HomeIndex

Long Thụ

龍 樹 ; S: nāgārjuna; dịch âm là Na-già Hạt-thụ-na, tk. 1-2;

Một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của Sư là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do Phật Thích-ca, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Tan-tra). Ðại thừa Ấn Ðộ xếp Sư vào »Sáu Bảo Trang của Ấn Ðộ« (năm vị khác là Thánh Thiên [s: āryadeva], Vô Trước [s: asaṅga], Thế Thân [s: vasubandhu], Trần-na [s: diṅnāga, dignāga], Pháp Xứng [s: dharmakīrti]), và trong tranh tượng, Sư là vị duy nhất sau đức Phật được trình bày với chóp trên đỉnh đầu ( 肉 髻; nhục kế; s: uṣnīṣa), một dấu hiệu của một Ðại nhân (s: mahāpuruṣa). Sư là người sáng lập Trung quán tông (s: mādhyamika), sống trong thế kỉ thứ 1-2. Có rất nhiều tác phẩm mang danh của Sư nhưng có lẽ được nhiều tác giả khác biên soạn. Những trứ tác được xem là quan trọng nhất và đích thân Sư viết soạn gồm có (Căn bản) Trung quán luận tụng, gồm 27 chương với 400 câu kệ, Thập nhị môn luận, Ðại trí độ luận. Sư cũng là Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Ðộ. Truyền thống Tan-tra cũng xếp Sư vào 84 vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha).

Công lớn của Sư là hệ thống hóa các tư tưởng được nêu lên trong Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (s: pnajñāpāramitā-sūtra) và đào sâu các tư tưởng đó. Sư phát triển một phương pháp biện chứng (e: dialectic) rất đặc biệt, siêu phàm và nương vào đây chỉ rõ những nhược điểm, những điểm sơ xuất không thống nhất trong một lí thuyết mà chính đối thủ đưa ra. Từ sự nhận thức rằng, một sự thật chỉ tồn tại bởi sự hiện diện của cái đối nghịch, Sư luận rằng mọi sự đều tương đối, không có gì bất biến trường tồn nằm sau sự vật, tất cả đều là Không (s: śūnyatā). Sư từ chối mọi quan điểm cực đoan và đây chính là điểm xuất phát của tư tưởng Trung đạo (s: mādhyamāpradipadā), giáo lí căn bản của Trung quán tông. Quan điểm Trung quán này được biểu hiện bằng kệ tụng Bát bất (tám phủ nhận) đầu bản Trung quán luận:

不生亦不滅。不常亦不斷

不一亦不異。不來亦不出

Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất dị

Bất lai diệc bất xuất.

*Không phải sinh cũng không phải diệt,

Không phải một cũng không phải khác,

Không phải thường cũng không phải đoạn,

Không phải đi cũng không phải đến.

Sư là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo tạo dựng một »hệ thống« triết học hẳn hoi, trong đó Sư tìm cách minh chứng thế giới hiện tượng không thật hiện hữu. Ðó thật ra là kiến giải xuất phát từ kinh nghiệm tu hành – theo kinh Bát-nhã. Với những thành tựu to lớn, Sư đã đặt nền tảng đầu tiên cho Trung quán tông và cũng gây nhiều ảnh hưởng trong nền triết lí của các tông phái Phật giáo khác ra đời sau.

Long Thụ lấy thuyết Mười hai nhân duyên làm khởi điểm, vì đối với Sư, đó là qui luật nói lên bản chất của thế giới. Sư xem bản chất đó là Không – vì trong đó không có thành hay hoại, vô thường hay trường cửu.

Tính chất trống không của thế gian được Long Thụ chỉ rõ bằng sự tương đối của khái niệm. Các khái niệm chỉ dựa lên nhau mà có, không có khái niệm nào tồn tại độc lập. Từ đó Sư suy ra, sự vật cũng không có thật vì mỗi sự vật đều phải dựa lên trên những sự vật khác mà hiện hữu. Ðây là một trong những lí luận tối trọng về tính Không chính là Vô ngã.

Sư trình bày quan điểm của mình trong tác phẩm Hồi tránh luận ( 迴 諍 論; s: vigraha-vyāvartanī hoặc vigraha-vyāvartanīkārikā), thông qua một ví dụ - »Hai cha con«:

»Nếu đứa con được sinh thành bởi người cha, và người cha chỉ mới sinh thành với sự hiện diện của chính đứa con này – hãy nói thử xem ai sinh ra ai? Nói thử xem: Ai trong hai người này là cha, ai là con? Cả hai đều mang dấu hiệu của cha và dấu hiệu của một người con«.

