp đồ ăn thức uống. Các ông cũng nên mỗi tháng [nữa] tập hội ba ngày mồng 8, 14 và 15, để mọi người ở các nơi tới lui cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa và quần thần cũng sẽ đến tập hội.» Các tỳ-kheo thưa: «Chúng con sẽ phụng hành như vậy.» Các tỳ-kheo phụng hành lời dạy của đức Thế Tôn rồi, mỗi [nữa] tháng tập hội ba lần, vào các ngày mồng 8, 14 [817a1] và 15. Mọi người các nơi tới lui, cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa cũng dẫn các quần thần đến tập hội. Các tỳ-kheo đến tập hội đều ngồi im lặng. Các trưởng giả thưa với các tỳ-kheo: «Chúng con muốn nghe nói pháp.» Các tỳ-kheo không dám nói. Đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép các ông nói pháp.» Đã được phép nói pháp rồi, các tỳ-kheo lại không biết nói pháp gì. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép nói khế kinh.» Các tỳ-kheo muốn phân biệt thuyết nghĩa.[3] Trong khi thuyết nghĩa, không nói đủ văn cú. Các vị đều sanh nghi. Đức Phật dạy: «Cho phép thuyết nghĩa, khỏi phải nói đủ văn cú[4].» 2. Thuyết pháp Có hai tỳ-kheo cùng một tòa cao[5] nói pháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có hai tỳ-kheo có chung một tòa cao để thuyết pháp, nên tranh cãi nhau. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Các vị ấy cùng trải toà cao gần nhau để thuyết nghĩa, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Các vị kia nhơn việc thuyết nghĩa mà bức bách nhau. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Bấy giờ, hai tỳ-kheo đồng thanh ngâm nga.[6] Phật dạy: «Không được như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết pháp với giọng ca vịnh. Đức Phật nói: «Cho phép.» Có một tỳ-kheo, ở cách đức Thế Tôn không xa, nói pháp bằng âm thanh ca vịnh quá du dương.[7] Đức Phật nghe, liền bảo tỳ-kheo này rằng: «Ngươi không được nói pháp với âm thanh như vậy. Ngươi nên nói pháp giống Như Lai, đừng như người phàm thế. Muốn nói pháp nên bình đẳng như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà nói pháp, đừng nói như người phàm tục. «Này các tỳ-kheo! Nếu nói pháp với giọng ca vịnh quá du dương, có năm điều lỗi: Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá thì tự mình sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá thì người nghe sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh kia. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá sẽ khiến cho người nghe ham muốn học tập theo. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá, thì các trưởng giả nghe sẽ cơ hiềm rằng: ‹Chúng ta học tập ca vịnh, tỳ-kheo nói pháp cũng như vậy.› Họ bèn sanh tâm khinh thường, không cung kính. Nếu tỳ-kheo thuyết pháp với giọng ca vịnh thái quá, thì các vị tư duy nơi tịch tịnh sẽ duyên nơi âm thanh, loạn thiền định. Đó gọi là năm điều lỗi lầm do nói pháp với giọng ca vịnh thái quá.» Bấy giờ có các tỳ-kheo muốn tập hội lại một chỗ vào ban đêm để nói pháp. Phật nói: «Cho phép.» Các tỳ-kheo không biết tập hội vào ngày nào. Đức Phật nói: «Cho phép ngày rằm, mười bốn, mười ba, mồng mười, mồng chín, mồng tám, mồng năm, mồng ba và mồng hai; hoặc mỗi mỗi ngày nói cũng được. Nếu người thuyết pháp ít, thì theo thứ tự thỉnh để nói.» Có vị không chịu nói. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Dù chỉ nói một bài kệ, cũng phải nói.» Một bài kệ là: Các điều ác chớ làm, Điều thiện phải phụng hành. Giữ tâm ý thanh tịnh, Là lời Chư Phật dạy. Nếu không chịu nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp muốn nói pháp, chỗ ngồi thấp,[8] sanh nghi. Đức Phật dạy: «Nếu ban đêm tập hợp nói pháp, chỗ ngồi cao hay thấp không ngại gì.» Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp, muốn ngồi thiền, Phật dạy: «Được phép ngồi.» Các tỳ-kheo ngủ gật. Phật dạy: «Tỳ-kheo ngồi gần phải đánh thức họ. Hoặc bằng tay; nếu tay với không đến thì cầm cây gài cửa, hay cán cây phất trần để đánh thức. Nếu như họ đồng ý thì có thể lấy guốc dép quăng đến họ. Nếu họ vẫn cứ ngủ, nên cầm cây thiền trượng để cảnh giác.» Có vị bị cảnh giác bằng thiền trượng; khi tỉnh, bèn phản đối. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nếu không thuận, mà còn phản đối, thì như pháp trị.» Có vị vẫn cứ ngủ, đức Phật nói: «Cho phép dùng nước rảy.» Ai bị rảy nước, mà phản đối không chịu, thì cũng nên như pháp trị. Nếu vẫn cố ngủ trở lại. Đức Phật bảo: «Nên dụi con mắt, hoặc dùng nước rửa mặt.» Có vị vẫn cứ ngủ. Đức Phật nói: «Nên tự véo tai hay mũi; hoặc chà sát nơi trán.» Nếu lại cứ ngủ thì nên vén kéo uất-đa-la tăng rồi lấy tay xoa chà mình; hoặc nên đứng dậy đi ra ngoài cửa xem ngắm bốn phương, ngửa mặt nhìn tinh tú; hoặc đến chỗ kinh hành, thủ nhiếp các căn, khiến tâm không tán loạn. 3. Ba-la-đề-mộc-xoa Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ nhàn tịnh, tư duy rằng: «Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa được nghe, không biết làm sao để học giới. Nay Ta nên cho phép các tỳ-kheo tập trung lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.» Đức Thế Tôn từ chỗ tịch tịnh ra, dùng nhơn duyên tập hợp các tỳ-kheo và bảo rằng: «Vừa rồi Như Lai từ chỗ yên tịnh tư duy, suy nghĩ rằng: ‹Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa được nghe, không biết làm sao để học giới.› Ta lại suy nghĩ tiếp: ‹Nay Ta nên cho phép các tỳ-kheo tập trung lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.› Vì vậy, các tỳ-kheo nên cùng nhau tập hợp lại một chỗ, thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa. Thuyết giới như vầy: «Các đại đức! Nay tôi muốn thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa. Các thầy lắng nghe, khéo tâm niệm kỹ. Nếu tự mình biết có phạm, nên tự mình sám hối.[9] Không phạm thì im lặng. Do sự im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời. Cũng vậy, tỳ-kheo nào ở trong chúng cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ có tội mà không sám hối, mắc tội cố ý vọng ngữ. Đức Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Nếu tỳ-kheo kia nhớ nghĩ có tội, muốn cầu thanh tịnh, nên sám hối. Sám hối sẽ được an lạc.» Ba-la-đề-mộc-xoa: là giới vậy. Đó là sự tự mình nhiếp trì oai nghi, trú xứ, hành vi; là gốc rễ, là mặt, là đầu, tập hợp các pháp lành, thành tựu tam-muội.[10] Tôi sẽ nói: nghĩa là, sẽ kết, sẽ phát khởi, diễn giải, tỏ bày, phân biệt lập đi lập lại. Thưa các đại đức, nay tôi sẽ thuyết giới, cùng tập hợp lại một chỗ:[11] nghĩa là, đồng yết-ma tập hợp lại một chỗ. Cần dữ dục, thì người nhận đem dục đến. Người hiện diện đáng quở trách thì không quở trách.[12] Cho nên nói nên tập hợp lại một chỗ. Lắng nghe, khéo tâm niệm kỹ: gom ý chuyên tâm nghe pháp, cho nên gọi là lắng nghe khéo tâm niệm. Có phạm: có trái phạm mà chưa sám hối. Không phạm: không trái phạm, hay phạm mà đã sám hối. Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời: nghĩa là, giống như từng tỳ-kheo cùng hỏi và trả lời nhau. Đức Phật nói, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo:[13] tức là chướng ngại sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; chướng ngại quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán. Sám hối thì an lạc: được những gì là an lạc? Là đạt được sơ thiền, cho đến tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; là đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán. Cho nên sám hối thì được an lạc. Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết giới với giọng ca vịnh. Đức Phật bảo: «Cho phép thuyết giới bằng giọng ca vịnh.» Các tỳ-kheo ngày nào cũng thuyết giới, nên mỏi mệt. Phật dạy: «Không được thuyết giới hằng ngày. Từ nay về sau, cho phép thuyết giới vào ngày Bố-tát.» 4. Lịch pháp Có trưởng giả hỏi Tỳ-kheo: «Hôm nay là ngày mấy?» Tỳ-kheo không biết nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy: [818a1]«Từ nay về sau nên đếm số ngày.» Đếm ngày mà phần nhiều quên. Phật dạy: «Nên ghi số đếm.»[14] Các tỳ-kheo dùng vật báu để ghi số đếm. Phật dạy: «Không được như vậy. Cho phép dùng xương, ngà, sừng, hoặc đồng, thiết, chì, kẽm, bạch lạp, đá, bùn viên lại để ghi.» Các tỳ-kheo lo ngại số đếm được ghi bị lạc mất. Phật dạy: «Cho phép làm cái lỗ, dùng dây xâu lại, treo chỗ đại thực, tiểu thực của Tăng, hoặc chỗ ban đêm tập hợp để thuyết giới; hoặc móc trên cây trụ, trên móc long nha.» Một hôm có các trưởng giả đến hỏi Tỳ-kheo: «Nay là hắc nguyệt hay là bạch nguyệt?»[15] Các tỳ-kheo không biết, nên ôm lòng hổ thẹn, đem việc này đến bạch đức Phật. Phật dạy: «Cho phép làm ba mươi con số đếm. Mười lăm con số thuộc hắc nguyệt, mười lăm con số thuộc bạch nguyệt.» Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng số đếm lẫn lộn. Con số ghi hắc nguyệt rơi qua bên số ghi bạch nguyệt. Con số ghi bạch nguyệt rơi qua số ghi hắc nguyệt. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, con số ghi hắc nguyệt nhuộm màu đen. Con số ghi bạch nguyệt nhuộm màu trắng.» Nếu lo ngại con số chạm nhau bị vỡ, Đức Phật dạy: «Cho phép khoảng chính giữa dùng vật cách ly.» Các tỳ-kheo muốn thuyết giới vào ngày thứ mười bốn hoặc ngày thứ mười lăm.[16] Đức Phật dạy: «Nếu Vua đổi ngày, thì theo ngày mà Vua định.[17]» Các tỳ-kheo không biết hôm nay thuyết giới hay sáng mai thuyết giới. Đến bạch Phật. Phật dạy: «Ngày bố-tát, vị Thượng tọa nên xướng rằng: ‹Hôm nay chúng tăng thuyết giới.›» Các tỳ-kheo không biết nói vào lúc nào. Đức Phật dạy: Cho phép đo bóng để định giờ. Rồi báo hiệu bằng gõ thẻ tre, hay đập xuống đất, hoặc đốt khói, hoặc thổi tù và, hoặc đánh trống, hoặc đánh kiền chùy, hay rao bảo nhau: «Thưa các Đại đức, giờ bố-tát thuyết giới đã đến.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, bèn ở trong vườn hay phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu tương thuận, thuyết giới riêng bộ.[18] Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quí, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, sao lại tự tiện ở trong vườn hoặc phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ?» Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-tân-nậu[19] ở tại trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch,[20] chỗ yên tịnh tư duy với ý niệm: «Nay ta có đến hay không đến dự thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.» Đức Thế Tôn, biết trong tâm trưởng lão Đại Ca-tân-nậu nghĩ như thế. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, thoạt nhiên biến mất khỏi núi Kỳ-xà-quật, Thế Tôn hiện đến trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch, trước mặt Đại Ca-tân-nậu, trải tòa ngồi. Đại Ca-tân-nậu kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết vẫn cố hỏi: «Vừa rồi nơi chỗ nhàn tịnh, ông tư duy với ý nghĩ: ‹Nay ta có đến hay không đến dự thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.› Có phải như vậy không?» Trưởng lão thưa: Vâng! Đức Phật dạy: «Như vậy, đúng như vậy Ca-tân-nậu! Như lời ông nói, Ông có đến hay không đến dự thuyết giới, ông vẫn thường thanh tịnh bậc nhất. Song, này Ca-tân-nậu! Pháp thuyết giới cần phải được cung kính, tôn trọng, thừa sự. Nếu ông không cung kính bố-tát, không tôn trọng thừa sự, thì ai cung kính, tôn trọng, thừa sự? Cho nên ông phải đến dự thuyết giới, không được không đi. Nhưng nên đi bộ, không nên dùng thần túc mà đi. Ta cũng sẽ đến.» Ca-tân-nậu mặc nhiên vâng lời Phật dạy. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này dạy bảo Ca-tân-nậu rồi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay ra, liền biến khỏi trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch, trở lại núi Kỳ-xà-quật, an tọa nơi chỗ ngồi. II. KẾT GIỚI 1. Giới trường Bấy giờ, có các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật thuật lại đầy đủ sự việc trên và bảo các tỳ-kheo: «Ta cho phép các tỳ-kheo tại một trú xứ hòa hợp thuyết giới. ‹Tại sao các ông cùng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ? Nếu cùng một trú xứ mà không hòa hợp thuyết giới, mắc tội đột-kết-la.› Từ nay về sau cho phép tập hợp lại một chỗ để thuyết giới.» Các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn cho phép thuyết giới một chỗ, nên cùng đợi nhau. Hoặc cùng đợi nhau tại núi Hắc thạch, Tiên nhân trú xứ. Hoặc đợi nhau tại hang Thất diệp trong núi Tỳ-ha-lặc. Hoặc cùng đợi nơi gò mả. Hoặc cùng đợi nhau bên suối nước; đợi nhau tại khu Ca-lan-đà trong Trúc viên; đợi nhau tại núi Kỳ-xà-quật; hoặc cùng đợi nơi có nhà lớn, nhà ăn, nhà kinh hành, dưới bóng cây, nơi bãi cỏ. Khiến mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, tùy theo người ở nhiều hay ít tại một trú xứ, cùng tập trung lại một chỗ để thuyết giới.» Các tỳ-kheo không biết nên thuyết giới chỗ nào. Đức Phật dạy: Cho phép làm thuyết giới đường, bằng pháp bạch nhị yết-ma để làm. Tác bạch như vầy: nên xưng tên của địa điểm, như đại đường, trên nhà gác, nhà kinh hành, bên mé sông, dưới bóng cây, bên hòn đá, hoặc chỗ bãi cỏ.v.v... Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, làm thuyết giới đường tại địa điểm... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng dùng địa điểm tại... làm thuyết giới đường. Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng dùng địa điểm tại... làm thuyết giới đường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận dùng địa điểm... làm thuyết giới đường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, trước đó đã lập thuyết giới đường trong núi Kỳ-xà-quật. Sau đó lại muốn lập thuyết giới đường tại Ca-lan-đà Trúc viên. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép giải thuyết giới đường trước, bằng bạch nhị yết-ma để giải. Sau đó kết lại thuyết giới đường. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải thuyết giới đường tại địa điểm... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay giải thuyết giới đường tại địa điểm... Trưởng lão nào chấp thuận Tăng giải thuyết giới đường tại địa điểm... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận giải thuyết giới đường tại địa điểm... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, có trú xứ làm hai thuyết giới đường. Hai vị doanh sự cùng cạnh tranh nhau. Hai người đều nói chúng Tăng nên đến nơi thuyết giới đường của tôi trước. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép hai vị thay nhau, bắt đầu từ vị Thượng tọa.»[21] Có trú xứ, đến ngày bố-tát, chúng tập hợp để thuyết giới đông mà nhà thuyết lại nhỏ, không đủ để chứa. Các tỳ-kheo nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn đã chế giới, nếu không kết thuyết giới đường, không được thuyết giới. Nay nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: «Tăng được tự tại. Kết hay không kết, đều được thuyết giới.»[22] Có vị tỳ-kheo thượng tọa đến nơi thuyết giới đường trước; lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la, nên quá mỏi mệt. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau tỳ-kheo nhỏ tuổi nên làm các việc ấy.» Đến ngày bố-tát [819a1] tỳ-kheo nhỏ tuổi nên đến thuyết giới đường lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì thượng tọa nên dạy. Nếu thượng tọa không dạy thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không nghe theo lời thượng tọa dạy cũng phạm đột-kết-la. Có khi thượng tọa thuyết giới rồi, phải ở lại sau, tự mình dọn dẹp sàng tòa, bình tịnh thủy, bình rửa chân, tắt đèn lửa, xá-la, v.v... để mọi thứ lại chỗ cũ, nên quá mệt mỏi. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, thuyết giới rồi, tỳ-kheo nhỏ tuổi phải dọn dẹp bình tịnh thủy, bình rửa chân, đèn lửa, xá-la, để lại chỗ cũ. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì thượng tọa nên dạy. Thượng tọa không dạy phạm đột-kết-la.» Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, nhóm sáu tỳ-kheo làm các việc như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. [23] Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn dạy: «Đây là việc làm của vị thượng tọa.» Có một trú xứ, Si Hòa-tiên là hàng Thượng tọa, nhưng không có khả năng làm các việc trong ngày thuyết giới như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: Cho phép thỉnh vị có khả năng để tác pháp thay thượng tọa. Nếu thượng tọa không thỉnh người có khả năng, thì phạm đột-kết-la. Nếu vị có khả năng mà không nhận lời thỉnh của thượng tọa cũng phạm đột-kết-la. Bấy giờ, các bạch y hỏi tỳ-kheo, khi thuyết giới có bao nhiêu vị. Các tỳ-kheo không biết số lượng nên hổ thẹn. Đến bạch đức Phật. Phật dạy: «Cho phép đếm số tỳ-kheo.» Tuy đếm rồi vẫn quên. Đức Phật dạy: «Nên đếm xá-la.»[24] Có vị dùng vật báu làm xá-la. Phật dạy: Không được dùng vật báu làm xá-la mà nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm. Sợ lạc mất. Phật dạy: «Nên dùng dây buộc lại.» Tuy buộc, vẫn còn thất lạc. Phật dạy: «Nên làm cái hộp để đựng.» Vị ấy lại dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.» Nếu đựng trong hộp bị đổ ra, Phật dạy: «Nên làm cái nắp để đậy lại.» Vị ấy lại dùng vật báu để làm cái nắp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.» Các vị không biết để cái hộp ấy vào chỗ nào. Phật dạy: «Nên để dưới giường dây hoặc giường cây, trên cây trụ, hoặc trên cây long nha, trên móc áo.» 2. Đại giới cọng trú Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo đến thành La-duyệt thuyết giới. Các nơi xa nghe, nhưng phải đến tập hợp để thuyết giới nên mỏi mệt. Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Từ nay về sau, thuyết giới tùy theo từng trú xứ, trong phạm vi hoặc thôn hoặc ấp. Cho phép kết giới bằng pháp bạch nhị yết-ma, như sau: Xướng tiêu tướng cương giới của mỗi phương: hoặc khoảng không, hoặc cây, hoặc núi, hoặc hang đá, hoặc hang núi cao, hoặc đất trống, hoặc đụn cỏ, hoặc gần bên vườn, hoặc gò mả, hoặc mé nước, hoặc đống đá, hoặc nơi chòm cây, bên đống gai, nơi vực sâu, bên ngòi kênh, hoặc nơi đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... làm tiêu tướng. Một vị xướng tướng bốn phương rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nơi đây kết giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nay Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Chúng Tăng đã chấp thuận kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Đức Phật dạy tiếp: Từ nay về sau cho phép kết giới theo pháp thức như vầy: Nên trải tòa, đánh kiền chùy, tất cả đều tập trung lại một chỗ, không cho phép nhận dục. Trong chúng vị nào là tỳ-kheo cựu trú nên xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới: phương đông có núi thì lấy núi làm tiêu tướng; hoặc thôn, hoặc thành, hoặc bờ, hoặc ruộng, hoặc vườn, hoặc rừng, hoặc ao, hoặc cây, hoặc đá, hoặc tường, hoặc miễu thần, hoặc nhà... Như tiêu tướng của phương đông, các phương kia cũng vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng dựa vào nội tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Chúng Tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ có trường hợp các tỳ-kheo chỉ cần chúng bốn người để tác yết-ma; hoặc chúng tỳ-kheo năm người, chúng tỳ-kheo mười người, chúng tỳ-kheo hai mươi người, để tác yết-ma. Trong khi đó, tập hợp cả đại chúng rất mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép kết giới trường, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy: Xướng giới tướng bốn phương: hoặc đóng nọc để làm tiêu tướng, hoặc đá, hoặc bờ ruộng... qui định ngang với mức nào đó. Rồi trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Chúng tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ. Các tỳ-kheo có ý muốn mở rộng giới, hoặc thu hẹp giới lại. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, nếu muốn thay đổi tiêu tướng của giới thì trước hết phải giải cương giới của giới cũ, sau đó mới nới rộng ra hay thu hẹp lại tùy ý. Giải cũng bằng pháp bạch nhị yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạnh như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nay giải giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Chúng tăng đã chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 3. Thất y giới Bấy giờ, có một tỳ-kheo yểm ly, thấy nơi a-lan-nhã có một cái hang lý tưởng, tự nghĩ rằng: «Nếu ta được lìa y để ngủ đêm,[25] thì ta sẽ ở hang này.» Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, nên kết giới không mất y, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết [820a1] giới không mất y. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, nay Tăng kết giới không mất y. Các trưởng lão nào chấp thuận, nơi đây đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, Tăng kết giới không mất y, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận, nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo thay y để nhà cư sĩ. Trong khi thay y, loã hình. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết giới không mất y trừ thôn và ranh giới ngoài của thôn, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ đồng một thuyết giới. Nay Tăng kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng ở trú xứ này đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới này, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo kết hai giới tiếp nhau. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Cần phải có tiêu tướng.» Hai cương giới chồng lên nhau. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Cần phải có khoảng trống giữa hai giới.» Có các tỳ-kheo nọ giải đại giới trước rồi giải giới không mất y. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Trước phải giải giới không mất y, rồi mới giải đại giới.» Trường hợp kết giới không mất y cách dòng nước chảy mạnh, khi tỳ-kheo đến lấy y, bị nước cuốn trôi. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, không được kết giới không mất y cách bởi dòng nước chảy mạnh, trừ có cầu đi qua lại.» 4. Đại giới liên kết Trường hợp hai trú xứ lợi dưỡng riêng, thuyết giới riêng. Các tỳ-kheo muốn kết chung lại thành đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép giải giới; rồi sau đó mới kết, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Hai trú xứ đều tự giải giới, rồi tập trung hết lại một chỗ; không được nhận dục. Nên xướng tướng của cương giới bốn phương hoặc chỗ a-lan-nhã, nơi gốc cây, chỗ đất trống, hoặc núi, hoặc hang, hoặc hang núi, cỏ, vườn, rừng, gò, mả, bên sông, hoặc đá, gốc cây chặt trụi, hoặc chòm gai, hoặc hào, kênh, ao, đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... xướng cương giới ngang bằng chỗ nào rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên nên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nay Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Trường hợp có hai trú xứ thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Ý các tỳ-kheo muốn kết thành đồng một thuyết giới nhưng lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép giải giới, sau đó kết lại bằng bạch nhị yết-ma. Hai bên đều tự giải rồi, tập trung lại một chỗ, không được nhận dục. Nên xướng tướng ở cương giới hoặc a-lan-nhã, hoặc chỗ trống không... cho đến cương giới của thôn như trước. Xưng tên của hai trú xứ. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi đây kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nay Tăng nơi trú xứ này kết đồng một thuyết giới, nhưng lợi dưỡng riêng. Các trưởng lão nào đồng ý, trong phạm vi cương giới bốn phương, Tăng kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý trong cương giới bốn phương nầy kết đồng một thuyết giới nhưng riêng lợi dưỡng rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Trường hợp có hai trú xứ thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Các tỳ-kheo muốn thuyết giới riêng nhưng đồng một lợi dưỡng, lý do là để giữ gìn trú xứ. Đức Phật dạy: Cho phép tập Tăng giải giới, rồi bạch nhị yết-ma kết. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì để giữ gìn trú xứ vậy. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng nơi hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì muốn giữ gìn trú xứ. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý đối với hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Trường hợp có hai trú xứ đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Các tỳ-kheo muốn được thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy: Từ nay về sau cho phép tập trung một chỗ để giải giới, rồi tùy theo trú xứ kia, mỗi bên đều tự kết giới. Bấy giờ có hai trú xứ cách xa nhau, đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Trú xứ kia nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều đem đến trú xứ này, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Trú xứ này nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều mang đến trú xứ kia, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Không được hai trú xứ cách xa nhau mà đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Từ nay về sau cho phép nói lời như vầy: nếu trú xứ này đặng một ít đồ ăn thức uống cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ này. Trú xứ kia được một ít đồ cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ kia mà thôi. 5. Tiểu giới Bấy giờ gặp ngày bố-tát, có số đông tỳ-kheo, trên đường kinh qua khoảng trống, không thôn xóm, tâm tự nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn chế giới, phải tập hợp lại một chỗ hòa hợp để thuyết giới. Chúng ta nên làm sao đây?» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: «Các tỳ-kheo lắng nghe! Nếu ngày bố-tát mà đang đi nơi khoảng trống, không có thôn xóm, chúng Tăng nên hòa hợp, tập trung lại một chỗ để cùng nhau thuyết giới. Nếu Tăng hòa hợp không được thì tùy theo đồng Hòa thượng, đồng yết-ma, thiện hữu tri thức, cùng nhau dừng bên đường, tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới để thuyết giới, bằng pháp bạch nhị yết-ma, như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay chừng này tỳ-kheo gồm... vị tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay có chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới. Các trưởng lão nào chấp thuận nay chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận, chừng này tỳ-kheo[821a1] tập hợp kết tiểu giới rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo kết giới rồi, nhưng không giải giới mà bỏ đi, mọi người cơ hiềm; đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Không được không giải giới mà bỏ đi. Nên bạch nhị yết-ma để giải như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải tiểu giới nơi đây. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp để giải tiểu giới này. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải tiểu giới nơi đây thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý giải tiểu giới này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, trời mưa nước sông lớn. Các tỳ-kheo lại kết giới cách một con sông mà đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Ngày mười lăm, muốn qua bên kia sông thuyết giới mà không thể lội qua được, nên không thành tựu được việc thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật dạy: Không được cách hai bên dòng sông mà kết đồng một thuyết giới, trừ có thuyền, cầu qua lại. Trường hợp có hai trú xứ cách xa nhau, kết đồng một thuyết giới. Đến ngày mười lăm, các tỳ-kheo muốn đến tụ hợp để thuyết giới mà nội trong ngày không đến kịp nên không thành tựu việc kết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Không được hai trú xứ cách xa nhau mà kết chung một thuyết giới. Nếu trú xứ cách dòng sông quá xa mà đồng một trú xứ đồng một thuyết giới thì các tỳ-kheo ngày mười lăm thuyết giới, ngày mười bốn phải đến trước; ngày mười bốn thuyết giới, ngày mười ba phải đến trước. Không được nhận dục. III. TẬP TĂNG 1. Bạch Tăng 1. Trường hợp có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có một tỳ-kheo vào phòng đóng cửa ngủ. Các tỳ-kheo thuyết giới rồi, vừa đứng dậy để giải tán, vị tỳ-kheo ngủ kia nghe tiếng khua động thức dậy hỏi các tỳ-kheo: «Các Đại đức! muốn đi đâu, không thuyết giới sao?» Các tỳ-kheo trả lời: «Chúng tôi đã thuyết giới rồi. Vậy nãy giờ thầy đi đâu?» Vị kia nói: «Sáng giờ tôi ở nhà đóng cửa phòng ngủ chứ đi đâu.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Ngày thuyết giới, không được đóng cửa phòng mà ngủ. Từ nay về sau, cho phép vị ngồi gần kiểm tra để biết người nào đến, người nào không đến. Từ nay cho phép bạch trước, sau đó mới thuyết giới. Văn bạch như vầy: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay là ngày mười lăm, chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.[26]
Chú thích: [217] Huỳnh môn 黃門. Pali, Vin.i. 85 paṇḍaka, người bị thiến. [218] Năm huỳnh môn: sanh huỳnh môn 生, kiền huỳnh môn 犍, đố huỳnh môn 妒, biến huỳnh môn 變, bán nguyệt huỳnh môn 半月. Pali, Sớ giải, v.1016: āsitta-paṇḍako usūyapaṇḍako opakkamika-paṇḍako pakkhâpṇḍako nupuṃsapaṇḍako ti pañca paṇḍakā. [219] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pali, Vin. i. aññataro nāgo, một con rắn (thần) nọ. Các từ «long» trong Hán dịch, thường chỉ loại rắn thần của Ấn độ. [220] Trong bản, chép nhầm chữ thọ 受 là nhận [221] Khoảng cách giữa giáo thọ với các tỳ-kheo khác trong giới trường [1] Trong bản Hán, Chương VI của phần II. [2] Tính theo tháng 15 ngày. Nếu tính theo tháng 30 ngày, thì mỗi tháng có sáu lần hội, vào các này: 8, 14, 15, 23, 29, 30. [3] Thuyết nghĩa 說義, một loại thể tài văn học, Skt. upadeśa (ưu-ba-đề-xá), cũng dịch là luận nghị, giảng giải ý nghĩa kinh mà Phật đã nói tóm tắt. [4] Không cần phải dẫn chánh văn. [5] Pháp chúng học, điều 89: Tỳ-kheo không được thuyết pháp cho người ngồi chỗ cao hơn mình. [6] Hiệp bối 合唄. Bối, hay phạn bối, phiên âm từ Skt. bhāṇaka. Cũng âm là bối nặc. Chỉ sự tụng đọc kinh điển (tiếng Phạn) với giọng ngâm vịnh. [7] Nguyên Hán: quá sai 過差. [8] Xem cht. 5 trên. [9] Sám hối 懺悔; tức phát lồ, hay thuyết tội. Vin.i. 103: So āvikareyya, giải thích: «phát lồ là, ở giữa Tăng, hoặc trước nhiều người, hoặc trước một người, mà cáo bạch, thuyết minh, giải bày, nêu rõ (điều đã vi phạm).» [10] Định nghĩa từ Ba-la-đề-mộc-xoa. Xem Pali, Vin. i. 103: pātimokkhan’ti ādimetam mukhametam pamukhametam kusalānam dhammānam. «Ba-la-đề-mộc-xoa, đây là khởi điểm (căn bản), là mặt, là đầu của hết thảy pháp thiện.» Xem Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.122a15): «Nói là ba-la-đề-mộc-xoa, vì do giới này mà phòng hộ các căn, tăng trưởng thiện pháp. Đối với các thiện pháp, đây là cánh cửa đầu tiên vậy.» [11] Giải thích các câu trong phần mở đầu thuyết giới nêu trên. Nhưng bản Hán thường không nhắc lại đúng nguyên văn như đã nêu. [12] Nếu có tỳ-kheo phạm giới, đã phát lồ, cần tác yết-ma ha trách (cảnh cáo) thì hoãn lại để sau khi thuyết giới sẽ tác pháp riêng. Xem các đoạn sau, mục iii.4 «Sám hối». [13] Chướng đạo pháp 障道法. Pali: antarayiko dhammo, pháp gây trở ngại. [14] Tức làm lịch. [15] Hắc nguyệt 黑月, bạch nguỵêt 白月. Một tháng chia làm hai phần: 15 ngày trăng tối (hắc nguyệt) và 15 ngày trăng sáng (bạch nguyệt). [16] Tức nghi ngờ về tháng thiếu hay tháng đủ. [17] Nghĩa là, tháng thiếu hay đủ, y theo lịch riêng của mỗi nước. [18] Biệt bộ thuyết giới 別部說戒, thuyết giới theo nhóm, không theo toàn thể Tăng trong trú xứ. [19] Đại Ca-tân-nậu 大迦賓[少/兔], cũng phiên âm là Ma-ha Kiếp-tân-na. Pali, Mahāvagga ii, Vin. i. 105, Mahā-Kappinna. [20] Tiên nhân trú xứ Hắc thạch sơn 仙人住處黑石山. Pali: tại Maddakucchi, trong vườn Nai. [21] Pali, Vin. i. 107: Phật quy định: trong một trú xứ không được có hai thuyết giới đường (uposathāgāra). Ai làm thế, phạm đột-kiết-la. [22] Pali, Vin.i. 108: nếu ngồi trên mặt đất mà nghe giới được, kết hay không kết, đều được thuyết giới. Sớ giải: ngồi trong phạm vi duỗi tay chạm nhau (hatthapāse nisinno). [23] Mahāvagga ii. Vin.i. 113ff, phận sự Thượng tọa trong ngày thuyết giới: thuyết pháp, vấn đáp luật giữa Tăng, và thuyết giới. [24] Xá-la 舍羅, thẻ hay thăm, hay phiếu. Pali (Vin.i. 117): salāka. [25] Xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 2. [26] Hết quyển 35. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 2. Lúc bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có tỳ-kheo ở một mình tại một trú xứ, tự nghĩ rằng: «Đức Phật chế pháp, nên hòa hợp tập trung lại một chỗ để thuyết giới. Nay ta nên thế nào đây?» Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Các ông nên lắng nghe kỹ: Nếu đến ngày thuyết giới, tỳ-kheo ở một mình, tỳ-kheo ấy nên đến nơi thuyết giới đường, lau quét sạch sẽ, trải tọa cụ, múc bình nước súc miệng và rửa chân, thắp đèn, sắp xá-la. Nếu có khách tỳ-kheo đến, bốn vị hay hơn bốn vị thì tác bạch rồi mới thuyết giới. Nếu có ba vị thì mỗi vị hướng vào nhau nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo... thanh tịnh.›[27] Nói như vậy ba lần. Nếu có hai vị cũng hướng vào nhau nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tên là... thanh tịnh.› Nói như vậy ba lần. Nếu có một vị thì nên tâm nghĩ miệng nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm chúng Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo tên là... thanh tịnh.› Nói như vậy ba lần. Nếu ba người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ tư, và bạch thuyết giới. Hai người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ ba, mà mỗi người nên nói ba lời. Một người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ hai, nên tâm niệm nói ba lần. 3. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Ngài dạy: Không được phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng. Không được dùng pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới. Thuyết giới có bốn cách: Bấy giờ, các tỳ-kheo phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng, như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới. Nếu tỳ-kheo kia phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới thì vị kia không thành thuyết giới. Nếu phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, thì không thành thuyết giới. Chỉ có như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới, gọi là thuyết giới. Nên thuyết giới như vậy, đó là pháp của Ta. 2. Dữ dục 1. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, Tăng tập hợp vì có Tăng sự. Đức Thế Tôn bảo: «Nay có việc của Tăng, các tỳ-kheo tĩnh lặng.[28]» Có tỳ-kheo đến bạch Phật: «Bạch Đại đức! Có tỳ-kheo bệnh không đến được.» Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép dữ dục.[29] Người nhận dục nên đem dục đến.» Vị kia nên gởi dục như vầy: Nên nói, ‹Tôi gởi dục nơi Đại đức›, hay nói, ‹Tôi thuyết dục›, hay nói, ‹Nhớ thuyết dục dùm tôi›, hoặc ra dấu để dữ dục; tất cả đều thành dữ dục. Hoặc nói đầy đủ để dữ dục thì thành dữ dục. Nếu không hiện thân tướng, miệng không thuyết dục thì không thành dữ dục, cần phải dữ dục trở lại. Nếu tỳ-kheo nhận dục đến chỗ tỳ-kheo bệnh để nhận dục; nhận dục rồi qua đời, hoặc đi chỗ khác, hoặc thôi tu, hoặc vào trong ngoại đạo, hoặc vào nơi bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc minh tướng xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; tất cả không thành dữ dục, phải gởi dục cho người khác. Trường hợp đến giữa đường hay đến trong Tăng cũng như vậy. Nếu người nhận dục ngủ, hoặc nhập định hay quên; không cố ý làm như vậy thì thành dữ dục. Nếu cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu bệnh nhân có thể làm được như vậy thì tốt, bằng không thì dìu tỳ-kheo bệnh đến, hay để trên giường cây, giường dây khiêng đến trong Tăng. Nếu sợ khua động tỳ-kheo bệnh ảnh hưởng đến căn bệnh có thể bị chết, thì tất cả chúng Tăng nên đến xung quanh chỗ tỳ-kheo bệnh để tác yết-ma. Nếu số tỳ-kheo bệnh đông mà tập trung được lại một chỗ thì tốt, bằng không thì các tỳ-kheo phải ra ngoài giới tác yết-ma. Không có cách nào được phép biệt chúng tác yết-ma. 2. Bấy giờ, [822a1] đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ để thuyết giới, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Đã đến giờ thuyết giới các ông nên tĩnh lặng.» Bấy giờ có tỳ-kheo nọ bạch đức Thế Tôn rằng: «Hiện có tỳ-kheo bệnh không đến được.» Đức Phật dạy: Từ nay về sau cho phép gởi sự thanh tịnh,[30] cho phép tỳ-kheo đến nhận sự thanh tịnh. Tỳ-kheo kia nên gởi như sau: Nói «Tôi thanh tịnh» tức thành gởi sự thanh tịnh, cho đến, nói đầy đủ để gởi sự thanh tịnh như pháp dữ dục trên, thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu thân không hiện tướng, miệng không nói lên sự thanh tịnh thì không thành gởi sự thanh tịnh. Cũng như pháp gởi dục trên kia, pháp gởi sự thanh tịnh cũng vậy. Nếu người nhận thanh tịnh đến chỗ tỳ-kheo bệnh nhận sự thanh tịnh; khi nhận sự thanh tịnh rồi thì mạng chung hay đi nơi khác, hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc tướng bình minh xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát cha mẹ, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; thảy đều không thành gởi sự thanh tịnh, cần gởi cho người khác. Trường hợp đến giữa đường hoặc đến trong chúng cũng như vậy. Người nhận sự thanh tịnh hoặc ngủ, hoặc nhập định hoặc quên, mà không cố ý làm như vậy thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu vị ấy cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳ-kheo bệnh có thể làm như vậy được càng hay, bằng không thể làm được thì nên dìu người bệnh đến hay để trên giường dây, giường cây khiêng đến trong Tăng. Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ rằng: Nếu khiêng tỳ-kheo bệnh đến sợ bệnh tình tăng thêm, hoặc đưa đến mạng chung, chúng Tăng nên đến đó tác yết-ma thuyết giới. Nếu có số đông tỳ-kheo bệnh thì tập hợp lại một chỗ được thì càng hay, nếu không thì các tỳ-kheo nên ra ngoài giới để tác yết-ma thuyết giới. Nếu không ra ngoài giới thì không được biệt chúng tác yết-ma thuyết giới, không có cách nào cho phép biệt chúng yết-ma thuyết giới. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo gởi dục mà không gởi thanh tịnh, trong Tăng có sự việc khởi lên, không thuyết giới được. Bấy giờ, tỳ-kheo mang dục đến nói: «Tôi đem dục đến chứ không đem được sự thanh tịnh.» Việc yết-ma thuyết giới được đình lại, khiến các tỳ-kheo mỏi mệt, nên đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, khi gởi dục nên gởi thanh tịnh. Nên nói như sau: «Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy.» Nhóm sáu tỳ-kheo dựa theo sự việc, nói: «Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy theo sự việc này.» Trong tăng có nhiều việc khác khởi lên, bấy giờ tỳ-kheo đem dục đến nói: «Tôi đem dục và thanh tịnh cho sự việc này chứ không đem dục và thanh tịnh cho việc khác.» Do vậy, công việc bị đình lại. Các tỳ-kheo đều bị mỏi mệt, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được theo từng sự việc mà gởi dục và thanh tịnh. Cho phép gởi dục và thanh tịnh cho Tăng sự như pháp.» Trường hợp tỳ-kheo nhận dục thanh tịnh hoặc qua đời, hoặc thôi tu, hoặc vào trong chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc dấu hiệu bình minh xuất hiện. Các tỳ-kheo nghĩ, «Gởi dục và thanh tịnh như vậy bị mất hay không?» Đức Phật dạy: «Bị mất.» Trường hợp tỳ-kheo nhận dục và thanh tịnh trên đường đi bị cách trở,[31] hay nạn giặc, nạn thú dữ, hoặc nước lụt, không thể đến nơi được, bèn từ ngoài cương giới[32] mà đến trong Tăng-già-lam gởi dục thanh tịnh. Các tỳ-kheo nghĩ, có bị mất dục và thanh tịnh chăng ? Đức Phật dạy: «Không mất.» Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo gởi dục và thanh tịnh gặp mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc trong giới mà không đến được trong Tăng, cho phép từ ngoài cương giới mà đến trong Tăng gởi dục và thanh tịnh, như vậy không bị mất dục. Gởi dục thanh tịnh như vậy là đúng lời Ta dạy. Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận dữ dục thanh tịnh một người rồi, nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ hai. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Vị kia nhận dục thanh tịnh hai người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ ba. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Vị kia nhận dục thanh tịnh ba người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ tư. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Đức Phật dạy tiếp: «Nếu có thể nhớ tên bao nhiêu thì tùy theo đó nhận nhiều hay ít. Nếu không thể nhớ tên thì nói họ, không thể nhớ họ thì nói tướng mạo. Không nhớ tướng mạo thì nói số đông tỳ-kheo như pháp Tăng sự dữ dục thanh tịnh.» 3. Thuyết giới 4. Bấy giờ, có một nơi, đến ngày thuyết giới, đại chúng tập hợp thuyết giới, nhưng âm thanh nhỏ, đại chúng không nghe được. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép đứng giữa chúng để thuyết giới. Nếu đứng nói mà vẫn không nghe thì nên lập tòa rất cao giữa chúng để ngồi nói. Nếu vẫn không nghe thì nên làm toà cao chuyển luân[33] đứng ngang tầm tay với, từ nơi đó thuyết giới. «Khi tụng bị quên hay lộn thì tỳ-kheo ngồi gần nên nhắc. Nếu vẫn quên thì vị tỳ-kheo thứ hai nên thay thế để nói. Nên nói tiếp theo chứ không được nói trở lại.» 5. Trường hợp có việc xảy ra cho tỳ-kheo đem dục thanh tịnh, như việc Tăng, việc Phật, việc Pháp, việc tỳ-kheo bệnh. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép chuyển trao dục thanh tịnh cho các tỳ-kheo khác. Nên nói như sau: ‹Tôi nhận dục thanh tịnh cho số đông tỳ-kheo. Vị kia và bản thân tôi, Tăng sự như pháp, gởi dục thanh tịnh.› 6. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói đến tên Hòa thượng, A-xà-lê. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được gọi tên Hòa thượng, A-xà-lê.» Các tỳ-kheo hỏi với nhau, Hòa thượng, A-xà-lê của thầy tên là gì? Vị kia không dám trả lời. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có người hỏi thì cho phép xưng tên của Hòa thượng, A-xà-lê.» Trường hợp tỳ-kheo hành ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, a-phù-ha-na, hoặc khi yết-ma lập chế, hoặc khi thọ giới, hoặc khi sai người, hoặc khi giải (yết-ma) thì nên xưng tên Hòa thượng, A-xà-lê. Khi tỳ-kheo có nhơn duyên nên xưng tên Hòa thượng, A-xà-lê mà không dám xưng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nhân duyên thì cho phép xưng danh tự Hòa thượng, A-xà-lê.» Nếu tỳ-kheo bận việc nên dữ dục thanh tịnh, dữ dục rồi, công việc xong, sanh nghi không dám đến chỗ thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu công việc xong nên đến, không đến nên như pháp trị.» Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ không đến chỗ thuyết giới do sợ tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma ngăn không cho thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia lại nghĩ không đến chỗ thuyết giới sợ vì thân hữu tri thức của ta tác yết-ma hoặc ngăn việc thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia lại nghĩ, ta đến chỗ thuyết giới không ngồi, sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Nếu vì thân hậu tri thức mà đến chỗ thuyết giới không ngồi, cũng như vậy. 8. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp đông. Khi sắp thuyết giới, nghe có giặc đến, thảy đếu sợ hãi nên rời chỗ ngồi bỏ đi, [823a1] không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, khi tám nạn sự khởi, hoặc có các duyên, cho phép thuyết giới lược. Tám nạn sự là: Vua, giặc cướp, lửa, nước, bệnh, nhơn, phi nhơn, ác trùng. Các duyên khác là: đại chúng tập hợp đông mà chỗ ngồi ít, hoặc phần đông trong chúng bị bệnh, thì cho phép thuyết giới lược.» «Trường hợp đại chúng tập hợp đông mà trên chỗ ngồi che không hết, hoặc trời mưa thì cho thuyết giới lược. Hoặc bố-tát nhiều,[34] đêm đã khuya, hoặc có tranh cãi, hoặc luận biện A-tỳ-đàm, Tỳ-ny, hoặc nói pháp quá khuya. Từ nay về sau, cho phép tất cả chúng chưa đứng dậy, khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên tác yết-ma thuyết giới, chứ không có cách nào có thể được phép thọ dục và thanh tịnh cách đêm[35] yết-ma thuyết giới.» Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, vì nạn duyên cho phép thuyết giới lược, nạn duyên chưa đến gấp, chúng ta có thể thuyết giới đầy đủ. Tỳ-kheo kia nên thuyết giới đầy đủ; không thuyết giới đầy đủ, sẽ như pháp trị. Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, nạn duyên này đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ, chỉ có thể nói đến chín mươi việc. Vị tỳ-kheo nọ nên nói chín mươi việc; không nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo có ý nghĩ, nạn sự đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ đến chín mươi việc, mà chỉ có thể nói đến ba mươi việc thì nên nói đầy đủ ba mươi việc; không nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo nghĩ, nạn sự này gần, chúng ta nói đầy đủ ba mươi việc không được, chỉ có thể nói đến hai pháp bất định. Tỳ-kheo nên nói đến hai pháp bất định; không nói sẽ như pháp trị. Bấy giờ, các tỳ-kheo khởi nghĩ, nạn sự gần quá, chúng ta không thể nói đầy đủ đến hai pháp bất định, có thể nói đến mười ba việc. Vị kia phải nói đến mười ba việc, không nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo kia nghĩ, nạn sự này gần, không thể nói đến mười ba việc, có thể nói đến bốn việc. Tỳ-kheo kia nên nói bốn việc; không nói sẽ như pháp trị. Tỳ-kheo kia nghĩ, nạn sự này, chúng ta nói bốn việc không được, chỉ có thể nói bài tựa của giới. Vị kia phải nói đến bài tựa của giới; không nói sẽ như pháp trị. Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ, nạn sự này đến rồi, chúng ta nói bài tựa của giới không được. Do nhân duyên của nạn sự này, các tỳ-kheo phải từ chỗ ngồi đứng dậy đi liền. Năm cách nói pháp: Nói bài tựa rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa và bốn việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới. Lại có năm cách nói: Nói bài tựa và bốn việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, mười ba việc, hai việc và ba mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là thứ năm. Lại có năm cách nói: Nói bài tựa, bốn việc, và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, và ba mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, ba mươi việc, chín mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là cách thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới. 9. Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ có một tỳ-kheo tên là Na-na-do[36] tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ, có khi đến có khi không đến. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Từ nay về sau, trao cho tỳ-kheo Na-na-do pháp bạch nhị yết-ma tâm loạn cuồng si, theo phương thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ; có khi đến, có khi không đến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc Tăng tác yết-ma thuyết giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ ngày thuyết giới, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Na-na-do yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc yết-ma thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao cho Na-na-do này pháp cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến đối với việc yết-ma thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận, trao cho tỳ-kheo Na-na-do yết-ma cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Có ba loại cuồng si: Một là khi thuyết giới, nhớ không nhớ, đến không đến. Hai là loại cuồng si nhớ thuyết giới mà không đến. Ba là loại cuồng si không nhớ thuyết giới, không đến. Trong ba loại cuồng si này, loại có nhớ thuyết giới, không nhớ thuyết giới, có đến không đến, tỳ-kheo như vậy chúng Tăng nên trao cho yết-ma cuồng si. Vị kia nhớ thuyết giới mà không đến, chúng Tăng không nên trao yết-ma cuồng si. Vị cuồng si không nhớ thuyết giới cũng không đến, không được trao yết-ma cuồng si. Tỳ-kheo kia, Tăng trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si chấm dứt, khởi nghĩ, «Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu người cuồng si được trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si hết, nên bạch nhị yết-ma để giải, theo pháp thức như sau: Tỳ-kheo Na-na-do nên đến giữa chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Na-na-do, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến, Tăng đã cho tôi yết-ma bệnh cuồng si. Nay tôi trở lại được chánh niệm, cầu giải yết-ma cuồng si.» Cầu xin như vậy ba lần. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, chúng Tăng đã trao cho yết-ma cuồng si, sau đó bệnh cuồng si hết, nay tỳ-kheo này cần cầu giải yết-ma bệnh cuồng si. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép giải yết-ma bệnh cuồng si. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước kia mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, Tăng đã trao cho pháp yết-ma bệnh cuồng si, sau khi trao yết-ma rồi, bệnh cuồng si chấp dứt, nay tỳ-kheo này cần cầu chúng Tăng giải yết-ma cuồng si. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do[824a1] thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận giải yết-ma bệnh cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đều nghĩ, người được trao cho pháp yết-ma cuồng si rồi, sau đó bệnh lành, được giải yết-ma bệnh cuồng si; thời gian sau, bệnh cuồng si lại trở lại, có được trao pháp yết-ma lại hay không? Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, tùy theo bệnh cuồng si phát khởi thì trao pháp yết-ma, khi bệnh cuồng si hết thì giải.» 10. Khi đức Thế Tôn ở nước Chiêm-bà, bên bờ sông Già-già, vào ngày thứ mười lăm thuyết giới, thì bấy giờ, Ngài ngồi nơi đất trống, chúng Tăng ngồi vây xung quanh. Phần đầu của đêm đã qua, bước sang phần giữa của đêm, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa với đức Phật rằng: «Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.» Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan thấy đức Phật im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm, giữa đêm đã qua, Tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Đầu đêm, giữa đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.» Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Tôn giả thấy đức Thế Tôn im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm giữa đêm cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu kêu. Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Đầu đêm giữa đêm và cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim đã bắt đầu kêu, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới. Đức Phật bảo A-nan: «Trong chúng có người bất tịnh. Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.» Bấy giờ, Tôn giả A-nan im lặng về lại chỗ ngồi. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ, trong chúng này có ai bất tịnh nên đức Như Lai mới nói, ‹Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.› Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền quán sát nhơn tâm của chúng, liền thấy có một vị bất tịnh, ngồi cách đức Như Lai không xa, chẳng phải sa-môn mà xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà nói là phạm hạnh, phạm giới, phạm ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che dấu ác nghiệp, bên trong ôm ấp sự hủ mục, giống như bộng cây không khác. Thấy như vậy rồi, Tôn giả liền nghĩ chính do người này mà đức Phật nói với Tôn giả A-nan, ‹Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.› Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ người kia nói: «Ngươi đứng dậy! Đức Như Lai đã thấy ngươi rồi, đã biết ngươi rồi. Ngươi phải mau mau đứng dậy, ra khỏi chỗ này, không được ở nơi đây.» Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên nắm tay vị ấy kéo ra ngoài cửa, rồi trở vào, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và bạch Phật: «Trong chúng đã thanh tịnh, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.» Đức Phật nói với Tôn giả Mục-liên: «Hiện tại, ông không được làm như vậy, và sau này cũng không được làm như vậy. Này Mục-liên! Từ nay về sau cho phép tác tự ngôn trị. Nếu không tự ngôn thì không được trị. Từ nay về sau, các ông tự tác yết-ma thuyết giới.» Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên: «Đây là lần thuyết giới cuối cùng của Như Lai. Tại sao vậy? Người có phạm không được dự thuyết giới. Người có phạm không được nghe giới. Không được hướng đến người phạm giải tội. Người có tội không được giải tội cho người khác.» Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên: «Nước biển có tám điều hy hữu, cho nên A-tu-la thích sống nơi đó. Tám điều ấy là: «Tất cả các dòng sông đều chảy dồn về nơi đó. Đó là một kỳ đặc, A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó. Đó là kỳ đặc thứ hai của nước biển mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, Mục-liên, năm dòng sông lớn như sông Hằng, sông Diêm-ma, Na-tát-la, A-di-la-bà-đề-ma, khi đã chảy nhập vào biển thì cái tên cũ của nó đều mất. Đó là đặc kỳ thứ ba của biển mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, nầy Mục-liên, nước năm dòng sông lớn nầy và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm. Đây là kỳ đặc thứ tư mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, toàn bộ nước biển đều cùng một vị là mặn. Đó là kỳ đặc thứ năm của biển mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa nó vào bờ. Đây là kỳ đặc thứ sáu của biển mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, này Mục-liên, nước biển sản xuất nhiều trân bảo đặc biệt mà nơi lục địa không có. Các loại trân bảo ấy như vàng bạc, chơn châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Đó là kỳ đặc thứ bảy của biển mà A-tu-la thích vui sống. «Lại nữa, nầy Mục-liên, nơi đại hải, loài sinh vật có thân hình lớn cư trú nơi đó. Loài sinh vật có thân hình lớn bề dài đến cả một trăm do tuần, hai trăm do tuần, ba trăm do tuần cho đến bảy trăm do tuần. Đây là kỳ đặc thứ tám của biển mà A-tu-la thích vui sống. «Do tám đặc tánh này của biển cả mà A-tu-la thích vui sống nơi đó. Cũng như vậy, nầy Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng có tám đặc tánh, khiến cho các đệ tử sau khi thấy rồi đều tự mình thích vui sống trong đó. Tám đặc tánh ấy là: «Như nước biển lớn đều do tất cả mọi dòng sông chảy về, cũng vậy, Mục-liên, các đệ tử của Ta lần lượt học giới cũng đều trở về giáo pháp của Ta, ở trong đó học các pháp lành. Như vậy, này Mục-liên, đây là một kỳ đặc khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Này Mục-liên, cũng nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó; các đệ tử của Ta trụ ở trong giới cho đến trọn đời không phạm. Đó là kỳ đặc thứ hai khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Này Mục-liên, như nước năm dòng sông lớn khi chảy về biển cả thì tên cũ của nó đều mất, chỉ còn gọi là biển; cũng như vậy, Mục-liên, trong giáo pháp của Ta bốn chủng tánh Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, với đức tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo thì cái tên cũ không còn được gọi mà chỉ xưng là Sa-môn Thích tử. Đó là đặc tánh thứ ba của giáo pháp Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Này Mục-liên, cũng như nước năm dòng sông lớn và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm; cũng như vậy, Mục- liên, trong giáo pháp của Ta các tộc tánh, với lòng tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo vào cảnh giới vô dư Niết-bàn mà cảnh giới vô dư Niết-bàn không tăng không giảm. Đó là đặc tính thứ tư trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Mục-liên, cũng như nước trong biển cả đồng một vị mặn; giáo pháp của Ta đồng một vị giải thoát. Này Mục-liên, Đây là đặc tánh thứ năm trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Mục-liên, cũng như biển cả không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa vào bờ. Trong giáo pháp của ta cũng như vậy, không chấp nhận thây chết. Thây chết là chẳng phải sa-môn mà tự xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, phạm giới, ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che dấu nghiệp bất thiện, bên trong ôm ấp sự hư mục giống như cây bị thúi trong ruột, tuy ngồi ở trong chúng mà thường xa lìa chúng Tăng, chúng Tăng cũng không gần họ. Mục-liên, đây là đặc tánh thứ sáu trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Mục-liên, cũng như [825a1] nước biển cả sản xuất nhiều trân bảo khác lạ, nơi lục địa không thể có như vàng, bạc, chơn châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Trong giáo pháp của Ta cũng sản xuất nhiều trân bảo, như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ thiền, ngũ căn, ngũ lực, thất giác ý, bát hiền Thánh đạo. Như vậy, này Mục-liên, đó là kỳ đặc thứ bảy trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống. «Này, Mục-liên, cũng như nước trong biển cả là nơi cư trú của nhiều loài vật có thân hình lớn hằng trăm do tuần, cho đến bảy trăm do tuần. Cũng như vậy, này Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng dung chứa các đại hình, như trong chúng Tăng những vị hướng đến Tu-đà-hoàn, đặng quả Tư-đà-hàm, cho đến những vị hướng đến A-la-hán, đặng quả A-la-hán. Này, Mục-liên, đây là kỳ đặc thứ tám ở trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.» 11. Trường hợp một trú xứ đến ngày thuyết giới, có số đông tỳ-kheo ngu si tập trung lại một chỗ, mời vị Thượng tọa thuyết giới. Vị Thượng tọa nói: «Trước đây tôi không tụng giới.» Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời: «Không tụng.» Do vậy không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Số đông tỳ-kheo ngu si không nên tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải yết-ma tụng giới. Nếu không yết-ma tụng giới thì sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ngu si, tập trung ở một chỗ, mời các Thượng tọa thuyết giới. Các Thượng tọa nói: «Trước đây chúng tôi có tụng, nhưng nay quên rồi.» Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời: «Trước đây có tụng, nhưng nay quên hết rồi.» Do đó không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Số đông tỳ-kheo ngu si không được tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng giới, tụng yết-ma cho thông suốt. Nếu không thuộc sẽ như pháp trị. Từ nay về sau cho phép nương nơi tỳ-kheo có khả năng tụng giới để hạ an cư.» Bấy giờ, có tỳ-kheo nương nơi vị tụng giới hạ an cư. Trong thời gian an cư vị tụng giới mạng chung. Các tỳ-kheo nghĩ, chúng ta làm thế nào đây? Các tỳ-kheo liền đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu có tỳ-kheo nương theo tỳ-kheo tụng giới hạ an cư; trong khi an cư, vị tụng giới mạng chung, hoặc đi xa hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng ngoại đạo, hoặc đến trong bộ chúng khác, hoặc phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc làm sa-môn với tâm giặc, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình. Nếu chưa đến thời kỳ hậu an cư thì nên đến nơi trú xứ gần đó kết hậu an cư. Nếu không được thì nên mời vị ở gần, có khả năng tụng luật đến để an cư. Nếu đã hậu an cư rồi, các tỳ-kheo nên đến nơi trú xứ gần học tụng. Có vị học được bài tựa, hay tụng bốn việc, hoặc tụng mười ba việc, hoặc hai bất định, hoặc ba mươi việc, chín mươi việc, hoặc tụng pháp dư tàn. Vị kia tụng được bao nhiêu thì trở về lại trú xứ dạy lại cho một người tụng. Nếu một người không thể tụng hết thì tùy theo người trước người sau nối tiếp nhau tụng, chứ không được tụng trở lại. Nếu được như vậy thì tốt, bằng không thì chỉ nên thuyết pháp, tụng kinh rồi giải tán.» Bấy giờ, Nan-đà có người đệ tử thông minh, có khả năng liệu việc. Bạt-nan-đà nói với người ấy rằng: «Ông cùng tôi du hành trong nhân gian.» Người kia nói: «Chờ tôi một chút để tôi về xin phép Hòa thượng tôi đã.» Người kia đến chỗ Nan-đà thưa: «Xin Hòa thượng cho phép con cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian.» Nan-đà trả lời: «Tùy ý ông.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Nan-đà: «Tại sao thầy lại cho đệ tử của mình theo Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem sự việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn cố hỏi Nan-đà rằng: «Ông có thuận cho đệ tử cùng với Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian hay không? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.» Nan-đà thưa: «Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà: «Ông làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, sao ông lại khiến đệ tử cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian; trong khi ông ấy là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo: «Các ông lắng nghe! Nếu có đệ tử xin phép Hòa thượng để đi xa thì Hòa thượng nên hỏi đệ tử, ông đi vì mục đích gì? Ai là bạn đồng đi với ông? Ông đến chỗ nào? Nếu việc kinh dinh[37] là sai quấy, hoặc bạn đồng hành sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến là sai quấy thì nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến cũng sai quấy, mà bạn đồng hành tuy có tốt thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến là tốt, bạn đồng hành bất thiện, thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến thì tốt, bạn đồng hành là kẻ thiện, cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến không tốt, bạn đồng hành cũng không tốt, nên ngăn khiến đừng đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành không tốt, cũng nên ngăn đừng cho đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành cũng tốt, thì nên cho phép đi.» 12. Có trú xứ nọ, nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở với nhau. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly là tỳ-kheo khách đến trú xứ này. Các tỳ-kheo ngu si ở trong chúng nầy đều không nghinh tiếp, đón rước, thừa sự. Do không có sự nghinh tiếp thừa sự đúng lễ nên trong ngày ấy Ưu-ba-ly lìa khỏi trú xứ này. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Trú xứ nào có nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở một chỗ, mà có khách tỳ-kheo có khả năng nói pháp, trì luật, trì ma-di,[38] có thể nói nghĩa khế kinh đến; các tỳ-kheo ở đó khi nghe, phải ra ngoài trú xứ nửa do tuần đón rước, thừa sự nghinh tiếp, cung cấp nước tắm rửa, các thứ cần dùng, thức ăn thức uống. Nếu không vậy sẽ như pháp trị.» 4. Sám hối 13. Trường hợp trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở, ngay ngày thuyết giới phạm tội, tự tâm suy nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận người khác sám hối, nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới có tỳ-kheo phạm tội, suy nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, [826a1] không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Tỳ-kheo kia nên đến chỗ tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Vị tỳ-kheo thanh tịnh kia là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch: «Đại đức nhớ cho, tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội... nay đến trước Đại đức sám hối, không dám che dấu. Sám hối thì an vui, không sám hối không an vui. Tôi nhớ nghĩ có phạm tội, phát lồ, biết mà không che dấu. Nguyện trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ thanh tịnh bố-tát.» Thưa như vậy ba lần. Vị kia nên nói: «Ngươi nên sanh tâm yểm ly.» Tỳ-kheo trả lời: «Vâng.» Tác pháp như vậy rồi mới được phép nghe thuyết giới.» Bấy giờ, đến ngày thuyết giới có một tỳ-kheo đối với vấn đề phạm tội có sự nghi ngờ, tự nghĩ rằng, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Ngày thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội phạm sanh nghi, tự nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm không được nhận sự sám hối của người khác. Tỳ-kheo kia nên đến trước tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch như sau: «Tôi tên là... đối với việc phạm tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức tự nói lên điều đó. Sau này, khi không còn sự nghi ngờ nữa, tôi sẽ sám hối như pháp.» Thưa như vậy rồi mới được phép nghe giới.» Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội tự nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy nói với vị thuyết giới rằng: «Ngưng một chút! khoan thuyết giới! Tôi phạm tội. Tôi muốn đến trưởng lão để sám hối.» Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông nên lắng nghe ! Nếu có trú xứ nào, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội. Tỳ-kheo ấy bị người cử tội hay không, hoặc tác ức niệm, hoặc không tác ức niệm, tự nhớ tội mà phát lồ, tự biết có tội như vậy, nên nói với người một bên rằng: ‹Tôi phạm tội... nay hướng đến trưởng lão sám hối.› Vị ấy nghĩ, dầu chỉ nói với người bên cạnh cũng sợ ồn ào, chúng Tăng không thành thuyết giới, Tỳ-kheo kia nên tâm niệm đợi khi giải tán rồi sẽ như pháp sám hối. Với tâm niệm như vậy rồi, mới được phép nghe thuyết giới.» Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi, bèn nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền nói với người thuyết giới rằng: «Thầy ngưng một chút. Tôi nghi có phạm tội.... muốn đến trưởng lão nói lên điều đó.» Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông nên lắng nghe! Nếu chúng Tăng tập hợp tại một chỗ muốn thuyết giới, ngay khi thuyết giới có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi. Tỳ-kheo kia có bị cử tội hay không, có tác ức niệm hay không, vị kia nhớ lấy điều tội lỗi, nên nói với vị ngồi gần rằng: ‹Tôi đối với tội có sanh nghi, nay hướng đến trưởng lão nói lên điều đó, đợi giải tán rồi, lúc không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.› «Vị ấy lại nghĩ, ta hướng đến vị ngồi gần nói như vậy, sợ ồn ào trở ngại việc thuyết giới chúng Tăng, thì vị kia nên tâm niệm: đợi giải tán rồi, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối. Với tâm niệm như vậy rồi, được phép nghe thuyết giới.» Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ nọ tất cả Tăng đều phạm tội nên nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Những tỳ-kheo này liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ nào, tất cả Tăng đều phạm tội, nên nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp như vậy, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm tội đến thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, nếu là bậc thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau: «Tôi tên là... phạm tội.... nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó.» Vị nhận sám nên nói: «Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.» Tỳ-kheo thưa: «Xin vâng.» Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch như sau: «Tôi phạm tội... nay hướng đến các Đại đức để nói lên điều đó.» Vị nhận sám nên nói: «Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.» Phạm nhơn thưa: «Xin vâng.» Tỳ-kheo này nên trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo nơi trú xứ đó nên hướng đến vị tỳ-kheo này để nói lên tội phạm của mình rồi sẽ thuyết giới.» Bấy giờ, có trú xứ nọ, tất cả Tăng đều nghi mình có tội và đều nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Các vị liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông hãy lắng nghe! Nếu trú xứ nào đó, tất cả đối với tội sanh nghi, do đó nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm đến, thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau: «Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.» Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị tỳ-kheo đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch: «Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này không còn nghi, sẽ như pháp sám hối.» Tỳ-kheo kia trở về trú xứ cũ. Các tỳ-kheo nên hướng đến tỳ-kheo này nói lên tội phạm của mình rồi, sau đó mới thuyết giới. Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không [827a1] được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông nên lắng nghe! Chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên mọi người tự nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm giới không được nhận sự sám hối của người khác.› Các tỳ-kheo kia tác bạch rồi mới sám hối, bằng lời văn như sau: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Tất cả Chúng Tăng nầy đều phạm tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tất cả Tăng xin sám hối. Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.» Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đối với tội có điều nghi, nên mọi người tự nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới tất cả Tăng đối với tội sanh nghi, nên nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác.› Tất cả Tăng đó nên tác bạch rồi, mới nói tội phạm, bằng lời văn như sau: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tất cả Tăng ở đây đối với tội có điều nghi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chúng Tăng ở đây tự nói lên tội của mình. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, sau đó mới thuyết giới.» Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội, song không biết tên tội đã phạm, không biết tướng của tội. Các tỳ-kheo tự nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội mà không biết tên tội, không biết tội tướng. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di đến, nên tới chỗ vị đó, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Bạch đại đức! Có tỳ-kheo làm như vậy, như vậy, thì thuộc về tội phạm gì?» Vị trì Luật kia trả lời, làm như vậy thuộc về tội v.v… Khách tỳ-kheo biết tỳ-kheo kia dễ dàng nhận sự dạy bảo thì dẫn đến chỗ vắng. Khiến các tỳ-kheo đứng chỗ mắt thấy tai không nghe, sai vị ấy sám hối như pháp. Sám hối rồi, vị ấy trở về chỗ các tỳ-kheo kia. Các tỳ-kheo nói như vầy: «Tỳ-kheo này phạm tội, nay đã sám hối.» Các tỳ-kheo khác còn lại tin tỳ-kheo ấy đã sám hối như vậy là tốt, bằng không tin sự sám hối của vị ấy thì các tỳ-kheo còn lại ấy không được cưỡng bức khiến sám hối.» 5. Hạn kỳ Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu trú tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Các tỳ-kheo không biết nên như thế nào, liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ, vào ngày thuyết giới có khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo ít, nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không như vậy sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, có trú xứ, ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới, số lượng bằng với cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo bằng với cựu tỳ-kheo thì nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không theo sẽ như pháp trị. Nếu ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Cựu tỳ-kheo ít nên theo khách tỳ-kheo để cần sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, cựu tỳ-kheo nên ra ngoài giới để thuyết giới. Ngày thuyết giới đến, có trú xứ nọ, khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo ít nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu cùng hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới thuyết giới. Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới bằng với số lượng cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo bằng, nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới để thuyết giới. Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Cựu tỳ-kheo ít, nên theo khách tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu theo được thì tốt. Bằng không, sẽ như pháp trị. Ngay ngày thuyết giới khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười sáu,[39] cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm cũng như vậy. Ngày thuyết giới có trú xứ, cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số ít. Các vị ấy nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày thuyết giới, có trú xứ mà cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới; khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Cựu tỳ-kheo nếu đã thuyết tựa giới xong thì khách tỳ-kheo nên bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo ít, nên báo thanh tịnh. Không báo thanh tịnh, sẽ như pháp trị.» Ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo sắp sửa thuyết giới. Khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới. Không thuyết, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, nhưng cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy; khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ, cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Lúc ấy, có khách tỳ-kheo đến với số lượng đông, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số đông, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại.[40] Không vậy sẽ trị như pháp. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, sắp sửa thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít. Nếu khách tỳ-kheo đã nói xong bài tựa của giới thì cựu tỳ-kheo nên cáo bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít thì nên cáo bạch thanh tịnh, bằng không sẽ như pháp trị. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, muốn thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy. Cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Bấy giờ, có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi muốn thuyết giới. Cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy sẽ như pháp trị. Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. Khách tỳ-kheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến [828a1] cũng như vậy. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, bèn nói: «Nếu chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.» Họ bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, khách tỳ-kheo nghĩ, «Chúng ta nên giải quyết thế nào?» Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới, trú xứ kia có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nên nói, ‹Chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.› Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít hơn. Nếu đã nói xong bài tựa của giới thì nên báo thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít hơn thì nên báo thanh tịnh. Không vậy, sẽ như pháp trị. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, nếu không sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị. Có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo tới biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông hơn, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị. 6. Phá yết-ma Có trú xứ, đến ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo đến, biết khách tỳ-kheo chưa đến, hoặc ít, hoặc bằng hay nhiều hơn cũng vậy. Khách tỳ-kheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. 1. Hoặc nói, nên thuyết giới. Hoặc nói, không nên thuyết giới. Hoặc người không đến,[41] bèn nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Muốn làm mọi cách để phá hoại người khác, bèn tác yết-ma thuyết giới. Kia tác yết-ma thuyết giới không thành, mắc tội thâu-lan-giá.[42] Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới, thấy phòng xá trú xứ cựu tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo liền nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông nên lắng nghe! Nếu trú xứ nào, ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến thấy cựu trú tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, hòn đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại có tội.[43] Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, liền kêu. Nếu không kêu, liền tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại mắc tội.» Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm, tìm kiếm mà không được, nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.[44] Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành nhưng không phạm. Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm được, hoà hợp tác yết-ma thuyết giới, thành yết-ma thuyết giới, không phạm. Thấy và nghi cũng như vậy. 2. Bấy giờ, có trú xứ, cựu tỳ-kheo đến thấy dấu hiệu của khách Tỳ-kheo, như y bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, chỗ rửa chân. Thấy rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia tác yết-ma thuyết giới không thành, lại có tội. Nếu thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, nên gọi. Nếu không gọi mà tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới lại có tội. Thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, liền nói, «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Dùng nhiều phương tiện muốn người kia bị phá hoại, bèn tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành, lại phạm thâu-lan-giá. Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, bèn gọi. Gọi rồi, tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới tuy không thành nhưng không phạm. Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới thành tựu và không phạm Thấy nhưng nghi cũng như vậy. 3. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, một trú xứ nọ, khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp; nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Họ không biết làm thế nào, liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới, trú xứ có khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp, nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu mà lại mắc tội.» Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được, không gọi. Tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu lại mắc tội. Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được mà lại không gọi, bèn nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá. Nếu nghe rồi tìm kiếm. Kiếm không được, bèn gọi, rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy yết-ma của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội. Nghe rồi tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì yết-ma thuyết giới tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. Nghe nhưng nghi cũng như vậy. 5. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, nghe tiếng của khách tỳ-kheo đi kinh hành, tiếng tằng hắng, tụng kinh, nói pháp, đập, dũ y. Nghe rồi không tìm kiếm lại tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội. Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội. Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, lại nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá. Nghe rồi tìm. Tìm không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội. Nghe rồi tìm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành, và không tội. Nghe nhưng nghi cũng như vậy. 6. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến thấy [829a1] cựu tỳ-kheo ở trên giới trường.[45] Thấy mà không tìm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến thấy cựu tỳ-kheo ở trên giới trường, thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.» Nếu thấy rồi liền tìm. Tìm mà không được, nhưng không gọi, tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy. 7. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến thấy khách tỳ-kheo ở trên giới trường. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Nếu thấy rồi liền tìm, tìm không được mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy. 8. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến nghe cựu tỳ-kheo ở trên giới trường. Nghe rồi không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Nghe rồi tìm. Tìm rồi không kêu, mà tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Nghe rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. Nghe nhưng nghi cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo đến, nghe khách tỳ-kheo ở trên giới trường cũng như vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy. 9. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, họ nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới; thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành tựu, mà có tội. «Thấy mà tìm. Tìm nhưng không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới không thành tựu, lại có tội. Thấy dấu hiệu liền tìm, tìm rồi gọi, gọi rồi hòa hợp tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy. 10. Có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, thấy khách tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Thấy nhưng nghi cũng như vậy. Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Nghe-nghi cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo ở trong giới cũng vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy. 7. Chuyển trú xứ Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, «Chúng ta hãy đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ mà không tỳ-kheo,[46] để tránh các tỳ-kheo khác tác yết-ma chống lại chúng ta, hoặc ngăn thuyết giới.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ, không tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.» Tỳ-kheo kia nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không Tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.» Tỳ-kheo kia nghĩ, ta hãy đi từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới. «Nếu không có Tăng cùng đi, hoặc không có nạn sự mà đi,[47] phạm đột-kết-la.» Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo không trú xứ cũng vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo không trú xứ cũng như vậy. Với ý niệm từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. Hoặc vì thân hậu tri thức cũng như vậy. 8. Hòa hiệp thuyết giới 1. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ nên đến trong chùa (Tăng) ngăn các tỳ-kheo khác rằng, «Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn. đức Thế Tôn dạy: «Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo rằng, ‹Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.› Cũng không được trước tỳ-kheo-ni mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.»[48] Bấy giờ. Các tỳ-kheo-ni sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đến trong chùa, ngăn các tỳ-kheo khác «Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác ‹Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.› Cũng không được trước thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.» Các tỳ-kheo-ni kia, lại có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được đối trước bạch y tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.» 2. Bấy giờ, Vua Bình-sa nước Ma-kiệt vì đức Phật và chúng Tăng nên sai các vị tướng đến bảo vệ Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo nói với các vị tướng rằng: «Quý vị nên ra ngoài, chúng tôi muốn tác yết-ma thuyết giới.» Các vị tướng trả lời: «Vua Bình-sa sai chúng tôi đến đây để bảo vệ đức Phật và chúng Tăng. Ý của nhà Vua, chúng tôi không dám sai phạm. Chúng tôi không thể ra ngoài.» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch với Phật. Đức Phật dạy: «Nên hòa nhã khéo léo nói để cho họ ra ngoài được càng tốt. Bằng không, các ông nên tự bảo nhau ra ngoài, đến chỗ không thấy không nghe, tác yết-ma cùng thuyết giới. Không được ở trước người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.» 3. Bấy giờ, có thiên long quỷ thần đến nghe thuyết giới. Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy, với tâm sợ hãi, nghĩ rằng, «Đức Thế Tôn chế [830a1] giới không cho chúng ta đối diện với người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép trừ ở trước (loài) người chưa thọ đại giới, ngoài ra được phép tác yết-ma thuyết giới.» 4. Bấy giờ, chúng Tăng ở Câu-thiểm-di bị phá làm hai bộ. Các tỳ-kheo muốn đến Xá-vệ để hòa hợp. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép bạch rồi, sau đó mới hòa hợp.» Văn bạch như sau: «Đại đức tăng, xin lắng nghe! Vì sự tranh cãi đã khiến Tăng đấu tranh, hai bên không hòa hợp. Người phạm tội kia đã được cử tội, trở lại giải tội, trần cấu của Tăng đã chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy, rồi tác pháp hòa hợp. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Kính bạch đức Thế Tôn! Nhơn việc chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, Tăng chia rẽ phân làm hai bộ. Nhưng sự việc này chưa quyết đoán trừ diệt, chúng Tăng có thành hòa hợp như pháp hay không?» Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly: «Nếu vì lý do nào chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ, phân làm hai bộ. Nếu trong đó có thể cải hối không nêu tội lẫn nhau, thì đây được gọi là chúng Tăng y theo pháp hòa hợp.» Từ nay về sau, cho phép bạch trước như vậy, rồi sau đó thuyết giới: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Chúng Tăng vì tranh cãi, nên Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị cáu bẩn, Tăng chia rẽ phân làm hai bộ. Người kia tự biết phạm tội, nay đã cải hối trừ diệt trần cấu của Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch» Bạch như vậy rồi, sau đó hòa hợp thuyết giới.[49]
Chú thích: [27] Pali, Vin.i. 124: trường hợp tác pháp chỉ có ba tỳ-kheo, được gọi là thanh tịnh bố-tát (pārisuddhi-uposatha). [28] Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.126a05): «Thế Tôn… ngày thuyết giới… bảo các tỳ-kheo, các ngươi hãy tĩnh lặng. Nay sẽ bố-tát thuyết giới.» Liền đó, tỳ-kheo báo: có tỳ-kheo bịnh. Phật dạy: cho gởi dục thanh tịnh…» Cf. Pali, Vin.i. 123: (…) santi saṃghassa karanīyaṃ, cho gởi dục và thuyết tịnh, vì có Tăng sự cần phải làm. [29] Dữ dục 與欲. Pali, Vin. 121, chandaṃ dātum, gởi cho sự thuận tình, tức gởi phiếu thuận (chấp thuận Tăng tác pháp). [30] Dữ thanh tịnh 與清淨. Pali (Vin.i. 120): pārisuddhiṃ dātuṃ. Gởi thanh tịnh, trong trường hợp yết-ma thuyết giới. [31] Đường đi trong phạm vi trú xứ. [32] Đi vòng ra khỏi phạm vi trú xứ. [33] Chuyển luân cao tòa 轉輪高座; không hiểu làm như thế nào. [34] Có lẽ muốn nói là quá đông người. [35] Theo cách tính của Luật, khi ánh sáng ban mai xuất hiện mới tính là sang ngày khác, chứ không kể bất đầu từ giữa khuya. Thọ dục và thanh tịnh trước khi ánh sáng ban mai xuất hiện, nhưng lại thuyết giới sau khi nó đã xuất hiện, gọi là thuyết giới với thọ dục và thanh tịnh cách đêm. [36] Na-na-do 那那. Các đoạn dưới đều gọi là tỳ kheo Na-na-do; có thể dư từ «do» vì ảnh hưởng của sự ngắt từ sai ở đây. Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.125c10): Già-già 伽伽; Thập tụng 22 (T23n1435 tr.161a29): Thi-việt 施越. Pali, Vin. i. 123, Gagga. [37] Doanh sự 營事, thường chỉ sự xây dựng tinh xá, tu bổ phòng ốc, hay liệu lý sự viêc trong tinh xá cho Tăng. Pali, Cf. Vin.ii.119, 159; iii.81: navakamma. [38] Ma-di 摩夷; cũng phiên âm là Ma-đắc-lặc-già 摩得勒伽; dịch nghĩa: Luận mẫu 論母, Trí mẫu 智母 hay Bản mẫu 本母. Luận tạng và Luật tạng đều có thêm bộ phận này để tóm tắt tinh nghĩa. Trong Luật tạng, phần này được dịch nghĩa là Tỳ-ni mầu: cương yếu, hay tinh nghĩa của Luật. Pali: Mātikā (Skt. Mātṛkā). [39] Hoặc ngày mồng 1, nếu tính tháng 30 ngày. [40] Ưng cánh dữ thuyết giới 應更與說戒. Cf. Mahāvagga ii, Vin. i. 130: Tăng vừa thuyết giới xong (chưa giải tán); có tỳ-kheo chỗ khác đến với số lượng đông hơn. Phải thuyết giới trở lại cho các tỳ-kheo này (tehi bhikkhūhi puna pātimokkhaṃ uddisitabbaṃ). Nếu đã thuyết giới xong, tất cả đã đứng dậy; tỳ-kheo khách số lương đông này phải thuyết tịnh. Không thuyết giới trở lại (uddiṭṭhaṃ su-uddiṭṭhaṃ, tesaṃ santike pārisuddhi ārocetabbā). [41] Biết có tỳ-kheo (khách) đến trong trú xứ, không chịu tìm và gọi, mà vẫn tiến hành yết-ma thuyết giới. Tham chiếu Pali, Vin.i. 133: nghi bèn tìm nhưng không thấy; bèn yết-ma thuyết giới: vô tội. Tim thấy, cùng hoà hiệp bố-tát: vô tội. Tìm thấy, nhưng biệt hành bố-tát: phạm đột-kiết-la. [42] Vì tội gần mức phá hoà hiệp Tăng. Hay có ý phá nhưng không thành. Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 133: passitvā - nassantete, vinassantete, ko tehi atthi - bhedapurekkhārā uposathaṃ karonti, āpatti thullaccayassa, «sau khi tìm thấy, bèn nói: Các ngươi hãy diệt đi! Các ngươi hãy hoại đi! Các ngươi có ích lợi gì? Rồi bố-tát với mục đích phá hoại (hoà hiệp Tăng), phạm thâu-lan-giá.» [43] Pali, Vin.i. 133, phạm đột-kiết-la. [44] Xem đoạn trên & cht. 42 trên. [45] Để bản: giới trường 界場, chỉ trong phạm vi trú xứ. Tống-Nguyên-Minh: 戒場, chỉ trong phạm vi nhà thuyết giới. [46] Cf. Vin. i. 134: vào ngày bố-tát, tỳ-kheo không được đi từ trú xứ có tỳ-kheo đến trú xứ không có tỳ-kheo, trừ phi (đi với túc số để tại đó) có Tăng; hoặc trừ phi có nạn sự (phải bỏ đi). [47] Xem cht. 46 trên. [48] Cf. Vin. i. 135: không được thuyết ba-la-đề-mộc-xoa trước tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni,… [49] Hết quyển 36 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG III. AN CƯ 1. Kết giới an cư [830b7]1. Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giơ, nhóm sáu tỳ-kheo trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian. Gặp tháng mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, đạp chết cỏ non. Bên ngoài tự nói tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì gọi là chánh pháp? Trong ba mùa xuân, hạ và đông du hành trong nhân gian. Mùa hạ trời mưa nước lớn, trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác. Pháp của các ngoại đạo còn an cư ba tháng, mà các Thích tử này trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian, trời mưa nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác. Cho đến như các loài chim, côn trùng, còn có hang tổ là trú xứ nghỉ ngơi của chúng! Sa-môn Thích tử ba mùa xuân, hạ và đông, du hành trong nhân gian, trời mưa nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác!» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, biết hổ thẹn, sống khổ hạnh, ưa học giới, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy du hành trong nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông? Mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ tin tưởng cây cỏ có mạng sống[1] đều cơ hiềm, ‘Các Thầy có mắc tội hay chăng?’» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Các ông làm đều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông du hành trong nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông? Mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ tin tưởng cây cỏ có mạng sống đều cơ hiềm, ‹Các Thầy có mắc tội hay chăng?› » Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: «Các ông không được du hành nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư ba tháng mùa hạ, bạch với người chỗ mình đang sống rằng: ‹Tôi hạ an cư nơi trú xứ này.› Hoặc thưa: ‹Trưởng lão một lòng nghĩ đến cho. Tôi tỳ-kheo tên là... nương tựa nơi tụ lạc... hay Tăng-già-lam... hoặc nơi phòng... an cư ba tháng trước của mùa hạ. Phòng xá bị hư hỏng cần phải sửa chữa.› Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Pháp an cư ba tháng sau của mùa hạ cũng như vậy.» 2. Các tỳ-kheo ở trong một trú xứ không có người để nương tựa, không biết bạch với ai. Các tỳ-kheo nghi không biết thành an cư hay không, liền bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Phát khởi ý vì an cư liền thành an cư. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, nếu không có người để nương tựa thì tâm niệm an cư.» Tỳ-kheo ở trong trú xứ muốn an cư mà không có người để nương tựa, không bạch chỗ an cư, quên không tâm niệm an cư, nghi không biết thành an cư hay không đến bạch Phật. Phật dạy: «Nếu vì an cư mà đến, liền thành an cư.» 3. Các tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, vào trong cương giới, tướng bình minh xuất hiện,[2] nghi không biết có thành an cư hay không, liền đến bạch đức Thế Tôn. Phật dạy: «Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.» Tỳ-kheo ở chỗ an cư, muốn an cư, vào trong vườn của Tăng, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, liền đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Nếu vì an cư mà đến tức thành an cư.» Tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, một chân vào trong cương giới, một chân ngoài cương giới, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, bèn bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.» Tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, một chân vào trong vườn của Tăng, một chân ngoài vườn của Tăng, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, liền bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.» [831a1] Nếu an cư xong rồi, khách tỳ-kheo đến dời chỗ của cựu tỳ-kheo. Đức Phật dạy: «Không được dời. Cũng không được đi.» 2. Phân phòng xá 1. Tại một trú xứ, các tỳ-kheo không xem kỹ phòng xá ngọa cụ, liền nhận phải phòng không tốt, ngọa cụ xấu, nên nổi sân, nói với cựu tỳ-kheo: «Tâm thầy không bình đẳng. Người nào thầy ưa thì thầy trao cho phòng tốt, ngọa cụ tốt; người nào thầy không ưa, thầy trao cho phòng xấu, ngoạ cụ xấu. Thầy không ưa tôi, nên thầy trao cho tôi phòng xấu, ngọc cụ xấu!» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Nếu tỳ-kheo muốn an cư nơi trú xứ nào thì tự mình nên đến trước xem coi phòng xá, ngọa cụ, sau đó mới nhận phòng. Từ nay về sau cho phép phân phòng xá, phân ngọa cụ. Nên sai người phân phòng xá, phân ngọa cụ bằng bạch nhị yết-ma. » Người có năm pháp sau đây không nên sai phân chia phòng xá, ngọa cụ: thiên vị, hay giận, nhát sợ, ngu si, không biết nên chia hay không nên chia. Người có năm pháp sau đây nên sai phân chia phòng xá, ngọa cụ: không thiên vị, không hay giận, không sợ, không si, biết nên chia hay không nên chia. Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc là bậc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng (thuộc) luật được hay không tụng (thuộc) luật được, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên... chia ngọa cụ, phòng xá. Đây là lời tác bạch. «Đại đức tăng xin lắng nghe! Tăng sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ thì im lặng. Vị nào không đồng thì xin nói. «Tăng đã chấp thuận sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Sai người phân chia phòng xá, ngọa cụ rồi, nên đếm số tỳ-kheo, đếm số phòng xá, số ngọa cụ. Vị kia nên hỏi bao nhiêu phòng có người ở, bao nhiêu phòng trống, bao nhiêu phòng có ngọa cụ, bao nhiêu phòng không có ngọa cụ, bao nhiêu phòng có chăn, bao nhiêu phòng không có chăn, bao nhiêu phòng có lợi dưỡng, bao nhiêu phòng không có lợi dưỡng, bao nhiêu phòng có đồ vật, bao nhiêu phòng không có vật dụng, bao nhiêu phòng có đàn-việt thí y, bao nhiêu phòng không có đàn-việt thí y, bao nhiêu phòng có phước nhiêu,[3] bao nhiêu phòng không có phước nhiêu, ai là người kinh dinh phòng chủ,[4] nếu có người kinh dinh thì nên hỏi, ‹Trưởng lão muốn trụ nơi phòng nào? Không trụ nơi phòng nào?›[5] Vị kia biết rõ số lượng phòng xá, ngọa cụ rồi, đến trước Thượng tọa thưa: «Đại đức Thượng tọa! Phòng xá như vậy, ngọa cụ như vậy, tùy ý Thượng tọa nhận lấy phòng xá nào? » Trao phòng cho Thượng tọa rồi, kế đến vị Thượng tọa thứ hai, thứ ba, thứ tự cho đến vị hạ tọa cuối cùng. Nếu có dư phòng hay ngọa cụ thì nên từ Thượng tọa phân lại. Có dư nữa thì cũng từ Thượng tọa phân lại. Nếu có dư nhiều thì nên để dành phần cho khách tỳ-kheo đến. Có khách tỳ-kheo đến thì nên phân. Ác tỳ-kheo đến thì không nên phân. Thiện tỳ-kheo đến thì nên phân. Nếu có dư thì để dành. Trường hợp để dành phòng thì không được ngăn. Ai ngăn sẽ như pháp trị. Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận phải phòng hư mục, có ý nghĩ: «Phòng này phải tu sửa, ta không nên nhận.» Các tỳ-kheo liền bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: «Nên nhận, rồi theo khả năng tu sửa lại.» Bấy giờ, các tỳ-kheo phân chia nhà hội của Tăng,[6] hoặc nhà tắm nóng,[7] hoặc hạ đường,[8] hoặc nhà kinh hành, khách tỳ-kheo đến không có phòng ở. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Không nên phân chia nhà hội của Tăng, hay nhà tắm nóng, hoặc hạ đường, hoặc nhà kinh hành. Hoặc gác dưới là chỗ Tăng tập hợp thì gác trên nên chia cho Tăng ở. Nếu gác trên là chỗ Tăng tập hợp thì nhà gác dưới nên chia cho Tăng ở.» 3. Các tỳ-kheo đi xem khắp phòng xá, thấy một cái hang nơi a-lan-nhã, bèn nghĩ: «Ta sẽ an cư nơi hang này.» Sau đó lại có các tỳ-kheo khác thấy cái hang a-lan-nhã này, cũng lại nghĩ: «Ta nên an cư nơi đây.» Trong vòng mười sáu ngày đầu đã có số đông tỳ-kheo cùng tập hợp ở nơi hang này, vì chật hẹp nên sanh nhiều tật bệnh. Các tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn. Ngài dạy: «Nếu tỳ-kheo muốn an cư một chỗ như vậy, vị nào đến đó trước, phải làm dấu, hoặc làm dấu bằng tay, hoặc vẽ vòng tròn, hoặc tượng Ma-hê-đà-la,[9] hoặc hình lượn sóng, hoặc hình dây nho, hoặc làm cái hoa, hoặc vẽ năm sắc, hoặc viết tên mình... là muốn an cư nơi đây.» Đức Phật cho phép ai làm dấu báo hiệu như vậy trước thì người đó ở. Tỳ-kheo trụ nơi đây, khi đi không xóa tên, hay dấu hiệu; các tỳ-kheo khác thấy, đã có người chiếm trước rồi nên không dám ở. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên không xoá tên hay dấu hiệu mà bỏ đi.» 3. Phân ngọa cụ 1. Bấy giờ nhân dân vùng biên quốc làm phản, Vua Ba-tư-nặc đích thân cầm quân đến chinh phạt. Các tỳ-kheo đến vùng biên quốc, nơi đó phòng xá chật hẹp, không đủ dung chứa. Các tỳ-kheo nói như vầy: «Phải chi đức Phật dạy chúng ta nên phân chia ngọa cụ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép phân chia bằng giường nằm. Nếu không đủ thì chia đều giường dây. Nếu vẫn không đủ thì chia đều chỗ ngồi.» Tỳ-kheo kia di chuyển giường cố định, chăn mền, ngọa cụ nơi phòng này đến các phòng khác. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được di chuyển.» Có phòng nhiều ngọa cụ, có phòng ít ngọa cụ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo nói với vị cựu trú, hoặc vị chủ phật-đồ,[10] hoặc nhờ người tri sự. Trường hợp ba tháng an cư nhận được phòng như vậy thì nên nói với các vị trên rồi, sau đó mới di chuyển.» Các tỳ-kheo không hoàn ngọa cụ lại nơi phòng cũ, bỏ đi. Tỳ-kheo đến sau, tưởng là ngọa cụ của phòng này bèn xử dụng. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên không hoàn ngọa cụ lại nơi phòng cũ mà bỏ đi. Phải hoàn lại ngọa cụ cho phòng cũ trước khi đi. Không vậy, sẽ như pháp trị.» Bấy giờ có phòng xá bị hư hoại. Các tỳ-kheo e sợ, vì đức Phật không cho phép di chuyển ngọa cụ từ phòng này đến phòng khác. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đức Phật. Đức Phật dạy: «Nếu phòng xá bị hư hoại thì cho phép dời ngọa cụ phòng này qua các phòng khác.» Ngọa cụ được dời mà không dùng nên bị trùng phá hư nát. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên xử dụng ngọa cụ ấy.» Khi đức Phật cho phép xử dụng, có vị lại không dùng rửa chân, không dùng lau chân, mà dùng làm áo lót thân. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên dùng rửa chân, lau chân và không nên làm áo lót.» Các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật dạy không được làm áo lót nên không dám xúc phạm bằng tay chân. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ đầu gối trở lên, từ nách trở xuống không được lót thân, chứ tay chân xúc chạm không sao.» Bấy giờ các đàn-việt bố thí áo lót cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cẩn thận không dám nhận, vì đức Phật không cho phép dùng áo lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đàn-việt dâng cúng, cho phép tùy ý nhận.» Có vị sửa chữa phòng xá rồi, không đem ngọa cụ của phòng này trả lại chỗ cũ. Các tỳ-kheo đem việc này [831a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Sửa chữa phòng xá rồi nên trả ngọa cụ trước đó di chuyển đến phòng khác trở về lại chỗ cũ. Không vậy, sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo di chuyển ngọa cụ nơi chùa này đem đến các chùa khác. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được di chuyển ngọa cụ chùa này đem đến các chùa khác.» Trường hợp vì sự khủng bố hoặc oan gia, hoặc nhân dân phản loạn, hoặc quốc ấp bị phá hoại, nhân dân bị phá tán, trú xứ cũng hư hoại; các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật không cho phép dời ngọa cụ cố định nơi chùa này đến chùa khác. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có sự khủng bố, oan gia, hoặc quốc ấp phản loạn, nhân dân phá tán, trú xứ cũng hư hoại, thì cho phép di chuyển ngoạ cụ đến nới khác.» Khi dời ngọa cụ, các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật dạy không cho phép dùng ngọa cụ của Tăng lót thân nên không cất giữ tốt. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tùy nghi cất dấu và di chuyển. Nếu có các tỳ-kheo nào khác đến hỏi mượn thì không nên trao cho, trừ trường hợp có thể tin, sau này họ có thể trả lại thì nên đưa.» Trường hợp sau khi quốc ấp trở lại yên bình, nhân dân trở về lại, nhà chùa phục hồi mà ngọa cụ không được trả lại. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu quốc ấp trở lại yên bình, nhân dân trở về lại, nhà chùa phục hồi, thì nên trả lại ngọa cụ cho chùa. Không trả, sẽ như pháp trị.» Bấy giờ có trú xứ chúng Tăng bốn phương[11] nhận được nhiều loại ngọa cụ bất định, giường dây, giường cây, loại tốt, loại xấu, chăn mền, gối các loại dệt bằng lông, các thứ trải trên đất, bình tắm, gậy, quạt. Các tỳ-kheo không biết nên phân chia như thế nào, đem thưa hỏi đức Phật. Phật dạy: «Cho phép trao cho các phòng không có ngọa cụ. Nếu còn dư thì từ Thượng tọa chia xuống.» 4. Tiền hậu an cư Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất với Mục-liên muốn cùng đức Thế Tôn an cư. Ngày mười lăm, từ trú xứ đi, ngày mười bảy mới đến nơi. Không biết nên thế nào,[12] liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép hậu an cư.» Có hai cách an cư: tiền an cư và hậu an cư.[13] Nếu tiền an cư thì ở vào ba tháng trước, hậu an cư thì ở vào ba tháng sau. Các vị tiền an cư tự tứ. Các vị hậu an cư không biết có được phép tự tứ hay không. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thọ tự tứ nhưng phải ở cho đủ ngày.» Người tiền an cư tự tứ rồi tính tuổi. Các vị hậu an cư không biết có được tính tuổi hay không. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên chưa đủ ba tháng mà tính tuổi.» Các vị tiền an cư tự tứ xong đuổi các vị hậu an cư. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được xua đuổi. Cũng không nên đi.» Các vị tiền an cư tự tứ rồi phân chia các phẩm vật nhận được trong mùa hạ. Các vị hậu an cư e ngại không dám nhận vì Phật không cho phép họ chưa đủ ba tháng mà khất cầu và nhận phẩm vật. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo thọ. Nhưng số ngày còn thiếu, nên ở lại cho đủ.» Các vị tiền an cư tự tứ rồi phân chia ngọa cụ. Các vị hậu an cư e ngại không dám thọ vì ba tháng chưa đủ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thọ, xét theo chuẩn vị lai.» 5. Trú xứ an cư Bấy giờ các tỳ-kheo an cư nơi chỗ đất trống, bị nắng gió suốt ngày, hình thể đen đúa, da bị tróc, nứt nẻ, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi: «Tại sao hình thể các ông bị đen đúa, da bị tróc, nứt nẻ, như vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Vì an cư nơi đất trống cho nên như vậy.» Đức Phật dạy: «Không nên an cư nơi đất trống. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư chỗ có che bên trên.» Các tỳ-kheo an cư trên cây. Từ trên cây đại tiểu tiện xuống. Vị thọ thần nổi giận, chê trách và chờ tỳ-kheo sơ hở sẽ đoạn mạng căn. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, không cho phép tỳ-kheo an cư trên cây; cũng không cho leo lên cây quá đầu người. Không được đại tiểu tiện xung quanh làm cho bẩn nhúa.»[14] Bấy giờ các tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, trên đường đi gặp phải thú dữ. Các tỳ-kheo leo lên cây quá đầu người, e ngại lại leo xuống, vì nghĩ rằng: ‹Phật không cho phép chúng ta leo lên cây cao quá đầu người,› nên bị ác thú làm hại. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, trường hợp vì mạng nạn, tịnh hạnh nạn, được phép leo lên cây cao quá đầu người.» Các tỳ-kheo muốn lấy củi khô trên cây. Đức Phật cho phép làm cái móc móc lấy, hay làm cái thang để lấy, hoặc dùng dây cột kéo xuống để lấy. Sau đó các tỳ-kheo e ngại không dám leo lên cây khô. Đức Phật dạy: «Nếu cả thân cây đều khô hết thì cho phép leo.» Các tỳ-kheo muốn an cư dưới bóng cây, bạch Phật, Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép an cư dưới bóng cây, nếu cây ấy cao quá đầu người và nhánh lá che đủ mát một chỗ ngồi.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng sáp ong[15] trét lên trên cái bức màn rồi ngồi trong đó an cư, nghĩ rằng: «Ban đêm chúng ta ngủ trong đó. Sáng ngày đem dấu hết. Nếu có người thấy, họ sẽ gọi chúng ta là người được thần thông.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau không cho phép dùng sáp ong trét lên trên màn rồi an cư trong đó. Cũng không được vì ngụy trang thân thể mà thay đổi oai nghi thường.» Bấy giơ, tỳ-kheo muốn an cư trong một cái nhà nhỏ, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư trong cái nhà nhỏ, miễn là đứng dậy không đụng đầu và đủ một chỗ ngồi, đủ để che mưa.» Các tỳ-kheo muốn an cư trong hang núi, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép an cư trong hang núi, miễn nơi đó đứng dậy không đụng đầu, đủ dung một chỗ ngồi, đủ để che mưa.» Các tỳ-kheo muốn an cư trong hang núi tự nhiên, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo an cư trong hang núi tự nhiên, miễn là đứng dậy không đụng đầu, đủ một chỗ ngồi, đủ để mưa.» Các tỳ-kheo muốn an cư trong hốc cây, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo an cư trong hốc cây, miễn là đứng dậy không đụng đầu, đủ một chỗ ngồi, đủ để che mưa.» Tỳ-kheo muốn y nơi người chăn bò để an cư,[16] đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép y nơi người chăn bò để an cư. Trong khi an cư tùy theo sự di chuyển của người chăn bò mà di chuyển theo.» Các tỳ-kheo muốn nương nơi người ép dầu[17] để an cư, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép nương nơi người ép dầu để an cư. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của người ép dầu mà di chuyển.» Các tỳ-kheo muốn an cư trên thuyền, đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư trên thuyền. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của thuyền mà di chuyển.» Tỳ-kheo muốn nương nơi người thợ đốn gỗ để an cư, đến bạch Phật. Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nương nơi người thợ đốn gỗ để an cư. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của họ mà di chuyển.» Các tỳ-kheo muốn nương nơi xóm làng để an cư, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo nương nơi xóm làng để an cư. Trong khi đang an cư, nếu xóm làng [833a1] chia làm hai phần, tùy theo sự cung cấp những vật cần dùng, nơi nào đầy đủ thì di chuyển theo nơi đó để an cư.» 6. Xuất giới Bấy giờ có đàn-việt thưa thỉnh tỳ-kheo: «Con muốn cúng dường vật thực và phòng xá.» Tỳ-kheo kia tự nghĩ: «Chỗ đó xa, không thể trong ngày trở về kịp. Đức Phật chưa cho phép nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nhưng không nên chỉ vì vấn đề ăn uống mà thọ pháp bảy ngày để ra đi, trừ khi có nhơn duyên khác. Nếu đi vì y bát, tọa cụ, ống đựng kim cho đến thuốc men, mãn ngày thứ bảy nên trở về.» Bấy giờ các tỳ-kheo thưa thỉnh các trưởng lão tỳ-kheo khác: «Chúng tôi mắc tội tăng tàn, vì chúng tôi trị pháp phú tàng, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.» Các vị tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Khi có sự việc như vậy, cho phép thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni thưa thỉnh các trưởng lão tỳ-kheo: «Chúng con mắc tội tăng tàn, xin vì chúng con tác pháp ma-na-đỏa, xuất tội.» Các vị tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.» Có thức-xoa-ma-na thỉnh tỳ-kheo trưởng lão, thưa: «Chúng con phạm giới. Cho chúng con sám hối, hoặc thọ giới lại. Hay thọ đại giới.» Các vị tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.» Các sa-di mời trưởng lão tỳ-kheo đến để thọ giới. Các vị tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.» Có sa-di-ni mời các Đại đức tỳ-kheo đến để thọ sáu pháp. Các vị tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.» Bấy giờ có vị đại thần không có tín tâm, mời Đại đức tỳ-kheo đến, «Tôi muốn gặp.» Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nếu hữu ích, chứ không phải vô ích. Đủ bảy ngày trở lại.» Có vị đại thần có tín tâm, mời Đại đức tỳ-kheo, «Tôi muốn gặp.» Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Vì người ưu-bà-tắc có tín tâm này hoặc bệnh hay có các việc lo buồn, hoặc vì lợi dưỡng. Đủ bảy ngày nên trở về lại.» Bấy giờ, có cha mẹ không có tín tâm mời Đại đức Tỳ-kheo, «Tôi muốn gặp.» Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Vì để giáo hoá khiến cho người không có tín tâm kia sanh tín tâm; có ác giới khiến cho trì giới; có xan tham khiến cho họ bố thí; vô trí khiến cho có trí. Đủ bảy ngày trở về lại.» Có trường hợp cha mẹ có tín tâm sai người đến thỉnh Đại đức tỳ-kheo, «Tôi muốn gặp.» Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nếu Vì cha mẹ có tín tâm bị bệnh hoặc có các việc lo buồn, hoặc có việc lợi ích. Đủ bảy ngày trở lại.» Trường hợp có bà mẹ thỉnh Đại đức tỳ-kheo, «Tôi muốn gặp.» Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.» Trường hợp có người cha thỉnh tỳ-kheo cũng như vậy; anh em, chị em các thân lý tri thức cũng như vậy.[18] Trường hợp có tỳ-kheo tụng sáu mươi thứ kinh,[19] như kinh «Phạm động,»[20] vì tìm cầu người đồng tụng nên muốn du hành trong nhân gian. Tỳ-kheo nghĩ, «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.» Bấy giờ, có tỳ-kheo tri sự có công việc cần đến trong rừng cây[21] một thời gian, tự nghĩ rằng: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.» Bấy giờ nhân dân vùng biển quốc nổi loạn, Vua Ba-tư-nặc tự cầm quân đến để chinh phạt. Nhà Vua cúng dường Phật và chúng Tăng y, chăn mền, thức ăn và vật dụng cần dùng. Vị đại thần không có tín tâm bèn đoạt, không trao cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo muốn đến báo cho nhà Vua biết nhưng lại nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.» Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc tự cầm quân chinh phạt số nhân dân nổi loạn nơi biên giới, vị đại thần không có tín tâm, với ác tâm đố kị, muốn đào một con kênh thông qua Kỳ-hoàn.[22] Tỳ-kheo muốn đến báo cáo với nhà Vua nhưng lại nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.» Lúc bấy giờ có đàn-việt sai người đến thỉnh Đại đức tỳ-kheo đến để cúng dường thức ăn và phòng xá, tỳ-kheo tự nghĩ: «Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhơn duyên như vậy được đi.» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, cho phép thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, bằng pháp bạch nhị yết-ma để đi.» Chúng Tăng sai một vị có khả năng tác yết-ma, hoặc Thượng tọa, thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được mà có thể tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, để ra ngoài giới vì công việc như vậy, như vậy... Xong việc sẽ trở về trong giới để an cư. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hay mười lăm ngày, hoặc một tháng, ra ngoài giới vì công việc như vậy... Xong việc sẽ trở về trong giới để an cư. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng cho phép tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý cho tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, để ra ngoài giới làm công việc như vậy. Xong việc sẽ trở về đây an cư [834a1] rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo khiến người tin cậy thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma cũng như vậy. Sa-di thỉnh tỳ-kheo, thọ giới cũng như vậy. Sa-di-ni thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Đại thần bất tín thỉnh tỳ-kheo, thọ pháp yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Đại thần có lòng tin, yết-ma cũng như vậy. Cha mẹ không tin, cha mẹ tin, anh em, chị em, các thân lý tri thức, tỳ-kheo tụng sáu mươi loại kinh, tỳ-kheo kinh dinh, đại thần không tín tâm đoạt vật cúng dường, đào kênh xuyên qua,[23] cũng như vậy. Tất cả pháp thọ yết-ma quá bảy ngày đều đồng như trên. 7. Phá hạ Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di. Có đại thần dũng kiện, đánh giặc giỏi, đến chỗ đức Phật với lòng tin xuất gia làm đạo. Bấy giờ, Vua Ưu-điền bảo rằng: «Tại sao ông không bỏ đạo, để cùng vợ ông tạo ra nhà cửa, ruộng vườn, của cải, vật báu?» Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư tại một trú xứ nọ, có đàn bà chưa chồng đến cám dỗ tỳ-kheo, nói rằng: «Sao thầy không thôi tu? Tôi sẽ làm vợ thầy.» Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Tỳ-kheo an cư tại một trú xứ nọ, có dâm nữ đến cám dỗ tỳ-kheo, nói rằng: «Sao thầy không thôi tu? Tôi sẽ làm vợ thầy. Hoặc tôi gả con gái cho thầy.» Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư tại trú xứ, có huỳnh môn vì tham ái tỳ-kheo nên đến kêu gọi tỳ-kheo cùng làm chuyên bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Có tỳ-kheo đang an cư tại trú xứ, quỷ thần nói với tỳ-kheo: «Nơi đây có kho tàng chôn dấu.» Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư nơi trú xứ, quỷ thần muốn đoạn mạng sống tỳ-kheo nên rình chờ sơ hở. Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Có tỳ-kheo đang an cư nơi trú xứ, có bọn giặc muốn đoạn mạng sống tỳ-kheo nên rình, chờ cơ hội thuận tiện. Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, rắn độc hung dữ, rình cơ hội thuận tiện sẽ đoạn mạng sống. Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi. » Có tỳ-kheo an cư nơi trú, các thú dữ hung dữ, rình cơ hội thuận tiện để đoạn mạng căn. Tỳ-kheo tự nghĩ: «An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.» Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi. » Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ không được như ý đối với vấn đề ăn uống, thuốc men không đủ, người giúp việc không như ý. Vị kia tự nghĩ: «Ta nên làm thế nào đây?» Tỳ-kheo liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo an cư chỗ mà ăn uống không được như ý, thuốc men không có dùng, người giúp việc không theo ý muốn, thì nên bỏ đi.» Tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, chỗ đi kinh hành có nhiều loại trùng độc. Tỳ-kheo kia có tập quán kinh hành; vì kinh hành thì cơ thể khỏe mạnh, không kinh hành thì không bình an. Tỳ-kheo kia tự nghĩ: ‹Sống ở đây sẽ tai hại cho mạng căn.› Nghĩ xong đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có việc nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.» Bấy giờ có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo đang tạo phương tiện phá Tăng vị kia nghĩ: «Phá Tăng là việc làm rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này. Ta nên làm thế nào đây ?» Vị ấy liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo đang vận động phương tiện phá Tăng; vị kia nghĩ: ‹Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc phá tăng.› Tỳ-kheo kia nên vì việc này mà bỏ đi.» Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo-ni đang tạo phương tiện phá Tăng, vị kia nghĩ: ‹Phá Tăng là việc làm rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này.› Vị kia liền vì việc này mà bỏ đi. Có tỳ-kheo đã an cư nơi trú xứ rồi, nghe có tỳ-kheo đang vận động phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‹Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta chớ nên dự vào việc này.› Vị kia liền vì việc này mà bỏ đi. Có tỳ-kheo đã an cư nơi trú xứ rồi, nghe có tỳ-kheo-ni đang vận động phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‹Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này.› Vị kia liền vì việc này bỏ đi. Bấy giờ, có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe tỳ-kheo kia muốn phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‹Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.› Vị kia lại nghĩ: ‹Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia. Vậy ta nên như thế nào đây?› Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe có tỳ-kheo muốn phương tiện phá Tăng, tỳ-kheo nghĩ: ‹Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.› Vị kia lại nghĩ: ‹Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.› Ngay lúc đó, vị kia vì việc này ra đi. Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe kia có tỳ-kheo-ni đang vận động phương tiện phá Tăng, tỳ-kheo nghĩ: ‹Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.› Vị kia lại nghĩ: ‹Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.› Vị kia liền vì việc này ra đi. «Có tỳ-kheo trong khi an cư nghe Tăng kia bị vỡ liền nghĩ: ‹Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.› Vị kia lại nghĩ: ‹Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. [835a1] Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.› Vị kia liền vì việc này ra đi. Có tỳ-kheo trong khi an cư nghe tỳ-kheo-ni Tăng kia bị vỡ, nghĩ: ‹Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.› Vị kia lại nghĩ: ‹Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.› Vị kia liền vì việc này ra đi.» Bấy giờ có tỳ-kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài cương giới mẹ giữ lại, mặc dù với ý muốn về mà vẫn không kịp. Vị ấy nghĩ: «Như vầy ta có bị mất hạ hay không?» Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không mất tuổi hạ.» Đối với cha mẹ,[24] anh em, chị em, vợ cũ, hoặc người trước kia tư thông, hoặc nạn dạ xoa quỷ thần cũng như vậy. Có tỳ-kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài cương giới bị đường bộ, đường nước không thông, hoặc bị nạn giặc cướp, hổ lang, sư tử, bèn nghĩ: «Ta có bị mất tuổi hạ hay không?» Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không mất tuổi hạ.» 8. Ước định an cư Phật ở vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ Vua Ưu-đà-diên là bạn thân quen của Bạt-nan-đà Thích tử, mời Bạt-nan-đà hạ an cư. Bạt-nan-đà đã kết an cư nơi nước Câu-thiểm-di. Nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ đó một thời gian ngắn rồi trở lại Câu-thiểm-di. Vua Ưu-đà-diên nghe rồi cơ hiềm nói: «Bạt-nan-đà Thích tử đã nhận lời mời an cư của tôi nơi đây. Sao nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ kia ở; rồi lại trở về nơi đây?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh biết hổ thẹn, ưa học giới, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: «Sao thầy hạ an cư nơi kia, nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, y vật, lại đến đó ở một thời gian ngắn; rồi trở về nơi đây?» Vị ấy đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà: «Ông là người không biết gì, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này Bạt-nan-đà, sao ông hạ an cư nơi Câu-thiểm-di; nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, đến đó ở; rồi lại trở về Câu-thiểm-di?» Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Nếu tỳ-kheo nào thọ tiền an cư nơi trú xứ này, nghe nơi trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, liền đến nơi kia; tỳ-kheo đó không được nhận tuổi hạ của tiền an cư. Vì trái với điều bạch trước kia, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người tiền an cư nơi đây, mà đến ngoài giới bố-tát xong rồi đi đến chỗ khác,[25] tỳ-kheo này phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận người thỉnh tiền an cư, mà ở ngoài giới bố-tát rồi mới đến chỗ thỉnh; trong ngày liền bỏ đi, tỳ-kheo đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà bố-tát ngoài giới rồi mới đến chỗ thỉnh, nhận phòng xá, ngọa cụ; không có duyên sự gì lại bỏ đi,[26] vị đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời tiền an cư của người, mà bố-tát ngoài giới rồi mới đến trú xứ, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới với ý muốn trở lại; quá bảy ngày, tỳ-kheo đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà bố-tát ở ngoài giới, bố-tát rồi mới đến trú xứ, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, đủ bảy ngày trở về, tỳ-kheo đó thành tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà bố-tát ở ngoài giới, bố-tát rồi lại đến trú xứ, hạn sau cùng,[27] thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, tỳ-kheo kia trở lại hay không trở lại trú xứ cũng thành tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà đến trong giới bố-tát[28] rồi mới đến trú xứ,[29] trong ngày lại bỏ đi, tỳ-kheo kia phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà đến trong giới bố-tát, bố-tát rồi đến trú xứ nhận phòng xá, ngọa cụ, không lí do gì mà bỏ đi, tỳ-kheo kia phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà đến trong giới bố-tát, bố-tát rồi đến trú xứ (khác), nhận pháp bảy ngày ra ngoài giới,[30] với ý muốn trở lại nhưng không kịp bảy ngày, tỳ-kheo này phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, lại đến bố-tát trong giới rồi đến trú xứ (khác), thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, bảy ngày trở về kịp, tỳ-kheo kia không phá tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội. «Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, mà bố-tát trong giới rồi mới đến trú xứ (khác), hạn cuối cùng, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, trở lại hay không trở lại trú xứ vẫn không phá an cư, không trái với lời bạch trước, không tội. Hậu an cư cũng vậy.» Bấy giờ có tỳ-kheo nhận lời mời tiền an cư của người, sau đó thấy có mạng nạn hoặc tịnh hạnh nạn, vị kia ý nghĩ, «Ta nên làm thế nào đây?» Vị ấy liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo ở nơi trú xứ hoặc thọ tiền an cư, hậu an cư mà thấy có mạng nạn, tịnh hạnh nạn, tỳ-kheo kia tự đến hoặc sai người tin cậy đến tin cho đàn-việt biết, yêu cầu dời chỗ. Nếu họ đồng ý thì tốt. Bằng không, vẫn cứ phải bỏ đi.» CHƯƠNG IV. TỰ TỨ 1. Á pháp [835c13] Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, hạ an cư nơi trú xứ nọ, suy nghĩ rằng, «Làm cách nào chúng ta sống an lạc, không vất vả vì sự ăn uống?» Rồi họ bảo nhau, «Chúng ta nên lập quy chế. An cư, không nói chuyện với nhau. Không lễ bái, hỏi chào nhau. Ai vào tụ lạc khất thực trước và về trước, thì dọn dẹp chỗ ngồi ăn, trải tọa cụ, sửa soạn đồ đựng nước, đồ rửa chân, đồ đựng thức ăn. Mỗi người tự đem thức ăn đến để chỗ ngồi ăn. Nếu ai nhận được thức ăn nhiều, trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn. Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người kế tiếp vào tụ lạc khất thực; nhận được thức ăn rồi trở về, đem thức ăn đến chỗ ngồi ăn. Nhận được thức ăn nhiều thì trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn. Nếu nhận được không đủ thì lấy thức ăn người trước để lại đó mà ăn. Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người sau cùng vào xóm khất thực, được thức ăn mang về, đem đến chỗ ngồi ăn. Nếu nhận được thức ăn nhiều thì trước hết nên sớt bớt để lại. Nếu nhận đủ thì ăn. Nhận không đủ để ăn thì lấy thức ăn của người trước để lại đó mà ăn. Thức ăn dư thì cho người hành khất hoặc phi nhơn. Trường hợp không có người để cho thì đem bỏ chỗ đất sạch, không có cỏ, hoặc để nơi vũng nước không có trùng. Vị ấy dọn dẹp đồ đựng thức ăn để lại chỗ cũ, và ngọa cụ, đồ đựng nước, đồ rửa chân tọa cụ; tất cả đều để lại chỗ cũ. Dọn quét chỗ ngồi ăn. Nếu thấy [836a1] đồ đựng nước, đồ rửa chân trống không, thì đi xách. Nếu tự mình có thể khiêng trở về thì tốt. Bằng không, dùng tay ngoắt bạn để cùng khiêng về chỗ cũ. Rồi im lặng trở về phòng. Chứ không vì lí do nào mà nói bằng lời. Chúng ta lập quy chế như vậy, có thể sống an lạc, không vì sự ăn uống mà khổ sở.» Các tỳ-kheo áp dụng quy chế trên trong thời gian an cư. Tự tứ xong, đến chỗ đức Phật trong Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn ủy lạo các tỳ-kheo: «Các ông có an lạc chăng? Thức ăn uống có đủ chăng? Trụ chỉ có được hòa hợp chăng? Không vì thức ăn mà vất vả chăng?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Chúng con trụ chỉ được an lạc. Đồ ăn thức uống không thiếu thốn. Chúng con đều hòa hợp. Không vì đồ ăn thức uống mà phải khổ.» Đức Phật hỏi các tỳ-kheo: «Nhờ phương tiện nào mà các ông trụ chỉ được an lạc, giữa các ông hòa hợp, không vì đồ ăn thức uống mà phải khổ?» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên trên bạch lên đức Phật một cách đầy đủ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ông là những người si, tự cho đó là vui mà thật sự là khổ. Các ông là những người ngu si, tự cho đó là điều không tai hoạn, mà thật sự là đại hoạn. Các ông là những người ngu si, cùng ở với nhau như oan gia, như những con cừu. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện dạy bảo các tỳ-kheo, cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau. Các ông là những người ngu si, đồng như ngoại đạo thọ pháp câm. Các ông không được làm theo pháp câm như vậy. Nếu làm theo pháp câm, phạm đột-kết-la.»[1] 2. Cầu thính Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói như vầy: «Đức Phật dạy, ‘Các tỳ-kheo phải cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau.’» Họ liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được vô cớ cử tội người vô tội. Nếu muốn cử tội tỳ-kheo hữu sự thì trước hết phải nói cho biết, để vị ấy cầu thính,[2] sau đó mới cử.» Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật dạy: «Trước hết phải nói cho biết, để vị ấy cầu thính, sau đó mới cử.» Tỳ-kheo thanh tịnh trước kia đến nhóm sáu tỳ-kheo cầu thính, nhóm sáu tỳ-kheo do hờn giận nên úp. Nay đến nhắc tỳ-kheo thanh tịnh cầu thính trở lại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo thanh tịnh trước đó, không được đến nhóm sáu tỳ-kheo cầu thính. Nhóm sáu tỳ-kheo không được vì hờn mà lại đến bảo tỳ-kheo thanh tịnh cầu thính. Từ nay về sau cho phép người đủ năm pháp sau mới được cầu thính: Biết thời chứ không phi thời; như thật chứ không hư dối; có lợi chứ không vô ích; dịu dàng chứ không thô lỗ; từ tâm chứ không sân hận.» Nhóm sáu tỳ-kheo bản thân không có năm pháp. Các tỳ-kheo thanh tịnh thì đầy đủ năm pháp. Các vị ấy đến nhóm sáu tỳ-kheo bảo cầu thính, họ không chịu cầu thính. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, khi tỳ-kheo đầy đủ năm pháp bảo cầu thính thì phải cầu thính.» Nhóm sáu tỳ-kheo đến người cầu thính rồi bỏ đi; hoặc cho người khác cầu thính rồi lại lìa trú xứ. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được cầu thính nơi người được thính rồi lại bỏ đi, cũng không được cho người cầu thính rồi lại bỏ đi. Từ nay về sau, cho phép, đã hứa hẹn thì không được bỏ đi.» Nhóm sáu tỳ-kheo hứa với người rồi tự ý bỏ đi, hoặc nhận lời hứa của người rồi cũng lại bỏ đi. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được hứa với người rồi tự ý bỏ đi. Không được nhận lời hứa của người rồi lại tự ý bỏ đi. Từ nay về sau cho phép an cư rồi tự tứ.[3] Cho phép tự tứ khỏi phải cầu thính. Tại sao vậy? Tự tứ tức là thính.» 3. Pháp thức tự tứ 1. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Phật cho phép các tỳ-kheo tự tứ.› Các tỳ-kheo đồng loạt tự tứ gây nên sự ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên đồng loạt tự tứ. Từ nay về sau cho phép tự tứ từng người một.» Các tỳ-kheo không theo thứ tự mà tùy ý tự tứ khiến Thượng tọa mệt nhọc. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tùy ý tự tứ, mà phải tự tứ từ nơi Thượng tọa. Cho phép sai người thọ tự tứ bằng bạch nhị yết-ma. Người có năm pháp sau đây không được sai làm người thọ tự tứ: có ái, có nhuế, có bố, có si, không biết tự tứ rồi hay chưa. Người có năm pháp sau đây nên sai làm người thọ tự tứ: không ái, không nhuế, không bố, không si, biết người tự tứ rồi hay chưa. Pháp thức sai như sau: người đủ điều kiện là thượng tọa hoặc thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được mà có khả năng bạch nhị yết-ma; dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ. Đây là lời tác bạch! «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Có các tỳ-kheo ngồi tại chỗ tự tứ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch với Phật. Đức Phật dạy: «Không được ngồi tại chỗ mà tự tứ. Phải rời chỗ ngồi, và quỳ để tự tứ. Bấy giờ, Thượng tọa rời chỗ ngồi để tự tứ. Tất cả Tăng lại ngồi tại chỗ mà tự tứ. Đức Phật dạy: «Nếu Thượng tọa rời chỗ ngồi và quỳ thì tất cả Tăng cũng phải rời chỗ ngồi và quỳ.» Thượng tọa tự tứ rồi vẫn quỳ, chờ tất cả Tăng tự tứ xong. Thượng tọa bị mỏi mệt. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tự tứ xong, cho phép tùy ý ngồi.» 3. Nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ: «Chúng ta lén nói tự tứ. Nếu không, tỳ-kheo kia hoặc có thể vì tác yết-ma ngăn ta tự tứ.» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được có ý nghĩ lén nói tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma hoặc ngăn mình tự tứ. Phải nói tự tứ một cách rõ ràng, đầy đủ, khiến cho người khác nghe được.» Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‹Ta nên tự tứ nhanh. Nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma ngăn tự tứ.› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được có ý nghĩ, ta nên tự tứ nhanh; nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn ta tự tứ. Từ nay về sau cho phép an cư rồi thong thả tự tứ.» Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‹Ta nên nói tự tứ một lần. Nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.› Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được có ý nghĩ: Ta nên nói tự tứ một lần. Nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Nhóm sáu tỳ-kheo tự nghĩ: ‹Ta phải nói lại tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được có ý nghĩ: ta phải nói lại tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ. Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo nói tự tứ ba lần.» Nhóm sáu tỳ-kheo lật ngược y tự tứ, quấn y nơi cổ tự tứ, trùm trên đầu tự tứ, phủ cả hai vai tự tứ, mang giày dép tự tứ, hoặc ngồi nơi đất tự tứ, hoặc [837a1] ngồi trên giường tự tứ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm trên đầu, phủ cả hai vai, mang giày dép, ngồi nơi đất, ngồi trên giường để tự tứ. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo trống vai bên hữu, cở bỏ giày dép, cùng quỳ chắp tay, tác bạch như sau: «Hôm nay Đại đức chúng Tăng tự tứ, tôi Tỳ-kheo... cũng tự tứ. Nếu thấy, nghe, nghi tôi có tội, xin Đại đức Trưởng lão thương xót chỉ bảo tôi. Nếu tôi thấy có tội sẽ như pháp sám hối.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối, chấp tay trong thời gian lâu nên căn bệnh tăng thêm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh với bất cứ hình thức nào mà thân được an, thì thọ tự tứ.» 4. Bấy giờ có trú xứ nọ, tỳ-kheo tự tứ, có tỳ-kheo ở ngoài thuyết giới đường. Các tỳ-kheo tự tứ rồi đi ra ngoài, tỳ-kheo ấy hỏi: «Các trưởng lão đi đâu? Không tự tứ hay chăng?» Các tỳ-kheo kia trả lời: «Tôi tự tứ rồi. Thầy từ đâu đến? Vị kia nói: «Tôi ở ngoài thuyết giới đường.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, khi tự tứ không được ở ngoài thuyết giới đường. Tỳ-kheo ngồi gần nên biết vị ấy có đến hay không. Tác bạch trước rồi sau mới tự tứ.» Văn tác bạch: «Đại đức tăng, xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng tự tứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp tự tứ. Đây là lời tác bạch.» Bạch như vậy rồi tự tứ. Nhóm sáu tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp chúng, tự tứ pháp biệt chúng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp chúng, tự tứ pháp biệt chúng. «Có bốn loại tự tứ: tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp, tự tứ như pháp biệt chúng, tự tứ như pháp hòa hợp. Nếu tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp, tự tứ như pháp biệt chúng, như vậy là không thành tự tứ. Tự tứ như pháp hòa hợp là đúng pháp tự tứ. Đó là pháp tự tứ mà ta dạy.» 5. Bấy giờ, khi tự tứ, nơi trú xứ nọ, người tiền an cư, hậu an cư ở chung, không biết nên tự tứ theo tiền an cư hay hậu an cư. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tùy theo Thượng tọa ở nơi đó mà tự tứ. Thượng tọa có tiền an cư, có hậu an cư thì nên theo vị cựu trú mà tự tứ. Vị cựu trú cũng có tiền an cư, có hậu an cư thì nên theo số đông mà tự tứ.» Các tỳ-kheo muốn tự tứ vào ngày mười bốn hay rằm. Đức Phật dạy: «Cho phép tự tứ như vậy. Nếu nhà Vua có thay đổi ngày thì nên tùy theo đó.» Các tỳ-kheo không biết nên tự tứ ngày hôm nay hay để ngày mai. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép vào bữa đại thực hay tiểu thực, Thượng tọa xướng: Hôm nay chúng Tăng tự tứ.» Các tỳ-kheo không biết nên vào lúc nào. Đức Phật dạy: «Cho phép báo hiệu bằng cách đánh kiền chùy hay thổi ốc, đánh trống, hay un khói, hoặc dựa theo bóng, xướng rằng: Giờ tự tứ đến!» Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật cho phép tự tứ liền ở trong phòng riêng cùng những vị đồng Hòa thượng, A-xà-lê quen biết, đồng học và ăn ý với nhau, riêng rẽ tác pháp tự tứ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ở trong phòng riêng cùng những vị đồng Hòa thượng, A-xà-lê quen biết, đồng học và ăn ý với nhau riêng rẻ tác pháp biệt bộ tự tứ. Từ nay về sau hòa hợp lại một chỗ để tự tứ.» Các tỳ-kheo lại không biết tự tứ ở chỗ nào, bạch Phật, Phật dạy: «Cho phép tự tứ nơi thuyết giới đường.» 6. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo, ngày tự tứ, nơi chẳng phải thôn, a-lan-nhã, chỗ chưa kết giới, ngay trên đường đi, suy niệm: ‹Đức Phật dạy chúng ta hòa hợp tự tứ. Bây giờ chúng ta nên làm thế nào?› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có số đông tỳ-kheo, đến ngày tự tứ, nơi chẳng phải phải thôn, a-lan-nhã, chỗ chưa kết giới, ngay trên lộ trình, nếu các tỳ-kheo hòa hợp được tự tứ là tốt, bằng không thể hòa hợp được, tùy theo đồng Hòa thượng, A-xà-lê, quen biết đồng ý với nhau dời đến chỗ khác, kết tiểu giới để tác pháp tự tứ, bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Pháp kết tiểu giới như sau: Sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, hoặc tụng luật được hay không tụng luật được, miễn có khả năng yết-ma tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Chỗ ngồi các tỳ-kheo vừa đủ kín. Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi đó, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Chỗ ngồi các tỳ-kheo vừa đủ kín. Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng kết tiểu giới nơi đây, các trưởng lão nào đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng kết tiểu giới nơi đây, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý trong giới hạn chỗ tỳ-kheo ngồi, kết tiểu giới rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, các tỳ-kheo bỏ đi mà không xả giới. Các tỳ-kheo không vui, liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được bỏ đi mà không xả giới, nên xả giới rồi sau đó mới đi.» Pháp thức xả bằng bạch Nhị yết-ma như sau: sai một vị có khả năng hoặc thượng tọa hay thứ tọa, hoặc tụng luật được hay không, miễn có thể tác yết-ma, tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng giải tiểu giới này, đây là lời tác bạch. «Đại đức tăng xin lắng nghe! Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng giải tiểu giới nơi đây. Các truởng lão nào đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng giải tiểu giới, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, giải tiểu giới rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» [4]
Chú thích: [1] Pali (Vin. i. 137), ekindriyaṃ jīvaṃ, loài có sự sống với một căn; chỉ một căn duy nhất là mạng căn. [2] Bình minh của ngày 16, tháng tiền an cư. [3] Phước nhiêu 福饒. Không rõ vật gì. Xem cht. 1 ch. xviii phần iv. [4] Chỉ tỳ-kheo giám sự, quản lý phòng ốc của tinh xá. [5] Tỳ-kheo giám sự được ưu tiên tự chọn phòng. Xem phần iv, ch. i «Phòng xá», mục 16 «Tỳ-kheo tri sự.» [6] Tăng tập xứ 僧集處; có lẽ tương đương Pali: upaṭṭhānasālā, phòng họp của Tăng, đồng thời là nhà của thị giả, hay cúng dường thất. [7] Ôn thất 溫室; nhà tắm nóng. Cũng chỉ chung nhà tắm. [8] Hạ đường 夏堂; nhà mùa mưa (?). Có lẽ tương đương Pali: vaccakuṭi, nhà cầu, nhưng bản Hán đọc là vassa-kuṭi, nhà mùa Hạ. [9] Ma-hê-đà-la摩醯陀羅. Skt. Mahīdhara (?): trì địa (một biệt hiệu của Viṣnu). [10] Phật-đồ chủ 佛圖主. Tức tháp chủ. [11] Tứ phươngTăng 四方僧, hay chiêu-đề Tăng, phân biệt với Tăng thường trú. [12] Vì trễ hạn nhập an cư một ngày. [13] Cf. Mahāvagga iii, Vin. i. 137: dvemā vassūpanāyikā, purimikā pacchimikā, «có hai hạn khởi đầu mùa mưa: hạn đầu và hạn sau. Mùa hạ, theo lịch Ấn độ, có bốn tháng. Tiền kỳ hạ bắt đau từ ngày trăng tròn tháng Āsāḷhī (tháng 6-7, DL). Hậu kỳ hạ, ngày trăng tròn một tháng sau đó. [14] Xem Phần i, Ch. vii. Chúng học, điều 94. [15] Lạp mật 蠟蜜. [16] Mục ngưu giả 牧牛者. Pali: vaja, chuồng bò (hay nhà của người chăn bò). [17] Áp du nhân 壓油人(?) Xem Vin. i. 152: sattha, thương đoàn. Phật cho phép y thương đoàn mà an cư; và di chuyển theo thương đoàn. Ngũ phần: y cổ khách (lái buôn) an cư. [18] Cf. Mahāvagga iii (Vin.i. 139): có bảy hạng người, khi có việc cần và họ yêu cầu, tỳ-kheo được đi trong vòng bảy ngay: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. [19] Thập tụng 24 (T23n1435 tr.174b18) liệt kê 17 kinh. [20] Trường A-hàm 1, kinh số 21; cf. Pali, Dīgha-kāya 1. Brahmajāla. [21] Cf. Vin. i. 148: Chùa bị hư. Có cư sĩ cung cấp cho Tăng một số vật liệu đã đốn ở trong rừng. Tỳ-kheo vào rừng để vận chuyển về. [22] Xem Phần I, Ch. v. ba-dật-đề, điều 49 (mục Duyên khởi). [23] Như các nhân duyên thọ pháp bảy ngày kể trên. [24] Cf. Vin. i. 148: Xuất giới 7 ngày vì người đời dù họ tin Phật hay không: mẹ, cha, anh em, chị em, thân tộc (nātāka) và bạn cũ (bhikkhugatika). [25] Tham chiếu Pali (Vin. i. 154): tỳ-kheo ấy đang đi đến trú xứ (tiền an cư) này, bèn bố-tát ngoài giới, rồi ngày hôm sau đi đến trú xứ khác (cũng để nhận tiền an cư tại đây). Tại trú xứ này, tỳ-kheo nhận phòng xá, v.v. rồi đi trong ngày, hay ở lại đó vài ngày, hay sau đó đi cho công việc thời hạn bảy ngày xuất giới nhưng đi quá: tất cả đều phá tiền an cư. Nếu đi không quá bảy ngày, không phá tiền an cư. Điều luật liên hệ tỳ-kheo kết an cư tại hai trú xứ. Tỳ-kheo an cư tại trú xứ nào, bố-tát tại trú xứ đó. Xem thêm Ngũ phần 19 (tr. 130b): Thọ thỉnh tiền an cư. Đã bố-tát. Sau qua trú xứ khác. Phá tiền an cư, đột-kiết-la. Xem thêm Thập tụng 24 (tr. 177c): tại trú xứ thỉnh tiền an cư mà tỳ-kheo chưa qua bố-tát, chưa nhận phân phòng xá, nếu xuất giới, chỗ đó không thành tiền an cư. [26] Cf. Pali, ibid., … bố-tát ngoài giới rồi, đến trú xứ khác, (tại đó) nhận…, không có sự việc gì mà bỏ đi, qua hai hoặc ba ngày: phá tiền an cư. [27] Mạt hậu 末後, hạn của mùa an cư, còn không quá bảy ngày. Pali, ibid., pavāranāya sakaraṇīyo, trước ngày tự tứ, có công việc. [28] Bố-tát tại trú xứ an cư. Thành tiền an cư tại đây. [29] Đến trú xứ khác. [30] Nhận tại trú xứ tiền an cư. [1] Thập tụng 23 (T23n1435 tr.165b11): thâu-lan-giá. Ngũ phần (T22n1421 tr.131a06): đột-kiết-la. [2] Cầu thính 求聽: «xin được nghe.» Cf. Ngũ phần 19 (T22n1421 tr.131a15), vấn thính 問聽: trước hết phải hỏi vị ấy có chịu nghe không. Nếu chịu nghe thì mới được chỉ điểm. Cầu thính hay vấn thính, đồng nghĩa với tự tứ. Chỉ có khác, tự tứ thực hiện bởi Tăng. [3] Ngũ phần, đã dẫn: Các tỳ-kheo nói, duy chỉ A-la-hán mới xứng đáng bảo cầu thính thôi. Nhân dó, Phật dạy pháp tự tứ. [4] Hết quyển 37. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Bấy giờ, đến ngày tự tứ, trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở. Vị ấy nghĩ: ‹Đức Thế Tôn dạy hòa hợp một chỗ cùng nhau tự tứ. Nay ta nên làm thế nào?› Vị ấy liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Ngày tự tứ, trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở, vị kia nên đến chỗ thuyết giới lau quét, trải tọa cụ, chuẩn bị đồ đựng nước, đồ rửa chân, đốt đèn, sắp xá-la, chờ khách tỳ-kheo đến. Nếu khách tỳ-kheo đến năm người[5] hay hơn năm người thì nên tác bạch yết-ma, sai người thọ tự tứ.» Nếu chỉ bốn người, thì cùng tự tứ lẫn nhau, nói: ‹Hôm nay chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo tên là... cũng thanh tịnh tự tứ.› Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Nếu có ba người, hai người cũng tự tứ như vậy. Nếu có một người thì tâm niệm, miệng nói: [838a1] ‹Hôm nay chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo tên là... cũng thanh tịnh tự tứ.› Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Nếu có năm người, một người thọ dục, thì không được bạch yết-ma sai người thọ tự tứ. Nếu có bốn người, không được nhận dục của người thứ năm,[6] lại cùng tương hỗ tự tứ.[7] Nếu có ba người, không được nhận dục của người thứ tư,[8] lại cùng tương hỗ tự tứ. Nếu có hai người không được nhận dục của người thứ ba, ngoài ra hai người lại cùng tương hỗ tự tứ. Nếu có một người không được nhận dục của người thứ hai để tâm niệm tự tứ. 4. Chúc thọ tự tứ Bấy giờ, đến ngày tự tứ, chúng Tăng tập hợp để tự tứ, đức Phật bảo, «Các tỳ-kheo hãy tĩnh lặng, hôm nay chúng Tăng tự tứ.» Các tỳ-kheo khác bạch Phật: «Có tỳ-kheo bệnh không đến được.» Đức Phật dạy: «Cho phép gởi tự tứ, cho phép chúc thọ tự tứ.» Người bệnh gởi dục như sau: ‹Tôi gởi tự tứ cho thầy.› Hoặc nói: ‹Tôi xin nói với thầy tự tứ.› Hoặc nói: ‹Xin thầy nói tự tứ giùm tôi.› Hoặc dùng thân cử động để ra dấu hiệu tự tứ, hoặc nói đầy đủ việc tự tứ. Như vậy gọi là gởi tự tứ. Nếu không cử động thân hoặc không nói bằng lời thì không thành gởi tự tứ, nên gởi tự tứ lại. Tỳ-kheo chúc thọ đến chỗ người bệnh rồi mạng chung, hoặc ra khỏi giới, hoặc thôi tu, đến nơi trú xứ ngoại đạo, hoặc hùa vào với đồng bọn phá Tăng, hay đến trên giới trường, hay khi dấu hiệu bình minh xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc vào đạo với tặc tâm, hoặc từ ngoại đạo trở lại, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha mẹ, hoặc giết A-la-hán, hoặc phá Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc là phi nhơn, hoặc là súc sanh, hoặc hai căn, hoặc bị người cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn. Nếu gởi cho những hạng người như vậy thì không thành chúc thọ tự tứ, nên gởi lại người khác. Hoặc trên đường đi, hoặc đến trong Tăng có sự việc như vầy phát sinh: bị Tăng tác yết-ma bất kiến tội, hoặc tác yết-ma không sám hối tội, hoặc tác yết-ma không xả ác kiến; thì không thành chúc thọ tự tứ. Nên gởi lại cho người khác. Nếu (người nhận chúc thọ) vì ngủ mà quên nói; hoặc nhập định; hoặc nhầm lẫn quên; hoặc không cố ý làm; đến chỗ tự tứ thì vẫn gọi là vì chúc thọ tự tứ mà đến. Nếu (người nhận chúc thọ) cố ý không nói, phạm đột-kết-la. (Đối với người bệnh) nếu có thể làm (những việc như trên) như vậy thì tốt, bằng không thể làm được thì vị kia nên dìu người bệnh đi, hay dùng giường dây, giường cây, hoặc xếp y lại khiêng đến chỗ tự tứ. Nếu tỳ-kheo kia nghĩ rằng, chúng ta dìu đến sợ bệnh càng tăng, hoặc có thể đưa đến sự chết, thì chúng Tăng nên đến hết nơi chỗ người bệnh để tác yết-ma tự tứ. Nếu có nhiều tỳ-kheo bệnh tập trung lại một chỗ thì tốt, bằng không thì các tỳ-kheo nên ra ngoài giới để tác yết-ma tự tứ, chứ không được biệt chúng tự tứ. Có tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ rồi mạng chung, hoặc thôi tu, hoặc đến trên giới trường, hoặc khi dấu hiệu bình minh xuất hiện. Các tỳ-kheo nghĩ: «Như vậy có mất chúc thọ tự tứ hay không?» Đức Phật dạy: «Mất.» Có tỳ-kheo chúc thọ tự tứ rồi, trên đường đi bị trở ngại, bị nạn giặc, hổ lang, sư tử, nước lụt, trong cương giới đường bị đứt không thể đến, mang chúc thọ tự tứ đến ngoài giới. Các tỳ-kheo nghĩ: «Có mất chúc thọ tự tứ hay không ?» Đức Phật dạy: «Không mất.»[9] «Từ nay về sau, tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ, gặp phải mạng nạn, phạm hạnh nạn, trong cương giới không có đường đi, cho phép từ ngoài giới mang chúc thọ tự tứ đến, trường hợp đó Ta nói không mất chúc thọ.» Các tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ của một người, e ngại không dám nhận chúc thọ tự tứ người thứ hai, bèn đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Tỳ-kheo nhận hai người chúc thọ tự tứ, e ngại không dám nhận chúc thọ tự tứ người thứ ba, bèn đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Tỳ-kheo nhận ba người chúc thọ tự tứ, e ngại không dám nhận bốn người chúc thọ tự tứ, liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận nhiều hay ít theo khả năng có thể nhớ được tên. Nếu nhớ hết được tên thì nói tên, bằng không nhớ hết tên thì nói họ, hoặc nói tướng mạo, hoặc nói ‹Tôi nhận một số đông tỳ-kheo chúc thọ tự tứ, các vị ấy, Tăng sự như pháp xin gởi dục nói tự tứ.» Tỳ-kheo tuổi nhỏ không biết tự tứ, báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, Hòa thượng, A-xà-lê nên dạy vẻ. Nếu dạy mà họ ưa quên không nhớ, nên khiến người thọ tự tứ dạy. Nếu họ vẫn quên, nên đọc từng câu một.» Tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ rồi, có công việc xảy đến. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép chuyển dục cho các người khác như sau: ‹Tôi đã nhận chúc thọ tự tứ cho số đông Tỳ-kheo. Nay tôi bận việc, tôi gởi dục cho các vị kia và tôi gởi luôn dục của tôi. Tăng sự như pháp gởi dục nói tự tứ.›» Tỳ-kheo kia gởi dục rồi, công việc xong, trở về. E ngại rằng, tôi đã chuyển chúc thọ tự tứ rồi, không biết nên như thế nào. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Việc xong nên đến. Không đến, như pháp trị.» 5. Phá tự tứ Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‹Ta không nên đến chỗ tự tứ. Vì ta sợ bị tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.›[10] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nói có ý nghĩ: ‹Ta không nên đến chỗ tự tứ, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.›» Nếu vì tri thức thân hậu không đến chỗ tự tứ cũng như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‹Ta đến chỗ tự tứ nhưng không ngồi, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.› Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nói có ý nghĩ: đến chỗ tự tứ nhưng không ngồi, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Nếu vì tri thức quen biết cũng như vậy. Có vị tự nghĩ: ‹Nếu ta đến đó nhưng không nói tự tứ, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.› Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nói có ý nghĩ: ta đến đó nhưng không nói tự tứ, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Nếu vì tri thức thân hậu cũng như vậy. Bấy giờ, ngày tự tứ đến, có trú xứ nọ chúng Tăng hòa hợp, chuẩn bị tự tứ, nghe có giặc đến; sợ hãi nên rời chỗ ngồi bỏ đi, không tự tứ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có tám nạn và sự xảy đến thì cho phép nói lược tự tứ. Trong đó, Tám nạn là: nạn Vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn bệnh, nạn người, nạn phi nhơn, nạn độc trùng. Trong đó, sự là, chúng Tăng đông mà chỗ ngồi chật hẹp, hoặc nhiều vị bị bệnh thì nên nói lược tự tứ. Nếu chúng Tăng đông mà phòng xá nhỏ, hoặc trời mưa thì nên nói lược tự tứ. Hoặc bố-tát mà đêm đi qua đã lâu, hoặc có sự đấu tranh, hoặc luận bàn A-tỳ-đàm, hay đoán sự Tỳ-ni, thuyết pháp, hoặc đã lâu chúng Tăng chưa đứng dậy, tướng bình minh chưa xuất hiện thì nên yết-ma tự tứ. Nhận sự chúc thọ của người khác, không được để đến tướng bình minh xuất hiện. Nếu đến khi tướng bình minh xuất hiện thì không được yết-ma tự tứ. Các tỳ-kheo có ý nghĩ và nói như vầy: ‹Vì nạn sự nên nói lược tự tứ.› Nếu nạn sự còn xa, chúng ta có đủ thì giờ để nói tự tứ đầy đủ, thì các tỳ-kheo nên nói tự tứ đầy đủ. Nếu không nói tự tứ đầy đủ thì sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo lại nói như vầy: ‹Vì nạn sự nên lược nói tự tứ.› Nay nạn sự không còn xa. Ta không nói đủ tam ngữ tự tứ được nên chỉ nói hai lần tự tứ, thì tỳ-kheo nên nói hai lần tự tứ. Nếu không tái thuyết tự tứ thì sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo lại nói: ‹Vì nạn sự nên lược nói tự tứ.› Nay nạn sự đã gần kề, không đủ thì giờ để nói hai lần tự tứ được. Có thể chỉ nói một lần tự tứ, thì tỳ-kheo nên nói một lần tự tứ. Nếu không nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo lại nói: ‹Vì nạn sự nên lược nói tự tứ.› Nạn sự quá gần, không đủ thì giờ nói một lần tự tứ. Chúng ta có thể đủ thì giờ tất cả đồng loạt nói tam ngữ tự tứ. Trường hợp này văn tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đồng loạt nói tam ngữ tự tứ. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi đồng loạt nói tam ngữ tự tứ. Nói lại; nói một lần, cũng vậy. Các tỳ-kheo lại nói: ‹Vì nạn sự nên đồng loạt nói tam ngữ tự tứ.› Nạn sự gần, không thể nói đồng loạt tam ngữ tự tứ, cũng không thể tác bạch. Tỳ-kheo vì nạn sự này nên ra đi. 6. Già tự tứ Bấy giờ có trú xứ, tỳ-kheo phạm tăng tàn, vị kia không biết nên làm thế nào, nên báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo nơi trú xứ nào đó có phạm tăng tàn, tỳ-kheo đó cần được cho phú tàng thì phải trao phú tàng. Trao yết-ma phú tàng rồi mới tự tứ. Cần trao cho bổn nhật trị thì phải trao bổn nhật trị. Trao yết-ma bổn nhật trị rồi mới tự tứ. Cần trao ma-na-đỏa thì phải trao ma-na-đỏa. Trao yết-ma ma-na-đỏa rồi mới tự tứ. Cần trao pháp xuất tội thì phải trao pháp xuất tội. Trao yết-ma xuất tội rồi mới tự tứ. Bấy giờ, đến ngày tự tứ, một trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Có vị nói phạm ba-dật-đề; có vị nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Các tỳ-kheo ở đó nói, ‹Chúng ta nên như thế nào?› Liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào đó có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo nơi đó hoặc nói phạm ba-dật-đề, hoặc nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Nếu biết vị ấy phạm ba-dật-đề thì nên đưa người này đến một nơi, khiến người nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni ở chỗ mắt thấy tai không nghe, hướng dẫn tỳ-kheo phạm sám hối. Rồi đến chỗ tỳ-kheo nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni nói: ‹Tỳ-kheo phạm tội, tôi đã bảo sám hối rồi.› Nên phương tiện tác pháp như vậy rồi tự tứ. Bấy giờ, ngày tự tứ, trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo, vị thì nói phạm thâu-lan-giá, vị thì nói phạm ba-la-di. Những vị nói phạm thâu-lan-giá đều là hàng đa văn, thông suốt A-hàm, A-tỳ-đàm, trì luật, thuộc hạng tỳ-kheo được nhiều người biết đối với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc Vua, hoặc đại thần, hoặc các hàng ngoại đạo sa-môn phạm chí. Tỳ-kheo nói phạm ba-la-di cũng là hàng đa văn, thông A-hàm, A-tỳ-đàm, trì luật, lại cũng thuộc hạng nhiều tri thức đối với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni... cho đến sa-môn phạm chí. Các tỳ-kheo nói, ‹Nếu tự tứ hôm nay, có thể chúng Tăng có sự tranh cãi. Có thể Tăng bị vỡ. Hoặc sanh ra trần cấu ô nhiễm cho Tăng, khiến chúng Tăng chia rẽ. Vậy chúng ta nên làm thế nào?› Họ liền báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào đó có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo, người thì nói phạm thâu-lan-giá, kẻ thì nói phạm ba-la-di. Tỳ-kheo nói phạm thâu-lan-giá là hạng đa văn, thông A-hàm, A-tỳ-đàm, trì luật, được nhiều người biết đối với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc Vua, hoặc đại thần, hoặc các hàng ngoại đạo sa-môn, phạm chí. Tỳ-kheo nói phạm ba-la-di cũng thuộc về hàng đa văn, thông A-hàm, A-tỳ-đàm, trì luật, nhiều tri thức với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni... cho đến sa-môn phạm chí. Các tỳ-kheo nói, ‹Nếu tự tứ hôm nay, có thể chúng Tăng có sự tranh cãi. Có thể Tăng bị vỡ. Hoặc sanh ra trần cấu ô nhiễm cho Tăng, khiến chúng Tăng chia rẽ.› Nếu sợ Tăng bị vỡ thì không nên tự tứ liền ngày hôm đó mà nên đình lại thời gian rồi sẽ tự tứ.» Khi tự tứ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép ngăn tự tứ, liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh không cho tự tứ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ngăn tỳ-kheo thanh tịnh tự tứ. Nếu ngăn thì giống như không ngăn. Nếu ngăn mà không có căn cứ, không tác nhân,[11] đó gọi là không ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân, đó mới gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn không căn cứ, không tác nhân hữu dư,[12] đó không gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân hữu dư,[13] đó gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn không căn cứ, không tác nhân vô dư, đó không gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân vô dư, đó gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn khi chưa nói tam ngữ tự tứ, gọi là không ngăn tự tứ. Nói tam ngữ tự tứ rồi mà ngăn tự tứ, cũng không gọi là ngăn tự tứ. Ngay khi nói tam ngữ tự tứ nếu ngăn tự tứ mới gọi là ngăn tự tứ. Nói một lần, nói hai lần, cũng như vậy. Người ngăn tự tứ, nếu thân nghiệp mà không thanh tịnh, khẩu không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này: ‹Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên việc tranh cãi.› Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ. Nếu người ngăn tự tứ mà thân nghiệp thanh tịnh, nhưng khẩu, ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này rằng: ‹Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên việc tranh cãi.› Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ. Nếu người ngăn tự tứ mà thân, khuẩu nghiệp thanh tịnh, nhưng ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời, thì các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này rằng: ‹Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên việc tranh cãi.› Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ. Nếu người ngăn tự tứ mà thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh, có trí, phân minh, có khả năng hỏi và trả lời, thì các tỳ-kheo nên hỏi tỳ-kheo này rằng: ‹Vì sao mà thầy ngăn tỳ-kheo này tự tứ? Vì phạm giới nên thầy ngăn? Hay vì phá kiến mà ngăn? Hay vì thầy này phá oai nghi mà thầy ngăn?› Nếu vị kia trả lời: ‹Vì phá giới cho nên ngăn› thì nên hỏi phạm những giới nào? Nếu nói phạm ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, đó gọi là phạm giới. Nếu nói không vì phá giới mà ngăn mà vì phá kiến nên ngăn thì nên hỏi: ‹Phá kiến nào?› Nếu nói sáu mươi hai kiến, các tà kiến, đó gọi là phá kiến. Nếu nói không vì phá kiến mà ngăn, mà vì phá oai nghi nên ngăn thì hỏi: ‹Phá oai nghi nào?› Nếu nói phạm ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kết-la, ác thuyết, đó gọi là phá oai nghi. Nên hỏi thêm: ‹Do sự[14] gì mà ngăn người khác tự tứ ? Vì thấy, nghe hay nghi mà ngăn?› Nếu trả lời vì thấy thì nên hỏi: ‹Thấy việc gì? Thấy như thế nào? Bởi nguyên nhân nào mà thấy? Tỳ-kheo kia lại vì nguyên nhân gì khiến cho thầy thấy? Thầy [840a1] ở tại chỗ nào? Thầy kia ở tại chỗ nào? Thấy việc gì mà nói là phạm ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kết-la, ác thuyết?› Nếu nói không thấy, nhưng do nghe thì nên hỏi: ‹Nghe việc gì? Nghe như thế nào? Nghe từ ai? Nghe từ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghe phạm việc gì: ba-la-di, tăng tàn, cho đến ác thuyết chăng?› Nếu nói không nghe mà do nghi, thì hỏi: ‹Nghi việc gì? Nghi như thế nào? Nghe từ ai mà sanh nghi: từ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di chăng? Nghi việc gì: ba-la-di, tăng tàn... cho đến ác thuyết chăng?› Nếu người ngăn tự tứ không thể trả lời. Nếu người ấy có trí mà dùng ba-la-di để ngăn thì phải trao cho người ấy tội tăng tàn,[15] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu vị dùng tội tăng tàn để ngăn, thì phải trao cho tội ba-dật-đề,[16] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu người ấy dùng tội ba-dật-đề để ngăn thì phải trao cho các tội khác,[17] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu người ấy dùng các tội khác để ngăn thì nên như pháp trị, rồi Tăng mới tự tứ. Nếu người ngăn tự tứ có trí, có thể trả lời. Nếu ngăn vì phạm ba-la-di thì nên diệt tẫn,[18] rồi Tăng tự tứ. Nếu ngăn vì phạm tăng tàn, thì nên trao cho ba-lợi-bà-sa hay bổn nhật trị, hoặc ma-na-đỏa, hay xuất tội, rồi tự tứ. Nếu ngăn vì phạm ba-dật-đề, thì cho sám hối, rồi tự tứ. Nếu dùng các việc khác để ngăn thì nên như pháp trị rồi tự tứ.[19] Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh tự tứ. Vị kia không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trú xứ nào, ngày tự tứ, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh tự tứ, thì tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng, đức Phật dạy như vầy: ‹Hiện đang bệnh, không được ngăn. Phải đợi bệnh lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp. Vị kia cũng sẽ nói như pháp.› Tác pháp như vậy rồi sau đó tự tứ.» Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo không bệnh tự tứ. Tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo này rằng: ‹Này trưởng lão, đức Phật có nói như vầy: ‘Phải đợi bệnh lành đã. Ngài nên nói như pháp. Vị kia cũng nói như pháp.’› Tác pháp như vậy rồi, sau đó tự tứ. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo không bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh tự tứ. Tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo này rằng,: ‹Đức Phật dạy như vầy: ‘Phải đợi bệnh lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp. Vị kia cũng nói như pháp.’› Tác pháp như vậy rồi, sau đó tự tứ. 7. Hạn kỳ tự tứ 1. Bấy giờ, có trú xứ, có số đông tỳ-kheo an cư tinh tấn tu hành chứng đặng tăng thượng quả, quý vị khởi ý nghĩ: «Hôm nay chúng ta tự tứ. Nếu di chuyển đến các trú xứ khác, sợ không được pháp lạc như vầy. Chúng ta nên làm thế nào?» Các vị liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu trú xứ có số đông tỳ-kheo an cư tinh tấn tu hành chứng đặng tăng thượng quả. Các tỳ-kheo có ý nghĩ: ‹Hôm nay chúng ta tự tứ. Nếu di chuyển đến các trú xứ khác, sợ không được pháp lạc như vầy.› Các tỳ-kheo nên tác bạch tăng ích tự tứ.» Văn tác bạch như sau: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay không tự tứ. Đủ bốn tháng sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy rồi sau đó đủ bốn tháng mới tự tứ. 2. Bấy giờ có trú xứ, có số đông tỳ-kheo cùng sống với nhau. Ngày tự tứ, các tỳ-kheo nghe các tỳ-kheo nơi trú xứ kia đấu tranh không hòa hợp, muốn đến nơi đây tự tứ.[20] Các vị không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu trú xứ nào có số đông tỳ-kheo cùng sống với nhau, ngày tự tứ, nghe các tỳ-kheo trú xứ khác đấu tranh không hòa hợp, muốn đến đây tự tứ, thì tỳ-kheo kia nên tự tứ trước hai, ba ngày. Nếu tự tứ vào ngày mười lăm thì nên tự tứ ngày mười bốn. Nếu ngày mười bốn tự tứ thì nên tự tứ ngày mười ba. Nếu nghe họ đến vào ngày hôm nay thì nên tập Tăng tự tứ gấp. Nếu nghe họ đã đến trong giới thì nên ra ngoài giới tự tứ. Nếu nghe họ đã đến trong chùa thì nên sửa soạn nước rửa, nước tắm, ghế ngồi tắm, bình tắm, dụng cụ cào đất, đồ đựng bùn, tháo đậu, dược thảo, rồi bạch Thượng tọa nhen lửa, thỉnh Tăng vào nhà để tắm. Các cựu Tăng tỳ-kheo nên kín đáo từ nhà tắm mọi người ra ngoài giới tự tứ. Nếu khách tỳ-kheo kêu bảo tự tứ thì nên trả lời: ‹Chúng tôi tự tứ rồi.› Nếu cựu tỳ-kheo tự tứ rồi, khách tỳ-kheo ngăn tự tứ thì không được ngăn.[21] Khi khách tỳ-kheo đang tự tứ, cựu tỳ-kheo ngăn thì được ngăn. Nếu có thể tạo phương tiện như vậy để tác pháp thì tốt, bằng không tỳ-kheo kia nên tác bạch tăng thượng tự tứ.[22] Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay Tăng không tự tứ, đến ngày thứ mười lăm không trăng sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch tăng thượng tự tứ như vậy. Nếu khách tỳ-kheo ở cho đến ngày thứ mười lăm không trăng, cựu tỳ-kheo nên tác bạch tăng thượng tự tứ lần thứ hai. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay Tăng không tự tứ, đến ngày thứ mười lăm có trăng sau sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.» Nếu tác bạch tăng thượng tự tứ lần thứ hai như vậy mà khách tỳ-kheo không đi, cựu tỳ-kheo nên như pháp, như luật cưỡng hòa hợp tự tứ. 3. Bấy giờ có trú xứ, đến ngày tự tứ, khi tự tứ không biết tội, không biết người. Tự tứ rồi biết tội biết người. Các tỳ-kheo kia tự nghĩ, chúng ta nên làm thế nào? Các vị liền báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trú xứ nào, khi tự tứ không biết tội, không biết người, tự tứ rồi biết tội biết người; nếu tự tứ rồi, không được đem những việc đã qua của người cử tội lại.» Trú xứ nào, khi tự tứ không biết tội, biết người. Tự tứ rồi biết tội, biết người. Nếu tự tứ rồi, thì không được đem những việc trước của người mà cử tội lại. «Trú xứ nào, khi tự tứ có biết tội, không biết người. Tự tứ rồi biết tội, biết người. Nếu tự tứ rồi thì không được đem những việc trước của người cử tội lại. 4. Có trú xứ, ngày tự tứ của khách tỳ-kheo đến là ngày mười bốn, còn cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Các tỳ-kheo không biết nên thế nào, nên báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu có trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo ngày mười bốn (tự tứ), cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo nên tùy theo. Không theo, nên như pháp trị. Có trú xứ khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng nhau cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo ngày mười bốn tự tứ, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo bằng nhau đó nên theo cựu Tỳ-kheo. Không theo, sẽ như pháp trị. Khi tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến đông. Khách tỳ-kheo thì ngày mười bốn tự tứ, còn cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Cựu tỳ-kheo ít, nên cùng khách tỳ-kheo cầu hòa hợp. Nếu cùng hòa hợp thì tốt. Bằng không hòa hợp, cựu tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ. Ngày tự tứ, [841a1] có trú xứ, khách tỳ-kheo đến ít. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo đến ít nên theo cựu tỳ-kheo cầu hòa hợp, nếu cùng hòa hợp thì tốt, bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ. Ngày tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến số lượng bằng cựu tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo bằng nên theo cựu tỳ-kheo cầu hòa hợp, cùng hòa hợp thì tốt, bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ. Ngày tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến nhiều. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Cựu tỳ-kheo ít nên theo khách tỳ-kheo cầu hòa hợp, theo được thì tốt, bằng không, như pháp trị. Khách tỳ-kheo ngày mười sáu, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm cũng như vậy. 5. Ngày tự tứ, có trú xứ cựu tỳ-kheo tập hợp muốn tự tứ. Khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Tỳ-kheo kia nghĩ: chúng ta nên làm thế nào? Họ liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào cựu tỳ-kheo tập hợp muốn tự tứ. Khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến ít. Khách tỳ-kheo nếu là cấp thượng tọa thì tùy theo cấp thượng tọa mà thứ tự tự tứ. Nếu cấp hạ tọa thì theo cấp hạ tọa mà thứ tự tự tứ. Nếu đã nói tự tứ xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số ít, nên công bố sự thanh tịnh. Nếu không công bố thì sẽ như pháp trị. «Ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo muốn tự tứ. Có khách tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không tự tứ, sẽ như pháp trị. Tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị.[23] «Ngày tự tứ, trú xứ cựu tỳ-kheo sắp sửa tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số nhiều. Cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không tự tứ sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng nhiều, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp sửa tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số ít. Nếu cựu tỳ-kheo là hàng Thượng tọa thì theo chỗ hàng Thượng tọa tự tứ. Nếu là hạ tọa theo chỗ của hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số ít, nên nói thanh tịnh tự tứ. Nếu không nói, sẽ như pháp trị. Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp sửa tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng nhau. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Không tự tứ, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Cựu tỳ-kheo tự tứ, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. Khách tỳ-kheo tự tứ, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. 8. Khách tự tự 1. Có một trú xứ, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nói: «Chúng ta có năm người, hoặc hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.» Bèn tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Họ liền báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày tự tứ trú xứ nào có khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết có cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.› Vị ấy liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số ít. Cựu tỳ-kheo là hàng thượng tọa thì tỳ-kheo theo thứ tự của thượng tọa tự tứ. Hạ tọa theo thứ tự của hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít. Cựu tỳ-kheo nên nói thanh tịnh tự tứ. Nếu không, sẽ như pháp trị. «Trú xứ nào ngày tự tứ khách tỳ-kheo đến, khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Chúng ta có năm người hay hơn năm người có thể tác yết-ma tự tứ.› Họ liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không sẽ như pháp trị. Tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không sẽ như pháp trị. «Trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể cùng tác yết-ma tự tứ.› Các vị ấy liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc hầu hết chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. «Trú xứ nào, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Nếu chúng ta có năm người hay hơn năm người có thể tác yết-ma tự tứ.› Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo cấp Thượng tọa thì theo cấp Thượng tọa mà tự tứ, hạ tọa thì theo thứ tự hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số ít, nên nói thanh tịnh tự tứ, nếu không nói sẽ như pháp trị. «Trú xứ nào ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.› Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Cựu tỳ-kheo nên tác pháp tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. Tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. «Trú xứ nào ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‹Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.› Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng đông hơn, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hay số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng nhiều hơn, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. «Khách tỳ-kheo tự tứ, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo tự tứ, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy.» 2. Hoặc nói nên tự tứ,[24] hoặc nói không nên tự tứ. Nếu có người không đến, bèn nói rằng, ‹Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!› Muốn làm mọi phương tiện, để phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Nếu kia tác yết-ma, tỳ-kheo kia không thành tựu pháp tác yết-ma, mắc tội thâu-lan-giá. Bấy giờ là ngày tự tứ, nếu khách tỳ-kheo đến [842a1] thấy dấu hiệu của cựu tỳ-kheo như treo giường dây, trải giường cây, phu cụ, nệm lông, gối, chỗ rửa chân. Thấy dấu hiệu rồi, không tìm kiếm, bèn tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo tự nghĩ: ‹Ta nên làm thế nào?› Các vị ấy liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày tự tứ, có khách tỳ-kheo đến, thấy có dấu hiệu của cựu trú tỳ-kheo như treo giường dây, trải giường cây, phu cụ, nệm lông, gối, chỗ rửa chân. Thấy có dấu hiệu mà không tìm kiếm liền tác yết-ma tự tứ. Nếu tác yết-ma tự tứ như vậy, thì không thành yết-ma tự tứ, lại có tội. «Thấy dấu hiệu rồi tìm kiếm. Tìm mà không được, nên kêu. Nếu không kêu mà tác yết-ma tự tứ, không thành yết-ma tự tứ, lại có tội. «Thấy có dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm không được, bèn nói: ‹Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!› Dùng nhiều phương tiện muốn phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc thâu-lan-giá. «Thấy dấu hiệu liền tìm. Tìm không được, bèn kêu. Kêu rồi tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma của tỳ-kheo kia tuy không phạm tội nhưng không thành tựu. «Thấy rồi liền tìm. Tìm được, hòa hợp yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không mắc tội. «Thấy nhưng nghi cũng như vậy.» «Có trú xứ, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến thấy dấu hiệu khách tỳ-kheo như y bát, tọa cụ, ống đựng kim, chỗ rửa chân, mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc tội. «Thấy dấu hiệu liền tìm. Tìm không được nên kêu. Nếu không kêu mà tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ không thành tựu, lại có tội. «Thấy có dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm không được, bèn nói: ‹Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!› Dùng nhiều phương tiện muốn phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc thâu-lan-giá. «Thấy dấu hiệu rồi liền tìm. Tìm không được, bèn kêu. Kêu rồi, tác yết-ma tự tứ. Yết-ma của tỳ-kheo kia tuy không thành tựu, nhưng không phạm tội. «Thấy dấu hiệu rồi tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp yết-ma tự tứ. Yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không mắc tội. «Thấy nhưng nghi cũng như vậy.» Ngày tự tứ, có trú xứ khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng bàn luận. Nghe mà không tìm kiếm, liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến vị kia không biết nên như thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ngày tự tứ, có trú xứ nào, khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo đi kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng bàn luận. Nghe tiếng mà không tìm cầu liền tác yết-ma tự tứ, thì không thành tựu mà mắc tội. «Từ ‹nghe rồi tìm› cho đến ‹hòa hợp tự tứ› cũng như vậy. «Nghe nhưng nghi cũng như vậy.» «Có trú xứ nào, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo lại, nghe tiếng khách tỳ-kheo đến, tiếng tụng kinh, tiếng tằng hắng, tiếng kinh hành, tiếng bàn luận, tiếng đập dũ y. Nghe rồi mà không tìm liền tác yết-ma tự tứ, yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, lại có tội. «Từ ‹nghe rồi tìm› cho đến ‹hòa hợp tự tứ› cũng như vậy. «Nghe, nghi cũng như vậy.» Có trú xứ, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo trên giới trường mà không tìm. Các tỳ-kheo liền tác pháp yết-ma tự tứ. Các tỳ-kheo không biết thế nào liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trên giới trường mà không tìm, liền tác yết-ma tự tứ, yết-ma của tỳ-kheo kia tuy thành tựu nhưng có tội. «Nếu thấy mà tìm. Tìm mà không kêu bèn tác yết-ma tự tứ. Yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành tựu nhưng có tội. «Nếu thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu, tác yết-ma tự tứ, tỳ-kheo kia không phá yết-ma, không tội. «Thấy nhưng nghi cũng như vậy.» «Trú xứ nào, ngày tự tứ cựu tỳ-kheo đến, thấy khách tỳ-kheo ở trên giới trường, thấy mà không tìm cầu. Các tỳ-kheo liền tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành tựu, nhưng có tội. «Nếu thấy liền tìm cầu, tìm cầu không được mà không kêu bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành, nhưng có tội. «Nếu thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu, tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. «Thấy nhưng nghi cũng như vậy.» «Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo cũng như vậy.» «Nghe nhưng nghi cũng như vậy.» «Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo cũng như vậy.» «Nghe nhưng nghi cũng như vậy.» Có trú xứ ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong cương giới. Thấy mà không tìm cầu, liền tác yết-ma tự tứ. Khi tự tứ, thấy cựu tỳ-kheo đến, không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong cương giới, thấy mà không tìm cầu liền tác yết-ma tự tứ, yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, có tội. «Thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi không kêu bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, và có tội. «Thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu hòa hợp tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. «Thấy nhưng nghi cũng như vậy.» «Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo cũng như vậy.» «Nghe nhưng nghi cũng như vậy.» «Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo cũng như vậy.» «Nghe nhưng nghi cũng như vậy.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: «Chúng ta hãy từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi có trú xứ không tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì chúng ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.»[25] Các tỳ-kheo liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ như vậy.» Từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi có trú xứ không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Vị kia nghĩ: ‹Ta hãy từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi không trú xứ không Tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.› Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ như vậy.» Từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi không trú xứ không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Vị kia có ý nghĩ: ‹Ta hãy từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, hay không trú xứ, hoặc ở trên giới trường. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.› Đức Phật dạy: «Không nên có ý nghĩ như vậy. «Từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ hay không trú xứ, hoặc [843a1] ở trên giới trường với tỳ-kheo, sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Nếu không có Tăng cùng đi, không nạn sự mà đi thì mắc đột-kết-la. «Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. «Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo không trú xứ cũng như vậy. «Từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. «Vì thân hữu tri thức cũng như vậy.» Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý như vầy: «Chúng ta hãy đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: 3. «Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ như vầy: ‹Đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo.› Không được trước tỳ-kheo-ni tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Các tỳ-kheo-ni, sai thức-xoa-ma-na, sa-di ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không được sai thức-xoa-ma-na, sa-di-ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được trước thức-xoa-ma-na, sa-di ni tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Các tỳ-kheo-ni lại có ý niệm sai bạch y thân hữu đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên có ý nghĩ sai bạch y thân hữu đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được trước bạch y tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.» Bấy giờ Vua Ba-tư-nặc sai quân đến hộ vệ cho chúng Tăng. Các tỳ-kheo nói với các binh lính rằng: «Quý vị đi ra ngoài một chút, chúng tôi muốn tác yết-ma tự tứ.» Quân lính nói: «Vua sai chúng tôi đến đây để hộ vệ chúng Tăng. Chúng tôi không dám đi chỗ khác.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên nói một lần nữa, yêu cầu họ tránh đi chỗ khác. Nếu họ đi thì tốt, bằng không đi tự mình nên đi đến chỗ không thấy không nghe tác yết-ma tự tứ, chứ không được ở trước người chưa thọ đại giới tác yết-ma tự tứ.» Khi các loại trời rồng, dạ xoa đến nghe tự tứ. Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy, sanh tâm e ngại, vì đức Phật không cho phép tỳ-kheo trước người chưa thọ đại giới tự tứ, nên liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trừ loài người chưa thọ đại giới, ngoài ra cho phép yết-ma tự tứ.» Có vị tự tứ rồi lại thuyết giới nên ngồi lâu mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tự tứ rồi lại thuyết giới. Tự tứ tức là thuyết giới.» Đức Phật dạy như vậy. CHƯƠNG V. DA THUỘC I. NHÂN DUYÊN THỦ-LUNG-NA 1. Hai bàn chân [843b12] Một thời, đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ tại thành Chiêm-ba[1] có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na.[2] Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua nước Ma-kiệt[3] nghe trong thành Chiêm-ba có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na. Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua muốn được thấy, liền ra lệnh cho ông chủ thành Chiêm-ba[4] bảo các trưởng giả đều đem con của mình đến chỗ nhà Vua. Ông chủ thành Chiêm-ba ra lịnh các ông trưởng giả đem con của họ đến chỗ Vua Ma-kiệt. Khi đến nơi, họ đảnh lễ sát chân nhà Vua, rồi đứng qua một bên, tâu với Vua: «Đại vương muốn thấy con của các đại trưởng giả trong thành Chiêm-ba. Đây là một đứa từ nhỏ đến lớn quen theo sống sung sướng, cha mẹ rất thương yêu, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Xin Vua cho phép dùng vải trải trên đất.» Vua cho phép lấy vải trải trên đất. Con ông trưởng giả có tên Thủ-lung-na liền dùng vải trải trên đất, bước đến chỗ nhà Vua, đầu mặt kính lễ. Nhà Vua thấy dưới bàn chân mọc lông. Lòng Vua rất hoan hỷ, liền ban cho[5] những lợi ích trong đời hiện tại và nói: «Ta đã cho các ngươi những lợi ích trong đời hiện tại. Đức Thế Tôn hiện ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Các ngươi có thể đến đó để chiêm ngưỡng và lễ bái hỏi chào Ngài. Ngài sẽ cho ngươi những điều có lợi ích cho đời sau.» Bấy giờ, chủ thành Chiêm-ba và các trưởng giả nghe Vua nói, rồi cùng nhau đến trong núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy Trưởng lão Ta-kiệt-đà[6] là thị giả của Phật, đang ngồi trên tảng đá lớn ở một chỗ nọ. Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ trưởng lão Ta-kiệt-đà, hỏi: «Hiện nay đức Thế Tôn ở đâu? Chúng tôi muốn diện kiến đức Như Lai.» Ta-kiệt-đà bảo: «Chờ một chút! Trưởng giả hãy để tôi bạch Phật.» Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất khỏi tảng đá, trong khoảnh khắc như đại lực sĩ co duỗi cánh tay, đến trước đức Phật, bạch: «Trưởng giả Chiêm-ba muốn diện kiến đức Thế Tôn.» Phật bảo: «Ông đến nơi nhà mát trải chỗ ngồi. Ta sẽ đến đó.» Ta-kiệt-đà vâng lời dạy, trải chỗ ngồi xong, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch: «Con đã trải chỗ ngồi xong. Bây giờ là phải thời.» Đức Thế Tôn từ trong nhà bước ra, đến ngồi vào chỗ ngồi đã trải sẵn, bảo Ta-kiệt-đà: «Mời trưởng giả Chiêm-ba đến!» Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất trước đức Phật, trong khoảnh khắc như kẻ lực sĩ co duỗi cánh tay, đã có mặt nơi tảng đá. Ông trưởng giả thấy liền khen: «Thật chưa từng có! Đệ tử đức Thế Tôn thần túc còn như thế, huống là đức Như Lai.» Ta-kiệt-đà nói: «Thưa Trưởng giả. Bây giờ là phải thời.» Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ rồi lui ra ngồi một bên. Đức Thế Tôn liền vì ông chủ thành Chiêm-ba và các con trưởng giả phương tiện nói pháp. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Họ liền ngay trên chỗ ngồi mà được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, không còn thối lui; bạch Phật rằng: «Đại đức, chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Con ông trưởng giả có tên Thủ-lung-na ngồi trong đám đông, nghĩ rằng: «Ta nghe lời Phật dạy, ở tại gia cùng vợ con khó tu hạnh thanh tịnh. Nay ta nên theo Phật, xin cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo.» Rồi có ý chờ mọi người giải tán. Bấy giờ chủ thành Chiêm-ba nghe đức Phật phương tiện nói các pháp, sanh tâm đại hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ, nhiễu quanh đức Phật và cáo lui. Con ông trưởng giả tên là Thủ-lung-na trở lại, đến chỗ đức Phật, đầu mặt làm lễ, rồi lui ra đứng một bên, bạch đức Thế Tôn: «Con vừa nghe Phật nói, nếu ở tại gia cùng vợ con khó có thể tu hạnh thanh tịnh. Nay con muốn theo đức Thế Tôn, xin cạo bỏ râu tóc, cho con xuất gia làm đạo.» Đức Phật hỏi Thủ-lung-na. «Cha mẹ ông đã cho phép chưa?» Thủ-lung-na thưa: «Thế Tôn, cha mẹ con chưa cho phép.» Đức Phât [844a1] dạy: «Nếu cha mẹ con không cho phép, Như Lai không nhận con xuất gia.» Thủ-lung-na thưa: «Con sẽ tìm cách để cha mẹ con cho phép.» Đức Phật dạy: «Nay phải thời.» Bấy giờ Thủ-lung-na trở lại thành Chiêm-ba, đến chỗ cha mẹ thưa: «Con vừa nghe Phật nói, sống tại gia cùng vợ con không thể tu hạnh thanh tịnh được. Nay con muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc để xuất gia hành đạo. Xin cha mẹ cho phép.» Cha mẹ Thủ-lung-na nói: «Phép xuất gia quá khó. Làm sa-môn cũng không phải dễ. Chi bằng con sống tại gia, vui với ái dục, tuỳ ý làm việc phước. Khỏi phải xuất gia.» Thủ-lung-na nghe cha mẹ nói như vậy, vẫn cố xin lần thứ hai, lần thứ ba như vậy, chứ không chịu thôi. Thủ-lung-na ba lần thưa xin cha mẹ như vậy, cha mẹ vẫn không cho. Bấy giờ, Thủ-lung-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi ngồi xuống đất và nói: «Từ nay trở đi, con không tắm rửa, không thoa hương thơm, không uống nước, không ăn. Hoặc chết, hoặc xuất gia.» Một ngày không ăn, cho đến năm ngày không ăn. Bà con, bạn bè của Thủ-lung-na nghe Thủ-lung-na muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo mà cha mẹ không cho, đã không ăn cho đến năm ngày. Các bà con thân quen của Thủ-lung-na bèn đến chỗ Thủ-lung-na, nói: «Đứng dậy đi, Thủ-lung-na. Hãy đi tắm, thoa hương thơm, ăn uống, làm việc phước đức theo ý muốn. Chứ xuất gia không phải dễ. Làm sa-môn cũng rất khó. Thôi đi, đừng xuất gia nữa.» Thủ-lung-na nghe các bà con thân quen nói như vậy, vẫn giữ nguyên ý nguyện. Bấy giờ các bạn của Thủ-lung-na đến chỗ cha mẹ của Thủ-lung-na nói: «Hãy cho Thủ-lung-na xuất gia làm đạo. Nếu vui sống xuất gia thì còn thường gặp. Nếu không vui xuất gia nữa, sẽ trở về lại. Chứ nếu để Thủ-lung-na chết thì làm sao?» Cha mẹ Thủ-lung-na nghe xong liền nói: «Thôi thì tùy ý xuất gia.» Thủ-lung-na nghe cha mẹ cho phép rồi, trong lòng tự nghĩ: «Nay ta gầy yếu thế này không kham ngày ăn một bữa. Cần phải bồi dưỡng một chút.» Khi Thủ-lung-na có ít nhiều sức khỏe, liền đến chỗ cha mẹ thưa: «Nay con xin đi xuất gia.» Cha mẹ nói: «Nay hợp thời.» Thủ-lung-na liền đến chỗ đức Thế Tôn trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá, đầu mặt kính lễ rồi đứng qua một bên, bạch Phật: «Cha mẹ con đã cho con xuất gia làm đạo. Cúi xin Phật độ cho con, được thọ đại giới.» Đức Phật liền cho xuất gia thọ đại giới. Bấy giờ cha mẹ Thủ-lung-na, trong khoảng cách giữa hai thành, thiết lập bảy trạm ngựa để mang thức ăn còn nóng đến Thủ-lung-na cho kịp thời. Đến giờ, Thủ-lung-na đem thức ăn này cúng dường các Thượng tọa, rồi tự mình vào thành khất thực. Cha mẹ Thủ-lung-na nghe con mình đem thức ăn này dâng cúng cho các tỳ-kheo, rồi tự mình khất thực, nên từ đó về sau không đưa thức ăn nữa. 2. Giây đàn căng Bấy giờ, Thủ-lung-na đến ở bên sông Ôn thủy, trong rừng Thi-đà,[7] siêng năng tinh tấn kinh hành, đến độ bàn chân rỉ máu, khiến chỗ kinh hành đất dính đầy máu như chỗ lò sát sanh. Thủ-lung-na ở chỗ vắng tư duy như vầy: «Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.» Bấy giờ đức Thế Tôn biết tâm niệm đó của Thủ-lung-na nên trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi tay, từ Kỳ-xà-quật đến rừng Thi-đà, thấy chỗ kinh hành đất dính máu như lò sát sanh. Ngài biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo: «Ai kinh hành nơi đây mà đất dính máu, như chỗ lò sát sanh thế này?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Tỳ-kheo Thủ-lung-na siêng năng tinh tấn kinh hành, bàn chân rỉ máu, nên đất dính máu như vậy.» Đức Phật bảo kêu Thủ-lung-na đến. Tỳ-kheo vâng lời dạy của đức Phật đến chỗ Thủ-lung-na nói: «Đức Thế Tôn bảo kêu Thầy đến.» Thủ-lung-na nghe đức Phật kêu liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi lui ra ngồi một bên. Đức Phật biết mà vẫn cố hỏi: «Vừa rồi ở nơi chỗ vắng ông nghĩ như vầy: ‹Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.› Có thật vậy chăng?» «Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.» Đức Thế Tôn nói: «Nay Ta hỏi ông. Cứ tuỳ ý mà trả lời. Khi ông còn ở nhà, có hay chơi đàn không?» «Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy, lúc còn ở nhà con hay chơi đàn.» «Này Thủ-lung-na, khi dây đàn căng quá thì âm thanh có tốt hay không?» «Bạch Đức Thế Tôn, không.» «Này Thủ-lung-na, khi dây đàn chùng, âm thanh có tốt hay không?» «Bạch Đức Thế Tôn, không.» «Này Thủ-lung-na, khi dây đàn không chùng không căng quá, thì âm thanh có tốt hay không?» «Kính bạch Đức Thế Tôn, âm thanh tốt.» Đức Thế Tôn nói: «Cũng vậy, này Thủ-lung-na, nếu tinh tấn quá thì bị chao động. Ít tinh tấn thì sanh biếng nhác. Nên tinh tấn vừa phải đối với các căn.»[8] Thủ-lung-na nghe đức Phật lược nói giáo giới rồi, một mình ở nơi chỗ vắng siêng năng tinh tấn, tâm không phóng dật, đầu đêm, sau đêm kỉnh giác lòng mình, tu hành pháp trợ đạo, để đạt mục đích của người xuất gia, không bao lâu đắc quả, ngay trong đời này mà chứng đắc vô thượng tịnh hạnh, biết rằng, ‹Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.› Thủ-lung-na đắc đạo A-la-hán. 3. Sáu tín giải Khi Thủ-lung-na đắc đạo A-la-hán rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch Phật:[9] «Nếu có tỳ-kheo đạt được A-la-hán rồi, dứt sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc trong sáu trường hợp:[10] an lạc với xuất ly, an lạc nơi sự không sân hận, an lạc nơi đời sống tịch tĩnh, an lạc nơi sự diệt tận ái dục, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi sự không si. Nếu có tỳ-kheo đạt được A-la-hán, sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc nơi sáu xứ này. Bạch đức Thế Tôn, có trường hợp nào không y nơi tín mà được xuất ly hay chăng?» «Không nên có ý nghĩ là không y trên tín mà có an lạc nơi sự xuất ly để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.»[11] «Bạch Đức Thế Tôn, có trường hợp nào, không y vào trì giới mà được an lạc nơi sự không sân nhuế hay chăng?»[12] «Không nên có ý nghĩ là không y vào trì giới mà có an lạc nơi sự không sân nhuế để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.» «Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào, không đoạn các lợi dưỡng mà có an lạc nơi sự tịch tĩnh[13] hay chăng?»[14] «Không nên có ý nghĩ là không đoạn lợi dưỡng mà có an lạc sự tịch tĩnh để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si. «Vị kia do có sự an lạc nơi ái tận, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi vô si mà đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si. «Tỳ kheo như vậy tâm giải thoát hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô. Thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. «Bạch Thế Tôn, cũng như núi đá lớn nguyên vẹn, không bị sứt, không không bị thủng, không kẻ nứt. Nếu từ phương đông có trận mưa to gió lớn đưa đến thì núi này không bị di chuyển, không bị lay động. Từ phương nam, tây, bắc cũng như vậy. Cũng vậy, bạch đức Thế Tôn, nếu tỳ-kheo được đạo A-la-hán, tâm được giải thoát, dứt sạch các hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm [845a1] giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô, thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.» Nói như vậy rồi nói kệ: Người tin tưởng xuất ly, Tỳ-kheo ưa vắng lặng, Ưa thích không sân nhuế, Và an lạc nơi ái tận, An lạc không thủ uẩn, Tâm không còn ngu si, Xét biết không khởi nữa; Từ đây được giải thoát. Chính nhờ giải thoát này Liền được tâm tĩnh lặng. Đã đạt được vô quán, Không còn gì phải làm. Thí như hòn núi lớn Gió không thể hoại được. Sắc, thanh cũng như vậy, Cùng hương, vị, xúc, pháp; Đối với pháp thiện ác, Kẻ trí không dao động Tâm an trụ giải thoát, Mà quán sự diệt tận.[15] Thủ-lung-na sau khi nói bài kệ như vậy, được đức Phật ấn chứng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật kính lễ sát chân rồi cáo lui. Thủ-lung-na ra đi không lâu, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nên tự ghi nhận như vầy về sự đắc đạo. Chỉ nói về nghĩa, chứ không nói thẳng là đã đắc. Đừng nên như những tỳ-kheo ngu si kia hoan hỷ tự ghi nhận, rồi sau không có sở đắc, luống tự khổ nhọc.» Một hôm, Thủ-lung-na đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi qua một bên, đức Phật bảo Thủ-lung-na: «Bình sanh của ông quen sung sướng, không quen đi bộ. Cho phép ông ở trong chùa mang dép một lớp.» Thủ-lung-na liền bạch Phật: «Con đã xả bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo. Nay nếu con mang giày một lớp không khỏi có người cười rằng, Thủ-lung-na bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo, lại tham dép một lớp. Nếu đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo dùng thì con mới dùng.» Đức Phật im lặng chấp nhận và do nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, rồi bảo các tỳ-kheo: «Vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, cho phép khi ở trong chùa được mang dép một lớp.» Bấy giờ các tỳ-kheo mang dép một lớp, không bao lâu bị lủng hư. Đức Phật cho dùng vỏ cây hoặc da vá lại, dùng chỉ để may. Nếu bị đứt thì nên dùng gân hay lông may lại. Bấy giờ cần dùi để dùi, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép sử dụng dùi để dùi.[16]
Chú thích: [5] Năm người, kể luôn tỳ-kheo trú xứ. [6] Bốn người hiện diện, không đựơc nhận dục để báo có người thứ năm nhưng vắng mặt. [7] Cf. Pali, Vin. i. 163: Ở đó có 5 tỳ-kheo, không được nhận tự tứ dục (ekassa pavāraṇaṃ āharitvā) để tác Tăng pháp tự tứ (saṅghe pavāretabbaṃ). Có bốn, không được nhận dục một người để tác đối thủ tự tứ. [8] Xem cht. 6 & 7 trên. [9] Xem Chương Thuyết giới, mục «Dữ dục.» [10] Cf. Vin. i. 170: Phật quy định tác bạch ngăn không cho tỳ-kheo phạm tội tự tứ (pavāranaṃ ṭhapetuṃ). [11] Vô căn, bất tác 無根不作. Cf. Pali, Vin.i. 170: avatthusmiṃ akāraṇe, không có cơ sở (căn), không có lý do (tác). [12] Hữu dư bất tác 有餘不作. Không có lý do tuy chưa đầy đủ. [13] Hữu dư tác 有餘作. Có lý do tuy chưa đầy đủ. [14] Sự 事, trên kia nói là căn 根 (pali: vatthu) tức cơ sở nêu tội để ngăn tự tứ. [15] Xem Phần I, Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 8: vô căn ba-la-di báng; và 9: giả căn báng. [16] Xem Phần I, Ch. v. ba-dật-đề 80: vô căn tăng-già-bà-thi-sa pháp báng. [17] Đột-kiết-la hoặc ác thuyết. [18] Đối với tỳ-kheo phạm tội bị ngăn tự tứ có căn cứ. [19] Tuỳ ý sự (No.1446, tr.1047b15): nếu phạm ba-la-thị-ca thì tẫn xuất. Nếu phạm tăng già-phạt-thi-sa, thì tạm gác đó chờ tự tứ xong sẽ tri tội. Các tội khác, sám hối xong mới tự tứ. [20] Ngũ phần 19 (T22n1421 tr.133c03): sợ các tỳ-kheo kia, sẽ đến ngăn trú xứ này tự tứ. [21] Cf. Vin.i. không được ngăn (phủ nhận) tự tứ đối với người đã tự tứ (na…pavāritamapi pavāraṇā ṭhapetabbā). [22] Tăng thượng tự tứ 增上自恣, chồng thêm ngày tự tứ. [23] Thập tụng 23 (No.1435, tr.167b7): «Các tỳ-kheo ấy nên tự tứ lại tỳ-kheo trước đó đã tự tứ như vậy, không có tội.» Cf. Pali, Vin. i. 165: Trong khi đang tự tứ, khách tỳ-kheo đến, đông hơn; các tỳ-kheo trú xứ tự tứ lại (tehi bhikkhūhi puna pavāretabbaṃ). Khách tỳ-kheo với số lượng bằng, hay ít hơn, ai đã tự tứ là tự tứ tốt. Ai chưa tự tứ thì tự tứ. (pavāritā suppavāritā, avasesehi pavāretabbaṃ). Những người đã tự tứ, không có tội (pavāritānam anāpatti). [24] Xem Ch.ii. Bố tát, mục III.6. Phá yết-ma & cht. 211. [25] Xem Ch. ii. Thuyết giới, Mục iii.9 Chuyển trú xứ. [1] Chiêm-bà 瞻婆. Pali: Campā, thủ phủ của nước Aṅga, lân bang thân thiện với Magadha. [2] Thủ-lung-na 守籠那. Pali (Vin.i. 179): Soṇo-Koḷiviso seṭṭhi-putto, Soṇa-Koḷivisa, con trai của một nhà phú hộ. [3] Pali, ibid., rājā Magadho Seniyo Bimbíāro. [4] Thành chủ Chiêm-ba la vua nước Ương-già, không phải thần dân của Vua nước Ma-kiệt. Nhưng Ma-kiệt và Ương-già có thời liên kết. Vin. ibid., Bimbisāra cai trị 80 ngàn thôn. Vua tập tọp 80 ngàn thôn trưởng. [5] Pali, cho 80 ngàn thôn trưởng. [6] Ta-kiệt-đà 娑竭陀. Pali: Sāgata. Truyện về vị thị giả này, xem Phần I, Ch. v, duyên khởi ba-dật-đề 51 (tỳ-kheo uống rượu). [7] Thi-đà lâm尸陀林. Pali: Sītavana, bãi tha-ma ngoại thành Vương-xá. Chỗ thiêu vất xác người chết. [8] Cf. Vin.i. 183: accāraddhavīriyaṃ uddhaccāya saṃvattati, atilīnavīriyaṃ kosajjāya saṃvattati…indriyānañca samataṃ paṭivijjha, «nỗ lực tinh tấn thái quá đưa đến loạn động. Ít gắng sức tinh tấn sinh ra dã dượi. Hãy giữ các căn quân bình.» [9] Tham chiếu, Trung A-hàm 29 (T01, tr.611c), Tạp A-hàm 9 (T02, tr.62b), Tăng nhất 13 (T02, tr.162). Pali, A. iii. 374 Soṇa-sutta. [10] Cf. Vin.ibid., chaṭṭhāni adhimutto, sáu thắng giải hay tín giải (xác tín): nekkhamma, xuất ly hay thoát ly gia đình; paviveka, viễn ly hay sống ẩn dật; avyāpajja, không thù hận; upādānakkhata, đã sạch các thủ (phiền não); taṇhakkhaya, ái tận; asammoha, vô si. [11] Tham chiếu, Pali, Vin.i.ibid., «Chớ có quan điểm rằng, tôn giả này duy chỉ y trên tín mà có tín giải về sự xuất ly... Y trên sự diệt tận của tham, do ly tham, có tín giải về xuất ly. Y trên sự diệt tận sân, do vô sân, mà có tín giải xuất ly…» [12] Tham chiếu Pali, ibid., «Đừng nên có quan điểm rằng, tôn giả này tin giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tối thắng, do đó mà có tín giải nơi sự không não hại.» [13] Tịch tĩnh; Pali: paviveka: viễn ly, sống xa lánh, ẩn dật. [14] Tham chiếu Pali, ibid., «Đừng có quan điểm rằng, tôn giả này vì tham trước lợi dưỡng mà có tín giải nơi sự viễn ly.» [15] Tham chiếu Pali, inid., ṭhitaṃ cittaṃ vippamuttaṃ, vayañcas-sānupassatīti, Tâm đã giải thoát, an trụ; vị ấy quan sát sự chìm xuống của nó. [16] Hết quyển 38. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích II. NHÂN DUYÊN ỨC NHĨ 1. Tăng già biên địa Bấy giờ Đại Ca-chiên-diên ở trong sườn núi Câu-lưu Hoan hỷ[17] tại nước A-bàn-đề,[18] cùng với Ức Nhĩ ưu-bà-tắc,[19] có cả người sai khiến.[20] Bấy giờ, Ức Nhĩ lòng tự nghĩ rằng: «Như lời Phật dạy, nếu ta sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Ta hãy cạo bỏ râu tóc xuất gia làm đạo.» Ức Nhĩ liền đến chỗ Đại Ca-chiên-diên thưa: «Con nghe lời Phật dạy, nếu sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Cúi xin Đại đức cho con xuất gia thọ đại giới.» Ca-chiên-diên nói: «Xuất gia là việc rất khó. Làm sa-môn cũng không phải là dễ. Ông nên sống tại gia, hộ trì Phật giới, tùy theo thời tu hành theo lời Phật dạy.» Ức Nhĩ thưa xin ba lần. Đại Ca-chiên-diên thấy Ức Nhĩ ân cần ba phen, bèn cho xuất gia, nhưng đến ba năm mới được thọ đại giới. Tại sao vậy? Bởi vì không đủ Tăng gồm mười vị. Ức Nhĩ thọ giới chưa bao lâu liền đắc đạo A-la-hán. Tự ghi nhận sự đắc đạo như trước đã nói. Bấy giờ Ức Nhĩ nghe đức Phật có công đức tướng hảo trang nghiêm, các căn tịch tịnh, vô thượng điều phục, như tượng vương, như vực suối trong vắt, người nghe đều hoan hỷ. Ức Nhĩ muốn đến yết kiến đức Phật nên đến chỗ Ca-chiên-diên thưa: «Con nghe công đức của Phật như vậy, muốn đến yết kiến Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác.» Ca-chiên-diên nói: «Công đức của Phật như lời ông nói.» Ca-chiên-diên nói tiếp: «Ông nhơn danh tôi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Thế Tôn: ‹Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít bịnh, an lạc không?› Rồi ông đem năm việc sau đây đến bạch đức Thế Tôn: «1. Tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề ít Tỳ-kheo, nên thọ đại giới khó khăn, ba năm mới tổ chức được.[21] Tại sao như vậy? Vì không đủ Tăng mười vị. Từ nay về sau, cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho thế nào để nước A-thấp-bà A-bàn-đề được thọ đại giới dễ dàng. «2. A-thấp-bà A-bàn-đề nhiều chông gai, sỏi đá; giày dép một lớp dễ bị hư rách. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép mang giày dép hai lớp. «3. A-thấp-bà A-bàn-đề người đời ưa tắm. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo thường thường tắm rửa. «4. Như các phương khác có những loại ngọa cụ tốt như y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu[22] như vậy. Nước A-thấp-bà A-bàn-đề cũng dùng da làm ngọa cụ như da sơn dương, da cừu, da hươu.[23] Cúi xin đức Thế Tôn cho phép được dùng ngọa cụ bằng da. «5. Có tỳ-kheo đến địa phương khác. Sau đó, trú xứ cũ được y,[24] không dám nhận; vì sợ phạm ni-tát-kỳ. Cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho được nhận.» Tỳ-kheo Ức Nhĩ nghe Đại Ca-chiên-diên nói, im lặng thọ trì, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt kính lễ, nhiễu quanh rồi cáo lui. Ức Nhĩ nghe đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Ức Nhĩ mang đầy đủ ba y và bát đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật liền ủy lạo bằng cách hỏi: «Trụ chỉ có được an lạc hay không? Có vất vả vì sự ăn uống không ?» Ức Nhĩ bạch Phật, trụ chỉ được an lạc, không bị vất vả bởi thức ăn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Sửa soạn chỗ cho các tỳ-kheo nghỉ.» Tôn giả A-nan tự biết, theo thường pháp của đức Thế Tôn, là muốn cho khách tỳ-kheo cùng nghỉ với Ngài, nên mới bảo A-nan sửa soạn. Tôn giả vâng lời Phật dạy, vào trong phòng nơi đức Phật nghỉ, sửa soạn một chỗ ngồi đối diện với chỗ ngồi của Ngài. Rồi trở lại chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Con đã sửa soạn chỗ cho khách tỳ-kheo nghỉ xong. Con xin phép được mời khách vào.» Đức Thế Tôn liền đứng dậy vào phòng, đến chỗ ngồi. Ức Nhĩ cùng vào phòng với đức Phật, ngồi vào chỗ ngồi đối diện. Đức Thế Tôn ngồi tĩnh lặng trong giây lát, rồi bảo Ức Nhĩ: «Ông có thể nói pháp không?» Ức Nhĩ nghe lời Phật dạy, bèn ở trước đức Phật, nói «Mười sáu cú nghĩa»,[25] không thêm, không bớt, không hoại, âm thanh trong trẻo, chương cú thứ tự rõ ràng có thể hiểu được. Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: ‹Hay thay, tỳ-kheo này nói kinh pháp mười sáu cú nghĩa, không tăng, không giảm, không hư hoại, âm thinh trong trẻo, thứ tự chương cú rõ ràng, có thể hiểu được.› Đức Phật hỏi Ức Nhĩ: «Trước đây ông làm gì?» Ức Nhĩ thưa: «Từ lâu, con thấy dục là tai hại. Nhưng thọ giới được thì rất khó. Phải đợi đến ba năm. Vì sao vây? Vì không đủ chúng mười vị.» Ức Nhĩ nghĩ rằng nay đã đúng lúc bạch lên đức Thế Tôn năm việc mà Hòa thượng Ca-chiên-diên dặn. Ức Nhĩ bạch Phật: «Hòa thượng Ca-chiên-diên của con dặn con nhơn danh người đê đầu đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn và xin được vấn an sức khỏe Thế Tôn: ‹Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít [846a1] bịnh, an lạc không?› » Rôi Ức Nhĩ trình bày năm việc như trên lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chấp thuận bằng sự im lặng. Sáng sớm hôm sau, đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, oai nghi tề chỉnh, thiểu dục tri túc, ưa nơi không nhàn, và bảo các tỳ-kheo: «Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề có người thứ năm là người trì luật[26] thì được thọ đại giới. Các nơi khác gặp trường hợp như vậy cũng cho phép. Nơi khác là: phương Đông có nước tên là Bạch mộc điều;[27] ngoài nước ấy thì được phép. Phương Nam có tháp tên là Tĩnh thiện,[28] ngoài tháp ra thì được phép. Phương Tây có Quốc sơn tên là Nhất-sư-lê Tiên nhơn chủng,[29] ngoài núi ra thì được phép. Phương Bắc có nước tên là Trụ,[30] ngoài ra thì được phép. Ngoài các nơi như trên nếu có người thứ năm là người trì luật thì được phép thọ giới. «Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề mang giày dép hai lớp. «Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề thường xuyên được tắm rửa. «Cho phép nước đó trải da của loài sơn dương, cừu, da hươu làm ngọa cụ. «Cho phép các tỳ-kheo nhận được y đủ mười ngày. Quá hạn nên xả. Xả rồi sám hối.» 2. Những quy định về da thuộc i. Quy định chung về giày dép Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được đôi dép vá bằng da; khi ở cách Phật không xa, bèn xé lột ra cho hư hoại, vì sợ phạm mang dép hai lớp. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo ấy: «Sao ông xé đôi dép cho hư hoại?» Vị tỳ-kheo thưa: «Vì con sợ phạm giới mang dép hai lớp.» Đức Phật dạy: «Giày dép bị lủng hư, được phép vá hai lớp.» Các tỳ-kheo nhận được loại da chưa thuộc. Đức Phật dạy: «Cho phép thuộc da cho mềm. Hoặc tự mình làm cho nó mềm, hoặc nhờ người làm cho mềm rồi mới cắt làm giày dép một lớp.» Cần dao, Phật cho phép chứa dao. Cần ván, Phật cho phép chứa ván. Cần gân, cần lông, cần chỉ da... đức Phật đều cho phép chứa. Cần kéo, đức Phật cho phép chứa kéo. Dao lụt, cho phép mài, cho phép chứa đá mài. Bấy giờ, các tỳ-kheo để rải rác dao, dùi, gân, lông, chỉ da, kéo, không có chỗ cất. Đức Phật dạy: «Cho phép làm cái túi để đựng. Hoặc lấy tre đan thành lồng; hoặc lấy vỏ cây làm thành cái lồng. Cho phép dùng đãy bằng lông bọc bên ngoài. Có thể dùng một trong mười loại vải để làm cái đãy. Các tỳ-kheo dùng da để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng da làm.» Các tỳ-kheo để y mới trên giày dép rồi ngồi, làm bẩn y. Đức Phật dạy: «Không được để y mới lên trên giày dép rồi ngồi lên trên. Các tỳ-kheo cũng không được ngồi trên da. Trừ nước A-thấp-bà A-bàn-đề.» Các tỳ-kheo đem giày dép để ở trước rồi ngủ, chó ngậm đem đi. Đức Phật dạy: «Không được để giày dép ở trước rồi ngủ. Nên lấy cỏ phủ lại. Hoặc úp hai đế lại với nhau rồi để dưới ni-sư-đàn.» Tỳ-kheo đem giày dép để một bên rồi ngủ. Khi lăn qua, nằm trên giày dép, với tâm cẩn thận nghĩ, sợ phạm tội nằm ngủ trên da. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có tỳ-kheo đem giày dép để trong bình bát mang đi. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không nên để giày dép trong bình bát. Nên giữ bát cho sạch sẽ.» Có tỳ-kheo một tay cầm cả giày dép và bình bát. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không được một tay cầm cả giày dép và bình bát. Nên một tay cầm bình bát, một tay xách giày dép.» Các tỳ-kheo lội qua nước bùn, vén y không được. Y rớt trong nước bùn. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng ngón tay móc giày dép. Bình bát để trong bàn tay. Một tay vén y.» ii. Các loại da Các tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian. Đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Nghỉ đêm tại nhà ông thợ làm đồ gốm, gần bên chỗ nhồi bùn có da thú. Tỳ-kheo ngủ bên trên, sáng ngày mới thấy, sợ phạm ngủ trên da. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Nhóm sáu tỳ-kheo tích trữ loại da lớn[31] như sư tử, cọp, beo, rái cá, mèo rừng, ca-la,[32] cáo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được chứa tất cả da lớn.» Nhóm sáu tỳ-kheo ngồi trên giường cao lớn, hoặc ngồi một mình trên giường dây, giường cây, giường ngà voi, trải bằng da ngựa, da voi; đệm bông, ngọa cụ tạp sắc, cù lâu,[33] dùng các loại lông con rái cá độn làm nệm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ngồi trên giường cao lớn, cho đến dùng lông con rái cá độn làm nệm.» Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường cao rộng tốt đẹp cho tỳ-kheo, mời tỳ-kheo ngồi. Các tỳ-kheo nói: «Đức Phật không cho phép chúng tôi ngồi trên giường cao lớn.» Các bạch y thưa: «Chúng con đâu có cái giường nào khác.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép ngồi. Trừ loại giường bằng vật báu, ngoài ra, nơi nhà bạch y, được phép được ngồi.» Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ vì tỳ-kheo trải giường bằng da, giường đơn.[34] Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi, nghĩ rằng: ‹Đức Phật không cho chúng ta ngồi trên da thú, trừ tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề.› Các bạch y thưa: «Chúng con không có cái giường nào khác.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.» Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường dây, giường cây dài. Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi vì Phật không cho phép họ và thượng tọa cùng ngồi trên một giường. Các bạch y thưa: «Chúng con không đủ chỗ cho mỗi vị ngồi riêng một giường.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi chung.» Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải đãy bằng da. Tỳ-kheo có tâm e ngại, nghĩ rằng: ‹Đức Phật không cho phép ngồi trên da.› Các cư sĩ thưa: «Chúng con không có chỗ ngồi nào khác.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.» Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có đàn-việt là một người chăn bò. Sáng sớm, Bạt-nan-đà khoác y đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi. Lúc đó, người chăn bò đến ngồi nghe pháp. Bạt-nan-đà Thích tử khéo léo vì ông nói pháp, dùng mọi phương tiện khuyến hóa người đàn-việt khiến rất hoan hỷ, nên hỏi: «Đạt đức cần gì?» Bạt-nan-đà nói: «Thôi. Tôi không cần gì. Như thế là cúng dường rồi.» Người đàn-việt lại thưa: «Xin Thầy cần gì cứ nói.» Bạt-nan-đà nói: «Thôi, tôi không cần gì. Tôi có nói ra cũng không đáp ứng được đâu!» Người đàn-việt nói: «Đại đức cứ nói, con sẽ dâng cúng.» Cách đó không xa có một con bê khoang, Bạt-nan-đà nói: «Tôi cần loại da đó.» Người đàn-việt thưa: «Xin ngài đợi một chút, để con giết nó đã.» Người ấy liền giết con bê, lột da cúng cho Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà nhận được da rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mang đi. Con bò mẹ rống la thống thiết, đi theo Bạt-nan-đà đến cửa Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo thấy hỏi: «Con bò này tại sao rống la và đi theo thầy?» Bạt-nan-đà nói: «Đây là da của con nó. Tôi mang về nên nó đi theo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được xin da sống. Nếu xin, sẽ như pháp trị.» iii. Các vật dụng bằng da 1. Các tỳ-kheo e ngại không dám đeo phao nổi qua sông. Đức Phật dạy: «Được phép.» Các tỳ-kheo nắm đuôi trâu lội qua sông. Khi qua khỏi sông mới biết là trâu cái nên e ngại. Đức Phật dạy: «Không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau, không nên nắm đuôi trâu cái qua sông.» Các tỳ-kheo không dám ngồi trên thảm bằng da để qua sông. Đức Phật dạy: «Được phép ngồi.» Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Đức Phật dạy: «Cho phép được ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Hoặc ngồi hay nằm tùy ý.» 2. Các tỳ-kheo dùng da làm đãy đựng dao, không dùng vật gì bao phủ dao lại nên bị hư. Đức Phật dạy: «Nên dùng lông mịn hoặc kiếp-bối hay da lớn bao phủ dao lại.» Các tỳ-kheo chứa giày dép da hai lớp. Đức Phật dạy: «Không được chứa giày dép da hai lớp.» Các tỳ-kheo chứa giày dép da ca-na-phú-la.[35] Đức Phật dạy: «Không được chứa giày dép da ca-na-phú-la.» Tỳ-kheo cùng với bạch [847a1] y nước Câu-tát-la cùng đi trên đường, bị vật nhọn đâm chảy máu dưới chân rất trầm trọng, không thể đi được. Bạch y thấy vậy liền đưa giày dép mình mang cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo e ngại phạm xử dụng giày dép da ca-na-phú-la nên không dám nhận. Đức Phật dạy: «Có nhân duyên như vậy thì cho phép thọ dụng.» Nhóm sáu tỳ-kheo chứa giày dép bằng sừng xoay.[36] Đức Phật dạy: «Không được chứa giày dép bằng sừng xoay.» Các tỳ-kheo chứa giày dép bằng sừng nai. Đức Phật dạy: «Không được chứa giày dép bằng sừng nai.» Các tỳ-kheo chứa giày dép a-la-lê.[37] Đức Phật dạy: «Không được chứa như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da nhiều màu làm dây cột giày dép. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng bố bằng lụa làm dây cột giày dép. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo chứa giày dép phú-la-bạt-đà-la.[38] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép chơn-thệ-lê.[39] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép bện hai bên.[40] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép có nhiều dây. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép hình cuốn.[41] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép bằng da lớn, da sư tử, da cọp, da beo, da rái cá, da mèo rừng, da nhiều màu, da cáo. Đức Phật dạy: «Tất cả loài da đó không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da lớn viền giày dép hoặc dùng làm dây, hoặc dùng để vá. Đức Phật dạy: «Không được dùng để viền hay làm dây hoặc vá.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu xanh. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng màu xanh viền giày dép, hoặc dùng làm dây hay vá. Đức Phật dạy: «Không được dùng màu xanh viền giày dép, hoặc làm dây hay vá.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu vàng. Đức Phật dạy: «Không được mang.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép viền màu vàng, hoặc làm dây cột hay vá. Đức Phật dạy: «Không được dùng giày dép, hoặc dây cột vá có viền màu vàng.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu đỏ. Đức Phật dạy: «Không được mang giày dép màu đỏ, dây cột và vá cũng như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu trắng. Đức Phật dạy: «Không được mang giày dép màu trắng, dây cột viền, đường vá viền cũng như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép giống như lông công. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu gấm.[42] Đức Phật dạy: «Không được dùng như vậy.» Tỳ-kheo kia nhận được giày dép màu gấm đã làm thành. Đức Phật dạy: «Không được chứa; nếu làm mất màu thì được phép chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép độn bằng loại lông mịn. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép độn bằng kiếp-bối.[43] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng tơ lụa độn giày dép. Đức Phật dạy: «Không được chứa dùng.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng cỏ bẹ, cỏ bà-sa, cỏ xá-la, cỏ hán-đà-la[44] độn giày dép. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» «Này nhóm sáu tỳ-kheo, các ông là những người si. Điều nào Ta ngăn cấm, lại làm các điều khác. Từ nay về sau, tất cả loại giày dép có độn đều không được chứa để dùng.» Bấy giờ, các tỳ-kheo gặp trời mưa bùn bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân ngọa cụ. Đức Phật cho phép vì hộ thân, hộ tọa cụ, trong Tăng-già-lam được mang giày dép bằng cỏ bồ để rửa chân. Khi mang giày dép bằng cỏ bồ để rửa chân rồi, nước vào trong giày dép bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật cho phép dùng vỏ cây, hoặc da đóng dưới gót. 3. Bấy giờ, trong nước Xá-vệ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng khâm-bà-la.[45] Đức Phật dạy: «Không được dùng guốc bằng bốn loại cỏ như vậy và không được mang.» Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, thì bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo lột vỏ cây đa-la[46] để làm guốc, nên cây bị khô héo. Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm: ‹Sa môn thích tử không biết hổ thẹn, đoạn mạng sống mà tự nói tôi biết chánh pháp. Lột vỏ cây đa-la để làm guốc khiến cho cây bị khô chết. Như vậy có gì là chánh pháp?› Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Khi đức Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di, thì bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng gỗ đi như ngựa, âm thanh rối loạn các vị tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được mang guốc gỗ.» Các tỳ-kheo e ngại không dám mang guốc vào nhà đại tiểu tiện, không dám mang guốc để rửa chân. Đức Phật dạy: «Trừ mang đi đường. Các trường hợp trên được mang.» Thế Tôn ở tại nước Ta-kiệt-đề. Bấy giờ, tỳ-kheo Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử[47] mang guốc bằng vàng, guốc bằng bạc. Đức Phật dạy: «Không được mang.» Ông ta lại mang guốc bằng lưu ly. Đức Phật dạy: «Không được dùng.» Ông ta tự làm và mang guốc bằng vật báu. Đức Phật dạy: «Không được mang.» Sau đó ông lại mang guốc gỗ quí. Đức Phật dạy: «Không được mang.» Đức Phật dạy tiếp: «Ông là người si. Ta cấm thứ này, ông lại vội sắm các thứ khác để mang. Từ nay về sau, không được mang tất cả loại guốc.» 4. Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng đức Phật đi kinh hành mà mang giày dép. Phật bảo các tỳ-kheo: «Đệ tử thọ học với các công xảo sư ở bên ngoài còn có sự cung kính đối với Thầy. Còn nhóm sáu tỳ-kheo này là những người ngu si, mới mang giày dép cùng Phật đi kinh hành.» Đức Phật dạy tiếp: «Từ nay về sau, không được mang tất cả mọi thứ giày dép như vậy.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đối với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê, mà kinh hành nơi chỗ tốt, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ xấu. Mình kinh hành nơi chỗ cao, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ thấp. Mình đi trước, còn đồng hàng Hòa thượng đi sau. Cùng nói với đồng hàng Hòa thượng, cùng kinh hành, lật ngược y, y quấn cổ, y trùm đầu, trùm hai vai, mang giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được để Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê kinh hành nơi chỗ xấu mà mình kinh hành nơi chỗ tốt, cho đến mang giày dép, tất cả đều không được.» Nhóm sáu tỳ-kheo đối với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê phủ y lên hai vai, mang giày dép, hoặc có việc trao hay nhận, không trống vai bên hữu, không cởi bỏ giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, khi đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê phải trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, khi có việc trao hay nhận.» Các tỳ-kheo ở tại nhà bạch y đối với Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê, có việc trao hay nhận, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, nên bị lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tại nhà bạch y, đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê khỏi phải trống vai bên hữu, khỏi phải cởi bỏ giày dép, khi có việc trao hay nhận.» Bấy giờ có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo khác cùng đi trên đường. Một tỳ-kheo đến tỳ-kheo khác xin nước. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Đức Phật không cho phép mang giày dép khi có việc trao hay nhận.› Tỳ-kheo kia liền cởi bỏ giày dép để lấy nước, nên bị mất giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép trên đường đi, tùy ý mang giày dép khi có việc trao hay nhận.» Có tỳ-kheo, lúc xẩm tối, đến tỳ-kheo khác xin nước. Vị kia nghĩ: ‹Đức Phật không cho phép mang giày dép khi có việc trao hay nhận.› Bấy giờ, trú xứ nọ lại cách xa chỗ lấy nước, tuy sợ độc trùng, nhưng tỳ-kheo kia vẫn cởi bỏ giày dép, đến đó để lấy nước, nên bị độc trùng cắn chân đau nhức, không vui. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Sau khi mặt trời lặn, phải đi xa lấy nước, vì sợ độc trùng nên được phép mang giày dép, khi có việc trao hay nhận.» Nhóm sáu tỳ-kheo thấy Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê không đứng dậy đón rước. Các [848a1] tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên đứng dậy chào tiếp. Trừ khi ăn hoặc khi làm pháp dư thực, hay khi bệnh thì nói: ‹Đại đức biết cho, tôi vì nhân duyên như vậy nên không đứng dậy chào đón được.› » Hòa thượng là người trao giới cho mình. Đồng hàng Hòa thượng là những vị đã đủ mười hạ. A-xà-lê có năm hạng: xuất gia A-xà-lê, thọ giới A-xà-lê, giáo thọ A-xà-lê, dạy kinh A-xà-lê, y chỉ A-xà-lê. Xuất gia A-xà-lê là người hướng dẫn mình xuất gia. Thọ giới A-xà-lê là vị làm yết-ma khi mình thọ giới. Giáo thọ A-xà-lê là vị dạy mình oai nghi. Dạy kinh A-xà-lê là từ nơi vị đó mình được học kinh, đọc kinh, noi theo đường tu hành, hoặc thuyết nghĩa cho đến một câu trong bốn câu của bài kệ. Y chỉ A-xà-lê là vị ấy mình nương vào để sống, dù chỉ trong một đêm. Đồng hàng A-xà-lê là những vị đã đủ năm tuổi. Trừ y chỉ A-xà-lê.[48] 5. Phòng ở của tỳ-kheo này nên lau quét. Lau quét rồi mà còn bụi thì dùng nước bùn trét lên trên. Trét bùn rồi mà còn bẩn thì lấy đồ trải lên. Đồ trải đó hoặc là y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù-lâu, hoặc một trong mười loại y. Các tỳ-kheo không rửa chân mà đi trên đồ trải. Đức Phật dạy: «Bên cửa nên để đồ chùi chân. Nếu vẫn không sạch, thì ngoài cửa nên để nước rửa chân.» Tỳ-kheo rửa chân rồi, khi chân chưa khô, bước lên trên đồ trải, nên đồ trải bị hư mục. Đức Phật dạy: «Chân chưa khô, không được bước lên trên đồ trải. Nếu có việc gấp thì lấy chân chùi trên đầu gối, hoặc chùi nơi lòng bàn chân, hoặc lấy tay chùi, hoặc dùng vật xấu chùi.» Các tỳ-kheo vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê trao hay nhận điều gì, phải rửa chân mãi cực nhọc, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê cần trao hay nhận điều gì cho phép dùng cái mâm đồng, cái khay, cái kỷ. Tất cả vật cần dùng hay thức ăn đều để hết lên trên đó, rồi trao một lần.» Có tỳ-kheo dưới chân bị thủng, gặp lúc trời mưa. Các tỳ-kheo dìu đến nơi nhà vệ sinh bị ngã, nằm trên bùn rất khổ sở. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, trong Tăng-già-lam được mang giày dép một lớp.» Các tỳ-kheo trên đường đi vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê có việc trao hay nhận, phải trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép mệt nhọc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu trên đường đi vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê có việc trao hay nhận, nên đưa lên trên đầu hoặc trên vai để trao hay nhận.» 6. Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép vào tụ lạc. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm nói: ‹Sa-môn Thích tử tự nói mình biết chánh pháp. Nhưng vào tụ lạc mà mang giày dép, giống như Vua hay đại thần của Vua. Như vậy có gì là chánh pháp?› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được mang giày dép vào tụ lạc.» Các tỳ-kheo bệnh, với tâm e ngại không dám mang giày dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép các tỳ-kheo bệnh mang giày dép vào tụ lạc.» Nhóm sáu tỳ-kheo mượn cớ bệnh mang giày dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo thấy nói: ‹Đức Phật đâu cho phép mang giày dép vào tụ lạc?› Vị kia nói: «Tôi bị bệnh.» Các tỳ-kheo hỏi: «Bệnh gì?» Vị kia nói: «Thưa trưởng lão, đức Phật há không nói, nếu có người nào đó chỉ trong chốt lát mà không vui, thì gọi là bệnh hay sao? Vì vậy cho nên chúng tôi mượn cớ bị bệnh.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được mượn cớ bệnh để mang giày dép vào tụ lạc.» Bấy giờ, trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta gót chân bị đau, cần mang giày dép trùm ngoài gót chân. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép mang giày dép trùm ngoài gót chân. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta trên đường đi, mắt bị mờ, ngón chân bị thương tích bởi đá sỏi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép mang giày dép trùm ngoài ngón chân.» Tất-lăng-già-bà-ta có nhiều thân hữu, trên đường cùng đi, nhận được nhiều đại mạch, tiểu mạch, đậu ban, gạo lúa tám. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Các tỳ-kheo nhận rồi không biết để đâu, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép đựng trong cái đãy hay cái khăn.» Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi, nhận được sữa, dầu, mật, đường cát. Các tỳ-kheo không dám lấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận lấy.» Nhận lấy rồi không biết để đâu bạch Phật. Đức Phật dạy: «Dùng cái bát cạn cho vào trong cái bát nhỏ hay cái bát vừa để nhận. Cái bát cạn để vào trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào cái bát vừa, cái bát vừa để vào trong cái bát lớn.» Các tỳ-kheo không biết cái bát cạn để trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào trong cái bát vừa, thì cái bát vừa phải tịnh thí hay không,[49] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Khỏi phải tịnh thí.» 7. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta già yếu không thể đi bộ được, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng cái xe kéo bộ hay cái kiệu, hoặc xe ngựa. Nhưng không được kéo bởi người nữ, trâu bò cái, ngựa cái, không được xử dụng.» Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi có người cúng loại xe kéo,[50] không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận. Lại có người cúng loại xe kéo bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, rồi dùng một trong mười loại y phủ lên trên chỗ da. Lại có người cúng loại xe kéo được bện bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, với điều là bỏ loại dây bằng da, bằng tóc, còn các loại dây khác thì không sao. Các tỳ-kheo cần cái càng xe, bạch Phật, đức Phật cho phép làm. Các tỳ-kheo cần dây cột xe, bạch Phật. Đức Phật cho phép làm. Nếu dây thừng bị đứt thì cho phép làm bằng da. Nếu khiêng xe, vai bị đau; cho phép làm gối để lót. Nếu phía sau đau, cũng cho phép làm cái gối để lót. Bấy giờ không biết nên để ai khiêng, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di. Nếu nhận được xe thì cũng như vậy. Nếu xe bằng da thì nên dùng một trong mười loại y phủ chỗ da lại rồi dùng. Nếu được xe bện bằng da thì trừ loại dây bằng da, bằng tóc, ngoài ra được dùng. Các vị không biết nên để ai kéo, bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di kéo. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta nhận được người coi Tăng-già-lam. Đức Phật dạy: «Được phép nuôi.» 8. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm giường bằng da, giường đơn bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Họ lại làm nệm da, gối da, ngọa cụ da, đồ trải dưới đất bằng da. Khi trải dưới đất bị sanh trùng, đem vào phòng, hôi thối. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Bấy giờ, có bà-la-môn xuất gia làm đạo, đem da y-sư[51] làm vật chùi chân, để trong cửa. Đức Phật dạy: «Cho phép chứa.» Các tỳ-kheo xách nước, dây xách nước thường bị đứt. Đức Phật dạy: Cho phép dùng da làm dây để xách. Nếu gàu bị hư, Phật cho phép dùng da để làm. Dây bị đứt, Phật cho phép làm bằng da. Dây cửa ngõ thường bị đứt, Phật cho phép làm bằng da. Khi mở cửa, đóng cửa đau tay, Phật cho phép dùng miếng da lớn trùm lên. Chốt cửa không xoay được, đức Phật cho phép để miếng da. Trên cái chốt bị hư Phật cho phép dùng da xâu lại. Nếu bị kêu cũng vậy. Chân giường dây, giường cây bị hư, Phật cho phép dùng da xâu lại. Có các tỳ-kheo bị đau chân, Phật cho phép dùng miếng da lớn phủ lên trên cho [849a1] chỗ đau lành. Sau đó, bỏ đi. Tỳ-kheo dùng dây lợp lại nhà bị đứt, Phật cho phép dùng da làm. Dây cửa sổ thường bị đứt, Phật cho phép dùng cước hay lông để làm. 9. Nhóm sáu tỳ-kheo chứa đãy đựng bình bát, đãy đựng giày dép, đãy đựng kim chỉ bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được chứa như vậy.» Bấy giờ có người thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, chứa đãy da để đựng đồ nghề. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, tất cả đồ nghề không được cất chứa. Chúng tăng được gỗ làm đồ dùng, bạch Phật. đức Phật cho phép chứa. Không biết dùng đựng vật gì. Đức Phật dạy: «Mười loại y, tùy ý chứa đựng.» Bình đựng dầu, sữa của tỳ-kheo để không kín đáo. Đức Phật dạy: Cho phép dùng da ướt phủ lên. Nếu bị trùng cắn lủng thì dùng bùn trét lên. Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng da có hình hoa, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa. Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng sừng, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa. Nếu phía trên, phía dưới hay bên hông bị lủng thì dùng da ràng lại. 10. Khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bấy giờ có tỳ-kheo bị cây nhọn đâm vào chân bị thương, cần giày dép mềm. Đức Phật cho phép xử dụng. Bấy giờ, đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi đến rừng Thi-đà, cách chỗ gò mả không xa, thấy có đôi giày hai lớp quý giá. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: «Tại sao ông không lấy đôi giày ấy?» Tôn giả A-nan thưa: «Sợ phạm phải điều dùng giày hai lớp.» Đức Phật dạy: «Xem đó như vật phấn tảo thì được lấy.» Có tỳ-kheo trên đường đi, cách chỗ gò mả không xa, thấy da người chết dày, được xâu nơi cây gỗ, bèn lột lấy đem về phòng cắt làm đôi giày một lớp. Trong phòng có mùi thối. Các tỳ-kheo khác hỏi: «Tại sao trong phòng có mùi hôi thối?» Tỳ-kheo kia trình bày sự việc với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được chứa da người. Nếu chứa, phạm thâu-lan-giá. Ngoài ra, các thứ da bất tịnh khả ố khác cũng không được chứa, nếu chứa phạm đột-kết-la.» 11. Bấy giờ, có tỳ-kheo từ nước giá lạnh[52] đến, chân bị nứt, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật biết mà vẫn hỏi: «Tại sao chân ông bị nứt?» Vị ấy bạch Phật: «Con từ xứ lạnh đến nên bị nứt.» Đức Phật hỏi tỳ-kheo ấy: Nước đó họ mang bằng thứ gì? Vị tỳ-kheo ấy thưa: «Mang dép da phú-la-am.»[53] Đức Phật dạy: «Cho phép mang như vậy. Nếu cần dùng tất thì cho phép dùng tất. Cho phép đến nơi cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải bà con để xin. Không được chứa dư. Nếu chứa dư, sẽ như pháp trị.» Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da làm dây lưng. Đức Phật dạy: «Không được dùng da làm dây lưng, dây ngồi thiền.» Tỳ-kheo chứa đồ bằng da. Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Tỳ-kheo dùng da làm mão. Đức Phật dạy: «Không được dùng như vậy.» Tỳ-kheo làm khẩn-thù-thán[54] bằng da. Phật dạy: «Không được.» Tỳ-kheo không lau chùi giày dép nên bẩn chân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy: «Phải lau chùi giày dép.» Tỳ-kheo rửa chân chưa khô mang giày dép nên giày dép bị hư mục. Phật dạy: «Không được như vậy.» Tỳ-kheo không thường giặt vật lau chân. Các tỳ-kheo thấy bẩn gớm. Đức Phật dạy: «Nên giặt.» Vị ấy giặt rồi không vắt không phơi, bị sanh trùng. Phật dạy: «Nên giặt rồi vắt, hong cho khô.» CHƯƠNG VI. Y I. Y PHẤN TẢO Một thời Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại. Bấy giờ có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Chúng con nên thọ trì loại y nào?» Đức Phật dạy: «Nên thọ trì y phấn tảo[1] và mười loại y[2] như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa[3] để thọ trì. Tỳ-kheo được y nơi gò mả, đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo nhận được y nguyện,[4] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo trên đường đi cách gò mả không xa, thấy y phấn tảo quý giá,[5] e ngại không dám lấy, đức Phật cho phép lấy. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Có một người con của một giòng họ lớn xuất gia. Từ những nơi chợ búa, nơi đường hẻm đi đến nghĩa địa, chỗ bỏ đồ rác rưới, ông lượm được y xấu cũ đem về làm y tăng-già-lê để thọ trì. Phu nhơn Vua Ba-Tư-Nặc trông thấy, tâm từ niệm phát sanh, liền lấy y rất quý giá xé ra, dùng đồ bất tịnh bôi rồi đem bỏ nơi đó để tỳ-kheo lượm. Tỳ-kheo e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu họ vì tỳ-kheo thì nên lấy.» Có tỳ-kheo thuộc giòng họ lớn xuất gia. Ông lượm những y cũ xấu nơi đống rác, nơi cầu tiêu, nơi đường hẻm, nơi chợ búa đem về làm tăng-già-lê. Vị trưởng giả thành Xá-vệ thấy, sanh tâm từ mẫn, đem nhiều y tốt bỏ nơi đường hẻm, nơi cầu tiêu, và sai người coi chừng đừng cho ai lấy, để cho tỳ-kheo lấy. Bấy giờ có các tỳ-kheo đi vào thôn xóm, nhìn thẳng xuống trước bước chân mà đi nên không thấy. Người được sai coi chừng kia, thưa: «Sao đại đức không nhìn qua nhìn lại?» Khi ấy tỳ-kheo thấy, nhưng e ngại không dám lấy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu họ vì tỳ-kheo thì cho phép nhận.» Có tỳ-kheo lấy áo của người chết ở nơi hố chôn, e ngại, bạch Phật, đức Phật hỏi: «Với tâm niệm nào khi ông lấy chiếc áo ấy?» Vị ấy thưa: «Với tâm niệm là đồ phấn tảo, chứ không với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Như vậy thì không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau không được lấy áo người chết nơi hố chôn người.» Có cư sĩ giặt y rồi phơi nơi tường rào. Các tỳ-kheo mặc nạp y, thấy tưởng là y phấn tảo nên lấy. Cư sĩ thấy, kêu nói: «Y của tôi đó, đừng lấy!» Tỳ-kheo nói. «Tôi tưởng là y phấn tảo nên lấy.» Nói xong, bỏ y lại đi. Tỳ-kheo kia e ngại, bạch Phật. Đức Phật hỏi: «Với tâm niệm gì khi ông lấy y đó?» Tỳ-kheo kia thưa: «Với ý nghĩ là y phấn tảo cho nên lấy, chứ không lấy có tâm của kẻ trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Từ nay về sau không được lấy y phấn tảo nơi tường, nơi rào.» Bấy giơ, có y một người chết ở trước đại quan đoán sự. Tỳ-kheo lấy y của người ấy. Sau đó quan đoán sự sai Chiên-đà-la đem xác chết bỏ. Chiên-đà-la nói: «Tại sao không bảo người lấy y đem xác chết bỏ?» Quan đoán sự hỏi: «Người nào lấy y?» Chiên-đà nói: «Sa-môn Thích tử lấy.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên lấy y người chết, chỗ quan đoán sự.» Bấy giờ tỳ-kheo trên đường đi, cách gò mả không xa, thấy y của người chết chưa rã, liền lấy đi. Người chết liền đứng dậy nói: «Đại đức chớ lấy y của tôi đi!» Tỳ-kheo nói: «Ngươi là người chết, làm gì có y!» Nói rồi vẫn lấy y đi, không bỏ lại. Người chết theo tỳ-kheo đến ngoài cửa ngõ Kỳ-hoàn, ngã xuống đất. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi tỳ-kheo này: «Người ấy nói gì vậy?» Tỳ-kheo này trả lời: «Tôi tưởng người ấy đã chết nên lấy y đem về đây.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên lấy y của người chết chưa rã.» Có người chăn bò để áo trên đầu ngủ. Tỳ-kheo thọ trì y phấn tảo thấy tưởng là ngưới chết, nhưng nghĩ: «Đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo lấy áo của người chết chưa rã.» Nghĩ như vậy xong, liền lấy xương tay của người chết đánh trên đầu của người chăn bò; khiến cho vỡ đầu. Người chăn bò liền đứng dậy hỏi: «Tại sao Đại đức đánh tôi?» Tỳ-kheo nói: «Tôi tưởng ông chết.» Người chăn bò nói: «Thầy không phân biệt được tôi sống hay chết sao?» Nói xong liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo [850a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Người chết chưa rã, không được đánh.» Nhóm sáu tỳ-kheo sử dụng phi y làm đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, ống đựng kim, và chứa ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng phi y làm đãy đựng bát, cho đến đựng kim, không được chứa ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bắt gặp ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, gối, nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy dùng.» Có tỳ-kheo bắt gặp y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù-lâu,[6] nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da và cỏ; ngoài ra, được phép chứa làm đồ trải đất.» Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây bằng da, giường cây, giường đơn nơi gò mả, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da, rồi chọn một trong mười loại y bao lại.» Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây, giường cây, giường đơn nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy, trừ hai loại giường làm bằng dây da và tóc.» Có tỳ-kheo thấy được xe kéo, dù, xe kéo bộ tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy.» Có tỳ-kheo thấy được bình đựng nước rửa, gậy, quạt tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy.» Có tỳ-kheo thấy được liềm, lưỡi dao, móc tại gò mả, e ngại không dám lấy; bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy.» Có tỳ-kheo thấy được tiền nơi gò mả, tự mình mang đi. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được lấy.» Có tỳ-kheo cầm lấy đồng, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Phải đập cho mất hình tướng rồi mới được mang đi.» Có tỳ-kheo thấy được y bị trâu nhơi, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy dùng.» Có tỳ-kheo thấy được y chuột gặm, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy dùng.» Có tỳ-kheo thấy được y bị cháy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy dùng.» Y phấn tảo có mười loại:[7] y bị trâu bò nhơi, y bị chuột gặm, y bị lửa cháy, y kinh nguyệt, y sản phụ, y trong miếu thần hoặc y bị chim tha đi hay gió bay rơi các nơi thì được lấy, y gò mả, y nguyện,[8] y thọ vương chức, y vãng hoàn. Mười loại y trên gọi là y phấn tảo. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cùng với Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà đánh nhau, nên có nhiều người chết. Các tỳ-kheo muốn đến đó để lấy y người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép đến đó. Nếu có người thì nên nói rồi mới lấy. Không có người thì mới tự ý lấy.» Bấy giờ Vua A-xà-thế cùng Tỳ-lê-xa đánh nhau, có nhiều người chết. Tỳ-kheo muốn đến lấy y của người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên đến nói rồi mới lấy. Nếu không có người thì tùy ý lấy.» Trường hợp có số đông cư sĩ tụ họp nơi gò mả, cởi y bỏ một đống, để chôn người chết. Tỳ-kheo trì phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo, nên lấy đi. Các cư sĩ thấy nói: «Y của chúng tôi. Chớ lấy!» Các tỳ-kheo nói: «Chúng tôi tưởng là y phấn tảo.» Nói xong liền bỏ xuống đất rồi đi. Tỳ-kheo e ngại, bạch Phật. Đức Phật hỏi: «Các ông lấy với tâm niệm thế nào?» Các tỳ-kheo thưa: «Chúng con nghĩ là y phấn tảo chứ không lấy với tâm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y đang để thành đống.» Có các cư sĩ, đốt người chết nơi gò mả. Các tỳ-kheo trì phấn tảo thấy khói, kêu các tỳ-kheo khác đến để lấy y phấn tảo. Các vị ấy nói: «Vâng.» Các tỳ-kheo liền đến, im lặng đứng một chỗ. Bấy giờ có cư sĩ trao cho tỳ-kheo một chiếc y quý giá. Vị tỳ-kheo thứ hai nói: «Hãy mang lại đây. Tôi chia với thầy.» Vị tỳ-kheo kia nói: «Chia cho ai? Người cư sĩ nói cho tôi kia mà!» Hai tỳ-kheo tranh nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên đến hỏi người cư sĩ y này cho ai, tùy theo người cư sĩ trả lời mà quyết định. Nếu người cư sĩ nói, ‹Không biết›, hoặc nói, ‹Cho cả hai› thì mới phân làm hai phần.» Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nơi gò mả lấy y phấn tảo. Từ xa trông thấy y phấn tảo, một tỳ-kheo liền chỉ và nói: «Y đó của tôi.» Tỳ-kheo thứ hai liền chạy đến lấy. Hai vị tranh nhau, đều nói là của mình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Y phấn tảo không có chủ, ai lấy trước thì được.» Có hai tỳ-kheo cùng đến nơi gò mả để lấy y phấn tảo. Hai vị từ xa thấy y, đều chỉ tay, và nói y ấy của tôi. Vừa nói hai người đều chạy đến để lấy. Hai người cùng tranh nhau, đều nói của mình. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Y phấn tảo không có chủ. Hai người đồng thời lấy thì chia làm hai phần.» Bấy giờ có số đông cư sĩ chở người chết đến gò mả. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền nói với các tỳ-kheo khác: «Chúng ta nên đến để lấy y phấn tảo. Hôm nay chắc lấy được nhiều.» Tỳ-kheo kia nói: «Các thầy đi đi. Tôi không đi được.» Các tỳ-kheo liền đi, lấy được nhiều y phấn tảo, đem về trong Tăng-già-lam, giặt sạch, sửa sang lại. Tỳ-kheo kia thấy, nói tỳ-kheo này rằng: «Thầy làm gì mà không cùng tôi đi lấy y? Tôi đi lấy được khá nhiều đem về đây.» Tỳ-kheo này nói: «Đem đến đây chia cho tôi với.» Tỳ-kheo kia nói: «Thầy không cùng tôi đi lấy, sao đòi chia?» Hai vị tranh cãi nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Thuộc về vị đi lấy kia.» Có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo, hẹn nhau đến gò mả lấy y phấn tảo. Có hai tỳ-kheo được y quý giá. Các tỳ-kheo kia nói: «Chia cho chúng tôi với.» Tỳ-kheo kia trả lời: «Tôi được y này, tại sao bảo chia cho thầy?» Nhiều vị cùng tranh, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tùy theo sự cam kết trước. Được nhiều ít nên cùng chia cho nhau.» Phật ở tại nước Xá-vệ. Có các cư sĩ, khi ông bà hay cha mẹ chết, dùng tràng phan bảo cái, y vật trang trí nơi mộ của ông bà hay cha mẹ. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, bèn lột lấy đi. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, trộm lấy vật của người mà tự nói tôi biết chánh pháp. Xem thế thì có gì là chánh pháp? Chúng ta vì tổ phụ mẫu hay phụ mẫu xây mộ phần, dùng tràng phan bảo cái để cúng dường, sao họ tự tiện lột lấy đi. Làm như chúng ta vì sa-môn Thích tử xây mộ phần cúng dường. Sự thật chúng ta vì ông bà, cha mẹ của chúng ta mà dùng tràng phan bảo cái trang trí nơi mộ phần để cúng dường kia mà!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được lấy vật như vậy.» Trường hợp các vật ấy gió thổi bay đến chỗ khác, hoặc chim ngậm bay đi rớt chỗ khác. Tỳ-kheo thấy, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trường hợp như vậy thì cho phép lấy.» Các tỳ-kheo thấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp, liền lấy. Lấy rồi e ngại, bạch Phật. Phật hỏi: «Với tâm niệm nào khi ông lấy?» Tỳ-kheo thưa: «Với ý nghĩ là y phấn tảo nên lấy, chứ không với tâm niệm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp.» II. KỲ-BÀ ĐỒNG TỬ 1. Kỹ nữ thành Vương-xá Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ ở Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi,[9] nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Quốc pháp nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói. Các đại thần thành Vương-xá nghe đồn: «Tỳ-xá-ly có một dâm nữ [851a1] tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳ-da-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.» Các đại thần đến chỗ Vua Bình-sa tâu: «Đại vương biết chăng, tại nước Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳ-xá-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.» Nhà Vua nghe xong liền ra lệnh cho các đại thần: «Các khanh sao không đưa dâm nữ ấy về đây?» Bấy giờ trong thành Vương-xá, có một đồng nữ tên là Sa-la-bạt-đề,[10] xinh đẹp không ai sánh kịp, hơn cả Am-bà-la-bà-lợi. Các đại thần liền an trí dâm nữ này. Ai muốn ngủ với dâm nữ này một đêm phải trả với giá một trăm lượng vàng, và một ngày cũng như vậy. Bấy giờ thành Vương-xá nhờ có dâm nữ này nên người bốn phương tụ tập về, nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói. Bấy giờ con Vua Bình-sa tên là Vô Úy[11] cùng dâm nữ này chung ngủ trong đêm. Dâm nữ có thai. Từ đó dâm nữ ra lệnh cho người giữ cửa rằng: «Nếu có khách cần gặp thì nói tôi bị bệnh.» Sau đó, đủ ngày tháng, dâm nữ hạ sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Dâm nữ liền dùng vải trắng bọc hài nhi này, bảo tớ gái đem bỏ ra ngoài đường. Người tớ gái làm theo lời sai bảo, bồng hài nhi đem bỏ. Cũng vào buổi sáng tinh sương lúc ấy, Vương tử Vô Úy muốn đi xe đến yết kiến Phụ vương nên sai người dọn dẹp dọc đường. Bất ngờ, từ xa Vương tử trông thấy một vật trắng dọc đường, liền dừng xe, hỏi người bên đường rằng: «Cái gói trắng đó là gì?» Người bên đường trả lời: «Một đứa bé.» Vương tử hỏi: «Còn sống hay chết? Người bên đường nói: «Nó sống.» Vương tử liền ra lệnh bồng về. Vương tử Vô Úy không có con nên đem về nhà giao cho nhũ mẫu nuôi dưỡng. Vì «Nó sống» cho đặt tên là Kỳ-bà.[12] Đồng tử được Vương tử lượm nên gọi là Đồng tử.[13] Theo thời gian lớn khôn, Vương tử rất yêu mến. Một hôm Vương tử kêu Kỳ-bà Đồng tử đến và nói: «Con muốn ở lâu nơi Vương gia mà không có tài nghề gì thì không được thọ hưởng bổng lộc của Vua. Con cần học kỹ thuật.» Kỳ-bà Đồng tử trả lời: «Con sẽ học.» 2. Học thuốc Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: «Tay ta nên học nghề gì để có được nhiều của cải mà ít bận rộn?» Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử quyết định học nghề thầy thuốc. Nghề này đại tài phú mà ít bận rộn. Kỳ-bà Đồng tử nghĩ tiếp: «Ai dạy nghề thầy thuốc cho ta đây.» Thời gian ấy, Kỳ-bà Đồng tử nghe tại nước Đắc-xoa-thi-la[14] có vị thầy thuốc họ A-đề-lê, tên là Tân-ca-la, tay nghề rất cao. Vị này có thể dạy ta được.» Kỳ-bà Đồng tử liền đến nước kia, chỗ Tân-ca-la ở, thưa: «Con muốn theo thầy học nghề làm thuốc, xin thầy dạy cho con.» Tân-ca-la trả Lời: «Được!» Thời gian bảy năm, Kỳ-bà Đồng tử theo học nghề thầy thuốc. Một hôm tự nghĩ: «Nghề thầy thuốc này ta phải học tập bao lâu mới xong?» Nghĩ rồi, Kỳ-bà Đồng tử liền đến chỗ vị thầy thưa: «Con học nghề làm thuốc này bao lâu mới xong?» Vị thầy liền trao cho một cái giỏ và dụng cụ đào rễ cây, nói với Kỳ-bà Đồng tử: «Con đến nơi nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do tuần, tìm xem các loại cây, có loại cây nào không phải là thuốc đem về đây.» Kỳ-bà Đồng tử liền vâng lời thầy dạy, đến nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do tuần tìm kiếm mà không thấy loại cây nào không phải là thuốc. Những loại cây mà Kỳ-bà Đồng tử thấy đều là vật có thể phân tích để dùng vào thuốc được cả. Kỳ-bà Đồng tử mang giỏ không trở về, đến chỗ vị thầy thưa: «Thưa thầy con đã đến nước Đắc-xoa-thi-la tìm loại cây nào không phải là thuốc, trong phạm vi một do tuần. Con tìm khắp nơi, không thấy có loại cây nào là chẳng phải thuốc. Tất cả đều có thể phân chất dùng vào thuốc được hết.» Ông thầy dạy thuốc trả lời Kỳ-bà Đồng tử rằng: «Nay con có thể về. Y đạo như vậy đã thành. Trong cõi Diêm-phù-đề này, ta là hạng nhất. Sau khi thầy qua đời, con là người kế thế.» 3. Chữa bịnh 1. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: «Nay ta, trước hết nên trị bệnh cho ai? Nước này vừa nhỏ, lại ở vùng biên phương. Ta nên về lại bổn quốc để bắt đầu mở y đạo tại đó.» Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử liền trở về lại thành Bà-già-đà. Trong thành Bà-già-đà, bấy giờ có người vợ của đại trưởng giả mang phải trọng bệnh đau đầu mười hai năm, các thầy thuốc đều không thể chữa trị được. Kỳ-bà Đồng tử nghe liền đến nơi nhà đó nói với người giữ cửa rằng: «Nhà ngươi vào thưa với trưởng giả là có người thầy thuốc ở ngoài cửa.» Người giữ cửa liền vào thưa. Vợ ông trưởng giả hỏi: «Tướng mạo của ông thầy thuốc thế nào?» Người giữ cửa thưa: «Ông thầy thuốc tuổi còn nhỏ.» Bệnh nhân liền nghĩ: «Các vị thầy thuốc lớn tuổi có kinh nghiệm kia còn chưa chữa trị được, huống là tuổi nhỏ.» Bà ta liền bảo người giữ cửa ra nói với ông thầy thuốc là nay ta không cần thầy thuốc nữa. Người giữ cửa liền ra nói: «Tôi đã vì ông vào thưa với vợ ông trưởng giả. Mà vợ ông trưởng giả nói nay không cần thầy thuốc nữa.» Kỳ-bà Đồng tử lại nói: «Người có thể vì tôi vào thưa với vợ ông trưởng giả cho phép tôi chữa trị. Nếu lành thì tùy ý cho tôi thứ gì cũng được.» Bấy giờ người giữ cửa lại vào thưa với bà chủ: «Ông thầy thuốc nói cho phép ông ấy được chữa. Nếu lành thì tùy ý cho ông ấy thứ chi cũng được.» Vợ ông trưởng giả nghe xong liền nghĩ: «Nếu như vậy thì không tốn gì.» Bà ra lệnh cho người giữ cửa gọi vào. Được gọi, Kỳ-bà Đồng tử vào, đến chỗ vợ ông trưởng giả hỏi: «Bệnh khổ của bà thế nào?» Vợ ông trưởng giả trả lời: «Bệnh như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi: «Bắt đầu từ chỗ nào?» Bà ta nói: «Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: «Bệnh bao lâu rồi?» Bà trả lời: «Bệnh chừng ấy thời gian.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi xong nói: «Bệnh này tôi có thể chữa trị được.» Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thuốc tốt như váng sữa đem chưng rồi nhểu vào lỗ mũi bệnh nhân. Váng sữa được nhểu vào đó đều chảy ra nơi miệng của bệnh nhân. Bà vợ ông trưởng giả liền lấy đồ hứng lấy tinh sữa ấy để riêng một chỗ. Kỳ-bà Đồng tử thấy vậy, lòng ôm sầu não, vì nghĩ: «Với một ít váng sữa bất tịnh như vậy mà bà ta còn tiếc như thế, huống chi khi lành bệnh bà này trả ơn ta được là bao!» Bà vợ ông trưởng giả thấy Kỳ-bà Đồng tử có vẻ buồn hỏi: «Tại sao thầy có vẻ sầu não?» Kỳ-bà Đồng tử nói: «Thật vậy, tôi có áo não.» Bà ta hỏi: «Tại sao thầy sầu não?» Kỳ-bà Đồng tử đáp: «Vì tôi tự nghĩ với một ít váng sữa bất tịnh như thế mà bà còn tiếc, thì khi bà lành bệnh trả ơn cho tôi thế nào? Nên áo não.» Bà vợ trưởng giả nói: «Vì việc nhà nên không dễ vất bỏ. Nó có thể dùng thắp đèn được nên tôi hứng lấy. Thầy cứ chữa bệnh chuyện gì phải sầu ưu.» Kỳ-bà Đồng tử nghe nói như vậy liền tiếp tục chữa trị. Sau khi bệnh lành, vợ ông trưởng giả tạ ơn Kỳ-bà Đồng tử bốn trăm ngàn lượng vàng và tôi tớ, xe cộ. Kỳ-bà Đồng tử nhận được những phẩm vật này rồi, về lại thành Vương-xá. Đến cửa nhà của Vô Úy Vương tử, nói với người giữ cửa: «Người vào tâu với Vương tử rằng Kỳ-bà Đồng tử ở ngoài cửa.» Người giữ cửa liền vào tâu. Vương tử ra lệnh người giữ cửa gọi vào. Kỳ-bà Đồng tử vào rồi, đầu mặt kính lễ xong, đứng qua một bên, tường trình đầy đủ tất cả sự việc đã qua với Vô Úy Vương tử và nói: «Tất cả tặng vật nhận được xin dâng lên Vương tử.» Vương tử nói: «Thôi đi! Khỏi phải làm điều đó. Con cứ tự tiện xử dụng.» Đây là con bệnh đầu tiên mà Kỳ-bà Đồng tử cậu chữa trị.[15]
Chú thích: [17] Câu-lưu Hoan hỷ sơn khúc 拘留歡喜山曲. Pali, Vin.i. 194: Kuraraghare papāte pabbate, trên sườn núi Papāta, thị trấn Kuraraghara. Ngũ phần 21 (T22n1421, tr.144a13): A-thấp-ba A-vân-đầu quốc Ba-lâu-đa sơn 阿濕波阿雲頭國波樓多山. [18] A-bàn-đề quốc, 阿槃提國. Pali, Vin.i. 194, Avantī. [19] Ức Nhĩ ưu-bà-tắc億耳優婆塞. Ngũ phần 21, ibid., cư sĩ tên là Sa-môn Ức Nhĩ 沙門 億耳. Pali, Vin.i. 194, Soṇa Kuṭikaṇṇa. [20] Hán: sử nhân câu 使人俱. Cf. Pali, ibid., Soṇo upasako Kuṭikaṇṇo āyasmato Mahā-Kaccānassa upaṭṭhako hoti, ưu-bà-tắc Soṇa Kuṭikaṇṇa là người phục vụ cho Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên. Bản Hán hiểu upaṭṭhako, người phục vụ, là nhân vật thứ ba; không phải là từ đồng cách. [21] Ngũ phần 21, ibid., Ức Nhĩ thọ sa-di 6 năm mới thọ cụ túc. [22] Y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu 伊梨延陀耄羅耄耄羅氍氀. Pali (Vin.i. 195): eragu, moragu, majjhāru, jantu. Thập tụng: ma nhục phú (phủ đệm gai), mao nhục phú (phủ đệm lông), hoa y nhục phú (phủ đệm áo bông) 麻褥覆毛褥覆花衣褥覆. [23] Cổ dương, bạch dương, lộc 羖羊白羊鹿. Pali: eḷakacamma, ajacamma, migacamma. [24] Y được dành cho tỳ-kheo vắng mặt tại trú xứ cũ. [25] Thập lục cú nghĩa 十六句義. Ngũ phần, ibid., Thập lục nghĩa phẩm kinh 十六義品 經. Thập tụng 25 (T23n1435, p181b25): Ba-la-diên-tát-giá-đà-xá-tu-đố-lộ 波羅延薩遮 陀舍修妒路. Pali, Vin.i. 196, Aṭṭhakavaggikāni, được hiểu là Nghĩa phẩm, hay Bát kệ phẩm, gồm 16 kinh, 210 kệ, Phẩm thứ tư thuộc bộ Suttanipāta. [26] Trì luật ngũ nhân 持律五人. Nên hiểu là thứ năm là người trì luật. Tăng năm người, có một người trì luật. Không đòi hỏi tất cả năm vị đều là trì luật. Do đó không nên hiểu nhóm từ Hán này là «Năm người trì luật.» Thập tụng 25 (T23n1435 tr.181c29): trì luật đệ ngũ 持律第五. Cf. Vin.i. 197: vinayadharapañcamena. [27] Bạch mộc điều 白木調. Hán dịch này phù hợp Pali: Setakaṇṇika; nhưng Vin.i.197 nói thị trấn này ở về phía nam, gần với Thập tụng, ibid., trung nam phương, Bạch mộc tụ lạc 白木聚落. Lấy đây làm mốc. Qua khỏi đây, được xem là biên địa. [28] Tĩnh thiện 靜善. Không tìm thấy tương đương trong Thập tụng và Pali. Tham chiếu, Thập tụng: phương đông có tụ lạc bà-la-môn tên là Già-lang 伽郎. Tương đương Pali: Kajaṅgala, thị trấn nhỏ ở về phía đông. [29] Nhất-sư-lê Tiên nhơn chủng 一師梨仙人種. Có lẽ Thập tụng nói là Ưu-thi-la sơn 優尸羅山, ở phương bắc; Tương đương Pali: Usīraddhaja, về phía bắc. [30] Trụ 柱. tên nước. Thập tụng: phương tây có tụ lạc bà-la-môn tên là Trụ 住婆羅門 聚落. Pali: về phía tây có ngôi làng bà-la-môn tên là Thūna, mà hai bản Hán đều đọc là Thāna. [31] Đại bì 大皮; Cf. Thập tụng 25 (tr.182a 23), da của năm loại thú gọi là da lớn (kích cỡ): sư tử, cọp, beo, rái cá và chồn. [32] Ca-la 迦羅. không biết con gì. Có lẽ Pali (Vin.i.186): kāḷaka, con sóc (?). Hoặc Skt. kālaka, một loại rắn nước (Wogihara: hắc long) [33] Cù-lâu 氍氀; chưa rõ. Xem cht. 31 Ch. vi: Y ở sau. Tham chiếu Trương A-hàm 3, kinh số 2. Du hành, T01, tr. 23b. [34] Độc tọa sàng 獨坐床. Xem Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 83 & cht. 142. [35] Ca-na-phú-la 迦那富羅. Xem dưới. [36] Triền giác cách tỷ 旋角革屣. Không hiểu «sừng xoay» là cái gì. Đoạn tương đương trong Mahāvagga v (Vin.i.186): meṇḍavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng con cừu), ajavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng hươu). [37] A-la-lê cách tỷ 阿羅梨革屣. (?) [38] Phú-la-bạt-đà-la 富羅跋陀羅. Pali, ibid., puṭabaddha, một loại giày ống, cao đến đầu gối. [39] Chơn-thệ-lê 真誓梨. Pali: tittirapattika (?), loại dép có hình cánh chim chá-cô. [40] Biên biên cách tỷ 編邊革屣. [41] Quyển hình cách tỷ 捲形. [42] Cẩm sắc 錦色; nên hiểu là «được thêu màu.» [43] Tức bông gòn. [44] Bà-sa 婆娑, Pali (Vin.i. 189): pabbaja, một loại cỏ lau (cỏ tim đèn). Hán-đà-la 漢陀羅; Pali: hintāla, giống cây chà-là; một loại cây cọ. Xá-la, 舍羅. Chưa rõ loại cỏ này; hoăc Pali: sara, cỏ lau. [45] Khâm-bà-la 欽婆羅, vải dệt bằng lông thú. Pali (Vin. i. 190): kambala. [46] Đa-la 多羅. Pali (Vin.i. 189): tālataruṇa, tāla non hay chồi cây tāla; loại cây lá hình quạt; loại cây cọ. [47] Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử 毘舍離跋闍子. Người họ Bạt-xà (Pali: Vajjiputta) ở Tỳ-xá-ly (Pali: Vesāli). [48] Chưa đủ 10 tuổi hạ, không được làm y chỉ. [49] Tác tịnh, vì sợ phạm súc trưởng bát; ni-tát-kỳ 21. [50] Liễn 輦; xe do người kéo. [51] Y-sư bì 伊師皮. [52] Hàn tuyết quốc 寒雪國. [53] Phú-la-am-đề 富羅菴鞮. Cf. Bì cách sự (T23, tr.1059b1): tại vùng có tuyết lạnh, cho dùng giày phú-la. Xem thêm Ngũ phần 21 (T22n1421 tr.146c24) Có lẽ một loại giày ống. Wogihara, Skt. pūla: loại giày có giây đai. Mahāvyutpatti, 272 (21): pūlā, hữu đái ngoa 有帶靴, phú-la 富羅. Nhất thiét kinh âm nghĩa (T54n2128 tr.740b07): phúc-la 腹羅, cũng viết là 福羅; hoặc nói là phú-la 富羅, chính xác nói là bố-la 布羅; dịch là đoản áo ngoa 短靿靴, loại giày ống cổ ngắn (?). Phiên dịch danh nghĩa (T54n2131, tr.1108b17): phú-la 富羅, chính xác là phúc-la 腹羅, dịch là đoản áo ngoa 短靿靴. Không rõ Pali tương đương. [54] Khẩn-thù-thán 緊殊炭. Chưa rõ cái gì. [1] Phấn tảo 糞掃. Thập tụng: bàn tẩu y 槃藪衣. Pali: paṃsukūla, (vải) lượm từ đống rác. [2] Mười loại y hay mười loại vải: 1. câu-xá 拘舍, Pali: koseyya (Skt. kauśeya), vải quyến, lụa; 2. kiếp-bối 劫貝, Pali: kappāsa (Skt. karpāsa), miên bố, vải bông; 3. khâm-bạt-la 欽跋羅衣, Pali: kambala (Skt. nt.), mao bố, vải lông, lông thú; 4. sô-ma 芻摩, Pali: khoma (Skt. kṣauma), ma bố, á ma, vải lanh; 5. xoa-ma 叉摩, Pali: ? 6. xá-nâu 舍兔, Pali: sāṇa (Skt. śāṇa), vải gai thô; 7. ma 麻 Pali: bhaṅga (Skt. đồng); 8. sí-di-la 翅夷羅, Pali: (?); 9. câu-nhiếp-la 拘攝羅, Pali: (?); 10. thẩn-la-bát 嚫羅缽, Pali: (?); . Phiên âm ở đây không giống với các chương trước. Xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 1 & cht. 8. Cf. Mahāvagga viii, Vin.i. 281: chỉ quy định sáu loại y hợp pháp: anujānāmi bhikkhave cha cīvarāni - khomaṃ kappāsikaṃ koseyyaṃ kambalaṃ sāṇaṃ bhaṅganti. [3] Ca-sa 袈裟. Pali: kāsāya (Skt. kāṣāya), hạt sắc y, hoại sắc y, y màu vàng nâu. [4] Nguyện y 願衣, lượm được do đứng chờ người vất bỏ trong bãi tha ma (Pali: āgamenta: đến đợi), xem đoạn dưới. [5] Quý giá phấn tảo y 貴價糞掃衣. Vải tốt, quý, nhưng được vất bỏ đống rác. Thường vải bọc thây người chết của phú gia. Xem đoạn dưới. [6] Xem cht. 22, Ch. v. Da thuộc. [7] Thập tụng 27 (T23n1435 tr.195a27), 4 loại phấn tảo: 1. trũng gian y, bọc thây người chết, vất trong bãi tha ma; 2. xuất lai y, lượm trong bãi tha ma đem về cho tỳ-kheo; 3. vô chủ, bọc xác chết vô chủ; 4. thổ y, vất trong các đống rác trong xóm. [8] Cầu nguyện y 求願衣; trên kia nói là nguyện y. Vải lượm từ bãi tha ma đem về chia giữa các tỳ-kheo, do có giao ước trước. Thập tụng gọi là xuất lai y; Pali: āgamenta: đến và đợi (paṃsukūlapariyesana, tìm cầu y phấn tảo) [9] Am-bà-la-bà-lợi 菴婆羅婆利. Pali: Ambapālī. [10] Sa-la-bạt-đề 娑羅跋提. Trong để bản đọc là Bà-la…婆羅. Theo âm Pali mà sửa lại. Vin.i. 268: Sālavatī. [11] Vô Úy vương tử 無畏王子. Pali: Abhaya-rājakumāra. [12] Kỳ-bà 耆婆. Pali: do được trả lời jīvati (nó sống), nên đặt tên là Jīvaka. [13] Đồng tử 童子. Do Vương tử (Kumāra) lượm được, nên cho hiệu là Komārabhacca. Hán dịch không phân biệt hai từ Phạn khác nhau này: Komārabhacca, hiệu riêng của Kỳ-bà, và Kumāra, danh từ chung, Vương tử hay đồng tử. [14] Đắc-xoa-thi-la 得叉尸羅. Pali: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, được xem là một trung tâm học thuật danh tiếng thời bấy giờ. Nhiều vua chúa học ở đó. [15] Hết quyển 39. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 2. Lúc bấy giờ, Vua Bình-sa mắc phải chứng bệnh xuất huyết nơi đường đại tiểu tiện. Các thị nữ thấy đều cười bảo rằng: «Hiện Đại vương cũng mắc phải bệnh như bọn phụ nữ chúng ta.» Vua Bình-sa, nghe qua hổ thẹn, liền kêu Vô Úy Vương tử bảo rằng: «Hiện cha mắc chứng bệnh như vậy, con có thể vì cha tìm thầy thuốc chữa gấp được không?» Vô Úy thưa: «Có Kỳ-bà Đồng tử rành về nghề thuốc, có thể chữa trị bệnh cho phụ vương được.» Nhà Vua bảo kêu đến. Vô Úy vương tử kêu Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng: «Con có thể chữa bịnh cho phụ vương của ta được không?» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Có thể chữa được.» Vô Úy bảo: «Nếu được, thì ngươi đến chữa gấp.» Kỳ-bà Đồng tử đến chỗ Vua Bình-sa, kính lễ sát chân Vua xong, đứng lui qua một bên, rồi hỏi Vua rằng: «Đại vương bị bệnh khổ thế nào?» Nhà Vua trả lời: «Bị bệnh như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi: «Bệnh phát khởi từ đâu?» Vua trả lời: «Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: «Bệnh phát bao lâu rồi?» Nhà Vua nói: «Bệnh phát từ lúc đó.» Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Có thể chữa trị được.» Kỳ-bà Đồng tử liền lấy cái máng bằng sắt, đựng đầy nước ấm, bảo Vua Bình-sa vào trong máng nước. Vua liền vào. Bảo Vua ngồi trong nước; Vua liền ngồi. Bảo Vua nằm trong nước, Vua liền nằm. Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử dùng nước rưới lên Vua mà chú thuật; Vua liền ngủ. Kỳ-bà Đồng tử nhanh nhẹn bước vào trong nước, dùng dao bén mổ ngay chỗ ung nhọt của Vua; rửa sạch, dùng thuốc thoa. Thoa xong, bệnh lành. Nơi mụt nhọt mọc lông lại, giống như chỗ không bệnh. Đâu đó xong, Kỳ-bà Đồng tử liền thay máng nước đầy, dùng nước rưới Vua, chú thuật. Vua tỉnh dậy hỏi: «Chữa cho ta đi!» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Tôi đã trị xong.» Nhà Vua nói: «Chữa khỏi không?» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Đã khỏi rồi.» Nhà Vua liền dùng tay sờ, mà không biết mụt nhọt ở chỗ nào.» Vua hỏi: «Nhà ngươi chữa trị bằng cách nào, đến nỗi không còn dấu mụt nhọt nữa?» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Tôi chữa bệnh há có thể còn lại dấu mụt nhọt ư?» Bấy giờ Vua tập hợp các thị nữ mà nói rằng: «Kỳ-bà Đồng tử, người thầy thuốc này đại lợi ích. Ta nghĩ rằng, ta phải ban thưởng của cải rất nhiều mới được.» Các thị nữ liền lấy các loại anh lạc, vòng xuyến đeo nơi tay chân, kể cả các vật quý báu dùng để che kín thân người nữ và tiền vàng, ma ni, chơn châu, lưu ly, bối ngọc, pha lê, gom thành một đống lớn. Bấy giờ, nhà Vua kêu Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng: «Nhà ngươi chữa bệnh cho ta lành, ta dùng những vật này để trả ơn ngươi.» Kỳ-bà Đồng tử thưa với đại vương: «Thôi, tâu Đại vương, như vậy đã là ban cho tôi rồi. Tôi vì Vương tử Vô Úy mà chữa bệnh cho Đại vương.» Khi ấy, Vua ra lệnh rằng: «Nhà ngươi không được chữa bệnh người khác.[16] Chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi.» Đây là con bệnh thứ hai mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị. 3. Lúc bấy giờ, tại thành Vương-xá có ông trưởng giả thường bị đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa trị được. Bấy giờ, có vị thầy thuốc nói với ông trưởng giả là sau bảy năm ông trưởng giả sẽ chết. Có ông lại nói, sau sáu năm, sau năm năm, cho đến sau một năm sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy tháng sẽ chết, hoặc sáu tháng, cho đến một tháng sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy ngày sẽ chết. Bấy giờ, ông trưởng giả tự mình đến nhà Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: «Ông chữa bệnh cho tôi. Tôi sẽ đền ơn ông một trăm ngàn lượng vàng. » Kỳ-bà Đồng tử nói: «Không thể được.» Ông trưởng giả lại nói: «Tôi sẽ trả ơn ông hai trăm ngàn. Ba trăm ngàn. Bốn trăm ngàn lượng vàng.» Kỳ-bà Đồng tử nói: «Không thể được.» Bệnh nhân nói: «Tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ thuộc về ông.» Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: «Không phải tôi vì tiền bạc ít mà nói là không thể chữa được bịnh cho ông. Nhưng vì trước đây Vua Bình-sa có ra lệnh cho tôi rằng: ‹Khanh chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi, chứ không được chữa cho người khác.› Cho nên tôi nói không thể được. Nay nếu ông đến xin phép Vua thì tôi mới dám chữa.» Ông trưởng giả liền đến tâu với Vua: «Nay tôi có bệnh ngoặt nghèo. Xin Vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử trị bệnh cho tôi.» Vua liền kêu Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng: «Trong thành Vương-xá có ông trưởng giả bị bệnh, ông có thể trị được không?» Kỳ-bà Đồng tử trả lời: «Được.» Nhà Vua nói: «Nếu trị được thì đến trị.» Lúc ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền đến nhà ông trưởng giả, và hỏi rằng: «Chứng bệnh của ông thế nào?» Trưởng giả trả lời: «Chứng bệnh tôi như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi: «Bệnh phát khởi từ đâu?» Bệnh nhân nói: «Bệnh từ như vậy, như vậy khởi phát.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: «Thời gian bệnh lâu mau rồi?» Trưởng giả nói: «Thời gia bệnh là, chừng ấy.» Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói: «Bệnh này tôi chữa được.» Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền cho uống nước muối, khiến bệnh nhân bị khát; rồi cho uống rượu đến say. Kế đó, buộc bệnh nhân vào giường, tập hợp thân nhân đến xung quanh. Kỳ-bà Đồng tử dùng dao bén mổ đầu, banh xương sọ ra, chỉ cho thân quyến thấy trùng đầy trong đầu của bệnh nhân. Đây là căn nguyên của chứng bệnh. Kỳ-bà Đồng tử nói với mọi người: «Như lời thầy thuốc trước đây đã nói, sau bảy năm bệnh nhân sẽ chết. Ý là sau bảy năm cái não hết nên phải chết. Nói như vậy là vì không khéo thấy. Hoặc có những vị nói sau sáu, năm, bốn, ba, hai và một năm sẽ chết, vì nghĩ rằng, sau khi hết não sẽ chết. Tất cả cũng không thấy rõ. Hoặc nói sau bảy tháng cho đến một tháng sẽ chết, cũng không thấy rõ. Còn vị thầy thuốc nói bảy ngày sẽ chết. Nói như vậy là vì nghĩ, trong vòng bảy hôm, não của bệnh nhân sẽ hết nên phải chết. Chính vị thầy thuốc này mới là người khéo thấy. Nếu nay không chữa trị, qua bảy ngày, não hết, sẽ phải chết.» Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử trừ sạch bịnh trong đầu xong, đổ váng sữa, mật vào đầy trong đầu, sau ghép xương sọ rồi may lại, dùng thuốc tốt bôi. Tức thì, bệnh khỏi, thịt đầy lại như cũ, tóc mọc lại, như chỗ không bị mổ không khác. Kỳ-bà Đồng tử hỏi ông trưởng giả: «Ông nhớ lời hứa trước đây không?» Ông trưởng giả trả lời: «Tôi nhớ trước đây có nói, ‹Nếu thầy chữa bệnh tôi lành, tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ giao cho thầy›». Kỳ-bà Đồng tử nói: «Thôi, Trưởng giả, như thế là đã cho tôi rồi. Chỉ nên dùng lời nói trước.» Khi ấy, ông trưởng giả liền đem bốn mươi vạn lượng vàng, để tạ ơn. Kỳ-bà Đồng tử dùng một trăm ngàn lượng dâng lên Vua, một trăm ngàn lượng cung phụng thân phụ, hai trăm ngàn lượng tự mình sử dụng. Đây là bệnh nhân thứ ba, mà Kỳ-bà Đồng tử chữa trị. 4. Lúc bấy giờ, tại nước Câu-thiểm-di có con ông trưởng giả vì ham đùa trên cái bánh xe,[17] nên ruột bên trong bị thắt lại, ăn uống không tiêu, không bài tiết được, nhưng tại nước đó không ai chữa trị được. Ông nghe nước Ma-kiệt có vị thầy thuốc rất giỏi, có thể chữa được bệnh này, liền sai sứ đến tâu với Vua: «Con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bệnh. Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa được. Cúi xin Vua cho phép đến.» Vua Bình-sa cho gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng: «Có con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bị bệnh, ngươi có thể chữa được không?» Kỳ-bà Đồng tử trả lời là được. Nhà Vua nói: «Nếu chữa được, thì đi chữa cho họ.» Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử đi xe đến nước Câu-thiểm-di. Kỳ-bà Đồng tử vừa mới đến nơi thì con ông trưởng giả đã chết, nghe tiếng kỹ nhạc đưa ma. Kỳ-bà Đồng tử liền hỏi rằng: «Ở đây có việc gì mà có tiếng kỹ nhạc, tiếng trống kèn vậy?» Người bên cạnh trả lời: «Con ông trưởng giả bị bệnh mà ông đến chữa đó, đã chết rồi. Đó là tiếng kèn trống đưa đi chôn.» Cậu Kỳ-bà Đồng tử có tài giỏi phân biệt tất cả các loại âm thanh, nên bảo khiêng trở lại, và nói: «Người này chưa chết.» Kỳ-bà Đồng tử nói như vậy, họ liền khiêng trở lại. Kỳ-bà Đồng tử xuống xe, lấy dao bén mổ ngay bụng, vạch chỗ ruột bị thắt, chỉ cho cha mẹ và thân nhân của bệnh nhân xem và nói rằng: «Đây là vì đùa trên bánh xe nên khiến cho ruột bị thắt lại như vầy. Do đó ăn uống không [853a1] tiêu, chứ không phải là chết.» Kỳ-bà Đồng tử liền giải thông ruột ra, sắp lại như cũ, rồi may ngoài da, dùng thuốc tốt thoa nó. Sau đó vết mổ lành, lông mọc trở lại giống như chỗ không mổ.» Con ông trưởng giả trả ơn cho Kỳ-bà Đồng tử bốn mươi vạn lượng vàng. Vợ của con ông cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để đền ơn người đã cứu chồng mình sống lại. Cha mẹ của bệnh nhân mỗi người cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để hậu tạ cho Kỳ-bà Đồng tử. Đây là bệnh thứ tư mà Kỳ-bà Đồng tử đã cứu chữa. 5. Lúc bấy giờ, quốc vương Úy-thiền[18] là Vua Ba-la-thù-đề,[19] ròng rã mười hai năm bị bệnh đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa được. Vua nghe Vua Bình-sa có vị thầy thuốc đại tài, có thể chữa trị chứng bệnh của mình được, liền sai sứ đến tâu với Vua Bình-sa rằng: «Ba-la-thù-đề mắc bệnh, Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa trị được. Xin Vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử được đến chữa.» Vua liền gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi: «Ngươi có thể chữa bệnh cho Ba-la-thù-đề không?» Kỳ-bà Đồng tử trải lời: «Có thể được.» Nhà Vua nói: «Nếu chữa được thì đi chữa.» Vua nói tiếp: «Vua ấy từ bọ cạp mà ra. Khanh khéo giữ mình, chớ để mất mạng.» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Xin vâng.» Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử đến nước Úy-thiền, chỗ của Ba-la-thù-đề, kính lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, hỏi Vua rằng: «Bệnh trạng thế nào?» Nhà Vua trả lời: «Bệnh trạng như vậy, như vậy. » Kỳ-bà Đồng tử hỏi: «Bệnh bắt đầu từ đâu?» Nhà Vua nói: «Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.» Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: «Từ khi phát bệnh đến nay, bao lâu rồi?» Bệnh nhân nói: «Thời gian bệnh là chừng ấy.» Theo thứ tự hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói: «Bệnh này tôi có thể chữa được.» Nhà Vua nói: «Nếu dùng váng sữa hay thuốc trộn váng sữa, ta không uống được. Nếu cho ta uống thuốc trộn váng sữa, ta sẽ giết ngươi.» Chứng bệnh này các thứ thuốc khác không trị được. Chỉ có váng sữa trị được mà thôi. Kỳ-bà Đồng bèn bày chước, tâu với Vua: «Y pháp trị bệnh của tôi, mai, trưa, chiều, tối xin được phép tự do ra vào.» Nhà Vua nói với Kỳ-bà Đồng tử: «Tùy ý ngươi cứ ra vào.» Kỳ-bà Đồng tử lại tâu tiếp. «Nếu cần vị thuốc quý giá, phải cởi ngựa để đi cho nhanh, xin Vua cho phép.» Vua liền cấp cho con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày. Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thức ăn rất mặn cho Vua ăn. Rồi ở chỗ kín đáo, nấu váng sữa làm thuốc. Làm cho nó thành màu nước, vị nước. Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của Vua và dặn: «Khi nào Vua thức dậy, khát nước, đòi uống nước, thì đưa thứ thuốc này cho Vua dùng.» Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của Vua rồi, liền cỡi con lạc đà có sức chạy năm mươi do tuần ngày mà đi. Vua thức dậy khát nước, đòi uống. Bà mẹ đưa thứ thuốc nước đó cho Vua uống. Khi thuốc tiêu hóa, cảm thấy có mùi váng sữa, Vua nói: «Kỳ-bà cho ta uống váng sữa, là oan gia của ta, làm sao chữa bệnh ta được. Hãy cấp tốc kiếm, đưa đến đây.» Sứ giả liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử ở, tìm không có. Hỏi người giữ cửa rằng: «Kỳ-bà Đồng tử ở đâu?» Người giữ cửa nói: «Kỳ-bà Đồng tử, cởi con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày, đã đi rồi.» Vua càng thêm lo sợ, nói: «Cho ta uống váng sữa là oan gia của ta, làm sao chữa trị cho ta được!» Lúc ấy, nhà Vua có một người đi bộ giỏi, tên là Ô, một ngày có thể đi sáu mươi do tuần. Nhà Vua liền kêu đến bảo: «Ngươi có thể truy đuổi Kỳ-bà Đồng tử được chăng?» Người ấy thưa: «Có thể.» Nhà Vua nói: «Ngươi đến gọi về đây!» Nhà Vua dặn: «Kỳ-bà Đồng tử có kỹ thuật cao, ngươi chớ nên ăn những thức ăn gì do Kỳ-bà Đồng tử đưa. Có thể ngươi bị thuốc độc đó.» Ô thưa: «Vâng.» Và theo lời dạy của Vua. Kỳ-bà Đồng tử đi đến nửa đường, khỏi phải lo sợ nữa, ngừng lại làm thức ăn, nên Ô, người chạy nhanh đuổi theo kịp. Nói với Kỳ-bà Đồng tử: «Vua Ba-la-thù-đề sai gọi ông.» Đáp, sẽ đi liền. Kỳ-bà Đồng tử mời Ô ăn. Ô không chịu ăn. Kỳ-bà Đồng tử tự mình ăn nửa trái a-ma-lặc,[20] để lại nửa trái, uống nước cũng để lại nửa ly. Dưới móng tay Kỳ-bà Đồng tử đã phục sẵn thuốc độc, thuốc ấy ngấm vào nửa trái và nửa ly nước còn lại. Kỳ-bà Đồng tử nói với ông Ô rằng: «Tôi đã ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, còn lại mỗi thứ phân nửa đây, ông có thể dùng đi.» Ô liền nghĩ: «Kỳ-bà Đồng tử đã tự mình ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, số còn lại bảo ta ăn, chắc không có độc.» Nghĩ như vậy rồi, Ô liền ăn nửa trái A-ma-lặc và uống nửa ly nước còn lại. Liền bị ói,[21] không thể đi được nữa. Kỳ-bà Đồng tử đem thuốc để trước Ô và nói rằng: «Giờ đó, giờ đó, ông uống thuốc này sẽ khỏi bệnh.» Kỳ-bà Đồng tử liền cởi con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày đó tiếp tục đi. Sau đó, Vua cùng Ô đều lành bệnh. Vua Ba-la-thù-đề sai sứ gọi Kỳ-bà Đồng tử, nói rằng: «Nhà ngươi đã trị lành bệnh cho ta. Ta xin tạ ơn nhà ngươi gấp bội lần so với phẩm vật mà nhà ngươi đã thu được nhiều hay ít nơi nước kia.» Kỳ-bà Đồng tử nói: «Thôi, tâu Đại vương, như thế là đã ban cho tôi rồi. Tôi vì Vua Bình-sa nên trị bệnh cho Vua mà thôi.» Bấy giờ, Vua Ba-la-thù-đề cho đưa đến một chiếc y quý giá, trị giá bằng phân nửa nước để tạ ơn. Nhà Vua nói với Kỳ-bà Đồng tử: «Nhà ngươi không thuận ý, nay ta xin biếu chiếc y này để gọi là báo ân.» Đây là con bệnh thứ năm mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị. 7. Bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh dư nước,[22] nói với Tôn giả A-nan: «Ta bị bệnh dư nước. Cần được chữa trị.»[23] Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nơi thành Vương-xá, nói rằng: «Đức Như Lai bị chứng dư nước, cần được chữa trị» Kỳ-bà Đồng tử cùng A-nan đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Đức Như Lai bị chứng dư nước phải không?» Đức Phật dạy: «Đúng như vậy, Kỳ-bà Đồng tử. Như lai muốn chữa trị.» Kỳ-bà Đồng tử bạch Phật: «Như Lai muốn xổ bao nhiêu lần?» Phật dạy: «Cần ba mươi lần.» Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử cùng A-nan đến thành Vương-xá lấy ba bó hoa ưu-bát[24] đem về nhà. Kỳ-bà Đồng tử lấy một bó xông thuốc và chú thuật dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần. Lấy bó thứ hai, xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần nữa. Sau lấy bó thứ ba xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, thì sẽ xổ được chín lần. Kế đó uống một bụm nước nóng,[25] sẽ xổ được một lần nữa. Theo đó Kỳ-bà Đồng tử lấy ba bó hoa đặt trên tay Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan đem hoa ra khỏi thành Vương-xá, đến chỗ đức Thế Tôn, lấy một bó hoa dâng lên đức Thế Tôn. Ngài ngửi, liền xổ được mười lần. A-nan dâng bó hoa thứ hai, lại xổ được mười lần tiếp. Bó thứ ba, xổ được chín lần. Kỳ-bà Đồng tử quên dặn Tôn giả A-nan dâng nước nóng lên đức Phật. Nhưng đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm Kỳ-bà Đồng tử, liền kêu A-nan bảo lấy nước nóng đem đến. A-nan nghe Phật dạy liền lấy nước nóng đem đến dâng lên đức Phật. Đức Phật liền uống một bụm nước nóng. Chứng dư nước liền khỏi. Phong khí cũng theo đó mà điều hoà. 8. Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe Đức Phật bị bệnh, cùng tám vạn bốn ngàn người hộ giá đi đến chỗ đức Thế Tôn; kính lễ hỏi thăm Ngài, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Vua Ưu-điền nghe Đức Thế Tôn bệnh, cũng dẫn bảy vạn người đến thăm. Vua Ba-la-thù-đề cùng với sáu vạn người đến thăm. Vua Phạm Thí cùng với năm vạn người. Mạt-lợi Phu nhân, Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na. Bốn Đại thiên vương và các thuộc hạ tuỳ tùng. Thích Đề-hoàn Nhơn cùng Đao lợi chư thiên. Diệm thiên tử cùng với Diệm thiên. Đâu-suất thiên vương cùng Đâu-suất chư thiên. Hóa lạc thiên vương cùng Hóa lạc chư thiên. Tha hóa tự tại thiên vương cùng Tha hóa tự tại thiên. Phạm thiên vương cùng với chúng Phạm thiên. Ma-hê-thủ-la thiên vương cùng với Ma-hê-thủ-la chư thiên. Tất cả đều đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng cùng với năm trăm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, lui đứng qua một bên. Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe đức Thế Tôn bệnh, cũng cùng năm trăm tỳ-kheo-ni; A-nan Tân-đề cùng năm trăm ưu-bà-tắc; Tỳ-xá-khư Mẫu cùng năm trăm ưu-bà-di, đến chỗ đức Thế Tôn, [855a1] đầu mặt kính lễ thăm hỏi Ngài. Bấy giờ, Đề-bạt-đạt-đa nghe đức Thế Tôn bị bệnh cũng đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Đề-bạt-đạt-đa thấy trước đức Thế Tôn bốn bộ chúng nhóm hợp, liền khởi ý nghĩ như vầy: «Nay ta có thể uống thuốc như Phật, khiến bốn bộ chúng đến thăm hỏi ta.» Nghĩ xong, liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: «Tôi muốn uống thứ thuốc như Phật uống. Ông có thể cho tôi uống được không?» Kỳ-bà Đồng tử nói: «Thứ thuốc đức Thế Tôn dùng tên là Na-la-diên,[26] thứ thuốc này chẳng phải ai cũng dùng được. Chỉ có Chuyển luân vương, bậc đã thành tựu Bồ-tát, đức Như Lai mới có thể dùng được.» Đề Bà nói: «Nếu không cho tôi dùng tôi sẽ hại ông.» Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử sợ bị hại mạng nên liền đưa thuốc cho Đề-bà-đạt-đa. Do uống thuốc này mà Đề-bà-đạt-đa bị bệnh nặng, thân tâm đều đau khổ, cô đơn một mình, không ai tới lui thăm viếng, cũng không có bà con chăm sóc. Đề-bà-đạt-đa tự nghĩ: «Như ta hiện nay, không ai cứu giúp. Chỉ có đức Như Lai.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm nghĩ Đề-bà-đạt-đa như vậy, liền từ núi Kỳ-xà-quật, thân phóng ra ánh sáng «thi dược»[27] chiếu đến Đề-bà-đạt-đa, khiến tất cả bệnh khổ liền được chấm dứt. Sau khi Đề-bà-đạt-đa được lành bệnh không lâu, đến các ngã đường trong thành Vương-xá xướng lên rằng: «Thái tử Tất-đạt-đa xả bỏ ngôi vị Chuyển luân vương xuất gia làm đạo. Nay làm nghề thầy thuốc để nuôi sống. Tại sao biết như vậy? Chính tôi vừa được chữa lành đây, nên tôi biết.» Các tỳ-kheo nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Đề-bà-đạt-đa: «Đức Như Lai dũ lòng thương đối với ông, sao ông không biết đền đáp?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Phật: «Thật chưa từng có! Thế Tôn đã dũ lòng thương đối với Đề-bà-đạt-đa. Nhưng Đề-bà-đạt-đa lại không trả ơn.» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Không phải chỉ đến hôm nay ta dũ lòng thương đối với Đề-bà-đạt-đa mà không được trả ơn đâu. Vào đời quá khứ, có nhà Vua tên là Nhất Thiết Thí,[28] làm Vua cõi Diêm-phù-đề. Khi ấy cõi đất Diêm-phù-đề rộng và bằng phẳng, nhân dân đông đúc, no đủ vui sướng vô cùng. Hồi ấy Diêm-phù-đề có tám vạn bốn ngàn thành, năm ngàn ức tụ lạc, sáu vạn biên thành. Bấy giờ, có bệnh nhân đến chỗ Vua Nhất Thiết Thí, thưa với Vua rằng: «Tôi nay không ai cứu giúp. Chỉ có Vua thôi.» Bấy giờ, nhà Vua tập hợp các danh y trong cõi Diêm-phù-đề, chỉ cho thấy bệnh nhân này và hỏi các lương y rằng: «Bệnh nhân này cần dùng thứ thuốc gì?» Các lương y khám bệnh rồi thưa: «Theo bệnh của người này, người thường không thể cho thuốc được. Chỉ có các bậc thành tựu Bồ-tát mới có thể cho phương thuốc được.» Nhà Vua hỏi: «Cần thứ thuốc gì?» Lương y nói: «Bệnh nhân này nếu có được thịt máu sống do Bồ-tát từ tâm để ăn trong hai mươi chín ngày thì mới lành được.» Vua Nhất Thế Thí khởi tâm nghĩ rằng: «Sanh tử miên viễn, luân chuyển không bờ, chịu các khổ não; hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh bị chặt chân tay, xẻo tai, xẻ mũi, móc mắt, bổ đầu, cuối cùng đâu có ích gì» Vua liền giao việc nước cho quần thần, vào trong chỗ vắng, tư duy bốn hạnh vô lượng. Bấy giờ, Vua Nhất Thế Thí dùng dao bén cắt thịt nơi đùi vế, sai người đem đến cho bệnh nhân ăn, trải qua hai mươi chín ngày như vậy, sau đó Vua hỏi sứ giả rằng: «Bệnh nhân thế nào?» Sứ giả tâu với nhà Vua: «Bệnh nhân đã lành.» Nhà Vua bảo, dẫn đến ta xem. Sứ giả liền tắm rửa người bệnh, mặc áo mới dẫn đến chỗ Vua. Vua hỏi? «Bệnh của ngươi thế nào?» Người bệnh nói: «Đã lành.» Nhà Vua nói: «Thôi, nhà ngươi tuỳ ý mà lui.» Khi người kia ra khỏi cửa, chân bên hữu vấp phải đá chảy máu. Người khác thấy vậy hỏi: «Nầy nam tử! Tại sao chân của ngươi bị chảy máu?» Người kia liền nói: «Ông Vua phi pháp này! Vua tệ ác này! Vua dâm dục phi pháp này! Vua ham mê tà kiến nầy! Tôi vấp phải then cửa trong nhà của ông ấy, nên chân bị thương chảy máu như vậy.» Mọi người nói: «Chưa từng có hạng người nào vô ân như thế này. Vua Nhất Thế Thí trong vòng hai mươi chín ngày tự lấy thịt và máu thân mình, để chữa trị bệnh cho được lành, mà đối với Vua không có sự trả ơn, lại còn thêm tiếng oán!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Vua Nhất Thiết Thí lúc bấy giờ chính là bản thân ta vậy. Bệnh nhân lúc ấy chính là Đề-bà-đạt-đa hiện nay. Đời trước ta tỏ lòng từ mẫn đối với Đề-bà-đạt-đa, nhưng đã không được trả ơn. Hiện nay cũng như vậy, không hề trả ơn.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì Đề-bà-đạt-đa nói kệ này rằng: Tất cả núi và biển, Ta không cho là nặng. Người không trả ơn kia, Ta cho đó là nặng. Người không đền đáp ơn, Như bệnh hủi xấu ác; Hoặc là bệnh hủi trắng, Không trả ơn cũng vậy. «Vậy các tỳ-kheo luôn luôn cần nghĩ đến việc trả ơn. Hãy học như vây.» Lúc bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử chăm sóc bệnh đức Thế Tôn và dùng thang tiêu xổ, cùng thịt loài chim đồng nội, chữa lành căn bệnh. Đây là bệnh nhân thứ sáu được Kỳ-bà Đồng tử chữa lành. III. ĐÀN VIỆT THÍ Y 1. Kỳ-bà thỉnh nguyện Một hôm, Kỳ-bà Đồng tử mang chiếc y quý giá[29] đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Con trị bệnh cho Quốc vương, trị bệnh cho Đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin đức Thế Tôn cho một ước nguyện.» Đức Phật dạy: «Ta không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện.»[30] Kỳ-bà Đồng tử lại thưa: «Con xin một ước nguyện thanh tịnh.»[31] Đức Phật dạy: «Nguyện thanh tịnh ấy là gì?» Kỳ-bà Đồng tử thưa: «Chiếc y quý giá này, con nhận được từ Vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa nước. Cúi xin đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn-việt cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc.» Bấy giờ, đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử được đức Thế Tôn chấp thuận, liền đem bình nước rửa bằng vàng rửa tay đức Phật, rồi đem chiếc y rất quý giá dâng lên Ngài. Đức Phật vì lòng từ mẫn nên vì ông mà nhận. Kỳ-bà Đồng tử đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Kỳ-bà Đồng tử nói các bài pháp, khiến sanh hoan hỷ, rồi Kỳ-bà Đồng tử lễ Phật cáo lui. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo, mà tùy thuận nói pháp, ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, nhiếp trì oai nghi, thiểu dục tri túc, có trí tuệ, ưa nếp sống xuất ly. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Tất cả các loại y quý giá, y nầy là bậc nhất. Như bò cho ra sữa, trong sữa cho ra lạc, trong lạc cho ra tô, trong tô cho ra thục tô, trong thục tô cho ra đề hồ là tinh chất đệ nhất. Y nầy cũng như vậy, trong tất cả các loại y nó là đệ nhất. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo tùy ý khoác y của đàn-việt dâng cúng, hay y phấn tảo.» 2. Các loại y quý Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền đem y khâm-bà-la quý giá đang mặc dâng cúng cho tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại y quý giá. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép chứa y quý giá khâm-bà-la.» Sau đó, Vua lại sai người đem y quý giá cù-lâu[32] đến. Các tỳ-kheo không dám nhận, vì đức Phật chưa cho phép chứa y quý giá cù-lâu. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo chứa cù-lâu bằng lông vừa rộng vừa dài. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: [855a1]«Không được chứa.» Đức Phật dạy tiếp: «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chứa cù-lâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay, tịnh thí rồi mới chứa.» Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y của đàn-việt cúng, liền sai người đem cù-lâu bằng lông ngắn, nhà Vua mặc, đến cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không dám nhận, và nói vì đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại cù-lâu bằng lông ngắn này. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép chứa.» 3. Nhận và chia Bấy giờ, nơi thành Vương-xá có các ưu-bà-tắc nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền sai người đem rất nhiều loại y tốt cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận và chia.» Các tỳ-kheo không biết nên chia như thế nào. Đức Phật dạy: «Nên đếm số người nhiều hay ít. Như mười người thì chia làm mười phần. Cho đến trăm người thì chia làm trăm phần. Khi chia y, số y vừa có thứ tốt, vừa có thứ xấu, người chia y vội lấy phần mình. Đức Phật dạy: «Không được như vậy, mà nên sai người khác chia, khiến người khác lấy phần.» Người kia tự lấy phần của mình. Đức Phật dạy: «Không được tự lấy phần, mà nên rút thăm để chia.» Vị tỳ-kheo kia tự rút thăm. Đức Phật dạy: «Không được tự mình rút thăm khi chia. Khi rút thăm, không được để cho thấy.» Bấy giờ, có vải y quý giá thứ Vua mặc, không thể chia được. Đức Phật cho phép cắt ra để chia. Từ nay về sau, cho phép dùng dao để cắt rọc vải. Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được vải chưa giặt. Đức Phật cho phép tự mình giặt, hoặc sai người giặt. Lúc ấy, cần chậu để giặt. Đức Phật cho phép dùng chậu để giặt. Hoặc không có ván để giặt, đức Phật cho phép sắm ván để giặt. Hay cần kéo để cắt, đức Phật cho phép sắm kéo để dùng. 4. Y cát triệt Khi đức Thế Tôn từ thành Vương-xá du hành trong nhân gian đến phương nam. Trên đường đi, thấy cánh đồng ruộng, người ta đắp bờ xung quanh những thửa ruộng rất khéo. Thấy vậy, đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Ông có thấy những thửa ruộng này không?» Tôn giả thưa: «Có thấy, bạch đức Thế Tôn.» Đức Phật hỏi ông A-nan: «Ông có thể vì các tỳ-kheo mà chế pháp y như vậy được không?» Tôn giả thưa: «Bạch đức Thế Tôn, con có thể chế được.» Đức Phật bảo Tôn giả: «Ông nên trở về dạy các tỳ-kheo.» Bấy giờ, Tôn giả A-nan trở về lại thành Vương-xá dạy các tỳ-kheo may y cắt rọc như vầy: Đây là điều dài, đây là điều[33] ngắn, đây là lá,[34] đây là đường may thứ nhất, đây là đường may thứ hai, đây là đường may giữa, đây là lá điều hướng hai bên.[35] Bấy giờ, tại thành Vương-xá có số đông tỳ-kheo đã khoác y cắt rọc.[36] Sau khi đức Thế Tôn du hành trong nhân gian từ phương nam trở về thành Vương-xá, thấy các tỳ-kheo số đông đã khoác y cắt rọc nên nói rằng: «A-nan là người thông minh, đại trí tuệ. Ta chỉ nói sơ qua mà có thể giải nghĩa rộng rãi. Đệ tử các đức Như Lai, Vô sở trước, đời quá khứ, đã mặc pháp y như vậy; như Ta hiện nay. Đệ tử của các đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đời vị lai, cũng sẽ mặc pháp y như vậy; như ta hiện nay. Vì y của sa-môn, dùng dao cắt rọc may thành, nên không bị oán tặc cướp đoạt. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cắt rọc may thành y an-đà-hội, y uất-đà-la-tăng, y tăng-già-lê. Bấy giờ, các tỳ-kheo cắt rọc may thành y an-đà-hội, mặc sát thân, lá y ngoài đường biên mau hư, bụi đất vào trong lá, từ đó về sau cho phép may y an-đà-hội không cắt rọc. Các tỳ-kheo khoác y uất-đà-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, lá y ngoài đường biên cũng mau bị hư, bụi đất vào bên trong ẩm ướt. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép khoác y uất-đa-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, nhưng lá y ngoài đường biên may thành chân chim, hoặc lá y ngoài đường biên may thành cái lề, hoặc may thành răng con ngựa.» Các tỳ-kheo không biết may bao nhiêu điều. Đức Phật dạy: «Nên may năm điều, không được may sáu điều. Nên may bảy điều, không được may tám điều. Nên may chín điều, không được may mười điều. Cho đến mười chín điều, không được may hai mươi điều. Nếu quá số điều này, không được chứa.» Bấy giờ, có tỳ-kheo vận xếp ngược niết-bàn-tăng[37] vào nhà bạch y, bị bung nên lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Cho phép làm cái dây để cột.» Bầy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa và xử dụng cái dây cột có màu sắc đẹp. Đức Phật dạy: «Không được tích chứa và xử dụng cái dây có màu sắc đẹp như vậy.» Các tỳ-kheo dùng gấm để làm. Đức Phật dạy: «Không được làm bằng gấm.» Các tỳ-kheo chứa và xử dụng cái dây màu trắng. Đức Phật dạy: «Không được dùng màu trắng để làm. Cho phép nhuộm màu ca-sa để chứa dùng.» Nhóm sáu tỳ-kheo may dây thắt lưng vừa rộng, vừa dài. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được may như vậy. Cho phép may bề rộng bảy ngón tay, vòng quanh lưng ba bận. Nếu nhận được cái đã may rồi, nên làm hai lớp, ba lớp, bốn lớp. Nếu ba, bốn lớp bị rối loạn thì cho phép may dính lại. Nếu ngắn thì cho phép làm dây nối thêm. Nếu mỏng manh, mà thường cột sợ mau đứt thì nên làm cái khâu hay cái móc.» Các tỳ-kheo dùng vật báu làm (khâu và móc). Đức Phật dạy: «Không được dùng những vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, chỉ, cây, hồ giao để làm.» Các tỳ-kheo không biết đặt cái móc thế nào. Đức Phật dạy: «Dùng chỉ khâu hoặc xâu lỗ rồi buộc vào.» Bấy giờ, các tỳ-kheo buộc nhưng bị hư đứt hoài. Đức Phật cho sửa chữa. Nhưng lại không biết sửa thế nào? Phật bảo hoặc xếp lại rồi dùng chỉ khâu, hoặc trên đầu dây sờn hư thì lấy chỉ khâu nối lại, hoặc vá lại. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo vào tụ lạc không chịu cột tăng-kỳ-chi.[38] Khi đi y bị rơi, lộ hình. Đức Phật dạy: «Không được không buộc y mà vào tụ lạc. Cho phép buộc dây hay khâu lại.» Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất vào nhà bạch y, bị gió thổi, y cắt rọc bị tuột khỏi vai. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy «Cho phép trên đầu vai đặt cái khâu hay cái móc.» Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, phần đông tỳ-kheo cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hoặc quấn nơi thắt lưng. Bấy giờ, có tỳ-kheo tự là Già-phạm-bà-đề,[39] đến bên sông Hằng, chỗ đức Phật muốn lội qua, dùng thần lực vẹt nước để Phật lội qua. Khi Phật lội qua sông rồi, thấy các tỳ-kheo phần nhiều cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hay quấn nơi thắt lưng. Thấy vậy, Ngài nghĩ: «Các tỳ-kheo này cầm nhiều y như vầy. Ta nên vì các tỳ-kheo quy định số lượng y hoặc nhiều hoặc ít như thế nào cho có giới hạn. Nếu quá thì không được chứa.» 5. Kỹ nữ thành Tỳ-da-li Thế Tôn từ nước Bà-xà, du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Am-bà-la-bà-đề nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly, liền đi xe đến chỗ đức Thế Tôn. Từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn, tướng hảo đoan nghiêm, sanh tâm cung kính hoan hỷ, liền xuống xe đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng một bên. Bấy giờ, đức Phật nói pháp khuyến hóa khiến sanh hoan hỷ. Nghe đức Phật nói pháp rồi, Am-bà-la-bà-đề vui mừng hớn hở bạch Phật: «Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo, sáng mai con thỉnh thọ thực và nghỉ lại tại vườn con một đêm.»[40] Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Am-bà-la-bà-đề biết đức Phật hứa khả rồi, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh đức Phật rồi cáo lui. Thế Tôn đang ở trong vườn của Am-bà-la tại Tỳ-xá-ly. Các Lê-xa[41] nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử du hành nhân gian, đang đến nơi Tỳ-xá-ly, liền mặc đủ loại y phục, trang sức bằng anh lạc, đi các loại xe đến nghinh đón đức Thế Tôn. Các Lê-xa hoặc có người khoác y phục anh lạc màu thiên thanh, thắng xe màu thiên thanh, ngựa màu thiên thanh, thị tùng cũng mặc màu thiên thanh, đao, mâu, phan, cái cũng màu thiên thanh. Hạt châu, lông, phất trần màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, ngựa xe thị tùng trang sức cũng như vậy. Có năm trăm Lê-xa như vậy đến chỗ đức Phật. Khi Am-bà-la-bà-đề nghinh đón đức Phật trở về, giữa đường gặp các Lê-xa, không bên nào chịu tránh nhường đường, nên nóc xe [856a1] đụng nhau. Trong số Lê-xa có một vị kỳ lão hỏi Am-bà-la-bà-đề rằng: «Vì lý do gì nhà ngươi không tránh đường, ép sát nhau khiến nóc xe đụng nhau?» Bà-đề trả lời: «Sở dĩ như vầy là vì tôi thỉnh đức Phật và chư Tăng về nghỉ nơi vườn tôi. Tất cả tâm tôi đều hướng về đức Phật, nên không để ý các việc khác.» Lê-xa nói: «Tôi trao cho nhà ngươi một trăm ngàn lượng vàng, nhà ngươi nhường cho tôi được thỉnh Phật cúng dường có được không?»[42] Bà-đề nói: «Tôi đã thỉnh Phật và Tăng nghỉ đêm nơi vườn tôi, làm sao thay đổi được.» Lê-xa nói: «Tôi sẽ trao cho nhà ngươi hai trăm ngàn lượng vàng. Cho đến, mười sáu trăm ngàn, để được thỉnh đức Thế Tôn về cúng dường một ngọ trai.» Am-bà-la-bà-đề đều trả lời: «Không thể được.» Lê-xa lại nói: «Đem tài sản phân nửa nước đưa cho nhà ngươi. Nhà ngươi để tôi được thỉnh Phật thọ thực, có được không?» Am-bà-la-bà-đề nói: «Dầu ông cho tôi toàn bộ nước Tỳ-xá-ly, tôi cũng không thể thay đổi được.» «Tại sao vậy?» «Vì tôi đã nguyện được thỉnh Phật và Tăng đến nơi vườn để cúng dường.» Bấy giờ, năm trăm Lê-xa nổi sân hận đưa tay lên, nói «Am-bà-la-bà-đề đã bỏ qua chúng ta rồi.» Nói xong, họ liền cho xe đến vườn Am-bà-la. Thế Tôn ở tại vườn kia, đang nói pháp cho vô số chúng vây quanh. Từ xa thấy năm trăm Lê-xa đến, Ngài bảo các tỳ-kheo: «Tỳ-kheo nào chưa thấy chư thiên Đao-lợi xuất du, thì nên xem các Lê-xa này. Khi chư thiên Đạo-lợi muốn xuất du thì cũng giống như các Lê-xa này không khác.» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các ngươi hãy cẩn thận tâm niệm, nhiếp trì oai nghi. Đây là lời dạy của ta. Tỳ-kheo, thế nào là các ngươi hãy cẩn thận tâm niệm? «Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, an trụ chánh niệm[43]; tinh cần, nhiếp trì niệm không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên ngoại thân, an trụ chánh niệm; tinh cần, nhiếp trì niệm, không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên nội ngoại thân, quán thọ, ý và pháp cũng như vậy. Tỳ-kheo như vậy được chánh tâm. «Tỳ-kheo, thế nào gọi là nhiếp trì oai nghi? «Tỳ-kheo hoặc ra hoặc vào, co duỗi, cúi ngước, chấp trì y bát, hoặc ăn, hoặc uống, hoặc uống thuốc, đại tiểu tiện lợi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc đi, hoặc lại, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc nói năng hay im lặng, tâm thường chuyên nhất. Đó gọi là tỳ-kheo nhiếp trì oai nghi.» Bấy giờ, năm trăm Lê-xa ở Tỳ-xá-li đến chỗ đậu xe, xuống xe, đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi năm trăm Lê-xa ở bên đức Phật thì oai thần của họ không còn nữa. Chỉ có ánh sáng oai đức tối thắng của đức Phật Thế Tôn ở giữa đại chúng không có gì sánh kịp. Như mặt trời đi trong bầu trời mùa thu không chút mây che, oai thần rực rỡ không gì sánh bằng. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ở giữa năm trăm Lê-xa với thần đức danh xưng, tướng mạo đoan chánh không gì sánh kịp. Lúc ấy, trong chúng có bà-la-môn tự là Tân-kỳ-dương-nâu.[44] Bà-la-môn này từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật: «Con có điều muốn nói.» Đức Phật dạy: «Ông cứ nói.» Bà-la-môn này liền đối trước Phật nói kệ khen ngợi đức Như Lai: Vua Ma-kiệt được thiện lợi, Vua Ương già cầm giáp ngọc; Phật xuất hiện nơi nước này, Tiếng chấn động như núi Tuyết. Như hương sen tinh khiết, Khi nở thơm ngào ngạt. Nay xem ánh sáng Phật, Như mặt trời mới mọc; Như mặt trăng trên không, Không có mây che khuất. Thế Tôn cũng như vậy, Sáng chói trong thế gian. Xem trí tuệ của Phật, Như đuốc sáng ban đêm; Cho đời con mắt sáng, Giải quyết các nghi hoặc. Các Lê-xa nói với bà-la-môn: «Yêu cầu ông nói lại bài kệ này.» Người bà-la-môn nói lại bài kệ này ba lần. Các Lê-xa cho đây là bài kệ rất hay, tặng thưởng năm trăm chiếc y. Người bà-la-môn nhận được số y này rồi, liền đem dâng lên đức Phật, nguyện cầu đức Phật dũ lòng thương vì họ mà nhận cho. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Lê-xa: «Thế gian có năm thứ quý báu khó được. 1. Phật Thế Tôn ra đời trong thế gian là điều quý báu khó có được. 2. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe được lời thuyết giảng của Ngài là điều quý báu khó có được. 3. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà tin và hiểu là điều quý báu khó có được. 4. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà thật hành như pháp là điều quý báu khó có được. 5. Đạt được chánh tín và ưa thích là điều quý báu khó có được.» Bấy giờ, năm trăm Lê-xa nghe Phật dùng mọi phương tiện nói pháp khai hóa rất vui mừng, bạch Phật: «Chúng con xin phép được mời Ngài và các Tăng tỳ-kheo ngày mai thọ thực.» Đức Phật Nói: «Ta đã nhận lời mời của Am-bà-la-bà-đề rồi.» Bấy giờ năm trăm Lê-xa đưa tay lên nói: «Am-bà-la-bà-đề đã hơn chúng con!» Nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật kính lễ sát chân, nhiễu quanh rồi cáo lui. Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề về nhà, sắm sửa đầy đủ các loại đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng hôm sau đúng giờ đến thỉnh đức Thế Tôn phú trai. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Am-bà-la-bà-đề, an toạ nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề dâng cơm lên đức Phật và Tăng tỳ-kheo với tất cả các loại đồ ăn thức uống ngon bổ. Khi đức Phật thọ thực xong, thì Am-bà-la-bà-đề rước bình bát của Ngài để xuống đất và đem bình nước rửa bằng vàng đến rửa tay Ngài, rồi đến trước đức Phật bạch: «Nước Tỳ-xá-ly này thì có nhiều khu vườn, nhưng quang cảnh vườn ở đây là đẹp nhất. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn làm chỗ nghỉ ngơi. Cúi xin Thế Tôn nhận cho.» Đức Phật dạy: «Nhà ngươi nên dâng cúng Phật và tứ phương Tăng. Tại sao vậy? Vì nếu vườn của Phật, và vật trong vườn hoặc phòng xá, và vật trong phòng xá hay bình bát, y, tọa cụ, ống đựng kim, cũng như tháp miếu của Phật thì tất cả thế gian chư thiên, long thần, phạm thiên, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và người không thể xử dụng được.» Am-bà-la-bà-đề thưa: «Như vậy con xin dâng cúng Phật và tứ phương Tăng. Cúi xin Ngài nhận cho.» Đức Phật dũ lòng thương nhận và chú nguyện cho: Nếu xây cất chùa miễu, Trồng vườn cây ăn trái, Làm cầu đò người qua, Đồng hoang cho nước trái, Cho luôn nơi trú ngụ; Những hạng người như vậy, Ngày đêm phước thêm lớn. Thường như pháp trì giới, Người ấy hướng đường lành. Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Thế Tôn nói các bài pháp, khiến Am-bà-la-bà-đề rất hoan hỷ, từ chỗ ngồi, liền được tiêu trừ các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đã thành tựu chứng quả, bạch Phật: «Từ nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Am-bà-la-bà-đề được nghe đức Phật dùng mọi phương tiện nói pháp, lòng rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Ngài, rồi cáo lui. 6. Ba y Bấy giờ, đức Thế Tôn ở nơi tịnh xứ tư duy, tâm tự nghĩ: «Các tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng.» Sau khi thấy, suy nghĩ như vầy: «Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá.» Hôm đó, đức Thế Tôn ngồi nơi đất trống. Đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh. Khoác chiếc [857a1] y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, mặc chiếc y thứ ba. Bấy giờ, đức Thế Tôn mới nghĩ như vầy: «Đời sau, người thiện nam không chịu đựng được sức lạnh, thì nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta nên cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá.» Sáng hôm sau, nhân việc này đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo: «Ở nơi chỗ yên tĩnh, Ta suy nghĩ: Tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng. Sau khi thấy, suy nghĩ như vầy: Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá. Chính ta ngồi nơi đất trống, đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh. Khoác chiếc y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, mặc chiếc y thứ ba. Nên Ta khởi ý nghĩ: Đời sau, người thiện nam sẽ không thể chịu đựng được sức lạnh, nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta qui định cho các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, nếu quá, không được chứa.» Bấy giờ, có một trú xứ nọ, Tăng bốn phương nhận được tăng-già-lê quý giá, đem may ngọa cụ. Các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên đem đổi vật khác rồi tùy chỗ dùng.» Các tỳ-kheo không biết sai ai đi đổi, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo đem đổi. Hoặc sai người giúp việc Tăng-già-lam. Hoặc sa-di, ưu-bà-tắc đem đổi. Hoặc thí chủ tự đổi. Rồi tùy chỗ sử dụng.» Thế Tôn ở tại nước Bạt-đề. Có tỳ-kheo nhận được y sô-ma, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng.» Có tỳ-kheo nhận được y la-hầu-đa,[45] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng.» Có tỳ-kheo nhận được y a-đa-hầu-đa,[46] bạch Phật, Phật cho phép chứa dùng. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa y có màu sắc rực rỡ, Phật dạy: «Không được chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y bằng gấm có màu sắc rực rỡ. Đức Phật dạy: «Không được chứa y bằng gấm. Y trắng nên nhuộm màu ca-sa rồi chứa.» Nhóm sáu tỳ-kheo lại khoác y có tua không cắt rọc.[47] Đức Phật dạy: «Không được chứa.» Có nhóm sáu tỳ-kheo lại dùng gấm làm tua y, Phật không ‹cho phép chứa dùng.› Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y phả-na-đà-thi,[48] Phật dạy: «Không được chứa. Những người ngu si này! Ta chế cái này; các ngươi lại làm cái khác!» Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Có đàn-việt mời cơm. Theo thường pháp của các đức Phật, nếu không đến phú trai thì ở nhà đi xem xét các phòng ốc. Khi xem xét các phòng ốc, Ngài thấy có tỳ-kheo trải tăng-già-lê dưới đất, muốn ráp tấm vải mạng vào. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo hỏi: «Sao ngươi trải y dưới đất?» Tỳ-kheo thưa: «Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.» Đức Phật dạy: «Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, việc thầy làm là phải.» Khi các tỳ-kheo thọ thực xong trở về, đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo nói: «Sau khi các tỳ-kheo đi thọ thực, Ta đi xem xét các phòng ốc, thấy có tỳ-kheo bung y dưới đất, muốn ráp tấm vải mạng vào. Thấy vậy ta đến chỗ tỳ-kheo hỏi tại sao thầy bung y dưới đất? Tỳ-kheo thưa, ‹Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.› Ta liền kheo ngợi: ‹Lành thay! Lành thay! Việc thầy làm là phải.› «Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo may y mới, an-đà-hội một lớp, uất-đa-la-tăng một lớp, tăng-già-lê hai lớp. Nếu y cũ thì cho phép an-đà-hội hai lớp, uất-đa-la-tăng hai lớp, tăng-già-lê bốn lớp. Nếu y phấn tảo thì lớp nhiều ít tùy ý.» Thế Tôn ở nước Khoáng dã. Chúng Tăng nhận được y khéo được thể hiện,[49] đức Phật cho phép chứa dùng. Nhận được y gấm, Phật không cho phép dùng. Các tỳ-kheo nhận được cái mùng (màn), đức Phật cho phép dùng. Một thời đức Thế Tôn ở tại nước Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai. Khi ấy, có Bồ-đề Vương tử làm ngôi điện đường mới, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Mọi người đang chờ đợi. Một hôm, Vương tử nghe đức Phật từ nước Bạt-kỳ du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai, liền sai người kêu Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, nói rằng: «Ngươi nhơn danh ta đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi đức Thế Tôn đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Rồi bạch như vầy: Thỉnh Phật và tăng nhận lời mời thọ thực của ta, và bạch Phật rằng: Ta vừa xây ngôi điện đường mới, chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đều đang mong chờ, cúi xin thỉnh đức Phật đến an toạ trước, sau đó, Bồ-đề vương tử ngồi mới được phước vô lượng.» Khi ấy, Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, kính lễ sát chân Vương tử, rồi đến chỗ đức Thế Tôn, thành kính thăm hỏi, rồi lui ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Bồ-đề vương tử cúi đầu dưới chân đức Thế Tôn, vấn an Thế Tôn, đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Bồ-đề vương tử xin được phép thỉnh Phật và Tăng nhận lời mời thọ thực. Bồ-đề vương tử vừa mới xây xong ngôi điện đường, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đang mong chờ, xin thỉnh Phật đến an toạ trước, sau đó Vương tử sẽ ngồi mới được phước vô lượng.» Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, biết đức Phật hứa khả rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật cáo lui, về lại chỗ Vương tử thưa như vầy: «Sa môn Cù-đàm đã nhận lời thỉnh thọ thực bằng cách im lặng rồi. Bây giờ là lúc thích hợp» Vương tử chuẩn bị cho sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đêm vừa qua, sáng đến cho lau quét điện đường, dùng vải mới tốt trải từ tam cấp vào đến điện. Đến giờ, sai người thỉnh Phật thọ thực. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Bồ-đề Vương tử. Bấy giờ, Vương tử ra ngoài cửa cung nghinh Ngài. Từ xa thấy đức Phật đến, liền đến trước Ngài đảnh lễ sát chân, rồi theo hầu Ngài đi vào, như người đệ tử biết vâng lời. Đức Thế Tôn vào trước nhà Vương tử, đứng im lặng. Vương tử thưa: «Cung kính thỉnh Thê tôn bước lên vải để đi lên điện, khiến cho con được phước an lạc.» Lần thứ hai, lần thứ ba Vương tử cũng thưa đức Thế Tôn như vậy. Đức Thế Tôn vẫn im lặng, quay lại nhìn Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan biết đức Phật không muốn bước lên trên vải mới để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh. Tôn giả A-nan nói với Vương tử rằng: «Xếp vải này lại. Như Lai không muốn bước lên trên để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh vậy.» Vương tử vội vàng cho xếp vải lại và thỉnh Phật lên điện để cho con được phước. Lúc ấy, đức Phật mới lên điện, ngồi an nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, Vương tử bắt đầu dâng cơm lên Phật và Tăng với tất cả đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật thọ thực và rửa bát xong, Vương tử lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng mọi phương tiện vì Vương tử nói pháp rồi, từ chỗ ngồi trở về trú xứ, dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo nói: «Vải quý trải dưới đất, không được đi lên trên, nếu đi thì sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, phòng xá của tỳ-kheo nhiều bụi đất, Phật cho phép rưới nước quét, rưới nước quét rồi lại có bụi, Phật cho phép dùng nước trộn bùn để trét. Nếu vẫn có bụi, đức Phật cho phép dùng các loại thảm y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu, và một trong mười loại vải, trải trên đất. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giơ bà mẹ ghẻ của Vua Ba-tư-nặc có tín tâm nơi Phật pháp, đem vải gấm quý giá thứ Vua mặc dâng cúng cho tứ phương Tăng sau đó mạng chung. Bấy giờ các tỳ-kheo đem trải trên đất. Có những đại thần không tin ưa Phật pháp, có việc đến Tăng-già-lam, thấy các tỳ-kheo đem vải gấm đại quý giá thứ Vua mặc [858a1] làm đồ trải đất, họ cơ hiềm nói: «Sa môn thích tử không biết nhàm chán, không biết đủ, có nhiều tham cầu, chứa dư thừa, tự nói là biết chánh pháp, mà đem vải gấm đại quý giá thứ Vua mặc trải dưới đất. Như vậy có gì là chánh pháp? Đàn-việt tuy dâng cúng, nhưng người thọ nhận phải biết đủ chứ?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng vải quý giá thứ Vua mặc trải dưới đất. Từ nay về sau cho phép làm nệm ngồi, nệm nằm, gối, màn che ở trên.» Bấy giờ, có tỳ-kheo quấn đầu, đến chỗ đức Phật thưa: «Bạch Đại đức! Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin đức Phật chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo không được quấn đầu như pháp của bạch y. Nếu quấn đầu thì sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đầu bị lạnh, bạch Phật. Phật cho phép dùng lông mịn kết lại để quấn hay làm mão để đội. Tỳ-kheo Đãn-đà-lư-đa-lê[50] khoác y đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác y như vậy, trừ trong Tăng-già-lam. Đây là pháp của bạch y. Nếu mặc như vậy sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác một y đến chỗ Phật, bạch: «Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được mặc một y, trừ nơi đại tiểu tiện. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác y chui đầu,[51] đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác y ngắn đến chỗ đức Thế Tôn thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác y bằng da, đến chỗ Phật bạch: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin Ngài chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo mặc áo kép đến chỗ đức Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo mặc khố đến chỗ Phật, bạch: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo quấn chân đi đến chỗ Phật, thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y. Nếu quấn sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo quấn chân bằng cỏ bồ đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.» Đức Phật dạy: «Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y, nếu quấn sẽ như pháp trị.» Đức Phật nói các tỳ-kheo tiếp: «Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta cấm chế, lại tạo ra những việc khác. Tất cả các pháp của bạch y như vậy, không được mặc.» Bấy giờ. Các tỳ-kheo giả bện tóc thành búi tó, đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.» Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo, nếu làm như vậy sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo thọ trì bát bằng cây, đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.» Đức Phật dạy: «Không được thọ trì bát như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo không được chứa, nếu chứa sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo thọ trì lầu đựng bát[52] đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.» Đức Phật dạy: «Đây là pháp của ngoại đạo. Không được thọ trì. Nếu chứa sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác mang khăn tay thêu[53] đến chỗ đức Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.» Đức Phật dạy: «Đây là pháp của ngoại đạo, không được mang. Nếu mang sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo mặc áo cỏ đến chỗ đức Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.» Đức Phật dạy: «Không được mặc, đây là pháp của ngoại đạo, nếu mặc sẽ như pháp trị.» Các loại y như vầy: «hoặc bằng cỏ, bằng cỏ bà-sa, bằng vỏ cây, bằng lá cây, bằng châu anh lạc, tất cả những loại y như vậy, đều không được chứa dùng, nếu chứa dùng sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác y bằng da của ngoại đạo, đến chỗ Phật, thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin thuận cho.» Đức Phật dạy: «Không được chứa, nếu chứa sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo mặc lông chim kên kên đến chỗ đức Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Đây là pháp của ngoại đạo, không được dùng. Nếu dùng sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng tóc người đến chỗ Đức Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.» Đức Phật dạy: «Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc mắc thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng đuôi ngựa, đuôi trâu nước, đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép dùng.» Đức Phật dạy: «Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc sẽ như pháp trị.» Có tỳ-kheo loã thể đến chỗ Phật thưa: «Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.» Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy, đây là pháp của ngoại đạo. Nếu lộ thân thì phạm thâu-lan-giá.» Đức Phật dạy tiếp: «Các ngươi là những người ngu si. Tránh những điều ta đã ngăn cấm, lại tạo ra bao nhiêu cái khác. Tất cả các pháp của ngoại đạo như vậy không được làm.» 7. Pháp thức phân vật Bấy giờ, có tỳ-kheo nơi trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép phân chia.» Các tỳ-kheo không biết cách chia. Đức Phật dạy: «Nên đếm số người nhiều hay ít, hoặc mười vị, hoặc hai mươi vị, cho đến trăm vị, thì chia trăm phần. Nếu có hai thứ tốt xấu, cho phép trộn lộn với nhau để chia.» Vị chia tự lấy phần mình trước. Phật dạy: «Không được tự lấy phần mình trước, mà nên bốc thăm để chia.» Vị chia tự bốc xăm. Đức Phật dạy: «Không được tự mình bốc thăm. Khi bốc thăm, không nên để cho thấy.» Khi bốc thăm chia vật có khách tỳ-kheo đến. Đức Phật dạy: «Nên chia phần cho họ.» Hoặc khi vừa chia phần xong, hoặc lúc chưa bốc xăm, hay lúc đang bốc xăm mà có khách tỳ-kheo đến, thì tất cả đều chia phần cho họ. Chỉ trừ khi bốc xăm rồi, có khách tỳ-kheo đến thì không được chia phần, hay khi đã vui vẻ nhận phần rồi, dù có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần, hay chia còn dư đem chia trở lại, đã xong mà có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần, hoặc đã cho sa-di, hay sai người chia rồi, dù có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần. Trường hợp, khi tỳ-kheo đang chia y, mà khách tỳ-kheo đến quá nhiều, nên việc chia y bị vất vả phiền phức, có thể sai một người đứng ra chia, bằng pháp bạch yết-ma. Trong chúng nên sai một người có khả năng yết-ma hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Y hoặc phi y của trú xứ này nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Tỳ-kheo... làm người chia y. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trú xứ này nhận được y hoặc phi y, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nay Tăng sai Tỳ-kheo... làm người chia. Các trưởng lão nào chấp thuận trú xứ này, y hoặc phi y nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng, Tăng sai Tỳ-kheo... làm người chia, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận sai Tỳ-kheo... làm người phân chia rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, tỳ-kheo nhận được y bà-thâu-già,[54] bạch Phật, đức Phật cho phép chứa dùng. Các tỳ-kheo bị lạnh, bạch Phật. Phật [859a1] cho phép khoác y có độn bông. Có trú xứ nọ, chỉ có một Tỳ-kheo, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y, Tăng có thể chia. Các tỳ-kheo không biết làm sao, bạch Phật. Phật dạy: «Nếu tại một trú xứ nào, chỉ có một tỳ-kheo ở, mà hiện tiền Tăng nhận được nhiều y. Tăng có thể chia.» Nhưng các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật, Phật dạy: «Nếu trú xứ nọ, có một tỳ-kheo ở, mà nhận được y, hiện tiền Tăng có thể chia. Nếu có khách tỳ-kheo đến từ bốn người hoặc hơn bốn người thì nên đem y trao cho một Tỳ-kheo, khiến bạch nhị yết-ma rồi chia. Nếu có ba người nên cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu có hai người cũng cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu chỉ có một người thì tâm niệm miệng nói: «Đây là phần của tôi.» Có trú xứ nọ, có Tỳ-kheo, tưởng có Tỳ-kheo, muốn chia y theo biệt bộ.[55] Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Không thành chia, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, nghi có Tỳ-kheo, chia y theo biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Không thành chia, mắc đột-kiết-la. » Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, khởi tưởng không tỳ-kheo, chia y biệt bộ. Tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Không thành chia, không phạm.» Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo nên chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Thành chia, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo, chia y. Không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Thành chia, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo tưởng là không tỳ-kheo, chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: «Thành chia, không phạm.» Bấy giờ, có trú xứ nọ có tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ y hay không. Bạch Phật, Phật dạy: «Không thành thọ y, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, nghi có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Không thành thọ, mắc tội đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy: «Không thành thọ, không phạm.» Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch Phật, Phật dạy: «Thành thọ, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch Phật, Phật dạy: «Thành thọ, mắc đột-kiết-la.» Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy: «Thành thọ, không phạm.»[56]
Chú thích: [16] Trong truyện kể Pali, Kỳ-bà không nhận tiền, mà xin chức thái y. Vua chấp nhận, và bảo kiêm luôn việc chữa bịnh cho Phật và các tỳ-kheo. [17] Chơi trò nhào lộn, dộng ngược đầu xuống đất, rồi di chuyển như bánh xe lăn. Pali (Vin.i. 275): mokkhacikāya kīlantassa. [18] Úy-thiền 尉禪. Pali: Ujjenī, thủ phủ của nước Avantī (A-bàn-đề) [19] Ba-la-thù-đề 波羅殊提. Pali: Pajjota (Caṇḍa-Pajjota). [20] A-ma-lặc 阿摩勒. Hán thường dịch là dư cam tử. Pali: āmalaka. [21] Nguyên Hán: tiệp 啑; không có nghĩa gì ở đây. Pali: nicchāresi, tiêu chảy (hạ lỵ). [22] Hán: hoạn thuỷ 患水. Pali: kāyo dosābhisanno, rối loạn dịch trong cơ thể (theo bản dịch Anh, B.D.iv. 394, n.1). [23] Pali (Vin.i. 279): icchati tathāgato virecanaṃ pātun ti, «Như lai muốn uống thuốc xổ (hạ tể).» [24] Ưu-bát 優缽; hay ưu-bát-la, hoa sen xanh. Pali: uppala (Skt. utpala). [25] Nhất chưởng noãn thuỷ 一掌煖水. Pali, ibid., xổ xong lần thứ 29, Thế Tôn sẽ tắm (bhagavā viritto nahāyissati), sau đó sẽ xổ thêm một lần nữa. [26] Na-la-diên 那羅延. Sjt. nārāyaṇa, lực sĩ của trời; biệt danh của thần Víṣṇu. [27] Thi dược quang minh 施藥光明. Tống-Nguyên-Minh: thi lạc...施樂. Cf. Skt. (Bodhisattva-bhūmi) bhaiṣjya-da(-raśmi). [28] Pali: Sabbadatta, nhưng nội dung truyện kể không đồng. Xem Jataka, truyện 460. [29] Pali: y Siveyyaka, vải được sản xuất tại nước Sivi, cao giá nhất. [30] Câu văn chuẩn khi Phật chấp thuận một ước nguyện. Nhưng văn Hán tối nghĩa. Xem Phần I, Ch.iv ni-tát-ky 27 & cht. 94. Tham chiếu Pali, Vin. i. 280: atikkantavarā kho tathāgatā, Như lai không bao giờ cho những ước nguyện vượt quá giới hạn.» [31] Thanh tịnh, ở đây nên hiểu là «hợp thức.» Tham chiếu, Pali, ibid., yañca kappati, yañca anavajanti, ước nguyện ấy đúng pháp và không lỗi. [32] Cù-lâu 氍氀. Pali: kojava (?), y hay chăn làm bằng lông sơn dương. [33] Điều 條, rẻo vải hẹp mà dài, tượng trưng bờ ruộng. [34] Diệp 葉, rẻo vải, như chiếc lá, chỉ khâu một biên dính vào y. [35] Tham chiếu Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.137a27): lá điều nửa bên trái để hở đường biên trái. Lá điều phải, hở biên phải. Lá điều giữa, hở cả hai phía. [36] Cát tiệt y 割截衣. Pali: chinnaka, vải được cắt thành từng miếng vuông như thửa ruộng, rồi may lại thành. Thường gọi là phước điền y. [37] Niết-bàn-tăng 涅槃僧; Pali: nivāsana, hạ y, nội y. 38 Xem cht. 161, Ch.i (phần iii). [39] Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提; hay Kiều-phạm-ba-đề; Pali: Gavampati, con trai phú hộ ở Ba-la-nại, một trong bốn người bạn của Da-xá. [40] Xem Trường A-hàm 2 (T01, tr.13b20), kinh số 2 «Du hành» [41] Lê-xa 梨奢. Pali: Licchavī, một bộ tộc rất hùng mạnh thời Phật, là chủ nhân của thành Vesāli (Tỳ-xá-li). [42] Truyện kể bị nhảy sót nên thiếu mạch lạc. [43] Ý chỉ 意止, tức niệm xứ. Cf. Trường A-hàm. đã dẫn, đoạn này, Phật giảng bốn niệm xứ cho các tỳ-kheo để cảnh giác khi Am-ba-bà-lị đến. Vì sợ các tỳ-kheo trẻ sẽ bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô. Trong Bản Hán trên, mạch lạc bị đảo lộn. [44] Tân-kỳ-dương-nâu 賓耆羊菟. Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.135c19): Ma-nạp Tân-kỳ-da 摩納名賓祇耶. [45] La-hầu-đa y 羅睺多衣. Có lẽ chỉ một loại vải mỏng, Pali (=Skt.): lahuta (?). [46] A-đa-hầu-đa y 阿哆睺多衣. Không rõ loại vải gì. [47] Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.137a17): Tỳ-kheo được y kiếp-bối, không cắt tua (râu) ở đầu. [48] Phả-na-đà-thi 頗那陀施. Cf. Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.138b01): có tỳ-kheo xin Phật cho dùng y chui đầu (quán đầu y 貫頭衣) rồi khoác y bạt-na 跋那 lên. Phật không cho. Có lẽ phả-na-đà-thi và bạt-na là một, nhưng không rõ phiên từ Skt. gì. [49] Thiện hiển hiện y 善顯現衣. [50] Đãn-đà-lư-đa-lê 誕陀盧多梨. [51] Quán đầu y 串頭衣. Loại y có cổ; khi khoác chui đầu qua. [52] Bát lâu 缽樓, với lời chua trong bản Hán: «Ba cây gậy chống xuống đất, đặt bát vào trong; bên trên, xỏ ngang các vật, rồi gánh trên vai mà đi. Vì thế gọi là lầu đựng bát.» [53] Tú thủ y 繡手衣. [54] Bà-thâu-già y 婆輸伽. [55] Biệt bộ, chia theo nhiều nhóm riêng rẻ, trong cùng một trú xứ. [56] Hết quyển 40 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 8. Tăng vật Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều vị tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, nên để lại nhiều Tăng-già-lam và nhiều cây ăn trái, ruộng vườn thuộc Tăng-già-lam; có nhiều phòng riêng và các vật dụng thuộc phòng riêng; có nhiều bình đồng, chậu đồng, búa, đục, giá đèn; có nhiều vật nặng; có nhiều giường dây, giường cây, nệm nằm, nệm ngồi, gối, chứa nhiều y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu; có nhiều người giữ Tăng-già-lam, nhiều xe cộ, nhiều bình nước rửa, tích trượng, quạt; nhiều đồ nghề thợ sắt, đồ nghề thợ mộc, đồ nghề thợ gốm, đồ nghề thợ da, đồ nghề đan, dao cạo tóc; nhiều y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Phật dạy: «Người nổi tiếng nhiều hay không nổi tiếng, tất cả đều thuộc về Tăng.» Các tỳ-kheo đem cây ăn trái ruộng vườn của Tăng ra chia. Đức Phật dạy: «Không được chia. Những thứ ấy thuộc về tứ phương Tăng.» Các tỳ-kheo đem phòng riêng, và các vật thuộc phòng riêng ra chia. Phật dạy: «Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.» Các tỳ-kheo đem bình đồng, chậu đồng, búa, đục và các thứ trọng vật khác ra chia. Phật dạy: «Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.» Các tỳ-kheo đem giường dây, giường cây, nệm ngồi, nệm nằm, gối ra chia. Phật dạy: «Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.» Các tỳ-kheo đem y-lê-diên-đà, mạo-la mạo-mạo- la, cù-lâu ra chia. Phật dạy: «Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chỉ có cù-lâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay thì được chia cho hiện tiền Tăng.» Các tỳ-kheo đem xe cộ, người giữ Tăng-già-lam ra chia. Phật dạy: «Không được chia, vì thuộc tứ phương Tăng.» Các tỳ-kheo đem bình nước, bình nhỏ chứa nước rửa, tích trượng, quạt ra chia. Phật dạy: «Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng.» Các tỳ-kheo đem đồ nghề sắt, đồ nghề mộc, đồ nghề gốm, đồ nghề da, đồ nghề tre ra chia. Phật dạy: «Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau chỉ cho phép chia dao cạo tóc, y bát, tọa cụ, ống đựng kim.» Các tỳ-kheo đem đồ câu-dạ-la[57] ra chia. Phật dạy: «Hiện tiền Tăng nên chia.» Bấy giờ, có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia, mà số lượng Tăng tỳ-kheo thì nhiều, tỳ-kheo-ni ít. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào. Bạch Phật. Phật dạy: «Nên chia làm hai phần.» Bấy giờ không có tỳ-kheo-ni, chỉ có thức-xoa-ma; cũng chia làm hai phần. Khi ấy, không có tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na cũng không có, chỉ có sa-di-ni. Đức Phật dạy: «Cũng chia làm hai phần. Nếu không có sa-di-ni thì chia hết cho Tăng (tỳ-kheo).» Có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều vật. Tỳ-kheo ít, tỳ-kheo-ni nhiều. Bạch Phật. Phật dạy: «Nên chia làm hai phần. Không có tỳ-kheo chỉ có sa-di, cũng chia làm hai phần. Không có sa-di thì chia hết cho tỳ-kheo-ni.» Có tỳ-kheo-ni ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Sau khi đến thì mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị ấy nên chia cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nơi đó, nếu có ưu-bà-tắc tin Phật, hoặc người giữ vườn, nên lấy cất, sau đó trong năm chúng xuất gia, người nào đến trước thì trao cho họ. Nếu không có ai đến, thì đem đến trú xứ Tăng-già-lam nào gần đó để giao.» Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có trú xứ có nhiều tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu bà di, Quốc vương Đại thần, và nhiều ngoại đạo, sa-môn, bà-la-môn. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.» Bấy giờ, các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng: «Đức Thế Tôn dạy như vậy, ‹Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.› Người nào vào, phải sám ba-dật-đề. Bấy giờ, có trưởng lão Hòa-tiên Bạt-đàn-đa Tử[58] cùng cả thảy sáu mươi vị tỳ-kheo, tất cả đều sống ở a-lan-nhã, khất thực, trì y phấn tảo, làm pháp dư thực không ăn, nhất tọa thực, nhất đoàn thực, ngồi nơi gò mả, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới bóng cây, thường xuyên ngồi, tùy lúc ngồi, thọ trì ba y. Họ từ nước Ba-la đến tịnh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo: «Phòng của đức Như Lai ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.» Các tỳ-kheo [860a1] nói: «Như Lai dạy như vầy: ‹Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.› Nếu người nào vào phải sám ba-dật-đề.» Hòa Tiên hỏi: «Thế Tôn có nói như vậy sao?» Các tỳ-kheo đáp lời: «Các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng: ‹Nếu vị nào vào sẽ phải sám ba-dật-đề.›» Hòa Tiên nói: «Tôi không chấp thuận quy chế của các trưởng lão. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: ‹Phật không chế thì không được tự chế. Phật đã chế thì không được trái phạm.› Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những tỳ-kheo A-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn.» Bấy giờ, trưởng lão Hòa Tiên cùng sáu mươi tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn an ủi và hỏi rằng: «Nầy Hòa-tiên! Ông có được an lạc không? Ăn uống có bị thiếu thốn không? Trụ chỉ an tịnh không? Ông từ đâu đến đây? Ông không nghe tỳ-kheo nói những gì hay chăng?» Hòa Tiên thưa: «Con trụ chỉ được an lạc, không bị chuyện ăn uống làm khổ nhọc. Con cũng có nghe các tỳ-kheo khác nói. Bạch Đại đức! Con cùng cả thảy sáu mươi tỳ-kheo nước Ba-La, đều sống a-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y. Chúng con từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian đến nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo ở tại Kỳ-hoàn, ‹Phòng đức Thế Tôn ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.› Các tỳ-kheo nói như vầy, ‹Đức Thế Tôn cần tịnh tọa tư duy ba tháng, không cho người ngoài vào, chỉ trừ người mang thức ăn. Nếu vị nào vào thì phải sám ba-dật-đề.› Con liền hỏi, ‹Đức Thế Tôn có bảo sám ba-dật-đề như vậy không?› Các tỳ-kheo nói, ‹Chúng tôi tự lập ra quy chế như vậy.› Con liền nói, ‹Tôi không chấp thuận quy chế ấy. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: Phật không chế không được tự chế. Nếu đã chế không được trái phạm. Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những người sống a-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn.›» Đức Phật dạy: «Lành thay, lành thay Hòa-tiên! Các ông đều là những người a-lan-nhã thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi. Nếu có ai như vậy, thì cũng được thăm hỏi đức Thế Tôn, theo ý muốn.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép các vị a-lan-nhã được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn. Có vị hoặc trở thành tỳ-kheo a-lan-nhã, hoặc có vị không thọ thỉnh mà thường đi khất thực; hoặc có vị xả bỏ y của đàn-việt dâng cúng mà trì y phấn tảo, hoặc có vị xả bỏ y dư mà chỉ trì ba y. Bấy giờ, các tỳ-kheo xả bỏ y, dồn lại thành một đống lớn. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên bố thí cho chúng Tăng, hoặc cúng cho Phật, hoặc cúng cho tháp, hoặc cúng cho một người.» Các tỳ-kheo nghe nói cho một người, bèn mang cho bạch y. Có tỳ-kheo thấy vậy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được cho bạch y hay ngoại đạo.» Bấy giờ, các tỳ-kheo e ngại không dám cho tỳ-kheo-ni những thứ như phi y, đãy đựng bát, đựng giày dép, ống đựng kim, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, khăn chùi chân, khăn trùm đầu, khăn gói giày guốc. Đức Phật dạy: «Nên cho tỳ-kheo-ni phi y.» Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Có nên chia phần cho những vị đang hành ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa hay không?». Họ bạch Phật. Phật dạy : «Nên chia.» Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Những vị bị tác yết-ma ha trách, hoặc bị yết-ma tẫn xuất, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma tác cử, những người bị các yết-ma như vậy, có nên chia phần hay không?» Họ bạch Phật. Phật dạy: «Nên để dưới đất hay sai người đưa.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo nhận được y ngoại đạo, không nhuộm, liền mặc. Bạch Phật. Phật dạy: «Không được mặc y như vậy. Nên nhuộm rồi sẽ mặc.» Có các tỳ-kheo sai bạch y làm việc. Bạch y đòi phần y. Họ bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép tính công của họ nhiều hay ít, trả bằng thức ăn hay bằng vật ngang giá.» Các tỳ-kheo tự nghĩ: «Nên chia đồng phần vải cho người giữ Tăng-già-lam, sa-di, hay không?» Họ bạch Phật. Phật dạy: «Nếu Tăng hòa hợp thì cho phép chia cho sa-di đồng một phần vải. Nếu không hòa hợp thì nên chia cho phân nửa, hay một phần ba. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Người giữ Tăng-già-lam thì chia cho một phần tư. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Nếu chia thì sẽ như pháp trị.» Các tỳ-kheo e ngại không dám đem vải biếu cho cha mẹ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên biếu.» 9. Tỳ-lưu-ly Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ những người họ Thích ở Ca-duy-la xây xong một ngôi nhà mới, chưa có sa-môn hay bà-la-môn nào đến ngồi. Thái tử Tỳ-lưu-ly[59] lại đến ngồi trước, các Thích tử đều giận dữ, mắng: «Ta mới xây xong ngôi nhà mới. Đức Phật chưa ngồi. Mà con của một nữ tỳ hạ tiện đã ngồi trước rồi.» Bấy giờ, có kẻ thị tùng bà-la-môn không tin ưa Phật, nói rằng: «Các Thích tử Xá-di mắng ông là con của một nữ tỳ hạ tiện, mà ông có thể nhịn được chăng?» Thái tử nói: «Hiện tại ta không có thế lực nên chưa được tự do. Nếu cha ta qua đời, khi ta lên làm vua, lúc ấy ngươi sẽ nhắc lại ta.» Sau đó, vua Ba-tư-nặc bị mất ngôi, thái tử Lưu-ly tự lên làm vua. Vị đại thần không tin Phật kia tâu: «Trước đây các Thích tử đã mắng Vua. Vua có thể nhịn được sao? Nay cần phải chinh phạt họ.» Vua liền tập hợp bốn binh chủng ra khỏi thành Xá-vệ; kéo đến nước Xá-di. Bấy giờ đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn nên đã hiện trước trên đường đi của vua Lưu-ly. Ngài ngồi dưới một bóng cây cằn cỗi bên đường. Khi vua Lưu-ly đến, thấy đức Phật đang ngồi dưới bóng cây cằn cỗi, liền xuống xe đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Có nhiều cây đại thọ tốt tươi nhiều bóng mát, tại sao Ngài không ngồi, lại ngồi dưới bóng cây cằn cỗi thế này?» Đức Phật Nói: «Đại vương! Dưới bóng mát của thân quyến, thật là an lạc.» Nhà vua nghe câu nói ấy liền nghĩ: «Đức Thế Tôn vì từ mẫn nước Xá-di nên nói như vậy.» Nhà vua liền kéo quân trở về nước Xá-vệ. Vị đại thần bà-la-môn không tin Phật, lần thứ hai, lần thứ ba cũng tâu rằng: «Trước đây các Thích tử mắng nhà vua là con của nữ tỳ hạ tiện. Nay cần phải chinh phạt họ.» Nhà vua liền tập hợp bốn binh chủng, ra khỏi Xá-vệ, cách nước Ca-duy-la-vệ[60] không xa, nhà vua cho dựng một doanh trại nhỏ để phòng vệ. Bấy giờ các Thích chủng ở Ca-duy-la-vệ đều có khả năng bắn xa không trật. Có người bắn xa một do tuần vẫn trúng đích. Có người bắn xa bảy mươi dặm vẫn trúng đích. Có người bắn sáu mươi dặm, năm mươi dặm, bốn mươi dặm, ba mươi dặm vẫn trúng đích. Bấy giờ có người bắn trúng doanh trại của nhà vua, có người bắn trúng nóc trại, hoặc trúng càng xe hoặc trúng yên ngựa, dàm ngựa, cương ngựa, hoặc trúng ngón tay, hoặc trúng ngọc trai nơi tai, ngọc trai nơi tóc, hạt ngọc trai bị hư nhưng không gây thương tích. Lúc ấy, vua Lưu-ly rất hoảng sợ hỏi: «Các Thích tử cách đây xa gần?» Quan hầu cận thưa: «Cách đây bảy mươi dặm.» Nhà vua nghe xong càng thêm hoảng sợ bội phần, nói: «Không lẽ binh chúng của ta sẽ bị hại bởi các Thích tử sao?» Bấy giờ, đại thần không tin Phật tâu với nhà vua rằng: «Các Thích tử kia đều thọ trì năm giới, làm người ưu-bà-tắc; chịu chết chứ họ không bao giờ đoạn mạng chúng sanh đâu. Vua cứ tiến quân chớ nên sợ sệt.» Do vậy, nhà vua tiến quân đến bao vây thành Ca-duy-la-vệ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu ở đó không mở cửa thành thì không thể được. Hiện nay người trong thành tự họ đã không nhất trí. Người thì nói nên giao thành. Người nói không nên giao. Tình thế buộc phải bốc thăm.» Bấy giờ Thiên ma Ba-tuần đứng về phía người giao thành. Qua bảy lần bốc thăm, số thăm đồng ý giao thành cho vua Lưu-ly nhiều hơn, nên cửa thành được mở để giao. Quân nhân ồ ạt kéo vào thành, và đóng cửa thành lại. Hang cùng ngỏ hẻm đều được đào hầm, bề sâu đến ngang lưng người; chôn [861a1] trai gai lớn nhỏ trong giòng Thích chủng, đặt sát nhau không có khoảng hở; rồi cho voi lớn đạp lên. Lúc ấy, Thích tử Ma-ha-nam là ông ngoại của Lưu-ly nói với các người họ Thích rằng: «Các người đừng nghĩ là vua Lưu-ly thả voi đạp chết người, mà nên quan sát nghiệp báo nhơn duyên của các Thích chủng ngày xưa đã tạo. Quả báo của định nghiệp mà nay phải nhận lấy.» Vua Lưu-ly nghe, bèn hỏi Thích Ma-ha-nam: «Ông muốn được nguyện gì?» Ma-ha-nam nói: «Các người họ Thích đã chết, là điều khổ não hiện nay của ta. Nguyện để làm gì? Nếu muốn ta nguyện, thì để cho ta vào trong hồ nước. Trong khi ta đang lặn dưới nước, thì các người họ Thích được tự do ra khỏi thành, mà không giết họ.» Vua Lưu-ly nghĩ rằng: «Lặn dưới nước thì không lâu được. Có thể cho Ông như nguyện.» Ma-ha-nam liền lặn xuống hồ nước, lấy tóc mình cột vào trong gốc cây để chết luôn dưới nước. Vua Lưu-ly hỏi các đại thần: «Thích Ma-ha-nam lặn xuống nước sao lâu thế?» Quan hầu cận đến xem rồi tâu: «Ma-ha-nam đã chết rồi.» Nhà vua bảo đem thi hài đến nhà vua xem. Các quan tả, hữu liền đem thi hài đến để vua xem. Vua Lưu-y thấy liền sanh từ tâm, nói: «Ma-ha-nam vì thân quyến nên không tiếc thân mạng.» Liền ra lệnh cho người thả các người họ Thích. Các quan liền y lời, phóng thích các Thích chủng. Các Thích chủng đều đã bị lột hết, nên trần truồng, chạy đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo e ngại nên không dám cho y để họ mặc, vì đức Phật không cho phép cho y đến người bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho họ mượn y để khỏi trần truồng khi họ đến gặp ta.» Các tỳ-kheo liền cho họ mượn y. 10. Thân hậu Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng đức Phật du hành đến nước Câu-tát-la, tạm thời ngồi nghĩ một nơi, khi đi quên chiếc y tăng-già-lê. Sau đó đức Phật nhớ lại, bảo A-nan rằng: «Hãy lấy chiếc y này. Khởi lên ý tưởng thân hữu mà lấy.» Tôn giả A-nan thưa: «Thế nào là tác ý thân hữu để lấy?» Đức Phật dạy: «Tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ.» «Thế nào là tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ?» Đức Phật dạy: «Có bảy pháp gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu: Cho thứ khó cho, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, việc mật nói cho nhau, không phanh phui việc của nhau, gặp khổ không bỏ nhau, nghèo hèn không khinh. Như vậy, A-nan, bảy pháp này gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu, khiến kia hoan hỷ.» Đức Phật liền nói kệ: Cho thứ khó cho, Làm việc khó làm; Nhẫn điều khó nhẫn, Là bạn thân tốt. Việc mật nói nhau, Bao che cho nhau; Gặp khổ không bỏ, Nghèo hèn không khinh. Bảy pháp như vậy, Người nào làm được; Gọi là bạn thân, Nên gần gũi họ. Đức Phật dạy: «Nên lấy, với ý thân hữu như vậy.» Có tỳ-kheo nọ chẳng phải thân hữu mà tác ý thân hữu để lấy. Đức Phật dạy: «Chẳng phải thân hữu, không được tác ý thân hữu để lấy.» Có tỳ-kheo nọ, tác ý thân hữu để lấy y ba-lợi-ca-la.[61] Đức Phật dạy: «Không được tác ý thân hữu để lấy y này. Nếu không đủ thì không được lấy. Phật ở tại thành Ba-bà.[62] Có một người Ma-la[63] tự là Lâu-diên,[64] là bạn của Tôn giả A-nan khi còn bạch y. Bấy giờ, A-nan khoác y, bưng bát, đến nhà ông ấy, an tọa chỗ ngồi. Lâu-diên đi vắng không có ở nhà, Tôn giả A-nan hỏi người vợ của ông: «Lâu-diên đâu?» Vợ Lâu-diên trả lời: «Đi khỏi.» A-nan bảo: «Đưa cho tôi cái sọt y.»[65] Vợ Lâu-diên liền lấy đem đặt trước A-nan. Tôn giả A-nan lựa lấy vải đại giá[66] đem về trong Tăng-già-lam, làm khăn lau mặt, khăn lau thân cho các Thượng tọa. Khi Lâu-diên Ma-la về, người vợ thuật lại sự việc. Ông liền đến trong Tăng-già-lam, đến chỗ A-nan, hỏi: «Thầy có đến nhà tôi?» «Vâng, có.» «Thầy có lấy thứ gì không?» «Có lấy.» «Sao thầy không lấy thứ tốt mà lại lấy thứ xấu?» «Chính tôi cần vải như vậy.» Bấy giờ các tỳ-kheo có ý nghĩ: Với thân hữu bạch y, có nên lấy vải như vậy không. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên lấy.» «Thân như thế nào để đáng lấy?» «Như A-nan với Lâu-diên Ma-la thì nên lấy.» Các tỳ-kheo thưa: «Nếu chủ không có ở nhà, có nên lấy hay không?» Đức Phật dạy: «Cho phép, nếu là thân hậu, dù ở nhà hay đi vắng, đều được phép lấy.» 11. Di vật của Tỳ-kheo Bấy giờ, đức Phật ở tại nước Xá-vệ, không đi phó trai. Theo thường pháp của chư Phật, nếu không đi phó trai thì sau đó đi xem xét các phòng. Khi xem xét các phòng, thấy có tỳ-kheo bệnh nằm một mình không ai chăm sóc, cúng dường. Vị ấy nằm chung với vật đại tiểu tiện. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo bệnh, biết mà vẫn hỏi: «Sao ông nằm chung với vật đại tiểu tiện? Có ai chăm sóc cơm cháo không?» Vị tỳ-kheo bệnh thưa: «Không.» Đức Phật lại hỏi: «Sao không có ai chăm sóc?» Vị tỳ-kheo bệnh thưa: «Vì khi con mạnh, con không thăm viếng bệnh người khác. Nên nay con bệnh, không có vị nào nuôi nấng cơm cháo.» Đức Phật dạy: «Ông không chăm sóc, cúng dường người bệnh, nên thất lợi, không được gì. Các ông là tỳ-kheo, không cùng chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc bệnh các ông?» Bấy giờ, đức Thế Tôn liền đỡ tỳ-kheo bệnh dậy, lau đồ bất tịnh nơi thân. Lau xong, rửa sạch. Rửa rồi, giặt y phơi khô. Đức Phật dọn dẹp những cỏ lá hư cũ mục mà vị tỳ-kheo bệnh đã nằm. Lấy nước bùn trét lên trên, rưới nước khiến cho sạch sẽ. Lại trải cỏ mới lên, bên trên trải một chiếc y, để tỳ-kheo bệnh nằm trở lại, lấy một chiếc y đắp lên trên, rồi Như Lai mới ra đi. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn thọ thực xong dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng ỳ-kheo, đem sự việc vừa xảy ra, không thỉnh mà nói: «Sau khi Ta không đi thọ thực, đến xem xét các phòng, thấy có tỳ-kheo bệnh. Ta tự lo liệu mọi việc.» Ngài kể rõ mọi việc cho các tỳ-kheo nghe, rồi bảo: «Này các tỳ-kheo, từ nay về sau, nên chăm sóc tỳ-kheo bệnh, không được không chăm sóc. Nên cử người chăm sóc bệnh, không được không cử người chăm sóc bệnh. Nếu muốn cúng dường Ta thì nên cúng dường cho người bệnh. Cho phép các tỳ-kheo cùng Hòa thượng, hoặc đồng Hòa thượng, cùng A-xà-lê, hoặc đồng A-xà-lê, hoặc đệ tử nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu vị nào không có người chăm sóc thì chúng Tăng nên cử người chăm sóc. Nếu không ai chịu chăm sóc thì sai theo thứ tự. Nếu theo thứ tự sai mà không chịu thì sẽ như pháp trị.» Nếu không có tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni tùy theo công việc mà giúp đỡ, nhưng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có tỳ-kheo-ni thì thức-xoa-ma-na cũng tùy theo công việc mà chăm sóc, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có thức-xoa-ma-na thì sa-di nên làm. Nếu không có sa-di thì sa-di-ni, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có sa-di-ni thì ưu-bà-tắc nên làm, nếu không có ưu-bà-tắc thì ưu-bà-di, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được xúc chạm đến tỳ-kheo. Người bệnh có năm việc khó chăm sóc: 1. Thèm ăn những thứ không được ăn, và không chịu uống thuốc. 2. Người nuôi bệnh có chí tâm mà người bệnh không nói như thật. 3. Cần đi lại không đi, cần đứng không chịu đứng. 4. Thân thể có đau nhức thì không thể chịu đựng nỗi. 5. Dù việc nhẹ có thể làm được, nhưng không làm, phải cậy nhờ người làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì rất khó chăm sóc. Người bệnh có năm việc dễ chăm sóc: 1. Không ăn những thứ không được ăn; chịu uống thuốc. 2. Nói như thật cho người nuôi bệnh. 3. Cần đi thì đi, không cần đi thì không đi, cần đứng thì đứng. 4. Thân thể có đau nhức thì có khả năng chịu đựng. 5. Việc nhẹ có thể làm được thì làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc. Người bệnh lại có năm việc khó chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là không thể trụ tâm tĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc này rất khó nuôi. Người bệnh lại có năm việc dễ chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là có thể [862a1] trụ tâm tĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ở tại nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một trú xứ nhỏ, thấy có tỳ-kheo bệnh không ai chăm sóc, nằm chung với vật đại tiểu tiện. Vị ấy liền nghĩ như vầy: «Đức Thế Tôn đã dạy, ‹Phải chăm sóc người bệnh, không được không chăm sóc. Phải cử người coi sóc bệnh, không được không cử người coi sóc người bệnh. Nên cúng dường người bệnh, không được không cúng dường người bệnh. Người nào cúng dường người bệnh tức là cúng dường Ta.› Vị kia liền chăm sóc tỳ-kheo bệnh, sau đó người bệnh qua đời. Lúc bấy giờ, tỳ-kheo mang y, bát của người qua đời đến Kỳ-hoàn tinh xá, nước Xá-vệ, qua đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy: «Lành thay, lành thay, tỳ-kheo! Ông là người có thể chăm sóc tỳ-kheo bệnh. Nên cúng dường người bệnh. Nên cử người chăm sóc tỳ-kheo bệnh. Cúng dường tỳ-kheo bệnh là cúng dường Ta.» Vị kia đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời đến, hiện tiền Tăng trú xứ này nên chia. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời cho người nuôi bệnh, nên bạch nhị yết-ma cho. Người nuôi bệnh đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... tại trú xứ kia đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y; hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy. Tăng nên sai một vị có khả năng làm yết-ma, hoặc thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn là có thể làm yết-ma, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đem cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nay Tăng cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là... Trưởng lão nào đồng ý đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị này để lại cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên... rồi, nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» (Nếu Tăng yết-ma sai một vị chia y vật của vị qua đời, pháp yết-ma đó cùng pháp yết-ma này không khác, chỉ thêm một câu: «Nay Tăng trao y cho tỳ-kheo tên.... Tỳ-kheo tên... sẽ hoàn lại cho Tăng. Đây là lời tác bạch.»).[67] Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết nên dùng y nào để cho người nuôi bệnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy y mà vị qua đời thường dùng để cho. Đức Phật cho phép cho y người nuôi bệnh rồi. Lúc ấy có tỳ-kheo chỉ nuôi sơ sơ; hoặc có vị chỉ đỡ bệnh nhân ngồi dậy, hay nằm xuống; hoặc đưa cây; tăm xỉa răng, hay tách nước, cũng lấy y bát của người qua đời. Đức Phật dạy: «Không được chỉ nuôi sơ sơ như vậy mà lấy y bát của người bệnh qua đời.» Có năm việc mà người nuôi không được lấy y vật của người bệnh: 1. Không biết người bệnh nên ăn thứ gì và không được ăn thứ gì; thứ nên ăn thì không cho ăn, thứ không đáng ăn lại cho ăn. 2. Nhờm gớm đại tiểu tiện đàm dải của người bệnh. 3. Không có tâm từ mẫn, chỉ vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh, không thể vì bệnh nhân lo liệu thuốc thang cho đến khi bệnh lành hay qua đời. 5. Không thể nói pháp cho bịnh nhân khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, có sự tổn giảm thiện pháp. Người nuôi bệnh có năm việc như vậy không được nhận lấy y vật của bệnh nhân. Lại cũng có năm pháp, người chăm sóc bệnh nhân đáng được chia: 1. Biết người bệnh ăn thứ gì được, thứ gì không được. Thứ nên ăn thì cho ăn. 2. Không nhờm gớm đại tiểu tiện, đàm dải của bệnh nhân. 3. Có tâm thương yêu, không vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh có lo liệu thuốc thang cho bệnh nhân đến khi lành bệnh hoặc qua đời. 5. Có thể vì bệnh nhân nói pháp khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, pháp lành được tăng ích. Người có năm việc như vậy thì nên lấy y vật của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân gần trút hơi thở cuối cùng nói: «Các thứ này của tôi. Sau khi tôi chết, dâng cúng cho Phật, Pháp, Tăng, tháp hoặc cho người. Nếu tôi không chết thì trả lại cho tôi.» Đức Phật dạy: «Không được di chúc như vậy, mà nên chia hiện tiền Tăng.» Tỳ-kheo bệnh kia khởi ý nghĩ: «Tôi sẽ thọ trì ba y xấu.» Vì sợ người nuôi bệnh lấy đi.» Đức Phật dạy: «Nên thọ trì thứ tốt.» Bấy giờ, bệnh nhân đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi bệnh lấy. Sau bệnh lành, không có để dùng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được có ý đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi bệnh lấy như vậy.» Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết đem loại y nào để cho tỳ-kheo nuôi bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên nhận xét người nuôi bệnh như thế nào? Nếu tỳ-kheo nuôi bệnh tốt nhất thì cho ba y tốt. Nếu nuôi bệnh bực trung thì cho ba y vừa. Nếu nuôi bệnh tồi thì cho ba y xấu.» Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có tỳ-kheo mắc nợ người khác, qua đời. Các tỳ-kheo không biết ai sẽ trả nợ đó, bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép đem trưởng y[68] để trả. Nếu không có thứ gì, thì bán ba y để trả; còn dư thì cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nên hỏi tỳ-kheo bệnh, ‹Y nào là ba y? y nào là trưởng y? thầy có mắc nợ ai? có ai nợ thầy không? Thầy có hứa cho ai thứ gì không?› Nếu người nuôi bệnh không hỏi như vậy thì sẽ như pháp trị. » 12. Tạp sự Bấy giờ, có tỳ-kheo thân hình bị bệnh ghẻ nhọt làm nhớp y và ngọa cụ. Phật dạy: «Cho phép chứa y che thân.»[69] Hoặc có y mà lông dính vào mụt ghẻ làm cho đau nhức, Phật cho phép dùng y mịn tốt để phủ bên trong, ngoài mặc niết-bàn-tăng. Nếu đến nhà bạch y thì nên nói rằng: «Tôi bị bệnh ghẻ.» Nếu bạch y nói: «Không sao, cứ ngồi,» thì nên vén niết-bàn-tăng rồi ngồi. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh lòi trĩ, dùng cây khô để gạt nên bị đau. Phật cho phép dùng lông mịn hoặc kiếp-bối, lông chim, y cũ để chùi. Dùng rồi, treo lên mà không giặt. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm, bạch Phật. Phật dạy: «Không được dùng rồi treo lên mà không giặt. Phải giặt sạch.» Có vị giặt rồi, nhưng không vắt nước cho khô, bị hư mục sanh trùng. Phật dạy: «Nên vắt khô nước rồi phơi cho khô.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bị ghẻ; bẩn y, ngọa cụ. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép sắm y che ghẻ.[70] Nếu tự mình không có thì cho phép lấy y ở trong Tăng để dùng.» Khi lấy dùng, tỳ-kheo kia khi di chuyển không dám mang y che ghẻ từ trú xứ nầy đến trú xứ khác để dùng. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép di chuyển.» Nhưng tỳ-kheo kia sau khi ghẻ lành, không đem về trả lại chỗ cũ. Phật dạy: «Nếu ghẻ lành rồi, thì phải giặt, nhuộm, xếp ngay thẳng, trả lại chỗ cũ. Nếu không trả lại trú xứ cũ, sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm màn che. Các bạch y thấy đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương đại thần không khác!» Các tỳ-kheo [863a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được may màn che.» Bấy giờ, có tỳ-kheo đại tiểu tiện, lộ hình nơi chỗ trống. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng cỏ hoặc lá cây, nhánh cây, hay y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, hoặc cù-lâu để ngăn che.» Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm mái che,[71] các bạch y thấy điều cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương đại thần không khác!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được làm mái che.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép dùng cỏ hay lá, hoặc một trong mười thứ y để làm đồ che.» Bấy giờ chúng Tăng nhận được y kép.[72] Phật dạy: «Cho phép chứa dùng.» Bấy giờ có tỳ-kheo không biết thọ trì[73] ba y. Phật dạy: «Nên thọ trì. Nếu nghi nên xả. Xả rồi thọ lại. Nếu có ba y mà không thọ trì, phạm đột-kiết-la.» Đức Phật dạy nên thọ trì ba y. Có vị thọ trì các loại tiểu y thay cho ba y, như khăn lau thân, khăn lau mặt, tấm giạ lót nằm. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được thọ trì các loại tiểu y như vậy để thay thế ba y.» Phật dạy cho phép dùng y, bề dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay làm an-đà-hội; rộng ba khuỷu tay, dài năm khuỷu tay làm uất-đa-la-tăng; tăng-già-lê cũng vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo y bị rách. Phật dạy: «Cho phép vá đắp lại.» Họ không biết vá đắp như thế nào. Phật dạy: «Đặt một lớp vải lên trên rồi may lại, tùy theo miếng rách lớn hay nhỏ, vuông hay tròn mà vá. Bấy giờ, các tỳ-kheo không mặc y cắt rọc vào tụ lạc. Bạch y thấy, đều cơ hiềm, nói: «Sa-môn thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn, giống như ngoại đạo» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên không mặc y cắt rọc mà vào tụ lạc. Có năm nhơn duyên được lưu y tăng-già-lê lại: Hoặc nghi có sự khủng bố, hoặc có mưa, hoặc nghi có mưa, hoặc tăng-già-lê may chưa xong, hay giặt nhuộm hư rách dày nặng. Năm nhơn duyên như vậy được lưu y tăng-già-lê lại.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo lật ngược tăng-già-lê mặc vào tụ lạc. Tỳ-kheo khác thấy, không vui, bèn bạch Phật. Phật dạy: «Không được lật ngược y mặc vào tụ lạc.» Có tỳ-kheo e ngại, nên ngay ngoài tụ lạc cũng không dám lật ngược y để mặc, nên bị nắng gió bụi trùng chim làm bẩn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Ngoài tụ lạc, cho phép lật ngược y để mặc.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được man y,[74] bề rộng bề dài vừa đủ, liền cắt rọc may y, vì thiểu dục muốn may thiếp diệp y bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép may. Tỳ-kheo nhận được man y, bề rộng bề dài đủ, muốn may y năm mảnh.[75] Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép may.» Bấy giờ các tỳ-kheo vì y phạm nên xả,[76] bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép xả giữa Tăng, hoặc trước đông người, hoặc trước một người, sau đó tịnh thí. Không được không xả. Khi xả rồi sau mới chỉ định.[77] Không được không xả mà chỉ định. Có tỳ-kheo nọ y không xả mà thọ dụng làm ba y, làm y ba-lợi-ca-la,[78] cố ý để hư hoại, cố ý đem thiêu đốt để dùng làm phi y hay mặc thường xuyên.[79] Phật dạy: «Nếu không xả không được đem làm ba y thọ dụng, hay làm y ba-lợi-ca-la, cố ý để hư hoại, cố ý đem thiêu đốt, dùng làm phi y, hay mặc luôn luôn.» Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Ba-lợi-ca-la không hiện hữu trước mặt, có phạm ni-tát-kỳ hay không?» Đức Phật dạy: «Không phạm ni-tát-kỳ.» Vị kia y không xả bèn mặc. Bạch Phật. Phật dạy: «Không được không xả mà mặc.» Vị kia nghĩ không dám dùng y xả đọa;[80] đem cho người hay làm đồ đắp.[81] Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép cho người khác làm đồ đắp.» Bấy giờ, có tỳ-kheo e ngại không dám mặc y bị cháy, y bị cướp, y bị trôi, bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép mặc.» Bấy giờ, có tỳ-kheo y không xả, bèn cùng người trao đổi. Bạch Phật. Phật dạy: «Không được không xả y. Nên xả rồi sau mới trao đổi.» Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‹Y của chúng Tăng quá mười ngày, phạm xả đọa hay không?› Bạch Phật. Phật dạy: «Không phạm.» Tỳ-kheo nào y tịnh thí không trả lại chủ, phạm đột-kiết-la. Vị nào ngăn không cho trả, cũng phạm đột-kiết-la. Bấy giờ, có các tỳ-kheo y không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Bạch y lấy mặc. Phật dạy: «Không được không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Nên nhuộm cho hoại sắc làm y sa-môn. Sau đó mới đem gởi nhà bạch y.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo được y trên hẹp dưới rộng đem làm tăng-kỳ-chi, bạch Phật. Đức Phật cho phép làm. Bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đem ra ngoài ranh giới chia nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được ra ngoài giới chia.» Bấy giờ có Trưởng lão tỳ-kheo, được nhiều người biết tiếng, du hành trong nhân gian, nhận được nhiều y vật mà hiện tiền Tăng nên chia, nhưng khó chia vì e ngại đức Phật không cho phép ra ngoài giới chia y vật. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy: «Nên sai người xướng như vầy: ‹Đến tại địa điểm đó để phân chia y vật. Y vật nào đáng chia thì sẽ được chia.›» Vị kia không biết chia khi nào. Phật dạy: «Phải làm dấu hiệu. Hoặc dựa theo con bóng qui định thời gian; hoặc un khói; hay thổi ốc; hoặc đánh trống, đánh kiền chùy, công bố đến giờ. Người tự đến hay nhờ người đến cũng nên chia phần.» Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ. Đức Phật dạy: «Không được di chuyển.» Trường hợp có phòng nhiều ngọa cụ, có phòng ít ngọa cụ. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép vị cựu trú, hoặc ma-ma-đế, hay người tri sự làm việc di chuyển ấy. Người nhận phòng nên hỏi trước, sau đó mới di chuyển.» Có tỳ-kheo nọ đã di chuyển ngọa cụ, khi đi không trả lại chỗ cũ. Tỳ-kheo khác lại dùng. Phật dạy: «Phải trả ngọa cụ lại chỗ cũ rồi mới đi, nếu không trả lại sẽ như pháp trị.» Phòng xá bị hư sập. Các tỳ-kheo e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì Phật có dạy: «Không nên di chuyển ngọa cụ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nếu phòng xá bị hư sập thì nên di chuyển ngọa cụ.» Có vị di chuyển ngọa cụ đến các phòng khác. Các phòng khác không dám nằm nên bị hư hoại. Phật dạy: «Nên sử dụng.» Khi đức Phật đã cho phép dùng rồi, các tỳ-kheo không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm y lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm áo lót.» Khi đức Phật đã không cho phép làm áo lót, các tỳ-kheo e ngại không dám đụng đến tay chân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được dùng làm y lót thân, chỉ giới hạn từ nách đến đầu gối mà thôi.» Bấy giờ, các bạch y cúng y lót thân cho tỳ-kheo, tỳ-kheo e ngại không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Y do đàn-việt dâng cúng nên tùy thuận mà nhận.» Khi phòng xá bị hư hoại kia đã được sửa sang rồi, nhưng ngọa cụ không được trả lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nếu phòng xá đã sửa sang rồi thì nên trả ngọa cụ lại. Nếu không trả, sẽ như pháp trị.» Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia. Phật dạy: «Không được di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia.» Trường hợp nhân dân trong nước phản loạn khủng bố, nên trú xứ đó cũng bị hoại, các vị e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì đức Phật không cho phép di chuyển ngọa cụ cố định của trú xứ này đến trú xứ kia. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trường hợp như vậy thì cho phép di chuyển.» Vị kia, khi di chuyển ngọa cụ, không dám che dấu, sợ chạm phải trong thân,[82] vì đức Thế Tôn không cho phép làm y lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Tùy theo đó mà phương [864a1] tiện che dấu khi di chuyển. Nếu người khác đuổi, bảo đứng dậy cũng không được đứng dậy. Cũng không được đuổi người khác đứng dậy. Nếu có tỳ-kheo khác có thể thương yêu che chở thì nên giao cho.» Khi trong nước ổn định lại, nhân dân an khương, phòng xá sửa rồi, mà ngọa cụ chưa mang trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu không trả ngọa cụ trở lại, sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nhận được vải từng đoạn vụn, màu sắc bậc nhất, muốn cắt may y năm mảnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép may.» Bấy giờ, có trú xứ hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đều nạnh nhau, không chịu đem cất nên bị mất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Người nào thấy, phải đem cất.» Lúc ấy khách tỳ-kheo đến, di chuyển y vật để qua phòng khác; không đảm bảo. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép lấy một phòng riêng kết làm kho chứa, bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Xướng tên phòng: Hoặc nhà tắm, nhà tầng, hay nhà kinh hành.[83] Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận lấy phòng... kết làm kho chứa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng lấy phòng... kết làm kho chứa. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng lấy phòng... kết làm kho chứa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận Tăng lấy phòng... làm kho chứa rồi. «Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.» Lúc ấy, kho chứa không có người coi giữ nên không an toàn chắc chắn. Đức Phật cho phép sai người coi giữ vật, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không, miễn là có khả năng tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Tỳ-kheo... làm người coi giữ kho, đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai Tỳ-kheo... làm người coi giữ. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Tỳ-kheo... làm người bảo quản thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo... làm người bảo quản rồi. «Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.» «Nếu tỳ-kheo đó không chịu làm người coi giữ thì nên đặc ân cấp cháo. Nếu vẫn không chịu, thì tất cả y thực đã nhận được, nên chia cho hai phần. Nếu vẫn cố không chịu, thì nên như pháp trị.» Lúc bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu[84] sắm nhiều áo tắm mưa, sai người đem đến tinh xá dâng cúng. Các tỳ-kheo không biết sẽ làm như thế nào. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên chia theo thứ tự từ Thượng tọa. Nếu không đủ thì ghi nhận. Rồi sau đó nhận được, tiếp tục chia.» Bấy giờ nhận được y đại quý giá nên vẫn tiếp tục chia. Phật dạy: «Không được đem y đại quý giá tiếp tục chia mà phải đổi cho Thượng tọa. Nếu nhận được y vật không bằng nhau thì nên lấy y vật có thể phân chia trong Tăng cho đủ số bằng nhau để phân chia.» Lúc bấy giờ, Tăng nhận được y ương-già-na-la,[85] bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép tích trử.» Bấy giờ có tỳ-kheo mặc y phú thân của Tăng [86] đến trong nhà tắm, trong nhà ăn, làm cho cơm canh nhớp, bùn nhơ, khói hun, bụi bám. Phật dạy: «Không được mặc y phú thân của Tăng vào phòng tắm, nhà ăn.» Bấy giờ, tháng mùa đông, các tỳ-kheo bị lạnh. Bạch Phật. Phật cho phép mặc (đồ ấm), nhưng phải yêu quý gìn giữ đừng để nhơ nhớp. Lúc ấy có tỳ-kheo mặc vào nhà vệ sinh, nhơ nhớp hôi thúi. Phật dạy: «Không được mặc vào nhà vệ sinh.» Bấy giờ có tỳ-kheo phải đem y về phòng, rồi mới đến nhà vệ sinh nên bị cấp bách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên có cái giá y bên ngoài nhà vệ sinh, hoặc móc long nha hay cái trụ, hoặc nhà, hoặc cây, hoặc cỏ, hay đá; cho phép đem y móc hay để trên đó. Nếu trời mưa, nên để chỗ không mưa. Nếu mưa văng ướt vào chỗ để, tốt nhất đừng cho đụng đến cửa nhà vệ sinh. Khi lên nhà vệ sinh, ngồi xổm cho gọn đừng để nhớp y. Có tỳ-kheo nọ mặc y đến chỗ đi kinh hành bị vướng cỏ, dính côn trùng, đất bụi bám, mưa thấm ướt, hư hoại Tăng y. Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được mặc Tăng y đến chỗ kinh hành.» Lúc bấy giờ, có vị Thượng tọa tỳ-kheo bịnh già yếu, từ đường xa nhọc mệt đến. Phật cho phép phủ miếng giạ trên khăn trải nằm. Nên yêu quý giữ gìn mà nằm. Bấy giờ, tại trú xứ nọ có tỳ-kheo kiết hạ an cư rồi, lại đến trú xứ khác ở, không biết nên nhận vật an cư nơi trú xứ nào. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nơi nào ở nhiều ngày nhất thì nhận vật an cư chỗ đó. Nếu hai nơi bằng nhau thì nhận mỗi nơi phân nữa. Có tỳ-kheo nọ đem chia thức ăn của hạ an cư. Đức Phật dạy: «Không được chia. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ thực.» Khi đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh của bà-la-môn Tỳ-lan-nhã [87] đã qua rồi, bảo Tôn giả A-nan rằng: «Ông đến nói với bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, đức Phật đã nhận lời thỉnh của ông ba tháng hạ an cư xong, nay muốn du hành trong nhân gian.» Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời đức Thế Tôn dạy liền đến chỗ Tỳ-lan-nhã bảo rằng: «Đức Thế Tôn nói như vầy: Ngài đã nhận lời mời của ông ba tháng hạ an cư xong rồi, nay muốn du hành trong nhân gian.» Tỳ-lan-nhã nghe Tôn giả nói rồi, mới tự nghĩ rằng: «Mình thỉnh sa-môn Cù-đàm và Tăng tỳ-kheo trong chín mươi ngày rồi mà không cúng dường.» Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính thăm hỏi rồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khiến cho ông được hoan hỷ. Tỳ-lan-nhã nghe đức Phật nói pháp rồi, rất hoan hỷ, liền bạch Phật rằng: «Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh chín mươi ngày nữa của con.» Đức Phật trả lời: «Đã nhận lời thỉnh chín mươi ngày của ông rồi. Nay ta muốn du hành trong nhân gian.» Tỳ-lan-nhã bạch Phật: «Cúi xin Ngài và chư Tăng nhận cho con cúng dường một bữa ngọ vào ngày mai.» Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tỳ-lan-nhã biết được đức Phật nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy vui vẻ, nhiễu quanh Phật rồi lui về. Trong đêm đó sắm sửa, đầy đủ các đồ ăn thức uống, sáng ngày đến thỉnh Phật và chư Tăng phó trai. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng năm trăm Tăng tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà Tỳ-lan-nhã, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳ-lan-nhã dâng các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường Phật và chư Tăng. Các Ngài ăn xong để bát xuống, Tỳ-lan-nhã dùng ba y dâng cúng lên đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo mỗi vị hai tấm điệp làm y mùa Hạ. Tỳ-kheo không nhận, nói rằng: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận y mùa hạ. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Lúc bấy giờ, Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép nhận y mùa hạ, nên lúc nào trong ba mùa xuân, hạ và đông, cũng đều tìm cầu y mùa hạ. Hạ an cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y. Có lúc Bạt-nan-đà Thích tử đang an cư tại một trú xứ này mà nghe trú xứ khác nhận được nhiều y an cư mùa hạ, liền đến trú xứ đó hỏi rằng: «Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?» Các vị trả lời: «Chưa chia.» Bạt-nan-đà bảo: «Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.» Bạt-nan-đà lại đến các trú xứ khác cũng hỏi rằng: «Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?» Các vị trả lời: «Chưa chia.» Bạt-nan-đà bảo: «Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.» Bấy giờ Bạt-nan-đà ở nhiều chỗ chia y nên nhận được nhiều y mang về Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi rằng: «Đức Thế Tôn cho phép tích trử ba y. Vậy số lượng y nầy là y của ai?» Bạt-nan-đà nói: «Nhiều trú xứ chia nên tôi nhận được số lượng y nhiều như vậy.» Trong các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo nhận y mùa hạ. Sao thầy tìm cầu y mùa hạ vào tất cả thời xuân, hạ, và đông? An cư chưa xong cũng tìm y, cũng [865a1] thọ y? An cư nơi này đã nhận phần y rồi, lại đến nơi khác cũng nhận phần y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nầy Bạt-nan-đà, Ta cho phép tỳ-kheo tích trử y mùa hạ, tại sao ông lại tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân hạ và đông? An cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y? An cư chỗ này đã nhận y rồi, lại đến chỗ khác nhận phần y nữa?» Dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, không được tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân, hạ và đông. An cư chưa xong cũng không được tìm cầu y, thọ y. Cũng không được an cư nơi này đã nhận y rồi, lại đến nơi khác nhận y nữa. Nếu nhận như vậy sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khi đi, y mùa hạ chưa chia. Sau đó các tỳ-kheo chia y mùa hạ. Tỳ-kheo kia trở về hỏi rằng: «Y mùa hạ chia chưa?» Tỳ-kheo trả lời: «Chia rồi.» Tỳ-kheo kia hỏi: «Có lấy phần y của tôi không?» Tỳ-kheo nói: «Không lấy.» Khi đó tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng: «Chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó mới chia y mùa hạ. Tôi an cư tại đây mà sao không lấy phần y của tôi?» Các tỳ-kheo nghĩ: «Như vậy có thành pháp chia y không?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đã thành chia y rồi, nhưng phải đợi nhau. Hay dặn dò lại người chưa đi nhận dùm phần y mùa Hạ.» Lúc ấy có tỳ-kheo chưa chia y đã đi. Khi ra đi dặn chung chung lại người chưa đi, là nhận phần y cho tôi với. Sau đó các tỳ-kheo chia y hỏi: «Vị nào nhận phần y cho tỳ-kheo kia?» Khi đó không ai nhận cả. Tỳ-kheo kia trở về hỏi: «Chia y chưa?» Các tỳ-kheo trả lời: «Chia rồi.» Vị kia hỏi tiếp: «Có ai nhận phần y của tôi không?» Các tỳ-kheo nói: «Không ai nhận cả.» Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo: «Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Tôi dặn quí vị chia y vì tôi mà nhận dùm y. Tôi an cư tại đây. Tại sao khi chia y không vì tôi nhận phần?» Các tỳ-kheo nghĩ: «Đã thành chia y chưa?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đã thành chia y rồi. Nhưng nên đợi người kia trở về. Hay người kia phải nhờ một vị nào nhận cho rõ ràng, chứ không được dặn chung chung.» Bấy giờ, có tỳ-kheo khi chưa chia y đã ra đi, có dặn một tỳ-kheo nhận dùm phần y mùa hạ của mình. Khi các tỳ-kheo chia y hỏi: «Vị nào nhận phần y của tỳ-kheo kia?» Người được dặn quên không nhận. Các tỳ-kheo chia y xong, tỳ-kheo kia trở về hỏi: «Y mùa hạ chia chưa?» Các tỳ-kheo nói: «Chia rồi.» Tỳ-kheo kia hỏi: «Có nhận dùm phần y của tôi không?» Các tỳ-kheo nói: «Không nhận.» Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng: «Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó tôi có nhờ một tỳ-kheo nhận phần y của tôi. Tôi an cư tại đây, tại sao không vì tôi mà nhận phần dùm?» Các tỳ-kheo không biết có thành chia y hay không? Đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Thành chia. Người quên có tội.» Lúc ấy, có tỳ-kheo lưu lại thức ăn của mùa hạ an cư. Đức Phật dạy: «Không được lưu lại. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ dụng.» Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên vào Niết-bàn, có nhiều y vật có thể chia cho hiện tiền Tăng. Tỳ-kheo nọ để quá mùa an cư. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được lưu lại. Nên chia y này cho hiện tiền Tăng.» Vào lúc đó, có một đàn-việt muốn dâng cúng cho tháp, dâng cúng cho Tăng, cho phòng xá Tăng-già-lam, dâng cúng áo tắm, lý do là mới sanh con, hoặc mới cạo tóc, hay vì để tóc dài, hoặc về nhà mới, hay vì thân quyến qua đời làm lễ, nên hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật. Các tỳ-kheo lưu lại đến mùa hạ an cư. Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được lưu lại. Đây là y phi thời, hiện tiền Tăng nên chia.» Lúc bấy giờ, có một tỳ-kheo ở tại trú xứ mình, nhận được nhiều y vật của mùa hạ an cư, vị ấy với ý nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào đây?» Vị ấy bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có một tỳ-kheo an cư mà nhận được nhiều y vật hạ an cư của Tăng, vị tỳ-kheo kia nên tâm niệm rằng: ‹Đây là vật của tôi.›» Hoặc thọ hay không thọ. Các tỳ-kheo khác đến không được nhận phần. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được số nhiều y vật có thể chia, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên chia làm hai phần.» Chưa nhận được y vật có thể chia, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Đức Phật dạy: «Nên hỏi đàn-việt cúng cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy... thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hoặc nói cúng cho tất cả thì nên chia làm hai phần. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo, có một số y đã nhận được, có một số y chưa nhận được, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Số y đã nhận được thì chia làm hai phần. Số y chưa nhận được nên hỏi thí chủ để biết họ cúng cho ai. Nếu họ nói: ‹Cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy›, thì nên theo lời nói của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu thí chủ nói: ‹Không biết›, hoặc nói: ‹Cúng cho tất cả› thì nên chia làm hai phần. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được y vật có thể chia. Có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) bộ kia không được trao phần y cho họ. Hoặc trường hợp chưa nhận được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ. Hay trường hợp được y vật hay chưa được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia mà đi chưa đến, thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị ấy nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Giao cho trú xứ vị kia muốn đến.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia, vừa đến nơi thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên giao cho bộ Tăng mà vị ấy đến.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bị cử tội rồi mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên giao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên giao cho cộng đồng yết-ma Tăng cử.» Bấy giờ, Tăng nơi trú xứ nọ bị phá làm hai bộ. Có đàn-việt thỉnh hai bộ Tăng nầy thọ thực chung một chỗ, có dâng y và chỉ tơ. Các tỳ-kheo không biết nên chia y cho ai, chia chỉ tơ cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên hỏi đàn-việt để biết họ cúng tơ cho ai cúng chỉ cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hay nói cúng cho tất cả, thì nên chia làm hai phần.» Bấy giờ, chúng Tăng nhận được y an cư mùa hạ, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên đếm số người nhiều hay ít để chia.» Hoặc chưa nhận được y an cư, mà Tăng bị chia làm hai bộ, bạch Phật. Phật dạy: «Nên đếm số người để chia.» Hay trường hợp nhận được y mùa hạ, hay chưa nhận được y mùa hạ, Tăng bị phá làm hai bộ (bạch Phật. Phật dạy): Nên đếm số người để chia. Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được y mùa hạ, rồi đến bộ khác. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên trao cho.» Hoặc chưa nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Phật dạy: «Nên trao cho họ.» Hay chưa nhận được y mùa mùa hạ, hoặc đã nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Đức Phật dạy: «Nên trao cho họ.» Bấy giờ, có một cư sĩ thỉnh chư Tăng các trú xứ về một địa điểm cúng dường và dâng y. Các tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Có tám loại dâng y: Dâng cho Tăng tỳ-kheo, dâng cho Tăng tỳ-kheo-ni, dâng cho hai bộ Tăng, dâng cho tứ phương Tăng, dâng cho Tăng trong một cương giới, dâng cho Tăng đồng một yết-ma, dâng cho người có nói rõ tên, [866a1] hay dâng cho một người. Đức Phật dạy tiếp: Nếu dâng cho Tăng tỳ-kheo thì Tăng tỳ-kheo nên chia... cho đến dâng cho một người thì thuộc về một người. Lúc bấy giờ, tháng mùa đông các tỳ-kheo bị lạnh. Họ bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép đội mão.» Hoặc ngồi giữa đất trống bị nhức mỏi. Đức Phật cho phép sắm dây đai thiền[88]. Tỳ-kheo mình bị ghẻ và mồ hôi nhớp, Phật cho phép sắm khăn lau thân. Nơi mặt có mồ hôi, Phật cho phép sắm khăn lau mặt. Mắt bị chảy nước, cho phép sắm khăn lau mắt. Lúc bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta nhận được y mỏng đại quý giá, muốn chứa làm y mùa hạ. Phật dạy: «Cho phép tịnh thí rồi thọ trì.» Tịnh thí[89] có hai cách: Chơn thật tịnh thí, triển chuyển tịnh thí. Chơn thật tịnh thí là nói: «Đại đức nhất tâm niệm! Tôi có y dư (trưởng y) nầy, chưa tác tịnh. Nay vì muốn tịnh nên xả cho Đại đức, để làm chơn thật tịnh thí.» Triển chuyển tịnh thí là nói: «Đại đức nhất tâm niệm! Đây là y dư của tôi, chưa tác tịnh. Vì muốn cho tịnh nên xả cho Đại đức, để làm phép triển chuyển tịnh thí.» Vị nhận làm pháp tịnh thí nên nói như vầy: «Đại đức nhất tâm niệm! Thầy có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tác tịnh nên cho tôi. Nay tôi xin nhận.» Nhận rồi nên nói: «Y này thầy muốn chuyển cho ai?» Vị kia nên nói: «Tôi chuyển cho tỳ-kheo tên như vậy.» Vị thọ tịnh nên nói: «Đại đức nhất tâm niệm! Thầy này có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tịnh nên cho tôi, nay tôi nhận. Nhận rồi tôi sẽ cho Tỳ-kheo... Y này thuộc về tỳ-kheo ấy rồi. Thầy đã vì Tỳ-kheo... nên khéo giữ gìn mà mặc, tùy nhơn duyên sử dụng.» Chơn thật tịnh thí phải nói với chủ rồi sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không, tùy ý mặc. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ người đem y cho tỳ-kheo kia mượn. Người được nhờ nghĩ là mình thân hậu với tỳ-kheo kia, bèn lấy dùng. Lấy như vậy có được hay không? Đức Phật dạy: «Không được khởi ý thân hậu để lấy.» Hoặc đến đạo lộ,[90] có nên khởi ý thân hậu để lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không được lấy.» Hoặc đến nơi kia,[91] có nên khởi ý nghĩ thân hậu để lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không được lấy.» Hoặc tác ý thân hậu với người chủ sai mang y rồi lấy dùng;[92] thì có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Hoặc đến nơi đạo lộ, nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Hoặc đến nơi kia có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Tỳ-kheo được cho mượn y qua đời. Người được nhờ mang y cho mượn bèn nhận với ý nghĩ là của tỳ-kheo kia đã qua đời. Nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Hoặc người chủ nhờ mang y đi cho mượn ấy qua đời. Người được nhờ mang khởi ý nghĩ là nhận y của tỳ-kheo qua đời; có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ mang y cho tỳ-kheo kia. Người được nhờ khởi ý nghĩ là mình thân tình với người nhờ,[93] nên lấy để dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.» Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.» Tỳ-kheo được nhờ kia, khởi ý thân hậu với người được cho[94] y để lấy dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.» Người chủ nhờ mang y đi cho chết. Tỳ-kheo kia khởi ý là nhận y của người qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.» Tỳ-kheo được gởi cho y qua đời. Tỳ-kheo được nhờ kia liền nghĩ nhận y của vị qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.» Bấy giờ, có cư sĩ đem y đến trong Tăng-già-lam thưa: «Y này cúng cho Đại đức tỳ-kheo có tên là...» Tỳ-kheo kia nói: «Tôi không cần y.» Cư sĩ liền đem y đến để trước tỳ-kheo rồi đi. Tỳ-kheo kia e ngại, nên không biết làm thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép, vì thí chủ nên lấy cất. Khi cần, cho phép thọ trì.[95]