Như thế thì, trước khi đứa »con« ra đời, người ta không thể nói đến một người »cha«. Và như vậy thì - theo Sư – trong đứa con phải có một cái gì đó dẫn khởi sự xuất hiện của một người cha – có thể gọi là một đặc tính trợ giúp một người nào đó trở thành một người cha. Trường hợp cũng tương tự như thế qui về đứa con. Trong bản chú giải bài luận này, Sư bảo rằng, cả hai – cha cũng như con – đều mang những đặc tướng của cái »thành tạo« và cái »được thành tạo.« Và như vậy có nghĩa rằng, người ta chỉ nói về một sự vật nào đó qui về một sự vật khác nào đó, trong mối quan hệ với một sự vật khác và trong »một sự vật nào đó« đã có »sự vật khác nào đó.« Nói một cách khác, không có một nguyên nhân cơ bản mà chỉ có nhưng mối kết cấu, một mạng lưới duyên khởi. Và nếu chỉ có thể nói về một mạng lưới duyên khởi thì cũng không thể nào tìm thấy được một cách tồn tại độc lập, tự sinh, tự khởi. Và như vậy người ta có thể kết luận là: Tất cả đều trống không (s: śūnya) cách tuyệt một tự tính (s: svabhāva), không có một tự tính nào cả.

Theo Sư, mọi hiện hữu đều vô ngã vì nếu chúng có tự tính (s: svabhāva), tự ngã, chúng phải trường tồn bất biến, một điều kiện mà chúng không đạt được. Thế giới hiện tượng chỉ gồm những sự vật chịu dưới sự hoại diệt nên thế giới đó chỉ có thể là Không.

Ðối với Sư, tính Không có nghĩa là thiếu vắng một cái ngã, không phải là không tồn tại như là một trình hiện (có thể nói: »Tất cả là ảo ảnh không thật, nhưng có những trình hiện có vẻ như thật«). Vì vậy, nếu nói sự vật có hay không là đặt vấn đề sai. Sự thật nằm ở giữa hai khái niệm đó, trong tính Không (s: śūnyatā). Thế giới hiện tượng cũng phải được xem là sự thật, ta gọi là sự thật tương đối (Chân lí qui ước; s: saṃvṛti-satya), nó không phải là sự thật cuối cùng (Chân lí tuyệt đối; s: paramārtha-satya). Trong chân lí qui ước thì thế giới này và cả Phật pháp có giá trị. Theo chân lí tuyệt đối, tất cả chúng đều không có thật, chúng chỉ là những trình hiện. Theo Sư, thế giới hiện tượng xuất phát từ cái dụng thiên hình vạn trạng (đa dạng; s: prapañca), trên đó con người »tưởng tượng« ra và từ đó ta tưởng nhầm có một thế giới bên ngoài thật. Trong chân lí tuyệt đối thì lại vắng bóng cái dụng thiên hình vạn trạng đó. Ðộc lập với cái dụng đó thì chính là Niết-bàn. Trong Niết-bàn vắng hẳn sự đa nguyên của vạn sự, không còn qui luật nhân duyên nữa. Niết-bàn là niềm an vui tự tại (s: sahajānanda). Ðối với Long Thụ – như kinh Bát-nhã chỉ rõ – Niết-bàn và thế giới hiện tượng thật tế chỉ là một, là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn không phải là một pháp có thể chứng đắc được; chỉ cần nhận chân ra thể tính của mọi sự, trong đó cái dụng thiên hình vạn trạng nọ trở lại yên nghỉ, đó là Niết-bàn.