Chú thích: [57] Câu-dạ-la 俱夜羅. [58] Hòa-tiên Bạt-đàn-đa Tử 和先跋檀陀子. Pali: Upasena Vaṅgataputta, em trai của Sāriputta, có tài hùng biện, tu hạnh đầu đà; Vin. iii. 230. [59] Tỳ-lưu-ly 毘琉璃. Pali: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi (Ba-tư-nặc) với Vāsabhakhattiyā (một nữ tỳ của nhà họ Thích). [60] Ca-duy-la-vệ quốc 迦維羅衛國; hay Ca-tỳ-la-vệ. Vì Nhà nước theo chế độ thành bang, nên gọi quốc hay gọi thành đều được. [61] Ba-lợi-ca-la y 波利迦羅衣. Pali: parikara, dây đai, dây nịt; hoặc cái khố. [62] Ba-bà 波婆. Pali: Pāvā, thị trấn của những người Malla (Lực sĩ). Phật đã ghé lại đây trên đường lên Câu-thi-na nhập Niết-bàn. [63] Ma-la 摩羅, Pali: Mallā, tên một bộ tộc. Xem cht. 59 trên. [64] Lâu-diên 樓延. Pali, Vin. 296, Roja. [65] Y lộc 衣簏. Cái sọt hay cái giỏ để đựng vải hay y. Pali, ibid.: Bấy giờ Roja trao tay cho A-nan một giải bố (khomapilotā). [66] Đại giá y 大價衣. Có sự nhầm lẫn ở đây. Chi tiết tiếp theo nói, chỉ là thứ vải xấu. [67] Trong ngoặc, phụ chú nhỏ trong bản Hán. [68] Trưởng y 長衣; xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 1. [69] Phú thân y 覆身衣; xem Phần I, Ch.v. ba-dật-đề 89 về phú sang y: y che ghẻ. [70] Xem Phần I, Ch. v, ba-dật-đề 89. [71] Hiến 幰; màn xe. Chưa rõ tiếng Phạn. [72] Phức y 複衣. [73] Thọ trì 受持; Pali: adhiṭṭhita, được xử lý, hay được chỉ định như là sở hữu của cá nhân. Đây chỉ cách thức chỉ định, nghĩa là, phải làm thủ tục xả, nhận trước khi sử dụng. [74] Man y 縵衣. y trơn, không cắt rọc. Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.106c27). [75] Ngũ nạp y 五納衣: Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.105b26) [76] Phạm xả, tức phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; xem Phần I, Ch. iv. [77] Chỉ định giao y được xả cho người nào. [78] Ba-lợi-ca-la 波利迦羅: Còn gọi là ba-già-la, là tên gọi chung cho tất cả những y phụ ngoài ba y ra như: Tăng-kỳ-chi (áo che vai), niết-bàn-tăng (Xà rông), phú thân y (y che thân), thức thân căn (khăn lau thân), thức diện cân (khăn lau mặt), Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.109b21): dịch là trợ thân y 助身衣. [79] Các quy định sử dụng y bị xả. Xem các điều ni-tát-kỳ, mục phạm tướng. [80] Y xả đọa, tức y phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề. [81] Bị y 被衣. [82] Sợ bị cướp, phải nhét vào người để dấu. [83] Kết khố tàng 庫藏, nhà kho để cất chứa đồ của Tăng. Pali, Vin.i. 284, bhaṇḍāgāra. Những nơi trong trú xứ Tăng được phép dùng làm nhà kho: aḍḍhayoga, nhà một mái, hay nhà mái bằng; pāsāda, lầu (trùng ốc); hammiya, biệt phòng, hay phòng hai tầng (có gác xép), hoặc hang. [84] Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu 毘舍佉無夷羅母, hay Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu; xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 27 & cht. 91. [85] Ương-già-na-la 鴦伽那羅衣. Chẳng biết thứ y gì. Hoặc một loại vải được sản xuất bởi người Aṅga. [86] Tăng phú thân y 僧覆身衣, y phú thân của Tăng, cho dùng riêng; xem cht. 66 & 75 trên. [87] Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, xem Phần I, Ch.i, điều 1, duyên khởi. [88] Thiền đới 禪帶. Cf. Ngũ phần 21 (T22n1421 tr.143c06) [89] Xem Phần I, Ch.iv. điều 1, cht. 14. [90] Đã mang ra đường, quyền sử dụng y không còn thuộc về người cho mượn, nên người được nhờ khởi ý thân hậu với người mượn để lấy dùng. [91] Bầy giờ, quyền sử dụng thuộc về người được cho mượn. [92] Vì người sai mang đi là chủ y đích thực. Xem trường hợp A-nan với Lâu-diên trên. [93] Vì là cho thật, không phải cho mượn như trên kia, nên người nhờ mang đi cho này không còn là chủ đích thực của y nữa. Chỉ có thể sử dụng vật khi mà minh có ý nghĩ là thân tình với chủ nhân đích thực của vật đó. [94] Người được cho bây giờ chủ đích thực của y. [95] Hết quyển 41. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG VII THUỐC 1. Các loại thuốc [866c8] 1. Lúc bấy giờ, tại nước Ba-la-nại, có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng: «Bạch Đại đức, nên ăn thức ăn nào?» Đức Phật dạy: «Cho phép ăn thức ăn do khất thực được, gồm có năm loại thức ăn.»[1] Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm. Phật dạy: «Cho phép ăn.» Nhận được các thức ăn bằng cơm, như cơm gạo lúa tám, cơm đại mạch, cơm gạo mì,[2] cơm lúa tẻ, cơm câu-bạt-đạt-la.[3] Phật dạy: «Cho phép ăn cơm như vậy.» Nhận được lương khô,[4] đức Phật cho phép ăn các loại thuộc lương khô. Nhận được cơm khô, đức Phật cho phép ăn các loại cơm khô. Nhận được cá, đức Phật cho phép ăn các loại cá. Nhận được thịt, đức Phật cho phép ăn các loại thịt. Nhận được canh, đức Phật cho phép ăn các loại canh. Nhận được tu-bộ,[5] đức Phật cho phép ăn. Nhận được sữa, đức Phật cho phép dùng các loại sữa. Nhận được lạc, đức Phật cho phép ăn các loại lạc. Nhận được sữa đông,[6] đức Phật cho uống các loại nước sữa đông.[7] Nhận được kiết-la,[8] đức Phật cho phép dùng. Nhận được man-nâu,[9] đức Phật cho phép dùng các loại man-nâu. Nhận được rau, đức Phật cho ăn các loại rau. Nhận được thức ăn khư-xà-ni,[10] đức Phật cho phép ăn các thức ăn khư-xà-ni. Khư-xà-ni gồm có rễ, cọng, lá, bông và trái, cũng như dầu mè, đường mía,[11] các thức ăn bằng chưng nấu. Khi đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại, bấy giờ có năm tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Nên uống thứ thuốc nào?» Đức Phật dạy: «Cho uống thứ thuốc hủ lạn.[12] Tỳ-kheo bệnh nào có nhơn duyên thì được phép dùng loại thuốc suốt đời.» 1. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng, có tỳ-kheo bệnh, theo lời dạy của thầy thuốc, dùng trái ha-lê-lặc.[13] Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo bệnh, có nhân duyên suốt đời được dùng trái ha-lê-lặc.» 2. Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chứng thống phong,[14] thầy thuốc bảo dùng nước trấp lúa mạch chua. Phật cho phép dùng.[867a1] Tỳ-kheo không biết làm cách nào. Đức Phật dạy: Bảo tịnh nhơn rửa sạch đồ đựng, đem lúa mạch ngâm cho nát, rồi lọc lấy nước trấp mà uống. Nếu nước lúa mạch bị hôi thì đậy lại. Có cặn thì cho phép dùng đồ lọc. Tỳ-kheo không biết làm cái lọc thế nào. Đức Phật dạy: Cho phép dùng các loại như đồng, gỗ, hay tre làm đồ để lọc, như đãy lọc nước, có ba góc, hoặc lớn hoặc nhỏ. Nếu trong lúa mạch bị khô thì bảo tịnh nhơn cho thêm nước vào. Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh uống nước lúa mạch ngâm trước mặt mọi người, khiến các tỳ-kheo thấy vậy đều nhờm gớm. Phật dạy: «Trước nhiều người không được uống như vậy. Nên uống chỗ vắng.» Bấy giờ tất cả Tăng đều cần nó. Đức Phật dạy: «Tất cả Tăng có thể uống chung.» Khi các tỳ-kheo mỗi người dùng đồ đựng riêng để uống, nên những đồ đựng đó có mùi hôi xông khắp nơi. Đức Phật dạy: «Không được chứa riêng mà nên dùng một cái rồi chuyền nhau uống chung.» Có tỳ-kheo uống rồi không rửa chén, đưa cho tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.» 3. Phật ở tại nước Xá-vệ. Có tỳ-kheo bị thổ tả. Tỳ-kheo nấu cháo, phút chốc đã quá ngọ. Đức Phật dạy: «Cho phép, nếu là lúa mạch nguyên hạt; hay bằng lúa tẻ nguyên hạt. Nấu cho chín, không để cho vỡ hạt; rồi lọc lấy nước uống.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng bệ-hê-lặc,[15] đức Phật cho phép dùng. Thầy thuốc bảo dùng a-ma-lặc,[16] đức Phật cho phép dùng. Nếu có tỳ-kheo vì nhân duyên bệnh thì có thể dùng suốt đời. 4. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng tô-la,[17] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh thì được phép dùng trọn đời. Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng thuốc trái cây,[18] đức Phật cho phép dùng. Nếu không phải là thức ăn thường thì tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được phép dùng trọn đời. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần năm loại thuốc rễ lớn.[19] Đức Phật dạy: cho phép dùng. Cần năm loại thuốc rễ nhỏ,[20] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo vì nhơn duyên có bệnh được uống trọn đời. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc chất-đa-la.[21] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh trọn đời được dùng.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc kế-sa.[22] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời. Kế-sa gồm cả rễ, cọng, lá, hoa và trái của kế-sa.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng sa-lê-sa-bà.[23] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo bệnh cho phép dùng sa-lê-sa-bà, gồm cả rễ, cọng, lá, hoa, quả. Nếu cứng thì nghiền cho nhỏ. Thức-cừ[24] cũng như vậy, đế-thố[25] cũng như vậy.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống cây lá lốt[26] và hột tiêu, Phật dạy: «Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh cho phép dùng trọn đời.» 5. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần các thứ thuốc bột mịn[27] để tắm rửa, đức Phật cho phép dùng các thứ thuốc bột mịn như bột cây hồ đồng, bột cây tai ngựa,[28] bột cây xá-ma-la,[29] hoặc tự mình chà xát hay thay nhau chà xát. Khi cần chày và cối, đức Phật cho phép chứa dùng. Cần nia, sàng, chổi để quét đức Phật cho phép chứa dùng. Bấy giờ. Các tỳ-kheo e ngại không dám lấy hương bột bỏ vào thuốc bột để xoa, đức Phật cho phép chứa dùng. Khi thuốc bột không có đồ đựng, đức Phật cho phép dùng bình để đựng. Nếu bụi đất vào, Phật cho phép dùng nắp đậy lại. Muốn cần bảo đảm, Phật cho phép buộc dưới giường, hoặc treo trên vách hay trên cọc ngà voi.[30] Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh dùng thuốc bột thô xoa vào người để tắm rửa, bị đau. Đức Phật cho phép bột mịn, hoặc bùn mịn, hay lá hay hoa hay trái làm thành bột mịn, khiến cho bệnh nhân được khoan khoái. Nếu thân thể bị ghẻ lở, hoặc hắc lào, hay nhọt, ghẻ ngứa, cho đến thân thể bị hôi thúi. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần muối để làm thuốc, đức Phật cho phép dùng. Muối[31] ở dây gồm muối sáng, muối đen, muối viên, muối lâu-ma, muối chi-đầu-bệ, muối mỏ, muối than, muối tân-đà-bà, muối thi-lô-bệ, muối biển.[32] Nếu tỳ-kheo nào có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời. 6. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần tro[33] để làm thuốc, Phật cho phép dùng tro để làm thuốc. Trong các loại tro này gồm có tro tát-xà, tro tân-na, tro ba-la-ma. Nếu Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng suốt đời. 7. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc xà-bà,[34] đức Phật cho phép dùng. Trong thuốc xà-bà gồm có hinh-ngưu, hinh-nga-bà-đề, thi-bà-lê-đà, bộ-thê-dạ-bà-đề, tát-xà-la-sà,[35] nếu tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời. 8. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc trị con mắt,[36] đức Phật cho phép dùng. Loại thuốc nhỏ mắt gồm có: đà-bà-xà-na, kỳ-la-xà-na. Nếu tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế[37] sanh nơi mắt, cần huyết của người; bạch Phật. Phật cho phép dùng. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế làm cho con mắt bị bệnh, cần xương người. Đức Phật cho phép dùng. Bấy giờ, có tỳ-kheo mắt bị bệnh bạch ế, cần tóc mịn nhuyễn. Đức Phật cho phép đốt tóc lấy bột thoa mắt. Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta bị bệnh đau mắt, cần cái lược bằng lưu ly để chữa. Đức Phật dạy: «Vì chữa trị bệnh mắt nên được phép tích trử để dùng.» 9. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo ăn ngó sen. Khi ấy, Tôn giả Mục-liên đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, chào hỏi xong, ngồi một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: «Bệnh có bớt không?» Tôn giả Xá-lợi-phất nói: «Chưa bớt.» Tôn giả Mục-liên lại hỏi: «Cần thứ gì?» Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: «Cần ngó sen.» Tôn giả Mục-liên nói: «Nơi phương đông có ao lớn A-nậu[38] nước trong veo, không bụi bặm, uống nước đó không sanh bệnh hoạn gì cả. Cách đây không xa lại có cái ao rộng năm mươi do tuần, nước trong sạch, không có bợn nhơ, có ngó sen như cái trục bánh xe. Khi bẻ, nó tiết ra nước trấp như sữa. Ăn vào, ngọt như mật. Và cách ao này không xa, có núi vàng. Sườn núi cao năm mươi do tuần, trong đó có bảy đại long tượng vương, anh em cùng ở với nhau. Con nhỏ nhất cung cấp cho một vua Diêm-phù-đề. Con lớn kế đó cung cấp cho vua hai thiên hạ. Con lớn hơn nữa cung cấp cho Chuyển luân Thánh vương của bốn thiên hạ. Y-la-bà-ni[39] long tượng vương thì cung cấp cho Thiên đế Thích. Các long tượng vương kia xuống ao tắm rửa và uống nước trong sạch đó, rồi dùng vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn để ăn, nên sắc da rất tốt, khí lực dồi dào. Ngó sen nơi ao đó có thể ăn được.» Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng chấp thuận. Khi Tôn giả Mục-liên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất chấp thuận bằng cách im lặng, liền biến khỏi nước Xá-vệ, trong chớp nhoáng như co tay vào duổi tay ra, hiện đến bên bờ ao kia, hoá làm đại long tượng vương, có hình sắc to đẹp hơn bảy tượng vương kia. Bảy tượng vương kia khi thấy, đều kinh hoàng, lông trong mình dựng ngược lên, vì sợ rằng nó sẽ đoạt ao của mình. Bấy giờ, Đại Mục-liên thấy bảy long tượng vương kia ôm lòng sợ sệt liền hiện nguyên hình. Bảy long tượng vương hỏi Mục-liên rằng: «Tỳ-kheo cần gì?» Tôn giả Mục-liên nói: «Tôi cần ngó sen.» «Tỳ-kheo cần ngó sen sao không nói sớm. Khiến chúng tôi sợ hoảng hồn, lông trong người dựng ngược lên cả.» Bảy long tượng vương liền vào trong ao tắm rửa và uống nước, rồi lấy vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn, trao cho Mục-liên. Bấy giờ, Mục-liên nhận được ngó sen rồi, liền biến khỏi ao này, hiện lại nước Xá-vệ, đến trong Kỳ-hoàn, trao ngó sen cho Xá-lợi-phất và nói: «Ngó sen đây.» 10. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất ăn xong, bệnh lành liền. Số ngó sen còn dư trao cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Cho phép người nuôi bệnh, đã nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được ăn thức ăn của người bệnh còn lại.» Có các tỳ-kheo trước đó đã nhận thức ăn, rồi đến tụ lạc kia có [868a1] đàn-việt mời ăn, ăn xong trở về đến trong Tăng-già-lam, đem thức ăn đã nhận cho các tỳ-kheo khác. Các tỳ-kheo này trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám nhận, vì không ai nhận nên vị ấy đem thức ăn bỏ. Các loài chim quạ đến dành ăn, kêu la inh ỏi. Bấy giờ đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: «Vì sao chim quạ kêu la inh ỏi như thế?» Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ sự việc lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép làm pháp dư thực[40] để ăn.» Vị kia đem thức ăn đến trước một tỳ-kheo thưa: «Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin Đại đức chứng biết cho.» Vị tỳ-kheo tác dư thực pháp nên lấy một ít thức ăn mà ăn; rồi nói: «Tôi đã ăn rồi, thầy có thể dùng đi.» Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn. Bấy giờ, có vị trưởng lão Thượng tọa, được rất nhiều người biết, vào thôn khất thực. Rồi đem đến một nơi, ngồi ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư đến trong Tăng-già-lam cho các tỳ-kheo khác. Các tỳ-kheo trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Không ai ăn nên đem bỏ. Chim quạ tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: «Vì sao chim quạ kêu la như thế?» Tôn giả A-nan đem sự việc bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Ngài dạy: «Từ nay về sau, cho phép, tự mình đem thức ăn về, làm pháp dư thực, thì được ăn.» Làm pháp dư thực bằng cách đem thức ăn đến trước tỳ-kheo kia nói: «Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin thầy chứng biết cho.» Vị tác pháp dư thực kia nên lấy một ít thức ăn, ăn rồi nói: «Tôi ăn rồi đó. Thầy cứ dùng đi.» Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu[41] nhận được nhiều trái cây tươi. Bà liền nghĩ như vầy: «Nay ta nên làm thức ăn thỉnh Phật và Tăng thọ thực rồi dùng trái cây này dâng cúng.» Nghĩ xong, liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa: «Cúi xin chư Đại đức nhận bữa ngọ trai của chủ con vào ngày mai.» Trong đêm đó, lo sửa soạn các thức ăn ngon. Sáng ngày sai người đến báo giờ. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo đến nhà Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳ-xá-khư Mẫu dùng các thức ăn ngon bổ dâng cúng Phật và Tăng. Ăn xong, dẹp cất bát rồi, bà lấy một chiếc ghế thấp ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến bà hoan hỷ. Đức Thế Tôn nói pháp rồi rời chỗ ngồi ra về. Khi Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu dâng thức ăn, quên đem quả để dâng, bèn nghĩ: «Ta vì trái tươi này nên thỉnh Phật và Tăng dùng cơm. Nay lại quên đem quả để dâng.» Nghĩ như vậy rồi, bà liền sai người đem trái tươi đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn rồi, nên không dám nhận. Đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu từ thí chủ kia đem đến thì nên làm pháp dư thực để ăn.» Pháp dư thực như trước đã nói. 2. Các loại thịt 1. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, có tỳ-kheo bị bệnh điên cuồng, đến nơi lò giết bò trâu, ăn thịt sống và uống máu. Bệnh lành, bản tâm hồi phục, lo sợ phạm giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nếu các tỳ-kheo khác bị bệnh như vậy, ăn thịt sống và uống máu mà bệnh được lành thì cũng được phép dùng.» 2. Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được. Các tỳ-kheo khất thực không được nên đến chỗ nuôi voi để xin. Bấy giờ các quỷ thần vì tín kính sa-môn nên khiến voi chết. Các tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt voi để ăn. Đức Thế Tôn khởi từ niệm, bảo các tỳ-kheo: «Voi là một binh chúng của Vua. Nếu nhà Vua nghe được việc này tất không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt voi.» 3. Bấy giờ, các tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được nên đến nơi chuồng ngựa để xin. Lúc ấy có quỷ thần vì tín kính sa-môn, liền khiến ngựa chết. Các tỳ-kheo nhờ đó mà nhận được thịt ngựa để ăn. Đức Thế Tôn từ mẫn, bảo các tỳ-kheo: «Ngựa là một binh chúng của Vua. Nếu vua nghe được chắc không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt ngựa.» 4. Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nơi người đánh cá[42] để xin. Bấy giờ có quỷ thần vì tin kính sa-môn nên khiến các loài rồng chết. Tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt rồng[43] để ăn. Bấy giờ, Thiện Hiện Long vương[44] từ nơi ao của mình ra, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, có loài rồng có thể làm khô ráo một quốc độ hay ít hơn một quốc độ, mà nay các tỳ-kheo lại ăn thịt loài rồng này. Lành thay! Đức Thế Tôn, đừng cho tỳ-kheo ăn thịt loài rồng.»[45] Đức Thế Tôn nghe Thiện Hiện Long vương nói, im lặng nhận lời. Khi Thiện Hiện Long vương biết đức Phật hứa khả rồi, đầu mặt kính lễ Phật, rồi về lại bản xứ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo: «Hiện có loài rồng có đại thần lực, có oai đức, có thể làm khô ráo một quốc độ, hay ít hơn một quốc độ, mà các tỳ-kheo ăn thịt loài rồng này. Từ nay về sau không được ăn thịt loài rồng.» Bấy giờ, có tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nhà Chiên-đà-la, nơi đó nhận được thịt chó và ăn. Các tỳ-kheo đi khất thực, chó ghét chạy theo sủa. Các tỳ-kheo nghĩ: «Trong số chúng ta, chắc có người ăn thịt chó nên khiến chúng nó ghét, chạy theo chúng ta sủa.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau không được ăn thịt chó, nếu ăn phạm đột-kiết-la.» Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo uống thuốc tiêu xổ. Có vị ưu-bà-di tên là Tô-tỳ,[46] đến Tăng-già-lam, thăm viếng các phòng. Đến chỗ tỳ-kheo, hỏi rằng: «Thầy bệnh thế nào?» Tỳ-kheo nói: «Tôi uống thuốc tiêu xổ.» Tô-tỳ lại hỏi: «Thầy cần gì?» Tỳ-kheo bệnh nói: «Cần thịt.» Tô-tỳ thưa: «Con sẽ đem thịt đến.» Tô-tỳ liền trở về Ba-la-nại, sai người cầm tiền đi mua thịt. Tô-tỳ nói với người chạy việc rằng: «Anh cầm tiền này đi mua thịt đem về đây.» Hôm đó tại Ba-la-nại người ta không mổ thịt. Người đàn ông đi khắp nơi tìm mua mà không có, trở về đến chỗ ưu-bà-di thưa: «Thưa đại gia, đại gia biết cho, hôm nay người ta không mổ thịt, con tìm mua khắp nơi mà không có thịt.» Ưu-bà-di nghĩ như vầy: «Ta hứa cúng thịt cho tỳ-kheo bị tiêu xổ. Sợ rằng tỳ-kheo này không nhận được thịt, hoặc có thể qua đời. Nếu vì sanh tử này mà tỳ-kheo phải qua đời thì đối với pháp người xuất gia bị thối chuyển. Nếu là bậc hữu học thì không được thăng tiến. Nếu là A-la-hán thì khiến cho thế gian bị mất phước điền.» Nghĩ như vậy xong, ưu-bà-di liền vào phòng sau, lấy dao bén tự cắt thịt trong người, gói lại. Bảo đứa ở nấu, rồi đem đến Tăng-già-lam cho tỳ-kheo bị bệnh tiêu xổ. Đứa ở làm theo lời dạy, đem đến dâng cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo ăn xong bệnh liền lành. Vị ưu-bà-di kia sau khi tự cắt thịt mình rồi, cả người bị đau nhức vô cùng, hết sức khổ não. Trước đó phu chủ của ưu-bà-di đi khỏi, khi về không thấy Tô-tỳ nên hỏi: «Tô-tỳ ưu-bà-di ở đâu?» Gia nhân thưa: « Bà bệnh nằm trong nhà.» Phu chủ hỏi: «Bệnh gì?» Tô-tỳ trình bày rõ nhân duyên. Phu chủ nói: «Chưa từng có người nào có lòng tin kính sa-môn như Tô-tỳ, đến mức không thương tiếc kể cả thân mạng như vậy.» Tô-tỳ ưu-bà-di nghĩ: «Nay ta đang bị đau nhức vô cùng, có thể do đây mạng sống sẽ chấm dứt. Nay ta nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống để thỉnh Phật và Tăng đến thọ thực, ngõ hầu có cơ hội ta được chiêm ngưỡng lần cuối.» Tô-tỳ liền sai người đến Tăng-già-lam, thưa: «Kính thỉnh Đại đức Tăng sáng mai đến thọ thực.» Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Liền trong [869a1] đêm hôm đó, các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ được chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm sứ giả đến thưa đã đến giờ. Bấy giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng các Tăng tỳ-kheo đến nhà của Tô-tỳ ưu-bà-di, an tọa nơi chỗ ngồi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi: «Ưu-bà-di Tô-tỳ đâu không thấy?» Gia chủ thưa: «Vì bệnh nên ở trong nhà.» Đức Phật bảo: «Gọi ưu-bà-di Tô-tỳ ra đây.» Gia chủ liền vào trong nhà nói: «Đức Phật bảo gọi cô ra.» Tô-tỳ ưu-bà-di nghĩ như vầy: «Ta đã được đức Thế Tôn gọi.» Bà liền đứng dậy bước ra, đột nhiên sự đau nhức bổng chấm dứt, vết thương lành lại như cũ, không hề có tỳ vết chi cả. Khi ưu-bà-di Tô-tỳ đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy! Không được làm như vậy! Tô-tỳ ưu-bà-di nên cho như vầy, nên học như vầy. Không được tự gây khổ cho mình. Cũng không được gây lo rầu cho người.» Bấy giờ, Tô-tỳ ưu-bà-di tự tay châm sớt các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật và Tăng ăn xong, cất bát. Tô-tỳ lấy chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Bấy giờ đức Phật vì ưu-bà-di phương tiện nói các thứ pháp, khiến bà được hoan hỷ. Đức Thế Tôn vì bà nói các pháp xong liền từ chỗ ngồi ra về. Đến trong Tăng-già-lam, qua chỗ tỳ-kheo bị tiêu xổ, hỏi rằng: «Ông được Tô-tỳ ưu-bà-di đem thịt đến cho ông ăn phải không?» Vị ấy thưa: «Bạch Thế Tôn, có.» Đức Phật hỏi: «Ông có ăn không?» Vị ấy thưa: «Có ăn.» Đức Phật lại hỏi: «Ngon không?» Vị kia thưa: «Ngon, thịt thơm ngon như vậy khó mà có được.» Đức Phật dạy: «Ông là người ngu si, ăn thịt người. Từ nay về sau không được ăn thịt người. Nếu ăn, phạm tội thâu-lan-giá. Các thứ thịt đáng tởm khác cũng không được ăn. Nếu ăn thì phạm đột-kiết-la.» Thế Tôn ở nước Ba-la-nại. Có cư sĩ, cha của Da-thâu-già[47] đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp khai hóa khiến ông được hoan hỷ. Cha của Da-thâu-già nghe Phật nói pháp khai hóa tâm sanh đại hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: «Cúi xin Ngài nhận lời thỉnh mời của con.» Bấy giờ Da-thâu-già đang đứng hầu sau đức Phật, đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời thỉnh, còn Da-thâu-già không nhận lời mời, vì đức Phật chưa cho phép ông nhận biệt thỉnh. Đức Phật dạy: «Có hai cách thỉnh cho phép được nhận. Hoặc là thỉnh Tăng, hoặc là thỉnh riêng.» Bấy giờ, có một cư sĩ khác có ý nghĩ: «Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?» Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thường làm thức ăn cho Tăng.» Ông thưa như vầy: «Con không thể thường làm thức ăn cho chúng Tăng được.» «Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?» Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo thường đến nhà ông thọ thức ăn.» Vị kia liền thưa: «Con không thể thường làm thức ăn cho đạo nhơn ăn được.» «Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?» Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng sai đến thọ thực, hoặc đưa thức ăn[48] đến trong Tăng; hoặc thức ăn ngày mồng tám, ngày bố-tát, thức ăn ngày mồng một[49] trong tháng. Bấy giờ, có cư sĩ nghĩ: «Cần làm phước gì để cúng dường thuốc chữa bệnh cho chúng Tăng?» Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép cúng tiền thuốc cho chúng Tăng.» Bấy giờ, có cư sĩ vừa làm xong phòng xá mới mà không có đạo nhơn ở, nghĩ rằng: «Cúng dường chúng Tăng thứ gì để các tỳ-kheo đến ở nơi phòng này?» Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nấu cháo để trong phòng.» Nếu các vị không ở thì lại cho phép làm các thứ bánh và trái trong phòng. Nếu các vị không ở thì nên làm thức ăn cho. Nếu không ở thì cho phép cho tiền phòng.[50] Nếu các vị vẫn cố không chịu ở thì cho phép cho giường dây, giường cây, nệm ngồi, gối, đồ trải dưới đất. Nếu vẫn cố không ở thì nên cho áo lót, giạ, mền. Nếu vẫn cố không ở thì cho bình bát cùng ba y. Nếu vẫn cố không ở, thì nên làm cánh cửa, móc cửa, cho cây gậy, cho giày dép, cúng dù, cho quạt, cho bình nước, cho bình nước rửa, cho đồ đựng nước, cho các thứ dùng trong nhà tắm như bình đựng nước tắm, giường, cho vật cạo ghét, cho hương xông, cho hương hoàn, cho y phòng. Nếu vẫn cố không chịu ở, thì nên cúng tất cả vật cần dùng của sa-môn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng. Các tỳ-kheo đi khất thực, thấy một người nặn sữa bò cho bò bê uống. Rồi lại nặn. Từ miệng con bò nghé, tiết ra một thứ nước bọt giống như sữa. Sau đó các vị nghi không dám uống sữa, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép uống sữa.» Ngài nói, phương pháp nặn sữa là như vậy. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh nên nhan sắc tiều tụy, hình dung khô gầy, sanh ghẻ lở.[51] Khi ấy, đức Thế Tôn ở nơi tịnh thất khởi ý nghĩ như vầy: «Tháng mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh, nhan sắc tiều tụy, thân hình khô gầy sanh ghẻ. Nay ta nên cho phép các tỳ-kheo ăn thứ gì để trị các chứng bệnh ấy?» Ngài liền nghĩ: «Có năm thứ thuốc người đời thường dùng[52] là váng sữa, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.[53] Ta nên cho các tỳ-kheo dùng để làm thuốc chữa bệnh gầy ốm, như phương pháp dùng lương khô[54] vậy.» Nghĩ như vậy rồi, xế hôm ấy, từ nơi chỗ vắng đứng dậy, đem việc này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, Ngài dạy: «Vừa rồi ở chỗ vắng Như Lai tư duy sự việc như vậy, như vậy. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng năm thứ thuốc: váng sữa, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.» Các tỳ-kheo nhận được các thứ thuốc ăn béo bổ; trong thời gian giữa ngày, không thể ăn kịp, huống chi nay lại thêm năm thứ thuốc này cũng trong thời gian giữa ngày. Lúc ấy, thuốc tuy nhiều mà người bệnh không kịp giờ để uống, nên các tỳ-kheo bệnh hoạn càng tăng, hình thể vẫn khô gầy, nhan sắc vẫn tiều tụy. Bấy giờ, đức Thế Tôn biết mà vẫn cứ hỏi Tôn giả A-nan: «Sao các tỳ-kheo hình thể nhan sắc vẫn như vậy?» Tôn giả A-nan đem nhơn duyên trên bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, nếu tỳ-kheo nào có bệnh, thời hay phi thời, đều được phép dùng năm thứ thuốc ấy.» Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn béo bổ, không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nhận lời thỉnh rồi, nên không ăn mà đem bỏ. Các chim quạ tranh nhau ăn kêu la inh ỏi. Đức Phật biết mà vẫn cố ý hỏi A-nan: «Tại sao các loài chim quạ kêu la như thế?» Tôn giả A-nan đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép người nuôi tỳ-kheo bệnh, dù nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được phép ăn thức ăn của người bệnh ăn chưa hết; không phạm.» Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh thống phong, thầy thuốc bảo ăn năm thứ mỡ: Mỡ gấu, mỡ cá, mỡ lừa, mỡ heo, mỡ cá sấu.[55] Tôn giả bạch Phật, Phật cho phép dùng. Nhận đúng thời, lọc đúng thời, nấu đúng thời như phương pháp dùng dầu. Nhận phi thời, lọc phi thời, nấu phi thời; không được dùng. Nếu dùng thì như pháp trị. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có năm trăm người ăn xin thường đi theo sau đức Phật. Bấy giờ, đức Thế Tôn đi chưa xa lắm, đến dưới một bóng cây bên đường, trải ni-sư-đàn ngồi. Lúc ấy có một cư sĩ tên là Tư-ha-tỳ-la,[56] là người huấn luyện voi, chở đường cát đen[57] trên năm trăm cỗ xe, đi ngang qua đường. Trên đường đi, thấy tướng bánh xe nghìn căm[58] nơi dấu chân đức Phật có ánh sáng rõ ràng, liền theo dấu chân tìm đến. Từ xa thấy đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, điều phục tối thượng, cũng như long tượng vương, tối thắng không ai sánh kịp, thí như đáy nước lóng trong không có bợn nhơ. Thấy đức Thế Tôn như vậy, người huấn luyện voi sanh lòng kính tín, đến trước Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi lui ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì cư sĩ Tư-ha mà phương tiện nói các pháp, khai hóa, [870a1] khiến được hoan hỷ. Bấy giờ, Tư-ha cư sĩ nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, liền cúng dường các tỳ-kheo mỗi vị một tô đường cát đen. Các tỳ-kheo không nhận vì đức Phật chưa cho phép nhận đường cát đen. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép nhận đường cát đen. Đức Phật bảo Tư-ha cúng cho mỗi tỳ-kheo một tô đường cát đen. Tư-ha vâng lời Phật dạy. Cúng cho mỗi vị một tô đường cát đen. Cúng xong, còn dư đường cát đen. Phật bảo tuỳ ý cúng lại lần thứ hai, lần thứ ba. Cúng ba lần xong vẫn còn dư. Phật bảo cho người ăn xin. Cho rồi vẫn còn dư, Phật bảo cho lại lần thứ hai, lần thứ ba, để người ăn xin được no đủ. Cho người hành khất đầy đủ rồi vẫn dư. Đức Phật bảo Tư-ha, nên đem đường cát đen còn dư để chỗ tịnh địa, hoặc trong nước không trùng. Tại sao vậy? Vì chưa từng thấy chư thiên hay loài người, các ma, phạm vương, hay sa-môn, bà-la-môn nào ăn loại đường cát đen nầy mà có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác. Bấy giờ, Tư-ha vâng lời đem đường cát đen còn dư đổ chỗ nước không trùng. Nước liền tuôn khói và phát lên âm thanh, như cây sắt nóng đỏ bỏ vào trong nước, âm thanh chấn động. Đường cát đen dư nầy bỏ vào trong nước, nước sôi, cũng phát ra âm thanh như vậy. Tư-ha thấy vậy hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui qua ngồi một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Thế Tôn biết Tư-ha ôm lòng hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, nên phương tiện nói các pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Liền từ chỗ ngồi, Tư-ha lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đặng tăng thượng quả, liền bạch đức Thế Tôn: «Kính bạch Đại đức, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tắc. Từ nay về sau con không sát sanh cho đến không uống rượu.» Tư-ha nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi cáo lui. Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực thấy bạch y khi làm đường cát đen, có bỏ kế-ny.[59] Các tỳ-kheo sanh nghi không dám ăn quá ngọ, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: «Phương pháp làm như vậy. Cho phép ăn.» Bấy giờ, các tỳ-kheo khất thực nhận được đường cát dẻo,[60] nên bạch Phật. Đức Phật cho phép ăn. Nhận được nước đường,[61] Phật cho phép uống. Nhận được thứ mật đường đặc,[62] Phật cho phép ăn. Nhận được đường cát trắng,[63] Phật cho phép dùng; nhận được ô-bà-đà-phả-ni,[64] đức Phật cho phép dùng. Nhận được nước hòa với nước mía, đức Phật cho phép uống. Nhận được nước mía, đức Phật cho phép uống. Nếu là các loại nước uống không làm người say, cho phép uống vào lúc phi thời. Nếu là loại nước uống làm người say, không được uống. Nếu uống thì sẽ như pháp trị. Nhận được mía, đức Phật cho phép ăn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian từ nước Ma-kiệt-đề đến thành Vương-xá. Tất-lăng-già-bà-ta[65] được nhiều người biết, có nhiều đồ chúng, nhận được nhiều tô, du, mật, sanh tô, thạch mật đem cho đồ chúng. Đồ chúng tập trung tích trử, các đồ chứa đựng đều đầy hết. Bồn lớn, bồn nhỏ, chõ lớn, đãy đựng lạc, đãy lọc, treo trên vách, trên móc long nha, trên trụ, hoặc dưới gian nhà, chảy xuống ướt, làm cho phòng nhà hôi thúi. Bấy giờ, nhiều cư sĩ đến thăm Tăng-già-lam, thấy các phòng xá của đồ chúng Tất-lăng-già-bà-ta dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, các loại thuốc, cùng ngủ chung với chúng ở trong phòng, hôi thúi bất tịnh, tất cả đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử mà còn nhiều ham muốn, không biết nhàm chán, tự xưng là mình biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh Pháp? Cứ xem họ dồn chứa các thứ đồ ăn thức uống, các loại thuốc nhiều như vậy đâu khác gì kho chứa của vua Bình-sa?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, biết hổ thẹn, ưa học giới, hiềm trách Tất-lăng-già-bà-ta rằng, «Sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều thứ thuốc ở trong phòng và cùng ngủ chung với chúng, hôi thúi bất tịnh như vậy?» Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách đồ chúng của Tất-lăng-già-bà-ta rằng: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều loại thuốc ở trong phòng và cùng ngủ với chúng, hôi thúi bất tịnh như vậy?» Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, nếu có tỳ-kheo bệnh nào cần tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật, được phép dùng đến bảy ngày. Nếu quá hạn còn dùng thì sẽ như pháp trị.»[66] Bấy giờ, đức Thế Tôn từ thành Vương-xá du hành trong nhân gian (điều này như trên, không khác với giới lần lượt ăn, nên không chép ra). Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh hoạn phong, cần thuốc. Thầy thuốc bảo ngâm nước lúa mạch,[67] đức Phật cho phép uống. Trường hợp cần dầu ngâm với nước lúa mạch; cần phả-ny[68] ngâm với nước lúa mạch, đức Phật cho phép dùng. Có trường hợp thuốc đúng thời hòa[69] với thuốc đúng thời; thuốc phi thời[70] hòa với thuốc đúng thời; thuốc bảy ngày[71] hòa với thuốc đúng thời; thuốc trọn đời[72] hòa với thời dược thì nên thọ như thuốc đúng thời. Hoặc thuốc phi thời hòa với thuốc phi thời; thuốc bảy ngày hòa với thuốc phi thời; thuốc trọn đời hòa với thuốc phi thời, thì nên thọ như thuốc phi thời. Hoặc thuốc bảy ngày hòa với thuốc bảy ngày; thuốc trọn đời hòa với thuốc bảy ngày, thì nên thọ như thuốc bảy ngày. Hay thuốc trọn đời hòa với thuốc trọn đời, thì thọ như thuốc trọn đời. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, cần thuốc để thoa; dùng cái soong để sao thuốc. Bạch Phật. Phật cho phép dùng. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị giộp,[73] thầy thuốc bảo dùng mỡ người để trị. Đức Phật cho phép dùng. Lúc ấy có tỳ-kheo bị ói mửa, cần tóc mềm mịn. Đức Phật dạy cho phép đốt lấy tro hòa với nước, lọc rồi uống. Bấy giờ có tỳ-kheo tự mình đến bãi tha ma, lấy tóc người, lấy mỡ người đem về, các cư sĩ thấy đều ghét tởm, cho là xấu, là bần tiện. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép lấy lúc vắng người.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo thân bị bệnh nhiệt, thầy thuốc bảo dùng chiên-đàn sẽ lành bệnh. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép dùng. Nếu là trầm thủy hay chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la,[74] Phật cho phép dùng để thoa thân. Bấy giờ, các phòng tỳ-kheo bị rắn vào. Tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Phật cho phép đuổi nó, hoặc dùng ống đồng đựng nó, hoặc lấy dây cột nó rồi mang đi vất. Vị kia không mở dây khi đặt xuống đất để thả, nên rắn bị chết. Đức Phật dạy: «Không nên không mở dây khi thả.» Bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị chuột vào. Tỳ-kheo chưa ly dục đều sợ hãi. Đức Phật dạy: «Nên đuổi nó chạy ra ngoài. Hoặc dùng bẩy để bắt rồi đem thả đi.» Vị kia để trong bẩy đem bỏ luôn cả bẩy. Chuột ở trong bẩy chết. Đức Phật dạy: «Khi thả, không được không mở bẩy ra.» Lúc bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị bò cạp, rít, sâu vào. Các tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Đức Phật dạy: Dùng vật gì xấu hay cục bùn, hay lấy đồ quét, túm nó đem bỏ đi. Khi bỏ, không mở ra nên bị chết, Phật dạy: «Khi bỏ, không được không mở ra.» Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại thành Vương-xá. Các tỳ-kheo phá nhà tắm. Có con rắn trong bọng cây chạy ra, cắn thầy tỳ-kheo chết. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ niệm bảo các tỳ-kheo: Vị Tỳ-kheo kia không sanh từ tâm đối với vua của rắn là tám vị Long vương nên bị rắn cắn chết. Tám Long vương[75] là Tỳ-lâu-lặc-xoa Long vương, Già-ninh, Cù-đàm-minh, Thí-bà-di-đa-la, Đa-xà-y-la-bà-ny, Già-tỳ-la-thấp-ba-la, Đề-đầu-loại-thác Long vương. Nếu tỳ-kheo từ tâm đối với tám rắn Long vương thì không bị rắn cắn chết. Nếu Tỳ-kheo này [871a1], có từ tâm đối với tất cả chúng sanh thì cũng không bị rắn kia cắn chết. Đức Phật cho phép làm bài chú tự bảo hộ niệm từ: «Tỳ-lâu-lặc-xoa-từ, Già-ninh từ, Cù-đàm-minh từ, Thí-bà-di-đa-la từ, Đa-xà-y-la-bà-ny từ, Già-tỳ-la-thập-ba-la từ, Đề-đầu-lại-thác từ. Từ niệm chư Long vương, kiền-thát-bà, la-sát-sa. Nay tôi tác từ tâm trừ diệt các độc ác, từ đây được bình phục, đoạn độc, diệt độc, trừ độc. Nam mô Bà-già-bà.»[76] Đức Phật cho phép dùng dao mổ ra máu rồi dùng thuốc thoa, cũng cho phép chứa con dao nhọn. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh độc,[77] thầy thuốc bảo uống hủ lạn dược.[78] Nếu hủ lạn dược nầy đã rơi xuống đất[79] thì nên lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi thọ, sau đó mới uống. Nếu thuốc chưa rơi xuống đất, thì lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi uống chứ khỏi phải thọ. Bấy giờ, cũng có Tỳ-kheo bị bệnh độc, thầy thuốc bảo uống bùn ở trong ruộng. Đức Phật cho phép dùng đồ đựng đầy nước hòa với bùn và lọc, sau đó thọ rồi mới uống. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách của tỳ-kheo bệnh. Lúc ấy đức Thế Tôn vì từ niệm, bảo các tỳ-kheo: «Kỳ-bà Đồng tử này dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách cho tỳ-kheo bệnh. Người bịnh không được dùng dao chữa như vậy. Tại sao? Vì dao bén, nên nơi bị mổ ăn sâu vào trong thịt. Từ nay về sau, cho phép dùng dây gân hay dây bằng lông cột thắt lại hoặc lấy móng tay ngắt cho đứt da, sau đó mới sức thuốc. Đức Phật dạy tiếp: «Cho phép làm thuốc bằng tro. Nếu tay cầm không bảo đảm, Phật cho phép làm đồ đựng thuốc tro. Nếu đồ đựng dễ vỡ, cho phép làm bằng xương.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo hòa ba loại thuốc để uống, nên kêu A-nan lấy ba thứ thuốc để hòa, mang ra. Bấy giờ, A-nan vâng lời Phật, tự hòa ba thứ thuốc lại nấu với nhau, rồi đem dâng cho Phật. Lúc ấy đức Thế Tôn biết mà cố ý hỏi A-nan: «Ai nấu thuốc này?» A-nan thưa: «Con tự nấu.» Đức Phật bảo A-nan: «Không được tự nấu. Nếu tự nấu, sẽ như pháp trị.» 3. Tịnh trù Thế Tôn ở tại thành Vương-xá cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có sáu trăm chiếc xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khi ấy, từ nước Bà-xà du hành trong nhân gian đến Tỳ-xá-ly. Lúc ấy các tịnh nhơn sửa soạn đầy đủ các thức ăn thanh tịnh. Họ lớn tiếng cao giọng, hoặc kêu người bảo dùng nắp đậy đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố ý hỏi tôn giả A-nan: «Tại sao các tỳ-kheo kêu la lớn tiếng như bọn người chài cá vậy?» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Các tịnh nhơn sửa soạn các thức ăn thanh tịnh nên lớn tiếng cao giọng, hoặc bảo đậy nắp đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia, cho nên lớn tiếng như vậy.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Không được trong cương giới, cùng ngủ với thức ăn, cùng nấu đồ ăn để ăn. Nếu ăn thì sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, các tỳ-kheo đem đồ ăn thức uống để nơi đất trống, tích trử không bảo đảm, khiến trẻ chăn bò chăn dê, hoặc kẻ trộm cướp lấy đi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên kết nhà tịnh trù nơi chỗ đất vắng, hay ở bên phòng.» 4. Tịnh nhục Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có tướng quân Tư-ha[80] là đệ tử của Ni-kiền. Tại công đường,[81] có năm trăm Lê-xa ngồi ăn, họ dùng vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, tướng quân Tư-ha tại chỗ ngồi nghe vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng nên sanh lòng tin ưa, muốn đến yết kiến đức Phật. Ông ta nghĩ như vầy: «Nay ta hãy đến thưa với thầy Ni-kiền để đến chỗ Cù Đàm.» Bấy giờ, Tư-ha liền đến thưa với Ni-kiền rằng: «Tôi muốn đến chỗ sa-môn Cù-đàm.» Ni-kiền nói rằng: «Ông chủ trương nên làm.[82] Cù-đàm giáo hóa đệ tử bằng thuyết không nên làm. Thôi, đừng nên đến đó.» Bấy giờ, tướng quân Tư-ha rút lại ý định đi gặp Phật trước đó. Các Lê-xa lần thứ nhì, lần thứ ba cũng khen ngợi Phật, Pháp, Tăng như vậy. Tướng quân Tư-ha khi nghe lần thứ hai, lần thứ ba sự khen ngợi như vậy, khởi ý nghĩ như vầy: «Nay ta hãy đi gặp Cù-đàm, khỏi phải từ giã thầy Ni-kiền. Xem Thầy sẽ làm gì được ta?» Bấy giờ, Tư-ha liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Tư-ha nghe Phật phương tiện nói pháp tâm sanh đại hoan hỷ bạch Phật rằng: «Tôi nghe nói Cù-đàm giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm. Các sa-môn đồn như vậy, có đúng sự thật, có đúng như pháp chăng?» Đức Phật nói với Tư-ha rằng: «Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết hãy nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng pháp đoạn diệt;[83] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp uế ác;[84] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp điều phục;[85] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử, đó là thuật ngữ bằng pháp diệt ám;[86] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng ‹Sự sanh của ta đã dứt; không còn tái sinh nữa›[87]; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng, Ta đã đến chỗ vô uý, thuyết vô uý pháp;[88] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.» Đức Phật nói với Tư-ha: «Vì sao Ta nói ‹Không nên làm› cho đến ‹chỗ vô úy› để giáo hóa đệ tử, rằng lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp?» «Ta nói ‹không nên làm›, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác. «Ta nói ‹nên làm›, là nên làm ba pháp thiện. «Ta nói ‹pháp đoạn diệt›, là đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si. «Ta nói ‹pháp uế ác› là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý. «Ta nói ‹pháp điều phục› là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si. «Ta nói ‹diệt ám› là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện. «Ta nói ‹sự sanh của ta đã dứt› là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai, và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử. «Ta nói ‹đến chỗ vô úy› là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh. «Nầy Tư-ha! Đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‹không nên làm›; ‹đến chỗ vô úy›, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.» Tư-ha bạch Phật: «Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau, con không sát sanh cho đến không uống rượu.» Đức Phật bảo Tư-ha: «Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.» Tư-ha thưa: «Khi mà con đến làm đệ tử của ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn, họ liền cầm phan, xướng lệnh khiến cho người trong nước biết: ‹Tư-ha là đệ tử của Ni-kiền.› Nay con nghe đức Thế Tôn ân cần dạy bảo rằng: ‹Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm, việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.› Điều này làm cho con càng tin tưởng sâu xa hơn.» Tư-ha lại bạch Phật: «Bạch Đại đức! Lần thứ hai, con xin trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh, cho đến không uống rượu. Từ nay về sau, cửa ngõ nhà con Ni-kiền ngoại đạo không được [872a1] vào. Phật và các đệ tử tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, ra vào cửa ngỏ nhà con không có sự trở ngại.» Đức Phật nói với Tư-ha rằng: «Trước đây, ông như là nguồn suối ngày đêm cung cấp cho ngoại đạo Ni-kiền, nay làm sao đoạn tuyệt được?» Tư-ha lại hỏi đức Phật: «Con được nghe người ngoài nói rằng: Sa-môn Cù-đàm tự nói, ‹Bố thí, nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác. Bố thí cho ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho người khác sẽ không được quả báo. Nên bố thí cho đệ tử của Ta. Không nên bố thí cho đệ tử người khác. Bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho đệ tử người khác sẽ không được quả báo.› » Đức Phật trả lời cho Tư-ha rằng: «Ta không nói như vậy, mà ta nói: Nếu người có từ tâm, chỉ đem nước vo gạo cho đến như nước cơm, đem đổ chỗ nước bất tịnh có trùng, khiến cho loài trùng kia được thọ hưởng chất này; Ta nói người kia còn có phước. Huống chi là cho con người. Ta nói, bố thí cho người trì giới được quả báo lớn hơn so với cho người phá giới.» Tư-ha bạch Phật rằng: «Như lời đức Thế Tôn đã nói, như lời đức Thế Tôn đã nói. Chúng con xin tự biết.» Rồi đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Từ chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; liền bạch Phật rằng: «Nay, lần thứ ba, con nguyện trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.» Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tư-ha biết đức Thế Tôn hứa khả, liền đứng dậy kính lễ sát chân Phật cáo lui. Trong đêm ấy, Tư-ha sắm sửa đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đúng giờ, đến thỉnh Phật phó trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo, đến nhà Tư-ha, trải ni-sư-đàn an tọa. Ngay lúc ấy, các Ni-kiền Tử đến chỗ ở của Lê-xa hoa tay cao lên, kêu la lớn tiếng với giọng oán giận rằng: «Tướng quân Tư-ha này, đã tự giết con bò lớn để thiết đãi bữa cơm cho Sa-môn Cù-đàm và các đệ tử. Biết thí chủ vì mình giết mà vẫn cố ăn!» Lúc ấy, có người đến chỗ Tư-ha nói cho biết rằng: «Hiện có các Ni-kiền Tử đến trú xứ của Lê-xa, đưa tay cao lên, lớn tiếng kêu gào, oán hận, nói: ‹Tướng quân Tư-ha, tự giết bò thiết đãi bữa ăn cho Sa-môn Cù-đàm và các Tăng tỳ-kheo.›» Tư-ha nghe rồi nói: «Những người đó là ngày đêm thường xuyên coi Phật và Tăng tỳ-kheo là oan gia. Ta không bao giờ vì mạng của ta mà cố ý đoạn mạng chúng sanh.» Bấy giờ, tướng quân Tư-ha dùng các đồ ăn thức uống ngon bổ dâng lên. Bữa ăn của đức Phật và Tăng tỳ-kheo đã xong, bình bát được thu dọn, ông lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Phật vì ông mà phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Vì ông nói pháp xong, rời chỗ ngồi ra về. Khi về đến Tăng-già-lam, vì nhơn duyên này, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: «Từ nay về sau, nếu có thí chủ vì mình cố ý giết thì không được ăn. Vì mình cố ý giết ở đây là cố ý thấy, cố ý nghe, cố ý nghi. Có ba nhơn duyên như vậy là thịt bất tịnh, Ta nói không được ăn. Nếu thấy vì ta mà cố ý giết, hoặc nghe từ người đáng tin nói, vì ta mà cố ý giết, hoặc thấy trong nhà có đầu, có da, có lông, có máu, có chân, và người này có khả năng làm mười điều ác, thường là người sát hại, có thể vì ta mà cố ý giết. Ba nhơn duyên như vậy gọi là thịt không thanh tịnh, không được ăn. Có ba loại thịt tịnh nên ăn: Không cố ý thấy, không cố ý nghe, không cố ý nghi. Nếu không thấy vì ta mà giết, không nghe vì ta mà giết, hoặc không thấy trong nhà có đầu, chân, da, lông máu, và người kia không phải là người giết hại, cho đến thọ trì mười điều thiện, người kia không bao giờ vì ta mà đoạn mạng chúng sanh. Ba thứ thịt như vậy gọi là tịnh, được ăn. Nếu là thịt làm ở nơi thờ tự thì không được ăn. Tại sao vậy? Người kia với dụng ý làm để đem đến cúng tế. Cho nên không được ăn, nếu ăn sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Từ Tỳ-xá-ly, đến Tô-di; từ Tô-di đến ở thành Bạt-đề.[89] Bấy giờ, ở thành Bạt-đề có đại cư sĩ tự Mân-trà,[90] là đệ tử của Bất-lan Ca-diếp,[91] giàu có rất nhiều của báu, nhiều voi ngựa xe cộ, nô tỳ, người ăn kẻ ở, kho lẫm nhẫy đầy, có đại oai lực, tùy theo ý muốn, chu cấp người vật. Khi người cư sĩ này vào kho, thì như lỗ trục của bánh xe, lúa thóc tự nhiên tuôn ra mãi, cho đến khi nào cư sĩ ra khỏi kho. Người vợ của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu gạo nấu cơm cung cấp cho cả bốn binh chủng; và người bốn phương đến xin đều cho họ ăn đầy đủ, không khi nào hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Người con cũng có phước lực như vậy. Dùng cái đãy đựng đầy một ngàn lượng vàng, cho cả bốn binh chủng và người bốn phương đến xin theo ý muốn của họ đều được đầy đủ, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Vợ con của cư sĩ cũng đều có phước lực như vậy. Họ dùng một gói hương thoa cho bốn binh chúng và người bốn phương đến xin, một cách đầy đủ theo ý muốn, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Tôi tớ trai của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng một cái cày, cày bảy khu đất gò. Đứa tớ gái cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu thóc mà cho binh bốn bộ ăn không hết. Trong gia đình ấy, người nào cũng tranh nói đó là phước lực của mình. Lúc bấy giờ, cư sĩ Mân-trà nghe đức Phật từ Tô-di du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Cư sĩ nghĩ như vầy: «Nay ta đến xin phép thầy Bất-lan Ca-diếp để đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.» Nghĩ như vậy rồi, đến chỗ vị thầy thưa: «Bạch Đại sư, con nghe Phật từ Tô-di, du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Nay con muốn đến đó để gặp Sa-môn Cù-đàm.» Bất-lan Ca-diếp nói với cư sĩ rằng: «Cư sĩ, Ông có đại thần lực, tự tại theo ý, không nên đến gặp Sa-môn Cù-đàm, mà Sa-môn Cù-đàm phải đến yết kiến ông. Theo pháp là như vậy. Người xuất gia nên đến thăm hỏi người bạch y.» Vị cư sĩ nghĩ như vầy: «Chưa từng có Sa-môn nào là cái gai đối với Sa-môn khác. Ta cần gì phải xin phép Bất-lan Ca-diếp? Không từ biệt mà đi, Bất-lan Ca-diệp có thể làm gì ta được? Ta cứ đến gặp Cù-đàm.» Cư sĩ Mân-trà đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì ông dùng nhiều phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho cư sĩ được hoan hỷ. Bấy giờ, Mân-trà nghe Phật nói pháp, sanh tâm vui mừng lớn, liền bạch Phật rằng: «Con là cư sĩ ở thành Bạt-đề, đệ tử của Bất-lan Ca-diếp.» Ông đem đầy đủ tất cả việc phước lực gia nghiệp của mình bạch lên đức Thế Tôn và hỏi rằng: «Trong nhà của con, mọi người đều tranh nhau bảo đó là phước lực của mình. Vậy xin đức Thế Tôn vì con mà cho biết đó là phước lực của ai?» Đức Phật bảo cư sĩ Mân-trà rằng: «Thuở quá khứ, tại nước Ba-la-nại, ông là một cư sĩ giàu có, nhiều của cải, kho chứa đầy nhẫy. Vợ con, tớ trai, tớ gái của ông lúc bấy giờ, cũng là vợ con, tớ trai, tớ gái của ông hiện nay. Cư sĩ, bấy giờ là lúc lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Một hôm nọ, trong nhà cư sĩ đang ngồi ăn thì có một vị Phật-bích-chi tên là Đa-ha-lâu-chi[92] vào khất thực. Cư sĩ nói: ‹Các người cứ ăn đi, để tôi đem phần ăn của tôi cúng dường vị Tiên nhơn này.› Vợ của ông lại nói như vầy: ‹Anh cứ ăn đi, để em đem phần ăn của em cúng cho vị tiên nhơn này.› Tớ trai, tớ gái của ông cũng đều nói như vầy: ‹Xin các đại gia [873a1] cứ ăn đi để tụi con đem phần ăn của tụi con hiến cúng cho vị Tiên nhơn này.› Tất cả mọi người đều muốn đem phần ăn của mình cúng cho vị Phật-bích-chi thôi. Cư sĩ biết không? Vì nhân duyên quả báo như vậy nên ngày nay mọi người đều chung có phước lực như vậy.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ, từ nơi chỗ ngồi xa lìa trầu cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, thành tựu quả chứng, và bạch Phật rằng: «Từ nay về sau, trọn đời con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của con, bảy ngày ở lại thành Bạt-đề.» Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi cư sĩ Mân-trà biết đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo đã chấp nhận lời mời bằng cách im lặng rồi, liền chuẩn bị đầy đủ các thức ăn đủ mùi vị để cúng dường bảy ngày cho Phật và Tăng tỳ-kheo trong thành Bạt-đề. Sau khi qua bảy ngày thọ thỉnh, Thế Tôn đi qua vùng hoang mạc. Bấy giờ, Mân-trà cư sĩ sai người dùng một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái, và dùng voi chở đầy các thức ăn để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo theo lộ trình trên. Đức Thế Tôn sau khi nhận sự cúng dường bảy ngày xong, liền đến vùng hoang mạc. Trên đường đi, các tỳ-kheo thấy có người vắt sữa bò cho con bò nghé uống. Rồi lại vắt. Từ miệng con bò nghé chảy ra một thứ nước bọt giống như sữa.[93] Do đây mà các tỳ-kheo sau đó không dám uống sữa, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: «Phương pháp vắt sữa là như vậy. Cho phép uống.» Sữa bò cho ra năm loại: sữa tươi, sữa đông, sữa bơ, bơ, bơ trong.[94] Qua khỏi hoang mạc rồi thức ăn vẫn còn dư. Sứ giả kia khởi ý nghĩ như vầy: ‹Cư sĩ Mân-trà giàu có, nhiều tài bảo, nên làm các thức ăn này để các tỳ-kheo dùng dọc đường. Nay ta nên đem hết đồ ăn thức uống này cúng cho các tỳ-kheo.› Nghĩ xong, sứ giả liền đem đồ ăn thức uống cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận vì bảo đức Phật chưa cho phép nhận lương thực dọc đường. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép nghĩ là thức ăn của đàn-việt để nhận, rồi khiến tịnh nhơn cất giữ, chứ không được tự thọ nhận. Khi nào cần thì tùy ý xử dụng.» 5. Tám thứ nước Bấy giờ, đức Thế Tôn từ nước A-mâu-đa-la,[95] du hành nhân gian đến thành A-ma-na[96] trú trong vườn của bà-la-môn bện tóc Sí-nâu.[97] Lúc ấy, bà-la-môn bện tóc Sí-nậu nghe Sa-môn Cù-đàm xuất gia từ dòng họ Thích, từ nước A-mâu-đa-la đến thành A-ma-na, trú trong vườn của ta. Vị kia khởi ý nghĩ như vầy: «Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng, gọi là Như lai, Vô sở trước, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điền ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Lành thay, nay ta nên đến yết kiến con người Vô trước như vậy.» Bấy giờ, bà-la-môn bện tóc đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính hỏi chào rồi, lui qua một bên mà ngồi. Đức Phật vì ông dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Khi bà-la-môn nghe Phật nói pháp rất hoan hỷ rồi, bạch Phật: «Cúi xin Phật và Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.» Đức Phật nói: «Hiện tại Tăng tỳ-kheo đông, mà ông là người tin ngoại đạo.» Bà-la-môn thưa: «Dù chúng Tăng hiện nay đông, con tuy là người tin theo ngoại đạo, nhưng cũng xin Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.» Tuy đức Thế Tôn nói đi nói lại ba lần, nhưng bà-la-môn cũng lại ba lần thưa đức Thế Tôn như vậy. Đức Thế Tôn bấy giờ im lặng nhận lời thỉnh. Bà-la-môn biết đức Phật đã nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi về nhà, và nói với thân quyến rằng: «Sáng mai tôi thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực, các người nên tiếp tay với tôi trong việc cúng dường này.» Những người trong thân quyến nghe nói đều hoan hỷ. Kẻ thì bửa củi, người thì nấu cơm, người khác xách nước. Bà-la-môn thì tự trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi, để Phật và Tăng tỳ-kheo sẽ ngồi. Lúc ấy trong thành A-ma-na có bà-la-môn Thí-lô cùng ở với năm trăm bà-la-môn khác, mà Sí-nậu bà-la-môn thường cung kính tôn ngưỡng họ. Bấy giờ bà-la-môn Thí-lô cùng năm trăm bà-la-môn đều đến nhà của bà-la-môn Sí-nậu. Theo phép thường ngày của bà-la-môn Sí-nậu là mỗi khi thấy quý vị ấy đến nhà liền ra nghinh đón, mời vào nhà an tọa, nhưng nay thấy, không ra nghinh đón, cũng không mời ngồi, mà cứ lo trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi tốt đẹp. Thí-lô hỏi rằng: «Sắp sửa cưới vợ? hay gã con gái lấy chồng? hay muốn rước Vua? hay sắp cử đại tế tự?» Người nhà trả lời: «Nhà chúng tôi không phải sắp cưới vợ, cho đến, cũng không rước vua, mà chúng tôi muốn làm đại lễ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng là Như lai, Vô sở trước, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.» Thí-lô hỏi Sí-nậu rằng: «Thật là Phật hay chăng?» Sí-nậu trả lời: «Thật là Phật.» Thí-lô ba phen hỏi: «Thật là Phật hay chăng?» Sí-nậu cũng trả lời: «Thật vậy.» Thí-lô hỏi: «Phật ở đâu? Tôi muốn yết kiến.» Bấy giờ Sí-nậu đưa tay bên phải chỉ và nói: «Ngài đang ở trong rừng tịnh kia.» Thí-lô nghĩ như vầy: «Ta không được đến bằng hai tay không, mà nên có một phẩm vật gì đem đến để yết kiến Sa-môn Cù-đàm.» Nghĩ xong Thí-lô liền nói: «Nay có tám thứ nước mà xưa kia Tiên nhơn vô dục thường uống. Đó là: nước lê, nước diêm-phù, nước táo chua, nước mía, nước quả thị, nước xá-lâu-già, nước bà-lâu-sư và nước nho.»[98] Bấy giờ, bà-la-môn Thí-lô đem tám thứ nước này đến chỗ đức Phật, cung kính hỏi chào, rồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì ông mà phương tiện nói pháp khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Thí-lô nghe pháp rất hoan hỷ, liền đem tám thứ nước cúng cho Tăng tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận và nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận tám thứ nước này, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng tám thứ nước này, nếu nó không say. Có thể uống vào lúc phi thời. Nếu say thì không được uống, uống sẽ như pháp trị. Cũng không được nhận ngày nay để ngày mai uống. Nếu để như vậy sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian. Từ trú xứ này đến Ma-la,[99] hướng đến thành Ba-bà. Bấy giờ các Ma-la nơi thành Ba-bà,[100] nghe đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian từ Ma-la hướng đến thành Ba-bà. Họ cùng nhau đặt ra quy chế: Khi đức Thế Tôn đến mọi người đều phải nghinh đón, nếu ai không nghinh đón sẽ bị phạt một trăm lượng vàng. Bấy giờ, có Ma-la Tử tên là Lô-di[101] không tin ưa đối với Phật, Pháp, Tăng. Lô-di là thân hữu của A-nan khi còn bạch y. A-nan từ xa thấy Lô-di liền nói rằng: «Rất hay, Lô-di! Bạn có thể tự đến nghinh đón đức Phật.» Lô-di trả lời: «Nầy Đại đức! Tôi không phải đến đây nghinh đón, mà vì trong thành Ma-la lập ra quy chế, ai không nghinh đón Phật sẽ bị phạt một trăm lượng vàng. Vì lí do ấy nên tôi mới có mặt ở đây, chứ chẳng phải tin ưa mà đến.» Khi Tôn giả A-nan nghe như vậy không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn thưa rằng: «Trong thành Ma-la này, có Ma-la Tử tên Lô-di, là bạn của con khi còn bạch y. Lành thay! Đức Thế Tôn nguyện xin Ngài vì con mà giúp đỡ để bạn của con được tin ưa Phật.» Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: «Việc này có gì là khó! Nếu có khó cũng chẳng phải là thật khó.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền dùng từ tâm cảm hóa Lô-di Ma-la, khiến Lô-di tự động đến chỗ đức Thế Tôn, như có người hướng dẫn. Như vậy là Lô-di đã đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng ra một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Ngay lúc đó [874a1] liền được viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, bèn bạch Phật: «Đại đức, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc, không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của con.» Đức Phật bảo Lô-di: «Nay ông đã là học nhơn, có trí sáng suốt, đã viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của ông. Nhưng nếu có các học nhơn khác có trí thông minh viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, cũng lại thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của họ thì sao?» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại thành Ba-bà không thể nhận sự thỉnh mời riêng từng người. Bấy giờ trong thành tất cả mọi gia đình đều tập trung thức ăn tại một địa điểm để cúng Phật và Tăng. Lúc ấy Lô-di đến chỗ làm thức ăn xem xét thì thấy không có bánh, ông liền về nhà, trong đêm đó sắm sửa đầy đủ các thứ bánh, sáng ngày đem đến cúng dường cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận lời, và nói đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận bánh trước khi thọ thực. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Thế Tôn từ thành Ba-bà đến A-đầu.[102] Bấy giờ tại trú xứ A-đầu, có hai tỳ-kheo là hai cha con xuất gia,[103] trước kia thường làm nghề hớt tóc. Bấy giờ, hai tỳ-kheo nghe đức Phật từ Ba-bà đến A-đầu, bèn nghĩ: «Chúng ta nên sắm sửa thứ gì để cúng dường đức Thế Tôn.» Người cha nói với người con rằng: «Nay cha sẽ đi tìm chỗ hớt tóc. Con lấy tiền ấy sắm sửa cháo để cúng dường đức Thế Tôn. Nói xong người cha đi hớt tóc người con lấy tiền đã được đó đi sắm sửa cháo, đem đến cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: «Cháo này ở đâu?» Tôn giả bạch đầy đủ vấn đề lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: «Người xuất gia không được hớt tóc cho bạch y, trừ khi họ muốn xuất gia. Nếu người thợ hớt tóc đã xuất gia thì không được tích trử dao cạo. Nếu chứa sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, chúng Tăng nhận được dao cạo tóc, bạch Phật. Đức Phật cho phép tích trử. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ A-đầu đến Ca-ma-la. Các tỳ-kheo được cúng thuốc rễ như a-lậu-di, na-lậu-tỳ, na-lậu-đề, bà-đàn, lư-càn-lậu, tư-la-nậu.[104] Các tỳ-kheo không nhận và nói: Đức Phật chưa cho chúng tôi thọ dụng những căn dược như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Trong khi ấy tại nước Ca-ma-la, các tỳ-kheo được người cho các thứ thuốc trọn đời[105] như sa-mạn-na, ma-ha sa-mạn-na, hạnh tử, nhơn-đâu-đâu-lậu, sát địch lê. Các tỳ-kheo không nhận, và nói: ‹Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận các thứ thuốc tận hình thọ như vậy.› Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ Ca-ma-la đến nước Ca-duy-la-vệ. Tất-lăng-già-bà-ta hiện trú tại nước đó, chân bị đau, thầy thuốc bảo xoa cái chân, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép xoa.» Nhưng không biết dùng thuốc gì để xoa, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng dầu bơ hoặc mỡ để xoa. Khi tay cầm dầu bơ bị hôi, đức Phật bảo lấy que xức thuốc. Khi tay xoa chân, tay bị nhớt, đức Phật bảo lấy chân xoa chân. Thuốc xoa chân đựng trong cái tô không bảo đảm, đức Phật cho phép đựng trong cái bình. Nếu sợ bụi bặm, Phật cho phép đậy lại bằng cái nắp. Bình đựng dầu, để chỗ không bảo đảm, đức Phật cho phép treo dưới giường hoặc treo trên vách, trên long nha, trên cây trụ. Bấy giờ, các tỳ-kheo bị đau đầu, thầy thuốc bảo thoa dầu trên đầu, bạch Phật. Đức Phật cho phép thoa. Vị kia vì e ngại không dám dùng dầu thơm thoa. Phật dạy cho phép thoa. Phương pháp dùng dầu phải như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh phong, thầy thuốc bảo làm thuốc trừ phong. Trong phương thuốc trừ phong gồm có nấu gạo thóc, chưng bả rượu; hoặc đại mạch, hoặc các loại cỏ trừ phong, hoặc trấu, hoặc nấu nước tiểu, bạch Phật. Đức Phật cho phép. Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta cần cái soong để nấu, đức Phật cho phép chứa dùng. Chúng Tăng nhận được cái soong lớn, đức Phật cho phép tích trử. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được ba loại chỏ: chỏ đồng, chỏ thiết, chỏ đất, đức Phật dạy cho phép tích trử. Chúng Tăng cũng được cho phép tích trử như vậy. Sau đó Tất-lăng-già-bà-ta nhận được cái bình bằng đồng, bình bằng thiết, bình bằng đất, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được bánh nướng, đức Phật dạy cho phép cất. Chúng Tăng cũng được phép cất như vậy. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được cái âu bằng đồng, nhận được cái tô, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy.[106]
Chú thích: [1] Đây chỉ năm loại chánh thực, hoặc âm là bồ-xà-ni, Pali: bhojana, chỉ thức ăn mềm. Xem Phần i, Ch.iv, điều 35 & cht. 180, 201, 202. [2] Mị mễ [序-予+禾]. Cf. Nhất thiết kinh âm nghĩa 59 (T54n2128 tr.703c24): «Lã thị xuân thu nói, cơm loại ngon thì có thứ gạo tế 穄 của Dương sơn. Cao Dụ nói, người Quan tây gọi là lúa mị. Người Ký châu gọi là lúa tế 穄.» [3] Câu-bạt-đạt-la 俱跋陀羅. [4] Khứu 糗. Pali: kummāsa (Skt. kulmāsa) cháo chua. Xem Hành sự sao (T40n1804 tr.117c27). [5] Tu-bộ 修步. Pali (Skt.): sūpa, nước thịt; súp thịt. [6] Lạc 酪. Pali (Skt.): dadhi, váng sữa, sữa đông, sữa đặc. [7] Lạc tương 酪漿. Pali (Skt.): dadhi-maṇḍaka, nước sữa chua; sữa chua chắt phần đông, phần lỏng còn lại gọi là lạc tương hay lạc thuỷ; toan nhủ chi. [8] Kiết-la 吉羅. Pali: khīra, sữa tươi. Sữa chỉ chung. [9] Man-nâu 蔓[少/兔]. Pali (Skt.): maṇḍa, váng của các loại ngũ cốc đun sôi; phần tinh chất, thượng vị, đề hồ. [10] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pali (Skt.): khādaniya, thức ăn cần phải cắn; thức ăn cứng; đạm thực, ngạnh thực. [11] Thạch mật 石蜜. Pali (Skt.) phāṇita, mật mía, đường mía; đường thẻ hay đường cát thô. [12] Hủ lạn dược 腐爛藥. Pali: pūti-mutta (Skt. pūti-mukta-bhaiṣajya), cũng dịch là trần khí dược. PTS định nghĩa: nước tiểu của gia súc được dùng làm thuốc. [13] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pali (Skt.): harītaka, harītakī, một loại trái chua, tên khoa học Myrobalan vàng, dùng để nhuộm màu vàng hay để xổ. [14] Hoạn phong 患風. Skt. vāyvādhika, chứng thống phong, bịnh gút. [15] Bệ-hê-lặc 鞞醯勒. Pali (Skt.): vibhītaka, quả xuyên luyện 川練, dùng làm thuốc. [16] A-ma-lặc 阿摩勒. Pali: amba (Skt. āmra), quả xoài. [17] Tô (?)-la [卄/(麩-夫+生)]羅. Có lẽ Pali (Vin.i. 201): sulasī, cây húng quế. [18] Quả dược 果藥. [19] Đại ngũ chủng căn dược 大五種根藥. [20] Tiểu ngũ chủng căn dược 小五種根藥. [21] Chất-đa-la dược 質多羅藥. [22] Kế-sa dược 罽沙藥. Skt. kesara (?): nhụy hoa, râu hoa, hương tu. [23] Sa-lê-sa-bà dược 娑梨娑婆藥. [24] Thức-cừ 式渠. [25] Đế-thố (hay nậu?) 帝菟. Phụ chú trong bản: «đọc là để thổ 底吐.» [26] Tất-bạt 蓽茇, loại cỏ, trổ hoa trắng mùa xuân; quả như quả dâu. Gốc từ Ba-tư. (Từ nguyên) [27] Tế mạt dược 細末藥. Dược sự 1 (T24n1448 tr.2a16): sáp dược 澀藥, trị ghẻ. Skt. kaṣāya. Pal (Vin.i. 201)i: kasāva. Phật cho phép dùng các loại sáp dược: nimbakasāva, kuṭajakasāva, paṭolakasāva, phaggavakassāva, nattamalakasāva. [28] Mã nhĩ 馬耳. Từ nguyên không thấy ghi. Có lẽ nguyên Skt. aśva-karṇa, loại cây có lá hình tai ngựa; tên khoa học Vatica Robusta. [29] Xá-ma-la 舍摩羅. Skt. śālmala (?), một loại cây bông gòn (để dệt lụa), mộc miên. 30 Tượng nha dặc 象牙杙; các phần trước gọi là long nha dặc. Tức gạc nai dùng để máng đồ. [31] Mahāvagga vi. Vin.i. 202, năm loại muối: sāmuddaṃ (muối biển), kāḷaloṇaṃ (muối đen), sindhavaṃ (muối đá), ubbhidaṃ (muối ăn), bilaṃ (muối đỏ). Dược sự 1 (T24n1448 tr.1b27), năm loại muối: ô diêm 烏鹽; xích diêm赤鹽; bạch thạch diêm 白石鹽; chủng sanh diêm 種生鹽; hải diêm 海鹽. [32] Các loại muối: minh diêm 明鹽, hắc diêm 黑鹽, hoàn diêm 丸鹽, lâu-ma diêm 樓 Skt. romaka, muối của người La-mã (nhập); chi-đầu-bệ diêm 支頭鞞鹽, lỗ diêm 鹵鹽, hôi diêm 灰鹽; tân-đà-bà diêm 新陀婆鹽, saindhava, muối biển, đặc biệt vùng Shindu; thi-lô-bệ diêm 施盧鞞鹽, hải diêm 海鹽. So sánh, Mahāvagga vi; Dược sự 1, xem cht. 31 trên. [33] Hôi dược 灰藥. Các loại hôi dược: tát-xà 薩闍; (Skt.sarja), tân-na 賓那; ba-la-ma 波羅摩. Skt. kṣāra, tinh chất lấy được từ chưng cất hay đốt thành tro; Dược sự 1, có năm loại: tro vỏ trấu (Skt. yavakṣāra), tro râu lúa (Skt. yavāṣūkakṣāra), tro dầu mè (tilakṣāra), tro từ cỏ ngưu tất (sarjikākṣāra), tro lá cây bà-sa (vāsakākṣāra), một loại hương liệu, tên khoa học Gendarussa Vulgaris hay Adhatoda Vasica. [34] Xa-bà dược 闍婆. Dược sự 1 (T24n1448 tr.1b21): niêm dược 黏藥, dược liệu lấy từ nhựa cây. Năm loại: a-ngụy 阿魏, ô khang 烏糠, tử khoáng 紫礦, hoàng lạp 黃蠟, tất hương 悉香. Pali, ibid., jatūni bhejjāni, nhựa cây dùng làm thuốc: hiṅgu, hiṅgu-jatu , hiṅgu-sipātika, taka, takapatti, takapaṇṇa. MūlVinay.i.2: hiṅgu, hưng cừ hay a-ngụy; sarjarasa, nhựa cây sa-la (ô khang); taka, nhựa tử khoáng để nhuộm màu tía; takakarṇī: hoàng lạp (sáp vàng), lấy từ sáp ong (sikthaka): tadāgata, tất hương, nhựa của các loại cây khác. [35] Các loại thuốc bà-xà (Skt., Pali: jatu: nhựa cây): hinh-ngưu 馨牛, (hiṅgu); hinh-nga-bà-đề 馨莪婆提, thi-bà-lê-đà 尸婆梨陀, (Skt.śivāṭikā); bộ-thê-dạ-bà-đề 步梯夜婆提, tát-xà-la-sà 薩闍羅 婆. (Skt. sarjarasa). Xem cht. 34 trên. [36] Nhãn dược 眼藥. Dược sự, năm loại thuốc chữa mắt (an-thiện-na 安繕那, Skt. añjana): hoa (Skt. puṣpa); nước cốt (rasa); bột (cūrṇa); viên (guṭikā); cháo chua, (sauvīraka: tao-tì-la thạch, một loại đá của người Sauvīra?). Tứ phần, có hai: đà-bà-xà-na 陀婆闍那, Skt. (?); kỳ-la-xà-na 耆羅闍那, Skt. gairāñjana, thuốc chữa lấy từ một loại đất đỏ [37] Bạch ế 白翳. [38] A-nậu 阿耨. Pali: Anotatta (Vô nhiệt trì), 1 trong 7 ao lớn trên Tuyết sơn. [39] Y-la-bà-ni 伊羅婆尼; Pali: Erāvaṇa, con voi của Thiên-đế. [40] Xem Phần I, Ch. v, Ba-dật-đề 35. [41] Xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 27. [42] Hán: thủy để hành nhân 水底行人, chỉ thợ lặn, hay người đánh cá. [43] Chính xác, nên hiểu là thịt rắn. Cf. Mahāvagga vi, Vin.i.220. [44] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pali, Vin.i. 219, Supassa. Hán đọc là Sudassa(na). Ngũ phần 22 (T22n1421 tr.148c26): Thiện Tự Tại Long vương 善自在龍王. [45] Ngũ phần, đã dẫn: «Hoặc khi có thể con rắn đó là rồng.» Thập tụng26 (T23n1435 tr.186c29): «Rắn và rồng, đều cùng một giống cả.» [46] Tô-tỳ 蘇卑. Pali, Vin.i. 216ff. Suppiyā. [47] Da-thâu-già 耶輸伽. Pali, Vin.i. 239, Yasoja. [48] Tống thực 送食: mang thức ăn đến chùa cho tỳ-kheo. [49] Mồng một, tính theo tháng 15 ngày; kể thêm ngày 16, nếu tính tháng 30 ngày. [50] Thính dữ phòng tiền 聽與房錢; chưa hiểu ý. [51] Nhân duyên, đã kể trong Phần I, Ch.iv. Ni-tát-kỳ 26. Truyện kể, Cf. Vin.i. 199: mùa thu, các tỳ-kheo bịnh, ăn cháo và các thứ vật thực, đều ói ra cả. [52] Tham chiếu Pali, Vin. i. 199: bhesajjāni ceva bhesajjasam-matāni ca lokassa āhāratthañ ca pharanti na ca oḷāriko āhārako paññāyati, «Đây là những thứ mà thế gian xem là thuốc, có thể sung làm thức ăn, nhưng không được kể như là thức ăn chính.» [53] Tô, du, mật, sanh tô, thạch mật 酥油蜜生酥石蜜. Pali: sappi, navanaṃ, telaṃ, madhu, phāṇitaṃ. [54] Phạn khứu pháp 飯糗法. [55] Trong bản: thất-thủ-ma-la 失守摩羅; Pali: suṃsumāra; Skt. śiśumāra. Trên kia, Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26, thay thất-thủ-ma-la bằng cá ma-kiệt. [56] Tư-ha-tỳ-la 私呵毘羅. Truyện đã kể trên, xem Phần I, Ch.iv. Ni-tát-kỳ 26. Trong đó, là người lái buôn tên Tư-ha tỳ-la-trà. [57] Hắc thạch mật 黑石蜜; đường chưa tinh luyện. Pali: gula. Phân biệt với thạch mật, tức mật đường. Pali: phāṇita. [58] Thiên bức luân tướng 千輻輪相. [59] Kế-ni 罽尼; có lẽ Pali: kiṇṇa (Skt. kiṇva), bột lên men, hay men. Hoặc. Skt. kṣāra (Pali: chārika), tro, xem cht. 33 trên. Cf. Vin.i. 210: người ta bỏ bột và tro vào trong mật đường (gule piṭṭhampi chārikampi pakkhipanti) [60] Nhuyến hắc thạch mật, đường mía ở dạng lỏng. 59 Hắc thạch mật tương 黑石蜜漿. Nước đường, tức mật đường pha với nước. Pali (Vin.i. 226): gulodaka. [62] Ma xan trí 磨餐緻. [63] Bạch thạch mật 白石蜜. [64] Ô-bà-đà-phả-ni 烏婆陀頗尼. [65] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Truyện kể, xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26 & 86. [66] Tỳ-kheo, ni-tát-kỳ 26. [67] Xem đoạn trên. [68] Phả-ni 頗尼. [69] Thời dược 時藥, chỉ thực phẩm chính, ngũ cốc và cá, thịt, không được trữ dùng sau đứng bóng. [70] Phi thời dược 非時藥, được trữ dùng sau ngọ. Tứ phần, gồm 5 thứ: tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật. Ngũ phần và Thập tụng, chỉ có 4, bỏ sanh tô. [71] Thất nhật dược 七日藥; thuốc chỉ được phép trừ dùng trong vòng bảy ngày. [72] Tận hình thọ dược 盡形壽藥; thuộc trữ dùng cho đến hết đời. [73] Hoạn pháo 患皰. Bong da, giộp da. [74] Chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la 栴檀畢陵祇伽羅[少/兔] 婆羅. Cf. Dược sự 3 (tr.10a): «bịnh nhiệt rất nặng, dùng ngưu đầu chiên đàn (Skt. gośṛiṅga-candana) thoa vào mình.» [75] Tám Long vương: Tỳ-lâu-lặc-xoa 毘樓勒叉, (Pali: Virūḷhaka, Skt. Virūḍhaka) Già-ninh 伽寧, Cù-đàm-minh 瞿曇冥, Thí-bà-di-đa-la 施婆彌多羅, Đa-xa-y-la-bà-ny 多奢伊羅婆尼, Già-tỳ-la-thấp-ba-la 伽毘羅濕波羅, Đề-đầu-lại-thác 提頭賴託, (Pali: Dhataraṭṭha, Skt. Dhṛtarāṣṭra). Viṇ. ii. 110, bốn gia tộc của vua rắn (cattāri ahirājakulāni): Virūpakkha (Tỳ-lâu-lặc-xoa), Erāpatha (Y-la-bà-ni), Chabyāputta (Già-tỳ-la-thấp-ba-la), Kaṇhāgotamaka (? Hắc Cù-đàm). [76] Tham chiếu, Vin.ii. đã dẫn. [77] Bệnh độc 病毒; có lẽ ngộ độc. Cf. Vin.i. 206, tỳ-kheo uống nhằm chất độc (visaṃ pītaṃ hoti), Phật dạy, cho uống phân bò (gūthaṃ pāyetuṃ) hoà với nước. [78] Hủ lạn dược 腐爛藥. Đây chỉ lấy nước tiểu trâu bò làm thuốc. [79] Nghĩa là, trâu bò đã tiểu xuống đất. Chứ không phải hứng, khi chúng đang tiểu. [80] Tư-ha tướng quân 私呵將軍. Pali, Vin.i. 233, Sīhasenapati; vị tướng quân người Licchavī (Lê-xa), ở Vesāli; đệ tử của Nigaṇṭha (Ni-kiền). Xem Trung A-hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (T1, tr.440c); Pali, A.viii.12 Sīha. [81] Đoán sự đường 斷事堂, chỗ xử án, xử lý việc công. [82] Nguyên Hán: tác pháp 作法. Tham chiếu. Trung A-hàm 4 (T01n26 tr.441a01): «Sa-môn Cù-đàm chủ trương bất khả tác 不可作.» Cf. Vin.i. 233: akiriyavādaṃ samaṇaṃ gotamaṃ, Sa-môn Cù-đàm chủ trương «Không được làm.» [83] Đoạn diệt pháp 斷滅法. Pali: ucchedavādo samaṇo gotamo, Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt (hư vô luận). [84] Uế ác pháp 穢惡法. Pali: jegucchī, chủ trương khổ hạnh kinh tởm. [85] Điều phục pháp 調伏法. Pali: venayika, chủ trương tự chế ngự, khắc kỹ. [86] Diệt ám pháp 滅闇法. Pali: tapassī, chủ trương nhiệt hành (khổ hành). Bản Hán hiểu là tamo (bống tối) thay vì tapo (sức nóng). [87] Đoạn dưới nói rõ: không nhập thai nữa. Pali: apagabbo, chủ trương không nhập thai (không tái sinh). [88] Vô úy pháp 無畏法. Pali: assattha, sự tĩnh chỉ, tô tức pháp. [89] Bạt-đề 跋提. Pali: Bhaddiya, thành phố thuộc vương quốc Aṅga (Ương-già). [90] Mân-trà 旻茶. Pali, Vin.i. 240, Meṇḍaka, phú hộ ở Bhaddiya, vương quốc Aṅga; là ông nội của bà Visakhā; là một trong 5 Đại thần Quốc khố của Vua Bimbisāra. Không thấy nói ông là đệ tử của Pūraṇa-Kassapa (Bất-lan Ca-diệp). Nhưng có một người đầy tớ tên Puṇṇa. [91] Bất-lan Ca-diệp 不蘭迦葉. Pali: Pūraṇa-Kassapa, một trong sáu tông sư ngoại đạo. [92] Đa-ha-lâu-chi 多呵樓支. Theo truyện kể DhA.iii.363, Phật hiệu Vipassī (Tỳ-bà-thi). [93] Như đoạn trên. Xem tr. 13. [94] Nhũ 乳, lạc 酪, sanh tô 生酥, thục tô 熟酥, đề hồ 醍醐. Pali: khīra, sữa tươi; dadhi, sữa đông, sữa chua; takka, sữa bơ, bơ lỏng với ¼ nước, do đun dadhi rồi quậy; navanīta, bơ tươi hay bơ sống, chế biến từ takka; sappi, bơ lỏng hay bơ trong, do đun bơ sống lên, thành chất dầu ăn.. [95] A-mâu-na 阿牟多羅. Pali: Aṅguttarāpā, nước ở phía bắc sông Mahī. Đối ngạn là Aṅga. [96] A-ma-na 阿摩那. Pali, Vin. i. 245, Āpaṇa, một thị trấn trong xứ Aṅguttarāpa. Từ đây, Phật đi lên Kusinārā để nhập Niết-bàn. [97] Súy-nậu 翅[少/兔]. Pali: Jaṭila Keniya. [98] Tám thứ nước, Pali: ambapāna, nước quả xoài; jambupāna, nước quả hồng đào; cocapāna, nước dừa; mocapāna, nước chuối; madhūkapāna, mật; muddikapāna, nước nho; sālūkapāna, nước ngó sen; phārusakapāna, không rõ. [99] Ma-la 摩羅. Pali: tên bộ tộc, và vương quốc cùng tên. Kusinārā là một thủ phủ của nước này. [100] Ba-bà 波婆. Pali: một thị trấn của người Malla, song đôi với Kusinārā. [101] Lô-di 盧夷. Pali: Roja; bạn thân của A-nan. Trên kia, phiên âm là Lâu-diên. Xem Ch. vi. Y, mục iii.10 & cht. 61. [102] A-đầu 阿頭. Pali: Ātumā, thị trấn nằm giữa Kusinārā và Sāvatthi. 101 Một người cha làm nghề hớt tóc, có hai người con. Cha sau đi tu. [104] A-lậu-di, na-lậu-tỳ, na-lậu-đề, bà-đàn, lư-càn-lậu, tư-la-nậu, 阿漏彌那漏比那漏提婆檀豆檀盧乾漏私羅漏 không đoán ra nguyên Phạn được. Dược sự 1, thuốc chế từ rễ: phụ tử (Skt. musta) xương bồ (Skt. vaca), hoàng khương hay nghệ (haridra). Sanh khương hay gừng (ārdraka), phụ tử trắng (? Skt. ativiṣā: mạch đông). Danh sách Pali, Vin.i. 201: halidda (củ nghệ), siṅgivera (gừng), vaca (xương bồ hay rễ diên vĩ), vacattha (xương bồ trắng), ativisa (mạch đông), kaṭukarohiṇi (hồ liên cay), usīra (hương căn), bhaddhamutta (cát tường thảo). [105] Dược sự 1: tận thọ dược, gồm thuốc được chế từ rễ, lá, hoa và quả. [106] Hết quyển 42. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 6. Tịnh địa Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh ói mửa, nhờ người trong thành Xá-vệ nấu cháo. Hôm đó, vì có nhơn duyên nên cửa thành mở trễ, chưa nhận kịp cháo, bệnh nhơn qua đời. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng-già-lam nên kiết tịnh địa,[107] bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Nên kiết như vầy: Công bố địa điểm, hoặc phòng nào, hay nhà ôn đường hay chỗ kinh hành. Trong chúng nên sai người có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận, tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Có bốn thứ tịnh địa:[108] 1. Đàn-việt hoặc người tri sự, khi xây cất Tăng-già-lam, đã phân định, nói như vầy: «Chỗ đó sẽ dùng làm tịnh địa cho Tăng.» 2. Hoặc là xây cất Tăng-già-lam cho Tăng, mà chưa dâng cúng cho Tăng. 3. Hoặc phân nửa có rào ngăn, hoặc phần nhiều không rào ngăn, hoặc tất cả không rào ngăn; hoặc tường hoặc hào cũng như vậy. 4. Tăng bạch nhị yết-ma để kết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Có thể lấy phòng của tỳ-kheo kiết làm tịnh địa không?» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có thể lấy làm. Trừ tỳ-kheo đi vắng.» Phòng của tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni cũng như vậy. Hay miễu, nhà của quỉ thần, cũng được phép kiết làm tịnh địa như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo không biết nơi nào là tịnh địa. Bạch Phật. Phật dạy: «Chỗ được quy định. Nếu nghi trước đó có tịnh địa rồi thì nên giải, sau đó mới kết lại.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đang sửa lại Tăng-già-lam cũ, không biết được phép kết tịnh địa không? Đức Phật dạy: «Được phép kết.» Bấy giờ, có cây mọc trên đất không tác tịnh, [875a1] cành lá che phủ đất đã tác tịnh. Lúc ấy các tỳ-kheo muốn an trí vật được tác tịnh lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Gốc thuộc đất không được tác tịnh, thì cả cây cũng không được tịnh.» Trường hợp có gốc cây thuộc đất tịnh, cành lá che phủ đất không tịnh. Các tỳ-kheo muốn an trí tịnh vật lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Gốc thuộc đất tịnh, thì cả cây được tịnh.» Trường hợp có gốc thuộc nơi đất không tác tịnh, cành lá che phủ đất tịnh, và trái rơi xuống đất tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không? Đức Phật dạy: «Không có người xúc chạm, tự rơi xuống là tịnh.» Trường hợp gió thổi mưa sa làm cho rơi xuống; hoặc có loài khỉ vượn hay chim chóc xúc phạm đến làm cho rơi xuống, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Nếu không có ý muốn khiến cho rớt xuống, tức là tịnh.» Gốc cây thuộc nơi đất tịnh, trái rơi xuống nơi đất không tịnh. Tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Là tịnh.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo trồng đậu, trồng dưa, mía, rau nơi đất không tịnh, cành lá che phủ nơi đất tịnh, không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Không tịnh.» Trường hợp đậu, dưa, mía, rau trồng nơi đất tịnh, cành lá che phủ nơi đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: «Tịnh.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn quả không tịnh,[109] các cư sĩ thấy cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết thổ thẹn, không biết nhàm chán và biết đủ mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Trái không tác tịnh mà ăn, như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ăn trái không tịnh. Nên tác tịnh rồi mới ăn. Nên làm theo năm pháp tịnh mới ăn:[110] Tác tịnh bởi lửa, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt,[111] tác tịnh bởi chim cắn, tác tịnh bởi loại hột trỉa không mọc. Trái được làm theo năm pháp tịnh này thì được ăn. Ở đây, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt, tác tịnh bởi chim ăn thì nên bỏ hột rồi ăn. Tác tịnh bằng lửa và tác tịnh bằng hột trỉa không mọc thì ăn hết. Lại còn có năm pháp tịnh nữa như: gọt vỏ, lột vỏ, bị hư mục, bị nứt ra, bị khô héo. Lúc bấy giờ, chúng Tăng nhận được vườn trái cây. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Nhưng không biết giao cho ai liệu lý. Đức Phật dạy: «Giao cho nhưng người giữ Tăng-già-lam, hoặc sa-di, hay ưu-bà-tắc.» Người liệu lý muốn được chia phần. Đức Phật dạy: «Nên quy giá trị thành thức ăn để trả cho họ.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ăn trái nhai không nát nên đại tiện hột mọc thành cây. Các tỳ-kheo e ngại nói: «Mình đã phạm tội ăn hạt trỉa mọc.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm, vì đó là tịnh.» Bấy giờ các tỳ-kheo trồng rau, tự mình rải hạt giống. Sau đó sanh nghi nói, «Mình tự trồng» nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy: «Hạt giống đã biến đổi, cho phép ăn.» Tỳ-kheo dời rau trồng chỗ khác, nghi nói, «Mình tự trồng» nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy: «Vì sanh trở lại, cho phép được ăn.» Hoặc tự mình trồng đậu, dưa, mía, nho, lê, ha-lê-lặc, bệ-lê-lặc, a-ma-lặc, tiêu, gừng, lá lốt, hay di chuyển trồng chỗ khác vẫn được ăn. Có một sa-di nhỏ cầm đồ tịnh thực qua sông, tự mình không dở nổi. Phật cho phép tỳ-kheo lớn đỡ cho sa-di qua. Bấy giờ, có một sa-di nhỏ mang đồ tịnh thực không thể leo lên bờ sông được. Phật cho phép tỳ-kheo lớn dìu lên. Có một sa-di nhỏ không thể đưa đồ tịnh thực lên treo trên vách tường hay treo lên trên cây long nha, cây trụ, và cũng không lấy xuống được. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép để trên giường. Hoặc dùng ghế hay bục đứng để treo lên hay lấy xuống.» Bấy giờ, các tỳ-kheo có bình đựng sữa đông, bình đựng dầu mà không đậy. Bạch Phật. Đức Phật bảo, khiến tịnh nhơn đậy lại. Nếu không có tịnh nhơn, thì tự tay lấy cái nắp đặt lên trên, chứ không được dùng tay mình chạm vào. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn rau không tịnh,[112] các cư sĩ thấy vậy cùng nhau cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không nhàm chán và biết đủ. Đoạn mạng chúng sanh, mà tự nói mình biết chánh pháp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ăn rau không tịnh. Phải tác tịnh.» Lúc ấy tỳ-kheo kia tự tác tịnh. Đức Phật dạy: «Không được tự tác tịnh. Phải khiến tịnh nhơn tác tịnh.» Có tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người ta tác tịnh.[113] Đức Phật dạy: «Không được tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người khác tác tịnh. Phải để xuống đất, rồi khiến người tác tịnh.» Vị kia tác tịnh rồi, không thọ mà ăn.[114] Đức Phật dạy: «Không được tác tịnh rồi, không thọ mà ăn. Nên tác tịnh rồi, rửa tay thọ, rồi mới ăn.» Vị kia rửa rau liên căn rồi tác tịnh. Đức Phật dạy: «Không được rửa rồi lại tác tịnh. Ở đây rửa tức là tịnh.» Bấy giờ, có tỳ-kheo trước đó hiềm nhau, nên sờ vào tịnh thực của vị khác với ý nghĩ: «Khiến tỳ-kheo kia đặng thức ăn không tịnh.» Tỳ-kheo kia không biết là tịnh hay không tịnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm đột-kiết-la.» Bấy giờ, tỳ-kheo nọ hiềm tỳ-kheo khác, đến chỗ sa-di nhỏ của vị kia sờ vào thức ăn tịnh, với ý nghĩ: «Khiến cho Hòa thượng, A-xà-lê của sa-di nhỏ kia nhận được thức ăn không tịnh.» Tỳ-kheo kia không biết tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm đột-kiết-la.» Bấy giờ, có tịnh nhơn nghĩ: «Sớt thức ăn nhiều cho tỳ-kheo, để tỳ-kheo ăn không hết, rồi mình ăn.» Tỳ-kheo kia phải lên tiếng ngăn, «Đừng sớt nữa.» Nếu ngươi kia không ngưng, tỳ-kheo hãy tạm rời một lát. Tỳ-kheo kia không biết tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tịnh.» Bấy giờ, có các cư sĩ mang dụng cụ ẩm thực đến Tăng-già-lam nhờ cất. Sau đó các cư sĩ đến hoặc tự ăn, hoặc đem về, hoặc cho tỳ-kheo ăn. Tỳ-kheo e ngại không dám ăn, vì nghĩ: «Trước đây, tự tay chúng ta mang đi cất.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đây là những vật sở hữu của đàn-việt. Cho phép, vì đàn-việt, rửa tay thọ rồi ăn.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần cháo. Đức Phật cho phép nấu. Nếu không có người thì tự tay nấu, hay thay nhau nấu. Họ không biết nấu cách nào. Đức Phật bảo: «Sai tịnh nhơn rửa cái nồi cho sạch, đổ nước vô, bỏ gạo vào rồi nấu cho sôi. Tỳ-kheo rửa tay để thọ. Sau đó, tự mình nấu cho chín. Người nấu không biết đến mức độ nào gọi là chín? Đức Phật dạy: «Nên lấy cái thìa múc để xem. Nếu chảy xuống dọc theo thìa, là chín.» Cháo chín rồi, nên múc đổ vào đồ đựng khác. Vị kia vừa rót cháo, vừa giữ đồ đựng, nên vất vả. Phật dạy: «Không nên vừa rót cháo vừa giữa đồ đựng. Nên để người khác cầm đồ đựng.» Nếu bị nóng tay thì phải dùng cái khăn để kẹp cho khỏi nóng. Cỏ hoặc trùng rơi vào cháo, vị kia dùng tay lấy ra bị nóng. Đức Phật dạy: «Nên dùng cái thìa để múc. » Vị kia muốn chia cháo. Đức Phật cho phép chia. Vị kia không biết lấy vật gì để chia. Phật dạy: «Dùng cái bát cạn hoặc cái bát nhỏ, hay cái chén, hoặc dùng cái thìa để làm bát lường. Nếu bát để không ngay, nên làm cái chân bát. Nếu bị bụi bẩn dính thì nên làm cái nắp đậy. Vị kia không rửa sạch bát đựng mà đem cất. Các tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Nên rửa cho sạch rồi mới đem cất.» Khi rửa không dùng tro hay bột đậu để rửa nên không sạch. Đức Phật dạy: «Nên dùng tro hay bột đậu để rửa.» Rửa rồi, không để khô, liền đem cất, nên trùng sanh. Đức Phật dạy: «Không được không để khô mà đem cất. Nên hơ cho khô rồi sau đó đem cất.» Đồ đựng kia bị lổ hổng, nên thức ăn nhét và trong đó. Nhiều lần cạy rửa nên bị vỡ. Đức Phật dạy: «Tùy theo những chỗ có thể rửa được thì rửa. Ngoài ra không phạm.» Có các Tỳ-kheo nghĩ: Trong cương giới có được phép ngủ chung với cháo;[115] trong cương giới, có được phép nấu,[116] và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: «Không được cùng ngủ chung (với thức ăn) trong cương giới, nấu trong cương giới. (Trong cương giới), cho phép tự nấu.» Các tỳ-kheo nghĩ: Cháo được hâm lại, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: «Không được trong cương giới nấu cùng ngủ chung; nhưng được phép tự nấu.» Các tỳ-kheo nghĩ: [876a1] thuốc dùng trọn đời, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: «Cho phép, thuốc dùng trọn đời, trong cương giới, được phép ngủ chung; trong cương giới, được phép nấu, và tự nấu.» Bấy giờ, có tỳ-kheo muốn thọ váng sữa mà nhầm thọ dầu. Nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy: «Không thành thọ.» Có tỳ-kheo muốn thọ dầu mà nhầm thọ váng sữa. Nghi không biết có thành thọ hay không? đức Phật dạy: «Không thành thọ.» Muốn thọ thứ này mà nhầm thọ thứ kia, nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy: «Không thành thọ.» Có tỳ-kheo quên không thọ thực, nên mang đi đường, qua sông rồi mới nhớ, liền nghĩ: «Ta nên giải quyết thế nào?» Liền bạch Phật. Phật dạy: «Nếu quên không thọ thực, mang đi đường như vậy, nếu gặp tịnh nhơn, nên để thức ăn xuống đất, rửa tay sạch rồi thọ[117] mà ăn.» Đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa lúa gạo kham hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được. Các tỳ-kheo đem thức ăn để chỗ đất trống, không đậy cất, bị người chăn bò, chăn dê, hay kẻ trộm lấy đi mất. Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: «Quốc độ nầy gặp lúc đói khát, đức Thế Tôn có cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới hay không?» Bạch Phật. Phật dạy: «Nếu gặp lúc lúa gạo quí, cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nấu thức ăn nơi chỗ trống, mà không cất đậy, nên người chăn trâu dê, hay kẻ trộm thấy lấy đi. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, có nên xin phép Phật cho nấu thức ăn trong cương giới?» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Lúc lúa gạo quí, cho phép nấu thức ăn trong cương giới.» Bấy giờ, các tỳ-kheo bảo tịnh nhơn nấu thức ăn. Họ lấy bớt phần ăn hay ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, có nên tự nấu thức ăn?» Bạch Phật. Phật dạy: «Lúc lúa gạo quí, cho phép tự nấu thức ăn.» Bấy giờ, các tỳ-kheo trên đường đi, thấy trên mặt đất có trái cây. Tỳ-kheo tìm tịnh nhơn để lượm, thì người khác thấy lượm đi. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng cỏ hay lá tủ trái cây lại.» Nhưng người khác vẫn lấy đi. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép lấy. Nếu gặp tịnh nhơn nên, để dưới đất, rửa tay rồi thọ và ăn.» Các tỳ-kheo nghĩ: «Khi lúa gạo quí, đức Thế Tôn có nên cho phép chúng ta tự lấy thức ăn?» Đức Phật dạy: «Khi lúa gạo quí, tự mình được phép lấy thức ăn để ăn.»[118] Bấy giờ, các tỳ-kheo, sáng sớm dậy, thọ thực rồi cất thức ăn. Sau đó vào thôn, được mời ăn. Khi trở về, đến bên tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia ăn một phần hoặc ăn hết. Tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, sáng sớm thọ thực rồi, không làm pháp dư thực, được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, lúc lúa gạo quí, không làm pháp dư thực, được ăn lại.» Bấy giờ, có vị trưởng lão được nhiều người biết đến, vào thôn khất thực. Được thức ăn rồi, đem đến một chỗ để ăn. Sau đó, mang thức ăn còn dư về trong Tăng-già-lam, đến tỳ-kheo khác làm pháp dư thực để ăn lại. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta từ nơi chỗ ăn, mang thức ăn về, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Lúc lúa gạo quí, từ chỗ ăn mang thức ăn về, không làm pháp dư thực vẫn được ăn lại.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo thọ thực rồi nhận được quả hồ đào, quả thị,[119] bà-đà, am-bà-la, a-bà-lợi, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Khi lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, nhận được quả như vậy, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Lúc lúa gạo quí, nhận được trái cây như vậy, không làm pháp dư thực được ăn.» Bấy giờ, các tỳ-kheo ăn xong, nhận được thức uống, trong đó có ngó sen, gốc sen, ca-bà-đà, củ ấu, hạt sen, có thể ăn được, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho chúng ta ăn rồi nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không tác pháp dư thực mà được ăn.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Khi lúa gạo quí, ăn xong, nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không làm pháp dư thực vẫn được ăn.» Bấy giờ lúa gạo rẻ trở lại, đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: «Lúc lúa gạo quí, Ta đã từ mẫn đối với các tỳ-kheo nên cho phép tám trường hợp được phép: trong cương giới cùng ngủ với thức ăn, trong cương giới nấu, tự mình nấu, tự mình lấy thức ăn, sáng sớm thọ thực rồi từ chỗ ăn mang thức ăn đến chỗ khác ăn, ăn trái hồ đào..., trong nước có thức ăn có thể ăn, ăn rồi không làm pháp dư thực được ăn. Nay các tỳ-kheo áp dụng luôn như vậy sao?» Tôn giả thưa: «Áp dụng luôn.» Đức Phật dạy: «Không được áp dụng luôn như vậy. Nếu ăn như vậy sẽ như pháp trị.» Lúc bấy giờ, nhà bếp của chúng Tăng bị hư hoại. Các tỳ-kheo lấy cây chống. Chân của các cây đứng trên đất không tịnh. Các tỳ-kheo nghi, không biết có tịnh hay không? Phật dạy: «Tịnh.» Ban đêm di chuyển, đồ ăn bị rơi vào đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tịnh.» Bấy giờ, có con chó từ nơi đất tịnh tha miếng thịt đến chỗ đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Phật dạy: «Tịnh. Các ác thú hay chim tha đi cũng như vậy.» Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác, nên dời thức ăn của vị này đến chỗ không tịnh, với ý nghĩ: khiến cho vị này không được tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Phật dạy: «Vật bị chạm là bất tịnh.[120] (Tỳ-kheo kia) phạm đột-kiết-la. Không bị chạm đến thì tịnh.» Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác với ý nghĩ: chạm tay vào tịnh địa của vị kia, khiến cho nó trở thành không tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Bị chạm đến, thành không tịnh. (Người kia) mắc đột-kiết-la. Không xúc chạm là tịnh.» Bấy giờ, có vị khách tỳ-kheo đến, tìm đất tịnh muốn để thức ăn. Nhưng chưa đến đất tịnh thì tướng ánh sáng xuất hiện. Vị kia không biết tịnh hay không tịnh? bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tịnh. Muốn đi xa cũng như vậy.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tích trử thưng, đấu, hộc, cân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tích trử.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được vừng, lúa tám, đại đậu, tiểu đậu, đại mạch, tiểu mạch, tự mình muốn cân lường, bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép cân lường. Hoặc dùng cái bát cạn, hoặc cái bát hay cái chén để lường. Nghĩa là dùng dụng cụ lớn nhỏ này làm chuẩn để đong lường.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được sữa đông, dầu, mật, đường cát đen, muốn cân lường. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, lấy cây khắc vào làm cán cân, như chuẩn cân đến mức bốn, năm lượng.» Vị kia lấy phòng tốt nhất làm tịnh xứ, khiến sữa, dầu, mỡ dính nhơ bẩn, hoặc khói xông đen. Đức Phật bảo: «Không được lấy cái phòng tốt nhất kết làm tịnh xứ, mà nên lấy phòng xấu nhất để kiết làm tịnh xứ.» Các tỳ-kheo nhận được trái cây. Đức Phật cho phép chia đều. Nếu không đủ thì nhớ theo thứ tự, để khi nhận được chia tiếp theo. Nếu nhận được nhiều thì chia một người bốn năm trái. Hoặc chia bằng cái vá, hay bằng cái bát cạn, hoặc bằng cái bát nhỏ hơn; hoặc tùy theo khả năng có thể ăn mà chia. Nếu còn dư thì chia lại lần thứ hai. Lúc ấy, có vị đem cho bạch y và ngoại đạo. Đức Phật dạy: «Không được cho ngoại đạo và bạch y.» Tỳ-kheo kia e ngại không dám cho cha mẹ, hoặc người bệnh, trẻ nít, người đàn bà có thai, người bị nhốt trong tù, hoặc bạch y đến trong Tăng-già-lam. Đức Phật dạy: «Những người như vậy nên cho. Nếu còn dư, nên ép lấy nước để uống.» Bấy giờ cần dụng cụ để ép, đức Phật cho phép sắm. Nếu nước chưa lên men, không làm cho người uống say thì được dùng. Nếu nước uống mà bị say thì không được uống. Vị nào uống sẽ như pháp trị. Thế Tôn ở Tỳ-xá-ly. Bấy giờ chúng Tăng nhận được nhiều đồ ăn thức uống cúng dường. Cơ thể các tỳ-kheo bị bịnh thấp.[121] [877a1] Bạch Phật. Đức Phật cho phép làm thuốc thổ hạ; cần cháo canh, cho phép cháo canh. Cần thịt chim rừng, cho phép. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ nước vào lỗ mũi. Phật cho phép nhỏ. Vị ấy không biết dùng nước gì để nhỏ. Đức Phật bảo: Dùng váng sữa, dầu, mỡ, để nhỏ. Vị ấy không biết phương pháp nhỏ như thế nào? Đức Phật bảo: Cho phép dùng lông dê hay kiếp-bối, lông chim, nhúng vào dầu rồi sau đó nhỏ vào lỗ mũi. Khi nhỏ dầu chảy ra xung quanh. Đức Phật bảo làm cái ống để nhỏ. Vị kia dùng vật quý giá làm cái ống. Đức Phật dạy: Không được dùng vật quý giá để làm, mà nên dùng xương, răng, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, trúc, tre, hay cây để làm. Vị kia không rửa sạch mà đem cất. Đức Phật dạy: Không được không rửa mà đem cất. Rửa rồi chưa khô nên sau đó trùng sanh. Đức Phật dạy: Rửa sạch chưa khô không được đem cất. Nên hơ cho khô rồi mới đem cất. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ thuốc vào lỗ mũi, thuốc không vào. Đức Phật cho phép lấy tay xoa trên đầu, hoặc chà xát ngón chân cái, hay dùng váng sữa đông đặc trét vào lỗ mũi. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo mắc bệnh thống phong, thầy thuốc bảo xông hơi. Đức Phật cho phép dùng hơi để xông. Bấy giờ cần cái ống đồng để xông hơi. Đức Phật cho phép làm cái ống. Vị kia dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy: Không được dùng vật báu để làm. Nên dùng xương, răng, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm hoặc cây để làm. Nếu sợ lửa đốt cháy, bị hở hơi, cho phép dùng thiết để lót. Hoặc sợ ống đồng rơi xuống. Đức Phật cho phép làm cái đãy để đựng. Dùng tay cầm không chặt; Đức Phật cho phép làm cái dây để cột đeo trên vai. Vị kia cần dùng thuốc hoàn. Đức Phật cho phép chế. Nếu tay cầm không bảm đảm thì nên để trong cái đãy của ống đồng để xông. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, thầy thuốc bảo làm thuốc để thoa mụt nhọt. Đức Phật dạy cho phép làm. Mụt nhọt kia bị cương mủ, nên dùng dao mổ ra để thoa thuốc. Từ nay trở đi đức Phật cho phép dùng dao để mổ mụt nhọt. Mụt nhọt bị hôi thúi, nên rửa cho sạch bằng nước rễ cây, cành cây, cộng cây, lá, bông, trái đã nấu sôi; hoặc rửa bằng nước tiểu. Bấy giờ, dùng tay kì rửa, bị đau, nên dùng lông chim để rửa. Nếu nước thuốc bị chảy, nên dùng vật gì ngăn xung quanh. Nếu sợ khô, thì dùng dầu thoa ở trên, lấy cái gì che lại. Nếu mụt bị thúi, thì dùng hương thơm để thoa. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh sốt rét, đức Phật cho phép dùng cái y dày để đắp. Nếu vẫn còn lạnh, nên dùng cái ngọa cụ bằng dạ mền phủ lên trên. Nếu không hết lạnh, thì cho phép một tỳ-kheo cùng nằm. Có vị cẩn thận sợ không dám cùng nằm với tỳ-kheo bệnh. Đức Phật dạy: «Cho phép cùng nằm với tỳ-kheo bệnh.» Bấy giờ, có bạch y bệnh, đến trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo phải chăm sóc bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép. Phương tiện hướng dẫn họ khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Việc gì cần giúp thì giúp cho họ.» Khi người bệnh ấy qua đời. Các tỳ-kheo e ngại không dám chôn, vì đức Thế Tôn có dạy: Không được chôn cất người bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Nên vì tịnh Tăng-già-lam mà chôn cất.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cạo lông ba chỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được cạo lông ba chỗ.» Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng nhau xem lông hậu môn, xem thử lông ai dài lông ai ngắn và đã thoa thuốc gì? Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Không được cùng nhau xem lông hậu môn, và hỏi ai lông dài lông ngắn, cùng đã thoa thuốc gì.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng dầu bơ nhểu vào đường đại tiện. Đức Phật dạy: «Không được nhểu.» Vị kia nhờ người nhểu. Đức Phật dạy: Không được nhờ người nhểu. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo an cư ở phương bắc xong, thân thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy, đến chỗ đức Phật nơi tịnh xá Kỳ-hoàn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo: «Nơi trú xứ của các thầy có được an lạc hay không? có hòa hợp không? Không vì vấn đề khất thực mà vất vả chăng?» Khách tỳ-kheo thưa: «Trú xứ được an lạc; hòa hợp không có tranh cãi. Nước đó không có cháo, nên không nhận được cháo, do đó khí lực bị tiều tụy.» Đức Phật hỏi rằng: «Nước kia thường ăn những thức ăn gì?» Các tỳ-kheo thưa: «Nước kia thường dùng thức ăn bằng bánh.» Đức Phật dạy: «Cho phép ăn bánh.» Lúc bấy giờ, có người mua ngựa ở nước Ba-la-nại đến nước Xá-vệ, muốn làm cho chúng Tăng những bánh, bột đậu,[122] lương khô, hủ đựng bột,[123] đồ lường bột, muối và hủ đựng muối; dấm và bình dấm; thùng gỗ[124], cái thìa, cái vá, ma cao, chén, cúng gối, cúng thức ăn bằng củ, bằng cọng, bằng lá, bằng hoa, bằng trái, bằng dầu, bằng mè, bằng đường cát đen, đồ ăn nghiền nát. Đức Phật dạy: «Tất cả thức ăn trên được thọ nhận.» Các tỳ-kheo ăn như vậy, không biết cháo này thuộc về thức ăn hay chẳng phải thức ăn,[125] được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, túc thực hay chẳng phải túc thực. Phật dạy: «Nếu lấy cộng cỏ vẽ ngang qua mà không có dấu là chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.» Bấy giờ, tỳ-kheo có ý nghĩ: Uống nước nấu cơm là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy: «Nếu không chen lẩn cơm nát mà uống thì chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.» Bấy giờ, các tỳ-kheo có ý nghĩ: Không biết bánh là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, là thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy: «Chẳng phải thức ăn, cho đến chẳng phải túc thực.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo trộn thức ăn với muối cách đêm.[126] Phật dạy: «Không được trộn muối cách đêm với thức ăn để ăn.» Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-li để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu sát đất, chấp tay bạch Phật: «Nên uống thuốc tận hình thọ vào lúc nào?» Đức Phật dạy tôn giả: «Không được dùng tuỳ tiện. Mà chỉ khi nào tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh mới uống thuốc tận hình thọ. CHƯƠNG VIII. Y CA-THI-NA. 1. Năm công đức [877c6] Bấy giờ, Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy có số đồng tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la[1] xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tăng-già-lê quá nặng. Họ đến chỗ đức Thế Tôn tại Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi các tỳ-kheo rằng: «Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp, an lạc không? Khất thực có bị vất vả không? Đi đường có bị mỏi mệt không?» Các tỳ-kheo thưa: «Chúng con trụ chỉ được hòa hợp an lạc. Không khổ sở vì khất thực. «Bạch Đại đức, có số đồng tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tăng-già-lê quá nặng.» Lại có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả. Về đến tịnh xá Kỳ-hoàn, họ đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật an ủi các tỳ-kheo: «Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp an lạc không? Không bị khổ sở vì khất thực chăng?» Trả lời: «Chúng con sống hoà hiệp, an lạc. Không vất vả vì khất thực. «Bạch Đại đức, có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo: «An cư xong, có bốn việc cần phải làm: Tự tứ, giải giới, kết giới, thọ y công đức.[2] Bốn việc này, an cư xong cần phải làm. Có năm nhơn duyên để thọ y công đức: Có y dư,[3] không [878a1] mất y,[4] ăn biệt chúng,[5] lần lượt ăn,[6] trước bữa ăn và sau bữa ăn được vào xóm làng mà không dặn tỳ-kheo khác.[7] Có năm nhơn duyên như vậy nên thọ y công đức. «Thọ y công đức rồi sẽ được năm việc lợi: Được chứa y dư, lìa y ngủ, ăn biệt chúng, lần lượt ăn, trước bữa ăn và sau bữa ăn không dặn tỳ-kheo khác được vào xóm làng. Thọ y công đức rồi sẽ được năm điều lợi như vậy.» 2. Y như pháp Chúng Tăng nên thọ y công đức như vầy: Y mới nhận được, y do đàn-việt cúng, y phấn tảo, y mới, y cũ. Y mới thì thiếp[8] rồi tác tịnh; hoặc đã giặt;[9] giặt xong rồi nạp, sau đó tác tịnh. Y không do tà mạng được, không do xem tướng số mà được, không do móng ý mà được, không để cách đêm, không phải[10] y xả đọa rồi tác tịnh. Phải là y nhận trong ngày. Những trường hợp trên là y đúng pháp. Y năm điều thì mười ô, bốn phía có viền. Y như vậy, Tăng nên thọ dùng làm y công đức. Nếu quá mức này cũng có thể thọ được. Nên tự giặt nhuộm, trương ra, cắt may làm thành mười mảnh, rồi ráp lại thành y. Nên thọ ở trước chúng Tăng, như vậy là Tăng đã thọ y công đức xong. Thế nào gọi là Tăng thọ y công đức không thành? Không phải chỉ giặt rồi là thành thọ y công đức. Không phải chỉ trương ra may. Không phải chỉ viền. Không phải chỉ cắt thành bức. Không phải chỉ viền biên. Không phải chỉ kết cái khuy. Không phải chỉ làm thành lá. Không phải chỉ đặt cái khâu, là thành y công đức. Hoặc do tà mạng mà được y; do siểm khúc được y; do xem tướng số mà được y; do mớm ý được y; hay cách đêm được y; y xả đọa không tác tịnh; không phải y nhận trong ngày. Các trường hợp trên, không đúng pháp thọ y. Y bốn phía không được viền; không thọ trước Tăng; hoặc có nạn; hoặc không có tăng-già-lê; ngay dù Tăng thọ y công đức như pháp mà vị kia ở ngoài giới, tự mình thọ y, như vậy cũng không thành thọ y công đức. Thế nào gọi là thọ y công đức được thành tựu? Hoặc y mới được, y đàn-việt cúng, y phấn tảo, hoặc là y mới, hay y cũ. Y mới thì phải thiếp rồi tác tịnh. Nếu (y cũ) đã giặt, giặt rồi mang tác tịnh. Chẳng phải do tà mạng mà được, chẳng phải do siểm khúc mà được, chẳng phải do xem tướng số mà được, chẳng phải cách đêm, không phải y xả đọa tác tịnh, y nhận được trong ngày. Y năm điều mười khoảng cách, bốn phía có viền, hoặc y quá hơn mức độ đó thọ làm y công đức. Tự mình giặt nhuộm, tự tay trương ra, cắt may thành mười mảnh rồi ráp lại thành y. Cần phải thọ giữa chúng Tăng. Như vậy là chúng Tăng đã thọ y công đức xong. Hoặc y công đức được thọ như pháp như vậy, ở trong giới mà thọ y công đức, như vậy gọi là thành thọ công đức y. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng y lớn nhuộm màu làm y công đức để thọ trước Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng y lớn nhuộm màu làm y công đức.» Vị kia dùng gấm làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng gấm làm.» Vị kia dùng sắc trắng, Phật dạy: «Không được dùng sắc trắng để làm. Từ nay về sau cho phép dùng màu ca-sa.» 3. Thọ y Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y công đức đại quý giá, tỳ-kheo kia không biết nên như thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép tác pháp, bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng thọ y công đức. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thọ y công đức. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi, sai một tỳ-kheo hỏi rằng: «Vị nào có thể thọ trì y công đức này?» Trả lời: «Tôi có thể thọ trì.» Trong chúng nên sai một người có khả năng tác yết-ma tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tăng yết-ma giao y cho tỳ-kheo thọ trì. Văn yết-ma như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng nơi trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng giao y nầy cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo nầy vì Tăng thọ trì y công đức này, ở trong trú xứ này. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng trong trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nay Tăng đem y nầy giao cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo nầy sẽ vì Tăng thọ trì y công đức này, trong trú xứ này. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng giao y này cho tỳ-kheo... thọ làm y công đức, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã đồng ý giao y cho tỳ-kheo... này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo kia nên đứng dậy cầm y đưa đến từng tỳ-kheo một, tùy thuộc vào độ cao thấp của tay các tỳ-kheo vừa sờ đụng y, nói rõ ràng tướng của y và nói tiếp như vầy: «Y này chúng Tăng sẽ thọ làm y công đức. Y này nay chúng Tăng thọ làm y công đức. Y này chúng Tăng đã thọ làm y công đức rồi.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Các tỳ-kheo kia nên nói như vầy: «Người thọ y này đã thiện thọ. Công đức trong đây có phần của tôi.» Vị tỳ-kheo kia nên trả lời: «Vâng.» Lúc bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn rằng: «Ba câu[11] này là vì đời quá khứ, hay vì đời vị lai, hay vì đời hiện tại để thọ y công đức hay chăng?» Đức Phật dạy Tôn giả Ưu-ba-ly: «Nếu nói đầy đủ, nên nói chín câu[12] như vậy, chứ không phải vì quá khứ thọ y công đức mà nói ba câu. Cũng không phải vì vị lai thọ y công đức mà nói ba câu hay vì hiện tại thọ y công đức mà nói ba câu. Tại sao vậy? Này, Ưu-ba-ly, quá khứ đã qua rồi, vị lai chưa đến. Cho nên, vì hiện tại thọ y công đức nên nói ba câu mà thôi.» Nếu nhận được y chưa may thành thì chúng Tăng nên tác yết-ma sai tỳ-kheo may. May thành y xong nên như pháp thọ liền. Nhóm sáu tỳ-kheo xuân-hạ-đông, lúc nào cũng thọ y công đức. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được xuân, hạ, đông lúc nào cũng thọ y công đức. Từ nay về sau cho phép tự tứ xong, không thọ y công đức thì một tháng, có thọ y công đức thì năm tháng.» [13] 4. Xuất y Nhóm sáu tỳ-kheo không chịu xuất y công đức vì nghĩ rằng, để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Không được có ý nghĩ như vầy: để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn mà không xuất y công đức. Từ nay về sau, cho phép hết bốn tháng mùa đông, Tăng phải xuất y công đức.» Nên xuất y công đức như vầy: Tập Tăng hòa hợp, người chưa thọ đại giới đã ra; người không đến thuyết dục. Tăng nay hợp để làm gì? Trả lời rằng: Xuất y công đức. Tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng xuất y công đức, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng hòa hợp xuất y công đức. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy để xuất y công đức. Nếu không xuất, để quá thời gian đã định của y công đức, phạm đột-kiết-la. Có tám nhơn duyên để xả y công đức:[14] Ra đi, y thành, y chưa thành, mất y, mất hy vọng, nghe xả, xuất giới, đồng xả. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới [879a1] với ý nghĩ đi luôn không trở lại. Ra đi, liền mất y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới may y. Vị kia may y xong, liền mất y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ: Không may y cũng không trở lại trú xứ. Chưa xong[15] là xả y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y đã xong. Khi tỳ-kheo mất y ấy, y công đức cũng mất. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với hy vọng được y. Tỳ-kheo kia ra ngoài giới, đến chỗ hy vọng được y. Tỳ-kheo thấy chỗ đó rồi, mà không được y. Hy vọng bị mất, không có chỗ nào để đặt hy vọng nữa. Hy vọng ấy đã bị mất, mất luôn y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y. May y rồi, nghe tin chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia khi vừa nghe, khi ấy mất y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y xong. Nhiều lần có ý nghĩ là trở về. Khi còn ở ngoài giới, chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia ở ngoài giới mất y công đức. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ở ngoài giới may y. Y kia dù may xong hay may chưa xong, trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo kia hòa hợp cùng xuất y công đức. Đó là tám trường hợp xả y công đức. Lại có sáu nhơn duyên: Tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ không trở lại. Ra đi tuy chưa được y, nhưng vẫn mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng). Lại có sáu nhơn duyên: Tỳ-kheo thọ y công đức rồi, mang y ra ngoài giới để may y. Khi ngoài giới may y xong, liền mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng). Chưa được y lại có mười lăm vế. (Kế đó, đã được y, cũng có mười lăm vế). Được y, chưa được y, cũng có mười lăm vế. (Trường hợp này lẫn lộn với tám điều trên nên không chép ra). Lại có mười hai nhơn duyên. Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng cầu y, đạt được chỗ hy vọng cầu y. Ở ngoài giới may y, may y xong mất y công đức (vế ‹may chưa xong› cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên). Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng được y, không nói với người sẽ trở lại. Ra ngoài giới đến chỗ hy vọng y, mà không được y hy vọng, lại được y chẳng phải chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên). Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, không nói với người sẽ trở lại, cũng không có ý trở lại. Ở ngoài giới đến chỗ hy vọng y, được y chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May không thành cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên). Lại có mười hai nhơn duyên: Đặng y chỗ hy vọng, không đặng y chỗ hy vọng, đồng như mười hai nhơn duyên trên. Lại có chín nhơn duyên: Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, chưa đặng y. Ở ngoài giới, các tỳ-kheo khác hỏi: ‹Thầy ngủ ở đâu? Y thầy ở đâu? Sao không mang đến tôi sẽ may y cho thầy?› Tỳ-kheo kia trở về đến trú xứ, nghe chúng Tăng xuất y công đức. Ông nghĩ như vầy: ‹Nay Tăng xuất y công đức mà ta mới may y.› May y xong mất y công đức. (Không may y cũng như vậy; mất y cũng như vậy. Đây là ở trong giới nghe, có ba vế. Mang y ra ngoài giới, trên đường đi mà nghe, ba vế cũng như vậy. Mang y đến chỗ tỳ-kheo kia, ba vế cũng như vậy. Đây là chín nhơn duyên. Kế đó, chín vế được y cũng như vậy. Được y không được y đều có chín nhơn duyên cũng như vậy). Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới, đến địa phương khác, vị ấy nghĩ rằng: Nếu gặp được bạn lành thì sẽ đi, không gặp được bạn lành thì sẽ trở về. Đến giữa đường nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nghĩ rằng ta đang may y. May y xong, vị kia mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế). Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, muốn đến chỗ vắng vẻ thanh tịnh; nếu thích thì vị kia sẽ ở, không thích thì về lại. Tỳ-kheo kia đến chỗ đó, nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nói rằng ta đang may y, may y xong, tức xả y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế). Có hai loại xả y công đức, tỳ-kheo trì y công đức ra ngoài giới ngủ, chúng Tăng hòa hợp cùng xả. CHƯƠNG IX. CÂU-THIỂM-DI 1. Tránh sự phát khởi [879b24] Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di.[1] Bấy giờ có tỳ-kheo phạm giới. Trong chúng, có vị nói phạm; có vị nói không phạm. Trong số tỳ-kheo thấy phạm nói với tỳ-kheo không thấy phạm rằng: «Tỳ-kheo này thực sự có phạm chứ không phải là không phạm.» Vị tỳ-kheo không thấy có tội kia hiểu, liền nói: «Tỳ-kheo này thật sự phạm giới, chứ chẳng phải là không phạm.» Sau đó, cùng hoà hiệp, tác pháp cử tội.[2] Tỳ-kheo phạm tội nói: «Tôi không phạm. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.» Tỳ-kheo này[3] bèn đi vào nhân gian tìm bạn đảng; nói với các tỳ-kheo khác rằng: «Tôi không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội. Yết-ma đối với tôi không thành tựu.» Tỳ-kheo kia thấy như vầy: «Tỳ-kheo này không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.» Tỳ-kheo phạm tội liền dẫn các tỳ-kheo tùy cử[4] là bộ đảng của mình, đến chỗ tỳ-kheo mà trước kia nói là không thấy phạm, nói rằng: «Nầy trưởng lão! Tỳ-kheo này không phạm giới, không thành cử, phi pháp cử tội kẻ khác, yết-ma không thành.» Tỳ-kheo này[5] trở lại thấy không phạm nên nói: «Vị kia không phạm tội, không thành cử tội, phi pháp cử tội yết-ma không thành.» Vị bị cử kia cùng tỳ-kheo tùy cử, bèn yết-ma thuyết giới tách riêng[6] các tỳ-kheo thấy tội. 2. Biệt bộ yết-ma Bấy giờ tỳ-kheo cử tội đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng: «Tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử yết-ma cùng với chúng con đã thành yết-ma thuyết giới biệt bộ.» Đức Phật dạy: «Đây là những kẻ ngu si phá Tăng. Nếu những vị kia yết-ma thuyết giới như lời ta dạy thì yết-ma thành tựu, không phạm.[7] Nếu các thầy cũng yết-ma thuyết giới như lời ta dạy thì cũng thành tựu, không phạm. Tại sao vậy? Vì có hai trú xứ bất đồng: Tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng, hoặc chúng Tăng cho tác thành trú xứ bất đồng.» Thế nào gọi là tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng? Nếu tỳ-kheo phá Tăng kia đi ra ngoài tìm cầu bạn đảng. Như vậy, tỳ-kheo tự tác thành trú xứ bất đồng. Thế nào gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng? Tăng tác pháp yết-ma không thấy phạm, yết-ma không sám hối, yết-ma không bỏ ác kiến.[8] Như vậy gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng. Đây là hai trú xứ bất đồng. Có hai đồng trú xứ: Tỳ-kheo tự tác thành đồng trú xứ, hoặc Tăng tác thành cho đồng trú xứ. Thế nào gọi là tự tác thành đồng trú xứ? Tỳ-kheo phá Tăng này cùng với bộ đảng của mình đi tìm cầu bộ đảng tốt bên ngoài. Như vậy là tỳ-kheo tự tạo sự chung sống.[9] Thế nào là Tăng tác thành cho đồng trú xứ? Chúng Tăng hòa hợp, trước kia tác pháp yết-ma bất kiến phạm, yết-ma bất sám, yết-ma bất xả ác kiến; nay Tăng hòa hợp giải các yết-ma đó. Như vậy gọi là Tăng tác thành cho đồng trú xứ. Đó là hai đồng trú xứ. Tỳ-kheo bị cử kia và tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử nầy, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Bạch Đại đức Thế Tôn, tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử nầy, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở [880a1] đoản của nhau. Chúng con phải làm thế nào?» Đức Phật dạy: «Cho phép, khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, hãy nên cùng ngồi tại một chỗ như vậy, sao cho thân và miệng không phát sinh sự xấu ác.[10] Khi Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, hãy ngồi xen kẽ từng người một.»[11] 3. Hoà giải Rồi thì, đức Thế Tôn đến chỗ tỳ-kheo bị cử, nói như vầy: «Các ngươi chớ nên phạm tội mà nói là không phạm, không sám hối. Tại sao vậy? Nếu tỳ-kheo phạm tội; các Tỳ-kheo khác nói, ‹Trưởng lão phạm tội, có tự thấy hay không?› Đáp rằng không thấy. Nhưng tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di,[12] có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo phạm tội kia liền nghĩ rằng, ‹Tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Nay, nếu ta không thấy tội, tỳ-kheo kia liền vì ta tác pháp yết-ma bất kiến tội, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Hoặc tỳ-kheo kia tác pháp cử tội ta: yết-ma bất kiến, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Tỳ-kheo kia lại không cùng ta yết-ma thuyết giới, không cùng ta tự tứ, đồng ở một nhà, đồng trú một chỗ, ngồi một giường, một phản, trước bữa ăn sau bữa ăn cũng không cung kính lễ bái, chấp tay tiếp đón nhau theo tuổi lớn nhỏ. Hay tỳ-kheo kia không cùng ta đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới... cho đến không chấp tay tiếp đón nhau.[13] Như thế thì trong Tăng sẽ phát sinh sự đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Như vây, Tăng sẽ bị vỡ, khiến cho Tăng bị bôi bẩn, khiến cho Tăng sống chia rẽ.› «Nếu tỳ-kheo thấy sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì nên theo lời người kia mà nói rằng ‹Tôi có tội.› Hãy nên như pháp sám hối. «Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.» Đức Thế Tôn sau khi khuyên bảo tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử như vậy rồi, liền đến chỗ tỳ-kheo tác cử kia, nói rằng: «Các ngươi chớ nên thường xuyên cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Trong khi tỳ-kheo phạm sự được tỳ-kheo kia hỏi, ‹Trưởng lão có tự thấy phạm tội hay không?› Vị kia nói không thấy. Nhưng tỳ-kheo kia, nếu đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, nhiều bạn bè thuộc tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‹Tỳ-kheo ấy đa văn, biết A hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Nếu vị kia nói không thấy tội, nay chúng ta yết-ma tác cử vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến. Nếu chúng ta tác pháp yết-ma vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến; chúng ta không cho vị kia cùng một yết-ma thuyết giới, không cùng tự tứ cho đến, không chấp tay tiếp đón, chúng ta không cùng một yết-ma thuyết giới, cho đến không chấp tay tiếp đón; thế thì trong Tăng sẽ có sự đấu tranh, mạ nhục, phỉ báng lẫn nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng sống chia rẽ.› «Nếu tỳ-kheo coi sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì không được cử tội Tỳ-kheo kia. «Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.» 4. Trường Sanh Vương Thế Tôn, sau khi nói với tỳ-kheo kia rồi, khi đêm đã qua, tảng sáng, khoác y, bưng bát, vào Câu-thiểm-di khất thực. Sau đó, về lại trong Tăng-già-lam, dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng: Thuở quá khứ xa xưa vua Phạm Thí[14] nước Già-xa[15] có oán thù với tổ phụ vua Trường Sanh[16] nước Câu-tát-la. Vua Phạm Thí có binh chúng oai lực dũng mãnh, tài bảo lại nhiều. Oai lực binh chúng của vua Trường Sanh không bằng, của báu lại ít. Sau một thời gian, Vua Phạm Thí cử bốn bộ binh kéo đến nước Câu-tát-la chinh phạt Vua Trường Sanh, đoạt cả quốc độ, binh chúng cùng kho tàng trân bảo. Vua Trường Sanh cùng đệ nhất phu nhơn tẩu thoát đến nước Ba-la-nại, giả làm người bà-la-môn bện tóc. Cả hai ở trong nhà người thợ đồ gốm. Sau đó một thời gian, đệ nhất phu nhơn của Vua Trường Sanh phát khởi tâm niệm: ‹Ta muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Ta muốn uống nước rửa đao kiếm.› Phu nhơn nghĩ xong, liền đến chỗ nhà vua nói: «Vua có biết không? Vừa rồi thiếp có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Tôi muốn uống nước rửa đao kiếm.» Nhà vua nói: «Khanh làm sao có được ước nguyện đó! Vua Phạm Thí, có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!» Phu nhơn nói: «Nếu không được mãn nguyện, thiếp sẽ chết.» Bấy giờ, vua Phạm Thí có một vị đại thần tự là Phú-lô-hê-xỉ,[17] là bạn của vua Trường Sanh. Vua Trường Sanh nói với vợ rằng: «Ta cần phải nói với người bạn ta biết việc này.» Rồi vua Trường Sanh liền đến chỗ Phú-lô-hê-xỉ nói như vầy: «Nầy, ông bạn có biết không? Đệ nhất phu nhân của ta có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và muốn uống nước rửa đao kiếm. Nghĩ xong liền đến nói với tôi sự việc như vậy. Tôi nói với vợ tôi rằng: ‹Khanh làm sao có được ước nguyện đó! Vua Phạm Thí, có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!› Vợ ta liền nói: ‹Nếu không được toại ngyện thì thần thiếp sẽ chết.› Ta liền nói rằng: ‹Ta cần phải nói cho bạn ta biết nhân duyên này.› » Phú-lô-hê-xỉ nói: «Hãy chờ một chút, để tôi xem trong bụng của phu nhân đã.» Phú-lô-hê-xỉ đến xem trong bụng của đệ nhất phu nhân vua Trường Sanh xong, liền để trống vai bên hữu, quỳ thẳng gối, chấp tay ba lần xưng nói: «Vua của nước Câu-tát-la hiện đang ở trong bụng.» Rồi ông nói với phu nhân: ‹Phu nhân sẽ được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và sẽ uống nước rửa đao kiếm, tại chỗ đó.›» Bấy giờ, Phú-lô-hê-xỉ đến chỗ vua Phạm Thí tâu như vầy: «Vua biết chăng? Khi có vì tinh tú như vậy xuất hiện, thì cần phải vào buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, cho bốn bộ thao diễn tại ngã tư đường, và rửa đao kiếm.» Phú-lô-hê-xỉ: «Nay chính là lúc thích hợp.» Bấy giờ, Phú-lô-hê-xỉ liền tập hợp bốn bộ binh tại ngã tư đường thao diễn, rồi rửa đao kiếm. Khi ấy, phu nhân của vua Trường Sanh được nhìn thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và bà được uống nước rửa đao kiếm. Sau đó, thai đủ tháng, phu nhân hạ sanh một nam nhi, tướng mạo đoan chánh, liền được đặt tên là Trường[18]. Khi khôn lớn, Vua Trường Sanh rất yêu mến. Bấy giờ, vua Phạm Thí nghe vua Trường Sanh nước Câu-tát-la cùng đệ nhất phu nhân trốn thoát làm bà-la-môn bện tóc ở tại nhà người thợ đồ gốm, liền ra lệnh người hầu cận rằng: «Ngươi đến nơi nhà người thợ gốm [881a1] bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói cho kỹ dẫn về đây. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dẫn ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần; bêu trên đầu cây nhọn.» Bấy giờ, vua Trường Sanh khi nghe vua Phạm Thí ra lệnh như vậy, liền kêu người con trai dặn dò rằng: «Này Trường con, nay con có biết không? Vua Phạm Thí nước Già-xa, là oán cừu của Tổ phụ cha, đã chiếm đoạt tất cả quốc độ, binh chúng, cùng tài sản của ta và nay ra lệnh người hầu cận giết bố mẹ con. Con nên trốt thoát, đừng để vua Phạm Thí giết.» Vương tử Trường trốn thoát. Vua Phạm Thí sai người đến bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói kỹ. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dân chúng tụ tập rất đông. Lúc ấy, con của vua Trường Sanh cải trang đi theo sau cha mẹ mình khóc kể, nước mắt chảy ròng rã. Vua Trường Sanh xoay lại thấy con mình liền nói như vầy: «Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.» Nhà vua nói như vậy ba lần. Khi ấy dân chúng nghĩ rằng: «Vua nước Câu-tát-la tâm cuồng điên loạn. Hôm nay mới dạy Trường Ma-nạp. Nay đây ai là Trường Ma-nạp?» Đám đông cùng nói như vậy ba lần. Rồi thì, Vua Phạm Thí sai người dẫn Vua Trường Sanh đi ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần, bêu lên đầu cây nhọn. Bấy giờ, con vua Trường Sanh là Trường từ đó trở lại trong thành Ba-la-nại, học các kỹ thuật, học kinh thơ, học xem tướng, tinh tú, học bói toán, học vẽ hình tượng, âm nhạc, hý kịch, xuất sắc nhất trong số học chúng. Lúc bấy giờ, ở chỗ của kỹ nữ vua Phạm Thí cách đó không xa có một người huấn luyện voi. Vương tử Trường đến nơi tượng sư xin được học. Tượng sư chấp thuận. Một thời, Trường Ma-nạp, vào lúc quá nửa đêm, gảy đàn và ca vũ, tấu lên âm thanh tuyệt diệu. Trong đêm đó vua Phạm Thí sau khi nghe tiếng đàn cầm ca vũ du dương, liền hỏi người hầu cận: «Quá nửa đêm rồi, ai là người gảy tiếng đàn cầm và ca vũ với âm thanh tuyệt diệu như thế?» Người hầu cận thưa: «Tâu Đại vương, cách chỗ ở kỹ nữ của Vua không xa, có một người huấn luyện voi đang ở. Người học trò của ông tên là Trường Ma-nạp, thường quá nửa đêm khảy đàn cầm ca vũ với âm thanh du dương đó.» Vua nghe rồi liền bảo, «Gọi đến đây. Ta muốn gặp.» Người hầu cận vâng lệnh đi gọi đến. Ma-nạp đến, đảnh lễ sát chân Vua rồi đứng qua một bên. Vua hỏi: «Có thật vào lúc quá nửa đêm, ngươi khảy đàn và ca hát với âm thanh vi điệu đó hay chăng?» Ma-nạp thưa: «Đúng như vậy.» Nhà vua nói: «Nay trước mặt ta, ngươi hãy khảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó.» Ngay trước mặt nhà vua Ma-nạp liền khảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó. Nhà vua nghe xong, rất hoan hỷ, nói: «Ngươi ở lại đây. Ta sẽ nuôi ngươi.» Ma-nạp tâu: «Vâng.» Lúc bấy giờ, nơi nhà ở của đệ nhất phu nhân vua Phạm Thí không ai được vào, chỉ có phu nhân của vua và Ma-nạp Trường mà thôi. Sau đó một thời gian, ngọc ma ni của phu nhân bị mất. Phu nhân đến chỗ Vua thưa rằng: «Bệ hạ biết không? Ngọc ma ni của thần thiếp đã bị mất rồi.» Nhà vua hỏi: «Có ai vào nhà hay không?» «Không có ai vào cả. Chỉ có Vua và thần thiếp cùng Ma-nạp Trường mà thôi.» Vua liền kêu Trường Ma-nạp hỏi: «Đệ nhất phu nhân của ta bị mất viên ngọc ma ni, ngươi có lấy không?» Ma-nạp liền nghĩ: «Nhà của phu nhân Vua ở không ai được vào. Chỉ có Phu nhân và ta. Nếu ta nói không lấy thì nhà vua sẽ trị tội ta. Từ nhỏ tới lớn ta đã quen sống sung sướng, không thể chịu khổ hình được.» Ma-nạp liền thưa vua rằng: «Con lấy.» Nhà vua hỏi cùng với ai lấy? Thưa rằng: «Cùng với Thái tử của vua lấy.» Nhà Vua lại hỏi: «Cùng với ai lấy nữa.» Tâu rằng: «Cùng với đại thần có trí tuệ bậc nhất của Vua Lấy.» Nhà vua hỏi: «Cùng với ai lấy nữa?» Thưa rằng: «Cùng với đại trưởng giả bậc nhất lấy.» Vua hỏi: «Cùng với ai lấy nữa?» Thưa rằng: «Cùng với đệ nhất dâm nữ.» Nhà vua liền bắt Ma-nạp, thái tử, đại thần, trưởng giả, đệ nhất dâm nữ trói lại. Bấy giờ, thái tử nhà vua hỏi Trường Ma-nạp: «Nhà ngươi biết thật sự ta không lấy viên ngọc. Nhưng tại sao nhà ngươi vu oan cho ta lấy? » Trường Ma-nạp trả lời: «Thật sự thái tử không lấy mà tôi cũng không lấy. Nhưng Thái tử là người được nhà Vua yêu trọng nhất, chắc chắn không vì viên ngọc mà nhà Vua đoạn mạng thái tử, do đó tôi khai.» Vị đại thần có trí tuệ bậc nhất hỏi Trường Ma-nạp rằng: «Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?» Trường Ma-nạp nói: «Thật sự ông không lấy, tôi cũng không lấy. Nhưng ông là vị đại thần có trí tuệ. Ông có thể tìm được viên ngọc, do đó tôi khai ông.» Đại trưởng giả nói với Trường Ma-nạp rằng: «Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?» Trường Ma-nạp nói: «Ông thật sự không lấy. Thật sự tôi cũng không lấy. Nhưng ông là đại trưởng giả trong nước này. Ông là một nhà đại phú tài bảo vô số. Nếu vua cần viên ngọc thì ông có thể bồi thường được, do đó tôi khai cho ông.» Đệ nhất dâm nữ nói với Trường Ma-nạp rằng: «Ông biết tôi không lấy viên ngọc, tại sao khai oan cho tôi?» Trường Ma-nạp nói: «Thật sự cô không lấy mà tôi cũng không lấy viên ngọc. Nhưng cô là đệ nhất dâm nữ, có nhiều người để ý cô nhưng chưa đạt được cô. Do đó thế nào họ cũng tìm cho được ngọc. Cho nên tôi khai cho cô.» Bấy giờ, Bạch Tặc ở nước Ba-la-nại, nghe đệ nhất Phu nhân của nhà vua bị mất viên ngọc, nhà Vua bắt trói Trường Ma-nạp, thái tử, đại thần, đại trưởng giả, dâm nữ nên liền đến chỗ Trường Ma-nạp hỏi rằng: «Thật sự phu nhân Nhà vua bị mất viên ngọc không?» Ma-nạp nói: «Thật sự có mất.» Bạch Tặc hỏi: «Có ai vào nhà của phu nhân không?» Ma-nạp nói: «Chỉ có phu nhân của vua và tôi mà thôi.» Bạch Tặc hỏi: «Vậy có ai đang đi trong đó?» Ma-nạp nói: «Con khỉ cái đi trong đó.» Bạch Tặc nói với Trường Ma-nạp rằng: «Như vậy viên ngọc có thể tìm được.» Bấy giờ, Bạch Tặc liền đến chỗ Vua Phạm Thí tâu rằng: «Vua biết không? Nay viên ngọc có thể tìm được. Vua hãy cho mang ra các thứ anh lạc trang sức của các nữ nhơn.» Vua liền ra lệnh đem tất cả những đồ trang sức anh lạc ra, và tập trung những con khỉ cái lại, mang cho chúng các anh lạc, để chúng ở trong cung. Lúc ấy, con khỉ cái trước kia ở trong nhà phu nhân, thấy những con khỉ cái kia mang anh lạc. Nó cũng liền lấy viên ngọc đã lấy trộm của phu nhân đem ra tự trang sức cho mình. Bấy giờ Bạch Tặc liền bao vây xung quanh và bắt con khỉ cái tâu với Vua rằng: «Vua nay có biết không? Tôi đã lấy lại được viên ngọc ma ni rồi.» Khi ấy, Vua Phạm Thí liền kêu Trường Ma-nạp đến hỏi rằng: «Ngươi không lấy ngọc châu; tại sao nhận là có lấy?» Ma-nạp liền thưa: «Vì con nghĩ như vầy: Phòng của Phu nhân ở không ai được vào. Chỉ có Phu nhân và con mà thôi. Nếu con nói không lấy, thì sợ Vua trị tội, tra tấn, làm con đau khổ. Nhưng con thì không thể chịu được đau khổ, nên con nói có lấy.» «Tại sao ngươi lại khai cho thái tử?» «Con nghĩ rằng, thái tử rất được vua yêu quí, không lẽ vì hạt châu mà nhà vua đọan mạng thát tử. Nên con khai cho thái tử.» «Tại sao ngươi khai cho đại thần?» «Con khai cho vị đại thần vì con nghĩ: Vị đại thần có nhiều trí tuệ, có khả năng tạo phương tiện tìm lại được viên ngọc. Cho nên con khai cho vị đại thần.» «Tại sao ngươi lại khai cho đại trưởng giả?» «Đại trưởng giả là người đại phú gia, nhiều của cải châu báu, có thể bồi hoàn lại viên ngọc cho Vua. Nên con khai cho đại trưởng giả.» «Tại sao ngươi lại khai cho dâm nữ?» «Con nghĩ như sau nên khai cho dâm nữ: Người trong nước cũng như các nơi nhiều kẻ để tâm cô ta, nhưng chưa đạt được cô ta. Họ có thể vì dâm nữ mà tìm được viên ngọc. Nên con khai cho đệ nhất dâm nữ.» Nhà Vua nói: «Chưa từng có người nào nhiều trí tuệ như Trường Ma-nạp.» Vua liền dùng Trường Ma-nạp để làm tất cả các nơi quan trọng. Sau đó một thời gian, vua Phạm Thí nghiêm giá bốn bộ binh để đi săn bắn. Bấy giờ Vua cũng như bốn bộ binh [882a1] đều ham mê đuổi theo những con nai, gặp lúc trời nóng bức nên mỏi mệt. Trường Ma-nạp liền hướng dẫn xe Vua đến chỗ khuất kín để nghĩ ngơi. Vua xuống xe, vào dưới bóng mát của xe, gối đầu trên đầu gối của Trường Ma-nạp ngủ. Bấy giờ, Trường Ma-nạp nghĩ như vầy: «Nhà Vua này là oán cừu của ông nội của cha ta, đã phá hoại quốc độ ta, đã đoạt bốn bộ binh chúng của ông nội của cha ta, cùng kho tàng bảo vật tất cả đều thu hết; đã giết cha mẹ ta, đã tàn sát giòng họ Vua Câu-tát-la.» Nghĩ đến mối thù xưa, Trường Ma-nạp liền rút gươm muốn chém đầu nhà Vua. Nhưng lại nghĩ đến lời dạy của cha: «Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.» Bèn bỏ gươm vào bao trở lại. Bấy giờ, Vua Phạm Thí kinh sợ, tỉnh dậy. Trường Ma-nạp hỏi: «Sao Vua thức dậy?» Nhà Vua nói: «Vua nước Câu-tát-la có người con tên là Trường Ma-nạp rút gươm muốn chém ta.» Ma-nạp thưa Vua rằng: «Nay đây, chỗ nào có Trường Ma-nạp, con của vua Trường Sanh? Chỉ có Nhà Vua và con mà thôi. Xin Ngài cứ yên tâm nghĩ.» Nhà Vua ngủ lần thứ hai, lại cũng như vậy. Cho đến ngủ lần thứ ba, Trường Ma-nạp cũng suy nghĩ như trước, lại rút gươm ra. Vua liền kinh sợ thức dậy. Bấy giờ Trường Ma-nạp liền nắm đầu Vua. Vua hỏi: «Ngươi muốn giết ta sao?» Trường Ma-nạp trả lời: «Vâng.» Nhà Vua hỏi: «Vì lí do gì?» Trường Ma-nạp trả lời: «Tôi là Trường Ma-nạp, con của Vua Trường Sanh. Vua có oán cừu với ông nội của cha tôi. Vua đã phá tan quốc độ của tôi, đã chiếm đoạt hết tất cả binh chúng kho tàng bảo vật; đã giết cha mẹ tôi, đã tàn sát giòng họ Vua Câu-tát-la. Nghĩ đến cừu oán này cho nên tôi muốn giết Vua!» Vua Phạm Thí liền nói: «Nay ta sẽ trả lại binh chúng, quốc độ cùng tất cả trân bảo của cụ cố của ông. Ông đừng giết tôi!» Trường Ma-nạp nói: «Tôi sẽ để mạng sống cho nhà Vua. Nhà Vua cũng đừng giết tôi.» Vua Phạm Thí trả lời: «Ta sẽ tha mạng sống cho nhà ngươi.» Bấy giờ, hai bên đồng xóa hết oán cừu tổ phụ, cùng nhau hòa hợp như cha với con, cùng đi một xe trở về nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Vua Phạm Thí tập hợp các đại thần và bảo như vầy: «Nếu bắt gặp Trường Ma-nạp con Vua Trường Sanh thì giải quyết như thế nào?» Có người nói phải xử trị thế này; có người nói phải dùng dao giết nó; có người nói phải dùng xe nghiền nát nó; có người nói phải treo đầu nó lên; có người nói phải đốt nó như cây đuốc; có người nói phải lấy dầu nấu nó; có người nói phải chẻ thân nó ra; có người nói phải dùng móc câu câu vào thịt của nó; có người nói phải lấy mật nấu nó; có người nói phải trói nó quăng trong lửa; có người nói phải lấy vải quấn nói rồi đốt; có người nói phải chặt tay, chặt chân, xẻo mũi, xẻo tai nó; có người nói phải xâu nó rồi bêu nó trên đầu cây nhọn; có người nói phải chặt đầu nó. Nhà Vua liền chỉ cho các vị đại thần mà nói: «Người này là con Vua Trường Sanh tên là Trường Ma-nạp. Từ nay về sau tất cả mọi người không được bàn luận đến việc đó nữa. Tại sao vậy? Vì người này đã cho ta mạng sống và ta cũng đã cho người này mạng sống.» Bấy giờ, Nhà Vua công bố hoàn trả lại tất cả binh chúng và quốc độ cũng như kho tàng trân bảo của Vua Trường Sanh lại cho Trường Ma-nạp, và sửa soạn trang sức con để gã cho Trường Ma-nạp. «Nầy các tỳ-kheo! Trường Ma-nạp kia, vốn là kẻ chấp nhận gươm đao,[19] có oán cừu của tổ phụ của cha, mà còn trở lại hòa hợp như cha với con. Huống chi các người đã xuất gia làm đạo, đồng học một thầy, như sữa hòa với nước thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc. «Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.» Trong khi đức Phật dạy như thế, các tỳ-kheo bạch Phật rằng: «Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã phải hai ba lần ngăn chận các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, đừng cùng nhau đấu tranh, mạ nhục phỉ báng lẫn nhau, moi móc tội lỗi nhau, mà nên hòa hợp chung sống, đồng một thầy học, như nước hòa với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc. Tỳ-kheo kia lại nói với đức Thế Tôn như vầy: «Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.» Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di nói bài kệ: Đám đông dậy tiếng xấu, Chẳng cần pháp Thượng tôn[20] Khi phá vỡ Chúng Tăng, Còn biết lẽ gì khác?[21] Chẻ xương, hại sanh mạng, Cướp bò, ngựa, tài bảo; Đất nước loạn, đấu tranh, Còn trở lại hòa hợp. Các ngươi đáng lẽ không Bao giờ nhục mạ nhau. Nếu có sự như thế, Oán kia không thể trừ. Đối các mạ lỵ ác, Không bao giờ đáp trả. Người hay im lặng nhẫn, Oán kia tự nhiên hết. Lấy oán trừ oán cừu; Oán cừu không hết được. Không oán, oán tự tiêu. Pháp kia vui dõng mãnh.[22] Không bảo người khác làm, Chính mình cũng không làm. Người thật hành như vậy, Như mưa dập bụi trần. Không thật, nói chắc thật; Chắc thật, nói không thật. Nó không rõ cái thật, Rơi vào ức niệm tà. Chắc thật, biết chắc thật. Không thật, biết không thật. Ai hiểu pháp chắc thật, Vào trong chỗ chánh niệm.[23] Cũng như người cầm tên Cầm lỏng, hại tay mình. Sa-môn không khôn khéo, Tăng thêm số địa ngục. Người biết khéo cầm tên, Cầm chặt, không hại tay. Sa-môn biết khôn khéo, Liền được sanh đường lành. Tuy mặc áo cà-sa, Ôm chặt các kết sử, Không thể trừ oán hại, Không xứng mặc cà-sa. Kết sử đã trừ diệt, Tự trang nghiêm bằng giới, Chế ngự các oán cừu, Người ấy xứng cà-sa. Tìm kiếm bạn khắp nơi, Không có người hợp ý; Thà một mình bền lòng, Không đồng hành kẻ ngu. Nếu khắp nơi tìm bạn, Không được người như mình; Thà một mình làm lành, Không bạn kẻ ngu ác. Độc hành, không làm ác; Như voi rừng núi cao. Nếu tìm được bạn lành, Cùng chung sống, dũng mãnh.[24] Đi, ở, giữa các chúng, Tâm họ thường hoan hỷ. Nếu không có bạn lành, Độc hành, thường dũng mãnh; Xa lánh nơi đô hội, Vô sự như voi rừng. Lúc bấy giờ, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di [883a1] trở về nước Xá-vệ.[25] Bấy giờ, các vị ưu-bà-tắc ở Câu-thểm-di nghe nói, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di trở về nước Xá-vệ. Bấy giờ, các ưu-bà-tắc cùng nhau tự lập ra quy chế: «Tất cả chúng ta, khi gặp các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, không được đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, nói năng và cúng dường y phục ẩm thực, thuốc men chữa bệnh.» 5. Tăng hoà hợp Các tỳ-kheo kia giống như người bị cử tội, nên tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn ngoại đạo đều tránh xa không giao tiếp. Các tỳ-kheo đấu tranh kia, do vậy không có sự lợi dưỡng nên nghĩ như vầy: «Chúng ta cần phải đến chỗ đức Thế Tôn để chấm dứt việc đấu tranh này.» Họ liền đến nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nghe các tỳ-kheo đấu tranh nơi Câu-thiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thểm-di đến nước Xá-vệ. Tôn giả liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, cùng nhau đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, miệng tuôn ra những lời như gươm như đao. Nay họ từ Câu-thiểm-di đến nước Xá-vệ, chúng con nên làm thế nào?» Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: «Hãy cho phép hai bộ nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì nên chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, cùng làm người bạn.» Tôn giả Xá-lợi-phất lại bạch Phật: «Làm thế nào để biết tỳ-kheo kia nói đúng pháp hay phi pháp?» Đức Phật bảo Xá-lợi-phất: «Có mười tám sự việc khiến Tăng bị vỡ: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, phạm, không phạm, nhẹ, nặng, hữu dư, vô dư, thô ác, không thô ác, nên làm, không nên làm, chế, không chế, thuyết, không thuyết.»[26] Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: «Ông nên xem xét việc này thời sẽ biết lời nói của tỳ-kheo kia là như pháp hay phi pháp.» Tôn giả lại bạch Phật rằng: «Phân phối phòng xá ngọa cụ cho các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di như thế nào?» Đức Phật dạy: «Nên cho họ phòng xá ngọa cụ ở chỗ khuất kín[27]. Nếu không có chỗ khuất kín thì hãy lập ra chỗ khuất kín cho họ, cũng như cách thức phân phối ngọa cụ cho chúng Tăng.» Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: «Chia y vật của chúng Tăng cho tỳ-kheo Câu-thiểm-di như thế nao?» Đức Phật dạy: «Tùy theo thứ bậc mà chia.»[28] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: «Đối với tỳ-kheo Câu-thiểm-di, nên sắp xếp chỗ ngồi như thế nào để chia cháo trong bữa tiểu thực?» Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: «Trước kia Ta há đã không nói điều này? Khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, ngồi sao cho không phát sanh sự dữ của thân và miệng. Chúng Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, sự việc đã chấm dứt, nên ngồi chỗ ngồi cách khoảng một người.»[29] Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nghe các tỳ-kheo đấu tranh nơi Câu-thiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thiểm-Di đến nước Xá-vệ, liền cùng với năm trăm tỳ-kheo-ni đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng: «Đại đức Thế Tôn, tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di này cùng nhau đấu tranh, cùng nhau mạ nhục phỉ báng, soi bói tốt xấu nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ. Chúng con nên đối với họ như thế nào?» Đức Phật bảo Cù-đàm Di: «Hãy nghe cả hai bên nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, coi đó là bạn hữu.» Cù-đàm Di bạch Phật: «Làm sao biết lời nói của tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp?» Phật dạy: «Có mười tám việc phá Tăng: Pháp phi pháp... cho đến thuyết không thuyết.» (như trên) «Nên xem xét việc này để biết lời nói tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp. Tỳ-kheo-ni Cù-đàm Di, nên đến cầu giáo thọ trong bộ chúng tỳ-kheo như pháp.» Lúc bấy giờ, trưởng giả A-nan-bân-đê[30] nghe các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-tắc đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật: «Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ. Bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?» Thế Tôn dạy: «Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có đàn-việt cúng dường nên chia hai phần, đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Nầy các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng. Do vậy, nầy các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.» Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu nghe các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-di đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên bạch Phật: «Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di đấu tranh phỉ báng mạ nhục xoi bói tốt xấu nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, nay từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, kính bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?» Đức Phật dạy: «Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có đàn-việt cúng dường nên chia hai phần, đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Nầy các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng. Do vậy, nầy các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.» 6. Giải yết-ma Lúc bấy giờ, tỳ-kheo bị cử, trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: «Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp, yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.» Bấy giờ vị ấy liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: «Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.» Vị ấy liền đến chỗ các tỳ-kheo tùy cử nói như vầy: «Tôi trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: ‹Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.› Bấy giờ tôi liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: ‹Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.›» Bấy giờ các tỳ-kheo tùy cử dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ tỳ-kheo tác cử bạch rằng: «Tỳ-kheo bị cử này nói với tôi như vầy: ‹Trên đường đi nơi chỗ vắng, tôi tư duy (nói đầy đủ như trên).› » Lúc bấy giờ, tỳ-kheo cử tội dẫn tỳ-kheo tùy cử, tỳ-kheo bị cử đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: «Tỳ-kheo tùy cử này dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ con, đem nhơn duyên của tỳ-kheo bị cử trình bày đầy đủ. Nay con cũng đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.» Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Đó là phạm chứ chẳng phải không phạm. Cử tội đúng chứ chẳng phải không đúng; như pháp cử tỳ-kheo này, yết-ma thành tựu. Nếu tỳ-kheo kia thuận tùng chúng Tăng để sám hối, hoán cải tội lỗi, thì yêu cầu giải yết-ma bất kiến cử.» Nên bạch tứ yết-ma để giải, cách giải như vầy: Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là... đã bị Tăng cử tội, yết-ma bất kiến cử. Nay tôi thuận tùng chúng Tăng, cải hoán tội lỗi, sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nguyện Tăng từ mẫn, vì tôi giải cho.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong đây, [884a1]Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử. Nay thuận tùng chúng Tăng, hoán cải tội lỗi sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử, vị kia đã thuận tùng chúng Tăng cải hoán tội lỗi sám hối, nay cần cầu Tăng giải yết-ma bất kiến cử. Trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo tên là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy). «Tăng đã đồng ý giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Đức Phật dạy tiếp: cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp, nên bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ lẫn nhau, xoi bói sở trường sở đoản nhau. Người phạm sự bị cử kia nay đã được giải rồi, trần cấu của Tăng được diệt sạch. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng tác pháp hòa hợp. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy để hòa hợp. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch đức Thế Tôn rằng: «Kính bạch đức Thế Tôn, sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Việc kia chưa liệu lý, chưa phân xử, Tăng chưa diệt trần cấu, như vậy có được hòa hợp như pháp hay không?» Phật dạy: «Không được như pháp hòa hợp. Nầy Ưu-ba-ly! Nhân bởi tránh sự[31] kia, khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ nhau, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến cho Tăng bị trần cấu. Khi tránh sự ấy đã được liệu lý, đã được giải quyết. Tăng đã diệt trần cấu, bấy giờ được hòa hợp như pháp.» Đức Phật dạy: Từ nay về sau cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp Bố-tát. Nên bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nhân bởi tránh sự kia đã khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Người ấy đã được Tăng tác cử, và đã được giải rồi, Tăng đã được diệt trần cấu. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng tác pháp hòa hợp bố-tát. Đây là lời tác bạch.» Nên bạch như vậy rồi hòa hợp bố-tát. Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với Ưu-ba-ly: «Có năm hạng người phạm tội. Những gì là năm? «Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Các tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời, ‹Không thấy.› Vị kia nói với vị tỳ-kheo này rằng: ‹Nếu thấy tội này thì nên sám hối.› Đây là người phạm tội thứ nhất. «Tỳ-kheo phạm tội như vậy. tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nếu thấy tội nên đến trong Tăng sám hối.› Đây là người phạm tội thứ hai. «Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nếu thấy tội nên ở trong Tăng này mà sám hối.› Đây là người phạm tội thứ ba. «Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Chúng Tăng nên xả trí, không hỏi nữa, mà nói như vầy, ‹Nay thầy không thấy tội. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó cũng sẽ cử tội thầy. Đối với thầy, họ sẽ tác pháp tự ngôn, không cho thầy tác pháp a-nậu-bà-đà,[32] không cho phép bố-tát, tự tứ. Như người điều khiển ngựa, đối với con ngựa chứng khó điều khiển, họ phải buộc nó vào cây nọc, bỏ mặc nó nơi đó. Thầy là tỳ-kheo không tự thấy tội cũng lại như vậy. Tất cả mọi người đều phải bỏ mặc thầy. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó, cho đến, sẽ không cho phép thầy bố-tát, tự tứ. Người như vậy, không được đến họ để cầu thính.[33] Ở đây như vậy tức là thính. Đây là người phạm tội thứ tư. «Tỳ-kheo phạm tội như vậy, tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời, ‹Không thấy.› Đối với vị ấy chúng Tăng nên tác pháp yết-ma, bằng pháp bạch tứ bất kiến cử, đây là người phạm tội thứ năm. Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng: «Có bao nhiêu pháp để thành người liệu lý sự vụ?» Đức Phật dạy: «Có năm pháp để thành người liệu lý sự vụ: «Muốn thành tỳ-kheo tác sự, nên quan sát việc này thật hay không thật. Hoặc giả có việc không thật. Tỳ-kheo kia, nếu biết việc này không thật thì không được làm. «Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là thật, thì lại phải quan sát việc này có lợi ích hay không có lợi ích. Hoặc giả có việc không lợi ích. Tỳ-kheo kia, nếu biết được việc này không lợi ích thì không được làm. «Nếu tỳ-kheo kia biết việc này có lợi ích, thì lại phải quan sát việc này là đúng thời hay không đúng thời. Hoặc giả có việc làm phi thời. Tỳ-kheo kia nếu biết việc này là làm phi thời thì không được làm. «Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là đúng thời, thì lại phải xem xét, là làm việc này hoặc sẽ khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng mạ nhục nhau, sẽ khiến Tăng bị phá, sẽ khiến Tăng chia rẽ, sẽ khiến Tăng bị trần cấu; hoặc sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến sẽ không khiến Tăng bị trần cấu. Tỳ-kheo kia, nếu biết làm việc này, khiến Tăng đấu tranh, cho đến khiến Tăng trần cấu, thì không được làm. «Nếu tỳ-kheo biết làm việc này sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến không khiến Tăng trần cấu, thì tỳ-kheo kia lại phải quan sát, nếu tỳ-kheo làm việc này có được bạn hữu hay không được bạn hữu. Hoặc giả làm việc này, không có được tỳ-kheo bạn hữu. Nếu tỳ-kheo kia biết được làm việc này không có được tỳ-kheo bạn hữu thì không được làm. Nếu tỳ-kheo kia biết có tỳ-kheo bạn hữu thì nên làm đúng thời, với hảo tâm thiện niệm. «Nầy Ưu-ba-ly! Tỳ-kheo nào biết được năm pháp này thì sẽ được làm người liệu lí sự vụ.» Bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay hướng về đức Phật nói bài kệ rằng: Vì Tăng nói điều này, Nghĩa lợi quyết định vậy. Thế nào biết là hơn? Tỳ-kheo được kiên trì? Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trả lời Ưu-ba-ly bằng bài kệ sau: Đệ nhất trì giới không hủy hoại, Tỳ-kheo oai nghi tự trang nghiêm; Oan gia không thể như pháp trách. Người kia được vậy khỏi ai chê. Người kia trụ nơi thanh tịnh giới, Nói không sợ và không nghi nan, Giữa chúng không đổi dời, không sợ, Hỏi đâu đáp đó không mất nghĩa. Trong chúng dù hỏi nghĩa lý gì, Liền đáp, khỏi nghĩ, không ưu lự. Lúc nào hỏi nghĩa cũng đáp được. Ứng đáp nhiều câu, lòng không đổi. Cung kính các tỳ-kheo Trưởng lão, Thượng tọa, trung tọa và hạ tọa. Nói được nguồn gốc, khéo phân biệt, Hiểu các oan gia lời dối trá. Oan gia không thể hơn vị ấy. Cũng lại điều phục được nhiều người. Thường làm thầy dạy, không thiếu sót. Trang nghiêm trí tuệ người đều biết. Nếu phạm việc như vậy. Không phạm, tội được trừ. Bẩn này, biết cả hai. Biết bẩn, sám hối trừ. Không hối, Chúng bỏ mặc. Nếu hối, Chúng không đuổi. [885a1]Nên khuyên người như vậy; Phân minh biết như vậy. Có tín thì hay thọ. Vì Tăng nên mới đuổi. Chúng đuổi, hãy nghe lời, Tuân hành, không tự cao; Cung kính bậc Trưởng lão, Thượng, trung và hạ tọa, Trí tuệ nhiều lợi ích. Người này hay hộ pháp.[34]
Chú thích: [107] Tịnh địa 淨地; Pali, Mahāvagga vi, Vin.i. 239, kappiyabhūmi, khu đất được dành riêng. Hành sự sao 10 (T40n1804 tr.119b14) giải: «Nghiệp là uế, nên nói là bất tịnh.» Nhưng chữ Hán nói là tịnh trong tịnh trù, tịnh khố, tác tịnh, đều dịch ý tiếng Phạn kalpa (Pali: kappa), nghĩa chính là «tư duy phân biệt» (Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt), theo đó, vật tịnh, hay được tác tịnh, là vật được chỉ định (hợp thức hoá) cho sử dụng đặc biệt nào đó. Chữ tịnh như vậy không liên quan gì đến ô uế hay thanh tịnh như Hành sự sao giải thích. [108] Magāvagga vi, có ba thứ tịnh địa: 1. ussāvanantika, tịnh địa do công bố, như cắm cọc, đặt đá, chỉ định riêng. 2. gonisādi, tùy cơ, cần thiết tại đâu thì làm tại đó, như bò nghỉ ở đâu thì làm chuồng ở đó. 3. gahapati, do thí chủ chỉ định khi dựng chùa. [109] Tự hái trái cây mà ăn. [110] Tham chiếu Pali, Viṇ īi. 109, pañcahi samaṇakappehi phalaṃ paribhuñjitum, ăn trái cây với điều hợp thức của sa-môn: aggiparicitaṃ (đã bị lửa phạm), satthaparicitaṃ (đã bị dao phạm), nakkhaparicitaṃ (đã bị móng tay phạm), abījaṃ (không có hạt mầm), nibbattabījaṃ (hạt mầm đã hỏng). [111] Sang tịnh 瘡淨. [112] Tự hái rau mà ăn. [113] Tự mình cầm lên rồi đưa cho người khác. [114] Phép thọ, xem cht. 117 & 118 dưới. [115] Được phép để qua đêm. [116] Người khác nấu cho mình. [117] Tức tác pháp thọ: Thức ăn để xuống đất. Tịnh nhân mang lại đưa cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận lại, bằng cách «ngửa tay» mà nhận. Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.123c02) [118] Ngũ phần: (…) không thọ thức ăn, mà ăn; đồng nghĩa với sự lấy của không cho. Cf Hành sự sao (T40n1804 tr.123b03). [119] Phi đào 椑桃; một loại thị (Từ nguyên). [120] Vật được dời, bị tay người dời chạm đến, không còn thuộc chủ cũ, nên không còn tịnh. Chủ cũ muốn dùng, phải tác pháp thọ trở lại. Người di chuyển, có ác ý, phạm đột-kiết-la. [121] Hoạn thấp 患濕; [122] Đậu khứu 豆糗. Khứu: gạo lúa mạch rang khô, hay cơm khô, hay lương khô (Khang hy). Xem các cht. liên hệ trên. [123] Khứu liêm 糗签. Viết đúng là – 奩. Hành sự sao 10 (T40n1804 tr.126c19) [124] Mộc đảng 木欓. Khang hy: đảng, thùng bằng gỗ. [125] Thuộc về thực phẩm chính, tức năm loại chánh thực hay bồ-xà-ni. Các thức ăn này liên hệ các điều luật về thọ thỉnh và túc thực. [126] Cộng túc diêm 共宿鹽; muối ngủ chung, muối được phép để cách đêm. Muối ăn được; thức ăn không ăn được. Cố ý trộn hai thứ để làm thức ăn, ăn được. [1] Pali, Kathinakkhando, Vin.i. 253: có 30 tỳ-kheo, là những vị sống a-lan-nhã, ở nước Pāvā. [2] Công đức y 功德衣. Pali: kaṭhina. Mahāvagga vii, Vin. i. 254. [3] Ni-tát-kỳ 1: súc trưởng y. [4] Ni-tát-kỳ 2: ly y túc. [5] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 33: biệt chúng thực. [6] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 32: triển chuyển thực. [7] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 42. [8] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 60. [9] Đây nói y cũ, dùng làm y ca-thi-na. [10] Xem đoạn dưới: y xả đọa không tác tịnh, không thành thọ. [11] Văn thọ y mà từng tỳ-kheo một nói ba lần trên kia. [12] Văn thọ y trên chia thành ba thời nói riêng. Mỗi thời nói ba lần. [13] Được thọ năm việc phóng xả tức nới lỏng. Xem trên. [14] Y mất hiệu lực đối với cá nhân tỳ-kheo trong 8 trường hợp. [15] Y bất cánh 衣不竟. Kiết-xỉ-na sự: bất quyết định. Tỳ-kheo ra ngoài giới để tìm cầu y. Khi ra khỏi, có ý không trở về; nếu may y, ca-thi-na liền xả khi y chưa may xong. [1] Câu-thiểm-di 拘睒彌, Thập tụng: Câu-xá-di 俱舍彌. Phiên âm thường gặp: Kiêu-thưởng-di 憍賞彌. Skt. Kauśāmbī. Pali: Kosambī, thủ phủ của vương quốc Vaṃsa (Skt. Vatsa). [2] Thập tụng: tác yết-ma bất kiến tẩn 不見擯, đuổi đi vì không chịu nhận tội. Pali: āpattiyā adassane ukkhipiṃsu, xả trí (gạt tỳ-kheo ấy qua một bên) vi không chịu nhận tội. [3] Thập tụng: tỳ-kheo bị đuổi là vị giỏi pháp, giỏi luật, nổi tiếng, có thế lực, được nhiều người hỗ trợ. Pali, Vin.i. 337: nói như Thập tụng. [4] Tùy cử tỳ-kheo 隨舉比丘: tỳ-kheo tùy thuận với tỳ-kheo bị cử. Pali: ukkhitānuvattaka bhikkhu. Những hình thức xả trí (Vin.i. 339): không mời, không yết-ma chung, không ngồi chung, không ở chung phòng… [5] Thập tụng: Một số tỳ-kheo được tỳ-kheo bị đuổi thuyết phục. Số khác vẫn giữ quan điểm. Tăng chia thành hai bộ, tranh chấp nhau. [6] Biệt bộ thuyết giới yết-ma 別部說戒羯磨; sự phá Tăng đã thành hình. [7] Vin.i. 340: Tỳ-kheo bị cử tác yết-ma thuyết giới trong giới, yết-ma như pháp; trong khi đó, tỳ-kheo cử tội ra ngoài giới tác yết-ma thuyết giới; yết-ma như pháp. Cả hai đều hợp pháp, vì tác pháp yết-ma trong hai trú xứ khác nhau. [8] Bất kiến phạm 不見犯, bất sám hối 不懺悔, bất xả ác kiến 不捨惡見: đều thuộc yết-ma xả trí. Hình thức xả trí, xem cht. 4 trên. [9] Thập tụng: Tự tác cộng trú…, tỳ-kheo bị tẫn xả bộ chúng kia, về lại bộ chúng này. [10] Không ngồi gần nhau quá để có thể đấu khẩu hay đánh lộn. Vin.i. 341: bhinne saṅghe adhammaiyāyamāne asammodikāya vattāmānaya ettāvatā na… hatthaparāmā-saṃ karissāmā ti āsane nisīditabbaṃ, «Tăng bị vỡ dẫn khởi phi pháp, bất hoà… ngồi xuống sao cho ‹chúng ta không vói tay đến nhau.› » [11] Pali, ibid., bhinne saṅghe dhammiyāyamāne… āsanantarikāya nisīditabbaṃ, «Khi Tăng vỡ, nhưng như pháp, hoà hợp, hãy ngồi sát nhau (không gián cách).» [12] Xem cht. (trên kia) [13] Các hình thức xả trí đối với tỳ-kheo bị yết-ma xả trí. [14] Phạm Thí 梵施. Truyện kể, xem Trung A-hàm 17, kinh số 72 «Trường Thọ vương bản khởi» (No. 26. 72); Tăng nhất A-hàm 16, No.125 (24.8). Pali: Brahmadatta; Cf. M. 128 Upakkilesa; Vin.i. 342. [15] Già-xa 伽奢. Pali: Kāsi; trong thời Phật, là 1 trong 16 đại quốc, thủ đô là Bārāṇasī (Ba-la-nại); được sáp nhập vào Kosala (Câu-tát-la) do Pasenadi cai trị. [16] Trường Sanh 長生. Trung A-hàm, đã dẫn: Trường Thọ. Pali: Dīghīti. [17] Phú-lô-hê-xỉ 富盧醯侈. Pali: purohito brahmaṇo, bà-la-môn tư tế của Vua. Chức vụ chứ không phải tên. Quốc sư của vua Brahmadatta. [18] Trường 長. Bản Minh: Trường Ma-nạp (phiêm âm của māṇava: thiếu niên). Pali: Dīghāvu. [19] Chỉ vua chúa, sống bằng đao kiếm. [20] Trung A-hàm: «Bằng đủ thứ ngôn ngữ, phá vỡ Chúng tối tôn.» [21] Trung A-hàm: «Khi phá hoại Thánh chúng, không ai ngăn cản được.» [22] Cf. Pháp cú Pali, Dhp. 3-6. [23] Cf. Pháp cú Pali, Dhp. 11-12. [24] Cf. Pháp cú Pali. Dhp. 32-330. [25] Trung A-hàm 17 (T01n0026 tr.535c18): Thế tôn đến thôn Sa-lâu-la, sau đó đến Hộ lâm. Cf. Vin.i. 350: đến thôn Bālakaloṇakara. Sau đó đi đến Pārileyya. Cuối cùng, trở về Sāvatthi. [26] Thập bát phá Tăng sự. Thập tụng 30 (T23n1435 tr.216a23): «Nếu tỳ-kheo, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, luật…, phi luật,… phạm, phi phạm, trọng, khinh, tàn, vô tàn, thường sở hành, phi thường sở hành, thuyết, phi thuyết…» Cf. Vin. i 354: aṭṭhārasahi vatthuhi adhammavādī: 18 cơ sở ngôn thuyết phi pháp dẫn đến phá Tăng: adhammaṃ dhammoti dīpeti (phi pháp mà nói là pháp), dhammaậmdhammoti dīpeti (pháp nói là phi pháp), avinayaṃ (phi luật)…vinayaṃ (luật)…abhāsitaṃ alapitaṃ tathāgatena (điều này không phải Như Lai nói), bhāsitaṃ lapitaṃ tathāgatena (điều này được Như Lai nói), anāciṇṇaṃ tathāgatena (điều này không phải là thưòng hành bởi Như Lai), āciṇṇaṃ tathāgatena (điều này được thường hành bởi Như Lai), apaññattaṃ tathāgatena (điều không được Như Lai chế), paññattaṃ tathāgatena (điều được Như Lai chế định), anāpattiṃ (không tội), āpattiṃ (tội), lahukaṃ āpattiṃ (tội nhẹ), garukaṃ āpattiṃ (tội nặng), sāvasesaṃ āpattiṃ (tội hữu dư), anavasesaṃ āpattiṃ (tội không dư tàn), thullaṃ āpattiṃ (tội thô trọng), athullaṃ āpatti (tội không thô trọng)… [27] Vin.i. 356: vivittaṃ senāsanaṃ dātabbaṃ, cho họ chỗ nằm riêng biệt. [28] Pali, ibid., «Tất cả thọ hưởng bình đẳng.» (sabbesa samakaṃ bhājetabbaṃ) [29] Xem cht. 140 & 141 trên. [30] A-nan-bân-đê 阿難邠坻. Phiên âm, tức ông Cấp Cô Độc. Pali: Anāthapiṇḍika. [31] Tránh sự 諍事; cơ sở dẫn khởi tranh chấp, nguyên nhân của tranh chấp. Có bốn tránh sự: tranh chấp lời nói, tranh luận về giáo giới, bất đồng về luận tội, tranh cãi về phận sự phải làm. Pali, Vin.ii.88: cattārīmāni bhikkhave adhikaraṇāni vivādādhikaraṇaṃ, anuvādādhikaraṇaṃ, āppattādhikaraṇaṃ, kiccādhikaraṇaṃ. [32] A-nậu-bà-đà 阿[少/兔]婆陀. Pali: anuvāda, phi nạn, chỉ trích, buộc tội người khác. [33] Xem phần trên (để tìm lại) [34] Hết quyển 43. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG X. CHIÊM-BA 1. Cử tội phi pháp [885a15] Thế Tôn ở tại thành Chiêm-ba.[1] Tại nước Già-thi,[2] có thôn Bà-sa-bà.[3] Bấy giờ, trú xứ nọ có cựu tỳ-kheo,[4] thường tiếp mọi người, giống như nguồn suối,[5] nói như vầy: «Nếu tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách,[6] tôi sẽ cung cấp các thứ cần dùng, như nấu nước tắm, đồ ăn, thức uống để cúng dường.» Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ở nước Già-thi du hành trong nhân gian đến nơi xóm Bà-sa-bà. Tỳ-kheo kia liền cung cấp các thứ cần dùng, và cúng dường đồ ăn thức uống. Sau đó một thời gian, tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Ta không thể thường xuyên đến bạch y đòi xin đồ ăn thức uống, và cung cấp đầy đủ như nước để tắm rửa, hay nấu cháo để cúng dường nữa. Khách tỳ-kheo này từ xa đến, hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết chứ hiện nay đã có. Nay ta không thể đi hỏi xin thêm được nữa.» Rồi ông ngưng. Tỳ-kheo khách này lại nghĩ như vầy: «Tỳ-kheo kia ghét chúng ta. Trước đây đã cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng, như đồ ăn thức uống, nước tắm rửa cho chúng ta. Nay lại ngưng, không cung cấp cho ta. Chúng ta có nên cử tội tỳ-kheo kia không?» Họ liền nhóm họp để cử tội tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo kia nghĩ: «Nay ta không thể tự biết là phạm hay chẳng phạm, là cử tội đúng hay cử tội không đúng, là như pháp cử yết-ma thành tựu, hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu. Nay ta có thể đến chỗ đức Thế Tôn ở Chiêm-ba, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có chỉ dạy gì thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn ta sẽ thi hành.» Lúc bấy giờ, cựu tỳ-kheo kia, đắp y mang bát đến Chiêm-ba, qua chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ, rồi đứng qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo: «Khất cầu có dễ được không? Sống có hòa hợp không? Đi đường có mệt nhọc lắm không?» Tỳ-kheo khách thưa: «Con sống hòa hợp. Khất cầu dễ được. Đi đường không mệt nhọc.» Đức Phật hỏi tiếp: «Thầy ở đâu đến?» Tỳ-kheo thưa: «Con ở nơi xóm Bà-sa-bà, nước Già-thi, là cựu trú tỳ-kheo ở một trú xứ nọ. Con thường đón tiếp và cung cấp những gì cần thiết cho những vị khách giống như dòng nước suối. Nếu có khách tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách đều được cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống hoặc làm cháo, nước tắm... Sau đó có số đông tỳ-kheo tại nước Già-thi du hành trong nhân gian đến xóm Bà-sa-bà, bấy giờ con liền cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống, hoặc làm cháo, nước tắm rửa... Bạch Đại đức, khi ấy con nghĩ như vầy: ‹Ta không thể thường xuyên đến nhà bạch y đòi xin đồ ăn thức uống, và những thứ cần dùng được. Quý khách tỳ-kheo này hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết, hiện tại đã có rồi. Nay ta không thể đến hỏi xin được nữa.› Rồi con ngưng cung cấp. Khách tỳ-kheo này lại nghĩ, ‹Tỳ-kheo cựu trú kia ghét chúng ta. Trước đây thường cung cấp đầy đủ cho ta các thứ cần dùng như thức ăn uống, cháo, nước tắm rửa... Nay lại không cung cấp cho chúng ta nữa. Chúng ta có thể cử tội tỳ-kheo kia.› Các vị ấy liền họp lại để cử tội. Bạch Đại đức Thế Tôn con nghĩ như vầy, ‹Ta không thể biết là phạm hay không phạm, là cử tội đúng hay sai, là như pháp cử yết-ma thành tựu hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu? Nay ta nên đến chỗ đức Thế Tôn ở thành Chiêm-ba đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Nếu đức Thế Tôn có dạy gì, thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn mà thi hành.› » Đức Phật bảo tỳ-kheo kia: «Ông là tỳ-kheo không phạm, chẳng phải phạm. Cử tội sai quấy, không thành cử. Cử tội ông như vậy là phi pháp. Tỳ-kheo ấy yết-ma không thành tựu. Này tỳ-kheo, ông trở về xóm Bà-sa-bà, cung cấp những thứ cần dùng cho khách tỳ-kheo như trước giống như nguồn suối. Này tỳ-kheo, Ta trợ bạn ông, như pháp, chẳng phải chẳng như pháp.» Bấy giờ các khách tỳ-kheo kia từ xóm Bà-sa-bà du hành trong nhân gian đến nước Già-thi, tới chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ rồi đứng lui qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo: «Các ngươi trụ chỉ có hòa hiệp không? Không do khất thực mà phải vất vả chăng?» Tỳ-kheo này thưa: «Trụ chỉ được hòa hiệp. Không do khất thực mà phải vất vả.» Đức Phật hỏi tiếp: «Các thầy từ đâu đến?» «Chúng con từ tụ lạc Bà-sa-bà đến.» Đức Phật hỏi? «Nghe nói có cựu trú tỳ-kheo thường hay cung cấp cho khách tỳ-kheo những thứ cần dùng, như nước suối, mà các thầy cử tội người ấy, phải không?» Các vị ấy trả lời: «Sự thật như vậy.» Đức Thế Tôn hỏi: «Bằng vào sự gì các ông cử tội như vậy?» Các vị này thưa: «Không sự việc, không nhân duyên.»[7] Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách các tỳ-kheo này: «Các ông làm điều sai quấy chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ông là những người ngu si. Sao cựu tỳ-kheo kia, như nguồn nước suối, cung cấp cho khách tỳ-kheo, mà các ông không duyên, không sự gì, lại cử tội?» 2. Túc số yết-ma Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Có bốn loại yết-ma: phi pháp yết-ma, phi pháp biệt chúng yết-ma, phi pháp hòa hợp yết-ma, pháp biệt chúng yết-ma.[8] Trong này, hai yết-ma: phi pháp yết-ma, biệt chúng yết-ma, thì không được làm. Nếu làm sẽ như pháp trị. Chỉ có pháp yết-ma, và hòa hợp yết-ma thì nên làm. «Có bốn trường hợp túc số:[9] Có người được kể trong túc số nhưng không được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà cũng không được quyền ngăn. Có người được kể trong túc số và cũng được quyền ngăn. «Thế nào là người được quyền túc số mà không được quyền ngăn? Là người bị tác pháp yết-ma ha trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Những người này được kể túc số mà không được quyền ngăn. «Thế nào là người không được kể túc số mà được quyền ngăn? Là người muốn thọ đại giới. Người này không được kể túc số mà được quyền ngăn. «Thế nào là người không được kể túc số cũng không được ngăn? Tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni không được kể túc số cũng không được ngăn. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc thọ giới với tặc tâm, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha giết mẹ, hoặc giết A-la-hán, hoặc phá Tăng, hoặc ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, súc sanh, hoặc hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt; hoặc biệt trú, hoặc ở trên giới trường, thần túc trên hư không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy nghe, hoặc là người tác yết-ma: Những người như vậy không được kể túc số cũng không được ngăn. [886a1]«Thế nào là người được kể túc số cũng được quyền ngăn? Là thiện tỳ-kheo, đồng trụ một giới, không dùng thần túc ở trên không, không ẩn hình, không lìa chỗ thấy nghe, cho đến nói với người gần bên. Những người như vậy được kể túc số mà cũng được quyền ngăn.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo, một người cử tội một người, một người cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Hai người cử tội một người, hai người cử tội hai người, hai người cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Ba người cử tội một người, hoặc cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng, hay Tăng cử tội Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được một người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được hai người cử tội một người, hai người, ba người, cử tội Tăng. Không được ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được Tăng cử tội Tăng. «Nếu một người cử tội một người là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy. Hoặc một người cử tội hai người, ba người hay Tăng. Hoặc hai người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc Tăng cử tội Tăng, là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy.» Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác pháp yết-ma chồng,[10] như tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn; tác y chỉ rồi lại ngăn không cho đến nhà bạch y; trao cho pháp cử tội rồi lại cho pháp ba-lợi-bà-sa; cho pháp bổn nhật trị rồi lại cho pháp ma-na-đỏa; cho pháp a-phù-ha-na rồi, lại cho pháp hiện tiền tỳ-ni; cho pháp ức niệm tỳ-ni rồi, lại trao cho pháp bất si tỳ-ni; cho pháp tự ngôn rồi, lại cho pháp mích tội; cho pháp mích tội tướng rồi, lại cho pháp như cỏ che đất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tác pháp yết-ma chồng. Không được tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất.» Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: 3. Túc số Tăng «Có bốn loại Tăng:[11] Tăng bốn vị, Tăng năm vị, Tăng mười vị, Tăng hai mươi vị. «Tăng bốn vị: trừ tự tứ, thọ đại giới, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được. «Tăng năm vị: trừ trường hợp thọ đại giới nơi đô hội, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được. «Tăng mười vị: chỉ trừ xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được. «Tăng hai mươi vị: tất cả các pháp yết-ma như pháp đều làm được, huống nữa là hơn hai mươi vị. «Nếu cần bốn vị để tác pháp yết-ma mà thiếu một vị thì yết-ma ấy thành, là phi pháp, phi tỳ-ni. Nếu dùng tỳ-kheo-ni làm người thứ tư, hoặc dùng thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn hoặc súc sanh, hoặc người hai căn, hoặc kẻ bị cử, diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, người tác yết-ma. Lấy những hạng người như vậy để được túc số bốn vị, thì yết-ma đó phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. Tăng năm vị, mười vị, hai mươi vị cũng như vậy.» 4. Yết-ma bất thành Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Họ tác yết-ma phi pháp biệt chúng, yết-ma phi pháp hòa hợp, yết-ma pháp biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, tác yết-ma ha bất chỉ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được tác yết-ma phi pháp biệt chúng, không được tác yết-ma phi pháp hòa hợp, không được tác yết-ma pháp biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, không được tác yết-ma ha bất chỉ.» 1. Thế nào là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni? Bạch nhị yết-ma mà tác bạch rồi không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch nhị yết-ma, tác hai lần bạch mà không tác yết-ma; tác ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần tác bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch hai lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch mà ba lần yết-ma, một lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần tác bạch mà một lần yết-ma, hai lần tác bạch mà hai lần yết-ma; hai lần tác bạch mà ba lần yết-ma; hai lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần tác bạch mà một lần yết-ma; ba lần tác bạch mà hai lần yết-ma; ba lần tác bạch mà ba lần yết-ma; ba lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà một lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà hai lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà ba lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma, không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch nhị yết-ma mà hai lần yết-ma không tác bạch, ba lần yết-ma không tác bạch, nhiều lần yết-ma không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma hai lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch nhị yết-ma, một lần yết-ma mà ba lần bạch; một lần yết-ma mà nhiều lần bạch; hai lần yết-ma mà một lần bạch; hai lần yết-ma mà hai lần bạch; hai lần yết-ma mà ba lần bạch; hai lần yết-ma mà nhiều lần bạch; ba lần yết-ma mà một lần bạch; ba lần yết-ma mà hai lần bạch; ba lần yết-ma mà ba lần bạch; ba lần yết-ma mà nhiều lần bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần bạch; nhiều lần yết-ma mà hai lần bạch; nhiều lần yết-ma mà ba lần bạch; nhiều lần yết-ma mà nhiều lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà không như pháp tác bạch, không như yết-ma pháp tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch tứ yết-ma, mà một lần bạch không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch tứ yết-ma, hai lần bạch mà không tác yết-ma; ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni yết-ma. Không được như vậy. Với bạch tứ yết-ma, một lần bạch mà một lần yết-ma, một lần bạch mà hai lần yết-ma, một lần bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần bạch mà một lần yết-ma, hai lần bạch mà hai lần yết-ma, hai lần bạch mà ba lần yết-ma, hai lần bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần bạch mà một lần yết-ma, ba lần bạch mà hai lần yết-ma, ba lần bạch mà ba lần yết-ma, ba lần bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần bạch mà một lần yết-ma, nhiều lần bạch mà hai lần yết-ma, nhiều lần bạch mà ba lần yết-ma, nhiều lần bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch tứ yết ma, một lần tác yết ma mà không tác bạch. Đó là yết ma phi pháp, phi tỳ ni, không được làm. Với bạch tứ yết-ma, hai lần yết-ma mà không tác bạch, ba lần yết-ma mà không tác bạch, nhiều lần yết-ma mà không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Với bạch tứ yết-ma, một lần yết-ma mà một lần tác bạch, một lần yết-ma mà hai lần tác bạch, một lần yết-ma mà ba lần tác bạch, một lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; hai lần yết-ma mà một lần tác bạch, hai lần yết-ma mà hai lần tác bạch, hai lần yết-ma mà ba lần tác bạch, hai lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; ba lần yết-ma mà một lần tác bạch, ba lần yết-ma mà hai lần tác bạch, ba lần yết-ma mà ba lần tác bạch, ba lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà hai lần [887a1] tác bạch, nhiều lần yết-ma mà ba lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Tác bạch tứ yết-ma mà không như pháp bạch mà tác bạch, không như pháp ba yết-ma mà tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội.[12] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy phạm tội, có thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy.› Bấy giờ tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội.[13] Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trong đây, có tỳ-kheo không có tội phải sám hối.[14] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy phạm tội, nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trong đây, có tỳ-kheo không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội, và không có tội phải sám hối. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội không? Thầy nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội không sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trong đây, có tỳ-kheo thấy không tội, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội? Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Không có ác kiến không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, và ác kiến không xả. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trong đây, có tỳ-kheo không có tội sám hối, không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối. Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không có tội sám hối, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội? Thầy nên sám hối. Thầy hãy xả ác kiến.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không bỏ.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không tội thấy không tội. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội hay không?› Vị ấy trả lời: ‹Thấy.› Tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ sám hối.› Tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ xả.› Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không tội, thấy không tội, không sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội nên sám hối.› Vị ấy đáp: ‹Tôi thấy tội, sẽ sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không thấy tội, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.› Vị kia cử yết-ma không thấy tội, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo kia nói rằng: ‹Thầy có tội sám hối, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ sám hối, xả ác kiến.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội, nên sám hối, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội, sẽ sám hối, xả ác kiến.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, ác kiến không bỏ. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội, thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Thấy.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám hối. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ sám hối.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo có ác kiến không xả, các tỳ-kheo nói rằng: ‹Thầy có ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ xả.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có tội nên sám hối. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy có tội sẽ sám hối.› Nhưng vị kia liền tác yết-ma bất kiến tội, bất sám hối. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.› Nhưng tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ sám hối. Sẽ xả ác kiến.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma bất kiến sám hối, bất xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội. Nên sám hối. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ sám hối. Xả ác kiến.› Nhưng vị kia cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm vậy. Đó là những yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. 2. Thế nào là yết-ma như pháp như tỳ-ni? Bạch nhị yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy. Bạch tứ yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy. Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội,[15] tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‹Thầy có tội, thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo có tội nên sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. [887a1] Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Không xả.› Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có tội sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Có tội sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy. Không sám hối.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội. Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội, ác kiến không xả.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả, Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối. Không xả ác kiến.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không sám hối, không xả ác kiến, đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Không sám hối. Không xả ác kiến.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy: «Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.» Tất cả những yết-ma đó đều như pháp như tỳ-ni. 3. Thế nào là yết-ma phi pháp biệt chúng? Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến, đáng ra nên dữ dục nhưng không dữ dục. Người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, nhưng lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó gọi là yết-ma phi pháp và biệt chúng. 4. Thế nào là yết-ma phi pháp hòa hợp? Trường hợp đồng một trú xứ, hòa hợp một chỗ để yết-ma, người nên dữ dục thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó là yết-ma phi pháp nhưng hòa hợp. 5. Thế nào là yết-ma như pháp biệt chúng? Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến, người nên dữ dục lại không dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì ngăn. Vị kia tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma như pháp tác. Đó là yết-ma như pháp nhưng biệt chúng. 6. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ biệt chúng? Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến, nên dữ dục mà không dữ dục, người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma, (đúng pháp nhưng), trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, và biệt chúng. 7. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ hòa hợp? Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Bạch nhị, bạch tứ yết-ma, trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, nhưng hòa hợp. 5. Ngăn yết-ma Những hạng người nào ngăn[16] thành ngăn? Hoặc có người ngăn thành ngăn, có người ngăn không thành ngăn? Người nào ngăn không thành ngăn? Tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni ngăn, không thành ngăn. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng, phi nhơn, súc sanh, hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc nên diệt tẫn, hoặc ở trên giới trường, hoặc tác biệt trú, hoặc dùng thần túc ở trên không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy, nghe, hoặc vị làm yết-ma. Những người như vậy ngăn, không thành ngăn. Thế nào gọi là ngăn thành ngăn? Thiện tỳ-kheo đồng ở trong một giới, không ở trên hư không, không ẩn hình, không lìa chỗ nghe thấy, cho đến nói tỳ-kheo ngồi gần. Những hạng người như vậy ngăn, thành ngăn. Đó là ngăn yết-ma. Lúc bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Đáng làm yết-ma ha trách mà cho làm yết-ma tẫn; yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Đó không phải là yết-ma như pháp.» Ưu-ba-ly lại bạch Phật rằng: «Nên trao cho yết-ma ha trách, mà trao cho pháp yết-ma y chỉ, hay là pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, cho đến như cỏ che đất, như vậy yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?» Đức Phật dạy: «Không như pháp. Không được, đáng cho pháp yết-ma ha trách mà lại trao cho pháp yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất. Đó là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. Cũng vậy cho đến như cỏ che đất đều là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Đáng làm yết-ma ha trách thì nên cho làm pháp yết-ma ha trách. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm. Cũng vậy, cho đến yết-ma như cỏ che đất, đều là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm. Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ, chúng Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách,[17] mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng. Chúng Tăng khác nghe[18] Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành, bèn nói, «Chúng ta hãy cùng tác yết-ma ha trách.» Liền tác yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp. Lại có chỗ khác,[19] Tăng nghe chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp, nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy làm yết-ma ha trách.» Họ liền làm yết-ma ha trách như pháp biệt chúng. Tăng chỗ khác nghe, chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, yết-ma như pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy làm pháp yết-ma ha trách.» Liền tác yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng. Tăng chỗ khác nghe, chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy tác yết-ma ha trách.» Yết-ma như pháp tương tợ hòa hợp. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Các yết-ma như trên không như pháp, không thành tựu. Tất cả những yết-ma nào như vậy đều không thành tựu.» Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ chúng Tăng vì tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, có vị nói phi pháp hòa hợp, có vị nói pháp biệt chúng, có vị nói pháp tượng tợ biệt chúng, có vị nói pháp tương tợ hòa hợp, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Các tỳ-kheo không biết như thế nào, báo lại tỳ-kheo khác, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trú xứ kia, chúng Tăng vì tỳ-kheo tác yết-ma ha trách, phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, cho đến, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Trong tăng, vị nào nói phi pháp biệt chúng, thì đây là lời nói đúng pháp. Cho đến vị nào nói pháp tương tợ hòa hợp, thì đây cũng là lời nói đúng pháp.» Lúc bấy giờ [889a1], Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: «Nếu có tỳ-kheo trước đó Tăng trao cho pháp yết-ma, sau đó chúng Tăng cho giải. Như vậy có thành giải hay không thành giải?» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Hoặc thành, hoặc không thành.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Thế nào là thành, thế nào là không thành?» Đức Phật dạy: «Này Ưu-ba-ly, có mười ba hạng người,[20] trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, thì không thành giải. Trừ mười ba hạng người này ra, còn các người khác, tác yết-ma rồi, nếu Tăng trao cho pháp giải thì thành giải.» Ưu-ba-ly lại hỏi Phật: «Nếu trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, rồi cho yết-ma giải. Khi ấy, người bị đuổi, có trở thành bị đuổi hay không?» Đức Phật dạy: «Hoặc thành đuổi, hoặc không thành đuổi. Đối với mười ba hạng người, nếu tác yết-ma rồi đuổi thì thành đuổi. Ngoài mười ba hạng người này ra, các người khác tác yết-ma, sau yết-ma giải thì được giải. Khi ấy, nếu đuổi thì không thành đuổi. CHƯƠNG XI. KHIỂN TRÁCH[1] 1. Khiển trách [889a14] Phật ở tại nước Xá-vệ. Có hai tỳ-kheo, một vị tên là Trí Tuệ, một vị tên là Lô-hê-na,[2] thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: «Các Thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.» Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được. Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Vì lí do gì trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được?» Các tỳ-kheo tìm hiểu, biết do hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào gây gổ nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‹Các Thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.› Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được.» Bấy giờ trong chúng có tỳ-kheo nghe biết, là vị thiểu dục tri túc, tu hạnh đầu-đà, ưa học giới, có tàm quý, hiềm trách hai tỳ-kheo kia rằng: «Sao các thầy thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, khiến cho Tăng xảy ra sự tranh cãi không thể nào diệt trừ được?» Bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn đem nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách hai tỳ-kheo kia: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không được làm. Này Trí Tuệ và Lô-hê-na, sao các ông thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, khiến cho Tăng xảy ra sự tranh cãi không thể nào diệt trừ được?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách, rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép các tỳ-kheo trao cho Trí Tuệ và Lô-hê-na pháp ha trách[3] bằng bạch tứ yết-ma. Nên họp Tăng, họp Tăng xong, đối với Trí Tuệ... tác cử, tác cử rồi vì họ tác ức niệm, tác ức niệm rồi cho tội.[4] Trong Chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na này thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‹Các thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.› Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng đối với hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tác yết-ma ha trách. Nếu sau này còn đấu tranh, mạ lỵ nữa, thì chúng Tăng sẽ tăng thêm tội để trị. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na này thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‹Các thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.› Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được. Tăng đối với hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp yết-ma ha trách. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na pháp yết-ma ha trách, nếu sau này đấu tranh lại, mạ lỵ nhau nữa, chúng Tăng sẽ tăng thêm tội để trị, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận đối với Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp yết-ma ha trách rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Người bị tác yết-ma ha trách rồi, có năm việc không được làm: 1. Không được trao đại giới cho người. 2. Không được nhận người y chỉ. 3. Không được nuôi sa-di. 4. Không được nhận Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. 5. Nếu Tăng đã sai rồi, không được giáo thọ. Đó là năm việc không được làm khi yết-ma ha trách rồi. Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được thuyết giới. 2. Chúng Tăng hỏi nghĩa tỳ-ni, không được đáp. 3. Chúng Tăng sai làm yết-ma, không được làm. 4. Chúng Tăng chọn người trí tuệ họp để bình luận việc của Chúng, không được dự. 5. Chúng Tăng sai người làm tín mạng, không được làm. Đó là năm việc không được làm sau khi yết-ma ha trách rồi. Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được vào tụ lạc quá sớm. 2. Không được về quá muộn. 3. Phải gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi người ngoại đạo. 4. Phải khéo thuận tùng lời dạy của các tỳ-kheo. 5. Không được nói quanh co.[5] Đó là năm việc không được làm khi ha trách rồi. Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Chúng Tăng tùy theo việc phạm giới đã tác yết-ma ha trách rồi thì không được phạm lại tội đó. 2. Cũng không được phạm các tội khác. 3. Hoặc tương tợ hoặc từ giới này mà sanh. 4. Hoặc nặng hơn tội này. 5. Không được chỉ trích yết-ma và người tác yết-ma. Đó là năm việc không được làm khi bị ha trách rồi. Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Thiện tỳ-kheo trải chỗ ngồi cúng dường, không được nhận. 2. Không được nhận người khác rửa chân cho. 3. Không được nhận người khác đặt đồ rửa chân cho. 4. Không được nhận người khác lau giày dép cho. 5. Không được nhận người khác xoa chà thân thể cho. Khi đã tác yết-ma ha trách rồi, không được làm những việc trên. Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được nhận thiện tỳ-kheo lễ bái. 2. Không được nhận thiện tỳ-kheo chấp tay. 3. Không được nhận thiện tỳ-kheo chào hỏi. 4. Không được nhận thiện tỳ-kheo nghinh đón. 5. Không được nhận thiện tỳ-kheo cầm y bát cho. Khi đã yết-ma ha trách rồi, không được làm năm việc trên. Lại có năm việc không được làm: 1. Không được cử tội thiện tỳ-kheo. 2. Không được tác ức niệm, tác tự ngôn[6] đối với thiện Tỳ-kheo. 3. Không được làm chứng việc người khác. 4. Không được ngăn bố-tát, tự tứ. 5. Không được cùng thiện tỳ-kheo tranh tụng. Đó là năm việc người bị ha trách rồi không được làm. Phải chấp hành như vậy. Chúng Tăng đối với Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp ha trách bằng bạch tứ yết-ma rồi, các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy [890a1]: «Có ba pháp tác yết-ma ha trách phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu: Không nêu tội, không tác ức niệm, không phục thủ tội.[7] «Lại có ba việc: không phạm tội, không thuộc tội cần sám hối,[8] hoặc phạm tội nhưng đã sám hối rồi. «Lại có ba việc: không tác cử, phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: không phục tội,[9] phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: không phạm, phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: phạm tội không cần sám hối, phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: phạm tội nhưng đã sám hối rồi, phi pháp, biệt chúng. «Lại có ba việc: không hiện tiền,[10] phi pháp, biệt chúng. Ba pháp như vậy, tác yết-ma ha trách, phi pháp, phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu. «Có ba việc tác yết-ma ha trách, như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu. Ba việc ấy là gì? Tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn. «Lại có ba việc: phạm tội, thuộc tội phải sám tội, phạm chưa sám tội. «Lại có ba việc: Tác cử, như pháp, hòa hợp. Tác ức niệm, như pháp, hòa hợp.[11] Tác tự ngôn, như pháp, hòa hợp. Phạm tội, như pháp, hòa hợp. Thuộc tội phải sám hối, như pháp, hòa hợp. Có phạm mà chưa sám hối, như pháp hòa hợp. Có hiện tiền, như pháp, hòa hợp. Đó là (những) ba pháp tác yết-ma ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu. «Có năm pháp tác yết-ma ha trách phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu: Không hiện tiền, không tự ngôn, nhắm người thanh tịnh, biệt chúng. Đó là năm việc tác yết-ma ha trách, phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu. «Có năm pháp tác pháp ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu. Năm pháp ấy là gì? Hiện tiền, tự ngôn, nhắm người không thanh tịnh, pháp hòa hợp. Đó là năm pháp tác yết-ma ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu.» Khi chúng Tăng đang bữa tiểu thực hay bữa ăn chính, hoặc nói pháp, hoặc bố-tát, người bị yết-ma ha trách sửa y phục ngay thẳng, cởi bỏ giày dép, đứng qua một bên, quỳ gối, chấp tay bạch như sau: «Xin đại đức nhận sự sám hối của tôi.» «Từ nay về sau, tự trách tâm mình. Thôi, không tái phạm nữa.» Bấy giờ, tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, cần cầu giải yết-ma ha trách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu đã tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, mà cần cầu giải yết-ma, thì cho phép giải bằng pháp bạch tứ yết-ma.» «Có năm pháp không được giải yết-ma ha trách: vì trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Người bị ha trách có năm việc như vậy không được vì họ giải yết-ma ha trách.[12] «Có năm pháp nên giải: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Người bị yết-ma ha trách có năm pháp như vậy thì nên giải.» Nên giải như vầy: Người bị yết-ma ha trách nên đến giữa chúng Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... Tăng trao cho pháp yết-ma ha trách. Nay tôi thuận tùng chúng Tăng, không chống trái, cầu xin chúng Tăng giải yết-ma ha trách. Cúi xin Tăng dũ lòng thương, vì tôi giải yết-ma ha trách.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy. Trong Chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... đã bị Tăng yết-ma ha trách. Tỳ-kheo kia tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, cần cầu chúng Tăng giải yết-ma ha trách. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải yết-ma ha trách, cho tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên... đã bị Tăng tác yết-ma ha trách, tỳ-kheo kia tùy thuận chúng Tăng không chống trái. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma ha trách. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma ha trách. Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma ha trách, thì im lặng. Vị nào không đồng ý hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy. «Tăng đã đồng ý giải yết-ma ha trách cho tỳ-kheo... rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Tẫn xuất Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ ở nước Ky-ly-na[13] có hai cựu tỳ-kheo, một vị tên A-thấp-tỳ, vị thứ hai tên Phú-na-bà-sa.[14] Tại nước Kỳ-ly-na họ đã có hành vi xấu, làm hoen ố nhà người. Hành vi xấu mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Họ làm những hành vi xấu như sau: tự mình trồng bông, trồng cây, bảo người trồng; tự mình tưới nước, bảo người tưới nước; tự mình hái hoa, bảo người hái hoa; tự mình làm tràng hoa, bảo người làm tràng hoa; tự mình mang các loại hoa đi, bảo người mang các loại hoa đi. Đến nhà bạch y có con trai, con gái, đồng ngồi trên một giường, đồng ăn trong một bát, đồng uống một ly; ca múa, vui đùa, làm các trò kỹ nhạc. Nếu có người khác làm thì liền xướng họa theo; hoặc thổi bằng miệng, hoặc đánh đàn, đánh trống, thổi sáo, hoặc thổi ống bối, hoặc làm tiếng chim khổng tước, hoặc làm tiếng con hạc, hoặc chạy hoặc đi nhót chân, hoặc huýt gió, hoặc hát chèo, hoặc làm tiếng chim đùa giỡn. Bấy giờ, có một số đông tỳ-kheo từ nước Già-thi du hành trong nhân gian, đến nước Kỳ-ly-na. Sáng sớm khoác y, bưng bát, vào thành khất thực, bước đi khi tiến, khi dừng, oai nghi rõ nét, mắt nhìn ngay thẳng, cúi ngước, co duỗi thong thả; khoác y, bưng bát, nhìn thẳng trước bước đi, các căn không loạn; khất thực tại nước Kỳ-ly-na. Các cư sĩ thấy vậy nói như vầy: «Đây là những người nào, mà nhìn ngay, không giỡn cười, không liếc ngó hai bên, không gần gũi vui đùa, cũng không chào hỏi nhau? Chúng ta không nên cho những người này ăn. Họ không như sa-môn của chúng ta là A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta, không cần nhìn ngay thẳng, nói đùa cười giỡn, nhìn ngó bên này bên kia, cùng nhau vui nhộn, hỏi chào an ủi nhau. Người như vậy chúng ta sẽ cho đồ ăn.» Bấy giờ các tỳ-kheo ở nước Kỳ-ly-na khất thực khó được no đủ. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Nơi đây có cựu trú tỳ-kheo xấu. Tỳ-kheo xấu ở, nên tỳ-kheo tốt bị xa lánh. Họ làm các hành vi xấu như trồng các loại cây bông, cho đến nhận làm các sứ giả cho người.» Bấy giờ, các tỳ-kheo từ nước Kỳ-ly-na du trong hành nhân gian trở về nước Xá-vệ, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi các tỳ-kheo: «Các thầy sống có được hòa hợp an lạc không? Không vì vấn đề ăn uống mà vất vả chăng?» Các tỳ-kheo bạch Phật rằng: «Chúng Tăng sống được hòa hợp an lạc. Chúng con từ nước Già-thi du hành nhân gian, đến nước Kỳ-ly-na.» Trình bày đầy đủ nhơn duyên lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn lúc bấy giờ dùng vô số phương tiện quở trách rằng: «Các ông đó làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta, tại sao các ông đó làm ô uế nhà người, có hành vi xấu? Sự làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy, ai cũng nghe; hành vi xấu, ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đó làm các hành vi xấu như trồng các loại hoa, các loài cây tạp, cho đến nhận làm sứ giả của người.» Lúc bấy giờ, Thế Tôn ha trách A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta, rồi bảo các Tỳ-kheo: «Cho phép Tăng vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp tẫn[15] bằng bạch tứ yết-ma.» Nên làm như vầy: Tập tăng rồi, vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác cử [891a1], tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao cho tội trạng. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta này ở tại nước Kỳ-ly-na làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đối với A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác yết-ma tẫn. Nói rằng, ‹Các ngươi làm hoen ố nhà người, làm hành vi xấu. Các ngươi làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ngươi nên rời khỏi trú xứ này, không được ở đây nữa.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta này ở tại nước Kỳ-ly-na làm hoan ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đối với A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác yết-ma tẫn. Nói rằng, ‹Các ngươi làm hoen ố nhà người, làm hành vi xấu. Các ngươi làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ngươi nên rời khỏi trú xứ này, không được ở đây nữa.› Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đối với hai Tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp yết-ma tẫn thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp yết-ma tẫn rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Người bị tác yết-ma tẫn có năm pháp không được làm: Không được trao giới cụ túc cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.[16] Nên tác pháp như pháp yết-ma ha trách trên, chỉ trừ ở chỗ ‹trong chúng khác thuyết giới.›[17] Chúng Tăng đã tác pháp tẫn bằng bạch tứ yết-ma cho hai tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta rồi. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: «Có ba pháp và năm pháp tác yết-ma tẫn phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu như trên.[18] Có ba pháp và năm pháp tác yết-ma tẫn như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trên. Tỳ-kheo bị tẫn kia không được gọi mà tự đến trong cương giới. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được tự đến trong cương giới. Cho phép ở ngoài cương giới khi chưa được gọi, sai người đáng tin cậy đến trong Tăng, bạch Đại đức Tăng xin sám hối, từ nay về sau tự trách lòng mình không để tái phạm.» Tỳ-kheo A-thấp-tỳ kia đã tùy thuận chúng Tăng không dám chống trái, đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu đã tùy thuận chúng Tăng, không còn chống trái nữa, thì nên đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn. Nên bạch tứ yết-ma giải.» «Có năm pháp không nên giải yết-ma tẫn: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Lại có năm pháp nên giải yết-ma tẫn: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.» Giải như vầy: Tỳ-kheo bị tẫn kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con là tỳ-kheo tên... Tăng đã trao cho con pháp yết-ma tẫn, nay con đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch nữa, đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn, cúi xin Tăng dũ lòng thương xót, vì con mà giải yết-ma tẫn.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... này, Tăng đã trao pháp yết-ma tẫn, nay tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch nữa, đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma tẫn. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên... Tăng đã được tác yết-ma tẫn, nay tùy thuận chúng Tăng không dám chống trái nữa, đến giữa Tăng cầu xin tăng giải yết-ma tẫn. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma tẫn. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma tẫn, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như trên. «Tăng đã vì tỳ-kheo... giải yết-ma tẫn rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 3. Y chỉ Thế Tôn ở nưóc Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Tăng-sô,[19] ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Tăng-sô: «Thầy ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội. Sao lại sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Bấy giờ, đức Thế Tôn tập họp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo Tăng-sô: «Ông đã làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp?» Quở trách rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Tăng vì tỳ-kheo Tăng-sô tác pháp y chỉ[20] bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Tác pháp như vầy: Họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi cho tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Tăng-sô này ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho tỳ-kheo Tăng-sô pháp yết-ma y chỉ. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Tăng-sô ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Nay Tăng vì tỳ-kheo Tăng-sô tác pháp yết-ma y chỉ. Các Trưởng lão nào chấp thuận vì tỳ-kheo Tăng-sô này tác pháp yết-ma y chỉ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo Tăng-sô tác yết-ma y chỉ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tác yết-ma y chỉ, năm việc không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không cùng với thiện tỳ-kheo đấu tranh.[21] Nên làm như vậy. Chúng Tăng đã trao cho tỳ-kheo Tăng-sô tác yết-ma y chỉ bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba pháp và năm pháp được tác yết-ma y chỉ, không được tác yết-ma y chỉ, như trên.» Vị kia xưng địa phương tác yết-ma y chỉ. Địa phương kia bị phá hoại, nhân dân phản loạn. Đức Phật dạy: «Không được xưng địa phương tác yết-ma y chỉ.» Vị kia xưng quốc độ tác yết-ma y chỉ. Quốc độ kia bị phá hoại, nhân dân tán loạn. Đức Phật dạy: «Không được xưng quốc độ tác yết-ma y chỉ.» Vị kia xưng trú xứ tác yết-ma y chỉ. Trú xứ kia nhân dân phá hoại. Đức Phật dạy: «Không được xưng trú xứ tác yết-ma y chỉ.» Vị kia xưng người tác yết-ma y chỉ. Người kia hoặc bị phá giới, hoặc bị phá kiến, hoặc phá oai nghi, hoặc bị cử, hoặc bị diệt tẫn, hoặc bị nên diệt tẫn, không thể tăng ích cho pháp Sa-môn, Phật [892a1] dạy: «Không được xưng người tác yết-ma y chỉ.» Vị kia xưng an cư tác yết-ma y chỉ. Người bị yết-ma kia trong an cư đắc trí tuệ. Đức Phật dạy: «Không được xưng an cư tác yết-ma y chỉ, mà cho phép nói rằng: ‹Ngươi hãy thọ y chỉ, nương theo mà sống.›» Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Tăng-sô đến chỗ tỳ-kheo thân hậu đa văn trí tuệ, giỏi về việc ăn nói, ở trong tụ lạc xin học phép tỳ-ni. Trong khi an cư đặng trí tuệ, tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng xin giải yết-ma y chỉ. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo Tăng-sô tùy thuận Chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước Chúng Tăng, cầu xin giải yết-ma y chỉ thì nên cho giải bằng pháp bạch tứ yết-ma. «Có năm pháp không được giải yết-ma y chỉ: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Có năm pháp cho giải yết-ma y chỉ: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Năm pháp như vậy nên cho giải yết-ma y chỉ.» Nên giải như vầy: Vị bị tác pháp yết-ma y chỉ nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho con pháp yết-ma y chỉ. Nay con tùy thuận Chúng Tăng đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì con giải yết-ma y chỉ.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã được Tăng trao cho pháp yết-ma y chỉ. Tỳ-kheo kia đã tùy thuận Chúng, không dám trái phạm nữa, (nay) đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma y chỉ. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã được Tăng trao cho yết-ma y chỉ, nay tùy thuận Chúng Tăng, không dám trái phạm nữa, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo tên... pháp yết-ma giải y chỉ. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma giải y chỉ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên... pháp yết-ma giải y chỉ rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 4. Hạ ý Đức Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên cùng năm trăm tỳ-kheo ở nước Già-thi du hành trong nhơn gian đến nơi Mật lâm.[22] Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên ở trong vườn A-ma-lê.[23] Cư sĩ Chất-đa-la[24] nghe hai Tôn giả du hành nhơn gian đến nơi Mật lâm hiện đang ở trong vườn A-ma-lê. Người cư sĩ kia đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên vì cư sĩ nói các pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Khi cư sĩ nghe Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên nói pháp mở bày hoan hỷ rồi, bạch rằng: «Xin Đại đức cùng Chúng Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên nhận lời bằng cách im lặng. Cư sĩ biết Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên đã hứa khả rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ rồi cáo lui. Về đến nhà, cư sĩ sắm sửa đủ các loại đồ ăn thức uống ngon bổ nhất trong thế gian, không thiếu một thứ gì. Bấy giờ, trong vườn A-ma-lê, tỳ-kheo cựu trú tên là Thiện Pháp[25] nghĩ như vầy: «Ta hãy đến nhà cư sĩ Chất-đa-la xem coi ông ta sửa soạn đồ ăn thức uống, làm thức ăn cho tỳ-kheo khách như thế nào; làm thức ăn cho tỳ-kheo cựu trú như thế nào?» Lúc bấy giờ, tỳ-kheo cựu trú Thiện Pháp liền đến nhà cư sĩ, đến chỗ làm thức ăn để xem coi thì thấy họ sửa soạn đầy đủ các đồ ăn thức uống tối thượng trong thế gian, không thiếu một thứ gì. Thấy rồi, ông nói như vầy: «Cư sĩ làm các thứ đồ ăn thức uống cho tỳ-kheo khách và làm các thứ đồ ăn thức uống vì cựu trú tỳ-kheo khác nhau.» Rồi ông khởi tâm ganh tị, sân hận, liền nói những lời ác như vầy: «Trong các thứ đồ ăn thức uống mà cư sĩ sắm sửa, có đủ những thứ đồ ăn thức uống tối thượng trong thế gian, không thiếu một thứ gì. Chỉ thiếu một thứ, đó là kẹo mè (vừng)[26].» Cư sĩ Chất-đa-la liền nói rằng: «Thưa Trưởng lão Thiện Pháp, ngài ôm trong lòng nhiều bảo vật như căn, lực, giác ý, thiền định, chánh thọ, mà nói những lời thô ác như vậy! Ngài Thiện Pháp, tôi sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ như vậy thì dùng cặn bã cây vừng để làm gì?» Cư sĩ nói tiếp: «Nay tôi xin nói một thí dụ. Người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Thí như có một quốc độ không có giống gà, trong khi đó có một người khách buôn đem đến một con gà mái. Con gà mái kia, vì không có gà trống, cùng với con quạ giao nhau. Con gà đẻ trứng ấp thành con, không gáy tiếng gà, lại cũng không kêu tiếng của quạ, nên gọi là gà quạ.[27] Cũng vậy, ngài Thiện Pháp, ngài ôm trong lòng nhiều bảo vật như căn, lực, giác ý, thiền định, chánh thọ, mà nói những lời thô ác như vậy! Ngài Thiện Pháp, tôi sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ như vậy thì dùng cặn bã cây vừng để làm gì?» Tỳ-kheo Thiện Pháp nói như vầy: «Cư sĩ mạ nhục tôi. Nay tôi muốn đi!» Cư sĩ nói: «Thưa đại đức Thiện Pháp, tôi không ác ngôn cũng không mạ nhục Đại đức. Ngài nên vui vẻ an trụ nơi Mật lâm này, chúng tôi sẽ cung cấp y phục, chăn màn, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men chữa bệnh.» Thiện Pháp lại nói như vầy: «Cư sĩ mạ nhục tôi. Tôi sẽ đi!» Cư sĩ nói rằng: «Đại đức muốn đi đâu?» Tỳ-kheo Thiện Pháp nói: «Tôi muốn đến chỗ đức Thế Tôn, nơi nước Xá-vệ.» Cư sĩ nói: «Như những lời giữa tôi và ngài, Ngài cứ trình bày đúng sự thật với đức Thế Tôn. Chứ đừng thêm bớt. Tại sao vậy? Vì ngài sẽ còn trở lại chỗ này.» Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Thiện Pháp mang y bát đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi bằng cách hỏi thăm: «Các tỳ-kheo trụ chỉ có được an lạc không? Không bị vất vả vì thức ăn chăng?» Thiện Pháp thưa: «Trụ chỉ được an lạc. Không vì sự ăn uống mà phải khổ.» Rồi đem những sự việc cùng lời nói của cư sĩ bạch lên đức Thế Tôn đầy đủ, không thêm bớt. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Thiện Pháp rằng: «Ông làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Thiện Pháp, sao cư sĩ kia là người đàn-việt có tâm tin tưởng, làm nhiều việc lợi ích, cung cấp chúng Tăng, mà ông dùng những lời hạ tiện mạ nhục?» Khi đức Thế Tôn ha trách Thiện Pháp rồi, bảo các tỳ-kheo: «Cho phép các tỳ-kheo vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp bạch tứ yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.[28] «Đối với tỳ-kheo có năm pháp, không được tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Không cung kính cha mẹ, không kính sa-môn, bà-la-môn, điều nên trì mà không kiên trì. Năm pháp như vậy Tăng không được trao pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.[29] «Có năm pháp nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Cung kính cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, điều nên trì kiên trì không bỏ. Năm pháp như vậy Tăng nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. «Tỳ-kheo có mười pháp nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Ác khẩu mạ lỵ bạch y gia; phương tiện khiến nhà bạch y tổn giảm; làm điều không lợi; làm cho không có trú xứ; đấu loạn bạch y;[30] trước bạch y hủy báng Phật; báng Pháp; báng Tăng; trước bạch y [893a1] mắng chửi hạ tiện; như pháp hứa bạch y mà không thật hiện.[31] Tỳ-kheo có mười pháp như vậy nên trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. «Có chín pháp, tám pháp, cho đến một pháp ác khẩu mạ lỵ bạch y gia, nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.» Nên làm như vầy: Họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Thiện Pháp này đối với cư sĩ Chất-đa-la là người đàn-việt có tâm tín mộ, thường hay cung cấp bố thí cúng dường cho Chúng Tăng, mà lại dùng lời hạ tiện xấu xa để mạ lỵ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Thiện Pháp đối với cư sĩ Chất-đa-la là người đàn-việt có tâm tín mộ, thường hay cung cấp bố thí cúng dường cho Chúng Tăng, mà tỳ-kheo Thiện Pháp dùng lời hạ tiện để mạ lỵ. Nay Tăng vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo Thiện Pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vị kia đã được tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy. Tăng đã vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y bằng pháp bạch tứ rồi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y là phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu, như trên.[32] «Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y là như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu, như trên.» Đức Phật cho phép sai một sứ giả đến nhà cư sĩ Chất-đa-la vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Sai bằng pháp bạch nhị yết-ma. Sứ giả có tám pháp nên sai: 1. Nghe nhiều. 2. Khéo nói. 3. Đã tự biết rõ. 4. Hiểu được ý người. 5. Chấp nhận lời của người. 6. Có khả năng ghi nhớ. 7. Không sơ sót. 8. Rõ được nghĩa của lời nói thiện ác. Người có tám pháp như vậy thì nên sai làm sứ giả. Ngài liền nói kệ rằng: Trước mặt những người trí, Nói không hề nhầm lẫn, Cũng không hề thêm bớt, Không quên lời đã dạy, Lời nói không thể hoại, Nghe không bị khuynh động: Tỳ-kheo được như vậy, Có thể làm sứ giả. A-nan là người có đủ khả năng thực hiện tám pháp như vậy: Khéo nghe, khéo nói, tự mình hiểu rõ, hiểu được ý người, chấp nhận lời của người, đủ khả năng ghi nhớ, không sơ sót, rõ được nghĩa của lời nói thiện ác. Đức Phật cho phép Tăng sai A-nan làm người sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la, sai bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai A-nan làm người sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai A-nan làm sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai A-nan làm sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng chấp thuận sai A-nan làm sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. Tăng đã sai sứ giả. Vị được sai đến nhà cư sĩ nói lời sám hối như vầy: «Tăng đã vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp khiển trách phạt vị ấy.»[33] Nếu cư sĩ nhận sự sám hối thì tốt. Bằng không, thì nên đưa cư sĩ đến chỗ mắt thấy, tai không nghe.[34] Rồi để tỳ-kheo bị yết-ma ở chỗ mắt thấy, tai không nghe, khiến như pháp sám hối. Sau đó, đến nói với cư sĩ đó rằng: «Tỳ-kheo kia trước phạm tội. Nay đã sám hối. Tội đã trừ.» Nếu cư sĩ nhận sự sám hối thì tốt, bằng không thì tỳ-kheo phạm tội tự mình đến để sám hối.[35] Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, dẫn tỳ-kheo Thiện Pháp đến nhà cư sĩ Chất-đa-la nói lên lời sám hối cư sĩ: «Tỳ-kheo kia Tăng đã làm pháp khiển phạt.» Cư sĩ Chất-đa-la liền chịu nhận cho sám hối. Bấy giờ tỳ-kheo Thiện Pháp thuận tùng Chúng Tăng không dám trái nghịch, đến giữa Tăng cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo Thiện Pháp đã thuận tùng Chúng Tăng không dám trái nghịch, mà cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma. «Có năm pháp không được giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Có năm pháp nên giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Năm pháp như vậy thì nên giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.» Nên giải như vầy: Người bị yết-ma nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nay tôi đã thuận tùng Chúng Tăng không dám trái nghịch, nên đến giữa Tăng cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì tôi giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng cầu xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... Tăng đã vì ông tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Tỳ-kheo kia tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch, (nay) đến giữa Chúng Tăng cầu xin giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì ông mà giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, tỳ-kheo kia đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo... giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc nầy được ghi nhận như vậy.»[36]
Chú thích: [1] Chiêm-ba 瞻波. Pali: Campā, thủ đô của vương quốc Aṅga. Xem Ch.v. Da thuộc, truyện Thủ-lung-na; cht. 1. [2] Già-thi 伽尸; trên kia, âm là Già-sa. Xem Ch.ix, mục 4, truyện Trường Sanh & cht. 15. [3] Bà-sa-bà tụ lạc聚落 婆娑婆. Lưu ý cách đọc theo bản Hán về các địa danh này: tại Chiêm-ba thành, Già-thi quốc, Sa-bà tụ lạc 在瞻波城伽尸國婆娑婆聚落. Tham chiếu Pali, Vin.i. 312: ... Campāyaṃ viharati... tena kho pana samayena Kāsīsu janapade vāsabhagāmo hoti, «Phật trú tại Campā. Bấy giờ, tại quốc cảnh Kāsi, có một thôn tên là Vāsabha.» [4] Thập tụng 30, tỳ-kheo này có tên là Cộng Kim 共金. Pali, Vin.i. 312: Kassapagotta. [5] Có lẽ tương đương Pali: tantibaddho, Horner dịch là «người gắn liền với tục lệ cổ truyền (attached to the tradition)», tức gắn chặt với các phận sự phải làm theo truyền thống của trú xứ đó. Bản Hán dịch Nam truyền dịch là «người chấp sự» và chú thích, là người quản lý các sự việc trong trú xứ, như Ma-ma-đế hay Đế-đế-đà-la. Bản Hán hiểu tanti (sợi dây ràng buộc) theo nghĩa tượng hình là «sự liên tục như giòng suối!» [6] Vị lai khách tỳ-kheo 未來客比丘; Tham chiếu Pali: kinti anāgatā ca pesalā bhikkhū āgaccheyyuṃ, «làm sao để tỳ-kheo khả ái chưa từng đến có thể đến đây?» [7] Vô sự vô duyên 無事無緣. Pali: avatthusmiṃ akāraṇe, không dựa trên cơ sở nào, không vì nguyên nhân gì. [8] Bản Hán dịch thiếu chính xác. Cần sửa lại, bốn loại yết-ma: phi pháp biệt chúng, (như) pháp biệt chúng, phi pháp hòa hiệp, (như) pháp hoà hiệp. [9] Nguyên Hán: mãn số 滿數. [10] Trùng tác yết-ma 重作羯磨. [11] Mahāvagga ix, Có 5 Tăng, 4 Tăng như Tứ phần. Thứ năm: Tăng trên 20 tỳ-kheo. [12] Pali: āpatti daṭṭhabbā, loại tội cần được thấy; tội mà tự mình phải thấy (phải thừa nhận). [13] Pali, Vin.i. 322: āpattiyā adassane ukkhipati, yết-ma xả trí vì không nhận tội. [14] Pali: āpatti paṭikātabbā, loại tội cần được sám hối. [15] Pali: āpatti daṭṭhabbatā, xem cht. 12 trên. [16] Ha 呵; tức chỉ trích. Thập tụng: già 遮; nghĩa là ngăn. Ở đây có nghĩa là ngăn không cho tiến hành yết-ma. Pali: saṅghamajjhe paṭikkosanā, sự phi nạn (phủ quyết) giữa Tăng. [17] Mahāvagga ix, Vin.i. 328: tỳ-kheo ưa gây tranh tụng (bhaṇḍaka-bhikkhu), bị Tăng cho yết-ma khiển trách (tajjanīyakamma, yết-ma ha trách). [18] Mahāvagga ix, ibid., Tỳ-kheo bị khiển trách đến trú xứ khác, Tăng ở đây biết yết-ma khiển trách này không được làm đúng, muốn làm lại cho đúng. [19] Tỳ-kheo bị khiển trách lại đi đến trú xứ khác. [20] 13 trường hợp được kể trong già nạn thọ cụ túc. Xem Chương thọ giới. [1] Tham chiếu Pali, Cullavagga 1 Kammakhandhakaṃ, Vin. ii. 1. [2] Trí Tuệ 智慧 và Lô-hê-na 盧醯那. Thập tụng 31: Bàn-trà 般茶 và Lô-già 盧伽. Vin.ii.1: Paṇḍuka-lohitaka, một nhóm các tỳ-kheo dẫn đầu bởi Paṇḍuka (Hán đọc là Paṇḍita) và Lohitaka. [3] Ha trách 呵責; tức khiển trách. Thâp tụng: khổ thiết yết-ma 苦切羯磨. Pali: tajjanīya-kamma. [4] Diễn tiến của tác pháp: tác cử 作舉, ức niệm 憶念, dữ tội 與罪, tác bạch. Diễn tiến theo Pali, Cūḷavag i (Vin.ii. 2): codetabba, nêu tội danh; sāratabba, làm cho nhớ lại (xác nhận); āpattiṃ āropetabba, quyết định tội; ñāpetabba, cáo bạch (công bố biện pháp trừng phạt). [5] Dị ngữ 異語; xem Phần I, Ch.v ba-dật-đề 12. [6] Những điều thuộc 7 pháp diệt tránh [7] Phục thủ tội 伏首罪, khuất phục nhận tội. Pali: āpattiṃ āropetvā, quyết định tội. [8] Pali: adesanāgāmaniyā āpatti, tội không dẫn đến việc phải sám hối. [9] Trên kia nói là «không phục thủ tội.» Xem cht. 19. [10] Đối tượng yết-ma không hiện diện. Pali: asammukhā kataṃ. [11] Các nhóm ba, không nhắc lại câu «Lại có…» Nghĩa là, đủ 3 yếu tố: tác ức niệm, yết-ma như pháp, Tăng hòa hợp. [12] Tức đã có vi phạm những quy định nêu trên. [13] Ky-ly-na 羈離那. Trên kia, âm là Kỳ-liên. Xem Phần i, Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa 12. Thập tụng: Hắc sơn quốc 黑山國. Pali, Vin.ii. 9, Kiṭāgiri, núi Kiṭā. [14] A-thấp-tỳ, Phú-na-bà-sa. Truyện hai tỳ-kheo này, xem Phần i, Ch.ii. tăng-già-bà-thi-sa 12. Thập tụng: Mã Tú và Mãn Tú 馬宿滿宿. Pali: Assaji-Punabbasuka. [15] Tẫn yết-ma 擯羯磨. Thập tụng: khu xuất yết-ma 驅出羯磨. Cūḷavag. i (Vin. 11. 10): pabbājjaniyakamma, yết-ma đuổi đi. [16] Như yết-ma ha trách trên. [17] Hán: trừ dư chúng trung thuyết giới 除餘眾中說戒. Không có điều khoản như vầy trong yết-ma ha trách trên. Nhưng có điều khoản tương tự: không được thuyết giới; nếu trong Tăng có hỏi nghĩa tỳ-ni thì không được đáp. Xem đoạn trên, tr. 87. [18] Xem yết-ma ha trách. [19] Tăng-sô 僧芻. Thập tụng: Thi-việt 施越. Vin.ii. 7, Seyyasaka. [20] Y chỉ yết-ma 依止羯磨; Thập tụng 31: ba đối tượng cần cho y chỉ: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Vin.ii. 8: Nissayakamma. [21] Xem yết-ma ha trách. [22] Mật lâm 密林. Thập tụng: Ma-xoa-chỉ-đà 磨叉止陀. Pali: Macchikāsaṇḍa, thị trấn trong nước Kāsi. [23] A-ma-lê 阿摩梨. Pali: Ambāṭakārāma. [24] Chất-đa-la cư sĩ 質多羅居士. Pali: Cittagahapati. Nguyên chủ nhân của vườn Ambāṭaka, sau đó cúng cho Tăng. [25] Thiện Pháp. Pali: Sudhamma. [26] Hồ ma tể 胡麻滓. Thập tụng: hồ ma hoan hỷ hoàn 胡麻歡喜丸. Pali: tilasaṅgulikā, bánh hay kẹo làm bằng hạt mè (vừng). [27] Hán: Ô kê 烏雞. [28] Thập tụng 下意羯磨: hạ ý yết-ma, khiến phải xin lỗi cư sĩ Cūḷavag.i (Vin.ii. 18): paṭisāraṇīyakammaṃ - gahapati khamāpetabbo, như Thập tụng. [29] Thập tụng 31 (T23n1435 tr.225a05): Trước khi làm yết-ma hạ ý, xét lời cư sĩ có thật không? Tỳ-kheo có khả năng làm việc ấy không? Tỳ-kheo này có chịu hạ ý không? [30] Vin.ii. 18: cố tình làm cư sĩ mất lợi (alābhāya); cố làm cho mất của (anatthāya); cố làm cho mất nhà (anāvāsāya); mắng nhiếc cư sĩ (akkosati); chia rẻ cư sĩ với cư sĩ (gihī ghīhi bhedeti). [31] Pali, ibid., gihīnaṃ dhammikaṃ paṭissavaṃ na saccāpeti, không thực hiện lời hứa như pháp đối với cư sĩ. [32] Xem mục yết-ma ha trách. [33] Thập tụng: Nếu cư sĩ nhận lời, bảo đi ra chỗ mắt thấy, tai không nghe. Rồi tỳ-kheo phạm sám đột-kiết-la với tỳ-kheo Tăng sai, cho cư sĩ thấy. [34] Thập tụng: Nếu cư sĩ không chịu; Tăng sai hai tỳ-kheo. Bấy giờ nếu cư sĩ chịu, cũng bảo đi như trên, rồi tỳ-kheo phạm sám đột-kiết-la với hai tỳ-kheo Tăng sai cho cư sĩ thấy. [35] Thập tụng: Nếu cư sĩ vẫn không chịu, Tăng bảo tỳ-kheo đó tránh đi trú xứ khác; nếu cư sĩ có thế lực quan quyền. [36] Hết quyển 44. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 5. Xả trí [894a8]1. Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ tỳ-kheo Xiển-đà[37] phạm tội, tỳ-kheo khác bảo rằng: «Thầy phạm tội có thấy không?» Xiển-đà trả lời: «Không thấy.» Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà rằng: «Thầy phạm tội, các tỳ-kheo nói, ‹Thầy phạm tội có thấy không?› Sao Thầy lại nói ‹Không thấy›?» Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Nầy tỳ-kheo Xiển-đà, ông phạm tội, các tỳ-kheo nói, ‹Thầy phạm tội có thấy không?› Sao ông lại nói ‹Không thấy›?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà, rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Chúng Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà yết-ma bị cử vì không thấy tội,[38] bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Nên làm như vầy: Tập họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‹Thầy phạm tội; có thấy không?› Xiển-đà đáp: ‹Không thấy.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì Xiển-đà tỳ-kheo tác yết-ma bất kiến tội cử. Đây là lời tác bạch . «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‹Thầy phạm tội; có thấy không?› Xiển-đà đáp: ‹Không thấy.› Nay Tăng vì Xiển-đà tác yết-ma bất kiến tội cử. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác yết-ma bất kiến tội cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo Xiển-đà tác yết-ma bất kiến cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» «Đã tác yết-ma bất kiến tội cử rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.» Chúng Tăng đã vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp bất kiến tội cử bằng bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba pháp, năm pháp tác yết-ma bất kiến tội cử là phi pháp phi tỳ-ni không thành tựu, như trên. «Lại có ba pháp, năm pháp tác yết-ma bất kiến tội cử thì như pháp như tỳ-ni yết-ma thành tựu như trên.» Tỳ-kheo bị cử bất kiến tội kia, khi Chúng Tăng khi tiểu thực hay đại thực, lúc nói pháp, lúc bố-tát, nên đến giữa Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Xin Đại đức nhận sự sám hối tự trách tâm của tôi, từ đây về sau không dám trái phạm nữa.» Tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận Chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nếu Xiển-đà đã tùy thuận Chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử thì nên trao cho pháp yết-ma giải, bằng pháp bạch tứ. «Có năm pháp không được giải yết-ma bất kiến tội cử: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Có năm pháp nên giải yết-ma bất kiến tội cử: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.» Nên giải như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất kiến tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên là... giải yết-ma bất kiến tội cử. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã được Tăng tác yết-ma bất kiến tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái phạm, nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất kiến tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất kiến tội cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận giải yết-ma bất kiến tội cử cho tỳ-kheo... rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, các tỳ-kheo hỏi rằng: «Thầy có tội, cần sám hối.» Xiển-đà trả lời: «Không sám hối.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà rằng: «Thầy phạm tội, tỳ-kheo khác bảo: ‹Thầy phạm tội, cần sám hối.› Sao Thầy lại trả lời: ‹Không sám hối›?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ông phạm tội, tỳ-kheo khác bảo: ‹Thầy phạm tội, cần sám hối.› Sao Ông lại trả lời: ‹Không sám hối›?» Đức Phật ha trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Chúng Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp bị cử vì không chịu sám hối[39] bằng pháp bạch tứ yết-ma. Nên làm như vầy: Tập họp Tăng, Tăng họp rồi tác cử, tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác bảo: ‹Thầy phạm tội, cần sám hối.› Xiển-đà đáp: ‹Không sám hối.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho Xiển-đà pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Đây là lời tác bạch . «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác bảo: ‹Thầy phạm tội, cần sám hối.› Xiển-đà đáp: ‹Không sám hối.› Nay trao cho Xiển-đà pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Xiển-đà yết-ma bất sám hối tội cử, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì Xiển-đà tác yết-ma bất sám hối tội cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vị kia đã được tác pháp bất sám hối tội cử rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy. Chúng Tăng vì Xiển-đà tác yết-ma bất sám hối tội cử bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma bất sám hối tội cử là phi pháp phi tỳ-ni [895a1], yết-ma không thành tựu, như trên. [40] «Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma bất sám hối tội cử thì như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trên. Vị đã bị tác yết-ma bất sám hối tội cử kia, khi Chúng Tăng, hoặc vào bữa tiểu thực, hay đại thực, hoặc khi thuyết pháp, bố-tát, nên đến trong Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Xin Đại đức nhận sự sám hối tự trách tâm mình của tôi, từ nay về sau không dám tái phạm.» Tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái phạm, cầu xin giải yết-ma bất sám hối tội cử thì Tăng nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma. «Có năm pháp không được giải yết-ma bất sám hối tội cử: Trao đại giới cho người cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Có năm pháp nên giải yết-ma bất sám hối tội cử: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.» Nên giải như vầy: Vị tỳ-kheo không sám hối tội cử kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... Tăng đã tác yết-ma bất sám hối tội cử, đã tùy thuận Chúng Tăng, không dám trái phạm. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất sám hối tội cử. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì tôi mà giải yết-ma bất sám hối tội cử.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Vị kia đã tùy thuận Tăng chúng, không dám trái nghịch. Nay đến trước Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo giải yết-ma bất sám hối tội cử. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất sám hối tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất sám hối tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất sám hối tội cử, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là lời yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo... pháp giải yết-ma bất sám hối tội cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 4. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Tỳ-kheo tự là A-lợi-tra,[41] đã sanh ác kiến như vầy: «Tôi hiểu pháp nghĩa do đức Phật nói, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Các tỳ-kheo nghe tỳ-kheo tự là A-lợi-tra, đã sanh ra ác kiến nói: «Tôi biết pháp nghĩa do đức Phật nói, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, muốn trừ khử ác kiến đã sanh ra nơi tỳ-kheo A-lợi-tra, nên liền đến chỗ tỳ-kheo A-lợi-tra, cung kính chào hỏi rồi ngồi qua một bên. Các tỳ-kheo nói với A-lợi-tra, rằng: «Thật sự ông hiểu pháp do đức Phật nói ra, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?» A-lợi-tra, trả lời: «Thật sự tôi hiểu pháp do đức Phật nói ra, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.» Các tỳ-kheo muốn trừ khử ác kiến đã sanh ra nơi A-lợi-tra, nên liền ân cần khuyên bảo: «Này A-lợi-tra, chớ nói như vậy, chớ hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt, đức Thế Tôn không bao giờ nói như vậy. Này A-lợi-tra, đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói pháp để đoạn dục, đoạn dục tưởng, diệt dục niệm, trừ bỏ lửa dục, vượt qua ái kết. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói dục như hầm lửa lớn, dục như đuốc cỏ khô, dục như trái chín muồi, như vật tạm mượn, như xương khô, như miếng thịt, dục như cảnh trong mộng, dục như mũi kiếm nhọn, dục như đồ gốm mới làm mà đựng nước để giữa nắng, dục như đầu con rắn độc, dục như nắm lưỡi gươm bén, dục như cây kích nhọn bén. Đức Thế Tôn đã nói như vậy. Này A-lợi-tra, đức Như Lai đã khéo léo nói pháp đoạn dục, không dục, loại bỏ cấu uế, không uế, diệt trừ khát ái, diệt trừ hang ổ;[42] thoát ly tất cả các sự ràng buộc, Niết-bàn với sự diệt tận của ái. Đức Phật nói như vậy đó. Sao lại nói dâm dục chẳng phải là chướng đạo?» Bấy giờ, các tỳ-kheo ân cần hỏi tỳ-kheo A-lợi-tra như vậy, nhưng tỳ-kheo A-lợi-tra, vẫn kiên trì ác kiến, quả quyết nói: «Điều đó là chân thật, ngoài ra là hư vọng.» Bấy giờ, các tỳ-kheo vì không thể loại trừ được ác kiến của A-lợi-tra, nên liền đến chỗ đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn lúc bấy giờ bảo một tỳ-kheo khác rằng: «Ông nhân danh Ta, gọi tỳ-kheo A-lợi-tra đến đây.» Bấy giờ, tỳ-kheo kia vâng lời đức Thế Tôn, đến chỗ tỳ-kheo A-lợi-tra bảo rằng: «Đức Thế Tôn gọi thầy.» A-lợi-tra nghe đức Thế Tôn kêu, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đức Thế Tôn bảo: «Này A-lợi-tra, thật sự ông có nói ‹Tôi hiểu pháp do đức Thế Tôn nói, dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo›, phải không?» A-lợi-tra thưa: «Bạch Đại đức, thật sự con có nói như vậy.» Đức Phật hỏi: «Sao ngươi biết điều Ta nói như vậy? Ta đã từng dùng vô số phương tiện để đoạn ái dục, như trên đã nói hay sao?» Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo A-lợi-tra rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp ha gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma.» Nên can gián như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lợi-tra này đã nói như vầy, ‹Hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra pháp can gián cho bỏ việc này. Tăng nói: ‹A-lợi-tra, đừng nói như vậy. Đừng hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói, Hành dâm dục là pháp chướng đạo. Nếu phạm dâm dục tức là chướng đạo.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lợi-tra đã nói như vầy: ‹Tôi đã biết pháp do Phật nói ra, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo. Nay Tăng tác pháp can gián cho bỏ việc này. Tăng nói: ‹A-lợi-tra, đừng nói như vậy. Đừng hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói. Hành dâm dục là pháp chướng đạo. Nếu phạm dâm dục tức là chướng đạo.› Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp can gián cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp can gián ha trách rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo A-lợi-tra đã được Tăng trao cho pháp can gián ha trách rồi mà cố ý không bỏ ác kiến. Bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, ha trách tỳ-kheo A-lợi-tra: «Tăng trao cho pháp can gián mà sao thầy cố ý không bỏ ác kiến?» Lúc ấy các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo A-lợi-tra rằng: «Ông làm điều [896a1] sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tăng trao cho pháp can gián mà sao thầy cố ý không bỏ ác kiến?» Dùng vô số phương tiện ha trách, rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Cho phép các tỳ-kheo trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra pháp bất xả ác kiến cử[43] bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Nên tác pháp như vầy: Tập họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử, tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lợi-tra đã sanh ra ác kiến. Tăng đã trao cho pháp can gián mà cố tâm không chịu bỏ ác kiến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma ác kiến bất xả cử. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lợi-tra không bỏ ác kiến, Tăng đã trao cho pháp can gián ha trách mà cố tâm không xả ác kiến. Nay Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác yết-ma bất xả ác kiến cử. Các Trưởng lão nào đồng ý nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma bất xả ác kiến cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma bất xả ác kiến cử rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» «Người đã được tác pháp ác kiến bất xả rồi, thì có năm việc không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.» Tăng đã vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp ác kiến bất xả bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có ba pháp, có năm pháp tác ác kiến bất xả cử yết-ma thì phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu, như trên.[44] «Có ba pháp, năm pháp tác ác kiến bất xả cử yết-ma thì như pháp, như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trên.» Vị đã bị cử ác kiến bất xả yết-ma kia, vào lúc Tăng tiểu thực, đại thực, hay lúc nói pháp, lúc bố-tát, nên đến trước Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất chấp tay bạch: «Xin Đại đức nhận sự sám hối, tự trách tâm tôi, từ nay về sau không dám tái phạm.» Tỳ-kheo A-lợi-tra đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch, nên đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo A-lợi-tra đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch, đã đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử, thì Chúng Tăng nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma. «Có năm pháp không được giải yết-ma bất xả ác kiến cử: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. «Có năm pháp nên giải bất xả ác kiến cử yết-ma: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.» Nên giải như vầy: Vị tỳ-kheo đã bị yết-ma bất xả ác kiến cử kia, nên đến trước Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất kiến xả cử, đã tùy thuận Tăng không dám trái phạm, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Cúi xin Tăng vì tôi giải yết-ma ác kiến bất xả cử, từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên mà tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã bị Tăng tác yết-ma bất kiến xả cử. Nay tùy thuận chúng không dám trái phạm, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma ác kiến bất xả cử. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... đã bị Tăng trao cho pháp yết-ma ác kiến bất xả cử, đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái nghịch. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma ác kiến bất xả cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất xả ác kiến. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất xả ác kiến cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng chấp thuận vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất xả ác kiến cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» CHƯƠNG XII. NGƯỜI[1] 1. Phú tàng i. Hành ba-lợi-bà-sa [896b26] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo phạm tăng tàn mà che dấu. Vị kia nghĩ như vầy: ‹Ta nên như thế nào?› Rồi bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng tùy theo ngày che dấu, trao cho tỳ-kheo kia, pháp trị tội phú tàng[2] bằng bạch tứ yết-ma. Nên làm như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối chấp tay, bạch những lời như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn[3] mà che dấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, tùy theo số ngày che dấu,[4] nay đến giữa Tăng xin yết-ma phú tàng.[5] Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày, từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên... kia đã phạm tội tăng tàn mà che dấu, tùy theo ngày che dấu đến giữa Tăng xin yết-ma phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng trao cho Tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn. Tỳ-kheo tên là... kia đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo tên là... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» ii. Bản nhật trị Tỳ-kheo kia khi hành phú tàng lại phạm tội chồng.[6][7] Vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên như thế nào?» rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng vì Tỳ-kheo kia tác pháp bổn nhật trị[8] bằng bạch tứ yết-ma.» Nên bạch như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tôi tỳ-kheo tên là... trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ.[9] Tôi tỳ-kheo tên là... nay đến trước Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Cúi xin Tăng cho tôi tỳ-kheo tên là... yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn [897a1] đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng, lại tái phạm tội cũ. Nay đến giữa Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên là... yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo này đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng lại tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo kia đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» iii. Ma-na-đỏa Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng tác pháp sáu đêm ma-na-đỏa[10] cho tỳ-kheo kia bằng bạch tứ yết-ma.» Nên trao cho như vầy: Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tôi trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ, đến trước Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã cho tôi yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tôi là Tỳ-kheo tên... đã hành pháp bổn nhật trị của pháp phú tàng xong, nay đến giữa Tăng xin yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc như trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đã đến tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bổn nhật trị của pháp phú tàng rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm . Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bổn nhật trị của pháp phú tàng rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho Tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» iv. Xuất tội Vị kia đã hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội[11] bằng bạch tứ yết-ma.» Nên xuất tội như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu. Tôi trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ, đến trước Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã cho tôi yết-ma bổn nhật trị của phú tàng. Tôi là tỳ-kheo... đã hành bổn nhật trị của phú tàng rồi, đến Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa. Tăng đã cho tôi yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Tôi là tỳ-kheo tên... hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bổn nhật trị của pháp phú tàng rồi, đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo... yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến trong Tăng xin yết ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì Tỳ-kheo... tác pháp yết-ma xuất tội. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che dấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che dấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bổn nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bổn nhật trị của pháp phú tàng rồi, đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến trong Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng vì tỳ-kheo tác pháp yết-ma xuất tội. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo... tác pháp yết-ma xuất tội rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Không phú tàng Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà không che dấu, suy nghĩ: «Ta nên như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Cách trao như sau: Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại [898a1] đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà không che dấu. Nay đến giữa Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn mà không che dấu. Nay đến trước Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... đã phạm tội tăng tàn không che dấu. Nay đến trước Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vị kia trong thời gian hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‹Ta nên làm sao đây?› Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia pháp bổn nhật trị của ma-na-đỏa bằng bạch tứ yết-ma.» Cách trao như sau: Tỳ-kheo kia nên đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng đã trao tội sáu đêm ma-na-đỏa. Trong khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, nay đến Tăng xin pháp yết-ma bổn nhật trị ma-ma-na đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma-ma-na đỏa của bổn nhật trị. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đến Tăng cầu xin yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma-ma-na đỏa của bổn nhật trị. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» Vị kia hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng vì tỳ-kheo kia xuất tội bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Nên xuất như sau: Tỳ-kheo kia phải đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến trong Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Khi tôi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đã đến trước Tăng xin bổn nhật trị của ma-na đỏa. Tăng đã cho tôi yết-ma bổn nhật trị của ma-na đỏa. Tôi là tỳ-kheo tên... đã hành bổn nhật trị của ma-na đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội, cúi xin Tăng cho tôi yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia khi hành pháp sáu đêm ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Vị kia đã hành ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo... xuất tội, đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Vị kia khi hành pháp ma-na-đỏa lại phạm trọng tội, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Tăng đã cho yết-ma bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành pháp bổn nhật trị của ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội. Các Trưởng lão nào đồng ý nay Tăng cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng chấp thuận cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.» 3. Tổng hợp tăng tàn 1. Bấy giờ, có một tỳ-kheo phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc phạm rồi che dấu một đêm, hoặc phạm rồi che dấu hai đêm, như vậy cho đến che dấu mười đêm. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Ta làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia, gộp lại làm mười ngày phú tàng cho nhiều tội tăng tàn đã phạm,[12] bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Cách trao cho như sau: Tỳ-kheo kia đến trong Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che dấu một đêm, hoặc đã che dấu hai đêm cho đến che dấu mười đêm. Nay đến trước Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm, từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che dấu một đêm cho đến mười đêm. Nay đến trong Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che dấu một đêm cho đến mười đêm. Nay đến trước Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng từ một đêm cho đến mười đêm rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này [899a1] được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo kia hành phú tàng rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Tỳ-kheo kia nên đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che dấu một đêm hoặc hai đêm, cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm, Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng. Tôi tỳ-kheo... hành phú tàng rồi, nay đến xin Tăng sáu đêm ma-na-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này, đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che dấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, và Tăng đã cho Tỳ-kheo... này yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo này đã hành phú tàng rồi, nay đến xin Tăng sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che dấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo kia đã hành mười đêm phú tàng xong, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nay Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thư hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vị kia thi hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội bằng bạch tứ yết-ma. » Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, che dấu một đêm hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến trong Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng mười đêm. Tôi đã hành phú tăng tàn xong, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Tôi đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nguyện Tăng cho tôi yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc che dấu một đêm hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho vị kia yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo... kia đã hành pháp mười đêm che dấu rồi, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo đã hành pháp sáu đêm ma-na-đỏa rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này, đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc che dấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo... kia đã hành pháp mười đêm phú tàng rồi. Đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia hành pháp ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng cho tỳ-kheo... kia yết-ma xuất tội. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất» Lần thứ hai, lần thư ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... kia yết-ma xuất tội rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Bấy giờ, có một tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che dấu, chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Tỳ-kheo kia tùy theo chỗ nhớ được, tùy theo ngày che dấu, đến trước Tăng xin yết-ma theo ngày che dấu, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo chỗ nhớ, tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo kia khi thi hành pháp phú tàng nhớ tội thứ hai, không biết nên làm thế nào? Bạch các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu của tội thứ hai đã nhớ.» Bấy giờ có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn đều che dấu cả hai, một tội không nghi ngờ. Vị kia đối với tội không nghi ngờ, tùy theo ngày che dấu, đến trong Tăng xin yết-ma ngày che dấu, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo ngày che dấu. Khi tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng, đối với tội có nghi ngờ kia không còn nghi ngờ nữa, tự nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu.» Bấy giờ có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn cả hai đều che dấu; biết một tội, không biết một tội. Vị kia đối với tội đã biết đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng liền biết trở lại tội thứ hai, tự nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng vì tỳ-kheo kia tùy theo chỗ biết tội thứ hai, với số ngày che dấu cho yết-ma phú tàng.» Bấy giờ có Tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn cả hai đều che dấu. Khi vị kia xin tội che dấu, chỉ nói một tội, che dấu một tội. Vị kia tùy theo tội được nói đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng. Vị kia thi hành pháp phú tàng, đối với tội phạm thứ hai, tâm tàm quý sanh, tự nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tăng nên cho yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che dấu của tội phạm thứ hai. Đức Phật bảo tiếp: «Các ông hãy lắng tai nghe cho kỹ, trường hợp nếu tỳ-kheo nào phạm hai tăng tàn, cả hai đều che dấu. Chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Tỳ-kheo kia đối với tội nhớ và tội không nhớ, đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng cũng cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng cho cả hai tội. Khi vị kia hành pháp phú tàng, có khách tỳ-kheo đến, biết pháp, biết luật, biết Ma-di. Khách tỳ-kheo kia hỏi cựu tỳ-kheo: «Này Trưởng lão, tỳ-kheo này phạm tội gì? Tại sao hành pháp phú tàng? «Cựu tỳ-kheo trả lời: «Thưa Trưởng lão, tỳ-kheo này phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che dấu. Chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng cho cả hai tội. Cho nên, tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng. «Tỳ-kheo khách kia nói: «Này Trưởng lão, yết-ma phú tàng cho tỳ-kheo kia là bất thành. Tại sao vậy? Yết-ma phú tàng cho tội mà tỳ-kheo kia nhớ thì đúng. Yết-ma phú tàng đối với tội mà tỳ-kheo kia không nhớ là không đúng, phi pháp; yết-ma bất thành. Chúng Tăng nên tác sám đột-kiết-la. Vị kia nên trao cho ma-na-đỏa.» [900a1] Nghi, không nghi; biết, không biết; cũng như vậy. 3. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà che dấu hai tháng. Vị kia chỉ nhớ một tháng, một tháng không nhớ. Vị kia theo chỗ nhớ một tháng, đến Tăng xin yết-ma phú tàng; Tăng cho yết-ma phú tàng một tháng. Vị kia khi hành pháp phú tàng, nhớ lại tháng thứ hai, tự nghĩ: «Ta nên thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy the chỗ nhớ tháng thứ hai.» Nghi, không nghi, cũng như vậy. Biết, không biết, cũng như vậy. Khi xin pháp phú tàng, che dấu một tháng phát lồ một tháng cũng như vậy. Đức Phật nói: «Các tỳ-kheo, hãy lắng nghe! Trường hợp nếu có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn che dấu hai tháng. Chỉ nhớ một tháng, không nhớ một tháng. Đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng cũng cho vị kia yết-ma phú tàng hai tháng. Khi vị kia hành pháp phú tàng, có khách tỳ-kheo đến, biết pháp, biết luật, biết Ma-di. Tỳ-kheo khách hỏi cựu tỳ-kheo: «Này Trưởng lão, vị kia phạm tội gì? Tại sao hành phú tàng? «Cựu tỳ-kheo đáp: «Tỳ-kheo này phạm tội tăng tàn che dấu hai tháng. Nhớ một tháng, không nhớ một tháng. Vị kia đem cả hai, nhớ và không nhớ, đến Tăng xin yết-ma hai tháng che dấu. Tăng cũng tùy theo vị kia cho yết-ma hai tháng che dấu, cho nên tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng. «Tỳ-kheo khách kia nói với cựu tỳ-kheo rằng: «Cho phép phú tàng không đúng. Tại sao vậy? Tỳ-kheo kia nhớ một tháng thì cho pháp phú tàng là đúng. Còn một tháng không nhớ mà cho pháp phú tàng là không đúng, phi pháp; yết-ma không thành tựu. Tăng nên tác pháp sám đột-kiết-la. Nên trao ma-na-đỏa cho tỳ-kheo kia.» Nghi, không nghi; biết, không biết; cũng vậy. 4. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn. Cả hai đều che dấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, đối với hai tội đã che dấu (trước kia), tự nghĩ: «Ta nên làm như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu cả hai. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, đối với hai tội đã che dấu, Tăng nên tùy theo số ngày che dấu đã phạm trước kia, và số ngày che dấu sau, trao cho yết-ma phú tàng. Cho yết-ma phú tàng xong, cho ma-na-đỏa.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che dấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi phát lồ hai tội. Tăng nên tùy theo số ngày che dấu đã phạm trước kia của tỳ-kheo mà trao cho yết-ma phú tàng. Trao cho yết-ma phú tàng rồi, trao cho ma-na-đỏa. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che dấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, che dấu hai tội. Vị kia tự nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu Tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che dấu. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi che dấu hai tội. Tăng nên tùy theo số ngày che dấu sau của tỳ-kheo kia trao cho yết-ma phú tàng. Sau đó mới trao cho pháp ma-na-đỏa.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che dấu. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi phát lồ hai tội. Tăng nên trao cho hai tội ma-na-đỏa. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu một tội, không che dấu một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, trước kia chỉ phát lồ một tội, sau lại che dấu cả hai. Vị kia nghĩ: «Ta nên như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu một tội, không che dấu một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, trước kia chỉ phát lồ một tội, sau lại che dấu cả hai. Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo ngày, một tội đã phạm mà trước sau đều che dấu; và một tội sau mới che dấu.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tội trước kia che dấu, sau cũng che dấu. Tội trước kia phát lồ, sau cũng phát lồ. Tăng nên tùy theo tội mà trước sau đều che dấu trao cho yết-ma phú tàng, tội thứ hai không che dấu nên trao cho pháp ma-na-đỏa. Có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tội trước kia che dấu, sau lại phát lồ. Tội trước kia phát lồ, sau lại che dấu. Tăng nên trao cho vị kia tùy theo một tội trước kia che dấu trao cho yết-ma phú tàng, và theo tội thứ hai mà sau che dấu, trao cho yết-ma phú tàng. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che dấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu, rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, cùng với tội trước kia che dấu, sau cả hai đều phát lồ. Tăng nên trao cho yết-ma phú tàng cho tỳ-kheo kia tùy số ngày của một tội phạm mà trước kia che dấu. Cho pháp ma-na-đỏa cho cả hai, kể luôn tội thứ hai. Nhớ một tội, không nhớ một tội, tạo thành bốn vế; cũng như vậy. Nghi một tội, không nghi một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy. Biết một tội, không biết một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy. Khi xin tội phú tàng, che dấu một tội, phát lồ một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy. (Trong đây, từ che dấu của một tội, không che dấu một tội, cho đến đây, có tất cả năm nhóm. Mỗi nhóm đều có bốn vế, như che một không che một thành bốn vế. Tổng cộng thành hai mươi vế). Khi hành pháp phú tàng, hai mươi vế; cũng lại như vậy. Hành pháp phú tàng rồi, hai mươi vế; cũng lại như vậy. Khi hành pháp ma-na-đỏa, hai mươi vế; cũng như vậy. Hành pháp ma-na-đỏa rồi, hai mươi vế; cũng lại như vậy. Làm sa-di rồi trở lại thọ đại giới, một trăm vế; cũng lại như vậy. Điên cuồng, một trăm vế; cũng lại như vậy. Thống não, một trăm vế; cũng lại như vậy. Tăng trao cho pháp bất kiến tội cử, một trăm vế; cũng lại như vậy. Không sám hối tội cử, một trăm vế cũng lại như vậy. Ác kiến bất xả tội cử, một trăm vế cũng lại như vậy. 5. Bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành phú tàng thì bãi đạo. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, vị kia tự nghĩ: «Ta nên như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo đang hành phú tàng, bãi đạo, rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, nên nối lại số ngày đã hành trước kia, rồi tiếp tục hành phú tàng số ngày còn lại.» Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đáng cho bổn nhật trị. Tỳ-kheo kia bãi đạo rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên tác pháp bổn nhật trị cho tỳ-kheo kia, bằng pháp bạch tứ yết-ma. Bấy giờ, có tỳ-kheo hành phú tàng xong rồi, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma. Bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành ma-na-đỏa, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tỳ-kheo kia đã hành bao nhiêu ngày ma-na-đỏa rồi mới nghỉ, còn số ngày chưa hành nên tiếp tục hành. Bấy giờ, có tỳ-kheo hành ma-na-đỏa xong rồi, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên trao cho vị kia pháp xuất tội bằng pháp bạch tứ yết-ma. Trường hợp trở lại làm Sa-di, năm vế cũng như vậy. Điên cuồng, năm vế cũng như vậy. Loạn tâm, năm vế cũng [901a1] như vậy. Thống não, năm vế cũng như vậy. Tăng trao cho các pháp yết-ma bất kiến tội cử, bất sám hối tội cử, ác kiến bất xả cử, mỗi tội cử năm vế cũng như vậy. 6. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khi hành pháp phú tàng, trung gian phạm tội, biết số ngày mà che dấu. Vị kia tự nghĩ rằng: «Ta nên như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu khi hành phú tàng, trung gian lại phạm tội, biết số ngày mà che dấu. Tăng nên tùy theo trung gian phạm tội mà trao cho yết-ma phú tàng. Cho yết-ma phú tàng rồi trao cho bổn nhật trị. Hành bổn nhật trị của phú tàng rồi, trao cho ma-na-đỏa. Trao cho ma-na-đỏa rồi, nên xuất tội cho người đó.» Không biết số ngày che dấu cũng như vậy. Biết số ngày che dấu, không biết số ngày che dấu cũng như vậy. Hành phú tàng rồi, cũng như vậy. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành ma-na-đỏa, trung gian phạm tội, biết số ngày, không che dấu. Vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo trong khi hành ma-na-đỏa, trung gian lại phạm chồng, biết số ngày, không che dấu. Tăng nên trao cho pháp ma-na-đỏa. Trao ma-na-đỏa rồi, nên trao cho pháp bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Hành bổn nhật trị ma-na-đỏa rồi, nên trao cho yết-ma xuất tội.» Không biết số ngày, không che dấu; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che dấu; cũng như vậy. Hành ma-na-đỏa rồi, biết số ngày, không che dấu; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che dấu; cũng như vậy. 7. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che dấu, không che dấu, che dấu hoàn toàn, không che dấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao yết-ma phú tàng cho tỳ-kheo kia tùy theo ngày che dấu.» Nên trao như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa rằng: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che dấu, không che dấu, che dấu hoàn toàn, không che dấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Tùy theo ngày che dấu đến bên Chúng Tăng xin yết-ma phú tàng. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Từ mẫn cố!» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che dấu, không che dấu, che dấu hoàn toàn, không che dấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Vị kia tùy theo ngày che dấu đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Vị kia tùy theo ngày che dấu đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Nay Tăng cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... kia yết-ma tùy phú tàng theo ngày che dấu thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Tăng đã chấp thuận trao cho Tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. Vị kia đang hành pháp phú tàng, trung gian lại tái phạm tội, biết số ngày che dấu, vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia bạch tứ yết-ma bổn nhật trị đối với trung gian phú tàng của tội trước.» Nên trao như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tôi tùy theo số ngày che dấu đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng; Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng. Tôi tỳ-kheo... khi hành pháp phú tàng phạm tội trở lại, biết số ngày che dấu, đến bên Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Cúi xin Tăng trao cho tôi yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian phạm tội, lại biết số ngày che dấu, nay đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo này yết-ma tội phạm trước, trung gian tái phạm phú tàng bổn nhật trị. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này tùy theo ngày che dấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng, Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian lại tái phạm biết số ngày che dấu, nay đến Tăng xin yết bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo này yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý trao cho Tỳ-kheo tên là... yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo hành pháp phú tàng, trung gian lần thứ hai tái phạm, cũng như vậy. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo này sáu đêm ma-na-đỏa bằng bạch tứ yết-ma.» Nên trao cho như vầy: Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tùy theo ngày che dấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Khi tôi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tôi yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng khi tôi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đến bên Tăng xin yết bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tôi yết-ma bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tôi tỳ-kheo tên là... đã hành pháp phú tàng rồi, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, từ mẫn cố.» [902a1] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này tùy theo ngày che dấu, đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã cho tỳ-kheo này yết-ma phú tàng. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng lại trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đã đến bên Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo này yết-ma bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tùy theo ngày che dấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã cho tỳ-kheo này yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Khi tỳ-kheo này hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, nay đến xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa, các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Tăng đã đồng ý trao cho Tỳ-kheo.... sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. Bấy giờ, tỳ-kheo kia hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội bằng bạch tứ yết-ma, như trên.» Nên xuất tội như vầy: Khi Chúng Tăng xuất tội cho tỳ-kheo kia mà không như pháp, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Lắng nghe cho kỹ: Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu, Tăng trao cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu. Vị kia đến bên Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia tưởng là đúng, hành pháp phú tàng rồi đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa phi pháp. Tỳ-kheo kia tưởng là đúng, hành ma-na-đỏa xong, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp, Ta nói tỳ-kheo này không thanh tịnh, tội không khỏi. «Trường hợp có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che dấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước như pháp. Nhưng tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa không như pháp. Tỳ-kheo kia tưởng là như pháp, hành ma-na-đỏa rồi, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng trao cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp. Ta nói tỳ-kheo kia không thanh tịnh, tội không khỏi. «Trường hợp có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che dấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước như pháp. Tỳ-kheo kia hành phú tàng xong, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa như pháp. Tỳ-kheo kia hành ma-na-đỏa rồi, đến tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng trao cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp. Ta nói người này không thanh tịnh, tội không khỏi. «Trong đây, biết số ngày, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số che dấu, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, che dấu, không che dấu; ba câu cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, che dấu, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. «Trong đây, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che dấu đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng, Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che dấu, đã đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che dấu, đến Tăng xin yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai. Tăng trao cho Tỳ-kheo kia [903a1] yết-ma bổn nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành phú tàng xong, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa như pháp. Tỳ-kheo kia hành ma-na-đỏa rồi, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia xuất tội như pháp. Ta nói tỳ-kheo này thanh tịnh không phạm, tội được khỏi. «Biết số, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, che dấu, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, che dấu, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, không che dấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, che dấu, không che dấu, ba vế cũng như vậy.» 8. Lúc bấy giờ, trú xứ nọ có hai tỳ-kheo phạm tội tăng tàn. Tỳ-kheo kia trong ngày, từ trú xứ ra đi và nói: «Nếu gặp được tỳ-kheo thanh tịnh tôi sẽ sám hối.» Tỳ-kheo thứ nhất khi bắt đầu đi, lại che dấu. Tỳ-kheo thứ hai khi thấy tỳ-kheo khác bèn che dấu; như vậy cả hai đều che dấu. Vị thứ nhất nhớ tội. Vị thứ hai không nhớ tội. Vị kia nhớ mà che dấu là phú tàng. Vị không nhớ, chẳng phải phú tàng. Vị thứ nhất nghi, vị thứ hai không nghi. Vị nghi mà che dấu tức là không phú tàng. Vị không nghi mà che dấu tức là phú tàng. Vị thứ nhất biết, vị thứ hai không biết. Vị biết mà che dấu tức là phú tàng. Vị không biết mà che dấu tức là không phú tàng. 9. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, mà bảo là phạm ba-la-di che dấu. Vị kia nghĩ rằng: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn bảo là ba-la-di che dấu, nên trao cho pháp sám đột-kiết-la, sau đó trao cho ma-na-đỏa.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, mà bảo là phạm ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết che dấu, vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà gọi là ba-dật-đề cho đến ác thuyết che dấu, dạy họ tác pháp sám hối đột-kiết-la rồi trao cho ma-na-đỏa.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà bảo là ba-la-di che dấu. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà bảo là ba-la-di che dấu, nên dạy họ sám đột-kiết-la rồi sau như pháp sám.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà bảo là phạm tăng tàn, cho đến ác thuyết che dấu. Đức Phật dạy: «Nên dạy họ sám đột-kiết-la rồi sau như pháp sám. ba-dật-đề, ba-la-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết cũng như vậy.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, nếu tác ý tăng tàn phú tàng, thì nên dạy họ sám đột-kiết-la, sám rồi trao cho phú tàng. Phạm ba-dật-đề cho đến ác thuyết cũng như vậy. 10. Bấy giờ, nơi trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm nhiều tội tăng tàn. Tỳ-kheo kia không nhớ số tội phạm, không nhớ số ngày. Vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, không nhớ số tội phạm, không nhớ số ngày, thì nên kể từ lúc thanh tịnh về sau là phú tàng. Nếu nhớ số tội phạm mà không nhớ ngày cũng nên kể từ lúc thanh tịnh về sau là phú tàng. Nếu nhớ số ngày mà không nhớ tội phạm nên tính theo ngày mà trao cho tội phú tàng. «Nghi, không nghi; cũng như vậy. Biết, không biết; cũng như vậy.» Tỳ-kheo kia hoặc nhớ số lượng một tội, hoặc không nhớ số lượng một tội, hoặc nhớ số ngày một tội, hoặc không nhớ số ngày một tội, nên kể từ ngày thanh tịnh về sau là che dấu. Nếu nhớ số lượng phạm hoặc nhớ số ngày phạm một tội, không nhớ số ngày phạm một tội, nên kể từ thanh tịnh về sau là che dấu. Nếu nhớ số ngày hoặc nhớ số tội phạm, hoặc không nhớ số tội phạm, nên tính ngày trao cho tội che dấu. Nghi, không nghi; cũng như vậy. Biết, không biết; cũng như vậy.» 11. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số lượng, không che dấu. Vị kia đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng che dấu, vị kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số lượng, không che dấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho sáu đêm ma-na-đỏa, liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng che dấu, Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia ma-na-đỏa và nói: ‹Này tỳ-kheo, thầy nên hành lại pháp ma-na-đỏa.› Nếu hành pháp ma-na-đỏa một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, biết số lượng che dấu, Tăng nên trao cho tỳ-kheo này ma-na-đỏa. Trao cho ma-na-đỏa rồi, nên trao cho bổn nhật trị của ma-na-đỏa. Hành bổn nhật trị ma-na-đỏa rồi, nên cho pháp xuất tội.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số lượng không che dấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia liền trong ngày ấy, trung gian tái phạm, không biết số lượng che dấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa và nói: «Này tỳ-kheo, thầy nên hành ma-na-đỏa lại. Nếu hành một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, không biết số lượng che dấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia ma-na đỏa. Trao cho họ ma-na-đỏa rồi, nên trao cho ma-na-đỏa bổn nhật trị, trao cho ma-na-đỏa bổn nhật trị rồi, nên trao cho pháp xuất tội.» Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không che dấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng, không biết số lượng che dấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa và nói: «Này Tỳ-kheo, thầy nên hành ma-na-đỏa lại.» Nếu hành một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, biết số lượng, không biết số lượng, che dấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Vị kia hành ma-na-đỏa rồi, nên trao cho bổn nhật trị ma-na-đỏa, trao cho bổn nhật trị ma-na-đỏa rồi, nên trao cho pháp xuất tội. Không biết số lượng, không che dấu; cũng như vậy. Biết số lượng, không biết số lượng, không che dấu; cũng như vậy.[13]
Chú thích: [37] Xiển-đà, xem Phần i, Ch. ii, Tăng-già-bà-thi-sa 13. [38] Bất kiến tội cử 不見罪舉. Thập tụng: bất kiến tẫn 不見擯. Pali (Vin.ii. 20): āpattiyā adassane ukkhepanīya, bị xả trí (bỏ mặc) vì không chịu nhận tội. [39] Bất sám hối tội cử 不懺悔罪舉. Thập tụng: bất tác tẫn yết-ma 不作擯羯磨. Pali, ibid. (25): āpattiyā appaṭikamme ukkhepanīya, bị xả trí vì không chịu sám hối tội. [40] Xem yết-ma ha trách. [41] A-lợi-tra 阿利吒. Trên kia, âm là A-lê-tra. Xem Phần i Ch.v. ba-dật-đề 68. [42] Sào quật 巢窟; xem cht. 57, Phần iii, Ch. i (Thọ giới). [43] Bất xả ác kiến cử 不捨惡見. Thập tụng: ác tà bất trừ tẫn 惡邪不除擯. Pali: pāpikāya diṭṭhiyā appaṭinissage upekkhanīya, xả trí vì không từ bỏ ác kiến. [44] Xem yết-ma ha trách. [1] Tham chiếu Pali, Cullavagga ii. Pārivāsikakkhandhakaṃ, Vin. ii. 31. Ngũ phần 23, phần iv. Ch.ii. Pháp yết ma (T22n1421 tr.156b); Tăng kỳ 26, Tạp tụng bạt cừ (T22n1425 tr.435a); Thập tụng 32, Tăng tàn sám hối pháp (T23n1435 tr.228b). [2] Tùy theo số ngày phú tàng mà cho số ngày biệt trụ tương ứng. Xem Thập tụng 32 (T23n1435 tr.232c08); Cūḷavag. iii (Vin.ii. 40); Ngũ phần 32 (tr.136c29). [3] Thập tụng, nói rõ tội danh: «Tôi tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di, cố ý xuất tinh, phạm tăng-già-bà-thi-sa này một tội phú tàng.» [4] Trong văn thỉnh của Pali, có nói rõ số ngày che dấu để xin. Nếu một ngày che dấu (Vin. ii. 40): (…) Sohaṃ, bhante, saṅghaṃ ekisā āpattiyā sañcetanikāya sukkavisaṭṭhiyā ekāhappaṭic-channāya ekāhaparivāsaṃ yācāmi, «…Vì vậy, thưa các Đại đức, tôi xin Tăng một ngày biệt trụ cho một tội cố ý xuất tinh một ngày phú tàng.» Nếu năm ngày che dấu (Vin.ii. 42): … pañcāhappaṭic-channāya pañcāhaparivāsaṃ yācāmi, «tôi xin năm ngày biệt trú cho năm ngày phú tàng.» Thập tụng 32 (T23n1435 tr.233a09): «… tuỳ theo số ngày phú tàng, xin Tăng pháp biệt trụ.» Ngũ phần 32 (tr.137a 12): «… một đêm phú tàng, nay xin Tăng một đêm pháp biệt trụ.» [5] Các luật đều nói: «xin biệt trú.» Tức xin thi hành ba-lợi-bà-sa 波利婆沙. Hành sự sao 8: «Ba-lợi-bà-sa, hoặc dịch là phú tàng.» Không đúng. Ba-lợi-bà-sa là phiên âm từ Skt. (Pali): parivāsa. Từ này cũng áp dụng cho ngoại đạo xuất gia, gọi là «bốn tháng biệt trú» (Pali: cattaro māse parivāso), không liên hệ gì đến ý nghĩa «phú tàng.» [6] Trùng phạm 重犯, phạm lại tội cũ. Tham chiếu Pali, Vin.ii. 43: Udāyī đang hành biệt trụ vì 5 ngày phú tàng tội cố ý xuất tinh, lại tái phạm tội cũ mà không phú tàng. Tăng cho hành bản nhật trị không phú tàng. Sau đó (Vin.ii. 48), phạm tội cố ý xuất tinh, nửa tháng hành biệt trụ vì 15 ngày phú tàng. Trong khi hành biệt trụ, lại tái phạm, lại phú tàng 5 ngày. Tăng hiệp cả hai lần phú tàng trước sau thành pháp hiệp nhất biệt trụ (samodhānaparivāsa). [7] Thập tụng, đã dẫn: tái phạm tội cũ, một ngày không phú tàng, cho bản nhật trị. [8] Bản nhật trị 本日治. Pali: mūlāyapaṭikissanā, kéo trở lại gốc. [9] Cf. Vin.ii. 43: Tỳ-kheo đang hành biệt trụ về tội cố ý xuất tinh, tái phạm tội cũ, khi xin yết-ma, nói rõ tội cũ: (…) sohaṃ parivasanto antarā ekaṃ āpattiṃ āpajjiṃ sañcetanikaṃ sukkavissaṭṭhiṃ appaṭicchanaṃ. Sohaṃ, bhante, saṅghaṃ antarā ekissā āpattiyā sañcetanikāya sukkavissaṭṭhiyā appaṭicchannāya mūlāya paṭikassanaṃ yācāmi’ti. «Tôi trong khi đang hành biệt trụ, trung gian phạm một tội có ý xuất tinh, không che dấu. Nay tôi, thưa các Đại đức, xin Tăng cho tôi bản nhật trị cho trung gian một tội cố ý xuất tinh không che dấu.» [10] Ma-na-đỏa 摩那埵. Pali: mānatta; PTS Dict. nói, từ nguyên không rõ. Giả thiết do māna «đo lường,» nên có thể có nghĩa «thi hành biện pháp.» Từ nguyên, theo BSK: mānāpya, «làm cho hài lòng.» Hán dịch thông dụng là ý hỷ. [11] Xuất tội 出罪. Pali: abbhāna, sự phục hồi. [12] Thập tụng 32 (T23n1435 tr.236b22): «Lần thứ nhất, cố ý xuất tinh, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đêm phú tàng. Thứ hai, xúc nữ, hai đêm phú tàng, thứ ba… cho đến, lần thứ 13, lệ ngữ, 13 đêm phú tàng. Cho người đó 13 đêm biệt trụ.» Nghĩa là, chọn ngày phú tàng lớn nhất cho tất cả các tội phú tàng, chứ không phải làm phép toán cộng. Tăng kỳ 26 (T22n1425 tr.436c26): phạm tội thứ nhất 10 đêm phú tàng, tội thứ hai 10 đêm, cho đến tội thứ mười 10 đêm phú tàng. Họp lại làm thành 10 đêm biệt trụ. Ngũ phần 22 (T22n1421 tr.157c04): «Phạm 1 đến nhiều tội tăng-già-bà-thi-sa, phú tàng từ 2 đến nhiều đêm; chỉ tính số đêm phú tàng lâu nhất. Theo số đó mà cho biệt trụ.» [13] Hết quyển 45. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG XIII. PHÚ TÀNG[1] [904a7] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo bản thân hành phú tàng, lại cùng nhau trao yết-ma phú tàng, yết-ma bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên bản thân hành phú tàng mà trao cho người khác yết-ma phú tàng, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.» Tỳ-kheo hành bổn nhật trị kia lại thay nhau tác phú tàng bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội. Đức Phật dạy: «Không nên bản thân hành bổn nhật trị, lại thay nhau tác phú tàng, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.» Tỳ-kheo bản thân hành ma-na-đỏa, lại thay nhau tác phú tàng. Đức Phật dạy: «Không nên bản thân hành ma-na-đỏa, và trao cho người khác tác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội.» Tỳ-kheo bản thân xuất tội, lại thay nhau tác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội. Đức Phật dạy: «Không nên bản thân xuất tội, và trao cho người khác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội.» Có vị hành phú tàng, lại thay nhau tác yết-ma phú tàng, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, túc số hai mươi vị để xuất tội. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy; bản thân hành Phú tàng, bổn nhật trị cũng như vậy; bản thân hành ma-na-đỏa cũng như vậy; bản thân hành xuất tội cũng như vậy. Có vị hành phú tàng, lại trao cho người khác thọ đại giới, cho người khác y chỉ, nuôi sa-di, thọ Tăng sai, sai rồi giáo thọ tỳ-kheo-ni. Đức Phật dạy: «Người hành phú tàng không được làm như vậy.» Có vị khi hành phú tàng, biết có tỳ-kheo khác có thể thuyết giới, lại thuyết giới cho các vị ấy. Ở trong Tăng, hoặc hỏi, hoặc trả lời nghĩa Tỳ-ni. Hay ở trong túc số khi Chúng Tăng làm yết-ma. Hoặc nhận Tăng yết-ma sai làm người bình đoán sự; nhận làm sứ giả cho chúng Tăng. Đức Phật dạy: «Người hành phú tàng không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng vào tụ lạc quá sớm, về quá trễ; hoặc không gần gũi sa-môn, lại gần gũi với ngoại đạo; không tùy thuận tỳ-kheo, nói quanh co. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng, hoặc phạm tội này, hoặc tương tợ tội này, hoặc từ tội này sanh, hoặc trùng phạm tội này, ngăn trách yết-ma của người khác và làm người tác yết-ma. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị hành phú tàng, nhận tỳ-kheo thanh tịnh trải chỗ ngồi, rửa chân, lau giày dép, xoa chà thân thể. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng, nhận sự đón rước, lễ bái, vòng tay cung kính hỏi chào, cầm y bát của tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng, tác ức niệm, tác tự ngôn đối với tỳ-kheo thanh tịnh, làm chứng cho người khác, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ, cùng với tỳ-kheo thanh tịnh tranh tụng. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng, cùng với tỳ-kheo thanh tịnh đi vào nhà bạch y, hoặc theo tỳ-kheo khác đi, hoặc dẫn tỳ-kheo khác đi, hoặc nhận người khác cúng dường, hoặc nhận sự cạo tóc của tỳ-kheo thanh tịnh, hay nhờ tỳ-kheo thanh tịnh làm sứ giả. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hành phú tàng, cùng tỳ-kheo thanh tịnh đi đến bữa ăn trước và bữa ăn sau; đi trước, cùng nói, hay đi ngang hàng, hoặc lật ngược y, hoặc trùm y phủ hai vai, hoặc trùm đầu, hoặc phủ hai vai, hoặc mang giày dép. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Từ nay về sau cho phép để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đi theo sau.» Có tỳ-kheo đang hành phú tàng, có ý nghĩ, không lên đến nơi ăn. Sợ tỳ-kheo khác biết là mình đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Vị đang hành phú tàng kia lại nghĩ, lên đến bữa ăn nhưng không ngồi. Sợ tỳ-kheo khác biết mình đang hành phú tàng. Có tỳ-kheo đang hành phú tàng nọ có ý nghĩ, chỉ ăn thức ăn được mời. Sợ tỳ-kheo kia biết ta hành phú tàng. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Vị hành phú tàng kia cùng tỳ-kheo thanh tịnh theo thứ tự ngồi. Đức Phật dạy: «Không được ngồi như vậy. Cho phép đi và ngồi sau.» Đức Thế Tôn có dạy: «Người phạm tội nên đi và ngồi sau.» Có vị bèn ngồi sau bạch y. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị ngồi dưới sa-di. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy. Nên ngồi và đi sau đại tỳ-kheo.» Vị hành phú tàng nọ đi kinh hành chung chỗ kinh hành của tỳ-kheo thanh tịnh. Vị kia kinh hành chỗ thấp, mình kinh hành chỗ cao. Hoặc đi trước, hoặc cùng nói, hoặc đi ngang hàng, lật ngược y, trùm y hai vai, trùm đầu, phủ hai vai, mang giày dép. Đức Phật dạy: «Cho phép để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đi phía sau.» Vị hành phú tàng kia trên đường đi khởi ý nghĩ, không đi trên đường chánh. Sợ các tỳ-kheo khác biết ta đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: «Không nên nghĩ như vậy.» Vị hành phú tàng kia, trên đường đi, khởi ý nghĩ, hãy đi phía sau. Sợ tỳ-kheo khác biết ta đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: «Không nên nghĩ như vậy.» Vị hành phú tàng kia ngồi chung một giường, một ván với tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy. «Nếu giường dài hay ván dài thì Phật cho phép làm cách đoạn, sau đó mới ngồi. Nếu các loại giường khác thì ngồi đằng sau.» Vị hành phú tàng kia vào bữa tiểu thực, đại thực nên lau quét, trải chỗ ngồi, lấy bình đựng nước rửa, dụng cụ đựng đồ ăn thừa. Trải tọa cụ cho tỳ-kheo thanh tịnh; cho đến đồ rửa chân, vật lau chân, đồ đựng nước. Tỳ-kheo thanh tịnh đến, nên ra ngoài xa đón rước, cầm y bát. Nếu có giường nào khác, chỗ để bát, thì đặt nơi đó. Tăng-già-lê ở trên đầu, trên vai nên lấy xem có bụi đất bẩn hay không. Nếu có bụi đất bẩn thì nên đập giũ. Nên giặt thì giặt. Giặt rồi nên phơi khô, treo trên giường dây, giường cây. Nên trải chỗ ngồi cho tỳ-kheo thanh tịnh, lấy đồ rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước, lau giày dép rồi để phía bên tả, xem coi đừng để nước bùn làm bẩn. Nếu bị nước bùn bẩn thì nên di chuyển đến chỗ khác. Tỳ-kheo thanh tịnh rửa chân rồi, nên dọn dẹp cục đá rửa chân, đồ đựng nước; đem để lại chỗ cũ. Vị kia nên rửa tay sạch, trao thức ăn buổi chiều cho tỳ-kheo thanh tịnh. Khi tỳ-kheo thanh tịnh ăn, nên cung cấp các thứ cần dùng như sữa, tương, man-nâu, dấm chua, muối, rau. Nếu thời tiết nóng thì nên quạt, cần nước thì đưa nước. Nếu sợ quá giữa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo thanh tịnh ăn xong, nên rước lấy bình bát, đưa nước rửa tay. Nếu tự mình ăn rồi, thức ăn còn nên cho người, hoặc phi nhơn, hoặc đổ chỗ nước không có trùng, hay chỗ đất không có cỏ. Rửa đồ đựng thức ăn rồi để lại chỗ cũ. Quét dọn nhà ăn, dọn dẹp sạch sẽ. Tỳ-kheo kia dùng cái bát mình thường ăn đựng rác đem đổ. Tỳ-kheo khác thấy vậy nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không nên dùng bình bát đựng đồ rác rưới. Cho phép dùng cái bồn, cái mâm. Hoặc quét. Bình bát chỉ nên đựng đồ sạch sẽ mà thôi.» Tỳ-kheo hành phú tàng kia, khi Tăng cần tắm rửa,[2] nên đến tỳ-kheo thanh tịnh hỏi: ‹Thưa đại đức, ngài có tắm không?› Nếu vị đó trả lời là tắm, thì tỳ-kheo này nên đến xem coi nhà tắm có bẩn không. Nếu bẩn thì nên quét dọn. Cần dội nước thì nên [905a1] dội nước; cần củi thì lấy củi; củi cần bửa thì bửa; cần lửa thì nhen lửa; cần đun nước thì đun. Nên trao cho tỳ-kheo thanh tịnh bình đựng nước tắm, ghế ngồi tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, hoặc bùn. Nên hỏi Thượng tọa trước khi nhen lửa. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh bệnh, hoặc già yếu, thì nên dìu đến nhà tắm. Nếu không thể đi được thì nên dùng giường dây, giường cây hoặc y khiêng đến nhà tắm. Nên lấy y của tỳ-kheo thanh tịnh treo trên cây sào, hay long nha hoặc cây trụ. Nếu có dầu thì nên thoa nơi thân vị ấy. Đồ đựng dầu để chỗ không bảo đảm, đức Phật bảo treo trên cây long nha hay cây trụ, hoặc treo trên vách tường. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh bệnh già yếu thì nên dìu vào trong nhà tắm, trao giường dây, giường cây, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, bình đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, bùn. Nếu bị khói xông lên con mắt thì nên dùng đồ che. Nếu đầu bị nóng, lưng bị nóng nên lấy đồ che. Nếu muốn vào nhà tắm để tắm thì nên bạch với tỳ-kheo thanh tịnh ý muốn của mình. Nếu sợ bạch tỳ-kheo thanh tịnh phiền ngài, hay bị trở ngại thì hầu ngài vào nhà tắm, đứng sau tỳ-kheo thanh tịnh xoa chà thân người. Vị kia liền vào nhà tắm, đến đứng sau lưng tỳ-kheo thanh tịnh, họ nên vì các tỳ-kheo xoa chà thân thể, không nên nhận sự xoa chà của người khác. Chờ thanh tịnh tỳ-kheo tắm rồi mình mới tắm. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh già thì nên dìu ngài ra. Nếu bệnh thì dùng giường dây, giường cây khiêng ra nhà tắm. Nên trao cho tỳ-kheo thanh tịnh tòa ngồi, đồ rửa chân, khăn lau chân, giày dép. Nên lấy y của tỳ-kheo thanh tịnh trương ra xem, đập dũ, đừng để rắn, bò cạp, các loại độc trùng ở trong đó, rồi sau đó mới trao cho ngài. Nếu có thuốc nhỏ mắt và có hương bằng viên thì trao cho ngài. Nếu có nước cam bồ đào, mật, thạch mật, rửa tay sạch để thọ rồi trao cho ngài. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh già bệnh, khí lực kém thì nên dìu, hay dùng giường dây, giường cây hoặc y khiêng trở về phòng. Nên vào trước trong phòng của tỳ-kheo thanh tịnh trải ngọa cụ, hoặc giạ bằng lông, rồi bồng ẳm, hay đỡ tỳ-kheo thanh tịnh nằm xuống, lấy áo lót mặc vào trong, lấy mền đắp lên trên. Khi ra khỏi phòng nên đóng cửa, và trở lại trong nhà tắm xem coi. Nếu có giường dây, giường cây, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn hay bùn thì để lại chỗ cũ; cần dội nước rửa nhà tắm thì dội, có nước không sạch cần đổ thì đổ, có lửa cần tắt thì tắt, cần che phủ lại thì che phủ, cửa nhà tắm cần đóng thì đóng, cần tháo ra thì tháo ra. Một ngày ba lần đến chỗ tỳ-kheo thanh tịnh, vị ấy cần việc gì thì nên như pháp làm tất cả. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh có việc gì cần làm thì không được chống trái. Nếu chống trái thì sẽ như pháp trị. Đến ngày bố-tát, vị hành phú tàng kia phải lau quét chỗ bố-tát, trải chỗ ngồi, lấy bình đựng nước, bình rửa chân, đèn dầu, sắp thẻ xá-la. Bố-tát xong, vị hành phú tàng kia phải dọn dẹp ghế ngồi, bình nước, bình rửa chân, thẻ xá-la để lại chỗ cũ. Vị tỳ-kheo hành phú tàng ở nơi phòng tốt. Các tỳ-kheo khách không có chỗ ở. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo hành phú tàng không nên ở phòng tốt. Cho phép ở nơi phòng nhỏ.» Tỳ-kheo khách đến, bảo tỳ-kheo hành phú tàng ra ngoài. Đức Phật dạy: «Không nên bảo như vậy mà cũng không nên đi ra. Cho phép nói như vầy: ‹Chúng tôi không được phép ngủ chung hai, ba người.›» Tỳ-kheo hành phú tàng có ý nghĩ, y vật của Chúng Tăng tùy theo thứ tự nhận lấy hay tùy theo chỗ ngồi mà nhận? Đức Phật dạy: «Tùy theo thứ tự mà nhận. Nhận rồi phải về chỗ sau mà ngồi.» Tỳ-kheo hành phú tàng nghĩ, chúng ta có được sai sử lẫn nhau không? Đức Phật dạy: « Được.» Chúng ta được tự cung kính nhau, lễ bái, đón tiếp, vòng tay hỏi chào nhau không? Đức Phật dạy: «Được.» Có vị nghĩ, chúng ta có được phép sai người của Tăng-già-lam hay sa-di không? Đức Phật dạy: «Được phép.» Chúng ta có được phép nhận sự lễ bái, đón tiếp, vòng tay hỏi chào của người Tăng-già-lam và sa-di không? Đức Phật dạy: «Được phép nhận.» Vị hành phú tàng kia không bạch với tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: «Cho phép bạch.» Nên bạch như sau: Đến ngày bố-tát, tỳ-kheo kia phải đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên bữu chấm đất, bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! tôi là tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che dấu, đến Tăng xin yết-ma phú tàng, Tăng cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo ngày che dấu. Tôi là tỳ-kheo tên... đã phụng hành (bao nhiêu)... ngày, còn... (bao nhiêu) ngày. Bạch đại đức Tăng chứng tri cho, tôi là người đang hành phú tàng.» Nếu đại chúng khó tập họp, hoặc không muốn phụng hành, hoặc vị kia có nhiều khiếp nhược, có hổ thẹn thì nên đến tỳ-kheo thanh tịnh thưa: «Bạch Đại đức Thượng tọa! Nay tôi xin tạm thời xả giáo sắc, không phụng hành.» Nếu khi nào muốn phụng hành, thì nên đến tỳ-kheo thanh tịnh thưa: «Bạch Đại đức! Nay tôi xin tùy theo giáo sắc, phụng hành lại.» Vị hành phú tàng kia đến chỗ khác, gặp tỳ-kheo khác, không bạch. Đức Phật dạy: «Phải bạch. Không bạch thì mất một đêm; mắc tội đột-kiết-la.» Đức Thế Tôn cho phép bạch, có tỳ-kheo bèn từ đây đến chỗ khác bạch. Từ đây đến chỗ khác bạch nhiều lần nên mỏi mệt. Đức Phật dạy: «Không nên từ chỗ này đến chỗ khác bạch. Cho phép nếu có nhơn duyên đến thì nên bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm; lại mắc tội đột-kiết-la.» Vị hành phú tàng kia, có khách tỳ-kheo đến, không bạch. Đức Phật dạy: «Phải bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm; lại phạm đột-kiết-la.» Đức Thế Tôn cho phép bạch. Vị kia bạch khách tỳ-kheo ngay trên đường đi. Khi các tỳ-kheo cần đi gấp, nên bực bội. Đức Phật dạy: «Không nên bạch với các tỳ-kheo đi gấp trên đường. Nên ở trong Tăng-già-lam. Đối vời những vị đi thong thả, hãy bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm, mắc tội đột-kiết-la.» Vị hành phú tàng kia bị bệnh, không nhờ người tin cậy thưa. Đức Phật dạy: «Phải thưa. Nếu không thưa, mất một đêm và phạm tội đột-kiết-la.» Vị hành phú tàng kia cùng hai, ba người ngủ chung một phòng. Đức Phật dạy: «Không được ngủ như vậy. Nếu hai, ba người cùng ngủ một phòng thì mất một đêm, lại phạm đột-kiết-la.» Vị hành phú tàng kia cư trú chỗ không có tỳ-kheo. Đức Phật dạy: «Không nên ở như vậy. Nếu ở thì mất một đêm, mắc đột-kiết-la.» Vị hành phú tàng kia, vào kỳ thuyết giới mỗi nửa tháng, không bạch. Đức Phật dạy: «Cho phép bạch. Nếu không bạch, mất một đêm và mắc đột-kiết-la.» Có tám việc mất đêm: 1. Đến chùa khác không bạch. 2. Có khách tỳ-kheo đến không bạch. 3. Có duyên sự tự đi ra ngoài không bạch. 4. Trong chùa, những vị đi thong thả không bạch. 5. Bệnh không sai người tin cậy bạch. 6. Hai, ba người ngủ chung một phòng. 7. Ở chỗ không có tỳ-kheo. 8. Vào kỳ thuyết giới mỗi nửa tháng, không bạch. Đó là tám việc mất đêm. Đức Phật cho bạch khi thuyết giới nửa tháng. Bạch như vầy: Vị hành phú tàng kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! tôi là tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, che dấu. Tôi là tỳ-kheo... tùy theo ngày che dấu, đến trong Tăng xin yết-ma phú tàng ngày che dấu. Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng ngày che dấu. Tôi là tỳ-kheo... đã hành... (bao nhiêu) [906a1] ngày, chưa hành... (bao nhiêu) ngày. Bạch đại đức chứng tri. Tôi là người đang hành phú tàng.» Đức Phật cho phép tỳ-kheo hành ma-na-đỏa cũng phụng hành như trên. Vị hành ma-na-đỏa nên thường ngủ ở trong Tăng, hằng ngày bạch như sau: vị ấy để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo... phạm tội tăng tàn, không che dấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Tôi là tỳ-kheo... đã hành... (bao nhiêu) ngày, còn... (bao nhiêu) ngày chưa hành. Bạch các Đại đức Tăng chứng tri, tôi là người đang hành ma-na-đỏa.» CHƯƠNG XIV. GIÀ YẾT-MA[1] 1. Cầu thính [906a10] Đức Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện dạy các tỳ-kheo phải hỗ tương dạy bảo nhau, nghe lời lẫn nhau, liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: «Không nên cử tỳ-kheo thanh tịnh vô tội.» Đức Phật dạy tiếp: «Cho phép phải cầu thính[2] trước.» Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép cầu thính trước, liền đến tỳ-kheo thanh tịnh mà trước kia đã theo nhóm sáu tỳ-kheo để cầu thính, bảo vị này cầu thính.[3] Đức Phật dạy: «Không nên như vậy, từ nay về sau cho phép tự mình có năm pháp mới được nhận cầu thính: 1. Đúng thời chứ chẳng phải phi thời. 2. Chơn thật chứ chẳng phải không chơn thật. 3. Lợi ích chứ chẳng phải tổn giảm. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải thô lỗ. 5. Từ tâm chứ chẳng phải sân nhuế.» Nhóm sáu tỳ-kheo tự mình không có năm pháp, tỳ-kheo khác thì tự thân có năm pháp này. Nhóm sáu tỳ-kheo đến cầu thính, vị ấy không cho. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu vị nào tự thân có năm pháp mà được cầu thính thì nên cho.» Khi người khác cầu thính, nhóm sáu tỳ-kheo liền bỏ đi. Có khi hứa cho người khác, rồi cũng bỏ đi. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Cho phép tác tự ngôn.»[4] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đã hứa với người khác cầu tự ngôn[5] rồi mà vẫn bỏ đi, tự mình tác tự ngôn,[6] tác rồi lại bỏ đi. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» 2. Già thuyết giới Đức Phật dạy: «Cho phép khi bố-tát thuyết giới, có thể ngăn thuyết giới.» Nhóm sáu tỳ-kheo khi nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới, liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Các ông lắng nghe. Có trường hợp ngăn thuyết giới như pháp, có trường hợp ngăn thuyết giới không như pháp: một phi pháp, một như pháp, hai phi pháp, hai như pháp, ba phi pháp, ba như pháp, bốn phi pháp, bốn như pháp, năm phi pháp, năm như pháp, sáu phi pháp, sáu như pháp, bảy phi pháp, bảy như pháp, tám phi pháp, tám như pháp, chín phi pháp, chín như pháp, mười phi pháp, mười như pháp. Thế nào là một phi pháp? Nếu ngăn với tác nhân[7] vô căn cứ[8] là một phi pháp. Thế nào là một như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ là một như pháp. Thế nào là hai phi pháp? Ngăn với tác nhân không căn cứ, và không tác nhân không căn cứ[9] là hai phi pháp. Thế nào là hai như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ, hay không có tác nhân nhưng có căn cứ, là hai như pháp. Thế nào là ba phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, mà không có căn cứ là ba phi pháp. Thế nào là ba như pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, có căn cứ, là ba như pháp. Thế nào là bốn phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi không căn cứ, và tà mạng không căn cứ, là bốn phi pháp. Thế nào là bốn như pháp? Ngăn bằng phá giới, phá kiến, phá oai nghi có căn cứ, và tà mạng có căn cứ, là bốn như pháp. Thế nào là năm phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà không căn cứ, là năm phi pháp. Thế nào là năm như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà có căn cứ, là năm như pháp. Thế nào là sáu phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà không có căn cứ; là sáu phi pháp. Thế nào là sáu như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà có căn cứ; là sáu như pháp. Thế nào là bảy phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-để-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà không căn cứ, là bảy phi pháp. Thế nào là bảy như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà có căn cứ, là bảy như pháp. Thế nào là tám phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà không căn cứ là tám phi pháp. Thế nào là tám như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà có căn cứ, là tám như pháp. Thế nào là chín phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà không căn cứ, là chín phi pháp. Thế nào là chín như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà có căn cứ, là chín như pháp. Thế nào là mười phi pháp? Chẳng phải ba-la-di; không được kể vào trong ba-la-di;[10] chẳng phải xả giới; không được kể vào trong xả giới; tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng;[11] không trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng;[12] không được kể vào trong sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng; phá giới không được thấy, nghe, nghi phá kiến không được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi không được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười phi pháp. 3. Mười như pháp già Thế nào là mười như pháp? Ba-la-di; được kể vào trong ba-la-di; xả giới; được kể vào trong xả giới; không tùy theo Tăng yếu như pháp; trái nghịch Tăng yếu như pháp; được kể vào trong sự trái nghịch Tăng yếu như pháp; phá giới được thấy, nghe, nghi; phá kiến được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười như pháp. Thế nào là phạm ba-la-di? Như dựa vào tướng phạm ba-la-di. Tỳ-kheo thấy những tướng trạng này biết là có phạm ba-la-di. Nếu không thấy tỳ-kheo này phạm ba-la-di, mà nghe tỳ-kheo kia phạm ba-la-di. Tỳ-kheo, bằng vào sự thấy-nghe-nghi này, với sự hiện diện của tỳ-kheo kia, khi bố-tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo này tên là... phạm ba-la-di. Chúng Tăng không nên thuyết giới trước tỳ-kheo này. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới. Khi thuyết giới, chúng Tăng gặp phải tám nạn sự khởi lên như nạn vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn bệnh, nạn người, nạn phi nhơn, nạn trùng độc. Tỳ-kheo đó nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này,[13] khi thuyết giới tại trú xứ này hay trú xứ kia,[14] thì phải đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... được kể vào trong số ba-la-di, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới. Thế nào gọi là xả giới? Như dựa vào những tướng trạng mà biết là tỳ-kheo xả giới. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện của tỳ-kheo này là tỳ-kheo xả giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này xả giới, mà nghe tỳ-kheo tên... kia đã xả giới tỳ-kheo. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì trong khi bố-tát phải ở trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... đã xả giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi [907a1] ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới. Khi ấy có tám nạn sự khởi, như nạn vua, cho đến nạn trùng độc. Tỳ-kheo kia nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, tại trú xứ này hay trú xứ kia, ở trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... được kể vào trong số xả giới, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn. Thế nào là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên... kia là tỳ-kheo không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn. Thế nào là trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này như pháp Tăng yếu trái nghịch, mà chỉ nghe tỳ-kheo... kia là tỳ-kheo trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn. Khi ngăn thuyết giới mà trong tám nạn sự có bất cứ nạn sự nào khởi lên, từ nạn vua cho đến nạn trùng độc, thì tỳ-kheo kia nếu muốn sử dụng kiến-văn-nghi này nơi trú xứ này hay trú xứ nọ, thì khi bố-tát đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... được kể trong số trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước vị này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn. Thế nào là phá giới? Như dựa vào tướng mạo là phá giới. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này biết tỳ-kheo kia phá giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này phá giới, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên... phá giới. Tỳ-kheo này nếu muốn sử dụng kiến-văn-nghi này, thì khi bố-tát, với dự hiện diện tỳ-kheo này, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên... phá giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn. Phá kiến, phá oai nghi cũng như vậy. Đó là mười như pháp. 4. Tỳ-kheo cử tội «Nếu tỳ-kheo nào muốn cử tội tỳ-kheo khác, thì chính mình phải có năm pháp sau đây mới được cử tội người khác: 1. Đúng lúc chứ chẳng phải không đúng lúc. 2. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật. 3. Có ích chứ chẳng phải là tổn giảm. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ. 5. Từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế. «Tỳ-kheo có năm pháp này được cử tội người khác. Tại sao vậy? Ta thấy tỳ-kheo cử tội người khác bằng phi thời chứ chẳng phải bằng đúng thời, bằng sự không chơn thật chứ không bằng chơn thật, cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm. Các tỳ-kheo khác kia nên nói tỳ-kheo này rằng: ‹Tội của thầy được cử phi thời chứ chẳng phải là đúng thời. Đừng vì lời ấy mà khởi sân hận. Bằng sự không chơn thật chứ chẳng phải là chơn thật; cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm. Đừng nên vì vậy mà sân nhuế.› Nếu tỳ-kheo bị người khác cử tội không chơn thật, nên đem năm việc này giải thích và hiểu dụ: ‹Thầy bị cử tội phi thời, không chơn thật, tổn giảm, thô lỗ, sân hận. Đừng nên vì vậy mà ưu sầu.› Người bị cử tội không chơn thật nên dùng năm việc này giải thích và hiểu dụ. Có vị cử tội người khác bằng sự không chơn thật, cần phải bị khiển trách bằng năm sự này: ‹Thầy cử tội người khác phi thời chứ không đúng thời, bằng sự không chơn thật chứ không bằng sự chơn thật, cố gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng sự dịu dàng, bằng sân hận chứ không dùng từ tâm. Thật đáng hổ thẹn.› Ai cử tội người khác bằng sự không chơn thật, cần phải bị khiển trách bằng năm việc này. Tại sao vậy? Để cho sau này không cử tội tỳ-kheo thanh tịnh bằng sự không chơn thật. Khiển trách rồi, nên như pháp trị. «Tỳ-kheo bị cử tội chơn thật thì nên bằng vào năm pháp này để khiển trách như sau: ‹Thầy được cử tội là đúng thời chứ chẳng phải phi thời. Chớ nên sanh sân hận. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế. Chớ nên sanh sân hận.› Tỳ-kheo bị cử chơn thật, cần được khiển trách bằng năm pháp này. Khiển trách rồi, nên như pháp trị. «Người cử người khác bằng sự chơn thật, cần được khen ngợi bằng năm pháp này: ‹Thầy cử tội người khác đúng thời chứ chẳng phải là phi thời. Chớ nên hối hận. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân hận. Chớ nên sanh hối hận.› Người cử tội người khác chơn thật nên được khen ngợi bằng năm pháp này. Tại sao vậy? Để sau này vị ấy có cử tội người khác cũng bằng sự chơn thật mà cử.» 5. Pháp thức già Tỳ-kheo muốn ngăn thuyết giới, đến trước Thượng tọa thưa: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới, xin Thượng tọa cho phép.» Vị Thượng tọa nên hỏi: «Chính thầy bên trong có năm pháp không?» Nếu nói không thì nên khuyên vị ấy đừng nên ngăn. Nếu nói có, thì hỏi năm pháp là những gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì nên bảo: «Đừng ngăn.» Nếu vị ấy có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến trung tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa hỏi thì nên khiến hỏi ý kiến Trung tọa. Có vị đến trước tỳ-kheo trung tọa nói: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới. Cúi xin trưởng lão chấp thuận.» Trung tọa nên hỏi: «Chính thầy bên trong có năm pháp không?» Nếu vị ấy nói không thì nên khuyên đừng ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì khiến đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?» Nếu nói chưa thì nên bảo nên hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi ý kiến rồi thì nên nói: «Thầy đã hỏi ý kiến hạ tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa thì bảo nên hỏi ý kiến Hạ tọa. Có vị đến trước tỳ-kheo hạ tọa thưa: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới, cúi xin hạ tọa chấp thuận.» Hạ tọa nên hỏi: «Chính thầy có năm pháp không?» Nếu vị ấy nói không thì khuyên đừng ngăn. Nếu nói có, thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì bảo đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa thì nên khiến hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến trung tọa chưa?» Nếu nói chưa thì bảo nên hỏi. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi tỳ-kheo kia chưa?» Nếu nói chưa hỏi thì khiến hỏi. Tỳ-kheo này nên đến chỗ tỳ-kheo kia nói: «Tôi muốn ngăn trưởng lão thuyết giới. Xin trưởng lão biết cho.» Có vị hỏi: «Bản thân thầy có đủ năm pháp không?» Nếu nói không thì nên khuyên đừng nên ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu không thể nói được thì khuyên chớ nên ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi Thượng tọa chưa?» Nếu chưa hỏi thì bảo nên [9081a] hỏi trung tọa, hạ tọa cũng như vậy. Tỳ-kheo ngăn nên tự quán sát: «Ta làm việc này, có tỳ-kheo đồng bạn hay không?» Nếu không có đồng bạn thì nên nói với tỳ-kheo ngăn kia rằng: «Đừng ngăn.» Nếu có đồng bạn thì nên nói: «Cần phải tùy thời.» 6. Cáo tội Bấy giờ có trú xứ nọ, khi bố-tát có tỳ-kheo phạm tăng tàn, suy nghĩ: «Ta nên làm như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm tội tăng tàn chúng Tăng nên trao cho ba-lợi-bà-sa.[15] Cho ba-lợi-bà-sa rồi, nếu cần cho bổn nhật trị thì cho, nên cho cho ma-na-đỏa thì cho, nên cho cho xuất tội thì cho cho xuất tội. Tác pháp như vậy rồi thì thuyết giới.» Bấy giờ có trú xứ nọ,[16] có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Trong đó, có tỳ-kheo nói phạm ba-dật-đề; có người nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Tỳ-kheo kia nghĩ: «Ta nên thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm ba-dật-đề, mà có người nói phạm ba-dật-đề, có người nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Trong trường hợp đó, tỳ-kheo nào thấy là phạm ba-dật-đề thì nên hướng dẫn tỳ-kheo kia đến chỗ mắt thấy tai không nghe, bảo như pháp sám hối. Sám hối rồi đến chỗ tỳ-kheo kia nói: «Tỳ-kheo này đã như pháp sám hối tác pháp như vậy rồi thuyết giới.» Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, trong khi đó có tỳ-kheo nói phạm thâu-lan-giá, có tỳ-kheo nói phạm ba-la-di. Những vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa văn, học A-hàm trì pháp trì luật trì ma-di, được tán trọ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, các ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn. Còn những vị nói phạm ba-la-di thì cũng đều là đa văn, học A-hàm trì pháp trì luật trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các ngoại đạo sa-môn bà-la-môn. Có vị khởi ý nghĩ: «Nếu nay thuyết giới, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến cho Tăng bị vỡ, khiến cho Tăng bị trần cấu, khiến cho Tăng chia rẽ. Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, có vị nói phạm thâu-lan-giá, có vị nói phạm ba-la-di. Các vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa văn, cho đến trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Còn những vị nói phạm ba-la-di cũng đều là đa văn, cho đến trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Có vị khởi ý nghĩ: ‹Nếu thuyết giới hôm nay, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ. Nếu tỳ-kheo coi vấn đề phá Tăng này là quan trọng thì không nên thuyết giới hôm nay.›» Đức Phật dạy: «Cho phép ngăn thuyết giới.» 7. Tỳ-kheo ngăn 1. Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới, thì liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy: «Không nên ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Các ông nên lắng nghe, tuy ngăn thuyết giới nhưng không thành ngăn. Ngăn có tác nhân nhưng không căn cứ,[17] không thành ngăn. Nếu ngăn có tác nhân có căn cứ mới thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân nhưng có căn cứ, cũng thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không tác nhân, đều không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, thảy đều có căn cứ, thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân đều không đầy đủ, và không có căn cứ, cũng vậy. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, đều đầy đủ, nhưng có căn cứ, cũng vậy. 2. Trong năm cách thuyết giới, khi chưa thuyết giới mà ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Thuyết giới rồi mới ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Khi đang thuyết giới mà ngăn thuyết giới, thành ngăn. Nếu tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thạnh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không khả năng biết phương tiện, không hiểu rõ vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy có thân hành thanh tịnh, nhưng khẩu hành không thanh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, nhưng tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, không tà mạng, có trí tuệ, có khả năng nói, biết phương tiện, rành việc vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão ngăn tỳ-kheo này thuyết giới vì lý do gì? Vì phá giới chăng? Vì phá kiến chăng? Vì phá oai nghi chăng?» Nếu vị đó nói, ‹vì phá giới› thì nên hỏi phá những giới nào? Nếu nói, ‹phá ba-la-di› hay nói ‹phá tăng tàn›, hay ‹phá thâu-lan-giá›, như vậy mới gọi là phá giới. Nếu nói không phá giới mà phá kiến cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‹Phá những kiến nào?› Nếu nói ‹sáu mươi hai kiến› thì đây là phá kiến. Nếu nói không phá kiến mà phá oai nghi cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‹Phá những oai nghi nào?› Nếu nói, ‹phá ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, ác thuyết›, như vậy mới gọi là phá oai nghi. Hỏi tiếp: ‹Do bởi đâu mà ngăn tỳ-kheo này thuyết giới? Do thấy chăng, vì nghe, nghi chăng?› Nếu nói do bởi thấy, thì nên hỏi: ‹Thấy việc gì? Thấy thế nào? Thầy ở chỗ nào? Vị ấy ở chỗ nào? Thấy những gì của ba-la-di, hay là tăng tàn, hay là ba-dật-đề, hay là ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?› Nếu nói không thấy mà nghe, thì nên hỏi: ‹Nghe những gì? Nghe từ ai? Người ấy là tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni? Là ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghe chỗ nào? Tỳ-kheo này phạm ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?› Nếu nói không nghe, mà là nghi, thì nên hỏi: ‹Nghi việc gì? Tại sao nghi? Nghe từ ai mà nghi? là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghi phạm việc gì? là ba-la-di, là tăng tàng, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?» Tỳ-kheo ngăn thuyết giới không thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới nên khiến cho hoan hỷ; thì nếu vị ấy ngăn bằng pháp ba-la-di thì nên kết cho vị ấy pháp tăng tàn;[18] rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng pháp tăng tàn thì kết cho ba-dật-đề; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng ba-dật-đề, thì nên dùng các pháp sám hối; rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới khiến hoan hỷ; thì nếu ngăn bằng ba-la-di thì phải diệt tẫn người bị ngăn; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng tăng tàn, nên buộc cho phú tàng; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành bổn nhật trị thì cho hành bổn nhật trị; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành ma-na-đỏa thì cho hành ma-na-đỏa; rồi thuyết giới. Nếu cần cho yết-ma xuất tội thì cho xuất tội; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng ba-dật-đề, thì bảo người bị ngăn như pháp sám hối; rồi thuyết giới. Nếu vì các việc khác [909a1] để ngăn, thì sám hối như pháp rồi thuyết giới. 3. Bấy giờ có trú xứ nọ khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Tỳ-kheo bệnh suy nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo bệnh nào ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới, thì các tỳ-kheo khác nên nói rằng, ‹Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh, cần phải chờ cho bệnh của Trưởng lão lành, và tỳ-kheo bệnh kia cũng lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp.’ Tỳ-kheo kia cũng nên nói như pháp.› Nên nói như vậy rồi thuyết giới.» Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo không bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói, ‹Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Người bệnh không nên ngăn thuyết giới. Cần chờ cho bệnh lành rồi sẽ nói như pháp.’ Vị kia cũng nên như pháp nói.› Nên nói như vậy rồi thuyết giới.» Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo không bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói: ‹Này Trưởng lão, đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh. Cần phải chờ bệnh lành rồi hỏi như pháp. Tỳ-kheo kia cũng nói như pháp.’ Nên nói như vậy rồi thuyết giới.› 4. Có trú xứ nọ số đông tỳ-kheo, ngày thuyết giới nghe có tỳ-kheo trú xứ kia ưa đấu tranh mạ lỵ, phỉ báng nhau, miệng tuôn ra lời như gươm giáo, muốn đến đây thuyết giới: «Chúng ta nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có việc như vậy khởi lên thì nên làm hai, ba cách bố-tát bằng như: Nếu thường xuyên thuyết ngày mười lăm thì nên thuyết ngày mười bốn. Nếu thường thuyết ngày mười bốn thì nên thuyết ngày mười ba. Nếu nghe ngày nay họ đến thì nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ để bố-tát. Nếu nghe họ đã đến trong giới thì nên ra ngoài giới để bố-tát. Nếu họ đã vào trong Tăng-già-lam thì nên quét, lau sửa soạn nhà tắm, ghế ngồi tắm, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, bình nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, bùn, hỏi Thượng tọa rồi nhen lửa. Khi khách tỳ-kheo vào trong nhà tắm để tắm thì tất cả tìm cách ra ngoài giới để thuyết giới. Nếu khách tỳ-kheo gọi cựu tỳ-kheo cùng thuyết giới thì nên nói là ‹Chúng tôi đã thuyết giới rồi.› Nếu cựu tỳ-kheo đã thuyết giới, khách tỳ-kheo ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Nếu khách tỳ-kheo đang thuyết giới, cựu tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thành ngăn. Nếu có thể làm như vậy được thì tốt. Bằng không, tác bạch hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay không thuyết giới, đến tháng tối trăng sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.» Nên bạch như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu tỳ-kheo khách đợi chứ không đi, thì tỳ-kheo nên tác bạch lần thứ hai để hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! nay Tăng không thuyết giới, đến tháng có trăng sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.» Nên bạch lần thứ hai như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu khách tỳ-kheo không đi, đến tháng có trăng thì nên như pháp cưỡng khách tỳ-kheo cùng vấn đáp.[19] CHƯƠNG XV. PHÁ TĂNG[1] 1. Đề-bà-đạt-đa [909b8] Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có nhơn duyên, chúng Tăng tập hợp. Đề-bà-đạt-đa[2] từ chỗ ngồi đứng dậy, hành xá-la: «Các Trưởng lão nào chấp thuận năm việc[3] này là pháp, là tỳ-ni, là lời dạy của Phật thì rút một thẻ.» Bấy giờ có năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí rút thẻ. Lúc ấy tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy lấy uất-đa-la-tăng mặc vào một bên, nói như vầy: «Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên.» Trong đó có sáu mươi trưởng lão tỳ-kheo lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên. Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo rằng: «Này các trưởng lão, chúng ta không cần Phật và chúng Tăng. Chúng ta cùng nhau tác pháp yết-ma thuyết giới.» Họ liền đến trong núi Già-da.[4] Đề-bà-đạt-đa đến trong núi Già-da, lìa Phật và Tăng, tự tác yết-ma thuyết giới. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng­­­­: «Trong thành Vương-xá có nhơn duyên, chúng Tăng hội họp. Đề-bà-đạt-đa từ chỗ ngồi đứng dậy hành trù, nói: ‹Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy thì rút thẻ.› Trong số đó năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí liền rút thẻ. Trưởng lão A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy uất-đa-la-tăng mặc một bên, nói: ‹Các trưởng lão nào chấp thuận năm pháp này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì xả uất-đa-la-tăng mặc một bên.› Bấy giờ có sáu mươi Trưởng lão tỳ-kheo xả uất-đa-la-tăng, mặc một bên. Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo: ‹Chúng ta có thể xả Phật và Tăng, tự mình tác yết-ma thuyết giới.› Rồi liền đến trong núi Già-da, xả Phật và Tăng tác yết-ma thuyết giới.» Đức Phật dạy: «Kẻ si phá Tăng này, có tám điều phi chánh pháp[5] trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bà-đạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê[6] một kiếp, không thể cứu được. Tám điều phi chánh pháp ấy là gì? Lợi, không lợi, khen, không khen, cung kính, không cung kính, ác tri thức, ưa bạn ác.[7] Có tám điều phi chánh pháp như vậy trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bà-đạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê một kiếp, không thể cứu được. Nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, thì ta đã không ghi nhận và nói ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.› Do ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, nên mới ghi nhận và nói, ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.› Thí như có người chìm trong hố xí. Có người muốn kéo nó ra. Nhưng không thấy ở nơi nó có chỗ sạch nào bằng sợi lông, hay sợi tóc để dùng tay nắm nó kéo ra. Nay quán sát Đề-bà-đạt-đa cũng lại như vậy. Không thấy có một bạch pháp nào bằng sợi lông, hay sợi tóc. Bởi vậy Ta nói, ‹Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong Nê-lê một kiếp không thể cứu được.›» Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên đi đến trong núi Già-da. Có tỳ-kheo thấy vậy, than khóc sướt mướt, và đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: «Đệ tử hạng nhất của đức Thế Tôn cũng đến núi Già-da.» Đức Phật bảo: «Này tỳ-kheo, ngươi đừng lo sợ. Xá-lợi-phất và Mục-liên đến trong núi Già-da là vì việc lợi ích.» Đề-bà-đạt-đa ở trong núi Già-da cùng vô số chúng vây quanh đang nói pháp, từ xa thấy Xá-lợi-phất và Mục-liên đến liền nói: «Thiện lai! Thầy là đại đệ tử. Tuy trước đây không chấp thuận mà nay đã chấp thuận. Tuy có muộn nhưng tốt.» Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đến nơi, trải chỗ ngồi mà ngồi. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa ở trước đại chúng, làm như thường pháp của Phật, bảo Xá-lợi-Phất vì chúng Tăng nói pháp, nay ta đau lưng tạm nghỉ khỏe một chút. Khi ấy Đề-bà-đạt-đa cũng làm giống như đức Thế Tôn, tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, nằm nghiêng bên hữu như con sư tử. Bỗng nhiên, nghiêng về phía tả như con dã can, nằm ngủ ngáy. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Mục-liên rằng: «Nay có thể thị hiện cho đại chúng, khiến sanh tâm yểm ly.» Trưởng lão Mục-liên nghe Xá-lợi-phất nói vậy, rồi dùng thần thông bay lên hư không, hoặc hiện hình nói pháp, hoặc ẩn hình mà nói pháp, hoặc hiện nửa hình mà nói pháp, hoặc ẩn nửa hình mà nói pháp, có lúc tuôn ra khói, có lúc tuôn ra lửa, có khi [910a] phần dưới thân tuôn ra lửa, phần trên thân tuôn ra nước, hoặc có khi phần trên thân tuôn ra lửa, phần dưới thân tuôn ra nước, có khi cả thân thành ngọn lửa cháy, mà từ lỗ chân lông tuôn ra nước. Trưởng lão Xá-lợi-phất biết Đại Mục-liên đã thị hiện cho đại chúng này, khiến sanh tâm yểm ly rồi, liền nói pháp tứ đế Khổ-Tập-Tận-Đạo. Khi ấy các tỳ-kheo liền từ nơi chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Bấy giờ trưởng lão Xá-lợi-phất, Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Ai là đệ tử của đức Thế Tôn hãy theo tôi trở về.» Xá-lợi-phất, Mục-liên cùng năm trăm tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên ra đi chưa bao lâu, Tam-văn-đạt-đa[8] lay ngón chân của Đề-bà-đạt-đa và nói với Đề-bà-đạt-đa: «Thức dậy! Thức dậy! Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm tỳ-kheo rời chỗ ngồi ra đi rồi.» Đề-bà hoảng hốt thức dậy, máu nóng nổi lên, từ mặt và lỗ chân lông tiết ra. Các tỳ-kheo thấy trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về, vui mừng đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch Phật: «Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về rồi!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Đây không phải là lần thứ nhất Xá-lợi-phất phá Đề-bà-đạt-đa mà là lần thứ hai Xá-lợi-phất phá vỡ Đề-bà-đạt-đa.» Đời quá khứ thuở xa xưa có niên thiếu bà-la-môn tên là Tán-nhã,[9] đến chỗ người thầy dạy bắn, thưa: «Tôi muốn học nghệ thuật bắn.» Ông thầy dạy bắn nói, «Được!» Tán-nhã theo học bắn bảy năm. Qua bảy năm rồi liền nghĩ: «Nay ta học bắn, đến khi nào mới xong?» Rồi liền đến chỗ ông thầy thưa: «Tôi phải học nghệ thuật bắn này với thời gian bao lâu?» Ông Thầy liền bảo lấy cây cung, kéo dây cung ra, đặt mũi tên vào và nói: «Ta có nhơn duyên vào thôn. Đợi ta trở về sẽ bắn.» Ông thầy ra lệnh như vậy rồi đi vào thôn. Khi ấy Tán-nhã nghĩ: «Tại sao thầy của ta bảo ta kéo dây đặt tên vào, rồi lại đợi thầy về mới bắn? Nay ta cứ bắn thử xem có việc gì xảy ra?» Trước mặt Tán-nhã có cây sa-la to lớn. Khi mũi tên được bắn ra xuyên qua cây ấy rồi rơi sâu xuống đất, không thấy. Ông thầy vào thôn, xong việc trở về, đến chỗ Tán-nhã hỏi: «Ngươi chưa bắn chứ?» Tán-nhã trả lời: «Bắn rồi.» Vị thầy nói: «Ngươi làm điều không tốt. Nếu ngươi không bắn mũi tên thì sẽ là bậc đại sư tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Nay ta là đại sư bậc nhất. Nếu ta qua đời, thì sẽ có ngươi.» Vị thầy liền trang điểm cho đứa con gái của mình và đem năm trăm cái tên, luôn cả chiếc xe ngựa, cho người học trò. Tán-nhã nhận rồi, trên đường đi phải trải qua vùng hoang vu. Tán-nhã liền để vợ trên xe, dùng năm trăm cái tên này để qua vùng hoang vu. Bấy giờ, có bọn cướp gồm năm trăm người đang ăn nơi vùng hoang vu. Tán-nhã nói với vợ: «Em đến chỗ bọn cướp để xin thức ăn.» Người vợ liền đến nói với bọn cướp: «Tán-nhã bảo tôi đến đây xin thức ăn.» Khi ấy thủ lĩnh của bọn giặc quan sát, rồi nói: «Xem người được sai này, biết kia không phải là người tầm thường. Hãy cho thức ăn.» Trong khi đó, một tên giặc có ý nghĩ: «Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?» Tán-nhã liền bắn một mũi tên, tên giặc đó bị trúng tên, chết. Tên giặc khác lại cũng đứng dậy nói: «Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?» Tán-nhã lại cũng bắn một mũi tên. Tên giặc đó bị trúng tên, chết. Cứ như vậy, từng đứa một đứng lên, đều bị trúng tên mà chết. Lúc bấy giờ Tán-nhã còn một mũi tên. Chỉ còn thủ lĩnh của bọn cướp, chưa có sơ hở để buông tên. Tán-nhã liền nói với vợ. «Em hãy cởi áo để xuống đất.» Người vợ liền cởi áo. Tên giặc sơ ý. Tức thì mũi tên được bắn ra, giết chết. Đức Phật bảo các tỳ-kheo. «Các ông có biết chăng, năm trăm tên giặc trước kia chính là năm trăm tỳ-kheo hiện nay. Thủ lĩnh bọn cướp là Đề-bà-đạt-đa. Tán-nhã bà-la-môn đâu phải ai khác, mà là Xá-lợi-phất. Như vậy, trước kia Xá-lợi-phất đã phá, nay lại phá lần thứ hai.» Khi ấy Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật: «Năm trăm tỳ-kheo này tùy thuận Đề-bà-đạt-đa tạo thành biệt chúng. Nay có cần phải thọ đại giới lại?» Đức Phật bảo Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Tỳ-kheo tùy thuận Đề-bà-đạt-đa trước kia đã có giới. Nay chỉ nên hướng dẫn họ tác pháp sám hối thâu-lan-giá mà thôi.» Tôn giả Mục-liên bạch Phật rằng: «Đức Thế Tôn khi ở giữa vô số chúng bảo Xá-lợi-phất: ‹Ông hãy nói pháp. Nay Ta đau lưng cần nghỉ một chút.› Đề-bà-đạt-đa cũng bắt chước y như vậy. Tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, rồi nằm nghiêng phía bên tả, giống như con dã can, nằm ngủ và ngáy.» Đức Phật bảo Mục-liên: «Chẳng phải ngày nay Đề-bà-đạt-đa bắt chước ta để rồi phải bị khổ. Mà đây là lần thứ hai, vì bắt chước ta mà phải bị khổ não. Này Mục-liên, đời quá khứ xa xưa về trước, bên tả của núi chúa Tuyết sơn có một ao nước lớn, một con voi lớn sống bên ao. Voi lớn kia xuống ao nước tắm rửa, uống nước, rồi dùng vòi nhổ lấy gốc sen, rửa sạch ăn. Khí lực dồi dào, hình thể tươi sáng. Một con voi nhỏ thường đi theo voi lớn. Voi nhỏ bắt chước voi lớn, xuống ao tắm, rồi nhổ lấy gốc sen, không rửa sạch bùn mà ăn. Do ăn gốc sen không sạch kia nên khí lực không đầy đủ, hình thể không tươi sáng, bèn sinh bệnh.» Thế Tôn nói kệ: Chúng ta không ham muốn. Ăn sen rất thanh tịnh. Voi nhỏ ăn bùn tạp; Học đòi khiến phải bịnh. Thây chết có hơi thối. Ăn tiêu, ợ tự hết. Người nào hành phi pháp, Đêm dài khí không dứt, Tham dục, sân nhuế, si. Trượng phu có ác tâm. Người si tự làm hại. Như trái nhiều, nhánh gãy. Cây chuối, lột bẹ, chết. Trúc lau, cũng như vậy. Người khốn, lợi dưỡng hại. Con lừa mang thai chết. 2. Truyện thiện hành Đức Phật bảo Mục-liên: «Voi lớn tức là Ta. Voi nhỏ là Đề-bà-đạt-đa.» Đức Phật nói: «Đây là lần thứ hai, Đề-bà-đạt-đa bắt chước Ta mà phải chịu khổ não.» Các tỳ-kheo liền nghĩ: ‹Hy hữu thay, Đề-bà-đạt-đa, đệ tử đức Thế Tôn mà lại bội ân làm việc phi pháp, đem tà giáo phá hoại năm trăm đệ tử như vậy.› Đức Thế Tôn biết tâm các tỳ-kheo nghĩ như thế, liền bảo các tỳ-kheo: «Đề-bà-đạt-đa chẳng phải chỉ ngày nay mới phá hoại đệ tử của Ta.» Thuở quá khứ, có hai vua Diêm-phù-đề. Một người tên là Nguyệt. Người thứ hai tên là Nguyệt Ích. Người sanh ngày mười bốn đặt tên là Nguyệt. Người sanh ngày mười lăm gọi là Nguyệt Ích. Hai vị thuận hòa với nhau không có sự hiềm khích. Trong cõi Diêm-phù-đề có một con sông tên là Tu-la-tra. Mỗi bên bờ sông đều có bốn mươi hai ngàn thành. Quốc độ rộng rãi, bằng phẳng, trang nghiêm tốt đẹp. Nhân dân giàu có, của cải phong phú, thức ăn dồi dào. Khi ấy bên bờ sông Tu-la-tra của vua Nguyệt Ích có cái thành cũng mang tên là Tu-la-tra, đông tây mười hai do tuần, nam bắc bảy do tuần. Hai vua hứa hẹn nhau, ‹Tôi sanh con trai sẽ cưới con gái của bạn. Bạn sanh con trai sẽ cưới con gái của tôi.› Bấy giờ, vua Nguyệt Ích không có con cái. Vì muốn cầu [911a1] có con nên đến các miễu, am thần nước để lễ kính, thờ cúng chư thiên, như Mãn thiện thiên, Bảo thiện thiên, mặt trời, mặt trăng, Thích, Phạm, thần đất, thần lửa, thần gió, Ma-hê-thủ-la thiên, thần vườn, thần rừng, thần đồng trống, thần chợ, thần quỷ tử mẫu, thần thành quách… vì các nơi làm phước với hy vọng sẽ có con. Khi ấy bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Bấy giờ, Thần Sông tâu với vua rằng: ‹Bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Nếu vị Tiên kia ước nguyện sanh làm con Vua thì Vua sẽ có con. Vua Nguyệt Ích liền đến bên bờ sông, tuần tự đi tìm đến chỗ Tiên nhơn, nói với tiên nhơn rằng: ‹Tiên nhơn biết chăng, nhà tôi không có con. Nếu các ngài ước nguyện sanh nơi nhà tôi thì khi mạng chung sẽ được sanh. Nếu sanh vào nhà tôi thì ngũ dục đầy đủ, tiêu dùng khoái lạc, không khi nào thiếu thốn.› Tiên nhơn trả lời: ‹Có thể được.› Vua Nguyệt Ích vui mừng, trở về nhà. Sau bảy ngày, một Tiên nhơn mạng chung. Liền khi ấy đệ nhất phu nhơn có thai. Người nữ có ba loại trí: biết khi có thai, biết do đâu mà có, biết đàn ông có ý ham muốn. Phu nhơn tâu với vua: «Vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.» Nhà vua nói: «Rất sung sướng.». Nhà vua tăng gia việc cúng dường[10] nhiều hơn gấp bội. Khi ấy Tiên nhơn thứ hai, sau bảy ngày lại mạng chung. Liền khi đó đệ nhị phu nhơn có thai. Phu nhơn tâu với nhà vua: «Nhà vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.» Nhà vua lại tăng thêm sự cung cấp, như trên. Bấy giờ, nhà vua sai người đến bên bờ sông Tu-la-tra tìm xem có bao nhiêu Tiên nhơn chết. Sứ giả liền đến xem, thấy hai tiên nhơn đã chết, trở về tâu với vua: hai Tiên nhơn đã chết. Vua tự nghĩ: ‹Hai Tiên nhơn kia mạng chung, thọ thai vào hai phu nhơn của ta.› Sau chín tháng, phu nhơn sanh con trai, tướng mạo đoan chánh. Đệ nhất phu nhơn của vua sanh con trai, bấy giờ, những điều tốt lành tự thể hiện đến. Có năm trăm người khách buôn đến. Năm trăm khách buôn này lấy châu báu từ biển trở về. Năm trăm mỏ quý đều tự xuất hiện. Năm trăm người tử tù từ ngục được thả. Khi ấy vua Nguyệt Ích tự tư duy rằng: ‹Nên đặt hài nhi này tên gì?› Theo quốc pháp của nước này, khi một nam nhi mới sanh thì hoặc cha mẹ hay sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Nhà vua tự nghĩ: ‹Cần gì sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Ngày sanh hài nhi này có nhiều điều lành xuất hiện, nên đặt tên là Thiện Hành.› Nhà vua liền trao cho bốn bà mẹ để chăm sóc: một bà bồng ẳm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, bà thứ tư giúp vui, voi ngựa, xe cộ, làm các kỹ nhạc, các thứ vui chơi, lại cầm cái đuôi con chim công phía đằng sau, trang nghiêm những thứ vui chơi như vậy. Vương tử Thiện Hành tuổi lên tám, chín, được dạy các thứ kỹ nghệ, thư số, ấn họa, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, các môn cỡi ngựa, cỡi voi, xe cộ, bắn cung, thuộc loại chiến đấu cũng được dạy. Tất cả các bộ môn vương tử đều được dạy. Khi đệ nhị phu nhơn của vua sanh con thì có nhiều việc xấu ác tự khởi lên. Như con dã can kêu. A-tu-la nắm mặt trời.[11] Năm trăm người đáng tội chết đến nơi. Theo quốc pháp của nước này, nếu hài nhi mới sanh nên mời sa-môn, bà-la-môn đến đặt tên, nhưng nhà vua tự nghĩ: ‹Đâu có phiền sa-môn, bà-la-môn đặt tên, ngày hài nhi này sanh có nhiều việc xấu ác xuất hiện thì nên đặt tên là Ác Hành.› Nhà vua cũng giao cho bốn bà mẹ chăm sóc: một bà bồng ẳm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, ba thứ tư giúp các trò vui, voi ngựa, xe cộ làm các kỹ nhạc, các loại vui chơi, cho đến dạy các bộ môn chiến đấu. Bấy giờ, Thiện Hành được vua rất yêu mến, và các vương tử, phu nhơn, đại thần thị tùng, tất cả nhơn dân tiểu quốc khác, không một người nào không ái niệm. Trong khi đó, vương tử Ác Hành không được nhà vua yêu mến, và tất cả mọi người cũng không yêu mến. Bấy giờ, vương tử Ác Hành khởi ý nghĩ: ‹Vương tử Thiện Hành được nhà vua và tất cả nhơn dân rất yêu mến. Còn ta thì không những chỉ nhà vua không yêu mến mà bao nhiêu người khác cũng không yêu mến. Ta phải tìm cách nào để dứt mạng nó?› Bấy giờ, đệ nhất phu nhơn của Nguyệt vương lân quốc, sanh được con gái, liền sai sứ đến chỗ vua Nguyệt Ích thông báo: ‹Đệ nhất phu nhơn của tôi sanh được con gái, sẽ làm vợ của Thiện Hành, con của ông bạn.› Một hôm, Vương tử Thiện Hành nghĩ: ‹Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều nhiều nghèo khổ. Ta nên vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh trong Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.› Thiện Hành liền đến chỗ vua cha thưa: «Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều nhiều nghèo khổ. Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu để khiến chúng sanh nơi Diêm-phù-đề thoát khỏi sự nghèo khổ.» Vua cha liền nói: «Cha có rất nhiều vàng bạc, bảy báu, vô số kho tàng, cái nào cũng đầy dẫy. Con có thể tùy ý lấy cho.» Thiện Hành trả lời: «Không thể được! Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.» Vua cha nói: «Tùy ý con.» Khi ấy Vương tử Ác Hành liền có ý nghĩ: «Nay chính là lúc ta có dịp để dứt mạng nó.» Ác Hành liền đến chỗ vua thưa: «Thiện Hành là người anh mà con rất trọng. Nay anh con muốn vào trong biển cả, nếu con không có mặt, sợ anh con có thể táng thân mất mạng. Nay con muốn cùng anh con đi vào biển cả.» Vua cha nói: «Tùy ý con.» Khi ấy từ biệt vua và phu nhơn, cùng quyến thuộc rồi, Thiện Hành đến trong thành Tu-ba-la rung chuông rao: «Ai có thể xả ly cha mẹ, vợ con, anh em chị em và các thân quyến, muốn cầu vàng bạc trân bảo vô giá bảo châu, thì theo tôi vào biển. Tất cả mọi nhu cầu ăn uống, mọi thứ để trang sức, tôi sẽ cung cấp.» Bấy giờ, có năm trăm khách buôn đến tập hợp liền chỗ đó. Thiện Hành cùng năm trăm khách buôn đều đến thành Tu-ba-la để mua thuyền và tìm thuyền sư. Thuyền sư cho biết trong biển có các nạn như: nạn sóng thần, nạn nước xoáy, nạn đại ngư... Chuẩn bị thuyền xong, rao truyền như trên lần thứ hai, rồi thả thuyền ra biển. Nhờ phước đức của Thiện Hành nên thuyền được thuận buồm xuôi gió đến chỗ bãi thất bảo. Thiện Hành nói với các thương nhơn rằng: «Nay đã đến chỗ bãi báu vật. Nên cột thuyền cho chắc. Rồi tùy ý thu nhặt của báu cho vừa đầy thuyền. Đừng để bị chìm đắm.» Các thương nhơn vâng lời, thu lấy của báu. Thiện Hành dạy bảo các thương nhơn rồi, lại đến chỗ khác. Bấy giờ, Vương tử Ác Hành dùng ác ngôn nói với các thương nhơn rằng: «Nếu vương tử Thiện Hành mà an ổn trở về, thì sẽ đoạt hết của báu của các người. Ngay bây giờ chúng ta nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi đi. Ác Hành nói với năm trăm thương nhơn như vậy. Họ nhận lời nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên thuyền bị gió đánh vỡ, năm trăm thương nhơn bị chết chìm. Còn vương tử Ác Hành bám được một miếng ván của thuyền, nên được gió thổi từ từ vào trong bờ. Giờ đây, Ác Hành sống trong một xóm nghèo nàn nơi bờ biển; hằng ngày khất thực từng nhà để sống. Khi Thiện Hành trở lại chỗ cũ không thấy các thương nhơn, cũng không thấy thuyền, liền đấm ngực khóc than áo não vì sợ các thương nhơn bị ác quỷ la sát hại. Khi ấy vị thần nơi bãi của báu nói với Thiện Hành rằng: «Năm trăm thương nhơn chẳng phải bị ác quỷ la sát hại. Mà do lời nói ác của vương tử Ác Hành phá hoại. Năm trăm thương nhơn bị xúi, họ đã nhận chìm thuyền của ông rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên bị gió đập bể thuyền, năm trăm thương nhơn đều bị chết chìm trong biển. Còn vương tử Ác Hành thì bám được miếng ván của thuyền nhờ gió thổi đã trôi đến bờ, đang sống bên bãi biển bằng cách xin ăn hàng ngày.» Thiện Hành tự [912a1] nghĩ: ‹Nay ta hãy đến trước cung của Hải Long vương xin ngọc như ý châu.› Nghĩ xong, theo lộ trình tiến đến bãi của La sát. Năm trăm nữ La sát ra tiếp đón. Vừa thấy từ xa, họ liền nói lên lời chào: «Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?» Thiện Hành trả lời: «Chúng sanh nơi Diêm-phù-đề bần cùng khổ sở. Tôi muốn đến nơi cung của Hải long vương để xin ngọc như ý bảo châu, khiến cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.» La sát hỏi: «Muốn dùng loại xe nào?» Thiện Hành nói: «Tôi muốn dùng loại xe lớn.» La sát nữ nói: «Lành thay, nếu ông thành Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm đệ tử của ông.» Thiện Hành nói: «Có thể được.» Thiện Hành từ xa thấy thành bằng vàng. Trong thành có một cái giường bằng vàng, rồng đang ngồi trên chiếc giường đó. Vương tử Thiện Hành liền đến nơi thành bằng vàng, chỗ của rồng ngồi. Long Vương từ xa thấy liền nói lên lời chào hỏi: «Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?» Thiện Hành trả lời: «Long Vương biết chăng, chúng sanh nơi cõi Diêm-phù-đề đều nghèo khổ khốn cùng. Tôi muốn đến nơi cung của Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, khiến cho người nơi Diêm-phù khỏi phải nghèo cùng khốn khổ.» Long Vương liền nói: «Cung của Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội nước, thường đến đầu gối. Bảy ngày lội nước đến rốn. Bảy ngày lội nước đến nách. Bảy ngày bơi qua. Bảy ngày đi trên bông sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn. Sau đó, mới đến cung của Hải Long vương. Nay người hãy hủy bỏ chuyến đi. Tôi có bảo châu, có khả năng mưa bảy món báu xuống phương Đông hai ngàn do tuần. Nay tôi biếu cho người.» Thiện Hành trả lời: «Không thể được. Dầu sao, tôi phải đến cung Hải Long vương.» Long Vương hỏi: «Người cần lấy thứ xe nào?» «Tôi cần lấy loại xe lớn.» Long vương nói: «Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia, làm người đệ tử trí tuệ đệ nhất của người.» Thiện Hành liền bỏ thành bằng vàng ra đi. Từ xa thấy thành bằng bạc, trong đó có Long Vương đang ngồi trên giường bằng bạc. Vương tử Thiện Hành đến thành bạc, chỗ của Long Vương. Long Vương từ xa thấy liền nói lên lời chào: «Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?» Thiện Hành nói: «Long Vương biết chăng, chúng sanh cõi Diêm-phù-đề đều bần cùng khốn khổ. Tôi muốn đến cung Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, để khiến cho người nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.» Long Vương nói: «Cung Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội nước thường đến đầu gối. Bảy ngày đến rốn. Bảy ngày đến nách. Bảy ngày bơi qua. Bảy ngày đi trên hoa sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn. Sau đó, mới đến cung của Hải Long vương. Nay người hãy hủy bỏ chương trình đi. Tôi có bảo châu có khả năng mưa bảy món báu xuống phương Nam bốn ngàn do tuần. Tôi sẽ biếu cho người.» Thiện Hành nói: «Tôi không lấy. Dầu sao, tôi phải đến cung của Hải Long vương.» Long Vương hỏi: «Người muốn lấy loại xe nào?» «Tôi muốn lấy thứ xe lớn.» Long Vương lại nói: «Nếu người thành bậc Tối Chánh giác tôi sẽ xuất gia làm đệ tử thần túc đệ nhất của người.» Thiện Hành liền bỏ thành bạc ra đi, lại thấy có thành lưu ly, và các long vương đang ngồi... như trên... Tôi biếu cho người như ý châu có khả năng mưa bảy món báu sáu mươi ngàn do tuần xuống phương Tây.» Thiện Hành nói: «Tôi không lấy. Chủ yếu tôi phải đến cung của Hải Long vương.» Long vương lại hỏi: «Người cần lấy loại xe gì?» «Tôi cần lấy thứ xe lớn.» Long Vương nói: «Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm người đệ tử đa văn đệ nhất của người.» Khi ấy Thiện Hành bắt đầu lội nước bảy ngày đến đầu gối, cho đến bảy ngày đi trên bông sen, cho đến chỗ rắn độc, với ý nghĩ: ‹Do làm nhơn gì mà quả báo sanh trong loài rắn độc? Đâu không phải đây là quả báo do đời trước sân nhuế. Cần phải dùng pháp gì để hàng phục nó? Duy chỉ có lòng từ.› Thiện Hành liền tư duy từ tâm tam-muội. Khi ấy các con rắn độc đều cúi đầu xuống. Thiện Hành đi qua. Đến chỗ cung của Hải Long vương. Khi ấy Hải Long vương từ xa thấy liền an ủi hỏi: «Thiện lai Đồng tử, người muốn điều gì?» «Nay tôi muốn được hạt như ý bảo châu nơi búi tóc của ngài.» Hải Long vương nói: «Các người đời sống ngắn ngủi. Hạt châu này giá trị rất lớn. Chẳng phải là ta không cho. Ta sẽ cho ngươi với điều là khi nào ngươi gần qua đời thì đem hạt châu này trả lại.» Nói vậy xong, Hải Long vương liền cởi hạt châu trao cho Thiện Hành, và sai hai con rồng sau này sẽ mang hạt châu về lại. Thiện Hành cầm hạt châu cầu nguyện: «Nếu đây là ngọc như ý thì bỗng nhiên đưa tôi về đến thành Tu-ba-la.» Thiện Hành vừa nghĩ trong ý muốn, thì liền trong chốc lát về đến thành Tu-ba-la. Bấy giờ, vương tử Ác Hành nghe vương tử Thiện Hành từ biển cả an ổn trở về liền đến chỗ Thiện Hành nói: «Anh có biết chăng. Nay em ở tại xóm bần cùng. Tìm sự sống bằng cách xin ăn từng nhà. Anh từ biển cả an ổn trở về, thu hoạch được gì?» Thiện Hành nói: «Anh nhận được ngọc như ý bảo châu đem về đây.» Thiện Hành nói tiếp: «Hiện tại anh đang mệt mỏi. Muốn nghỉ một chút.» Thiện Hành liền gối đầu nơi đầu gối của Ác Hành mà ngủ. Khi ấy Ác Hành liền lấy gai cây khư-đà-la[12] đâm vào hai tròng con mắt của Thiện Hành rồi lấy hạt châu đi. Thiện Hành bị tổn thương hai con mắt, máu chảy ướt cả thân, sờ soạng sợ hãi đi khắp nơi mà không thấy đường. Bèn đến trong vườn của Nguyệt vương. Khi ấy bà già giữ vườn có hai đứa con nhỏ, từ xa thấy một người đi đến, máu dính đầy người, không thấy đường đi, động lòng thương, hỏi: ‹Vì lý do gì ông đi tới đi lui trong vườn của vua Nguyệt, với dáng điệu sờ soạng sợ hãi, không thấy đường như vậy?› Thiện Hành kể lại đầy đủ nhơn duyên cho bà lão nghe. Bà lão nói: «Ta có hai đứa con có thể cùng ngươi vui chơi. Nay ngươi có thể ở đây như con của ta vậy.» Bấy giờ, Ác Hành liền trở lại thành Tu-la-tra, đến chỗ vua Nguyệt Ích tâu với vua rằng: «Vua nên biết, con ở trong biển cả gặp gió lớn đánh bể thuyền. Năm trăm thương nhơn đều bị chết chìm dưới biển. Chỉ có một mình con trở về an ổn.» Nhà vua nói: «Con từ biển cả trở về an ổn. Con có tìm được những thứ gì không?» Ác Hành thưa: «Con tìm được như ý bảo châu đây.» Nhà Vua liền hỏi: «Ngọc châu này có công dụng thế nào?» Ác Hành thưa: «Không biết.» Nhà vua liền lấy ngọc châu giao cho người giữ kho cất. Khi ấy Ác Hành liền sai sứ nói với Nguyệt Vương lân quốc rằng: ‹Thiện Hành cùng năm trăm thương nhơn vào trong biển cả để lấy vật báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Nay Vua có thể gả con gái cho tôi.› Nhà vua liền trả lời: ‹Đợi ta hỏi ý kiến của con gái ta đã.› Nhà vua liền kêu con mình hỏi: «Thiện Hành cùng năm trăm thương nhơn vào trong biển lấy của báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Ác Hành trở về an ổn. Nay muốn cưới con làm vợ. Ý con thế nào?» Con gái của vua Nguyệt trả lời: «Không thể được! Con muốn chính con đi tìm chồng của con.» Nhà vua liền ra lệnh trong nước, tập trung lại để trang điểm con gái mình. Cô đi ra ngoài tìm chồng khắp mọi nơi. Bấy giờ, Thiện Hành đang sử dụng cây đàn với âm điệu du dương trầm bổng, đang có mặt trong vườn. Người con gái của vua thưởng thức âm thanh du dương đó. Liền đến tâu với vua cha rằng: «Vua cha biết chăng, con muốn lấy người này làm chồng.» Vua cha nói: «Người này là người mù kia mà.» Người con gái vua nói: «Điều đó không can gì.» Khi ấy vua Nguyệt liền kêu Thiện Hành nói: «Này Đồng tử, ngươi là người ở đâu?» Thiện Hành thưa: «Nhà vua biết cho, tôi là đệ nhất Thái tử của vua Nguyệt Ích, tên là Thiện Hành.» Nhà vua hỏi: «Tại sao hai con mắt bị mù như thế?» Thiện Hành liền đem nhơn duyên trên trình bày rõ ràng cho nhà vua. Nhà vua nói: «Nếu ngươi là con của vua Nguyệt Ích thì nay ngươi sẽ phát nguyện khiến cho con mắt bình phục lại.» Thiện Hành liền phát nguyện: «Tôi vì chúng sanh cõi Diêm-phù-đề nghèo khổ nguy khốn nên vào biển cả để tìm cầu ngọc như ý bảo châu. Vì muốn cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ. Vương tử Ác Hành đã dùng ác ngôn để phá hoại, khiến năm trăm thương nhơn bỏ tôi đi về, lại dùng gai cây khư-đà-la đâm vào hai con mắt tôi, lấy ngọc như ý của tôi đi. Tôi đối với Ác Hành không hề có ác tâm. Nếu lời tôi là chơn thật [913a1] không hư đối thì xin cho hai con mắt tôi được bình phục lại.» Lời phát nguyện vừa xong, hai con mắt bắt đều bình phục lại. Nhà vua liền ra lệnh trang điểm cực đẹp cho con gái mình để gả cho Thiện Hành. Nhà vua sai sứ báo tin cho vua Nguyệt Ích rằng: ‹Ngài có biết chăng, vương tử Thiện Hành từ biển trở về an ổn. Nay tôi đã trang điểm cực đẹp con gái tôi để gả cho Thiện Hành. Giờ ngài nên đến thành Tu-la-tra.› Vua Nguyệt Ích liền ra lệnh cả nước trang hoàng các thứ. Vương tử Thiện Hành đi đến thành Tu-la-tra, đảnh lễ sát chân vua rồi, trình bày đầy đủ nhơn duyên cho nhà vua nghe. Nhà vua liền ra lệnh giết Ác Hành. Thiện Hành tâu với vua cha rằng: «Xin vua cha không nên giết.» Vua Nguyệt Ích ra lịnh trục xuất Ác Hành ra khỏi nước. Thiện Hành thưa vua cha: «Ác Hành đem ngọc châu về. Nay ngọc châu để ở đâu?» Vua cha nói: «Hiện cất trong kho.» Thiện Hành yêu cầu vua cha cho đem ngọc châu ra. Thiện Hành liền tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng mới, sạch, lấy ngọc châu cung trí nơi đầu trụ cờ, để trên điện cao đẹp rồi phát nguyện: «Nếu quả đúng đây là ngọc như ý bảo châu thì nên mưa xuống cơn mưa báu xuống đầy cõi Diêm-phù-đề. Trong cõi Diêm-phù-đề, có người nào bệnh, hãy khiến cho được lành.» Thiện Hành phát lời nguyện vừa xong, trong khoảng khắc liền có trận mưa bảy món báu đầy cả Diêm-phù-đề. Sau đó một thời gian vua Nguyệt Ích qua đời. Thiện Hành kế vương vị. Khi ấy vương tử Ác Hành đến chỗ Thiện Hành thưa: «Nay em sống ngoài nước, xin ăn từng nhà để sống.» Vua nói: «Nếu em có thể bảo vệ cái đầu của anh thì anh sẽ đảm bảo sự sống của em.» Ác Hành trả lời: «Vâng.» Sau đó, khi nhà vua nằm ngủ, Ác Hành nghĩ rằng: ‹Nay ta có thể dứt mạng nó.› Khi vừa rút dao để chém, tức thì cánh tay của Ác Hành tự nhiên bị rơi xuống, liền la lên: «Đại họa!» Nhà vua liền tỉnh dậy, hỏi: «Tại sao Đồng tử gọi là đại họa?» Ác Hành trả lời: «Trời tạo ra nghiệp này.» Nhà vua nói: «Tại sao vậy? Ác Hành đem nhơn duyên này trình bày với vua, vua nói: «Thật sự là do ngươi tạo ra nghiệp này.» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Vua Nguyệt Ích không phải là ai khác mà là Tịnh Phạn vương. Đệ nhất phu nhơn nay là Ma-da. Vua Nguyệt là Chấp Trượng Thích chủng. Con gái của vua Nguyệt nay là Cù-di. Bà già giữ vườn là Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Hai đứa nhỏ nay là Nan-đà và A-nan. Thiện Hành chính là Ta. Ác Hành là Đề-bà-đạt-đa vậy. Năm trăm thương nhơn tức năm trăm tỳ-kheo hiện nay đó. Xưa kia Đề-bà dùng lời ác để dạy, phá hoại mọi người, nay cũng lại dùng lời ác dạy và phá hoại vậy.» 3. Ưu-ba-ly vấn Bấy giờ Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là phá Tăng? Bao nhiêu người mới gọi là phá Tăng? Ai là người phá hòa hiệp Tăng?»[13] Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Có hai sự việc phá Tăng: Vọng ngữ, tương tợ ngữ. Dùng hai việc này nên gọi là phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, lại có hai sự việc phá Tăng: tác yết-ma, hành xá-la. Này Ưu-ba-ly, một tỳ-kheo không thể phá Tăng, tuy cầu phương tiện cũng không thể phá Tăng. Cũng chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phá Tăng, tuy cầu phương tiện phá Tăng cũng không thể phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, chúng này một tỳ-kheo, chúng kia một tỳ-kheo, họ làm việc phá Tăng, hành xá-la, tác yết-ma như vậy cũng không thể phá Tăng, chỉ khiến cho Tăng trần cấu[14] mà thôi; hai người, ba người cũng vậy. Này Ưu-ba-ly, nếu chúng này bốn người hoặc hơn, chúng kia bốn người hoặc hơn, làm việc phá Tăng hành xá-la, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, với số người như vậy được gọi là phá Tăng. Như vậy gọi là phá hòa hợp Tăng. Ưu-ba-ly lại hỏi: «Phá hòa hợp Tăng mắc những tội gì?» Đức Phật dạy: «Phá hòa hợp Tăng thọ tội trong nê-lê một kiếp không thể cứu chữa được.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Tăng bị vỡ rồi, người nào làm cho hòa hợp lại được những phước gì?» Đức Phật dạy: «Được nhận sự an lạc nơi cõi Phạm Thiên một kiếp.» Ngài nói kệ: Vui thay, Tăng hòa hợp! Hòa hợp không tranh cãi. Hòa hợp thì có pháp, Thường được siêng năng tu. Làm cho Tăng hòa hợp, Sống vui một kiếp trời. Ưu-ba-ly lại hỏi: «Tất cả người phá Tăng đều đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ phải không?» Đức Phật nói với Ưu-ba-ly rằng: «Tất cả những người phá Tăng không phải chỉ đọa địa ngục để thọ khổ một kiếp mà hết đâu. «Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo, phi pháp mà nói là pháp, chấp chặt pháp này phá hòa hợp Tăng. Kẻ kia tự biết, phá Tăng với tưởng phi pháp,[15] bèn tác với ý tưởng phi pháp mà nói rằng,: ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.› Bằng kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, mà hành xá-la[16] để phá Tăng.[17] Này Ưu-ba-ly, kẻ phá Tăng này một kiếp thọ khổ nơi Nê-lê không thể cứu được. «Nếu tỳ-kheo phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phương tiện phá Tăng, biết rằng trong sự phá Tăng là phi pháp, nói rằng, ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.› Rồi hành xá-la phá Tăng, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, người phá Tăng như vậy một kiếp thọ khổ nơi nê-lê không thể cứu được. «Phá Tăng với tưởng pháp, bèn với tưởng phi pháp mà nói,[18] cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phá hòa hợp Tăng, có ý tưởng là pháp để phá, tưởng là pháp nói: ‹Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời dạy của Phật,› kiến giải không khác, chấp nhận không khác, hành xá-la, tác yết-ma như vậy để phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, người này không đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ. Nghi, không nghi bốn vế cũng như vậy.[19] Tưởng phi pháp nghi bốn vế cũng như vậy. Như vậy cho đến thuyết không thuyết cũng như vậy.[20]
Chú thích: [1] Tham chiếu Pali, Cūḷavagga 2. Pārivāsakkhandhaṃ, Vin. ii. 31. Ngũ phần 28, «Biệt trụ pháp» (T22n1421 tr.181b); Thập tụng 33, «Tăng tàn hối pháp» (T23n1435 tr.236c) [2] Từ đây trở xuống, xem mục đệ tử hầu Hoà thượng trong chương thọ giới. [1] Tham chiếu, Thập tụng 33 , «Già pháp» (T23n1435 tr.239b); Ngũ phần 28, «Già bố-tát pháp» (T22n1421 tr.180c). [2] Cầu thính, xem Phần iii. Ch. iv. Tự tứ, mục 2. Cầu thính & cht. 2. Pali okāsakata, dành cho cơ hội, hay cho phép. Cf. Mahāvagga ii (Vin.i. 114): okāsaṃ kārāpetvā āpattiṃ codetuṃ, sau khi xin phép (yêu cầu cho cơ hội) rồi cử tội. [3] Pali, ibid., karotu āyasmā okāsaṃ, ahaṃ taṃ vattukāmo, (trước khi cử tội, phải nói) «Mong Trưởng lão cho tôi cơ hội nói chuyện với ngài.» [4] Tác tự ngôn 作自言; có lẽ Pali: paṭiññātakaraṇa, đồng nhất với tự ngôn trị trong 7 diệt tránh. paṭiññā (tự ngôn, hay tự xưng), cũng có nghĩa là sự hứa hẹn. [5] Nhận lời hứa của người sẽ nhận cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn. [6] Tự mình hứa với người sẽ đến cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn. [7] Tác 作; ở đây được hiểu là nguyên nhân hay lý do. Pali: kāraṇa. [8] Vô căn 無根, Pali: avatthu (không cơ sở) Cf. Thập tụng 33: vô căn già thuyết giới 無根遮說戒. Trong năm thiên tội, không dẫn được bằng chứng nào cho một tội để ngăn thuyết giới. Ở đây, thuyết giới bị ngăn, vì cho rằng trong chúng có tỳ-kheo phạm tội mà chưa sám hối. Nhưng người ngăn không nêu được bằng chứng phạm tội. [9] Vô căn tác bất tác 無根作不作. [10] Thập tụng 33: Tỳ-kheo phạm ba-la-di, nhưng chưa được Tăng nêu tội. Nghĩa là, chưa bị buộc tội là phạm ba-la-di. [11] Thập tụng 33: Tùy thuận Tăng sự như pháp. [12] Thập tụng 33: Không khinh Tăng, tức không chối đối các quyết định như pháp của Tăng. [13] Đoạn văn này bị gãy. Nên dẫn Thập tụng để thêm vào: «Tăng chuẩn bị đề xuất ba-la-di sự đối với một tỳ-kheo. Trong lúc đang kiểm hiệu, một trong tám nạn sau đây xảy ra… Sự việc chưa được quyết đoán, Tăng phải rời chỗ mà đi. Về sau, khi Tăng bố-tát, trước hết phải quyết đoán sự việc của tỳ-kheo này…» [14] Tăng đang phân xử tại trú xứ này trước khi thuyết giới, gặp nạn sự dời qua trú xứ khác bố-tát, tại đó, tiếp tục phân xử. [15] Xem cht. 4 trên. [16] Xem mục Già Tự tứ, Chương Tự tứ. [17] Vô căn tác; ngăn có lý do nhưng không có cơ sở. Xem cht. 7 & 8 trên. [18] Tăng-già-bà-thi-sa 8, «Vu khống bằng ba-la-di không căn cứ.» [19] Đại bộ phận đoạn ngăn thuyết giới nầy tương tự với ngăn tự tứ. Xem Chương Tự tứ, mục «Già tự tứ.» [1] Tham chiếu Pali, Cūḷavagga 7 Saṅghabheđakakkhandhaṃ. Vin. ii. 179. Ngũ phần 25 «Pháp tăng pháp» (T22n1421 tr.164a); Thập tụng 36, «Tạp tụng, Điều-đạt sự» (T23n1435 tr.257a); Căn bản phá tăng sự, 20 quyển, (T23n1450 tr.99). [2] Xem Phần i, Ch. ii, tăng-già-bà-thi-sa 10, phá Tăng luân. [3] Xem Phần i, tr. / & cht. 118. [4] Già-da sơn 伽耶山. Vin.ii. 196: Gaya-sīsa. [5] Tám phi chánh pháp 八非正法. Cũng gọi là 8 thế gian pháp, hay 8 ngọn gió. Xem Tập dị môn 18 (tr.442c28). Pali: aṭṭha-lokadhamma, Cf. Saṅgīti, D. iii. 260. [6] Nê-lê 泥犁; tức địa ngục. Pali (Skt.) niraya. [7] Xem Tập dị môn, dẫn trên: đắc, bất đắc, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Pali, đã dẫn: lābho (đắc), alābho (thất), yaso (danh dự), ayaso (sỉ nhục), nindā (chê), pasaṃsā (khen), sukhaṃ (sướng), dukkhaṃ (khổ). [8] Đồng bạn của Đề-bà-đạt-đa, xem Phần i, Ch.v Ba-dật-đề 33 & 157. [9] Tán-nhã 散若. [10] Phần lớn chữ «cúng dường» trong bản Hán, có nghĩa là «hầu hạ.» Ở đây, Vua tăng gia sự chăm sóc cho bà vợ. [11] Hiện tượng nhật thực. [12] Khư-đà-la 佉陀羅木刺. Skt. khadira; tên một loại cây, cho gổ rất cứng. [13] Tham chiếu, Vin. ii. 202: «Upāli hỏi, cho đến mức nào, thì Tăng nứt mà không vỡ? Cho đến mức nào thì Tăng nứt và vỡ?» (kittāvatā … saṅgharāji hoti, no cva saṅghabhedo? Kittāvatā ca pana saṅgharāji ceva hoti saṅghabhedo ca?) [14] Tăng trần cấu 僧塵垢. Tăng bẩn vì bụi. Bản Hán đọc là saṅgharaja, thay vì saṅgharāji. Xem cht. 13 trên. [15] Phi pháp tưởng phá 非法想破: Phi pháp, biết đó là phi pháp; và tuyên bố phi pháp với ý tương đó là phi pháp. Tỳ-kheo phá tăng biết rằng, sự phá tăng này sẽ đưa ra giáo pháp khác với chánh pháp. Tham chiếu Pali, Vin.ii. 205: tasmi adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, trong đây có phi pháp. Trong sự phá tăng này, là phi pháp. [16] Bốc thăm, lấy ý kiến. [17] Tham chiếu Pali: «Tỳ-kheo thuyết minh phi pháp là pháp, biết trong đây là phi pháp, trong sự phá Tăng này là phi pháp, mà kiên trì kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, sở thích dị biệt, đề nghị rút thăm, nói rằng, ‹Đây là Pháp, đây là Luật, đây là giáo thuyết của Đạo sư.» (bhikkhu dhammaṃ dhammoti dīpeti. tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ, anussāveti, salākaṃ gāheti, ayaṃ dhammo, ayaṃ vinayo, idaṃ satthusāsanaṃ…) [18] Tức là, phi pháp mà tưởng là pháp, rồi tuyên bố với ý tưởng đó là phi pháp. Xem cht. 14 & 16 trên. [19] Tức là, pháp nghi là pháp, phi pháp nghi là phi pháp; pháp không nghi là pháp, phi pháp không nghi là phi pháp. Tứ cú theo Cūḷavagga vii: tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá cũng thấy là phi chánh pháp); tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede dhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá thấy là pháp), tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede vematiko (trong đây thấy là phi pháp, trong Tăng phá thì nghi), tasmiṃ dhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là pháp, trong Tăng phá thấy là phi pháp). [20] Hết quyển 46. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG XVI. DIỆT TRÁNH[1] I. BẢY DIỆT TRÁNH 1. Hiện tiền tì-ni [913c19] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Ca-lưu-đà-di cùng nhóm sáu tỳ-kheo đến tắm trong sông A-di-la-bạt-đề.[2] Ca-lưu-đà-di tắm xong, lên bờ khoác y của nhóm sáu tỳ-kheo mà không xem, tưởng là của mình. Khoác xong rồi đi. Nhóm sáu tỳ-kheo tắm xong lên bờ, không thấy y của mình lại thấy y của Ca-lưu-đà-di, liền nói: «Ca-lưu-đà-di ăn trộm y của ta.» Khi ấy người không hiện tiền mà tác yết-ma diệt tẫn.[3] Ca-lưu-đà-di nghe chuyện, có sự nghi, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn hỏi: «Ngươi lấy y với tâm gì?» Ca-lưu thưa: «Con nghĩ là y của con nên lấy. Chứ không có ý nghĩ ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Như vậy thì không phạm tội. Nhưng không nên không xem y mà mặc. Cũng không nên khi người vắng mặt mà tác yết-ma như yết-ma ha [914a1] trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử tội, yết-ma diệt tẫn. Nếu tác yết-ma, không thành lại mắc tội đột-kiết-la. Từ nay về sau Ta vì các Tỳ-kheo kết hiện tiền tỳ-ni diệt tránh.[4] Nên nói hiện tiền tỳ-ni như vậy. 2. Ức niệm tỳ-ni Khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, thì bấy giờ Đạp-bà-ma-la Tử[5] không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá mà các tỳ-kheo đều nói là phạm trọng tội nên hỏi: «Thầy có nhớ là phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị ấy không nhớ phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời: «Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy.» Rồi liền nói các tỳ-kheo rằng: «Các Trưởng lão, đừng cật vấn tôi mãi.» Các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi. Vị ấy nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau cho phép vì tác pháp ức niệm tỳ-ni[6] cho Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Pháp thức như sau : Đạp-bà-ma-la Tử nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, Đạp-bà-ma-la Tử, không phạm trọng tội. Các tỳ-kheo nói tôi phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi tôi, ‹Thầy nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Tôi không nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời, ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy. Các trưởng lão không nên luôn luôn nạn vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cứ nạn vấn tôi mãi. Nay tôi không ức niệm, đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi ức niệm tỳ-ni. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?› Tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‹Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các trưởng lão chớ có cật vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. Tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?› Tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‹Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các Trưởng lão chớ có cật vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. Tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Đạp-bà-ma-la Tử pháp ức niệm tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba, cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho Đạp-bà-ma-la Tử yết-ma ức niệm rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» «Từ nay về sau, cho các tỳ-kheo kết ức niệm tỳ-ni để diệt tránh. Nên thuyết ức niệm tỳ-ni như vậy.» 3. Bất si tì-ni Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có tỳ-kheo tên là Nan-đề,[7] điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực; tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Khi tâm được bình phục trở lại, các tỳ-kheo nói vị ấy phạm trong tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề: «Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị ấy liền trả lời: «Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, vào ra, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố làm như vậy, mà là do điên cuồng. Các Trưởng lão đừng nên gạn hỏi việc ấy mãi.» Nhưng các tỳ-kheo cố ý gạn hỏi mãi không chịu thôi. Tỳ-kheo kia khởi ý nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni[8] bằng pháp bạch tứ yết-ma theo diễn tiến như sau: Tỳ-kheo Nan-đề nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo Nan-đề, điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Sau đó bình phục lại. Các tỳ-kheo hỏi tôi, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Tôi trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố ý làm mà là do tâm điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng nên gạn hỏi tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cứ gạn hỏi tôi không chịu thôi. Nay tôi hết si, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi bất si tỳ-ni. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Vị ấy liền trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Vị ấy liền trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy» Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết bất si tỳ-ni để diệt tránh. Nên nói bất si tỳ-ni như vậy. 4. Tự ngôn trị Thế Tôn ở tại thành Chiêm-bà, bên ao Già-cừ.[9] Bấy giờ đức Thế [915a1] Tôn bố-tát vào ngày mười lăm có trăng. Chúng Tăng ngồi vây quanh Ngài chỗ đất trống. Đầu đêm đã qua, tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.» Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan liền trở về lại chỗ ngồi. Giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin Thế Tôn thuyết giới.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.» Tôn giả A-nan im lặng, trở về lại chỗ ngồi. Khi ấy trưởng lão Mục-liên nghĩ: ‹Trong chúng có vị nào không thanh tịnh nên đức Như Lai mới nói, trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.› Bấy giờ trưởng lão Mục-liên tự suy nghĩ, quán sát trong chúng bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy tỳ-kheo không thanh tịnh kia ngồi cách Phật không xa. Vị ấy phi sa-môn tự nói là sa-môn, phi tịnh hạnh tự nói là tịnh hạnh, là kẻ phá giới làm các điều ác, bất tịnh, không có bạch pháp, tà kiến, che dấu các ác đã phạm, như cái cây bộng ruột, tuy bên ngoài có nhánh lá mà bên trong trống không, không chắc thật. Mục-liên thấy rồi, liền nghĩ: ‹Đức Thế Tôn thấy tỳ-kheo này nên mới nói, ‘Trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.’› Khi ấy trưởng lão Mục-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ tỳ-kheo kia nói: «Tại sao thầy không chịu đứng dậy? Thế Tôn đã biết thầy, đã thấy thầy. Thầy nên đứng dậy, đi ra khỏi chỗ này! Thầy không nên ngồi nơi đây.» Khi ấy Mục-liên nắm tay tỳ-kheo kia kéo ra ngoài cửa, rồi trở vô bạch Phật: «Trong chúng đã thanh tịnh rồi. Cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.» Đức Phật bảo: «Này Mục-liên, không nên làm như vậy. Vào lúc khác cũng không nên làm như vậy. Này Mục-liên, phải khiến cho người kia phục tội, sau đó mới kết tội. Người kia không phục tội mà kết tội thì không nên. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kết tự ngôn trị để diệt tránh. Nên nói tự ngôn trị[10] như vậy.» Khi đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ, thì bấy giờ các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau, chúng Tăng tìm kiếm tội như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy. 5. Đa nhân ngữ Bấy giờ Thế Tôn ở tại Xá-vệ. Các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng truy cứu tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Khi ấy, Phật nói với các tỳ-kheo: «Nên tìm kiếm tội bởi nhiều người; căn cứ theo lời của đa số biết pháp để nói. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh đa nhân ngữ.[11] Nên nói như vậy, dùng đa nhân ngữ. 6. Tội xứ sở Khi đức Thế Tôn ở tại Thích-sí-sấu. Tỳ-kheo tên là Tượng Lực,[12] ưa luận nghị cùng ngoại đạo. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Chúng, cố ý nói dối. Bấy giờ, các ngoại đạo đều cùng nhau cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, chỉ làm việc vọng ngữ, mà tự nói mình biết chánh pháp. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Khi ở trong chúng bị hỏi, thì trước sau nói nghịch nhau, cố ý vọng ngữ. Như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tượng Lực Thích tử rằng: ‹Sao cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo khiển trách Tượng Lực Thích tử: «Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện khiển trách Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo: «Nên trao cho tỳ-kheo kia tác tội xứ sở,[13] bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Pháp thức như sau: Tập Tăng. Tập Tăng rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi kết tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‹Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.› Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‹Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.› Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kết làm pháp diệt tránh bằng tội xứ sở. Nên nói như vậy, kết tội xứ sở. 7. Như thảo phú địa Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ cùng nhau tranh cãi. Các tỳ-kheo phần đông phạm giới, chẳng phải pháp sa-môn, ai cũng làm, ai cũng nói, ra vào không chừng mực. Sau đó các tỳ-kheo tự nghĩ: ‹Chúng ta phần đông phạm các giới, chẳng phải pháp sa-môn, ai cũng làm ai cũng nói, ra vào không giới hạn. Nếu chúng ta không tự mình khéo hỏi việc này, hoặc giả tránh sự này càng sâu thêm, càng nặng thêm. Trải qua năm tháng mà không thể như pháp như luật, như lời Phật dạy để diệt trừ tránh sự được, khiến cho Tăng không được an lạc.› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên diệt tránh sự này bằng cách như cỏ che đất.[14] «Từ nay về sau, vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh như cỏ che đất. Nên nói như vậy, như cỏ che đất.» II. BỐN TRÁNH SỰ Thế Tôn ở Câu-thiểm-di. Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di tranh cãi nhau.[15] Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách các tỳ-kheo: «Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, [916a1] làm việc không nên làm. Này các tỳ-kheo Câu-thiểm-di, sao tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với tỳ-kheo-ni?» Dùng vô số phương tiện để khiển trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Có bốn tranh chấp:[16] ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.[17] Thế nào là ngôn tránh?[18] Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau, đưa đến mười tám tránh sự: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, cho đến thuyết, bất thuyết.[19] Nếu do tướng trạng như vậy, tranh cãi nhau về ngôn ngữ, dẫn đến chỗ hai bên tranh chấp nhau, đó gọi là ngôn tránh. Thế nào gọi là mích tránh?[20] Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tìm tội nhau, dùng ba việc kiến-văn-nghi để cử, phá giới, phá kiến, phá oai nghi, cùng nhau tìm tội như vậy, không vọng cầu phe cánh thế lực, an ủi ý người, hoặc cử tác ức niệm hoặc an việc này không an việc này, không si không thoát, đó gọi là mích tránh. Thế nào gọi là phạm tránh?[21] Phạm bảy loại tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, cho đến ác thuyết, đó gọi là phạm tránh. Thế nào gọi là sự tránh?[22] Việc cần làm trong ngôn tránh, việc cần làm trong mích tránh, việc cần làm trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh.[23] Gốc rễ của ngôn tránh là gì? Tham, nhuế, si là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới[24] là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Sáu tránh[25] là gốc rễ. Mười tám sự phá Tăng[26] là gốc rễ. Đó gọi là căn của ngôn tránh. Gốc rễ của mích tránh là gì? Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng làm là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Đó gọi là căn của mích tránh. Gốc rễ của phạm tránh là gì? Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Chỗ khởi của sáu phạm[27] là gốc rễ. Đó gọi là căn của phạm tránh. Gốc rễ của sự tránh là gì? Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng làm là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Đó là căn của sự tránh. Ngôn tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Ngôn tránh hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký. Tại sao gọi ngôn tránh là thiện? Tỳ-kheo cùng với tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm thiện, nói pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Cùng nhau tranh cãi như vậy, cả hai đều tranh cãi nhau với thiện tâm, cho nên gọi ngôn tránh là thiện. Tại sao gọi ngôn tránh là bất thiện? Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm bất thiện, nói pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh cãi lời lẽ với nhau dẫn đến xung đột. Đó là ngôn tránh là bất thiện. Tại sao gọi ngôn tránh là vô ký? Tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm vô ký, dẫn mười tám việc, pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Tranh cãi lời lẽ với nhau về những sự viêc như vậy, đó là ngôn tránh là vô ký. Mích tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Mích tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký. Tại sao gọi mích tránh sự thiện? Trong đây, tỳ-kheo với tâm thiện cùng nhau tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong có năm pháp khiến người ấy được xuất tội, trở thành không phạm, thanh tịnh không cấu uế, không khiến cho người ấy có tiếng xấu lan đi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự. Tại sao gọi mích tránh sự không thiện? Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo bằng tâm bất thiện tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong không có năm pháp, không muốn khiến người này được xuất tội, mà muốn cho người này phạm tội, cấu uế không thanh tịnh, muốn khiến cho người này có tiếng tăm bất thiện lan tràn. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội; cùng thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn, không làm cho người kia an tâm, khi bị tác cử, khi bị tác ức niệm, an việc này không an việc này, si mê không thoát tội. Đó gọi là mích tránh sự bất thiện. Thế nào gọi là mích tránh sự vô ký? Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo với tâm vô ký tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự. Đó gọi là mích tránh sự vô ký. Phạm tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Phạm tránh hoặc bất thiện hoặc vô ký. Tại sao gọi phạm tránh là bất thiện? Sự phạm tội cố ý của phàm phu, hoặc học nhơn[28]. Đó gọi là phạm tránh là bất thiện. Tại sao gọi phạm tránh là vô ký? Sự phạm tội không cố ý của phàm phu hoặc học nhơn; sự phạm không cố ý của bậc vô trước.[29] Đó gọi là phạm tránh vô ký. Sự tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Sự tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký. Tại sao gọi sự tránh là thiện? Tỳ-kheo với thiện tâm mà tác sự[30] trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh thiện. Tại sao gọi sự tránh là bất thiện? Với tâm bất thiện mà tác sự trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh không thiện. Vô ký cũng như vậy. Nếu bằng tâm vô ký mà làm tức là sự tránh vô ký. Ngôn, ngôn tránh, ngôn tránh và ngôn, ngôn tránh và tránh ngôn.[31] Hoặc có ngôn tức là ngôn tránh, hoặc có ngôn chẳng phải ngôn tránh, hoặc có ngôn tránh tức là ngôn, hoặc có ngôn tức là tránh, hoặc có ngôn chẳng phải tránh, hoặc có tránh tức là ngôn, hoặc có tránh chẳng phải ngôn. Thế nào là có trường hợp ngôn tức là ngôn tránh? Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là có ngôn tức là ngôn tránh.[32] Thế nào là có trường hợp ngôn chẳng phải ngôn tránh?[33] Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau.[34] Đó gọi là có ngôn chẳng phải ngôn tránh.[35] Thế nào là ngôn tránh tức là ngôn? Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là ngôn tránh tức là ngôn.[36] Thế nào là ngôn tức tránh?[37] Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là ngôn tức là tránh.[38] Thế nào là ngôn không tránh?[39] Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau.[40] Đó gọi là ngôn mà không tránh. Thế nào là tránh tức là ngôn?[41] Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là tránh, tức là ngôn.[42] Thế nào là tránh mà chẳng phải ngôn? Trừ ngôn tránh, các tránh sự khác như mích tránh, phạm tránh, sự tránh thì gọi là tránh mà chẳng phải ngôn. Mích và mích tránh, mích tránh và mích, mích tránh và tránh mích. (Bốn vế này giải thích chéo như bốn vế ngôn tránh trên không khác, nên không chép ra. Tức nói rằng: mích tức là mích tránh. Phạm tránh, sự tránh, cũng giải chéo như vậy)[43] III. TRÁNH SỰ DIỆT 1. Nguyên tắc hiện tiền [917a1] Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, hay để tẫn xuất, nhưng là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, mà vị kia lại nói nói: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, hãy nên chấp hành.› Tránh sự được diệt như vậy là phi pháp diệt tránh, phi pháp tương tợ hiện tiền tỳ-ni. Một tỳ-kheo trước mặt hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy. Hai tỳ-kheo trước một tỳ-kheo trước hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo trước một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy. Hoặc Tăng vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng phải như vậy. Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận› Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni. Trong đây, thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, và người.[44] Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh. Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh. Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị. Nếu tránh sự diệt rồi, tỳ-kheo nào khơi lên lại, phạm ba-dật-đề.[45] Nếu tỳ-kheo mới đến sau, hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh,[46] nếu phát khởi trở lại, phạm ba-dật-đề. Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Tăng vì một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni. Thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, người, Tăng và giới.[47] Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh. Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh. Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị. Thế nào là Tăng hiện tiền? Đồng một yết-ma, hoà hợp tụ hội một chỗ, người không đến thì chúc thọ, người có mặt đủ tư cách ngăn mà không ngăn. Thế nào là giới hiện tiền? Yết-ma tại trong cương giới được qui định. Nếu tránh sự đã được chấm dứt, vị nào khơi lên lại phạm ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo mới đến sau hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh, mà phát khởi lên lại, thì phạm ba-dật-đề. Vị nào dữ dục rồi sau hối hận, phạm ba-dật-đề.[48] Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. 2. Diệt ngôn tránh i. Hiện tiền luật 1. Bấy giờ tôn giả A-nan[49] từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Kính bạch đức Thế Tôn, có bao nhiêu pháp để diệt ngôn tránh?» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Ngôn tránh được diệt bằng hai pháp. Diệt bằng hiện tiền tỳ-ni, dùng đa nhơn ngữ.» Tôn giả A-nan lại hỏi: «Có trường hợp nào ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, mà không dùng đa nhơn ngữ hay không?» Đức Phật bảo A-nan: «Có.» A-nan hỏi: «Đó là trường hợp nào?» Đức Phật dạy: «Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Như vậy tránh sự được diệt. Này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, không dùng đa nhơn ngữ.» Hiện tiền: nghĩa như trên. Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Tăng vì một Tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Này A-nan, tránh sự này nhờ vậy mà được chấm dứt. Đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, chứ không dùng đa nhơn ngữ. Hiện tiền: nghĩa như trên. Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Đức Phật lại bảo A-nan: «Vị tỳ-kheo tranh cãi kia, không thể chấp nhận Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh, nghe trú xứ nọ có chúng Tăng giỏi, Thượng tọa giỏi, là người trí tuệ. Vị tỳ-kheo tranh cãi kia do sự tranh cãi này nên đến nơi trú xứ kia. Hoặc giả trên đường đi gặp được người có thể chấm dứt sự tranh cãi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳ-ni, chứ không dùng đa nhơn ngữ. Chữ hiện tiền ở đây cùng có nghĩa như trên.» 2. Tỳ-kheo tranh cãi kia trên đường đi không gặp được vị có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt sự tranh cãi thì vị tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến nơi chúng Tăng đó, trước Thượng tọa có trí tuệ, thưa như vầy: «Tránh sự này của tôi khởi lên như vầy, do bởi nguyên nhân thật sự là như vậy. Tăng tác pháp như vậy để diệt. Tôi không thể chấp nhận, cho nên đến Trưởng lão. Lành thay! Trưởng lão vì tôi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Trưởng lão có thể vì chúng tôi chấm dứt sự tranh cãi này như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, chúng tôi sẽ đối trước Trưởng lão xả bỏ tránh sự này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, chúng tôi sẽ tự tại tranh chấp, khiến cho tội trạng càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.» Tỳ-kheo tranh cãi kia nên ở trước Tăng xả bỏ việc tranh cãi như vậy. Tăng nên nói với vị tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: «Này Trưởng lão, tránh sự nếu khởi lên như vậy, do nguyên nhân thật sự là như vậy mà khởi lên, và chúng Tăng ở kia đã chấm dứt việc tranh cãi như vây. Nếu có thể nói như thật, thì chúng tôi sẽ tự lượng có thể chấm dứt tránh sự này hay không. Nếu tránh sự này của Trưởng lão khởi lên như vậy, nguyên do sự thật như vậy mà khởi lên, Chúng Tăng kia đã diệt tránh như vậy, mà không được thuyết minh như thật, thì, này Trưởng lão, tránh sự này càng ngày càng sâu nặng, phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Tránh sự này không được chấm dứt, các tỳ-kheo sẽ không sống được an lạc. «Tăng nên thụ lý tránh sự như vậy. Thụ lý rồi nên quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là hạ tọa thì nên nói: ‹Thầy ra ngoài một chút để chúng tôi cùng nhau bình đoán việc này cho được như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy.› Nếu tỳ-kheo tranh cãi ấy là bậc Thương tọa thì Tăng nên tự tránh đến chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này cho như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Chúng Tăng nên suy nghĩ như vầy, ‹Nếu chúng ta ở trong Tăng bình đoán việc này, thì sợ sẽ có các việc khác xảy ra, khiến cho hai bên lời thiện lời ác không thôi. Chúng ta hãy cùng với các vị có trí tuệ tập hợp riêng một chỗ để cùng nhau bình đoán việc này.›» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: Bấy giờ, Tăng nên tác bạch bình đoán việc này như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tập hợp các vị có trí tuệ cùng nhau bình đoán riêng việc này. Đây là lời tác bạch.» «Nên tác bạch như vậy rồi cùng nhau bình đoán.» Tỳ-kheo có mười pháp nên sai để bình đoán riêng việc này.[50] Mười pháp là: 1. Trì giới đầy đủ, 2. Đa văn, 3. Tụng hai bộ tỳ-ni thuộc lòng, 4. Lý giải rộng [918a1] nghĩa của Luật, 5. Khéo léo xử dụng ngôn từ, biện luận rành mạch, đủ khả năng vấn đáp khiến cho vị kia hoan hỷ, 6. Nếu tránh sự khởi lên phải có khả năng chấm dứt, 7. Không thiên vị, 8. Không giận hờn, 9. Không khiếp sợ, 10. Không si mê. Có mười pháp như vậy thì nên sai cùng nhau họp riêng để bình đoán sự. Trong số tỳ-kheo đoán sự, có vị nào không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, cho nên không nói theo chánh nghĩa, mà nói lời phi pháp, thì Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là... không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, bỏ nghĩa chánh, nói lời phi pháp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi khiến người ấy ra. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Trong số tỳ-kheo đang ngồi đoán sự kia có vị tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan, Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo đoán sự này đi xa. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi khiến vị ấy ra. Nếu trong số tỳ-kheo đoán sự có vị pháp sư[51] ngồi dự. Vị kia bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn áp. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo pháp sư này tên là... bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn áp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.» Nên bạch như vậy rồi khiến vị ấy đi ra. Nếu trong các tỳ-kheo đang ngồi đoán sự, có vị tụng giới, tụng tỳ-ni, thuận chánh nghĩa, nói đúng như pháp. Đức Phật bảo A-nan, Tăng nên như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy tán trợ tỳ-kheo này. Nếu tránh sự kia được Tăng ở kia diệt không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, thì nay Tăng ở đây nên diệt tránh sự ấy như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật. Nếu chúng Tăng ở kia đã như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy diệt tránh sự ấy rồi, thì nay Tăng ở đây cũng hãy chuẩn nhận việc này. Tức thời, Tăng ở đây nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‹Nếu Tăng ở kia đã như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này rồi, thì ở đây chúng tôi cũng nhẫn khả sự việc này là diệt tránh như pháp. Bây giờ chúng tôi cũng sẽ tác pháp diệt tránh y như vậy thôi.› Nếu làm như vậy mà chấm dứt được việc tranh cãi, thì này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ. Nghĩa hiện tiền: pháp cho đến giới, cũng như trên. Nếu tránh sự như pháp diệt rồi, sau đó vị nào khơi động lại, phạm ba-dật-đề, như trên. 3. Tỳ-kheo tranh cãi kia không thuận tòng Tăng thứ hai tác pháp như vậy để diệt tránh. Nghe trú xứ nọ có số đông tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di. Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di. Tỳ-kheo kia đang trên đường đi mà có thể chấm dứt tránh sự, thì này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ. Trong đây nói hiện tiền tỳ-ni. Thế nào là hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên. Như pháp chấm dứt việc tranh cãi rồi, sau đó ai phát khởi lên lại phạm ba-dật-đề, cũng như trên. Trường hợp nếu tỳ-kheo tranh cãi kia, giữa đường không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự, thì tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ số đông tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di kia nói như vầy: «Thưa Trưỡng lão, việc tranh cãi này của tôi do nguyên nhân như vậy, phát khởi như vậy. Sự thật, nhân bởi đó mà phát khởi. Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tăng thứ hai cũng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tôi không thuận tòng, nên đến Trưởng lão. Lành thay, Trưởng lão có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này. Tôi sẽ đối trước Trưởng lão bỏ việc tranh cãi này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này thì chúng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, khiến cho tội lỗi càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để diệt tránh sự này, thì các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.» Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến trước số đông tỳ-kheo để xả bỏ việc tranh cãi này. Số đông tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo tranh cãi này rằng: «Nếu Trưởng lão thuyết minh một cách như thật tránh sự này đúng như đã phát khởi, với nguyên nhân thật sự như vậy mà phát khởi, như Tăng thứ hai đã diệt tránh chấm dứt tranh cãi. Thuyết xong, xả tránh. Chúng tôi sẽ tự lượng xem có khả năng diệt tránh sự này hay không. Nếu Trưởng lão không nói đúng sự thật, thì việc tránh sự sẽ tiếp tục, khiến cho tội càng thêm sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi thì các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.» «Này A-nan, số đông tỳ-kheo kia nên tác pháp như vậy để thụ lý việc tranh cãi. Thụ lý việc tranh cãi rồi quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là hạ tọa thì nên nói với vị ấy rằng: ‹Thầy ra ngoài chờ một chút. Chúng tôi cần bình đoán sự việc.› Nếu vị ấy là Thượng tọa, thì chúng nên tự tránh đi chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này. Nếu Tăng ở kia không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi, và Tăng thứ hai cũng không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi này, thì số đông tỳ-kheo nên như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Tăng kia như pháp diệt tránh, Tăng thứ hai cũng như pháp diệt tránh, thì số đông tỳ-kheo cũng nên chấp nhận việc này, và nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‹Như Tăng thứ hai kia diệt tránh chúng tôi cũng chấp nhận.› «Này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ.» Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người; nghĩa cũng như trên. Như pháp chấm dứt tranh cãi rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại thì phạm ba-dật-đề, như trên. Đến chỗ hai tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di cũng như vậy. Đến chỗ một tỳ-kheo trì pháp, cho đến trì ma-di cũng như vậy. ii. Đa nhân ngữ Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi. Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng chấm dứt tránh sự. Họ nghe trú xứ kia, như trên. Số đông tỳ-kheo, cũng như trên. Hai tỳ-kheo, một tỳ-kheo cũng như trên. Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng nơi Xá-vệ chấm dứt tránh sự, cho đến một tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: «Các ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ngươi, những người ngu si, Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi mà sao không chấp nhận? Cho đến một tỳ-kheo chấm dứt tranh cãi cũng không chấp nhận?» a. Hành xá-la 1. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các tỳ-kheo nên chấm dứt tranh cãi này bằng đa nhơn ngữ, bằng pháp hành xá-la. Sai người hành xá-la bằng pháp bạch nhị yết-ma. Vị nào có năm pháp sau đây không nên sai hành xá-la: có thiên vị, hay giận hờn, khiếp sợ, có si, không biết đã hành hay không hành. Có năm pháp như vậy không nên sai hành xá-la. Không thiên vị, không hay giận hờn, không hay khiếp sợ, không si, biết đã hành hay không hành. [919a1] Người có năm pháp như vậy nên sai hành xá-la. Trong chúng nên sai người có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận, Tăng sai tỳ-kheo tên... hành xá-la. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo... hành xá-la. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo tên... hành xá-la, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo... hành xá-la rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 2. Có ba cách hành xá-la, một là công khai, hai là kín, ba là rỉ tai.[52] a. Thế nào gọi là bỏ phiếu công khai? Các tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‹Trong chúng, tỳ-kheo phi pháp nhiều, song Hòa thượng A-xà-lê của họ đều là như pháp.› Nên cần công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong chúng, phần nhiều là người phi pháp mà Thượng tọa là người trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di đều là những người nói như pháp.› Nên cần công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Không biết trong tránh sự này là người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song Hòa thượng A-xà-lê của họ đều là như pháp.› Tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Không biết trong tránh sự này là người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song bậc Thượng tọa là người có trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di đều như pháp nói.› Tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự, này người nói đúng pháp nhiều.› Nên công hai hành xá-la. Thể thức thực hành như sau: nên làm hai loại xá-la, một loại chẻ hai, một loại để nguyên. Làm xá-la rồi nên tác bạch: ‹Vị nào nói như thế này, thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như thế kia, thì rút thẻ chẻ.› Hành xá-la xong, đến chỗ khác để kiểm. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều thì vị chủ trì công bố kết quả để chấm dứt việc tranh cãi. Nếu số tỳ-kheo như pháp ít thì vị ấy nên tác lễ[53] rồi đứng dậy ra đi. Sau đó sai người tin cậy đến trong Tăng của trú xứ tỳ-kheo bạch: ‹Trú xứ kia tỳ-kheo phi pháp nhiều. Lành thay, Trưởng lão hãy đến đó. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều, tránh sự kia được chấm dứt, được nhiều công đức.› Tỳ-kheo này nghe vậy, nên đến. Nếu không đến, sẽ như pháp trị. «Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt thì gọi là ngôn tránh được diệt bằng hai pháp để diệt: hiện tiền tỳ-ni, dùng đa nhơn ngữ.» Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người, giới, Tăng. Nghĩa như trên. Trong đây, Thế nào là dụng đa nhơn ngữ? Căn cứ lời nói nhiều người, là những người trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di. Nếu tránh sự đã được diệt như pháp rồi, sau đó vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề, như trên. b. Thế nào gọi là hành xá-la kín? Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều mà Hòa thượng A-xà-lê của họ không như pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, sợ các tỳ-kheo tùy theo Hòa thượng A-xà-lê rút xá-la.› Tỳ-kheo kia hành xá-la kín. Có vị nghĩ: ‹Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều. Nhưng trong chúng kia có Thượng tọa tiêu biểu cho người trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di mà lại trụ phi pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, thì các tỳ-kheo tùy thuận theo vị Thượng tọa trong chúng, người tiêu biểu về trí mà trụ phi pháp kia rút xá-la.› Cho nên tỳ-kheo nên hành xá-la kín. Hai vế không biết cũng như trên. Nên hành xá-la như vậy. Từ hai cách, cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi trở lại mắc ba-dật-đề, như trên, trong mục công khai hành xá-la. c. Thế nào là hành xá-la rỉ tai? Tỳ-kheo kia nghĩ, như pháp tỳ-kheo nhiều, nhưng Hòa thượng A-xà-lê của họ lại nói phi pháp, vị kia nên rỉ tai hành xá-la. Vị tỳ-kheo kia khởi ý nghĩ, việc tranh cãi này tỳ-kheo như pháp nhiều mà vị Thượng tọa trong chúng người tiêu biểu về trí, lại trụ nơi phi pháp, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di nên tỳ-kheo kia rỉ tai hành xá-la. Hai vế không biết cũng như trên. Nên làm hai loại xá-la một loại chẻ, một loại nguyên, tuyên bố. ‹Vị nào nói như vầy thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như vầy thì rút thẻ chẻ.› Khi hành xá-la nên bố trí ngồi cách khoảng, có thể một người đi chen vào giữa che khuất người kia để rỉ tai, nói: ‹Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức của thầy đã rút xá-la... Lành thay, thầy cũng nên rút xá-la... Từ mẫn cố! Nếu như pháp tỳ-kheo nhiều, tránh sự được chấm dứt thì được công đức nhiều.› Hành xá-la rồi, qua một bên để kiểm. Từ đây cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề, như trên. b. Xá-la phi pháp Có mười cách rút xá-la không như pháp: 1. Không hiểu rõ mà bốc xá-la, 2. Không theo đồng bạn tốt mà bốc xá-la, 3. Muốn khiến cho người phi pháp nhiều mà bốc xá-la, 4. Biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà bốc xá-la, 4. Muốn khiến chúng Tăng bị phá vỡ nên bốc xá-la, 6. Biết chúng Tăng sẽ bị phá vỡ mà bốc xá-la, 7. Phi pháp bốc xá-la, 8. Biệt chúng bốc xá-la, 9. Do một vi phạm nhỏ mà bốc xá-la, 10. Không đứng theo sở kiến mà bốc xá-la. Thế nào là không hiểu rõ mà rút xá-la? Đối với tránh sự này không nắm vững, không hiểu rõ, không biết là pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không hiểu rõ mà rút xá-la. Thế nào là không cùng bạn lành mà rút xá-la? Không đồng bạn với tỳ-kheo đa văn, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di, pháp hay phi pháp cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không cùng với bạn lành rút xá-la. Thế nào là khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la? Tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự này có nhiều tỳ-kheo như pháp. Nay ta nên rút xá-la theo phi pháp, khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều.› Như vậy gọi là khiến tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la. Thế nào gọi là biết nhiều tỳ-kheo phi pháp mà rút xá-la? Tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự này tỳ-kheo phi pháp nhiều. Đồng bạn với phi pháp rút xá-la.› Như vậy gọi là biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la. Thế nào gọi là muốn khiến Tăng phá vỡ rút xá-la? Vị kia khởi ý nghĩ: ‹Tránh sự này tỳ-kheo như pháp nhiều, nay ta rút xá-la theo phe phi pháp khiến cho chúng Tăng bị phá vỡ.› Như vậy là muốn khiến chúng Tăng phá vỡ mà rút xá-la. Thế nào gọi là biết Tăng phá vỡ mà rút xá-la? Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo phi pháp nhiều, vì bạn bè phi pháp mà rút xá-la, như vậy gọi là biết Tăng sẽ bị phá mà rút xá-la. Thế nào gọi là phi pháp rút xá-la? Bạch nhị, bạch tứ yết-ma mà bạch khác, yết-ma khác. Như vậy gọi là phi pháp rút xá-la. Thế nào gọi là biệt chúng rút xá-la? Đồng một cương giới, khi yết-ma không tập hợp hết, người đáng chúc thọ không chúc thọ, người hiện tiền đáng ngăn, ngăn. Như vậy gọi là biệt chúng rút xá-la. Thế nào gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la? Hoặc nghĩ phạm tội, hoặc không cố phạm, hoặc phát tâm làm như vậy mà rút xá-la. Như thế gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la. Thế nào là không đúng như sở kiến mà rút xá-la? Kiến giải khác, nhẫn khả khác mà rút xá-la. Như vậy là không đúng như sở kiến mà rút xá-la. Đó gọi là mười cách phi pháp rút xá-la. Lại có mười cách như pháp rút xá-la. (Ở đây tức là ngược lại [920a1] mười điều không như pháp rút xá-la trên).[54] c. Bình đoán sự Có năm loại bình đoán nhơn:[55] có người thân không làm mà khẩu làm, có người khẩu không làm mà thân làm, có người thân không làm khẩu không làm, có người thân làm khẩu làm, có người không ái không nhuế không bố không si. Thế nào là người thân không làm mà khẩu làm? Nghĩa là người thân không hiện tướng mà miệng có nói năng dạy dỗ, đó là người thân không làm mà miệng làm. Thế nào là người miệng không làm mà thân làm? Là người thân hiện tướng mà miệng không nói năng dạy dỗ, đó là người miệng không làm mà thân làm. Thế nào là người thân không làm, khẩu không làm? Là người thân không hiện tướng, miệng không nói năng dạy dỗ, đó là người thân không làm, miệng không làm. Thế nào là người miệng làm thân làm? Là người thân hiện tướng, miệng nói năng dạy dỗ, đó là người thân làm miệng làm. Trong số này, người không ái, không nhuế, không bố, không si, là người bậc nhất hết sức tôn quý. Sữa cho ra lạc, lạc cho ra tô, tô cho ra đề hồ là tối thắng, không có thứ gì so sánh được. Cũng như vậy, người không ái, không nhuế, không bố, không si là rất tôn quý thù thắng không ai so sánh được. Đây là năm hạng người bình đoán.[56]