Tên của Long Thụ gồm từ Long (rồng, s: nāga) và Thụ (một loại cây; s: arjuna). Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn (s: brāhmaṇa) ở Trung Ấn (s: vidarbha) và xuất gia lúc còn trẻ tuổi. Ðến Na-lan-đà (s: nālandā), một trung tâm Phật học danh tiếng thuộc thành Vương xá (s: rājagṛha), Sư tu tập nghiên cứu kinh điển dưới sự hướng dẫn của La-hầu-la Bạt-đà-la (s: rāhulabhadra). Sau đó Sư trở thành Pháp sư tại ngôi chùa vĩ đại này và tương truyền rằng, trong thời gian này Sư được Long vương đem về thủy cung giáo hóa. Vì vậy nghệ thuật Bắc Ấn và Tây Tạng thường vẽ những con rồng trong hào quang của Sư. Khi tuổi đã cao, Sư trở về quê hương ở Trung Ấn, sống trên núi Phạm thiên (s: brahmagiri) trên cao nguyên Śrīparvata, gần sông Kṛṣṇā. Ngọn đồi với ngôi chùa bây giờ vẫn còn và được mang tên của Sư »Ðồi Long Thụ« (s: nāgārjunakoṇḍa). Các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đã xác định được khoảng thời gian Sư hoằng hóa vì người ta biết rằng vị vua có quan hệ với Sư ngự trị từ năm 106-130 (Vua xứ Śātavāhana, tên Gautamīputra Śatakarṇin, được dịch âm Hán Việt là Kiều-đạt-di Phổ-đặc-la Khả-nhĩ-ni). Sư đã viết thơ khuyên vị vua này và những lời khuyên đó còn được lưu truyền trong tập Khuyến giới vương tụng.

Các tác phẩm còn được lưu lại dưới tên Sư (trích): 1. Căn bản trung quán luận tụng ([mūla-] madhyamaka-kārikā), cũng được gọi là Trung quán luận tụng, hoặc Trung quán luận (madhyamaka-śāstra); 2. Căn bản trung quán luận thích vô úy chú (mūlamādhyamikavṛtti-akutobhayā), được gọi tắt là Vô úy chú, chỉ còn bản Tạng ngữ; 3. Ðại trí độ luận (mahāprajñāpāramitā-śāstra, mahāprajñāpāramitopadeśa), 100 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch; 4. Thập nhị môn luận (dvādaśa-nikāya-śāstra, dvādaśadvāra-śāstra), Cưu-ma-la-thập dịch; 5. Nhân duyên tâm luận tụng (pratītya-samutpāda-hṛdaya-kārikā), không biết người dịch; 6. Ðại thừa nhị thập tụng (mahāyāna-viṃśikā), Thi Hộ dịch; 7. Bảo hành vương chính luận (rājaparikathā-ratnāvalī, cũng được gọi là ratnāvalī, là Vòng bảo châu), 1 quyển, Chân Ðế (paramārtha) dịch; 8. Thất thập không tính luận (śūnyatā-saptati), bản Tạng ngữ vẫn còn; 9. Thất thập không tính luận thích (śūnyatā-saptativṛtti), chú giải Thất thập không tính luận (śūnyatā-saptati), Nguyệt Xứng (candrakīrti) và Parahita cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này; 10. Phương tiện tâm luận (upāya-hṛdaya), một tác phẩm về Luận lí học (nhân minh) được xem là của Sư, bản dịch Hán vẫn còn do Cát-ca-dạ dịch; 11. Tập kinh luận (sūtrasamuccaya); có hai tập dưới tên này: một tác phẩm có lẽ đã thất truyền của Tịch Thiên (śāntideva) và một tác phẩm được xem là của Sư; 12. Hồi tránh luận (vigraha-vyāvartanī, vigrahavyāvartanīkārikā), Tì-mục Trí Tiên và Cù-đàm Lưu-chi dịch chung; 13. Hồi tránh luận thích (vigraha-vyāvartanī-vṛtti); 14. Long Thụ Bồ Tát khuyến giới vương tụng (ārya-nāgārjunabodhisattva-suhṛllekha), Nghĩa Tịnh dịch; 15. Quảng phá kinh (vaidalya-sūtra?), Quảng phá luận (vaidalyaprakaraṇa?), bản dịch Hán và Tạng ngữ vẫn còn; 16. Lục thập tụng như lí luận (yukti-ṣaṣṭhikā), Thi Hộ dịch, cũng có bản Tạng ngữ; 17. Thập trụ tì-bà-sa luận (daśabhūmi-vibhāṣā-śāstra), 17 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch; 18. Bồ-đề tâm li tướng luận (lakṣaṇavimukta-bodhihṛdaya-śāstra), 1 quyển, Thi Hộ dịch; 19. Ðại thừa phá hữu luận (mahāyāna-bhavabheda-śāstra), 1 quyển, Ðạt-ma Cấp-đa (dharmagupta) dịch; 20. Tán Pháp giới tụng (dharmadhātu-stotra), 1 quyển, Thi Hộ dịch; 21. Bồ-đề tư lương luận (bodhisaṃbhāraka), 6 quyển, Ðạt-ma Cấp-đa (dharmagupta) dịch.