Chú thích: [1] Tham chiếu Pali, Cūḷavagga 4 Samathakkhandhakaṃ, Vin. ii. 73. Ngũ phần 23, «Diệt tránh pháp» (T22n1421, tr.153c); Thập tụng 35, «Tránh sự pháp» (T23n1435, tr.251a). [2] A-di-la-bạt-đề 阿夷羅跋提. Pali: Aciravatī, con sông ở Kosala, chảy qua trước cung điện của vua Pasenadi. [3] Kết tội ba-la-di. [4] Hiện tiền tì-ni diệt tránh 現前毘尼滅諍. Pali: sammukhāvinayo, chiết phục bằng sự hiện diện. Cf. Cūḷavagga iv (Vin.ii. 73). [5] Xem Phần i, Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8 & 9. [6] Ức niệm tì-ni 憶念毘尼. Pali: sativinayo, chiết phục bằng sự hồi ức. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 74) [7] Trên kia nói là tỳ-kheo Na-đề(-do). [8] Bất si tì-ni 不癡毘尼. Pali: amūhavinayo, chiết phục bằng sự bất si. Cf. Cūḷavagga iv (Vi. ii. 80) [9] Già-cừ 伽渠; các phần trước, nói là Già-già. Pali: Gagga. [10] Tự ngôn trị 自言治. Pali: paṭiññātakaraṇa, phán quyết bằng sự tự nhận. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 83) [11] Dụng đa nhân ngữ 用多人語. Căn cứ ý kiến đa số. Thập tụng: mích tội tướng. Pali: yebuyyasikā, sự quyết định theo đa số. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 84) [12] Xem Phần i, ch. v, ba-dật-đề 1. [13] Tác tội xứ sở 作罪處所. Ngũ phần: bản ngôn trị 本言治. Thập tụng: mích tội tướng. Pali: tassapāpiyyasikā. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 85) [14] Như thảo phú địa 如草覆地. Ngũ phần: thảo bố địa 草布地. Pali: tiṇṇavatthārako. [15] Xem Chương Câu-thiểm-di trên. [16] Tránh 諍. Thập tụng: sự 事. Tránh tức sự; hai từ cùng một gốc trong tiếng Phạn. Pali: adhikaraṇā. Cf. Cūl. iv (Vin.ii. 88). vấn đề được thảo luận, được tranh cãi; chủ điểm hay trung tâm của sự tranh chấp. [17] Bốn tránh sự: các giải thích và cht. dưới. [18] Ngôn tránh 言諍. Thập tụng: đấu tránh sự 鬥諍事. Pali: vivādādhikaraṇa, tranh chấp do bất đồng về lời lẽ. [19] Xem trên, cht. 16, Ch. ix, tr.64. [20] Mích tránh 覓諍. Ngũ phần: giáo giới tránh 教誡. Thập tụng: vô căn sự 無根事. Pali: anuvādādhikaraṇa, tranh chấp về sự giáo giới, về lời lẽ buộc tội. [21] Phạm tránh 犯諍. Thập tụng: phạm tội sự 犯罪事. Pali: āpattādhikaraṇa, tranh chấp về tội danh. [22] Sự tránh 事諍. Thập tụng: thường sở hành sự 常所行事. Pali: kiccādhikaraṇa, tranh chấp về nghĩa vụ. [23] Ngũ phần 23 (T22n1421 tr.154a25): tranh cãi về các pháp tác yết-ma, những phận sự thường ngày, là sự tránh. Thập tụng 35 (T23n1435 tr.251b16): thường sở hành sự, tranh cãi về các loại yết-ma, về bố-tát, tự tứ, các phận sự hằng ngày của Tăng. [24] Giới 界, chỉ cương giới. [25] Lục tránh 六諍. Thập tụng: lục đấu tránh bản 六鬥諍本. sáu gốc rễ của sự tranh cãi. Pali, ibid., cha vivādamūlāni: kodhano (sân hận), makkhī (ngụy thiện), issukī (tật đố) (maccharī), saṭho (giảo hoạt), pāpiccho (ác dục), sandiṭṭhiparāmāsī (bảo thủ quan điểm). Cf. Tập dị môn 15 (tr. 431a16). [26] Xem [27] Tham chiếu Pali, Vin. ii. 90, cha āpattisamuṭṭhānā, sáu đẳng khởi của tội: tội khởi chỉ từ thân, khởi chỉ từ miệng; từ cả thân và miệng, cả thân và ý; từ cả miệng và ý, từ cả thân và miệng và ý. [28] Bảy hạng học nhân, tức bảy bậc Thánh giả hữu học, từ Dự lưu hướng, cho đến A-la-hán hướng. [29] Chỉ A-la-hán quả, thuộc hàng Thánh giả vô học. [30] Tham chiếu Pali, Vin. ii. 91: Tăng tác yết-ma với thiện tâm, đây gọi là sự tránh thiện (kiccādhikaraṇaṃ kusalaṃ). [31] Bốn vế, quan hệ chéo giữa ngôn và tránh sự. Pali (Vin.ii. 91): vivādo vivādādhikaraṇaṃ (ngôn tức ngôn tránh), vivādo no adhikaraṇaṃ (ngôn không phải tránh), adhikaraṇaṃ no vivādo (tránh không phải ngôn), adhikaraṇañceva vivādo ca (vừa tránh vừa ngôn). [32] Pali, ibid., vivādo vivādādhikaraṇaṃ. [33] Pali: vivādo no adbhikaraṇaṃ, tranh luận mà không phải là tránh sự. [34] Pali, ibid., sahāyopi sahāyena vivadati, bạn cãi với bạn. [35] Những người này cãi nhau, không dẫn đến xung đột, nên không thành tránh sự. Thập tụng: đấu tránh nhưng không phải tránh sự: Tỳ-kheo tranh cãi nhau, nhưng chưa thành xung đột. [36] Giống như trường hợp một: ngôn tức ngôn tránh. Thập tụng và Pali không tách riêng với trường hợp đầu. [37] Pali, ibid., không đề cập. [38] Giống như trường hợp đầu. Pali và Thập tụng không tách riêng. [39] Pali: vivādo na adhikaraṇa, tranh luận không phải tránh sự. [40] Giống như trường hợp thứ hai. Thập tụng không tách riêng. [41] Pali: adhikaraṇaṃ no vivādo: đó là tránh sự về giáo giới, tránh sự về phạm tội, tránh sự về tác sự. [42] Như các trường hợp một và ba. [43] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [44] Ba yếu tố hiện tiền. [45] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 66. [46] Chỉ tránh sự được diệt mà mình không có mặt, do đó không chấp nhận. [47] Bốn yếu tố hiện tiền. [48] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 76. [49] Ngũ phần, Thập tụng: Ưu-ba-ly hỏi. [50] Tham chiếu Pali, Vin. ii. 95: bhikkhu ubbāhika, tỳ-kheo đoán sự thành tựu 10 pháp. Thập tụng 35 (T23n1435 tr.252c15): tỳ-kheo thành tựu 5 pháp được lập làm người đoán sự, gọi là Ô-hồi-cưu-la 烏迴鳩羅. [51] Pali, Vin. ii. 96: dhammika, vị pháp sư không am hiểu Luật tạng. [52] Ba loại hành trù, như Pali, Vin.ii.98: tayo salākaggāhe gūḷhakaṃ, sakaṇṇajappakaṃ, vivaṭakaṃ. [53] Bản Minh: tác lễ. Bản Cao-ly: tác loạn 作亂. Bản Tống: tác loạn lễ. [54] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [55] Nguyên Hán: bình đáng nhân 平當人. Thập tụng 35 (T23n1435 tr.252c10): Ô-hồi-cưu-la 烏迴鳩羅. Pali: Ubbāhika. Xem cht.49 trên. [56] Hết quyển 47. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 3. Diệt mích tránh 1. Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Bạch đức Thế Tôn, mích tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Mích tránh được diệt bằng bốn pháp. Đó là, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni và tội xứ sở.» 2. Tôn giả A-nan lại hỏi: «Có trường hợp nào mích tránh được diệt không phải bằng hai pháp tức bất si tỳ-ni và tội xứ sở tỳ-ni hay không?»[57] Đức Phật trả lời: «Có.» Tôn giả A-nan lại hỏi: «Đó là trường hợp nào?» Đức Phật dạy: «Này A-nan, tỳ-kheo không phạm tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo nói:[58] ‹Thầy có nhớ phạm ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá hay không?› Vị ấy không nhớ nên trả lời, ‹Tôi không nhớ phạm ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.› Tỳ-kheo kia cố gạn hỏi không thôi. Này, A-nan Tăng nên trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.» Có ba trường hợp phi pháp trao ức niệm tỳ-ni. Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?› Tội phạm trả lời: ‹Tôi không nhớ phạm. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi.› Nhưng tỳ-kheo cố gạn hỏi không thôi. Phạm nhơn đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho tác pháp ức niệm tỳ-ni tức là phi pháp. Tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá không?› Phạm nhơn trả lời: ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tội nhỏ, sẽ như pháp sám hối. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo kia đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni là phi pháp. Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội không?› Người ấy nói: ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tiểu tội, đã như pháp sám hối, các Trưởng lão đừng đến gạn hỏi tôi mãi.› Các tỳ-kheo cố nạn hỏi không thôi. Người ấy đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni, tức là phi pháp. Đó là ba loại trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. Có ba loại trao ức niệm tỳ-ni như pháp (tức ngược lại ba vế trên).[59] Có năm trường hợp không như pháp trao ức niệm tỳ-ni: không hiện tiền, không tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp, biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao ức niệm tỳ-ni. Có năm cách như pháp trao ức niệm tỳ-ni: hiện tiền, tự ngôn, thanh tịnh, pháp, hòa hợp. Đó là năm như pháp trao ức niệm tỳ-ni. Này, A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, tức là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, không bằng bất si tỳ-ni và tội xứ sở. Trong đây, cái gì hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên. Trong đây, ức niệm tỳ-ni như thế nào? Tội ấy của tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm. Nếu tỳ-kheo đã như pháp chấm dứt sự tranh cãi rồi, mà sau đó vị nào phát khởi lên trở lại, phạm ba-dật-đề, như trên. 3. Tôn giả A-nan lại hỏi: «Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, mà không dùng ức niệm tỳ-ni và tội xứ sở hay không?» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Có.» Tôn giả A-nan thưa: «Trường hợp đó là thế nào?» Đức Phật dạy: «Trường hợp có tỳ-kheo điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, sau đó bình phục trở lại. Các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, hay không?› Vị đó không nhớ phạm trọng tội nên trả lời: ‹Tôi không phạm trọng tội, ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Khi ấy tôi bị điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội. Đây chẳng phải là cố ý, mà là do tôi điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi, không thôi.» Vị ấy nghĩ: ‹Ta nên làm thế nào?› Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo này bất si tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên. Có ba phi pháp trao bất si tỳ-ni: «Tỳ-kheo không si giả làm si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo nói, phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?› Người ấy trả lời: ‹Khi ấy tôi cuồng si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn. Chẳng phải tôi cố ý làm, mà là do cuồng si cho nên làm. Các Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo đó đến Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, là phi pháp. (Đây là vế đầu. Kế đến câu thứ hai cũng như trên. Chính người ấy nói, tôi nhớ nhiều lần phạm tội như người trong mộng làm vậy. Kế đến vế thứ ba cũng như trên. Chính người ấy nói, tôi nhớ nhiều lần phạm các tội, như người từ trên núi cao rớt xuống chỉ nắm được vật nhỏ, tôi cũng như vậy).[60] Đó là ba phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có ba như pháp trao bất si tỳ-ni (ngược lại với [921a1] ba câu trên là như pháp).[61] Có năm phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có năm như pháp trao bất si tỳ-ni như trên. «Này A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, đó là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, không dùng ức niệm tỳ-ni, tội xứ sở. Trong đây, nghĩa của hiện tiền như trên. Thế nào gọi là bất si tỳ-ni? Tội này của Tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm vậy. Tỳ-kheo kia đã như pháp chấm dứt tránh sự, sau đó ai phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề, như trên. 4. Tôn giả A-nan lại hỏi: «Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở, mà không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni không?» Đức Phật dạy: «Có.» A-nan thưa: «Trường hợp ấy là thế nào?» Nếu tỳ-kheo ưa luận nghị cùng ngoại đạo,[62] khi bị hỏi gắt thì lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau. Khi ở trong chúng được hỏi, cũng lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau, cố ý nói dối. Này A-nan, Tăng nên trao cho tỳ-kheo này tội xứ sở, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên. Có ba phi pháp trao tội xứ sở tỳ-ni: không tác cử, không tác ức niệm, không tác tự ngôn. Đó gọi là ba. Lại có ba: không phạm, tội phạm không thể sám, phạm tội đã sám. Lại có (những nhóm) ba: không cử, phi pháp, biệt chúng. Không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng. Không tác tự ngôn, phi pháp, biệt chúng. Không phạm tội, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội không thể sám, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội nhưng đã sám, phi pháp, biệt chúng. Không hiện tiền, phi pháp, biệt chúng. Đó gọi là (những nhóm) ba phi pháp trao tội xứ sở. Lại có ba như pháp trao tội xứ sở (ngược lại với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra là như pháp vậy).[63] Có ba như pháp trao tội xứ sở. Có năm phi pháp trao tội xứ sở: Không hiện tiền, không tác tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao tội xứ sở. (Lại có năm vế như pháp ngược với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra).[64] Nếu việc tranh cãi được chấm dứt thì đó là tránh sự được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở; không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni. Nghĩa của hiện tiền như trên. Thế nào la tội xứ sở? Với tội này, tỳ-kheo kia bị tác cử, bị tác ức niệm. Tỳ-kheo kia, nếu tránh sự đã như pháp chấm dứt rồi, sau đó phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề, như trên. 4. Diệt phạm tránh 1. Tôn giả A-nan lại thưa: «Phạm tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp? Phật dạy tôn giả A-nan: «Phạm tránh được diệt bằng ba, hiện tiền tỳ-ni, tự ngôn trị, thảo phú địa.» Tôn giả A-nan lại hỏi: «Có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng thảo phú địa hay không?» Đức Phật dạy: «Có.» A-nan lại thưa: «Trường hợp đó là thế nào?» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: Tỳ-kheo phạm tội, nếu muốn đến trước một tỳ-kheo để sám hối thì nên đến chỗ một tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, nói rõ tên tội, nói chủng loại của tội, như sau: «Trưởng lão nhất tâm niệm, tôi tỳ-kheo tên... phạm... tội, nay đến Trưởng lão để sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì an lạc, không sám hối không an lạc. Tôi nhớ nghĩ có phạm nên phát lồ, biết mà không dám che giấu. Trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh bố-tát.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Vị thọ sám nên nói: «Thầy nên tự trách tâm mình, nên sanh tâm yểm ly.» Trả lời: «Vâng.» «Này A-nan, nếu làm như vậy mà việc tranh cãi được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng như thảo phú địa.» Trong đây, nghĩa của hiện tiền, pháp, tỳ-ni, như trên. Người hiện tiền tức là người thọ sám. Thế nào gọi là tự mình nói tên tội, nói chủng loại tội? Tức là sám hối vậy. Thế nào gọi là trị? Là ‹Hãy tự trách tâm của ngươi, sanh yểm ly.› Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề. Trừ thọ dục rồi, ngoài ra như trên. Nếu muốn đến hai tỳ-kheo sám hối thì nên đến chỗ hai tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay nói tên tội, nói chủng loại tội, tác pháp sám hối như trên. Vị thọ sám, trước hết nên hỏi vị tỳ-kheo thứ hai rằng: ‹Nếu Trưởng lão cho phép tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo... thì tôi sẽ nhận.› Vị thứ hai nên nói: «Đồng ý.» Nếu muốn đối với ba vị tỳ-kheo để sám hối cũng như vậy. Hay muốn sám hối đối với Tăng thì nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... phạm... tội, nay đến Tăng xin sám hối.» Thưa xin như vậy ba lần. Vị thọ sám nên tác bạch rồi sau mới nhận sám của vị kia. Văn tác bạch như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là... phạm... tội, nay đến Tăng xin sám hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy rồi nhận sám. Vị thọ sám nên nói: «Thầy nên tự trách tâm mình; sanh tâm yểm ly.» Tỳ-kheo sám hối nên thưa: «Vâng.» «Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, chứ không dùng như cỏ che đất.» Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, cho đến giới, như trên. Thế nào là tự nói tên tội, nói chúng loại tội? Tức sám hối vậy. Thế nào là tự trị? là ‹Tự trách tâm ngươi; sanh tâm yểm ly.› Tránh sự được như pháp diệt rồi, sau đó ai phát khởi lại, thì như trên. 2. Tôn giả A-nan lại thưa: «Bạch Đại đức, có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và như cỏ che đất chứ không dùng tự ngôn trị hay không?» Đức Phật dạy: «Có.» Tôn giả hỏi: «Trường hợp đó thế nào?» Đức Phật dạy: «Trong tránh sự này, trong đó các tỳ-kheo đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các tỳ-kheo không sống an lạc.› Này A-nan, trong một chúng kia có tỳ-kheo trí tuệ có khả năng, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Bạch các Trưởng lão, trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các tỳ-kheo không sống an lạc. Nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như cỏ che đất đối với tội này.» Chúng thứ hai cũng nói như vậy. «Này A-nan, các tỳ-kheo kia nên tác bạch pháp sám như cỏ che đất, như sau: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng vì việc tranh cãi này tác pháp sám hối như cỏ che đất. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy rồi, tác pháp sám hối như cỏ che đất. «Này A-nan, trong một chúng kia có vị trí tuệ, có khả năng, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, [922a1] đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Thưa các Trưởng lão, nay tôi, trong tránh sự này, nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như cỏ che đất đối với các tội đã phạm, trừ trọng tội, và yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.» Chúng thứ hai cũng nói như vậy. «Này A-nan, nếu tránh sự do thế mà được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tỳ-ni và như cỏ che đất để chấm dứt, chứ không dùng tự ngôn trị.» Hiện tiền, nghĩa như trên. Thế nào gọi là cỏ che đất? Không nói tên tội, tên chủng loại của tội để sám hối. Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó có ai phát khởi lên lại, cũng như trên. 5. Diệt sự tránh Tôn giả A-nan lại thưa: «Sự tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?» Đức Phật dạy: «Tùy theo tội phạm, bằng tất cả pháp để chấm dứt. 6. Ưu-ba-ly hỏi 1. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-ba-ly, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật: «Tác tự ngôn trị, tất cả đều như pháp hết phải không?» Đức Phật dạy: «Này Ưu-ba-ly, tự ngôn trị không phải tất cả đều như pháp. «Trong đây, tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho ba-la-di để trị. Này Ưu-ba-ly, đó là tự ngôn trị phi pháp. «Này Ưu-ba-ly, trong đây tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao cho tội tăng tàn để trị. Này Ưu-ba-ly, như vậy là trao cho tự ngôn trị phi pháp.» Cho đến, tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Tỳ-kheo kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo trao cho pháp ba-la-di để trị. Như vậy gọi là tự ngôn trị phi pháp. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo không tác cử, không tác ức niệm. Tỳ-kheo kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo trao cho pháp tăng tàn để trị. Đó là trao tự ngôn trị phi pháp.» Trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn, tự nói phạm ba-dật-đề, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-dật-đề tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Thâu-lan-giá cho đến ác thuyết cũng như vậy. Đột-kiết-la cho đến ác thuyết cũng như vậy. Ác thuyết mà tự nói phạm ba-la-di, trở lại đến ác thuyết cũng như vậy. 2. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia tác cử, tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho pháp ba-la-di để trị. Đó là tác tự ngôn trị phi pháp.» cho đến tự nói phạm ác tác, bảy vế xen nhau làm đầu mối cũng như trên. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị. Như vậy là tự ngôn trị phi pháp.» Cho đến tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn, tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-la-di để trị. Như vậy là phi pháp trao tự ngôn trị. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn. Tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-dật-đề. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-dật-đề để trị. Tức là phi pháp tự ngôn trị. Cho đến tự nói phạm ác thuyết xen nhau làm đầu mối cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm, bèn nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị.» Cho đến ác thuyết xen nhau làm thành vế cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn trị phi pháp.» 3. Ưu-ba-ly lại hỏi: «Thế nào là tự ngôn như pháp trị?» Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền vì vị ấy tác tội ba-la-di để trị. Như vậy là trao tự ngôn như pháp trị.» Cho đến ác thuyết cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho tội ba-la-di để trị. Tức là trao tự ngôn như pháp trị.» Cho đến ác thuyết cũng như vậy. «Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn như pháp trị.» 5. Bấy giờ, có tỳ-kheo nói với các tỳ-kheo rằng: «Tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.» Tỳ-kheo kia nói: «Nên biết đúng thời.» Tỳ-kheo kia đi. Ưu-ba-ly kinh hành cách đó không xa nghe, đến chỗ tỳ-kheo kia hỏi: «Các vị vừa bàn nói việc gì?» «Vị kia nói, tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.» Ưu-ba-ly hỏi: «Thầy phạm cùng người nào?» «Tôi phạm cùng với vợ cũ.» Ưu-ba-ly hỏi: «Vợ cũ, ở chỗ nào?» «Vợ cũ ở tại nước Ưu-thiền.» Ưu-ba-ly hỏi: «Thầy đến đó à?» «Tôi không đến đó.» Ưu-ba-ly hỏi: «Người ấy đến đây à?» «Người ấy không đến đây.» Ưu-ba-ly hỏi: «Vậy, Thầy phạm bằng cách nào?» «Tôi phạm ở trong mộng.» Ưu-ba-ly nói: «Thôi, đủ rồi! Kể cả tội đột-kiết-la, Thầy cũng không phạm.» CHƯƠNG XVII. TỲ-KHEO-NI[1] I. KIỀU-ĐÀM-DI [922c7] Thế Tôn ở vườn Ni-câu-luật[2] tại Thích-sí-sấu,[3] thì bấy giờ, Ma-ha Ba-xà-ba-đề[4] cùng năm trăm người nữ Xá-di,[5] đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Lành thay, cúi xin đức Thế Tôn cho phép người nữ được xuất gia vì đạo ở trong pháp của đức Phật.»[6] Đức Phật dạy: «Thôi đi, Cù-đàm-di,[7] đừng nói lời ấy nữa. Tôi chưa muốn cho người nữ xuất gia vì đạo. Tại sao vậy? Cù-đàm-di, nếu người nữ xuất gia vì đạo trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho pháp Phật không lâu dài.»[8] Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, đến trước Ngài kính lễ sát chân rồi nhiễu quanh, cáo lui. Rồi Thế Tôn từ Thích-sí-sấu cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử du hành trong nhân gian đến nước Câu-tát-la; từ nước Câu-tát-la trở về lại tinh xá Kỳ-hoàn nước Xá-vệ. Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe Phật đang ở tại tinh xá Kỳ-hoàn, bèn cùng năm trăm người nữ Xá-di cạo tóc, mặc áo ca-sa, đến tinh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, đứng bên ngoài cửa. Vì đi bộ nên chân bị lở, bụi đất bẩn cả thân, nước mắt chảy đầm đìa. Tôn giả A-nan thấy vậy, liền ra hỏi Cù-đàm-di: «Vì sao Bà cùng năm trăm người nữ Xá-di cạo tóc, mặc áo ca-sa, đi bộ, gót chân bị lở, bụi đất dính cả người, đứng nơi đây than khóc thế này?» Cù-đàm-di trả lời: «Chúng tôi là người nữ không được đức Phật cho phép xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Ngài.» Tôn giả A-nan nói: «Thôi đừng khóc nữa, tôi vì các Bà đến chỗ đức Phật cầu xin điều này.» Tôn giả A-nan liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Lành thay, đức Thế Tôn, nguyện xin cho phép người nữ được xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của đức Phật.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Thôi đi, đừng có ý muốn cho người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật. Vì sao vậy? Nếu người nữ xuất gia thọ đại giới [923a1] trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài. «Này A-nan! Giống như có nhà ông trưởng giả con trai ít, con gái nhiều, thì nhà ông trưởng giả kia sẽ bị suy vi.[9] Cũng như vậy, này A-nan, nếu người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật Pháp không lâu dài. «Lại cũng như ruộng lúa đang tốt mà bị sương móc,[10] tức thời phải hư hoại. Cũng như vậy, này A-nan, nếu cho người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật, thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài ngay.» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Ma-ha Ba-xà-ba-đề đối với Phật có ân lớn. Phật mẫu qua đời, Người đã nuôi dưỡng đức Thế Tôn khôn lớn.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Đúng vậy! Đúng vậy! Cù-đàm-di đối với Ta có ân lớn. Mẹ ta qua đời, Cù-đàm-di đã nuôi dưỡng ta, khiến ta khôn lớn. Ta đối với Ma-ha Ba-xà-ba-đề cũng có ân lớn. Nếu người nào nhờ kẻ khác để biết được Phật Pháp Tăng, thì ân này khó trả; chẳng phải dùng áo mặc, cơm ăn, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men, mà có thể trả được. Ta ra đời cũng lại như vậy; đã khiến cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề biết được Phật Pháp Tăng.» Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: «Nếu có người nào nhờ kẻ khác mà tin Phật Pháp Tăng thì ân này khó trả, chẳng phải dùng cơm ăn áo mặc, giường nằm ngọa cụ, thuốc men mà có thể trả được. Ta ra đời khiến cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề tin ưa Phật Pháp Tăng cũng lại như vậy.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Nếu có người nào nhờ kẻ khác được quy y Phật Pháp Tăng, thọ trì năm giới, biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Đạo. Đối với Khổ, Tập, Tận, Đạo không có hồ nghi, đắc quả Tu-đà-hoàn, đoạn các ác thú, quyết định được vào chánh đạo, ra vào bảy phen sanh tử liền hết gốc khổ. «Này A-nan, ân đối với người như vậy khó có thể trả được. Chẳng phải dùng cơm ăn, áo mặc, giường nằm ngọa cụ, thuốc men mà có thể trả được. Ta ra đời khiến cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề thọ ba quy y, cho đến quyết định được vào chánh đạo cũng như vậy.» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ giới có thể đạt được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán hay chăng?» Đức Phật bảo tôn giả A-nan rằng: «Có thể chứng được.» Tôn giả A-nan bạch Phật: «Nếu người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ đại giới mà chứng được quả Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán, thì cúi xin Phật cho phép người nữ xuất gia thọ đại giới.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Nay Ta sẽ vì người nữ mà chế tám pháp suốt đời không được vượt qua.[11] Nếu nữ nhơn có thể phụng hành tức là thọ giới. Tám pháp ấy là: «1. Tỳ-kheo-ni tuy một trăm tuổi, nhưng thấy tỳ-kheo mới thọ giới, phải đứng dậy đón chào, lễ bái, trải chỗ ngồi mời ngồi.[12] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua. «2. Này, A-nan! Tỳ-kheo-ni không được mạ lỵ, ha trách tỳ-kheo, không được phỉ báng nói: phá giới, phá kiến, phá oai nghi.[13] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua. «3. Này, A-nan! Tỳ-kheo-ni không được tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn đối với tỳ-kheo; không được ngăn người khác tìm tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ.[14] Tỳ-kheo-ni không được quở tỳ-kheo, mà tỳ-kheo được quyền quở tỳ-kheo-ni. Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «4. Thức xoa-ma-na học giới rồi đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới.[15] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «5. Tỳ-kheo-ni phạm tội tăng tàn phải ở trước hai bộ Tăng nửa tháng hành ma-na-đỏa. Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «6. Tỳ-kheo-ni nửa tháng đến Tăng xin cầu giáo thọ.[16] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «7. Tỳ-kheo-ni không được hạ an cư chỗ không có tỳ-kheo.[17] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «8. Tỳ-kheo-ni, Tăng an cư rồi, nên đến trong Tăng tỳ-kheo cầu ba việc tự tứ, kiến văn nghi.[18] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua. «Này A-nan, nay ta nói tám pháp không được vượt qua này, nếu người nữ nào có thể phụng hành tức là thọ giới. «Thí như có người bắt cầu trên dòng nước lớn để đi qua. Này A-nan, cũng như vậy, nay Ta vì người nữ nói tám pháp không được vượt qua này, nếu người nữ nào có thể phụng hành được tức là thọ giới.» Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi liền đến chỗ Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói: «Người nữ đã được phép xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật. Đức Thế Tôn vì nữ nhơn chế tám pháp không thể vượt qua, nếu người nữ nào có thể phụng hành tức là thọ giới.» Tôn giả A-nan vì những người nữ nói lại tám pháp như trên. Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói: «Nếu đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua này rồi, thì tôi và năm trăm nữ Xá-di sẽ cùng nhau cúi đầu thọ nhận. Thưa tôn giả A-nan, giống như những thiếu niên nam hay nữ, thanh khiết, trang sức đẹp đẽ. Có người tắm rửa xong rồi, đứng trên lầu cao, cầm tràng hoa ưu-bát-la, hoa a-hy-vật-đa, tràng hoa chiêm-bà, tràng hoa tô-man-na, tràng hoa bà-sư[19] trao cho người kia. Người kia liền nhận, và quàng ngay lên đỉnh đầu. Cũng như vậy, này A-nan, đức Thế Tôn vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua, tôi và năm trăm người nữ Xá-di sẽ cùng nhau cúi đầu nhận lãnh.» Tôn giả A-nan liền đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua. Ma-ha Ba-xà-ba-đề v.v... nghe rồi, đã cúi đầu thọ lãnh. Giống như những thiếu niên nam hay nữ, thanh khiết, trang sức đẹp đẽ. Có người tắm rửa xong rồi, đứng trên lầu cao, cầm tràng hoa ưu-bát-la, hoa a-hy-vật-đa, tràng hoa chiêm-bà, tràng hoa tô-man-na, tràng hoa bà-sư trao cho người kia. Người kia liền nhận, và quàng ngay lên đỉnh đầu. Như vậy, này A-nan,[20] Ma-ha Ba-xà-ba-đề và năm trăm người nữ đã được thọ giới.» Đức Phật bảo tôn giả A-nan: «Nếu người nữ không xuất gia ở trong Phật pháp thì Phật pháp sẽ được lâu dài năm trăm năm.»[21] Tôn giả A-nan nghe vậy, lòng rất không vui, ôm sự hối hận, buồn rầu khóc kể, nước mắt dầm dề, đến trước đức Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh, rồi cáo lui. II. NI THỌ GIỚI 1. Sa-di-ni[22] Bấy giờ, có những người nữ khác muốn thọ giới, tỳ-kheo-ni kia dẫn đến chỗ đức Phật, nửa đường gặp giặc. Giặc toan hủy nhục, trêu ghẹo. Các tỳ-kheo-ni thưa với các tỳ-kheo các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Từ nay về sau, cho phép Tỳ-kheo-ni cho người nữ khác xuất gia thọ đại giới, theo thể thức sau đây: «Nếu muốn cạo tóc trong chùa tỳ-kheo-ni thì phải bạch Tăng, hoặc thưa từng vị một được biết, sau đó mới cạo tóc. Văn bạch như sau: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... muốn cầu tỳ-kheo-ni... cạo tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận vì người tên... cạo tóc. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy rồi, sau đó mới cạo tóc. Nếu muốn xuất gia trong chùa tỳ-kheo-ni thì nên bạch Tăng hoặc thưa từng vị một để biết. Văn bạch như sau: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu tỳ-kheo-ni... xuất gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người tên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.» Nên tác bạch như vậy rồi cho xuất gia. Bạch như vậy cho xuất gia rồi, nên dạy người cầu xuất gia, mặc áo ca-sa, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, hướng dẫn cho họ thưa: «Thưa A-di![23] Con tên là... quy y Phật, Pháp, Tăng. Nay con theo Phật xuất gia. Hòa thượng hiệu là... Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. «Thưa A-di! Con tên là... đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi. Nay con đã theo [924a1] Phật xuất gia. Hòa thượng hiệu là... Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy, rồi trao giới. 1. Trọn đời không sát sanh là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 2. Trọn đời không được ăn trộm là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 3. Trọn đời không được dâm dục là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 4. Trọn đời không được nói dối là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 5. Trọn đời không được uống rượu là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 6. Trọn đời không được đeo tràng hoa, thoa hương thơm vào mình là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được . 7. Trọn đời không được ca múa xướng hát, cũng không được cố ý nghe-xem là giới của sa-di-ni. Nếu giữ được thì trả lời là giữ được. 8. Trọn đời không được ngồi nằm trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 9. Trọn đời không được ăn phi thời là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. 10. Trọn đời không được cầm nắm sanh tượng vàng bạc vật báu là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được. Mười giới sa-di-ni như vậy trọn đời thọ trì không được phạm. 2. Thức-xoa-ma-na Cho phép đồng nữ mười tám tuổi, học giới hai năm, tuổi đủ hai mươi, thọ đại giới trong tỳ-kheo-ni Tăng. Nếu mười tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, tuổi đủ mười hai cho thọ giới.[24] Cho thọ hai năm học giới theo thể thức sau[25]: Sa-di-ni nên đến trong tỳ-kheo-ni Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Con là sa-di-ni tên... đến xin Tăng hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Cúi xin Tăng từ mẫn, cho con hai năm học giới.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Nên bảo sa-di-ni đến chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Sa-di-ni này tên là... nay đến Tăng xin hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho sa-di-ni tên là... này hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Sa-di-ni tên là... này nay đến Tăng xin hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Nay Tăng trao sa-di-ni tên... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng cho sa-di-ni tên... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận cho sa-di-ni tên là... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tiếp theo trao cho sa-di-ni sáu pháp như vầy: «Nay sa-di-ni lắng nghe! Đức Như lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác đã nói sáu pháp không được phạm. 1/ Bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Nếu thức-xoa-ma-na nào hành pháp dâm dục, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau là phạm giới, cần phải thọ giới lại.[26] Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. 2/ Không được trộm cắp, cho đến một cọng cỏ, một lá cây. Nếu thức-xoa-ma-na nào lấy của người năm tiền hoặc hơn năm tiền, hoặc tự mình lấy, hoặc dạy người lấy, hoặc tự mình đoạn hoặc dạy người đoạn, hoặc tự mình phá hoặc dạy người phá, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm cho hoại sắc, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Nếu lấy dưới năm tiền thì phạm giới, phải thọ lại.[27] Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. 3/ Không được cố tâm đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu thức-xoa-ma-na nào cố ý tự tay mình đoạn mạng người, tìm dao trao cho người, bảo chết, khuyên chết, khen chết, hoặc cho người uống thuốc độc, hoặc làm đọa thai, rủa nộp chú thuật, tự mình làm dạy người làm, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Nếu đoạn mạng loài súc sanh không thể biến hóa thì phạm giới, phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. 4/ Không được nói dối, cho đến nói vui chơi. Nếu thức-xoa-ma-na nào không chơn thật, thật sự mình không có mà tự xưng là tôi được pháp thượng nhơn, đắc thiền, đắc giải thoát, đắc định, đắc chánh thọ, đắc Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi, thì không phải là thức-xoa-ma-na, không phải là Thích chủng nữ. Nếu ở trong chúng cố ý nói vọng là phạm giới, phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. 5/ Không được ăn phi thời. Nếu thức-xoa-ma-na nào ăn phi thời tức là phạm giới phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. 6/ Không được uống rượu. Nếu thức-xoa-ma-na nào uống rượu là phạm giới phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được. Thức-xoa-ma-na nên học tất cả giới của tỳ-kheo-ni, trừ vì tỳ-kheo-ni quá thực,[28] tự lấy thức ăn để ăn.[29] Nên cầu Hòa thượng, với văn cầu thỉnh như sau: «Đại tỷ nhất tâm niệm! Con tên là... nay cầu A-di làm Hòa thượng, cúi xin A-di vì con làm Hòa thượng. Con nương nơi A-di để được thọ đại giới.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng cầu thỉnh như vậy. Vị Hòa thượng nên trả lời: «Được.» 3. Thọ cụ túc[30] i. Bản bộ yết-ma Thức-xoa-ma-na nào đã có học giới rồi, tuổi đủ hai mươi, hoặc đủ mười hai nên cho thọ đại giới bằng pháp bạch tứ yết-ma, theo diễn tiến sau đây: Dẫn người thọ giới đến đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong khi ấy giới sư nên sai một vị giáo thọ, bạch như sau: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... đến Hòa thượng ni hiệu là... cầu thọ đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tỳ-kheo-ni... làm giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.» Vị giáo thọ nên đến chỗ người thọ giới nói: «Này cô, đây có phải là an-đà-hội, uất-đa-la-tăng, tăng-già-lê; đây có phải là tăng-yết-chi, Phú kiên y; đây có phải là bình bát; đây có phải là y bát của cô không? Cô lắng nghe, nay chính là lúc cần nói đúng sự thật. Nay tôi hỏi cô, có cô nói có, không cô nói không. Cô tên gì? Hòa thượng cô hiệu gì? Cô đã đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát có đủ không? Cha mẹ hoặc phu chủ có cho phép cô không? Cô không mắc nợ của ai chăng? Cô không phải là tôi tớ chăng? Cô có phải là người nữ không? Người nữ có các bệnh hủi trắng, ung thư, càn tiêu, điên cuồng, hai căn, hai đường hiệp lại, đại tiểu tiện thường rỉ chảy, đàm dãi thường tiết ra. Cô có các chứng bệnh như vậy không?» Nếu người thọ giới trả lời đúng cách thì nên nói: «Như tôi vừa hỏi, chút nữa trong Tăng cũng sẽ hỏi như vậy, cô cũng trả lời đúng như vậy.» Vị giáo thọ sư hỏi xong, trở lại trong Tăng với oai nghi bình thường, chỗ có thể đưa tay đụng các tỳ-kheo-ni, đứng nơi đó tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... để thọ đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã giáo thọ xong, cho phép kêu vào. Đây là lời tác bạch. » Vị kia nên bảo kêu vào, vào rồi để y bát xuống dạy kính lễ sát chân tỳ-kheo-ni Tăng, rồi quỳ trước mặt giới sư chấp tay bạch: «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Con tên là... theo Hòa thượng ni hiệu... cầu [925a1]thọ đại giới. Nay, con tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Cúi xin chúng Tăng tế độ con. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Khi ấy, giới sư nên tác bạch: «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu là... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, cho phép tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.» Giới sư nói: «Cô lắng nghe, nay chính là lúc cần nói đúng sự thật. Nay tôi hỏi cô, có thì nói có, không nói không. Cô tên gì? Hòa thượng cô hiệu gì? Cô đã đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát có đủ không? Cha mẹ hoặc phu chủ có cho phép cô không? Cô không phải là người mắc nợ chăng? Cô không phải là tôi tớ? Cô là người nữ phải không? Người nữ có các chứng bệnh hủi trắng, ung thư, càn tiêu, điên cuồng, hai căn, hai đường hiệp lại, đại tiểu tiện thường rỉ chảy, đàm dãi thường tiết ra. Cô có các chứng bệnh như vậy không?» Nếu trả lời đúng cách thì nên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, y bát đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hoà thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đã đủ hai mươi, y bát có đủ. Nay Tăng trao cho người này tên là... đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho người tên... đại giới, Hòa thượng ni hiệu... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» ii. Chánh pháp yết-ma Người thọ giới cùng tỳ-kheo-ni Tăng đến trong Tăng tỳ-kheo kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu sát đất chấp tay bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Con tên là... nay đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Cúi xin Tăng tế độ con. Từ mẫn cố.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy (giới sư nơi đây cũng hỏi như cách hỏi trên) Hỏi rồi, nên hỏi tiếp: «Cô đã học giới chưa? Cô có thanh tịnh không?» Nếu nói đã học giới thanh tịnh thì nên hỏi các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Cô này đã học giới chưa? Có thanh tịnh không?» Nếu trả lời: ‹Đã học giới và thanh tịnh.› Thì nên tác bạch liền: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay, người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này tên là... nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đời đã đủ, y bát đã có, và đã học giới thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! người này tên là... cầu Hoà thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này tên là... nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đời đã đủ, y bát đã có, và đã học giới thanh tịnh. Nay Tăng vì người tên là... này cho thọ đại giới, Hoà thượng ni hiệu... Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni hiệu là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã chấp thuận trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni tên... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Giới sư gọi: «Thiện nữ nhơn lắng nghe: Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, nói tám pháp ba-la-di, nếu tỳ-kheo-ni phạm thì chẳng phải là tỳ-kheo-ni nữa, chẳng phải là người con gái của dòng họ Thích. «1. Không được làm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Tỳ-kheo-ni nào làm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng loài súc sanh, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «2. Không được trộm cắp, cho đến cọng cỏ, lá cây. Tỳ-kheo-ni nào lấy của người năm tiền hoặc hơn năm tiền, hoặc tự mình lấy hoặc dạy người khác lấy, hoặc tự đoạn hoặc dạy người khác đoạn, hoặc tự phá hoặc dạy người khác phá, hoặc đốt hoặc chôn, hoặc làm hoại sắc, thì chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «3. Không được đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Tỳ-kheo-ni nào tự tay đoạn mạng người, cầm dao đưa cho người, hướng dẫn cách chết, khen sự chết, khuyên cho chết, cho uống thuốc độc, làm đọa thai, nguyền rủa ếm thư chú thuật, hoặc tự làm, phương tiện dạy người làm, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ của dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «4. Không được nói dối, cho đến nói giỡn. Tỳ-kheo-ni nào không chơn thật, chẳng phải tự mình có mà nói: ‘Tôi đắc pháp thượng nhơn, đắc thiền, đắc giải thoát, tam muội chánh thọ, đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi’, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «5. Không được hai thân xúc chạm nhau, cho đến cùng với loài súc sanh Tỳ-kheo-ni nào với tâm nhiễm ô cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau, từ nách trở xuống từ đầu gối trở lên, hoặc xoa hoặc đẩy, rờ xuôi rờ ngược, hoặc kéo hoặc xô, hoặc bồng lên hoặc để xuống, hoặc nắm gấp hay hoãn, thì vị ấy không phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «6. Không được phạm tám việc, cho đến cùng với loài súc sanh. Tỳ-kheo-ni nào có tâm nhiễm ô chấp nhận tâm nhiễm ô của nam tử, nhận sự nắm tay, nắm y, đứng nơi chỗ vắng, cùng đứng, nói chuyện nơi chỗ vắng, cùng đi, hai thân kề nhau, cùng hẹn, phạm tám việc này, thì chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «7. Không nên che dấu trọng tội của người, cho đến đột-kiết-la, ác thuyết. Tỳ-kheo-ni nào biết tỳ-kheo-ni phạm ba-la-di, không tự cử cũng không bạch Tăng, không nói với ai, sau đó vào một thời gian khác tỳ-kheo-ni này thôi tu, hoặc bị diệt tẫn, hoặc bị ngăn không cùng làm Tăng sự, hoặc vào ngoại đạo. Vị ấy nói như vầy: ‹Trước đây tôi biết người này phạm tội như vậy như vậy,› thì vị ấy chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích, vì che dấu trong tội của người khác vậy. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Có thể. «8. Không được nói theo tỳ-kheo bị cử, cho đến sa-di. Tỳ-kheo-ni nào biết tỳ-kheo bị Tăng cử tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, phạm oai nghi chưa sám hối, không tác pháp cọng trú, mà tùy thuận theo tỳ-kheo kia để nói chuyện. Các tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni này rằng: ‹Đại tỷ, tỳ-kheo kia bị Tăng cử tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, phạm oai nghi chưa sám hối, [926a1] không tác pháp cọng trú, cô đừng tùy thuận theo tỳ-kheo kia để nói chuyện.› Khi các tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni này kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni nên can gián cho đến ba lần để bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián bỏ thì tốt, không bỏ thì vị này không phải tỳ-kheo-ni, không phải người nữ dòng thọ Thích vì đã tùy thuận kẻ bị cử. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời là: Được. «Này, Thiện nữ nhơn hãy lắng nghe! Đức Như lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác nói pháp tứ y. Tỳ-kheo-ni y nơi đây xuất gia thọ đại giới. Đó là pháp của tỳ-kheo-ni: «1. Y nơi áo phấn tảo xuất gia thọ đại giới là pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không?» Trả lời là: Được. «Nếu được của lợi đàn-việt cúng y cắt rọc may thành thì nên nhận.» «2. Y nơi khất thực xuất gia thọ đại giới là pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không?» Trả lời là: Được. «Nếu được của lợi hoặc Tăng sai thọ thực, hay đàn-việt dâng thức ăn vào những ngày chay, mồng tám, mười lăm, mồng một, hoặc thường thực của chúng Tăng, hay đàn-việt mời thì nên nhận.» «3. Y nơi dưới gốc cây để ngồi, xuất gia thọ đại giới là pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không? Trả lời là: Được. «Nếu được của lợi người cho phòng riêng, nhà có nóc nhọn, phòng nhỏ, hang đá, hai phòng có một cửa thông thì không nên nhận.» «4. Y nơi hủ lạn dược, xuất gia thọ đại giới, là pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không? Trả lời là: Được. «Nếu được của lợi như tô, dầu, sanh tô, mật, thạch mật thì nên nhận.» «Cô đã thọ giới rồi. Bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu, đúng cách. Hòa thượng như pháp. A-xà-lê như pháp. Hai bộ Tăng đầy đủ. Cô nên khéo thọ giáo pháp, nên siêng năng giáo hóa, làm việc phước đức, tu bổ tháp, cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Hòa thượng A-xà-lê dạy bảo những điều như pháp cô không được chống trái. Nên học vấn tụng kinh, cố gắng cầu phương tiện ở trong Phật Pháp để đạt được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, thì sơ tâm xuất gia của cô mới không bị uổng phí... Những gì chưa biết cô nên hỏi Hoà thượng A-xà-lê.» Khi giải tán, bảo người thọ giới đi trước. Bấy giờ, những người thọ giới bằng bạch tứ yết-ma nêu[31] lên với các tỳ-kheo-ni Xá-di Câu-lê rằng: «Đức Thế Tôn có nói như vầy, ‹Thọ đại giới phải bạch tứ yết-ma.› Chúng tôi đắc giới, còn các bà không đắc giới.» Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe vậy, khởi lòng nghi, bạch các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề và các Tỳ-kheo-ni Xá-di cũng đều đắc giới.» Bấy giờ, có người đứng cầu xin giới. Cư sĩ bạch y thấy nói: ‹Cô ấy đứng ở đây là muốn chờ đàn ông đấy.› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được đứng cầu xin giới. Nên quỳ thẳng gối để xin giới.» Có người ngồi xổm[32] để xin giới nên bị té, lộ hình, hổ thẹn, không thể xin giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni khác nên thay thế để bạch.» iii. Đại diện thọ giới Các tỳ-kheo-ni Xá-di Câu-lê dẫn người muốn thọ đại giới đến Tăng-già-lam. Trên đường đi gặp cướp, hủy phạm tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhờ người thay thế đến thọ giới. Cho phép nhờ một tỳ-kheo-ni thanh tịnh không có chướng nạn. Tăng bạch nhị yết-ma để sai.»[33] Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên là... làm sứ giả vì tỳ-kheo-ni tên... đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới. Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên... làm sứ giả, vì tỳ-kheo-ni tên... đến Tăng tỳ-kheo cầu thọ đại giới. Các đại tỷ nào đồng ý, Tăng sai tỳ-kheo-ni tên... làm sứ giả, vì tỳ-kheo-ni... đến trong Tăng tỳ-kheo cầu thọ đại giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý sai tỳ-kheo-ni... làm sứ giả rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Trường hợp nếu đi một mình không bảo đảm thì nên sai hai, ba tỳ-kheo-ni cùng đi. Tỳ-kheo-ni sứ giả nên đến trong Tăng tỳ-kheo, kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người nữ tên là... theo tỳ-kheo-ni hiệu...[34] cầu thọ đại giới. Nay người nữ kia tên..., từ Tăng xin cầu thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu...[35] Cúi xin Tăng từ mẫn cứu vớt.»[36] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Tăng tỳ-kheo nên hỏi «Người nữ kia tên gì? Hòa thượng ni là vị nào? Đã học giới chưa? Có thanh tịnh không?» Nếu trả lời: «Đã học giới thanh tịnh rồi», thì nên hỏi tỳ-kheo-ni bạn rằng: «Vị ấy đã học giới thanh tịnh chưa?» Nếu trả lời «đã học giới và thanh tịnh», trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! (Tỳ-kheo-ni)[37] tên là... này, theo (Hòa thượng ni) hiệu... thọ đại giới. Nay vị này tên là... từ Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Vị này tên là... đã học giới thanh tịnh, tuổi đã đủ, y bát có. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng cho người có tên... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng, xin lắng nghe ! Người này tên là... theo tỳ-kheo-ni hiệu... cầu thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... vị này tên là... nói là thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đã đủ, y bát có, đã học giới thanh tịnh. Nay Tăng cho vị này tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... các Trưởng lão nào chấp thuận cho vị này tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã đồng ý cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Vị sứ giả kia trở về lại trong chùa của tỳ-kheo-ni nói: «Đại tỷ, cô thọ đại giới rồi.»[38] Đức Thế Tôn cho phép nhờ người thọ đại giới. Vị kia chỉ có chút ít nhan sắc cũng nhờ người thọ giới. Đức Phật dạy: «Người nữ có chút ít nhan sắc không nên nhờ người thọ đại giới.» Có vị trao đại giới cho người thường rỉ máu,[39] bẩn cả thân cả y cả ngọa cụ. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người thường rỉ máu.» Đức Thế Tôn dạy không nên trao đại giới cho người nữ thường rỉ máu. Có vị liền trao đại giới cho người không có nguyệt kỳ. Người thọ giới kia buông lung tình dục. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người không có nguyệt kỳ (thủy).» Có vị trao đại giới cho người nữ không có vú. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người không có vú.» Có vị trao đại giới cho người chỉ có một vú. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người nữ chỉ có một vú.» Có vị trao đại giới cho người hai đường bị lở lói. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người hai đường bị lở lói.» Có vị trao đại giới cho người hai đường bị lở thối. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người hai đường bị lở thối.» Có vị trao đại giới cho người hai căn. Đức Phật dạy: «Không nên trao đại giới cho người hai căn.»[40] III. NI THƯỜNG HÀNH 1. Bấy giờ, các tỳ-kheo tụ hợp lại một chỗ, cùng nhau tụng pháp tỳ-ni. Các Tỳ-kheo-ni khởi ý nghĩ: Chúng ta có nên tụng pháp tỳ-ni hay không? Đức Phật dạy: «Nên tụng.» Các vị không biết thọ trì giữa ai để tụng. Đức Phật dạy: «Nên thọ trì giữa tỳ-kheo để tụng.» Các tỳ-kheo nghĩ: «Chúng ta được phép cùng [927a1] tỳ-kheo-ni tụng các câu kệ hay chăng?»[41] Đức Phật dạy: «Cho phép tụng.» Tỳ-kheo ngồi ngay trước mặt dạy học tụng, ni hổ thẹn. Phật dạy: «Nên trải chỗ ngồi ở sau lưng tỳ-kheo mà học tụng. Hoặc dùng một trong mười thứ y làm màn ngăn để học tụng.» 2. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì nhân duyên nhỏ mọn nổi sân không vui, xả Phật Pháp Tăng và nói: «Đâu phải chỉ có sa-môn Thích tử mới có thể tu phạm hạnh, các sa-môn, bà-la-môn khác cũng có. Nay tôi cũng có thể đến đó để tu phạm hạnh.»[42] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tỳ-kheo-ni khi nổi giận mà nói xả giới, không thành xả giới.» 3. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni làm việc mê hoặc và dạy người làm.[43] Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» 4. Nhóm sáu tỳ-kheo tác yết-ma chống nhóm sáu tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni kia tùy thuận ngôn giáo, không dám trái nghịch, xin giải yết-ma. Các tỳ-kheo ấy không chịu giải. Các cư sĩ thấy nói: «Tại vì các cô không chìu ý nên mới làm như vậy.» Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Tỳ-kheo không nên tác yết-ma đối với tỳ-kheo-ni.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni tác yết-ma trao cho tỳ-kheo-ni. Phật nói: «Cho phép, tỳ-kheo-ni tác yết-ma trao cho tỳ-kheo-ni. Nếu tỳ-kheo-ni không biết thì cho phép đến bên tỳ-kheo tụng yết-ma cho, rồi sau đó tác yết-ma.»[44] 5. Khi ấy có tỳ-kheo muốn thôi tu, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề biết mà sợ không dám đến can ngăn vì đức Thế Tôn có dạy: «Tỳ-kheo-ni không được ha trách tỳ-kheo.» Khi ấy tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: «Phải chăng tất cả các trường hợp tỳ-kheo-ni không được ha trách tỳ-kheo?» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni nhất thiết không được ha trách tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni không được mắng tỳ-kheo, không được ha trách tỳ-kheo, không được phỉ báng tỳ-kheo. Nếu tỳ-kheo phá giới phá kiến phá oai nghi, cũng không nên ha trách như vậy. Nhưng này Cù-đàm di, nếu nhằm mục đích giúp tỳ-kheo trì Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí, học vấn tụng kinh; vì những việc như vậy thì nên làm.» 6. Các tỳ-kheo-ni tóc đã dài. Đức Phật dạy: «Cho phép nhờ cạo, hay tự cạo.» Bấy giờ, có người thợ cạo trẻ tuổi cạo tóc cho tỳ-kheo-ni trẻ tuổi. Khi tiếp xúc với làn da mịn màng, dục ý khởi, muốn phạm đến tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni lớn tiếng kêu la: «Đừng làm vậy! Đừng làm vậy!» Tỳ-kheo-ni khác nghe, hỏi: «Sao lớn tiếng kêu la, đừng làm vậy, đừng làm vậy?» Cô ấy trình bày lại đầy đủ mọi việc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Khi cạo tóc cần phải có bạn. Biết người có dục ý thì không nên nhờ họ cạo.» Có cô nhờ đàn ông hớt lông mũi, đức Phật dạy: «Không được nhờ đàn ông hớt lông mũi.» Cô kia nhờ đàn ông cắt móng tay. Đức Phật dạy: «Không được nhờ đàn ông căt móng tay.» 7. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni đang ở trong nhà bạch y. Có tỳ-kheo đến khất thực, tỳ-kheo-ni kia không dám nói, tại sao vậy? Sợ tỳ-kheo nói là tỳ-kheo-ni giáo hóa để có thức ăn.[45] Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nói để chủ nhà biết, chứ không nên khen ngợi.» Tỳ-kheo-ni đang ở trong nhà bạch y. Có tỳ-kheo đến, cô không đứng dậy.[46] Bạch Phật. Phật dạy: «Nên đứng dậy. Nếu tỳ-kheo-ni hành nhất tọa thực, hoặc không ăn lại dù tác pháp dư thực, hoặc bệnh, hoặc ăn đủ rồi, thì cho phép nói, «Thưa đại đức, tôi có nhơn duyên như vậy, nên không đứng dậy được.›» Có tỳ-kheo-ni, tại nhà bạch y, không xin phép tỳ-kheo bèn ngồi.[47] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni, tại nhà bạch y không được ngồi không xin phép tỳ-kheo.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sáng sớm khoác y, bưng bát, đến nhà bạch y. Trong nhà này, có tỳ-kheo-ni thường đến giáo hóa. Tỳ-kheo-ni thấy tỳ-kheo đến, liền đứng dậy thưa hỏi: «Thưa đại đức, tôi được phép ngồi không?» Tỳ-kheo nói: «Đừng ngồi.» Tỳ-kheo-ni kia đã quen sung sướng, không đứng lâu nổi, nên bị té xuống và bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên nhường nhau. Người phía trước nếu ngồi được thì ngồi. 8. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo cùng đi chung một tuyến đường. Hoặc đi trước, hoặc vừa nói vừa đi, hoặc khi đi trước khi đi sau, hoặc lật ngược y, hoặc quấn cổ, hoặc phủ đầu, hoặc choàng hai vai, hoặc mang giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đi sau tỳ-kheo.» Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni có việc Phật Pháp Tăng, hoặc có tỳ-kheo-ni bệnh cần sự chăm sóc, mà không dám đi trước tỳ-kheo. Đức Phật dạy: «Cho phép bạch tỳ-kheo rồi mới đi.» Có vị bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, cẩn thận không dám không thưa để đi (trước tỳ-kheo). Đức Phật dạy: «Nếu có các nạn sự như vậy, thưa hỏi hay không thưa hỏi vẫn được phép đi.» Có tỳ-kheo-ni, trên đường đi thấy tỳ-kheo không tránh đường. Đức Phật dạy: «Nên tránh đường,» Có tỳ-kheo-ni, trên đường đi, thấy tỳ-kheo, bèn tránh đường. Trời mưa, cô trượt chân té xuống đất, mắc bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có nhơn duyên như vậy, tỳ-kheo-ni nên nghiêng mình một chút, chắp tay thưa: ‹Đại đức thứ lỗi cho, vì đường hẹp.›» 9. Bấy giờ, có đàn-việt thỉnh hai bộ Tăng. Mời tỳ-kheo-ni ăn trước, tỳ-kheo ăn sau, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên mời Tăng tỳ-kheo-ni ăn trước mà nên mời Tăng tỳ-kheo dùng trước rồi sau đó mới mời tỳ-kheo-ni Tăng. Có đàn-việt mời hai bộ Tăng, nghĩ như vầy: «Đức Phật có dạy nên mời Tăng tỳ-kheo trước rồi sau đó mới mời Tăng tỳ-kheo-ni.» Người ấy mời Tăng tỳ-kheo ăn xong thì quá ngọ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu thì giờ gần quá ngọ thì nên mời một lượt.» Có cư sĩ mời Tăng tỳ-kheo-ni sáng sớm thọ thực. Nửa đêm, cư sĩ chuẩn bị các thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày đến mời. Các tỳ-kheo-ni khoác y, bưng bát, đến nhà kia. Các vị hỏi nhau về tuổi tác để ngồi theo thứ tự, nên quá ngọ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nếu gần quá ngọ, cho phép tám tỳ-kheo-ni thượng tọa theo thứ tự ngồi, còn bao nhiêu vị khác thì tùy tiện cứ ngồi.» 10. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni đến trong Tăng-già-lam của tỳ-kheo, đức Phật cho phép cho họ ngồi trên giường. Tỳ-kheo-ni có nguyệt thủy, rỉ chảy bẩn nệm, giường giây, giường cây, ngọa cụ, rồi đứng dậy đi về. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên ngồi trên nệm, giường giây, giường cây.» Trường hợp đến trong Tăng-già-lam cầu giáo thọ, hoặc thọ thỉnh, hoặc nghe pháp, không có chỗ ngồi. Đức Phật dạy: «Cho phép ngồi trên đá, trên ngói, trên gạch, trên đầu cây, trên cỏ, trên lá, trên bục đất cứng.» Tỳ-kheo-ni không đủ sức chịu khó khổ nên sanh bệnh. Đức Phật dạy: «Nên nói với tỳ-kheo-ni rằng, nếu họ có thể giữ gìn tốt tọa cụ thì nên cho ngồi.»[48]
Chú thích: [57] Tức diệt bằng hai pháp: hiện tiền và ức niệm. [58] Trường hợp vô căn báng, vu khống không căn cứ. Xem Phần i, Ch.ii tăng-già-bà-thi-sa 8. [59] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [60] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [61] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [62] Tỳ-kheo Tương Lực, xem Phần i, ch.v, ba-dật-đề 1. Xem mục I.6 «Tội xứ sở» trên. [63] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [64] Tiểu chú trong nguyên bản Hán. [1] Tham chiếu Pali, Cūḷavagga 10, Bikkhunikkhandhakaṃ, Vin. ii. 252. [2] Ni-câu-luật viên 尼拘律園. Pali: Nigrodhārāma, vườn cây bàng, gần Kapilavatthu. [3] Thích-sí-sấu 釋翅瘦; phiên âm của Śākyeṣu (Skt.) hay Sakkesu (Pali): giữa những người họ Thích-ca (không phải địa danh). [4] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提. Các đoạn trên kia dịch là Đại Ái Đạo. Pali: Mahāpajāpati. [5] Xá-di nữ 舍夷女; chỉ con gái họ Thích. [6] Tham chiếu, Trung A-hàm 28, kinh 116 «Cù-đàm-di», Cūḷavagga x, Vin. ii. 253. [7] Cù-đàm-di 瞿曇彌; Pali: Gotamī, người nữ của dòng họ Gotama. [8] Vin. ii. 256: Phật chỉ nói điều này sau khi đã chấp nhận người nữ xuất gia. [9] Vin.ii. 256: dễ bị phá hoại bởi bọn cướp. 9 Trong bản: sương bạc, sương và mưa đá 霜雹. Pali, ibid., ruộng lúa bị chứng bịnh gọi là sương muối (setaṭṭikā nāma rogajāti). [11] Bất khả quá pháp 不可過法. Trung A-hàm: tôn sư pháp. Ngũ phần: bất khả việt pháp 不可越法. Tăng kỳ, Thập tụng: kỉnh pháp. Pali: garudhamma. [12] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 175. [13] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 145. Thập tụng thay điều này bằng ba-dật-đề 172. [14] Thập tụng, điều 8: Tỳ-kheo-ni không được nói các tội thấy, nghe, nghi của tỳ-kheo. [15] Tỳ-kheo ni, ba-dật-đề 124. [16] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 141. Pali, pháp thứ 3: Mỗi nửa tháng đến tỳ-kheo Tăng có hai việc: hỏi ngày Bố-tát (uposathapucchakaṃ) và xin giáo giới (ovādūpasaṅkammaṃ). Thập tụng 47: Mỗi nửa tháng, đến tỳ-kheo nhận tám kỉnh pháp. [17] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 143. [18] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 142. [19] Các loại hoa: Ưu-bát-la 優缽羅 (Pali: uppala, bông súng xanh), A-hy-vật-đa 阿希物多 (Pali: atimuttaka, hoa thiện tư), Chiêm-bà 瞻婆 (Pali: campaka, một loại hoa vàng), Tô-man-na 蘇曼那 (Pali: sumanā, tố hương), Bà-sư 婆師. (Pali: vassika, hạ sinh hoa). [20] Trong bản, có sự nhầm lẫn, vì truyền khẩu theo quán tính. [21] Dịch sát. Ngũ phần 29 (T22n1421 tr.186a14): «Chánh pháp của Phật tồn tại ở đời một nghìn năm. Nay cho nữ xuất gia, giảm mất năm trăm năm.» [22] Tham chiếu, Phần ii. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 121. [23] A-di 阿姨, phiên âm từ Pali: ayye, Skt.: ārya, āyya, xưng hô với người nữ, người nhỏ thưa trình người lớn. [24] Xem Phần ii, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 125. Tham chiếu, Thập tụng 45 (T23n1435, tr.325c25), tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 190. [25] Tham chiếu Thập tụng 45, nt., văn thọ sáu pháp. Văn thọ Pali, xem Vin. ii.319 (Bhikkhuni, pāc. 63). [26] Xem trên, phần ii, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 123 (bản Việt, quyển 3, tr. 1266: Nếu thức-xoa-ma-na phạm dâm thì phải diệt tẫn. Nếu có tâm nhiễm ô cùng với nam từ có tâm nhiêm ô, hai thân xúc chạm tức khuyết giới, phải thọ lại. [27] Xem Phần ii, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 123, nt.: trộm 5 tiền trở lên, diệt tẫn. Dưới 5 tiền, khuyết giới, phải thọ lại. [28] Chưa tìm ra nghĩa «quá thực.» Xem Phần ii. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 121 (Bản Việt, quyển 3, tr. 1261): trừ điều tự tay lấy thức ăn, trao thức ăn cho người. [29] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 26. [30] Tham chiếu Phần ii, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 124. [31] Hán: cử 舉, thường dùng theo nghĩa cử tội, tức buộc tội. Nhưng đây không thuộc ba cử tội thấy-nghe-nghi, nên không nói là cử tội. [32] Tốn 蹲; theo phong tục, cách ngồi được xem là cung kính của đàn ông. Pali: ukkuṭika; Skt. utkuṭuka. [33] Thọ sứ cụ túc. Thập tụng 41 (T231435, tr.295b), 56 (T23n1435 tr.410a11): Bán Ca-thi-ni 半迦尸尼 khiển sứ đắc giới cụ túc. Pali: dūtena upasampāda. Vin. ii. 277: Kỹ nữ Aḍḍhakāsī, xuất gia, muốn về Sāvatthi để thọ cụ túc. Bọn vong mạng hay tin, tổ chức chận đường để cướp. Cô biết được, không dám đi. Phật cho phép nhờ sứ giả thọ giới. Trong Câu-xá 14, đây là trường hợp của tỳ-kheo-ni pháp thọ (Skt. Dharmadinnā, Pali, Dhammadinnā). [34] Nguyên văn bản Hán: thử mỗ giáp tỳ-kheo-ni tùng mỗ giáp cầu thọ đại giới 此某甲比丘尼從某甲求受大戒. Văn cú đảo trang, cần chỉnh lại để đọc cho đúng nghĩa. [35] Tham chiếu văn bạch đại diện xin giới theo Pali, Vin. ii. 277: (...) itthannāmā, ayyā, itthannāmāya ayyāya upasampadāpekkhā ekato-upasampannā bhikkhunisaṅghe, visuddhā. Sā kenacideva antarāyena na āgacchati. itthannāmā, ayyā, saṅgha upasampādaṃ yācati.Ullumpatu taṃ ayyā saṅgho anukampaṃ upādāya «... Người nữ mỗ giáp, theo người nữ mỗ giáp khất cầu giới cụ túc. Người nữ ấy đã thọ một phần cụ túc giữa tỳ-kheo-ni Tăng. Người nữ ấy thanh tịnh. Người nữ ấy vì một chướng ngại như vậy không đến đây được. (Bạch chư Đại đức) Người nữ mỗ giáp khất cầu Tăng cho giới cụ túc. Nguyện Tăng thương tưởng cứu vớt người nữ mỗ giáp ấy.» Tham chiếu văn bạch Thập tụng 41, đã dẫn. [36] Để bản: bạt tế ngã 拔濟我. Các bản khác, không có chữ ngã 我. [37] Trong nguyên bản. Đề nghị sửa lai: «Người nữ...» Vì chưa đắc giới, nên không thể gọi là tỳ-kheo-ni. Bản Hán bị chép nhầm. Tham chiếu Pali (Vin.ii. 277) dẫn trên, cht. 34. [38] Pali: Tăng tỳ-kheo, sau khi chỉ dẫn cách đo bóng mặt trời, định mùa, tính ngày tháng, rồi dặn, bảo cho tỳ-kheo-ni ấy biết ba y chỉ (tayo nisaya, ni bất trụ lan nhã nên chỉ truyền ba y chỉ) và tám phi sự (aṭṭha akaraṇīyāni, tức 8 ba-la-di). [39] Hán: huyết xuất 血出; đây chỉ kinh nguyệt. Ngũ phần, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 178: độ người nữ thường ra nguyệt thủy. Tứ phần, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 165, thay điều này bằng, «độ người nữ mà đường đại và tiểu tiện thường chảy đàm dãi.» [40] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 166. [41] Xem Phần i, Tỳ-kheo, ba-dật-đề 6. [42] Xem Phần ii, Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa 16. [43] Tác cổ đạo 作蠱道. Cf. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 117 & 118. [44] Tham chiếu Pali, Vin.ii. 161: tỳ-kheo định pháp yết-ma, hay định tội của tỳ-kheo-ni, rồi uỷ nhiệm cho Tăng tỳ-kheo-ni tác yết ma và xử trị. [45] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 29. [46] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 175. [47] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 84, thay Tỳ-kheo bằng chủ nhân. [48] Hết quyển 48. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 11. [928a7] Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Các tỳ-kheo-ni thọ thực rồi, thức ăn còn dư, các vị liền nghĩ, «Thức ăn còn dư này của chúng ta có được phép cho tỳ-kheo hay không?» Đức Phật dạy: «Được phép cho.» Các vị lại nghĩ, «Chúng ta có được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo hay không?» Đức Phật dạy: «Được phép trao.» «Thức ăn cách đêm của chúng ta, trao cho tỳ-kheo có được tịnh hay không?» Đức Phật dạy: «Được tịnh.» Bấy giờ, các tỳ-kheo thọ thực rồi, còn thức ăn dư, suy nghĩ, «Thức ăn này của chúng ta được phép cho tỳ-kheo-ni hay không?» Đức Phật dạy: «Được phép cho.» «Được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo-ni hay không?» Đức Phật dạy: «Được phép trao.» Bấy giờ, có thức ăn cách đêm; các tỳ-kheo nghĩ, «Đem cho tỳ-kheo-ni, có được tịnh hay không?» Đức Phật dạy: «Được tịnh.» 12. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni ở nơi a-luyện-nhã, sau đó tại a-luyện-nhã có sự việc xảy ra.[49] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên ở nơi a luyện nhã.»[50] Tỳ-kheo-ni sống trong nhà bạch y,[51] thấy phu chủ của người, cùng vợ hôn hít, âu yếm, sờ mó nơi thân thể, bóp vú. Tỳ-kheo-ni niên thiếu thấy vậy sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép vì tỳ-kheo-ni làm trú xứ riêng biệt.» Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật, dạy người kỹ thuât.[52] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật.» Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt bán rượu.[53] Đức Phật dạy: «Không nên ở trú xứ riêng biệt bán rượu.» Có tỳ-kheo-ni nọ cho dâm nữ ở trong trú xứ. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» 13. Có vị cất chứa hương hoa, đồ trang sức.[54] Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» 14. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni đứng nơi đường hẻm, ngã tư, đường cái, trong chợ, đứng bên các đống rác. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, chê trách mắng nói: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không có tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, mà đứng những chỗ như vậy, giống như dâm nữ, có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên đứng những chỗ như vậy.» 15. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng ngà voi xương xoa chà thân cho tươi sáng. Tỳ-kheo bạch Phật.[55] Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng bột mịn xoa chà thân cho tươi sáng.[56] Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị xoa chà lông nơi thân cho nó quắn lại. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị cắt lông nơi thân. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có tỳ-kheo-ni nọ lấy y quấn nơi eo lưng, muốn làm thon đẹp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có tỳ-kheo-ni nọ mặc áo của người nữ. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có tỳ-kheo-ni nọ mặc áo đàn ông. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Cho phép tỳ-kheo-ni mặc y của tỳ-kheo-ni.» Có tỳ-kheo-ni dùng nhiều y quấn nơi ngực[57] cho lớn ra. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị quấn y không kỹ, khiến cho hở hang. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị thắt tai con chim nơi đầu sợi giây lưng. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị làm sợi giây lưng bằng mạn-đà-la. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị cất chứa giây lưng bề-lâu.[58] Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị cất chứa giây lưng sa.[59] Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị dùng chỉ rời làm giây lưng để buộc. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo-ni bện hay dệt thành giây lưng quấn quanh lưng một vòng. Nếu dệt tròn thì cho phép hai vòng.» 16. Tỳ-kheo-ni đến chỗ có người nữ tắm.[60] Khi tắm, tặc nữ, dâm nữ nói với tỳ-kheo-ni rằng: «Các cô tuổi còn nhỏ, nách mới mọc lông, làm sao tu phạm hạnh được? Nay cô phải kịp thời hành dục lạc, đừng để sau này hối hận, khi già có thể tu phạm hạnh. Như vậy cả hai đều không mất.» Khi ấy tỳ-kheo-ni niên thiếu nghe bèn sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên tắm ở chỗ của người nữ.» Tỳ-kheo-ni khi tắm chỗ gần bạch y nam tử. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại tắm bên cạnh bạch y nam tử, như tặc nữ dâm nữ không khác?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không được tắm bên bạch y nam tử.» Bấy giờ, có người phụ nữ, chồng đi vắng, gian dâm với người khác, có thai. Người ấy tự phá thai rồi, đến nói với vị tỳ-kheo-ni thường giáo hóa rằng: «Chồng con đi vắng. Con có thai với người khác. Con đã phá thai. Cô có thể đem vất giùm cho?» Cô ni trả lời: «Được.» Tỳ-kheo-ni kia liền đựng nó trong một bát, đậy kín, lấy một bát khác úp lên, rồi bỏ vào đãy, đem ra ngoài đường để vất. Bấy giờ, có trưởng giả Xá-vệ thường phát nguyện: Nếu không cúng dường cho người xuất gia trước thì ta không ăn. Cốt yếu là cúng dường trước rồi sau đó mới ăn. Sáng sớm trưởng giả có việc cần đến nơi khác, liền sai người đi, nói: «Ngươi ra ngoài ngã tư hay nơi đường hẽm thấy có người xuất gia mời về đây.» Người được sai vâng lời, ra ngoài đường tìm. Thấy tỳ-kheo-ni, vội thưa: «Thưa a-di, mời a-di vô đây có người cúng thức ăn.» Tỳ-kheo-ni nói: «Thôi! thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.» Người kia nói: «Không được. Cô phải vô để tôi cúng thức ăn.» Tỳ-kheo-ni nói: «Thôi! Thôi! khỏi phải cúng.» Người kia cưỡng bức dẫn tỳ-kheo-ni vào trong nhà. Vào nhà xong, nói: «Sư cô đưa bát đây, con xin được bỏ bát.» Tỳ-kheo-ni kia nói: «Thôi! thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.» «Cô đưa bát đây, tôi sẽ cúng thức ăn cho.» Cô ni kia cũng lại nói: «Khỏi phải cúng.» Người ấy liền cưỡng đoạt lấy bình bát. Thấy trong bát có cái bào thai mới bị phá. Trưởng giả thấy vậy, rồi liền cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tự mình phá thai rồi đem bỏ như dâm nữ tặc nữ không khác.» Các tỳ-kheo-ni bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nhà bạch y có người chết, tỳ-kheo-ni không nên đem đi bỏ giùm.[61] Nếu tỳ-kheo-ni ở trong thôn thấy tỳ-kheo khất thực, nên mở bát ra để tỳ-kheo xem.» 17. Bấy giờ, có bạch y bịnh đến trú xứ của tỳ-kheo-ni nhờ chăm sóc. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép tìm cách đuổi đi. Nếu người ấy là kẻ tin ưa tán thán Phật Pháp Tăng thì tỳ-kheo-ni theo khả năng của mình nhờ người chăm sóc.» Sau đó người kia qua đời. Các tỳ-kheo-ni e ngại không dám đem chôn. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép vì làm sạch trú xứ nên đem chôn.» Bấy giờ, nơi biên quốc của Vua Ba-tư-nặc, nhơn dân làm phản loạn. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni du hành nhơn gian, đến nơi có sự nghi ngờ khủng bố. Các người bạn của giặc thấy, bèn nghĩ, ‹Các tỳ-kheo-ni này được Vua Ba-tư-nặc kính ái. Chúng ta chớ nên đùa giỡn.› Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Sao lại du hành nhơn gian nơi nghi có sự khủng bố, giống [929a1] như tặc nữ dâm nữ không khác?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên du hành trong nhơn gian ở vùng biên quốc, nơi có sự nghi ngờ.»[62] 18. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni có trú xứ nơi a-lan-nhã, tỳ-kheo có trú xứ nơi tụ lạc, muốn cùng trao đổi bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép trao đổi.» Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni có trú xứ a-luyện-nhã; cư sĩ có trú xứ nơi tụ lạc. Muốn cùng trao đổi. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, sai tịnh nhơn trao đổi.» Bấy giờ, có hai cư sĩ tranh nhau về trú xứ. Một trong hai cư sĩ đem cúng cho tỳ-kheo-ni Tăng. Ni Tăng liền nhận. Cư sĩ kia cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Nhận nhiều mà không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Trú xứ đang bị tranh chấp nhau, một người đem cúng, sao lại nhận? Người thí tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết tri túc chứ!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trú xứ đang tranh chấp, không nên nhận.» Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, trong vườn vua có trú xứ tỳ-kheo-ni, muốn hạ an cư nơi đó, nhưng e ngại không dám, vì đức Thế Tôn có dạy: «Tỳ-kheo-ni không được ở nơi a-luyện-nhã. Song trú xứ của tỳ-kheo-ni trong vườn Vua thì kiên cố.[63] Không biết thế nào?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trừ trú xứ tỳ-kheo-ni trong vườn Vua, ngoài ra các chỗ a-luyện-nhã khác thì không nên ở.» 19. Có tỳ-kheo-ni không đến chỗ giáo thọ. Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Phải đến.»[64] Có tỳ-kheo-ni có việc Phật Pháp Tăng, hoặc đang chăm sóc tỳ-kheo-ni bệnh. Bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép dữ dục.» Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di mắng, đánh tỳ-kheo-ni. Hoặc nhổ nước bọt, hoặc ném hoa, tạt nước, nói lời thô tục, nói lời dối trá, nói lời dụ dỗ. Mắng: là như nói, ‹Cầu cho âm đạo của cô bị hư nát, lở lói, để cho con lừa nó giao.› Đánh: là dùng tay, dùng gậy dùng đá để đánh. Nói thô tục: như nói hai đường tốt xấu. Nói dối trá: như nói, ‹Nếu đàn ông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm thoa vào mình, lấy lược chải tóc, đeo tràng hoa, chuỗi anh lạc trang điểm thân, cầm lọng bằng lông chim công, không có gì đẹp hơn những việc này. Hoặc nói về người nữ cũng như vậy. Khuyến dụ: như nói, ‹Này đại tỷ, cô hãy còn nhỏ, mới mọc lông nách, tại sao cô phải làm như vậy? Cô phải kịp thời, đừng tu phạm hạnh nữa, mà hưởng ngũ dục lạc đã. Khi nào tuổi về già sẽ tu phạm hạnh.› Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni niên thiếu sanh tâm yểm ly, không ưa Phật Pháp. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: ‹Tại sao đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói lừa dối khuyến dụ?› Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Bấy giờ, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách Ca-lưu-đà-di: ‹Sao ngươi mạ nhục đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói hư dối khuyến dụ?› Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo: «Cho phép tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp không kính lễ đối với Ca-lưu-đà-di, bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Tác pháp như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh chửi tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tác yết-ma không kính lễ đối với Ca-lưu-đà-di. Đây là lời tác bạch. «Đại Tỷ Tăng xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nay Tăng làm pháp yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào chấp thuận, Tăng tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đà-di thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đà-di rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng cầu giải yết-ma không kính lễ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng, không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Tỳ-kheo-ni Tăng nên giải bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Giải như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, nay đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải yết-ma không kính lễ. Đây là lời tác bạch. «Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni Tăng tác yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nay Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào đồng ý, Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 20. Nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép ngăn cản.» Các tỳ-kheo-ni bèn ngăn hết không cho ai vào trú xứ tỳ-kheo-ni. Đức Phật dạy: «Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn chỗ nào náo loạn. Nếu cả trú xứ đều bị náo loạn thì ngăn hết.» Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trú xứ Tăng tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, bạch Phật. Đức Phật cho phép ngăn. Các vị lại ngăn tất cả, đức Phật dạy: «Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn những nơi nào náo loạn. Nếu cả trú xứ đều náo loạn thì mới ngăn hết.» Sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với sa-di-ni, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni ngồi thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên kêu đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên tác yết-ma bất kính lễ đối với Hòa thượng A-xà-lê của sa-di kia.» Sa-di-ni, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trong chùa cùng với sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo cùng ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, làm náo loạn các tỳ-kheo tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Nên kêu họ đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên vì Hòa thượng, A-xà-lê của sa-di-ni kia, tác yết-ma xả giáo thọ.»[65] 21. Bấy giờ, cách trú xứ của tỳ-kheo-ni không xa có một lạch nước chảy. Tỳ-kheo-ni hứng lấy dòng nước ngược, cảm thấy khoái lạc, nghi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm ba-la-di mà phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni không nên hứng lấy dòng nước ngược như vậy.» Tỳ-kheo-ni Nan-đà đến dưới cây hoa, chỗ đi kinh hành, có tên cướp dẫn đi dâm lộng. Cô ni có sự nghi, đem nhơn duyên ấy bạch Phật. Đức Phật hỏi: «Này Nan-đà, cô có cảm thấy khoái lạc không?» Nan-đà thưa: «Giống như sắt nóng áp vào thân.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên một mình đến chỗ kinh hành như vậy.» 22. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc[66] kinh hành nơi a-luyện-nhã. Tỳ-kheo-ni [930a1] này nhan sắc đoan chánh, có Bà-la-môn niên thiếu thấy để tâm vào cô ni, liền nắm tay muốn xúc phạm, Tỳ-kheo-ni nói: «Buông tôi ra. Tôi sẽ đến chỗ đó. Chàng ta thả tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc ra và đến chỗ đó. Vừa đến nơi, cô ni liền dùng phấn uế bôi nơi mình. Bà-la-môn nổi giận, lấy đá đánh vào đầu, khiến hai con mắt lòi ra. Lúc ấy Liên Hoa Sắc không nhớ mình có thần thông. Sau đó mới biết, liền dùng sức thần túc bay đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói: «Tỳ-kheo-ni này nếu có tín nhạo thì hai con mắt sẽ trở lại như cũ.» Đức Phật nói xong, hai con mắt cô ni liền trở lại như cũ. Tỳ-kheo-ni này sanh lòng nghi, đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên đến chỗ a-luyện-nhã như vậy.» 23. Tỳ-kheo-ni phá giới, có thai. Đang ngồi đại tiểu tiện trên cầu xí treo[67] thì bị truỵ thai, rơi xuống hầm xí. Người dọn vệ sinh thấy cơ hiềm, mạ nhục, nói: «Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Đọa thai nơi hố xí, như tặc nữ dâm nữ không khác.» Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên đại tiểu tiện trên cầu xí treo.» Tỳ-kheo-ni kia nghi, không dám đại tiểu tiện trên nước. Đức Phật dạy: «Được phép.» 24. Tỳ-kheo-ni ngồi kiết già huyết bất tịnh tiết ra bẩn gót chân.[68] Khi đi khất thực trùng bám nơi chân. Các cư sĩ thấy chê cười. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên ngồi kiết già.» Có vị nghi, không dám ngồi bán già. Đức Phật dạy: «Cho phép ngồi bán già.» 25. Đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni nhòm vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tại sao dòm vào trong nhà người ta qua lỗ hổng giống như tặc nữ, dâm nữ vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Tỳ-kheo-ni không nên dòm vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng như vậy.» 26. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, A-nan cùng với năm trăm vị đại Tăng tỳ-kheo đều ở Ma-kiệt-đề[69] du hành trong nhân gian. Tôn giả A-nan có sáu mươi người đệ tử, tuổi đều còn nhỏ nên muốn xả giới hoàn tục. Tôn giả A-nan khi đến thành Vương-xá, trưởng lão Ma-ha Ca-diếp từ xa thấy A-nan đến, nói: «Chúng này muốn thối thất. Ông con nít, không tri túc.»[70] A-nan nói: «Bạch Đại đức,[71] đầu con đã hiện tóc bạc. Sao vẫn không tránh khỏi bị Ngài Ca-diếp kêu là con nít?» Ca Diếp trả lời: «Ông cùng tỳ-kheo-niên thiếu, đều không khéo đóng kín các căn; ăn không biết tri túc; đầu đêm cuối đêm không chịu siêng tu, đi rảo khắp mọi nhà, ăn uổng cơm. Chúng của ông sẽ thối thất. Ông là tỳ-kheo-niên thiếu, không tri túc.» Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nghe câu nói ấy nổi giận, không vui, nói: «Ma-ha Ca-diếp vốn là ngoại đạo, sao dám mắng A-nan[72] là con nít, khiến cho A-nan không vui?» Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan: «Ông hãy xem, tỳ-kheo-ni này sân hận mắng tôi như vậy đó. Này A-nan, chỉ trừ đức Thế Tôn, tôi không nhớ ngoài Phật pháp ra lại có việc gì khác.»[73] A-nan nói tiếp: «Bạch Đại đức, con xin sám hối sự vô tri của người nữ.» Ma-ha Ca-diếp nói ba lần như vậy. A-nan cũng ba lần nói sám hối như vậy. Đêm vừa qua khỏi, sáng sớm Ma-ha Ca-diếp khoác y, bưng bát, đến thành Vương-xá khất thực. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà thấy, bèn thoá mạ.[74] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-lan-nan-đà rằng: «Sao lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?» Tỳ-kheo-ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà rằng: «Sao cô lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các tỳ-kheo: «Cho phép tỳ-kheo gọi tỳ-kheo-ni đến khiển trách trị phạt. Nếu một tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. «Nếu một tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hay Tăng thì nên đến. Không đến sẽ như pháp trị. «Hai tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. «Hai tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, hoặc ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Ba tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì nên đến. Không đến sẽ như pháp trị. Ba tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Tăng kêu một tỳ-kheo-ni thì nên đến, không đến sẽ như pháp trị. Tăng kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.» Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe nói như vậy, họ nói như vầy: Chúng ta muốn kêu tỳ-kheo-ni thì họ liền phải đến, muốn bảo họ làm gì thì họ phải làm, tại sao vây? Vì Thế Tôn có dạy: ‹Một tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến, không đến sẽ như pháp trị. Cho đến Tăng cũng như vậy.› Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Nên nhận xét đối tượng, không nên đến thì đừng đến.» CHƯƠNG XVIII. PHÁP[1] 1. Khách tỳ-kheo [30c7] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có khách tỳ-kheo không hỏi cựu tỳ-kheo mà vào trong phòng trống, rắn từ trên rớt xuống, bèn la lớn: ‹Rắn! Rắn!› Tỳ-kheo ở phòng bên cạnh nghe hỏi: «Cái gì mà la lớn vậy?» Vị kia nói rõ nhân duyên. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo khách rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khách: «Ngươi làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Trước khi vào phòng trống, sao không nói cho cựu tỳ-kheo biết, để cho rắn từ trên rớt xuống, rồi la lớn, ‹Rắn! Rắn!› là sao?» Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, cho phép chế pháp khách tỳ-kheo cho tỳ-kheo khách. Tỳ-kheo khách nên tùy thuận theo pháp khách tỳ-kheo.»[2] Phải tùy thuận như vầy: Nếu khách tỳ-kheo muốn vào trong chùa, nên biết có tháp Phật, tháp Thinh văn, hay Thượng tọa, thì nên cởi giày dép xách nơi tay. Có vị không đập giũ giày dép, nên khi xách làm bẩn tay. Đức Phật dạy: «Không nên không đập giũ mà xách. Nên đập giũ.» Đức Thế Tôn bảo đạp giũ, vị kia đem đập dũ nơi gốc cây. Thọ thần hiềm trách. Đức Phật dạy: «Không nên đập giày dép nơi gốc cây. Nên đập nơi hòn đá, hoặc nơi đầu khúc cây, hoặc nơi bờ rào, hay hai chiếc đập với nhau.» Vị khách đến trong cửa, nên lấy tay đẩy cánh cửa ra. Cửa nếu có then khóa, thì nên mở. Nếu mở không được thì nên gõ thong thả khiến cho người bên trong nghe. Nếu họ không nghe thì nên gõ mạnh. Nếu không mở được thì nên giao y bát cho tỳ-kheo thứ hai cầm, rồi đến nơi tường rào để tìm chỗ trèo vào bên trong để mở cửa. Vị kia đi bên tả của tháp, vị thần bảo hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không nên đi bên tả, [931a1] mà nên đi bên hữu của Tháp.» Vị khách tỳ-kheo đến trong chùa phải máng y nơi trụ cột, móc long nha, hay giá của y. Hoặc để y bát nơi bên khe nước, nơi cây, nơi cục đá, hay trên cỏ, rồi đến chỗ rửa chân. Nếu không có nước thì hỏi, chỗ nào có nước. Tùy theo vị kia nói chỗ nào có nước thì đến đó để lấy. Nên hỏi: «Nước có trùng hay không?» Nếu nói có trùng, mà loại trùng lớn thì làm chao động nước để nó tránh đi, rồi lấy bình múc. Vị kia không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không nên không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Cho phép lấy hai cánh tay ôm ngang bụng của bình hay lấy chéo y xâu qua quai bình.» Vị kia đến chỗ có nước, nên rửa tay cho sạch, và lấy đầy nước để rửa chân. Vị kia dùng tay rửa chân nhúng vào nước, tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nên lấy một tay tạt nước, một tay rửa chân.» Vị kia rửa chân bên hữu trước, bên tả sau. Đức Phật dạy: «Nên rửa chân bên tả trước, rửa chân bên hữu sau.» Vị ấy không lau giày dép mà mang nên làm bẩn y. Đức Phật dạy: «Không nên không lau giày dép mà mang. Phải lau rồi mới mang.» Vị kia không đợi chân khô, mang giày dép vào nên bị hư mục. Phật dạy: «Không nên làm như vậy! Phải đợi chân khô nước rồi mới mang giày dép.» Khách tỳ-kheo nên hỏi: «Tôi có chừng ấy tuổi hạ. Có phòng dành cho tôi không?» Vị tri khách nên trả lời: «Có.» Vị khách hỏi: «Phòng này có người nào ở hay chưa?» Nếu nói không có người ở thì nên hỏi: «Có ngọa cụ hay không?» Nếu nói có thì nên hỏi: «Có chăn hay không có chăn?» Nếu nói có thì nên hỏi: «Có lợi dưỡng hay không?» Nếu nói có lợi dưỡng thì nên hỏi: «Có đồ dùng hay không?» Nếu nói có thì hỏi: «Có y của phòng hay không?» Nếu nói có thì hỏi: «Có phước nhiêu[3] hay không?» Nếu nói có, mà cần lấy thì nên nói: «Tôi muốn lấy.» Vị kia đến phòng, nên đẩy cánh cửa ra. Nếu có then khoá, thì nên mở. Vị kia mở cửa rồi tay nên cầm hai má cửa, thò đầu vào trong phòng xem coi có rắn có độc trùng hay không? Nếu có thì đuổi nó ra chứ đừng để. Vị kia khi vào trong phòng rồi thì nên trải giường nệm, ngọa cụ, gối, chăn chiên trải trên đất. Nếu trải trên gỗ, trên ván, hay trên đất thì nên biết rõ mặt trong, mặt ngoài. Quét sạch phòng. Dọn rác và đất. Trước hết nên tìm chỗ nào bỏ được thì bỏ. Nếu lượm được kim, chỉ dao con, hoặc đồ hư cũ, cho đến một viên thuốc, nên để vào một chỗ, nếu có chủ biết, họ sẽ đến lấy. Vị kia nên lau quét những nơi như khe cửa, cây trụ, long nha, giá máng y. Nếu vách bị lở hư, hoặc hang chuột, nên trét thì trét. Nếu nền đất không bằng phẳng thì nên dùng bùn đất tu bổ cho bằng, rưới nước cho sạch. Lấy đồ trải dưới đất, đập giũ phơi khô rồi đem vào phòng. Trước đây trải không tốt thì nên trải lại. Nếu trước đã trải tốt thì trải lại như cũ. Đem đồ kê giường ra lau chùi cho sạch, rồi đem vào. Quét giường cho sạch, đập dũ, rồi đem vào trong phòng, để lên trên đồ kê. Lấy ngọa cụ, gối, chăn chiên đập giũ cho sạch, trải lên trên giường giây. Y thường mặc, y không thường mặc, vị kia để chung một chỗ. Khi lấy y thường để mặc, nhầm lẫn với các y khác. Đức Phật dạy: «Y thường mặc nên để riêng một chỗ.» Vị kia dùng cái đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, ống đựng kim chỉ, đồ đựng dầu, để chung chỗ. Các tỳ-kheo khác gớm. Đức Phật dạy: «Không nên để chung như vậy. Mỗi thứ nên để chỗ riêng.» Trước khi vào phòng, nên coi khung cửa cao hay thấp rồi hãy đóng. Khi ra khỏi phòng nên xem coi bốn phía vách có đất bụi hay không. Nếu có đất bụi, nên dội nước quét dọn, rồi mới đi. Nên lấy cái ghế rửa sạch. Nên chuẩn bị đủ bình nước sạch, bình rửa, đồ đựng nước uống. Nên hỏi: Chỗ nào là chỗ đại tiện? Chỗ nào là chỗ tiểu tiện? Chỗ nào là tịnh địa? Chỗ nào bất tịnh địa? Tháp Phật là tháp nào? Tháp nào là tháp Thinh văn? Phòng nào là phòng đệ nhất Thượng tọa? Phòng nào là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa? Vị kia nên kính lễ tháp của Phật trước, rồi lễ tháp của Thinh văn, bốn Thượng tọa tùy theo thứ tự mà kính lễ. Vị kia nắm cẳng chân mà lễ. Không nên nắm cẳng chân mà lễ. Có vị nắm đầu gối mà lễ. Không nên nắm đầu gối kính lễ. Có vị lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm đầu, dùng y phủ cả hai vai, mang giày dép mà hành lễ. Đức Phật dạy: «Những kiểu như trên không nên làm.» Từ nay về sau, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, nắm hai gót chân, nói như vầy: «Thưa Đại đức, con xin kính lễ.» Bốn vị Thượng tọa tư duy trong phòng, nên tùy theo cấp bực mà kính lễ. Vị kia nên hỏi: «Chỗ nào là chỗ đại thực, tiểu thực của chúng Tăng? Chỗ nhóm họp, chỗ thuyết giới ở đâu? Vị nào được Tăng sai đi thọ thực? Đàn-việt có dâng thức ăn vào ngày mồng một, mồng tám, mười lăm[4] không? Đàn-việt có thỉnh theo thứ tự đến chỗ nào thọ thực không?» Lại hỏi: «Ngày mai có Đàn-việt nào mời chúng Tăng thọ đại thực hay tiểu thực không? Có Đàn-việt nào bị Tăng tác pháp Phú bát không? Nhà nào là học gia? Chỗ nào có chó dữ? Chỗ nào là có người tốt? Chỗ nào là có người xấu? «Từ nay về sau, Ta quy định phép tắc cho khách tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận nên như pháp trị. Từ nay về sau Ta quy định phép tắc cho cựu tỳ-kheo. Cựu tỳ-kheo phải tùy thuận.» Phải tùy thuận như vầy: «Cựu tỳ-kheo nghe có khách tỳ-kheo đến, nên ra ngoài nghinh đón, rước y bát, rồi đem để hoặc có nhà tắm, trên gác, hoặc chỗ đi kinh hành.[5] Mời khách tỳ-kheo ngồi. Đưa nước rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân. Xách giùm giày dép để phía bên trái, đừng để dính bùn bẩn. Nếu dính bùn bẩn, nên dời đến chỗ khác. Vị kia vì khách tỳ-kheo rửa chân rồi, nên thu dọn đồ rửa chân để lại chỗ cũ, và nên hỏi: ‹Trưởng lão có uống nước không? › «Nếu nói cần uống nước thì vị kia nên đem bình lấy nước. Vị kia không rửa tay mà cầm bình, các tỳ-kheo gớm. Nên hai tay ôm bình, hay lấy chéo y móc vào cái quai. Đến chỗ múc nước, rửa tay cho sạch. Nếu là nước ao, nước dòng, thì nên lấy tay khỏa bỏ nước trên mặt, múc nước sạch ở dưới. Vị kia gánh nước giữa trưa, nước bị nóng. Đức Phật dạy: «Nên lấy cỏ hay lá cây phủ lên trên rồi gánh đi. Vị kia không rửa sạch lá bằng nước. Đức Phật bảo nên rửa sạch. Vị kia uống rồi không rửa tách, mời người uống. Mời tỳ-kheo, tỳ-kheo gớm. Phật dạy: «Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.» Vị kia vừa đưa nước vừa nói, nước miếng văng vào trong nước. Đức Phật dạy: «Không nên vừa bưng nước vừa nói như vậy. Nếu cần nói, nên quay mặt đi mà nói.» Vị kia không rửa đồ mà đem cất. Các tỳ-kheo thấy gớm. Phật dạy: «Không nên như vậy.» Vị kia nên hỏi: «Đại đức Trưởng lão bao nhiêu tuổi?» Nếu khách tỳ-kheo nói tôi chừng ấy tuổi thì nên theo đó mà chỉ dẫn: «Thầy nghỉ phòng này. Đây là giường giây, giường cây, nệm, gối, chăn chiên, đồ trải dưới đất, đây là ống nhổ, đây là đồ tiểu tiện, đây là chỗ đại tiện, đây là chỗ tiểu tiện, đây là tịnh xứ, đây là bất tịnh xứ, đây là tháp Phật, đây là tháp Thinh văn, đây là phòng của đệ nhất Thượng tọa, đây là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa, đây là chỗ đại thực tiểu thực của chúng Tăng, đây là chỗ ban đêm họp, đây là chỗ bố-tát, Tăng sai thọ thực, cho đến chỗ nào, Đàn-việt nào thỉnh Tăng thọ đại thực tiểu thực vào sáng mai, nhà nào Tăng tác pháp phú bát, nhà nào là học gia, nhà nào có chó dữ, chỗ nào tốt, chỗ nào xấu. «Nay ta vì cựu tỳ-kheo quy định phép tắc. Cựu tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì nên như pháp trị.» 2. Vệ sinh Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ tại Xá-vệ có bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo, rất nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, nên dùng [932a1] cỏ sắc bén lau chùi, thương tổn thân thể, sanh ghẻ, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường. Các tỳ-kheo hỏi: «Trưởng lão có bệnh gì?» Vị kia nói rõ nhân duyên. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo rằng: ‹Tại sao lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, dùng cỏ sắc bén để lau chùi, làm thương tổn thân thể, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem việc này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo kia rằng: «Ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này bà-la-môn, xuất gia làm tỳ-kheo, sao ngươi lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của mình, dùng cỏ sắc bén chùi, gây tổn thương thân thể, chảy máu mủ bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?» Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo quy định pháp đến nhà xí. Các tỳ-kheo nên tùy thuận pháp này.» Nên tùy thuận như vầy: «Không nên nín lâu đại tiểu tiện. Khi đi nên cầm cỏ để chùi. Có vị là hạ tọa đi trước Thượng tọa, hoặc vừa nói vừa đi, hoặc đi trước hoặc đi sau, lật ngược y, hoặc quấn nơi cổ, hoặc phủ đầu, hoặc mang giày dép. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Nếu đi trước thì được phép đi trước. Đến bên ngoài nhà xí, nên búng tay hay tằng hắng để cho có người hay phi nhơn biết. Đến nhà xí, chỉ mặc áo lót bên trong. Y máng nơi trục cây, long nha, giá móc y, hoặc bên bờ nước, cỏ cây, ốc đá, có cỏ thì để y nơi đó. Nếu sợ mưa ướt thì nên để chỗ không mưa. Nếu bị mưa gió văng ướt y thì cho phép cầm y nơi tay theo chiều dọc, đừng để vướng nơi hố xí. Đặt gót chân vững chắc hai bên. Trước khi lên hố xí, nên xem có rắn, rít, bò cạp... Nếu có thì đuổi ra. Có vị chưa ngồi xong, vén y lên lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nên vừa ngồi xổm vừa từ từ vén y.» Ngồi xổm xong, nên xem kỹ lại, đừng để bàn chân trước gần hai bên, khiến đại tiểu tiện hay khạc nhổ bẩn lỗ xí. Có vị rặn lớn tiếng, khiến các tỳ-kheo nghe cảm thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên rặn như vậy.» Có vị, khi đại tiện bất ngờ phát ra tiếng, nghi có tội. Phật dạy: «Không phạm.» Có vị, khi ở trong hố xí nhăm dương chi,[6] hoặc ngủ, hay nhập định. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị nghi, không dám trên nước, trong hố xí đại tiểu tiện. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có vị không dùng cỏ để chùi mà đứng dậy bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy: «Nên dùng cỏ để chùi, sau đó mới đứng dậy.» Đức Thế Tôn dạy tiếp: «Cho phép dùng cỏ để chùi.» Có vị dùng cỏ quá dài để chùi. Đức Phật dạy: «Không nên dùng cỏ quá dài. Dài nhất là một gang tay mà thôi.» Có vị dùng cỏ xoa-kỳ,[7] lá cây tạp, vỏ khô, cục phân bò để chùi. Đức Phật dạy: «Không nên dùng như vậy.» Có vị dùng cỏ ngắn quá để chùi nên bẩn tay. Phật dạy: «Không nên dùng cỏ quá ngắn như vậy. Ngắn lắm là phải dài bằng bốn ngón tay.» Có vị dùng cỏ không đập giũ, nơi cỏ dính phân. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên dùng như vậy.» Có vị để thứ cỏ dùng rồi và chưa dùng chung một chỗ, khi lấy bị bẩn tay. Phật dạy: «Nên để riêng.» Có vị vừa chùi xong liền đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên đứng dậy gấp như vậy. Nên đứng dậy từ từ và hạ y xuống.» Khi đến chỗ tẩy tịnh, nên búng ngón tay, khiến cho người hoặc phi nhơn biết. Đến chỗ tẩy tịnh phải xem coi nếu có rắn, rít, độc trùng nên đuổi nó ra. Có vị vén y trước sau đó mới ngồi, bị lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị rửa trong đồ chứa nước. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị dùng nước rửa, khua động có tiếng, tỳ-kheo khác nghe gớm. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị dùng hết nước. Đức Phật dạy: «Không nên dùng hết như vậy. Phải để lại ít nhất vừa đủ một người rửa.» Có vị rửa rồi không đứng lui, đứng ngay trên nước, bẩn y bẩn thân. Đức Phật dạy: «Không nên đứng như vậy. Nên đứng cách chỗ nước. Lấy tay, hoặc lá, hay đồ cũ chùi. Nếu tay bị thối nên rửa. Nếu dùng đất bủn, tro, bùn, phân bò để rửa mà vẫn thúi thì nên mài trên đá, hoặc vách tường, hay bột tháo đậu để rửa.» Có vị không xổ y xuống mà đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên từ từ hạ y xuống rồi mới đứng dậy.» Có vị thấy đồ đựng nước rửa hết nước mà không múc nước đổ vào. Phật dạy: «Không nên không múc nước đổ vào.» Có vị trước nhà xí thọ kinh, tụng kinh, kinh hành, may y, trở ngại sự đại tiểu tiện của các tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị ở bên hố xí tụng kinh, thọ kinh, kinh hành, may y. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị thấy trên hố xí có rác rưới mà không dọn dẹp. Đức Phật dạy: «Thấy rác rưới nên dọn dẹp. Nay ta vì các tỳ-kheo quy định pháp đại tiểu tiện. Các Tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 3. Khất thực Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một tỳ-kheo khất thực, tuổi còn nhỏ, không hiểu biết, không xem hình tướng của cửa ngõ, vội bước vào trong nhà có người nữ đang ngủ. Người nữ kia lộ hình, đang nằm ngửa ngủ, vật không sạch tiết ra nơi nữ căn. Tỳ-kheo thấy, hổ thẹn, sợ hoảng liền bỏ chạy trở ra lại. Tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng từ ngoài về nhà, thấy vợ mình lộ hình nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, liền khởi ý nghĩ: «Vợ ta nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, mà Tỳ-kheo kia từ trong nhà gấp gáp chạy ra, chắc là đã phạm đến vợ ta.» Ông liền đuổi theo tỳ-kheo và hỏi: «Ông phạm vợ tôi rồi chạy phải không?» Tỳ-kheo kia nói: «Cư sĩ đừng nói lời như vậy. Tôi không hề làm chuyện ấy.» Cư sĩ nói: «Ông từ trong nhà tôi đi ra, tại sao nói không làm chuyện ấy?» Cư sĩ liền đánh tỳ-kheo đến gần chết. Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo khất thực kia: «Tỳ-kheo khất thực, tuổi trẻ không biết gì. Sao không để ý hình tướng cửa ngõ, lại vào trong nhà người, có nữ nhơn đang ngủ?» Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khất thực: «Ông làm điều phi pháp, phá oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này tỳ-kheo khất thực, tuổi nhỏ không biết gì, sao không xem xét tướng cửa ngõ, vào trong nhà người, có nữ nhơn đang ngủ?» Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo khất thực chế định phép tắc khất thực.» Tỳ-kheo nên tùy thuận như vầy: Nếu tỳ-kheo khất thực, vào thôn khất thực, thì sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay dở y lên, một tay kéo lấy, trương y ra, đập giũ, xem coi đừng để rắn rít ở trong ấy. Sau đó mới mặc, cột giây lưng. Tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng, cũng trương ra đập giũ rồi mặc. Xếp tăng-già-lê đội lên đầu, hoặc phủ trên vai. Rửa sạch bát để vào trong đãy; hoặc dùng khăn tay gói, hay để trong đãy đựng bát. Cất áo lót, rửa chân, cất giày dép, chăn chiên. Lấy guốc dép đi đường. Tỳ-kheo nên cầm then cửa đi ra khỏi phòng, đóng cửa lại, xô thử, nếu không chắc thì đóng lại. Nếu chắc, thì buộc giây phía trong, rồi nhìn xung quanh, không có người thì giấu cái móc khóa. Nếu có người thấy thì cầm đi, rồi tìm chỗ bảo đảm để cất. [933a1] Trên đường đi, thường tư duy thiện pháp. Gặp người nên hỏi chào: ‹Thiện lai!› Nếu gần đến tụ lạc, thì tạm đứng qua một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ, sau đó mới mặc. Bên cạnh thôn, nếu có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ thuyền, thì cởi guốc dép đi đường gởi nơi đó. Khi vào xóm, nên xem xét tình hình ngõ hẻm, nơi chỗ trống, nơi nhóm chợ, nơi cổng chợ, hình tướng của xóm làng. Khi vào nhà bạch y thì nên để ý hình tướng của cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy. Có Tỳ-kheo khất thực, vào trong nhà người, gió thổi y tuột khỏi vai. Vị kia sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy: «Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ mà phải quay vào vách.» Có tỳ-kheo khất thực, tay bên hữu bưng bát, tay bên tả nắm cây gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên bưng bát tay bên tả, còn tay bên hữu nắm gậy.» Có tỳ-kheo khất thực đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh đường. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo khất thực, không nên đứng giữa đường.» Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, có vị lại đứng chỗ vắng. Đức Phật dạy: «Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.» Có tỳ-kheo khất thực đến nhà người, chủ nhà đem thức ăn ra, liền vội bước đến trước để nhận. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Bước tới vội vã để nhận thức ăn, giống như chết đói?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo khất thực không nên nhận thức ăn như vậy. Hoặc có người nữ, người bệnh, người có thai, người bồng con, hoặc trời mưa, hoặc người ấy hai tay cầm đồ vật, hoặc đất bị bùn nước, nên gọi tỳ-kheo đến, tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận. Đức Phật dạy: «Nếu họ gọi thì nên đến để nhận.» Có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm khô, bột bánh, thịt cá để chung một chỗ. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên để chung lại một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một cái bát thì nên dùng lá cây hay vỏ cây hoặc lá mía ngăn ra. Hoặc dùng bát kế hay bát nhỏ để đựng. Bột bánh thì nên lấy khăn tay gói lại.» Có Tỳ-kheo khất thực đến nơi đại gia khất thực. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến đại gia khất thực, tợ như lúc mất mùa đói kém?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên lựa đại gia (nhà giàu) mà khất thực. Nên theo thứ tự mà xin. Không được lựa chọn như vậy.» Có tỳ-kheo khất thực, nài nỉ xin cho được mới đi. Các cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người cưỡng ép xin cho được mới đi, giống như lúc cơm gạo khan hiếm?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nếu biết sẽ được, thì nên đợi.» Tỳ-kheo khi quay về, nên để ý cửa thứ nhất, cho đến tướng của đống rác. Ra khỏi thôn, đến lấy đôi guốc đi đường để mang. Để bình bát bên đường, xếp tăng-già-lê, vắt lên vai hoặc đội trên đầu. Khi đi đường nên tư duy thiện pháp. Nếu gặp người nên nói: ‹Thiện lai!› để chào hỏi. Tỳ-kheo khất thực kia, đối với chỗ thường ngồi để ăn, nên đến quét cho sạch, rưới nước, đồ đựng nước, đồ đựng thức ăn thừa, ghế ngồi, hòn đá rửa chân, vật chùi chân, khăn lau đâu vào đó. Thấy tỳ-kheo khất thực khác đến nên đứng dậy ra ngoài đón rước, bưng bình bát, để vào chỗ để bát, hay treo lên, lấy y trương ra xem, đừng để đất bụi, bùn, chim làm bẩn. Nếu có bẩn cần lau thì phải lau, cần vuốt thì vuốt, cần đập giũ thì đập giũ, cần giặt thì giặt; giặt rồi vắt nước phơi khô để trên giường giây, giường cây. Vị kia nên mời tỳ-kheo khất thực ngồi, đưa đồ đựng nước, đưa nước, đưa đá rửa chân, khăn lau chân, lấy guốc dép để bên tả, đừng để chỗ bùn bẩn, nước văng. Nếu có nước văng nên dời đến chỗ khác. Vị kia vì Tỳ-kheo khất thực rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, các vật hoàn lại chỗ cũ. Nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch rồi trao nước cho tỳ-kheo khất thực, kế đó trao thức ăn cho họ. Khi vị ấy ăn nên cung cấp các thứ cần dùng. Nếu có nước sữa đông, nước sữa trong, giấm, hoặc muối hay rau thì nên trao cho vị ấy. Nếu trời nóng thì nên quạt, cần nước nên đưa nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo khất thực ăn rồi nên lấy bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, còn thừa thức ăn nên cho người, hoặc phi nhân, hoặc đổ chỗ đất không có cỏ, hay chỗ nước không trùng. Rửa đồ đựng thức ăn dư, để lại chỗ cũ. Nên để ghế ngồi, ghế rửa chân, đồ đựng nước, các vật trở lại chỗ cũ, quét dọn chỗ ngồi ăn cho sạch. Có vị dùng bát đựng thức ăn dơ bị loại bỏ. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên dùng bát để loại bỏ đồ dơ. Nên dùng cái mâm để rửa hay lau quét. Bình bát thì để cho thanh khiết thọ trì.» Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo khất thực cùng ăn chung một chỗ. Có con chó có chửa, thấy đồ ăn muốn ăn mà ăn không được, vì đói nên thai bị trụy. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Khi ăn, nếu có người hay phi nhơn, nên cho ăn. Cho đến dù chỉ một vắt cơm. Nay ta vì tỳ-kheo khất thực qui định pháp thức nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì sẽ như pháp trị.» 4. A-lan-nhã Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có tỳ-kheo a-lan-nhã, lười biếng, không có sở hữu bất cứ một thứ gì, không có đồ đựng nước, không có vật rửa chân, cũng không để lại thức ăn dư. Cách trú xứ không xa, có một số đông bọn cướp đang đi ngang qua đây. Một người trong bọn nói với các người khác rằng: «Thường pháp của sa-môn Thích tử là có đồ đựng nước, đồ rửa chân. Cũng có thức ăn dư. Chúng ta hãy đến đó, nếu được thức ăn thì cùng ăn.» Bọn giặc đến hỏi: «Ông có nước không?» «Có đồ rửa chân không?» «Không.» «Có thức ăn dư không?» «Không.» Bọn giặc nói: «Ông ở tại chỗ a-lan-nhã mà không có nước, không có đồ rửa chân, không còn thức ăn hay sao?» Bọn giặc liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo a-lan-nhã rằng: «Thầy biếng nhác. Tại sao ở chỗ a-lan-nhã mà không có nước, không có đồ đựng nước, không có thức ăn dư?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhân duyên tập hợp Tăng tỳ-kheo ha trách tỳ-kheo a-lan-nhã kia: «Ngươi làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao nhác nhớm, ở chỗ a-lan-nhã mà không có đồ đựng nước, cho đến không có thức ăn dư?» Dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo a-lan-nhã rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp chế, tỳ-kheo a-lan-nhã phải tùy thuận.» Nên tùy thuận như vầy: «Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã vào xóm khất thực,[8] sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay đỡ y, một tay kéo y, lấy y trương ra và đập giũ, xem coi, đừng để có rắn, trùng, rồi mới mặc, cột giây lưng. Lấy tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ xem, xếp [934a1] tăng-già-lê đội lên đầu hay vắt trên vai, rửa bình bát cho sạch, bỏ vào trong đãy, hay dùng khăn tay gói lại. Nếu đãy của bình bát đầy rồi. Cất áo lót, rửa chân. Cất guốc dép, chăn chiên. Lấy guốc đi đường, gậy phá sương móc. Tỳ-kheo nên cầm khóa cửa ra ngoài phòng, đóng cửa, xô thử xem đã chắc chưa; nếu chưa chắc thì khép hai cánh cửa lại cho chắc, kéo cái giây bỏ bên trong. Nhìn xung quanh, nếu không thấy có người thì nên giấu cái móc khóa. Nếu thấy có người thì nên cầm theo, tìm chỗ nào bảo đảm thì cất. Trên đường đi luôn luôn tư duy pháp lành. Nếu gặp người nên nói: ‹Lành thay!› để chào hỏi. Nếu đến gần tụ lạc thì nên đứng tạm một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ xem coi, sau đó mới mặc. Nếu gần bên thôn có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ, thì nên cởi guốc đi đường, gậy phá sương móc, gởi nơi đó. Khi vào trong thôn, nên để ý xem tình hình đường hẻm, nơi chỗ trống, chợ búa, cửa ngõ, đống rác. Vào nhà bạch y nên để ý xem tướng trạng cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy. Tỳ-kheo a-lan-nhã đến trong nhà người, bị gió thổi, y rớt xuống. Vị sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy: «Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Nên quay vào vách.» Tỳ-kheo a-lan-nhã dùng tay bên hữu bưng bát, tay bên tả cầm gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy: «Không nên cầm như vậy, nên dùng tay bên hữu cầm gậy, tay bên tả bưng bát.» Tỳ-kheo a-lan-nhã đứng giữa đường, khiến cho người nam kẻ nữ phải tránh qua một bên. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán biết đủ, mà tự nói là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đứng giữa đường đi khiến người nam kẻ nữ phải tránh bên đường?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đứng giữa đường.» Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, thì có vị lại đứng chỗ vắng. Đức Phật dạy: «Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.» Tỳ-kheo a-lan-nhã thấy người ta đem thức ăn ra, liền bước đến trước họ nhận. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi nhận thức ăn vội vàng bước tới như lúc lúa gạo khan hiếm vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đến trước người đón nhận thức ăn vội vàng như vậy.» Trường hợp người nữ có thai, hay đang bồng con, hoặc lúc trời mưa, hoặc hai tay cầm đồ vật, hay đất có bùn nước họ kêu Tỳ-kheo đến. Tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận. Đức Phật dạy: «Nếu họ kêu thì nên đến.» Có tỳ-kheo a-lan-nhã nhận được cơm khô, bột bánh, cá thịt, để chung một chỗ, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên tập trung để một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một bát thì nên dùng vật ngăn lại, như lá cây, vỏ cây, hoặc lá mía, hoặc cái bát kề, hoặc cái bát nhỏ. Bột bánh thì nên lấy khăn tay bao lại.» Có tỳ-kheo a-lan-nhã đến đại gia khất thực, các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi lựa đại gia đến khất thực như lúc cơm gạo khan hiếm vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên lựa nhà giàu đến khất thực. Nên khất thực tuần tự chứ không nên lựa chọn.» Có tỳ-kheo a-lan-nhã nài nỉ xin cho kỳ được mới đi. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người nài nỉ xin cho kỳ được mới chịu đi, giống như lúc gạo cơm khan hiếm vậy?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên nài nỉ như vậy. Nếu biết sẽ nhận được thì nên chờ.» Khi vị kia nhận được thức ăn, suy nghĩ như vầy: «Đây là giặc. Tự mình ăn thức ăn này!» Khi ra về, nên để ý tướng trạng cửa thứ nhất cho đến tướng đống phân. Nếu ra khỏi thôn thì nhớ lấy lại đôi guốc đi đường, cây gậy phá sương móc, rồi đứng tạm bên đường, để bát xuống đất, xếp tăng-già-lê lại, vắt trên vai hay đội trên đầu. Khi đi, nên luôn luôn tư duy thiện pháp. Nếu thấy người nên nói: ‹Thiện lai!› để chào hỏi. Vị tỳ-kheo a-lan-nhã kia thường thọ thực nơi chỗ nào thì nên đến đó quét dọn cho sạch sẽ, nước phải đầy đủ, đồ rửa, đồ đựng thức ăn dư, giường ghế ngồi nên đủ, đá rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân. Nếu thấy vị a-lan-nhã khác đến phải đứng dậy ra ngoài xa nghinh đón, rước lấy bình bát, chân đế của bát, dụng cụ của bát, lấy y trương ra xem, đừng để đất, bùn, bụi, hay phân chim làm nhơ bẩn. Nếu có bẩn, nên lau thì lau, nên vuốt thì vuốt, nên đập giũ thì đập giũ, nếu cần giặt thì giặt. Giặt rồi nên vắt khô nước rồi phơi để nơi giường giây, giường cây. Tỳ-kheo nên mời tỳ-kheo a-lan-nhã ngồi, mời nước, mời rửa chân, đưa khăn lau chân, đem đôi guốc để phía bên tả, đừng để chỗ nước làm văng bẩn, nếu có bùn bẩn thì nên dời. Vị kia vì tỳ-kheo a-lan-nhã phục vụ rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, và các đồ vật để lại chỗ cũ. Vị kia nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch rồi, để riêng thức ăn dư nơi chỗ tịnh khiết. Nếu có cướp đến thì mời ngồi. Trao nước cho tỳ-kheo a-lan-nhã. Kế đó mời khách tỳ-kheo ăn. Khi khách tỳ-kheo ăn, nên cung cấp những thức cần dùng. Nếu có nước lạc tương, nước thanh lạc tương, giấm, muối, rau thì mời khách tỳ-kheo; nếu trời nóng thì quạt, cần nước thì đưa nước. Nếu gần quá giữa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo a-lan-nhã ăn xong nên vì họ thu bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, nếu thức ăn còn thừa thì nên cho người hay phi nhơn, hoặc bỏ chỗ đất không có cỏ, hay trong chỗ nước không trùng, rửa đồ đựng thức ăn dư. Giường ghế, đá rửa chân, đồ đựng nước, các thứ nên để lại chỗ cũ, rồi quét dọn chỗ ngồi ăn. Vị kia dùng bình bát đựng đồ nhơ bẩn để đem đổ. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: «Không nên dùng bình bát đựng đồ nhơ. Nên dùng cái mâm bàn để đựng hay dọn quét, bình bát thì nên để cho tinh khiết mà thọ trì.» Nếu có bọn giặc đến thì nên nói: «Đây là nước, đây là vật rửa chân, đây là thức ăn, vì quý vị nên chúng tôi lưu lại riêng một cách sạch sẽ, nếu cần ăn thì ăn.» Bọn giặc hỏi a-lan-nhã: «Bấy giờ là canh mấy của đêm?» Tỳ-kheo kia không thể trả lời được nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã nên khéo biết thời tiết của đêm.» Bọn giặc hỏi a-lan-nhã: «Đây là phương nào?» Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tướng của phương hướng.» Bọn giặc hỏi tỳ-kheo: «Ngày nay sao gì?» Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tinh tú.» Tỳ-kheo a-lan-nhã ưa thích nằm ngủ. Các tỳ-kheo bạch Phật đức Phật dạy: «Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên sống như vậy. Đầu đêm, cuối đêm, nên kỉnh tâm tư duy. Nay Ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp tắc của a-lan-nhã. Tỳ-kheo a-lan-nhã nên như pháp mà tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 5. Ẩm thực Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm đó sắm sửa đủ các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo cáo là giờ ăn đã đến. Các tỳ-kheo khi thọ thực một cách lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. [935a1] Đàn-việt không biết vị nào đã ăn, vị nào chưa ăn. Các cư sĩ đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, không biết đủ, tự nói, Tôi biết chánh pháp. Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho Đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách các tỳ-kheo thọ thỉnh kia rằng: «Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn?» Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo quy định pháp thức của bữa ăn.» Các tỳ-kheo nên tùy thuận pháp thức khi thọ thực. Pháp thức như sau: «Nếu tỳ-kheo muốn đến chỗ thọ thỉnh thì nên đến chỗ chúng Tăng thường tiểu thực hay đại thực, mà đứng nơi dễ thấy. Khi đàn-việt đến báo giờ thọ thực thì Thượng tọa phải theo thứ tự đi trước như đàn nhạn.[9] Nếu Thượng tọa bận đại tiểu tiện thì phải đợi.» Vị hạ tọa kia đi trước, vừa nói chuyện vừa đi, hoặc trước hoặc sau, hoặc lật ngược y, hoặc y quấn cổ, hay trùm đầu, hay phủ cả hai vai, hoặc mang giày dép. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy, nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, và đi sau.» Nếu có bận việc Phật, việc Pháp, việc Tăng hay chăm sóc tỳ-kheo bệnh thì đức Phật dạy: «Bạch Thượng tọa, rồi đi trước.» Có vị có mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhưng e ngại không dám thưa hỏi để đi. Đức Phật dạy: «Nếu có nạn sự như vậy, thưa hỏi hay không thưa hỏi, cho phép được đi.» Có vị đến chờ thọ thực, tụ họp đứng lộn xộn. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy, nên theo thứ tự.» Thượng tọa ngồi rồi, nên xem trung tọa, hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không như pháp, không khéo che thân, nên búng ngón tay kỉnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết để họ ngồi đúng pháp. Trung tọa ngồi rồi nên xem Thượng tọa hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không đúng pháp, không khéo che thân thì nên búng ngón tay kỉnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết, để họ ngồi đúng pháp. Hạ tọa ngồi rồi cũng như vậy. Đến bữa ăn, tỳ-kheo không có bát, nên mượn bát để ăn. Có tỳ-kheo đến bữa ăn không rửa bát, bị rắn phun nọc độc trong bát, tỳ-kheo ăn xong mắc bệnh. Đức Phật dạy: «Không nên không rửa bát trước khi ăn. Nên rửa sạch rồi mới ăn.» Nhóm sáu tỳ-kheo ham muốn sự cung kính nên đến sau, khiến các tỳ-kheo thấy phải đứng dậy. Nếu vị nào chưa đến thì cho phép vị ngồi gần kéo chiếc ghế ấy ra. Nếu đàn-việt dâng trái cây cho Thượng tọa thì nên hỏi trái cây này đã tác tịnh[10] chưa? Nếu nói chưa tịnh, thì Thượng tọa nên khiến họ làm tịnh. Nếu nói đã tác tịnh rồi thì nên hỏi: ‹Thí chủ đem đến cho vị nào?› Nếu nói đem đến cho Thượng tọa thì Thượng tọa tùy ý xử dụng. Nếu nói đem đến cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết. Nếu đàn-việt dâng Thượng tọa các thứ canh thì nên hỏi: ‹Đem đến cho ai?› Nếu nói cho Thượng tọa, thì tùy ý xử dụng. Nếu nói cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết. Tỳ-kheo nào không nhận được thức ăn, cho phép tỳ-kheo ngồi sát cạnh hỏi giùm. Nếu hỏi mà không có, vị ngồi cạnh ấy sớt phân nửa phần ăn của mình để cho. Các tỳ-kheo nhận vừa được thức ăn, liền ăn. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi nhận được thức ăn liền ăn, giống như lúc gạo cơm khan hiếm đói khát?» Các vị bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên xướng lên để cùng ăn một lần.» Nhóm sáu tỳ-kheo chỉa cùi chõ lên để ăn, trở ngại vị ngồi gần. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: «Không nên chỉa cùi chõ lên mà ăn. Nên khép cùi chõ lại mà ăn.» Nhóm sáu tỳ-kheo ho khạc lớn tiếng, văng nước miếng trúng vị ngồi gần. Các tỳ-kheo gớm, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên ho khạc như vậy. Nên từ từ khạc nhổ.» Khi ăn, trái cây hay rau còn thừa, vị ấy bỏ bừa bãi bẩn đất. Đức Phật dạy: «Không nên bỏ như vậy. Thức ăn còn thừa nên gom lại gần bên chân. Đến khi đi ra, đem ra ngoài bỏ.» Có vị bỏ lung tung, đổ nước rửa bát bẩn đất. Đức Phật dạy: «Không nên đổ nước như vậy. Nên dùng cái thau để chứa rồi đem ra ngoài đổ. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo đến trong nhà bạch y, cùng ngồi trên một cái ghế dài để ăn. Một trong nhóm sáu tỳ-kheo đứng dậy mà không nói với vị ngồi cạnh biết nên cái ghế bị ngã xuống đất, khiến mọi người đều bị té, lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên đứng dậy như vậy. Nên nói cho các người khác biết để đề phòng.» Có tỳ-kheo ăn xong, im lặng bỏ đi.[11] Cư sĩ không biết thức ăn có ngon hay không ngon, ăn có đủ hay không đủ. Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Các ngoại đạo đều khen ngợi sự bố thí, tán thán đàn-việt, mà sa-môn Thích tử ăn rồi im lặng bỏ đi, khiến cho chúng tôi không biết ăn ngon hay không ngon, ăn đủ hay không đủ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên ăn rồi im lặng mà đi. Nên vì đàn-việt nói công đức bố thí, cho đến nói một bài kệ. Nếu vì lợi nên thí, Lợi đây chắc sẽ được. Nếu vì lạc nên thí, Sau chắc được khoái lạc. Khi đức Thế Tôn dạy, nên nói công đức cúng dường, bấy giờ mọi người đều cùng nói, tạo nên sự ồn ào. Đức Phật dạy: «Không nên loạn thuyết như vậy. Chỉ có vị Thượng tọa nói mà thôi. Nếu Thượng tọa không thể nói thì vị nào có khả năng nói được thì nói. Nếu Thượng tọa không nói thì phạm đột-kiết-la. Nếu Thượng tọa nói được mà không nói cũng phạm đột-kiết-la. Khi vị kia nói công đức bố thí, các vị khác đều bỏ đi. Có vị an tọa, hoặc chỗ vắng, hoặc chỗ khuất; hoặc cùng người nữ, tại chỗ không có người nam quen biết nói pháp quá năm, sáu lời với người nữ lẳng lơ,[12] nên bị người cơ hiềm, chê trách nói với các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Khi nói công đức bố thí, các tỳ-kheo không nên bỏ đi. Nếu có việc gấp thì bốn Thượng tọa nên đợi nhau, các vị khác có thể đi. Nếu vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh nên bạch cho biết rồi sau đó mới đi, hay sai tỳ-kheo khác đi. Nếu đàn-việt muốn nói pháp bố thí thì nên khen ngợi sự bố thí. Nếu muốn nói pháp đàn-việt thì nên khen ngợi pháp đàn-việt. Nếu muốn nói pháp cõi trời thì nên khen ngợi cõi trời. Nếu muốn nghe việc quá khứ của tổ phụ thì nên khen ngợi tổ phụ quá khứ. Nên vì đàn-việt khen ngợi sự bố [936a1] thí, tán thán đàn-việt, khen ngợi Phật Pháp Tăng với đàn-việt. Từ nay ta vì các tỳ-kheo nói về pháp thức ẩm thực.[13] Các tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 6. Nhuộm y Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ các tỳ-kheo mặc y để bẩn, đức Phật cho phép dùng đất phèn,[14] hoặc tro hay đất, hay phân bò để giặt. Có vị dùng đá hay các vật thô nhám để giặt nên y bị rách. Đức Phật dạy: «Không nên dùng đá hay vật thô nhám để giặt y, mà nên dùng loại đá mịn để giặt. Nếu y bị bay màu thì nên nhuộm lại. Hoặc nhúng bùn, hay dùng vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-ma-lặc,[15] hoặc dùng gốc cây, hay cỏ thiến[16] để nhuộm. Có vị ngâm nước để ngoài nắng chờ cho nóng để nhuộm. Không đủ kiên nhẫn chờ lâu. Đức Phật dạy: «Không nên ngâm như vậy, mà nên nấu.» Có vị không biết nấu thế nào. Đức Phật dạy: «Nên dùng cái nồi hay cái cấm-mãn,[17] cái bình đồng, cái vạc để nấu.» Bấy giờ có vị nấu, vì miếng vỏ cây lớn quá bỏ không lọt. Đức Phật dạy: «Dùng búa chẻ nhỏ ra.» Nếu nước sôi trào ra thì lấy cây đè xuống. Có vị không biết chín hay chưa. Đức Phật dạy: «Nên lấy hai, ba giọt nhiểu vào nước lạnh. Nếu chìm, tức là chín. Rồi lược lấy nước.» Có vị không biết lược để chỗ nào. Đức Phật dạy: «Lược vào trong bồn.» Nếu xuống luôn cả nước và cặn, thì nên lấy cái chỗi ngăn. Nếu chỗi yếu, thì lấy cây phụ. Khi lọc có vị vừa lọc vừa bưng bồn, nhọc mệt. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên một người lược, một người bưng bồn. Nếu nóng thì dùng đồ cầm cho khỏi nóng.» Có vị để nước lạnh, nước nóng chung lại một chỗ, nên nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy. Nước lạnh, nước nóng nên để riêng. Làm cho nguội rồi mới hòa lại.» Có vị bỏ luôn vào nước nhuộm để nhuộm. Nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy: «Không nên nhuộm như vậy. Nên lấy riêng ra một ít để nhuộm.» Có vị nhuộm xong trải dưới đất, bị hư màu. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị lại trải trên cỏ, khiến cho cỏ bị hư. Có vị trải trên rơm trên lá khiến cho màu sắc không đều. Đức Phật dạy: «Không nên trải như vậy. Nên trải trên y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, hoặc trên cù-lâu,[18] hoặc lấy một trong mười chiếc y trải lên trên đất, rồi trải chiếc y nhuộm lên, hoặc phơi trên giây. Có vị cần giây. Phật cho phép sắm giây. Cần thẻ cho làm thẻ. Có vị cần cái móc kết vào đầu y. Phật cho phép làm các móc. Nếu nước nhuộm không đều thì phải trộn cho đều. Bấy giờ, có tỳ-kheo đang nhuộm y, vì có việc cần nên quay lưng về phía khác, khiến thuốc nhuộm y không đều. Có tỳ-kheo nọ thấy vậy mà không nói vì trước đó có sự bất bình với tỳ-kheo này, vì vậy khiến cho y kia bị hư hoại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Người thấy, nên trộn giùm hay nói cho vị kia biết.» Tỳ-kheo kia nhuộm y rồi không dọn dẹp nồi, cấm-mãn, bình đồng, bồn vạc, búa, giây, thẻ, y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, bèn bỏ đi. Đức Phật dạy: «Không nên không dọn dẹp mà bỏ đi. Nên dọn dẹp rồi sau đó mới đi. Nếu người khác cần thì nên cho.» Có vị nhộm y rồi, không quét dọn chỗ nhuộm y, khiến cho đất không sạch. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên quét dọn rồi mới đi.» Có vị mặc y mới mà quét đất khiến cho y bị bẩn. Đức Phật dạy: «Không nên mặc y mới, nên mặc y cũ để quét. Nếu không có y riêng thì nên mặc y của Tăng.» Có vị quét ngược gió, bụi bay bẩn thân. Đức Phật dạy: «Không nên quét như vậy. Nên quét thuận theo chiều gió.» Có năm cách quét đất không được phước đức lớn: Không biết nghịch gió, thuận gió mà quét; không quét hết dấu chân; không trừ hết rác; không để chổi lại chỗ cũ. Quét đất có năm pháp như vậy, không được phước đức lớn. Có năm pháp được phước đức lớn: Biết nghịch gió, thuận gió để quét; trừ hết dấu chân; trừ hết rác; để chổi lại chỗ cũ. Năm pháp như vậy được phước đức nhiều. Nếu Thượng tọa đứng dưới đuôi gió, nên nói: ‹Xin Ngài tránh qua một chút. Con cần quét đất.› «Nay ta vì các tỳ-kheo nói pháp nhuộm y. Phải tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.»[19]
Chú thích: [49] Vin.ii. 278: Các tỳ-kheo-ni sống tại trú xứ a-lan-nhã, bị bọn xấu làm nhục. [50] Cf. Vin.ii. 279: Tỳ-kheo-ni sống a-lan-nhã, phạm đột-kiết-la (na bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ). [51] Xem tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 99. [52] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 69 & 70: không được học kỹ thuật thế tục (nghề nghiệp), và dạy cho người khác để kiếm sống. [53] Cô tửu 酤酒. Thập tụng 41 (tr.297c18): tác tửu 作酒, làm rượu. [54] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, các điều 50-55, 57. [55] Vin.ii. 266: aṭṭhillena jaghanaṃ ghaṃsapeti. [56] Xem, tỳ-kheo-ni, các ba-dật-đề 150, 151. [57] Triền thể 纏體. [58] Bề-lâu 鞞樓. Pali: viḷīva, được làm bằng tre (?), Cf. Vin.ii. vilīvena paṭṭena phāsukā nāmenti, các cô quấn dây thắt lưng làm bằng tre. [59] Sa yêu đái 娑腰帶. Không rõ. Cf. Pali. ibid., colapaṭṭena, thắt giây lưng bằng vải cola (Skt. cola hay coḍa; các từ điển Skt. và Pali không cho biết rõ đây là loại vải gì). [60] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 101. [61] Phong tục thời đó: nô lệ chết. Chủ không chôn, mà đem vất xác ngoài bãi tha ma. [62] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 97. [63] Vương viên 王園. Thực chất, đây là khu rừng của Vua, trong đó có khu a-lan-nhã. [64] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 140. [65] Xả giáo thọ 捨教授. Cf. Vin. ii. 263: ovādaṃ ṭhapetuṃ, ngưng giáo giới. Tỳ-kheo-ni bị ngưng giáo giới, không được dự bố-tát (na ovādaṭṭhapitāya bhikkhuniyā saddhiṃ uposatho katabbo). 44 Truyện Liên Hoa Sắc, xem Phần I, Ch. iv, Ni-tát-kỳ 4. [67] Huyền xí 懸廁. Pali, Vin.ii. 280: vaccakuṭī, nhà xí, làm theo kiểu nhà sàn. [68] Hán dịch mâu thuẫn: ngồi kiết già, hai gót chân lật lên, không dính bẩn được. Cf. Vin. ii. 280: pallaṅkena nisīdanti paṇhīsamphassaṃ sādiyanti, «ngồi kiết già, để cho chúng nó sờ vào hai gót chân.» [69] Ma-kiệt-đề, nhưng chỗ khác âm là Ma-kiệt-đà. [70] Nhữ niên thiếu bất tri túc 汝年少不知足. Xem câu trả lời của A-nan tiếp theo để hiểu rõ ý nghĩa của lời trách mắng này. Tạp A-ham 41 (T02n99 tr.303a06): Ca-diếp mắng A-nan, «Ông, trẻ con, không biết lượng sức» (nhữ thị đồng tử, bất tri trù lượng 汝是童子不知籌量). A-nan trả lời như trên. Cf. Pali, S.ii. na vāyaṃ kumārako mattamaññāsi, «Cậu bé này không biết lượng sức.» 49 Trong các kinh Pali, Ca-diếp xưng hô A-nan là āvuso, hiền giả (hay ông bạn). A-nan luôn luôn xưng hô Ca-diếp là bhante, bạch Đại đức, như xưng hô với Phật. Vì tôn kính Ca-diếp như là Hoà thượng của mình. [72] Pali, ibid., «…mắng Thánh giả A-nan, vị ẩn sĩ thông thái (ayyo Ānando vedehamuni). [73] Pali, ibid., Ca-diếp nói, «… từ khi Ta xuất gia đến nay, Ta chưa gọi ai là Thầy, ngoại trừ Thế Tôn.» [74] Thoá chi 唾之, nhổ nước bọt. [1] Tham chiếu Pali, Cullavagga 8, Vattakkhandhakaṃ, Vin.ii. 206. Ngũ phần 27, «Oai nghi pháp.» [2] Thập tụng 41 (T23n1435, tr.300a17): Khách tỳ-kheo nghi pháp; 57 (T23n1435 tr.420a24): Khách pháp. Cf. Tăng kỳ 35 (T22n1425 tr.507b4). [3] Phước nhiêu 福饒. Chưa rõ thứ gì. Ngũ phần 27 (T22n1421 tr.179a20), tỳ-kheo khách hỏi: «Phòng này có thức ăn không?» Thập tụng 57, nt., hỏi: «Tăng phòng này có tiền thực hậu thực không?» Ngũ phần 27, nt., cũng hỏi như Thập tụng. [4] Tháng 30 ngày thì kể luôn ngay 23, 29, 30. [5] Kinh hành xứ 經行處. Có lẽ kinh hành đường đúng hơn. Pali: caṅkamana-sāla. Nhà để đi kinh hành khi trời mưa. Cũng thường dùng làm nhà khách, phòng hội. [6] Tức xỉa răng. [7] Xoa kỳ xí thảo 叉奇廁草. [8] Quy định như pháp khất thực, đoạn trên. [9] Bản cao ly: tượng hàng 象行, như đàn voi. Bản Tống-Nguyên-Minh: như nhạn hàng, bầy nhạn. [10] Năm pháp tác tịnh trái cây, xem trên, Chương vii, về thuốc. [11] Pali, Vin.ii. 212: bhattagge na anumodanti, ăn xong, không tụng tùy hỷ. [12] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 9. [13] Thực thượng pháp 食上法. Pali: bhattaggavattaṃ. [14] Lỗ thổ 鹵土, đất mặn, đất có vị muối. [15] Các loại cây: đà-bà 陀婆, bà-trà 婆茶, kiền-đà-la 揵陀羅, tất bát 蓽苃, a-ma-lặc 阿摩勒: [16] Thiến thảo 茜草; loại cỏ dùng để nhuộm. [17] Cấm-mãn 禁滿; Pali (Skṭ) kumbha (?), cái ghè. [18] Xem Chương về da thuộc. [19] Hết quyển 49. Hết phần iii. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích PHẦN THỨ TƯ PHẦN TẠP PHÁP CHƯƠNG I. PHÒNG XÁ[1] 1. Ca-lan-đà Trúc Viên [936b25] Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ có năm người[1] từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa đức Thế Tôn: «Chúng con nên ở những loại phòng ốc nào, và xử dụng loại ngọa cụ nào?» Phật nói: «Cho phép, ở nơi a-lan-nhã hoặc dưới gốc cây hay nơi phòng trống, nơi hang cốc, trong hốc núi, chỗ đất trống, bên đống cỏ khô, hay đụn cỏ, trong rừng, bên bãi tha ma, bên mé nước. Trải cỏ hay lá để ngồi.» Các tỳ-kheo nằm không có gối nên bị đau. Đức Phật cho phép, dùng đá, ngói, cây, cánh tay, hay một trong mười loại y để gối. Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vua Bình-sa nước Ma-kiệt có ý nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn đến đây, trước hết vào khu vườn nào, ta sẽ dâng cúng khu vườn ấy để làm tăng-già-lam. Trong thành Vương xá, Ca-lan-đà Trúc viên[2] này là vườn đứng vào hàng tuyệt hảo.»[3] Đức Thế Tôn biết tâm niệm nhà vua như vậy nên đến Ca-lan-đà Trúc viên trước tiên. Từ xa Vua thấy đức Thế Tôn liền xuống voi, lấy chiếc nệm trên lưng voi xếp làm bốn lớp trải ra và cung kính thỉnh đức Thế Tôn ngồi. Đức Thế Tôn an tọa nơi chỗ ngồi, Vua Bình-sa cầm bình nước rửa bằng vàng, dâng nước cho đức Phật và bạch: «Trong thành Vương xá này, khu Ca-lan-đà trong Trúc viên này là đẹp hơn tất cả. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn. Xin Thế Tôn từ mẫn nạp thọ.» Đức Phật bảo Vua: «Đại vương nên đem vườn này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Nếu tăng-già-lam, vườn hay vật trong vườn, phòng xá hay vật trong phòng xá, y bát, tọa cụ, ống đựng kim, tất cả sở hữu của Phật thì chư Thiên, người đời, ma vương, phạm vương, sa-môn, bà-la-môn, đều không thể dùng được, mà cung kính như bảo tháp.» Vua liền bạch Phật: «Bạch Đại đức, con xin dâng cúng Ca-lan-đà Trúc viên này lên đức Phật và bốn phương Tăng. Xin Thế Tôn và bốn phương Tăng dũ lòng thương vì con mà thâu nhận.» Đức Thế Tôn khuyến dụ bằng bài kệ sau đây: Cúng vườn và cây trái, Cầu đò đưa rước người. Đường dài thí giếng nước, Và phòng nhà để ở. Những người cúng như vậy, Ngày đêm phước càng thêm. Người trì giới vui pháp, Sẽ được sanh đường lành. Vua Bình-sa đầu mặt kính lễ sát chân đức Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì Vua phương tiện nói các pháp khiến Vua được hoan hỷ. Vua nghe đức Phật nói pháp được hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Phật rồi cáo lui. 2. Tinh xá Bấy giờ, các tỳ-kheo, vào buổi sáng sớm, từ núi Kỳ-xà-quật đến thành Vương xá. Trong thành có ông Đại trưởng giả gặp, bèn hỏi: «Ban đêm Đại đức nghỉ ở đâu?» Quý vị trả lời: «Nghỉ trong hang núi, bên mé nước, dưới gốc cây, nghỉ bên hòn đá, nghỉ trên bãi cỏ.» Ông trưởng giả hỏi: «Không có phòng xá hay sao?» «Không có.» Ông trưởng giả hỏi tiếp: «Nếu làm phòng xá có được hay không?» «Đức Thế Tôn chưa cho phép làm phòng xá.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, làm phòng xá.»[4] Ông trưởng [937a1] giả nghe đức Phật đã cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá, liền làm sáu mươi biệt phòng[5] tại núi Kỳ-xà-quật. Đầy đủ tất cả những thứ cần dùng. Rồi ông thỉnh Phật và Tăng sáng ngày mai đến thọ thực và cúng dường phòng xá. Trong đêm ấy, ông chuẩn bị các thức ăn ngon bổ. Sáng ngày, đi báo giờ. Đức Thế Tôn, vào lúc tảng sáng, cùng đại tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả, an tọa nơi chỗ ngồi. Ông trưởng giả tự tay châm chước đầy đủ các thức ăn tinh khiết ngon lành dâng lên Phật và Tăng. Các vị ăn xong, ông trưởng giả lấy bình bằng vàng đựng nước dâng lên đức Thế Tôn, rồi thưa: «Con cất sáu mươi phòng xá tại núi Kỳ-xà-quật. Đầy đủ tất cả nhưng thứ cần thiết, vì phước đức, vì đại tế tự, để sanh đường lành. Nay con xin dâng cúng đức Phật và bốn phương Tăng. Cúi xin Thế Tôn từ mẫn thâu nhận.» Đức Thế Tôn nhận rồi, dùng những lời khuyến dụ sau đây để khuyến dụ: Để ngăn sự lạnh nóng, Và các loài ác thú, Mòng, muỗi, các độc trùng, Và ngăn che mưa nắng, Bạo bệnh, cùng ác phong; Tất cả đều ngăn che. Trì giới không hủy phạm, Siêng tu trong Phật pháp, Bền chí và an vui, Thiền định phân biệt quán. Cúng phòng xá cho Tăng Thế Tôn nói, bậc nhất. Bấy giờ, trưởng giả thành Vương xá lấy cái ghế thấp ngồi trước đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến trưởng giả được hoan hỷ. Sau khi nói pháp cho ông trưởng giả, khai hóa, khiến cho hoan hỷ rồi, đức Thế Tôn từ chỗ ngồi ra về. Khi Vua Bình-sa nghe đức Thế Tôn đã cho phép chúng Tăng làm phòng xá, ông muốn phát nguyện xây cất đại giảng đường tại Ca-lan-đà Trúc viên, như cung điện của vua ngự, cung cấp đầy đủ tất cả những vật cần thiết. Đức Phật cho phép làm. Có đàn-việt muốn xây lầu các[6] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm phòng tỳ-ma-na[7] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm phòng hình con voi[8] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm các loại phòng xá cho Tăng. Phật cho phép. Các tỳ-kheo muốn làm phòng, Phật cho phép. Tùy theo phương pháp làm phòng, tất cả những gì cần cũng đều cho phép. Làm phòng rồi, nếu đất bị bụi bẩn nên dùng bùn để trét. Không có đồ trải để nằm nên bệnh, đức Phật Cho phép, dùng y lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, mao-lâu,[9] hay một trong mười loại y để trải dưới đất. Nếu vẫn còn mắc bệnh, đức Phật cho phép làm giường. Có năm loại giường, như trên.[10] Có vị muốn giường bện, đức Phật cho phép bện nhưng trừ hai loại dây không được bện là da và tóc. Ngoài ra các loại dây khác được dùng để bện. Nếu dây không đủ thì xâu xuyên qua lỗ mộng để bện thưa. Giường của vị kia không có đồ trải để nằm nên sanh bệnh. Phật cho phép làm nệm để trải nằm. Có vị không biết dùng vật gì để làm, Phật cho phép dùng rơm, cỏ, lông, hay kiếp-bối để độn vào trong. Nếu nệm nhỏ thì trương ra may dính vào bốn phía giường. Nếu đường viền của nệm bị hỏng thì nên vá lại. Nếu đồ độn bị dồn một chỗ thì khâu chập lại. Nếu nệm cáu ghét thì nên may chồng lên một lớp. Nếu may chồng lên mà vẫn cáu ghét thì nên làm tấm giạ nằm phủ lên trên. Các tỳ-kheo không có gối, Phật cho phép làm gối. Các vị không biết làm như thế nào, Phật bảo may vuông hay tròn hoặc ba góc. 3. Giường nằm 1. Bấy giờ, tại thành Vương xá, chúng Tăng nhận được nhiều gai xá-nậu.[11] Các tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy: «Cho phép, thọ dụng để làm giường dây, giường cây hoặc dệt làm nệm, áo lót, hay làm đồ trải dưới đất, hoặc làm dây, làm nệm độn. Các tỳ-kheo nhận được giường bện bằng dây cỏ bạt-ma,[12] Phật cho phép dùng. Rắn, bò cạp, rít, độc trùng vào trong phòng. Các tỳ-kheo chưa ly dục, thấy sợ. Phật cho phép làm chân giường. Nhóm sáu tỳ-kheo làm chân giường cao, đức Phật dạy: «Không nên làm chân giường cao. Cao nhất là một thước năm hay một gang tay.»[13] 2. Có tỳ-kheo cất y chỗ không bảo đảm. Phật bảo nên để bên đầu nằm. Hoặc để y sau lưng, nằm nghiêng, trở mình, đè lên y. Phật cho phép máng trên dây, hoặc trên cọc long nha, trên cột móc, trên giá y. Có vị để y thường mặc với y không thường mặc chung một chỗ, khi lấy y thường mặc để mặc, bị lộn. Đức Phật dạy: «Không nên để y thường mặc chung một chỗ với y không thường mặc.» 4. Có vị đem bình bát để chung trong đãy với giày dép, ống đựng kim và dầu. Tỳ-kheo khác thấy, gớm. Đức Phật dạy: «Đãy đựng bát, ống đựng kim để một chỗ. Đãy đựng giày dép, đồ đựng dầu để một chỗ.» 5. Các tỳ-kheo ở trong phòng bị tối. Đức Phật cho thắp đèn. Cần dầu thì xin dầu. Cần đèn thì xin đèn. Cần đồ đựng dầu thì cho xin đồ đựng dầu. Tỳ-kheo không biết để cây đèn chỗ nào. Đức Phật dạy: Để bên góc của giường dây, giường cây, hoặc trên cái bình. Nếu để trên khám nơi vách, sợ kiến uống dầu, thì nên đậy lại. Nếu đèn không đủ sáng thì kéo tim cho cao lên. Dầu bẩn tay, cho phép, làm đôi đũa. Đũa cây sợ cháy nên làm bằng sắt. 6. Phòng của tỳ-kheo kia, không có cánh cửa nên không chắc chắn, bị kẻ trộm, chăn bò, chăn dê vào lấy bình bát, ống đựng kim, tọa cụ. Đức Phật cho phép làm cánh cửa. Cần làm khung cửa. Phật cho phép. Nếu sợ đóng cửa, trong phòng có mùi hôi. Đức Phật cho phép làm lỗ trên cánh cửa. Rắn, bò cạp theo lỗ vào phòng. Đức Phật cho phép lấy cái tấm ván rèm ngăn lại. Cửa không có khóa, kẻ trộm, chăn trâu, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Đức Phật cho phép làm khóa. Tỳ-kheo không biết gắn khóa vào chỗ nào. Đức Phật bảo gắn một bên, hoặc phía trên hay phía dưới. Không biết mở bằng cách nào. Đức Phật bảo để cái lỗ, làm một cái lưỡi gà cong, làm một cái móc. Nếu sợ tối, Phật cho phép trổ cửa sổ. Cửa sổ không được ngăn, bị kẻ trộm, chăn trâu, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ. Đức Phật cho phép làm cánh cửa sổ bằng ván ngăn lại. Các vị ấy không biết làm bằng cách nào. Đức Phật dạy làm hình vuông hay hình tròn, hoặc như lỗ tai voi. Ban đêm sợ dơi bay vào, ban ngày sợ chim én bay vào. Đức Phật cho phép bện lưới lồng[14] để ngăn. Hoặc làm song cửa sổ. Cửa sổ không có chốt, bị kẻ trộm, chăn bò, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Đức Phật bảo cho phép làm chốt cửa. Tỳ-kheo phạm giới kéo cái dây mở cửa sổ lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo bỏ đi. Phật nói, cho phép làm cái chốt cài ngang qua. 4. Chăn màn 1. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng riêng ngọa cụ của chúng Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: không nên dùng riêng ngọa cụ của chúng Tăng. Đức Phật cho phép làm dấu để biết. Các vị ấy không biết làm dấu như thế nào. Đức Phật dạy: cho phép làm cái hình ma-hê-đà-la,[15] hay làm hình cái chén, hay hình dây nho, hay làm ngũ sắc, hay làm bông sen, hay ghi tên Nhóm sáu tỳ-kheo làm dấu hiệu của Tăng trên vật dụng riêng của mình. Các tỳ-kheo thấy, nói: «Trưởng lão, đức Thế Tôn không nói như vầy sao, vật của chúng Tăng không nên dùng riêng» Nhóm sáu trả lời: «Đây không phải là vật của chúng Tăng mà là vật của tôi.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên làm dấu hiệu của chúng Tăng trên vật riêng của mình. Cho phép nhuộm làm dấu riêng của mình.» Nhóm sáu tỳ-kheo làm dấu hiệu riêng bằng hình tượng nửa mặt trăng, hoặc dấu hiệu tròn, làm dấu hiệu tia nắng, làm hình cây lúa, làm dấu hiệu một miếng gừng, làm dấu hiệu con bò. Đức Phật [938a1] dạy: «Không nên làm như vậy. Cho phép làm như giọt nước rơi trên mặt đất, hay làm như viên phân trâu, hoặc làm cái bánh xe.» Có vị di chuyển ngọa cụ cố định trong phòng đến chỗ khác. Đức Phật dạy: «Không nên di chuyển. Nên ghi rõ ràng ngọa cụ của phòng nào.» 2. Có tỳ-kheo có sa-di nhỏ muốn trong phòng có bức phên ngăn. Đức Phật cho phép làm. Có Tỳ-kheo muốn mở ngõ tắt qua khúc ngăn trước phòng, đức Phật cho phép làm. Muốn làm cái phòng trong ở phía sau, Phật cho phép làm. Cần cánh cửa, Phật cho làm cánh cửa. Cần vách, Phật cho làm vách. Cần vách phân nửa, Phật cũng cho làm. Cần làm giường lớn, Phật cho làm. Cần giường dây nhỏ, Phật cho làm. Cần giường đơn, Phật cho làm. Cần tấm phản, Phật cho làm. Cần đồ trải dưới đất cũng cho trải đất. Có tỳ-kheo muốn làm cái phòng có bốn mái hiên thò ra, trên đó đặt lan can, Phật cho phép làm. 5. Sảnh đường 1. Ngày Bố-tát, chúng tập đông, sảnh đường[16] nhỏ không thể dung hết. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho phép làm lớn ra. Các vị ấy không biết làm thế nào. Đức Phật dạy: «Hoặc vuông, hoăc tròn, hoặc dài, có hai phòng, ba phòng, bốn phòng; đều cho phép làm. Tất cả những thứ cần để làm nhà lớn, đều cho phép.» Bấy giờ, ở trong sảnh đường, mỗi người đều chiếm một giường nên không đủ chỗ. Đức Phật dạy: Nếu xấp xỉ ba tuổi hạ, ngồi chung một giường.[17] Nếu vẫn không đủ thì nên làm giường dài, phản dài. Nếu vẫn không đủ thì bện cỏ làm chỗ ngồi. Bện cỏ làm chỗ ngồi, y bị rách. Phật dạy: «Nên dùng cỏ mềm quấn mép giưòng.» Nếu vẫn không đủ dùng thì dùng nước bùn rưới lên đất, rồi rải cát hay cỏ, lá cây lên trên để ngồi. Có vị cùng người nữ ngồi trên cỏ, lá. Phât dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị cùng người nữ trải y. Phật dạy: «Không nên trải như vậy.» Có vị cùng người nữ ngồi trên y. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị cùng người nữ ngồi trên đá. Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy. Nếu một người leo lên mà đá không lung lay thì cho phép leo lên.» Có vị cùng với người nữ lên thuyền,[18] nghi. Phật dạy: «cho phép đi đò ngang, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc nằm.» 2. Các tỳ-kheo đi kinh hành nơi đất trống, bị nắng, gió và mưa nên bệnh. Đức Phật cho phép làm nhà đi kinh hành.[19] Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật cho phép làm nhà dài theo đường đi. Những vật cần dùng làm nhà đều được cho phép. Có vị Thượng tọa già bệnh, ốm yếu, khi đi kinh hành bị té xuống đất. Đức Phật cho phép buộc sợi dây hai đầu đường[20] để khi đi vịn tay vào đó. Khi nắm để đi, tay mềm nên bị rách. Phật dạy: Cho phép làm ống tròn như ống trúc rồi luồn sợi dây vào giữa ống. Khi kinh hành, nắm ống mà đi. Đi kinh hành mỏi mệt. Đức Phật cho phép đặt giường ở hai đầu. 3. Tỳ-kheo rửa chân ngoài trời mưa. Nước mưa làm cho y bị hư màu. Phật nói, nên làm chỗ rửa chân riêng. Cần bồn đựng nước thì cho bồn đựng nước. Cần bình đựng nước thì cho bình đựng nước. Cần đá rửa chân thì cho đá rửa chân. Cần tọa cụ thì cho tọa cụ. Có vị rửa chân khi trời mưa, bùn bẩn chân, bẩn y, ngọa cụ. Đức Phật cho phép dùng hòn đá hoặc gạch hay cây lót đường đi. 4. Trong núi Kỳ-xà-quật, cách xa chỗ có nước. Phật cho phép đào mương để đem nước vào. Sợ mương bị sạt lở, Phật cho phép dùng đá hay gạch hoặc cây chận hai bên bờ. Nếu trong chùa, nên đào ao. Sợ bờ ao lở, Đức Phật cũng cho phép dùng đá hay gạch hoặc cây chận xung quanh, bên trên làm nhà che. Sợ bên bờ ao bị bùn lầy, nên trấn bằng đá, gạch ván, đá vụn. Sợ con nít rơi xuống nước, Phật cho phép làm lan can. Nước trong ao bị nóng. Phật cho phép đựng trong bình, ban ngày đem vô trong nhà, ban đêm đem ra để bên ngoài. Nếu để trong nhà bị bùn bẩn thì cho phép cất nhà riêng để nước. Nếu đất bị bùn bẩn chân thì cho phép lót đá hay gạch hoặc đá dăm. Có vị cần đồ đựng nước, cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm đồ đựng nước. Phật nói, không nên dùng vật báu làm đồ đựng nước mà nên dùng sắt hay đồng hoặc sành để làm. Đồ đựng nước không có chỗ để, bị vỡ. Phật nói: Trong nhà đựng nước nên làm cái giá để để. Chúng Tăng nhận được vỏ sò.[21] Phật cho phép chứa. Lại không biết để đâu. Phật cho phép để chung trong nhà để nước. 6. Cấp Cô Độc Thế Tôn ở nơi thành Vương xá. Tại nước Xá-vệ, có cư sĩ tên là Tu-đạt-đa,[22] thường ưa cung cấp bố thí cho những người cùng cực, khổ sở; nhơn việc làm như vậy nên có cái tên là Cấp Cô Độc Thực.[23] Cư sĩ có điền nghiệp nơi thành Vương xá. Năm nào cũng từ nước Xá-vệ đến thành Vương xá để coi ngó điền nghiệp. Trong thành Vương xá có ông trưởng giả là bạn thân.[24] Ông trưởng giả này đang tự trang hoàng nhà cửa để thỉnh Phật và Tăng sáng ngày thọ thực. Nhằm lúc ấy, ông Cấp Cô Độc Thực đến nhà ông trưởng giả. Theo thường lệ, ông trưởng giả thấy ông Cấp Cô Độc Thực đến thì liền ra ngoài nhà nghinh đón, rước vào và mời ngồi. Ngày hôm ấy không đứng dậy đón, không rước vào và mời ngồi, mà cứ cặm cụi tự trang hoàng nhà cửa để rước Phật và Tăng. Ông Cấp Cô Độc Thực đến, thấy vậy, hỏi ông trưởng giả rằng: «Ông bạn trang hoàng nhà cửa để làm việc gì? Muốn cưới hỏi cho cháu chăng? Muốn thỉnh Vua chăng? Muốn tổ chức đại tế đàn[25] chăng?» Ông trưởng giả trả lời: «Tôi không có tổ chức cưới hỏi, cũng không thỉnh Vua. Mà tôi đang tổ chức đại tế đàn là thỉnh Phật và Tăng gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng, hiệu là Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.» Ông Cấp Cô Độc Thực hỏi: «Có thật là Phật hay chăng?» Ông trưởng giả trả lời: «Thật là Phật.» Ba lần hỏi cũng ba lần trả lời: «Thật là Phật.» Cấp Cô Độc Thực hỏi ba lần rồi, lại hỏi: «Hiện nay đức Phật ở đâu? Nay tôi nuốn đến thăm hỏi Ngài.» Ông trưởng giả trả lời: «Hiện nay đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên.» Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực xem mặt trời, rồi nghĩ: «Bây giờ đến gặp đức Thế Tôn là không phải lúc. Sáng ngày ta sẽ đi.» Cấp Cô Độc Thực liền về nhà với tâm niệm hướng về đức Phật mà ngủ. Bấy giờ, có một thiên thần nọ, trước kia là tôn thân của Cấp Cô Độc Thực, vì lòng từ mẫn muốn điều lợi ích đối với Cấp Cô Độc Thực nên nghĩ như sau: «Cấp Cô Độc Thực, Ông muốn gặp đức Thế Tôn thì không nên trì hoản mà không gặp.» Vị thiên thần nọ liền dùng thần lực diệt trừ bóng tối, ánh sáng bỗng nhiên xuất hiện. Cấp Cô Độc Thực thấy ánh sáng, liền thức dậy, tự bảo là trời đã sáng, liền đến cửa thành Thi-ha.[26] Vị thần giữ cửa từ xa thấy Cấp Cô Độc Thực muốn diện kiến đức Thế Tôn liền chứ không trì hoãn, nên mở cửa liền. Cấp Cô Độc Thực ra khỏi cửa rồi, vị thần liền thu hồi thần lực nên ánh sáng liền tiêu mất, bỗng nhiên tối trở lại. Cấp Cô Độc Thực đâm ra sợ sệt, lông trong người dựng ngược, nghĩ rằng có kẻ oan gia muốn hại mình. Vị thần kia thấy Cấp Cô Độc Thực hoảng sợ liền an ủi: «Đừng nên sợ! Đừng nên sợ!» Vị thần nói kệ: Dầu dùng trăm con ngựa, Và lại trăm kim anh, Ngựa xe cả trăm cỗ, Đồng nữ có trăm người, Bảy báu là anh lạc, Trăm voi trắng Tuyết Sơn, Voi đều có sáu ngà, Và dùng đống lớn vàng, Cùng tử ma kim sa, Vua và nghi vệ của Vua, Con voi thuần của Vua: Bằng như trên bố thí, [939a1]Không bằng phần mười sáu, Phước của một bước đi. «Trưởng giả cứ đi tới, cứ đi tới, sẽ có lợi ích!» Cấp Cô Độc Thực hỏi: «Ngươi là ai?» Vị thần trả lời: «Tôi là thần Thi-ha.» Cấp Cô Độc Thực khởi ý nghĩ: «Thật chưa từng có! Ta được thiên thần khích lệ.» Cấp Cô Độc Thực liền đến trong Ca-lan-đà Trúc viên. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi kinh hành nơi đất trống, từ xa thấy Cấp Cô Độc Thực đến, ngài trở lại chỗ ngồi, trải chỗ ngồi mà ngồi. Theo thường pháp của các đức Phật, có một vầng sáng tròn tỏa khắp thân. Cấp Cô Độc Thực từ xa thấy đức Thế Tôn tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, tối thượng điều phục, các căn kiên cố, như con đại long, như vực nước lóng trong, không có chút bợn nhơ. Thấy vậy, Cấp Cô Độc Thực phát sinh lòng kính tín. Với lòng tín kính hướng về đức Phật, ông bạch rằng: «Ngài ngủ có ngon không?» Đức Phật trả lời: «Như người đời đều ngủ yên. Nhưng ta thì khác.» Liền khi ấy Phật nói kệ: Tất cả đều ngủ yên. Phạm hạnh đạt Niết bàn. Nếu không phạm các dục, Được giải thoát các phược. Tất cả ái đã đoạn, Điều phục các nhiệt não. Tĩnh chỉ, nằm nghỉ yên, Thân tâm đều tịch diệt. Bấy giờ Cấp Cô Độc Thực đến trước đức Phật kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì Cấp Cô Độc Thực phương tiện nói các pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đạt được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đặng quả tăng thượng, tâm nhàm chán phát sanh, bạch đức Thế Tôn rằng: «Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tắc của đức Phật. Từ nay về sau trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn cùng chúng Tăng nhận lời thỉnh mời của con, an cư chín mươi ngày trong mùa hạ này.» Đức Phật nói: «Như Lai đã nhận sự mời thỉnh của Vua Bình-sa rồi.» Cấp Cô Độc Thực lại thưa: «Cúi xin nhận sự mời thỉnh vào năm đến.» Đức Phật lại nói: «Năm đến Như Lai cũng đã nhận sự mời thỉnh của Vua Bình-sa.» Cấp Cô Độc Thực lại thưa: «Xin Đại đức nhận sự mời thỉnh của con vào năm sau nữa.» Đức Phật trả lời: «Nếu có trú xứ thanh tịnh như vậy, như vậy, không có ồn ào, không có ác thú, nơi rừng vắng người, có thể tọa thiền, thì Như Lai sẽ an trụ nơi như vậy.»[27] Cấp Cô Độc Thực liền bạch Phật: «Kính bạch đức Thế Tôn, điều đó con đã biết. Con sẽ biết thời.» Cấp Cô Độc Thực thưa tiếp: «Cúi xin đức Thế Tôn cùng chúng Tăng nhận sự mời thỉnh thọ thực của con vào ngày mai.» Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Cấp Cô Độc Thực từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân Phật, nhiễu quanh rồi cáo lui. Vua Bình-sa nghe Cấp Cô Độc Thực thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào ngày mai liền sai người đến nói: «Ông là khách trọ ở xứ này. Chúng Tăng thì nhiều đến 1250 người. Ông có thể khỏi phải dọn lễ. Tôi sẽ thiết lễ giùm ông.» Cấp Cô Độc Thực liền sai người đến trả lời với Vua rằng: «Như thế đã là đã giúp tôi rồi. Không cần thiết nữa. Tôi sẽ tự mình chuẩn bị lấy.» Bấy giờ, đại trưởng giả Ma-kiệt nghe Cấp Cô Độc Thực thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào ngày mai, liền đến nói: «Ông là khách trọ ở xứ này. Chúng Tăng thì nhiều đến 1250 người. Ông có thể khỏi phải dọn lễ. Tôi sẽ thiết lễ giùm ông.» Cấp Cô Độc Thực liền trả lời với ông trưởng giả: «Như thế đã là đã giúp tôi rồi. Không cần thiết nữa. Tôi sẽ tự mình chuẩn bị lấy.» Cấp Cô Độc Thực trở về nhà, trong đêm đó sửa soạn các thức ăn ngon bổ. Khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, cho người đến báo giờ. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo Tăng đến nhà ông Cấp Cô Độc Thực an tọa nơi chỗ ngồi. Ông Cấp Cô Độc Thực tự tay châm chước các thức ăn ngon bổ cúng dường Phật và chúng Tăng một cách đầy đủ. ăn xong, dẹp bát rồi, ông lấy một chiếc ghế thấp hơn ngồi trước đức Phật. Đức Phật dùng vô số phương tiện vì Cấp Cô Độc Thực nói pháp khai hóa khiến được hoan hỷ. Thuyết pháp xong, đức Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực từ thành Vương xá trở về nước Xá-vệ. Ông đi đến các thôn xóm, thành ấp, nơi nơi đều ra lệnh như sau: «Nơi nào đất trống, hãy lập vườn trồng cây trái, đào ao, bất cầu đò. Đức Phật đã ra đời. Ngài đã nhận sự mời thỉnh của tôi, hạ an cư tại nước Xá-vệ. Ngài sẽ đi qua con đường này để đến nước Xá-vệ. Cầu mong các người được phước vô lượng.» Khi đến nước Xá-vệ rồi, Cấp Cô Độc Thực suy nghĩ: «Nơi đây có khu đất nào không xa lắm, không gần lắm, tiện lui tới; đất rộng, bằng phẳng, ban ngày không ồn ào, ban đêm không có tiếng động, không có mòng muỗi, ruồi, ong, loài có nộc độc, ta sẽ mua, lập Tăng-già-lam cho Phật?» Cấp Cô Độc Thực lại nghĩ: «Vương tử Kỳ-đà[28] có vườn rất tốt ở nước Xá-vệ, không gần không xa, tiện lui tới; đất rộng bằng phẳng, ban ngày không có các sự ồn ào, ban đêm không có tiếng động, cũng không có mòng muỗi, rắn độc, nay ta hãy đến chỗ Vương tử Kỳ-đà để hỏi mua.» Cấp Cô Độc Thực liền đến chỗ Vương tử nói: «Đức Phật đã xuất thế, Ngài có biết chăng? Đức Phật đã nhận lời mời của tôi an cư mùa hạ tại nước Xá-vệ. Ngôi vườn này Ngài có thể bán cho tôi với giá trăm ngàn tiền vàng?» Vương tử nói: «Không bán.» Cấp Cô Độc Thực lại trình bày như trên: «Tôi xin mua khu vườn với giá hai trăm, ba trăm, bố trăm ngàn tiền vàng.» Vương tử nói: «Nếu ông đem tiền vàng trải hết mặt đất, không trống một chỗ nào, tôi cũng không bán.» Cấp Cô Độc Thực liền nói: «Như thế là ngài đã quyết giá, xin ngài nhận cho.» Vương tử nói: «Tại sao nói tôi quyết giá?» Cấp Cô Độc Thực thưa: «Vừa rồi ngài nói, nếu đem tiền vàng trải khắp mặt đất, không có khoảng trống, há không phải là quyết giá? Xin Vương tử xem lại cựu chế của Vua.»[29] Vương tử liền xem lại cựu chế của Vua, theo đó, đã nói như vậy tức là đã quyết định giá. Vương tử liền nói: «Tùy ý trưởng giả.» Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực trở về nhà, ra lệnh cho gia nhân xuất tiền vàng đem đến trải hết mặt đất khu vườn ông Kỳ-đà vương tử; còn một ít đất chưa trải hết. Kỳ Đà vương tử thấy vậy, liền nghĩ: «Có lẽ đây là một người phi thường, cũng là phước điền phi thường nên mới khiến cho Cấp Cô Độc Thực không tiếc trân bảo như vậy.» Vương tử liền nói với trưởng giả Cấp Cô Độc Thực: «Thôi, đừng trải vàng nữa. Khoảnh đất còn lại, tôi muốn dâng cúng đức Thế Tôn.» Cấp Cô Độc Thực nói: «Điều đó tùy ý ngài.» 7. Thứ bậc Tăng trong già-lam Đức Thế Tôn từ thành Vương xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian, đến nước Bạt-xà rồi mới quay trở lại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo đi trước đức Phật, để lấy phòng xá cho Hòa thượng, đồng Hòa thượng; A-xà-lê, đồng A-xà-lê; cho tri thức thân hậu của họ. Xá-lợi-phất và Mục-liên đến sau. Đức Phật hỏi: «Phòng này của ai?» Nhóm sáu tỳ-kheo nói: «Phòng của Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng A-xà-lê, tri thức thân tình của con.» Vì Xá-lợi-phất và Mục-liên không nhận được phòng để ngủ nên phải ngủ bên ngoài bờ đất. Sáng ngày, Xá-lợi-phất và Mục-liên đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Xá-lợi-phật và Mục-liên: «Trong đêm ngủ có an lạc không?» Thưa: «Bạch Thế Tôn, an lạc.» Đức Thế Tôn hỏi: «Ngủ ở chỗ nào?» Thưa: «Ngủ bên ngoài bờ đất.» Hỏi: «Tại sao vậy?» Hai tôn giả đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Bấy giờ đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng và bảo rằng: «Theo ý các ngươi, ai xứng đáng ngồi chỗ thứ nhất, nhận nước trước, thọ thực trước; được đứng dậy nghinh đón, lễ bái, cung kính, tôn trọng, hỏi chào?» Có vị trả lời, người đại tánh xuất gia; có vị trả lời, người tướng mạo đoan chánh; có vị trả lời, [940a1] người sống a-lan-nhã; có vị trả lời, vị nào trì khất thực; có vị trả lời, người trì y phấn tảo; có vị trả lời, vị làm pháp dư thực không ăn; có vị trả lời, vị nhất tọa thực; có vị trả lời, vị nhất đoàn thực; có vị trả lời, người sống nơi bãi tha ma; có vị trả lời, người ngồi nơi đất trống; có vị trả lời, người sống dưới gốc cây; có vị trả lời, vị thường ngồi; có vị trả lời, vị tùy tọa; có vị trả lời, vị trì ba y; có vị trả lời, vị có khả năng tụng kinh; có vị trả lời, vị đa văn; có vị trả lời, vị pháp sư; có vị trả lời, vị trì luật; có vị trả lời vị ngồi thiền... Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Các tỳ-kheo, hãy lắng nghe câu chuyện nên cho hay không nên cho. «Thuở quá khứ, có ba con vật bạn: voi, khỉ và con tu hú,[30] cùng sống trên cây Ni-câu-luật. Một hôm, ba con vật này suy nghĩ: ‘Chúng ta sống chung, sao không cung kính nhau mà lại khinh mạn nhau? Chúng ta nên tìm hiểu tuổi lớn nhỏ để rồi theo thứ tự lớn nhỏ mà cung kính lẫn nhau. Nếu ai lớn tuổi, thì sẽ được tôn trọng cung kính cúng cường. Lập ra phép tắc như rồi, chúng ta sống chung trong rừng.’ Khỉ và tu hú hỏi con voi: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Voi nói: ‘Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, khi tôi đi, cây ni-câu-luật này mới đụng ngang rốn.’ Voi và tu hú hỏi con khỉ: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Vượn trả lời: ‘Tôi nhớ lúc còn nhỏ đưa tay thì cây ni-câu-luật này mới ngang đầu.’ Voi nói với con khỉ rằng: ‘Như vậy là bạn lớn hơn tôi.’ Voi và con khỉ hỏi con tu hú: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Tu hú trả lời: ‘Tôi nhớ ở bên hữu núi chúa Tuyết sơn có cây ni-câu-luật rất lớn. Tôi ăn trái nơi cây đó, rồi đến đây đại tiện ra hột nên mọc lên cây ni-câu-luật này.’ Hai con kia đều nghĩ: ‘Con chim này lớn tuổi hơn mình.’ Bấy giờ, voi cõng khỉ trên đầu. Khỉ lại cõng tu hú trên vai. Rồi cùng nhau du hành trong nhơn gian. Từ thôn này đến thôn kia, từ thành này đến thành nọ, và tuyên bố: ‘Người nào có sự kính trọng bậc Trưởng lão thì người ấy có thể an trú nơi pháp này, đời này có danh dự, đời sau sanh nơi đường lành.’ Bấy giờ, tu hú nói pháp như vậy, mọi người đều tùy thuận, và sự giáo huấn này cũng được truyền khắp. «Các ngươi là những người xuất gia trong giáo pháp của Ta, cũng nên cung kính với nhau như vậy thì Phật pháp mới được truyền khắp. Từ nay về sau cho phép tùy theo lớn nhỏ mà cung kính lễ bái, nghinh đón hỏi chào bậc thượng tọa.» Khi các tỳ-kheo nghe đức Phật dạy là các tỳ-kheo nên tùy theo lớn nhỏ cùng nhau cung kính bậc thượng tọa, các vị lại lễ bái người bạch y, và nói rằng: «Ông lớn tuổi hơn tôi.» Đức Phật dạy: «Không nên lễ bái người bạch y. Các ngươi đối với người nào nên lễ, và không nên lễ như sau: «Không nên lễ là tất cả những người nữ. Người thọ đại giới trước không lễ người thọ đại giới sau. Những người nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu, phi nhơn, súc sanh, hai căn, bị cử, diệt tẫn, đáng diệt tẫn, và tất cả những người nói phi pháp, đều không nên lễ. «Những người nào nên lễ? sa-di-ni nhỏ nên lễ sa di ni lớn, lễ sa-di, thức-xoa-ma-na, tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo, và tháp của những vị, tất cả đều nên lễ. Hoặc sa-di niên thiếu nên lễ sa-di lớn, lễ sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, cho đến tỳ-kheo và tháp, tất cả đều nên lễ. Thức xoa-ma-na nhỏ nên lễ thức xoa-ma-na lớn, lễ tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo và tháp; thảy đều nên lễ. Tỳ-kheo-ni tuổi nhỏ nên lễ tỳ-kheo-ni lớn, tỳ-kheo và tháp; thảy đều nên lễ. Tỳ-kheo nhỏ nên lễ tỳ-kheo lớn, và tháp của tỳ-kheo, cũng nên lễ. Tất cả chư Thiên, người đời, chư ma, phạm vương, Sa-môn, bà-la-môn đều nên kính lễ Như Lai Thế Tôn, và tháp.» Khi Đức Thế Tôn dạy kính lễ tháp như vậy, thì các vị lại lễ tháp miếu của bạch y. Đức Phật dạy: «Không nên lễ tháp miếu của bạch y.» Có vị đã không lễ tháp miếu của bạch y, lại đi quanh phía bên tả.[31] Vị thần bảo hộ tháp miếu giận. Đức Phật dạy: «Tùy theo hướng đi đến mà đi. Không nên cố ý đi quanh phía bên tả.» Các tỳ-kheo nghĩ, «sa-di nên lấy tuổi đời làm lớn nhỏ hay lấy năm xuất gia làm lớn nhỏ?» Đức Phật dạy: «Nên lấy tuổi đời làm lớn nhỏ. Nếu tuổi đời bằng nhau thì nên lấy tuổi xuất gia làm lớn nhỏ.» Có vị tỳ-kheo nọ đến trước. Tỳ-kheo đến sau lớn hơn một đêm.[32] Vị đến sau bèn dời tỳ-kheo đến trước đi. Đức Phật dạy: «Không nên dời, cũng không nên đứng dậy. Cho phép ngồi vào giữa.[33] Khi ngồi vào giữa, lại có sự xê dịch với nhau khiến cho chúng bị náo loạn. Đức Phật dạy: «Cho phép vị đến sau thì ngồi sau.» Khi cho ngồi sau, họ lại ngồi sau bạch y. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị lại ngồi sau sa-di. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy. Nên ngồi dưới đại tỳ-kheo.» Có vị không kịp hậu an cư. Lấy số thọ đại giới mà tính tuổi. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Hòa thượng A-xà-lê nên giáo thọ về thời tiết như sau: Mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, ông được bao nhiêu ngày. Hoặc một tháng, hoặc nửa tháng, hay một ngày; hoặc bữa ăn trước, bữa ăn sau, cho đến theo bóng của mặt trời mà tính. Nhóm sáu tỳ-kheo ở trong nhà bạch y, thấy Thượng tọa đến, không đứng dậy chào, lại nói: «Đây không phải là Tăng địa.» Phật nói: «Không nên nói như vậy. Nên đứng dậy chào.» Nơi mé nước, dưới gốc cây, bên hòn đá, trên bãi cỏ, trên thuyền, có vị không đứng dậy tránh Thượng tọa, lại nói: «Đây không phải là Tăng địa.» Đức Phật dạy: «Nên đứng dậy.» 8. Trú trì Có cư sĩ làm phòng cho Tăng mà không vị nào đến ở, cư sĩ kia nói: «Đại phú trưởng giả nhiều của nhiều tiền, làm phòng cho Tăng, Sa-môn Thích tử đến ở. Còn tôi nghèo khổ, đâu có vị nào đến ở!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Chúng Tăng nên sai một tỳ-kheo đến ở[34] bằng bạch nhị yết-ma, theo pháp thức sau: trong chúng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem phòng[35]... này cho tỳ-kheo tên là... liệu lý. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Phòng… này giao cho tỳ-kheo... liệu lý.[36] Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đem phòng... này giao cho tỳ-kheo tên... liệu lý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận giao phòng... này cho tỳ-kheo... liệu lý rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 9. Phòng ốc Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn làm phòng.[37] Đức Phật cho phép. Có vị muốn ban đất cho bằng. Phật cho phép. Nếu có đá, gốc cây, gai, nên dọn dẹp. Nếu có hầm, có kênh, chỗ cao chỗ thấp thì nên làm cho bằng. Nếu cần đề phòng nạn nước lũ thì nên đắp bờ ngăn. Nếu sợ đất có chủ, hoặc nói lôi thôi thì nên giải quyết cho phân minh. Nếu có gốc cây lớn hoặc đá thì nên bứng đi. Không bứng được thì nên đốt. Nếu vẫn không đi,[38] thì sau khi đốt, chế nước hay giấm[39] vào, rồi kê đá mà bẩy đi. Nếu khó phá thì nên dùng chùy sắt để phá ra. Nếu không thể được thì đào cái hầm một bên rồi chôn xuống. Có vị cần ban đất cho bằng. Sau khi cày, cần ban cho phẳng. Không biết ai có thể ban. Phật nói, hoặc tỳ-kheo, hoặc sa-di, hay người coi Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc. Có vị cần ngói. Phật cho phép làm, hoặc tự làm hay bảo người làm đều được. Có vị cần khuôn làm ngói. Phật cho phép sắm. Có vị lấy bùn trét vào khuôn ngói. Phật dạy nên dùng vải xấu, nhúng vào nước, lau xung quanh. Chỗ làm ngói có cỏ. Phật dạy nên làm chỗ không có cỏ. Nếu ngói không khô thì nên lật lại. Khi lật, bị đứt cỏ, không phạm. Ngói không [941a1] bằng thì nên gọt cho bằng. Nếu ngói khô thì nên chất đống lại. Nếu trời mưa thì nên tủ lên trên. Nếu gió thổi thì nên lấy cây hay đá đè lên trên. Nếu sợ trâu, dê, hay các loài súc sanh ăn cỏ tủ lên trên, thì nên lấy bùn bôi lên trên cỏ. Có vị cần cánh cửa, cho làm cánh cửa. Có vị làm hình rồng rắn bên cửa cánh cửa. Phật dạy, không được làm hình tượng như vậy. Cho phép vẽ hình dây nho hay hình bông sen. Có vị muốn làm hình lá cây nơi cánh cửa. Phật cho phép làm. Có vị muốn làm hình binh mã. Đức Phật dạy, không nên làm như vậy. Nên dùng màu tía hay màu chu, hay năm màu để làm. Có vị dựa vào, nên màu bị mất. Phật dạy, không được dựa như vậy. Có vị Thượng tọa kia già bệnh, và tỳ-kheo từ đường xa mới đến. Tỳ-kheo nếu không dựa thì thân không an ổn. Đức Phật dạy, cho phép dùng cỏ, lá, vỏ cây hay một trong mười loại y lót sau lưng để dựa. Có tỳ-kheo kia ban ngày, chỗ đông người, nằm sát đất mà ngủ. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm, nói Sa-môn Thích tử tự xưng là giác ngộ mà ban ngày nằm sát đất ngủ hay sao? Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được nằm như vậy. Có Thượng tọa kia già bệnh, và tỳ-kheo từ đường xa đến, vì ban ngày không ngủ, nên rất mỏi mệt. Đức Phật cho phép vào trong phòng đóng cửa lại rồi ngủ. Có vị đuổi người bệnh. Phật dạy, không được đuổi người bệnh. Người bệnh cũng không nên đi. Nhóm sáu tỳ-kheo lấy cớ bệnh không tránh Thượng tọa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được lấy cớ như vậy. Tỳ-kheo bệnh ở trên lầu gác, nơi phòng lớn, đại tiểu tiện, khạc nhổ, nhơ bẩn hôi thối, không sạch. Đức Phật dạy tỳ-kheo bệnh không nên ở trên lầu gác, nơi phòng lớn. Nên ở nơi phòng nhỏ, hoặc làm nhà riêng biệt. Tỳ-kheo bệnh không thể đến chỗ đại tiểu tiện. Đức Phật dạy cho phép làm nơi đại tiểu tiện gần chỗ ở nhất. Nếu không thể ra khỏi phòng, cho phép để đồ đại tiểu tiện trong phòng, hay không thể đứng dậy ra khỏi giường đức Phật cho phép đục cái lỗ nơi giường, bên dưới để cái bô. Có bệnh nhân khạc nhổ trong phòng, bẩn đất. Đức Phật dạy, không nên nhổ như vậy. Có tỳ-kheo già yếu, là bậc Thượng tọa, dậy nhiều lần, mệt. Đức Phật cho phép làm đồ để nhổ. Trú xứ nọ đông người, vị kia bắt rận bỏ dưới đất. Đức Phật dạy, không nên bỏ như vậy. Có tỳ-kheo già bệnh, là bậc Thượng tọa, phải dậy nhiều lần để vất rận, nhọc mệt. Đức Phật dạy, cho phép bỏ trong đồ đựng, hoặc lông, hoặc kíp bối, hoặc vật xấu rách hay bông. Nếu rận bò ra, thì nên dùng cái ống để đựng. Có vị dùng vật báu làm ống đựng. Phật dạy, không được dùng vật quý báu làm ống. Cho phép dùng xương, răng, sừng, sắt, đồng, thiếc, chì, ống tre, trúc cây... để làm ống đựng rận. Nếu rận bò ra ngoài thì dùng đồ đậy lại. Có vị dùng vật báu làm đồ đậy. Đức Phật dạy, không nên dùng vật báu làm đồ đậy. Nên dùng xương, răng, cho đến cây để làm. Để chỗ không ổn định, Phật bảo nên dùng dây cột vào trong chân giường. Bấy giờ, tỳ-kheo phân phòng. Có tỳ-kheo nhận được phòng hư đổ. Vị đó nghĩ như vầy: «Chắc muốn khiến ta tu bổ phòng?» Nên không nhận. Đức Phật dạy nên nhận rồi tùy theo khả năng mà tu bổ. Có tỳ-kheo muốn tu bổ phòng, đức Phật cho phép tu bổ. Tất cả vật cần thiết, đều cho phép cung cấp. 10. Tường rào chùa Thế Tôn từ Tỳ-xá-ly du hành trong nhân gian, qua nước Bạt-xà, đến nước Xá-vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo. Bấy giờ Cấp Cô Độc Thực nghe đức Thế Tôn đến nước Xá-vệ, liền đánh xe đi nghinh đón. Từ xa thấy đức Phật liền xuống xe, đi bộ đến trước mặt đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì Cấp Cô Độc Thực nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Hoan hỷ rồi, Cấp Cô Độc Thực bạch đức Thế Tôn: «Cúi xin Ngài nghỉ nơi Kỳ-hoàn. Sáng mai con thỉnh thọ thực.» Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Cấp Cô Độc Thực biết đức Phật nhận lời rồi, kính lễ cáo lui. Về nhà, trong đêm Cấp Cô Độc Thực chuẩn bị các thức ăn ngon béo rồi, sáng ngày đến thỉnh Phật phú trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, đến nhà ăn, an tọa nơi chỗ ngồi. Cấp Cô Độc Thực tự tay châm chước các thức ăn ngon bổ cúng dường Phật và chúng Tăng một cách đầy đủ. Ăn xong, cất bát, ông dùng bình bằng vàng dâng nước rồi bạch Phật: «Con xin dâng cúng ngôi vườn Kỳ-hoàn lên đức Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn thâu nhận.» Đức Phật dạy: «Này Cư sĩ, Ông nên đem ngôi vườn này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Này cư sĩ, nếu là vườn hay vật trong vườn, phòng hay vật trong phòng, nhà hay vật trong nhà, y bát, tọa cụ, ống đựng kim, của Thế Tôn, thì tất cả chư thiên, người đời, sa-môn, bà-la-môn, ma phạm không thể sử dụng được.» Theo lời dạy, cư sĩ liền dâng cúng ngôi vườn lên đức Phật và bốn phương Tăng. Đức Thế Tôn dũ lòng thương thọ nhận và nói kệ khuyến dụ: Trồng cây trái lập vườn, Hoặc lập cầu và đò, Đào giếng nơi hoang vắng, Và bố thì phòng xá. Những hạng người như vậy, Ngày đêm phước tăng ích. Nên giữ giới như pháp Sau được sanh đường lành. Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Cấp Cô Đôc Thực nghe pháp hoan hỷ rồi, kính lễ sát chân, cáo lui. Bấy giờ trong vườn Kỳ-hoàn bò, dê ra vào tự do không có giới hạn ngăn cấm. Đức Phật bảo đào hào xung quanh cho chúng khỏi vào. Các tỳ-kheo già bệnh là bậc Thượng tọa không thể bước qua được. Phật cho phép làm cầu để đi. Các vị ấy không biết làm thế nào. Phật bảo dùng ván hay gỗ để làm, hoặc dùng dây cột nối liền. Các tỳ-kheo Thượng tọa già bệnh khi đi qua cầu, trượt chân bị ngã xuống. Đức Phật cho phép buộc dây hai bên để vịn. Nếu nắm sợi dây bị té thì nên làm lan can hai bên. Nếu hào không bảo đảm thì nên làm hàng rào. Không có cửa ngõ thì cho phép làm cửa ngõ. Nếu hàng rào không bảo đảm thì nên xây tường. Khi xây tường, cần thứ gì đều cho phép sắm để xây. Nếu không bảo đảm thì nên làm cổng có lầu. Vương tử Kỳ-đà tử muốn làm cổng lầu quý giá tại Kỳ-hoàn[40] được đức Phật đồng ý. Cây nơi vườn Kỳ-hoàn không được tốt. Phật bảo trồng ba thứ cây, cây bông, cây có trái và cây nhiều lá. Bấy giờ, có vị tỳ-kheo Thượng tọa, nổi tiếng nhiều người biết, thọ thực nơi Xá-vệ rồi trở về Kỳ-hoàn bị bịnh nhiệt. Đức Phật cho phép dùng cỏ hay lá cây để che, hay lấy một trong mười loại y để che. Nếu vẫn cứ nóng thì nên trồng hai bên đường bằng ba thứ cây trên. Kỳ-hoàn cách dòng nước xa, Phật cho phép đào mương dẫn nước vào. Mương sạt lỡ, Phật cho phép dùng cỏ để chận. Nếu cỏ bị rã nát, thì nên dùng gạch, đá hay cây để chận. Nếu cần đào giếng thì đào giếng, tất cả những thứ cần dùng đều cho sắm. Khi xách nước, bị bùn làm vỡ gàu xách, cho phép dùng cây gỗ lót xung quanh, để gàu vào giữa. Nếu đồ múc vẫn bị vỡ, cho phép dùng túi bằng lông[41] để đựng. Nếu vẫn bị vỡ, cho phép dùng da thuộc để làm. Nếu dây kéo bị đứt thì nên dùng da. Tỳ-kheo không quen xách, bị đau tay, cho phép dùng bánh xe để quay. Nếu lỗ bánh xe bị hư thì cho phép dùng sắt để làm. Nếu bị nước chảy ngược vào trong giếng thì nên dùng đá, gạch hay cây gỗ ngăn bốn bên. Nếu sợ chỗ rửa, nước đọng lại thành bùn bẩn, thì dùng gạch, đá để lót. Nếu sợ trẻ nít rơi xuống giếng thì nên dùng cây hay gạch đá làm lan can ngăn. Nếu xách nước, gàu bị đứt dây rớt xuống giếng, thì nên dùng móc để móc lên. Cái gàu không có chỗ để ổn định. Đức Phật [942a1] cho làm cái giá gần bên giếng để móc cái gàu lên. 11. Nhà tắm Kỳ-hoàn chưa có nhà tắm. Phật cho phép làm. Các vị ấy không biết cách làm. Phật bảo làm vuông hay tròn hoặc tám cạnh. Các vị ấy làm phía trước nhà. Đức Phật nói không nên làm trước nhà mà nên làm một bên, nơi chỗ khuất. Nhà tắm bị gió lạnh. Phật cho làm cửa để đóng lại. Bị khói, cho làm lỗ thông hơi. Bị tối, cho làm cửa sổ. Bị bùn, cho dùng gạch, đá, cây làm cái ghế ngồi tắm. Bị bùn bẩn chân, cho dùng đá hay gạch lót nền. Nếu đầu cây trật khớp, nên đục thành răng chó, ép lại với nhau. Bấy giờ, khi Thượng tọa muốn mát, thì nhóm sáu tỳ-kheo đóng cửa. Khi Thượng tọa muốn ấm, nhóm sáu tỳ-kheo lại mở cửa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: phải theo yêu cầu của chúng mà đáp ứng. Nhóm sáu tỳ-kheo vào nhà tắm trước, chiếm lấy chỗ tốt. Thượng tọa đến sau không có chỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy nên tùy theo thứ tự mà ngồi. Vị Thượng tọa không vào, bỏ chỗ trống. Đức Phật dạy, vị thứ tọa nên ngồi. Khói xông lên mặt, Phật cho phép dùng vật để ngăn. Đầu bị nóng, cho phép trùm lại. Lưng nóng, cho phép che. Thân hôi thối, cho phép dùng bùn để tắm. Có tỳ-kheo nọ nghi, không dám dùng hương trộn với bùn. Đức Phật cho phép dùng hương để tắm. Trong nhà tắm, đất bị nóng, cho phép tưới nước cho mát. Có vị cùng bạch y tắm, xem đuôi của nhau, rồi nói, «đuôi người này dài,» «cái đuôi người kia to.» Phật dạy, không được tắm chung với bạch y. Nếu người nào xưng tán Phật, Pháp, Tăng thì cho phép tắm chung. Các tỳ-kheo dùng y trải dưới đất trống, trời mưa ướt. Đức Phật cho phép xếp lại rồi máng trên vách, trên móc long nha, trên trụ cột hoặc trên giá y. Có vị lo ngại khói xông bẩn y. Đức Phật cho phép làm nhà để y riêng. Có vị khỏa thân chà mình cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân chà mình cho người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân, nghi, e ngại không dám chà mình cho người khỏa thân. Đức Phật cho phép. Có vị khỏa thân cạo tóc cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân cạo tóc cho người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân cạo tóc cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân xỉa răng. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân rửa tay, rửa chân, rửa mặt. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân ăn. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đại tiểu tiện. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị lộ hình kính lễ người lộ hình. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân kính lễ người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân kính lễ người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đi đường. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đi kinh hành. Phật dạy, không được làm như vậy. 12. Dùng nước Bấy giờ, nhà tắm nơi Kỳ-hoàn cách xa nước. Phật cho phép đào mương hay đào giếng đem nước vào, như trên. Nếu nước ít thì nên đào mương cho lớn. Có vị xách nước đau tay. Phật cho phép làm con quay để quay. Không biết chứa nước chỗ nào. Phật cho phép đựng trong cái ghè. Khi xách nước, lúc trời mưa, có vị lo y bị ướt. Phật cho phép làm cái nhà trên cái giếng. Tỳ-kheo khỏa thân xách nước, thấy phụ nữ đến, hổ thẹn bèn ngồi xuống. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được làm như vậy. Các tỳ-kheo tắm nơi suối, nơi kênh, nơi ao, long nữ giận cơ hiềm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được tắm như vậy, cho phép dùng bốn loại tắm được che kín: hoặc chỗ có vách che; hoặc chỗ có lá cây, cỏ che; hoặc lấy nước che thân; hoặc dùng y để che thân.[42] Nếu tắm tại ba chỗ trên, cần dùng thứ gì cho phép được trao đổi lẫn nhau. Dùng y che thân, tất cả đều như pháp. Người xây cất, được phép tắm. Nếu nước ít thì nên mở rộng chỗ nước. Nếu sợ nước rò rỉ xuống nhiều, thì nên làm chỗ rò nhỏ ở mé. Các tỳ-kheo tắm nơi đất trống, mắc bệnh. Đức Phật dạy cho phép làm cái nhà tắm nhỏ để tắm. Nếu đất nơi nhà tắm bị bùn, cho phép dùng gạch đá hay cây hoặc đá dăm, cát để lót. Nước đọng lại, cho phép mở đường tháo nước ra ngoài. 13. Đất trống 1. Các tỳ-kheo nấu nước nơi đất trống, trời mưa y bị ướt. Đức Phật cho phép làm nhà để nấu nước. Các tỳ-kheo để củi tươi nơi chỗ đất trống, trời mưa bị ướt. Đức Phật cho phép làm nhà để củi. Có tỳ-kheo coi nấu thức ăn nơi chỗ đất trống, trời mưa y bị ướt làm bẩn vật đựng thức ăn của tịnh nhơn. Đức Phật dạy cho phép làm tịnh trù để nấu thức ăn. Bấy giờ, các tỳ-kheo được nhà bạch y mời thọ thực, trên đường đi bị mưa ướt y. Đức Phật dạy cho phép nơi khoảng không gian xóm làng nên thiết lập Tăng-già-lam. 2. Tỳ-kheo đại tiểu tiện nơi đất trống, người nữ thấy, tỳ-kheo vội vàng đứng dậy. Đại tiện chưa xong nên sanh bệnh. Đức Phật cho phép làm nhà vệ sinh. Kia chỉ làm một chỗ đại tiện, gặp lúc nhiều người đi phải đứng chờ. Phật cho phép làm nhiều chỗ, nên làm cửa, nên ngăn đừng cho thấy nhau. Tỳ-kheo Thượng toạ già bệnh, đại tiểu tiện xong bị té. Phật cho phép làm lan can hai bên. Có vị đại tiện xong chùi lung tung, hoặc nơi góc tường hoặc nơi hòn đá, hoặc trên cỏ. Phật dạy, không được chùi như vậy. Nên làm chỗ rửa riêng biệt. Có vị tiểu tiện lung tung bẩn đất. Phật dạy, không được tiểu như vậy. Nên tiểu tiện một chỗ ở mé. Nếu vẫn lo ngại bị bẩn thì làm riêng chỗ tiểu tiện. Các vị ấy không biết làm cách nào. Phật dạy đào một cái hầm, bên dưới để hòn đá, đặt một cái ghè lên. Chọc thủng đáy ghè để chỗ rút nước, hai bên lót cây. Nếu sợ hôi thối thì nên đậy lại. 3. Các tỳ-kheo kinh hành nơi đất trống, có rắn, bò cạp, rít. Tỳ-kheo chưa ly dục, thấy sợ. Đức Phật cho phép làm chỗ kinh hành treo. Các thầy không biết cách làm. Đức Phật bảo đào đất trồng trụ rồi lót ván lên trên để đi. Sợ mưa gió, thì làm nhà che bên trên. 14. Lò sưởi Phật ở tại Câu-thiểm-di. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng tơ lụa vẽ vời trang sức trong phòng, đốt lửa hơ ấm, khói xông bẩn phòng, bẩn ngọa cụ. Phật dạy, không được làm như vậy. Các tỳ-kheo mùa đông bị lạnh. Phật cho phép nhúm lửa nơi đất trống để hơ cho ấm. Nhúm lửa nơi đất trống ngồi, bị lạnh sau lưng. Đức Phật cho phép nhen lửa bên ngoài, để cho hết khói rồi bưng vào trong phòng để hơ. Nếu có nhiều người không chấp nhận thì làm riêng nhà sưởi ấm.[43] Các thầy không biết làm sao. Đức Phật cho phép làm vuông, tròn hoặc dài. Có vị nhúm bếp lung tung. Phật dạy, không được làm như vậy, nên để chính giữa một cái hỏa lò. Các tỳ-kheo nhận được cái lò hình bánh xe.[44] Đức Phật cho phép chứa dùng. Các thầy không biết cho ai đẩy đi. Đức Phật dạy nên giao cho sa-di hoặc tỳ-kheo hay người giữ Tăng-già-lam. Tỳ-kheo kia không quen thổi lửa, nên thổi lửa mà sinh bệnh. Đức Phật cho phép làm cái ống để thổi. Có vị dùng vật báu để làm ống thổi. Phật dạy, không được dùng vật báu làm mà nên dùng xương, đồng, thiếc hay cỏ xá la, tre, trúc, cây để làm. Nếu sợ miệng ống thổi bị cháy thì cho phép dùng miếng sắt bao ngoài, đừng để củi lửa trong bếp rớt lên trên. Nếu sợ nóng tay nên làm cái kẹp. Có vị dùng vật báu làm cái kẹp. Phật dạy, không được dùng như vậy. Nên dùng xương, răng, đồng, thiếc hay cây để làm. Nếu sợ cái đầu ống bị cháy, cho dùng miếng sắt để bao lại. Có vị muốn gom lửa lại, cho làm cái cào để cào. Muốn giữ lửa lại, cho moi cái hầm cho lửa xuống. Nếu sợ lửa tắt thì dùng tro phủ lên trên. Các tỳ-kheo dùng nước lạnh rửa mặt, rửa tay, rửa chân nên bị lạnh. Đức Phật [943a1] cho phép nấu nước nóng để rửa. Các thầy không biết cách nấu. Đức Phật bảo dùng ghè tắm đựng đầy nước để bên lửa. Nếu ghè nhiều để bên lửa không đủ chỗ, làm ba cái nạng chống. Đổ nước đầy cái vò lớn rồi đặt lên đó mà hâm nóng. Nếu cái vò đun lớn khiến cho lửa bị ngộp, thì nên dùng dây treo lên. Nếu dây bị cháy thì dùng ống tre bao cái dây. Nếu ống tre bị cháy thì dùng bùn trét bên ngoài. Khi rót nước, ống bị gãy. Đức Phật bảo nên lấy vật khác kẹp lấy. Khi rót nước sợ chảy ra ngoài nên dùng ống để rót. Nếu cái dây treo bị đứt nên lấy sắt làm cái khâu để móc. Mùa đông, các tỳ-kheo rửa chân bị lạnh. Đức Phật dạy nên để thau rửa mặt, nước rửa chân trong nhà mà rửa. Khi rửa, cần thứ gì nên cung cấp thứ ấy. Buổi sáng, tỳ-kheo thức dậy xoa dầu nơi chân, vào xóm khất thực, người nữ kính lễ sát chân, dầu dấy nơi tay rồi cầm bình bát tỳ-kheo. Các tỳ-kheo khác thấy gớm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy, sáng sớm thức dậy không nên thoa dầu nơi chân rồi đi vào xóm khất thực. Các tỳ-kheo chân bị nứt, cho phép thoa dầu từ gót chân cho đến ngón chân. Bấy giờ, chúng Tăng nhận được phòng một tầng. Đức Phật cho phép ở. 15. Thọ nhận phi pháp Thế Tôn từ nước Ma-kiệt đến thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng các thứ có thêu vẽ hình tượng nam nữ trang hoàng phòng ốc, nhà cửa cho đức Thế Tôn. Phật dạy, không được làm như vậy. Cho phép dùng hình vằn vện của cầm thú có nhiều màu để trang hoàng. Chúng Tăng nhận được hai phòng một cửa. Đức Phật cho phép ở. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ tôn giả A-nan nhận được phòng riêng. Đức Phật cho phép sử dụng. Bấy giờ La-hầu-la ở trong rừng Na-lê. Tại đây có cư sĩ không quyên góp ai mà tự mình làm phòng xá cúng cho La-hầu-la. La-hầu-la ở phòng này một thời gian, rồi du hành trong nhân gian. Cư sĩ nghe La-hầu-la du hành nhơn gian lại đem phòng xá cúng cho chúng Tăng. Khi đức Thế Tôn từ Ma-kiệt-đề du hành trong nhân gian, đến trong rừng Na-lê trải chỗ ngồi an tọa, lúc này La-hầu-la nghe cư sĩ đã đem phòng cúng cho chúng Tăng, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: «Tại Na-lê, có cư sĩ không quyên góp ai mà tự mình làm phòng cúng cho con. Con ở nơi phòng đó một thời gian rồi du hành trong nhân gian. Sau đó, cư sĩ kia lại đem phòng ấy cúng cho chúng Tăng.» Đức Phật bảo La-hầu-la: «Ngươi đến chỗ cư sĩ hỏi thế này: Chẳng lẽ ông thấy tôi có điều gì đáng trách, không thanh tịnh, chẳng phải pháp sa-môn, hoặc do miệng nói ra, hay do thân làm tà vạy?» La-hầu-la vâng lời dạy của đức Thế Tôn, đến chỗ cư sĩ kia nói như trên. Cư sĩ trả lời: «Con không thấy Tôn giả có điều chi đáng trách, và chẳng phải pháp Sa-môn, hoặc do miệng nói, hay do thân làm không thanh tịnh cả.» Bấy giờ, La-hầu-la đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch với đức Thế Tôn: «Vừa rồi theo lời dạy của Như lai, con đến chỗ cư sĩ hỏi, cư sĩ kia trả lời: con không thấy Tôn giả có điều chi đáng trách đối với pháp Sa-môn, cũng không có việc chi là không thanh tịnh, hoặc do miệng nói, hay do thân làm.» Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, bảo rằng: «Các thầy khéo lắng nghe: Bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp; bố thí như pháp, thọ nhận như pháp, ở như pháp.» Thế nào là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp? Hoặc có người tự tâm hỷ lạc, làm phòng đem dâng cúng cho một người; rồi lại đem cúng cho nhiều người. Như vậy là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp. Cúng cho một người; rồi lại đem cúng cho chúng Tăng, cũng như vậy. Cúng cho một người rồi, Tăng bị phá làm hai bộ, cúng cho đồng bộ của mình, cũng như vậy. Cúng cho một người rồi, cúng cho khác bộ cũng như vậy. Hoặc có người tự tâm hỷ lạc, làm phòng dâng cúng cho số đông người; rồi lại đem dâng cúng cho chúng Tăng. Tức là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp. Cúng cho số đông người rồi, Tăng bị phá làm hai bộ, cúng cho đồng bộ của mình cũng như vậy. Cúng cho số đông người rồi, cúng cho khác bộ cũng như vậy. Cúng cho số đông người rồi cúng cho một người cũng như vậy. Làm phòng cúng cho Tăng rồi chuyển cúng cho người khác cũng như vậy. Làm phòng rồi cúng cho đồng bộ của mình cũng như vậy. Làm phòng rồi cúng cho khác bộ cũng như vậy. Đó gọi là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp. Thế nào là bố thí như pháp, thọ nhận như pháp, ở như pháp? Hoặc có người hỷ lạc tự làm phòng cúng cho một người là cúng như pháp, nhận như pháp, ở như pháp. Cúng cho số đông người, cúng cho Tăng, cúng cho hai bộ Tăng cũng như vậy. Đó gọi là cúng như pháp, nhận như pháp, ở như pháp. 16. Tứ phương Tăng vật Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo du hành nhơn gian tại nước Ca-thi. Bấy giờ tại nước Ki-liên[45] có bốn cựu tỳ-kheo A-thấp-bệ, Bất-na-bà-sa, Ban-đà, Lâu-hê-na.[46] Bốn tỳ-kheo này nghe đức Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo du hành nhơn gian sẽ đến Ki-liên. Hai đệ tử của đức Thế Tôn là Xá-lợi-phất và Mục-liên cũng sẽ đến đây đuổi chúng ta ra khỏi trú xứ này. Chúng ta có thể chọn lựa một thượng phòng dành cho đức Thế Tôn, ngoài ra chia làm bốn phần tư hữu. Tăng-già-lam, vật của Tăng-già-lam, phòng xá, vật của phòng xá làm phần của tỳ-kheo thứ nhất. Hũ, ghè, nồi, vạc, búa, đục, đèn, đài, các vật nặng linh tinh làm phần của tỳ-kheo thứ hai. Giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, ngọa cụ tạp vật làm phần của tỳ-kheo thứ ba. Cây, gỗ, tre, cỏ, bông trái làm phần của tỳ-kheo thứ tư. Bốn cựu tỳ-kheo chọn lựa thượng phòng dành cho đức Thế Tôn, ngoài ra phân chia làm bốn phần như trên. Đức Thế Tôn từ nước Ca-thi du hành trong nhân gian, đến Kỳ-liên, trải chỗ ngồi an tọa, rồi bảo Xá-lợi-phất và Mục-liên đến nói với cựu tỳ-kheo kia: «Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo đến Ca-thi. Các thầy cần phải dọn chỗ nằm cho các tỳ-kheo.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên vâng lời dạy của đức Thế Tôn đến chỗ cựu tỳ-kheo bảo họ trải năm trăm chỗ nằm. Cựu tỳ-kheo trả lời: «Đức Thế Tôn là Pháp chủ, có thể tùy ý đi hay ở. Chúng tôi đã chọn lựa một thượng phòng dành cho đức Thế Tôn. Ngoài ra, chúng tôi đã chia làm bốn phần như trên. Không còn ngọa cụ nào cho Tỳ-kheo khách.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên đến chỗ đức Thế Tôn đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng rồi bảo rằng: «Bốn phần đây là vật của bốn phương Tăng, không nên chia, không nên đem về cho mình, không nên mua bán, cũng chẳng phải vật mà Tăng được bán, chẳng phải của nhiều người cho đến một người được quyền bán. Nếu Tăng hay số đông người hoặc một người tự nhập vào của mình, hoặc chia, hoặc mua bán thì không thành, tự nhập không thành, chia không thành, mua bán không thành, phạm thâu-lan-giá.» Thế nào là vật của Tăng bốn phương?[47] Tăng-già-lam và vật của Tăng-già-lam; phòng và vật của phòng. Đây là phần thứ nhất. Vật của bốn phương Tăng không nên chia, không nên nhập vào của mình, không nên mua bán. Cho dù là Tăng hay số đông người, hay một người cũng không được chia, không được nhập vào của mình, không được mua bán. Nếu Tăng hay số đông người hoặc một người, đem chia, đem về cho mình hay số đông người hoặc một người, đem chia, đem về cho mình hay mua bán, thì không thành phân, không thành của mình, không thành mua bán, phạm thâu-lan-giá. Phần thứ hai, phần thứ ba cũng như vậy. Trong phần thứ tư, bông trái cho phép chia, hoặc bông hoa dâng lên đức Phật, ngoài ra cũng như trên.[48]
Chú thích: [1] Năm tỳ-kheo đầu tiên. [2] Xem Phần iii, ch.i, cht. 123. [3] Xem Phần iii, ch.i, Thọ giới. tr. 72. [4] Pali, Cullavagga vi. Sesānakkhandhakaṃ, Vin.ii. 246: Thế tôn cho phép năm loại phòng xá (pañca leṇānī): vihāraṃ: tinh xá, aḍḍhayogaṃ: nhà mái bằng, pāsādaṃ: nhà lầu, hammiyaṃ: tầng gác, guhaṃ: hang cốc. [5] Biệt phòng 別房. Pali (Vin.ii. 148): vihāra, tinh xá. [6] Lâu các 樓閣, thực chất là nhà sàn. Pali: pāsāda. Xem cht. 4 trên. Cf. Vin. ii. 146 [7] Tỳ-ma-na phòng 毘摩那房. Pali: vimāna, thiên cung. Có lẽ chính xác là hammiya: tầng gác. Xem cht. 4 trên. [8] Tượng hình phòng 象形房, chưa rõ hình dáng thế nào. Có lẽ chính xác là aḍḍhayoga: nhà mái bằng; Hán đọc là hatthūpa? Xem cht. 4 trên. [9] Mao lâu 毛氀. Các phần trước đọc là cù-lâu. Xem Phần III, Ch. da thuộc. [10] Xem Phần I, ch.v Ba-dật-đề 14, cht. 74. [11] Xá-nậu ma 舍[少/(兔-、)]麻; vải bố bằng gai thô. Pali: sāṇa. [12] Bạt-ma thảo 跋磨草. [13] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 84: không được làm chân giương cao quá 8 ngón tay Phật. [14] Lung sơ 籠疏. Vin.ii. 148: vātapāna-bhasikā (túi, bao cửa sổ). Bản dịch Anh cho là giống như bao cát chắn gió. [15] Ma-hê-đà-la 摩醯陀羅. Thần Mahīdhara? [16] Tập đường 集堂; nhà tập họp, hay hội trường của Tăng. Cũng gọi là giảng đường, thị giả đường, cúng đường. Pali: upaṭṭhanasāla, Vin.ii. 153. [17] Vin.ii. 169: tivassantarena saha nisīditum. [18] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 28: không đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni. Trừ qua đò ngang. [19] Kinh hành đường 經行堂. Pali: caṅkamanasālā. [20] Buộc dây vào hai cột ở đầu và cuối đường kinh hành. [21] Bối 貝. [22] Tu-đạt-đa 須達多. Phiên âm, tên thật của ông Cấp-cô-độc. Pali: Sudatta. [23] Cấp Cô Độc Thực 給孤獨食; tức Cấp-cô-độc. Pali: Anāthapiṇḍika (Skt. Athapiṇḍada). Truyện kể, Vin. ii. 154. [24] Pali, nt., Cấp-cô-độc là em rể của ông trưởng giả thành Xá-vệ. [25] Đại tự 大祠; một đại lễ tôn giáo quan trọng của Bà-la-môn; xem Trường A-hàm 15, kinh số 23 «Cứu-la-đàn-đầu». Pali, mahāyañña, cf. D. 5. Kūṭadanta-sutta. [26] Thi ha thành môn 尸呵城門. Vin. ii. Sīvakadvāra. [27] Pali, Vin.ii. 158: suññāgāre kho, gahapati, tathāgatā abhiramanti, «Gia chủ, các Như lai hoan hỷ trong các nhà trống (không thất).» [28] Kỳ-đà Vương tử 祇陀王子. Pali: Jeta-kumāra. [29] Vin.ii. 159: Cấp Cô Độc nhờ pháp quan phân xử. Pháp quan phán: Khu vườn như vậy đã được ngã giá. [30] Đoạt điểu 鵽鳥. Không rõ chim gì. Từ nguyên: Một loại chim sẻ lớn bằng con le le, đen như quạ, bay rất nhanh; thành bầy đến cả nghìn con. Cũng gọi là «sẻ Đột quyết.» Vin.ii. 161: tittirika, chim chá cô. Anh dịch gọi là con gà gô (partridge). [31] Đi quanh phía hữu, sợ phạm tội kính lễ tháp miếu quỷ thần. [32] Đại nhất dạ 大一夜; đây chỉ thọ đại giới trước một ngày. [33] Người lớn, đến sau, được ngồi vào giữa chúng. [34] Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.167b29): Trú xứ không có tỳ-kheo ở. Phật cho phép cư sĩ thỉnh mọt tỳ-kheo làm Ma-ma-đế 摩摩諦, thường trú để trông coi. Cư sĩ cung cấp các nhu cầu nhật dụng. Tham chiếu Pali, Vin. ii. 159: một người thợ may nghèo, muốn dựng chùa cho Tăng. Nhưng không tự làm nỗi. Ông than: «Mình nghèo, nên không tỳ-kheo nào ngó ngàng đến.» Phật khiến Tăng cử tỳ-kheo doanh sự (navakamma) để giúp cư sĩ dựng chùa. [35] Pali: vihāra: tinh xá. Trong bản Hán, phòng và tinh xá được hiểu lẫn lộn, đều dịch từ vihāra, cũng gọi là chùa. [36] Pali: bhikkhuno navakammaṃ, giao cho tỳ-kheo làm doanh sự. [37] Xem cht. 35 trên. [38] Các bản Tống-Nguyên-Minh: nhược thạch bất khả khứ 若石不可去: nếu đá khổng thể xeo đi. Bản Cao-ly, không có chữ thạch. [39] Bản Cao-ly: khổ tửu 苦酒. Tống-Nguyên-Minh, không có chữ khổ. [40] Vin. ii. 159: khoảng đất trước cổng chưa trải vàng, Vương tử Kỳ-đà không bán, mà cúng luôn cho Phật. Tại đó, ông xây một ngôi nhà nhỏ (koṭṭhaka), một kiểu vọng lâu. [41] Mao lâu nang 毛氀囊. [42] Tham chiếu Pali, Vin. ii. 122, Phật cho phép ba loại che tắm: che bằng nhà tắm, che bằng nước, che bằng y (vải). Tắm trong ba chỗ này, các tỳ-kheo khỏa thân nhưng được phép giúp đỡ nhau hay trao nhau những vật dụng cần thiết. Tỳ-kheo khỏa thân phục vụ nhau, hay trao vật cho nhau, phạm đột-kiết-la. [43] Nhiên hỏa đường 燃火堂, nhà đốt lửa. Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.168a19): Mùa lạnh, các tỳ-kheo tập họp, sợ lạnh. Phật cho làm ôn thất 溫室. Pali: aggisālā, nhà lửa; cf. Vin.ii. 154. [44] Luân hỏa lô 輪火爐. [45] Xem ch. xi, cht. 13. [46] A-thấp-bệ 阿濕鞞, Bất-na-bà-sa 不那婆娑, Ban-đà 般陀, Lâu-hê-na 樓醯那. Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.168c09): Năm tỳ-kheo ở ấp Ngật-la-ngật-liệt, chia tứ phương Tăng vật thành 5 phần cho 5 người làm tư hữu. Vin. ii. 171, nhóm tỳ-kheo Assaji-Punabbasu ở Kiṭāgiri. [47] Bốn vật dụng thuộc Tứ phương Tăng. Vin. ii. 170: Năm thứ là Tứ phương Tăng vật không được chia cho cá nhân: 1. ārāmo ārāmavatthu (Tăng-già-lam, và vật thuộc Tăng-già-lam: đất vườn chùa và cây trái các thứ trong vườn), 2. vihāro vihāravatthu (tinh xá và vật dụng thuộc tinh xá: chùa và phòng ốc các thứ của chùa), 3. mañco pīṭhaṃ bhisi bibbohanaṃ (giường, ghế, đệm, gối các thứ), 4. lohakumbhī… (ghè, lu, nồi,… các thứ), 5. valli, veḷu, muñjaṃ, (dây y leo, tre, cỏ muñja,…) [48] Hết quyển 50. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích [944a9] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo làm phòng riêng trong đất của Tăng. Có vị Thượng tọa tỳ-kheo khách đến, bảo: «Dậy, nhường chỗ Thượng toạ!» Tỳ-kheo kia trả lời: «Không dậy.» Thượng tọa hỏi: «Tại sao?» tỳ-kheo kia nói: «Đây là phòng riêng của tôi.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Bảo vị ấy nên dậy đi thì tốt. Nếu không dậy, bảo trả đất lại cho Tăng. Không có lý gì lấy đất của Tăng làm của mình.» 17. Tỳ-kheo Tri sự Có tỳ-kheo cất cái thất quá vội nên không chắc chắn. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị lại kinh dinh một cái phòng thất mà suốt đời không xong. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nếu làm cái nhà lầu tốt nhất, lâu lắm cũng trong vòng mười hai năm mà thôi.[49] Ngoài ra, tùy theo lớn nhỏ mà quy định.» Có vị là người xây dựng[50] cho nên tất cả thời xuân, hạ, đông, chiếm dụng phòng trị sự thường xuyên của Tăng. Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Cho phép, sau ba tháng hạ, chia lại từ Thượng tọa.» Có tỳ-kheo làm người xây dựng chung cho các Tăng-già-lam, nên chỗ nào cũng nhận phần phòng của mình. Đức Phật dạy, không nên nhận như vậy. Nên nhận một nơi chín mươi ngày để ở. Tại trú xứ đông người, vị làm việc xây cất kia trú ở nhà ăn, nhà ấm, nhà kinh hành, khiến cho khách tỳ-kheo không có chỗ ở. Đức Phật dạy, «Không nên ở như vậy. Nếu tầng dưới sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng trên. Nếu tầng trên sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng dưới.» Có vị chỉ làm việc xây dựng nhỏ như đắp vách bùn, hoặc vá lại, hoặc san bằng đất, nhưng lại đòi hỏi làm tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Có vị sai sa-di, sai người Tăng-già-lam, bèn coi mình tri sự. Phật dạy, không được như vậy. Có vị làm cái phòng nhỏ, đòi hỏi cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có nhận giường dây, giường cây, cho phép cấp cho phòng tri sự. Có vị làm phòng xấu, đòi được cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có đủ các thứ trang hoàng và xông hương, cho phép cho cấp phòng tri sự. Có tỳ-kheo tri sự, nhận phòng rồi qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng ấy thuộc về của ai, bạch Phật. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng. Có tỳ-kheo tri sự, sai người bạch Tăng để được cấp phòng. Tỳ-kheo kia đến trong Tăng bạch. Tăng cấp phòng rồi, tỳ-kheo xây cất kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng. Tỳ-kheo tri sự sai người trong Tăng xin cấp phòng. Tăng cấp rồi, tỳ-kheo sai (sứ giả) kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật bảo, cho thầy tri sự đó. Tỳ-kheo tri sự qua đời trong mùa hạ an cư. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng. Có tỳ-kheo làm phòng chưa lợp, bỏ đi. Tỳ-kheo khách nói với cựu tỳ-kheo rằng, hãy lợp cái phòng này. Cựu tỳ-kheo nói: «Ai cất thì người đó lợp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy, cho phép, làm phòng có gác lớn và đẹp nhất cũng trong vòng sáu năm là lợp thành. Còn loại phòng nhỏ hơn tùy theo đó mà lượng định. Có một tỳ-kheo làm phòng, tỳ-kheo khác lợp, hai tỳ-kheo tranh nhau ai sửa trước, ai sau. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy ai làm trước thì sửa trước. Có hai tỳ-kheo cùng nhau làm phòng, cùng nhau tranh kẻ làm trước người làm sau. Đức Phật cho phép, cùng nhau làm thì Thượng tọa ở trước. Tỳ-kheo tri sự, hạ an cư, nhận phòng do mình sửa (để ở), rồi lại nhận phòng khác (để ở). Phật dạy, không được làm như vậy. Nên an cư nơi phòng mình đã sửa chữa. Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưu-điền là bạn thân hậu của Bạt-nan-đà, mời Bạt-nan-đà hạ an cư tại Câu-thiểm-di. Bạt-nan-đà nhận lời an cư rồi, nghe trú xứ an cư nọ, Tăng nhận được nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ đó một thời gian ngắn, rồi trở lại Câu-thiểm-di. Vua Ưu-điền nghe, cơ hiềm rằng: «Bạt-nan-đà nhận lời mời của tôi an cư rồi. Nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật, lại đến nơi đó. Rồi trở lại đây.» Các tỳ-kheo nghe, đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng quở trách Bạt Nan Đà Thích tử rằng: «Tại sao, nhận lời mời an cư tại Câu-thiểm-di rồi nghe trú xứ nọ, Tăng hạ an cư nhận được nhiều y vật, lại đến đó ở một thời gian rồi về lại nơi đây?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: «Nếu tỳ-kheo nào an cư nơi đây, nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật mà đến đó ở, tức là mất trú xứ này. Ở nơi đó một thời gian, trở về trú xứ này, lại mất nơi trú xứ kia.»[51] Bấy giờ, phòng xá của chúng Tăng cũ hư, có cư sĩ thưa: «Nếu cho phép, con sẽ tu bổ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép bằng bạch nhị yết-ma.» Pháp thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma,[52] dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự.[53] Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm doanh sự. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý đem phòng này giao cho cư sĩ... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Bấy giờ tỳ-kheo doanh sự (tri sự) chưa chia phòng, có việc cần đi. Sau đó các tỳ-kheo chia phòng. Tỳ-kheo doanh sự kia khi trở về hỏi: «Có để phòng doanh sự cho tôi không?» Có vị trả lời: «Không.» Tỳ-kheo doanh sự liền cơ hiềm, trách các tỳ-kheo rằng: «Tôi chưa chia phòng, có việc cần đi. Các vị sau đó lại chia phòng. Tôi có công quả trong này, sao không chia phòng cho tôi?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành. Nhưng nên đợi người kia về. Vị kia cũng nên dặn người nhận phòng cho mình. Tỳ-kheo doanh sự chưa chia phòng, có việc cần ra ngoài, dặn tỳ-kheo khác lấy phòng cho mình mà không nói rõ phòng nào. Tỳ-kheo kia xây cất nhiều chỗ, tỳ-kheo này không biết lấy phòng nào. Các tỳ-kheo chia phòng rồi, vị kia về hỏi các tỳ-kheo: «Chia phòng chưa?» «Chia rồi.» «Có để phòng cho tôi không?» «Không.» Vị kia liền cơ hiềm, trách rằng: «Chưa chia phòng, tôi có việc cần đi; dặn tỳ-kheo khác nhận phòng cho tôi. Tôi có đóng góp trong việc này, sao không cho tôi phòng?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành chia. Nhưng nên đợi người kia về. Người kia cũng nên chỉ rõ phòng nào cần nhận. Tỳ-kheo doanh sự kia lấy phòng rồi, sau đó khi chia phòng theo thứ tự thì được phòng tốt hơn, liền bỏ phòng trước. Các tỳ-kheo bạch [945a1] Phật. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nên từ Thượng tọa phân chia, nếu không có người lấy thì mới cho.» Tỳ-kheo kia nghi, không dám bốc vào chìa khóa cửa của chúng Tăng, hay cây gậy, cái khoen, cái cọc, cái chuôi bằng xương, bằng đồng, ghế ngồi tắm. Đức Phật dạy cho phép cầm nắm. Có vị không dám từ trú xứ này di chuyển các vật đến trú xứ kia. Đức Phật dạy cho phép di chuyển. 18. Chia cháo Có năm pháp không nên sai vì Tăng chia cháo; dù đã sai cũng không được chia: có thiên vị, hay giận hờn, có khiếp sự, ngu si, không biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy không nên sai vì Tăng chia cháo. Đã sai, cũng không được chia. Có năm pháp nên sai vì Tăng chia cháo: không có thiên vị, không hay giận hờn, không có khiếp sợ, không ngu si, biết đã chia hay chưa chia. Có năm pháp như vậy nên sai vì Tăng chia cháo. Nếu đã sai thì khiến vì Tăng chia cháo, chia tiểu thực, chia khư-xà-ni,[54] mời đi phó trai, trải ngọa cụ, chia ngọa cụ, chia y tắm, chia y, cái nào cần lấy, cái nào cần cho. Sai tỳ-kheo sứ, sai sa-di sứ, tất cả cũng như vậy. Có năm pháp vì Tăng chia cháo vào địa ngục nhanh như tên bắn: có ái, có nhuế, có bố, có si, không biết đã chia chưa. Có năm pháp như vậy mà chia cháo thì vào địa ngục như tên bắn. Có năm pháp chia cháo được sanh lên cõi trời như tên bắn: Không ái, không nhuế, không bố, không si, biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy vì Tăng chia cháo thì sanh lên cõi trời nhanh như tên bắn, cho đến sai sa-di sứ cũng như vậy. CHƯƠNG II. TẠP SỰ 1. Bát Thế Tôn ở tại Ba-la-nại, thì bấy giờ có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật chúng con nên thọ trì loại bát nào? Đức Phật dạy: «Cho phép thọ trì bát ca-la, bát xá-la.»[1] Bấy giờ, có tỳ-kheo vào trong Tăng thọ thực mà không có bình bát. Đức Phật dạy: «Vị ngồi cạnh nên cho. Nếu trong Tăng có hai loại bát này thì nên cho mượn.» Bấy giờ, có tỳ-kheo bị rắn phun nọc độc trong bát, không rửa mà dùng để ăn. Ăn xong bị bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên không rửa bát mà đựng thức ăn để ăn. Cho phép, rửa bát rồi mới đựng đồ ăn.» 2. Dao Các tỳ-kheo tóc dài. Phật cho phép cạo. Hoặc tự cạo, hoặc nhờ người cạo. Cần dao cạo, cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm cán dao. Đức Phật dạy, không được dùng vật báu. Cho phép, dùng đồng, thiếc để làm. Có vị để dao trần, khó cất giữ. Đức Phật cho phép làm bao dao. Có vị dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy không được dùng vật báu để làm. Cho phép, dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, cỏ xá-la, trúc, tre, cây để làm. Có vị sợ khua động bao dao làm hư lưỡi dao, Phật cho dùng vật mịn để ngăn, như lông, như kíp bối, như da chó. Nếu sợ rơi, nên dùng sợi dây buộc dính lại. Nếu cầm nơi tay, khó giữ; nên dùng cái đãy để đựng. Đựng trong đãy bị rơi ra, nên dùng cái dây buộc miệng đãy lại. Nếu cầm đi, sợ rơi mất, nên dùng sợi dây buộc nơi vai. Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng dao. Dao bị cuốn lại. Cho phép mài[2] trên tay. Nếu vẫn cuốn, thì nên mài trên đá. Tay cầm đá, sợ mất; nên đựng trong túi dao. Nếu dao lụt, nên gọt.[3] Hoặc mình tự gọt hay nhờ người gọt. Có vị cần dao để gọt.[4] Đức Phật cho phép. 3. Râu-tóc-móng Tỳ-kheo cạo tóc sợ tóc rơi trên y. Đức Phật cho phép sắm đồ để hứng tóc. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào? Đức Phật cho phép bện bằng tre; hoặc uốn gỗ làm cái vành rồi cáng lá cây lên. Hoặc dùng một trong mười loại y để làm đồ hứng tóc. Có vị để đồ hứng tóc dưới đất nên khi để lên đầu gối để hứng, bùn, đất lang bẩn y. Phật dạy, không được làm như vậy. Cho phép dùng sợi dây buộc trên đầu cây trụ. Tỳ-kheo lông mũi dài. Phật cho phép nhổ. Hoặc tự mình nhổ hay nhờ người nhổ. Có vị cần nhíp, đức Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc để làm. Đầu nhíp bị sứt, nên bao bằng sắt. Cầm tay, khó giữ gìn, cho phép để trong bao của dao cạo tóc. Móng tay của các tỳ-kheo dài. Phật cho phép cắt. Hoặc tự mình cắt hay nhờ người cắt. Có vị cần dao để cắt móng tay, Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật quý báu để làm. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm. Cho phép dùng đồng hay sắt để làm. Cầm nơi tay, kho giữ. Phật cho phép dùng ống nhựa để đựng. Có vị dùng vật quý báu để làm ống. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm mà nên dùng đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, tre hay cây để làm. Sợ trong ống rơi ra nên nhét miệng ống lại. Có vị dùng đồ quý báu để nhét. Phật dạy, không được dùng đồ quý mà nên dùng đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẻm, tre, cây để làm. Nếu sợ để riêng một chỗ bị rơi mất thì nên để chung trong đãy của dao. Bấy giờ, có tỳ-kheo móng tay dài, đến nhà bạch y. Tỳ-kheo này tướng mạo xinh đẹp, phụ nữ bạch y thấy liền để ý và nói với tỳ-kheo rằng, tôi cùng thầy làm việc như vậy, như vậy. Tỳ-kheo nói, đại tỷ đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có việc ấy. Người phụ nữ nói, nếu thầy không làm theo lời của tôi, tôi sẽ tự lấy móng tay cào nơi mắt, nơi thân có thương tích, rồi khi chồng tôi về tôi nói là thầy bảo tôi làm việc như vậy, như vậy, tôi không chịu làm, thầy liền lấy móng tay cào nơi mặt, nơi thân tôi, thương tích đến như vậy. Tỳ-kheo nghe nói như vậy liền hoảng sợ, chạy vội vàng ra khỏi nhà. Trong khi tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng cũng vừa từ ngoài về lại nhà. Người phụ nữ kia liền tự lấy móng tay cào vào thân vào mặt nói với người chồng rằng tỳ-kheo bảo em làm việc như vậy, như vậy, em không đồng ý. Tỳ-kheo liền cào vào mặt vào thân em nên có thương tích như vậy. Người chồng liền đuổi theo bắt tỳ-kheo và nói: «Ông muốn phạm vợ tôi. Vợ tôi không đồng ý, ông cào vào mặt vào mình vợ tôi có thương tích, là sao?» Tỳ-kheo trả lời: «Này cư sĩ, ông đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có làm việc ấy.» Người chồng liền nói: «Tại sao ông bảo tôi đừng nói như vậy? Móng tay của ông dài như vậy kia mà!» Nói xong, người chồng liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên để móng tay dài.» Nhóm sáu tỳ-kheo cắt móng tay quá sát, khiến cho chảy máu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay như hình bán nguyệt. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay nhọn trên đầu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị mài móng tay cho sáng. Phật dạy, không được mài như vậy. Có vị nhuộm móng tay thành màu sắc. Phật dạy, không được nhuộm như vậy. Đức Phật lại nói với các tỳ-kheo: «Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu điều khác. Cho phép các tỳ-kheo cắt móng tay vừa gần ngoài da.» Phật nói, dài nhất bằng hạt lúa là nên cắt. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng kéo xén râu tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị cạo tóc mà không cạo râu. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị cạo râu mà không cạo tóc. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị nhổ tóc, Phật dạy, không được nhổ. Có vị chừa tóc. Phật dạy, không được để [946a1] như vậy. Có vị vuốt râu mép cho cong lên. Phật dạy, không được vuốt như vậy. «Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta đã chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu việc khác. Từ nay về sau, râu tóc nên cạo hết.» Các tỳ-kheo không biết tóc dài bao nhiêu thì nên cạo. Đức Phật dạy dài nhất là hai ngón tay, hoặc hai tháng cạo một lần, đó gọi là dài nhất. Nhóm sáu tỳ-kheo chải râu tóc. Đức Phật dạy không nên chải như vậy. Có vị dùng dầu thoa vào tóc. Phật dạy, không được thoa như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo kẻ mí con mắt. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói, «Sa-môn Thích tử muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như người bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được kẻ mí mắt như vậy.» Các tỳ-kheo bị bệnh mắt, đức Phật cho phép nhỏ các loại thuốc. 4. Trang sức Nhóm sáu tỳ-kheo dùng gương soi mặt hoặc soi mặt dưới nước, hay dùng vật mài cho có ánh sáng để soi mặt. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử nhiều lòng ham muốn không biết nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi soi gương giống như người bạch y?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có tỳ-kheo bị mọc mụt nơi mặt, đức Phật cho phép các tỳ-kheo khác xức thuốc giùm. Nếu một mình ở trong phòng, đức Phật cho phép dùng kiếng soi mặt để xức thuốc. Có tỳ-kheo trau chuốt thân, trau chuốt tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo nhổ nước bọt vào mình rồi chà xát. Đức Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị tắm rửa nơi chỗ đất trống, các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử ham muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi tắm rửa nơi chỗ đất trống như bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, Không được tắm như vậy. Có tỳ-kheo nghĩ, tự đấm vào vai, vào cánh tay, cho nó nở to đẹp. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo bôi hương vào mình cho thơm. Phật bảo, không được như vậy. Tỳ-kheo lo ngại thân mình hôi hám vì mồ hôi, đức Phật cho phép dùng dao để nạo mồ hôi. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu để làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, thiếc, sắt, kẽm, cỏ xá la, tre, cây để làm. Nhóm sáu tỳ-kheo làm dao nạo mồ hôi, cái đầu giống như dao cạo tóc, khi nạo mồ hôi, lông trong người cũng đứt luôn. Phật dạy, không được làm như vậy, cũng không nên cất chứa dao như vậy. Có tỳ-kheo bị bệnh ghẻ lở, dùng thuốc bột thô để rửa nên bị đau. Đức Phật dạy, cho phép dùng thuốc bột thứ mịn, hoặc là bùn mịn, hoặc lụa là, hoặc bông hay trái, tuỳ theo sự thích hợp với thân người bệnh, cho phép người rửa ghẻ dùng để trị các loại ghẻ, cho đến bệnh hôi mồ hôi. Nhóm sáu tỳ-kheo đeo hoa tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo gắn hạt châu trên vành tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo đeo khoen tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng lá đa-la, hoặc chì hoặc thiếc làm cái vòng căng lớn lỗ tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo quấn thuỳ tai lại. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị làm dây lưng bằng chì. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị đeo anh lạc quanh cổ. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị đeo xuyến nơi tay chân. Phật dạy, không được đeo như vậy. Các vị kia đeo khoen[5] nơi ngón tay. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị dùng chỉ năm màu buộc nơi nách, nơi lưng, nơi cánh tay. Phật dạy, không được buộc như vậy. Có vị đeo nhẫn.[6] Phật dạy, không được đeo như vậy. 5. Thần biến thị đạo Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, Lục sư ngoại đạo cùng đệ tử ở chung với nhau. Bất-lan Ca-diếp[7] cùng chín vạn đệ tử. Mạt-khư-la Cù-xa-la[8] cùng tám vạn đệ tử. Cứ như vậy giảm dần cho đến Ni-kiền Tử[9] cùng bốn vạn người. Khi ấy tại thành Vương xá, có trưởng giả là đệ tử của Lục sư nhận được một khúc gỗ chiên đàn, dùng làm cái bình bát đựng trong cái đãy bằng vật báu, treo lên cây trụ biểu cao trước sân, cùng với lời công bố: «Nếu trong thành Vương xá này có Sa-môn, Bà-la-môn là A-la-hán có đại thần lực, thì cứ lấy chiếc bát này đi.» Khi ấy Phú-lan[10] Ca-diếp đến chỗ ông trưởng giả nói: «Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đáng thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.» Ông trưởng giả nói: «Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.» Vị kia muốn lấy nhưng không cách nào lấy được. Bấy giờ, Mạt-khư-la Cù-xa-la, A-di-đầu Xí-xá-khâm-bà-la, Ba-cù Ca-chiên-diên, San-đâu Tỳ-la-tra Tử, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đều đến chỗ trưởng giả nói: «Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đang thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.» Ông trưởng giả nói: «Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.» Các vị kia muốn lấy mà không cách nào lấy được. Bấy giờ, Tân-đầu-lô,[11] Đại Mục-liên, cùng ngồi trên một hòn đá lớn. Tân-đầu-lô nói với Mục-liên: «Thầy là A-la-hán có thần túc, đã được đức Thế Tôn thọ ký vào hạng nhất. Thầy có thể đến đó để lấy.» Mục-liên nói: «Tôi chưa từng hiện thần túc trước người bạch y. Thầy cũng là A-la-hán có đại thần lực, đã được đức Thế Tôn thọ ký cho là sư tử hống vào hàng tối thượng bậc nhất.[12] Thầy có thể đến đó lấy.» Khi Tân-đầu-lô nghe Mục-liên nói rồi, liền cùng với hòn đá vụt mình lên hư không, bay quanh thành Vương-xá bảy vòng. Người trong nước thấy, sợ đá rơi nên lấn nhau chạy trốn. Bấy giờ, ông trưởng giả kia từ trên lầu gác, nhìn thấy Tân-đầu-lô ở trên hư không, liền chắp tay kính lễ, thưa rằng: «Lấy chiếc bát đi, Tân-đầu-lô!» Tân-đầu-lô liền lấy chiếc bát. Ông trưởng giả lại nói: «Xin dừng lại một chút, Tân-đầu-lô!» Tân-đầu-lô liền dừng lại một chút. Ông trưởng giả tự tay lấy bát và đựng đầy thức ăn ngon bổ dâng cho Tân-đầu-lô. Tân-đầu-lô nhận lại chiếc bát, trở lại dùng thần túc lực nương nơi hư không mà đi. Các tỳ-kheo nghe chuyện, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tân-đầu-lô rằng: «Sao lại hiện thần thông trước người bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, biết mà vẫn hỏi Tân-đầu-lô: «Thầy có hiện thần túc trước người bạch y không? «Kính bạch đức Thế Tôn! thật có.» Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tân-đầu-lô: «Thầy làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đối trước người bạch y mà hiện thần túc? Giống như dâm nữ vì nửa đồng tiền mà trình diện trước mọi người. Thầy cũng như vậy, vì chiếc bát bằng gỗ không đáng gì mà đối trước bạch y hiện thần túc.» Phật dạy: «Không nên đối trước bạch y hiện thần túc. Nếu hiện, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không nên chứa cất bát bằng chiên-đàn. Nếu chứa thì sẽ trị như pháp.[13] Nếu nhận được bát đã làm thành thì nên phá ra chia cho các tỳ-kheo làm thuốc trị mắt.» Bấy giờ, các ngoại đạo nghe Sa-môn Cù-đàm cấm các tỳ-kheo không được hiện thần túc trước người bạch y. Bèn nghĩ, «Điều mà Sa-môn ấy cấm chế thì trọn đời không ai phạm. Nay chúng ta có thể đến chỗ họ nói rằng: ‘Này Sa-môn Cù-đàm, các ông tự xưng là đắc A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Các ông tự xưng là có thần túc, chúng tôi cũng có thần túc. Các ông tự xưng là đại trí [947a1] tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng ta có thể cùng hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Nếu hiện hai chúng tôi sẽ hiện bốn. Sa-môn Cù-đàm hiện bốn pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện tám. Nếu hiện tám thì chúng tôi sẽ hiện mười sáu. Nếu hiện mười sáu chúng tôi sẽ hiện ba mươi hai. Nếu hiện ba mươi hai chúng tôi sẽ hiện sáu mươi bốn. Nếu Sa-môn hiện tăng lên, chúng tôi cũng sẽ hiện tăng gấp đôi.’» Các ngoại đạo đi khắp mọi nơi ở trong thành, tuyên truyền nói rằng: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là có thần lực, thì chúng tôi cũng có thần lực. Tự xưng có đại trí tuệ, thì chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đấu hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa- môn Cù-đàm hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, chúng tôi cũng sẽ hiện gấp bội.»[14] Trong thành Vương xá có một chỗ đất bằng phẳng và rất rộng. Các trưởng giả đem nhiều hoa hương, anh lạc, kỹ nhạc, tràng phan, thức ăn, y phục, thuốc men, ngọa cụ đến cúng dường cho Bà-già-bà[15] của ngoại đạo tại đây. Bấy giờ, có trưởng giả nọ muốn lấy hoa để cúng dường ngoại đạo, đưa tay vào để lấy thì lại không lấy được. Muốn lấy hương anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc, ẩm thực, y phục, thuốc men, ngọa cụ để cúng, bàn tay vừa đưa vào để lấy thì cũng không lấy được. Trong khi ấy, có vị trưởng giả kia muốn lấy hoa để cúng dường Phật thì đưa tay vào lấy không có gì trở ngại. Như vậy, tùy ý ông trưởng giả muốn lấy bất cứ thứ gì, cho đến thuốc men, ngọa cụ để cúng cũng đều không trở ngại. Ông trưởng giả liền khởi ý nghĩ: «Hy hữu thay! Thế Tôn có đại thần lực như vậy.» Ông liền bạch Phật: «Cúi xin đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.» Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ông trưởng giả biết đức Thế Tôn im lặng nhận lời rồi, liền đến trước kính lễ sát chân Phật rồi cáo lui. Về đến nhà, trong đêm, chuẩn bị mọi thức ăn ngon bổ rồi, sáng ngày ông trưởng giả đến báo giờ. Đức Thế Tôn đắp y bưng bát cùng đại tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đến nhà ông trưởng giả. Khi đức Thế Tôn bước đi, nơi dấu chân có đại thần lực khiến chư thiên trên hư không dùng hoa trời mạn-đà-la, hương chiên đàn, mạt hương, hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi rải nơi dấu chân đức Phật và trổi kỹ nhạc cõi trời ca tụng tán thán Phật. Vị trưởng giả đi theo sau đức Thế Tôn với ý nghĩ: «Âm thanh này là từ dưới đất phát ra hay từ trên trời đưa lại?» Trưởng giả ngửa nhìn lên hư không, từ xa thấy hoa trời mạn-đà-la cho đến hoa phân-đà-lợi, và kỹ nhạc cõi trời cũng từ trong hư không bèn nghĩ: «Âm thanh này không phải từ dưới đất mà là từ trên không đưa lại.» Đức Thế Tôn đến nhà ông trưởng giả, an tọa nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, các ngoại đạo nghe việc này, liền nghĩ: Ông trưởng giả này xưa nay thường cúng dường cho chúng ta, nay tại sao lại thỉnh Phật và Tăng đến cúng dường? Chúng ta có thể đến khiến cho ông ta không đủ chỗ và thức ăn để thết đãi!» Nghĩ xong các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đến nhà ông trưởng giả. Người giữ cửa thấy các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, liền vào thưa với ông trưởng giả rằng: «Thưa ông chủ, các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, cho vào hay không?» Ông trưởng giả nói: «Đừng cho vào.» Đức Phật bảo ông trưởng giả: «Nên cho họ vào.» Ông trưởng giả bạch Phật: «Ngoại đạo đông người. Chỗ nơi chật hẹp, sợ không dung hết.» Đức Phật dạy: «Cứ mời vào, nhường nhau thì đủ.» Ông trưởng giả lại nói: «Ngoại đạo đông người, chỗ ngồi có hạn, thức ăn có hạn, chỉ đủ cúng Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tăng, sợ không đủ.» Đức Phật nói với ông trưởng giả: «Cứ mời vào. Nhường nhau thì thức ăn sẽ đủ.» Đức Thế Tôn dùng thần túc lực khiến cho mặt đất trở thành bằng phẳng, rộng lớn. Nhìn về phương Đông, vô số trăm ngàn toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, Tây, Bắc cũng lại như vậy. Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo Tăng, cùng các ngoại đạo đều đủ chỗ ngồi. Ông trưởng giả trưng bày các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật, tỳ-kheo Tăng và các ngoại đạo, tất cả đều đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát. Ông trưởng giả lấy chiếc ghế thấp, ngồi trước đức Phật. Đức Thế Tôn vì ông trưởng giả dùng vô số phương tiện nói pháp, giáo hóa, khiến được hoan hỷ. Nói pháp xong, đức Phật từ chỗ ngồi cáo lui. Bấy giờ các ngoại đạo cùng quyến thuộc đều đến chỗ Vua Bình-sa, chắp tay trên đầu, nói: «Cầu nguyện cho Vua thường thắng.» Rồi tâu: «Sa-môn Cù-đàm tự nói là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Sa-môn Cù-đàm tự nói có thần thông, chúng tôi cũng có thần thông. Sa-môn Cù-đàm tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về thần lực và pháp thượng nhơn xem thử ai hơn. Nếu Sa-môn Cù Đam hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi sẽ hiện gấp bội họ. Thưa đại vương, nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.» Bấy giờ, Vua Bình-sa đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc vừa rồi bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn và thưa: «Cúi xin đức Thế Tôn cùng ngoại đạo thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.» Đức Thế Tôn nói với Vua rằng: «Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.» Sáng ngày, đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo chúng từ thành Vương-xá ra đi. Vua Bình-sa dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn sáng sớm từ thành Vương-xá ra đi, liền nói: «Sa-môn Cù-đàm không có thể cùng chúng ta thi đua thần thông nên đã ra đi.» Vua Bình-sa dùng năm trăm chiếc xe chở thức ăn ngon bổ là cho chúng ta chứ không phải là cho Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm đi đến để nói với Cù-đàm cùng chúng ta thi thố thần lực và pháp thượng nhơn. Các ngoại đạo liền đi theo sau đức Thế Tôn. Vua Bình-sa nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo sớm đã từ thành Vương-xá ra đi, Vua cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng cũng đi theo sau đức Thế Tôn. Phạm Thiên Vương, Thích Đề-hoàn Nhơn, Tứ thiên vương, vô số chư thiên, trăm ngàn đại chúng cũng tùy tùng đức Thế Tôn. Bấy giờ, đức Thế Tôn đến thành Ưu-thiền. Vua thành Ưu-thiền tên là Ba-la-thù-đề.[16] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, và các ngoại đạo thành Ưu-thiền, đều cùng đến chỗ vua Ba-la-thù-đề, chắp tay lên đầu, nói lời khen ngợi: «Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện xong nói: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng mình là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Chúng tôi ở trong thành Vương-xá yêu cầu Cù-đàm cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người. Nay chúng tôi muốn cùng Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi đều hiện gấp bội.» Vua Ba-la-thù-đề liền đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn: «Lành thay! đức Thế Tôn có thể cùng các ngoại đạo hiện thần lực và pháp hơn người?» Đức Thế Tôn nói với vua Ba-la-thù-đề: «Thôi, đủ rồi! Như lai [948a1] tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.» Sáng ngày, đức Thế Tôn rời khỏi thành Ưu-thiền. Vua Ba-la-thù-đề dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, tuyên bố rằng: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua dùng năm trăm chiếc xe để chở thức ăn cho chúng ta chứ không phải cho Cù-đàm. Chúng ta sẽ đến chỗ Cù-đàm định đến để cùng Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Thế Tôn. Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe đức Thế Tôn đã đi, liền cùng tám mươi bốn ngàn người, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn người, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, chư thiên, đại chúng vô số trăm ngàn quyến thuộc vây quanh tùy tùng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trú trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ, Ưu-đà-diên là Vua. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, và các ngoại đạo Câu-thiểm-di cùng đến chỗ vua Ưu-đà-diên chắp tay tới đầu khen rằng: «Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện như vậy rồi nói: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng là có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, chúng tôi có yêu cầu cùng biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều ít thì chúng tôi cũng hiện gấp bội.» Vua Ưu-đà-diên đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn: «Lành thay! đức Thế Tôn, hãy cùng các ngoại đạo hiển hiện thần lực và pháp hơn người.» Đức Thế Tôn nói với Vua: «Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời. Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.» Sáng sớm hôm sau đức Như lai ra đi. Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên cùng năm trăm chiếc xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn đi liền nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua Ưu-đà-diên chở thức ăn ngon bổ trên năm mươi cổ xe là vì chúng ta chứ không phải vì Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm sẽ đến để biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Như Lai. Bấy giờ, Vua Bình-sa cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ưu-thiền cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng tiến bước sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, vô số trăm ngàn chư thiên đại chúng tùy tùng sau đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trụ trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-duy-la-vệ. Vua Phạm Thí nước Ca-duy-la-vệ là em khác mẹ với đức Phật.[17] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo nước Câu-thiểm-di, và các ngoại đạo nước Ca-duy-la-vệ cùng đến chỗ vua Phạm Thí, chắp tay lên đầu, nguyện Vua thường thắng, rồi bạch với vua Phạm Thí rằng: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, nước Câu-thiểm-di, chúng tôi cùng Sa-môn Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi sẽ biểu hiện hai. Cứ như thế tùy theo Sa-môn Cù-đàm biểu hiện nhiều hay ít thì chúng tôi cũng sẽ biểu hiện gấp bội.» Vua Phạm Thí đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng: «Cúi xin đức Thế Tôn biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Đức Phật nói với Vua: «Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi khỏi Ca-duy-la-vệ.» Sáng sớm hôm sau, đức Thế Tôn ra đi. Vua Phạm Thí liền dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn đi theo đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, bèn nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ chúng ta ra đi. Vua Phạm Thí chở năm trăm chiếc xe thức ăn là vì chúng ta chứ không phải vì Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta nên đến chỗ Cù-đàm sẽ đến nói với Cù-đàm cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đi theo sau đức Thế Tôn. Vua Bình-sa nghe đức Phật đã đi liền cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng, vua Phạm Thí cùng năm trăm tùy tùng theo sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc vô số trăm ngàn người theo sau đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ nước Ca-duy-la-vệ du hành nhơn gian đến an trụ trong vườn Kỳ-hoàn nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua nước Xá-vệ là Ba-tư-nặc. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt-đà, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo Câu-thiểm-di, các ngoại đạo Ca-duy-la-vệ, và các ngoại đạo nước Xá-vệ cùng đến chỗ vua Ba-tư-nặc chắp tay lên đầu, bạch rằng: «Cầu nguyện Vua thường thắng.» Cầu nguyện xong, nói: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, thành Ưu-thiền, Câu-thiểm-di, nước Ca-duy-la-vệ chúng tôi muốn cùng Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người, mà Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi biểu hiện hai. Cứ như vậy tùy theo sự biểu hiện nhiều hay ít của Sa-môn Cù-đàm mà chúng tôi biểu hiện gấp bội.» Vua Ba-tư-nặc đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ với đức Thế Tôn: «Lành thay, đức Thế Tôn! Cúi xin ngài biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Đức Phật bảo Vua: «Thôi, đủ rồi! Như Lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Vào tháng chạp, trong mười lăm ngày, từ mồng một cho đến rằm, Như Lai sẽ hiện thần lực và pháp thượng nhơn. Đại vương nếu muốn xem Như Lai hiện thần lực và pháp thượng nhơn thì đến xem.»[18] Bấy giờ, tại nước Xá-vệ có một khu đất đặc biệt bằng phẳng rộng rãi, đức Thế Tôn đến đó trải chỗ ngồi an tọa.[19] Phạm thiên vương để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch đức Thế Tôn: «Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.» Đức Phật bảo Phạm vương: «Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.» Trời Đế Thích, Tứ thiên vương, Vua Bình-sa, vua Ba-la-thù-đề, vua Ưu-đà-diên, vua Phạm Thí, vua Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhân, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na, tất cả đều nói: «Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.» Đức Phật bảo: «Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.» Bấy giờ, các cư sĩ có lòng tin đối với ngoại đạo, vì ngoại đạo thiết lập trăm ngàn chỗ ngồi cao có giá trị. Những người có lòng tin ưa, cung kính [949a1] cúng dường đức Thế Tôn theo thứ tự, từ ngày một cho đến ngày thứ mười lăm. Bấy giờ đức Thế Tôn xoay mặt nhìn về phương Đông, tức thì có vô số trăm ngàn chỗ toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lại như vậy. Ngay chính giữa có tòa sư tử cao bằng bảy báu tự nhiên xuất hiện. Như Lai an tọa trên đó. Bấy giờ các đại chúng đều an tọa nơi chỗ ngồi. Theo thứ tự, vị đàn-việt cúng dường ngày hôm ấy dâng cây dương chi lên đức Phật. Thế Tôn nhận và xỉa răng xong, bỏ cây tăm phía sau lưng liền thành cây đại thọ,[20] gốc nhánh cành lá sum suê. Đại chúng thấy thần lực của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, sanh tâm yếm ly liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các pháp, khiến cho được hoan hỷ. Bấy giờ, ngay trên chỗ ngồi, trăm ngàn người xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày đầu đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa. Ngày thứ hai, cây kia trổ hoa, sắc hương đầy đủ. Hoa của cây rơi xuống khắp nơi. Đại chúng gom lại cho đến đầu gối. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và cả đại chúng đều ngửi được mùi hương của hoa này. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của Thế Tôn như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các bài pháp khiến họ được hoan hỷ. Bấy giờ, trên chỗ ngồi, vô số trăm ngàn người xa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày thứ hai đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa. Ngày thứ ba, trái của cây chín và tiết ra mùi thơm. Trái của cây không đợi rung, tự rơi xuống đất mà không bị hư. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và đại chúng đều cùng thọ thực. Dân chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ ba đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa. Bấy giờ có đàn-việt theo thứ tự cúng dường, vào ngày thứ tư dâng nước cho đức Thế Tôn. Thế Tôn lấy một vốc nước đổ xuống chỗ đất phía trước. Do thần lực của Phật, liền thành một cái ao lớn. Nước trong sạch không có bợn nhơ. Người uống trừ được bệnh. Có các tạp hoa ưu-bát-la, bát-đầu-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi; các loài chim khác lạ: chim le le, nhạn, uyên ương, các loài ba ba, rùa, cá trạnh, các loài thủy tộc làm vật trang nghiêm cho cái ao lớn ấy. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ tư đức Như Lai thị hiện biến hóa như vậy. Đến ngày thứ năm, bốn phía của cái ao đều chảy ra một con sông. Dòng nước chảy thẳng không uốn cong, yên lặng không có sóng. Các loại hoa kỳ lạ đều trang nghiêm cho các con sông. Dòng nước của bốn con sông tạo thành tiếng pháp, tất cả các hành đều là vô thường, khổ, không, tất cả các pháp đều vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng nhận được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ năm đức Thế Tôn thị hiện biến hóa thần lực. Ngày thứ sáu, đức Thế Tôn hóa đại chúng đều như nhau không có sự sai khác. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần lực biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ sáu đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy. Ngày thứ bảy đức Thế Tôn ở trên không trung vì đại chúng nói pháp, chỉ nghe tiếng nói của đức Như Lai mà không thấy hình Như Lai. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, thấy được những việc chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng coi việc đó là chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Ngày thứ tám, các cư sĩ tin theo ngoại đạo sai người thưa với các ngoại đạo: «Các ngài có biết chăng, Sa-môn Cù-đàm đã hiện thần lực, nay đã tám ngày, sao các Ngài không đến?» Thật sự họ muốn đến mà không đến được. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Giả sử dùng sợi dây da thật bền chắn buộc thân của Bất-lan Ca-diếp vào con bò cho nó kéo, khiến dây đứt, cả thân thể rã; nếu không bỏ kiến giải của mình mà cố chấp luận nghị, thì không thể đến chỗ ta được. Cho đến Ni-kiền Tử v.v... cũng như vậy.» Bấy giờ, Phạm Thiên vương bảo Thiên đế Thích rằng: «Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.» Thiên đế Thích bảo Tứ thiên vương: «Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.» Tứ Thiên vương liền gọi thần gió, thần làm mây, thần làm mưa, thần sấm sét đến bảo rằng: «Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia, khiến cho tiêu tan, không còn dấu vết gì nữa.» Bấy giờ, thần gió v.v... nghe Tứ Thiên vương dạy như vậy rồi, liền phá các cao toà của ngoại đạo khiến không còn bất cứ dấu vết nào. Bấy giờ các ngoại đạo bị mưa to gió lớn thổi ướt dầm dề, liền trốn vào trong hang động, cây cỏ rừng rú. Có ngoại đạo loã hình, ngoại đạo Tư-ni,[21] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già,[22] lấy một cục đá lớn buộc vào cổ, tự trầm mình xuống hố sâu. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn đều rất vui mừng, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như truớc. Đây là ngày thứ tám đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy. Ngày thứ chín đức Thế Tôn ở trên đảnh Tu-di vì đại chúng nói pháp mà chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình. Đại chúng thấy sự biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly của họ phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ chín đức Thế Tôn thị hiện biến hóa. Ngày thứ mười đức Thế Tôn nói pháp ở trên cõi Phạm thiên, đại chúng chỉ nghe tiếng nói mà không thấy hình. Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười đức Thế Tôn thị hiện biến hóa. Ngày thứ mười một, đức Thế Tôn ở trong đại chúng thị hiện thần túc biến hóa[23] một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, lúc thì ở sát bên, lúc thì ở xa không thấy, hoặc tuy chướng ngại do tường đá ngăn che ở gần núi, nhưng thân Phật xuyên qua không có gì trở ngại; du hành nơi không trung như con chim liệng quanh; ra vào nơi đất như nước; đi trên sóng nước như đi trên đất liền; thân tuôn ra khói lửa bốc cháy như đống lửa lớn; tay sờ măt trời, mặt trăng; thân cao cho đến Phạm Thiên.[24] Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy [950a1] rất hoan hỷ, đạt được pháp chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười một đức Thế Tôn thị hiện thần túc biến hóa như vậy. Ngày thứ mười hai, đức Thế Tôn ở trong đại chúng tâm niệm nói pháp:[25] nên nghĩ như thế này, không nên nghĩ như thế này; nên tư duy thế này, không nên tư duy như thế này; nên đoạn cái này, nên tu hành pháp môn này. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần túc biến hóa như vậy, rất vui mừng, đạt được những việc chưa từng có, phát sanh tâm yểm ly. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười hai đức Phật thị hiện thần túc biến hóa như vậy. Ngày thứ mười ba, đức Thế Tôn vì đại chúng nói pháp giáo thọ. Ngài dạy:[26] «Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ. Cho đến ý cũng vậy. Tất cả đều đang bốc cháy.» Đại chúng nghe đức Thế Tôn nói pháp giáo hóa như vậy đều rất hoan hỷ, cho là việc chưa từng có. Đức Phật liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười ba đức Như Lai biến hóa như vậy. Ngày thứ mười bốn, theo thứ tự, người đàn-việt cúng dường, rút một đóa hoa dâng lên đức Thế Tôn. Thế Tôn ngửi xong, ném vào hư không. Do thần lực của đức Phật liền biến thành một vạn bốn ngàn lầu các đài hoa. Trong những lầu các đài hoa này, tất cả đều có tòa Phật ngồi, hai bên đức Phật có Thiên đế Thích và Phạm thiên vương chắp tay kính lễ, nói kệ: Kính lễ đấng Nhân vương[27] Bậc đại nhơn vô thượng. Tất cả không thể biết Thế Tôn trú thiền nào. Đại chúng thấy thần lực đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất vui mừng, được pháp chưa từng có. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt, theo thứ tự, ngày thứ mười lăm thiết lễ cúng dường. Trong đêm, sửa soạn các thức ăn. Sáng ngày, dùng các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật và chúng Tăng. Vua Ba-la-thù-đề, Ưu-đà-diên, Phạm Thí, Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhơn, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-lan-na, tất cả đại chúng đều cúng dường đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát, xả bát. Vua Bình-sa lấy một chiếc ghế thấp ngồi trước đức Phật. Khi đức Thế Tôn buông bàn chân ra không ngồi kiết-già nữa, chân vừa đụng nơi bàn thì quả đất sáu lần rung động với mười tám hiện tượng rung động. Dưới bàn chân của đức Thế Tôn có luân tướng xuất hiện. Dấu bánh xe nghìn căm dưới bàn chân của Thế Tôn hiện lên, ánh sáng chiếu soi, từ bánh xe tỏa ra ánh sáng khắp ba ngàn đại thiên quốc độ. 6. Thiên bức luân Vua Ma-kiệt thấy dấu bánh xe dưới chân đức Thế Tôn như vậy liền từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, chân bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn: «Kính bạch đức Thế Tôn, trước kia làm phước đức gì mà dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm hoa, có ánh sáng chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên quốc độ như vậy?» Đức Phật bảo Vua Bình-sa: Xa xưa về đời quá khứ, có Vua tên là Lợi Ích Chúng Sanh, làm vua cõi Diêm-phù-đề. Bấy giờ, quốc độ Diêm-phù-đề phong phú, nhơn dân no ấm khoái lạc. Có tám mươi bốn ngàn thành ấp, xóm làng có năm mươi lăm ức cơ sở. Vua Lợi Ích chúng Sanh ngự tại thành tên là Huệ quang, đông tây mười hai do-diên, nam bắc bảy do diên. Thành kia rộng lớn, nhân dân no ấm, của cải dồi dào, trang sức khoái lạc. Đệ nhất phu nhân tự là Huệ Sự, không có con. Vì để cầu con, Phu nhơn kính lễ các loại trời thần, thần sông, thần ao, trời Mãn thiện, trời Bảo thiện, thần Mặt trời, thần Mặt trăng, Đế Thích, Phạm Thiên vương, thần đất, nước, gió, lửa, thần Ma-hê-thủ-la thiên tử, thần vườn, thần rừng, thần đường sá, thần quỷ tử mẫu, các thần của xóm làng. Cúng dường khắp nơi để cầu nguyện cho có con. Sau đó một thời gian, Đệ nhất phu nhơn có thai. Người nữ này khi mang thai có ba món trí tuệ: biết người nam có dục ý, biết được khi có thai, biết từ đâu mà có được thọ thai. Khi ấy phu nhơn liền đến chỗ Vua thưa: «Vua biết chăng, nay thiếp đã có thai.» Vua nói: «Tốt lắm!» Vua liền cung cấp cho Phu nhơn thêm đồ ăn thức uống, y phục, thuốc men, ngọa cụ thuộc loại tối thượng, tất cả các thứ cần dùng đều gia tăng gấp bội. Mười tháng trôi qua, phu nhơn sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Ngày hài nhi chào đời, cũng là ngày tám mươi bốn ngàn thành có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nơi mỏ bạc thì cây bằng bạc xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng bạch ngân. Chỗ nào mỏ vàng thì cây bằng vàng xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng vàng. Chỗ nào mỏ lưu ly, pha lê, xích, chơn châu, mã não, xa cừ cũng đều như vậy. Bấy giờ theo pháp luật của nước, trẻ nít mới sanh hoặc cha mẹ đặt tên, hoặc sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Vua Lợi ích Chúng Sanh nghĩ: Khỏi phải nhờ sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Mẹ của hài nhi này tên là Huệ Sự. Nay ta nên đặt tên cho hài nhi là Huệ Đăng. Vua đặt tên hài nhi là Huệ Đăng. Bấy giờ, Vua giao hài nhi cho bốn bà mẹ chăm nuôi. Một bà lo về thân thể, bà thứ hai lo về tắm giặt, bà thứ ba lo về bú sữa, bà thứ bốn lo về vui chơi. Bà lo về thân thể là lo việc chăm nom hình vóc tất cả các việc. Bà lo về tắm giặt thì lo tắm hài nhi và giặt y phục cho hài nhi. Bà lo về việc bú sữa thì lo về việc bứ sữa, sú cơm. Bà lo về việc vui chơi thì Vương tử nếu ở chỗ voi, ngựa, xe cộ du hý hay hoa hương bảo vật, các loại vui chơi phải phục vụ đầy đủ, cầm cây lộng khổng tước đi sau, giúp vui cho Vương tử, khiến cho được khoái lạc. Đức Thế Tôn nói kệ: Tất cả phải tiêu vong, Ở cao, rồi phải rụng. Đã sanh tất phải chết; Có mạng đều vô thường. Chúng sanh chìm cõi Hữu, Tất cả đều hữu vi. Tất cả các thế gian, Nào ai không già chết. Đây lẽ thường ở đời: Sanh, sanh, đều phải chết. Tùy theo nghiệp đã tạo, Tội phước có quả báo. Ác nghiệp đọa địa ngục, Thiện nghiệp sanh lên trời. Cao hành sanh thiện đạo, Đặng vô lậu Niết bàn. Khi vua Lợi Ích Chúng Sanh mạng chung, Vương tử tám, chín tuổi. Bà mẹ cho học các kỹ nghệ, thư họa, toán số, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, cỡi voi, ngựa, xe cộ, bắn cung một cách dũng kiện, và mau chóng. Đối với tất cả các kỹ nghệ, Vương tử đều tinh thông lão luyện. Đến tuổi mười bốn, mười lăm, quần thần đến chỗ Vương tử thưa: «Vương tử có biết chăng, Vua đã mệnh chung. Nay Vương tử nên đăng vương vị, làm vua, thi hành giáo lệnh.» Vương tử trả lời: «Nay tôi không thể làm vua và thi hành giáo lệnh của vua được. Tại sao vậy? Đời trước tôi đã từng làm vua sáu năm. Do nhơn duyên ấy mà tôi đã phải đọa vào địa ngục sáu ngàn năm. Cho nên nay tôi không thể làm vua, và thi hành giáo lệnh của vua được.» Quần thần nói: «Có phương tiện nào để Vương tử có thể làm vua, thi hành giáo lệnh của vua hay không?» Vương tử trả lời: «Có.» Quần thần hỏi, [951a1] phương tiện đó là gì? Vương tử nói: «Nếu có thể nói với kẻ nam người nữ trong cõi Diêm-phù-đề này phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, thì tôi có thể làm vua.» Quần thần nghe Vương tử dạy như vậy rồi, liền sai sứ công bố rao truyền khắp bốn phương như sau: «Nhân dân biết chăng? Vua Lợi Ích Chúng Sanh đã mệnh chung. Vương tử Huệ Đăng theo thứ tự là phải làm Vua. Nhưng Vương tử nói, Ta không làm vua. Cho đến khi nào kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề đều phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, khi ấy ta sẽ làm vua.» Quốc dân nghe công bố như vậy, tất cả đều tu hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Quần thần liền đến chỗ vương tử Huệ Đăng thưa: «Vương tử biết chăng? Kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề này họ đều tự nói rằng: sẽ phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Nay Vương tử có thể đăng Vương vị thi hành giáo lệnh của Vua.» Vương tử nói: «Lấy lụa đem đến đây!» Quần thần liền đem lụa bạch tốt nhất đến. Vương tử tự quấn trên đảnh và tuyên bố: «Thời gian như vậy, có vị quốc chủ như vậy, có tốt đẹp không?» Quần thần trả lời: «Rất tốt.» Khi ấy quần thần tâu với Vua rằng: «Khi Vua mới sanh, có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nay hãy đem nhập vào vào kho của Vua.» Vua nói: «Cần gì phải nhập vào kho. Hãy đem đến đầu các ngã tư mà bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo thiếu, cô đơn, già cả. Họ cần gì đều bố thí cho một cách đầy đủ.» Các đại thần nghe vua Huệ Đăng dạy như vậy rồi, liền ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần chi đều bố thí cho đầy đủ. Bấy giờ, Thiên đế Thích có ý nghĩ, Vua Huệ Đăng ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần gì đều bố thí cho đầy đủ. Có thể việc làm này sẽ chiếm đoạt ngôi vị của ta. Nhưng nay ta có thể đến thử xem vua Huệ Đăng vì Vô thượng đạo làm việc bố thí có thối chuyển hay không?» Thiên đế Thích liền hóa làm một người đàn ông, nói với mọi người rằng: «Vua Huệ Đăng dạy chúng ta phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến.» Bấy giờ, các đại thần liền đến chỗ vua thưa: «Sự thật vua có dạy quốc dân phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến hay không?» Vua trả lời: «Không! Tại sao vậy? Trước đây ta đã nói, ta không làm vua nếu quốc dân không phụng hành thập thiện, không sát sanh, cho đến không tà kiến. Do đó nay ta đã làm vua thì ta đâu có nói những lời như vậy. Nay các khanh cần trang nghiêm xa giá, ta muốn tự mình đi giáo hóa quốc dân.»[28]
Chú thích: [49] Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.169a12): Tỳ-kheo làm doanh sự, chiếm dụng phòng tri sự quá lâu, Phật quy định, làm doanh sự, được cấp phòng tỳ-kheo doanh sự (tri sự), tối đa 12 năm. Nhưng phải chờ Tăng làm bạch nhị yết-ma cho phép. [50] Kinh doanh nhân 經營人, hay doanh sự tỳ-kheo 營事比丘, hay tỳ-kheo tri sự của Tăng. Xem đoạn sau, yết-ma Tăng sai tỳ-kheo doanh sự. Cf. Vin.ii. 160: Cư sĩ cất Già-lam cho Tăng, cần người giám đốc xây dựng. Phật cho phép Tăng bạch nhị yết-ma cử người làm quản đốc, tức doanh sự tỳ-kheo, hay Tri sự Tăng. Pali: navakammika. [51] Xem Phần iii, Ch. An cư. [52] Yết-ma Tăng sai, cử tỳ-kheo doanh sự, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên. [53] Kinh doanh giả 經營者, tức doanh sự tỳ-kheo, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên. Pali: navakammika. [54] Thức ăn loại cứng. [1] Hai loại bát: ca-la 迦羅; xá-la 舍羅. Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.170a02): Cho phép ba loại bát: bát sắt 鐵缽, bát sành 瓦缽, bát tô-ma 蘇摩缽. Pali, Vin. iii. 243, hai loại bát: bát bát sắt và bát sành (dve pattā ayopatto mattikāpatto). [2] Ma 磨; mài, ở đây hiểu là vuốt cho thẳng. [3] Quát 刮, gọt; ở đây hiểu là mài. [4] Dùng hai dao «gọt» nhau, liếc hay mài vào nhau. [5] Hoàn 環, khoen hay khâu, khác với nhẫn. Xem dưới. [6] Chỉ ấn; Pali: aṅgulimuddikā, như khâu hay khoen đeo nơi ngón tay, nhưng có hình tượng trưng làm tín vật. [7] Bất-lan Ca-diếp. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76. [8] Mạt-khư-la Cù-xa-la 末佉羅瞿奢羅. Các đoạn trước phiên âm là Mạt-khư-lê Cù-xa-li. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76. [9] Danh sách sáu tông sư ngoại đạo. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76. [10] Phú-lan 富蘭, trên kia âm là Bất-lan. Xem cht. 7. [11] Tân-đầu-lô 賓頭盧; Pali, Vin. ii. 111, Piṇḍola-Bhāradvāja. [12] Cf. A. ii. 23. Cf. A-la-hán cụ đức kinh, T02, tr. 831. [13] Pali, Vin.ii. 112: na...dārupatto dhāretabbo. Yo dhāreyya, āpatti dukkaṭassa, «không được thọ trì bát gỗ. Ai thọ trì, phạm đột-kiết-la. [14] Xem Trường A-hàm 11, kinh 15 «A-nậu-di» (T01, tr.67c). Cf. D. 24. Pāṭikasutta. [15] Bà-già-bà 婆伽婆, phiên âm (Pali: Bhagavā), Thế Tôn. [16] Xem Phần iii Ch. iv: Y, truyện Kỳ-bà. [17] Phạm Thí 梵施. Không thấy chỗ nào nói Ông này là em khác mẹ của Phật 佛異母弟. [18] Chi tiết toàn câu chuyện gần với truyện Yâmka-pāṭihāriya trong sớ giải Pháp cú, Pali, DhA. iii. 204; cũng được kể trong sớ giải Trường bộ DA. i. 57. [19] Truyện kể Pali: gốc xoài Gaṇḍamba tại cổng thành Xá-vệ. [20] Truyện kể Pali: vì Phật cho biết trước sẽ ngồi dưới gốc xoài Gaṇḍamba, nên ngoại đạo đã cho đốn mất. [21] Tư-ni 斯尼. Chỉ lõa hình Seniya được đề cập trong kinh Kukkuravatika, M. 387, Pali. Theo đó, ông này sau theo Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hán tạng không có kinh tương đưong. [22] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già 波梨子波私婆闍伽. Có lẽ phiên âm từ Skt. parivrājaka (Pali: paribbājaka), chỉ ngoại đạo xuất gia, hay ngoại đạo phổ hành, du sĩ ngoại đạo. [23] Đây chỉ thần biến thị đạo. Xem Phần iii Ch.i, truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 108. [24] Pali gọi đây là yamaka-pāṭihāriya, thần biến thị hiện song đối. Tức hiện từng cặp hiện tượng đối lập. Như vừa bốc lửc vừa trào nước. Duy chỉ Phật, không có Đại Thanh văn nào hiện được thần biến này. [25] Ở đây Phật hiện ký tâm thị đạo. Xem Phần ii Ch.i truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 109 trên. Skt. ādeśanā (Pali: ādesanā): đọc ý nghĩ của người khác (Hán: ký tâm). Bản Hán hiểu là «thuyết pháp.» [26] Phật hiện giáo giới thị đạo, thứ ba trong ba thị đạo. Xem Phần iii Ch.i truyện Uất-bệ-la & 107, 108, 109 trên. [27] Nguyên Hán: trượng phu vương 丈夫王. [28] Hết quyển 51. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích Bấy giờ, Thiên đế Thích nghĩ: «Ta không nên để Vua đi bằng chiếc xe thường của thế gian.» Bèn thắng cỗ xe voi trời. Voi trời có sáu ngà. Ngà nào cũng vậm vỡ. Xe để ngay bên ngoài cửa. Vua Huệ Đăng thấy xa giá bằng voi như vậy, hỏi các đại thần rằng: «Voi này của ai?» Các đại thần thưa: «Không biết là voi của ai. Đây chắc là loại voi của Vua, chứ chẳng phải là người thường có được. Vua có thể xử dụng.» Vua liền xử dụng. Vua bảo: «Hãy đi chỉ cho ta người nào nói: Ta dạy nhân dân phụng hành thập ác.» Người kia liền chỉ Vua. Vua liền hỏi: «Vua Huệ Đăng có dạy ngươi hành thập ác không?» Người ấy trả lời: «Có.» Vua lại hỏi: «Có phương tiện nào để ngươi hành thập thiện không?» Người kia nói: «Có.» Vua hỏi: «Đó là gì?» Người kia nói: «Nếu có ai đã thành tựu Bồ-tát, cho tôi được ăn sống ngưới ấy, ăn thịt, uống máu người ấy; tôi mới hành thập thiện.» Bấy giờ, Vua Huệ Đăng khởi ý nghĩ: «Từ đời vô thỉ đến nay, ta đã trải qua các cái khổ luân chuyển trong năm đường; hoặc bị chặt tay, chặt chân, xẻo mũi tai, móc mắt, chặt đầu, rốt cuộc nào có lợi ích gì?» Nghĩ như vậy xong, vua liền lấy dao bén tự xẻo thịt nơi đùi vế mình, dùng đồ đựng máu đưa cho người kia và nói: «Này nam tử, ngươi hãy ăn thịt và uống máu này, rồi phụng hành thập thiện.» Người đàn ông kia không kham nổi oai đức của Vua Huệ Đăng, nên liền biến mất, bỗng nhiên Thiên đế Thích đứng trước mặt, hỏi Vua: «Nay Vua bố thí vì một thiên hạ, hay vì hai, ba bốn thiên hạ? Vì Mặt Trời, Mặt Trăng, Thiên đế Thích, Ma vương, Phạm vương hay chăng?» Vua trả lời: «Tôi bố thí không vì một thiên hạ, hay hai, ba, bốn thiên hạ, cho đến Ma, Phạm vương. Tôi làm việc bố thí với ý nghĩ như vầy: Muốn cầu Vô thượng chánh chơn Nhất thiết trí, độ người chưa độ, giải thoát người chưa giải thoát, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn, độ sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não. Vì tất cả như vậy.» Bấy giờ, Thiên đế Thích liền nghĩ: «Nay ta để vua Huệ Đăng phải chết vì vết thương này thì thật không thích đáng.» Thiên đế Thích liền dùng nước cam lồ của trời nhiểu vào nơi vết thương. Vết thương liền bình phục lại như cũ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Vua Lợi Ích Chúng Sinh đâu phải ai khác, mà là Phụ vương Bạch Tịnh vậy. Đệ nhất phu nhân, nay là mẹ Ma-da. Vua Huệ Đăng, chính là thân Ta đây. Đời trước, Ta đã giáo hóa vô số kẻ nam người nữ nơi cõi Diêm-phù-đề này phụng hành thập thiện, không sát sanh, cho đến không tà kiến. Do nhân duyên như vậy, cho nên dưới bàn chân của ta có dấu bánh xe nghìn căm, ánh sáng chiếu soi ba ngàn đại thiên quốc độ.» Đại chúng thấy đức Thế Tôn có thần lực biến hóa như vậy, đều rất vui mừng, được pháp chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát đại chúng đều hoan hỷ, tâm yểm ly phát sanh, nên dùng vô số phương tiện nói pháp, khiến cho trăm ngàn người, ngay nơi chỗ ngồi xa trần cấu, đạt được con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày thứ mười lăm đức Thế Tôn biến hóa. 7. Các loại bát cấm Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ Vua Bình-sa cho phép các tỳ-kheo tự do ra vào trong cung. Vua đặt người nơi chỗ khuất để nghe các tỳ-kheo có nói gì thì bẩm báo lại. Nơi cung các kia dùng gỗ thi-xa-bà[29] quý giá làm cây trụ. Các tỳ-kheo thấy, nói: «Gỗ quý giá này thay vì dùng làm cây trụ, nếu dùng làm bình bát cho tỳ-kheo thì hay biết mấy.» Cung nhơn ở chỗ khuất nghe như vậy, liền đến tâu với vua. Vua liền ra lệnh thay cây trụ mới, lấy gỗ ấy làm bình bát, đem cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không dám nhận, nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận bình bát bằng gỗ thi-xa-bà.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được [952a1] chứa bình bát bằng gỗ. Đây là pháp của ngoại đạo. Nếu chứa, sẽ như pháp trị. Vua Bình-sa dùng bình bát bằng đá, dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dùng bính bát bằng đá.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng loại bát này. Đây là bát theo pháp của Như Lai. Nếu dùng thì phạm thâu-lan-giá.» Vua Bình-sa làm bát bằng vàng cúng cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo không nhận và nói: «Đức Thế Tôn chưa cho chúng tôi xử dụng bát bằng vàng.» Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo không nên cất chứa bát bằng vàng. Đây là pháp của bạch y. Nếu cất chứa sẽ như pháp trị.» Vua Bình-sa lại làm bình bát bằng bạc, bằng lưu ly, bằng vật báu, bằng tạp bảo để cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói: «Đức Phật chưa cho chúng tôi chứa cất các loại bình bát như vậy.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên chứa các loại bát đó. Đây là pháp của bạch y. Nếu chứa sẽ trị phạt như pháp.» Thế Tôn ở tại nước Bà-già-đề. Tỳ-kheo người Bạt-xà ở Tỳ-xá-ly[30] dùng chiếc bình bát bằng vàng. Đức Phật dạy: «Không được dùng.» Có vị lại dùng bát bằng bạc, bằng lưu ly, bằng vật báu, bằng tạp bảo. Đức Phật dạy: «Không được dùng.» Đức Phật quở: «Các ông là những người ngu si, tránh dùng cái Ta chế cấm lại dùng các thứ khác. Từ nay về sau, tất cả các loại bát làm bằng vật báu không nên dùng. Nếu dùng sẽ như pháp trị.» Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Các Lê-xa[31] nhận được chiếc bát ma-ni rất có giá trị, dùng bột hương chiên đàn đựng đầy bát, đem dâng cúng đức Thế Tôn thưa: «Bạch Đại đức, xin Ngài từ mẫn nhận chiếc bát ma-ni này.» Đức Phật nói với các Lê-xa: «Ta không dùng chiếc bát này.» Lê-xa lại bạch: «Cúi xin Ngài từ mẫn nhận bột hương chiên đàn.» Đức Thế Tôn thọ nhận. Các Lê-xa nghĩ: «Nên đem chiếc bát này cúng cho ai?» Có người nói nên cho Bất-lan Ca-diếp. Có người nói nên cho Mạt-khư-la Cù-xá-la, A-di-đầu Sí-xá-khâm-bà-la. Có người nói nên cho Ba-hưu Ca-chiên-diên. Có người nói nên cho San-nhã Tỳ-la-tra Tử. Có người nói nên cho Ni-kiền Na-da Tử.[32] Có người nói nên cho Tát-giá Ni-kiền Tử.[33] Vị kia liền đem bát cho Tát-giá Ni-kiền Tử. Bấy giờ, Tát-giá Ni-kiền Tử nghe, các Lê-xa Tỳ-xá-ly đem các bát ma-ni rất quí giá này cúng cho Sa-môn Cù-đàm không nhận, sau đó mới đem cúng cho mình, do lòng kiêu mạn, cống cao, tật đố, giận dữ không vui, không tự kềm chế nên thốt lên lời hung dữ: «Giả sử các ngươi cắt lưỡi của các Lê-xa đựng đầy bát, rồi sẽ nhận.» Các Lê-xa nghĩ: «Tát-giá Ni-kiền Tử muốn làm tổn hại đến dòng họ chúng ta.» Họ dùng một cục đá đánh chết. Tát-giá muốn tự liệu lý để rút lại lời nói dữ trước đó, nhưng các Lê-xa không chịu nghe, vẫn đánh chết. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu được lời, thì sự việc được cởi mở.» Đức Phật dạy: «Có năm pháp khiến cho lời nói có thể tự nêu rõ lý, không bị chê trách, khiến cho người kia hoan hỷ, sau khỏi hối hận. Năm pháp ấy là gì? Nói điều thiện chứ không nói điều bất thiện. Nói như pháp chứ không nói điều không như pháp. Nói lời êm dịu chứ không nói lời không êm dịu. Nói lời chân thật chứ không nói điều hư dối. Nói điều lợi ích chứ không nói điều không lợi ích. Có năm pháp này thì khiến cho lời nói có thể tự nêu rõ lý, không bị chê trách, khiến cho người kia hoan hỷ, sau khỏi hối hận.» Phật liền nói kệ: Ai nói thiện thì thắng; Nói pháp không phi pháp; Ái ngữ; chơn thật ngữ; Lợi ích không tổn hại. Đối với người khéo nói Khiến mình không nhiệt não, Không xâm phạm người khác. Như vậy là khéo nói. Khéo nói với ái ngữ Không bị người kia trách Khi nói, lời thân thương, Các ác không tập hợp. Chí thành nói cam lồ, Nói thật là tối thượng Chơn thật như Phật pháp Thì trụ nơi Niết bàn. Pháp do đức Phật nói An ổn đến Niết Bàn Dứt hết các gốc khổ. Khéo nói, đây là nhất. Vua Bình-sa cúng bát sắt cho tỳ-kheo, tỳ-kheo không nhận và nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dùng bát bằng sắt.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng bát bằng sắt.» 8. Xông bát-Nung bát 1. Bấy giờ, có người làm đồ sắt xuất gia, muốn làm bình bát cho các tỳ-kheo. Bạch Phật. Phật cho phép làm. Người ấy cần lò, đức Phật cho phép xây lò. Người ấy cần búa và kềm, đức Phật cho phép. Người ấy cần ống bệ. Phật cho phép. Người đó cần hòn đá mài, Phật cho phép. Vị đó cần con lăn, đức Phật cho phép. Sợ con lăn, và các vật dụng khác rơi rớt, đức Phật cho phép làm cái đãy để đựng, rồi treo trên cây trụ, trên cây long nha. Vị kia cất chứa bát không xông nên bị bẩn và hôi. Phật cho phép xông. Vị đó không biết xông bằng cách nào. Phật cho phép dùng cái chõ, hay cái ghè để làm lò. Dùng các loại bùn để thoa. Dùng hột hạnh nhơn, hột gai thoa bên trong. Lấy tro trải lên đất cho bằng, làm chỗ xông bát. Đặt chân chống, rồi để bát lên. Rồi úp lò lên bát. Lấy tro phủ bốn bên, lấy tay ém cho chắc. Lấy củi hoặc phân bò chất xung quanh đốt. Nên xông bát như vậy. 2. Thế Tôn du hành nhơn gian tại nước Tô-ma.[34] Khi ấy có người thợ lò gốm có lòng tin. Đức Thế Tôn chỉ chỗ đất bùn và nói: «Lấy đất chỗ này mà làm. Nhồi như vậy. Phơi như vậy. Làm bùn như vậy. Trộn đều như vậy. Làm thành cái bát như vậy. Xoa chà như vậy. phơi khô như vậy rồi, làm cái lò cho chắc, để cái bát vào trong. Đậy nắp lại, thoa bùn phủ lên trên. Dùng cây khư-la-đà,[35] hoặc cây táo, hoặc dùng cây thi-xa-bà,[36] cây a-ma-lặc,[37] chất xung quanh rồi đốt. Người kia theo thứ tự làm theo lời Phật dạy, thành loại bát Tô-ma[38] khác lạ, quý giá, rất tốt, đem cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi xử dụng loại bát như vậy.» Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép chứa dùng.» 9. Trì bát 1. Thế Tôn ở tại thôn Ưu-già-la.[39] Khi ấy có các tỳ-kheo nhận được bát Ưu-già-la,[40] không dám thọ trì và nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng ta xử dụng loại bát như vậy.» Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật cho phép thọ trì. Thế Tôn ở tại Ưu-già-xa.[41] Các tỳ-kheo nhận được loại bát Ưu-già-xa, không dám thọ trì và nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng ta thọ trì loại bát này.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thọ trì.» Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Các tỳ-kheo nhận được bát đen, không dám thọ trì và nói: «Đức Phât chưa cho chúng ta thọ trì loại bát này.» Bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thọ trì.» Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có các tỳ-kheo nhận được loại bát đỏ, không dám thọ trì, nói: «Đức Thế Tôn chưa cho chúng ta dùng loại bát như vậy.» Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép thọ trì.» 2. Có sáu loại bát: bát bằng sắt, bát tô-ma, bát ưu-già-la, bát ưu-già-xa, bát đen, bát đỏ. Các thứ bát này chia thành hai loại: bát bằng sắt và bát bằng sành. Một thứ đựng được một đấu rưỡi, một thứ đựng ba đấu. Hai loại bát này nên thọ trì. 3. Có vị máng bát nơi viên ngói sắp rơi. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bình bát trên hòn đá sắp rơi. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy. Có vị để bát trên dàn gác. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát giữa đường. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát trên đá. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát dưới gốc cây có trái. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát nơi chỗ đất không bằng, đức Phật bảo: «Không nên để như vậy.» Có vị một tay cầm hai cái bát. Đức Phật dạy: «Không nên cầm như vậy. Trừ phi để ngón tay ở giữa. [953a1] Có vị một tay cầm hai cái bát mà mở cữa. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Trừ có dụng tâm.» Có vị để bát sau cánh cửa. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát trước cánh cửa. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.» Có vị để bát ở dưới giường dây, giường cây. Đức Phật dạy: « Không nên để như vậy.» Có vị để bát ở giữa các giường cây, giường giây. Đức Phật dạy: « Không nên để như vậy. Trừ trường hợp để tạm trong chốc lát.» Có vị để bát đầu góc giường giây, giường cây. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy, trừ để tạm trong chốc lát.» Có vị đứng rửa bát; bát rơi vỡ. Đức Phật dạy: «Không nên đứng rửa như vậy.» Có vị cố ý làm cho bát bị vỡ để xin bát mới. Đức Phật dạy: « Không nên làm như vậy.» Có vị để đồ dư trong bát. Đức Phật dạy: «Trong bát không được để bất cứ vật gì.» Có vị vẽ giây nho, hình bông sen trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên vẽ như vậy.» Có vị làm chữ vạn[42] trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị viết tên của mình trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên viết như vậy.» Có vị quấn bốn phía bát, chừa miệng. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị quấn hết cả cái bát. Đức Phật dạy: «Không nên bao như vậy. Nên bao quấn hai phần, chừa lại một phần. Nếu có lủng lỗ nhỏ mà nhiều chỗ thì nên bao hết. Có vị để bát dưới đất, bị hư xông. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy, nên dùng nước bùn rưới đất rồi mới để. Nếu vẫn bị hư xông, nên để trên lá trên cỏ. Nếu vẫn bị hư xông, nên làm cái chân bát. Nếu vẫn bị hư xông,[43] dùng vật bao dưới đáy.»[44] Có vị dùng vật báu bao dưới đáy. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý, mà nên dùng chì hay thiếc để làm.» Vị kia sợ bát rơi đổ. Đức Phật dạy: «Nếu sợ rơi đổ, nên dùng nhựa cây hay sáp (gắn vào đế). Có vị không rửa bát mà đem cất, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên rửa rồi mới cất.» Có vị không dùng tháo đậu để rửa nên không sạch. Đức Phật dạy: «Không nên rửa như vậy. Nên dùng tháo đậu, hoặc đất, hoặc tro, hay phân bò, hoặc bùn để rửa.» Có vị dùng phân bò có trộn cát để rửa nên bát bị hỏng. Đức Phật dạy: «Không nên rửa như vậy. Nên dùng đồ đựng nước ngâm phân bò, để lóng cát, rồi dùng để rửa. Hoặc dùng bột mịn, bùn mịn, hoặc lá, hoặc bông hay trái để rửa cho sạch. Nếu bát có lỗ, bị thức ăn nhét vào trong đó, thì nên cạy ra. Nếu cạy ra bát bị vỡ. Chỗ nào cạy được thì cạy. Chỗ nào không cạy được thì thôi, không sao.» Có vị rửa bát chưa khô mà đem cất, sanh ra cáu bẩn. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nên để cho khô rồi mới cất.» Cầm bát nơi tay, khó giữ. Phật cho phép may cái đãy để đựng. Miệng đãy không buộc, bát rơi ra. Phật cho phép buộc lại. Xách đãy đựng bát trên tay, khó giữ. Phật bảo nên dùng cái giây đai mang trên vai. Có tỳ-kheo kẹp bát dưới nách, miệng bát quay vào hông. Trên đường đi, gặp mưa, bị trượt chân té xuống đất, bình bát cấn hông, bị đau. Đức Phật dạy: «Không nên mang bát như vậy. Nên để miệng bát hướng ra ngoài.» Bát Tô-ma trong đãy, lấy ra để vô khó khăn, bị vỡ. Đức Phật dạy: «Nên làm cái hòm hay cái rương để đựng.» Có vị dùng vật quý báu làm cái hòm cái rương. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu mà làm. Nên dùng cỏ xá-la, hoặc cây tre để làm. Nếu bát bị đụng nhau thì dùng cỏ hay lá cây, hoặc một trong mười loại y để lót. Nếu bát rơi ra miệng hòm; Phật bảo, nên làm cái nắp đậy lại. Có vị, dùng vật quý báu làm cái nắp. Đức Phật dạy, Không được dùng vật quý báu làm nắp. Nên dùng cỏ xá-la, hoặc tre hay cây mà làm. Nếu nơi để bát không chắc thì nên dùng giây đai máng vào móc long nha.[45] 10. Tịnh quả Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vua Bình-sa cho phép các tỳ-kheo tự do ra vào trong vườn xoài.[46] Nhóm sáu tỳ-kheo đến chỗ người giữ vườn nói: «Tôi cần xoài.» Người giữ vườn liền hái xoài cho. Nhóm sáu lại đòi hỏi nữa. Người giữ vườn lại cũng hái xoài cho. Nhóm sáu cứ đòi hỏi như vậy cho đến vườn xoài hết cả trái. Sau đó, Vua cần xoài, ra lệnh quan tả hữu hái xoài. Các quan thừa lệnh đến chỗ người giữ vườn bảo hái xoài. Người giữ vườn báo cáo là xoài hết rồi. Các quan hỏi tại sao hết? Người giữ vườn thưa là: «Sa-môn Thích tử ăn hết.» Đại thần liền hiềm trách: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, nhiều ham muốn mà tự nói mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Người thí tuy không nhàm chán, người nhận phải biết đủ chứ. Tại sao ăn hết vườn xoài của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên ăn xoài.»[47] Các tỳ-kheo khất thực nhận được nước xoài. Phật cho phép dùng. Có vị nhận được trái xoài nấu chín, Phật cho phép dùng. Có vị nhận được nước tương xoài,[48] đức Phật cho phép. Nếu chưa thành rượu thì cho phép uống vào lúc phi thời. Thành rượu rồi, không được uống. Nếu uống sẽ như pháp trị. Sau đó một thời gian, xoài chín mùi, tôn giả A-nan muốn ăn, đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: «Xoài trên cây đã chín mùi.» Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, Ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu-đà đoan nghiêm thiểu dục tri túc, có trí huệ và bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau cho phép ăn xoài.»[49] 11. Câu-chấp Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di, thì khi ấy Nhóm sáu tỳ-kheo khoác trái câu-chấp[50] để dọa nhau, chọc ghẹo nhau. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi khoác trái câu-chấp để dọa nhau, chọc ghẹo nhau, như đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được khoác lộn trái câu-chấp, cũng không được dọa nhau,[51] chọc ghẹo nhau.» Tỳ-kheo bệnh, đắp câu-chấp, mặt có lông vào trong. Lông bên trong dính nơi mụt ghẻ, bị đau. Phật dạy: «Nên mặc cái áo lót. Nếu sợ nóng thì nên lộn trái câu-chấp rồi quàng cà-sa phủ lên trên.» 12. Khâu y Có tỳ-kheo y bị rách. Phật bảo, nên vá lại. Vị ấy không biết vá như thế nào. Đức Phật dạy: «Lấy chỉ khâu lại, hay may chập lại. Nếu có lỗ, lấy đồ đắp lên.» Lỗ rách lớn, miếng đắp nhỏ, khiến y bị chúm lại. Đức Phật dạy: «Không nên vá như vậy. Lớn, nhỏ, tùy theo lỗ rách, rộng ra hai ngón tay, rồi vá. Khi vá sợ y bị chúm lại, nên dùng đá đè bốn góc. Nếu vẫn bị chúm, cắm cọc bốn góc để căng ra. Nếu nó vẫn co lại thì nên làm cái khung đẻ căng ra.» Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật dạy: «Nên dùng gỗ mà làm.» Có vị cần giây để căng. Phật cho phép dùng giây căng ra để vá. Các vị ấy không biết dùng cái gì để vá. Phật cho phép dùng lông chim, hoặc cái trâm để vá. Nếu y mỏng, nhuyễn bị rách thì dùng kim để vá. Có vị dùng vật quý báu làm kim. Đức Phật dạy: «Không được dùng như vậy. Nên dùng đồng hay thép để làm.» Khi vá y, tay bị đau, đức Phật cho phép làm cái đê. Có vị dùng vật quý báu làm đê. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nên dùng đồng, sắt, xương, ngà, sừng, chì, thiếc, bạch lạp, cây, hồ giao để làm.» Khi vị kia vá y, sợ cong, Phật cho phép dùng giây mực khiến cho thẳng. Có vị cần chỉ tơ, Phật cho phép dùng. Có vị muốn nhuộm chỉ để may y, cần đá vôi, đất đỏ, đất trắng, màu huỳnh, tất cả đều được Phật cho phép dùng. Nếu không định được điểm giữa, nên dùng thước để đo. Có vị dùng vật quý báu làm thước đo. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng đồng sắt cho đến cây để làm.» Có vị trương y chấm đất. Khi vá, y dính bụi bẩn. Phật dạy: «Cho phép dùng nước tưới đất cho hết bụi rồi mới trương ra.» Có vị khi vá y kim bị đụng đất, hư kim. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị trải y trên cỏ xa-bà-la[52] để vá, cỏ dính vào y. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị trải y trên cỏ, trên lá để vá. Cỏ lá dính vào y. Đức Phật [954a1] dạy: «Không nên trải như vậy. Nên dùng một trong mười loại y hoặc y-lê-điên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, mạo-lâu, trải lên trên đó để vá.» Tỳ-kheo kia sợ giây, chỉ, kim, dao... các dụng cụ để vá y lạc mất, Phật cho phép làm cái đãy để đựng. Có vị không tháo y ra khỏi cái khung căng, bị mưa ướt. Đức Phật dạy: «Nên tháo ra.» Các vị ấy không biết tháo ra rồi để khung đâu. Đức Phật dạy: «Cho phép để nơi nhà kinh hành hoặc nơi nhà ấm, nhà ăn. Nếu đem vào nhà không lọt vì cửa hẹp thì để bên ngoài, chỗ không bị mưa ướt, bị gió. Nên treo lên chỗ cao ráo.» Có vị vá y rồi, tháo ra, không dẹp dọn cây gỗ. Đức Phật dạy: «Nên dọn dẹp.» Các vị ấy không biết dọn dẹp để vào chỗ nào. Đức Phật dạy: «Nên để dưới gác, hoặc trên giường.» Có vị không dọn dẹp giây. Đức Phật dạy: «Nên cuốn giây lại, để trên chỗ khung căng y.» Các tỳ-kheo sợ kim rơi mất. Phật cho phép làm cái miếng bằng giạ để để ghim. Nếu vẫn sợ mất thì nên làm cái ống để đựng. Có vị dùng vật quý báu làm cái ống. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Nên dùng đồng, sắt cho đến tre, cây để làm.» Sợ kim rơi ra, đức Phật cho phép làm nắp đậy lại. Có vị dùng vật quý báu để làm nắp. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm mà nên dùng đồng, sắt, cho đến tre, cây để làm.» Nếu kim bị rỉ sét thì nên để trong bột miến. Nếu vẫn sợ sét, tùy để chỗ nào khiến cho không rỉ sét. Các tỳ-kheo lo ngại ống đựng kim, dao con, chỉ, và các vật vụn vặt bị lạc mất. Phật cho phép đựng trong cái đãy. Nếu các vật ấy rơi ra, dùng giây cột cái miệng đãy lại. Nếu cầm tay, khó giữ gìn; nên buộc trên vai. 13. Vá bát Bình bát bằng sắt của tỳ-kheo bị thủng, đức Phật cho phép vá lại, hoặc trám đinh, hoặc trét bùn, hay dán nhựa cây. Bát Tô-ma bị lủng, đức Phật cho phép dùng hồ giao nhét, hoặc dùng đá vôi, hoặc dùng đất trắng. Bát ca-la đen[53] bị thủng nên dùi cái lỗ, rồi lấy kim chỉ ràng lại. Có vị cần cái dùi khoan, đức Phật cho phép. Có vị dùng vật quý để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý để làm mà nên dùng đồng sắt.» Nếu sợ chỉ bằng tơ sợi đứt thì nên dùng bằng sợi giây cước, hoặc dùng lông đuôi của bò, ngựa. Nếu sợ trùng cắn cái giây gân thì nên dùng hồ giao trét lên trên. Nếu sợ thức ăn hay nước thấm vào thì cũng nên dùng hồ giao trét lên trên. Nếu cũng lại sợ hư thì dát lá sắt dán vào. 14. Lấy lửa Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Các tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã dùng hỏa châu để lấy lửa, bọn giặc thấy ngọc châu nên đến quấy phá tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Ở nơi a-lan-nhã, không nên dùng hỏa châu lấy lửa.» Các tỳ-kheo cần lửa, đức Phật cho phép tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã dùng thuật lấy lửa. Cần bùi nhùi mồi lửa,[54] cho phép. Cần dùi để dùi lửa,[55] cho phép. Cần các thứ để làm giây, đều được cho phép. Dụng cụ lấy lửa bị rơi rớt. Phật cho phép dùng cái đãy để đựng. Dụng cụ dùi lửa để chỗ bị ẩm, Phật cho phép treo dưới giường hay trên móc long nha. Có vị không biết dùng cái gì để nhen lửa, Phật bảo nên dùng cỏ, lá, hoặc sô-ma, hoặc cỏ ma-sí-xa, hoặc phân bò, phân ngựa để lấy lửa. Tỳ-kheo thường xuyên dùi lửa, bị rách tay, đức Phật cho phép nên dùng hỏa châu chỗ khuất để lấy lửa. 15. Lọc nước Thế Tôn ở tại nước Xá vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng nước có lẫn trùng. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có lòng từ, đoạn mạng chúng sanh, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng nước có lẫn trùng. Cho phép làm cái đãy lọc nước.» Các vị ấy không biết làm cách nào. Đức Phật dạy: «Làm như cái thìa, hoặc ba góc, hoặc làm như cái toi, hoặc làm cái bình lọc. Nếu sợ trùng nhỏ lọt qua thì cho cát vào trong cái đãy lọc. Có vị đổ loại cát lọc lẫn trùng nơi đất khô. Đức Phật dạy: «Không nên đổ như vậy. Nên đổ lại dưới nước.» Bấy giờ, có hai tỳ-kheo cãi lộn nhau, cùng từ nước Câu-tát-la du hành. Một tỳ-kheo có mang đãy lọc nước đi, nên có nước uống. Vị kia không đem đãy lọc nước theo. Hỏi mượn vị kia, nhưng vị kia không cho. Không có nước để uống, nên khát nước quá độ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo này phải cho tỳ-kheo kia mượn. Không nên không có đãy lọc nước mà đi, cho đến nửa do tuần. Nếu không có đãy lọc nước nên dùng cái chéo y Tăng-già-lê để lọc.» 16. Ăn ngủ chung 1. Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề.[56] Hai tỳ-kheo Nhóm sáu, nằm ngủ chung một giường. Tỳ-kheo khác thấy, tưởng là cùng nằm với người nữ. Sau khi họ đứng dậy mới biết không phải người nữ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được hai người nằm ngủ chung một giường.»[57] Có vị nghi không dám cùng người bệnh nằm một giường, đức Phật cho phép cùng người bệnh nằm một giường. Phật ở tại nước Bà-kỳ-đề. Hai vị trong Nhóm sáu tỳ-kheo đồng đắp chung một cái chăn. Tỳ-kheo khác thấy, tưởng là cùng với người nữ nằm. Sau khi họ đứng dậy mới biết chẳng phải là người nữ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được hai người nằm đắp chung một cái chăn.»[58] Các tỳ-kheo chỉ có một cái khăn trải bằng cỏ hay bằng lá. Đức Phật cho phép trên khăn trải này mỗi người riêng một cái khăn trải nằm bằng giạ. Khi thời tiết lạnh chỉ có một cái chăn, Phật cho phép bên trong mỗi người nên mặc áo lót, bên ngoài đắp chung một cái chăn. 2. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo ăn chung một chiếc bát. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi hai người ăn chung một cái bát, giống như Đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được hai người ăn chung một bát.» Có tỳ-kheo đựng cơm chung một cái đồ đựng để ăn. Đức Phật dạy: «Nên chia ra và đựng riêng để ăn. Nếu không có bát riêng thì nên ăn phân nửa, còn phân nửa để lại cho người kia ăn. Nếu gần quá giữa ngày thì nên lấy một vắt để ăn rồi đưa cho người kia ăn. Thay nhau ăn như vậy cho kịp giờ.» 3. Nhóm sáu tỳ-kheo nằm dựa gối vào bàn để ăn, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, mà tự xưng là ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi nằm nghiêng dựa vào bàn để ăn giống như Đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ăn như vậy.» Bấy giờ có các Thượng tọa già bệnh không thể tự tay bưng bát để ăn, Phật cho phép buộc nơi đầu góc của giường giây, giường cây, hoặc để trên cái bình. 4. Nhóm sáu tỳ-kheo đứng trên giường giây, giường cây, nên dây giường bị đứt, khiến cho chăn đắp bị rách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được đứng như vậy. Nếu tỳ-kheo muốn đưa cái gì hay vói nhận cái gì, thì cho phép đứng trên bệ giường.» Bấy giờ, có các ngoại đạo, đem cái giường giây lớn làm cái giường giây nhỏ để chứa dùng. Nhóm sáu tỳ-kheo bắt chước ngoại đạo cất chứa giường giây như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Ca-lưu-đà-di, vì thân hình lớn, mà cái giường trong nhà tắm lại nhỏ nên ngồi không vừa, nghi không dám lấy cái giường lớn bên ngoài để ngồi tắm, chỉ ngồi cái giường nhỏ. Đức Phật dạy: «Trong nhà tắm nên để cả giường lớn và giường nhỏ.» Nhóm sáu tỳ-kheo chứa cất dụng cụ cày bừa và đồ mò lặn của bạch y. Đức Phật dạy: «Không được cất chứa như vậy.» Có vị cất chứa cái mâm cái gáo đồ tắm rửa quý báu. Đức Phật dạy: «Không được chứa như vậy.» 5. Có tỳ-kheo tên là Da-ba-đồ phụng thờ các ngoại đạo, như lửa, như nhật nguyệt, như đạo không nói, pháp của ngoại đạo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được thờ các pháp của ngoại đạo.» 6. Có tỳ-kheo ở tại a-lan-nhã ăn xong ựa ra nhơi lại. Tỳ-kheo khác nói: «Thầy phạm tội ăn phi thời.» Vị kia nói: «Tôi không phạm tội ăn phi thời, tôi chỉ ựa ra nhơi lại thôi.» Các tỳ-kheo [955a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: «tỳ-kheo này vừa từ loài bò đầu thai, nếu không ựa nhơi lại thì không thể sống lâu được. Nếu có tỳ-kheo nào có bệnh như vậy, làm như thế mới dễ chịu, thân không bịnh. Thức ăn chưa ra khỏi miệng được nuốt vô lại.» 7. Trong Kỳ-hoàn có quạ, có kéc, kêu inh ỏi, làm loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Đức Phật dạy: «Nên khua tiếng cho chúng sợ bay đi. Hoặc giả làm tiếng của giây cung, hay đập vỗ vào cây để cho chúng bay đi.» 8. Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp đến chỗ bố-tát, trời tối. Đức Phật cho phép cầm đuốc. Nếu chỗ ngồi bị tối thì cho phép thắp đèn. Có vị cần đồ đốt đèn, Phật cho phép sắm; cần dầu, cần đèn, cũng cho phép sắm. Nếu đèn không được sáng thì kéo tim cao lên. Nếu bị dầu dính bẩn tay thì cho phép làm đũa để gắp. Nếu sợ cháy đũa thì cho phép làm đũa bằng sắt. Nếu sợ cái tim đèn nằm xuống thì chính giữa nên để cái tim bằng sắt. Nếu vẫn không sáng, thì cho phép làm cái tim cho lớn. Nếu vẫn còn tối thì nên để bốn góc nhà bốn cây đèn. Nếu lại không sáng thì nên làm cây đèn xoay tròn. Nếu vẫn không sáng thì trong nhà, xung quanh đều để đèn, hoặc để đèn giá đứng. Hoặc lấy cái bình, đổ nước vào rồi đổ dầu lên trên, lấy vải bọc hạt cải làm cái tim để thắp. 8. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu sai người mang đến sáu thứ: gường giây một người, lò lửa, lồng đèn, chổi quét, quạt, và cái đấu.[59] Các tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật cho phép nhận, ngoại trừ cái đấu[60] không nên nhận. 17. Chuyển thể Phật ngôn Có tỳ-kheo Dũng Mãnh[61] là bà-la-môn xuất gia, đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên bạch đức Thế Tôn: «Bạch Đại đức! Các tỳ-kheo thuộc nhiều dòng họ xuất gia, tên gọi cũng khác, phá hoại nghĩa của kinh Phật. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con vì đức Thế Tôn dùng ngôn luận hoàn hảo của thế gian tu lý kinh Phật.[62]» Đức Phật dạy: «Các ông là những người ngu si. Đó là sự huỷ hoại bằng cách đem ngôn luận của ngoại đạo mà pha trộn vào trong kinh Phật.» Đức Phật dạy: «Cho phép, tùy theo ngôn ngữ, phong tục của từng nước mà giải thích, tụng đọc kinh Phật.»[63] 18. Kín đáo 1. Có tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, trên đường đi, đến chỗ khuất đại tiểu tiện. Bấy giờ, có người nữ cũng đến chỗ khuất đại tiểu tiện. Cách đó không xa có một cái ao nước, tỳ-kheo đến ao để rửa, người nữ kia cũng đến ao để rửa. Các cư sĩ thấy tỳ-kheo này từ chỗ đó đi ra rửa, người nữ này cũng vậy. Họ bảo chắc tỳ-kheo này xâm phạm người nữ kia. Các tỳ-kheo nghe, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên đại tiểu tiện chỗ như vậy, làm cho người ta sanh nghi. Cũng không nên ở trên ao nước mà rửa.» 2. Bạt-nan-đà Thích tử gần tối đến nhà bạch y, ngồi trong nhà giây lát rồi ra đi không nói với chủ nhà. Trong khi ấy có bọn cướp suốt ngày rình nhà kia. Chiều hôm đó gặp lúc cửa mở nên liền vào. Chúng thu dọn đồ đạt tẩu thoát. Người chủ hỏi ai mở cửa đi ra mà không đóng. Gia nhân trả lời: «Bạt-nan-đà Thích tử.» Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ thẹn, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cùng bọn giặc hẹn nhau để đến cướp đoạt của nhà tôi?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên đến nhà bạch y lúc chiều tối.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo vì việc Phật, việc Pháp, việc Tăng, việc Tháp, việc tỳ-kheo bịnh, hoặc đàn-việt mời vào lúc xẩm tối, tỳ-kheo nghi không dám đến. Đức Phật dạy: «Nếu có những trường hợp như vậy thì nên đến.» 3. Bạt-nan-đà Thích tử với ý dục mà nói pháp cho người nữ. Người nữ kia quan sát biết, liền nói: «Tại sao Thầy không nói pháp cho chính Thầy?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không nên vì ý dục mà nói pháp.» Nhóm sáu tỳ-kheo bói toán cho người nữ. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Nhóm sáu lại đi nhờ người bói toán. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» 4. Nhóm sáu tỳ-kheo cá cược[64] với người khác. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Người kia được vật liền lấy luôn. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» 5. Nhóm sáu tỳ-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, lấn người khác té xuống đất. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có yểm túc, mà tự nói ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cùng nắm tay nhau đi ngoài đường như đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được đi như vậy.» Các tỳ-kheo đi trên đường, có người cho đôi guốc, bình hoa đựng dầu. Tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» 6. Nhóm sáu tỳ-kheo đem đồ vật cho thuê.[65] Đức Phật dạy: «Không được như vậy .» Nhóm sáu tỳ-kheo giữ vật cho thuê của người khác.[66] Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» 7. Nhóm sáu tỳ-kheo gây gỗ với người khác. Nói chuyện với Thượng toạ mà lật ngược y, y quần cổ, y phủ đầu, y choàng cả hai vai, mang guốc dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được như vậy. Nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến trước Thượng tọa, cúi mình, chắp tay thưa: ‹Con có việc cần thưa với Thượng tọa.› Vị thượng tọa nên nói: ‹Như pháp như luật thì nói.› » 19. Dù-gậy-quạt-phất trần 1. Bạt-nan-đà đi đường, cầm cây lọng tròn lớn và đẹp. Các cư sĩ từ xa thấy tưởng là Vua hay Đại thần nên sợ sệt tránh đường. Khi đến gần, xem kỹ mới biết là Bạt-nan-đà, mới cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử ham muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cầm cây lọng tròn lớn và đẹp đi ngoài đường như Đại thần của Vua, khiến cho chúng tôi sợ phải tránh đường?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «tỳ-kheo không nên cầm cây lọng tròn đi ngoài đường, cũng không được cất chứa.» Khi trời mưa, các tỳ-kheo đến nhà ăn, hoặc ban đêm tập hợp, lúc Bố-tát, y mới nhuộm bị ướt hư màu. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Vì bảo vệ y, khi ở trong chùa, nên dùng vỏ cây, lá, hoặc tre làm dù để che mưa.» Có vị cần cán lọng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, bạch lạp, chì thiếc, hay cây để làm.» Có vị cần chóp lọng, Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Cho phép dùng xương, cho đến cây để làm.» Có vị cần cây lọng rộng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương cho đến cây để làm.» Có vị muốn phủ tàn lọng. Phật cho phép dùng lá cây đa-la, lá cây ma-lâu,[67] vỏ cây để phủ. Nếu sợ bốn phía bị hư, cho phép phủ nhiều lớp.» Có vị cần cán lọng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, bạch lạp, chì thiếc, hay cây để làm.» Có vị làm cái cán lọng dài, nhưng đem vô đem ra cửa không lọt. Đức Phật dạy: «Nên tháo ra.» Nếu sợ cán sút ra, nên đục cái lỗ để đóng vào. Nếu bị gãy hay cong, cho phép làm bằng sắt, trên đầu làm miếng sắt buộc vào. 3. Bạt-nan-đà Thích tử bỏ bát vào trong đãy, xỏ vào đầu cây gậy quảy đi. Các cư sĩ thấy tưởng là gia nhân của Vua nên sợ tránh đường. Khi đến gần mới biết là Bạt-nan-đà, nên cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Cũng không nên cất chứa cây gậy để quảy bát như vậy.» Bấy giờ, có tỳ-kheo già bệnh đi đường bị té. Đức Phật dạy: «Già bệnh cho phép cầm gậy.[68] Nếu sợ đầu dưới cây gậy bị cùn, cho phép làm cái khâu bịt lại.» Vị kia dùng vật quý giá làm cái khâu. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý giá làm mà nên làm bằng xương, răng, bạch lạp, chì thiếc.» Nếu trên đầu cây gậy bị hư hoại, cũng cho phép dùng vật như vậy để làm. Nhóm sáu tỳ-kheo cất chứa gậy không trung,[69] các cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, không có hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cầm cây gậy không trung như đại thần của vua» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Các tỳ-kheo đi đường thấy rắn rít, bò cạp. Những tỳ-kheo chưa ly dục sợ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép cầm cây tích trượng[70] để khua động. Hoặc khua ống đồng đựng đá vụn, hoặc đập tre làm cho có tiếng để chúng nó tránh đi.» 4. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo cầm cây quạt tròn lớn. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, không có hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp trong khi cầm cây quạt tròn lớn như đại thần của vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được cầm như vậy.» Có vị nhận được vật đã làm thành, nghi không dám thọ trì, bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép nhận cho tháp.» Tỳ-kheo trên đường đi bị nóng, bạch Phật. Đức Phật cho phép dùng lá cây hoặc nhánh cây hoặc cỏ hay một trong mười loại y làm cây quạt để quạt. Nhóm sáu tỳ-kheo cầm cây quạt bằng da. Đức Phật dạy: «Không được dùng.» Nhóm sáu tỳ-kheo ghép ngang dọc mười thanh gỗ rồi phất da lên trên để làm cây quạt. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Cây quạt của tỳ-kheo bị hư, đức Phật cho phép dùng vỏ cây hay lá cây vá lại. Nếu vá bằng da mà bị hư hỏng thì nên dùng chỉ may lại. Nếu dùng chỉ may bị đứt thì nên dùng giây gân để may. Nếu bên lề bị hư thì nên dùng da để buộc. Khi các tỳ-kheo dùng bữa ăn chính bữa ăn phụ, hoặc ban đêm nhóm hợp, hay lúc thuyết giới bị nóng, đức Phật cho phép làm cây quạt lớn như cỗ xe bằng quạt có cơ quan chuyển động. Các vị ấy không biết bảo ai đẩy. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo hay sa-di, hoặc người giữ vườn, hay ưu-bà-tắc kéo.» Nhóm sáu tỳ-kheo dệt cây quạt bằng lông, giết nhiều loại trùng nhỏ hay cỏ, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, hại nhiều sinh mạng mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi xử dụng cây quạt bằng lông, làm tổn hại nhiều mạng chúng sanh?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được xử dụng cây quạt bằng lông như vậy.» 5. Các tỳ-kheo bị trùng nơi cỏ, hay bụi bay nhớp thân, đức Phật cho phép làm cái phất trần. Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật cho phép dùng cỏ, hoặc vỏ cây lá cây dùng chỉ may lại, hoặc dùng lụa vụn cắt may. Có tỳ-kheo nhận được cái đuôi súc vật để phủi bụi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật cho phép dùng. 20. Chỗ ngồi 1. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Ưu-ba-ly cùng các tỳ-kheo bàn luận pháp luật. Các tỳ-kheo cùng đến nghe giới, chỗ ngồi chật hẹp không đủ dung chứa. Đức Phật dạy: «Hơn kém nhau ba tuổi hạ ngồi chung trên giường cây.[71] Hơn kém nhau hai tuổi hạ ngồi chung trên giường giây nhỏ.» 2. Tỳ-kheo-niên thiếu tân học chưa rõ việc, các con số lẫn lộn nhau. Phật cho phép dùng con toán để ghi số. Có vị dùng vật quý báu để làm. Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Nên dùng xương, nha, sừng, đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp, cây để làm.» Có vị để trên đất nhớp tay. Đức Phật dạy: « Không được để trên đất. Nên để trên ván.» Có vị để tấm ván trên đất rồi để trên đầu gối, bẩn y. Đức Phật dạy: «Không được để như vậy. Nên lấy gót chân làm cái ghế.» Có vị sợ con toán rơi rớt, Phật cho phép may cái đãy để đựng. Miệng đãy không buộc lại, nên bị rơi ra. Phật cho phép dùng giây buộc lại, rồi treo trên cây móc long nha, hay trên cây nhọn. 21. Tỏi Thế Tôn ở tại vườn Kỳ-hoàn, thuyết pháp cho vô số trăm ngàn chúng vây quanh. Bấy giờ có tỳ-kheo ăn tỏi nên đứng xa đức Phật. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan: «Tại sao tỳ-kheo kia đứng xa Như Lai?» Tôn giả thưa: «Tỳ-kheo ấy ăn tỏi.» Đức Phật nói với tôn giả A-nan: «Đâu có thể vì tham ăn mùi vị như vậy mà không nghe pháp sao? Từ nay về sau, tất cả không nên ăn tỏi.»[72] Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất bị chứng thống phong,[73] thầy thuốc bảo phải ăn tỏi, đức Phật cho phép ăn. 22. Khuân vác Có tỳ-kheo vác đồ trên lưng mà đi, cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử giống như bạch y, vác đồ trên lưng mà đi.» Họ sanh tâm khinh mạn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được vác đồ vật trên lưng đi.»[74] Các tỳ-kheo cần củi để nhuộm như cỏ, phân bò, lông, gai, tự mình vác đi. Đức Phật dạy: «Chỗ không có người thì nên vác. Nếu thấy bạch y thì nên để xuống đất, hoặc di chuyển để trên đầu hay trên vai.» Có tỳ-kheo Y-lê-a-nhã quấn y quá chặt.[75] Cư sĩ thấy cơ hiềm: «tỳ-kheo như chúng ta, quấn y khuân vác.»[76] Họ sanh tâm khinh mạn, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được quấn y như vậy cũng không nên vác như vậy.» Các tỳ-kheo ở trong chùa, tập trung ngói đá cây củi, e ngại không dám gánh vác dọn dẹp, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép ở trong chùa thì được gánh vác.» 23. Tháp Thanh văn Sau khi Xá-lợi-phất, Mục-liên nhập Bát-niết-bàn, có đàn-việt nói: «Nếu đức Thế Tôn cho chúng ta xây tháp thì chúng ta sẽ xây.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép. Vị kia không biết xây như thế nào. Đức Phật dạy: «Xây vuông hay tròn hoặc bát giác.» Các vị ấy không biết xây bằng thứ gì, đức Phật bảo dùng đá, gạch hoặc cây để xây. Xây rồi nên trét. Các vị ấy không biết dùng thứ gì để trét. Phật cho phép dùng bùn đen. Bùn tro, hoặc bùn phân bò, hay bùn trắng, hoặc dùng đá vôi, hay đát thó. Có vị muốn làm nền tháp, đức Phật cho phép làm. Có vị muốn cúng dường bằng hương hoa. Phật cho phép cúng dường bằng cách xây lan can xung quanh rồi để hương hoa lên trên. Có vị muốn treo tràng phan bảo cái. Phật cho phép treo tràng phan bảo cái. Có vị leo trên tháp, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không được leo. Nếu cần leo để lấy vật gì thì cho leo.» Có vị leo lên trên lan can, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không được leo. Cần lấy cái gì thì cho phép leo.» Có vị leo lên móc long nha, trên cây cọc. Đức Phật dạy: «Không được leo. Cần lấy vật gì thì nên leo.» Có vị leo lên trên tượng để treo bảo cái cúng dường. Đức Phật dạy: «Không được leo như vậy, nên tạo phương tiện, dùng ghế để leo và treo.» Tháp kia ở giữa đất trống, bông hoa, đèn dầu, tràng phan bảo cái, kỹ nhạc cúng dường, bị mưa, bị gió, nắng, bụi bặm nhớp nhúa, chim quạ làm bất tịnh. Đức Phật dạy: «Cho phép làm các loại nhà để che lên trên.» Khi cất nhà, cần dùng thứ gì, đều cho phép xử dụng. Đất có bụi nên trét bằng bùn đen, bùn phân bò. Nếu cần màu trắng thì dùng đá vôi hay đất thó. Có vị cần đồ rửa chân nên cho xử dụng. Cần đá lót đường đi, đức Phật cho phép dùng. Có vị cần đất trải, Phật cho phép làm. Bấy giờ, bên ngoài không có tường để ngăn bò ngựa ra vô, Phật cho phép xây tường. Nếu cần cửa ngõ cho phép làm. Khi ấy, có đàn-việt nghĩ như sau đối với Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Hai vị này lúc còn sanh tiền ta thường cúng dường thức ăn. Nay đã Niết-bàn, nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta sẽ dâng cúng.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép cúng dường.» Các vị ấy không biết dùng cái gì đựng vật cúng dường. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng cái bát bằng vàng bạc, đồ quý báu, đồ tạp bảo.» Các vị ấy không biết đem đi bằng cách nào. Đức Phật dạy: «Cho phép dùng voi ngựa, xe cộ để chở, hoặc đội hay gánh.» Các vị tỳ-kheo tự mình làm kỹ nhạc, hoặc thổi [957a1] tù và để cúng dường. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị e ngại không dám khiến bạch y làm kỹ nhạc cúng dường. Đức Phật dạy: «Cho phép làm.» Có vị không biết thức ăn cúng dường nơi tháp rồi, ai thọ dụng. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo, sa-di, ưu-bà-tắc, hay người xây dựng ăn thức ăn cúng dường ấy.» Bấy giờ, có đàn-việt khởi ý niệm như sau đối với tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Nếu đức Phật cho chúng ta trang nghiêm cúng dường tháp của hai Ngài thì chúng ta sẽ làm.» Đức Phật cho phép làm. Có vị cần hương hoa, anh lạc, tràng phan, đèn dầu, đài cao, xe. Phật cho phép dùng. Có vị muốn làm hình tượng, đức Phật cho phép làm. Có vị không biết an trí xá lợi trong tháp bằng vàng, trong tháp bằng bạc, hoặc bảo tháp, hoặc tạp bảo tháp, hoặc dùng lụa gói lại, hoặc dùng y bát-tứ-đam-lam-bà,[77] hay dùng y đầu-đầu-la[78] gói lại. Vị kia lại không biết đem đi bằng cách nào, đức Phật cho phép dùng voi ngựa xe cộ... chở, hoặc gánh, hoặc đội, để đem đi. Nếu nó nghiêng đổ thì nên vịn giữ. Có vị tự mình làm kỹ nhạc để cúng dường. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị lại e ngại không dám khiến bạch y làm kỹ nhạc để cúng dường, đức Phật cho phép làm. Có vị muốn lau quét tháp Thinh văn. Đức Phật dạy: «Nên dùng lá cây đa-la, lá cây ma-lâu,[79] hoặc đuôi con công để lau quét. Có vị có nhiều hoa, Phật cho phép để trên nền tháp, trên lan can, trên cây trụ, trên móc long nha, hoặc để bên trong, hoặc dùng giây xâu lại treo trước mái hiên nhà. Nếu có nhiều bùn thơm, đức Phật cho phép làm hình bàn tay, hình vòng tròn, hình ma-hê-đà-la, hình bụi cây, hình giây nho, hình bông sen, nếu còn dư thì trét dưới đất. 24. Cạo tóc Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vì cung kính đức Thế Tôn nên không vị nào dám cạo tóc cho đức Phật. Chỉ có một thiếu nhi vì còn nhỏ nên chưa biết sợ, mới cạo tóc cho đức Phật. Thiếu nhi tên là Ưu-ba-ly cạo tóc cho đức Phật. Cha mẹ của thiếu nhi chắp tay thưa với đức Thế Tôn: «Bạch Thế Tôn, thiếu nhi Ưu-ba-ly cạo tóc cho Thế Tôn có được tốt hay không?» Đức Phật dạy: «Tốt, nhưng đứng cho thong thả chứ đừng cúi xuống quá!» Cha mẹ thiếu nhi lại bạch Phật: «Thiếu nhi thế phát có tốt không?» «Tốt, nhưng đứng thẳng quá!» Cha mẹ liền bảo: «Con đừng đứng thẳng quá, khiến đức Thế Tôn không an ổn.» Cha mẹ thiếu nhi bạch Phật: «Cháu thế phát có được tốt không?» Đức Phật nói: «Tốt, nhưng thở vào thô quá!» Cha mẹ Ưu-ba-ly liền bảo: «Con thở vô mạnh quá, đức Thế Tôn không an ổn.» Cha mẹ cháu lại bạch Phật: «Ưu-ba-ly thế phát có được tốt không?» Đức Phật dạy: «Tốt, nhưng thở ra thô quá!» Cha mẹ Ưu-ba-ly liền bảo: «Con đừng thở ra mạnh quá, khiến đước Thế Tôn không an ổn.» Bấy giờ, thiếu nhi Ưu-ba-ly thở ra thở vào, rồi không thở, vào đệ tứ thiền.[80] Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A-nan: «Ưu-ba-ly đã vào đệ tứ thiền. Ông lấy con dao nơi tay của thiếu nhi. A-nan vâng lời Phật dạy, liền lấy con dao. Khi ấy, A-nan lấy đồ cũ đựng tóc đức Thế Tôn. Phật dạy: «Không được dùng đồ cũ đựng tóc đức Như Lai. Nên dùng đồ mới để đựng, hay dùng y mới, hoặc tơ lụa, hoặc y bát-tứ-đam-lam-bà, hoặc y đầu-đầu-la để gói lại.» 25. Tháp Phật Bấy giờ, có Cù-ba-ly[81] tướng quân muốn đến phương tây để chinh phạt, đến xin râu tóc của đức Thế Tôn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật đồng ý cho. Vị kia nhận được tóc rồi, không biết cung trí chỗ nào. Đức Phật cho phép để trong tháp bằng vàng, tháp bằng bạc, tháp bằng vật báu, tháp bằng tạp bảo, hay dùng tơ lụa, hoặc y bát-tứ-đam-lam-bà, y đầu-đầu-la để gói lại. Người ấy không biết đem đi bằng cách nào, đức Phật cho phép dùng voi ngựa xe cộ để chở, hoặc đội trên đầu hoặc vác trên vai. Vương tử đem tóc của Phật đến chỗ chinh phạt, được đắc thắng. Khi Vương tử kia trở về nước vì đức Thế Tôn xây tháp để thờ tóc. Đây là ngôi tháp của đức Thế Tôn lúc Ngài còn tại thế. Các tỳ-kheo thưa: «Nếu đức Thế Tôn cho phép, chúng ta gánh tóc[82] đức Thế Tôn đi thì chúng ta sẽ gánh đi.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép. Các vị ấy không biết cung trí nơi chỗ nào, đức Phật cho phép cung trí nơi tháp bằng vàng, bằng bạc, tháp bằng châu báu, tháp bằng tạp bảo, hay dùng y bát-tứ-đam-lam bà, y đầu-đầu-la gói lại. Các vị ấy không biết mang đi bằng phương tiện nào, đức Phật cho phép chở bằng voi, ngựa, xe cộ, hoặc vác trên vai hay đội trên đầu. Có vị kẹp cái tháp Thế Tôn dưới nách. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị lật ngược y, y quấn cổ, y trùm đầu, y choàng cả hai vai hoặc mang guốc ép gánh tháp của đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép để vác trên vai hay đội trên đầu, tháp đức Thế Tôn mà đi.» Có vị mang tháp đức Thế Tôn đến chỗ đại tiểu tiện. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên để chỗ thanh tịnh.» Có vị không rửa chỗ đại tiểu tiện, bưng tháp đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên rửa cho sạch rồi mới bưng.» Có vị cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng không tốt, mình ở phòng tốt. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Nên cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng tốt, mình ở nơi phòng không tốt.» Có vị cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng dưới, mình ở phòng trên. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Nên cung trí tháp đức Như lai nơi phòng trên, mình ở phòng dưới.» Có vị cùng ngủ một nhà với tháp đức Như Lai. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị vì muốn giữ gìn cho chắc, nhưng e ngại không dám cùng ngủ, đức Phật cho phép cung trí nơi đầu cây trụ, hay đầu móc răng rồng, hoặc một bên đầu để ngủ. Các ưu-bà-tắc nghĩ như vầy: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta, ngay bây giờ, lúc đức Thế Tôn còn hiện tại, xây tháp thờ Thê Tôn, thì chúng ta sẽ xây.» Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép làm. Các vị ấy không biết làm thế nào. Đức Phật dạy: «Nên làm vuông hay tám cạnh hoặc làm tròn.» Các vị ấy lại không biết dùng vật gì để xây. Đức Phật dạy: «Nên dùng gạch đá hoặc cây để làm.» Tất cả như trên đã nói, cho đến cách trải dưới đất cũng như trên đã nói. Có vị cần tràng phan, đức Phật cho phép làm tràng phan, hoặc tràng sư tử, hay tràng rồng, hoặc tràng trâu rừng. Trường hợp xung quanh thấp không có hàng rào, nên trâu dê ra vào, Phật cho phép làm hàng rào để ngăn, như trên. Bấy giờ, tháp miếu của các ngoại đạo thường dùng thức ăn thức uống cúng dường. Các ưu-bà-tắc nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta dâng cúng những thức ăn hảo hạng thì chúng ta sẽ dâng.» Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép, như trên. Các vị ấy không biết ai sẽ thọ hưởng thức ăn này. Đức Phật dạy: Vị làm tháp thọ hưởng. Khi ấy, tháp miếu của các ngoại đạo, được họ trang nghiêm cúng dường, các ưu-bà-tắc nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta trang nghiêm cúng dường tháp của Thế Tôn thì chúng ta sẽ làm.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép làm, như trên. Có vị ngủ trong tháp đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: «Không được ngủ như vậy.»[83] Có vị vì bảo vệ tháp mà e ngại không dám ngủ trong tháp. Đức Phật dạy: «Vì thủ hộ thì cho phép ngủ.» Có vị cất chứa vật trong tháp Phật. Đức Phật dạy: «Không được cất chứa như vậy.»[84] Có vị vì muốn bảo đảm nên cất chứa vật trong tháp mà e ngại, không dám, nhưng được đức Phật cho phép. Có vị mang giày dép vào trong tháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.»[85] Có vị xách giày dép vào trong tháp Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị mang phú-la vào trong tháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.»[86] Có vị xách phú-la vào trong tháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị e ngại không dám mang phú-la di quanh [958a1] ngoài tháp. Đức Phật dạy: «Cho phép mang.» Có vị ăn dưới tháp làm nhớp. Đức Phật dạy: «Không được ăn dưới tháp.»[87] Khi các tỳ-kheo đi quanh nơi tháp, khi ở nơi phòng xá, khi tắm nơi ao, tập hợp số đông Tăng, chỗ chật không đủ dung, có vị e ngại không dám ngồi dưới tháp để ăn, họ bảo đức Thế Tôn không cho phép ngồi ăn dưới tháp. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép ăn dưới tháp. Nhưng đừng làm nhơ nhớp không sạch.» Các tỳ-kheo không biết làm cách nào cho khỏi nhớp. Đức Phật dạy: «Cho phép, gom những thứ bất tịnh gần bên chân. Khi ăn xong đem ra ngoài bỏ.» Có vị khiêng tử thi đi qua dưới tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»[88] Có vị chôn thây chết dưới tháp. Đức Phật dạy: «Không được chôn như vậy.»[89] Có vị đốt tử thi dưới tháp. Đức Phật dạy: «Không được đốt như vậy.» Có vị đốt tử thi trước tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị đốt tử thi xung quanh tháp, khiến cho mùi hôi bay vào tháp, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không được đốt tử thi xung quanh tháp khiến mùi hôi bay vào tháp.» Có vị mang y, giường nằm của người chết đi qua dưới tháp, khiến vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có tỳ-kheo mặc y phấn tảo, e ngại không dám mang y phấn tảo đi qua dưới tháp và nói đức Thế Tôn có dạy: «Không cho phép mang y người chết đi qua dưới tháp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu giặt nhuộm cho sạch và xông mùi thơm thì được mang đi qua.» Có vị đại tiểu tiện nơi tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị đại tiểu tiện trước tháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị đại tiểu tiện xung quanh tháp, khiến mùi hôi bay vào, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị xỉa răng dưới tháp. Đức Phật dạy: «Không được xỉa như vậy.»[90] Có vị xỉa răng trước tháp. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị xỉa răng xung quanh tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị khạc nhổ dưới tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị hỉ mũi trước tháp. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị ngồi duỗi chân trước tháp. Đức Phật dạy: «Không được duỗi chân như vậy.»[91] Nếu trong Tăng-già-lam đầy cả tháp, thì cho phép giữa khoảng cách hai tháp ngồi duỗi chân. Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại nước Câu-tát-la, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian, đến nơi thôn Đô-tử bà-la-môn, một trú xứ nọ, đức Thế Tôn mỉm cười. Lúc đó, tôn giả A-nan liền nghĩ: «Do nhân duyên gì, hôm nay đức Thế Tôn mỉm cười? Không bao giờ đức Thế Tôn không có nhân duyên gì mà mỉm cười.» Tôn giả liền để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: «Bạch đức Thế Tôn! Không bao giờ Thế Tôn không có nhơn duyên mà mỉm cười. Vừa rồi, do nhơn duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười? Chúng con nguyện muốn biết điều đó.» Đức Phật bảo tôn giả A nan: «Thuở đời quá khứ, khi đức Phật Ca-diếp niết-bàn rồi. Bấy giới Vua nước Sí-tỳ-già-thi,[92] tại địa điểm này bảy năm bảy tháng bảy ngày, sau khi xây dựng một tháp lớn rồi, bảy năm, bảy tháng bảy ngày thiết lập đại lễ cúng dường. Vua ngồi dưới bóng mát nơi hai bộ Tăng cúng bữa cơm thứ nhất. Bấy giờ cách chỗ đó không xa có một nông phu đang cày ruộng, đức Phật đến nơi đó, lấy một nắm bùn đem lại, nói kệ: Dầu dùng trăm ngàn anh lạc Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn nắm vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn gánh vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn ôm vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn vách vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn non (núi) vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Dầu dùng trăm ngàn núi vàng Đều là vàng diêm-phù-đàn Không bằng dùng một nắm bùn Vì Phật xây dựng bảo tháp. Bấy giờ, các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều dùng một nắm bùn để nơi chỗ đó, liền thành một bảo tháp lớn. Khi ấy, các tỳ-kheo lo trong phòng nhà có mùi hôi. Đức Phật dạy: «Nên rưới nước quét. Nếu vẫn còn hôi thì dùng bột hương thoa. Nếu vẫn còn hôi thì treo hương thơm bốn góc phòng nhà.» 26. Tắm Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, chúng Tăng nhận được nhiều thức ăn cúng dường. Các tỳ-kheo không tự chế nên sanh bệnh, đức Phật bảo nên uống thuốc. Có vị cần thổ hạ thì nên cho thổ hạ, có vị cần cháo thì nên cho cháo, cần thịt chim rừng thì cho thịt chim rừng. Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử trị bệnh cho chúng Tăng, vì Phật và Tăng làm thuốc thổ hạ, nấu cháo và nấu canh thịt chim rừng, không đủ cung cấp, đến chỗ đức Thế Tôn đầu diện đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Phật: «Kính bạch Đại đức, các tỳ-kheo mắc bệnh. Nếu các vị ấy được phép tắm thì bệnh tình sẽ thuyên giảm.» Đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử biết đức Phật cho phép rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân đức Phật, nhiễu quanh và cáo lui. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, dùng phương tiện tùy thuận thuyết pháp, khen ngợi hạnh đầu-đà, đoan nghiêm thiểu dục tri túc, ưa xuất ly và bảo các tỳ-kheo: «Cho phép các tỳ-kheo làm nhà tắm để tắm.»[93]
Chú thích: [29] Thi-xa-bà 尸賒婆. Pali: siṃsapā, cũng phiên âm là thân-thứ. Không có từ điển nào chỉ rõ là cây gì. Cây thường mọc thành rừng. Nhiều kinh được Phật giảng trong các rừng siṃsapā. [30] Tỳ-xá-ly Bạt-xà tử 毘舍離跋闍子. Bạt-xà (Pali: Vajjī) đương thời là một bộ tộc lớn có nhiều nhánh, trong đó hai nhánh chính là Li-xa (Pali: Licchavī) và Tỳ-đề-ha (Pali: Vedehā). Tỳ-xá-ly (Pali: Vesāli) là thủ phủ của nhánh Licchavī. Trong tạng Pali, có một tỳ-kheo tên là Vajjiputta (Bạt-xà Tử). Sau khi Phật Niết-bàn, chính nhờ nghe một bài kệ từ tỳ-kheo này mà A-nan chứng quả A-la-hán. [31] Lê-xa 梨奢, những người Licchavī. Xem cht. 27 trên. [32] Ni-kiền Na-da Tử 尼犍那耶子. Các đoạn trên cũng phiên âm là Ni-kiền(-đà) Nhã-đề Tử. Cũng gọi là Ni-kiền Tử. [33] Tát-giá Ni-kiền Tử 薩遮尼犍子. Tên một người theo phái Ni-kiền Tử. Có hai kinh quan trọng nói về vô ngã Phật giảng cho ông này. Xem, Trung A-hàm 5, kinh 110 «Tát-giá», Tăng Nhất 30, No 125(37.10), và một kinh thuộc Đại thừa, Đại Tát-giá Ni-kiền Tử sở thuyết kinh, No. 272. Pali, có hai kinh, M. 35. Mahā-Saccaka-sutta, M. 34. Cūḷa-Saccaka-sutta. [34] Tô-ma 蘇摩. Trường A-hàm 15 nói là một trong các dòng họ lớn. Trung A-hàm 55 liệt kê vào một trong 16 đại quốc thời Phật. Trong liệt kê này, có 2 nước không đồng nhất với Pali. Hán: Bạt-la và Tô-ma. Pali: Gandhāra và Kamboja. Chưa có tài liệu xác định rõ vị trí của Tô-ma. [35] Khư-la-đà 佉羅陀; có lẽ phiêm âm từ khadira (Pali, Skt.), một loại cây cho gỗ cứng (Âccia Catechu). [36] Xem cht. 26 trên. [37] A-ma-lặc 阿摩勒; phiên âm từ Skt. āmra (Pali: amba): cây xoài. [38] Tô-ma bát 蘇摩缽; xem cht. 1 trên. [39] Ưu-già-la 優伽羅. Pali: Ugga (Skr. Ugra), thị trấn trong nước Kosala. [40] Ưu-già-la bát 優伽羅缽; bát sản xuất tại Ưu-già-la, xem cht. 36 trên. [41] Ưu-già-xa 優伽賒; chưa rõ địa danh này. [42] Vạn tự 萬字. [43] Hoại huân 壞熏, bị rỉ sét, hay bị ăn mòn. Vin.ii. 112: pattamūlaṃ ghaṃsiyati, đáy bát bị ăn mòn. [44] Pali, ibid., pattamaṇḍalaṃ, đế tròn của bát. [45] Long nha dặc 龍牙杙; Thập tụng, Nghĩa Tịnh: tượng nha. Pali nāgadanta, răng rồng, cái móc làm bằng ngà voi, gắn vào vách, để treo đồ. [46] Am-bà viên 菴婆羅園. [47] Pali, Vin.ii. 109: Phật nói, các tỳ-kheo không được ăn quả xoài (amba). Ai ăn, phạm đột-kiết-la. Sau đó quy định thêm: chỉ được phép ăn sau khi đã tác tịnh bằng một trong năm cách. Xem thên cht. 49 dưới. [48] Am-bà quả tương 菴婆羅果漿; nước tương xoài hay ngâm xoài, để lâu có thể lên men thành rượu. Pali: sūpe ambapesika, vỏ xoài bỏ trong nước thịt (súp thịt). [49] Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.171a12), Vin. ii. 109, ăn được sau khi đã tác tịnh, một trong năm cách. Xem, Phần iii, Ch. vii Thuốc, cht. 110. [50] Câu chấp 拘執. Nhũ phần 26 (T22n1421 tr.171b16): câu nhiếp 拘攝. «Bạt-nan-đà khoác lộn trái câu-nhiếp, đi 4 chân trong tối, dọa các tỳ-kheo.» Pali, Vin. i. 281, kojava áo choàng hay chăn bằng lông dê. [51] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 55: không được dọa tỳ-kheo khác. [52] Xa-bà-la thảo 賒婆羅草. [53] Ca-la hắc bát 迦羅黑缽; ca-la, phiên âm (Skt. Pali: kāla, đen); hắc, dịch nghĩa. Từ âm nghĩa hỗn hợp. [54] Hỏa mẫu mộc 火母木. [55] Toàn hỏa tử 鑽火子. [56] Bà-kỳ-đề 婆祇提. Các đoạn trên phiên âm là Bà-kỳ-đà. [57] Xem Phần ii, Ch. iv, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 90. [58] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 91. [59] Vin. ii. 129: Bà Visākhā sai mang ba thứ: ghè nhỏ (ghaṭaka), đồ kỳ chân khi tắm (kataka) và chỗi (sammajja). [60] Đẩu 斗. Phật không cho nhận kataka. Bản Anh dịch là «đồ cọ chân bằng sành» (earthenware foot-scrubber). [61] Dũng Mãnh 勇猛. Vin. ii. 139: Yameḷakekuṭā nāma bhikkhū dve bhātikā, hai tỳ-kheo anh em tên là Yameḷa và Kekuṭā, giỏi ngôn ngữ, âm vận. [62] Pali, ibid., biên tập lại lời Phật thành thơ (buddhavanaṃ chandaso āropemā). Chandasa, được hiểu là chandasi mà Paṇini thường dùng, chỉ phương ngữ Vệ-đà. Buddhaghosa giải thích, hai vị này nuốn chuyển tải thành ngôn ngữ hoàn chỉnh của Vệ-đà, tức Saṃskrit (sakkaṭa-bhāsāya) [63] Ngũ phần 26 (tr. 174b20); chuyển thể Phật ngữ sang ngoại thư ngữ, phạm thâu-lan-giá. [64] Nguyên Hán: quỵ vật *物. Khang hy, qụy * : đồng với tư 資 (giúp vốn), với đỗ 賭 (bài bạc). Có bản chép là hoá vật 貨物. Tham chiếu Căn bản Tạp sự 19 (T24n1451, tr. 296a14): Lục quần tỳ-kheo mỗi khi có sự việc xảy ra, bèn đem y, bát, giây lưng các thứ ra cá cược (Hán: đổ qụỵ 賭* , có bản chép là đổ hoá 賭貨). [65] Xuất tức vật 出息物; chưa rõ nghĩa. Xem cht. 66 dưới. [66] Tùng tha cử tức vật 從他舉息物; chưa rõ nghĩa. Có lẽ một hình thức cầm đồ. Để bản: tùng tha 從他. Tống-Nguyên-Minh: tùng địa. [67] Ma-lâu 摩樓; Skt. mālu, một loại man thảo, giây leo; đằng thảo. [68] Tỳ-kheo bịnh cần gậy để quảy bát đi đường, phải được Tăng yết-ma cho phép. Xem đoan sau. [69] Không trung trượng 空中杖; chưa rõ gậy gì. Xem cht. 126 (mục 36, Ưu-đà-diên) [70] Tích trượng. Skt. khakkara, gậy ăn mày (Monier). Tham chiếu Thập tụng 56 (T23n1435 tr.417a18), chế pháp về gậy; Căn bản Tạp sự 34 (T24n1451 tr.375a21). Xem thêm Ngũ phần 27 (T22n1421 tr.180b25), tỳ-kheo a-lan-nhã còn thêm loại «gậy phá sương» (phác lộ trượng 撲露杖) [71] Xem Ch.i Phỏng xá, Sảnh đường. [72] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 70. 65 Bệnh phong 病風. Pali: udaravātābādho, đau bụng gió. Xem Ch. vii. Thuốc & cht. 14. [74] Tham chiếu Vin.ii. 137: Thế tôn không cho phép tỳ-kheo quảy gậy hai đầu (na ubhatokājaṃ haratabbaṃ). Cho phép gậy quảy một đầu (ekatokāja), gậy hai người khiêng (để đồ ở giữa, Pali: antarākāja), đội đầu (sīrasabhāra), vác trên vai (khandhabhāra), ôm bên hông (kaṭibhāra), đeo sau lưng (olambaka). [75] Hán: trước y 著衣. Từ này tương đương với 2 từ Pali nên khó phân biệt: pārupati, khoác y, hay quàng y; nivāseti: quấn y (nội y). Đoạn này tương đương Pali, Vin.ii. 137: saṃvelliyaṃ nivāsenti... seyyathāpi rañño muṇḍavaṭṭīti quấn (nội y), quấn khố, bị chỉ trích giống như người khuân vác của vua. [76] Hán; trước y đảm vật 著衣擔物. Xem cht. 65 trên. [77] Bát-tứ-đam-lam-bà y 缽肆酖嵐婆衣. [78] Đầu-đầu-la y 頭頭羅衣. [79] Ma-lâu thọ 摩樓樹. Xem cht. 67 trên. [80] Đệ tứ thiền không có hơi thở. [81] Cù-ba-ly 瞿婆離. [82] Hiểu là «tháp thờ tóc.» [83] Tỳ-kheo, pháp chúng học 60. [84] Tỳ-kheo, pháp chúng học 61. [85] Tỳ-kheo, pháp chúng học 62. [86] Tỳ-kheo, pháp chúng học 65. [87] Tỳ-kheo, pháp chúng học 67 [88] Tỳ-kheo, pháp chúng học 68. [89] Tỳ-kheo, páhp chúng học 69. [90] Tỳ-kheo, pháp chúng học 78 [91] Tỳ-kheo, pháp chúng học 84. [92] Sí-tỳ-già-thi 翅毘伽尸. [93] Hết quyển 52. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 27. Úp bát Bấy giờ, tỳ-kheo Từ Địa[94] đến nước Tỳ-xá-ly. Từ Địa cùng các Ly-xa[95] là thân tình tri thức. Các Đại Ly-xa[96] nghe tỳ-kheo Từ Địa đến Tỳ-xá-ly, liền đến thăm hỏi tỳ-kheo Từ Địa, nhưng Từ Địa không trả lời. Các Ly-xa thấy vậy hỏi: «Thưa Trưởng lão, chúng tôi có điều gì xúc phạm Ngài hay sao, mà Ngài không ứng đáp những điều chúng tôi thăm hỏi?» Từ Địa nói: «Tôi bị Đạp-bà-ma-la Tử khinh mạn quấy nhiễu, mà các ông không hỗ trợ cho tôi, thì làm sao tôi ứng đáp những lời thăm hỏi của ông được.» Các Ly-xa nói: «Chúng tôi yểm trợ bằng cách nào để Đạp-bà-ma-la Tử khỏi phải xúc phạm Ngài ?» Từ Địa nói: «Các ông chờ khi nào Phật và chúng Tăng tập hợp đông đủ, đến thưa như thế này: ‹Bạch Đại đức, có việc như vầy, không thiện, không tùy thuận, chẳng phải oai nghi, không thích thời. Chúng tôi tưởng nơi đây là thanh tịnh an lạc không có sự khủng bố, mà ngược lại nơi đây lại sanh ưu não, như nước sanh ra lửa. Vì sao vậy? Đạp-bà-ma-la Tử xâm phạm vợ chúng tôi. Chúng Tăng nên hòa hợp để tẫn xuất.› Như vậy sẽ không không còn [959a1] quấy nhiễu tôi nữa.» Các Ly-xa nói: «Việc đó đâu có gì khó.» Đại Ly-xa này[97] đến chỗ đức Phật và đại chúng nói như trên. Bấy giờ, Đạp-bà-ma-la Tử ngồi cách đức Phật không xa. Đức Phật biết mà vẫn hỏi Đạp-bà-ma-la Tử: «Thầy có nghe các Ly-xa này nói không?» Thưa: «Bạch Thế Tôn, con có nghe. Thế Tôn biết rõ việc đó.» Đức Phật nói với Đạp-bà-ma-la Tử: «Thầy không nên trả lời như vậy. Thật thì nói là thật. Dối thì nói là dối.» Đạp-bà-ma-la Tử nghe đức Phật nói vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng: «Từ khi con sanh ra đến bây giờ, trong mộng cũng chưa từng phạm dâm, huống nữa là khi thức.» Đức Phật dạy: «Lành thay! Lành thay! Đạp-bà-ma-la Tử. Đây là câu trả lời hay.» Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Các thầy hỏi Đại Ly-xa kia, phải chăng đã vu khống tỳ-kheo thanh tịnh Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp bất tịnh không căn cứ?[98] Dùng pháp bất tịnh không cứ để vu khống tỳ-kheo thanh tịnh thì mắc tội nặng lớn.» Các tỳ-kheo vâng lời Thế Tôn, liền gạn hỏi Đại Ly-xa: «Ông có thể nói thật, việc này là thế nào? Đừng dùng pháp bất tịnh không căn cứ để vu khống Đạp-bà-ma-la Tử. Dùng pháp bất tịnh không căn cứ để vu khống tỳ-kheo thanh tịnh thì mắc tội nặng lớn.» Các Đại Ly-xa bị các tỳ-kheo cật vấn liền nói như sau: «Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh không có sự bất tịnh hạnh. Việc này do tỳ-kheo Từ Địa bảo tôi nói như vậy.» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Đại Ly-xa rằng: «Đạp-bà-ma-la Tử thật không làm bất tịnh hạnh, tại sao lại dùng vô căn bất tịnh để vu khống?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn tập họp tỳ-kheo Tăng dùng vô số phương tiện quở trách Đại Ly-xa rằng: «Ông làm điều sai quấy, không phải hạnh tùy thuận, chẳng phải hạnh thanh tịnh.[99] Tại sao dùng pháp vô căn bất tịnh để vu khống Đạp-bà-ma- a Tử?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Từ nay về sau, kết cho Đại Ly-xa pháp phúc bát,[100] không tới lui nói chuyện, bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Nhà bạch y có năm pháp[101] nên trao cho pháp phúc bát: Không hiếu thuận cha, không hiếu thuận mẹ, không kính sa-môn, không kính Bà-la-môn, không cung sự tỳ-kheo. Nếu ai phạm vào năm pháp như vậy thì nên trao cho pháp phúc bát. Và có năm pháp không nên trao cho pháp phúc bát: hiếu thuận cha, hiếu thuận mẹ, cung kính sa-môn, cung kính bà-la-môn, kính sự tỳ-kheo. Nếu ai có năm pháp như vậy thì không trao cho pháp phúc bát. Lại có mười pháp chúng Tăng nên trao cho pháp phúc bát: mắng chửi tỳ-kheo, làm cho tỳ-kheo bị tổn giảm, làm cho không lợi ích, phương tiện khiến cho không có trú xứ, gây xáo trộn cho tỳ-kheo, trước tỳ-kheo nói xấu Phật-pháp-tăng, dùng pháp vô căn bất tịnh vu khống tỳ-kheo, phạm tỳ-kheo-ni. Ai phạm vào mười pháp như vậy, thì tăng nên trao cho pháp phúc bát. Như vậy, có chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một pháp[102] là mắng chửi tỳ-kheo, nếu phạm vào một trong mười pháp, Tăng cần phải tác pháp phúc bát. Theo thể thức sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc xảy ra như trên mà tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh, mà Đại Ly-xa dùng pháp Ba-la-di không căn cứ để vu khống. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay tăng vì Đại Ly-xa tác pháp phúc bát, không lui tới quan hệ nữa. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma- la Tử thanh tịnh, mà Đại Ly-xa dùng pháp Ba-la-di không căn cứ để vu khống. Nay Tăng tác pháp phúc bát, không lui tới quan hệ nữa. Các Trưởng lão nào đống ý Tăng vì Đại Ly-xa tác pháp phúc bát, không quan hệ nữa, thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. «Tăng đã đồng ý vì Đại Ly-xa tác yết-ma phúc bát, không lui tới quan hệ nữa.Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Cho phép, sai sứ giả đến chỗ Đại Ly-xa nói: «Tăng vì ông tác pháp phúc bát, không tới lui quan hệ,[103] bằng pháp bạch nhị yết-ma rồi.» Người có đủ tám pháp này nên sai đến: Có khả năng nghe, có khả năng nói, tự mình hiểu rõ, có khả năng khiến người khác hiểu rõ, có khả năng thọ giáo, có khả năng ghi nhớ, không nhầm lẫn, phân biệt được nghĩa tốt xấu. Người nào có tám pháp như vậy nên sai làm sứ giả cho Tăng. Phật nói kệ: Nếu ở trong đại chúng Tâm không có khiếp nhược, Lời nói cũng không thêm, Thọ giáo không thêm bớt, Nói không có lẫn lộn, Bị hỏi không dao động: Tỳ-kheo có như vậy, Có thể được Tăng sai. Tôn giả A-nan có tám pháp như vậy. Cho phép bạch nhị yết-ma Tăng sai làm sứ giả, đến nói với Đại Ly-xa: «Nay đã Tăng trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả, đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay đã Tăng trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’ [960a1] Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay Tăng đã trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’ Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã đồng ý sai A-nan vì Tăng làm sứ giả, đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay Tăng đã trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’ Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. » Bấy giờ, tôn giả A-nan khoác y bưng bát đến nhà Đại Ly-xa. Khi ấy Đại Ly-xa đang đứng dưới cửa chải tóc. Từ xa ông thấy A-nan đến nên vội vàng thu dọn dụng cụ chải tóc, nghinh đón A-nan, bạch rằng: «Lành thay Đại đức! Mời Đại đức vào nhà.» Tôn giả A-nan trả lời: «Tôi không được vào nhà ông, nhận chỗ ngồi và thức ăn cúng dường.» Ly-xa thưa: «Tại sao vậy, thưa Đại đức A-nan?» Đáp: «Tăng đã vì ông tác pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.» Ly-xa hỏi: «Vì lý do gì?» Tôn giả A-nan liền đem sự việc trình bày lại. Ly-xa liền thốt lên: «Đại đức A-nan ơi, như vậy là giết con rồi!» Ly-xa liền ngất xỉu, té xuống đất. Một hồi lâu mới tỉnh lại, lấy tay chùi nước mắt, bạch với tôn giả A-nan rằng: «Con phải làm sao để được giải yết-ma, được tới lui quan hệ?» Tôn giả A-nan nói: «Ông nên đến sám hối chúng Tăng.» Đại Ly-xa tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát, để được tới lui. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu Đại Ly-xa đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến tăng xin giải yết-ma phúc bát, để chư tăng tới lui quan hệ, thì nên xả bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng vì Đại Ly-xa giải pháp phúc bát không tới lui quan hệ, vì đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng đã vì Đại Ly-xa tác yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Nay người ấy đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Nay Tăng vì Đại Ly-xa giải yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ. Các Trưởng lão nào đồng ý, Tăng vì Đại Ly-xa giải pháp yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. «Tăng đã chấp thuận vì Đại Ly-xa giải yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ rồi nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 28. Yết-ma trì gậy Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di ở tại a-lan-nhã, đốt cỏ nơi đường đi, ngọn lửa cháy mạnh lan tràn cháy luôn cả khu vườn Lộc uyển của vua Ba-tư-nặc, khiến cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, đoạn mạng chúng sanh, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi đốt vườn Lộc uyển của Vua?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức phật dạy: «Không được đốt như vậy.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo trên đường đi có cỏ, các ngài đề phòng và e ngại, đức Phật cho phép dùng tre đè lên cỏ, hoặc đá hay cây đè lên trên. Khi ấy, bên ngoài Kỳ-hoàn lửa cháy rừng tràn lan. Các tỳ-kheo không biết làm cách nào, liền bạch Phật. Đức Phật cho phép dọn trống một khoảng cỏ, hoặc đào hầm làm cho gián đoạn, hay dùng đất dập cho tắt ngọn lửa. Trong khi lo toan lửa đốt có một tỳ-kheo già yếu không có cây gậy để đi, không có đãy đựng bát, vị ấy tự nghĩ ta phải làm thế nào đây? Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép Tăng vì tỳ-kheo già yếu kia cho sử dụng gậy và đãy đựng bát,[104] bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là… già yếu, không thể đi đâu nếu không có đãy đựng bát, không có gậy. Vị kia đến xin Tăng được sử dụng gậy và đãy đựng bát. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tỳ-kheo già yếu tên... này sử dụng gậy và đãy đựng bát. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... già yếu, không thể không đi đâu nếu không có gậy và đãy đựng bát. Nay đến Tăng xin sử dụng gậy và đãy đựng bát. Nay Tăng cho tỳ-kheo này sử dụng gậy và đãy đựng bát. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng cho tỳ-kheo già yếu tên... sử dụng gậy và đãy đựng bát thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói. «Tăng đã chấp thuận cho Tỷ kheo... sử dụng gậy và đãy đựng bát rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 29. Im lặng cho qua Bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy khi chúng Tăng tác phi pháp yết-ma, có người không đồng ý, nhưng muốn im lặng để cho qua. Đức Phật dạy: «Cho phép im lặng.» Có năm pháp không nên im lặng: Như pháp yết-ma mà không đồng ý, im lặng cho qua. Có bạn tán thành sự đồng ý, cũng im lặng cho qua. Thấy tội nhỏ mà im lặng. Người tác biệt trụ mà im lặng. Trên giới trường mà im lặng. Năm pháp như vậy mà im lặng là phi pháp. Có năm pháp nên im lặng: Thấy người khác phi pháp nên im lặng. Không có đồng bạn nên im lặng. Phạm trọng nên im lặng. Đồng trú nên im lặng. Tại phạm vi đồng trú nên im lặng. Năm pháp như vậy nên im lặng. Có năm pháp nên hòa hợp: Nếu như pháp nên hòa hợp. Nếu im lặng cho qua. Nếu dữ dục. Nếu nghe từ người đáng tin cậy. Nếu trứớc đã ở trong im lặng mà ngồi. Năm việc như vậy nên hòa hợp. 30. Chúc lành - Thề thốt 1. Bấy giờ, đức Thế Tôn tại Kỳ-hoàn đang nói pháp cho vô số tỳ-kheo, bỗng nhiên Ngài nhảy mũi. Các tỳ-kheo liền chú nguyện: «Cầu cho trường thọ!»[105] Các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng đồng nói, «Cầu cho trường thọ!» Đại chúng trở thành náo nhiệt. Phật nói: «Không được chúc như vậy.»[106] Bấy giờ, có cư sĩ nhảy mũi, các tỳ-kheo e ngại không dám chúc lành «sống lâu.» Các cư sĩ đều cơ hiềm nói: «Chúng tôi nhảy mũi mà các tỳ-kheo không chú nguyện cho sống lâu.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép chú nguyện sống lâu.»[107] Bấy giờ, các cư sĩ kính lễ tỳ-kheo. Tỳ-kheo e ngại không nói lời chúc lành sống lâu, vì đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo chú nguyện. Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Chúng tôi kính lễ tỳ-kheo, tỳ-kheo không chú nguyện cho chúng tôi sống lâu.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nói lên lời chú nguyện sống lâu.» 2. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo vì một việc nhỏ mà thề rằng: «Nếu tôi làm như vậy sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; không sanh trong Phật pháp. Nếu người khác làm như vậy, cũng sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không sanh trong Phật pháp.»[108] Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được thề như vậy. Cho phép nói như vầy: Nếu tôi có làm việc như vậy thì Nam-mô Phật. Nếu người kia có làm việc như vậy thì cũng Nam-mô Phật.» 31. Giây nịt Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa cất giây lưng mà ở đầu đặt tai nấm.[109] Đức phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị chứa cất giây giày. Đức phật dạy: «Không được như vậy.» Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa cất giây đai xà-đề-ra.[110] Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có vị chứa cất giây đai tán diên.[111] Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta cấm chế, lại đi làm các việc khác. Từ nay về sau, tất cả các loại giây như vậy không được sử dụng.»[112] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lại cất chứa loại giây vừa dài vừa rộng. Đức Phật dạy: «Không được như vậy, cho phép làm giây lưng rộng ba ngón tay, dài đủ quấn ba vòng vào lưng.» Nhóm sáu tỳ-kheo lại nhuộm giây lưng màu thực. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Vị kia làm giây đai gấm. Phật nói: «Không được như vậy.» Có vị làm giây lưng màu trắng. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Cho phép làm giây lưng bằng màu ca sa.» 32. Gốm Bấy giờ, có người thợ gốm tin ưa Phật pháp, làm các thứ đồ dùng cúng cho các tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.» Có ba loại đồ không nên cất chứa: giường ngồi bằng sành, hộc bằng sành; thưng, đấu, hạp bằng sành. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử đến nhà thợ đồ gốm, ngồi trên đồ sành, bị trượt té, làm vỡ đồ, và nằm ngửa lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ngồi trên đồ sành. Cũng không nên ngồi gấp đùi nơi nhà bạch y.» 33. Chú thuật Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tụng thư chú, bùa kiết hung của ngoại đạo để an trí nhà, chú chi tiết, chú sát-lợi, chú thi-bà-la, chú biết người sống chết tốt xấu, chú hiểu rõ các thứ âm thanh.[113] Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật bảo: «Không được tụng như vậy.» Có vị dạy người khác. Phật bảo: «Không được dạy như vậy.» Vị kia dùng nghề này để nuôi sống. Đức Phật dạy: «Không được sống như vậy.»[114] 34. Răng-lưõi 1. Bấy giờ, các tỳ-kheo bị hôi miệng, đức Phật bảo nên xỉa răng. Không xỉa răng có năm điều lỗi: Miệng hôi, không phân biệt mùi vị, tăng thêm sức nóng, không dẫn thực, mắt không sáng. Đó là năm điều lỗi của không xỉa răng. Xỉa răng có năm điều lợi ích: Miệng không hôi, phân biệt được mùi vị, tiêu sức nóng, dẫn thực, mắt sáng. Đó là năm điều lợi của việc xỉa răng. Đức Thế Tôn cho phép xỉa răng. Vị kia dùng cây dài xỉa răng. Đức Phật dạy: «Không được như vậy, dài nhất là một gang tay.»[115] Có vị xỉa bằng cây hiếm có.[116] Đức Phật dạy: «Không được xỉa như vậy.» Có vị xỉa bằng loại lá tạp. Đức Phật dạy: «Không được xỉa như vậy.» Có vị xỉa toàn bằng vỏ. Đức Phật dạy: «Không được như vậy.» Có tỳ-kheo xỉa bằng cây tăm ngắn, khi thấy đức Phật, vì cung kính nên nuốt vào, bị bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Ngắn nhất là bốn ngón tay. Có vị xỉa nơi chỗ nhiều người, hoặc nơi nhà mát, nơi nhà ăn, nơi nhà kinh hành, các tỳ-kheo thấy gớm bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Có ba việc nên làm nơi chỗ khuất: Đại tiện, tiểu tiện và xỉa răng. Ba việc này nên làm chỗ khuất.» 2. Bấy giờ, [961a1] có các tỳ-kheo trên lưỡi có nhiều chất bẩn, đức Phật cho phép dùng cây nạo lưỡi để nạo. Có vị dùng cây quí báu làm cây nạo lưỡi. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy, cho phép dùng sừng, xương, đồng, sắt, bạch lạp, thiết, kẽm, cỏ xá la, tre, trúc, cây để làm.» Có vị không rửa mà nạo, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có vị rửa rồi không để khô, đem dùng nên bị hư. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Các tỳ-kheo khi ăn, thức ăn nhét vào kẽ răng. Phật cho phép dùng vật gì để móc ra. Có vị dùng đồ quí để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quí báu để làm, nên dùng xương, sừng cho đến tre, trúc cây để làm.» Có vị dùng rồi mà không rửa đem cất, các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên rửa rồi mới cất.» Có vị rửa rồi không để khô, đem cất bị hư. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Phải để khô rồi mới cất.» 3. Các tỳ-kheo lỗ tai bị bẩn. Phật cho phép dùng cái móc tai để móc. Có vị dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Nên dùng xương, sừng, cho đến trúc, tre, cây để làm.» Có vị dùng rồi không rửa đem cất, các tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy: «Không được như vậy, nên rửa rồi mới cất.» Có vị không để khô mà đem cất bị hư. Đức Phật dạy: «Không được như vậy. Nên để khô rồi mới cất.» 35. Nuôi cầm thú Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, các tỳ-kheo nuôi nhiều chim, kéc, sáo; đầu đêm, cuối đêm kêu la inh ỏi, náo loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nuôi các loài chim như vậy.» Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bạt-nan-đà Thích tử nuôi chó. Thấy các tỳ-kheo, nó sủa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nuôi.» Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề. Tỳ-kheo Tỳ-xá-ly Bà-xà Tử[117] nuôi một con gấu. Nó xé y, làm bể bát, rách tọa cụ, hư ống đựng kim, thậm chí làm cho tỳ-kheo bị thương nơi thân thể. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nuôi.» Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có các Ly-xa cỡi voi, ngựa, xe cộ, cầm đao kiếm để ngoài cửa chùa, vào trong thăm hỏi đức Thế Tôn. Nhóm sáu tỳ-kheo ra ngoài chùa, cỡi voi, ngựa, xe cộ và lấy gươm đao của họ cùng nhau vui đùa. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không biết yểm túc, nên mới cỡi voi, ngựa, xe cộ và cầm đao kiếm đùa giỡn như quốc vương đại thần.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo không được cỡi voi, ngựa, xe cộ để đùa giỡn. Tỳ-kheo cũng không được cầm đao kiếm như vậy.» Bấy giờ, có các tỳ-kheo bậc thượng tọa già bệnh không thể từ trú xứ này đến trú xứ kia, nhưng vì e ngại không dám cỡi ngựa. Đức Phật dạy: «Cho phép đi bằng loại xe kéo, hoặc do đàn ông kéo hay do súc sanh loài đực kéo.» Vị kia bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, e ngại không dám cỡi ngựa chạy trốn. Đức Phật dạy: «Nếu có những trường hợp như vậy, cho phép cỡi voi, ngựa để trốn.» Bấy giờ, có bạch y đem đao kiếm đến gởi nhờ các tỳ-kheo cất. Các tỳ-kheo e ngại không dám nhận vì đức Thế Tôn không cho phép cầm đao kiếm, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép, vì đàn-việt cần sự kiên cố nên nhận cất.» 36. Ưu-đà-diên Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưu-đà-diên[118] là bạn thân quen với Tân-đầu-lô.[119] Sớm chiều Vua thường hay đến thăm viếng. Bấy giờ, có một vị đại thần bà-la-môn bất tín, đến vua tâu: «Tại sao Đại vương sớm chiều đến thăm viếng con người làm nghề hạ tiện ấy? Thấy Vua không đứng dậy chào.» Vua trả lời: «Sáng sớm ngày mai ta sẽ đến. Nếu vẫn không đứng dậy, sẽ giết.» Sáng sớm ngày hôm, sau Vua đến chỗ Tân-đầu-lô. Từ xa Tân-đầu-lô thấy Vua đến, liền nghĩ: «Hôm nay Vua đến với ác tâm, nếu ta không đứng dậy thì Vua sẽ giết. Nếu ta đứng dậy thì Vua sẽ mất vương vị. Không đứng dậy, ta bị mất mạng, Vua đọa địa ngục. Ta có nên làm cho Vua đọa vào địa ngục chăng? Ta chỉ làm cho Vua mất cương vị thôi chăng? Ta quyết định thà làm cho Vua mất vương vị, còn hơn là làm cho Vua phải đọa địa ngục.» Nghĩ xong, Tân-đầu-lô liền đứng dậy, ra ngoài xa đón chào và lên tiếng thăm hỏi trước: «Lành thay, Đại vương!» Vua liền hỏi: «Hôm nay sao thầy lại đứng dậy đón chào?» Tân-đầu-lô trả lời: «Tôi vì Vua nên đứng dậy chào hỏi.» Vua hỏi: «Hôm qua, sao Thầy lại không đứng dậy chào?» Tân-đầu-lô trả lời: «Hôm qua, tôi cũng vì Vua nên không đứng dậy chào.» Vua hỏi tiếp: «Tại sao vì trẫm?» Tân-đầu-lô nói: «Hôm qua, Vua đến với thiện tâm. Ngày nay, Vua đến với ác tâm. Nếu tôi không đứng dậy chào thì Vua sẽ giết. Nếu Vua giết tôi thì Vua chắc chắn phải đọa vào địa ngục. Tôi nghĩ: Với ác tâm, Vua đến. Nếu tôi không đứng dậy, Vua sẽ giết tôi. Nếu tôi đứng dậy, Vua ắt mất vương vị. Nếu để cho Vua giết tôi thì ắt Vua đọa vào địa ngục. Thà để Vua mất vương vị, chứ không để Vua phải đọa địa ngục. Tôi nghĩ như vậy nên đứng dậy.» Vua hỏi: «Trẫm sẽ mất vương vị phải không?» Tân-đầu-lô trả lời: «Vua sẽ mất.» Vua lại hỏi: «Bao lâu sẽ mất?» Đáp: «Trong vòng bảy ngày sẽ mất.» Vua liền trở về Câu-thiểm-di sửa chữa thành trì, tích trử lương thực, củi đuốc; tập trung binh tướng, cảnh giác và đếm từng ngày. Nói, «Nay là ngày thứ nhất.» Như thế cho đến ngày thứ bảy. Vua nói: «Lời nói của sa-môn hư dối rồi!» Vua liền cùng các thể nữ cỡi thuyền du hý trên Hằng thủy. Khi ấy, vương quốc Ủy-thiền[120] bảy năm không mưa. Vua nghe nước Vua Bình-sa nước Ma-kiệt có ngọc xuất thủy. Nếu ngọc ấy được đưa ra thì trời sẽ mưa liền. Vua nước Ủy-thiền liền khởi bốn bộ binh đến bao vây thành Vương-xá. Nhưng thành kia kiên cố, không cách nào tấn công được, trừ khi gạo nước trong thành hết, mới có thể tấn công được. Bấy giờ, trong thành có vị đại thần có nhiều phương tiện trí tuệ, dùng cọng lau cắm dưới ao, đặt các bông sen vào trên ống lau. Khi ấy vị đại thần kia đến chỗ Vua Bình-sa tâu: «Nay Đại vương có biết chăng? Thành Vương-xá rất kiên cố, không có phương tiện nào có thể tấn công được, chỉ có cách chờ khi lương thực hết thì mới có thể tấn công. Nay chúng ta nên cho sứ giả nói với Vua Ba la-thù-đề rằng: Hiện tại, chúng ta có thể đình chỉ không dùng đến voi ngựa, xe cộ, đao kiếm để đánh nhau. Ngài có thể dùng các loại hoa ưu-bát-la, bát-đầu-a, câu-đầu-ma, phân-đà-lợi để giao đấu. Tôi cũng sẽ dùng các thứ hoa như vậy để giao đấu, phân định thắng bại. Ngài có thể dùng vắt cơm để cùng đấu tranh, tôi cũng dùng vắt cơm đánh nhau.» Vua chấp thuận và cho sứ thần đến nói với Vua Ba-la-thù-đề như trên. Vua nghĩ: «Thành Vương-xá kiên cố. Chỉ có khi nào lương thực khô cạn thì mới có thể tấn công. Mà trong thành lương thực hết sức phong phú.» Vua kia liền trả lời với xứ sứ thần rằng: «Ta không vì chiếm thành mà đến đây. Vì trong nước ta, bảy năm nay không mưa. Ta nghe nói trong nước của ông có ngọc thủy châu, nếu đưa ngọc ấy ra thì trời liền mưa, do vậy cho nên ta đến đây.» Sứ thần nói: «Sao ngay lúc đầu, Đại vương không nói cần ngọc châu? Nếu Đại vương nói cần ngọc châu thì chúng tôi trao cho liền. Nay Vua có thể rút binh. Chúng tôi sẽ đưa ngọc châu đến.» Vua liền rút quân hướng về nước Câu-thiểm-di. Trên đường Vua kia nghe tiếng cười giỡn của Vua Ưu-đà-diên cùng thể nữ, liền hỏi người bên cạnh rằng: «Tiếng vui đùa của ai đó?» Quan cận thần trả lời: «Đại vương biết chăng? Tiếng vui đùa đó là của Vua Ưu-đà-diên cùng thể nữ vui chơi trên ghe thuyền nơi sông Hằng thủy.» Vua liền ra lệnh cho vị cận thần: «Đừng khua động! Thả con voi đến bờ Hằng thủy.» Người ấy [962a1] liền thả một con bạch tượng đệ nhất. Người nài núp theo voi. Vị đại thần vua Ưu-đà-diên ra thấy con bạch tượng, tâu với Vua: «Có một con voi rừng.» Vua liền ra lệnh: «Đừng làm khua động. Cặp thuyền vào bờ!» Thuyền vừa cặp sát bờ, vua Ưu-đà-diên rành về nghề huấn luyện voi, liền tụng chú thuật, gảy đàn cầm, đến trước con voi để bắt nó. Người nài liền bắt Vua. Vua rất hoảng sợ. Người kia hỏi vua: «Vua sợ lắm phải không?» Vua đáp: «Sợ.» Người kia nói: «Vua chớ nên sợ. Vua Ba-la-thù-đề cần gặp Vua.» Vua lại càng sợ: «Ba-la-thù-đề sẽ giết ta và tùy tùng của ta!» Vua liền bị trói, được hộ tống đến chỗ vua Ba-la-thù-đề. Vua được hỏi: «Ngài có sợ không?» Đáp: «Sợ.» Nói: «Ngài chớ nên sợ! Ngài hãy dạy thuật điều phục voi cho con trai tôi là Câu-ba-la, và dạy đàn cầm cho con gái của tôi.» Vua được đưa về nước Uỷ-thiền, bị xích chân trong thời gian bảy năm. Bấy giơ, Bạt-nan-đà Thích tử từ nước Câu-thiểm-di, chỗ của Xà-di-bạt-đề[121] Phu nhơn đến nước Ủy-thiền chỗ Ưu-đà-diên. Rồi mang tin của Ưu-đà-diên đến chỗ phu nhân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo không nên làm sứ giả cho người bạch y. Nếu làm thì phạm đột-kiết-la.»[122] Khi ấy, Vua kia dạy nghệ thuật điều khiển voi cho con trai, và dạy đàn cho con gái của Vua. Sau đó một thời gian Vua kia lại cùng Vương nữ tư thông với nhau. Vương tử Câu-ba-la biết, nhưng lại nghĩ: «Nếu ta tâu với Vua cha thì chắc chắn Vua kia bị giết. Vua kia là thầy dạy ta một cách khổ cực. Đây là Vương nữ. Kia là Vua. Cũng thích hợp thôi.» Bèn che dấu không nên cho ai biết. Sau đó, Vua Ưu-đà-diên muốn tẩu thoát, nên tự trang bị cho mình một con voi cái chạy nhanh nhất. Câu-ba-la cũng biết điều đó, nhưng lại nghĩ: «Vua kia trang bị cho mình một con voi chạy nhanh nhất là muốn trốn thoát. Nếu ta báo cáo với Vua cha thì chắc chắn Vua này bị giết. Vua kia là Thầy dạy ta một cách khổ sở.» Bèn dấu không cho ai biết. Vua kia để Vương nữ lên trên voi, với thời gian nhanh nhất, như thời gian chén lưu ly trên lưng voi rơi xuống chưa tới đất, đã từ nước Ủy-thiền đến nước Câu-thiểm-di. Vua kia đi thẳng đến chỗ Xa-di-bạt-đề phu nhơn, nói như sau: «Trong khi ta bị bắt, có nguyện sẽ cúng dường cho tám bà-la-môn tất cả những thứ cần dùng, một cách đầy đủ. Nay ta muốn làm điều đó. Phu nhân hãy sắm sữa cho đủ.» Phu nhơn trả lời: «Nếu như vậy thì cả voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, bảy báu của Vua và bản thân của thần thiếp, tất cả đều đem dâng hết cho một vị thôi. Vị ấy thọ nhận mà không bao giờ thấy đủ. (Nói chi đến tám)» Vua nói: «Vậy nên làm thế thế nào ?» Phu nhân trả lời: «Ma-ha Ca-chiên-diên[123] này là đại Sa-môn. Nay ta có thể thỉnh ngài và thỉnh thêm bảy vị tỳ-kheo nguyên thuộc dòng dõi Bà-la-môn, như Vua đã nguyện để cúng dường. Pháp của tám vị này là không thọ nhận những thứ đó. Dâng cho, cũng không nhận.» Vua nói: «Như vậy là được.» Vua Ưu-đà-diên liền đến chỗ Ca-chiên-diên, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Ca-chiên-diên dùng mọi phương tiện vì Vua nói pháp, khiến được hoan hỷ. Vua nghe pháp hoan hỷ rồi, bạch: «Xin mời Ngài và bảy vị nữa nhận lời mời thọ thực của tôi vào ngày mai.» Ca-chiên-diên im lặng nhận lời. Vua biết Ca-chiên-diên nhận lời bằng cách im lặng rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt kính lễ sát chân, hoan hỷ cáo lui. Vua về đến nhà chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng sớm ngày mai đến thỉnh Ca-chiên-diên và bảy vị đến thọ thực. Sáng sớm hôm ấy, Ca-chiên-diên khoác y, bưng bát và bảy vị kia đến cung của Vua Ưu-đà-diên, trải chỗ ngồi an tọa. Vua Ưu-đà-diên tự tay bào chế các thức ăn ngon bổ cúng dường các vị cho được no đủ rồi, khi ăn xong, cất bát, lấy bình bằng vàng đựng nước dâng, đem voi ra hiến. Ca-chiên-diên nói: «Thôi, đủ rồi, Đại vương. Như thế là đã cúng dường. Chúng tôi không thích hợp để thọ nhận những vật cúng dường như vậy.» Vua lại đem xe, ngựa, người, huỳnh kim, vàng bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, xa cừ, mã não, bảy báu dâng cúng. Ca-chiên-diên nói: «Thôi, đủ rồi, Đại vương. Như thế là đã cúng dường. Chúng tôi không thích hợp để thọ nhận những vật cúng dường như vậy.» Vua Ưu-đà-diên liền đảnh lễ Ca-chiên-diên rồi, lấy một chiếc ghế thấp để ngồi. Ca-chiên-diên dùng mọi cách vì Vua nói pháp, khiến được hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Khi về đến chùa, Ca-chiên-diên bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch phật. Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo nói giởi uẩn, gốm các điều lớn nhỏ:[124] «Như lai xuất thế. Ngài là vị Ứng cúng, Chánh biết tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa các chúng hội gồm chư thiên, nhân loại, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên ma, Phạm vương, Ngài đã tự giác ngộ chứng tri, vì người nói pháp. Pháp ấy, khoảng đầu thiện, khoản giữa thiện, khoản cuối cũng thiện; có đầy đủ văn nghĩa, mở bày tịnh hạnh. «Nếu cư sĩ hay con cư sĩ nghe, hoặc người sanh trong chủng tánh khác, sau khi nghe chánh pháp ấy, liền sanh tịnh tín; do tâm tín lạc, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nay, ta ở nơi gia đình vợ con trói buộc, không thể thuần tu phạm hạnh. Nay ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, do lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. «Rồi một thời gian sau, người ấy từ bỏ tiền tài, dù ít hay nhiều; từ giã thân thuộc, dù ít hay nhiều; cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, bỏ nhà vào nơi không nhà. «Người ấy, cũng đồng với những người xuất gia khác, xả bỏ sự trang sức tốt đẹp, cùng các tỳ-kheo đồng giới, không sát sanh, buông bỏ dao gậy, thường có hổ thẹn, từ niệm đối với chúng sanh. Đó gọi là không sát sanh. Xả bỏ trộm cắp, của cho thì lấy, không cho không lấy, tâm vị ấy thanh tịnh, không có tâm ý trộm cắp. Đó gọi là không trộm cắp. Xả bỏ dâm dục, bất tịnh hạnh, tu phạm hạnh, siêng năng tinh tấn, không đắm dục ái, sống trong sạch hương khiết. Đó gọi là xả dâm dục, bất tịnh hạnh. Xả bỏ nói dối, nói như thật, không khi trá đối với đời. Đó gọi là không vọng ngữ. Xả bỏ hai lưỡi, nghe lời nói người này không chuyển đến người kia, nghe lời nói người kia không chuyển đến người này, không gây chia rẻ. Với những ai ly biệt thì khéo làm việc hòa hợp; những ai đã hòa hợp thân ái thì thường khiến cho hoan hỷ, nói ra lời hòa hợp, nói đúng lúc. Đó gọi là không hai lưỡi. Xa lìa lời thô ác. Những lời nói nào là thô cộc, gây khổ não cho người khác, khiến họ sanh sân nhuế, không hỷ lạc; người ấy trừ bỏ lời thô ác như vậy. Những lời nói nào mà nhẹ nhàng, không sanh oán hại, hay làm việc lợi ích, mọi người ái lạc, ưa nghe; người ấy thường nói ra lời khéo nói lợi ích như vậy. Đó gọi là lời nói không thô ác. Xa lìa lời nói không lợi ích, biết nói đúng lúc, lời nói thật, lời nói lợi ích, lời nói như pháp, lời nói như luật, lời nói chấm dứt tranh cãi, có nhân duyên mới nói, nói lời đúng lúc. Đó gọi là xa lìa lời nói không lợi ích. Không uống rượu, xa lìa chỗ phóng dật. Không đắm hương hoa, anh lạc. Không ca múa xướng hát, cũng không đến xem nghe. Không ngồi trên giường cao rộng. Không ăn phi thời; mà ăn một bửa. Không cần nắm vàng bạc bảy báu. «Người ấy không nuôi chứa thê thiếp, đồng nữ; không nuôi chứa tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, gà chó, heo dê, ruộng đất vườn tược, tích trử dồn chứa các vật. Không lường gạt, cân già cân non. Không hòa hợp vật ác. Không buôn bán sinh lợi, chặt tay chân người, giết hại mạng sống, bắt nhốt người khác, xâm phạm tiền tài của người; làm người dịch sứ, làm các nghề nghiêp, lời nói hư trá, phát khởi kiện tụng, vất bỏ người khác. Người ấy đoạn trừ các việc bất thiện như vậy. «Người ấy, khi đi thì biết đúng lúc. Chẳng phải lúc, thì không đi. Ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm, biết [963a1] đủ mà thôi. Y bát tùy thân. Như chim bay, mang theo hai cánh; tỳ-kheo cũng vậy, đi đến chỗ nào, y bát tùy thân. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn mong cầu tích chưa đủ các thứ, ẩm thực, y phục, hương liệu, mỹ vị, xúc chạm, pháp. Người ấy xa lìa sự không biết chán đủ như vậy. «Không như các sa-môn, bà-la-môn khác, tuy ăn của tín thí, mà vẫn tụ tập các hạt giống, trồng trọt cây cối, gieo hạt mầm sống.[125] Người ấy tránh xa những việc như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn phương tiện tìm cầu các lợi dưỡng, ngà voi, tạp bảo, giường cao rộng lớn, các thứ chăn đệm thêu thùa, và vác loại da thú nhiều màu sắc. Người ấy xa lìa các lợi dưỡng như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác ăn của tín thí, mà còn phương tiện tìm cầu sự nghiêm sức thân mình, chà xát thân mình bằng dầu bơ, tăm rửa bằng nước thơm, xoa bột thơm vào mình, chải đầu thơm bóng, đeo tràng hoa, nhuộm con mắt xanh, trang điểm đầu và mặt bàng đủ các thứ, buộc giây tơ màu vào cánh tay, cầm gậy,[126] nắm cầm đao kiếm, cây lọng khổng tước, dùng ngọc châu làm quạt, soi gương, mang giày dép nhiều màu, mặc y màu trắng. Người ấy xa lìa những sự trang sức như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, còn chuyên làm những việc vui đùa, đánh cờ bạc, cờ tám đường, cờ mười đường, các thứ ăn thua với nhau. Người ấy đoạn trừ các thứ vui chơi như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn nói những câu chuyện chướng ngại đạo pháp,[127] chuyện vua chúa, chuyện giặc cướp, chuyện chiến trận quân mã, chuyện đại thần, chuyện cỡi ngựa đánh xe, chuyện vườn cảnh, chuyện nằm ngồi,[128] chuyện nam nữ, chuyện y phục ăn uống, chuyện thôn xóm, chuyện quốc độ, chuyện nhớ thương, chuyện thế gian, chuyện đi biển. Người ấy đoạn trừ những câu chuyện chướng ngại đạo như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn dùng vô số phương tiện nịnh hót, chải chuốt mỹ từ, hiện tướng dối trá, khen chê dèm pha, lấy lợi cầu lợi. Người ấy xả bỏ những việc tà mạng siểm khúc như vậy. «Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, còn tranh cãi luận nghị với nhau, hoặc ở công viên, hoặc nơi ao tắm, hoặc tại tại giảng đường; nói rằng, ‘Tôi biết pháp luật như vậy. Ông không biết gì. Ông đi theo tà đạo, tôi đi về chánh đạo. Lời nói trước thì ông đặt ra sau. Lời nói sau thì ông đặt ra trước. Tôi có thể nhẫn. Ông không thể nhẫn. Tôi thắng ông. Ông chỉ nói cuồng mà thôi. Cùng ông luận nghị, nay tôi đắc thắng. Hỏi được thì cứ hỏi.’ Người ấy đoạn trừ tất cả những việc tranh cãi như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, chỉ tạo phương tiện cầu làm sứ mạng cho vua, đại thần của vua, bà-la-môn, cư sĩ, đưa tin từ chỗ này đến chỗ kia, từ chỗ kia lại chỗ này, đem tin người này đến người kia, đem tin người kia đến chỗ này, tự mình làm hay bảo người làm. Vị ấy xa lìa những việc làm sứ mạng như vậy. «Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, chỉ làm những việc đấu tranh hý luận, hoặc đấu bằng cung, hoặc đấu bằng đao, hoặc đấu bằng trượng, hoặc đấu bằng gà, hoặc đấu bằng chó, hoặc đấu bằng heo, hoặc đấu bằng dê đen, hoặc đấu bằng dê đực, hoặc đấu bằng nai, hoặc đấu bằng voi, hoặc đấu bằng ngựa, hoặc đấu bằng lạc đà, hoặc đấu bằng bò, hoặc đấu bằng bò rừng, hoặc đấu bằng trâu, hoặc đấu bằng người nữ, hoặc đấu bằng người nam, hoặc đấu bằng đồng tử, hoặc đấu bằng đồng nữ. Vị ấy đoạn trừ các việc đấu tranh vui đùa như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác ăn của tín thí mà làm những pháp tà mạng trở ngại đạo; tự mình xem tướng nam nữ tốt xấu, hay các loài súc sanh, tìm cầu lợi dưỡng. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như vậy. «Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí mà làm các pháp tà mạng trở ngại đạo, tự mình nuôi sống như triệu tập quỷ thần, hoặc sai khiến, thư yếm các loại. Vị ấy đoạn trừ các pháp làm trở ngại đạo như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí mà làm những pháp tà mạng, trở ngại đạo pháp, sống tà mạng, hoặc vì người cầu nguyện bịnh, hoặc tụng ác thuật, hoặc tụng chú cầu nguyện tốt, hoặc trị bịnh đau lưng, hoặc làm cho xuất mồ hôi, hoặc trị bịnh bằng châm cứu, hoặc trị bịnh lỗ mũi, hoặc trị bệnh hạ bộ. Vị ấy đoạn trừ các thứ tà mạng trở ngại đạo pháp như vậy. «Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, làm những việc trở ngại đạo, sống tà mạng, làm thuốc trị bịnh, trị bịnh thổ hạ, bịnh nam bịnh nữ. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo pháp như vậy. «Không như các sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, làm pháp trở ngại đạo, sống tà mạng, hoặc tụng chú lửa,[129] hoặc tụng chú tới lui, khiến cho tốt và lợi, hoặc tụng chú sát lợi,[130] hoặc tụng chú chim, hoặc tụng chú chi tiết, hoặc tụng chú an trí nhà cửa, hoặc tụng chú trừ chuột cắn, lửa cháy các vật, hoặc tụng sách sống chết riêng biệt, hoặc tụng sách giải mộng, hoặc coi tướng tay, tướng lưng, hoặc tụng thiên nhơn vấn,[131] hoặc tụng âm thinh sai biệt của loại cầm thú chim quạ. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như vậy. «Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, sống tà mạng, coi tướng thiên thời, hoặc nói sẽ mưa, hoặc nói không mưa, hoặc nói mất mùa, hoặc nói được mùa, hoặc nói bệnh nhiều, hoặc nói bệnh ít, hoặc nói khủng bố, hoặc nói an ổn, hoặc nói đất động, hoặc nói sao chổi hiện, hoặc nói nguyệt thực, hoặc nói không nguyệt thực, hoặc nói nhật thực, hoặc nói không nhật thực, hoặc nói tinh thực, hoặc nói tinh không thực, hoặc nói nguyệt thực có báo ứng tốt như vậy, có báo ứng xấu như vậy. Nhật thực, tinh thực cũng như vậy. Vị ấy đoạn trừ các pháp tà mạng như vậy. «Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, hành pháp trở ngại đạo, sống tà mạng, hoặc nói nước này sẽ thắng, nước kia thua, hoặc nói nước kia thắng, nước này thua, hoặc nói người này hơn, người kia không bằng, hoặc nói người kia hơn, người này không bằng, xem coi những việc tốt xấu lành dữ như vậy. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như trên. «Vị ấy ở trong đây mà tu tập Thánh giới. Bên trong không có tham đắm, tự tâm an lạc.[132] «Mắt[133] tuy thấy sắc mà không thủ tướng, không bị nhãn sắc cướp đoạt.[134] Vị ấy an trú với nhãn căn kiên cố, tịch nhiên; không có gì để tham dục, không có ưu hoạn, không bị chảy lọt bởi các pháp ác bất thiện, kiên trì giới phẩm, khéo hộ trì căn con mắt.[135] Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. «Như vây, ở nơi sáu xúc xứ,[136] vị ấy khéo léo học hộ trì điều phục, khiến đạt đến tịch tĩnh. Cũng như nơi đất bằng, chỗ đầu đường ngã tư, mà cỡi voi, ngựa, xe cộ, người khéo điều khiển, tay bên tả cầm cương, tay bên hữu cầm roi, khéo léo học hộ trì, khéo léo học chế ngự, khéo léo học tịch tĩnh. Tỳ-kheo cũng như vậy, ở nơi sáu xúc xứ, khéo léo học hộ trì điều phục, khiến đạt đến tịch tĩnh. «Vị ấy sau khi thành tựu Thánh giới, đắc Thánh nhãn căn như vậy, ăn biết vừa đủ,[137] cũng không tham mùi vị; chỉ để nuôi thân, chứ không vì cống cao kiêu mạn; chỉ ăn vì mục đích duy trì thân, khiến không khổ hoạn, để có thể tu tịnh hạnh; khổ trước được tiêu trừ, khổ mới không phát sanh, không có tăng giảm, có đủ sức lực, vô sự, khiến thân an lạc. Cũng như con trai, con gái, trong thân bị nhọt, dùng thuốc xoa trị, khiến cho nhọt đặng lành. Tỳ-kheo ăn biết tri túc, chỉ cốt thân an, cũng lại như vậy. Ví như có người dùng mở dầu bôi nơi chiếc xe vì để chuyên chở đồ vật đến chỗ nào đó; tỳ-kheo khi ăn biết chỉ túc, chỉ để nuôi thân, cũng lại như vậy. «Tỳ-kheo đã có Thánh giới, đặng các căn của Thánh như vậy, trong sự ăn, biết vừa đủ như vậy, đầu đêm cuối đêm, tinh tấn tỉnh giác, hoặc lúc ban ngày, khi đi, khi đứng, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, [964a1] đoạn trừ các triền cái. «Vị ấy, đầu đêm, khi đi khi ngồi, thường như vậy nhất tam chuyên niệm, đoạn trừ các triền cái. Giữa đêm, vị ấy nằm nghiêng bên hữu, hai chân chồng lên nhau, nghĩ tưởng sẽ chỗi dậy ngay, buộc tư tưởng vào ánh sáng, tâm không rối loạn. Cho đến cuối đêm, vị ấy liền thức dậy tư duy, hoặc đi hoặc ngồi, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, đoạn trừ các triền cái. «Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, thành tựu các căn của Thánh, ăn biết chỉ túc, đầu đêm cuối đêm tinh tấn tỉnh giác, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, không tán loạn. «Thế nào là tỳ-kheo chuyên niệm không tán loạn? «Tỳ-kheo tu tập niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh tấn không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Tu tập thân niệm xứ quán thân trên ngoại thân, tinh tấn, không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Quán thân niệm xứ trên nội ngoại thân, tinh tấn, không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Thọ, tâm, pháp cũng như vậy. Đó là tỳ-kheo chánh niệm không tán loạn. «Thế nào là tỳ-kheo nhất tâm?[138] «Đi đứng ra vào, nhìn ngó bên tả bên hữu, uốn mình cúi ngửa, chấp trì y bát, nhận lấy thức ăn, đại tiểu tiện lợi, ngủ nghỉ thức dậy, khi ngồi lúc đứng, nói năng im lặng, tất cả như vậy đều thường chuyên niệm nhất tâm. Đó gọi là nhất tâm. Thí như có người cùng đại chúng cùng đi, hoặc trước hoặc sau hay chính giữa, thường được an lạc, không hề có sợ sệt. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, đi đứng ra vào, cho đến im lặng, thường chuyên niệm nhất tâm. «Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, đặng căn của Thánh, ăn biết vừa đủ, đầu đêm sau đêm tinh tấn tỉnh giác, thường nhất tâm chuyên niệm, không có tán loạn, vui thú nơi a-lan-nhã, dưới gốc cây, trong hang núi, chỗ đất trống, bên đống phân, tại bãi tha ma, nơi bờ sông mé nước. Vị kia khất thực rồi, trở về, rửa chân, an trí y bát, kiết già phu tọa, ngay mình thẳng ý, buộc niệm trước mặt, đoạn trừ tâm xan tham, không cùng tương ưng, đoạn trừ sân nhuế, không có oán hận tật đố, tâm an trụ vô sân, thanh tịnh, không nhuế, thường có lòng từ mẫn, dứt bỏ ngủ nghỉ, không cùng tương ưng, buộc tư tưởng nơi ánh sáng, chánh niệm không tán loạn, đoạn trừ trạo hối, không cùng nó tương ưng, nội tâm tịch diệt, tâm trạo hối đã tịnh, đoạn trừ nghi hối, đã vượt qua nghi, tâm mộặmmc ở trong pháp thiện. «Thí như có người tôi tớ được chủ nhà ban cho tộc họ,[139] an ổn thoát khỏi nô lệ. Người tớ kia tự nghĩ rằng: Trước kia ta là tôi tớ, nay được giải thoát an ổn, đã được tự tại, không còn bị lệ thuộc người. Do nhơn duyên như vậy nên được hoan hỷ, trong tâm an lạc. «Lại như có người mượn vốn của người để mưu sinh, thu lợi tức trả lại vốn xong rồi, lại còn dư đủ để nuôi sống vợ con. Người kia tự nghĩ: Trước đây ta mượn vốn của người để mưu sinh, thu lợi tức trả lại vốn xong rồi, lại còn thừa để nuôi vợ con. Nay ta được tự tại, không sợ ai nữa. Do nhơn duyên ấy mà được hoan hỷ, tâm an lạc. «Như người mắc bệnh từ lâu, nay được chữa lành, ăn uống tiêu hóa, cơ thể hồng hào. Vị kia tự nghĩ: Trước đây ta bệnh, nay được lành rồi, ăn uống tiêu hóa cơ thể hồng hào. Do nhân duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an lạc. «Như có người bị tù đày lâu ngày, được thoát khỏi lao ngục. Người kia tự nghĩ: trước đây ta bị trói nhốt, nay được giải thoát, không còn lo sợ. Do nhân duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an ổn. «Lại như có người mang nhiều tiền của vượt qua sa mạc không bị giặc cướp, an toàn tới nơi. Vị kia nghĩ: Trước đây ta mang nhiều tiền của châu báu vượt qua sa mạc được an toàn nay không còn sợ sệt. Do nhơn duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an lạc. «Tỳ-kheo có năm triền cái cũng lại như vậy, như kẻ tôi tớ, người mắc nợ, kẻ bệnh trầm kha, người bị tù đày, kẻ qua sa mạc, tự thấy mình chưa đoạn được triền cái, khiến tâm nhiễm ô, huệ lực không sáng tỏ. Vị kia liền ly dục, xả pháp ác bất thiện, có giác có quán, thọ hỷ lạc,[140] đắc Sơ thiền. Vị kia do hỷ lạc thấm nhuần khắp thân, một cách tràn đầy, không chỗ nào không cùng khắp. Như người khéo tắm, dùng đồ đựng đầy nước, bỏ thuốc bột mịn vào, ngâm nước cho hòa tan, nước ấy thấm nhuần, không chỗ nào không thắm nhuần, cũng không bị rơi vãi. Tỳ-kheo chứng nhập Sơ thiền cũng lại như vậy; hỷ lạc khắp cả người, không chỗ nào trống không. Đây là hiện pháp lạc trú[141] đầu tiên. Vì sao vậy? Do tâm không phóng dật, tinh tấn không giải đãi, chuyên niệm không tán loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh vậy. «Vị kia xả giác quán, phát sinh nội tín,[142] tâm chuyên nhất cảnh,[143] không giác không quán, tâm định với hỷ lạc, nhập đệ Nhị thiền. Vị kia do tâm định hỷ lạc, thấm nhuần nơi thân, tràn đầy giáp khắp, không chỗ nào không biến mãn, cũng như suối nước từ trên đỉnh cao tuôn ra, cũng không từ đông tây nam bắc hay từ trên đổ xuống, mà nước phát xuất từ chính trong ao này, trong sạch mát mẻ, thấm nhuần cả ao, biến mãn tràn đầy, không có chỗ nào trống không. Tỳ-kheo chứng nhập đệ Nhị thiền cũng lại như vậy, tâm định hỷ lạc, biến mãn tràn đầy. Đây là lần thứ hai hiện pháp lạc trú bậc thứ hai. «Vị kia xả tâm hỉ, an trú xả,[144] chánh niệm, chánh trí, thân thọ khoái lạc, như điều mà Thánh nói là, xả, niệm khoái lạc,[145] nhập đệ Tam thiền. Vị kia với thân không hỷ, mà lạc thấm nhuần tràn đầy khắp cả, không có chỗ nào không có. Thí như hoa ưu-bát-la, hoa câu-đầu-ma, phân-đà-lợi, tuy sanh trong ao mà chưa ra khỏi nước; gốc, cộng, bông, lá, lịm mình trong nước, không có chỗ nào không thấm nước. Tỳ-kheo chứng nhập đệ Tam thiền cũng lại như vậy, lìa hỷ an trú lạc, thấm nhuần cả thân, không chỗ nào không có. Đây là thành tựu hiện pháp lạc trú với đệ Tam thiền. «Vị kia xả bỏ khổ lạc, ưu hỷ đã đoạn từ trước, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh,[146] chứng nhập đệ Tứ thiền, thân tâm thanh tịnh ẩptàn ngập khắp cả, không chỗ nào không có. Cũng như nam tử nữ nhơn tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới bạch tịnh, không chỗ nào không bao trùm. Tỳ-kheo vào đệ Tứ thiền cũng lại như vậy, tâm vị kia thanh tịnh biến mãn khắp cả thân, không chỗ nào không giáp khắp. Vị kia vào đệ Tứ thiền tâm không trạo động, cũng không giải đãi, không tương ưng với ái nhuế, trụ vô động địa. Thí như ngôi nhà kín, trong ngoài đều trét bùn, đóng cửa kỹ, gió bụi không vào được, bên trong thắp ngọn đèn, không có nhơn hay phi nhơn thổi, hoặc chim bay khua động thì ngọn đèn kia cháy thẳng, không có chao động, lặng lẻ chiếu soi. Tỳ-kheo vào đệ Tứ thiền cũng lại như vậy, không có xao động, tâm không giải đãi, không cùng ái nhuế tương ưng, trụ vô động địa. Đây là sự thành tựu hiện pháp lạc trú với đệ Tứ thiền. Vì sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác, chuyên niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh. «Vị kia được định tâm thanh tịnh, không có cấu uế, nhu nhuyến điều phục, trụ vô động địa, chính trong thân tâm sinh khởi, có thể biến hóa làm thân khác, đầy đủ tay chân, các căn không thiếu. Khi ấy quán sát thân sắc này, do bốn đại hiệp thành; thân kia do sự biến hoá của sắc mà có. Sắc của thân do bốn đại này khác với sắc gồm bốn đại của thân được biến hoá kia. Từ trong sắc của thân do bốn đại này, được biến hoá bởi tâm, thân kia đầy đủ các căn, cùng với tay chân. «Thí như có người rút con dao từ trong bao dao ra, nghĩ rằng: đây là [965a1]cái bao, đây là dao; dao khác bao khác; từ bao dao rút ra con dao. Cũng như có người từ trong giỏ tre trút ra một con rắn, nghĩ rằng: Đây là cái giỏ, đây là con rắn; giỏ khác rắn khác; từ nơi giỏ này con rắn chạy ra. Thí như có người từ cái hòm mây lấy ra chiếc áo, nghĩ rằng: đây là cái hòm, đây là áo; áo khác hòm khác; áo từ hòm lấy ra. Tỳ-kheo lại cũng như vậy. Đây là thắng pháp tối sơ của tỳ-kheo. Vì sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không giải đãi, chuyên niệm không thác loạn, ưa chỗ tịch tĩnh. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập bất động địa. Từ trong đại thân do bởi sắc gồm bốn đại của mình sanh khởi tâm biến hóa thành một hóa thân, đầy đủ tất cả các căn, cùng với tay chân. Vị kia nghĩ: Thân này là bốn đại hiệp thành, thân kia từ biến hóa mà có. Thân do bởi sắc gồm bốn đại này khác với thân do bởi sắc gồm bốn đại được biến hoá kia. Tâm này ở nơi thân này, trên thân này, được buộc vào thân này. Thí như hạt châu ma-ni, lưu ly, được đánh bóng, thật trong sáng không cấu uế. Rồi dùng một giây tơ xanh vàng đỏ xâu qua. Có nam tử với đôi mắt sáng, để trên lòng bàn tay nhìn, thấy rõ đây là ngọc, đây là sợi tơ. Tơ khác ngọc khác, hạt châu này được xâu bởi giây tơ. Tỳ-kheo cũng như vậy, Thân này là bốn đại hiệp thành, thân kia từ biến hóa mà có. Thân do bởi sắc gồm bốn đại này khác với thân do bởi sắc gồm bốn đại được biến hoá kia. Tâm này ở nơi thân này, trên thân này, được buộc vào thân này. Đây là thắng pháp thứ hai của tỳ-kheo. Tại sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác, chuyên niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập thần thông trí chứng. Vị kia có thể làm các thứ biến hóa, do một thân làm thành vô số thân, từ vô số thân trở lại một thân; thân có thể bay đi, xuyên qua tường đá không có gì trở ngại như đi vào chỗ hư không; đi đứng trong hư không như loài chim không khác; ra vào trong đất, như nước thẩm lậu; hoặc thành khói hoặc thành lửa, hay thành đống lửa to; tay có thể sờ chạm mặt trời mặt trăng, thân đến Phạm thiên. Thí như người thợ đồ gốm, khéo điều hòa bùn đất, tùy ý làm ra đồ dùng, tất cả đều thành tựu, mà có lợi ích. Thí như người thợ mộc, khéo hay bào miếng gỗ, để rồi làm các đồ dùng theo ý mình, đều thành tựu và lợi ích. Thí như thợ ngà voi khéo hay trau chuốt ngà voi theo ý muốn của mình, đều thành tựu và đem lại lợi ích. Thí như người thợ vàng khéo hay luyện chơn kim để rồi làm thành các dụng cụ theo ý muốn của mình, đều thành tựu, đem lại lợi ích. Tỳ-kheo cũng như vậy, định tâm thanh tịnh, đến vô động địa, biến hóa theo ý muốn, cho đến Phạm thiên. Đây là thắng pháp thứ ba của tỳ-kheo. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập, chứng thiên nhĩ trí. Thiên nhĩ của vị kia thanh tịnh vượt hẳn lỗ tai của người thường, nghe được hai loại âm thânh của nhơn và phi nhơn. Thí như trong thành đô quốc ấp có giảng đường cao rộng khoảng khoát, người với lỗ tai thông tỏ ở tại nơi đó, khỏi phải dùng sức để nghe một cách nhọc mệt mà có thể nghe được các thứ âm thanh. Tỳ-kheo cũng như vậy, do tâm định nên thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được tiếng nói của nhơn và phi nhơn. Đây là thắng pháp thứ tư của tỳ-kheo. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, nhất tâm tu tập chứng tha tâm trí. Vị kia biết được tâm của chúng sanh ngoài mình, tâm ấy có dục không có dục, có cấu không có cấu, có si không có si, tâm rộng hay tâm hẹp, tâm nhỏ hay tâm lớn, tâm định hay tâm loạn, tâm bị trói buộc hay tâm được giải thoát, tâm cao thượng hay tâm không cao thượng, tất cả đều biết hết. Thí như kẻ nam người nữ tự cảm thấy hoan hỷ, dùng gương soi mặt, đâu có bộ phận nào nơi mặt mà không thấy. Tỳ-kheo cũng như vậy, do định tâm thanh tịnh nên biết được ý nghĩ của tất cả chúng sinh bên ngoài. Đây là thắng pháp thứ năm. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập chứng túc mạng trí, bèn có thể nhớ biết vô số đời sống trước, với bao nhiêu sự việc; có thể nhớ một đời, mười đời, một trăm đời, một ngàn đời, vô số một trăm, một ngàn đời, cho đến thời kiếp tận hỏa thiêu, quốc độ bị đốt cháy toàn bộ rồi sanh trở lại. Ta sanh nơi đây tên họ như vậy, chủng loại như vậy, tộc tánh như vậy, ăn uống như vậy, thọ mạng như vậy, ở đời như vậy, tuổi thọ hết như vậy, thọ khổ vui như vậy. Từ nơi kia mạng chung lại sanh nơi kia, lần lượt như vậy thọ sanh. Nơi đây hình sắc tướng mạo vô số các thứ sai khác như vậy, đều nhớ biết rõ ràng. Thí như có người từ nơi thôn xóm của mình lưu lạc đến nước khác, thời gian ở tại đó, đi đứng nói năng im lặng như thế nào; rồi từ nước đó lại đến nước khác, đi đứng nói năng im lặng như thế nào; lần lượt trở lại nước kia, khỏi phải dụng lực một cách nhọc nhằn mà có thể nhớ biết hành trình các nước. Ta từ nước này đến nước kia, khi ở nước kia, đi như vậy, đứng như vậy, nói năng như vậy, im lặng như vậy, từ nước kia đến nước kế tiếp, khi ở nước đó, đi như vậy, đứng như vậy, nói năng như vậy, im lặng như vậy, lần lượt trở lại bổn quốc. Tỳ-kheo cũng như vậy, có thể dùng định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, bằng trí túc mạng đã chứng có thể nhớ vô số trăm ngàn kiếp tất cả các sự việc. Đây là tỳ-kheo chứng đắc minh thư nhất, vô minh diệt, minh pháp sanh, ám tiêu mất, pháp sáng tỏ hiện. Đây là tỳ-kheo chứng đắc túc mạng trí minh. Tại sao vậy? Do tâm không phóng dật, siêng năng không biếng nhác, tâm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, nhất tâm tu tập, chứng sanh tử trí, trí chứng thiên nhãn kia thanh tịnh, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, hình sắc tốt xấu, các đường thiện ác, tôn quý ti tiện, tùy theo nghiệp chúng sanh tạo, tất cả nhân duyên nghiệp báo đều biết hết. Như người này, thân tạo ác hành, khẩu tạo ác hành, tâm tạo ác hành, phỉ báng Hiền Thánh, tà mạng. Do quả báo tà kiến, nên đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như chúng sanh này thân hành thiện, khẩu hành thiện, tâm niệm thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, chánh kiến, tu tập chánh nghiệp, khi chết được sanh trong cõi trời người. Thiên nhãn thanh tịnh như vậy, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, tùy theo nghiệp đã tạo, tất cả nghiệp nhơn đều biết. Thí như nơi chỗ đất bằng rộng lớn tại địa đầu đường ngã tư, có một chỗ ngồi nhà cao vút, một người với đôi mắt sáng ở nơi đó. Thấy chúng sanh từ phương đông đến phương tây, từ phương tây đến phương đông, từ phương nam đến phương bắc, từ phương bắc đến phương nam. Cũng như vậy, tỳ-kheo dùng định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, cho đến tùy theo chỗ tạo nghiệp của chúng sanh, tất cả nhân duyên nghiệp báo đều biết. Đây là tỳ-kheo chứng được minh thứ hai, vô minh đoạn, minh pháp sanh, ám tiêu mất, minh xuất hiện. Đây là chứng sanh tử trí minh, thấy chúng sanh chết nơi này sinh nơi kia. Tại sao vậy? Do không phóng dật, siêng năng không biếng nhác, tâm không thác loạn, ưa sống chỗ tịch tĩnh. «Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, nhất tâm tu tập chứng vô lậu trí. Vị kia như thật biết Khổ thánh đế, Tập-Tận-Đạo đế; như thật biết hữu lậu, lậu tập, lậu tận, như thật biết con đường đưa đến lậu tận Đạo thánh đế. Vị kia biết như vậy, thấy như vậy, [966a1] tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; sau khi đã giải thoát, biết rằng, ‹sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sanh.› Thí như trong ao nước trong có cây, đá, cá trạnh, các loài thủy tộc, đông tây du hành; người có mắt sáng thấy rõ cây, đá, cá trạnh: đây là cây đá, đây là cá trạnh du hành đây đó. Tỳ-kheo cũng như vậy, do định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, đặng vô lậu trí chứng, cho đến không trở lại tại sanh. Đây là tỳ-kheo đặng minh thứ ba, vô minh đoạn, minh pháp sanh, ám pháp hết, ánh sáng hiện, gọi là vô lậu trí minh. Tại sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tịnh.»[147]
Chú thích: [94] Xem Phần i, Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8 & 9. [95] Các đoạn trước phiên âm là Lê-xa. [96] Hán: chư đại Ly-xa 諸大離奢; bản Hán hiểu đại là danh từ chung. Nhưng, đại cũng có thể coi là dịch nghĩa tương đương Pali Vaḍḍha: (thịnh vương, hay tăng trưởng). Do đó, Đại là tên người, một người Ly-xa tên là Đại, không phải hình dung từ. Pali: Vaḍḍha-Licchavī. [97] Vin.ii. 124: Vaḍḍha, người Licchavī, thân tình của các tỳ-kheo nhóm Mettiya-bhūmajaka. Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.174c05): Lô-di Lực sĩ tử 廬夷力士子 nghe lời Từ Địa vu khống tỳ-kheo Đà-bà 陀婆比丘. [98] Vô căn bất tịnh pháp 無根不淨法; ở đây được hiểu là pháp phi tịnh hạnh không căn cứ. Tội danh chính xác là «vu khống bằng ba-la-di không căn cứ.» [99] Văn thuật theo quán tính truyền khẩu. Không thể khiển trách cư sỹ bằng những lời không phù hợp như vây. [100] Phúc bát 覆缽; úp bát. Pali: pattaṃ nikkujjatum. [101] Luật Pali, Vin. ii. 125, có tám điều: khiến tỳ-kheo mất lợi dưỡng (bhikkhūnaṃ alābhāya), khiến tỳ-kheo mất lợi ích (anatthāya), khiến tỳ-kheo mất chỗ ở (avāsāya), mắng chưởi tỳ-kheo (bhukkhū akkosati paribhāsati)), gây chia rẽ tỳ-kheo (bhikkhū bhikkhūhi bhedeti), huỷ báng Phật (buddhassa avaññaṃ bhāsati), huỷ báng Pháp, huỷ báng Tăng. [102] Từ phạm cả 10 điều, cho đến chỉ phạm 1 điều. [103] Pali: asaṃbhogaṃ saṅghena, không cộng sự với Tăng. [104] Đoạn này liên hệ với việc Bát-nan-đà treo bát vào gậy rồi quảy đi, ở trên. [105] Một tập quán mê tín phổ biến, khi có chuyện bất thường, người ta cầu nguyện và chúc lành. [106] Cf. Vin.ii. 140: Phật nói, «Các ngươi chúc sống lâu, có ai chết hay sống vì vậy chăng?» [107] Vin.ii. 140: gihī bhikkhave maṅgalikā, Này các tỳ-kheo, đó là sự chúc lành của người thế tục. [108] Xem tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 88. [109] Cf. Vin. ii. 136, quy định về giây thắt lưng (kāyabandha): tỳ-kheo vào tụ lạc khất thực mà không có thắt lưng, phạm đột-kiết-la. Lục quần tỳ-kheo làm giây nịt bện (kalābuka), có hình đầu rắn nước (deḍḍubhaka), có hình cái trống (muraja), gắn các khoen tai. [110] Xà-đề-na 闍提那帶. Skt. jaṭila: đai bện? Xem cht. 112 dưới [111] Tán diên 散綖帶: đai có tua rẻo? Xem cht. 112 dưới. [112] Tham chiếu, Pali, Vin.ii. 136: Phật cho phép hai loại đai, paṭṭika: đai bằng giải dài; sūkaranta: đai hình đuôi heo? Hán dịch Nam truyền dịch là biên đái 編帶: đai bện. Bản Anh, bỏ trống, nói là không dịch được. [113] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 107 & 108. [114] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 169 & 170. [115] Pali, Vin.ii. 138: dài nhất là 8 ngón tay. Ngắn nhất là 4 ngón tay. [116] Tước dương chi kỳ 楊枝奇. Chưa rõ nghĩa. [117] Bà-xà Tử 婆闍子. Trên kia, phiên âm là Bạt-xà-Tử. [118] Ưu-đà-diên 憂陀延. Pali: Udena, vua nước Kosambī. Truyện kể trong Pháp cú truyện Pali, Dhp. 21 (Dhp.A.1. 161). [119] Pali, Piṇḍola-Bhāradvāja, con trai của vị bà-la-môn tư tế của vua Udena. [120] Uỷ-thiền 慰禪. Pali: Ujjenī. Xem chuyện Kỳ-bà chữa bịnh vua Uỷ thiền. Ch. vii. Y. [121] Xà-di-bạt-đề 奢彌跋提. Pali: Sāmāvati, con gai của Ghosita, người đã cúng tinh xá Ghositārāma (Cù-sư-la viên). [122] Xem, Tỳ-kheo, tăng-già-bà-thi-sa 5. [123] Ma-ha Ca-chiên-diên 摩訶迦旃延. Pali: Mahā-Kaccāyana. Sinh quán tai Ujjena, con trai một người Bà-la-môn, đại thần của Vua Ujjena. Ngài nhận chỉ giáo của Phật, cùng 7 tỳ-kheo, đồng là bạn cũ, về hoằng pháp tại bản địa. [124] Đại tiểu trì giới kiền độ 大小持戒揵度. Chi tiết quá trình tu tập giới của tỳ-kheo, từ khi mới xuất gia cho đến khi chứng quả A-la-hán. Tất cả những điều này tập hợp lại dưới một bộ môn gọi là giới thân, giới uẩn, hay giới kiền độ, hay gọi là Thánh giới tụ. Điển hình đầy đủ về quá trình tu tập Thánh giới này, có thể xem Trung A-hàm 36, kinh 146 «Tượng tích dụ.» Tương đương Pali, M. 27. Cūḷa-Hatthipadopâm-sutta. Tham chiếu các kinh, Trường A-hàm 14 (21. kinh Phạm động, T01n1, tr.88b12), Pali, D.1 Brahmajāla; Trường A-hàm 17 (27. kinh Sa-môn quả; T01n1, tr.107a20); Pali, D.2 Sāmaññaphala. [125] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼神村. [126] Thông trung trượng 通中杖; trên kia dịch là không trung trượng (Xem ch.ii, mục 19: về gậy quạt). Dịch từ daṅḍa(ka), Skt. & Pali: gậy, biểu hiện quyền uy. [127] Những câu chuyện chướng ngại đạo, Pali: tiracchāna-kathā, súc sanh luận, chỉ những câu chuyện vô ích, ngu si. [128] Ngoạ khởi sự 臥起事 (?). Có lẽ Pali senā-katham, chuyện tướng quân, nhưng bản Hán đọc là senāsana-katham. [129] Hỏa chú 咒火. Pali: aggi-homa, thờ cúng lửa. [130] Sát-lợi chú 剎利咒. Pali: khatta-vijjā, chú thuật về quyền lực của vua chúa, tức khoa học chính trị. [131] Tụng thiên nhân vấn 誦天人問. Tham chiếu Pali, đoạn liên hệ (D. i. 9, 67): pakkajjhānaṃ (dự báo vận mạng) saraparittānam (chú thuật phòng ngừag tên bắn). [132] Kết luận các đoạn trên, tỳ-kheo sau khi thành tựu Thánh giới uẩn, đoạn tiếp theo nói về tỳ-kheo tu tập phòng hộ căn môn. Nhưng bản Hán ở đây lược bỏ đoạn nói về việc tỳ-kheo thành tựu giới uẩn bằng sự chấp trì ba-la-đề-mộc-xoa. Tham chiếu Pali đoạn liên hệ, Sāmaññaphala-sutta, D. i. 70: so iminā ariyena sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajja-sukhaṃ paṭisaṃvedeti. Evaṃ kho... bhikkhu sīlasampanno hoti, «vị ấy do thành tựu Thánh giới uẩn này mà nội tâm cảm thọ sự an lạc không cấu uế. Như vậy, tỳ-kheo thành tựu giới.» Kinh Tượng tích dụ (Trung A-hàm 146), sau Thánh giới uẩn là tri túc. Tiếp sau đó, thủ hộ căn môn. [133] Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập bằng sự thủ hộ căn môn. Bản Hán lược bỏ đoạn giới thiệu. Tham chiếu đoạn Pali liên hệ: kathañ ca... bhikkhu indriyesu guttadvāro hoti? idha..., «Thế nào là tỳ-kheo thủ hộ căn môn? Ở đây...» [134] Tham chiếu Pali (D.i. 70): cakkhunā rūpaṃ disvā na nimmittaggāhī hoti nānuvyañjanaggāhī, «sau khi mắt thấy sắc, vị ấy không chấp thủ tổng tướng, không chấp thủ biệt tướng (của sắc).» [135] Tham chiếu đoạn Pali (nt.) liên hệ: yatvādhikaraṇaṃ enaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhā-domanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati... «Nguyên nhân gì mà vị ấy sống với căn con mắt không được phòng hộ khiến cho những tham và ưu, cùng những pháp ác bất thiện chảy lọt vào, vị ấy tu tập để chế ngự nguyên nhân ấy...» [136] Nguyên Hán: xúc nhập 觸入. [137] Trở xuống, tỳ-kheo sống tri túc. Đoạn Pali (nt.) liên hệ, tiếp theo phòng hộ căn môn là tỳ-kheo tu tập chánh niện chánh tri (sati-sampajaññena). Bản Hán nhảy qua đoạn này mà đưa xuống sau. Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập chánh niệm chánh tri. Thứ tự tu tập trong bản dịch này có đảo lộn. Trong các kinh, tu tập bốn niệm xứ sau khi tỳ-kheo đã có chánh niệm. [138] Đây nên hiểu là chánh niệm. Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập chánh niệm chánh tri. Thứ tự tu tập trong bản dịch này có đảo lộn. Trong các kinh, bốn niệm xứ được nói sau chánh niệm. [139] Dữ tánh 與姓, cho trở thành người tự do trong bốn giai cấp hay chủng tánh. [140] Hán dịch thiếu nghĩa: «có hỷ lạc phát sanh do sự viễn ly.» [141] Nguyên Hán: hiện thân đắc lạc 現身得樂. [142] Nội tín 內信. Huyền Trang: nội đẳng tịnh, trạng thái bình lặng, quân bình của nội tâm khi nhập đệ nhị thiền. Pali: ajjhattaṃ sampasādanaṃ. [143] Hán: tâm tại nhất xứ 心在一處. Pali: cetaso ekodibhāvaṃ. [144] Trú hộ niệm lạc 住護念樂. Hán hiểu sai từ nguyên của Skt. upekṣa (Pali: upekkha) nên dịch là «hộ» thay vì dịch là «xả» như La-thập hay Huyền Trang. Pali: pītiyā ca virāgā ca upekkhako ca viharati, «vị ấy ly hỷ, an trú xả.» [145] Hán: hộ niệm khoái lạc 護念快樂. Xem cht. 144 trên. Pali: upekkhako satimā sukhaviharī, an trú lạc cùng với xả và niệm. [146] Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Pali: upekkha-sati-parisuddhiṃ, xả niệm thanh tịnh, trạng thái thuần tịnh, trong suốt, do chỉ còn xả và niệm. [147] Hết quyển 53. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG III NGŨ BÁCH KẾT TẬP [966a19] Sau khi đức Thế Tôn bát-niết-bàn giữa rừng Sa-la,[1] trong khu vườn của người Mạt-la,[2] thành Câu-thi,[3] những người Mạt-la rửa xá-lợi[4] của Phật xong, dùng kiếp-bối sạch gói lại, lấy năm trăm trương điệp theo thứ tự quấn lại, để trong kim quan bằng sắt, rồi đổ đầy dầu thơm vào; sau đó để xá lợi vào giữa và đậy nắp lại. Rồi lại làm cái quách bằng gỗ, đặt kim quan vào giữa. Bên dưới chất một đống củi bằng loại gỗ thơm. Khi ấy, thủ lĩnh của người Mạt-la cầm lửa đốt. Bấy giờ, chư Thiên liền làm cho lửa tắt. Các Đại Mạt-la Tử khác lần lượt cầm cây đuốc lớn để đốt. Chư Thiên cũng đều dập tắt ngọn lửa. A-na-luật nói với những người Mạt-la rằng: «Không cần phải khổ nhọc như vậy. Chư Thiên dập tắt lửa của các ông.» Họ hỏi A-na-luật: «Thưa Đại đức, vì sao Chư Thiên lại dập tắt lửa?» A-na-luật trả lời: «Vì Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp cùng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị hiện trên lộ trình đến đây, còn đang ở giữa hai nước Ba-bà và Câu-thi. Trưởng lão nghĩ rằng, ‘Ta có thể thấy được xá-lợi Phật, khi chưa thiêu hay chăng?’ Chư Thiên biết tâm niệm của Ca-diếp như vậy, cho nên đã dập tắt lửa.» Những người Mạt-la nói: «Đại đức A-na-luật, nay tạm đình hoãn, chìu theo ý Chư Thiên vậy.» Bấy giờ, Ma-ha Ca-diếp cùng đại tỳ-kheo Tăng gồm năm trăm vị đang trên đường đi giữa hai nước kia, gặp một người Ni-kiền[5] cầm cành hoa mạn-đà-la[6] từ chỗ đức Thế Tôn Niết-bàn ngược chiều đi đến. Ca-diếp thấy, bèn hỏi: «Ông từ đâu đến đây?» Người ấy trả lời: «Tôi từ thành Câu-thi đến.» Ca-diếp lại hỏi: «Có biết đức Thế Tôn của chúng tôi không?» Trả lời: «Biết.» Lại hỏi: «Nay Ngài còn tại thế chăng?» Trả lời: «Không còn tại thế. Nhập Niết-bàn trước đây bảy ngày rồi. Tôi từ đó cầm nhánh hoa này đến đây.» Ca-diếp nghe rồi, không vui. Trong số đó, có những tỳ-kheo chưa ly dục, nghe đức Thế Tôn đã Niết-bàn, liền gieo mình xuống đất. Cũng như cây bị chặt gốc ngã xuống; các vị chưa ly dục này cũng lại như vậy. Khóc than rằng: «Ôi! Đức Thiện thệ Niết-bàn sao quá sớm vậy? Ôi! Con mắt sáng của thế gian sao tắt nhanh vậy? Ôi! Chánh pháp mà chúng ta tuân thừa sao có thể diệt tận?» Có vị lăn tròn dưới đất. Cũng như khúc cây, các tỳ-kheo chưa ly dục này cũng lại như vậy. Than khóc sầu não rằng: «Ôi! Đức Thiện thệ sao Niết-bàn quá sớm vậy?» Khi ấy Bạt-nan-đà Thích tử[7] cũng ở trong chúng, nói với các tỳ-kheo: «Thôi đủ rồi! Các Trưởng lão, đừng khóc nữa, đừng quá ưu sầu. Chúng ta nay đã thoát khỏi vị Ma-ha-la[8] ấy rồi. Lão ấy khi còn sống thường dạy chúng ta: ‘Cái này nên; cái này không nên. Phải làm điều này, không được làm điều này.’ Nay chúng ta được tự do làm theo ý muốn của mình. Muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi.» Đại Ca-diếp nghe như vậy không vui, liền bảo các tỳ-kheo rằng: «Hãy đứng lên! Nhanh chóng cầm y bát để kịp thời thấy xá-lợi của đức Thế Tôn trước khi chưa thiêu.» Các tỳ-kheo nghe Ca-diếp nói liền vội vã ôm cầm y bát để đi. Đại Ca-diếp cùng năm trăm vị đến thành Câu-thi rồi, ra khỏi thành, vượt qua sông Hê-lan-nhã,[9] đến chùa Thiên quan,[10] chỗ tôn giả A-nan, nói: «Này A-nan, tôi muốn kịp thấy xá-lợi Thế Tôn khi chưa thiêu.» Tôn giả A-nan trả lời: «Muốn kịp thấy xá-lợi của đức Thế Tôn khi chưa thiêu, thật là khó. Vì sao vậy? Xá-lợi đức Thế Tôn đã được tắm rửa, được bọc bằng kiếp-bối mới, rồi dùng năm trăm trương điệp tuần tự quấn lại, để trong kim quan bằng sắt, đổ đầy bằng dầu thơm, rồi để vào trong một cái quách bằng gỗ. Dưới cái quách chất một đống củi bằng cây thơm. Nay sắp sửa đốt. Cho nên khó có thể thấy được.» Bấy giờ, Đại Ca-diếp từ từ bước đến chỗ kim quan đựng xá-lơi của Phật. Khi ấy cái quan và cái quách liền tự mở ra, chân đức Thế Tôn hiện ra. Đại Ca-diếp thấy dấu bánh xe dưới bàn chân Thế Tôn có vết bẩn, liền hỏi tôn giả A-nan: «Nhan dung của đức Thế Tôn đoan chánh, thân thể bằng sắc vàng, ai làm bẩn dấu bánh xe dưới chân?» Tôn giả A-nan trả lời với Đại Ca-diếp: «Bạch Đại đức Ca-diếp, tâm người nữ[11] mềm yếu. Khi kính lễ đức Thế Tôn, người ấy khóc. Nước mắt rớt xuống đó, rồi lấy tay nắm nên làm bẩn chân đức Thế Tôn.» Đại Ca-diếp nghe nói, không vui, rồi kính lễ dưới chân đức Thế Tôn. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, chư Thiên, đại chúng cũng đều kính lễ chân đức Thế Tôn. Bấy giờ, chân đức Thế Tôn hoàn lại trong kim quan, không còn hiện nữa. Đại Ca-diếp buồn than, nói kệ, nhiễu quanh kim quan bảy vòng, rồi lửa không châm mà tự nhiên cháy. Đại Ca-diếp, sau khi lễ hỏa thiêu xá-lợi rồi, vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, kể lại rằng: «Trên đường đi về đây, tôi nghe Bạt-nan-đà nói với các tỳ-kheo như sau: ‘Thôi đủ rồi! Các Trưởng lão, đừng khóc nữa, đừng quá ưu sầu. Chúng ta nay đã thoát khỏi vị Ma-ha-la ấy rồi. Lão ấy khi còn sống thường dạy chúng ta: Cái này nên, cái này không nên; phải làm điều này, không được làm điều này. Nay chúng ta được tự do làm theo ý muốn của mình. Muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi.’» Đại Ca-diếp nói: «Nay, chúng ta hãy cùng nhau luận Pháp, Tỳ ni. Chớ để cho ngoại đạo nói thêm nhiều điều, biếm nhẽ rằng, ‘Pháp và Luật của Sa-môn Cù-đàm như khói. Khi Thế Tôn ấy còn sống, mọi người cùng học giới. Nay người ấy mất rồi, không còn ai học giới nữa.’ Các Trưởng lão, nay hãy lựa chọn cá tỳ-kheo đa văn, trí tuệ, là những vị A-la-hán.» Bấy giờ, chọn được bốn trăm chín mươi chín vị đều là A-la-hán, đa văn trí tuệ. Các tỳ-kheo đề nghị: «Nên chọn tôn giả A-nan ở trong số này.» Đại Ca-diếp nói: «Chớ chọn A-nan vào trong số đó.» Hỏi: «Vì sao vậy?» Đáp: «Vì A-nan còn có ái, nhuế, bố, si. Người có ái nhuế bố si thì không nên chọn vào trong số đó.» Khi ấy, các tỳ-kheo lại nói: «Tôn giả A-nan là người cúng dường[12] Phật, thường đi theo Phật, đích thân thọ nhận giáo pháp từ đức Thế Tôn. Đây đó, những chỗ nghi vấn, chắc chắn tôn giả đã thưa hỏi đức Thế Tôn. Vậy nên cần được chọn vào trong số đó.» Rồi tôn giả được chọn vào trong số. Các tỳ-kheo đều nghĩ, «Chúng ta nên chọn chỗ nào mà tập hội để luận [967a1]Pháp và Tỳ-ni, chỗ mà ẩm thực và ngọa cụ được đầy đủ không thiếu?» Tất cả đều nói, «Chỉ có thành Vương-xá là nơi mà phòng xá, ẩm thực và ngọa cụ được đầy đủ dồi dào. Nay chúng ta nên đến đó tập hợp để luận Pháp và Tỳ ni.» Bấy giờ, Đại Ca-diếp liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Các tỳ-kheo này được Tăng sai. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đến thành Vương-xá tập hội để luận Pháp và Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch rồi, tất cả đều đến Tỳ-xá-ly. Khi ấy, A-nan đang trên đường đi, nơi chỗ thanh vắng, tâm tự suy nghĩ rằng, «Ví như con trâu nghé mới sanh còn bú sữa, cùng năm trăm con trâu lớn đồng đi. Nay ta cũng như vậy. Là hàng hữu học, còn có việc phải làm,[13] mà cùng đi với năm trăm vị A-la-hán!» Bấy giờ, các Trưởng lão đều đến Tỳ-xá-ly. A-nan cũng đang trụ tại Tỳ-xá-ly. Các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, các bà-la-môn, ngoại đạo đều đến thăm hỏi. Mọi người tụ hội đông đảo. Bấy giờ, có tỳ-kheo Bạt-xà Tử[14] có đại thần lực, đã đặng thiên nhãn, biết được tâm trí của người khác, suy nghĩ: «Hiện nay, A-nan cũng đang ở tại Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các bà-la-môn ngoại đạo đều đến thăm hỏi. Mọi người tụ hội đông đảo. Nay ta nên quán sát xem A-nan là người hữu dục hay vô dục?» Sau khi quán sát biết A-nan là người hữu dục chứ chẳng phải vô dục. Tỳ-kheo lại nghĩ, «Nay ta nên khiến cho A nan sanh tâm yểm ly.» Vì muốn khiến tôn giả A-nan sanh tâm yểm ly, nên Bạt-xà Tử liền nói bài kệ: Dưới gốc cây chỗ khuất, Tâm tư hướng Niết-bàn. Tọa thiền đừng buông lung. Nói nhiều để làm gì? Tôn giả A-nan nghe tỳ-kheo Bạt-xà Tử nói pháp yểm ly rồi, liền ở riêng một mình, tinh tấn không buông lung, tịch nhiên, không loạn động. Đây là pháp vị tằng hữu[15] của A-nan. Bấy giờ, tôn giả A-nan ở chỗ đất trống, trải giường giây, hầu hết suốt đêm đi kinh hành, đến lúc gần sáng, khi tướng bình minh sắp xuất hiện, thân mỏi mệt, nghĩ rằng, «Nay ta quá mỏi mệt, cần ngồi một chút.» Nghĩ xong, liền ngồi; rồi nghiêng mình muốn nằm. Trong khoảnh khắc, khi đầu chưa đến gối, bỗng nhiên tâm đắc vô lậu giải thoát. Đây là pháp vị tằng hữu của tôn giả A-nan. A-nan đắc A-la-hán rồi, liền nói kệ: Đa văn, nói rất nhiều. Thường hầu hạ Thế Tôn. Đã đoạn sanh tử xong Nay Cù-đàm[16] muốn nằm. Các tỳ-kheo từ Tỳ-xá-ly đến thành Vương xá, nói: «Trước khi luận Pháp và Tỳ-ni, chúng ta cần làm việc gì? Sửa soạn phòng xá, ngọa cụ trước, hay luận Pháp, Tỳ-ni trước?» Tất cả đều nói, tu bổ phòng xá, ngọa cụ trước. Bấy giờ, Đại Ca-diếp vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng. Trong số này, Đà-hê-la Ca-diếp làm Thượng tọa. Trưởng lão Ba-bà-na là Thượng tọa thứ hai.[17] Đại Ca-diếp là Thượng tọa thứ ba. Trưởng lão Đại Châu-na là Thượng tọa thứ tư. Bấy giờ, Đại Ca-diếp biết Tăng sự liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tập hợp để luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Khi ấy, tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, bạch Đại Ca-diếp: «Tôi trực tiếp nghe từ đức Phật, ghi nhớ lời Phật có dạy rằng, ‘Từ nay về sau, vì các tỳ-kheo bỏ các giới nhỏ tiểu tiết.’»[18] Ca-diếp hỏi A-nan: «Ông có hỏi đức Thế Tôn, giới nào là giới nhỏ tiểu tiết hay không?» Tôn giả A-nan trả lời: «Lúc ấy tôi sầu ưu nên quên, không hỏi điều đó.» Các tỳ-kheo đều nói: «Đến đây. Tôi sẽ nói với ông, trong giới nhỏ tiểu tiết.» Hoặc có vị nói, trừ bốn ba-la-di, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di và mười ba sự, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, mười ba việc, và hai bất định, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, mười ba việc, hai bất định, và ba mươi việc, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, cho đến chín mươi việc, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Đại Ca-diếp bảo các tỳ-kheo: «Các Trưởng lão! Nay, trong chúng mỗi vị nói một cách, không biết giới nào là giới nhỏ tiểu tiết. Từ nay về sau, nên cùng nhau lập ước chế: ‘Nếu trước đây, những gì đức Phật không chế cấm thì nay không nên chế cấm. Trước đây những gì đức Phật chế cấm thì nay không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những gì mà đức Phật đã quy định.» Đại chúng đều lập chế hạn như vậy. Đại Ca-diếp[19] nói với A-nan: «Ông là người đầu tiên thỉnh cầu Phật độ người nữ xuất gia ở trong Phật Pháp, mắc tội đột-kiết-la. Nay nên sám hối.» Tôn giả A-nan trả lời: «Bạch Đại đức, điều này tôi không cố ý làm. Ma-ha Ba-xà-ba-đề có đại ân đối với đức Phật. Phật mẫu qua đời, nuôi nấng Thế Tôn. Bạch Đại đức, nay tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.» Đại đức Ca-diếp lại nói: «Ông khiến Thế Tôn phải ba lần yêu cầu ông làm thị giả, mà ông nói không làm, phạm đột-kiết-la tội. Nay ông nên sám hối.» Tôn giả A-nan trả lời với Đại Ca-diếp: «Điều này, tôi không cố ý làm. Bởi vì làm thị giả Phật là việc rất khó, nên tôi nói là tôi không thể. Nay, tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.» Đại đức Ca-diếp lại nói: «Ông vá y Tăng-già-lê cho đức Phật, dùng chân đạp để vá, mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.» A-nan trả lời Đại đức Ca-diếp: «Điều này, tôi không cố ý làm. Chẳng phải tôi có tâm khinh mạn mà làm như vậy. Vì không có ai cầm nên tôi phải làm như vậy. Nay, tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.» Ca-diếp nói: «Đức Thế Tôn muốn Niết-bàn, ba phen nói với ông. Ông không thỉnh đức Thế Tôn ở lại thế gian một kiếp hay hơn một kiếp, để cho vô số người được lợi ích, vì thương tưởng thế gian, vì sự an lạc cho chư thiên, nhân loại. Ông mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.» Tôn giả A-nan thưa: «Bạch Đại đức Ca-diếp, điều này không phải tôi cố làm, mà do ma ám tâm tôi, khiến tôi không thỉnh Phật ở đời thêm nữa. Trong đây, tôi không tự thấy có tội, nhưng vì kính tín Đại đức, nên xin sám hối.» Ca-diếp lại nói: «Đức Thế Tôn bảo ông lấy nước, ông không lấy, mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.» A-nan thưa: «Điều nầy không phải tôi cố ý làm. Nhưng vì lúc ấy có năm trăm chiếc xe đi ngang qua phía trên dòng nước, nên nước bị đục. Sợ đức Thế Tôn uống bị bệnh, nên tôi không lấy.» Ca-diếp nói: «Khi ấy ông lấy thì hoặc do oai thần của Phật, hoặc chư Thiên khiến cho nước được trong.» A-nan nói: «Trong đây, tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.» Ca-diếp lại nói: «Ông không thưa hỏi đức Thế Tôn, giới nhỏ tiểu tiết, là những giới nào, mắc tội đột-kiết-la. Nay nên sám hối.» Ông A-nan thưa: «Điều này, chẳng phải tôi cố ý làm, mà vì lúc ấy tôi sầu ưu, không nhớ để thưa hỏi đức Thế Tôn giới nào là giới nhỏ, tiểu tiết. Trong đây, tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.» Ca-diếp lại nói: «Ông không ngăn người nữ, để cho họ làm bẩn chân đức Phật. Mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.» Tôn giả A-nan thưa: «Điều này chẳng phải tôi cố làm, mà là do người nữ tâm mềm yếu nên khi kính lễ chân Phật, [968a1] khóc chảy nước mắt, lấy tay lau, làm bẩn chân đức Phật. Trong đây tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.» Khi ấy, Đại Ca-diếp liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Ưu-ba-ly Pháp Tỳ-ni. Đây là lời tác bạch.» Khi ấy Ưu-ba-ly liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Thượng tọa Ca-diếp hỏi, tôi đáp. Đây là lời tác bạch.» Đại Ca-diếp liền đặt câu hỏi: «Giới ba-la-di thứ nhất, duyên khởi tại chỗ nào? Ai là người phạm đầu tiên?» Ưu-ba-ly trả lời: «Duyên khởi, đầu tiên tại Tỳ-xá-ly. Tu-đề-na Ca-lan-đà Tử là người phạm đầu tiên.» «Giới thứ hai, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại thành Vương-xá. Tỳ-kheo Đà-ni-già,[20] con ông thợ đồ gốm, phạm đầu tiên.» Lại hỏi: «Giới thứ ba, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tai Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu phạm đầu tiên.» Lại hỏi: «Giới thứ tư, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu phạm đầu tiên.» Lại hỏi: «Giới thứ nhất của Tăng tàn, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Ca-lưu-đà-di là người phạm đầu tiên.» Như vậy, lần lượt tùy theo chỗ phát khởi đầu tiên như phần đầu đã nói. Lại hỏi: «Giới thứ nhất, bất định pháp, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Người phạm đầu tiên là Ca-lưu-đà-di.» Giới thứ hai cũng vậy. Lại hỏi: «Ni-tát-kỳ ba-dật-đề, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo phạm đầu tiên.» Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói. Lại hỏi: «Ba-dật-đề, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại Thích-sí-sấu. Tỳ-kheo Tượng Lực Thích tử là người phạm đầu tiên.» Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói. Lại hỏi: «Ba-la-đề-đề-xá-ni duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc là duyên khởi.» Thứ hai, thứ ba, thứ tư, như phần đầu đã nói. Lại hỏi: «Thứ nhất, chúng học pháp, duyên khởi đầu tiên ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo phạm đầu tiên.» Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói. Giới riêng của tỳ-kheo-ni, như luật đã nói. Lại hỏi: «Đầu tiên cho phép thọ đại giới, duyên khởi ở chỗ nào?» «Tại Ba-la-nại, năm tỳ-kheo.» Lại hỏi: «Đầu tiên cho phép thuyết giới ở đâu?» «Tại thành Vương xá, vì các niên thiếu tỳ-kheo.» Lại hỏi: «Đầu tiên cho phép an cư ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo là duyên khởi.» Lại hỏi: «Ban đầu duyên khởi tự tứ ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo là duyên khởi.» Như vậy, lần lượt hỏi cho đến Tỳ-ni Tăng nhất. Bấy giờ, các vị tập hợp tất cả phần việc của tỳ-kheo thành một nhóm gọi là «Luật tỳ-kheo.» Phần việc của tỳ-kheo-ni thành một nhóm gọi là «Luật tỳ-kheo-ni.» Tất cả các pháp liên hệ thọ giới thành một nhóm gọi là «Kiền độ Thọ giới.» Tất cả các pháp bố-tát thành một nhóm gọi là «Kiền độ Bố-tát.» Tất cả các pháp an cư thành một nhóm gọi là «Kiền độ An cư.» Tất cả các pháp tự tứ thành một nhóm gọi là «Kiền độ Tự tứ.» Tất cả các pháp liên hệ sử dụng da thuộc thành một nhóm gọi là «Kiền độ Da thuộc.» Tất cả các pháp liên hệ y phục thành một nhóm gọi là «Kiền độ Y.» Tất cả các pháp liên hệ sự dùng thuốc thành một nhóm gọi là «Kiền độ Dược.» Tất cả các pháp liên hệ Ca-thi-na y thành một nhóm gọi là «Kiền độ Ca-thi-na y.» Hai bộ luật, tất cả những Kiền độ, Điều bộ, Tỳ-ni Tăng nhất, tập hợp lại gọi là «Tỳ-ni tạng.» Bấy giờ, Đại Ca-diếp liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi A-nan Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Khi ấy, tôn giả A-nan liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Đại Ca-diếp hỏi, tôi trả lời. Đây là lời tác bạch.» Đại đức Ca-diếp liền hỏi A-nan: «Kinh Phạm động[21] được nói ở chỗ nào? Tăng nhất,[22] nói ở đâu? Tăng thập,[23] nói tại chỗ nào? Kinh nói về việc thế giới thành bại,[24] nói ở đâu? Kinh Tăng-kỳ-đà,[25] nói ở chỗ nào? Kinh Đại nhơn duyên,[26] nói ở đâu? Kinh Thiên đế Thích hỏi,[27] nói ở đâu?» Tôn giả A-nan đều trả lời như được nói trong Kinh Trường A-hàm. Các vị liền tập hợp tất cả các kinh dài lại gọi là «Trường A-hàm», tất cả kinh trung gọi là «Trung A-hàm.» Từ một việc, cho đến mười việc; từ mười việc cho đến mười một việc gọi là «Tăng nhất.» Nhặt lượm[28] những điều liên quan đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, chư Thiên, Đế Thích, Ma, Phạm vương, tập lại gọi là «Tạp A-hàm.» Như thị sanh kinh,[29] Bổn kinh,[30] Thiện nhơn duyên kinh,[31] Phương đẳng kinh,[32] Vị tằng hữu kinh,[33] Thí dụ kinh,[34] Ưu-bà-đề-xá kinh,[35] Cú nghĩa kinh,[36] Pháp cú kinh,[37] Ba-la-diên kinh,[38] Tạp nan kinh,[39] Thánh kệ kinh[40]: các kinh như vậy tập hợp lại thành Tạp tạng. Có nạn không nạn ràng buộc tương ưng với nhau, tập hợp lại thành A-tỳ-đàm tạng. Bấy giờ, những lời dạy của đức Phật được tập hợp lại thành Ba tạng. Bấy giờ, Trưởng lão Phú-la-na[41] nghe tại thành Vương-xá, có năm trăm vị A-la-hán cùng nhau tập hợp Pháp Tỳ-ni, liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo, đến thành Vương-xá, chỗ Đại Ca-diếp nói: «Tôi nghe Đại đức cùng năm trăm vị A-la-hán cùng nhau tập hợp Pháp Tỳ-ni, tôi cũng muốn dự nghe pháp.» Đại Ca-diếp, vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng vì số tỳ-kheo này hỏi lại Ưu-ba-ly, cho đến tập hợp thành Ba Tạng như trên đã nói. Phú-la-na thưa Đại đức Ca-diếp rằng: «Tôi nhất trí tất cả, chỉ trừ tám việc.[42] Thưa Đại đức, chính tôi nghe từ đức Phật và nhớ kỹ không quên, đức Phật cho phép: ngủ với thức ăn, nấu thức ăn trong giới, tự mình nấu thức ăn, tự mình lấy thức ăn, thọ thực lúc sáng sớm, từ người kia mang thức ăn đến, nếu có tạp quả, hoặc nước trong ao chảy ra mà có vật có thể ăn được thì được ăn. Tám trường hợp trên Phật đều cho phép không làm pháp dư thực mà được ăn.» Đại Ca-diếp trả lời: «Thật đúng như lời Thầy nói. Đức Thế Tôn vì lúc mất mùa, lúc gạo khan hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó, đã từ mẫn đối với tỳ-kheo nên cho phép tám việc như vậy. Khi nào được mùa lúa gạo đầy đủ thức ăn nhiều thì Phật liền chế cấm, không cho phép làm như vậy.» Phú-la-na lại nói: «Thưa Đại đức Ca-diếp, đức Thế Tôn là bậc Nhất thiết tri kiến, không bao giờ cấm rồi lại mở; mở rồi lại cấm.» Đại Ca-diếp trả lời: «Vì đức Thế Tôn là bậc nhất thiết trí kiến nên mới cấm rồi lại mở, mở rồi lại cấm. Này Phú-la-na, chúng ta nên lập chế ước như vầy: Những gì đức Phật không cấm thì không nên cấm. Những gì đức Phật chế cấm thì không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những chế giới của đức Phật.»[43] Tại thành Vương xá, năm trăm vị A-la-hán, cùng nhau kiết tập Pháp Tỳ-ni, cho nên gọi là: «Tập Pháp Tỳ ni ngũ bách nhơn.» CHƯƠNG IV. THẤT BÁCH KẾT TẬP [968c19] Sau khi đức Thế Tôn Bát-niết bàn một trăm năm, tại Tỳ-xá-ly, các tỳ-kheo người Bạt-xà[1] thi hành mười việc, nói là pháp thanh tịnh, được đức Phật cho phép: được phép hai ngón tay lấy thức ăn, được phép giữa xóm làng, được phép trong chùa, được phép về sau hứa khả, được phép thường pháp, được hòa, được phép muối ngủ chung, được phép uống rượu xà-lâu-la, được phép chứa ngọa cụ không cắt rọc, được nhận vàng bạc.[2] Ngày bố-tát, đàn-việt cúng vàng bạc, họ chia cho nhau. Bấy giờ, có Da-xá Già-na Tử[3] nghe tỳ-kheo Tỳ-xá-ly làm việc như vậy, liền đến chỗ tỳ-kheo người Bạt-xà, thì thấy họ khuyên đàn-việt khi bố-tát cúng dường vàng bạc cho chúng Tăng. Giữa Tăng, họ xướng, chia phần cho tỳ-kheo Già-na Tử. Tỳ-kheo liền nói: «Tôi không nhận.» «Tai sao vậy?» «Sa-môn Thích tử không được thọ nhận và cất giữ vàng bạc. Sa-môn Thích tử xả bỏ châu báu, không đắm nơi sự trang sức đẹp.» Vào một ngày khác, họ phân chia xong, mang đến cho tỳ-kheo [969a1] Già-na Tử. Già-na Tử nói: «Tôi không cần. Trước đây tôi đã nói Sa-môn Thích tử xả bỏ châu báu, không đắm vào sự trang sức đẹp đẽ.» Họ liền nói: «Ưu-bà-tắc nơi Tỳ-xá-ly giận. Thầy đến giáo hóa khiến cho họ hoan hỷ.» Rồi sai người cùng đi. Tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử đến Tỳ-xá-ly, chỗ ưu-bà-tắc, nói: «Thật sự các người giận lời nói của tôi phải không? Tôi nói: Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc, xả bỏ trân bảo, không đắm vào việc trang sức đẹp đẽ. Này, ưu-bà-tắc, khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bấy giờ trong cung, quần thần của Vua, tập họp nói Sa-môn Thích tử được nhận vàng bạc, không xả bỏ châu báu, say đắm vào việc trang sức cho đẹp. Bấy giờ, trong nhóm quần thần kia có đại trưởng giả Châu Kế[4] nói với các đại thần rằng: ‘Không được nói Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc, không xả bỏ châu báu, đắm say vào việc trang sức cho đẹp. Tại sao vậy? Vì Sa-môn Thích tử không những không được phép nhận vàng bạc, mà còn xả bỏ châu báu, không đắm say vào việc trang sức đẹp.’ Bấy giờ, trưởng giả Châu Kế vì các đại thần giải thích nói rõ ràng, khiến họ hiểu và hoan hỷ. Sau đó, một thời gian Trưởng giả Châu Kế đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên trước kia bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ, rồi thưa: ‘Con giải thích rõ ràng, khiến họ hoan hỷ. Bạch đức Thế Tôn, con nói như vậy có trái với Thánh chỉ, không như pháp đã dạy sao?’ Đức Phật dạy ông trưởng giả: ‘Như lời ông nói là đúng pháp, đúng sự thật, không trái với giáo pháp đức Thế Tôn. Tại sao vậy? Vì Sa-môn Thích tử không được phép nhận lấy vàng bạc; xả bỏ châu báu, không đắm vào việc trang sức cho đẹp. Người nào nhận lấy vàng bạc tức là thụ hưởng ngũ dục. Thọ ngũ dục thì không phải Sa-môn Thích tử. Này ông Trưởng giả! Nếu thấy Sa-môn Thích tử nào cầm nắm vàng bạc, quyết định người ấy không phải là sa-môn Thích tử. Ta có nói, cho phép, ai cần tre, lau, cỏ, cây, được phép cầu xin; nhưng không bao giờ được phép tự mình nhận lấy vàng bạc.’[5] Này Lê-xa, vì nhân duyên trên nên sa-môn Thích tử không được phép nhận lấy vàng bạc, xả bỏ châu báu, không đắm say vào việc trang sức cho đẹp. «Này Lê-xa, lại có một hôm, khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ-hoàn. Ngài bảo các tỳ-kheo, có bốn trường hợp khiến cho mặt trời, mặt trăng không sáng tỏ, đó là A-tu-la, khói mây, sương và bụi. Bốn trường hợp này khiến cho mặt trời mặt trăng không sáng tỏ. Sa-môn Bà-la-môn cũng có bốn việc ô nhiễm bụi bẩn khiến cho sa-môn bà-la-môn không chói sáng. Đó là, nếu sa-môn bà-la-môn nào không thể trừ bỏ việc uống rượu, thì đây là bụi bẩn thứ nhất; hoặc có sa-môn bà-la-môn nào làm pháp ái dục, không thể xả ly, thì đây là bụi bẩn thứ hai; hoặc có sa-môn bà-la-môn nào nhận lấy vàng bạc, không xả bỏ sự trang sức cho tốt đẹp, thì đây là bụi bẩn thứ ba; hay có sa-môn, bà-la-môn nào dùng tà mạng để nuôi sống, không thể đoạn trừ, thì đây là bụi bẩn thứ tư, đó gọi là bốn việc. Vì bốn việc này cho nên khiến sa-môn bà-la-môn ô uế không sáng tỏ, không có sự sáng chói. Đức Thế Tôn nói kệ: Sa-môn, bà-la-môn Bị bẩn bởi tham dục, Bị ngu si che lấp Ái trước nơi sắc đẹp. Uống rượu, tâm tán loạn; Rồi làm pháp ái dục; Nhận lấy vật quý báu; Đây là kẻ vô trí. Sa-môn bà-la-môn Nuôi sống bằng tà mạng. Phật nói đây là xấu. Như mặt trời bị che, Ánh sáng không chiếu soi, Ô uế không tinh sạch. Bị che bởi bóng tối, Người bị ái dục sai, Tạo ác, không thiện nghiệp, Người si đâu hành đạo? Oán tắng lại càng thêm Lại thọ thân đời sau. «Này Ly-xa, vì những nhân duyên như vậy, các ông nên biết, Sa-môn Thích tử không được thọ nhận vàng bạc, trừ bỏ sự trang sức. Các ông không tin lời nói của tôi hay sao?» Ly-xa nói: «Không phải tôi không tin. Tôi rất kính tín đối với Ngài. Ngài có thể cư trú tại Tỳ-xá-ly này. Chúng tôi sẽ cung cấp y phục ẩm thực y dược, và tất cả thứ cần dùng.» Bấy giờ, tỳ-kheo Già-na tử vì các Ly-xa giải bày khiến họ được hoan hỷ rồi, cùng tỳ-kheo sứ giả kia trở về chỗ tỳ-kheo Bà-xà Tử.[6] Từ xa thấy tỳ-kheo Già-na Tử đến, Bà-xà Tử liền hỏi tỳ-kheo sứ giả rằng: «Tỳ-kheo Già-na Tử đã giải thích khuyến dụ các Ly-xa khiến họ tin tưởng rồi phải không?» Tỳ-kheo sứ giả trả lời: «Vâng. Họ đã kính tín Già-na Tử. Chúng ta chẳng phải Sa-môn Thích tử.» Tỳ-kheo Bà-xà Tử hỏi: «Tại sao vậy?» Sứ giả liền đem nhân duyên trước trình bày đầy đủ. Tỳ-kheo Tỳ-xá-ly nói với tỳ-kheo Già-na tử rằng: «Trước đây Thầy mắng chửi chúng Tăng. Thầy có thấy tội hay chăng?» Già-na Tử trả lời: «Tôi không mắng chửi chúng Tăng.» Vị kia liền tập chúng để cử tội. Tỳ-kheo Già-na Tử liền nghĩ: «Tránh sự này nếu được Trưởng lão Ly-bà-đa[7] trợ bạn ta thì có thể chấm dứt như pháp.» Già-na tử liền hỏi thăm người khác để biết Ly-bà-đa hiện ở đâu. Người được hỏi trả lời: «Nghe nói ở bên bờ sông Bà-kha.»[8] Già-na Tử liền đến bên Sông Bà-kha. Ly-bà-đa lúc ấy không có ở đó. Già-na Tử hỏi: «Ly-bà-đa hiện ở đâu?» Người ở tại đó trả lời: «Nghe nói hiện ở nước Già-na-ủy-xà.[9] Già-na Tử liền đến nước đó, nhưng cũng không gặp Ly-bà-đa. Hỏi, được biết Ly-bà-đa hiện ở tại nước A-già-lâu-la.[10] Già-na Tử đến nước đó, lại cũng không có Ly-bà-đa, và hỏi tiếp được biết Ly-bà-đa hiện ở nước Tăng-già-xa.[11] Già-na tử liền đến đó, gặp được Ly-bà-đa hiện đang ở tại đó. Bấy giờ, chúng đang tập hợp, Già-na Tử hỏi vị đệ tử thị giả của Ly-bà-đa rằng: «Đại đức Trưởng lão Ly-bà-đa của Thầy có đến trong chúng không?» Vị thị giả trả lời: «Ngài sẽ đến.» Khi ấy, Ly-bà-đa đến thuyết pháp cho chúng nghe xong, quá nữa đêm, cầm ni-sư-đàn trở về lại thất. Khi ấy, Da-xá Già-na Tử cũng ở trong chúng nghe pháp rồi, quá nửa đêm cầm ni-sư-đàn đến chỗ Ly-bà-đa, nghĩ rằng: «Bây giờ là thời gian thích hợp. Ta sẽ trình bày đầy đủ nhân duyên để Ly-bà-đa nghe.» Già-na tử liền hỏi Ly-bà-đa: «Kính thưa Đại đức Thượng tọa, được phép hai ngón tay lấy thức ăn[12] hay không?» Ly-bà-đa hỏi lại: «Hai ngón tay lấy thức ăn, là thế nào?» Già-na Tử thưa: «Bạch Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, được dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn không?» Ly-bà-đa nói: «Không được làm như vậy.» Già-na tử hỏi: «Điều này đức Phật chế cấm tại chỗ nào?»[13] Ly-bà-đa trả lời: «Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm phép dư thực mà ăn, cho nên Phật chế cấm. Già-na Tử lại hỏi: «Thưa Đại đức Trưởng lão, được giữa xóm làng[14] hay không?» Ly-bà-đa hỏi lại: «Được giữa xóm làng, là thế nào?» Già-na Tử nói: «Thưa Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, đi đến khoảng giữa hai thôn, được ăn.» Ly-bà-đa nói: «Không được làm như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Điều này đức Phật chế cấm ở chỗ nào?» «Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn, cho nên đức Phật chế cấm.» Già-na Tử hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, được trong chùa[15] hay không?» Ly-bà-đa hỏi: «Được trong chùa, là thế nào?» Già-na Tử trả lời: «Bạch Đại đức Trưởng lão, nghĩa là ở trong chùa được biệt chúng yết-ma.» Ly-bà-đa nói: «Không [970a1] được làm như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Đức Phật chế cấm điều này ở đâu?» «Tại thành Vương xá. Chế cấm trong Kiền độ Bố-tát.» Già-na Tử hỏi: «Kính Đại đức Trưởng lão, được phép hứa khả sau[16] hay không?» Ly-bà-đa hỏi lại: «Thế nào là được phép hứa khả sau?» Già-na Tử thưa: «Bạch Đại đức Trưởng lão, tại nội giới, được phép biệt chúng yết-ma nếu sau đó được hứa khả.» Ly-bà-đa nói: «Không được làm như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Điều này đức Phật chế cấm ở chỗ nào?» «Tại Thành Vương xá. Cấm chế thuộc trong Kiền độ Bố-tát.» Già-na Tử lại hỏi: «Được thường pháp[17] hay không?» Ly-bà-đa lại hỏi: «Thế nào gọi là được thường pháp?» Già-na Tử thưa: «Bạch Đại đức Trưởng lão, việc này làm như vậy rồi, nói như vậy, xưa nay làm như vậy.» Ly-bà-đa nói: «Tỳ-kheo biết chăng? Nên quán sát Tu-đa-la, Tỳ-ni, nghiệm xét Pháp Luật. Nếu không quán sát Tỳ ni không nghiệm xét Pháp Luật, mà trái nghịch Pháp thì, nếu đã làm không nên làm, chưa làm cũng không nên làm. Nếu quán sát Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét Pháp Luật, cùng Tu-đa-la mà cùng pháp luật tương ưng, không trái với pháp sẵn có, thì những điều đã làm hay chưa làm đều nên làm.» Già-na tử hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, được hòa[18] hay không?» Ly-bà-đa hỏi: «Thế nào là được hòa?» «Bạch Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, dùng tô du, mật, sanh tô, thạch mật, tô, hòa chung lại, được ăn không?» Ly-bà-đa nói: «Không được làm như vậy.» Già-na Tử lại hỏi: «Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không tác pháp dư thực mà ăn, nên Phật đã chế cấm.» Già-na tử lại hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, muối ngủ chung[19] được phép không?» Ly-bà-đa hỏi lại: «Muối ngủ chung được phép, là thế nào?» «Bạch Đại đức Trưởng lão, dùng muối ngủ chung nêm trong thức ăn rồi ăn.» Ly-bà-đa nói: «Không được làm như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Điều này được đức Phật chế ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Trong Kiền độ Dược đã chế cấm.» Già-na Tử lại hỏi: «Bạch Trưởng lão Đại đức, được uống ruợu xà-lâu-la[20] hay không?» Ly-bà-đa nói: «Không được uống như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?» «Tại nước Câu-thiểm-di. Vì Trưởng lão tỳ-kheo Sa-già-đà[21] nên Phật đã chế cấm.» Già-na Tử lại hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, được phép cất chứa tọa cụ không cắt rọc[22] hay không?» Ly-bà-đa nói: «Không được cất chứa như vậy.» Già-na tử hỏi: «Điều này đức Phật chế cấm tại chỗ nào?» «Tại nước Xá-vệ. Vì Nhóm sáu tỳ-kheo nên chế cấm.» Già-na Tử lại hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, được phép nhận vàng bạc[23] hay không?» Ly-bà-đa nói: «Không được thọ nhận như vậy.» Già-na Tử hỏi: «Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?» «Tại thành Vương-xá, vì Bạt-nan-đà Thích Tử nên đã chế cấm.» Già-na tử thưa: «Bạch Đại đức Trưởng lão, tại Tỳ-xá-ly, tỳ-kheo Bà-xà Tử thi hành mười điều này mà nói là như pháp thanh tịnh, là Phật cho phép. Ngày bố-tát họ khuyến khích đàn-việt cúng dường vàng bạc cho chúng Tăng, rồi sai người phân chia.» Ly-bà-đa nói: «Thầy đừng nói với người khác.» «Tại sao vậy?» «Sợ các tỳ-kheo chỗ hiểu biết không đồng nhau, đưa đến tỳ-kheo không hòa hợp. Tỳ-kheo, Thầy có thể đến trong núi A-vu-hằng hà,[24] nơi đó có tỳ-kheo Tam-phù-đà[25] là đồng Hoà thượng với tôi, cùng với sáu mươi tỳ-kheo Ba-la-ly Tử[26] chung sống. Các vị ấy đều là những người dũng mãnh tinh tấn, không hề có sự sợ sệt. Thầy đem nhân duyên ấy trình bày đầy đủ với các vị ấy đó, rồi cùng hẹn đến bên bờ sông Bà-kha, tôi cũng sẽ đến đó.» Khi ấy tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử liền đến núi kia, chỗ ở của Tam-phù-đà và đem nhân duyên ấy trình bày đầy đủ với các vị ấy, và hẹn đến bờ sông Bà-kha, sẽ gặp Đại đức Ly-bà-đa cũng đến đó. Bấy giờ, tỳ-kheo Bà-xà Tử ở Tỳ-xá-ly nghe tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử đi các nơi tìm trợ bạn, liền đem chiếc y tốt nhất ở Tỳ-xá-ly đến chỗ người đệ tử của Ly-bà-đa nói: «Tôi đem chiếc y tốt nhất này đến đây để cúng cho Đại đức Ly-bà-đa. Nhưng thôi, nay không cúng nữa mà xin cúng cho Thầy. Thầy nhận cho.» Vị đệ tử của Ly-bà-đa nói: «Thôi! thôi! Tôi không nhận.» Tỳ-kheo Bà-xà Tử ân cần khuyên, có tánh cách bắt ép khiến cho vị kia nhận. Khi vị kia nhận rồi Bà-xà Tử nói: «Thưa Trưởng lão, tỳ-kheo hai nước Ba-di-na[27] và Ba-lê[28] cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Lành thay! Trưởng lão bạch giùm tôi lên Đại đức Thượng tọa rằng, ‘tỳ-kheo hai nước Ba-di-na và Ba-lê cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Lành thay! Đại đức hãy trợ tỳ-kheo Ba-di-na.» Vị kia liền trả lời: «Đại đức Trưởng lão Ly-bà-đa được nhiều người tôn kính. Tôi không dám thưa.» Vị kia bị cưỡng bức quá, liền đến chỗ Ly-bà-đa bạch: «Kính bạch Đại đức, tỳ-kheo hai nước Ba-di-na và Ba-lê cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Nguyện xin Đại đức hãy trợ tỳ-kheo Ba-di-na.» Ly-bà-đa liền trả lời: «Ngươi ngu si, muốn kéo ta vào trong bộ chúng bất tịnh chăng? Ngươi hãy đi! Ta không cần ngươi.» Vị kia bị đuổi rồi liền đến Tỳ-xá-ly, chỗ tỳ-kheo Bà-xà Tử thưa: «Trưởng lão, trước đây tôi nói với Thầy, Đại đức Ly-bà-đa được nhiều người tôn kính. Tôi không dám nói. Nay tôi bị khiển trách.» Vị kia hỏi, bị khiển trách thế nào? «Ngài khiển trách, đuổi tôi đi.» Vị kia lại hỏi: «Thầy bao nhiêu hạ?» «Tôi mười hai hạ.» «Thầy đã mười hai hạ mà còn sợ bị đuổi hay sao?» «Ngài ấy không chịu tôi làm thị giả, làm sao không sợ?» Bấy giờ, Ly-bà-đa cùng các tỳ-kheo nói: «Nay chúng ta hãy đến ngay chỗ đã phát sinh tránh sự.» Các vị ấy đi bằng thuyền theo sông Hằng đến đó. Gặp lúc trời nóng, mệt mỏi, nên ghé thuyền vào bờ để nghỉ khỏe nơi bóng mát. Lúc ấy, tại thôn Bà-sưu[29] có Trưởng lão đang trên đường đi, suy nghĩ: «Trong việc tranh cãi này, nay ta nên xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni để biết ai là pháp ngữ, ai là phi pháp ngữ.» Vị kia liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni; nghiệm xét Pháp Luật, nên biết tỳ-kheo nước Ba-lê là pháp ngữ; tỳ-kheo bước Ba-di-na là phi pháp ngữ. Bấy giờ, có vị trời không hiện hình, khen ngợi: «Lành thay, thiện nam tử, như người quan sát biết tỳ-kheo Ba-lê là như pháp ngữ, tỳ-kheo Ba-di-na là phi pháp ngữ.» Bấy giờ, các Trưởng lão liền cùng nhau đến Tỳ-xá-ly. Tại Tỳ-xá-ly có Trưởng lão là Nhứt Thiết Khứ[30] là bậc tối thượng tọa trong Diêm-phù-đề. Khi ấy, Tam-phù-đà nói với Ly-bà-đa rằng: «Nay, ta nên đến trong thất thượng tọa Nhất Thiết Khứ nghỉ đêm, để nói việc này cho Thương tọa nghe.» Hai người cùng đến đó. Ban đêm Trưởng lão Nhất Thiết Khứ tọa thiền tư duy đã trải qua một thời gian lâu, Ly-bà-đa suy nghĩ: «Thượng tọa này, tuổi đã già, khí lực suy yếu, mà còn tọa thiền lâu thế này huống là ta, tại sao không ngồi như vậy?» Ly-bà-đa liền cũng ngồi tư duy trong một thời gian lâu. Trưởng lão Nhất Thiết Khứ lại nghĩ: «tỳ-kheo khách này đi đường xa mỏi mệt còn tọa thiền tư duy như thế này, huống là ta mà không ngồi lâu.» Vì vậy Trưởng lão kia lại ngồi tư duy một thời gian lâu nữa. Khi trời đã sáng hẳn, Trưởng lão Nhất Thiết Khứ nói với Ly-bà-đa rằng: «Thưa Trưởng lão, đêm nay ngài tư duy pháp gì?» Ly-bà-đa trả lời: «Trườc kia tôi còn là bạch y, thường tập từ tâm. Đêm nay tôi tư duy và nhập vào tam muội từ.» Vị kia liền nói: «Như vậy là đêm nay ngài nhập tiểu định.» «Tại sao vậy?» «Từ tâm tam muội là tiểu định.» Ly-bà-đa hỏi lại Đại đức Nhất Thiết Khứ: «Đêm nay Ngài tư duy pháp gì?» Nhất Thiết Khứ nói: «Trước đây, khi tôi còn là bạch y, tập pháp Không. Đêm nay phần nhiều tôi nhập vào tam muội Không.» Ly-bà-đa nói: «Như Thế là đêm nay Đại đức tư duy pháp đại nhơn.» «Tại sao vậy?» «Pháp đại nhơn là nhập tam muội Không. » Ly-bà-đa liền nghĩ: «Bây giờ, chính là lúc ta có thể đem nhân duyên trước đây nói cho Đại đức Nhất Thiết Khứ biết.» Vị kia hỏi: «Kính thưa Đại đức Trưởng lão, được phép dùng hai ngón tay để lấy thức ăn hay không?» «Thế nào là dùng hai ngón tay lấy thức ăn?» «Thưa Đại đức, ăn đủ rồi, [971a1] xả oai nghi, không làm pháp dư thực, được phép dùng hai ngón tay để lấy thức ăn?» Đáp: «Không được làm như vậy.» «Điều này được đức Phật chế chỗ nào?» «Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn nên đức Phật đã chế cấm.» Trình bày từng điều một như trên, cho đến ngày bố-tát thọ nhận vàng bạc rồi sai người phân chia, như trên. Vị kia liền nói: «Đừng nên nói với người khác. Sợ nhơn tâm không đồng, đưa đến việc không hòa hợp.» Thượng tọa Nhất Thiết Khứ là đệ nhất Thượng tọa. Tam-phù-đà là đệ nhị Thượng tọa. Ly-bà-đa là đệ tam Thượng tọa. Bà-sưu Thôn là đệ tứ Thượng tọa. Tôn giả A-nan là Hòa thượng của các vị ấy đó. Trưởng lão Nhất Thiết Khứ là người hiểu biết Tăng sự, nên bấy giờ Thượng tọa liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Khi ấy, tỳ-kheo Ba-di-na nói tỳ-kheo Ba Lê rằng: «Các Thầy có thể mời người bình đáng.[31]» Tỳ-kheo Ba Lê liền nói: «Thượng tọa Nhất Thiết Khứ, Ly-bà-đa, Da-xá, Tô-mạn-na[32] là người bình đáng của chúng tôi.» Tỳ-kheo Ba-lê nói với tỳ-kheo Ba-di-na rằng: «Các Thầy cũng nên mời người bình đáng.» Tỳ-kheo kia liền nói: «Trưởng lão Tam-phù-đà, Ba-sưu Thôn, Trưởng lão Sa-lưu,[33] Bất-xà-tô-ma[34] là người bình đáng của chúng tôi.» Trong số đó có tỳ-kheo A-di-đầu[35] có khả năng làm người khuyến hoá.[36] Các tỳ-kheo kia nói: «Nên ghi tên tỳ-kheo này vào trong túc số. Tại sao vậy? Ở tại chỗ này, vị kia khuyến hóa cho chung ta.» Do vậy, vị kia được ghi vào túc số. Các Thượng tọa liền nghĩ: «Nếu chúng ta hỏi sự việc này ở trong chúng thì sợ sanh ra tránh sự khác, không biết ai nói đúng, ai nói sai. Nay, chúng ta nên lựa chọn, rồi bình luận nơi chỗ riêng biệt.» Rồi các Trưởng lão lại nghĩ, «Chúng ta nên bình luận sự việc nơi nào cho thích hợp?» Bèn nói, «Trong rừng Bà-lê[37].» Bấy giờ, Trưởng lão Nhất Thiết Khứ liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là tỳ-kheo đã được Tăng cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trong rừng Bà-lê, luận Pháp Tỳ ni. Các tỳ-kheo khác không được có mặt. Đây là lời tác bạch.» Tác bạch như vậy rồi nên yết-ma, sai hai, ba tỳ-kheo lấy dục của các tỳ-kheo khác đến trong rừng Bà-lê. Khi ấy, Thượng tọa Nhất Thiết Khứ dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng. Các Thượng tọa đều tập hợp. Thượng tọa Nhất Thiết Khứ liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch .» Khi ấy, Ly-bà-đa liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Thượng tọa Nhất Thiết Khứ Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Thượng tọa Nhất Thiết Khứ lại liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Ly-bà-đa hỏi, tôi trả lời Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Ly-bà-đa hỏi: «Thưa Đại đức Thượng tọa, được dùng hai ngón tay tịnh hay không?» Vị được hỏi liền hỏi lại: «Hai ngón tay tịnh là thế nào?» «Thưa đại Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, được dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn?» Vị được hỏi trả lời: «Không được làm như vậy.» «Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Vì có vị không tác pháp dư thực mà ăn, cho nên Phật đã chế cấm.» Đây là việc thứ nhất phi pháp, phi tỳ ni, phi lời Phật dạy. Sau khi đồng thuận nơi chỗ riêng rồi, liền bỏ xuống một xá-la. Kiểm xét như vậy từng việc một, cho đến việc thứ mười, tất cả đều là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Cứ một việc như vậy là bỏ xuống một xá-la. Rồi các Trưởng lão kia nói như vầy: «Nay chúng ta đã đồng thuận nơi chỗ riêng biệt mười việc này rồi, bây giờ chúng ta ở giữa Tăng kiểm nghiệm như vậy. Vì sao? Để mọi người đều được biết.» Các Trưởng lão đều đến Tỳ-xá-ly. Thượng tọa Nhất Thiết Khứ tập hợp tỳ-kheo Tăng rồi tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.» Trưởng lão Ly-bà-đa liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Thượng tọa Nhất Thiết Khứ pháp này. Đây là lời tác bạch.» Khi ấy, thượng tọa Nhất Thiết Khứ liền tác bạch: «Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Ly-bà-đa hỏi Pháp Tỳ ni, tôi trả lời. Đây là lời tác bạch.» Ly-bà-đa liền hỏi: «Bạch Đại đức Trưởng lão, dùng hai ngón tay, tịnh hay không?» Nhất Thiết Khứ hỏi lại: «Hai ngón tay tịnh, là thế nào?» «Thưa Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn.» Thương tọa Nhất Thiết Khứ nói: «Không được làm như vậy.» «Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?» «Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn nên Phật đã chế cấm.» Đây là việc thứ nhất phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Kiểm nghiệm giữa Tăng xong, bỏ xuống một xá-la. Như vậy tuần tự kiểm xét cho đến việc thứ mười, tất cả đều phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Mỗi việc kiểm nghiệm giữa Tăng xong, đều bỏ xuống một xá-la. Tại Tỳ-xá-ly, bảy trăm vị A-la-hán tập hợp để luận Pháp Tỳ-ni, cho nên gọi là «Thất bách tập Pháp Tỳ ni.»
Chú thích: [1] Sa-la lâm 娑羅林. Pali: sālavana. Khu rừng của những cây sa-la, chỗ Phật nhập niết-bàn. Trương A-hàm 4 (T01n1 tr.24b26): «Bấy giờ Thế tôn ở tại Câu-thi-na-kiệt, rừng Sa-la, giữa cặp cây sa-la» Cf. D. ii. 137: iṅgha me tvaṃ antarena yamaka-sālānaṃ uttara-sīsakaṃ mañcakaṃ paññāpehi, «A-nan, hãy dọn gường nằm cho Ta giữa cặp cây sa-la, đầu hướng về phía bắc.» Phiên dịch danh nghĩa 3 (T54n2131, tr.1100b18): Sa-la, đây gọi là kiên cố 堅固... vì đông cho đến hạ không thay đổi…Hoa nghiêm âm nghĩa dịch là cao viễn 高遠…» Cây mọc từng cặp, nên gọi là sa-la song thọ 娑羅雙樹; Pali: yamaka-sālā. [2] Mạt-la 末羅. Tên của một bộ tộc lớn thời Phật. Hán dịch là «lực sĩ.» Bộ tộc này chia làm hai nhánh. Một đóng thủ phủ ở Pāvā (Ba-hoà hay Ba-bà) và một ở Kusināra (Câu-thi-na). Trường A-hàm 4, đã dẫn: «Phật bảo A-nan, ngươi hãy vào Câu-thi-na-kiệt báo cho những người Mạt-la biết, nửa đêm hôm nay Như lai sẽ nhập niết-bàn giữa cặp cây sa-la trong vườn Sa-la.» [3] Câu-thi thành 拘尸城. Pali: Kusinārā (Skt. Kuśinagara/ Kuśinagarī/Kuśigrāmaka, 拘尸那竭: Câu-thi-na-kiệt). Thủ phủ của người Mạt-la. [4] Xá-lợi 舍利; Pali: sarīra, thân thể, nhục thể. Đây nói nhục thân của Phật trước khi hỏa thiêu; không phải xá-lợi sau khi hỏa thiêu. [5] Cf. Vin. ii (Pañcasatikakkhandaṃ) 184: một người ājīvaka, tà mạng ngoại đạo. [6] Mạn-đà-la hoa 曼陀羅華; Pali: mandārava, loại hoa được coi là chỉ có ở trên Trời, không có trong thế gian này. [7] Bạt-nan-đà Thích tử, người được đề cập rất nhiều trong các nhân duyên Phật chế giới. Nhưng, Vin.ii. 184 nói: Subhadda, một tỳ-kheo xuất gia khi tuổi đã già, nói lên điều này. Đây không phải là Subhadda (Tu-bạt), người Bà-la-môn được Phật độ cuối cùng, mà nguyên là một người thợ hớt tóc. Một số điều luật Phật chế do việc làm sai trái của ông này. [8] Ma-ha-la 摩訶羅; Phiên dịch danh nghĩa 5 (T54n2131 tr.1137c16): «Đây gọi là vô tri 無知.» Phiên âm từ Skt. mahālla: người già yếu, già lão, vô tri. [9] Hê-lan-nhã 醯蘭若. Pali: Hiraññavatī (Skt. Hiraṇyavatī), cũng nói là Hi-liên-thiền, hay Kim hà. Con sông ở bìa rừng Sa-la, chỗ Phật nhập niết-bàn. [10] Thiên quan tự 天觀寺. Trương A-hàm, đã dẫn: 天冠寺. «Sau khi qua sông Hi-liên-thiền, đến chùa Thiên quan thì hoả thiêu.» [11] Trường A-hàm, dd., «có một lão mẫu.» [12] Cúng dường 供養; chỉ (người) phục vụ, hay thị giả. Pali: upaṭṭhāka; xem Phần iii, Ch.iii, An cư Cht. 3. [13] Hữu tác 有作. Vì còn phải tu tập. Khi một vị chứng quả A-la-hán, vị ấy được nói là «Đã làm những điều cần làm» (Pali: kataṃ karanīyaṃ: sở tác dĩ biện). [14] Bạt-xà Tử 跋闍子; Pali: Vajjiputta. Vị tỳ-kheo này thuộc Vương tộc Licchavī, dòng họ Vajjī. [15] Pháp đặc biệt duy chỉ A-nan có. Xem Trung A-hàm 8, kinh 33 «Thị giả». Trường A-hàm 4, (T01n1 tr.25c21): Phật nói 4 pháp kỳ đặc của A-nan. Cf. D.ii. 145: cattārome bhikkhave acchariyā abbhutā dhammā ānande. [16] A-nan thuộc Vương tộc họ Thích, nên tự gọi mình là Cù-đàm. [17] Đà-hê-la Ca-diếp 陀醯羅迦葉 , Ba-bà-na 婆婆那, và Đại Châu-na 大周那. Tăng kỳ 32 (T22n1425, tr.490c21): ba vị Thượng thủ, thứ tự: Đại Ca-diệp 大迦葉, Na-đầu-lô 那頭盧, Ưu-ba-na-đầu-lô 優波那頭盧. Thập tụng 60 (tr. 446a4), bốn vị Thượng thủ của Diêm-phù-đề: đệ nhất Thượng tọa, trưởng lão A-nhã Kiều-trần-như; đệ nhị Thượng tọa, trưởng lão Quân-đà; đệ tam Thượng tọa, trưởng lão Thập Lực Ca-diếp; đệ tứ Thượng tọa, trưởnglão Ma-ha Ca-diếp. [18] Tạp toái giới 雜碎戒. Trường A-hàm 4 (tr.26a 29): tiểu tiểu giới. Pali: khudā-nukhudakāni sikhāpadāni, các học xứ nhỏ, và không quan trọng. [19] Luật Pali, Vin. ii. 189, các tỳ-kheo trưởng lão nêu tội, không phải chỉ một mình Đại Ca-diếp. Trong đây, chỉ luận 5 tội đột-kiết-la của A-nan. Thập tụng 60, đã dẫn, 6 đột-kiết-la. [20] Đà-ni-già 陀尼伽. Trên kia, phiên âm là Đàn-nị-ca. [21] Kinh Phạm động 梵動經. Trường A-hàm 14, kinh số 21, Phạm động, No 1(21). Tương đương Pali, D.1. Brahmajāla-suttanta. [22] Kinh Tăng nhất 增一經. Trường A-hàm 9, kinh số 11, Tăng nhất, No (11). Tương đương Pali, không có. Như kinh Thập thượng, No 1(10) [23] Kinh Tăng thập 增十經. Trường A-hàm 9, kinh số 10, Thập thượng, No 1(10). Tương đương Pali, D. 34. Dasuttara-suttanta. [24] Kinh Thế giới thành bại 世界成敗經. Trường A-hàm 18-22, kinh số 30, Thế ký, No 1(30). Không có Pali tương đương. [25] Kinh Tăng-kỳ-đà 僧祇陀經. Trường A-hàm 8, kinh số 9, Chúng tập, No 1(9). Tương đương Pali, D. 33. Saṅgīti-suttanta. [26] Kinh Đại nhân duyên 大因緣經. Trường A-hàm 10, kinh số 13, Đại duyên phương tiện, No 1(13). Tương đương Pali, D. 15. MahāNidāna-suttanta. [27] Kinh Thiên đế Thích vấn 天帝釋問經. Trường A-hàm 10, kinh số 14, Thích Đề-hoàn Nhân vấn, No (14). Tương đương Pali, D. 21. Sakkapañha-suttanta. [28] Tạp 雜; được hiểu là «nhặt lượm những điều tạp toái, linh tinh», sát nghĩa Skt. saṃykta (Pali: saṃyutta): liên kết những sự kiện có liên hệ nhau. [29] Như thị sanh kinh 如是生經. Skt. itivṛttaka/ ityukta, Pali: itivuttka, 1 trong 9 hay 12 phần giáo; phiên âm là y-đế-mục-đa-già, cũng dịch là bản sự, gồm những chuyện cổ không thuộc bản sanh. [30] Bổn kinh 本經. Skt. Pali: jātaka, chỉ bản sanh truyện, những chuyện về tiền thân của Phật. [31] Thiện nhơn duyên kinh 善因緣經. Skt. nidāna, tập họp những giải đáp của Phật do các đệ tử hỏi trong nhiều nhân duyên khác nhau. [32] Phương đẳng kinh 方等經. Skt. vaipulya, âm là tỳ-phật-lược, dịch là phương đẳng hay phương quảng, xiển dương nghĩa lý quảng đại bình đẳng, tức diễn rộng nhưng ẩn ý vi mật trong các lời dạy của Phật. [33] Vị tằng hữu kinh 未曾有經. Skt. adbhuta-dharma, âm a-phù-đa-đạt-ma, tập họp nhưng điều ly kỳ, hiếm có trên đời. [34] Thí dụ kinh 譬喻經. Skt. avadāna, âm a-ba-đà-na, gồm những chuyện ngụ ngôn để răn dạy đạo đức. [35] Ưu-bà-đề-xá kinh 優婆提舍經. Skt. upadeśa, dịch là luận nghị, giải thích và biện luận ý nghĩa lời Phật. [36] Cú nghĩa kinh 句義經. Skt. padārtha, không có Hán. [37] Pháp cú kinh 法句經. Skt. dharmapada, tuyển tập những bài kệ của Phật. [38] Ba-la-diên kinh 波羅延經. Tương đương Pali: Pārāyana-vagga (phẩm đáo bỉ ngạn), phẩm thứ năm của Suttanipāta, Tiểu bộ Pali (Khuddaka-Nikāya). [39] Tạp nan kinh 雜難經. Không có Hán. [40] Thánh kệ kinh 聖偈經. Tương đương Pali: Theragathā (Trưởng lão kệ) và Therīgathā (Trưởng lão ni kệ), tuyển tập những bài kệ của các Thánh đệ tử, thuộc Tiểu bộ Pali (Khuddaka-Nikāya). [41] Phú-la-na 富羅那. Vin. ii. 289: bấy giờ, Trưởng lão Purāṇa cùng với 500 tỳ-kheo từ Nam sơn (Dakkhiṇāgiri) về Vương-xá để tham dự kết tập. Vị Trưởng lão này không được đồng nhất với Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, cũng gọi là Mãn Từ Tử (Skt. Pūrṇa-maitrāyani-putra, Pali: Puṇṇa-Mantāni-putta), 1 trong 10 Đại đệ tử. [42] Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.191c27): bảy điều. [43] Ngũ phần, và Cūḷavagga còn kết thêm pháp phạm-đàn (brahmadaṇḍa). [1] Bạt-xà Tử, xem cht. trên. [2] So sánh 10 điều của Pali, Vin.ii. 294. Xem giải thích ở đoạn sau. [3] Da-xá ca-na Tử 耶舍迦那子. Pali: Yasa-Kākaṇḍakaputta, đệ tử của A-nan. [4] Châu Kế 珠髻. Xem, Phần I Ch, v. Ba dật đề 18. Pali: Maṇicūlaka, một người thôn trưởng. Vin.ii. 296; S. iv. 325. [5] Pali, S. iv. 326: tiṇaṃ tiṇatthikena pariyesitabbaṃ… na...kenaci pariyāyena jātaruparajataṃ sāditabbaṃ pariyesitabbaṃ, «ai cần cỏ thì xin cỏ…nhưng không vì bất cứ nhân duyên gì cho phép cầu xin vàng bạc.» [6] Bà-xà Tử; trên kia, âm là Bạt-xà Tử. [7] Ly-bà-đa 離婆多. Pali: Revata, vị trưởng lão này sống ở Soreyya, «thông bác, tinh thông A-hàm, Luật, Mattika…», Vin.ii. 299. Trùng tên với Revata, vị trưởng lão em út của ngài Xá-kợi-phất. [8] Bà-kha 婆呵. Pali: Payāga. Lộ trình từ Payāga đến Soreyya của Revata, phỏng lại lộ trình Phật đi từ Verañja (Tỳ-lan-nhã, chỗ Xá-lợi-phất thỉnh Phật chế giới cho tỳ-kheo) đến Bārāṇasī, ngang qua Soreyya, Saṅkassa và Kaṇṇakujja. [9] Già-na-ủy-xà 伽那慰闍. Pali: Kaññakujja. Xem cht. 8 trên. [10] A-già-lâu-la 阿伽樓羅. Pali: Aggaḷapura, Vin.ii. 299. [11] Tăng-già-xa 僧伽賒. Pali: Saṅkassa. Xem cht. 8 trên. [12] Đắc nhị chỉ sao 得二指抄. Pali: dvaṅgulakappa, nhị chỉ tịnh, được giải thích: dvaṅgulāya chāyāya vītivattāya, (được phép ăn quá trưa) khi bóng chưa quá hai ngón tay. Liên hệ điều luật phi thời thực. Vin.ii. 230. [13] Xem Phần i, Ch. v. Ba-dật-đề 35. [14] Đắc thôn gian 得村間. Pali, ibid. : gāmantarakappo. thôn gian tịnh; như Tứ phần. [15] Đắc tự nội 得寺內. Pali: āvāsakappo, trú xứ tịnh. [16] Đắc hậu thính khả 得後聽可. Pali: anumatikappo, tùy hỷ tịnh; giải thích: kappati bhante vaggena saṅghena kammaṃ kātuṃ, āgate bhikkhū anumesāmāti, được phép tác yết ma biệt chúng, nếu các tỳ-kheo đến sau nói, «chúng tôi tuỳ hỷ.» [17] Đắc thường pháp 得常法. Pali: āciṇṇakappo, thường hành tịnh, «Được phép làm, vì Hoà thương của tôi, A-xà-lê của tôi đã làm như thế.» Vin.ii. 301. [18] Đắc hoà 得和. Pali: amathitakappa, được phép nếu chưa ngưng kết: đã ăn xong (túc thực), được phép uông sữa (khīra), nếu sữa chưa thành sữa đông (lạc). Vin. ii. 301. [19] Diêm cộng túc 鹽共宿, chỉ muối để dành cách đêm. Pali: siṅgiloṇakappo, giác diêm tịnh, được phép mang muối theo trong cái sừng, khi ăn, lấy ra dùng. [20] Xa-lâu-la tửu 飲闍樓羅酒. Pali: kappati jalogiṃ pātuṃ, được phép uống rượu pha. Rượu jalogi (xa-lâu-la), chỉ rượu loãng, hay nước trái cây để lâu mà chưa lên men thành rượu. Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.192b01): rượu cất mà chưa chín. [21] Xem Phần I, Ch. v Ba-dật-đề 51. [22] Bất cát tiệt tọa cụ 不割截坐具. Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.192b01): làm tọa cụ tuỳ ý lớn nhỏ. Pali: adasakaṃ nisīdanaṃ, tọa cụ không làm viền. [23] Pali: kappati jātarūparajaṃ. Như Tứ phần. [24] A-vu-hằng hà sơn 阿吁恒河山. Pali: Ahogaṅgā, tên một ngọn núi ở Bắc Ấn, nằm bên thượng lưu sông Hằng (uddhaṃ Gaṅgāya). [25] Tam-phù-đà 三浮陀. Pali: Sambhūta. [26] Ba-la-ly Tử 波羅離子. Pali: Pāṭheyyakā (Pāveyyakā), các tỳ-kheo người Pāva (Bà-ba hay Ba-hòa, xem trên), một thủ phủ của người Vajjī. Trong kết tập này, họ đứng về phía Revata. Họ được gọi là những người phương Tây. [27] Ba-di-na 波夷那. Pāciṇakā, các tỳ-kheo phương Đông, nhưng người ủng hội 10 điểm của Vajjiputtaka. [28] Ba-lê 波梨. Trên kia phiên âm là Pa-la-ly Tử; xem cht. 26. [29] Bà-sưu thôn 婆搜村. Pali: Sahajāti, tên một thị trấn, chỗ của Sāḷha. Ngũ phần 30: Sa-lan 沙蘭. [30] Nhất Thiết Khứ 一切去. Pali: Sabbakāmi. [31] Bình đáng nhân 平當人. Ngũ phần (T22n1421 tr.193c21): đoán sự chủ 斷事主. Pali: ubbāhikāya, bối thẩm đoàn. [32] Tô-mạn-na 蘇曼那. Pali: Sumana. [33] Sa-lưu 沙留. Pali: Sāḷha. Tức trên kia nói Trưởng lão người Bà-sưu thôn. [34] Bất-xà-tô-ma 不闍蘇摩. Pali: Khujjasobhita. [35] A-di-đầu 阿夷頭. Pali: Ajita, bấy giờ mới 10 hạ, nhưng được tham dự, làm người phu tòa (āsana-paññāpaka) sắp chỗ cho bồi thẩm đoàn. [36] Khuyến hoa 勸化. Ngũ phân: phu toà 敷座. Pali: āsana-paññapaka, xem cht. 35 trên. [37] Bà-lê lâm 婆梨林. Pali: Vālikārāma, Tăng viện Vālika ở Vesāli. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG V. ĐIỀU BỘ A. BA-LA-DI I. BẤT TỊNH HẠNH 1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn [971c11]1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Bạch đức Thế Tôn, Tu-đề-na Ca-lan-đà Tử[1] cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh, như vậy có phạm Ba-la-di hay không?» Đức Phật dạy: «Ưu-ba-ly, lúc ban đầu chưa chế giới, nên không phạm.» Tỳ-kheo Bà-xà Tử[2] ưu sầu không vui, không thích sống đời tịnh hạnh liền trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo ấy nghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới: ‘nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, phạm Ba-la-di, không được sống chung.’ Ta sầu ưu không vui, không thích sống đời tịnh hạnh, cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh như vậy có phạm Ba-la-di chăng?» Không biết việc này thế nào, liền nói với tỳ-kheo đồng bạn như sau: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới: ‘Nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, phạm Ba-la-di, không được sống chung.’ Tôi sầu ưu không vui, không thích sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng với vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Tôi có phạm Ba-la-di? Lành thay, Trưởng lão có thể vì tôi bạch với Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ phụng hành. Nếu tôi còn được phép ở trong Phật pháp tu phạm hạnh thì tôi sẽ tiếp tục tu.» Tỳ-kheo kia liền đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lẽ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Ty kheo Tăng, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Bà-xà Tử: «Ngươi làm điều phi pháp, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, [972a1] chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ngươi ngu si, vì sao không vui sống với tịnh hạnh, lại trở về nhà cùng với vợ cũ làm bất tịnh hạnh? Nếu đã vào thì phạm Ba-la-di, không được sống chung. Nếu các tỳ-kheo khác sầu ưu không vui, không thích sống tịnh hạnh, cho phép xả giới để về nhà. Nếu sau đó muốn trở lại trong Phật pháp tu hạnh thanh tịnh thì cho phép xuất gia, thọ đại giới lại.» 2. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Là đạo,[3] tưởng là đạo. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Là đạo, nghi là đạo. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Là đạo, tưởng phi đạo có bị phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Chẳng phải đạo, tưởng là đạo. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Chẳng phải đạo mà nghi. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Là nam mà tưởng là nữ, làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Là nữ mà tưởng là nam, làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Với người nữ này tưởng cũng đồng như người nữ kia, cùng làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Đối với người nam này tưởng là người nam kia, cùng làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di » 3. Cộng súc sanh 1. Khi ấy có tỳ-kheo cùng với con voi cái làm bất tịnh hạnh, nghi không biết có phạm ba-la-di hay không? Đức Phật dạy: «Phạm.» Cũng vậy, các loài cái như bò, ngựa, lạc đà, nai, lừa, dê, heo, chó, chim nhạn, khổng tước, gà ... Tất cả đều phạm ba-la-di. 2. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có một tỳ-kheo khất thực trú ở trong rừng. Có một con khỉ cái sống trong khu rừng ấy. Tỳ-kheo này vào trong nhân gian khất thực đem về rừng ăn, thức ăn còn dư cho con khỉ cái ấy. Do đó, con khỉ cái kia ngày càng thân cận, thường đi theo tỳ-kheo, cho đến tỳ-kheo dùng tay bắt nó, nó vẫn không chạy. Khi ấy, tỳ-kheo cùng nó làm bất tịnh hạnh. Bấy giờ chúng tỳ-kheo đi xem xét phòng xá, ngọa cụ, lần lượt đến trong rừng kia. Con khỉ cái đến chỗ các tỳ-kheo đứng đưa cái đuôi lên, hiện tướng. Các tỳ-kheo kia nghĩ: «Con khỉ cái này trước mặt ta hiện tướng như vậy, đâu không phải có tỳ-kheo khác đã phạm đến con khỉ cái này?» Các tỳ-kheo liền ẩn trong chỗ khuất để rình. Khi tỳ-kheo khất thực kia trở về lại trong rừng, ăn xong, cho khỉ ăn, khỉ ăn xong cùng nó làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo thấy sự việc như vậy nói: «Này Trưởng lão, há không phải đức Phật không chế cấm tỳ-kheo không được làm bất tịnh hạnh hay sao?» Vị ấy trả lời: «Đức phật cấm đối với người nữ chứ đâu cấm đối với súc sanh.» Các tỳ-kheo về lại chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, quở trách tỳ-kheo khất thực rằng: «Ngươi làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao ngươi cùng con khỉ cái làm bất tịnh hạnh. Nếu vào, tức là phạm ba-la-di. Ngươi là người si, không được sống chung.» 3. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa đức Thế Tôn: «Bạch Đại đức, nếu tỳ-kheo cùng với loài súc sanh khác làm bất tịnh hạnh. Có phạm ba-la-di hay không? Đức Phật dạy: «Phạm.» 4. Dữ học giới 1. Bấy giớ đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Tỳ-kheo Nan-đề[4] ngồi thiền, đạt được tâm giải thoát thuộc thế tục, từ đệ tứ thiền giác tỉnh. Khi ấy có ma thiên nữ đứng trước mặt. Tỳ-kheo nắm lấy muốn phạm ma nữ. Ma nữ bèn ra ngoài, tỳ-kheo cũng theo ra ngoài. Ma ra ngoài hành lang của thất, tỳ-kheo cũng theo ra ngoài hành lang của thất. Ma ra giữa sân, tỳ-kheo cũng ra giữa sân. Ma ra ngoài chùa, tỳ-kheo cũng ra ngoài chùa. Bên ngoài chùa, lúc ấy có một con ngựa cái đã chết. Nơi xác chết của con ngựa im nữ ẩn hình, biến mất. Khi ấy tỳ-kheo Nan-đề bèn làm bất tịnh hạnh với con ngựa chết. Làm bất tịnh hạnh xong, tỳ-kheo hoàn toàn không có tâm che dấu, liền rằng: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới không được làm bất tịnh hạnh, nếu làm bất tịnh hạnh phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta làm bất tịnh hạnh hoàn toàn không có tâm che dấu. Ta đâu không phạm ba-la-di, ta nên làm thế nào?» Nan-đề liền nói với tỳ-kheo đồng bạn: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, nếu tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay tôi phạm bất tịnh, hoàn toàn không có tâm che dấu, há không phạm ba-la-di? Lành thay, Trưởng lão vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời dạy của đức Phật, tôi sẽ phụng hành.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, bảo rằng: «Nay Tăng nên trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di bằng pháp bạch tứ yết-ma.» Pháp thức như sau: tỳ-kheo phạm nên đến trong Tăng, cởi bỏ giày dép, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Nan-đề phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin Tăng giới ba-la-di. Nguyện Tăng từ mẫn trao cho tôi giới ba-la-di.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Trong Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch: «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin giới ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đây là lời tác bạch. «Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin giới ba-la-di, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề này giới ba-la-di. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. «Tăng đã trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» Tỳ-kheo phạm được trao cho giới ba-la-di rồi, nên làm hạnh tùy thuận. Tùy thuận pháp gồm có: không được trao đại giới cho người và cho người y chỉ; không được nuôi sa-di; không được nhận giáo thọ tỳ-kheo-ni, dù có sai cũng không được đến giáo thọ; không được vì Tăng nói giới; không được giữa Tăng vấn đáp Tỳ-ni; không được nhận Tăng sai làm người tri sự;[5] không được nhận Tăng sai làm bình đoán sự;[6] không được nhận Tăng sai làm sứ mạng; không được vào xóm làng sớm đến sẫm tối mới về; nên gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi ngoại đạo, bạch y; nên tùy thuận pháp của tỳ-kheo; không nói lời của thế tục; không được phạm trở lại tội này; tội khác cũng không được, hoặc tương tợ, hoặc từ tội này sanh, hoặc nặng hơn đối với tội này; không được ngăn yết-ma, ngăn người làm yết-ma; không được để cho tỳ-kheo thanh tịnh trải chỗ ngồi ngồi, rửa chân, lấy đồ đựng nước, lau giày dép, xoa bóp thân thể, lễ bái, nghinh đón, hỏi chào; không được để cho tỳ-kheo thanh tịnh cầm y bát; không được cử tội tỳ-kheo thanh tịnh, tác ức niệm, tác tự ngôn; không được tán trợ thuyết của người khác; không được ngăn thuyết giới, tự tứ; không được cùng tỳ-kheo thanh tịnh tranh cãi. Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, khi Tăng thuyết giới và yết-ma, [973a1] đến hay không đến, Tăng không phạm. Các tỳ-kheo thưa: «Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, phạm trở lại, được trao giới ba-la-di nữa hay không?» Đức Phật dạy: «Không được trao mà nên diệt tẫn.» 5. Phi đạo 1. Bấy giờ, có tỳ-kheo cơ thể mềm mại, dùng nam căn để vào miệng. Vị ấy nghi không biết có phạm ba-la-di hay không. Đức Phật dạy: «Phạm.» 2. Có tỳ-kheo tên là Lam-bà-na, nam căn dài, nắm để vào đường đại tiện. Vị ấy nghi không biết có phạm ba-la-di hay không? Đức Phật dạy: «Phạm.» 3. Khi ấy có tỳ-kheo nam căn khởi. Tỳ-kheo khác liền nắm, để vào trong miệng mình. Tỳ-kheo này không cảm thấy khoái lạc, bỏ đi, không thọ. Nhưng sanh nghi: như vậy mình có phạm ba-la-di? Đức Phật dạy: «Không phạm. Tỳ-kheo kia phạm.» 4. Có tỳ-kheo khất thực buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nhà bạch y có đứa nhỏ nam căn khởi. Tỳ-kheo liền cầm, để vào trong miệng mình; rồi nghi: mình có phạm ba-la-di? Đức Phật dạy: «Phạm.» 6. Cưỡng dâm 1. Có tỳ-kheo bắt ép tỳ-kheo khác cùng hành dâm. Vị kia nghi: Ta có phạm ba-la-di? đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia trả lời: «Có.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo cùng với sa-di hành dâm, rồi nghi, ta có phạm? Đức Phật : «Ngươi sa-di có thọ lạc không?» Sa-di thưa: « Có.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» Có sa-di bắt ép đại tỳ-kheo cùng hành dâm, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Tỳ-kheo, ngươi có thọ lạc không?» Tỳ-kheo thưa: «Có.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» Có sa-di cùng với sa-di hành dâm, rồi nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Sa-di thưa: «Có.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» Có tỳ-kheo bị cưỡng bức cùng tỳ-kheo hành dâm, không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Tỳ-kheo kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.» Có tỳ-kheo cưỡng bức bắt ép sa-di hành dâm, không thọ lạc; lấy ra, vị kia nghi. Đức Phật hỏi ông sa-di: «Ngươi có thọ lạc không?» Sa-di thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người để vào thì phạm.» Có sa-di cưỡng bức bắt ép tỳ-kheo hành dâm, không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» sa-di thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.» Có sa-di cưỡng bức bắt sa-di hành dâm, không thọ lạc. Lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Sa-di thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.» Có tỳ-kheo thân căn bị hư hoại, không có cảm giác. Vị ấy có ý nghĩ: «Ta không có cảm giác, hành dâm không phạm.» Vị ấy hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo nam căn không khởi, nghĩ rằng mình hành dâm không phạm. Vị ấy bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng với người nữ đang ngủ hành dâm. Nó không biết khoái lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Cùng với người nữ say hành dâm. Người kia không biết khoái lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ điên cuồng hành dâm. Người kia không biết cảm giác lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ đang sân hận hành dâm. Người kia không thọ lạc, không phạm.» Vị kia hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ đang đau nhức khổ hành dâm. Người kia không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ thân căn bị hư hoại hành dâm. Người kia không biết lạc. Ta không phạm.» Vị kia hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc người nữ hành dâm. Người kia không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc huỳnh môn hành dâm. Nó không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia liền hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc nam tử hành dâm. Nó không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia liền hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Bấy giờ, có người nữ cưỡng bức bắt tỳ-kheo hành dâm. Tỳ-kheo không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị đó thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm.» Có huỳnh môn cưỡng bức bắt tỳ-kheo hành dâm, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm.» Có nam tử cưỡng bức bắt tỳ-kheo cùng hành dâm. Tỳ-kheo không thọ lạc, lấy ra, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc không?» Tỳ-kheo trả lời: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm.» Bấy giờ, có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo để vào đường đại tiện, hoặc nơi miệng hành dâm. Thân vị kia thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không? Vị kia trả lời: «Có thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều ba-la-di.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na để vào đường đại tiểu tiện hoặc trong miệng hành dâm. Vị kia thọ lạc. Khi lấy ra nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia trả lời: «Có thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo để vào đường đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị kia không thọ lạc, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi tỳ-kheo có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người kia phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị kia không thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi sa-di ni: «Có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người kia phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo đang ngủ để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết, khi thức dậy cũng không biết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Người có biết hay không?» Vị kia thưa: «Không biết.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người kia phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đang ngủ để vào để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết, khi thức dậy cũng không biết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có biết không?» Vị kia trả lời: «Không biết.» Đức Phật dạy: «Ngươi sa-di-ni[7] không phạm. Người kia phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã đối với tỳ-kheo đang ngủ để vào nơi đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia tỉnh giấc, nhưng không thọ lạc. Khi lấy ra, vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức phật dạy: «Ngươi sa-di-ni không phạm. Người để vào phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đang ngủ để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết. Khi tỉnh giấc, không thọ lạc, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia trả lời: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người để vào kia phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã với tỳ-kheo đang ngủ để vào đường đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia không biết, [974a1] khi tỉnh giấc thì biết, thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không? Vị kia nói: «Có thọ.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã, với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đang ngủ, để vào trong đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia không biết, tỉnh giấc mới biết, thọ lạc. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc hay không?» Vị kia thưa: «Có thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Cả hai đều phạm.» 2. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc, ban ngày không đóng cửa mà ngủ. Giặc vào nhà hành dâm, rồi đi. Tỳ-kheo-ni không biết. Thức dậy rồi, thấy đồ bất tịnh bẩn người, bèn nghĩ: «Thân ta có đồ bất tịnh dơ dáy thế này, có người phạm dâm ta sao?» Nghi. Đức Phật nói: «Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni ban ngày không được không đóng cửa mà ngủ.» Tỳ-kheo-ni Nan-đà, ban ngày ngồi dưới gốc cây hoa, chỗ nhiều người vui đùa, bọn cướp bắt ép phạm dâm. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi: «Này Nan-đà, ngươi có thọ lạc hay không?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Bạch Đại đức, cảm thọ như bị sắt nóng áp vào người con.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không được ở chỗ như vậy. 3. Có tỳ-kheo trì khất thực. Buổi sáng, khoác y, bưng bát, đến nhà bạch y, bên dưới cửa của nhà kia có cột một con chó. Thấy tỳ-kheo nó sủa, tỳ-kheo dủ lòng thương đối với nó nên mở thả nó ra. Tỳ-kheo lại đến chỗ khác. Vợ cũ thấy, gọi vào làm bất tịnh hạnh. Vị kia tự nghĩ: «Ta mở thả con chó của người khác, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo nghĩ: «Tỳ-kheo này, việc làm trước phạm, hay việc làm sau phạm?» Đức Phật dạy: «Việc trước không phạm, việc sau phạm. Nhưng không được thả chó của người ta.» Có tỳ-kheo, buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy con heo con bị chìm xuống nước. Thấy tỳ-kheo nó kêu. Tỳ-kheo thưong xót, vớt nó lên và thả nó đi. Tỳ-kheo đến chỗ khác thấy người nữ tư thông trước kia, rủ làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo với ý nghĩ: «Ta thả con heo của người đi, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo khác nghĩ: «Tỳ-kheo này, việc làm trước phạm hay việc làm sau phạm?» Đức Phật dạy: «Việc làm trước không phạm. Việc làm sau phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.» Có một người đàn bà đến chỗ bán thịt bò, mua thịt mang đi. Có con quạ đớp lấy miếng thịt bay đi. Nhưng sơ ý, rơi xuống trong bình bát của tỳ-kheo khất thực. Người đàn bà kia thấy vậy kêu: «Đại đức, miếng thịt đó của tôi, đừng mang đi!» Tỳ-kheo trả lời: «Nó rơi vào bát của tôi, chẳng phải thịt của bà.» Tỳ-kheo nói như vậy rồi cứ mang đi. Trên đường đi, sau đó, có dâm nữ rủ tỳ-kheo cùng hành bất tịnh hạnh. Vị kia có ý nghĩ: «Vừa rồi ta lấy thịt của người, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn cùng người nữ làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo nghĩ: «Tỳ-kheo kia, việc làm trước phạm, hay việc làm sau phạm?» Đức phật dạy: «Việc làm trước không phạm. Việc làm sau phạm. Nhưng không được lấy thịt như vậy.» Có tỳ-kheo hành dâm vào miệng con chó rồi nghi. Đức Phật nói: «Phạm ba-la-di.» 4. Có tỳ-kheo vén y tiểu tiện, có con chó đến liếm nước tiểu, rồi lại ngậm nam căn của tỳ-kheo. Vị kia không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc không?» Tỳ-kheo thưa: «Không thọ lạc.» Đức phật dạy: «Không phạm.» Có tỳ-kheo vén y để tiểu tiện, con chó liếm nước tiểu rồi lại ngậm nam căn của tỳ-kheo, tỳ-kheo thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc hay chăng?» Tỳ-kheo thưa: «Có thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo vén y lội qua sông Y-la-bà-đề. Cá ngậm nam căn tỳ-kheo. Tỳ-kheo không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có tỳ-kheo vén y lội qua sông Y-la-bà-đề. Cá ngậm nam căn. Tỳ-kheo thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Ngươi có thọ lạc hay không? Vị kia thưa: «Thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 5. Có tỳ-kheo hành dâm giữa đường đại tiện và tiểu tiện rồi nghi. Đức Phật nói: «Phạm thâu-lan-giá.» Nơi khuỷu chân, nách, lỗ tai, nơi mụt ghẻ lỡ, giữa giường dây, giường cây, nơi nạm lớn nạm nhỏ, nơi gối, nơi lỗ bùn, nơi miệng bình, hoặc tưởng đạo, hoặc nghi, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có bé gái nằm ngữa ngủ bên trong cửa. Tỳ-kheo nghĩ: «Nếu ta dùng nam căn để vào thì phạm tội ba-la-di.» Tỳ-kheo lấy ngón chân cái để vào nữ căn, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-tàn.» Có tỳ-kheo đang ngáp. Tỳ-kheo khác dùng nam căn để vào trong miệng, không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị ấy trả lời: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm. Từ nay về sau khi ngáp, nên dùng tay che miệng lại.» Có tỳ-kheo ở trong nhà tắm, xoa mình cho vì tỳ-kheo khác. Tỳ-kheo kia thân hình mềm mại. Tỳ-kheo này tâm dâm khởi lên, bèn làm bất tịnh hạnh. Vị kia không thọ lạc. Lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Người kia để vào là phạm.» 6. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo, ban ngày không đóng cửa mà ngủ, nam căn khởi. Lúc đó có một số đông người nữ đến tham quan nơi Tăng phòng, chỗ tỳ-kheo kia ngủ. Thấy tỳ-kheo nằm ngửa ngủ, nam căn khởi, hổ thẹn đi ra gấp. Trong số đó có một tặc nữ cùng đi. Tặc nữ vào trong nhà, hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo. Hành dâm xong, lấy tràng hoa quàng lên đầu nam căn, rồi đi. Tỳ-kheo kia ngủ không biết. Khi thức dậy, thấy đồ bất tịnh bẩn thân; nam căn lại có quàng tràng hoa; bèn nghĩ: «Có vật bất tịnh bẩn thân, nam căn lại có quàng trang hoa. Có người nữ hành dâm ta ư ?» Sinh nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có biết hay không?» Vị kia thưa: «Không biết.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được ban ngày không đóng cửa mà ngủ.» 7. Bấy giờ tại nước Xá-vệ có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo-ni, là mẹ con, an cư mùa hạ. Mẹ con thường gặp nhau. Vì việc thường thấy nhau nên đều sanh dục tâm. Người mẹ nói với con: «Ông từ nơi đây mà ra, nay trở lại vào nơi đây, có thể được, không phạm.» Người con liền làm theo lời của mẹ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 8. Có tỳ-kheo hành dâm trên xác chết của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Nếu xác chết kia đa phần không hư hoại thì phạm ba-la-di. Nếu hư hoại phân nửa thì phạm thâu-lan-giá. Đa phần hư hoại, hoặc tất cả đều bị hư hoại, cũng phạm thâu-lan-giá. Nếu là bộ xương, cũng phạm thâu-lan-giá. 9. Bấy giờ ưu-bà-di Tô-tỳ nói với tỳ-kheo: «Nam căn, nữ căn đều có vật ngăn che, hành dâm có thể được, không phạm.» Tỳ-kheo liền như lời nói đó hành dâm, rồi nghi. Đức Phật nói: «Phạm ba-la-di.» Ưu-bà-di Tô-tỳ nói với tỳ-kheo, «Thầy cùng tôi hành dâm, nhưng để tinh xuất ra ngoài, có thể được, không phạm.» Tỳ-kheo liền như lời nói đó, hành dâm; rồi nghi. Đức Phật nói: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có dâm nữ nói với tỳ-kheo, «Thầy dùng lá cây bao nam căn, hành dâm có thể được, không phạm.» Tỳ-kheo như lời nói kia hành dâm; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo đi nơi bãi thây ma, thấy thân người nữ chết, y phục còn trang nghiêm, hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» Tỳ-kheo giữ phòng, có bé gái đến báo giờ ăn. Tỳ-kheo liền bắt ép hành [975a1]dâm. Nữ căn của đứa nhỏ bị vỡ, cùng đường đại tiện thông qua, đứa nhỏ mạng chung. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: Ngươi với tâm niệm thế nào? Có vị thưa: «Con không có tâm giết nó.» Đức phật dạy: «Không phạm sát mà phạm dâm, ba-la-di.» 10. Có Tỳ-kheo hành dâm nơi tượng gỗ của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hành dâm với hình tượng nữ nơi vách. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo cùng thiên nữ hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Hành dâm cùng a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỷ nữ hoặc súc sanh cái có thể biến hóa, tất cả đều phạm ba-la-di. Có tỳ-kheo, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y khất thực. Gặp lúc trời mưa lớn, có người nữ cúi người xuống để khơi thông nước ngập nên lộ hình. Vị kia nghĩ: «Ta không xúc chạm nơi thân người nữ, mà chỉ dùng nam căn để vào, có lẽ không phạm.» Nghĩ rồi hành dâm, và nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 11. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có tỳ-kheo đến nơi a-lan-nhã, ngủ ngày. Bấy giờ, có người nữ hái củi hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo, rồi bỏ đi. Cách tỳ-kheo không xa, đứng lại. Tỳ-kheo thức dậy, thấy thân mình bất tịnh dơ bẩn, nghĩ: «Chắc người nữ này hành dâm bên trên thân của ta.» Sanh nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi có biết không?» Vị kia thưa: «Không biết.» Đức Phật dạy không phạm. Nhưng tỳ-kheo không được ban ngày mà ngủ chỗ khuất như vậy. Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề. Bấy giờ có tỳ-kheo trụ nơi a-lan-nhã, ngủ ngày. Có người nữ gánh cỏ, hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bất ngờ biết, nhưng không thọ lạc; liền đuổi đánh người nữ. Tỳ-kheo nghi, đức phật hỏi: «Ngươi có thọ lạc hay không?» Vị kia thưa: «Không thọ lạc.» Đức phật dạy: «Ngươi không phạm. Nhưng đánh người nữ. Phạm đột-kiết-la.» 12. Thế Tôn ở tại nước Chiêm-bà. Có tỳ-kheo đến chỗ a-lan-nhã, ban ngày tư duy, buộc niệm trước mặt. Tỳ-kheo này là bậc A-la-hán. Bị gió gắt, nam căn khởi. Bấy giờ, có tặc nữ cưỡng bức tỳ-kheo hành dâm. Các tỳ-kheo nói như vầy: «A la hán còn có dục, nên nam căn khởi chăng?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có năm nhơn duyên khiến cho nam căn khởi: đại tiện thúc bách, tiểu tiện thúc bách, gió gắt, trùng ủy-châu-lăng-già[8] cắn, có dục tâm. Đó là năm nhơn duyên khiến cho nam căn khởi. Không có trường hợp A-la-hán nam căn khởi do có dục tâm.» 13. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ nam căn của Vương tử Vô Úy bị bệnh, khiến người nữ ngậm, sau đó được lành. Được lành rồi, Vương tử lại hành dâm nơi miệng người nữ này. Người nữ này ưu sầu không vui nên nghĩ: «Nếu khi nào Vua Bình-sa đến, ta sẽ trùm đầu, để lộ hình, đứng trước mặt người. Nếu Vua hỏi: ‘Ngươi điên hay sao? Tại sao làm như vậy?’ Khi ấy ta sẽ trả lời: ‘Tôi không điên. Nhưng vì Vương tử cần nên tôi phải trùm đầu lại để giữ. Tại sao vậy? Vương tử thường hành dâm nơi miệng tôi, nên tôi phải trùm đầu lại để giữ miệng.’» Sau đó Vua Bình-sa đến chỗ Vô úy. Người nữ kia làm như đã nghĩ trước mặt Vua. Vua hỏi: «Ngươi điên phải không? Tại sao làm như vậy?» Người nữ trả lời: «Tôi không điên. Nhưng vì Vương tử cần nên tôi phải trùm đầu lại để giữ.» Vua liền kêu Vô Úy đến hỏi: «Tại sao con lại hành dâm nơi miệng của thị nữ?» Vô Úy nghe như vậy rất hổ thẹn. Sau đó Vương tử Vô Úy nói người nữ này có tội, cho mặc áo đen, để đứng bên ngoài cửa thành, với lời rao: «Nếu ai có mắc bệnh như vậy thì hành dâm nơi miệng người nữ này sẽ được lành bệnh.» Các tỳ-kheo nghĩ: «Nếu cần trị bệnh thì nên đem nam căn để vào trong miệng người nữ bảo họ ngậm lại thì không phạm phải không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 14. Bấy giờ có một thị trấn tên là Bà-lâu-việt-xa,[9] Vua tự là Hải. Có một dâm nữ bị tội, Vua truyền lệnh: «Lóc thịt hai bên nữ căn của người ấy để trị phạt.» Lệnh ấy được thi hành. Các tỳ-kheo nói: «Nếu đối với người còn sống mà hành dâm giữa hai đốt xương, có bị phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» II. BẤT DỮ THỦ 1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, Đại đức Đà-ni-già, con ông thợ gốm, lấy cây gỗ của Vua. Không cho mà lấy như vậy có phạm không?» Đức Phật dạy: «Mới ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Ưu-ba-ly lại bạch Phật: «Bạch Đại đức, nếu chỗ đồng trống, lấy vật có người thủ hộ, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Vật của người khác tưởng là vật của người khác, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không được cho mà lấy, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Vật của người khác hay nghi, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không cho mà lấy. Có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» «Chẳng phải vật của người khác, tưởng là vật của người khác, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, lấy, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải vật của người khác, nghi, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» «Vật của người tưởng là vật của người, giá trị dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay chăng?» Đức phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» «Vật của người, nghi, dưới năm tiền, không cho mà lấy phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Chẳng phải vật của người, tưởng là vật của người, dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không? Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» «Chẳng phải vật của người, nghi, dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» «Nếu khởi ý tưởng là người nữ mà lấy vật của người nam, năm tiền hay hơn năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Nếu ý tưởng là người nam mà lấy vật của người nữ, năm tiền hoặc trên năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Nếu khởi ý tưởng là người nữ này mà lấy vật của người nữ khác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Nếu khởi ý tưởng là người nam này mà lấy vật của người nam khác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 2. Vật gia dụng 1. Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Gặp lúc mất mùa nhân dân đói khát, khất thực khó được. Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nơi đó có người nữ dùng đồ đựng đầy thức ăn để dưới đất rồi vào nhà trong. Tỳ-kheo kia nhìn quanh thấy không có ai, bèn nghĩ: «Ta lấy thức ăn này. Có ích cho ta.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi. Vị kia nghi, đức Phật hỏi: «Với tâm niệm như thể nào khi lấy?» Vị kia thưa: «Lấy với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di. Lương khô, cơm, cá, thịt, khư-xà-ni, tất cả các thứ như trên mà trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo khất thực, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy có cái bồn bằng đồng. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Cái này đối với ta có ích.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Với tâm niệm thế nào khi ngươi lấy?» Vị đó thưa: «Với tâm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Nếu trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà cư sĩ thấy có chiếc ghế đơn.[10] tỳ-kheo nhìn chung quanh không thấy ai, liền nghĩ: «Chiếc ghế này có ích cho ta.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Khi thầy lấy với tâm niệm như thế nào?» Vị đó thưa: «Với tâm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 3. Y phục 1. Có tỳ-kheo đến chỗ giặt y, lấy y của người khác đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ như thế nào?» Vị đó nói: «Lấy với tâm trộm cắp.» [976a1]Đức Phật dạy: «Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo đi cách chỗ giặt y không xa, thấy có chiếc y quý giá phơi, để ý, với ý nghĩ sẽ trở lại lấy, sanh nghi. Đức Phật hỏi: «Khi ngươi muốn lấy với tâm niệm như thế nào?» Vị đó thưa: «Với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa lấy khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 3. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm đắp y mang bát đến nhà bạch y, thấy bên dưới cửa có phơi một chiếc y quý giá, lấy chân lật qua để xem, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ như thế nào trong khi làm như vậy?» Vị đó thưa: «Với tâm niệm kẻ trộm.» Đức Phật dạy: «Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 4. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy có cái giường đơn. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Cái này đối với ta có ích.» Bèn lấy đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ như thế nào khi ngươi lấy?» Vị đó thưa: «Với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 5. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà thế gian, thấy có cái giường ngồi một người và y. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Đối với ta cái này có ích.» Bèn lấy đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Khi ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?» Vị đó thưa: «Với tâm của kẻ trộm.» Đức Phật dạy: «Trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 6. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy chiếc ghế ngồi một người, tạm lấy để dùng, nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ thế nào khi ngươi lấy?» Vị đó thưa: «Với ý nghĩ lấy tạm chứ không có tâm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy như vậy.» 7. Có tỳ-kheo lấy y trong tháp miếu của người khác rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Với Tâm niệm thế nào khi ngươi lấy nó?» Vị đó thưa: «Nghĩ là y phấn tảo nên con lấy.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y trang sức trong tháp miếu của người.» 4. Trốn thuế 1. Có tỳ-kheo cùng đi với người bán tơ lụa. Vị đó nói với tỳ-kheo: «Thưa Trưởng lão, các ngài đi qua chỗ quan thuế, khỏi phải đóng thuế. Tôi muốn gởi tơ lụa này cho các ngài mang qua khỏi chỗ quan thuế.» Tỳ-kheo liền vì họ mang qua, nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ thế nào khi thầy làm việc ấy?» Vị đó thưa: «Với tâm trộm cắp.» Đức Phật dạy: «Trị giá thuế đủ năm tiền thì phạm ba-la-di.» 5. Trộm tổ chức 1. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người khác đáng giá năm tiền hay hơn năm tiền, rồi nghi. Đức Phật nói: «Tất cả đều phạm ba-la-di.» 2. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người. Trong số đó có người nghi mà không ngăn. Vật ấy đáng năm tiền hoặc hơn năm tiền được lấy. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Tất cả đều phạm ba-la-di.» 3. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người. Trong số đó có người nghi liền ngăn. Nhưng người kia vẫn cố đi lấy được năm tiền hoặc hơn năm tiền. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Người ngăn phạm thâu-lan-giá. Người không ngăn phạm ba-la-di.» 4. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy trộm vật của người khác. Người kia đến tìm cầu năm tiền hay hơn năm tiền, nhưng lấy được dưới năm tiền. Vị kia nghĩ, «Chúng ta được dưới năm tiền, không phạm ba-la-di.» Đức Phật dạy: «Căn cứ theo chỗ vật vốn định lấy, đủ năm tiền thì phạm ba-la-di.» 5. Có số đông tỳ-kheo phương tiện khiến một người lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, trở về cùng nhau chia, mỗi phần đều dưới năm tiền. Vị kia nghĩ: «Chúng ta được dưới năm tiền không phạm ba-la-di.» Đức Phật dạy: «Chung lại thành một phần, đều phạm ba-la-di.» 6. Có số đông tỳ-kheo phương tiện khiến một người lấy vật của kẻ khác, đi lấy vật dưới năm tiền. Nhưng đem về vật giá trị năm tiền. Vị kia nghĩ: «Chúng ta lấy được năm tiền, phạm ba-la-di.» Đức Phật dạy: «Căn cứ theo chỗ vật vốn định lấy, phạm thâu-lan-giá.» 5. Sở hữu tụ lạc 1. Bấy giờ, có tỳ-kheo lấy vật của tụ lạc kia, rồi mang vào thành. Vị ấy nghi. Đức Phật dạy: «Khi ngươi lấy, với tâm ý thế nào?» Vị kia thưa: «Với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Lấy năm tiền rời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.» 6. Trộm kinh Có tỳ-kheo lấy trộm kinh của người khác với ý nghĩ: «Lời của đức Phật thì vô giá. Chỉ nên căn cứ giấy mực để định giá trị.» Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Khi thầy lấy với tâm niệm thế nào?» Vị kia thưa: «Với tâm niệm kẻ trộm.» Đức Phật dạy: «Lấy năm tiền, rời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.» 7. Đồng loã Bấy giờ, có người dũng kiện của Vương thất, do sự tin ưa nên theo Phật xuất gia. Có tỳ-kheo phá giới khác đến dụ dỗ dối gạt rằng: «Trưởng lão, nơi thôn kia, trong đó có nhiều của cải, cũng có người khỏe nhưng không khỏe hơn ngài. Bây giờ chúng ta cùng đi lấy.» Vị kia đồng ý. Tỳ-kheo kia nói xong rồi đi. Đi một đoạn đường không xa, tỳ-kheo này khởi ý nghĩ: «Với lòng tin, ta xuất gia, không được làm việc ác thế này.» Một thời gian sau, tỳ-kheo phá giới kia lại đến nói: «Bây giờ chúng ta hãy cùng đi lấy tài vật đó.» Vị kia nói: «Tôi không đi.» «Tại sao vậy?» Vị kia trả lời: «Sau khi thầy đi, tôi suy nghĩ: ‘Ta vì tín tâm xuất gia không được làm việc ác như vậy.’ Vì vậy tôi không đi.» Sau đó một thời gian, tỳ-kheo phá giới kia đến thôn đó lấy trộm của cải của người, chia cho nhau rồi, còn một phần đem đến cho tỳ-kheo này. Tỳ-kheo này nói: «Tôi không nhận phần này. Trước đây tôi đã nói, ‘Ta vì tín tâm xuất gia không được làm việc ác như vậy.’» Nhưng vị ấy lại nghi. Đức Phật hỏi: «Ý nghĩ của ngươi như thế nào?» Vị kia liền đem nhơn duyên trình bày rõ ràng với đức Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng trước có hứa khả nên mắc đột-kiết-la.» 8. Trộm nhầm 1. Có tỳ-kheo muốn ăn trộm y của người khác mà nhầm lấy y của mình, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi phạm thâu-lan-giá.» 2. Có tỳ-kheo lấy trộm y của người luôn cả y của mình, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Y của mình phạm thâu-lan-giá. Y của người phạm ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo trộm đồ vật vốn là đồ ăn trộm của người khác; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 4. Có số đông bạch y, tại bãi tha ma, cởi y để một chỗ để chôn người chết. Có tỳ-kheo trì y phấn tảo tưởng là y phấn tảo nên mang đi. Các bạch y thấy, nói: «Đại đức, chớ lấy y của chúng tôi đi.» Vị kia trả lời: «Tôi tưởng là y phấn tảo.» Nói như vậy rồi để y xuống mà đi. Nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ như thế nào?» Vị kia thưa: «Con tưởng là y phấn tảo chứ không có tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng nếu có đống y như vậy, không được gọi là y phấn tảo để lấy.» 5. Có tỳ-kheo đi cách bãi tha ma không xa, thấy có nhiều y phấn tảo, liền tập trung lại rồi đi, nghĩ rằng để trở về lại sẽ lấy. Sau đó có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo liền mang đi. Tỳ-kheo kia khi trở lại không thấy y, về đến chùa lại thấy có tỳ-kheo đang giặt y, liền nói: «Thầy lấy y của tôi, phạm tội ăn trộm.» Vị kia trả lời: «Tôi không lấy trộm mà chỉ lấy y phấn tảo.» Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?» Vị kia trả lời: «Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo mà tập trung thành đống như vậy.» 6. Có cư sĩ đi cách bãi tha ma không xa, thấy có y phấn tảo rất quý giá, liền lấy để trong đám cỏ rồi đi, với ý định trở lại sẽ lấy để cúng cho tỳ-kheo. Vào lúc đó có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền lấy đem đi. Cư sĩ kia khi trở lại không thấy chiếc y, lúc đến chùa thấy tỳ-kheo đang giặt, nói: «Thầy lấy trộm y của tôi.» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi không lấy trộm y của người. Tôi chỉ lượm y phấn tảo.» Nhưng rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào khi lấy?» Tỳ-kheo kia thưa: «Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo để chỗ như vậy.» 7. Có người chăn bò cởi y để trên đầu nằm ngủ. Có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy tưởng là người chết, [977a1] nên nghĩ: «Đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo lấy y của người chết còn nguyên hình.» Bèn lấy tay người chết đánh vào đầu người chết. Đứa chăn bò hoảng hốt thức dậy hỏi: «Tại sao Đại đức lại đánh tôi?» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi tưởng ngươi là người chết.» Đứa chăn bò kia giận nói: «Ông không thể phân biệt được người chết với người sống hay sao?» Nói xong liền đánh tỳ-kheo nhừ tử. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được đánh người chết khiến cho rã thây để lấy y.» 8. Có số đông trẻ nhỏ cởi y để một chỗ rồi cùng nhau nô đùa. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền muốn lấy y. Mấy đứa nhỏ thấy, nói: «Đừng lấy y của chúng tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Tôi tưởng là y phấn tảo.» Tỳ-kheo để y lại đi, nhưng nghi. đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ thế nào khi lấy?» Tỳ-kheo thưa: «Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo tập trung thành đống như vậy.» 9. Di chuyển vật 1. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng đường mía khuyến dụ con nít để dẫn đi bán. Cha mẹ nó thấy, hỏi tỳ-kheo: «Đại đức nói gì với nó vậy?» Tỳ-kheo nhóm sáu nói: «Có nói gì đâu.» Nhóm sáu để trẻ nít lại rồi đi; nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi dẫn chúng nó đi với ý nghĩ thế nào?» Nhóm sáu thưa: «Dẫn đi với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Trị giá năm tiền dời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo với tâm ăn trộm, đảo ngược và dời chỗ thẻ chia phần của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Khi dời liền thành ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo ăn trộm thẻ chia vật của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Trị giá năm tiền, lìa khỏi chỗ cũ phạm ba-la-di.» 4. Có tỳ-kheo lật nghiêng thẻ chia phần của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phương tiện lấy năm tiền, chưa rời khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 5. Có tỳ-kheo ăn trộm lần thứ hai, lấy vật không đủ năm tiền, nghĩ rằng: «Ta lấy hai lần, trước sau (mỗi lần) không đủ năm tiền, không phạm ba-la-di.» Đức Phật dạy: «Trước sau (cọng lại) đủ năm tiền, phạm ba-la-di.» 6. Cách Kỳ-hoàn không xa có cư sĩ cày đất. Tỳ-kheo khách thấy, nói rằng, «Đất này của Tăng. Chớ cày.» Cư sĩ nói, «Chẳng phải đất của Tăng mà là đất của tôi.» Tỳ-kheo lại nói, «Đây là đất của Tăng. Chớ cày.» Cư sĩ liền thả bò đi, và nói rằng, «Đất của ta mà không được cày!» Tỳ-kheo khách kia vào trong Kỳ-hoàn hỏi cựu tỳ-kheo: «Có cư sĩ cày khoảnh đất cách đây không xa. Vậy đất đó của ai?» Cựu trú tỳ-kheo nói: «Đó là đất của cư sĩ.» Vị cựu trú tỳ-kheo hỏi vị khách tỳ-kheo: «Tại sao thầy hỏi điều đó?» Khách tỳ-kheo đem nhơn duyên kia nói lại đầy đủ, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ như thế nào?» Vị đó trình bày đầy đủ nhân duyên, đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Nhưng không được nói như vậy.» 7. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật: «Nếu tác ý làm hao hụt, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, tự mình lấy hoặc dạy người lấy, tự đoạn hoại hoặc dạy người đoạn hoại, tự phá hoặc dạy người phá, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm hoại sắc, như vậy có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Tất cả đều phạm ba-la-di.» 8. Có tỳ-kheo chia đất, dời cột mốc của người khác; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ thế nào khi dời?» Vị kia thưa: «Với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Dời cột mốc, nếu trị giá năm tiền,[11] phạm ba-la-di.» 10. Nguồn nước 1. Bấy giờ trong vườn của chúng Tăng không có nước nên bị cằn cỗi. Nhóm sáu tỳ-kheo tháo nước từ ruộng của người khác vào trong vườn của Tăng, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi tháo nước với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Với tâm của kẻ trộm.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Ruộng của nhà đàn-việt không có nước nên bị cằn cỗi. Tỳ-kheo kia tháo nước của người khác vào ruộng của đàn-việt, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo cùng nhà bạch y oán cừu nhau, bèn tháo nước ruộng của người đó bỏ, khiến cho ruộng bị hoang phế. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo ăn trộm nước của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền phạm ba-la-di.» Các tỳ-kheo nghi, không dám lấy nước nơi kênh, nơi suối, nơi ao hồ. Đức Phật dạy: «Không phải sở hữu của người nào đó thì không phạm.» 11. Chiếm dụng 1. Tỳ-kheo Chiên-đà-la có việc tranh châp. Vị ấy có chiếc bát quý giá của nước Tô-ma. Vì việc tranh chấp nên vị kia thường ôm lòng ưu sầu, nói, «Nếu ai có thể chấm dứt việc tranh chấp của tôi thì sẽ lấy chiếc bát này.» Bấy giờ, có tỳ-kheo A-di-đầu thông minh, chuyên môn giải quyết việc tránh sự, liền vì vị kia giải quyết việc đấu tranh rồi lấy chiếc bát đi. Tỳ-kheo này nghĩ rằng chiếc bát bị mất nên đi tìm. Thấy tỳ-kheo A-di-đầu bưng nơi tay liền nói, «Thầy lấy trộm chiếc bát của tôi.» Vị kia liền trả lời, «Tôi không lấy trộm bát của thầy. Thầy đã có giao ước, nếu người nào có thể chấm dứt việc tranh đấu của tôi thì sẽ lấy chiếc bát này. Vì vậy nên tôi lấy chiếc bát.» Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?» Vị kia trình bày đầy đủ nhơn duyên. Đức Phật dạy: «Ngươi không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.» 2. Tỳ-kheo tên Da-thâu-già có y Tăng-già-lê. Tỳ-kheo tên Bà-tu-đạt-đa không nói mà lấy mặc vào trong xóm khất thực. Vị kia tưởng là y bị mất đi tìm. Thấy Bà-tu-đạt-đa mặc, liền nắm lấy nói, «Thầy phạm tội ăn trộm.» Vị kia trả lời, «Tôi không trộm y của thầy, tôi lấy mặc với ý thân tình.» Nói xong, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với tâm niệm thế nào?» Vị kia thưa: «Lấy với ý thân tình chứ không lấy với tâm ăn trộm.» Đức Phật nói: «Không phạm. Nhưng không được không phải thân tình mà tác ý thân tình để lấy.» 3. Tỳ-kheo tự Thanh Tịnh có y Tăng-già-lê. Tỳ-kheo Tu-đà-di không hỏi chủ mà tự tiện lấy mặc vào tụ lạc khất thực. Người chủ tưởng y bị mất nên đi tìm. Thấy Tu-đà-di mặc liền nắm lấy và nói, «Thầy lấy y tôi, phạm giới trộm.» Tỳ-kheo kia trả lời tôi không ăn trộm mà mượn để dùng. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy y với tâm nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Với tâm mượn chứ không phải với tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Không được không hỏi chủ mà vội lấy mặc vào tụ lạc như vậy.» 12. Hoa quả 1. Có tỳ-kheo lấy trái lê của người khác, nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, dời khỏi chỗ cũ phạm ba-la-di.» Trái diêm-bà, trái ba-lê-bà, các loại trái bồ đào, nếu trị giá năm tiền, tất cả đều phạm ba-la-di. 2. Có tỳ-kheo rung trái lê của người khác cho rụng, với ý muốn làm cho ít bớt. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, ba-la-di.» Nếu rung cho rụng trái diêm-bà, trái ba-lê-bà, các loại trái bồ đào, cũng với ý muốn khiến cho ít bớt, tất cả đều ba-la-di. 3. Có tỳ-kheo ăn trộm dưa của người. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo ăn trộm mía, nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo lấy rau của người, nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền ba-la-di. » Có tỳ-kheo lấy bông sen của người, nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền ba-la-di.» Hoa bát-đầu-ma, câu-đầu-ma, phân-đà-lợi, tính đủ năm tiền, tất cả đều ba-la-di. Nếu bẻ phá, làm hư hoại, hao hụt của người khác, tính đủ năm tiền tất cả đều ba-la-di. Có người canh giữ cho kẻ khác, và giặc, mang thức ăn khư-đà-ni cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nghĩ đây không phải là của người này nên không nhận.[12] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Đây tức là thức ăn của đàn-việt, cho phép tác tịnh,[13] rửa tay, rồi thọ nhận và ăn.» Có tỳ-kheo lấy ngó sen của người, nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, ba-la-di.» Có tỳ-kheo lấy gỗ trong rừng do người khác bảo vệ, nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Có tỳ-kheo với tâm trộm cắp, vô căn cứ lấy thức ăn của người, nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Có tỳ-kheo vô căn cứ lấy thức ăn của người, nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi với tâm niệm như thế nào khi lấy?» Vị kia nói: «Không có tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng vì vọng ngữ nên phạm ba-dật-đề.» Có tỳ-kheo sai tỳ-kheo lấy trộm giường dây, giường cây. Tỳ-kheo được sai tưởng là không phải ăn trộm nên lấy đem đến, rồi nghi. [978a1] Đức Phật dạy: «Phương tiện dạy người phạm ba-la-di. Vị bị sai không phạm.» Có tỳ-kheo sai tỳ-kheo lấy giường dây. Vị được sai kia tưởng là bảo lấy trộm liền lấy đem đến, rồi nghi, đức Phật nói: «Người lấy phạm ba-la-di. Người bảo không phạm.» 13. Xe thuyền 1. Số đông tỳ-kheo có chiếc xe, cho nhóm sáu tỳ-kheo cùng đi. Nhóm sáu tỳ-kheo có ý muốn, trước khi đến trú xứ đó, sẽ lấy chiếc xe này. Đức Phật dạy: «Nếu lấy trộm tại đây, phạm ba-la-di. Nếu lấy giữa đường hay đến trú xứ đó cũng phạm ba-la-di.» 2. Nhóm sáu tỳ-kheo thấy trên sông Hằng có chiếc thuyền, bèn nghĩ, «Chúng ta có thể trộm lấy chiếc thuyền này mà không lao nhọc chi cả.» Nhưng nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ như thế nào?» Nhóm sáu liền trình bày đầy đủ nhơn duyên. Đức Phật dạy: «Chỉ có ý nghĩ thì không phạm. Nhưng không được sanh ý nghĩ như vậy.» 3. Có tỳ-kheo trộm lấy thuyền của người từ bờ này đem đến bờ kia, nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Từ bờ kia qua bờ này, xuôi dòng nước, ngược dòng nước, nhận chìm hay kéo đi đem lên bờ, dời địa điểm, tất cả đều phạm ba-la-di. Nếu phương tiện muốn mở ra mà chưa rời khỏi chỗ cũ thì phạm thâu-lan-giá. 4. Có hai tỳ-kheo đến sông A-di-la-bạt-đề tắm, thấy cái giỏ tre đựng y quý giá trôi theo dòng nước. Một tỳ-kheo thấy bèn nói: «Cái giỏ tre này thuộc về của tôi.» Tỳ-kheo thứ hai nói: «Vật dụng trong giỏ tre thuộc về của tôi.» Hai vị cùng lấy được y quý giá, bèn nghi. Đức Phật dạy: «Ngươi nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Tưởng là y phấn tảo.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo trong nước.» 14. Vật từ thú vật 1. Có tỳ-kheo trộm tràng hoa bằng vàng, nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 2. Trong Kỳ-hoàn có nhiều tổ chim. Cuối đêm[14] chúng kêu inh ỏi, náo loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Tỳ-kheo cựu trú sai người giữ vườn đuổi chúng đi. Người giữ vườn thấy trong tổ chim có vàng và lụa vụn, lấy đem đưa cho cựu tỳ-kheo, Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Các thứ đó vô dụng đối với loài chim nên không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.» 3. Trong Kỳ-hoàn có ổ chuột. Tỳ-kheo sai người giữ vườn phá ổ chuột. Trong ổ chuột có thuốc uống và lụa vụn, người giữ vườn lấy đem đưa tỳ-kheo, tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Các thứ đó vô dụng đối với súc sanh nên không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.» 4. Cách chùa không xa, có những con chuột tha trái bồ đào từ thôn đem đến trong chùa, dồn lần thành một đống lớn. Nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm lấy ăn, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 5. Cách Kỳ-hoàn không xa có người thợ săn gài bẩy để bắt nai, trong bẩy có con nai chết. Nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm lấy ăn, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 15. Giải phóng súc vật 1. Có tỳ-kheo ban ngày đi vào chỗ a-lan-nhã, nơi đó có cướp, buộc con bò dưới gốc cây. Thấy tỳ-kheo nó khóc. Tỳ-kheo từ niệm nên mở thả, rồi nghi, đức Phật hỏi: «Khi mở thả nó, ngươi nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Vì lòng thương chứ không phải với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.» 2. Có tỳ-kheo ban ngày đến chỗ a-lan-nhã, nơi đó kẻ cướp cột con bò trong nhà trạm. Tỳ-kheo nhìn quanh không thấy ai, có ý nghĩ: «Con vật này có ích cho ta.» Bèn mở con bò dắt đi. Dắt đi không xa, tỳ-kheo lại nghĩ: «Ta cần gì con bò này?» Vì vậy thả nó đi. Rồi tỳ-kheo nghi, Đức Phật hỏi: «Khi dắt đi ngươi nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo trả lời: «Khi dắt với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền dời khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 3. Con beo rượt bắt con nai. Nai bị thương chạy vào chùa, rồi chết. Các tỳ-kheo đem làm thịt ăn; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Ông thợ săn, săn con nai. Nai chạy vào chùa. Thợ săn tìm nai, đến hỏi các tỳ-kheo: «Thấy có con nai như vậy, như vậy hay không?» Các tỳ-kheo không thấy nên trả lời là không thấy. Người thợ săn tìm khắp nơi trong chùa, bắt gặp được con nai, nổi giận cơ hiềm nói các tỳ-kheo rằng: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, nói dối không thật, tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi thấy con nai mà nói là không thấy?» Các tỳ-kheo nghi, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm.» 16. Vật dụng của tỳ-kheo Có tỳ-kheo ăn trộm lấy y ba-lị-ca-la, nghi, rời khỏi chỗ cũ. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy y ba-lị-ca-la của người, đem đến chỗ khác rồi nghi. Đức Phật nói: «Phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo với tâm trộm di chuyển y ba-lị-ca-la sang một bên rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ cũ phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, gối, mền giạ, bình nước, bình tưới, gậy, quạt. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, tất cả đều phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo trao đổi giường dây, giường cây, nói đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Đức Phật dạy: «Không được trao đổi như vậy.» Có tỳ-kheo trao đổi giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, hoặc gối, nói đây cũng là Tăng kia cũng là Tăng. Và mền giạ, bình tưới nước, gậy, quạt, cũng nói đây là Tăng, kia cũng là Tăng. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Có tỳ-kheo ăn trộm đá của người, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, thành ba-la-di.» Trộm ao, hào, cây gỗ, tre trúc, cỏ văn nhã, cỏ bà bà, vỏ cây, hoặc cây lá, hoa trái có người bảo vệ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, tất cả đều ba-la-di.» Có tỳ-kheo từ trên giá y của người khác lấy trộm y rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy chiếc y trên giá, lìa khỏi giá rồi nghi. Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» Có tỳ-kheo với tâm trộm, chuyển đổi y của người từ trên giá, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ, phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo lấy cái dây lưng trên giá y của người khác, và lấy luôn cái giá, rồi nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ thế nào khi lấy?» Vị kia thưa: «Với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, dời khỏi chỗ cũ, thành ba-la-di.» Khi ấy có số đông tỳ-kheo cùng nhóm sáu tỳ-kheo ngồi ăn trong nhà bạch y. Bạch y dùng chiếc y đại giá trải làm chỗ ngồi. Một trong nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm dùng chân cuốn lại, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ thế nào khi ngươi cuốn?» Vị kia thưa: «Với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Phương tiện cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ, phạm thâu-lan-giá.»[15]
Chú thích: [1] Xem Phần I Chương I, ba-la-di 1, cht. 25; q. 1 tr. 20. [2] Bà-xà Tử 婆闍子. Trên kia dịch là Bạt-xà Tử. Xem Phần I. Chưong I, ba-la-di 1, cht. 33; q.1 tr.26 [3] Chỉ sinh dục đạo. [4] Xem Phần iii, ch. i Thọ giới, dữ học giới. Ngũ phần 34 (T22n1428 tr.809a14) [5] Trên kia gọi là doanh sự tỳ-kheo. Xem cht. 37, Phần ii, ch. ii, tr. 166. [6] Trên kia gọi là bình đáng nhân. Xem cht. 34; Phần iv, Ch. ii, tr. 130. [7] Để bản: «Ngươi sa-di-ni...» Các bản Tống-Nguyên-Minh lược bỏ. Đây kể luôn cả tỳ-kheo vv. [8] Uỷ-châu-lăng-già trùng 慰周陵伽虫. Pali. Vin.iii. 58: uccāliga, «sâu gặm.» [9] Bà-lâu-việt-xa 婆樓越奢. Pali: Bharukaccha (?), Vin.iii. 39. [10] Độc tọa sáp đắng 獨座榻蹬. [11] Giá trị của phần điền thổ thêm hay bớt sau khi dời cột mốc. Không phải giá trị bản thân cột mốc. [12] Cf. Pali, Vin. iii. 66: Người giữ vườn (cho người khác) mang trái cây cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận, vì không phải của người mang cho. [13] Năm cách tác tịnh đối với trái cây. Xem cht. 107. Phần iii, Ch. viii «Thuốc». [14] Khuya, cho đến trước khi mặt trời mọc, được gọi là cuối đêm. [15] Hết quyển 55. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 17. Phần của người khác [978c22] Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Sai-ma, có nhà đàn-việt. Đệ tử của tỳ-kheo-ni đến nhà người đàn-việt đó nói: «A-di Sai-ma cần năm đấu vừng.» Người đàn-việt kia nói: «Có thể được.». Người đàn-việt đưa cho. Cô đệ tử kia nhận được vừng rồi, ăn hết. Sau đó vào một buổi sáng, tỳ-kheo-ni Sai-ma, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt kia, trải chỗ ngồi ngồi, người đàn-việt hỏi: «Vừng có tốt hay không?» Sai-ma hỏi lại: «Vừng gì?» Người đàn-việt thuật lại đầu đuôi. Tỳ-kheo-ni Sai-ma khi về chùa nói với người đệ tử rằng: «Cô ăn trộm của tôi năm đấu vừng (mè).» Người đệ tử trả lời: «Con không ăn trộm. Con nghĩ thân tình nên ăn.» Sau đó nghi. Đức Phật hỏi: «Cô dùng với ý gì?» Cô đệ tử thưa: «Con dùng với ý thân tình.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được, không phải thân tình mà tác ý thân hậu để lấy dùng. Vì nói dối nên mắc tội ba-dật-đề.» Tỳ-kheo-ni Sai-ma có nhà đàn-việt. Đệ tử của cô đến nhà đàn-việt đó nói: «A-di Sai-ma cần cháo ba món thuốc.» Người đàn-việt nói: «Có thể được.» Rồi đưa cho. Cô đệ tử nhận được, ăn hết. Sau đó, vào buổi sáng sớm, tỳ-kheo-ni Sai-ma, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt kia, trải chỗ ngồi an tọa. Người đàn-việt thưa hỏi: «Thưa A di, cháo ba món thuốc có khá hay không?» Sai-ma hỏi lại: «Cháo ba món thuốc gì?» Người đàn-việt liền thuật lại đầu đuôi. Khi trở về chùa, Sai-ma nói với người đệ tử rằng: «Cô lấy trộm của tôi cháo ba món thuốc.» Người đệ tử trả lời: «Con không lấy trộm. Con lấy với ý thân tình.» Cô đệ tử nói như vậy rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Cô lấy với ý gì?» «Con lấy với ý thân tình.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được, chẳng phải thân tình, mà tác ý thân tình để lấy. Vì nói dối nên phạm ba-dật-đề.» Có tỳ-kheo lấy phần khư-xà-ni của Hòa thượng. Hòa thượng nói: «Ông ăn phần của tôi, phạm tội trộm.» Tỳ-kheo thưa: «Con không ăn trộm. Con lấy với ý thân tình.» Vị kia nghi, đức Phật hỏi: «Ông lấy với tâm gì?» «Con lấy với ý nghĩ là thân tình.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được, chẳng phải thân tình mà tác ý thân tình để lấy.» 18. Cầm nhầm 1. Có người thợ gốm là đàn-việt của một tỳ-kheo. Người đàn-việt nói: «Đại đức cần đồ gì cứ nói.» Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.» Người đàn-việt nói xong, đứng dậy đi vào nhà. Có một người khác đến chỗ bán hàng để bán. Sau đó, tỳ-kheo cầm (nhầm) cái bình của người bán hàng đi. Người ấy nói với tỳ-kheo: «Thưa Đại đức, chớ lấy cái bình của tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Cái bình này là cái bình của ai? Ông thợ gốm trước đây có nói với tôi, nếu cần đồ gì thì cứ lấy, cho nên tôi lấy.» Người bán hàng nói: «Cái đó không phải là đồ của người ấy.» Tỳ-kheo liền để cái bình xuống mà đi. Nhưng rồi nghi. đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo kia thuật lại đầy đủ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 2. Có nhà bán rượu là đàn-việt của một tỳ-kheo. Người đàn-việt nói với tỳ-kheo: «Đại đức cần cái nồi thì cứ lấy.» Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.» Người đàn-việt nói xong trở về nhà. Có một người khác đến đứng chỗ bán rượu. Sau đó, tỳ-kheo cần cái nồi nên đến lấy (nhầm) đi. Người kia nói: «Đại đức đừng lấy cái nồi của tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Cái nồi này của ai? Người bán rượu trước đây có nói với tôi, cần cái nồi thì cứ lấy. Cho nên tôi lấy.» «Đó không phải cái nồi của người ấy.» Tỳ-kheo để cái nồi xuống rồi đi. Nhưng rồi nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý gì?» Tỳ-kheo trình bày rõ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không nói với chủ mà lấy vật của người.» 3. Có người lái buôn là đàn-việt của tỳ-kheo. Người đàn-việt nói: «Đại đức cần gì cứ lấy.» Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.» Lái buôn kia trở về nhà. Có một người khác đến chỗ bán hàng. Sau đó, tỳ-kheo cần gạo, bèn đến lấy (nhầm) gạo đi, người kia nói: «Đại đức đừng lấy gạo của tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Gạo này là của ai? Người lái buôn trước đây có nói với tôi là cần gì thì cứ lấy, nên tôi mới lấy.» Người kia nói: «Đây không phải là gạo của ông lái buôn.» Tỳ-kheo liền để gạo xuống mà đi. Nhưng nghi. Đức Phật nói: «Ngươi lấy với tâm gì? Tỳ-kheo trả lời thuật lại đầy đủ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 4. Bấy giờ, có người bán y là đàn-việt. Đàn-việt thưa: «Đại đức cần gì thì cứ lấy.» Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.» Người đàn-việt kia qua đời. Còn một đứa con nhỏ. Tỳ-kheo cần y, liền lấy y đi. Đứa nhỏ nói: «Đại đức đừng lấy y của con đi.» Tỳ-kheo nói: «Y này của ai? Người bán y trước đây có nói với tôi cần y cứ lấy.» Đứa nhỏ nói: «Người bán y ấy chết rồi.» Tỳ-kheo liền bỏ y mà đi, nhưng nghi. Đức Phật nói: «Ngươi lấy với ý gì?» Tỳ-kheo trình bày đầy đủ nhân duyên. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 19. Vật vô chủ 1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Có một Ly-xa không có lòng tin, dùng một miếng giẻ rách gói năm tiền, để trong đống rác, sai người rình, nếu thấy ai lấy thì bắt. Bấy giờ có tỳ-kheo trì y phấn tảo tưởng là y phấn tảo, liền lấy bỏ trong đãy. Sứ giả kia thấy, nói: «Ông Ly-xa gọi tỳ-kheo.» Tỳ-kheo nói: «Gọi đi đâu?» Khi tỳ-kheo đi đến chỗ Ly-xa, Ly-xa hỏi: «Đại đức được phép cầm tiền bạc của báu chăng?» Tỳ-kheo nói: «Điều đó không được.» Ly-xa nói: «Không được, sao thầy lấy?» Tỳ-kheo nói: «Tôi đâu có lấy.» Ly-xa bảo đưa chiếc đãy xem. Ly-xa liền lấy gói tiền từ trong đãy của tỳ-kheo ra. Tỳ-kheo này hổ thẹn, và tỳ-kheo khác cũng vậy. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: «Các ngươi lắng nghe. Nếu có tỳ-kheo nào muốn lấy y phấn tảo như vậy, thì nên dùng ngón chân bên tả kẹp, ngón chân bên hữu kéo ra để xem. Cái gì bất tịnh thì gỡ nó ra, cái gì tịnh thì lấy mang đi.» 2. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Ca-lưu-đà-di cùng nhóm sáu tỳ-kheo tắm tại sông A-di-bà-đề. Ca-lưu-đà-di tắm xong lên bờ trước, mặc lộn y của Nhóm sáu tỳ-kheo, rồi đi. Nhóm sáu tỳ-kheo tắm rồi sau lên bờ không thấy y của mình mà lại thấy y của Ca-lưu-đà-di, bèn nói: «Ca-lưu-đà-di ăn trộm y của chúng ta, liền tác pháp diệt tẫn, trong lúc vắng mặt Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di nghe như vậy sanh nghi, đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên trên trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi: «Với ý nghĩ thế nào, khi ngươi lấy?» Ca-lưu-đà-di thưa: «Con tưởng là y của mình nên lấy, chứ không có tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được không xem kỹ y mà vội lấy. Cũng không được không có mặt người mà tác pháp quở trách, tẫn, y chỉ, ngăn không cho đến nhà bạch y, cử tội, hay yết-ma diệt tẫn. Nếu làm thì không thành lại mắc tội đột-kiết-la.» 3. Có tỳ-kheo lượm được cái y do gió thổi bay, nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với tâm gì?» Vị ấy thưa: «Với ý nghĩ là y phấn tảo, chứ không có tâm ăn trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo do gió thổi bay.» 4. Có cư sĩ giặt y rồi phơi trên tường. Khi ấy, có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo, nên lấy đi. Cư sĩ kia thấy, nói: «Đại đức đừng mang y của tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Tôi tưởng là y phấn tảo.» Nói rồi liền bỏ y mà đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Con lấy với ý nghĩ là y phấn tảo.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo từ trên tường, trên rào, hay trong hào.» Có cư sĩ giặt y rồi phơi trên nia. Một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo, với tâm trộm lấy đi, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 5. Có số đông bọn cướp đi ra khỏi thành Xá-vệ, cách Kỳ-hoàn không xa, ban ngày uống ruợu xong, còn dư, để giữa gốc cây, vào thành Xá-vệ. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo ra ngoài Kỳ-hoàn, với tâm trộm, lấy uống. Đức Phật nói: «Phạm ba-la-di.» 6. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, gặp lúc trời mưa to, nước trôi các loại mỡ lạng. Vị kia nghĩ đây là vật không cầu mà được, có thể dùng làm thuốc, liền lấy uống, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi lấy, với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Tưởng là vật phấn tảo, cho nên lấy, chứ không với tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được lấy vật phấn tảo trong nước. Không thọ mà dùng phạm ba-dật-đề.»[16] 20. Mượn tiếng lấy Tỳ-kheo có nhà đàn-việt. Tỳ-kheo khác hỏi tỳ-kheo này rằng: «Tôi muốn đến nhà đàn-việt của Thầy. [980a1] Thầy có muốn nói gì?» Vị kia nói: «Tùy ý Thầy. Nói gì cũng được.» Tỳ-kheo này cần năm mươi lượng đường mía, nên khi đến nhà đàn-việt nói: «Tỳ-kheo kia cần năm mươi lượng đường mía.» Người đàn-việt thưa: «Có thể được.» Nói xong, liền lấy cho. Tỳ-kheo này nhận được đường rồi dùng hết không đưa cho tỳ-kheo kia. Một thời gian sau, tỳ-kheo kia đến nhà đàn-việt. Người đàn-việt ấy hỏi: «Thưa Đại đức, đường mía có khá không?» Tỳ-kheo kia hỏi lại: «Đường mía gì? Cho ai?» Người đàn-việt thuật rõ đầu đuôi. Tỳ-kheo kia khi về chùa nói với tỳ-kheo này rằng: «Ngươi lấy đường mía của tôi, phạm giới trộm.» Tỳ-kheo này nói: «Tôi không phạm giới trộm. Vì Thầy bảo tôi tùy ý muốn nói gì thì nói.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được nói như vậy. Phải bảo, ‘Nên nói như vầy. Nên bảo như vầy.’» Có tỳ-kheo trộm xe của người khác, rồi nghi. Đức Phật nói: «Phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo trộm củi của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, phạm ba-la-di.» 21. Bắt cóc trẻ Người đàn-việt của Tất-lăng-già-bà-ta[17] có hai đứa nhỏ, thông tuệ sáng sủa, không sợ người. Mỗi lần Tất-lăng-già-bà-ta đến nhà, chúng nó liền ôm chân và chạy quanh vui chơi. Sau đó một thời gian hai, hai đứa nhỏ này bị cướp bắt. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm Tất-lăng-già-bà-ta, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa, cha mẹ tiểu nhi đến khóc sướt mướt nói: «Con của con cướp bắt mất rồi. Nếu chúng nó còn ở nhà thì đã đến ôm chân Đại đức, vui vẻ biết bao!» Tất Lăng Già Bà Ta nói: «Nên tìm khắp trong nhà, xem thử chúng nó ở đâu?» Cha mẹ tiểu nhi nói: «Tìm khắp rồi mà không có.» Tất-lăng-già-bà-ta trở về chùa, vào trong phòng, tư duy nhập định, đặt niệm trên thân, dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt hẵn người thường, thấy tiểu nhi bị giặc, để trong chiếc thuyền nơi dòng sông Hằng. Thấy rồi, trong khoảnh khắc bằng khi người lực sĩ co duỗi cánh tay, Tất-lăng-già-bà-ta biến mất khỏi chùa, xuất hiện đứng trong chiếc thuyền của cướp trên dòng sông Hằng. Tiểu nhi thấy liền vui vẻ đến ôm chân. Tất-lăng-già-bà-ta dùng thần túc khiến tiểu nhi trở về, và đem chúng để gác trên phòng, rồi đến nhà chỗ đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa. Bấy giờ, cha mẹ chúng cũng khóc kể và nói: «Con của con nếu còn chúng sẽ đến ôm chân Đại đức thì vui biết bao!» Tất-lăng-già-bà-ta nói: «Có thể tìm các phòng trên gác xem sao!» Cha Mẹ nó nói: «Đã tìm rồi mà không có.» Tất-lăng-già-bà-ta nói: «Nên tìm lại.» Cha mẹ chúng nó tìm lại ở tren trên trong phòng thì bắt gặp hai đứa nhỏ. Cha mẹ nó rất vui mừng nói: «Con của tôi bị giặc bắt mất, Tất-lăng-già-bà-ta vì tôi bắt nó đem về.» Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tất-lăng-già-bà-ta: «Tại sao giặc bắt con người ta rồi đoạt lại?» Tất-lăng-già-bà-ta nghe rồi nghi, đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi: «Với ý nghĩ thế nào khi Thầy bắt thiếu nhi lại?» «Bạch Thế Tôn với lòng từ con bắt thiếu nhi lại, chứ không có tâm trộm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.»[18] 22. Nhận di chúc Có tỳ-kheo tự là Cao Thắng,[19] có người đàn-việt. Người đàn-việt bệnh, tỳ-kheo đến thăm. Đàn-việt có hai tiểu nhi thông tuệ sáng sủa. Bấy giờ, người đàn-việt chỉ chỗ chôn của quý cho tỳ-kheo và nói: «Hai đứa con của con, khi nó lớn lên, đứa nào giỏi hơn[20] thì chỉ chỗ chôn của quý này cho nó.» Sau khi người đàn-việt qua đời, tỳ-kheo Cao Thắng chỉ chỗ chôn của quý cho đứa tốt hơn. Tiểu nhi kia khóc kể, đến trong chùa nói với A-nan: «Thưa Đại đức, tài sản cha con để lại cho hai đứa con. Tỳ-kheo Cao Thắng này lại giao hết cho một người.» A-nan nói với tỳ-kheo Cao Thắng: «Tại sao tài sản cha mẹ người ta để lại cho hai người, thầy lại đem giao hết cho một người? Này Cao Thắng, Thầy hãy đi đi. Tôi không đồng Bố-tát với Thầy.» Trải qua sáu lần bố-tát, A-nan không bố-tát chung. Tỳ-kheo Cao Thắng là bạn hữu với La-hầu-la.[21] Bấy giờ, La-hầu-la vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nước Ca-duy-la-vệ chỗ các bà Xá-di, bảo các bà Câu-lê: «Các bà hãy bồng con của các bà đến để trước Ngài A-nan. Con của các bà khóc. Ngài A nan sẽ bảo các bà bồng nó lên. Các bà sẽ nói như vầy: ‘Chúng con sẽ không bồng con của chúng con lên, đến khi nào tôn giả A-nan chịu nghe tỳ-kheo Cao Thắng nói.» Các bà nghe theo lời La-hầu-la đem con mình để trước mặt tôn giả A-nan. Khi ấy, các thiếu nhi khóc, tôn giả A-nan bảo các bà: «Bồng các con lên.» Bấy giờ, các bà nói: «Chúng con không bồng chúng nó lên, cho đến khi nào tôn giả chịu nghe tỳ-kheo Cao Thắng nói.» Tôn giả A nan động lòng từ liền nói với Cao Thắng: «Sự việc của Thầy thế nào?» Cao Thắng liền trình bày đầy đủ nhơn duyên với A-nan. Tôn giả A-nan nói: «Như thế là Thầy không phạm, dù chỉ là tội đột-kiết-la.»[22] III. ĐOẠN NHÂN MẠNG 1. Ưu-ba-ly thỉnh hỏi Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Kính bạch đức Thế Tôn, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cầu, quán bất tịnh, nhàm chán thân, tự sát, như vậy có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới không phạm.» «Người, tưởng là người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» «Là người mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Người mà tưởng là phi nhân, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Phi nhơn, mà tưởng là người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Phi nhơn mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nữ mà đoạn mạng người nam, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nam mà đoạn mạng người nữ, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» «Nếu khởi tưởng là người nữ này mà đoạn mạng người nữ kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nam này, mà đoạn mạng người nam kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» «Nếu tìm kiếm người cầm dao, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nếu mạng bị dứt thì phạm.» 2. Khuyến khích chết Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của người đàn-việt nhan sắc xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước. Tỳ-kheo nói với người vợ của đàn-việt: «Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.» Người vợ đàn-việt nói: «Đại đức đừng nói như vậy! Chồng của con còn sống, con không muốn làm việc ác như vậy.» Tỳ-kheo liền đến nơi người chồng khen ngợi sự chết. Người chồng liền chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: Ngươi khen với ý nghĩ thế nào? Tỳ-kheo thưa: «Con khen với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 3. Phương tiện giết 1. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước, nói: «Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.» Vợ của đàn-việt nói: «Chồng con còng sống, con không muốn làm việc như vậy.» Tỳ-kheo liền cho người chồng uống thuốc khiến cho chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi cho uống thuốc, với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước, nói: «Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.» Vợ của đàn-việt nói: «Chồng của con còn sống con không muốn làm việc như vậy.» Tỳ-kheo liền cho người chồng thuốc xổ khiến cho đứt mạng. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào khi cho uống thuốc?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo tới thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, dục tâm tham đắm, nói: «Cùng tôi làm việc như vậy.» Vợ đàn-việt nói: «Chồng con còn sống, con không muốn làm việc như vậy.» Tỳ-kheo liền cho người chồng ăn thức ăn không được phép ăn, khiến cho chết; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào [981a1] khi cho ăn thức ăn đó?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 4. Có tỳ-kheo đàn-việt bịnh đến thăm. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, dục tâm đắm trước, nói: «Cùng tôi làm việc như vậy.» Vợ của đàn-việt nói: «Chồng con còn sống con không muốn làm việc như vậy.» Tỳ-kheo liền cho người chồng uống thuốc độc, khiến cho đứt mạng, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Với ý nghĩ thế nào, khi thầy cho uống thuốc ấy? Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 5. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bịnh. Hình mạo của tỳ-kheo đoan chánh. Vợ của đàn-việt thấy, tâm dục tham đắm, ngõ ý với tỳ-kheo: «Đại đức có thể cùng tôi làm việc như vậy.» Tỳ-kheo nói: «Này chị, không được nói như vậy. Việc đó tôi không được làm. Chồng của chị còn, tại sao làm việc xấu như vậy?» Vợ của đàn-việt nói: «Khi mà chồng tôi chưa chết, thì không thể hòa hiệp với thầy được.» Người vợ liền cho chồng uống thuốc cho chết. Chồng chết rồi người vợ nói với tỳ-kheo: «Chồng tôi đã chết, có thể cùng tôi làm việc như vậy.» Tỳ-kheo nói: «Đại tỷ chớ nên nói như vậy. Việc đó, tôi không được làm.» Vợ của đàn-việt nói: «Tôi vì Thầy nên đã giết chồng tôi rồi, tại sao Thầy không chịu làm việc như vậy?» Tỳ-kheo nghe sanh nghi, bạch Phật, Phật hỏi: «Ngươi nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo liền thuật lại đầy đủ nhân duyên với đức phật. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Thuốc xổ, thức ăn không đúng, thuốc không đúng, cũng như vậy. 4. Phá thai 1. Bấy giờ, có người đàn bà chồng đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho có thai, liền đến vị tỳ-kheo mà gia đình thường cúng dường thưa: «Chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho con có mang. Thầy cho con thuốc trụy thai.» Tỳ-kheo liền chú nguyện nơi thức ăn rồi cho ăn, khiến cho người kia thai bị sẩy. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ngươi phạm ba-la-di.» 2. Có người đàn bà chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo mà gia đình thường cúng dường, nói: «Thưa Đại đức! Chồng con đi vắng, con có thai với người khác. Thầy cho con thuốc để cho thai sẩy.» Tỳ-kheo liền chú nguyện nơi thuốc, đưa cho uống, khiến cho thai bị sẩy. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Chú nguyện nơi thuốc bột mịn, chú nguyện nơi tràng hoa, chú nguyện nơi hương xông y phục, chú nguyện nơi thai cũng như vậy. Tất cả đều phạm ba-la-di. 3. Bấy giờ, có người phụ nữ, chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo-ni mà gia đình thường cúng dường, thưa: «Kính thưa A-di, chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm con mang thai. Sư cô cho con thuốc làm sẩy thai.» Tỳ-kheo-ni nói: «Này chị, tôi không rành về thuốc. Chị đến đây, tôi sẽ đè nơi bụng của chị.» Tỳ-kheo-ni đè nơi bụng, khiến cho thai bị sẩy; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Cô làm với ý nghĩ như thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 4. Có người phụ nữ, chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo-ni mà gia đình thường cúng dường, thưa: «Kính thưa A di, chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho con có mang. Sư cô cho con thuốc uống thai sẩy.» Tỳ-kheo-ni nói: «Tôi không rành về thuốc, đại tỷ đến đây, tôi sẽ vì đại tỷ cắn nơi đó.» Cô ni liền cắn nơi bụng, chỗ có thai, khiến cho thai bị đọa, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Cô làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 5. Có người phụ nữ chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường thưa: «Đại đức, chồng con đi vắng, người bên cạnh làm cho con có mang. Thầy cho con thuốc để phá thai.» Tỳ-kheo cho thuốc thổ hạ quá độ làm cho bà mẹ chết mà con còn sống. Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Bà mẹ chết không phạm. Phương tiện muốn đọa thai mà thai không chết, phạm thâu-lan-giá.» 6. Có tỳ-kheo đỡ người bịnh đứng dậy. Người bịnh qua đời, nghi. Đức phật dạy: «Không phạm.» Nếu đỡ ngồi dậy mà qua đời, không phạm. Nếu vì bệnh nhơn tắm mà họ qua đời, không phạm. Nếu khi uống thuốc mà họ qua đời, không phạm. 5. Cho bệnh chết sớm 1. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh mỏi mệt, cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho bệnh nhân đoạn mạng; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Vị nuôi bệnh thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 2. Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh, mỏi mệt, cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho bệnh nhân đoạn mạng; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Vị nuôi bệnh thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh mỏi mệt, cho uống không đúng thuốc, khiến cho chết; rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 3. Có tỳ-kheo bị bệnh lâu ngày mà có nhiều vật sở hữu. Vị nuôi bệnh với tâm tham của lợi, liền cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho qua đời; rồi nghi. Đức phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Vị nuôi bệnh thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 4. Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày, mà có nhiều tài vật. Vị nuôi bệnh với tâm tham lợi, cho uống không đúng thuốc, khiến cho qua đời; rồi nghi. Đức phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Vị nuôi bệnh thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» 5. Có tỳ-kheo dưới nách có mụt nhọt, một tỳ-kheo nặn giùm. Tỳ-kheo kia nói: «Đừng nặn, đừng nặn nữa!» Tỳ-kheo này vẫn cứ nặn, không chịu thôi. Tỳ-kheo kia chết. Tỳ-kheo này nghi, Đức phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được nặn mạnh như vậy.» 6. Có tỳ-kheo bị sưng cả mình, một tỳ-kheo dùng thuốc cấp tháo[23] thoa. Tỳ-kheo kia nói: «Thôi, thôi đừng thoa nữa. Đau nhức và nóng quá.» Tỳ-kheo này nói, «Gắng chịu đau một chút đi, sẽ khỏi.» Tỳ-kheo này không chịu ngưng thoa thuốc. Tỳ-kheo kia chết. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳkheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được cưỡng ép xoa như vậy.» 7. Có tỳ-kheo dời tỳ-kheo bệnh từ chỗ bóng mát đến chỗ nắng. Tỳ-kheo bịnh qua đời. Tỳ-kheo kia nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Dời từ chỗ nắng đến chỗ bóng mát cũng như vậy, không phạm. Tỳ-kheo bệnh tự ý muốn dời từ chỗ bóng mát đến chỗ nắng, từ chỗ nắng đến chỗ bóng mát. Người bệnh qua đời; người dìu nghi. Đức Phật nói: «Không phạm.» Dìu người bịnh ra khỏi nhà hoặc vào nhà, rồi người bệnh qua đời. Người dìu nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Người bệnh tự ý muốn ra khỏi phòng, dìu ra khỏi phòng; muốn vào phòng, dìu vào phòng, rồi qua đời. Người dìu không phạm. Dìu người bệnh đến chỗ đại tiện, rồi qua đời, hoặc dìu trở lại trong phòng rồi qua đời, người dìu đều không phạm. Dìu người bệnh đến chỗ tiểu tiện, rồi qua đời, hoặc dìu trở lại phòng, rồi qua đời, đều không phạm. 8. Có tỳ-kheo bị sốt rét. Một tỳ-kheo cưỡng bức đè xuống. Tỳ-kheo bệnh nói: «Chớ đè, chớ đè!» Tỳ-kheo kia cứ đè không thôi. Tỳ-kheo bệnh chết. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý gì?» Tỳ-kheo kia thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được cưỡng bức đè như vậy.» 9. Có tỳ-kheo bệnh, tỳ-kheo khác đến thăm, lật ngược cái khăn để xem mặt và hỏi: «Trưởng lão có bớt chút nào không?» Tỳ-kheo bệnh nói: «Đừng lật, đừng lật!» Vị kia cứ lật, không nghe. Tỳ-kheo bệnh chết. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được cưỡng mà lật như vậy.» 6. Sai bảo giết 1. Có số đông tỳ-kheo, phương tiện sai một người đi giết người kia. Người được sai bèn đi giết; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Tất cả đều phạm ba-la-di.» 2. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người đi giết người khác. Trong số đó có một người nghi, mà không ngăn. Người được sai liền đi giết. Người kia nghi. Đức Phật dạy: «Tất cả đều phạm ba-la-di.» 3. Có số đông tỳ-kheo, phương tiện cùng giết người khác. Trong số đó có một người nghi, liền ngăn. Nhưng người được sai kia vẫn đi giết. Người kia nghi. Đức Phật dạy: «Người ngăn phạm thâu-lan-giá. Người không ngăn phạm ba-la-di.» 7. Ngộ sát và cố sát 1. Có kẻ trộm lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bắt kẻ trộm đè xuống trị. Kẻ trộm chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được đè xuống để trị như vậy.» 2. Có kẻ trộm lấy y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bắt kẻ trộm bỏ dưới cái hầm. [982a1] Kẻ trộm chết, tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với tâm gì?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.» 3. Có ác tỳ-kheo lấy trộm y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Tỳ-kheo khác nói: «Ác tỳ-kheo này trộm lấy y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Cần phải bắt mà dạy cho biết pháp.» Bèn bắt đánh một trận quá tay. Sau đó, tỳ-kheo kia qua đời. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi đánh với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng đánh người thọ đại giới, phạm tội ba-dật-đề.»[24] 4. Có tỳ-kheo cùng bạch y cãi nhau. Tỳ-kheo đến quan kiện. Vị đại thần ra lệnh bắt nhốt bạch y vào ngục. Bạch y qua đời. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng kiện người mắc tội đột-kiết-la.» 5. Có tỳ-kheo giết con khỉ; rồi nghi rằng: «Mình đã đoạn mạng người, phạm ba-la-di.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không phạm. Đoạn mạng súc sanh, phạm ba-dật-đề.» 6. Có tỳ-kheo cùng với tỳ-kheo kia tranh cãi. Tỳ-kheo kia bệnh, tỳ-kheo này đến thăm. Tỳ-kheo khác xét thấy, tỳ-kheo này cùng tỳ-kheo bệnh trước có sự oán thù nhau, nay đến thăm ắt có việc gì khác. Tỳ-kheo này liền cho người bệnh dùng phi dược. Tỳ-kheo bệnh qua đời. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 7. Có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi. Tỳ-kheo kia du hành trong nhân gian, rồi mắc bệnh. Tỳ-kheo này nói: «Dù ngươi có đi đâu, cũng không thoát.» Liền đến thăm hỏi. Tỳ-kheo khác xét thấy, tỳ-kheo này trước đây cùng tỳ-kheo bệnh có sự oán thù, nay đến thăm hỏi, chắc có việc gì khác. Tỳ-kheo này liền cho tỳ-kheo bệnh phi dược. Tỳ-kheo bệnh qua đời. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Với tâm sát.» Đức phật dạy: «Ba-la-di.» Cho phi thực, có hai loại, cũng như vậy. 8. Bấy giờ, vào buổi sáng, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có một đứa bé đang ngủ trong nhà giã gạo. Thâu-la-nan-đà đến mó vào cái chày giã. Chày rơi nhằm đứa nhỏ, nó chết. Thâu-la-nan-đà nghi, đức Phật hỏi: «Cô làm với tâm niệm thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được sờ mó chày giã của người ta.» 9. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có một đứa nhỏ nằm ngủ bên cái cối giã gạo. Thâu-la-nan-đà đụng cái cối. Cái cối bị lật, đè chết đứa nhỏ. Thâu-la-nan-đà nghi. Đức Phật hỏi: «Cô làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được đụng chạm cái cối của người ta như vậy.» 10. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Trên giường có đứa nhỏ đang ngủ. Thâu-la-nan-đà không nhìn mà ngồi lên. Vợ người đàn-việt nói: «A-di chớ ngồi lên đứa nhỏ!» Cô không nghe nên ngồi lên. Đứa nhỏ liền chết. Cô ni nghi, đức Phật hỏi: «Cô với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Không có tâm sát. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được, nơi nhà bạch y không xem nơi chỗ ngồi mà ngồi.» 11. Bấy giờ, nước Xá-vệ có đàn-việt thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào sáng hôm sau. Đêm đó, sửa soạn các thức đồ ăn ngon bổ xong, sáng sớm đến thỉnh Thế Tôn phú trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo đều đến nhà đàn-việt, an tọa nơi chỗ ngồi. Theo thường pháp của Chư Phật là, chúng chưa tập hợp đủ thì không thọ thực. Bấy giờ, có một tỳ-kheo xuất gia khi tuổi muộn, dẫn theo đứa con cho xuất gia luôn. Tỳ-kheo, cha của đứa bé, khi tiểu thực, đi đến nhà bạch y khác. Các tỳ-kheo hỏi đứa bé: «Bố chú đi đâu, để đức Thế Tôn đợi mà không ăn?» Đứa bé thưa: «Con không biết.» Các tỳ-kheo bảo đứa bé đi tìm. Nó đi tìm gặp được tỳ-kheo bố. Nó nói: «Bố đi đâu mà để đức Phật và chúng Tăng phải chờ bố, không thọ thực?» Tỳ-kheo giận, nắm lấy đứa con. Đứa nhỏ vì tìm cách để chạy thoát khỏi nên xô tỳ-kheo cha té xuống đất. Bố nó bị chết, nó nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào, khi xô bố ngươi?» Nó thưa: «Con không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.» 12. Có bà mẹ bắt tỳ-kheo. Tỳ-kheo tìm cách thoát, nên xô bà mẹ té xuống đất chết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được xô đẩy mẹ như vậy.» 13. Có người cha bắt tỳ-kheo. Tỳ-kheo tìm cách thoát, nên xô cha té xuống đất chết, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Không với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được xô cha như vậy.» Anh bắt tỳ-kheo, chị bắt tỳ-kheo, vợ cũ bắt tỳ-kheo cũng như vậy. 14. Bấy giờ, có chị của vợ cũ nói với người em mình rằng: «Tại sao không đến tỳ-kheo đòi y thực?» Người em nói: «Vì đã xuất gia, em không muốn đòi cái gì cả.» Người chị nói: «Chỉ chỗ của tỳ-kheo cho chị. Chị sẽ sẽ đòi cho.» Người kia liền chỉ chỗ. Người chị nói với tỳ-kheo rằng: «Tại sao không cấp dưỡng y thực cho em gái tôi?» Người kia nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo xô để thoát. Người kia té xuống đất, chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.» 15. Có nam nữ bắt tỳ-kheo, tỳ-kheo xô để thoát, nam nữ bị té xuống đất chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi: Ngươi với ý nghĩ thế nào? Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.» 16. Bấy giờ, cách chùa ni không xa có người đàn ông bị chặt tay chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi[25] qua, cách nam tử không xa. Nam tử thấy, nói: «A-di cho con nước uống.» Tỳ-kheo-ni đưa cho Người đàn ông uống rồi, chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi: «Cô cho với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Con không có ý nghĩ sát sanh.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 17. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt tay, chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước đi qua, cách người đó không xa. Người đó thấy, nói: «A di cho con uống nước.» Tỳ-kheo-ni cho người đó uống rồi họ chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi: «Cô cho với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Con không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 18. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt tay, chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi qua cách người đó không xa. Người đó thấy, nói: «A-di, tôi cần tô-tỳ-la để rửa vết thương cho bơt nhức.» Tỳ-kheo-ni liền cho để rửa, rửa rồi bị chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi: «Cô cho với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Con không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được cho rửa như vậy.» Bưng nước đi cũng thế. 19. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt chân, chặt tay. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi qua cách đó không xa. Tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nếu cho tô-tỳ-la để rửa vết thương, may ra có thể chết sớm.» Nghĩ rồi liền cho. Người đó rửa xong thì chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi: «Cô với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo-ni thưa: «Con cho với tâm sát.» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» Bưng nước cho để rửa cũng như vậy. 20. Có số đông tỳ-kheo cùng nhóm sáu tỳ-kheo ở tại núi Kỳ-xà-quật, cùng nhau xẻ cây để lợp nhà. Một vị trong Nhóm sáu tỳ-kheo cầm một khúc cây nhọn, ném thẳng trúng nhằm một người. Khúc cây xuyên qua mình, người kia chết liền. Vị này nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được ném thẳng như vậy; mà nên liệng ngang.» 21. Tỳ-kheo tri sự [983a1] làm phòng mới. Đá rơi, trúng tỳ-kheo chết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Con không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Ngói rơi, cây rơi, kèo rơi, xà rơi, đòn dông roi, gỗ rơi, trúng người; cũng như vậy. 22. Bấy giờ, tại núi Kỳ-xà-quật, có người chăn bò, thả bò ăn cỏ. Một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo lấy hòn đá đập vào sừng bò. Đá văng trúng người chăn bò, chết. Vị ấy nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Vị ấy thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng đánh súc sanh không thể biến hóa thì mắc tội đột-kiết-la.» 23. Có tỳ-kheo ở trong núi Kỳ-xà-quật cạy đá rơi, trúng người đi đường chết; nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Con không có ý nghĩ giết người.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được cạy đá. Nếu có nhân duyên cần lấy đá thì nên bảo người đi tránh xa nơi đó.» 24. Có tỳ-kheo muốn xả giới, làm nghề hạ tiện.[26] Vị ấy nghĩ: «Ta đã từng xuất gia trong Phật pháp thì không thể lại làm ác sự như vậy.» Nghĩ như vậy xong, vị ấy liền lên trên đỉnh núi Ma-đầu tự gieo mình xuống để tự tử. Nhưng rơi trúng người đốn tre. Tỳ-kheo sống, người kia chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật nói: «Người kia chết, (tỳ-kheo) không phạm. Nhưng phương tiện muốn tự sát, phạm thâu-lan-giá.» 25. Có tỳ-kheo muốn thôi tu, làm nghề hạ tiện. Nhưng nghĩ: «Ta đã từng xuất gia trong Phật pháp thì không thể lại làm ác sự như vậy.» Vị kia liền leo lên đảnh núi Ba-la-ha-na, tự gieo mình xuống để chết, nhưng rơi trúng trên người chặt trúc. Người kia chết, tỳ-kheo sống. Vị tỳ-kheo nghi, đức Phật nói: «Người kia chết, (tỳ-kheo) không phạm. Nhưng phương tiện muốn tự sát mắc tội thâu-lan-giá.» 26. Có tỳ-kheo bưng nước tô-tỳ-la đi cách bãi tha ma không xa. [Theo phép nước, trị người có tội, lấy cọc nhọn xiên người rồi đem vất.][27] Một người bị bêu trên cỏ nhọn, nói, «Cho tôi uống nước.» Tỳ-kheo cho uống rồi, người ấy liền chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi cho uống với ý tưởng thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Không có tâm sát.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 27. Có tỳ-kheo bưng nước đi cách bãi tha ma không xa. Một người bị bêu trên cọc nhọn nói, «Cho tôi uống nước.» Tỳ-kheo cho uống rồi, người ấy chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật nói: «Không phạm.» 28. Có tỳ-kheo điên cuồng giết người, sau khi tỉnh lại thì biết, bèn nghi. Đức Phật nói: «Không phạm. Nếu tâm thác loạn, bị thống khổ bức bách, tất cả đều không phạm.» IV. ĐẠI VỌNG NGỮ 1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn 1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch đức Thế Tôn: «Kính bạch Đại đức, tỳ-kheo ở bên sông Bà-cầu, sự thật mình không có, nhưng vì miếng ăn, lại đến trước bạch y, tự khen mình, nói là được pháp thượng nhơn. Như vậy có phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» 2. Có tỳ-kheo tăng thượng mạn, tự bảo là đã đắc đạo, sau đó tinh cần không biếng nhác, chứng tăng thượng thắng pháp. Vị kia ghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, Nếu tỳ-kheo nào không tự tri kiến mà tự xưng là đắc pháp thượng nhơn, nói rằng: ‘Tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Sau thời gian khác, hoặc có người hỏi, hoặc không có người hỏi, vì mong cầu sự thanh tịnh, cho nên nói: ‘Tôi thật sự không biết, không thấy mà tự nói là biết là thấy.’ Tỳ-kheo nói hư vọng, phạm ba-la-di, không được sống chung. Tôi do tăng thượng mạn, tự bảo là đã đắc đạo. Sau đó, tinh tấn không biếng nhác, đặng tăng thượng thắng pháp. Ta nên làm thế nào?» Vị ấy, liền đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với các tỳ-kheo đồng ý, nói: «Lành thay, Trưởng lão vì tôi bạch đức Thế Tôn. Tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn, tôi sẽ y theo đó mà thực hành.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi trang nghiêm hạnh đầu-đà là điều khó làm, thiểu dục tri túc ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: «Nếu là tăng thượng mạn thì không phạm.» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch Đại đức, nếu đối trước loài súc sanh không thể biến hóa, tự xưng là đắc pháp thượng nhơn thì phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» «Bạch Đại đức, người tưởng là người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» «Người mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» «Người mà khởi ý tưởng chẳng phải người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» «Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Chẳng phải người mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» «Bạch Đại đức, nếu trước người nam mà khởi ý tưởng là nữ, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» «Trước người nữ mà tưởng là nam, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ba-la-di.» «Nếu đối với trước người nữ này mà khởi ý tưởng là người nữ kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» «Đối trước người nam này mà khởi ý tưởng người nam kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Nếu bằng ấn tín, hoặc sai người, hay viết thư, hiện tướng khiến cho họ biết rõ ràng thì phạm ba-la-di; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. «Kính bạch Đại đức, nếu đối trước trời rồng, a-tu-la, kiền-thát-bà, dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hóa được, tự xưng đắc pháp thượng nhơn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nói rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng phạm đột-kiết-la.» Bằng ấn tín, sai sứ, viết thư, hiện tướng khiến cho họ biết rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng phạm đột-kiết-la. 2. Tự xưng 1. Có tỳ-kheo trước người khác tự xưng là đắc pháp thượng nhơn, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» Muốn nói với người này, lại nói với người kia , tất cả đều phạm ba-la-di. 2. Có số đông tỳ-kheo du hành tại nước Câu-tát-la. Khi ấy, có bà-la-môn tin Phật, giỏi xem tướng, gặp họ, nói: «Đại đức A-la-hán đến.» Tỳ-kheo hỏi: «Ông nói gì?» Đáp: «Đại đức xứng đáng nhận y phục, thuốc men, những gì cần thiêt.» «Có lý đó.» Tỳ-kheo nói rồi nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» 3. Có tỳ-kheo tự nói chứng đắc căn, lực, giác ý, thiền định, giải thoát, tam muội, chánh thọ. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Phạm ba-la-di.» 4. Có tỳ-kheo giảng cho người về căn lực, giác ý, thiền định, giải thoát tam muội, chánh thọ. Nhưng không tự nói là đã đạt được. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» 3. Tự ám chỉ 1. Bấy giờ, tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói rằng: «Người thường nói pháp cho thí chủ đây là vị A-la-hán.» Đàn-việt liền hỏi: «Đại đức vừa nói gì?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» 2. Bấy giờ, tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói rằng: «Người thường đến nhà thí chủ đây là A-la-hán.» Đàn-việt liền hỏi: «Đại đức vừa nói gì?» Tỳ-kheo không trả lời, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» 3. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói: «Người thường đến ngồi chỗ ngồi đây là A-la-hán.» Đàn-việt liền hỏi: «Đại đức vừa nói gì?» Tỳ-kheo im lặng; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» 4. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói người: «Thường nhận thức ăn của ngươi là A-la-hán.» Đán việt liền hỏi: «Đại đức vừa nói gì?» Vị kia im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» 4. Tự hiện tướng 1. Bấy giờ, đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán thì cởi tăng-già-lê ra.» Tỳ-kheo liền cởi y, hiện tướng, mà không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» 2. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán thì [984a1] có thể ngồi trên giường giây.» Vị kia liền ngồi, hiện tướng, không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» 3. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán thì đứng dậy.» Vị kia liền đứng dậy, hiện tướng, không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm, thâu-lan-giá.» 4. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán, thì lên trên tầng gác.» Tỳ-kheo đi lên, hiện tướng, mà không nói. Nhưng rồi nghi. Phật nói: «Phạm thâu-lan-giá.» 5. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán thì có thể bước xuống.» Tỳ-kheo liền bước xuống, hiện tướng, không nói rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» 6. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói: «Người thường nói pháp cho thí chủ đây là Thanh văn đệ tử Phật. Đàn-việt hỏi: «Đại đức nói gì?» Vị kia im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» Thường vào nhà đàn-việt, nhận chỗ ngồi, nhận thức ăn, cũng như vậy. 7. Có đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là Thanh văn đệ tử Phật thì cởi tăng-già-lê. Vị kia liền cởi, hiện tướng, không nói nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Khoác tăng-già-lê, ngồi, đứng dậy, leo lên nhà gác, leo xuống cũng như vậy. 5. Mục-liên tự thuyết 1. Bấy giờ, tôn giả Mục-liên nói với các tỳ-kheo, về nghiệp, báo nhơn duyên, đạt được thần túc. Các tỳ-kheo nói với tôn giả: «Tôn giả nói có nghiệp báo, nhân duyên, đạt được thần túc. Việc không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có nghiệp báo, nhân duyên, và có thể đạt được thần túc như vậy. Mục-liên không phạm.» 2. Mục-liên bảo các tỳ-kheo là có nghiệp báo, nhân duyên, đạt được thiên nhĩ, biết túc mạng, biết được tâm của kẻ khác, thiên nhãn. Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả nói có nghiệp báo nhân duyên đạt được thiên nhĩ, cho đến thiên nhãn, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có nghiệp báo, nhân duyên, có thể đạt được thiên nhĩ, cho đến đạt được thiên nhãn. Mục-liên không phạm.» 3. Mục-liên bảo các tỳ-kheo rằng: «Này các Trưởng lão, có chúng sanh như vậy, từ hư không bay qua, nghe tiếng xúc chạm của xương cốt nó.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Đại đức, thầy nói có chúng sanh như vậy từ hư không bay qua, nghe tiếng khua động của xương cốt họ. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật daỵ: «Có chúng sanh như vậy. Mục-liên không phạm.» 4. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi thấy có chúng sanh toàn lông trong người của nó đều bằng kim, khi rút ra, khi đâm vào, nhận lấy vô lượng khổ. Nó kêu lớn tiếng vừa khóc vừa la.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả nói có chúng sanh như vậy. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà ta không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin sẽ chịu khổ lâu dài. Chúng sanh ở trong thành Vương-xá này ưa nói hai lưỡi, đấu tranh. Ác nghiệp nhơn duyên này phải đọa vào trong địa ngục trải qua trăm ngàn vạn năm, thọ các khổ não. Đây là nhân duyên tội còn sót lại, nên thọ lấy hình trạng như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.» 5. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi Thấy có chúng sanh lặn hụp trong hầm xí, chịu đại khổ thống, rên khóc kêu la.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả tự nói thấy có chúng sanh lặn hụp trong hầm cầu, chịu đại khổ thống kêu la rên khóc như vậy. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trước đây, ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin phải chịu khổ lâu dài. Chúng sanh ở trong nước Ba-la-nại này, thời đức Phật Ca-diếp, làm bà-la-môn, khi ấy thỉnh Phật và Tăng thọ thực, rồi dùng cái máng đựng đầy phẩn, sai người đến bạch: “Đến giờ.” Khi Phật và Tăng đến, bà-la-môn thưa: “Chư Đại đức, các Ngài có thể dùng thức ăn này theo ý muốn của mình, và tùy ý mang đi.” Do ác nghiệp nhơn duyên này mà đọa trong địa ngục Nê lê, thọ khổ trăm ngàn vạn năm. Vì tội ác nhơn duyên còn sót lại, phải lặn trong hầm cầu tiêu. Cho nên Mục-liên không phạm.» 6. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi thấy có chúng sanh ngồi trên giường bằng sắt. Lửa từ giường sắt tuôn ra đốt cháy cả thân, y bát tọa cụ, ống đựng kim cũng đều bị đốt cháy.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả nói thấy chúng sanh như vậy, thọ khổ như vậy, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin phải thọ khổ lâu dài. Chúng sanh ở nước Ba-la-nại này, trong quá khứ, thời đức Phật Ca-diếp, đã làm tỳ-kheo ác. Do nhơn duyên này đọa vào địa ngục trăm ngàn vạn năm thọ các khổ thống. Vì ác nghiệp nhân duyên còn sót lại nên thọ thân như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.» Tỳ-kheo-ni ác, thức-xoa-ma-na ác, sa-di, sa-di-ni thọ khổ cũng như vậy. 7. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi thấy chúng sanh, thân hình của nó bị đốt cháy, các con ruồi bao quanh rúc rỉa, đau khổ kêu la» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả nói thấy có chúng sanh như vậy, thọ khổ như vậy, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin thọ khổ lâu dài. Chúng sanh này là đệ nhất phu nhân của Vua Ca-lăng-già, vì tâm tật đố, nên lấy dầu và nước sôi rót vào đầu của đệ nhị phu nhân đang ngủ. Do nghiệp báo nhân duyên này phải đọa vào địa ngục trăm ngàn vạn năm chịu các sự đau khổ. Vì nghiệp báo nhân duyên còn dư nên thọ thân này như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.» 8. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi thấy cung điện thành quách của A-tu-la ở dưới đáy biển mà nước treo bên trên, không vào trong cung thành của họ.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả tự nói là thấy cung thành của A-tu-la ở dưới đáy biển, bốn bên và trên đều không có nước vào, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có sự việc như vậy. Cung thành của A-tu-la, bốn phía và trên có bốn loại gió để giữ nước lại:[28] trụ phong, trì phong, bất diệt phong, lao hệ phong. Cho nên Mục-liên không phạm.» 9. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi thấy có chúng sanh như vầy: Không xương, không da, không thịt, không máu, không có bất tịnh cũng không có nhọc mệt, và người nữ mà không sanh sản.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả tự nói có chúng sanh như vậy, cho đến có người nữ mà không sanh sản, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có chúng sanh như vậy, Mục-liên không phạm.» 10. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, đại Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Các Trưởng lão, tôi nhập định không huệ,[29] nghe có tiếng nước khi voi chúa Y-la-bà-ni đi[30] xuống ao Nan-đà.[31]» Các tỳ-kheo nói với Đại đức Mục-liên rằng: «Đại đức nói nhập định không huệ, nghe tiếng có nước khi voi chúa Y-la-bà-ni đi xuống ao Nan-đà. Đại đức nhập định không huệ mà nghe âm thanh là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có loại định như vậy mà không thanh tịnh. Mục-liên không phạm.» 11. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi nhập định không huệ, nghe tiếng nước khua động của tám mươi bốn ngàn con voi vào trong ao Mạn-đà-diên.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Đại đức tự nói nhập định không huệ mà nghe tiếng khua động của nước do các con voi kia vào trong ao Mạn-đà-diên.» «Đại đức, vào định không huệ mà con nghe âm thinh là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có loại định như vậy, nhưng không thanh tịnh. Mục-liên không phạm.» 12. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Tôi nhập định không huệ, nghe tiếng nước khua động của voi chúa nọ vào trong ao Tô.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên rằng: «Tự nói, nhập định không tuệ mà nghe tiếng khua động của nước do voi chúa nọ vào trong ao Tô. Làm sao nhập vào định không huệ nào mà còn nghe âm thanh? Điều này không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Có loại định như vậy, nhưng chẳng phải là thanh tịnh. Mục-liên không phạm.» Thức không huệ xứ, vô sở huệ không xứ[32] cũng như vậy. 13. Bấy giờ, Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Các Trưởng lão, phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt.[33] Nước trong ao thanh tịnh không có cấu uế. Trong ao có hoa phân-đà-lợi,[34] lớn như bánh xe, gốc của nó như cái trục xe. Bẻ nó, thì có một loại nước màu trắng tiết ra như sữa, vị của nó như mật.» Các tỳ-kheo nói: «Tôn giả tự nói phương Bắc có cái ao như vậy, đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Phương Bắc có cái ao như Mục-liên đã nói. Mục-liên không phạm.» 14. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Cách ao ấy không xa, lại có một ao tên là Man-đà-diên,[35] ngang dọc năm mươi do tuần. Nước trong ao thanh tịnh, không có cấu uế. Trong ao có bông sen sắc vàng, lớn như bánh xe.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Như lời Thầy nói có cái ao như vậy, đó là điều không thể có. Bấy giờ, đại Mục-liên dùng sức thần lực đến nơi đó, hái một bông sen đem về chùa để trong phòng, mời các tỳ-kheo đến nói: «Phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt, cách ao đó không xa có ao tên là Man-đà-diên, trong ao có hoa sen sắc vàng, lớn như bánh xe.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Không có điều đó. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Bấy giờ, Mục-liên trở về trong phòng lấy hoa sen đem ra chỉ cho các tỳ-kheo và nói: «Các Trưởng lão, hoa sen này là thật chăng?» Các tỳ-kheo lại nói: «Tôn giả là A-la-hán, có sức thần thông, có thể biến hóa ra chứ chẳng phải là chơn thật. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Mục-liên nói đúng sự thật. Không phạm.» 15. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Phương bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Nước từ trong ao ấy chảy đến đây; trào vọt ra ở đây.[36] » Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Tôn giả nói phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Nước từ trong ao ấy chảy đến đây; trào vọt ra ở đây. Đức Thế Tôn đã dạy như vầy: “Dựa vào gốc để biết.” Nước trong ao kia trong mà mát, mà nước này nóng và bẩn đục. Sự việc này không phù hợp. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Mục-liên nói đúng vì nước này chảy qua tiểu địa ngục rồi mới tuôn ra nơi thành Vương-xá, cho nên mới nóng và bẩn. Mục-liên không phạm.» 16. Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Ở chỗ xuất xứ của dòng nước này, bên dưới đó có ao nước trong mát. Nước từ đó chảy đến đây.» Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Mục-liên nói như vậy. Nhưng Thế Tôn dạy: “Dựa vào gốc để biết.” Nước này nóng sôi; mà nước bên dưới lại trong mát. Điều này không phù hợp. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Này các tỳ-kheo, như Mục-liên nói. Chỗ xuất xứ của dòng nước sôi này, bên dưới có ao nước trong mát, không có bẩn đục. Nước từ đó chảy qua tiểu địa ngục rồi tuôn ra nơi thành Vương-xá, cho nên nóng sôi, có bẩn đục. Mục-liên không phạm.» 17. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, và Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, đánh nhau ở biên giới giữa hai nước. Vua Ba-tư-nặc phá vỡ quân của Vua A-xà-thế. Lúc ấy, Mục-liên bảo các tỳ-kheo: «Vua Ba-tư-nặc, và Vua A-xà-thế đánh nhau ở biên giới giữa hai nước. Vua Ba-tư-nặc đã thắng.» Sau đó, Vua A-xà-thế cất quân đánh lại. Vua A-xà-thế thắng. Bấy giờ, thành Vương-xá công bố cho quốc nội được biết, Vua A-xà-thế phá quân của Vua Ba-tư-nặc. Các tỳ-kheo nói với Mục-liên: «Thầy nói, Vua Ba-tư-nặc cùng Vua A-xà-thế đánh nhau, Vua Ba-tư-nặc phá quân của A-xà-thế, mà nay trong nước Ma-kiệt công bố Vua A-xà-thế phá quân của Vua Ba-tư-nặc. Mục-liên, dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Có sự việc như vậy. Vua Ba Tư Nặc phá quân Vua A-xà-thế. Vua A Xà Thế, sau đó lại cất quân phá quân của vua Ba-tư-nặc trở lại. Mục-liên thấy việc trước mà không thấy việc sau cho nên Mục-liên không phạm.» Vua A Xà Thế cùng Tỳ-xá-ly đánh nhau cũng như vậy. 18. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Mục-liên: «Thôi, đủ rồi, Thầy đừng nói nữa. Tại sao vậy? Các tỳ-kheo không tin lời Thầy. Đừng khiến cho các tỳ-kheo không tin mà phải mắc nhiều tội.» Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Các ngươi nên tin tỳ-kheo A-la-hán có đại thần lực này. Chớ có nghi ngờ, không tin, để rồi phải chịu khổ lâu dài.» 19. Trong số đó có tỳ-kheo tên là Nghiêm Hảo,[37] bảo các tỳ-kheo: «Các Trưởng lão, tôi nhớ sự việc của năm trăm kiếp.» Các tỳ-kheo nói: «Đức Thế Tôn chưa từng tự nói là nhớ sự việc của năm trăm kiếp, mà Thầy tự nói như vậy. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo Nghiêm Hảo nhớ sự việc của một đời sống.[38] Ta còn nhớ sự việc của vô số đời sống khác nhau, cho đến việc thọ hình tướng mạo, những gì đã nói năng thảy đều nhớ hết.» Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo Nghiêm Hảo không phạm.» B. TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA I. LỘNG ÂM 1. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất chắp tay, bạch Phật: «Bạch Đại đức! Ca-lưu-đà-di cố ý lộng âm xuất bất tịnh, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» 2. Có tỳ-kheo ngủ với tâm tán loạn, trong mộng xuất bất tịnh, biết rõ. Vị kia nghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, ‘Cố ý lộng âm xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.’ Ta ngủ với tâm tán loạn, trong mộng xuất bất tịnh, tự nhớ biết rõ, vậy ta có phạm không?» Không biết nên thế nào, Vị ấy đem nhân duyên này thưa với các tỳ-kheo: «Lành thay, Trưởng lão! Thầy vì tôi bạch với đức Phật. Nếu đức Phật dạy thế nào thì tôi phụng hành thế ấy.» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng và bảo các tỳ-kheo rằng: «Ngủ với tâm tán loạn có năm điều tai hại: 1. Mộng thấy việc ác. 2. Chư thiên không hộ vệ. 3. Tâm không nhớ pháp. [986a1] 4. Không buộc tư tưởng nơi ánh sáng. 5. Trong mộng bị xuất tinh. Ngủ với tâm tán loạn có năm điều tai hại như vậy. «Ngủ trụ tâm có năm điều công đức: 1. Không thấy ác mộng. 2. Chư thiên hộ vệ. 3. Tâm tư vui nơi pháp. 4. Buộc tư tưởng nơi ánh sáng. 5. Không xuất bất tinh. Ngủ trụ tâm có năm điều công đức như vậy. «Trong mộng xuất bất tịnh, không phạm.» 3. Có tỳ-kheo, trong mộng hồi tưởng rồi lộng âm xuất bất tịnh. Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có tỳ-kheo hồi tưởng tà vạy, xuất bất tịnh. Đức Phật dạy: «Không phạm. Nếu thấy sắc đẹp, không xúc chạm mà xuất bất tịnh thì không phạm.» Có tỳ-kheo hồi tưởng, rồi lộng âm xuất bất tịnh, vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có tỳ-kheo hồi tưởng, lộng âm mà không xuất, nghi. Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» 4. Có người nữ nắm phía trước tỳ-kheo. Tỳ-kheo động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có người nữ nắm phía trước tỳ-kheo, không động thân mà xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Nắm sau tỳ-kheo có ba việc, cũng như vậy. 5. Có người nữ cầm chân tỳ-kheo kính lễ. Vị ấy động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa. » Có người nữ cầm chân tỳ-kheo kính lễ, không động thân, mà xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Có người nữ kính lễ sát chân Nan-đà. Nan-đà đa dục, xuất bất tịnh, rơi trên đầu người nữ. Người nữ hổ thẹn. Nan-đà cũng xấu hỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép Nan-đà sắm chiếc y để ngăn thân.» 6. Có tỳ-kheo khi đi, nam căn chạm vào niết-bàn-tăng, xuất bất tịnh. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Nếu khi đại tiểu tiện xuất bất tịnh, không phạm. Nếu tắm rửa trong nước lạnh, nước nóng, bị xuất bất tịnh, không phạm. 7. Có tỳ-kheo đem nam căn để ngược nước, tưởng tượng, thân động xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm Tăng-già-bà-thi-sa.» Có tỳ-kheo dùng nam căn để xuôi nước, tưởng tượng, thân động xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Có tỳ-kheo dùng nước rưới nam căn, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Có tỳ-kheo dùng nam căn để ngược gió, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Trường hợp để xuôi gió, dùng miệng thổi nam căn, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, tưởng tượng không động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Tất cả các trường hợp trên đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có bà mẹ nắm con là tỳ-kheo. Tỳ-kheo thân không động, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Người chị nắm tỳ-kheo, vợ cũ, người tình cũ, dâm nữ nắm tỳ-kheo cũng như vậy. 8. Có tỳ-kheo tưởng tượng rồi vọc kẽ giữa của xương, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo tắm trong nhà tắm, dùng thuốc bột mịn hoặc bùn xoa chà nơi thân, xúc chạm nhầm, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» Khi kêu lớn tiếng, hoặc khi dụng sức để làm việc, xuất bất tịnh, không phạm. Có tỳ-kheo tưởng tượng, vọc ở khoảng giữa đường đại tiểu tiện, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Nếu tưởng là đạo hoặc nghi, phạm thâu-lan-giá. Nếu tưởng phi đạo mà không nghi, phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Cũng vậy, nơi bắp vế, eo bàn chân, eo đầu gối, bên nách, kẽ vú, nơi nách, lỗ mũi, lỗ tai, nơi mụt ghẻ, nơi kẽ giường giây, giường cây, hoặc nơi nệm lớn, nệm nhỏ, nơi gối, nơi đất, nơi bùn, nơi gạch, trong miệng bình, tất cả những trường hợp như vậy, nếu tưởng là đạo hoặc nghi, đều phạm thâu-lan-giá; nếu tưởng là phi đạo, không nghi, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ-kheo vì mục đích khoái lạc, nên tưởng tượng và vọc âm, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Vì mục đích khoái lạc, vì để thử nghiệm, vì phúc đức, vì thờ tự, vì thiện đạo, vì bố thí, vì lấy giống, vì vui đùa, vì sức lực, vì nhan sắc, nên thẩm định mà làm, tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.[39]
Chú thích: [16] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 40. [17] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Pali, Pilindavaccha. Truyện kể, Vin.iii. 67. [18] Pali, ibid., Phật nói: «Không phạm, đối với ai hiện thần thông khi cần hiện thần thông.» (anāpatti bhikkhave iddhipadamassa iddhavisaye). [19] Cao Thắng 高勝. Ngũ phần 28: A-thù. Thập tụng 58: Trực Tín, đệ tử cộng hành của A-nan. Pali, Vin.iii. 66: Ajju. [20] Pali, ibid., «cho đứa nào có tín tâm.» [21] Ngũ phần 28, Tăng chia thành hai bộ, tán trợ A-thù (Cao Thắng) và A-nan; sáu năm không bố-tát. Do đó, La-hầu-la phải can thiệp, vận động các bà họ Thích yêu cầu A-nan hoà hiệp với A-thù. [22] Pali, ibid., do chính Upāli can thiệp. [23] Cấp tháo dược 急躁藥; không hiểu thuốc gì. [24] Tỳ-kheo, ba-dật-để 78. [25] Tô-tỳ-la tương 蘇毘羅漿. Pali: suvīraka, cháo chua. Cf.Vin. iii. 86: cho uống takka, sữa bò tinh luyện, sữa bơ. Tham chiếu Thập tụng 58 (T23n1435 tr.436a23): có phạm chí bịnh ghẻ ngứa, xin thuốc nước tô-tỳ-la 蘇毘羅漿. Người ấy uống và chết. [26] Hạ nghiệp 下業; nghề nghiệp thấp hèn, thường chỉ nghề giết chó của Chiên-đà-la. Skt. nīca-karma. [27] Đoạn trong ngoặc, có trong Tống-Nguyên-Minh, nhưng không có trong bản Cao-ly. [28] Bốn thứ gió: trụ phong 住風, trì phong 持風, bất diệt phong 不滅風, lao hệ phong 牢繫風 . Xem Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.130a25): trụ phong 住, trì phong 持, bất động phong 不動, kiên cố phong 堅固. [29] Đây chỉ không vô biên xứ định. Định thuộc thế gian, hữu lậu. Cf. Vin.iii. 108: Nghe đàn voi đang qua sông khi nhập bất động tam muội (āneñjaṃ samādhiṃ). [30] Y-la-bà-ni tượng vương 伊羅婆尼象王. Pali: erāvaṇa (Skt. airāvaṇa), con voi sáu ngà của Thiên đế Thích. Xem, Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.132a19): Y-bát-la Long vương 伊羅缽龍王. [31] Nan-đà trì 難陀池. Pali: Nandapokkharaṇī, ao sen trong vườn Nanda trên trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa). Xem Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.132a11): Đại hỷ trì 大喜池. [32] Tức thức vô biên xứ định, và vô sở hữu xứ định. [33] A-nậu-đạt 阿耨達. Pali: Anotatta, xem cht. trên. [34] Phân-đà-lợi 分陀利. Pali: puṇḍarīka, hoa sen trắng. [35] Mạn-đà-diên 曼陀延. Pali: Mandākinī, một trong bảy hồ lớn trên Himālaya. Cf. A.iv. 101. [36] A-nậu-đạt được coi là phát nguyên của bốn sông lớn: Hằng hà, Tín độ, Đồ-đa, Phược-xo. Xem Câu-xá 11. [37] Nghiêm Hảo 嚴好. Vin. iii. 109: Sobhita. Được Phật công nhận là có thể nhớ nhiều tiền kiếp (pubbenīvāsānussata). [38] Chỉ nhớ được đời sống của một người (trải qua nhiều kiếp). Cf. ibid., sā ca kho ekāyeva jāti. [39] Hết quyển 56. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích II. XÚC NỮ 1. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, bạch Phật rằng: «Kính bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di cùng người nữ, hai thân xúc chạm nhau, phạm hay không» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu cùng đàn ông, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu cùng huỳnh môn, thân xúc chạm nhau phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu cùng người hai căn, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu cùng súc sanh không thể biến hóa, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Đột-kiết-la.» Thưa: «Nữ loài người, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Thưa: «Nữ loài người, mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ loài người, tưởng nữ loài phi nhơn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ loài phi nhơn, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ loài phi nhơn, nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nữ, nhưng xúc chạm thân người nam, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Nếu khởi tưởng là người nam nhưng xúc chạm người nữ, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Xúc chạm thân người nữ này nhưng khởi ý tưởng là thân người nữ khác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Thưa: «Xúc chạm thân người nam này, nhưng khởi ý tưởng là thân người nam khác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Đột-kiết-la.» Thưa: «Cùng thiên nữ, long nữ, a-tu-la nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỉ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» 2. Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, động thân; sinh nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, không động thân; sinh nghi. Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, động ngón chân cái; sinh nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Có người nữ giỡn, nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo nghi. đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Tỳ-kheo giỡn, nắm tay người nữ; cũng như vậy. 3. Có tỳ-kheo nắm đuôi con trâu cái lội qua sông. Lội qua rồi mới biết là con trâu cái. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật nói: «Không phạm. Nhưng không được nắm đuôi con trâu cái để lội qua sông.» Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chéo y người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo vì dục tâm nên nắm lấy đồ trang sức phần trên thân người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» 4.Có tỳ-kheo vì tâm dục sờ đốt xương cùng của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 5. Có người mẹ nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo khi cảm giác được xúc chạm thì cảm thọ lạc, không động thân; nghi. Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Chị, vợ cũ, dâm nữ; cũng như vậy. 6. Có tỳ-kheo vì dục[987a1] tâm nắm tóc người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 7. Có người đàn bà chưa chồng bị nước trôi. Tỳ-kheo thấy, khởi từ tâm liền vớt lên, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Tỳ-kheo thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có người nữ Ma hương[40] bị nước trôi, tỳ-kheo thấy khởi từ tâm liền vớt lên, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Tỳ-kheo thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Có tỳ-kheo xúc chạm thân người nữ chết mà chưa rã, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Nếu xúc chạm với thân mà đa phần chưa hư hoại, cũng phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu xúc chạm với thân hư hoại phân nửa, phạm thâu-lan-giá. Nếu xúc chạm với thân phần nhiều bị hư hoại, hoặc tất cả đều hư hoại, đều phạm thâu-lan-giá. 8. Có người nữ dựa vào giường. Tỳ-kheo vì dục tâm động vào giường, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm tay người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chân người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm Tăng-già-bà-thi-sa.» Có người nữ nắm tay tỳ-kheo. Tỳ-kheo khi cảm giác được xúc chạm, có cảm thọ lạc, bèn động thân, rồi nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Đáp: «Có.» Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Người nữ nắm chân tỳ-kheo cũng như vậy. Có tỳ-kheo vì giỡn nắm tay người nữ, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Nắm chân cũng như vậy. Có người nữ vì giỡn, nắm tay tỳ-kheo, tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo: «Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Nắm chân cũng như vậy. Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chéo y người nữ kéo. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo vì dục tâm cùng người nữ đập dũ y, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm khoen tai của người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Nắm tràng hoa, nắm vòng xuyến, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 9. Có tỳ-kheo đi chung với người nữ trong mưa. Bùn trơn, người nữ bị trượt chân té xuống đất. Tỳ-kheo cũng trượt chân té xuống đất, nằm lên trên người nữ, rồi nghi, đức Phật hỏi: «Khi đụng chạm nhau, ngươi có thọ lạc không?» Tỳ-kheo trả lời: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» Tỳ-kheo té xuống, người nữ té chồng lên trên cũng vậy. Có tỳ-kheo đi chung với người nữ trong mưa. Cả hai đều trượt chân, cùng té, chạm nhau và cùng lăn, rồi tách ra. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Khi đụng chạm nhau, ngươi có thọ lạc không?» Vị kia thưa: «Không.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 10. Có tỳ-kheo, tay đụng chạm vào khoảng giữa đường đại tiện và tiểu tiện của người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Nếu đụng chạm giữa đùi, vào háng, vào khuỷu chân, bên hông, giữa hai vú, lỗ tai, lỗ mũi, vào mụt nhọt, tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa. 11. Có tỳ-kheo ôm sa-di nhỏ, vuốt ve, hôn; rồi nghi, đức Phật bảo: «Ngươi làm như vậy với ý nghĩ thế nào?» Vị kia thưa: «Vì thương mến nó, chứ không có tâm dục.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.» 12. Có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo-ni, hai thân xúc chạm nhau; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni; cũng như vậy. 13. Có tỳ-kheo bưng nước tô-tỳ-la đi trên đường. Vợ cũ gọi, bảo cùng làm bất tịnh hạnh, rồi đưa nữ căn ra cho thấy. Vị kia liền dùng nước tô-tỳ-la rưới trên đó và nói: «Đồ thối thì cho dính đồ thối.» Tỳ-kheo nghi. đức Phật hỏi: «Ngươi với tâm như thế nào khi làm như vậy?» Tỳ-kheo thưa: «Vì làm nhục tâm ý nó chứ không có dục tâm.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.» Bưng nước đi trên đường, cũng như vậy. Có dâm nữ rủ tỳ-kheo bảo làm bất tịnh hạnh. Dâm nữ khoe nữ căn cho tỳ-kheo thấy. Tỳ-kheo lấy hòn đá đập vào nữ căn của người kia, rồi nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi nghĩ thế nào khi đập như vậy?» Vị kia thưa: «Vì làm nhục tâm ý của nó chứ không có dục tâm» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng đánh người nữ phạm đột-kiết-la» 14. Có người nữ dựa vào cây, tỳ-kheo vì dục tâm động cây, nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Giường giây, giường ngồi, giường xí,[41] ván, đá, bình phong, thang, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Có người nữ đi trên xe. Tỳ-kheo vì dục tâm, động xe, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Xe kéo, thuyền, cũng như vậy. Có người nữ nắm sau lưng tỳ-kheo. Tỳ-kheo quay lại nhìn, thấy là người nữ, có cảm thọ lạc khi biết được xúc chạm, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» III. THÔ ÁC NGỮ 1. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất chấp tay, bạch Phật: «Bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di nói lời thô ác với người nữ, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Hỏi: «Kính bạch Đại đức, nếu nói lời thô ác với người nam, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Hỏi: «Nếu nói lời thô ác với huỳnh môn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Nếu nói lời thô ác với người hai căn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Nếu nói lời thô ác với súc sanh có thể biến hóa được, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Hỏi: «Kính bạch Đại đức, nữ loài người, tưởng là nữ loài người, nói lời thô ác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Hỏi: «Nữ loài người mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Nữ loài người tưởng nữ loài phi nhơn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Nữ loài phi nhơn, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ loài phi nhơn mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Kính bạch Đại đức, tưởng là người nữ, nói lời thô ác với người nam, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Bạch Đại đức, tưởng là người nam, nói lời thô ác với người nữ, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là người nữ này mà nói lời thô ác với người nữ kia, rồi nghi.» Đức Phật dạy: «Nếu nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Ấn tín, thơ tín, ra dấu, người kia biết rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Hỏi: «Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là người nam này, nói lời thô ác với người nam kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Hỏi: «Bạch Đại đức, nếu cùng thiên nữ, long nữ, a-tu-la nữ, dạ xoa nữ, ngã quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa được nói lời thô ác, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nói rõ ràng phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.» Ấn tín, thư tín, ra dấu người ấy biết rõ ràng phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. 2. Bấy giờ, có tỳ-kheo nói thô ác đối với người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói rõ ràng phạm tăng-già-bà-thi-sa, không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Muốn nói với người này, nhưng nhầm với người kia, tất cả đều phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Có dâm nữ bảo tỳ-kheo cùng làm bất tịnh hạnh. Dâm nữ khoe nữ căn cho thấy. Tỳ-kheo nói: «Mong cho nữ căn của ngươi bị vỡ, bị thúi, bị rã, bị cháy, bị rụng mất, để cho con lừa làm chuyện như vậy như vậy.» Tỳ-kheo nói như vậy rồi nghi, đức Phật hỏi: «Ngươi nói như vậy với ý nghĩ thế nào?» Tỳ-kheo thưa: «Chỉ muốn làm nhục tâm ý nó, chứ không có tâm dục.» Đức Phật dạy: «Không phạm. Nhưng dùng ác ngôn, phạm đột-kiết-la.» 3. Ca-lưu-đà-di là người có tánh ưa nói tục. Phật nói: «Tánh ưa nói tục, phạm đột-kiết-la.» Nhóm sáu tỳ-kheo, có tánh ưa nói tục. Phật nói: «Đột-kiết-la.» 4. Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, nói với vợ đàn-việt rằng: «Có thể được hay không?» Vợ đàn-việt liền hỏi lại: «Đại đức vừa nói gì, có thể được hay không?» Tỳ-kheo im lặng; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, [988a1] bưng bát đến nhà bạch y nói với vợ đàn-việt rằng: «Cho tôi đi!» Vợ cư sĩ liền hỏi lại: «Đại đức nói cho cái gì?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Hoặc nói, «Sẽ cho tôi không?» Hoặc nói, «Hãy xem.» Hoặc nói, «Giống cái gì?» Nói không rõ ràng, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 5. Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ rằng: «Tỳ-kheo ấy, cần gì thì cho.» Người vợ trả lời: «Được.» Đàn-việt ấy liền đến chỗ tỳ-kheo nói: «Tôi đã bảo vợ tôi, tỳ-kheo ấy cần gì thì cho. Đại đức cần gì thì cứ đến lấy.» Tỳ-kheo nói: «Được.» Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt nói với tỳ-kheo: «Chồng tôi bảo tôi rằng, tỳ-kheo cần gì thì cho. Nay Đại đức có cần gì thì cứ nói.» Tỳ-kheo nói: «Cô không thể cho hết cho tôi đâu.»[42] Vợ đàn-việt thưa: «Thưa Đại đức, cho hết, là cho cái gì mà không thể?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt bảo vợ: «Tỳ-kheo ấy cần gì thì cứ cho.» Đàn-việt liền đến chỗ tỳ-kheo nói: «Con đã bảo vợ con, Đại đức cần gì thì cứ cho. Vậy Đại đức cần gì thì cứ đến lấy.» Tỳ-kheo nói: «Tốt.» Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt thưa: «Chồng con đã bảo, tỳ-kheo ấy cần gì thì cho. Bây giờ Đại đức cần gì, thì cứ nói.» Tỳ-kheo nói: «Cô có thể cho hết, trừ việc ấy thì không thể cho.» Vợ đàn-việt biết ý của tỳ-kheo liền nói: «Cho hết được. Viêc ấy cũng cho được.» Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ: «Hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết.» Đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo thưa: «Con đã bảo vợ con, hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết. Vậy Đại đức cần gì cứ đến lấy.» Tỳ-kheo nói: «Được.» Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà kia, trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt thưa: «Chồng con đã dặn: Hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết. Giờ Đại đức cần gì thì cứ nói.» Tỳ-kheo nói: «Cô không nên cho hết.» Vợ đàn-việt hỏi: «Đại đức, cái gì mà nói là không nên cho hết?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» (Vế kế tiếp hoàn toàn đồng với vế này, thay bằng câu nói: Cô hết thảy nên cho, trừ việc này không được cho. Cô kia nói: Việc này cũng có thể cho, tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: tăng-già-bà-thi-sa).[43] Có tỳ-kheo khất thực sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, nam căn khởi, nói với vợ đàn-việt rằng: «Nảy nở.»[44] Vị kia hỏi: «Đại đức, nảy nở cái gì?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» 6. Tỳ-kheo có thức-xoa-ma-na là đàn-việt. Cô thường phạm giới, đối trước tỳ-kheo sám hối. Tỳ-kheo nói: «Ngươi không hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh.» Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi: «Ngươi nói với tâm ý thế nào?» Vị kia thưa: «Vì giáo thọ chứ không có dục tâm.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 7. Tỳ-kheo có đồng nữ là đàn-việt, thường phạm giới, nói cho tỳ-kheo biết. Tỳ-kheo nói: «Ngươi không hổ thẹn, phạm người trì giới.» Tỳ-kheo nghi. Phật hỏi: «Ngươi nói với tâm ý thế nào?» Vị kia thưa: «Vì giáo thọ, chứ không có dục tâm.» Đức Phật dạy: «Không phạm.» 8. Có tỳ-kheo sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nơi đây, có người nữ đang quậy sữa,[45] để hớ hênh. Tỳ-kheo thấy rồi nói: «Cô quậy sữa?» Cô gái hỏi lại: «Thưa Đại đức, đúng vậy, tôi đang quậy sữa.» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, bấy giờ, có người đàn bà quàng áo đỏ, để lộ hình. Tỳ-kheo thấy, bèn nói: «Cô quàng áo đỏ?»[46] Cô ấy trả lời: «Thưa Đại đức, tôi quàng đỏ.» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Phật: «Phạm thâu-lan-giá.» 9. Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Có dâm nữ là đàn-việt của tỳ-kheo, nói với tỳ-kheo: «Thưa Đại đức, nếu cần chuyện ấy, cứ nói.» Tỳ-kheo im lặng. Dâm nữ nói: «Thưa Đại đức, bây giờ Đại đức cần cái gì? Sao im lặng?» Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» 10. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Có người nữ ngoại đạo,[47] tướng mạo xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy phải lòng người ấy. Thời gian sau, người nữ này đang đi cách Kỳ-hoàn không xa. Tỳ-kheo nói: «Cô làm nhiều.»[48] Người nữ nói: «Thật vậy, làm nhiều.»[49] Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.»[50] IV. SÁCH CÚNG DƯỜNG 1. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn: «Kính bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di đối trước người nữ, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Hỏi: «Bạch Đại đức, nếu đối trước đàn ông, tự khen ngợi thân mình; phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Hỏi: «Bạch Đại đức, đối trước huỳnh môn, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Bạch Đại đức, đối trước người hai căn, tự khen thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Hỏi: «Nếu đối với súc sanh không thể biến hóa, tự khen thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Thưa: «Nữ loài người tưởng là nữ loài người, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Thưa: «Nữ loài người mà nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ loài người tưởng nữ phi nhơn, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ phi nhơn tưởng nữ loài người phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Nữ phi nhơn, nghi, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là nữ, nhưng đối trước người nam, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm thâu-lan-giá.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng người nữ này, nhưng đối trước người nữ kia, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Ấn tín, thư tín, hiện tướng rõ ràng thì phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Hỏi: «Bạch Đại đức, nếu đối trước người nam này, khởi ý tưởng là người nam kia, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm đột-kiết-la.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu đối trước thiên nữ, long nữ, a-tu-la-nữ, dạ-xoa nữ, ngã quỉ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Nói rõ ràng, phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng thì phạm đột-kiết-la.» Ấn tín, thư tín, hiện tướng khiến cho biết rõ ràng phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng, đột-kiết-la. 2. Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ: «Nếu tỳ-kheo ấy nói cần thứ gì, thì tùy theo đó, mình nên cúng dường.» Người vợ nói: «Được.» Nói với vợ xong, đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo nói: «Con đã bảo vợ con, tỳ-kheo ấy nếu cần thứ gì thì tùy theo yêu cầu, mình nên cúng dường. Đại đức cần chi thì cứ đến lấy.» Tỳ-kheo nói: «Được.» Sau đó, vào buổi sáng, tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà kia, an tọa nơi chỗ ngồi. Vợ đàn-việt nói: «Chồng của con đã bảo con, tỳ-kheo [989a1] cần chi thì tùy theo yêu cầu, con nên cúng dường. Vậy nay Đại đức cần gì cứ nói.» Tỳ-kheo nói: «Cô không thể cúng dường tất cả đâu.»[51] Vợ đàn-việt hỏi: «Đại đức, không thể cúng dường tất cả, là sao?» Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.» (Trong đây bốn vế, đồng với bốn vế trong giới nói lời thô ác. Kia nói thô ác, đây nói cúng dường chỉ khác nhau như thế. Cho nên ở đây chỉ nói một vế chứ không nói hết, vì sợ phiền vậy).[52] Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nhà người nữ kia là đàn-việt, nói: «Chị, sự việc này là đệ nhất tối thượng, với thân từ, khẩu từ, ý từ mà cúng dường tỳ-kheo trì giới thực hành thiện pháp.» Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» V. MÔI GIỚI 1. Thế Tôn ở thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-Ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Bạch Đại đức, tỳ-kheo Ca-la làm mai mối, đến người nam khen người nữ, đến người nữ khen người nam, để làm thành việc vợ chồng, hoặc làm thành việc tư thông, phạm hay không» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Thưa: «Nhận lời bên này đến nói bên kia, đem lời bên kia trở về nói bên này, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Tăng-già-bà-thi-sa.» Thưa: «Nếu nhận lời bên này đến nói bên kia; nhưng không đem lời bên kia trở lại nói bên này, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Thâu-lan-giá.» Nếu nghe rồi đến bên kia nói, không đem trở lại nói bên này, phạm thâu-lan-giá. Nếu không nhận lời, nhưng đến bên kia nói, đem lời bên kia trở lại, thâu-lan-giá. Nếu nhận lời, không đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la. Nếu nghe, không đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la. Nếu không nhận lời, đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la. 2. Tỳ-kheo có nhà đàn-việt. Vợ đàn-việt qua đời chưa bao lâu, tỳ-kheo đến thăm. Đàn-việt có hai đứa con. Tỳ-kheo nói: «Sao ông không lấy người vợ khác?» Đàn-việt nói: «Sợ hai con phải bị khổ. Nếu được cô đồng nữ kia đồng ý thì tôi sẽ lấy.» Tỳ-kheo liền đến chỗ cô gái nói: «Tôi nghe cư sĩ kia nói, nếu được cô gái kia đồng ý, thì sẽ lấy làm vợ.» Đồng nữ nói: «Ông ấy chịu tôi làm vợ, tôi cũng chịu ông ấy làm chồng.» Tỳ-kheo liền trở lại chỗ đàn-việt nói: «Tôi nghe người nữ kia nói, ông ấy cần tôi làm vợ thì tôi cũng cần ông ấy làm chồng.» Tỳ-kheo không đem lời ấy nói trở lại, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Nếu nghe mà đến người kia nói, không đem lời bên kia trở lại, phạm thâu-lan-giá.» Người nữ Ma hương[53] cũng như vậy. 3. Có cư sĩ đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo rằng: «Đại đức vì tôi nói giùm.» Các tỳ-kheo hỏi: «Cư sĩ muốn nói gì?» Cư sĩ nói: «Nói với cư sĩ ấy giùm tôi, gả con gái làm vợ tôi.» Tỳ-kheo nói với cư sĩ: «Sẽ nói giùm cho ông.» Các tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo bằng pháp bạch nhị yết-ma, khiến đến chỗ cư sĩ kia nói với cư sĩ: «Tôi truyền đạt lời chúng Tăng muốn nói với ông.» Người kia nói: «Thưa Đại đức, Tăng cần dạy tôi điều gì?» Tỳ-kheo nói: «Chúng Tăng nói, ông nên gả con gái của ông làm vợ cư sĩ kia.» Người kia nói: «Thưa Đại đức, tôi xin vâng lời Tăng dạy.» Tỳ-kheo kia trở về trong Tăng-già-lam bạch Tăng. Tăng liền báo cho cư sĩ kia biết. Tỳ-kheo nghi, đức Phât dạy: «Tất cả phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có đàn-việt đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo: «Đại đức Tăng nói giùm tôi.» Tỳ-kheo hỏi cư sĩ: «Muốn nói điều gì?» Đàn-việt nói: «Nói với cư sĩ kia cho con gái của ông làm vợ tôi.» Tỳ-kheo nói: «Tôi sẽ nói giùm cho.» Các tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo bằng pháp bạch nhị yết-ma, khiến đến cư sĩ kia nói: «Này cư sĩ, tôi chuyển lời của chúng Tăng đến ông.» Cư sĩ kia nói: «Đại đức Tăng cần dạy tôi điều gì?» tỳ-kheo nói: «Chúng Tăng nói ông cho con gái của ông làm vợ cư sĩ kia.» Người kia nói: «Thưa Đại đức, tôi sẽ vâng lời dạy của Tăng.» Tỳ-kheo sứ giả kia nghĩ: Nay ta, nếu trở về bạch chúng Tăng thì ân ấy không thuộc về ta. Tỳ-kheo ấy liền tự đến báo với cư sĩ kia, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Chúng Tăng phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo sứ giả phạm tăng-già-bà-thi-sa.» Có đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói: «Thầy nói với cư sĩ ấy giùm tôi, cho con gái ông làm vợ tôi.» Tỳ-kheo nói với cư sĩ: «Tôi sẽ nói cho ông.» Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia nói: «Ông nên cho con gái ông làm vợ cư sĩ kia.» Cư sĩ kia nói: «Con gái của tôi đã hứa cho người khác rồi.» Hoặc nói người khác đã chuẩn bị dẫn đi, hoặc nói chết, hoặc nói giặc cướp đi, hoặc nói không. Tỳ-kheo trở lại chỗ cư sĩ nói như vậy, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Có đàn-việt nói với tỳ-kheo thường cúng dường rằng: «Thầy đến nói với cư sĩ kia giùm tôi, hãy cho con gái của cư sĩ ấy, làm vợ tôi.» Tỳ-kheo nói: «Tôi sẽ nói cho ông.» Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia nói: «Ông nên cho con gái làm vợ cư sĩ kia.» Cư sĩ nói: «Con gái của tôi bị bịnh hủi.» Hoặc nói bệnh ung thư, hoặc nói bệnh hủi trắng, hoặc nói bệnh can tiêu,[54] hoặc nói bị cuồng, hoặc nói bị bệnh trỉ, hoặc nói bị bệnh ra máu, hoặc nói bị bệnh thường nóng dưới chân. Tỳ-kheo trở lại chỗ cư sĩ nói như vậy, rồi nghi, đức Phât dạy: «Tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 4. Có cư sĩ cãi nhau với vợ, đuổi vợ đi. Vợ đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói: «Thưa Đại đức, chồng tôi với tôi cãi nhau, rồi đuổi tôi đi. Nay tôi muốn sám hối.» Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến cho người vợ sám hối; rồi nghi. Đức Phật dạy: «Vì sự sám hối nên không phạm.» Có người vợ cãi nhau với chồng rồi bỏ đi, đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói: «Tôi cãi nhau với chồng rồi bỏ đi, nay muốn sám hối.» Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp đến khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Vì sự sám hối nên không phạm.» Có người vợ cãi lộn với chồng, nói: «Nếu ông không cần tôi làm vợ thì cứ nói không cần.» Người chồng nói: «Tôi không cần bà làm vợ.» Rồi đuổi vợ đi. Người vợ đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói: «Tôi cãi nhau với chồng. Tôi nói với chồng tôi rằng: Nếu không cần tôi làm vợ thì cứ nói không cần, người chồng nói không cần và đuổi tôi đi. Nay tôi muốn sám hối.» Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Vì sự sám hối nên không phạm.» Có cư sĩ lấy dâm nữ làm vợ. Người khách trước thường lui tới cô, nay gặp lại, nói: «Tôi muốn cùng cô làm việc như vậy như vậy. Nhưng những người khác nói bây giờ cô không làm như vậy nữa, mà làm vợ của cư sỹ kia rồi.» Người đó cưỡng bức hành dâm. Người chồng biết liền đuổi đi. Cô đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói: «Thưa Đại đức, tôi là vợ của cư sĩ kia xưa nay chưa từng phạm đến người đàn ông nào khác. Chỉ có gã giặc cướp này cưỡng bức phạm đến tôi. Nay tôi muốn sám hối chồng tôi.» Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy: «Không phạm.» 5. Có cư sĩ cung cấp mọi nhu cầu cho một dâm nữ, rồi đến vị tỳ-kheo thường cúng dường, nói: «Nói với dâm nữ ấy giùm tôi, đợi tôi tại chỗ đó.» Tỳ-kheo nhận lời rồi đến chỗ dâm nữ nói: «Cư sĩ kia nói với cô, chờ ông ta tại chỗ đó.» Tỳ-kheo nói rồi nghi. Đức Phật dạy: «Trước vì hòa hợp, không phạm. Ở đây, như làm sứ giả cho bạch y, phạm đột-kiết-la.» 6. Có cư sĩ giám hộ [990a1] cô gái kia, rồi không rước về làm vợ, cũng không cho người khác cưới. Cô kia nói với tỳ-kheo thường cúng dường rằng: «Thưa Đại đức, vì tôi nói với cư sĩ kia rằng, Cha mẹ tôi muốn đoạt[55] tôi lại để gả cho người khác. Nếu ông ấy không rước tôi thì buông tôi ra[56].» Tỳ-kheo nhận lời, đến chỗ cư sĩ nói: «Cô gái kia nói, cha mẹ tôi muốn đoạt cô lại để gả cho người khác. Ông nên rước cô ấy về, bằng không buông cô ta ra.» Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: «(Hai bên) đã có lời giao ước trước rồi,[57] thì không phạm. Nhưng nếu làm sứ giả cho bạch y, mắc tội đột-kiết-la.» Có cư sĩ giám hộ cô gái, rồi không rước về làm vợ, cũng không cho người khác cưới. Cha mẹ của đồng nữ nói: «Không biết nhờ ai nói với cư sĩ kia, hãy rước con gái nầy đi, hoặc để cho người khác cưới.» Tỳ-kheo mà gia đình kia thường cúng dường đang mắc bệnh cuồng, liền nói: «Tôi sẽ làm điều đó cho.» Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia, nắm đầu cư sĩ nói: «Ông phải rước cô gái kia về; bằng không, phải buông người ta ra.» Sau đó, tỳ-kheo hết cuồng, nghi. Đức Phật dạy: «Điên cuồng tâm loạn, thống não bức bách, tất cả đều không phạm.» VI. VÔ CĂN BA-LA-DI[58] 1. Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Bạch Đại đức, Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh mà tỳ-kheo Từ Địa dùng vô căn hủy báng, như vậy phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Ban đầu chưa chế giới, không phạm.» Thưa: «Bạch Đại đức, nếu dùng vô căn pháp hủy báng tỳ-kheo thanh tịnh, phạm hay không?» Đức Phật dạy: «Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 2. Có tỳ-kheo cùng người nữ ngồi dưới gốc cây. Tỳ-kheo khác nói: «Thầy phạm dâm với người nữ.» Vị kia trả lời: «Tôi không phạm. Tôi chỉ cùng ngồi dưới gốc cây thôi.» Vị hủy báng kia nghi. Đức Phật dạy: «Vì lời nói chân thật, chứ không cố ý hủy báng thì không phạm.» 3. Có tỳ-kheo về nhà cọng thông cùng vợ cũ. Có tỳ-kheo nọ tướng mạo giống như với tỳ-kheo này, nên các tỳ-kheo khác nói với tỳ-kheo giống rằng: «Ngươi phạm vợ cũ.» Vị đó nói: «Tôi không phạm, vị kia phạm. Tỳ-kheo kia giống tôi.» Vị ấy nghi. Đức Phật dạy: «Vì lời nói thật, chứ không vì hủy báng, không phạm.» 4. Có dâm nữ là đàn-việt của tỳ-kheo nọ. Tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm dâm nữ.» Vị kia nói: «Người ấy là đàn-việt của tôi. Tôi không phạm dâm với người ấy.» Vị hủy báng nghi. Đức Phật dạy: «Vì thật ngữ, chứ không vì hủy báng thì không phạm.» Nếu đối với vợ, đồng nữ, huỳnh môn, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di-ni cũng như vậy. 5. Có tỳ-kheo ôm sa-di nhỏ, vuốt ve và hôn. Tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm với sa-di.» Vị kia nói: «Tôi không phạm. Chỉ vuốt ve và hôn thôi.» Vị kia nghi, đức Phật nói: «Vì thật ngữ chứ không vì hủy báng, không phạm.» 6. Có tỳ-kheo lấy giây lưng của tỳ-kheo khác. Vị kia nói: «Ngươi lấy trộm giây lưng của tôi.» Vị kia nói: «Tôi không lấy trộm, tôi lấy với ý thân tình.» Vị kia nghi. Đức Phật dạy: «Vì thật ngữ chứ không vì hủy báng nên không phạm.» 7. Có tỳ-kheo dùng vô căn tăng-già-bà-thi-sa hủy báng người khác, rồi nghi, đức Phật dạy: «Phạm ba-dật-đề.» CHƯƠNG VI. TỲ-NI TĂNG NHẤT[1] Tôi nghe như vầy, một thời, Phật ở tại tinh xá Kỳ-hoàn, trong vườn của Cấp Cô Độc Thực, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: «Các Thầy nên lắng nghe, khéo suy nghĩ! Nếu tỳ-kheo nào dùng văn cú tương tợ[2] để ngăn trở Pháp và Tỳ-ni, thì tỳ-kheo này sẽ khiến cho nhiều người không được lợi ích, tạo ra các nghiệp khổ, để tiêu diệt chánh pháp. Tỳ-kheo nào tùy thuận văn cú, không trái Pháp và Tỳ-ni, thì tỳ-kheo này làm lợi ích nhiều người, không khiến tạo ra các khổ nghiệp, và chánh pháp được tồn tại lâu dài. «Này các tỳ-kheo, các Thầy cần phải tùy thuận văn cú, đừng thêm bớt trái với Pháp và Tỳ-ni. Hãy học tập như vậy.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Đức Phật dạy : «Nếu tỳ-kheo nào, phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, thì tỳ-kheo này sẽ khiến nhiều người không được lợi ích, chỉ tạo ra các nghiệp khổ để diệt chánh pháp thôi. Tỳ-kheo nào, phi pháp nói là phi pháp, pháp nói là pháp, thì tỳ-kheo này sẽ lợi ích nhiều người, tạo ra các thiện nghiệp, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài. Vậy, các Thầy nên tùy theo lời dạy này: phi pháp nên nói là phi pháp, pháp nói là pháp. Hãy học tập như vậy.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nếu tỳ-kheo nào, phi tỳ-ni nói là tỳ-ni, tỳ-ni nói là phi tỳ-ni, thì sẽ khiến nhiều người không được lợi ích, và chỉ làm các nghiệp khổ để diệt chánh pháp. Trường hợp tỳ-kheo nào, phi tỳ-ni nói là phi tỳ-ni, tỳ-ni nói là tỳ-ni, thì sẽ lợi ích được nhiều người, không tạo ra các khổ nghiệp, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài. «Vậy, các Thầy nên tùy theo lời dạy này: phi tỳ-ni nói là phi tỳ-ni, tỳ-ni nói là tỳ-ni. Hãy học tập như vậy.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Đức Phật bảo các tỳ-kheo tiếp: «Nếu tỳ-kheo nào, phi chế lại chế, đã chế lại đoạn, thì những việc làm như vậy dần dần khiến cho giới bị hủy hoại,[3] khiến nhiều người không được lợi ích, tạo ra các nghiệp khổ, khiến diệt chánh pháp. Nếu tỳ-kheo nào, phi chế không chế, đã chế không đoạn, thì như vậy lần lần khiến cho giới thành tựu, lợi ích nhiều người, không tạo ra các nghiệp khổ, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài. Vậy, các Thầy, phi chế không được chế, đã chế không được đoạn, nên tùy theo giới luật đã chế mà học.» Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Như Lai ra đời, vì thấy những lỗi lầm, nên bằng một nghĩa, vì các Thanh văn kiết giới, nhiếp thủ Tăng. Do một nghĩa này nên Như Lai vì các Thanh văn mà kiết giới.» Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Mỗi đoạn đều nói như vậy. Đức Phật bảo các tỳ-kheo tiếp: «Như Lai ra đời, bằng một nghĩa, vì các tỳ-kheo chế yết-ma ha trách, nhiếp thủ Tăng. Do một nghĩa này nên Như Lai ra đời, vì các tỳ-kheo chế yết-ma ha trách.» Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Mỗi đoạn đều nói như vậy. Cũng vậy, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma tác bất kiến tội cử, yết-ma không sám hối, yết-ma không bỏ ác kiến. Kiểm xét pháp luật chế định, chế thọ y chỉ, chế phạm phạt, chế cử tội, chế ức niệm, chế cầu thính, chế tự ngôn, chế ngăn a-nậu-bà-đà,[4] chế ngăn thuyết giới, chế ngăn tự tứ, chế giới, chế thuyết giới, chế bố-tát, chế yết-ma bố-tát, chế tự tứ, chế yết-ma tự tứ, chế bạch, bạch yết-ma, chế bạch nhị yết-ma, chế bạch tứ yết-ma, chế phú tàng, cho bản nhật trị, cho ma-na-đỏa, cho xuất tội, chế bốn ba-la-di, chế mười ba tăng-già-bà-thi-sa, hai bất định, ba mươi ni-tát-kỳ, chín mươi ba-dật-đề, bốn ba-la-đề-đề-xá-ni, thức-xoa-ca-la-ni, bảy diệt tránh.» Mỗi một đoạn đều như yết-ma quở trách. I. MỘT PHÁP Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 1. Nói một lời liền thành xả giới. Nói như vầy: «Tôi xả Phật.» Nói một lời như vậy, liền thành xả giới.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa thọ trì. 2. Nói, «Tôi xả Pháp,» «tôi xả Tăng,» «tôi xả Hòa thượng,» «tôi xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các tỳ-kheo tịnh hạnh, xả giới, xả Tỳ-ni, xả học sự, tôi là bạch y, hãy nhớ cho tôi là người giữ vườn, hãy nhớ cho tôi là ưu-bà-tắc, hãy nhớ cho tôi là sa-di, hãy nhớ cho tôi là ngoại đạo, là đệ tử ngoại đạo, hãy nhớ cho tôi chẳng phải là Sa-môn Thích tử [5].» Mỗi mỗi trường hợp cũng đều như trên. II. HAI PHÁP Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 1. Có hai loại phạm: một là khinh; hai là trọng.[6] Đó là hai loại phạm. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa thọ trì. 2. Lại có hai việc: một là khinh mà hữu dư,[7] hai là khinh mà được tác yết-ma. 3. Lại có hai việc: ba-la-di, tăng-già bà-thi-sa. 4. Lại có hai việc: ba-la-di, thâu-lan-giá. 5. Lại có hai việc: ba-la-di, ba-dật-đề. 6. Lại có hai việc: ba-la-di, ba-la-đề-đề-xá-ni. 7. Lại có hai việc: ba-la-di, đột-kiết-la. 8. Lại có hai việc: ba-la-di, ác thuyết. 9. Tăng-già bà-thi-sa, cho đến ác thuyết cũng như vậy.[8] Thâu-lan-giá, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Ba-dật-đề, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Ba-la-đề-đề-xá-ni, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Đột-kiết-la, ác thuyết cũng như vậy. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 10. Có hai sự thấy mà người xuất gia không nên hành: phi pháp thấy là pháp, pháp thấy là phi pháp.[9] 11. Lại có hai sự thấy: tỳ-ni nói là phi tỳ-ni, phi tỳ-ni nói là tỳ-ni. 12. Lại có hai kiến giải: phi phạm thấy là phạm, phạm thấy là phi phạm.[10] 13. Lại có hai sự thấy: khinh thấy là trọng, trọng thấy là khinh. 14. Lại có hai sự thấy: hữu dư thấy là vô dư, vô dư thấy là hữu dư.[11] 15. Lại có hai sự thấy: thô ác thấy là phi thô ác, phi thô ác thấy là thô ác.[12] 16. Lại có hai sự thấy: cựu pháp[13] thấy là phi cựu pháp, phi cựu pháp thấy là cựu pháp. 17. Lại có hai sự thấy: chế thấy là phi chế, phi chế thấy là chế.[14] 18. Lại có hai sự thấy: thuyết thấy là phi thuyết, phi thuyết thấy là thuyết.[15] 19. Lại có hai sự thấy: rượu thấy là chẳng phải rượu, chẳng phải rượu thấy là rượu. 20. Lại có hai sự thấy: ẩm thấy phi ẩm, phi ẩm thấy là ẩm.[16] 21. Lại có hai sự thấy: thực thấy phi thực, phi thực thấy là thực.[17] 22. Lại có hai sự thấy: thời thấy phi thời, phi thời thấy là thời.[18] 23. Lại có hai sự thấy: tịnh thấy không tịnh, không tịnh thấy là tịnh.[19] 24. Lại có hai sự thấy: trọng thấy phi trọng, phi trọng thấy là trọng. 25. Lại có hai kiến giải: nạn thấy phi nạn, phi nạn thấy là nạn.[20] 26. Lại có hai sự thấy: không có trùng thấy là có trùng, có trùng thấy là không trùng. 27. Lại có hai sự thấy: phá thấy là không phá, không phá thấy là phá.[21] 28. Lại có hai sự thấy: chủng thấy là phi chủng, phi chủng thấy là chủng.[22] 29. Lại có hai sự thấy: nghĩa đã giải[23] thấy là nghĩa chưa giải, nghĩa chưa giải thấy là nghĩa đã giải. 30. Lại có hai sự thấy: khả thân thấy phi thân, phi thân thấy là khả thân.[24] 31. Lại có hai sự thấy: sợ thấy là không sợ, không sợ thấy là sợ.[25] 32. Lại có hai sự thấy: đạo thấy là phi đạo, phi đạo thấy là đạo.[26] 33. Lại có hai sự thấy: khả hành thấy phi hành, phi hành thấy là khả hành. 34. Lại có hai sự thấy: xuất ly thấy không xuất ly, không xuất ly thấy là xuất ly. 35. Lại có hai sự thấy: khí (vất bỏ) thấy là không khí, không khí thấy là khí.[27] 36. Lại có hai sự thấy: thấy thế gian thường, thấy thế gian vô thường. 37. Lại có hai sự thấy: thấy thế giới có biên tế, thấy thế giới không biên tế. 38. Lại có hai sự thấy: thân tức là mạng, thân khác mạng khác. 39. Lại có hai sự thấy: Như Lai có diệt độ, Như Lai không diệt độ.[28] 40. Lại có hai sự thấy: Như Lai vừa có vừa không diệt độ, Như Lai chẳng phải có chẳng phải không diệt độ.[29] Trong Phật pháp có hai sự thấy như vậy, người xuất gia không được hành, nếu hành thì sẽ như pháp trị. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 41. Có hai loại tỳ-ni: hữu phạm tỳ-ni,[30] hữu tránh tỳ-ni.[31] 42. Lại có hai loại tỳ-ni: phạm tỳ-ni, kết sử tỳ-ni.[32] 43. Lại có hai loại tỳ-ni: tỳ-kheo tỳ-ni, tỳ-kheo-ni tỳ-ni. 44. Lại có hai loại tỳ-ni: phương tỳ-ni, biến tỳ-ni.[33] Đây là hai loại tỳ-ni. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 45. Có hai hạng người sống không an lạc: một là ưa sân, hai là ôm lòng oán.[34] 46. Lại có hai pháp: một là cấp tánh, hai là khó xả. 47. Lại có hai pháp: một là xan, hai là tật đố. 48. Lại có hai pháp: một là khi trá, hai là siểm khúc. 49. Lại có hai pháp: một là tự cao, hai là ưa tranh cãi. 50. Lại có hai pháp: một là ưa trang sức, hai phóng dật. 51. Lại có hai pháp: một là mạn, hai là tăng thượng mạn. 52. Lại có hai pháp: một là tham, hai là nhuế. 53. Lại có hai pháp: một là khen mình, hai là chê người. 54. Lại có hai pháp: một là tà kiến, hai là biên kiến. 55. Lại có hai pháp: một là khó dạy, hai là không nhận giáo huấn.[35] Hai hạng người như vậy sống không an lạc. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 56. Tỳ-kheo hữu học, tâm chưa đạt đến vô học, thường cầu tu tập tăng tấn thắng pháp, có hai pháp được nhiều lợi ích, khiến đắc điều chưa đắc, nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng. Hai pháp đó là: khéo (biết) phạm,[36] khéo hay trừ phạm. Người học như vậy, tâm chưa đạt đến vô học, thường cầu tu tập tăng tấn thắng pháp, có hai pháp được nhiều lợi ích, khiến đắc điều chưa đắc, nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng. Cho nên các ngươi hãy siêng năng tu tập học pháp như vậy. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. 57. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: Có tỳ-kheo tâm chưa đạt đến vô học, thường cầu tu tập tăng tấn thắng pháp, có hai pháp được nhiều lợi ích, khiến đắc điều chưa đắc, nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng. Hai pháp đó là: đối với các đáng nhàm chán thì sanh nhàm chán; nhàm chán rồi chánh ức niệm đoạn trừ. Người học như vậy tâm chưa đạt đến vô học, thường cầu tu tập tăng tấn thắng pháp, có hai pháp được nhiều lợi ích, khiến đắc điều chưa đắc, nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng. Cho nên các ngươi, đối với cái đáng nhàm chán thì sanh nhàm chán; nhàm chán rồi chánh ức niệm đoạn trừ. Đức Phật nói kệ: Người sáng, tâm nhàm chán , Nơi những gì đáng chán. Vô úy không sợ sệt, Người hay đoạn, đắc thánh. Tỳ-kheo chánh niệm đoạn, Đặng vô thượng chánh đạo. Không hề có thối chuyển, Được trụ nơi Niết-bàn. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: 58. Phá giới đọa trong hai đường, địa ngục và súc sanh; trì giới sanh hai đường nhơn và thiên. 59. Tạo ác nghiệp trong chỗ khuất kín, sanh đọa trong hai đường địa ngục và súc sanh. Tạo thiện nghiệp trong chỗ khuất kín, đặng sanh nơi hai đường thiên và nhơn.[37] 60. Tà kiến sanh hai đường địa ngục [992a1] và súc sanh. Chánh kiến sanh hai đường thiên và nhơn. 61. Thánh đệ tử Phật tôn quý giữa trời người, có hai pháp không được giải thoát: một là phạm giới, hai là không thấy phạm.[38] 62. Có hai pháp tự mình được giải thoát: một là không phạm, hai là thấy phạm. 63. Có hai pháp không được giải thoát: một là phạm mà không thấy tội, hai là thấy phạm mà không như pháp sám hối. 64. Có hai pháp tự mình được giải thoát: một là thấy phạm tội, hai là phạm mà có thể như pháp sám hối. 65. Có hai pháp không được giải thoát: một là thấy tội mà không như pháp sám hối, hai là như pháp sám hối mà người kia không nhận. 66. Có hai pháp tự mình được giải thoát: một là thấy tội mà có thể như pháp sám hối, hai là như pháp sám hối mà người kia có thể như pháp thọ. 67. Trói buộc, không trói buộc cũng như vậy. 68. Có hai thứ thanh tịnh: một là không phạm, hai là sám hối.[39] Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. Đức Phật dạy các tỳ-kheo tiếp: 69. Có hai loại người hủy báng Như Lai: một là không tin ưa lại oán ghét, hai là tin ưa nhưng không hiểu thọ trì. «Cho nên, nay ta bảo các người, để biết ý nghĩa này: hủy báng Như Lai thì mắc đại trọng tội. Nếu hủy báng tất cả chư thiên và người trong đời, hoặc Ma, Phạm vương, sa-môn, bà-la-môn, tội đó còn nhẹ. Hủy báng Như Lai, tội kia rất nặng.» Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. 70. Lại có hai loại[40] hủy báng Như Lai: một phi pháp nói là pháp, hai là pháp nói phi pháp. 71. Có hai loại không hủy báng Như Lai: một là phi pháp nói phi pháp, hai là pháp nói pháp. 72. Có hai loại hủy báng Như Lai: một là phi tỳ-ni nói tỳ-ni, hai là tỳ-ni nói phi tỳ-ni. 73. Có hai loại không hủy báng Như Lai: một là phi tỳ-ni nói là phi tỳ-ni, hai là tỳ-ni nói tỳ-ni. 74. Có hai loại hủy báng Như Lai: một là phi chế nói là chế, hai đã chế mà đoạn. 75. Có hai loại không hủy báng Như Lai: một là phi chế, hai là chế mà không đoạn. 76. Có hai pháp[41] hủy báng Như Lai: một là phi pháp nói pháp, hai là pháp nói phi pháp. 77. Có hai pháp không hủy báng Như Lai: một là phi pháp nói phi pháp, hai là pháp nói pháp. 78. Cho đến thuyết nói phi thuyết cũng như vậy. 79. Hai xứ, hai sự, hai kiến cũng như vậy. 80. Lại có hai pháp không thọ nhận thiện giáo của Như Lai cũng như vậy. 81. Lại có hai pháp vi nghịch Như Lai cũng như vậy. 82. Lại có hai pháp kiên trì tranh thuyết cùng Như Lai cũng như vậy. 83. Lại có hai pháp không phụng thờ Như Lai cũng như vậy. 84. Lại có hai pháp không gặp Như Lai cũng như vậy. 85. Lại có hai pháp thô lỗ, không có từ tâm đối với Như Lai cũng như vậy. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 86. Có hai chúng, một là chúng pháp ngữ, hai là chúng phi pháp ngữ. Thế nào là chúng phi pháp ngữ? Trong chúng không dẫn Pháp Tỳ ni, không đem lời Phật dạy để nói. Sống với nhau mà không dạy điều nên dạy. Sống với nhau mà không chấm dứt điều nên chấm dứt. Đó gọi là phi pháp ngữ chúng. Thế nào gọi là chúng pháp ngữ? Trong chúng dùng Pháp Tỳ ni, nói theo lời Phật dạy, dạy nhau điều nên dạy, chấm dứt điều nên chấm dứt. Đó gọi là pháp ngữ chúng. Trong hai chúng này, chúng được pháp ngữ Ta khen ngợi là tôn quý. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. 87. Lại có hai chúng, chúng như pháp và chúng không như pháp. Thế nào là chúng không như pháp? Trong chúng, người phi pháp có thế lực, người như pháp không có thế lực; người phi pháp có bạn bè, người như pháp không có bạn bè. Yết-ma phi pháp, không tác yết-ma như pháp; tác yết-ma phi tỳ-ni, không tác yết-ma như tỳ-ni; phụng hành phi pháp, không hành như pháp. Đó gọi là phi pháp chúng. Thế nào là chúng như pháp? Trong chúng, người như pháp có thế lực, người phi pháp không có thế lực; người như pháp có bạn bè, người không như pháp không có bạn bè. Tác yết-ma như pháp, không tác yết-ma phi pháp; tác yết-ma như tỳ-ni, không tác yết-ma phi tỳ-ni; phụng hành như pháp, diệt trừ phi pháp. Đó gọi là chúng như pháp. Trong hai chúng này, chúng như pháp được ta khen ngợi là tôn quý. Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa và thọ trì. 88. Có hai chúng; chúng bằng nhau,[42] chúng không bằng nhau cũng như vậy. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 89. «Nếu pháp luật của nước, quyền lực của vua yếu thì bọn giặc xí thạnh. Bấy giờ, pháp vương[43] ra vào không được an lạc. Các tiểu vương của những nước ven biên cương không thuận theo giáo lệnh. Nhơn dân ở trong nước cũng không ra vào an lạc, sanh nghiệp bị phế bỏ, ưu khổ, tổn giảm, không được lợi ích. Cũng vậy, tỳ-kheo phi pháp có thế lực thì tỳ-kheo như pháp không có thế lực. Tỳ-kheo như pháp không được an lạc, hoặc ở trong chúng, hoặc ở chỗ trống vắng, cũng không được nói. Khi ấy yết-ma phi pháp được thực hiện; yết-ma như pháp không được thực hiện; tác yết-ma phi tỳ ni, mà không tác yết-ma như tỳ-ni, phi pháp được hành, mà như pháp không được thi hành. Chúng không cần hành tinh tấn, để đắc điều chưa đắc nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng. Như vậy, khiến cho chư thiên, nhân dân không được lợi ích, thọ khổ lâu dài.» Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 90. «Nếu pháp luật của nước, quyền lực của vua mạnh thì sức giặc yếu. Hoặc tất cả đều đến quy phục hoặc chạy trốn. Bấy giờ, vị pháp vương ra vào an lạc, không có buồn lo. Tiểu vương các nước ven biên thuận tùng giáo lệnh. Nhơn dân trong nước cũng được an lạc, sinh nghiệp tự do, không có các ưu khổ, được nhiều lợi ích, không có tổn giảm. Cũng vậy, tỳ-kheo như pháp đặng thế lực, tỳ-kheo phi pháp không thế lực. Tỳ-kheo phi pháp đến chỗ tỳ-kheo như pháp phải tùy thuận theo giáo lệnh, không dám trái nghịch, hoặc sẽ bỏ trốn, không làm các điều ác. Khi ấy, tỳ-kheo như pháp an ổn đặng vui. Nếu ở trong chúng hoặc ở chỗ trống vắng đều được nói. Tác yết-ma như pháp, không tác yết-ma phi pháp; tác yết-ma như tỳ-ni, không tác yết-ma phi tỳ-ni, như pháp được phụng hành, phi pháp không được áp dụng. Siêng năng tinh tấn tu hành, để đắc điều chưa đắc nhập chỗ chưa nhập, chứng pháp chưa chứng, khiến cho chư thiên nhơn dân được đại lợi ích.» Phật nói như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tín ưa và thọ trì. Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói với các tỳ-kheo: 91. «Thưa các Trưởng lão, khi có việc đấu tranh mà tỳ-kheo cử tội người và tỳ-kheo có tội không tự quán sát; nên biết, tránh sự này lại tăng trưởng, không được diệt trừ như pháp, như tỳ ni, khiến các tỳ-kheo không được an lạc. Nếu tỳ-kheo cùng tranh cãi, tỳ-kheo cử tội người và tỳ-kheo có tội, mỗi người đều tự quan sát lỗi lầm, thì việc tranh cãi này không tăng trưởng sâu rộng mà được như pháp, như tỳ-ni trừ diệt, các tỳ-kheo được sống an lạc. «Này các tỳ-kheo, thế nào là tự quán sát lỗi lầm? Tỳ-kheo có tội nghĩ: ‹Ta đã phạm việc như vậy. Vị kia thấy ta phạm điều sai quấy. Nếu ta không phạm thì vị kia không thấy được ta phạm điều sai quấy. Vì ta phạm cho nên vị kia thấy ta phạm. Nay ta nên tự hối lỗi, khiến vị kia không dùng ác ngữ để quở trách ta. Nếu ta làm như vậy, khiến thiện pháp tăng trưởng.› Đó gọi là tỳ-kheo có thể tự quán sát lỗi của mình. «Thế nào [993a1] là tỳ-kheo cử tội người, tự quán sát lỗi kia? Vị kia nghĩ: ‹Tỳ-kheo kia phạm điều sai quấy, khiến ta thấy được. Nếu tỳ-kheo kia không phạm điều sai quấy thì ta không thấy. Do tỳ-kheo kia phạm điều sai quấy, khiến ta thấy được; nếu vị ấy có thể chí thành sám hối thì không khiến cho ta phải dùng ác ngôn. Như vậy khiến cho thiện pháp tăng trưởng.› Tỳ-kheo cử tội người tự quán sát lỗi kia là vậy. «Nếu tỳ-kheo có tránh sự, tỳ-kheo cử tội người và tỳ-kheo có tội, có thể tự quán sát lỗi kia như vậy, thì lỗi lầm này không tăng trưởng, được chấm dứt như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, các tỳ-kheo được sống an lạc.» Tôn giả Xá-lợi-phất nói như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 92. Có hai loại si:[44] một là phạm tội, hai là phạm không thấy.[45] Đó là hai loại si. 93. Lại có hai loại trí: một là không phạm tội, hai là phạm tội nhưng thấy. Đó là hai loại trí. 94. Lại có hai loại si: một là phạm tội mà không thấy, hai là thấy phạm tội mà không như pháp sám hối. Đó là hai loại si. 95. Lại có hai loại trí: một là thấy phạm tội, hai là thấy tội mà có thể như pháp sám hối. Đó là hai loại trí. 96. Lại có hai loại si: một là thấy tội không như pháp sám hối, hai là như pháp sám hối mà vị kia không thọ nhận. 97. Lại có hai loại trí: một là thấy tội sám hối như pháp, hai là sám hối như pháp được vị kia thọ nhận. Đó là hai loại trí. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 98. Vì các tỳ-kheo có lỗi lầm nên đức Thế Tôn chế pháp đoạn tránh với hai nghĩa[46]: một là người khó điều phục khiến được điều phục; hai là người biết hổ thẹn được an lạc. Vì hai nghĩa này nên đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế pháp đoạn tránh. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: 99. Tỳ-kheo cử tội người, muốn cử tội người nên tu hai pháp: một là chơn thật, hai là không sân. Nên tu hai pháp như vậy. 100. Tỳ-kheo bị cử cũng nên tu hai pháp như vậy: một chơn thật, hai không sân. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 101. Tỳ-kheo có hai pháp làm cho chánh pháp tiêu diệt nhanh chóng: phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp; cho đến thuyết, phi thuyết[47] cũng vậy.[48] Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 102. Lại có hai pháp không thể sanh thiện pháp: từ pháp, phi pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 103. Lại có hai pháp tỳ-kheo tự phá hoại, được liệt vào hạng phạm tội, bị người có trí chê trách, thọ nhiều tội báo: từ pháp, phi pháp, cho đến nói, không nói cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 104. Lại có hai pháp tỳ-kheo đọa vào địa ngục như tên bắn: từ pháp, phi pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: 105. Có hai pháp khiến chánh pháp tồn tại lâu dài: phi pháp nói phi pháp, pháp nói là pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 106. Lại có hai pháp, tỳ-kheo có thể sanh các pháp thiện: phi pháp nói phi pháp, pháp nói là pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 107. Lại có hai pháp, tỳ-kheo không tự phá hoại, không phạm tội, không bị người trí quở trách, thọ phước vô lượng: phi pháp nói phi pháp, pháp nói là pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 108. Lại có hai pháp, tỳ-kheo tự mình đặng sanh thiên nhanh như tên bắn: phi pháp nói phi pháp, pháp nói là pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 109. Tỳ-kheo có hai pháp đáng bị cử tội: phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp cho đến nói, không nói cũng như vậy. Đáng bị tác ức niệm, tác tự ngôn, tác ngăn a-nậu-bà-đà, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. 110. Lại có hai pháp tỳ-kheo bị cử tội như pháp[49]: phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, cho đến thuyết, phi thuyết cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. Tác ức niệm, tác tự ngôn, tác ngăn a-nậu-bà-đà, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ cũng như vậy. 111. Lại có hai pháp tỳ-kheo đáng bị trao cho yết-ma ha trách: phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, cho đến nói, không nói cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai phạm cũng như vậy. Yết-ma tẩn[50], yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử tội cũng như vậy. Hai xứ, hai sự, hai kiến cũng như vậy. 112. Có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: không hổ thẹn với điều đáng hổ thẹn, hổ thẹn với điều không đáng hổ thẹn. Có hai pháp này thì tăng trưởng hữu lậu.[51] 113. Có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: hổ thẹn với điều đáng hổ thẹn, không hổ thẹn với điều không đáng hổ thẹn. 114. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: bất tịnh thấy là tịnh, tịnh thấy là bất tịnh.[52] Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 115. Lại có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: không tịnh thấy là không tịnh, tịnh thấy là tịnh. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 116. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: không phạm thấy là phạm, phạm thấy là không phạm. Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 117. Lại có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: không phạm thấy không phạm, phạm thấy là phạm. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 118. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: nặng thấy là nhẹ, nhẹ thấy là nặng. Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 119. Lại có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: nhẹ thấy là nhẹ, nặng thấy là nặng. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 120. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: vô dư thấy là hữu dư, hữu dư thấy là vô dư. Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 121. Lại có hai pháp không tăng truởng hữu lậu: vô dư thấy là vô dư, hữu dư thấy là hữu dư. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 122. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: phi pháp thấy là pháp, pháp thấy là phi pháp. Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 123. Lại có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: phi pháp thấy là phi pháp, pháp thấy là pháp. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 124. Lại có hai pháp tăng trưởng hữu lậu: phi chế lại chế,[53] đã chế lại đoạn. Có hai pháp như vậy thì tăng trưởng hữu lậu. 125. Lại có hai pháp không tăng trưởng hữu lậu: phi chế không chế, đã chế thì không đoạn. Có hai pháp như vậy thì không tăng trưởng hữu lậu. 126. Có hai lời thành xả giới: ‹Tôi xả Phật, xả Pháp,› cho đến ‹tôi không phải là sa-môn Thích tử,› như trên.[54] 127. Đức Như Lai ra đời, thấy các lỗi lầm nên vì các tỳ-kheo chế giới với hai nghĩa: một là nhiếp thủ Tăng, hai là khiến cho Tăng hoan hỷ.[55] 128. Lại có hai pháp: một là khiến người không tin sẽ tin, hai là khiến người đã tin thì tin tăng trưởng. 129. Lại có hai pháp: một là người khó điều phục được điều phục, hai là tỳ-kheo biết tàm quý được sống an lạc. 130. Lại có hai pháp: một là khiến chánh [994a1] pháp tồn tại lâu dài, hai là nhiếp thủ tỳ-ni. 131. Lại có hai pháp: một là đoạn trừ oán đời hiện tại, hai là đoạn oán đời vị lai. 132. Lại có hai pháp: một là diệt hữu lậu hiện tại, hai là diệt hữu lậu vị lại. 133. Lại có hai pháp: một là đọan khủng bố hiện tại, hai là trừ khủng bố vị lai. 134. Lại có hai pháp: một là đoạn trọng tội hiện tại, hai là đoạn trọng tội vị lai. 135. Lại có hai pháp: một là đoạn bất thiện pháp hiện tại, hai là đoạn bất thiện pháp vị lai. Vì hai nghĩa này, đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế 21 Yết-ma 136. Lại có hai pháp, vì hai pháp nên đức Thế Tôn chế yết-ma ha trách:[56] một là nhiếp thủ đối với Tăng, hai là khiến cho Tăng hoan hỷ, cho đến đoạn bất tịnh pháp hiện tại, bất thiện pháp vị lai cũng như trên. Như vậy mỗi một câu cho đến bảy diệt tránh, như pháp yết-ma ha trách. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì.[57]
Chú thích: [40] Ma hương nữ nhân 磨香女人. Có lẽ phiên âm từ một dạng hỗn chủng giữa vañjihā (Pali) và vandhyā (Skt.): thạch nữ, người đàn bà không sinh đẻ. [41] Xí sàng 企床; không hiểu loại giường gì. [42] Đoạn này được kể lại trong điều 4 «Sách cúng dương» ở sau. [43] Trong ngoặc, phụ chú trong bản Hán. [44] Hán: tăng ích 增益. Có lẽ Pali: vuddhi, hay Skt. vṛddhi, sự phát triển, sự khuếch đại, mà Hán thường dịch là tăng ích hay tăng trưởng. [45] Hán: tiêu tô 消酥. Skt. dadhiṃ mathati, quậy hay trộn sữa đông làm thức uống. 40 Vin.iii. 130, lohitaṃ kho te, bhagini, «Này chị, cái của chị đỏ.» [47] Ngoại đạo nữ nhân 外道女人; Pali (Vin. iii. 131): paribbajikā, nữ xuất gia (ngoại đạo), nữ du sỹ. [48] Đa tác 多作. Từ này tương đương với nhiều từ Pali. Hoặc bahukata, được làm nhiều, hay tu tập nhiều. Hoặc bahukicca, công việc nhiều, bận rộn… Cf. Vin.iii. 131, kacci bhagini maggo saṃsīdati, Nghĩa thông thường: «Này chị, con đường tận cùng rồi.» Nhưng tỳ-kheo nói ngụ ý. Sớ giải: maggo... aṅgajātamaggaṃ sandhāyāha, đạo, nói ngụ ý sinh dục đạo. Do đó, saṃsīdati cũng ngụ ý «thụng xuống». [49] Pali, dẫn trên, āma bhikkhu paṭipajjissati, vâng, tỳ-kheo, ông sẽ đi theo. Cô này không hiểu ngụ ý, nên đáp thực tình. [50] Theo kết luận này thì cô kia hiểu ngụ ý dâm dục của tỳ-kheo. Nhưng, Pali, ibid., āptti thullaccayassa, phạm thâu-lan-giá, vì người nghe không hiểu ngụ ý. [51] Đoạn này cũng được kê trong điều ba trên. [52] Đoạn trong ngoặc, phụ chú của bản Hán. [53] Ma hương nữ nhân, xem cht. 35 trên. [54] Xem cht. 22, Phần i, Ch.iv Ni-tát-kỳ 2. [55] Theo phong tục, đã trao tín vật hứa hôn, cô gái không thuộc quyền cha mẹ, mà thuộc quyên giám hộ của người đã trao tín vật. Vì vậy, nói là đoạt, tức cha mẹ cướp con gái lại. Xem Pháp uẩn 1 (tr. 456), quyền giám hộ, và quyền cướp đoạt đối với người nữ. [56] Trả quyền giám hộ lại cho cha mẹ cô. [57] Vì cô gái đã hứa hôn rồi. [58] Các điều 6 & 7. được lướt qua. [1] Tham chiếu Pali, Luật tạng, Parivāra (Phụ tùy): Ekuttarikanaya (Tăng nhất pháp), Vin.v. 113ff. Thập tụng luật 48 (T23n1435 tr.346att). [2] Tham chiếu Thập tụng 48 (T23n1435 tr.353a8): «Có tỳ-kheo, nhiều tri thức, có thế lực; những gì được nói mọi người đều tin dung. Tỳ-kheo ấy ở trong pháp tỳ-ni mà Như lai hiển hiện phát sinh tư tưởng lệch lạc; ở trong văn tự mà chế tác văn cú tương tự, làm ngăn che pháp, che lấp pháp, không tùy thuận pháp, nói điều không trọn nghĩa. Tỳ-kheo đó là người biên bỉ, hạ tiện, không ích gì cho đời, không có sở hành của nam tử.» [3] Thập tụng 48 (T23n1435 tr.353a5): «Như Lai xuất thế, hiện pháp tỳ-ni không thuyết một lúc mà được thuyết dần dần. Như Lai xuất thế, hiện pháp tỳ-ni không bị phá một lần, mà bị phá dần.» [4] A-nậu-bà-đà 阿[少/兔]婆陀. Pali: anuvāda, phi nạn, buộc tội. Trong bốn tránh sự, Hán dịch là giáo giới (tránh sự), Pali: anuvādādhikaraṇa. [5] Nguyên Hán: Sa-môn Thích tử pháp; dư chữ pháp. Tham chiếu Thập tụng 48 (T23n1435 tr.352c03). [6] Pali, Vin. v. 115, liệt kê khinh tội (lahukā āpatti), trọng tội (garukā āpatti) vào mục một pháp (ekakavāro). Sớ giải: Khinh tội, tội thuộc 5 thiên được thanh tịnh bằng xử trị nhẹ. Trọng tội, là tăng-già-bà-thi-sa được thanh tịnh bằng xử trị nặng. Thập tụng liệt cặp khinh-trọng vào mục hai pháp. [7] Pali: sāvasesā āpatti, hữu dư tội; Sớ giải (Vin. vii. 1319): trừ các ba-la-di ra, còn lại là tội hữu dư. Tội này cũng được liệt trong pháp một. Bản Hán nói, hữu dư khinh tội, trừ tăng-già-bà-ba-thi-sa, chỉ các tội còn lại. [8] Mỗi hạng mục gồm hai sự, cú pháp như mẫu trên. [9] Thập tụng, có hai sự thấy phi pháp, và có hai sự thấy (như) pháp. [10] Pali: āpatti (tội) và anāpatti (phi/vô tội). [11] Thập tụng, hai loại phạm: hữu tàn và vô tàn. Pali: sāvasesā, anavasesā. Sớ giải: trừ ba-la-di, còn lại là hữu dư (tàn). Vô dư (tàn) là ba-la-di. [12] Thô ác và phi thô ác, Pali: duṭṭhulla, aduṭṭhulla, cùng với ác cặp kể trên trong Pali được tách thành pháp riêng và liệt kê vào mục một pháp. Sớ giải: duṭṭhullā, thô ác tội, gồm hai tụ (ba-la-di và tăng già-bà-thi-sa); aduṭṭhullā, phi thô ác, là các tội dư tàn (ba-dật-đề các thứ). [13] Cựu pháp, có lẽ Pali: pubbāpatti, tiền tội; Sớ giải: tội tối sơ vi phạm (paṭhamaṃ āpannāpatti), trái với aparāpatti, hậu tội, tội vi phạm sau khi hành biệt trụ (pārivāsikādīhi pacchā āpannāpatti). [14] Chế 制, hay quy định. Pali: paññatti. Pali liệt kê: paññatti, chế; anupaññatti: tùy chế; anuppannapaññatti: bất tùy phạm chế (quy định không căn cứ theo vi phạm đã xảy ra); sabbatthapaññatti: biến xứ chế (quy định cho tất cả mọi trường hợp), padesapaññatti: nhất phần chế (quy định có giới hạn); sādhāraṇapaññatti, cộng thông chế (quy định chung cho cả hai bộ); asāhdāraṇapaññatti: bất cộng thông chế (quy định riêng cho mỗi bộ); ekatopaññatti: nhất bộ chế; ubhatopaññatti: lưỡng bộ chế. [15] Thuyết và phi thuyết; Pali: desanā và adesanā. Trong Kinh, khi nói «thuyết», chỉ cho những điều được Phật thuyết (dhamma-desanā). Trong Luật, nói «thuyết» chỉ sự thuyết tội, tức sám hối tội. Pali: desanāgāminī-āpatti, tội cần được thuyết, chỉ các tội nhẹ, trừ ba-la-di và tăng-già-bà-thi-sa. [16] Ẩm, hay ẩm liệu, Pali: pāna, chỉ các thứ được quy định dùng như là thức uống. Phật quy định tám thứ nước trái cây được dùng như ẩm liệu. Xem phần iii, chương vii «Thuốc» mục 5: «Nay có tám thứ nước XE "tám thứ nước" mà xưa kia Tiên nhơn vô dục XE "Tiên nhơn vô dục" thường uống. Đó là: nước lê, nước diêm-phù, nước táo chua, nước mía, nước quả thị, nước xá-lâu-già XE "nước xá-lâu-già" , nước bà-lâu-sư XE "nước bà-lâu-sư" và nước nho.» Pali (Vin.i. 246): ambapāna, nước quả xoài; jambupāna, nước quả hồng đào; cocapāna, nước dừa; mocapāna, nước chuối; madhūkapāna, mật; muddikapāna, nước nho; sālūkapāna, nước ngó sen; phārusa-kapāna, không rõ. [17] Thực 食, gồm năm loại thực phẩm chính gọi là chánh thực: phạn, khứu, can phạn, ngư, nhục 飯糗乾飯魚及肉 XE "Năm loại thức ăn, Hán\: phạn, khứu, can phạn, ngư, nhục 飯糗乾飯魚及肉" . Pali: odana (cơm chín), kummāsa (bánh bột, hay cháo chua), sattu (bánh khô), maccha (cá), maṃsa (thịt). Cf. Căn bản (T23n1442 tr.821b24), 5 loại thực phẩm bồ-thiện-ni 蒲繕尼食: cơm, đậu mạch, lương khô XE "lương khô" , thịt, bánh 飯麥豆飯糗肉餅. [18] Thời, ngôn ngữ của Luật, chỉ thời gian cho phép xử dụng. Thời y (Pali: kāla-cīvara), y mà tỳ-kheo nhận được trong tháng hậu ca-đề, hay trong thời gian y ca-thi-na chưa xả. Thời thực, thời gian được phép ăn các loại chánh thực từ mặt trời mọc, cho đến giữa trưa. Thời dược, chỉ các loại chánh thực được dùng như thuốc. Trái lại là các thứ phi thời. Mỗi thứ được dùng theo quy định riêng. Phi thời hành, tỳ-kheo vào xóm từ sau giữa trưa cho đến sáng hôm sau. [19] Tịnh 淨, theo nghĩa kinh, là sự thanh tịnh; Pali: suddhi hay visuddhi. Tịnh dùng trong nghĩa Luật, chỉ sự hay vật được dùng đúng cách. Pali: có hai hạng người như kappa. [20] Nạn, chỉ các tai họa bất ngờ. Tám nạn sự được phép thuyết giới tóm lược: Vua, giặc cướp, lửa, nước, bệnh, nhơn, phi nhơn XE "phi nhơn" , ác trùng. Ngoài ra, các trường hợp khác còn thêm mạng nạn và phạm hạnh nạn. Pali: rājantarāyo (vương nạn), corantarāyo (tặc nạn), agyantarāyo (nạn lửa), udakantarāyo (nạn nước), manuss-antarāyo (nạn loài người), amanussantarāyo (nạn loài phi nhơn), vāḷantarāyo (nạn mãnh thú), sarīsapantarāyo (nạn rắn độc), jīvantarāyo (nguy hiểm sinh mạng), brahmacariyantarāyo (nguy hiểm phạm hạnh). [21] Phá. Có hai nghĩa: vỡ đôi, chỉ sự phá Tăng (Pali: saṅghabheda); và huỷ hoại, chỉ phá giới (sīlavipatti), phá kiến (diṭṭhivipatti), phá oai nghi (Pali: ācāravipatti) và phá chánh mạng (Pali: ājīvavipatti.) [22] Chủng 種. Chưa rõ dùng theo nghĩa nào. [23] Dĩ giải nghĩa 已解義, hay nói liễu nghĩa, chỉ điều đã được thuyết minh ý nghĩa rốt ráo. Pali: nītattha. [24] Thân 親, khả thân 可親, chỉ những chỗ đáng thân cận không không đáng thân cận. [25] Bố 怖; sự hãi, chỉ những chỗ mất an ninh, thường có bọn cướp ẩn núp. Tỳ-kheo không được lai vãng chỗ đó. Pali: bhaya, hay sappaṭibhaya. [26] Đạo 道 (Pali: magga), theo nghĩa Kinh, chỉ chánh đạo, con đường tu tập. Phi đạo 非道 (Pali: amagga) chỉ tà đạo. Trong Luật, đạo, chỉ hai đường đại và tiểu tiện (Pali: passāvamagga, tiểu tiện đạo; vaccamagga, đại tiện đạo). Phi đạo, những chỗ khác. [27] Thập tụng, có hai loại khí (xả): khí (xả) do tự mình làm; khí (xả) do Tăng hoà hiệp như pháp tác pháp. Tức một loại không cần Tăng yết-ma, và một loại do Tăng yết-ma. [28] Pali: hoti tathāgato paraṃ maraṇaṃ, Như Lai tồn tại tồn tại sau khi chết? [29] Từ hai pháp: thế gian thường và vô thường, nêu 14 vấn đề không được Phật trả lời, gọi là 14 vô ký vấn. Xem Trung A-hàm 60 (kinh 221. Tiễn dụ, T1n26 tr.84a21), Pali, M. 63. Cūla-Māluṅkya). [30] So sánh Pali: sāvajjapaññatti, hữu tội (=phạm chế). Sớ giải: sāvajjapaññattīti lokavajjā, hữu tội chế, chỉ các tội (quy đinh) theo thế gian. Tức những điều luật Phật chế tùy theo quan điểm đạo đức của thế gian. [31] Hữu tránh tỳ-ni, chỉ những điều luật được quy đinh do các tranh chấp khởi lên giữa các tỳ-kheo. [32] Tham chiếu Thập tụng: tham dục tỳ-ni, sự điều phục tham dục; sân nhuế tỳ-ni, sự điều phục sân nhuế. [33] Phương tỳ-ni 方毘尼, chỉ địa phương tức bộ phận; đây chỉ sự điều phục một phần. Biến tỳ-ni 遍毘尼, điều phục phổ biến hay toàn diện. So sánh Pali dẫn trên: padesapaññatti, nhất phần chế, và sabbatthapaññatti: biến xứ chế. Thập tụng: biến tỳ-ni và bất biến tỳ-ni. [34] Sân và bất hỉ (bất mãn) là hai yếu tố thường khiến tỳ-kheo phạm tội. Xem tăng-già-bà-thi-sa 8 & 9, của tỳ-kheo, và các ba-dật-đề của tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni. Pali: doso appatīto. [35] Xem tỳ-kheo, tăng-già-bà-thi-sa 13: Xiển-nặc «ác tánh bất thọ nhân ngữ,» ngoan cố, khó dạy bảo, không nhận lời chỉ dạy. [36] Hán: thiện phạm 善犯. Thập tụng: có hai thiện, biết phạm và biết hối lỗi. [37] Thập tụng: người vô trí phú tàng có hai quả, địa ngục và ngạ quỷ. Người trí không phú tàng có hai quả, người và trời. [38] Thập tụng: «Phật nói, không tín thọ những điều Ta dạy, phú tàng. Những ai phú tàng, không thể thoát ly sanh lão bịnh tử khổ. Tín thọ những điều Ta dạy, không phú tàng. Những ai không phú tàng, được thoát ly sanh lão bịnh tử khổ.» [39] Thập tụng: có hai thứ thanh tịnh, giới thanh tịnh và kiến thanh tịnh. [40] Chỉ hai hạng người. [41] Ở trên, 2 & 3, chỉ hai hạng người. Đây chỉ hai pháp. [42] Đẳng chúng và bất đẳng chúng. [43] Pháp vương, chỉ vị vua cai trị bằng luật pháp, đạo đức, không dùng vũ lực trấn áp. [44] Pali: dve puggalā bālā, có hai loại người ngu. [45] «Không thấy» được hiểu là «không tự mình thừa nhận.» Trong trường hợp ngoan cố, Tăng tác yết-ma xả trí (yết-ma bất kiến tội cử, xem cht. 38, Phần iv, chương xi ) [46] Đoạn tranh pháp 斷諍法, tức các phát diệt tránh. Xem thêm cht. 55 đoạn dưới. [47] Thuyết và bất thuyết 說不說, tức thuyết và phi thuyết: những điều được Phật nói, và những điều không phải do Phật nói. [48] Thập tụng: hai pháp khiến pháp tiêu diệt, biến mất, chìm mất: tỳ-kheo nghi pháp, nghi tỳ-ni. Lại có hai pháp khác: tỳ-kheo dạy người phi pháp, phi tỳ-ni. [49] Để bản: như pháp cử 如法舉. Tống-Nguyên-Minh: bất như pháp ưng cử 不如法應舉. [50] Tẩn yết-ma 擯羯磨; yết-ma khu xuất, đuổi khỏi trú xứ hiện tại. Xem tỳ-kheo, tăng-già-bà-thi-sa 12 (Ô tha gia). [51] Tham chiếu Pali: có hai loại người tăng trưởng các lậu, 1. không nghi hối điều đáng nghi hối (na kukkuccāyitabbaṃ kukkucāyati), 2. nghi hối điều không đáng nghi hối. [52] Tịnh, đây có nghĩa là «hợp thức», tức đúng theo điều luật đã quy định. Tham chiếu Pali: akappiye kappasaññī, nơi điều không hợp thức (tịnh) cho là thức. [53] Quy định điều mà Phật đã không quy định. [54] Xem mục một pháp: một lời thành xả giới. [55] Hai trong 10 mục đích Phật quy định giới (mười cú nghĩa). Xem Phần i, chương i, ba-la-di 1, cht.31; Việt, quyển 1, tr. 25. [56] Thập tụng: Có hai sự, Phật quy định các yết-ma khổ thiết (yết-ma y chỉ, yết-ma khu xuất, yết-ma hạ ý... ma-na-đỏa, bản nhật trị, xuất tội), 1. khiến kẻ xấu không đắc lực; 2. người thanh tịnh đắc lực. Đoạn sau, có hai sự, như trên, 1. khiến đời nay thanh tịnh trì giới; 2. đời sau an lạc phạm hạnh lâu dài. [57] Hết quyển 57. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích III. BA PHÁP 1. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: Có ba yết-ma nhiếp tất cả yết-ma. Ba yết-ma ấy là: bạch yết-ma,[58] bạch nhị yết-ma, bạch tứ yết-ma. Đó là ba pháp yết-ma nhiếp tất cả các yết-ma. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo nghe rồi hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 2. Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bảo các tỳ-kheo: Có ba trường hợp trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. Ba phi pháp ấy là: a. Hoặc có tỳ-kheo phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo nói là phạm ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá, và hỏi: «Ngươi có nhớ phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị kia nói: «Căn bổn không thấy.[59] Này các Trưởng lão! Tôi không nhớ có phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Đừng nạn vấn tôi mãi.» Các tỳ-kheo cứ nạn vấn không thôi, nên vị đó đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho vị đó ức niệm tỳ-ni, thì đó là trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. b. Hoặc có tỳ-kheo phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo nói là phạm ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi có nhớ phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị kia nói: «Căn bản không thấy. Thưa các Trưởng lão, tôi không nhớ có phạm trọng tội như vậy. Tôi phạm tiểu tội. Tôi sẽ sám hối thanh tịnh. Các Trưởng lão đừng nạn vấn tôi mãi.» Vì các tỳ-kheo cố nạn vấn không thôi, nên vị đó đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho ức niệm tỳ-ni, thì đó là trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. c. Hoặc có tỳ-kheo phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi: «Ngươi có nhớ phạm, trọng tội ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá không?» Vị đó nói: «Căn bản không thấy. Thưa các Trưởng lão, tôi không nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Tôi phạm tiểu tội, đã sám hối thanh tịnh. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cật vấn không thôi, nên vị kia đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho ức niệm tỳ-ni thì là phi pháp. Đó là ba loại trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. 3. Có ba trường hợp trao ức niệm tỳ-ni như pháp: a. Nếu tỳ-kheo không phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo khác nói là phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi nhớ phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy không?» Vị kia không nhớ có phạm nên nói: «Thưa Trưởng lão, tôi không nhớ phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ cật vấn không thôi, cho nên vị kia cố nhớ lại kỹ, rồi đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho ức niệm tỳ-ni thì đó là trao ức niệm tỳ-ni như pháp. b. Nếu tỳ-kheo không phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo khác nói là phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, có nhớ không?» Vị kia không nhớ có phạm, nên nói: «Trưởng lão, tôi không nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy.» Tôi phạm tiểu tội, sẽ như pháp sám hối thanh tịnh. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi, nên vị kia cố nhớ lại kỹ, rồi đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho ức niệm tỳ-ni thì đó là trao ức niệm tỳ-ni như pháp. c. Hoặc tỳ-kheo không phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo khác nói là phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy, có nhớ không?» Vị kia không nhớ có phạm nên nói: «Thưa Trưởng lão, tôi không nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá như vậy. Tôi phạm tiểu tội, đã sám hối thanh tịnh. Các tỳ-kheo đừng cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi, nên vị kia cố nhớ lại kỹ rồi đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho ức niệm tỳ-ni, thì đó là trao ức niệm tỳ-ni như pháp. Đó là ba trường hợp trao ức niệm tỳ-ni như pháp. 4. Lại có ba trường hợp trao cho bất si tỳ-ni phi pháp: a. Nếu tỳ-kheo không si cuồng mà dối làm si cuồng, phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm trọng tội, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá.» Vị kia nói: «Tôi điên cuồng tâm loạn, phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Đó chẳng phải là việc tôi cố ý làm, mà là do si cuồng. Các Trưởng lão đừng nên cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ vẫn cật vấn không thôi, nên vị kia đến giữa Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, tức là cho bất si tỳ-ni phi pháp. b. Nếu tỳ-kheo không si cuồng mà dối làm si cuồng, phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo khác nói là phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay Thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá không?» Vị kia nói: «Trước đây, tôi si cuồng tâm loạn, phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải do tôi cố ý làm, mà là vì si cuồng nên làm như vậy. Như người nhớ việc trong mộng, tôi cũng như vậy. Các Trưởng lão đừng nên cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo vẫn cứ cật vấn không thôi, [995a1] nên vị kia đến trong Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, tức là cho bất si tỳ-ni phi pháp. c. Nếu tỳ-kheo không si cuồng mà dối làm si cuồng, phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo khác nói là phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc Tăng gìa bà thi sa, hay thâu-lan-giá, bèn hỏi: «Ngươi nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá không?» Vị kia nói: «Trước đây, tôi si cuồng nên làm như vậy. Như người từ trên núi cao rơi xuống, chỉ nắm được một ít cỏ cây mà thôi. Các Trưởng lão đừng nên cật vấn tôi.» Vì các Trưởng lão vẫn cố cật vấn không thôi, nên vị kia đến giữa Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho pháp bất si tỳ-ni, tức là trao bất si tỳ-ni phi pháp. Đó là ba trường hợp trao bất si tỳ-ni phi pháp. 5. Lại có ba trường hợp trao Bất si tỳ-ni như pháp: a. Nếu tỳ-kheo si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Sau đó, vị kia trở lại bình phục. Các tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy, có nhớ hay không?» Vị kia nói: «Trước đây tôi si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn; chẳng phải do tôi cố làm, mà vì cuồng si. Các Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi, nên vị kia khi si cuồng chấm dứt, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, tức là trao bất si tỳ-ni như pháp. b. Nếu tỳ-kheo si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Sau đó, vị kia trở lại bình phục. Các tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy, có nhớ hay không?» Vị kia nói: «Trước đây tôi si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn; chẳng phải do tôi cố làm, mà vì cuồng si. Như người nhớ lại việc làm trong mộng. Các Trưởng lão đừng nên gạn hỏi tôi.» Vì các tỳ-kheo vẫn cứ gạn hỏi không thôi, nên vị kia sau khi si cuồng chấm dứt, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng trao cho bất si tỳ-ni, tức là trao bất si tỳ-ni như pháp. c. Nếu tỳ-kheo si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Sau đó, vị kia trở lại bình phục. Các tỳ-kheo khác nói: «Ngươi phạm trọng tội, ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hay thâu-lan-giá như vậy, có nhớ hay không?» Vị kia nói: «Trước đây tôi si cuồng nên phạm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn; chẳng phải do tôi cố làm, mà vì cuồng si. Tôi nhớ như người từ trên núi cao rơi xuống chỉ nắm được một ít cỏ cây mà thôi. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi.» Vì các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi, nên vị kia, sau khi cuồng si dứt, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, tức là trao cho bất si tỳ-ni như pháp. Đó là ba trường hợp trao bất si tỳ-ni như pháp. 6. Có ba loại điều phục pháp:[60] ha trách, tẩn xuất, y chỉ. Đó là ba pháp điều phục. 7. Có ba pháp diệt tránh: Dùng lời của nhiều người, tội xứ sở, cỏ che đất. Đó là ba pháp diệt tránh. 8. Lại có ba pháp, nên gọi tỳ-kheo đến hiện tiền rồi tác bạch, sau đó mới tác ba yết-ma. Ta nói pháp như vậy, đắc xứ sở, yết-ma thành tựu. Nếu tỳ-kheo ưa đấu tranh, Tăng nên trao cho ba loại yết-ma: hoặc yết-ma ha trách, hoặc yết-ma y chỉ, hoặc yết-ma tẩn. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 9. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo, có ba pháp không được cho thọ đại giới: một là phá giới, hai là phá kiến, ba là phá oai nghi.[61] Người có ba pháp như vậy không được cho thọ đại giới. 146. Có ba pháp nên cho thọ đại giới: Không phá giới, không phá kiến, không phá oai nghi. Người có ba pháp như vậy nên cho thọ đại giới. 10. Tỳ-kheo có ba pháp, Tăng nên trao cho pháp yết-ma ha trách: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Phạm vào ba pháp như vậy Tăng nên trao cho pháp yết-ma quở trách. 11. Hoặc yết-ma tẫn, hay yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử, cũng như vậy. 12. Người bị cử có ba pháp, không được cho giải yết-ma: Nên thấy[62] mà không thấy, nên sám mà không sám, nên xả mà không xả.[63] Vi phạm vào ba pháp như vậy, không được vì họ giải yết-ma. 13. Người bị cử[64] có ba pháp nên vì họ giải yết-ma: Nên thấy thì thấy, nên sám thì sám, nên xả thì xả. Làm được ba pháp như vậy, nên vì họ giải yết-ma. 14. Người bị cử có ba pháp, không được vì họ giải yết-ma: Nên thấy mà không thấy, nên sám mà không sám, nên tin mà không tin. Ai có ba pháp như vậy, không được cho giải yết-ma. 15. Người bị cử có ba pháp nên cho giải yết-ma: Nên thấy thì thấy, nên sám thì sám, nên tin thì tin. Ai có ba pháp như vậy, nên cho giải yết-ma. 16. Tỳ-kheo có ba pháp nên trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Trước người bạch y mà chê trách Phật, Pháp, Tăng. Ai có ba pháp như vậy, nên trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. 17. Trao cho tỳ-kheo pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y nên bằng ba pháp để cân nhắc: xứng lượng tỳ-kheo, xứng lượng bạch y, xứng lượng sự việc. 18. Lại có ba pháp: xứng lượng tỳ-kheo, xứng lượng bạch y, xứng lượng yết-ma. 19. Lại có ba pháp: Xứng lượng tỳ-kheo, xứng lượng bạch y, xứng lượng tội phạm. 20. Lại có ba pháp: có thật hay không thật, có làm hay không làm, đáng trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, hay không đáng trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Đó là ba việc cân nhắc để trao cho tỳ-kheo yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. 21. Lại có ba pháp tác yết-ma quở trách phi pháp phi tỳ-ni yết-ma không thành, không đắc xứ sở. Ba pháp ấy là, không tác cử, không tác ức niệm, không tác tự ngôn. 22. Lại có ba pháp: không phạm, tội phạm không thể sám, hoặc tội đã sám rồi. 23. Lại có ba pháp: không tác cử, phi pháp, biệt chúng. 24. Lại có ba pháp: không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng . 25. Lại có ba pháp: không tác tự ngôn, phi pháp, biệt chúng. 26. Lại có ba pháp: không phạm, phi pháp, biệt chúng. 27. Lại có ba pháp: tội phạm không thể sám hối, phi pháp, biệt chúng. 28. Lại có ba pháp: tội phạm đã sám hối, phi pháp, biệt chúng. 29. Lại có ba pháp: không hiện tiền, phi pháp, biệt chúng. Có ba pháp như vậy, tác yết-ma quở trách phi pháp, phi tỳ-ni, không thành, không đắc xứ sở. 30. Có ba pháp tác yết-ma quở trách như pháp, như tỳ-ni thành tựu, đắc xứ sở (đúng cách) (ngược lại với câu trên, để khỏi phiền nên không chép ra).[65] 31. Có ba việc lộng âm xuất tinh tăng-già-bà-thi-sa: hồi tưởng, lộng, xuất bất tịnh. Làm ba việc như vậy phạm tăng-già-bà-thi-sa. 32. Lại có ba việc: hồi tưởng, lộng, muốn xuất bất tịnh màu xanh, hoặc xuất bất tịnh màu xanh, tăng-già-bà-thi-sa. 33. Nếu hồi tưởng, lộng, muốn xuất bất tịnh màu xanh, cho đến xuất bất tịnh màu vàng, hoặc đỏ, hoặc trắng, hoặc đen, hoặc màu sữa, hoặc bất tịnh màu lạc tương, tăng-già-bà-thi-sa. 34. Nếu hồi tưởng, lộng, cho đến muốn xuất bất tịnh màu nước sữa, hoặc xuất, tăng-già-bà-thi-sa. 35. Nếu hồi tưởng, lộng, muốn xuất bất tịnh màu lạc tương, cho đến xuất bất tịnh màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tăng-già-bà-thi-sa. 36. Cũng vậy, vì khoái lạc, vì làm thuốc, vì thử nghiệm, vì phước đức, vì tế trời, vì thiện đạo, vì bố thí, vì lấy giống, vì vọc chơi, vì buông tuồng, vì thử sức, vì [996a1] nhan sắc, vì dễ ngươi; tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa. 37. Đối với nội sắc cũng như vậy. Đối với ngoại sắc cũng như vậy. Đối với nội ngoại sắc cũng như vậy. Nếu đối với nước, với gió, với hư không cũng như vậy. 38. Có ba hạng người phạm: không điên cuồng, không thác loạn, không thống não. Đó là ba hạng người phạm. 39. Có ba hạng người không phạm: điên cuồng, thác loạn, thống não. Đó là ba hạng người không phạm. 40. Có ba loại chúng sanh mà hành dâm với, phạm ba-la-di: nhơn, phi nhơn, súc sanh. Đó là ba loại chúng sanh hành dâm phạm ba-la-di. 41. Lại có ba loại: phụ nữ, đồng nữ, hai căn. 42. Lại có ba loại: phụ nữ, đồng nữ, huỳnh môn. 43. Lại có ba loại: phụ nữ, đồng nữ, nam tử. 44. Lại có ba: nam tử, hai căn, huỳnh môn. 45. Lại có ba loại phụ nữ mà hành dâm với, phạm ba-la-di: phụ nữ loài người, phụ nữ loài phi nhơn, súc sanh cái. 46. Đồng nữ cũng như vậy. Hai căn cũng như vậy. Huỳnh môn cũng như vậy. Nam tử cũng như vậy. 47. Với phụ nữ loài người, hành dâm tại ba chỗ: đại tiện, tiểu tiện và miệng, phạm ba-la-di 48. Phụ nữ phi nhơn, phụ nữ súc sanh; đồng nữ loài người, đồng nữ phi nhơn; súc sanh cái, người hai căn, phi nhơn hai căn, súc sanh hai căn cũng như vậy. 49. Có ba loại trộm phạm ba-la-di: tự mình lấy, hiện tiền chỉ bảo lấy, sai phái người đi lấy. 50. Lại có ba: không nghĩ tưởng của mình mà lấy, không lấy tạm, chẳng phải thân tình mà lấy. 51. Lại có ba: của người, ý tưởng là của người, dời khỏi chỗ cũ. 52. Có ba loại đoạn mạng phạm ba-la-di: người có ý tưởng là người, hoặc dùng thân, hay dùng miệng để đoạn mạng. Đó là ba loại đoạn mạng phạm ba-la-di. 53. Có ba loại đoạn mạng người không phạm ba-la-di: người mà tưởng là phi nhơn, hoặc dùng thân, hay dùng miệng để đoạn mạng. Đó là ba loại đoạn mạng người mà không phạm ba-la-di. 54. Có ba loại tự xưng đặng pháp thượng nhơn phạm ba-la-di: không đắc nói đắc, không nhập nói nhập, không chứng nói chứng. Đó là ba loại. 55. Lại có ba loại: phạm do thân, phạm do miệng, phạm do cả thân và miệng.[66] Đó là ba loại (Trong ba điều phạm này lại có bốn vế khác tên: vế thứ nhất nói, ba loại tướng.[67] Vế hai, nói ba loại chú. Vế ba, nói ba phi oai nghi.[68] Vế bốn, nói ba tà mạng[69])[70] 56. Lại có ba: Tham, nhuế, si. Đó là ba. 57. Lại có ba: Thân dục, khẩu dục, thân khẩu dục. Đó là ba.[71] 58. Lại có ba: Thân nhuế, khẩu nhuế, thân khẩu nhuế. Đó là ba. 59. Lại có ba: Thân si, khẩu si, thân khẩu si. Đó là ba. 60. Lại có ba: Thân dục hại, khẩu dục hại, thân khẩu dục hại.[72] Đó là ba. Nhuế si cũng như vậy. 61. Có ba hạng người phạm: một là Tăng, hai là số đông người, ba là một người.[73] 62. Có ba hạng người sám hối: Tăng, số đông người, một người. 63. Có ba hạng người nên thọ sám hối: Tăng, số đông người, một người. 64. Có ba hạng người phạm ni-tát-kỳ: Tăng, số đông người, một người. Phạm ni-tát-kỳ nên đối trước ba hạng người xả: Tăng, số đông người, một người. 65. Có ba hạng người thọ ni-tát-kỳ: Tăng, số đông người, một người. 66. Có ba loại im lặng: biết mà im lặng, không biết mà im lặng, si mà im lặng. 67. Có ba loại trụ: giới trụ, kiến trụ, yết-ma trụ. 68. Lại có ba: giới trụ, kiến trụ, oai nghi trụ. 69. Lại có ba: giới trụ, kiến trụ, mạng trụ. 70. Lại có ba hạng người tranh chấp: hoặc Tăng, hoặc số đông người, hoặc một người. 71. Có ba hạng người khơi dậy tranh chấp: hoặc Tăng, hoặc số đông người, hoặc một người. 72. Có ba hạng người xả tranh chấp: Tăng, số đông người, hoặc một người. 73. Nên đối trước ba hạng người để xả: hoặc Tăng, hoặc số đông người, hay một người. 74. Có ba hạng người diệt tranh chấp: Tăng, số đông người, hay một người. 75. Có ba hạng người nên diệt tranh chấp: Tăng, số đông người, một người. 76. Có ba hạng người được diệt tranh chấp: Tăng, số đông người, hay một người. 77. Tỳ-kheo có ba thứ chánh ngữ nên nói với tỳ-kheo: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. 78. Cử tội tỳ-kheo khác nên dùng ba việc: nghe, thấy, nghi. 79. Có ba loại che giấu: che giấu phá giới, che dấu phá kiến, che dấu phá oai nghi. 80. Có ba cách phát lồ: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. 81. Có ba loại sám hối: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. 82. Có ba loại yết-ma phóng dật:[74] Yết-ma phá giới, yết-ma phá kiến, yết-ma phá oai nghi. 83. Có ba học: tăng giới học, tăng tâm học, tăng huệ học. Đó là ba học. 84. Lại có ba học: oai nghi học, tịnh hạnh học, ba-la-đề-mộc-xoa học. Đó là ba học. 85. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Đại đức là chủ của Pháp, nói về học. Vậy thế nào là học?» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Học nơi giới, nên gọi là học. «Thế nào là học giới? Tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, cho nên gọi là học. Khi vị kia tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, được điều phục, dứt sạch tham dục, sân nhuế, ngu si. Vị kia khi đã dứt sạch hết tham dục, sân si rồi không tạo bất thiện, không gần các ác. Đó gọi là học.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 86. Đức Phật hỏi các tỳ-kheo: «Các ngươi học những gì? Thế nào học?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Đại đức là căn bản của Pháp, là chủ pháp, như điều đức Thế Tôn vừa dạy chúng con thọ trì, cho nên gọi là học.» 87. Lại có ba học: tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. Học ba môn học này sẽ đạt được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Cho nên cần phải tinh tấn học ba môn học này. 88. Bấy giờ Tôn giả A-nan ở trong Kê viên, thành Ba-la-lê Tử.[75] Khi ấy, có Khổng tước quan bà-la-môn[76] đến chỗ Tôn giả thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, bạch Tôn giả rằng: «Sa-môn Cù-đàm tại sao vì các tỳ-kheo chế tăng giới học, tăng tịnh hạnh học, tăng ba-la-đề-mộc-xoa học?» Tôn giả trả lời: «Nhằm mục đích điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si, khiến cho tận diệt, nên đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới.» Vị kia lại hỏi: «Nếu tỳ-kheo đắc lậu tận của A-la-hán, vị kia học cái gì?» Tôn giả A-nan trả lời: «Tham dục, sân nhuế, ngu si hết, không tạo bất thiện, không gần các ác, việc cần đã làm xong, gọi là vô học.» Bà-la-môn hỏi: «Như điều vừa nói, được gọi là vô học phải không?» A-nan trả lời: «Chính như vậy.» Tôn giả A-nan nói như vậy. Khổng tước quan Bà-la-môn nghe rồi hoan hỷ tin ưa thọ trì. 89. Đức Thế Tôn ở trong thôn Băng-già-di,[77] nước Ma-kiệt, vì các tỳ-kheo dùng vô số phương tiện nói giới pháp. Bấy giờ, có tỳ-kheo cựu trú thuộc họ Ca-diếp[78] xuất gia. Tỳ-kheo này nghe đức Thế Tôn nói pháp, không sanh lòng tin ưa, ưu sầu không vui, nói: «Đức Thế Tôn cứ khủng bố chúng ta.»[79] Khi đức Thế Tôn di chuyển đến thành Vương-xá không lâu, tỳ-kheo họ Ca-diếp kia tâm tự hối hận, nói: «Ta đặng điều bất thiện, thiệt hại. Đức Thế Tôn đã vì các tỳ-kheo dùng vô số phương tiện nói giới, mà ta không sanh lòng tin ưa, sầu ưu không vui, lại nói: ‹Thế Tôn cứ khủng bố chúng ta.› Nay ta cần phải đối trước đức Thế Tôn chí thành sám hối.» Vị tỳ-kheo kia liền khoác y, bưng bát đi qua thành Vương-xá, đến chỗ đức Thế Tôn, [997a1] đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên trên bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đầu mặt kính lễ sát chân, chí thành hối quá: «Kính bạch Đại đức, con ngu si, vô trí, bất thiện. Đức Thế Tôn đã vì các tỳ-kheo dùng vô số phương tiện nói giới pháp mà con sanh lòng không tin ưa, ôm sự ưu não, nói: ‹Thế Tôn cứ khủng bố chúng ta mãi.› Cúi xin Đại đức nhận sự hối quá của con!» Phật bảo tỳ-kheo: «Ngươi tự sám hối sự ngu si, vô trí, bất thiện của mình. Ta đã vì các tỳ-kheo nói giới. Ngươi tự mình không tin ưa, ôm lòng ưu sầu, nói: ‹Đức Thế Tôn cứ khủng bố chúng ta mãi.› Ở trong giáo pháp của Ta, ai có thể chí thành như pháp sám hối thì được tăng ích. Ngươi sám hối thì nên sanh tâm yểm ly. Tỳ-kheo, ngươi chí thành như pháp sám hối. Ta vì ngươi thọ nhận.» Bấy giờ, tỳ-kheo Ca-diếp kia kính lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật bảo tỳ-kheo: «Nếu Thượng tọa đã không học giới cũng không khen ngợi giới, mà nếu có tỳ-kheo khác ưa học giới, khen ngợi giới, lại cũng không tùy thời khuyến khích, khen ngợi. Tỳ-kheo Ca-diếp, Ta không khen ngợi hạng Thượng tọa như vậy. Tại sao? Nếu Ta khen ngợi, khiến các tỳ-kheo sẽ thân cận. Nếu có ai thân cận, khiến người khác học tập pháp (của vị) đó; thì người học tập theo pháp đó sẽ thọ khổ lâu dài. Vì thế cho nên, này tỳ-kheo Ca-diếp, Ta thấy lỗi lầm của Thượng tọa như vậy nên không khen ngợi. Hàng trung hạ tọa cũng như vậy. (Đây là hàng Thượng, Trung, Hạ toạ không như pháp. Kế tiếp theo có hàng Thượng, Trung, Hạ tọa như pháp, ngược lại văn trên, sợ phiền nên không chép ra).[80] Đức Phật dạy như vậy. Tỳ-kheo Ca-diếp hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 90. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Thí như có con lừa cùng đi với bầy bò, tự nói: ‹Ta cũng là bò, ta cũng là bò.› Nhưng lông của lừa thì không giống bò, chân của lừa không giống bò, tiếng kêu không giống bò. Cùng đi với bò, tự nói là bò, cũng như vậy. Có người ngu đi theo tỳ-kheo như pháp, tự nói ta là tỳ-kheo. Người ngu này không có tăng giới, tăng tâm, tăng huệ như thiện tỳ-kheo, cùng đi với chúng Tăng, tự nói là tỳ-kheo. Do đó, các ngươi cần phải siêng năng tu tập tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 91. Đức Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có tỳ-kheo người Bạt-xà đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên bạch đức Thế Tôn rằng: «Giới được thuyết trong mỗi nửa tháng nhiều quá, con không thể học hết số giới nhiều như vậy.» Đức Phật dạy rằng: «Ngươi học ba giới: Tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ thôi. Thầy học ba giới như vậy sẽ đạt đến chỗ mà tham dục, sân nhuế, ngu si diệt tận, không tạo bất thiện, không gần các ác.» Tỳ-kheo thưa: «Bạch Đại đức, con nguyện hoan hỷ thọ trì.» Tỳ-kheo người Bạt-xà sau nghe đức Thế Tôn lược dạy rồi, một mình ở tại chỗ khuất, tinh cần không phóng dật. Đầu đêm sau đêm chuyên ý cảnh tỉnh, tư duy mục đích xuất gia. Tu tập không lâu, đặng vô thượng tịnh hạnh, ngay hiện tại mà tự biết tự chứng đắc, «Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không thọ sanh trở lại.» Tỳ-kheo người Bạt-xà tự biết chứng A-la-hán. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 92. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Có ba học: tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. «Thế nào là tăng giới học?[81] «Có tỳ-kheo tôn trọng giới, lấy giới làm chủ; không đặt trọng nơi định, không lấy định làm chủ; không trọng nơi tuệ, không lấy tuệ làm chủ. Tỳ-kheo ấy ở nơi giới có phạm nhẹ liền sám hối. Tại sao vậy? Trong đây, không phải như đồ dùng đã vỡ, đá đã vỡ. Nếu là giới nặng, tỳ-kheo ấy phải kiên trì, khéo trụ nơi giới, nên thân cận hành trì, không hành (với giới) bị sứt mẻ, không hành (giới) nhiễm ô, thường tu tập như vậy. Vị kia đoạn năm hạ kết sử,[82] sanh lên cõi trên mà Niết-bàn ở đó,[83] không trở lại nơi đây.[84] «Nếu tỳ-kheo trọng giới, lấy giới làm chủ; trọng nơi định, lấy định làm chủ; không trọng tuệ, không lấy tuệ làm chủ, như trên. «Nếu tỳ-kheo trọng giới lấy giới làm chủ, trọng định lấy định làm chủ, trọng tuệ lấy tuệ làm chủ. Vị kia lậu diệt tận, đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong hiện tại, tự thân chứng ngộ, tự biết, ‹Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sanh nữa.[85]› Người hành trọn đủ, thì thành tựu trọn đủ.[86] Người hành không trọn đủ, thì thành tựu không trọn đủ.[87] Ta nói, giới này không phải luống không.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 93. Lại có ba học: tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ học. Thế nào là tăng giới học? Có tỳ-kheo hành trì giới trọn đủ, hành trì định một ít, hành trì tuệ một ít. Vị kia đoạn năm hạ kết sử, sanh lên kia mà nhập Niết bàn, không sanh trở lại cõi này. Nếu không thể đến chỗ như vậy, thì có thể ba kết là tham dục, sân nhuế, si thành mỏng,[88] đắc quả Tư-đà-hàm, sanh trở lại thế gian, liền tận cùng biên tế của khổ. Nếu không thể đến chỗ như vậy thì có thể đoạn ba kết[89] đặng quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác đạo, quyết định đạt đến đạo, bảy lần sanh thiên thượng, bảy lần sanh trong loài người,[90] liền hết khổ tế. Nếu tỳ-kheo hành trì giới đầy đủ, hành trì định đầy đủ, hành trì tuệ một ít thì cũng như trên. Nếu tỳ-kheo hành trì giới đầy đủ, hành trì định đầy đủ, hành trì tuệ đầy đủ thì cũng như trên. 94. Lại có ba học: tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. Thế nào là Tăng giới học? Tỳ-kheo thọ trì đầy đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, thành tựu oai nghi, e sợ với cả khinh giới, xem nặng như kim cương, bình đẳng học tập các giới. Đó gọi là tăng giới học. Thế nào là tăng tâm học? Tỳ-kheo xả dục ác,[91] cho đến nhập được đệ tứ thiền. Đó là tăng tâm học. Thế nào là Tăng tuệ học? Tỳ-kheo như thật biết Khổ đế, biết Tập, Diệt, Đạo. Đó gọi là tăng tuệ học. 95. Lại có ba học: tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ học. Tăng giới, tăng tâm như trên. Tăng tuệ học là tỳ-kheo biết bên trong có tham dục, như thật biết. Bên trong không có tham dục, như thật biết. Nếu chưa sanh tham dục, như thật biết. Nếu chưa sanh tham dục, sau đó sanh, như thật biết. Nếu đã sanh tham dục, có thể đoạn, như thật biết. Nếu tham dục chưa sanh, không khiến sanh, như thật biết. Sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi[92] cũng như vậy. Tỳ-kheo kia nghĩ: Ta ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt có tham dục, sân nhuế, như thật biết; không tham dục sân nhuế, như thật biết; ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt tham dục, sân nhuế chưa sanh sẽ không sanh, như thật biết; ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt tham dục, sân nhuế chưa sanh sẽ sanh, như thật biết; ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt tham dục, sân nhuế đã sanh được đoạn diệt, như thật biết; ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt tham dục, sân nhuế đã đoạn sau không sanh lại, như thật biết. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Lại nữa, tỳ-kheo bên trong có niệm giác ý,[93] như thật biết; trong không có niệm giác ý, như thật biết; niệm giác ý chưa sanh sẽ không sanh, như thật biết; niệm giác ý chưa sanh sẽ sanh, như thật biết; niệm giác ý đã sanh được tu tập đầy đủ, như thật biết; niệm giác ý chưa sanh, phương tiện khiến sanh, như thật biết. Cũng vậy, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, ỷ giác ý, định giác ý, hỷ giác ý, hộ giác ý[94] cũng như vậy. 96. Lại có ba tụ: trì giới tụ, định tụ, tuệ tụ. 97. Tỳ-ni có [998a1] ba trả lời: thấy như vậy, nghe như vậy, nhẫn khả như vậy.[95] 98. Tỳ-kheo có ba điều diệt chánh pháp: phi chế lại chế, chế lại đoạn, không theo điều đã chế mà làm. 99. Tỳ-kheo lại có ba pháp không diệt chánh pháp: (ngược lại câu trên). 100. Có ba trường hợp vọng ngữ trọn vẹn: biết trước mà muốn nói dối, khi đang nói dối biết là nói dối, nói dối rồi biết là nói dối. 101. Lại có ba trường hợp thật ngữ trọn vẹn (ngược lại nghĩa trên). 102. Lại có ba loại sứ giả: một là đẳng (phần) sứ, hai là tăng (phần) sứ, ba là giảm (phần) sứ. Thế nào vọi là đẳng (phần) sứ? Người sứ có thể thọ giáo, mà không thêm không bớt, tùy theo sự nghe mà nói lại, đó gọi là đẳng (phần) sứ. Thế nào gọi là tăng (phần) sứ? Người sứ thọ giáo rồi, vì muốn tăng thêm ích lợi nên nói thêm, đó gọi là tăng (phần) sứ. Thế nào gọi là giảm (phần) sứ? Người sứ thọ giáo rồi, không nói lại đầy đủ, đó gọi là giảm (phần) sứ. 103. Lại có ba hạng con: Con bằng (cha mẹ), con hơn (cha mẹ), con không bằng (cha mẹ). Thế nào gọi là con bằng? Cha mẹ có tín, giới, thí, huệ. Con cũng có tín, giới, thí, huệ. Đó gọi là con bằng. Thế nào là con hơn? Cha mẹ không có tín, giới, thí, huệ, mà con có tín, giới, thí, huệ. Đó gọi là con hơn. Thế nào gọi là con không bằng? Cha mẹ có tín, giới, thí, tuệ, mà con không có tín, giới, thí, huệ. Đó gọi là con không bằng. Phật nói kệ: Con bằng và con hơn, Nên cầu con như vậy, Đừng cầu con không bằng, Tại gia không lợi ích, Con kia thường như pháp, Thiện hành ưu-bà-tắc, Thành tựu tín trì giới, Bố thí không xan lẫn Như trăng không mây che. Tại gia cũng như vậy.[96] 104. Lại có ba bệnh: Hoặc có bệnh, dù được thức ăn tùy ý hay không được; dù được thuốc tùy bệnh hay không được; dù được người nuôi bệnh tốt tùy ý, hay không được; dù thế người bệnh cũng chết, không thể khỏi bệnh mà được lành. Hoặc có bệnh nhân như vậy. Hoặc có bệnh nhân, dù được thức ăn tùy ý hay không được; dù được thuốc tùy bệnh hay không được; dù được người nuôi bệnh tốt tùy ý, hay không được; mà bệnh nhân này không chết, khỏi bệnh được lành. Hoặc có bệnh nhân như vậy, Hoặc có bệnh nhân nếu không được thức ăn tùy ý, không được thuốc tùy bệnh, không được người nuôi bệnh tốt tùy ý, bệnh nhân này sẽ chết, không thể khỏi bệnh được lành. Nếu được thức ăn tùy ý, được thuốc tùy bệnh, được người nuôi bệnh tốt, thì người bệnh này không chết, khỏi bệnh được lành. Hoặc có bệnh nhân như vậy. Trong số đó, đối với bệnh nhân nếu không được thức ăn tùy ý, không được thuốc tùy bệnh, không được người nuôi bệnh tốt tùy ý, bệnh nhân này sẽ chết, không thể khỏi bệnh được lành; hoặc nếu được thức ăn tùy ý, được thuốc tùy bệnh, được người nuôi bệnh tốt, thì người bệnh này không chết, khỏi bệnh được lành; Ta vì hạng người bịnh này, cho phép người bệnh ăn thức ăn tùy ý, thuốc tùy bệnh, người nuôi bệnh tốt. Vì nhân duyên người bệnh này nên đối với những bệnh nhân khác cũng nên cho người chăm nuôi cung dưỡng. 105. Có ba loại si:[97] một là phạm tội, hai là không thấy tội, ba là thấy tội không như pháp sám hối. Đó là ba loại si. 106. Có ba loại trí tuệ:[98] một là không phạm tội, hai là phạm tội có thể thấy, ba là thấy tội có thể sám hối. 107. Có ba loại si: một là phạm tội mà không thấy, hai là thấy phạm tội mà không sám hối, ba là sám hối mà không như pháp, nên vị kia[99] không chấp nhận. 108. Có ba loại trí tuệ: (Ngược nghĩa với câu trên). 109. Có ba loại an cư: tiền an cư, trung an cư, hậu an cư. 110. Đối với pháp luật của Thánh thì ca hát như khóc, múa nhảy như cuồng, cười đùa như con nít.[100] 111. Có ba loại bất tịnh nhục không được ăn: thấy, nghe, nghi vì mình mà làm. 112. Có ba loại tịnh nhục nên ăn: không thấy, nghe, nghi không vì mình mà làm. 113. Có ba ngày bố-tát: ngày mười bốn, ngày mười lăm, ngày mồng một.[101] 114. Có ba hạng người bố-tát: Tăng, số đông người, hoặc một người.[102] 115. Có ba hạng người tác pháp bố-tát: Tăng, số đông người hoặc một người.[103] 116. Có ba hạng người cần tác pháp bố-tát: Tăng, số đông người, hoặc một người.[104] 117. Hoặc biết mà làm, hoặc không biết mà làm, hoặc thấy mà làm. 118. Hoặc biết mà làm, hoặc không biết mà làm, hoặc si mà làm. 119. Hoặc thân, hoặc miệng, hoặc thân khẩu đầy đủ. 120. Có ba thứ nên bình đoán là phạm tội: một là tựa của giới,[105] hai là chế, ba là trùng chế. 121. Có ba pháp bình đoán là không phạm: tựa của giới,[106] chế, trùng chế. 122. Có ba thứ tịnh. Có ba thứ bất tịnh. Có ba thứ cho phép. Có ba thứ không cho phép cũng như vậy. 123. Có ba không cung kính: Phật, Pháp, Tăng.[107] 124. Lại có ba không cung kính: Phật, Pháp, Giới. 125. Lại có ba không cung kính: Phật, Pháp, Định. 126. Lại có ba không cung kính: Phật, Pháp, Cha Mẹ. 127. Có ba không cung kính: Phật , Pháp, thiện pháp. 128. Cung kính có ba. Ba mục (tức ngược lại các mục trên). 129. Lại có ba bị cử:[108] Một là không thấy, hai không sám hối, ba ác kiến không bỏ. 130. Có ba pháp Tăng nên tác phúc bát:[109] trước tỳ-kheo mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng. 131. Lại có ba niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 132. Lại có ba niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Giới. 133. Lại có ba niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Thí. 134. Lại có ba niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Thiên.[110] 135. Lại có ba thành tựu: trì giới thành tựu, định thành tựu, tuệ thành tựu. 136. Lại có ba: giới thành tựu, định thành tựu, giải thoát thành tựu. 137. Lại có ba: giới thành tựu, định thành tựu, kiến giải thoát huệ thành tựu. 138. Lại có ba hạ tiện pháp: đao tiện, y tiện, sắc tiện.[111] 139. Lại có ba hoại sắc: xanh, đen, mộc lan. 140. Lại có ba pháp gọi là trì luật: trì giới Ba-la-đề-mộc-xoa đầy đủ, đa văn, tụng hai bộ giới thông suốt không nghi. 141. Lại có ba: trì giới Ba-la-đề-mộc-xoa đầy đủ, đa văn, quảng tụng tỳ-ni thông suốt không nghi. 142. Lại có ba: trì giới Ba-la-đề-mộc-xoa đầy đủ, đa văn, trụ trong tỳ-ni không động. 143. Lại có ba: trì giới Ba-la-đề-mộc-xoa đầy đủ, đa văn, thiện xảo phương tiện có khả năng diệt tránh sự. 144. Lại có ba biện:[112] biện tỳ-kheo, biện không phóng dật, biện thanh tịnh hành. 145. Lại có ba ngày tự tứ: ngày mười bốn, ngày mười lăm, mồng một.[113] 146. Lại có ba hạng người tự tứ: Tăng, số đông người, một người. 147. Lại có ba hạng người tác pháp tự tứ: Tăng, số đông người, một người. 148. Lại có ba hạng người cần tác pháp tự tứ: Tăng, số đông người, một người.[114] 149. Lại có ba hạng: biết, không biết, thấy. 150. Lại có ba hạng: biết, không biết, si. 151. Lại có ba hạng: thân, miệng, cả thân và miệng. 152. Lại có ba hạng: thấy, nghe, nghi. 153. Lại có ba lời xả giới: xả Phật, xả Pháp, xả Tăng.[115] 154. Cũng cú pháp như vậy, mỗi cặp ba làm thành một hạng mục, cho 155. đến «chẳng phải sa-môn Thích tử.» 156. Lại có ba thứ nghĩa, nên đức Như Lai ra đời vì các tỳ-kheo chế giới. Từ «nhiếp thủ đối với Tăng,... cho đến khiến chánh pháp tồn tại lâu dài.» Mỗi ba trong 10 cú nghĩa sắp thành một hạng mục.[116] 157. Có ba thứ nghĩa, nên đức Như Lai ra đời, vì các tỳ-kheo chế yết-ma quở trách, từ nhiếp thủ đối với Tăng, ba lần ba làm thành câu, cho đến khiến chánh pháp tồn tại lâu dài cũng như vậy. Từ quở trách cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy. IV. BỐN PHÁP 1. Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại Địa thành, nước Bà-xà, bảo các tỳ-kheo: «Ta nói bốn loại quảng thuyết, các ngươi hãy khéo nghe kỹ. Ta sẽ nói cho các ngươi nghe.» Các tỳ-kheo [999a1] thưa: «Bạch Đại đức, chúng con nguyện ưa muốn nghe.» Bốn thứ ấy là: a. Nếu có tỳ-kheo nào nói như vầy: «Thưa các Trưởng lão, tôi ở tại thôn đó, tại thành đó, nghe từ đức Phật và ghi nhớ, ‘Đây là pháp. ‘Đây là tỳ-ni. Đây là lời Phật dạy.’» Khi nghe tỳ-kheo kia nói như vậy không được sanh hiềm nghi liền, cũng không được chê trách, mà nên thẩm định văn cú rồi, tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét pháp luật. Nếu sau khi nghe tỳ-kheo kia nói, rồi tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét pháp luật, mà lời nói ấy không cùng với Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật tương ưng, trái ngược với pháp, thì nên nói với tỳ-kheo kia: «Những gì Thầy nói chẳng phải như lời Phật dạy. Hoặc là Trưởng lão không thấu triệt được lời Phật dạy. Tại sao vậy? Tôi đã tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì những lời đó không cùng Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật tương ưng, trái ngược với pháp. Trưởng lão đừng nên tụng tập, cũng chớ nên dạy tỳ-kheo khác, mà nên xả bỏ.» Nếu sau khi nghe tỳ-kheo kia nói, rồi tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, tỳ-ni, pháp luật, mà lời nói đó tương ưng với Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì nên nói với tỳ-kheo kia rằng: «Thưa Trưởng lão, những lời Ngài nói đúng với lời Phật dạy, Ngài đã thấu triệt được lời Phật dạy. Tại sao vậy? Tôi đã tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì những lời ấy tương ưng, không trái ngược. Trưởng lão nên thiện trì tụng tập và dạy tỳ-kheo khác, đừng khiến cho vong thất.» Đây là quảng thuyết thứ nhất. b. Nếu có tỳ-kheo nào nói như vầy: «Thưa Trưởng lão, tôi ở tại thôn đó, thành đó, trong Tăng hòa hiệp, trước Thượng tọa, được nghe, ‘Đây là pháp. ‘Đây là tỳ-ni. Đây là lời Phật dạy.’» Khi nghe tỳ-kheo kia nói như vậy không được sanh hiềm nghi liền, cũng không được chê trách, mà nên thẩm định văn cú rồi, tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét pháp luật. Nếu sau khi nghe tỳ-kheo kia nói, rồi tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét pháp luật, mà lời nói ấy không cùng với Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật tương ưng, trái ngược với pháp, thì nên nói với tỳ-kheo kia: «Những gì Thầy nói chẳng phải như lời Phật dạy. Chúng Tăng và Thượng tọa kia, không thấu triệt được lời Phật, Trưởng lão cũng như vậy. Tại sao? Tôi đã tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì những lời đó không cùng Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật tương ưng, trái ngược với pháp. Trưởng lão đừng nên tụng tập, cũng chớ nên dạy tỳ-kheo khác, mà nên xả bỏ.» Nếu sau khi nghe tỳ-kheo kia nói, rồi tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, tỳ-ni, pháp luật, mà lời nói đó tương ưng với Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì nên nói với tỳ-kheo kia rằng: «Thưa Trưởng lão, những lời Ngài nói đúng với lời Phật dạy. Chúng Tăng và Thượng tọa kia cũng như Trưởng lão đã thấu triệt lời đức Phật dạy. Tại sao vậy? Tôi đã tìm hiểu nghiên cứu Tu-đa-la, Tỳ-ni, pháp luật, thì những lời ấy tương ưng, không trái ngược. Trưởng lão nên thiện trì tụng tập và dạy tỳ-kheo khác, đừng khiến cho vong thất.» Đây là điều quảng thuyết thứ hai. (Tiếp theo, trường hợp thứ ba, «...nghe từ số đông tỳ-kheo biết Pháp, Tỳ-ni, Ma-di ...» cũng như vậy. Trường hợp thứ tư, «...nghe từ một tỳ-kheo biết Pháp, Tỳ-ni, Ma di,...» cũng như vậy).[117] Đó là bốn quảng thuyết. Phật thuyết như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, tin ưa hoan hỷ thọ trì. 2. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: Tăng có bốn hạng người đoán sự:[118] Hoặc có người ít nghe, không biết hổ thẹn. Hoặc có người nghe nhiều, không biết hổ thẹn. Hoặc có người ít nghe, biết hổ thẹn. Hoặc có người nghe nhiều, biết hổ thẹn. a. Trong đây, tỳ-kheo đoán sự ít nghe, không biết hổ thẹn, nếu có bàn luận đoán sự ở giữa Tăng, Tăng nên khắt khe quở trách, khiến cho hạng người không biết hổ thẹn đó, sau này không như vậy nữa. b. Nếu người đoán sự nghe nhiều mà không có hổ thẹn kia có bàn luận đoán sự ở giữa Tăng, Tăng nên khắt khe quở trách, khiến cho người không biết hổ thẹn đó sau này không như vậy nữa. c. Trong đây, tỳ-kheo đoán sự có hổ thẹn mà ít nghe kia, nếu có bàn luận đoán sự ở giữa Tăng, Tăng không nên khắt khe quở trách mà nên yểm trợ khai thị, khiến cho vị biết hổ thẹn đó về sau có dự bàn luận đoán sự ở giữa Tăng. d. Nếu tỳ-kheo đoán sự nghe nhiều có hổ thẹn, có bàn luận đoán sự của họ ở giữa Tăng, Tăng không nên chê trách, mà sau khi nghe những gì vị đó nói rồi nên khen: «Thiện tai!» Khiến cho vị có hổ thẹn đó sau này dự bàn luận đoán sự ở giữa Tăng. 3. Lại có bốn hạng tỳ-kheo đoán sự: Hoặc không hổ thẹn và không thuộc kinh văn. Hoặc không hổ thẹn mà thuộc kinh văn. Hoặc có hổ thẹn mà không thuộc kinh văn. Hoặc có hổ thẹn lại thuộc kinh văn. a. Hạng người không hổ thẹn lại không thuộc kinh văn có ba điều mất mát: Vị kia mất mát do không biết hổ thẹn; mất mát do đáng bị chê trách; mất mát do không thuộc kinh văn. Đó là ba điều mất mát của người đoán sự. b. Người không hổ thẹn mà thuộc kinh văn có hai điều mất mát: mất mát do không biết hổ thẹn; mất mát do đáng bị chê trách. Vị kia không mất mát do không thuộc kinh văn. Đó là hai điều mất mát của người đoán sự. c. Người có hổ thẹn mà không thuộc kinh văn có một điều mất mát: Vị kia mất mát do không thuộc kinh văn; không mất mát do không biết hổ thẹn; không mất mát do đáng bị chê trách. Đó là một điều mất mát của người đoán sự. d. Người có hổ thẹn lại thuộc kinh văn không mất mát. Vị kia mất mát do không biết hổ thẹn; không mất mát do đáng bị chê trách; không mất mát do không thuộc kinh văn. Đây là tỳ-kheo đoán sự tối thắng đệ nhất không mất mát. 4. Phá giới, với bốn trường hợp cũng như vậy. Phá kiến, với bốn trường hợp cũng như vậy. Phá chánh mạng, với bốn trường hợp cũng như vậy. (Trong đây tại Kì-Liên có bốn tỳ-kheo chia vật bốn phần như trong «Kiền độ phòng xá»[119] không khác, nên không chép ra) 4. Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Bạch Đại đức, phá Tăng, cho đến mức nào gọi là phá Tăng? Ai phá hòa hợp Tăng?» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Nếu có tỳ-kheo nào, phạm mà nói không phạm; không phạm mà phạm; nhẹ mà nói nặng; nặng mà nói nhẹ. Nếu tỳ-kheo nào, đối với bốn việc này, tìm cầu bạn bè, hoăc khiến người tìm; ở trong giới mà biệt bộ bố-tát, yết-ma thuyết giới. Cho đến mức ấy, Tăng được gọi là phá (vỡ). Đó gọi là Tăng hòa hợp bị vỡ.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Thế nào là hòa hợp Tăng? Tăng vỡ rồi, ai làm cho hòa hợp?» Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Nếu có tỳ-kheo nào, phạm nói là phạm; không phạm nói là không phạm; nhẹ nói là nhẹ; nặng nói là nặng. Tỳ-kheo kia, đối với bốn việc này, không tìm cầu bạn bè, không sai người tìm cầu, không biệt bộ yết-ma, bố-tát, thuyết giới. Như vậy gọi là Tăng hòa hợp. Đó gọi là Tăng vỡ rồi trở lại hòa hợp.» 5. Đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh chấp lẫn nhau. A-ni-lâu-đà[120] có đệ tử tên là Bà-di,[121] một mình nói giữa Tăng, một mình tranh cãi. A-ni-lâu-đà ở trong chúng không nói một lời nào để dạy dỗ, quở trách. Bấy giờ, A-nan đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi: «Này A-nan, tranh sự đã dứt chưa?» A-nan thưa: «Tránh sự đâu có thể dứt được! Đệ tử của A-ni-lâu-đà ở trong chúng một mình nói, một mình tranh cãi mà A-ni-lâu-đà ở trong chúng không nói một lời nào để giáo giới, khiển trách.» Đức Phật bảo A nan: «A-ni-lâu-đà có khi nào diệt được tránh sự này. Tránh sự này há không phải do Xá-lợi-phất, Mục-liên diệt?» Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Ác tỳ-kheo có bốn pháp khi thấy Tăng bị vỡ thì hoan hỷ. Bốn pháp đó là gì? a. Ác tỳ-kheo ấy có ác pháp phá giới. Ác tỳ-kheo kia khởi ý nghĩ như vầy: ‘Ta có ác pháp phá giới. Nếu tỳ-kheo khác biết, tập chúng hòa hợp tác pháp diệt tẫn ta, ta có tỳ-kheo khác trợ bạn.’ Đó là pháp thứ nhất, ác tỳ-kheo thấy Tăng bị vỡ thì hoan hỷ. b. Lại nữa, ác tỳ-kheo sống tà mạng, nghĩ rằng: ‘Ta sống tà mạng. Nếu tỳ-kheo khác biết, tập chúng hòa hợp tác pháp diệt tẫn ta, ta có tỳ-kheo khác trợ [1000a1] bạn.’ Đó là pháp thứ hai, ác tỳ-kheo thấy Tăng bị vỡ thì hoan hỷ. c. Lại nữa, ác tỳ-kheo luôn luôn cầu lợi dưỡng cung kính, nghĩ rằng: ‘Ta cầu lợi dưỡng cung kính. Nếu tỳ-kheo khác biết, tập chúng hòa hợp Tăng diệt tẫn, thì ta có tỳ-kheo khác trợ bạn.’ Đây là pháp thứ ba, ác tỳ-kheo thấy Tăng bị vỡ thì hoan hỷ. d. Lại nữa, ác tỳ-kheo tà kiến, biên kiến, nghĩ rằng: ‘Ta tà kiến, biên kiến, Nếu tỳ-kheo khác biết, tập chúng hòa hợp tác pháp diệt tẫn ta, ta có tỳ-kheo khác trợ bạn.’ Đó là pháp thứ tư, ác tỳ-kheo thấy Tăng bị vỡ thì hoan hỷ. 6. Có bốn thứ tác pháp: trước tác phi pháp, sau tác phi pháp; trước tác phi pháp, sau tác như pháp; trước tác như pháp, sau tác phi pháp; trước tác như pháp, sau tác như pháp. a. Thế nào là trước tác phi pháp sau tác phi pháp? Trước, sự việc được khơi dậy một cách phi pháp; vị ấy cần được giáo giới, khiển trách, nhưng không được giáo giới khiển trách, mà an trú; đáng bị diệt tẫn nhưng không bị diệt tẩn, mà an trú. Đó là trước tác phi pháp, sau tác phi pháp. b. Thế nào là trước tác phi pháp, sau tác như pháp? Nếu có người tác sự phi pháp, trước sự việc được khơi dậy một cách phi pháp; vị ấy cần được giáo giới, khiển trách, thì đã được giáo giới khiển trách, mà an trú; đáng bị diệt tẩn thì đã bị diệt tẩn, mà an trú. Đó là, trước tác phi pháp, sau tác pháp. c. Thế nào là trước tác pháp, sau tác phi pháp? Nếu tỳ-kheo khơi dậy việc một cách như pháp, cần được giáo giới, khiển trách nhưng đã không được giáo giới, khiển trách, mà an trú; đáng bị diệt tẫn nhưng không bị diệt tẫn, mà an trú. Đó là, trước tác như pháp, sau tác phi pháp. d. Thế nào là trước tác như pháp, sau tác như pháp? Nếu tỳ-kheo, trước sự việc được như pháp khơi dậy, cần được giáo giới, khiển trách thì đã được giáo giới khiển trách; đang bị diệt tẫn thì đã bị diệt tẫn, rồi sau mới an trú. Đó là trước tác như pháp, sau tác như pháp. 7. Có bốn thứ cúng dường: một là ẩm thực, hai là y dược, ba là y phục, bốn là cho các thứ cần dùng. 8. Lại có bốn thứ lợi pháp: cầu xin phi pháp và cho phi pháp; cầu xin phi pháp và cho như pháp; cầu xin như pháp và cho phi pháp cho; cầu xin như pháp và cho như pháp. a. Thế nào là cầu xin phi pháp và cho phi pháp? Hoặc có tỳ-kheo quanh quẩn lai vãng, không hành theo pháp sa-môn, thuyết phi pháp để tìm cầu lợi dưỡng một cách bất tịnh. Vị kia cầu lợi dưỡng một cách bất tịnh như vậy, và được cho với sự thiên vị: ‘Lấy cái này. Chớ lấy cái này. Lấy chừng đó. Chớ lấy chừng đó. Mang cái đó đến đây. Chớ mang cái đó đến đây. Mang chừng ấy đến. Chớ mang chừng ấy đến. Cho người này. Đừng cho người kia. Cho chừng ấy. Chớ cho chừng ấy. Người kia nên được cho. Người kia không nên được cho.’ Đó là tìm cầu lợi dưỡng phi pháp và cho phi pháp. b. Thế nào là cầu xin phi pháp và cho như pháp? Hoặc có tỳ-kheo quanh quẩn lai vãng, không hành theo pháp sa-môn, thuyết phi pháp để tìm cầu lợi dưỡng một cách bất tịnh. Nhưng không được cho với sự thiên vị như trên. Đó là cầu xin phi pháp và cho như pháp. c. Thế nào là cầu xin như pháp và cho phi pháp cho? Hoặc có tỳ-kheo quanh quẩn lai vãng, hành theo pháp sa-môn, không thuyết phi pháp để tìm cầu lợi dưỡng một cách bất tịnh. Nhưng được cho với sự thiên vị như trên. Đó là cầu xin như pháp và cho phi pháp cho. d. Thế nào là cầu xin như pháp và cho như pháp? Hoặc có tỳ-kheo quanh quẩn lai vãng, hành theo pháp sa-môn, không thuyết phi pháp để tìm cầu lợi dưỡng một cách bất tịnh. Nhưng không được cho với sự thiên vị như trên. cầu xin như pháp và cho như pháp 9. Có bốn pháp không được truyền trao đại giới cho người: không biết tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, không rộng tụng hai bộ giới. Có bốn pháp như vậy thì không được truyền thọ đại giới cho người. Có bốn pháp nên cho người thọ đại giới: (Ngược lại với câu trên). 10. Lại có bốn pháp không được truyền thọ đại giới cho người: không biết tăng giới học, không biết tăng tâm học, tăng tuệ học, không quảng tụng tỳ-ni. Có bốn pháp như vậy không được truyền thọ đại giới cho người. 11. Lại có bốn pháp nên truyền thọ đại giới cho người (ngược lại với câu trên). 12. Lại có bốn pháp không được truyền thọ đại giới cho người: không biết tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, tuy tụng tỳ-ni mà không thể quyết liễu. Có bốn pháp như vậy không được truyền thọ đại giới cho người. 13. Lại có bốn pháp nên truyền thọ đại giới cho người : (Ngược lại câu trên). 14. Lại có bốn pháp không được truyền thọ đại giới cho người: không thọ trì hai trăm năm mươi giới; không đa văn; nếu đệ tử có ác kiến không thể giáo hóa để đệ tử bỏ ác kiến, tu tập thiện kiến; không đủ mười tuổi (hạ). Có bốn pháp như vậy không được truyền thọ đại giới cho người. 15. Lại có bốn pháp nên truyền thọ đại giới cho người (Ngượi lại câu trên). 16. Có bốn pháp gọi là trì luật: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng. 17. Lại có bốn pháp: biết phạm, biết không phạm, biết hữu dư, biết vô dư.[122] 18. Lại có bốn pháp: biết phạm, biết không phạm, biết thô ác, biết không thô ác.[123] 19. Lại có bốn pháp: biết tội có thể sám, biết tội không thể sám, biết sám hối thanh tịnh, biết sám hối không thanh tịnh. 20. Lại có bốn tránh sự: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh. 21. Có bốn sự sợ hãi phạm tội:[124] a. Có người đàn ông như vầy: tóc rủ, mặc áo đen, cầm con dao, đến giữa đám đông, nói như vầy: ‘Tôi đã tạo ra tội cực đại trọng ác, bị chém đầu, tùy theo sự vui lòng của mọi người tôi sẽ làm.’ Bấy giờ, mọi người liền bắt trói, đánh tiếng trống hung dữ, để báo hiệu sự chết, xướng lệnh dọc theo đường đi, dẫn ra cửa khỏi phía hữu, đến pháp trường để giết. Người trí thấy vậy, nói như sau: ‘Người này đã tạo tội ác cực trọng tử hình. Nay ta nên tự cảnh tỉnh và dạy người khác đừng tạo ra tội trọng ác tử hình như vậy.’ Cũng vậy tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đối với pháp ba-la-di sanh tâm sợ sệt, tâm niệm rằn, ‘Nếu chưa phạm ba-la-di thì trọn đời không phạm. Nếu lỡ phạm thì hoàn toàn không có tâm che giấu, như pháp sám hối.’ Đây là sự sợ hãi phạm tội thứ nhất. b. Có người đàn ông như vầy: tóc rủ, mặc áo đen, cầm gậy, đến giữa đám đông, nói như vầy: ‘Tôi làm điều ác bất thiện. Tùy theo sự vui lòng của mọi người tôi sẽ làm.’ Bấy giờ, đám đông người nọ liền đoạt lấy con dao, đánh và đuổi ra khỏi cửa phía hữu. Có người trí thấy bèn nói như vầy: ‘Đây là người làm tội ác. Nay ta nên tự cảnh tỉnh và dạy người khác đừng làm tội ác như vậy.’ Cũng vậy tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đối với pháp tăng tàn sanh tâm sợ sệt, tâm niệm rằng, “Nếu chưa phạm tăng tàn thì trọn đời không phạm. Nếu lỡ phạm thì hoàn toàn không có tâm che giấu, như pháp sám hối.’ Đây là sự sợ hãi phạm tội thứ hai. c. Có người đàn ông như vầy: tóc rủ, mặc áo đen, cầm con dao, đến giữa đám đông, nói như vầy: ‘Tôi đã tạo tội ác. Tùy theo sự vui lòng của mọi người tôi sẽ làm.’ Bấy giờ, mọi người liền đoạt lấy cây gậy, rồi đuổi ra khỏi cửa hữu. Người trí thấy vậy, nói như sau: ‘Người này đã tạo tội ác. Nay ta nên tự cảnh tỉnh và dạy người khác đừng tạo ra tội như vậy.’ Cũng vậy tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đối với pháp ba-dật-đề sanh tâm sợ sệt, tâm niệm rằng, ‘Nếu chưa phạm ba-dật-đề thì trọn đời không phạm. Nếu lỡ phạm thì hoàn toàn không có tâm che giấu, như pháp sám hối.’ Đây là sự sợ hãi phạm tội thứ ba. d. Có người đàn ông như vầy: tóc rủ, mặc áo đen, đến giữa đám đông, nói như vầy: ‘Tôi đã làm điều ác bất thiện. Tùy theo sự vui lòng của mọi người tôi sẽ làm.’ Bấy giờ, mọi người liền khiển trách, rồi đuổi ra khỏi cửa hữu. Người trí thấy vậy, nói như sau: ‘Người này đã tạo tội ác. Nay ta nên tự cảnh tỉnh và dạy người khác đừng tạo ra tội như vậy.’ Cũng vậy tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đối với pháp ba-đề-đề-xá-ni sanh tâm sợ sệt, tâm niệm rằng, ‘Nếu chưa phạm ba-đề-đề-xá-ni thì trọn đời không phạm. Nếu lỡ phạm thì hoàn toàn không có tâm che giấu, như pháp sám hối.’ Đây là sự sợ hãi phạm tội thứ tư. 22. Có [1001a1] bốn hạng người phạm: a. Nếu tỳ-kheo phạm tội, tỳ-kheo khác nói: ‘Thầy phạm tội, thấy không?’ Vị kia nói: ‘Không thấy.’ Tỳ-kheo lại hỏi: ‘Này, Trưởng lão, nếu thấy tội nên sám hối.’[125] Đây là người phạm thứ nhất. b. Nếu tỳ-kheo phạm tội, tỳ-kheo khác nói: ‘Này Trưởng lão, thầy phạm tội, có thấy không?, Vị kia nói: ‘Không thấy.’ Tỳ-kheo lại nói: ‘Này Trưởng lão, nếu thấy tội nên sám hối giữa Tăng.’[126] Đây là người phạm thứ hai. c. Nếu tỳ-kheo phạm tội, tỳ-kheo khác nói: ‘Trưởng lão phạm tội, có thấy không?’ Vị kia nói: ‘Không thấy.’ Tỳ-kheo lại nói: ‘Trưởng lão thấy tội hãy ở giữa Tăng này mà sám hối.’[127] Đây là phạm nhơn thứ ba. d. Nếu tỳ-kheo phạm tội, tỳ-kheo khác nói: ‘Này Trưởng lão, thầy phạm tội, thấy không?’ Vị kia nói: ‘Không thấy.’ Bấy giờ, Tăng nên hoàn toàn xả bỏ[128] và nói: ‘Tùy ý Thầy hãy đi. Muốn đi đâu, tùy ý. Nhưng chỗ Thầy đến, ở đó thầy cũng sẽ bị cử tội. Các vị kia đối với thầy sẽ bị tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, ngăn a-nậu-bà-đà, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ.’ Như ông thầy luyện ngựa. Con ngựa dữ khó huấn luyện, liền giốp luôn cả yên cương mà đánh đuổi ngựa đi. Tỳ-kheo này cũng như vậy, tất cả đều xả bỏ. Đây là phạm nhơn thứ tư. 23. Đức Thế Tôn ở tại thành Vương xá, trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng: «Vị Trưởng lão đối trước vị tỳ-kheo-niên thiếu sám hối, bên trong có bao nhiêu pháp cần sám hối?» Đức Phật dạy: «Bên trong có bốn pháp nên sám hối: để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối chắp tay, nói tên tội phạm: ‘Tôi phạm tội như vậy. Nay đối trước Truởng lão sám hối.’ Vị kia nên nói: ‘Thầy nên cải hối, sanh tâm yểm ly.’ Đáp rằng: ‘Xin vâng!’ Tỳ-kheo Thượng tọa đối với tỳ-kheo hạ tọa có bốn pháp như vậy nên sám hối. Có bốn ba-la-đề-đề-xá-ni, nói như trên. Có bốn ba-la-di nói như trên. 24. Có bốn yết-ma: phi pháp biệt chúng yết-ma, như pháp biệt chúng yết-ma, phi pháp hòa hợp chúng yết-ma, và như pháp hòa hợp yết-ma. Đó là bốn yết-ma. Ở đây, phi pháp biệt chúng yết-ma, không được làm. Phi pháp hòa hợp yết-ma, không được làm. Pháp biệt chúng yết-ma không được làm. Pháp hòa hợp yết-ma, nên làm. Đó là điều ta cho phép. Phi pháp biệt chúng yết-ma, yết-ma không thành. Phi pháp hòa hợp yết ma, yết-ma không thành. Pháp biệt chúng yết-ma, yết-ma không thành. Pháp hòa hợp yết-ma, yết-ma thành tựu. Phi pháp biệt chúng yết-ma, không đúng cách. Phi pháp hòa hợp yết-ma, không đúng cách. Pháp biệt chúng yết-ma, không đúng cách. Pháp hòa hợp yết-ma, đúng cách. 25. Có bốn cách bố-tát: ba lời bố-tát, thanh tịnh bố-tát, thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa bố-tát, tự tứ bố-tát. 26.Có bốn vọng ngữ: vọng ngữ ba-la-di, vọng ngữ tăng tàn, vọng ngữ ba-dật-đề, vọng ngữ tỳ-ni a-tỳ-bà-la[129] vọng ngữ. 27. Có bốn chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. 28. Lại có bốn chúng: sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ, sa-môn. 29. Lại có bốn chúng: Tứ thiên vương, Đao lợi thiên, Ma, Phạm. 30. Lại có bốn chúng: ái, nhuế, bố, si. 31. Lại có bốn chúng: không ái, không nhuế, không bố, không si. 32. Có bốn hạng trí tuệ bình đoán sự-nhơn: Có người thân không hiện ác mà khẩu hiện. Có người miệng không hiện ác mà thân hiện. Có người thân khẩu hiện ác. Có người thân khẩu không hiện ác. a. Thế nào là thân không hiện ác mà khẩu hiện? Hoặc có người thân không hiện ác, mà miệng nói chỉ thị khiến phải cộng đồng kiến giải.[130] Đó là thân không hiện ác mà khẩu hiện. b. Thế nào là miệng không hiện ác mà thân hiện? Có người thân hiện ác, mà miệng không chỉ thọ, không bắt cùng đồng kiến giải. Đó là miệng không hiện ác mà thân hiện. c. Thế nào là thân không hiện ác, khẩu không hiện ác? Có người thân không hiện, miệng không chỉ thọ, không bắt cùng đồng kiến giải. Đó là thân miệng không hiện ác. d. Thế nào là thân miệng hiện ác? Có người thân hiện ác, miệng nói chỉ thọ, bắt ép cùng đồng kiến giải. Đó là thân hiện ác, khẩu hiện ác. Đó là bốn hạng người bình đoán sự có trí. 33. Tỳ-kheo có bốn pháp tự tổn hại, có phạm, bị người có trí quở trách, mắc nhiều tội. Bốn pháp đó là gì? Có ái (thiên vị), có nhuế (thù hận), có bố (sợ hãi), có si (bất minh). Tỳ-kheo có bốn pháp như vậy, tự tổn hại, bị người có trí quở trách, mắc nhiều tội. 34. Tỳ-kheo có bốn pháp không tự tổn hại: (Ngược lại hạng mục trên). 35. Có bốn pháp hướng đến phi đạo: có ái, có nhuế, có bố, có si. 36. Có bốn pháp không hướng đến phi đạo: (Ngược lại câu trên). 37. Có bốn pháp không được sai làm người chia cháo. Chưa sai thì không được sai. Đã sai thì không được chia: có ái, có nhuế, có bố, có si. 38. Có bốn pháp nên sai làm người chia cháo: (ngược lại câu trên). Chia tiểu thực, chia thức ăn khư-xà-ni, hoặc sai phó hội, trải ngọa cụ, chia y tắm mưa, chia y nhận được. Sai tỳ-kheo làm sứ, cho đến sai sa-di làm sứ cũng vậy. 39. Có bốn pháp đọa vào địa ngục như tên bắn (tức là sai các tri sự như trên).[131] 40. Có bốn phi pháp ngăn thuyết giới, ngăn vô căn: phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng. 41. Có bốn như pháp ngăn thuyết giới, ngăn hữu căn: phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng. Đó là bốn như pháp ngăn thuyết giới. 42. Có bốn thanh tịnh: trì giới thanh tịnh, kiến thanh tịnh, oai nghi thanh tịnh, chánh mạng thanh tịnh. Đó là bốn thanh tịnh. 44. Có bốn pháp y chỉ: y phấn tảo, khất thực, nghỉ dưới gốc cây, thuốc hủ lạn. Đó là bốn pháp y chỉ. 45. Có bốn pháp tổn giảm: hoặc có trí có thể nhẫn, hoặc có trí có thể thân cận, hoặc có trí có thể giải, hoặc có trí có thể đoạn. Đó là bốn thứ tổn pháp.[132]
Chú thích: [58] Cũng nói là «đơn bạch yết-ma.» [59] Để bản: bất kiến 不見. Các bản khác: bất hiện. [60] Ba biện pháp chế ngự tỳ-kheo phạm luật. [61] Tương đương với ba trong số 13 già nạn không được thọ cụ túc, theo thứ tự: phạm biên tội, pháp nội ngoại đạo, tặc trụ. [62] Tức thấy tội, hay nhận tội. [63] Kiên trì ác kiến không xả. Xem cht.43, Ch.xi (Phần iv). Xem tỳ-kheo, ba-đạt-đề 68, 69. [64] Bị Tăng xả trí. Xem thêm cht.2, cht.8 ch.ix; cht.13, ch.x. [65] Phụ chú trong nguyên bản. [66] Tham chiếu Pali: do ba hành tướng phạm tội (tīhākārehi āpattiṃ āpajjati): phạm bởi thân, phạm bởi miệng, phạm bởi thân và miệng. [67] Để bản: tướng 相. Các bản khác: kiến (đọc là hiện) tướng 見相. Pali: ākāra, hành tướng, hay dấu hiệu. Xem cht.65 trên. [68] Oai nghi, ở đây, Pali: ācāra, hành vi hay cử chỉ. Ba phi oai nghi, Pali: ba phi hành, phi hành nơi thân (kāyikena anācārena; Sớ giải: vi phạm học xứ đối với thân), phi hành nơi miệng, phi hành nơi thân và miệng. [69] Ba tà mạng. Tham chiếu Pali: tà mạng qua thân (kāyikena micchājivena), qua miệng, qua thân và miệng. [70] Phụ chú trong bản Hán. [71] Tham chiếu Pali: cần thi hành yết-ma đối với tỳ-kheo có đủ 3 chi: buông trôi theo dục lạc nơi thân (kāyikena davena samannāgatassa hoti, Sớ giải, như chơi câu, cờ bạc), nơi miệng, nơi miệng và thân. [72] Vi phạm điều Phật chế do bởi tham dục nơi thân, nơi miệng, nơi thân và miệng. Tham chiếu Pali: ba vi hại, vi hại qua thân (kāyikena upaghātikena; Sớ giải, không học học xứ Phật chế nơi thân), vi hại qua miệng, qua thân và miệng. [73] Tham chiếu Pali: có tội Tăng-già phạm (atthāpatti saṅgho āpajjati), biệt chúng (gaṇa) không phạm, cá nhân (puggala) không phạm. Có tội biệt chúng phạm, Tăng không phạm, cá nhân không phạm. Có tội cá nhân phạm, Tăng không phạm, biệt chúng không phạm. [74] Phóng dật yết-ma 放逸羯磨. [75] Ba-la-lê Tử thành Kê viên 波羅梨子城雞園. Xem Trung A-hàm 60 (T01n26 tr.802a13): Ba-la-lợi Tử thành, Kê viên 波羅利子城雞園. Tạp A-hàm 24 (T02n99 tr.175b12): Ba-liên-phất ấp Kê lâm tinh xá 巴連弗邑雞林精舍. Pali: Pāṭaliputta, Kukkuṭārāma. [76] Khổng tước quan bà-la-môn 孔雀冠婆羅門. [77] Băng-già-di 崩伽彌. Tham chiếu Tạp A-hàm 30 (T02n99, tr.213a05): Băng-già-xà, Băng-già-kỳ lâm 崩伽闍崩伽耆林. Pali (A. i. 136): Paṅkadhā (bản Miến: Saṅkavā), một thị trấn ở Kosala. [78] Tạp A-hàm, dẫn trên: tôn giả Ca-diếp thị 尊者迦葉氏. [79] Tạp A-hàm, dẫn trên, tôn giả này nói: «Vị Sa-môn Cù-đàm này tán thán giới này quá đáng» 此沙門極讚歎是戒. Pali (dẫn trên): adhisallikhatevāyaṃ samaṇo, «ngài Sa-môn này quá cực kỳ nghiêm khắc.» [80] Phụ chú trong nguyên bản Hán. [81] Tăng giới, tức tăng thượng giới. Pali: adhisīla. [82] Hạ ngũ sử 下五使. Năm thuận hạ phần kết (Pali: pañca orambhgiya saṃyojana), 5 kết sử dẫn tái sinh Dục giới: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), giới thủ kiến (sīlabbata-parāmāso), nghi (vichikcchā), tham dục (kāmachando), sân nhuế (vyāpādo). [83] Thánh giả A-na-hàm sau khi từ Dục giới chết sanh lên một trong năm tầng Tịnh cư thiên, và nhập Niết-bàn tại đó. [84] Không tái sinh Dục giới, Bất hoàn. [85] Nguyên Hán: bất hoàn thử; định cú để nói về vị A-na-hàm không tái sanh Dục giới. Nhưng trong đoạn này, đây là tuyên bố của vị đã chứng A-la-hán, nên có thể bản Hán đã chép sai. Thường nói là «bất thọ hậu hữu» sau đời này, không còn đời nào nữa. [86] Chỉ tỳ-kheo hành đủ cả ba học, thành tựu cũng trọn đủ là đắc cứu cánh trí, thành A-la-hán. [87] Không hành đủ ba học, chứng đắc cao nhất là A-na-hàm, không thể đắc quả A-la-hán. [88] Dịch sát theo Hán: 能薄三結。貪欲瞋恚愚癡. Chính xác, nên hiểu: ba kết (thân kiến, giới cấm thủ và nghi) đã đoạn tận; tham dục, sân nhuế, ngu si vơi mỏng. Xem Trường A-hàm 5 (T1n1, tr.34a27): 三結盡,薄婬怒癡,一來世間而般涅槃. Tham chiếu Pali, MahālisuttaM, D. i. 156: tiṇṇaṃ saṃyojanānaṃ parikkhayā rāgadosa-mohānaṃ tanuttā sakadāgāmī hoti. [89] Ba kết 三結, Pali: tīṇi saṃyojanāni: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), giới thủ kiến (sīlabbataparāmāso), nghi (vichikcchā). [90] Nguyên văn Hán: thất sanh thiên thượng, thất sanh nhân trung 七 生 天 上 七 生 人中; cộng tất cả, Tu-đà-hoàn có đến 14 lần tái sinh. Đoạn này Hán dịch hoàn toàn sai. Thánh giả Tu-đà-hoàn tái sinh kể cả thiên thượng, nhân gian, cộng lại không quá bảy lần; lần thứ bảy, nhập Niết-bàn, không có tái sinh lần thứ tám. Trong kinh thương thí dụ «Tu-đà hoàn tái sinh lần thứ tám» (đệ bát hữu) để chỉ cho sự việc không bao giờ xảy ra. Xem Trường A-hàm 5 (dẫn trên): 斷三結得須陀洹不墮惡道極七往返必得涅槃. [91] Tức ly dục, ly pháp ác bất thiện... là những yếu tố để đắc sơ thiền. [92] Gồm 5 triền cái. [93] Giác ý, đây chỉ 7 giác chi, hay bồ-đề phần (Pali: bojjhaṅga): niệm (Pali: sati), pháp hay trạch pháp (dhamma-vicaya), tinh tấn (viriya), hỷ (pīti), khinh an (passaddhi), định (samādhi), xả (upekkha). [94] Bảy giác ý: niệm, pháp, tinh tấn, ỷ, định, hỷ, hộ 念精進猗定喜護. Giữ nguyên dịch ngữ của bản Hán, mặc dù không chính xác. Xem cht.91 trên. [95] Tham chiếu Pali, có ba pháp tỳ-kheo không được đáp trả tỳ-ni (na vinayo vasajjitabbo): không biết hổ thẹn, ngu si và hành hại (alajji, bālo, apakatatto). [96] Xem Tạp A-hàm 31, kinh số 874 (T02n99 tr.220c19). [97] Chỉ ba loại người ngu. Xem mục hai pháp, số 14 trên. [98] Chỉ ba loại người trí. Xem mục hai pháp, số 14 trên. [99] Người thọ sám, hoặc Tăng. [100] Thập tụng 49 (T23n1435 tr.356a8) có ba pháp: trong tỳ-ni mà ca pháp như khóc; trong tỳ-ni mà cười giỡn pháp như cuồng; trong tỳ-ni mà vung tay múa, pháp như trẻ con. [101] Tính theo mỗi nữa tháng. Nữa tháng kia tương đương: ngày 29, 10 và 16. Tham chiếu Pali: có ba loại bố-tát: ngày 14, ngày 15 và Tăng hoà hiệp (ngày bất thường tùy theo Tăng yết-ma). [102] Pali, ba loại bố-tát: Tăng-già bố tát (saṅghe uposatho), biệt chúng bố-tát (gaṇe uposatho), cá nhân bố-tát (puggale uposatho). Đây chỉ trú xứ bố-tát. [103] Đây chỉ pháp thức bố-tát. [104] Đây chỉ túc số bố-tát. [105] Tức nhân duyên Phật chế giới. Xem cht.155 dưới. [106] Tức nhân duyên Phật chế giới. Xem cht. dưới. [107] Tham chiếu Pali, Vin.v. 92, sáu không cung kính (cha agāravā: bất kính, đồng nghĩa không xem trọng): không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính học xứ (giới), không kính sự không phóng dật, không kính sự hòa thuận. Cf. Saṅgītu, D. iii. 243. [108] Bị Tăng tác yết-ma xả trí. Xem cht.2, 8 ch.ix (phần iii); đoạn 5 ch.xi. [109] Xem phần iv, ch.ii, mục 27 «úp bát.» [110] Sáu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên. Xem Trường A-hàm 2 (T01n01 tr.12a14). [111] Đao 刀, chỉ đao kiếm; y 衣, chỉ y phục; sắc 色, màu sắc. Chưa rõ ý nghĩa của những từ này. [112] Biện 辦; thường hiểu là thành biện, phận sự cần làm. Nhưng không rõ nghĩa chính xác trong hạng mục này. [113] Như hạn kỳ bố-tát; xem cht.101 trên. [114] Như các pháp bố-tát, xem cht. 101, 102, 103 trên. [115] Xem các hạng mục trên: một lời xả giới, hai lời xả giới. [116] Xen mục «Hai pháp» hạng mục 127. Xem Phần i. chương i, ba-la-di 1. Bản Việt, q.1, tr.25. [117] Phụ chú trong nguyên bản. [118] Thập tụng 49 (T23n1435 tr.357b13). Xem Phần iv, chương xvi, đoạn iii, mục 3. [119] Xem phần iv, chương i. [120] A-ni-lâu-đà 阿尼樓陀. Pali: Aunuddha. Xem cht. dưới. [121] Bà-di 婆夷. Pali, A. ii. 239: Bāhiya, đệ tử, hoặc người đồng trú xứ (saddhivihārika) với Anuruddha. Truyện xảy ra khi Phật trú tại Kosambī (Kiều-thưởng-di), trong tinh xá Ghositārāma. Xem phần iii, chương ix «Câu-thiểm-di». Cf. Vin.i. Kosambaka-kkhandhaka. [122] Xem cht. 11, mục «hai pháp» hạng mục 14. [123] Xem cht. 12, mục «hai pháp» hạng mục 15. [124] Thập tụng 49 (T23n1435 tr.356c24): «Thế gian có bốn hạng người, thấy sự phạm tội thì sinh sợ hãi,» [125] Sám các tội ba-dật-đề [126] Sám các tội thâu-lan-giá. [127] Sám các tội tăng-già-bà-thi-sa. [128] Tăng tác yết-ma xả trí, vì ngoan cố không nhận tội. [129] Tỳ-ni a-tỳ-bà-la 毘尼阿毘婆羅. Không rõ. Theo đoạn mạch, đây chỉ vọng ngữ thuộc tội ác thuyết. [130] Áp chế bằng miệng mà không áp chế bằng thân, khi quyết đoán tránh sự. [131] Xem mục «hai pháp.» [132] Hết quyển 58. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 46. Đức Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Bấy giờ, Ngài biết mà vẫn hỏi Tôn giả A nan: «Trong khi mất mùa, lúa gạo khan hiếm, Ta từ mẫn vì các tỳ-kheo nên cho phóng xả bốn việc: ngủ chung với thức ăn trong nội giới, nấu trong nội giới, tự mình nấu, tự nhận thức ăn. Nay các tỳ-kheo vẫn cứ tiếp tục như vậy hay sao?» A nan bạch Phật: «Các tỳ-kheo vẫn tiếp tục.» Đức Phật dạy: «A nan, không được ăn như vậy. Nếu ăn, sẽ như pháp trị.» 47. Đức Phật bảo tôn giả A nan: «Do khi lúa gạo khan hiếm, Ta thương các tỳ-kheo nên cho phép: sáng sớm thọ tiểu thực từ người kia mang đến, như trái hồ đào v.v... và thức ăn có thể ăn trong nước. Những thứ như vậy vẫn tiếp tục ăn hay sao?» Tôn giả A nan trả lời: «Vâng!» Đức Phật dạy: «Không được ăn. Nếu ăn, sẽ như pháp trị.» 48. Có bốn pháp tác yết-ma ha trách, phi pháp phi tỳ-ni yết-ma không thành, không đúng cách. Bốn pháp đó là gì? [1002a1] Vô căn phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng. Đó là bốn pháp. 49. Có bốn pháp tác yết-ma quở trách như pháp như tỳ-ni yết-ma thành tựu, đúng cách (ngược nghĩa với câu trên). 50. Có bốn đại tặc.[133] Những gì là bốn? a. Hoặc có đại tặc sanh ý nghĩ như vầy: ‘Nếu có được trăm người, ngàn người để phá thành ấp đó.’ Một thời gian sau, tên giặc ấy có được trăm người, ngàn người phá thành ấp đó. Cũng vậy, ác tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Ở chỗ nào mà ta sẽ được một trăm nhơn chúng, một ngàn nhơn chúng để du hành tại thành ấp nào đó.’ Vào thời gian khác vị kia có được một trăm nhơn chúng, một ngàn nhơn chúng du hành nơi thành ấp kia. Đó là đại tặc thứ nhứt. b. Lại nữa, có đại tặc chẳng phải tịnh hạnh tự nói là tịnh hạnh. Đó là hạng đại tặc thứ hai. c. Lại nữa, có đại tặc vì miệng bụng, nên tuy không chơn thật, chẳng phải mình có, mà đối giữa đại chúng cố ý vọng ngữ, tự xưng được pháp thượng nhơn. Đó là hạng đại tặc thứ ba. d. Lại có đại tặc xử dụng bông trái, rau lá của Tăng để tự nuôi sống. Đó là đại tặc thứ tư. 51. Có bốn tín pháp: Nếu tỳ-kheo ở nơi thành quách, thôn xóm, làm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Trong đây, nên tùy thuận giáo thọ cư sĩ khiến cho họ tin. Tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng: «Thầy ở nơi thành ấp, thôn xóm đó làm nhiều bất tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn. Thầy nên trở lại giáo hóa cư sĩ kia. Nếu thầy không thể tùy thuận giáo hóa cư sĩ khiến cho họ tin thì Thầy không thể cư trú tại đây. Nếu Thầy có thể tùy thuận giáo hóa cư sĩ thì cho phép Thầy ở tại đây. Nếu không thể tùy thuận giáo hóa cư sĩ khiến cho họ tin thì các tỳ-kheo không cùng Thầy đồng yết-ma, thuyết giới, tự tứ, chung đồng một chỗ ngồi, tiểu thực đại thực không theo thứ tự mà ngồi, cũng không đón tiếp, chắp tay lễ bái chào hỏi. Nếu Thầy có thể tùy thuận giáo hóa cư sĩ kia khiến cho họ tin thì các tỳ-kheo sẽ cùng thầy đồng yết-ma, cho đến lễ bái hỏi chào.» Đó là bốn tín pháp. Nếu là cư sĩ hay con cư sĩ cũng như vậy. 52. Có bốn phi Thánh pháp: cái không thấy nói thấy, cái không nghe nói nghe, cái không xúc nói xúc, cái không biết nói biết.[134] Đó là bốn phi Thánh pháp. 53. Có bốn Thánh pháp (ngược lại nghĩa câu trên). 54. Có bốn phi Thánh pháp: cái thấy nói không thấy, cái nghe nói không nghe, cái xúc nói không xúc, cái biết nói không biết. Đó là bốn phi Thánh pháp. 55. Có bốn Thánh pháp: (ngược lại nghĩa câu trên). 56. Có bốn lời xả giới: «Xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả Hòa thượng.» Đó là bốn lời xả giới. Cũng vậy, «xả Phật, xả Pháp, xả Tăng,» làm phần đầu, rồi thêm, cho đến «phi sa-môn Thích tử.»[135] Mỗi cụm bốn lời như vậy. 57. Vì bốn nghĩa lợi nên đức Như Lai ra đời vì các tỳ-kheo chế giới: nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Mỗi cụm gồm bốn nghĩa như vậy.[136] 58. Có bốn nghĩa lợi nên đức Như Lai ra đời vì các tỳ-kheo chế yết-ma ha trách; nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Mỗi cụm gồm bốn bốn nghĩa như vây.[137] Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy. V. NĂM PHÁP Bấy giờ, đức Thế Tôn ở thành Vương-xá, bảo các tỳ-kheo: 1. «Có năm pháp không được trao đại giới cho người:[138] không giới, không định, không tuệ, không giải thoát tuệ, không tri kiến giải thoát. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 2. Lại có năm pháp nên trao đại giới cho người: (Ngược lại nghĩa câu trên). 3. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: tự mình không giới, không định, không tuệ, không giải thoát tuệ, không kiến giải thoát tuệ, cũng không thể dạy người khiến an trụ giới-định-tuệ, cho đến kiến giải thoát tuệ. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 4. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 5. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không tín, không tàm, không quý, giải đãi, quên nhiều. Có năm pháp như vậy, không được trao đại giới cho người. 6. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (Ngược lại nghĩa câu trên). 7. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ học, không biết bạch, không biết yết-ma. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 8. Có năm pháp nên trao đại giới cho người (tức ngược với nghĩa câu trên). 9. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết oai nghi giới, không biết tăng tịnh hạnh,[139] không biết Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không biết bạch, không biết yết-ma. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 10. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 11. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết phạm, không biết phạm rồi sám hối, không biết phạm rồi sám hối thanh tịnh, không biết bạch, không biết yết-ma. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 12. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 13. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết có nạn pháp, không biết không nạn pháp, không biết bạch, không biết yết-ma, không đủ mười tuổi (hạ). Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 14. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 15. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thể dạy người tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học, không thể làm người nuôi bệnh,[140] cũng không thể nhờ người nuôi bệnh đến khi lành hoặc đến khi qua đời, hoặc không đủ mười tuổi (hạ). Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 16. Lại có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược nghĩa lại câu trên). 17. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thể dạy đệ tử tăng oai nghi giới, tăng tịnh hạnh, tăng Ba-la-đề-mộc-xoa giới, nếu đệ tử có ác kiến không thể phương tiện dạy khiến cho bỏ ác kiến trụ thiện kiến, hoặc không đủ mười tuổi (hạ). Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 18. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 19. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết phạm, không biết không phạm, không biết nhẹ, không biết nặng, không rộng tụng hai bộ tỳ-ni. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 20. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa trên). 21. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử Tỳ-ni, A-tỳ- đàm, không đủ mười tuổi. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới. 22. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 23. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không thể dạy đệ tử Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, nếu đệ tử có ác kiến không thể dạy khiến xả ác kiến trụ thiện kiến. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 24. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 25. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thể dạy đệ tử Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, nếu đệ tử có ác kiến không thể dạy khiến xả ác kiến trụ thiện kiến, nếu đệ tử không an lạc ở trú xứ này, không thể dời đến trú xứ khác an lạc, nếu đệ tử có sanh tâm nghi hối mà không thể khai giải đúng Phật Pháp. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 26. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 27. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: Không thể dạy đệ tử Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, nếu [1003a1] đệ tử có ác kiến không thể dạy khiến xả ác kiến trụ thiện kiến, nếu đệ tử không an lạc ở trú xứ này, không thể dời đến trú xứ khác an lạc, không đủ mười tuổi. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 28. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại nghĩa câu trên). 29. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết Ba-la-đề-mộc-xoa giới, cũng không thể thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát, không đủ mười tuổi. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 30. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại câu trên). 31. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không khéo biết phạm, không khéo biết sám hối phạm, không khéo nhập định, không khéo xuất định, không đủ mười tuổi. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 32. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại lại câu trên). 33. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không biết phạm, không biết không phạm, không biết nhẹ, không biết nặng, không đủ mười tuổi. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 34. Lại có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại câu trên). 35. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử tăng giới học, không thể chăm sóc bệnh, không thể nhờ người chăm sóc bệnh đến khi lành hay qua đời, không rộng tụng hai bộ tỳ-ni. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 36. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại câu trên). 37. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử tăng giới học, nếu đệ tử có ác kiến không thể dạy đệ tử xả bỏ ác kiến khiến trụ thiện kiến, không khéo tụng tỳ-ni. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 38. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược lại câu trên). 39. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử tăng giới học, nếu đệ tử không an lạc ở trú xứ này, không thể di chuyển đến trú xứ khác an lạc, không kiên trụ tỳ-ni. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 40. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (trái với nghĩa câu trên). 41. Lại có năm pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử tăng giới học; đệ tử có nghi, không thể như Phật pháp giải thích, không thể quyết đoán tránh sự. Có năm pháp như vậy không được trao đại giới cho người. 42. Có năm pháp nên trao đại giới cho người: (ngược với câu trên). Cũng vậy tăng tâm, tăng tuệ, tăng oai nghi học, tăng tịnh hạnh học, tăng Ba-la-đề-mộc-xoa học (cũng từng mỗi cụm gồm năm như trên). Nếu tỳ-kheo nào tự điều phục, không sợ hãi, có khả năng nói năng; tự mình có những việc này, thì cũng có thể dạy đệ tử. Người như vậy nên trao đại giới cho người, nên cho người y chỉ, nên nuôi sa-di, nên nhận Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni; nếu đã sai thì nên giáo thọ. 43. Có năm hạng người không được thọ đại giới: tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn.[141] Người có năm pháp như vậy không được cho thọ đại giới. 44. Lại có năm hạng người không được cho thọ đại giới: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu.[142] Có năm pháp như vậy không được cho thọ đại giới. 45. Có năm hạng huỳnh môn: sanh huỳnh môn, hình tàn huỳnh môn, thạch huỳnh môn, biến huỳnh môn, bán nguyệt hình môn. Đó là năm hạng huỳnh môn.[143] 46. Có năm hạng bịnh nhơn không được cho thọ đại giới: hủi, ung thư, hủi trắng, càn tiêu, điên cuồng. Năm hạng người có bệnh như vậy không được cho thọ đại giới. 47. Có năm hạng người thanh tịnh, không có nạn sự nên cho thọ đại giới: đàn ông,[144] không mắc nợ, chẳng phải tôi tớ, đủ hai mươi tuổi, cha mẹ cho phép. Năm hạng người thanh tịnh không có nạn sự như vậy nên cho thọ đại giới. 48. Có năm pháp (cách) cho người y chỉ: hoặc nói, «Được.» Hoặc nói, «Chấp thuận.» Hoặc nói, «Phải.» Hoặc nói, «Ngươi hãy khéo tự tu hành.» Hoặc nói, «Ngươi chứ buông lung.» Đó là năm cách nói cho pháp y chỉ. 49. Có năm cách nói khi cho người y chỉ: Hoặc nói, «Lành thay.» Hoặc nói, «Tốt.» Hoặc nói, «Hãy đứng dậy.» Hoặc nói, «Hãy đi.» Hoặc nói, «Ta cho ngươi y chỉ.» Đó là năm cách nói khi cho người y chỉ. 50. Có năm pháp không được sống không y chỉ: không giới, không định, không tuệ, không giải thoát tuệ, không kiến giải thoát tuệ. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 51. Có năm pháp có thể sống không y chỉ: (ngược lại với năm câu trên). 52. Lại có năm pháp không nên sống không y chỉ: không giới lại không thể tự siêng tu học giới, không định, không tuệ, không giải thoát tuệ, không kiến giải thoát tuệ, lại không thể tự siêng tu giới-định-tuệ, giải thoát tuệ, kiến giải thoát tuệ. Có năm pháp như vậy không nên sống không y chỉ. 53. Có năm pháp có thể sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 55. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không thọ trì đủ 250 giới, không đa văn, không thể tự học Tỳ-ni, A tỳ đàm, nếu tâm sanh ác kiến không thể khai giải khiến tu tập thiện kiến. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 56. Có năm pháp có thể sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 57. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không thọ trì đủ 250 giới, không đa văn, không thể học Tỳ-ni, A tỳ đàm, không đủ 5 tuổi (hạ). Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 58. Có năm pháp nên sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 59.Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không thể tự học Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, ác kiến sanh không thể xả để trụ thiện kiến, nếu không an lạc sống nơi trú xứ này không thể đi đến chỗ khác an lạc, tâm có sanh nghi hối không thể như pháp khai giải. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 60. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 61. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không thể tự siêng năng tu giới, tăng tâm, tăng tuệ học, có bệnh không thể tự điều dưỡng, cũng không thể khiến người khác nuôi bệnh mình, không đủ 5 tuổi. Đó là năm pháp không được sống không y chỉ. 62. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 63. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không tự siêng năng tu oai nghi giới, không thể tăng tịnh hạnh,[145] tăng Ba-la-đề-mộc-xoa giới, có ác kiến không thể xả để trụ thiện kiến, không đủ 5 tuổi. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 64. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 65. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không biết tránh sự, không biết tránh sự khởi, không biết tránh sự diệt, không biết hướng đến tránh sự diệt,[146] không đủ 5 tuổi. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 66. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 67. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không biết phạm, không biết sám hối, không khéo vào định, không khéo xuất định, không [1004a1] đủ 5 tuổi. Có năm pháp như vậy không được sống không y chỉ. 68. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 69. Lại có năm pháp không được sống không y chỉ: không biết phạm, không biết không phạm, không biết nhẹ, không biết nặng, không rộng tụng hai bộ tỳ-ni. Có năm pháp như vậy không được không y chỉ mà trụ. 70. Có năm pháp được sống không y chỉ: (ngược lại câu trên). 71. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc bị đuổi ra,[147] hoặc bỏ đi,[148] hoặc thôi tu, hoặc thôi không cho y chỉ,[149] hoặc đến trên giới trường. Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 72. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc chết, hoặc bỏ đi, hoặc thôi tu, hoặc thôi không cho y chỉ, hoặc 5 tuổi hay quá 5 tuổi (hạ). Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 73. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc chết, hoặc đi, hoặc thôi tu, hoặc không cho y chỉ, hoặc gặp Hòa thượng cũ. Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 74. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc chết, hoặc đi, hoặc thôi tu, hoặc thôi không cho y chỉ, hoặc Hoà thượng A-xà-lê qua đời. Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 75. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc chết, hoặc đi, hoặc thôi tu, hoặc không cho y chỉ, hoặc Hòa thượng A-xà-lê thôi tu. Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 76. Lại có năm pháp mất y chỉ: hoặc chết, hoặc đi, hoặc thôi tu, hoặc thôi không cho y chỉ, hoặc trở lại theo Hòa thượng cũ. Có năm pháp như vậy mất y chỉ. 77. Có năm pháp phải xua đuổi đệ tử: hoặc Hòa thượng nói với đệ tử rằng: «Nay tôi đuổi ông đi», «Ông không được vào phòng tôi», «Ông không được giúp việc cho tôi», «Ông đừng đến chỗ tôi», «Tôi không nói với ông.» Đây là năm pháp Hòa thượng xua đuổi đệ tử. 76. A-xà-lê có năm pháp xua đuổi đệ tử:[150] «Nay tôi đuổi ông đi», «Ông không được vào phòng tôi», «Ông không được giúp việc cho tôi», «Ông đừng đến chỗ tôi», «Tôi không nói với ông.» Đây là năm pháp A-xà-lê xua đuổi đệ tử. 77. Đệ tử có năm pháp bị Hòa thượng A-xà-lê xua đuổi: không tàm, không quí, không thể dạy bảo, chẳng phải oai nghi, không cung kính. Đệ tử có năm pháp như vậy bị Hòa thuợng A-xà-lê xua đuổi. 78. Lại có năm pháp: không tàm, không quý, không thể dạy bảo, gần ác tri thức, thường đến nhà dâm nữ.[151] Có năm pháp như vậy bị Hòa thượng A-xà-lê xua đuổi. (cũng như vậy, ưa đến nhà phụ nữ,[152] nhà phụ nữ chưa chồng, nhà huỳnh môn, chỗ tỳ-kheo-ni, chỗ thức-xoa-ma-na, chỗ sa-di-ni, chỗ người bắt rùa trạnh.[153] Mỗi bốn sự như mục trên, thêm một trong các sự này, thành mỗi cụm năm pháp). 79. Có năm cách dữ dục: Nói, «Tôi gởi dục nơi Thầy», «Nhờ vì tôi thuyết dục», ra dấu bằng thân, miệng nói, ra dấu bằng thân cùng miệng nói. Đó là năm thứ dữ dục. 80. Có năm trường hợp mất dục: tỳ-kheo nhận dục qua đời, hoặc thôi tu, hoặc nhập chúng ngoại đạo, hoặc nhập Tăng bộ khác,[154] hoặc đến trên giới trường sau khi tướng bình minh đã xuất hiện.[155] Đó là năm thứ mất dữ dục. 81. Có năm thứ gởi thanh tịnh và gởi tự tứ (cũng như trên, nếu mất cũng như trên). 82. Đức Như lai ra đời thấy những sai lầm của các tỳ-kheo nên vì năm lợi nghĩa mà chế pháp ngọa cụ: không khiến gió thổi, nước mưa thấm ướt, nắng xém, bụi đất, không khiến chim quạ làm bẩn. Đó là năm. 83. Hòa thượng có năm phi pháp thì đệ tử nên sám hối rồi bỏ đi. Nên thưa với Hòa thượng: «Con có như pháp hay không, Hòa thượng không biết. Con không như pháp, Hòa thượng cũng không biết. Con phạm giới mà Hòa thượng bỏ bê, không dạy, không quở trách. Phạm cũng không biết. Phạm mà sám hối cũng không biết.» Hòa thượng có năm pháp như vậy, đệ tử nên sám hối mà xin đi. 83. Tỳ-ni có năm sự[156] trả lời: tựa, chế, trùng chế, tu-đa-la, tùy thuận tu-đa-la.[157] Đó là năm. 84. Lại có năm pháp gọi là trì luật: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, rộng tụng hai bộ giới. Đó là năm. 85. Lại có năm pháp: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, rộng tụng tỳ-ni. Đó là năm. 86. Lại có năm pháp: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, an trụ tỳ-ni mà không động. Đó là năm. 87. Lại có năm pháp: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, tránh sự khởi khéo hay diệt trừ. Đó là năm. 88. Có năm hạng trì luật: tụng thuộc tựa giới, bốn sự, mười ba sự, hai bất định, rộng tụng ba mươi sự. Đó là hạng trì luật thứ nhất. Nếu tụng thuộc tựa giới, bốn sự, mười ba sự, hai bất định, rộng tụng ba mươi sự, rộng tụng chín mươi sự. Là hạng trì luật thứ hai. Nếu rộng tụng giới tỳ-ni là hạng trì luật thứ ba. Nếu rộng tụng hai bộ giới tỳ-ni là hạng trì luật thứ tư. Nếu tụng toàn bộ tỳ-ni là hạng trì luật thứ năm. Ở đây xuân, thu, và đông nên y theo bốn hạng trì luật đầu, nếu không y vào đó để sống thì phạm đột-kiết-la. Hạ an cư nên y vào hạng trì luật thứ năm. Không y vào đó để sống thì phạm ba-dật-đề. 89. Người trì luật có năm công đức: giới phẩm kiên cố, khéo thắng các oán địch, giữa đại chúng quyết đoán không sợ, có nghi hối có thể khai giải, khéo trì tỳ-ni khiến chánh pháp tồn tại lâu dài. Đó là năm. 90. Có năm thứ tâm giặc: tâm hắc ám, tâm tà vạy, tâm khúc lệ, tâm bất thiện, tâm thường muốn lấy trộm vật của người. Đó là năm. 91. Lại có năm hạng giặc: cương quyết mà lấy, đe dọa lấy, gởi vật lấy, thấy bèn lấy, ỷ thác lấy.[158] Đó là năm. 92. Lại có năm hạng: đồng nghiệp với người tội, chỉ dẫn người làm giặc cướp, dò xét chỗ để tài vật cho cướp, giữ vật cho giặc cướp, canh chừng cho giặc cướp. Đó là năm. 93. Lại có năm loại phạm:[159] ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la. Đó là năm. Cũng gọi là năm loại chế giới, cũng gọi là năm tụ phạm.[160] 94. Nếu không biết, không thấy năm loại phạm này, Ta nói người đó ngu si: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la. Đó là năm loại phạm. Năm loại chế giới cũng như vậy. Năm tụ phạm cũng như vậy. 95. Nếu không biết, không thấy năm phạm, ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, Tăng nên trao cho pháp yết-ma quở trách. Năm loại chế giới cũng như vậy. Năm phạm tụ cũng như vậy. 96. Lại có năm loại phạm: hoặc có phạm tự tâm niệm sám hối,[161] hoặc có phạm tiểu tội đến người khác sám hối,[162] hoặc có phạm trung tội đến người khác sám hối,[163] hoặc có phạm không thể sám hối.[164] 97. Có năm pháp, Tăng nên trao cho yết-ma quở trách: phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc hủy báng Phật và Pháp. Đó là năm. 98. Lại có năm pháp: phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hủy báng Phật và Tăng. Đó là năm. 99. Lại có năm: phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hủy báng Pháp và Tăng. Đó là năm pháp nên trao cho yết-ma ha trách. Yết-ma tẫn, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử tội cũng như vậy. 100. Có năm pháp tác yết-ma ha trách phi pháp, phi tỳ-ni, yết-ma không thành, không đúng cách. Năm pháp là: không tác cử, không tác ức niệm, không tác tự ngôn, phi pháp, biệt chúng. Đó là năm. 101. Lại có năm pháp: không phạm, phạm không thể sám, phạm đã sám, phi pháp, biệt chúng. Đó là năm pháp yết-ma không thành, không đúng cách. 102. Lại có [1005a1] năm pháp yết-ma như pháp thành tựu, đúng cách: (ngược lại câu trên). 103. Người bị yết-ma ha trách có năm việc không được làm (như trong Kiền độ Ha trách[165] đã nói ). 104. Người bị cử có năm pháp không được cho giải yết-ma: mạ báng tỳ-kheo; phương tiện làm cho tỳ-kheo khác tổn giảm, mất lợi ích; (làm cho tỳ-kheo khác) mất chỗ ở; trong nội giới hay ngoại giới nhận thiện tỳ-kheo lễ bái cúng dường; ở chỗ không có tỳ-kheo. Tỳ-kheo có năm pháp như vậy không được cho giải yết-ma bị cử. 105. Lại có năm pháp nên cho giải yết-ma bị cử. (ngược với câu trên). 106. Nếu tỳ-kheo bị yết-ma cử tôi vì không thấy tội nên bằng năm sự mà tự quán sát: «Nếu ta không thấy tội thì các tỳ-kheo không cùng ta yết-ma, thuyết giới, tự tứ, đồng phòng ngủ; không cùng đồng một chỗ ngồi; tiểu thực đại thực, không tùy theo thứ tự lớn nhỏ; không chắp tay lễ bái cung kính hỏi chào.» Đây là người bị yết-ma bất kiến tội cử, dùng năm việc này để quán sát. Yết-ma không sám hối, yết-ma cử tội ác kiến không xả, cũng như vậy. Tác yết-ma cử tội bất kiến đối với người khác cũng phải bằng vào năm này để quán sát. Yết-ma không sám hối, cử tội không xả ác kiến, cũng như vậy. 107. Tỳ-kheo có năm pháp, Tăng không nên tác yết-ma ngăn cho không đến nhà bạch y: không hiếu với cha, với mẹ; không kính sa-môn; bà-la-môn; không khéo nhận lời nói.[166] Có năm pháp như vậy không được tác yết-ma ngăn không đến nhà bạch y. 107. Có năm pháp nên tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: (ngược lại câu trên). 108. Lại có năm pháp nên cho tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: ưa mạ báng bạch y; phương tiện làm cho bạch y tổn giảm, mất lợi ích; làm cho (bạch y) không có chỗ ở; gây mâu thuẫn giữa bạch y.[167] Đó là năm pháp. 108. Lại có năm pháp, trước mặt bạch y mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng, mạ bạch y, làm nghiệp thấp hèn, hoặc dối gạt bạch y. Đó là năm pháp. 109. Tỳ-kheo có năm pháp khiến cho bạch y không tin: (như trường hợp «gây mâu thuẫn giữa bạch y» trên). 120. Tỳ-kheo lại có năm pháp khiến bạch y không tin (như trường hợp «dối gạt bạch y trên»). 121. Đối với bạch y có năm pháp, Tăng không được tác yết-ma úp bát: bất hiếu với cha, với mẹ, không kính sa-môn, bà-la-môn, không kính thờ tỳ-kheo. Đó là năm. 122. Với bạch y có năm pháp, Tăng nên cho tác yết-ma úp bát: (ngược với câu trên). 123. Có năm pháp, Tăng nên cho tác úp bát: mạ báng tỳ-kheo, làm tỳ-kheo tổn giảm, làm mất lợi ích, làm cho không có trú xứ, đấu loạn tỳ-kheo. Đó là năm. 124. Lại có năm pháp: đối trước tỳ-kheo mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng, dùng vô căn bất tịnh hạnh vu khống tỳ-kheo, phạm tỳ-kheo-ni. Đó là năm. 125. Có năm trường hợp chê bai mà phạm ba-dật-đề: không vì nghĩa, không vì pháp, không vì tỳ-ni, không vì giáo thọ, không vì thân hậu. Có năm trường hợp chê bai như vậy phạm ba-dật-đề. 126. Lại có năm pháp chê bai không phạm ba-dật-đề. (ngược với câu trên). 127. Nếu tỳ-kheo nào không được Tăng không sai mà, bằng năm sự,[168] kể tội tỳ-kheo khác với người chưa thọ đại giới, phạm ba-dật-đề. Năm sự đó là: nói tên tuổi, dòng họ, tướng mạo, y phục, phòng xá. Đó là năm việc. 128. Có năm đối tượng hành dâm phạm ba-la-di: phụ nữ, đồng nữ, hai căn, huỳnh môn, nam tử. Đó là năm. 129. Có năm trường hợp ăn trộm phạm ba-la-di: tự mình lấy, chỉ thị lấy, sai phái đi lấy, trọng vật, dời khỏi vị trí. Đó là năm. 130. Lại có năm việc: với ý tưởng vật không phải sở hữu của mình, không tạm lấy, không do thân tình mà lấy, trọng vật, dời khỏi chỗ cũ. Đó là năm. 131. Lại có năm: của người, có ý tưởng là của người, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi chỗ cũ. Đó là năm. 132. Người chết có năm điều bất hảo: 1. bất tịnh, 2. hôi thối, 3. ghê sợ, 4. khiến người ghê sợ nên ác quỷ được cơ hội, 5. trú xứ cho ác thú, phi nhơn. Đó là năm. Người phạm giới có năm sự thiệt hại: có thân, khẩu, ý nghiệp bất tịnh. Như sự bất tịnh của tử thi kia, Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có thân, khẩu, ý nghiệp bất tịnh, tiếng xấu đồn khắp. Như tử thi kia, hôi thối từ đó tiết ra, Ta nói người này cũng như vậy. Người kia có thân, khẩu, ý nghiệp bất tịnh, các thiện tỳ-kheo sợ tránh. Như tử thi kia khiến người ghê sợ, Ta nói người này cũng như vậy. Có thân khẩu ý nghiệp bất tịnh, khiến các thiện tỳ-kheo thấy sanh ác tâm nói: «Sao ta lại thấy người ác như vầy?» Như người thấy tử thi sanh ghê sợ, khiến cho ác quỷ có cơ hội. Ta thấy người này cũng như vậy. Có thân khẩu ý nghiệp bất tịnh ở chung cùng người bất tịnh. Như chỗ tử thi kia có ác thú, phi nhơn cùng ở, Ta thấy người kia cũng như vậy. Đó là năm điều mất mát của người phạm giới như tử thi kia. 133. Người không nhẫn nhục có năm thiệt hại: 1. Hung ác bất nhẫn, 2. Sau sanh hối hận, 3. Nhiều người không ưa, 4. Tiếng xấu đồn khắp, 5. Chết đọa ác đạo. Đó là năm. 134. Người hay nhẫn nhục có năm công đức: (ngược lại câu trên). 135. Sưởi lửa có năm điều mất mát: 1. khiến cho người không nhan sắc, 2. Không có sức khoẻ, 3. Khiến cho con mắt mờ, 4. Khiến nhiều người tập hợp làm ồn, 5. Nói nhiều việc đời. Đó là năm. 136. Thường tới lui nhà bạch y, tỳ-kheo có năm điều mất mát: 1. Không dặn tỳ-kheo bèn vào thôn xóm, 2. Ngồi trong chỗ nam nữ có dục ý, 3. Ngồi một mình, 4. Ngồi chỗ khuất, chỗ kín, 5. Không có trí nam tử mà nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời.[169] Đó là năm. 137. Lại có năm: 1. Thường gặp nữ nhơn, 2. Đã gặp nhau thì gần gũi nhau, 3. Chuyển thành thân tình, 4. Đã thân tình rồi dục ý sanh, 5. Đã có dục ý, hoặc phạm tử tội, hay gần tử tội. Đó là năm. 138. Ngủ với tâm tán loạn có năm điều thiệt hại: thấy ác mộng, chư thiên không vệ hộ, tâm không nghĩ đến pháp, không buộc ý nơi ánh sáng, xuất bất tịnh. Đó là năm. 139. Ngủ với tâm không tán loạn có năm công đức: (ngược với câu trên). 140. Uống rượu có năm điều mất mát: không nhan sắc, cơ thể không sức lực, mắt mờ, ưa hiện tướng sân, mất của cải. Đó là năm. 141. Lại có năm việc: sanh thân bệnh, ưa đấu tranh, tiếng xấu đồn khắp, trí tuệ kém dần, chết đoạ ác đạo. Đó là năm. 142. Phá giới có năm điều mất mát: tự hại, bị người trí quở trách, có tiếng xấu đồn khắp, khi gần chết hối hận, chết đọa ác đạo. Đó là năm. 143. Trì giới có năm công đức: (ngược với câu trên). 144. Lại có năm việc: vật mà trước chưa được thì không được; đã được thì không giữ nỗi; hoặc ở tại giữa bất cứ đám đông nào, hoặc chúng sát-lợi, chúng bà-la-môn, chúng cư sĩ, chúng tỳ-kheo, trong đó đều có sự hổ thẹn; trong phạm vi vô số do tuần sa-môn bà-la-môn xưng nói cái ác kia; người ác phá giới chết đọa đường dữ. Đó là năm. 145. Trì giới có năm công đức: (ngược với câu trên). 146. Không xỉa răng có năm điều thiệt hại: miệng hôi thúi, không khéo phân biệt mùi vị, nhiệt ấm không tiêu, không dẫn thực, mắt không sáng. Đó là năm. 147. Xỉa răng có năm điều tốt. (tráivới câu trên). 148. Ăn cháo có năm điều tốt: trừ đói, giải khát, tiêu thức ăn qua đêm, đại tiểu tiện thông lợi, trừ phong. Đó là năm. 149. Kinh hành có năm điều tốt: có thể đi xa, có thể tư duy, ít bệnh, tiêu thực, đắc định và an trú lâu. 150. Có năm thức ăn: cơm, lương khô, bách bột, [1006a1] thịt và cá.[170] 151. Có năm thứ muối: muối xanh, muối đen, muối tỳ-trà, muối lam-bà, muối chi-đô-tỳ.[171] Đó là năm. 152. Lại có năm thứ muối: muối đất, muối tro, muối đỏ, muối đá, muối biển. Đó là năm. 153. Thức ăn khư-xà-ni, có năm trường hợp không được ăn: phi thời, bất tịnh, không cho, không thọ, không tác pháp dư thực. Đó là năm. Có năm việc nên ăn (ngược với câu trên). 154. Có năm thứ thọ thực: thân trao thân thọ, y trao y thọ, khủy tay trao khủy tay thọ, đồ trao đồ thọ, khi có nhơn duyên để dưới đất thọ. Đó là năm. 155. Lại có năm: thân trao thân thọ, hoặc thân trao vật thọ, hoặc vật trao thân thọ, hoặc vật trao vật thọ, hoặc từ xa quăng rơi vào trong tay. Đó là năm. 156. Có năm thứ quả được tác:[172] tác tịnh bởi lửa XE "Tác tịnh bởi lửa" , tác tịnh bởi dao XE "tác tịnh bởi dao" , tác tịnh bởi mụt nhọt XE "tác tịnh bởi mụt nhọt" , tác tịnh bởi chim cắn XE "tác tịnh bởi chim cắn" , tác tịnh bởi loại hột trỉa không mọc XE "tác tịnh bởi loại hột trỉa không mọc" . Đó là năm. 157. Lại có năm: bóc ít vỏ, bóc hết vỏ, ung thối, bị dập vỡ, bướu. Đó là năm. 158. Có năm thứ mỡ: mỡ gấu, mỡ cá, mỡ lừa, mỡ chó, mỡ cá sấu.[173] Đó là năm. 159. Có năm thứ da không được dùng: da sư tử, da cọp, da báo, da rái cái, da chồn mèo. Đó là năm. 160. Lại có năm thứ da: da người, da độc trùng, da chó, da cẩm văn trùng, da cáo đồng. Đó là năm. 161. Có năm loại da không được chứa: da voi, da ngựa, da lạc đà, da bò, da lừa. Đó là năm. 162. Lại có năm: da linh dương, da dê trắng, da hươu, da báo, da y-sư. Đó là năm. 163. Có năm loại thịt không được ăn: thịt voi, thịt ngựa, thịt người, thịt báo, thịt thú độc trùng. Đó là năm. 164. Lại có năm: thịt sư tử, thịt cọp, thịt báo, thịt gấu, thịt bò. Đó là năm. 165. Có năm cách thuyết giới: Nói bài tựa rồi, nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Hoặc nói bài tựa, nói bốn ba-la-di rồi nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Hoặc nói bài tựa, nói bốn ba-la-di, nói mười ba tăng tàn rồi nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Hoặc nói bài tựa, bốn ba-la-di, tăng tàn, hai bất định rồi nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Hay là tụng đầy đủ. Đó là năm. 166.Lại có năm: Nói bài tựa, bốn ba-la-di rồi nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Nói bài tựa, bốn ba-la-di, tăng tàn rồi nên bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Nói bài tựa, bốn ba-la-di, tăng tàn, hai bất định rồi bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Nói bài tựa, bốn ba-la-di, tăng tàn, hai bất định, ba mươi ni-tát-kỳ ba-dật-đề rồi bạch Tăng: «Ngoài ra, như Tăng thường nghe.» Hay nói đầy đủ. Đó là năm. 167. Lại có năm: Nói bài tựa, bốn ba-la-di, tăng tàn rồi bạch Tăng: «Ngoài ra như Tăng thường nghe.» Cũng vậy, mỗi mỗi đều bạch Tăng, cho đến ba-dật-đề. Hay nói đầy đủ. Đó là năm. 168. Có năm pháp không được sai làm người chia cháo, nếu đã sai không được chia. (Như trong Kiền độ Phòng xá[174] đã nói). 168. Do năm nhơn duyên thọ công đức y: được chứa trường y, lìa y ngủ, ăn biệt chúng, lần lượt ăn, không dặn được vào thôn. Có năm nhơn duyên này thọ công đức y. 169. Thọ công đức y rồi được năm việc (ngược với câu trên.)[175] 170. Có năm nhơn duyên gởi tăng-già-lê: mất an ninh, nguy cơ mất an ninh, trời mưa, nghi sẽ mưa, kinh dinh may tăng-già-lê hoặc giặt nhuộm hoặc cất dấu kỹ. Đó là năm nhơn duyên để gởi Tăng-già-lê. 171. Có năm nhơn duyên gởi y tắm mưa: nhận thọ thực ngoài giới, lội nước, bệnh, ăn no rồi, kinh dinh may y tắm mưa, hoặc giặt nhuộm hoặc cất dấu kỹ. Do năm nhơn duyên này gởi y tắm mưa. 172. Hạ an cư rồi nên làm năm việc: tự tứ, giải giới, kết giới lại, thọ y công đức, chia ngọa cụ. Đó là năm. 173. Tỳ-kheo có năm pháp không được coi là thân hậu: ưa đấu tranh, nhiều tác nghiệp,[176] tranh chấp với tỳ-kheo hơn mình giữa đại chúng, ưa đi du hành không chấm dứt, không vì người nói pháp chỉ cho người biết việc thiện việc ác. Đó là năm. 174. Có năm pháp nên làm cho thân tình: (ngược với câu trên). 175. Có năm pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đầy đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới, đa văn, khéo sử dụng ngôn ngữ, luận nói rõ ràng khiến người nghe hiểu được, không theo Phật xuất gia mà phạm trọng tội, hai mươi tuổi hay hơn. Đó là năm. 176. Có năm pháp khiến chánh pháp mau diệt: a. Có tỳ-kheo không lắng nghe thọ tụng, ưa quên nhầm, văn không đầy đủ mà đem dạy người khác, văn đã không đầy đủ mà nghĩa lại thiếu. Đó là điều thứ nhất làm cho chánh pháp mau tiêu diệt. b. Lại nữa, có tỳ-kheo là bậc thắng nhơn thượng tọa ở trong Tăng, cả nước tôn trọng, mà phần nhiều không trì giới, chỉ tu các pháp bất thiện, phóng xả giới hành, không siêng năng tinh tấn để đắc điều chưa sở đắc, nhập điều chưa sở nhập, chứng điều chưa được chứng. Tỳ-kheo-niên thiếu hậu sanh bắt chước tập theo hạnh đó, phá giới nhiều, tu pháp bất thiện, phóng xả giới hành, không siêng năng tinh tấn để đắc điều chưa sở đắc, nhập điều chưa sở nhập, chứng điều chưa được chứng. Đó là điều thứ hai làm cho chánh pháp mau tiêu diệt. c. Lại nữa, có tỳ-kheo đa văn trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di, nhưng không đem sự hiểu biết của mình dạy cho tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, bèn qua đời. Vị kia đã qua đời kiến chánh pháp đoạn diệt. Đó là điều thứ ba khiến chánh pháp mau diệt. d. Lại nữa, có tỳ-kheo khó có thể giáo thọ, không công nhận lời hay, không thể nhẫn nhục, các thiện tỳ-kheo liền xả trí. Đó là điều thứ bốn khiến chánh pháp mau tiêu diệt. e. Lại nữa, có tỳ-kheo ưa đấu tranh, mạ lị nhau, hơn thua với nhau, tuôn ra lời như đao kiếm, xoi bói tốt xấu nhau. Đó là điều thứ năm khiến chánh pháp mau tiêu diệt. 177. Lại có năm pháp khiến khiến chánh pháp tồn tại lâu dài (ngược với câu trên). 178. Tỳ-kheo có năm pháp không được làm bạn đồng hành: ưa đi trước quá xa; ưa đi sau xa; ưa nhại theo lời nói của đoán nhơn; không phân biệt thiện, ác ngữ; thiện ngữ không khen, khen ác ngữ; được của lợi như pháp không vì người kia thọ đúng lúc. Có năm pháp như vậy không được làm bạn cùng đi. 179. Có năm pháp làm bạn cùng đi (ngược lại câu trên). 180. Tỳ-kheo có năm pháp tự tổn giảm: có phạm bị người trí quở trách mắc tội vô lượng; nhiễm ô đối với người không khiến cho thanh tịnh; vì người kia tác phạm, không tác vô phạm; thọ nhận tự ngôn của vị kia mà không tri như tự ngôn pháp; không biết được lời nói xa gần có tổn giảm. Đó là năm. 181. Lại có năm pháp không tự tổn giảm (ngược với câu trên). 182. Lại có năm pháp tự tổn giảm: không hiểu điều đã được nói; cũng không khéo ghi nhớ nhận biết; lời nói vị kia nên nạn vấn lại không nạn vấn; người kia nạn vấn đến thì không thể hiểu; không thọ trì đủ Ba-la-đề-mộc-xoa giới. Đó là năm. 183. Lại có năm pháp không tự tổn giảm (ngược với câu trên). 184. Lại có năm pháp không tự tổn giảm: ưa sân nhuế; không phóng xả; tăng thêm lời nói của người; chịu lời nói bất thiện, xa lìa lời nói thiện. Đó là năm. 185. Lại có năm pháp không tự tổn giảm (ngược với câu trên). 186. Người bệnh có năm pháp khó chăm nuôi, có năm pháp dễ chăm nuôi, có năm pháp nên thọ y của người bệnh (như trong [1007a1] «Kiền độ Y»[177] đã nói). 187. Tỳ-kheo có năm pháp người đời nghi hoặc, cho đến A-la-hán: tỳ-kheo thường đến nhà dâm nữ, nhà phụ nữ, nhà đàn bà chưa chồng, nhà huỳnh môn, nhà tỳ-kheo-ni, đó là năm. 188. Tỳ-kheo có năm pháp làm cho bạch y không ưa gặp: ưa gần bạch y, ưa giận bạch y, cưỡng bức đến nhà bạch y, ưa cùng bạch y nói lén, ưa xin xỏ. Đó là năm điều mà bạch y không ưa gặp. 189. Có năm pháp bạch y ưa gặp (ngược với câu trên). 190. Đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Tỳ-kheo-niên thiếu đối trước tỳ-kheo Thượng tọa sám hối, có bao nhiêu pháp?»[178] Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: Có năm pháp: trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay nói tên và chủng tánh tội như sau: «Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội như vậy như vậy, đến Trưởng lão sám hối.» Thượng tọa nên trả lời: «Tự trách tâm thầy, sanh yểm ly.» Vị kia trả lời: «Xin vâng.» Tỳ-kheo-niên thiếu ở trước Thượng tọa sám hối nên dùng năm pháp này. 191. Ưu-ba-ly lại hỏi: «Tỳ-kheo khách niên thiếu kính lễ tỳ-kheo cựu Thượng tọa nên dùng bao nhiêu pháp?» Đức Phật bảo: Tỳ-kheo khách niên thiếu nên dùng năm pháp kính lễ tỳ-kheo cựu Thượng tọa: để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, nắm hai chân Thượng tọa, nói: «Đại đức, tôi hòa nam.» Đó là năm pháp. Cựu tỳ-kheo-niên thiếu kính lễ tỳ-kheo Thượng tọa khách cũng như vậy. 192. Có năm hạng người không được kính lễ: tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, tặc tâm thọ giới, phá nhị đạo, huỳnh môn. Đó là năm. 195. Lại có năm pháp: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu.[179] Đó là năm. 196. Lại có năm cử chỉ oai nghi không được kính lễ: đại tiện, tiểu tiện, ở trần, khi cạo tóc, hoặc khi nói pháp. Đó là năm. 197. Lại có năm: xỉa răng, súc miệng, ăn, uống, ăn trái cây. Đó là năm. 198. Thượng tọa, thứ tọa có năm pháp không lợi ích đối với tỳ-kheo đấu tranh: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không rộng tụng hai bộ giới, không thể vấn đáp, không thể như pháp quở trách và tác diệt tẫn khiến được hoan hỷ, không khéo hay diệt đấu tranh sự. Đó là năm. 199. Lại có năm pháp Thượng tọa hoặc thứ tọa đối với tỳ-kheo đấu tranh có lợi ích (ngược với câu trên). 200. Có năm pháp gọi là đại tặc, suốt đời tạo tội nặng, nhưng không bị trói cột câu thúc. Năm pháp là: Nếu ở chỗ vô định, có bạn tốt. Hoặc có nhiều đao gậy. Hoặc giàu to, của tiền nhiều, người kia nghĩ: «Nếu có bắt ta, ta sẽ cho họ nhiều của cải.» Hoặc có đại nhơn thân tình; dựa thế vua, hoặc đại thần; người ấy nghĩ: «Nếu có bắt ta, vua và đại thần sẽ giúp ta.» Hoặc đến phương xa làm giặc rồi trở về. Đó là năm. Cũng vậy, tỳ-kheo phá giới có năm pháp suốt đời tạo ra nhiều tội, không sớm bị người cử tội: Hoặc trụ chỗ vô định, có bạn đãng. Hoặc đa văn. Hoặc nghe có thể nhớ giữ; có đa văn như vậy, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, đều thiện, có văn có nghĩa, nói đầy đủ tịnh hạnh; ở trong pháp như vậy có thể nhớ giữ, có thể thiện tâm tư duy thâm nhập chánh kiến. Hoặc có thể đặng y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men; tỳ-kheo ấy nghĩ: «Nếu có cử tội ta, ta sẽ cho vật dụng.» Hoặc có đại nhơn là chỗ thân tình, Thượng tọa hay thứ tọa; tỳ-kheo ấy nghĩ: «Nếu có cử tội ta, thượng tọa thứ tọa sẽ giúp ta.» Hoặc trụ nơi hoang vắng mà đến đại gia cầu xin lợi dưỡng. Đó là năm pháp, mà Tỳ-kheo phá giới suốt đời tạo ra nhiều tội lỗi, nhưng không sớm bị người cử tội. 201. Có năm sự ngăn thuyết giới phi pháp: ngăn bằng ba-la-di vô căn, tăng-già-bà-thi-sa vô căn, ba-dật-đề vô căn, ba-la-đề-đề-xá-ni vô căn, đột-kiết-la vô căn. Đó là năm. 202. Có năm như pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên). 203. Có năm sự rút thăm phi pháp: không rõ đoán sự mà nhận thẻ, không đồng ý mà nhận thẻ, không có thiện tỳ-kheo mà nhận thẻ, phi pháp biệt chúng nhận thẻ. Đó là năm. 204. Có năm như pháp rút thăm (ngược với câu trên). 205. Có năm sự im lặng phi pháp, có năm sự im lặng như pháp, có năm sự hòa hợp như pháp (như trong «Kiền độ linh tinh» đã nói).[180] Có năm pháp xả khí (như trong «Kiền độ Câu-thiểm-di» nói).[181] 206. Bấy giờ đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Các ngươi chớ nên lúc nào cũng cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Người cử tội tỳ-kheo khác, thân oai nghi không thanh tịnh mà cử tội người thì khiến người ấy nói rằng: «Thưa Trưởng lão, trước tiên nên tự làm cho bản thân thanh tịnh đã. Ưu-ba-ly, nếu thân oai nghi thanh tịnh mà cử tội người thì không khiến người ấy nói như vậy.» Lời nói không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh cũng như vậy. «Lại nữa, Ưu-ba-ly, nếu kẻ ít nghe, không biết Tu-đa-la mà cử tội người khác, thì khiến người ấy nói rằng: «Thưa Trưởng lão, việc này thế nào? Điều này có nghĩa gì?» Người cử tội không thể phân biệt để trả lời thì khiến vị kia liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết nên tụng Tu-đa-la đã, sau đó sẽ biết.» Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo đa văn tụng Tu-đa-la thì không khiến người ấy nói như vậy.» «Lại nữa, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo ít nghe, không tụng tỳ-ni mà cử tội vị kia, thì khiến người ấy nói rằng: «Thưa Trưởng lão, đây là nói về cái gì? Nhơn đâu mà phát khởi?» Nếu không thể nói chỗ phát khởi, thì khiến vị kia liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết nên tụng tập tỳ-ni.» Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo đa văn, tụng tập tỳ-ni mà cử tội người, không khiến người ấy nói như vậy.» «Ưu-ba-ly, tỳ-kheo có năm pháp như vậy, nên đúng thời như pháp cử tội vị kia.» Khi ấy Ưu-ba-ly tin ưa hoan hỷ thọ trì. 207. Đức Thế Tôn ở trong rừng Nhuy-la, nước Ca-lăng-già. Bấy giời Trưởng lão Ba-ma-na đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Kính bạch Đại đức, do nhơn duyên gì sau khi đức Như Lai diệt độ, chánh pháp nhanh chóng diệt, không tồn tại lâu dài? Lại do nhơn duyên gì chánh pháp không diệt mà được tồn tại lâu dài?» Đức Phật bảo Ba-ma-na: «Sau khi Như Lai diệt độ, tỳ-kheo không tôn kính Phật, Pháp, Tăng và giới định. Do nhơn duyên này mà chánh pháp nhanh chóng diệt độ, không tồn tại lâu dài. Ba-ma-na, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tỳ-kheo tôn kính Phật, Pháp, Tăng và giới định, thì do nhơn duyên này chánh pháp không diệt, đặng tồn tại lâu dài.» Đức Thế Tôn ở trong vườn của Vua, nước Kim-tỳ-la. Bấy giờ Trưởng lão Kim-tỳ-la đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn: «Do nhơn duyên gì sau khi Như Lai diệt độ chánh pháp nhanh chóng diệt, không tồn tại lâu dài? (hỏi đáp đều như trước không khác). 208. Bấy giờ, có tỳ-kheo nọ đến chỗ đức Phật đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: «Bạch Đại đức, vì nhơn duyên gì chánh pháp nhanh chóng diệt mà không tồn tại lâu dài?» Đức Phật bảo tỳ-kheo: «Nếu tỳ-kheo xuất gia trong pháp luật, không chí tâm vì người nói pháp; cũng không chí tâm nghe pháp nhớ giữ; giả sử có kiên trì mà không thể tư duy nghĩa thú; vị kia không biết nghĩa, không thể như pháp tu hành; không thể tự lợi, cũng không lợi người.» [1008a1] Đức Phật bảo tỳ-kheo: Vì những nhơn duyên như vậy khiến cho chánh pháp nhanh chóng diệt, mà không tồn tại lâu dài. «Bạch Đại đức, lại nữa, do nhơn duyên gì khiến chánh pháp tồn tại lâu dài, mà không nhanh chóng tiêu diệt? (ngược với câu trên). 209. Khi ấy, có tỳ-kheo khác đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, thưa: «Lành thay, Đại đức, vì con lược nói pháp. Con sẽ ở riêng một chỗ, siêng năng tinh tấn tu hành, không phóng dật.» Đức Phật bảo tỳ-kheo: «Nếu ngươi biết thế pháp không thể xuất ly, hoặc biết có ái không thể vượt qua, hoặc biết có dục không được vô dục, hoặc biết có kết không thể vô kết, hoặc biết thân cận sanh tử không được không thân cận. Ngươi tỳ-kheo quyết định nên biết, đây là phi pháp phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. «Này tỳ-kheo, ngươi biết pháp này là xuất ly, chẳng phải thế pháp, là vượt qua chẳng phải pháp ái, là ly dục chẳng phải có dục, là vô kết chẳng phải có kết, là không thân cận sanh tử chẳng phải thân cận. «Này tỳ-kheo, ngươi nên quyết định biết pháp này là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy.» Tỳ-kheo kia nghe đức Thế Tôn lược nói lời giáo thọ, liền ở riêng một chỗ khuất, siêng năng tinh tấn, không phóng dật. Đầu đêm cuối đêm tỉnh ý tư duy nhất tâm tu tập đạo phẩm, do lòng tin ưa xuất gia hành đạo, không bao lâu, hiện thế chứng đắc A-la-hán, «sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sanh nữa.» Tỳ-kheo kia tự biết đắc A-la-hán. Đức Phật nói pháp như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, tin ưa hoan hỷ thọ trì. 210. Bấy giờ, có tỳ-kheo nọ đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: «Lành thay, Đại đức, vì con lược nói pháp. Con sẽ ở một mình nơi chỗ khuất, siêng năng tinh tấn tu tập, không phóng dật.» Đức Phật bảo tỳ-kheo: «Nếu ngươi biết có pháp khiến nhiều dục, không khiến ít dục, khiến vô yểm không tri túc, khiến khó bảo hộ, không dễ bảo hộ, khiến khó nuôi dưỡng, không dễ nuôi dưỡng, khiến ngu si không trí tuệ. Này tỳ-kheo, ngươi nên biết pháp như vậy là phi pháp, phi tỳ-ni, chẳng phải là lời dạy của đức Phật. «Nếu tỳ-kheo biết có pháp khiến thiểu dục không đa dục, khiến tri túc không vô yểm, khiến dễ bảo hộ không khó bảo hộ, khiến dễ nuôi dưỡng không khó nuôi dưỡng, khiến có trí tuệ không ngu si. Này tỳ-kheo, ngươi nên quyết định và biết pháp này là tỳ-ni, là lời Phật dạy.» Tỳ-kheo kia sau khi nghe đức Phật lược nói rồi, liền ở riêng chỗ khuất tư duy như trên đã nói.[182]
Chú thích: [133] Thập tụng 49 (T23n1435 tr.356b20): thế gian có ba đại tăc. 1. Thủ lãnh cướp, cầm đầu 100 cho đến 500 lâu la, cướp bóc làng xóm. 2. Tỳ-kheo lấy vật tứ phương Tăng đi bán để nuôi sống. 3. Tỳ-kheo trống rỗng mà tự xưng đắc pháp thượng nhơn. [134] Kiến 見, văn 聞, xúc 觸, tri 知. Trường A-hàm 8 (kinh Chúng tập, T0n1 tr.50b27), bốn phi Thánh ngữ, và Thánh ngữ: kiến, văn, giác 覺, tri. Pali, Vin. v. 124: cattāro anariyavohārā, adiṭṭhe diṭṭhavāditā, assute sutavāditā, amute mutavāditā, aviññe viññātavāditā. [135] Chi tiết, xem mục «một pháp» các hạng mục 1, 2. [136] Chi tiết, xem mục «hai pháp» hạng mục 127. [137] Chi tiết, xem mục «hai pháp» hạng mục 127. [138] Không đủ tư cách làm Hoà thượng. Xem phần iii. chương i «Thọ giới.» đoạn viii. [139] Tăng tịnh hạnh, hay tăng thượng phạm hạnh. Đọc đúng là «căn bản phạm hành.» Hán đọc ādi-brahmacariya, thành adhi-brahmacariya. [140] Không thể chăm sóc đệ tử bệnh Xem phần iii, ch. i, dẫn trên. [141] Năm trong số 13 già nạn. Xem phần iii, chương i «Thọ giới.» [142] Năm trong số 13 già nạn. Xem phần iii, dẫn trên. [143] Sanh, hình tàn, thạch, biến, bán nguyệt 生形殘妒變半月. Xem giải thích nơi phần iii, chương i «Thọ giới.» Các thuật ngữ khác ở đây: sanh XE "huỳnh môn do bẩm sinh" , kiền XE "huỳnh môn do thiến" , đố XE "huỳnh môn do ghen" , biến XE "huỳnh môn do đổi" , bán nguyệt XE "huỳnh môn nửa tháng" . [144] Trượng phu 丈夫, dịch từ Skt. (Pali): nara: nghĩa đen là «đàn ông» (không phải là đàn bà) chẳng liên hệ gì đến nghĩa đại trương phu hay tiẻu trượng phu mà các bản dịch Việt thường nhầm lẫn tai hại. [145] Xem cht. 136 trên. [146] Tham chiếu Pali, Vin. v. 130, người trì luật có đủ 5 điều để được gọi là ngu si; không biết tránh sự (adhikaraṇa), không biết gốc rễ của tránh sự (adhikaraṇasa mūla), không biết sự tập khởi của tránh sự, không biết sự dập tắt tránh sự (adhikaraṇa-nirodha), không biết con đường dẫn đến sự dập tắt tránh sự (adhikaraṇanirodhagāmini). [147] Bị đuổi ra ngoài trú xứ. [148] Ra khỏi đồng trú xứ với thầy y chỉ có ý định không trở lại. [149] Thầy y chỉ dứt y chỉ. [150] Dứt y chỉ. [151] Thập tụng luật 49 (T23n1435 tr.359b17), «Phật nói, tỳ-kheo có năm chỗ không nên lai vãng: phụ nữ chưa chồng, đàn bà goá, phụ nữ có chồng, dâm nữ, tỳ-kheo-ni.» Lại có 5 chỗ: nhà giặc cướp, nhà chiên-đà-la (thịt chó), nhà đồ tể, nhà dâm nữ, nhà bán rượu. [152] Đã có chồng. [153] Chỉ chung những người làm chài lưới. [154] Người nhận dục bỗng biến đổi giới tính. [155] Vì đã qua ngày khác. 153 Sự, chỉ cơ sở (để trả lời trong vấn đáp nghĩa tỳ-ni). [157] Tham chiếu Pali, Vin. v. 130, trì luật ngu si với 5 pháp: không biết nhân duyên (nidānaṃ, nguyên nhân Phật chế giới Hán dịch là tự 序), không biết chế (paññttiṃ), không biết tùy chế (anupaññattiṃ, quy định phụ; Hán dịch là trùng chế 重制), không biết ngữ pháp thích đáng (anusandhivacanaṃ). [158] Hán: quyết định thủ 決定取, khủng khiếp thủ 恐怯取, ký vật thủ 寄物取 (lấy bằng cách gởi nơi vật khác, tức lấy bằng cách che dấu), kiến tiện thủ 見便取 (có lễ như Pali: pasayha, áp chế, được đọc là pasaya: thấy), ỷ thác thủ 倚託取 (có lẻ chỉ sự rút thăm). Tham chiếu Pali (Vin. v. 129), năm sự tước đoạt (pañca avahārā): đoạt bằng cách trộn lấy (theyya-), bằng cưỡng bức (pasayha-), bằng mưu mô (parikappa-), bằng cất dấu (paṭicchanna-), bằng rút thăm (kusa-). Xem Thập tụng 50 (T23n1435 tr.363b19), năm hình thức lấy vật của người khác: kiếp thủ 劫取, đạo thủ 盜取, trá thủ 詐取, để mạn thủ 詆謾取 (bịp mà lấy), pháp thủ 法取 (lấy hợp pháp). [159] Pali (Vin.v. 128, 91): pañca āpattiyo. [160] Năm tụ phạm, hay năm tụ tội, hay năm thiên tội, đồng nghĩa. Pali: pañca āpattikkhadā. Vin. v. 91. [161] Chỉ các tội đột-kiết-la và ác thuyết. [162] Các tội ba-dật-đề, và ba-la-đề-đề-xá-ni. [163] Thâu-lan-già và tăng-già-bà-thi-sa. [164] Phạm ba-la-di. [165] Trong bản Hán, Phần iii, Ch.viii. Bản Việt, Phần iii, Ch.xi. [166] Xem phần iii, chương xi «Khiển trách.» Các cht. 28-30. [167] Xem cht. 30, phần iii, chương xi. [168] Sự, đây chỉ lý lịch bản thân, hay nhân thân của một cá nhân. [169] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 9. [170] Xem phần iii, chương vii «Thuốc», cht. 1. [171] Xem phần iii, chương vii «Thuốc», cht. 31, 32. [172] Năm loại tịnh quả: hỏa tịnh, đao tịnh, san tịnh, điểu tịnh, bất nhiệm chủng tịnh. 五種淨果火淨刀淨瘡淨鳥淨不任種淨. Xem phần iii, chương vii «Thuốc», cht. 108-110. [173] Nguyên Hán: thất thủ ma la. [174] Bản Hán, phân iv, kiền-độ i. Bản Việt, phần iv, ch. i, đoạn 18. [175] Có thể có nhầm lẫn trong bản Hán. Nên hiểu, «Không thọ công đức y không được năm sự.» [176] Tức bận rộn nhiều chuyện đời. [177] Bản Hán, phần iii, kiền-độ iii. Bản Việt, phần iii, chương vi, đoạn 11 «Di vật của tỳ-kheo.» [178] Xem thêm mục «Bốn pháp», hạng mục 23. [179] Xem đoạn trên. Trên kia, được kể là 5 già nạn. Ở đây được kể là không nên lễ bái người như vậy. [180] Bản Hán, phần iv, kiền-độ ii «Tạp kiền-độ.» Bản Việt, phần iv, chương ii «Tạp sự.» [181] Bản Hán, phần iii, kiền-độ sáu. Bản Việt, phần iii, chương ix «Câu-thiểm-di.» [182] Hết quyển 59. 60Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng Hiệu chính và chú thích 212. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la[183] nào mà Ta cho phép, các ngươi nên làm như vậy.[184] Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta không cho phép, thì các ngươi không được tùy thuận, nên chê trách. Hãy làm như vậy. Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta ngăn cản, thì các ngươi không nên làm. Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta không ngăn cản, các ngươi nên tuỳ thuận, không nên chê trách. 213. Bấy giờ, Xá-lợi-phất cùng với năm trăm tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng với năm trăm tỳ-kheo-ni; A-nan-phân-đề[185] cùng với năm trăm ưu-bà-tắc; Tỳ-xá-khư Mẫu[186] cùng với năm trăm ưu-bà-di, như trong kiền độ Câu-thiểm-di[187] đã nói. Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo: 214. Tỳ-kheo đến trong Tăng, trước hết phải có năm pháp: nên đến với từ tâm, nên tự ti xem mình như cái khăn lau bụi, nên khéo léo biết việc ngồi việc đứng, nếu thấy Thượng tọa thì không được ngồi yên, nếu thấy hạ tọa thì không được đứng dậy. Tỳ-kheo đến trong Tăng không được bàn nói chuyện của thế tục, nên tự nói pháp, hay thỉnh người nói pháp, nếu thấy trong Tăng có sự việc bất khả, tâm không nhịn yên, thì nên im lặng. Tại sao vậy? Sợ tăng phân hóa. Tỳ-kheo trước hết phải có năm pháp này, sau đó mới đến trong Tăng. 215. Này Xá-lợi-phất, có năm pháp này tỳ-kheo ở trong Tăng không được nói. Lại có năm pháp ở trong Tăng nên nói. Ở đây có sáu pháp[188] như trên đã nói trong pháp tự tổn giảm. 216. Có năm pháp để cử tội người khác: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, khéo léo việc nói năng, có ức niệm, có trí tuệ. Đó là năm. Có năm pháp nên cử tội người khác: có tâm từ bi, vì muốn lợi ích, khiến tăng trưởng, khiến sám hối, thanh tịnh. Có năm pháp như vậy nên cử tội người. Muốn cử tội người nên có năm pháp, như đã nói ở trên trong «Kiền độ Ngăn.»[189] 217. Có năm cử tội phi pháp: phi thời chứ không phải đúng thời, không thật chư không phải như thật, tổn giảm chứ không lợi ích, thô lỗ chứ không nhu hòa, sân nhuế chứ không từ tâm. Đó là năm. 218. Có năm cử tội như pháp: (ngược với câu trên). Bất thiện, thiện; phi tỳ-ni, tỳ-ni; thế gian, xuất thế gian; tổn giảm, lợi ích; cũng nói như vậy. Có năm câu, không có câu thứ ba: thời cùng phi thời, câu này không có câu thứ ba. Thật cùng không thật, câu này không có câu thứ ba. Tổn giảm với có lợi ích, câu này không có câu thứ ba. Thô lỗ với nhu hòa, câu này không có câu thứ ba. Sân nhuế với từ tâm, câu này không có câu thứ ba. Đó là năm câu không có câu thứ ba. 219. Nói năm lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả Hòa Thượng, xả đồng Hòa Thượng.» Cứ mỗi năm lời như vậy làm thành một hạng mục, cho đến «...phi sa-môn Thích tử.»[190] 220. Đức Như Lai ra đời thấy có sự lỗi lầm nên vì năm nghĩa lợi mà chế giới cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an lạc, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ tin rồi tăng trưởng.[191] Đó là năm. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài cũng như vậy. 221.Đức Như lai ra đời thấy các tỳ-kheo có sự lỗi lầm nên vì năm nghĩa lợi mà chế yết-ma ha trách cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an vui, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ tin rồi Tăng trưởng. Đó là năm. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài. Mỗi năm pháp làm thành một hạng mục cũng như vậy. Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy.[192] VI. SÁU PHÁP 1. Có sáu phi pháp ngăn nói giới, ngăn phá giới vô căn, tác hay bất tác,[193] phá kiến; phá oai nghi cũng như vậy. Đó là sáu. Có sáu như pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên). 2. Có sáu pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, rộng tụng hai bộ giới tỳ-ni, có khả năng về ngôn ngữ, luận biện nghĩa cú rõ ràng, không vì Phật xuất gia mà phạm trọng tội, [1009a1] hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là sáu pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. 3. Tỳ-kheo đặt nghi vấn cho tỳ-kheo bằng sáu pháp: hoặc tính tuổi đời, hoặc tính tuổi hạ, hoặc dùng tính thọ đại giới, hoặc nghiệm yết-ma, hoặc phạm, hoặc y trên pháp. Đó là sáu. 4. Có sáu chỗ phát sanh sự phạm:[194] hoặc có phạm do thân khởi chẳng phải tâm hay miệng, hoặc có phạm khởi nơi miệng không do thân hay tâm, hoặc có phạm từ thân và miệng khởi không do tâm, hoặc có phạm từ thân và tâm khởi chẳng phải do miệng, hoặc có phạm khởi từ miệng và tâm chẳng phải do thân, hoặc có phạm từ thân, miệng và tâm khởi. Đó là sáu. 5. Có sáu gốc rễ của đấu tranh, như trong A-hàm[195] đã nói. 6. Có sáu trường hợp ăn trộm phạm ba-la-di: tự mình lấy, hoặc chỉ thị lấy, sai phái người đi lấy, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi chỗ cũ.[196] Đó là sáu. 6. Lại có sáu (trường hợp khác): với tưởng chẳng phải của mình, ý tưởng không tạm lấy, ý tưởng chẳng phải thân tình, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi chỗ cũ. Đó là sáu. VII. BẢY PHÁP 1. Có bảy phi pháp ngăn thuyết giới: ngăn bằng ba-la-di vô căn, cho đến ác thuyết vô căn.[197] Đó là bảy. 2. Có bảy tụ phạm:[198] ba-la-di cho đến ác thuyết. Đó là bảy. 3. Có bảy loại tinh: sắc đỏ, cho đến sắc lạc tương.[199] Đó là bảy. 4. Có bảy diệt tránh, như trên, trong văn giới đã nói.[200] 5. Có bảy pháp gọi là trì luật: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, biết hữu dư, biết vô dư, rộng tụng hai bộ tỳ-ni. Đó là bảy. 6. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: rộng tụng tỳ-ni. Đó là bảy. 7. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: trụ tỳ-ni không lay không động. Đó là bảy. 8. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: khéo hay diệt tránh sự. Đó là bảy. 9. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như. Pháp thứ bảy: tự nhớ biết các đời sống trước, với đủ các hình thức khác nhau.[201] Đó là bảy. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: bằng thiên nhãn thấy chúng sanh chết đây sanh kia làm một câu mẫu. Đó là bảy. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: bằng lậu tận được vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, hiện đời này được quả chứng, «sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, quyết không còn tái sanh nữa.». Đó là bảy. 10. Không cung kính có bảy: không kính Phật, Pháp, Tăng, giới, định, phụ mẫu và thiện pháp. Đó là bảy. 11. Cung kính có bảy (ngược với câu trên). 12. Xả giới có bảy lời: «Tôi xả Phật, Pháp, Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê.» Đó là bảy. Cho đến «...phi sa-môn Thích tử» cũng như vậy.[202] 13. Do bảy nghĩa mà đức Như lai ra đời vì các tỳ-kheo chế giới: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an vui, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ đã tin tăng trưởng, kẻ khó điều khiến điều, người tàm quý được yên vui. Đó là bảy. Cũng vậy: mỗi bảy pháp làm thành một hạng mục, cho đến «chánh pháp tồn tại lâu dài» cũng như vậy.[203] 14. Do bảy nghĩa mà đức Như Lai ra đời vì các tỳ-kheo chế yết ma ha trách: từ «nhiếp thủ đối với Tăng,» cứ mỗi bảy pháp làm thành hạng mục, cho đến «chánh pháp tồn tại lâu dài» cũng như vậy.[204] Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy, cũng như yết-ma ha trách làm thành hạng mục. VIII. TÁM PHÁP 1. Có tám sự ngăn thuyết giới một cách phi pháp; ngăn bằng phá giới vô căn, tác hay bất tác; phá kiến vô căn, tác bất hay tác; phá oai nghi vô căn, tác bất hay tác, phá chánh mạng vô căn, tác hay bất tác.[205] Đó là tám. 2. Có tám như pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên). 3. Có tám pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới; đa văn; tụng hai bộ giới tỳ-ni; có khả năng ngôn ngữ luận; biện nghĩa câu chữ rõ ràng, từ đại tánh xuất gia như sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ; hình mạo đoan chánh; không vì Phật nên xuất gia mà phạm trọng tội; hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là tám. 4. Có tám pháp không thể vượt qua,[206] như trong «Kiền độ Tỳ-kheo-ni» đã nói. 5. Bạch y có tám pháp nên tác pháp úp bát:[207] mạ báng tỳ-kheo, làm cho (tỳ-kheo) thiệt hại, không làm cho lợi ích, làm cho (tỳ-kheo) không có trú xứ, làm cho tỳ-kheo đấu loạn nhau, trước tỳ-kheo mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Đó là tám. 6. Tỳ-kheo có tám pháp khiến bạch y không tin: mạ báng bạch y, gây thiệt hai (cho bạch y), là mất lợi ích (của bạch y), làm cho (bạch y) không có chỗ ở, làm cho bạch y đấu loạn nhau, trước bạch y mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Đó là tám. Tỳ-kheo có tám pháp như vậy nên trao cho pháp yết-ma ngăn không đến nhà bạch y, như trên đã nói. 7. Có tám pháp nên sai làm bạn người sai phái: có khả năng nghe, có khả năng nói, tự mình hiểu rõ, khiến người hiểu rõ, có khả năng ghi nhận, có khả năng ghi nhớ không mất, biết tốt xấu, nói ý nghĩa lý thú. Đó là tám. 8. Bấy giờ đức Thế Tôn ở bên ao Già-già tại thành Chiêm-bà. Ngày mười lăm có trăng, là ngày thuyết giới, Ngài ngồi chỗ đất trống cùng chúng Tăng đông đủ xoay quanh bốn bên. Khi ấy, có tỳ-kheo bằng kiến, văn, nghi mà cử tội tỳ-kheo kia. Khi bị cử tội, tỳ-kheo kia liền dùng dư ngữ (nói quanh) để trả lời.[208] Do đó có sự sân hận nổi lên. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nên thẩm định hỏi người kia. Người kia ở trong Phật pháp chẳng có ích gì,[209] không tăng trưởng gì. Giống như người nông phu làm ruộng lúa, cỏ dại mọc lẩn với lúa. Lúa và cỏ dại giống nhau không khác, nhưng nó làm hại lúa. Cho đến khi trổ bông, kết hạt, mới biết nó không phải là lúa. Biết nó không phải là lúa rồi, phải nhanh chóng nhổ trừ tận gốc. Tại sao vậy? Vì sợ nó làm hại lúa. Tỳ-kheo cũng như vậy. Có ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết loại cỏ dại, khác với tỳ-kheo. Đã biết là khác rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi. Tại sao vậy? Sợ nó làm phương hại thiện tỳ-kheo. «Thí như người nông phu sẩy thóc, đón chiều gió mà rê đi thóc lép, giữ lại thóc tốt. Tại sao vậy? Vì sợ nó làm xấu lúa tốt. Cũng vậy, ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết là loại thóc lép, cỏ rác, trong tỳ-kheo. Biết rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi. «Giống như có người cần cây để làm lan can giếng. Người ấy ra khỏi thành, cầm búa vào rừng, gõ khắp hết các loại cây. Cây nào có ruột chắc thật thì âm thanh chắc thật. Cây nào bộng ruột thì âm thanh rỗng như tiếng ghè vỡ. Nhưng cây rỗng ruột ấy có gốc, thân, nhánh lá giống như cây chắc ruột không khác. Chỉ khi nào gõ vào mới biết bên trong trống rỗng. Biết nó rỗng ruột rồi, thì chặt bỏ nhánh lá, róc bỏ những chỗ thô kệch, sau đó mới đẻo chuốt làm cho trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài, đem dùng rào giếng. Cũng vậy, ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết là loại thóc lép, cỏ rác, cây rỗng ruột giữa các tỳ-kheo. Đã biết là khác rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi. Tại sao vậy? Sợ nó làm phương hại thiện tỳ-kheo.» Đức Phật nói kệ: Sống chung, biết tánh hạnh, Ganh tị, ưa sân hận. Giữa chúng, nói lời hay, Chỗ khuất làm phi pháp. Phương tiện bày vọng ngữ, Kẻ sáng hay giác tri. [1010a1]Cỏ dại nên trừ bỏ Cho đến cây bộng ruột. Tự nói là sa-môn Hư vọng nên diệt tẫn Đã tác diệt tẫn rồi, Đuổi người ác, phi pháp; Người thanh tịnh sống chung Nên biết là sáng chói. Hòa hợp cùng diệt tẫn Hòa hợp dứt gốc khổ. Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa thọ trì. 8. Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay Ta nói cho các ngươi về tám thứ ngựa dữ và tám hạng người dữ.[210] Các ngươi lắng nghe! Những gì là tám? Hoặc có ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn khiến cho nó chạy tới, nó lại gặc đầu dậm chân không chịu đi. Hoặc có thứ ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựa vào hai bên cây gọng mà không bước tới. Hoặc có thứ ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại lộn nhào ngã xuống đất làm cho đầu gối bị thương, lại gãy gọng xe. Hoặc có thứ ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại bước lui chứ không đi tới. Lại có thứ ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại chạy ra ngoài đường làm cho hỏng bánh xe, gãy trục. Lại có loại ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó không sợ người cầm cương, cũng không sợ roi, mà cố nhai cái hàm sắt, chạy lung tung không có cách nào ngăn chận. Lại có loại ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựng hai chân trước lên, đứng như người, phun nước bọt ra. Hoặc có loại ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại ngồi hay nằm xuống. Đó là tám thứ ngựa dữ. «Tám hạng người ác là những gì? Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lại nói: «Tôi không nhớ, tôi không nhớ.» Cũng như con ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nói đi tới mà lại gặc dậm chân không đi. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia không nói phạm, không nói không phạm, mà ngồi trơ im lặng. Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựa hai bên gọng xe không chạy tới. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi cử tội vị kia. Vị kia nói như sau: «Trưởng lão cũng phạm tội thì làm sao cử tội người khác?» Cũng như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại lộn nhào ngã xuống đất, làm cho đầu gối bị thương lại gãy gọng xe. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lại nói: «Trưởng lão si mê, cần phải được dạy, lại muốn dạy tôi.» Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại đi lui. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo dùng kiến văn nghi cử tội vị kia, vị kia lại nói chuyện khác để trả lời nên sanh ra sân nhuế. Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại chạy ra ngoài đường làm cho gãy trục, hư bánh xe. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia không sợ chúng Tăng cũng không sợ phạm, không nhận sự cử tội, bèn lấy tọa cụ để trên vai ra đi, không thể quở trách hay ngăn cấm được. Như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà nó không sợ người cầm cương, cũng không sợ roi, cắn cái hàm sắt vụt chạy không thể cấm ngăn được. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lật ngựơc y uất-đa-la-tăng, giữa chúng Tăng đưa tay lên nói: «Các thầy muốn dạy tôi sao?» Cũng như con ngựa dữ kia khi tra khi dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại đứng hai chân trước lên như người, phun nước bọt ra. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia nói: «Trưởng lão không cho tôi y bát, ngọa cụ, thuốc men, thì tại sao lại dạy tôi?» Nói xong liền xả giới, chọn con đường dưới,[211] đến chỗ các tỳ-kheo nói: «Đại đức, tôi đã thôi tu, ngài vừa ý lắm phải không?» Cũng như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại ngồi hay nằm xuống. Ta nói người này cũng lại như vậy. Đó là tám hạng người ác. «Ta đã nói về tám thứ ngựa dữ và tám loại người dữ rồi, như điều Thế Tôn cần làm vì từ mẫn đối với các đệ tử, Ta đã nói đầy đủ cả rồi. Nay các thầy hãy đến trụ nơi trống vắng, dưới gốc cây, tu tập thiền định, đừng phóng dật để rồi sau này phải hối hận. Đây là lời răn dạy của ta.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 9. Bấy giờ, đức Thế tôi ở tại nước Câu-tát-la, cùng với một ngàn hai trăm năm năm mươi tỳ-kheo, du hành trong nhân gian. Giữa đường thấy có một đám lửa cháy lớn. Thấy vậy, đức Phật đến bên đường, dưới một gốc cây, trải chỗ ngồi ngồi, bảo các tỳ-kheo:[212] «Các ngươi thấy đám lửa lớn đang cháy kia không? Nếu người nào ôm lấy ngọn lửa kia thì liền sẽ bị đốt cháy tiêu hết da thịt, xương cốt. Lại có người ôm lấy sát lợi nữ, bà-la-môn nữ, tỳ-xá nữ, thủ-đà-la nữ, vuốt ve và hôn. Hai việc làm trên, việc nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch Đại đức, nếu ôm lấy sát lợi nữ, v.v.. vuốt ve và hôn; việc này tốt hơn. Vì sao vậy? Vì nếu ôm lấy lửa thì liền sẽ bị cháy tiêu hết da thịt, gân cốt, bị đại khổ thống không thể chịu nổi!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay Ta nói với các ngươi, thà là ôm lấy lửa kia để rồi bị cháy hết da thịt, gân cốt, thì việc này vẫn là điều tốt hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn này mà đọa ác đạo. Còn nếu chẳng phải sa-môn mà tự nói là sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, tự nói là tịnh hạnh, phá giới làm điều ác, hoàn toàn không trì giới, oai nghi, tà kiến, nơi chỗ khuất kín làm điều tội lỗi. Bên trong trống rỗng, hư nát, bên ngoài hiện ra là hoàn thiện. Vì ăn đồ ăn của tín thí mà không tiêu được nên phải đọa vào ba đường ác, thọ khổ lâu dài. Cho nên các ngươi cần phải trì tịnh giới mới ăn của người tín thí; dùng các thứ cần thiết như y phục, ngọa cụ, thuốc men, mới có thể khiến cho tín thí được đại quả báo, và mục đích của người xuất gia làm sa-môn cũng được thành tựu. «Này các tỳ-kheo, các ngươi nên cầm cây kích đốt nóng chích vào chân, hay là nhận sự lễ bái dưới chân của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ? Hai việc như vậy, việc nào là tốt hơn? Các tỳ-kheo bạch Phật: «Nên nhận sự lễ bái dưới chân của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ. Tại sao vậy? Vì dùng cây kích đốt nóng chích vào chân phải chịu sự đại thống khổ!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay Ta bảo các ngươi, thà dùng cây kích nóng chích vào thân còn hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn này mà đọa vào ba đường ác. Nếu chẳng phải sa-môn mà tự nói là sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, tự nói là tịnh hạnh, phá giới làm điều ác, hoàn toàn không trì giới, oai nghi, tà kiến, nơi chỗ khuất kín làm điều tội lỗi. Bên trong trống rỗng, hư nát, bên ngoài hiện ra là hoàn thiện. Vì ăn đồ ăn của tín thí mà không tiêu được nên phải đọa vào ba đường ác, thọ khổ lâu dài. Cho nên các ngươi cần phải trì tịnh giới mới ăn của người tín thí; dùng các thứ cần thiết như y phục, ngọa cụ, thuốc men, mới có thể khiến cho tín thí được đại quả báo, và mục đích của người xuất gia làm sa-môn cũng được thành tựu. «Này các tỳ-kheo, nên tự cầm búa nóng chém vào thân vào đầu mình, hay là nhận bàn tay của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ vuốt ve thân thể? [1011a1] hai việc này việc nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch Đại đức, nên nhận bàn tay của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ vuốt ve thân thể. Tại sao vậy? Vì cầm búa nóng chém vào thân vào đầu phải thọ đại khổ thống!» «Này các tỳ-kheo, nay Ta bảo các ngươi nên cầm búa nóng chém vào thân vào đầu, việc này mới là tốt hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác. Còn lại, văn cú như trên đã nói. «Này các tỳ-kheo, các ngươi nên lấy sắt nóng làm y để đốt cháy hết thân này, hay là nhận mặc các loại y tốt của thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ? Hai việc này việc nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch Đại đức, nên nhận các loại y tốt. Tại sao vậy? Vì loại y bằng sắt nóng kia đốt cháy thân hình, phải chịu đại khổ thống!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay ta bảo các ngươi là nên nhận lấy y bằng sắt nóng kia để đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên ấy mà đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói. «Này các tỳ-kheo, nên nuốt hoàn sắt nóng cháy cả ngũ tạng rồi tuôn tháo ra ngoài, hay là nhận thức ăn cúng dường của kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ? Hai việc này việc nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo thưa: «Nên nhận thức ăn cúng dường kia. Tại sao vậy? Nuốt hoàn sắt nóng kia phải chịu đại khổ thống!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay ta bảo các ngươi, thà là nuốt hoàn sắt nóng. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà không đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói. Nhận các thứ cháo cũng như vậy. «Này các tỳ-kheo, nên nằm trên giường sắt nóng để tự đốt cháy hết thân hình, hay là nhận các loại giường tốt, ngọa cụ tốt của thiện nam tử thiện nữ nhơn tín mộ để ngồi nằm? Hai việc này điều nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Nên nhận các thứ giường, ngọa cụ tốt kia. Tại sao vậy? Vì ngồi nằm trên giường sắt nóng tự đốt cháy thân hình thọ đại khổ thống!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Nay ta bảo các ngươi, thà nhận giường, tọa cụ bằng sắt nóng kia để tự đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói. «Này các tỳ-kheo, nên ở trong nhà bằng sắt nóng để thân hình bị đốt cháy, hay là nhận phòng nhà của thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ để ngủ nghỉ? Hai việc này điều nào là tốt hơn?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Nên nhận phòng nhà kia để nghỉ ngơi. Tại sao vậy? Vì ở trong phòng nhà bằng sắt nóng sẽ bị thiêu đốt thân hình thọ đại thống khổ!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Thà ở trong nhà sắt nóng kia để tự đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác.» Ngoài ra như trên đã nói. Khi đức Thế Tôn nói những lời này, có sáu mươi vị tỳ-kheo máu tuôn ra từ lỗ chân lông nơi mặt; sáu mươi vị tỳ-kheo xả giới thôi tu; sáu mươi vị tỳ-kheo đặng tâm vô lậu giải thoát; số đông tỳ-kheo viễn trần ly cấu, đặng con mắt pháp thanh tịnh. IX. CHÍN PHÁP 1. Nhà bạch y có chín pháp, chưa làm đàn-việt thì không được làm. Đến nhà đó, (tỳ-kheo) không được ngồi. Chín pháp gì? Thấy tỳ-kheo không hoan hỷ đứng dậy; không hoan hỷ tác lễ; không hoan hỷ mời tỳ-kheo ngồi; không hoan hỷ khi tỳ-kheo ngồi; giả sử (tỳ-kheo) có nói điều gì, người ấy cũng không tín thọ; nếu có y phục ẩm thực, và những thứ mà (tỳ-kheo) cần dùng, thì khinh mạn tỳ-kheo nên không cho; hoặc có nhiều mà cho ít; hoặc có thứ tinh tế mà cho thứ thô xấu; hoặc cho mà không có lòng cung kính. Đó là nhà bạch y có chín pháp thì không được đến. 2. Lại có chín pháp chưa làm đàn-việt thì nên làm đàn-việt, đã làm thì (tỳ-kheo) nên đến và ngồi (ngược nghĩa câu trên). 3. Có chín sự ngăn thuyết giới không như pháp: dẫn bằng chứng sự phá giới vô căn mà ngăn vì tác, ngăn vì bất tác, hay ngăn vì vừa tác vừa bất tác; phá kiến, phá oai nghi cũng như vậy.[213] Đó là chín. 4. Có chín như pháp ngăn thuyết giới (ngược nghĩa câu trên). 5. Có chín lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các phạm hạnh, xả giới.» Đó là chín. Cũng vậy, mỗi mỗi chín lời làm thành một hạng mục, cho đến «... phi sa-môn Thích tử» cũng như vậy.[214] 6. Đức Như Lai ra đời thấy có sự lầm lỗi nên vì chín nghĩa mà chế giới cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến đoạn hữu lậu vị lai.[215] Đó là chín. Đức Như Lai ra đời, thấy có sự lỗi lầm nên vì chín lợi nghĩa mà chế yết-ma ha trách cho các tỳ-kheo: từ nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến đoạn hữu lậu vị lai. Đó là chín. Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy. X. MƯỜI PHÁP 1. Có mười thứ y: y câu-xa, y kiếp-bối, y khâm-bạt-la, y sô-ma, y xoa-ma, y xá-nậu, y gai bố, y sí-di-la, y câu-giá-la, y sai-la-ba-ni.[216] Đó là mười thứ y nên nhuộm làm màu y ca-sa để thọ trì. 2. Có mười thứ y phấn tảo:[217] y trâu nhơi, y chuột gặm, y bị cháy, y nguyệt thủy, y sản phu,[218] y thần miếu, y gò mả, y nguyện, y thọ Vương chức,[219] y vãng hoàn. Đó là mười loại y. 3.Có mười sự ngăn thuyết giới phi pháp: không được kể vào trong ba-la-di;[220] chẳng phải xả giới; không được kể vào trong xả giới; tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng;[221] không trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng;[222] không được kể vào trong sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng; phá giới XE "phá giới" không được thấy, nghe, nghi phá kiến XE "phá kiến" không được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi XE "phá oai nghi" không được thấy, nghe, nghi.[223] Đó là mười. 4. Có mười như pháp ngăn thuyết giới (trái với câu trên). 5. Lại có mười sự ngăn thuyết giới phi pháp: không phạm biên tội, không được kể vào biên tội, không phạm tỳ-kheo-ni, không được kể vào phạm tỳ-kheo-ni, không tặc tâm thọ giới, không được kể vào tặc tâm thọ giới, không phá nội ngoại đạo, không được kể vào phá nội ngoại đạo, chẳng phải huỳnh môn, không được kể vào huỳnh môn.[224] Đó là mười. 6. Có mười pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên). 7. Có mười pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, rộng tụng hai bộ giới tỳ-ni, có khả năng về ngôn ngữ, biên thuyết rõ ràng, từ đại tánh xuất gia như sát-lợi bà-la-môn cư sĩ, hình mạo đoan chánh, tỳ-kheo-ni cung kính, đủ khả năng vì tỳ-kheo-ni nói pháp khiến được hoan hỷ, không vì Phật xuất gia, mặc áo ca sa mà phạm trọng tội; hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là mười. 8. Bấy giờ, đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Các ngươi không được lúc nào cũng cử tội các tỳ-kheo khác.[225] Tại sao? Nếu thân oai nghi không thanh tịnh mà cử tội tỳ-kheo khác thì khiến người ấy nói rằng: «Thưa Trưởng lão, trước phải tự mình tịnh thân oai nghi đã.» Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo thân oai nghi thanh tịnh thì lời nói kia không phát sanh. Lời nói không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, không đa văn, không rộng tụng hai bộ tỳ-ni cũng như vậy (như trong «năm pháp» đã nói). 9. Lại nữa Ưu-ba-ly, nếu muốn cử tội tỳ-kheo khác thì nên tu tập năm pháp: đúng thời không được phi thời, chân thật không được không chân thật, lợi ích không được tổn giảm, dịu dàng không được thô lỗ, từ tâm không được sân nhuế. Này Ưu-ba-ly, cử tội tỳ-kheo khác phải có mười pháp này, sau đó mới cử. 10. Có mười sự nhận thẻ phi pháp:[226] không hiểu rõ vấn đề mà nhận thẻ, không cùng với người như pháp mà nhận thẻ, muốn khiến cho người phi pháp nhiều mà nhận thẻ, biết có nhiều người phi pháp mà nhận thẻ, muốn khiến Tăng bị phá mà nhận thẻ, biết Tăng muốn phá mà nhận thẻ, do tiểu tội mà nhận thẻ, không như sự thấy biết mà nhận thẻ, phi pháp nhận thẻ, biệt chúng nhận thẻ. Đó là mười. 11. Có mười sự nhận thẻ như pháp (ngược với câu trên). 12. Đức Như lai ra đời, thấy có sự lầm lỗi, [1012a1] vì mười nghĩa mà chế giới cho các tỳ-kheo: từ nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.[227] Đó là mười. 13. Có mười hạng người không được lễ bái: tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, thọ giới với tâm giặc, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, với tâm ác làm thân Phật ra máu. Đó là mười. 14. Tỳ-kheo có mười thứ oai nghi không được lễ bái: khi đại hành, khi tiểu hành, khi khỏa thân, khi cạo tóc, khi nói pháp, khi xỉa răng, khi súc miệng, khi uống, khi ăn, lúc ăn trái cây. Đó là mười. 15. Uống rượu có mười điều mất mát: sắc diện xấu, kém sức khỏe, mắt không sáng, ưa nổi sân, mất của, thêm bệnh, gây đấu tranh, tiếng xấu đồn khắp, không trí tuệ, chết đọa vào địa ngục. Đó là mười. 16. Người xuất gia vào cung vua, đến chỗ của thể nữ, có mười điều tai hại: Nếu vua đang cùng phu nhân hòa hợp. Khi tỳ-kheo vào cung đến chỗ thể nữ, phu nhơn thấy tỳ-kheo bèn cười, tỳ-kheo thấy phu nhơn cũng cười. Vua sẽ nghĩ: «Tỳ-kheo hoặc đã làm việc như vậy, hoặc sẽ làm việc như vậy.» Đó là tai hại thứ nhất khi người xuất gia vào trong cung vua đến chỗ của thể nữ. Lại nữa, Vua khi say cùng phu nhơn hòa hợp, rồi không nhớ; sau phu nhơn có thai, vua nghĩ: «Tỳ-kheo tới lui trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ hai. Lại nữa, Thái tử của vua muốn làm phản giết Vua. Vua nghĩ: «Tỳ-kheo tới lui trong cung nội, làm quân sư cho việc này. Đây là tỳ-kheo xúi dục.» Đó là điều tai hại thứ ba. Lại nữa, điều mật của Vua trong cung bị lộ ra ngoài. Vua nghĩ: «Tỳ-kheo này tới lui trong cung nội. Đây là do tỳ-kheo này truyền đạt.» Đó là điều tai hại thứ tư. Lại nữa, Vua mất bảo vật hay tợ bảo vật, nghĩ: «Tỳ-kheo này tới lui trong cung nội của ta. Tỳ-kheo này lấy đi.» Đó là điều tai hại thứ năm. Lại nữa, hoặc Vua cất nhắc kẻ thấp kém lên địa vị cao, người ngoài không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ sáu. Lại nữa, Vua hạ chức người ở địa vị cao, người ngoài không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ bảy. Lại nữa, hoặc vô sự nhân duyên phi thời mà Vua tập hợp bốn bộ binh; người không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ tám. Lại nữa, hoặc Vua tập hợp binh nửa đường rồi trở lại, người không bằng lòng nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ chín. Lại nữa, Vua đang ở trong chỗ thể nữ, cho xuất voi ngựa tốt, nữ nhơn xinh đẹp. (Tỳ-kheo) thấy tâm sanh ái trước, chẳng phải pháp của tỳ-kheo. Đó là điều tai hại thứ mười. 17. Có mười pháp không được trao đại giới cho người: Không thể dạy đệ tử tăng giới, tăng tâm, tăng huệ học, tăng oai nghi, tăng tịnh hạnh, tăng Ba-la-đề-mộc-xoa học, không thể dạy xả ác kiến, đệ tử không an lạc nơi trú xứ này, không thể dời đến trú xứ khác an lạc, nếu có nghi hối phát sanh không thể như pháp như tỳ-ni để khai giải quyết đoán, không đủ mười hạ. Đó là mười. 18. Có mười pháp nên trao đại giới cho người (ngược nghĩa câu trên). 19. Có mười pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử A-tỳ-đàm. Tỳ-ni, không thể dạy xả ác kiến trụ thiện kiến, không biết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát, không đủ mười hạ. Đó là mười. 20. Có mười pháp nên trao đại giới cho người (ngược nghĩa với câu trên). 21. Có mười pháp không được sai đoán sự ở trú xứ khác: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không rộng tụng hai bộ giới, không thiện xảo ngôn ngữ khiến người khai giải, không thể vấn đáp dạy dỗ quở trách như pháp diệt tẫn khiến được hoan hỷ, có tránh sự khởi không khéo hay diệt, không biết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết nói Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Đó là mười. 22. Có mười pháp không được sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: sáu câu như trên; không giải đoán rõ việc đấu tranh, không biết tránh sự khởi, không biết tránh sự diệt, không biết hướng đến chỗ diệt tránh sự. Đó là mười. 23. Có mười pháp nên sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: (ngược với câu trên). 24. Có mười pháp không được sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: sáu câu đầu như trên; có ái, có nhuế, có bố, có si. Đó là mười. 25. Có mười pháp nên sai đoán sự riêng ở trú xứ khác (ngược với câu trên). 26. Bấy giờ, A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Bạch Đại đức, vì nhân duyên gì khiến Tăng chưa có tránh sự mà khởi tránh sự; có tránh sự lại không trừ diệt được?» Đức phật bảo A-nan: «Cử tội tỳ-kheo khác, không phạm nói phạm, phạm nói không phạm, nhẹ nói nặng, nặng nói nhẹ, phi pháp nói pháp, pháp nói phi pháp, phi tỳ-ni nói tỳ-ni, là tỳ-ni nói phi tỳ-ni, phi chế lại chế, chế lại đoạn. Do những nhơn duyên này khiến Tăng chưa sanh tránh sự lại sanh tránh sự, đã có tránh sự thì không trừ diệt được.» A-nan lại hỏi Phật: «Bạch Đại đức, do nhơn duyên gì khiến Tăng chưa có tránh sự không sanh tránh sự, đã có tránh sự thì được trừ diệt?» Đức Phật trả lời cho A-nan: (ngược với câu trên). 27. Phật bảo A-nan tiếp: «Có mười loại gốc rễ của tranh cãi, cần nên biết, khéo dùng phương tiện để được trừ diệt. Mười loại là gì? (ngược với câu trên). 28. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: «Kính bạch Đại đức, nói là Tăng vỡ, cho đến mức nào được gọi là Tăng vỡ? Ai phá vỡ hòa hợp Tăng?» Đức Phật trả lời: mười sự như trên. Do mười sự này mà tìm cầu bè đãng, hoặc sai người tìm cầu, rồi thuyết giới bố-tát yết-ma biệt bộ. Cho đến mức đó, được gọi là Tăng vỡ. Đó gọi là phá vỡ hòa hợp Tăng. Ưu-ba-ly hỏi về hoà hợp Tăng (ngược với câu trên). XI. MƯỜI MỘT PHÁP 1. Có mười một lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả pháp, xả Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả tịnh hạnh tỳ-kheo, xả Ba-la-đề-mộc-xoa, xả tỳ-ni, xả học sự.» Đó là mười một. Cũng vậy, cứ mỗi mỗi mười lời làm thành một hạng mục, cho đến «... phi sa-mônThích tử» cũng như vậy. 2. Bấy giờ đức Thế Tôn ở trong rừng thành Bất-thi,[228] bảo các tỳ-kheo rằng: «Tỳ-kheo ở bất cứ chỗ nào cũng không được đấu tranh, mạ lị nhau, tuôn ra lời như đao kiếm, bươi móc việc tốt việc xấu. Khi nhớ đến còn không vui huống là sống với nó. Các ngươi quyết định nên biết ba pháp nhanh chóng dập tắt, nên biết ba pháp tăng trưởng. Ba pháp gì? Niệm xuất ly, niệm không sân nhuế, niệm không tật đố. Ba sự này nhanh chóng dập tắt. Ba pháp làm cho tăng trưởng là gì? Niệm tham dục, niệm sân nhuế, niệm tật đố. Ba pháp này làm tăng trưởng. Vì vậy, bất cứ ở chỗ nào nếu đấu tranh, mạ lị lẫn nhau, miệng tuôn ra lời như đao kiếm, bươi móc xấu tốt nhau, khi nhớ đến còn không vui huống là sống với nó; cho nên các ngươi quyết định nên biết ba pháp tổn giảm, và ba pháp tăng trưởng này. Nếu tỳ-kheo ở bất cứ chỗ nào mà không cùng đấu tranh nhau. (ngược nghĩa với câu trên). 3. Trường hợp nếu có đấu tranh, hai bên đều không nhẫn nhịn, lòng ôm lấy sự cấu uế, ghét nhau, hại nhau, tăng trưởng [1013a1] sân hận, không khéo điều phục, không nhận lời dạy bảo nhau, cùng mất sự cung kính, thì nên biết tránh sự này càng lúc càng trở thành kiên cố, không thể như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt được. Nếu tỳ-kheo đấu tranh nhau, hai bên đều có thể nhẫn nhịn, lòng không ôm cấu uế, không ghét nhau, hại nhau, không tăng trưởng sân nhuế, khéo điều phục, nghe lời dạy bảo của nhau, không mất cung kính, thì tránh sự này không kiên cố, sẽ được như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà chấm dứt. Nếu tỳ-kheo cùng nhau tranh cải, mà hai bên đều không nhẫn nhịn, lòng ôm cấu uế, ghét nhau, hại nhau, tăng trưởng sân nhuế, không khéo điều phục, không nhận sự dạy bảo của nhau, cùng mất sự cung kính. Trường hợp này, khi tránh sự khởi lên nếu không dùng một pháp nào trong bảy diệt tránh để chấm dứt, thì nên biết tránh sự này càng lúc càng trở thành kiên cố, không được như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt. Nếu tránh sự như pháp được chấm dứt... (ngược với câu trên). Nếu tỳ-kheo cùng đấu tranh nhau mà không cho Thượng, trung, hạ tọa bình nghị thì không nhập, không tương ưng với Tu-đa-la,[229] Tỳ-ni pháp luật. Nếu khi tránh sự khởi lên mà không dùng một trong bảy pháp diệt tránh để chấm dứt, thì tránh sự này sẽ đưa đến tăng trưởng kiên cố, không được như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt. Nếu tránh sự như pháp diệt... (ngược với nghĩa trên). Nếu không cùng với vị trì Luật, trì Pháp, trì Ma-di, cùng bình nghị tránh sự, thì tránh sự tăng trưởng cũng như câu trên đã nói. Nếu tránh sự như pháp chấm dứt... (thì cũng như câu trên). 4. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ưu-ba-ly: «Các ngươi chớ nên lúc nào cũng cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Nếu cử tội người khác mà thân không thanh tịnh, khẩu không thanh tịnh thì người khác liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết tự mình phải tịnh thân, khẩu, oai nghi đã.» Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo thân, khẩu thanh tịnh thì người kia không thể nói gì được. Lại nữa, này Ưu-ba-ly, muốn cử tội tỳ-kheo khác, mà mạng không thanh tịnh, ít nghe, không tụng Tu-đa-la, thì khi cử tội, người kia liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết phải tự thanh tịnh mạng của mình, tụng Tu-đa-la đã.» Này Ưu-ba-ly, nếu cử tội tỳ-kheo khác mà mình không đa văn, không biết tỳ-ni, biện thuyết không rõ ràng, được ví dụ như con dê trắng, nếu cử tội người thì người kia sẽ nói: «Trưởng lão phải học tỳ-ni, học cách nói trước đã.» Này Ưu-ba-ly, cử tội tỳ-kheo khác mà mình đa văn, tụng tỳ-ni, nói năng biện thuyết rõ ràng thì người kia không nói gì được. Này Ưu-ba-ly, bởi vậy cho nên tỳ-kheo nên biết như vậy. 5. Nếu tỳ-kheo mà người ấy đối với mình có yêu, có kính, thì nên cử tội. Hoặc không yêu nhưng mà kính, thì nên cử. Hay không kính nhưng yêu, thì nên cử. Nếu không yêu không kính nhưng có thể khiến người ấy bỏ ác trở về thiện được thì nên cử. Nếu người ấy mà không yêu không kính cũng không thể khiến cho bỏ ác hành thiện, nhưng có tỳ-kheo mà người ấy coi trọng, tôn kính tin tưởng, có thể khiến cho bỏ ác hành thiện, thì nên cử. Nếu không yêu không kính, không thể khiến cho bỏ ác hành thiện, lại không có tỳ-kheo mà người ấy coi trọng, tôn kính tin tưởng, không thể khiến cho bỏ ác hành thiện. Thì này Ưu-ba-ly, Tăng nên xả trí liền, đuổi đi, và nói: «Dù Trưởng lão muốn đi đến nơi nào, nơi đó cũng sẽ đối với thầy mà tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, ngăn a-nậu-bà-đà, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ. Thí như ông thầy dạy ngựa, con ngựa dữ khó dạy liền gộp cả yên cương mà đuổi nó đi; tỳ-kheo này cũng lại như vậy. Người như vậy không được đến họ cầu thính. Đây tức là thính. Đức Phật dạy như vậy. Ưu-ba-ly sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 6. Ưu-ba-ly bạch Phật: «Bạch Đại đức, bằng bao nhiêu pháp để khơi dậy sự việc cho tỳ-kheo?» Đức Phật dạy: «Việc của tỳ-kheo được khơi dậy bằng ba pháp: phá giới, phá kiến, phá oai nghi.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Sự việc được khởi lên bằng ba sự này, lại phải bằng bao nhiêu pháp để tác cử?» Đức Phật dạy: «Nên bằng ba pháp kiến, văn, nghi để cử.» Ưu-ba-ly lại hỏi: «Bằng ba sự khởi sự; bằng ba pháp để tác cử, bên trong (người tác cử) phải có bao nhiêu pháp, sau đó mới cử?» Đức Phật dạy: «Bên trong người ấy phải có năm pháp mới nên tác cử. (như trước đã nói, «đúng thời chứ không được phi thời»[230]). 7. Đức Thế Tôn ở bên ao nước, tại nước Bạt-xà, bảo các tỳ-kheo: «Các ngươi nói Ta vì y phục, ẩm thực, thuốc men chữa bệnh, giường nằm, ngọa cụ mà nói pháp phải không?» Các tỳ-kheo bạch Phật: «Bạch Đại đức, chúng con không dám sanh ý nghĩ như vậy. Chúng con không dám nói đức Thế Tôn vì y phục, cho đến ngọa cụ mà nói pháp.» Đức Phật dạy: «Nếu không nghĩ như vậy, thì nghĩ thế nào?» Các tỳ-kheo thưa: «Chúng con có nghĩ rằng đức Thế Tôn dũ lòng từ đối với chúng sanh nên nói pháp.» Đức Phật dạy: «Các ngươi nếu thật sự có ý nghĩ như vậy thì đối với pháp mà ta đã giác ngộ chứng tri là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám chánh đạo, các ngươi nên hoan hỷ hòa hợp tu học. Nếu đã hoan hỷ hòa hợp tu học thì nếu có tỳ-kheo nào phạm giới, các ngươi không được vội vã cử tội mà nên tự quán sát: “Mong sao cho không gây phiền não cho chính mình, cũng không khiến hại người. Người phạm tội kia phải chăng không ưa sân hận, không kết oán hiềm, không khó giác ngộ, tự mình có thể trừ tội, có thể bỏ pháp bất thiện, trụ nơi thiện pháp?” Quán sát như vậy rồi, cần phải cân nhắc, đắn đo, nếu thấy có thể gây phiền não cho mình song sẽ không hại người. Người phạm kia có tội lại không ưa sân nhuế, không khó tỉnh ngộ, sớm có thể trừ tội, có thể bỏ pháp bất thiện, trụ thiện pháp. Tỳ-kheo kia nên nghĩ rằng: “Tuy ta bị một ít phiền não, nhưng đối với vị kia không có hại, chỉ có ái, có lợi ích, có thể khiến cho vị ấy bỏ pháp bất thiện, mà trụ nơi thiện pháp.” Thế thì nên cử tội. «Tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Ta cử tội người khác, sẽ tự chuốc lấy phiền não cho chính mình, nhưng không hại người kia. Vị kia có tội, ưa sân nhuế, nhưng dễ được giải ngộ, có thể nhanh chóng xả tội.”» Còn lại, như trên đã nói. «Tỳ-kheo lại nghĩ: “Nếu cử tội người khác, ta sẽ tự chuốc lấy phiền não hại. Vị có tội kia ưa sân nhuế, khó có thể giải ngộ, không sớm xả tội. Nếu ta cử tội, tác pháp ức niêm, mà vị ấy sẽ dùng những lời quanh co khác để trả lời ta, rồi lại sanh sân nhuế, thì người như vậy nên xả trí, không cần phải cử tội thêm nữa.” «Tỳ-kheo hòa hợp, hoan hỷ như vậy, mà có những lời tranh cãi trong A-tỳ-đàm, thì nên nói: “Thưa các Trưởng lão, văn và nghĩa của những điều được nói đều tương ưng, ta không nên tranh cãi nhau.” Có tỳ-kheo khác nào, mà lời nói được mọi người tin dùng, cũng nên nói: “Thưa các Trưởng lão, văn và nghĩa của những điều được nói đều tương ưng, ta không nên tranh cãi nhau.” Lại còn có tỳ-kheo khác nữa, mà lời nói được mọi người tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. «Lại nói như sau: “Thưa Trưởng lão, văn cú những gì đã được nói tuy khác nhau nhưng nghĩa thì đồng. Đây chỉ là việc nhỏ. Ta đừng tranh cãi nhau nữa.” Nếu có ai được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. Lại còn người khác được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. «Lại nói như vầy: “Thưa Trưởng lão, văn của những gì được nói thì đồng, nhưng nghĩa thì khác,” cũng như vậy. «Lại nói như vầy: “Thưa Trưởng lão, văn và nghĩa của những gì đã được nói đều khác. Ta đừng tranh cãi nhau nữa.” Nếu có ai được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. Lại còn người khác được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. «Nếu nói lời nói như vậy, mà chúng Tăng hòa hợp có tránh sự khởi, nên cùng hoà hợp tập trung lại. Sau khi tập trung rồi, nên tác pháp quán sát như vầy: “Nếu chúng ta tranh chấp nhau, đối với pháp sa-môn có gây lưu nạn hay không? Thầy nghĩ thế nào?” Tỳ-kheo nào thấy được chánh lý thì nên nói lời này: “Pháp đấu tranh đối với sa-môn tức là lưu nạn.” Lại hỏi: “Học giả có ai thấy đây là điều đáng quở trách hay không?” Vị kia nói: “Theo ý tôi, đối với pháp sa-môn mà gây lưu nạn tức là đáng quở trách.” Lại hỏi: “Nếu đối với pháp sa-môn các lưu nạn là pháp đáng quở trách, nhưng có thể tiến đến thiện căn, đắc quả sa-môn hay không?” Có tỳ-kheo thấy chánh lý nói: “Theo ý tôi, điều đáng quở trách thì không thể tiến đến thiện căn, không thể đắc sa-môn quả.” Nếu làm như vậy mà tránh sự được chấm dứt thì nên nói với tỳ-kheo kia rằng: “Thầy vì chúng tôi mà chấm dứt tránh sự này.” Tỳ-kheo kia nên trả lời: “Tôi không biết được tâm của người khác. Duy chỉ tin tưởng nơi đức Phật mà thôi. Đức Thế Tôn có lúc vì tôi nói pháp tối thắng thượng diệu, chỉ bày thiện ác. Cứ như pháp mà tôi nghe từ đức Thế Tôn như vậy, nay nói lại cho thầy.” Nếu tỳ-kheo kia nghe rồi liền xả bỏ tránh sự. Khi tỳ-kheo này nói lời như vậy, đã không tự đề cao mình cũng không hạ thấp người. Như vậy, các tỳ-kheo khác không có chỗ nào để quở trách được.” Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì. 8. Có mười ba hạng người, chưa thọ đại giới thì không được cho thọ, nếu đã thọ thì nên diệt tẫn:[231] tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, với ác tâm làm thân Phật ra máu, phi nhơn, súc sanh, hai căn. Đó là mười ba hạng người nếu chưa thọ đại giới thì không được cho thọ; đã thọ đại giới thì nên diệt tẫn. 9. Bấy giờ đức Phật bảo Ưu-ba-ly: «Các Ngươi không được lúc nào cũng cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Nếu tỳ-kheo muốn cử tội tỳ-kheo khác mà thân không thanh tịnh thì vị kia sẽ nói: “Thưa Trưởng lão, trước hết tự mình nên tịnh thân đã.” Nếu cử tội tỳ-kheo khác mà thân mình được thanh tịnh thì vị kia sẽ không nói được gì.» Cũng vậy, miệng không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, không đa văn, không tụng Tỳ-ni, không quán Tu-đa-la, biện thuyết không rõ ràng, dụ như con dê trắng, đối với thiện tỳ-kheo thân nghiệp không từ hoà, cũng như vậy. 10. «Lại nữa, Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo muốn xuất tội của người, không khiến cho có tội. Có phạm thì cử, không phạm thì không cử. Căn cứ theo tự ngôn của tỳ-kheo đó, cho yết-ma tự ngôn, khéo hay nói năng rõ ràng có lợi ích. «Lại nữa, này Ưu-ba-ly, tỳ-kheo cử tội người khác nên có năm pháp: đúng thời không phi thời... (như năm pháp như trên đã nói). 11. «Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo nào có mười bảy pháp này thì nên cử tội tỳ-kheo khác. 12. Có hai mươi hai pháp không được trao đại giới cho người: không biết pháp không, biết phi pháp, cho đến không biết thuyết, không biết phi thuyết, không biết tội có thể sám hối, không biết tội không thể sám hối, không biết sám hối, không biết sám hối thanh tịnh. Có hai mươi hai pháp như vậy không được trao đại giới cho người. Có hai mươi hai pháp nên trao đại giới cho người (ngược với câu trên). 13. Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo: «Do hai mươi hai hành tướng để biết người bình đoán sự: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, khéo giải A-tỳ-đàm, Tỳ-ni, không cùng người tranh cãi, cũng không kiên trụ nơi việc này, người đáng quở trách thì quở trách rồi sau đó mới an trú, người nên dạy dỗ thì dạy dỗ rồi sau đó mới an trú, nên diệt tẫn thì diệt tẫn rồi sau đó mới an trú, không ái, không nhuế, không bố, không si, không nhận thức ăn của bộ này, cũng không nhận thức ăn của bộ kia, không nhận y bát, tọa cụ, ống đựng kim của bộ này cũng không nhận y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của bộ kia, không cung cấp bộ này, cũng không cung cấp bộ kia, không cùng với bộ này vào xóm, cũng không cùng với bộ kia vào xóm, không cùng kỳ hẹn cũng không đến nơi kia, đến sau thì ngồi sau. Có hai mươi hai hành tướng này thì biết đó là người bình đoán sự.» Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau nghe, hoan hỷ, phụng hành.
Chú thích: [183] Các thành phần của ngôn ngữ: ba-đà-xá 波陀舍 (Skt., Pali: pada, cú, câu hay mệnh đề), a-nậu-ba-đà-xá 阿[少/兔]波陀舍 (Skt., Pali: anupada, tùy cú), tiện-xà-na 便闍那 (Skt. vyañjana: văn, từ ngữ ), a-nậu-tiện-xà-na 阿[少/兔]便闍那 (Skt., Pali: anuvyañjana: tùy văn), ác-xoa-la 惡叉羅 (Skt. akṣara, Pali: akkhara, tự, tự mẫu, âm tiết), a-nậu-ác-xoa-la 阿[少/兔]惡叉羅 (Skt. anu-akṣara, tùy tự). [184] Câu này có thể hiểu như sau: «Những âm vận, từ ngữ, cú pháp nào mà Ta chấp thuận, các ngươi hãy theo đó mà làm.» Điều này liên hệ việc chuyển thể kinh Phật sang ngôn ngữ Sanskrit chuẩn của Vệ-đà mà Phật không cho phép. Xem phần iv, chương ii «Tạp sự», đoạn 17, cht. 62. [185] A-nan-phân-để 阿難分坻; phiên âm của Skt. (Pali) Anāthapiṇḍika, dịch là Cấp Cô Độc. Các đoạn trên kia phiên âm là A-nan-bân-để 阿難邠坻, dịch là Cấp Cô Độc Thực. [186] Tỳ-xá-khư Mẫu, trên kia cũng nói là Tỳ-xá-khư Vô-la-di Mẫu. Pali: Visākhā-Magāra-Matā. [187] Xem, bản Việt, phần iii, chương ix «Câu-thiểm-di», đoạn 5. [188] Gồm sau hạng mục cho 5 pháp «nên nói» và «không nên nói.» Như các hạng mục 180-185 trên [189] Bản Hán, phần iii, chương xi «Già kiền-độ.» Bản Việt, phần iii, chương xiv «Già yết-ma.» [190] Xem các hạng mục, «Một pháp», hạng mục 1 & 2; «Hai pháp», hạng mục 126; «Ba pháp», hạng mục 153; «Bốn pháp», hạng mục 56. [191] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57. [192] Chi tiết, xem «Bốn pháp», hạng mục 58. [193] Xem phần iii, ch. xiv «Già yết-ma» đoạn 2, các cht. 7, 8, 9. [194] Pali, Vin. v. 92, 133: cha āpattisamuṭṭhānā, sáu tội đẳng khởi. [195] Xem Trường A-hàm 8 (T01n01 tr.51c26): lục tránh bản. Xem thêm, Trung A-hàm 52 (T01n26 tr.753c9). Thập tụng 50 (T23n1435 tr.367a07), lục tránh bản 六諍本: 1. sân hận bất ngữ, 2. ác tánh dục hại, 3. tham tật, 4. siểm khúc, 5. vô tàm quý, 6. ác dục tà kiến. Tham chiếu Pali, Saṅgi, D. iii. 246: cha vivādamulāni. [196] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 129. [197] Ngăn bằng bảy thiên tội. Xem phần iii. Ch. xiv «Già yết-ma», đoạn 2 «Già thuyết giới.» [198] Bảy thiên tội, hay bảy tụ tội. Pali: sattāpattikkhandhā. Xem mục «Năm pháp», hạng mục 93. [199] Xem phần i, tăng-già-bà-thi-sa 1. Bản Việt, quyển 1, tr. 93. [200] Bản Việt, quyển 2, tr. 975. [201] Để bản: sử 使. Các bản khác: canh 更. Tham chiếu Pali, Vin. v. 135: thành tựu bảy pháp được gọi là tỳ-kheo trì luật (nhiều tụ bảy như Hán): biết tội, không tội... nhớ nhiều đời quá khứ khác nhau (anekavihitaṃ pubbenivāsanṃ anussarati). [202] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 219. [203] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57; «Năm pháp», hạng mục 220. [204] Xem hạng mục 13 trên. [205] Xem mục «Sáu pháp», hạng mục 1. [206] Tức «Tám kỉnh pháp.» [207] Xem phần iv, chương ii «Tạp sự», đoạn 27 «Úp bát.» [208] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 12. [209] Để bản: vô sở nhiệm 無所任. Các bản khác: vô sở trụ. [210] Xem Tạp A-hàm 33 (T02n99 tr.235a6). Pali, A. viii. 14. Assakhaluṅka. [211] Thủ ư hạ đạo 取於下道. Nghiã là trở lại đời sống thế tục. Hán dịch sát nghĩa đen, cf. Pali: hīnāya āvattati. [212] Tham chiếu Pali, A. iv. 128: Aggikkhandhopama. [213] Xem phần iii, chương xiv, đoạn 2 «Già yết-ma.» Về ý nghĩa tác và bất tác, xem các cht. 7, 8, 9 cũng trong đoạn dẫn trên. [214] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 219. [215] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57; «Năm pháp», hạng mục 220. [216] Xem phần i, tỳ-kheo, ni-tát-kỳ 1, cht. 8; bản Việt, quyển 1, tr.236. Phiên âm ở đây có vài chỗ khác với phiên trong đoạn dẫn trên. Xem thêm, Phần iii, chương vi «Y». [217] Xem phần iii, chương vi «Y», cht. 7. [218] Trong bản: sơ sản y. Có bản chếp: sơ hư. Trên kia, đoạn đã dẫn (cht. 217) nói là «y sản phụ.» [219] Trong bản Hán: lập Vương y. Trên kia, đoạn đã dẫn (cht. 217) nói là «y thọ Vương chức.» [220] Thập tụng 33: Tỳ-kheo phạm ba-la-di, nhưng chưa được Tăng nêu tội. Nghĩa là, chưa bị buộc tội là phạm ba-la-di. [221] Thập tụng 33: tuỳ thuận Tăng sự như pháp. [222] Thập tụng 33: không khinh Tăng, tức không chống đối các quyết định như pháp của Tăng. [223] Xem phần iii, chương xiv, đoạn 2, và xem giải thích ở đoạn 3 về 10 như pháp. [224] 10 trong 13 già nạn. Không được nhận là tỳ-kheo, mặc dù có thọ giới. [225] Xem «Năm pháp» hạng mục 206. [226] Xem phần iii, chương xvi, mục iii.2(ii.c). [227] Xem bản Việt, quyển 1, tr. 25, các cht. 31, 32. [228] Bất-thi thành lâm 不尸城林. [229] Trong bản, tu-đố-lộ 修妒路. [230] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 215; «Mười pháp», hạng mục 9. [231] Đây nói đủ 13 già nạn. Xem phần iii, chương i «Thọ giới.» Hết phần nội dung Bản dịch Việt ngữ số 1 của LUẬT TỨ PHẦN. -------------oooo0O0oooo-------------